Ngày 19-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 19/09/2016
22. THƠ CƯỜI NHẠO ĐÔNG GIA.
Bao tú tài ở Thái Nguyên dạy học tại một nhà phú ông họ Đông.
Đông gia rất hà tiện, mùa đông đến ông ta tặng cho người thân một con chó nhỏ làm quà, và người thân này cũng rất hà tiện, qua mấy ngày sau liền đem con chó nhỏ đã nấu chín làm quà tặng lại.
Đông gia mời Bao tú tài nhập tiệc nhậu thịt chó, và ra lệnh cho anh ta lấy việc ấy làm một bài thơ. Bao tú tài ngâm lớn:
- “Chó nhỏ đi chó nhỏ lại đến, hai nhà thân thuộc không cùng đi; hệt như tiểu sinh đi khoa cử, tú tài đến tú tài lại đi”.
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư 22:
Thời nay người ta đua đòi theo kiểu văn minh của người nước ngoài, đó là thích nuôi chó làm kiểng, ra đường thích ôm một con chó nhỏ với bộ lông được sơn phết xanh đỏ, lại còn vuốt ve hôn hít hơn cả hôn con của mình !
Thời nay người ta đua nhau tặng quà trong những dịp sinh nhật của nhau, món quà càng giá trị thì cái sĩ diện của người tặng cũng như người nhận càng lớn, họ coi đó là chuẩn mực của sự giao tế hằng ngày, nhưng rất ít người đem quà giá trị tặng cho người hành khất bên vệ đường.
Đức Chúa Giê-su là người nghèo đói đang ngửa tay xin cơm ăn bên lề đường; Đức Chúa Giê-su là người bị khinh chê tủi nhục nơi các ổ điếm và giữa cảnh đời bất hạnh; Đức Chúa Giê-su là người đang chạy trốn bom đạn bởi những người thích quyền lực đấu đá tranh nhau ngồi vị bá chủ hoàn cầu; Đức Chúa Giê-su đang âm thầm khóc tủi thân nơi những người lao động nước ngoài, và Đức Chúa Giê-su là anh chị sinh viên nghèo ham học nơi ký túc xá đang làm bồi bàn trong các nhà hàng để kiếm tiền đóng học phí mà không đủ...
Tặng cho nhau những lời khách sáo trong ngày sinh nhật của mình hay của bạn bè thì không có ích lợi gì cho nhau, bởi vì chính chúng ta quá quen thuộc với những lời trống rỗng ấy, Thiên Chúa đều biết rất rõ những điều ấy hơn cả chúng ta.
Hãy trao tặng nhau quả tim nhân ái và khoan dung trong những “mốt” đời thường, để được lại nhiều quả tim nhân ái khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 19/09/2016

9. Mục đích duy nhất cuộc sống của tôi ở trần gian này chính là để sửa soạn rước Thánh Thể.

(Thánh John Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Mathêu Tông đồ
Lm Anthony Trung Thành
09:59 19/09/2016
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Mathêu Tông đồ

Ngày 21/9

Vì yêu thương, Thiên Chúa không những dựng nên con người, mà Ngài còn quan phòng chăm sóc con người, mong muốn cho mọi người được hưởng ơn cứu độ. Đọc lại lịch sử dân Do thái chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Khi Adam phạm tội, vì xấu hổ nên muốn lẫn trốn. Ngài đã đích thân tìm kiếm và gọi ông: “Adam, ngươi đang ở đâu?” (St 3,9). Và Ngài không bỏ rơi ông bà và con cháu. Ngài hứa ban Đấng Cứu độ đến để cứu chuộc con người. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Ngài thường đích thân đi tìm kiếm, gặp gỡ để giải thoát con người: Ngài giải thoát họ khỏi bị lưu đày bên Ai cập; qua Môsê, Ngài dẫn dắt họ 40 năm hành trình trong sa mạc để về đất hứa. Biết bao nhiêu lần dân chúng bỏ Ngài để thờ thần dân ngoại, Ngài lại đi tìm và khi họ sám hối ăn năn, Ngài đã tha thứ để họ trở về…Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách đầy đủ việc Thiên Chúa luôn đi tìm con người rằng: “Những kẻ không hỏi Ta thì Ta đã cho gặp; những kẻ không tìm Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy. Với một dân chẳng biết kêu cầu Ta, Ta đã phán: ‘Ta đây, Ta đây này !’” (Is 60,1).

Sang thời Tân Ước, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm con người. Tin Mừng kể lại nhiều dụ ngôn nói về điều này. Đáng lưu ý nhất là ba dụ ngôn: Đồng bạc bị đánh mất, con chiên bị lạc và người cha nhân hậu (x. Lc 15, 1-31). Hình ảnh người đàn bà đốt đèn, quét nhà để tìm cho bằng được đồng tiền đã bị đánh mất hay người chủ chiên bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc và người cha luôn trông chờ đứa con hoang đàng trở về, là hình ảnh Thiên Chúa luôn khắc khoải tìm kiếm con người, nhất là những người tội lỗi. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, chính Đức Giêsu đã đích thân đến với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài tìm kiếm, gặp gỡ để tha thứ và đưa họ về nẻo chính đường ngay. Ngài đến với ông Lêvi khi ông đang ngồi nơi bàn thu thuế và mời gọi ông: “Hãy theo Ta.” Ngài đã tạo cho người tội lỗi những cơ hội đặc biệt để họ đi theo Ngài, để được làm môn đệ của Ngài.

Về phía con người, Thiên Chúa cần một sự đáp trả. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.”

Nhưng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, thái độ đáp trả của con người khác nhau. Có những người thành tâm thiện chí đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu như trường hợp của Thánh Mathêu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi nghe Đức Giêsu mời gọi “Hãy theo Ta.” Ông lập tức đứng dậy và đi theo Người. Nghĩa là, ông sẵn sàng bỏ mọi sự, bỏ nghề nghiệp, bỏ cả một cơ hội hái ra tiền do nghề thu thuế mang lại để đi theo Đức Giêsu. Điều đó cho chúng ta thấy: Để được làm môn đệ của Đức Giêsu, Mathêu sẵn sàng đánh đổi tất cả. Từ đó, Mathêu toàn tâm toàn lực sống cho Đức Giêsu và chết vì Đức Giêsu. Ngài còn để lại cho chúng ta một kho tàng vô giá, đó là cuốn Tin mừng mang tên Ngài: Tin mừng theo Thánh Mathêu. Đây là gương mẫu về sự đáp trả ơn gọi cho mọi người qua mọi thời đại. Đồng thời câu chuyện về ơn gọi của Thánh Mathêu là niềm vui và niềm hi vọng cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Ngài có thể biến đổi con người từ tội nhân trở thành thánh nhân.

Nhưng đáng tiếc thay, vẫn có những người không chịu đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, như trường hợp của người thanh niên giàu có (x. Mt 19,16-22). Khi chàng anh ta đích thân đến hỏi Đức Giêsu phải làm gì để được sống đời đời (x. Mt 19,16). Đức Giêsu mời gọi: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Tin mừng kể lại: “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).

