Ngày 05-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phải Rạch Ròi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:32 05/09/2021
Phải Rạch Ròi

(Lc 6,6-11)

Khi thấy dã tâm của một số biệt phái và luật sĩ đang dò xem mình có chữa bệnh trong ngày Sabbat không thì Chúa Giêsu đã bảo người có tay khô bại đứng ra giữa hội đường và hỏi họ: “Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?”. Khi dùng một lối nói song đối nghịch nghĩa “lành – dữ; sống – chết” thì Chúa Giêsu cách nào đó buộc người nghe phải rạch ròi trong sự chọn lựa. Dĩ nhiên không chỉ trong ngày Sabbat mà trong mọi ngày đều phải làm sự lành tránh sự dữ, phải cứu sống, không được giết chết. Ngoài ra cần phải xác định rằng nếu xao lãng hay bỏ qua điều lành trong khả năng và hoàn cảnh của mình thì chúng ta đã làm sự dữ đáng trách. Đây là thứ tội chúng ta thường thú nhận trước khi dâng Thánh Lễ. “Tôi thú nhận… tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót..” Ngôn ngữ tiếng Anh dịch khá rõ về thứ “tội thiếu sót này” (in what I have failed to do).

Dù rằng phải có sự tế nhị trong cung cách ứng xử, tuy nhiên có đó nhiều trường hợp mà chúng ta phải đòi hỏi sự rạch ròi trắng đen, nhất là với những người thiếu thiện ý. Và nếu người ta chai lì và cố chấp thì không gì hơn hãy noi gương Chúa Giêsu là cần phải bất chấp luật lệ và cả sự hận thù, tìm cách hảm hại của những người đang có chức có quyền để rồi liên lỉ làm việc lành và cứu sống.

Phải chăng có lúc chúng ta cũng cần phải rạch ròi với những người cầm quyền (Chính phủ), những người cầm súng (công an, quân đội…) rằng: “Các anh là người những người đầy tớ phục vụ nhân dân hay là những ông chủ hống hách ngồi trên đầu trên cổ người dân? Cũng tương tự thế, có khi chúng ta cũng cần phải nghiêm túc với các đấng bậc trong giáo hội rằng: “Các ngài được Chúa sai đến là để phục vụ đàn chiên hay là để cai trị theo kiểu cách “giáo sĩ trị”?” Chắc chắn câu trả lời không quá khó. Nhưng nếu giả như có đó một vài trường hợp cố chấp thì chuyện “bất chấp” là dường như khó tránh nếu chúng ta muốn theo sát và noi gương Chúa Giêsu luôn cứu sống và làm việc lành.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:58 05/09/2021

3. Chúng ta càng yêu mến tạo vật thì càng ít yêu Thiên Chúa hơn.

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 05/09/2021
50. CON ĐỒ TỂ LÀM VĂN

Có một con trai của người đồ tể học thơ văn và muốn làm quan.

Một hôm, hắn ta đến với vị thái sử (1) nọ để xin chỉ giáo văn chương, thái sử bình luận văn chương của hắn ta như sau:

- “Có cốt lực, có cân lượng, bỏ trên đầu án, nhai lui nhai tới cũng không chán”.

Rõ ràng là tán dương, nhưng thực ra thì châm biếm, nhưng con trai của đồ tể thì rất là phấn khởi, đem bài văn về nhà khoe khắp xóm khắp làng.

Có một người chịu không nổi bèn chỉ cho hắn ta những ẩn ý của thái sử viết, nhưng con trai của người đồ tể lại không chịu nghe, lại còn giận dữ chỉ trích người nói lời thật ấy.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 50:

Quan niệm của xã hội phong kiến thì “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, và con của đồ tể thì cũng nên...đi giết lợn là vừa, chứ học hành cho lắm thì cũng chẳng được gì...

Nhưng thời nay có những công tử con quan không làm quan mà đi làm du đảng trộm cướp có hại cho xã hội, và có những con cái nhà nghèo không quét lá đa, lượm rác nhưng lại làm quan có ích cho mọi người. Thế mới biết làm quan hay quét lá đa không phải là...di truyền, nhưng là do cái tâm cái ý chí vươn lên của người tự trọng.

Con của người đồ tể muốn trở thành nhà văn và làm quan dù văn chương của mình chẳng giống ai. Có một vài người Ki-tô hữu thay vì trở nên giống Đức Chúa Giê-su là dòng dõi hoàng tộc, tư tế và tiên tri, thì lại muốn mình trở nên những đồ tể cho ma quỷ đi “sát thủ” anh em chị em bằng những ghét ghen, vu khống, ngạo mạn...

(1) Quan chép sử của triều đình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Văn Hóa Sự Sống
Lm. Minh Anh
22:04 05/09/2021

VĂN HOÁ SỰ SỐNG
“Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”.

Tại một ngôi làng trong rừng Bornes, các nhân viên y tế đã phun DDT trong các túp lều để diệt muỗi, nguyên nhân của sốt rét. Những con thằn lằn sống trong vách đất của những túp lều đã hấp thụ một lượng lớn DDT và chết; những con mèo lần lượt ăn những con thằn lằn hấp hối này, và chính chúng cũng chết; những con mèo chết, dẫn đến sự xâm nhập của chuột. Cái chết của thằn lằn khiến những con sâu rơm, vốn là thức ăn của thằn lằn, tự do sinh sôi nảy nở. Và cuối cùng những con sâu ngấu nghiến cả những mái tranh của bộ tộc; chuột bọ nhiều, lại dẫn đến dịch hạch!

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện làng Bornes nói đến cái chết thể lý dây chuyền của những con vật tác hại đến môi trường; câu chuyện Tin Mừng hôm nay không nói đến cái chết thể lý, nhưng nguy hại hơn, một cái chết tinh thần. Thật bất ngờ, Lời Chúa cho thấy sự đối nghịch của hai nền văn hoá! Những người biệt phái sống theo văn hoá sự chết; Phaolô và Chúa Giêsu làm theo ‘văn hoá sự sống!’.

Trước những người biệt phái, vốn tự cho mình là cam kết với đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu vô cùng lo lắng cho sự lầm lạc của họ; họ cho rằng, luật của Thiên Chúa cấm làm điều lành ngay cả trong ngày Sabbat. Luca cho biết, Chúa Giêsu đặt thẳng vấn đề, “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Dĩ nhiên, câu trả lời của họ sẽ là, làm điều dữ là phạm luật; nhưng ngay cả điều lành cũng không được phép! Họ từng bảo, “Có sáu ngày người ta phải làm việc; vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong các ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat!”. Đó là những người sống theo văn hoá sự chết, họ đã bóp nghẹt cốt lõi yêu thương trong việc tuân giữ luật Chúa.

Đang khi ấy, trong cái nhìn của Chúa Giêsu, điều tốt có thể được thực hiện bất kể ngày nào, bất kể lúc nào, bất kể người khác nghĩ gì, và bất kể chống đối nào Ngài có thể đối mặt. Đó là luật của Tin Mừng, luật của tình yêu; và Ngài đến để kiện toàn luật đó. Chẳng hạn như việc Ngài không ngần ngại chữa lành cho người bại tay hôm nay, dẫu chung quanh đang có nhiều kẻ chực chờ để tố cáo Ngài; thế nhưng, không gì có thể ngăn cản Ngài thực hiện hành vi tốt lành này. Tin Mừng nói, “Đưa mắt nhìn mọi người, Ngài bảo người ấy, “Anh hãy giơ tay ra!”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành”. Chúa Giêsu sống và làm theo ‘văn hoá sự sống’ vậy!

Phaolô hôm nay trong thư Côlôssê cũng nói đến ‘văn hoá sự sống’ ngài đang sống, “Tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Ngài được nhờ”. Phaolô chấp nhận đau khổ, thiệt thòi cho người khác và cho chính Hội Thánh; nhờ ngài, Hội Thánh ‘được lớn lên’. Đó cũng là tâm tình tạ ơn của Thánh Vịnh đáp ca, “Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang!”. Phải, chỉ với ân sủng của Thiên Chúa, con người mới được cứu độ; và nhờ đó, đủ sức để sống nền ‘văn hoá sự sống’, một nền văn hoá cho nó khả năng đạt đến vinh quang đích thực.

Anh Chị em,

Suy nghĩ và cách hành xử của Chúa Giêsu, của Phaolô trái ngược với suy nghĩ và cách hành xử của các biệt phái, và có lẽ cũng đang rất trái ngược với tinh thần thế tục ngày nay. Điều này đặt chúng ta trước một chọn lựa! Tôi đang theo hướng nào? Luật của Tin Mừng hay thói đời thế tục? Hãy làm như Phaolô, chịu thiệt thòi cho người khác được sống. Trong những ngày hôm nay, số tử vong vì dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam vẫn gia tăng; ấy thế, vẫn có những linh mục, tu sĩ và thiện nguyện viên tiếp tục ghi danh, để đến phục vụ trong các khu cách ly. Vâng, chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới đẩy chúng ta đến chỗ dám sống và dám chết cho nền ‘văn hoá sự sống’. Chúa Giêsu không chỉ truyền cảm hứng, Ngài còn trao quyền để chúng ta làm những điều tốt đẹp như Ngài. Hãy bắt chước Ngài, bất chấp những thiệt thòi liên luỵ. Muốn được vậy, hãy học từ Ngài cách thức trở thành những ngọn hải đăng của ánh sáng và sự sống, giữa một nền văn hoá ích kỷ và chia rẽ; một nền văn hoá sự chết, vốn đang xây dựng một nền văn minh không có tình thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đọc được trái tim con như đọc tâm hồn những người biệt phái. Xin làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa, để con dám sống và dám chết cho nền ‘văn hoá sự sống’ như Ngài, như bao nhiêu anh chị em tốt lành khác”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo Armenia cử hành thánh lễ đầu tiên sau hơn một thế kỷ tại một nhà thờ ở khu phố của Hrant Dink
Đặng Tự Do
04:58 05/09/2021


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết cộng đồng Kitô Hữu Armenia đã cử hành thánh lễ lần đầu tiên sau 106 năm tại một nhà thờ ở Malatya, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Nơi thờ tự nằm trong một khu phố nơi nhà báo Hrant Dink lớn lên. Hrant Dink là tổng biên tập của tuần báo Agos đã bị bắn trước văn phòng của tờ báo ở Istanbul, vào tháng Giêng năm 2007.

Buổi lễ chính thức mở cửa trở lại được tổ chức vào hôm thứ Bảy với sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ Sahak Maşalyan, Đức Giám Mục Thủ đô Ğriğoriyos Melki Ürek của Adıyaman, và chính quyền dân sự địa phương.

Bị đóng cửa vào năm 1915, nhà thờ Üç Horan đã không thể sử dụng trong hơn một thế kỷ và ở trong tình trạng đổ nát cho đến gần đây, khi người ta sợ rằng nó có thể sụp đổ.

HAY-DER, một tổ chức văn hóa Armenia có trụ sở tại Malatya, đã có thể khôi phục lại nhà thờ và vẻ huy hoàng cổ xưa của ngôi thánh đường.

Giờ đây, cộng đồng Kitô Hữu Armenia tại địa phương có thể sử dụng nó để cử hành các lễ nghi tôn giáo, bao gồm thánh lễ, lễ rửa tội và đám cưới.

Chính quyền địa phương đã đóng góp vào công việc trùng tu bằng công quỹ.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thượng Phụ Maşalyan gọi việc mở cửa trở lại là “một cột mốc quan trọng đối với khu vực này” và đối với người Armenia nói riêng, là “một ngày lễ”.
Source:Asia News
 
Một linh mục ở Chicago cáo buộc Đức Hồng Y Cupich không cho đọc kinh chung sau thánh lễ
Đặng Tự Do
04:58 05/09/2021


Một linh mục ở Illinois đã cáo buộc Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, đã ra lệnh cho ngài không được đọc kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính mừng sau Thánh lễ, nhưng cha sở của nhà thờ nói rằng cáo buộc này không đúng sự thật.

Tin đồn bắt đầu sau khi các bài đăng trên mạng xã hội chỉ ra một thông báo trong một thánh lễ được truyền trực tiếp tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse ở Libertyville, Illinois.

Trong đoạn video hiện đã bị gỡ bỏ, Cha Emanuel Torres-Fuentes, với vẻ mặt, cử chỉ, và lời nói lộ vẻ tức giận, cho biết theo yêu cầu của Đức Hồng Y Cupich, những lời cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính Mừng ở cuối thánh lễ đã phải hủy bỏ.

“Sau chỉ thị của Đức Hồng Y Cupich, chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng kinh nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae không được phép đọc chung sau Thánh lễ”, Cha Torres-Fuentes nói trong đoạn video. Lời cầu nguyện sùng kính này có thể được đọc một cách riêng tư trong khi tôn trọng những người khác trong nhà thờ. OK?”

“Và anh chị em cũng biết rằng tôi thích đọc Kinh Kính Mừng khi kết thúc Thánh Lễ. Nhưng giờ đây tôi được yêu cầu hát thay vì đọc Kinh Kính Mừng.”

Cha Torres-Fuentes, được thụ phong vào năm 2018, nói thêm:

“Chuyện gì đây?. Là một linh mục, tôi phải vâng lời. Và khi vâng lời như thế, tôi sẽ được bình yên. Và trái tim tôi bình yên. OK?”

“Tôi đã suy nghĩ về điều này. Bây giờ, tôi nói OK. OK thôi. Nếu Đức Hồng Y Cupich nói thế, thì tôi phải thế. OK chứ? Xin cảm ơn.”

Vào chiều thứ Bảy, cha sở nhà thờ Thánh Giuse, là Cha John Trout, đã đưa ra lời giải thích cho thông báo của Cha Torres-Fuentes.

Tuyên bố của Cha John Trout cho biết: “Các tín hữu luôn được hoan nghênh tụ tập trong Nhà thờ để cầu nguyện riêng với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm. Đồng thời, phù hợp với thực hành phụng vụ lành mạnh và phù hợp với các quy tắc của Tổng giáo phận, mà tôi đã xác nhận với Đức Hồng Y một cách cá nhân, việc đọc kinh không bao giờ được can thiệp, làm gián đoạn hoặc phân tâm phụng vụ công cộng của Giáo hội”.

Cha Trout tiếp tục: “Nó cũng không bao giờ có thể trở thành một sự áp đặt đối với phần còn lại của các tín hữu trong nhà thờ, những người có quyền ở lại cuối Thánh lễ để cầu nguyện riêng như họ muốn. Điều quan trọng nữa là những lời cầu nguyện như vậy phải luôn luôn thúc đẩy sự hiệp nhất của Giáo hội, được bảo đảm bởi Người kế vị thánh Phêrô, người mà chúng ta luôn phải thể hiện sự tôn kính sâu sắc nhất và lời cầu nguyện cho ngài với tư cách là Đức Thánh Cha của chúng ta”.

Tuyên bố kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng Cha Torres-Fuentes “muốn tuyên bố rằng ngài đã nhầm lẫn trong một thánh lễ gần đây khi ngài trách nhầm các tuyên bố của Đức Hồng Y Cupich. Vì lý do này, video của Thánh lễ đó đã được gỡ bỏ để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào.”

Trong thức tế, việc đọc kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính Mừng chỉ mất chưa đầy một phút. Lý do cho rằng việc đọc kinh chung như thế làm chia trí các tín hữu khác trong nhà thờ xem ra không đứng vững.

Việc đọc Kinh cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae khi kết thúc Thánh lễ được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra vào năm 1886. Là một phần của cuộc cải cách phụng vụ tại Công đồng Vatican II, lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã bị loại bỏ. Sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, nhiều nhà thờ tại Hoa Kỳ đã tái lập việc cầu nguyện này.
Source:Catholic News Agency
 
Sự đồng nhất trong Thánh lễ: Các linh mục Syro-Malabar kháng cáo lên Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
04:59 05/09/2021


Quyết định của Thượng Hội Đồng Syro-Malabar buộc các linh mục phải cử hành thánh lễ theo một nghi thức chung đã gây ra tranh cãi, trong đó một bộ phận của các linh mục quyết định kháng cáo lên Vatican để giữ lại hệ thống hiện có. Các linh mục thuộc tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Mar Antony Kariyil, và Cha Tổng Đại Diện vào hôm thứ Bảy.

Các linh mục tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức Tổng Giám Mục để đưa ra những lo ngại của họ về việc đồng loạt thực hiện quyết định của Thượng Hội Đồng. Hôm thứ Sáu, Thượng Hội Đồng đã quyết định thực thi một sự thay đổi triệt để trong cách thức cử hành Thánh Lễ, sau một lá thư của Đức Giáo Hoàng kêu gọi một nghi thức thống nhất tại tất cả các nhà thờ. Một lá thư mục vụ về vấn đề này đã được Hồng Y George Alencherry, người đứng đầu Nhà thờ Syro-Malabar, chỉ đạo các linh mục và giám mục đọc trong tất cả các nhà thờ vào ngày 5 tháng 9. Truyền thông mục vụ trích dẫn lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ sự thống nhất về phụng vụ, và cho biết bổn phận của mọi tín hữu là tuân theo chỉ dẫn của Giáo hoàng.

Cha Kuriakose Mundadan, thư ký linh mục đoàn, nói với các phóng viên

“Bức thư của Đức Giáo Hoàng không nhằm tạo ra bất kỳ sự chia rẽ nào trong Giáo hội nhưng có những điều khoản trong Giáo luật cho phép miễn trừ trong một số trường hợp nhất định. Cho đến khi Vatican đưa ra quyết định, chúng ta nên được phép tuân theo hình thức cử hành thánh lễ hiện có. Hòa bình trong các giáo xứ có thể bị gián đoạn nếu lá thư được đọc lên.”
Source:News India Express
 
Đức Thánh Cha cho hay: Cam kết xây dựng hòa bình là điều tối cần hơn bao giờ hết
Thanh Quảng sdb
05:57 05/09/2021
Đức Thánh Cha cho hay: Cam kết xây dựng hòa bình là điều tối cần hơn bao giờ hết

Gặp gỡ phái đoàn của Tổ chức “Leaders Pour la Paix” (Các nhà lãnh đạo vì hòa bình), Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích họ vun góp và xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Tổ chức "Leaders pour la Paix" (Các nhà lãnh đạo vì hòa bình) có trụ sở tại Paris vào sáng thứ Bảy (4/9/2021), nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình qua việc ngăn ngừa những xung đột mà lo việc giáo dục cho công chúng và giúp những người phải quyết định trước những rủi ro, khủng hoảng mà không giải quyết được. Các nhà lãnh đạo vì Hòa bình đã quy tụ hơn 20 nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới với nhiều kinh nghiệm quốc tế và dấn thân hăng say phục vụ cho hòa bình và nhân loại.

Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận chúng ta đang trải qua một “thời điểm đặc biệt của lịch sử” với đại dịch chưa thể vượt qua, thêm vào đó các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, đặc biệt trước những vấn đề của những người nghèo khổ... ĐTC nhấn mạnh những cam kết của họ đối với hòa bình “chưa bao giờ lại cấp thiết hoặc cấp bách như hiện nay”, trước nhiều thách thức mà thế giới đang phải đối diện trong các lĩnh vực chính trị và môi trường cũng như nạn đói, khí hậu và vũ khí hạt nhân.

Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những gì mà các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hòa bình hướng tới bằng cách giúp các nhà lãnh đạo và người dân giải quyết các vấn đề quan trọng của ngày nay “như là cơ hội” và thực hiện các công việc mang tính xây dựng để giải quyết chúng.

ĐTC cho rằng cuộc khủng hoảng môi trường là một cơ hội có thể dẫn đến các quyết định quan trọng của các nhà lãnh đạo thế giới và cả người dân, trong khi những ý tưởng tốt đến từ người dân và được đề ra cho những người phải quyết định. Điều quan trọng là chúng ta phải hành động, Đức Thánh Cha lưu ý, đồng thời nhận thức được rủi ro về việc các sáng kiến như vậy có thể bị các nhóm lợi ích, lợi dụng vì lý do ý thức hệ như thế nào. ĐTC nói, khả năng tiến bộ mang tính xây dựng vẫn còn trong mọi trường hợp, bằng cách chia sẻ kiến thức về các vấn đề và nguyên nhân của chúng để đi đến giải pháp, “giáo dục vì hòa bình” mà họ mong muốn.

Đức Thánh Cha chia sẻ sự cô lập và "những đột phát" do đại dịch gây ra đã làm cho các hoạt động chính trị trở nên phức tạp hơn, nhưng nó lại có thể trở thành "một cơ hội để thúc đẩy một" loại chính trị tốt hơn ", cần thiết cho" sự phát triển cho một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên việc thực thi tình bạn xã hội” (Fratelli Tutti, n. 154). Can thiệp là "nghệ thuật" vì hòa bình liên quan đến cuộc sáng tạo của tất cả xã hội và đóng góp của chính chúng ta.

Đức Thánh Cha nói cần phải tham gia vào các lĩnh vực “văn hóa và thể chế”, và ĐTC lưu ý cách mà văn hóa “đặt phẩm giá của con người vào vị trí trung tâm”, dẫn đến một cuộc đối thoại trong “niềm tin vào sự tốt đẹp có sẵn trong trái tim con người.”

Chiều hướng thể chế có thể là nơi “thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương”, và lý tưởng làm “nên ưu tiên cho các hiệp định đa phương giữa các quốc gia, bởi vì, hơn các hiệp định song phương, chúng đảm bảo việc thúc đẩy một công ích chung thực sự phổ biến và bảo vệ các trạng thái yếu hơn.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích những người hiện diện hãy cam kết cho hòa bình và một xã hội công bằng và huynh đệ hơn, cầu xin Thiên Chúa giúp họ trải nghiệm “niềm vui mà Ngài đã hứa cho những người kiến tạo hòa bình”.
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng 9, 2021
J.B. Đặng Minh An dịch
08:06 05/09/2021


Chúa Nhật 5 tháng Chín Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 23 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng tường thuật cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong phụng vụ ngày hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành một người điếc không thể nói được. Điều nổi bật trong câu chuyện này là cách Chúa thực hiện dấu chỉ phi thường này. Ngài đưa người đàn ông bị điếc sang một bên, đặt ngón tay vào tai người ấy và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” nghĩa là, “Hãy mở ra!” (x. Mc 7: 33-34). Trong những sự chữa lành khác, đối với những bệnh tật nghiêm trọng như bại liệt hoặc phong cùi, Chúa Giêsu đã không làm nhiều điều như vậy. Vậy tại sao Ngài lại làm tất cả những điều này, mặc dù họ chỉ yêu cầu Ngài đặt tay lên người bệnh (xem c.32)? Có thể đó là vì tình trạng của người đó có một giá trị biểu tượng đặc biệt. Tình trạng điếc cũng là một biểu tượng có thể nói lên điều gì đó đối với tất cả chúng ta. Vậy biểu tượng này là gì? Thưa: Điếc. Người đàn ông đó không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe thấy. Để chữa lành nguyên nhân gây ra bệnh tật của người ấy, Chúa Giêsu, trên thực tế, đặt những ngón tay của mình trước hết vào tai của người đàn ông, sau đó miệng của anh ta, nhưng trước hết là vào đôi tai của anh ta.

Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng rất thường xuyên chúng ta không thể nghe thấy. Tại sao thế? Thưa anh chị em, có một chứng điếc nội tâm mà chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm vào và chữa lành ngay hôm nay. Đó là điếc nội tâm, tệ hơn điếc thể chất, vì nó là chứng điếc lác của con tim. Vội vã bởi quá nhiều điều phải nói và làm, chúng ta không tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người muốn nói với chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở nên vô cảm trước mọi thứ và không còn chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi đang nghĩ về trẻ em, thanh niên, người già, những người không thực sự cần những lời nói và các bài giảng, nhưng cần được lắng nghe. Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi đang như thế nào đây? Tôi có để mình xúc động trước cuộc sống của người ta không? Tôi có biết dành thời gian cho những người thân thiết với tôi để lắng nghe họ không? Điều này liên quan đến tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt là liên quan đến các linh mục. Linh mục phải biết lắng nghe mọi người, không nên vội vàng nhưng hãy lắng nghe và xem mình giúp được gì, sau khi đã lắng nghe. Và tất cả chúng ta: trước tiên hãy lắng nghe, sau đó phản ứng lại. Hãy nghĩ về cuộc sống gia đình: bao nhiêu lần chúng ta nói mà không lắng nghe trước, lặp đi lặp lại những điều giống nhau, luôn luôn là những điều giống nhau! Không có khả năng lắng nghe, chúng ta luôn nói những điều giống nhau, hoặc chúng ta không để người đối diện nói xong, đưa ra ý kiến ngay và chúng ta ngắt lời họ. Bắt đầu một cuộc đối thoại thường xảy ra không phải bằng lời nói mà là sự im lặng, đừng khăng khăng, nhưng kiên nhẫn bắt đầu lại để lắng nghe người khác, nghe về những cố gắng của họ và những gì họ mang trong lòng. Việc chữa lành trái tim phải bắt đầu bằng việc lắng nghe. Hãy lắng nghe. Đây là cách chinh phục trái tim. “Nhưng thưa Cha, có những người nhàm chán nói đi nói lại những điều giống nhau...” Hãy lắng nghe họ. Và sau đó, khi họ nói xong, anh chị em có thể nói, nhưng hãy lắng nghe mọi thứ.

Và điều này cũng đúng với Chúa. Thật tốt khi thân thưa với Ngài nhiều điều, nhưng tốt nhất là trước hết chúng ta nên lắng nghe Ngài. Chúa Giêsu yêu cầu điều này. Trong Phúc Âm, khi dân chúng hỏi Ngài điều răn thứ nhất là gì, Ngài trả lời: “Hỡi Israel, hãy nghe đây”. Rồi Người thêm vào điều răn thứ nhất: “Ngươi phải hết lòng yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và người lân cận như chính mình” (Mc 12, 28-31). Nhưng trước hết, “Hỡi Israel, hãy nghe đây”. Chúng ta có nhớ lắng nghe Chúa không? Chúng ta là những Kitô hữu, nhưng đôi khi với hàng ngàn lời nói chúng ta nghe hàng ngày, chúng ta không tìm thấy một giây phút nào để một vài lời Tin Mừng vang lên trong chúng ta. Chúa Giêsu là Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Ngài, thì Ngài sẽ đi qua. Thánh Augustinô nói, “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không hay biết.” Và nỗi sợ hãi là để cho Ngài đi ngang qua mà không nghe thấy tiếng Ngài. Nhưng nếu dành thời gian cho Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy bí quyết cho sức khỏe tâm linh của mình. Đây là liều thuốc: mỗi ngày im lặng một chút và lắng nghe, hãy bớt đi những lời vô ích và thêm nhiều Lời Chúa hơn. Luôn luôn có Phúc âm trong túi của anh chị em có thể giúp ích rất nhiều. Hôm nay, cũng như ngày chịu Phép Rửa, chúng ta nghe những lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ephphatha, hãy mở ra!” Hãy mở đôi tai của anh chị em ra. Chúa ơi, con muốn mở lòng đón nhận Lời Chúa; Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con biết lắng nghe Chúa; Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành trái tim con đang đóng kín, xin chữa lành tim con khỏi những hấp tấp, xin chữa tim con khỏi tính nóng nảy.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã mở lòng để nghe Ngôi Lời đã trở thành nhục thể nơi Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày lắng nghe Con Mẹ trong Tin Mừng và với anh chị em của chúng ta với một trái tim ngoan ngoãn, một trái tim kiên nhẫn và chú tâm.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Hôm qua, tại Catamarca, Á Căn Đình, Mamerto Esquiú, tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn và là Giám mục giáo phận Cordoba, đã được phong chân phước. Cuối cùng, cũng có một Chân phước người Á Căn Đình! Ngài là một người nhiệt thành công bố Lời Chúa trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội dân sự. Xin gương của ngài giúp chúng ta luôn hiệp nhất cầu nguyện và làm việc tông đồ, và phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy cùng nhau hoan hô vị Chân phước mới!

Trong những thời điểm khó khăn khi chứng kiến những người Afghanistan tìm kiếm nơi ẩn náu, tôi cầu nguyện cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Tôi cầu nguyện rằng nhiều quốc gia sẽ chào đón và bảo vệ những người đang tìm kiếm một cuộc sống mới. Tôi cũng cầu nguyện cho những người phải di dời trong nước, cầu mong họ có thể nhận được sự trợ giúp và sự bảo vệ cần thiết. Mong những người trẻ Afghanistan được giáo dục. Giáo dục là một điều tối cần thiết cho sự phát triển của con người. Và mong tất cả người Afghanistan, dù ở quê nhà, đang quá cảnh, hay ở các nước sở tại, có thể sống đàng hoàng, hòa bình và huynh đệ với những người láng giềng của họ.

Tôi xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho người dân Hoa Kỳ, những người đã bị ảnh hưởng bởi một cơn bão mạnh trong những ngày gần đây. Xin Chúa thương đón nhận linh hồn của những người đã khuất và nâng đỡ những người đang phải gánh chịu tai họa này.

Trong những ngày tới, Tết của người Do Thái, Rosh Hashanah, sẽ được tổ chức. Và sau đó là hai ngày lễ Yom Kippur và Sukkot. Tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp chân thành đến tất cả anh chị em theo Do Thái Giáo của chúng ta: cầu chúc Năm Mới dồi dào hoa trái bình an và tốt lành cho những ai trung thành tuân giữ lề luật của Chúa.

Chúa Nhật tới, tôi sẽ đến Budapest để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Cuộc hành hương của tôi sẽ tiếp tục sau Thánh lễ với vài ngày ở Slovakia, và sẽ kết thúc vào thứ Tư tuần sau đó với lễ kỷ niệm rất lớn và nổi tiếng, là lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Đấng Bảo Trợ của đất nước đó. Đây sẽ là những ngày được đánh dấu bằng sự tôn thờ và cầu nguyện ở trung tâm của Âu Châu. Trong khi chào đón một cách trìu mến những người chuẩn bị cuộc hành trình này - tôi cảm ơn các bạn - và những người đang chờ đợi tôi và những người mà bản thân tôi hết lòng mong muốn được gặp, tôi xin mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện, và tôi giao phó những chuyến viếng thăm mà tôi sẽ thực hiện cho sự chuyển cầu của rất nhiều vị đã tuyên xưng đức tin một cách anh hùng, những người ở những nơi đó đã làm chứng cho Tin Mừng giữa sự thù địch và bắt bớ. Xin các ngài cũng giúp Âu Châu đưa ra các chứng tá hôm nay, không phải bằng lời nói mà trên hết bằng việc làm, với những việc làm của lòng thương xót và lòng hiếu khách, theo tin mừng của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta. Cảm ơn các bạn!

Và bây giờ lời chào của tôi xin gửi đến anh chị em, những tín hữu Rôma thân yêu và những khách hành hương! Đặc biệt, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Hội Đạo Binh Đức Mẹ, đang kỷ niệm một trăm năm thành lập: Cầu xin Chúa ban phước lành cho anh chị em và cầu xin Đức Trinh Nữ bảo vệ anh chị em! Tôi chào các bạn trẻ của phong trào “Opera della Chiesa”, các trẻ em ở Faenza và các trẻ em ở Casatedolo đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu, cũng như các nhóm từ Arta Terme và các tín hữu Ba Lan và Lithuania cùng với các bạn của họ từ Abruzzo.

Hôm nay là lễ kính Thánh Teresa thành Calcutta, được mọi người gọi là Mẹ Teresa. Xin anh chị em một tràng pháo tay lớn! Tôi gửi lời chào đến tất cả các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái, đang làm việc trên khắp thế giới và thường xuyên cống hiến một sự phục vụ thật anh dũng. Tôi đang đặc biệt nghĩ đến các Nữ tu “Dono di Maria”, nhà dành cho người vô gia cư như món quà của Đức Maria, ở đây, ngay Vatican này.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Biến thể mới μ của COVID-19 có nguồn gốc từ Nam Mỹ giết người tàn bạo hơn và vượt qua các vắc xin hiện có
Đặng Tự Do
17:12 05/09/2021


Một chủng COVID-19 mới đã được Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định là một biến thể hết sức đáng quan tâm.

Biến thể Mu, hay B.1.621, lần đầu tiên được xác định ở Colombia và các trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận ở Nam Mỹ và Âu Châu.

Bản tin hàng tuần của WHO về đại dịch cho biết biến thể này có các đột biến cho thấy nó có thể vượt qua được các vắc-xin hiện có, giống như trường hợp của Beta, nhưng sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để kiểm tra thêm điều này.

Bản tin viết “Kể từ lần đầu tiên được xác định ở Colombia vào tháng Giêng năm 2021, đã có một vài báo cáo lẻ tẻ về các trường hợp mắc biến thể Mu và một số vụ bùng phát lớn hơn đã được báo cáo từ các quốc gia khác ở Nam Mỹ và Âu Châu”.

“Mặc dù tỷ lệ phổ biến trên toàn cầu của biến thể Mu trong số các trường hợp mắc bệnh theo trình tự đã giảm và hiện ở mức dưới 0.1%, nhưng tỷ lệ nhiễm ở Colombia lên đến 39% và Ecuador 13%, và vẫn liên tục tăng.

“Dịch tễ học của biến thể Mu ở Nam Mỹ, đặc biệt với sự đồng lưu hành của biến thể Delta, sẽ được theo dõi để biết những thay đổi”.

“Mu” là chữ cái thứ 12 trong bảng chữ cái Hy Lạp tương đương với chữ “m” trong tiếng Anh

Theo báo cáo của WHO hiện có 5 biến thể coronavirus đáng lo ngại.

Thứ nhất là biến thể Alpha - được ghi nhận lần đầu tiên ở Kent bên Anh, ngày nay được nhìn thấy ở 193 quốc gia, Beta ở 141 quốc gia, Gamma ở 91 quốc gia và Delta ở 170 quốc gia. Mu là biến thể thứ năm đang hoành hành ở hàng trăm quốc gia nhưng chưa có con số cụ thể.

Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về một biến thể mới đang xuất hiện ở Nam Phi.

Biến thể, được gọi là C.1.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng Năm.

Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học cho biết nghiên cứu chỉ ra rằng nó là “biến thể đột biến xa nhất” được tìm thấy cho đến nay.

Trong một trường hợp hết sức đáng lo ngại, hai phụ nữ, một người 60 tuổi và một người 49 tuổi đã qua đời hôm 1 tháng 9 vì coronavirus tại Melbourne, Australia. Trường hợp của họ hết sức đáng lo ngại vì họ phát hiện dương tính với coronavirus, nhưng các bác sĩ đánh giá là nhẹ và cho về nhà. Trong vòng 6 tiếng đồng hồ sau, cả hai đều qua đời tại nhà của họ.
Source:Seven News Australia
 
Đức Cha DiMarzio đã được minh oan. Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin
Đặng Tự Do
17:14 05/09/2021


Các cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại Đức Cha DiMarzio, Giám Mục Brooklyn, không có cả “vẻ bề ngoài của sự thật”, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố như trên trong phán quyết của mình liên quan đến kết quả của các cuộc điều tra được thực hiện theo Tự Sắc Vos Estis Lux Mundi, nghĩa là “Anh em là ánh sáng thế gian” của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến các hành vi sai trái của các giám mục.

Không có cả “vẻ bề ngoài của sự thật” là cụm từ nói cho văn hoa bóng bẩy. Diễn nôm ra nghĩa là “nhìn thoáng qua đã biết là gian trá.”

“Tôi lặp lại những gì tôi đã nói từ đầu. Không có sự thật nào đối với những cáo buộc này,” Đức Cha DiMarzio nói hôm 1 tháng 9. “Trong suốt hơn 50 năm thánh chức của tôi với tư cách là một linh mục, tôi chưa bao giờ lạm dụng bất cứ ai”.

Phán quyết của Vatican liên quan đến các tuyên bố riêng biệt từ hai nạn nhân bị cáo buộc đã nộp đơn kiện dân sự cáo buộc Đức Cha DiMarzio đã lạm dụng họ khi ngài còn là linh mục của Tổng giáo phận Newark bốn thập kỷ trước. New Jersey vào năm 2019 đã đình chỉ thời hiệu đối với các vụ kiện lạm dụng tình dục dân sự, để cho phép thời hạn hai năm cho các vụ kiện liên quan đến các cáo buộc từ xa xưa.

Theo các quy tắc được thực hiện bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tự Sắc Vos estis lux mundi vào tháng 5 năm 2019, Đức Tổng Giám Mục của giáo tỉnh sẽ điều tra các cáo buộc lạm dụng chống lại các giám mục khác trong giáo tỉnh của mình. Tòa Thánh đã ủy quyền cho Hồng Y Timothy Dolan của New York tiến hành các cuộc điều tra. Ngài đã thực hiện điều này một cách rất minh bạch và độc lập bằng cách thuê một công ty luật bên ngoài.

Bộ Giáo lý Đức tin đã xem xét các kết quả điều tra và đưa ra phán quyết rằng các cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại Đức Cha DiMarzio, Giám Mục Brooklyn, không có cả “vẻ bề ngoài của sự thật”.

“Với phát hiện này, Bộ Giáo lý Đức tin sẽ không cho phép bất kỳ quy trình giáo luật nào khác để giải quyết các cáo buộc”, tổng giáo phận New York cho biết trong một tuyên bố ngày 1 tháng 9.

Đức Cha DiMarzio cho biết ngài “hoàn toàn hợp tác với cuộc điều tra này, bởi vì tôi biết mình không làm gì sai”.

“Tôi đã cầu nguyện cho một kết luận cho cuộc điều tra này, và những kết quả cuối cùng này xác minh thêm, như tôi đã luôn nói, rằng những cáo buộc này hoàn toàn không có giá trị”.

Cả hai người tố cáo đều được đại diện bởi cùng một luật sư là ông Mitchell Garabedian.

Vào tháng 11 năm 2019, Garabedian đã gửi một lá thư đến tổng giáo phận Newark báo cáo rằng Mark Matzek ở New Jersey nói rằng ông ta đã bị lạm dụng bởi Đức Cha DiMarzio và một linh mục khác hiện đã qua đời tại giáo xứ Thánh Nicholas ở Thành phố Jersey vào những năm 1970. Metzak, hiện đã ngoài năm mươi tuổi, cho biết vụ lạm dụng xảy ra khi ông ta còn là một cậu bé giúp lễ. Vào tháng 3 năm 2021, Garabedian đã đệ đơn kiện thay mặt Metzak để đòi 20 triệu đô la.

Vào tháng 6 năm 2020, Samier Tadros cáo buộc Đức Cha DiMarzio phạm tội lạm dụng vào năm 1979 và 1980 khi ông ta mới 6 tuổi. Đức Cha DiMarzio lúc đó là linh mục tại giáo xứ Rất Thánh Mân Côi ở thành phố Jersey. Vào tháng 2 năm 2021, Tadros đã đệ đơn kiện đòi 20 triệu đô la, cũng 20 triệu đô la. Đức Giám Mục DiMarzio cho biết tại thời điểm đó ngài đang cân nhắc nộp đơn kiện vì tội “bôi nhọ”.

Để điều tra các cáo buộc, Đức Hồng Y Dolan đã thuê công ty luật Herbert Smith Freehills. Nhóm điều tra do Louis Freeh, cựu giám đốc FBI, đứng đầu.

Luật sư của Đức Cha DiMarzio, là ông Joseph A. Hayden của công ty luật New Jersey Pashman Stein Walder Hayden ở Hackensack, New Jersey, đã hoan nghênh quyết định này của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

“Quyết định này của Bộ Giáo lý Đức tin được đưa ra sau một cuộc điều tra thực tế rất công bằng và nghiêm ngặt được thực hiện bởi công tố viên liên bang John O'Donnell, cũng như công ty điều tra do cựu Giám đốc FBI Louis Freeh thành lập”, Hayden nói. “Cả hai đều là cựu quan chức thực thi pháp luật với kinh nghiệm đã được chứng minh và sự chính trực hoàn hảo và kết quả điều tra của họ không có gì phải nghi ngờ”.

Âm mưu trấn lột Đức Cha DiMarzio của hai tên Mark Matzek và Samier Tadros đã thất bại. Nhiều người đang mong đợi Đức Cha DiMarzio kiện hai tên trấn lột này ra tòa để làm gương cho những kẻ khác.

Đức Cha DiMarzio được phong làm Giám Mục Phụ Tá của Newark vào năm 1996. Ngài làm giám mục Camden từ năm 1999 cho đến năm 2003, khi được bổ nhiệm làm Giám mục của Brooklyn. Thời gian của ngài ở Newark trùng lặp với Theodore McCarrick, người từng là Tổng giám mục của Newark từ năm 1986 đến năm 2000.
Source:Catholic News Agency
 
Biden cam kết sâu sắc duy trì việc cho phép phá thai sau khi luật phò sinh của Texas có hiệu lực
Đặng Tự Do
17:14 05/09/2021


Hôm thứ Tư 2 tháng 9, ông Joe Biden cho biết chính quyền của ông “cam kết sâu sắc” duy trì việc phá thai hợp pháp, sau khi luật phò sinh ‘nhịp tim’ của tiểu bang Texas có hiệu lực.

“Chính quyền của tôi cam kết sâu sắc với quyền hiến định được thiết lập trong phán quyết Roe chống Wade gần năm thập kỷ trước và sẽ bảo vệ quyền đó,” Biden, một người tự xưng mình là người Công Giáo, đã nói như trên về phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1973 trong việc hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc.

Đạo luật Nhịp tim của Texas đã có hiệu lực vào hôm thứ Tư, sau khi Tòa án Tối cao đã quyết định không hành động gì cả vào phút cuối để ngăn chặn luật này.

Luật yêu cầu các bác sĩ phải tìm kiếm nhịp tim của thai nhi trước khi thực hiện phá thai. Nếu một nhịp tim được phát hiện thì việc phá thai bị cấm theo luật, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Luật được thực thi thông qua các vụ kiện tư nhân, chứ không phải bởi chính quyền tiểu bang.

Các công dân có thể khởi kiện hành vi phá thai bất hợp pháp chống lại bất kỳ ai thực hiện phá thai bất hợp pháp hoặc bất kỳ ai hỗ trợ phá thai bất hợp pháp kể cả thông qua các khoản thanh toán hoặc bồi hoàn. Các vụ kiện cũng có thể được đưa ra đối với bất kỳ ai “có ý định tham gia” vào việc thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai bất hợp pháp.

Các quan sát viên cho rằng luật này có khả năng rất lớn ngăn chặn việc phá thai. Tình huống sau đây sẽ có khả năng xảy ra rất cao: Hai vợ chồng thực ra đồng lòng phá thai. Sau khi ca phá thai được thực hiện, người chồng khởi tố. Luật sư chỉ cần tìm một giấy chứng nhận hay một bác sĩ nào đó chứng minh vào thời điểm phá thai, thai nhi đã có nhịp tim thì hai vợ chồng nhà đó sẽ kiếm được một món tiền lớn đủ để sống suốt đời. Nhà phò sinh nào nghĩ ra luật “nhịp tim” này rất thông minh.

Cả Joe Biden và Kamala Harris nhận ra tức khắc khả năng phò sinh của luật này.

“Luật Texas sẽ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần, đặc biệt là đối với các cộng đồng da màu và những người có thu nhập thấp,” ông Biden tuyên bố hôm thứ Tư.

Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã đưa ra một tuyên bố sau đó vào chiều thứ Tư, gọi đạo luật này là một “cuộc tấn công toàn diện đối với sức khỏe sinh sản”.

“Chính quyền Biden-Harris sẽ luôn đấu tranh để bảo vệ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền của phụ nữ được đưa ra quyết định về cơ thể và quyết định tương lai của mình”, Harris tuyên bố.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo tuyên bố rằng phá thai là hành động “trái với luật luân lý một cách nghiêm trọng”, và nói thêm rằng “luật dân sự phải bảo vệ sự sống của con người từ thời điểm thụ thai”.

Điều 2273 của sách giáo lý nói rằng: “Khi luật dân sự tước của một hạng người quyền được hưởng sự bảo vệ mà luật pháp phải mang lại, thì Nhà Nước đã phủ nhận sự bình đẳng của mọi công dân trước luật pháp. Khi Nhà Nước không đem sức mạnh của mình bảo vệ quyền của mỗi người, đặc biệt những người yếu kém, thì chính các nền tảng của một Nhà Nước pháp quyền bị lung lay”

Đáp lại sự bảo vệ của Biden về việc phá thai, nhóm CatholicVote tuyên bố rằng “Bảo vệ mạng sống con người vô tội là nền tảng để xây dựng một nền văn minh của tình yêu”.

“Vì lý do này, thật đáng xấu hổ khi thấy một Tổng thống Công Giáo của Hoa Kỳ tấn công nỗ lực bảo vệ trẻ em và bà mẹ ở Texas. Người Công Giáo được kêu gọi bảo vệ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Một lần nữa Tổng thống Biden lại phản bội niềm tin của mình.”
Source:Catholic News Agency

 
Cục diện mới: Biden phò phá thai cực đoan, các GM Mỹ bất mãn, ông Trump ngỏ lời với người Công Giáo
Giáo Hội Năm Châu
23:50 05/09/2021


Hôm thứ Bẩy 4 tháng 9, Đức Cha Donald J. Hying, Giám Mục giáo phận Madison, Wisconsin viết trên Tweeter:

“Người ta cứ khẳng định rằng cá nhân Tổng thống Biden phản đối việc phá thai. Hôm nay, ông ta nói: ‘Tôi tôn trọng những người tin rằng cuộc sống bắt đầu từ thời điểm thụ thai và tất cả mọi người, tôi tôn trọng điều đó- tôi không đồng ý, nhưng tôi tôn trọng điều đó’. Hôm nay, tất cả chúng ta đã thấy rõ sự thật đau đớn và đáng lo ngại này”.

Đức Cha Thomas Tobin, Giám Mục Giáo phận Providence kể từ khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài vào tháng 3 năm 2005, cũng viết trên Tweeter rằng “‘Người Công Giáo sùng đạo’ Joe Biden tiếp tục nhiệt thành ủng hộ và thúc đẩy việc phá thai để giết những đứa trẻ chưa chào đời.” Ngài đặt dấu ngoặc xung quanh cụm từ “Người Công Giáo sùng đạo” để biểu thị sự mỉa mai của ngài đối với hình ảnh mà Biden thường sử dụng để bảo vệ các lập trường mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội.

Đáp lại các quan ngại của các Giám Mục Công Giáo trước thái độ phá thai quyết liệt của ông Joe Biden, cựu tổng thống Donald Trump đã thành lập một Ủy ban vận động những người có niềm tin tôn giáo. Thừa nhận rằng ông đã mất nhiều cử tri Công Giáo trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, cựu tổng thống đã đề cập đến các tình huống giả định trong tương lai nếu ông có thể quay trở lại.

Religion News Service có bài tường trình nhan đề “Trump and his religion advisors launch new National Faith Advisory Board”, nghĩa là “Trump và các cố vấn tôn giáo của ông ra mắt Tân Ban Cố vấn Đức tin Quốc gia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch tóm tắt sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy ông Donald Trump đang nhắm đến một cuộc chạy đua để giành lại Tòa Bạch Ốc, cựu tổng thống và các cố vấn tôn giáo của ông đã thông báo về việc thành lập Ủy Ban Cố vấn Đức tin Quốc gia vào hôm thứ Năm 2 tháng 9, dường như nhằm mục đích phục hồi cơ sở của ông nơi những tín hữu Kitô bảo thủ.

Sáng kiến mới này lần đầu tiên được báo cáo bởi tờ Jewish Daily Forward, đã chính thức được công bố trong một cuộc hội nghị được tổ chức bởi Intercessors for America và do cố vấn lâu năm của ông Trump là bà Paula White dẫn đầu. Bà Paula White là mục sư Tin lành cho biết nỗ lực mới, bao gồm sự tham gia của “70 giám đốc điều hành”, nhằm tiếp tục “công việc tuyệt vời mà chúng tôi đã làm”, liên quan đến những nỗ lực mà bà đã giám sát với tư cách là người đứng đầu văn phòng dựa trên đức tin của Tòa Bạch Ốc dưới thời tổng thống Trump.

Bà Paula White đã vạch một lằn ranh song song giữa uỷ ban mới và “ủy ban tư vấn đức tin”, được thành lập trước đó bao gồm một nhóm các nhà lãnh đạo Kitô giáo là những người cố vấn cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và hoạt động như một hội đồng chính thức về các vấn đề tôn giáo trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Đề cập đến công việc của ủy ban tư vấn đức tin, mục sư White nói: “Nó đã phát triển thành một liên minh mạnh mẽ nhất trong lịch sử ngày nay. Sự đoàn kết của chúng tôi đã mang lại những chiến thắng, những ảnh hưởng và khả năng tiếp cận chưa từng có”.

White có sự tham gia của Jennifer Korn, người trước đây từng là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Trump trong Văn phòng Liên lạc Công chúng Sự Vụ của Tòa Bạch Ốc. Korn nói với thính giả rằng Tân Ban Cố vấn Đức tin Quốc gia sẽ “tiếp tục công việc của Văn phòng Liên lạc Công chúng Sự Vụ của Tòa Bạch Ốc để bảo đảm rằng chúng ta là một tiếng nói mạnh mẽ’.

Cựu Tổng thống Trump đã đưa ra những nhận xét chi tiết, trong đó ông phê bình Tổng thống Joe Biden về các vấn đề dựa trên đức tin - “rất nhiều điều đã xảy ra liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo, và chúng không phải là những điều tốt đẹp”. So sánh với nhiệm kỳ của chính mình, ông nói rằng, “một trong những vinh dự lớn nhất của tôi là đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và bảo vệ các giá trị và nguyên tắc Kitô Giáo và Do Thái Giáo khi lập quốc”.

Tuần qua, Tòa án Tối cao không chặn lệnh cấm phá thai ở Texas. Đề cập đến diễn biến này, Cựu Tổng thống Trump, nói rằng, “đêm qua, các bạn đã nhận được một số quyết định rất mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn bất kỳ ai từng nghĩ”.

Cựu Tổng thống Trump sau đó đưa ra các câu trả lời cho các câu hỏi từ các nhà lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo. Khi trả lời các câu hỏi của họ, Trump chỉ trích việc Biden rút khỏi Afghanistan, gọi đó là “một sự vội vàng điên rồ” và than vãn về việc Taliban thu giữ các thiết bị quân sự của Mỹ.

“Tôi hơi ngạc nhiên rằng chúng tôi đã không thu được nhiều hơn phiếu của người Công Giáo. Tôi nghĩ bây giờ họ sẽ bỏ phiếu cho chúng tôi. Tôi nghĩ chúng tôi đã nhận được khoảng 50% phiếu bầu. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm rất nhiều để vận động người Công Giáo. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải nói chuyện với họ. Chúng tôi sẽ phải gặp gỡ những người Công Giáo”.

Theo một phân tích bầu cử được Pew Research công bố trong tuần này, cựu tổng thống Trump đã thu được sự ủng hộ của khoảng 50% người Công Giáo vào năm 2020, giảm 2% so với năm 2016. Biden thu được 49% phiếu của người Công Giáo, tăng so với 44% tỷ lệ người Công Giáo Hillary Clinton vào năm 2016.
Source:Religion News Service
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội chợ giáo xứ St. Gabriel - Cộng Đoàn Phục Sinh tại Nam California
Lê Sự
20:52 05/09/2021
 
Văn Hóa
Hương Kinh Từ Hoang Mạc Cô-Vy
Nữ tu Maria Vũ Thị Thu Thảo
08:36 05/09/2021
Hương Kinh Từ “Hoang Mạc Cô-Vy”

Ngày xưa ấy dân tiến vào sa mạc
Is-ra-el tìm đất hứa Chúa ban
Lòng hoang mang ý Chúa chẳng rõ ràng
Dân lầm than trách Ngài làm đói khổ.

Dân nào biết Chúa theo họ từng bước
Ngài nghe thấu tiếng họ, tiếng oán than.
Bánh Man-na, chim cút thật dư tràn
Chúa nuôi họ qua hành trình vượt khó.

Ngày hôm nay câu chuyện miền Đất hứa
Đang lặp lại khi đại dịch lan tràn
Tiếng van xin cầu cứu khắp nhân gian
Lạy Thiên Chúa xin Ngài mau cứu chữa!

Biết bao người đang cơ cùng đói khổ
Chúa ở đâu? Ngài có thấu đau thương?!
Chợt nhận ra tiếng Chúa nói: can trường!
Sống tin yêu, sẻ chia và bác ái.

Lời đáp trả: “lá lành đùm lá rách”
Rau không đồng, gạo, mắm muối chung chia
Gánh khổ đau được san sẻ đôi bề
Giúp người người giảm vơi đi thất vọng.

Trong đau thương bao người nghe tiếng gọi
Nhập ngành y bằng dũng khí tâm linh
Giúp bệnh nhân cơn “thập tử nhất sinh”
Cùng bác sĩ tại tuyến đầu nguy cấp.

Chúa! Chúa ơi, con tin Ngài đã thấu
Nỗi thương đau cùng mất mát chia lìa
Đan lời kinh và nghĩa cử sẻ chia
Cùng lễ tế “Mô-sê thời Dân mới”.

Để van nài Chúa cứu giúp nhân gian
Vượt thử thách thời “Cô-vy hoang mạc”
Qua biển sầu, thoát cuộc sống nguy nan
Được đoàn tụ, được bình an vui sống.

Chúa! Chúa ơi! con tin Ngài đón nhận
Tiếng khẩn cầu của nhân loại nài van!
Nhờ công nghiệp Chúa Cứu Thế từ nhân
Cho trần thế kết ngừng cơn đại dịch.

Nữ tu Maria Vũ Thị Thu Thảo
Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm
 
Romano Guardini: Giáo Hội và Người Công Giáo, Cộng đồng, tiếp theo, và lời bạt
Vũ Văn An
19:12 05/09/2021

Hãy suy gẫm trong giây lát những tín điều của Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến Cộng Đồng.

Khởi thủy, chúng ta thấy một cộng đồng có trách nhiệm và vận mệnh. Tình liên đới của nhân loại sâu sắc đến nỗi việc vâng lời của người đầu tiên đáng lẽ đã bảo toàn được mọi người; và tội lỗi của ông là tội lỗi của mọi người. Đây là mầu nhiệm của tội nguyên tổ. Đó là điều không thể chấp nhận được đối với người theo chủ nghĩa cá nhân, người vốn không nắm được mức độ liên đới của con người. Nhưng người hiểu rằng mọi bản ngã cũng hiện hữu trong người lân cận của mình; mọi người chia sẻ cuộc sống của tất cả những người khác, và hạnh phúc và đau khổ này gắn liền với hạnh phúc và đau khổ của họ, sẽ nhận ra rằng, trong tín điều tội nguyên tổ, Giáo hội đã thực sự chạm đến chính nền tảng của toàn thể xã hội loài người.



Nhưng chính sự liên đới này đã làm cho cộng đồng cứu chuộc trở nên khả hữu. Vì mỗi người trong bản thể sâu sắc nhất của mình đều ràng buộc với đồng loại của mình, đến nỗi tội lỗi của người khác có thể trở thành tội lỗi của mình, việc chuộc tội do một Đấng thực hiện có thể là sự chuộc tội do tất cả những người còn lại thực hiện. Con Thiên Chúa trở thành Con người, và tự mình gánh lấy tội lỗi của toàn thể loài người. Đây không phải là cụm từ trống rỗng, hay trí tưởng tượng cao siêu. Vườn Diệtsimani là bằng chứng đầy đủ cho thấy đó là một thực tại khủng khiếp nhất, một trải nghiệm thực chất nhất. Chúa Giêsu trở thành người đại diện của chúng ta, và những đau khổ của Người do đó trở thành tài sản của chủng loại chúng ta. Người đã cứu chuộc chúng ta, không phải bằng gương sáng, giáo lý hay huấn giáo của Người - tất cả những điều này chỉ có tầm quan trọng thứ yếu - nhưng bằng việc đền tội có tính đại diện và chuộc lỗi trong đó Người đã gánh lấy trách nhiệm đối với tội lỗi của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Cộng đồng chuộc tội khách quan này vươn xa đến nỗi nhờ năng lực của nó, bất cứ đứa trẻ nào, không có bất cứ sự hợp tác nào từ phía em, vẫn được tái sinh vào một cuộc sống và phương thức hiện hữu mới.

Bây giờ chúng ta nói đến tình liên đới giữa những người đã được tái sinh, nghĩa là, cộng đồng hoặc Hiệp thông các Thánh. Ân sủng duy nhất của Chúa Kitô chảy qua họ hết thẩy như một dòng sống duy nhất. Tất cả đều sống theo cùng một khuôn mẫu, điển hình này ảnh hưởng đến tất cả. Một Chúa Thánh Thần duy nhất hoạt động trong tất cả mọi người. Mỗi người sở hữu ân sủng không chỉ cho riêng mình, mà cho tất cả những người còn lại. Họ chuyển giao ân sủng này trong mọi lời nói, mọi cuộc gặp gỡ với người khác, mọi ý nghĩ tốt và mọi việc làm bác ái. Mỗi sự gia tăng ân sủng mà họ sở hữu, bởi lòng trung thành lớn hơn, bởi việc thâm hậu hóa và tăng trưởng đời sống thiêng liêng của họ nhờ tác động của nó, làm tuôn trào dòng ân sủng cho mọi người khác. Bất cứ khi nào một cá nhân tăng trưởng trong nhận thức và yêu thương, thì những người khác cũng được ảnh hưởng, và không chỉ qua lời nói, chữ viết hoặc tấm gương hữu hình, mà còn trực tiếp, qua sự truyền tải tức khắc và đáng kể tình yêu và ánh sáng từ linh hồn này sang linh hồn nọ.

Lời cầu nguyện của các đồng loại của tôi, công việc của họ, sự tăng trưởng trong ân sủng và sự trong trắng của họ cũng là của tôi. Khi chúng ta gặp một tinh thần trong trắng và sâu sắc - một người gần Thiên Chúa hơn chính chúng ta, và trong họ dòng sống tuôn chẩy luôn tươi mới và mạnh mẽ - há chúng ta lại không hình thành ước muốn, "Tôi muốn được chia sẻ với các bạn" ư? Trong Hiệp thông các Thánh, điều này thực sự diễn ra. Có một điều gì đó hết sức tuyệt vời và sâu xa trong ý nghĩ cho rằng tôi sẽ chia sẻ trọn sự trong trắng và viên mãn của sự sống siêu nhiên giấu ẩn trong linh hồn của những người khác, và chúng cũng là của tôi, trong tình liên đới của Nhiệm Thể Chúa Kitô.



Đã bao giờ các bạn nghĩ tới cộng đồng đau khổ chưa? Các bạn có xem xét việc người này truyền cho người khác không chỉ sức mạnh của gương sáng, lời nói và huấn giáo, không chỉ lượng dư đầy ân sủng và hiệu quả của lời cầu nguyện và sự cầu bầu, mà còn là sức mạnh của đau khổ không? Các bạn có bao giờ suy gẫm sự thật đầy linh hứng sâu xa đến kinh ngạc này: bất cứ khi nào một thành viên dâng sự đau khổ của mình lên Thiên Chúa cho những người khác trong cộng đồng Khổ Nạn của Chúa Kitô, thì sự đau khổ đó trở thành sức mạnh ban sự sống và cứu chuộc cho những người mà nó đã được dâng hiến, hiện đang ở tại nơi mà không có gì khác có thể đem trợ giúp đến cho họ từ bất cứ khoảng cách nào trong không gian và bất cứ rào cản nào ngăn cách.

Không ai trong chúng ta biết mình đang sống đến mức nào nhờ sức mạnh của ân sủng chảy tràn vào mình qua những người khác - bởi lời cầu nguyện kín đáo của trái tim thanh thản, các hy sinh chuộc tội do những người không quen biết dâng lên và việc đền tội được thực hiện cho họ bởi những người, trong im lặng, hiến thân cho anh chị em mình. Đó là một cộng đồng của những lực lượng sâu sắc và thân thiết nhất. Họ im lặng, vì không có gì ồn ào mà lại có thể tạo ra những hiệu quả đáng kể này. Nhưng nó không thể chống lại chúng vì nguồn của chúng là Thiên Chúa.

Cộng đồng này vượt trên mọi ranh giới. Nó không biết gì tới khoảng cách. Nó bao trùm tất cả các quốc gia và dân tộc. Nó vượt quá các giới hạn của thời gian, vì trong nó, quá khứ cũng hoạt động như hiện tại. Từ điểm này, truyền thống, vốn thường bị coi như một khía cạnh thuần túy ở bên ngoài, trở thành một thể hiện sống động. Và cộng đồng này vượt quá các ranh giới của đời này, vì nó vượt quá nấm mồ, bao trùm cả các Thánh trên Thiên đàng, và các linh hồn trong Luyện ngục.

“Để tất cả chúng nên một”: Đức Kitô đã cầu nguyện như thế trong giờ phút trước cuộc Khổ nạn của Người: nên một trong Thiên Chúa, và nên một với nhau. Lời cầu nguyện đó đang được tiếp tục ứng nghiệm trong Giáo Hội.

Giáo hội là "sự thật trong tình yêu", như Thánh Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về điều đó. Giáo hội là chân lý, theo nghĩa sâu xa nhất của chân lý sống động, chân lý thiết yếu; một sự hài hòa hoàn mỹ trong việc trở thành sự viên mãn của sự sống thần linh, một tạo thế sống động. Nhưng đó là một sự viên mãn của sự thật vốn là tình yêu, và không ngừng phấn đấu để trở thành một tình yêu lớn hơn. Nó là ánh sáng, vốn đồng thời là sức nóng rực rỡ, là báu vật không thể bị giam hãm trong chính mình mà phải tự thông truyền cho người khác, một dòng suối cần phải chảy, một sở hữu phải là của chung mọi người, phải tự hiến cho mọi người một cách tự do. Giáo hội là tình yêu. Giáo hội là sự thật, một sự thật tự thông truyền. Giáo hội là kho báu vốn phải là tài sản chung của mọi người. Giáo hội là sự sống, một sự sống tự nhân thừa, nắm lấy tất cả và từ chính bản chất phải là một cuộc sống chung, một cuộc sống hiến tặng lẫn nhau vô bờ bến, trong đó tất cả thuộc về tất cả.

* * * * *

Sự suy gẫm của chúng ta ở đây phải vươn tới sự hoàn thiện và gương mẫu của xã hội, Thiên Chúa Ba Ngôi. Phát biểu hay nhất của tôi ở đây chỉ là nói lắp bắp. Nhưng hãy cho phép tôi nói hết sức có thể.

Thiên Chúa là sự sống thuần khiết của sự thật. Tuy nhiên, sự viên mãn của sự sống này quá rộng lớn đến mức trở thành sinh sản, và Thiên Chúa sở hữu nó trong tư cách là Cha - có nghĩa là, trong tư cách Đấng sinh thành - và truyền sự sống ấy cho Con. Và đến lượt mình - tôi nói theo cách nói của con người chúng ta, theo nghĩa trước và sau, mặc dù trên thực tế, toàn bộ diễn trình là vĩnh cửu – khi Con đứng trước Cha trong tư cách Viên Mãn được hạ sinh của Chân lý thần linh, sự nhận thức lẫn nhau của các vị làm rực lên tình yêu lẫn nhau và vĩnh cửu, và tình yêu Cha và Con này bừng cháy lên như Chúa Thánh Thần.

Cộng đồng trên là vô hạn. Đó là sự sống vô hạn, sự sở hữu vô hạn, trong đó tất cả mọi sự đều phục tùng lẫn nhau trong một cộng đồng hoàn hảo. Tất cả mọi sự đều là của chung – sự sống, năng lực, sự thật, hạnh phúc – một cách thực sự hoàn hảo đến mức không còn đơn giản là sở hữu cùng một đối tượng, mà là sự hiện hữu của sự sống y hệt như nhau, và cộng đồng này là một đồng nhất của cùng một bản thể và cùng một bản tính.

Cộng đồng thần linh này được thể hiện ra bên ngoài trong Giáo hội. Vì thử hỏi điều chúng ta sở hữu chung là chi? Tất cả những gì chúng ta tiếp nhận và cho đi là chi? Nó không là gì khác ngoài sự sống đời đời của Thiên Chúa, trong đó chúng ta được “ban cho một phần” qua mầu nhiệm tái sinh, và sự sống này luôn chảy vào chúng ta hết lần này qua lần nọ trong mầu nhiệm Rước Lễ. Chúa ở trong tôi, và ở trong các bạn, và trong tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều được sinh lại từ Chúa Cha, trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần. Người ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Người. Các bạn chỉ cần đọc các chương tuyệt vời của Thánh Gioan nói về mầu nhiệm này, bài diễn văn biệt ly của Chúa chúng ta cho các môn đệ của Người.

Tuy nhiên, tất cả những chữ này chỉ là những chữ yếu ớt. Không có lời nói nào của con người có thể đi xa hơn. Ở điểm này, chúng ta có thể trích dẫn những lời cuối cùng trong chuyên luận của Thánh Bonaventura về Sự Lên tới Thiên Chúa của Tinh thần ("Itinerarium Mentis in Deum"), khi ngài nói với các độc giả của ngài: "Nếu các bạn muốn có thêm kiến thức, hãy hỏi sự im lặng, chứ không phải ngôn từ; các bạn đừng mong muốn sự hiểu biết; lời cầu nguyện từ tận trái tim, chứ không phải đọc và học; chàng rể, chứ không phải thầy giáo; Thiên Chúa, chứ không phải con người; bóng tối, chứ không phải ánh sáng ban ngày. Đừng tra hỏi ánh sáng, nhưng tra hỏi lửa, ngọn lửa đốt cháy mọi trái tim nó chạm đến thành ngọn lửa dâng lên Thiên Chúa trong sự ngây ngất của một trái tim tràn đầy và Tình yêu bừng cháy".

Mầu nhiệm chân lý vô tận này, một mầu nhiệm đã trở thành tình yêu, về việc sở hữu vốn thuộc về mọi người, về cộng đồng không giới hạn hay kết thúc này, về sự cho đi không do dự này - chính là Giáo hội, việc nối dài trên trần thế của cộng đồng thần linh, sự phản chiếu việc hiến mình lẫn nhau của Thiên Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, mà cái chết không cho phép ngài hoàn thành, Những bài giảng về Lục nhật Trình thuật ["Collationes trong Hexameron"] Thánh Bonaventura đã nói một cách hết sức soi sáng về mầu nhiệm này. Và các bạn có thể thu thập thêm ánh sáng từ cuốn Mầu nhiệm Đức tin Kitô giáo ["Mysterien des Christentums"] của Scheeben.

Chúng ta đã theo mầu nhiệm của xã hội đến tận nguồn suối của nó là Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta cũng tìm thấy một đối tác đối với xã hội này, đó là, việc sự tự bảo toàn.

Chúa Cha ban mọi sự cho Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con ban mọi sự cho Chúa Thánh Thần. Tất cả, trừ một điều – bản ngã bản vị. Điều đó vẫn mãi mãi tự lập trong chính mình một cách bất biến. Tính đơn nhất bản vị (personal unity), phẩm giá và sự cao cả của bản ngã, không bao giờ có thể bị cho đi. Trong quá trình hiến tặng lẫn nhau, trong những điều vượt quá tính đơn nhất, chúng ta nhìn thấy một điểm ngừng nghỉ, một điều gì đó tồn tại mãi mãi, được bao quanh bởi một vòng tròn thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Đó là tính ngôi vị (personality). Nó không thể được ban cho cũng không được tiếp nhận. Nó nằm trong chính nó. Trong chính trung tâm của xã hội hoàn hảo, nó đứng một mình, cố định trong chính nó. Điều này tạo thành tính bất khả xâm phạm thiết yếu của nó. Sự bất khả xâm phạm này có đối tác của nó trong mối liên hệ của Thiên Chúa với con người. Chắc chắn, tất cả chúng ta đều sở hữu cùng một Thiên Chúa. Người ban chính mình Người và toàn bộ bản ngã Người cho mọi người. Nhưng Người ban chính Người cho mỗi người một cách độc đáo, tương ứng với nhân cách độc đáo của họ. Trong Thiên Chúa, tất cả chúng ta là một, là thành viên của một cộng đồng thân thiết không thể tả nổi. Nhưng đồng thời mỗi người có thể biết chắc Thiên Chúa thuộc về mình một cách khác với cách Người thuộc về bất cứ ai khác, và trong mối liên hệ này, người ấy chỉ có một mình với Thiên Chúa. Giá trị của tình bạn sẽ giảm đi khi nó được chia sẻ với nhiều người. Nhưng tôi biết Thiên Chúa - và đây là điều kỳ diệu trong sự sống vô hạn của Người - thuộc về mọi người, nhưng thuộc mỗi người một cách độc đáo. Vòng tròn thánh cô lập thuần túy bao quanh sự bình an, trong đó bản ngã nội thẳm nhất của con người ở một mình với Thiên Chúa của họ.

Và luật trên được lặp lại trong mọi cộng đồng xứng đáng với tên gọi. Đây là một sự thật có tầm quan trọng hàng đầu. Một tình liên đới cộng đồng sâu sắc hợp nhất tất cả các thành viên của Giáo hội, nhưng trong đó cá nhân không bao giờ bị nuốt chửng trong một bản sắc không có đặc điểm. Người ta thường nói rằng đời sống cộng đồng của Giáo hội là lạnh lùng. Chính chúng ta mới là người lạnh lùng, vì chúng ta vẫn là những người theo chủ nghĩa cá nhân. Tất cả chúng ta tiếp tục sự cô lập lạnh lùng kiểu khế ước xã hội và máy móc. Nhưng chúng ta mong muốn trở thành Công Giáo toàn bộ. Lúc đó, chúng ta mới thực sự cảm nghiệm được ý nghĩa của cộng đồng. Lúc đó, chúng ta mới ý thức được dòng sống truyền từ người này sang người nọ, mới ý thức được nhịp đập rộn ràng từ trái tim của Chúa Kitô qua mọi chi thể của Người. Tuy nhiên, vòng tròn linh thiêng đó sẽ luôn bao quanh khu thánh thiêng thâm sâu nhất và giữ cho nó bất khả xâm phạm. Không ai được phép đến gần một người khác quá gần, dùng áp lực xâm nhập linh hồn người khác, lung lạc sự độc lập bên trong của họ, hoặc thống trị nó. Sự tôn kính sâu sắc đối với nhân cách con người phải cầm cân nẩy mực mọi điều. Vì đó là nền tảng của phong cách Công Giáo, bất chấp là trang trọng hay vui tươi, trong cách thức Công Giáo đưa yêu cầu hoặc tặng quà, cách Công Giáo nhìn sự việc, thái độ Công Giáo: nói tóm lại, mọi sự một cách thực sự Công Giáo [2].

Các mệnh lệnh Công Giáo luôn được linh hứng bởi việc tôn kính đối với chủ thể của chúng. Chúng được đặt căn bản trên nhận thức rằng nhân cách là điều thánh thiêng. Phong cách ra lệnh theo Công Giáo đòi hỏi sự khiêm tốn, không những từ người vâng theo, mà cả từ người ra lệnh. Nó bác bỏ bạo lực, và càng phải hoàn toàn bác bỏ hơn, khi cấp dưới càng không có khả năng tự vệ hơn. Cấp trên Công Giáo biết rằng mình là người đầy tớ của thẩm quyền Thiên Chúa, và nhiệm vụ của mình là phải tăng cường từ từ sự độc lập của cấp dưới, và do đó làm cho họ được tự do như chính mình.

Sự vâng lời Công Giáo luôn luôn có phẩm cách. Nó không phải là sự khúm núm, hay yếu đuối dựa vào sự nâng đỡ của người khác, mà là sự phục tùng tự do và đáng kính trước sự vâng lời hợp lý đó, trong đó chủ thể biết các giới hạn của mình và duy trì tính độc lập của mình.

Cách người Công Giáo chia sẻ với người khác, cho và nhận, là trong sạch. Nó không bao giờ từ bỏ sự độc lập cuối cùng của con người, không bao giờ phá vỡ sự bình an thánh thiện trong đó linh hồn tận hưởng cuộc sống cộng đồng sâu sắc nhất của mình, một mình với Thiên Chúa.



Đức bác ái Công Giáo giúp đỡ nhưng không làm tổn thương phẩm giá của người nhận.

Tình bạn Công Giáo nhìn nhận mầu nhiệm này, và đảm bảo rằng các bên tham gia vào nó luôn luôn mới đối với nhau.

Hôn nhân Công Giáo là sự cô lập hoàn hảo của hai hữu thể nhân bản, và đây là nguồn gốc của tuổi trẻ muôn thuở của nó.

Tất cả điều này là một lý tưởng cao siêu. Nhưng đó chính là linh hồn của đời sống cộng đồng Công Giáo.

Tại Rothenfels, một trong những người có mặt nhận xét: "Mối thông hiệp của chúng ta phải sao đó để các thành viên của nó sẵn sàng, nếu cần, biết cống hiến và hy sinh mọi sự cho nhau. Tuy nhiên, mối thông hiệp đó không diễn ra trực tiếp từ người này sang người nọ - vốn là bản chất của mối thông hiệp trong đó các cá nhân tự do ràng buộc mình với đồng loại của họ bằng mối quan hệ của tình bạn hoặc tình yêu - nhưng từ tôi đến Thiên Chúa, và từ Thiên Chúa đến các bạn". Những lời này có ý nói tới một hiệp hội đặc thù. Nhưng họ nêu ra một qui luật áp dụng ở một mức độ nào đó cho mọi cộng đồng đích thực - dù hoàn chỉnh đến đâu, là nhân cách phải luôn bất khả xâm phạm. Tất cả cuộc sống cộng đồng đều giả định sự cô lập nội tâm này.

Và nó cũng là sự khởi đầu và kết thúc của mô thức. Vì mô thức có nghĩa là có một cộng đồng đích thực, nhưng nó bị giới hạn ở mọi hướng bởi ý thức về sự khác biệt bên trong giữa con người và con người. Các mô thức chỉ là những cách mà thái độ nền tảng này được thể hiện một cách thích đáng trong các biểu hiện khác nhau của đời sống cộng đồng, và trở thành quy luật để giữ cho cuộc sống đó khỏi bị băng hoại.

Tuy nhiên, con đường hướng tới mục tiêu này, và không chỉ dành riêng cho giới ưu tú, mà cho mọi người thiện chí, chính là Giáo hội. Giáo hội làm cho "tất cả" có thể “trở thành một ", và "có mọi sự làm của chung". Và Giáo hội cũng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn như một niềm tin sống động sự kiện này: không có lợi gì cho một người "nếu họ giành được cả thế giới mà lại để mất linh hồn của chính mình."

Ghi chú

1. Hiệp hội Thanh niên Công Giáo Quickborn được thành lập vào năm 1910 với Burg Rothenfels a. Main là trụ sở chính của nó. Mục đích của nó lấy tinh thần Công Giáo thấm nhiễm toàn bộ đời sống, văn chương và nghệ thuật. Năm 1921, nó có khoảng 6,000 thành viên (Ghi chú của người dịch.)

2. Ở đây, tôi muốn phác thảo một dòng suy nghĩ khác. Đạo Công Giáo coi mỗi con người như con Thiên Chúa. Về mặt này, tất cả đều bình đẳng về căn bản. Chỉ riêng con người mới đáng kể trong mọi mối tương quan tôn giáo thiết yếu, chẳng hạn như trong Thánh lễ và trong các Bí tích, trong cách tiếp cận các hoạt động và trách nhiệm tôn giáo khác nhau. Tôi không biết liệu ngoài Giáo hội ra, có tổ chức xã hội nào khác, trong đó người ta gặp gỡ nhau tự nhiên như giữa người với người, ngay cả khi một trong hai bên là viên chức của xã hội. Chẳng hạn, trong Tòa Giải tội, cả linh mục và hối nhân đều bỏ ngoài các chức vụ xã hội liên hệ của họ và đối diện với nhau trong các cá tính chính yếu của họ. Trong lãnh vực thiêng liêng của Giáo hội, "linh hồn", "con người", "linh mục", "tội nhân", "đàn ông", "đàn bà", nói tóm lại là toàn bộ sưu tập các kiểu và khía cạnh nhân bản chủ yếu tách biệt khỏi môi trường xã hội của họ. Và điều này như một lẽ tất nhiên. Một khi bước qua ngưỡng cửa của Giáo hội, các phạm trù căn bản của nhân tính trở nên những điểm chính. Việc đơn giản hóa nhân cách được thực hiện. Nó được giản lược để chỉ còn lại các yếu tố nhân bản thiết yếu, xóa bỏ hết các yếu tố làm lu mờ chúng do các bất toàn của con người hoặc ảnh hưởng của một thời đại cụ thể đưa vào. Nằm ở điều này chính là cảm thức bình đẳng độc đáo trong Giáo hội, một điều càng hoàn hảo hơn, vì nó diễn ra không cần lưu ý đặc biệt.

Mặt khác, Giáo hội là kẻ thù không khoan nhượng của tinh thần "dân chủ", là tinh thần chủ trương xóa bỏ mọi sự phân biệt về cấp bậc và năng lực tự nhiên. Theo nghĩa này, Giáo hội có tính quý tộc hết lòng. Điều này quả thực có liên hệ đến sức mạnh to lớn của truyền thống. "Chủ nghĩa dân chủ" – chứ không phải nền dân chủ - là một quan niệm hoàn toàn hiện đại và là một điều mới lạ. Nó làm cho sự lựa chọn, đánh giá và thử nghiệm chân chính thành bất khả. Ngược lại, sức mạnh của truyền thống buộc hiện tại phải chịu thử nghiệm và bác bỏ các yếu tố nào không đủ sức chịu đựng thử nghiệm này. Cuốn "Buch uber Adler" [Sách về Đại bàng] của Kierkegaard đã trình bầy một cách rất đáng lưu ý sức mạnh chọn lọc và thử nghiệm này của truyền thống. Thẩm quyền cũng có tính quý tộc, nếu nó thực sự sở hữu lòng dũng cảm và sức mạnh để cai trị, chứ không là sự yếu kém chỉ có tính ngụy trang. Thái độ "duy dân chủ " của tâm trí không thể ra lệnh, cũng không thể tuân theo.

Hơn nữa, Giáo Hội, bằng giáo huấn và hiện thân các lời khuyên Phúc Âm bằng định chế, đã đặt ra trước mỗi người chúng ta khả thể một ơn gọi phi thường. Giáo hội dược trao trách nhiệm thiết lập một luân lý kép, một thứ dễ dãi hơn cho thế giới, và thứ kia là quy tắc cao cả hơn cho tu viện. Nếu những định kiến lịch sử cũ và sự thù hận lộ liễu không cản đường, thì người ta sẽ sớm nhận ra rằng chỉ có nhiệm cục này mới phù hợp với bản chất của con người mà thôi. Từ mỗi con người, Giáo hội đòi hỏi sự hoàn thiện- nghĩa là, họ phải dùng hết sức mình mà yêu mến Thiên Chúa, làm theo Thánh ý Người và làm việc cho Vương quốc của Người trong lãnh vực đặc thù của mình. Giáo Hội khuyến khích mọi người ngày càng mọc sâu hơn vào Thiên Chúa, và nhờ thế từ từ làm cho cả cuộc đời mình phục vụ Thiên Chúa, cho đến khi họ thực sự có thể nói, "Tôi sống, nhưng không phải là tôi: mà là Chúa Kitô sống trong tôi".

Đây là thái độ của Kitô hữu đối với đời sống. Tuy nhiên, nó thừa nhận một sự khác biệt thiết yếu trong quy luật cuộc sống, mang lại cho nó sự hiện thân thực tế. Thái độ của Kitô hữu là sự sẵn sàng đi theo con đường mà Thiên Chúa kêu gọi họ đi. Nhưng Người không gọi mọi người đi cùng một con đường. Đa số được Người kêu gọi đi theo con đường bình thường, một số ít đi theo con đường phi thường. Quy luật thông thường của cuộc sống là quy luật trong đó các giá trị và đòi hỏi tự nhiên và siêu nhiên được đưa vào một sự cân bằng hài hòa. Quy luật phi thường của cuộc sống là quy luật trong đó, ngay trong tác phong bên ngoài của cuộc sống, mọi sự đều hướng trực tiếp tới siêu nhiên. Quy luật đầu ra lệnh; quy luật sau bảo ban. Quy luật đầu dành cho mọi người, Quy luật sau chỉ dành cho những người "có thể tiếp nhận nó". Phủ nhận bất cứ sự khác biệt nào giữa hai quy luật của cuộc sống là phủ nhận những điều kiện thực sự của hiện hữu con người. Và quả không đúng khi nói rằng mọi người đều thích hợp với con đường phi thường. Điều này không đúng ngay trong phạm vi tự nhiên; cho nên, trong phạm vi tôn giáo, nó còn không đúng hơn xiết bao. Chủ nghĩa vật chất [philistinism] và chủ nghĩa dân chủ đòi bãi bỏ quy tắc sống phi thường, để người theo con đường bình thường không bị mặc cảm tự ty. Mặt khác, thật là quái dị - và cũng là một ý nghĩ tưởng tượng cực kỳ ngu ngốc và nguy hiểm – khi chủ trương rằng mọi người đều được kêu gọi đi theo con đường phi thường. Tất cả những ai từng xem xét điều này ngụ ý gì đều đồng ý. Giáo hội phân biệt hai quy tắc. Điều này nói lên thái độ quý tộc của Giáo Hội, không chịu khuất phục trước bất cứ khao khát bình đẳng nào.

Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng minh rằng chính nhờ sự khác biệt này mà mỗi quy luật sống có thể làm cho sự phát triển trọn vẹn của quy luật kia thành khả hữu, để có thể xây dựng nên cơ cấu hoàn chỉnh của cuộc sống con người. Quy tắc sống, trong đó nguyên tắc phi thường tìm được biểu thức khách quan, chính là các lời khuyên Phúc âm - khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Đây là những phương tiện nhờ đó, con người, trong điều kiện cụ thể, hoàn toàn chuyển động lực đời mình hướng về Thiên Chúa, đặt việc phó thác, ở mọi điểm, lên trên việc tự bảo tồn, đặt điều siêu nhiên lên trên điều tự nhiên. Thực sự, lối sống phát sinh từ những lời khuyên này có thể hoặc được sống theo một cách tự do "nơi thế gian", hoặc bằng các hình thức sống có quy định bởi các dòng tu. Vậy, đâu là ý nghĩa của hình thức sau đối với cộng đồng? Ở đây, tôi không bàn đến các dịch vụ thực tế do chúng thực hiện, thí dụ như chăm sóc người nghèo và người bệnh, cầu thay cho cộng đồng, thực hiện do qui luật dòng tu, những dòng, trong lúc chiêm niệm của họ, luôn dâng toàn bộ nhân loại lên Thiên Chúa. Tôi chỉ quan tâm đến việc xem xét hiệu quả xã hội học của chúng. Sự kiện phi thường tự từ bỏ mình một cách hoàn toàn tự nguyện - và không phải như một ngoại lệ phù phiếm, mà như một hiện tượng vĩnh viễn - mang lại cho phần lớn những người đi theo con đường bình thường, một sự độc lập đối với của cải có liên quan, một điều càng cần thiết hơn trong việc sử dụng chúng cho đúng. Đơn cử một thí dụ; hôn nhân, là sự cô lập của hai con người trong Thiên Chúa, và như một hình thức cộng đồng, không những là sự tổng hợp đơn thuần của hai người bạn đời mà còn là một điều gì đó cao cả hơn, tức hình ảnh của Nước Thiên Chúa, vốn là Giáo hội; và trong mọi khía cạnh như một khả năng sinh sản được sắp đặt thích đáng. Vì vậy, nó không thể được thiết lập chỉ dựa trên cơ sở các lực lượng tự nhiên có xu hướng hướng tới hôn nhân (Đối với nhiều người, điều này có vẻ là một nghịch lý; và đúng như vậy. Nhưng khi chúng ta đã cân nhắc đi cân nhắc lại các hình thức của sự sống con người; mối tương quan giữa các mục tiêu phát sinh từ chính bản chất của chúng và các lực lượng chúng thực sự sử dụng, mối tương quan giữa hình thức này và hình thức nọ; và nhiệm cục nội tại của sự sống, chúng ta sẽ hiểu rằng những gì bề ngoài có vẻ là một nghịch lý thường là điều duy nhất thực sự tự nhiên. Nghịch lý được gắn liền trong chính tâm điểm của sự bình thường. Ở đây, cũng thế). Các lực lượng thường tạo ra hôn nhân không đủ làm cho một cuộc hôn nhân hoàn tất bản chất bên trong của chính nó. Một cuộc hôn nhân như vậy đòi hỏi một khả năng đồng thuận và phó thác hoàn toàn, nhưng cũng đòi hỏi một sự độc lập lớn lao đối với nhân tố tình dục. Không có khả năng đầu, sự kết hợp sẽ quá hời hợt; không có khả năng sau, nó thiếu phẩm giá bên trong và khả năng chung thủy. Tuy nhiên, bản nhiên không thể tự nó tạo ra điều này. Chỉ có việc phó thác [surrender] hoàn toàn trong tác phong sống, tức "chỉ nghĩ đến những điều thuộc về Thiên Chúa", một điều, nhờ ảnh hưởng liên tục nó gây ra cho người khác qua nhiều thế kỷ, cũng sẽ đánh thức nơi người kết hôn sức mạnh cần thiết để phó thác hoàn toàn, với mọi hy sinh mà nó đòi hỏi. Và việc họ hoàn toàn từ bỏ tình dục tạo ra sự tự do đối với sức mạnh thái quá của tình dục, một điều, ngược lại, gây phản ứng nơi số đông nam giới và nữ giới và một mình nó có thể làm cho hôn nhân trở thành chung thủy và khiết tịnh. Bác bỏ khả thể từ bỏ và phó thác cho Thiên Chúa này cũng là bác bỏ các khả năng cao quý nhất của con người và làm lung lay nền tảng của hôn nhân đích thực. Mặt khác, nếu một cuộc từ bỏ được coi là thực sự anh hùng, thì điều được từ bỏ đương nhiên phải có giá trị. Thời đại nào cũng phải nhận thức đầy đủ giá trị của hôn nhân, của các châu báu nó chứa đựng, nếu sự hy sinh của những người độc thân được coi là một điều gì đó thực sự phi thường. Hôn nhân phải chứng tỏ sự phong phú sâu xa bên trong đó, phải sở hữu sự cao quý đó, phải là sản phẩm lạ lùng được tạo hình bởi sự hợp tác của các lực lượng tự nhiên và siêu nhiên, một điều, theo gợi ý của Thánh Phaolô, được Chúa Kitô mong muốn, và được Giáo hội luôn trân qúy. Vì sự hy sinh khác biệt trong đức đồng trinh là việc nó từ bỏ sự cộng hợp hoàn hảo và năng lực sáng tạo mà chỉ hôn nhân mới có thể phát sinh được. Như thế, chỉ một mình sự cô đơn của con đường phi thường mới có thể bảo đảm để quy tắc, tức hôn nhân, trở nên cao quý và sâu sắc. Nhưng ngược lại, chỉ có hôn nhân mới làm cho sự hy sinh đó trở thành điều nó phải trở nên, nếu nó muốn thể hiện các giá trị vốn có trong bản chất của nó. Hôn nhân cũng cần phải có tính anh hùng, nếu đời sống đồng trinh phải thoát khỏi nguy cơ trở thành chuyện thông thường [commonplace]. Điều phi thường không anh hùng chỉ đơn giản là như vậy. Ngược lại, nó hệ ở sự trong sạch, lòng quảng đại và sự trung thành hoàn toàn mà với nó, ơn gọi phi thường được hoàn thành. Tương tự như vậy, hình thức bình thường, tự bản chất của nó, không hề thông thường [commonplace]. Nó cũng trở nên anh hùng khi nó được thể hiện một cách trong sạch hoàn toàn, một cách dũng cảm và trung thành. Chúng ta không nên nhầm lẫn các phân biệt đặc trưng giữa hai cách thức với các phân biệt trong thiên hướng luân lý. Ở đấy, "phi thường" cũng có thể là rất "thông thường", bình thường cũng có thể là rất anh hùng. Hôn nhân và đồng trinh hay nói chung - quy tắc và ngoại lệ - bổn phận và lời khuyên - là các hình thức của đời sống Kitô hữu. Trái lại “tầm thường” [mediocre] và “anh hùng” là các thái độ đối với đời sống. Mọi hình thức sống đều có thể sống bằng một tinh thần anh hùng hoặc bằng một tinh thần tầm thường. Và quyết tâm sống một cuộc sống anh hùng và không dè dặt cống hiến bản thân không tự nó xác định ra hình thức sống trong đó nó sẽ được hoàn thành. "Thiện chí" quyết định lựa chọn trước, "ơn gọi" quyết định chọn lựa sau. Chúng ta cần những người đàn ông và đàn bà sống theo hình thức phi thường của cuộc sống một cách anh hùng. Nhưng chúng ta cũng rất cần những người khác chịu sống theo hình thức bình thường của cuộc sống một cách anh hùng. Tính cách anh hùng trong hôn nhân cũng không cần thiết như tính cách anh hùng trong đức đồng trinh. Và, nhìn từ quan điểm xã hội học, chắc chắn cả hai kiểu anh hùng này đều hỗ trợ cho nhau.

Tính quý tộc [aristocracy] –thuật ngữ này không đúng lắm – và tính dân chủ đan xen nhau rất sâu xa trong trật tự tâm linh Công Giáo.

Những ai có quan điểm đúng đắn sẽ vừa thích thú vừa thán phục thấy rằng Giáo hội, ở mọi khúc quanh, đúng một cách kỳ diệu và thậm chí huyền bí xiết bao trong tất cả các giá trị và sự sắp đặt của mình; và thái độ thường bị tố cáo là thù địch đối với cuộc sống của Giáo hội hoàn toàn phù hợp với các đòi hỏi sâu sắc nhất của cuộc sống. Quả thật, chúng ta có lý do chính đáng để tín thác Giáo hội! Nhưng chúng ta vẫn phải gặp được kiệt tác Thiên Chúa xâm nhập và tạo hình cuộc sống con người, thì mọi phản bác mới tan biến vào không khí....

Lời bạt

Những bài giảng này không cố ý xác minh bằng lý luận khoa học, nhưng khẳng định như xác tín của tôi, rằng lãnh vực đức tin Công Giáo – tức Giáo hội - không chỉ là một phương thức thay thế trong số rất nhiều phương thức, mà là chân lý tôn giáo, tinh ròng và đơn giản, là Vương quốc Thiên Chúa. Giáo hội không phải là một điều thuộc quá khứ, mà là thực tại tuyệt đối, và do đó là câu trả lời cho mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, và sự thành toàn của nó. Và sự thành toàn này sẽ càng hoàn hảo hơn, khi sự chấp nhận của chúng ta đối với thực tại do đức tin Công Giáo trình bầy càng có thực chất và trọn vẹn hơn, và cố gắng của chúng ta càng nghiêm túc hơn để biến thành của chúng ta thiên hướng thiêng liêng được nó hàm chứa. Tính Công Giáo chân chính này, một điều vốn bị người ta trầm trọng tin chỉ có tính cách siêu nhiên và giáo điều của đạo Công Giáo, thực sự là một thái độ cởi mở và toàn diện nhất, hay đúng hơn là một thái độ toàn diện cởi mở duy nhất, đang hiện hữu. Nếu chúng ta hiểu chữ cởi mở là cái nhìn tri thức biết nhìn và đánh giá mọi đối tượng như chúng thực sự là, thì Giáo hội có thể tự nhận cho mình mô tả này, vì đối diện với muôn vàn kinh nghiệm phong phú của con người, Giáo hội chiếm vị trí duy nhất hoàn toàn ổn định, rõ ràng và xác định. Cả sự phong phú lẫn sự cố định đi vào tâm trí Công Giáo. Vì người có quan điểm hẹp hòi, nhút nhát và kinh nghiệm thực tại nghèo nàn đi, thì xa vời đối với quan điểm Công Giáo y như người không có khả năng khẳng định hoặc phủ định vô điều kiện, hoặc người làm suy giảm giáo huấn hoàn toàn siêu nhiên của Giáo hội, hoặc giải thích để bác bỏ các sự kiện lịch sử rõ ràng được giáo huấn này dựa vào.

Nhưng vẫn còn nhiều điều phải nói. Ngay trong bài giảng thứ hai của tôi, tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta quan tâm đến Giáo hội thực tế, không phải Giáo Hội lý tưởng, không phải với một Giáo Hội thiêng liêng, mà là Giáo hội lịch sử như Giáo hội hiện hữu ngày nay. Giáo hội không phải là một lý tưởng, có thể được xây dựng một cách tiên thiên, và trên đó chúng ta có thể lui về khi thực tại không đáp ứng yêu cầu của chúng ta, chẳng hạn, khi chúng ta dựng lên một trạng thái lý tưởng. Về căn bản không có điều gọi là triết lý Giáo hội. Ngược lại, Giáo hội là một thực tại độc đáo. Vị trí của Giáo hội về mặt này giống với vị trí một con người. Nếu ai đó nói rằng một phán đoán đặc thù không thể áp dụng vào người bạn của họ một cách cụ thể, mà chỉ áp dụng vào lý tưởng của họ mà thôi, và do đó, phải chuyển hướng sự chấp thuận của họ từ người sang lý tưởng, thì người đó sẽ phạm tội bất công đối với nhân cách của bạn mình. Điều này thực sự còn tồi tệ hơn sự bất công; nó là sự phản bội. Vì nó là sự mù quáng hoàn toàn đối với quyết định thiết yếu mà với nó, nhân cách con người thách thức chúng ta chấp nhận hay bác bỏ nó như thực sự là. Nó đòi hỏi có hoặc không, thù địch hay trung thành, nhưng không thể thừa nhận việc rút lui vào trừu tượng và phủ nhận thực tại nhân danh lý tưởng. Một gán ghép như vậy sẽ sai lầm về mặt siêu hình, vì nó không xét đến bản chất thiết yếu của nhân cách cá nhân vì đã coi nó chỉ là trường hợp đặc thù của thể phổ quát, và về mặt đạo đức không thể chấp nhận được, vì nó đã thay thế thái độ phải chấp nhận đối với một con người bằng thái độ chỉ thích hợp với một sự vật đơn thuần. Việc phân biệt giữa thực tại và lý tưởng của Giáo hội cũng phi lý không kém. Tuy nhiên, điều này làm cho sự phân biệt nhiều hơn càng cần thiết hơn nữa. Chúng ta phải tìm hiểu xem liệu hình thức thực sự bên trong của Giáo hội, sự hoàn thiện bên trong của Giáo hội được Thiên Chúa sắp đặt, có được mạc khải bởi bất cứ biểu hiện bên ngoài nào hay không. Các sức mạnh bắt nguồn từ yếu tính của Giáo hội có hoạt động trọn vẹn trong những biểu thức hữu hình của đời sống Giáo hội không? Bản chất bên trong của Giáo hội có hiển hiện nơi các chi thể của Giáo hội không? Không ai có thể né tránh câu hỏi này, vì nó liên quan đến bản thân mỗi người chúng ta. Khi một người đạt tới xác tín, tin rằng Giáo Hội là tuyệt đối về bản chất thực sự của mình và trong mọi thời đại giảng dạy đường tới hoàn thiện và sức mạnh để đạt được điều này, phản ứng tức thì của họ sẽ là một lòng biết ơn mãnh liệt. Nhưng lòng biết ơn này không được xui khiến họ ngủ yên trong sự thoải mái thiêng liêng, mà phải được cảm nhận như một yêu cầu. Dụ ngôn về các nén bạc cũng có thể áp dụng cho mối liên hệ của chúng ta với Giáo hội. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với Giáo hội, mỗi người theo cách riêng của mình, linh mục do Bí tích Truyền chức, giáo dân do Bí tích Thêm sức. Mức độ hòa hợp đạt được giữa bản chất của Giáo hội và vẻ bề ngoài của Giáo hội, giữa các khía cạnh bên trong và bên ngoài của Giáo hội phụ thuộc vào mỗi người chúng ta. Cả ở đây, chúng ta cũng phải gánh một trách nhiệm nặng nề đối với những người ở bên ngoài Giáo hội. Nó đòi chúng ta phải có viễn kiến tình yêu và đức tin để nhìn thấy bản chất bên trong của Giáo hội dưới những biểu thức thường rất khiếm khuyết. Ngay cả các chi thể của Giáo hội đôi khi cũng thiếu tầm nhìn này. Vậy thì càng phải mong đợi ít ỏi hơn xiết bao nơi những người coi Giáo hội một cách không tin tưởng như những người xa lạ, mù quáng bởi các định kiến và các giá trị sai lầm trong nền giáo dục của họ! Chúng ta không thể đổ lỗi cho họ nếu họ coi những khẳng định đưa ra trong các bài giảng này là nói lý thuyết xuông. Vì quả thật, một lập luận xác đáng trong lĩnh vực này nên được tiến hành bởi những người Công Giáo có cuộc sống có thể gây cảm hứng cho cho người ta tin. Các bằng chứng của họ, quả thế, không phải là không có giá trị nội tại của chúng. Nhưng sức mạnh mang lại xác tín của họ mạnh nhất khi họ được hỗ trợ bằng một "bằng chứng của sức mạnh" sống động.
 
VietCatholic TV
Giận mất khôn: Rắc rối to vì linh mục nóng giận cáo buộc HY Cupich cấm đọc kinh chung sau thánh lễ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:56 05/09/2021


1. Người Công Giáo Armenia cử hành thánh lễ đầu tiên sau hơn một thế kỷ tại một nhà thờ ở khu phố của Hrant Dink

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết cộng đồng Kitô Hữu Armenia đã cử hành thánh lễ lần đầu tiên sau 106 năm tại một nhà thờ ở Malatya, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Nơi thờ tự nằm trong một khu phố nơi nhà báo Hrant Dink lớn lên. Hrant Dink là tổng biên tập của tuần báo Agos đã bị bắn trước văn phòng của tờ báo ở Istanbul, vào tháng Giêng năm 2007.

Buổi lễ chính thức mở cửa trở lại được tổ chức vào hôm thứ Bảy với sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ Sahak Maşalyan, Đức Giám Mục Thủ đô Ğriğoriyos Melki Ürek của Adıyaman, và chính quyền dân sự địa phương.

Bị đóng cửa vào năm 1915, nhà thờ Üç Horan đã không thể sử dụng trong hơn một thế kỷ và ở trong tình trạng đổ nát cho đến gần đây, khi người ta sợ rằng nó có thể sụp đổ.

HAY-DER, một tổ chức văn hóa Armenia có trụ sở tại Malatya, đã có thể khôi phục lại nhà thờ và vẻ huy hoàng cổ xưa của ngôi thánh đường.

Giờ đây, cộng đồng Kitô Hữu Armenia tại địa phương có thể sử dụng nó để cử hành các lễ nghi tôn giáo, bao gồm thánh lễ, lễ rửa tội và đám cưới.

Chính quyền địa phương đã đóng góp vào công việc trùng tu bằng công quỹ.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thượng Phụ Maşalyan gọi việc mở cửa trở lại là “một cột mốc quan trọng đối với khu vực này” và đối với người Armenia nói riêng, là “một ngày lễ”.
Source:Asia News

2. Một linh mục ở Chicago cáo buộc Đức Hồng Y Cupich không cho đọc kinh chung sau thánh lễ

Một linh mục ở Illinois đã cáo buộc Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, đã ra lệnh cho ngài không được đọc kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính mừng sau Thánh lễ, nhưng cha sở của nhà thờ nói rằng cáo buộc này không đúng sự thật.

Tin đồn bắt đầu sau khi các bài đăng trên mạng xã hội chỉ ra một thông báo trong một thánh lễ được truyền trực tiếp tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse ở Libertyville, Illinois.

Trong đoạn video hiện đã bị gỡ bỏ, Cha Emanuel Torres-Fuentes, với vẻ mặt, cử chỉ, và lời nói lộ vẻ tức giận, cho biết theo yêu cầu của Đức Hồng Y Cupich, những lời cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính Mừng ở cuối thánh lễ đã phải hủy bỏ.

“Sau chỉ thị của Đức Hồng Y Cupich, chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng kinh nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae không được phép đọc chung sau Thánh lễ”, Cha Torres-Fuentes nói trong đoạn video. Lời cầu nguyện sùng kính này có thể được đọc một cách riêng tư trong khi tôn trọng những người khác trong nhà thờ. OK?”

“Và anh chị em cũng biết rằng tôi thích đọc Kinh Kính Mừng khi kết thúc Thánh Lễ. Nhưng giờ đây tôi được yêu cầu hát thay vì đọc Kinh Kính Mừng.”

Cha Torres-Fuentes, được thụ phong vào năm 2018, nói thêm:

“Chuyện gì đây?. Là một linh mục, tôi phải vâng lời. Và khi vâng lời như thế, tôi sẽ được bình yên. Và trái tim tôi bình yên. OK?”

“Tôi đã suy nghĩ về điều này. Bây giờ, tôi nói OK. OK thôi. Nếu Đức Hồng Y Cupich nói thế, thì tôi phải thế. OK chứ? Xin cảm ơn.”

Vào chiều thứ Bảy, cha sở nhà thờ Thánh Giuse, là Cha John Trout, đã đưa ra lời giải thích cho thông báo của Cha Torres-Fuentes.

Tuyên bố của Cha John Trout cho biết: “Các tín hữu luôn được hoan nghênh tụ tập trong Nhà thờ để cầu nguyện riêng với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm. Đồng thời, phù hợp với thực hành phụng vụ lành mạnh và phù hợp với các quy tắc của Tổng giáo phận, mà tôi đã xác nhận với Đức Hồng Y một cách cá nhân, việc đọc kinh không bao giờ được can thiệp, làm gián đoạn hoặc phân tâm phụng vụ công cộng của Giáo hội”.

Cha Trout tiếp tục: “Nó cũng không bao giờ có thể trở thành một sự áp đặt đối với phần còn lại của các tín hữu trong nhà thờ, những người có quyền ở lại cuối Thánh lễ để cầu nguyện riêng như họ muốn. Điều quan trọng nữa là những lời cầu nguyện như vậy phải luôn luôn thúc đẩy sự hiệp nhất của Giáo hội, được bảo đảm bởi Người kế vị thánh Phêrô, người mà chúng ta luôn phải thể hiện sự tôn kính sâu sắc nhất và lời cầu nguyện cho ngài với tư cách là Đức Thánh Cha của chúng ta”.

Tuyên bố kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng Cha Torres-Fuentes “muốn tuyên bố rằng ngài đã nhầm lẫn trong một thánh lễ gần đây khi ngài trách nhầm các tuyên bố của Đức Hồng Y Cupich. Vì lý do này, video của Thánh lễ đó đã được gỡ bỏ để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào.”

Trong thức tế, việc đọc kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính Mừng chỉ mất chưa đầy một phút. Lý do cho rằng việc đọc kinh chung như thế làm chia trí các tín hữu khác trong nhà thờ xem ra không đứng vững.

Việc đọc Kinh cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae khi kết thúc Thánh lễ được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra vào năm 1886. Là một phần của cuộc cải cách phụng vụ tại Công đồng Vatican II, lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã bị loại bỏ. Sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, nhiều nhà thờ tại Hoa Kỳ đã tái lập việc cầu nguyện này.
Source:Catholic News Agency

3. Sự đồng nhất trong Thánh lễ: Các linh mục kháng cáo lên Đức Giáo Hoàng

Quyết định của Thượng Hội Đồng Syro-Malabar buộc các linh mục phải cử hành thánh lễ theo một nghi thức chung đã gây ra tranh cãi, trong đó một bộ phận của các linh mục quyết định kháng cáo lên Vatican để giữ lại hệ thống hiện có. Các linh mục thuộc tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Mar Antony Kariyil, và Cha Tổng Đại Diện vào hôm thứ Bảy.

