Ngày 26-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự thánh thiện của Chúa Giêsu
Xuân Ly Băng
10:37 26/09/2010
Trọn đời vâng phục ý Cha
Cùng Cha kết hợp mặn mà phút giây
Được Cha thánh hiến tràn đầy
Thánh Thần với Chúa tháng ngày kết liên
Không hề biết đến tội khiên
Tình yêu của Chúa vô biên vô vàn
Mang thân phận của người phàm
Sống như tôi tớ lầm than khó nghèo
Vâng lời đến chịu chết treo
Treo trên thập giá một chiều nhuốc nha
Tận tình Chúa đã thương ta
Dạy ta phải biết chan hoà yêu nhau
Hiền lành khiêm nhượng thẳm sâu
Gương lành để lại ta mau học đòi
Khi hoàn thành việc cứu đời
Quyền năng trời đất Cha thời trao ban.

(Theo bản phân tích chủ đề của sách C.Đ Vatican II)
 
Thánh Vinh Sơn Phaolô, Tông Đồ Của Người Nghèo
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:39 26/09/2010
Hàng năm khi đến ngày 27 – 9, chúng ta lại nhớ đến một mẫu gương điển hình sống đức ái như Chúa Kitô đã dạy, sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn nhất, đó chính là vị tông đồ của người nghèo, Thánh Vinh sơn Phaolô.

1. Vị tông đồ của người nghèo

Thánh Vinh sơn Phaolô sinh ngày 24 – 4 – 1581, trong một gia đình nông dân tại Gát – côn, nước Pháp. Sau khi theo học trường các cha dòng Phan sinh tại Dax, rồi học đại học ở Toulouse, Cha được thụ phong linh mục và đi phục vụ một giáo xứ ở Pari.

Trong thời gian đầu phục vụ, Thánh nhân đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi cha linh hướng Piere de Bérulle và Thánh Francois de Sales, để từ đó hướng tới việc tận hiến cho Chúa bằng cách phục vụ những người nghèo khổ, bần cùng nhất.

Năm 1617, Cha được chỉ định làm tuyên úy cho các tù nhân tại Gondi. Đây là giai đoạn thực tế giúp cha sống gần gũi với những người bất hạnh và thấm thía nỗi khổ vật chất cũng như tinh thần của họ. Như dấu chỉ thúc đẩy con tim tràn đầy yêu thương, Thánh nhân đã vươn cao lý tưởng phục vụ cách có hệ thống và rộng lớn hơn.

Linh đạo sống của Ngài được khởi đi từ việc tập hợp các “nữ tỳ người nghèo”, để sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, nhằm hướng khả năng phục vụ hữu hiệu hơn. Nhờ sự trợ giúp của Thánh nữ Louise de Marillac, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái do Thánh Vinh sơn sáng lập ngay từ đầu đã cho thấy khả năng phục vụ phi thường và nhanh chóng lan rộng.

Thánh nhân cũng đặc biệt đề cao vai trò của các mục tử trong tương quan đức ái với người nghèo. Năm 1625, Người sáng lập Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê. Như vậy, công việc giúp đỡ người nghèo của Thánh nhân đã hội tụ được những nguồn lực có tính quyết định cho cả lộ trình đồng hành với người nghèo của Người.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy những nét chính yếu trong linh đạo của Thánh Vinh sơn Phaolô, qua bút ký của Ngài cho các nữ tử bác ái. Với Ngài, con đường nên thánh được khởi đi từ việc nhận ra “hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo”:

“… Chính chúng ta phải nghiệm điều đó, và phải xử sự như Đức Kitô là quan tâm đến người nghèo túng, an ủi, giúp đỡ và bảo lãnh cho họ… Quả thật, Đức Kitô đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm môn đệ. Người đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, nên đã chia sẻ thân phận của họ…”

Việc phục vụ người nghèo với Thánh nhân, không phải theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà được xuất phát từ chính con tim biết “hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ. Sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh Phaolô tông đồ, khi Người nói: Tôi trở nên tất cả cho mọi người…”.

Đức ái với người nghèo trong linh đạo của Thánh Vinh sơn Phaolô hệ tại ở hành động phục vụ và nhận biết những nhu cầu cấp thiết nơi người nghèo: “phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy khi chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em phục vụ Thiên Chúa” (Kinh Sách, Các bài đọc).

2. “Linh đạo người nghèo” của Thánh Vinh sơn Phaolô vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay.

Phải chăng chúng ta đang quên đi sứ mạng “ưu tiên phục vụ người nghèo” do những cám dỗ của tiện nghi vật chất ? Phải chăng những lợi lộc và danh vọng thấp hèn đã khiến chúng ta lãnh cảm trước “hiện thân của Con Thiên Chúa” ?

Con đường và tinh thần phục vụ của Thánh Vinh sơn Phaolô một lần nữa khích lệ và mời gọi chúng ta hãy trở nên bạn hữu của những người bần cùng khốn khổ. Theo gương Thánh nhân, mỗi chúng ta hãy là tông đồ nhỏ đem ngọn lửa tình yêu Chúa đến an ủi, vực dậy những người cùng khốn. Chúng ta hãy nhớ lời của chính Thánh nhân:

“Yêu Chúa thôi, chưa đủ, nếu tôi không yêu thương anh em. Ưu tư, lao tâm, khổ trí của tôi, chính là người nghèo”.

Thánh Vinh sơn Phaolô qua đời ngày 27.9.1660 tại Pari và được phong thánh năm 1737. Năm 1883, Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tôn làm bổn mạng tất cả các nhóm, các công việc bác ái Công giáo.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày...
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:44 26/09/2010
Trò chuyện với Chúa mỗi ngày như Người Bạn # 10

“TÂM SỰ VỚI CHÚA LUÔN NHƯ HƠI THỞ”

Thưa Thầy Giêsu, trong Thần Khí của Cha con đến gặp Thầy, Thầy muốn con cộng tác, trách nhiệm với Hội Thánh của Thầy và cùng với niềm hy vọng lớn lao của dân thánh Thầy.

1- Con không khoanh tay ngồi chờ để mong Thầy giúp, đừng thụ động, trốn trách nhiệm, chỉ biết nhìn để kêu cứu mà không nhìn tới để tiến lên, nhìn quanh để chia sẻ, gánh vác với anh em !

2- Niềm hy vọng đang ở giữa con mà con không hay. Con không trông đợi một cuộc sống khac. Con hoàn toàn sống trong hiện tại, vì Thầy đang ở bên muốn tâm sự với con mà con không để ý !

3- Con chăm lo đến tha nhân; nhưng con nên nhờ rằng luôn với Cha và vì Thầy. Con hết sức tiến tới về phía trước; nhưng luôn dưới sự dẫn dắt Thần Khí Cha, ánh sáng từ trời cao chiếu toả.

4- Con dấn thân giữa trần thế với tình yêu của Thần Linh Cha. Tất cả những điều ấy có ý nghiã gì, nếu không mang niềm hy vọng lớn lao vào lòng thương xót của Cha trong trái tim con.

5- Con luôn giúp người Tín hữu sống đạo trưởng thành là dẫn họ biết nghe Lời Cha để thi hành, họ không chán nản trước cuộc sống hiện tại, và luôn tràn trề hy vọng vào tình thương của Cha.

6- Với ơn của Thầy, con sẽ giúp người Tín hữu không chỉ giữ đạo bằng việc đi nhà thờ, đọc kinh, mà còn đem niềm hy vọng của họ vào môi trường của cuộc sống, nhờ các việc thiêng liêng.

7- Con quyết tâm giật cho được giải, dù con yếu đuối, ngã quị. Con tiếp tục làm lực sĩ trên võ đài, chạy cho tới đích trong vận động trường vĩnh cửu, vì có Thầy Giêsu cùng đồng hành với con.

* Dù con bị thương tích; nhưng con đứng dậy và hy vọng đoạt giải.

Phó tế: GB. Maria: Nguyễn Định
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 26/09/2010
TRANH GIÀNH THIÊN HẠ

N2T


Lộc (con hươu) tính tình rất ôn hòa không làm thương tổn người khác, giống như người dân lương thiện vậy, do đó được người xưa dùng làm ví dụ tranh đoạt thiên hạ. Cuối năm triều đại nhà Tần, sau khi Hàn Tín giúp cho Lưu Bang giành được thiên hạ, Khoái Thông khuyên làm phản, Hàn Tín không nghe, cuối cùng bị Lữ Hậu giết chết.

Về sau, Lưu Bang bắt Khoái Thông đến hỏi tội, Khoái Thông nói:

“Tần mất lẽ nào do lộc, khi dấy lên tranh đoạt anh hùng thiên hạ, ai bản lĩnh cao, phản ứng nhanh, thì người đó được thiên hạ, chó của tên đạo chích sủa vua Nghiêu, không phải vì vua Nghiêu không tốt, mà là vì vua Nghiêu không phải là chủ nhân của nó, tôi vì Hàn Tín mà hao lực, chẳng qua là vì chủ nhân của mình, lẽ nào ngài giết sạch những người tranh đoạt sao ?

Lưu Bang cảm thấy có lý nên tha chết cho Khoái Thông.

(Sử ký, Chuẩn âm hầu liệt truyện)

Suy tư:

Chúa Giê-su Ki-tô nói không ai làm tôi hai chủ, bởi vì như thế thì không thể trung thành với chủ của mình, nhưng nếu làm tôi một chủ thì sẽ trung thành với chủ của mình.

Con người ta khi muốn tranh giành địa vị quyền thế thì phải có bè có cánh, có tổ chức của mình; khi tranh giành quyền lực chính trị thì có đảng phái của mình ủng hộ, do đó mà họ phải lệ thuộc vào đảng phái hoặc tổ chức của mình một khi thắng cử, bằng không thì họ sẽ bị sa thải hoặc bị trừng trị. Rất ít người tự mình ra tranh cử nếu không có người ủng hộ hoặc làm hậu thuẫn.

Con người ta không ai là một hòn đảo, nhưng là sống cùng và sống với nhau, cho nên cần phải tôn trọng lẫn nhau và vì tha nhân mà phục vụ.

Khoái Thông nói có lý nên Lưu Bang tha tội chết, bởi vì ai cũng vì chủ nhân của mình mà hy sinh.

Chúng ta –những người Ki-tô hữu- có vì Thiên Chúa của mình mà hy sinh tất cả những gì mình có hay không ? Hay là vì để tranh giành quyền lực, địa vị, chức vụ mà phản bội Thiên Chúa của mình ?

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 26/09/2010
N2T


1. Nếu có một ngày con không vì yêu mến Thiên Chúa mà làm một vài việc hãm mình, thì nên thở dài não ruột vì mình đã lãng phí một ngày.

(Thánh Magdalen Panattieri)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 26/09/2010
N2T


533. Chẳng làm gì cả so với không suy nghĩ gì cả thì càng thúc con người già hơn.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phái đoàn TGP Besancon Pháp thăm Tổng giáo phận Huế
Trương Trí
10:31 26/09/2010
HUẾ - Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam, phái đoàn Tổng giáo phận Besançon và giáo phận Saint Claude do Đức Tổng Giám mục André Lacrampe dẫn đầu đã đến thăm Tổng Giáo phận Huế. Cùng đi với Đức Tổng Giám mục có linh mục Tổng Đại diện giáo phận Saint Claude thuộc giáo tỉnh Besançon, cha J.B.Etcharren nguyên bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, các cha trong Tổng giáo phận và một số giáo dân.

Xem hình ảnh

Tổng giáo phận Besançon là một giáo phận đã sản sinh nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành, đã kiên cường làm chứng nhân Đức Tin và đã chịu chết vì đạo tại Việt Nam, trong đó có các Thánh tử đạo: Joseph Marchand (Du); François Isidore Gagelin (Kính); Etienne Théodore Cuenet (Thể). Thánh tử đạo Pierre François là người con của giáo phận Saint Claude thuộc giáo tỉnh Besançon.

Thăm dấu tích các nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris:

Sáng ngày 25.9, thức dậy sớm là cả một vấn đề khó khăn đối với một phái đoàn gần 30 chục người cả nam lẫn nữ, nhưng vì tinh thần hành hương và cầu nguyện, phái đoàn đã đến dâng thánh lễ tại Đại chủng viện Xuân Bích. Nơi đây, các nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris đã từng dạy học và phục vụ, trong đó có những người con của Tổng giáo phận Besançon đã từng sống, làm việc và sau khi qua đời phần mộ của các ngài được an táng tại đất Thánh Đại chủng viện này. Trong đó, có cha Pierre Poncet (1932-1968) đến Việt Nam lúc 26 tuổi, ngài bị giết chết lúc 36 tuổi trong lúc mang Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Phủ Cam về Đại chủng viện trong dịp tết Mậu Thân 1968, mà trong phái đoàn hành hương có bà Thérèse Poncet là em dâu của ngài.

Sau thánh lễ, đoàn đã đến viếng mộ và thắp hương tại đất Thánh sau nhà nguyện Đại chủng viện, nơi các vị thừa sai an nghĩ mà dịp hội thảo về thân thế và sự nghiệp của cha Léopld Cadière, tòa Tổng Giám mục giáo phận Huế đã mừng lễ giổ.

Buổi chiều, phái đoàn đã hành hương viếng Đức Mẹ La Vang và thăm Đền Thánh Tôma Thiện và Joseph Marchand (Du) vừa được khánh thành tại Nhan Biều. Đoàn cũng đã đến viếng nhà thờ giáo xứ Trí Bưu (Quảng Trị), dọc theo phía trong ngôi nhà thờ này có ảnh tượng 15 vị Thánh Tử đạo tại Tổng giáo phận Huế, trong đó có 4 vị Thánh Tử đạo thuộc hội Thừa sai Paris là những người con ưu tú của Tổng giáo phận Besançon. Đoàn cũng đã viếng lăng Tử đạo trước nhà thờ và viêng phần mộ cha Louis Valour tại đất Thánh giáo xứ Trí Bưu.