Cũng như chàng thanh niên, trong thực tế có rất nhiều người vịn lý do này khác để từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu. Dụ ngôn “khách được mời dự tiệc xin kiếu” cũng cho chúng ta thấy điều đó. Người thì bảo: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm”; người khác thì nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây”; người khác nữa bảo: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (x. Lc 14, 18-20).

Đối với chúng ta thì sao? Chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giêsu khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Vì nhu cầu của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi đảm nhận những trách nhiệm khác nhau. Nhưng có những lúc vì lý do nào đó, chúng ta vẫn từ chối lời mời gọi của Chúa, của Giáo Hội để đảm nhận trách nhiệm nào đó. Còn thực tế hôm nay, chúng ta là: Linh mục, tu sĩ, giáo dân. Là giáo dân: có người làm Ban Hành Giáo, có người làm Giáo lý viên, có người là thành viên trong các ban đoàn hay hội đoàn này khác của giáo xứ tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Thánh Phaolô nói rất chí lý rằng: “Kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy…”(Ep 4,11). Dù giữ chức vụ gì, tất cả đều được mời gọi chu toàn bổn phận được giao. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc”(Ep 4, 1-3). Làm được như vậy là chúng ta đang tiếp nối sứ mạng Tông đồ mà Chúa trao cho Thánh Mathêu và Ngài cũng trao cho mỗi người chúng ta.

Ước gì trong đời sống đạo, chúng ta không từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu, trái lại luôn mau mắn đáp lại lời mời gọi để dấn thân trong công tác tông đồ tại Giáo xứ và mọi môi trường sống của mình. Xin Thánh Mathêu cầu thay nguyện giúp để mọi người chúng ta luôn biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và dấn thân không mệt mỏi trong công tác tông đồ. Để qua ta và để trong ta nhiều người đến được với Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican giải thích: ứng viên được truyền chức linh mục sẽ bị ngăn trở nếu liên quan đến việc phá thai hoặc
Chân Phương
09:41 19/09/2016

Vtaican giải thích: ứng viên được truyền chức linh mục sẽ bị ngăn trở nếu liên quan đến việc phá thai hoặc

Một người trong quá khứ đã liên quan đến chuyện phá thai hoặc tự tử thì vị giám mục phải can thiệp trước khi cho thụ phong linh mục.

Một phán quyết mới của Tòa Thánh chỉ rõ: Sự sống con người là điều thánh thiêng, vì vậy phải xác quyết rằng hành vi thực hiện hay giúp đỡ cho việc phá thai, hoặc cố gắng tự tử là một ngăn trở cho việc chịu chức linh mục Công Giáo, ngay cả khi người đàn ông đó chưa theo đạo Công Giáo tại thời điểm xảy ra sự việc.

Điều 1041 của Bộ Giáo Luật có khoản định nghĩa về trường hợp bất hợp luật để chịu chức linh mục là: "người phạm tội cố sát hoặc phá thai có hiệu quả, và tất cả những người cộng tác tích cực vào các tội đó"; cũng như "người chủ tâm cưa cắt thân thể của mình hay của người khác cách nặng nề, hoặc đã mưu toan tự vẫn".

Tuy nhiên, có một câu hỏi được gửi đến Vatican rằng điều luật đó có áp dụng đối với người ngoài Công Giáo hay không, và nếu thế thì có một phép đặc biệt nào cho một người đàn ông ngoài Công Giáo, sau này theo đạo Công Giáo và muốn chịu chức linh mục không.

Đức Cha Juan Ignacio Arrieta - Thư ký của Hội đồng Tòa Thánh về Văn bản Luật nói rằng: tội liên quan này có thể được tha thứ nếu người đó [trước không theo Công Giáo, sau theo Công Giáo] thống hối, nhưng ngài cũng cảnh báo rằng "một sự can thiệp đặc biệt của vị giám mục là cần thiết, trước khi người đó có thể thụ phong linh mục".

Đức Cha cho hay việc thận trọng này nhằm để bảo vệ "phẩm giá của bí tích truyền chức thánh" và cộng đoàn tín hữu mà linh mục đó sẽ phục vụ.

Khi đọc về điều luật này một cách thuần túy thì dẫn đến một giả định khả dĩ là nó chỉ áp dụng cho một người Công Giáo tại thời điểm xảy ra hành vi, nhưng Đức Cha Arrieta cho rằng cách hiểu như vậy sẽ là "thật nghịch lý và bất công, vì cả người Công Giáo lẫn người ngoài Công Giáo đều bình đẳng trong việc phải tôn trọng sự sống riêng của chính mình và sự sống của người khác".

"Mặc dù những trường hợp như thế không xảy ra thường xuyên nhưng lại đang gia tăng", nhất là đối với những người nam gia nhập chủng viện muộn, và đặc biệt là các cựu linh mục Anh giáo ở các nước nói tiếng Anh muốn chịu chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. (CatholicHerad)

Chân Phương
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đến bệnh viện nhi đồng thăm bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch
Chân Phương
09:49 19/09/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đến bệnh viện nhi đồng thăm bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch

Hôm Thứ Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một phân khoa trong bệnh viện nhi đồng và một nhà dưỡng bệnh dành cho các bệnh nhân nan y, ngài nhấn mạnh đến phẩm giá sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi qua đời một cách tự nhiên.

Đây là chuyến thăm mới nhất trong sáng kiến "Ngày Thứ Sáu Thương Xót" mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện vì ngài muốn mỗi tháng dành nhiều thời gian hơn cho các nhóm đối tượng khác nhau trong suốt Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Các chuyến đi trước đây, ngài đã từng gây ngạc nhiên khi thăm những nơi như trung tâm dưỡng lão, trung tâm cai nghiện rượu và ma túy và một nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục.

Trong chuyến đi tháng 9 này, đầu tiên Đức Giáo Hoàng đến thăm bệnh viện San Giovanni, dừng chân ở cả phòng cấp cứu và phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong phòng hiện có 12 em bé đang được điều trị các bệnh khác nhau. Năm trong số các bé - gồm một cặp song sinh - đang trong tình trạng rất nguy kịch phải chăm sóc trong phòng đặc biệt (ICU).

Vatican cho biết rằng, giống như mọi người khi vào đây thăm, Đức Thánh Cha Phanxicô có đeo khẩu trang, áo khoác nhằm giữ vệ sinh, tránh lây nhiễm cho người khác, vì hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh thường rất yếu.

Đức Thánh Cha đã trò chuyện với các bé trong mỗi lồng kính và chào thăm cha mẹ của các em với những lời động viên.

Sau đó, Đức Thánh Cha đến thăm Villa Speranza Hospice (Biệt Thự Hy Vọng), nơi có 30 bệnh nhân đang trong giai đoạn cuối của bệnh tật nằm nghỉ ngơi ở đó. Ngài đến chào thăm người này đến người khác cũng như gia quyến của họ trong một cuộc gặp gỡ đầy xúc động.

Vatican nhận định, thông qua chuyến viếng thăm này, "Đức Thánh Cha muốn đưa ra một dấu chỉ mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự sống, từ giây phút đầu tiên cho đến khi nó kết thúc một cách tự nhiên".

