Ngày 06-09-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 22 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:09 06/09/2014
Chúa Nhật 22 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 16, 21-27.
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình”.


Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại lời quả quyết của Đức Chúa Giê-su về việc ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ngài, tôi có hai cảm nghiệm này muốn chia sẻ với anh chị em :

1. Phải từ bỏ chính mình.
Con người ta không ai muốn từ bỏ mình, bởi vì từ bỏ mình có nghĩa là không còn là mình nữa, không còn là cái tôi căn tính của mình nữa, cho nên sẽ là khó chịu và cảm thấy bất an khi có người khuyên bảo nên từ bỏ chính mình.

Tôi muốn ăn ngon mặc đẹp đó là do cái tôi của tôi đòi hỏi, bây giờ lại có người khuyên tôi nên hy sinh ăn gì cũng được, mặc gì cũng được, thì dứt khoát là tôi không chịu và cảm thấy khó chịu khi có người soi mói đời tư của tôi; tôi là người có khiếu về âm nhạc nên tôi muốn được nổi danh, tôi sáng tác nhiều bài hát để hy vọng được mọi người biết đến, nhưng có người nói rằng nhạc tôi quá dở không có tâm tình, thế là cái tôi tự ái nổi lên, cái tôi giận hờn, cái tôi ghét ghen, cái tôi buồn bực ập đến làm cho tôi cảm thấy như bị xúc phạm…

Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta từ bỏ cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ghét ghen, cái tôi phê bình, cái tôi hờn giận.v.v…để theo làm môn đệ của Ngài, bởi vì tất cả những cái tôi ấy đều luôn phản kháng lại với thánh ý của Thiên Chúa, phản bác lại những gì mà Thiên Chúa đã dự định cho con người hưởng hạnh phúc mai sau với Ngài.

2. Lời can ngăn
Mỗi người, trong cuộc sống của mình ít nhất cũng là một lần được nghe lời căn ngăn của người khác, và cũng có ít nhất là một lần nói lời can ngăn với người khác.

Thánh Phê-rô đã thành thật căn ngăn Đức Chúa Giê-su đừng có dại mà lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết khi mà Ngài biết rõ ai là kẻ giết mình. Lời can ngăn của thánh Phê-rô rất là chí lý, nhưng lại bị Đức Chúa Giê-su quở trách vì “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của loài người .” (Mt 16, 23)

Có những lời can ngăn tích cực để chặn đứng một hành động xấu sắp xảy ra và có hại cho mọi người, nhưng cũng có những lời can ngăn tiêu cực không vì mọi người nhưng là vì tư lợi cá nhân, đó là lời can ngăn rất “có lý” khi thấy anh em làm việc trổi vượt hơn mình như: đừng làm nổi quá kẻo người khác để ý, nào là đừng hăng say quá mà hao sức khỏe, nào là phải để ý đến bản thân mình.v.v… tất cả những lời can ngăn này của người có tâm hồn ích kỷ đều là tảng đá lớn chặn đường tiến của người khác.

Anh chị em thân mến,
Từ bỏ chính mình phải đi đôi với lòng thành thật, bởi vì có người “bỏ con tép để câu con…cá ngừ”, tức là họ chỉ làm bộ hy sinh một vài cái nhỏ mọn không nhằm nhò gì, để mưu cầu cái lợi ích lớn hơn nhiều cho bản thân mình, mà cái lợi ích lớn ấy là làm thỏa mãn cái tôi của mình, tức là để cái tôi càng ngày càng lớn lên theo hướng ích kỷ của mình.

Gợi ý suy tư :
- Tôi có từ bỏ mình theo hướng tích cực không, hướng tích cực là thấy cái tôi của mình luôn hướng về hưởng thụ thỏa mãn nhu cầu của thân xác ?
- Có khi nào tôi vì ích kỷ, vì sợ người khác trổi vượt hơn mình mà tìm lý do chính đáng để ngăn cản họ không ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 06/09/2014
LÀM KHÓ ĐẤNG TẠO HÓA
N2T

Chim sẻ hỏi Đấng tạo hóa:
- “Con thích sự an định và ấm áp trong gia đình, nhưng con cũng vọng hưởng sự thoải mái và không gò bó, lang thang ở chân trời; con muốn tìm một công việc được đãi ngộ chu đáo, nhưng lại sợ trách nhiệm quá nặng nề không vác nổi, có cách gì để đẹp cả đôi đường không?”
Đấng tạo hóa thở dài, nhè nhẹ nói:
- “Ai dà, Ta cũng muốn tìm một chỗ vừa tôn quý uy nghiêm, vừa không cần phải nhọc lòng lo nghĩ đến trời đất chúng sinh.”
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Không ai được làm tôi hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền bạc.
Nhưng lòng người thì luôn muốn “trọn vẹn cả đôi đường”.
Tôi có người bạn làm việc ở hai công ty lớn, buổi tối còn học thêm Anh văn, hơn một năm sau anh ta xuống mất bốn, năm ki-lô-gam, và xin nghỉ việc một công ty, lý do đơn giản là: làm không xuể.
Đó là công việc làm ăn, còn về tinh thần, phần hồn thì sao ? Tôi cũng có một học trò đã có vợ và hai con rất dễ thương, vợ là đạo theo, bản thân anh ta rất tốt, hiền lành, ngoan đạo, nhưng trước cửa nhà có đặt một bàn thờ...ông địa, gọi là thần tài. Ngày ngày vợ anh ta thắp nhang vái vái lạy lạy ông địa trước khi đến nhà thờ, tôi hỏi tại sao làm vậy, chị trả lời rất vô tư: “Nếu Chúa Mẹ không cho phát tài, thì ông thần sẽ cho !” Hết ý.
Chúng ta từ bỏ tất cả để theo làm môn đệ của Chúa, nhưng cũng có những lúc chúng ta cũng vơ vét lại những gì mà chúng ta đã bỏ, vơ lại chút tình yêu, vơ lại chút danh vọng, vơ lại chút của cải v.v…
Những cái vơ lại ấy không làm cho chúng ta hạnh phúc, cũng chẳng làm cho chúng ta bình an, nó chỉ làm cho chúng ta bối rối và bất an mà thôi.
Đừng làm tôi Thiên Chúa rồi lại làm đệ tử của ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 23 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:08 06/09/2014
Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 18, 15-20.
“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”.


Anh chị em thân mến,
Sống ở đời ai cũng muốn có nhiều bạn hơn kẻ thù, ai cũng muốn người khác có đời sống tốt đẹp hơn, ai cũng cũng mong muốn mọi người sống hòa thuận và biết giúp đỡ nhau hơn, đó là ứơc muốn của những người có lương tâm chân chính.

1. Phê phán trách móc người khác thì dễ hơn là tự kiểm điểm mình.
Chúng ta thường phê phán và trách móc người này không tham dự những sinh hoạt của cộng đoàn, chúng ta có thái độ gay gắt với những người không nghe lời khuyên bảo của mình để trở về sinh hoạt trong giáo xứ, nhưng có lần nào chúng ta tự kiểm điểm lại thái độ của mình khi khuyên bảo người anh em chị em chưa ?

Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi lúc việc làm của chúng ta không như lòng chúng ta mong muốn: chúng ta muốn anh chị em sửa đổi tính nết, nhưng thay vì nhẹ nhàng khuyên bảo thì chúng ta la mắng và có khi thóa mạ họ; chúng ta muốn người khác sống tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta lại hay trách móc phê bình họ, làm cho họ vì tự ái mà xa dần cộng đoàn, xa dần giáo xứ và dần dần như người xa lạ với những công việc của cộng đoàn, của giáo xứ.

Chúng ta khuyên bảo với thái độ kiêu căng, chúng ta khuyên bảo với lời nói nặng nề, chúng ta nhắc nhở anh chị em với thái độ ta đây tốt lành thánh thiện hơn họ, thì thử hỏi họ có nghe lời chúng ta không ? Biết đâu rằng trong số những người có cuộc sống –mà theo chúng ta- không giống như người Ki-tô hữu ấy- có những người mà vô tình hay cố ý chúng ta làm tổn thương họ bằng lời nói của chúng ta, hoặc bằng những thái độ không mấy thân thiện khiêm tốn của chúng ta !

2. Nói lời khuyên bảo thì dễ hơn là tự răn đe mình.
Có những người thích đi khuyên bảo người khác làm điều lành lánh điều dữ, nhưng lời khuyên bảo của họ không có ai nghe, vì họ khuyên người khác làm điều tốt, nhưng chính họ thì lại làm những điều ngược lại lời họ khuyên bảo người khác; có người được Thiên Chúa ban cho cái giọng nói ngọt ngào với người khác, ai nghe lời họ nói cũng thấy mát lòng mát dạ, nhưng sau đó họ lấy làm khó chịu vì đó chỉ là lời ngọt ngào trên môi miệng chứ không phát xuất từ trong tâm hồn mà ra.

Đức Chúa Giê-su chỉ ra cho chúng ta phương pháp để dẫn dắt và sửa đổi anh em chị em trở lại với cộng đoàn khi họ làm điều không đúng , tức là Ngài đặt chúng ta trong tư thế một người có bản lãnh, nghĩa là một người luôn tự vấn lương tâm mình trước khi khuyên bảo người anh em, và đồng thời Ngài cũng gián tiếp cho chúng ta hay: đừng phê bình trách móc người anh em chị em khi bản thân mình cũng nhiều khuyết điểm như họ…

Anh chị em thân mến,
Cuộc sống thật có ý nghĩa và đời sống mỗi người Ki-tô hữu là một mầu nhiệm gắn liền với Đức Chúa Giê-su qua bí tích Rửa Tội, do đó mà chúng ta luôn mong muốn mình được hoàn hảo, và cũng mong ước người khác cũng được hoàn hảo như mình, nên chúng ta -có những lúc- tỏ vẻ khó chịu khi người khác sống không như chúng ta muốn, cho nên chúng ta thường để mất người anh em chị em hơn là được lại họ...

Xin được rửa chân cho anh chị em chứ không muốn làm người sửa lưng anh chị em.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:13 06/09/2014
THỂ THAO
Cha sở thấy thầy giúp xứ cả ngày ít ra khỏi phòng ngoài giờ cơm và giờ lễ, ngài nói:
- “Thầy có thấy các cha bề ngoài hồng hào mập mạp không, nhưng đa phần là bệnh đấy, bởi vì các ngài ít hoặc không tập thể dục mỗi ngày. Thầy cố gắng sắp xếp giờ để mỗi ngày có thể vận động thân thể đôi chút...”
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh kêu gọi cầu nguyện cho Thượng HĐGM thế giới sắp tới
Lm Trần Đức Anh OP
09:26 06/09/2014
VATICAN. Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM mời gọi toàn Giáo Hội dành Chúa Nhật 28-9 tới đây làm Ngày Cầu nguyện cho Thượng HĐGM khóa đặc biệt thứ 3.

Khóa họp sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 19-9-2014 về đề tài ”Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.

Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM mời gọi các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, hội đoàn và phong trào cầu nguyện trong các thánh lễ và các buổi cử hành khác cho công việc của Thượng HĐGM trong những ngày trước và trong khi tiến hành Công nghị GM thế giới.

Tại Roma, mỗi ngày sẽ buổi cầu nguyện tại Nhà Nguyện Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma ở Đền thờ Đức Bà Cả. Các tín hữu có thể hiệp ý cầu nguyện cho ý nguyện đó, nhất là trong gia đình. Các tín hữu cũng được khuyên đọc kinh Mân Côi cầu cho Thượng HĐGM.

Trong những ngày tới đây Văn Phòng Tổng thư ký sẽ công bố một tài liệu ngắn bằng nhiều thứ tiếng, với kinh nguyện do chính ĐTC Phanxicô soạn, và một số ý chỉ lời nguyện giáo dân (SD 6-9-2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Phú: mừng 50 năm thành lập Legio Mariae
Phương Nga & Lê Tân
10:14 06/09/2014
GX Tân Phú: mừng 50 năm thành lập Legio Mariae

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí Thánh chí Tôn“ (Lc 1,49)

Hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 9 -Sinh Nhật Đức Mẹ- Legio Mariae giáo xứ Tân Phú lại tổ chức ngày Họp Bạn và dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho mọi người.

Xem Hình

Riêng năm nay, có một niềm vui lớn vì GX có thánh lễ mừng 50 năm thành lập Legio Mariae, thánh lễ vào 9g00 thứ Sáu ngày 05/09/2014.

Phía cuối nhà thờ có tấm bảng lưu lại hình các cha chính xứ, cha phụ tá là linh giám từ ngày thành lập giáo xứ đến nay và một số hình sinh hoạt Legio qua các thời kỳ.

Từ rất sớm Cha linh giám Curia Tân Sơn Nhì Giuse Nguyễn Văn Lãnh và Ban QT Curia đã có mặt để đón tiếp quý cha và quý anh chị em từ xa đến. Khách mời có các thông tín viên Senatus VN, Ban QT hội đồng Comitium Sài Gòn 3 và và các Ban QT Curiae lân cận…Hội đồng MV và BCH các Hội đoàn GX Tân Phú cũng đến hiệp thông trong thánh lễ.

Chủ tế trong thánh lễ là cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ, hạt trưởng hạt XómMới kiêm linh giám Comitium Sài Gòn 3. Quý cha đồng tế có cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh, cha Giuse Trần Văn Quỳnh ở Bình Phước, cha chính xứ Thiên Ân Giuse Lê Hoàng, cha chính xứ Martino Giuse Phạm Hoàng Lương, cha phụ tá giáo xứ Thị Nghè Giuse Phạm Văn Thới.

Kinh Khai mạc

Trong phần Kinh Khai mạc, cha linh giám Curia TSN huấn từ: chúng ta cùng họp nhau đây để mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Legio GX Tân Phú, một hành trình dài và đầy dẫy những cam go. Từ một đơn vị nhỏ bé, Curia TSN đã lan tỏa dần để ngày nay trở thành lớn mạnh và đông đúc.

50 năm là một chặng đường dài với bao thăng trầm và gian nan, nhất là những năm tháng đất nước thay đổi, có những giai đoạn tưởng chừng không thể hoạt động được, nhưng nhờ ơn Chúa với sự đồng hành của Mẹ Maria, vị Nữ tướng của Đạo binh, đã giúp cho hội đoàn vượt qua mọi thử thách để ngày càng vững vàng và phát triển.

Từ chiếc nôi GX Tân Phú, Legio Mariae đã thành lập thêm các Curia Bình Chánh, Tân Bình và Bình Tân. Hiện nay Curia Tân Sơn Nhì bao gồm Legio ở 2 GX Tân Phú và Phú Thọ Hòa, Curia còn thành lập thêm 1 Curia Junior.

Có được kết quả đó chúng ta không thể quên công ơn của các vị sáng lập là cha cố Đaminh Đinh Xuân Hải cùng các cha cựu linh giám. Tưởng nhớ đến các vị ân nhân tiền bối, còn sống cũng như người đã qua đời, chúng ta luôn cầu nguyện cho họ. Chúng ta tin tưởng Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, Mẹ sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ tiến bước và hăng say hoạt động. Chúc Curia TSN nói chung và Legio Mariae Tân Phú nói riêng luôn tràn đầy ơn Chúa, sẵn sàng dấn thân loan báo tin mừng. Cha hạt trưởng TSN có gọi điện chúc mừng anh chị em…

Sau huấn từ của Cha LG là hai tiết mục diễn nguyện Cung Chúc Trinh Vương và Xin Tin Yêu do các UV phụ trách Junior trình diễn.

Sau giờ giải lao, mọi người xếp hàng sau Thánh Giá nến cao và Vaxillium Legio để rước quý cha đồng tế từ nhà xứ vào thánh đường dâng lễ.

Trước thánh lễ, anh trưởng Curia TSN vắn tắt nhắc lại một vài sự kiện đáng nhớ: Cha xứ kiêm linh giám tiên khởi của GX là cha Đaminh Đinh Xuân Hải, sau đó là các cha và các xơ linh giám: Gioan Baotixita Phạm Văn Hợp, Giuse Vũ Viết Hà, Giuse Lê Đình Quế Minh, Giuse Nguyễn Văn Thanh, xơ Maria Trần Thị Thiện, Phêrô Nguyễn Công Tâm và hiện nay là cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh. Năm 1991 sau khi Senatus Saigon (nay là Senatus VN) được tái lập. Curia Tân Phú đổi tên thành Curia Tân Sơn Nhì. Curia TSN hiện có 15 Paesidia Senior với số hội viên hoạt động là 191 và tán trợ là 412 người, gồm 14 Praesidia ở GX Tân Phú và 1 Prasidium ở GX Phú Thọ Hòa. Ban QT hiện nay có 5 anh chị:

Trưởng: Phêrô Nguyễn Văn Kiến

Phó: Maria Madalena Trần Thị Thanh Nga

Thư ký: Maria Ngô Mẫn Nhi

Thủ quỹ: Maria Phạm Thị Ngọc Ánh

PT Thư ký: Cecilia Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Thánh lễ tạ ơn:

Thánh lễ bắt đầu lúc 10g20 với bài Ca nhập lễ “Tung hô Nữ Vương” do ca đoàn Catarina phụ trách.

Cha chủ tế Đa-minh chia sẻ trong bài giảng: “Ngày sinh nhật Mẹ vào 8/9 vì tính từ lễ Đức Mẹ Vô nhiễm 8-12 -khi Bà Thánh Anna mang thai Mẹ- đến lễ Sinh nhật Mẹ là đúng 9 tháng. Cuộc đời Mẹ Maria luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, vì công cuộc cứu chuộc của Chúa cần phải có Mẹ. Nếu không có Chúa Giêsu thì Mẹ cũng chỉ là người phàm như chúng ta. Mẹ được chọn là Mẹ Chúa Giêsu, để Chúa nhập thể làm người như chúng ta, sống bên cạnh chúng ta. Mẹ được thụ thai bởi phép của Chúa Thánh Thần. Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 ơn đặc biệt là Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ Thiên Chúa, Hồn Xác Lên Trời và trọn đời Đồng trinh. Chúng ta hãy suy gẫm lại những Bài Sách Thánh trong lễ hôm nay, BĐ I và II nói về dân tộc được Chúa tuyển chọn, được Chúa dẫn dắt qua tổ phụ Apbraham. Để cứu chuộc chúng ta -là những người sinh ra trong tội lỗi- Chúa Giêsu đã nhập thể làm người và sống giữa chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 1, 1-16. 18-23) nhắc đến 4 người phụ nữ, nhưng trong đó chỉ có Mẹ Maria là người hoàn hảo và thánh thiện nhất. Việc này muốn nói rằng Chúa xuống trần gian làm người thực, sống cuộc đời bình thường để thực hiện những việc phi thường là cứu độ con người… Suy gẫm ra thì chúng ta thấy mình có 3 người Mẹ. “Này là Mẹ con“ (Ga 19,27 ) Chúa Giêsu đã trối và giao loài người lại cho Mẹ Maria, đó là người Mẹ thứ nhất, người đã cho chúng ta người anh Cả là Chúa Giêsu Kitô. Mỗi chúng ta đều có cha có mẹ sinh ra cho ta làm người, đó là người mẹ trần gian cũng là người mẹ thứ hai, hãy nhớ ơn sinh thành của cha mẹ. Còn người mẹ thứ ba là Hội Thánh, từ khi chịu phép Rửa tội ta trở thành Kitô hữu, rồi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, Giải tội, Mình Thánh Chúa, Hôn Phối... Được làm con Chúa thì chúng ta gọi Hội Thánh là Mẹ của chúng ta. Mẹ Maria đã can thiệp trong tiệc cưới Cana, vì Mẹ yêu thương loài người, Mẹ đã đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn vì tội lỗi chúng ta, nếu muốn con cái yêu mến mình, thì chúng ta phải yêu mến Mẹ trước. Người mẹ Việt Nam là người chịu nhiều thiệt thòi vì suốt đời chỉ biết nhường cơm sẻ áo cho chồng con. Người Mẹ Giáo Hội luôn chăm sóc ta về đời sống tinh thần và tín lý, chúng ta hãy dạy con cái mình cầu nguyện cho Mẹ Hội Thánh và hiếu thảo với mình. Ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa người mẹ, mỗi người hãy suy gẫm và thực hành theo gương Mẹ Maria.”

Sau thánh lễ, tại Hoa viên GX Tân Phú mọi người đã thưởng thức chương trình văn nghệ múa, đơn ca, hợp ca, kịch… do anh chị em Legio GX Tân Phú trình bày xoay quanh chủ đề gương sáng của Mẹ Maria và tinh thần của Legio Mariae. Cha chính xứ Tân Phú đã cảm ơn quý cha đồng tế và chúc mừng Legio của GX trong nhân ngày mừng Sinh nhật Đức Mẹ, mừng 50 trưởng thành.

Thánh lễ và ngày vui Họp Bạn kết thúc lúc 13g00 trong niềm phấn khởi của tất cả mọi người.

(Phương Nga và Lê Tân)
 
Thường huấn Linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa đợt 2 năm 2014
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
11:35 06/09/2014
Linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa về Trung tâm Mục vụ Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, để tham dự tuần thường huấn đợt 2 năm 2014 do Tòa Giám Mục Hưng Hóa tổ chức từ ngày 01-06/9/2014. Tham dự thường huấn ngoài linh mục đoàn còn có Đức Giám Mục (ĐGM) Chánh Tòa, ĐGM phụ tá và quí Thầy phó tế.

Hình ảnh

Ý thức được tầm quan trọng của việc sống chung với các tôn giáo khác nên ĐGM giáo phận đã mời cha Giuse Đặng Chí San, OP chia sẻ tuần thường huấn với đề tài Hội nhập văn hóa và Đối thoại liên tôn. Một chủ đề luôn mang tính thời sự.

Đúng 14g20 thứ Hai ngày 01/9, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã khai mạc tuần thường huấn. Tuần thường huấn đợt 2 này được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất, ĐGM muốn dùng hai ngày đầu để ổn định một số công việc trong giáo phận như bổ nhiệm Ban Cố Vấn, các cha Quản hạt, thiết lập Hội đồng Linh mục và thuyên chuyển một số các linh mục trong giáo phận. Phần thứ hai, cha Giuse Đặng Chí San chia sẻ về Hội nhập văn hóa và Đối thoại liên tôn.

Về Hội đồng Linh mục, ngoài các đại biểu đương nhiên như ĐGM phụ tá, cha Tổng đại diện, cha đại diện tư pháp thì 7 giáo hạt và đại diện dòng tu đều bầu mỗi đơn vị 1 người đại diện. Tiếp theo, ĐGM đã bổ nhiệm 4 cha vào Hội đồng Linh mục theo quyền hạn của mình. Vì thế, Hội đồng Linh mục có 18 vị, trong đó có 1 linh mục giữ chức Tổng thư kí, 1 phó tổng thư kí biên tập, 1 phó tổng thư kí ngoại vụ.

Sau khi đã có các cha trong Hội đồng Linh mục, Đức Cha bổ nhiệm 7 Cha quản hạt cho 7 hạt trong giáo phận để cùng ngài cai quản. Từ những cơ sở nhân sự trên, ĐGM đã bổ nhiệm 8 người vào Ban Tư Vấn có thời hạn 5 năm.

Đặc biệt, ĐGM công bố 32 cha sẽ thuyên chuyển dịp này gồm có 16 cha xứ, nâng 3 cha phó làm cha quản xứ và 13 cha phó. Trong số những Cha được thuyên chuyển đợt này đều được ĐGM bàn hỏi cách cẩn thận. Riêng đối với cha Antôn Nguyễn Gia Nhang, đại diện Giám mục tỉnh Phú Thọ, vì tuổi cao sức yếu, Đức Cha cho ngài nghỉ hưu tại giáo họ Thổ Khối thuộc giáo xứ Dư Ba.

Ngoài ra, ĐGM cũng cho biết ngày 01/10/2014 sẽ truyền chức Linh mục cho 8 Thầy phó tế. Vì thế, số linh mục của giáo phận Hưng Hóa sẽ lên tới 84. Một điều hết sức vui mừng.

Vào chiều thứ Tư ngày 03 tháng 9, Cha Giuse Đặng Chí San bắt đầu vào đề tài Phật Giáo. Với đề tài này, Cha đã làm cho các linh mục cảm phục sự hiểu biết thâm sâu của ngài về Phật giáo. Phật giáo có hai trường phái: Phật giáo Nguyên Thủy (xưa gọi là Tiểu Thừa) và Phật giáo Bắc Truyền (Đại Thừa).

Phật giáo Nguyên Thủy: người đi theo môn phái này tìm bình an nội tâm, tâm tĩnh lặng giữa muôn xáo động, buông xả quá khứ và sống hiện tại, tức vô ngã.

Phật giáo Bắc Truyền: người đi theo Phật giáo Bắc Truyền tìm bình an nội tâm trong Tuyệt đối, nhưng Tuyệt đối ở đâu thì không ai nói ra được. Theo một số nhà tu đức Đông phương học thì đó chính là “Lời”. Tam thế chủ Phật là Bi – Trí – Dũng. Người ta tu thiền là đi vào cái không biết, im lặng. Khi tu thiền là người ta bỏ đi cái vọng tâm để lộ ra cái chân tâm. Trong Phật giáo, có 3 qui luật thế giới tục đế là vô thường, nhân quả và duyên sinh.

Việt Nam là một đất nước có nền văn minh lúa nước dựa trên hai nguyên nhân cơ bản là định canh và định cư. Văn hóa làng, xã phát triển rất mạnh. Mọi sự đều qui hướng về tín ngưỡng. Cái gì cũng nhìn thấy thần thánh. Cây đa, cây đề cũng có thể là thánh. Đây cũng là cơ sở để người Việt tiếp nhận những tôn giáo khác như Nho giáo, Lão giáo (biến tướng thành Đạo giáo) và Phật giáo. Có những thời kỳ Phật giáo rất thịnh như các thời Lý – Trần. Nhiều di sản văn hóa được sinh ra vào thời kỳ này như Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám... Một vị vua mà luôn gắn liền với môn phái Trúc Lâm Yên tử, đó là vua Trần Nhân Tông.

Song song những kiến thức tiếp thu trong các buổi chia sẻ, các giờ đạo đức trong ngày chia ra hết sức hợp lí, nhất là các Thánh lễ vào buổi sáng. Nhìn vào lịch phụng vụ thì ai cũng nhận ra ngay rằng giáo phận Hưng Hóa đang làm gì và tin vào Đấng nào? Thứ Hai: Tất cả cộng đoàn phụng vụ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần; thứ Ba: xin ơn hiệp nhất linh mục; thứ Tư: cầu nguyện cho ĐGM phụ tá Anphongsô nhân dịp một năm chịu chức giám mục; thứ Năm: cầu cho việc đối thoại liên tôn; thứ Sáu: xin ơn nhiệt thành mục vụ cho các Linh mục; thứ Bảy: xin ơn bảo trợ của Đức Mẹ Đồng Trinh.

Tuần thường huấn được kết thúc sau Thánh lễ sáng ngày thứ Bẩy. Xin tạ ơn Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, tuần thường huấn diễn ra trong bình an và rất ích lợi. Với những kiến thức lãnh hội được qua những ngày thường huấn, quí cha mang về giáo xứ của mình như một hành trang cho một công cuộc loan báo Tin Mừng.

Được biết, mỗi năm giáo phận Hưng Hóa tổ chức 3 lần cho các linh mục đoàn tập trung: 2 tuần thường huấn và một tuần tĩnh tâm.