Ngày 21-08-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
10 ngàn người ẩn trú trong một nhà thờ: Hậu quả cuả nội chiến Nam Sudan
Moses Trương Võ
14:49 21/08/2017
Wau, Nam Sudan, 20 tháng 8 năm 2017 (CNA/EWTN)Hàng triệu người bỏ nhà chạy ra nước ngoài vì những đụng độ diễn ra ớ Nam Sudan và hàng ngàn người đã đổ xô đến ngôi nhà thờ chính toà St. Mary ớ Wau, thành phố lớn thứ 2 cuả Nam Sudan.

"Người ta tin rằng ngay cả phiến quân cũng còn nể nang Thiên Chúa và sẽ không tàn sát dân thường ở sân nhà thờ," theo lời Cha Moses Peter, một linh mục tại St. Mary.

"Nhiều nhà thờ khác cũng đã có hàng trăm người đến," ngài nói.

Nam Sudan đang ở giữa một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài từ 3 năm rưỡi qua, cuộc chiến nổ ra giữa những người trung thành với tổng thống Salva Kiir và những người trung thành với cựu Phó Tổng thống Reik Machar. Cuộc xung đột còn tạo ra sự chia rẽ giữa các bộ lạc và các nhóm dân quân.

Kể từ lúc khởi đầu chiến tranh, khoảng 4 triệu người đã phải di cư ra nước ngoài để được an bình, tìm thực phẩm và công việc. Tuần qua, nước láng giềng Uganda đã nhận một triệu tị nạn từ Sudan Nam, làm nổi bật cuộc khủng hoảng là một cuộc khủng hoảng lây lan nhanh nhất trên Thế Giới.

Những người không thể chạy trốn khỏi nước được, thì nhiều người tìm kiếm nơi trú ẩn trong những nhà thờ như nhà thờ chánh toà St. Mary, là nhà thờ lớn nhất cuả thành phố Wau. Hiện nay có hơn 10.000 người đang ở̉ đó.

Thành phố Wau, ở phía bắc Nam Sudan, đã không bị ảnh hưởng bởi những tàn bạo của chiến tranh, và thu hút nhiều người di tản đến. Nhưng vào mùa xuân năm nay, thì chiến tranh đã lan tràn đến sát khu vực.

Trong số người tị nạn là nhiều phụ nữ, trẻ em và những người đã mất hầu hết gia đình của họ. Nhiều người quá sợ hãi ở lại quê nhà bởi vì họ có thể bị bị giết, bị tra tấn, cưỡng hiếp, hoặc thậm chí bị bắt lính.

"Binh sĩ đốt nhà của chúng tôi, cướp mất gia súc của chúng tôi, và hầu như giết chết cả làng," bà Maria nói. Bà là một người tàn tật, cao tuổi đã sống tại St. Mary một năm qua.

"Tôi không hiểu tại sao mà tôi thoát chết, tôi bị bỏ một mình và nằm cứng đơ," Maria nói.

Một người mù tên là Juda cũng tạm trú tại St. Mary, nói rằng ông "không còn gì để về, do đó, tôi sẽ chờ ở nhà thờ này."

Trong khi ngôi nhà thờ 61 tuổi vẫn mở cửa chào đón những người tị nạn, thì kho thực phẩm cũng cạn dần. Đã bốn tháng nay nhà thờ chưa được chương trình lương thực thế giới phân phối thêm.

Các giám mục địa phương kêu gọi viện trợ lương thực, đàm phán hòa bình, và tỏ sự thất vọng là lời kêu gọi của họ không được lắng nghe.

"Những người có khả năng thực hiện những thay đổi cho lợi ích của dân tộc đã không lưu tâm đến các lời kêu gọi trước đây cuả chúng tôi," các giám mục Nam Sudan đã ra thông cáo như vậy từ hồi tháng 2.

Mặc dù có quan hệ tốt giữa giáo hội địa phương, các cơ quan viện trợ quốc tế và chính quyền, nhưng những người tị nạn đang vẫn cần một nguồn cung cấp thực phẩm hợp lý. Tuy nhiên, Giáo Hội đã thực hiện nhiều việc nâng cấp gần đây, như đặt thêm máy bơm nước, nhà vệ sinh, phòng học, và phòng y tế, với sự trợ giúp cuả các cơ quan viện trợ quốc tế.

Trong khi tình hình ở nhà thờ St Mary có vẻ an toàn, thì những giao tranh đã bùng phát chỉ cách thành phố 20 dặm. Nhân viên cứu trợ địa phương bị đe dọa nhiều thứ, và việc giữ gìn an ninh tại nhà thờ chỉ gồm có một người bảo vệ.

"Giữa cái đói và mất an ninh, người dân còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực ở đây," Cha Peter nói.

Một doanh nhân địa phương, Hasan, cho rằng nạn đói không phải do tình trạng thiếu lương thực, nhưng là kết quả của tham nhũng, lạm phát và cướp bóc.

"Có lương thực đủ," ông nói, "nếu có tiền, thực phẩm vẫn sẽ có."

Cuộc khủng hoảng tị nạn tồn tại là vì đổ máu và bạo lực trong nước tiếp tục. Nhưng không may, những nỗ lực hoà bình quốc tế đã bị đình trệ và không bên nào trong cuộc xung đột muốn có tiến bộ hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn.

"Tôi không tin sẽ có hòa bình," người đàn ông mù Juda nói. "Nếu nó không đến, tôi không còn biết đến bao giờ thì tôi mới có một nơi để gọi là nhà ngoài ngôi nhà thờ này."
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tị Nạn 2018
Lm. Trần Đức Anh OP
15:34 21/08/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.

ĐTC mô tả như một ”dấu chỉ thời đại” tình trạng đau buồn của bao nhiêu người di dân trốn chạy chiến tranh và nghèo đói, và nhắc đến lời dạy trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, là một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”, vì thế một trách nhiệm lớn của Giáo Hội là biểu lộ sự ân cần đối với những người di dân.

Trong sứ điệp, ĐTC lần lượt bàn đến 4 điểm: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn.

- Về việc đón tiếp người di dân và tị nạn, ĐTC nhấn mạnh rằng điều cấp thiết là cống hiến cho họ khả thể rộng lớn hơn để tới các nước một cách chắc chắn và hợp pháp. Ngài kêu gọi đơn giản hóa thủ tục cấp các chiếu khán nhập cảnh nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Đồng thời ĐTC cũng phê bình những vụ trục xuất tập thể người di dân và tị nạn, nhất là gửi họ về những nước không bảo đảm các quyền căn bản của con người”.

- Về việc bảo vệ những người di dân và tị nạn, ĐTC nhận xét rằng việc bảo vệ này bắt đầu tại quê hương và cần tiếp tục tại nước nhập cư. Ngài mời gọi đề cao giá trị những khả năng và năng khiếu của người di dân, vì thế họ phải được tự do di chuyển trong nước tiếp cư và có thể làm việc.

- Về điểm thứ ba là thăng tiến, ĐTC nói rằng mọi người di dân phải được ở trong tình trạng có thể thể thành đạt thân như những nhân vị. Ngài khuyến khích sự hội nhập người di dân về mặt xã hội và công ăn việc làm, và ca ngợi nhiều nước về phương diện cộng tác quốc tế.

ĐTC cũng kêu gọi rằng trong việc phân phối những viện trợ trong sự cộng tác quốc tế như vậy, cần để ý đến những nhu cầu của các nước đang trên đường phát triển tiếp nhận rất nhiều người di dân và tị nạn.