"Việc chấp nhận sự sống và bảo vệ phẩm giá con người ở mọi giai đoạn sinh trưởng là những giáo huấn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh". Hai chuyến viếng thăm giàu lòng thương xót này của Đức Giáo Hoàng là một "dấu hiệu cụ thể và hữu hình" nhằm diễn tả sự sống quan trọng dường bao khiến chúng ta phải lưu tâm "đến những người đang trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và mỏng giòn nhất". (CNA)

Chân Phương
 
Video Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 18-9-2016: Mời gọi các tín hữu xa tránh lối sống trần tục
VietCatholic Network
13:27 19/09/2016
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18-9-2016, ĐTC. Ngài cũng kêu gọi các tín hữu Công Giáo hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình thế giới vào ngày 20-9-2016 tới đây.

mời gọi các tín hữu xa tránh lối sống trần tụcTrong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh trước sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 25 thường niên năm C về dụ ngôn người quản lý bất trung, nhưng khôn khéo mua chuộc thiện cảm của các con nợ trước khi bị chủ sa thải.

Bài huấn dụ của ĐTC

"Hôm nay Chúa Giêsu dẫn chúng ta suy tư về hai lối sống đối nghịch nhau: lối sống trần tục và lối sống của Tin Mừng. Và Ngài làm điều ấy qua trình thuật dụ ngôn người quản lý bất trung và tham ô, Chúa Giêsu khen ngợi ông ta mặc dù sự bất lương của ông (Xc Lc 16,1-13). Nhưng cần phải minh định ngay rằng người quản lý ấy không được trình bày như một mẫu gương cần noi theo, nhưng như một thí dụ về sự gian xảo. Người này bị cáo là quản lý bê bối những công việc của ông chủ, và trước khi bị sa thải, ông ta mánh khóe tìm cách thu hút cho mình thiện cảm của các con nợ, bằng cách tha một phần nợ cho họ để đảm bảo cho mình một tương lai. Bình luận về thái độ đó, Chúa Giêsu nhận xét rằng: ”Thực vậy, con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (v.8).

Chúng ta được kêu gọi đáp lại mánh khóe trần tục ấy bằng sự khôn ngoan theo tinh thần Kitô, vốn là một hồng ân của Chúa Thánh Linh. Vấn đề ở đây là xa tránh tinh thần và giá trị của thế gian này, chúng vốn là điều rất làm cho ma quỉ hài lòng, để sống theo Tin Mừng. Sự trần tục được biểu lộ qua những thái độ tham ô, lường gạt, áp bức, và là con đường lầm lạc, con đường tội lỗi, cho dù đó là con đường dễ đi. Trái lại tinh thần Tin Mừng đòi phải có một lối sống nghiêm túc và dấn thân, lương thiện, đúng đắn, tôn trọng người khác và phẩm giá của họ, có tinh thần trách nhiệm. Đó chính là sự khôn ngoan theo tinh thần Kitô!

ĐTC nhận xét rằng:

Cuộc đời bao hàm một sự chọn lựa giữa hai con đường ấy: giữa lương thiện và bất chính, giữa lòng trung thành và bất trung, giữa ích kỷ và vị tha, giữa sự thiện và sự ác. Ta không thể đong đưa giữa hai con đường đó, vì chúng đi theo những tiêu chuẩn khác nhau và đối nghịch nhau. Điều quan trọng là quyết định đi theo hướng nào, rồi, sau khi đã chọn lựa đúng đắn, phải quyết liệt tiến bước mau lẹ, tín thác nơi ơn Chúa và sự nâng đỡ của Thánh Thần Chúa. Kết luận của đoạn Tin Mừng thật là mạnh mẽ và quyết liệt: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc họ yêu mến chủ này và ghét chủ kia, hoặc cảm mến chủ này và khinh rẻ chủ kia” (v.13).

Hôm nay, Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta hãy chọn lựa rõ ràng giữa Ngài và tinh thần thế tục này, giữa tiêu chuẩn tham ô và ham ố, với tiêu chuẩn ngay chính và chia sẻ. Có người hành xử trong sự tham ô như với ma túy: họ nghĩ là có thể sử dụng nó và ngưng sử dụng khi nào họ muốn. Nhưng cả sự tham ô cũng tạo nên sự chán ngán, tạo ra nghèo đói, bóc lột và đau khổ. Trái lại khi chúng ta tìm cách theo tiêu chuẩn thanh liêm của Tin Mừng, trong sáng trong các ý hướng và trong cách cư xử, và tình huynh đệ, thì chúng ta trở thành những người xây dựng công lý và chúng ta mở ra những chân trời hy vọng cho nhân loại. Trong sự nhưng không và hiến thân cho anh chị em, chúng ta phục vụ người chủ tốt lành là Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng:

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn trong mọi hoàn cảnh và với bất kỳ giá nào, và tìm ra được lòng can đảm để đi ngược dòng, miễn là theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa.

Lời chào thăm và kêu gọi

Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ tôn phong chân phước Elisabetta Sanna hôm thứ bẩy 17-9-2016 vừa qua tại Codrongianos, tỉnh Sassari trên đảo Sardegna của Italia. Chân phước là một bà mẹ gia đình. Sau khi chồng qua đời, Elisabetta hoàn toàn hiến thân cầu nguyện và phục vụ các bệnh nhân cũng như những người nghèo. Chứng tá của chân phước là mẫu gương về lòng bác ái theo tinh thần Tin Mừng được đức tin linh hoạt.

ĐTC cũng nói rằng: Hôm nay (18-9), Đại Hội Thánh Thể toàn quốc Italia kết thúc tại thành Genova. ”Tôi ngỏ lời đặc biệt cháo thăm các tín hữu tụ họp tại đó, và cầu mong biến cố ơn thánh này khơi dậy nơi nhân dân Italia niềm tin nơi Bí tích Thánh Thể cực thánh, trong đó chúng ta thờ lạy Chúa Kitô là nguồn mạch sự sống và hy vọng cho mỗi người.

Rồi ĐTC thông báo: ”Thứ ba tới đây, tôi sẽ đi Asssi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn, 30 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử do thánh Gioan Phaolô 2 triệu tập. Tôi mời gọi các giáo xứ, các hội đoàn của Giáo Hội, mà mỗi tín hữu trên toàn thế giới sống ngày thứ ba tới như một Ngày Cầu nguyện cho hòa bình. Theo gương thánh Phanxicô, người của tình huynh đệ và dịu dàng, tất cả chúng ta được mời gọi cống hiến cho thế giới một chứng tá mạnh mẽ về sự dấn thân chung của hcúng ta cho hòa bình và hòa giải các dân tộc.

Sau cùng, ĐTC còn chào thăm tất cả các tín hữu hành hương, đặc biệt là các tín hữu từ giáo phận Koeln bên Đức và Marianopoli.

Cũng nên nhắc lại rằng vị tân nữ chân phước vừa được ĐTC nhắc đến, Elisabetta Sanna, là một giáo dân dòng Ba Phanxicô. Elisabetta lập gia đình và được 5 người con. Trở thành góa phụ năm 1825 khi được 37 tuổi, bà khấn giữ khiết tịnh và trở thành mẹ tinh thần của nhiều thiếu nữ và phụ nữ trong vùng.

Năm 1831, Bà Elisabetta xuống tàu đi hành hương Thánh Địa, nhưng bị kẹt ở Roma và không thể trở về quê vì bị những xáo trộn nặng về thể lý. Bà tận hiến chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ các bệnh nhân và người nghèo.

Elisabetta một trong những người đầu tiên gia nhập Hội Tông Đồ Công Giáo của Thánh Vinh Sơn Pallotti, cũng là cha linh hướng của bà. Nơi bà ở trở thành một đền thánh với đức tin sống động và đức bác ái nhiệt thành. Elisabetta Sanna qua đời tại Roma ngày 17-2 năm 1857, thọ 69 tuổi.

Án phong chân phước cho bà kéo dài hơn một thế kỷ rưỡi, và lễ phong chân phước cho bà được ĐHY Amato cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Chúa Ba Ngôi ở Codrongianos thứ bẩy 17-9-2016.
 
Kỷ niệm 200 năm đoàn Hiến Binh Vatican
Đặng Tự Do
17:34 19/09/2016
Hôm Chúa Nhật 18 tháng 9, Đức Thánh Cha đã dâng lễ cầu nguyện cho lực lượng an ninh Vatican và bày tỏ lòng tri ân vì công việc cảnh báo chống tội phạm không mệt mỏi của họ. Chúa Nhật 18 tháng 9 cũng là dịp kỷ niệm 200 năm đoàn Hiến Binh Vatican.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên bài đọc trong ngày trích từ sách tiên tri Amos về 3 loại người khác nhau: những kẻ khai thác, quân lừa đảo và những người trung thành.

“Quân lừa đảo yêu thích những mánh khoé và ghét sự trung thực. Những kẻ gian trá này yêu thích hối lộ, và những thỏa thuận được thực hiện trong bóng tối. Điều này tồi tệ hơn bất cứ thứ gì khác, vì hắn tin rằng hắn đang trung thực.”

Và Đức Thánh Cha chỉ ra rằng kẻ lừa đảo “chà đạp lên người nghèo” mà chẳng hề quan tâm hay nghĩ đến những hậu quả do các hành động của mình gây ra.

Đức Thánh Cha cũng nói đến tình trạng nhiều người trong thế giới ngày nay có “các ngành công nghiệp lớn thu hút cơ man những lao động nô lệ” và nhận xét một cách cay đắng rằng “trong thế giới ngày nay lao động nô lệ đã trở thành một phong cách quản lý.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trình bày các suy tư của ngài về hình ảnh của người trung thành, là người đã được Chúa Giêsu mô tả là “một con người cầu nguyện, trong hai ý nghĩa: Thứ nhất người ấy cầu nguyện cho những người khác, và thứ hai là người ấy tin tưởng vào lời cầu nguyện của những người khác cho mình.”

Đức Thánh Cha nói với những người hiện diện rằng trách nhiệm của họ là phục vụ những người khác bằng cách chiến đấu chống lại “những trò lừa đảo, những kẻ gian, và những kẻ khai thác”.

Nhận định rằng trách nhiệm của các hiến binh là để bảo vệ sự trung thực Đức Thánh Cha nói: “Tôi cảm ơn các anh em vì sự phục vụ trong hai trăm năm qua, và tôi cầu chúc cho tất cả anh em được xã hội của thành phố Vatican, Tòa Thánh, từ người thấp nhất đến người cao nhất, nhìn nhận sứ vụ của anh em”.

Đoàn hiến binh Vatican là lực lượng liên tục giám sát an ninh của thành phố Vatican và các khu vực bên ngoài thuộc về Tòa Thánh. Đoàn hiến binh bảo đảm sự an toàn của những nơi này, duy trì trật tự công cộng, và các công trình nhằm ngăn ngừa và chặn đứng các tội phạm. Bên cạnh đó họ còn thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp và biên phòng.

Đức Thánh Cha Piô Đệ Thất đã thành lập lực lượng này vào năm 1816 sau khi Hội nghị Vienna dẫn đến sự phục hồi quốc gia Đức Giáo Hoàng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
11 tân Linh Mục dòng Thừa Sai dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ Tân Khai, phú Cường
Nguyễn Vinh Thân
11:53 19/09/2016
NGÀY HỘI TÂN KHAI

Khu rừng Hớn Quảng – Tân Khai, thuộc Tỉnh Bình Phước, một thời bom đạn chiến tranh, nay lại có dịp vang vọng tiếng cồng chiêng lễ hội của đồng bào dân tộc S’tiêng, làm nức lòng bà con giáo dân khắp nơi đổ về để cùng hòa vang lời cảm tạ Thiên Chúa, nhân dịp 11 cha mới thụ phong linh mục, thuộc Dòng Thừa Sai Việt Nam (TSVN) về dâng thánh lễ tạ ơn tại giáo xứ Tân Khai, giáo phận Phú Cường vào lúc 9g30, ngày 18/9/2016, nơi mà đại đa số các ngài khi còn là thầy đã có thời gian phục vụ tại nơi đây.

Xem hình

Thánh lễ tạ ơn do tân linh mục An tôn Bùi Văn Thiều chủ tế, cùng đồng tế với ngài ngoài các tân linh mục còn có cha Phêrô Phan Như Ngân, Tổng Phụ tá Dòng TSVN cũng là cha sở GX Tân Khai và quí cha thân quen với các tân chức.

Cùng hiệp dâng thánh lễ có các quí tu sĩ nam-nữ, họ hàng thân quen của các tân chức, bà con giáo dân trong GX. Đặc biệt là bà con giáo dân người dân tộc S’tiêng.

Trước khi thánh lễ cử hành, ông Chủ tịch HĐMVGX đã ngỏ lời chào mừng quí cha và quí cộng đoàn, đồng thời cũng nói lên lời tri ân đặc biệt đến quí cha đã có thời gian về GX giúp cho công việc mục vụ và sự phát triển của GX để có được như ngày hôm nay

Trong phần giảng lễ, cha Phêrô Tổng Phụ tá đã quảng diễn cho cộng đoàn hiểu thêm về cuộc đời linh mục, cũng là thân phận con người, yếu đuối, mỏng dòn nhưng được Chúa thương sử dụng các ngài theo cách riêng của Chúa.

Qua câu chuyện “ông vua và cây tre” với nội dung: cây tre muốn trở nên hữu ích, đã phải chấp nhận để ông vua đốn xuống, lóc đi những cành lá xinh tươi, thậm chí bị chẻ đôi móc hết ruột ra để ông vua sử dụng theo ý của người, và tre đã được dùng làm ống máng dẫn nước. Nhờ đó, sau một thời gian khu đất cằn cỗi trước đây đã trở nên xinh tươi, muôn hoa đua nở, tô điểm cho khu vườn thêm rực rỡ. Đó chính là nhờ thân tre chấp nhận làm ống máng dẫn nước tưới vào khu đất hằng ngày. Cuộc đời linh mục cũng giống như cây tre, khi đã chọn con đường tận hiến cho Chúa, để phục vụ tha nhân là chấp nhận chết đi con người cũ của mình, để được Chúa nhào nặn, thay đổi cả tâm hồn lẫn thể xác nhằm trở nên khí cụ trong công trình yêu thương của Thiên Chúa, phục vụ anh em và để khơi nguồn ơn thánh Chúa đến với mọi người qua tác vụ linh mục Chúa trao.