Các linh mục tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức Tổng Giám Mục để đưa ra những lo ngại của họ về việc đồng loạt thực hiện quyết định của Thượng Hội Đồng. Hôm thứ Sáu, Thượng Hội Đồng đã quyết định thực thi một sự thay đổi triệt để trong cách thức cử hành Thánh Lễ, sau một lá thư của Đức Giáo Hoàng kêu gọi một nghi thức thống nhất tại tất cả các nhà thờ. Một lá thư mục vụ về vấn đề này đã được Hồng Y George Alencherry, người đứng đầu Nhà thờ Syro-Malabar, chỉ đạo các linh mục và giám mục đọc trong tất cả các nhà thờ vào ngày 5 tháng 9. Truyền thông mục vụ trích dẫn lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ sự thống nhất về phụng vụ, và cho biết bổn phận của mọi tín hữu là tuân theo chỉ dẫn của Giáo hoàng.

Cha Kuriakose Mundadan, thư ký linh mục đoàn, nói với các phóng viên

“Bức thư của Đức Giáo Hoàng không nhằm tạo ra bất kỳ sự chia rẽ nào trong Giáo hội nhưng có những điều khoản trong Giáo luật cho phép miễn trừ trong một số trường hợp nhất định. Cho đến khi Vatican đưa ra quyết định, chúng ta nên được phép tuân theo hình thức cử hành thánh lễ hiện có. Hòa bình trong các giáo xứ có thể bị gián đoạn nếu lá thư được đọc lên.”
Source:News India Express
 
Âm mưu trấn lột một Giám Mục Mỹ đã thất bại. Biến thể vi rút mới nhất đang lan nhanh xin cẩn thận
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:09 05/09/2021


1. Biến thể mới của COVID-19 có nguồn gốc từ Nam Mỹ giết người tàn bạo hơn và vượt qua các vắc xin hiện có

Một chủng COVID-19 mới đã được Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định là một biến thể hết sức đáng quan tâm.

Biến thể Mu, hay B.1.621, lần đầu tiên được xác định ở Colombia và các trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận ở Nam Mỹ và Âu Châu.

Bản tin hàng tuần của WHO về đại dịch cho biết biến thể này có các đột biến cho thấy nó có thể vượt qua được các vắc-xin hiện có, giống như trường hợp của Beta, nhưng sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để kiểm tra thêm điều này.

Bản tin viết “Kể từ lần đầu tiên được xác định ở Colombia vào tháng Giêng năm 2021, đã có một vài báo cáo lẻ tẻ về các trường hợp mắc biến thể Mu và một số vụ bùng phát lớn hơn đã được báo cáo từ các quốc gia khác ở Nam Mỹ và Âu Châu”.

“Mặc dù tỷ lệ phổ biến trên toàn cầu của biến thể Mu trong số các trường hợp mắc bệnh theo trình tự đã giảm và hiện ở mức dưới 0.1%, nhưng tỷ lệ nhiễm ở Colombia lên đến 39% và Ecuador 13%, và vẫn liên tục tăng.

“Dịch tễ học của biến thể Mu ở Nam Mỹ, đặc biệt với sự đồng lưu hành của biến thể Delta, sẽ được theo dõi để biết những thay đổi”.

“Mu” là chữ cái thứ 12 trong bảng chữ cái Hy Lạp tương đương với chữ “m” trong tiếng Anh

Theo báo cáo của WHO hiện có 5 biến thể coronavirus đáng lo ngại.

Thứ nhất là biến thể Alpha - được ghi nhận lần đầu tiên ở Kent bên Anh, ngày nay được nhìn thấy ở 193 quốc gia, Beta ở 141 quốc gia, Gamma ở 91 quốc gia và Delta ở 170 quốc gia. Mu là biến thể thứ năm đang hoành hành ở hàng trăm quốc gia nhưng chưa có con số cụ thể.

Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về một biến thể mới đang xuất hiện ở Nam Phi.

Biến thể, được gọi là C.1.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng Năm.

Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học cho biết nghiên cứu chỉ ra rằng nó là “biến thể đột biến xa nhất” được tìm thấy cho đến nay.

Trong một trường hợp hết sức đáng lo ngại, hai phụ nữ, một người 60 tuổi và một người 49 tuổi đã qua đời hôm 1 tháng 9 vì coronavirus tại Melbourne, Australia. Trường hợp của họ hết sức đáng lo ngại vì họ phát hiện dương tính với coronavirus, nhưng các bác sĩ đánh giá là nhẹ và cho về nhà. Trong vòng 6 tiếng đồng hồ sau, cả hai đều qua đời tại nhà của họ.
Source:Seven News Australia

2. Âm mưu trấn lột Đức Cha DiMarzio đã thất bại

Các cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại Đức Cha DiMarzio, Giám Mục Brooklyn, không có cả “vẻ bề ngoài của sự thật”, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố như trên trong phán quyết của mình liên quan đến kết quả của các cuộc điều tra được thực hiện theo Tự Sắc Vos Estis Lux Mundi, nghĩa là “Anh em là ánh sáng thế gian” của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến các hành vi sai trái của các giám mục.

Không có cả “vẻ bề ngoài của sự thật” là cụm từ nói cho văn hoa bóng bẩy. Diễn nôm ra nghĩa là “nhìn thoáng qua đã biết là gian trá.”

“Tôi lặp lại những gì tôi đã nói từ đầu. Không có sự thật nào đối với những cáo buộc này,” Đức Cha DiMarzio nói hôm 1 tháng 9. “Trong suốt hơn 50 năm thánh chức của tôi với tư cách là một linh mục, tôi chưa bao giờ lạm dụng bất cứ ai”.

Phán quyết của Vatican liên quan đến các tuyên bố riêng biệt từ hai nạn nhân bị cáo buộc đã nộp đơn kiện dân sự cáo buộc Đức Cha DiMarzio đã lạm dụng họ khi ngài còn là linh mục của Tổng giáo phận Newark bốn thập kỷ trước. New Jersey vào năm 2019 đã đình chỉ thời hiệu đối với các vụ kiện lạm dụng tình dục dân sự, để cho phép thời hạn hai năm cho các vụ kiện liên quan đến các cáo buộc từ xa xưa.

Theo các quy tắc được thực hiện bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tự Sắc Vos estis lux mundi vào tháng 5 năm 2019, Đức Tổng Giám Mục của giáo tỉnh sẽ điều tra các cáo buộc lạm dụng chống lại các giám mục khác trong giáo tỉnh của mình. Tòa Thánh đã ủy quyền cho Hồng Y Timothy Dolan của New York tiến hành các cuộc điều tra. Ngài đã thực hiện điều này một cách rất minh bạch và độc lập bằng cách thuê một công ty luật bên ngoài.

Bộ Giáo lý Đức tin đã xem xét các kết quả điều tra và đưa ra phán quyết rằng các cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại Đức Cha DiMarzio, Giám Mục Brooklyn, không có cả “vẻ bề ngoài của sự thật”.

“Với phát hiện này, Bộ Giáo lý Đức tin sẽ không cho phép bất kỳ quy trình giáo luật nào khác để giải quyết các cáo buộc”, tổng giáo phận New York cho biết trong một tuyên bố ngày 1 tháng 9.

Đức Cha DiMarzio cho biết ngài “hoàn toàn hợp tác với cuộc điều tra này, bởi vì tôi biết mình không làm gì sai”.

“Tôi đã cầu nguyện cho một kết luận cho cuộc điều tra này, và những kết quả cuối cùng này xác minh thêm, như tôi đã luôn nói, rằng những cáo buộc này hoàn toàn không có giá trị”.

Cả hai người tố cáo đều được đại diện bởi cùng một luật sư là ông Mitchell Garabedian.

Vào tháng 11 năm 2019, Garabedian đã gửi một lá thư đến tổng giáo phận Newark báo cáo rằng Mark Matzek ở New Jersey nói rằng ông ta đã bị lạm dụng bởi Đức Cha DiMarzio và một linh mục khác hiện đã qua đời tại giáo xứ Thánh Nicholas ở Thành phố Jersey vào những năm 1970. Metzak, hiện đã ngoài năm mươi tuổi, cho biết vụ lạm dụng xảy ra khi ông ta còn là một cậu bé giúp lễ. Vào tháng 3 năm 2021, Garabedian đã đệ đơn kiện thay mặt Metzak để đòi 20 triệu đô la.

Vào tháng 6 năm 2020, Samier Tadros cáo buộc Đức Cha DiMarzio phạm tội lạm dụng vào năm 1979 và 1980 khi ông ta mới 6 tuổi. Đức Cha DiMarzio lúc đó là linh mục tại giáo xứ Rất Thánh Mân Côi ở thành phố Jersey. Vào tháng 2 năm 2021, Tadros đã đệ đơn kiện đòi 20 triệu đô la, cũng 20 triệu đô la. Đức Giám Mục DiMarzio cho biết tại thời điểm đó ngài đang cân nhắc nộp đơn kiện vì tội “bôi nhọ”.

Để điều tra các cáo buộc, Đức Hồng Y Dolan đã thuê công ty luật Herbert Smith Freehills. Nhóm điều tra do Louis Freeh, cựu giám đốc FBI, đứng đầu.

Luật sư của Đức Cha DiMarzio, là ông Joseph A. Hayden của công ty luật New Jersey Pashman Stein Walder Hayden ở Hackensack, New Jersey, đã hoan nghênh quyết định này của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

“Quyết định này của Bộ Giáo lý Đức tin được đưa ra sau một cuộc điều tra thực tế rất công bằng và nghiêm ngặt được thực hiện bởi công tố viên liên bang John O'Donnell, cũng như công ty điều tra do cựu Giám đốc FBI Louis Freeh thành lập”, Hayden nói. “Cả hai đều là cựu quan chức thực thi pháp luật với kinh nghiệm đã được chứng minh và sự chính trực hoàn hảo và kết quả điều tra của họ không có gì phải nghi ngờ”.

Âm mưu trấn lột Đức Cha DiMarzio của hai tên Mark Matzek và Samier Tadros đã thất bại. Nhiều người đang mong đợi Đức Cha DiMarzio kiện hai tên trấn lột này ra tòa để làm gương cho những kẻ khác.

Đức Cha DiMarzio được phong làm Giám Mục Phụ Tá của Newark vào năm 1996. Ngài làm giám mục Camden từ năm 1999 cho đến năm 2003, khi được bổ nhiệm làm Giám mục của Brooklyn. Thời gian của ngài ở Newark trùng lặp với Theodore McCarrick, người từng là Tổng giám mục của Newark từ năm 1986 đến năm 2000.
Source:Catholic News Agency

3. Biden 'cam kết sâu sắc' duy trì việc cho phép phá thai sau khi luật phò sinh của Texas có hiệu lực

Hôm thứ Tư 2 tháng 9, ông Joe Biden cho biết chính quyền của ông “cam kết sâu sắc” duy trì việc phá thai hợp pháp, sau khi luật phò sinh ‘nhịp tim’ của tiểu bang Texas có hiệu lực.

“Chính quyền của tôi cam kết sâu sắc với quyền hiến định được thiết lập trong phán quyết Roe chống Wade gần năm thập kỷ trước và sẽ bảo vệ quyền đó,” Biden, một người tự xưng mình là người Công Giáo, đã nói như trên về phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1973 trong việc hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc.

Đạo luật Nhịp tim của Texas đã có hiệu lực vào hôm thứ Tư, sau khi Tòa án Tối cao đã quyết định không hành động gì cả vào phút cuối để ngăn chặn luật này.

Luật yêu cầu các bác sĩ phải tìm kiếm nhịp tim của thai nhi trước khi thực hiện phá thai. Nếu một nhịp tim được phát hiện thì việc phá thai bị cấm theo luật, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Luật được thực thi thông qua các vụ kiện tư nhân, chứ không phải bởi chính quyền tiểu bang.

Các công dân có thể khởi kiện hành vi phá thai bất hợp pháp chống lại bất kỳ ai thực hiện phá thai bất hợp pháp hoặc bất kỳ ai hỗ trợ phá thai bất hợp pháp kể cả thông qua các khoản thanh toán hoặc bồi hoàn. Các vụ kiện cũng có thể được đưa ra đối với bất kỳ ai “có ý định tham gia” vào việc thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai bất hợp pháp.

Các quan sát viên cho rằng luật này có khả năng rất lớn ngăn chặn việc phá thai. Tình huống sau đây sẽ có khả năng xảy ra rất cao: Hai vợ chồng thực ra đồng lòng phá thai. Sau khi ca phá thai được thực hiện, người chồng khởi tố. Luật sư chỉ cần tìm một giấy chứng nhận hay một bác sĩ nào đó chứng minh vào thời điểm phá thai, thai nhi đã có nhịp tim thì hai vợ chồng nhà đó sẽ kiếm được một món tiền lớn đủ để sống suốt đời. Nhà phò sinh nào nghĩ ra luật “nhịp tim” này rất thông minh.

Cả Joe Biden và Kamala Harris nhận ra tức khắc khả năng phò sinh của luật này.

“Luật Texas sẽ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần, đặc biệt là đối với các cộng đồng da màu và những người có thu nhập thấp,” ông Biden tuyên bố hôm thứ Tư.

Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã đưa ra một tuyên bố sau đó vào chiều thứ Tư, gọi đạo luật này là một “cuộc tấn công toàn diện đối với sức khỏe sinh sản”.

“Chính quyền Biden-Harris sẽ luôn đấu tranh để bảo vệ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền của phụ nữ được đưa ra quyết định về cơ thể và quyết định tương lai của mình”, Harris tuyên bố.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo tuyên bố rằng phá thai là hành động “trái với luật luân lý một cách nghiêm trọng”, và nói thêm rằng “luật dân sự phải bảo vệ sự sống của con người từ thời điểm thụ thai”.

Điều 2273 của sách giáo lý nói rằng: “Khi luật dân sự tước của một hạng người quyền được hưởng sự bảo vệ mà luật pháp phải mang lại, thì Nhà Nước đã phủ nhận sự bình đẳng của mọi công dân trước luật pháp. Khi Nhà Nước không đem sức mạnh của mình bảo vệ quyền của mỗi người, đặc biệt những người yếu kém, thì chính các nền tảng của một Nhà Nước pháp quyền bị lung lay”

Đáp lại sự bảo vệ của Biden về việc phá thai, nhóm CatholicVote tuyên bố rằng “Bảo vệ mạng sống con người vô tội là nền tảng để xây dựng một nền văn minh của tình yêu”.

“Vì lý do này, thật đáng xấu hổ khi thấy một Tổng thống Công Giáo của Hoa Kỳ tấn công nỗ lực bảo vệ trẻ em và bà mẹ ở Texas. Người Công Giáo được kêu gọi bảo vệ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Một lần nữa Tổng thống Biden lại phản bội niềm tin của mình.”
Source:Catholic News Agency