Sau khi vào lại Huế, đoàn đã đi thăm pháp trường Chợ Dinh và Phường Đúc, nơi đã xử chém các vị Thánh tử đạo là các vị thừa sai. Đoàn cũng đã đi tham quan lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, đặc biệt các vị vua đã ra lệnh bắt bớ và tàn sát các vị thừa sai truyền giáo và những người theo đạo.

Thăm và dâng thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế:

Trong tâm tình cảm mến và tri ân Tổng giáo phận Besançon và giáo phận Saint Claude đã hiến dâng cho giáo hội Việt Nam nói chung, cách riêng cho Tổng giáo phận Huế những nhà truyền giáo nhiệt thành và anh dũng, sáng ngày 26.9, giáo xứ chính tòa Phủ Cam Huế đã long trọng đón tiếp phái đoàn đến dâng thánh lễ. Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, các linh mục thuộc hạt thành phố Huế, tu sĩ nam nữ các hội dòng tại Huế, các ban nghành đoàn thể trang trọng với đồng phục, và cộng đoàn dân Chúa hân hoan chào đón trước tiền đường nhà thờ.

Thánh lễ đồng tế thật long trọng do Đức Tổng Giám mục André Lacrampe và Đức Giám mục phụ tá F.X.Lê Văn Hồng cùng chủ sự, bài tin mừng được do linh mục Phan Miên đọc bằng tiếng Việt, và linh mục Dương Quỳnh, quản xứ chính tòa đọc bằng tiếng Pháp.

Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế trân trọng giới thiệu với cộng đoàn dân Chúa về phái đoàn do Đức Tổng Giám mục André Lacrampe dẫn đầu, đây là giáo phận có nhiều gắn kết mật thiết với Tổng giáo Huế, là giáo phận đã cống hiến cho giáo phận Huế nhiều vị thừa sai, trong đó có các vị Thánh Tử đạo đã anh dũng đón nhận cái chết để làm chứng cho Đức Tin, cộng đoàn tham dự thánh lễ chào mừng với những tràng vỗ tay nồng nhiệt.

Đức Tổng Giám mục André nói lời cảm ơn Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế và toàn thể anh chị em đã dành cho đoàn những tình cảm thiết tha và chân tình. Ngài cũng bày tỏ niềm vinh dự được dâng thánh lễ trong ngôi nhà thờ chính tòa thân thương này.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt mến. Trong bài chia sẽ lời Chúa, với phiên dịch mạch lạc và rõ ràng của cha J.B. Etcharren, cộng đoàn rất thán phục trình độ uyên thâm tiếng Việt của cha. Đặc biệt sự diễn đạt bình dị của Đức Tổng Giám mục André, cộng đoàn thấy được tình yêu thương của Thiên Chúa đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Cuối thánh lễ, ông Matthêô Nguyễn Đình Lục, chủ tịch HĐGX chính tòa Phủ Cam, thay mặt cộng đoàn chào mừng Đức Tổng Giám mục André và phái đoàn. Đồng thời nhắc lại những mối liên hệ giữa giáo hội Pháp và giáo hội Việt Nam, nhất là giáo hội Pháp đã dâng cho giáo hội Việt Nam những linh mục thừa sai nhiệt thành. Tổng giáo phận Besançon là quê hương của các vị Thánh Tử đạo: Cuenot ( Thể ), Gagelin (Kính )và Marchand (Du). Cũng là là quê hương của 11 vị thừa sai đã từng sống và mục vụ tại Tổng giáo phận Huế. Giáo phận Besançon cũng là quê hương của Đức Giáo hoàng Calisto 2 vào thế kỷ 12. Giáo xứ chính tòa rất vinh dự đón tiếp Đức Tổng Giám mục của một giáo phận danh tiếng như thế. Giáo xứ Phủ Cam rất tự hào đã từng có những cha sở là những vị thừa sai Paris như: Cha Langlois là vị sáng lập giáo xứ, Đức cha Allys là người đã xây dựng nhà thờ chính tòa đầu tiên. Giáo xứ luôn tỏ lòng tri ân và kính trọng đối với giáo hội Pháp, đặc biệt với Tổng giáo phận Besançon và đối với Hội Thừa sai Paris.

Các em thiếu nhi hân hoan tặng những bó hoa tươi thắm cho Đức Tổng Giám mục và các vị khách quý, thay cho tâm tình tri ân của giáo xứ.