Trước khi kết thúc bài giảng ngài nói: “… dù các linh mục có chịu chức đến mười lần đi nữa thì các ngài vẫn là con người. Vì thế, xin bà con hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục để các ngài sống trọn vẹn theo con đường các ngài đã chọn, đồng thời xin bà con hãy thương yêu và bỏ qua những thiếu xót của các ngài vì các ngài cũng chỉ là con người mà thôi…”.

sau lời nguyện hiệp lễ, cha Giuse Nguyễn Ngọc Thảo thay mặt cho các tân chức nói lời cảm tạ, tri ân đến quí cha và quí cộng đoàn, nhắc lại những tình cảm, kỷ niệm thân thương mà GX đã dành cho các ngài khi còn là thầy, đã được về đây giúp xứ và học hỏi được nhiều điều bổ ích nơi GX thân yêu này.

Thánh lễ được khép lại vào lúc 11g00 cùng ngày. Sau đó quí cha đã chụp chung tấm hình lưu niệm với quí cộng đoàn và người thân nơi thềm cung thánh. Cuối cùng là bữa cơm thân mật, trong bầu khí ngập tràn yêu thương của mọi người, hòa cùng tiếng cồng chiêng vang dội dành cho ngày lễ hội của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Cộng đoàn ra về mang trong mình một tâm trạng thật vui mừng, tạ ơn vì biết bao ơn lành của Thiên Chúa đã đổ trên mảnh đất, con người nơi đây mà cách nay 9 năm chỉ là vùng đất rừng hoang sơ mang trên mình đầy thương tích, bom đạn của chiến tranh
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Video Thắp Nến cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam: Phát biểu của các Vị Lãnh Đạo tôn Giáo
VietCatholic Network
12:34 19/09/2016
Phần I: Đêm Thắp Nến Cầu nguyễn cho Vẹn Toàn Lãnh Thổ VN
Trong 2 videos này qúi vị sẽ nghe những lời phát biểu của các vị thuộc Lãnh Đạo thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ trong Đêm Thắp Nến cầu cho vẹn toàn lãnh thổ và cho nạn nhân chất độc Formosa.

Sau đây là Bài Phát biểu của Lm. Mai Khải-Hoàn trong “Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt-Nam và Yểm Trợ Cho Nạn Nhân Của Formosa” tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo phận Orange tối Thứ Sáu 16-9-2016:

ÂM MƯU XÂM LĂNG CỦA TÀU CỘNG

Kính thưa qúy vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
Kính thưa qúy vị Dân Cử, qúy vị đại diện Cộng Đồng, các đoàn thể, hiệp hội, các tổ chức cựu Quân Dân Cán Chính VNCH.
Kính thưa qúy Cơ Quan Truyền thông báo chí,
Kính thưa qúy cụ, qúy ông bà, qúy đồng hương và các bạn trẻ thân mến,

"Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu...!"

Tàu Cộng, với truyền thống xâm lược, bành trướng đất đai, vơ vét tài nguyên của đất nước thuộc địa, vẫn luôn luôn là - mối hiểm họa muôn đời cho quê hương Việt Nam chúng ta -. Từ các triều đại phong kiến hơn hai nghìn năm trước, đến thời đại cộng sản ngày nay, các lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn tìm cách xâm chiếm đất nước và đồng hoá dân tộc Việt.

I. Hiện tại, Tầu cộng đang thực hiện các mưu mô thâm độc để âm thầm tiêu diệt và thôn tính Việt Nam:

1. Chính Tàu Cộng đã gây ra các cuộc chiến tranh xâm lăng từ sau 1975 (dạy cho CS Việt Nam một bài học):

Tàu Cộng đã xâm chiếm 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979,

Tàu Cộng đã xâm chiếm các điểm cao chiến lược ở biên giới Bắc Việt năm 1984 (ở núi Lão Sơn hay núi Đất)

2. Chính Tàu Cộng đã âm mưu thâm độc hủy diệt châu thổ sông Cửu Long, nguồn lương thực và thực phẩm chính của cả nước. Việc này chúng thực hiện bằng cách xây nhiều đập thủy điện ngăn sông Mê Kông, gây hạn hán và ngập mặn trầm trọng, đất đai nhiều nơi đã bị lún sâu. Bọn chúng chẳng những dùng rất nhiều thủ đoạn thâm độc như thả hóa chất độc, ốc bươu vàng, … nhằm phá hoại lúa, hoa màu và thủy sản trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà còn đổ chất độc dọc bờ Biển Đông để hủy diệt các hải sản ở biển, và các vùng nuôi hải sản ven biển, đầu độc toàn bộ nguồn muối ăn của người Việt!

3. Chính Tàu Công đã âm mưu thâm độc hủy diệt các sông trên toàn bộ miền Trung thông qua hàng trăm đập thủy điện, khai thác bâu xit; thương lái Trung Quốc bày trò mua chanh-leo giá cao, để dân phá cà phê, hồ tiêu; mua vét rong biển để triệt hạ vùng sinh thái của cá...

4. Chính Tàu Công đã âm mưu thâm độc xây nhiều đập phía thượng nguồn sông Hồng và sông Đà, làm suy kiệt sông Hồng từ nhiều năm qua. Bọn chúng đang chuẩn bị đại dự án sông Hồng với 6 đập thủy điện mới, để sẽ hủy diệt hoàn toàn hệ sinh thái châu thổ sông Hồng.

5. Chính Tàu Công đã âm mưu thâm độc xây rất nhiều nhà máy nhiệt điện thải ở Việt Nam, dùng thiết bị Trung Quốc, hàm lượng các khí thải độc hại như CO, SO2, H2S, Hg… đều cao hơn từ 19 lần tới 125 lần hàm lượng cho phép. Chất thải đổ xuống nước đã giết chết vô vàn sinh thái tại các sông ngòi như Thị Nại, La Ngà, Bưởi, hàng ngàn ngàn km bờ biển, nhất là vụ thải chất độc cực kỳ kinh hoàng, do công ty Formosa của Tàu Cộng tại Vũng Ánh vừa qua...

6. Chính Tàu Cộng đã âm mưu thâm độc tung thực phẩm và thuốc men độc hại cùng các hóa chất, chế biến thực phẩm độc hại tràn ngập thị trường Việt Nam. Đồng thời bọn chúng đã mua vét các loại thực phẩm sạch, để buộc người Việt phải tiêu thụ các thực phẩm độc hại, và hậu quả là dân Việt bị chết dần chết mòn vì bệnh tật. Hiện nay số người mắc bệnh ung thư, teo não, đột quỵ và nhiều bệnh hiểm nghèo khác ở Việt Nam, đã tới mức cao nhất thế giới.

7. Chính Tàu Cộng đã âm mưu ngang ngược vẽ lại bản đồ Biển Đông với hình lưỡi bò liếm, sát bờ biển thuộc quyền lãnh hải của Việt Nam, và cấm ngư dân Việt Nam không được phép ra khơi hành nghề, dù trong giới hạn 200 dặm Anh theo luật quốc tế về Biển.

II. Năm 1988, Tàu Cộng đã xâm lăng đảo Trương Sa và mới đây đã bồi đắp 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam tạo thành 2 hải đảo nhân tạo lớn, với các phi trường hải cảng dành cho các chiến hạm, phi cơ quân sự Trung cộng xử dụng.

