Ngày 02-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:43 02/08/2024

37. Người quen cầu nguyện thì cuộc sống tốt, người sống tốt thì cầu nguyện tốt.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:49 02/08/2024
23. CHÓ SÓI KHÔNG NHƯ SƯ TỬ

Thạch Trung Lập đảm nhiệm chức viên lang ngoại của bộ tham mưu (1) thời Tống triều.

Một hôm, ông ta cùng với các bạn đến ngự viên coi sư tử, một người bạn cảm khái nói:

- “Con sư tử này, mỗi ngày hoàng cung phải nuôi nó hết năm cân thịt, chúng ta là những người làm quan có lẽ còn lâu mới bằng nó.”

Thạch Trung Lập nói:

- “Đương nhiên rồi, trên đầu chúng ta đều mang hàm “viên ngoại lang” (2), làm sao có thể so sánh với sư tử trong vườn chứ?”

(Nhã Ngược)

Suy tư 23:

Thời nào cũng có người thích chơi cây kiểng vì đó là thú vui thanh nhã của những người có tâm hồn khoáng đạt và nghệ nhân; thời nay người ta thích nuôi chó kiểng nhiều hơn, thích chó kiểng là vì học đòi làm sang và để cho mọi người biết rằng ta đây có nhiều...chó kiểng...

Thích trồng cây kiểng, thích nuôi chó kiểng thì không có gì là tội cả, nhưng nó sẽ là tội khi bỏ ra cả vài trăm ngàn đồng để lo bữa ăn cho chó mà không thèm đếm xỉa người hành khất đang ngồi ăn xin trước cổng nhà mình; nó cũng sẽ có tội khi các trẻ em nghèo cần một vài trăm ngàn để đi bệnh viện mà không có, còn mình thì bỏ ra cả triệu bạc để đem chó...đi bệnh viện.

Thiên Chúa tạo dựng nên con người là loài cao quý nhất trên trần gian này, con chó kiểng dù nó có quý hiếm đến đâu thì vẫn là con chó, vẫn là loài vật chứ không phải loài người, cho nên khi chúng ta coi con chó phóc, con chó Phú Quốc, con chó Nhật là loại cao quý hơn con người, là chúng ta đang cười nhạo Thiên Chúa đã sai lầm tại sao không dựng con người...đẹp như con chó, con mèo kiểng !

Làm quan không có miếng thịt để ăn, nhưng con sư tử vô tích sự phải tốn mỗi ngày năm cân thịt cho nó thì đúng là mấy ông quan ấy còn lâu mới bằng nó; người Ki-tô hữu luôn phân biệt rõ ràng: con chó là con chó, con mèo là con mèo, con người là con người chứ không hề lẫn lộn, và thế là họ rộng tay giúp đỡ những người nghèo và những trẻ em bất hạnh trong cuộc sống...

(1) Nhân viên ngoài hạn ngạch các bộ của chính phủ trung ương.

(2) 員外郎 phát âm là “yuan wai lang” nghĩa là “viên ngoại lang” tên một quan chức cũ, 園外狼 cũng phát âm là “yuan wai lang” nghĩa là “chó sói ngoài vườn”, đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Bánh Chúa ban
Lm. Nguyễn Xuân Trường
02:55 02/08/2024
BÁNH CHÚA BAN

Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước kể chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều chiêu đãi dân chúng một bữa no nê. Thế là hôm nay dân chúng lại kéo nhau đi tìm Chúa để mong được tiếp tục ăn bánh cho no bụng. Tuy nhiên, tình thương Chúa quảng đại hơn thế, Chúa muốn ban cho họ thứ bánh quý giá hơn nhiều, đó là bánh trường sinh là chính thân mình Ngài.

1. Bánh mỳ. Chúa đã nói thẳng với những người kéo nhau đi tìm Chúa: Các ông đi tìm tôi là vì các ông đã được ăn bánh no nê. Hóa ra theo Chúa để được no cái bụng, để được lợi lộc, để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Tuy là ăn rất cần thiết để sống, nhưng nếu chỉ chăm chú vào miếng ăn mà thôi thì con người lại tự hạ thấp phẩm giá của mình như một triết gia bảo rằng: “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc.” Thế nên Chúa Giêsu mời gọi dân chúng hãy tìm kiếm những lương thực đem lại phúc trường sinh.

2. Bánh Thánh. Chúa muốn người ta theo Ngài không chỉ để no bụng thoả mãn nhu cầu vật chất, nhưng phải nhằm thỏa mãn những khao khát tâm linh tinh thần cao cả nhất của lòng người. Thế nên Chúa đã ban chính Ngài làm thần lương nuôi dưỡng: “Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Cơm bánh thì ăn bằng miệng để no cái bụng đem sự sống cho thân xác. Còn bánh trường sinh Giêsu thì cần ăn bằng lòng tin yêu để đem sự sống đời đời.

Khi ăn cơm bánh cần phải nhớ đến người cho cơm bánh. Khi nhớ đến người cho cơm bánh, ta mới sống tạ ơn, yêu thương chia sẻ. Cơm bánh này, quần áo này là do cha mẹ cho. Cảm ơn cha mẹ. Thân xác này, trí khôn này, sức khỏe này, đức tin này là do Chúa ban. Xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa cho mỗi chúng con có lòng hân hoan đến dự Tiệc Thánh để nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình. Amen.
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 18 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 02/08/2024
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 24-35.

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.


Anh chị em thân mến,

Qua mọi thời đại, đói khát là nỗi lo sợ của mọi loài, trong đó có loài người chúng ta. Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người bị đói và chết đói, đây chính là vấn nạn của liên hiệp quốc, của các quốc gia giàu có và của các nhà tôn giáo, của các hội đoàn từ thiện và của mỗi người trong chúng ta.

1. Nguyên nhân đói khát vật chất.

Đói khát vật chất là nguyên nhân của chiến tranh trên toàn thế giới, là nguyên nhân của mọi bất ổn trên địa cầu, đói khát cũng là nguyên nhân sinh ra tội ác trong xã hội, nó cũng làm cho người Ki-tô hữu chúng ta vì sợ đói khát vật chất mà quên đi phần rỗi linh hồn của mình. Có rất nhiều người vì sợ đói mà bán mất lương tâm, có rất nhiều người vì sợ đói mà làm nô lệ cho tội lỗi, có rất nhiều người sợ đói mà chối bỏ đức tin của mình...

Con người ta nếu không có lý trí để phân biệt tốt xấu, thì cái đói khát vật chất này sẽ làm cho họ trở nên giống loài vật chỉ biết vì miếng ăn mà xâu xé, chém giết, vu oan giá hoạ cho người đồng loại mà thôi.

2. Nguyên nhân sự đói khát tinh thần

Đói khát tinh thần là nguyên nhân của sự chối bỏ Đấng toàn năng ra khỏi cuộc sống của con người, khi con người không còn nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của hạnh phúc, của yêu thương, thì đau khổ và hổn loạn sẽ tràn ngập thế giới, tội ác sẽ thống trị và con người thì trở thành nô lệ cho cuộc sống hưởng thụ trên những đau khổ bất hạnh của người anh em chị em mình.

Thiên Chúa là nguyên nhân hạnh phúc của con người, nếu con người cảm thấy không hạnh phúc là vì con người đã chọn hạnh phúc của thế gian do tiền tài danh vọng mang lại, mà hạnh phúc của thế gian thì không dài lâu, sáng có chiều mất, và cuối cùng thì con người vẫn thấy tâm hồn bất an.

Có Thiên Chúa là có tất cả, vì Ngài là tất cả, nhưng con người tự cho mình là chúa là tất cả, nên phủ nhận Thiên Chúa là Đấng toàn năng hiện diện trong cuộc sống, cho nên con người vẫn cứ trầm mình trong khổ đau.

Anh chị em thân mến,

Đói khát vật chất cũng như đói khát tinh thần đều đem lại khổ đau cho nhân loại. Đức Chúa Giê-su đã thấy điều ấy khi Ngài cảnh cáo dân chúng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông”. Lương thực trường tồn này không phải là cao lương mỹ vị bò bê mập béo rượu nồng, nhưng chính là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô,

Lời Chúa và Mình Máu Thánh của Chúa đều là lương thực hằng sống của chúng ta, lương thực cao quý này được dọn sẵn cho chúng ta ăn hoàn toàn miễn phí không phải trả đồng nào, tất cả đều là do sáng kiến của Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại mà lập ra bí tích Thánh Thể. Đức Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi tìm bánh trường sinh này trong lễ tế Mi-sa, cũng có nghĩa là Ngài muốn chúng ta khi tìm được thứ bánh hằng sống này rồi, thì cũng như Ngài, cũng mời anh chị em khác đến tham dự bàn tiệc thánh ấy, bằng chính những gương sáng được chiếu dọi bằng việc làm phù hợp với tinh thần Phúc Âm của mình.

Chung quanh chúng ta có rất nhiều anh chị em đói khát vật chất cũng như tinh thần, họ đang cần chúng ta giúp đỡ họ, bởi vì chính chúng ta đã lãnh nhận miễn phí hồng ân của Chúa ban cho, thì cũng nên rộng rãi cho đi cách thoải mái cái mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Chúa, bởi vì ai biết cho đi là người khôn ngoan quản lý gia sản của Chúa nơi họ, bởi vì “cho đi là lãnh nhận gấp đôi”, bởi vì cho đi thì có phúc hơn là nhận.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Vượt qua hối tiếc
Lm. Minh Anh
17:36 02/08/2024
VƯỢT QUA HỐI TIẾC
“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”.

“Để có thể vượt qua hối tiếc, thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi những hối hận về quá khứ, sợ hãi về tương lai… hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài bằng việc trung thành với ân sủng!” - Jean-Pierre de Caussade.

Kính thưa Anh Chị em,

Giá mà câu nói của Jean-Pierre de Caussade được áp dụng cho Hêrôđê thì linh hồn của một quận vương đã không hư mất! Trong Tin Mừng hôm nay, Hêrôđê cho rằng, Chúa Giêsu hẳn là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết, thì phải chăng bên trong ông đã có một sự đấu tranh với những hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi? Giá mà ông ‘vượt qua hối tiếc’ và cho phép lòng thương xót Chúa bước vào!

Sau khi giết Gioan, Hêrôđê nghe biết danh tiếng của Chúa Giêsu, tin tức về Ngài đã lan truyền nhanh chóng và kịp đến tai ông. Với phiên bản của Marcô, chúng ta biết, “Hêrôđê sợ Gioan, biết Gioan là người công chính và thánh thiện nên giam giữ ông. Khi nghe Gioan nói, ông rất bối rối, nhưng vẫn thích nghe”. Có thể Hêrôđê đã có một tia sáng đức tin nào đó, nhưng cuối cùng, bị chi phối bởi những đam mê và ham muốn quyền lực. Có lẽ đó là lý do tại sao ban đầu ông giữ Gioan lại trong tù; và có vẻ như Hêrôđê cũng tỏ ra hối hận hoặc sợ hãi về việc chặt đầu Gioan. Và cũng rất có thể vì lý do này mà Hêrôđê đã nghĩ ngay đến Gioan khi lần đầu nghe về Chúa Giêsu và “quyền năng lớn lao” đang hoạt động trong Ngài.

Sự hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi là những tác động phổ biến của một lương tâm đang xung đột. Hêrôđê là một ‘mẫu gương’ về những gì xảy ra khi chúng ta không giải quyết được xung đột đó bên trong chính mình. Cách duy nhất để ‘vượt qua hối tiếc’ và giải quyết sự bối rối bên trong của một lương tâm xung đột là ‘khiêm nhường đầu phục sự thật’. Hãy tưởng tượng nếu Hêrôđê đã ăn năn; hãy tưởng tượng nếu ông ta đã tìm đến Chúa Giêsu, thú nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ! Đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời. Thật tiếc, thay vào đó, chúng ta có chứng từ của một người đã đi lạc không để cho lòng thương xót Chúa bước vào nên vẫn ngoan cố trong tội.

Anh Chị em,

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”. Hãy suy gẫm về lời chứng không thánh thiện này của Hêrôđê! Chúa có thể sử dụng mọi thứ cho vinh quang Ngài, và Ngài thậm chí có thể sử dụng mẫu gương của Hêrôđê để chúng ta thấy bất kỳ khuynh hướng tương tự nào. Bạn có đấu tranh với sự hối tiếc, sợ hãi và tội lỗi không? Tin tốt lành là xung đột này dễ dàng được giải quyết bằng một tấm lòng khiêm nhường tìm kiếm sự thật. Hãy tìm kiếm sự thật để ‘vượt qua hối tiếc’, thừa nhận bất kỳ tội lỗi dai dẳng nào mà bạn cần giải quyết và cho phép lòng thương xót của Chúa bước vào để giải thoát bạn. Tắt một lời, “Hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài dành cho bạn!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con đủ sức nhảy bổ vào vòng tay từ ái của Chúa; nhờ đó, con thoát khỏi những nỗi đau của quá khứ, bất an của hiện tại và sợ hãi của tương lai!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thờ Chúa vì cái gì?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
23:37 02/08/2024
THỜ CHÚA VÌ CÁI GÌ?
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Năm phụng vụ 2024 là năm B. Hội Thánh đề nghị suy niệm Tin Mừng của các Chúa nhật năm B là Tin Mừng theo thánh Marcô. Tuy nhiên, liên tiếp từ Chúa nhật XVI đến Chúa nhật XXI, Hội Thánh đề nghị suy niệm Tin Mừng theo thánh Gioan, hầu như trọn chương 6, với cùng một chủ đề: bánh.

Khởi đi từ dấu lạ hóa bánh và cá (Chúa nhật XVI), Chúa Giêsu dẫn ta đến cùng bí tích Thánh Thể. Đó không phải là bánh mà là Bánh trường sinh, là chính thịt máu Chúa, nguồn sống thiêng liêng và vĩnh cửu của người tin.

Với dấu lạ của Chúa, đám rất đông được no nê, họ muốn suy tôn Chúa làm vua. Nhưng Chúa lên núi. Chúa tìm về Chúa Cha, rồi Chúa về Capharnaum.

Sau khi Chúa Giêsu rời đám đông, và sau khi không nhìn thấy Chúa, họ lên thuyền sang bờ hồ bên kia. Tại đây, họ thấy Chúa Giêsu. Nhưng Chúa biết rõ lý do của sự hăng hái đi tìm: "Các ngươi tìm Ta không phải vì đã trông thấy các dấu lạ, nhưng bởi vì đã được ăn bánh no nê".

Chúa Giêsu muốn đưa người ta đi xa hơn những thứ vật chất của trần thế. Chúa muốn người ta điều chỉnh những mặc định mà họ tự vẽ ra trong chính thâm tâm của họ: cơm bánh, cái bụng và thể xác.

