Ngày 29-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/08: Uy quyền của Đức Giêsu – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
01:16 29/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Đó là lời Chúa
 
Chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển
Lm. Minh Anh
01:32 29/08/2022

CHỨNG NHÂN CHO MỘT TÌNH YÊU KHÔNG LAY CHUYỂN
“Con nên xin gì?”; “Đầu Gioan Tẩy Giả!”.

Để phản đối những buổi khiêu vũ được tổ chức thường xuyên ở thị trấn Ars nhỏ bé của mình, thánh Gioan Maria Vianney dâng một nhà nguyện nhỏ trong khuôn viên giáo xứ để kính thánh Gioan Tẩy Giả. Ở lối vào, có một bức hoạ với chiếc đầu vấy máu của Gioan, kèm theo một lời cảnh báo về những tác động xấu xa của nhục dục và rượu chè, “Chiếc đầu này là giá của một điệu nhảy!”. Cuộc đời của Gioan đúng là ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện Tin Mừng ngày lễ kính nhớ cuộc trảm quyết của Gioan Tẩy Giả tiết lộ thật nhiều điều! Trước hết, nó tiết lộ bí ẩn của cái ác trong thế giới; Thiên Chúa xem ra khá dễ dãi khi Ngài lờ đi để cho cái ác, đôi khi, như được phép lộng hành. Bên cạnh đó, nó tiết lộ, qua mọi thời, vẫn luôn có những môn đệ Kitô, vốn là những ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’.

Tại sao Thiên Chúa cho phép Gioan bị chặt đầu? Gioan là một người tuyệt vời, vậy mà vẫn chịu một bất công khủng khiếp! Chị Têrêxa Avila từng nói với Chúa Giêsu, “Nếu đây là cách Ngài đối xử với bạn bè, thì không lạ, Ngài rất ít bạn!”. Đúng thế, suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã để những kẻ Ngài yêu chịu nhiều khổ đau. Tại sao? Trước hết, chúng ta đừng quên một sự thật hiển nhiên là Chúa Cha đã để Chúa Con đau đớn tột cùng với một cái chết thảm khốc, tàn bạo và gây sốc. Điều này có nghĩa là Cha không yêu Con? Chắc chắn là không! Chúa có đường lối rất riêng của Ngài, trí khôn con người không thể với tới. Đó là tình yêu cứu độ! Ngài không để Chúa Con thối rữa trong mồ, nhưng đã phục sinh Ngài; và qua Ngài, phục sinh toàn thể vũ trụ! Cũng thế, cái chết của Gioan, nhìn bên ngoài, xem như điều thiện khuất phục điều ác; nhưng thực sự, nhờ Gioan, bao tâm hồn thức tỉnh, để không còn “trả giá quá đắt cho một điệu nhảy!”.

Đau khổ không phải là dấu chỉ của việc Thiên Chúa không ưa ai đó; để rồi, Ngài bỏ rơi ai đó. Không! Không phải là Ngài không yêu bạn. Trong thực tế, ngược lại mới đúng! Quả thế, đau khổ của Gioan là bài giảng vĩ đại nhất mà vị tiền hô có thể giảng. Gioan là ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển’ đối với Thiên Chúa và lề luật Ngài. “Bài giảng” về cuộc khổ nạn của Gioan có sức mạnh ngàn đời, bởi Gioan đã chọn trung thành với Chúa, luật Chúa; bất chấp cấm cách, tù đày. Và, theo quan điểm của Thiên Chúa, lòng trung thành của Gioan có giá trị vô hạn so với cuộc sống vật chất hay những khổ đau vị thánh này có thể chịu sau này.

Giêrêmia trong bài đọc hôm nay là hình ảnh tiền trưng của Gioan, của Chúa Giêsu. Thiên Chúa nói với Giêrêmia, “Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ!”. Và như Gioan, như Chúa Giêsu, Giêrêmia đã không run sợ nhưng rất mực kiên cường, trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’. Cho đến chết, cả Chúa Giêsu, Giêrêmia và Gioan đều có thể cất lên tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!”.

Anh Chị em,

“Con nên xin gì?”; “Đầu Gioan Tẩy Giả!”. Câu hỏi vô tội của một thiên thần được đáp lại bằng câu trả lời đại tội của một các quỷ. Thật rùng rợn! Không ít lần, tôi và bạn đã nói, đã làm những điều khủng khiếp tương tự mà khi nhận ra, thì đã quá muộn. “Chiếc đầu này là giá của một điệu nhảy!” không chỉ là lời cảnh báo ở lối vào của một nhà nguyện nhưng là lời mà Chúa Thánh Thần đã khắc vào tim khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chớ gì sứ điệp của Gioan hôm nay thay đổi suy nghĩ và những ước muốn lăng loàn của chúng ta, hầu mỗi người có thể dứt khoát nói “Không” với tất cả những gì trái với luân thường đạo lý, sai lạc đức tin của Giáo Hội. Có như thế, chúng ta mới thật sự là những ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con trả giá cho một ‘điệu nhảy’ nào đó với giá quá đắt là linh hồn con, ơn gọi con, gia đình con; hầu con trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển’ giữa một thế giới đang rất chuyển lay!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 22C : Luận về chữ ăn
Lm. Alf.Nguyễn Công Minh
10:21 29/08/2022
CN 22C : Luận về chữ “ăn”

Hai tư cách được đề cập tới xoay quanh một bàn tiệc đã vang lên trong bài Tin Mừng hôm nay. Tư cách một, là khi bạn là “khách” đi dự tiệc, thì bạn phải làm sao. Tư cách hai, bạn là “chủ” : khi bạn đãi tiệc ai, bạn phải mời những người nào…Mỗi tư cách có một lời nhắn nhủ riêng của Chúa cho họ. Tôi không gặp thấy một điểm chung nào Chúa muốn nói với, cho cả chủ mời lẫn khách dự tiệc. Vì thế tôi không chọn lời, mà chọn một chữ chung cho cả khách lẫn chủ trong bữa tiệc, là chữ “ăn” để xây dựng cho bài giảng hôm nay.
1. Tầm quan trong của “ăn” trong hành vi và lời dạy của Chúa
2. Bên kia chữ ăn (Beyond eating).

1. Tầm quan trọng của "ăn" trong hành vi và lời dạy của Chúa

-Hành vi : Trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu, sách Tin Mừng ghi lại rất nhiều sinh hoạt của Ngài liên quan đến cái ăn: Ngài đi ăn cưới tại Cana. Ngài ăn tiệc do những người biệt phái khoản đãi, mà bài Tin Mừng hôm nay là bữa tiệc do chính thủ lãnh nhóm Pharisêu mời đến. Ngài chia sẻ thân mật với bữa cơm gia đình của ba chị em Mattha, Maria và Lazarô, mà ở đó Matta rối ríu với món gỏi này, món nộm kia, còn Maria khôn ranh ngồi nghe lời Ngài. Ngài lại ngồi ăn ngồi uống đồng bàn với những người thu thuế, những người tội lỗi. Rồi cả sau khi sống lại, Ngài cũng hiện ra trong lúc ăn uống. Luca ghi : “Đang khi các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: ‘Ở đây anh em có gì ăn không?’ Họ đưa cho Người một khúc cá nướng, Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24, 41-43). Nhưng quan trọng hơn cả đó là Ngài đã thiết lập giao ước mới trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ tại nhà Tiệc Ly. Và khi sống lại, 2 môn đồ trên đường Emmau nhận diện được Chúa cũng là qua bữa ăn : Khi đồng bàn với họ (chứ không phải khi cầu nguyện với họ), mắt họ mở ra (Lc 24,31) (làm như thấy đồ ăn thì sáng mắt ra !).
Chúa Giêsu thường bị những người biệt phái và luật sĩ bắt gặp trong các bữa ăn, đến độ những người biệt phái gọi Ngài là một tên "mê ăn uống," nhậu nhẹt say sưa. Chúa Giêsu có lần nói "Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: `Ông ta bị quỷ ám.' Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: `Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi (Lc 7:34).
-Lời dạy : Nhưng bữa ăn quan trọng và ý nghĩa đến độ Chúa Giêsu đã lấy đó làm một trong những đề tài chủ yếu trong những lời rao giảng của Ngài. Có biết bao nhiêu lần Chúa Glêsu đã ví Nước Trời như một bữa tiệc, và như bữa tiệc cưới. Nước Trời là một tiệc cưới, trong đó Thiên Chúa mời gọi mọi người đến dự tiệc, không trừ một ai. Vậy trong hành vi và trong ngôn từ, Chúa Giêsu gắn bó với chữ ăn, với bữa tiệc khá đậm đà khiến ta phải suy nghĩ về tầm quan trọng của nó.
Nếu Đức Giêsu là người Việt-Nam, giảng bằng tiếng Việt, thì chắc hẳn Ngài còn sử dụng nhuần nhuyễn chữ “ăn” này trong nhiều lãnh vực khác nữa.
Có lẽ không có ngôn ngữ nào trên thế giới này mà chữ ăn xâm nhập vào đủ các góc cạnh của cuộc sống như ngôn ngữ Việt.
-Không có một động tác nhai nào mà vẫn cứ gọi là ăn: Nào là ăn gian, ăn bám, ăn quỵt, ăn đứt, ăn hiếp, ăn thua, rồi lại ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm (trộm đồng hồ chứ đâu phải ổ bánh đâu, vậy mà cứ ăn thôi : ăn trộm).
-Hoà hợp với nhau thì có ăn khớp, ăn nhịp, ăn jeu và ăn ý. Động tác hoà hợp vợ chồng cũng không vắng được chữ ăn : ăn nằm, ăn ở, ăn đời ở kiếp.
-Cái không ăn được, vẫn cứ ăn : ăn ảnh, ăn khách, ăn tiền : “ông ấy ăn tiền dữ lắm”.
-Cái không được ăn, vẫn gọi là ăn : ăn chay. Chữ ăn chay này làm tôi nhớ lại thủa nhỏ khi nghe người lớn nói, hôm nay ăn chay đó, cũng đòi mẹ cho mình ăn chay nữa. Thấy ăn là đòi của con nít, chứ đâu hiểu ăn chay là không ăn. (Déjeuner. Breakfast : ăn sáng là phá chay).
-Chắc Chúa Giê-su người Việt sẽ dạy chúng ta một từ “ăn” hơi xưa một chút, nhưng vẫn còn hiểu được: ăn lời. Con cái không ăn lời cha mẹ, con cái hư; các ngươi không ăn lời Ta (nghe và giữ lời Ta) sẽ không được vào Nước Trời. “Không phải cứ nói lạy Chúa lạy Chúa là được vào nước Trời, nhưng…”
-Và dĩ nhiên, Chúa Giêsu người Việt sẽ luôn nhắc nhở chúng ta ăn… ăn-năn. Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời đã gần.
Ta đang trong mục tìm hiểu về tầm quan trọng của chữ ăn trong hành vi và tư tưởng của Chúa Giêsu. Ta cũng tưởng tượng nếu Ngài giáng sinh trên đất Việt, con của đức nữ trinh Nguyễn thị Mít thì ắt hẳn Ngài sẽ dùng chữ "ăn" nhiều hơn nữa trong lời giảng với đầy đủ các góc cạnh ý nghĩa khác nhau của nó. Và Ngài, Đức Giêsu người Việt sẽ dự nhiều bữa ăn hơn nữa, như người ta vẫn thường đồn thổi : người Việt gặp nhau là mời nhau đi ăn cái đã.
Chúa Giêsu, tuy không là người Việt, nhưng rất coi trọng bữa ăn, như chúng ta đã kể sơ qua trên kia. Ngài rất nhiều lần ví nước Trời như bữa ăn, -mà bữa ăn lớn cơ- tức là bữa tiệc. Không phải tiệc trang trọng hội nghị khuôn phép, mà là tiệc hân hoan vui mừng: tiệc cưới. Nước Trời ví như nhà vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử… Nước Trời ví như 10 nàng trinh nữ đi đón chàng rể, chứ không phải đón chủ tịch, đón tổng thống. Đón chàng rể là có ăn, có tiệc…
Chính Ngài đã làm một hành vi để đời, là lập bí tích Thánh-Thể trong bữa ăn, chứ không phải trên núi cao khi cầu nguyện, trong đền thờ lúc dâng hương. Và chính bí tích Thánh Thể lại là một bữa ăn. “Hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống.” “Ai ăn… sẽ được sống đời đời.”
Vì Chúa Giêsu đề cao bữa ăn trong hành vi và lời dạy của Ngài, nên chắc hẳn Ngài có ý gì đó chứ, chứ không phải Ngài chủ trương sống để ăn đâu. Ăn để sống thì có thể. Và thế là ta qua phần 2: Cái bên kia của bữa ăn (beyond eating).

2. Bên kia chữ ăn

Chúa muốn dạy gì khi Chúa đề cập nhiều đến chữ ăn, đến bữa tiệc. Bài Tin Mừng hôm nay hé cho ta một lời đáp: Chia sẻ. Ngài muốn dạy: hãy chia sẻ. Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14, 12-14).
Chúa lập bí tích Thánh Thể không phải để cho ta thờ lạy đâu. Quỳ sốt sắng hát thờ lạy Chúa, thờ lạy Chúa… không phải là lý hiện hữu của Mình Thánh Chúa. Chúa lập bí tích này trong bữa ăn, và chính bản thân bí tích là một bữa ăn, là để “chia sẻ.” Ngôn ngữ phụng vụ thủa ban đầu thay vì gọi thánh lễ, là gọi đích danh tên thực của nó : lễ bẻ bánh. Không phải tấm bánh nguyên, mà là bẻ ra. Bẻ ra để chia, chứ không phải bẻ ra cho nhỏ để dễ nuốt. Đại Hội Thánh Thể Quốc tế tổ chức tại Lộ Đức năm nào có đề tài thật thích hợp: Tấm bánh Bẻ ra. Người cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: tất cả hãy cầm lấy mà ăn…Bẻ ra tức là chia sẻ, chứ không phải để nguyên giữ cho riêng mình. Có nhiều hình thức để bẻ ra chia sẻ và cũng có nhiều cái khác-cái-ăn để sẻ chia.
Tạm kết ở đây:
Chúa ăn nhiều và nói nhiều về ăn. Không phải là Chúa tham ăn hay là tay sành điệu về các món nhậu. Ngài muốn dạy một điều : ăn là cái dễ chia sẻ hơn cả. Quần áo, có thể vừa hoặc không. Điện thoại di động chia cho ai mà họ không biết dùng thì cũng như không. Riêng ăn, thì dễ chia sẻ nhất, nhất là khi người ta đói. Đói, ăn gì cũng ngon. Thánh lễ là một bữa ăn. Nếu ta không có tinh thàn chia sẻ, thì việc ăn Mình Thánh Chúa quả là một xúc phạm, vì Ngài không còn là tấm bánh bẻ ra chia cho mọi người. Thánh Phaolô cũng nói mạnh hơn thế trong thư 1Cr 11: Ăn mà không biết sẻ chia, là ăn lấy án phạt !
Hãy có tấm lòng biết chia sẻ.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

_______________________________________
Đọc thêm :

1. Carlos là đứa trẻ đường phố thuộc khu ngoại ô vòng đai của Manila. Tuổi thơ đã để lại trên bé nhiều vết sẹo chìm, lắm vết thương lòng không sao chữa lành được. Nhưng linh mục coi xứ gần đó lại thường thấy cậu ở trong nhà thờ, nên ông rất thán phục đức tin can trường của cậu bé. Một ngày kia, trong khi ngồi toà giải tội –loại toà hộp, rất kín đáo- vị linh mục thấy cậu bé Carlos này rút một cọng cây lau nơi chổi quét nhà thờ. Cậu ép một miếng kẹo cao su đã dùng nơi một đầu của cọng lau và rồi nhét cọng lau với đầu có kẹo cao su dính đó vào khe thùng tiền của kẻ khó, gọi là poor box. Cậu vất vả kéo ra từng tờ giấy bạc, từng đồng tiền kẽm. Rồi cẩn thận, cậu trả cọng lau về với cái chổi và bước nhanh ra khỏi nhà thờ. Vị linh mục quyết định đi theo xa xa. Ông thấy cậu dừng chân tại quầy bán bánh, mua một bao to bánh mì nóng hổi và đi thẳng tới một nơi các trẻ em đường phố khác đang tụ họp tại đó. Các em cầu nguyện và ăn tất cả những chiếc bánh đó. Một buổi họp mặt thật hạnh phúc. Kết thúc câu chuyện là : vị linh mục đó, quyết định gia nhập vào nhóm trẻ bụi đời này.