- Sau cùng về vấn đề hội nhập người di dân, ĐTC nhấn mạnh rằng đây không phải là sự đồng hóa người di dân và tị nạn, đưa tới sự xóa bỏ căn tính văn hóa của họ, nhưng là một tiến trình kéo dài, có thể được đẩy mạnh qua việc cấp quốc tịch mà không gắn liền với những đòi hỏi kinh tế và ngôn ngữ. ĐTC cho biết Giáo Hội sẵn sàng dấn thân đi hàng đầu trong lãnh vực này.

Ngài không quên kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị hãy phê chuẩn các hiệp ước hoàn cầu được thông qua gần đây tại LHQ, trong đó có một hiệp ước về người di dân và một hiệp ước khác về người tị nạn (Rei 21-8-2017)
 
ĐGH Phanxicô kêu gọi chia sẻ những khó khăn với người di dân hiện nay.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:56 21/08/2017
(Đài Phát Thanh Vatican) Trong thông điệp gởi cho Ngày Quốc Tế Di Dân và Tỵ Nạn lần thứ 104 vào hôm thứ Hai với nhan đề “Chào đón, bảo vệ, thăng tiến và tạo sự hòa nhập xã hội cho người di dân và tỵ nạn.” ĐGH Phanxicô đã kêu gọi chia sẻ những khó khăn với người di dân hiện nay và rằng sự đóng góp của các cộng đồng chính trị và các tổ chức xã hội giữ một vai trò rất quan trọng. Ngài nói rằng “Thiên Chúa ủy thách cho Giáo Hội tình yêu mẹ hiền dành cho những con cái phải rời bỏ quê hương để tìm một tương lai tốt hơn. Tình yêu thương đoàn kết này phải thể hiện một cách tích cực qua mỗi gia đoạn của hành trình di dân, từ lúc hoảng hốt ra đi đến khi an toàn trở về cố hương.”

Đó là trách nhiệm lớn lao mà Giáo Hội muốn chia sẻ với các tín hữu nam nữ, những người có tấm lòng thương xót đối với những khó khăn của người di dân qua lòng quảng đại, hăng hái, khôn ngoan và trù liệu, tùy theo khả năng Chúa ban cho mỗi người.

ĐGH tóm tắt sự chia sẻ qua bốn hành động: Chào đón, bảo vệ, thăng tiến và tạo sự hòa nhập xã hội.

Ngài giải thích thêm rằng chào đón nghĩa là tạo điều kiện rộng rãi hơn cho người di dân và tỵ nạn chọn đến quốc gia mà họ muốn tới một cách an toàn và hợp pháp. Cụ thể là nhanh chóng và đơn giản hóa việc cung cấp giấy nhập cảnh vì lý do nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Cung cấp cho người di dân và tỵ nạn có nơi ở lúc ban đầu phù hợp với phẩm giá con người.

ĐGH nói rằng bảo vệ có nghĩa là thực hiện hằng loạt những thủ tục nhằm bảo vệ quyền cũng như phẩm giá của người di dân và tỵ nạn bất kể tình trạng pháp lý của họ. Một khi tình trạng của họ được hợp pháp, thì những di dân và tỵ nạn có nhiều tiềm năng và kỹ năng sẽ trở thành nguồn lợi thực sự cho cộng đồng nơi họ đến.

Nói về thăng tiến thì ĐGH cho rằng nhiều người di dân và tỵ nạn có khả năng chuyên môn, có khả năng làm việc. Họ cần được giúp đỡ để có việc làm và thi thố khả năng chuyên môn, bảo đảm cho họ quyền lao động, quyền học tập và quyền công dân.

Về vấn đề tạo hòa nhập xã hội, ĐGH nói rằng hòa nhập không phải là một tiến trình đồng hóa người di dân, làm cho họ quên bản gốc văn hóa của họ, nhưng là tiếp xúc với họ, dẫn đến việc khám phá ra đặc tính riêng của họ và giúp họ góp phần bản sắc riêng làm cho mọi người hiểu nhau hơn.

Để kết luận thông điệp ĐGH nhấn mạnh rằng Giáo Hội đã cam kết và sẵn sàng thực hiện những đề nghị ban đầu của mình. Tuy nhiên, ngài nói rằng để đạt được kết quả mong muốn, thì sự đóng góp của của các cộng đồng chính trị và các tổ chức xã hội là rất cần thiết, mỗi người hãy làm tròn trách nhiệm của mình.

ĐGH Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy tham gia vào tiến trình này nhằm dẫn đến việc chấp thuận hai Hiệp Ước Toàn Cầu, một cho người tỵ nạn và một cho người di dân.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Các Giám Mục Kenya kết án bạo lực sau bầu cử : Chết vì bầu cử là không thể chấp nhận.
Moses Trương Võ
20:25 21/08/2017
Ngày 11 tháng 8, Ủy ban bầu cử độc lập (IEBC) đã tuyên bố tổng thống Kenyatta thắng 54.27% số phiếu, người đối lập là ông Odinga giành được 44.74%.

Ngay sau đó tại một số khu vực bạo lực đã bùng nổ dẫn đến ít ra là 28 người chết.

"Chết vì cuộc bầu cử là không thể chấp nhận được", các giám mục Kenya đã lên tiếng kêu goi các phe hãy bình tĩnh và sử dụng việc tranh tụng trên toà chứ không nên bằng bạo lực. Trong tuyên bố phát hành vào ngày 17 tháng 8, các ngài nói "Chúng ta không nên cho phép những điều tương tự xảy ra trong một xã hội dân sự như Kenya".

Các đơn vị cảnh sát chống bạo loạn cũng bị tố cáo vì ít nhất có 2 nạn nhân đã chết vì các hành động can thiệp cuả cảnh sát, đó là 2 trường hợp cuả một cô gái sáu tuổi và một cô gái mười tuổi.

Các giám mục lên án các quan chức an ninh đã xử lý dã man với những người biểu tình trong khi đó là nhiệm vụ của họ để bảo vệ, một hành động dẫn đến "mất mát sự sống một cách đau đớn " và làm hư hại tài sản.

Các giám mục cảm ơn người Kenyans đã đi bỏ phiếu, chứng tỏ "tinh thần quốc gia và lòng yêu nước ".

Tin mới nhất cho biết phe đối lập Kenya đã khiếu nại lên tòa án tối cao với lý do có gian lận bầu cử trong các hệ thống điện tử.

Tuy nhiên Ủy ban quan sát quốc tế cho biết họ không ghi nhận có gian lận trần trọng nào và tin rằng cuộc bầu cử đã diễn ra một cách công bằng.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 20/8/2017
VietCatholic Network
22:02 21/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 20 tháng Tám.

2- Đức Thánh Cha quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố ở thành Barcelona, Tây Ban Nha.

3- Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone.

4- Giáo Hội Công Giáo Nga tưởng nhớ nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản.

5- Dấn thân của Tòa Thánh trong việc thăng tiến và bảo vệ các quyền con người.

6- Nhà thờ tên Mẹ Têrêsa sẽ được thánh hiến tại Kosovo.

7- Một nữ tu nhận giải thưởng về việc xây nhịp cầu thân hữu với Trung Quốc.

8- Các Giám mục Úc: hãy bỏ phiếu “không” cho hôn nhân đồng tính.

9- Xứ Malaysia vẫn còn phân biệt đối xử ngấm ngầm; ngay cả ly uống nước cũng phải dùng riêng.

10- Cha của nạn nhân Charlottesville tuyên bố: Noi gương Chúa Kitô “Xin tha thứ cho họ!”

11- Bản phúc trình về Tự Do Tôn Giáo xếp hạng Việt Nam tồi tệ ngang hàng với Trung Hoa và Miến Điện.

