Ngày 09-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai là người Israel
Lm Vũđình Tường
06:36 09/08/2011
Chúa nhật 20 thường niên, năm A, ngày 14 tháng 8 năm 2011

Mat 15,21-28

Nếu mỗi lần muốn sao được vậy có lẽ cuộc đời sẽ không lắm ưu phiền vì muốn thế nào thì được như thế ấy. Suy nghĩ như thế có vẻ không ổn thoả chút nào vì điều ước muốn thì vô vàn, không bao giờ cùng. Những gì vô cùng thì không thể thoả mãn. Vì thế tư tưởng muốn sao được vậy có lẽ làm cho cuộc đời phiền toái nhiều hơn là làm cho cuộc đời đơn giản hơn. Cái nghịch lí thứ hai trong việc muốn sao được vậy là vấn đề ai đủ khả năng thoả mãn điều ước muốn. Ngoài Chúa ra, mọi người phàm đều có giới hạn nên điều ước muốn không thể thực hiện. Vừa lo thoả mãn ước muốn của mình vừa lo thoả mãn ước muốn của người quả là một việc làm ngoài khả năng.

Ước muốn vì thiếu thốn, khao khát, muốn có điều chưa có hay có nhưng chưa cảm thấy đủ. Ước muốn theo nghĩa đó nói lên cái nghèo nàn trong cuộc sống hay cái nghèo trong tâm hồn hoặc cả hai cùng. Nghèo từ trong ra ngoài. Một khi đầy đủ thoả mãn, đâu cần ước muốn. Trường hợp bà mẹ thành Canaan là trường hợp bà ước muốn điều cao thượng. Cao thượng vì bà không ước muốn cho chính mình nhưng vì tình thương mến cho người con. Lòng mến của bà mãnh liệt đến độ không nề hà, sẵn sàng van nài nơi công cộng. Bà dẹp bỏ tự ái, danh dự cá nhân vì hạnh phúc của người con. Phúc âm thuật lại bà van nài mãi mà Đức Kitô không đáp lại. Lời van nài khẩn thiết, dai dẳng đến độ các tông đồ không vì ngại ngùng cũng vì ngượng ngập, hoặc ngay cả muốn được yên thân. Cũng có thể các ngài nghe lời van xin cảm động chạnh lòng thương lên tiếng xin dùm bà ta.

Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi.c.23

Đức Kitô giải thích lí do tại sao Ngài không đáp lại lời bà kêu cầu, van nài.

Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel.c.24

Câu trả lời khá mạch lạc, rõ ràng. Bà không phải là chiên lạc nhà Israel nên chưa đến lượt bà xin. Bà là dân ngoại. Ưu tiên một dành cho chiên lạc nhà Israel.

Nghe lời đó bà không nản lòng, chán nản, tiếp tục van xin. Từ van xin câu chuyện chuyển sang đối thoại. Sự việc diễn tiến có nhiều hy vọng hơn. Từ im lặng không đáp, chuyển sang đáp. Từ đáp chuyển sang đối thoại. Từ đối thoại chuyển sang giúp chỉ còn là một bước nhỏ.

Nơi đây chúng ta tìm gặp một tấm lòng chân thành, khiêm nhường hết mực. Bà đáp, Thưa Ngài đúng lắm. Ưu tiên một dành cho con cái trong nhà, chiên lạc nhà Israel. Mẹ con chúng tôi không dám xin chia phần dành riêng đó. Chúng tôi chỉ dám xin mảnh vụn, phần dư thừa, phần không dùng đến cũng chẳng để lại tích trữ. Phần đó xin dành cho mẹ con chúng tôi.

Điểm thứ hai, ngôn từ bà xử dụng cho biết bà có một tâm hồn trong sáng, kính trọng người khác hết lòng. Bà luôn đáp lại Đức Kitô bằng câu 'Thưa Ngài', 'Lậy Ngài'. Từ nói lên lòng kính trọng, tôn kính.

Điểm thứ ba, 'Lậy Ngài', xin cứu giúp tôi. Bà vừa bái, lậy, vừa xin cứu vừa xin giúp. Chỉ một câu ngắn gọn trên cho chúng ta hình dung ra một người đàn bà, trên đường phố, giữa đám đông người chân quì, tay chắp bái, lậy, miệng van xin điều muốn xin.

Thứ tư, đau đớn, bệnh tật, khổ sở của con bà được bà coi như của chính cá nhân mình. Bà không phải xin cứu giúp con bà nhưng xin cứu giúp tôi. Chữ tôi cho biết bà sẵn sàng mang lấy bệnh tật, khắc khoải của con bà.

Thứ năm, Đức Kitô nhìn bà với con người đức tin, người có lòng tin mãnh liệt, vững vàng trong cơn thử thách. Cơn thử thách đây lại đến từ chính Đức Kitô.

Bấy giờ Chúa trả lời cùng bà ấy. Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.c.28.

Bà là người ngoài, là dân ngoại không thuộc vào chiên lạc nhà Israel. Những người ngoài Israel không được Đức Kitô cứu chữa. Nhưng trường hợp của bà Đức Kitô cứu chữa. Như vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta. Ai là người Israel? Thưa dân Israel là dân Chúa chọn. Một dân Chúa mong muốn họ sống đời sống hết mực khiêm nhường, đầy yêu thương, giầu bác ái. Một dân đặt trọn niềm tin vào Chúa. Bà phụ nữ thành Canaan đang từ dân ngoại biến thành dân Israel, dân Chúa chọn, nên Ngài chữa bệnh cho con bà theo lời bà cầu xin.

Như thế dân Israel là bất cứ ai sống đời sống hết mực khiêm nhường, đầy yêu thương, giầu bác ái và có lòng tin vững mạnh đều là dân Chúa chọn. Những người đó khi kêu cầu Chúa sẽ nhận lời cầu xin. Chúng ta cầu xin sống trung thành điều Chúa mong muốn, mời gọi.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Lòng Tin Và Tình Yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:03 09/08/2011
Lòng Tin Và Tình Yêu

CN 20 A

Tình mẹ thương con, bao la như trời như biển. Không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu thi ca nhạc phẩm, đã có vô vàn câu hò điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”

Với giai điệu mượt mà sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết ca khúc tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.

Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế. Dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu, tình mẹ muôn đời vẫn thế.

Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ, đã chôn vùi hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống"

Bà mẹ Armênia trong câu chuyện và bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay là một hình ảnh sống động minh họa cho tình mẫu tử thiêng liêng cao cả

Thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Chúa Giêsu, nài nỉ van xin, bị xua đuổi bà vẫn kiên trì, bị nói nặng là "đồ chó", bà vẫn không nản. Kiên trì và khiêm tốn chứng tỏ nơi bà có một tình yêu mãnh liệt và một lòng tin mạnh mẽ.

Thật cảm động trước tình thương dạt dào của người mẹ Canaan. Thật cảm phục một lòng tin kiên vững của người phụ nữ ngoại giáo. Tình yêu và lòng tin ấy cứ xoắn quyện với nhau. Tình yêu dẫn đến lòng tin. Tình yêu kiện cường lòng tin. Biểu lộ của lòng tin cũng chính là biểu lộ của tình yêu. Lòng tin và tình yêu đi đôi với nhau giúp cho con người một sức mạnh để can đảm, kiên trì và khiêm tốn.Lòng tin và tình yêu cho bà mẹ Canaan có được một sức mạnh thật kỳ diệu, vượt thắng mọi thử thách và đi đến cùng trong việc cứu chữa con gái.

Thương con,bà đã chạy thầy chạy thuốc khắp nơi. Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Chúa Giêsu, nhưng khi thấy Người bà tin rằng cơ may đã đến. Bà gọi Người là Con Vua Đavít, bà đặt trọn niềm tin vào Người, vị cứu tinh duy nhất của bà.

Dẫu biết rằng bà thuộc dân ngoại, còn Chúa Giêsu là người Do Thái, hai dân tộc có mối thù truyền kiếp không giao du tiếp xúc với nhau, nhưng lòng thương con đã khiến bà bất chấp ranh giới cấm kỵ hận thù để đến với Chúa trong tư thế một người xin ơn.

Thương con nên khổ vì con. Người mẹ Canaan xin với Chúa Giêsu: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ nhập khổ sở lắm.” Đứa con bị quỉ nhập khổ sở là đúng rồi. Thế nhưng thực tế ai khổ hơn ai, đứa con hay bà mẹ? Con đau khổ một, còn mẹ khổ mười. Mỗi lần con rên, con quằn quại là lòng mẹ quặn đau như muối xát, mẹ ước gì được lãnh lấy mọi cơn đau của con. Chắc hẳn, các bà mẹ đều đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Chính vì thế thay vì nói “Xin dủ lòng thương con tôi” bà lại nói: “Xin dủ lòng thương tôi!”

Bà xin Chúa nhìn đến nổi đau của một bà mẹ, đau vì nổi đau của đứa con. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Tại sao Chúa lại lãnh đạm với nổi đau của con người như vậy? Chúa thinh lặng để bà thấm thía được sự bất lực của mình, và nhờ đó mà thấy được rõ hơn rằng, Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của con người.

Bà chẳng ngã lòng trước thái độ lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà cứ lẽo đẽo theo sau mà nài nẵng xin mãi xin hoài đến nổi các môn đệ không chịu được những lời lẽo nhẽo ấy nên trình với Chúa để đuổi bà về.

Mặc kệ thái độ khó chịu của các môn đệ, bà trực tiếp giáp mặt Chúa Giêsu và nài xin cứu giúp. Lần này thì bà lãnh đủ một gáo nước lạnh: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”. Sao lạ vậy? Chúa Giêsu mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, vậy mà Người lại nhẫn tâm khước từ mẩu bánh nhỏ cho người đàn bà khốn khổ này ư? Những lời khó nghe Chúa dùng cũng là lời nói với mọi người, để cho ai cũng thấy được ơn cứu độ là một hồng ân Chúa ban bởi lòng thương xót, chứ không phải bởi sự xứng đáng của bất cứ ai.

Câu chuyện đã đi đến cao điểm, thử thách đã đến cùng tột. Chính trong cơn thử thách như thế ta mới thấy hết vẻ đẹp của tình mẫu tử và lòng tin của bà.

Bà chấp nhận lối so sánh của Chúa. Bà không dám mong được những ân huệ như dân Do Thái, bà chỉ xin chút vụn vặt thừa thãi cho con bà, bởi vì “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Đến đây thì Chúa Giêsu chẳng còn lý do gì để chối từ, Người nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì được như vậy.” Nhận biết mình hèn mọn nên hoàn toàn cậy dựa vào lòng trắc ẩn của Chúa. Đó là sức mạnh của người mẹ Canaan. Thiên Chúa đầy lòng thương xót không thể từ chối lời nài van của một người không sao tìm ra một nơi nương tựa nào khác ngoài lòng trắc ẩn của Ngài, và Chúa Giêsu nói: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”.

Làm sao mà Chúa có thể chối từ được trước tình yêu bao la và niềm tin mạnh mẽ đến vậy. Không phải Người đã từng bảo: “Hãy xin thì sẽ cho, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở” đó sao? Hơn nữa, Người cũng có một bà mẹ là Đức Maria. Rồi sẽ có ngày Mẹ Người sẽ khổ đau đi theo con trên chặng đường thương khó, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm đâm thâu khi đứng dưới chân thập giá. Có lẽ nổi đau khổ của bà mẹ Canaan này khiến Chúa Giêsu chạnh nghĩ đến mẹ của mình. Người hiểu tấm lòng của các bà mẹ, nên chẳng nỡ chối từ những gì các bà mẹ trong cơn đau khổ cầu xin.

Lòng tin và tình yêu giống như đôi cánh đã giúp người mẹ Canaan bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Đến với Chúa Giêsu bằng lòng tin và tình yêu, người mẹ Canaan nhận được một tình yêu quyền năng. Thánh Phaolô chia sẽ kinh nghiệm này: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Bà mẹ Canaan là tấm gương cho các bậc làm cha làm mẹ. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Vì thương con nên mới khổ vì con. Chắc hẳn, con đau bệnh không làm khổ lòng cha mẹ cho bằng con hư hỏng. Bao cha mẹ đã bạc mái đầu vì những đứa con ngỗ nghịch hư hỏng, bao bà mẹ đã khóc hết nước mắt vì có đứa con lỡ vướng vào các tệ nạn vào ma tuý… Trong trường hợp đó, lòng thương con của các bậc cha mẹ có xoắn quyện chặt chẽ với lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa hay không? Các bậc cha mẹ đã làm hết cách, đã tha thiết cầu xin, đã kiên tâm cầu khẩn, đã tin tưởng cầu nguyện như người mẹ Canaan này chưa?.

Chúa Giêsu đã khen ngợi đức tin của người đàn bà ngoại giáo. Chúa đã đánh giá lòng kiên nhẫn của bà là một bằng chứng đức tin. Chúa đề cao một mẫu gương về đức khiêm tốn, kiên trì và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

Tình mẹ cha yêu thương với tất cả hy sinh chịu đựng luôn đóng ấn và trải dài suốt những năm tháng của cuộc đời con.

Tình mẹ thương con là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin. Từ đó, Mẹ đã nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu gian truân khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người Mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.

Mẹ Maria đang được hưởng niềm vui thiên quốc. Mẹ hằng yêu thương con cái trên đường hành hương về quê trời.Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở.Trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu và hy vọng.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 09/08/2011
HÒA THƯỢNG ĂN CÁ
N2T

Ngôi chùa nọ có một hòa thượng, không ăn chay mà rất thích ăn cá. Bên cạnh chùa có một học trò nghèo cũng rất thích ăn cá, cho nên thường qua ăn ké cá của hòa thượng, nên hòa thượng rất ghét anh ta.
Một hôm, hòa thượng lại mua một con cá và nói với đồ đệ:
- “Nếu thằng quỷ nghèo đó đến thì các ngươi đem con cá cất vào trong chạn !”
Nhưng anh học trò nghèo lại nghe được việc này, anh ta bước lên bậc cửa chùa nhìn thấy hòa thượng đang ăn cá, bèn làm bộ đằng hắng một tiếng. Hòa thượng nghe biết anh ta đến thì vội vàng đem cá bỏ vào trong chạn, anh học trò nghèo đi vào, cười giả lả hỏi hòa thượng:
- “Hôm nay có người bạn dọn nhà mới và nhờ tôi viết một câu đối dán trước cửa, tôi đã viết được vế thứ nhất bảy chữ là: “hướng dương môn đệ xuân thường tại”, còn vế thứ hai thì chỉ nhớ có bốn chữ “người nhà tích thiện", con ba chữ nữa nghĩ không ra, không biết sư phụ có biết không chỉ giùm với ?”
Hòa thượng cười nói:

- “Ba chữ đó là “mừng có thừa” mà !”
Học trò nghèo nghe xong thì cười, nói:
- “Trong chạn có cá sao không lấy ra mọi người cùng ăn ?”
Hòa thượng bất đắc dĩ phải đi lấy cá trong chạn ra để anh học trò nghèo cùng ăn ké.

Suy tư:
Người tu hành nhất định phải có lòng bác ái, tức là lòng yêu thương người, nếu không có lòng bác ái thì những người tu hành sẽ trở thành những người chỉ biết hưởng thụ, và trở thành tảng đá lớn cản đường người khác đến với Thiên Chúa mà thôi...
Người lãnh đạo nhất định phải có lòng bao dung và nhẫn nại, bằng không thì họ sẽ là những con người bạo chúa.
Người mục tử càng phải có lòng bác ái để giúp đỡ tha nhân, lòng nhân từ để tha thứ cho kẻ lỗi lầm, lòng bao dung rộng lượng với người lầm lỡ, lòng nhẫn nại để hiểu biết và thông cảm, lòng khiêm tốn để lắng nghe ý kiến của giáo dân. Nếu không có những đức tính ấy thì người mục tử chỉ là những kẻ làm thuê lãnh tiền, hoặc chỉ là như những ông chủ giàu có chỉ biết lợi lộc của mình mà không màng đến đau khổ của người khác...
Người tu hành ăn cá ăn thịt hoặc ăn chay trường hay ăn gì khác thì không quan trọng, cái quan trọng là họ phải là những mục tử tốt lành của giáo dân như lòng Chúa mong muốn.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 09/08/2011
N2T

8. Trên thế gian chỉ có một chuyện tốt lành đó là cứu linh hồn; và chỉ có một chuyện xấu nhất là mất linh hồn.

(Thánh Francis Xavier)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kinh Truyền Tin: Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Syria và Libya
Bùi Hữu Thư
05:44 09/08/2011
Giáo Phụ Gregoire III Laham tại Damascus, Syria
CASTEL GANDOLFO, Ý (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi hòa giải và tôn trọng nhân quyền tại Syria và Libya nơi các chính quyền đã dùng bạo lực để cố gắng dẹp tan các cuộc chống đối nhằm tranh đấu cho dân chủ.

Đức Thánh Cha nói ngày 7 tháng 8 vào cuối bài diễn từ của ngài sau kinh Truyền Tin với các khách hành hương tụ tập trong sân trong của dinh nghỉ hè của giáo hoàng tại Castel Gandolfo: "Tôi hết sức lo ngại theo dõi các tin tức về các giai đoạn ngày càng thêm bạo động mãnh liệt tại Syria."

Một vụ đàn áp dân chống đối tại Hama, Syria, ngày 5 tháng 8 đã khiến cho trên hai mươi người thiệt mạng. Liên Hiệp Quốc cho hay “có khoảng 2.000 người đã bị chết trong các vụ đụng độ tại Syria kể từ khi người dân xuống đường vào trung tuần tháng Ba để đòi hỏi tự do cho dân chúng nhiều hơn. Sự đàn áp bạo tàn của chính quyền đã bị Liên Hiệp Quốc, kể cả Uỷ Ban An Ninh và các giới chức cao cấp cũng như các lãnh tụ các quốc gia trên thế giới lên án dữ dội."

Đức Thánh Cha cũng dùng bải giảng sau kinh Truyền Tin để kêu gọi sự chú ý đến "Libya nơi quyền lực của vũ khí đã không giải quyết được tình hình."

Đức Thánh Cha kêu gọi "các tín hữu Công Giáo cầu nguyện để có một nỗ lực cho việc hòa giải sẽ thay thế cho những chia rẽ và hận thù” tại Syria, và cộng đồng quốc tế, đã từng yểm trợ tại Libya với các vụ oanh tạc của Liên Hiệp Quốc, sẽ cố gắng tìm kiếm “một kế hoạch hòa bình cho quốc gia này qua việc hòa đàm và đối thoại xây dựng.”

Giáo phụ Melkite Gregoire III Laham tại Damascus, Syria, nói với Radio Vatican là ngài cảm tạ Đức Thánh Cha về lời kêu gọi cầu nguyện và tình thương yêu ngài dành cho Trung Đông.

Giáo phụ nói: "Chúng tôi đã kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu phải cầu nguyện hàng ngày trong thánh đường cho hòa bình và hòa giải, kể cả cho những người anh chị em Hồi giáo chúng ta để đối phó với tình trạng này.”

Ngài nói: "Chúng tôi không sợ Hồi giáo. Với tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta, Kitô hữu và người Hồi giáo có thể vượt thắng cơn khủng hoảng này và tình trạng bi thảm này trong thế giới Ả Rập và tiếp tục đồng hành với nhau – Kitô hữu, Hồi giáo và Ả Rập – trên đường tiến tới hòa bình, phát triển, tự do và dân chủ.”

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, sứ thần Tòa Thánh tại Syria, đã nói trên đài Radio Vatican Radio là Syria đã và tiếp tục sẽ là “một quốc gia gương mẫu về quan điểm hòa điệu giữa các tín ngưỡng và tôn trọng hỗ tương giữa đa số Hồi giáo và thiểu số Kitô giáo."

Sứ thần nói: "Chúng tôi hy vọng bầu khí này sẽ tiếp tục và chúng tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tìm được một phương cách, trên hết để chặn đứng mọi việc đổ máu.”
 
Quyền căn bản và thuốc ngừa thai miễn phí
Vũ Văn An
06:13 09/08/2011
Theo kế hoạch y tế của chính phủ Obama, bắt đầu năm tới, các phụ nữ Mỹ sẽ được sử dụng các loại thuốc ngừa thai mà không phải trả một xu. Thực vậy, một tháng trước đây, Viện Y Khoa (IOM) đã khuyến cáo phải xếp các loại thuốc ngừa thai và thủ tục triệt sản vào hàng “các dịch vụ phòng ngừa”. Tiếp theo khuyến cáo này, Kathleen Sebelius, bộ trưởng Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản (HHS) đã kết luận rằng “Không [bao gồm các thuốc ngừa thai] cũng giống như không bao gồm việc chích ngừa bệnh cúm”. Tóm lại, theo Sebelius và chính phủ hiện thời, phụ nữ có quyền căn bản được hưởng việc chăm sóc y tế; và việc sử dụng thuốc ngừa thai miễn phí là một thành phần cốt yếu trong quyền căn bản này.

Trước quyết định này của HHS, các nhóm bảo thủ hết sức bất bình. Họ cho rằng ngoài cái chủ trương đáng nghi ngờ là phụ nữ có quyền căn bản được hưởng việc hạn chế sinh sản miễn phí hay được hưởng chăm sóc y tế miễn phí, điều đáng ngại nhất là trong quyết định này, việc bảo vệ quyền lương tâm không được lưu ý bao nhiêu.

Jeanne Monahan, giám đốc Trung Tâm Nhân Phẩm thuộc Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình (“Family Research Council’s Center for Human Dignity”) nhận định rằng: “HHS đã đưa ra khoản bảo vệ lương tâm to bằng cái lá vả cho một số giáo hội hội đủ một số tiêu chuẩn hết sức đặc thù. Tuy nhiên, các nhóm tôn giáo chuyên cung cấp các dịch vụ xã hội hay đang dấn thân vào các sứ bộ bên cạnh các tín ngưỡng tôn giáo khác, các công ty bảo hiểm y tế tôn giáo, và các cơ quan chăm sóc y tế tôn giáo cũng như các cá nhân trong các kế hoạch này thì không hề được bảo vệ khỏi bất cứ sự phân biệt kỳ thị nào. Luật lệ mới sẽ cưỡng bức nhiều người Mỹ vi phạm lương tâm họ hay từ khước không tham gia việc bảo hiểm y tế, do đó sẽ gây thêm gánh nặng cho một hệ thống vốn đã nặng gánh lắm rồi”.

Mặt khác, vì các thứ thuốc như Ella và Plan B cũng được liệt kê vào danh sách này, nên không phải chỉ những người chống đối ngừa thai mới lo lắng, vì hai loại thuốc này rõ ràng là thuốc phá thai, chứ không phải chỉ là ngừa thai. Những người chống phá thai tất nhiên cũng lo ngại không kém trước quyết định này.

Như thường lệ, những người ủng hộ quyết định này một cách ồn ào hơn cả chính là những người thuộc các nhóm có khuynh hướng ủng hộ phá thai. Và giọng điệu của những người này thì luôn luôn có tính rất thâm độc. Cynthia Pearson, thuộc Hệ Thống Sức Khỏe Phụ Nữ Quốc Gia (National Women’s Health Network), nhận định như sau để ủng hộ quyết định này: “Trải dài từ thế hệ bà tới thế hệ cháu gái, ta mới chuyển được từ việc kiểm soát sinh sản chỉ là một một hy vọng, một kỳ vọng, và gần như một cầu may, sang việc nó được nhìn nhận như thành phần của chăm sóc y tế nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ”.

Những người trên không hề lưu ý gì tới sự kiện này là hiện ta có nhiều phương pháp thay thế cho việc kiểm soát sinh sản nhân tạo và tỷ lệ thành công của những phương pháp này hiện vượt xa tỷ lệ thành công của thuốc viên, bao cao xu hay bất cứ dụng cụ vật lý và hóa học nào khác (xem www.physiciansforlife.org/content/view/192/36/). Vả lại, sự kiện hiển nhiên vẫn là: ngay trong số các phụ nữ có sinh hoạt tính dục cao, tỷ lệ sử dụng kiểm soát sinh sản nhân tạo cũng chỉ gần bằng một đối một mà thôi, nên khó có thể biến việc kiểm soát sinh sản thành một thứ quyền hay đồng hóa nó với một điều ta có bổn phận phải tải trợ.

Điều lo ngại hơn cả trong quyết định của HHS là việc không bắt người sử dụng phải “cùng trả” (copay). Rõ ràng đây là một mưu toan lôi kéo các phụ nữ khó khăn về kinh tế. Ngoài việc biến thuốc ngừa thai và việc triệt sản thành sản phẩm ai cũng có quyền đồng đều sử dụng, quyết định này còn nhấn mạnh tới việc coi họ như là những người thụ hưởng hàng đầu của kế hoạch này. Ngoài ra, bãi bỏ việc “cùng trả” đối với thuốc ngừa thai sẽ mở rộng cửa cho hàng loạt những biện pháp xấu xa khác trong tương lai. Thí dụ, người chịu thuế không những phải tài trợ cho việc phân phát thuốc viên, thuốc Ella và Plan B, mà họ còn phải tài trợ nhiều phương pháp kiểm soát sinh sản mới hơn, tiến bộ hơn như các phương pháp mổ xẻ đắt tiền hơn. Các phương pháp này chắc chắn sẽ làm ta sao lãng, không còn chú tâm tới những lãnh vực thực sự cần thiết hơn.

Cũng sẽ không quá đáng khi cho rằng nâng việc sử dụng thuốc ngừa thai và phá thai lên hàng một “quyền căn bản” không những chỉ có hại cho các thai nhi, mà còn có hại cho chính các phụ nữ và cả quốc gia nói chung nữa. Trách nhiệm trong lãnh vực sức khỏe tính dục không thể rút gọn vào các giải pháp vá víu cho các vấn nạn có thực. Ai cũng đồng ý rằng con số các vụ thai nghén ngoài ý muốn hiện nay rất cao và là điều ta phải giải quyết. Nhưng chỉ chữa chạy triệu chứng mà không chữa chạy nguyên nhân thì rõ ràng là dấu hiệu của thiển cận; và có thể nói, là dấu hiệu của bất lực về phía chính phủ hiện nay, nhất là Sebelius và Obama.

Thay vào đó, ta cần một giải pháp không dựa vào xúc cảm nhất thời mà dựa vào nền tảng của lý trí và sự khôn ngoan chân chính. Phải lưu ý tới phẩm giá của tính dục và bản vị nhân bản, cả của người phụ nữ lẫn những đứa con của họ. Mặt khác, người ta cũng phải tìm cách bảo vệ ý nghĩa và sự trường tồn của các quyền dân chủ. Khi ta xếp việc kiểm soát sinh sản ngang hàng với quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, một điều gì đó đã thành lệch lạc. Và những vấn nạn do đó mà ra có thể sẽ gây nguy hại cho những quyền thực sự căn bản và phổ quát của ta.

Theo Andrew Haines, chủ tịch Trung Tâm Luân Lý Trong Đời Sống Công (Center for Morality in Public Life www.cfmpl.org). Hãng tin CNA, ngày 4 tháng 8, 2011
 
Andhra Pradesh: năm Kitô hữu bị bắt vì lời cáo buộc giả dối, còn các kẻ tấn công lại được tự do
Nguyễn Trọng Đa
07:30 09/08/2011
Andhra Pradesh: năm Kitô hữu bị bắt vì lời cáo buộc giả dối, còn các kẻ tấn công lại được tự do

Mumbai, Ấn Độ - Thật là "ngày càng đáng báo động" khi thấy các Kitô hữu bị bắt và giam tù do các lời cáo buộc giả dối, trong khi các kẻ tấn công lại được tự do và không bị trừng phạt, theo ông Sajan K George, chủ tịch của Hội đồng toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ (GCIC), sau khi năm Kitô hữu nữa đã bị cảnh sát bang bắt giữ về các cáo buộc giả dối là buộc người khác trở lại đạo của họ.

Trường hợp mới nhất là trường hợp thứ ba của loại hình này kể từ tháng Sáu tại bang Andhra Pradesh.

Ngày 4-8, một số người cực đoan Ấn giáo đã tấn công năm thành viên của Giáo phái Ngũ Tuần Đàn Chiên Nhỏ tại Ramagundam (quận Karim Nagar). Trong thời gian nghỉ của một buổi nhóm họp mà họ tham dự, họ đã viết vội các chữ “Chúa Giêsu cứu độ” lên một tảng đá, không biết rằng họ đang ở gần một ngôi đền Ấn giáo.

Một nhóm các nhà hoạt động của tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một tổ chức bán quân sự Ấn giáo cực đoan, nhìn thấy họ. Sau khi đi qua trước họ, nhóm này bắt đầu lăng nhục các Kitô hữu, bảo họ xóa các chữ ấy. Trong khi các Kitô hữu bắt đầu xóa các chữ, nhóm cực đoan Ấn giáo đi gọi là cảnh sát, cảnh sát đến hiện trường và bắt giữ các Kitô hữu. Các người này sau đó được trả tự do, khi đóng tiền bảo lãnh.

ÔngSajan George nói: “Không chỉ nhóm cực đoan Ấn giáo thực hiện một kế hoạch chống Kitô hữu, nhưng cảnh sát đã nhanh chóng làm đơn khiếu nại chống các nạn nhân, chứ không phải chống các kẻ tấn công họ”.

VịChủ tịch của Hội đồng toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ (GCIC) nói: “Tình hình này là ngày càng đáng báo động, bởi vì các người phạm tội thực sự được khuyến khích tấn công và quấy rối nhóm thiểu số Kitô hữu dễ bị tổn thương, mà cũng do sự dửng dưng của chính quyền nữa".

Ngày 28-6, một số người cực đoan Ấn giáo trong làng Bhongir Mandal đánh đập mục sư Johnny Lazarus, 50 tuổi, sau khi mục sư bị Malla Reddy, một người Ấn giáo, cáo buộc dùng ma thuật để chống lại mình.

Ngày 3-7, mục sư GN Paul đã bị bốn phần tử cực đoan Ấn giáo tấn công dã man, sau khi họ bảo mục sư phải ngưng tất cả các buổi cầu nguyện và thờ phượng, nếu không sẽ bị chết. (AsiaNews 8-8-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Philippines: Giáo Hội chỉ trích tổng thống và phe nổi dậy đàm phán bí mật
Phạm Kim An
07:36 09/08/2011
Philippines: Giáo Hội chỉ trích tổng thống và phe nổi dậy đàm phán bí mật

Các Giám mục nói rằng việc đàm phán 'bí mật' thể hiện sự thiếu minh bạch trong tiến trình hòa bình

Tổng thống Benigno Aquino (phải) và lãnh đạo Al Haj Murad Ibrahim của MILF

Manila - Một cuộc họp "bí mật" giữa Tổng thống Benigno Aquino và các nhà lãnh đạo phe nổi dậy Moro ở Philippines tuần trước đã không làm hài lòng các Kitô hữu và các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, vì họ nói sự minh bạch và tham vấn là cách thức để có hòa bình lâu dài ở đảo Mindanao.

Tổng thống Aquino đã gặp ông Al Haj Murad Ibrahim, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ở Tokyo ngày 4-8, để thảo luận các nỗ lực hòa bình, nhưng chi tiết cuộc họp chưa được tiết lộ.

Ông Abdulrahman Palcarey, nhà triệu tập phía Hồi giáo của Liên minh Hồi giáo-Kitô giáo về Công lý và Hòa bình ở Philippines, ca ngợi cuộc họp này như một "bước tiến lớn trong việc đạt được hòa bình", nhưng người đồng nhiệm Kitô của ông là ông Gerry De Guzman phát biểu dè dặt.

Ông De Guzman nói: "Mặc dù chúng tôi hoan nghênh cuộc họp, chúng tôi cần thận trọng và thúc giục hai bên phải thật minh bạch đối với công chúng về các chi tiết, từ ngữ và điều khoản quy định trong cuộc đàm phán".

Phản ứng về cuộc họp này, ngày 8-8, Đức Tổng Giám Mục nghỉ hưu Oscar Cruz nói với tổng thống Aquino "là ông cần hành động như một tổng thống, chứ không phải như một thường dân".

Ngài nói rằng cuộc họp là "lần đầu tiên tôi thấy một tổng thống đi ra khỏi đất nước mà không thông báo cho người dân".

Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Manila, Broderick Pabillo, Chủ tịch Ủy Ban hành động xã hội của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, nói rằng tổng thống Aquino phải tiết lộ những gì ông đã thảo luận với ban lãnh đạo phe nổi dậy Moro.

Đức Giám Mục Pabillo nói: "Các cuộc đàm phán hòa bình thật sự phải có sự tham gia của các bên liên quan, như người dân bản địa Lumad, các cộng đồng Hồi giáo và Kitô giáo địa phương, bởi vì họ là những người sẽ bị ảnh hưởng". Ngài nói thêm rằng tính cách minh bạch là cần thiết.

Trong khi đó, ông Marvic Leonen, người đứng đầu Ủy ban hòa bình của chính phủ, cho biết rằng tổng thống Aquino không đạt được thỏa thuận bí mật nào.

Ông Leonen nói: "Không có thỏa thuận bí mật". Ông cho biết thêm là cuộc họp nhằm "khởi động các cuộc đàm phán hòa bình đi vào các thỏa thuận cơ bản".

Trong khi đó, bà Abigail Valte, phát ngôn viên của tổng thống Aquino, kêu gọi các nhà chỉ trích cuộc họp hãy nhìn vào bức tranh lớn, đó là tầm quan trọng của tiến trình hòa bình.

Bà nói nhiều nhân vật của hai phía đã hoan nghênh động thái lịch sử, và đây là lần thứ hai mà một tổng thống đương nhiệm đã gặp một nhà lãnh đạo phe nổi dậy. (UCA News 8-8-2011)

Phạm Kim An
 
Đức Hồng y Bộ Phụng tự: Sự bỏ rơi Thiên Chúa dẫn đến sự tự hủy diệt
Nguyễn Trọng Đa
07:37 09/08/2011
Đức Hồng y Bộ Phụng tự: Sự bỏ rơi Thiên Chúa dẫn đến sự tự hủy diệt

Valencia, Tây Ban Nha - Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích của Tòa thánh, Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Antonio Canizares, gần đây đã cảnh báo về nguy cơ tách xa Thiên Chúa.

Ngài nói: "Vấn đề chính mà châu Âu đang đối mặt không phải là kinh tế, vốn là nghiêm trọng, mà đúng hơn là sự từ bỏ Thiên Chúa, vốn dẫn đến sự tự hủy diệt".

Trong một khóa học mùa hè được tài trợ bởi trường Đại học thánh tử đạo Vinh Sơn ở Valencia, Tây Ban Nha, về hiện tại và tương lai của châu Âu, Đức Hồng Y Canizares đã có bài phát biểu nhan đề "Kitô hữu trong dân chủ".

Ngàikhuyến khích các tín hữu hãy cố gắng khắc phục "sự đổ vỡ đạo đức mà chúng ta đang trải qua", và phục hồi "một xã hội dựa trên nền tảng đạo đức vô điều kiện".

Ngài nhấn mạnh trách nhiệm của Kitô hữu là phải tham gia vào "một cuộc Phúc âm hóa mới", mà theo Ngài, là "việc phục vụ tốt nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho xã hội chúng ta, để thay đổi và vượt qua cuộc khủng hoảng này".

Đức Hồng y nói: “Tình hình hiện nay không chỉ là một cuộc khủng hoảng cơ cấu hoặc kinh tế, mà đúng hơn là cuộc khủng hoảng của nhân loại, sự đổ vỡ của nhân loại, sự đổ vỡ đạo đức, chi tiêu vượt quá giới hạn của chúng ta và theo đuổi sự vui thú bằng mọi giá, lạc thú vì lạc thú, ngay cả khi nó có nghĩa là tiêu diệt người khác”.

Ngài nói: "Tình hình này cần phải được khắc phục".

Đức Hồng Y Canizares bảo vệ "bản sắc" của châu Âu, "với các nền tảng là triết học Hi Lạp, pháp luật Roma và đức tin Kitô giáo". Ngài nói: “Bản sắc châu Âu là không thể tách rời khỏi phẩm giá con người, như là cơ sở của mọi trật tự và của mọi sự về nền văn hóa, vốn là đặc trưng cho chúng ta".

Hồng y nói thêm: “Nếukhông có con người, xã hội sẽ không có tương lai, và không có phẩm giá con người, trật tự sẽ không có tương lai".

Ngài nói rằng dù sao Ngài vẫn "hy vọng" về tương lai, và Ngài kêu gọi "mọi người hãy hoán cải đổi mới với Chúa Giêsu Kitô", bắt đầu với các thành viên của Giáo Hội, “vốn sẽ mở ra một tương lai lớn lao cho châu Âu".

Đại hội Giới Trẻ Thế Giới

Đức Hồng Y Canizares cũng đề cập chuyến thăm sắp tới của ĐTC Biển Đức XVI đến Tây Ban Nha, để tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế Giới. Ngài nói: “Việc ĐTC Biển Đức XVI gặp mặt với hơn một triệu người trẻ từ khắp nơi trên thế giới là một sự kiện của niềm hy vọng lớn".

Ngài nói: "ĐTC Biển Đức XVI đến để đem Chúa Giêsu Kitô cho các người trẻ, và nói với họ hãy đứng lên và bước đi, để bắt đầu vượt qua cuộc khủng hoảng sâu sắc, vốn đang làm cho họ đi xuống", đặc biệt là thanh niên ở Tây Ban Nha, nơi mà tình trạng thất nghiệp của thanh niên đang lan rộng.

Đức Hồng y nói: "ĐTC Biển Đức XVI đến để nói với giới trẻ rằng họ có thể thay đổi mọi thứ, và họ có thể có tương lai tốt hơn, nếu họ mở lòng ra với những gì Chúa Giêsu Kitô muốn nói, bởi vì Chúa muốn nói sự thật, tình yêu, tôn trọng người khác, công ích, không sợ hãi và sống tự do". (CNA / Europa Press 8-8-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Trực thăng bị bắn rơi là một nhắc nhớ tới 'thảm kịch của chiến tranh'
Bùi Hữu Thư
23:00 09/08/2011
Trực Thăng Chinook
Hoa Thịnh Đốn (CNS) -- Vị lãnh đạo Tổng Giáo Phận Quân Đội Hoa Kỳ nói: "Cái chết của 30 binh sĩ Hoa Kỳ và 8 binh sĩ Afghan trong vụ máy bay trực thăng rớt tại Afghanistan là "một nhắc nhớ khác vể thảm kịch ghê gớm của chiến tranh và hậu quả đối với tất cả mọi người."

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio viết trong một tuyên cáo ngày 8 tháng 8: "Không có ai có thiện chí lại không bị cảm xúc vị những thiệt hại này."

Các chiến sĩ Hoa Kỳ gồm có 20 biệt hải (Navy SEALs), cùng với bẩy binh sĩ Afghan và một thông dịch viên bị chết khi quân phản loạn bắn rơi một trực thăng vận tải Chinnok của Liên Hiệp Quốc buổi sớm ngày 6 tháng 8.

Đây là tổn thất duy nhất và nặng nề nhất của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến kéo dài đã 10 năm này.

Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio nói: "Tôi xin chân thành phân ưu cùng gia đình và bạn hữu của những chiến sĩ can trường của quân đội và những công dân Afghan đã thiệt mạng trong vụ rớt trực thăng và trận chiến mới đây tại tỉnh Tangi của Afghanistan."

Ngài đã ra tuyên cáo này thay mặt cho tổng giáo phận và các giám mục phụ tá, linh mục và các cộng đồng công giáo đang được tổng giáo phận phục vụ.

Tổng Giám Mục nói: "Trong khi chúng ta cầu nguyện cho sự an nghỉ của các linh hồn của họ và sự an ủi cho gia đình của họ, chúng ta cũng nâng tâm trí lên Thiên Chúa Cao Cả và khẩn xin cho được ban ơn hòa bình rất khó đạt được trên trần gian và sự hòa điệu giữa mọi dân nước."

Một phát ngôn viên quân sự nói: một súng phóng lựu đã bắn rơi trực thăng chuyên chở binh sĩ trong một phi vụ ban đêm. Vụ máy bay rơi đang được điều tra và được biết là "không có lý do gì khác hơn là súng đạn của quân phản loạn đã làm cho máy bay trực thăng rớt.

Tổng Giáo Phận Quân Đội có trách nhiệm chăm lo vấn đề thiêng liêng, mục vụ và bí tích cho 350.000 binh sĩ Công Giáo Hoa Kỳ đang hiện dịch; 200.000 binh sĩ Công Giáo trừ bị và Dân Vệ Quốc Gia; 30.000 bệnh nhân Công Giáo trong 170 bệnh viện của Nha Cựu Chiến Binh; và 66.000 người Công GIáo trong chính phủ phục vụ ở ngoại quốc tại 134 nước.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kết thúc khóa Linh Thao sinh viên 2011: ''Muối cho đời''
SVCG Hà Nội
07:45 09/08/2011
Kết thúc khóa Linh Thao sinh viên 2011: "Muối cho đời"

“Muối cho đời” đó là chủ đề của khóa Linh Thao sinh viên Công Giáo hè 2011. Theo truyền thống hằng năm, năm nay chương trình Linh Thao diễn ra từ chiều ngày 1 đến ngày 08 tháng 8 tại Đại chủng viện Thánh Giuse cơ sở Cổ Nhuế.

Như là một hoạt động thường niên được khởi xướng từ năm 2005, năm nay các bạn sinh viên khu vực phía Bắc cũng đã qui tụ tại 3 điểm Linh Thao là: Bắc Ninh,Thanh Hóa, Hà Nội. Là một trong số 3 địa điểm của khu vực phía Bắc và là nơi thu hút đông các bạn sinh viên tham dự nhất, tại Hà Nội vào chiều ngày 1 tháng 8, các bạn sinh viên Công Giáo đã có mặt để ghi danh cùng chuẩn bị để bước vào khóa Linh Thao tại Đại chủng viện Thánh Giuse cơ sở Cổ Nhuế. Năm nay, khóa Linh Thao có sự đồng hành của 3 thầy dòng Tên, 7 Soeur phụ trách Linh Thao và 5 Soeur phụ trách ẩm thực cùng với sự tham gia của 218 bạn trẻ, sinh viên Công Giáo, ngoài ra còn có một thao viên cao tuổi nhất là 65 tuổi và nhỏ tuổi nhất 15.

Đi dạo, đi bộ, chạy, là những việc thể thao thì cũng thế, gọi là “Linh Thao” tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống để mưu ích cho linh hồn mình. (trích “Bạn đồng hành Linh Thao”). Với mục đích giúp các bạn trẻ đặc biệt các bạn sinh viên Công Giáo thinh lặng nội tâm để gặp gỡ Chúa qua các giờ cầu nguyện và qua sinh hoạt hằng ngày để tìm thánh ý Chúa cùng biến đổi đời sống. Khóa Linh Thao được diễn ra trong 8 ngày với ngày tiếp đón đầu tiên sau đó các bạn có 5 ngày thao luyện thiêng liêng trong thinh lặng từ mọi cử chỉ, lời nói, luôn giữ yên lặng, không ồn ào, không ra khỏi Đại Chủng Viện cũng như sử dụng các phương tiện truyền thông như máy tính, điện thoại, tivi,… và để đảm bảo điều đó các Thao viên đã gói điện thoại và tiền của mình lại sau đó ký gửi nơi Ban tổ chức. Để kết thúc khóa Linh Thao các bạn sinh viên đã có 1 ngày đi Picnic và 1 ngày để dâng thánh lễ tại ơn và chia tay.

Trong ngày tiếp đón và chia sẻ đầu tiên, các bạn Thao viên lần đầu tiên đi Linh Thao đều chia sẻ là rất bỡ ngỡ vì không biết mình sẽ làm những gì và khi được các bạn Thao viên cùng các vị đồng hành chia sẻ là sẽ giữ thinh lặng, cầu nguyện thường xuyên và không sử dụng điện thoại trong 5 ngày thì các bạn rất lo lắng rằng: “Không biết mình có giữ được không?” Tuy nhiên, với lòng quyết tâm và vững tin các bạn Thao viên đã sẵn sàng bước vào 5 ngày Thao luyện thiêng liêng bằng giờ lấy điểm đầu tiên với Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ê – phê – xô với chủ đề: “Thiên Chúa luôn hiện diện và yêu thương tôi. Trong 5 ngày thao luyện các Thao viên sẽ bắt đầu từ 5h 30 với giờ cầu nguyện với điểm của tối hôm trước và kết thúc vào lúc 9h 30 là giờ lấy điểm cho ngày hôm sau. Một ngày các bạn Thao viên sẽ có 4 giờ cầu nguyện tương ứng với 4 giờ lấy điểm và 1 thánh lễ vào lúc 10h 30 ngoài ra còn có các hoạt động thiêng liêng như Chầu thánh thể, xưng tội, canh thức,…

Trong thời gian Linh Thao, các Thao viên sẽ lấy điểm và cầu nguyện với 4 chủ điểm của khóa Linh Thao đó là: 1. Suy xét và chiêm niệm về tội lỗi, 2.Về cuộc đời của Đức Kitô Chúa chúng ta cho đến hết ngày rước lá, 3. Về cuộc thương khó của Đức Kitô Chúa chúng ta, 4.Về sự sống lại và lên trời của Đức Kitô Chúa chúng ta. Với mỗi chủ điểm Linh Thao các Thao viên sẽ được các thày, soeur đồng hành hướng dẫn lấy điểm gợi ý và phương pháp cầu nguyện. Sau đó các bạn tìm một nơi thích hợp nhất để gặp gỡ Thiên Chúa có thể là nhà nguyện, phòng học hay phòng ngủ,… để cầu nguyện dựa trên các điểm và các phương pháp đã được hướng dẫn. Về phương pháp cầu nguyện, rất nhiều Thao viên đã chia sẻ: “Qua khóa Linh Thao bản thân đã biết thêm nhiều phương pháp cầu nguyện mới như chiêm niệm, suy niệm đặc biệt là biết cách cầu nguyện với Kinh Thánh và yêu mến Kinh Thánh hơn cũng như dễ dàng gặp Chúa hơn.” Trong các điểm cầu nguyện các bạn Thao viên đã tìm thấy rất nhiều ý Chúa từ các bản văn Kinh Thánh để áp dụng vào cuộc sống, để biến đổi đời sống và thấy bình an trong tâm hồn vì luôn có Chúa hiện diện cả khi cầu nguyện cũng như trong mọi hoạt động của cuộc sống. Đặc biệt điều mà tất cả các Thao viên cảm nhận được đó là “Tình yêu của Đức Kitô dành cho con người”.

Kết thúc Khóa Linh Thao, ngày 07/08 các Thao viên đã có chuyến Picnic tại Công viên hòa Bình ngay gần Đại Chủng Viện. Trong picnic nơi tìm được niềm vui, các bạn cũng tham gia các trò chơi, các cuộc thi với chủ đề: “Muối cho đời”. Phần thi để lại ý nghĩa nhất đó là phần thi xây dựng các logo, từ các vật dụng đời thường đã biến thành những hình ảnh, logo mang đầy dủ ý nghĩa về chủ đề “Muối cho đời”. Buổi tối trong niềm vui và ơn Chúa tràn đầy các Thao viên đã chuẩn bị rất nhiều tiết mục văn nghệ diễn tả lại Kinh Thánh và đời sống để nói lên quyết tâm thay đổi đời sống trong Đức Kitô sau sau khi gặp gỡ Đức Kitô trong khóa Linh Thao đúng như lời bài hát: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình”.

Tạ ơn Chúa vì những hồng ân của Ngài và đã ban cho chúng con khóa Linh Thao ngang qua các Đấng bậc, Thánh lễ tạ ơn vào sáng ngày 08/08 với sự hiện diện và đồng tế của quý Cha Đại chủng viên, cùng quý Cha, quý Thày Dòng Tên và tất cả các Thao viên đã diễn ra sốt sắng với tâm tình tri ân. Sau Thánh lễ, Cha Đaminh Phạm Minh Thắng SJ có đôi lời chia sẻ với các bạn Thao viên cùng tri ân các Cha, các thầy, các soeur Đại Chủng Viện và quý Soeur đồng hành. Thay mặt các bạn Thao viên, anh Giuse Nguyễn Văn Chuyên trưởng Hội SVCG TGP Hà Nội lên phát biểu cảm ơn quý Cha, quý Thầy Dòng Tên và quý Soeur đồng hành đã tổ chức và giúp đỡ các bạn sinh viên trong suốt khóa Linh Thao. Anh cũng không quên gửi lời cảm ơn tới quý Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện, tới Cha quản lý, quý thầy, và các Soeur trong Đại Chủng Viện đã giúp đỡ, tạo điều kiện để khóa Linh Thao diễn ra thành công.

Khóa Linh Thao kết thúc đã để lại trong các thao viên biết bao kỉ niệm cùng một tâm hồn bình an đặc biệt các bạn đã mang vào đời sống một hành trang với thánh ý Chúa và những gương sống của Đức Giêsu cũng như kho tàng Kinh Thánh mà nhiều bạn bây giờ mới khám phá ra. Tạ ơn Chúa đã đồng hành với chúng con trong suốt Khóa Linh Thao, nguyện xin Chúa ban Thánh Thần để chúng con trở nên muối men trong cuộc sống sinh viên.
 
Lễ Khai Mạc Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần Thứ Ba
Gioan Đình Sơn
07:50 09/08/2011
Lễ Khai Mạc Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần Thứ Ba

Vào hồi 8 giờ ngày 9 tháng 8 năm 2011, tại hội trường Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc đại hội giáo lý toàn quốc lần thứ ba. Tham dự lễ khai mạc có Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn- Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc- Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin, gần 100 linh mục, 57 nam nữ tu sĩ và 41 giáo dân đến từ 26 giáo phận trong cả nước. Tất cả các tham dự viên đều là những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực huấn giáo.

Xem hình đại hội

Sau lời chào mừng và giới thiệu của cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền- trưởng Ban giáo lý toàn quốc là nghi thức tôn vinh Lời Chúa do cha Antôn Đoàn Văn Vinh, thuộc Tu đoàn Nhà Chúa chủ sự.

Tiếp theo là diễn văn khai mạc của Đức cha Chủ tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Trong diễn văn khai mạc ngài nhấn mạnh đến vai trò dạy và học giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng. Đây là một cái nhìn rất tốt, mới nhưng rất cần kíp vì chỉ có việc loan báo Tin Mừng thì mới mang đến sự sống, tình yêu của Chúa. Chúng ta phải hướng mục tiêu của việc dạy và học phải như vậy…

Trong lễ khai mạc, Đức Tổng Giám mục Phêrô cảm thấy rất hài lòng về chương trình làm việc cũng như mục tiêu của đại hội này hướng đến, ngài nói trong bài huấn dụ. Ngoài ra, ngài còn khích lệ và cầu chúc đại hội gặp được Chúa và thành công.

Có thể nói, đại hội giáo lý toàn quốc lần này là khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý xoay quanh 3 trục chính là Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội: (1) huấn giáo là tác vụ Lời Chúa, (2) huấn giáo là giáo dục đức tin, và (3) huấn giáo là hoạt động của Giáo Hội. Từ đó, khám phá lại bản chất – mục đích – nhiệm vụ của việc dạy giáo lý, tìm kiếm một phương pháp hữu hiệu và tương thích, xác định vai trò và trách nhiệm của cộng đoàn trong việc dạy giáo lý. Sợi chỉ đỏ của Đại Hội là thống nhất tầm nhìn và sứ mạng của huấn giáo (vision & mission).

Theo đúng lịch trình, lễ khai mạc đại hội khép lại lúc 8 giờ 30 và ngay sau đó là phần thuyết trình của Đức Tổng Giám mục Phêrô với đề tài: Rao giảng Tin Mừng hôm nay và những thách thức của nó.

Gioan Đình Sơn
 
Giáo xứ Thanh Đa: Lễ Bế Mạc Hội Khỏe Hè 2011
Hồ Gia Minh / Nguyễn Ngọc Vĩnh
07:58 09/08/2011
Giáo xứ Thanh Đa: Lễ Bế Mạc Hội Khỏe Hè 2011

Tối thứ Hai 08/08/2011 vừa qua, giáo xứ Thanh Đa đã tổ chức lễ Bế mạc và phát thưởng cho các đội tham gia Hội Khỏe Hè 2011.

Hội khỏe năm nay được diễn ra trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 07/07 và kết thúc vào ngày 08/08, cũng là ngày Bổn mạng của Cha sở Đaminh Nguyễn Đình Tân.

Xem hình lễ bế mạc hội khoẻ

Được Hội đồng Mục vụ khuyến khích và hổ trợ mọi mặt, ban Mục vụ Giới trẻ của giáo xứ đã lên phương án và mời gọi nhiều đoàn thể tham gia. Mục đích của Hội Khỏe Hè là nhằm quy tụ các đoàn thể, hội đoàn, tạo một sân chơi lành mạnh, học hỏi nhau trong tinh thần thể thao vui tươi. Số môn thi đấu năm nay tăng lên thành 6, bao gồm : bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, nấu ăn, cắm hoa với hơn 150 vận động viên. Riêng môn bóng đá đã thu hút 10 đội tham gia, và rất nhiều cổ động viên tham gia ủng hộ đội bóng của mình.

Lễ Bế mạc Hội khỏe thật sự là một đêm hội với sự tham dự của rất đông giáo dân, từ thiếu nhi cho đến các cụ lớn tuổi.

18h45, màn múa sôi động của Nhóm Trẻ Don Bosco làm đêm hội nóng lên với các động tác uyển chuyển nhưng không kém phần mạnh mẽ của các bạn trẻ.

Tiếp đến, Ông G.B Phan Đình Thi – Chủ tịch HĐMV đã tổng kết các chương trình thi đấu và biểu dương tinh thần vui chơi lành mạnh, qua đó, tạo mối tương quan, hiệp thông giữa các cá nhân và đoàn thể trong giáo xứ.

Tiếng vỗ tay vang dội khi anh Alexis Lê Cao Đình – Trưởng Ban MVGT, thay mặt cộng đoàn tặng hoa cho Cha Sở Đaminh kính yêu nhân ngày Lễ Bổn mạng của Ngài.

Ngài cảm ơn cộng đoàn và bày tỏ niềm yêu thương đối với các bạn trẻ, các bạn đã tích cực tham gia Hội khỏe vừa qua, mặc dầu vui là chính, nhưng qua đó thể hiện sự gắn bó với giáo xứ, Ngài cũng hy vọng người trẻ ngày càng đảm nhận thêm nhiều trọng trách để xây dựng giáo xứ vững mạnh hơn trong đức tin và đức ái.

Và đến phần quan trọng nhất của đêm hội: phát giải thưởng và cờ lưu niệm cho các đội vô địch, á quân, các đội còn lại cũng rất vui khi được trao cờ. Giải Vua Phá Lưới năm nay thuộc về anh Hoàng Gia Hữu – đội bóng Cựu Lễ Sinh, với 13 bàn ghi vào lưới đối phương. Giải cho Hội Cổ động viên ủng hộ nhiệt tình nhất được trao cho Nhóm Trẻ DonBosco trong tiếng reo hò vang dội của các bạn nhóm này.

Sau phần phát thưởng tưng bừng, cộng đoàn được thưởng thức tiệc buffet hết sức hoành tráng do các bà Hội Các Bà mẹ CG của giáo xứ thực hiện.

Bài viết: Gia. Hồ Anh Minh

Hình ảnh: Phaolô Nguyễn Ngọc Vĩnh
 
Giáo phận Thanh Hóa khai mạc Khóa linh thao hè 2011 dành cho Sinh viên Công giáo
Jos. Kế Nguyễn
12:33 09/08/2011
Giáo phận Thanh Hóa khai mạc Khóa linh thao hè 2011 dành cho Sinh viên Công giáo

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đồng ý rằng: Giới trẻ hôm nay chính là nền tảng, là sức mạnh và là những “chủ nhân ông” của Giáo hội cũng như xã hội ngày mai. Giới trẻ là những con người năng động, nhiệt thành và đầy sức sống như ngọn lửa luôn bừng cháy. Hơn thế nữa, giới trẻ Công giáo còn mang trong mình một “Tin mừng”, một sứ mạng lớn lao là làm chứng cho Chúa và đem Lời Chúa đến với mọi người trong chính môi trường sống của họ.

Xem hình linh thao

Thế nhưng, chúng ta cũng đang tận mắt chứng kiến không ít những bạn trẻ ngày nay đang dần đánh mất những bậc thang giá trị đạo đức vốn có của mình. Từ chỗ là nền tảng, là sức mạnh và là tương lai thì họ lại biến mình thành mối lo ngại, mối hiểm họa cho chính gia đình và cho cả xã hội. Với các bạn trẻ Công giáo, họ đang ngày càng đánh mất những bậc thang giá trị tâm linh mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi con người. Họ đang làm cho hình ảnh Thiên Chúa nơi mình và nơi người khác bị phai nhạt đi. Và như thế, họ đang đưa mình vào vòng xoáy của một nền “văn hóa siêu thị”, vào vòng quay của chủ nghĩa vô thần, của chủ nghĩa duy vật và của chủ nghĩa tương đối,…

Đánh giá cao về vai trò của người trẻ đối với sự phát triển của Giáo hội và xã hội, cũng như để giúp các bạn trẻ có cơ hội để hồi tâm đặt mình trước mặt Chúa, nhìn nhận những yếu đuối của bản thân và xin Ngài nâng đỡ. Được sự hướng dẫn của Đức Cha giáo phận, Ban Mục Vụ Giới Trẻ - Sinh Viên (BMVGT– SV) giáo phận Thanh Hóa đã tổ chức Khóa linh thao Hè 2011, dành cho các bạn sinh viên Công giáo.

Đúng 14 giờ, ngày 08/08/2011, các bạn sinh viên đã có mặt tại TGM. Thanh Hóa để đăng ký và làm các công tác chuẩn bị cho Khóa linh thao. Khóa linh thao năm nay, có 96 tham dự viên, đến từ 4 giáo phận: Vinh, Bùi Chu, Thái Bình và Thanh Hóa (chủ nhà). Khóa linh thao sẽ diễn ra từ ngày 08 – 14/ 08/ 2011, tại Tòa Giám Mục Thanh Hóa. Được hướng dẫn bởi Cha Giuse Nguyễn Minh Thắng S.J., cùng với Cha còn có 2 Thầy và 4 Sơ.

Vào lúc 18 giờ 30, trước khi dùng bữa cơm tối, bạn Phaolô Phùng Văn Đức đại diện cho các tham dự viên Khóa linh thao đã có lời chào quý Cha đang làm việc ở TGM và quý Cha, quý Thầy, quý Sơ trong Ban hướng dẫn linh thao.

Trong buổi găp gỡ đầu tiên này, Cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh (trưởng BMVGT – SV), đã nói lên lòng biết ơn đối với Đức Cha giáo phận, quý Cha. Và có lời chào mừng đến quý Cha, quý Thầy, quý Sơ trong ban hướng dẫn linh thao và tất cả các bạn sinh viên về tham dự Khóa linh thao năm nay.

Cha Giuse Vũ Thanh Long, Chủ tịch UBƠG của giáo phận đã thay lời cho Đức Cha, quý Cha và mọi người trong TGM. có những lời chào chúc đến quý Cha, quý Sơ, quý Thầy và mọi người đã về với Ngôi Nhà Chung của giáo phận Thanh Hóa.

Cha Giuse Nguyễn Minh Thắng đã có những lời dặn dò giúp các tham dự viên có được sự chuẩn bị chu đáo để bước vào tuần linh thao. Sau bữa ăn, vào lúc 20 giờ, các tham dự viên đã có giờ gặp gỡ đầu tiên, mở đầu cho một tuần hồng phúc.

Nguyện chúc các bạn sinh viên luôn biết sống như Đức Kitô, cho Đức Kitô và ở lại trong Đức Kitô để được Ngài nuôi dưỡng - giúp các bạn vững bước hơn trong sứ vụ của mình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cầu Rầm: hàng ngàn người Công giáo phản đối việc chiếm đất
Asia-News
08:00 09/08/2011
Tại giáo phận Vinh đã có ít nhất 5 ngàn người cầm cờ Vatican xuống đường biểu tình. Các tín hữu này biểu tình đòi bồi hoàn tài sản giáo hội và phản đối vụ bắt giữ các nhà hoạt động trẻ. Mội linh mục ở Hà Nội cho biết: hiện có thêm nhiều sự kiện đàn áp chống lại Giáo Hội tại Việt Nam.

Hà Nội (AsiaNews) - Đã có hơn 5 ngàn người Công giáo từ các giáo xứ Cầu Ram, Đại Yên và Kẻ Gai , miền Bắc Việt Nam- tay vẫy cờ Vatican- diễu hành qua các đường phố thuộc Giáo phận Vinh (xem hình) . Các tín hữu đã phản đối quyết định của nhà cầm quyền địa phương trong việc tịch thu đất đai của Giáo Hội Công Giáo ở giáo hạt Cầu Rầm để xây dựng một công viên và đài tưởng niệm dành riêng cho binh lính của quân đội Việt Nam. Những người biểu tình cũng lên án một hoạt động bí mật của an ninh mật vụ nhằm bắt cóc các nhà hoạt động Kitô giáo trẻ .

Vấn nạn về quyền sở hữu đất - cuộc giằng co giữa người Công Giáo và nhà cầm quyền địa phương hoặc trung ương - là một vấn đề phổ biến và chưa được giải quyết tại Việt Nam. Vào thời điểm chiến tranh, nhà thờ Cầu Rầm đã bị chuyển đổi thành một căn cứ quân sự, khiến nó trở thành một mục tiêu (tấn công) của quân đội Mỹ. Sau chiến tranh, chính phủ Hà Nội tuyên bố sẽ biến khu vực này thành "đài tưởng niệm" để "giữ gìn và bảo tồn dành cho các thế hệ tương lai, để ghi nhớ tội ác chiến tranh của Mỹ."

Yêu cầu trả lại đất cho người Công giáo - để xây dựng lại ngôi thánh đường đã có niên đại xây dựng cổ xưa từ thời kỳ đầu năm 900 - cho đến nay vẫn chưa được trả lời. Ngược lại, khu vực này ban đầu được chia thành rất nhiều lô đất dành cho việc xây dựng một con đường nối Hà Nội với nơi sinh của Hồ Chí Minh, khoảng 330 km về phía Bắc.

Sang giai đoạn thứ hai, nhà cầm quyền địa phương cho phép xây dựng một khu chung cư, với các căn hộ tư nhân trị giá hàng triệu đô la được phân phối cho các quan chức nhà nước. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình của người Công Giáo đã dẫn đến việc dự án này phải bị trì hoãn trong hai năm qua (AsiaNews 25/05/2010- Người Công giáo phản đối việc nhà thờ Cầu Rầm lịch sử bị biến thành những căn hộ). Cuối cùng vào ngày 27 tháng 7, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã quyết định xây dựng một công viên công cộng với các đài tưởng niệm dành riêng cho binh sĩ của họ.

Những người biểu tình cũng lên án một hoạt động an ninh bí mật nhằm bắt giữ các nhà hoạt động trẻ mà không hề có trát tòa. Sau đợt biểu tình chống Trung Quốc trong vụ tranh chấp tại Biển Đông, nhà cầm quyền Việt Nam đã tung ra một chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến đặc biệt là Công giáo. Nguồn tin địa phương xác nhận rằng tám sinh viên đại học và giáo dân Vinh đã bị bắt giữ trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 03 tháng 8 năm nay.

Ngày 30 tháng 7, ba người đã bị bắt giữ tại sân bay Sài Gòn. Ba ngày sau, công an thường phục bắt giữ thêm ba sinh viên Công giáo của trường đại học Vinh. Ngày 3 tháng 8, đến phiên Francis Đặng Xuân Tường bị bắt giữ nhưng được thả ra sau đó hai ngày. Cùng ngày đó tại Hà Nội, công an đã bắt giữ blogger Paulus Le Son, đến nay gia đình anh vẫn chưa được tin tức về số phận của bạn trẻ này trong khi công an tiếp tục chối không nhận là đã bắt giữ anh.

Cha Giu Se Nguyễn của giáo phận Hà Nội cảnh báo: "Những sự kiện này là một khúc dạo đầu cho các sự cố khác của sự đàn áp chống lại Giáo Hội tại Việt Nam."
 
Văn Hóa
Kinh thành St Petersburg tráng lệ của Nga được gọi là ''Venice miền Bắc''
Người Lữ Hành VietCatholic
11:12 09/08/2011
Hai ngày thăm viếng thành phố Saint Peterburg đều không may vì bầu trời mây mù và mưa rơi rỉ rả! Dầu vậy chúng tôi cũng lợi dụng cơ hội đi thăm nhiều nơi và các thắng cảnh nổi tiếng được càng nhiều càng tốt, vì đây là một thành phố quan trọng và lớn thứ hai của Nga sô chỉ sau Moscow, nhưng về vẻ đẹp thì nhiều người nói nó có vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa tráng lệ.

Xem hình ảnh

Chính hoàng đế Peter đại đế thứ I thành lập thành này năm 1703 vì vậy mà gọi là thành của Petersburg. Đến năm 1914 đổi tên là Petrograd (cho có vẻ Nga sô!) và giữ tên này tới năm 1924. Rồi cách mạng tháng 10 Cộng sản lên nắm quyền lại đổi thành Leningrad để cúng ông Lênin. Cộng sản sụp đổ và tên cũ Peterdburg được hồi sinh tứ năm 1991.

St. Petersburg đã có quá khứ vàng son và Nga hoàng chọn nơi đây làm thủ đô của đế quốc trong 200 năm (1712-1918).

Ngày nay St Petersburg có dân số trên 5.6 triệu người (lớn hơn nhiều quốc gia) là một thành quan trọng của Nga nhất là vì có hải cảng rộng lớn và là trung tăm văn hóa và kĩ nghệ của Nga.

Vỉ thành phố được xây dựng trên cánh đồng ruộng sình lầy thành ra phải đào nhiều kênh ngòi (có tới 60 kênh canals) để thoát nước và 200 chiếc cầu thuận tiện cho việc giao thông. Chính vì nhiều kênh ngòi mà St Petersburg được gọi là “Venice của miền Bắc”.

Nền kinh tế của thành Petersburg nhờ vào kĩ nghệ chế biến, nhất là sản xuất dụng cụ chiến tranh, sung đạn và tầu chiến, sản xuất máy móc và điện tử và đặc biệt là xây tầu bè. Nhưng trên hết phải nói thành này là một hải cảng thương mại xuất nhập hang hóa lớn vào bậc nhất.

Nhờ hoàn cảnh thuận tiện và có bề dài lịch sử và truyền thống lậu đời, nhiều thánh đường nguy nga, như St Isaac, St Catherine, Máu Thánh Chúa, pháo đài thành quách Peter and Paul, Lầu đài nghỉ mát mùa hè, lâu đài nghỉ mát mùa đông, da95c biệt là bảo tang viện Hermitage không thua kém Louvre hay bảo tang Luân đôn. Lái xe theo các con đường trong thành phố đâu đâu cũng thấy các biệt thự vbà lâu đài nguy nga và người hướng dẫn viên cho biết có tới 2000 lâu đài to lớn ở trong thành phố này.

Chúng tôi đặc biệt thăm đại giáo đường Saint Catherine nằm ngay trung tâm thành phố trên đại lộ Prospect nơi buôn bán sầm uất và thời danh nhất ở đây. Khi vào thánh đường, chúng tôi thật xúc động vì có một số người đang chầu Mình Thánh Chúa trong một nhà nguyện. Đọc qua lịch sử ngôi thánh đường biết rằng đây là 1 trong 10 nhà thờ Công giáo ở St Petersburg trước thời cách mạng tháng 10. Sau khi Cộng sản lên nắm quyền thì tất cả các nhà thờ bị dẹp hết. Chính ngôi thánh đường này trở thành nới chứa rau cỏ, gia xúc… Nhưng một vị linh mục thừa sai vẫn còn ở lại đề chăm sóc cho giáo dân 10 giáo xứ trong thành phố. Sau này vị linh mục này cũng bị trục xuât. Ngôi thánh đường mới được mở cửa lại và được tân trang vì có thời sau cách mạng đã bị cháy một phần. Ở torng nhà thờ nay còn dấu vết bức tường củ và tượng Chúa chịu nạn.

Dù sau bao nhiêu năm dước thế độ vô thần, nhưng khi chúng tôi thăm đại giáo đường Chính thống giáo Isaac, chúng tôi vẫn chứng kiến đức tin của nhiều người rất sung đạo, cả các thanh thiếu niên cũng thấy vào đây, họ đốt nến, cầu nguyện cách thành khẩn trước tượng Chúa, Đức Mẹ và các icons. Chúng tôi cũng tình cờ gặp một đôi vợ chồng trẻ mang con tới nhà thờ để chịui phép thánh tẩy.

Sauk hi đi tham quan tổng quát thành Petersburg, chúng tôi cũng đồng ý với cô hướng dẫn viên là thành Petersburg là một trong các thành phố đẹp nhất Âu châu.

Khí hậu ở đây ôn hòa trong mùa Hè nên các vua chúa và giới thượng lưu chọn nơi đây làm nơi nghỉ mát và xây các cung điện, đền đài. Nhưng 4 tháng mùa đông thì rất lạnh và nhiều tuyết, lạnh tới dưới -10 độ C. Hải cảng của thành phố bị đông giá trong 4 tháng đông, nhưng vì nhu cầu buôn bán nên phải có các tầu làm bể đá (icebreaker) giúp phá đá đông cho tầu bè đi lại. Một trong những tầu bể đá tiên khởi hãy còn lưu trữ bên bờ sông làm kỉ niệm.

Petersburg cũng là chốn đế đô văn hiến, có trường đại học tiên khởi vào năm 1819 (St Petersburg University) và có tới 40 trường đại học, và 200 học viện chuyên ngành. Vì là nôi sinh văn hóa, nên những tài hoa văn học xuất than tại đây gồm có: Alexander Pushkin, Fryodor Dostoyevsky, Rudolhp Nureyev, Mikhail Baryshnikov, Peter Tchaikovsky và Dmitry Shostakovich.

Một điểm đáng ghi nhớ về sắc thái còn tồn tích lại của thời cộng sản là một số các chung cư giống khuôn như nhau mầu xám hoạc mầu vàng nhạt được xây dựng lên trong thời “các đồng chí anh em bình đẳng”, trông rõ chán và tẻ lạnh!

Trong chuyến đi thăm vài nước có tàn tích cộng sản trước đây như Đông Đức, Estonia hay Nga sô, chúng tôi đều cảm nghiệm được một điều là tuy dù đã qua đi cái thời khốn đốn có khi 20 hay 30 năm rồi, nhưng vết hằn sâu thẳm và nỗi đau thương cùng sự kinh hoàng thời xa xưa đó vẫn còn rõ nét qua những câu chuyện kể của các hướng dẫn viên, các câu nói hài về thời cộng sản ngố, và cái thời phải sống trong lo sợ và soi bói nhau, thời nghèo đấn nỗi không có gì ăn!!! Qua các diễn tả và lới kể của các hướng dẫn viên dẫn giải về lịch sử và cảnh lên ngôi xuống chó qua các biến đổi chínht rị và thể chế, chúng tôi cảm nghiệm được, dù ở đâu, bất kì thời nào thì nỗi ước vọng về tự do, công bình và dân chủ luôn là một khát vọng chính đáng và là quyền nhân bản mà con người ở đâu cũng muốn có được.

Điểm cuối cùng thật bất ngờ với chúng tôi là tại thành phố Petersburg tuy dù được xây trên các kênh đài và xình lầy, nhưng đi đâu cũng thấy nền tảng vững vàng, nên nhà của cả trăm năm vẫn còn đứng vững… Hơn thế thành phố rộng lớn này lại rất sạch sẽ, và đi đâu cũng thấy nhiều đường phố được trồng hoa tươi rất đẹp mắt và mỹ lệ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chợ Bên Sông
Nguyễn Ngọc Liên
21:42 09/08/2011
CHỢ BÊN SÔNG
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Quê hương tôi cạnh dòng sông đạm bạc
Chợ sớm, chợ chiều thưa thớt dân quê
Trí nhớ lờ mờ của thời xa xưa ấy
Tôi xa quê mình, thơ ấu vụt ngàn xa...
(Trích thơ của Mỹ Trinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Video WYD 2011: Từ Madrid sang Fatima
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:30 09/08/2011
Vương Cung Thánh Đường Fatima với diện tích 12300 mét vuông là một trong những Đại Giáo Đường Công Giáo to lớn nhất thế giới. Kể từ năm 1930, sau khi được Tòa Thánh tuyên bố công nhận việc Đức Mẹ hiện ra, hàng năm có hàng triệu khách hành hương từ khắp nơi tụ họp về Đền Thánh này để bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ.



Thành ra, nếu đã đến được Madrid tham dự Đại Hội Giới Trẻ thế giới mà bạn không rán chút xíu nữa để đến Fatima thì thật là uổng.

Đi máy bay từ Madrid sang Lisbon rất thường khi rẻ hơn là đi bằng xe lửa hay xe đò. Thông thường, từ Madrid sang Lisbon và trở về, tất cả chỉ có 35 Euros! Bay từ phi trường quốc tế Madrid đến phi trường quốc tế Lisbon chỉ mất khoảng 1 giờ 15 phút.

Quý vị cũng có thể đi tàu điện khởi hành từ ga Chamartín (line số 10), của Madrid khởi hành lúc 10h45 tối sẽ đến Lisbon lúc 8h45 sáng ngày hôm sau.

Đi tàu điện có cái thú là có thể ngắm được các thắng cảnh hùng vĩ của Bồ Đào Nha vào lúc ban mai.

Đến Lisbon, bạn không nên bỏ mất cơ hội ghé thăm đài tưởng niệm Kha Luân Bố và các đồng bạn là những người đã đi tiên phong trong thời kỳ Khám Phá kéo dài từ đầu thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17.

Bạn cũng không nên bỏ qua Tháp Belém hay còn gọi là Tháp thánh Vinh Sơn được xây từ đầu thế kỷ 16.

Lisbon có một hệ thống xe tram rất tiện cho khách du lịch đi một vòng thăm thành phố.

Rời Lisbon chúng ta hãy đón xe bus từ trạm xe bus trung ương Sete-Rios (nghĩa là 7 dòng sông) để đi Fatima. Giống như Lộ Đức, Fatima tọa lạc tại một khu vực khá xa các nơi thị tứ. Fatima cách Lisbon khoảng 120km.

Điều đầu tiên đập vào mắt chúng ta là hàng loạt những cửa hàng bán tượng ảnh kính Đức Mẹ. Cửa hàng quý vị thấy đây có tới 4 lầu với hàng trăm mẫu tượng ảnh khác nhau.

Một hình ảnh rất cảm động là một hàng dài khách hành hương vừa cuốc bộ vừa đọc kinh trên đoạn đường dài hàng chục cây số trước đi đến thăm Thánh Địa Fatima. Một số khách hành hương còn bò bằng đầu gối băng qua quảng trường mênh mông trước Vương Cung Thánh Đường để tỏ lòng sùng kính đặc biệt của họ.

Nhiều người Công Giáo xem Fatima là "Bàn thờ dâng Thánh Lễ của thế giới". Thật vậy, tại Fatima các thánh lễ gần như được dâng liên tục, vào ban đêm lại có các cuộc rước đông đảo, đặc biệt nhất là đêm trước những ngày vọng các đại lễ kính Đức Mẹ. Ngày 13/5 là ngày đặc biệt với những buổi lễ có lẽ đông nhất thế giới – chỉ trừ các thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ.

Nhân đây cũng xin giới thiệu vài nét về văn hóa của Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha nổi tiếng là một dân tộc Lễ Hội. Các lễ hội diễn ra quanh năm. Đặc biệt nhất là ngày lễ thánh Antôn bổn mạng của Bồ Đào Nha diễn ra trong khoảng thời gian từ 12 đến 14 tháng Sáu hàng năm. Người ta bắn pháo bông chào mừng và kéo ra đầy đường phố.

Lễ thánh Antôn cũng là khởi đầu cho mùa cưới tại Bồ Đào Nha. Đây là hình ảnh một đám cưới tập thể diễn ra trong một ngôi thánh đường rất cổ của Bồ Đào Nha. Nhà thờ nhỏ quá nên họ hàng của các cô dâu và chú rể đành theo dõi thánh lễ qua màn ảnh truyền hình bên ngoài nhà thờ.

Bồ Đào Nha nổi tiếng về các loại bánh ngọt. Đây là loại bánh cinamon trộn lẫn với mật ong mà cô chủ tiệm bánh cam đoan với bạn là trên thế giới này chỉ có 4 nơi bên ngoài Bồ Đào Nha có bán: một tại Rio de Janeiro của Ba Tây, một tại New york, Hoa Kỳ, một tại Madrid, Tây Ban Nha, và một tại Paris, kinh đô nước Pháp.

Một món ăn bình dân được ưa chuộng tại Bồ Đào Nha là món thịt heo sấy khô với khoai tây nướng. Bạn có thể thưởng thức món này tại các quán bình dân. Cẩn thận, đừng phá ra cười khi bà chủ tiệm dùng nắm tay đấm mạnh vào củ khoai.