2. Bữa ăn mang ý nghĩa chia sẻ. Nhưng nếu không sẻ chia được bữa ăn vì chưa đủ hoàn cảnh, thì ta cũng có thể sẻ chia những thứ khác. Các bạn trẻ đây có thể chia sẻ tri thức, chia sẻ học vấn, chỉ vẽ cho nhau, giúp đỡ giới thiệu nhau tìm việc làm… tất cả đều là ý nghĩa bên kia của bữa ăn. Riêng cái này, các bạn có thể và làm ngay được là chia sẻ niềm vui, chia sẻ nụ cười cho nhau. Ăn nơi cái miệng, và nụ cười cũng nơi cái miệng, cửa môi :

3. Một hôm Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia. Người chủ nhà có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng xấu. Để ý quan sát Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp. Lấy làm lạ, ông mới dò hỏi cậu bé giúp việc. Cậu bé tiết lộ:
- Người thiếp đẹp kia hay kênh kiệu, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chúng tôi chẳng ai còn nhìn ra cái đẹp của nàng. Trái lại, người thiếp xấu, tự biết mình xấu, sống vui tươi, hồn nhiên vô tư với mọi người, nên không ai còn nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Vậy là bạn không thể thoái thác vì nói rằng mình không đẹp để cười, hoặc cười không được đẹp. Hãy cứ chia sẻ niềm vui, bạn sẽ có niềm vui.
 
Thầy dạy lẽ thật
Lm. Minh Anh
23:33 29/08/2022

THẦY DẠY LẼ THẬT
“Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”.

John Bunyan nói, “Hãy tiếp tục đọc Lời Chúa và cầu nguyện, dù bạn không hiểu hết; một chút từ Chúa vẫn hơn vạn chút từ người! ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ sẽ khơi lên “nguồn mạch hiểu biết”; cả những lẽ thật cũ cũng nên mới, nếu chúng đến với bạn, vương theo mùi hương thiên đàng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ sẽ khơi lên “nguồn mạch hiểu biết”. Lời Chúa hôm nay cho thấy mối tương quan giữa đời sống thiêng liêng và Chúa Thánh Thần! Ngài là Đấng khơi lên “nguồn mạch hiểu biết”, một sự hiểu biết vượt xa trí năng, trái tim và nhận thức nông cạn, yếu ớt của con người.

Qua thư Côrintô, Phaolô tuyên bố, “Không ai biết được những gì thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần Ngài?”. Nhờ Thánh Thần, Phaolô biết được tư tưởng của Đức Kitô, biết được kế hoạch của Thiên Chúa, và biết được con đường cứu độ; trên đó, Chúa Kitô bước đi. Chúa Thánh Thần không chỉ là ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’, nhưng còn là Đấng dẫn dắt chính Chúa Kitô, dẫn dắt Phaolô, hầu Phaolô có thể dõi theo Chúa Kitô, làm chứng và sống chết cho Ngài.

Thật bất ngờ, trong Tin Mừng hôm nay, một tên quỷ cũng tuyên bố điều tương tự về Chúa Giêsu, “Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Không thể tin được khi tuyên bố này phát xuất từ một tên quỷ! Đừng nghĩ ma quỷ chỉ nói những lời giả dối về Chúa; khi cần, chúng vẫn có thể nói lên sự thật như hôm nay. Tại sao? Đó là những thiên thần cao trọng, tuy đã mất ơn nghĩa Chúa, các linh hồn sa ngã này cũng đã được tạo dựng bởi chính Thiên Chúa. Ma quỷ biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, tuyên xưng Ngài, nhưng nó tìm mọi cách để lôi kéo con người và ngay cả Chúa Giêsu đi xa con đường Chúa Cha muốn, con đường khổ nạn.

Thật trớ trêu! Đang khi ma quỷ tuyên xưng Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, thì giới lãnh đạo tôn giáo không nhận ra Ngài, không tin Ngài; họ không có một sự hiểu biết đúng đắn về Ngài! Đây cũng có thể là những gì đang xảy ra với mỗi người chúng ta khi chúng ta để những hiểu biết và khả năng nhận thức nông cạn của thế gian đánh lừa và dẫn chúng ta đi sai đường. Xem ra, chúng ta không hơn gì các biệt phái; bằng chứng là chúng ta chưa biến đổi, chưa nên giống Chúa Giêsu, chưa nên thánh! Phải chăng vì chúng ta không dành đủ thời gian cho Chúa; chúng ta thiếu cầu nguyện; tương quan của chúng ta với Ngài đang quá lỏng lẻo! Đừng quên, chính nhờ cầu nguyện mà tất cả chúng ta nhận biết Thiên Chúa, hầu sẵn sàng mở lòng, mở trí, mở trái tim cho Ngài. Đây còn là công việc của Chúa Thánh Thần, ‘Thầy Dạy Lẽ Thật!’.

Anh Chị em,

“Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Thật xấu hổ khi chúng ta chưa nói được, hay ít nữa, chưa xác tín điều ma quỷ tuyên bố! Chúng ta đã được Chúa Thánh Thần dạy cho biết Chúa Kitô và con đường cứu độ của Ngài; nhưng lắm lúc, sự thật này đến với chúng ta không vương theo mùi hương thiên đàng, bởi lẽ nơi chúng ta, đã có quá nhiều điều vương hương thế tục. Một khi nặng hương thế tục, chúng ta không thể đi theo con đường hy sinh, khổ chế, từ bỏ để nên giống Chúa Giêsu. Vậy phải làm sao? Hãy đặt ưu tiên cho việc cầu nguyện! Đừng chểnh mảng khi đặt Thiên Chúa ở tầm quan trọng thứ yếu; cũng đừng dành thời gian cho việc theo đuổi những mục đích và ước muốn thế tục; chúng ta thường dễ mắc lừa bởi những chấp trước của thế gian cùng với mọi thú vui và động đạc của nó. Nói cách khác, đừng gạt Chúa sang một bên, giáng Ngài xuống một nơi ít quan trọng trong cuộc đời. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ dạy chúng ta biết lẽ thật tệ hại của mình; để từ đó, ra sức xin ơn thống hối và biến đổi. Nhờ đó, chúng ta có thể trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’, hiến dâng thân mình để rao truyền Lời Chúa, Lời vương hương thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con yêu mến việc cầu nguyện với Lời Chúa, Lời vương hương thiên đàng; nhờ đó, ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ sẽ dạy con hiểu biết và yêu mến Chúa ngày một hơn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đêm đen của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Nicaragua
Đặng Tự Do
05:16 29/08/2022


Vào ngày 7 tháng 2 năm 1996, trong chuyến công du thứ hai đến Nicaragua, khi đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi chuyến thăm của ngài vào năm 1983 là một “đêm đen vĩ đại”.

“ Tôi nhớ buổi lễ 13 năm trước; nó diễn ra trong bóng tối, trong một đêm đen vĩ đại,” vị Giáo Hoàng hành hương nói trong thánh lễ mà ngài cử hành ở Managua với các gia đình của đất nước.

Trong thánh lễ năm 1996, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã nâng nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội El Viejo lên hàng vương cung thánh đường, nơi người dân Nicaragua tôn kính “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Cực Thanh Cực Tịnh” để “Mẹ luôn là Mẹ Maria của Nicaragua.”

Ở đất nước Trung Mỹ - và như đã được nghe gần đây ở Managua - cụm từ “Đức Maria đến từ Nicaragua và Nicaragua thuộc về Đức Maria” là phổ biến, do tình yêu lớn lao mà người Công Giáo ở đó dành cho Mẹ Thiên Chúa, một tình cảm không cúi đầu xuống sự đàn áp của chế độ độc tài.

Đêm tối

Chiếc máy bay Alitalia đưa Đức Gioan Phaolô II đến Nicaragua hạ cánh lúc 9:15 sáng theo giờ địa phương ngày 4/3/1983.

Tại Managua, các nhà chức trách của Ủy ban Hành Pháp Sandinista đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả điều phối viên quân sự, Daniel Ortega, người cùng với vợ là Rosario Murillo, hiện đang lãnh đạo chế độ độc tài Nicaragua hiện tại.

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến một đất nước đang bên bờ vực nội chiến.

Theo tin tức trực tuyến Nicaragua Investiga, có một biểu ngữ tại sân bay với nội dung “Chào mừng đến với Nicaragua tự do, cảm ơn Chúa và cuộc cách mạng.” Trong bối cảnh này, Ortega đã có một bài phát biểu ủng hộ chế độ Sandinista.

Đức Gioan Phaolô II đã gửi lời chào đến các nhà chức trách khác đang chờ đợi ngài, cũng như Ernesto Cardenal, một linh mục và nhà hoạt động thần học giải phóng ảnh hưởng chủ nghĩa Marx, người đang giữ chức vụ bộ trưởng văn hóa của chế độ, một điều không phù hợp với sứ vụ của các linh mục Công Giáo.

“Khi ngài đến chỗ tôi, tôi đã làm những gì tôi đã định làm trong trường hợp này: cởi mũ nồi và quỳ xuống hôn chiếc nhẫn của ngài. Ngài không cho tôi hôn nó, và vẫy ngón tay như thể nó là một cây gậy, ngài nói với tôi bằng giọng trách móc: Anh phải điều chỉnh hoàn cảnh của mình. Vì tôi không trả lời bất cứ điều gì, ngài đã lặp lại điều đó một lần nữa,” Cardenal kể lại trong cuốn sách “Cuộc cách mạng đã mất”.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẽ đến Nicaragua “nhân danh Đấng đã hiến mạng sống mình vì tình yêu vì sự giải phóng và cứu chuộc mọi người. Tôi muốn đóng góp phần mình để sự đau khổ của những người dân vô tội trong khu vực này trên thế giới chấm dứt; để những xung đột đẫm máu, hận thù và những lời buộc tội vô ích chấm dứt, để lại không gian cho những cuộc đối thoại chân thực.”

Ngoài Cardenal, các linh mục khác cũng là một phần của chính phủ: anh trai của ông là Fernando là Bộ Trưởng Thanh niên Cách Mạng Sandinista, Miguel d'Escoto là bộ trưởng ngoại giao, và Edgar Parrales là một nhà ngoại giao.

Hugo Torres, khi đó là người đứng đầu lãnh đạo chính trị của Quân đội Nicaragua trong những năm đó, nhớ lại rằng có một lực lượng an ninh nghiêm ngặt để bảo vệ giáo hoàng, cũng bởi vì một ngày trước khi giáo hoàng đến, 17 người Sandinistas trẻ tuổi đã bị giết bởi phe “Contras”, là nhóm được tài trợ bởi Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc nội chiến với Sandinistas trong một thập kỷ.

Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II đã đi trực thăng đến León, nơi ngài nói một vài lời ngắn gọn với các tín hữu hiện diện trước khi trở về Managua.

Những gián đoạn trong Thánh lễ và phản ứng của Đức Thánh Cha

Vào đầu thánh lễ và trước hàng trăm ngàn người hiện diện, tổng giám mục lúc bấy giờ của Managua, là Đức Tổng Giám Mục Miguel Obando Bravo, đã chào mừng Đức Gioan Phaolô II và so sánh chuyến thăm của ngài với một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tới một nhà tù ở Rôma.

Trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngoài việc các tín hữu cổ vũ giáo hoàng và Obando - người sau này trở thành Hồng Y - các nhóm Sandinistas cũng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cuộc cách mạng của họ.

“Giữa Kitô giáo và cách mạng không có mâu thuẫn,” “Quyền lực thuộc về nhân dân”, “Nhân dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”, “Giáo Hội của nhân dân” và “Chúng tôi muốn hòa bình” là một số khẩu hiệu mà họ hô vang.

Tiếng la hét khiến Đức Giáo Hoàng tức giận. Ngài đã nhiều lần yêu cầu im lặng và cuối cùng nói với họ: “Im lặng. Giáo Hội là những người đầu tiên muốn có hòa bình”.

Theo tờ El País của Tây Ban Nha, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã bỏ ngang bài giảng đã dọn sẵn và nói: “Hãy coi chừng những tiên tri giả. Họ khoác lên mình bộ áo cừu, nhưng bên trong lại là những con sói hung dữ”.

Vào cuối thánh lễ, các Sandinistas chơi bài ca của họ, sau đó Đức Giáo Hoàng được đưa đến sân bay, nơi ngài được đón tiếp bởi nhà độc tài hiện tại Ortega, người đã trách móc ngài vì đã bỏ đi mà không cầu nguyện cho 17 thanh niên bị giết bởi Contras và biện minh cho tiếng la hét của Sandinistas trong Thánh lễ.

“Đức Giáo Hoàng đã không cầu nguyện cho những người đã chết bởi vì, theo tôi, ngài nghĩ rằng bất kỳ từ nào ngài nói về vấn đề đó có thể được hiểu là một từ ủng hộ cuộc cách mạng,” Hugo Torres nhớ lại.

Trong bài phát biểu từ biệt của mình, John Paul II đã không đáp lại các cuộc tấn công của Ortega mà thay vào đó bày tỏ lời cảm ơn về sự chào đón mà ngài đã nhận được và khuyến khích các Kitô hữu.

“Hãy trung thành với đức tin của anh chị em và với Giáo Hội, tôi ban phước cho anh chị em từ trái tim tôi - đặc biệt là người già, trẻ em, người bệnh và những người đau khổ - và tôi cam đoan với anh chị em về lời cầu nguyện bền bỉ của tôi với Chúa, để Ngài có thể giúp anh chị em tại mọi thời điểm,” vị giáo hoàng hành hương nói.

“Xin Chúa phù hộ cho Giáo Hội này. Chúa phù hộ và bảo vệ Nicaragua! Xin được như thế”, ngài kết luận.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Giảng của Đức Phanxicô tại Aquila, nơi có mộ Đức Celestinô V, vị Giáo Hoàng từng từ chức trong thế kỷ 13, một ngày sau khi tấn phong 20 tân Hồng Y tại Vatican
Vũ Văn An
05:33 29/08/2022

Theo Aleteia, đối với Đức Phanxicô, Đức Celestinô V là vị Giáo Hoàng được ngài qúy mến đặc biệt đến nỗi năm 2014, ngài đã tuyên bố một năm thánh kính vị Giáo Hoàng này, vì vị Giáo Hoàng này là vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót.



Thật vậy, trong nhiều thế kỷ, Aquila đã duy trì sống động di sản Đức Celestinô V đã để lại cho nó. Di sản này là đặc ân nhắc nhở mọi người rằng lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót thôi, đời đàn ông và đàn bà của họ mới được sống một cách hân hoan.

Tại đây, Đức Phanxicô nhắc đến điều Đức Celestinô V đã làm: dù triều Giáo Hoàng của ngài cực kỳ vắn vỏi, trong hành vi đầu tiên của ngài, ngài đã tạo nên một điều hoàn toàn mới mẻ: ban hành sắc chỉ Perdonanza hay Ơn Tha Thứ. Chính triều Giáo Hoàng này đã dẫn đến truyền thống năm thánh và các ơn đại xá được ân ban trong những dịp này.

Chính vì thế, năm 2014, Đức Phanxicô đã công bố một năm thánh để kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Đức Celestinô V. Và năm 2025, Giáo Hội sẽ cử hành năm thánh thường lệ theo truyền thống của vị Giáo Hoàng này.

Tưởng cũng nên nhắc đến khẩu hiệu của Đức Phanxicô, miserando atque eligendo (thương xót và tuyển chọn). Khẩu hiệu này tuy lấy từ một bài giảng của Thánh Bede nhân ngày lễ kính Thánh Mátthêu, nhưng nó cũng vô tình nối kết với Đức Celestinô V: cả hai vị đều cổ vũ lòng thương xót. Hôm nay, tại Aquila, Đức Phanxicô nhắc lại chủ đề xuyên suốt của triều Giáo Hoàng của ngài: “Tên Thiên Chúa là Thương Xót. Đây là chính tâm điểm của Tin Mừng, vì thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong nỗi khốn cùng của chúng ta”.

Thành thử, với Đức Phanxicô, di sản của Đức Celestinô V không có điều gì liên quan tới việc ngài từ nhiệm ngôi Giáo Hoàng cả. Sau đây là nội dung bài giảng trong thánh lễ ngày 28 tháng 8 tại Aquila, nơi có phần mộ của Đức Celestinô V:

Các Thánh là lời giải thích hấp dẫn về Tin Mừng. Cuộc sống của các ngài là một vọng nhìn thuận lợi đặc biệt mà từ đó chúng ta có thể thoáng thấy Tin Mừng được Chúa Giêsu đến để loan báo – rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mỗi người chúng ta đều được Người yêu thương. Đây là tâm điểm của Tin Mừng, và Chúa Giêsu là bằng chứng của Tình yêu này – việc nhập thể của Người, khuôn mặt của Người.

Hôm nay chúng ta cử hành Thánh Thể vào một ngày đặc biệt đối với thành phố này và Giáo hội này: Ơn Tha thứ của Đức Celestinô. Tại đây còn lưu giữ các di vật của Đức Giáo Hoàng Celestinô V. Con người này dường như đã hoàn toàn hoàn thành những gì chúng ta đã nghe trong Bài Đọc Thứ Nhất: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3:18). Chúng ta nhớ lầm Đức Celestinô V như “người đã thực hiện cuộc từ chức nổi tiếng,” theo cách diễn đạt được Dante sử dụng trong Divine Comedy của ông. Nhưng Đức Celestinô V không phải là người nói "không", mà là người nói "có."

Thực thế, không có cách nào khác để hoàn thành thánh ý của Thiên Chúa ngoài việc mặc lấy sức mạnh của người khiêm tốn, không có cách nào khác. Chính vì họ là như vậy, nên những người khiêm nhường xem ra yếu đuối và là kẻ thất bại trước mắt những người nam nữ, trong khi thực tế, họ là những kẻ chinh phục thực sự vì họ là những người hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và biết thánh ý của Người. Thật vậy, “đối với người khiêm tốn, Thiên Chúa bày tỏ bí mật của Người, và Người được tôn vinh bởi người khiêm nhường,” (xem Hc 3: 19-20). Trong tinh thần thế gian, vốn bị tính kiêu ngạo thống trị, Lời Chúa dành cho ngày hôm nay mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhường và nhu mì. Sự khiêm tốn không hệ ở việc coi thường bản thân, mà đúng hơn hệ ở tính hiện thực lành mạnh khiến chúng ta nhận ra những tiềm năng cũng như nỗi khốn cùng của mình. Bắt đầu từ sự khốn cùng của chúng ta, sự khiêm nhường khiến chúng ta rời mắt khỏi bản thân để hướng về Thiên Chúa, về Đấng có thể làm mọi sự và thậm chí là Đấng dành cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình kiếm được. “mọi sự có thể đuợc thực hiện cho những người có đức tin” (Mc 9:23).

Sự khiêm tốn không hệ ở việc coi thường bản thân, mà đúng hơn hệ ở tính hiện thực lành mạnh khiến chúng ta nhận ra những tiềm năng cũng như nỗi khốn cùng của mình.

Sức mạnh của người khiêm tốn là Chúa, không phải các chiến lược, phương tiện của con người, luận lý của thế gian này, tính toán. Không, chính là Chúa. Theo nghĩa đó, Đức Celestinô V là một nhân chứng dũng cảm của Tin Mừng vì không có luận lý hay sức mạnh nào có thể giam cầm hoặc kiểm soát ngài. Nơi ngài, chúng ta ngưỡng mộ một Giáo hội thoát khỏi luận lý thế gian, làm chứng hoàn toàn cho danh Thiên Chúa vốn là Lòng Thương Xót. Đây là tâm điểm của Tin Mừng, vì lòng thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong sự khốn cùng của chúng ta. Chúng đi với nhau. Không thể hiểu được lòng thương xót nếu không hiểu được nỗi khốn cùng của chính mình. Là tín hữu không có nghĩa là tiến gần một vị Thiên Chúa tối tăm và đáng sợ. Thư gửi tín hữu Hípri nhắc chúng ta điều này:

“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và dông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa” (12:18 -19).

Không. Anh chị em thân mến, chúng ta tiến gần Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Lòng Thương Xót của Chúa Cha và là Tình yêu cứu độ. Người là lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót của Người, Người mới có thể nói lên nỗi khốn cùng của chúng ta. Nếu một trong chúng ta nghĩ rằng họ có thể với tới lòng thương xót theo cách khác ngoài nỗi khốn cùng của chính họ, thì họ đã đi sai đường. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải hiểu thực tại của chính mình.

Lòng thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong nỗi khốn cùng của chúng ta…

Trong nhiều thế kỷ, Aquila đã duy trì sống động di sản vị Giáo Hoàng này đã để lại cho nó. Di sản này là đặc ân nhắc nhở mọi người rằng lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót thôi, đời đàn ông và đàn bà của họ mới được sống một cách hân hoan. Lòng thương xót là kinh nghiệm cảm thấy được chào đón, đặt lại trên đôi chân của chúng ta, được củng cố, chữa lành, khuyến khích. Được tha thứ là trải nghiệm ở đây và bây giờ điều gần gũi nhất với việc được sống lại. Tha thứ là hành trình từ cái chết đến sự sống, từ trải nghiệm thống khổ và tội lỗi đến tự do và hân hoan. Ước gì nhà thờ này luôn là một nơi trong đó mọi người có thể được hòa giải và cảm nghiệm được Ân sủng đã đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình và cho chúng ta một cơ hội khác. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những cơ hội thứ hai - “Lạy Chúa, bao nhiêu lần? Một lần? Bảy lần?” - "Bảy mươi lần bảy." Chính Thiên Chúa là Đấng luôn cho anh chị em một cơ hội khác. Cầu mong đó là một nhà thờ của sự tha thứ, không phải mỗi năm một lần, nhưng luôn luôn, mỗi ngày. Vì bằng cách này, hòa bình được xây dựng, nhờ sự tha thứ được nhận và cho đi.

Bắt đầu với nỗi khốn cùng của chính mình và nhìn vào đó, cố gắng tìm ra cách để vươn tới sự tha thứ, bởi vì ngay cả trong nỗi khốn cùng của chính mình, chúng ta sẽ luôn tìm thấy ánh sáng vốn là con đường đi đến Chúa. Người cho chúng ta ánh sáng trong sự khốn cùng của chúng ta. Chẳng hạn như sáng nay, tôi đã nghĩ về điều này khi chúng tôi đến L’Aquila và chúng tôi không thể hạ cánh - sương mù dày đặc, mọi thứ đều tối tăm, bạn không thể hạ cánh. Phi công trực thăng lượn vòng, lượn vòng, lượn vòng…. Cuối cùng, ông ấy đã nhìn thấy một lỗ hổng nhỏ và ông ấy đã đi qua đó - ông ấy đã thành công. Một phi công bậc thầy. Và tôi đã nghĩ về sự khốn cùng này và cách cùng những sự việc này đã xảy ra với sự khốn cùng của chính chúng ta. Đã bao lần chúng ta nhìn xem mình là ai - không là gì, không hơn không kém - và chúng ta lượn vòng, lượn vòng…. Nhưng đôi khi, Chúa tạo ra một lỗ hổng nhỏ. Anh chị em hãy đặt mình vào đó, chúng là các vết thương của Chúa! Đó là nơi mà lòng thương xót ở, nhưng nó ở trong sự khốn cùng của anh chị em. Có một lỗ hổng trong sự khốn cùng của anh chị em mà Chúa tạo ra để đi vào đó. Lòng thương xót đến với anh chị em, đến với tôi, đến với sự khốn cùng của chúng ta.

Anh chị em thân mến, anh chị em đã phải chịu nhiều thiệt hại vì trận động đất. Và với tư cách là một dân số, anh chị em đang cố gắng đứng dậy và đi lại trên đôi chân của mình. Nhưng những người đã từng đau khổ phải có khả năng tạo ra một kho báu từ những đau khổ của chính họ, họ phải hiểu rằng trong bóng tối mà họ đã trải qua, họ cũng đã nhận được món quà là thấu hiểu nỗi đau khổ của người khác. Anh chị em có thể trân trọng món quà của lòng thương xót bởi vì anh chị em biết ý nghĩa của việc mất đi mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ đã được xây dựng nay đổ nát, phải lìa xa mọi thứ thân yêu đối với anh chị em, cảm thấy lỗ hổng do sự vắng mặt của những người anh chị em yêu thương. Anh chị em có thể quý trọng lòng thương xót bởi vì anh chị em đã cảm nghiệm được lòng thương xót.

Nhưng những người đã đau khổ phải có khả năng tạo ra một kho báu từ sự đau khổ của chính họ

Trong cuộc đời của họ, tất cả mọi người, ngay cả khi chưa sống qua một trận động đất, cũng có thể trải qua một “trận động đất linh hồn”, có thể nói như thế, điều đó khiến chúng ta tiếp xúc với sự yếu đuối của chính mình, những hạn chế của chính mình, sự khốn cùng của chính mình. Trong kinh nghiệm này, chúng ta có thể mất tất cả, nhưng chúng ta cũng có thể học được sự khiêm tốn thực sự. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta có thể để cho cuộc sống làm cho mình ra cay đắng, hoặc chúng ta có thể học tính nhu mì. Vì vậy, khiêm nhường và hiền lành là đặc điểm của những người có sứ mệnh trân trọng và làm chứng cho lòng thương xót. Vâng, bởi vì lòng thương xót, khi nó đến với chúng ta và vì chúng ta trân trọng nó, chúng ta cũng có thể làm chứng cho lòng thương xót này. Lòng thương xót là một món quà cho tôi, cho sự khốn cùng của tôi, nhưng lòng thương xót này cũng phải được truyền cho người khác như một món quà của Chúa.

Tuy nhiên, có một lời cảnh tỉnh cho chúng ta biết liệu chúng ta có đang đi sai đường hay không. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta điều này (x. Lc 14: 1, 7-14). Chúng ta đã nghe thấy Chúa Giêsu được mời dùng bữa tối trong nhà của một người Biệt phái, và chăm chú quan sát xem có bao nhiêu người chạy vội tới những chỗ ngồi tốt nhất trong bàn ăn. Điều này cho Người gợi ý để kể một dụ ngôn vẫn còn giá trị đối với chúng ta ngày nay:

“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối” (câu 8-9).

Đã quá nhiều lần người ta căn cứ giá trị của mình vào vị trí mà họ chiếm giữ trên đời. Thực ra, người ta không phải là vị trí mà họ nắm giữ. Người ta là sự tự do họ có khả năng làm được điều thể hiện đầy đủ khi người đó chiếm vị trí cuối cùng, hoặc khi người đó được dành một vị trí trên Thập giá.

Đã quá nhiều lần người ta căn cứ giá trị của mình vào vị trí mà họ chiếm giữ trên đời. Thực ra, người ta không phải là vị trí mà họ nắm giữ

Người Kitô hữu biết rằng cuộc đời của họ không phải là sự nghiệp theo cung cách thế gian, nhưng là sự nghiệp theo cách thức của Chúa Kitô, Đấng đã tự nói về mình rằng mình đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10:45). Trừ khi chúng ta hiểu rằng cuộc cách mạng của Tin Mừng được bao hàm trong loại tự do này, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến chiến tranh, bạo lực và bất công, tất cả không là gì khác hơn những triệu chứng bên ngoài của sự thiếu tự do bên trong. Nơi không có tự do nội tâm, chỉ có lòng ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân, và áp bức, và tất cả những điều khốn cùng này, sẽ tìm thấy con đường đi vào của chúng. Và sự khốn cùng chiếm quyền kiểm soát.

Anh chị em thân mến, ước chi L’Aquila thực sự là thủ đô của sự tha thứ, thủ đô của hòa bình và của hòa giải! Mong sao L'Aquila biết cống hiến cho mọi người sự biến đổi mà Đức Maria đã hát trong kinh Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52), cuộc biến đổi mà Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Và chúng ta muốn giao phó quyết tâm sống theo Tin Mừng cho chính Đức Maria, đấng mà anh chị em tôn kính dưới danh hiệu Cứu Rỗi Dân L’Aquila. Cầu mong sự chuyển cầu mẫu thân của ngài nhận được sự ân xá và hòa bình cho toàn thế giới. Nhận thức được sự khốn cùng của chính mình và vẻ đẹp của lòng thương xót.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Tạ Ơn Năm Thánh Hồng Phúc Đoàn Legio Mariae Tại Giáo Phận Đà Nẵng
Tôma Trương Văn Ân
09:23 29/08/2022
Thánh Lễ Tạ Ơn “ Năm Thánh Hồng Phúc “ Đoàn Legio Mariae Tại Giáo Phận Đà Nẵng

Sáng thứ hai, ngày 29 / 8 / 2022. Từ rất sớm, Hội viên Legio Mariae của các Giáo xứ trên toàn Giáo phận Đà Nẵng, qui tụ về nhà thờ Chính Tòa để tham dự Thánh Lễ bế mạc Năm Thánh ( 2021-2022), là Đặc ân mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban cho Hội Đoàn và các Hội viên Legio Mariae trên toàn thế giới.

Xem Hình

Năm Thánh tròn 100 năm Hội đoàn Legio Mariae hiện diện trên thế giới ( 07 / 9 / 1921 – 2021), 75 năm (1946-2021) Legio Mariae hiện diện tại Việt Nam và 65 năm ( 1956-2021) Legio Mariae tại Giáo phận Đà Nẵng. Đúng là Năm Thánh phải được mở trong năm 2021, nhưng do dịch covid-19, nên được Tòa Thánh chấp thuận kéo dài đến năm nay 2022.

Trong bài chia sẻ của Cha Phê-rô Trần Đức Cường – Linh Giám Commitium Đà Nẵng ( Legio Mariae Giáo phận). Cha Linh Giám đã giúp cho Hội viên nhận thức rõ hơn về Chủ đích của Legio Mariae:

1. Thánh hóa Hội viên bằng việc cầu nguyện, luôn có người cầu nguyện ( Tán trợ) đễ hỗ trợ cho người đang hoạt động.

2. Hội viên luôn tuân phục Đấng Bản Quyền.

3. Tích cực cộng tác, thực thi và sống tinh thần Phúc m trong Đức Maria và Hội Thánh.

4. Truyền Giáo là đem tình yêu Chúa đến cho Anh chị em, làm cho anh chị em cảm nhận được Chúa yêu thương.

5. Hội viên dùng chính cuộc sống phục vụ, sẵn sàng chấp nhận khó khăn vì Danh Chúa Ki-tô, thực thi bác ái …. Suy gẫm Lời Chúa, và nhất là học với Chúa Ki-tô hiền lành và khiêm nhường.

lúc 10 giờ sáng cùng ngày, Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận đã chủ tế Thánh lễ tạ ơn Bế mạc “Năm Thánh Hồng Phúc” của Hội Đoàn Legio Mariae. Đồng tế với Đức Cha có Cha Phê-rô Trần Đức Cường, Quản xứ Chính Tòa, Linh Giám Legio Mariae Giáo phận và quí Cha Linh giám Legio Mariae của nhiều Giáo xứ trong Giáo phận.

Có khoảng 1300 Hội Viên tham dự.

Trong bài giảng, Đức Giám Mục Giáo phận nhắc nhở Hội viên và Công đoàn tham dự, mỗi người biết chia sẻ, thăm viếng, đồng hành…. để trở nên nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Biết “Hiệp Hành” với cộng đoàn Giáo phận: “ Hiệp nhất, cùng sống Đức tin và loan báo Tin Mừng’. thực thi Quyết Nghị của Công Nghị Giáo phận hôm 1 / 7 / 2022.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Chị Anna Trần Thị Kim Khánh – Trưởng Comitium ( Legio Giáo phận), đã Đại diện Cộng đoàn có lời cám ơn Đức Giám Mục, Quí Cha Linh Giám, Quí ban ngành và những Người đã hỗ trợ giúp đỡ cho Legio Mariae Giáo phận. Chị cũng không quên tri ân và mời gọi Hội viên cầu nguyện cho quí Đức Cha, quí Cha và những Hội viên đã qua đời.

Trong nghi thức sai đi, Đức Giám Mục đã cầu nguyện trước nến Phục Sinh: Chúa là nguồn ánh sáng và Ơn Cứu độ, ban cho mỗi người trở nên ánh sáng cho trần gian. Chúa dùng đội tay, đôi tai, trái tim tình yêu của Chúng ta để chăm sóc, lắng nghe, yêu thương anh chị em … thể hiện tình yêu và nguồn sống của Chúa Ki-tô Phục Sinh đong đầy trong cuộc đời. Chúa dùng đời sống gia đình thuận hòa yêu thương của chúng ta, để làm nhân chứng Đạo yêu thương cho anh chị em trong môi trường gia đình đang sống và làm việc.

Đức Giám Mục ban Phép lành trọng thể với ơn toàn xá, đã kết thúc ngày Bế mạc Năm Thánh Hồng Phúc của Legio Mariae tại Giáo phận Đà Nẵng.

Tôma Trương Văn n

Giới Thiệu Về Hội Đoàn Legio Mariae - Đạo Binh Đức Mẹ

Nguồn Gốc:

Hội đoàn Legio Mariae khởi đầu là một nhóm phụ nữ Công Giáo, tại đất nước Ai Nhĩ Lan (Ireland), nhưng có lòng nhiệt thành trong việc làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. do Cha Michael Toher, thuộc Tổng Giáo phận Dublin, và Ông Frank Duff thành lập ngày 07 / 9 / 1921. Đến nay, sau hơn 100 năm, Legio Mariae có mặt hơn 170 quốc gia trên thế giới. Có khoảng hơn 4 triệu Hội viên hoạt động và hơn 20 triệu Hội viên: Bảo trợ, hiệp sĩ và Tán trợ.

Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ) là một đoàn thể Giáo dân, được Giáo Hội phê chuẩn và đặt dưới quyền của Đức Maria Vô Nhiễm, trung gian các ơn. Hội viên phục vụ trong nhiều công tác mà Giáo Hội quan tâm, nâng đỡ đời sống Thiêng liêng và thể chất của con người, loại trừ quyền lực tội ác, Làm vinh danh Chúa và đem hạnh phúc đến cho mọi người.

Danh xưng ban đầu của Legio Mariae là: “Hội đoàn Đức Mẹ Từ Bi”

Cử chỉ tập thể đầu tiên của Praesidium (Đơn vị nòng cốt của Legio Mariae) là: Cùng quì gối xuống khẩn xin ơn Chúa Thánh Thần và lần chuỗi Mân Côi.

Legio Mariae được tổ chức theo lối cơ binh Rôma thời xưa, mượn luôn cả danh xưng. Vì đạo quân Rôma thời xưa đã lừng danh trong nhiều thế kỷ về đức trung kiên, lòng dũng cảm, tinh thần kỷ luật và tính nhẫn nại.

Công Tác Hoạt Động:

Có nhiều công tác khác nhau, đem lại hạnh phúc cả tâm hồn và thể xác cho con người và làm vinh danh Chúa hơn:

+ Các công tác của Hội viên hoạt động như: thăm viếng giúp đỡ, chăm sóc người đau yếu, già, neo đơn; phục vụ bảo vệ sự sống, an táng thai nhi, giúp bệnh nhân HIV …. Khuyên nhủ người nguội lạnh bỏ bê việc đạo đức trở về làm hòa với Chúa và anh chị em; giúp tháo gỡ và trình Cha Quản xứ, Cha Linh Giám … tháo gỡ những gia đình rối về Bí tích Hôn phối; dạy Giáo lý, làm công tác do Cha Quản xứ, và Đoàn giao …

+ công tác của Hội viên Tán trợ, bảo trợ ….: cầu nguyện, đọc kinh, Lần Chuỗi, dâng những việc đạo đức …. để xin Ơn của Thiên Chúa và Mẹ Maria ban cho các Hội viên đang hoạt động, hoạt động có hiệu quả hơn nhờ Ơn Thánh.

Hệ Thống Quản Trị Của Legio Và Danh Xưng:

1. Concilium Legionis: Hội đồng Trung ương, tại Dublin, Ái Nhĩ Lan (Ireland)

2. Senatus: Hội đồng tại các quốc gia, hay liên quốc gia.

3. Regia: Hội đồng miền, cấp liên giáo phận.

4. Comitium: Hội đồng cấp liên hạt hay cấp giáo phận.

5. Curia: Hội đồng cấp liên xứ, hay cấp hạt.

6. Praesidium: Đơn vị nòng cốt của Legio Mariae.

Mỗi Praesidum có một Linh Mục làm Linh giám. Tương tự như vậy, cũng có Linh giám tại các cấp hội đồng, cấp cao hơn.

Linh giám có quyền quyết định các vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo hay luân lý nêu ra trong buổi họp. Ngài có quyền quyết định các hoạt động và đình chỉ mọi hoạt động của đơn vị để chờ quyết định của cha sở hay Đức Giám Mục giáo phận.

HỘI VIÊN

- Hội viên hoạt động: hằng tuần họp và đi thăm viếng. Hội viên trưởng thành (Senior), trên 18 tuổi và Hội viên thiếu niên (Junior), dưới 18 tuổi.

- Hội viên tán trợ, Bảo trợ: chuyên chăm đọc kinh và cầu nguyện.

- Điều kiện gia nhập: Sống đạo thực hành theo đức tin. Thực sự muốn làm việc Tông đồ giáo dân theo công tác Legio. Sẵn sàng chu toàn mọi việc mà phận vụ Hội viên đòi buộc.

- Hằng năm, có 3 lần họp mặt: Vào dịp lễ Truyền Tin (25-3), phải tham dự Đại Hội ACIES, lễ nghi chính của Legio Mariae. Tham dự “Tổng hội thường niên” vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12), Và “Praesidium họp bạn” và dịp lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (8.9).

ĐẶC N THIÊNG LIÊNG

- Legio Mariae đặt dưới sự bảo trợ của Đức Maria và của Hội Thánh.

- Legio Mariae giúp hội viên một lối sống đạo đức, trong khuôn khổ của một tổ chức có kỷ luật chặt chẽ.

- Legio Mariae giúp người Hội viên một lý tưởng Công Giáo để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em qua sự kết hợp mật thiết với Đức Mẹ.

- Legio Mariae hướng dẫn hội viên họat động Công Giáo Tiến Hành bằng phương pháp thực tiễn để làm việc tông đồ có kết quả.

- Hội viên Legio hiệp thông trong lời cầu nguyện và các việc làm đạo đức với tòan thể Hội viên trên khắp thế giới.

- Hội viên Legio được hưởng nhiều N XÁ khi đọc kinh Tessera (kinh nguyện Legio Mariae) và lần hạt Mân Côi.

- Hội viên Legio được hưởng ơn ĐẠI XÁ khi tuyên hứa và mỗi khi đọc lại lời hứa vào các dịp lễ: Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, lễ Truyền Tin, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, lễ Thánh Phêrô và Phaolô tông Đồ. Tuy nhiên muốn được hưởng ơn Đại Xá phải theo điều kiện thường như xưng tội, rước lễ và cầu theo ý Đức Giáo Hoàng.

- Hằng năm vào tháng 11 (tháng cầu cho các Linh Hồn), mỗi Praesidium phải xin một lễ cầu cho các Linh Hồn Hội viên đã qua đời ở khắp nơi trên thế giới.

- Hội viên Làm công tác tông đồ giáo dân qua sự hướng dẫn của Cha quản xứ.

- Noi gương Đức Mẹ Maria trong đời sống Đức Tin, Đức ái và Đức khiêm nhường. mời gọi người tín hữu sống và Sùng kính Đức Mẹ Maria bằng tràng chuỗi Mân Côi.

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển Legio Mariae Tại Giáo Phận Đà Nẵng

( Thông tin do Legio Mariae Giáo phận Đà Nẵng cung cấp )

Praesidium đầu tiên tại Đà Nẵng, được thành lập ngày 2/5/1956 với thánh hiệu là Nữ Vương Hòa Bình, gồm 12 Hội viên, do Cha Albert Raymon Dòng Chúa Cứu Thế và một số Anh Chị Legio ở Huế - Lúc đó Đà Nẵng còn thuộc giáo phận Quy Nhơn. Linh giám đầu tiên là Cha Benador Phan văn Hoàng

Tháng 10 / 1956 praesidium thứ hai đã ra đời với Thánh hiệu Mẹ Vô Nhiễm dành riêng cho nữ giới do chị Catarina Hồ thị Hòe làm trưởng, rồi tiếp đến praesidium thứ ba được thành lập với Thánh hiệu Mẹ La Vang. Praesidium này hổn hợp nam nữ từ hội viên của các giáo xứ Thanh Bình, Nội Hà, Tam Tòa, do chị Anna Nguyễn thị Châu Làm Trưởng.

Năm 1957 Legio Mariae Đà Nẵng đã lập được thêm 4 Praesidia nội thành tại các giáo xứ Tam Tòa, Thanh Đức, Nội Hà, Thanh Bình, và 13 Praesidia ngoại thành gồm Các giáo xứ: An Ngãi,Phú Thượng, Hội An, Trà Kiệu, Tam Kỳ.

Nhận thấy Legio Mariae Đà Nẵng Hội viên đông và phát triển nhanh chóng. Hội Đồng Concilium ở Dublin Aí Nhĩ Lan quyết định tách Legio Mariae Đà Nẵng ra khỏi Curia Huế, để thành lập Curia riêng cho Đà Nẵng. mời Cha quản xứ Đà Nẵng Giuse Lê Văn Ấn làm linh giám.

Năm 1963 giáo phận Đà Nẵng được thành lập, Legio Mariae Đà Nẵng ngày càng trở nên lớn mạnh.

Năm 1970 Curiae Đà Nẵng được nâng cấp thành Comitium quản trị các Curiae: An Phú, Hội An,Tam Kỳ, Trà Kiệu và các đơn vị trực thuộc ở nội thành, đây là thời kỳ hoạt động mạnh mẽ của Legio Mariae giáo phận Đà Nẵng.

-Năm 1971-1974 Comitium giáo phận Đà Nẵng đã có những bước tiến vững vàng trong linh đạo của Legio Mariae.

-Năm 1975 sau ngày thống nhất đất nước, xã hội có nhiều biến đổi, hầu hết các Đoàn thể tạm ngưng hoạt động, các sinh hoạt Hội Legio Mariae bị gián đoạn một thời gian dài.

Tuy nhiên trong thời điểm khó khăn ấy vẫn còn những praesidium, giữ được buổi họp kiên trì và

bền bỉ cho đến ngày Legio được hồi sinh, đó là các Praesidium của giáo xứ Thanh Bình và Thanh Đức.

GIAI ĐOẠN HỒI SINH.

Sau một thời gian dài cầu nguyện với niềm khao khát tái lập Legio giáo phận. Ngày 24.4.1994 Chúa nhật Chúa chiên lành, Legio Mariae giáo phận Đà Nẵng Tái sinh hoạt, và chính thức dự buổi cầu nguyện lần thứ nhất tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng, sau 19 năm gián đoạn ( 1975-1994). Đức Giám Mục tại thời điểm đó là Đức cha Phanxico savie Nguyễn Quang Sách, Ngài bổ nhiệm Cha Giuse Đinh Mạnh Phú làm linh giám.

Đến 9/1996 Cha Giuse được Chúa gọi về.Tháng 10/1996 Đức cha Phanxicô Xavie bổ nhiệm Cha Phaolo Maria Trần Quốc Việt làm Linh giám coi sóc Legio Mariae giáo phận. Tại thời điểm này, Legio Mariae đã hoạt động trong 2 giáo hạt Đà Nẵng và Hòa Vang, còn các hạt Tam Kỳ,Trà Kiệu vẫn sinh hoạt nhưng chưa kết nối với nhau.

Ngày 22/9/1999 Hội đồng Senatus quyết định tái lập Comitium Đà Nẵng, lúc bấy giờ Đà Nẵng đã có 6 Curiae và 14 Praesidia trực thuộc.

Ngày 18/6/2002 Comitium Huế được nâng cấp lên Regia và Comitium Đà Nẵng bấy giờ là đơn vị trực thuộc Regia Huế.

Từ năm 2000 đến 2017, Comitium Đà Nẵng đã không ngừng phát triển, và hoạt động trong 49/51 giáo xứ và 8 Giáo họ biệt lập của giáo phận Đà Nẵng.

Tháng 10/2017, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, bổ nhiệm Cha Phêrô Trần Đức Cường làm linh giám đến nay.

Ban Quản Trị Và Hiện Tình Legio Mariae Tại Giáo Phận Đà Nẵng

Cha Phêrô Trần Đức Cường làm linh giám

Trưởng: Anna Maria Trần Thị Kim Khánh

Phó: Anna Hoàng Bích Ngọc

Thư Ký: Matta Trần Thị Ninh Kiều

Thủ Qũy: Têrêxa Nguyễn Thị Thanh Nga

Cùng với một số Anh chị thông tín viên nhiệt thành, đồng hành hổ trợ.

Hiện nay Comitium Đà Nẵng có 12 Curiae Senior và 2 Curiae Junior. Tổng tất cả 120 Praesidium. có 1226 Hội viên hoạt động ( trong đó có 117 Hội viên Nghĩa Sĩ); có 1161 Hội viên Tán trợ, và 50 Junior.