12- Đặc Sứ Tòa Thánh Tại Việt Nam: Hỡi Caesar Việt Nam hãy trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Nữ Vương Hòa Bình.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhân dịp 'Bữa Cơm Tình Thương', hồi ký về viện dưỡng lão Tình Thương Suối Tiên ở Trảng Bom .
Trần Mạnh Trác
21:19 21/08/2017
Xem Bài 1

Xem hình ảnh

Đoạn kết cuả một cuộc đời giang hồ:

Bà là cư dân sống lâu nhất ở viện dưỡng lão, không chỉ tuổi tác nhưng còn 'thâm niên', nghiã là bà đã đến cư ngụ từ lúc viện được thành lập 20 năm trước!

Vì lý do thế nào mà bà được nhận vào lúc còn trẻ như thế thì Sơ Hường không tiết lộ, chỉ cho biết là người Bắc vào Nam sau năm 75 và bà có một cái tật không thể sửa chữa được, đó là mỗi đêm sau khi mọi người đã ngủ say, thì 'nhảy rào' ra phố uống rượu.

Làm sao mà mò ra chợ xa 7 cs và tiền đâu ra mà mua rượu thì là một bí ẩn! Phải chăng có đồng loã?

Mỗi sáng mò về, say khướt, bà khà khịa gây chuyện để chửi thề văng tục...

Các Sơ chỉ còn biết 'chịu trận,' có nghiã là 'chịu thua'!

"Cách đây 6 tháng," Sơ Hường kể. "Bỗng một cặp vợ chồng trẻ trông rất lịch sự đến xin nhận về nuôi."

"Họ nói," Sơ kể tiếp. "Chúng tôi ở Hải Phòng vào. Mới đây xem phỏng vấ́n về viện dưỡng lão thấy có bà ở trên đó và sau khi bàn cãi với họ hàng thì chúng tôi chắc chắn rằng bà là người dì ruột còn sống duy nhất cuả gia đình, dì đã vào Nam và bị 'biệt tăm' từ 40 năm nay. Chúng tôi không còn ai cho nên muốn đưa dì về mà phụng dưỡng."

"Khổ nỗi," Sơ kể tiếp."Bà không chịu nhận người cháu. Xua tay như đuổi tà. Nói mãi mới chịu nghe."

Ai cũng vui mừ̀ng vì bà đã tìm được người thân và...hơn hết, mọi người được thoát nạn sau 20 năm khốn khổ!

Nhưng 3 tháng sau thì bà lại đột ngột xuất hiện trước cổng. Gặp Sơ Hường, bà xụp lạy như 'tế sao.'

"Xin Dì thương cho con vào lại. Con không thể ở với chúng nó được!"

Không có lý do nào để cho nhập viện, nhưng không lẽ đuổi bà đi, Sơ Hường đưa ra một điều kiện:"Bà phải chừa rượu mới được, chúng tôi không thể chịu được nữa."

Không ngờ bà đã nhận, mà lại giữ lời hứa, trở thành gương mẫu nhất nhà.

Tháng vừa qua bỗng nhiên bà không dậy được nữa...

Ví như một ngọn đèn dầ̀u, chỉ còn ngọn bấ́c lập loè đóm tro!

Căn phòng Hy Vọng

Cuố́i nhà là một chiếc phòng cao rộng, thoáng mát và sạch sẽ. Một bức phù diêu vĩ đại chiếm trọn bức tường phiá sau, sơn phết mầu đồ̀ng thau, nét chạm trổ tinh vi, phải là một bản sao cuả một kiệt tác điêu khắc nào đây chăng? Hình ảnh to bằng người thật, mô tả cảnh Chuá Phục Sinh.

Căn phòng đẹp nhất này, buồ̀n thay, là phòng mà mọi cư dân trong viện sẽ dọn tới sớm hay muộn mà thôi. Họ tới đây sau khi tất cả mọi hy vọng cho thân xác trần thế này chỉ còn lại một niềm duy nhất là được sống lại với Chuá Kitô trong ngày phán xét.

Như nối dài căn phòng ra đằng trước, một cây cầ̀u bằng sắt lớn dẫn đường đi tới tu viện và rồi là nghĩa trang đằ̀ng sau đó.

Trước đây các Sơ thường khiêng hòm đi theo con đường nhỏ vòng quanh khu đất, nhưng một bà người Mỹ chứng kiến cảnh các Sơ lội bùn mang người đi chôn nên động lòng thương, bà bỏ tiền ra biếu tặng một chiếc cầu bắc ngang.

Và cũng từ đó, cứ mỗi lần nghe tin khẩn cấp trong đêm, thì các Sơ vượt cầu mà đến.

"Giữa đêm mà đi qua chiếc cầu thế này thì Sơ có cảm tưởng gì?" tôi hỏi.

"Lúc đó chỉ lo việc cầu nguyện cho các bà mà thôi..." Sơ trả lời.

...

Người đàn bà thâm niên nhất cuả viện dưỡng lão này cũng sẽ từ giã ra đi một lần nữa, nhưng lần này thì chẳng đi đâu xa, mà ngay tại nơi đây giưã những người thương yêu với tiếng kinh nguyện, mang hành trình là một niềm hy vọng phục sinh.

Người ta sẽ tiễn bà qua một chiế́c cầu, là chứng tích cuả hai chữ 'Tình Thương' thật đầy ắp.

Tái bút:

Các Sơ Đa Minh ở Garland cho chúng tôi biết, Bà đã qua đời không lâu sau đó.

Cậy vì danh Chuá nhân từ, xin thương đem một linh hồn mồ côi về chốn nghỉ an đời đời...
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cộng sản là cái gì?
Bảo giang
08:39 21/08/2017
I. Một định nghĩa:

Nhiều người cho rằng: Việt cộng (CS) là loài không phân biệt được thịt bò hay phân bò. Không phân biệt được việc bán nước và bảo vệ Tổ Quốc là gì. Chúng chủi Mỹ, nhưng tất cả đều cầu xin được đến và sống với đế quốc Mỹ. Như thế, CS là một tập thể sống bằng những loại miệng lưỡi thô tục và dơ bẩn.

Dĩ nhiên, đây không phải là một điều gì xa lạ, mới mẻ. Trái lại, khi nói đến cộng sản thì tất cả mọi người đều đã biết rõ về chúng, cũng như biết rõ về chủ trương tạo ra cuộc sống đầy bất lương với ngôn từ Vô Tổ Quốc, Vô Gia Đình và Vô Tôn Giáo của chúng.

Là người, ai cũng biết Gia Đình, Tôn Giáo và rồi ý niệm về Tổ Quốc là cột sống có sẵn trong lòng mỗi người ngay từ khi được sinh ra. Một em bé mở mắt chào đời tuy chưa thể nói nhưng em đã thấy cha, thấy mẹ, thấy gia đình và rồi thấy cả đất nước nơi mà cha mẹ đã cưu mang em. Và dĩ nhiên, không một đứa trẻ nào được sinh ra, lại nhìn thấy cái ý niệm cộng sản, dù chính ba mẹ nó là cán cộng. Tuy thế, khi muốn đem sự bại hoại đến cho xã hội, kẻ thường đi ăn nhờ ở đậu là Kark Marx, người được cộng sản ca tụng là ông tổ, kẻ đưa ra thuyết CS, trong đó có những chỉ dẫn về ý niệm Vô Gia Đình, Vô Tổ Quốc và Vô Tôn Giáo như là phản ảnh trong cuộc sống đầy thương tật trong kiếp sống của Y.