Chúa Giêsu muốn con người hãy mơ giấc mơ cao chứ đừng chỉ là những thứ tầm thường của cuộc sống đời này. Chúa đòi chúng ta hãy thực sự đến với Chúa, đi tìm chính Chúa vì Chúa chứ đừng nhìn thấy nơi Chúa một sự lợi dụng, một "cái nhà kho" để chỉ vào đó lấy ra những thứ mình thích, những thứ làm vui bản thân mình. Họ không được phép mặc cho bánh mà họ được ăn nhiều giá trị hơn, hay giá trị cao hơn chính bản thân Đấng ban bánh.

Chúa vừa trách nhưng cũng vừa khích lệ họ: "Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho".

Chúng ta cần đặt vấn đề cho mình: Tôi thờ Chúa, tôi giữ đạo vì mục đích gì? Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian, mọi biến cố của đời mình, tôi có nhận ra chính Chúa hiện diện? Có thấy bàn tay Chúa đỡ nâng, che chở? Có biết tình yêu Chúa luôn tuôn đổ, luôn dắt dìu, luôn bảo vệ?...

Cũng y như đám đông chỉ biết và nhìn thấy cái trước mắt, ngày xưa, khi được thoát Aicập, lẽ ra đoàn dân phải hết lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã tặng ban cho họ một tình yêu giải phóng tuyệt vời, thì họ chỉ thấy và bám vào vật chất, vào cái tầm thường, mặc cho bản thân đang phải nô lệ.

Họ chỉ dừng lại có một điều duy nhất là trách móc Chúa và ông Môisen, đại ân nhân của họ: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" (Xh 16,3 - Bài đọc 1).

Chúng ta cần đặt lại vấn đề cho mình bằng chính lời hỏi mà đám đông đã hỏi Chúa Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?".

Hỏi như vậy không phải chỉ để gò mình vào một mớ luật lệ của tôn giáo như đức tin vào Chúa chỉ có lề luật và sống cho xong một mớ lề luật là đủ. Đức tin vào Chúa và việc thờ phượng Chúa là trọn vẹn đời sống, con người, tình yêu, tâm trí. Chúa phải là Đấng chiếm trọn trái tim, trọn ý chí, lý trí, năm tháng ngày giờ, sức khỏe, mạng sống... của chúng ta.

Đi tìm Chúa mà chỉ gói gọn trong một mớ luật lệ là tự mình giảm thiểu đời sống của bản thân trong tương quan với Chúa đến độ vô hồn, đến độ máy móc qua một số hay một hệ thống luật lệ. Chỉ cần thực hiện cho xong việc phải làm, không một chút tự nguyện, không một chút tự do, không một chút yêu thương, không một chút quan tâm.

Đó không phải là tương quan Thiên Chúa - con người, Đấng là Cha - chúng ta là con, Chúa Kitô - và người môn đệ. Đúng hơn, đó là thứ tương quan chủ - tớ, kẻ thống trị - người bị trị.

Chúng ta hãy đi tìm Chúa nơi chính Chúa, vì chính Chúa như Chúa dạy: Tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu. Hãy đến cùng Thánh Thể, hãy hết lòng thờ phượng và yêu mến Thánh Thể. Hãy luôn ghi khắc lời dạy của Chúa Giêsu: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

Từng người hãy rời xa, hãy bỏ lại những thứ mà bản thân vẫn mong tìm trong cuộc đời như uy quyền, sự giàu có, nhục dục, nhiều thứ đam mê vô bổ, thậm chí tội lỗi..., để tâm hồn có đủ chỗ trống mà lấp đầy bằng chính Chúa Giêsu Kitô, tình yêu và mọi ân ban, mọi quan tâm mà Chúa Kitô dành cho...
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới yêu cầu Ủy Ban Olympic Quốc Tế chính thức xin lỗi vì lễ khai mạc Olympic báng bổ
Vũ Văn An
14:53 02/08/2024

Hãng tin CNA ngày 2 tháng 8 năm 2024, loan tin : Trong một bức thư ngỏ được diễn đạt mạnh mẽ, các Hồng Y và giám mục Công Giáo trên khắp thế giới lên tiếng kêu gọi Ủy ban Olympic quốc tế "từ chối" và "xin lỗi" vì "sự chế giễu có chủ đích và đáng ghét" về Bữa Tiệc Ly trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024.



Ngoài ra, "những người ký tên dưới đây cam kết dành một ngày cầu nguyện và ăn chay để đền bù cho sự báng bổ này".

Tính đến thứ Sáu, ngày 2 tháng 8, bức thư đã được ba Hồng Y và 24 giám mục ký tên và nêu rõ: "Với cơn sốc, thế giới đã chứng kiến Thế vận hội mùa hè ở Paris khai mạc bằng một hình ảnh kỳ dị và báng bổ về Bữa Tiệc Ly".

“Thật khó hiểu làm sao đức tin của hơn 2 tỷ người lại có thể bị báng bổ một cách tùy tiện và cố ý như vậy”, các giám mục, bao gồm Hồng Y Raymond Leo Burke; Hồng Y Wilfrid Fox Napier, OFM; và Hồng Y Berhaneyesus Demerew Souraphiel, CM, cho biết.

Trong khi 15 trong số 24 người ký tên đến từ Hoa Kỳ — bao gồm Tổng giám mục Samuel Aquila của Denver; Tổng giám mục hưu trí Charles Chaput, OFM Cap, của Philadelphia; Tổng giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco; Tổng giám mục James Conley của Lincoln, Nebraska; và Tổng giám mục Andrew Cozzens của Crookston, Minnesota — các giám mục từ Argentina, Pháp, Ghana, Lebanon, Nigeria, Peru và Vương quốc Anh cũng đã ký vào bức thư.

Các giáo phẩm yêu cầu IOC "từ chối hành động phạm thượng này và xin lỗi tất cả những người có đức tin", cảnh báo rằng màn trình diễn này "đe dọa những người có đức tin và không có đức tin, vì nó mở đường cho những kẻ có quyền lực làm bất cứ điều gì họ muốn với những người mà họ không thích".

Những người tổ chức bức thư đã cung cấp một địa chỉ email — episcopimundi2022@gmail.com — mà các giám mục khác có thể sử dụng để thêm tên của họ vào tài liệu.

Phản ứng 'kiêu ngạo'

Lễ khai mạc Thế Vận tại thủ đô nước Pháp vào ngày 26 tháng 7 đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới về các cảnh quay có các nữ hoàng drag nhảy múa trong những gì nhiều người lên án là chế giễu Bữa Tiệc Ly.

Cuộc tranh cãi leo thang đến mức một công ty điện thoại di động và internet của Hoa Kỳ đã quyết định rút quảng cáo khỏi Thế vận hội.

Trong phản ứng đầu tiên đối với vụ bê bối một ngày sau buổi lễ, giám đốc nghệ thuật chịu trách nhiệm cho buổi lễ, Thomas Jolly, đã nói với đài truyền hình địa phương BFMTV rằng cảnh quay này lấy cảm hứng từ một bữa tiệc của người ngoại giáo, chứ không phải Bữa Tiệc Ly.

“Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong công việc của tôi mong muốn hạ thấp bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì”, Jolly nói, theo Reuters.

Một ngày sau, người phát ngôn của Thế vận hội Anne Descamps cho biết, theo Reuters: “Rõ ràng là không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất cứ nhóm tôn giáo nào. [Lễ khai mạc] đã cố gắng tôn vinh sự khoan dung của cộng đồng.... Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự xin lỗi”.

Ít nhất một nhà lãnh đạo Công Giáo nổi tiếng, cũng như những người khác, đã bác bỏ phản hồi này bằng những lời lẽ chắc nịch.

Giám mục Robert Barron của Winona-Rochester, Minnesota, đã gọi phản ứng của người Paris là “một kiệt tác của sự gian dối thức tỉnh” trong một video được đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X vào ngày 29 tháng 7.

“Các Ki-tô hữu đã bị xúc phạm vì nó xúc phạm và nó có ý định xúc phạm”, Barron nói. “Vì vậy, xin đừng đối xử với chúng tôi bằng nhận xét hạ thấp này, nếu, bạn biết đấy, bạn có bất cứ cảm giác tồi tệ, chúng tôi thực sự xin lỗi về điều đó”.

”Một lời xin lỗi thực sự sẽ giống như: Đây là một sai lầm. Điều đó không bao giờ nên xảy ra, và chúng tôi lấy làm tiếc về điều đó” Ngài nói thế, và nói thêm rằng: “Tôi không nghĩ rằng các Ki-tô hữu nên được xoa dịu; Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục lên tiếng.”

Ngày cầu nguyện và ăn chay

Ngoài cam kết dành một ngày cầu nguyện và ăn chay, những người ký tên vào bức thư “sẽ dâng Thánh lễ Hy tế, trong đó cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô được hiện diện với chúng ta thông qua sự vâng phục của chúng ta đối với lệnh truyền mà Người đã ban trong Bữa Tiệc Ly: ‘Hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Ta.’”

“Chúng tôi cầu nguyện để những kẻ tìm cách làm hại người khác bằng quyền lực của họ, và những người bị hại, sẽ noi gương tình yêu hy sinh của Người để hòa bình, sự đàng hoàng và sự tôn trọng lẫn nhau có thể được khôi phục trên thế giới,” bức thư nêu rõ.
 
Đức Thánh Cha gửi lời chào đến Đại hội Giới Trẻ tại Mễ Du - Medjugorje: Hãy nên giống như Đức Maria, người môn đệ đích thực
Thanh Quảng sdb
17:35 02/08/2024
Đức Thánh Cha gửi lời chào đến Đại hội Giới Trẻ tại Mễ Du - Medjugorje: Hãy nên giống như Đức Maria, người môn đệ đích thực

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp đến những người tham dự Lễ hội Giới trẻ tại Mễ Du - Medjugorje, ngài mời gọi họ noi gương Đức Maria bằng cách đón nhận Lời Chúa và trung thành hoàn thành sứ mệnh của mình.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Thứ sáu ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp đến những tham dự viên Đại hội Giới trẻ Mễ Du - Medjugorje lần thứ 35, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8.

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui khi có thể nói chuyện với tất cả những tham dự viên Đại hội, suy ngẫm về chủ đề: "Đức Maria đã chọn phần tốt hơn".

Dựa trên câu nói này, Đức Thánh Cha đã đưa ra cho những người trẻ một vài gợi ý ngắn gọn nhằm mục đích giúp họ phát triển tâm linh và dấn thân cho Giáo hội và thế giới.

Những môn đệ đích thực

Đức Thánh Cha Phanxicô dành thông điệp của mình cho những người mà ngài mô tả là "những môn đệ đích thực". ĐTC giải thích rằng "với những gì Đức Giêsu nói với chị Marta, chị của Lazarô và cô Maria, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta rằng cách tiếp cận của một môn đồ đích thực là lắng nghe Lời Chúa. Cô Maria nhận ra Chúa đã tới thăm nhà cô, nhưng Ngài cũng muốn đi vào trái tim cô. Thật vậy, cô ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, do đó cô đã chọn phần tốt hơn 'và sẽ không có gì có thể lấy mất khỏi cô.'"

Giống như Mẹ Maria

Một môn đồ đích thực khác, Đức Thánh Cha tiếp tục, là Đức Maria thành Nazareth. Ngài giải thích rằng Chúa đã vào nhà Mẹ và nói chuyện với Mẹ. Mẹ đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim mình, tham gia vào kế hoạch của Chúa và hiến dâng toàn bộ bản thân cho Người Con của Chúa. Mẹ đã có mặt dưới cây thập tự, khi Chúa Giêsu cứu chuộc thế giới và ở giữa các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần khi Giáo hội được khai sinh... Bằng cách đón nhận Lời Chúa, Đức Trinh Nữ Maria đã trung thành hoàn tất sứ mệnh của mình, Mẹ chọn phần tốt hơn là Chúa Giêsu.

"Cũng vậy, chúng con thân mến, chúng con được kêu gọi trở thành những môn đồ đích thực của Chúa Kitô" Đức Thánh Cha nói. Ngài mời gọi những người trẻ hiện diện ở lại bên Chúa để suy ngẫm về Lời Chúa, ĐTC xin họ để Lời Chúa soi sáng tâm trí và trái tim họ để khám phá và cộng tác vào kế hoạch mà Chúa Cha dành cho mỗi người. "Vì lý do này", ĐTC tiếp tục, "Cha khuyến khích các con hãy thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Tin Mừng và giữ nó bên mình, để nó đóng vai trò như một la bàn chỉ đường cho chúng con đi".

Hãy mạnh mẽ và khôn ngoan trong Thánh thần

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng, "một môn đệ đích thực, trở nên khôn ngoan và mạnh mẽ trong Thánh thần, nhất thiết phải truyền đạt Vương quốc Thiên Chúa cho người khác vì việc công bố Lời Chúa không chỉ là nghĩa vụ của các linh mục và tu sĩ mà còn của chúng con, những người trẻ thân mến".

ĐTC khuyến khích mỗi người trẻ hiện diện hãy can đảm nói chuyện với Chúa Kitô trong gia đình, trong môi trường giáo dục và công việc của họ, và trong thời gian rảnh rỗi của họ. "Hãy loan báo về Người đặc biệt qua cuộc sống của chúng con, thể hiện sự hiện diện hữu hình của Chúa Kitô trong cuộc sống chúng con, trong cam kết hàng ngày của chúng con, sống phù hợp với Phúc Âm trong mọi quyết định cụ thể".

Cuối cùng, Đức Thánh Cha phó thác mỗi người trẻ hiện diện cho Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, "để Mẹ ban cho chúng con sức mạnh và sự khôn ngoan để thưa chuyện với Chúa và nói về Chúa".
 
Về phụ nữ, Hồng Y hàng đầu cho biết Giáo hội không có chỗ cho các nhóm vận động hành lang
Vũ Văn An
17:59 02/08/2024

Trên tạp chí mạng Crux, Elise Ann Allen, ngày 2 tháng 8 năm 2024, cho biết một trong những nhân vật chủ chốt trong việc tổ chức Thượng hội đồng giám mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tính đồng nghị đã đề cập đến vấn đề phụ nữ, kêu gọi đối thoại nhiều hơn và lên án những gì ngài cho là nỗ lực "vận động hành lang" cho một chủ trương này hay một chủ trương nọ.



Phát biểu với Crux, Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg đã đề cập đến vấn đề phụ nữ và kêu gọi họ tham gia nhiều hơn vào công tác lãnh đạo và quản lý Giáo hội, bao gồm cả việc kêu gọi phong chức phó tế cho phụ nữ và phong chức linh mục cho phụ nữ.