Giáo phận Đà Nẵng hiện nay có 49 Giáo xứ có Hội Đoàn Legio Mariae.

Tôma Trương Văn Ân
 
VietCatholic TV
Căn cứ Nga lớn nhất ở Melitopol bị tấn công. 13 nước có thể nhiễm phóng xạ. Chuyện chú bé Ukraine
VietCatholic Media
03:15 29/08/2022


1. Thị trưởng Melitopol: Tiếng nổ, tiếng súng nghe thấy ở Melitopol do Nga chiếm đóng khi căn cứ quân sự lớn nhất của Nga trong vùng bị tấn công

Những tiếng nổ lớn và tiếng súng đã được nghe thấy ở Melitopol, một thành phố phía nam Ukraine bị quân Nga chiếm đóng tạm thời vào hôm Chúa Nhật 28 tháng 8 khi một máy bay không người lái của Ukraine tấn công vào một căn cứ quân sự của Nga.

Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 29 tháng 8.

“Tiếng súng và tiếng nổ của kẻ thù được nghe thấy ở phía bắc Melitopol, gần trường dạy nghề số 24 vào sáng Chúa Nhật. Chúng lớn đến mức có thể nghe thấy ngay cả ở các làng lân cận của Tambovka và Myrne”

Ông lưu ý rằng, theo các báo cáo sơ bộ, quân Nga đã cố gắng bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine trong 30 phút không thành công.

Cuối cùng, một tiếng nổ rất lớn được nghe thấy khi một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của đối phương bị phá hủy ở Melitopol.

2. Putin sẵn sàng nhấn chìm đất nước của mình trong bức xạ, một bản đồ lạnh lùng cho thấy điều đó

Một bản đồ bức xạ rợn tóc gáy đã cho thấy những tác động tàn khốc mà một thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể gây ra.

Bản đồ này đã tiết lộ rằng rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân có thể lan rộng hàng trăm dặm và ảnh hưởng đến tổng cộng 13 quốc gia.

Trong một bản đồ do Viện Khí tượng Thủy văn Ukraine tạo ra và được chia sẻ bởi nhà báo Myroslava Petsa của BBC Ukraine, đám mây bức xạ từ một vụ rò rỉ có thể xảy ra tại nhà máy có thể được nhìn thấy lan rộng khắp Đông Âu trong không gian ba ngày, tới tận biên giới Áo.

13 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi rò rỉ phóng xạ từ Zaporizhzhia, bao gồm Ukraine, Belarus, Moldova, Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, Rumani, Serbia, Hung Gia Lợi, Slovakia, Cộng hòa Tiệp và Nga.

Nhà điều hành năng lượng nhà nước của Ukraine là Energoatom đã cảnh báo rằng có nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở Ukraine.

Energoatom cho biết quân đội của Mạc Tư Khoa đã “pháo kích liên tục” vào địa điểm gần nhà máy hạt nhân trong ngày qua.

Vào giữa trưa ngày thứ Bảy theo giờ địa phương (9 giờ sáng GMT), nhà máy “hoạt động với nguy cơ vi phạm các tiêu chuẩn an toàn về bức xạ và cháy nổ”, nhà điều hành cho biết trong một tuyên bố.

Energoatom cho biết:

Do các đợt pháo kích định kỳ, cơ sở hạ tầng của nhà máy điện hạt nhân đã bị hư hại, có nguy cơ rò rỉ hydro và làm văng các chất phóng xạ, nguy cơ cháy nổ là rất cao.

3. Các thăm dò cho thấy Liz Truss sẽ là thủ tướng Anh, một tin mừng cho người Ukraine

Cuộc đua giành vị trí lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ ở Vương quốc Anh đang ở giai đoạn cuối chỉ còn chưa đầy 11 ngày nữa là người chiến thắng được công bố. Nếu kết quả đúng như cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, Ngoại trưởng Liz Truss sẽ lãnh đạo Đảng Bảo thủ và sau đó trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Vương quốc Anh.

Truss có lợi thế dẫn trước đối thủ và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, “chúng ta đang nói về khoảng 30 điểm,” Patrick English, phó giám đốc nghiên cứu chính trị và xã hội tại YouGov, nói với Al Arabiya trong một cuộc phỏng vấn.

“Cô ấy đang dẫn trước Sunak trong số các thành viên trong đảng ngay bây giờ. Và với nhiều thành viên đã bỏ phiếu - khoảng 2/3 trong số họ đã bỏ phiếu, không còn nhiều chỗ cho Rishi Sunak để bắt kịp điều đó vào phút này.”

Chỉ còn hai sự kiện vận động tranh cử diễn ra trong tổng số mười hai sự kiện do Đảng Bảo thủ tổ chức trên khắp Vương quốc Anh, những người thăm dò ý kiến không nghĩ rằng Sunak có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong vị trí dẫn đầu vì quá nhiều thành viên đã bỏ phiếu. Trong khi đó, những người chưa làm như vậy chắc chắn rằng họ đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho Truss.

“Trong khi Rishi Sunak có thể khá hơn một chút trong số những người chưa bỏ phiếu, Liz Truss vẫn dẫn đầu ở đó,” anh nói.

Theo các cuộc thăm dò, mức độ được ưa chuộng của Truss giảm xuống do hai điều, giảm thuế và lòng trung thành.

“Có hai lý do khiến Rishi Sunak gặp khó khăn, và Liz Truss đã làm rất tốt. Một là Liz Truss đã nói với các thành viên những gì họ muốn nghe về thuế,” English nói với tờ Al Arabiya.

“Các thành viên đã nói với chúng tôi trong suốt chiến dịch này rằng họ muốn quay trở lại loại giá trị truyền thống, bảo thủ của nền kinh tế. Chuyển hướng khỏi mức thuế cao của Boris Johnson… và đó là những gì Liz Truss đã hứa sẽ làm,” ông nói thêm.

Liz Truss đã hứa rằng “việc tăng thuế của chúng tôi bị hủy bỏ nếu cô ấy lên nắm quyền trong khi Sunak sẽ nói ‘không, chúng tôi sẽ không làm điều đó, chúng tôi sẽ chờ xem’.”

Lý do thứ hai mà anh ấy nói thêm là lòng trung thành và cách Sunak xử lý việc từ chức của mình xung quanh sự ra đi của Johnson.

English nói với tờ Al Arabiya “các thành viên hoàn toàn không hứng thú với cách hành động của Rishi Sunak trong vụ Boris Johnson phải ra đi. Họ đã không thực sự hiểu rõ lý do anh ấy từ chức dẫn đến việc Boris Johnson phải từ chức.”

Ông nói thêm rằng Truss vẫn giữ vai trò ngoại trưởng và dù phê phán cách thức Boris Johnson đối phó với vụ tai tiếng, cô không từ chức.

“Tôi nghĩ điều đó cũng gây tổn thương cho Rishi Sunak,” English nói.

Những gì các cuộc thăm dò cũng tiết lộ rằng các thành viên của phe bảo thủ sẽ bỏ phiếu cho Johnson và ông sẽ thắng thoải mái nếu tham gia cuộc đua. Ông vẫn thuận lợi trong số các đảng viên cụ thể mặc dù những vụ bê bối đã làm ảnh hưởng đến chức thủ tướng của ông. Johnson đã đạt được Brexit và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019 với đa số lớn nhất kể từ thời Margaret Thatcher. Theo quan điểm của họ, trong khi Johnson đã làm rất tốt, nhiều người không nghĩ Sunak hoặc Truss sẽ làm tốt hơn.

Thủ tướng mới của Vương quốc Anh sẽ được công bố vào ngày 5 tháng 9.

4. Đứa bé Ukraine khiến bác sĩ choáng váng vì hồi phục ung thư 6 tháng sau khi được cứu sống

Từ một tầng hầm dưới một bệnh viện trẻ em bị đánh bom ở Ukraine, một lời cầu xin tuyệt vọng với thế giới: “Ai sẽ đưa chúng tôi ra ngoài đây?”

Bây giờ, gần sáu tháng sau tiếng khóc tuyệt vọng, là một câu chuyện đáng chú ý về lòng dũng cảm, sự kiên cường và hy vọng.

Yaroslav Mayorov, 12 tuổi, là một trong 27 trẻ em ốm yếu bị mắc kẹt ở Kharkiv đang đối mặt với hai mối đe dọa gây chết người – căn bệnh ung thư quái ác và những bom của Putin khốn nạn không tha cho cả trẻ em.

Tờ Sunday Mirror cho thấy em phải ngồi trên xe lăn, tóc em biến mất vì hóa trị.

Bây giờ chúng tôi đã bắt gặp em ấy và gia đình em trong ngôi nhà mới của họ, nơi mà sự hồi phục của em đã khiến các bác sĩ sửng sốt.

Yaroslav gần như không thể ngồi dậy khi chúng tôi nhìn thấy em lần cuối. Nhưng em đã đạt được những tiến bộ đầy cảm hứng tại bệnh viện ung thư Princess Maxine ở Utrecht, Hà Lan.

Em đã có thể bước đi trở lại - và thậm chí chèo thuyền, đánh bốc và đạp xe với những người bạn mới.

Một tổ chức bác ái đã tổ chức “Ngày ước mơ” cho Yaroslav vào hôm thứ Ba tuần trước, nơi em lái một chiếc xe Tesla và thử một chiếc xe mô phỏng F1.

Mẹ Alyona nói: “Yaroslav có cảm giác bên trong rằng cháu phải chiến đấu. Ở đây cháu có thể hạnh phúc, là tiêu chí quan trọng nhất của cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc đã bị đánh cắp khỏi tất cả mọi người ở Ukraine”.

Tuy nhiên, tương lai vẫn còn nhiều nguy hiểm. Yaroslav được chẩn đoán mắc một khối u tế bào nhỏ hình tròn màu xanh lam và cần phải được loại bỏ khối u này.

Chỉ có 200 trường hợp được ghi nhận và chỉ 15% sống quá 5 năm. Trong khi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ mà Yarik đã nhận được, Alyona, 37 tuổi, hy vọng các bác sĩ có thể tăng cơ hội cho con trai cô hơn nữa.

Vào ngày 6 tháng 3, chưa đầy 48 giờ sau lời cầu xin của gia đình trên tờ Sunday Mirror, tổ chức bác ái Tabletochki đã tổ chức một đoàn xe đưa những đứa trẻ bị bệnh và mẹ của chúng đến ga tàu Kharkiv.

Các ông bố không thể đi cùng họ. Alyona nhớ lại: “Thật kinh hoàng, hỏa tiễn bay, thành phố bị phá hủy. Một cuộc không kích bắt đầu khi chúng tôi đến. Không có nơi nào để trốn. Đó là cảm giác bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị nổ tung”.

Đoàn xe phải chờ đợi sáu tiếng đồng hồ trước khi lên tàu an toàn đến Lviv, miền tây Ukraine.

Các gia đình đã được đưa đến Ba Lan và gửi đến các bệnh viện trên khắp Âu Châu - bao gồm cả Liverpool và London.

Alyona cho biết thêm: “Thật là đáng sợ, nhưng tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thoát ra bằng cách nào đó. Ở đây tôi cảm thấy rất tuyệt. Tất cả những gì tôi biết về Hà Lan trước đây là họ có rất nhiều hoa tulip”.

Yaroslav nói thêm: “Bây giờ tôi nghĩ đó là một đất nước tuyệt vời. Mọi người đều mỉm cười”

5. Âu Châu có nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân, quan chức Ukraine tuyên bố

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, đã lên án việc Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhaya.

Theo Ngoại trưởng Ukraine, Putin đã khiến toàn bộ lục địa gặp nguy hiểm.

Ông nói: “Trong nhiều thập kỷ, an toàn hạt nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ukraine, đặc biệt là trong quá khứ bi thảm của chúng tôi. Những kẻ xâm lược Nga đã biến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya thành một căn cứ quân sự khiến toàn bộ lục địa gặp nguy hiểm. Quân đội Nga phải rút ra khỏi nhà máy - họ không có gì để làm ở đó!”

Trong một diễn biến có liên quan, sáng thứ Hai, Bộ Y Tế Ukraine đã quyết định phát cho gia đình một lượng thuốc cần thiết cho người dân tại Zaporizhia và Enerhodar để bảo vệ tuyến giáp trong trường hợp xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Viktor Liashko đã đưa ra tuyên bố liên quan trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, đã bị lực lượng xâm lược của Nga chiếm giữ kể từ ngày 4 tháng 3 năm 2022.

Liashko cho biết tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng cũng đã được cung cấp thuốc nói trên.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Âu Châu đã suýt rơi vào thảm họa hạt nhân sau khi một nhà máy hạt nhân bị Nga loại bỏ khỏi lưới điện.

Zelenskiy cho biết thảm họa kiểu Chernobyl đã được ngăn chặn trong gang tấc sau khi lực lượng của Vladimir Putin pháo kích gây ra hỏa hoạn khiến nguồn cung cấp điện của nhà máy bị ngắt.

Hỏa hoạn làm hư hỏng đường dây điện khiến hai lò phản ứng cuối cùng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị mất điện không thể làm mát các lò phản ứng nhưng các nhân viên đã nhanh chóng kích hoạt máy phát điện chạy dầu diesel.

“Nga đã đặt Ukraine và tất cả người dân Âu Châu vào tình thế chỉ còn một bước nữa là có thể xảy ra thảm họa phóng xạ”, Tổng thống Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm.

“Nếu nhân viên của chúng tôi không phản ứng kịp sau khi mất điện, thì chúng ta đã buộc phải đối diện với những hậu quả thê thảm của một tai nạn phóng xạ.”

6. Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin cập nhật về xung đột Ukraine

Bộ Quốc phòng Anh đã cung cấp một loạt thông tin mới liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Tuyên bố viết: “Vào ngày 25 tháng 8 năm 2022, Chính quyền Tổng thống Nga đã ban hành một sắc lệnh của tổng thống về việc tăng sức mạnh đã được thiết lập của các lực lượng vũ trang Nga lên 1.150.628, tức là, tăng gần 140.000. Chính phủ đã được hướng dẫn cung cấp tài trợ để đạt được điều này.

Vẫn chưa rõ liệu Nga sẽ cố gắng lấp đầy sự phân bổ gia tăng này từ việc tuyển dụng thêm các binh sĩ 'hợp đồng' tình nguyện, hay từ việc tăng chỉ tiêu hàng năm cho nghĩa vụ quân sự. Trong mọi trường hợp, theo luật hiện hành, sắc lệnh khó có thể đạt được tiến bộ thực chất trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của Nga ở Ukraine. Điều này là do Nga đã mất hàng chục nghìn quân; tuyển dụng được rất ít những người ký các hợp đồng phục vụ mới; và lính nghĩa vụ về mặt kỹ thuật không có nghĩa vụ phục vụ bên ngoài lãnh thổ Nga”.

7. Không có dấu hiệu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai gần

Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 27 tháng 8, phát ngôn viên tình báo quốc phòng Ukraine, Vadym Skibitskyi, nhận xét rằng “Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân của mình trong tương lai gần. Tuy nhiên, một mối đe dọa như vậy vẫn còn.”

“Không có dấu hiệu nào cho thấy Vladimir Putin sẽ sử dụng một loại vũ khí như vậy vào ngày mai. Nhưng vẫn có những cuộc tập trận liên tục được tổ chức - các cuộc huấn luyện đã được xác định, theo lịch trình để triển khai vũ khí hạt nhân, chuyển giao đầu đạn và chuẩn bị đưa các tàu sân bay vũ khí hạt nhân vào sử dụng,” Skibitsky nói.

Ngoài các tàu sân bay tiêu chuẩn cho các loại vũ khí này - là Tu-22, Tu-95 và Tu-160 - hỏa tiễn Kalibr cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Trong khi đó, các tàu sân bay Kalibr đã được triển khai ở Hắc Hải

“Mối đe dọa như vậy vẫn còn và chúng tôi nhận thức được điều đó” Skibitskyi kết luận.
 
Đức Thánh Cha, các tân Hồng Y thăm Đức Bêneđíctô. Giao thức Gallagher: Niềm an ủi hay gánh nặng cho dân Chúa?
VietCatholic Media
05:15 29/08/2022


1. Các tân Hồng Y và Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI

Đức Thánh Cha Phanxicô và các tân Hồng Y đã đến thăm Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI tại Tu viện Mẹ Giáo Hội sau thánh lễ tấn phong Hồng Y được tổ chức vào chiều thứ Bảy tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy xúc động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào Đức Bênêđíctô XVI một cách đầy tình cảm và làm dấu thánh giá trên trán ngài. Sau đó, các tân Hồng Y lần lượt giới thiệu về mình và trao đổi những thông điệp ngắn gọn.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết “sau khi nhận được phép lành, cùng với lời chúc của Đức Thánh Cha Phanxicô và cùng nhau đọc Kinh Salve Regina tức là Kinh Lạy Nữ Vương, các vị tân Hồng Y đã đến Dinh Tông Tòa hoặc Hội trường Phaolô Đệ Lục để tiếp các vị khách đến chúc mừng”.

Đức Bênêđíctô XVI, 95 tuổi, đã đích thân tham gia vào hai trong số công nghị tấn phong Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập: ngày 22 tháng 2 năm 2014 và ngày 15 tháng 2 năm 2015.

Kể từ năm 2015, sau khi tham gia mở Cửa Thánh cho Năm Thánh Ngoại thường Lòng Chúa Thương Xót, sự hiện diện công khai của Đức Bênêđíctô XVI đã giảm đi đáng kể và kể từ công nghị tấn phong Hồng Y 2016, các tân Hồng Y luôn đến thăm Đức Giáo Hoàng Danh dự tại Tu viện Mẹ Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô có phong tục viếng thăm Đức Bênêđíctô XVI vào Lễ Phục sinh và Lễ Giáng Sinh. Chuyến thăm cuối cùng của ngài là vào ngày 13 tháng 4 năm 2022, vào đêm trước Lễ Phục sinh và ba ngày sau sinh nhật lần thứ 95 của Giáo hoàng Danh dự.
Source:Catholic News Agency

2. Cuộc đàn áp dữ dội của Ortega đối với Giáo Hội đã đặt vấn đề đối với 'Giao thức Gallagher' của Vatican

Để đối phó với cuộc đàn áp Giáo Hội ở Nicaragua, Tòa Thánh đang tuân thủ nghiêm ngặt Giao thức Gallagher.

Nhưng Giao thức Gallagher không được tuân theo ở những nơi khác, thậm chí ngay cả ở Ý. Khi các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến Rôma trong tuần này, liệu chính Đức Tổng Giám Mục Gallagher có thể thuyết phục họ kiềm chế các cuộc phản đối liên quan đến một giám mục anh em bị chế độ của Daniel Ortega bắt đi không?

Vào tháng 6 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh đã giải thích lý do tại sao Tòa Thánh im lặng trước cuộc đàn áp khốc liệt đối với Giáo Hội ở Hương Cảng.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói: “Ta có thể nói rất nhiều, có thể nói được là, những từ thích hợp để được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi - và nhiều đồng nghiệp của tôi – thấy vẫn chưa thuyết phục rằng lên tiếng như thế sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”.

Hãy gọi đó là Giao thức Gallagher. Giao thức ấy có nghĩa là những người Công Giáo dưới sự đàn áp của các chế độ không bị lay chuyển bởi các phản đối ngoại giao đừng nên mong đợi sự ủng hộ hùng hồn từ Vatican. Cuộc đàn áp càng khốc liệt, Vatican càng im lặng.

Giao thức Gallagher giải thích tại sao Tòa Thánh lại mở rộng, nếu không muốn nói là cuồng nhiệt, trong các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nhập cư, vũ khí thông thường và hạt nhân, đầu cơ tài chính, giảm nợ, sử dụng nhựa và thất nghiệp. Nó cũng có thể giải thích tại sao một số cuộc xung đột trên thế giới - ví dụ như trường hợp người Rohingya ở Miến Điện - được Đức Giáo Hoàng lên án, nhưng sự đàn áp ở Trung Quốc, Venezuela và Nicaragua thì không. Các nhà ngoại giao của Tòa Thánh, dẫn đầu bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Tổng giám mục Gallagher, không tin rằng điều đó sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.

Đó là một tuyên bố khó thuyết phục đối với lời khai của những người bất đồng chính kiến, những người báo cáo đã được nâng đỡ tinh thần bởi sự minh bạch của các nhà lãnh đạo ở nước ngoài. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp Natan Sharansky giải thích cách anh ta nghe thấy trong một nhà tù của Liên Xô rằng Tổng thống Ronald Reagan đã gọi Liên Xô là một “đế chế xấu xa”. Khi đó anh biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, Giao thức Gallagher ngự trị ở Rôma, như đã thấy rõ khi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt vào tháng Năm. Các quan chức cấp cao của Vatican đã im lặng, và văn phòng báo chí của Tòa Thánh chỉ lưu ý rằng họ “quan tâm đến vụ bắt giữ” và đang “theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Chế độ của Daniel Ortega ở Nicaragua đã gia tăng các cuộc tấn công vào Giáo Hội trong nhiều năm, với việc chính Ortega tố cáo các giám mục của đất nước là “những kẻ khủng bố”. Các ngài đã phản đối những nỗ lực của ông nhằm nâng cao quyền lực hơn bao giờ hết cho bản thân bằng cách thay thế một cách hiệu quả nền dân chủ của Nicaragua bằng một nhà nước độc đảng.

Đức Cha Rolando Álvarez của Matagalpa là giám mục nổi bật nhất phản đối sự đàn áp của Ortega ở một quốc gia mà theo báo The New York Times, “Giáo Hội Công Giáo Rôma là thể chế duy nhất đã thoát khỏi sự kiểm soát của Ortega sau 15 năm cai trị không ngừng nghỉ”.

Ortega đang cố gắng thay đổi điều đó. Ông ta đã đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo, bắt giữ các giáo sĩ và thậm chí còn đuổi đoàn Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa ra khỏi đất nước. Tòa Thánh đã chọn một thái độ im lặng, điều đó cũng đã được báo trước khi Ortega trục xuất sứ thần Tòa Thánh, là Tổng giám mục Waldemar Sommertag, vào tháng 3 năm 2022.

Đức Cha Álvarez đã bị giam lỏng hai tuần trong Tòa Giám Mục của mình, không được phép vào nhà thờ chính tòa của ngài. Vào thứ Sáu, ngày 19 tháng 8, cảnh sát đột kích vào nhà của Đức Cha, bắt ngài và tám người bạn đồng hành, bao gồm cả các chủng sinh, và quản thúc họ tại Managua.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối không đề cập đến tên vị giám mục hoặc việc bắt giữ ngài, mà chỉ giới hạn trong việc kêu gọi “đối thoại cởi mở và chân thành”. Giao thức Gallagher đã có hiệu lực đầy đủ.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, Giao thức Gallagher không được tuân thủ.

Rõ ràng là từ chối thẳng những lời kêu gọi “đối thoại” của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Nicaragua Silvio Báez nói, “Cần phải đòi hỏi tự do. Chúng ta không được thương lượng với Ortega. Chúng ta phải đòi tự do, vì họ vô tội “.

Giám mục Báez là Giám Mục Phụ Tá của Managua. Vào năm 2019, sự phản đối thẳng thắn của ngài đối với sự đàn áp của Ortega khiến ngài liên tục bị đe dọa tử vong. Đáp lại, và trái với ý muốn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh lưu đày Đức Cha Báez vì sự an toàn của bản thân. Ngài hiện sống ở Miami.

Với việc Đức Cha Báez bị lưu đày và Đức Cha Álvarez bị quản thúc tại gia, Ortega đã đối phó với hai nhà phê bình thẳng thắn nhất của ông ta trong số các giám mục. Các giám mục anh em của họ sẽ tiếp nhận sự nghiệp của họ - và không chỉ ở Nicaragua mà thôi.

Thật vậy, trong một tuyên bố đáng chú ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi - một cộng sự viên thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý - đã xé toạc Giao thức Gallagher trong một bản tố cáo chi tiết về cuộc đàn áp tôn giáo của Ortega.

“Với sự thất vọng và hoài nghi, chúng tôi nhận được tin tức về những cuộc đàn áp khắc nghiệt mà dân Chúa và các mục tử của họ đang phải trải qua vì lòng trung thành với Phúc âm của công lý và hòa bình,” Đức Hồng Y Zuppi viết trong một bức thư công khai gửi các giám mục Nicaragua. “Trong những tuần gần đây, chúng tôi lo ngại về các quyết định của chính phủ đối với cộng đồng Kitô giáo, cũng được thực hiện thông qua việc sử dụng vũ lực của quân đội và lực lượng cảnh sát. Gần đây, chúng tôi đã biết về việc bắt giữ Đức Cha Rolando José Álvarez Lagos, Giám mục của Matagalpa, cùng với những người khác, bao gồm các linh mục, chủng sinh và giáo dân.”

Gọi đó là “hành động hết sức nghiêm trọng”, các giám mục Ý kêu gọi khôi phục quyền tự do tôn giáo hoàn toàn ở Nicaragua.

Các giám mục Tây Ban Nha cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua sẽ ở Rome khi Hồng Y Đoàn nhóm họp. Các Hồng Y anh em của ngài sẽ muốn nghe về chuyến thăm của ngài đến gặp Đức Cha Álvarez đang bị quản thúc tại gia. Và họ sẽ muốn nghe về việc liệu Giao thức Gallagher là một niềm an ủi hay một gánh nặng cho người Công Giáo Nicaragua.
Source:National Catholic Register

3. 'Đêm đen' của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Nicaragua

Vào ngày 7 tháng 2 năm 1996, trong chuyến công du thứ hai đến Nicaragua, khi đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi chuyến thăm của ngài vào năm 1983 là một “đêm đen vĩ đại”.

“ Tôi nhớ buổi lễ 13 năm trước; nó diễn ra trong bóng tối, trong một đêm đen vĩ đại,” vị Giáo Hoàng hành hương nói trong thánh lễ mà ngài cử hành ở Managua với các gia đình của đất nước.

Trong thánh lễ năm 1996, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã nâng nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội El Viejo lên hàng vương cung thánh đường, nơi người dân Nicaragua tôn kính “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Cực Thanh Cực Tịnh” để “Mẹ luôn là Mẹ Maria của Nicaragua.”

Ở đất nước Trung Mỹ - và như đã được nghe gần đây ở Managua - cụm từ “Đức Maria đến từ Nicaragua và Nicaragua thuộc về Đức Maria” là phổ biến, do tình yêu lớn lao mà người Công Giáo ở đó dành cho Mẹ Thiên Chúa, một tình cảm không cúi đầu xuống sự đàn áp của chế độ độc tài.

Đêm tối

Chiếc máy bay Alitalia đưa Đức Gioan Phaolô II đến Nicaragua hạ cánh lúc 9:15 sáng theo giờ địa phương ngày 4/3/1983.

Tại Managua, các nhà chức trách của Ủy ban Hành Pháp Sandinista đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả điều phối viên quân sự, Daniel Ortega, người cùng với vợ là Rosario Murillo, hiện đang lãnh đạo chế độ độc tài Nicaragua hiện tại.

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến một đất nước đang bên bờ vực nội chiến.

Theo tin tức trực tuyến Nicaragua Investiga, có một biểu ngữ tại sân bay với nội dung “Chào mừng đến với Nicaragua tự do, cảm ơn Chúa và cuộc cách mạng.” Trong bối cảnh này, Ortega đã có một bài phát biểu ủng hộ chế độ Sandinista.

Đức Gioan Phaolô II đã gửi lời chào đến các nhà chức trách khác đang chờ đợi ngài, cũng như Ernesto Cardenal, một linh mục và nhà hoạt động thần học giải phóng ảnh hưởng chủ nghĩa Marx, người đang giữ chức vụ bộ trưởng văn hóa của chế độ, một điều không phù hợp với sứ vụ của các linh mục Công Giáo.

“Khi ngài đến chỗ tôi, tôi đã làm những gì tôi đã định làm trong trường hợp này: cởi mũ nồi và quỳ xuống hôn chiếc nhẫn của ngài. Ngài không cho tôi hôn nó, và vẫy ngón tay như thể nó là một cây gậy, ngài nói với tôi bằng giọng trách móc: Anh phải điều chỉnh hoàn cảnh của mình. Vì tôi không trả lời bất cứ điều gì, ngài đã lặp lại điều đó một lần nữa,” Cardenal kể lại trong cuốn sách “Cuộc cách mạng đã mất”.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẽ đến Nicaragua “nhân danh Đấng đã hiến mạng sống mình vì tình yêu vì sự giải phóng và cứu chuộc mọi người. Tôi muốn đóng góp phần mình để sự đau khổ của những người dân vô tội trong khu vực này trên thế giới chấm dứt; để những xung đột đẫm máu, hận thù và những lời buộc tội vô ích chấm dứt, để lại không gian cho những cuộc đối thoại chân thực.”

Ngoài Cardenal, các linh mục khác cũng là một phần của chính phủ: anh trai của ông là Fernando là Bộ Trưởng Thanh niên Cách Mạng Sandinista, Miguel d'Escoto là bộ trưởng ngoại giao, và Edgar Parrales là một nhà ngoại giao.

Hugo Torres, khi đó là người đứng đầu lãnh đạo chính trị của Quân đội Nicaragua trong những năm đó, nhớ lại rằng có một lực lượng an ninh nghiêm ngặt để bảo vệ giáo hoàng, cũng bởi vì một ngày trước khi giáo hoàng đến, 17 người Sandinistas trẻ tuổi đã bị giết bởi phe “Contras”, là nhóm được tài trợ bởi Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc nội chiến với Sandinistas trong một thập kỷ.

Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II đã đi trực thăng đến León, nơi ngài nói một vài lời ngắn gọn với các tín hữu hiện diện trước khi trở về Managua.

Những gián đoạn trong Thánh lễ và phản ứng của Đức Thánh Cha

Vào đầu thánh lễ và trước hàng trăm ngàn người hiện diện, tổng giám mục lúc bấy giờ của Managua, là Đức Tổng Giám Mục Miguel Obando Bravo, đã chào mừng Đức Gioan Phaolô II và so sánh chuyến thăm của ngài với một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tới một nhà tù ở Rôma.

Trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngoài việc các tín hữu cổ vũ giáo hoàng và Obando - người sau này trở thành Hồng Y - các nhóm Sandinistas cũng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cuộc cách mạng của họ.

“Giữa Kitô giáo và cách mạng không có mâu thuẫn,” “Quyền lực thuộc về nhân dân”, “Nhân dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”, “Giáo Hội của nhân dân” và “Chúng tôi muốn hòa bình” là một số khẩu hiệu mà họ hô vang.

Tiếng la hét khiến Đức Giáo Hoàng tức giận. Ngài đã nhiều lần yêu cầu im lặng và cuối cùng nói với họ: “Im lặng. Giáo Hội là những người đầu tiên muốn có hòa bình”.

Theo tờ El País của Tây Ban Nha, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã bỏ ngang bài giảng đã dọn sẵn và nói: “Hãy coi chừng những tiên tri giả. Họ khoác lên mình bộ áo cừu, nhưng bên trong lại là những con sói hung dữ”.

Vào cuối thánh lễ, các Sandinistas chơi bài ca của họ, sau đó Đức Giáo Hoàng được đưa đến sân bay, nơi ngài được đón tiếp bởi nhà độc tài hiện tại Ortega, người đã trách móc ngài vì đã bỏ đi mà không cầu nguyện cho 17 thanh niên bị giết bởi Contras và biện minh cho tiếng la hét của Sandinistas trong Thánh lễ.

“Đức Giáo Hoàng đã không cầu nguyện cho những người đã chết bởi vì, theo tôi, ngài nghĩ rằng bất kỳ từ nào ngài nói về vấn đề đó có thể được hiểu là một từ ủng hộ cuộc cách mạng,” Hugo Torres nhớ lại.

Trong bài phát biểu từ biệt của mình, John Paul II đã không đáp lại các cuộc tấn công của Ortega mà thay vào đó bày tỏ lời cảm ơn về sự chào đón mà ngài đã nhận được và khuyến khích các Kitô hữu.

“Hãy trung thành với đức tin của anh chị em và với Giáo Hội, tôi ban phước cho anh chị em từ trái tim tôi - đặc biệt là người già, trẻ em, người bệnh và những người đau khổ - và tôi cam đoan với anh chị em về lời cầu nguyện bền bỉ của tôi với Chúa, để Ngài có thể giúp anh chị em tại mọi thời điểm,” vị giáo hoàng hành hương nói.

“Xin Chúa phù hộ cho Giáo Hội này. Chúa phù hộ và bảo vệ Nicaragua! Xin được như thế”, ngài kết luận.
Source:Catholic News Agency
 
Putin có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào, do những thất bại về quân sự. Mỹ tăng tốc sản xuất HIMARS
VietCatholic Media
15:12 29/08/2022


1. Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị không người lái dưới nước

Vương quốc Anh đang đưa thiết bị không người lái dưới nước cho Ukraine và đào tạo các binh sĩ Ukraine ở Anh sử dụng chúng để rà phá bom mìn ở bờ biển của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết: “Những nỗ lực đáng chê trách của Nga nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp lương thực cho thế giới để tống tiền không được phép thành công.

“Trang bị và đào tạo quan trọng này sẽ giúp Ukraine làm cho vùng biển của họ an toàn, giúp thông suốt dòng chảy ngũ cốc đến phần còn lại của thế giới và hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine khi họ tìm cách bảo vệ bờ biển và các cảng của mình”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo hôm thứ Tư trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine rằng 850 máy bay không người lái siêu nhỏ Black Hornet, hay ong bắp cày đen có thể dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay con người, sẽ được trao cho Ukraine khi nước này tiếp tục chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga.

Được thiết kế để do thám, máy bay không người lái siêu nhỏ đặc biệt hữu ích cho chiến đấu trong đô thị, nơi chúng có thể kiểm tra xem kẻ thù đang ở trong tòa nhà nào trước khi binh lính tiến lên.

Các máy bay không người lái đang được tặng như một phần của chương trình hợp tác giữa Vương quốc Anh và Na Uy, trong đó Na Uy đóng góp 9 triệu USD, theo Defense News.

Máy bay không người lái siêu nhỏ Black Hornet, giống như một chiếc trực thăng thu nhỏ bằng kích thước của một quả bóng tennis, có tầm bay tối đa khoảng 1,2 dặm và có thể bay trong 25 phút, đạt tốc độ tối đa 11 dặm một giờ. Chúng được trang bị ba camera có độ phân giải cao, có thể gửi cảnh quay trở lại trạm chỉ huy và được trang bị thiết bị nhìn ban đêm.

2. Chuyên gia về Nga cho rằng Putin có thể bị lật đổ 'bất cứ lúc nào' bởi những 'kẻ mất trí không ổn định về tinh thần'

PUTIN có thể bị thay thế “bất cứ lúc nào”, khi một loạt quan chức Nga “không ổn định về tinh thần” chờ sẵn trong cánh gà để lật đổ nhà độc tài khát máu, một chuyên gia đã đưa ra lập trường trên.

Phát biểu với The Sun Online, Olga Lautman, Thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu ở Washington DC, đã chỉ ra cách thức một số quan chức Nga khát máu có thể tiếp quản Putin.

“Sự trung thành đối với Putin có thể trở thành một sự thù ghét bất cứ lúc nào”, cô nói. “Khi có ai đó được tin cậy, họ sẽ lập tức lật nhào Putin”.

“Nguy hiểm có thể đến từ trong vòng trong của ông ta. Putin nhận thức được điều này, do đó ông ta bị hoang tưởng.”

“Putin biết quá rõ cách loại bỏ những người có thể biết những bí mật về ông ấy.”

Lautman mô tả một trong những người có khả năng nhất trong việc thay thế Putin, là Sergey Glazyev, một kẻ “mất trí”, người thường xuyên thảo luận về “việc đánh lừa cả phương Tây”.

3. Quan chức Ngũ Giác Đài cho biết: Mỹ tăng tốc sản xuất HIMARS để giúp Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Accelerating HIMARS Production to Help Ukraine: Pentagon Official”, nghĩa là “Quan chức Ngũ Giác Đài cho biết: Mỹ tăng tốc sản xuất HIMARS để giúp Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một quan chức Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ đang tăng tốc sản xuất Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, hay còn gọi là HIMARS, để giúp Ukraine.

Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Quốc phòng William LaPlante phụ trách khí tài chiến tranh đã đưa ra bình luận sau khi thăm các cơ sở của Lockheed Martin ở Camden, Arkansas, nơi sản xuất HIMARS và Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt được dẫn đường, gọi tắt là GMLRS.

HIMARS do Mỹ cung cấp đã đóng một vai trò quan trọng khi các lực lượng Ukraine tiếp tục chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ukraine đang “sử dụng hiệu quả” các bệ phóng di động hạng nhẹ và các loại đạn dược tấn công chính xác được sản xuất trong các cơ sở này, thông cáo của Bộ Quốc Phòng cho biết hôm thứ Sáu.

LaPlante cho biết: “Khi chúng tôi tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, chúng tôi đang làm việc với ngành công nghiệp để đẩy nhanh quá trình sản xuất vũ khí và hệ thống quan trọng này”.

“Điều này bao gồm việc cung cấp kinh phí để mua thêm thiết bị, mở rộng dây chuyền sản xuất và hỗ trợ thuê thêm và phát triển lực lượng lao động.”

LaPlante nói thêm rằng các quan chức Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Ukraine về nhu cầu vũ khí – và như Tổng thống Biden đã nói, mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản: Hoa Kỳ muốn thấy một Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng với các phương tiện để răn đe và tự bảo vệ mình trước sự xâm lược hơn nữa.”

Lockheed Martin đã tweet rằng một nhóm đã chỉ cho LaPlante và Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Doug Bush về Tiếp thu, Hậu cần và Công nghệ cơ sở “nơi chúng tôi tự hào cung cấp các sản phẩm giúp sứ mệnh thành công”. Newsweek đã liên hệ với công ty để bình luận thêm.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo hôm thứ Tư rằng ông sẽ gửi gần 3 tỷ đô la viện trợ quân sự mới cho Ukraine khi cuộc chiến của Nga với đất nước này đã vượt qua mốc sáu tháng.

Gói thiết bị và đạn dược đó sẽ bao gồm một số lượng không xác định các hệ thống chống máy bay không người lái có tên gọi Thiết bị hỏa tiễn ISR mô-đun hóa phương tiện, hoặc VAMPIRE, Newsweek đã đưa tin trước đó.

Trong một tuyên bố, Biden cho biết gói này đang được cung cấp thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, tổ chức tài trợ cho các hợp đồng mua vũ khí và thiết bị.

“Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine khi họ tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của mình”, Biden nói.

“Điều này sẽ cho phép Ukraine có được các hệ thống phòng không, hệ thống pháo và đạn dược, hệ thống máy bay không người lái đối kháng và radar để bảo đảm nước này có thể tiếp tục tự vệ về lâu dài”.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Colin Kahl cho biết Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine các hỏa tiễn tầm xa.

Kahl cho biết Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt được dẫn đường, gọi tắt là GMLRS, do Mỹ cung cấp vẫn là hình thức tấn công tốt nhất, hơn là các loại đạn của Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 280 km.

“Chúng tôi đã cung cấp cho họ hàng trăm hệ thống dẫn đường chính xác này và người Ukraine đã sử dụng chúng để mang lại hiệu quả phi thường trên chiến trường. “Theo đánh giá của chúng tôi rằng bom, và đạn phù hợp nhất cho cuộc chiến hiện tại là GMLRS.”

4. Báo cáo gây chấn động dân Nga: Giữa cuộc chiến với Ukraine, tướng Nga cùng đoàn mỹ nữ sang Phi Châu hưởng lạc

Putin có thói quen biệt đãi các vệ sĩ của mình để tạo một lớp bảo vệ an ninh cho bản thân. Trong bối cảnh đó, người Nga đang tức giận trước một báo cáo cho thấy vị tướng quân đội yêu thích của Putin, 68 tuổi, đã thực hiện chuyến đi bằng máy bay riêng xa hoa đến Seychelles với những phụ nữ quyến rũ, bao gồm cả 'huấn luyện viên trí tuệ cảm xúc' được đào tạo tại Anh, 36 tuổi

Một chỉ huy quân đội Nga từng là vệ sĩ của Putin đã có những chuyến đi xa xỉ tới Phi Châu cùng những người mẫu trẻ đẹp và một huấn luyện viên bằng nửa tuổi ông.

Viktor Zolotov, 68 tuổi, đã có chuyến đi nghỉ với 'chuyên gia trí tuệ cảm xúc' và người có ảnh hưởng Evelina Levi, 36 tuổi, tại Four Seasons Resort, một khách sạn 5 sao trên quần đảo Ấn Độ Dương đẹp như tranh vẽ sau khi đến đó bằng máy bay riêng.

Zolotov là Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, lực lượng đã mất hàng chục nghìn binh sĩ ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/2.

Tin tức lần đầu tiên được công bố bởi một tổ chức chống Putin, có tên là Trung tâm Dossier, được đưa ra sau khi Điện Cẩm Linh chỉ trích người Nga thích những thứ xa xỉ phương Tây.

Trong số những người khác trong chuyến đi có nhà tài phiệt người Nga Boris Vaninsky, được Putin đưa đến Mạc Tư Khoa ngay sau khi ông đắc cử tổng thống. Ông ta là nhà kinh doanh thực phẩm có quan hệ độc quyền với lực lượng vệ binh quốc gia.

Hồ sơ cho thấy Vaninsky sở hữu một căn hộ áp mái sang trọng ở Cổng Nữ hoàng cao cấp của London.

Một ngày trước chuyến bay của Tướng Zolotov trên máy bay phản lực thương mại Falcon 7Х với chi phí khoảng 150.000 bảng Anh, một sắc lệnh của chính phủ Nga đã được ký xác nhận công ty Druzhba Narodov của Vaninsky là nhà cung cấp duy nhất cho vệ binh quốc gia của Putin.

Trung tâm Dossier có liên quan đến một nhà tài phiệt phải sống lưu vong là Mikhail Khodorkovsky, là người đã bị bỏ tù trong một thập kỷ trước khi rời khỏi đất nước. Một số phương tiện truyền thông của Anh cho biết vẫn chưa rõ các hình ảnh do Trung tâm Dossier thu thập được xảy ra sau ngày 24 tháng Hai hay trước đó.

Trung tướng Roman Gavrilov, 45 tuổi, cũng có mặt tại nơi nghỉ ngơi ở Seychelles.

Ông đã từ chức kể từ khi chiến tranh bắt đầu trong bối cảnh một cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng đối với các khoản tiền được phân bổ cho quân đội.

Con trai của Zolotov là Roman, 42 tuổi và doanh nhân quần áo Anastasia Buevich, 24 tuổi, cùng tham gia.

Viktor Zolotov được biết đến là người thân cận với Putin. Các tướng lĩnh khác đến và đi khi Putin cảm thấy mệt mỏi, nhưng Zolotov đã ở bên cạnh ông trong nhiều năm, là cấp cao nhất trong số nhiều vệ sĩ cá nhân được lãnh đạo Điện Cẩm Linh đề bạt.

5. Liz Truss có thể thay đổi chiến tranh Ukraine như thế nào nếu cô ấy trở thành thủ tướng

Tờ Newsweek có bài nhận định nhan đề “How Liz Truss, Russia's Nemesis, Could Change Ukraine War if She Becomes PM”, nghĩa là “Liz Truss, nữ thần báo oán của nước Nga, có thể thay đổi chiến tranh Ukraine như thế nào nếu cô ấy trở thành thủ tướng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss là người được nhiều người cổ vũ để trở thành thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh, nhưng Điện Cẩm Linh không chắc sẽ đặt cược vào một đường lối thay đổi của Anh trong quan hệ với Mạc Tư Khoa, hoặc cuộc chiến ở Ukraine, nếu cô ấy tiếp quản công việc từ Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson.

Mặc dù nhận được ít sự ủng hộ hơn từ các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đồng nghiệp, nhưng sự nổi tiếng của Truss trong Đảng Bảo Thủ Anh ở cấp cơ sở cao hơn Rishi Sunak nhiều trong trận chung kết đã khiến Betfair đặt tỷ lệ cược của cô là 4/6 trong việc giành chiến thắng. Nếu thành công, cô ấy sẽ là gương mặt đại diện cho phản ứng của Anh đối với cuộc chiến ở Ukraine. Cho đến nay, cô ấy đã ủng hộ những người Anh chiến đấu bên cạnh các lực lượng Ukraine và nói rằng việc Nga có thể bị đẩy ra khỏi Crimea là một “thực tế”.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhận được sự đón nhận lạnh nhạt ở Mạc Tư Khoa, là những người có ác cảm với Truss trước cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.

Mark Almond, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng, ở Oxford, Anh, cho biết: “Liz Truss là một nhân vật khinh thường giới truyền thông của Điện Cẩm Linh kể từ cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngay trước chiến tranh”.

Ông nói với Newsweek: “Truss đã hiểu sai vị trí địa lý của Nga và Lavrov có thể chế nhạo việc cô ấy không biết thành phố nào ở Nga hay Ukraine”.

Tờ Kommersant của Nga đưa tin rằng Ngoại trưởng Lavrov đã hỏi Truss khi họ gặp nhau vào tháng 2 rằng liệu cô ấy có công nhận chủ quyền của Nga đối với Rostov và Voronezh hay không. Cô ấy nói rằng Vương quốc Anh sẽ không công nhận.

Trước câu hỏi bất ngờ, Ngoại trưởng Liz Truss dường như không biết rằng trên thực tế Rostov và Voronezh là những thành phố của Nga chứ không phải của Ukraine.

Tuy nhiên, cách thức Ngoại trưởng Nga Lavrov đưa ra câu hỏi mẹo ấy cũng đáng bị phê phán. Người ta không thể giả định một người có thể biết hết các thành phố của Nga. Đối với Lavrov Rostov và Voronezh là những thành phố lớn, nhưng đối với hầu hết mọi người trên thế giới khi nói đến Nga, người ta thường chỉ biết Mạc Tư Khoa hay cùng lắm là St. Peterburg.

Lavrov nói với các phóng viên rằng tương tác của ông với Truss giống như một “người câm” nói chuyện với một “người điếc”.

Stewart McDonald, phát ngôn nhân quốc phòng của Đảng Quốc gia Tô Cách Lan đối lập, đã tweet vào tuần trước rằng “khi Truss 'phản ứng' với Lavrov, cô ấy đã có những nhầm lẫn vị trí địa lý giữa Nga và Ukraine và đã được đại sứ Anh sửa chữa.”

McDonald nói thêm: “Cô ấy là một thảm họa với tư cách là Ngoại trưởng và sẽ còn tồi tệ hơn với tư cách là Thủ tướng.”

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Anh phủ nhận cáo buộc cho rằng Truss đã nhầm lẫn, và nói rằng cô ấy đã nghe nhầm thứ tiếng Anh tồi tệ của Lavrov. Cuộc trao đổi đã khiến Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã không được thông báo tốt về căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Đòn này của Lavrov bị phản tác dụng. Almond nói rằng sự việc này và những bình luận liên quan đến cô ấy kể từ đó mang lại cho Truss “động lực để tăng gấp đôi quan điểm mạnh mẽ của cô ấy đối với Nga để cô ấy không có vẻ yếu đuối hoặc không có chiều sâu”. Liz Truss thực sự sẽ là nữ thần báo oán của Nga.

Một quan điểm như vậy sẽ “gây tiếng vang với hầu hết các thành viên Quốc hội của cả hai bên và dư luận” và rằng “việc có lập trường khắc nghiệt đối với Putin sẽ không gây hại cho bà ấy trong nước”.

Ông Almond nói rằng “sẽ có nhiều vấn đề hơn trong tư cách là thủ tướng vào mùa thu, tân thủ tướng” sẽ phải đối mặt với những vấn đề có thể xảy ra nếu Washington và Mạc Tư Khoa đối phó với những người đứng đầu Âu Châu,” liên quan đến Ukraine.

Bình luận của Truss với BBC vào tháng trước rằng “tất cả các phần lãnh thổ của Ukraine bị Nga xâm chiếm đều là bị chiếm đóng trái phép”, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng bất kỳ sự xâm phạm nào vào lãnh thổ mà nước này đã chiếm được vào năm 2014 đều có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba.

Điều đó báo hiệu rằng nếu bà giành chiến thắng trong cuộc đua thủ tướng, sẽ được công bố vào tháng 9 sau cuộc bỏ phiếu của 160.000 thành viên trong đảng của bà, bà có khả năng sẽ nhắc lại sự hỗ trợ quân sự của Vương quốc Anh đối với Ukraine, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của Johnson tới Tổng thống Volodymr Zelenskiy ở Kyiv.

Mark Leonard, đồng sáng lập và giám đốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại Âu Châu cho biết: “Tôi tưởng tượng sẽ có rất nhiều sự tiếp tục trong lập trường hiện tại là hỗ trợ Ukraine trang bị quân sự và áp dụng một giọng điệu diều hâu về triển vọng của bất kỳ cuộc đàm phán nào”

Ông nói với Newsweek: “Tôi không nghĩ rằng chiến thắng của Truss sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với mối quan hệ của Vương quốc Anh với Nga vốn đã bị rối loạn kể từ sau vụ sát hại Alexander Litvinenko trên đất Anh”, khi đề cập đến cái chết của Litvinenko, được tường trình là gián điệp của Điện Cẩm Linh.

Vương quốc Anh duy trì lập trường cứng rắn hơn đối với Nga so với các nước Âu Châu khác như Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron, đã làm dấy lên sự tức giận của Kyiv vì nói rằng Putin không nên bị sỉ nhục, để tạo điều kiện cho việc ngừng bắn và đàm phán trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng Truss có thể tiếp tục gây áp lực chống lại Nga khi một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông sắp xảy ra trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa có thể cám dỗ các quốc gia Âu Châu khác đi theo đường lối mềm mỏng hơn.

Nick Kitchen, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Cạnh tranh quyền lực toàn cầu, gọi tắt là CGPC, tại Đại học Surrey cho biết: “Anh có lẽ đã đưa ra lập trường diều hâu nhất đối với Nga liên quan đến Ukraine, một phần vì cơ sở an ninh quốc gia của Anh từ lâu đã kết luận rằng Nga dưới thời Putin không thể bị thuyết phục để hoạt động trong hệ thống dựa trên trật tự quốc tế.

Ông nói với Newsweek: “Cơ sở bầu cử của Đảng Bảo Thủ Anh bám vào lịch sử của Vương quốc Anh với tư cách là một cường quốc, trong khi Vương quốc Anh vẫn tương đối cách biệt với các tác động an ninh trong thế giới thực do các hành vi của Nga”.

Ông nói: “Các chính trị gia bảo thủ có thể và sẽ tiếp tục trao đổi, và phần lớn, hành động, cứng rắn với Nga, mặc dù lập trường của Anh sẽ được coi là một sự kích thích tương đối nhỏ đối với Mạc Tư Khoa - lập trường của Washington và Berlin thực sự đáng kể hơn.”
 
Ba Lan và Ukraine âu lo trước một nhận xét của Đức Thánh Cha về cô Daria Dugina, căng thẳng nhất là tại Ba Lan
VietCatholic Media
17:01 29/08/2022


1. Bộ Ngoại giao Ukraine triệu Đức Sứ thần Tòa Thánh để phản đối

Hôm 25 tháng Tám vừa qua, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv, đến để bày tỏ sự bất mãn về lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến con gái nhà tư tưởng Nga, cô Daria Dugina, bị giết trong vụ khủng bố tại Mạc Tư Khoa.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng ngày 24 tháng Tám, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân dân Ukraine yêu quý, từ sáu tháng nay đang chịu kinh hoàng của chiến tranh, và ngài nhớ đến các tù nhân, các trẻ em, những người tị nạn, các em mồ côi và ngài ứng khẩu nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mascơva. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”

Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba kể với báo Pravda.ua rằng việc triệu Sứ thần Tòa Thánh tới bộ này, tự nó là một trường hợp chưa từng có và tự nó có ý nghĩa. “Thứ hai, tôi nói thẳng rằng những lời Đức Giáo Hoàng làm đau lòng người Ukraine. Thật là điều bất công. Ukraine rất thất vọng vì những lời Đức Giáo Hoàng đã coi kẻ tấn công ngang với nạn nhân. “Đồng thời quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khuôn khổ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhắc đến cái chết của một công dân Nga trên lãnh thổ Nga, mà Ukraine không có gì liên hệ tới, đó là điều tạo nên sự không thể hiểu nổi”.

Ông cũng ghi nhận rằng từ đầu cuộc xâm lăng của Liên bang Nga tại Ukraine, Đức Giáo Hoàng không hề đặc biệt chú ý đến các nạn nhân đặc thù của chiến tranh, trong đó có 367 trẻ em Ukraine chết vì lỗi của những người Nga chiếm đóng. Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ hy vọng trong tương lai, Tòa Thánh tránh những lời tuyên bố bất công tạo nên sự thất vọng trong xã hội Ukraine.

Sự bất mãn của người Ukraine có lẽ cũng chưa bằng những tuyên bố rất nặng nề tại Ba Lan quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều người Ba Lan cho rằng cô Daria Dugina, người đã nhiều lần hô hào tấn công Ba Lan, không phải là người vô tội như Đức Giáo Hoàng nói.

2. Tổng biên tập Bộ Truyền thông của Tòa Thánh lên tiếng về vụ cô Darya Dugina

Có một vài phản ứng về sự phẫn nộ từ Ukraine và Ba Lan chống Đức Giáo Hoàng Phanxicô, liên quan đến vụ cô Darya Dugina, chết trong vụ khủng bố bằng xe bom ở Mạc Tư Khoa, hôm 20 tháng Tám vừa qua.

Dugina, 30 tuổi, là con của một triết gia Aleksander Dugin, ảnh hưởng lớn trên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và cũng là một ký giả mạnh mẽ ủng hộ chiến tranh của Nga chống Ukraine.

Chính phủ Ukraine đã phẫn nộ vì câu nói ứng khẩu của Đức Thánh Cha vào cuối buổi tiếp kiến chung, hôm 24 tháng Tám vừa qua, ngài nói rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mascơva. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”

Hôm sau, 25 tháng Tám, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Sứ thần Tòa Thánh ở Kyiv đến để phản đối. Từ Ba Lan, nhiều báo chí cũng phê bình Đức Giáo Hoàng và thậm chí có chính trị gia lăng mạ ngài.

Không có phản ứng chính thức nào từ phía Tòa Thánh về sự việc này của chính phủ Ukraine. Nhưng hôm 26 tháng Tám, Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh, ông Andrii Yurash, đã có những lời tuyên bố dịu giọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của những quan hệ giữa Ukraine và Tòa Thánh.

Tuy nhiên, ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, đã gửi đến chương trình tiếng Ukraine của đài Vatican một tuyên ngôn, trong đó ông nhấn mạnh rằng: “Đức Giáo Hoàng nói với tâm hồn của một linh mục, chứ không phải là một nhà chính trị. Ngài muốn bày tỏ sự cảm thông theo tinh thần Kitô đối với người chết, với mọi người chết, kể cả với Darya Dugina, và chắc chắn ngài không muốn làm thương tổn tâm tình của nhân dân Ukraine. Không gì có thể biện minh cho việc giết người. Nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng bênh vực các nạn nhân bị gây hấn bất công... Những lời của Đức Giáo Hoàng hôm 24 tháng Tám vừa qua, rất mạnh mẽ, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và thực sự dấn thân cho hòa bình từ phía các nhà lãnh đạo quốc gia.

Maria Antonietta Calabrò, ký giả chuyên về Vatican thì ngờ rằng có những thế lực cung cấp thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng.

Cô viết: Ở Vatican, trò chơi lớn luôn trở nên phức tạp và thu hút sự chú ý hơn những nơi khác. Điều này đúng đối với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là đối với Mạc Tư Khoa, nơi luôn coi đó là sức mạnh đối trọng với chủ nghĩa đế quốc phương Tây

Những lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc ám sát Daria Dugina là rất trang trọng. Và những lời ấy đã vượt xa sự tôn trọng của con người và Kitô giáo đối với những người đã chết một cái chết bạo lực.

Dugina không giống như hàng chục trẻ em mồ côi Ukraine được Caritas Ý đưa đến yết kiến Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư tuần trước, những đứa bé hầu hết bị giam trong các cơ sở, bị mất nhà cửa và cơ may được sống trong một mái gia đình. Các em là những nạn nhân vô tội của cuộc chiến. Trái lại, Dugina là một người trưởng thành cố ý tham gia vào một chiến dịch do cha cô, Alexander Dugin, thiết kế, nhằm thâm nhập vào các nền dân chủ Âu Châu và ủng hộ cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”, tức là một cuộc chiến vô cớ và hoàn toàn bất hợp pháp từ quan điểm của luật pháp quốc tế nhằm chống lại sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, là Ukraine. Cô ta hăng hái đến nỗi cuốn sách sắp xuất bản của cô ta có một tiêu đề rõ ràng: “Z”. Đó là, cuộc hành quân Zapad, khiến những đứa trẻ trở thành mồ côi và ngồi trước mặt Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư tuần trước ở Aula Nervi.

Trong bối cảnh tiểu sử của Dugina, một nhân vật công chúng, đã được biết đến rộng rãi (chỉ cần xem trên Internet) câu hỏi cần được đặt ra là liệu Đức Phanxicô đã tự mình phạm sai lầm này hay ai đó đã thông báo cho Đức Giáo Hoàng một cách sai lệch như vậy khiến ngài mắc sai lầm khi đánh giá một cách thô thiển và đầy rủi ro khi cho rằng có một cuộc chiến “điên rồ” đang diễn ra, ngay tại trung tâm Âu Châu. Những tuyên bố như thế đánh dấu một sự hỗ trợ chắc chắn cho Điện Cẩm Linh và đã gây ra phản ứng của Kyiv.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ý luôn có ba phần tư là “phương tây” và một phần tư “phương đông”. Chúng tôi là quốc gia có cơ quan đại diện ngoại giao của Nga đông nhất (điều này phần nào bao hàm một số lượng rất cao các điệp viên). Nhưng chính ở Vatican, trò chơi lớn luôn trở nên phức tạp và thu hút sự chú ý hơn những nơi khác

3. Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lập pháp Công Giáo phát triển tinh thần huynh đệ

Sáng ngày 25 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên cuộc gặp gỡ do “Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công Giáo” tổ chức, và ngài đặc biệt kêu gọi họ hãy góp phần xây dựng hòa bình qua sự phát triển tình huynh đệ.

Liên mạng này được thành lập năm 2010 và có trụ sở tại Vienne, bên Áo, nhưng các hội nghị quốc tế thường niên của Liên mạng phần lớn diễn ra tại Roma và kéo dài bốn ngày. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, hôm thứ Năm vừa qua, cũng có Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục giáo phận Vienne và Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem II, Giáo chủ Chính thống Siriac. Nhắc đến chủ đề cuộc gặp gỡ, là thăng tiến công lý và hòa bình trong bối cảnh chính trị địa lý hiện nay, bị ghi đậm với những cuộc xung đột và chia rẽ tại nhiều miền trên thế giới, Đức Thánh Cha nhấn mạnh một từ chủ yếu là “tình huynh đệ”. Ngài nói:

“Thực vậy, một xã hội công bằng không thể hiện hữu nếu không có mối liên hệ huynh đệ, nghĩa là nếu không có cảm thức trách nhiệm chung và quan tâm đến sự phát triển và an sinh toàn diện của mỗi phần tử trong gia đình nhân loại chúng ta. Vì thế, để làm cho sự phát triển cộng đoàn thế giới có thể diễn ra, có khả năng thực hiện tình huynh đệ đi từ các dân tộc và quốc gia, sống tình bạn xã hội, thì cần một nền chính trị tốt, nhắm phục vụ công ích đích thực (Fratelli tutti, 154). Nếu chúng ta muốn chữa lành thế giới chúng ta, đang bị thử thách đau thương vì sự cạnh tranh và những hình thức bạo lực nảy sinh từ ước muốn thống trị thay vì phục vụ, chúng ta không những cần các công dân trách nhiệm, nhưng cũng cần những vị lãnh đạo có khả năng, được một tình yêu huynh đệ hướng dẫn, nhắm trước tiên tới những người đang sống trong những hoàn cảnh bấp bênh nhất. Trong viễn tượng này, tôi khuyến khích những cố gắng của anh chị em, trên bình diện quốc gia và quốc tế, để chấp nhận những chính sách và luật lệ tìm cách đương đầu, trong tinh thần liên đới với nhiều tình trạng chênh lệch và bất công đe dọa các tầng lớp xã hội và phẩm giá nội tại của tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Sau cùng, nỗ lực kiến tạo tương lai của chúng ta đòi phải liên lỉ tìm kiếm hòa bình. Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh. Trái lại, con đường dẫn đến hòa bình lâu bền đòi sự cộng tác, nhất là từ phía những người có trách nhiệm nhiều hơn, trong việc theo đuổi các mục tiêu nhắm mưu ích cho tất cả mọi người. Hòa bình đến từ một sự dấn thân lâu bền trong việc đối thoại với nhau, kiên nhẫn tìm kiếm sự thật và đến từ ý chí đặt thiện ích chân chính của cộng đoàn trên tư lợi. Trong viễn tượng này, công việc của anh chị em như những nhà lập pháp và lãnh đạo chính trị càng quan trọng hơn bao giờ hết...”.