Ngày 01-09-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa chữa người câm điếc
Gioan Lê Quang Vinh
06:13 01/09/2009
Chúa nhật 23 thường niên

Lời Thánh Vịnh 39 vang lên quen thuộc với dân Thiên Chúa: “Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi”. Thế nhưng trong cuộc đời con người, có những lúc miệng họ phải ngậm lại vì nhiều thế lực gian tà chung quanh lên tiếng quá lớn, chát chúa và hung hăng. Sứ mạng của Đấng Cứu Thế là trả lại tiếng nói cho người câm, âm thanh cho người điếc và ánh sáng cho người mù. Và hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa dùng quyền năng của mình và lên tiếng: “Ephata”, hãy mở ra.

Dân chúng thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, họ kinh ngạc kêu lên: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Người ta kinh ngạc vì họ thấy con người mộc mạc và nghèo khổ như họ, lại có uy quyền khiến âm thanh phải vâng phục. Họ không biết rằng chính Người là Lời làm cho đất trời này thành hình, và nếu Người không lên tiếng thì tất cả đến bây giờ vẫn là hư vô.

Phép lạ chữa người câm điếc được thánh sử Máccô xếp ngay sau phép lạ Chúa trừ quỉ cho con gái của người phụ nữ ngoại giáo. Phải chăng có mối liên hệ nào đó giữa sự kiện quỉ ám và sự kiện người ta câm điếc trước các thực tại trần gian? Có những lúc người ta cũng phải tự hỏi: “Liệu câm điếc có phải luôn luôn là điều xấu không?” Và câu trả lời không đơn giản chỉ là có hay không. Có lúc người ta im lặng vì lời nói là dư thừa, vì rõ ràng người nghe “có tai mà chẳng nghe”, như lúc Chúa Giêsu im lặng trước Philatô. Chỉ có cái câm do quỉ xúi giục mới là cái câm nguy hiểm. Vậy làm sao nhận ra được cái câm lặng nào đáng trách?

Trước hết, câm lặng trước bất công là cái câm đáng trách. Đã thành thói quen, người dân chúng ta ngày hôm nay không còn phản ứng tích cực trước những nghịch lý nhan nhản chung quanh mình. Nhìn những ngổn ngang và bừa bộn trên đường đi mỗi ngày hay những xô xát, ẩu đả giữa nơi công cộng, ta lạnh lùng lảng tránh và coi như chuyện bình thường. Dường như có một sức ép nào đó khiến ta đi qua mà không tự hỏi tại sao những cảnh tượng ấy diễn ra ngang nhiên đến thế. Nhìn đoàn lũ những con người chạy vạy để giành lại từng tấc đất hay giật lại chút công lý còn rơi vãi đó đây, ta lầm lũi đi, đi… mà không ngoái nhìn lại dù chỉ để nói một lời “cố lên”. Ta câm mất rồi, có thể vì ta chẳng còn hơi mà lên tiếng mà cũng có thể vì thiên hạ chẳng còn nhạy cảm để lắng nghe. Trời ơi, sao cái lặng im lạnh lùng cô quánh lại, đến nỗi tất cả cứ đi qua đi qua như dòng kênh đen. Chẳng lẽ cứ mãi mãi là câm?

Câm lặng trước nỗi khổ người nghèo là cái câm đáng trách. Nhìn một em bé đen đúa gầy gò bế một trẻ sơ sinh cũng đen đúa, mệt mỏi không còn cất lên nổi tiếng khóc trẻ thơ, ta cũng lạnh lùng như nhìn một con mèo ngồi ngơ ngác bên hè phố. Nhìn cụ già lang thang như đứa trẻ lúc khóc lúc cười, ta lạnh lùng y như chuyện lề đường chẳng chút liên quan. Thỉnh thoảng lạc vào con hẻm lầy lội, tối tăm dơ bẩn, ta đi như chạy trốn mà không hề tỏ ra đồng cảm với kiếp người. Có những người bạn của Giêsu đang lặng lẽ chờ ta dừng lại với một nụ cười khích lệ họ, mà ta cũng cố gắng giấu đi. Ta câm mất rồi.

Câm lặng để mưu cần danh lợi là cái câm đáng trách. Thời nay thiên hạ dễ im tiếng cho xong chuyện hoặc để đổi lấy sự an thân. Đứng im cười cười bắt tay chụp hình thì quá dễ. Nhận những quà như một bố thí để quay phim thì luôn hấp dẫn. Nhưng phía sau tấm hình đó, đoạn cuối thước phim đó là gì thì ta không quan tâm và ta không dám nói đến. Theo Chúa rồi, tận hiến rồi mà cũng còn mê chút hư danh. Hớn hở cười, hả hê nói, lên TV phát biểu hay được trích lời đó đây, người ta mừng như được gói bánh ngon. Chẳng biết lúc đó người ta nói hay người ta câm, nhưng chắc chắn một điều là những lời ca tụng thế gian không thể “vang lên trong Đại Hội”, và lúc họ nói chính là lúc “ngậm môi”, và “Chúa cũng biết rồi” (xem TV 39).

Có những lúc chúng ta phải thưa với Chúa, thà Ngài để con câm và điếc còn hơn để con có tai mà chẳng nghe, có miệng mà chẳng nói; thà Ngài để con sống giữa rừng sâu cùng hoang thú còn hơn để con giữa đời mà lạnh lùng nhìn anh em đau khổ mà chẳng biết làm gì giúp đỡ họ.

Theo Chúa không chỉ là hướng về vinh quang của ngày Phục Sinh và ngày Chúa Quang Lâm, nhưng còn là đi bằng đôi chân người nghèo khổ bất hạnh, là lăn vào dòng đời với trái tim biết rung cảm, vì nơi người nghèo, Chúa thực hiện chương trình cứu độ. Theo Chúa không chỉ là hát vang lời ca tụng Chúa, mà còn là hoà điệu với tiếng than của người cùng khổ, vì chính tiếng than ấy kéo xuống ơn cứu độ. “Ta đã nghe tiếng dân Ta bên Ai cập”.

Im lặng trước bất công, trước người nghèo là tự mình hoá câm, và khi ta đã tự do câm lặng, Chúa tôn trọng tự do ấy, nhưng người câm lặng thì được gì ? Người can trường lên tiếng luôn chịu thiệt thòi, nhưng chính lúc ấy họ hoà mình vào mầu nhiệm ngôn sứ chịu đóng đinh của Đức Kytô. Đức Tổng Giám Mục Giuse của Hà nội, Đức Giám Mục Phaolô của Vinh và ngày càng nhiều mục tử anh dũng khác đã và đang lên tiếng ca ngợi sự công minh của Thiên Chúa và nhờ đó, các ngài nâng đỡ đức tin cho dân Chúa.

Lạy Cha Thánh Giuse, Cha giữ thinh lặng trong cuộc đời tại thế, và Cha làm gương cho chúng con về sự thinh lặng nội tâm. Nhưng việc vâng phục ý Chúa, đưa Thánh Gia ra đi tránh những bất công và việc Cha lặng lẽ làm thợ để đưa Thánh Gia thoát khỏi cảnh nghèo, dạy cho chúng con biết lên tiếng ca ngợi kỳ công của Chúa và quyết liệt lên tiếng để công lý được thực thi. Và do đó mà Cha được muôn đời ca ngợi là Đấng Công Chính, Đấng sống cho công lý. Xin Cha giúp chúng con biết noi gương Cha mà làm cho trần gian vang tiếng yêu thương.
 
Cuộc thay hình đổi dạng của con người được ơn tha thứ tội lỗi
Lm. Ignatiô Hồ Thông
06:16 01/09/2009
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

Vào Chúa Nhật XXIII nầy, Phụng Vụ Lời Chúa cho chúng ta thoáng thấy, qua những dấu chỉ, cuộc thay hình đổi dạng của con người được ơn tha thứ tội lỗi.

Is 35: 4-7: Bài đọc I là sấm ngôn loan báo cuộc giải phóng gần kề của những người lưu đày Ba-by-lon. Thiên Chúa sắp can thiệp; những dấu chỉ báo trước ơn cứu độ mà Ngài sẽ đem đến, sẽ là việc chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của con người và biến đổi sa mạc hoang vu và khô cằn thành vùng đất màu mỡ tốt tươi.

Gc 2: 1-5: Đoạn Thư của thánh Gia-cô-bê nhắc nhở cuộc thay đổi những quan hệ giữa những ai đón nhận Tin Mừng, và chỗ ưu tiên được ban cho người nghèo.

Mc 7: 31-37: Tin Mừng là bài trình thuật của Mác-cô về việc Đức Giê-su chữa lành một người vừa câm vừa điếc ở miền Thập Tỉnh, việc chữa lành là giáo huấn và dấu chỉ thời Mê-si-a về ơn tha thứ của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I (Is 35: 4-7)

Bản văn nầy được đưa vào trong tác phẩm I-sai-a, vị ngôn sứ của thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, nhưng có những cung giọng của vị ngôn sứ của thời lưu đày, I-sai-a đệ nhị, với một viễn cảnh đặc thù của ông: ngày giải phóng những người lưu đày ở Ba-by-lon sắp đến rồi.

1. Ngày giải phòng sắp đền gần rồi:

Vị ngôn sứ loan báo cho những người lưu đày: “Hãy can đảm lên, đừng sợ!”, vì sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục cho dân Ngài và giải phóng họ khỏi những kẻ áp bức họ. Và ông cho hai dấu chỉ cho thấy ơn cứu độ sắp đến rồi: những bệnh hoạn tật nguyền thể lý sẽ biến mất và sa mạc sẽ không còn vùng đất khô cằn nữa, vì trên con đường hồi hương trở về (từ Ba-by-lon đến Giê-ru-sa-lem, phải băng qua sa mạc Sy-ri) Thiên Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu: đất đai, cũng như con người, sẽ hoan hĩ vui mầng.

Chắc chắn những hình ảnh nầy là lối nói ngoa dụ để diễn tả niềm hân hoan của những người lưu đày khi gặp lại cố hương. Nhưng sâu xa hơn, những hình ảnh nầy diễn tả một thực tại tinh thần. Thiên Chúa đã bày tỏ lòng xót thương; Ngài đã quên đi những tội lỗi của dân Ngài và đưa họ trở về Đất Hứa, theo cách nào đó, Ngài làm mới lại Giao Ước của Ngài với họ.

2. Giải phóng khỏi những quyền lực của sự ác:

Những người mù sẽ được sáng mắt để được nhìn thấy ý nghĩa sâu xa của biến cố; những người què sẽ nhảy nhót vì vui mừng hớn hỡ. Trong một đoạn văn trước đó theo cùng văn mạch, chúng ta đọc thấy: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát khỏi cảnh mù lòa tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Ít-ra-en, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng” (Is 29: 18-19). Chúng ta có thể xác định thêm nữa. Vào thời nầy, cũng như vào thời của Đức Giê-su, những tật nguyền thể lý được coi như những hình phạt vì tội lỗi (Ga 9: 1-3). Vì thế, nếu những người mù được mở đôi mắt để thấy, nếu những người điếc được mở đôi tai để nghe, chính vì những nguyên nhân gây nên những đau khổ của họ đã biến mất: những tội lỗi đã được tha thứ.

Không thể chối cải, sấm ngôn mang cung giọng Mê-si-a: “Chính Người sẽ đến cứu anh em”, nghĩa là Ngài bày tỏ lòng xót thương và ban ơn tha thứ cho tội lỗi của thế giới. Việc chữa lành những tật nguyền là tiên báo việc chữa lành tâm hồn. khi Gioan Tẩy Giả băn khoăn muốn biết phải chăng Đức Giê-su thật sự là Đấng Mê-si-a, Đức Giê-su trả lời cho những người được thánh nhân sai đến: “Các ông cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được…” (Mt 11: 4).

Các ngôn sứ đã loan báo như vậy: đây là những dấu chỉ thời Mê-si-a. Tin Mừng hôm nay khẳng định lời loan báo nầy.

BÀI ĐỌC II (Gc 2: 1-5)

Chúng ta tiếp tục đọc Thư của thánh Gia-cô-bê. Bản văn là kim chỉ nam thực hành nhân đức ở đó lý tưởng đức khó nghèo chiếm một chỗ quan trọng.

1. Thái độ phản chứng những giá trị Tin Mừng.

Sự kiện kẻ giàu người nghèo được đối xử khác nhau, trong buổi họp cộng đoàn Kitô hữu, là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đến thái độ phản chứng những giá trị mà Tin Mừng. Thái độ ân cần vồn vã và khúm núm đối với người giàu và thái độ khinh thường đối với người nghèo lại trở nên kỳ chướng hơn nữa khi những người Kitô hữu họp nhau lại là để cầu nguyện và tán dương “Đức Giê-su Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang”.

2. Tình huynh đệ Ki tô hữu:

Thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh rằng tình huynh đệ Ki tô hữu phải được bày tỏ không một chút kỳ thị nào đối với bất cứ ai; xem ra trong cộng đoàn Ki tô hữu gốc Do thái mà thánh nhân ngỏ lời có một sự khác biệt đáng kể giữa những người nghèo và những người giàu của cải và có địa vị trong xã hội. Nên nhắc nhở cho những người giàu chỗ mà Thiên Chúa đã ban cho những người nghèo trong ý định của Ngài. Phù hợp với truyền thống kinh thánh liên quan đến “những người nghèo của Đức Chúa”, thánh Gia-cô-bê liên kết tấm lòng rộng mở và tràn đầy niềm tin với quan niệm về sự nghèo khổ: người nghèo thì “giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc”.

TIN MỪNG (Mc 7: 31-37)

Trong thời kỳ thi hành sứ vụ của Ngài, Đức Giê-su tìm kiếm sự yên tỉnh ngoài miền Ga-li-lê; Ngài lánh xa đám đông dân chúng làm Ngài thất vọng, lánh xa nhóm Biệt Phái quấy rầy Ngài và lánh xa uy quyền của vua Hê-rô-đê mà Ngài có những lý do để sợ. Nỗi bận lòng của Ngài là tận tâm tận lực huấn luyện các Tông Đồ của Ngài. Việc chữa lành người vừa điếc vừa câm là một minh họa.

1. Bối cảnh của câu chuyện:

Trước tiên, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua thành Xi-đon, theo con đường băng qua miền Thập Tỉnh mà đến biển hồ Ga-li-lê, vùng đất không thuộc thẩm quyền của vua Hê-rô-đê. Chính miền Thập Tỉnh này mà chính quyền Rô-ma đã nhượng quyền tự trị chính trị. Đa số dân cư là dân ngoại.

Ở vùng Tia, Đức Giê-su đã chữa lành người con gái của một người phụ nữ xứ Ca-na-an; ở miền Thập Tỉnh, Đức Giê-su chữa lành một người vừa câm vừa điếc.

2. Hiệu quả của việc chữa lành:

Thánh Mác-cô đã dàn dựng cảnh chữa lành nầy khá đặc biệt: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Vào thời Đức Giê-su, nước miếng có những hiệu lực chữa lành, đặc biệt hơn đối với mắt, như một trong những bản văn của sử gia La-tin, Tacite, làm chứng điều nầy (Tacite, Histoire, IV, 8, 1.). Đức Giê-su cũng sẽ dùng cách thức nầy trong việc chữa lành người mù ở Bết-xai-đa (Ga 9: 6). Đang ở giữa vùng đất dân ngoại nên Chúa Giê-su đã thích ứng với lối chữa bệnh phổ biến của môi trường và thời buổi lúc đó, nên chẳng có gì làm ngạc nhiên những đọc giả đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô là những người hiểu biết các tập tục chữa bệnh của những người đương thời với họ.

Tuy nhiên, thành quả chữa lành chính là nhờ vào lời của Đức Giê-su mà thánh Mác-cô trích dẫn bằng tiếng A-ram “Ép-pha-ta” nghĩa là “hãy mở ra”. Ở giữa bản văn Hy ngữ, thánh ký cũng đã gìn giữ bằng tiếng A-ram những lời mà Đức Giê-su đã phán để phục sinh con gái của ông Gia-ia: “Ta-li-tha-khum”, nghĩa là: “Này cô bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (5: 41). Đừng thấy ở đây ý muốn gây nên một điều kỳ lạ đến sửng sốt, nhưng đúng hơn nổi bận lòng về tính xác thực: chính những lời nầy của Đức Giê-su chứ không gì khác, đã có hiệu lực chữa lành và cho người chết sống lại

Người ta có thể nghĩ rằng ở nơi việc Đức Giê-su chữa lành người vừa câm vừa điếc nầy có kèm theo lời cầu nguyện: “Người ngước mắt lên trời” chỉ cho thấy chuyển động của lời cầu nguyện. Sau nầy, Đức Giê-su chữa lành bằng lời cầu nguyện một em bé bị quỷ ám, việc chữa lành nầy khiến các môn đệ phải ngạc nhiên vì họ đã không thể làm nổi vì không kèm theo lời cầu nguyện (Mc 9: 28-29).

3. Ý nghĩa cử chỉ của Đức Giê-su:

Dù thế nào, chúng ta cũng thắc mắc những cử chỉ nầy của Đức Giê-su có ý nghĩa gì, khi kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông và chỉ có các môn đệ Ngài là những chứng nhân. Lời giải thích chắc chắn được gặp thấy ở nơi toàn cảnh của các chương 6, 7 và 8 của Tin Mừng Mác-cô. Kể từ phép lạ bánh hóa nhiều, thánh ký nhấn mạnh tâm trí quá ngu muội của các môn đệ: “Các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (6: 52). Đức Giê-su quở trách sự mù lòa và câm điếc của các ông trước sứ điệp của Thầy mình: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8: 18).

Đúng là những lời quở trách nầy được thốt lên vào thời điểm phân cách hai việc chữa lành: việc chữa lành người vừa câm và vừa điếc ở đây và chữa lành một người mù ở Bết-xai-đa (8: 22-26). Hai việc chữa nầy được trình thuật gần giống nhau. Trong cả hai trường hợp, Đức Giê-su cách ly bệnh nhân; trong cả hai trường hợp, việc chữa lành không ngay lập tức (việc chữa lành anh mù ở Bết-xai-đa được thực hiện qua hai giai đoạn), trong khi anh mù ở Giê-ri-cô được chữa lành ngay lập tức bởi lời của Đức Giê-su mà không cần đến bất kỳ sự đụng chạm nào (Mc 10: 52). Cuối cùng, trong cả hai trường hợp, chỉ các môn đệ là những chứng nhân.

Làm thế nào chúng ta không hiểu ở nơi cử chỉ nầy ý định biểu tượng, một dấu chỉ được diễn tả bằng hành động như hành động biểu tượng mà các ngôn sứ thực hiện kèm theo những lời cảnh báo của họ. Những hành động biểu tượng được diễn tả bằng những cử chỉ điệu bộ như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đập vỡ từng mãnh một bình gốm trước cổng thành Giê-ru-sa-lem để loan báo cuộc tàn phá thành thánh Giê-ru-sa-lem sắp đến gần rồi, hay như ngôn sứ Ê-dê-ki-en thực hiện dáng điệu của một người bị phát lưu trong nhiều ngày liền để loan báo cho đồng bào của mình số phận đang chờ đợi họ. Theo cách nầy, Đức Giê-su lên án sự chậm hiểu của các môn đệ Ngài; Ngài muốn họ hiểu những nổ lực nào mà Ngài phải phô bày để mở tâm trí của họ trước sứ điệp và con người của Ngài: “Hãy mở ra” cũng được gởi đến từng môn đệ của Ngài như với người vừa câm vừa điếc.

4. Bí mật Đấng Mê-si-a:

Một lần nữa, Đức Giê-su truyền cho các môn đệ của Ngài giữ kín chuyện chữa lành nầy, vì thường hằng Ngài sợ họ hiểu lầm phẩm tính Mê-si-a của Ngài. Thánh ký thường hay nhấn mạnh điều nầy mà các nhà chuyên môn gọi là “Bí Mật Đấng Mê-si-a”.

Còn đám đông dân chúng, họ kinh ngạc và tuyên bố: “Ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” nhắc nhớ sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a…Những cử chỉ của Đức Giê-su là những cử chỉ mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo, những dấu chỉ về sự giải thoát khỏi tội lỗi.
 
Đức Giêsu chữa người vừa câm vừa ngọng
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
06:20 01/09/2009
CHÚA NHẬT XXIII B THƯỜNG NIÊN (Mc 7,31-37)

1.- Ngữ cảnh

Sau khi Đức Giêsu bị dân Nadarét loại trừ (6,1-6a), các môn đệ được sai đi rao giảng sự sám hối và trừ quỷ (6,7-13). Nhưng khi Người đề nghị cho đám đông ăn (6,37), thì các môn đệ sửng sốt, cũng ý như khi họ thấy Người đi trên mặt biển (6,51). Những người nghe đọc Tin Mừng có nắm được tương quan giữa khả năng đi trên mặt nước và khả năng nuôi sống đám đông chăng? Việc Đức Giêsu đi vào vùng Dân ngoại (địa hạt Tia và Xiđôn), tại đó Người đã chữa con gái một bà gốc Phênixi xứ Xyri (7,24-30) và chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37) cũng như hóa bánh nhiều lần thứ hai (8,1-10) hẳn là khích lệ các độc giả gốc Dân ngoại nhiều.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Hoàn cảnh (7,31);
2) Đức Giêsu chữa người tàn tật (7,32-35);
3) Lệnh Đức Giêsu cấm phổ biến và phản ứng của dân chúng (7,36-37).

Tuy nhiên, bản văn có gây ra những thắc mắc: nơi chốn không thể xác định; người tàn tật có vẻ thụ động (không có đối thoại, có vẻ các cử chỉ của Đức Giêsu và công thức A-ram quan trọng hơn); vai trò của nước miếng; một lệnh yêu cầu thinh lặng, nhưng không giữ được…

3.- Vài điểm chú giải

- bỏ vùng Tia, đi qua … đến… (31): Lộ trình của Đức Giêsu hơi lạ (đi vòng lên phía bắc, rồi quặt xuống phía đông nam, tiếp tục đi xuống phía nam băng qua Xêdarê Philipphê, đi đến phía đông của sông Giođan, và như thế đến gần hồ Galilê về phía nam, trong phần lãnh thổ Thập Tỉnh). Có lẽ Mc muốn cuộc hành trình xuyên qua một vùng đất phần lớn thuộc Dân ngoại để báo trước sứ mạng của Giáo Hội là phải đến với muôn dân.

- vừa điếc vừa ngọng (32): Từ ngữ Hy-lạp kôphos (x. 7,37; 9,25) có nghĩa là “điếc”. Còn mogilalos (không phải là alalous, “câm”, c. 37) không có nghĩa là mất tiếng hoàn toàn, chỉ có nghĩa là nói khó khăn (vì thế, đến c. 35: “anh ta nói được rõ ràng”).

- Người kéo riêng … (33): Mc mô tả phép lạ này theo tập tục thời đó trong thế giới hy-la: tránh những cặp mắt hiếu kỳ, sự đụng chạm bằng tay, dùng nước miếng, nhìn lên trời, thở dài, những lời nói bằng tiếng ngoại quốc. Những chi tiết này phản ánh lối chữa bệnh thời đó, nhưng cũng rất có thể là những quy ước của một thể văn (x. K. Kertelge; K. Tagawa; A. Duprez).

- đặt ngón tay vào lỗ tai: Những hành vi biểu tượng của Đức Giêsu, mà những người chữa bệnh hy-la và Do-thái thường làm, gợi ý cho người tàn tật biết rằng anh rất có thể được chữa lành.

- nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi: Sử gia Pliniô kể rằng hoàng đế Vespasianô đã chữa một người mù bằng nước miếng (Hist. nat. 28, 4,7; Tacite, Hist. 6,18). Bài tường thuật này, cũng như những bài Mc 8,23 và Ga 9,6, là những dịp trong đó kể rằng Đức Giêsu đã dùng nước miếng. Chúng ta không được biết chắc chắn nước miếng được sử dụng như thế nào. Có những thủ bản cho rằng nước miếng được bôi trên môi, hoặc đặt vào miệng như một cử chỉ tượng trưng; trong khi có những dị bản nói là cả ở trên tai nữa. Bản văn là “nhổ và chạm lưỡi anh”, và Zerwich & Grosvenor giải thích: “bằng nước miếng”. Mann cho rằng các hành vi này chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi.

- Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng (34): Những cử chỉ này diễn tả Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa và động lòng thương người tàn tật. Không nên coi các cử chỉ này như là yếu tố của nghi thức ma thuật.

- Ép-pha-tha: Câu “Hãy mở ra” là lời dịch nghĩa từ Hy-lạp ephphtha phiên âm từ A-ram ippơtah (hoặc itpơtah), do động từ phatah là “mở ra”.