III. Năm 2014, kẻ thủ truyền kiếp đã ngang nhiên đặt giàn khoan HD 891 vào cùng lãnh hải đặc quyền của Việtnam chúng ta.

IV. Người ta lo ngại Trung Cộng đang cho thi hành một sách lược mới: Tầu hóa từng phần nhỏ như “tằm ăn dâu”, thay vì ồ ạt xâm lăng như thời xưa. Trung Cộng đã và đang mưu toan đưa người Hoa hàng loạt vào làm việc, rồi lập thành làng, thành những cộng đồng riêng biệt và tự trị của chúng, rải rác trên khắp lãnh thổ từ Bắc chí Nam Việt Nam.

Ở thành thị, Trung Cộng cho mở nhiều khu thương mại phố Tàu như tại Bình Dương, Đà nẵng, Cam Ranh, “phố Trung Quốc” ở Bắc Ninh...

V. Chính Hội Nghị Thành Đô là Hội Nghị Bán Nước của Việt Cộng, đã được Nguyễn Văn Linh ký kết với Giang Trạch Đông tại Thành Đô, Tứ Xuyên ngày 3 tháng 9 năm 1990 để trong vòng 30 năm sẽ sát nhập Việt Nam vào Trung quốc.

Đứng trước hiểm họa mưu đồ xâm lăng của Tàu Cộng, Cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta phải làm gì?

- Điều tiên quyết, là cộng đồng người Việt hải ngoại phải gạt bỏ mọi tị hiềm đi biệt, để đoàn kết và hướng về một mục đích chung trên hết, cùng với đồng bào trong nước đứng lên tranh đấu chống Tàu Cộng ngoại xâm, để bảo vệ cho một nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn, dân chủ và tự do.

- Liên lạc với các cơ quan chính quyền, quốc hội, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, để vận động cho các chính sách có lợi cho Việt Nam, trong việc đối phó với Tàu Cộng xâm lăng, và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo chiều hướng dân chủ.

- Tích cực ủng hộ, và hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự trong nước thật lòng tranh đấu bảo toàn lãnh thổ, và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

- Tiếp xúc và trao đổi với những sinh viên du học hay tu nghiệp mỗi ngày một đông hơn; giúp họ cùng chia sẻ những mối quan tâm sâu sắc trước tình trạng tham nhũng trầm trọng, đạo đức suy đồi ở Việt Nam, và không ngần ngại biểu lộ sự tức giận, đối với những biện pháp của nhà cầm quyền ngăn cấm dân chúng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước; cảnh giác họ về những chiến lược tinh vi của Tầu cộng nhằm đồng hóa và thôn tính Việt Nam.

Kính thưa quý vị,

Xin được nhắc lại: Điều tiên quyết là chúng ta phải đoàn kết toàn quân toàn dân khắp nơi trong nước cũng như hải ngoại cùng đứng lên xua đuổi Tàu Cộng ngoại xâm, để bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải cũng như bảo vệ chủ quyền Việtnam.

Không kể những cuộc xâm lấn nhỏ, lịch sử chứng minh đã có 3 lần phương Bắc xua đại quân xâm chiếm Việt Nam. Nhưng trong tất cả 3 lần đó, Dân Việt đều đánh bại và đẩy lui các đoàn quân phương Bắc. Đã mười ba lần, Dân ta đại thắng !

Chúng ta cùng với hơn bốn triệu người Việt trên thế giới đã và đang sẵn sàng đóng góp nhân lực, tài lực, vật lực, và nhất là trí lực, chuyên môn, kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, và ảnh hưởng... ở mọi lãnh vực ngoại giao, chính trị, kinh tế, tài chính, quân sự, xã hội... để yểm trợ cho đồng bào tại quê nhà, đang vùng lên chống hiểm họa xâm lăng của Tàu cộng.

Chúng ta sẽ Đại Thắng giặc Tàu lần thứ 4, nếu chúng ta đoàn kết quyết chiến và sẵn sàng hy sinh vì quê hương dân tộc, như tổ tiên của chúng ta đã một lòng bày tỏ tại Hội nghị Diên Hồng thời Thượng hoàng Trần Thánh Tông:

-Thế nhục nước nên "HÒA" hay nên "CHIẾN" ?

-"QUYẾT CHIẾN"

-Thế nước yếu lấy gì mà lo chiến chinh?

- "HY SINH"

-Vậy giờ đây chúng ta hãy cùng nhau noi gương tổ tiên đứng lên đáp lời sông núi: (xin mọi người cùng đứng lên hô to 2 lần sau tôi)

-Thế nhục nước nên "HÒA" hay nên "CHIẾN" ?

-"QUYẾT CHIẾN"

-Thế nước yếu lấy gì mà lo chiến chinh?

- "HY SINH"

Xin trân trọng cảm tạ và kính chào toàn thể quý vị.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngắm Cá Bơi
Đặng Đức Cương
19:10 19/09/2016
NGẮM CÁ BƠI
Ảnh của Đặng Đức Cương
Ra vườn ngắm cá lội bơi
nhởn nhơ như thể mây trôi rất gần
thức ăn rải cá, cá ăn
nghĩ mình cũng cá, dành phần chắc vui?
(Trích thơ của Huệ Thu)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14– 20/09/2016: Câu chuyện Hai Vì Sao Mỉm Cười
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:44 19/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vượt qua sự dửng dưng, xây dựng văn hóa gặp gỡ

Chúng ta xây dựng nền văn hóa đích thực của việc gặp gỡ, để vượt thắng kiểu văn hóa dửng dưng. Đó là lời mà Đức Thánh Cha chia sẻ trong Thánh lễ sáng thứ Ba 13 tháng 9 tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Đức Thánh Cha cảnh báo về những thói quen xấu, ngay cả trong gia đình, đó là những thói quen làm cho mọi người không còn lắng nghe nhau.

Đức Thánh Cha nói:

Lời Chúa làm cho chúng ta nghĩ về những cuộc gặp gỡ ngày nay. Người ta thường đi vượt qua người khác mà không có gặp, nhìn mà không thấy, chỉ nghe mà không lắng nghe.

Cuộc gặp gỡ mà Tin Mừng hôm nay loan báo, là cuộc gặp gỡ giữa người nam và người nữ; giữa người con một còn sống và người con một đã chết; giữa đám đông vui vẻ vì họ gặp Thầy Giêsu và đi theo Người với đám người đang than khóc cùng người phụ nữ mất con; giữa những người đi ra cổng thành và những người đi vào cổng thành.

Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” không giống như kiểu chúng ta đi trên đường phố và thấy điều gì đó rồi nói “thật tội nghiệp”. Chúa Giêsu không đứng ngoài cuộc, nhưng Người chạnh lòng thương. Người tiến lại gần người phụ nữ, Người thực sự gặp bà, và sau đó phép lạ xảy ra cho con trai bà.

Cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu giúp vượt thắng sự dửng dưng và làm phục hồi phẩm giá. Chúng ta không chỉ thấy sự dịu hiền mà còn thấy hoa trái của gặp gỡ, vì mọi cuộc gặp gỡ đều phát sinh hoa trái. Chúng ta đã quen với kiểu thờ ơ, nên chúng ta phải hành động và cầu nguyện để xây dựng văn hóa gặp gỡ, để những cuộc gặp gỡ phát sinh hoa trái, là đưa con người trở về với phẩm giá làm con Thiên Chúa. Gặp gỡ. Nếu tôi không nhìn, nếu tôi không dừng lại, nếu tôi không đụng chạm, nếu tôi không nói, thì tôi không thể gặp gỡ, tôi không thể góp phần tạo nên văn hóa gặp gỡ.

Nơi gia đình, chúng ta sống trong cuộc gặp gỡ đích thực, khi mọi người ăn cùng một bàn, lắng nghe nhau. Tại bàn ăn gia đình mỗi tối, chúng ta thường vừa ăn vừa xem tivi vừa nhắn tin trên điện thoại. Mọi người đều thờ ơ với cuộc gặp gỡ. Hạt nhân của tình thân gia đình chính là gặp gỡ. Điều này giúp chúng ta xây dựng văn hóa gặp gỡ như Chúa Giêsu đã làm. Đừng chỉ có nhìn mà hãy ngắm nhìn. Đừng chỉ có nghe mà hãy lắng nghe. Đừng chỉ có đi qua mà hãy biết dừng lại. Đừng chỉ có nói “Khổ thân người nghèo” mà hãy động lòng trắc ẩn. Khi Chúa Giêsu tiến lại gần, chạm tới, và nói với mọi người trong giây phút ấy, Chúa nói bằng ngôn ngữ của con tim: “Đừng khóc nữa”, và Người ban cho anh thanh niên sức sống.

2. Câu Chuyện: Hai Vì Sao Mỉm Cười

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chuyện xưa kể rằng có một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.

Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.

Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.

Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: “Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”.

Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.

Nói như mẹ Têrêsa Calcutta: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi chúng ta cố gắng chào hỏi một người chúng ta ghét cay ghét đắng, thì đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi chúng ta có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi chúng ta có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta, thì đó mới là một hành động bác ái thực sự. Chúng ta đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực”.

3. Kẻ mạo danh Thiên Chúa để giết người chính là Satan

Sáng thứ Tư, 14/09, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho cha Jacques Hamel, là vị linh mục đã bị giết khi dâng Thánh lễ tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray vào ngày 26 tháng 7 vừa qua. Thánh lễ này là dấu chỉ của sự gần gũi của Đức Thánh Cha với gia đình và cộng đoàn Rouen.

Một nhóm 80 khách hành hương thuộc Giáo phận Rouen đã đi cùng với Đức Cha Dominique Lebrun của Giáo phận về Vatican tham dự Thánh lễ được thu hình và phát trực tiếp bởi Trung tâm truyền hình Vatican.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Hội Thánh cử hành lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Trong Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm về sự tự hủy của Chúa rất gần gũi với chúng ta.

Thánh Phaolô nói: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Đây chính là mầu nhiệm về Chúa Kitô. Đây chính là mầu nhiệm về Đấng tử đạo tiên khởi để cứu độ loài người.

Chúa Giêsu Kitô là vị tử đạo tiên khởi, là người đầu tiên trao ban mạng sống vì chúng ta. Và từ mầu nhiệm này, Chúa Kitô mở ra toàn bộ lịch sử tử đạo của Kitô giáo từ những thế kỷ đầu cho tới ngày hôm nay. Thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của họ. Các tín hữu tiên khởi bị bắt buộc bỏ đạo, nhưng các ngài đã từ chối. Khi từ chối như thế, các ngài bị bắt bớ, bị giết. Câu chuyện ấy tiếp tục được lặp đi lặp lại cho tới ngày nay, và thời nay Hội Thánh có nhiều vị tử đạo hơn những thời trước. Ngày nay có nhiều Kitô hữu bị cầm tù, bị giết hại, vì họ không chối bỏ Chúa Giêsu Kitô. Câu chuyện này chúng ta tiếp tục gặp thấy nơi cha Jacques. Cha là một trong những vị tử đạo. Các vị tử đạo cho thấy rõ sự tàn ác của cuộc bách hại.

Cha Jacques Hamel đã cử hành hy lễ Thập giá Chúa Kitô. Cha là một người tốt, hiền lành, đầy tình huynh đệ, luôn nỗ lực xây dựng hòa bình, thế mà cha bị giết hại như một kẻ tội phạm. Đây là kiểu bách hại của ma quỷ. Có điều gì đó nơi cha làm cho chúng ta thấy rằng cha là vị tử đạo cùng với Đấng tử đạo là Chúa Kitô. Có một điều làm cho tôi nghĩ như thế, vì giữa thời gian khó khăn thử thách, cha vẫn sống rất hiền hậu tốt lành, cha vẫn sống như người anh em. Cha cũng không quên xác minh đích danh kẻ giết người, đó chính là ma quỷ. Cha nói cách rõ ràng: “Xéo đi, Satan!”. Cha đã trao tặng mạng sống tựa như lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thập giá. Và từ đây, danh tính của tên sát nhân bị tố giác: “Xéo đi, Satan!”

Cha là mẫu gương về lòng can đảm cũng như mẫu gương về chính cuộc sống. Cha đã tự khiêm tự hạ để giúp đỡ người khác, để kết thân huynh đệ với tha nhân, để giúp chúng ta bước về phía trước mà không còn sợ hãi. Cha về Thiên Đàng, và chúng ta cầu nguyện với cha, cầu nguyện với vị tử đạo được chúc phúc, để chúng ta có thể hiền lành, đầy tình huynh đệ, bình an, và ngay cả can đảm nói lên sự thật rằng: kẻ nhân danh Chúa để giết người chính là Satan.

4. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

Người Kitô hướng tầm nhìn vào ‘ngày sau hết’, có nghĩa là không dừng lại ở đây mà nhìn hướng tới “xác loài người ngày sau sống lại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 9 tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha phát triển bài giảng dựa trên đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô. Trong thư, thánh Phaolô nói về “sự cứu chuộc trong ngày sau hết”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ về khúc cuối của Kinh Tin Kính mà các tín hữu vẫn đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”

Thật dễ khi nói về quá khứ, vì quá khứ thì cụ thể. Cũng dễ khi nhìn về quá khứ, vì chúng ta thấy nó. Nhưng khi nhìn tới tương lai, chúng ta nghĩ rằng, “tốt hơn là không nên nghĩ”. Và không dễ chút nào để đi vào thực tại của tương lai.

Thật dễ để nhìn về quá khứ; cũng dễ khi nhìn vào hiện tại; ngay cả nhìn tới tương lai cũng dễ. Bởi lẽ, dù quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì tất cả đều chết. Thế nhưng, nhìn tới “ngày sau hết” thì quả là khó. Đó là điều mà thánh Phaolô nói. Điều ấy là gì và như thế nào? Sự sống lại. Chúa Kitô sống lại. Chúa Kitô đã sống lại và rõ ràng Người không phải là ma. Trong Tin Mừng, thánh Luca tường thuật về sự phục sinh: Chúa Giêsu nói “Hãy chạm vào Thầy… Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây… Anh em có gì ăn không?”. Chúng ta lại hỏi: “Trời ở đâu?” nếu “tất cả chúng ta sẽ ở đó,” nhưng chúng ta không hiểu được điều mà thánh Phaolô nói về ‘ngày sau hết’.