Rồi Lê Nin, bấu víu vào đó mà tạo thành phong trào cộng sản với chủ trương diệt sạch, xóa sạch, tẩy sạnh những gía trị luân lý, đạo đức phổ quát trong đời sống của con người. Thảm thay, chỉ 70 năm sau chính nó là nguyên cớ làm bại hoại cho cuộc sống, không chỉ ở Liên Sô, nhưng còn là cho những nước theo nó. Kết qủa, chính từ nơi này, Lênin, Stalin đã bị dân chúng quật mồ, đập tượng mà quăng ra đường. Ở Việt Nam những kẻ theo chúng ra sao? Xem ra câu chuyện “Liên Sô” đã kề ngay bên. Bởi lẽ:

1. Vô tổ quốc.

Con người không từ gốc cây, ngọn cỏ mà chui ra, nhưng từ nguồn gốc cơ bản là gia đình, lớn hơn là tập thể của làng xóm và mở rộng ra và liên kết thành những tổ chức xã hội, Tổ Quốc. Với nguyên tắc này, hỏi xem, trong cơ bản Việt cộng có chút hiểu biết gì về gốc sinh của mình hay không?

Với Marx, y cho rằng giai cấp vô sản không có tổ quốc. Từ đó, chủ nghĩa xã hội theo Marx là xã hội đại đồng cộng sản, không biên giới, không gia đình. Đây cũng chính là lý lẽ để những tập thể cộng sản đệ tam trên thế giới đều lấy cờ đỏ với búa liềm của Liên sô làm cờ của đảng mình. Rồi coi Liên sô chính là tổ quốc của cộng sản. Sự lừa dối đầu tiên là thế và đã bắt đầu.

Tuy nhiên, với nước lớn thì cái từ Vô Tổ Quốc, không biên giới theo tinh thần bá quyền của họ chỉ là nhóm chữ để cho những tập thể nhỏ tự… sướng, tự vui lây mà thôi. Trong thực tế, đường biên cương chính quốc của họ sẽ nhờ vào từ này để lấn chiếm dần sang biên cương các nước nhỏ bé hơn. Đó là hình ảnh của Liên sô tràn sang Đông âu sau 1945 và Trung cộng tràn xuống phương nam sau 1950. Nhìn chung, mớ lý thuyết này chỉ đem lại nguồn lợi nhuận cho nước lớn, nhưng không cho người dân ở đó cũng như các nước nhỏ thuộc diện chư hầu hưởng lợi. Theo đó, chỉ có những kẻ ngu xuẩn với mộng kẻ mù được làm “vua” mới bám vào đây để sống nhờ mà thôi. Nhà nước cộng sản Việt Nam là một điển hình của loại này.

Kết qủa, đường biên giới phía bắc của Việt Nam dưới chế độ này ngày một bị xóa bỏ bằng văn bản hơn và xâm lấn. Dân của nước lớn đã tự tràn sang và dân của nước nhỏ thành kẻ bị trị, mất quyền lợi. Đây là kết qủa của lá bài Vô Tổ Quốc! Đổi lại, từ đây tập đoàn cán bộ Việt cộng được làm lãnh đạo sau khi kinh qua học tập và tuyên thệ theo điều lệ đảng là “lấy tư tuởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam,”Và Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Ðông ( Đèn Cù tr. 49)”. Thế là Ta mất nước! Đảng cộng sản VN biến thành con rối của Tàu cộng muôn năm!

2. Vô Gia Đình.

Ai cũng biết gia đình là nền tảng của đạo lý và xã hội. Ở đó, con người nhận biết có cha mẹ, anh em họ hàng nên có sự chung tay góp sức, gắn bó bên nhau từ khi có mặt cho đến khi bỏ trần thế. Đó là cơ bản nhân tính của con người. Tuy nhiên, với cộng sản lại hoàn toàn khác biệt. Một trong những điều kiện căn bản để trở thành đoàn đảng viên CS là “ học viên phải công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ”. (Đèn Cù, Trần Đĩnh. tr. 49). Điều đó cho thấy, ngay từ căn bản khởi đầu này, cộng sản đã là một giống loại khác con người! Bởi lẽ:

Nhìn vào cuộc sống quanh ta, ai cũng thấy, ai cũng biết. Con cá, con chim, hay con trâu con bò còn sống và đi chung từng đàn, dẫu như chúng không thể có nhận thức ra một gia đình riêng, trong đó ai là cha mẹ, ai là anh em, chị em của chúng. Tuy thế, chúng không bao giờ muốn lẻ bầy. Trái lại, nối tiếp nhau theo bản năng, dù không thể có nhận thức gia đình, đồng bào như con người, nhưng vì sự sinh tồn chúng luôn mốn gắn bó với nhau theo bầy, theo đoàn, theo giống loại. Chúng tựa lưng nhau, có thể cả bao bọc nhau mà sống cho riêng từng cặp.

Trong khi đó con người ngoài bản năng để sinh tồn, còn có bản năng nhận thức. Ngay từ nguyên thuỷ, con người đã có cuộc sống khởi đi từ nguồn gốc là gia đình. Ở đó, tất cả đều biết phân biệt, nhận biết ai là cha mẹ, anh em, dòng họ, thân sơ của mình. Họ sống chung trong gia đình, trong cộng đoàn trong ý thưc bảo vệ nhau. Rồi cùng chung tay nhau làm việc, từ lao động cực nhọc cho đến nhẹ nhàng. Chữ Trí, chữ Tín từ đó lớn lên, đời sống ngày một phát triển. Chữ Trung, chữ Hiếu càng lúc càng buộc chặt vào đời sống và đi vào trong sinh hoạt của con người. Đó là lý do xã hội loài người không bao giờ ca tụng tôn vinh những kẻ thuộc hệ Vô Gia Đình, phỉ báng mẹ cha hay sát nhân!

Nhưng đi ngược với sự tiến hóa nhân bản của con người là cộng sản. Chúng xây dựng lý thuyết Vô gia Đình, nhằm tách ly con ngưòi thoát ly khỏi cuộc sống lễ giáo của gia đình, của xã hội, rồi đẩy chung vào một tập thể gọi là đoàn, đảng. Từ đây, những kẻ theo chúng được sống trong một bầy đàn, hỗn độn không còn nhân bản tính trong tình nghĩa gia đình, anh em, chỉ có tình “ đồng chí” với những điều lệ của chúng tự viết ra như sau:

“ phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tộí ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản,”. học viên đó phải ngồi học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình ( mới thôi). ( Đèn Cù trang 74-75). Xem ra, chính cái quy luật “ tự phê, tự kiểm thảo” này đã là đầu mối của tất cả mọi bất hạnh đổ xuống Việt Nam từ 80 năm qua. Từ đấu tố, gây tội ác, chiến tranh, cho đến nghèo đói tụt hậu, nước mất chủ quyền, mất đất đai, biển đảo đến việc đạo đức của xã hội bị băng hoại đều bắt nguồn từ cái luật lệ man di, tồi bại này của CS.

Rồi cùng với cuộc man di này, Tố Hữu nổi lên như một kẻ đảo điên với những ngôn từ rẻ rúng khinh bạc cha mẹ, những đấng đã sinh thành ra mình, nhưng lại thành nền tảng cho đảng cộng. Cuối cùng, không ai thấy Y khóc thương cha mẹ mình ra sao. Nhưng Y đã khóc kẻ bị cả thế giới loài người nhân bản lên án:

“ Yêu biết mấy nghe con tập nói.

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!...

Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương mình thương một, thương ông thương mười…

Hỡi ơi ông mất Đất trời còn không? ( Tố Hữu)

Dẫu không phải là thầy bói thì ai cũng biết đời hắn, rồi cũng tàn với những loại chữ nghĩa này. Rồi bên cạnh đó là một Xuân Diệu. Những tưởng là thành danh trong lòng văn học nhân bản Việt Nam. Hỡi ơi, vì theo Tố Hữu vấy máu ăn phần với cộng sản để có những vần thơ không thuộc về thế giới của con người và nhân bản hôm nay:

“Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay

Lôi cổ bọn nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi!”

Hoặc giả:

“… Ai về Bố Hạ

Nhắn với vợ chồng thằng Thu

Rằng chúng bây là lũ quốc thù!…”(Xuân Diệu)

Bạn hỏi: “vợ chồng thằng Thu” là ai ư? Xin thưa họ là bố mẹ của thi tài Ngô Xuân Diệu đấy ạ!

Xót cho một tài hoa và phận đời của Xuân Diệu đã hoang phí khi theo Việt cộng. Tuy nhiên, câu chuyện về Vô gia đình của Việt cộng đến đây chưa hết. Bởi vì, mấy ai, đặc biệt là những ngưòi thuộc vùng Thanh Nghệ, lại có thể quên được thứ trưởng Việt cộng Chu văn Biên. Câu chuyện được kể lại như sau: “Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ – Tĩnh, bắc ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ chắp tay đứng ở dưới sân dằn giọng: -Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định sẽ chống lại… Sau phiên tòa án, Bà mẹ cắn lưỡi không chết. Ít lâu sau, nhảy giếng tự tử, thành… ”( Đèn Cù tr. 109). Xem ra khó tìm ra kẻ man di hơn hơn tập đoàn Việt cộng!

Những câu chuyện về bài học Vô Gia Đình, hẳn là không vui. Tuy nhiên, tất cả không phải tự họ học được, nhưng được giáo dục ngay từ khởi đầu với những “ lương sư” cán cộng là Hồ chí Minh, Đặng xuân Khu, Lê Duẫn, Phạm văn Đồng… Một tập đoàn có đủ tay nghề buôn dân bán nước mà tôi đã có dịp viết đến. Những hành động này, nếu ở trong một xã hội nhân bản, chắc chắn chúng phải bị lôi ra giữa công đường để phân định phải trái và trở nên bài học trong cuộc sống của nhân gian. Tuy nhiên, trong xã hội của cộng sản thì chúng lại trở thành những tấm gương, những biểu tượng. Hoặc gỉa, là những bài học cho tất cả mọi đoàn đảng viên các cấp phấn đấu, noi theo.

3. Vô Tôn Giáo.

Ai cũng biết, xã hội được bình an, giảm bớt tội phạm là nhờ vào sự đóng góp rất nhiều từ nền giáo dục linh thánh của các tôn giáo. Với Tôn chỉ đạo đức, yêu thương. Với tinh thần công bằng, làm lành lánh dữ. Với mẫu mực từ bi, bác ái, hỉ xả…. Xem ra đã là khởi điểm và là niềm vui trùng cửu cho cuộc sống của nhân loại.

Trong khi đó, Cộng Sản với bản chất tham tàn, ác độc. Với hành động man di mở đấu tố, giết hại con người và mang tinh thần bệnh hoạn trong cuộc sống là gian trá, bất lương, thù hận… rồi bước theo chương mở đầu của Karl Marx với bài ca “tôn giáo là thuốc phiện”. Hỏi xem, liệu những vô đạo của CS có thể thay thế được Nhân Ái, Liêm Chính của con người không?

Không, ngàn lần không. Hiển nhiên là không. Bởi lẽ, trong cuộc sống, con người phải nhờ có Tinh Thần Linh Thánh để sống và tồn tại. Sự nương nhờ này đặt trọng tâm vào hai điểm. Học đạo đức, nhân ái và gương mẫu của họ để trừ gian trá, khử bạo tàn. Theo khoan dung, độ lượng học liêm chính của họ để xây dựng, yêu thương đồng loại và xã hội. Theo đó, cái chủ trương đạp đổ, làm cho tan nát niềm tin của con người vào thần linh của cộng sản là hoàn toàn xuẩn động. Riêng việc Hồ chí Minh chỉ đạo để CS đập phá các Đình, Chùa, Đền, Miếu, nhà Thờ và chiếm đoạt tài sản của các tôn giáo vào những năm 1940 và sau đó phải bị coi là tội ác.

Lý do, dù CS chủ trương vô tôn giáo, vô thần linh, chỉ có bác có đảng. Điều ấy cũng không có nghĩa là chúng được quyền bài xích và đạp đổ những hình tượng cũng như đền miếu của nhân gian, cũng như các cơ sở thờ phượng của các tôn giáo. Việc làm này nó chỉ mang một ý nghĩa duy nhất là CS chỉ có thể sống nhờ bạo lực và tồn tại giữa những xáo trộn do chính chúng tạo ra mà thôi. Riêng tinh thần Tôn Giáo trong lòng người vẫn thiên thu bền vững, kiên định.

Tại sao cộng sản thù ghét Tôn Giáo? Câu trả lời đơn giản là vì sự gắn bó giữa con người với gia đình và tinh thần Linh Thánh của tôn giáo. Một tên trộm cướp thì có bao giờ dám đi đứng một cách thong dong, nghiêm chỉnh. Có khi nào nó muốn đến gần nhà thờ, Chùa Miếu, ngoại trừ có sự toan tính bất lương? Từ đó cho thấy, Việt cộng (cộng sản) thù ghét tôn giáo đều có chung lý do sau:

· Về tinh thần:

Gia đình và Tôn giáo tuy là hai thực thể riêng biệt, một của trần thế, một của Thần Linh. Tuy thế, hai thực thể này không thể tách rời nhau. Trái lại, luôn luôn là một gắn bó bền chặt. Việc gắn bó này tạo ra nhiều phúc lợi và đem an bình cho xã hội. Rủi thay, đó lại là lý do để cộng sản ganh tỵ và tiến đến căm thù. Bởi lẽ, chúng muốn triệt hạ niềm tin thánh thiện của con người đặt vào tôn giáo để quy hướng về tính vô đạo của CS. Rồi từ đây, tạo ra một xã hội vô luân, làm cho con ngừơi mất dần đi ý niệm về tội lỗi.

· Về đời sống:

CS thúc đẩy con người bước vào cuộc sống bầy đàn, phá bỏ chủ hướng tình yêu thương gắn bó, đạo hạnh của gia đình của tôn giáo. Từ đó, nhận sự dẫn dắt trong lối sống vô thần linh, không cha mẹ của chúng và đặt niềm tin vào đảng. Thảm cho chúng là không thể đạp đổ được niềm tin của con người đặt vào tôn giáo. Tệ hơn, càng ngày con người càng nhận ra bộ mặt thật của CS chỉ là những kẻ gây ra tội ác cho nhân loại nên phải xa lánh chúng.

Khi nhận biết nguy cơ bị triệt vong này, chúng liền tìm cách tráo trở tội ác thành thần thánh để đưa Hồ chí Minh vào Chùa ngồi chung với Thần Phật. Rồi nhờ hình ảnh này chúng có cơ hội đến chùa, trước là tâm địa lừa Trời, Phật, dối gạt người. Sau là gỉa trá như một con người có tâm, đến chùa khấn bái như là một khách lữ hành sẵn tâm thiện, sẵn sàng hòa giải, hay hòa đồng với người dân để thu lợi. Tuy nhiên, tội ác và gian trá này khó lừa được lòng người, nói chi đến Trời Phật. Hãy chờ xem, dù chúng có đến chùa khấn bái thì cái hình tượng của Hồ chí Minh ngồi đó cũng sẽ phải vỡ tan khi cái mã tấu quyền lực của chúng trở thành miếng sắt vô dụng.!

II. Kết qủa của nền giáo dục vô đạo, vô tổ quốc của cộng sản.

Như ở trên tôi đã viết. Việt cộng là loài không phân biệt được thịt bò hay phân bò. Không phân biệt được việc bán nước và bảo vệ Tổ Quốc là gì. Từ dó, CS đã đào tạo được hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ở trung ương, cấp tỉnh có những trình độ khác người, mà một trong những lãnh đạo ấy là phó chủ tịch của UBND tỉnh, mói đây đã thay mặt cho đảng, cho tỉnh, công khai đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp đến TU đảng cộng như sau: “Xin đừng vì vài cái đảo nhỏ ở Biển Đông mà làm mất đi tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa hai nươc. bởi không có đảng Cộng sản Trung quốc chống lưng, đảng ta không tồn tại đến ngày hôm nay” (Võ thị thuy Thủy, phó chủ tịch UBND Quảng Ninh).

Rõ ràng những lời lẽ này cho chúng ta thấy một thực tế “tài trí” của những con giun, con chuột nhắt đã phơi bày ra trước ánh sáng. Nó cũng là kết qủa của một phương cách giáo dục Vô Tổ Quốc của CS. Để từ đây, chúng coi Tổ Quốc, như là một món hàng đem rao bán để kiếm ăn. Bởi thực tế, nếu không cúng đảo này, nhường tỉnh kia cho Trung cộng thì đảng của chúng đã chết từ lâu rồi. Dó là lý do, chính Hồ chí Minh cũng bảo đó là “cái đảo chim ỉa” thì đáng gì mà giữ? Nói cách khác, điều thị nói xác định rằng tập thể CS Hồ chí Minh chỉ có thể sống và tồn tại được là nhờ vào việc Bán và chuyển dần từng phần của đất nưóc Việt Nam cho Tàu cộng, ngoài ra không còn một phương cách nào khác. Đây là một sự thật trên tất cả những sự thật ê chề mà cuối cùng tự chúng cũng đã phải phơi bày ra trước công luận. Nó phơi bày ra như một cuộc đánh tiếng cho công luận biết việc gì đã đến và đang đến.

Hỡi người Việt Nam, chúng ta đã tình ngủ chưa. Chúng ta đã sáng mắt ra chưa? Hỡi những ai còn nhắc đến tên Hồ chí Minh như kẻ cứu quốc, hãy nhìn lại xem: Tập đoàn cộng sản này đã công khai coi mảnh đất được gầy dựng bằng xương máu của cha ông, của tiền nhân, của chính những kẻ được gọi là “ đồng chí” của chúng chỉ là một tài sản có gía để buôn bán của chúng hơn là một cơ đồ để sinh tồn của con dân nước Việt. Hãy nghe để biết việc chúng bảo nhau bán nước Việt Nam của người Việt Nam để tìm lấy chỗ làm đầy tớ cho riêng mình!

Hỡi người dân Việt Nam, hãy hỏi xem, chúng là ai đây? Rồi bản thân Bạn là người dân của nước Việt Nam có truyền thống, hay là thành viên của tập đoàn nô lệ Việt cộng? Nếu là người dân của nước Việt Nam thì hãy đứng dậy, cùng nắm tay nhau mà đi. Trường hợp là nô lệ của tập đoàn Việt cộng này, hoặc gỉa không chủ đích, thì hãy đi mua sẵn sợi dây thòng lọng buộc vào cổ để chúng kéo đi. Bởi vì, chỉ vài năm nữa (khoảng 2020) câu tuyên bố trên sẽ được tập thể cao hơn, rút ngắn gọn hơn, và chỉ đổi có vài chữ cho gọn nhẹ hơn thôi “không vì cái chữ Việt Nam mà làm mất đi tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa hai nươc. bởi không có đảng Cộng sản Trung quốc chống lưng, đảng ta không tồn tại đến ngày hôm nay” thì khỏi lúng túng? Thực tế sẽ là thế, hỏi xem, Việt Nam đi về đâu, bạn về đâu với những loài lãnh đạo này?

Câu hỏi này, có thể làm cho nhiều người khó chịu, nóng mặt. Nhưng xem ra nó lại là một thực tế cần đặt lại nghiêm chỉnh cho người Việt Nam còn thiết tha với tổ quốc của mình trả lời đấy. Bởi lẽ, phần đảng viên cộng sản, nó đã có số phận làm nô lệ của riêng nó từ lâu rồi. Theo đó, Thị Thủy cán bộ hàng tỉnh này không phải là kẻ duy nhất của tập đoàn Việt cộng đã thừa hành lệnh đảng truyền đi tín hiệu ấy để thăm dò dư luận của người dân. Nhưng trước đó, một câu chuyện thăm dò khác còn nổi lềnh bềnh lên trên mặt nước ao tù là Nguyễn duy Chiến, cán bộ thuộc diện TU cũng ngậm vành rổ và tuyên bố như sau:

“Việc nước bạn Trung quốc xâm phạm lãnh hải ta, rồi đâm tàu, cắt cáp… thực chất vấn đề chỉ là cách hành xử Bố mẹ dạy con mình. Yêu cho roi, cho vọt. Vậy sao phải bất bình” (phó chủ tịch UB biên giới quốc gia: Nguyễn duy Chiến). Nghe thế, bạn hỏi tôi Y là loài gì ư? Tôi thật sự cũng chẳng biết nó thuộc loài, giống gì! Hình như con chó ở nhà bạn nó còn biết sủa khi thấy khách lạ vào đến sân. Nó chưa hề nhận khách lạ là người nhà. Nói chi đến chữ cha mẹ!

Trong khi đó, bạn tôi bảo rằng. “Y nói thế là đúng, là trọn bộ những suy nghĩ của các đoàn đảng viên CS. Bởi vì, đối với Trung cộng chúng chỉ là hàng con cháu nô bộc trong nhà. Nếu sai, nó chỉ sai với Người Việt Nam yêu tổ quốc mình mà thôi.” Bạn nghĩ sao? Có phải Cha ông ta đã chỉ đường biên cương mà dạy rằng: “Thà làm qủy nước Nam, chứ không thèm làm bương đất Bắc” (Trần bình Trọng). Rồi ai là người Việt Nam chưa từng một lần nghe trống vang:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.” (Lý thường Kiệt)

Điều ấy có nghĩa rằng, Trung cộng chỉ có thể trở thành bố mẹ của tập đoàn cộng sản buôn dân bán nước Minh, Đồng Chinh Duẩn Giáp… và nay là những Mười, Anh, Linh, Cầm, Phiêu, Trọng, Phúc, Sang, Ngân, Quang, Dũng, Lưu, Chiến… mà thôi. Nó tuyệt đối không bao giờ có cái gía trị ấy với người Việt Nam.

III. Việt Nam rồi về đâu?

Xem ra, cơ đồ Việt Nam hôm nay như cái nhà tàn trong chiều hôm lộng gió. Mái không thể che mưa. Bốn bức vách không thể ngăn được từng cơn gió lùa. Kẻ lãnh đạo hiện nay trong tư thế cúi đầu, hai chân qùy, mặt không còn chút máu quay hướng về phương bắc, mà lòng như cố trông vời sang Tây, sang Mỹ! Phận người dân thì đôi mắt trắng trông gà ra qụa! Tệ hơn thế, nhìn đâu cũng chỉ thấy gian trá, lọc lừa, không tìm được một chút chân thật cho nhau làm tin. Tổ Quốc xem ra là ở trong giai đoạn nhiều thử thách và tang thương nhất.

Tuy thế, khi có những người tiên phong như Nguyễn văn Đài, Lê công Định, Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Lý… tiến lên phía trước. Bạn ơi, chúng ta phải làm gì đây?

- Chúng ta cùng nhau quyết một lần đứng dậy nối chí của cha ông ta là những Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… để mở lại cơ đồ và xây dựng lại nhà Việt Nam chăng?

- Hay… Bạn sẽ cúi đầu theo lũ cộng sản vong nô để làm chư hầu cho Tầu-Hồ?

Cái họa cho Việt Nam là không có tiếng Dân trả lời. Đã thế, lại vo ve dăm tiếng ruồi trâu gõ trống cho Tàu!!

Bảo Giang

8-2017.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 35)
Vũ Văn An
05:16 21/08/2017
Nếu Giáo Hội là bí tích của hợp nhất, thì các chia rẽ nội bộ há không phải là gương mù gương xấu hay sao?

Chắc chắn người ta có thể nêu lên luận điểm trên. Khảo sát bầu khí chính trị thế tục đầu thế kỷ 21, một số nhà bình luận Công Giáo có tâm huyết thường ân hận về điều họ coi như bầu khí “tai tiếng” đầy chua cay và chia rẽ ý thức hệ làm trở ngại việc đưa ra các giải pháp xây dựng cho các vấn đề cấp bách. Họ cho rằng chính trị đừng trở thành trò chơi bên được bên thua (zero-sum game), mà phải là một cố gắng phối hợp để cổ vũ ích chung. Họ thường cho rằng giáo huấn xã hội Công Giáo là nguồn cung cấp cho ta một nền chính trị mới vượt lên trên cuộc đấu tranh tả hữu. Đây là một viễn kiến khá hấp dẫn nhưng quả có che dấu một sự thật hiển nhiên về Đạo Công Giáo ngày nay, nhất là ở Tây Phương: sự chia rẽ có tính ý thức hệ không phải chỉ là một sự kiện của đời sống ở bên ngoài Giáo Hội, nhưng nó cũng hết sức sinh động và sống rất khỏe ở bên trong Giáo Hội nữa.

Tình huống trên thường được gọi là “sự phân cực”, cho thấy người trong Giáo Hội bị phân chia thành các cực chống chọi nhau, mà người ta thường mô tả là cấp tiến và bảo thủ. Thực ra, nên mô tả thực tại xã hội học này là “chủ nghĩa bộ lạc”. Nhìn quanh, người ta thấy các bộ lạc đủ loại rải rác cùng khắp thế giới Công Giáo: nào là người Công Giáo phò sự sống, người Công Giáo duy truyền thống về phụng vụ, người Công Giáo cải tổ Giáo Hội, người Công Giáo hoà bình và công lý, người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, người Công Giáo Viêt Nam, người Công Giáo tân bảo thủ, người Công Giáo Obama, và v.v… ấy là chưa nói tới những người Công Giáo bình thường. Mỗi bộ lạc có bậc anh hùng riêng, họ bảo trợ các cuộc hội nghị riêng, họ đọc các tạp chí và blogs riêng, và thờ phượng tại các cộng đoàn riêng của họ. Họ tiến sâu tiến xa vào các nẻo đường tách biệt đến nỗi thường có những cuộc nói chuyện hoàn toàn riêng rẽ, dựa trên những cảm tưởng biệt lập và thường là mâu thuẫn nhau về những gì đang thực sự diễn ra trong Giáo Hội. Hậu quả là khi thành viên của những bộ lạc đa dạng này tình cờ chạm trán nhau thật khó để họ có thể nói chuyện với nhau được lâu vì họ không có bao nhiêu điểm qui chiếu chung ngoài một số dòng chữ lấy từ Kinh Tin Kính hay một số thực hành thiêng liêng chung.

Há tính đa dạng trong nội bộ của Giáo Hội Công Giáo không là một điều tốt hay sao?

Trên nguyên tắc, phần lớn người Công Giáo cho rằng: tính đa dạng vừa lành mạnh vừa không thể tránh được. Hiện có 67 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ và 1 tỷ 2 trên khắp thế giới, nên chuyện phức tạp là điều khó tránh.Tuy nhiên, tính đa dạng cũng làm cho người ta đau đầu, khi các bộ lạc nói trên không nói chuyện với nhau nữa, và thay vào đó, còn bắt đầu nhìn nhau bằng con mắt ngờ vực, nếu không muốn nói coi nhau như kẻ thù. Người ta thấy rõ điều này dường như đang diễn ra. Họ có thể cho rằng khuôn mẫu này không chỉ có tính thách thức hay bất hạnh, nó còn gây gương mù gương xấu thực sự nữa. Dường như họ có cảm thức rõ ràng này là Đạo Công Giáo ở Tây Phương, nhất là ở Hoa Kỳ, đang thực sự được rao giảng hơn là đi rao giảng. Rõ ràng, nhiều người Công Giáo đang bị thứ tâm lý học của nền chính trị thế tục rao giảng, nên họ coi Giáo Hội như một lãnh thổ trên đó, các trận chiến dành quyền lợi phe nhóm diễn ra hơn là chiếc bàn chung của Chúa mà quanh đó họ phải giải quyết các dị biệt của họ.

Chủ nghĩa bộ lạc do đâu mà có?

Muốn xây dựng tình bằng hữu vượt trên mọi chia rẽ ý thức hệ, trước hết, người ta phải lội ngược dòng làn sóng văn hóa đương thịnh, nhất là ở Hoa Kỳ. Ký giả Bill Bishop đã đưa ra kiểu nói “The Big Sort” (Loại Lớn) để chỉ khuynh hướng kéo dài nhiều thập niên qua trong đó người Hoa Kỳ rút vào những khu cô lập gồm những người cùng một tâm trí, cả thực lẫn ảo. Càng ngày người Hoa Kỳ càng chỉ chọn sống, làm việc, giao du và cả thờ phượng nữa với những người suy nghĩ giống như họ. Một định luật căn bản trong khoa xã hội học nói rằng các cộng đoàn thuần nhất (homogeneous) dễ cực đoan hóa trong khi các cộng đồng không thuần nhất (heterogeneous) thì ôn hòa hơn, nên thứ Loại Lớn này rất thích đáng được dùng để giải thích đặc tính độc hại trong đời sống đô thị của chúng ta. Vấn đề ở đây không hẳn là người Hoa Kỳ không đồng ý với nhau, mà họ đang trở thành xa lạ đối với nhau.

Thứ hai, các cột trụ thông thường của đời sống Công Giáo không còn tự nhiên đem các người Công Giáo với các viễn tượng khác nhau đến với nhau nữa. Nhiều giáo xứ đã trờ thành các cộng đoàn cửa kín then cài. Bước vào bất cứ giáo phận nào ở Hoa Kỳ để tìm một người có hiểu biết mà xem, chỉ cần năm phút, vị này sẽ nói cho bạn biết các giáo xứ của Vatican II ở đâu, các giáo xứ tân bảo thủ ở đâu, các giáo xứ duy truyền thống ở đâu và v.v… Một điều như thế cũng có thể được đưa ra về các cao đẳng và đại học Công Giáo, về các phương tiện truyền thông Công Giáo, và nhiều định chế Công Giáo khác, tất cả đều có khuynh hướng xếp hàng ý thức hệ một cách rõ rệt. Ngày xưa, các định chế này tạo nên “các khu chung” (commons) để các tín hữu Công Giáo thuộc đủ tính khí và cách nhìn có thể chung vai sát cánh và tạo tình thân ái. Còn ngày nay, họ có xu hướng hành xử như các đại lý của chủ nghĩa bộ lạc chứ không phải là đối cực của chủ nghĩa này.

Thứ ba, tính sáng tạo Công Giáo trong vấn đề này và trong nhiều vấn đề khác đã bị làm cho tê cóng bởi thứ Giáo Hội học bình dân quá ư có tính hạn chế; thứ Giáo Hội học này chủ trương rằng các giám mục vừa là nguyên nhân vừa là giải pháp cho mọi vấn đề của Giáo Hội. Không những làm suy yếu, giả thuyết này còn rất sai lầm. Lịch sử Giáo Hội dậy rằng các thúc đẩy mới hết sức vĩ đại như các dòng khất sĩ, các cộng đoàn giảng huấn của thế kỷ 19, hay các phong trào giáo dân mới mẻ không phát sinh vì một vị có quyền nào đó phán “hãy có nó”. Cùng một điều như thế phải được đưa ra để giải quyết các căng thẳng duy bộ lạc ngày nay. Các giám mục không phải là lý do hàng đầu khiến Giáo Hội phải trải qua các căng thẳng này, dù cho các giám mục, đôi khi, hành xử như một “bộ lạc” đối với nhau, và các căng thẳng này cũng khó dịu xuống dù quần chúng Công Giáo trông chờ các vị giám mục giải quyết chúng.

Có thí dụ nào cho thấy người Công Giáo cố gắng phản công chủ nghĩa bộ lạc không?

Trong kinh nghiệm Công Giáo, cách tốt nhất để đương đầu với các thù oán do óc kình địch bộ lạc gây ra thường là xây dựng các vùng thân thiện vượt quá ranh giới phe phái. Không nhất thiết là những chương trình đối thoại chính thức, càng không nhất thiết là các hội tranh luận. Thay vào đó, là ý tưởng cho rằng phải dựng lên các không gian để các mối liên hệ giữa các người Công Giáo có các nhãn quan khác nhau có thể phát triển một cách tự nhiên cùng với thời gian. Như thực tế đã chứng tỏ, hiện có nhiều dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy điều vừa nói đang diễn ra.

Thứ nhất, phong trào Focolare, lập ở Ý thời chiến tranh bởi một nữ giáo dân tên Chiara Lubich, phát xuất từ một nền linh đạo hợp nhất sâu xa. Dựa trên nền tảng này, Focolare đã xây dựng được nhiều tình thân ái bền vững trong các năm qua với các Kitô hữu khác, các tín đồ của các tôn giáo khác và mọi người có thiện chí. Sự thành công của nó được thành hình không chỉ nhờ linh đạo của nó mà còn nhờ nền văn hóa nội bộ của nó nữa: kiên nhẫn, cởi mở, luôn sẵn sàng hiểu biết trước khi đưa ra phán đoán. Các phẩm tính này thủ đắc được phần lớn nhờ xây dựng được các tình thân ái ở bên ngoài Giáo Hội, nhưng chúng đại diện cho một nguồn tài nguyên nội bộ mạnh mẽ.

Thứ hai, Mạng Lưới Muối và Ánh Sáng (Salt and Light Network) ở Gia Nã Đại là một cơ sở truyền thông họa hiếm ở nước này vừa có tính Công Giáo một cách rõ nét nhưng hết sức cởi mở đối với nhiều hình thức khác nhau nói lên bản sắc này. Nó phát sinh do kinh nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2002 tại Toronto, và hiện do linh mục Dòng Basilian, Cha Thomas Rosica, điều khiển; ngài không những có viễn kiến mà còn có cả đảm lược kinh doanh nữa. Mạng lưới này được sự hỗ trợ của các giám mục Gia Nã Đại, nhưng không phải là một sáng kiến của định chế. Về việc lên chương trình, ai cũng có thể có phần. Thí dụ, Muối và Ánh Sáng sản xuất nhiều chương trình có giá trị cao về hạnh các thánh và những vị vọng khác, trong đó, có những vị anh hùng đối với cả người cấp tiến lẫn người bảo thủ, thế nhưng, nó cũng đưa ra phương thức đào sâu hơn cách đọc có tính ý thức hệ. Các nhân viên cũng phản ảnh nhiều bối cảnh và kinh nghiệm khác nhau, làm thế nào để giọng điệu truyền đi phản ảnh các liên hệ thân ái ngay trong nhà.

Thứ ba, dự án Các Tiếng Nói Công Giáo (Catholic Voices) ở Vương Quốc Thống Nhất (Anh) đã được phát động trước cuộc tông du năm 2010 của Đức Bênêđíctô XVI, giúp lực lượng nòng cốt của tuổi trẻ Công Giáo một khóa học cấp tốc về cả kỹ thuật truyền thông lẫn các vấn đề đang đặt ra cho Giáo Hội và sau đó, biến họ thành các chủ thể để các cơ sở truyền thông khắp thế giới phỏng vấn. Các nhà đồng sáng lập ra dự án này là một phát ngôn viên tại Anh của Opus Dei, một định chế được nhiều người coi thuộc phe bảo thủ, và một cựu chủ bút của tờ The Tablet, một tập san có tiếng là cấp tiến của Đạo Công Giáo tại Anh. Thế nhưng, họ là những người bạn vĩ đại và tinh thần này thẩm thấu mọi khía cạnh của dự án. Cuối cùng, Các Tiếng Nói Công Giáo đã phóng chiếu được cả một khuôn mặt vừa hữu lý, vừa tự tin và lôi cuốn cho Đạo Công Giáo lúc Đức Giáo Hoàng có mặt trong thành phố, giải giới khá nhiều thiên kiến bài giáo hoàng và bài Công Giáo. Ý niệm này thành công đến nỗi ngày nay một Hàn Lâm Viện Các Tiếng Nói Công Giáo đang được thành hình và nhiều người Công Giáo cùng chí hướng ở các nới khác trên thế giới mong đợi được cấp quyền sử dụng danh xưng này.

Điều đáng lưu ý ở đây không phải chỉ là việc Focolare, Muối và Ánh Sáng, và Các Tiếng Nói Công Giáo là những nơi người Công Giáo với các kinh nghiệm khác nhau tạo được tình thân ái. Mà còn là việc chính sách giao thoa của họ đã tạo được một loại “sinh lực lai giống” giúp họ thực hiện được các mục tiêu rõ ràng vượt quá các tài nguyên của bất cứ cơ sở riêng rẽ nào tự hoạt động một mình. Đàng khác, không vị nào trong hàng giáo phẩm đã phát động các dự án này, nhưng cũng không có vị nào đã gây trở ngại cho chúng. Vận may của Giáo Hội trong những năm sắp tới có hay không phần lớn tùy thuộc việc người Công Giáo có khả năng thăng tiến các cố gắng thuộc loại này hay không.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cuối Hè
Tấn Đạt
19:27 21/08/2017
CUỐI HÈ
Ảnh của Tấn Đạt
Hẹn hè năm tới sen về đầy ao..
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Chúa Nhật 20/8/2017
VietCatholic Network
22:02 21/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 20 tháng Tám.

2- Đức Thánh Cha quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố ở thành Barcelona, Tây Ban Nha.

3- Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone.

4- Giáo Hội Công Giáo Nga tưởng nhớ nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản.

5- Dấn thân của Tòa Thánh trong việc thăng tiến và bảo vệ các quyền con người.

6- Nhà thờ tên Mẹ Têrêsa sẽ được thánh hiến tại Kosovo.

7- Một nữ tu nhận giải thưởng về việc xây nhịp cầu thân hữu với Trung Quốc.

8- Các Giám mục Úc: hãy bỏ phiếu “không” cho hôn nhân đồng tính.

9- Xứ Malaysia vẫn còn phân biệt đối xử ngấm ngầm; ngay cả ly uống nước cũng phải dùng riêng.

10- Cha của nạn nhân Charlottesville tuyên bố: Noi gương Chúa Kitô “Xin tha thứ cho họ!”

11- Bản phúc trình về Tự Do Tôn Giáo xếp hạng Việt Nam tồi tệ ngang hàng với Trung Hoa và Miến Điện.

12- Đặc Sứ Tòa Thánh Tại Việt Nam: Hỡi Caesar Việt Nam hãy trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Nữ Vương Hòa Bình.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết