Ngày 16-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Ngài không hề hối tiếc
Phaolô Phạm Xuân Khôi
01:03 16/08/2008
Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XX Thường Niên - Roma 11, 13-15. 29-32

Tuần trước chúng ta thấy Thánh Phaolô than phiền về việc người Do Thái đã không nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia. Họ là những người anh em và đồng bào của ngài mà ngài luôn luôn hết lòng thương mến đến nỗi sẵn sàng bị loại ra khỏi Đức Kitô vì họ.

Như vậy có phải vì không chấp nhận Tin Mừng mà phần lớn con cái Israel sẽ mất ơn cứu độ không? Có phải vì thế mà những đặc ân Thiên Chúa ban cho dân Israel bị vô hiệu hó không? Trong Chương 9 Thánh Phaolô nói lên sự lo lắng của ngài dành cho với dân Israel vì họ không chấp nhận Tin Mừng. Ngài cho họ biết rằng Thiên Chúa không bất công đối với họ, nhưng họ bị loại ra vì họ cứng tin.

Hôm nay Thánh Phaolô đoan chắc với chúng ta là những Kitô hữu gốc Dân Ngoại rằng Thiên Chúa vẫn trung thành với lời Ngài hứa cùng các tổ phụ và ơn kêu gọi họ làm dân riêng của Ngài. Và “ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được”“một khi ngài đã ban ơn và kêu gọi thì Ngài không hề hối tiếc” (Rom 11:28).

C. 13  Tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại,

Ở đây, Thánh Phaolô nói với chúng ta là những Kitô hữu gốc Dân Ngoại, bởi vì Ngài được trao phó nhiệm vụ làm Tông Đồ Dân Ngoại. Là Tông Đồ Dân Ngoại không có nghĩa rằng chỉ có một mình Thánh Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại còn các Tông Đồ khác thì không. Và cũng không có nghĩa rằng ngài không có quyền rao giảng cho dân Israel . Thực ra Chúa truyền cho ngài không những đi đến các Dân Ngoại, mà còn rao giảng cho dân Israel sống chung với Dân Ngoại như Người đã phán với Anania khi truyền cho ông đến rửa tội cho Thánh Phaolô: “Hãy đi, vì người ấy là công cụ Ta đã chọn để mang danh Ta đến trước các Dân Ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9:15). Thánh Nhân cho chúng ta biết rằng chúng ta được Thiên Chúa cho đồng hưởng những đặc quyền của Dân Ngài như thế nào.

… tôi (sẽ) tôn trọng chức vụ của tôi. - Có nghĩa là ngài đặt thừa tác vụ của ngài lên trên tất cả mọi việc ngài làm. Động từ tôn tôn trọng ở thì hiện tại, chứ không phải tương lai như dịch ở đây. Thánh Phaolô tôn trọng thừa tác vụ này vì đó là ơn kêu gọi của Thiên Chúa. Chớ gì các Giáo Lý viên cũng tôn trọng ơn gọi làm Giáo Lý viên của mình như Thánh Phaolô.

C. 14 nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ.

Thánh Phaolô so sánh các Kitô hữu gốc Dân Ngoại với anh em đồng bào của ngài là dân Israel . Ngài muôn dân Israel thấy lòng yêu mến Chúa của Dân Ngoại mà phân bì. Phân bì đây không có nghĩa là ghen tương rồi thù ghét, mà có nghĩa là biết hăng hái đón nhận Lời Chúa, tin vào Chúa Giêsu một cách cuồng nhiệt hơn cả Dân Ngoại nữa (x. Rom 10:19). Nhờ thế một số người Israel có thể được cứu rỗi (x Rom 9:2,3; 10:1,2).

C. 15 Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Do việc họ bị loại ra mà thiên hạ được giao hòa. - Thiên Chúa là Đấng có thể biến sự dữ thành sự tốt lành cho những ai yêu mến Ngài. Chính vì Tội Tổ Tông mà Đức Kitô xuống thế để cứu chúng ta. Người sinh ra làm người Do Thái, và sứ vụ đầu tiên của Người là đem Tin Mừng đến cho con cái Israel, nhưng vì họ đã không chấp nhận Người nên hiện giờ họ bị tạm loại ra khỏi Dân Chúa, và nhờ đó các Dân Ngoại đươc giao hòa cùng Thiên Chúa qua việc đón nhận Tin Mừng do các Tông Đồ và Hội Thánh rao giảng.

… họ được thâu nhận… nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết? - Trong câu 12, Thánh Phaolô nói, Nếu sự sa ngã của họ là sự phong phú của thế gian, và sự mất mát của họ là sự giàu sang của các Dân Ngoại, thì còn hơn biết mấy khi họ hoàn toàn trở lại (với Chúa)!” (Rom 11:12). Vậy “thâu nhận” ở đây có nghĩa là họ trở lại nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia của họ. Thánh Phaolô so sánh việc dân Israel bị loại ra như cái chết thiêng liêng và việc họ trở lại như việc Phục Sinh.

Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa bắt đầu từ dân Israel , nhưng dành cho mọi người. Chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thể hiện cách đặc biệt qua việc Ngài tuyển chọn dân Israel và được hoàn tất khi toàn thể Israel nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Về điều này, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết:

Ðấng Mêsia quang lâm vinh hiển (x. Rom 11:31) đến lúc nào là tùy thuộc vào việc "toàn thể Israel " (Rom 11:26; Mt 23:39) nhận biết Người. Nhưng hiện nay "một phần dân Israel còn cứng lòng" (Rom 11:25) "họ không tin" (Rom 11:20) Ðức Giêsu. Thánh Phêrô nói với người Do Thái ở Giêrusalem sau lễ Hiện Xuống: "Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ thảnh thơi mà Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Ðấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Ðức Giêsu đến. Ðức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa" (Cv 3:19-21). Thánh Phao-lô cũng phụ họa: "Nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại sẽ là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?" (Rom 11:15). Việc "người Do Thái trở về đông đủ" (Rom 11:12) trong ơn cứu độ của Ðấng Mêsia, sau khi các dân ngoại gia nhập đông đủ (x. Rm 11:25; Lc 21:24), sẽ làm cho dân Chúa "đạt tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô " (Ep 4:13) trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài "(1 Cr 15:28) (GLCG 674).

Công Đồng Vatican viết rằng chỉ một mình Thiên Chúa biết ngày dân Isreal trở lại.

Thánh Kinh làm chứng Giêrusalem không nhận biết thời gian Chúa thăm viếng mình và phần lớn dân Do Thái không tiếp nhận Phúc Âm; trái lại nhiều người còn chống đối việc bành trướng Phúc Âm. Tuy thế, theo lời Thánh Tông Ðồ, Thiên Chúa vẫn rất quý yêu người Do Thái vì Tổ Phụ họ và Ngài không ân hận vì đã ban hồng ân và kêu gọi họ. Cùng với các Ngôn Sứ và Vị Tông Ðồ, Giáo Hội chờ đợi ngày chỉ mình Chúa biết, ngày mà mọi dân tộc đồng thanh kêu cầu Thiên Chúa và "sát cánh phượng thờ Ngài" (Soph 3:9) (Nostra Aetate, #4).

C. 29 Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc.

Sau khi nhắc nhở chúng ta, là những Kitô hữu gốc Dân Ngoại, rằng đừng coi thường dân Do Thái vì họ mới là cành mọc ra từ cây dầu (Ôliu) chính là Dân Thiên Chúa, còn chúng ta là cành cây dầu dại đã được ghép vào đó, và được cùng hưởng nhựa sống dồi dào từ rễ cây dầu” (Rom 11:17). Họ đã bị chặt đi vì họ không tin, còn chúng ta “chỉ có thể đứng vững nhờ đức tin mà thôi. Ðừng kiêu căng, nhưng hãy kính sợ” (Rom 11:20).

Đến đây Thánh Phaolô quả quyết rằng Thiên Chúa là Đấng một mực trung thành. Một khi đã ban ơn kêu gọi cho dân Israel thì Ngài không bao giờ hối tiếc (x. Ds 23:9). Vì thế Ngài sẽ tiếp tục gọi người Do Thái vào Dân Thiên Chúa. Ngài không chấp tội lỗi hay sự bất phục tùng của họ, nhưng luôn yêu thương họ với một tình yêu vĩnh cửu như Ngài đã hứa với tổ tiên họ trong Cựu Ước. Vì Đức Giavê, Thiên Chúa của anh em, là Thiên Chúa đầy lòng thương xót; Ngài sẽ không bỏ rơi anh em hoặc tiêu diệt anh em, hoặc quên giao ước mà Ngài đã thề hứa cùng tổ phụ anh em” (Dnl 4:31).

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Một khi Ngài đã cho chúng ta tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô, Ngài giữ lời hứa của Ngài đối với chúng ta qua Đức Kitô. Trong đó hai lời hứa quan trọng nhất của Đức Kitô là: “Thầy sẽ ỡ cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20) và Thần Chân Lý để dẫn dắt chúng ta trong mọi sự (Ga 16:13). Đức Kitô và Chúa Thánh Thần vẫn ở với chúng ta trong Lời Người, trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Đức Kitô và Chúa Thánh Thần

C. 30 Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót;

Thánh Phaolô nhắc cho chúng Ta nhớ rằng mình từ đâu mà đến. Nhiều người Công Giáo hãnh diện rằng mình là đạo dòng nên coi thường những người không có đạo. Dù là đạo dòng, gốc của chúng ta vẫn là Dân Ngoại. Vì dân Israel cứng lòng tin, mà Thiên Chúa ban tặng Đức Tin cho chúng ta. Nhờ chấp nhận Đức Tin này mà chúng ta được Ngài thương xót. Cho nên chúng ta không có quyền tự hào về Đức Tin của mình mà phải tiếp tục trau dồi để Đức Tin được thêm vững mạnh. Khi còn là Dân ngoại chúng ta đã sống trong tội lỗi (x. Eph 2:2), giờ đây chúng ta sống trong tình thương của Thiên Chúa, được Ngài nhận làm con cái và cho thừa hưởng cùng một gia nghiệp của Dân Israel . Vậy chúng ta hãy nhìn đến đến sự nhân lành và nghiêm khắc của Thiên Chúa; Ngài nghiêm khắc với những kẻ vấp phạm, nhưng nhân lành với chúng ta, miễn là chúng ta tiếp tục sống trong sự nhân lành của Ngài; nếu không cả chúng ta cũng sẽ bị chặt đi (x. Rom 11:22).

C. 31 cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót.

Nếu Thiên Chúa có thể dùng sự bất phục tùng của dân Israel mà làm ích lợi cho Dân Ngoại, thì Ngài cũng có thể dùng sự thương xót mà Ngài tỏ ra cho Dân Ngoâi để dên Israel thấy mà trở lại để được thương xót.

Làm thế nào để cho Dân Israel thấy Chúa thương xót chúng ta? Thiên Chúa đang dùng mỗi người chúng ta để tỏ lòng thương xót của Ngài ra không những cho Dân Israel mà còn cho những Dân Ngoại khác là những người chưa nhận ra Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta trở thành công cụ của lòng thương xót. Chúa muốn dùng chúng ta để tỏ lòng thương xót của Người cho tha nhân. Chúa muốn chúng ta trở nên ánh sáng thế gian hầu sự sáng của chúng ta tỏa ra trước mặt người đời, để họ thấy những việc lành chúng ta làm, mà tôn vinh Cha chúng ta, Ðấng ngự trên trời (x. Mt 5:16).

C. 32 Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Thiên Chúa đã để mọi người bị giam hãm trong sự cứng lòng tin - không có nghĩa là Ngài làm cho mọi người ra cứng lòng, nhưng Ngài để cho người ta được tự do tin vào Đức Kitô hay không. Bao lâu một người, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, chưa tin vào Đức Kitô thì bấy lâu người ấy vẫn bị giam hãm trong vòng nô lệ tội lỗi. Người Do Thái tin rằng nhờ cố gắng giữ Lề Luật ông Môsê họ sẽ được sống. Còn Dân Ngoại thì sống theo những triết lý nhân bản hay sống theo xác thịt.

Nhưng vì sức con người yếu đuối, không ai có khả năng làm trọn Lề Luật. Lề Luật bảo người ta phải làm gì để được sống, nhưng không ban ân sủng cho người ta để sống theo Lề Luật, nghĩa là không có khả năng làm cho người ta sống. Thánh Phaolô nói, “Thật vậy, giả như có một luật nào đã được ban cho con người mà lại có khả năng làm cho sống, thì quả là người ta được nên công chính nhờ Lề Luật. Nhưng Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho các kẻ tin” (Gal 3:21-22).

… để xót thương hết mọi người – Vì xót thương hết mọi người, bất kể là ai, Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 4:2). Nhưng vì con người không tự giải thoát mình được, nên Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài là Đức Chúa Giêsu Kitô xuống giải thoát chúng ta. Để ai tin vào Đức Kitô thì được sống. “Vì chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Ðức Giêsu Kitô” (1 Tim 4:3).

Cho nên sự thất bại của con người, dù là Do Thái hay Dân Ngoại, là dịp để Thiên Chúa thực thi lòng thương xót của Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã thương cho con được trở thành một phần tử của Dân Riêng Chúa. Xin giúp con luôn luôn nhớ đến những hồng ân Chúa đã ban quá thương xót con. Xin ban thêm Đức Tin cho con để con luôn biết khiêm nhường vững tin vào Chúa, và sống xứng đáng là con cái Chúa để mọi người nhận ra Chúa qua cách sống của con. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ

1. Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng lãnh nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Bạn đã đặt nặng hay coi thường nhiệm vụ này?

2. Có khi nào bạn cũng hành động giống người Do Thái nghĩ rằng mình được nên công chính trước mặt Thiên Chúa vì cách giữ đạo hình thức của mình không? Bạn làm gì để sửa sai thái độ này?

3. Kể ra ba việc bạn thường làm để có thể đứng vững trong Đức Tin?

4. Có khi nào bạn nghĩ rằng mình đứng vững được là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa không? Hãy kể ra bốn điều mà Thiên Chúa đã làm cho bạn vì thương xót bạn. Bạn đã làm gì để đáp lại?

5. Thiên Chúa đã hứa với bạn những gì? Và Ngài trung thành với những lời hứa ấy ra sao?

6. Bạn đã hứa với Thiên Chúa những gì? Và bạn đã trung thành với những lời hứa ấy ra sao?

 
Niềm tin Việt Nam: Lời khen thành thật
Nguyễn Trung Tây, SVD
01:48 16/08/2008

Niềm tin Việt Nam: Lời khen thành thật

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.
Tình già, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Tan buổi họp Legio, vừa về tới cửa nhà, dì Tư đã cất tiếng than,

— Tui là tui hổng có thích bà Hội Trưởng!

Ông Tư trợn mắt nhìn vợ,

— Lạ kỳ chưa! Mọi bữa tui thấy hai người hay gọi điện thoại nói chuyện xì xào chị chị em em với nhau thân tình lắm mà. Giờ sao tự dưng ở đâu rớt xuống một cái bịch, “Tui hổng có thích bà Hội Trưởng!”. Bà nói năng lãng xẹt như vậy, ai mà hiểu cho nổi?

Dì Tư chép miệng,

— Ờ, thì ông nói cũng đúng! Ta nói bà Hội Trưởng Hội Legio cái chi cũng được. Trong nhà ngoài ngõ, chuyện chi bả ấy cũng tốt lành. Chồng chết từ bao lâu nay rồi, mà một tay bả dậy dỗ con cái tám đứa là đều tăm tắp tám đứa. Ta nói mấy đứa con mặc dù lớn ở bên đây, nhưng thấy tui bước vô nhà là cúi đầu chào, “Con chào dì Tư. Dì Tư mạnh khỏe?”, rồi là tự tay pha trà mang ra mời khách. Còn việc trong Hội Legio là một mình bả ấy lo toan tính toán, sổ sách giấy tờ chi thu đâu đó minh bạch, không thiếu một đồng, không lọt một xu. Thiệt tình tui coi bả ấy như chị ruột của mình, như là một tấm gương sáng cho mình soi…

Dì Tư dừng lại,

— Nhưng bà Hội Trưởng chỉ có một cái “tật” mà tui hổng có thích từ bao lâu rồi. Ta nói bà ấy cứ mở miệng ra một cái là khen ngợi người này ca tụng người kia. Ông nghĩ tui nói có đúng hay không? Góp tay xây dựng cho Hội Legio là việc của mọi người. Nhưng hễ tui cứ vừa mần chiện cho Hội xong một cái là bữa sau bả ấy đứng lên khen tui oang oang ở ngay giữa hội trường…

Ông Tư trợn mắt,

— “Bà ấy cứ mở miệng ra một cái là khen ngơi người này người kia”. Có thế thôi mà bà không thích người ta.

Dì Tư chép miệng,

— Ông nói chiện! Thì ai mà lại không thích được khen…

Dì Tư ngập ngừng... Ông Tư mất kiên nhẫn,

— Bà có chuyện chi muốn nói thì cứ tự nhiên mà nói. Việc chi mà bà cứ phải mần tuồng làm như tui với bà hai người lạ mặt, mới đụng mặt nhau ở ngay cửa chợ không bằng.

Bị chồng càm ràm, dì Tư buông lời nói luôn,

— Thì ta nói ai mà chẳng thích được khen. Nhưng bởi bà Hội Trưởng cứ mở miệng một cái là khen, khiến tui tự kiêu, mất đức khiêm nhường, nghĩ là mình ngon, rồi là lên mặt song tàn với người trong Hội. Cho nên tui thấy phước đâu chưa thấy mà đã thấy tội, mà lại là cái tội tự kiêu, đầu mối mọi thứ tội. Ông còn nhớ cái chiện ông Adong bà Evà chứ gì. Đó, đó! Cũng chỉ bởi vì cái tội tự kiêu, nghĩ là mình ngon, rồi lên mặt song tàn muốn cho bằng Thiên Chúa…

Dì Tư nhìn chồng, đo lường tình thế,

— Ông thấy tui nói có phải tuồng phải tích hay không?

Ông Tư nhìn xuống đất, đầu gật gù,

— Bà nói tuồng tích cũng phải mà lý lẽ cũng thông. Nhưng tôi nhớ đâu có mấy lần Chúa Giêsu cũng cất tiếng khen ngợi người ta ngay nơi công cộng thì sao?

Dì Tư hỏi lại cấp kỳ,

— Đâu, đâu? Ông chỉ cho tôi coi cái đoạn đó nó nằm ở chỗ nào trong Kinh Thánh?

Ông Tư chép miệng,

— Thì tôi nhớ đâu cái câu truyện mà ông sĩ quan La Mã mở miệng xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ của ổng đó. Rồi thêm cái bà xứ Canaan cứ đi theo năn nỉ xin Chúa chữa cho cô con gái bị quỷ ám. Rồi lại thêm cái bà góa, cái bà mà chỉ có hai xu là tài sản duy nhất lận trong người đó, thế mà bà ta cũng dám dâng tặng hết cả hai xu vào trong thùng tiền cúng. Ta nói gặp ba người này, Chúa cất tiếng khen ngợi cả ba oang oang ngay giữa phố xá vậy thôi.

Ông Tư phân tích,

— Ta nói khen ngợi người khác không phải là một vấn đề khiến tôi bận tâm, nhưng cái tâm ý khiến mình mở miệng khen mới là điều làm tôi suy nghĩ. Thiên hạ có người hay mở miệng khen để lợi dụng nhờ vả, hoặc “mật ngọt chết ruồi” để rồi thừa lúc người ta không để ý, mình giơ cao tay ám hại. Những trường hợp này, tôi không muốn nói tới.

Ông Tư nhìn vợ,

— Nhưng nếu mình khen một người, mà lời khen đó thành thật; mình khen mà không phải khen giả dối để mà cầu lợi; mình khen bởi vì người ta là một tấm gương sáng, xứng đáng với lời khen; mình khen bởi vì muốn khuyến khích người ta tiếp tục trở thành một tấm gương sáng, trong những trường hợp như thế, mình cũng nên học theo gương Chúa Giêsu cất tiếng khen ngợi khuyến khích người ta. Chứ chẳng lẽ mình cứ phải đợi lúc người ta chết chôn sâu dưới ba tấc đất, lúc đó mới đọc diễn văn, đánh trống, thổi kèn rùm beng khen ngợi người ta hay sao? Mà bà biết rồi đó, Chúa Giêsu đâu có làm như vậy đâu...

Lời Chúa
Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tire và Sidon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi (Matt 15:21-28).

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin dậy chúng con biết bắt chước Chúa, mở miệng khuyến khích nhau cùng tiếp tục sống chứng nhân Tin Mừng cho danh Chúa ngày thêm chiếu sáng trên mặt quả địa cầu.

www.nguyentrungtay.com
 
Không ai bị loại trừ khỏi trái tim của Thiên Chúa
Lm. Phêrô Nguyễn Hương
14:38 16/08/2008
Không ai bị loại trừ khỏi trái tim của Thiên Chúa

(Chúa Nhật XX Thường niên A)

Không ai xa lạ, không một ai bị loại trừ khỏi trái tim và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là chủ đề chính mà phụng vụ lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu với chúng ta.

Extra ecclesiam nulla salus? (Ngoài Giáo hội không có sự cứu rỗi?)

Ngày xưa, Giáo Hội Công giáo chúng ta cũng có quan niệm rằng: “Extra ecclesiam nulla salus: ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ” (san Cipriano). Quan niệm này đã bị hiểu cách méo mó và cũng đã tồn tại trong Giáo hội rất lâu hàng thế kỷ. Phải chờ đến Công Đồng Vatican II mới cho ta một cái nhìn quân bình và mới mẽ về ơn cứu độ của những người ngoài Giáo hội.

Trong hiến chế Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn Dân, số 16 nói đến những người sau đây dù không thuộc về Giáo hội một cách hữu hình nhưng vẫn hy vọng được cứu độ: trước hết phải kể đến những người tin nhận Thượng Đế và tôn thờ Người như là đấng Tạo Hóa của đời mình, họ là những người Do thái và Hồi giáo. Kế đến là những người vô tình không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo hội, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, thì có thể được cứu độ. Một cách vô hình họ cũng thuộc về Giáo hội.

Cái nhìn này có nền tảng Kinh thánh và thần học rất vững chắc: Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ (1 Tm 2,4). Thiên Chúa có những cách thế riêng để cứu độ họ.

Và đây cũng là cái nhìn của Lời Chúa hôm nay: ở bài đọc I, Isaia cho biết: Thiên Chúa không chỉ muốn cứu độ Israel – Dân riêng, Ngài còn muốn đón nhận và cứu độ tất cả những ai “giữ luật và thực thi công bình”, cả những người “ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và yêu mến danh Người vì “nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Nói như Thánh vịnh là: Thân Lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (Tv 66,6). Thánh Phaolô quả quyết: “Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc” (Rm 11, 13-15).

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng cũng xác nhận Ngài được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel, nhưng Ngài cũng đến để cứu độ Dân Ngoại, khi Ngài công khai khen ngợi đức tin của người đàn bà Canaan và nhờ đức tin mạnh mẽ và kiên nhẫn của Bà, Chúa chữa lành con gái của bà bị quỷ ám. Đức tin đó mang lại ơn cứu độ, Đức tin đó khiến Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho Bà.

Vâng, chúng ta phải xác tín rằng: ý định của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người, ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến là cho tất cả, không lại trừ ai, không giới hạn bởi khu vực, chủng tộc, quốc gia. Đức Kitô chết cho hết mọi người không loại trừ ai. Đó là niềm hy vọng lớn lao nhất cho tất cả chúng ta và cho những ai không thuộc về Giáo hội. Thiên Chúa không loại trừ ai, chỉ có con người loại trừ nhau. Thiên Chúa không có kỳ thị và phân biệt ai, chỉ có con người mới kỳ thị nhau và tạo ra những hàng rào ngăn cách. Vì thế hôm nay, tất cả chúng ta được mời gọi mở rộng cái nhìn của mình theo cách nhìn của Thiên Chúa, là biết kính trọng và biết đón nhận sự khác biệt và sự đa dạng phong phú của những người khác, của tôn giáo khác. Đồng thời tất cả chúng ta cũng được mời gọi truyền giáo và rao truyền những gì tốt đẹp của Tin Mừng cho những người xưng quanh, nhất là những người chưa biết Chúa.

Câu chuyện sau đây cũng diễn tả được điều mà chúng ta vừa nói: Ngày nọ, Chúa đến một hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưng những người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ.

Tại quầy hàng của người Do thái, người ta treo quảng cáo: “Chúa là Ðấng thương xót và dân Do thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do thái, không ai khác được chọn như họ”.

Tại quầy hàng của người Hồi giáo, thì rao rằng: “Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa”.

Tại quầy hàng của người Kitô giáo, thì trưng bày: “Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo hội. Hoặc gia nhập Giáo hội hoặc là mất linh hồn đời đời”.

Trên đường trở ra, có người hỏi Chúa: “Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa?”

Chúa trả lời: “Ta không tổ chức hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó”!!!
 
Hiệp thông với Chúa Giêsu cầu nguyện
+ GM JB Bùi Tuần
16:23 16/08/2008
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN

Mỗi người có thể kể ra kinh nghiệm của mình về sự cầu nguyện. Hôm nay tôi xin kể ra vài kinh nghiệm do người khác thuật lại cho tôi. Kinh nghiệm này tập trung vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu. Khi hiệp thông với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, họ đã được Người chia sẻ cho tâm tình của Người.

1/ Tâm tình của Chúa Giêsu như đã được viết trong thư gởi Do Thái

"Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhận lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh viễn cho tất cả những ai tùng phục Người" (Dt 5,7-9).

Tâm tình của Chúa Giêsu trên đây đã được một số người cảm nghiệm nơi chính bản thân họ.

Những khẩn cầu nài van của họ thường đi đôi với những tiếng khóc than. Họ cầu nguyện bằng nước mắt. Họ chịu đau đớn thân xác, đau khổ tâm hồn. Những mệt mỏi, những chán nản với tất cả những gì mà thân phận yếu đuối của họ phải nếm đều như những đắng cay sâu đậm. Họ muốn được cứu. Họ cầu nguyện và dâng những khổ đau của họ lên Thiên Chúa. Vì chỉ có Chúa mới cứu được họ.

Họ tin: Chỉ có Chúa mới cứu được họ khỏi nhiều cõi chết, mà họ đã bị ném vào. Chết vì bệnh, chết vì nghèo, chết vì nợ nần chồng chất, chết vì bị ruồng bỏ, chết vì tội lỗi.

Có những cái chết là do ngoại cảnh. Có những cái chết là do chính họ dại dột ngu đần. Họ muốn thoát ra khỏi chính họ.

Họ nhìn thấy tư bề bế tắc. Chỉ còn Chúa. Nhưng họ nghi ngờ, vì mình quá tệ, quá bất xứng, không biết Chúa còn thương mình nữa không. Họ khóc. Chính những nước mắt khổ đau ấy đã là niềm tin. Họ tin vào Chúa, cho dù họ chẳng còn gì để Chúa thương.

Như vậy, những nước mắt, những kêu khóc của họ khi cầu nguyện, được kết hợp với những nước mắt và kêu khóc của Chúa Giêsu. Nhờ đó mà họ được nâng đỡ ủi an.

Đôi khi, họ xin ơn nâng đỡ ủi an cho người khác, cho Hội Thánh, cho Quê Hương. Họ cũng cầu xin với nước mắt. Những lúc như thế, họ hiểu rõ hơn thế nào là yêu thương thực.

Cầu nguyện như thế là một cách Chúa huấn luyện tình yêu và niềm tin. Yêu thì phải đợi chờ. Yêu thì phải tin. Tin yêu vốn có khổ đau.

Với kinh nghiệm trên đây, nhiều người nhìn ảnh tượng Chúa Giêsu cầu nguyện một cách gần gũi. Hiệp thông gần gũi ấy sẽ càng sống động hơn, khi được hiệp thông với Chúa Giêsu cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

2/ Tâm tình của Chúa Giêsu khi cầu nguyện ở vườn Câu Dầu

Phúc Âm thánh Marcô kể: "Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các ông: 'Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện'. Rồi Người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: 'Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức'. Người đi xa hơn một chút, quỳ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được. Người nói: 'Apba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha'. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: 'Simon, anh ngủ à? Anh không thể thức một giờ sao? Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối'. Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người". (Mc 14,32-40).

Thánh Luca ghi thêm một chi tiết đáng ta chú ý: "Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22,44).

Cảnh cầu nguyện trên đây là rất bi đát. Cầu nguyện mà buồn sầu, bồi hồi, xao xuyến, lo sợ. Cầu nguyện mà cảm thấy cô đơn. Tất cả muốn đề cao tâm tình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Bản tính tự nhiên muốn cưỡng lại. Bạn bè xung quanh không ai đồng ý. Đức Kitô cô đơn giữa những người thân thiết. Qua những lo sợ bồi hồi, xác thịt cho thấy, trốn thoát khổ đau là bình thường. Thánh ý Chúa Cha không cho thấy kết quả trước mắt. Chỉ phải vâng lời. Vâng lời này đòi một sự khiêm nhường tối đa và phó thác trọn vẹn.

Nhiều người cầu nguyện cảm được phần nào cuộc chiến đấu nội tâm gay gắt. Nhưng Chúa Giêsu chiến đấu với họ. Họ cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn của Người.

Sự cô đơn là một thử thách lớn thường đặt ra cho những ai vâng phục thánh ý Chúa. Đôi khi cô đơn là rất lớn lao, lâu dài, sâu rộng. Cùng với Chúa Giêsu, họ biết dâng lên Chúa Cha sự cô đơn đó. Lúc ấy, cô đơn sẽ không là dấu chỉ của sự thất bại, nhưng sẽ là niềm tin vâng phục dẫn tới sự sống và sự sống lại.

Kinh nghiệm như trên không phải là tất cả mọi tâm tình của Chúa Giêsu cầu nguyện. Nó chỉ là một phần, nhưng là phần quan trọng. Hiệp thông với tâm tình quan trọng này là một đặc ân. Ta cần đón nhận với lòng khiêm tốn. Biết đâu sự đón nhận này sẽ là một chuẩn bị khôn ngoan cho tương lai của bản thân ta và của Hội Thánh, một tương lai sẽ không thiếu thử thách, để vâng phục thánh ý Chúa nhiệm mầu trong chương trình cứu độ.
 
Ðức Tin của người Phụ Nữ Canaan
Phaolô Phạm Xuân Khôi
16:27 16/08/2008
Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XX Thường Niên A (Mt 15:21-28)

Tuần trước Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết rằng Người là Thiên Chúa có quyền trên biển cả bằng cách đi bộ trên biển và làm cho sóng gió lặng yên. Còn các môn đệ thì tưởng Người là ma. Thánh Phêrô, tuy có tin, nhưng lòng tin vẫn còn yếu kém đến nỗi bị chìm xuống nước và kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con.”

Hôm nay Chúa cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của một người phụ nữ ngoại đạo. Dù bị Chúa từ chối đến ba lần, bà vẫn một mực tin vào Chúa và kêu xin Người cứu giúp. Sau cùng không những Chúa đã nhận lời bà, mà còn đề cao đức tin của bà trước mặt dân Do Thái và chúng ta.

Mt 15:21 - Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon,

Thành Tia và Siđon xưa kia là hai thành của Dân Phênicia, là những thành cũng đầy tội lỗi chẳng kém gì thành Sôđôma (Is 23:1-18; Ede 26:4-5; Ede 26:28). Hai thành này đã bị người Babylon tàn phá trong thời lưu đầy, nhưng đến thời Chúa Giêsu thì đã được xây cất lại và trở nên phồn thịnh. Sau cùng người Rôma cũng giày xéo chúng. Hầu hết dân chúng ở đây là Dân Ngoại.

Mt 15:22 - thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm"

Thánh Matthêu gọi người phụ nữ này là một người đàn bà Canaan , vì đây là vùng đất mà người Do Thái chiếm của người Canaan khi vào Ðất Hứa (x. Tl 1:30). Thánh Marcô gọi người phụ nữ này là người “gốc Phênicia thuộc Syria ” (Syro-Phoenician). Cả hai Tin Mừng đều viết rằng bà ta là Dân Ngoại. Theo Lề Luật Do Thái thì Chúa Giêsu không được phép tiếp xúc với Dân Ngoại.

Tuy là Dân Ngoại nhưng bà cũng nhận ra Chúa Giêsu là Ðức Kitô, nên bà mới gọi Người là “Con Vua Ðavid.” Thật là ngược đời khi người Do Thái mong đợi Đấng Mêsia cả mấy ngàn năm, mà khi Người đến họ lại không nhận ra Người. Còn người phụ nữ ngoại giáo này thì công khai tuyên xưng Người là “Con Vua Đavid” tức là Đấng Mêsia trước mặt dân Do Thái. Nếu hiểu rằng đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa, chẳng lẽ Chúa không ban đức tin cho dân Do Thái mà lại ban đức tin cho người phụ nữ ngoại đạo này sao?

Chúng ta thấy rằng khi còn ở dương thế, Chúa Giêsu khi đó đặt trọng tâm, dù công tác mục vụ của vào dân Do Thái, chứ không phải Dân Ngoại. Phần lớn người Do Thái không tin vào Chúa vì họ không mở lòng ra, chứ không phải vì Thiên Chúa không ban đức tin cho họ. Tuy nhiên Thiên Chúa ban đức tin cho tất cả những ai tìm gặp Đức Kitô dù người ấy là Dân Ngoại, miễn là tâm hồn họ rộng mở để đón nhận hồng ân này. Vì người phụ nữ Canaan này khiêm nhường, tin tưởng, kiên tâm và thành khẩn cầu xin nên Chúa đã chữa con bà.

Thái độ của người phụ nữ này tượng trưng cho những tâm hồn biết thống hối. Bà biết rõ tình trạng con bà là “bị quỷ ám khốn cực lắm.” Chúa đến để cứu những người tội lỗi. Giờ đây người mẹ này đến để xin Chúa cứu con mình khỏi quỷ ám. Làm sao mà Chúa không động lòng. Ngày nay có nhiều cha mẹ thấy con cái mình hư đốn, thay vì chạy đến với Chúa để xin Người cứu chữa, thì họ chỉ biết che đậy cho con. Thực ra giới trẻ ngày nay bị quỷ ám nhiều hơn xưa, nhưng người ta không biết vì không tin rằng có ma quỷ.

Mt 15:23 - Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi"

Nhiều người không có đức tin đã dùng thái độ lạnh nhạt và khinh khi của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Canaan trong câu này để chứng minh rằng Người là một kẻ kiêu ngạo và tầm thường không đáng cho chúng ta kinh phục. Nếu chỉ đọc câu này cách đơn độc mà không đọc theo tinh thần của Tin Mừng thì nhiều người Công Giáo cũng bối rối không biết phải giải thích ra sao về thái độ lạ lùng của Chúa. Khắp nơi trong Thánh Kinh, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe những người bị áp bức. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại không thèm nghe những lời kêu van của người phụ nữ này? Chính các môn đệ cũng phải thắc mắc và can thiệp vào chuyện ấy.

Như đã nói ở trên, theo Lề Luật, người Do Thái không được phép tiếp xúc với Dân Ngoại. Sở dĩ Chúa Giêsu đã phớt lờ đi mà không trả lời người phụ nữ này để cho mọi người thấy sự phi lý của việc giữ Luật theo hình thức mà không theo tinh thần. Đồng thời Chúa cũng muốn thử và chứng tỏ lòng tin của người bà để khích động lòng tin của dân Do Thái làm cho đồng bào của Người phân bì, hầu cứu rỗi được ít người trong họ (x. Rom 11:14).

Mt 15:24 - Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel "

Chúa Giêsu giải thích lý do Người im lặng vì Người “chỉ được sai đến cùng chiên lạc của nhà Israel .” Thực ra Chúa đến để cứu tất cả mọi người, nhưng sứ vụ trước tiên của Người là rao giảng cho dân Israel . Sau Người sống lại từ cõi chết, Người mới sai các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân. Thái độ của Chúa ở câu này không những để thử lòng tin của người phụ nữ Canaan một lần nữa, mà còn để cho chúng ta, là các môn đệ của Người, thấy cần phải có lòng tin đó mạnh mẽ như thế nào khi cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta cầu nguyện, và chúng ta thấy Chúa đối xử với chúng ta chẳng khác gì với người phụ nữ này, nên đâm ra chán nản mà kêu trách Chúa.

Mt 15:25 Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi"

Người phụ nữ này đã không vì bị khước từ mà chán nản bỏ cuộc. Càng bị Chúa khước từ bà càng bám chặt lấy Chúa. Tình trạng bị Chúa khước từ của bà cũng giống như tình trạng cảm thếy khô khan trong khi cầu nguyện. Càng yêu mến Chúa nhiều, càng được thử thách nhiều như tình trạng không cảm thấy tình yêu và sự an ủi của Thiên Chúa mà Mẹ Têrêxa thành Calcuta phải chịu nhiều năm. Đó là lý do tại sao các Thánh dạy chúng ta rằng khi cầu nguyện mà thấy khô khan thì lại càng phải kiên tâm cầu nguyện nhiều hơn. Trong những lúc cảm thấy khô khan, chúng ta hãy nhớ lại gương của người phụ nữ này mà tiếp tục khiêm nhường, kiên tâm, và thành khẩn cầu xin. Dù Chúa hầu như gián tiếp từ chối, bà vẫn tiếp tục thờ lạy Người và kêu xin. Bà thờ lạy Người vì bà tin rằng Người là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa. Bà kêu xin Người vì bà tin rằng Người có thể làm được mọi sự.

Ở đây người phụ nữ Canaan đã làm hai việc:

(1) đến lạy Người - thực ra phải dịch là thờ lạy Người. Chữ προσεκυνει có nghĩa là “đã thờ lạy” như một người thờ kính một vị thần minh, chứ không chỉ lạy như một người xin xỏ điều gì. Việc làm này đi đôi với lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con Vua Đavid”, chứng tỏ rằng người phụ nữ ngoại giáo này xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia.

(2) “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi” - Câu κυριε βοηθει μοι nên dịch là “Lạy Chúa, xin cứu giúp con” cho phù hợp với việc thờ lạy ở trên.

Mt 15:26 - Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó"

"Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó" - là một thành ngữ của người Do Thái. Họ cho rằng chỉ có một mình họ là con cái Thiên Chúa, nên họ tất cả Dân Ngoại như con chó. Con chó của Do Thái không phải là loại chó được nuông chiều hôn hít như ở Hoa Kỳ, nhưng là loài súc vật nuôi để giữ nhà và ăn những gì thừa thãi. Sứ vụ của Chúa Giêsu lúc này là cứu chữa người Do Thái, nên việc cứu chữa Dân Ngoại chẳng khác gì lấy bánh của con cái mà cho chó ăn.

Một lần nữa Chúa Giêsu muốn tỏ cho người Do Thái biết rằng đức tin của người Dân Ngoại này mạnh mẽ ra sao. Chúa dùng thành ngữ của Do Thái để nói với người Do Thái chứ không có ý khinh khi bà ta. Chúa muốn cho người nghe thấy rằng một người họ coi là “con chó” mà có đức tin mạnh như thế, thì họ là “con cái” mà tại sao lại cứng lòng tin.

Mt 15:27 - Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống"

Câu trả lời của người phụ nữ này thật là chí lý. Đúng là ăn miếng trả miếng như cách đối đáp của người Do Thái. Trước hết bà không tự ái, nhưng khiêm nhường nhận mình là con chó. Bà đồng ý với Chúa Giêsu rằng bà là chó, nhưng nhấn mạnh đến sự tương tự giữa một con chó con trong nhà của chủ và mẹ con bà. Bà không dám so sánh mình với những người Do Thái, mà chỉ so sánh với những con chó của họ. Bà chỉ xin Chúa cho bà những gì mà người Do Thái chê bỏ, không thèm ăn, nhưng vất xuống gầm bàn. Mà điều chính người Do Thái chê bỏ chính là Chúa Giêsu, Đấng Mêsia của họ. Vậy đây bà xin nhận Chúa làm Chúa của bà.

Ðể hiểu câu chuyện này, chúng ta nên biết thêm về cách ăn uống của người Do Thái hồi đó. Khi ăn họ có thể ngồi hay nằm, họ không dùng khăn lau tay, nhưng lau tay bằng những mẩu bánh mì. Lau xong họ vất xuống gầm bàn hay ra ngoài cho chó ăn. Chó thời đó vừa dùng để coi nhà, vừa để thanh toán những đồ ăn này để họ khỏi phải thu dọn chúng. Thật còn gì khiêm nhường hơn cho người phụ nữ này khi nhận mình là con chó!

Mt 15:28 - Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành

Chúa khen đức tin của bà trước mặt mọi người. Có thể nói rằng “giờ của Chúa chưa đến” (x. Ga 2:4), nhưng Chúa đã làm phép lạ này vì thấy lòng tin mạnh mẽ của bà, như khi thấy lòng tin mạnh mẽ của Mẹ Người tại tiệc cưới Cana. Việc người phụ nữ tin vào Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho thấy là đã đến lúc Dân Ngoại được nghe Tin Mừng. Khi ban cho người phụ nữ này một đức tin mạnh mẽ như thế, Chúa Cha cũng cho phép Chúa Giêsu chữa lành cho con bà, dù bà là Dân Ngoại.

Kết Luận

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa và là một câu trả lời dứt khoát. Cầu nguyện luôn đòi phải cố gắng vì là một cuộc chiến đấu với chính mình và các mưu chước ma quỷ cám dỗ. Người ta cầu nguyện thế nào thì cũng sống như vậy, vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện. Nếu chúng ta không muốn có thói quen làm theo Thần Khí của Ðức Kitô, thì chúng ta không thể có thói quen cầu nguyện nhân danh Người. Cuộc "chiến đấu thiêng liêng" để Kitô hữu sống đời sống mới, không thể tách rời cuộc chiến cầu nguyện. Có rất nhiều trở ngại trong khi cầu nguyện. Muốn thắng những trở ngại này, chúng ta phải chiến đấu để biết khiêm nhường, tín thác và kiên trì (x. GLCG 2726-2745).

Thái độ của người phụ nữ Canaan hôm nay đã chứng tỏ cho chúng ta thấy cách cầu nguyện của bà. Bà đã khiêm nhường, kiên trì và tin tường mãnh liệt vào Chúa dù bị chính Chúa khước từ bà đến ba lần. Và sau cùng bà đã được toại nguyện.

Lạy Chúa xin thêm đức tin cho con vì con chưa có một đức tin mạnh mẽ và kiên trì như người phụ nữ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin cho con lúc nào cũng biết khiêm nhường nhận chân được tình trạng yếu hèn của con để luôn luôn biết lệ thuộc và tín thác vào Chúa đồng thời không coi thường anh chị em con, đặc biệt là những người cô thế. Amen

Câu hỏi đểu suy nghĩ và thảo luận

1. Điều gì bạn cho là hay nhất và làm cho bạn chú ý nhất trong câu chuyện này?

2. Có bốn nhân vật chính trong câu chuyện: Chúa Giêsu, người phụ nữ, con gái bà và các môn đệ. Vai trò nào thích hợp với bạn nhất? Tại sao?

3. Người phụ nữ Canaan là một người ngoại giáo làm sao bà biết mà gọi Ðức Chúa Giêsu là “Con Vua Ðavid”?

4.  Tại sao Chúa lại gọi bà này là con chó? Nếu Chúa đối xử với bạn như thế, bạn có tiếp tục nài xin như bà này, hay sẽ bỏ về vì tự ái?

5. Bạn học được những gì về Người phụ nữ này? Về Chúa Giêsu? Và về thái độ của Chúa đối với những người không phải là Do Thái?

6. Khi phải chạm trán với những người xa lạ, người ngoài, bạn có thái độ giống Chúa Giêsu hay giống các môn đệ?

7. Thiên Chúa đã đi bao xa để đến cứu chữa bạn? Bạn sẽ đi được bao xa để đến giúp đỡ tha nhân?

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 16/08/2008
ĐÔI GIÀY CỦA PHÚ ÔNG

N2T


Một phú ông theo đạo Hồi, sau khi tham gia bữa tiệc thịnh soạn thì đi vào trong nhà thờ cầu nguyện, ông ta phải cởi đôi giày rất đắc tiền của mình bỏ ngoài cửa. Khi ông ta cầu nguyện xong bước ra cửa nhà thờ, thì phát hiện đôi giày của mình không cánh mà bay mất tiêu.

- “Tôi thật lơ đãng quá, đem đôi giày bỏ bên ngoài cửa, đúng là tạo cơ hội cho kẻ trộm cắp.”

- “Tôi rất muốn đem đôi giày tặng cho đối phương, nhưng thật đáng tiếc, tôi lại làm cho nhân loại nhiều thêm một đứa ăn cắp. “


(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Một đôi giày bị mất cắp mà có hai câu trả lời: một câu thì trách mình sao quá lơ đãng, và một câu khác nói để an ủi mình.

Con người ta thường là như thế, khi của cải đầy nhà đầy kho thì không hề bố thí giúp đỡ người khác, đến khi bị mất của thì lại nói với người khác để đỡ thẹn: tôi định bố thí cho người nghèo, nhưng bây giờ thì mất hết rồi, hoặc là, tôi muốn giúp họ nhưng e rằng tạo cơ hội cho họ làm biếng thêm...

Làm việc bác ái thì không đợi đến ngày mai, cứu giúp người khác thì không đợi đến sang năm hay đợi đến có cơ hội thuận tiện, bởi vì “một miếng khi đói bằng gói khi no”.

Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu, nhưng có những người Ki-tô hữu chỉ có bác ái trong nhà thờ mà thôi: họ bỏ tiền thau rất nhiều và cúng cho nhà thờ cũng lắm để được tiếng khen; họ chỉ có bác ái giúp đỡ các cha sở vốn đã giàu có lại giàu có thêm, còn những người nghèo nằm lê lết bên vệ đường trước mặt họ thì họ lại nhìn mà không thấy...ha ha ha...

Hành động của bác ái là nếu giúp được thì lập tức ra tay giúp đỡ, bằng không được thì cũng nói lời an ủi.

Ai mà không vui khi họ đã thấy tấm lòng của mình luôn quan tâm đến họ chứ !
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 16/08/2008
N2T


2. Cầu nguyện vốn là không coi trọng lời lẽ hùng biện, nhưng coi trọng sự rên xiết than thở trong tâm hồn của con người.

(Thánh Augustinus)
 
Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (2)
Vũ Văn An
19:35 16/08/2008
Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội

Mào Đầu

Mấy dòng lịch sử: Các dấu chỉ thời đại sau 40 năm kể từ Công Đồng Vatican II

"Để Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Tx 3:1)

Một Mùa Nhiều Hoa Trái

5. Cộng đồng Kitô giáo đã cảm nghiệm được nhiều điều tích cực như là hậu quả từ sinh hoạt năng động của Lời Chúa. Nói chung, những kinh nghiệm ấy có thể kể như sau:

- Biết đánh giá Thánh Kinh mới mẻ hơn trong phụng vụ, giáo lý, và quan trọng hơn nữa trong các nghiên cứu chú giải và thần học;

- Thực hành việc Đọc Lời Chúa (Lectio Divina) nhiều hơn và có hiệu quả hơn, dưới nhiều hình thức khác nhau;

- Phân phối Thánh Kinh sâu rộng hơn qua các cơ quan tông đồ thánh kinh và các cố gắng của nhiều cộng đồng, nhóm và phong trào giáo hội;

- Con số người đọc mới và thừa tác viên mới Lời Chúa gia tăng hơn bao giờ hết;

- Các phương cách và phương tiện truyền thông hiện đại được dùng nhiều hơn; và

- Trong lãnh vực văn hóa, người ta chú trọng nhiều hơn tới Thánh Kinh.

Các Điều Không Chắc Chắn và Vấn Nạn

6. Tuy nhiên, một số khía cạnh của chủ đề vẫn còn là dấu hỏi mở rộng và đặt ra nhiều vấn nạn. Các vấn nạn sau đây được nhận ra tại hầu hết các giáo hội địa phương:

- Thiếu quen biết với hiến chế “Dei Verbum”;

- Nhiều người đọc Thánh Kinh hơn; tuy nhiên, họ đọc mà không có đủ kiến thức về toàn bộ kho tàng đức tin, là kho tàng mà Thánh Kinh vốn là thành phần;

- Một vài người cảm thấy khó có thể đọc và khó có thể hiểu một số đoạn Cựu Ước đến độ liều mình có thể dùng chúng cách sai lạc;

- Cách tiếp cận Lời Chúa trong phụng vụ Thánh Lễ đôi khi vẫn còn cần phải tạo ra hiệu quả;

- Tương quan giữa Thánh Kinh và khoa học vẫn còn căng thẳng và khó khăn trong việc giải thích thế giới và đời sống con người;

- Vẫn còn một thứ xa lánh nào đó nơi tín hữu đối với Thánh Kinh; Người ta vẫn còn chưa cầm lấy Thánh Kinh và đọc nó;

- Cần phải xem sét mối liên kết gần gũi giữa giáo huấn luân lý tổng quát của Giáo Hội và Sách Thánh, nhất là Mười Giới Răn, các giới luật yêu Chúa và yêu tha nhân, Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn của Thánh Phaolô về sự sống trong Chúa Thánh Thần; và

- Cuối cùng, không những cần phải có tài nguyên vật chất để truyền bá Thánh Kinh, mà còn cần các phương tiện để truyền đạt nó nữa. Các phương tiện ấy đôi khi không thoả đáng.

Các hoàn cảnh đa dạng và đòi hỏi của Đức Tin

7. Khi xem sét những điểm sáng và những điểm tối trên, câu trả lời của các mục tử đã nêu bật ba khía cạnh, trong việc sống đức tin, đáng được suy nghĩ: khía cạnh bản thân, khía cạnh cộng đồng và khía cạnh xã hội.

a. Trên bình diện bản thân, quá nhiều tín hữu ngần ngại không muốn mở Thánh Kinh vì nhiều lý do khác nhau, nhất là vì họ cảm thấy nó quá khó hiểu. Nhiều Kitô hữu rất muốn nghe những Lời nào đặt căn bản trên xúc cảm hơn là trên xác tín, vì họ ít hiểu biết về tín lý. Việc tách rời chân lý đức tin ra khỏi cuộc sống hàng ngày đó chủ yếu thấy rõ trong việc gặp Lời Chúa trong Phụng Vụ. Ngoài ra, một tách rời tương tự như thế đôi khi cũng xẩy ra giữa các học giả thánh kinh và các mục tử một bên và bên kia là các dân dã tầm thường trong cộng đồng Kitô giáo. Thứ đến, các câu trả lời cũng nhìn nhận điều này nữa là nhiều người vẫn còn ở giai đoạn sơ khai trong tiếp xúc trực diện với Sách Thánh. Về phương diện này, cần công nhận công lao của một số phong trào và gương sáng của các linh mục sống đời tận hiến.

b. Vì Lời Chúa hiện được nhiều người sốt sắng trên khắp thế giới lắng nghe, nên trên bình diện cộng đoàn, việc vẫn tồn tại nhiều dị biệt đáng kể bên trong Giáo Hội là điều dễ hiểu. Người ta thấy trong các giáo hội trẻ trung, hay các giáo hội trong đó Kitô hữu là nhóm thiểu số, các tín hữu sử dụng Thánh Kinh nhiều hơn là ở những nơi khác. Các hình thức tiếp cận thay đổi tùy theo bối cảnh. Ngày nay, ta có thể đề cập tới nhiều cách tiếp cận Thánh Kinh khác nhau ở Âu Châu, ở Phi Châu, ở Á Châu, ở Mỹ và Đại Dương Châu. Tuy nhiên, sự khác nhau trong việc sử dụng Lời Chúa luôn có tính bổ túc cho nhau, bất kể nó xẩy ra ở các giáo hội La Tinh hay các giáo hội Đông Phương, hay trong mối tương quan với các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác.

c. Trên bình diện xã hội, sự gia tăng nhanh chóng diễn trình hoàn cầu hóa cũng gây ảnh hưởng đối với Giáo Hội. Một cách tổng quát, các câu trả lời nhắc đến ba nhân tố ảnh hưởng tới cuộc gặp gỡ với Sách Thánh:

- Hiện tượng thế tục hóa đang ảnh hưởng đối với cuộc sống mọi người, khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thờ ơ đối với tôn giáo. Điều ấy càng đúng đối với các thế hệ trẻ;

- Chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và văn hóa dẫn tới việc xuất hiện nhiều hình thức ngộ đạo và bí nhiệm trong việc giải thích Thánh Kinh và việc các nhóm tôn giáo biệt lập trăm hoa đua nở ngay trong lòng Giáo Hội. Đàng khác, việc sử dụng Thánh Kinh càng ngày càng làm tăng các đối kháng khó chịu và tranh chấp đau lòng, nhất là đối với các nhóm thiểu số Kitô giáo trong các bối cảnh không thuộc Kitô giáo; và

- Một số người còn mạnh mẽ muốn được thấy Lời Chúa như là nguồn giải phóng con người khỏi các điều kiện hạ giá nhân phẩm và như một an ủi thực sự đối với người nghèo và người đau khổ.

Trong chương trình tân phúc âm hóa, việc chuyền giao đức tin cần phải đi song song với việc khám phá Lời Chúa có chiều sâu. Lời Chúa cần được trình bầy như của nuôi dưỡng đức tin của Giáo Hội xuyên qua các thời đại.

Cấu trúc của Tài Liệu Làm Việc

8. Tài liệu này có ba phần: phần đầu chú trọng tới ý nghĩa Lời Thiên Chúa, theo đức tin của Giáo Hội, phần hai xem sét Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội; và phần ba đề nghị ra một số suy tư về Lời Chúa trong sứ vụ của Giáo Hội.

Để cho sáng sủa và dễ đọc, mỗi phần sẽ được chia thành nhiều chương. Xét chung, mục tiêu của Thượng Hội Đồng là suy gẫm, trình bầy và dâng lời tạ ơn vì mầu nhiệm vĩ đại Lời Chúa vốn là quà tặng tối cao của Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Claremont rước kiệu và mừng lễ đa văn hóa
VietCatholic
00:52 16/08/2008
Giáo xứ đa sắc tộc Đức Mẹ Lên Trời (Our Lady of the Assumption) ở thành phố Claremont, tổng giáo phận Los Angeles, đã long trọng mừng quan thầy Đức Mẹ Lên Trời với cuộc Rước tôn vinh Mẹ Maria rất đặc sắc va biểu trưng nét văn hóa của giáo xứ. Ba kiệu Đức Mẹ: Đức Mẹ Lên Trời do cộng đoàn người Hoa Kỳ, kiệu Đức Mẹ Guadaluppe do cộng đoàn người Mexicô, và Kiệu Mẹ La Vang do cộng đoàn Việt nam thực hiện, đều đi rước chung trong một tinh thần hiệp nhất và hòa đồng yêu thương.

Những bài hát trong khi rước kiệu và trong thánh lễ cũng được thể hiện nét đặc trưng đa văn hóa này. Có những bài hát được hát chung bằng cả 3 ngôn ngữ: Anh, Sapnish và Việt nam. Cả ngàn người đã tới tham dự cuộc rước long trọng và sốt sắng mừng kin1h Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời.
 
Làm thế nào để bảo vệ con cái chúng ta khỏi những thứ lạc giáo?
Anthony Lê
09:17 16/08/2008
Làm Thế Nào Để Bảo Vệ Con Cái Chúng Ta Khỏi Những Thứ Lạc Giáo?

Theo nguyên gốc thì từ "cult" tức "sự sùng bái" hay "thờ cúng" chỉ đơn giản ám chỉ đến một hình thức thờ tự để hướng trực tiếp đến một đấng siêu nhiên nào đó. Thế nhưng, trong thời đại ngày nay thì từ "cult" đã không còn mang ý nghĩa như vậy nữa, mà nó lại có ý nghĩa mang tính miệt thị (pejorative connotion) mới, nhằm ám chỉ đến một loạt các tín ngưỡng và thái độ khác, ngược với dòng chính hay với xu hướng chính của xã hội con người.

Theo một cuốn sách viết về tâm thần học rất được nhiều người đón nhận, thì từ "cult" được dùng để ám chỉ đến những nhóm có sức lôi cuốn quần chúng (charismatic groups) vốn thường hay áp đặt một kiểu ảnh hưởng ngược đời lên trên các cá nhân. Một "kiểu hệ thống tín ngưỡng và ý thức hệ mãnh liệt" được áp đặt lên những thành viên của nhóm này, và dùng chúng để kiểm soát rất chặt chẻ về thái độ của các thành viên trong nhóm.

"Một sự gắn bó cao độ giữa các thành viên trong nhóm với nhau" nhằm cố làm giới hạn đi sự tự do của từng cá nhân một, càng nhiều chừng nào, càng tốt chừng nấy, để nếu có ai đó rời khỏi nhóm, thì kẻ đó phải gánh chịu một sự thương tổn rất nặng nề về mặt tình cảm lẫn thể xác. Các nhóm tín ngưỡng ngược đời này cố tạo và lan truyền ra những kiểu lời hứa "mang tính chất hão huyền," một kiểu lời hứa với "đầy bánh vẽ và thịt lừa," về mặt tình cảm, nhằm có ngụ ý như là đưa ra một thứ "phương hướng" nào đó cho những ai đang tìm kiếm nó.

Chính vì thế, rất nhiều người mới được tuyển mộ vào trong những nhóm lạc giáo này lại là những trẻ em thuộc vào lứa tuổi đang trưởng thành, hay tất cả những cá nhân nào đó đang phải vật lộn về chính căn tính của riêng mình, tức không còn biết mình là ai nữa, và hiểu được mục đích sống của cuộc đời mình là gì nữa, vân vân.. .. Cũng có rất nhiều nhóm lạc giáo lại khuyến khích các thành viên trong nhóm hãy giữ các mối liên hệ mật thiết với gia đình, và với những người bạn bè củ, để hạn chế bớt tình bằng hữu năng động giữa chính các thành viên trong nhóm lạc giáo với nhau (dẫu rằng việc khiến người đó phải bỏ đi tôn giáo của họ để gia nhập vào lạc giáo đôi lúc cũng còn được khuyến khích hòng để tuyển mộ vào thêm nhiều thành viên mới).

Những nhóm lạc giáo này được thành hình và hướng dẫn bởi những cá nhân có nhiều uy tín (charismatic personalities), những người "vốn vẫn thường rất thô lỗ trong việc tìm kiếm tiền bạc, tình dục, hay sức mạnh, quyền hành" và cố tính gán ép một cách chặt chẽ những mưu đồ "đen tối" đó vào trong chính hệ thống tín ngưỡng của ý thức hệ do chính họ đề ra. Do đó, những ai một khi đã tách khỏi ra được nhóm này, thường hội đủ tiêu chuẩn cho một thứ bệnh gọi là Post-Traumatic Stress Disorder hay PTSD hay chứng căng thẳng rối loạn kinh niên về mặt tình cảm.

Các em ở tuổi mới lớn, và thậm chí là ngay cả chúng ta là những người lớn, nếu không có một đức tin kiên vững, thì chúng ta rất dễ bị cuốn hút vào những nhóm lạc giáo. Sự cuốn hút này xảy ra khi có một sự tác động nào đó giữa những nhu cầu riêng về mặt tâm lý của chúng ta, với sự lôi cuốn có tính hấp dẫn của lạc giáo. Hệ thống tín ngưỡng mãnh liệt này tạo cho người đó ý thức được mục đích quan trọng của cuộc sống, trong khi đó thì cách cư xử cứng nhắc lại kiểm soát việc dần dần cũng cố nên một kiểu ý tưởng có tính lệ thuộc hay đoàn kết với những người khác trong cùng một nhóm, nơi chính bản thân của người đó. Những kiểu lạc giáo này cũng được ví như là một sự hiếp dâm, hay một sự lạm dụng về mặt thể lý vậy, vì chưng, nó không những lạm dụng về mặt tâm linh, mà còn về cả mặt tâm lý của con người nữa.

Đối với những ai "may mắn" thoát ra được những nhóm lạc giáo này thì phải cần đến sự can thiệp ngay của y học. Những thuốc dùng để chống sự suy nhược ngắn hạn có thể được dùng đến, thế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thuộc vào chức năng của phép chữa bệnh bằng tâm lý (psychotherapy) hay tâm lý liệu pháp để giúp cho nạn nhân lấy lại căn tính đã mất đi của riêng mình, để khắc phục những cảm giác hận thù, nỗi xầu não về mặt tinh thần lẫn thể xác, và để nhóm lại những mối quan hệ lành mạnh với những người khác, không thuộc vào những nhóm lạc giáo.

Khi tìm sự chăm sóc cho con cái trong trường hợp bị khủng hoãng sau khi đã thoát ra được nhóm lạc giáo, thì chúng ta cũng cần phải lưu ý đến thái độ về tín ngưỡng của những chuyên gia trị liệu, để bảo chắc rằng họ không phải là những người có tư tưởng chống đối lại đạo Công Giáo nói riêng, hay Kitô Giáo nói chung.

Đối với chúng ta là những người Kitô Giáo thì tiêu chuẩn căn bản để tách biệt chúng ta ra khỏi lạc giáo chính là vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng duy nhất mới là Lời của Sự Thật. Miễn là chúng ta cứ mãi trung thành với Giáo Hội và các giáo huấn của Giáo Hội thì không có một thế lực đen tối nào có thể xua dụ chúng ta.

Và cách tốt nhất để bảo vệ con cái chúng ta khỏi những thứ và những nhóm lạc giáo là chúng ta phải biết cách dạy dỗ hay khuyến khích chúng học biết thật nhiều về truyền thống, về giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, cũng như về những sự kiện có liên quan đến lịch sử của Giáo Hội. Giữ gìn cho các con trẻ của chúng ta khỏi sự đắm chìm trong các sách truyện tiểu thuyết ngộ đạo như Harry Potter, có loại chò trơi điện tử như Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, các loại phim ma, các loại nhạc kêu ma gọi hồn, vân vân...

Làm gương, khuyến khích và cổ võ cho các em mỗi sáng thức dậy, biết khẩn cầu vào sự phù trợ, gìn giữ, và chở che của Đức Maria, của các Tổng Lãnh Thiên Thần, và của các Thánh. Sau giờ học, nên cùng với các em, ít nhất là vào những buổi cuối tuần, nên đến với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, đến Kinh Mân Côi khi bóng tối của đêm đen tràn về.

Thiên Chúa mãi luôn nhắn nhủ với chúng ta rằng:

"Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.

Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói
" (Êphêsô 6:10-20).

P.S. Sách Tham Khảo Harold I. Kaplan, M.D., and Benjamin J. Sadock, Comprehensive Textbook of Psychiatry, 6th ed. (Baltimore: Williams and Wilkins, 1995), p. 1635
 
“Trả lại cho Xê-gia”: Cuốn sách dạy người Công giáo trong sinh hoạt chính trị.
Phụng Nghi
10:25 16/08/2008
Roma (Chiesa) – Mấy ngày trước đây, một cuốn sách mới xuất bản tại Hoa kỳ chắc sẽ được thảo luận rộng rãi, nhất là trong thời gian gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Tác giả cuốn sách này là Charles J. Chaput, tổng giám mục giáo phận Denver.

Đức giám mục Chaput, 64 tuổi, xuất thân từ một gia đình nông dân ở Kansas, là thành viên của bộ tộc người Mỹ da đỏ thuộc Prairie Band Potawatomi. Ngài là tu sĩ dòng thánh Phanxicô. Trước khi đến Denver, ngài cai quản giáo phận Rapid City ở South Dakota. Ngài nằm trong số ứng tuyển viên của hai tổng giáo phận hàng đầu hiện đang chờ đợi tổng giám mục mới: đó là New York và Chicago.

Nguyên nhan đề của cuốn sách cũng đã gợi lên nội dung của nó: "Render Unto Caesar. Serving the Nation by Living Our Catholic Beliefs in Political Life." (Trả lại cho Xê-gia, Phục vụ Tổ quốc bằng cách sống đức tin Công giáo trong sinh hoạt chính trị). Đúng vậy, phải trả cho Xê-gia những gì của ông ấy. Nhưng người ta phải phục vụ đất nước bằng cách sống niềm tin Công giáo trong các sinh hoạt chính trị Chaput quyết tâm chống lại trào lưu văn hóa đang thắng thế hiện nay trong giới truyền thông, trong các đại học đường, trong các hoạt động chính trị, một trào lưu muốn đẩy đức tin ra khỏi sân khấu công cộng.

.
ĐGM Charles J. Chaput
Nhưng đồng thời ngài cũng đề xuất một thách thức cho cả cộng đồng Công giáo Mỹ. Tại Hoa kỳ có 69 triệu người Công giáo, tức là một phần tư dân số. Hơn 150 nghị viên tuyên bố mình là người Công giáo. Tại Thượng viện, cứ 4 vị dân cử thì có 1 người theo Công giáo. Ở Tối cao Pháp viện, người Công giáo chiếm đa số. Nhưng, tác giả cuốn sách nêu lên câu hỏi: họ có làm gì cho khác biệt?

Trong số các giám mục Hoa kỳ, Chaput là một trong những vị giữ lập trường kiên quyết và rõ rệt nhất về vấn đề phá thai, về án tử hình, về vấn đề di dân. Về chuyện gây nhiều tranh cãi là có nên để cho các chính trị gia Công giáo “phò lựa chọn (pro-choice)” được rước Mình thánh Chúa hay không, ngài duy trì quan điểm rằng những ai không tuân giữ giáo huấn của giáo hội thì không còn hiệp thông trong đức tin với giáo hội nữa. Họ tự mình tách ra khỏi cộng đồng tín hữu. Và vì lý do đó, nếu họ lên rước lễ, họ phạm vào tội bất trung.

Tại Hoa kỳ, điều gây tranh cãi này vẫn còn đang ở cao độ. Sự việc gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng tư vừa qua, trong thánh lễ do Đức thánh cha cử hành khi ngài thăm viếng Wasghinton và New York, các chính trị gia Công giáo “phò chọn lựa” Nancy Pelosi, John Kerry, Ted Kennedy, và Rudolph Giuliani đã lên rước Mình thánh Chúa.

Nhưng cuốn sách của Chaput còn đi xa hơn thế. Nó thúc giục người Công giáo sống trọn vẹn đức tin của mình, không thỏa hiệp. Ngài viết: Nếu người Công giáo Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng về đức tin, về sứ vụ và về lãnh đạo, nhiệm vụ lướt thắng cuộc khủng hoảng đó thuộc về mọi người, cả giáo dân cũng như các giám mục.

Và nhiệm vụ này có ảnh hưởng tác động đến toàn thế giới. Người Công giáo Mỹ không thể khoan nhượng nếu Hoa kỳ đem gieo rắc bạo lực, lòng tham và sự khinh thị sinh mạng con người. Họ phải tích cực hoạt động để đem quốc gia mình trở lại làm ngọn hải đăng soi sáng văn minh, hài hòa tôn giáo, tự do, và tôn trọng con người.

Tác phẩm này của Chaput cũng đã khơi động mối quan tâm mạnh mẽ tại Rome. Trong cùng ngày, khi cuốn sách được bày bán tại các tiệm, tức là ngày 12 tháng 8, báo “Người quan sát Roma (L'Osservatore Romano)” đã có một bài điểm sách tỉ mỉ do Robert Imbelli viết. Ông là linh mục thuộc tổng giáo phận New York và là giáo sư thần học tại trường đại học Boston.

Nguồn: Sandro Magister/Chiesa

 
ĐTC gửi sứ điệp cho Hội nghị Truyền giáo Mỹ châu III
Linh Tiến Khải
16:27 16/08/2008
VATICAN - Trong sứ điệp gửi cho các tham dự viên Hội nghị truyền giáo toàn Châu Mỹ lần thứ III và Hội nghị truyền giáo Mỹ châu Latinh lần thứ VIII, tiến hành tại Quito, thủ đô Ecuador, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ mọi người ở lại trong tình yêu của Chúa và không sống theo các mệnh lệnh của thế giới này.

Gợi lại đề tài của hội nghị là ”Mỹ châu với Chúa Kitô: hãy lắng nghe, học hiểu và loan báo” Đức Thánh Cha gọi hội nghị là ”Nhà Tiệc Ly của đại lục”, nơi các tham dự viên sống các buổi cầu nguyện, nghiên cứu suy tư và đối thoại với nhau. Ngài xin Chúa Kitô là Vị Thầy đích thật soi sáng để họ tiếp nhận sứ điệp tình yêu và cứu rỗi của Chúa trong tim, và ra đi đem tràn đầy hoa trái lâu bền của sự thánh thiện đến cho tha nhân. Ngài cầu mong họ kín múc nơi nước hằng sống tươi mát vọt ra từ cạnh sườn Chúa, và giải khát tất cả những người đang khát khao công bằng, hòa bình và sự thật, những người bị tội lỗi áp bức hay chìm ngập trong tối tăm của bạo lực; đem sự ủi an của Chúa Kitô và dầu thơm tình yêu của Chúa đến cho những người khổ đau khốn khó, bị sự lạnh lùng và thờ ơ hay tệ nạn thối nát gây thương tích.

Các thách đố đó đòi buộc phải thắng vượt cá nhân chủ nghĩa và sự lẻ loi và củng cố ý thức thuộc về Giáo Hội và cộng tác chân thành với các chủ chăn để thành lập các cộng đoàn Kitô cầu nguyện, hòa hợp, huynh đệ và truyền giáo.

Đức Thánh Cha khẳng định trong sứ điệp như sau: Việc phục vụ quan trọng nhất mà chúng ta có thể cống hiến cho các anh chị em khác đó là loan báo Chúa Kitô một cách khiêm tốn rõ ràng, Đấng đã đến thế gian này để chúng ta có được sự sống dồi dào (x. Ga 10,10). Con người thời nay chờ đợi nơi chúng ta là những người không có công lao gì, chứng tá đáng tin cậy của sự thánh thiện và dấn thân. Nếu chúng ta ước muốn và sống chứng tá sự thánh thiện ấy, thì chúng ta sống tốt đẹp hơn, vì Chúa ban cho nhiều thì Chúa đòi hỏi nhiều.

Trước các khó khăn của một môi trường thường thù nghịch, trước sự hiếm hoi các thành công tức thời và ngoạn mục hay trước các thiếu thốn phương tiện tôi mời gọi tất cả mọi người chiến thắng sự sợ hãi, chán nản và bất động. Hãy nhớ tới lời Chúa nói: ”Các con sẽ gặp khốn khó trong thế gian, nhưng Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Đức Thánh Cha cho biết ngài tặng cho mỗi vị Chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh và vùng Caraibi một hình vẽ ba cánh có Chúa Kitô giang tay tiếp đón mọi người. ”Chúa đi trước chúng ta trên con đường cuộc sống và trợ giúp chúng ta hướng tới sự thánh thiện, để lay tỉnh nơi mọi tín hữu đã được rửa tội nhà truyền giáo ở trong họ, và chiến thắng sự ngập ngừng hay cái tầm thường xoàng xĩnh thường tấn công họ.

Ngài cầu mong Đức Bà Guadalupe, mẫu gương của sự tận hiến toàn vẹn cho Chúa, tiếp tục khích lệ mọi người thi hành những gì Chúa dậy như Mẹ đã làm xưa kia tại tiệc cưới làng Cana. Bên Mẹ và trong sự tin tưởng nơi tình mẫu tử dịu hiền của Mẹ, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ và ngày càng ước mong được dậy dỗ nơi trường học của Chúa Giêsu, và lắng nghe trở lại từ miệng Ngài lệnh truyền: ”Các con hãy di rao giảng cho mọi dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Đức Thánh Cha gửi phép lành tòa thánh tới mọi tham dự viên và tất cả mọi con cái của châu Mỹ.

Sứ điệp trên đây của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Nicolas de Jésus López Rodriguez, Tổng Giám Mục Santo Domingo, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tuyên đọc trước Hội nghị.

Hội nghị truyền giáo toàn Mỹ châu lần thứ III và hội nghị truyền giáo Mỹ châu Latinh lần thứ VIII đã bắt đầu tại Quito hôm 12-8-2008 và kết thúc với thánh lễ sai đi vào ngày Chúa Nhật 17-8-2008.

Đã có 16.000 người tham dự thánh lễ khai mạc, trong đó có 4 Hồng Y, hơn 100 Giám Mục, 600 linh mục, 3110 tham dự viên gồm các thừa sai nhiều nước trên thế giới và Ecuador. Trong số 94 khách mời đặc biệt có Chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục, Bề trên Tổng Quyền các dòng tu đến từ 13 nước trên thế giới. (SD 14-8-2008)
 
Top Stories
Caritas Georgia and Caritas Russia working together for victims of conflict
Catholic News Agency
00:23 16/08/2008
ROMA, Aug 15, 2008 / 01:00 pm (CNA).- Caritas Georgia and Caritas Russia are working together to provide assistance to the thousands of victims of who are suffering due to the conflict between the two countries.

According to the L’Osservatore Romano, the Apostolic Administrator of Caucaso, Bishop Giuseppe Pasotto, said, “There is great fear and disillusionment among Georgians because they think that the bombings will resume at any moment.”

In response to the current crisis, the bishop explained, “Caritas Georgia has begun helping families in difficulties. Fortunately it had first aid supplies and food which it already began to distribute to the different camps taking in those who lost their homes.” He further explained that the relief effort is being carried out with “the collaboration of the patriarchate.”

L’Osservatore Romano also reports that Caritas Russia has visited the camps together with leaders of the Orthodox Church to determine how to initiate assistance from Catholics for those impacted by the conflict. According to statistics, some 40,000 people in Georgia have become refugees during the conflict with Russia.
 
Procession in honor of Our Lady of the Assumption by American, Mexican and Vietnamese religious traditions in Claremont
VietCatholic
00:43 16/08/2008
The Solemnnity of Our Lady of the Assumption, patron saint and feast day of OLA Parish in Claremont, is celerated with a procession in honor of Our Blessed Mary. The statues of Our Lady of the Assumption, Our Lady of La Vang and Our Lady of Guadaluppe were decorated with beutifull flowers and carried by the respestively by Americans, Maxicans and Vietnamese people. These are symbols of our rich and diverse cultural and religious backgrounds, but united in worship and fellowship. Parish groups, organizations and individual are invited to carry banners and images of mary. Tri-lingual Vigil Mass and songs followed the procession.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày hội giáo lí tại giáo xứ Nguyệt Đức, Bắc Ninh
Nguyễn Xuân Trường
00:09 16/08/2008
BẮC NINH - Đúng ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15.8.2008, giáo xứ Nguyệt Đức thuộc giáo phận Bắc Ninh đã tổ chức ngày hội giáo lí với chủ đề "Thắp Sáng Niềm Tin". Tham dự ngày hội có cha xứ Giuse Nguyễn Đức Hiểu, quí sơ dòng Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức Sài Gòn, quý vị Ban hành giáo, đại diện giáo lí viên giáo xứ Ngô Khê và 110 em thuộc lớp giáo lí sống đạo Nguyệt Đức.

Xem hình ảnh Ngày hội Giáo lí

Trong ngày đại hội, các em được tham dự thánh lễ, thi đua các trò chơi sinh hoạt vui nhộn, thưởng thức các tiết mục văn nghệ vui tươi và thích nhất là được nhận các phần thưởng. Đại hội cũng là dịp tổng kết lượng giá khóa học Giáo lí Sống đạo do các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức giảng dạy. Một số em học tập rất tốt, đạt thành tích xuất sắc. Các em tham gia khóa học đều được nhận chứng chỉ giáo lí. Giáo xứ, đặc biệt là các bậc phụ huynh, hết sức vui mừng khi chứng kiến con em mình chăm chỉ học giáo lí để sống đạo tốt hơn, vững vàng hơn. Trong bài giảng lễ, cha xứ Giuse đã kêu gọi các em noi gương Mẹ Maria hằng lắng nghe, suy niệm Lời Chúa và mau mắn vâng nghe thực thi ý Chúa. Chính nhờ đời sống kết hiệp với Chúa mà Mẹ đã hoan hỉ vui mừng vì nhận ra Chúa đã thực hiện bao điều kì diệu trong đời Mẹ. Cha cũng mong các em học theo Mẹ, luôn sống thân mật với Chúa, để khám phá ra bao điều yêu thương Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mỗi em. Để rồi, đời sống đạo của các em sẽ là một cuộc đời tràn đầy niềm vui hạnh phúc, chan chứa tình Chúa, tình người.

Tưởng cũng nên nói đôi chút về giáo xứ Nguyệt Đức. Giáo xứ cách Tòa giám mục Bắc Ninh 4 km về phía tây bắc có tháp chuông nhà thờ soi bóng xuống dòng Sông Cầu nước chảy lơ thơ. Mặc dù những người dân nơi đây đã đón nhận đức tin Công giáo gần 200 năm nay, nhưng Nguyệt Đức mới chính thức trở thành giáo xứ vào ngày 20.11.2007. Giáo xứ Nguyệt Đức có nhiều điểm đặc biệt: là giáo xứ chưa đầy một tuổi - trẻ nhất giáo phận - với khoảng 950 nhân danh; là một giáo xứ nhỏ bé nhưng giáo dân lại sinh sống ở hai bờ Sông Cầu thuộc địa bàn của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; là giáo xứ kiếm sống bằng nghề sông nước, nên chỉ có 1/3 số giáo dân có nhà ở trên đất liền, số còn lại thì nhà của họ chính là những chiếc thuyền trên sông và số giáo dân có mặt ở tại giáo xứ phụ thuộc vào con nước lên xuống. Vào mùa nước lớn, tàu thuyền khó đi lại thì khoảng 2/3 số giáo dân có mặt tại giáo xứ, nhưng vào mùa nước cạn, thì có tới 2/3 số giáo dân rời giáo xứ lên thuyền lênh đênh trên các dòng sông thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ để kiếm kế sinh nhai.

Chính do đặc điểm di dộng của giáo xứ, nên các em gặp nhiều khó khăn để đến trường học cũng như đến nhà thờ học giáo lí, Kinh Thánh. Đây là điều trăn trở của cha xứ Giuse. Ngài cố gắng tìm mọi cách để nâng cao kiến thức đạo cũng như đời cho các em. Cha xứ nhận thấy thực trạng: các em khi lớn lên thường phải rời giáo xứ, di chuyển đi xa để làm ăn, học tập. Trong hoàn cảnh ấy, các em không còn được cộng đoàn giáo xứ nâng đỡ đức tin. Hơn nữa, ra ngoài các em sẽ tiếp xúc với những nhóm người mới, những môi trường giáo dục không thuận lợi cho đức tin, đôi khi còn nhạo báng đức tin. Trong hoàn cảnh đó, nếu các em không được giáo dục đức tin kĩ càng và không có một xác tín niềm tin cá vị sâu xa của chính bản thân với Chúa thì chắc chắn đời sống đức tin các em sẽ nhạt nhòa, nếu không muốn nói là đánh mất đức tin. Vì thế cha xứ thấy cần nhanh chóng dạy giáo lí, Kinh Thánh cho các em để nhờ biết về Chúa các em sẽ yêu mến Chúa hơn và các em có thể trả lời về niềm tin Công giáo của mình cho bất cứ ai thắc mắc như lời thánh tông đồ Phêrô đã căn dặn: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em". (1Pr 3,15).

Ngày hội giáo lí kết thúc, vị đại diện giáo xứ bày tỏ lòng biết ơn cha xứ và các nữ tu. Ông muốn mượn lời ca quan họ Bắc Ninh nói với các nữ tu "người ơi người ở đừng về". Và nếu các nữ tu không thể ở, nhất định phải về để thực thi những sứ vụ khác thì mong sao các nữ tu "đến hẹn lại lên". Những giây phút cuối cùng của ngày hội, các em chìm ngập trong ánh nến lung linh và những lời cầu nguyện: xin Chúa cho mỗi người trở nên như ngọn nến cháy dám hi sinh tan chảy ra để mang hơi ấm, ánh sáng cho đời, để thắp lên ánh sáng của niềm tin, tình yêu và hi vọng.

Ngày hội kết thúc, dừng lại, nhưng dòng Sông Cầu vẫn chảy và dòng đời vẫn trôi. Rồi đây các em sẽ theo cha mẹ lên những chiếc thuyền xuôi ngược trên bao dòng sông. Tôi thầm ước mong những chiếc thuyền ấy không chỉ chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng mà còn chuyên chở cả Tin Mừng Đức Giêsu Kitô; những chiếc thuyền ấy không chỉ đi kiếm ăn mà còn đi loan báo Tin Mừng sự sống cho tha nhân tại bất cứ dòng sông nào nó qua, ở bất cứ bến đỗ nào nó tới. Có Chúa, có Mẹ cùng đồng hành, con dân Nguyệt Đức sẽ vững vàng vượt mọi con sóng lớn để hướng thuyền về bến cuối cùng của hành trình làm người: về bến Quê Trời như Mẹ Lên Trời hôm nay.
 
Phỏng vấn Cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội La Vang lần thứ 28
Hữu Sanh
10:19 16/08/2008
LTS: Cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Hành Hương La Vang, sau Đại hội đã có lời nhận đinh là: “Ban ngành nào cũng đã làm hết sức lực của mình để phục vụ cho Đức Mẹ và người hành hương”. Đểm tìm hiểu thêm về tinh thần phục vụ và nhưng thách đố to lớn trong việc tổ chức phục vụ cho mấy trăn ngàn người về La Vang torng dịp này, Ban Ban Truyền Thông Đại Hội La Vang có cuộc phỏng vấn với Cha trưởng ban tổ chức như sau:

HỎI: Kính thưa Cha, Cha là người được giao trách nhiệm điều hành chính Đại Hội La Vang lần thứ 28, một Đại Hội vốn quy tụ hơn 500 ngàn người. Công việc này không phải dễ và không phải ai cũng làm được. Xin Cha vui lòng cho Ban Truyền Thông và độc giả chúng con biết chung chung về công tác chuẩn bị Đại Hội như thế nào?

Cha Qúy: Để Đại Hội diễn tiến tốt như vậy thì cần phải chuẩn bị rất lâu và cần có sự hợp tác của nhiều người trong các ban ngành chuyên biệt. Dù có những trục trặc vì lượng người quá đông, nhưng Đại Hội nhìn chung đã diễn ra tốt đẹp.

HỎI: Số lượng người hành hương đến hành hương La Vang năm nay có đông hơn so với những lần Đại Hội trước không ?

Cha Qúy: Chưa có ai cho chính xác là con số là bao nhiêu nhưng lượng người chắc chắn là đông hơn rất nhiều. Bởi vì, mặt bằng năm nay rộng và thông thoáng hơn nhiều, trong khi đó mật độ người vẫn rất rất dày.

HỎI: Đâu là vấn đề mà Cha băn khoăn lo lắng nhất trong việc chuẩn bị cho Đại Hội La Vang ?

Cha Qúy: Nói đến thành công tốt đẹp thì phải nói đến hai phương diện. Thứ nhất là phương tiện vật chất bên ngoài. Thứ hai là chất liệu bên trong để chuyển tải đến người hành hương làm tăng niềm tin và lòng đạo đức.

HỎI: Theo ước lượng của Cha, với một mặt bằng hiện đang có bây giờ, Trung Tâm Hành Hương La Vang có đủ sức chứa cho lượng người đến dự Đại Hội Tam Niên không ?

Cha Qúy: Đại Hội năm nay có một may mắn là có mặt bằng rộng hơn vì Nhà Nuớc vừa giao lại gần hết đai đai của Thánh Địa. Nếu công tác tổ chức được thực hiện một cách khoa học thì phần đất hiện đang có bây giờ vẫn có thể đủ sức chứa.

HỎI: Những gì diễn ra tại Đại Hội năm nay đã được Ban Điều Hành tiên liệu trước không ? Hay mọi sự điều bất ngờ ?

Cha Qúy: Một cách cụ thể, chúng tôi đã dự liệu số người sẽ rất đông. Các khâu vệ sinh, nước sinh hoạt, ẩm thực, liều trại v.v. đều đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng vẫn không thể cung cấp hết nổi. Nhưng theo tôi nghĩ, anh chị em hành hương cũng không đòi hỏi nhiều. Có được chừng nào hay chừng đó và họ bằng lòng với những gì đang có.

HỎI: Mặc dù các anh em trong Ban Trật Tự đã làm việc hết mình để hạn chế kẻ xấu lợi dụng lấy cắp tài sản người hành hương, nhưng nạn móc túi vẫn còn xãy ra. Cha có kế sách gì để giảm bớt tình trạng này cho những lần Đại Hội sau?

Cha Qúy: Chúng tôi tiếp tục nhắc nhở người hành hương để ý và canh chừng các tài sản của mình.

HỎI: Với tư cách là Trưởng Ban Điều Hành Đại Hội, Cha thấy đâu là vấn đề tích cực mà Ban Điều Hành và các Ban Ngành đã làm được, và đâu là những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm cho những lần Đại Hội tới ?

Cha Qúy: Theo nhận định, ban ngành nào cũng đã làm hết sức lực của mình để phục vụ cho Đức Mẹ và người hành hương. Sau mỗi lần Đại Hội, tôi rút ra được thêm nhiều kinh nghiệm thực tế cho công tác chuẩn bị Đại Hội kế tiếp.

PV: Con xin chân thành cám ơn Cha. Cầu xin Đức Mẹ La Vang ban cho Cha nhiều ơn lành để Cha có thể tiếp tục kiến thiết và phục vụ tốt các cuộc hành hương tới.
 
Nhật ký Đại Hội La Vang lần thứ 28 ngày thứ hai, 14/8/2008
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
12:58 16/08/2008
Nhật ký Đại Hội La Vang lần thứ 28 ngày thứ hai, 14/8/2008

Sau một đêm ngủ trên Đất Mẹ, ngủ trên những tấm nylông đủ màu hoặc trên những chiếc chiếu sơ sài được trải khắp Linh Địa La Vang rộng lớn và bao la, hoặc dựa vào thân cây hoặc cong mình trên những chiếc võng hẹp - nếu ai thấy những cảnh tượng nầy thì không thể mà không cảm động: mẹ nằm ngủ với con trên Đất Mẹ, có khi với những đứa con rất nhỏ, độ hai ba tuổi; những ông lão, những bà già ngồi cả đêm trên Đất Mẹ và lần hạt; những người khuyết tật nghỉ đêm trên Đất Mẹ, trong nhiều tư thế thương tâm; hầu như người nào trên tay cũng có Tràng Hạt Mân Côi và ai ai cảm nhận rõ ràng, qua Tràng Chuỗi Mân Côi, mình đang nắm lấy Bàn Tay đầy yêu thương và nhân ái của Mẹ La Vang – đoàn hành hương thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị đón những hồng ân của Mẹ La Vang trong ngày thứ hai của Đại Hội.

Một điều làm cho ai cũng bỡ ngỡ, là trong đêm nay, hằng chục ngàn người người hành hương đã đổ về Linh Địa La Vang rất đông, và Đất Mẹ giờ đây lại chật cứng thêm nhiều người con của Mẹ.

Thánh lễ Hành Hương sáng ngày 14/8/2008:

Xem thêm hình ảnh Lễ Hành Hương sáng nay

Trong Thánh Lễ Hành Hương sáng hôm nay, mọi người quy tụ trước Linh Đài Mẹ để cùng nhau hân hoan mừng Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

Ngay giây phút đầu tiên trong cuộc sống, Đức Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vướng mắc Tội Tổ Tông truyền, và trong suốt cuộc đời dài của mình trên trần thế, Đức Mẹ đã luôn luôn cộng tác với ơn Chúa để đẩy xa mọi hình bóng tối tăm của tội lỗi. Kết quả là sau khi kết thúc đời tạm nầy, Đức Mẹ đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác để hưỏng vinh quang bất diệt. Những tín điều nầy về Đức Mẹ Maria làm cho đoàn con Mẹ luôn vui tươi và đầy hy vọng.

Trong những làn gió nhẹ ban mai, và giữa những ánh sáng rạng đông chuẩn bị tràn ngập Linh Địa La Vang, cộng đoàn hành hương sáng hôm nay sung sướng hướng về Trái Tim tuyệt vời của Đức Mẹ. Chắc thế nào mỗi người hành hương hôm nay cũng được Đức Mẹ cho vang vọng trong lòng mình câu nhận xét đầy êm ái của thánh linh mục Gioan Maria Vianê: tất cả các trái tim của các bà mẹ loài người trên trần gian nầy yêu tôi, cũng chỉ là một chút xíu so với Trái Tim Đức Mẹ yêu tôi.

Thánh Lễ hôm nay do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Phó Giáo phận Nha Trang, Phó Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ tế, cùng với 13 Đức Tổng Giám Mục và Giám Mục, Đức Đan Viện Phụ Thiên An, và 250 linh mục cùng với rất nhiều nam nữ tu sĩ. Còn giáo dân thì hơn 200.000 người.

Khai mạc Thánh Lễ, Đức Cha chủ tế, sau khi gởi lời chào đến tất cả mọi thành phần phụng vụ hôm nay, bày tỏ tâm tình với Mẹ như sau: thật là diễm phúc cho chúng con sáng hôm nay được quây quần bên Mẹ. Mẹ hiền đang quy tụ đoàn con trong Trái Tim Mẹ, Trái Tim Vẹn Sạch, Tinh Tuyền. Trái Tim Mẹ đầy yêu thương vì muốn trọn thuộc về Chúa Giêsu. Cùng với Chúa Giêsu, trong sự cộng tác với Chúa Thánh Thần, Trái Tim Mẹ đã dâng hiến tất cả cho Chúa Giêsu để làm lễ hiến tế lên Cha trên trời hầu đem lại muôn ơn phúc cho tất cả các con cái Mẹ trên trần gian nầy.

Trong bài giảng, Đức Cha chủ tế suy niệm về Trái Tim đau khổ của Đức Mẹ.

Đây là lần đầu tiên, Đức Mẹ bộc lộ tâm tình của mình, của một người mẹ. Mẹ nói đến những đau khổ cực độ của mình trong khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn mọi người, từ đời nọ qua đời kia, phải tung hô Mẹ là Đấng Diễm Phúc.

Nhưng hôm nay, Mẹ nói Mẹ đau khổ trong Trái Tim Mẹ.

Mẹ là Thầy Dạy Đức Tin cho chúng con. Chúng con đến học nơi Mẹ vì chúng con muốn gìn giữ Đức Tin được trọn vẹn thuộc về Chúa.

Người mẹ luôn tìm cách tìm cách che dấu mọi nổi lo âu và đau khổ của mình cho con cái không biết. Vì thế, khi người mẹ bộc lộ những lo âu và đau khổ của mình cho con cái, đó là lúc người mẹ quá lo âu và đau khổ, sức người không thể nào cầm lại được, lúc đó, người mẹ mới bộc lộ ra.

Khi gặp lại Con trong Đền Thánh, Đức Mẹ bộc lộ nổi buồn phiền và đau khổ của mình. Trong dịp nầy, Chúa Giêsu gợi lên cho Đức Mẹ một điều tuyệt vời: muốn giữ trái tim vẹn tuyền, thì phải thanh luyện trái tim rất nhiều: Chúa Giêsu dạy muốn thanh luyện trái tim để theo Chúa thì phải tìm cách lo việc của Cha trên trời, phải bỏ mình và vác thập giá hằng ngày của mình mà đi theo Chúa, phải lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa vì Lời Chúa là liều thuốc vạn năng chữa lành mọi buồn phiền và đau khổ.

Để được trọn thuộc về Chúa, Đức Mẹ đã tìm đủ cách để thanh luyện trái tim mình trên con đường hành trình đức tin.

Khi được thiên sứ truyền tin cho biết mình sẽ làm Mẹ Con Chúa, Đức Mẹ hiểu rằng trái tim Mẹ phải được luôn luôn thanh luyện để xứng đáng với chức vụ cao cả nầy. Thế là suốt đời, Đức Mẹ gặp rất nhiều đau khổ: làm sao không đau khổ khi bị người bạn đường hiểu lầm, khi phải sinh Con Chúa trong nơi hang lừa máng cỏ, khi phải vội vàng di tản ra nước ngoài, khi phải về lại quê nhà và sống đời nghèo khó, khi người bạn đường qua đời, khi Con bỏ Mẹ để ra đi truyền giáo, khi đứng dưới Cây Thập Giá treo xác Con mình.

Mẹ không nói nhiều nhưng Mẹ sống cuộc đời thanh luyện trái tim theo Lời Chúa dạy và theo ý Chúa muốn.

Noi gương Mẹ, chúng con muốn luôn giữ trái tim trọn thuyộc về Chúa.

Cha Ông chúng con đã tìm cách chạy đến chốn La Vang nầy để trung thành giữ vững đức tin theo Chúa cho đến cùng. Chúng con là dòng tộc của Các Ngài.

Mọi thành phần cộng đoàn hành hương chúng con hôm nay quyết gìn giữ trái tim mình cho vẹn sạch. Để noi gương Mẹ, chúng con luôn tha thiết yêu Chúa, luôn trung thành theo Chúa dù phải được thanh luyện qua nhiều đau khổ trong cuộc đời.

Mẹ đưa con vượt qua bãi cát sa mạc của cuộc đời. Trên bãi cát nầy, người ta chỉ nhận ra có hai dấu chân, đó là hai dấu chân của Mẹ vì không phải Mẹ cùng đi với con, hoặc mẹ dìu con đi, nhưng chính Mẹ đã ẳm con trong đôi cánh tay của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, chúng con hết lòng trông cậy vào Mẹ.

Thánh Lễ kết thúc lúc 07giờ 15 phút.

Ngày hôm nay, từ 8 giờ sáng đến 04 giờ chiều, Tổng Giáo Phận Hà Nội hướng dẫn cầu nguyện và học hỏi, và đêm nay, buổi Diễn Nguyện cũng do Tổng Giáo Phận Hà Nội và các Giáo Phận trong Giáo Tỉnh Hà Nội phụ trách.

Lúc 08 giờ, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Bùi Chu, Chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ của HĐGM, chủ tế Thánh Lễ dành cho giới Tu Sĩ nam nữ.
Lúc 09 giờ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Bùi Chu, chủ tế Thánh Lễ cầu nguyện cho bệnh nhân và các người khuyết tật.
Lúc 10 giờ, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám Mục Hưng Hoá, hướng dẫn buổi Chầu Thánh Thể dành riêng cho giới linh mục và chủng sinh.
Lúc 14 giờ, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, Chủ tịch Uỷ Ban Đặc trách Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ sự buổi cầu nguyện dành cho Giới Trẻ.
Lúc 15 giờ 30: Giáo xứ Nam Định dâng hoa kính Đức Mẹ tại Linh Đài.

Thánh lễ Hành Hương chiều ngày 14/8/2008:

Xem thêm hình ảnh Lễ Vọng Đức Mẹ Lên Trời chiều nay

Đúng 17 giờ 30 phút, Thánh Lễ Vọng trọng thể kính Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời.
Thánh Lễ đặc biệt nầy do Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hà Nội, chủ tế, cùng với 15 Đức Tổng Giám Mục và Giám Mục.
Hơn 500 linh mục đồng tế, những linh mục trong nước cũng như hải ngoại, cùng với một số linh mục ngoại quốc đến từ Thái lan, Úc Châu.
Trên một ngàn tu sĩ nam nữ tham dự.

Còn con sô giáo dân hành hương tham dự, thì trước sự bỡ ngỡ của mọi người, đông hơn nửa triệu: trước, sau và hai bên Linh Đài Đức Mẹ, quảng trứờng Thánh Tâm và quảng trường Mân Côi, cũng như hai khoảng rộng mặt bằng tả hữu của Thánh Địa La Vang, người ta không nhúc nhích được, chỉ đứng mà thôi.

Trước cảnh tượng quá đông đảo nầy, mọi thành phần hành hương vui mừng và sốt sắng tham dự Thánh Lễ Vọng Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Ánh nắng chiều vàng của bầu trời Mẹ La Vang cũng hoà nhịp tung tăng trước Linh Đài Mẹ.

Khai mạc Thánh Lễ, Đức Tổngt Giám Mục chủ tế suy niệm như sau.

Hôm nay, trước tôn nhan Mẹ La Vang, chúng con vui mừng chuẩn bị Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Việc Mẹ Hồn Xác Lên Trời là hạnh phúc tuyệt vời, là thành tựu quan trọng nhất mà Mẹ đã được.

Chúng con vui mừng và hy vọng được về bên Mẹ. Chúng con luôn tin Mẹ trên trời, tin Mẹ La Vang luôn quan tâm đến những đứa con đau yếu, hoạn nạn của Mẹ. Chúng con cũng không quên cầu nguyện cho các anh chị em nạn nhân trong cuộc hành hương về với Mẹ tại Missouri, cũng như cầu nguyện cho các nạn nhân lũ lụt miền Bắc: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gởi lời chia buồn và tỏ tình liên đới thông cảm. Chúng con cầu nguyện cho các Linh Hồn được về với Chúa. Chúng con cầu nguyện cho những người còn sống được can đảm vượt qua mọi thử thách.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Cha chủ tế so sánh người phụ nữ trong đám đông với Đức Mẹ Maria.

Người phụ nữ trong đám đông cất tiếng khen Chúa Giêsu trong tầm nhìn tự nhiên: Chúa Giêsu được khen về phương diện huyết thống gia đình, về phương diện người mẹ phần xác đã cưu mang con, về phương diện ích kỷ của sự chiếm hữu vì người mẹ nào cũng sung sướng khi thấy con mình giàu sang với chức cao quyền trọng, về phương diện mơ ước một cách vô vọng.

Chúa Giêsu muốn dạy mọi người bài học siêu nhiên, nên đã nói lên những phúc siêu nhiên để trả lời cho những phúc tự nhiên mà người phụ nữ trong đám đông đã đưa ra:

phúc về phương diện huyết thống thiêng liêng (thuộc về gia đình của Chúa là tất cả những ai biết nghe Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hàn),
phúc về người mẹ cưu mang con (Đức Mẹ cưu mang Con bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, bằng đức tin),
phúc về sự chiếm hữu những tài sản ở trần gian (Đức Mẹ sống đời đại độ hy sinh, vui lòng để cho Con Mình được hiến tế vì phần rỗi nhân loại),
phúc về hy vọng trong Chúa (gương Đức Mẹ để lại: không ai theo Chúa mà tuyệt vọng)

Chúa Giêsu đề cao Mẹ mình là người luôn thao thức lắng nghe Lời Chúa, người luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng, người trước khi cưu mang Chúa, đã cưu mang Lời Chúa trong lòng, người trung thành thực hành Lời Chúa cho đến cùng khi đứng dướ chân Thập Giá.

Khi chúng ta thực hành Lời Chúa dạy, chúng ta làm cho cuộc đời tẻ nhạt như nước lã của mình trở thành rượu ngon hấp dẫn, chúng ta làm cho cuộc đời mình được hạnh phúc như đôi tân hôn tại Cana, chúng ta được Chúa chúc phúc như lời Chúa phán hôm nay: phúc cho những ai biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Hôm nay, chuẩn bị Lễ Mẹ Hồn xác Lên Trời, chúng ta được Chúa ban ơn cho biết Lời của Chúa vượt xa lời của con người. Chỉ có Lời Chúa mới đem lại hạnh phúc thật cho chúng ta.

Lạy Mẹ La Vang, xin dạy chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để chúng con được hạnh phúc như Mẹ. Amen.

Thánh Lễ kểt thúc lúc 19 giờ 10 phút.

Lúc 20 giờ 30 phút, Đêm Diễn Nguyện bắt đầu.

Buổi Diễn Nguyện nầy do Tổng Giáo Phận Hà nội và các Giáo Phận trong Giáo Tỉnh Hà Nội phụ trách, với sự tham gia của Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.

Chủ đề của buổi diễn nguyện nầy cũng nhắm vào đề tài: “Đức Maria, Nhà Giáo Dục Đức Tin”.

Mở đầu là tiết mục “Sự tích La Vang” của Dòng Thánh Phaolô Đà Nẳng.

Tiếp theo là các tiết mục:

Theo Mẹ Ra Khơi” (GP Hải Phòng),
Mẹ là quê hương của con” (Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá),
Tiệc cưới Cana” (GP. Lạng Sơn),
Cùng với Mẹ La Vang” (GP. Vinh),
Đẹp thay” (GP. Hưng Hoá),
Muối và ánh sáng” (GP. Bùi Chu),
Thiên thần truyền tin”, “Tiệc cưới Cana” và “Người bảo sao cứ làm vậy” (Dòng MTG Hà Nội),
Apraham - Cha của những kẻ tin” (Thái Bình),
Bệnh phong” (GP. Phát Diệm),
Người Cha nhân hậu” (GP. Bắc Ninh),
Diễn nguyện bằng trống kèn” (Giáo xứ Nam Định).

Buổi Diễn Nguyện kéo dài cho đến 12 giờ khuya ngày 14 tháng 8 năm 2008 và kết thúc một ngày hết sức bận rộn tại Đất Mẹ La vang.
 
Phỏng vấn Nhóm Ve Chai phục vụ trong kỳ Đại Hội La Vang 2008
PV VietCatholic
15:00 16/08/2008
Trong dịp Đại Hội La Vang lần 28, có rất nhiều đoàn thể phục vu cho Đại Hội, có đến 700 thiện nguyện viên hy sinh làm các công tác như giữ trật tự, thu dọn vệ sinh, chỉ dẫn, v.v... Sau Đại hội, LM Trưởng Ban Tổ chức đã có lời nhận đinh là: “Ban ngành nào cũng đã làm hết sức lực của mình để phục vụ cho Đức Mẹ và người hành hương”. Đểm tìm hiểu thêm về tinh thần phục vụ và nhưng thách đố to lớn trong việc tổ chức phục vụ cho mấy trăn ngàn người về La Vang torng dịp này, VietCatholic có cuộc phỏng vấn với Nhóm Ve Chai về sinh hoạt và công tác phục vụ của Nhóm này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dân Thái Hà rước tượng Đức Mẹ và Thánh giá vào khu đất bị chiếm trước sự hiện diện của Công an
PV VietCatholic
10:43 16/08/2008
HÀ NỘI - Giới công giáo đang tập trung vào Đại hội La Vang. Không biết rằng cuộc đấu tranh cho công lý của giáo xứ Thái Hà đã đến hồi cao điểm.

xin xem hình giáo dân, công an và cán bộ tại hiện trường )

Nửa đêm 13 rạng ngày 14.08.2008, giáo dân trong giáo xứ đã kiệu tượng Đức Mẹ Vô Nghiễm Nguyên Tội vào khu đất của giáo xứ mà Công ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng và bỏ hoang.

Sáng ngày 14.08, công an và đại diện chính quyền các cấp đã đến hiện trường xem xét và đo vẽ bức tượng. Các nhân viên này đội mũ bảo hiểm. Không ai biết là công an phường, quận hay thành phố.

Các nhân viên công lực này không làm gì ngăn cản giáo dân đang tham gia cầu nguyện xung quanh tượng Đức Mẹ. Theo ước lượng của chúng tôi, tượng này cao khoảng 1,2 mét.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 15.08.2008, giáo dân đã phá đổ một đoạn tường giữa hai lều tạm trên phố Đức Bà, điều này thực hiện khá dễ dàng vì những tuần qua Hà Nội mưa lớn, phố Đức Bà ngập nước,tường rệu rã và một số đoạn tường đã đổ hoặc gần đổ.

Khoảng 12 giờ 30 ngày 15.08.2008, các giáo dân trong giáo xứ đã kiệu tượng Đức Mẹ Ban Ơn vào trong khu đất. Đây là bức tượng khá lớn, cao khoảng 1,8 – 2 mét, được dựng gần tượng Đức Mẹ Ban Ơn.

Khoảng 15 giờ 30 giáo dân đã dựng tiếp cây thánh giá cao khoảng 5 mét, bằng sắt, trên có tượng nhỏ Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Ngay sau đó, giáo dân đã tiếp tục phát quang bụi rậm, nhổ cỏ làm sạch một phần khu vực đất của giáo xứ mà công ty Chiến Thắng chiếm dụng rồi bỏ hoang. Giáo dân còn lấy các tấm ván gỗ làm sàn để lấy chỗ cầu nguyện. Một số ảnh tượng trên phố Đức Bà cũng đã được giáo dân di dời vào bên phía trong.

Tại hiện trường khu đất của giáo xứ Thái Hà bị chính quyền chiếm, nay giáo dân đã rước tượng Đức Mẹ và Thánh giá vào và tiếp tục làm đẹp khu đất và cầu nguyện, trước sự hiện diện của nhiều công an chìm nổi và đại diện chính quyền các cấp.

Chiều 15.08 công an đến khá đông. Giáo dân cũng không biết và không quan tâm họ là cấp nào. Phần chúng tôi, chúng tôi nhận ra có sự xuất hiện của ông trưởng công an quận Đống Đa cũng tại hiện trường- ông này nguyên là Chánh Văn phòng Sở công an, có gương mặt khá dễ thương mà có giáo dân nhầm là linh mục.

Trước sự hiện diện của công an và chính quyền, chúng tôi hỏi xem thái độ của giáo dân thế nào, thì biết họ rất bình tĩnh. Họ nói đấy là việc đáng lẽ họ đã phải làm từ lâu. Họ đã chờ đợi vì họ còn tin vào sự tôn trọng công lý của chính quyền. Tuy nhiên họ đã thất vọng.

Các giáo dân giải thích cho chúng tôi biết thêm: Theo đề nghị của chính quyền hồi tháng giêng năm 2008, giáo xứ đã kiên nhẫn chờ đợi kết quả thanh tra và thiện chí giải quyết của chính quyền thành phố.

Tuy nhiên, thêm nửa năm chờ đợi, kết quả nhận được vẫn là câu trả lời của quá khứ. Ngày 30.06.2008 chính quyền thành phố Hà Nội đã trả lời bằng văn bản cho giáo xứ rằng “Không có cơ sở để giải quyết”. Đi xa hơn, ngày 02.07.2008 vừa qua, chính quyền còn muốn hợp pháp hoá muộn màng việc chiếm dụng đất đai của mình khi ra văn bản quyết định "thu hồi khu đất để làm công trình công cộng”.

Chúng tôi lại được biết đầu tháng 8 vừa qua đại diện mặt trận, chính quyền và công an quận Đống Đa và phường Quang Trung đã đến nhà thờ gặp các linh mục và thông báo việc thi hành các quyết định của thành phố. Các linh mục đã phản đối quyết định này và sau đó đã thông báo cho giáo dân biết nội dung cuộc gặp này.

Những sự kiện trên đã khiến giáo dân không còn đủ tin tưởng vào sự chí công vô tư của chính quyền trong việc tôn trọng và bảo vệ pháp luật cũng như tôn trọng tự do tôn giáo, bảo đảm ích lợi của cộng đồng. Giáo dân tin rằng họ có đủ sơ cở lịch sử, thực tiễn và pháp lý để bảo vệ khu đất của mình.

Chúng tôi thực sự nhận thấy giáo sĩ và giáo dân của giáo xứ này đã rất kiên nhẫn và chịu đựng. Họ đã kiên trì đòi công lý một cách hoà bình và can trường từ hơn nửa năm qua. Hôm nay có 4 phiên cầu nguyện cộng đồng sau các thánh lễ. Phải nói là tuyệt vời. Nếu ai chưa một lần tham dự xin mời hãy đến vào ngày chủ nhật, hoặc vào khoảng 19 h hằng ngày. Chúng tôi tin là nếu có là công an thì hiệu lực các lời kinh tiếng hát của họ cũng khiến công an phải xúc động, nếu các cán bộ công an ấy phần người còn nhiều hơn phần con.

Được biết hiện nay linh mục Bề trên- Chính xứ đang đi hành hương Lộ Đức. Hầu hết các linh mục và một số khá dông giáo dân trong giáo xứ cũng đang đi hành hương La Vang. Trước áp lực của chính quyền, chưa biết các giáo dân này làm gì để bảo vệ công lý và quyền lợi của mình.

Theo như chúng tôi ghi nhận, họ tin rằng công lý thuộc về họ. Hơn nữa, họ có một điều mà chính quyền vô thần không họăc ít có, ấy là niềm tin và tình yêu dành cho Chúa Trời và cho nhau. Bằng niềm tin và tình yêu ấy họ sẽ kiên trì cầu nguyện và cầu nguyện cho đến chết để có sức mạnh làm chứng cho công lý.
 
Tiếng kêu cứu từ Tu viện Nữ Tu thánh Phaolô (nhà thờ Sainte Marie) Hà nội
PV VietCatholic
14:47 16/08/2008
HÀ NỘI - Nhà thờ tu viện Sainte Marie ở số 37 phố Hai Bà Trưng đã và đang bị chiếm dụng và xâm phạm trái phép, làm hư hỏng nghiêm trọng, xúc phạm pháp luật quốc gia và tình cảm tôn giáo của người Việt Nam.

(Xin xem hình 2 toà tu viện và hiện trạng một phần nhà thờ bị chiếm dụng làm bệnh viện)

Nhà Dòng Phaolô bị chiếm làm nhà thương
Các nữ tu Dòng Phaolô có mặt phục vụ người nghèo ở Hà Nội từ năm 1883. Các chị đã mua đất lập tu viện và trường học ở số 37 Hai Bà Trưng ngày nay.

Đầu thập niên 1960, sau khi đưa bà Bề trên Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đi tù và quản chế, chính quyền Hà Nội đã cướp hai toà nhà chính của Tu viện nằm ở số 37 mặt đường Hai Bà Trưng.

Mặc dù luật pháp Việt Nam xưa nay ra rả ca bài “tự do tôn giáo” và rằng “tài sản và cơ sở thờ tự của các tôn giáo được pháp luật bảo vệ”, nhưng kết cục với cái “lương tâm vô thần” cùng với cái “đạo đức cách mạng”, được thúc đẩy bởi lòng tham vô đáy, các cán bộ cộng sản Việt Nam đã bất chấp đạo lý và luật pháp.

Trường hợp liên quan đến Tu viện và nhà thờ Sainte Marie cũng là một điển hình: Hai toà nhà dùng làm nơi ở cho các nữ tu liên thông với toà nhà ở giữa làm nhà thờ, tạo thành hình chữ T.

Thế mà chính quyền cộng sản đẩy các nữ tu phụ trách về bản quán hay đưa họ vào vòng lao lý để rồi chiếm hai toà nhà 3 tầng khá đẹp nằm ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng tương ứng với hai cánh dài hình chữ T. Họ cũng chiếm đất đai vườn tược của các chị.

Cuối cùng họ chiếm luôn một phần nhà thờ. Ở đây bài viết này không bàn đến phần đất họ chiếm bất hợp pháp rồi xây dựng cửa hiệu, nhà ở và mở rộng bệnh viện mà chỉ có ý bàn đến việc chiếm dụng nhà thờ cách bất hợp pháp và bất công.

Ai đến bệnh viện Việt Nam-Cu Ba cũng thấy phi lý và khó hiểu: Nhà thờ Sainte Marie có ba tầng mái. Hai tầng trên che phần lòng nhà thờ kiến trúc mái chảy, lợp ngói. Tầng dưới che phần hành lang kiến trúc mái bằng.

Thế mà các cán bộ lãnh đạo bệnh viện được Đảng lãnh đạo chiếm luôn cái hành lang và tầng mái dưới cùng của nhà thờ. Phần này rộng khoảng 3,5 m. Họ ngăn bên dưới hàng lang nhà thờ thành từng phòng kéo dài cho đến gần giữa đầu đốc phía phòng thánh (xem hình). Họ đặt thùng nước và đồ đoàn lỉnh kỉnh lên trên phần mái này.

Hiện nay giáo dân và nữ tu không đi được trong hành lang nhà thờ. Không được sử dụng phần nhà thờ này. Hơn nữa, nhà thờ cũng không thể mở được cửa sổ, không thể tu sửa phần mái trên, không thể tu sửa ba góc tiếp giáp với hai toà nhà cũ vốn là tu viện và một toà nhà bệnh viện mới xây.

Không được giữ gìn trật tự
Không ai bước vào nhà thờ Sainte Marie mà lại không thấy cái vô lý, cái chướng tai gai mắt của việc chiếm dụng này! Không ai không thấy bất tiện trong việc thờ phượng khi cửa nhà mình không đựơc mở, không được sửa! Không ai không thấy bất công và bất hợp pháp.

Khi chúng tôi sang bệnh viện giải thích và chụp ảnh, một số bác sĩ cũng kêu với chúng tôi về tình trạng xuống cấp của hai toà tu viện cũ mà nhà nước chiếm làm bệnh viện và tỏ ra thông cảm với tình cảnh của các nữ tu và giáo dân. Nhưng họ nói đấy là chuyện của lãnh đạo với nhà thờ, còn họ chỉ là cấp thừa hành.

Hiện tại nhà thờ này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là phần bệnh viện Việt Nam-Cuba chiếm dụng. Ngói vỡ, mái dột, tường nứt, tường bị ngấm nước, cửa hỏng, rui mè mục. Ở phần bệnh viện chiếm dụng, họ lấy gỗ ép đóng chặn ngay phía sau cửa sổ nhà thờ, hay ngăn các khoảng không gian rộng giữa lòng nhà thờ và hành lang. Họ làm cái mái tôn xuống bên dưới phần mái bằng, làm biến dạng nhà thờ và làm cho rui mè bên trên càng mau hư hỏng. Trong khi ở phần nền phía nhà phòng thánh mà họ chiếm dụng thì bị ngập nước thải.

Các nữ tu ở đây đã trình bày ngọt nhạt với các ông giám đốc bệnh viện đồng thời gửi đơn từ lên các cấp chính quyền nhiều lần. Nhưng hầu như tất cả một cách chính thức đều rơi vào im lặng. Còn bằng miệng chỗ riêng tư thì luôn thống nhất một giọng điệu là: “Cứ bình tĩnh, cứ từ từ, rồi mọi chuyện sẽ đựơc giải quyết ổn thoả!”.

Nói xin với chính quyền cộng sản trong những vấn đề thế này theo chúng tôi nghĩ thì chẳng khác nào chuyện nạn nhân lại đi quỳ gối trước kẻ cướp và bảo kẻ cướp rằng “xin dủ lòng thương …” và mọi chuyện cứ như vậy cho đến khi các đầy tớ nhân dân “xuống chức” “đầy tớ” và một đời lãnh đạo khác lại bắt đầu bài ca cũ.
 
Chính quyền Hà Nội đe đọa các Nữ tu Phaolô đang muốn lấy lại Tu Viện và nhà thương
PV VietCatholic
21:06 16/08/2008
CHÍNH QUYỀN QUẤY RỐI VÀ ĐE DOẠ CÁC NỮ TU PHAOLÔ HÀ NỘI

HÀ NỘI - Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô ở tu viện số 37 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội đang bị chính quyền cộng sản đe doạ và quấy rối. Nguyên nhân là các bà đang sống và làm việc theo pháp luật bằng cách bảo vệ cở sở thờ tự của mình khỏi bị lấn chiếm và xúc phạm.

Cổng vào tu viện
Các nữ tu dòng Dòng Thánh Phaolô có mặt ở Hà Nội từ năm 1883. Các nữ tu này thuộc số những thầy thuốc Tây y đầu tiên ở Hà Nội.

Mới đầu các chị làm việc tại Nhà thương Phủ Doãn. Đầu thế kỷ XX, Tam Điểm lên nắm quyền ở Pháp quốc và Đông Dương đã loại các bà ra khỏi các bệnh viện công.

Quyết chí phục vụ người nghèo, các bà dòng này đã mua đất lập tu viện và trường học Sainte Marie được ở địa chỉ mà ngày nay là khu vực số 37 Hai Bà Trưng. Các bà cũng thành lập nhà thương Saint Paul ở đầu phố Chu Văn An ngày nay.

Tu viện Sainte Marie ở 37 Hai Bà Trưng là Trụ sở của Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Hà Nội mà nay gọi là Tỉnh Dòng Đà Nẵng. Sau năm 1954, bà soeur Bề trên Giám tỉnh vẫn cư trú tại tu viện này.

Sau năm 1954, tu viện và nhà thương Saint Paul bị nhà nước chiếm dụng toàn bộ và làm cho biến dạng. Sau nhiều lần đổi tên khác nhau nay nhà nước lại gọi tên nhà thương này là “Bệnh viện Xanh Pôn”. Ở giữa sân bệnh viện nay vẫn còn tượng ông thánh Phaolô.

Trong khi đó, số phận tu viện 37 Hai Bà Trưng cũng không kém long đong. Khu trường học ở đây bị Viện Vi trùng học ép buộc làm hợp đống cho họ thuê. Một thời gian sau, Viện này không trả tiền thuê và tự ý chiếm dụng. Khi Viện này xây dựng cơ sở ở nơi khác thì các cán bộ công nhân viên ở đây tự ý chia nhau xây nhà, làm thành khu dân cư hướng ra mặt tiền ra phố Lý Thường Kiệt ngày nay.

Đầu thập niên 1960, khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng XHCN thì chính quyền trục xuất bà Bề trên Giám tỉnh về Pháp. Một nữ tu khác người Việt Nam được bầu lên làm Giám tỉnh là Soeur Madelène Đông. Nữ tu này sau đó ít lâu bị chính quyền bắt đi tù. Rồi bà bị đưa về quản chế và qua đời tại một họ đạo nhỏ thuộc xứ Cổ Nhuế.

Sau khi bắt bà Bề trên Giám tỉnh đi tù, chính quyền liền cướp tu viện. Ngôi tu viện có kiến trúc kiểu thuộc địa rất đẹp hình chữ T với hai cánh chữ T rất rộng vươn ra trên mặt phố Hai Bà Trưng, bị chính quyền chiếm làm bệnh viện Việt Nam-Cuba, hay còn gọi là bệnh viện Mắt Trung ương.

Diện tích đất ban đầu của Tu viện 37 Hai Bà Trưng gần 15.000 mét vuông, nay đã bị chiếm dụng gần hết và số diện tích còn lại theo chúng tôi chỉ vào khoảng 2000 mét vuông. Ba phía mặt tiền đường của tu viện đã bị lấn chiếm gần hết. Riêng mặt đường Lý Thường Kiệt không còn tý nào. Mặt đường Hai Bà Trưng chỉ còn một cửa nhỏ.

Các nữ tu bị dồn xuống khu nhà phụ cấp 4 chật hẹp ở phía sau. Trong khi đó, ngôi nhà thờ, tức là phần chứ T trong khối kiến trúc, thì chính quyền còn để lại. Thế là các nữ tu bị vây kín chỉ còn một cổng ở phần chóp chữ T thông ra phố Hai Bà Trưng.

Một thời gian sau bệnh viện Việt Nam –Cuba lại chiếm nốt phần lớn đất đai thuộc không gian bao phủ của hai cánh chữ T. Ác hơn nữa, họ chiếm luôn cái lối đi của các nữ tu ở đầu chữ T, biến thành lối đi của bệnh viện nối hai phần cánh chữ T với nhau.

Các nữ tu ở đây mất chủ quyền cả cổng. Nhà thờ là nơi tôn nghiêm. Nhà tu là nơi thanh tịnh, vậy mà bổng chốc ngay cổng vào lại bị biến thành chốn tích tụ của tệ nạn xã hội. Nhiều đồ uế tạp và cả các loại kim tiêm chính được vứt vào khu vực này. Kim tiêm của bệnh viện hay của giới nghiện? Hiện nay mỗi buổi sáng đến cổng khu vực 37 Hai Bà Trưng vẫn còn thấy kim tiêm chính vứt bỏ bừa bãi trước mấy của hiệu lấn đất tu viện làm ăn.

Các nữ tu ở Tu viện Sainte Marie đã 9 lần gửi đơn đến các cấp chính quyền ở Hà Nội trong gần 10 năm qua để yêu cấp chính quyền can thiệp trả lại nội vi và chủ quyền cổng đi cho tu viện. Thế nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Ngày 29-30 tháng 7 vừa qua, các nữ tu và giáo dân đã khẳng định chủ quyền bằng cách san lấp khoảng đất ở cổng vào, phá bỏ tường rào bệnh viện làm cổng thông hai bên chữ T cắt ngang cổng nhà thờ và tu viện.

(Xem hình cổng tu viện được giáo dân và nữ tu “dọn dẹp” sau thánh lễ)

Giáo dân giúp "làm sạch" khai thông lối đi
Đấy là chuyện các nữ tu và giáo dân phải tự hành động theo pháp luật để bảo vệ tài sản của mình, để chấm dứt tình trạng nơi thờ tự bị xâm phạm và để chấm dứt tình trạng mất vệ sinh và an ninh ở cổng nhà thờ và tu viện.

Thế mà hiện nay chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền đang áp lực và quấy rối các nữ tu khiến có người trong các bà bị căng thẳng, không còn yên tâm để tu hành và phục vụ.

Trong các ngày đầu tháng 8, chính quyền liên tục gửi giấy triệu tập các nữ tu lên UBND để “làm việc”. Chẳng những thế, công an, một tên Hà (nữ ) và một tên Tư (nam) liên tục vào tu viện quấy rối các nữ tu.

Ngày 06.08.2008 một đoàn cán bộ đã xông vào tu viện “làm việc” với chị Fransoise Thảo, Tu viện Trưởng. Họ chụp mũ và kết án chị nhiều “tội”. Họ làm cho chị căng thẳng phải bỏ ngang đi nghỉ giữa chừng khiến chị em trong tu viện cũng căng thẳng theo. (Xem hình 9 “đầy tớ cán bộ” đang nhập tu viện “ đánh hội đồng” một “chủ nhân dân” khiến nhân dân là nữ tu Bề trên căng thẳng)

Chưa hết những đòn hạ tiện. Thấy không bắt ép được các nữ tu mở cổng 37 Hai Bà Trưng, ban đêm họ cho công an xuống kiểm tra hộ khẩu các nữ tu và gây khó dễ trong chuyện đăng ký tạm trú tạm vắng theo luật.

Ban ngày họ cho Phòng Giáo dục liên tục xuống “thanh tra” nhà trẻ của các nữ tu. Họ kiểm tra số trẻ em theo học ở đây, kiểm tra số cô giáo tham gia dạy các cháu và chuyện tạm trú tạm vắng của các cô. Họ hạnh hoẹ nhiều chuyện không hợp tình, hợp lý liên quan đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của các trẻ em trong trường.

Trong khi đó để dung hoà và giải quyết mọi vấn đề không phải là chuyện dễ dàng. Chẳng hạn một số phụ huynh làm căng với các nữ tu khi các chị không nhận con em họ. Nhưng nếu nhận thì chính quyền lại làm khó.

Hiện các nữ tu đang bị áp lực nặng về vấn đề này. Ngôi trường mầm non duy nhất và cũng là cơ sở giáo dục duy nhất của giới Công giáo ở Hà Nội, đang có nguy cơ bị đóng cửa hoặc phá sản vì nộp phạt. Đấy là kiểu “xã hội hoá giáo dục” và chăm lo cho trẻ thơ của chính quyền!

Hôm thứ 5 ngày 14.08 vừa qua, chính quyền lại gọi 1 trong 2 nữ tu lớn tuổi có hộ khẩu lên UBND để “làm việc”. Hiện nay họ đã trả nữ tu này về với nhiều lời dụ dỗ và áp lực.

Chưa biết chính quyền còn có những đòn phép nào tiếp theo để ức hiếp các nữ tu chân yếu tay mềm, chỉ muốn đọc kinh, cầu nguyện và làm việc thiện mà cũng không được yên? Cũng chưa biết liệu các nữ tu Phaolô có được bản lĩnh đấu tranh đòi công lý cho mình như ni sư Thích Đàm Thoa của Phật giáo ở Bắc Giang?
 
Văn Hóa
Ba Điều khuyên dậy con
Tuyết Mai
14:35 16/08/2008
Ba Điều khuyên dậy con

Con ơi hãy nghe lời Mẹ Dậy!
Lời Mẹ khuyên, con hãy nhớ hãy làm theo.

Mỗi một buổi sáng sớm khi con vừa thức giấc,
Con hãy nhớ Cầu Nguyện xin với Ba Ngôi Thiên Chúa,
Ban cho con ba điều thiết yếu cho một ngày:
Tình Yêu, Sức Mạnh, và Bình An của Chúa,
Để con chu toàn Bổn Phận và Trách Nhiệm,
Trong gia đình, công việc, và với anh chị em.

Mẹ muốn con mang vẻ đẹp tự nhiên,
Mà Thiên Chúa ban cho con trên gương mặt:
Nét hồn nhiên, nụ cười nhân ái, và lời nói dịu dàng,
Để con mang Tình Yêu của Thiên Chúa,
Đến với tất cả những anh chị em,
Con được gặp trong ngày,
Không trừ một ai.

Vì con có hiểu!?
Trên một gương mặt khả ái và luôn vui vẻ,
Con sẽ nói với tất cả anh chị em con điều gì?
Một điều quan trọng nhất mà mẹ muốn con phải,
Cho mọi người được biết con là người đặc biệt;
Con là người luôn có Tình Yêu của Thiên Chúa.

Người có tình yêu của Thiên Chúa,
Là người đó đang có tất cả,
Là người đó giầu có nhất Trần Gian,
Là người đó luôn sống trong hạnh phúc,
Hạnh Phúc Thiên Đàng Ngay trên Trần Gian.
Trong tâm hồn của họ và
Trong anh chị em.

Để Mẹ cắt nghĩa cho con hiểu!
Ba điều thiết yếu con cần được rõ:
Tình Yêu, Sức Mạnh, và Bình An của Thiên Chúa.

Tình Yêu của Thiên Chúa tuôn trào như Mưa Hồng Ân,
Con là cái máng hứng đựng tất cả những hồng ân đó!
Nuôi linh hồn và thân xác của con,
Cho con dồi dào sinh lực từ tinh thần đến thể xác,
Từ buổi sáng sớm gà gáy đến khi tối trời,
Gương mặt của con sẽ là khí cụ,
Đem Tình Yêu tràn đầy của Thiên Chúa đến nhiều nơi.

Sức Mạnh của Thiên Chúa là gì!?
Con chỉ cần một ơn nhỏ Chúa ban cho đã đủ,
Giúp cho con qua mọi gian nan khổ cực của một ngày,
Dù thân xác con có phải vất vả,
Dù tinh thần con có lúc yếu đuối,
Dù tâm hồn con có lúc trống trải và phiền muộn.

Bình An của Thiên Chúa lại còn thật Nhiệm Mầu,
Hơn tất cả sự gì so sánh nơi chốn Trần Gian,
Con có tiền con vẫn không có Bình An.
Con có công danh, sự nghiệp, bao nhiêu gặt hái,
Thành quả trên đời, con cũng không có được Bình An.

Vì sao? Thưa vì,

Bình An Thiên Chúa không ai mua được,
Con chỉ có khi được Chúa ban cho mà thôi!
Con muốn có được là con phải luôn tìm Tình Yêu Thiên Chúa,
Chúa phải là hàng đầu là duy nhất,
Trong cuộc sống và trong cuộc đời của con,
Và con phải biết sống theo Thánh Ý Chúa,
Là luôn sống đẹp lòng Chúa và anh chị em.

Do đó con phải nên nhớ và chú ý!
Khí Cụ chính yếu của con là trên gương mặt,
Không bao giờ con được tỏ lộ sự bất mãn,
Buồn giận, đau khổ, than khóc, ủy mỵ, và tệ nhất là
Sự ghét ghen và hận thù,
Trước mặt anh chị em.

Và đây là Hoa Quả của Chúa Thánh Thần:
Bác Ái, Hoan Lạc, Bình An, Nhẫn Nhục, Nhân Hậu, Từ Tâm,
Trung Tín, Hiền Từ, và Tiết Độ (Gl 5:22-23).

Mẹ mong con được vậy lắm thay!
Vì Nước Trời thì luôn rộng mở và luôn đón chờ con.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Vắng
Nguyễn Đức Cung
07:57 16/08/2008

BIỂN VẮNG – Beach



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mênh mông biển vắng tịch liêu

Gởi theo triền sóng bao điều mộng mơ

Cát ơi ! Dấu vết tan mờ

Về đâu bọt sóng chẳng chờ gió lay

(Trích thơ Hương Xuân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền