CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN C
VÔ CẢM VỚI NGƯỜI NGHÈO LÀ MỘT TỘI ÁC
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
Mùa hè năm 2016, nhiều trang mạng đăng tải hình ảnh thương tâm của một bệnh nhân ở Sơn La chết, vì quá nghèo nên người nhà phải bó chiếu chở xe máy về quê. Hình ảnh đó khiến cộng đồng mạng xôn xao. Có ai đó đã tài khéo ghép tượng đài Hồ Chí Minh 1.400 tỷ ở tỉnh Sơn La với cảnh “người chết bó chiếu.” Bức ảnh này phản ảnh thực trạng bất công của xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội mà người ta có thể xây dựng “những tượng đài nghìn tỷ, nhưng sinh mạng con người thì như chiếc móng tay” (Cô giáo Trân Thị Lam).
1- Số phận nhà phú hộ và Ladarô
Bức ảnh trên cũng có gì đó tương tự với dụ ngôn về nhà phú hộ và anh Ladarô được Chúa Giêsu kể hôm nay. Hai nhân vật có cuộc sống hoàn toàn tương phản: nhà phú hộ thì một đời “lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình,” còn Ladarô thì một đời nghèo khó, mình đầy mụt nhọt, khố rách áo ôm, ăn mày trước cửa đại gia. Tuy nhiên, số phận của hai người bị đảo ngược sau cái chết: nhà phú hộ phải chịu kiếp trầm luân; còn Ladarô được vào lòng Ápbraham hưởng hạnh phúc đời đời.
Dụ ngôn này được xếp vào loại “dụ ngôn nói về khủng hoảng đạo đức” trong xã hội. Trong đó, sự bất công, hố sâu phân cách giữa người giàu và người nghèo là quá lớn mà hậu quả người nghèo bao giờ cũng là những nạn nhân của xã hội. Thánh Luca muốn hướng tới một cuộc hoán cải bên trong để thay đổi cấu trúc xã hội nhằm mang lại sự bình đẳng cho con người. Chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của dụ ngôn. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý muốn nói rằng: tất cả mọi người giàu có đều bị kết án và đáng phạt trong hỏa ngục, còn tất cả những ai nghèo khó thì chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Chúa Giêsu cũng không lên án của cải và sự giàu có. Kitô giáo không cổ xúy cho sự bần cùng hóa con người và kết án những ai giàu có trong xã hội.
Trái lại, như chúng ta biết, của cải tự thân là ân sủng Chúa ban để giúp chúng ta sống đúng nhân phẩm của mình. Triết gia Công Giáo Blaise Pascal nói đến ba bậc của sự cao cả trong cuộc sống: bậc I thuộc giá trị vật chất và thể lý: của cải, sức khỏe, sắc đẹp tự thân nó có một giá trị không ai phủ nhận, ai cũng mong ước. Bậc II thuộc giá trị tài năng mà các nhà tư tưởng, các nghệ nhân, các thiên tài nắm giữ... tài năng họ khiến mọi người nể phục và ước ao. Nhưng đó chưa phải là bậc cao nhất. Bậc III thuộc giá trị tình yêu và ân sủng. Đây là bậc cao nhất, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo không thêm không bớt gì nơi một vị thánh. Thánh thiện cao cả hơn tài năng và giàu có, khỏe mạnh.
Chúa Giêsu không lên án của cải vật chất và tài năng, nhưng Người tiếp nối truyền thống các tiên tri, lên án thái độ của những người chỉ biết hưởng thụ ích kỷ nhưng lại dửng dưng, vô cảm đối với người nghèo. Đó là một tội ác.
Trong bài đọc I, tiên tri Amốt lên án những người chỉ biết hưởng thụ, xa hoa mà không biết thương xót những người khốn khổ và tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho họ.
Trong dụ ngôn, người phú hộ bị trầm luân không phải vì một tội nào như tham nhũng, buôn lậu, hay bóc lột. Nhưng vì ông đã dửng dưng vô cảm đối với Ladarô nghèo khó. Như thế, dụ ngôn muốn gửi tới chúng ta thông điệp: Cuối cùng, Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa trên những gì chúng ta thực thi cho người nghèo khó. Điều này được Tin Mừng thánh Mátthêu làm rõ trong tường thuật về ngày phán xét chung (Mt 25,35-45): “Những gì các ngươi làm cho những người bé mọn nhất, là các người làm cho chính Ta.”
Theo nghĩa này, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Không chia sớt của cải cho người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải là của riêng chúng ta, mà là của họ” (trích lại trong Evangelii Gaudium, số 57).
2- Người giàu và người nghèo hôm nay
Câu chuyện người phú hộ và anh Ladarô nghèo cho phép chúng ta liên tưởng đến bức tranh toàn cảnh thế giới hôm nay. Có lẽ hơn bao giờ hết, con người ngày nay có nhiều của cải vật chất, nhưng lại thiếu tình thương liên đới với nhau, của cải chỉ tập trung vào một số nước và một số người. Cơ chế kinh tế thị trường hôm nay càng tạo ra hố sâu ngăn cách ngày càng sâu giữa nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Chúng ta chứng kiến cảnh những ngôi nhà chọc trời bên cạnh những khu nhà ổ chuột và những người khố rách áo ôm, buôn thúng bán mẹt; cảnh những đại gia chi tiêu hàng chục triệu mua một chai rượu cho một bữa tiệc, trong khi đó có biết bao người ngày hai bữa ăn cũng không có; cảnh các quan chức có những cái bắt tay hàng tỷ bạc, trong khi có rất nhiều người đổ mồ hôi sôi nước mắt suốt ngày mà không đủ sống.
Nguyên nhân của sự bất công, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo là do sự ích kỷ, vô cảm và tệ nạn tham nhũng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng về “thái độ vô cảm toàn cầu” này, đó là thái độ vô cảm vô can trước đau khổ và khó khăn của tha nhân. Giáo Hội chọn đứng về phía người nghèo để bênh vực và đồng hành với họ.
Sống trong một xã hội như thế, dụ ngôn hôm nay như lời thức tỉnh lương tâm ngái ngủ chúng ta trước thảm cảnh nghèo đói. Chúng ta được mời gọi cởi mở tâm hồn đối với những ai đau khổ, nghèo đói, bị thương tổn để giúp đỡ họ. Chúng ta hãy để cho dụ ngôn này đào luyện lương tâm mình để chúng ta có những cảm thức và nhạy bén với nỗi thống khổ của người nghèo giống Chúa Giêsu, cũng như biết đứng về phía họ để phục vụ theo đức ái Kitô giáo. Amen.
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN C
YÊU THƯƠNG LÀ TRUYỀN GIÁO
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
Trong bài đọc thứ II, thánh Phaolô dành cho Timôthê và cả cho chúng ta những lời khuyên từ đáy lòng ngài. Trên hết mọi sự, thánh Phaolô khuyên “phải tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách” (1 Tm 6,14). Ngài chỉ nói về một giới răn. Điều này có nghĩa là ngài muốn chúng ta phải tập trung vào điều chính yếu của đức tin. Mọi điều khác xoay xung quanh tâm điểm này, đó là lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua: “Chúa Giêsu sống lại, Người yêu mến và hiến mình cho bạn.” Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Chúng ta hãy loan báo về sứ điệp tình yêu mới mẻ này: “Chúa Giêsu thực sự yêu mến bạn. Bạn hãy dành cho Người cơ hội để yêu bạn. Người không thất vọng về bạn dù bạn có những bất toàn.”
Giới răn mà thánh Phaolô đang nói ở đây là giới răn mới của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Khi yêu thương nhau, chúng ta sẽ loan báo cho thế giới biết Thiên Chúa là tình yêu, không phải nhờ sức mạnh của tài hùng biện, càng không phải do việc áp đặt chân lý, hay tuân giữ tốt các luật đạo đức, nhưng là nhờ đời sống bác ái đối với tha nhân.
Chúng ta rao giảng Thiên Chúa nhờ việc gặp gỡ tha nhân, bằng sự quan tâm, tận tụi, đồng hành và lắng nghe họ để phục vụ. Bởi vì Thiên Chúa không phải là một ý tưởng, nhưng là một Ngôi Vị sống động: sứ điệp của Người được truyền bá nhờ chứng tá khiêm tốn và phục vụ, nhờ việc lắng nghe và hiếu khách, với niềm vui lan tỏa ra bên ngoài. Chúng ta không thể làm chứng một cách hiệu quả về Chúa Giêsu khi chúng ta mang một khuôn mặt buồn rầu, ảm đạm; chúng ta không thể chuyển tải vẻ đẹp của Thiên Chúa chỉ với những lời nói suông hay chỉ nói thao thao bất tuyệt. Chúng ta rao giảng Thiên Chúa bằng việc thể hiện tình yêu Tin Mừng trong giây phút hiện tại đối với mọi người, bằng những cách thế mới, nhiệt tâm mới và phương pháp mới.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật này giúp chúng ta hiểu bác ái là gì và nhất là tránh những thái độ vô cảm và vô can đối với người nghèo. Trong dụ ngôn, nhà phú hộ đã không để ý gì tới Ladarô, một người nghèo ở trước cổng nhà ông (Lc 16,20). Dụ ngôn không nói nhà phú hộ này đã thực sự phạm tội gì đối với mọi người, không có gì để nói rằng ông ta là một người xấu. Nhưng ông có một căn bệnh lớn hơn cả căn bệnh của Ladarô, người “ghẻ chốc đầy mình,” đó là căn bệnh mù lòa, vì ông không nhìn thấy gì khác ngoài thế giới của ông, thế giới của “ngày ngày yến tiệc linh đình và lụa là gấm vóc.” Ông không nhìn thấy ngoài cửa nhà mình có Ladarô đang nằm ở đó, những gì xảy ra ở ngoài thì ông không quan tâm. Ông không nhìn thấy những cảnh đời đáng thương bên cạnh ông, bởi vì trái tim ông không biết rung cảm trước nỗi đau của người khác. Tâm hồn ông đã trở nên chai đá bởi vì sự thờ ơ vô cảm đã ngự trị trong ông. Sự dững dưng vô cảm này đã xóa bỏ lòng bác ái nơi ông, chỉ thích hưởng thụ cách ích kỷ. Và như thế ông không còn quan tâm đến người khác, trở nên dửng dưng với mọi người. Những người như thế thường dễ có thái độ “lệch lạc”: thích nổi danh, thích chơi sang, thích được mọi người ca tụng, nhưng vô cảm đối với những nghèo khổ.
Sự vô cảm của con người hôm nay là nguyên nhân tạo ra những hố sâu khác biệt rộng lớn như biển cả giữa người giàu và người nghèo. Sự dửng dưng, ích kỷ và tinh thần trần tục xâm nhập con người như những thứ bệnh nan y và truyền kiếp. Giá như con người biết thương yêu nhau hơn thì cuộc đời này bớt khổ hơn, ít nước mắt hơn.
Nhưng Thiên Chúa nhìn đến những ai thiếu thốn và bị loại trừ ra ngoài xã hội. Ladarô là một người duy nhất được nói trong dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tên của anh có nghĩa là “Thiên Chúa cứu.” Thiên Chúa không quên anh, Người sẽ đón tiếp anh vào bàn tiệc Nước Trời, cùng với Ápbraham, trong sự hiệp thông với tất cả những ai đau khổ.
Người giàu có trong dụ ngôn thì ngược lại, ông không có tên; cuộc sống của ông qua đi và bị quên lãng, bởi vì bất cứ ai chỉ sống cho mình thì không viết nên lịch sử đời mình. Mỗi người Kitô hữu phải viết nên lịch sử đời mình nhờ sống theo Tin Mừng. Chúng ta phải ra khỏi chính mình, để viết nên lịch sử đời mình để không sống như nhà phú hộ kia. Bởi lẽ, rốt cuộc, mọi sự sẽ qua đi, sức khỏe, sắc đẹp, tiền của không thể ở lại với chúng ta mãi mãi, nhưng cái còn lại mãi mãi là gì nếu không phải là lòng nhân ái và tình người.
Có một chi tiết khác trong dụ ngôn rất tương phản. Cuộc sống sang trọng của nhà phú hộ này được miêu tả như một thế giới sung túc, hoành tráng, tất cả là vì ông, nhưng khi chết, ông lại trắng tay, phải xin xỏ để có được một ân huệ nho nhỏ nào đó. Ngược lại, cuộc sống của Ladarô thì quá nghèo, nhưng sự nghèo khó đó gắn liền với một phẩm giá cao cả. Anh không hề mở miệng phàn nàn, hoặc phản đối, hay có những lời khinh bỉ.
Đây là bài học rất giá trị: như những sứ giả của Lời Chúa, chúng ta được mời gọi đừng có phô trương vẻ bên ngoài và cũng đừng tìm kiếm vinh quang cho mình, đừng tỏ ra buồn phiền hay cứ luôn phàn nàn tiêu cực. Chúng ta đừng là những ngôn sứ buồn bã, tiêu cực, người chỉ thích xoi mói những chuyện xấu hay những sai lầm của người khác. Chúng ta đừng là những người chỉ biết thu mình trong thế giới riêng, rồi có những xét đoán tiêu cực về xã hội, về Giáo Hội, về mọi thứ cũng như về mọi người, làm ô nhiễm môi trường đang sống chỉ vì thái độ tiêu cực đó. Chủ nghĩa hoài nghi quá đáng không phù hợp với những người rao giảng Lời của Thiên Chúa.
Bất cứ ai loan báo niềm Tin Mừng Chúa Giêsu phải là người mang niềm vui, là người nhìn thấy chân trời rộng mở ở phía trước mà không một bức tường nào ngăn cản. Đồng thời, họ cảm thấy rất gần gũi với những người xung quanh và nhạy bén với những khát vọng của người khác. Chúa đang đòi hỏi điều này nơi chúng ta hôm nay: trước những Ladarô thời đại, chúng ta dám chấp nhận bị quấy rầy và bất ổn để tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ họ, mà không thoái thác cho người khác khi nói: “Ngày mai, tôi sẽ giúp anh, vì hôm nay tôi không có giờ.”
Theo Tin Mừng, không giúp đỡ người khác là một tội trọng. Thời gian dùng để giúp người khác là thời gian dành cho Chúa Giêsu. Lòng bác ái sẽ tồn tại mãi. Gia tài của chúng ta ở trên trời, nhưng chúng ta phải tìm kiếm phần thưởng thiên đàng ở dưới đất, nơi những người nghèo.
Vậy, chúng ta hãy nguyện xin Chúa ban ân sủng để làm mới lại mỗi ngày niềm vui loan báo Tin Mừng: “Chúa Giêsu chết và phục sinh. Chúa Giêsu yêu bạn!” Ước gì Người ban cho chúng ta sức mạnh để thực hành giới răn yêu thương, vượt thắng sự mù lòa tâm linh và tinh thần thế tục. Ước gì Người làm cho chúng ta biết nhạy bén với những nỗi đau của người khác và sẵn sàng giúp đỡ họ. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Đó là lời Chúa
5. Tình yêu là sợi dây đoàn kết mọi chi thể của Giáo Hội, không chỉ là đối với người hàng xóm còn sống, mà còn mở rộng ra đến cả những người chết trong ân sủng và tình yêu.
(Thánh Thomas de Aquino)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
http://facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người tên Bạch Thiết Dư chuyên nhờ vào việc lừa dối người khác mà sống qua ngày.
Một lần nọ, hắn ta chôn dưới cây thông già ngoài thôn dưới chân núi một cái tượng Phật nhỏ bằng đồng, hơn một năm sau, nơi chỗ chôn tượng Phật cỏ mọc um tùm. Hắn ta rất thần bí nói với người trong thôn:
- “Tối qua, tôi từ trong thành trở về, đi ngang qua Xương Thụy Sơn bên phía đông của thôn, thấy dưới chân núi có hào quang lấp lánh, có thể là ánh sáng của Phật chăng?”
Người trong thôn rất kinh ngạc, đêm đó hẹn nhau cùng đi coi. Khi còn cách chân núi rất xa, Bạch Thiết Dư liền chỉ phía trước nói:
- “Các ông nhìn coi, đó không phải là ánh sáng vàng sao?”
Mọi người nhìn theo tay của hắn ta chỉ nhưng không thấy gì cả, Bạch Thiết Dư cố tình làm ra vẻ huyền hoặc nói có, mọi người nhìn đỏ con mắt mà cũng không thấy màu vàng.
Khi đi đến gần thì chỉ thấy mảnh đất đầy cỏ dại, Bạch Thiết Dư càng nói càng mơ hồ khó hiểu:
- “Nó sáng như thế tôi không mở mắt được đây nè, tại sao các người không nhìn thấy? Được rồi, được rồi, dù các người không nhìn thấy, coi như tôi bị mù, thôi chúng ta đi về”.
Mọi người nhìn thấy hắn ta đứng đắn, bèn nghi ngờ mình mắt thịt xác phàm nên không nhìn thấy Phật quang.
Ngày hôm sau, nhà họ Bạch giăng đèn kết hoa, chúc mừng nhìn thấy Phật quang, bèn chọn lựa ngày tốt đi thỉnh Phật. Qua mấy ngày sau, quả nhiên hắn ta dẫn người đến dưới chân núi đào tượng Phật lên, mọi người vừa nhìn thấy “thần phật” đều quỳ xuống bái lạy.
Từ đó về sau, người chung quanh trăm dặm đều đến nhà họ Bạch dâng hương khấn nguyện, Bạch Thiết Dư cố ý dùng lụa mỏng màu sắc khác nhau, bó tượng Phật trong ba lớp ngoài ba lớp, mỗi ngày nếu người đông thì mở ra, mỗi lần mở một tầng, và yêu cầu bố thí tiền. Như thế thì phát tài lớn.
(Triều Dã Thiêm Tải)
Suy tư 1:
Người chuyên sống bằng nghề lừa dối, thì luôn có nhiều cách để lừa người khác, và hể lừa được thì lừa bất kể thần thánh.
Lừa, giải thích theo từ điển tiếng Việt là dùng thủ đoạn dối trá làm cho kẻ khác bị lầm mà thất thiệt.
- Có những người lợi dụng lòng mê tín của người dân để lừa dối họ.
- Có những người lợi dùng lòng mộ mến đạo của tín hữu để lừa dối họ.
- Có những người lợi dụng lòng tin của người khác để lừa dối họ.
- Có những người lợi dụng người khác thất kế sa cơ để lừa dối họ..v.v...
Và có rất nhiếu cách lừa người khác mà kẻ lừa dối luôn tìm cách để lừa dối người khác.
Lừa dối luôn là con đẻ của ma quỷ, bởi vì ngay từ thưở tạo thiên lập địa nó đã lừa dối nguyên tổ loài người, nó đả ba lần cám dỗ Đức Chúa Giê-su với những lời lẽ ngạo mạn và xảo trá, nó cũng cám dỗ thánh Phê-rô nói dối với các đầy tớ gái bên bếp lửa năm xưa khi Đức Chúa Giê-su bị bắt...
Lừa gạt người khác bằng những thủ đoạn mị dân thì tội đã nặng, nhưng dùng ngay chính Thiên Chúa ra để lừa gạt người khác, thì họ đúng là con cái của quỷ sa tăng.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
------------
http://www.vietcatholic.org
http://facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
KHÔNG THỂ GIÁP MẶT
“Họ không thể giáp mặt Ngài, vì dân chúng quá đông”.
Một nhà tu đức nói, “Ngài là Vua các vua, chói lọi vinh quang, Chúa vũ trụ vô tận, huyền ảo; toàn tri, toàn năng, toàn trị; thánh khiết không thể tả, không thể chạm tới, không thể giáp mặt, không thể đổi thay... Ấy thế, Ngài được bao bọc trong thân xác một con người thấp hèn, sinh ra như một con cái Giuđa bị khinh dể, trong một hang lừa bẩn thỉu, từ lòng một phụ nữ giản dị và không phô trương. Đấng ‘không thể giáp mặt’ nên rốt hèn, để mọi người ‘có thể giáp mặt!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mỗi người có lý do riêng của mình để tìm đến Chúa Giêsu! Một số người cần được chữa lành, như Bartimê, anh mù thành Giêricô, la hét cho đến khi được Ngài xót thương; một số vì tò mò, như Giakêu, người đã leo lên cây để xem cho được Ngài; một số muốn nghe Ngài, như đám đông chen lấn bên hồ Gênêzareth; một số muốn chăm sóc Ngài, như Mẹ Maria, chị em Matta Maria. Bạn và tôi, chúng ta có muốn gặp Chúa Giêsu không; tại sao tôi muốn gặp Ngài; điều gì đang ngăn cản khiến tôi ‘không thể giáp mặt’ Ngài?
Rõ ràng, nhiều lúc, thật không dễ dàng để chinh phục Chúa Giêsu; thậm chí cũng không dễ gặp Ngài. Mặc dù chúng ta có thể tìm kiếm Ngài với ý định thuần khiết nhất, nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện. Chắc chắn sẽ có những trở ngại, và chúng ta phải chuẩn bị! Satan luôn tìm cách đẩy chúng ta ra xa Thiên Chúa qua tội lỗi, thậm chí đặt ra nỗi sợ, để cản ngăn chúng ta đến với phép Giải Tội, khiến chúng ta không nhận được ơn thứ tha và chữa lành. Thế giới ra sức lôi kéo chúng ta càng xa Thiên Chúa càng tốt; nó cung cấp hàng ngàn sự xao nhãng và thú vui khiến chúng ta rời bỏ việc cầu nguyện, hồi tâm và hoán cải. Bản thân chúng ta cũng rất ít có khuynh hướng thiên về điều lành, phục vụ tha nhân và sống các nhân đức. Ngay cả lười biếng và ươn ế cũng có thể dập tắt những gì tốt nhất nơi chúng ta. Vì thế, bạn và tôi, cần để Chúa Giêsu biết chúng ta đang tìm Ngài; nói cho Ngài lý do chúng ta ‘không thể giáp mặt’ Ngài.
Anh Chị em,
“Họ không thể giáp mặt Ngài”. Tại sao bạn và tôi ‘không thể giáp mặt’ Ngài? Đó là một câu hỏi quan trọng! Vậy mà, với Chúa Giêsu, thật thú vị, được nhìn Ngài hay gặp Ngài vẫn không quan trọng! Quan trọng là làm sao ‘được Ngài chạm’ hay ‘chạm được Ngài’; nhờ đó, được chữa lành và biến đổi. Tuyệt vời thay! Tin Mừng hôm nay tiết lộ, có một cách khác để có thể thường xuyên ‘được Ngài chạm’ hay ‘chạm được Ngài’, đó là khi chúng ta trở nên những con người biết “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Bấy giờ, như Mẹ Maria, chúng ta sẽ sống mối tương quan với Chúa Giêsu đến một mức độ thân thiết còn hơn cả quan hệ huyết tộc. Đây chính là vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta đạt đến phẩm giá và sự thân mật ngày càng cao hơn với Ngài. Càng yêu mến Chúa, chúng ta càng yêu thương anh chị em mình. Sách Châm Ngôn hôm nay nói, “Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ”. Quý biết bao khi chúng ta sống Lời Chúa như Ngài mong ước; Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đẩy xa mọi áp lực của ma quỷ và sự uể oải thiêng liêng nơi con; vì nó, con ‘không thể giáp mặt’ Ngài. Xin chạm vào con, cho con chạm được Ngài; để con được biến đổi!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Đức Hồng Y Krajewski đang có chuyến công du thứ 4 tới Ukraine theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng. Hôm nay là ngày kỷ niệm ngài được tấn phong giám mục và là ngày mà “lần đầu tiên trong đời, ngài không biết phải chạy đi đâu.”
Vatican News đưa tin rằng quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ Dịch vụ Bác ái, hiện đang trong chuyến công du thứ tư tới Ukraine theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã phải ẩn nấp dưới làn đạn pháo kích.
Cùng với những người làm việc để phân phối viện trợ, Đức Hồng Y phải chạy tìm nơi trú ẩn khi bị quân Nga pháo kích.
Ngài nói với Vatican News sau sự kiện này rằng “Lần đầu tiên trong đời, tôi không biết phải chạy đi đâu… vì chạy thôi thì không đủ. Bạn phải biết mình chạy đi đâu”.
Đây sẽ là một ngày mà Đức Hồng Y sẽ không quên, vì đó cũng là ngày kỷ niệm của ngài được tấn phong giám mục.
Đức Hồng Y Krajewski đã nói chuyện với Vatican News qua điện thoại vào hôm thứ Bảy.
Ông nói: “Hôm nay là một ngày đặc biệt, vì đã chín năm kể từ khi Đức Thánh Cha chọn tôi làm Giám Mục và vào ngày này, tôi được tấn phong Giám mục.”
Đức Hồng Y được tấn phong giám mục vào ngày 17 tháng 9 năm 2013 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong một buổi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.
Vào ngày kỷ niệm này, Đức Hồng Y Krajewski đã đến gần thành phố Zaporizhzhia của Ukraine, cùng với một Giám mục Công Giáo, một Giám mục Tin lành, và một người lính Ukraine.
Với sự giúp đỡ của họ, ngài chất đầy chiếc xe buýt nhỏ của mình với các vật dụng và lái xe đến tiền tuyến của cuộc chiến, một khu vực mà ngài nói “không ai ngoài binh lính vào được nữa” do các vụ nổ lớn.
Ngài đã đi một cách chính xác là để giúp đỡ những người mắc kẹt trong vùng đất không người này bằng một bàn tay thân thiện, thực phẩm và các vật dụng cứu trợ khác.
Vào tháng 3, vị Hồng Y đã lái một chiếc xe cứu thương do Đức Thánh Cha Phanxicô tặng đến thành phố Lviv. Ngài đi ngay sau khi rời Fatima ở Bồ Đào Nha, nơi ngài đã cử hành nghi thức thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba cùng lúc với Đức Giáo Hoàng ở Rôma.
Trong một chuyến đi trước đó để mang viện trợ và sự gần gũi của Giáo hoàng, Hồng Y Krajewski nói rằng mặc dù ngài không phải là một nhà ngoại giao, nhưng ngài vẫn trang bị “ba vũ khí tinh vi nhất của Phúc âm”: ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
“Nhờ đức tin, chúng ta có thể dời núi. Tôi tin vào điều đó. Thậm chí nhiều hơn thế để ngăn chặn một cuộc chiến ngu ngốc.”
Source:Aleteia
Đức Phanxicô viếng thăm Kazakhastan, thuộc địa cũ của Nga, một nước Tiểu Á, từ 13 đến 15.9.2022. Đây là chuyến đi thứ 38 ngoài Ý. Tháp tùng có 30 người, dẫn đầu là HY Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, TGM Ngoại Trưởng Paul Gallagher, HY Ayuso, Bộ Trưởng Bộ Đối Thoại Liên Tôn và 80 ký giả
Logo chuyến đi (công bố 23.8.2022) chủ đề: Các sứ giả của hòa bình và hiệp nhất. Hình vẽ trên vòng tròn, có hình chim bồ câu và cành ôliu. Đôi cánh được mô tả bằng hai bàn tay (xanh và vàng) đan nhau, lòng bàn tay có khắc trái tim. Chim bay về thánh gía màu xanh. Nền Logo là màu xanh lạt. Nửa vòng tròn trên và dưới ghi bằng chữ Kazaki (đia phương). Hai màu được xử dụng là vàng và trắng, cờ Vatican.
Mục đích là viếng thăm nước, Giáo Hội Kazakhstan nhỏ bé và tham dự Đại Hội lần thứ 7 Các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo và Truyền Thống Thế Giới. Ngày 13.9.2022, tại công trường Thánh Phêrô, ĐGH yêu cầu dân chúng tụ họp cầu nguyện cho chuyến “hành hương hòa bình” tại Kazakhstan. Đây là dịp gặp gỡ rất nhiều đại diện các tôn giáo và đối thoại hòa bình như anh em và cổ vũ hòa bình chung, thế giới đang khát khao.
Tránh bay qua Ukraine, chuyến bay Airbus A300 phải đi vòng, phía nam, dài hơn, mất 5. 600 km
Kazakhastan có lãnh thổ lớn, với 970.000 km2, đứng thứ 9 thế giới về diện tích, gấp 8 lầnVN. Gồm 150 sắc tộc.70% theo Hồi giáo.
Năm 1278, dã có giám mục đầu tiên. Sau đó các tín hữu bị đàn áp bởi Sô Viết. Nga hoàng trục xuất người Âu Châu, nhiều người bị tù đầy, sống tập trung, bị đánh đập dã man và đã chết. Từ thế kỷ XV-XVI sống theo du mục. Năm 1991 đất nước này mới độc lập và 1992 có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. 1995, có hiến pháp, là nước cộng hòa với lưỡng viện. Người Công Giáo có khoảng 182.000 người, chiếm 1%. Đa số là Hồi giáo. Nga và Kazakhstan cùng biên giới 5.000 dậm. Cờ: nền xanh có 7 gạch trắng (ngang), giữa có chim bồ câu xòe cánh ôm hình bầu dục, tia sáng chung quanh.
Trước và sau khi đi, ĐGH có thói quen, từ 2013, đến khấn với Đức Mẹ tại nhà thờ Đức Bà Cả, Roma
LỊCH TRÌNH CHUYẾN ĐI
Ngày 13.9.2022
Trên báy bay, ĐTC nói với ký giả: Tôi luôn sẵn sàng đi Trung Quốc. Không có tin Ngài gặp lãnh tụ Tập Cận Bình.
1g27, tại sân bay quốc tế Nur-Sultan, ĐTC được đón tiếp bởi Tổng Thống Kassym-Jomant Tokayev (từ 2021). Có mặt Ngoại giao đoàn, Chính Phủ, các Nhà Lãnh Đạo Thế Giới và Truyền Thống Tôn Giáo, về tham dự đại hội. ĐGH phát biểu: Tôi đến thăm như một người hành hương hòa bình, tìm kiếm đối thoại và đoàn kết. Hãy bảo vệ và phát triển cây đàn hai dây (như đàn bầu VN, ý nói nền văn hóa) của Dambra Abai (1845-1904) là thi sỹ, cha đẻ nền văn minh hiện đại, để lại bao nhiêu tác phẩm giá trị. Đây là quốc gia gồm nhiều dân tộc với các sắc dân, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau, đang phát triển mọi mặt. Đóng góp của các tôn giáo rất quan trọng. ĐGH xác định đây là vùng đất anh hùng tử đạo, bị trục xuất, trí thức và nghệ sỹ. Bao trùm lịch sử huy hoàng của văn hóa nhân tính và đau khổ.
Tại dinh Tổng Thống, trước nhà cầm quyền, ĐGH nói: Kazakhstan là ngã tư chính trị quan trọng, nó giữ vai trò căn bản giảm thiểu. Tôi đến giữa lúc có chiến tranh vô nghĩa tại Ukraine.
Thế giới đang cần hòa bình cấp bách, khôi phục hài hòa của nó. Viên chức chính phủ cần chia sẻ trách nhiệm. Vị tiền nhiệm là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến sau 10 ngày, vụ nổ bi thảm, 11. 9. 2001, tại Nexw York.
Ngày 14.9.2022
10g, tại dinh Độc Lập, thủ đô Nur-Sultan, ĐGH tham dự khai mạc Đại Hội lần thứ 7 Các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo Thế Giới và Truyền Thống, 100 đại biểu, đến từ 50 quốc gia. Chủ đề: Vai trò những người có trách nhiệm tôn giáo và truyền thống thế giới về phát triển tinh thần và xã hội nhân bản sau đại dịch. (Le Rôle des responsables religions mondiales et traditionnelles dans le dévelopement socio-spirituel de l’humanité dans la période post-pandémique). ĐTC đọc diễn văn khai mạc. Nội dung:
1)Tôn giáo nhắc nhở chúng ta là tạo vật, là con người hành trình về Nước Trời. Bản chất là nối kết chung thành huynh đệ chân chính, sâu sắc.
2) Nền văn hóa qua tiếng đàn Dombra, các bài thơ (1897) nổi tiếng của thi sỹ Dombra Abai để lại là sự nghiệp tôn sùng các tôn giáo lâu bền, phản ảnh tâm hồn cao qúi của dân tộc này. Lòng khao khát hòa bình không bao giờ khép kín, nhưng lúc nào cũng cởi mở, luôn sẵn sàng. Nhu cầu của nhân loại với tôn giáo nhắc nhở chúng ta con người luôn hiện hữu, để thỏa mãn lợi ích trần thế, kinh tế. Abai nói : linh hồn sống động và trí óc minh mẫn (Sách các Lời, số 6)
3) Thế giới mong đợi chúng ta trở thành tấm gương sống động và trí óc minh mẫn. Trông mong nơi chúng ta tinh thần tôn giáo chân chính. Đến lúc phải có tâm hồn cởi mở và nhân ái.
4). Điều kiện thiết yếu cho phát triển nhân bản và toàn diện là tự do tôn giáo. Chúng ta tin và thờ phượng, không nên buộc người khác tin và thờ phượng theo.
Ba ghế trống không đến là Thượng Phụ Kiril, Tập Cẩn Bình và Vladimir Putin.
16g45, tại khu triển lãm thủ đô Nur-Sultan, dù Công Giáo 1%, dân số 19 triệu. ĐGH cử hành thánh lễ đại trào tôn vinh Thánh Giá. Trong lễ, ĐGH trình bày Chúa dùng lý trí với tội lỗi mở cho chúng ta chân trời mới, đổi mới đức tin, nhìn vào Thiên Chúa vào tình yêu phổ quát và bị đóng đinh của Ngài. Thập giá là cái giá của sự chết. Trên cây gỗ, Chúa Giêsu tự mình gánh lấy tội lỗi và điều ác, vì yêu chúng ta. Nhìn lên trên, để học hỏi tình yêu là gì.
Ngày 15.9.2022
10g,30, tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thủ đô Nur-Sudan, ĐGH gặp các Giám Mục, Linh Mục, Tu sỹ: ĐTC khuyến khích, theo hai từ thánh Phaolô xử dụng:
Những người thừa kế và lời hứa : Mỗi Giáo Hội là người thừa kế lịch sử nước đó. Luôn được sinh ra từ Tin Mừng. Dựa trn lời hằng sống của Chúa Kitô. Mỗi Giáo Hội là cộng đồng đã thấy lời hứa, được ứng nhiệm nơi Chúa Giêsu.
Tương lai: Nhớ về qúa khứ không làm dừng lại mà giúp chúng ta tiến vào lời hứa Tin Mừng, bảo đảm với chúng ta, có Chúa Giêsu bên chúng ta. Ngày nay, chúng ta được mời gọi, đón nhận đổi mới mà Chúa Kitô Phục Sinh mang lại cuộc sống mới. Bất chấp yếu đuối, thấp hèn nhỏ bé.
16g, ĐTC đọc diễn văn kết thúc đại hội, 3 năm / lần.
Đại hội lần thứ 7 này, chúng ta tham gia nhờ ân sủng Đấng Toàn Năng, đánh dấu quan trọng trong hành trình chung, bắt đầu từ 2003, là mô hình ‘ngày cầu cho hòa bình trên thế giới’ tái khẳng định đóng góp tích cực của Truyền Thống tôn giáo đối thoại hòa hợp giữa các dân tộc.
2) Tuyên bố chung của đại hội rằng mọi hoạt động bạo lực không liên quan đến tinh thần tôn giáo đều bị bác bỏ (x, đ 5). Đấng Toàn Năng tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa.
3) Kazakhstan là trung tâm lục địa Á Châu lớn lao và quan trọng, là nơi tự nhiên gặp nhau. Lá cờ nước này nhắc nhở chúng ta cần thiết phải duy trì quan hệ lành mạnh về giữa chính trị và tôn giáo. Chúng ta hãy nói “không” khi lầm lẫn, vì lợi ích mọi người.
4) Đối với Giáo Hội, “mọi con đường dẫn đến con người” và con người là “con đường với Giáo Hội’(Redemtor Hominis, 14). Con đường cho tất cả tôn giáo.
5) Các truyền thống và khôn ngoan kêu gọi làm chứng ngôn cho hiện hữu của di sản thiêng liêng và đạo đức chung, dựa trên tình huynh đệ.
6) Thiếu hòa bình là thiếu quan tâm, yêu thương, tạo ra sự sống. Mưu tìm hòa bình mời gọi tham gia hoạt động gia đình. Vì thế cần bảo vệ gia đình đến nơi đến chốn.
7) Người trẻ là sứ giả hòa bình và thống nhất trong hiện tại và tương lai. Chính họ hơn ai hết kêu gọi hòa bình và tôn trọng ngôi nhà chung. Thái độ bóc lột, thống trị, đục khoét sẽ giới trẻ bác bỏ. Vì là thế giới không hy vọng và ước mơ.
Bản dự thảo tuyên ngôn chung, gồm 35 điểm của Đại Hội được ĐGH và Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyed, Grand Imam của Al-Azhar, ký tại tòa nhà Độc Lập, có nhan đề: Tình Huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cùng nhau chung sống. Trong tuyên ngôn, các vị lãnh đạo:
-Nhấn mạnh ý chí các tôn giáo đề ra sáng kiến xây dựng hòa bình và đối thoại, loại bỏ thái độ cực đoan, duy căn và khủng bố.
-Lên án mọi xung đột võ trang, đổ máu vô ích. Gây phản ứng dây chuyền, hủy hoại quan hệ quốc tế. (Văn bản không nói đế Ukraine)
ĐGH nhận xét theo ba hạn từ:
- Ước mơ và mục tiêu của chúng ta là hòa bình. Cần và cấp thiết phải có hòa bình. Vì thời đại chúng ta vẫn có điểm nóng căng thẳng (x. đ 4) gây đổ máu (x. đ 7)
- Phụ nữ chăm sóc sự sống trên thế giới. Họ là con đường dẫn tới hòa bình. Là thành viên quan trọng trong gia đình (x. đ 23)
- Người trẻ là sứ giả hòa bình và thống nhất. Vì thế lưu ý tới giáo dục, chấp nhận, chung sống, tôn trọng tôn giáo và xây dựng văn hóa. (x. đ 21)
19g45, trở về Roma, trên máy bay, ĐGH trả lời các ký giả, đại ý về:
1)Các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ trước sự xâm lược của Nga là có thể chấp nhận, về đạo lý. ĐGH kêu gọi Kyiv cởi mở đối thoại, mặc dầu khó khăn cho phía Ukraine. Tự vệ biểu thị yêu quê hương đất nước.
2) Về tình hình Giáo Hội Đức, ĐGH nói: cần mục tử tốt, chức không cần kế hoạch.
3) Không ngờ, sau bao nhiêu năm bách hại, Kazakhstan phát triển mạnh như vậy, cho chúng ta tương lai tươi đẹp sáng sủa hơn
4) Khi nghe hòa bình, người ta khóc vì chiến tranh kết thúc. Bao giờ ngưng tiếng súng. Vì bom đạn vẫn còn nổ (Ukraine, Nigéria, Nicaragua, Azenbaijna, Arnenia...). Các đợt di cư (nam Sudan), vẫn tiếp diễn liên tục ra đi. Họ nói “chúng tôi không hợp tác”. Người di cư phải được chào đón. Nói tới chiến tranh tại Ukraine, ĐTC hỏi còn bao nhiêu người nữa sẽ phải đổ máu, hy sinh
5) Đại Hội Liên Tôn kết quả rất tốt. Lâu dài, cần đối thooại và cầu nguyện để giải quyết vấn đề liên hệ.
6) Cần có chính phủ tôn trọng nền dân chủ, công bằng, bác ái xã hội. Người làm chính trị phải coi trọng nhân phẩm, nhân quyền, giá trị quốc gia.
7) Xét xử ĐHY Quân ở Hong Kong là vi phạm tôn giáo.
NH N ĐỊNH VỀ CHUYẾN ĐI
- ĐHY Quốc Vụ Khanh Pietrô Parolin, qua trả lời phỏng vấn trước chuyến đi (đêm 13.9.22) cho biết:
+Chuyến đi này là dịp cầu nguyện cho hòa bình thế giới, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập tại Assisi 24. 1. 2002.
+ Số Công Giáo tuy ít và khiêm tốn nhưng hy vọng sẽ theo các nhân chứng đức tin xưa, vươn lên, như các chân phước của họ, xây dựng xã hội thống nhất, hài hòa và hòa bình. (RV 13.9.22)
- Tạp chí CruxNew cho rằng đến Kazakhstan là nỗ lực ngoại giao của ĐGH Phanxicô, giữa lúc khủng hoảng toàn cầu do chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine vì Nga xâm chiếm. ĐGH lên án Nga xâm chiếm Ukraine. Kazakhstan đóng vai trò quan trọng tìm kiếm hòa bình trong vùng. ĐGH ca ngợi Kazakhstan sự hòa hợp các cộng đồng, trong việc giải trừ hạt nhân bảo vệ sự sống, bỏ án tử hình vào 2021.ồ
-Gs Azza Karam, Tổng Thư Ký của các tôn giáo vì hòa bình, nhận định : ĐGH được coi như nhà lãnh đạo tôn giáo nói lên trách nhiệm tinh thần và giải thích mọi điều cần thiết
-Cha Ruslan Rakhimberliov, giám đốc Chủng viện Công Giáo tại Karag anda, cho biết: Cộng đồng địa phương nhỏ bé chúng tô i được diễm phúc được đón tiếp vị cha chung. Chuyến viếng thăm này là cơ hội nhận được sự thúc đẩy bên trong.
-Hãng AP cho chạy tít lớn: chiến tranh của Nga tại Ukraine là tấm phông cho chuyến đi của ĐGH Phaxicô.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ts Notre Dame de Paris, số 1922, 8.9.2022
http//Vietcatholic News, từ 13-16.9.2022
Jonathon Van Maren trên tờ First Things ngày 1 tháng 9, 2022 cho rằng kể từ việc lật ngược phán quyết Roe v. Wade, các nhạc sĩ và nghệ sĩ đủ loại đã xấn xổ bày tỏ sự giận dữ của họ. Lady Gaga đã dành riêng chuyến lưu diễn Chromatica Ball của mình cho quyền phá thai. Rage Against the Machine cam kết dành một số tiền thu được từ chuyến lưu diễn cho các nhóm phá thai. Billie Eilish, người trước đó đã đưa ra những lời lẽ thô tục trên sân khấu về việc phá thai sau khi Đạo luật Nhịp tim của Texas được thông qua, nói với người hâm mộ của mình rằng đó là “một ngày thực sự, thực sự đen tối đối với phụ nữ ở Hoa Kỳ” Tại Lễ hội Glastonbury, ca sĩ nhạc rap Megan Thee Stallion dẫn đầu các bài hát “Cơ thể tôi, sự lựa chọn đ.m... của mẹ tôi” và Phoebe Bridgers bắt đầu các bài hát “Đ.m...Tối cao Pháp viện!” Và cứ thế tiếp diễn.
Sự hỗ trợ của kỹ nghệ âm nhạc đối với kỹ nghệ phá thai không có gì mới. Vào những năm 1990, tổ chức Rock for Choice đã chuyển hướng vận động của các nghệ sĩ thành việc gây quỹ cho các nhóm phá thai. Huyền thoại nhạc rock Janis Joplin đã trở thành một nhà hảo tâm tài chính của phòng khám Tijuana, nơi cô đã tự tìm đến để phá thai (không thành). Mẹ của Frank Sinatra có biệt danh khủng khiếp là “Hatpin Dolly” vì hành nghề phá thai bất hợp pháp trong thời gian dài của bà (mặc dù con trai bà đã rất đau khổ khi phát hiện ra rằng vợ mình là Ava Gardner đã phá thai hai đứa con của họ). Rock ’n’ roll, xét cho cùng, là tiếng lóng để chỉ tình dục — nhưng chính những đứa trẻ mới là người phải trả giá chính cho thứ tình yêu tự do này.
Nói về sự ủng hộ của kỹ nghệ âm nhạc đối với việc phá thai, quả là điều hữu ích nếu ta chịu xét xem các nghệ sĩ và những người khác trong ngành thực sự khắc họa trải nghiệm này như thế nào. Một số ít thì tàn nhẫn, thậm chí còn sung sướng nữa — trong tiểu sử của mình, Marilyn Manson kể về việc phá thai đứa con của mình bằng lối dùng từ ngữ gợi hình, mô tả bác sĩ “xé nát não của con chúng tôi bằng một chiếc kẹp.” Nhưng hầu hết đều thừa nhận cảm thấy chán nản hoặc thậm chí kinh hoàng đối với trải nghiệm. Steven Tyler của Aerosmith đã mô tả việc phá thai bằng dung dịch muối cho đứa con của mình với một người bạn: “cháu nó chết khi được kéo ra. Tôi tan nát cả cõi lòng. Trong tâm trí của tôi, tôi như sắp... tôi đã làm gì? " Ngay cả Joplin cũng thừa nhận rằng cô rất hối hận về việc phá thai của mình và cô tin rằng điều đó đã khiến những cuộc đấu tranh tâm lý của cô trở nên tồi tệ hơn.
Chấn thương và sự hối hận phổ biến hơn nhiều so với thái độ bất chấp “Hãy nói to cuộc phá thai của bạn”. Suzi Quatro thừa nhận, "Tôi không thể xua đuổi khỏi tâm trí mình câu hỏi đứa trẻ đầu tiên sẽ trở thành ai... Bất cứ phụ nữ nào từng phá thai và nói với bạn rằng không sao cả đều là dối trá." Sharon Osbourne đồng tình: “Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng làm… Tôi khóc rú suốt trải nghiệm này, và điều đó thật kinh khủng. Tôi sẽ không bao giờ đề xuất nó cho bất cứ ai vì nó quay trở lại ám ảnh bạn. Khi tôi cố gắng có con, tôi đã mất ba con — tôi nghĩ đó là do điều gì đó đã xảy ra với cổ tử cung của tôi trong lần phá thai.”
Thật vậy, tuyên truyền chính trị có thể lừa dối — nhưng nghệ thuật dẫn khởi từ kinh nghiệm thì hiếm khi lừa dối được. Madonna, một nhà hoạt động phá thai quyết liệt, nói với TIME vào năm 1996 rằng cô rất hối hận về việc phá thai của mình, mặc dù cô tin rằng lối sống của mình không phù hợp với thiên chức làm mẹ vào thời điểm đó. Khi hát về một cô gái bị áp lực phải giết con mình trong bài ca đắt khách năm 1986 "Papa Don't Preach", cô đã miêu tả cảnh người mẹ tương lai đang cưỡng lại: "Cha đừng giảng, con đang gặp rắc rối lớn / Cha đừng giảng, con đã mất ngủ / Nhưng con đã quyết định, con sẽ giữ con của con / Con sẽ giữ con của con. ”
Ca sĩ nhạc rap Nicki Minaj thú nhận rằng cô rất hối hận khi phá thai và hát về đứa bé đã mất trong "All Things Go": "Con của tôi với Aaron / đáng lẽ đã 16 bất cứ phút nào / Vì vậy, một cách nào đó, tôi cảm thấy như 'Caiah là cả hai / Như thể anh là 'thiên thần nhỏ của Caiah, đang trông chừng anh.' Ca sĩ Beth Torbert, được công chúng biết đến với cái tên Bif Naked, đã đặt tên một bài hát theo tên một đứa trẻ mà cô phá thai khi 18 tuổi: “Mẹ hy vọng con sẽ tha thứ cho mẹ: Chotee, con yêu của mẹ, hãy tha thứ cho mẹ.” Stevie Nicks của Fleetwood Mac cũng đặt tên cho một bài hát sau khi "Sara", đứa bé của cô và Don Henley bị phá bỏ, "Chờ một chút con thơ / Ở lại với mẹ một lúc / Đã nói rằng con sẽ cho mẹ ánh sáng / Nhưng con chưa bao giờ nói với mẹ về ngọn lửa.” Và Sinead O’Connor đã tưởng tượng ra đứa con gái bị phá thai đã mất của mình trong “Đứa con đặc biệt của tôi”:
Hãy nghĩ tới đứa con gái nhỏ của tôi
Làn da vàng của cháu và mái tóc xoăn sẫm màu của cháu
Và trái tim của cha cháu đã đóng băng ra sao
Tôi đã nói chuyện với cháu và tôi nói:
"Con sẽ không hối tiếc về người mẹ mà con đã chọn."
Mẹ đã nói dối. Đêm nay, cháu ở đâu?
Một trong những mô tả rùng rợn nhất về phá thai trong bài hát được tìm thấy trong “Bodies” của Sex Pistols. John Lydon đã viết câu chuyện sau khi một người hâm mộ không ổn định về tinh thần được cho là xuất hiện trên ngưỡng cửa nhà anh ta, ôm một đứa trẻ bị phá thai trong một chiếc túi nhựa. Trong cuốn tự truyện của mình, anh kể rằng người phụ nữ trẻ này đã mô tả chi tiết tỉ mỉ về những lần phá thai của mình. Một dòng trong bài hát tóm tắt những gì anh nghe được: "một đống bầy nhầy thoi thóp, một khối hỗn độn ồng ộc đầy máu."
Khi nước Mỹ bước vào thời kỳ hậu phán quyết Roe và các nghệ sĩ của nó tập hợp ủng hộ kỹ nghệ phá thai, chúng ta nên tin điều gì? Có nên là khẩu hiệu chính trị của họ, các khoản quyên góp béo bở của họ, các bài ca tụng tục tĩu của họ không? Hay đó phải là sự thật mà họ nói với chúng ta khi họ hát về những cơn ác mộng, nỗi đau và khao khát? Chúng ta có nên tin họ khi họ nói với chúng ta rằng phá thai liên quan đến sức khỏe sinh sản, hoặc khi họ hát về những cháu trai cháu gái nhỏ bé vẫn bám lấy trái tim họ trong những khoảnh khắc tĩnh lặng? Khi các nghệ sĩ phát biểu, họ nói với chúng ta rằng phá thai là một quyền căn bản. Nhưng khi họ hát, họ nói với chúng ta rằng khi các bài hát nhường chỗ cho sự im lặng, sự trống trải há miệng lớn đủ để nuốt trửng nhiều sự sống.
1. Quân đội Nga đang trấn giữ thành phố Lyman mất tinh thần sau khi phòng tuyến sông Oskil sụp đổ
Hôm thứ Bẩy, 17 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng “Ukraine tiếp tục các hoạt động tấn công ở phía đông bắc đất nước trong khi các lực lượng Nga đã thiết lập tuyến phòng thủ giữa sông Oskil và thị trấn Svatove.
Nga có thể coi việc duy trì quyền kiểm soát khu vực này là quan trọng vì nó là một trong số ít các điểm trung chuyển trên tuyến đường tiếp tế chính mà Nga vẫn kiểm soát từ khu vực Belgorod của Nga.
Ngoài ra, đường này nằm dọc theo biên giới vùng Luhansk, một phần của Donbas, nơi mà Nga hướng tới việc “giải phóng” như một trong những mục tiêu chiến tranh trước mắt của họ. Bất kỳ sự mất mát đáng kể nào về lãnh thổ ở Luhansk rõ ràng sẽ làm suy yếu chiến lược của Nga.
Nga có thể sẽ cố gắng tiến hành một cuộc phòng thủ kiên cố ở khu vực này, nhưng không rõ liệu các lực lượng tiền tuyến của Nga có đủ dự trữ hay tinh thần để chống lại một cuộc tấn công liên quan khác của Ukraine hay không.”
Sông Oskil chảy từ Nga sang và chảy từ miền Bắc Ukraine xuống phía Nam được coi là một phòng tuyến tự nhiên của quân Nga. Cuộc phản công Kharkiv phải dừng lại ở đó. Vượt sông trong hoàn cảnh chiến tranh là một hoạt động cam go và đã được chứng minh khi quân Nga vượt sông Siverskyi Donets. Ít nhất 2 Tiểu đoàn Chiến thuật chìm dưới dòng nước cùng với hàng chục xe tăng và thiết giáp. Có đánh giá, dựa trên số thi thể trôi trên con sông này, cho rằng không dưới một Trung đoàn Nga đã tử trận ở đây.
Nhận định của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh là chính xác: vượt sông là cam go, nhưng các lực lượng tiền tuyến của Nga không có đủ dự trữ và cũng chẳng có tinh thần để ngăn chặn cuộc vượt sông Oskil của quân Ukraine.
Thật thế, chỉ một ngày sau khi bản báo cáo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh được công bố, hôm Chúa Nhật, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đã công bố dữ liệu cho thấy các lực lượng Ukraine đã vượt sông Oskil.
Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 19 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận quân Ukraine đã tràn qua sông Oskil. Họ còn chiếu cảnh một chiến xa Ukraine đang chậm rãi vượt sông bằng cầu phao.
Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo? ISW cho rằng quân Ukraine đang mở rộng các vị trí ở phía đông sông Oskil và phía bắc sông Siverskyi Donets nhằm bao vây quân đội Nga đang trấn giữ thành phố Lyman.
Họ nói: “Lực lượng phòng thủ của Nga ở Lyman dường như vẫn bao gồm một phần lớn quân dự bị thuộc Lực lượng Dự bị Chiến đấu của Nga và tàn dư của các đơn vị bị thiệt hại nặng trong cuộc phản công vừa qua ở Kharkiv, và người Nga dường như không có ý định tiếp viện cho Lyman.”
Cựu Tướng Nga Igor Girkin chỉ ra rằng việc Putin bỏ rơi Lyman là hành vi vô đạo. Lực lượng Dự bị Chiến đấu của Nga chủ yếu gồm toàn tân binh, không có kinh nghiệm chiến đấu, và được huấn luyện sơ sài. Sau khi vượt sông Oskil, quân Ukraine pháo kích như mưa vào quân Nga. Lyman, không được tiếp viện và toàn tân binh quân dịch, có lẽ chỉ chờ giờ thất thủ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Thông tấn quốc gia Ukraine, Ông Serhiy Hayday, thống đốc vùng Luhansk cho biết quân Nga được giao nhiệm vụ phòng thủ ở bờ Đông sông Oskil đã bỏ chạy trước hỏa lực kinh hoàng của quân Ukraine. Họ chạy về Svatove và trốn trong một bến xe buýt. Quân Ukraine được mật báo đã pháo kích dữ dội vào địa điểm này. Ông cho biết:
“Tại Svatove, quân Nga đã tập trung trong một bến xe buýt từ 200 đến 300 quân. Tất cả đã bốc hơi.”
Người Ukraine đã một lần nữa làm điều mà không ai tin là họ có thể làm được. Họ đã một lần nữa đánh bại nước Nga được cho là hùng mạnh trên chiến trường, cho thấy sự kém cỏi và thối nát về mặt đạo đức của hệ thống Putin.
2. Tuyên bố của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine: Quân đội Ukraine giành quyền kiểm soát dòng sông Oskil gần Kharkiv sau khi Nga rút lui
Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 19 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine chính thức loan báo rằng các lực lượng Ukraine đã vượt sông Oskil ở khu vực đông bắc Kharkiv và hiện kiểm soát cả hai bờ sông.
“Lực lượng vũ trang Ukraine đã vượt sông Oskil. Kể từ hôm qua, Ukraine đã kiểm soát cả hữu ngạn và tả ngạn.”
Trung tâm Truyền Thông Chiến Lược cũng đăng video quay cảnh các xe quân sự vượt sông bằng cầu phao.
Đầu tháng này, Kirill Imashev, phóng viên quân sự trên kênh Telegram Readovka của Nga, cho biết các lực lượng Nga đã rời thành phố Kupyansk ở vùng Kharkiv cách Izium khoảng 30 dặm về phía bắc và rút lui qua sông để “tập hợp lại”. Nay các lực lượng Nga được tập hợp lại này đã chạy tiếp.
Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, quân Nga đã bỏ chạy khỏi các chiến tuyến gần sông ở Kupyansk, cũng như bảy khu định cư khác vào hôm Chúa Nhật.
Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết: “Trong ngày Chúa Nhật, quân chiếm đóng Nga đã phóng 3 hỏa tiễn và 11 cuộc không kích, bắn hơn 40 quả đạn pháo bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt vào các đối tượng dân sự trên lãnh thổ Ukraine. Hơn 20 khu định cư đã bị thiệt hại.”
Đáp lại, vào ngày Chúa Nhật, lực lượng phòng không Ukraine đã thực hiện 20 cuộc không kích; 15 trong số đó nhắm vào “khu vực tập trung binh lực và thành trì của đối phương” và 4 trong số đó đã đánh trúng “vị trí của các hệ thống hỏa tiễn phòng không”.
Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định Nga đang nhắm vào thường dân vô tội để khủng bố tinh thần chính quyền và người dân Ukraine.
Nga đã phóng vài nghìn hỏa tiễn tầm xa chống lại Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2. Tuy nhiên, trong bảy ngày qua, Nga đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự ngay cả khi họ nhận thấy không có chút tác dụng quân sự trực tiếp nào cả.
Hạng mục nhiệm vụ này bao gồm các cuộc tấn công chống lại lưới điện và một con đập trên sông Inhulets ở Kryvyi Rih.
Khi đối mặt với những thất bại trên chiến tuyến, Nga có thể đã mở rộng các địa điểm mà họ chuẩn bị tấn công nhằm cố gắng trực tiếp làm suy yếu tinh thần của người dân và chính phủ Ukraine.
3. Thị trưởng cho biết việc khai quật các thi thể ở Izium sẽ tiếp tục trong hai tuần nữa
Một quan chức địa phương cho biết trong một bản cập nhật hôm Chúa Nhật rằng, việc khai quật các thi thể từ một khu chôn cất hàng loạt ở thành phố Izium, miền đông Ukraine sẽ tiếp tục trong ít nhất là hai tuần nữa.
Thị trưởng Valerii Marchenko cho biết trong một video được đăng trên kênh truyền hình Rada TV Chúa Nhật của Quốc hội Ukraine. Ông Marchenko bày tỏ âu lo rằng tầm mức tội ác của quân Putin tại thành phố của ông vượt rất xa những gì tìm thấy tại Bucha. “Ở Bucha, quân Nga chỉ có chưa đầy một tháng. Ở đây chúng có đến hơn 5 tháng trời.”
“Cho đến nay đã có những câu chuyện được chính các nạn nhân hay gia đình của họ kể lại như các vụ quân Nga hãm hiếp tập thể các phụ nữ, cắt xẻo các phần trên thân thể họ để mua vui. Một số phụ nữ may mắn sống sót nhưng nhiều người đã bị quân Nga giết chết sau đó. Lại có trường hợp hai thanh niên bị quân Nga xẻo mất lỗ tai trước khi đem đi chôn sống. Người dân trong vùng đã tìm cách đánh dấu vị trí hai thanh niên bị giết hại. Quân Nga mở cuộc điều tra lùng bắt người đã đánh dấu. Vài ngày sau đó dân chúng thấy nổi lên trên sông một xác người đầu bị trùm trong bao bố. Biết bao những chuyện khốn nạn không thể tưởng tượng nổi có thể xảy ra trong thời đại này, đã xảy ra tại thành phố này. Putin đã muốn thiết lập một tầng đầu địa ngục ở thành phố của chúng tôi,” Marchenko nói.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết ít nhất 440 ngôi mộ “không có dấu” đã được tìm thấy trong thành phố trong những ngày gần đây. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết một số thi thể được tìm thấy ở Izium có “dấu hiệu bị tra tấn”, đổ lỗi cho Nga về điều mà ông gọi là “sự tàn ác và khủng bố”.
Thành phố này, nằm gần biên giới giữa khu vực Kharkiv và Donetsk, đã bị Nga chiếm đóng trong hơn 5 tháng và trở thành một trung tâm quan trọng cho quân đội xâm lược. Mạc Tư Khoa đã sử dụng Izium làm bệ phóng cho các cuộc tấn công về phía nam vào vùng Donetsk và Kupyansk, cách Izium khoảng 30 dặm về phía bắc, như một trung tâm đường sắt để tiếp tế cho lực lượng của mình.
“Nhiều người đã rời khỏi thành phố hiện đang báo cáo người thân mất tích. Tính đến ngày nay, Izium có 11.000 - 15.000 cư dân. Mọi người đang bắt đầu quay trở lại thành phố. Tôi nghĩ rằng trong một tháng hoặc lâu hơn sẽ có tới 30.000 cư dân. Không phải tất cả mọi người sẽ trở lại vì nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy. Hiện tại, không có nguồn cung cấp điện hoặc khí đốt trong thành phố. Điện sẽ được cung cấp không sớm hơn hai tuần. Việc khôi phục nguồn cung cấp khí đốt trong các tòa nhà nhiều chung cư là một vấn đề do mạng lưới khí đốt đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi có thể sẽ chỉ khôi phục được nguồn cung cấp khí đốt trong các ngôi nhà riêng,” Marchenko nói.
4. Zelenskiy nói “tạm lắng” trên chiến tuyến là “sự chuẩn bị cho việc giải phóng nhiều thành phố hơn”
Trong bài phát biểu hàng đêm vào tối Chúa Nhật, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy giải thích rằng bất kỳ sự chậm chạp nào được cảm nhận như là tiến trình quân sự của quân Ukraine đang chậm lại thực ra là “một sự chuẩn bị cho việc giải phóng nhiều thành phố hơn”.
“Có lẽ đối với ai đó bây giờ dường như sau một chuỗi những trận toàn thắng, chúng ta có một khoảng dừng nhất định. Nhưng đây không phải là sự tạm lắng,” tổng thống Zelenskiy nói. “Đây là sự chuẩn bị cho chuỗi tiếp theo. Từ ngữ ‘chuỗi tiếp theo’ rất quan trọng đối với tất cả chúng ta và điều đó chắc chắn phải được lắng nghe.”
“Những từ phải được nghe là tên của các thành phố được giải phóng”.
“Izium, Balakliya, Kupyansk và khu vực Kharkiv nói chung là những thành phố và cộng đồng mà chúng tôi đã giải phóng. Những từ này được nghe thấy bây giờ. Chúng được nghe thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và chắc chắn sẽ có thêm tên của những thành phố mới vang lên trên toàn thế giới.”
5. Tướng hàng đầu của Hoa Kỳ kêu gọi đề cao cảnh giác do lo ngại về những gì Putin có thể làm
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Top U.S. General Urges 'High' Alert Due to Concern Over What Putin May Do”, nghĩa là “Tướng hàng đầu của Hoa Kỳ kêu gọi đề cao cảnh giác do lo ngại về những gì Putin có thể làm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Một nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đã kêu gọi thận trọng khi Nga tiếp tục gặp phải những thất bại lớn trong cuộc xâm lược Ukraine.
Tướng Mark Milley, đương kim Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, hôm Chúa Nhật đã có chuyến thăm tới một căn cứ quân sự ở Warsaw, Ba Lan, nơi đang hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực chống lại lực lượng Nga. Phát biểu sau chuyến thăm, ông Milley nói rằng không thể đoán trước được phản ứng của Mạc Tư Khoa đối với những thất bại gần đây và kêu gọi quân đội cảnh giác trong bối cảnh tình hình căng thẳng. Ông cũng nói rằng các lực lượng Mỹ ở Âu Châu không bị coi là đang bị đe dọa, nhưng vẫn cần phải cảnh giác.
Milley nói: “Cuộc chiến đang diễn ra không suôn sẻ đối với Nga. Vì vậy, tất cả chúng ta có nhiệm vụ duy trì trạng thái sẵn sàng, cảnh giác cao độ... Khi tiến hành chiến tranh, bạn không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Chuyến thăm của Milley đến căn cứ Warsaw liên quan đến việc xem xét các hệ thống phòng thủ khác nhau ở đó, bao gồm cả dàn hỏa tiễn Patriot. Theo Reuters, hỏa tiễn “sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng” nếu lực lượng Nga tấn công căn cứ và có nguy cơ xảy ra xung đột lớn hơn với Mỹ và các đồng minh NATO. Vì lý do an ninh, các cơ quan báo chí đã được yêu cầu không đưa tin tên của căn cứ cụ thể mà Milley đã đến thăm.
Tổng thống Joe Biden đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Trong khi ông kiềm chế không đưa ra chi tiết cụ thể về những gì sẽ xảy ra, Biden đã nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ đối với một kịch bản như vậy sẽ có “những hậu quả”.
“ Đừng. Đừng. Đừng,” tổng thống nói. “Bạn sẽ thay đổi cục diện chiến tranh không giống như bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai...Nga sẽ trở thành một kẻ lạc loài trên thế giới hơn bao giờ hết. Và tùy thuộc vào mức độ của những gì họ làm, chúng tôi sẽ quyết định phản ứng nào sẽ xảy ra”.
Điện Cẩm Linh, đáp lại lời cảnh báo của Biden, đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, với phát ngôn viên Dmitry Peskov nói: “Hãy đọc học thuyết. Mọi thứ đều được viết ở đó “.
Peskov đề cập đến học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó tuyên bố rằng nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân khi đối mặt với “sự gây hấn chống lại Nga hoặc đồng minh của họ bằng việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc “khi sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa”.
Gần đây, Nga đã phải chịu một trong những thất bại đáng kể nhất trong cuộc xâm lược Ukraine, khi các lực lượng của nước này tiến hành một cuộc phản công thành công và đẩy binh sĩ Nga ra khỏi một số thành phố quan trọng ở khu vực Kharkiv. Trong suốt chiến dịch kéo dài 6 tháng, Nga đã không đạt được các mục tiêu quân sự được đề ra, trong đó có việc chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine.
Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.
Chúa Nhật 18 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo Chúa Nhật thứ 25 Mùa Quanh Năm.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:
“Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’
Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’
Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’
Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.
Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Dụ ngôn trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (x. Lc 16, 1-13) có vẻ hơi khó hiểu đối với chúng ta. Chúa Giêsu kể một câu chuyện về sự tham ô: một người quản lý gian dối, ăn cắp, và sau khi bị chủ phát hiện, đã hành động khôn khéo để thoát khỏi tình thế. Chúng ta tự hỏi: sự khôn ngoan của người quản lý đồi bại này là gì và Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì?
Trong câu chuyện này, chúng ta thấy rằng người quản lý tham nhũng sẽ gặp rắc rối như thế nào vì anh ta lợi dụng tài sản của chủ. Bây giờ anh ta phải giải trình, và anh ta sẽ mất việc. Nhưng anh ta không bỏ cuộc, không cam chịu số phận và không đóng vai nạn nhân. Ngược lại, anh ta hành động ngay lập tức với sự khôn ngoan, anh ta tìm kiếm giải pháp và tỏ ra là người nhanh trí. Chúa Giêsu sử dụng câu chuyện này như một cách để đưa ra trước chúng ta một sự khiêu khích khi Ngài nói: “con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (câu 8) Điều xảy ra là những người di chuyển trong bóng tối, theo những tiêu chuẩn nhất định của thế gian, biết cách vượt qua ngay cả khi gặp khó khăn, họ biết cách hành xử khôn ngoan hơn những người khác. Thay vào đó, các môn đệ của Chúa Giêsu, cụ thể là chúng ta, đôi khi ngủ quên hoặc ngây thơ, không biết chủ động tìm cách thoát khỏi khó khăn (xem Evangelii gaudium, 24). Ví dụ, tôi đang nghĩ đến thời kỳ khủng hoảng cá nhân hoặc xã hội, nhưng cũng là khủng hoảng của Giáo hội: đôi khi chúng ta để cho sự chán nản vượt qua mình hoặc chúng ta bắt đầu phàn nàn và đóng vai nạn nhân. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cũng có thể khéo léo vâng theo Tin Mừng, tỉnh thức và chú ý đến việc phân biệt thực tại và sáng tạo để tìm ra những giải pháp tốt cho mình và cho người khác.
Nhưng có một giáo huấn khác mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Thật vậy, chúng ta hãy tự hỏi đâu là sự khôn khéo của người quản lý? Thưa: Anh ta quyết định giảm nợ cho những người mắc nợ, và vì vậy họ trở thành bạn của anh ta và anh ta hy vọng họ có thể giúp khi chủ nhân của anh sa thải anh. Trước đây anh ta đang tích lũy của cải cho bản thân, nhưng bây giờ anh ta sử dụng nó theo cách tương tự bằng cách ăn cắp để kết bạn với những người có thể giúp đỡ anh ta trong tương lai. Sau đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách chúng ta sử dụng của cải vật chất: “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. (câu 9). Như thế, để hưởng sự sống vĩnh cửu, không cần phải tích lũy tài sản trong thế giới này, nhưng điều quan trọng là tình yêu thương mà chúng ta sẽ thể hiện trong các mối quan hệ huynh đệ của chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: đừng dùng của cải thế gian này chỉ cho riêng mình và ích kỷ, nhưng hãy dùng chúng để tạo tình bạn, tạo mối quan hệ tốt, hành động bác ái, thúc đẩy tình huynh đệ và quan tâm đến những người yếu đuối nhất.
Thưa anh chị em, ngay cả trong thế giới của chúng ta ngày nay cũng có những câu chuyện về sự tham ô như trong Tin Mừng: hành vi thiếu trung thực, chính sách bất công, tính ích kỷ chi phối sự lựa chọn của các cá nhân và thể chế, và nhiều tình huống u ám khác. Nhưng các tín hữu Kitô chúng ta không được phép nản lòng, hay tệ hơn là buông bỏ mọi thứ, và thờ ơ. Trái lại, chúng ta được kêu gọi sáng tạo làm điều thiện với sự khôn ngoan của Tin Mừng, sử dụng của cải của thế gian này, không chỉ vật chất mà là tất cả những món quà mà chúng ta đã nhận được từ Chúa, không phải để làm giàu cho bản thân, nhưng để tạo ra tình yêu thương huynh đệ và tình hiệp thông xã hội. Điều này rất quan trọng: thông qua hành vi của mình, chúng ta có thể tạo ra tình bạn xã hội.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phước để Mẹ có thể giúp chúng ta trở nên giống như chính Mẹ là người nghèo về tâm hồn và giàu lòng bác ái với tha nhân.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi cảm ơn Chúa vì chuyến đi mà tôi đã có thể thực hiện trong những ngày gần đây tới Kazakhstan để tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Tôi sẽ nói về điều đó vào thứ Tư tới tại buổi tiếp kiến chung.
Tôi rất buồn vì cuộc giao tranh gần đây giữa Azerbaijan và Armenia. Tôi bày tỏ sự gần gũi về mặt tinh thần với gia đình các nạn nhân, và tôi kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn theo quan điểm của một thỏa thuận hòa bình. Chúng ta đừng quên rằng hòa bình có thể xảy ra khi vũ khí bị tắt tiếng và bắt đầu đối thoại! Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang đau khổ và cho hòa bình trên mọi vùng đất đổ máu bởi chiến tranh.
Tôi muốn bảo đảm những lời cầu nguyện của mình cho người dân Ý ở Marches bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết và gia đình của họ, cho những người bị thương và những người bị thiệt hại nghiêm trọng. Xin Chúa ban sức mạnh cho những cộng đoàn đó!
Tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi chào các Nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội từ các cộng đồng khác nhau ở Phi Châu, Mỹ Châu Latinh, Á Châu và Âu Châu; cũng như những tín hữu của Seville và “Gruppo Secolare Nostra Signora del Cenacolo.”
Tôi chào đoàn đến từ Caturano, Giáo phận Capua; những người trẻ tuổi của “Cresima of Gazzaniga” từ Bergamo và những người từ Soliera, Modena; thành viên của cộng đồng “Figli in Cielo”; Pro Loco từ Lazio và nhóm bác sĩ thú y từ tỉnh Verona với gia đình của họ. Tôi cũng gửi lời chào đến những người trẻ tuổi của “Nền kinh tế Francesco”, những người có mặt tại quảng trường ngày hôm nay: hãy luôn tiến về phía trước! Tôi sẽ gặp sớm gặp gỡ anh chị em ở Assisi.
Tôi muốn nhắc đến một ý nghĩ đặc biệt đối với người nghèo và những người tình nguyện của “Casa di Zaccheo” ở Mesagne: xin Chúa ban phước cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
1. Quân Nga pháo kích vào Đức Hồng Y Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng ở Ukraine
Đức Hồng Y Krajewski đang có chuyến công du thứ 4 tới Ukraine theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng. Hôm nay là ngày kỷ niệm ngài được tấn phong giám mục và là ngày mà “lần đầu tiên trong đời, ngài không biết phải chạy đi đâu.”
Vatican News đưa tin rằng quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ Dịch vụ Bác ái, hiện đang trong chuyến công du thứ tư tới Ukraine theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã phải ẩn nấp dưới làn đạn pháo kích.
Cùng với những người làm việc để phân phối viện trợ, Đức Hồng Y phải chạy tìm nơi trú ẩn khi bị quân Nga pháo kích.
Ngài nói với Vatican News sau sự kiện này rằng “Lần đầu tiên trong đời, tôi không biết phải chạy đi đâu… vì chạy thôi thì không đủ. Bạn phải biết mình chạy đi đâu”.
Đây sẽ là một ngày mà Đức Hồng Y sẽ không quên, vì đó cũng là ngày kỷ niệm của ngài được tấn phong giám mục.
Đức Hồng Y Krajewski đã nói chuyện với Vatican News qua điện thoại vào hôm thứ Bảy.
Ông nói: “Hôm nay là một ngày đặc biệt, vì đã chín năm kể từ khi Đức Thánh Cha chọn tôi làm Giám Mục và vào ngày này, tôi được tấn phong Giám mục.”
Đức Hồng Y được tấn phong giám mục vào ngày 17 tháng 9 năm 2013 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong một buổi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.
Vào ngày kỷ niệm này, Đức Hồng Y Krajewski đã đến gần thành phố Zaporizhzhia của Ukraine, cùng với một Giám mục Công Giáo, một Giám mục Tin lành, và một người lính Ukraine.
Với sự giúp đỡ của họ, ngài chất đầy chiếc xe buýt nhỏ của mình với các vật dụng và lái xe đến tiền tuyến của cuộc chiến, một khu vực mà ngài nói “không ai ngoài binh lính vào được nữa” do các vụ nổ lớn.
Ngài đã đi một cách chính xác là để giúp đỡ những người mắc kẹt trong vùng đất không người này bằng một bàn tay thân thiện, thực phẩm và các vật dụng cứu trợ khác.
Vào tháng 3, vị Hồng Y đã lái một chiếc xe cứu thương do Đức Thánh Cha Phanxicô tặng đến thành phố Lviv. Ngài đi ngay sau khi rời Fatima ở Bồ Đào Nha, nơi ngài đã cử hành nghi thức thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba cùng lúc với Đức Giáo Hoàng ở Rôma.
Trong một chuyến đi trước đó để mang viện trợ và sự gần gũi của Giáo hoàng, Hồng Y Krajewski nói rằng mặc dù ngài không phải là một nhà ngoại giao, nhưng ngài vẫn trang bị “ba vũ khí tinh vi nhất của Phúc âm”: ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
“Nhờ đức tin, chúng ta có thể dời núi. Tôi tin vào điều đó. Thậm chí nhiều hơn thế để ngăn chặn một cuộc chiến ngu ngốc.”
Source:Aleteia
2. Đối thoại lắm nỗi ê chề: Vatican muốn có cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Đức Giáo Hoàng ở Kazakhstan nhưng Trung Quốc từ chối
Philip Pullella, ký giả chuyên về Vatican của Thông tấn xã Reuters, là người vừa tháp tùng Đức Thánh Cha, có bài tường trình nhan đề “Vatican sought Xi-Pope meeting in Kazakhstan, China declined – source”, nghĩa là “Vatican muốn có cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Đức Giáo Hoàng ở Kazakhstan nhưng Trung Quốc từ chối”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Vatican nói với Trung Quốc rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẵn sàng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi cả hai nhà lãnh đạo cùng ở thủ đô Kazakhstan nhưng Trung Quốc nói rằng Ông Tập không có thời gian, một nguồn tin của Vatican cho biết hôm thứ Năm.
Nguồn tin không đưa ra chi tiết về cách thức hoặc thời điểm Vatican tiếp cận với Trung Quốc, nơi mà họ tham gia vào một cuộc đối thoại tế nhị về tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này.
Nguồn tin cho biết Vatican đã đưa ra “một biểu hiện của sự sẵn sàng”. Phía Trung Quốc cho biết họ “đánh giá cao cử chỉ này” nhưng không có thời gian rảnh trong lịch trình của ông Tập.
Cả Đức Giáo Hoàng và ông Tập đều ở Nur-Sultan vào hôm thứ Tư. Ông Tập đã có chuyến thăm chính thức và Đức Giáo Hoàng đã đến đó để tham dự đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới.
Một cuộc gặp gỡ giữa hai người, dù ngắn ngủi, nhưng sẽ mang tính lịch sử.
Nói chuyện với các phóng viên tháp tùng ông trên chuyến bay đến nước cộng hòa Trung Á hôm thứ Ba, Đức Phanxicô được hỏi liệu ngài có thể gặp ông Tập ở thủ đô của nước này hay không.
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một cách bẽn lẽn: “Tôi không có tin tức gì về điều đó,” mà không nói rõ thêm.
Khi được hỏi liệu ngài có sẵn sàng đến Trung Quốc hay không, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Tôi luôn sẵn sàng để đến Trung Quốc”.
Đức Giáo Hoàng đã cố gắng xoa dịu mối quan hệ vốn có bề dày lịch sử giữa Tòa thánh và Trung Quốc, và nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 rằng ngài hy vọng sẽ gia hạn một thỏa thuận bí mật và gây tranh cãi về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc.
Source:Reuters
3. Thị trưởng Izium: Quá hãi hùng trước những phát hiện mới
Một quan chức địa phương cho biết trong một bản cập nhật hôm Chúa Nhật rằng, việc khai quật các thi thể từ một khu chôn cất hàng loạt ở thành phố Izium, miền đông Ukraine sẽ tiếp tục trong ít nhất là hai tuần nữa.
Thị trưởng Valerii Marchenko cho biết trong một video được đăng trên kênh truyền hình Rada TV Chúa Nhật của Quốc hội Ukraine. Ông Marchenko bày tỏ âu lo rằng tầm mức tội ác của quân Putin tại thành phố của ông vượt rất xa những gì tìm thấy tại Bucha. “Ở Bucha, quân Nga chỉ có chưa đầy một tháng. Ở đây chúng có đến hơn 5 tháng trời.”
“Cho đến nay đã có những câu chuyện được chính các nạn nhân hay gia đình của họ kể lại như các vụ quân Nga hãm hiếp tập thể các phụ nữ, cắt xẻo các phần trên thân thể họ để mua vui. Một số phụ nữ may mắn sống sót nhưng nhiều người đã bị quân Nga giết chết sau đó. Lại có trường hợp hai thanh niên bị quân Nga xẻo mất lỗ tai trước khi đem đi chôn sống. Người dân trong vùng đã tìm cách đánh dấu vị trí hai thanh niên bị giết hại. Quân Nga mở cuộc điều tra lùng bắt người đã đánh dấu. Vài ngày sau đó dân chúng thấy nổi lên trên sông một xác người đầu bị trùm trong bao bố. Biết bao những chuyện khốn nạn không thể tưởng tượng nổi có thể xảy ra trong thời đại này, đã xảy ra tại thành phố này. Putin đã muốn thiết lập một tầng đầu địa ngục ở thành phố của chúng tôi,” Marchenko nói.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết ít nhất 440 ngôi mộ “không có dấu” đã được tìm thấy trong thành phố trong những ngày gần đây. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết một số thi thể được tìm thấy ở Izium có “dấu hiệu bị tra tấn”, đổ lỗi cho Nga về điều mà ông gọi là “sự tàn ác và khủng bố”.
Thành phố này, nằm gần biên giới giữa khu vực Kharkiv và Donetsk, đã bị Nga chiếm đóng trong hơn 5 tháng và trở thành một trung tâm quan trọng cho quân đội xâm lược. Mạc Tư Khoa đã sử dụng Izium làm bệ phóng cho các cuộc tấn công về phía nam vào vùng Donetsk và Kupyansk, cách Izium khoảng 30 dặm về phía bắc, như một trung tâm đường sắt để tiếp tế cho lực lượng của mình.
“Nhiều người đã rời khỏi thành phố hiện đang báo cáo người thân mất tích. Tính đến ngày nay, Izium có 11.000 - 15.000 cư dân. Mọi người đang bắt đầu quay trở lại thành phố. Tôi nghĩ rằng trong một tháng hoặc lâu hơn sẽ có tới 30.000 cư dân. Không phải tất cả mọi người sẽ trở lại vì nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy. Hiện tại, không có nguồn cung cấp điện hoặc khí đốt trong thành phố. Điện sẽ được cung cấp không sớm hơn hai tuần. Việc khôi phục nguồn cung cấp khí đốt trong các tòa nhà nhiều chung cư là một vấn đề do mạng lưới khí đốt đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi có thể sẽ chỉ khôi phục được nguồn cung cấp khí đốt trong các ngôi nhà riêng,” Marchenko nói.
4. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan
Theo Vatican News, Trên chuyến bay trở về Rôma từ Kazakhstan hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên rằng “phương Tây suy đồi tạo ra chủ nghĩa dân túy; về chính trị, chúng ta phải bắt đầu lại từ các giá trị.... Với Trung Quốc, chúng ta cần kiên nhẫn đối thoại.”
Ngài cũng nói đến cuộc chiến ở Ukraine, quyền tự vệ của một quốc gia và nạn buôn bán vũ khí.
Trả lời câu hỏi về tình hình ở Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Giáo hội cần các mục tử, chứ không phải các kế hoạch mục vụ.
Mở đầu cuộc họp báo, Đức Giáo Hoàng đã chúc mừng sinh nhật nhà báo Stefania Falasca của Avvenire và sau đó có một chiếc bánh để chúc mừng cô.
Sau đây là nguyên văn cuộc họp báo dựa vào bản tiếng Anh không chính thức của Bộ Truyền thông Tòa Thánh:
Zhanat Akhmetova, Đài tuyền hình Khabar: “Thưa Đức Thánh Cha, xin chúc Đức Thánh Cha một ngày tốt đẹp. Xin chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Kazakhstan. Kết quả chuyến thăm của Đức Thánh Cha, nguồn gốc của dân tộc chúng con, điều gì đã truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha?”
Đối với tôi, đó cũng là một điều ngạc nhiên, bởi vì Trung Á - ngoại trừ âm nhạc của Borodin - tôi thực sự không biết gì cả. Thật bất ngờ khi tìm thấy các đại diện của quốc gia này. Và Kazakhstan cũng thực sự là một bất ngờ, vì tôi không ngờ mọi chuyện lại như vậy. Tôi biết rằng đó là một đất nước, một thành phố, đã phát triển tốt, theo một cách thức thông minh. Thế nhưng, chỉ ba mươi năm kể từ ngày độc lập, đã thấy có sự phát triển như vậy, tôi không ngờ.
Ngoài ra, nó là một đất nước rộng lớn như vậy, mà chỉ có mười chín triệu dân – thật không thể tin được. Rất kỷ luật, và tốt đẹp. Với rất nhiều vẻ đẹp: kiến trúc của thành phố được bố trí cân đối, hợp lý. Một thành phố hiện đại, một thành phố mà tôi có thể nói là “của tương lai.”
Đó là điều khiến tôi hết sức có ấn tượng: khát vọng tiến lên không chỉ trong kỹ nghệ, phát triển kinh tế và vật chất, mà còn cả phát triển văn hóa nữa. Đó là một bất ngờ mà tôi không mong đợi. Rồi, Đại hội là một biến cố rất quan trọng. Nó là lần thứ bảy đấy. Điều này có nghĩa đó là một quốc gia có tầm nhìn xa, đem vào đối thoại những người thường bị loại bỏ. Bởi vì có một nhận thức cấp tiến của thế giới, đối với họ, các giá trị tôn giáo là thứ đầu tiên bị loại bỏ. Đó là một quốc gia cung cấp cho thế giới một đề xuất như vậy - bây giờ là lần thứ bảy; quả tuyệt vời! Nếu có thời gian tôi sẽ quay lại cuộc họp liên tôn này. Bạn có thể tự hào về đất nước và quê hương mà bạn có.
1. Cựu Tư lệnh NATO cảm thấy bất ngờ trước sự yếu kém của Nga ở Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 'Incompetence' Surpassed Expectations in Ukraine: Ex-NATO Commander”, nghĩa là “ Cựu Tư lệnh NATO cảm thấy bất ngờ trước sự yếu kém của Nga ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO James Stavridis hôm Chúa Nhật nói rằng “sự kém cỏi” của quân đội Nga trong cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin là điều khá bất ngờ.
“Sự kém cỏi của người Nga đã vượt qua những gì tôi mong đợi. Đơn giản là họ đã thất bại trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần, một kế hoạch chiến đấu tốt, và quân đội đủ năng lực,” Tướng Stavridis nói trong một lần xuất hiện trong chương trình Sunday TODAY trên NBC.
Phát biểu của ông được đưa ra sau một số cuộc tiến công thành công của các lực lượng Ukraine, bao gồm cả cuộc phản công Kharkiv, khiến lực lượng Nga phải rút lui khỏi các thành phố quan trọng như Izium vào tuần trước, cho thấy Mạc Tư Khoa đang gặp khó khăn trong cuộc chiến của mình, theo các chuyên gia.
Quốc gia Đông Âu cũng đã phát động một cuộc phản công nhằm giành lại các khu vực ở miền nam Kherson, nơi họ đã lấy lại được thị trấn Vysokopillia vào mấy ngày trước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai cho biết quân đội đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 2.320 dặm vuông lãnh thổ kể từ khi cuộc phản công được phát động hồi đầu tháng 9.
Tư lệnh NATO về hưu đã đưa ra nhận xét tương tự vào tháng 5 khi ông chỉ ra “sự kém cỏi đáng kinh ngạc” của quân đội Nga, vào thời điểm một số tướng lĩnh Nga đã chết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2.
“Trong lịch sử hiện đại, không có tình huống nào có thể so sánh được về cái chết của các vị tướng,” Tướng Stavridis nói vào thời điểm đó. “Xin nêu một ví dụ để so sánh, Hoa Kỳ, trong tất cả các cuộc chiến của chúng ta ở Afghanistan và Iraq... trong ngần ấy năm và tất cả những trận chiến đó, không một vị tướng nào bị thiệt mạng trong trận chiến.”
Tướng Stavridis cũng nhận xét rằng Nga bắt đầu nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, bao gồm cả việc đánh vào lưới điện của nước này khi nước này mất động lực. Bộ Quốc phòng Anh cũng đưa ra nhận xét tương tự vào hôm Chúa Nhật trong một thông tin tình báo.
Hôm thứ Năm, BBC đưa tin rằng Nga đã bắn hỏa tiễn trúng một đập chứa nước gần thành phố Kryvyi Rih của Ukraine, làm ngập lụt các ngôi nhà và khiến các quan chức phải di tản một số khu vực. Zelenskiy nói rằng con đập “không có giá trị quân sự nào cả.”
Quân đội Nga gần đây cũng tấn công vào các nhà máy điện, trong khi một số quan chức Nga nói rằng họ vẫn thành công trong cuộc chiến ở Ukraine, bất chấp các chuyên gia chỉ ra những thất bại của họ.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Zelenskiy, nói với hãng tin Interfax hôm thứ Sáu rằng các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy điện sẽ chỉ thúc đẩy các quốc gia phương Tây gửi vũ khí tốt hơn tới Ukraine.
Hoa Kỳ dự kiến sẽ gửi thêm khoản hỗ trợ quân sự trị giá 600 triệu Mỹ Kim cho Ukraine để giúp quân đội tiếp tục các hoạt động phản công. Gói viện trợ quân sự bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị bổ sung từ kho của Bộ Quốc phòng. Mỹ đã gửi tổng số tiền viện trợ quân sự trị giá 15,8 tỷ Mỹ Kim kể từ khi xâm lược.
Vào tháng 8, Tướng Stavridis cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh WABC của New York rằng ông tin rằng Putin biết “mình đã mắc sai lầm” khi xâm lược Ukraine.
“Công khai, ông ta sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó. Không bao giờ. Ông ta sẽ tiếp tục duy trì điều viễn tưởng rằng Ukraine được điều hành bởi 'Đức quốc xã mới'. Rõ ràng là nực cười,” Tướng Stavridis nói.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
2. Phản ứng của thế giới trước việc phát hiện các ngôi mộ tập thể ở Izium
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili đã đưa ra những lời chỉ trích nặng nề nhằm vào Nga hôm Chúa Nhật sau khi Ukraine phát hiện ra những ngôi mộ tập thể ở Izium vào đầu tuần này.
Tổng thống Zourabichvili lên án “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất đối với những hành động tàn bạo mà Nga đã gây ra ở Izium,” và nói thêm rằng “những tội ác chiến tranh này phải được đưa ra trước công lý.”
Hiện có những âu lo rằng tầm mức tội ác của quân Putin tại thành phố Izium vượt rất xa những gì tìm thấy tại Bucha. Ở Bucha, quân Nga chỉ có chưa đầy một tháng. Ở Izium chúng có đến hơn 5 tháng trời.
Thị trưởng Izium, Ông Valerii Marchenko cho biết:
“Cho đến nay đã có những câu chuyện được chính các nạn nhân hay gia đình của họ kể lại như các vụ quân Nga hãm hiếp tập thể các phụ nữ, cắt xẻo các phần trên thân thể họ để mua vui. Một số phụ nữ may mắn sống sót nhưng nhiều người đã bị quân Nga giết chết sau đó. Lại có trường hợp hai thanh niên bị quân Nga xẻo mất lỗ tai trước khi đem đi chôn sống. Người dân trong vùng đã tìm cách đánh dấu vị trí hai thanh niên bị giết hại. Quân Nga mở cuộc điều tra lùng bắt người đã đánh dấu. Vài ngày sau đó dân chúng thấy nổi lên trên sông một xác người đầu bị trùm trong bao bố. Biết bao những chuyện khốn nạn không thể tưởng tượng nổi có thể xảy ra trong thời đại chúng ta, đã xảy ra tại thành phố này. Putin đã muốn thiết lập một tầng đầu địa ngục ở thành phố của chúng tôi,” Marchenko nói.
Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, hôm Chúa Nhật nói rằng những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở Izium là bằng chứng mới nhất về tội ác chiến tranh của Nga ở nước này.
“Rõ ràng Anh và Canada là hai trong số những quốc gia mạnh mẽ nhất trong việc ủng hộ Ukraine và đẩy lùi các hành động phi pháp của Nga”, ông Trudeau nói với các phóng viên tại London, nơi ông sẽ tham dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth.
Ông nói thêm: “Những hành động tội ác của Nga ngày càng gia tăng, rõ ràng là bao gồm cả tội ác chiến tranh, bao gồm những tội ác tuyệt đối không thể chấp nhận được, khi chúng ta nghĩ về những gì chúng ta tìm thấy ở Bucha hay việc phát hiện ra những ngôi mộ tập thể trên các vùng lãnh thổ mới được Ukraine tái chiếm”.
“Cần phải có một cuộc điều tra thích hợp và minh bạch và Vladimir Putin, những người ủng hộ ông và quân đội Nga cần phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo mà họ đã và đang tiếp tục thực hiện ở Ukraine.”
3. Quan chức quân đội Ukraine cho biết các cuộc pháo kích của Nga khiến nhà máy điện vùng Donetsk bốc cháy
Một quan chức địa phương cho biết một nhà máy nhiệt điện nằm ở miền đông Donetsk đã bị Nga pháo kích vào sáng thứ Bảy.
Ông Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk, cho biết vụ pháo kích diễn ra tại nhà máy điện Sloviansk.
Kyrylenko viết: “Các nhân viên cứu hỏa hiện đang dập tắt ngọn lửa bùng lên từ vụ pháo kích. Ông cho biết nhiều thiết bị đã bị hư hỏng”.
Quan chức Ukraine cho biết thêm, việc pháo kích vào thành phố Mykolaivka, nơi có nhà máy điện Sloviansk cũng đã làm gián đoạn nguồn cung cấp nước trong khu vực.
Kyrylenko nói: “Quân xâm lược đang cố tình nhắm vào các cơ sở hạ tầng trong khu vực, cố gắng gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể cho dân thường”.
4. Tổng thống Biden nhận định không có dấu hiệu “cho thấy” Trung Quốc đã gửi vũ khí hoặc viện trợ cho người Nga ở Ukraine “cho đến nay”
Trong một đoạn clip mới về cuộc phỏng vấn “60 phút”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chia sẻ chi tiết hơn về cuộc trò chuyện của ông vào mùa đông năm ngoái với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “sai lầm to lớn” sẽ xảy ra nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine.
Biden nói thêm rằng “cho đến nay” không có dấu hiệu “cho thấy” rằng Trung Quốc đã đưa vũ khí hoặc “những thứ khác mà Nga muốn” để hỗ trợ cho cuộc chiến của họ ở Ukraine.
Tổng thống định bổ sung câu nói của mình thì ông dừng lại, nói: “Chà, có lẽ tôi không nên nói thêm nữa.”
Scott Pelly của CBS đã cầu xin Biden đi tiếp - nhưng Biden đã dứt khoát từ chối.
“Tôi đã gọi cho Chủ tịch Tập. Không phải để đe dọa gì cả, chỉ để nói với ông ta, chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Và tôi đã nói rằng, 'nếu bạn nghĩ rằng người Mỹ và những người khác sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc dựa trên việc bạn vi phạm các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Nga, tôi nghĩ bạn đang mắc một sai lầm to lớn. Nhưng đó là quyết định của bạn”.
CNN trước đó đã đưa tin rằng Biden đã sử dụng cuộc gọi video dài 110 phút đó vào tháng 3 để ngăn cản ông Tập hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
5. Các lực lượng Ukraine không loại bỏ các vũ khí bị hư hỏng nhưng sửa chữa để tiếp tục phản công chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Reuters tường thuật rằng một số thành viên của đội sửa chữa khoảng 50 người đã cho các phóng viên xem hình ảnh các vũ khí bị hư hỏng do Mỹ cung cấp, bao gồm cả pháo M777, mà ở phương Tây từ lâu đã bị coi là vượt quá phạm vi sửa chữa.
Nhưng điều đó không xảy ra ở Ukraine.
Người Ukraine đang xoay sở để đưa những vũ khí này trở lại trận chiến, nhờ sự hướng dẫn từ các lực lượng Mỹ và năng lực sản xuất của Kyiv cho phép nước này thiết kế các bộ phận phụ tùng.
Kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 6, hơn một chục kênh hội nghị từ xa đã được thiết lập với hơn 100 địa chỉ liên lạc của Ukraine.
Nhưng ưu tiên hỗ trợ đang được dành cho M777 và hệ thống hỏa tiễn pháo cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, vốn là trọng tâm trong cuộc phản công của Ukraine gần 7 tháng kể từ khi quân Nga xâm lược.
Trong những ngày này, các bloggers quân sự Nga ủng hộ Điện Cẩm Linh cáo buộc Tiệp và Slovakia cử công binh sang Ukraine sửa chữa các xe tăng và thiết giáp Nga bị Ukraine tịch thu trong cuộc phản công Kharkiv để quân Ukraine sử dụng chống lại quân Nga. Không biết điều đó có đúng sự thật hay không. Tuy nhiên, trước đây Tiệp và Slovakia đã từng cam kết sẽ giúp quân Ukraine sửa chữa các xe tăng và thiết giáp của Ukraine.
6. Đô đốc Tham Mưu Trưởng Liên Quân Anh nhận định rằng các vấn đề của Putin ngày càng nhiều và không đủ nhân lực
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Problems 'Mounting,' Doesn't Have 'Sufficient' Manpower: Admiral”, nghĩa là “Đô đốc Tham Mưu Trưởng Liên Quân Anh nhận định rằng các vấn đề của Putin ngày càng nhiều và không đủ nhân lực.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với các vấn đề “gia tăng” khi các lực lượng Ukraine tiếp tục các nỗ lực phản công trong lãnh thổ bị chiếm đóng, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Anh, Ngài Tony Radakin cho biết hôm Chúa Nhật.
Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, hy vọng quân đội lớn của ông sẽ giành chiến thắng trước nước láng giềng Đông Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã đáp trả quân đội Điện Cẩm Linh với nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi, ngăn cản Nga đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào sau hơn 6 tháng giao tranh.
Trong những tuần gần đây, Ukraine bắt đầu các nỗ lực phản công nhằm giành lại các khu vực quan trọng bao gồm Kherson và các lãnh thổ gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Trong cuộc phản công của Ukraine tại Kharkiv, người Nga nhanh chóng rút lui. Cuộc chiến để kiểm soát Kherson vẫn đang tiếp diễn.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Radakin nói rằng Putin đang “thất bại trong tất cả các mục tiêu chiến lược quân sự của mình.”
“Ông ta muốn khuất phục Ukraine. Điều đó đã không xảy ra. Ông ta muốn chiếm thủ đô của họ. Chúng ta đã thấy rằng điều đó đã thất bại trước đó. Chúng ta thấy rằng ông ấy muốn làm suy yếu NATO. NATO hiện nay mạnh hơn nhiều, và chúng ta có Phần Lan và Thụy Điển tham gia. Ông ấy muốn phá vỡ quyết tâm quốc tế, nhưng thực ra, điều đó đã được củng cố trong giai đoạn này.”
Ông nói thêm rằng Putin đang “chịu áp lực” ở Ukraine, và giải thích những thách thức chính xác mà quân đội Mạc Tư Khoa phải đối mặt.
“Các vấn đề của ông ta đang gia tăng. Ông ta luôn gặp vấn đề về nhân sự và trang thiết bị. Ông ta không có đủ nhân lực. Lực lượng bộ binh của ông ta quá mỏng”.
Ông nói thêm rằng việc Ukraine đón nhận được sự ủng hộ của các đồng minh quốc tế, những người đã cung cấp cho Kyiv sự hỗ trợ quân sự trong bối cảnh xung đột, đang “có tác động trên mặt đất”, do đó làm tăng thêm “thất bại” chiến lược của Putin.
Ukraine đạt được thành công trong phản công
Các chuyên gia cho rằng cuộc phản công Kharkiv của Ukraine, dường như có thể khiến Nga bất ngờ, đã kết thúc bằng việc các lực lượng Nga rút lui khỏi các thành phố quan trọng như Izium vào tuần trước.
Trong khi đó, giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền nam Ukraine, nơi quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hy vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát thành phố trọng điểm, đóng vai trò là cửa ngõ vào Crimea, khu vực bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Tình báo Anh hôm Chúa Nhật cho biết Nga, trong bối cảnh bị thiệt hại, đã tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả cuộc tấn công nhằm vào lưới điện của Ukraine.
Những thành công của Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về tương lai của cuộc chiến, với một số người Nga nổi tiếng bày tỏ sự bất bình và thất vọng đối với Putin. Mặc dù vậy, các quan chức Nga cho biết họ không lùi bước trong cuộc chiến.
Ukraine sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Nga
Phát biểu của Radakin được đưa ra khi Chánh văn phòng Andriy Yermak của Zelenskiy nói rằng không có ích lợi gì khi tổ chức các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Nga. Đã có một số nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, nhưng không có thỏa thuận nào đạt được sự đồng thuận.
“Vấn đề đối với Nga chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực. Nỗ lực thương lượng với bọn tội phạm trông thật vô lý,” ông nói.
Thay vào đó, ông chỉ ra “chỉ có các biện pháp trừng phạt và lợi thế quân sự” là những cách để chấm dứt xung đột. Nga cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự, với một quan chức nói rằng Ukraine phải “đầu hàng hoàn toàn” là cách duy nhất để Nga đồng ý chấm dứt chiến tranh.
“Cái ác chỉ có thể ngăn chặn bằng cách tiêu diệt nó. Chúng tôi có khả năng tiêu diệt cái ác,” Yermak viết.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
Hôm 16 tháng 9, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Cha Paul R. Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, sẽ đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster vào Thứ Hai ngày 19 tháng 9 năm 2022.
Tưởng cũng nên biết, Đức Cha Paul Gallagher là người Anh. Do đó, đây cũng là điều phù hợp và là một dịp thích hợp để ngài về thăm quê hương.
Đã có những căng thẳng ngoại giao chung quanh tang lễ của Nữ Hoàng Anh. Điện Cẩm Linh nói rằng quyết định cấm Vladimir Putin tham dự lễ tang của Nữ hoàng là 'vô cùng trái đạo đức'.
Các quan chức Điện Cẩm Linh cho biết, Anh quốc đã đưa ra quyết định không mời bất kỳ quan chức Nga nào tới dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth và coi đó là một quyết định 'vô đạo đức sâu sắc'.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Điện Cẩm Linh Maria Zakharova cho biết Nga vẫn đưa ra lời chia buồn tới người dân Anh về cái chết của bà bất chấp biến cố không được mời này.
Trong một tuyên bố gửi đến hãng thông tấn Tass, bà Zakharova cho biết: 'Bộ Ngoại giao Anh đã thông báo cho Đại sứ quán Nga tại London về quyết định không mời Nga tham dự lễ tang sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II. Quyết định này bao gồm cả các quan chức cấp cao của Đại sứ quán Nga đang có mặt tại London.”
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Điện Cẩm Linh nói tiếp: “Chúng tôi tin rằng việc Vương quốc Anh cố gắng lợi dụng một thảm kịch quốc gia đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên thế giới để dàn xếp tỷ số với chúng tôi trong những ngày tang tóc này là vô cùng trái đạo đức.”
Phu nhân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được tường trình sẽ có mặt tại tang lễ của Nữ Hoàng.
Source:Holy See Press Office
2. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng trước nhận xét của Dtc Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong cuộc họp báo hôm 14 tháng 9, phóng viên của thông tấn xã AFP hỏi phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc (Mao Ning, 毛宁)rằng
Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Giáo Hội Công Giáo Rôma hôm qua cho biết trên đường đến Kazakhstan rằng ngài sẵn sàng đến Trung Quốc bất cứ lúc nào. Trung Quốc có cân nhắc đàm phán với Đức Giáo Hoàng không?
Mao Ninh trả lời rằng: Tôi cũng đã ghi nhận các báo cáo liên quan và đánh giá cao tình hữu nghị và thiện chí mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền đạt. Trung Quốc và Vatican duy trì liên lạc tốt. Chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục duy trì đối thoại và hợp tác với Vatican và tích cực thúc đẩy quá trình cải thiện quan hệ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng sớm hôm 13 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường thực hiện chuyến tông du lần thứ 38 trong triều đại Giáo hoàng của ngài, tại Nur-Sultan, thủ đô Cộng hòa Kazakhstan, cho đến chiều ngày 15 tháng Chín, với mục đích tham dự Hội nghị Lần thứ 7 các vị lãnh đạo Thế giới và các truyền thống tôn giáo, và viếng thăm cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo địa phương.
Như thói quen, Đức Thánh Cha đã chào thăm các ký giả cùng đi và cám ơn họ vì sự kiên nhẫn và trợ giúp trong chuyến đi này. Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi luôn sẵn sàng đến Trung Quốc”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, giữa chuyến công du ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia Trung Á. Reuters đưa tin rằng Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không “có bất kỳ tin tức nào” về suy đoán rằng ngài có thể gặp ông Tập trong chuyến đi. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô và Tập Cận Bình cùng có mặt tại một thành phố. Lần thứ nhất xảy ra là khi Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ từ 22 đến 27 tháng 9 năm 2015.
Chuyến thăm trùng hợp của Đức Phanxicô và ông Tập diễn ra khi Tòa thánh và Trung Quốc xác định việc gia hạn thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc và một Hồng Y Công Giáo đang chuẩn bị hầu tòa ở Hương Cảng vì vai trò của ngài trong một quỹ pháp lý ủng hộ dân chủ.
Một nguồn tin trong Quốc hội Kazakhstan nói với CNA vào tuần trước rằng “về mặt lý thuyết là có thể” là Đức Giáo Hoàng và ông Tập có thể gặp nhau trong chuyến đi. Nhưng một cuộc gặp gỡ như vậy sẽ là chưa từng có.
Source:fmprc.gov.cn
3. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. Cung cấp vũ khí cho Ukraine
Rudiger Kronthaler, ARD: “Thưa Đức Thánh Cha, xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì thông điệp hòa bình của ngài, con là người Đức, như Đức Thánh Cha có thể nghe thấy từ giọng nói của con. Người dân của con phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu cái chết cách đây tám mươi năm. Con muốn hỏi một câu hỏi về hòa bình, vì dân tộc của con có trách nhiệm đối với hàng triệu người chết, chúng con học ở trường rằng bạn không bao giờ được sử dụng vũ khí, không bao giờ được dùng bạo lực: ngoại lệ duy nhất là quyền tự vệ. Theo Đức Thánh Cha, Ukraine có nên được cung cấp vũ khí vào lúc này không? “
Đây là một quyết định chính trị, có thể là đạo đức - có thể chấp nhận được về mặt đạo đức - nếu nó được thực hiện theo các điều kiện của đạo đức, vốn đa dạng, và sau đó chúng ta có thể nói về nó. Nhưng nó có thể là trái đạo đức nếu nó được thực hiện với ý định kích động thêm chiến tranh hoặc bán vũ khí hoặc loại bỏ những vũ khí không còn cần thiết. Động cơ là điều phần lớn xác định ra tính đạo đức của hành vi này. Tự vệ không những hợp pháp mà còn là biểu thức nói lên tình yêu quê hương đất nước. Những người không bảo vệ chính mình, những người không bảo vệ một điều gì đó, thì không yêu thương nó, trái lại, những người bảo vệ nó, chắc chắn yêu thương nó.
Ở đây bạn đề cập đến một điều khác mà tôi đã nói trong một bài phát biểu của mình, đó là người ta nên suy nghĩ nhiều hơn về khái niệm chiến tranh chính nghĩa. Bởi vì ngày nay mọi người đều nói về hòa bình: trong rất nhiều năm, trong bảy mươi năm, Liên Hiệp Quốc đã nói về hòa bình; họ đã có rất nhiều bài phát biểu về hòa bình. Nhưng hiện tại có bao nhiêu cuộc chiến đang diễn ra? Cuộc chiến bạn đề cập, Ukraine-Nga, bây giờ là Azerbaijan và Armenia đã ngừng một thời gian nhờ Nga đóng vai trò người bảo đảm: người bảo đảm hòa bình ở đây và gây chiến ở kia... Sau đó là Syria, mười năm chiến tranh, điều gì tiếp tục ở đó mà vì đó nó không bao giờ dừng lại? Những lợi ích nào đang thúc đẩy những thứ này? Rồi vùng Sừng Phi Châu, rồi phía bắc Mozambique, hay Eritrea và một phần của Ethiopia, rồi đến Myanmar với những con người đau khổ mà tôi vô cùng yêu mến, những người Rohingya cứ đi quanh quẩn như một người gypsy và không tìm thấy bình yên. Nhưng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh thế giới, làm ơn...
Tôi nhớ một sự kiện có tính bản thân, khi còn nhỏ; lúc ấy tôi chín tuổi. Tôi nhớ nghe tiếng báo động của tờ báo lớn nhất ở Buenos Aires: đôi khi để ăn mừng và những lúc khác để đưa tin xấu. Họ sẽ nói điều đó - bây giờ họ không còn nói nữa - và điều đó được nghe thấy ở khắp thành phố. Mẹ nói: “Chuyện gì vậy?” Chúng tôi đang ở trong chiến tranh, năm 1945. Một người hàng xóm đến nhà, và nói, “Chuông báo động...” và bà ấy khóc, “Chiến tranh đã kết thúc!” Và tôi vẫn thấy má và người hàng xóm khóc vì sung sướng vì chiến tranh đã kết thúc, ở một đất nước Nam Mỹ, rất xa! Những người phụ nữ này biết rằng hòa bình lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh, và họ đã khóc vì sung sướng khi hòa bình được tạo ra. Tôi không thể quên điều đó.
Tôi tự hỏi, không biết ngày nay trái tim chúng ta có được giáo dục đủ để khóc vì sung sướng khi thấy hòa bình hay không. Mọi thứ đã thay đổi. Nếu bạn không gây chiến, bạn không có ích gì! Rồi kinh doanh vũ khí. Đây là một cửa hàng của các sát thủ. Ai đó hiểu về số liệu thống kê đã nói với tôi rằng nếu bạn ngừng chế tạo vũ khí trong một năm, bạn sẽ giải quyết được tất cả nạn đói trên thế giới - tôi không biết điều đó có đúng hay không. Nhưng nạn đói, nền giáo dục; nó vô dụng, bạn không thể vì bạn phải chế tạo vũ khí.
Ở Genoa vài năm trước đây, ba hoặc bốn năm trước đây, một con tàu chở đầy vũ khí đã đến để chuyển chúng sang một con tàu lớn hơn sắp đi đến Phi Châu, gần Nam Sudan. Các công nhân bến tàu không muốn làm điều đó; họ phải trả giá, nhưng họ nói, “Tôi sẽ không hợp tác.” Đó là một giai thoại nhưng là một giai thoại khiến người ta cảm thấy ý thức về hòa bình.
Bạn nói về quê hương của bạn. Một trong những điều tôi học được từ các bạn là khả năng ăn năn và xin tha thứ cho những sai lầm trong chiến tranh. Và điều nữa, không chỉ xin tha thứ, mà còn đền trả cho những sai lầm trong chiến tranh nữa - điều này nói rất tốt về các bạn. Đó là một tấm gương mà chúng ta nên noi theo. Chiến tranh tự nó là một sai lầm; đó là một sai lầm! Và ngay bây giờ chúng ta đang hít thở bầu không khí này: nếu không có chiến tranh thì dường như không có sự sống. Hơi lộn xộn nhưng tôi đã nói tất cả những gì tôi muốn nói về chiến tranh chính nghĩa. Nhưng quyền tự vệ, thì có, điều đó có, nhưng hãy sử dụng nó khi cần thiết.