Đừng quên rằng, ngay từ thế kỷ đầu, thánh Gioan tông đồ đã xác định: “Nếu ai nói Ngôi Lời Thiên Chúa không trở nên người phàm, thì đó là kẻ phản Kitô”. Để hiểu được ‘ngày sau hết’, thì quả là rất khó khăn. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta sẽ sống lại, giống như Đức Kitô đã sống lại. Thân xác chúng ta sẽ được biến đổi thành thân xác phục sinh.” Đức tin vào sự sống lại, có căn nguyên sâu xa từ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi Phục Sinh, Chúa Kitô đã cùng ăn cùng uống với các môn đệ và các ông đã chạm vào Người. Những điều này rất khó hiểu và khó chấp nhận, vì đó là thực tại thuộc về ‘ngày sau hết’. Cần có một mức độ trưởng thành nào đó để có thể hiểu được quá khứ. Cũng thế, cần có một mức độ trưởng thành nào đó để hiểu được hiện tại, để hiểu tương lai. Và cần có một hồng ân lớn lao của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể hiểu được ‘ngày sau hết’. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin.

5. Cầu nguyện xin ơn hiệp nhất

Sự chia rẽ đã phá hoại Hội Thánh và ma quỷ nỗ lực tấn công vào gốc rễ của sự hiệp nhất, gốc rễ của sự hiệp nhất là việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong Thánh lễ sáng thứ Hai 12 tháng 9 tại Nhà nguyện Thánh Marta, nhân ngày lễ Danh thánh Mẹ Maria.

Giải thích thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Ma quỷ có hai vũ khí lợi hại để phá hoại Hội Thánh, đó là sự chia rẽ và tiền bạc. Những điều này xảy ra ngay từ thời đầu: những chia rẽ về tư tưởng và về thần học đã xâu xé Hội Thánh. Ma quỷ đã gieo rắc tham vọng và ghen tuông để chia rẽ. Sau cuộc chiến của chia rẽ thì tất cả bị hủy diệt, còn ma quỷ thì chạy trốn trong sung sướng. Trong khi đó, chúng ta trở nên trần trụi trong trò chơi của ma quỷ. Cũng có thứ chiến tranh nhơ bẩn tựa như khủng bố. Đó là những lời nói hành nói xấu trong các cộng đoàn. Đó là những thứ ngôn ngữ để giết hại.

Những chia rẽ trong Giáo Hội không để cho Nước Trời được lớn lên, không để cho Chúa được hiện diện như chính Ngài. Những chia rẽ là điều mà anh chị em đang thấy, sẽ thấy và lại thấy… Luôn có! Nhưng ma quỷ đi xa hơn sâu hơn. Chúng không chỉ tấn công vào cộng đoàn Kitô hữu, mà còn vào tận gốc rễ của sự hiệp nhất Kitô, là tấn công vào việc cử hành Thánh Lễ. Điều này đã xảy ra trong cộng đoàn Cô-rin-tô.

Nơi cộng đoàn Cô-rin-tô thời ấy, có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo trong việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha về sự hiệp nhất, nhưng ma quỷ thì ra sức phá hoại.

Đức Thánh Cha nói: Cha nài xin anh chị em hãy làm tất cả những gì có thể để đừng phá hoại Hội Thánh với những chia rẽ về tư tưởng, tham vọng… Trên tất cả, hãy cầu nguyện và bảo vệ cội rễ hiệp nhất của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô. Đó là, hàng ngày chúng ta cùng nhau hiệp dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô trong Thánh Lễ.

Thánh Phaolô đã nói về sự chia rẽ giữa các Kitô hữu Cô-rin-tô hai ngàn năm trước… Những lời của thánh nhân vẫn thích hợp cho chúng ta hôm nay, cho Hội Thánh ngày nay. “Thưa anh em, về điều này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại…” Và “bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.”

Chúng ta hãy khẩn cầu cùng Thiên Chúa để Hội Thánh hiệp nhất, để không còn chia rẽ. Ơn hiệp nhất ở ngay trong cội rễ của Hội Thánh, là lễ hy sinh của Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hằng ngày.

6. Mẹ Maria đồng hành và che chở chúng ta

Trong một thế giới đang đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành và che chở. Đức Thánh Cha nói như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 9 tại nhà nguyện thánh Marta nhân ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên đồi Calvario. Tất cả các môn đệ đều bỏ chạy, chỉ còn Gioan và mấy người phụ nữ. Dưới chân Thập giá, có Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu. Mọi người có thể nhìn vào Mẹ mà nói: “Đó là mẹ của tên tử tội!”.

Mẹ Maria cảm nhận được những điều ấy. Mẹ đau khổ nhiều, Mẹ phải chịu sự sỉ nhục khủng khiếp. Một số thượng tế đứng đó cũng chế giễu: “Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! Xuống đi!” Người Con của Mẹ đang trần trụi trên thập giá. Mẹ Maria đau khổ vô cùng, nhưng Mẹ không bỏ đi. Mẹ vẫn đứng đó. Mẹ không chối bỏ đó là Con của Mẹ. Đó là người Con mà Mẹ đứt ruột sinh ra.

Đức Thánh Cha nhớ lại, khi Ngài đến Buenos Aires thăm những người bị giam trong tù, Ngài luôn nhìn thấy những người phụ nữ xếp hàng chờ để được vào nhà tù mà thăm viếng. “Họ là những người mẹ. Họ không xấu hổ vì những người con ruột thịt của họ ở đó. Những người mẹ này đau khổ không chỉ vì tình trạng ở tù của con họ. Mà họ còn chịu những sỉ nhục tệ hại khi họ tìm cách vào tù thăm con. Thế nhưng, vì họ là những người mẹ, nên họ đi tìm người con ruột thịt của họ, những người mẹ đi tìm chính thân mình.” Mẹ Maria đã đứng đó, đã ở đó với Con của Mẹ trong đau khổ tột cùng.

Chính Chúa Giêsu đã hứa là không để chúng ta mồ côi. Trên Thánh Giá, Người đã ban cho chúng ta một người Mẹ. Từ đây Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta. Các Kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta có chung một người Cha, là Cha trên Trời, Cha của Chúa Giêsu. Chúng ta không mồ côi. Mẹ là Mẹ chúng ta. Mẹ chăm sóc con cái Mẹ. Mẹ không xấu hổ vì chúng ta vì Mẹ che chở chúng ta.

Các nhà thần bí trong những thế kỷ đầu đã tìm đến nương ẩn nơi Mẹ, khi họ gặp thử thách thiêng liêng: khi chúng ta ở bên Mẹ, ma quỷ không thể tấn công chúng ta, vì Mẹ là Mẹ và Mẹ bảo bọc chúng ta. Sau đó, điều tốt lành này được đón nhận và làm thành bài ca “Dưới áo Mẹ từ bi”.

Trong một thế giới đang khủng hoảng và trong đơn côi, chúng ta nhìn lên Mẹ. Chúng ta có một người Mẹ. Mẹ bảo vệ, đồng hành, dẫn dắt chúng ta. Mẹ không xấu hổ vì những lầm lỗi của chúng ta, vì Mẹ là Mẹ chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Bạn Đồng Hành, là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tuyệt vời về Mẹ của chúng ta, Mẹ Maria.