Khi thảo luận về các vấn đề nóng hổi như phụ nữ trong nhà thờ, Hollerich cho biết điều quan trọng là không nên trở thành "một nhóm vận động hành lang. Vận động hành lang không phải là một phần của văn hóa Giáo hội; nó không nên như vậy. Chúng ta có những công cụ khác, như cầu nguyện, thảo luận, lắng nghe nhau, v.v."

Vấn đề phụ nữ là một trong những vấn đề được tranh luận và gây tranh cãi nhiều nhất trong suốt Thượng hội đồng về tính đồng nghị, một quá trình kéo dài nhiều năm bắt đầu vào năm 2021 và bao gồm các cuộc tham vấn ở cấp địa phương, lục địa và hoàn cầu.

Trong cuộc họp đầu tiên trong hai cuộc họp kéo dài một tháng tại Rome vào tháng 10 năm ngoái, các vấn đề về phụ nữ và việc đưa những người Công Giáo LGBTQ+ vào là một trong những vấn đề gây nhiều cảm xúc và được tranh luận sôi nổi nhất.

Trước thềm cuộc thảo luận thứ hai tại Rome, sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 năm nay, khép lại quá trình này, những người tổ chức phần lớn đã bỏ những vấn đề này ra khỏi tài liệu làm việc chuẩn bị chính thức, thay vào đó giao phó chúng cho một loạt các nhóm làm việc được thành lập để đào sâu hơn vào các chủ đề cụ thể được đưa ra trong Thượng hội đồng, mà về những chủ đề này hầu như không có sự đồng thuận.

Một trong những nhóm đó, bao gồm các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin Vatican và Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu một số câu hỏi thần học và giáo luật xung quanh các hình thức thừa tác vụ cụ thể dành cho phụ nữ.

Vatican chưa tiết lộ các thành viên của nhóm làm việc đó, cũng như các thừa tác vụ cụ thể mà họ sẽ khám phá, tuy nhiên, người ta tin rằng họ sẽ nghiên cứu chức phó tế dành cho phụ nữ và chức linh mục dành cho phụ nữ, mặc dù thực tế là Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã nói với CBS rằng phụ nữ sẽ không được phép đảm nhiệm bất cứ vị trí nào.

Trong bình luận của ngài với Crux, Hollerich từ chối cung cấp thông tin chi tiết về nhóm làm việc dành cho phụ nữ, nói rằng ngài không phải là thành viên của ban thư ký Thượng hội đồng và do đó không tham gia vào nghiên cứu.

Khi nói đến vấn đề phụ nữ, ĐHY Hollerich cho biết với tư cách là một giáo hội, "chúng ta phải cam kết đối thoại rất chân thành, vì tình hình không giống nhau ở tất cả các châu lục."

“Ở khắp Tây Âu, phụ nữ đang yêu cầu được thừa nhận vào chức thánh,” trong khi điều này không xảy ra ở những khu vực khác trên thế giới. “Sau đó, vẫn còn sự khác biệt với chức phó tế, vẫn là chức thánh, nhưng không phải là chức linh mục, và sau đó là chức linh mục.”

“Đây không phải là sự thay đổi mà Giáo hội có thể dễ dàng thực hiện, và đó không phải là sự thay đổi có thể thực hiện chỉ ở một nơi trên thế giới, nó sẽ xé nát Giáo Hội,” ĐHY Hollerich nói.

Thay vào đó, ngài bày tỏ niềm tin rằng con đường duy nhất để tiến lên về vấn đề phụ nữ và sự tham gia của họ vào đời sống và quản lý Giáo Hội là “một cuộc đối thoại rất chân thành.”

“Có lẽ trong cuộc đối thoại đó, phụ nữ sẽ nói, ‘Ồ nhưng, vâng, tôi hiểu, tôi muốn tham gia đầy đủ, và cũng tham gia vào việc ra quyết định, nhưng có lẽ tôi không cần phải là một linh mục để làm điều đó,’” và những người khác vẫn có thể muốn thụ phong linh mục cho phụ nữ, ngài nói.

Với những quan điểm rất khác nhau về vấn đề này, ngài cho biết "đối thoại cởi mở" là cách duy nhất để giải quyết vấn đề, "không phải để thuyết phục người kia về quan điểm của tôi, mà là đối thoại trong đó, chúng ta đang tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, về cách Giáo hội có thể tiến triển trong tương lai".

Bất chấp bản chất phân cực của các cuộc tranh luận trong giáo hội ngày nay, Hollerich đã bày tỏ niềm tin của mình rằng cuộc đối thoại này là khả thi và cho biết điều đó đã diễn ra trong thượng hội đồng.

"Trong thượng hội đồng, tất nhiên bạn có những người ở bên phải, những người ở bên trái, v.v., nhưng những người cam kết đối thoại thực sự cũng thông qua phương pháp đàm đạo trong Chúa Thánh thần", ngài nói, "Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải tự đưa ra cho mình một phương pháp và trở thành một nhóm vận động hành lang".

"Vận động hành lang không phải là một phần của văn hóa Giáo hội; nó không nên như vậy. Chúng ta có những công cụ khác, như cầu nguyện, thảo luận, lắng nghe nhau", và nhiều hơn nữa, ngài nói.

ĐHY Hollerich hiện đang ở Rome sau chuyến hành hương chung vào mùa hè hàng năm đến Rome dành cho những người giúp lễ từ khắp châu Âu, năm nay diễn ra từ ngày 29 tháng 7 đến tháng 1/8.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ năm, ĐHY Hollerich đã đề cập đến vấn đề phụ nữ và liệu đó có phải là một phần của cuộc thảo luận trong cuộc hành hương hay không.

Gọi đó là một "câu hỏi khó" để giải quyết, ngài cho biết cuộc hành hương cho thấy rằng Giáo hội "rất trẻ và tràn đầy sức sống... không chỉ có những bà ngoại đến nhà thờ".

Vấn đề về chức phó tế của phụ nữ và các nữ linh mục không được nêu ra, ngài nói, nhưng thừa nhận rằng vấn đề này rất quan trọng đối với nhiều người trẻ mà ng đã nói chuyện với.

“Đối với tôi, điều quan trọng là phải lắng nghe họ. Tôi nghĩ với tư cách là một giám mục và một Hồng Y, tôi luôn phải thay đổi quan điểm của mình khi lắng nghe mọi người, tôi không muốn có câu trả lời được định sẵn”, ngài nói, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “lắng nghe mọi lúc”.

Ngài nói rằng việc nhìn thấy cả bé gái và bé trai làm người giúp lễ là “hoàn toàn bình thường”, và “nó phải như vậy”.

“Tôi không nghĩ rằng phép rửa tội cho bé trai quan trọng hơn phép rửa tội cho bé nữ. Nó dựa trên phép rửa tội của chúng ta. Tôi rất vui vì có rất nhiều phụ nữ trẻ, họ rất tốt, họ biết cách cam kết và đưa Giáo hội tiến lên”, ngài nói.

Mặc dù đây là thông lệ phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới trong nhiều thập niên, nhưng Đức Phanxicô chỉ thay đổi các quy tắc của Giáo hội cho phép trẻ em gái làm người giúp lễ vào năm 2021.

Trong các bình luận với báo chí, một người hành hương và người giúp lễ trẻ tuổi tên là Mia Rothermel cho biết cá nhân cô thấy "không có sự khác biệt giữa bé trai và bé gái" trong việc giúp lễ, và rằng trải nghiệm của cô là tích cực, và mọi thứ đã "thay đổi so với trước đây".

Trong các bình luận của mình với Crux, ĐHY Hollerich cũng nói về chuyến thăm Luxembourg sắp tới của Đức Phanxicô vào ngày 26 tháng 9, nói rằng "Chúng tôi rất vui khi được đón tiếp ngài" và chuyến đi trùng với "Năm hành hương" của Luxembourg.

Ngài cho biết năm hành hương dành riêng cho Đức Mẹ An ủi, người bảo trợ của thành phố và đất nước, lòng sùng kính dành cho người đã lan truyền qua các tu sĩ Dòng Tên bắt đầu từ năm 1624, cách đây 400 năm.

"Đó là một sự kiện lớn và chúng tôi rất vui khi Đức Giáo Hoàng có thể khai mạc Năm hành hương này, đây cũng có thể là một năm đổi mới đối với chúng tôi", ĐHY Hollerich nói.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cái bụng trước đã!
Linh Mục Đaminh Nguyễn Ngọc Long
14:27 02/08/2024

Trong dân gian có ngạn ngữ: Có thực mới vực được đạo! Đọc hay nghe qua ngạn ngữ này, gợi lên cảm tưởng như vừa khôi hài diễu cợt cho vui, và cũng vừa xem ra có vẻ gì còn ẩn chứa khúc mắc!

Vậy câu ngạn ngữ này ẩn chứa phản ảnh hình ảnh gì của cuộc sống con người?

Nhà tâm lý học Hoa kỳ Abraham Maslow ( 1908-1970) chỉ ra những nhu cầu cho thân xác: không khí để thít thở, nước uống, thực phẩm, giấc ngủ… Trước hết khi những nhu cầu về thể lý cho thân xác được thỏa mãn có đầy đủ, những nhu cầu cao hơn, như mong muốn khao khát hướng về sự tự do, sẽ đến tiếp theo.

Ông Maslow đã dùng hình ảnh một kim tự tháp để diễn tả điều đó:Những nhu cầu thể lý xây dựng làm thành nền tảng cho cây kim tự tháp này. Nếu những nhu cầu này được chăm sóc cho có đầy đủ, như vậy có thể nói được là nền tảng được xây dựng tạo thành. Trên nền tảng này những nhu cầu cao hơn sẽ được xây dựng lên.

Kinh thánh nơi sách Xuất Hành ( XH 16, 2-4. 12-15 ) thuật lại hình ảnh kim tự tháp trước hết về nhu cầu thể lý, rồi sau đó đến luân lý, trong cuộc sống trong sa mạc của dân Israel trở về đất Chúa hứa từ nước Aicập, vào năm 1440 trước Chúa giáng sinh, tựa như Maslow diễn tả.

Xuất hành được thoát ra khỏi đất nước Ai Cập, nơi họ đã sống đời nô lệ cực nhọc tủi nhục, họ vui mừng reo vui chiến thắng lên đường xuất hành trở về quê cũ. Giấc mơ trở về quê hương cũ thành hiện thực! Nhưng trên đường đi băng qua sa mạc, không chỉ đi đường mệt nhọc, họ còn đói bụng thiếu lương thực ăn. Họ kêu ca yêu cầu sao cho có cơm bánh cho nhu cầu thể lý bao tử. Và như thế xem ra sự tự do thoát cảnh nô lệ lúc này không quan trọng nữa. Họ hoài tưởng đến khi xưa còn ở bên Ai Cập có đầy đủ thức ăn cho thân xác bao tử, một nhu cầu căn bản cho đời sống.

Trước hết cần có nồi cơm, bánh thực phẩm cho no bụng, rồi sau đó nói tới nhu cầu sự tự do, nhu cầu tinh thần…

Và Chúa Giêsu Kitô thấu hiểu điều này, dân chúng không chạy theo đến nghe Ngài rao giảng nước Thiên Chúa, vì họ mong muốn cảm nhận về hình ảnh Thiên Chúa tình yêu thương. Nhưng vì trước đó họ đã được Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh cá ra nhiều cho họ ăn no dư đủ, trong lúc họ đói khát lương thực cho nhu cầu của thân xác bao tử. ( Ga 6, 24-35).

Đọc hai đoạn Kinh Thánh trên, lẽ tất nhiên có ngạc nhiên, và có thể người đạo đức luân lý khắt khe có suy nghĩ cho là sao lại coi trọng miếng ăn thế! Sao lại cho cái bụng trước đã vậy?

Trong cuộc xuất hành ngày xưa trong sa mạc Thiên Chúa Giavê, và Chúa Giêsu, như kinh thánh thuật lại, chú ý đến nhu cầu no đủ cho thân xác của dân chúng trước, trước khi nói cho họ hiểu biết về những luật lệ giới răn, và cung cách sống trong tương quan với Thiên Chúa cùng con người với nhau.

Thiên Chúa Giavê trong sa mạc đã nuôi dân bằng thực phẩm ban cho họ có chim cút và Manna để ăn cho nhu cầu thân xác no đủ.

Chúa Giêsu Kitô đã làm phép lạ cho năm chiếc bánh và hai con cá, hóa ra nhiều cho nhu cầu thể lý no đủ của hàng ngàn dân chúng theo ngài đang trong lúc đói khát.

Kinh Thánh không đưa ra lời rao giảng phải sống khắc khổ nhịn đói để lập công! Nhưng muốn hướng con người đến giới hạn của nhu cầu được no đủ về thể lý. Vì sự thỏa mãn cho nhu cầu thể lý không là duy nhất, và cũng không là đích điểm ý nghĩa sau cùng của đời sống. Nhưng còn có những nhu cầu khác cao hơn nữa.

Kinh thánh ngầm nhắn nhủ: đừng dừng lại nơi nhu cầu no đủ thể lý bao tử. Khi nhu cầu có ăn no đủ cho thân xác, đồng nghĩa với trận chiến đấu cho sức sống nơi bao tử, nơi bắp thịt xương cốt… đã ngã ngũ, con người phải hướng đến tự do, đến gía trị tinh thần cao cả hơn. Ai có cuộc sống no đủ cho nhu cầu thân xác, họ có thể nên suy nghĩ làm cách nào có thể giúp người khác cũng có được no đủ cho nhu cầu thân xác như mình. Một nhu cầu tinh thần bác ái tình liên đới!

Nỗ lực làm việc tìm kiếm miếng cơm manh áo cho nhu cầu thể lý được đáp ứng no đủ, là việc chính đáng cần thiết. Nhưng không là tối thượng bất chấp bằng mọi gía, miễn sao cho mình đạt được đích, như dân gian có ngạn ngữ cảnh báo không được lấy: Mục đích (thánh hóa) biện minh cho phương tiện!

Thiên Chúa Giave trong sa mạc đã ban cho dân Israel lúc đói khát có thực phẩm ăn no đủ. Nhưng đồng thời Ngài cũng truyền ban cho họ 10 điều răn làm khung cảnh đường hướng cho nếp sống tinh thần trong tương quan với Thiên Chúa nơi trời cao, và với người khác cùng chung sống trên mặt đất với nhau. 10 điều răn Thiên Chúa ban đề ra biên giới kỷ cương cho nếp sống có luân lý đạo đức.

Thiên Chúa không cần luân lý của con người. Nhưng con người cần nếp sống có luân lý, để đời sống giữa và cùng với nhau có gía trị tốt đẹp, trật tự cùng niềm vui bình an.

Dẫu vậy khi nhu cầu thể lý cho thân xác được đáp ứng thỏa mãn no đủ, và dẫn đưa đến nhu cầu nếp sống tinh thần luân lý trong nhận thức cần cố gắng. Đây là điều tốt đẹp cần thiết, nhưng chưa phải là đích điểm sau cùng. Một nhu cầu khác cao hơn còn cần phải đạt tới vươn lên nữa: đời sống tinh thần tự thể hiện chính mình!

Maslow đã diễn tả nhu cầu nầy là ngọn cao đỉnh điểm của cây kim tự tháp về những nhu cầu đời sống con người. Ông suy tư phân tích cho rằng khi những nhu cầu từ nền tảng thể lý về no đủ, về tương quan sống xã hội con người liên kết với nhau, về luân lý được tròn đầy, họ vẫn còn thiếu khát vọng nhu cầu cao hơn nữa, nó vượt qúa tầm nhìn, tầm suy hiểu của con người.

Điều này thể hiện phản ảnh nơi xây dựng những đền thờ thánh đường rộng lớn nguy nga với những kỹ thuật nghệ thuật cao vời diệu kỳ, như những nhà thờ chính tòa, những Basiliken khắp nơi trên thế giới… Những bức tranh vẽ, những bức tượng huyền ảo thần thánh thiêng liêng, như chuỗi dải tranh vẽ về lịch sử Thiên Chúa sáng tạo cứu chuộc con người trên trần nhà nguyện Sixtine do danh họa Michael Angelo vẽ, bức tranh nổi tiếng thần thánh Ngày phán xét sau cùng cũng do Michael Angelo vẽ trên tường cung thánh nhà nguyện Sixtine ở Vatican… Những suy niệm chiêm niệm thiêng liêng thần học… Tất cả những sản phẩm đó hướng chỉ về nhu cầu thiêng liêng vượt xa tầm trí khôn con người, mà họ đi tìm khám phám ra nơi tôn giáo đạo đức thiêng liêng.

Trong sa mạc Thiên Chúa Giave nói với Thánh Ngôn sứ Mose, thực phẩm được ban cho dân chúng ăn no đủ, để họ nhận ra Ta là Thiên Chúa của họ (Xh 16,12).

Chúa Giêsu Kitô không đề cao phép lạ bánh hóa ra nhiều cho có đủ lương thực cho dân chúng ăn no đủ. Nhưng Ngài nhấn mạnh, để họ tin nhận Thầy là Đấng được gửi sai đến,( Ga 6,29), Đấng là cơm bánh lương thực cho đời sống do Thiên Chúa ban cho. Cơm bánh lương thực này làm thỏa mãn no đủ nhu cầu quy hướng về sức sống thiêng liêng.

“Có thực mới vựa được đạo!” hay “cái bụng trước đã”! mới chỉ là bước đầu cho nhu cầu đời sống thể lýđược no điủ thỏa mãn, rồi sau đó tiếp tới nhu cầu đời sống luân lý bác ái, nhưng sau cùng nhu cầu ý nghĩa đích điểm cao sâu đời sống con người tìm thấy nhận ra nơi Thiên Chúa, Đấng là chủ, là nguồn đời sống con người nơi con đường đời sống trên trần gian, cũng như nơi con đường đời sống đời sau bên kia trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long














 
VietCatholic TV
Diễn biến mới: Mỹ trang bị AIM-9X cho F-16 Ukraine. Nhà máy không gian chìm trong ngọn lửa. Mi-8 rớt
VietCatholic Media
03:05 02/08/2024


1. AIM-9X là gì? Máy bay F-16 của Ukraine được trang bị hỏa tiễn không đối không tiên tiến

Với những chiếc F-16 đầu tiên đã nằm trong tay Ukraine, Hoa Kỳ được tường trình đang gửi một loạt vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm cả AIM-9X, đi kèm với các máy bay phản lực nhanh mà Kyiv đã nài nỉ từ lâu.

Hỏa tiễn AIM-9X hay còn gọi là Sidewinders là loại vũ khí không đối không tầm ngắn do gã khổng lồ quốc phòng Mỹ Raytheon chế tạo. Chúng có thể được phóng từ máy bay cũng như các hệ thống trên mặt đất và tương thích với nhiều loại máy bay phản lực bao gồm F-16, F-22 và F-35.

Các hỏa tiễn khác trong gói F-16 bao gồm hỏa tiễn không đối đất AGM-88 HARM và nhiều phiên bản tầm xa hơn của bộ Đạn tấn công trực tiếp chung, gọi tắt là JDAM, giúp chuyển đổi bom câm hoặc không được điều khiển thành vũ khí chính xác, Wall Street Journal đưa tin vào đầu tuần này. Gói này cũng sẽ bao gồm thêm các hỏa tiễn không đối không tầm trung tiên tiến, gọi tắt là AMRAAM.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết “về việc sử dụng những vũ khí này, tôi sẽ giới thiệu bạn với Quân đội Ukraine vì đó là quyết định của họ”. Tuy nhiên, phát ngôn nhân chỉ ra gói viện trợ quân sự mới được Bộ Quốc phòng công bố hôm thứ Hai, trong đó chỉ định 200 triệu Mỹ Kim “để cung cấp cho Ukraine những năng lực quan trọng”, bao gồm hỏa tiễn đánh chặn phòng không và vũ khí chống tăng.

Ngũ Giác Đài cũng công bố trong tuần này khoản tài trợ 1,5 tỷ Mỹ Kim cho các nhu cầu dài hạn của Ukraine. Trong “gói quan trọng” này có các loại đạn dược dành cho Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia, còn được gọi là NASAMS, các loại “đạn phòng không tầm ngắn và tầm trung” khác và “các loại đạn dược trên không chính xác” không được nêu ra.

Hỏa tiễn AIM-9X có thể được phóng từ NASAMS để cung cấp khả năng phòng không tầm ngắn.

Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu về quốc phòng và an ninh tại chi nhánh Âu Châu, lập luận: Hỏa tiễn AIM-9X và AMRAAM sẽ giúp F-16 của Ukraine “có ưu thế” trong bất kỳ trận không chiến tầm ngắn nào mà các máy bay phản lực mới được tài trợ có thể chạm trán với máy bay chiến thuật của Nga.

Tuy nhiên, kiểu chiến đấu này hiếm khi được nhìn thấy ở Ukraine, vì cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều giữ máy bay của họ ở rất xa tiền tuyến và tránh xa tầm bắn của hỏa tiễn tầm xa mặt đất của đối phương, Parakilas nói với Newsweek.

Parakilas nói thêm: “Thay vào đó, AIM-9X có thể sẽ hữu dụng trong việc tấn công hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa của Nga hướng tới các thành phố và cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine, điều này bổ sung thêm một lớp nữa cho hệ thống phòng thủ của Ukraine trước những mối đe dọa liên tục đó”.

Nga đã tấn công các khu định cư và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa, và Kyiv đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây ủng hộ họ cung cấp thêm hệ thống phòng không và hỏa tiễn đánh chặn đi cùng họ.

Các quan chức Kyiv cho biết các chiến đấu cơ F-16 do phương Tây tài trợ cũng sẽ giúp Ukraine duy trì khả năng phòng không.

Các báo cáo truyền thông hôm thứ Tư cho biết chiếc chiến đấu cơ đầu tiên do Lockheed Martin sản xuất đã đến Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn về thời gian giao hàng và ngôn ngữ mơ hồ về thời điểm chúng sẽ bay tới bầu trời Ukraine.

Tờ Telegraph của Anh hôm thứ Tư đưa tin rằng Ukraine cho đến nay chỉ sử dụng F-16 làm tài sản phòng không.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis đã xác nhận việc giao lô máy bay phản lực đầu tiên.

Tờ The Times của Luân Đôn đưa tin, sáu máy bay phản lực đã được Hòa Lan cung cấp cho Ukraine, sau đó là máy bay của Đan Mạch sẽ sớm được cung cấp cho Ukraine.

Hòa Lan đã cam kết cung cấp tổng cộng 24 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine trong khuôn khổ liên minh quốc tế với Đan Mạch, Na Uy và Bỉ để cung cấp cho Kyiv các chiến đấu cơ tiên tiến. Ukraine sẽ nhận 19 chiếc F-16 của Đan Mạch

Các quan chức và chuyên gia đã mô tả các máy bay phản lực này như một sự thúc đẩy đối với Ukraine, nhưng không phải là viên đạn bạc có khả năng thay đổi cuộc chơi một sớm một chiều.

2. Những vụ nổ được báo cáo trên khắp Crimea bị tạm chiếm

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Explosions reported across occupied Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin người dân cho biết đã nghe thấy nhiều vụ nổ trên khắp Crimea bị tạm chiếm vào rạng sáng Thứ Sáu, 02 Tháng Tám.

Truyền thông địa phương đưa tin người dân ở Sevastopol, Simferopol và Yevpatoria đã nghe thấy tiếng nổ vào khoảng 1h30 sáng giờ địa phương.

Theo Crimea Wind, người dân địa phương đã báo cáo về một cuộc tấn công được cho là nhằm vào xưởng đóng tàu dùng để sửa chữa tàu cho Hạm đội Hắc Hải của Nga ngoài khơi vịnh Sevastopol, nhưng các báo cáo vẫn đang được làm rõ.

Mikhail Razvozhayev, nhà lãnh đạo Sevastopol do Nga bổ nhiệm tuyên bố rằng hệ thống phòng không đang hoạt động trên thành phố. Sau đó, ông nói thêm rằng Crimea bị tạm chiếm đang bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo.

Hình ảnh các mảnh vỡ rơi xuống và các đám cháy nhỏ có thể được nhìn thấy ở Sevastopol, cùng với các báo cáo về đường dây điện bị hư hỏng. Razvozhayev khẳng định mảnh vỡ rơi xuống là kết quả của hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa bị bắn rơi.

Hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga sau đó đưa tin lực lượng phòng không đã bắn hạ ít nhất 4 mục tiêu trên không trong suốt cuộc tấn công.

Tờ Kyiv Independent không thể xác minh các tuyên bố và Ukraine vẫn chưa bình luận về vụ tấn công bị cáo buộc.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ukraine đã thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm. Lần tấn công cuối cùng là vào ngày 26 Tháng Bẩy, Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận đã tấn công phi trường quân sự Saky của Nga ở Crimea bị tạm chiếm.

3. Dân thường Nga liên tục bị xe tăng của Putin đoạt mạng

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Civilians Keep Getting Killed by Putin's Tanks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các phương tiện quân sự của Nga đã gây ra một loạt vụ tai nạn chết người trong mùa hè này, dẫn đến cái chết của nhiều thường dân Nga.

Ít nhất 4 vụ việc xảy ra trong tháng 6 và tháng 7 khi xe tăng và xe tải của Putin đâm vào xe hơi dân sự trên đường phố Nga.

Một người phụ nữ 39 tuổi và đứa con trai 6 tuổi của cô đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe tải quân sự của Nga đâm vào xe của họ ở Novoshakhtinsk, vùng Rostov phía nam nước Nga. Ba đứa trẻ khác—9, 16 và 17 tuổi—đã phải vào bệnh viện sau vụ tai nạn, truyền thông địa phương đưa tin hôm Thứ Tư, 31 Tháng Bẩy.

Hãng tin điều tra của Nga The Insider đưa tin rằng các dấu hiệu trên chiếc xe cho thấy nó thuộc Quân khu miền Đông của Nga.

Tờ Moscow Times đưa tin đây là vụ việc thứ ba xảy ra trong tháng này.

Kênh Telegram địa phương Pepel đưa tin, ngày 24 Tháng Bẩy, một chiếc xe tăng của Nga đã đâm vào một chiếc xe hơi dân sự ở vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới Ukraine, khiến tài xế thiệt mạng.

“Một người đàn ông chết dưới xích xe tăng”, kênh này cho biết và cho biết thêm rằng chiếc xe tăng đã không nhường đường cho chiếc xe hơi và lao qua nó.

Nạn nhân là ông Konstantin Lopatin, 73 tuổi, cư dân địa phương. Các nhân chứng cho biết những người lính điều khiển xe tăng đang “trong trạng thái mất trí”.

Pepel đưa tin, trong một vụ việc tương tự xảy ra vào đầu tháng 6, quân đội Nga được cho là trong tình trạng say xỉn đã tông vào một chiếc xe hơi dân sự, khiến người dân Belgorod và tài xế xe tải Andrey Alekseyev thiệt mạng.

“Đánh giá theo vị trí của thi thể, người đàn ông có thể đã cố gắng thoát ra khỏi xe vào phút cuối nhưng không có thời gian”, kênh phân tích đoạn video từ hiện trường cho biết.

Một nhân chứng nói với Pepel rằng những người lính trên xe tăng đã cố gắng chạy trốn khỏi hiện trường vụ tai nạn. Chiếc xe tăng bị chặn lại gần làng Krasivo, cách đó gần hai dặm.

Ở Ukraine, trong suốt cuộc chiến đã có nhiều báo cáo cho rằng xe tăng Nga đã vô tình cán phải binh lính của họ.

Kênh Gray Zone ủng hộ Điện Cẩm Linh đã đăng tải cảnh quay chiến trường vào tháng 2 năm ngoái cho thấy hai người lính bị kéo lê dưới một chiếc xe tăng và một người lính chìm trong biển lửa chạy ra khỏi chiếc xe tăng ngay trước khi nó phát nổ.

Kênh Grey Zone cho biết đoạn phim “tự nói lên điều đó”.

“Ít nhất 30 mảnh phương tiện bị mất, lính tăng bốc cháy chạy khắp nơi và cảnh quay giống như từ bộ phim hỏa ngục kể về cuộc chiến ở Chechnya với thiết giáp chở quân nghiền nát binh lính của chính mình.”

4. YouTube ngừng hoạt động trên quy mô lớn ở Nga

Theo các trang web giám sát DownDetector và Downradar, người dùng trên khắp nước Nga đã báo cáo sự việc vào ngày 1 tháng 8 khi truy cập trang web YouTube và xem video.

Tin tức này xuất hiện vài ngày sau khi một nhà lập pháp Nga cảnh báo rằng chính phủ sẽ cố tình làm chậm tốc độ tải YouTube để đáp lại việc Google từ chối tuân thủ các yêu cầu của chính quyền Nga.

Theo DownDetector, tình trạng tắc nghẽn trên quy mô lớn bắt đầu ngay sau nửa đêm, khi hơn 400 khiếu nại được ghi nhận tăng đột biến. Con số này giảm xuống còn khoảng 200 đơn khiếu nại vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương.

Số lượng sự việc lớn nhất được báo cáo ở Mạc Tư Khoa, nhưng người dùng cũng gặp phải sự việc ở các khu vực phía tây như Leningrad hoặc Krasnodar Krai hoặc ở các vùng viễn đông của đất nước, như Vladivostok.

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu sự việc xuất phát từ trục trặc kỹ thuật hay do sự can thiệp có chủ ý.

Sự việc với YouTube đã được ghi nhận ở một số quốc gia khác, như Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, suốt cả ngày 31 tháng 7, mặc dù với số lượng không cao như vậy và trước khi xảy ra tình trạng ngừng hoạt động ở Nga.

Nhà lập pháp Nga Alexander Khinshtein ngày 25 Tháng Bẩy cho biết chính quyền Nga sẽ giảm tốc độ của dịch vụ video còn chỉ khoảng 70% vào cuối tuần tới.

Việc Nga đàn áp quyền tự do ngôn luận, đặc biệt liên quan đến thông tin trái ngược với các tường thuật của nước này về cuộc chiến toàn diện, đã gia tăng kể từ năm 2022.

Vào ngày 12 tháng 7, tờ báo thân nhà nước Nga Gazeta.ru đưa tin rằng chính phủ Nga có kế hoạch chặn hoàn toàn YouTube vào tháng 9, mặc dù Điện Cẩm Linh bác bỏ tuyên bố này.

Đầu tháng 7, YouTube đã chặn tài khoản của một số nghệ sĩ Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu vì ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa, chẳng hạn như Yaroslav Dronov, Polina Gagarina hoặc Grigory Leps.

5. Trực thăng Mi-8 của Nga bị rơi sâu bên trong Donetsk do Mạc Tư Khoa nắm giữ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Mi-8 Helicopter Downed Deep Inside Moscow-Held Donetsk: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, Leonid Pasechnik, lãnh đạo khu vực Luhansk, do Nga bổ nhiệm xác nhận rằng Nga đã mất một máy bay trực thăng Mi-8 ở miền đông Ukraine. Đây là một đòn giáng nữa vào lực lượng không quân Mạc Tư Khoa.

Một số tài khoản quân sự Nga hôm thứ Tư cho biết quân đội Nga đã mất một máy bay trực thăng đa năng Mi-8 gần thành phố Donetsk phía đông Ukraine, nơi đang diễn ra cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa quân đội Nga và Ukraine.

Ukraine có thể đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa để tấn công chiếc Mi-8, được cho là do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga vận hành, “vào thời điểm cất cánh”. Nếu được xác nhận, phạm vi của cuộc tấn công từ tiền tuyến ở miền đông Ukraine “là rất đáng kể”.

Tuy nhiên, các báo cáo trái ngược nhau, bao gồm cả những báo cáo được truyền thông Nga đưa tin, dường như lại cho rằng chiếc trực thăng Mi-8 đã bị các hệ thống phòng không của chính Nga bắn hạ.

“Chưa có thông tin chính xác về phi hành đoàn của chiếc Mi-8 gần Donetsk”, một blogger quân sự người Nga khác, là người chủ yếu tập trung vào lực lượng không quân và phi đội trực thăng của Nga, cho biết hôm thứ Tư.

Trong suốt hơn hai năm chiến tranh toàn diện ở Ukraine, cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều phải hứng chịu những đòn giáng nặng nề vào các phi đội máy bay có người lái của họ, trong đó có cả máy bay trực thăng.

Theo số liệu của Ukraine, Nga đã mất 326 máy bay trực thăng của Nga kể từ tháng 2 năm 2022.

Ukraine trước đó cho biết họ đã tấn công và hạ gục trực thăng Mi-8 của Nga. Hôm Chúa Nhật, cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine cho biết một chiếc trực thăng Mi-8 đã “cháy” tại một phi trường quân sự ở thành phố Samara phía tây nam nước Nga hồi đầu tháng này sau khi Kyiv thực hiện các hoạt động phá hoại trên ba chiếc trực thăng bên trong lãnh thổ Nga.

Vào giữa tháng 4 năm 2024, GUR cho biết một máy bay trực thăng vận tải Mi-8 của Nga đã bị “phá hủy” tại cùng một phi trường, mặc dù cơ quan này đã không công khai tuyên bố chịu trách nhiệm về việc loại nó khỏi vòng chiến.

GUR trước đây cho biết, mỗi chiếc trực thăng Mi-8 có thể có giá lên tới 15 triệu Mỹ Kim.

6. Lửa xé toạc nhà máy sản xuất phụ tùng quân sự, và không gian của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Fire Rips Through Russian Factory Making Military, Space Components”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền địa phương hôm thứ Ba đưa tin một đám cháy lớn đã thiêu rụi một nhà máy của Nga ở Yekaterinburg, nơi sản xuất các phụ tùng quân sự và không gian.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, ngọn lửa đã nhấn chìm 800 mét vuông NPO Avtomatiki, một công ty con của cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, trước khi được dập tắt. Truyền thông địa phương đưa tin mái và tường của tòa nhà bị sập.

Nhà máy này là nhà phát triển và sản xuất hệ thống điều khiển điện tử cho các tổ hợp hỏa tiễn, đồng thời sản xuất hệ thống điều khiển cho các phương tiện phóng Soyuz-2 của Nga, được thiết kế cho các sứ mệnh quỹ đạo Trái đất thấp.

Đã có vô số vụ cháy bí ẩn ở Nga kể từ khi nhà độc tài Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga.

Những bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy một cột khói đen khổng lồ bốc lên không trung.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa nhấn chìm một tòa nhà “bằng các sản phẩm hóa học”.

Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa rõ ràng, nhưng cơ quan truyền thông địa phương E1 đưa tin rằng công việc hàn đang được tiến hành khi đám cháy bắt đầu. “Hai bình oxy có thể được đặt tại địa điểm này,” cơ quan này cho biết.

Cơ quan báo chí của nhà máy đã phủ nhận những thông tin đó và nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti: “Chúng tôi chưa bình luận về lý do. Tôi có thể nói rằng không có công việc hàn nào được thực hiện.”

Một lực lượng an ninh địa phương nói với RIA Novosti: “Theo thông tin ban đầu, bản chất của vụ cháy là ở gia đình”.

Không có thương vong nào được báo cáo. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Trung tâm An ninh Thông tin và Truyền thông Chiến lược Ukraine (SPRAVDI) đã chia sẻ đoạn phim về vụ cháy trên X,, vào hôm thứ Ba.

SPRAVDI viết: “Các nhà máy tham gia sản xuất các bộ phận không thể thiếu của cỗ máy chiến tranh của Nga tiếp tục trải qua một tháng khó khăn khi một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử quân sự lớn nhất của Nga hôm nay tan thành mây khói ở Ekaterinberg”.

Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, mô tả nhà máy trên đường X là “một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Liên bang Nga trong lĩnh vực phát triển và sản xuất hệ thống điều khiển và thiết bị điện tử”.

Hỏa hoạn thường xuyên xảy ra tại các tòa nhà có liên quan đến quân đội Nga trong suốt cuộc chiến.

Vào tháng 6, một trận hỏa hoạn đã nhấn chìm một tòa nhà trong khuôn viên văn phòng ở Mạc Tư Khoa, nơi thiết kế và sản xuất một số máy bay quân sự tiên tiến nhất của Putin, hãng tin MSK1 của Mạc Tư Khoa đưa tin.

Cơ quan truyền thông dẫn lời một nhân chứng nói rằng “ngọn lửa không ngừng nghỉ” tại Cục thiết kế Sukhoi, có trụ sở chính ở khu vực Mạc Tư Khoa.

Cục thiết kế Sukhoi chịu trách nhiệm sản xuất nhiều máy bay phản lực quân sự của Nga, bao gồm Su-25, Su-27, Su-28, Su-30 và các loại Su-35, Su-57 tiên tiến hơn.

7. Nga phải có mặt tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo để chấm dứt chiến tranh, Tổng thống Zelenskiy nói

Ukraine cùng với hầu hết các nước tin rằng Nga phải có mặt tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai vào tháng 11 để chấm dứt chiến tranh, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với truyền thông Pháp trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 31 Tháng Bẩy và được công bố hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám.

Khi cuộc chiến ở Nga kéo dài sang năm thứ ba, Kyiv cho biết họ có ý định mời một đại diện của Nga tới hội nghị lần thứ hai để trình bày kế hoạch hòa bình dựa trên công thức hòa bình của Zelenskiy và ý kiến quốc tế.

Cho đến nay, chưa có lời mời chính thức nào được gửi đi, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đã nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ không tham gia sự kiện này.

Nga không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu đầu tiên được tổ chức trong hai ngày 15 và 16 Tháng Sáu tại Thụy Sĩ.

“Tôi tin - cũng như hầu hết các nước - rằng tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai vào tháng 11, các đại diện của Nga phải có mặt, nếu không chúng tôi sẽ không đạt được kết quả khả thi”,Tổng thống Zelenksy nói.

“Nếu cả thế giới muốn họ ngồi vào bàn đàm phán, thì chúng tôi không thể chống lại điều đó.”

Zelenskiy nhắc lại rằng một nền hòa bình công bằng cho Ukraine phải bao gồm việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng điều này “không có nghĩa là chúng tôi phải làm điều đó chỉ bằng vũ lực”.

“Hôm nay, chúng tôi ở tiền tuyến chừng nào Nga còn muốn tiến hành chiến tranh. Và sau đó chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề này bằng con đường ngoại giao, nếu Nga muốn”, ông nói.

Khi được hỏi liệu ông có đang xem xét khả năng nhượng lại các lãnh thổ của Ukraine hay không, Zelenskiy nói rằng đây “không phải là một lựa chọn” và không tổng thống nào có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine mà không có người Ukraine.

“Nó đi ngược lại Hiến pháp Ukraine… Những người nắm quyền không có quyền chính thức từ bỏ lãnh thổ của mình. Để điều đó xảy ra, người dân Ukraine phải mong muốn điều đó”, ông nói.

Điện Cẩm Linh đã nhiều lần bác bỏ các nỗ lực hòa bình của Ukraine và công thức 10 điểm của nước này là không phù hợp, gọi đó là “tối hậu thư”.

Phát biểu một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ, Putin cho biết, để đàm phán hòa bình, Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi 4 tỉnh bị tạm chiếm một phần mà Mạc Tư Khoa sáp nhập trái phép vào năm 2022. Kyiv bác bỏ yêu cầu này.

8. An ninh khám xét tòa nhà Quốc hội Moldova trong vụ án gián điệp

Các nguồn tin trong cơ quan tình báo nói với RFE/RL Moldova rằng cuộc khám xét có liên quan đến một vụ gián điệp nhắm vào nhà lãnh đạo bộ phận pháp lý của Quốc hội Moldova, Ion Creanga.

Creanga bị cáo buộc bị bắt khi truyền thông tin cho nhân viên đại sứ quán Nga ở Chisinau.

Phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo và An ninh nói với RFE/RL Moldova: “Hiện tại, các hoạt động tố tụng đang được thực hiện trong một vụ án hình sự dưới sự lãnh đạo của các công tố viên của Văn phòng Công tố viên về chống tội phạm và các vụ án đặc biệt”.

Phát ngôn nhân cho biết: “Chúng tôi sẽ quay lại với nhiều thông tin chi tiết hơn trong vài ngày tới.

Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Chisinau đã gia tăng kể từ tháng 2 năm 2022 trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể lan sang Moldova qua ngã Transnistria, một lãnh thổ ly khai không được công nhận, nơi quân đội Nga tiếp đón quân đội Nga từ năm 1991.

Các quan chức Moldova đã nhiều lần cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và cố gắng gây bất ổn.

Moldova đã trục xuất 45 nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Nga vào mùa hè năm 2023 do “nhiều hành động không thân thiện”.

Truyền thông Moldova đưa tin đại sứ quán Nga ở Chisinau đã lắp đặt 28 “ăng-ten gián điệp” trên sân thượng, có thể được sử dụng cho mục đích thu thập tín hiệu tình báo.

Tin tức nổi lên vào tháng 6 năm 2024 rằng Igor Gorgan, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Moldova, đang làm người cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo quân đội Nga.

Vị tướng này, là người mất chức vào năm 2021 sau khi Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu nhậm chức, được cho là vẫn tiếp tục sử dụng các mối liên hệ của mình trong Bộ Quốc phòng và chuyển thông tin nhạy cảm về Moldova và Ukraine cho Nga.

Sandu phải đối mặt với việc tái tranh cử và một cuộc trưng cầu dân ý về việc Moldova gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 10.

9. Phải chăng động lực cho các cuộc đàm phán hòa bình đang được vun đắp?

Giáo sư Timothy Ash là thành viên của Viện Nghiên Cứu Chatham House. Ông vừa có một bài viết trên tờ Kyiv Independent với nhan đề “Is momentum building for peace talks?”, nghĩa là “Phải chăng động lực cho các cuộc đàm phán hòa bình đang được vun đắp?”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Trong tuần qua, một số diễn biến cho thấy động lực có thể đang được tạo dựng cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine.

Thứ nhất, Ukraine dường như đã có những nhượng bộ đáng kể trong đàm phán với các chủ công phiếu, cho thấy triển vọng tái cơ cấu nợ vào tháng 9. Sự cấp bách này chỉ có ý nghĩa nếu có kỳ vọng rằng chiến tranh có thể sớm kết thúc, cho phép Ukraine tiếp cận thị trường để hỗ trợ tái thiết. Eurobonds đã tăng mạnh kể từ ngày 22 tháng 7, phản ánh mức độ thuận lợi của thỏa thuận này đối với các chủ công phiếu.

Thứ hai, các chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban tới Kyiv, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Mar-a-Lago đã làm dấy lên những đồn đoán. Chắc chắn là không có lửa thì không có khói.

Thứ ba, chuyến đi của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Mar-a-Lago đã dẫn đến việc ông công bố một kế hoạch hòa bình cho Ukraine.

Thứ tư, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tới Trung Quốc, đó là chuyến thăm đầu tiên kể từ cuộc xâm lược toàn diện, đã dẫn đến một thông cáo chung. Kuleba nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm chỉnh với Nga, đồng thời đề cập đến một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Trung Quốc và Brazil, trước đây đã bị Ukraine hạ thấp. Bộ trưởng ngoại giao Ả Rập Saudi cũng đã đến Kyiv cách đây ít lâu một lần nữa, sau chuyến viếng thăm đầu tiên sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Thứ năm, các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy thái độ ở Ukraine đang thay đổi theo hướng nhượng bộ.

Quan điểm của người Ukraine về cơ bản là:

a) Nga phải rút lui về vị trí của mình như trước cuộc xâm lược toàn diện;

b) Ukraine đồng ý thảo luận về tương lai lâu dài của Crimea và các khu vực bị Nga tạm chiếm ở tỉnh Donetsk và Luhansk;

c) không có cam kết ngay lập tức về tư cách thành viên NATO cho Ukraine, nhưng có sự bảo đảm an ninh nghiêm chỉnh từ phương Tây;

và d) Ukraine trở thành thành viên Liên minh Âu Châu.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng nếu ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Ông Donald Trump giành chiến thắng vào tháng 11, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể giảm đi, khiến Ukraine phải đàm phán từ vị thế có sức mạnh tương đối. Tuy nhiên, đáng chú ý là phương Tây đang giải ngân trước cho Ukraine từ gói trị giá 61 tỷ Mỹ Kim của Mỹ và 50 tỷ Mỹ Kim từ lãi suất đối với các tài sản bị đóng băng của Nga. Ukraine cũng đang nhận được chiến đấu cơ F-16, cho thấy sự hỗ trợ quân sự đáng kể.

Một số người ở phương Tây có thể muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình trước cuộc bầu cử Mỹ để từ chối tuyên bố chiến thắng tiềm năng của Ông Trump, thay vào đó trao nó cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris. Bắc Kinh cũng có thể muốn có một thỏa thuận hòa bình để tránh nhiệm kỳ tổng thống của Ông Trump, điều này có thể dẫn đến các cuộc chiến thương mại nghiêm trọng. Sự không hài lòng của Trung Quốc đối với mối quan hệ ngày càng tăng của Putin với Bắc Hàn càng làm tình hình thêm phức tạp.

Việc Ông Trump lựa chọn Thượng nghị sĩ JD Vance làm ứng cử viên phó tổng thống của ông có thể là giọt nước tràn ly cuối cùng đối với Trung Quốc, vì họ dự đoán các cuộc chiến thương mại lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của Ông Trump, hoặc nhiệm kỳ của Vance, nếu Ông Trump không thể hoàn thành nhiệm kỳ của mình, vì ông sẽ là nhà lãnh đạo tổng thống lớn tuổi nhất từng được bầu.

Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã nới lỏng thuế quan thương mại đối với Trung Quốc, có thể là để cảm ơn sự hỗ trợ hạn chế của Trung Quốc dành cho Nga. Trung Quốc cảm thấy họ có thể đảm đương được nhiệm kỳ tổng thống của Harris, trong khi phe diều hâu của Đảng Cộng hòa thấy trước xung đột không thể tránh khỏi.

Putin được cho là mong muốn một thỏa thuận, để tránh các lệnh trừng phạt ngày càng trở nên đáng xấu hổ mặc dù không làm tê liệt nghiêm trọng nền kinh tế Nga. Người ta có thể lập luận rằng Putin hy vọng chờ đợi chiến thắng của Ông Trump vào tháng 11 để xem có những thay đổi nào đó hay không. Tuy nhiên, Trung Quốc lại mong muốn chính quyền Harris, Nga có thể khó cưỡng lại mong muốn áy của Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây tổn hại nhưng không làm sụp đổ nền kinh tế Nga, trong khi việc mất đi sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ là thảm họa.

Có những rủi ro rõ ràng. Đầu tiên, bất kỳ nền hòa bình nào liên quan đến nhượng bộ lãnh thổ đều có thể gây bất ổn chính trị cho Ukraine, tạo ra những cơ hội trong tương lai cho Putin. Thứ hai, Putin có thể không nghiêm chỉnh về hòa bình và có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lại cho một cuộc xâm lược khác.

Tôi tin rằng Putin có mục tiêu kiểm soát toàn bộ Ukraine và có khả năng sẽ xâm lược lần nữa. Do đó, những bảo đảm an ninh mạnh mẽ, tương tự như tư cách thành viên của Israel hoặc NATO là rất quan trọng đối với Ukraine trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Bản ghi nhớ Budapest 2.0 chứng minh là không đủ.
 
Ukraine bị bao vây nhanh trí thoát hiểm. Trao đổi bất lợi: Mỹ trả cho Nga sát thủ, gián điệp, hacker
VietCatholic Media
15:13 02/08/2024


1. Lính Ukraine phục kích người Nga sau khi bắt được điện đàm của đối phương

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Soldiers Ambush Russians After Capturing Enemy Radio”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, quân đội Ukraine đã công bố đoạn video cho thấy lực lượng của họ phục kích quân đội Nga sau khi bắt được điện đàm của đối phương.

Đoạn video được công bố bởi Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine, một lữ đoàn tinh nhuệ dù chỉ mới được Ukraine thành lập vào năm 2022—sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Đoạn clip được chia sẻ trên X,, bởi người dùng Dmitri từ War Translated—một dự án độc lập chuyên dịch các tài liệu về chiến tranh.

Một trung đội của Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine gần khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine đột nhiên thấy mình bị kẹp ở giữa và hai đại đội Nga đang tiến dần về phía họ. Tuy lính Nga chưa phát hiện ra sự hiện diện của họ, nhưng tình thế rất nguy ngập vì quân số của Nga gấp 8 lần. Sau một loạt đạn bắn về phía quân Nga, ngay lúc đó, lính Ukraine đã bắt được điện đàm của Nga và lừa người Nga đừng bắn vào họ.

Người Nga nói: “Đại đội 1 đây mà. Sao các anh lại bắn vào chúng tôi.”

Trung đội trưởng Ukraine ra lệnh: “Nói tiếng Nga với chúng nó. Có người bị thương đừng bắn nữa.”

Khi tiếng súng tạm yên, quân Ukraine tiến tới gần và bắn về cả hai nhóm lính Nga.

Quân Nga từ hai phía hét lên trong máy bộ đàm. “Sao các anh lại tiếp tục bắn vào chúng tôi. Đã nói đừng bắn nữa mà”. Bên kia hét lên “Tụi bây bắn vào tụi tao thì có. Đui mù rồi à?”

Khi hai đại đội Nga bắt đầu bận rộn nổ súng vào nhau, trung đội Ukraine yêu cầu pháo binh yểm trợ rút êm.

Nga đã phát động cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv vào đầu tháng 5, chiếm giữ một số thị trấn ở biên giới phía đông bắc Ukraine và buộc hàng ngàn dân thường phải chạy trốn.

Nhưng ngày 8 Tháng Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng cuộc tấn công của Nga đã thất bại.

“Một kết quả rất có ý nghĩa là quân đội Nga đã thất bại. Hướng này đã được tăng cường. Và nó sẽ được tăng cường hơn nữa”, Tổng thống Zelenskiy nói sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo quân đội Ukraine, Oleksandr Syrskyi.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói với các phóng viên hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, rằng ông tin rằng Nga sẽ không còn cố gắng chiếm giữ khu vực này nữa và mục tiêu mới của Putin là chiếm Pokrovsk ở khu vực phía đông Donetsk.

Vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine tạo thành Donbas. Điện Cẩm Linh đã thúc đẩy việc chiếm toàn bộ các khu vực kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào miền đông Ukraine vào năm 2014.

“Toàn bộ mặt trận phía đông đầy thách thức. Mục tiêu chính ngày nay, sau thất bại trong việc chiếm Kharkiv, là điều mà chúng tôi hiểu là không còn khả thi, đã thay đổi”, Tổng thống Zelenskiy nói.

“Trọng tâm chính của họ không còn là toàn bộ phía đông nữa, mặc dù Sloviansk cũng không bị loại trừ. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng ngày nay Pokrovsk là ưu tiên hàng đầu của họ. Mặt trận Pokrovsk và thành phố Pokrovsk là mục tiêu chính của chúng.”

Ông nói: “Nơi tập trung nhân lực, vũ khí và tất cả các nguồn lực sẵn có lớn nhất của Nga hiện đang tập trung vào mặt trận Pokrovsk”.

Tổng thống Zelenskiy trước đó nói rằng tổn thất của Nga trong cuộc tấn công ở Kharkiv cao gấp 8 lần so với Ukraine.

2. Sát thủ, hai vợ chồng gián điệp và hacker tấn công Hội nghị Quốc gia của đảng Dân Chủ Putin nhận được ai trong vụ hoán đổi tù nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Assassin, Spy Couple and DNC Hacker: Who Putin's Getting in Prisoner Swap”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong một cuộc trao đổi tù nhân sâu rộng và phức tạp giữa Nga và phương Tây hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, là cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh - Mỹ và một số đồng minh đã đồng ý trao đổi 8 tù nhân Nga để đổi lấy phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal và hai người Mỹ khác, cùng với một số nhà bất đồng chính kiến Nga bị giam trong các nhà tù ở Nga.

Những tù nhân cao cấp được chuyển giao cho Nga trong cuộc trao đổi này bao gồm một sát thủ, hai vợ chồng gián điệp và một hacker có liên quan đến mục tiêu của chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton vào năm 2016.

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, những người quay trở lại Nga như một phần của thỏa thuận là những người saiu đây.

Vadim Krasikov

Putin trước đó đã gợi ý rằng Nga sẽ sẵn sàng thả Gershkovich nếu Krasikov được đưa vào một cuộc trao đổi tù nhân.

Là một nhân viên tình báo Nga bị kết án về vụ ám sát phiến quân Chechnya Zelimkhan Kangoshvili ở Đức năm 2019, Krasikov đã phải thụ án chung thân trong một nhà tù ở Đức. Việc thả anh ta được coi là mấu chốt của cuộc hoán đổi lần này.

Putin trước đây đã gợi ý rằng Nga sẽ sẵn sàng thả Gershkovich - nếu Krasikov được đưa vào một cuộc trao đổi tù nhân. Bây giờ bạo chúa Vladimir Putin đã đạt được mong muốn của mình.

Krasikov cũng được cho là đứng sau ít nhất hai vụ giết người khác, bao gồm một chủ nhà hàng ở Mạc Tư Khoa năm 2015 và một doanh nhân ở khu vực Karelia, Bắc Âu năm 2015.

Artem và Anna Dultsev

Bị bắt tại Ljubljana, Slovenia vào năm 2022, cặp vợ chồng người Nga đã đóng giả là công dân Á Căn Đình và được cho là đang sử dụng Slovenia làm căn cứ cho các hoạt động gián điệp của Mạc Tư Khoa vào Liên Hiệp Âu Châu, đặc biệt là giao tiền mặt cho các đặc vụ Nga khác.

Anna đã làm việc dưới vỏ bọc của một nhà kinh doanh nghệ thuật và chủ phòng trưng bày, trong khi chồng cô đóng giả là một doanh nhân công nghệ thông tin.

Cả hai đều nhận tội làm gián điệp và bị kết án 19 tháng tù vào hôm Thứ Tư, 31 Tháng Bẩy, một ngày trước khi trao đổi.

Pavel Rubtsov

Nhà báo Pablo González Yagüe (tên khai sinh là Pavel Rubtsov) bị chính quyền Ba Lan giam giữ tại Przemyśl vào tháng 2 năm 2022. Anh ta bị buộc tội làm gián điệp cho tình báo Nga, bị cáo buộc sử dụng vai trò báo chí của mình để thu thập thông tin cho Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Nga, gọi tắt là GRU.

Ông từng làm nhà báo độc lập cho nhiều cơ quan truyền thông khác nhau, tập trung vào Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ông đã phủ nhận cáo buộc làm gián điệp.

Roman Seleznev

Bị giam giữ ở Maldives vào năm 2014 và giao cho chính quyền Mỹ, anh ta bị kết tội lừa đảo, hack máy tính, sở hữu thẻ tín dụng thu được bất hợp pháp và đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Seleznev là con trai của một thành viên quốc hội Nga, người được mô tả là “một trong những tên trộm thẻ tín dụng khét tiếng nhất trong lịch sử”.

Bị giam giữ ở Maldives vào năm 2014 và giao cho chính quyền Mỹ, anh ta bị kết tội lừa đảo, hack máy tính, sở hữu thẻ tín dụng thu được bất hợp pháp và đánh cắp dữ liệu cá nhân. Seleznev bị kết án 27 năm.

Một cuộc điều tra cho thấy anh ta có liên quan đến một kế hoạch hack ước tính gây thiệt hại ít nhất 170 triệu Mỹ Kim liên quan đến việc đánh cắp và bán thông tin thẻ tín dụng của khách hàng từ máy tính tiền trong các cửa hàng và nhà hàng trên khắp nước Mỹ.

Vladislav Klyushin

Klyushin, một doanh nhân người Nga, bị bắt ở Thụy Sĩ theo yêu cầu của chính quyền Mỹ vào năm 2021.

Anh ta bị kết án 9 năm vào năm 2023, bị buộc tội hack vào nhiều công ty, sử dụng thông tin lấy được để giao dịch nội gián.

Một trong những nhân viên của Klyushin nằm trong số 12 đặc vụ GRU bị truy tố ở Mỹ vào năm 2018 vì hack chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Hillary Clinton và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.

Mikhail Mikushin

Mikushin bị bắt ở Na Uy vào năm 2022, bị buộc tội làm gián điệp cho GRU của Nga khi đóng giả là nhà nghiên cứu người Brazil tại Đại học Bắc Cực của Na Uy.

Vadim Konoshchenok

Vadim Konoshchenok bị cáo buộc liên quan đến buôn lậu hàng hóa từ Mỹ sang Nga, bao gồm đạn dược và đồ điện tử.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mô tả Konoshchenok là một công dân Nga có quan hệ với FSB.

Konoshchenok bị cáo buộc liên quan đến buôn lậu hàng hóa từ Mỹ sang Nga, bao gồm cả việc mua sắm trái phép vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo truyền thông nhà nước Nga, ông ta đã phủ nhận các cáo buộc chống lại mình.

Alexander Vinnik

Vinnik bị chính quyền Mỹ cáo buộc rửa hơn 4 tỷ Mỹ Kim.

Các công tố viên cáo buộc bitcoin bị đánh cắp từ sàn giao dịch tiền điện tử Nhật Bản Mt.Gox đã được giao dịch trên nền tảng mà Vinnik thành lập –nơi từng là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất bằng tiếng Nga.

Ông cũng bị Văn phòng Tổng công tố Nga cáo buộc biển thủ 600.000 rúp từ một tổ chức không xác định. Luật sư của Vinnik cho biết trong hồ sơ tòa án năm ngoái rằng ông là “đối tượng của các cuộc đàm phán chính trị về việc trao đổi tù nhân với Nga ở cao cấp nhất của chính phủ”.

3. Nga lên án cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea

Cơ quan xâm lược tuyên bố rằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa ATACMS đã tấn công vào Crimea bị Nga tạm chiếm vào rạng sáng ngày 2 tháng 8. Họ đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh có các báo cáo về những vụ nổ kéo dài nhiều giờ ở nhiều địa điểm khác nhau trên bán đảo.

Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin người dân cho biết đã nghe thấy nhiều vụ nổ ở Sevastopol, Simferopol và Yevpatoria trên bán đảo bị tạm chiếm.

Mikhail Razvozhayev, nhà lãnh đạo Sevastopol do Nga bổ nhiệm, tuyên bố rằng các mảnh vỡ của máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn do Mỹ sản xuất đã được tìm thấy trong thành phố sau khi bị lực lượng phòng không bắn hạ.

Ông tuyên bố ít nhất 4 mục tiêu trên không của Ukraine đã bị bắn hạ.

Cảnh báo không kích vang lên vào khoảng 1h30 sáng giờ Kyiv. Hiện tại không có thương vong nào được báo cáo.

Theo Crimea Wind, hỏa hoạn đã bùng phát gần các vị trí phòng không của Nga ở Balaklava, ngoại ô Sevastopol, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

Kênh này cũng chia sẻ cảnh quay các mảnh vỡ bị đốt cháy ở Sevastopol và cho biết khói bốc lên từ Nhà máy sửa chữa tàu số 13 của Hạm đội Hắc Hải ở Vịnh Kilen.

Mức độ thiệt hại đầy đủ đang được xác định.

Razvozhayev tuyên bố rằng các ngôi nhà, tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường phố và các tài sản dân sự khác đã bị hư hại do các mảnh vỡ rơi xuống. Nga thường không bình luận về các cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào các cơ sở quân sự.

Bán đảo bị tạm chiếm đã nhiều lần trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hải quân của Ukraine, buộc lực lượng Nga phải rút phần lớn sức mạnh hải quân và tăng cường phòng không.

Ukraine cho biết, một cuộc tấn công trước đó vào đêm 26 Tháng Bẩy đã nhằm vào phi trường quân sự của Nga ở Saky, trong khi cuộc tấn công vào ngày 23 Tháng Bẩy được cho là nhằm vào một chiếc phà dùng để vận chuyển thiết bị quân sự qua eo biển Kerch.

4. Ukraine có thể sản xuất hơn 3 triệu máy bay điều khiển từ xa mỗi năm

Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Hanna Hvozdiar cho biết Ukraine có năng lực sản xuất hơn 3 triệu máy bay điều khiển từ xa mỗi năm nhưng cần nguồn tài trợ từ các đối tác nước ngoài.

Máy bay điều khiển từ xa là công cụ quan trọng trong việc phòng thủ của Ukraine trước cuộc chiến của Nga. Ukraine đã chính thức ra mắt Lực lượng Hệ thống Điều khiển từ xa vào tháng 6, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ban hành sắc lệnh vào tháng 2 ra lệnh thành lập một nhánh riêng của lực lượng vũ trang có nhiệm vụ cải thiện các hoạt động của máy bay điều khiển từ xa.

Hvozdiar cho biết: “Chúng tôi có năng lực sản xuất đủ lớn, hiện nay chúng tôi có thể sản xuất hơn 3 triệu máy bay điều khiển từ xa các loại.

Ukraine cần tài chính để sản xuất máy bay điều khiển từ xa vì nhà nước chỉ có thể trang trải một phần ngân sách. Hvozdiar cho biết nguồn tài trợ từ các đối tác nước ngoài, chẳng hạn như Canada, sẽ giúp trang trải phần tài chính còn lại.

Theo Hvozdiar, Kyiv cũng đang đàm phán với Anh để giúp mua máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước cho quân đội Ukraine.

Vào tháng 4, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số các đối tác của Ukraine mua vũ khí và thiết bị cho Lực lượng Vũ trang Ukraine từ một nhà sản xuất trong nước như một phần của gói viện trợ quân sự.

Cùng tháng đó, Canada tuyên bố sẽ tài trợ 2,2 triệu Mỹ Kim cho việc sản xuất máy bay điều khiển từ xa của Ukraine với sự cộng tác của Anh.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, đầu tư nước ngoài là cần thiết vì ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có năng lực trị giá khoảng 20 tỷ Mỹ Kim nhưng nhà nước chỉ có tối đa 10 tỷ Mỹ Kim để mua vũ khí và thiết bị.

Vào tháng 6, công ty nhà nước Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, còn được gọi là Ukroboronprom, cho biết họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay điều khiển từ xa tấn công với tầm bắn hơn 1.000 km.

Nhà lãnh đạo ngành Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, Herman Smetanin, cho biết với sự giúp đỡ của “các cá nhân”, công ty hiện có thể “mở rộng quy mô sản xuất” máy bay điều khiển từ xa tầm xa.

5. Những chiếc F-16 đầu tiên được phát hiện trên bầu trời Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Watch: First F-16s Appear To Have Been Spotted Over Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy những chiếc F-16 đầu tiên được tặng cho Kyiv đã bay lên bầu trời Ukraine sau thời gian chờ đợi kéo dài để có được chiếc chiến đấu cơ tiên tiến này.

Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, các phương tiện truyền thông cho biết người dân ở khu vực Lviv phía Tây Ukraine, rất xúc động thấy những chiếc F-16 do Ukraine vận hành bay rất thấp trên bầu trời sau khi vượt qua biên giới Ba Lan vào Ukraine.

Tờ The Times của Luân Đôn đưa tin, sáu máy bay phản lực đã được Hòa Lan cung cấp cho Ukraine, sau đó là máy bay của Đan Mạch sẽ sớm được cung cấp cho Ukraine. Hôm thứ Năm Bộ Quốc phòng Đan Mạch từ chối bình luận và chính phủ Hòa Lan cho biết họ sẽ không bình luận, với lý do lo ngại về an ninh quốc phòng.

Vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan lúc bấy giờ là Kajsa Ollongren cho biết “việc chuyển giao chiếc máy bay đầu tiên sẽ sớm diễn ra”.

“Những chiếc F-16 đã ở Ukraine,” Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis nói. “Một điều tưởng chừng không thể hóa ra lại hoàn toàn có thể xảy ra”

Lực lượng không quân Ukraine rất kín tiếng về việc F-16 đến đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Vào đầu tháng 7, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine đã từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về số lượng máy bay phản lực sẽ tham gia đợt đầu tiên và khi nào chúng sẽ đến nơi, đồng thời mô tả thông tin này là thông tin mật.

Hòa Lan đã cam kết cung cấp tổng cộng 24 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine trong khuôn khổ liên minh quốc tế với Đan Mạch, Na Uy và Bỉ để cung cấp cho Kyiv các chiến đấu cơ tiên tiến. Ukraine sẽ nhận 19 chiếc F-16 của Đan Mạch

Ukraine sẽ nhận được khoảng 80 máy bay phản lực, một con số thấp hơn nhiều so với tổng số lượng mà Kyiv cho biết họ cần.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết những chiếc F-16 đầu tiên đang trên đường tới Ukraine từ Đan Mạch và Hòa Lan.

Phát biểu với giới truyền thông hôm thứ Tư, Blinken không xác nhận những chiếc F-16 đầu tiên sẽ đến Ukraine, nhưng nhắc lại nhận xét trước đó của ông rằng những chiếc F-16 sẽ “hoạt động vào cuối mùa hè”.

Những người ủng hộ phương Tây của Ukraine đã miễn cưỡng cam kết cung cấp máy bay phản lực thế hệ thứ tư, đây là một cam kết lớn hơn nhiều so với các thiết bị như xe tăng hoặc hệ thống pháo binh có trong các gói viện trợ quân sự trong suốt cuộc chiến.

Các máy bay phản lực này sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Ukraine, vốn đã bị vùi dập sau hơn hai năm chiến tranh chống lại hạm đội lớn hơn và vượt trội của Nga. Nga đã sử dụng máy bay của mình, bay ngoài tầm với của lực lượng phòng không Kyiv, để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường trên không có sức tàn phá lớn vào Ukraine.

Tờ The Telegraph của Anh hôm thứ Tư đưa tin rằng Ukraine cho đến nay chỉ sử dụng F-16 làm tài sản phòng không.

Các mốc thời gian để đưa các máy bay phản lực này vào hoạt động ở Ukraine rất mờ mịt và dễ bị chậm trễ. Các phi công Ukraine đã được đào tạo ở các quốc gia NATO, mặc dù căng thẳng đã trở nên rõ ràng giữa Kyiv và các đồng minh về số lượng phi công có thể được đào tạo.

Các quốc gia ủng hộ Ukraine cũng quy định rằng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cần thiết phải được hoàn thiện và vận hành ở nước này trước khi máy bay phản lực có thể được sử dụng.

6. Lính Nga rời phi trường Yerevan, chấm dứt 32 năm hiện diện

Các binh sĩ Nga chính thức rời phi trường quốc tế Zvartnots của Yerevan vào ngày 31 Tháng Bẩy, kết thúc 32 năm đóng quân tại đây.

Lực lượng Nga đóng quân tại Sân bay Zvartnots kể từ khi Armenia độc lập khỏi Liên Xô và xung đột quân sự với nước láng giềng Azerbaijan. Chính quyền Armenia đã thông báo cho phía Nga vào tháng 3 rằng sự hiện diện của binh lính họ tại phi trường không còn cần thiết nữa, một động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai đồng minh lâu năm.

Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích động thái này, cho rằng nó có nguy cơ gây ra “thiệt hại không thể khắc phục” cho quan hệ giữa hai nước và có thể làm tăng thêm lo ngại về an ninh cho Armenia.

Quá trình rút quân của họ được hoàn thành bằng một buổi lễ trang trọng, trong đó Edgar Hunanian, nhà lãnh đạo lực lượng biên phòng Armenia mới được bổ nhiệm, cảm ơn quân đội Nga vì sự phục vụ của họ.

Quân đội Nga vẫn tiếp tục bảo vệ biên giới của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời duy trì một căn cứ ở thành phố Gyumri của Armenia. Chính quyền Azerbaijan cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã rút khỏi Nagorno-Karabakh vào tháng 6.

Armenia có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, đặc biệt là với đối phương chính trong khu vực của họ là Azerbaijan, và do đó phần lớn đã kiềm chế không tham gia vào cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine. Tính toán đã thay đổi sau khi “lực lượng gìn giữ hòa bình” của Nga không thể ngăn chặn cuộc tấn công của Azerbaijan vào khu vực Nagorno-Karabakh, nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Armenia, vào tháng 9 năm 2023.

Thất vọng với Nga và lo ngại những hành động thù địch tái diễn ở Baku, Yerevan đã hướng về phương Tây để tìm kiếm những mối quan hệ đối tác mới.

Các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu đã chấp thuận khởi động cuộc đối thoại miễn thị thực với Armenia vào tháng 7 và lần đầu tiên trong lịch sử, họ đã đồng ý phân bổ viện trợ quân sự từ Cơ sở Hòa bình Âu Châu cho nước này.

7. Trao đổi tù nhân đánh dấu 'thành công' cho Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Prisoner Swap Marks 'Success' for Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Việc trao đổi các tù nhân chính trị bị Putin bắt giữ để lấy các gián điệp bị bắt ở phương Tây đánh dấu vụ trao đổi lớn nhất thuộc loại này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và được các phương tiện truyền thông Nga ca ngợi là một “thành công” đối với Vladimir Putin. Liên Bang Nga hiện có rất nhiều các tù nhân chính trị đang bị Putin bắt giữ, và nếu thiếu Putin có thể bắt thêm vào bất cứ lúc nào.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm xác nhận rằng Nga đã được bàn giao 8 điệp viên và đặc vụ, bao gồm cả sát thủ chính trị Vadim Krasikov, người bị kết án ở Đức về vụ giết người ở Berlin năm 2019. Putin trước đây đã mô tả trong một cuộc phỏng vấn rằng tên sát thủ này là một “người yêu nước”, người đã “thanh lý một tên cướp” ở “một trong những thủ đô của Âu Châu”.

Đổi lại, Putin trả tự do cho 16 tù nhân, trong đó có phóng viên Evan Gershkovich của The Wall Street Journal, một công dân Mỹ 32 tuổi bị giam giữ ở Nga vào tháng 3 năm 2023, và công dân Mỹ Paul Whelan, cựu quan chức hải quân và an ninh máy tính, người đã bị bắt giữ. ngồi tù ở Nga từ năm 2018.

Maximilian Hess, thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với Newsweek rằng việc hoán đổi là một “thành công” đối với Putin. Và Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House và là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến của Nga với mọi người”, nói với Newsweek rằng việc hoán đổi là sự xác nhận về những xu hướng đã thấy trong quan hệ Mỹ-Nga. Ông mô tả những diễn biến này là “một thành công toàn diện cho Nga” và có thể sẽ được lặp lại trong tương lai. Nó có thể giúp giải thoát một số tù nhân chính trị bị Putin bắt giam nhưng đồng thời nó cũng khích lệ tên bạo chúa bắt giam thêm nhiều người khác.

Hess cảnh báo rằng “Cuộc trao đổi này sẽ là động lực thúc đẩy việc tuyển dụng những người muốn thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài vì đây là minh chứng cho thấy Nga sẽ thực hiện các bước để chăm sóc người dân của mình ngay cả khi họ bị bắt quả tang, bị kết án và cuối cùng bị tống vào nhà tù nước ngoài”.

Cuộc trao đổi này đánh dấu vụ trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, khi 23 nhân viên CIA được đổi lấy 4 điệp viên Liên Xô vào năm 1985. Năm 2010, một cuộc trao đổi quy mô lớn khác diễn ra tại Sân bay Quốc tế Vienna chứng kiến “sự trở lại Nga của 10 công dân Nga bị buộc tội ở Mỹ, cùng với việc chuyển giao đồng thời 4 cá nhân đã bị kết án trước đó ở Nga sang Mỹ”, Bộ Ngoại giao Nga khi đó cho biết.

8. Luật đặc vụ nước ngoài của Georgia có hiệu lực

Luật đặc vụ nước ngoài gây tranh cãi của Georgia có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8, và các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài có một tháng để ghi danh với Bộ Tư pháp.

Nếu không làm như vậy trước ngày 1 tháng 9, khi giai đoạn giám sát chính thức bắt đầu, có thể bị phạt 25.000 lari Georgia hay 9.200 Mỹ Kim.

Luật đặc vụ nước ngoài, lần đầu tiên được đưa ra tại quốc hội vào năm 2023 bởi đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia, sẽ yêu cầu các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài phải bị dán nhãn như vậy. Các cuộc biểu tình rộng rãi đã nổ ra để phản đối luật được đề xuất và cuối cùng nó đã bị hủy bỏ vào tháng 3 năm 2023.

Tuy nhiên, Giấc mơ Georgia đã khôi phục luật này vào tháng 4 năm 2024 và thông qua nó trước các cuộc biểu tình lịch sử trên đường phố và sự lên án của quốc tế.

Đạo luật này, cùng với việc sử dụng quá mức lực lượng cảnh sát đối với người biểu tình và sự đàn áp ngày càng tăng đối với xã hội dân sự, đã làm căng thẳng mối quan hệ của Georgia với các đồng minh truyền thống phương Tây.

Với luật này, tất cả các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo bao gồm Caritas, các Tòa Giám Mục, và các giáo xứ trong những miền truyền giáo từ nay sẽ bị coi là đặc vụ nước ngoài.

Kết quả là những hậu quả hữu hình đã bắt đầu xuất hiện.

Mỹ đã thực hiện đợt trừng phạt đầu tiên đối với các quan chức chính phủ Georgia vào ngày 6 tháng 6, áp đặt các hạn chế đi lại đối với những cá nhân “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc phá hoại nền dân chủ ở Georgia”.

Ngày 5 Tháng Bẩy, Mỹ đã quyết định hoãn vô thời hạn các cuộc tập trận quân sự chung với Georgia.

Ngày 31 Tháng Bẩy, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tạm dừng viện trợ hơn 95 triệu Mỹ Kim cho Georgia.

Động thái này của Mỹ diễn ra vài tuần sau khi Brussels đóng băng 30 triệu euro hay 32 triệu Mỹ Kim tài trợ cho lĩnh vực quốc phòng cho Georgia sau khi nước này tạm dừng quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 6.
 
Cựu Tổng thống Trump ngỏ lời với người Công Giáo. Liverpool: 11 bé gái bị tấn công, 3 em thiệt mạng
VietCatholic Media
16:57 02/08/2024


1. Cựu Tổng thống Trump nói rằng đảng Dân chủ đang 'săn đuổi người Công Giáo', cụ thể là Harris vì những lời chỉ trích của bà ấy đối với các Hiệp sĩ Kha Luân Bố

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Trump says Democrats are ‘after Catholics,’ calls out Harris for her criticism of Knights”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Cựu tổng thống Donald Trump đã cáo buộc đảng Dân chủ “săn đuổi người Công Giáo” và chỉ trích gay gắt đối thủ của ông, Phó Tổng thống Kamala Harris, vì bà ta đã thẩm vấn gay gắt các ứng cử viên tư pháp là thành viên của Hiệp sĩ Columbus hay Kha Luân Bố.

Trong bài phát biểu ngày 26 tháng 7 tại Hội nghị thượng đỉnh các tín hữu của Turning Point Action, Ông Trump cáo buộc rằng “trong chính quyền đó có ai đó không thích người Công Giáo”, đồng thời nói thêm rằng “Tôi không nghĩ đó là Biden vì tôi không nghĩ ông ấy không hiểu ông ta đang làm cái quái gì.”

Cựu tổng thống nói: “Tôi không biết làm thế nào một người Công Giáo lại có thể bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ vì họ săn đuổi người Công Giáo cũng ráo riết như họ săn đuổi tôi”. “Làm sao một người Công Giáo lại bỏ phiếu cho một đảng viên Đảng Dân chủ trước những gì họ đang làm cho những người Công Giáo? Tôi không thể hiểu được.”

Ông Trump đã được báo chí nhắc đến nhiều vì sự kiện diễn ra từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 28 tháng 7. Hội nghị thượng đỉnh, bao gồm nhiều diễn giả Kitô giáo, tập trung vào việc “trao quyền cho những người tham dự với kiến thức thực tế và chiến lược để sống theo đức tin của họ một cách dạn dĩ và chống lại những câu chuyện ' thức tỉnh' đang thịnh hành với ân sủng, sự thật và niềm tin, bắt nguồn từ Tin Mừng,” theo trang web của sự kiện.

Trong bài phát biểu của mình, cựu Tổng thống Trump cam kết “ngăn chặn việc chính quyền Biden-Harris vũ khí hóa việc thực thi pháp luật để chống lại những người Mỹ có đức tin” và “Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang, gọi tắt là FBI, sẽ không còn được phép tấn công, đàn áp, hoặc vây bắt Kitô hữu hoặc những nhà hoạt động ủng hộ sự sống và tống họ vào tù vì họ sống theo niềm tin tôn giáo của họ.”

Là một phần trong những chỉ trích đối với chính quyền hiện tại, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump đã chỉ ra bản ghi nhớ FBI Richmond bị rò rỉ vào tháng 2 năm 2023, trong đó cho thấy cơ quan này đang điều tra mối liên hệ được cho là giữa những người Công Giáo “truyền thống” và “phong trào dân tộc chủ nghĩa da trắng cực hữu”. FBI đã rút lại bản ghi nhớ ngay sau khi nó được công khai. Một báo cáo tháng 4 từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khẳng định không có bằng chứng nào về “ý định xấu” trong việc tạo ra tài liệu.

Chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống cũng tập trung vào các vụ bắt giữ và truy tố quyết liệt gần đây của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đối với các nhà hoạt động ủng hộ sự sống, những người bị kết tội vi phạm Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám, gọi tắt là FACE. Một số nhà hoạt động là người Công Giáo. Nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã cáo buộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhắm vào các nhà hoạt động phò sự sống trong khi bỏ qua việc điều tra đầy đủ các tội ác chống lại các trung tâm mang thai ủng hộ sự sống, là điều mà Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã phủ nhận.

Trong bài phát biểu của mình, cựu Tổng thống Trump đã đề cập đến một trong những nhà hoạt động ủng hộ sự sống, Paulette Harlow, một người Công Giáo đã bị kết án 24 tháng tù hồi đầu năm nay vì tham gia vào cuộc phong tỏa ủng hộ sự sống tại một phòng khám phá thai ở Washington, DC.

“Kể từ thời điểm tôi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tôi sẽ nhanh chóng xem xét trường hợp của từng tù nhân chính trị đã trở thành nạn nhân bất công của chế độ Biden-Harris để chúng tôi có thể đưa họ ra khỏi nhà tù và trở về với gia đình nơi họ thuộc về,” cựu tổng thống nói “Có rất nhiều người trong số họ đang phải ngồi tù, và trong số đó có Paulette Harlow, một phụ nữ 75 tuổi sức khỏe kém bị chính quyền Biden-Harris tống vào tù vì biểu tình ôn hòa bên ngoài một phòng khám.”

Ông Trump cũng chỉ ra rằng Harris đã đưa ra những câu hỏi nhắm vào các ứng cử viên tư pháp liên bang là thành viên của Hiệp sĩ Columbus. Ông nói: “Ý thức hệ cánh tả cực đoan mà Kamala ủng hộ thực sự là thù địch một cách quyết liệt đối với những người Mỹ có đức tin.”

Ông Trump nhấn mạnh: “Bà ấy tấn công ác độc những ứng cử viên tư pháp có trình độ cao chỉ vì họ là thành viên của Hiệp sĩ Columbus, cho thấy rằng đức tin Công Giáo của họ đã loại họ khỏi tư cách phục vụ trên các tòa án liên bang”.

Khi đề cử Brian Buescher vào Tòa án Quận Hoa Kỳ cho Quận Nebraska được đưa ra vào năm 2018, Harris lúc bấy giờ là Thượng nghị sĩ hỏi anh ta liệu anh ta có biết rằng “Hiệp sĩ Columbus phản đối quyền lựa chọn của phụ nữ khi anh tham gia tổ chức này không” và liệu anh có biết “rằng Hiệp sĩ Columbus phản đối bình đẳng hôn nhân khi anh gia nhập tổ chức hay không.” Trả lời Harris, Buescher cho biết: “Hiệp sĩ Columbus là một tổ chức phục vụ Công Giáo Rôma với khoảng 2 triệu thành viên trên toàn thế giới.”

Ông Trump cũng nhắc lại lời hứa của mình là “thành lập một lực lượng đặc nhiệm liên bang mới để chống lại thành kiến chống Kitô giáo, và nhiệm vụ của lực lượng này sẽ là điều tra tất cả các hình thức phân biệt đối xử, quấy rối và đàn áp bất hợp pháp đối với các Kitô hữu ở Mỹ”.

Trong chu kỳ bầu cử năm 2020, chiến dịch tranh cử của Ông Trump đã thành lập một liên minh tiếp cận Công Giáo mang tên Người Công Giáo ủng hộ Ông Trump, do Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Hoa Kỳ Matt Schlapp, cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Newt Gingrich và cố vấn chính trị Mary Matalin lãnh đạo.

CNA đã liên hệ với chiến dịch tranh cử của Ông Trump để hỏi liệu một nỗ lực tiếp cận tương tự đã được triển khai cho cuộc bầu cử năm 2024 hay chưa nhưng chưa nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bài.

Ông Trump tự mô tả mình là một Kitô hữu phi giáo phái. Người bạn tranh cử của ông, JD Vance, là một người cải đạo sang Công Giáo. Tổng thống Biden là người Công Giáo và Harris là người theo đạo Baptist.

2. Tổng giám mục Công Giáo cầu nguyện cho 'hòa bình, chữa lành và công lý' sau vụ tấn công bằng dao ở Anh

Đức Tổng Giám Mục Malcolm McMahon thuộc Tổng Giáo phận Liverpool kêu gọi người Công Giáo cùng ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công bằng dao tại một lớp học khiêu vũ dành cho trẻ em ở Southport, Anh, khiến ba bé gái thiệt mạng và gần chục người bị thương.

Ngài nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai, ngày 29 tháng 7, sau vụ tấn công, rằng: “Đối với những người bị thương, đối với cha mẹ, gia đình và bạn bè của những người bị thương, đối với tất cả những người tham gia vào dịch vụ cấp cứu, chúng tôi cầu nguyện xin Chúa ban phước lành, bình an và sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay”.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Chúng ta hãy phó thác tất cả cho sự chuyển cầu yêu thương của Đức Mẹ, Đấng An ủi những người đau khổ khi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, sự chữa lành và công lý”. “Những lời cầu nguyện của tôi dành cho anh chị em.”

Ba đứa trẻ – Bebe King 6 tuổi, Elsie Dot Stancombe 7 tuổi và Alice Dasilva Aguiar 9 tuổi – đã chết trong vụ tấn công bằng dao xảy ra tại một lớp học khiêu vũ theo chủ đề Taylor Swift ở tây bắc nước Anh, theo cảnh sát Merseyside. Cơ quan thực thi pháp luật đã bắt giữ một nam thanh niên 17 tuổi liên quan đến vụ đâm nhưng vẫn chưa xác định được động cơ.

Theo cảnh sát, 8 đứa trẻ khác tham gia lớp học khiêu vũ, 5 đứa trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch vì bị đâm những nhát dao trí mạng. Hai người lớn bị thương cũng đang trong tình trạng nguy kịch.

Đức Cha McMahon cũng cùng với Giám Mục Phụ Tá Tom Neylon và 9 nhà lãnh đạo Kitô giáo Tin Lành địa phương đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ lời chia buồn và lên án bạo lực.

Tuyên bố chung viết: “Mạng sống con người là một món quà quý giá và việc nó bị tước đoạt khỏi những đứa trẻ còn quá nhỏ thực sự rất đau lòng”.

Các ngài nói: “Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình và người thân của tất cả những người đã thiệt mạng”. “Chúng tôi cầu nguyện cho những người vẫn bị bệnh nặng và bị thương. Chúng tôi ghi nhớ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện khủng khiếp này trong trái tim và những lời cầu nguyện của chúng tôi, đồng thời kêu gọi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và không theo tôn giáo nào đến với nhau để hỗ trợ họ bằng bất cứ cách nào chúng tôi có thể.”

Tuyên bố kết luận: “Chúng tôi cam kết chống lại sự tàn bạo và bạo lực dưới mọi hình thức và làm tất cả những gì có thể để xây dựng các cộng đồng an toàn, quan tâm và vững mạnh”.

Theo cảnh sát, vụ tấn công bằng dao đã dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự và bạo loạn vào tối thứ Ba, khiến 49 viên chức cảnh sát và 4 người khác bị thương. Những kẻ bạo loạn đã tấn công cảnh sát và một nhà thờ Hồi giáo địa phương, sau tin đồn trên mạng rằng kẻ tấn công là người Hồi giáo. Theo British Broadcasting Corporation, nghi phạm sinh ra ở Vương quốc Anh và cha mẹ anh ta là người nhập cư từ Rwanda, một quốc gia chủ yếu theo Kitô giáo ở miền trung Phi Châu.

Cảnh sát chưa công bố tên của nghi phạm. Theo cảnh sát, “một cái tên đã được chia sẻ trên mạng xã hội có liên quan đến nghi phạm”, nhưng “cái tên này không chính xác và chúng tôi kêu gọi mọi người không suy đoán chi tiết về vụ việc trong khi cuộc điều tra đang diễn ra”.

3. Chính thống Constantinople phê bình hoạt cảnh phạm thượng trong lễ khai mạc Olympic

Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople, ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu Chính thống giáo, đã ra thông cáo phê bình những màn trình diễn phạm thượng trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris, chiều ngày 26 tháng Bảy vừa qua và nhấn mạnh rằng “phạm thượng không phải là tiến bộ”!

Từ sau lễ nghi khai mạc, nhiều cá nhân và tổ chức tiếp tục lên tiếng phản đối những cảnh trình diễn phạm thượng, chế giễu Kitô giáo, nhân danh tự do sáng tác nghệ thuật và tự do sống như mình muốn tại nước Pháp.

Trong thông cáo, công bố hôm 29 tháng Bảy vừa qua, Tòa Thượng phụ Chính thống khẳng định rằng: “Thế vận hội Olympic là một sinh hoạt thể thao thu hút sự quan tâm của hàng triệu người ở các nơi trên thế giới và lễ nghi khai mạc có tầm quan trọng rất lớn, vì đó là một cơ hội để quốc gia chủ nhà làm nổi bật lịch sử và văn minh của mình trong khi gửi đi sứ điệp cho cả thế giới. Vậy mà trong lễ nghi khai mạc ở Paris, chúng tôi rất đau buồn chứng kiến sự trình diễn những màn tấn công Kitô giáo và Thánh Tin mừng, xúc phạm đến mọi người văn minh, vốn nhìn nhận quyền tín ngưỡng và tôn trọng các biểu tượng tôn giáo. Những cảnh tượng đó không những không làm cho lễ khai mạc được phong phú, nhưng thực tế càng là làm cho nó nghèo nàn”. Tòa Thượng phụ giải thích rằng: “Phạm thượng chống lại Thiên Chúa không phải là một tiến bộ; cũng vậy, sự lăng mạ tín ngưỡng của dân chúng, đó không phải là một quyền. Chúng tôi mong rằng phản ứng bộc phát phủ nhận và phê bình đang gửi một sứ điệp đủ mạnh cho những người có trách nhiệm và sẽ là một nguồn hy vọng phòng ngừa những hành động tương tự trong tương lai”.