Ngày 15-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Của cải hay Thần tài?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
14:55 15/09/2010
Chúa Nhật Thứ 25 Mùa Thường Niên, Năm C

“Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8,7). Vì sao Thiên Chúa lấy danh mình mà thề những lời đanh thép như thế? Vị ngôn sứ đã cho chúng ta biết cái lý do. Đó là vì sự gian ác bất công của một số người giàu có trong xã hội nước Israel thời bấy giờ. Tính chất gian ác của sự bất công mà họ gây ra thật đáng lên án vì nạn nhân chính là những người nghèo khổ, cô thân, kém phận. Số phận của các nạn nhân này được ví không hơn gì đôi dép. “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy đứa cùng khổ”(Am 8,6).

Đọc Thánh Kinh, đặc biệt những lời từ miệng của Con Thiên Chúa làm người, chúng ta nhận ra chân lý này: hình như Thiên Chúa dễ khoan dung về những lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Người, nhưng Người có vẻ rất bất bình trước những điều gian ác mà con người gây ra cho nhau, nhất là cho những người nghèo hèn, thấp cổ bé phận. Nhân chuyện ông Phêrô hỏi rằng khi có người anh em xúc pham đến mình thì phải tha thứ cho họ mấy lần thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về “một người mắc nợ mà không có lòng thương xót (x.Mt 18,23-35).

Anh “không có lòng thương xót này” mắc nợ đức vua những mười ngàn yến vàng thế mà chỉ với hành vi sấp mình bái lạy và xin khất nợ một kỳ hạn thì đã được đức vua tha bỗng tất cả số nợ khổng lồ. Mức nặng nhẹ của một lỗi hay tội có thể tăng hay giảm tùy vào đối tượng mà hành vi lỗi tội ấy xúc phạm. Theo góc nhìn này thì quả thật mọi hành vi lỗi tội của con người xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể càn khôn, thì đều “to lớn và nặng nề” khó bề đền trả được như món nợ “mười ngàn yến vàng” minh họa. Thế mà ông vua trong câu chuyện dụ ngôn xem ra hào phóng cách khác thường. Tuy nhiên khi nghe biết chuyện cái anh “trúng số” này lại thiếu lòng thương xót với người bạn vốn mắc nợ anh ta vỏn vẹn chỉ trăm đồng, thì đức vua đã đổi ngược thái độ cách dứt khoát với anh ta và sai gia nhân bắt tống giam anh này vào ngục cho đến khi trả hết món nợ kếch xù kia.

Tình yêu thật có nhiều điều như nghịch lý. Nhiều đấng bậc mẹ cha dễ dàng bỏ qua nhưng lầm lỗi mà con cái xúc phạm đến bản thân mình nhưng dường như không thể chịu nỗi cái cảnh chúng hành khổ, đày đọa những đứa anh em, chị em kém may mắn. Sau khi xác định giới luật tình yêu là mến Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, thì Chúa Giêsu đã không lấy việc cầu nguyện hay dâng lễ vật vào Đền Thờ để minh họa, nhưng đã đưa ra hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã có lòng thương xót một nạn nhân đi từ Giêrusalem về Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh nguy kịch, bằng cách chăm sóc giúp đỡ nạn nhân cách tận tình mà không chút tính toán thiệt hơn (x.Lc 10,25-37).

Khi nghe câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương, chắc chắn ít ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước sự ranh ma của anh quản gia ăn gian tiền bạc của ông chủ. Chắc chắn sau khi biết được kế ma mãnh của anh này thì dù có chép miệng khen, nhưng rồi thế nào ông chủ cũng sẽ trừng trị anh ta đích đáng. Nội dung chính của câu chuyện dụ ngôn nằm ở câu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”(Lc 16,9).

Chúng ta cần phải xác định rõ hạn từ “Tiền Của bất chính”. Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta sử dụng những thứ tiền của kiếm được cách bất chính, bất lương hay phi pháp. Thế thì phải hiểu như thế nào đây. Không ngại ngần để khẳng định rằng “tiền của bất chính” ở đây phải được hiểu là của cải trần gian. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh đều ghi là “the Mammon of unrighteousness” hay nghĩa tương đương. Nhưng cũng có một vài bản dịch dùng hạn từ “Worldly Wealth” hay “Base Wealth”. Hạn từ “Mammon” nhắc nhớ chúng ta sự thật này: Khi của tiền được tôn phong lên hàng thần thánh thì chắc chắn trở thành bất chính. Chúa Kitô đã cảnh báo: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”(Lc 16,13). “Vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Khi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc thì người ta dễ bị cám dỗ không chỉ lao mình vào những hành vi bất nhân thất đức mà còn bị cám dỗ tự phong thần phong thánh cho bản thân mình.

Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi sự thuộc về chúng ta. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Không gì hơn là hãy trả của cải vật chất về đúng vị trí của nó. Nó là của cải chứ không phải là thần tài. Biết dùng của cải, tiền bạc để làm phát triển tình tương thân tương ái là một trong những phương thế sử dụng của tiền cách hữu ích cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay và ngày sau. Nhiều tín hữu phân trần với các vị mục tử rằng: Với chúng con, vấn đề không phải là ở chỗ sử dụng mà là ở khâu tìm kiếm tiền bạc. Đây là một vấn nạn mang tính hiện sinh. Khi của tiền đi vào bằng con đường bất chính thì sự thường nó sẽ đi ra bằng con đường bất nghĩa, bất lương. Chính vì thế sẽ không thừa nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi tìm kiếm của tiền vì mục đích gì? (để làm gì?) và tôi đang kiếm tìm của tiền theo cách thế nào? có chính đáng, hợp pháp, công minh không? Cũng xin đừng quên xem xét cách thế sử dụng tiền bạc của chúng ta. Dù thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nếu chúng ta sử dụng của cải cách hoang phí thì cũng lỗi đức công bình và dĩ nhiên đáng bị kết án cách nghiêm minh.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 15/09/2010
CỨ NGHĨ LÀ THẾ

N2T


Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo công đánh Nghiệp thành do Viên Thiệu trấn thủ, con trai là Tào Phôi ở trong nhà Viên Thiệu, nhìn thấy vợ của Viên Hy trẻ đẹp thì rất thích bèn lấy bà làm vợ. Khổng Nhung biết chuyện này lập tức viết thư cho Tào Tháo nói Tào Phôi làm chuyện như thế, giống như Châu Võ vương sau khi thảo phạt nhà Thương và nhà Trụ thì đem hoàng phi Đắc Kỷ của Trụ vương dâng cho Châu công làm vợ vậy.

Thực ra, chính Đắc Kỷ tự sát, nhưng Khổng Nhung nói như thế là để khuyên Tào Tháo, hồng nhan là thế lực gây tai họa không thể lưu lại được. Nhưng Tào Tháo nghe mà không hiểu, lại còn hỏi Khổng Nhung cái đoạn đem Đắc Kỷ dâng cho Châu Công ở trong sách nào, Khổng Nhung bèn cười nói đùa:

- “Lấy tình huống hôm nay mà coi, dùng trí mà suy thì biết chuyện như thế sẽ xảy ra”.

(Hậu Hán thư, Khổng Nhung truyện)

Suy tư:

Tào Tháo nghe mà không hiểu là bởi vì trong lòng đang nghĩ đến chuyện Châu Võ vương đem Đắc Kỷ dâng cho Châu Công, chứ không hề nghĩ đến chuyện con mình sẽ gặp tai họa vì lấy vợ đẹp của Viên Hy.

Có những lúc trong cuộc sống chúng ta nghe mà không hiểu Lời Chúa dạy, nghe mà không hiểu thì có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính thì có hai: một là khi nghe giảng mà không hiểu linh mục giảng gì; hai là nghe mà kiêu ngạo cứ nghĩ mình đã nghe nhiều lần rồi.

- Nghe linh mục giảng mà không hiểu, là bởi vì linh mục khi giảng Lời Chúa chỉ cốt pha trò cho giáo dân cười, hoặc chỉ biết khen người này chê người nọ, cho nên giáo dân không hiểu gì cả. Đó chính là lỗi của linh mục.

- Nghe giảng nhưng cảm thấy mình đã nghe nhiều lần rồi, cho nên thấy nhàm chán và sinh ra tư tưởng kiêu ngạo rồi không muốn nghe nữa, thế là họ chẳng thấy có ích gì khi nghe giảng bởi vì tâm hồn đầy kiêu ngạo. Đó là lỗi của mình.

Khi tâm hồn đầy ắp những kiêu ngạo và ghét ghen, thì chắc chắn sẽ không còn chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự nữa.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Câu chuyện cám ơn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 15/09/2010
CÂU CHUYỆN CÁM ƠN

Một thanh niên có thành tích học tập ưu tú, đi đến một đại công ty xin ứng thí vào chức vụ quản lý, anh ta được thông qua cấp vấn đáp thứ nhất, cấp vấn đáp cuối cùng thì do tổng giám đốc khảo sát và có quyết định sau cùng.

Từ nơi bản lý lịch của người thanh niên này, tổng giám đốc phát hiện người thanh niên này rất ưu tú, từ trung học cho đến nghiên cứu sinh đều không bị gián đoạn. Tổng giám đốc hỏi:

- “Anh có lãnh được phần thưởng ở nhà trường không ?”

Người thanh niên trả lời là không có.

Tổng giám đốc hỏi:

- Có phải ba của anh trả tiền học phí ?”

Người thanh niên trả lời:

- “Ba tôi đã chết khi tôi mới được một tuổi, chính mẹ tôi trả tiền học phí cho tôi”.

Tổng giám đốc hỏi:

- “Vậy thì mẹ anh làm cấp cao ở công ty nào ?”

Người thanh niên trả lời:

- “Mẹ tôi giặt áo quần thuê cho người ta”.

Tổng giám đốc yêu cầu người thanh niên đưa hai bàn tay ra, người thanh niên đưa hai bàn tay sạch sẽ cho ông tồng giám đốc xem.

Tổng giám đốc hỏi:

- “Anh có giúp cho mẹ anh giặt áo quần không ?

Người thanh niên trả lời:

- “Chưa bao giờ, bởi vì mẹ tôi cứ muốn tôi học thật nhiều, hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi nhiều lắm”.

Tổng giám đốc nói:

- “Tôi có một yêu cầu, hôm nay về nhà anh rửa hai bàn tay cho mẹ anh, ngày mai đến gặp tôi”.

Người thanh niên cảm thấy mình có thể thành công lớn, sau khi về tới nhà thì rất vui vẻ rửa tay dùm cho mẹ, mẹ anh ta vừa kinh ngạc vừa âu yếm đưa tay ra để cho con mình rửa.

Người thanh niên giúp mẹ rửa tay, rửa từ từ, vừa rửa vừa khóc, bởi vì lần đầu tiên anh ta phát hiện hai bàn tay của mẹ mình đều bị lở loét, có những vết thương vừa chạm nước thì mẹ run lên vì đau.

Người thanh niên lần thứ nhất hiểu được rằng, mẹ mình mỗi ngày đều dùng hai bàn tay lở loét đau nhức này giặt áo quần thuê, để kiếm tiền đóng học phí cho mình, hai bàn tay của mẹ chính là cái giá tốt nghiệp hôm nay của mình. Người thanh niên rửa tay cho mẹ xong, không nói một lời nào bèn lấy những áo quần mà mẹ chưa giặt đem đi giặt. Tối hôm ấy hai mẹ con cùng trò chuyện với nhau rất lâu.

Qua ngay hôm sau, người thanh niên đi gặp tổng giám đốc, tổng giám đốc nhìn mắt anh thanh niên ửng đỏ, bèn hỏi:

- “Anh có thể nói cho tôi biết hôm qua về nhà anh đã làm những gì ?”

Người thanh niên trả lời:

- “Sau khi rửa tay cho mẹ thì tôi giúp mẹ tôi giặt nốt số áo quần còn lại mà mẹ tôi chưa giặt”.

Tổng giám đốc nói:

- “Anh có thể nói cảm tưởng cho tôi nghe chứ ?”

Người thanh niên nói:

- “Thứ nhất, tôi hiểu được sự cám ơn, nếu không có mẹ tôi thì tôi sẽ không có ngày hôm nay. Thứ hai, tôi hiểu được nên cùng làm việc với mẹ mới biết được sự khổ cực của mẹ. Thứ ba, tôi hiểu được tình cảm gia đình rất đáng quý trọng”.

Tổng giám đốc nói:

- “Tôi nhận là nhận người biết cám ơn, biết hiểu được sự cực khổ của người khác, chứ không phải nhận người đem tiền bạc làm mục tiêu thứ nhất của cuộc sống để làm quản lý, anh đã được nhận vào làm việc”.

Quả nhiên về sau người thanh niên này nổ lực làm việc, được các công nhân viên chức ủng hộ hết mình, các công nhân viên cũng nổ lực làm việc nên công ty ngày càng phát triển.

Nếu như một em bé từ nhỏ đã được nâng niu chiều chuộng, quen được mọi người vây quanh nuông chiều, cái gì cũng “tôi” là số một, không biết sự cực khổ của cha mẹ, khi làm việc thì cứ cho rằng đồng sự phải nghe lời mình, khi làm giám đốc thì không biết sự cực khổ của nhân viên, lại còn oán trời trách người. Người như thế sẽ có thành tích tốt của nhà trường, sẽ được sĩ diện nhất thời; nhưng trong xã hội thì những người như thế đều không làm được việc lớn, đều không biết cái cảm giác hạnh phúc, đều phải té ngã và đấu tranh.

Như thế thì cha mẹ thương con cái hay làm hại con cái ?

Suy tư:

Bạn có thể mua cho con mình cái laptop, có thể cho nó coi truyền hình màn ảnh rộng, có thể mua cho nó chiếc xe đạp mới, có thể cho nó ở cái phòng đầy đủ tiện nghi. Nhưng khi cả nhà ăn cơm xong thì kêu nó rửa chén bát, khi bạn dọn dẹp nhà cửa thì kêu nó quét nhà, khi bạn bận việc thì kêu nó tự tắm rửa để đi học.v.v…không phải bạn làm không được những chuyện đó, nhưng chính là bạn tập cho con mình hiểu được sự khổ cực của lao động chân tay, hiểu được sự cực khổ của cha mẹ mình, để sau này khi ra giữa xã hội, chúng nó sẽ biết thông cảm với những khổ đau của người khác.

Đó chính là bạn dạy cho con mình biết cám ơn cuộc sống vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:09 15/09/2010
N2T


32. Khắc chế mình là thước đo sự tiến bộ.

(Thánh Ignatius)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 15/09/2010
N2T


524. Lý tưởng là đèn chỉ đường, không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định; không có phương hướng thì không có cuộc sống.

 
Tích trữ của cải thiêng liêng
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
19:42 15/09/2010
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Người ta thường nói: ”Có tiền mua tiên cũng được”. Nhiều người cho rằng với đồng tiền thì làm gì cũng đực, muốn gì cũng có vì đồng tiền là vạn năng ! Nhưng có những cái mà với đồng tiền người ta không thể sắm được, ví dụ Nước Trời, phần rỗi linh hồn. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn “Người quản gia bất lương” để khuyến khích chúng ta phải biết cách dùng của cải, nhất là phải khôn ngoan trong việc lo cho tương lai của mình, tức là phần rỗi đời đời của mình trên Nước Trời.

Dụ ngôn hôm nay có thể gây hiểu lầm cho nhiều người. Mới đọc qua, ta thấy Đức Giêsu như khen nguời quản lý bất lương đã khôn khéo dùng mánh lới để kiếm được bạn hữu sau khi bị ông chủ thải hồi. Xem ra Đức Giêsu cho phép chúng ta theo gương người quản gia này để dùng mọi mánh lới khôn khéo mà tìm lợi cho mình. Nhưng đọc kỹ, ta thấy Đức Giêsu không khen việc làm bất lương của anh ta mà chỉ khen cái khôn khéo của anh ta trong việc biết lo cho tương lai của mình. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta phải biết lo cho cho phần rỗi của mình giống như người quản gia bất lương biết lo cho tương lai vật chất của anh ta.

Tất cả chúng ta đều là quản gia của Chúa vì tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban, như thánh Phaolô nói:”Có gì mà bạn đã không nhận nơi Chúa”. Với tư cách quản gia, chúng ta phải trung thành quản lý tài sản mà Chúa đã trao phó, phải biết làm lợi ra, phải biết chia sẻ và biết dùng tài sản này mà mua được phần rỗi của mình trên Nước Trời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Am 8,4-7

Tiếng kêu của tiên tri Amos cách Đức Giêsu 800 năm mà hôm nay vẫn còn hợp thời. Ông được đời sau đánh giá là lương tâm của thời đại ông, một thời đại đầy dẫy bất công xã hội và người nghèo bị bóc lột đến tận xương tủy. Ông lên án những tội của người giầu:

- Ngay những ngày lễ cũng bị sử dụng cho việc buôn bán để kiếm lời.

- Họ gian lận bằng cách thu hẹp đấu lại và làm nặng thêm quả cân.

- Khai thác và bóc lột những người nghèo khó.

Nhà tiên tri đã cảnh cáo:”Chẳng bao giờ Ta sẽ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8.7).

+ Bài đọc 2: 1Tm 2,1-8

Thánh Phaolô chỉ dẫn choTimôthêô tổ chức lời kinh cho mọi người trong cộng đoàn phụng vụ. Phải có tinh thần liên đới trong khi cầu nguyện, nghĩa là Kitô hữu đại diện cho nhân lọai, liên kết với nhân lọai trước mặt Thiên Chúa.

Khi cầu nguyện người Kitô hữu mở rộng lòng ra ôm lấy thế giới để tạ ơn, để cầu xin với mọi người và cho mọi người. Tại sao lại có nhiệm vụ ấy ? Bởi vì Thiên Chúa của người Kitô hữu là Thiên Chúa của tất cả mọi người và Ngài muốn tất cả được ơn cứu rỗi. Riêng vị sứ giả Tin mừng càng phải làm chứng về điều này cách hăng say hơn.

+ Bài Tin mừng: Lc 16,1-13.

Truyện người quản gia bất trung ta gặp thấy hằng ngày trong cuộc sống. Đối với dân Do thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý, miễn sao có lợi cho chủ thôi. Quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.

Đức Giêsu không khen cái hành vi bất chính của anh ta, nhưng khen cái sự khôn khéo biết lo cho tương lai. Bài học rút ra cho người Kitô hữu là khi phải lo phần rỗi linh hồn thì phải làm mọi chuyện để được cứu rỗi. Bằng cách nào ? Bằng cách chia sẻ với người nghèo. Không có cách nào giữ của chắc chắn hơn.

Trong khi xử dụng tiền của phải rất khôn ngoan, phải biến nó thành tôi tớ trung thành, đừng để nó trở thành ông chủ khắc nghiệt vì “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,13).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Cách dùng tiền của đời này

I. DỤ NGÔN NGƯỜI QUẢN GIA BẤT LƯƠNG

Để dạy ta phải biết lo xa cho đời sống tương lai của linh hồn mình, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn nói về một người quản gia biết lo xa cho đời sống vật chất của mình.

1. Người quản gia ở Palestine

Tại Palestine có nhiều địa chủ vắng mặt ở lãnh địa của mình nên tất cả công việc của ông được trao vào tay người quản gia của ông. Theo luật Do thái, người quản gia không phải là một nhân viên được trả công, nhưng toàn quyền thay mặt chủ và chủ phải tôn trọng những dịch vụ buôn bán của người quản gia.

Trong trường hợp người quản gia bất trung phung phí của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt buộc ông phải hoàn lại của đã mất, chỉ có cách là sa thải. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia phải tính sổ liệt kê tài sản, việc này cần một thời gian chuẩn bị. Trong thời gian này ông vẫn là người đại diện của chủ, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ. Ở đây, người quản gia bị ông chủ là nhà phú hộ khiển trách, vì đã phung phí của chủ và đó là hành vi bất lương và gian dối của người quản gia, khiến ông chủ sa thải.

2. Kế họach của người quản gia

Ở trong tình tình trạng này, người quản gia phải suy nghĩ về số phận tương lai của mình sau khi bị sa thải. Làm việc bằng chân tay thì không quen vì xưa nay chuyên ăn trên ngồi trốc rồi. Phải liệu cách nào để sau khi mất chức quản gia, thì sẽ có người đón tiếp mình về nhà họ.

Thế là không chút chần chừ, ông cho gọi “từng con nợ”của chủ lại, và trước mặt mình, anh ta cho phép họ sửa lại số nợ. Đúng là dịp may hiếm có, bởi vì thủ đoạn này cho phép giảm món nợ từ 100 thùng dầu xuống chỉ còn 50 (bớt khỏang 2000 lít), và từ 100 giạ lúa xuống chỉ còn 80 (bớt khoảng 6000 ký).

Từ nay mọi người đều đồng lõa với nhau giữ kín bí mật: đám con nợ dĩ nhiên sẵn lòng giữ thinh lặng để được hưởng một vụ làm ăn quá lời; còn người quản gia thì an tâm “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”.

Dụ ngôn người quản gia bất lương là một trong những đoạn Tin mừng từng bị hiểu sai nhiều nhất: bao nhiêu người đã xem đây như bằng chứng Đức Giêsu cho phép làm điều bất lương. Thọat nghe ta lấy làm vấp phạm khi Đức Giêsu lên tiếng khen người quản lý bất lương đã hành động cách tinh quái. Lẽ ra thì Ngài phải kết án việc làm gian lận của người quản lý hay ít ra cũng chỉ trích cái hành động cướp gạt của anh ta như tiên tri Amos đã tố cáo những tệ đoan xã hội thời bấy giờ. Amos mô tả việc người giầu có nóng lòng chờ đợi cho qua ngày lễ nghỉ để họ có thể lường gạt và bóc lột người nghèo (Am 8,5-6).

Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề ta thấy Đức Giêsu không khích lệ việc người quản gia phung phí tài sản của chủ. Thực ra, Ngài chỉ khen cái mánh lới của anh ta mà thôi. Ngài khen người quản gia có khả năng hành động kịp thời và quyết liệt khi bị giồn vào thế chân tường. Rồi từ đó Ngài kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn hơn con cái ánh sáng” (Lc 16,8). Và rồi Đức Giêsu thách thức ta: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước các con vào nơi ở vĩnh cửu (Lc 16,9). Nghĩa là con cái ánh sáng cần phải xử sự cách khôn khéo để làm sao tiền bạc không trở nên một thế lực thống trị và biến chúng ta thành nô lệ; trái lại, cần phải biến nó thành phương tiện phục vụ con người thông qua làm phúc bố thí chứ không phải bo bo giữ cho riêng mình. Người Kitô hữu nhớ rằng, tiền bạc không phải là cùng đích mà chỉ là phương tiện. Chúng ta xử sự thế nào để tiền của không cản trở bước đường đi đến đời sống vĩnh cửu khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.

II. NÓI VỀ TIỀN CỦA

1. Tiền của là những gì ?

Tiền của đây nói chung là gia tài hay tài sản, là tất cả những gì mình có. Gia tài vật chất là của cải, là thân xác, là địa lợi chung quanh. Gia tài tinh thần là tài năng, tâm trí, đức hạnh, linh hồn. Gia tài vô cùng quí giá là nguồn sống vô biên tuôn trào từ các bí tích, từ lời hằng sống, từ trái tim và thần khí của Đức Giêsu… Tất cả những cái đó ta phải “quản lý”. Chúa sẽ yêu cầu chúng ta phải phúc trình về chúng. Ta không có quyền “phung phí” những ơn mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta. Ai là người quản lý trung tín và khôn ngoan thì biết khôn khéo dùng những gia tài ấy để kinh doanh, phát triển, đầu tư vào những công trình chân chính mà mua lấy bạn bè, sắm lấy những kho tàng, sắm lấy những viên ngọc qúi trong Nước Thiên Chúa. Đó là cách xử sự khôn khéo của con cái sự sáng.

2. Sức mạnh của tiền bạc

Người đời thường nói: ”Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược không xong”.

Tiên là bà tiên, cô tiên, một hạng người đẹp cả người lẫn nết, không bao giờ chết, lúc biến lúc hiện do trí tượng tượng người ta hình dung ra. Tiên là một hạng người không có thực, vậy có tiền cũng không có thể mua.

Câu này cực tả cái giá trị của đồng tiền, đại ý nói rằng có tiền thì việc khó đến đâu, cũng làm được, của hiếm đến đâu cũng mua được. Không tiền thì cái tầm thường nhất cũng không mua được. Có câu tục ngữ tiếp theo câu trên: ”Không tiền mua lược không xong”.

Người có tiền thì có thế, được nhiều người kiêng nể, có thể sai khiến được nhiều người, khiến họ phải hầu hạ, đưa rước và tạo thêm được nhiều kẻ nịnh hót:

Có tiền chán vạn người hầu,

Có bấc có dầu chán vạn người khêu.

(Ca dao)

Đồng tiền cũng có sức mạnh phi thường, nó có thể đổi trắng thay đen lòng người, nó có thể biến những con người lương thiện thành con người bất lương, mà nhiều người không thể cưỡng lại được:

Đồng tiền không phấn không hồ,

Đồng tiền khéo điểm, khéo tô lòng người.

(Ca dao)

Cổ nhân cũng đã có kinh nghiệm nên đã từng nói: ”Hoàng kim hắc thế tâm”.

Hành động của Giuđa đã nói lên kinh nghiệm đó. Giuđa là một trong 12 tông đồ thân tín của Đức Giêsu, được Ngài yêu thương tận tình, nhưng vì tham tiền, anh ta đã bán rẻ lương tâm, không còn nghĩ gì đến tình nghĩa thầy trò,sẵn sàng bán Ngài cho người Do thái với giá 30 đồng bạc. Quá rẻ ! Anh ta đã bị đồng tiền chi phối, không thể chống lại được.

3. Nguy hiểm của tiền bạc

Có phải “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của lò so, là thước đo lòng người “ chăng ?

Qua tin tức báo chí và kinh nghiệm thực tế, có lẽ ta phải nhìn nhận sức mạnh của tiền tài quả là đáng sợ. Nó có thể làm mờ lương tri, biến chất lòng người, sụp đổ ý chí, lụi bại thanh danh, tiêu tan trách nhiệm… Thế nên có tiền tài và sử dụng làm sao cho tốt đẹp không phải là chuyện dễ.

Biết bao câu tục ngữ: ”Tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu”. Tiền tài vừa nguy hiểm vừa đáng sợ mà ai cũng thích có nhiều, chỉ vì cái sức mạnh của nó, như câu tục ngữ của nước Nga: ”Với một túi tiền treo nơi cổ, không ai có thể bị chết treo”.

Nhà thơ Tú Xương còn mỉa mai:

Ví thử trong tay tiền bạc có,

Nói dối như cuội chán người nghe.

Có thể nói tiền bạc là con dao hai lưỡi. Theo đó, càng nhiều tiền thì con dao hai lưỡi càng khó sử dụng.

Truyện: Lời khuyên của vị giáo trưởng.

Một lần kia, có một người giầu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giầu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói: ”Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy cái gì” ?

“Tôi thấy người ta đi qua, đi lại,” ông nhà giầu đáp.

Rồi giáo trưởng đưa ông ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói:”Ông hãy nhìn vào tấm gương này và nói ông thấy gi”.

“Tôi thấy chính tôi”, ông nhà giầu đáp.

“Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có trát lên một lớp bạc. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính ông. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính ông” (McCarthy).

4. Tiền của và hạnh phúc

Tiền của là phương tiện chứ không phải là mục đích, nhưng có nhiều người coi đó là mục đích, là chúa tể. Càng có nhiều tiền của càng muốn có nhiều hơn. Họ theo đạo thờ thần Mammon. Tiếng Mammon chỉ chung những gì nghịch với Thiên Chúa, mà tiền của đứng hàng đầu.

Nhiều tiền bạc chưa chắc đã sung sướng, chưa chắc đã hạnh phúc. Có những trường hợp con người sa đọa, tội lỗi, hư hỏng, vì dư thừa tiền bạc, phủ phê vật chất thì sao ? Hoặc những gia đình giầu có nhưng sống ngột ngạt, bất hòa thường xuyên, chúng ta giải thích thế nào ? Bởi vì tiền là bạc. Bạc không chỉ là một loại quí kim, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền mà mất cha mất mẹ, mất vợ, mất chồng, mất bạn hữu, mất họ hàng.

Thi sĩ Nguyễn Du trong thi phẩm Kim Vân Kiều đã phải thú nhận:

Trong tay đã có đồng tiền

Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

Nhà thơ Nguyễn bỉnh Khiêm cũng chua xót nói rằng:

Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử,

Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.

Chúng ta không tìm thấy sự thỏa mãn và ý nghĩa cuộc sống trong của cải. Nhưng khi chúng ta sốt sắng phục vụ người khác, điều này đem lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Cho người khác là điều làm cho chúng ta cảm thấy mình sống mãi.

Henrik Ibsen nói:”Tiền bạc có thể mua vỏ ngoài của sự vật nhưng không thể mua cái lõi của chúng. Nó đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; thuốc men nhưng không phải sức khỏe, sự quen biết nhưng không phải bạn bè, tôi tớ nhưng không phải lòng trung tín, những ngày đầy lạc thú nhưng không phải sự bình an và hạnh phúc”.

Đúng là:

An cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,

An cơm với cáy thì ngáy o o.

III. NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN

1. Người giầu có là quản gia của Thiên Chúa

Có lẽ một phần do ảnh hưởng của cuộc sống khó khăn, phần khác do quá tham lam mù quáng mà chúng ta đã có một suy nghĩ lệch lạc về của cải, đó là chúng ta cứ tưởng mình luôn làm chủ của cải. Nhưng nếu biết suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra của cải vật chất mà chúng ta đang có đều thuộc về Thiên Chúa, vì chính Ngài mới là Chủ vật chất và Đấng sở hữu đích thực; còn chúng ta, nói một cách trung thực, chỉ là những người quản lý, coi sóc tạm thời. Cho nên, nếu chúng ta cứ tưởng lầm mình là chủ, tất nhiên chúng ta sẽ không tránh khỏi sự lạm dụng quyền hành hoặc bo bo giữ lấy của cải như lẽ sống đời mình để rồi dùng nó theo ý ngông cuồng của mình, sẽ dẫn tới sai trái.

Và một ngộ nhận nữa là chúng ta cứ nghĩ của cải mãi mãi thuộc về mình. Đây là một ngộ nhận tai hại vì không những chúng ta giả điếc làm ngơ trước bao cảnh tay trắng hoàn tay trắng xẩy ra hằng ngày do nhiều nguyên nhân như cháy nhà, bị trộm cướp, bị tai họa, bị tù tội, nhất là bị chết, mà còn cố tình đâm đầu vào làm giầu, tham lam vơ vét của cải như là cùng đích của đời mình. Do đó, kẻ khôn ngoan không phải là kẻ giữ của mà là kẻ biết dùng của cho thật hữu ích vì chúng ta chỉ được phép giữ và sử dụng của cải trong thời hạn nào đó mà thôi.

2. Người quản gia biết chia sẻ

Nếu người giầu có là quản gia của Thiên Chúa thì không có quyền giữ bo bo cho mình hoặc sử dụng một cách hoang phí. Họ phải biết chia sẻ nữa. Theo ông Robert Karris: ”Tiền bạc (mammon) đều thuộc về thế hệ xấu xa này. Môn đệ phải chuyển mammon thành kho tàng trên trời bằng cách chia sẻ của cải với những người khác, đặc biệt những người túng thiếu. Như thế, tiền của có thể mở lối vào Nước Trời, và lúc ấy tiền của là tên đầy tớ tốt cho ta. Phải biết trung tín khi dùng của cải đời này để có thể được trao phó của đời sau, nghĩa là biết xử dụng của cải như phương tiện chứ không phải như mục đích và xử dụng theo ý Chúa”.

Các rabbi Do thái có câu: ”Kẻ giầu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo giúp kẻ giầu trong đời sau”. Khi chú giải truyện người giầu ngu dại xây kho vựa lớn hơn để tích trữ của cải, thánh Ambrôsiô có nói: ”Bụng của người nghèo, nhà của bà góa, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa còn mãi đời đời”.

Người Do thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho. Sự giầu có thật của con người không tùy những gì mình nắm giữ, nhưng ở những gì mình cho đi. “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17).

Truyện: Mạnh Thường Quân.

Mạnh Thường Quân nhà giầu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

- Ngài có định mua gì về không?

- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng:”Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

- Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

- Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.

3. Người quản gia phải trung tín

Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đã khẳng định: ”Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,16).

Ngày xưa, chủ chiếm hữu nô lệ cách tuyệt đối. Ngày nay thì đầy tớ hay lao công có thể làm công việc cách dễ dàng và có thể làm việc cho hai chủ. Anh ta có thể đảm nhận một công tác trong giờ bình thường và một công tác khác trong giờ rảnh rỗi. Tỷ như có người làm thơ ký ban ngày và làm nhạc sĩ ban đêm. Nhiều người làm thêm để kiếm tiền hay làm theo sở thích trong những giờ tự do. Thế nhưng một nô lệ không có giờ tự do, mọi giây phút trong ngày, tất cả sức lực của anh ta thuộc về chủ. Anh ta không có thời giờ riêng nào. Cũng vậy, phục vụ Thiên Chúa không thể nào là một công việc làm bán thời gian hay công việc của giờ rảnh rỗi. Ai đã chọn sự phục vụ Chúa thì tất cả thời giờ, sức lực của người ấy đều thuộc về Chúa trọn vẹn. Thiên Chúa là chủ tuyệt đối trên mọi người chủ, chúng ta hoặc thuộc trọn về Chúa hay không thuộc về Ngài chút nào.

Sách có chữ rằng: ”Trung thần bất sự nhị quân”: Tôi trung không thể làm tôi hai chúa. Đức Giêsu cũng đồng ý như vậy khi đem ra dụ ngôn người quản gia bất lương và kết luận:”Không ai có thể làm tôi hai chủ”.

Người ta thường nói: ”Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ rất xấu”, nghĩa là khi chúng ta dùng tiền của như một phương tiện mưu sống, thì lúc ấy tiền bạc rất tốt cho chúng ta. Trái lại, khi chúng ta tôn thờ tiền bạc như một ông Chúa, thì lúc ấy tiền bạc là một điều tai hại; do đó, chúng ta phải dùng tiền bạc như một tên đầy tớ, còn việc tôn thờ thì chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi.

4. Người quản gia phải biết dừng lại

Thái độ của người quản gia khôn ngoan là phải biết dừng lại và bằng lòng với những cái mình đang có và cố gắng làm cho tốt hơn, nếu không thì lòng tham vô đáy sẽ đòi hỏi mãi, có thể làm cho chúng ta trở nên mù quáng mà trở thành một quản gia bất lương. Nhà hiền triết Seneca ngày xưa nói rất đúng: ”Nếu bạn không coi những gì bạn đang có thì dù bạn có cả thế giới bạn vẫn cảm thấy thiếu”.

Tư tưởng này đông tây gặp nhau:

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,

Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn ?

Biết đủ ấy là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ,

Biết nhàn ấy là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn.

(Cổ ngạn)

5. Người quản gia biết lo cho tương lai

Đức Giêsu so sánh: ”Con cái đời này đối xử với đồng lọai thì khôn hơn con cái ánh sáng”(Lc 16,8). Rồi từ đó Ngài kết luận: ”Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”(Lc 16,9).

Lời thách đố của Chúa có nghĩa là ta phải biến đổi tiền của vật chất thành phương tiện để mở mang xây dựng Nước Chúa. Lời thách đố của Chúa có nghĩa là ta phải biến đổi tiền của vật chất thành phương tiện để mở mang, xây dựng Nước Chúa.

Bài học Chúa muốn dạy ta hôm nay là phải khôn khéo và mạo hiểm, phải dùng óc sáng kiến và tài sáng nghiệp để tạo cho ta một tương lai trong Nước Chúa, như người quản gia bất lương sửa sọan cho tương lai của mình trong nước trần gian. Tại sao ta sẵn sàng mạo hiểm trong những lãnh vực khác của cuộc sống và cảm phục người khác làm như vậy ? Nhưng còn việc liên hệ với Chúa ta lại thường đắn đo và dè dặt. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa muốn so sánh cái cách thế người ta dùng trong những trường hợp có liên can đến những sự vật trần thế với những cách thế mà người ta dùng để đương đầu với những sự vật thiêng liêng.

Truyện: Đồng tiền trên trời.

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giầu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?

- Chỉ một đồng thôi.

- Còn tô lớn kia ?

- Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

- Ở đây chỉ xài lọai tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?

Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói:

- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.

- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?

- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng lọai tiền-cho-đi.

Ông nhà giầu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc lọai tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiều đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
 
Mẹ Maria can trường
Tuyết Mai
20:46 15/09/2010
Kính Lậy Mẹ Maria Hiền Mẫu của toàn thể nhân loại chúng con! Hôm nay là ngày Lễ Mẹ Sầu Bi, nhắc nhở con cái Mẹ hãy bắt chước Mẹ Xin Vâng trong tất cả mọi sự. Trên đời chỉ có Mẹ là gương chói ngời cho tất cả chúng con noi theo. Quả Mẹ là người mẹ thế trần thật tuyệt vời trong mọi lãnh vực và mọi sự trong Thiên Chức của Mẹ. Mẹ tuyệt vời và tuyệt hảo tới độ được chính Thiên Chúa Cha tuyển chọn Mẹ trong muôn vàn người phụ nữ trên trái đất này, sẽ được cưu mang Người Con duy nhất của Thiên Chúa Cha là Ngôi Hai Thiên Chúa có tên là Giêsu trong cung lòng thật trong trắng của Mẹ. Với lời Xin Vâng cao trọng của Mẹ, mà toàn thể nhân loại tội lỗi của chúng con, được Cứu Chuộc bởi Đức Chúa Giêsu Kitô, qua công trình trọng đại của Đức Chúa Cha.

Mẹ ơi! Loài người chúng con sống trên trái đất này để vượt qua mọi thử thách gian lao và cùng khổ, không gì tuyệt hảo và nên trọn lành cho bằng là nhìn tấm gương sống động của Mẹ. Quả không bài văn, thơ, hay nhạc nào có thể diễn đạt, diễn tả, và lột tả cho hết những gì Mẹ chịu đựng trong sự khổ cực, gian lao, và đau đớn cho bằng Mẹ đã từng chịu đựng vì Chúa Con Giêsu rất yêu dấu của Mẹ, trong suốt cuộc đời của Ngài trên trần gian này!. Vâng, Mẹ đã chịu đựng hơn cả, nhịn nhục, phó dâng tất cả lên cho Thiên Chúa Cha định liệu và quyết định. Mẹ chỉ biết Vâng Lời vì Mẹ là Nữ Tỳ rất trung thành của Chúa. Mẹ đã tự dâng hiến cả cuộc đời Mẹ cho Chúa cơ mà! Mẹ không dính một bợn nhơ của thế trần. Mẹ tuyệt hảo quá! Mẹ trinh trắng quá! Mẹ khiêm nhường và yêu người quá! Mẹ chịu đựng giỏi quá! Mẹ trọn lành và thánh thiện quá! Thế gian chỉ có một mình Mẹ mà không có người thứ hai giống Mẹ, cho nên Mẹ được trở thành là người Nữ thật diễm phúc mà trần gian sẽ luôn ca ngợi Mẹ là người đàn bà diễm phúc nhất.

Hành trình trên trần gian của Mẹ thật cam go và thử thách trăm bề. Làm mẹ trần gian đã khó lắm rồi, thiết tưởng phải hy sinh, nhịn nhục, bỏ chính mình vì con, thì con mới nên người hữu dụng, cho chính bản thân nó, gia đình, và cho xã hội, vì thế ngày nay chúng ta nghe rất nhiều mẫu chuyện gương sáng của những bà mẹ có con là Thánh, vì chính cha mẹ của các Thánh đã sống cả một cuộc đời chăm lo, gìn giữ, uốn nắn, và dậy dỗ các ngài. Công lao ấy chẳng ai gọi là ít? Công lao ấy chẳng ai gọi là uổng công? Công lao ấy khi các Thánh được lên Trời, thì ắt cha mẹ của các ngài cũng không phải là ít?. Hà huống chi Đức Mẹ Maria được tuyển là Mẹ của một Thiên Chúa duy nhất trên vũ trụ này! Làm sao Mẹ lại thoát qua khỏi được những cực khổ gian lao thử thách do con người đưa tới, do cạm bẫy của thế trần, và do chương trình thật vĩ đại, trọng đại, thật lớn lao của Con Mẹ cho nhân loại tương lai nữa chứ!.

Lậy Mẹ! Chúng con là những người con thật tội lỗi trước nhan thánh Chúa. Đang sống trên trần gian mà muôn ngàn khổ ải luôn bao vây chúng con tứ bề. Tại sao chúng con lại gọi là bể khổ trần gian? Thưa vì chúng con mãi còn sĩ diện, không muốn trực diện, không dám nhìn thẳng vào thực tế, cái Tôi của chúng con thì luôn to lớn. Vì thế mà khổ ải trần gian cứ mãi ám ảnh chúng con luôn. Chúng luôn như sống trong khói thuốc độc hại của ma quỷ mà chúng cứ phà ra, Nó giúp chúng con sống trong mơ mơ ảo ảo, lúc gần lúc xa, như cái mê say của những người hút cần xa ma túy vậy thưa Mẹ!. Trần gian ai lại chẳng mê cái bả phù hoa? Trần gian ai lại chẳng chuộng cái giầu có? Trần gian ai lại chê danh vọng, và quyền lực? Dẫu sống trong tội lỗi nhưng có tiền là được? Vì Tiền cho chúng ta tất cả? Vì Tiền cho chúng ta sự bảo toàn? Vì Tiền cho chúng ta thỏa mãn của ngàn kiểu dục vọng? Vì Tiền là trên hết Mẹ ơi!.

Ai trên trần gian này dám trực diện mọi vấn đề? Nhất là sự đau khổ, bệnh tật, khổ nghèo, cô đơn, nhục nhã, tù đầy, thiếu thốn tình thương gia đình và nhân loại, và mọi hình thức khổ ải, từ trong tâm hồn của chúng ta và ngoại cảnh đưa đến?. Không khổ sao được thưa Mẹ, khi mà cuộc sống của chúng con trên trần gian này, có người Chúa cho sống thật vắn, nhưng có người Chúa cho sống đến trên 100 tuổi trong sự khó nghèo và luôn túng thiếu? Ai có trải qua cầu thì mới hay! Một ngày có đến 24 tiếng, một tiếng có đến 60 phút, một phút có đến 60 giây, thì sống tốt đẹp và trọn lành cho cả một ngày thật là khó khăn đấy thưa Mẹ!. Muốn qua được một ngày để nên trọn lành quả không phải là chuyện dễ làm, mà chúng con phải cần Ơn Trợ Giúp của Thiên Chúa thì mới mong không phải sa hỏa ngục.

Không gì sợ cho bằng là tư tưởng tội lỗi của chúng con Mẹ ạ! Ma quỷ chúng xúi xiển chúng con hằng ngày cũng là qua cái con đường tư tưởng mà chúng nhắm vào? Sau chúng đi vào Thị giác của chúng con, khi mà chúng cứ bắt chúng con xem những gì là tục tĩu là dơ bẩn? Và sau cùng hết là chúng chiến thắng chúng con thật dễ dàng vì chúng con đã để cho sự dữ nó làm trên chúng con?. Và sau cùng hết là chúng đã để lại trên chúng con sự thất trận nặng nề trong lương tâm của chúng con? Tệ đến độ có những lúc chúng con phải ra chai đá và thấy không cần thiết phải đi Xưng Tội nữa!.

Lậy Mẹ Maria là Mẹ Sầu Bi! Xin cho toàn thể con cái Mẹ khắp cùng địa cầu, biết chạy đến Mẹ cho mọi hoàn cảnh khó khăn, mà hằng ngày chúng con trải qua và gặp phải. Mẹ hiểu quá con cái tội lỗi của Mẹ suốt từ ngàn xưa cơ mà! Ngày nay tội lỗi chúng cũng tinh vi lắm Mẹ ạ! Càng hiện đại thì càng tội lỗi nhiều, nhiều đến độ mà ngay cả chúng con chẳng biết đó là tội!?. Tinh vi đến độ mà chuyện gì chúng con cũng tìm cho được những lời biện hộ cho tất cả hành vi tội lỗi của mình. Càng tinh vi càng hiện đại càng khoa học tiến triển, thì chúng con càng xin Mẹ tăng thêm tình yêu của Mẹ, để Mẹ cầu bầu cùng Ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng con với, kẻo ngày lâm chung đến, sẽ chẳng còn một linh hồn nào có thể đến được cửa Thiên Đàng của Thiên Chúa nữa Mẹ ơi!. Xin Mẹ cứu chúng con với, Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sách mới về những năm cuối đời Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Phụng Nghi
08:06 15/09/2010
Washington D.C. (CNA/EWTN News).- Hơn 10 năm sau khi viết cuốn “Witness to Hope: The Biography of Pope John Paul II (Chứng nhân Hy vọng: Tiểu sử ĐGH Gioan Phaolô II)”, ông George Weigel, một tác giả thời danh người Công giáo, vừa xuất bản cuốn sách thứ hai về vị cố Giáo hoàng, tiếp nối câu chuyện ông còn bỏ giở dang. Cuốn sách mới xuất bản được bày bán hôm nay nhan đề “The End and the Beginning: Pope John Paul II – The Victory of Freedom, the Last Years, the Legacy (Kết thúc và Khởi đầu: Giáo hoàng Gioan Phaolô II – Chiến thắng của Tự do, Những năm cuối đời, Di sản)”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã CNA mới đây, Weigel đã phản ảnh về di sản của vị Giáo hoàng được nhiều người yêu mến mà ông trình bầy trong cuốn sách mới viết.

Weigel giải thích: “Hôm 15 tháng 12 năm 2004, lúc dùng bữa ăn cuối cùng với ĐGH Gioan Phaolô II, tôi có hứa với người rằng, nếu người không làm phép xác cho tôi trước, thì tôi sẽ hoàn tất công việc tôi đã khởi sự, là viết tiểu sử của người. Cuốn “The End and the Beginning” là thể hiện điều tôi đã hứa: nó vừa hoàn tất câu truyện, vừa khuếch đại cuốn “Witness to Hope” trước đây”.

“The End and the Beginning” khởi đầu với một lời phi lộ tóm lược câu chuyện kể trong “Witness to Hope” được kết thúc vào năm 1999. Sau đó, theo lời Weigel, nó thuật lại diễn tiến cuộc chiến đấu 40 năm trường của Gioan Phaolô chống chủ nghĩa cộng sản, dựa vào những tài liệu trước đây được coi là mật và tối mật.

Weigel nói rõ: “Nay có rất nhiều người công nhận rằng Gioan Phaolô II đã là nhân vật then chốt trong vụ sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu – đây là ý kiến lần đầu tiên tôi đưa ra để thảo luận vào năm 1992 mà có đôi lúc đã bị người ta chế giễu, nhạo báng.” Nay thì các quan niệm đã thay đổi, và Weigel cảm thấy cần phải xem xét lại cuộc đời của Gioan Phaolô II ở giai đoạn đó, tham chiếu với những bằng chứng mới được giải mật gần đây.

Bìa cuốn sách mới và tác giả
Phần thứ nhì của cuốn “The End and the Beginning” thuật lại những năm cuối đời Gioan Phaolô II mà ông mô tả là “đầy kịch tính.” Trong phần này, ông trình thuật về Năm Đại Thánh (2000) và cuộc hành hương của Đức giáo hoàng đến vùng Đất Thánh, về những cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 của quân khủng bố, về những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ nổ ra năm 2002 và tình trạng quản trị tồi tệ của hàng giám mục mà Giáo hội Mỹ phải đương đầu.

Ngoài ra, Weigel còn đề cập đến những vật lộn của Đức giáo hoàng với bệnh tật, gây ra ít nhất cũng một “đêm tăm tối” của tâm hồn, cũng như những tháng cuối đời, một thời kỳ mà Weigel gọi là “thông điệp sau cùng và có lẽ ấn tượng nhất của người.”

Phần chót của sách là “một phân tích, tán thưởng và lượng định dài hơi về Karol Wojtyla, một con người, và về Gioan Phaolô II, một giáo hoàng.”

Weigel nhận xét: “Tôi nghĩ rằng các giới chức trong Giáo hội biết Karol Wojtyla là một con người có những nhân đức anh hùng, nên đã tuyên phong chân phước và phong thánh cho người trong tâm hồn các vị đó. Tôi chưa bao giờ tin là phải vội vã trong những tiến trình chính thức theo giáo luật về phong chân phước và phong thánh; tiến trình này phải thực hiện theo những mẫu mực về điều tra và suy xét theo như Giáo hội đã quy định.”

Xét về cuộc đời phi thường của người trong cương vị giáo hoàng, Weigel nhận xét rằng 5 năm sau ngày mất, di sản của người vẫn tiếp tục triển nở: “Rõ rệt, người là chứng nhân Kitô giáo vĩ đại của hậu bán thế kỷ 20. Quyết tâm của người muốn làm cho thế giới chú tâm vào những điều cần cho sự cứu độ trong năm Đại Thánh 2000 nay dường như được coi là một trong những sáng kiến lớn lao trong lịch sử do một vị giáo hoàng đề xướng.”

“Rồi còn có giảng huấn của người mà Giáo hội sẽ còn học hỏi trong hàng thế kỷ tới nữa. Trên hết cả, Gioan Phaolô II đã làm cho tư tưởng Kitô giáo trở thành đáng được ca tụng và cần thiết vào thời điểm mà Giáo hội dường như đã cạn kiệt năng lượng rao truyền Tin mừng. Hiệu quả sống động về chứng ngôn của người nay vẫn còn cảm nghiệm được trên khắp thế giới.”

Bình luận về những vụ lạm dụng tình dục trong phạm vi Giáo hội, Weigel kêu gọi giới truyền thông hãy định giá lại những nỗ lực do Gioan Phaolô II thực hiện trong suốt triều đại của người. Ông nhấn mạnh rằng Đức cố giáo hoàng đã 26 năm trường “cải tổ chức linh mục bằng cách linh hứng cho những người sẽ không bao giờ lạm dụng niềm tin người ta đặt vào hàng linh mục, để đảm nhiệm gánh nặng cũng như vinh quang của sứ vụ tư tế trong Giáo hội Công giáo ngày nay.”

Ông nói tiếp: “Thế rồi, vào năm 2002, khi Đức giáo hoàng nhận thấy rõ rệt phải tiến hành những bước để giải quyết tội lỗi trong quá khứ, thì các bước tiến này đã được áp dụng.”

Quan sát hình ảnh thiếu sót nhìn thấy do những người “tin rằng các vụ tai tiếng về lạm dụng là một loại thấu kính, một thứ màng lọc để thấy được tính toàn vẹn của Giáo hội Công giáo”, Weigel nói thêm rằng ông hy vọng cuốn sách mới nhất của ông sẽ giúp “nhắc nhở giới truyền thông và thế giới rằng có rất nhiều điều liên quan đến câu chuyện Công giáo hơn là chuyện hàng giáo sĩ lạm dụng và thất bại của các giám mục đối với những người phản bội đó.”

Nhắc nhở đến giảng huấn xuất chúng của Gioan Phaolô II về những đề tài như cốt lõi Tin mừng của Giáo hội, phẩm giá của con người, Lòng Thương xót của Thiên Chúa, và “thiên tài của nữ giới”, Weigel phát biểu với thông tấn xã CNA rằng các bài viết của Gioan Phaolô II đặc biệt thích đáng bởi vì đã chạm tới “mọi lãnh vực có thể tưởng tượng ra được của cuộc sống và nỗ lực của con người.”

Ông nói: “Giáo hội trên thế giới phải cần nhiều thập niên mới có thể tiêu hóa hết sự phong phú trong các huấn quyền của Gioan Phaolô II.”
 
Thư viện Vatican được trùng tu sẽ mở cửa lại vào ngày 20.9
BTGH
08:53 15/09/2010
VATICAN, Zenit -- Thư viện Toà Thánh Vatican sẽ mở cửa lại vào ngày 20.09 sau 3 năm tu sửa,bảo đảm an toàn và hiện đại hoá. Một cuộc triển lãm và mợt hội thảo sẽ đánh dấu sự kiện nầy vào tháng 11. ĐHY Raffaele Farina,SDB, quản thủ thư viện Hội Thánh La Mã, đã thông báo việc mở cửa lại nầy cho các nhà nghiên cứu trong một cuộc họp báo do Ngài chủ toạ ngày 13.09 tại “Salon Sixtine”, với sự trợ thủ của ĐGM Cesare Pasini, của ngài Pier Carlo Cuscianna, giám đốc kỹ thuật của phủ thủ hiến Thành phố Vatican; của ngài Giovanni Giavazzi, chủ tịch Tổ Chức “Italcementi” (Xi Măng Ý),là xí nghiệp đã thực hiện công trình tuyệt tác củng cố cấu trúc thu viện, và ngài Gennaro Guala,kỹ sư của “Italcementi”.

Lãnh vực can thiệp thứ hai là bảo đảm an ninh và thứ ba là hợp lý hoá các khu vực khác nhau củ thư viện và thư khố lưu trữ. Cuộc triển lãm sẽ có chủ đề: ”Biết thư viện Vatican, một lịch sử hướng tới tương lai” sẽ được khánh thành ngày 10.11 trong phòng trưng bày “Charlemagne”, cánh trái hàng cột Bernin và ngày 11 – 13.11 là hội nghị về Thư Viện nầy như là một cơ sở phục vụ nghiên cứu.
 
Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Anh Quốc là nguồn động viên lớn cho việc truyền giáo
Nguyễn Hoàng Thương
11:49 15/09/2010
Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Anh Quốc là nguồn động viên lớn cho việc truyền giáo

Luân Đôn (AsiaNews / Agencies) - Tất cả các Giáo hội Kitô ở Anh đang mong đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Vương quốc Anh và hy vọng rằng ngài sẽ động viên họ cùng nhau làm chứng tá trước một xã hội ngày càng bị tục hóa.

Trái với những gì mà phần lớn giới truyền thông loan tải, các vụ bê bối linh mục lạm dụng tính dục và ấu dâm đang đưa người Công Giáo đến chỗ gần gũi hơn với những chứng tá của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và của Giáo Hội.

Hôm 13/9, trang web Tin Lành Christian Today đã công bố một bản tuyên bố chung với Giáo hội Anh để chào đón Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Họ hy vọng rằng chuyến tông du của ngài sẽ là nguồn động viên cho tất cả các giáo hội ở nước này. Bản tuyên bố này được ký tên bởi Rowan Williams, giáo trưởng Anh giáo của Anh, Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols của Westminster, Betty Matear của Giáo phái Cứu Thế Quân (Salvation Army).

Những bình luận tích cực cũng được Mục sư Roberta Rominger, Tổng Thư Ký Giáo Hội Cải Cách Thống Nhất (United Reformed Church) thể hiện qua việc đánh giá cao công việc của các giám mục Công Giáo trong lĩnh vực luân lý, tâm linh và hy vọng rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ mang đến "năng lượng" và "nguồn cảm hứng" mới cho các giáo hội.

Liên hiệp Tin Lành Baptist, qua Mục sư Jonathan Edwards cho hay rằng họ hy vọng chuyến tông du sẽ mang lại sự hiểu biết lớn hơn giữa các Kitô hữu để họ có thể "tiếp cận hiệu quả hơn tất cả mọi người bằng tình yêu của Thiên Chúa".

Đức Giám Mục Walton Powell, Giám Đốc Quốc gia của Giáo Hội God of Prophecy thì cho rằng Đức Thánh Cha đã là "một sứ điệp cho thế hệ hiện nay".

Các đánh giá nhất trí về chuyến tông du của Đức Thánh Cha được giải thích bởi một thực tế là tất cả các giáo hội của Vương Quốc Anh phải đối mặt với cùng một vấn đề: một chủ nghĩa thế tục mạnh mẽ gạt bỏ đức tin ra khỏi đời sống công cộng, nhạo báng tôn giáo.

Đức Giám mục Kieran Conry của Brighton cho hay ngài hy vọng rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ mang đếh cho người Công Giáo có niềm tin vào "quyền của chúng tôi đứng lên và nói ‘Tôi tin’, dù nhiều người trong xã hội chúng ta sẽ nói 'Hãy giữ im lặng về điều đó'".

Một cuộc khảo sát được BBC công bố cho hay rằng 60phần tăm người Công Giáo nghĩ rằng xã hội Anh không tác động được đức tin của họ.

Trong những tuần trước chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, nhiều phương tiện truyền thông tự hạ thấp mình khi khơi lại những tin tức cũ về các linh mục ấu dâm, "việc khép kín" của Giáo Hội Công Giáo đối với các linh mục đồng tính hay phụ nữ làm linh mục, đẩy mạnh ý đồ cho rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ gặp nhiều trở ngại và có thể không được chào đón tại Anh.

Ít nhất 52 phần trăm người Công giáo nói rằng các vụ bê bối lạm dụng tính dục đã làm rung chuyển lòng tin của họ vào sự lãnh đạo của Giáo Hội, nhưng ít nhất 70 phần trăm thì tin rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại lợi lích cho Giáo Hội tại Vương Quốc Anh.

Chuyến tông du này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là chuyến đầu tiên kể từ sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1982. Chuyến tông du diễn ra từ ngày 16 đến 19 tháng Chín với việc tuyên chân phước Đức Hồng Y John Henry Newman.
 
Trước những phi lý của truyền thông Anh quốc, nhà báo Leo McKinstry xin trở lại Công Giáo
Trần Mạnh Trác
18:54 15/09/2010
London, Anh quốc, ngày 15 tháng 9 2010. - Nhà báo nổi danh Leo McKinstry ở Belfast đã so sánh tình trạng bài Công giáo xẩy ra trước cuộc viếng thăm Anh quốc của đức Giáo hoàng với tình trạng bè phái của Bắc Ireland trong thời chiến tranh. Ông liên kết những chống đối này với tinh thần "xu thời đang thịnh hành trong thời đại chúng ta" (politically correct spirit of our age), tinh thần này nhấn mạnh đến chủ nghĩa tương đối và đề cao sự tìm kiếm những thỏa mãn cá nhân.

McKinstry, một nhà báo bảo thủ đã viết nhiều sách, thông báo sẽ trở lại đạo Công giáo trong tờ The Daily Mail, số ra ngày thứ ba. Ông cho biết ông đã tìm thấy một cái nhìn sâu sắc đột ngột về tôn giáo trong một nhà thờ Venise, và ông nhận ra rằng các nghi lễ "rất văn vẻ và biểu tượng" (“poetry and symbolism”) của Công giáo là những khí cụ làm thăng tiến tâm linh.

Sự cải đạo của ông có vẻ "bất thường" bởi vì ông đã trưởng thành trong một xã hội tin lành ở Ulster. Và sự chuyển đổi này cũng đi ngược với "tính chất thế tục mạnh mẽ " chống Kitô giáo của nước Anh hiện đại, nơi mà Giáo hội Công giáo bị cho là "lỗi thời, phản động, không thích hợp và đầy mê tín dị đoan."

"Tình trạng chống Công giáo đã thể hiện rõ ràng trong những tuần ngay trứơc cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Benedict, phần nhiều là do những người vô thần đề xướng, họ nhân danh lòng khoan dung, nhưng đã tỏ ra hoàn toàn bất khoan dung với đức tin truyền thống của Kitô giáo, " McKinstry viết.

Ông nói thêm rằng ông nhận thấy một sự tương đồng giữa nạn bè phái Bắc Ireland và tình trạng chống giáo hoàng ở Anh ngày hôm nay. Có thể so sánh những sự ồn ào điên cuống của đòan quân thế tục ngày nay với những cuộc biểu tình chống chuyến thăm của đức Giáo hoàng Benedict đến Glasgow do bộ trưởng tin lành (giám mục) Ian Paisley cổ vũ," McKinstry nhận xét.

Những ồn áo điên cuồng nhất có thể kể đến nhà văn vô thần Richard Dawkins, đã mô tả Đức Giáo Hoàng là "một tên tội phạm đểu cáng dâm dật trong bộ áo nhà tu". Theo sau là nữ sĩ Claire Rayner thì tuyên bố là bà chưa bao giờ thấy "ác cảm chống lại bất kỳ cá nhân nào như là với sinh vật này."

Bà ta nói thêm "Quan điểm của ông ta thì kinh tởm, đáng xua đuổi và như vậy làm tổn hại lớn lao cho phần còn lại của chúng ta cho nên điều duy nhất phải làm là lọai trừ ông ta".

Theo quan điểm của McKinstry, các ý kiến này là "đáng báo động nhưng hầu như không đáng ngạc nhiên" trong một xã hội mà người Công giáo bị "thiệt thòi và bị khinh thường."

Trong khi một số hận thù có thể là do phản ứng từ các lạm dụng đáng xấu hổ của hàng giáo sĩ của Giáo Hội, nhưng McKinstry nói thật là "vô lý" khi sử dụng chiêu bài này làm cớ để tiêu diệt Giáo Hội.

Ông chống lại ý kiến cho rằng Đức Giáo Hoàng âm mưu che đậy sự lạm dụng ở Đức, vì đây là những tố cáo "không có chứng cứ tài liệu." Trong khi các trường hợp ở Mỹ thì không có liên quan nào đến ĐGH cả.

"Thật vậy, tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng là một người thánh thiện, toàn vẹn và trí tuệ tuyệt vời," McKinstry viết trong The Daily Mail.

Sự đối kháng chống lại Công giáo đi "sâu" hơn là một phản ứng với sự lạm dụng trẻ em.

"Thực tế là đạo Công giáo đã hoàn toàn lạc điệu với tinh thần cấp tiến và tinh thần xu thời ngày nay, trọng tâm thời trang ngày hôm nay là chủ nghĩa tương đối về mặt đạo đức, chủ nghĩa đa văn hóa và sự tìm kiếm thỏa mãn cá nhân", ông tiếp tục, và ông cho rằng các nhà lãnh đạo dân sự không thể chịu đựng nổi sự tồn tại của một định chế nào khác ngòai một chế độ "do nhà nước thống trị, chống gia đình, đa dạng về cách nhìn về thế giới" của họ.

Vì thế, họ điên cuồng khi thấy Giáo Hội đối lập với việc phân phối bao cao su ở châu Phi và đổ lỗi cho Đức Giáo Hoàng gây ra cái chết của hàng triệu người HIV/AIDS ở đây. McKinstry than phiền rằng họ đã bỏ qua những công việc anh hùng của các tình nguyện viên Công giáo và họ cũng bỏ qua cái thực tế là "lý tưởng tự chế" mà giáo hội cổ vũ thì "thường có kết quả tốt hơn tất cả các chiến dịch nâng cao nhận thức về giới tính hợp thời trang của họ."

McKinstry cũng chỉ trích sự "đạo đức giả" to lớn trong phong trào chống Công giáo, vì nhiều nhà lãnh đạo đã thích dỗ dành những "dân quân Hồi giáo quá khích" bởi vì họ tin rằng người Hồi giáo là một thiểu số bị áp bức.

"Vì vậy, họ có những quan điểm kỳ lạ là phải cấm Thánh Giá và cấm cầu nguyện nơi công cộng, trong khi cấu kết với sự truyền bá luật Sharia".

McKinstry cho biết ông đã quay về với đạo Công giáo vì nó là một bức tường "bảo vệ nền văn minh Kitô giáo chống lại chủ nghĩa thế tục. Đây là căn bản Thiên Chúa giáo đã cho chúng ta cái cơ sở đạo đức để xây dựng nên các xã hội vỉ đại của chúng ta. Chịu thua trước những chương trình cấp tiến thì có nghĩa là để mặc cho xã hội xuy xụp".

Ông kết luận rằng những luận điệu chống Công giáo đã không hiểu rằng đức tin là một liên quan đến tính siêu việt, chứ không phải là một liên quan tới chính trị thời trang.

McKinstry cho biết ông cảm thấy an lành khi đọc lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu: "Hãy trả cho Caesar những gì là của Caesar và cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gương Mục tử Việt Nam
Hà Minh Thảo
08:37 15/09/2010
GƯƠNG MỤC TỬ VIỆT NAM

Trọng kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,

Ngay từ ngày đầu tháng chín năm nay, 2010, lịch Dân Chúa Âu châu đã nhắc nhở đến Lễ Giỗ tưởng nhớ Cha lần thứ tám ngày 16.09.2010. Nhân ngày này, như hàng năm, con xin được phép ghi nhớ lại đây những hành động trung thành của Cha đối với Quê hương, Giáo hội Công giáo và Đức Thánh Cha, xứng đáng là một Gương Mục Tử Việt-Nam.

Bởi thế, trong Thông điêỉp ‘SPE SALVI facti sumus’ (Trong hy vọng, chúng ta được cứu rỗi’ được ban hành ngày 30.11.2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết về Cha trong đoạn “những ‘Hoàn cảnh’ cho học hỏi và thực hành hy vọng, Cầu nguyện là trường học của hy vọng” như sau:

« Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quí giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô độc. »

1. Mục tử sống với vận mạng của Giáo phận và Giáo hội Việt-Nam.

Thụ phong Đức cha với khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes) ngày 24.06.1967, Cha đã nhận nhiệm vụ Giám mục tiên khởi người Việt Giáo phận Nha Trang ngày 10.07.1967. Viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, nơi chương ‘Chiếc bánh thứ hai’, Cha cho biết:

« Một tư tưởng thúc bách tôi mỗi ngày: phải chạy đua với đồng hồ! Làm tất cả những gì có thể được để củng cố và phát triển Giáo hội trong Giáo phận Nha Trang, trước khi thời gian khốn khó xảy đến, khi phải sống dưới chế độ cộng sản!

Trọng tâm hoạt động của tôi là huấn luyện nhân sự: gia tăng đại chủng sinh từ 42 đến 147 trong tám năm; gia tăng số tiểu chủng sinh từ 200 đến 500 trong bốn chủng viện; tu nghiệp các linh mục trong sáu giáo phận của Giáo tỉnh miền Trung; phát triển và huấn luyện các phong trào thanh niên, giáo dân, các hội đồng giáo xứ, mục vụ... Tôi rất quí mến giáo phận đầu tiên của tôi là Nha Trang. »

Thực thi sứ vụ Giám mục, Cha tổ chức Tiểu chủng viện Sao Biển, Chủng viện Lâm Bích (Lambert de la Motte) dành cho ơn gọi trưởng thành. Giúp giáo dân góp phần xây dựng Giáo hội địa phương, Cha thiết lập Hội đồng Giáo dân từ cấp Giáo xứ lên Giáo hạt đến Giáo phận và công bố ‘Qui chế Giáo dân’. Hơn thế nữa, Cha hình thành và phát triển Trung tâm Văn hóa Chàm năm 1968 tại Phan rang.

Đồng thời, ngay từ năm 1967 cho đến khi 1975 (bị bắt, không thay thế), Cha còn là Chủ tịch hai Ủy ban Phát triển và Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt-Nam. Với tư cách Chủ tịch Ủy ban Phát triển, nên khi Hội đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum) tham gia trợ giúp Việt-Nam qua một tổ chức được hình thành bởi Hội đồng Giám mục Việt-Nam và Giám mục các quốc gia mang tên ‘Hợp tác để Tái thiết Việt-Nam’ (Cooperation for the Reconstruction of Viêtnam (COREV), các Giám mục Việt-Nam khi đó trao trách nhiệm điều hành cho Cha. Về tài chánh, dù các Giám mục trao toàn quyền cho Cha, nhưng Cha không bao giờ quyết định mà không hội ý với các Giám mục khác.

Đây là một trọng trách nặng nề vì vừa phải cai quản hữu hiệu Giáo phận vừa phải thường xuyên đi lại giữa Nha Trang và Sài Gòn, nơi đặt trụ sở COREV. Cha phải thường xuyên liên lạc, giải trình với các giám đốc Misereor và Caritas Đức, Secours Catholique Pháp, Catholic Relief Services Hoa kỳ, Secours International Bỉ quốc… về các dự án xây nhà, cất trường học… vì Cha nói thạo các tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha, Hoa và La tinh.

Người ta thẩm lượng việc Cha làm có thể so sánh với việc làm của năm người bình thường. Do đó, Cha hoàn thành mỹ mãn trọng trách cho đến khi tự do Cha bị tước đoạt. COREV càng thành công trong việc giúp người nghèo phát triển thì người Cộng sản càng nghi ngờ Cha là người đáng sợ.

2. Mục tử sống với vận mạng của Đồng bào Việt-Nam.

Ngày 23.04.1975, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng giám mục phó tổng giáo phận Sàigòn với quyền kế vị… Ngày 30.04.1975, Sài gòn không còn là thủ đô Việt-Nam Cộng hòa và đã đổi chủ… Cha viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’:

« Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Đức Phaolô VI bổ nhiệm…
Đêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Đức Thánh Cha.
Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… »

Từ ngày 08.05.1975, một nhóm linh mục, trong có các linh mục Huỳnh công Minh, Trương bá Cần, đã gởi thư kiến nghị lên Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại việc thuyên chuyển Cha về Sài gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo hội tại Việt-Nam (?).

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản Thành phố cùng các người Công giáo tự nhận là ‘yêu nước’. Đối với nhà nước Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha.

Ngày 15.08.1975, Ủy ban Quân quản Thành phố bắt và giam giữ Cha tại nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 21.11.1988 (Lễ, Cha được tự do hơn và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm ở tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Đức Tin, Mục vụ, Tu đức. Đó là ba tập sách:

- Đường hy vọng (1975);
- Đường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Đồng Vatican II (1979);
- Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng (1980).

Nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma, trong bài Suy niệm thứ chín, Cha đề cập về ‘Nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi’:

« Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không công giáo, từng là dân biểu và nổi tiếng là Phật tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đậm nơi trái tim ông. Sau này, tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta cảm thấy hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi và, từ đó, chúng tôi đã trở thành bạn với nhau.

Trên tầu và sau này trong trại cải tạo, tôi đã có dịp đối thoại với đủ hạng người: bộ trưởng, dân biểu, các sĩ quan và giới chức chính quyền dân sự cao cấp, các vị lãnh đạo của các Giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo, Brahman, Hồi giáo, và các anh em các Giáo hội Kitô khác như Tin lành, Baptist, Tin lành Methodist… Trong trại cải tạo, tôi đã được bầu làm quản lý để phục vụ tất cả mọi người, phân phát thực phẩm, tìm nước nóng, và khuân vác than để sưởi ấm ban đêm, vì các tù nhân khác coi tôi như là một người đáng tin cẩn.

Khi rời Sài gòn, suy nghĩ về việc Chúa Giêsu chịu đóng đanh bên ngoài tường thành Giêrusalem đã cho tôi hiểu rằng từ nay tôi phải dấn thân trong hình thức mới của việc rao truyền Tin Mừng, không phải như là Giám mục của một Giáo phận, nhưng ‘ở ngoài thành’, nghĩa là như một nhà truyền giáo được sai đi thật xa, bằng cả cuộc sống, với hết tất cả khả năng yêu thương và dâng hiến của tôi. Giờ đây, hoàn cảnh giúp tôi thấy thêm một chiều kích khác nữa: đó là đi tới với mọi người. Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm hy vọng đã thay đổi quan niệm của tôi. Từ nay con tầu này, nhà tù này, đã là ngôi nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi, và các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Sự kiện tôi bị tù dày là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi đã nói tất cả những điều này cho anh em tù nhân công giáo khác biệt và đã nảy sinh ra giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới: chúng tôi được mời gọi cùng nhau trở thành các chứng nhân hy vọng cho tất cả mọi người… »

3. Mục tử ‘chọn một mình Chúa, chứ đừng chọn việc của Chúa’

Chiều ngày 15.08.1975, Cha bị bắt đưa trở lại Nha Trang trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu.

Trở lại chương ‘Chiếc bánh thứ hai’ trong quyển ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, Cha viết:

« Tiếp đến là gian khổ thử thách tại Sàigòn, là bị bắt đưa trở lại Nha Trang, nơi mà tôi đã bị biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa Tòa Giám mục của tôi. Sáng tối tôi nghe tiếng chuông nhà thờ chánh tòa như xé nát tim tôi. Đêm đến tôi nghe tiếng sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam.

Từ Nha Trang tôi bị đưa trở lại Sài gòn, ở trại Thủ Đức, vùng Tam Hà, ngày đêm nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà thờ. Đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, mùa đông 1976-77 rét 2°C.

Đặc biệt nhất là nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. »

Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi “một sự bình an mà thế gian không cho được”.

Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con “Hãy theo Thầy” hay “Hãy theo việc nọ, người kia?” Để đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: “Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!” Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác.

Lúc tôi bị nhốt dưới khoang tàu Hải Phòng cùng với 1500 anh em tù nhân bị đưa ra Bắc, tôi đã thấy trên nét mặt của họ nỗi thất vọng, lòng căm thù. Tôi chia sẻ đau khổ của họ. Nhưng tôi lại nghe tiếng: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa!” Tôi đã thưa: “Lạy Chúa, chính đây là nhà thờ chánh tòa của con. Đây là dân Chúa trao cho con phục vụ, con phải làm cho Chúa hiện diện giữa những người anh em chán nản, cùng khổ này. Đây là ý Chúa, nên con phải chọn”.

Khi tôi lên trại cải tạo, giữa thung lũng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, tôi gặp 250 anh em cùng một chuyến đi, đa số không Công giáo, tôi vẫn nghe tiếng ấy thúc bách: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. - Lạy Chúa, Chúa sai con đến đây để làm cho tình thương của Chúa hiện diện giữa các anh em con, giữa đói khát và giá lạnh, giữa lao động cải tạo nhọc nhằn và tủi nhục bất công. Con xin chọn Chúa, không phải chọn công việc của Chúa. Con chọn thánh ý Chúa, giờ đây con là tông đồ truyền giáo của Chúa”.

Từ giây phút ấy, một sự bình an mới tràn ngập tâm hồn tôi, ở với tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy thấm thía sự yếu hèn của tôi; tôi lặp lại sự chọn lựa của tôi, lúc ấy không bao giờ Chúa để lòng tôi thiếu an bình. Tất cả là hồng ân của Chúa. Mỗi khi tôi tuyên bố: “Vì Chúa, vì Hội thánh”, tôi phải thinh lặng trước mặt Chúa, và thành thật hỏi Chúa: “Chúa thấy con hành động hoàn toàn vì ai? Con đã chọn vinh danh Chúa, sống và hành động tuyệt đối vì Chúa? hay Chúa là lý do thứ yếu, còn lý do khác mạnh hơn, con không tiện nói?”

Trong thời gian qua, nhứt là trong Năm Thánh Linh mục 2009-2010, con đã có dịp giới thiệu quyển ‘Chứng nhân Hy vọng’ chứa đựng các bài giảng tỉnh tâm của Cha với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma trong các ngày 12-18.03.2000 cho nhiều Linh mục, Nữ tu và Giáo dân. Khi được hoàn sách, con xin biết cảm tưởng, mọi người như một đều đáp: ‘Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa!’ là điều đáng lưu ý và kết luận: ‘Cha chính là một ‘Đức Kitô Thứ Hai’.

Cũng trong quyển sách này, trong Bài Suy Niệm Thứ Năm, Cha đã giảng về ‘Cách chọn Chúa trong đời sống mục tử’:

« Khi còn ở trong tù, xét theo một nghĩa nào đó, việc chọn lựa một mình Thiên Chúa đối với tôi dễ dàng hơn mặc dầu không thiếu những cám dỗ chiều theo sự thỏa hiệp. Nhưng khi không còn những an ninh trước đó nữa, tôi cảm thấy cần phải tập trung tất cả cuộc sống mình vào một điều ‘cần thiết duy nhất’ (cf Lc 10,42) trong số những gì được xem là hoàn toàn quan trọng.

Giờ đây được tự do với lắm công việc và những công tác nhiều khi nặng nề, tôi thật dễ dàng trở nên Marta hơn là Maria.

Thực vậy, không có Mục Tử nào nghĩ rằng mình không chọn Chúa. Tất cả chúng ta đều xả thân tận tụy với các công việc của Chúa. Nhưng tôi cảm thấy mình luôn cần phải tái xét mình cách thành thật trước mặt Chúa. Trong cuộc sống mục vụ của tôi, bao nhiêu phần dành cho Chúa và bao nhiêu phần dành cho các công việc của Ngài (mà nhiều khi đó chỉ là công việc của tôi) ? Khi từ khước một nhiệm vụ hoặc mong ước một nhiệm vụ khác, tôi có thực sự là vô vị lợi hay không ?

Tác giả thư Tín hữu Do thái khuyên rằng: ‘Anh em chỉ cần cương quyết’ (Do thái 10,36). Cương quyết để thực sự tự do. Ai tự do thì không sợ, như Moisê: ‘Moisê khi lớn lên, không muốn được coi là con trai của công chúa vua Ai cập. Ông muốn được đối xử giống như dân Chúa, hơn là sống thoải mái trong một thời gian ngắn, nhưng trong tội lỗi’ (Do thái 11,24-25).

PHẦN CHÚNG TA CẦN BIẾT:

1. VietCatholic News, ngày 08.09.2010, phổ biến thư của Đức Hồng Y Peter K.A. Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Công lý và Hòa bình mời gọi mọi người tham gia cử hành lễ giổ thứ 8 của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận kính yêu, chứng nhân của vui mừng, bằng mượn lời của Người để gửi tới tất cả mọi người lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của Đức Hồng Y: « Cùng với Chúa Kitô, chúng ta có thể biến sự hiện hữu của mình thành một bửa tiệc mừng lớn. Đó không phải là điều bất khả, chúng ta chỉ cần lòng can đảm để thử nghiệm; thực ra, đó chính là căn nguyên của sự cứu rỗi. »

Đức Hồng Y Peter K Turkson viết tiếp:

« Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Thuận, vị tiền nhiệm của tôi, đã thúc đẩy tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ đến Ngài như là một vị Tử Đạo trong thời đại chúng ta bằng chính chứng từ tuyệt vời của ngài. Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với giáo hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai.

Cuộc đời của ngài, biểu lộ rõ nét bằng một niềm thanh thản an bình sâu xa, kêu gọi chúng ta sống như ngài, dưới bóng Thập Giá, bởi vì "trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chứng tá đích thực của Thập Giá, thực thi Thập Giá trong mỗi người chúng ta“. Chính khi chúng ta vác thập giá chúng ta mới cảm nhận được ơn bình an mà chúng ta cần có giữa cái thế giới tràn ngập âu lo và hỗn độn.

Anh Chị Em thân mến, với những lời chơn chất này, tôi ước mong được cùng đồng hành với anh chị em trong giai đoạn chuẩn bị kỷ niệm lễ giỗ lần thứ tám của Đức Hồng Y. Tôi cầu chúc anh chị em được sống trong vui mừng, hy vọng và đức tin ngày càng được củng cố bởi một đời sống thiêng liêng sâu đậm.

Với tâm tình huynh đệ, hiệp nhất trong lời cầu nguyện, tôi xin chúc lành cho tất cả anh chị em. Trong Chúa Kitô. »

2. Thông báo Án Lệnh của Tòa Giám quản Rôma do Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản, ký ngày 16.01.2009 về ‘Vụ án Phong Chân phước và Phong Thánh cho Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y Giáo Hội Rôma’.
Vào ngày 22.10.2010, Bộ Phong Thánh sẽ chính thức mở hồ sơ đợt hai xét phong Chân phúc cho ngài.

3. Chúng ta hãy đọc KINH XIN ƠN này của Tòa Thánh dạy như sau:

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời,
là Cha và Con và Thánh Thần,
con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh
gương chứng tá anh dũng
của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Kinh nghiệm khổ đau trong cảnh ngục tù,
được Ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh,
và dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria,
đã rèn luyện Ngài nên một chứng nhân sáng ngời
cho Hội Thánh và toàn thế giới,
về sự hiệp nhất và tha thứ,
cũng như về công lý và hòa bình.
Con người dễ thương mến
cùng với sứ vụ mục tử giám mục của Ngài
tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin,
nhiệt tâm của niềm hy vọng
và sức nồng ấm của đức ái.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa,
xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu,
với niềm hy vọng thấy Ngài
sớm được vinh hiển trên bàn thờ.
Amen.

Imprimatur
Vatican, 16.09.2007
+ Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký
Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.
 
Giáo họ Chợ Mới giáo xứ Mằng Lăng đặt viên đá xây nhà thờ mới
Giáo Hạt Phú Yên
11:44 15/09/2010
GIÁO HỌ CHỢ MỚI-GIÁO XỨ MẰNG LĂNG ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY NHÀ THỜ MỚI

Sáng nay, 15.9.2010, Đức Cha chính giáo phận Qui Nhơn, Phêrô Nguyễn Soạn, đã chủ trì nghi thức "Đặt Viên Đá" khởi công xây dựng nhà thờ Chợ Mới của cộng đoàn giáo họ Chợ Mới thuộc giáo xứ Mằng Lăng. Được biết, nhà thờ Chợ Mới được xây sau cùng vào năm 1962 dưới thời cha sở Nguyễn Xuân Bàn. Sau 48 năm trải qua bao thăng trầm, công trình nhà thờ cũ xuống cấp trầm trọng và quá chật hẹp không còn đáp ứng cho sinh hoạt đức tin của cộng đoàn Dân Chúa nơi đây. Diện tích nhà thờ mới được thiết đặt trên chính nền nhà thờ cũ mà theo khảo sát thực địa, trên chính nền nầy đã từng có rất nhiều nhà thờ xây dựng trên đó, vì theo một số tư liệu lịch sử, Chợ Mới vào thế kỷ 18, có thể là trung tâm của miền truyền giáo Phú Yên. Chính vì thế, ngay trên chính nền nhà thờ cũ nầy hiện đang phát hiện một ngôi mộ cổ mà nghi vấn đây có thể là nơi an táng Đức Cha Labbé (1648-1723) đi mục vụ tại Phú Yên và qua đời tại đây.

Về tham dự Lễ Khởi công xây dựng nhà thờ Chợ Mới còn có cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym, các cha hạt trưởng Bình Định và Phú Yên, một số các cha trong và ngoài giáo phận, bà con giáo dân trong giáo xứ Mằng Lăng, các khách mời ân nhân của giáo xứ. Sau lễ nghi đơn giản Đặt Viên Đá, cha sở Mằng Lăng Phêrô Nguyễn Cấp đã mời Đức Cha, cha Tổng Đại Diện và hai cha Hạt Trưởng xúc đất tượng trưng cho cuộc khởi công xây dựng công trình nhà thờ mới. Tiếp nối nghi lễ là bữa cơm trưa thân mật nồng ấm tình hiệp thông trong đại gia đình con cái Chúa.
 
Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa khai giảng năm học mới
Nguyễn Lê
12:30 15/09/2010
THANH HÓA - Sau kỳ hè cùng tham gia các sinh hoạt mục vụ chung với chủng sinh đoàn giáo phận, đặc biệt năm nay Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh đón thêm 20 thành viên là những tân ứng sinh – những người vừa trải qua kỳ thi tuyển và đã trúng tuyển. TCV cũng vui mừng đón chào 20 ứng sinh – là những người đã hoàn thành một năm thực tập mục vụ tạo các giáo xứ về để tiếp tục học năm cuối để sang năm nếu hội đủ điều kiện sẽ được Ban đào tạo gửi vào Đại chủng viện Vinh Thanh theo học chương trình chủng viện.

Xem hình ảnh

Sáng ngày 11.9.2010 tại Hội trường Tòa giám mục lễ khai giảng năm học mới - niên khóa 2010-2011 của TCV Lê Bảo Tịnh đã chính thức diễn ra trong bầu khí tươi vui và đượm tình gia đình.

Theo chương trình đào tạo tại TCV Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa, mỗi năm tuyển sinh một lần và lấy 20 người hội đủ điều kiện đề ra bao gồm các môn thi: Văn, Toán, Giáo Lý và Trác nghiệm tâm lý. Chương trình đào tạo kéo dài 4 năm, năm thứ nhất được gọi là năm Dự Bị, năm thứ hai là Nhập Môn, năm thứ ba sẽ đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ và năm cuối là năm Tu Đức

Tham dự lễ khai giảng có Đức Cha giáo phận: Giuse Nguyễn Chí Linh; cha Tổng Đại Diện: Phêrô Vũ Tiến Phúc; Quý cha trong Ban đào tạo; Quý cha hạt trưởng; cha quản lý TGM; Quý cha trong giáo phận; quý thầy; quý sơ Dòng MTG Thanh hoá, Dòng Phaolo; quý Thầy cô trong Ban giảng huấn, sự hiện diện của các ngài nói lên sự quân tâm ưu ái đối với công cuộc đào tạo ơn gọi cho tương lai.

Mở đầu lễ khai giảng, cha Giuse Vũ Thanh Long - Chủ tịch UB ơn gọi giáo phận, Bề Trên TCV đã đọc diễn văn khai mạc năm học mới niên khoá 2010 – 2011, ngài nói: mục đích của việc đào tạo linh mục là “biến đổi các ứng sinh nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là đầu, là Mục Tử, để có thể tiếp tục công trình cứu độ của Ngài qua 3 chức năng: rao giảng, thánh hoá và lãnh đạo cộng đoàn” và việc đào tạo ấy phải được thực hiện qua ba thời kỳ: “trước chủng viện, tại chủng viện và sau chủng viện” (HĐGMVN, Đào tạo linh mục - Định hướng và chỉ dẫn, Lời tựa, số 6ab).

Trong quá trình được đào tạo, việc tự đào tạo giữ một vài trò quan trọng. Vì thế, cha Bề trên cũng kêu gọi các ứng sinh hãy ý thức tự đào tạo để đổi mới nhân cách và tâm hồn mình ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn.

Ứng sinh sẽ trở thành những người quyết định tương lai của giáo phận. Đó là điều Đức Cha Giuse nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình. Vì thế, ngài kêu gọi mỗi ứng sinh hãy có ý thức trách nhiệm đối với giáo phận. Vai trò ấy phải được thể hiện ngay từ ngày hôm nay phải chủ động biến mình thành mảnh đất và thành những người vun trồng hạt giống Tin Mừng.

Trong ý hướng ấy, cha Tổng đại diện và quý cha giáo đã lần lượt nói lên ưu tư và nhắn nhủ các ứng sinh trong từng khía cạnh của công cuộc đào tạo.

Xen kẽ các bài phát biểu là những tiết mục văn nghệ vui tươi, ý nghĩa của anh em ứng sinh các lớp.

Cũng trong buổi lễ khai giảng, Ban đại diện ứng sinh vừa được bầu và 20 tân ứng sinh mới nhập học đã lần lượt lên trình diện Đức Cha, Quý Cha và mọi người.

Lễ khai giảng kết thúc bằng những lời quyết tâm của một đại diện ứng sinh: hứa sẽ sống theo bản thường luật, kính trọng bề trên, tôn trọng anh em, chăm lo học hành và noi theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh Giêsu.
 
Chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình khai giảng năm học mới 2010 - 2011
Hoa sữa
15:10 15/09/2010
Sáng ngày 14/09/2010, chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức giáo phận Thái Bình đã khai giảng năm học 2010-2011.

Hiện diện trong lễ khai giảng có Đức cha Phêrô, Giám mục giáo phận Thái Bình, đức ông Giêrônimô, Tổng đại diện giáo phận, cha giám đốc Gioan Baotixita, cha phó giám đốc Giuse, quý cha quản hạt, quý cha trong ban tư vấn, quý cha giáo sư, quý bề trên và các sơ dòng nữ Đaminh Thái Bình, và đông đủ các thầy chủng sinh Thánh Tâm.

Mở đầu cho buổi lễ khai giảng là bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần. Sau đó, cha giám đốc Gioan Baotixita Hải đọc diễn văn khai mạc năm học mới, ngài nhấn mạnh tới công việc đào tạo các linh mục tương lai cần phải có ơn Chúa, đồng thời cần có sự tự đào luyện của các thầy. Ngài cũng đề cập đến bốn chiều kích trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis về việc đào luyện linh mục cho tương lai.

Sau bài diễn văn khai mạc của cha giám đốc chủng viện, cha phó giám đốc Giuse thay mặt cha giám học Giuse đưa ra định hướng năm mới. Ngài nhấn mạnh việc học tập và tu luyện trong năm nay là liên kết với Giáo Hội trong Mầu nhiệm – hiệp thông –sứ vụ. Ngài cũng nhấn mạnh bốn chiều kích đào tạo.

Và tiếp đến đức ông Giêrônimô đã có đôi lời động viên các thầy hãy cố gắng trong việc học tập và tu luyện mỗi ngày.

Với tâm tình của người mục tử, Đức cha giáo phận Phêrô đã ban lời huấn dụ, động viên các thầy hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ngài cũng đưa ra một số vấn đề mà giáo dân ngày nay đòi hỏi nơi các linh mục. Vì thế, ngài nhấn mạnh việc tự rèn luyện bản thân về mọi phương diện.

Sau bài huấn dụ của Đức cha, một thầy đại diện cám ơn Đức cha, quý cha và mọi người đã yêu thương và quan tâm giúp đỡ các thầy cũng như nói lên những quyết tâm cho năm học tới.

Sau đó, là thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới tại nhà nguyện chủng viện, do Đức cha giáo phận chủ tế cùng với quý cha giáo sư, quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài giáo phận. Trong thánh lễ có nghi thức tuyên xưng đức tin của các cha giáo sư.
 
Giáo Xứ Duyên Tục Giáo Phận Thái Bình hân hoan chào đón Đức Cha Phêrô
Hương Quê
15:22 15/09/2010
Duyên tục, 15.9.2010 Đức cha phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục giáo phận Thái Bình đã đến thăm và làm mục vụ.

Giáo xứ Duyên Tục nằm trên địa bàn xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, cách thành phố Thái Bình 18Km. Không biết hạt giống Tin Mừng được gieo vãi nơi đây từ lúc nào. Nhưng theo sử ký địa phận Trung thì giáo họ Duyên Tục, họ Duyên Trang và họ Kim Ngọc thuộc xứ Nam Lỗ, tổng số nhân danh 3 họ lúc bấy giờ là 317 người.

Năm 1929 Đức cha Trung nâng Duyên Tục lên hàng giáo xứ. Năm 1954 hơn một nửa số giáo dân di cư vào Nam, chỉ còn khoảng 30 gia đình với số nhân danh khoảng hơn một trăm người ở lại gìn giữ ngôi nhà thờ của cha ông gầy dựng. Hiện số giáo dân là 316 người.

Hôm nay thật là một ngày tràn đầy niềm vui của giáo xứ, mọi người nô nức chào đón Đức Cha Phêrô - vị chủ chăn mới của giáo phận lần đầu tiên đến thăm mục vụ giáo xứ Duyên Tục. Hàng đoàn xe máy với cờ tung bay dẫn đường từ xa, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Quát cùng các hội đoàn ra ngoài cổng chờ sẵn đón chào Đức cha.

Đức cha cám ơn cha xứ và giáo xứ đã dành cho ngài tình cảm thật quí hoá, ngài rất xúc động khi nghe vị đại diện giáo xứ sơ lược tiểu sử. Một giáo xứ nhỏ bé, trải qua rất nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ vững Đức Tin và xây dựng các cơ sở vật chất tương đối ổn định. Nhìn lên thì chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống thì vẫn còn hơn một số nơi khác. Có được như ngày nay chúng ta không quên cảm tạ Chúa và kính nhớ tổ tiên đồng thời biết ơn các đấng bậc, những người góp của, góp công còn sống hay đã qua đời đã hy sinh phục vụ và thăng tiến giáo xứ. Ngài khích lệ các bạn trẻ, đặc biệt các gia đình hãy xây dựng tương lai cho con em. Một mặt trau dồi đời sống Đức Tin, mặt khác phát triển khả năng tri thức, học hành cao lên nữa.

Đức cha dành ra ít phút để giáo dân trao đổi và chia sẻ, thật là một bầu không khí gia đình giáo phận, chủ chăn lắng nghe những thao thức của đoàn chiên, đoàn chiên được gần gũi với chủ chăn.

Bài giảng trong thánh lễ Đức cha nhấn mạnh vai trò gia đình trong việc giáo dục con cái, đặc biệt ngài liên kết ý tưởng đó với ý nghĩa ngày lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Mẹ Maria đã dâng tất cả những đau khổ trong cuộc sống hàng ngày vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người sinh ra đều có người mẹ. Nhiều khi người mẹ âm thầm hy sinh rất nhiều cho con cái và chỉ mong con cái trở thành người tốt trong Giáo Hội và xã hội.

Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức cha đến với giáo xứ, tuy thời gian không lâu, nhưng đã để lại trong lòng cộng đoàn giáo dân một niềm an ủi khích lệ rất lớn lao:

Chủ chăn giáo phận rất quan tâm tới mọi thành phần dân Chúa, với từng xứ, họ đặc biệt những xứ họ nhỏ bé, nơi vùng sâu, vùng xa.
 
Cảm nghĩ về Hội Các bà Mẹ Công Giáo, giáo xứ Thánh Maria Goretti, San Jose, California.
Teresa Đinh
21:12 15/09/2010
Cảm nghĩ về Hội Các bà Mẹ Công Giáo, giáo xứ Thánh Maria Goretti, San Jose, California.

Năm nay Hội CBMCG tai San Jose đã gần 30 tuổi.

Nhớ lại những ngày mới từ trại tị nạn tới San Jose vào năm 1975, nhà cửa chưa có, chưa biết trường nào để con cái đi học, chẳng biết đi đâu kiếm công ăn việc làm, cuối tuần được gia đình người Mỹ bảo trợ lái xe tới tận nhà rước đi lễ nhà thờ...Mỹ. Lúc đó tâm tình người tị nạn chúng tôi sao mà ngao ngán ! !

Thế rồi người mình gập nhau ngoài đường xá, trên xe bus, nơi chợ búa...ngơ ngác hỏi nhau nhà thờ nào có lễ tiếng Việt vậy? Nhất là các cụ già, đi lễ mà nghe đọc kinh và nghe cha giảng bằng tiếng Anh thì đúng như là vịt nghe sấm. Nào có ơn ích gì cho phần linh hồn?

May mà hồi đó có cha Tịnh, một linh mục du học từ Đức quốc đã sang Mỹ để giúp đỡ đồng hương đang trên đường tỵ nạn...Ngài đã tới San Jose như một định mệnh, gắn bó với cộng đồng dân Chúa ở đây, can thiệp, xin xỏ mượn nhà thờ cho giáo dân Việt có Thánh lễ bằng tiếng Việt mỗi cuối tuần…

Thế rồi khoảng 200 người Công Giáo chúng tôi cùng nhau hy sinh đi hái ớt, lượm lon nhôm để bán lấy tiền mua được một nhà thờ nhỏ trên đưòng Singleton và mong ước đó là một nhà thờ riêng cho người Việt nam.

Có nhà thờ, có Cha Việt nam, cộng đồng dân Chúa nghĩ ngay đến việc thành lập một "Họ Đạo" với các đoàn thể Công giáo tiến hành.

Thế là Đoàn Liên minh Thánh Tâm, Đoàn Thanh niên Công giáo, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Hội Legio Mariae và Hội Các Bà Mẹ Công giáo. ..lần lượt ra đời. Tôi còn nhớ hồi đó cha Tịnh thích gọi các bà trong Hội Các Bà Mẹ Công Giáo là "các bà hiền mẫu". Chắc là bà nào vào Hội cũng trở thành hiền hậu như ma sơ, không la chồng mắng con như hồi chưa gia nhập Hội(?)

Thời gian vùn vụt trôi qua. Người Việt đến San Jose định cư ngày càng đông. Người Công giáo VN đã hội nhập được với các sắc dân khác trong việc thờ phượng Chúa và bảo tồn nhà Chúa. Hội Các Bà mẹ Công giáo cũng như các đòan thể tiên khởi từ Họ Đạo Việtnam (bây giờ là Đền Thánh Tử Đạo Việt nam) đã gia nhập giáo xứ St Maria Goretti, trên đường Senter, và bây giờ giáo xứ St Maria Goretti trở thành một giáo xứ đông giáo dân nhất trong giáo phận San Jose.

Vật đổi sao dời, đời người cũng đổi thay theo luật tuần hòan của vũ trụ.

Các bà trong Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cũ đã lần lượt ra đi, bà thì theo con cháu đi tiểu bang khác, bà thì cư ngụ trong nursing home, nhiều bà đã được Chúa gọi về hưởng nhan Thánh Chúa, trong đó có bà cựu hội trưởng Nguyễn Duy Liên..

Các bà mẹ xưa bây giờ đã thành bà nội, bà ngoại, bà cụ, bà cố và bà… quá cố luôn.

30 năm trước, hồi mẹ tôi gia nhập Hội, bà mặc áo dài trắng và quàng khăn mầu xanh trên vai trông đẹp như một “ bà tiên”. Nhờ vào Hội, bà đọc kinh sớm tối cầu nguyện cho chồng con, cho gia đình nên dù đông con, rất vất vả trong việc nuôi dạy con cái, nhưng tâm hồn mẹ tôi lúc nào cũng an vui, chị em trong gia đình tôi thì đề huề, hạnh phúc..Có lẽ vì thế mà Ba tôi hay xổ nho: "Phúc đức tại mẫu".

Thời gian đó tôi còn đang phải bon chen với cuộc sống hàng ngày, đi làm 6 ngày một tuần, chúa nhật đi lễ nhà thờ còn phải bồng thắng Cu Tí và dắt díu hai chị nó,làm sao tôi có thể đi hội đi hè? Đã thế vào Hội còn phải tham dự lễ lạy, rưóc sách, đọc kinh, thăm viếng người già yếu, cầu nguyện và đưa tiễn người mới qua đời...Toàn là những công việc đòi hỏi thời gian và lòng đạo đức, mà tôi thì không có cả hai.

Bây giờ với một đàn con cái, cháu chắt đông đúc, nhưng đã già yếu vì thời gian nên mẹ tôi và những bà mẹ khác cùng lứa tuổi đã không còn hoạt động được cho Hội như trước, nhưng mẹ tôi vẫn khuyến khích tôi nên gia nhập hội CBMCG.

Thôi thì tre già măng mọc, tôi cũng không còn là" măng" nửa, mà đang ở vào độ "sồn sồn", thế hệ tiếp nối của Hội bây giờ là" các mợ", nghĩa là các bà mẹ không còn trẻ lắm, nhưng cũng không chịu nhận mình già, dù rằng các mợ đều đã là mẹ vợ, mẹ chồng, bà nội, bà ngoại cả rồi.

Mỗi năm Hội Các Bà Mẹ Công Giáo có một ngày Đại hội, đó là ngày lễ kính Thánh nữ Monica, quan thày của Hội. Lễ mừng nay đã trở thành truyền thống, được tổ chức vào ngày thứ bảy cuối tháng Tám tại Đền các Thánh Tử Đạo San Jose. Năm nay các bà đều tham dự đông đủ giờ tĩnh tâm và giảng phòng với linh mục Giuse Nguyễn Văn Thư…Sau đó là Thánh Lễ với nghi thức ‘Tuyên hứa nhận Hội’ cho các hội viên mới. Năm nay có tới 18 bà xin gia nhâp Hội. Xin chào đón các bà và cầu chúc các bà và gia đình được rất nhiều Ơn Lành cùa Chúa.

Vì là ngày Đại hội nên ngoài phần tiệc mừng với các món ăn thuần túy bổ dưỡng và ngon miệng do chính các bà nấu nướng, các mợ lại còn trình diễn văn nghệ nữa. Có đơn ca, hợp ca, đồng ca, song ca…Rồi trình diễn thời trang, thi hoa hậu áo dài…Quan khách là các cụ phu quân của các mợ nên mợ nào cũng được hoan hô vang dội…

Nhân dịp Mừng lễ Bổn Mạng của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo giáo xứ St Maria Goretti, giáo phận San Jose, xin cầu chúc các bà, à quên, các mợ trong Hội cũng như các mợ sắp sửa xin gia nhập Hội sẽ trở nên Thánh Monica hết thảy.

San Jose, cuối hè 2010
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự khôn ngoan
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
15:01 15/09/2010
Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn. 11:2).

1. Đức Khôn Ngoan

Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước có một cuốn sách gọi là Sách Khôn Ngoan, gồm có 19 chương. Sách này được biên sọan vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Nội dung sách này chống lại sức lôi cuốn của văn hóa Hy-Lạp và củng cố niềm tin vào Chúa. Mỗi chương viết về một khía cạnh cuộc sống riêng biệt của dân Do-thái. Từng bước từng bước sự khôn ngoan được gạn lọc và ẩn sâu vào tâm tình của những người công chính. Đức Khôn Ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn cần thiết để giúp mọi người tìm về nguồn khôn ngoan chính thật. Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp (Kn. 6:12). Sách Khôn Ngoan có một phần nói về sự khôn ngoan của các vương quân, đặc biệt là Vua Salômon. Vua được Chúa ban cho sự khôn ngoan trổi vượt trên các vua chúa trần gian. Ngài đã dùng sự khôn ngoan để xét xử và hướng dẫn dân đi trong đường lối của Chúa. Sách Các Vua viết: Vua Salômôn là người trổi vượt hơn tất cả các đế vương trên mặt đất về sự giàu có và khôn ngoan (1Kg. 10:23).

Chúng ta biết cho dù con người có khôn ngoan đến đâu đi nữa, thì sự hiểu biết của con người cũng chỉ như giọt nước giữa đại dương. Nếu chúng ta gom góp tất cả kho tàng suy tư hiểu biết của con người từ khởi đầu cho đến nay, thì kho tàng cũng chỉ là hạt cát so với sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa. Càng mở mắt nhìn vào vũ trụ vận hành, chúng ta càng cảm thấy sự học hiểu của con người về vũ trụ thiên nhiên càng nhỏ bé. Trong thiên nhiên, đại vũ trụ và tiểu vũ trụ là cả một kho tàng mầu nhiệm. Sự khôn ngoan hiểu biết của con người mới chỉ là khởi đầu đi vào vũ trụ. Sự khôn ngoan của người đời có là chi so với vũ trụ mênh mông và sự sống nhiệm mầu. Người ta thường nói rằng càng học càng thấy mình ngu. Lời này rất đúng! Khi chúng ta đi vào một khoa chuyên môn nào, chúng ta mới thấy sự hiểu biết của chúng ta quá nông cạn. Bởi vậy, nhiều người tự cho mình khôn ngoan, biết mọi sự. Thật ra họ chỉ như chiếc thùng rỗng kêu to. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng (1Cor 3:19).

2. Suy Tư

Trong lịch sử kho tàng văn minh của nhân loại, chúng ta được thừa hưởng biết bao những khám phá, phát minh, nghiên cứu, suy tư tôn giáo, triết học và các khoa học nhân bản. Đã có những vĩ nhân, tư tưởng của họ đã là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống cho nhân loại một thời. Có những làn sóng tư tưởng tôn giáo lớn ảnh hưởng và lưu truyền qua các thời đại như Phật, Lão, Khổng và Ấn Độ Giáo, Bàlamôn ở Á Châu. Ở Trung Đông có Mohamed cha đẻ của Hồi Giáo. Tư tưởng Kitô Giáo xây nền móng rộng lớn tại Âu Châu, Mỹ Châu và lan truyền khắp vùng trên thế giới. Những nhà tư tưởng lớn của các triết gia cũng lần lượt xuất hiện qua từng thời đại. Các triết thuyết lớn đã ảnh hưởng đáng kể đến những suy tư và triết sống của con người. Chúng ta nhận thấy tất cả các suy tư triết học chỉ có thể áp dụng trong một thời hay một hoàn cảnh. Nó không thể là nền tảng của sự khôn ngoan vĩnh cửu qua mọi thời. Vì thế, người ta phải thay đổi tư duy cho thích hợp với môi trường sống trong xã hội cụ thể.

Chúng ta sẽ tìm nơi đâu sự khôn ngoan đích thực? Hãy tìm về nguồn nơi Đấng là Chủ của mọi loài: Miệng lưỡi con sẽ nhẩm đi nhắc lại: "Ngài là Đấng công chính" và suốt ngày, con sẽ ca ngợi tán dương (Tv. 35:28). Sự khôn ngoan chính thật là do sự mặc khải từ Thiên Chúa, vì chính Chúa là nguồn chân, thiện, mỹ. Chúng ta chỉ tìm được sự khôn ngoan qua con đường khiêm hạ như Chúa Giêsu và các thánh. Chúa Giêsu đã hạ thế làm người, Ngài tự hạ mình xuống thẳm sâu. Từ đó Ngài mặc khải cho nhân loại sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Con đường tìm kiếm Thiên Chúa cũng là con đường đơn sơ khiêm nhường. Sự khôn ngoan là biết chấp nhận thân phận mỏng dòn và sự giới hạn của mình. Chúng ta cứ ngước mặt lên trời nhìn xem vũ trụ vạn vật, chúng ta sẽ nhận ra thân phận của con người yếu đuối nhỏ bé thế nào. Sách Châm Ngôn dậy chúng ta: Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn. 11:2).

3. Lời Khôn Ngoan

Người ta thường nói rằng khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét. Chúa ban cho mỗi người sự khôn ngoan và hiểu biết khác nhau. Chúng ta phải học và trở nên khôn ngoan mỗi ngày như chính Chúa Giêsu cũng theo sự phát triển tự nhiên của con người: Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc. 2:52).Chính Chúa Giêsu đã quan sát những việc xảy ra hằng ngày trong cuộc sống để đưa vào các bài giảng áp dụng. Chúa dùng những thí dụ như người đàn bà dùng men ủ bột, muối ướp mặn, hạt cải bé nhỏ, đồng bạc bị mất, bầu cũ rượu mới, hoa huệ đồng xanh, con chiên lạc, chim sẻ trên trời, tóc trên đầu đã được đếm, kho tàng chôn dấu trong ruộng, cỏ lùng và lúa, thả lưới bắt cá, nướng cá trên bờ biển… Chúa Giêsu dẫn chúng ta vào kinh nghiệm cuộc sống thường nhật rất cụ thể. Chúng ta nhận thấy lời Chúa dạy qua các dụ ngôn rất gần gũi và thân thương. Ai cũng có thể hiểu được những ví dụ cụ thể qua lời giảng của Chúa Giêsu. Chính những người hèn mọn cũng sẽ hiểu được mầu nhiệm chân lý Nước Trời.

Sự khôn ngoan của Chúa vượt ra ngoài không gian và thời gian. Chẳng có sự gì dấu ẩn trong tâm hồn mà Chúa không thông biết. Chúa biết được những ý định và tư tưởng trong lòng mọi người. Thánh Luca viết rằng Chúa Giêsu đã đọc được những suy nghĩ trong lòng của các Luật sĩ và Biệt Phái khi Ngài tha tội cho người bất toại: Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy (Lc. 5:22). Con người với nhau, khó có ai mà biết được những âm mưu hay những ý đồ xấu xa sâu thẳm trong lòng người. Bởi thế chúng ta khó lường tấm lòng của những người sống hai mặt và làm tay sai hay gián điệp cho đối phương. Trước mặt Thiên Chúa thì sự khôn lanh của con người lại trơ trọi giữa ánh sáng ban ngày. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài (1Cor.3:20).

4. Sự Hiểu Biết

Khoa học càng phát triển thì cửa mở cho việc nghiên cứu càng rộng. Con người chẳng bao giờ đi hết được nội dung của mọi vật sinh tồn dù là một vật rất đơn sơ. Nhìn vào mầu nhiệm của sự trật tự trong vũ trụ và sự sống của mọi loài, con người chỉ biết cúi mình xuống và khâm phục. Thánh Phaolô khuyên dậy: Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật (1Cor 3:18).Con người có thông giỏi đến đâu, cũng chỉ như con rối trước mặt Thiên Chúa. Loài người có văn minh đến đâu, cũng chỉ như làn gió thoảng chóng qua. Các công trình của nhân loại có vĩ đại đến đâu, cũng chỉ tồn tại năm, ba ngàn năm rồi tan biến. So với sự đời đời của Thiên Chúa, đời con người chỉ như bóng câu cửa sổ và thoáng đó rồi mất đó.

Đã qua bao nhiêu ngàn năm, con người mới khám phá được một phần trong bộ mặt trái đất. Còn biết bao khoảng trống trong vũ trụ con người chưa bao giờ đặt chân đến. Chúng ta chưa dám nói gì đến vũ trụ bao la qua những giải ngân hà. Khoảng cách giữa các hành tinh chỉ có thể tính bằng năm ánh sáng. Vậy mà, khi người ta khám phá ra những vùng đất mới, những loài thực vật hay động vật mới lại qúa phấn khởi. Người ta lấy làm hãnh diện và ung dung tự đắc về sự khám phá của mình. Mọi khám phá mới mẻ là sự lạ đối với con người nhưng với thiên nhiên mọi loài thụ tạo vẫn hiện diện đó từ lâu đời. Con người lại tự dựa vào sự hiểu biết của mình để chối từ Đấng Sáng Tạo. Đây chính là sự cao ngạo của con người. Tác giả thánh vịnh suy tư: Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất (Tv. 104:24).

5. Ngưỡng Vọng

So sánh xã hội văn minh hiện đại với những nhóm bộ lạc sơ khai, chúng ta thấy khoảng cách rất xa về các giá trị hiểu biết và cuộc sống. Những bộ lạc sống trong các khu rừng già và sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ vẫn sử dụng trí khôn, tài khéo để phát triển và bảo vệ sự sống còn. Các bộ lạc không phát triển nhiều và cuộc sống rất đơn sơ. Họ còn ăn tươi nuốt sống và dùng những phương tiện sinh sống nghèo nàn. Cuộc sống của họ theo sau nền văn minh nhân loại hiện giờ cả ngàn năm. Tuy vậy, họ vẫn thể hiện bản năng làm người, có hồn có xác. Họ vẫn có những ngưỡng vọng về trời cao. Sự hiểu biết về khoa học và sử dụng phương tiện di chuyển của họ hầu như chẳng có bao nhiêu. Họ vẫn có sự khôn ngoan, tình yêu thương và ước vọng sống đời. Họ biết xây dựng, bảo vệ và giữ những đặc tính riêng biệt của từng bộ lạc.

Sự khôn ngoan mà chúng ta học biết được là do những tinh túy góp nhặt từ những kinh nghiệm sống xương máu của tiền nhân để lại. Mỗi một nền văn hóa có những tinh hoa riêng biệt. Văn hóa của người Á Châu khác với người Âu Châu. Ngôn ngữ của người Mỹ Châu khác với ngôn ngữ của người Phi Châu. Đôi khi ngay trong một nước cũng có cả chục thứ thổ âm khác nhau. Mỗi một nền văn hóa hay ngôn ngữ đều có những cơ cấu và nét đẹp riêng. Sự khôn ngoan của con người được lưu truyền và tăng trưởng theo các thời đại. Khoa khảo cổ đã phát minh ra những đình tháp, tường thành, cung điện, cổ mộ và các thành phố cổ đại đã bị chôn vùi dưới lòng đất bao năm. Từ xa xưa con người đã biết dùng trí khôn để bảo tồn và ghi dấu sự hiểu biết qua các nghệ thuật trong dân gian. Đây chính là sản phẩm của trí khôn con người. Nếu chúng ta quan sát các giống vật, cho dù con vật khôn lanh nhất, tổ chức cuộc sống xưa sao nay vẫn thế. Sinh họat của loài vật không hề phát triển.

6. Biết Thì Sống

Dù chúng ta có giỏi giang đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn còn có nhiều giới hạn. Những người có chức bậc cao qúy như tổng thống, thủ tướng, thủ trưởng, đại tướng… danh hiệu nào cũng chỉ là danh hiệu trong một lãnh vực cuộc sống. Cho dù là tổng thống có uy quyền và ảnh hưởng lớn trong một quốc gia nhưng về với gia đình, cũng chỉ đóng vai trò của một người cha và người chồng bất toàn. Hoặc chăng nhiều người có bằng cấp, học vị như nhà khoa học, bác sĩ, tiến sĩ, luật sư, giáo sư, mục sư, linh mục…họ cũng chỉ thể hiện sự hiểu biết trong những môi trường riêng biệt. Họ hành xử mọi việc tại viện nghiên cứu, nơi công xưởng, bệnh viện, nhà trường, văn phòng và nhà thờ … khi trở về đời sống thường nhật, họ có hơn gì ai khác. Người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ được trọng dụng nơi học đường, nơi văn phòng bàn giấy nhưng trong đời thường gia đình, họ cũng chỉ là một người dân thường. Khả năng rất giới hạn trong các ngành nghề và môn học khác. Có bằng luật sư, tiến sĩ thật đấy, nhưng họ chưa chắc đã cử xử tốt và thành công các sự việc trong gia đình giữa vợ chồng và con cái.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Ai ai cũng phải học khôn nơi trường đời để đối xử và sống tốt với nhau trong tình người. Ở đời, người ta nói rằng: Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Khôn ở đây là khôn lanh và khôn lỏi muốn hơn người bằng cách luồn cúi. Sự khôn ngoan thật là sự khôn khéo và ngoan hiền. Đức khôn ngoan một đức tính rất đáng quý trọng phải dầy công tôi luyện. Vua Salômon xưa đã không xin Chúa cho được giầu sang hay sống lâu nhưng chỉ xin được ơn khôn ngoan để dẫn dắt dân Chúa. Khi có ơn khôn ngoan, Vua đã có được được tất cả. Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài, thì cũng kể bằng không không vậy (Kn. 9:6). Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng.

7. Khôn Sống

Sống giữa trường đời, chúng ta phải rất cẩn thận trong suy nghĩ và lời phát biểu. Khôn sống, mống chết. Muốn thành công trên đường đời, chúng ta cần hành xử mọi việc rất khôn ngoan và ý tứ. Có nhiều hoàn cảnh éo le sẽ đẩy đưa và lối cuốn chúng ta vào con đường u mê lầm lạc, thất bại và tự hủy. Người ta thường nói: Khôn ba năm, dại một giờ. Trong thời buổi kinh tế thị trường, con người phải bon chen và tranh dành nhau để kiếm sống. Cảnh sống khó khăn tạo ra cảnh người khôn của hiếm. Dựa vào lời khuyên dạy khôn ngoan của Chúa, chúng ta hãy lắng nghe: Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt. 10:16).

Quân tử nhất ngôn. Người quân từ nói một là một, hai là hai, không ưỡm ờ. Giữa cái khôn và cái dại, có một khoảng cách, người ta thường nói đùa rằng: Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.Ý nói sự tráo trở của con người, sự thay đổi và lật dở như lật bàn tay. Khó có ai lường được tấm lòng của những người không chân thật. Sự chân thật là chiếc cầu nối vững chắc trong sự truyền thông và dựng xây tình người. Người chính trực đáng được yêu mến và kính trọng. Tục ngữ Pháp thường nói: Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Có nghĩa là phải cần thận trọng lời nói của mình. Lời nói có thể cứu sống, xây dựng hòa bình hoặc lời nói có thể gây chia rẽ và giết chết. Chúng ta phải luôn cẩn thận trong lời ăn tiếng nói: Nhanh nhẩu đoảng, vội vàng hư.

Như lời kết, con ơi hãy nhớ lời cha học khôn học khéo cho tày người ta, con đừng học thói chua ngoa, họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười. Ai cũng mến mộ sự khôn ngoan chính thật. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan và lưỡi họ nói lên điều chính trực (Tv. 37:30). Ơn khôn ngoan là ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy năng cầu nguyện xin Chúa mở lòng và tâm trí để chúng ta nhận biết sự khôn ngoan thật. Sự khôn ngoan không phải chỉ là học cao, hiểu rộng nhưng là tâm hồn chính trực biết phân biệt phải trái, đúng sai hay tốt xấu. Người khôn sẽ sống hạnh phúc và an vui trong Chúa. Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán (Cn. 3:13).

Bronx, New York