- tai mở ra, lưỡi hết bị buộc (35): Đây là chi tiết văn chương nhằm nói rằng Đức Giêsu không phải chỉ là một người chữa bệnh; chân tính Người là khác, và người ta chỉ biết được rõ ràng chân tính của Người khi theo Người đến chân thập giá và đến cuộc Phục Sinh.

- ông làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được (37): Nhận định này của đám đông nhắc tới Isaia 35,5-6, mà đoạn văn Isaia này là một phần thuộc về cái nhìn tương lai vinh quang của Israel (Is 34–35). Bản văn Cựu Ước này được sử dụng ở đây, điều này chứng tỏ rằng tương lai vinh quang của Israel đã hiện diện trong sứ vụ của Đức Giêsu.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Hoàn cảnh (31)

Có lẽ câu truyện bắt đầu từ c. 32, còn Mc đã tạo ra c. 31 để cung cấp một cái khung địa lý cho bản văn, vì chúng ta biết rằng Xiđôn đã được nói đến ở 3,8, còn Thập Tỉnh đã được nhắc đến ở 5,20. Vậy c. 31 là câu nối bản văn với phần đi trước. Các chi tiết gom lại ở đây muốn nói đến các miền đất ngoại giáo chung quanh Galilê và nêu bật chủ trương phổ biến Tin Mừng sang đất Dân ngoại.

* Đức Giêsu chữa người tàn tật (32-35)

Cuộc chữa bệnh có những cách thực hành quen thuộc trong các truyện phép lạ thời đó. Đức Giêsu đưa anh bệnh ra riêng. Tất cả chuyện này có ý là giữ bí mật cách trị liệu của vị thầy. Các cơ quan có bệnh được chạm đến. Vị thầy ấn ngón tay trên hai tai điếc, rồi bôi nước miếng lên cái lưỡi ngọng. Ngước mắt lên trời là để xin sức mạnh siêu phàm; thở dài hay rên cũng nhắm như vậy. Tiếng epphatha trong bối cảnh phép lạ Hy-lạp là lời phù chú không ai hiểu được; nhưng trong Mc, từ này đã được dịch ra rõ ràng (tương tự 5,41). Đức Giêsu cho người ta biết rõ ràng quyền lực của Người. Đây là lời Người nói với anh bệnh cho đến lúc này vẫn chưa có khả năng nghe được, chứ không phải là nói với các cơ quan bị bệnh. Tức khắc, anh này được lành; sự kiện anh được lành được nêu ra như một điệp khúc đáp lại lời vừa được truyền ra. Rất có thể chi tiết “lưỡi bị buộc” có ý nói đến tên quỷ của bệnh, mà nay anh này đã được giải thoát khỏi.

* Lệnh Đức Giêsu cấm phổ biến và phản ứng của dân chúng (36-37)

Đức Giêsu truyền cả anh bệnh đã lành cũng như những người có mặt phải giữ im lăng. Nhưng những người đã đón nhận được mạc khải trong phép lạ này không thể giữ kín được. Phản ứng hứng khởi của dân cho ta lời giải nghĩa thần học của phép lạ. Nhờ hoạt động của Đức Giêsu, cuộc tạo thành đã hư hỏng nay được tái thiết (x. St 1,31).

+ Kết luận

Đọc lướt qua, chúng ta thấy đây là một bài tường thuật về một phép lạ chữa bệnh. Thật ra, bài này, cùng với các bài tường thuật về việc chữa người mù (8,22tt; 10,46tt) là một lời cam kết rằng Đức Giêsu có thể mở tai, tháo lưỡi, mở mắt cho các môn đệ, và là một lời mời gọi các ông tin tưởng vào Người, và để Người giúp các ông. Hãy nhìn nhận sự giải thoát mà Người đã mang lại cho chúng ta. Cũng hãy cố gắng đón nhận sự giải phóng mà Người đang muốn ban cho chúng ta, trên nẻo đường Người đang mở ra trước mắt chúng ta, xuyên qua những ngờ vực và những nỗi sợ hãi, mà tiến về vinh quang của Người.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải có tâm tình tha thiết của Người là đưa Tin Mừng đến cho các Dân ngoại.

2. Các môn đệ đã không hiểu bản thân và sứ mạng của Đức Giêsu nên đã bị Người trách (7,18; 8,17-21). Sự kiện Đức Giêsu đã mở tai của người điếc cho hiểu rằng Người có thể ban sự hiểu biết cần thiết để người ta sống đức tin.

3. Theo thánh Bêđa (PL 92,203t), người Kitô hữu nào không lắng nghe Lời Chúa là người điếc và kẻ nào không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nước miếng mà Đức Giêsu bôi vào lưỡi anh câm có nghĩa là sapor Domini sapientiae (hương vị của sự khôn ngoan của Chúa); còn ngón tay mà Đức Giêsu ấn trên tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Thánh Thần (x. Lc 11,20).
 
Đoạn Khúc Tin Mừng
Xuân Ly Băng
10:24 01/09/2009
1. Chắc gì sống đến ngày mai
Đêm đêm con hãy hát bài “vực sâu”
Lời thơ Thánh Vịnh nhiệm mầu
Giúp con tỉnh thức hát câu “sẵn sàng”

2. Cây lau đã dập, lau ơi!
Chúa không nỡ bẻ vì Ngài thương em
Ngọn đèn leo loét cây đèn
Chúa không nỡ tắt “bởi đêm còn dài
Hát lên tình Chúa, ai ơi!
Lòng Ngài như biển như trời mênh mông”

3. Bắt con cá xấu quẳng xa
Đứt từng khúc ruột ai mà biết cho
Nhìn con cá tốt dặn dò
Nằm yên nghe dịu tiếng hò lơ xa
Ngư ông bỏ bến về nhà
Tiếng chuông nhật một từ xa vọng về

4. Trước đây đã chẳng có con
Sau này con sẽ chẳng còn nữa đâu
Lặng thinh con hãy cúi đầu
Mà nghe tiếng gọi nhiệm mầu… nhân sinh!

TRĂNG MÂY VÀ GIÓ

Trăng non một mảnh gối trên mây
Mây béo phương phi trăng ốm gầy
Thử hỏi tại sao mây béo vậy?
Mây nhờ chị gió trả lời thay

Gió đáp: thương tình trăng với mây
Chị dừng chân nghỉ ít phút giây
Chứng kiến mối tình trăng mây đẹp
Rồi chị vội vã lên đường ngay

Gió đi ta thấy đám mây tan
Vành trăng ứa lệ khóc cô đơn
Ta bảo: trăng ơi, kêu cầu Mẹ
Có Mẹ là trăng hết u buồn.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:41 01/09/2009
PHƯƠNG PHÁP LÀM GIÀU

N2T


Con kiến hỏi:

- “Có cách gì có thể làm cho chúng ta thêm giàu có không?

Đấng tạo hóa nói:

- “Có, sự thoả mãn”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Con người ta thường có túi tham không đáy.

Bạn thử lấy cái thùng không đáy mà đi gánh nước xem sao? Gánh cả ngày cũng không được một… lon sữa bò, chứ đừng nói là một thùng lớn.

Lòng tham không đáy tức là không bao giờ thoả mãn với những gì mình có: có tiền muốn có thêm, có xe rồi đòi mua xe model hơn, có ti vi đòi mua video, có vi tính đòi “chơi” mạng lưới internet hiện đại hơn, có vợ rồi lại đòi thêm vợ nữa.v.v…

Vậy mà Đấng tạo hóa lại nói thoả mãn là làm thêm sự giàu có, thật rắc rối ?

Nhưng lời Ngài nói đếu là sự thật, nếu chúng ta thoả mãn với những gì mình có, rồi vui thú hưởng thụ những gì mình đang có với tất cả vui vẻ và tạ ơn, mà không mơ ước được như người này người nọ, không ghen tương hậm hực với người khác, không phải là ta đã giàu có sao?

Thỏa mãn chính là vui vẻ chấp nhận những gì mình đang có, đó chính là sự giàu có rất dễ dàng tìm kiếm trong cuộc sống của chúng ta.

-------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:43 01/09/2009
N2T


43. Đức khiêm tốn là nhận ra địa vị vốn có của mình, là nhìn mình rất đáng khinh dễ.

(Thánh Laurence)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:44 01/09/2009
N2T


215. Tất cả sự nghiệp vĩ đại hoặc tất cả sự nghiệp lớn, thì đều do tổ hợp các công việc nhỏ mà thành.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
An ninh cho Đức Giáo Hoàng tại Cộng hòa Séc còn cao hơn cả an ninh cho Obama
Peter Nguyễn Minh Trung
19:52 01/09/2009
PRAGUE, CZECH - Chính quyền Cộng hòa Séc đang ráo riết chuẩn bị các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất dành cho Đức Giáo Hoàng Benedict XVI khi ngài viếng thăm nước này vào thượng tuần tháng 9 tới. Các giới chức cho biết biện pháp đảm bảo an ninh cho Giáo hoàng còn quy mô và nghiêm ngặt hơn cả an ninh mà Séc đã thực hiện khi tổng thống Mỹ Barack Obama đến đây vào đầu tháng 4.

Giám đốc lực lượng an ninh cảnh vệ Séc Lubomir Kvicala cho biết sẽ có rất nhiều người tham dự các biến cố Giáo hoàng và yêu cầu an ninh sẽ lớn hơn so với các vị nguyên thủ khác. Ông nói: "Chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều người đến các nơi công cộng hơn, vì thế các biện pháp an ninh phải được xiết chặt và tăng cao hơn cả an ninh trong chuyến thăm của tổng thống Obama."

Hồi tháng 04, khi tổng thống Obama tham dự hội nghị không chính thức giữa EU và Mỹ tại Prague, đã có 15,000 người theo dõi bài phát biểu của ông tại chỗ.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ thăm Séc trong 3 ngày từ 26-09 đến 28-09, và dự kiến sẽ có 120,000 người đổ về tham dự Thánh lễ tại sân bay Brno-Turany do ngài chủ sự. Đây là nhiệm vụ nặng nề với an ninh Séc.

Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ đến Nhà thờ Mẹ Chiến Thắng tại thủ đô Prague. Nơi đây, tổng thống Séc Vaclav Klaus và các quan chức cao cấp của chính phủ Séc sẽ nghinh đón ngài. Tiếp đó, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành buổi đọc kinh chiều với hàng giáo sĩ Cộng hòa Séc tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Vitus.

Chúa nhật 27-09, Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Brno, thủ phủ của vùng Moravia, ngài sẽ cử hành thánh lễ ở sân bay Brno-Turany rồi làm phép chuông và đặt viên đá đầu tiên xây dựng các công trình nhà thờ tại đây.

Buổi chiều cùng ngày Đức Thánh Cha sẽ trở lại Prague để gặp gỡ giới tri thức và đại biểu các Hội đồng Giáo hội tại Séc.

Thứ hai 28-09, ngày cuối cùng của chuyến tông du và cũng là Lễ kính Thánh Wenceslas, bổn mạng thành Bohemia, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành thánh lễ tại Stara Boleslav, cách Prague không xa về phía Bắc, nơi Thánh Wenceslas chịu tử đạo vào đầu thế kỷ thứ 10. Nơi đây trở thành địa điểm hành hương vào mỗi dịp 28-09 hằng năm.

Trước khi lên máy bay trở về Rome, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ Séc.

Cộng hòa Séc là một quốc gia đa số vô thần. Với dân số hơn 10 triệu người, trong đó 59% dân chúng không theo tôn giáo hoặc không biết mình thuộc tôn giáo nào, 27% nói họ là người Công giáo, 2% theo phái Tin Lành kháng cách và 12% theo các tôn giáo khác.

Tưởng cũng nên nhắc lại, tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus đã đến Vatican triều yết Đức Thánh Cha Benedict XVI vào ngày 30-05-2009 và nhân đó đặt lời mời Đức Giáo Hoàng tông du Séc.

Benedict XVI là vị Giáo hoàng thứ hai thăm Cộng hòa Séc. Vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã tông du Séc 3 lần vào các năm 1990, 1995 và 1997.

Đây sẽ là chuyến tông du nước ngoài chính thức lần thứ 13 của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI.

(Theo: LHLA International)
 
Cảnh sát Séc sẽ lái Popemobile cho Đức Giáo Hoàng
Peter Nguyễn Minh Trung
19:56 01/09/2009
PRAGUE (CTK) - Giám đốc sở an ninh cảnh vệ Séc Lubomir Kvicala cho biết các sĩ quan của ông sẽ đảm trách việc lái chiếc xe Popemobile của Đức Giáo Hoàng khi ngài tông du Séc.

Kvicala cho biết khoảng 200 cảnh sát đặc nhiệm dưới quyền ông và hàng ngàn cảnh sát từ những nơi khác sẽ tham gia vào chiến dịch lớn chưa từng có để bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm Séc của ngài theo lời mời của tổng thống Vaclav Klaus. Cảnh sát Séc đang có một tháng làm việc hết công suất để đảm bảo các biện pháp cần thiết cho chuyến thăm kéo dài ba ngày của ngài bắt đầu từ 26 đến 28-09-2009.

Theo ước tính của Bộ ngoại giao và Bộ nội vụ Séc, chi phí đảm bảo an ninh cho Giáo hoàng lên tới con số hàng chục triệu cua-ron (tiền Séc). Đoàn tùy tùng của Đức Thánh Cha gồm có 21 giới chức Tòa Thánh và 10 nhân viên ngoại giao.

Ngày 26-09, tổng thống Klaus sẽ hội kiến với Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, trong khi thủ tướng nước này ông Jan Fishcher sẽ tiếp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone.

Ông Kvicala cho biết, an ninh được tăng cường mạnh mẽ hơn thường lệ dành cho Đức Giáo Hoàng so với các nguyên thủ quốc gia khác vì ngài lôi kéo được những đoàn người khổng lồ đến các nơi công cộng để tham gia vào biến cố Giáo hoàng mà những nguyên thủ khác, kể cả tổng thống Mỹ Obama, không làm được. Đặc biệt là thánh lễ cử hành ngoài trời tại sân bay Brno-Turany ngày 27-09. Người ta ước tính sẽ có hơn 120,000 đến tham dự, kể cả những khách đến từ nước ngoài.

Các biện pháp an ninh tăng cường mạnh mẽ cũng sẽ được triển khai tại Stara Boleslav ngày 28-09, nơi Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ tại một cánh đồng lớn bên ngoài thành phố để kính Thánh Wenceslas, thánh bổn mạng của Cộng hòa Séc, chịu tử đạo năm 935.

Hai sự kiện tổ chức ngoài trời trên là những bài toán làm đau đầu giới an ninh Séc nhất. Ngoài số cảnh sát dưới mặt đất, Séc còn huy động những tay súng bắn tỉa án ngữ mọi điểm cao, thánh lễ tại sân bay Brno-Turany và cánh đồng Stara Boleslav còn được trực thăng quân đội tuần tiễu bảo vệ trên trời. Sở an ninh cảnh vệ nước này thậm chí còn sử dụng cả những đoàn xe hộ tống giả để đánh lạc hướng các kế hoạch theo dõi lịch trình của Giáo hoàng. Chó nghiệp vụ sẽ được triển khai trên mọi nẻo đường của thủ đô Prague và mọi xe cộ bị cấm lưu thông trong phạm vi có các sự kiện Giáo hoàng xảy ra.

Cũng dịp này, hai chiếc Popemobile bọc kính đời M-class và E-class đã sẵn sàng lên đường trước khi Đức Benedict XVI đến Séc. Ông Kvicala cho hay, hai chiếc xe chống bom đạn đặc biệt của Đức Thánh Cha sẽ được chuyển tới Séc bằng xe tải, chiếc Popemobile mui trần dòng G-class 500 còn lại sẽ vẫn ở Vatican.

(Theo: CTK, Prague Daily)
 
Công Giáo Hy Lạp: Giáo Hội thiểu số bị kỳ thị
Linh Tiến Khải
06:26 01/09/2009
Trong những ngày hạ tuần tháng 8 năm nay 2009 Hy Lạp được báo chí thế giới chú ý vì các vụ cháy rừng chung quanh thủ đô Athènes. Hàng chục đám cháy đã thiêu rụi 30.000 mẫu rừng cây và khiến cho 20.000 người phải di tản. Điều đáng buồn là rất thường khi một nước chỉ được thế giới lưu tâm khi xảy ra những tai tương như thế. Trong khi cũng có nhiều chuyện khác đáng được chú ý, nhưng vẫn không có ai nhắc tới. Điển hình là sự kỳ thị và các khó khăn mà Giáo Hội Công Giáo đã phải gánh chịu từ bao thập niên qua.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Nikolaos Foskolos, Tổng Giám Mục thủ đô Athènes, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hy Lạp, về hiện tình Giáo Hội Công Giáo tại đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha Foskolos, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp là một thiểu số sống trong các cộng đoàn rải rác tại nhiều đảo khác nhau. Nhưng hiện nay càng ngày càng có thêm các tín hữu công giáo nước ngoài gia nhập, khiến cho các cộng đoàn công giáo hy lạp trở thành quốc tế. Tín hữu sống tập trung ở đâu đông nhất thưa Đức Cha?

Đáp: Để có thể hiểu tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp cần chú ý tới các thống kê sau đây. Hy Lạp rộng 132.000 cây số vuông có khoảng 11 triệu dân, trong đó 97% theo Chính Thống. Chính vì thế khoản 3 của Hiến Pháp khẳng định Chính Thống giáo là quốc giáo. Hậu qủa là đối với đa số các tín hữu chính thống hy lạp, ai không theo Chính Thống thì không thực sự được coi là người Hy lạp. Các Giáo Hội Kitô khác và các tôn giáo khác đều được gọi một cách chính thức là ”tôn giáo ngoại quốc”.

Thế rồi cũng có một thiểu số hồi giáo, đặc biệt trong vùng Tracia gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, một cộng đoàn do thái nhỏ, và nhiều cộng đoàn tin lành. Ngoài ra trong các năm qua người ta cũng nhận thấy có sự hiện diện của nhiều giáo phái khác nhau gốc Mỹ.

Tín hữu công giáo hy lạp được khoảng 50.000 người, tức chiếm 0,5% tổng số dân. Vì thế Giáo Hội Công Giáo là một tôn giáo thiểu số. Đặc biệt trong các đảo tín hữu công giáo có cùng tên gọi, tên họ và có cùng các truyền thống như nhau và phần đóng góp của họ cho nền văn chương tân hy lạp rất là đáng kể.

Đa số các tín hữu công giáo hy lạp sống trong thủ đô Athènes, là thành phố có khoảng 4 triệu dân. Một số khác sống trong các đảo Cicladi, đặc biệt là tại Syros có 8.000 người, tại Tinos có 3.000 người. Tại đây có những làng toàn tòng công giáo. Thế rồi trên đảo Corfù, Patrasso, Slonicco, Giannitsà, Kavala và Volos, và trong các thành phố khác bên trong lục địa cũng có các tín hữu công giáo. Nhà thờ tại Nafplion và một nhà thờ khác tại Aspra Spitia phục vụ các tín hữu công giáo du lịch đến thăm viếng Micene, Episauro và Delfi. Tín hữu công giáo cũng sống tại nhiều đảo khác như Creta, Rodi, Kos, Naxos, Santorini, Samos, Chios, Cefalonia, Zante, vv...

Hầu hết các tín hữu công giáo hy lạp theo lễ nghi Roma; có khoảng 2.500 người theo lễ nghi Bisantin, và vài trăm theo lễ nghi armeni.

Hỏi: Thưa Đức Cha, do vị trí địa lý của nó, từ thời rất xa xưa Hy Lạp đã là nơi gặp gỡ giữa các nền văn minh. Mới đây làn sóng di dân và con số người tị nạn đã ghi đậm dấu trong lịch sử chính trị và tôn giáo của vùng đất này. Họ đã gia nhập các cộng đoàn nào và Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp đã đề ra các sáng kiến mục vụ nào để đáp ứng các nhu cầu của họ?

Đáp: Trong các thập niên qua số tín hữu công giáo đến từ khắp nơi trên thế giới gia tăng liên tục và họ đã hội nhập hoàn toàn vào cuộc sống tại Hy Lạp. Số tín hữu nước ngoài đã vượt xa số tín hữu tại Hy Lạp. Thêm vào đó có rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Italia đã lấy chồng người Hy Lạp, khi các thanh niên hy lạp này du học hay làm việc tại nước ngoài. Cả ngành du lịch cũng đã tạo cơ hội cho các hôn nhân hỗn hợp này.

Ngoài các anh chị em công giáo đã hội nhập hoàn toàn vào cộng đoàn công giáo đia phương, còn có hàng chục ngàn tín hữu công giáo ”tạm trú” vì lý do nghề nghiệp hay tị nạn chính trị, từ vài tháng tới vài năm.

Chẳng hạn như người Ba Lan có kỳ đã lên tới 120.000, nhưng hiện nay còn 40.000 người. Người Phi Luật Tân khoảng 45.000 trong đó 15.000 người sống trong thủ đô Athènes. Cũng có 4.000 người Irak thuộc lễ nghi công giáo Canđê đặc biệt sống trong thủ đô Athènes. Bên cạnh đó cũng có người gốc Albani sống rải rác đó đây; người Ucraine và người Rumani và các tín hữu công giáo thuộc các nước cựu Liên Xô, và một số tín hữu công giáo thuộc các nước vùng Trung Đông và Phi châu.

Như thế tổng cộng tất cả tín hữu công giáo tại Hy Lạp lên tới 250.000 người. Không có thống kê chính thức, vì nhiều người di cư bất hợp pháp.

Hỏi: Liên quan tới nhân lực của Giáo Hội thì sao thưa Đức Cha?

Đáp: Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp có 6 Giám Mục: 4 thuộc nghi lễ Roma, 1 thuộc nghi lễ Bisantin, 1 thuộc nghi lễ Armeni đồng thời cũng là Giám Mục đặc trách các tín hữu công giáo Armeni sống tại Iran, Armenia và Georgia vv...

Chúng tôi có 51 linh mục giáo phận và 35 linh mục dòng. Cũng có nhiều dòng tu nam nữ hoạt động tại Hy Lạp như các cha dòng Tên, các cha dòng Đức Mẹ hồn xác lên trời, các cha Ladarist, Phanxicô, Đaminh, Marist, các Sư Huynh La San, nữ tu các dòng Cát Minh, Da Minh, Ursulin, Thánh Giuse hiện ra, các nữ tu Bác Ái, Thừa Sai bác ái của Mẹ Terexa Calcutta, các Tiểu muội Chúa Giêsu, các nữ tu Thánh Giá và các nữ tu Pammakàristos là hai dòng giáo phận.

Trên bình diện mục vụ, khó khăn chính là sự kiện các tín hữu ở rải rác nhiều nơi, trong khi Giáo Hội rất thiếu thốn nhân lực.

Từ đó cũng nảy sinh ra các hậu qủa khác mà Giáo Hội phải đương đầu mỗi ngày như: hôn nhân hỗn hơp, tụ họp trẻ em để dậy giáo lý, các sáng kiến mục vụ cho giới trẻ, việc đào tạo các cộng đoàn và hiệp hội vv.... Chính sự kiện tín hữu ở rải rác khắp nơi như thế, nên ngay trong thủ đô Athènes các linh mục và tu sĩ nam nữ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong hai thập niên cuối cùng này, khi các dòng tu có qúa ít ơn gọi.

Hỏi: Như Đức Cha đã cho biết trên đây mặc dù Giáo Hội dấn thân và luôn luôn lo lắng cho tín hữu, nhưng sự kiện các cộng đoàn hiện diện rải rác khắp nơi trong toàn nước khiến cho công tác mục vụ gặp rất nhiều trở ngại. Thế Giáo Hội đã đương đầu với vấn đề này như thế nào?

Đáp: Số các linh mục và tu sĩ hoạt động trong lãnh vực mục vụ để trợ giúp các cộng đoàn xem ra nhiều đối với các tín hữu nói tiếng Hy Lạp, nhưng tuổi trung bình của các vị cao qúa, khiến cho việc mục vụ cũng trở thành khó khăn hơn.

Chúng tôi cần có các linh mục gốc của những người di cư tị nạn cho công tác mục vụ. Các linh mục nói tiếng Ba Lan, Albani, A rập, Phi Luật Tân vv... Đối với chúng tôi nói tiếng của họ đã khó, hiểu được tâm thức của họ lại càng khó hơn. Để cứu vãn lòng tin của thế hệ đầu di cư tới Hy Lạp và hội nhập vào cuộc sống giáo hội địa phương, cần phải có sự hiện diện của các linh mục hay các tu sĩ đồng hương của các anh chị em này.

Hỏi: Sau chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn Giáo Hội Chính Thống tại Vaticăng hồi tháng 3 năm 2002, và chuyến viếng thăm chính thức của Đức Hồng Y Walter Casper, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô tại Atènes hồi tháng 2 năm 2003, tương quan giữa Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Công Giáo đã có được sức tiến mới. Đã có các mầm giống nào nảy sinh trong các năm qua thưa Đức Cha?

Đáp: Các yếu tố nối kết Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp với Giáo Hội Công Giáo thì nhiều hơn các yếu tố chia rẽ. Mặc dù vậy tại Hy Lạp không có phong trào đại kết chính thức.

Sau chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày mùng 4 tháng 5 năm 2001, các chuyến viếng thăm trao đổi chính thức giữa phái đoàn hai bên hồi tháng 2 năm 2002 và tháng 2 năm 2003, và nhất là sau chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục Christodoulos tại Roma hồi tháng 12 năm 2006, người ta thấy đã có các liên lạc với Giáo Hội Công Giáo địa phương. Nhưng thời gian qua đi, và người ta thấy tình hình cũng không thay đổi.

Trái lại trong vài năm qua người ta còn ghi nhận một khuynh hướng chính thống qúa khích gia tăng từ phía vài Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giaó dân nam nữ chính thống ”sống đạo”.

Dĩ nhiên, chúng tôi không chờ đợi các phép lạ lập tức xảy ra sau các chuyến viếng thăm chính thức đó. Hai Giáo Hội chưa biết nhau đủ, và lịch sử qúa khứ vẫn còn đè nặng trên vai chúng tôi, đặc biệt các biến cố của cuộc thập tự chiến thứ tư, mà hồi năm 2004 người ta đã kỷ miệm 800 năm.

Tuy không có cuộc đối thoại đại kết chính thức trên bình diện của các Giáo Hội, nhưng có cuộc đối thoại đại kết trên bình diện thực tế. Trong các buổi cử hành phụng vụ trong các nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo như rửa tội, đám cưới, đám tang, các lễ bổn mạng vv... có rất nhiều anh chị em chính thống tham dự thánh lễ, vì đó là các hôn nhân hỗn hợp hay vì các bổn phận xã hội. Như thế các tín hữu chính thống có thể trông thấy thực tại của Giáo Hội Công Giáo và thay đổi thái độ thường là bài công giáo của họ, vì các thành kiến có từ khi theo học các trường chính thống hồi còn nhỏ. Tại một số đảo như Syros, Tinos và Corfù, thái độ của anh chị em chính thống có khác, vì số tín hữu theo công giáo tại đây cao.

Hỏi: Mặc dù có các nỗ lực đối thoại nhưng trên thực tế Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp vẫn bị kỳ thị và chịu nhiều thiệt thòi, có đúng thế không thưa Đức Cha Foscolos?

Đáp: Vâng, đúng thế. Các biến cố lịch sử trong qúa khứ, việc thiếu đối thoại đại kết và liên hệ chặt chẽ giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo đưa tới hậu qủa là sự kỳ thị tôn giáo vẫn tồn tại đối với Giáo Hội Công Giáo, mặc dù Hy Lạp là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu châu. Chẳng hạn trong hôn nhân hỗn hợp giữa một tín hữu chính thống và một tín hữu công giáo và ngược lại, thì phía chính thống vẫn buộc phải để cho con cái của họ được rửa tội và giáo dục trong niềm tin chính thống.

Trong dịp Thế Vận Hội năm 2004 nhà thờ chính tòa thánh Dionigi, là một công trình xây cất kiểu tân cổ điển rất đẹp nằm ở trung tâm thủ đô Athènes, đã không được chính quyền cho bắt đèn pha chiếu sáng, trong khi tất cả mọi dinh thự chính trên cùng đại lộ đều được chiếu đèn sáng trưng. Thế rồi cho tới nay Bộ trưởng văn hóa Hy Lạp vẫn tìm ra các lý do để không đóng góp cho viỆc tu sửa nhà thờ chính tòa bị hư hại vì trận động đất hồi năm 1999, và cũng không thèm trả lời nhiều thơ thỉnh cầu của Giáo Hội Công Giáo, trong khi tất cả mọi nhà thờ chính thống đều được chính quyền tài trợ cho việc trùng tu. Hiện nay nhà thờ chính tòa công giáo trở thành nguy hiểm, nếu xảy ra một trận động đất khác.

Hỏi: Trong tình trạng này có dấu hiệu hy vọng vào không thưa Đức Cha?

Đáp: Có một vài mầm giống hy vọng. Mặc dù có sự chống đối của các tín hữu chính thống cực đoan, Đức Cha Crisostomos, Tổng Giám Mục giáo phận chính thống Messinia, đã dành cho phía công giáo một nhà nguyện đối diện với tòa Tổng Giám Mục, để làm việc mục vụ cho tín hữu sống trong vùng Peloponneso, vì khu vực này không có nhà thờ công giáo.

Ngày mùng 10-5-2009 trong Năm Thánh Phaolô chúng tôi đã cử hành Kinh Chiều tại khu vực Aeropago, nơi thánh Phaolô đã rao giảng cho dân thành Athènes xưa kia. Nhân dịp này Cha chính giáo phận chính thống Athènes đã cho chúng tôi mượn bức hình thánh Phaolô được tôn kính trong nhà thờ chính tòa chính thống, và bức hình này đã được đặt tại chính nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tới cầu nguyện trong chuyến công du Hy Lạp ngày mùng 4 tháng 5 năm 2001.

Chúng tôi sống trong niềm hy vọng. Với các anh chị em đến từ nhiều nước trên thế giới Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp tiếp tục con đường của mình mình bằng cách làm chứng cho lòng tin công giáo và xác tín rằng đã được Chúa Quan Phòng đặt để như một cây cầu nối liền Đông Phương và Tây Phương.

Chúng tôi chắc chắn là Thiên Chúa, qua Chúa Thánh Thần, là Đấng trao ban sinh khí, sẽ tìm ra cách thức để tạo ra con đường hiệp nhất giữa các tín hữu, mặc dù các yếu đuối của chúng tôi. (ZENIT 21-8-2009)
 
Lời Nguyện Giáo Dân trong Thánh Lễ an táng Cố TNS Ted Kennedy
Lễ An Táng
08:21 01/09/2009
Lời Nguyện Giáo Dân trong Thánh Lễ an táng Cố TNS Ted Kennedy
(Thu lại qua buổi truyền hình trực tiếp và chuyển ngữ)

Chúng ta cùng cầu nguyện, không phải chỉ cho Cố Thượng nghị sĩ Teddy Kenedy, mà còn cho những người chúng ta còn ở lại.

Trong số anh em, thì TNS là người em út trong gia đình. Cho nên giờ đây, các cháu nội ngoại, các cháu nam nữ nhỏ tuổi nhất, và người con út, sẽ dâng những lời cầu nguyện.

Cố TNS đã 47 năm phục vụ cho đất nước và người kêu gọi tất cả chúng ta cùng ra sức phục vụ. Chúng ta sẽ dùng những lời của Người trong giờ cầu nguyện này, vì công việc, những đóng góp của Người lúc sinh tiền chính là lời cầu nguyện cho đất nước chúng ta, và cho toàn thế giới.


Kiley Kennedy: Vì sự dấn thân và sự kiên trì của ông, không phải dành cho những giá trị đã bị mài mòn, mà dành cho những giá trị không bao giờ bị mai một. Xin cho những người nghèo, mặc dù không tham gia chính trường, nhưng không bao giờ bị cướp mất những nhu cầu của con người. Hoàn cảnh có thể thay đổi, nhưng những hành động cảm thông, chia xẻ mãi luôn luôn tiếp tục. Chúng con cầu xin Chúa.

Grace Allen: Vì những những lời kêu gọi của ông. Xin cho chúng ta sống trong đất nước này, không đánh giá đồng loại qua những điều họ không làm được, nhưng đánh giá họ bằng những điều họ đã thực hiện được.

Max Allen: Vì những điều mà ông gọi là lý tưởng của cuộc sống, như ông thường phát biểu trên mọi miền đất nước. Xin cho mọi người dân Mỹ đều có được sự chăm sóc y tế đầy đủ, như là một quyền căn bản, chứ không phải là một thứ đặc quyền đặc lợi. Chúng con cầu xin Chúa.

Jack Kennedy Schlossberg: Vì một khung trời hy vọng mới mà chú Ted đã nhìn thấy, nơi chúng ta có thể vươn tới những lý tưởng cao đẹp nhất, loại bỏ một nền chính trị phân biệt chủng tộc, phái tính; nhóm này chống lại nhóm khác, mâu thuẫn giữa các định hướng phái tính. Chúng con cầu xin Chúa.

Cháu gái: Vì lời kêu gọi của chú Teddy, kêu gọi chúng ta biết giữ lời hứa. Xin cho mọi người đang sống trên mảnh đất này, kể cả những người xa lạ, những người mới đến, có thể được vươn lên, không phân biệt màu da, không phân biệt nơi họ sinh ra. Cho những công nhân đang thất nghiệp, những sinh viên không đủ khả năng theo đuổi việc học, những gia đình không có cơ hội để sở hữu một ngôi nhà. Cho tât cả công dân Mỹ đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, một miền đất tốt đẹp hơn, cho tất cả những ai bị chối bỏ, bị tụt hậu. Chúng con cầu xin Chúa.

Cháu gái: Vì lập trường chống bạo lực, hận thù, chiến tranh, và niềm xác tín rằng nền hòa bình chỉ có thể được duy trì bằng chiến thắng của công lý, và công lý thực sự chỉ có thể thực hiện được nhờ vào những hoạt động vì hòa bình. Chúng con cầu xin Chúa.

Cháu trai: Như Chú Teddy đã từng phát biểu trước hàng ngàn, hàng triệu người, mong rằng người cũng nói về chúng ta, trong những gian đoạn tối tăm cũng như tươi sáng, “Theo như lời Tennyson, những lời mà anh em chúng tôi từng trích dẫn và rất yêu thích, những lời mang một ý nghĩa đặc biệt cho chúng ta hiện tại. 'Tôi là một phần của những người tôi gặp gỡ, tiếp xúc. Mặc dù mất đi nhiều, những vẫn còn nhiều. Chúng ta đã là gì, chúng ta vẫn là vậy. Cùng có một trái tim anh hùng, một ý chí kiên cường, luôn nỗ lực vươn tới, luôn biết tìm kiếm, và không bao giờ chịu đầu hàng.'” Chúng con cầu xin Chúa.

Rory Kennedy: Vì niềm vui mà tiếng cười của Chú Teddy và sự hiện diện của Chú mang lại, những đóng góp hiếm có và cao quý của Chú cho tinh thần nhân loại. Vì niềm xác tin rằng, trên Thiên đàng, có cha mẹ, anh chị em, và tất cả những người đã đi trước, sẽ đón tiếp Chú trở về nhà Chúa. Và trong tương tai, khi mà những người chúng ta còn lại trên dương trần, tưởng nhớ tới người, sẽ thấy người vui đùa, âu yếm thân mật cùng đại gia đình trên con thuyền, như chúng ta đã từng có những giây phút đầm ấm đó trên vùng biển Nantucket Sound. Chúng con cầu xin Chúa.

Teddy Kennedy: Vì lời hứa mạnh dạn của ông vào mùa hè vừa qua, rằng một công việc mới đang bắt đầu, niềm hy vọng lại vươn lên và ước mơ luôn sống mãi, chúng con cầu xin Chúa.

(Thanhong chuyển ngữ)
 
Giáo Hội Philippine thành công trong việc ngăn chặn sòng bạc
Nguyễn Hoàng Thương
08:37 01/09/2009
Legazpi City - (CathNewsAsia,Business Mirror) Giáo phận Legazpi, Phi Luật Tân đã thành công trong việc thuyết phục Thị trưởng Noel Rosal ngừng việc mở một sòng bạc ở thành phố Legazpi.

Cũng liên quan đến việc ngăn chặn hoạt động của casino là lời than van của Giáo Hội rằng tuy nghèo khổ về kinh tế trong vùng nhưng các hình thức cờ bạc khác nhau thì lại có thừa, với các trò cá cược xâm nhập vào các trường học, khuôn viên nhà thờ và các văn phòng chính phủ.

Hội đồng thành phố cho hay nhận được tin về việc nộp đơn xin hoạt động casino đã có được sự tán thành mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh và công chúng, gồm cả giới truyền thông, họ còn tuyên bố thậm chí Giáo Hội đã không lên tiếng phản đối

Tập đoàn Philippine Amusement and Gaming đã nột đơn xin hoạt động một sòng bạc trong Khu phức hợp thương mại sẽ sớm đưa vào hoạt động có tên Embarcadero.

Thị trưởng Noel Rosal nói rằng ông đã ra lệnh dừng việc hoạt động sòng bạc để xem xét lập trường luân lý mạnh mẽ của Giáo Hội, mà đứng đầu là Đức Giám mục Lucilo Quiambao của Giáo phận Legazpi.

Giáo phận Legazpi cho hay mặt dù lập trường giáo phận mạnh mẽ chống lại mọi hình thức cờ bạc, nhưng thật khó để người ta ghi nhớ rằng đó là "những tội lỗi của sự biếng nhác và cờ bạc" bởi vì "các vị lãnh đạo của chúng ta cổ võ cờ bạc chỉ vì những lý do được đưa ra là thu nhập cho các dự án"

Trong cuộc gặp với thị trưởng thành phố, Đức Giám Mục cho hay rằng: "Cờ bạc làm thiệt hại kinh tế do lãng phí thời giờ và của cải của con người trong các hoạt động vốn không sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ".

Các giáo sĩ khác cho hay cờ bạc gồm cả sự biếng nhác, lưu ý rằng vùng Bicol nổi tiếng với nhiều người vô công rỗi nghề, và cờ bạc là tệ nạn được lựa chọn như là một nguồn sinh nhai.

Luật sư Alfredo Garbin, chủ tịch Ủy ban luật của Hội đồng thành phố, cho hay casino Legazpi sẽ bắt đầu hoạt động, nếu được chấp thuận, vào thời điểm mà Embarcadero hết sức kỳ vọng là tháng Mười này.

Theo cha Ramoncito Segovience, giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Xã Hội Giáo phận Legazpi thì Albay đã là địa điểm hoạt động cờ bạc mạnh và phổ biến, vươn tới những ngôi làng xa xôi.
 
Đường hành hương Thánh Giacôbê (the Camino)
Vũ Văn An
20:55 01/09/2009
Có lần tôi đã cuốc bộ 500 dặm để tham dự một buổi phụng vụ tại nhà thờ. Mặc dù tôi không hề là loại người khỏe khoắn có thể đương đầu với một hành trình dài và vất vả đến thế, nhưng thành tích thể lý của tôi không phải là khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất của biến cố này. Cũng không phải là sự kiện tôi, một mục sư Mennonite, lại đi hành hương, một tập quán thường chỉ liên hệ tới các giáo hội khác. Cũng không phải là sự kiện con đường hành hương Thánh Giacôbê của Tây Ban Nha mỗi ngày một nổi tiếng hơn, với hàng chục ngàn người lữ khách lên đường hàng năm. Cũng không phải vì nhiều người, nếu không muốn nói là đại đa số những khách hành hương này chẳng tuyên xưng bất cứ niềm tin tôn giáo hay hệ phái nào. Không, không phải thế; khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất của chuyến lữ hành này là cách thế những nhà hành hương thế tục này khiến tôi nghĩ về Thiên Chúa.

Vấn đề thần học thường hay được đề cập tới, nhưng một cách khá bất ngờ. Thoạt đầu, tôi tưởng sẽ có những cuộc thảo luận dài dòng với các khách hành hương khác về Thiên Chúa, nhưng thực ra, những cuộc thảo luận như thế rất ít. Ngày đầu tiên, tôi gặp Jean-Louis, một kỹ sư hồi hưu người Pháp, hơn tôi đến 2 chục tuổi. Ông đã cuốc bộ 500 dặm để tới chỗ tôi mới bắt đầu, và hai gót chân xưng tấy của ông cho thấy rõ điều ấy. Ông lịch sự dò hỏi nghề nghiệp của tôi. Khi nghe giải thích tôi dạy thần học, ông bèn chẳng thèm lịch sự chút nào quay phắt đầu đi và buông ra một tiếng thở dài đầy khinh mạn “Phù!”. Agnes, một người Đức, tình nguyện giúp tôi tìm một bệnh viện khi vết giộp to bằng ổ bánh mì nhỏ của tôi rướm máu buộc phải được cấp cứu và cấp cứu ngay. Khi đang ngồi truyện trò với nhau ở phòng đợi, cô ta rất đỗi ngạc nhiên khi biết nghề nghiệp của tôi: “ông muốn nói ông là một linh mục?” Đối với tôi, cả hai người này đều có vẻ không đạo hạnh bao nhiêu, nhưng Jean-Louis và Agnes đều là người Công Giáo La Mã. Trong số tín hữu thuộc mọi hệ phái tôi gặp, người Công Giáo là đông nhất. Tôi không gặp ai thuộc giáo hội Mennonite cả. Điều ấy không có gì đáng ngạc nhiên, vì con đường hành hương này, từng nổi tiếng từ thời Trung Cổ, vốn liên hệ mật thiết với các truyền thống thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã. Thế nhưng, nhiều khách hành hương cho tôi hay đức tin của họ chỉ có tên, chứ không có thực. Francois, một người Pháp với khả năng ngáy khò đáng nể, cho hay anh ta “chỉ Công Giáo chút ít thôi”. Rosa, một người bán sách người Tây Ban Nha, cho mình là người Công Giáo, nhưng không đi nhà thờ. Vio, cũng người Tây Ban Nha, phục vụ tại một cộng đồng có những người lớn mắc bệnh tâm thần, hay nói về lòng tôn sùng của mình đối với Chúa Giêsu, nhưng cô ít khi lui tới với các chức sắc hay các định chế trong đạo. Tuy nhiên, nhiều người là những người Công Giáo đạo hạnh, như Thầy Paul, một đan sĩ người Hoà Lan, Cindy, một y tá quê ở Ohio, và Hisako, một nhà giải phẫu người Nhật. Tôi rất muốn so sánh các ghi chú với tất cả những người thánh thiện này.

Người tôn giáo, người tâm linh và người khác

Đường hành hương Camino
Trên con đường hành hương Thánh Giacôbê này, người ta có thói quen mang theo một “thông hành” đặc biệt. Thứ căn cước này chứng nhận bạn là một người hành hương, cho phép bạn tạm trú tại các nhà trọ và nếu chịu đóng dấu hàng ngày, còn giúp bạn đủ điều kiện để lãnh nhận một giấy chứng chỉ rất đáng thèm muốn từ Nhà Thờ Chính Tòa Santiago nằm ở cuối cuộc hành trình. Muốn có loại thông hành này, khách hành hương thường được yêu cầu cho biết động lực khiến họ tham dự cuộc hành hương đường trường này, hoặc là “tôn giáo”, “tâm linh” hay một động lực “khác”. Khách hành hương nào lên đường để cầu nguyện và thống hối tất nhiên thuộc loại “tôn giáo”. Tôi vững bụng cho mình thuộc loại này. “Tâm linh” có hơi mơ hồ hơn, tuy kém tính truyền thống nhưng chắc chắn hơn loại duy tục. Nhiều người thuộc loại “tâm linh” này cho tôi hay họ “tâm linh chứ không tôn giáo”. Còn những người thuộc loại “khác” phần lớn chỉ thích được cuốc bộ đường dài, mong có được một kỳ nghỉ rẻ tiền, hay lang thang cho hết thì giờ. Đó là một nhóm hỗn tạp với đủ mọi thứ động lực và cá tính, hệt như các nhân vật trong “Câu truyện Canterbury” của Chaucer.

Nhóm “tâm linh” và nhóm “khác” làm tôi thích thú và quan tâm hơn cả, một phần vì họ nêu lên những câu hỏi khá bất ngờ, nhưng nhất là vì qua họ, tôi nghe thấy tiếng Chúa. Họ là những người chắc chắn nhất chỉ cho tôi hướng về Thiên Chúa trong cuộc hành trình của mình.

Ngay những người hành hương tuyên bố là mình lên đường vì những lý do hoàn toàn phàm tục đôi khi cũng nói về con đường hành hương Thánh Giacôbê này như thể nó là một thực tại thần linh. Trùng hợp và đồng bộ thường phát sinh ra câu nói quen thuộc “thì, đường hành hương Thánh Giacôbê mà lị!”. Nhiều người còn gán cho nó nhiều phẩm tính nhân bản: “đường hành hương Thánh Giacôbê sẽ dạy bạn điều bạn muốn biết”. Khi có ai đó tự hỏi xem có nên đi lần nữa hay không, tuy có người bảo không, nhưng không thiếu người tới lui con đường này nhiều lần mà vẫn bảo: “Chưa đâu, đường hành hương Thánh Giacôbê chưa chán tôi đâu”.

Quả là khó hiểu khi cả những người tuyên bố không tin Thiên Chúa nhưng lại một cách huyền nhiệm gán sức mạnh thần thiêng cho con đường giản đơn đầy cát bụi. Chỉ có thể hiểu đó là những dấu hiệu sinh động của hoài mong tôn giáo còn đang âm ỉ dọc dài suốt nền văn hóa hiện đại.

Con đường hành hương Thánh Giacôbê hành động

Simon là người không thuộc tôn giáo và tín ngưỡng nào. Là một sinh viên kiến trúc Thụy Sĩ tuổi chừng đôi mươi, anh đang ở giữa hai lục cá nguyệt, nên nổi hứng quyết định cuốc bộ trên đường hành hương Thánh Giacôbê. Anh vẫn thích cuốc bộ đường dài và sống với chiếc balô duy nhất trên lưng. Ấy thế nhưng đi đến đâu, anh ta cũng được nhắc nhớ đến Thiên Chúa; càng tới gần Santiago, anh ta càng khởi dẫn các cuộc đàm thoại về đức tin. Anh rất đỗi ngạc nhiên khám phá ra cả một chiều kích tâm linh dọc con đường cát bụi. Những khai triển như thế không hiếm. Một khách hành hương vô danh trước tôi từng viết: “Tôi không lên đường với ý định làm một hành trình tâm linh hay tôn giáo, nhưng kết cục lại đã xẩy ra như thế, tình cờ chăng? Tôi không biết… Có thể là đường hành hương Thánh Giacôbê đã hành động”.

Con đường này quả nhanh chóng nổi tiếng đến ngạc nhiên. Năm 1986, con số khách hành hương chính thức chỉ là 2,491 người; 10 năm sau, con số ấy nhẩy vọt lên tới 23,218 người. Năm tôi tham gia (2005), có tất cả 94,942 người. Nhưng năm 2004, là Năm Thánh Santiago, có đến 179,944 người sánh bước trên con đường này.

Đường hành hương Thánh Giacôbê quả là một tập chú của hoài mong tôn giáo và tâm linh. Nó lôi cuốn đủ loại khách hành hương muốn đi tìm “một điều gì hơn thế” dù họ là những người tuyên xưng những quan điểm tín lý chẳng hợp quy ước chút nào. Rachel, một cựu nữ tu, cho tôi hay bà không thuộc bất cứ hệ phái Kitô Giáo nào nữa. Bà đã bác bỏ thần tính duy nhất của Chúa Giêsu vì “tất cả chúng ta đều là Thiên Chúa”. Nhiều người đồng hành với tôi bảo tôi rằng họ “đứng ngoài giáo hội”, có khi còn “chống lại giáo hội” nữa. Ấy thế nhưng, họ vẫn có mặt ở đây, tham dự cuộc hành hương vốn dựa trên truyền thống Kitô Giáo và được các giáo hội hỗ trợ và cổ vũ này.

Nhiều người ngày nay tin rằng một số nơi chốn có được những năng lực phi thường, như cộng đồng Tân Đại quanh Sedona, Arizona. Tại các Quần Đảo Anh, Glastonbury và Iona lôi cuốn nhiều đám đông vì nó có liên hệ với quá khứ Celtic xa xưa. Trong thuật ngữ của niềm tin Tân Đại, những nơi chốn đó khá “mỏng” vì đường phân cách giữa các thực tại trần thế và tâm linh khá nhỏ nhoi. Người ta gặp gỡ Thiên Chúa trên đất.

Thực tại trọng tâm

Triết gia Albert Borgmann có đề cập tới các “thực tại trọng tâm” (focal realities), tức một sự vật, một nơi chốn hay một tập tục được ba đặc tính sau đây lên khuôn. Thực tại này có được “một hiện diện đường bệ” đòi người ta phải cố gắng, có kỷ luật, kỹ năng. Thứ hai, nó làm ta nối kết rộng rãi với người khác và cả với lịch sử, với thiên nhiên và với Thiên Chúa. Và thứ ba, nó phát sinh một sức mạnh “quy tâm” hay “điều hướng” giúp ta nhận ra các ưu tiên quan trọng nhất của ta.

Đường hành hương Thánh Giacôbê quả là một thực tại trọng tâm theo cả ba nghĩa trên. Thứ nhất, người ta chỉ có thể dấn thân vào nó bằng cách cuốc bộ cả hàng trăm dặm, bắp thịt mỏi rời và chuyển dịch theo một nhịp độ không quen thuộc. Thứ hai, nó nối kết khách hành hương với những người hành hương khác trong quá khứ cũng như trong hiện tại, với Tây Ban Nha và Đạo Công Giáo của nước này; với những người ân cần tiếp đãi dọc đường; và dĩ nhiên, với địa dư của núi đồi, cây rừng. Sau cùng, đường hành hương Thánh Giacôbê là nơi mọi ưu tiên của ta thường được tái sắp xếp.

Một thời trù phú, những chốn trọng tâm như các nhà thờ chính tòa hay những khoảng rừng hoang mênh mông mau chóng bị lối sống quanh quẩn bên kỹ thuật và máy móc thay thế. Nhà văn John Howard Kunstler nói tới thứ “địa dư không nơi chốn” (geography of nowhere) còn Georges Benko thì nói tới những nơi “không nơi”(non-places) để mô tả những địa điểm bị “thống trị” bởi những dẫy phố buôn bán lẻ, các trung tâm mua sắm vĩ đại, các đại thương xá và các siêu xa lộ. Các nơi chốn trọng tâm càng trở nên hiếm, thì sức lôi cuốn của chúng càng thúc bách hơn. Theo Borgmann, khi cuộc hiện sinh tỏ ra nông cạn, thì các nơi chốn trọng tâm có thể “quy tâm và soi sáng cho cuộc sống ta”. Chúng thúc đẩy, dạy dỗ, gây hứng và làm ta an tâm. “Thực tại trọng tâm hội tụ và soi sáng thế giới của ta”, ông viết như thế. Cuộc đời nào có thực tại trọng tâm làm trung tâm sẽ tương phản với nhiều khía cạnh trong cuộc sống ta hôm nay, những khía cạnh “dẫn tới một thứ đời sống không nối kết, không nhập thân, không định hướng”

Ta biết ta đang thiếu một cái gì. Nhà thần học Eugene Peterson cho biết: “sự diệu kỳ đã lẻn ra khỏi” cuộc sống ta. Ta cảm nhận có cái gì vội vã trong nền văn hóa của mình; và ta than phiền là mình đang quá bận bịu, không đủ thì giờ làm những việc mình vốn ưa thích…

Không phải là tình cờ khi, vì ta làm việc quá sức như thế, mà nền văn hóa của ta ngày một chú ý tới tâm linh hơn. Chứng cớ thì có nhiều. Lúc tôi còn học trong chủng viện hồi đầu thập niên 1980, tôi từng muốn viết về “cầu nguyện và kiến tạo hòa bình”, nhưng chỉ có hai giảng khóa về cầu nguyện. Nay, tôi đang dạy tại trường đó, nơi người ta có thể lấy văn bằng cử nhân về tâm linh. Hẳn bạn từng để ý tới nhiều kệ sách về linh đạo trong cả các tiệm sách đời. Nhiều chương trình truyền hình cũng như phim ảnh đang bàn tới thiên đàng, hỏa ngục, thiên thần, ác qủy, chữa lành và Thiên Chúa. Nền văn hóa nhằm khuây khỏa, cùng với việc vắng bóng các nơi chốn trọng tâm, đã kích thích quan tâm của người ta. Lòng hoài mong “một điều gì hơn thế”, hay cảm thức phải có một phương cách tốt hơn đang thúc đẩy các cá nhân lên đường tìm kiếm tâm linh.

Những trái tim bồn chồn bất an

Quan tâm tới tâm linh phản ảnh các hoài mong quen thuộc: muốn được ở trong nhà mình, được trọn vẹn, được hòa nhập, được quy về một mối. Kitô hữu coi hoài mong ấy là việc họ cần tới Thiên Chúa. Như Thánh Augustinô đã viết trong lời cầu nguyện thời danh của ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và trái tim chúng con sẽ mãi mãi bồn chồn bất an cho tới khi nó được nghỉ ngơi trong Chúa”. Có nhiều cách khác để hiểu và giải thích lòng hoài mong bẩm sinh đối với Thiên Chúa. Ấy thế nhưng, các giải thích tâm lý hay sinh học ngay cả văn hóa nữa cũng không hoàn toàn thuyết phục được ta, cho dù chúng đưa lại thật nhiều cái nhìn thông sáng quan trọng. Như Thánh Augustinô đã gợi ý, các thèm khát sâu xa nhất của ta hướng về Đấng đã dựng nên ta.

Đường hành hương Thánh Giacôbê không phải chỉ là nơi người ta cảm thấy Thiên Chúa lôi kéo họ. Nó còn là địa điểm của ơn trở lại, của ơn biến đổi. Chúa Giêsu từng phán: “cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7:16); nếu thực tại thần linh có thật, thì ta có quyền chờ mong thực tại ấy sẽ sản sinh ra các thực tại cụ thể, ngay ở đây và ngay lúc này.

Các bạn cùng hành hương với tôi và tôi thường hay thảo luận với nhau xem điều gì đang thiếu hay đang không có trong đời sống mình. Chúng tôi đặt ra những câu hỏi về lối sống, về công việc và các mối liên hệ và cương quyết sẽ sống khác khi trở về nhà. Chúng tôi bàn luận tới việc nhận ra ơn gọi. Một cuộc cuốc bộ dài 500 dặm với thật nhiều khoảnh khắc cô tịch dĩ nhiên phải phát sinh ra những giây phút tìm hồn như thế.

Marcus, người Hòa Lan, tỏ ra buồn vì anh vốn nghĩ công việc của anh phục vụ người khác, mà thực ra phần lớn thì giờ của anh dành cho việc giải quyết các hủ tục hành chánh. Susanne, người Áo, dự tính sẽ tìm một việc làm mới giúp chị sống gần gia đình và bạn bè hơn. Hendrika, người Bỉ, thấy việc làm của cô hiện nay chẳng đóng góp được gì cho phúc lợi quảng đại quần chúng. Đường hành hương Thánh Giacôbê quả đã trở thành bối cảnh để người ta cân nhắc các ưu tiên. Không lạ gì khi được tin các bạn cùng hành hương đã thực hiện nhiều thay đổi đáng nể sau thời kỳ hành hương.

Raul, một công nhân nhà máy người Tây Ban Nha, đã lấy một tháng nghỉ để cuốc bộ trên đường hành hương Thánh Giacôbê. Có một điều gì đó trong cuộc hành hương này đã làm anh chú ý. Anh bèn bỏ việc, mua một ngôi nhà cũ bằng đá ngay trên đường hành hương Thánh Giacôbê và bắt đầu tái trang bị nó thành nhà tiếp đãi khách hành hương. Veronika, một người Đức, một ngày kia, khi đang đi ngang qua một thung lũng hẻo lánh trên đường hành hương Thánh Giacôbê, bỗng nghe thấy một tiếng sáo phát ra từ một nhà trọ gần đó. Thế là cô tới đặt túi lưng của mình xuống đó và không bao giờ rời nơi ấy nữa. Hiện nay, cô đang chăm sóc cho các khách hành hương qua đó. Lúc Jon trở lại Mỹ, anh về hưu sớm để dành thì giờ cho nghệ thuật. Mỗi người trên đây đều điển hình cho lòng can đảm và sự sáng suốt rất có thể do đường hành hương Thánh Giacôbê soi dẫn. Lòng can đảm của họ gợi hứng cho tôi xem sét cẩn thận chính cuộc sống mình.

Tôi được nuôi dưỡng trong cộng đồng giáo hội, được thụ phong sau thời gian tu học tại chủng viện, phục vụ nhiều năm trong tư cách mục sư và nay giảng dạy tại một chủng viện. Lúc lên đường tham dự cuộc hành hương có tính truyền thống này, tôi không thể nào ngờ Thiên Chúa lại nói một cách phi quy ước đến thế. Tôi đã khám phá ra một Thiên Chúa hành động quá bên kia gạch vữa của các định chế, trong những con người ít đi nhà thờ hơn tôi nhiều. Dọc đường hành hương Thánh Giacôbê, tôi đã gặp được bằng chứng đầy thuyết phục về Thiên Chúa mà tôi chưa thấy đã từ rất lâu. Điều ấy chắc chắn đáng để tôi bị một vài vết giộp ở chân.

Phóng dịch bài của Arthur Paul Boers, The America, số ngày 2 tháng Ba năm 2009
 
Lời mời gọi vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý của Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
22:48 01/09/2009
Có sự đồng quy về quan điểm giữa Hội Đồng Giám Mục Ý và Tòa Thánh

Đức Thánh Cha Benedict XVI


Rôme, ngày thứ ba, 1 tháng 9, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI đã điện đàm với Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý và cũng là Tổng Giám Mục giáo phận Gênes. Theo thông cáo của Văn phòng truyền thông xã hội của Hội Đồng Giám Mục Ý: Đức Thánh Cha đã nhắc lại là ngài rất cảm kích “sự cam kết của Hội Đồng Giám Mục Ý và của vị chủ tịch hội đồng.”

Thông cáo này xác định là lời kêu gọi được trao gởi chiều ngày thứ ba này. Và Đức Thánh Cha đã “hỏi thăm tin tức và yêu cầu một sự định giá của tình trạng hiện thời.”

Đức Thánh Cha đã bầy tỏ “lòng ưu ái, sự biết ơn và lòng cảm kích về sự cam kết của Hội Đồng Giám Mục Ý và của vị chủ tịch hội đồng.”

Thông cáo này đã giải trừ các tin đồn có sự khác biệt giữa các quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Ý và Tòa Thánh.
 
Top Stories
VIETNAM: Le P. Nguyên Van Ly ne figurera pas sur la liste des amnistiés à l’occasion de la fête nationale
Eglises d'Asie
05:26 01/09/2009
Alors qu’il s’apprête à procéder à la libération anticipée de quelque 5 500 prisonniers à l’occasion de la prochaine fête nationale, le gouvernement a fait préciser publiquement que cette mesure ne s’appliquerait pas au prêtre du diocèse de Huê, le P. Thaddée Nguyên Van Ly, qui, depuis de 2007, purge une peine de huit ans de prison au camp d’internement de Ba Sao, dans le nord du Vietnam.

Commentant cette mesure d’amnistie, dans la matinée du 31 août, le secrétaire d’Etat à la Sécurité, Lê Thê Tiêm, a déclaré que le prêtre dissident ne figurait pas parmi les prisonniers qui allaient être prochainement libérés. Le responsable gouvernemental a souligné que treize prisonniers de conscience (condamnés pour atteinte à la sécurité nationale) bénéficieraient de cette grâce. Si le prêtre n’a pas été jugé digne de l’amnistie, c’est parce que il n’a pas encore accompli de progrès en matière de « rééducation » (cai tao) et ne réunissait donc pas les conditions lui permettant de bénéficier de cette mesure. Par ailleurs, le prêtre a récidivé après avoir été amnistié une première fois en 2005. Le haut responsable de la Sécurité a également déclaré que « à l’intérieur du camp d’internement, la bonne santé du prisonnier était assurée ».

Ce n’est pourtant pas ce que suggère le récit d’une visite à l’intéressé, diffusé le 28 août 2009 sur Internet par le groupe 8406 (1). La sœur et le neveu du prêtre qui lui ont rendu visite et l’ont ravitaillé le 24 août dernier l’ont vu arriver au parloir en claudicant. Il leur a fait part d’une série d’incidents de santé survenus depuis le mois de mai dernier, sans doute dus à son hypertension: hémorragie, chute, début de paralysie des membres... Le prêtre a ensuite fait état de ses relations orageuses avec les gardiens et du peu d’effet de la rééducation sur son comportement et son esprit.

On peut penser que ce refus affiché de faire figurer le nom du prêtre dissident sur la liste des amnistiés constitue une réponse volontairement intransigeante aux diverses pressions internationales exercées sur le gouvernement pour la libération du P. Ly. La plus récente de celles-ci est une lettre envoyée en juillet dernier au chef d’Etat vietnamien par 37 sénateurs américains demandant la libération immédiate du prêtre (2). Les signataires de la lettre affirmaient que les conditions dans lesquelles s’était déroulé le procès qui l’avait condamné n’étaient pas conformes à la Constitution vietnamienne et à la Charte internationale des droits civiques et politiques. Le procès du P. Thaddée Nguyên Van Ly avait duré quatre heures dans la matinée du 30 mars 2007. Le prêtre avait été condamné à huit ans de prison, pour recel et diffusion de documents de propagande contre la République socialiste du Vietnam.

Le P. Ly est un vieil habitué des prisons communistes vietnamiennes. Après un premier séjour de 1977 à 1978, il avait repris le chemin de la prison en 1983 pour y rester jusqu’en 1992. Après quelque temps de silence, en novembre 2000, il entamait une retentissante campagne pour la liberté religieuse. Elle fut interrompue par une nouvelle arrestation en mai 2001, qui fut suivie d’une nouvelle condamnation à quinze ans de prison. Libéré le 1er février 2005, mais toujours assigné à la résidence surveillée, il ne tarda pas à reprendre sa lutte, lui donnant comme objectifs les droits de l’homme et la démocratie. Ces activités lui valurent le procès et la condamnation du 30 mars 2007 (3).

(1) Le « Bloc 8406 » regroupe un ensemble de personne partageant les mêmes idéaux de liberté et de démocratie et tire son nom du 8 avril 2006 (8406), date de la parution d’un « Manifeste pour la liberté et la démocratie au Vietnam ».
(2) Voir EDA 511
(3) Pour le procès, voir EDA 460. Pour l’ensemble des faits concernant le P. Ly, consulter EDA 321, 322, 323, 324, 325, 326, 327, 330, 331, 332, 335, 337, 340, 357, 358

(Source: Eglises d'Asie, 1er septembre 2009)
 
Vietnam weigert gratie te verlenen aan dissidente priester (tiếng Hòa Lan)
Rorate
05:33 01/09/2009
Geplaatst door Theo Borgermans op maandag 31 augustus 2009

HANOI (RKnieuws.net) - De Vietnamese regering heeft vandaag laten weten dat de dissidente priester Nguyen Van Ly niet op gratie moet rekenen. De priester werd in 2007 tot acht jaar gevangenisstraf veroordeeld wegens ’propaganda’ tegen het communistische regime.

Volgens Nguyen Thi Hieu, de zus van de priester, is de gezondheidstoestand van de geestelijke er sinds midden juli op achteruit gegaan.

Begin juli heeft een groep van 37 Amerikaanse senatoren aan de Vietnamese president Nguyen Minh Triet de onmiddelijke en onvoorwaardelijke vrijlating van de priester geëist. (tb)

(Source: http://www.rorate.com/nws.php?id=56770)
 
Vietnam: Katholischer Priester bleibt in Haft (tiếng Đức)
Radio Vatikan
05:34 01/09/2009
31/08/2009 - Trotz einer Amnestie für über 5.000 Gefangene muss ein katholischer Priester weiterhin im Gefängnis bleiben. Das gab ein Regierungssprecher an diesem Montag in der Hauptstadt Hanoi bekannt.

Die Gefangenen werden am Mittwoch, dem vietnamesischen Nationalfeiertag, freigelassen. Dies gelte jedoch nicht für den Priester, da bei diesem keine Anzeichen „ernsthafter Reue“ festzustellen seien, erklärte der Sprecher.

Nguyen Van Ly war 2007 wegen regierungskritischer Aktivitäten verurteilt worden. Im Juli dieses Jahres hatten sich zahlreiche ausländische Politiker für seine Freilassung eingesetzt.

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/TED/Articolo.asp?c=312974)
 
Vietnam: Katholischer ''Blogger'' wegen Regierungskritik verhaftet (tiếng Đức)
KATHweb
06:11 01/09/2009
Priester prangert "Vorführung" von "reumütigen" Dissidenten im Staatsfernsehen an

Hanoi, 01.09.2009 (KAP) In Vietnam geht die Regierung weiter gegen Katholiken vor. Wie die katholische Nachrichtenagentur "AsiaNews" berichtet, ist in der Vorwoche ein Taufbewerber aus dem Erzdiözese Hanoi festgenommen worden. Er soll im Internet die katholikenfeindliche Haltung der staatlichen Presse kritisiert haben. Kirchenkreise in Vietnam rechnen unterdessen mit weiteren Verhaftungen katholischer "Blogger", so "AsiaNews".

Der Taufbewerber hatte in seinem Blog eine verzerrte Wiedergabe der Rede angeprangert, die Papst Benedikt XVI. anlässlich des Ad-limina-Besuchs der Bischöfe Vietnams Ende Juni im Vatikan gehalten hatte. Die staatliche Presse hatte die päpstliche Verlautbarung als Kritik an der katholischen Kirche in Vietnam interpretiert.

Das Verhältnis zwischen Staat und katholischer Kirche in Vietnam ist seit längerem äußerst angespannt. Im Mittepunkt der Auseinandersetzung stand zuletzt die künftige Nutzung der Kirchenruine von Tam Toa in der Stadt Dong Hoi. Die lokale Verwaltung hat gegen den Willen der Pfarrgemeinde, die das von den US-Amerikanern zerstörte Gotteshaus wiederaufbauen will, mit Räumungsarbeiten begonnen, um an dieser Stelle einen Park zu errichten. Zuvor hatten insgesamt mehrere Hunderttausend Katholiken gegen die Pläne der Verwaltung protestiert. Die Miliz ging mit Tränengas und Schlagstöcken gegen die Demonstranten vor.

Die kommunistische Nomenklatura fürchtet offenbar ein Zusammengehen zwischen der katholischen Kirche mit ihrer kapillaren Präsenz im ganzen Land und der Demokratiebewegung. So hatte im August ein bekannter Priester aus der Erzdiözese Hue - Pierre Pham Van Loi - im Gespräch mit "AsiaNews" die "Vorführung" von "reuigen" Dissidenten im staatlichen Fernsehen angeprangert. Bei der Sendung am 19. August waren zehn Minuten lang fünf verhaftete Dissidenten gezeigt worden, die ihre "Verbrechen gegen den Staat" einbekannten und um Milde baten. Tags darauf wurden die "Bekenntnisse" der fünf Dissidenten in großer Aufmachung in der staats- und parteinahen Presse veröffentlicht. Nach Auffassung von P. Pierre Pham Van Loi wurden die "Bekenntnisse" der Dissidenten durch "Drohungen und Gewalt" erzwungen.

Die fünf gehören dem sogenannten "Block 8406" an, der sich für Meinungsfreiheit und Mehrparteiensystem in Vietnam einsetzt. Verhaftert wurden die fünf Dissidenten wegen angeblicher "Gefährdung der staatlichen Sicherheit". Tatsächlich hatten sie Flugblätter verteilt und im Internet Artikel und Gedichte verbreitet, in denen die Demokratie gerühmt wird.

(Source: http://www.kathpress.co.at/content/site/nachrichten/database/27853.html)
 
Padre Ly non sarà tra i prigionieri amnistiati per la festa nazionale vietnamita
Asia-News
06:43 01/09/2009
Il responsabile del governo di Hanoi per la sicurezza precisa che il religioso non ha ancora compiuto progressi nella “rieducazione”. Il sacerdote è stato condannato con l’accusa di essere all’origine di un movimento per la democrazia e di sostenere gruppi illegali.

Hanoi (AsiaNews/EDA) – Non sarà amnistiato padre Nguyen Van Ly, il religioso in un campo di “rieducazione” con l’accusa di essere all’origine di un movimento per la democrazia. Il suo nome non figura tra i circa 5.500 prigioinieri che saranno liberati in occasione della prossima festa nazionale.

Nel diffondere la notizia, Eglises d’Asie aggiunge che è stato il segretario di Stato alla sicuezza, Lê Thê Tiêm a dichiarare, ieri, che il sacerdote non sarà tra i condannati che saranno liberati, in quanto non ha ancora compiuto progressi della rieducazione (cai tao) alla quale è sottoposto.

Padre Van Ly, 62 anni, è stato condannato il 30 marzo 2007 a otto anni di prigione e cinque di residenza sorvegliata, con l’accusa di essere all’origine di un movimento per la democrazia, chiamato “Blocco 8406”, sorto nell’aprile 2006, che ha 2mila aderenti, e di sostenere gruppi illegali quali il Partito progressista del Vietnam.

Rendendo noto che il religioso non sarà liberato, il responsabile della sicurezza ha aggiunto che “all’interno del campo di internamento, sono assicurate le buone condizioni di salute del prigioniero”. Le sue affermazioni sono contraddette da quanto riferito il 28 agosto dal gruppo 8406 a proposito di una visita compiuta al sacerdote il 25 agosto dalla sorella e dal nipote, nel campo Ba Sao, nel nord del Vietnam. I suoi congiunti lo hanno visto arrivare in parlatorio claudicante e hanno avuto il racconto di una serie di mali fisici che lo hanno colpito da maggio, sicuramente dovuti alla sua ipertensione: emorragia, caduta, inizio di paralisi. Il sacerdote ha anche riferito dei cattivi rapporti con i guardiani e della scarso effetto della “rieducazione” sul suo spirito e sul suo comportamento.

La decisione di non liberare padre Ly, appare una risposta volontariamente intransigente alle pressioni internazionali esercitate sul governo. Da ultimo, la richiesta di liberazione avanzata da 37 senatori statunitensi al capo dello Stato. In una lettera essi affermano che le condizioni nelle quali si è svolto il processo (nella foto) non erano conformi né alla Costituzine vietnamita, né alla Carta nternazionale dei diritti civili e politici.
 
No pardon for Father Ly on Vietnamese National Day
Asia-News
06:44 01/09/2009
The head of the Hanoi government security states that the priest has not made progress in "reeducation". He was sentenced on charges of being behind a movement for democracy and of supporting illegal groups.

Hanoi (AsiaNews / EDA) - Father Nguyen Van Ly, the priest currently held in a "rehabilitation" camp and accused of founding a movement for democracy, will not be pardoned. His name was not among those of approximately 5,500 prisoners who will be released to mark the upcoming national holiday.

In announcing the news, Eglises d'Asie adds that it was the Secretary for State Security, Lê Thê Tiêm who declared yesterday that the priest will not be among the prisoners to be freed, as he has showed no signs of progress in the process of re-education ( cai tao) to which he is subjected. Father Van Ly, 62, was sentenced March 30, 2007 to eight years in prison and five of house arrest on charges of founding a movement for democracy, called "Bloc 8406", which started in April 2006, and has 2 thousand members, to support illegal groups such as the Progressive Party of Vietnam.

Announcing that the religious will not be released, the head of security added that " the good health of the prisoner is ensured in the internment camp”. His statements are contradicted by an August 28 report issued by the 8406 group, that described a visit made to the priest by his sister and niece in Ba Sao, in northern Vietnam on August 25. His relatives said he arrived limping and described a series of physical ailments he has been suffering since May, certainly due to hypertension: haemorrhages, falls, the beginning of paralysis. The priest also spoke of bad relations with prison guards and the lack of effect of "re-education" on his spirit or behaviour.

The decision not to release Father Ly, appears to be a deliberately intransigent response to the international pressure exerted on the government. The latest initiative was the request for the priests release made by 37 U.S. senators to the head of state. In a letter they state that the conditions in which the trial took place (see photo) were not consistent with neither the Vietnamese Constitution nor the International Charter of Civil and Political Rights.
 
TAIWAN: Lors de sa visite dans l’île, le dalai lama s’entretiendra avec le cardinal Shan
Eglises d'Asie
08:22 01/09/2009
En visite à Taiwan du 30 août au 3 septembre 2009, le dalai lama, chef spirituel des bouddhistes tibétains, s’entretiendra avec le cardinal Paul Shan Kuo-hsi, 86 ans, évêque émérite du diocèse catholique de Kaohsiung. La rencontre doit avoir lieu le 2 septembre et, selon le planning communiqué par le gouvernement taiwanais, elle constituera l’unique entretien du dalai lama avec une personnalité religieuse. A Taiwan, où les chrétiens forment une minorité d’environ 4 % de la population, un porte-parole de la Conférence des évêques catholiques a déclaré que « l’Eglise préfère toujours le dialogue à la confrontation » et que « s’il n’est pas dans la mission de l’Eglise d’interférer directement dans la vie politique, l’Eglise a toujours enseigné et défendu la liberté de religion, une liberté qui est inhérente aux droits de l’homme ».

Le dalai lama a été invité à Taiwan par le Parti démocratique progressiste (DPP), dans l’opposition depuis l’élection à la présidence, en 2008, de Ma Ying-jeou, chef de file du Kouomintang, le parti nationaliste. Ce sont sept districts et villes du sud de l’île, dirigés par le DPP, qui ont invité le leader tibétain, donnant à sa visite une tonalité humanitaire. En effet, au deuxième jour de sa visite, le dalai lama s’est rendu dans le sud de Taiwan, très affecté par le passage, le 8 août dernier, du typhon Morakot, qui a tué 475 personnes et causé la disparition de 87 autres. Le dalai lama s’est ainsi rendu dans le village de Hsiaolin, qui déplore 424 morts, mais a annulé une conférence de presse afin de ne pas provoquer l’ire de la Chine populaire.

Le régime de Pékin, qui tient Taiwan pour une province renégate et ne reconnaît pas la souveraineté de Taipei sur Taiwan, a, comme de coutume, violemment protesté contre cette visite. « Le dalai lama n’est pas seulement une personnalité religieuse. Sous prétexte de religion, il n’a cessé de s’impliquer dans des activités séparatistes », a notamment déclaré, à Pékin, un porte-parole du Bureau des Affaires taiwanaises. Toutefois, on peut remarquer qu’en 1997 et en 2001, lors des deux précédentes visites du chef tibétain à Taiwan, les protestations de la Chine avaient été encore plus vives. Cette fois-ci, la nature humanitaire du déplacement du dalai lama a permis à chacune des deux parties de ne pas aller trop loin dans l’escalade verbale. Le porte-parole du président Ma a souligné que la visite du dalai lama était « fondée sur des considérations humanitaires et religieuses qui ne devraient pas nuire aux liens entre la Chine et Taiwan », des liens qui se sont notoirement resserrés depuis l’arrivée au pouvoir du parti nationaliste et la défaite électorale du parti pro-indépendantiste. Dans la presse taiwanaise, certains commentateurs ont écrit que le président Ma avait autorisé la visite du dalai lama pour détourner l’attention de l’opinion publique des mécontentements provoqués par la réponse jugée lente des pouvoirs publics aux destructions provoquées par le typhon.

(Source: Eglises d'Asie, 2 septembre 2009)
 
Vietnam: Katholischer „Blogger“ verhaftet (tiếng Đức)
Radio Vatikan
15:41 01/09/2009
01/09/2009 - Die Regierung geht weiter gegen Katholiken vor. Wie die katholische Nachrichtenagentur „AsiaNews“ meldet, ist letzte Woche ein Taufbewerber aus dem Erzbistum Hanoi festgenommen worden. Er soll im Internet die katholikenfeindliche Haltung der staatlichen Presse kritisiert haben. Kirchenkreise in Vietnam rechnen unterdessen mit weiteren Verhaftungen katholischer „Blogger“, so „AsiaNews“.

Der Taufbewerber hatte in seinem Blog eine verzerrte Wiedergabe der Rede angeprangert, die Papst Benedikt XVI. anlässlich des Ad-limina-Besuchs der Bischöfe Vietnams Ende Juni im Vatikan gehalten hatte. Die staatliche Presse hatte die päpstliche Verlautbarung als Kritik an der katholischen Kirche in Vietnam interpretiert.

- Das Verhältnis zwischen Staat und katholischer Kirche in Vietnam ist seit längerem äußerst angespannt. Im Mittepunkt der Auseinandersetzung stand zuletzt die künftige Nutzung der Kirchenruine von Tam Toa in der Stadt Dong Hoi. Die lokale Verwaltung hat gegen den Willen der Pfarrgemeinde, die das von den US-Amerikanern zerstörte Gotteshaus wiederaufbauen will, mit Räumungsarbeiten begonnen, um an dieser Stelle einen Park zu errichten. Zuvor hatten insgesamt mehrere Hunderttausend Katholiken gegen die Pläne der Verwaltung protestiert. Die Miliz ging mit Tränengas und Schlagstöcken gegen die Demonstranten vor.

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/TED/Articolo.asp?c=313235)
 
Our opposition to the distortion of the truth about the Church in Vietnam by the state media
Peter Nguyen Xuan Huong
23:57 01/09/2009
On Aug 27, 2009 and following days, all Vietnam state-controlled media outlets have been publishing/broadcasting an article titled "Ambassador met with Vatican representative” from the VOVNews (Voice of Vietnam News) which has been alleged to be riddled with false information and misinterpretation of the Vietnamese Church's current situation.

According to the News on VOVNews, "Vietnam Ambassador to Italy Mr. Dang Khanh Thoai on Aug 22, 2009 met Monsignor Ettore Balestero, Vatican Deputy Secretary for foreign relations. During their meeting, Mr. Thoai reaffirmed Vietnam’s consistent policy of respecting and protecting the people’s right to religious freedom."

The News read on:" Mr. Thoai also informed the Vatican's representative about the improved and more diversified religious life of Catholic followers in Vietnam, thanks to the efforts of the Vietnamese government at all levels.”

This statement is not true. In fact, what's happened recently in Vietnam has proven it to be just the opposite. As of now, freedom of religion for residents of Son La, Hung Hoa diocese, of Dong Hoi, Vinh diocese, and of many mountainous villages in the Central Highland regions of Dalat, Kon Tum, and Ban Me Thuot dioceses has not been respected. Sadly enough, the Vietnamese Catholics now are under a systematic attack, both physically and emotionally.

The fact that hundreds of Tam Toa Catholics in Dong Hoi were beaten brutally, among them were the two priests Fr. Nguyen The Binh and Fr. Nguyen Dinh Phu who suffered from serious injuries; and the fact that names of other priests Fr. Vu Khoi Phung, Fr. Nguyen Van Khai, Fr. Nguyen Ngoc Nam Phong, Fr Nguyen Van That, and Fr. Nguyen Van Phuong had been dragged through mud, and tied to serious charges by the New Hanoi newspaper on Aug 24 (and on other media outlets on subsequent days); and the fact that the continual incarceration of Fr. Thaddeus Nguyen Van Ly since 2007 are unacceptable and they have posed a serious threat to the church- state relation which has long been quite tense.

We therefore ask that the state own media outlets in their profession should restrain themselves from taking the role of the court.

The article on VOVNews reported: “The Catholic Church in Vietnam has also been given permission to organize the Year of Saint 2010”. Frankly, we don't understand what the author was trying to convey in his message since the above phrase seems to be meaningless. The fact is in the Catholic Church each saint has a name to be called. None of them was given such a "code name" of 2010. The Church now and then can celebrate "the Year of Saint Peter", "the Year of Saint Paul", but not "The year of saint with code name 2010". In our opinion, a media outlet which represents the voice of the state should not act as carelessly as such. In case it should be understood as "Jubileum 2010" (Holy Year of 2010) then the news in itself has spoken out clearly the nature of the so-called "policy of respecting and protecting the people’s right to religious freedom". Churches from countries around the world, even in China and Cuba, need no permission to celebrate a Holy Year.

Such news we would honestly think will only be a joke to the international community and bring insult to our national pride.

The News on VOVNews went on: "Ambassador Dang Khanh Thoai said he would agree with Pope Benedict’s XVI statement during his meeting with the Vietnamese bishops in Rome. In his address, he [the Pope] called on Vietnamese Catholics to contribute the national development, treating it as a duty and an important contribution to Vietnam as it is trying to improve its relation with the world community".

To use such a dirty trick of tailoring Pope's statements in order to defame the Church in Vietnam is unacceptable, as it will not help the dialogue between the Church and the state.

Reality had shown that in North Vietnam after 1954, and in South Vietnam after 1975, more than 2250 of Catholic colleges, high schools, hospitals, orphanages, nursing homes, and other charitable facilities have been seized and used for purposes other than they were originally built up for, including for the commercial purpose and rewarding the party's cadres. The Church in the meantime has been prohibited to serve in the areas such as education and health care, except for a number of facilities which were taking care of the leprosy and the AIDS patients whom the government wanted nothing to do with.

Vietnamese bishops have repeatedly asked to be able to participate in activities in which the Church has been so skilled at, namely education or health care. The Vietnamese church, though being prohibited, has still been trying to find ways to contribute to the thriving of the country.

Tailoring statements of the Pope, the highest spiritual leader of the worldwide Catholic Church is a disrespectful act, and it will certainly be exposed for the world’s public opinion to judge.

We would like to reiterate a few points which were mentioned in the document called: "Statement of Vietnam Conference of Catholic Bishops on current issues":

"..professional ethics requires media personnel to respect the truth. In reality, there has been distorted and tailored information as in the land dispute at Hanoi former nunciature. We, therefore, suggest that media personnel should take precaution in broadcasting or publishing the news and pictures, especially when reputation and integrity of individuals or a community are at stake. If incorrect information was given, it should be retracted or corrected. Only when the truth is respected can the media community finish their duty which is to inform and educate the public of a just, democratic and civilized society."

We hope that the distortion of the truth about the Vietnamese Church’s current situation has to be quickly stopped. Any articles or piece of news which are slanderous to the Church in Vietnam should be prohibited in order to prepare grounds for a positive and effective dialogue between the Church and the state of Vietnam.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư của ĐTC Benêđictô XVI gửi tân Giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình
+ ĐGH Benedictô XVI
06:32 01/09/2009
THƯ CỦA ĐƯC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
GỬI ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN ĐỆ


BÊNÊĐICTÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ CHÚA
Gửi lời thăm và Phép Lành Tông Toà
tới người Hiền đệ đáng kính
PHÊRÔ NGUYỄN VĂN ĐỆ, S.D.B.
Cho tới nay là Giám Mục hiệu toà Ammedarense
và là Giám Mục Phụ tá Giáo phận Bùi Chu
được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Thái Bình


Cha được nối nghiệp trên Toà Thánh Phêrô và Cha cũng được trao cho sứ vụ lớn lao cai quản toàn thể đoàn Dân Chúa, Cha muốn thu xếp công việc cho Ngai toà của Giáo phận Thái Bình, đã trống ngôi từ sau khi Đức Cha đáng kính Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang từ nhiệm, nên thưa Hiền đệ đáng kính, Cha thấy nơi Hiền đệ có những khả năng, đức tính rõ ràng và đồng thời cũng đã có kinh nghiệm mục vụ, xứng đáng đứng đầu Ngôi toà này. Vậy theo ý của Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho muôn dân, Cha lấy quyền tối cao thuộc Tông Toà, mà bổ nhiệm Hiền đệ, làm Giám Mục Giáo phận Thái Bình, với mọi quyền lợi và nghĩa vụ, và như vậy, Hiền đệ sẽ không còn là Giám Mục hiệu toà Ammedarense cũng như nhiệm vụ làm Giám Mục Phụ tá như nói trên đây. Cha cũng truyền để qua Văn kiện này Hiền đệ thông báo cho hàng giáo sĩ và dân chúng biết việc bổ nhiệm này và Cha cũng khuyên bảo họ hãy vui lòng đón nhận Hiền đệ và hiệp nhất với Hiền đệ.

Sau cùng, Hiền đệ đáng kính, khi được trợ giúp bởi các hồng ân ưu tuyển của Chúa Thánh Thần, qua lời nói và việc làm, và nhất là, qua chứng tá đời sống của Hiền đệ, Hiền đệ hãy cố gắng chăn dắt các tín hữu được trao phó cho Hiền đệ, và nhớ lại lời của Vị tiền nhiệm của Cha, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đáng nhớ muôn đời, như sau: “Người thời nay dễ nghe các chứng ta hơn là các thầy dạy; mà nếu họ có để tai nghe các thầy dạy, thì chính là vì những người này đã là chứng tá” (Huấn dụ: trong AAS 66 [1974], tr. 568).

Dưới sự chở che của Đức Trinh Nữ Maria, xin bình an của Chúa Kitô luôn ở với Hiền đệ và với cộng đoàn giáo phận của Hiền đệ, là Giáo đoàn rất thân thương đối với Cha.

Ban hành tại Rôma, bên cạnh Đền thờ Thánh Phêrô,
Ngày 25 tháng 07 năm 2009 theo niên lịch Kitô giáo,
năm thứ V của triều đại Giáo Hoàng của Cha.
Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng

(Bản dịch của Đ.Ô. Phanxico Borgia Trần Văn Khả, Prot. Ap. s.n.)
 
Thư Ngỏ: Gửi Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội năm học 2009
Giuse Nguyễn Tiến Đạt
10:07 01/09/2009
Thư Ngỏ: Gửi Sinh viên Công giáo TGP Hà Nội năm học 2009

Thưa các bạn sinh viên,

Trong những năm gần đây, các em học sinh Công giáo đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng ngày một tăng. Đây là một tín hiệu đáng vui mừng, vì do hoàn cảnh lịch sử quá khó khăn nên những người Công giáo chúng ta đã phải một thời gian dài không có được những nhà chuyên môn giỏi để xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy đã có những tín hiệu vui mừng, nhưng chúng ta cũng còn rất nhiều điều phải lo lắng. Làm sao không lo được khi mà vừa bước chân vào cổng trường Đại học thì đã phải đối mặt với một nguồn tư tưởng triết học vô thần, không phù hợp với nền giáo dục Kitô giáo và nhất là với các nước văn minh tiến bộ trên thế giới. Làm sao không lo được khi mà vừa xa bố mẹ, gia đình…đã phải đối mặt với môi trường nhà trọ nơi đô thị vô cùng phức tạp, với những khu nhà trọ không phân biệt sinh viên hay kẻ trộm cướp, không phân biệt sinh viên hay dân chơi, nghiện ngập. Phải sống trong môi trường như thế mà mong có được những nhà trí thức tốt lành, can đảm để xây dựng và phát triển quê hương đất nước tiến tới văn minh tiến bộ thì quả là quá xa vời.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, Hội sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội phát động phong trào “Tiếp sức nhà trọ”cho các em tân sinh viên. Công việc cụ thể là: Các anh chị sinh viên sẽ liên hệ nơi ở trọ đảm bảo về đạo đức và học tập cho các em tân sinh viên. Nếu có thể được thì cho các em ở cùng nhà trọ hoặc cùng khu vực với mình và dẫn các em đi tham dự Thánh lễ cũng như các buổi sinh hoạt của sinh viên Công giáo.

Rất mong các bạn sinh viên và các anh chị cựu sinh viên hưởng ứng phong trào này để góp phần vào việc đào tạo những con người có ích cho xã hội và Giáo Hội.

Xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2009

T/M Ban Đại Diện,
Giuse Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Hội
Email: svcghanoi@gmail.com ĐT: 0976265717
 
Ước mơ của giáo dân giáo xứ Sơn Thủy - A Lưới
Trương Trí
20:09 01/09/2009
HUẾ - Từ trước năm 1975,khi nghe nói đến A Sầu, A Lưới là người ta đã nghĩ đến một miền sơn cước xa xôi.Thật vậy, mặc trung tâm thị trấn A Lưới chỉ cách tòa Tổng Giám mục Huế hơn 60km nhưng đường dèo dốc hiểm trở,ngược theo quốc lộ 49 với những địa danh mang nhiều dấu ấn thời chiến tranh như:”Khe Máu”,”Đồi Birmingham”,”Đồi Bastogne”,”Đèo Mạ ơi”.v.v...

Sau năm 1975,một số người dân thành phố Huế và các vùng lân cận đi khai hoang làm kinh tế mới.Với vùng đất từng là bãi chiến trường khốc liệt, hứng chịu nhiều bom đạn.Một số bom mìn còn sót lại luôn là nổi kinh hoàng cho người dân khi khai hoang canh tác,đã từng gây ra bao cái chết đau thương.Trong những người đi khai hoang vùng kinh tế mới này có một số khá đông gia đình công giáo thuộc Tổng Giáo phận Huế.Suốt thời gian từ năm1976 đến năm 1995,do điều kiện cách trở địa lý lại không có nhà thờ nên hầu hết giáo dân vùng A Lưới chỉ có thể tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật qua đài phát thanh Chân lý Á châu.

Kể từ năm 1995,do nền kinh tế mở cửa,đời sống người dân có phần khá hơn,con đường quốc lộ 49 thuận lợi hơn.Một số linh mục,nhất là các linh mục tu sĩ Dòng Thánh Tâm, các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm Huế len lõi mục vụ tại A Lưới.Ngôi nhà của ông Nguyễn Hoành ở gần trung tâm thị trấn A Lưới,bên đường Trường sơn, được dâng cúng làm nơi dâng thánh lễ vào những dịp lễ trọng như: Lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh.Mặc dù giáo dân ở rải rác khắp nơi nhưng số người tham dự thánh lễ cũng khá đông và rất sốt sắng.Năm 2004,thánh lễ ban Bí tích thêm sức và rước lễ lần đầu thật long trọng dưới mái lều tôn do Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn như Thể chủ sự với rất đông giáo dân tham dự.Và kể từ ngày 1.8.2005,tòa Tổng Giám mục Huế có quyết định thành lập Giáo xứ SƠN THỦY,giao cho các linh mục tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế đảm nhiệm.Sau một thời gian ngược xuôi vất vả xin giấy phép xây dựng nhà thờ,đúng 2 năm sau ngày thành lập giáo xứ,vào ngày 1.8.2007 Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế đã dâng thánh lễ và chủ sự nghi thức đặt viên đá khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ Sơn thủy.Với số giáo dân hơn 1 ngàn người giàu lòng đạo đức thờ phượng Chúa nhưng nghèo vật chất,sau hơn 2 năm xây dựng,với mọi nổ lực của Dòng Thánh Tâm Huế ngôi nhà thờ vẫn chưa xây dựng xong.

Mơ ước đơn sơ nhất của bà con giáo dân giáo xứ Sơn Thủy-A lưới là có được ngôi Thánh đường làm nơi hôm sớm cầu nguyện và thờ phượng Chúa.Hội dòng Thánh Tâm Huế và bà con giáo dân đang ngày đêm mong chờ để được đón nhận sự giúp đở bởi những tấm lòng yêu thương của mọi người qua thư mời gọi của Hội Dòng Thánh Tâm Huế.

Mọi liên lạc xin gởi về Linh Mục Tu sĩ Bề trên Tổng quyền An tôn Huỳnh Đầy hoặc Linh Mục Tu sĩ quản xứ Đỗ Minh Liên
 
Hành Trình Emmaus 3: ''Anh em hãy có lòng yêu thương nhau''
LM. Đaminh Nguyễn Đông Hùng, S.J.
21:41 01/09/2009
Hành Trình Emmaus 3 - Bài chia sẻ trong thánh lễ ngày 26/8/2009

Người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35)

Tạ ơn Chúa hôm nay chúng con được hiện diện trong lòng ngôi nhà thờ chánh toà giáo phận Oakland Christ the Light, Chúa Kitô Ánh Sáng, do L.M. Đồng Minh Quang và cộng đoàn đa văn hoá nơi đây đã hoàn tất cách đây vài tháng. Đây là niềm vui và hãnh diện “vẻ vang dân tộc Việt” mà người anh em linh mục chúng ta đã đóng góp cho Giáo hội Hoa Kỳ. Tôi nghe kể Ánh Sáng Chúa Kitô thể hiện qua ánh sáng thiên nhiên ngoài trời có thể chiếu sáng mọi chỗ trong thánh đường kể cả những nơi khuất lấp; ước gì ánh sáng tình thương và chân lý Chúa Kitô hôm nay sẽ soi tỏ nhiều góc cạnh sâu thẳm của mỗi đền thờ tâm linh chúng con nơi đây, nhất là những nơi ẩn khuất, mờ tối cần nhiều đến ơn Chúa.

Trong những ngày qua, tinh thần Emmaus của hai môn đệ đã được cha Nghị nhấn mạnh qua giá trị của thiên chức linh mục và sự hiệp nhất của các môn đệ. Hôm qua cha Thảo đẩy đi xa hơn, rộng hơn khỏi ngôi làng Emmaus để tiến tới Jêrusalem, và toàn cõi đất với tinh thần mở rộng làm viêc chung, gắn bó với nhau. Hôm nay con xin phép được đi sâu hơn một chút về tâm linh của mỗi đền thờ môn đệ Chúa đang ngồi đây: Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong để nhận biết rõ hơn chân tướng của mình hầu cuộc sống chúng con được tự do hơn, biết yêu hơn và hạnh phúc hơn trên đường nghĩa vụ tông đồ.

“Anh em hãy có lòng yêu thương nhau” mà chúng con nghe rất thường xuyên là sứ điệp chính quan trọng không kém lòng yêu mến Thiên Chúa. Thực tế phũ phàng trong đời người là chia rẽ, ganh ghét, hận thù vẫn bao trùm, đôi khi kéo ghì chúng con xuống vực thẳm. Chuyện kể rằng có hai con đại bàng. Một con thì luôn bay bổng trên bầu trời xanh lơ với những điệu múa thật đẹp để trang điểm làm đẹp cho đời. Trong lúc đó thì con thứ hai thường xuyên nhảy lò cò dưới đất như con gà, lúc nào cũng bới móc giun dế, vạch lá tìm sâu để đong đầy cái bao tử không bao giờ no đủ của mình. Một hôm có bác thợ săn đi qua, chú đại bàng dưới đất này không kềm hãm được cơn tức giân của mình khi nhìn lên chú đại bang trên trời nên yêu cầu bác thợ săn “bắn nó đi” cho bõ ghét.

- “Xin lỗi tôi chỉ mang theo cung mà không có tên.”

- “Không sao, lông của tôi đây, cứ bắn đi.”

Bắn gần hết lông, đến cái cuối cùng mà vẫn không trúng. Bực mình, thất vọng, điên tiết lên, chú đại bang gầm gừ với bác thợ săn:

- “Sao ông dở thế! Thế mà cũng đòi làm thợ săn!”

- “Chú à! Cung phải đi với tên. Mũi tên để bắn, lông chim để tô điểm cuộc đời. Chú muốn tôi bắn người ta với bộ lông mềm mại nhẹ tâng của chú thì sao tôi làm được? Thôi thì tôi đang nấu cháo. Nồi cháo cần thịt tươi. Vậy mời chú vào nồi cháo của tôi nhé!”

Than ơi! Tàn đời một kiếp đại bàng với quyết định nóng nẩy ngu xuẩn của chính mình.

Tại sao cuộc đời nghiệt ngã đến thế? Muốn yêu thương bay bổng như đại bàng nhưng đôi khi giật mình tỉnh giấc, ta lại thấy mình nhỏ nhen ích kỷ như đàn gà cục tác cựa quậy đá nhau. Tại sao vậy? Có lẽ ai cũng muốn những điều tốt lành thánh thiện cả nhưng thực tế chúng ta còn nhiều tham sân si, hỉ, nộ, ái, ố, sầu bi. Mục tiêu thì cao cả giống nhau nhưng phương cách thì mỗi người một phách nên mới có nhiều cảnh cười ra nước mắt. Ai cũng muốn hoà bình hạnh phúc cả nhưng có người thì thích áp dụng yêu thương nhường nhịn, san sẻ cho nhau như lời Chúa dạy; kẻ khác thì lại thích dùng bạo lực, hận thù, trả đũa,… Cách lựa chọn của chúng ta chưa đúng nên hậu quả là đau khổ và nước mắt; chiến tranh và thù hận còn tiếp diễn dài dài.

“Anh em hãy có lòng yêu thương nhau” đòi hỏi chúng con phải sống chân tình từ trong ra ngoài, mặt trong và mặt ngoài của tâm hồn phải có sự gần gủi tương đồng chứ không thể diễn tả qua “lối sống hai mặt” (double standards) được.

Bài phúc âm hôm nay (Mt 23:27-32) nghe như tin buồn thay vì Tin Mừng của Chúa. Những điệp khúc “Khốn cho các ngươi…” nghe như những lời nguyền rủa hoặc chúc dữ của Chúa cho kẻ tội lỗi. Tuy nhiên nếu khiêm nhường lắng đọng tâm hồn trong tinh thần cầu nguyện thì đây có thể là lời chúc lành. Hãy nghe lại lời nhắc nhở của Sư huynh An-Phong hôm qua về cảm nghiệm gặp Chúa của một em bé: “Cầu nguyện là trái tim của con được kết hợp với trái tim Chúa Giêsu”; đây là lời cảnh báo tha thiết và trung thực nhất mà Thiên Chúa muốn chúng con nhìn vào nếp sống hai mặt của mình.

- “Khốn cho các con giống như mồ mả tô vôi: bên ngoài có vẻ đẹp đẽ nhưng bên trong đủ thứ ô uế, bên ngoài có vẻ công chính trước mặt người khác nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác.”

- “Khốn cho các con là những người xây mồ tô mả cho các ngôn sứ và những người công chính, nhưng trong lòng các con vẫn thông đồng với nhau để giết các ngôn sứ và người công chính của Thiên Chúa.”

Lối sống hai mặt bởi đâu mà ra?

Thưa quý đồng môn, quý ông bà, và anh chị em!

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong nhắc nhở chúng con về căn tính Kitô hữu của mình: “Con là ai?” Chúa Kitô nổi bật và xác tín về căn tính của mình khi Ngài bước tới nhận phép rửa từ ông Gioan. Giọng Chúa Cha từ trời hướng về ngài vang lên rõ ràng và dứt khoát: “Con là con yêu dấu! Con đẹp lòng Cha mọi đàng”. Ngày đầu tiên bước vào nhà dòng, con được chào đón bởi một câu dán trên tường: “Tu sĩ Dòng Tên là những người tội lỗi, được Chúa thương, mời gọi đồng hành với Chúa Kitô trên con đường phục vụ”. Càng theo Chúa nhiều năm, con càng xác tín và tin tưởng thâm sâu trong lòng: con là kẻ tội lỗi nhưng được Chúa thương (I am a loved sinner). Trong sự ý thức sâu xa này, con có khuynh hướng dễ đồng cảm với chính mình và anh em con hơn khi có người té ngã, vấp phạm vì bất cứ lý do gì.

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong đánh thức chúng con về ơn gọi của mỗi người: Sống hết mình trong ân sủng, trong bể tình yêu của Thiên Chúa. Ơn gọi của chúng con không phải nhắm đến toàn hảo: chỉ thánh thiện, tốt lành, gương mẫu thì Chúa mới thương. Chính khuynh hướng cậy dựa vào sức riêng có nguy cơ tự công chính hoá chính mình, đóng vai Thiên Chúa kết án người khác, hoặc là sẽ thất vọng, giả hình, sống hai mặt khi mình không hoàn tất được những điều đoan hứa. Ơn gọi của chúng con là môn đệ Chúa nhắm đến sống trong ân sủng hơn là cắm đầu làm việc cho Chúa mà thiếu cái tâm; chấp nhận và vui sống với tất cả tài năng, tiềm năng cũng như yếu đuối, bất toàn của con người. Ơn gọi của chúng con là chia sẻ ân sủng của Chúa, biết cử mừng cuộc sống với ân sủng “Bê béo” tuôn tràn trên cả “người con hoang đàng” lẫn “người anh cả có vẻ toàn hảo” trong dụ ngôn Người cha nhân hậu. (Lc 15}

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong củng cố sứ vụ tông đồ của mỗi người. Chúng con được Chúa sai đi như Môisen ngày xưa nhận lãnh sứ vụ dẫn dắt dân Chúa băng qua sa mạc tiến về Đất Hứa. Nếu đọc lại bài phúc âm trước đây một hai tuần, chúng con có nghe Chúa nhắc đến hai cái “Khốn…” khác mà có liên hệ trực tiếp tới sứ vụ mục tử chăm sóc đền thờ.

- Khốn cho các con, khi có người chỉ vào đền thờ mà thề thì các con lại nói là cũng như không; nhưng khi họ chị vào vàng bạc trang trí tường đền thờ thì các con lại khẳng định là bị ràng buộc. (Mt 23:15)

- Khốn cho các con, khi ai chỉ bàn thờ mà thề thì các con cho là vô giá trị; nhưng khi họ chỉ vào lễ vật trên bàn thờ thì các con lại kết luận là bị ràng buộc.( Mt 23:18)

Đất Hứa hay sa mạc, đâu là đích điểm? Đền thờ là nơi Chúa ngự hay vàng bạc trang trí đền thờ? Bàn thờ là nơi kết hợp với Chuá hay tế phẩm dùng để diễn tả lòng người?

Sứ vụ chính của chúng con: đồng hành và dẫn dắt dân Chúa tiến về Đất Hứa gặp Chúa chứ không phải thành lập các tượng đài ru ngủ dân Chúa trong sa mạc. Đất Hứa mới là đích điểm, những sự khác chỉ là bóng mát bên đường.

Kính thưa anh em, Năm Thánh Linh Mục đã bắt đầu. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô vị chủ chăn gương mẫu mời gọi chúng ta canh tân đời sống tận hiến của mình. Con thiết nghĩ kiếp người giống như tuổi thọ của chim đại bàng: bẩy mươi tuổi. Khi đạt tới tuổi bốn mươi thì đại bàng phải đối diện với một “tiến trình lột xác”. Vào tuổi này, lông cánh của nó mọc ra rậm rạp và cằn cỗi hơn làm nó không thể bay cao được. Mỏ của nó thì quặp lại nên không thể ăn uống như xưa. Các móng vuốt của nó uốn co quắp lại nên khó có thể săn mồi. Đài bàng có hai lựa chọn trước mắt: một là không làm gì, chấp nhận sống èo uột để rồi chết đói và chết yểu; hai là trải qua tiến trình lột xác kéo dài năm tháng trời ròng rã trước khi bước vào cuộc sống mới.

Nếu quyết định nhập cuộc, đại bàng sẽ bay lên núi thật cao, làm tổ và ẩn mình thao luyện. Hằng ngày nó phải cắn răng nhổ từng sợi lông để rồi lông mới mọc ra mượt mà, óng ả với sức sống mới. Hằng gìờ nó phải cà mỏ trên những phiến đá, chấp nhận máu mủ rỉ ra để rồi cuối cùng mỏ cũ bật ra và mỏ mới mọc lên thẳng muốt thật đẹp. Lần này qua lần khác nó phải nghiến răng mài dũa từng cái móng để rồi móng cũ chết đi thay vào đó những móng mới từ từ mọc ra cứng cát mạnh mẽ hơn cho việc săn mồi. Sau một trăm năm mươi ngày lột xác, giờ đây chim đại bàng hồi sinh sung sướng bay lượn trên nền trời cao xanh đầy ánh mặt trời cho tới cuối đời.

Năm Thánh Linh Mục này là năm chúng con được mời gọi hồi sinh, canh tân lý tưởng.

No pain, no gain! No cross, no crown! Con đường hồi sinh đòi hỏi một tiến trình gian khổ với đầy hy vọng.

Đường Emmaus là con đường đi về phía bên trong, lột xác chính mình qua việc xét lại căn tính, ơn gọi, và sứ vụ tông đồ của mỗi người.

Ước gì những mồ mả tô vôi của chúng con, nhờ ơn Chúa giúp, sẽ trở nên nấm mộ Phục Sinh để Chúa Kitô đem đến chúng con một cuộc sống mới đầy tự do và yêu thương như lòng ao ước của Chúa Giêsu: “Người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy có lòng yêu thương nhau”

Trong niềm khao khát hồi sinh và canh tân này, xin cho Lời Chúa qua miệng tiên tri Ezekiel được ứng nghiệm trong cuộc sống của từng người chúng con:

Ta sẽ tặng các con một quả tim mới

Sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng

Lấy khỏi mình các con quả tim chai đá

Ban tặng các con một quả tim biết yêu thương
.”
 
Giáo phận Thái Bình đón Đức tân Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ
Hương Giang
10:39 01/09/2009
THÁI BÌNH - Sáng nay, ngày 1/9/2009, toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận đã hân hoan tiến về nhà thờ chính tòa Thái Bình để đón mừng Đức tân Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ.

Xem hình ảnh

Vui mừng chào đón Đức tân Giám Mục Thái Bình

Từ tờ mờ sáng, Đức Giám Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang cùng các Linh Mục và đông đảo các đoàn hội từ khắp các xứ họ trong giáo phận Thái Bình đã trang phục chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn từ cổng nhà thờ để chuẩn bị đón Đức tân Giám Mục Phêrô Nguyễn văn Đệ.

Đã từ lâu, Giáo dân “quê hương năm tấn” luôn mong chờ có Đức tân Giám Mục để người Cha đã gắn bó với họ gần 20 năm được thảnh thơi trong tuổi già, không còn phải quá vất vả vì con cái. Vì thế, ngay khi biết tin Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ sẽ lên kế vị Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang, giáo dân Thái Bình đã háo hức mong chờ ngày Ngài chính thức về nhận nhiệm sở. Và sáng ngày 1/9/2009 niềm mong mỏi đó đã thành hiện thực.

Các nghi thức đón Đức tân Giám Mục

Theo như lịch trình, khoảng 8h30 Đức Cha Phê rô sẽ về đến Tòa Giám Mục Thái Bình. Vì thế, để buổi tiếp đón được trang nghiêm và long trọng, ngay từ sáng sớm, Đức Cha Phanxico Xavie cùng các Linh Mục và toàn thể giáo dân trong địa phận đã tề tựu đông đủ trước quảng trường ngôi Thánh đường “nguy nga” để chuẩn bị tiếp đón Đức tân Giám Mục Phêrô. Khi xe của Đức tân Giám Mục vừa tới cổng nhà thờ, từng hồi trống vang lên, từng đội kèn thay nhau cất lên những lời ngợi ca trầm bổng để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo phận người chủ chăn mới. Những bông hoa được kết thành vòng tươi thắm đã được hai vị chủ chăn trao cho nhau trong tình huynh đệ. Cả rừng người cùng hướng tới hai vị chủ chăn và cùng các Ngài tiến lên đại sảnh nhà thờ chính tòa tiếp tục với những nghi thức “nhận giáo phận”. Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang đã trao tấm bản đồ Giáo phận Thái Bình cho Đức tân Giám Mục. Tấm bản đồ bằng giấy mỏng manh, nhẹ nhàng là vậy nhưng ẩn sâu trong đó là bao trọng trách nặng nề mà vị kế nhiệm phải tiếp tục gánh vác.

Giáo phận Thái Bình xét về địa giới hành chính bao gồm hai tỉnh là Hưng Yên và Thái Bình với 133.000 tín hữu, 95 giáo xứ, 340 họ đạo, 70 Linh Mục trong đó có 61 Linh Mục Triều và 9 Linh Mục Dòng, 150 Tu sĩ nam nữ thuộc 13 hội dòng và tu đoàn tông đồ đang phục vụ tại Giáo phận. Như vậy, trọng trách mà Đức tân Giám Mục phải tiếp tục sứ vụ còn nhiều khó khăn, vất vả.

Tiếp sau đó, Đức Cha Phê rô đã hôn kính Thánh giá, rảy nước phép trên mình và cộng đoàn dân Chúa rồi cùng Đức Cha Phanxico và các Linh Mục tiến vào Thánh đường viếng nhà thờ. Trong thánh lễ đón Đức tân Giám Mục hôm nay không có phần sám hối mà thay vào đó là nghi thức tiếp nhận giáo phận của Đức Cha Phê rô. Nghi thức tiếp nhận giáo phận bao gồm việc trình Tông thư cho Hội đồng cố vấn và công bố Tông thư trước toàn thể dân Chúa; Đức ông Nguyễn Phúc Hạnh đọc diễn văn chào mừng Đức tân Giám Mục Chính tòa Thái Bình và cám ơn Đức Cha Phanxico Xavie. Nghị thức tiếp nhận Giáo phận còn có phần lập biên bản (Cha Đặng Văn Cầu) và kí vào biên bản “tiếp nhận giáo phận” của Đức Cha mới. Từ đây Đức Cha Phêrô sẽ “giang tay ôm Giáo phận Thái Bình vào lòng” và “Giáo phận Thái Bình sẽ mở lòng ôm Cha vào dạ”.

Nỗi niềm của Đức tân Giám Mục

Trong bài chia sẻ nhân ngày lễ nhận Giáo phận, Đức tân Giám Mục đã bày tỏ nỗi “lo lắng, run sợ” trước trách nhiệm lớn lao mà Chúa trao phó. Ngài lo lắng làm sao có thể đưa “600 ngàn lương dân trong hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình trở về với Chúa Kito vì họ cũng là con của Cha trên trời, là anh chị em ruột thịt với chúng ta”, làm sao để chăm sóc Đức tin cho những người đã biết Chúa để họ có thể sống đạo chứ không chỉ giữ đạo. Làm sao để có đầy đủ có cơ sở vật chất (nhà giáo lý, sân chơi, trường học…) để phục vụ nhu cầu của người già cũng như trẻ nhỏ. Và còn rất nhiều những câu hỏi “làm sao?” mà Đức tân Giám Mục đã đặt ra và đang tìm cách trả lời cho mỗi câu hỏi.

Tuy băn khoăn, lo lắng là vậy nhưng Ngài vẫn một lòng tín thác vào Đức kito, tin vào sự trợ lực của Đức Maria cũng như Thánh Phêrô quan thầy. Ngài thiết tha cầu nguyện xin Chúa ban cho Ngài đủ can đảm để trả lời câu hỏi mà Chúa Giesu xưa đã hỏi Thánh Phê rô “Phê rô con có yêu Thầy thật không? Con có yêu mến Giáo hội của Thầy không?” cách nhiệt tình và mạnh mẽ: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa, Chúa biết con yêu mến Giáo hội của Chúa…hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn con”. Ngài cũng khiêm tốn xin anh chị em Giáo phận Thái Bình quảng đại nhận Ngài là một thành viên trong gia đình của Giáo phận để từ nay mọi hơi thở, hoạt động của Ngài gắn liền với mảnh đất quê lúa thân thương.

Lạy Chúa, chúng con Tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho Giáo phận Thái Bình chúng con vị chủ chăn mới. Xin Chúa luôn đồng hành cùng Đức tân Giám Mục của chúng con để Ngài đủ khôn ngoan, nghị lực và lòng can đảm để lèo lái con thuyền Giáo phận, chu toàn trọng trách chủ chăn mà Chúa đã trao phó. Chúng con cũng xin Chúa ban cho Đức Cha Phanxico Xavie – nguyên Giám Mục Giáo phận của chúng con luôn được bình an, thư thái trong tình yêu của Chúa. Xin Chúa cũng ban cho cho mỗi thành viên trong Giáo phận luôn có tinh thần hiệp nhất trong Đức Kito, luôn vâng theo sự hướng dẫn của Đức tân Giám Mục Phêrô.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chế độ tại Việt nam dùng bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng để chia rẽ Giáo Hội và bắt bớ giáo dân
J.B. AnDang
09:55 01/09/2009
Lời nói của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI được chế độ tại Việt Nam dùng để chỉ trích các Giám Mục, Linh Mục, và Giáo Dân Việt Nam và cho rằng các thành phần này đã làm giáo hội “phá sản tinh thần”. Nhiều cáo buộc các linh mục có “ý định” đảo chính chính quyền được đưa ra để có lý do bắt giữ các bloggers và những ngưòi chống đối.

Hanoi (AsiaNews) – Một thanh niên đang học giáo lý dự tòng, và cũng là chủ biên của một blog trên internet đã bị bắt giữ hôm 27 tháng Tám, năm 2009. Nguồn tin địa phương cho AsiaNews hay là công an đang hoạch định chiến dịch mới để bắt bớ những ai dám cả gan chỉ trích các cơ quan truyền thông của CSVN đã xuyên tạc Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI gởi đến các Giám Mục Việt Nam trong chuyến viếng thăm Ad Limina của các ngài mới đây tại Vatican (Xem Daily Bulletin Holy See Press Office 27.06.2009 đính kèm ở cuối bài viết này.)

LM Phêrô Nguyễn Văn Khải, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, đã xác nhận với AsiaNews về “vụ bắt giữ anh Bùi Thanh Hiếu, một dự tòng của tổng giáo phận Hà Nội đang theo học giáo lý để sửa soạn lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.” Một nữ tu cũng cho biết rằng đây không phải là lần cuối cùng những bloggers theo đạo Công Giáo chỉ trích các cơ quan truyền thông của nhà nước về ‘sự xuyên tạc bỉ ổi’ Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI gởi đến các Giám Mục nhân dịp Ad Limina tại Roma vừa qua. Tất cả những người đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm và có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào.

Ngày 24 tháng Tám vừa qua, Vietnam Net, một cơ quan truyền thông của nhà nước, đã cho đăng một bài tựa đề là “Người Công Giáo tốt là người công dân tốt”. Bài báo này đã trích dẫn nhiều câu nói của Đức Giáo Hoàng, và ráp nối lại để xuyên tạc rằng Giáo Hoàng Benedictô XVI mạnh dạn phê bình các Giám Mục là nên quan tâm nhiều hơn đến việc các linh mục phải cố gắng nên thánh, để khả dĩ họ có thể dẫn dắt đoàn chiên sống theo ý Đức Giáo Hoàng là để thành người Công Giáo tốt và công dân tốt.

Bài báo trích hai đoạn trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng như sau: “Linh mục phải đào sâu đời sống nội tâm và cố gắng đạt sự thánh thiện” và “giáo dân Công giáo phải chứng tỏ bằng đời sống của mình, đặt nền tảng trên đức ái, sự trung thực và yêu mến những công ích chung, người công giáo tốt thì cũng là công dân tốt”. Từ đó, bài báo đưa ra hàm ý là tại Việt Nam, các linh mục không đi sâu vào nếp sống thiêng liêng, không quan tâm tới sự thánh thiện và giáo dân thì không sống bác ái, trung thực hay yêu mến nên họ cũng chẳng phải là công dân tốt.

Đây chính là ý đồ rõ ràng muốn muốn bêu xấu các cuộc phản kháng của người Công Giáo trong nhiều tháng trời vừa qua, phỉ báng sự dấn thân của các linh mục Việt Nam cho công lý và nhân quyền, và sự tham dự của giáo dân trong những nỗ lực bảo vệ các quyền tự do tôn giáo. Theo lời cha Joseph Nguyễn ở Hà Nội, bài báo tạo cho người ta cái ấn tượng rằng “Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã sỉ nhục Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam là băng hoại tinh thần.”

Bài báo này cũng kết tội các Giám Mục Việt Nam. Thực thế, một câu nói khác của Đức Giáo Hoàng đã bị xuyên tạc. Câu “sự hợp tác giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều khả thi,” bị bài báo xem như một bằng chứng rõ ràng là các Giám Mục đã không kiên nhẫn và cởi mở đối thoại trong các quan hệ giữa Giáo Hội đối với chính quyền và hơn thế, các giám mục luôn luôn giữ một thái độ thù nghịch với nhà cầm quyền cộng sản.

Trên thực tế, như mọi người đều biết rằng rất nhiều trường hợp trái ngược xảy ra trong nhiều tháng nay ở Hà Nội, Thành Hồ, Thành Phố Vinh, Thành Phố Huế, các Giám Mục luôn luôn tìm cách đối thoại với chính quyền, nhưng ngược lại Công An đã đánh đập, chỉ trích, và bắt bớ giáo dân và làm nguy hiểm đến tính mạng của vài linh mục.

Thâm hiểm hơn nữa, trong thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng XVI đã nhận định rằng “ý định của Giáo Hội chắc chắn là không muốn thay thế các nhà lãnh đạo trong chính quyền.” Thế nhưng bài báo lại hàm ý rằng từ lâu nay, Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng đã biết rõ kế hoạch lật đổ chính quyền của các linh mục Công Giáo, nên đề nghị các Giám Mục Việt Nam hãy chỉ điểm và cô lập những phần tử nào nằm trong kế hoạch này.

Một nữ tu cho biết rằng lập tức ngày hôm sau, nhiều cơ quan truyền thông khác cũng cho đăng bài báo này và kêu gọi bắt giữ lập tức và trừng phạt các linh mục ở Thái Hà và ở giáo phận Vinh. Họ là những linh mục đã đòi phải trả lại tài sản của giáo hội mà trước đây chính quyền đã cướp đi với luận điệu là “để phục vụ nhân dân” nhưng nay lại muốn bán đi cho những mục đích tư nhân.

Những mánh khóe xuyên tạc bài thông điệp của Đức Giáo Hoàng XVI đã tạo nên nhiều thất vọng trong hàng ngũ người Công Giáo ở Việt Nam, và qua các “blog” trên internet, họ đã lên tiếng trình bày quan điểm của mình, đả kích các cơ quan tuyên truyền cộng sản và cho đăng tải rộng rãi bài thông điệp nguyên thủy của Đức Giáo Hoàng.

Rất nhiều người quan ngại rằng không biết giáo dân còn có thể nào cộng tác với một chính quyền chuyên chế như vậy được không, một chính quyền cổ động những chính sách và những bất cống chống lại các tín hữu Công giáo, đan cử là chính sách về kiềm chế dân số phát triển và chính sách điều hòa sinh sản phá thai.

Đáp lại, chính quyền CSVN đã bắt đầu bắt giữ mấy nhà bloggers. Trước khi anh Bùi Thanh Hiếu bị bắt, một blogger khác là anh Huy Đức, làm việc ở Sài Gòn Tiếp thị (Saigon Marketing) cũng gặp rắc rối. Anh Huy đã dám cả gan biểu lộ ý tưởng cảm kích trước sự sụp đổ của “Bức Tường Ô Nhục Bá Linh”, và sự sụp đổ của chế độ Nga Sô, là một chế độ đã tạo nên biết bao năm khốn khổ cho các dân chúng ở Đông Âu.
 
Xin đừng xé Chúa ra làm đôi!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
09:56 01/09/2009
Những tin tức gần đây chung quanh chuyện ‘thậm thụt’ đi lại của CSVN với Tòa thánh Vatican nghe đâu có liên quan tới một vài vị giám mục và đặc biệt những tin tức công khai trên báo đài liên quan tới hàng giáo phẩm VN, lại thêm tin đồn được khai thác triệt để về việc đi ở của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và đưa ra những tiên đoán về nhân sự xem ai sẽ thay thế địa vị đó, v.v… mặc dù chỉ là những ‘tin đồn’, nhưng theo sự kiện những diễn biến đang xẩy ra tại Việt Nam, chúng đang gây ra một sự hoang mang khá trầm trọng không những chỉ trong giới công giáo mà mà còn cho rất nhiều người quan tâm tới tình hình đất nước.

Thêm vào đó, sự im lặng từ phía giáo quyền càng làm cho tình hình trở thành mơ hồ thêm. Lý do không muốn lên tiếng có thể là vì coi đó chỉ là những tin đồn thổi vô căn cứ, hoặc vì có những khúc mắc mà chưa thể lên tiếng được, hoặc cho rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đó thôi… Tuy nhiên sứ vụ rao giảng của các đấng chủ chăn là phải hướng dẫn đoàn chiên, các ngài không thể chu toàn trọng trách của mình nếu cứ tiếp tục để đoàn chiên sống trong nỗi hoang mang và thiếu định hướng, nhất là trước những tin tức có tác động làm thiệt hại cho sự đoàn kết và gây chia rẽ trong giáo hội.

Những nguồn tin gây hoang mang gần đây nếu đối chiếu với thực tế chúng ta thấy đấy không phải hoàn toàn là những tin tức không có căn cứ. Vì trong khi có nhiều nhà thờ, họ đạo tu sĩ giáo dân bị công an bắt bớ, hăm dọa bị “quần chúng tự phát” đánh đập dã man như Thái Hà và Tam Tòa. Rồi không ít giáo phận khác đang còn bị nhà nước gây khó khăn khi muốn đòi lại những tài sản bị mất trước kia mà nay đang bị họ bán chác làm nhà hàng kinh doanh. Như đất của DCCT ở Nhà Trang, dòng Thánh Phaolồ ở Vĩnh Long hoặc thậm chí bị đe dọa sẽ ‘xóa sổ’ luôn như nhà thờ Thủ Thiêm ở Sàigòn mấy ngày gần đây v.v… thì lại có những giáo phận khác được nhà nước ưu đãi ra mặt, như thể những giáo phận này không cùng đạo với những nơi đang lâm vào tình cảnh khốn khổ kia.

Tại những nơi này, các đấng bề trên chẳng hề nhọc công mời gọi giáo dân thắp nến cầu nguyện đấu tranh đòi công lý như TGM Ngô Quang Kiệt hay như các cha DCCT tại Tòa Khâm Sứ, Thái Hà – Hà Nội. Ấy vậy mà công lý từ đâu vẫn cứ tự dưng ùn ùn kéo đến…!? chẳng những được trả, mà còn được trả nhanh, trả một cách sốt sắng, thậm chí hào phóng gấp bội!

Hóa ra, chẳng cần đến ‘Sự Thật – Công Lý’ như các đức cha Ngô Quang Kiệt, Cao Đình Thuyên và các cha DCCT mà nhiều nơi vẫn đạt được mục đích đòi đất một cách hết sức nhẹ nhàng. Thí dụ như, có vị chủ chăn ‘may mắn’ được ông thủ tướng Dũng thỉnh thoảng ghé thăm, được cùng ông xuất hiện truyền hình báo đài cho cả nước chiêm ngưỡng là ‘người công giáo tốt’ vài lần. Hiệu quả liền có tức thì là tất cả đảng bộ chính quyền địa phương sẽ phải ‘xếp re’, khi ấy các Ngài chỉ xin một miếng đất thôi nhưng có khi lại được tới những hai ba lần nhiều hơn không chừng.

“Đường nào cũng đến Rôma” có thể là vậy! nhưng nếu tiếp tục để cái cảnh giáo hội cùng tin thờ cùng một Cha, cùng sống trên cùng một đất nước và được cai trị bởi cùng một chính quyền mà lại bị phân biệt đối xử khác nhau, bên thương bên ghét’ như thế, ai cũng nhận ra rằng chẳng bao lâu nữa người ta sẽ ‘xé xác’ Chúa ra làm đôi!

Nếu chuyện này xảy ra, không biết rồi đây nửa kia, nói như ông bà của chúng con, là loại ‘nửa nạc nửa mỡ’ sẽ bị thế gian đem đi về đâu, thật khó mà biết!?

Sở dĩ người viết dám mạo muội gọi đó là ‘nửa nạc nửa mỡ’, vì xưa Chúa đã từng dạy không ai trong chúng con có thể làm tôi tốt cùng một lúc cho hai chủ. Đã đi theo Chúa thì chỉ được phép chọn một. Hoặc là Chúa của những người thấp cổ bé họng trong xã hội hoặc loại chúa giả do thế gian dựng lên với những bả vinh hoa phú quí phù phiếm chóng qua của nó. Vì thế, chắc chắn sẽ không bao giờ có bất kỳ người công giáo nào có thể hoàn thành một hai việc: vừa giữ “tốt đạo” mà lại vừa làm “đẹp đời” như cái khẩu hiệu “đồng hành cùng dân tộc”(và là mệnh lệnh) mà ban tôn giáo chính phủ đã đặt ra cho người công giáo chúng ta lâu nay.

Thật ra, ‘đời’ ‘đạo’ hay ‘dân tộc’, tự bản thân chúng chẳng có tội tình gì. Đó chỉ là những từ ngữ đơn thuần nói về cuộc sống, về đời người của trên 6 triệu người công giáo và của gần 80 triệu người Việt Nam theo các tín ngưỡng khác đang cùng chung sống đất nước này. Đều là những cái hết sức tốt đẹp do Chúa tạo dựng nên.

Vấn đề là đã có chuyện chẳng lành xảy ra cho dân tộc VN bấy lâu nay, đó là đã có nhiều danh xưng tốt đẹp đã bị đảng Csvn đem ra chơi trò ‘đánh lận con đen’ để thủ lợi. Bằng chứng đã có không biết bao nhiêu người bị bắt bớ giam cầm, tù ngục, trong đó có cả một linh mục Công giáo, chỉ vì họ dám đứng lên đấu tranh đòi tự do, công bằng cho dân tộc. Chỉ vì CSVN cho rằng, ‘yêu nước’ là phải yêu luôn cái đảng của họ với bao tội ác cùng muôn sự sai trái của nó.

Vậy chẳng nhẽ người công giáo chúng ta để được mang hai chữ ‘tốt đạo’ vào người lại phải chấp nhận đồng hành với những cái sai trái ấy ư?

Trước bao cảnh trái ngang ‘trống đánh xuôi kèn thổi ngược’ đang diễn ra trong giáo hội, chắc rằng không có bất kỳ người sống ‘tốt đạo’ đúng nghĩa nào biết chuyện mà lại không thắc mắc:

- Tại sao trong lúc những anh em đồng đạo mình bị đánh đập, bắt bớ dã man ở Tam Tòa bị chửi bới lên án nặng nề trên truyền hình chỉ vì lo cho có một nơi thờ phượng cho đàng hoàng, thì chẳng bao lâu sau cảnh tượng huy hoàng của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục VN Nguyễn Văn Nhơn cùng rất, rất nhiều linh mục tu sĩ giáo phận Đà Lạt ‘vô tư’ xuất hiện trên truyền hình làm lễ động thổ xây dựng Trung tâm Mục vụ hết sức hoành tráng rộng mấy hécta với không ít lời ca ngợi từ nhà nước? Chẳng nhẽ Chúa ở giáo phận Đà Lạt ‘số đỏ’ hơn Chúa ở Đồng Hới nên nhờ vậy mà tu sĩ, giáo dân nơi này được hưởng sái?

- Tại sao Lm.Lý bị đi tù vì đấu tranh cho tự do tôn giáo, ngày Ngài bị đi tù giáo hội không lên tiếng bảo vì ngại chuyện này chuyện nọ bị hiểu lầm thôi thì đã đành. Nhưng nay qua người em của Ngài cho biết gần đây thì không hiểu vì lý do gì Tòa TGM Huế nơi Ngài phục vụ suốt mấy chục năm qua đã gần như quên luôn cả trách nhiệm thăm viếng Ngài. Mà việc thăm viếng tù nhân nào ai bắt kèn trống đâu mà ngại, vậy thì vì lẽ gì bỏ rơi Ngài trong sách kinh Phúc Thật Tám Mối của đạo chúng ta vẫn còn đó lời răn dạy mối thứ tư đó là nhớ “Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc” ?

Tại sao và tại sao …. toàn là những cái ‘tại sao’ nghe thật đau lòng!.

Phải chi trước những ưu ái của nhà nước với giáo phận Đà Lạt như vừa qua (mà xem ra đã được tính toán rất đúng lúc, vì nó lên tivi chẳng bao lâu sau khi xảy ra vụ Tam Tòa) các vị có trách nhiệm trong HĐGMVN nói với nhà nước câu này “Thưa các quí ông ban tôn giáo chính phủ và chính quyền điạ phương, Chúng tôi xin hết sức cảm ơn sự chiếu cố của nhà nước ta. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay như quí vị cũng biết đấy, cộng đồng tu sĩ giáo dân ở nhiều nơi như Tam Tòa là chung giáo hội với chúng tôi, họ chỉ mong một ngôi nhà thờ nho nhỏ để dâng lễ nhưng đã bị công an đánh đập tàn nhẫn như vậy, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” làm sao giáo phận chúng tôi có thể vui vẻ mà khởi công?”

Ôi! Giá như cả giáo hội mà trên dưới đồng một lòng như thế, chắc chắn sẽ không bao giờ có cảnh giáo hội nơi thừa mứa nhà thờ, nhưng nơi khác Chúa chẳng có lấy được mảnh đất để cắm dùi ‘lập nghiệp’ như Tam Tòa suốt mấy chục năm qua.

“Xin đừng xé Chúa ra làm đôi” mong lắm thay! Thưa các Đấng Bề Trên của giáo hội.

Sàigòn, 01/9/2009
 
Phản kháng các cơ quan truyền thông nhà nước tuyên truyền sai sự thật về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam
Nguyễn Xuân Hương
15:01 01/09/2009
Ngày 27/8 và những ngày sau đó các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Việt Nam đã trích đăng/dịch bài “Ambassador meets with Vatican representative” của VOVNews - một bản tin với nhiều chi tiết sai lạc về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Trong bản tin, VOVNews cho biết Đại Sứ Việt Nam tại Ý là ông Đặng Khánh Thoại hôm 22/8 đã có cuộc tiếp xúc với Đức Ông Ettore Balestero, bí thư Bộ Quan Hệ Với Các Dân Tộc của Tòa Thánh. Trong buổi làm việc với Đức Ông Balestero, ông Thoại “tái khẳng định chính sách kiên định của Việt Nam là tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của dân chúng.”

Bản tin cho biết thêm: “Ông Thoại cũng thông báo với vị đại diện Tòa Thánh Vatican về những cải thiện và sự phong phú trong đời sống tôn giáo của các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền.”

Điều này không đúng sự thật. Những gì diễn ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây thôi chứng minh điều ngược lại. Cho tới nay, quyền tự do tôn giáo của người dân tại Sơn La thuộc giáo phận Hưng Hóa, Đồng Hới thuộc giáo phận Vinh và nhiều thôn bản vùng Cao Nguyên Trung Phần thuộc giáo phận Đà Lạt, Kon Tum, và Ban Mê Thuột vẫn không được tôn trọng. Đáng buồn hơn người Công Giáo tại Việt Nam bị tấn công cả về tinh thần lẫn thể lý.

Việc hàng trăm người Công Giáo bị đánh đập tại Tam Tòa, Đồng Hới; việc các linh mục Nguyễn Thế Bính và Nguyễn Đình Phú bị đánh đập trọng thương; việc các linh mục Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Phượng, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật và Nguyễn Ngọc Nam Phong bị bôi nhọ và gán ghép những tội danh nguy hiểm trên tờ Hà Nội mới số ra ngày 24 tháng 8 (và trên một số cơ quan truyền thông khác những ngày sau đó); việc tiếp tục giam cầm linh mục Nguyễn Văn Lý là không thể chấp nhận được và đe dọa nghiêm trọng những tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước vốn đã rất căng thẳng.

Nhân đây, chúng tôi yêu cầu các cơ quan thông tin của nhà nước phải biết tự chế trong lãnh vực chuyên môn của mình, nhất là không làm thay chức năng tòa án.

Bài báo trên tờ VOVNews nói rằng “The Catholic Church in Vietnam has also been given permission to organise the Year of Saint 2010.” Chúng tôi không hiểu bài báo muốn nói gì trong cụm từ “the Year of Saint 2010” vì cụm từ ấy vô nghĩa. Trong Giáo Hội Công Giáo vị thánh nào cũng có tên đàng hoàng - không có vị thánh nào mang "bí số" 2010. Giáo Hội có thể cử mừng "the Year of Saint Paul" (Năm Thánh Phaolô), "the Year of Saint Peter" (Năm Thánh Phêrô), chứ không mừng "Năm Của Thánh Bí Số 2010". Cơ quan truyền thông nhà nước thể hiện gương mặt quốc gia không nên viết cẩu thả như vậy. Còn nếu hiểu là “Năm Thánh 2010” (Jubileum - Holy Year) thì tự bản tin của VOVNews cũng đủ nói lên thực chất việc “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của dân chúng.” Giáo Hội ở các nước khác trên thế giới, ngay cả tại Trung Quốc và Cuba, không cần ai “cho phép” để tổ chức Năm Thánh.

Những thông tin như thế thiết nghĩ chỉ làm trò cười cho thế giới và làm ô nhục quốc thể đất nước chúng ta.

Bản tin VOVNews cũng nói rằng “Đại Sứ Đặng Khánh Thoại nói rằng ông đồng ý với tuyên bố của Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong buổi gặp gỡ với các Giám Mục Việt Nam tại Rôma. Trong bài diễn văn ngài đã kêu gọi người Công Giáo Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước coi đó như một nghĩa vụ và là cống hiến quan trọng trong thời điểm khi Việt Nam phát triển quan hệ với cộng đồng thế giới.”

Thủ đoạn cắt cúp những câu nói để phỉ báng Giáo Hội Việt Nam là điều không thể chấp nhận và không đóng góp vào cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và nhà nước Việt Nam.

Thực tế là ở miền Bắc sau năm 1954, và ở miền Nam sau năm 1975, hơn 2250 trường đại học, trung học, tiểu học, bệnh viện, viện mồ côi, nhà dưỡng lão và các cơ sở hoạt động bác ái xã hội khác đã bị nhà nước tịch thu và dùng vào những mục đích khác, kể cả để kinh doanh và ban phát cho cán bộ.

Giáo Hội bị cấm không được hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, y tế trừ một số cơ sở chăm sóc cho người cùi và những bệnh nhân nhiễm HIV mà nhà nước không muốn dính líu tới.

Các Giám Mục Việt Nam đã liên tục yêu cầu được dự phần tích cực trong các hoạt động vốn là sở trường của mình như giáo dục và y tế. Giáo Hội tại Việt Nam dù trong hoàn cảnh bị cấm đoán vẫn luôn luôn tìm cách này cách khác đóng góp cho sự vươn lên của đất nước.

Việc cắp cúp diễn văn của Đức Giáo Hoàng, vị lãnh đạo tinh thần của thế giới Công Giáo là một điều bất kính và chắc chắn sẽ bị vạch trần trước công luận thế giới.

Nhân đây chúng tôi xin nhắc lại một vài điểm đã nêu trong tài liệu “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” được đưa ra tháng Chín năm 2008.

“…đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.”

Mong rằng những xuyên tạc sai sự thật về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam phải được nhanh chóng chấm dứt, những bài báo, bản tin phỉ báng Giáo Hội Việt Nam, các linh mục và giáo dân phải được cấm đoán để tạo cơ sở cho một cuộc đối thoại tích cực và có hiệu quả giữa Giáo Hội và nhà nước Việt Nam.
 
Lại chuyện Tam Tòa: Hôm nay đang biến đổi ra sao!
Phanxicô Têrêxa
18:27 01/09/2009
HUẾ - Đúng 6h30 phút tôi cùng chiếc Honda rời Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang để trở lại thăm giáo xứ Tam Tòa. Suốt chặng đường khoảng 110km, tôi cố gắng tưởng tượng khung cảnh ở giáo xứ Tam Tòa như thế nào. Tôi thầm nghĩ chắc chính quyền cộng sản ở Quảng Bình sẽ mau chóng trả lại đất cho Tam Tòa thôi, vì dư luận cả trong và ngoài nước lên án dữ vậy mà! Chẳng lẽ những người "cán bộ" có học vấn như thế mà không biết nhục và không biết đạo lí luân thường là thế nào nữa sao?

Khoảng chừng 8h30 phút, chiếc Honda đã đưa tôi rảo quanh nhà thờ Tam Tòa. Nhìn chung quanh nhà thờ, thấy có rất đông người, tôi thầm nghĩ: Chẳng lẽ lại có Thánh Lễ sao? Như có kinh nghiệm những sự việc đã xảy ra lần trước, tôi chỉ rảo quanh để thăm dò thế nào đã, lỡ may lại bị "ai đó" dẫn đi thì nguy. Cuối cùng tôi quan sát và hỏi thăm thì mới biết đó không phải là những người tham dự Thánh Lễ mà là những công nhân đang thực thi "công trình" dưới sự chỉ huy của các cán bộ công an tỉnh Quảng Bình. Nhìn thấy cảnh này, tôi lại liên tưởng đến vụ việc xảy ra với Thái Hà ở Hà Nội. Chẳng lẽ sau vụ Thái Hà mà "cha con" chưa bẽ mặt hổ ngươi hay sao???

Một công trình lại được gấp rút xây lên ở Quảng Bình như một bản copy của vụ Thái Hà ở Hà Nội. Thiết nghĩ đây là công trình để đánh dấu một tội ác, một tội ác hiện tại chứ không phải quá khứ, một công trình để con cháu họ nhớ rằng cha ông họ đã cướp được nhà thờ Tam Tòa từ tay các Linh mục và giáo dân ở nơi đây. Rồi không biết ngày mai đây, bên cạnh tòa tháp cổ kính của nhà thờ lại mọc thêm cái gì nữa đây?

Rồi tôi cũng chỉ thấy vậy vì không vào được gần, bởi lẽ đã có một hàng bảo vệ với tấm bảng lớn "Không phận sự miễn vào". Tôi chỉ zoom chiếc máy ảnh để chụp được mấy pô hình mà thôi, vì bảo vệ lại "mời" tôi đi với vẻ mặt hăm dọa.

Suốt chặng đường trở về, tôi cứ suy nghĩ rồi không biết đất nước mình sẽ phát triển tới đâu khi đây đó vẫn còn xảy ra những chuyện như thế, rồi đây thế giới sẽ nhìn đất nước mình với ánh mắt thế nào đây?

Tôi sẽ còn trở lại Tam Tòa để xem"chứng tích tội ác" được xây dựng như thế nào. Rồi mọi người sẽ biết như thế nào là sự thật về một công trình được xây dựng gấp rút, về một chế độ cai trị đất nước.



Ngày 01-09-2009
 
Tóm lược về vụ Tam Toà
Lữ Giang
19:30 01/09/2009
1.- Vài nét lịch sử về Tam Tòa

Giáo xứ Tam Toà được thành lập từ 1887 với ngôi nhà thờ đầu tiên do Linh mục Claude Bonin xân. Năm 1940, Linh mục Réné Toussaint Morineau đã xây lại nhà thời mới có tháp chuông còn tồn tại hiện nay, với một khu rộng lớn bao gồm nhà xứ và trường học.

Sau Hiệp Định Genève 1954, đa số giao dân Tam Tòa và các vùng quanh thành phố Đồng Hới đã di cư vào Đà Nẵng. Phần phía nam Quảng Bình được giao cho Giáo Phận Vinh. Giáo dân còn lại ở phiá nam sông Gianh do hai Linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể coi sóc. Đến năm 1962, Linh mục Thể qua đời. Năm 1964, khi Mỹ bắt đầu oanh tạc Quảng Bình, cả thành phố được dời vào một vùng trong núi được gọi là Cổn, tất cả dân cư đểu phài đi theo. Năm 1968, nhà thờ Tam Toà bị bom phá sập, chỉ còn lại cái tháp chuông. Thành phố Đồng Hới bị san bằng.

Sau chiến tranh, khi tái thiết lại thành phố Đồng Hới, nhà cầm quyền đã dùng khu bên trái tháp nhà thờ làm hải cảng và khu bên phải làm công viên Nhật Lệ, chỉ chừa lại một khoản đất nhỏ sau tháp chuông nhà thờ. Nhiều giáo dân ở các vùng xung quanh cũng đã tụ tập về thành phố Đồng Hới và mong muốn tái lập lại giáo xứ Tam Toà.

Vì Đồng Hới vốn thuộc giáo phận Huế, nên Đức Cha Nguyễn Như Thể, TGM giáo phận Huế đã nhiều lần xin chính quyền Quảng Bình cho một linh mục ở Huế ra làm mục vụ cho giáo dân Quảng Bình, nhưng bị từ chối. Một linh mục đã đến quan sát tình hình tại chỗ cũng bị đuổi về.

Vì không được phái linh mục đến làm mục vụ tại Quảng Bình, ngày 15.5.2006, ĐGM Nguyễn Như Thể đã bàn giao giáo hạt Nam Quảng Bình cho Giáo Phận Vinh. Linh mục Lê Thanh Hồng được Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh cử vào quản xứ Sen Bàng và các xứ còn lại từ Đồng Hới trở vào. Từ đó, các tín hữu Tam Tòa và một số giáo xứ lân cận mới tìm lại với nhau và hiện nay đã có khoảng 1.500 người. Nhưng vì không có nhà thờ nên mọi sinh hoạt tôn giáo tạm thời được tổ chức tại nhà một giáo dân là nhà ông Nguyễn Công Lý, trên đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ cũ hơn 100 mét về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, hàng năm họ vẫn tụ tập về khu sau tháp nhà thờ Tam Toà để cử hành lễ minh niên do Đức Cha Cao Đình Thuyên, Giám Mục Giáo Phận Vinh cử hành.

2.- Tranh đấu cho một ngôi nhà thờ ở Đồng Hới

Nhiều giáo dân đã đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả lại khu nhà thờ Tam Toà cho giáo xứ Tam Toà, nhưng chính quyền từ chối, viện hai lý do sau đây: Thứ nhất, ngày 26.3.1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, di chứng tội ác chiến tranh. Thứ hai, khu đất còn lại, không đủ để làm nhà thờ.

Trong cuộc họp vào đầu năm 2009, chính quyền Quảng Bình và đại diện Toà Giáo Mục Vinh đồng ý không tái thiết lại nhà thờ Tam Tòa cũ như giáo dân yêu cầu, nhưng chính quyền sẽ cấp cho giáo xứ Tam Toà một khu đất thích hợp để làm một nhà thờ mới. Trong cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 26.2.2009, ông Phan Lâm Phương, Chủ Tịch UBND Quảng Bình cũng đã lặp lại sự thoả thuận nói trên. Ông nói rằng không thể cho xây lại nhà thờ tại nơi nền nhà thờ Tam Toà cũ vì hai lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất là ông muốn giữ lại cái tháp chuông để làm chứng tích cho con cháu thấy được cái thảm hoạ của chiến tranh và đừng gây ra chiến tranh nữa. Lý do thư hai là nền nhà thờ cũ quá hẹp vì khu đó đã làm một cái cảng và một công viên ở hai bên rồi.

Khi phóng viên Thanh Trúc hỏi đã lâu rồi thành phố Đồng Hới không còn nhà thờ nào, vậy UBDD có nghĩ sẽ cho giáo dân phục hồi lại nhà thờ Tam Toà không, ông Phan Lâm Phương nói chính quyền cũng sẽ tạo điều kiện để cho giáo dân có chỗ sinh hoạt như quy chế tôn giáo đã định, nhưng làm lại chỗ cũ không được. Ông nói UBND sẽ cấp cho giáo dân một khu đất khác để làm nhà thờ.

Phóng viên Thành Trúc lại hỏi khu sẽ được cấp làm nhà thờ sẽ như thế nào, ông Phan Lâm Phương trả lời rằng đại diện chính quyền và giáo xứ Tam Toà sẽ cũng nhau đi chọn nơi sẽ làm nhà thờ, khu đó phải là một khu thuận tiện, chớ không phải một khu ở xa hay không thuận tiện.

Linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng Đại Diện Giáo Phận Vinh, lúc đầu cũng đòi hỏi phải tái xây dựng nhà thờ Tam Toà cũ, nhưng ngài cho biết một số linh mục ở trong giáo phận cho rằng hiện nay số giáo dân Tam Toà đã đi vào Đà Nẵng, Nha Trang hay qua Mỹ. Vậy vấn đề nhà thờ Tam Toà để cho giáo dân Tam Toà lo. Vấn đề của giáo phận là làm sao cho giáo dân tại thành phố Đồng Hới có một nơi sinh hoạt tôn giáo. Nơi này phải là một nơi thuận tiện, chúng tôi mới chấp nhận.

Từ đầu năm đến nay, chính quyền đã chỉ định cho giáo xứ Tam Toà 5 nơi để có thể xây nhà thờ, nhưng bốn nơi đều là đồng vắng không có đường giao thông và tiện nghi, chỉ có một nơi tạm được, nhưng sau đó chính quyền từ chối không chịu cấp nơi này.

3.- Cuộc tranh đấu bùng nổ

Vì không được cấp đất, ngày 20.7.2009, giáo dân đã tự động đến dựng một cái lán tạm trên nền đất cũ của nhà thờ Tam Tòa. Công an đã được huy động đến đàn áp bằng dùi cui, gậy gộc, lựu đạn hơi cay, và dùng xe kéo đổ sập ngôi lán mà giáo dân vừa dựng lên. Họ đã bắt đi hàng chục người và sau đó quyết định truy tố 7 người. Một số giáo dân và linh mục đã tụ tập lại khu nhà thờ cũ để cầu nguyện, nhưng bị ngăn cản và đàn áp dã man.

Sáng Chúa Nhật 26.7.2009 tại nhà thờ của 18 sở hạt trên tổng số 19 giáo hạt trong Giáo phận Vinh, giáo dân các giáo xứ đã đổ về giáo hạt mình để thể hiện tình liên đới, hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa. Theo số liệu báo cáo từ các giáo hạt, số giáo dân tham dự lễ sáng hôm 26.7.2009 gần 250 ngàn người. Giáo dân thuộc nhiều nơi trong nước cũng như hải ngoại đã cùng hiệp thông với giáo dân giáo xứ Tam Toà.

Một thông cáo của Tòa Giám Mục Vinh ở Xã Đoài cho biết, riêng tại Tam Tòa, Đồng Hới, có 7 linh mục trong hạt Đồng Troóc và hơn 500 giáo dân đã đi về nền nhà thờ Tam Tòa để dâng lễ. Nhưng một lực lượng khoảng trên 3,000 người, trong đó gồm có công an, cảnh sát, dân quân và dân địa phương đã dùng vũ lực ngăn cản, đánh đập.

Sáng 27.7.2009, 5 linh mục và Hội Đồng Mục Vụ các giáo xứ trong giáo hạt Kỳ Anh, một giáo hạt sát Quảng Bình, đã vào thăm các nạn nhân. Theo các linh mục kể lại, khi đoàn vừa bước xuống xe, gần nền nhà thờ Tam Tòa thì một nhóm ăn mặc thường phục xông vào đánh ngay các linh mục và giáo dân cùng đi. Linh mục Nguyễn Đình Phú bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện.

Nghe tin trên, linh mục Ngô Thế Bính, quản xứ Hà Lời, tới xem tình hình. Ngài thấy một nhóm côn đồ đang bao vây trạm xá không cho ai vào. Ngài gọi điện thoại và được ông Phó chủ tịch UNND tỉnh dẫn tới thăm Cha Phú. Tuy nhiên, sau khi ông Phó chủ tịch rời trạm xá, một lớp côn đồ xông vào đánh 2 giáo dân đang giúp cha Phú và đánh Cha Bính bị thương nặng. Tin tức và hình ảnh về vụ hành hung này đã được mau chóng phổ biến rộng rải trên nhiều websites và hãng thông tấn quốc tế.

Hôm Chúa Nhật 2.8.2009, tất cả 178 giáo xứ trong Giáo Phận Vinh tập trung tham dự thánh lễ tại các nhà thờ giáo xứ sở tại của mình và cùng nhau hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ giáo xứ Tam Toà trong mấy tuần vừa qua.

Ngày 30.7.2009, Văn Phòng Thư Ký của Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh ra Thông Cáo số 4 nói về vụ Tam Tòa gồm những điểm chính như sau:

Chiều 27.7.2009, linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú và mấy giáo dân bị đánh trọng thương về tới Kỳ Anh (Hà Tỉnh). Lúc 21 giờ cùng ngày, linh mục Phêrô Ngô Thế Bính được đưa về Phòng Khám Đa Khoa của Tòa Giám Mục Xã Đoài.

Tối 28.7.2009, một số gia đình có nạn nhân đang bị công an Quảng Bình bắt giữ báo cho Tòa Giám Mục biết là chính quyền địa phương đề nghị tới "làm thủ tục" đón người nhà về.

Ngày 30.7.2009, vào lúc 10 giờ, ông Nguyễn Đức Thịnh, Vụ Phó Vụ Công Giáo, và bà Đào Thị Đượm, Chuyên viên Công giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã tới Tòa Giám Mục gặp và trao đổi với linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng Đại Diện Giáo phận Vinh cùng với linh mục Phạm Đình Phùng, Chánh văn phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài. Tại cuộc gặp này, Đại diện Ban Tôn Giáo Chính Phủ muốn nghe những ý kiến từ Giáo phận Vinh. Linh mục Tổng Đại Diện lần lượt nêu lên các ý kiến sau đây:

- Thả ngay, thả hết những giáo dân bị công an Quảng Bình đánh đập và đang bị bắt giữ. Săn sóc, chữa lành những giáo dân bị công an đánh đập.

- Bồi thường tại chỗ lán che của giáo xứ Tam Tòa. Trả lại Thánh giá, trả lại tài sản của Giáo hội và tài sản của giáo dân.

- Dừng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đoàn kết lương giáo.

Lúc 18 giờ ngày 30.7.2009, Tòa Giám Mục nhận được tin từ người nhà của các nạn nhân cho biết: Công An Quảng Bình đã thả thêm 4 giáo dân bị bắt giữ từ ngày 20.7.2009. Hiện còn 3 giáo dân bị giữ. Còn ông Nguyễn Công Lý bị mang đi ngày 26.7.2009 đã được thả sau đó.

Ngày 6.8.2009, Tòa Giám mục Vinh ở Xã Đoài đã gởi văn thư số 22/09 trả lời các công văn 1652/UBND-NC và 1684/UBND-NC của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Bình mời Đại diện Toà Giám Mục Vinh vào giải quyết các vụ việc xảy ra tại Tam Toà, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Văn thư nói rằng cho tới nay trên địa bàn thành phố Đồng Hới chưa bảo đảm an toàn tính mạng cho giáo dân và các linh mục, nên Tòa Giám mục Giáo phận Vinh chưa thể vào làm việc với Ủy Ban được. Theo đề nghị của Ủy Ban, Tòa Giám Mục chấp nhận làm việc với Ủy Ban tại Tòa Giám mục Xã Đoài.

Văn thư nhắc lại việc công an Quảng Bình đã đánh đập, bắt giữ giáo dân và chiếm đoạt trái phép tài sản của giáo dân và của Giáo Hội. Việc 2 linh mục và các giáo dân bị đánh đập ngày 27.7.2009 tại Đồng Hới là có chủ mưu.

Văn thư yêu cầu thả hết những giáo dân vô tội; trả lại tài sản của giáo dân và của Giáo Hội mà công an Quảng Bình đã chiếm đoạt trái phép; săn sóc chữa lành những người đã bị đánh đập và bồi thường cho những người bị hại; ngưng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động gây hận thù chia rẽ lương giáo làm bất ổn đời sống giáo dân.

Ngày 7.8.2009, Tòa Giám mục Vinh cũng đã gởi Ban Tôn giáo Chính Phủ văn thư số 23/09 VTTG nói về "Vụ việc Tam Tòa - Đồng Hới, Quảng Bình", trình bày các biến cố đã xẩy ra và đề nghị Ban Tôn giáo Chính Phủ có ngay ý kiến chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình: Dừng ngay những việc làm sai trái, thả giáo dân, trả lại tài sản của Giáo Hội và của giáo dân; dừng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động gây hận thù giữa giáo dân và lương dân.

Tối ngày 14.8.2009, nhân ngày lễ vọng Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, giáo dân giáo phận Vinh quy tụ về đông đảo, Tòa Giám Mục Vinh đã tổ chức Buổi Thắp Nến Hiệp Thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa.

Đúng 19 giờ 30 phút, tại Quảng Trường Toà Giám Mục, Linh mục Nguyễn Xuân Hoá, Quản lý Toà Giám mục, đã chủ sự Thánh lễ vọng Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời với đông đảo linh mục đồng tế. Đặc biệt, ĐGM Cao Đình Thuyên cũng hiện diện trong Thánh lễ. Sau Thánh lễ, cộng đoàn bước vào giờ Cầu Nguyện Hiệp Thông với những đau khổ mà anh chị em Tam Toà đang phải chịu trước sự bức bách của nhà cầm quyền Quảng Bình.

Tam Tòa hình chụp ngày 1//9/2009
Từ khắp các nẻo đường trong giáo phận Vinh, nhất là từ hai tỉnh Hà Tỉnh và Nghệ An, những dòng người khoảng 200.000 đã liên tiếp đổ về Toà Giám Mục Vinh để tham dự lễ Quan Thầy Giáo Phận. Một số mang theo cờ Vatican hay băng cầu nguyện cho Tam Tòa. Tất cả đã diễn biến trong trật tự và yên ổn.

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết ngày 21.8.2009, UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã tiến hành khởi công làm một công viên sau tháp chuông Tam Tòa ở đường Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ. Công trình có tổng trị giá 800 triệu đồng gồm các hạng mục như hàng rào, cây xanh, vườn cỏ, đường dạo bộ.

Theo báo này, công trình được đánh giá sẽ tôn tạo thêm vẻ đẹp cho công viên Nhật Lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Công trình được dự trù sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9.2009.

Như vậy, giống như trường hợp ở Thái Hà, sau cuộc tranh đấu để đòi có một nhà thờ cho thành phố Đồng Hới vừa qua, nhà cầm quyền đã quyết định biến khu sau tháp nhà thờ thành một phần của công viên Nhật Lệ, nhưng cho đến nay chính quyền vẫn chưa cấp đất cho giáo dân để làm nhà thờ như đã hứa. Cuộc tranh đấu đang tiếp tục.
 
Thủ tướng csVN đang chạy theo chính sách của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đòi xóa bỏ “Cơ chế Xin-Cho’’
Hà Long
20:18 01/09/2009
Ngày 02/9/2009 - Từ ngày độc lập 1945 đến nay chưa một ai có đủ can đảm công khai chỉ thẳng vào mặt bộ máy chính quyền csVN rằng hãy dẹp bỏ “Cơ chế Xin-Cho’’ vì đó là một đôi chân khập khiễng suốt 64 năm làm tê liệt con người về xã hội, tôn giáo, kinh tế, giáo dục, y tế… như bác tổng giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt đã anh dũng một lần đơn phương đặt vấn đề trước UBND T.P Hà Nội, trước Nguyễn Thế Thảo, một trong những người đầu não của chính trị bộ trung ương vào ngày 20/9/2008: “… Chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý Xin-Cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó!”

Cơ chế xin-cho @DCVOnline
Thế là như đổ dầu vào lửa làm cho csVN nóng ran lên từ chóp bu xuống hạ tầng “đánh hội đồng“ một bác giám mục không có tấc sắt trong tay, ngoài ra bọn côn đồ này còn được hỗ trợ bởi truyền hình, truyền thanh, báo chí lẫn ông lão bà cụ và trẻ con ngày đêm đổ vạ cáo gian cho người tu trì đức độ này muốn gây rối phản động, xúi giục giáo dân đối kháng, coi thường luật pháp, gây rối trật tự xã hội, phản bội tổ quốc,… Còn đi xa hơn nữa Nguyễn Thế Thảo ngông nghênh vô luật pháp muốn bứng gốc bác tổng giám mục ra khỏi Hà Nội.

Xin-Cho: “Tốt“ hay “Xấu“ cho người dân hoặc cho nhà cầm quyền csVN?

Theo định nghĩa thông thường Xin-Cho là một cơ chế Cung-Cầu, tuy nhiên tự chính nó sẽ gây ra bao nhiêu: bất công, chèn ép, nạn hối lộ, quan liêu, tham nhũng, phiền phức, kém hiệu quả về tinh thần lẫn vật chất, thiếu cạnh tranh lành mạnh, tạo ra phe cánh, phát sinh ra Con Ông Cháu Cha, trốn tránh trách nhiệm, nuôi dưỡng tính ỷ lại, bộ máy cồng kềnh khập khiễng, thủ tục rườm rà hành hạ dân là chính, v.v…

Theo nhà cầm quyền csVN Xin-Cho là một chính sách độc đoán trị dân giữa 2 đối tượng: một bên là cá nhân hoặc tổ chức và một bên là nhà nước và các cơ quan, hệ thống hành chính từ trung ương xuống tận làng xóm địa phương. Không chối cãi được, cơ chế Xin-Cho tạo ra sự bất bình đẳng giữa 2 bên: bên Xin và bên Cho.

“Người cho có thể cho ít, có thể cho nhiều và cũng có thể không cho. Bên xin thì phải phụ thuộc vào bên cho và không thể tự quyết định cho mình, không tự tìm ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu của mình mà phải trông chờ vào bên cho. Đúng ra đây là một quan hệ Cai-Trị không hơn không kém,“ ý kiến của một độc giả viết trên mạng.

Theo gió cuốn theo con sóng WTO - với sự “cởi trói“ cho kinh tế thị trường - chưa bao giờ cụm từ cơ chế Xin-Cho lại được than phiền quá đỗi như bây giờ, và cũng chưa bao giờ người dân Việt Nam đấu tranh về kinh tế, xã hội, tôn giáo, thương mại, ý tế, học đường… nhằm tới việc xóa bỏ cơ chế Xin-Cho lại quyết liệt như lúc này. Quái lạ hơn nữa, chính các cơ quan công quyền của csVN cũng đòi xóa bỏ một chế độ Xin-Cho bất công đang hoành hành và gây ra biết bao tệ nạn xấu xa trong cuộc sống của hơn 80 triệu dân VN.

Đơn cử vài ví dụ:

- Đến 2010, xóa bỏ cơ chế “Xin -Cho”: Ngày 7/6, Bộ Nội vụ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức một hội thảo bàn về cải cách hành chính Nhà nước (vneconomy.vn).

- Bỏ cơ chế Xin-Cho: Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc ban hành luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý để thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, loại bỏ cơ chế Xin-Cho, cơ chế phân phối dựa theo quan hệ thân quen, tư tưởng thừa còn hơn thiếu trong nền kinh tế tập trung, bao cấp trước đây (SGGP Online).

- Lo ngại cơ chế “Xin-Cho”: Quốc hội thảo luận dự Luật khám, chữa bệnh. Không chỉ cho rằng nội dung, bố cục của dự thảo chưa đúng với tên gọi “Luật khám bệnh, chữa bệnh”, theo các đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận tổ chiều 4-6, nhiều vấn đề cần được làm rõ và nhìn nhận lại cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống (Tuổi Trẻ Online).

- Sẽ chấm dứt cơ chế Xin-Cho trong phê duyệt ngân sách?: Theo Luật Ngân sách hiện hành, để được phê duyệt ngân sách, cơ quan chức năng địa phương đầu tiên phải ra Hà Nội gặp bàn bạc với Bộ Tài chính, thống nhất số liệu, rồi quay về bàn bạc tiếp ở địa phương để khớp lại. Sau đó dự toán lại phải được Bộ Tài chính đồng ý rồi mới đưa về trình HĐND địa phương. Quy trình như vậy, theo ông Nguyên và nhiều đại biểu khác, là rất lòng vòng, mang nặng cơ chế Xin-Cho, dễ tạo tiêu cực. “Tôi thấy sửa như Điều 38 thì vẫn nhiêu khê, vẫn phải chạy lên chạy xuống nhiều lần để lập và duyệt ngân sách”, đại biểu Nguyễn Thanh Nguyên phát biểu trong buổi thảo luận ở tổ sáng nay về Dự án Luật Ngân sách (Vietbao.vn).

- Xóa sổ cơ chế 'Xin-Cho' chỉ tiêu tuyển sinh: Theo công văn 287 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện chủ trương tạo hành lang thông thoáng cho các trường. Dựa trên tiêu chí về cơ sở vật chất, giảng viên... các trường chủ động đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh, trình Bộ GD&ĐT quyết định (VnExpress).

- Nhà ở xã hội: Chưa thể tránh cơ chế Xin–Cho: “Khi có nhu cầu rất cao mà nguồn cung ban đầu còn ít thì chúng ta chưa thể tránh được cơ chế Xin-Cho. Người ta chỉ có thể giải quyết vấn đề này khi đáp ứng được dồi dào nhu cầu” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định (Dân trí).

- Nên bỏ cơ chế "Xin-Cho" số liệu lịch: Tôi đề nghị, Ban lịch Nhà nước hãy công bố công khai các số liệu cơ bản về lịch năm tới trên phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên mạng của Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tất nhiên đó phải là những thông tin chuấn, từng được các Hội đồng khoa học thông qua (VietNamNet).

- Phá cơ chế Xin–Cho: Bản chất của vấn đề điều hành yếu kém trong xuất khẩu gạo là do chưa thật sự “chơi” trên sân chơi kinh tế thị trường, giữa cái cũ và cái mới còn nhập nhằng. Theo cơ chế thị trường hay quay về cơ chế Xin-Cho. Chính phủ cần phải phân định rõ sân chơi này thuộc cơ chế nào để có biện pháp quản lý phù hợp. Hiện nay, người đứng đầu Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lại là người đứng đầu Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Người Lao Động).

- Phải xóa bỏ được cơ chế Xin–Cho: Chiều qua (8-6) các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự Luật dân quân tự vệ. Trước đó, vào buổi sáng, các ĐBQH đã có phiên thảo luận sôi nổi tại hội trường về dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Nhiều ý kiến của các vị đại biểu phân tích rằng, chưa nên đưa dự luật trình Quốc hội thông qua vì bản thân các cơ quan soạn thảo luật cũng chưa thảo luận kỹ lưỡng… Nếu Quốc hội kỳ này không thông qua thì rất khó, trong khi người dân rất trông chờ... Thay mặt Chính phủ, tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ thông qua 1 giấy, nếu không thì vô hình trung sẽ lại là hai giấy. Vấn đề ở chỗ là kỹ thuật xây dựng văn bản thôi, mà điều này thì Bộ TN&MT có thể xử lý được...” (ANTĐ).

- Cơ chế Xin-Cho làm nản lòng nhà đầu tư: Nếu chưa có quyết định thành lập, ai dám mua đất, tuyển người để mà trả lương... không nản sao được. Có thể thấy ngay rằng điều này vô hình trung đã kìm hãm XHH GD. Điều đáng nói nhất là khi kiểm điểm các Nghị quyết 73 và 90 về XHH GD, Chính phủ đã kết luận: Tiến độ rất chậm. Nhưng Nghị quyết 05 được thực hiện 2 năm, tiến độ XHH GD thì vẫn chậm như cũ. Đến giờ nhiều người còn xem có nên XHH không, có nên thúc đẩy trường tư không trong khi người ta làm rầm rầm. Nhìn mà thấy sốt ruột (TienPhong.vn).

- “Nước mắt” doanh nhân trong cơ chế “Xin-Cho”: Vụ án "chạy" quota tại Bộ Thương mại đã làm lộ rõ mảng đen trong cơ chế "Xin-Cho". Nhiều doanh nghiệp trả lời HĐXX rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác là phải "hối lộ" nếu không muốn phá sản. Phải chăng, các doanh nghiệp chỉ là nạn nhân của cơ chế "Xin-Cho"?... (CAND)

- Còn cơ chế 'Xin-Cho', tiêu cực giáo dục khó đẩy lùi: Thời gian qua Bộ Giáo dục phát động phong trào “nói không với tiêu cực”, theo tôi tiêu cực lớn nhất chính là sự trì trệ, chậm chạp trong đổi mới tư duy quản lý, núp dưới cái bóng “giữ gìn kỷ cương”. Tại sao không để các trường đại học được tự chủ mà vẫn tiếp tục duy trì cơ chế "Xin-Cho"? (VnExpress)

Thủ tướng csVN đang chạy theo chính sách của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đòi xóa bỏ “Cơ chế Xin-Cho’’

Nặng ký hơn hết là lời kết tội mới đây nhất về “Cơ chế Xin-Cho’’ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu các guồng máy công quyền, khi ông ta than phiền tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH và CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25/8/2009 về việc giáo dục tại VN hầu như bị phá sản vì các “Giảng viên vừa thiếu vừa yếu“ . Ông Dũng hoảng sợ phải gióng lên: “Tập trung giải quyết yếu kém trong quản lý giáo dục đại học.”

Chẳng khác gì hơn những lời nói của tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trước mặt ông Nguyễn Thế thảo tại UBND TP Hà Nội, ngày 20/9/2008, ông thủ tướng csVN tuyên bố phản động còn hơn ai hết tại Hội nghị: “Phải rà soát khung pháp lý để quản lý các trường ĐH CĐ trong khuôn khổ pháp luật để không phải Xin-Cho”.

“Cơ chế Xin-Cho’’ về giáo dục đang phá hoại mãnh liệt chất xám trong hệ thống học đường. Một quốc gia muốn phát triển thì không thể nào cả nước VN hiện có 376 trường ĐH và CĐ, tuy nhiên chỉ có một đội ngũ giảng dạy chưa bằng con số tại một thành phố phương Tây là 320 giáo sư. Thí dụ tại Đức, đại học Göttingen với 404 giáo sư cho 23.893 sinh viên. Các đại học tại thủ đô Berlin với 3.082 giáo sư thực thụ và 7.500 phó giáo sư cho 130.000 sinh viên.

Nếu ai đọc con số so sánh cụ thể này này có lẽ cho đó là một sơ ý lầm lẫn hoặc là một trò đùa diễu cợt về hệ thống giáo dục ĐH và CĐ tại VN. Không, đó chính là một thành quả thật “tồi tệ“ của một “Cơ chế Xin-Cho’’ về hệ thống giáo dục của csVN: 320 giáo sư cho 900.000 sinh viên được sự phụ giúp thêm của hàng ngũ phó giáo sư cũng chỉ chưa đầy 2.000 giảng viên.

Từ ngày độc lập 1945 và từ ngày thống nhất 1975 đã bao nhiên năm trời đằng đẵng, khi nhìn thấy con số cụ thể về ngành giáo dục đào tạo cấp cao nhất để tạo ra chất xám tại VN, chắc chắn toàn dân Việt Nam phải ngã mũ kính chào đỉnh cao trí tuệ vô song của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. May mắn, hôm nay chúng ta được biết rõ về con số 320 giáo sư cho 376 trường ĐH và CĐ do bộ Giáo dục và Đào tạo cung khai để đối chiếu.

Với gọng kềm “Cơ chế Xin-Cho’’ bộ trưởng GD-ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ biết than thân trách phận như chỉ muốn nói thì thầm cho chính mình nghe mà thôi: “Tôi không dám nói điều gì quá, bởi tôi biết, cũng còn nằm trong một hệ thống chung của guồng máy. Song tôi cũng có cảm giác dường như biết bao nhiêu mơ ước mấy hôm nay hình như chưa thỏa mãn được mấy.“

“Cơ chế Xin-Cho’’ đang là những hạt sạn thật lớn trong guồng máy csVN, điển hình trong hệ thống giáo dục đại học đang trên đường phát triển nhanh về mạng lưới quy mô, tuy nhiên các phương pháp về quản lý, cơ chế quản lý chưa theo kịp, các hiện tượng gian lận, tiêu cực chưa bị phát hiện kịp thời, xử lý không dứt điểm, thiếu cương quyết… Trong khi đó chất lượng đào tạo còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

“Cơ chế Xin-Cho’’, để tìm được một lời biện minh yếu ớt, hầu như tránh né vấn đề được người dân nêu lên cho ông Nguyễn Thiện Nhân, khi ông xác định: "Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục..." .

Và “Cơ chế Xin-Cho’’ cho người đầu não bộ máy csVN, Nguyễn Tấn Dũng chẳng khác gì một lời tuyên bố phá sản toàn diện khi ông phải cúi đầu thú nhận: “Chính quản lý nhà nước còn yếu kém, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập nên chưa huy động, khai thác được nhiều nguồn lực trong xã hội, trong dân, chưa tranh thủ, thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài để phát triển giáo dục ĐH.“

Tạm kết

Khi đặt vấn nạn về “Cơ chế Xin-Cho’’ bác tổng giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt bị csVN trù dập man rợ cho đến phải mang tội đồ phản bội dân tộc. Thế thì những tờ báo kể trên: VnExpress, CAND, SGGP, Tuổi Trẻ, Vneconomy, VietnamNet, Dân Trí, Tiền Phong, ANTĐ… và ông bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đều phải bị kết án tội đồ đó vì họ đã thông đồng với thế lực thù nghịch chống lại đảng và nhà nước csVN qua các thông tin nhạy cảm chống lại chế độ. Những tờ báo phản động này và ngài bộ trưởng đang đi lệch qua “lề trái“ cần phải bị trừng phạt đích đáng như một lần họ đã lên án hội đồng bác tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Ngoài ra ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bắt chước chạy theo chính sách của tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đòi xóa bỏ “Cơ chế Xin-Cho’’. Ông Dũng “yêu cầu phải tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương và các trường, bỏ cơ chế Xin-Cho, gắn với đó là làm rõ và nâng cao trách nhiệm của mỗi chủ thể tham gia quản lý.“

Tạ ơn Trời Phật! Bây giờ bác tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đang có thật nhiều đồng minh để cùng nhau xóa bỏ “Cơ chế Xin-Cho’’.

Nếu đúng như thế và nếu Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí csVN có lòng tự trọng cao quý của người lãnh đạo thì phải biết đến tận nơi tòa giám mục Hà Nội xin bác tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt tha thứ cho tất cả những xuyên tạc, đổ vạ cáo gian và cố tình phỉ báng vu oan người chân chính.

Thực sự, đây mới chính là bước đi đầu tiên để tiến tới xóa bỏ “Cơ chế Xin-Cho’’.
 
Thông Báo
Cáo phó: nữ tu Maria Trần thị Rạng đã tạ thế tại dòng Mến Thánh Giá Đàlạt
Hội Dòng MTG Đàlạt
10:22 01/09/2009
HỘI DÒNG MTG ĐÀLẠT
115, Lê Lợi – Lộc Thanh
Bảo Lộc – Lâm Đồng

CÁO PHÓ


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Tử Nạn Phục Sinh,
Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàlạt kính báo:

Nữ tu MARIA TRẦN THỊ RẠNG
Sinh ngày 23 tháng 01 năm 1928 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hoá,
Khấn Lần Đầu ngày 23 tháng 01 năm 1949,
Khấn Trọn Đời ngày ngày 02 tháng 02 năm 1956,
Ngân Khánh Khấn Dòng ngày 23 tháng 01 năm 1974,
Kim Khánh Khấn Dòng ngày 23 tháng 01 năm 1999,
Ngọc Khánh Khấn Dòng 20 tháng 6 năm 2009,
đã được Chúa gọi về lúc 0 giờ 00
ngày 30 tháng 8 năm 2009
tại Nhà Hưu Dưỡng Hội Dòng,
hưởng thọ 81 tuổi – 60 năm Khấn Dòng.

Nghi thức tẩm liệm lúc 16 giờ 00, Chúa nhật, 30 tháng 8 năm 2009
Thánh lễ An Táng lúc 08 giờ 00 ngày 31 tháng 8 năm 2009,
tại Nguyện Đường Nhà Hưu Dưỡng Hội Dòng.
An táng tại nghĩa trang Hội Dòng.

Kính xin Quý Đức Cha, Quý Đan Viện Phụ, Quý Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha, Quý Bề Trên,
Quý Tu sĩ nam nữ và Quý Vị, thương cầu nguyện cho linh hồn Chị MARIA của chúng con sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Dòng xin chân thành cảm tạ.
Kính báo

Hội Dòng MTG Đàlạt
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sớm Hôm Tần Tảo
Hồng Thị Vinh
22:08 01/09/2009

SỚM HÔM TẦN TẢO



Ảnh của Hồng Thị Vinh

Sớm tối trên đường rao bán vặt

Trái bắp cho qua lúc đói lòng!

(Hồng Thị Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền