Ngày 10-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 19-C TN: Có mấy loại bất ngờ, và làm sao để loại bất ngờ
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:45 10/08/2013
CN 19-C TN: Có mấy loại bất ngờ, và làm sao để loại bất ngờ

Tuần báo KHPT số ngày 3/8/2001 có đăng mẩu tin ngắn này: cô Army Dolby 26 tuổi, sống ở Yorshire nước Anh, có người yêu là anh Johnstone sống ở Sydney Úc. Vì nhớ nhung và vì muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nên nàng đã lằng lặng đáp máy bay vượt 20.000 km để đến thăm chàng. Nhưng khi đến Sydney, thì nàng mới hay, chàng người yêu của nàng cũng muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nàng, nên đã không báo trước gì cả, lấy máy bay bay qua Anh, tới Yorshire để gặp nàng. Hai bất ngờ gặp nhau trong một ngày, cho nên chẳng ai gặp được ai. Còn bài Tin Mừng hôm nay vang lên bên tai ta: chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến. Bất ngờ là đề tài suy niệm Lời Chúa hôm nay, với 2 điểm: (1) Có những loại bất ngờ nào ? và (2) Làm sao để loại bất ngờ ?

1. Có những loại bất ngờ nào ?

Chắc các vị càng lớn tuổi càng trải qua nhiều bất ngờ không ngờ. Một nhạc sĩ nào đó đã viết lên lời ca, đại ý : Người ngỡ đã đi xa ai ngờ bỗng thật gần… Đó có thể là loại bất ngờ về không gian. Tưởng xa mà bất ngờ lại thật gần. Đang đi đường, bất ngờ con chó chạy qua, cán phải, phải vào nhà thương. Không phải chó vào, mà người vào. Tưởng không thể thương nhau được, mà bất ngờ có biến cố nào đó xảy đến, hai người gắn bó với nhau. Ngược lại cũng không thiếu. Tưởng gắn bó được với nhau suốt đời, mà bất ngờ phải xa nhau mãi mãi. Những bất ngờ trong tình yêu này, tiểu thuyết, phim ảnh khai thác hoài mà không phai. Có rất nhiều loại bất ngờ, nhưng dựa vào Lời Chúa hôm nay, xin nói đến 2 loại bất ngờ: bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách.

a) Thời gian

Không ai chối cãi được rằng Lời Chúa trong bài Tin Mừng nhấn mạnh rất nhiều đến sự bất ngờ và là sự bất ngờ về thời gian:

"Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến".

"Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến"

“Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

Rõ ràng những chi tiết trong lời Đức Giêsu đều nhấn mạnh đến sự bất ngờ về thời gian. Vào ngày không ngờ, giờ không biết chính là lúc Chúa đến.

Trong cuộc sống thường ngày, ta rất thường gặp những bất ngờ về thời gian. Bất ngờ nhưng lại rất thường gặp. Đúng là mâu thuẫn ngay trong ngôn từ. Giống như thành ngữ Tây: “Hãy vội vã một cách thong thả.” Hâtez-vous lentement. Bất ngờ về thời gian, nhưng thường xảy ra trong dòng đời. Đang tán gẫu, bất ngờ ông chủ tới. Vài lần bất ngờ như thế, là bất ngờ mình bị thôi việc. (Thực ra thì chẳng bất ngờ gì cả việc mình bị thôi việc này). Trong giờ học, đang đọc tiểu thuyết, bất ngờ giám thị tới. Tiểu thuyết bị thu, hạnh kiểm điểm trừ. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, nên biết bố mẹ đi vắng lâu, ở nhà dẫn lâu la về phá phách, bất ngờ ông bà quay trở lại, bắt gặp. Bất ngờ về thời gian rất thường xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Chúng là những bài học tốt cho ta chuẩn bị cái bất ngờ về ngày giờ Chúa đến. Ngày không ngờ, giờ không biết, Chúa đến… Ngài còn sẵn sàng hạ xuống để ví mình như kẻ trộm rình đến trong thời gian đêm tối nữa kìa. Và như thế từ bất ngờ về thời gian ta chuyển qua bất ngờ về tính cách. Chúa mà lại có tính cách như kẻ trộm, kẻ trộm đêm hôm.

b) Tính cách.

Bất ngờ này có lẽ ta ít quan tâm hơn nhưng lại rất cần chú ý.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta một bất ngờ về tính cách. Khi chủ trở về, thấy tớ tỉnh thức, chủ sẽ vào vai tớ để phục vụ tớ : “Chủ sẽ thắt lưng, đưa tớ vào bàn ăn và đến bên từng đầy tớ mà phục vụ”

Trong dòng lịch sử, khi Đức Giêsu đến cũng vậy. Chúa đã đến viếng thăm dân Người, nhưng dân Người lại không nhận biết. Vì Người đã đến trong một tính cách hoàn toàn khác với ước mong và dự định của con người. Người ta đã nuôi sẵn trong đầu óc và tâm tưởng hình ảnh về Đấng phải đến phải là: giàu sang, quyền qúy, uy nghi, hùng mạnh. Đang khi đó, Ngài lại đến trong cảnh khó nghèo, cơ cực, yếu đuối... từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Làm sao có thể nhận ra Ngài cho dẫu Ngài đang ở giữa họ và chung sống với họ.

Bất ngờ về tính cách ta vẫn thường gặp trong đời thường. Ai cũng tưởng ông ấy nghèo, ăn xin, nhưng khi nằm xuống, mới biết ông ta có bạc triệu cất giấu. Trước đây, ai cũng nghĩ Trần văn Giao, giám đốc công ty xây dựng và kinh doanh nhà Đông Phương là giám đốc giỏi, trẻ tuổi mà tài cao. Bất ngờ, bị bắt, mới vỡ lẽ mình giao tiền cho Trần văn Giao là tên lừa đảo. Danh sách bị bất ngờ, lên tới cả ngàn, trong đó có cả những công ti lớn, quốc doanh, như nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Đọc báo chí, chúng ta thấy như vậy. Nhiều người tưởng thương dân, lo cho dân, nhưng thật ra chỉ lấy của dân lo cho họ. Nếu nói bằng ngôn ngữ hình ảnh của Tin Mừng hôm nay, có sự bất ngờ của tên kẻ trộm đến giữa đêm khuya, mà cũng có cả sự bất ngờ của tên ăn cướp đến giữa ban ngày, đi xe con, mặc áo veste... Ai cũng tin tưởng quý mến, nhưng thực chất của hắn vẫn chỉ là tên ăn cướp! Cướp đêm là trộm, cướp ngày là… vẫn có. Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những thứ bất ngờ như thế

2. Làm sao để loại bất ngờ ?

Bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách là hai loại bất ngờ thường gặp. Làm sao để loại hai loại bất ngờ này. Câu chữ nghiêng đặt đầu bài Tin Mừng hôm nay cho ta lời đáp: Hãy tỉnh thức để được sẵn sàng. Nói cách khác, để không bị bất ngờ thì hãy tỉnh thức.

Người thức thì thường khó mà tỉnh. Người thức đêm, thì phải ngủ ngày bù lại. Còn người đã làm việc ban ngày, cộng thêm thức đêm canh chừng, thì không thể tỉnh được quá ba đêm, cho dù cà-phê đậm đặc được cung cấp. Cho nên tỉnh thức Chúa nói đây, cái chính không phải là thức, mà là tỉnh.

Ta hay nói: Sự việc bất ngờ xảy ra mà ông ta tỉnh bơ như không có gì. Tỉnh bơ có thể là xấu, vì đó là thái độ dửng dưng: tỉnh bơ không ngó tới. Nhưng tỉnh bơ cũng mang nghĩa tốt, lúc đó, tỉnh bơ có nghĩa là quen thuộc lắm rồi, chẳng có gì là bất ngờ cả.

Làm quen với sự bất ngờ về thời giờ Chúa đến bằng cách gặp Chúa hoài, thì có gì là bất ngờ nữa. Gặp Chúa trong giờ kinh, gặp Chúa trong giờ lễ, gặp Chúa trong nhà thờ, gặp Chúa trong giờ thờ phượng, thì ta cứ đi ngủ thẳng chân, mà chẳng lo bất ngờ giờ Chúa đến, vì cả lúc ngủ mà ta vẫn tỉnh, tỉnh nghĩa là quen.

Làm quen với sự bất ngờ về tính cách trong cách Chúa đến, bằng cách gặp Chúa trong hình bánh, gặp Chúa trong công việc, và nhất là gặp Chúa trong người nghèo, thì có gì là bất ngờ nữa khi Chúa đến với bất cứ tư cách nào.

Thánh Phaolô viết thư cho dân Roma giữa ban ngày, mà người nói: Đã đến lúc anh em phải thức dậy. Không thức làm sao đọc được lá thư đó. Thức dậy lâu rồi. Người còn nói thêm: Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chắc tín hữu Roma cũng phải buồn cười khi giữa thanh thiên bạch nhật, mà Phaolô lại nói: đêm sắp tàn, ngày gần đến, nếu như không có câu đi theo: anh em hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy khí giới sự sáng.

Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm? Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi trên với các đệ tử của mình: “Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?” Một anh nhanh nhảu: “Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa.” Một anh khác: “Thưa thầy, ấy là lúc ta phân biệt được đâu là cô gà mái đâu là cậu gà trống.” Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: “Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.” Nhiều câu trả lời nữa cũng được đưa ra nhưng dường như vị sư phụ không thoáng chút hài lòng nào. Cuối cùng cả đám xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: “Khi nào các con nhìn vào người khác và nhận ra đó chính là anh chị em ruột của mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.”

Thế ra không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng.

Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối đưa đường, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ khí giới sự sáng soi tỏ mọi lối đường.

Nhưng vượt cao hơn lời giải thích của sư phụ, ta còn có thể mạnh dạn nói : đêm sẽ tàn, ngày sẽ tới khi ta nhìn người khác, nhất là người khác đây là người cùng khổ, người bị bỏ rơi –như bệnh nhân Aids hôm qua 1/12 thế giới cử hành ngày hướng về—nhìn họ như là chính khuôn mặt của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Không phải chỉ nhìn họ như anh chị em mình, mà nhìn họ như chính hiện thân của Chúa. Nếu vậy, ta chẳng còn gì là bất ngờ cả, hay nói đổi lời, ta loại được bất ngờ khi Chúa đến với ta dưới bất cứ tư cách nào: bởi vì ta đang tỉnh –tỉnh nghĩa là quen—quen nhận biết khuôn mặt của Ngài.

Bất ngờ về thời giờ Chúa đến và bất ngờ về tư cách Chúa trở lại đã được ta phân tích để loại bỏ bất ngờ bằng cách năng gặp Chúa và biết nhận ra Người nơi người anh em, nhất là anh em cùng khổ. Đó là ta loại bỏ được tính bất ngờ đáng sợ, nhưng đồng thời lại đón nhận được cái bất ngờ đáng yêu—ở đời cũng thường có những bất ngờ thích thú đáng yêu, như nàng Dolby kia từ Anh bay qua Úc để gặp người yêu, tạo ngạc nhiên thích thú cho chàng Johnstone; như “em nhắm lại, anh cho em xem cái này…” chắc chắn khi mở mắt ra, trước mặt em không phải là ổ bánh mì thịt nguội, hay cái bánh ú nóng, mà là phải ngạc nhiên bất ngờ hơn nhiều—thì thánh Phaolo nói trong Thư thứ hai gửi Corintô rằng, “điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề tưởng nghĩ,” tức là những cái thật bất ngờ ngạc nhiên, Thiên Chúa đã dành sẵn cho kẻ có lòng yêu mến Người. Chớ gì chúng ta cũng được những bất ngờ đáng yêu đó. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Khúc Dạo Đầu cho niềm vui và hy vọng.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:52 10/08/2013
Khúc Dạo Đầu cho niềm vui và hy vọng.

(Chúa Nhật 19 TN C - 2013)

Trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo lần thứ 28 tại thủ đô nước Brasil – Rio De Janeiro, mọi người đều lo lắng cho sự an toàn của ĐGH Phanxico. Bởi vì chính trong thời gian nầy, tại thủ đô Rio Janeiro đang có các cuộc biểu tình lớn. Thủ đô Rio lại là nơi có tỷ lệ tội phạm nhiều và phức tạp vào hạng nhất của Châu Mỹ La tinh. Trong khi ĐGH quyết định sẽ không dùng xe kính chắn đạn để gần gũi và tiếp xúc với dân chúng. Nhưng rồi, tất cả đều bình yên vô sự. Đức Thánh Cha đã hoàn tất cuộc công du ngoài Rôma lần đầu tiên thành công tốt đẹp.

Chắc chắn, đây không thể là kết quả hoàn toàn do sức lực con người. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện và kêu gọi thế giới cầu nguyện cho cuộc ĐHGT nầy, và Chúa đã yêu thương nhậm lời. Đây chính là kết quả của niềm tin yêu phó thác của Dân Chúa, của Giáo Hội, của Đức Thánh Cha.

Và đây, không chỉ là kinh nghiệm tâm linh của một người, một biến cố, một thời đại…mà là “câu chuyện dài” đã xảy ra, đã hiện thực trên thế giới nầy trải qua bao nhiêu ngàn năm ; từ những tháng năm ngút ngàn xa tắp mà ở đó Tổ Phụ Abraham đã quyết định lên đường, tiến về phía trước, một “phía trươc” bạt ngàn tăm tối và vô vọng, chỉ với một điểm tựa duy nhất là “Lời Hứa của Gia-vê Thiên Chúa”. Cũng thế, khi đứng trước một tương lai đen tối bấp bênh và đau thương bế tắc, khi Pharaon quyết định đè bẹp, áp chế…thì Môse cùng với dân Ít-ra-en đã lên đường, vượt qua trong niềm tin mãnh liệt về một miền Đất Hứa xa xôi…Và Thiên Chúa đã dẫn đưa họ về tới “bến mong chờ”.

Cuộc sống của chúng ta hôm nay, quả thật cũng đong đầy những bấp bênh và thử thách, những đe dọa và khó khăn. Có biết bao nhiêu gia đình, cuộc đời đã tan vỡ bất hạnh, vì không tìm thấy một điểm tựa, một niềm tin nào cho tương lai cuộc sống….

Như câu chuyện của bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Mỹ Linh ở quận Bình Tân, Tp. HCM, vì quá bức xúc trước cảnh chồng nhậu nhẹt say sưa về mắng vợ đánh con, lại thêm quẩn bách vì nghèo túng, đã tuyệt vọng quyên sinh và giết luôn đứa con gái 2 tuổi vì không nỡ bỏ con lại một mình.

Hay như câu chuyện Bà Nguyễn thị Mỹ Nhân ở Cà Mau, vì nghèo túng, bệnh tật, đi vay tiền nghèo thì bị từ chối, đã thất vọng tìm tới cái chết để khỏi khổ chồng, khổ con…

Giả thử, những con người đó, có được một niềm tin vững chắc vào tình thương của Thiên Chúa, vào bàn tay quyền năng và chăm sóc của Ngài, chắc chắn họ đã vượt qua, để chịu đựng và từ từ xây dựng lại tương lai.

Điều đó đã được minh chứng cụ thể qua bao chứng từ sống động như câu chuyện của anh chàng không có tứ chi Nick Vujicic đã thu hút và thuyết phục hàng triệu người trên thế giới trong số đó có hàng trăm ngàn bạn trẻ Việt Nam từ ngày 22-26/5 vừa qua từ Sài Gòn đến Hà Nội. Sở dĩ anh đã vượt lên số phận để làm chủ cuộc đời và trở thành con người vĩ đại có ích cho xã hội vì anh đã vững niềm tin và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa.

Thế nhưng, không phải tự nhiên là có được niềm tin mãnh liệt như thế. Chính Đức Ki-tô, để chiến đấu và chiến thắng những cơn cám dỗ hầu đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và Lời quyền năng của Ngài, đã phải ăn chay trường suốt 40 ngày trong hoang mạc. Cũng vậy, để có một Đất Hứa chan hòa sửa và mật, dân Ít-ra-en đã phải nằm gai nếm mật suốt 40 năm trường trên con đường dài xuyên qua Sa Mạc. Cũng vậy, anh chàng khuyết tật Nick đã phải phấn đấu với bao thử thách đau khổ từ trong chính tâm hồn tới xã hội chung quanh, chiến thắng những cơn cám dỗ thất vọng muốn tự tử khi biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa để vươn mình lên, vượt qua và đứng vững.

Tin Mừng Luca hôm nay cũng muốn giới thiệu cho chúng ta chính những lời dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu. Đó là đừng sợ hải. Hãy khôn ngoan đầu tư cuộc sống cho một tương lai vĩnh hằng và những giá trị vĩnh cửu trong khi khôn ngoan và tỉnh thức trước tiếng gọi và ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Sứ điệp Phụng Vụ hôm nay thật là thích hợp cho Năm Đức Tin nầy, là năm để mọi người Ki-tô-hữu chúng ta canh tân và củng cố niềm tin, một đức tin, có thể đã già nua, cằn cỗi, yếu mềm và sai lệch, khiến chúng ta lèo lái cuộc đời như con thuyền đang lệch hướng.

Đức Thánh Cha Bênêđictô đã mượn lời của Thánh Phêrô Tông Đồ để nói với chúng ta về việc canh tân và củng cố đức tin trong Tự Sắc Porta fidei của Ngài :

“Anh em sẽ được hớn hở vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1, 6-9).

Và Đức Thánh Cha đã kết thúc văn kiện nầy bằng những lời sau :

“Các Kitô hữu cảm nghiệm niềm vui và đau khổ. Biết bao vị thánh đã từng trải qua nỗi cô đơn! Biết bao tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì Thiên Chúa vẫn im lặng trong khi họ muốn được nghe lời Người an ủi! Những thử thách của cuộc sống, đang khi giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thập giá và dự phần vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1, 24), là khúc dạo đầu cho niềm vui và hy vọng mà đức Tin dẫn đến: “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12, 10). Chúng ta vững vàng tin tưởng mạnh mẽ Chúa Giêsu đã chiến thắng cái ác và sự chết. Với niềm tín thác, chúng ta trao phó bản thân cho Chúa: Chúa hiện diện giữa chúng ta và chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11, 20) và Giáo Hội, cộng đoàn hữu hình của lòng Chúa thương xót, ở lại trong Chúa như dấu chỉ giao hòa rõ rệt với Chúa Cha.

Chúng ta hãy phó thác thời điểm ân sủng này cho Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được tuyên xưng là “Có phúc vì đã tin” (Lc 1, 45).

Như vậy, trong ánh nhìn đức tin của người Ki-tô hữu, mọi sự trên đời nầy, trong cuộc hiện hữu nầy, cho dù đắng cay và thử thách, cho dù mất mát đau thương, cho dù đau buồn khổ cực…tất cả chỉ là khúc dạo đầu cho niềm vui và hy vọng mà đích đến chính là vinh quang của Nước Trời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mùa hè ở Pháp và các hoạt động liên quan
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:29 10/08/2013
Mùa hè ở Pháp và các hoạt động liên quan

Dường như đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp nghỉ hè, nước Pháp lại có hàng trăm người bị chết đuối. Năm ngoái, trong vòng bốn tháng kể từ đầu tháng Sáu cho đến cuối tháng Chín 2012, 497 người thiệt mạng liên quan đến tắm biển và bơi lội nơi các sông hồ. Đấy là chưa kể đến con số chết vì tai nạn giao thông đang khi trên đường đi nghỉ hè. Có lẽ khi đứng về phía những người lao động tại một số nước quanh năm làm việc vất vả mà lại không hề có được kỳ nghỉ thì các trường hợp rủi ro nêu trên chẳng cần phải bàn luận nhiều làm gì. Nói vậy cũng dễ hiểu, bởi vì rất nhiều nơi trên thế giới vẫn còn cảnh thiếu ăn, hoặc người dân còn phải vất vả trong kế sinh nhai. Thêm vào đó, nhiều người chết vì bệnh hiểm nghèo mà không có điều kiện chạy chữa, những người khác nữa lại chết vì tai nạn lao động. Khi đem những cái chết này so sánh với cái chết xảy ra khi đi nghỉ hè xem ra có sự khác biệt rất lớn.

Lại cũng có những sự bất tiện khác phát sinh mà nguyên nhân chính là do kỳ nghỉ hè tạo ra. Cuối tuần trước, chỉ riêng buổi sáng, các tuyến đường giao thông của toàn nước Pháp đã bị tắc nghẽn với chiều dài quãng đường khoảng 800 km. Có tuyến đường bị kẹt trên 50 cây số. Các xe nối đuôi nhau nhích từng bước trong khi đó nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Đấy là chưa kể ngành đường sắt đã phải làm việc hết công suất. Tuần rồi các chuyến tàu đã chuyên chở trên 800 ngàn hành khách về hướng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Vấn đề di chuyển trong thời kỳ nghỉ hè quả là tạo ra những khó khăn không nhỏ. Các mối sinh hoạt khác dường như cũng bị giảm thiểu rất nhiều. Ngay cả những người làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe cũng ngưng làm việc trong khoảng thời gian một tháng hè. Các nha sĩ đóng cửa kéo theo những phòng cung cấp răng giả bắt buộc phải nghỉ theo. Những bác sĩ khám tổng quát cũng rời phòng khám của mình để đi nghỉ hè. Các giáo xứ không phải là trường hợp ngoại lệ. Vào dịp hè, các hội đoàn tạm thời ngưng hoạt động. Nhiều văn phòng giáo xứ không có người trực để tiếp khách mà chỉ nhận các tin nhắn để lại trong hộp thư thoại. Chỉ cử hành bí tích hôn phối và rửa tội cho những trường hợp đã có sự chuẩn bị từ trước. Xứ nào có nhiều linh mục thì chia nhau đi nghỉ. Xứ nào chỉ có một cha xứ thì mượn cha khách về thay thế. Giáo xứ hầu như chỉ còn duy trì việc cử hành thánh lễ và an táng.

Trong khi đi nghỉ, người ta không những không lao động để làm ra sản phẩm mà còn phải chi phí rất tốn kém cho vấn đề đi lại, ăn ở và giải trí. Chi trả của một gia đình cho kỳ nghỉ đắt đỏ hơn rất nhiều so với chi phí sinh hoạt hàng ngày. Câu hỏi đặt ra là liệu có cần chú trọng quá đến việc nghỉ hè ? Nó có thực sự là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống ? Hoặc là dùng số tiền chi phí cho kỳ nghỉ hè để làm một việc thiết thực cho những ai đang có nhu cầu khẩn thiết để thể hiện tình liên đới ?

Xét về điều kiện khí hậu, có thể nói thời tiết trong hai tháng hè Bảy và Tám là nhiều nắng và nóng nhất trong năm. Đây là dịp lý tưởng để tổ chức các cuộc dã ngoại mà những thời gian khác trong năm năm không thể có được như vậy. Mặt trời cũng là yếu tố cần thiết. Trong suốt mùa đông lạnh giá, người ta thiếu hẳn sự năng động vì sự xuất hiện của mặt trời rất hiếm. Cảnh vật chìm sâu trong giấc ngủ đông. Vì thế, mùa hè là lúc cần phải thay đổi nhịp sống.

Sách Giảng Viên viết : « Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà » (Gv 8, 1-8).

Cũng thế, có thể nói tiếp rằng một thời để làm việc, một thời để nghỉ ngơi. Xét theo chiều hướng tích cực, ngưng làm việc để nghỉ ngơi lại sức và sau đó hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Khi đầu óc và tay chân không phải bận tâm đến công việc thì sẽ có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn về những gì đã làm trong thời gian qua để điều chỉnh lại hướng đi và có kế hoạch phù hợp cho thời tiếp theo. Ngoài ra, khi tạm ngừng làm việc sẽ có thời gian chăm sóc cho gia đình, làm những gì theo sở thích, có thời gian tham quan thư giãn và thiết lập những mối liên hệ khác trong cuộc sống, hoặc là khám phá ra một địa danh mới cũng như trau dồi được một số kiến thức mới mẻ giống như người Việt mình thường nói : « Đi một ngày đàng học một sàng khôn »...Như vậy, nghỉ ngơi là điều cần thiết để quân bình trong các sinh hoạt của cuộc sống mang lại hiệu quả cao cho các công việc.

Trong khi mong muốn những người thất nghiệp tìm được việc làm, những người lao động vất vả có được kỳ nghỉ ngơi, con người còn cần có những cặp tương quan hỗ tương về « lúc » và « thời » khác nữa như : một thời để học hành và một thời để thực hành ; một thời để được yêu thương và một thời để yêu thương ; một thời để được nhận lãnh và một thời để trao ban ; một thời cần nhu cầu vật chất thì cũng có một thời cần nhu cầu tinh thần ; một thời chia ly thì cũng có thời gặp gỡ…Có như vậy cái nhìn về cuộc sống mới bao quát và mới có được sự phát triển về con người cách toàn diện.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
 
Câu chuyện truyền giáo: Paraguay - Dư âm những ngày lễ hội
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
09:41 10/08/2013
PARAGUAY – DƯ ÂM NHỮNG NGÀY LỄ HỘI

Dư âm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 ở Brazil

Tuần lễ đại hội giới trẻ thế giới đã trôi qua mấy tuần nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng với những hình ảnh, mẫu chuyện, những video clip thật cảm động. Tuy nhiên nhân vật chính luôn đuôc nhắc đến là vị Giáo Hoàng đầu tiên của một lục địa mà ngay khi đắc cử, vị Giám Mục Roma này đã khôi hài tuyên bố với Hồng Y Đoàn là họ đã bỏ phiếu cho một người đến từ “fin del mundo” (tận cùng của thế giới). Người ta không ngớt lời ca ngợi sự đơn sơ, chân thành, thẳng thắng và khôi hài của vị Giáo Hoàng đầu tiên của châu Mỹ La-tinh này.

Nếu ai đó đã từng đến Argentina (hay Á Căn Đình, một cách phiên âm nôm na của người Việt cho dễ đọc) và sống ở đó một thời gian, có lẽ mọi người sẽ thấy đây là một đất nước nếu đem so với các quốc gia Nam Mỹ khác, rất là khó sống vì người dân ở đó, nhất là dân vùng thủ đô và vùng lân cận thủ đô có một sự kỳ thị rất lớn và rất hãnh diện về gốc gác và kiến thức của họ. Bởi thế, khi họ nới tiếng Tây Ban Nha, họ cũng cố tạo ra một phong cách đặc biệt để mọi người có thể nhận biết đây là người thủ đô chính gốc (giống như người miền Tây Nam Bộ Việt Nam nói chữ “V” thành chữ “D” như “con Voi” thì họ nói là “con Doi”) vậy.

Bởi thế người dân của các nước Nam Mỹ cận của Argentina không mấy ai thích làm bạn với người Argentina vì tính kiêu ngạo của họ và luôn có những câu chuyện diễu cợt và thậm chí có những lúc thái quá đã làm mất tình đoàn kết trong các cộng đoàn tu trì quốc tế nơi mà những người Argentina sống chung. Bởi thế, khi đức Hồng Y Jorge Bergolio người Argentina đắc cử Giáo Hoàng với tước hiệu là Phanxico, người dân ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đã bông đùa rằng Đức Phanxico khi lên ngôi Giáo Hoàng đã làm một phép lạ đầu tiên cả thảy là tất cả mọi người đều yêu mến ngài dù ngài là người Argentina. Người ta đã không còn muốn nhắc đến nguồn gốc Argentina của ngài nữa nhưng chỉ muốn gọi ngài là Đức Phanxico Giáo Hoàng. Đây là một lợi thế cho ngài ngay từ khi ngài đắc cử Giáo Hoàng vì sự khiêm nhường, đơn sơ, khôi hài và thẳng thẳn của ngài dù gốc gác từ ông bà cha mẹ của ngài là người Italia di dân.

Có lẽ nhiều người đã nghe và xem qua tin tức về cuộc họp báo của ngài trên chuyến bay từ Brazil về lại Rô-ma sau Tuần Lễ Đại Hội Giới Trẻ. Ngài không hề tránh né bất cứ điều gì khi các phóng viên chất vấn ngài. Một vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị về vai trò của người phụ nữ trong Giáo Hội là việc phong chức phó tế và linh mục. Ngài đã yêu cầu Giáo Hội trong tương lai cần có một sự nghiên cứu sâu rộng về thần học phụ nữ vì ngài đã nhấn mạnh rằng tron Giáo Hội tiên khởi, vai trò của Mẹ Maria quan trọng hơn nhiều so với các Tông Đồ. Có lẽ nhiều người sẽ không mấy hài lòng về những câu trả lời của ngài trên chuyến bay hôm ấy nhưng vì ngài là giám mục Rô-ma, là người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ và mỗi châu lục có những vấn đề riêng, nhất là châu Mỹ Latin là nơi có nhiều tín hữu Công Giáo nhất nhưng cũng là nơi có nhiều vấn đề hóc búa nhất. Một vị Cha chung như ngài rất ưu tư khi nhiều con cái đang dần dần rời bỏ Giáo Hội Mẹ nên ngài đang có những cách thế riêng của ngài để kêu gọi những người con sớm quay lại. Chính tên gọi Phanxico và cách sống giản dị của ngài đã đánh động nhiều người, nhất là giới trẻ, trụ cột của Giáo Hội đang nhìn vào vị đại diện Chúa Kito sống động ở trần gian qua con số tham dự kỷ lục trong kỳ đại hội giới trẻ vừa qua.

Lễ Tấn Phong Một Giám Mục

Đã lâu rồi Paragguay không có tân giám mục. Các vị giám mục ngoài 75 tuổi vẫn cứ làm việc dù đã xin hưu theo Giáo Luật. Nhiều Giáo Phận trống tòa đã nhiều năm qua và các linh mục giám quản cứ làm việc như một giám mục nhưng chỉ là linh mục (giống như các Phó tế đọc kinh cha, ăn cơm thầy). Ơn gọi linh mục, tu sĩ thì khan hiếm trầm trọng nhưng ứng cử viên giám mục thì không bao giờ thiếu!!! Vậy mà nhiều năm qua vẫn không có giám mục mới.

Tuy nhiên trong tháng 7 vừa qua thì Đức Giáo Hoàng Phanxico lại hào phóng bổ nhiệm 3 tân giám mục cho Giáo Hội Paraguay trong đó có 2 linh mục Dòng và một linh mục triều. Vị linh mục thuộc Dòng Don Bosco người Paraguay từng làm việc với chúng tôi trong phong trào giới trẻ và ơn gọi vừa tròn 42 tuổi. Bằng cấp cao nhất mà vị linh mục này có là cử nhân xã hội học. Một linh mục trẻ, hoạt bát, năng động và hăng say làm việc. Vị này được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận tông tòa, một vùng truyền giáo rất nghèo của Paraguay và mấy năm nay trống tòa do vị giáo mục trước đây cũng thuộc Dòng Don Bosco được bổ nhiệm về làm Tổng Giám Mục Phó của Tổng giáo Phận Thủ đô của Paraguay. Trong tư cách là bạn và người từng làm việc chung với nhau, chúng tôi tham dự thánh lễ tấn phong giám mục của người anh em này.

Thánh lễ tấn phong giám mục được cử hành vào chiều thứ 7 đầu tháng của tháng 8 tại Nhà Thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (Santuario Maria Auxiliadora) của Dòng Don Bosco tại thủ đô Asunción của Paraguay với sự tham dự của 15 giám mục, kể cả giám mục hưu dưỡng, các linh mục và các Nam Nữ Tu sĩ của các Dòng tu đang làm việc ở thủ đô và giáo dân lân cận. Sức chứa trong nhà thờ khá khiêm tốn nên các vị Giám mục đồng tế phải ngồi chen chút với nhau trông thật tội nghiệp. Còn các linh mục đồng tế thì đều ngồi ở hàng ghế đầu xen lẫn với người thân của tân chức và giáo dân. Không hề có dãy ghế dành riêng cho Tu sĩ hay chính quyền. Ai muốn đứng, ngồi chỗ nào cũng được. Công bình mà nói thì khâu tổ chức ở đây với một buổi lễ Tấn Phong Giám Mục còn thua xa một buổi lễ khấn lần đầu của một Dòng Tu ở Việt Nam. Có lẽ người dân ở đây sống xuề xòa quen rồi nên không mấy quan trọng đến khâu hình thức. Có chăng là một số câu khẩu hiệu được hô to trước hay sau thánh lễ cho thêm phần khí thế giống như ở Việt Nam vào những năm 70s,80s vào những dịp cổ động hay mít-tin mà bây giờ còn xót lại ở một vài giáo xứ ở miền Bắc.

Hình như ở khắp Paraguay chúng tôi chưa thấy một nhà thờ nào hoành tráng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như ở Việt Nam. Chỉ có vài nhà thờ Chính Tòa được xây dựng lâu năm mà nay đang xuống cấp trầm trọng có thể chứa được nhiều người tham dự thánh lễ nhưng quả thực có mấy nhà thờ đầy người vào những ngày Chúa Nhật. Chính vì lý do đó mà nhiều giám mục và cha xứ bên này không mấy quan tâm đến việc chạy tiền để xây nhà thờ hay nhà xứ mà chỉ lo sao để đào tạo những nhân viên mục vụ hòng khi không có linh mục thì người dân có thể họp nhau để cử hành phụng vụ.

Quay lại thánh lễ Phong Chức Giám Mục. Chúng tôi cũng thấy lạ là trong thánh lễ phong chức lần này có đến hai linh mục làm chưởng nghi, một vị chưởng nghi do Hội Đồng Giám Mục gởi tới và một vị chưởng nghi do Dòng Don Bosco bổ nhiệm. Tuy có đến hai vị chưởng nghi nhưng thánh lễ lại không được trang trọng lắm vì “trống đáng xuôi, kèo thổi ngược” nên có những lúc vị Giám Mục Chủ Phong không biết phải làm thế nào. Dẫu có những lúc lộn xộn và không được trang nghiêm cho lắm nhưng phải công nhận rằng vị Giám Mục Chủ Phong và các Giám Mục đồng tế không người nào tỏ ra bực tức, khó chịu hay có một cử chỉ “sửa lưng” nào. Đây là điều mà chúng tôi đã học hỏi được sự kiên nhẫn của người dân Paraguay.

Trong bài giảng lễ, vị Giám Mục Chủ Phong cũng thuộc Dòng Don Bosco và đang là Tổng Giám Mục phó với quyền kế vị của một Tổng Giáo Phận lớn nhất của Paraguay, ngài được thuyên chuyển về Tổng Giáo Phận này cách đây 3 năm vi trước đây ngài đã trông coi Giáo Phận Tông Tòa mà vị tân giám mục này sẽ đảm trách từ bây giờ, ngài đã nhắn nhủ người anh em Giám Mục cùng Dòng là hãy biết kiên nhẫn và sống hết mình với đoàn chiên. Ngài đã khôi hài nói với vị Tân Giám Mục rằng Giáo phận tông tòa Chaco mà vị Tân Giám Mục sẽ đảm trách nếu tính số lượng đàn vật thì nhiều gấp ngàn lần số lượng giáo dân vì ở đó chỉ có 5 giáo xứ chính, số còn lại là người thổ dân không biết đọc, không biết viết và thậm chí cũng không biết phân biệt đâu là tay trái đâu là tay phải. Nếu không có sự kiên nhẫn và sống hết mình với đàn chiên mình thì sẽ mất nó. Ngài cũng nhắn nhủ vị Tân Giám Mục hai điều cốt yếu của vị mục tử thời nay là “Cercanía y Encuentro” nếu dịch ra tiếng Việt mình là 4 chữ G “Gần Gũi và Gặp Gỡ”. Chính Đức Phanxico cũng nhắn nhủ các vị mục tử trong dịp lễ Mục Tử Nhân Lành là “chủ chiên phải biết ngửi mùi chiên”. Làm Giám mục mà xa cách người dân giống như một người cha gia đình mà trốn tránh trách nhiệm không muốn gặp gỡ và gẫn gũi con mình là không xứng đáng. Bài giảng lễ chỉ vỏn vẹn 15 phút nhưng thật chân tình, ý nghĩa và sâu lắng không những cho vị Tân Chức mà cho tât cả những người tham dự. Đức Phanxico rất có lý khi ngài bổ nhiệm một linh mục trẻ như người anh em này làm Giám Mục Giáo Phận Tông Tòa, một vùng đất truyền giáo vì nếu ngài chọn một vị lớn tuổi thì có lẽ sau 3 năm mục vụ ở đó sẽ không còn sức lực để làm việc nữa vì đó là một vùng đất khô cằn và thiếu thốn tư bề. Vị Tân Giám Mục cũng không hề từng đảm nhiệm một chức vụ lớn nào trong Giáo Hội cũng như trong Hội Dòng. Vị này cũng không hề có một bằng cấp tiến sĩ hay cử nhân phụng vụ hay giáo luật nào. Bằng cấp của vị này có là kinh nghiệm và rất dấn thân làm việc vì ở Giáo Phận Tông Tòa đó chỉ cần những con người có bằng cấp chính là biết tận tâm làm việc mà thôi.

Thánh lễ phong chức chỉ diễn ra trong hai tiếng đồng hồ và được các hãng truyền hình, truyền thanh trong nước loan tin trực tiếp trên toàn quốc. Thánh lễ kết thúc với phần ăn của một người, kể cả các Giám mục hay linh mục đồng tế là một cái bánh bao chiên và một ly nước. Mọi người ra về hớn hở mừng vui và hẹn tháng 9 tới sẽ tham dự một thánh lễ Tấn Phong Giám Mục khác sẽ diễn ra tại Đền Thánh Đức Mẹ Caacupe cho một vị linh mục trẻ khác cũng vừa được bổ nhiệm. Paraguay đang có niềm vui vì một số giáo phận trống tòa nay đã có mục tử để có thể đồng hành, dẫn dắt đoàn chiên đến nguồn nước trong lành.

Lễ Thành Lập Một Xứ Mới

Dù ơn gọi mỗi ngày một khan hiếm và các linh mục mỗi ngày một ít đi, nhưng do nhu cầu mục vụ khấn thiết nên Đức Giám Mục của một Giáo Phận thuộc miền Nam của Paraguay đã quyết định thành lập một giáo xứ mới và giao cho một linh mục của Dòng Ngôi Lời làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ này.

Giáo xứ mới thành lập được tách ra từ một giáo xứ cũng do Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đảm trách. Giáo xứ mới này có diện tích khá lớn với gần 50 giáo điểm truyền giáo cách xa nhau nhưng cơ sở hạ tầng còn rất nghèo nàn và đường xá thì gồ ghề, xấu xi. Một anh em linh mục của Dòng người Paraguay từng làm việc ở Cuba và Mexico nhiều năm nay trờ lại Paraguay để phục vụ cho chính quê hương mình. Nhìn những người dân lam lũ, đơn sơ lần đầu tiên được tham dự thánh lễ đồng tế với sự hiện diện của Giám mục Giáo phận, cha Bề trên Giám tỉnh của tỉnh Dòng và các linh mục đồng tế mà đa phần là người nước ngoài khiến họ rất vui và hãnh diện. Đức Giám Mục chủ tế là người Tây Ban Nha cũng từng là một tu sĩ truyền giáo cũng nở một nục cười mãn nguyện vì từ lâu ngài đã ấp ủ trong lòng để thành lập giáo xứ truyền giáo này và nay đã thành hiện thực. Nói là giáo xứ cho oai nhưng nhà thờ chưa hoàn tất nên thánh lễ phải cử hành ở ngoài trời nắng gió. Dù vậy thánh lễ vẫn diễn ra tốt đẹp và mọi người cùng nhau hát hò, rước kiệu để mừng giáo xứ mới và cũng mừng vị thánh bổn mạng của giáo xứ là Thánh Cayetano.

Sống ở các xứ truyền giáo có lẽ một điều thú vị nhất là mình có thể làm việc mà không phải sợ sệt trên đe dưới búa vì mình làm thì mình dám chịu trách nhiệm. Hơn nữa, dù người dân ở đây nghèo về vật chất và rất đơn sơ, chất phát nên mình thấy công việc mình làm có ‎ ý nghĩa là giúp những con người bé mọn ấy thấy được những công trình kỳ diệu của Chúa và có thể sống tốt hơn. Đôi lúc cũng hơi khó chịu và bực tức vì sự chậm hiểu và xuề xòa của họ, nhưng nghĩ lại cũng thấy thương cho họ vì họ đâu muốn vậy và đâu phải ai cũng giống như mình.

Thánh lễ thành lập Xứ mới thật vui khi đoàn rước diễu hành từ nhà thờ đến vài ngõ ngách quanh Giáo xứ và mọi người nghêu ngao hát những bài hát quen thuộc. Tất cả các giáo điểm truyền giáo thuộc Giáo xứ cũng mang các vị thánh bổn mạng của cộng đoàn mình và cùng cung nghinh với vị Thánh bổn mạng chính của Giáo xứ. Nhìn thấy sự hồn nhiên của những bà mẹ và các em thiếu nhi lâu ngày được dịp khoe áo mới và được nhìn thấy đông người như hôm ấy khiến chúng tôi cũng vui lây. Giáo Hội của Chúa Ki-tô là như thế đó, một Giáo Hội của người nghèo, cho người nghèo và vì người nghèo. Nếu một ngày nào đó chúng ta đánh mất đi sự hồn nhiên dễ thương này thì dù chúng ta có xây những ngôi Giáo Đường cao sang tráng lệ, chúng ta sẽ không thể nào có được những con người yêu mến Chúa thật sự vì đó không phải là Giáo Hội của Chúa nữa.

Người xưa chúng ta có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Đã là người thì ai cũng muốn để lại những tiếng thơm cho đời nếu một mai không còn nữa, ngoại trừ những tên cướp hay những tên khủng bố họ hay “chơi ngu lấy tiếng!”. Chính ở nơi truyền giáo này chúng tôi đã học được những tấm gương truyền giáo của các bậc cha anh mà mỗi khi chúng tôi đến thăm những nơi mà họ đã từng đặt chân đến, người ta đã nhớ đến những nhà truyền giáo này và đã đặt tên cho những con đường để tưởng nhớ họ. Chúng tôi tâm niệm một điều rằng bạo quyền, tiếng bom, tiếng súng không thể thuyết phục lòng người nhưng chỉ có lòng nhân ái, sự dấn thân và cho đi có thể thu phục được lòng người và có thể làm cho người tat hay đổi tận căn. Đức Phanxico chỉ vừa lên ngôi Giáo Hoàng chưa đầy 5 tháng nhưng chính cách sống của ngài đã để lại những ấn tượng đẹp và làm cho người tat hay đổi hơn là những Tông Thư, Tông Sắc hay Tông Huấn đầy những thuật ngữ chuyên môn và chỉ giành cho những bậc trí thức rồi khi đọc xong thì được cất vào trong những ngăn tủ đẹp. Bởi chính điều này cách đây mấy chục năm Đức Phaolo VI đã đề cập đến trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng rằng: “Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thầy dạy”. Là những nhà truyền giáo và là những thầy dạy về đức tin cho người khác, chúng tôi luôn ý thức và nằm lòng điều này vì nếu không biết làm chứng thật thì chúng tôi là những người giả dối nhất và hệ lụy là sẽ sản sinh ra một thế hệ giả dối vì người dân ở đây vốn thât thà chất phát.

Paraguay chuẩn bị mừng Lễ Mẹ Lên Trời, bổn mạng của Thủ Đô hành chình Paraguay và cũng chính là ngày vị Tổng Thống và Chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức. Trời Paraguay vẫn còn lạnh vì đang là mùa Đông. Ước mong vị Tổng Thống và Chính quyền mới biết canh tân đất nước để đưa người dân mê muội và lầm than mỗi ngày tiến lên để có thể sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực.

Paraguay, 10 tháng 8 năm 2013 – lễ Thánh Lorenso Phó tế

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Quang xây nhà tình thương
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
08:39 10/08/2013
Giáo xứ Tân Quang xây nhà tình thương

Giáo xứ Tân Quang xét về mặt hành chính thuộc tỉnh Hà Giang nhưng xét về mặt tôn giáo lại thuộc về Giáo phận Hưng Hóa. Đây là một giáo xứ khá phức tạp về mặt địa lí. Rừng núi hiểm trở. Giao thông khó khăn. Hơn nữa, Hà Giang còn là một tỉnh nghèo, nơi có rất nhiều sắc tộc khác nhau sinh sống. Vì thế, văn hóa và tín ngưỡng bản địa tại vùng này cũng rất đa dạng và phong phú.

Người ta vẫn thường nói vui:

“Trông xa thì tưởng là kiều,

lại gần thì hóa là Tày Hà Giang”.

Dân tộc Tày chiếm khá đông tại tỉnh này. Nhiều dân tộc khác cũng sinh sống tại đây. Mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng, màu sắc và ngôn ngữ riêng và ngay cả tôn giáo nữa. Chính vì lí do đó, các tôn giáo khác du nhập tới Hà Giang thì đều được gọi là tôn giáo ngoại lai nên “khó có đất sống”. Tất cả các tôn giáo đó muốn tồn tại trên mảnh đất Hà Giang thì đều phải “nhập thể” vào văn hóa bản địa đó mới có thể được chấp nhận. Đạo Công Giáo là một thí dụ điển hình. Tất cả những người có đạo Công Giáo tại đây không phải là gốc người Hà Giang mà hoàn toàn là những người di cư từ vùng xuôi lên làm ăn và lập nghiệp. Nhưng vì lí do không hòa nhập được nên những người Công Giáo không thể truyền giáo cho người dân địa phương. Một tín hiệu không mấy vui đối với việc loan báo Tin Mừng!

Ngay từ khi nhận giáo xứ Tân Quang, Cha Gioan Kim Đinh Văn Hợp – một linh mục trẻ nhiệt tình và nhiều thao thức, đã nhận ra điều đó. Nhưng phải là thế nào? Ai là người giúp cha thực hiện hoài bão truyền giáo? Bằng cách nào? Và với phương tiện nào?

Truyền giáo bằng việc làm từ thiện – một phương thức tuy không mới nhưng lại rất hiệu quả tại vùng núi này.

Trong những ngày gần đây, giáo xứ Tân Quang dưới sự hướng dẫn của Cha quản xứ đã khởi công xây dựng 4 ngôi nhà cho 4 hộ gia đình nghèo. Mỗi hộ được trợ giúp 15 triệu đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng chứa đựng bao tình người trong đó. Hi vọng họ bớt khổ hơn!

4 gia đình được giúp là:

1/ Gia đình bà Tốt

2/ Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng

3/ Gia đình anh Hoàng văn Mạnh

4/ Gia đình anh Hà Xuân Thủy.

Tuy chưa ngôi nhà nào làm xong nhưng các gia đình được trợ giúp rất vui mừng và phấn khởi. Họ cảm nhận được sự đoàn kết yêu thương của những người theo đạo Công Giáo.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình nghèo tại tỉnh Hà Giang, nhất là trong phần đất của giáo xứ Tân Quang để qua việc từ thiện bác ái này họ có cơ hội thoát nghèo và cảm nhận được tình thương của Chúa yêu thương họ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
 
Lá thư đáng quan tâm
Lm. Thiện Duy
08:50 10/08/2013
LÁ THƯ ĐÁNG QUAN TÂM

Kính gởi Ban Biên Tập Vietcatholic!

Con là Linh mục đang phục vụ tại họ đạo Tắc Sậy, nơi có mộ của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Hằng ngày con nhận được nhiều lời xin cầu nguyện cho hoàn cảnh của họ.

Mới hôm qua đây, con nhận được một lá thư xin con cầu nguyện. Sau khi đọc qua con đã xúc động rất nhiều vì xã hội hôm nay vẫn còn nhiều tấm gương sống đức tin cho con noi theo.

Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, con thấy mình không thể làm thinh trước tấm gương này nên muốn chia sẻ với những ai quan tâm đến đời sống đức tin; và nhất là để mọi người hiệp lời cầu nguyện cho hoàn cảnh của gia đình này.

Con xin ghi lại nguyên văn của bức thư:

“Kính gởi cha! Con là Gioakim… và vợ con là Anna…

Năm 2012 chúng con quen nhau, yêu thương nhau và đi đến với nhau có sự chúc phúc của Thiên Chúa, cha xứ và nhà thờ Kỳ Đồng, dòng Chúa Cứu Thế và ông bà cha mẹ. Đến tháng 3 năm 2013, vợ con mang trong người một mầm sống mới, niềm vui với chúng con vô cùng lớn lao.

Nhưng đến ngày hôm nay (03.08.2013), với sự chẩn đoán của y khoa, bác sĩ kết luận thai nhi không được bình thường, bé sẽ có nhiều dị tật như hở hàm ếch, không thể nói, bàn tay chẻ ngón, có nhiều ngón hơn bình thường, trong đầu bé có màn nước. Và bác sĩ kết luận: nên bỏ bé đi.

Vợ chồng con vô cùng đau đớn khi nghe tin này. Chúng con suy nghĩ rất nhiều và quyết định: giữ bé lại, bởi vì bé là sự sống mà Chúa đã ban cho chúng con, là hồng ân của Chúa, và là sự sống từ xương và máu của chúng con.

Có thể đây là thập giá mà Chúa muốn chúng con phải vác nếu bé sinh ra thực sự bị dị tật. Và cũng có thể là Chúa muốn thử thách lòng tin của chúng con nếu bé sinh ra bình thường. Nhưng dù thế nào chúng con cũng sẽ đón nhận.

Con khát khao xin cha dâng lời cầu nguyện lên Chúa giúp chúng con. Xin Chúa, mẹ Maria ban hồng ân cho gia đình nhỏ bé của chúng con, cho con của chúng con được bình an, lành mạnh và đầy nhân đức.

Nếu có thể, xin Chúa hãy ban những dị tật ấy lên người con (cha đứa bé) để con chịu thay cho con của con.

Con biết rằng, đức tin của chúng con còn nhỏ lắm, con biết con người chúng con nhỏ bé lắm, nhưng Chúa ơi, xin đừng bỏ rơi chúng con. Đừng giây phút nào quên chúng con. Xin Ngài ở lại với chúng con, chúc lành cho gia đình con; chúc lành và ban bình an cho con chúng con nữa.

Lạy Chúa , con chẳng đáng Chúa đến nhà con, con chẳng đáng Chúa đến viếng thăm, nhưng Chúa ơi… Xin Chúa phán một lời thì gia đình con, con của con được lành mạnh và bình an. Amen.”


Xin mọi người hãy cầu nguyện cho gia đình này và cho con của họ.

Lm. Thiện Duy
 
Lễ ban bí tich thêm sức và khánh thành nhà giáo lý xứ Bắc Minh hạt Phước Lý
Phước Lý
09:14 10/08/2013
Đức Cha ĐAMINH THĂM MỤC VỤ - BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC VÀ KHÁNH THÀNH NHÀ GIÁO LÝ TẠI GIÁO XỨ BẮC MINH.

Phước Lý – Thứ Bảy ngày 10.8.2013. Trời sáng nay trở nên quang đẹp giữa những ngày đầy mưa bão, u ám. Dường như trời đất đang chung niềm vui với Gia đình Giáo xứ Bắc Minh (hạt Phước Lý), bởi hôm nay giáo xứ có niềm vui lớn được đón Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo Phận về thăm Mục vụ - Ban Bí tích Thêm sức và Làm Phép- Khánh Thành Nhà Mục vụ một trệt một lầu được xây mới.

Xem hình

Trước khi cử hành nghi thức làm phép nhà Mục vụ và Thánh lễ Thêm sức, trong tâm tình Hiền phụ, Đức Cha Đaminh đã gặp ngỡ, thăm hỏi mục vụ và lắng nghe Ban hành giáo, quý chức đại diện các Ban ngành đoàn thể.

Đúng như chương trình, 8 giờ 50’, Đức Cha Đaminh, cùng với cha Quản hạt, cha xứ và quý cha đồng tế tiễn ra trước tiền sảnh Nhà Mục vụ cử hành nghi thức Làm phép nhà Giáo lý. Sau khi Đức Cha đọc lời nguyện và rảy nước Thánh trước sân Nhà Giáo lý, cha Quản hạt, cha xứ và hai cha trong hạt đi rảy Nước phép từng phòng Nhà Mục vụ.

Sau đó Thánh lễ Tạ ơn- Ban Bí tích Thêm sức bắt đầu. Khởi đi từ đoàn rước Đồng tế từ sân Nhà Mục vụ tiến ra Nhà thờ.

Mở đầu Thánh lễ Đức Cha Đaminh mời gọi toàn thể dân Chúa hiện diện dâng lên Chúa tâm Tình Tạ ơn bởi biết bao ơn lành Chúa đã ban cho Giáo xứ: Luôn có vị Mục tử nhân lành như lòng Chúa mong muốn hiện diện đồng hành; ngôi nhà Mục vụ được xây mới, các riêng là thành quả các con em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức hôm nay… Trong tâm tình tạ ơn đó, Đức Cha hướng về Năm sống Đức tin trong chương trình Ngũ niên của Giáo Phận hướng đến kỷ niệm Kim Khánh ngày thành lập (1965- 2015), đặc biệt sống chủ đề Năm Đức tin: Hiệp thông và Bác ái.

Trong bài giảng, khởi đi từ Ngày Quốc tế Giới trẻ vừa kết thúc tại Braxin, nhất là trong Thánh lễ trong Đêm canh thức có trên 3 triệu người tham dự, Đức Cha lấy lại chủ đề của Đại hội Giới Trẻ lần thứ XXIII: “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ” nhắc nhớ về bổn phận Truyền giáo có tính bản chất của người Kitô hữu.

Qua minh họa giai thoại Thánh Phanxicô Khó nghèo rủ một thầy Dòng ra phố Truyền giáo. Khi về lại nhà Dòng vị thầy thắc mắc khi chẳng thấy Truyền giáo, thì được Cha Thánh Phanxicô giải thích: Với cung cách sống của chúng ta, khi gặp gỡ tiếp xúc, giúp người khác thắc mắc rồi nhìn lại mình, xem lại đời sống Đạo của mình đã là Truyền giáo. Sống Truyền giáo, Đức Cha nhân mạnh sống giới răn yêu thương, cụ thể sống Đức tin trong hiệp nhất và yêu thương. Đức Cha kêu mời mỗi người trong ơn Chúa hãy trở thành chứng nhân Truyền giáo- truyền giáo bằng chính đời sống- sống bằng sự sống của Thiên Chúa, nhự Thánh Phaolô: Tôi sống không phải tôi sống nhưng chính Chúa sống trong tôi. Và chính thánh nhân có cảm nghiệm sâu sắc: Khốn cho tôi nếu tôi không Rao giảng Tin Mừng.

Đức Cha nhắc lại và nhấn mạnh lời Đức Phaolô VI: Ngày này người ta không cần những thầy giảng, chỉ cần những chưng nhân; Thầy giảng chỉ có giá trị khi đồng thời là chứng nhân Tin Mừng. Muốn thế, Đức Cha lưu ý: Cần phải có Đức tin Trưởng thành và gắn liền vấn đề này cần phải chịu khó học Lời Chúa (Đức Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôi nhà Mục vụ, nơi đào tạo Đức tin), siêng năng lãnh nhận các Bí tích – đi lễ, nhất là chu toàn bổn phận Thánh lễ Chúa Nhật.

Trong bài giảng, Đức Cha lưu ý cách riêng các con em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức hôm nay. Vị chủ chăn Giáo Phận kêu mời các con hãy năng nhớ Chúa Thánh Thần, cầu nguyện với Ngài và sống dưới sự soi sáng của Ngài. Trong Chúa Thánh Thần các con trở nên Chứng nhân Truyền giáo cho Chúa Giêsu bằng chính đời sống thánh thiện, tốt đẹp.

Bí tích Thêm sức được cử hành sau bài giảng của Đức Cha. Khởi đầu, cha Chánh xứ tiến ra trước mặt Đức Cha giới thiệu và chứng nhận 100 con em trong giáo xứ đủ điều kiện lành nhận Bí tích Thêm sức.

Trước khi kết lễ, ông Trưởng Ban hành thay mặt gia đình Giáo xứ Bắc Minh Cha Quản hạt, xin dâng lên Đức Cha kính yêu, Cha Quản hạt, cha xứ quý Cha đồng tế, quý Tu sĩ nam nữ, cùng mọi người lời tri ân cảm tạ. Lời cám ơn cũng không quên cảm ơn quý dì, các anh chi Giáo lý viên đã tích cực cộng tác với cha xứ trong việc đào tạo đức tin, thành quả cụ thể là hôm nay có 100 được lãnh nhận Thêm sức.

Tất cả niềm tri ân trọng kính được gói trọn trong lãng hoa tươi xinh kính dâng nên Đức Cha và cha xứ.

Đáp từ, trong tâm tình Hiền phụ và đầy khiêm tốn, Đức Cha có lời cảm ơn đên Cha xứ, cha phó, qúy dì, các anh chị Giáo lý viên và toàn thể giáo xứ đã ‘tặng’ Đức Cha một món quả lớn, rất có giá trị, đấy là 100 con em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Đức Cha kỳ vọng 100 con em Thêm sức hôm nay, nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần trở thành những chứng nhân Truyền giáo. Đức Cha cảm ơn tất cả mọi người dù còn sống hay qua đời đã tích cực xây dựng Giáo xứ Bắc Minh mỗi ngày một lớn mạnh cả về đời sống đạo lẫn cơ sở vật chất.

Đặc biệt lưu ý, Đức Cha mời gọi mỗi người trong Giáo xứ hãy là thành viên Caritas – sống bác ái vì đây thuộc bản chất Giáo Hội. Ngài giới thiệu mô hình ‘gánh gạo Tình thương’ với ước mong Gia đình Giáo xứ cũng có một hình thức nào đó để tất cả mọi người đều có thể tham gia chia sẻ. Mô hình sống Bác ái tương trợ nhau này, Đức Cha mong khởi đi từ Giáo xứ.

Cuối cùng, Đức Cha xin ‘mượn lại’; lãng hoa dâng tặng Đức Cha để tặng Cha xứ- ông trưởng Ban Hành giáo xứ như biểu hiện cụ thể lời ngài cảm ơn.

Sau Thánh lễ Đức Cha, quý cha, quý thầy, quý dì cùng quý khách và toàn thể dân xứ dùng tiệc liên hoan trong bầu khí vui tươi, ấm áp tình gia đình.

Được biết, ngôi nhà Mục vụ này khởi công hôm 03.3.20113. Như vậy,chỉ sau mấy tháng khởi công, nhờ ơn Chúa, nhờ sự tích cục của Cha xứ, dân xứ, các ân nhân, ngôi nhà ước mơ đã thành hiệ thực. Từ đây, các em thiếu nhi, các ban ngành đoàn thể đã có nơi học tập- sinh hoạt, không con lo ngại trời nắng mưa.

Tin ảnh: Phước Lý
 
Đại hội hành hương Lộ Đức: Ra Đại Hội, ghi nhớ điều thâu nhận mang về nhà
Trần Văn Cảnh
12:52 10/08/2013
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC
CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI PHÁP
« Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam
Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »
từ 01 đến 05/08/2013

Lộ Đức, ngày 05/08/2013 : Ra Đại Hội, ghi nhớ điều thâu nhận mang về nhà


Đại Hội Hành Hương Lộ Đức của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, khai mạc sáng 02/08/2013 và kết thúc tôi ngày 04/08/2013. Thêm vào ba ngày Đại Hội này, còn ngày vào 01/08/2013 và ngày ra 05/08/2013, vị chi tất cẩ có năm ngày. Trong bài "Lời Ngỏ" viết trong tập tài liệu phát ngày vào Đại Hội 01/08/13 và trong "Lời Chào Mừng" nói trong ngày khai mạc Đại Hội 02/08/13, cha Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang đã "Xin kính chúc tất cả quí Ông Bà Anh Chị Em được nhiều ơn thiêng trong kỳ Đại-Hội, để rồi khi trở về với cuộc sống hằng ngày tại địa phương, quí Ông Bà Anh Chị Em sẽ là những gương sáng xứng danh là con cháu các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam". Ngày ra Đại Hội, trở về nhà, mỗi người tham dự Đại Hội đã nhận được gì để mang về nhà? Có dịp trao đổi với một số người tham dự Đại Hội, sau đây người viết xin tóm lược vài điều ghi nhận đươc.

1. Gương Đức Tin của các Thánh Tử Đao. Sau khi đi đàng Thánh Giá ngày 02/08/13, trên đường xuống núi về khách sạn, khi đươc hỏi về điều mình đã ghi nhận từ hai ngày qua, bốn anh chị cùng đi đã trả lời rằng đó là ba tấm gương Đức Tin của ba thánh mà Đức Ông Vinh đã nói đến trong bài giảng khai mạc. Chị PTN nói: Về sống Đức Tin, Đức Ông bảo : "Chắc chắn các Thánh Tử Đạo đã sống đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta rất nhiều : - về phạm vi tôn giáo, các ngài phải chọn lựa giữa đạo cổ truyền, ‘đạo thờ ông bà, đạo thờ thần tượng’ với ‘Đức tin vào Thiên Chúa Duy Nhất, vào Đức Kitô Cứu Thế’. Anh LĐT thêm : Tôi nhớ rõ rằng để diễn tả việc bênh vực Đức Tin, Đức Ông kể rằng "Thánh chủng sinh Toma Trần Văn Thiện, tử đạo năm 1838, khi quan tòa hỏi ‘Thiện, mày có phải là người Công Giáo không?’, chú Thiện đã dõng dạc trả lời: ‘Vâng, thưa quan lớn, tôi là ngưòi Công Giáo, cha mẹ tôi cũng là người Công Giáo. Tôi nhất quyết sống đức tin Công Giáo mà cha mẹ tôi đã sống và đã dạy tôi”. Anh ĐTH, trùm một họ đạo vùng Trung nước Pháp, thêm : "Riêng tôi, thì tôi nhớ nhất là gương Truyền giáo bằng việc xây dựng cộng đoan. Đức Ông bảo : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ý thức rằng một trong những cách truyền giáo hữu hiệu là chứng tỏ cho lương dân thấy tinh thần đoàn kết, và xây dựng cộng đoàn hay họ đạo. Đó là những hoạt động tông đồ cụ thể của các vị thánh trùm họ Emmanuel Lê Văn Phụng (+1859), Antôn Nguyễn Đích (+1838), Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854); của những giáo dân can tràng Matthêu Lê Văn Gẫm (+1847), Michael Nguyễn Huy Mỹ (+1838), Annê Lê Thị Thành (+1841).

2. Linh đạo chứng nhân. Sau bài thuyết trình ngày 04/08/2013 về lịch sử cấm đạo và bắt đạo thời các Thánh Tử Đạo, một linh mục đến nói với tôi : « Hôm nay, qua hai câu trả lời phụ thêm của giáo sư, con khám phá 2 điều mới lạ. Một là những nét chính yếu trong linh đạo chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Giáo sư bảo "Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã theo linh đạo chứng nhân của Đức Kytô, vị tử đạo tiên khởi. Các ngài không chống đối, không biểu tình, không tuyệt thực, không tự thiêu, không tự sát. Nhưng các ngài đã bị theo dõi, bị tố cáo và bị bắt, bị nộp cho quan, vì là Công Giáo. Các ngài đã bị đánh đập giữa hội đường, bị điệu ra trước tòa quan quyền vì tin vào Chúa Kytô. Bi tra khảo, có lúc một vài vị lo sợ, muốn sờn lòng, khi nghĩ đến những hình khổ sẽ phải chịu. Nhưng rút cục, các ngài đều đã can đảm trả lời xưng đức tin một cách công khai và rõ rệt, để làm chứng rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Quyết định của vua quan tuyên bố xử các ngài cũng nói rõ rằng các ngài phải chết vì đã tin theo đạo Gia Tô. Các ngài không chống đối, phản kháng, nhưng đã chấp nhận án chết vì đạo một cách vui vẻ.
Hai là giáo sư bảo rằng linh đạo chứng nhân này đang được các Giám Mục Việt Nam dần dà mang ra áp dụng, từ Công Đồng Vatican II. Sau hai thư chung 1951 và 1960 lên án cộng sản và cấm người Công Giáo cộng tác với cộng sản, từ cuối thập niên 60, trong nhiều tài liệu khác nhau, các Giám Mục Miền Nam «kêu gọi thiện chí của chính quyền hai miền Nam và Bắc hãy cùng nhau kiến tạo hòa bình» : thông điệp ngày 05.01.1968, thư luân lưu 1969, thông cáo tháng 07/1971, thư chung ngày 03/02/1973, và tuyên ngôn ngày 01/01/1974. Rồi từ những năm 70, các ngài kêu gọi giáo dân cộng tác với chính quyền xây dựng quê hương, « Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc và góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.» : Tâm thư ngày 01/04/1975 của ĐTGM Nguyễn Kim Điền, thư luân lưu ngày 12/06/1975 của ĐTGM Nguyễn Văn Bình và nhất là Thư mục vụ ngày 01/05/1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thành lập trong cuộc hop chính thức từ ngày 24/04 đến 01/05/1980 tại Hà Nội và Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam, ngày 01/05/2011 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (câu số 33). Thái độ cởi mở, hòa hợp, yêu nước và cộng tác của các Giám Mục Việt Nam cho thấy có sự chuyển hướng theo linh đạo chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

3. Khám phá bài Văn Tề tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày ra Đại Hội, thứ hai, 05/08/2013, trên xe lửa tốc hành về Paris, bác NVH tâm sự cùng mấy người đồng hành tằng điều bác tâm đắc nhất là được đọc bài Văn Tế tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Rồi bác mở sách đọc ba đoạn bác thích nhất:

Nhớ linh xưa!
Trọng Đất nước, thờ Tổ tiên, thảo kính mẹ cha đến khôn cùng!
Yêu quê hương, thương láng giềng, lo toan đạo đời bao xiết nỗi!
Theo gót Thánh hiền tránh xa điều nên tội
Đón lời Tin mừng lãnh nhận mối thành ngay.

Xin các đấng quan thầy cầu bầu cho
Máu thắm vào đất Việt-
dưỡng nuôi cội nguồn đức tin sinh quả ngọt,
Danh lừng vang khắp chốn-
vun trồng chồi lộc hậu thế trổ mùa thơm
Để làn sóng hoà bình, công lý cuộn trào dâng
Khơi ngọn lửa sự thật, hiệp thông bừng cháy mãi
Diệt bóng đêm đen giữa lương tri nhân loại
Xua niềm sợ hãi trong tâm khảm người ngay
Cho Chim hòa bình ngậm vành thiên tuế ngợp trời bay
Đón Chúa Ngôi Ba ban ơn canh tân tràn đất mới.


TẠM KẾT

Không kể ba điều ghi trên đây, còn rất nhiều điều khác mà những người tham dự Đại Hội đã nói ra. Người thì thích thú được dịp cầu nguyện chung với cả ngàn đồng đạo, già có, trẻ có, bằng tiếng việt và qua những hình thức cổ truyền quen thuộc, như thánh lễ misa, đi đường thánh giá, lần hạt mân côi. Lại có dịp nhìn thấy tận mắt sự tin đạo, sống đạo, giữ đạo và sùng đạo của nhiều thứ dân nước, đến từ nhiều châu lục khác nhau trên địa cầu. Nhận ra tính Công Giáo của Đạo Chúa. Người lại cảm kích được thấy đông đủ các cha tuyên úy, đến từ khắp các cộng đoàn trên toàn nước Pháp và thấy các ngài đoàn kết, hiệp nhất và làm việc tận tụy trong suốt những ngày Đại Hội.

Nhưng không thiếu những người bày tỏ những ưu tư cho đời sống Đức Tin trong cộng đoàn địa phương họ đang sông. Và mối ưu tư lớn nhất là đời sống Đức Tin của con cái mai sau. Con cái học hành thành đạt, làm ăn dư giả; Nhưng hờ hững việc đạo nghĩa Đức Tin, thậm chí có đứa đã không còn đi lễ, đi nhà thờ nữa; có đứa lại đã tuyên bố không tin hoặc không muốn tin nưa. Vấn đề Văn Hóa Việt Nam cũng là một mối ưu tư khác. Con cái hội nhập tốt và có khi rất tốt vào xã hội Pháp. Nhưng Văn Hóa Việt Nam, tiếng nói Việt Nam, Phong tục Việt Nam, chúng đã sao lãng, quên dần. Rồi nhìn vào đời sống của cộng đoàn, ơn gọi tận hiến càng ngày càng hiếm. Tìm đâu ra linh mục Việt Nam để lo cho các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp? Sẽ phải giải quyết những vấn đề địa phương thế nào ? Kẻ thì nói ai có thân người ấy lo. Người lại bảo cần có sự giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Cộng Đoàn, để cùng nhau giải quyêt. Người khác nữa lại phó thác, trông cậy vào sự quan phòng của Chúa, sự phù trợ của Mẹ Lộ Đức, Mẹ La Vang, sự bầu cử của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

Theo làn hương trầm chúng con cùng cúi lạy:
Xin đổ tràn ân phúc trạch
Cho Giáo xứ nhân hiền
Cho Giáo Hội trung kiên
Cho Dân an quốc thái
Đoàn con cùng kính bái. Amen


Lộ-Đức, ngày 05 tháng 08 năm 2013
Trần Văn Cảnh





 
Văn Hóa
Hương thơ tình Chúa
Trầm Hương Thơ
09:00 10/08/2013
HƯƠNG THƠ TÌNH CHÚA

Lời đầu ngày con cảm tạ ơn Cha
Hừng đông đến cho hoa đời tươi nở
Tình thương yêu trong tâm Ngài muôn thuở
Cho cánh đồng mầu mỡ thẳm xanh tươi

Gió rung rinh ru vạn cánh hoa cười
Chim ca hát danh Người ơn cảm mến
Quyện thành thơ dâng lên như ngọn nến
Hướng lên Ngài đích đến vạn tình thương

"Ánh Sáng Ngài" cho vạn vật ân thưởng
Đưa muôn loài chung hưởng ngước lên cao
Cùng tinh tú cất lên vạn lời chào
Quy bước đi tìm vào "đường chân lý"

"Đường Ánh Sáng" là "đường chân-thiên-mỹ"
Đường nhân lành đẹp ý Chúa thưởng ban
Đường ngược lại, chỉ là đường dối gian
Đường ngụy tạo, ngược "Lời" ban sự sống

Như "Ánh Sáng" làm cho đời tỉnh mộng
Cho vần thơ, cánh hồng tỏa hương kinh
Sáng rực lên dâng trọn cả tâm tình
Lời kinh đầu "bình minh" dâng lên Chúa.

Trầm Hương Thơ 10.08.2013
 
Quỳ bên máng cỏ
Lê Đình Bảng
10:08 10/08/2013
QUỲ BÊN MÁNG CỎ


Cho tôi đến, nghiêng đầu bên giếng thánh
Làm hài nhi xin chịu phép cắt bì
Đâu những người tôi vừa gặp, tiên tri
Sống mỏi mòn bên kia bờ đất hứa?

Và đôi mắt, bụi gai hừng hực lửa
Của một thời tóc rối đầu tang
Đưa nhau về miền trăng mật Canaan
Lều trại vẫn tươi nguyên mùi nhựa củi

Cho tôi đến, nương mình trong dáng núi
Với bình minh nghe chim hót líu lo
Bêlem ơi, sao cách trở sông đò
Bằn bặt ngọn triều mênh mang nắng gió

Tôi đến, quỳ đăm chiêu bên máng cỏ
Lòng đơn sơ, không nhung gấm, lụa là
Một chút tình và một chút hương hoa
Nhưng thấm đẫm bao nhiêu là ý vị

Này tơ tóc mấy mùa hương gỗ quý
Này mưa sương từ nguồn lệ đương rơi
Em có về, xin hãy nói giùm tôi
Hang đá nghèo nàn, trống trơn chật chội

Lòng tôi đó, vũng bùn nhơ, tăm tối
Bởi tro tàn và lửa tắt từ lâu
Một nhành dương không che rợp mái đầu
Phơ phất ngoài ngàn, bông lau tàn tạ

Để yêu lấy cuộc đời trăm năm vất vả
Bởi khi xưa, Chúa đã xuống làm người.

Lê Đình Bảng