Ngày 21-07-2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lên Đường tới Rio
Vũ Văn An
09:07 21/07/2013
Rio và giới trẻ thực sự đã bước vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Từ Úc Châu, hơn 1,800 khách hành hương cùng với 16 giám mục đã lên đường tới thành phố có tượng Chúa Kitô Cứu Chuộc được liệt kê như một trong Bẩy Kỳ Quan Mới của thế giới này.

Họ thuộc 40 nhóm khác nhau lên đường từ khắp nước Úc. Nhóm đông nhất là nhóm của Tổng Giáo Phận Sydney, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008. Nhóm này gồm 450 người do Đức Hồng Y George Pell và 3 giám mục phụ ta hướng dẫn.

Trong khi đó, Đức Cha Anthony Fisher, Giám Mục Parramatta và là giám đốc Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney, hướng dẫn nhóm đông thứ hai gồm 250 khách hành hương.

Những nhóm hành hương này đại diện rộng rãi cho Giáo Hội Úc Châu, trong đó có cả một nhóm Thổ Dân đi từ Darwin và một nhóm người Việt đi từ Nam Úc. Nhiều nhóm bao gồm các chương trình hòa mình và truyền giáo vào hành trình lần này. Hợp tác với các phong trào và tổ chức như Phong Trào Sự Sống Công Giáo, Caritas và Dòng Columbans, khách hành hương Úc sẽ thực hiện nhiều dự án xây dựng như cầu thang cho nhiều thế đất hiểm trở, các trung tâm sinh hoạt và cả nhiều nhà nguyện nữa.

Đức Cha Fisher, giám mục phụ trách giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, cho hay: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp tục mời gọi giới trẻ của Giáo Hội chúng tôi tại Úc dấn thân, và Ngày Giới Trẻ Rio là cuộc hành hương lớn nhất của chúng tôi tới một Ngày Giới Trẻ Thế Giới không tổ chức tại Âu Châu. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội và trong đời sống người trẻ. Ngày Giới Trẻ Rio là dịp may độc đáo để giới trẻ phục vụ trong kinh nghiệm truyền giáo tại Nam Mỹ, và gặp gỡ Đức Thánh Cha đầu tiên người Nam Mỹ của chúng tôi”.

Trong tuần lễ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, 4 giám mục Úc, Đức HY Pell, Đức TGM Mark Coleridge của Brisbane, Đức Cha Eugene Hurley của Darwin và Đức Cha Bishop Fisher đã được yêu cầu dạy giáo lý cho giới trẻ. Úc cũng sẽ cung cấp các nhóm sinh động giáo lý đến từ hai tổng giáo phận Sydney và Perth. Các nhóm này sẽ phối hợp các buổi giáo lý vào buổi sáng các ngày Thứ Tư, Thứ Năm và Thứ Sáu của Đại Hội. Ngày sinh hoạt chung dành cho các nhóm Úc sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 7, tại Vivo Rio, từ 2 giờ tới 4 giờ chiều, nhằm xây dựng căn tính và cổ vũ hiệp thông giữa các khách hành hương.

Malcolm Hart, viên chức kỳ cựu tại thừa tác vụ giới trẻ thuộc Ủy Ban Mục Vụ Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Úc, đặt nhiều kỳ vọng ở cuộc họp mặt trên. Anh cho hay: cuộc họp tương tự “tại Madrid hết sức phấn khích và thực sự đã tạo được một cảm thức mục đích cho tuần lễ chúng tôi ở với nhau. Tập chú của cuộc gặp năm nay sẽ là việc suy niệm Năm Hồng Ân và làm thế nào chuyển từ giai đoạn suy niệm qua giai đoạn hành động vì chúng tôi vốn được mời gọi ra đi và làm muôn dân thành môn đệ. Phần lớn các chương trình sẽ đầy ngạc nhiên đối với người tham dự, nhưng năm nay, tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ được nghe một số đông người hành hương trẻ của Úc, các giám mục và một số nhạc sĩ Công Giáo mới ra lò. Chúng tôi cũng sẽ chào mời một đoàn hạc sĩ quốc tế thăm Úc vào cuối năm nay để tham dự Ngày Lễ Hội Giới Trẻ Công Giáo Úc”.

Rio đã sẵn sàng

Lisa Flueckiger của tờ Rio Times cho hay Rio, Cidade Maravilhosa, Thành Phố Diệu Kỳ, đã sẵn sàng đón tiếp tuổi trẻ và người hành hương thế giới, ước chừng hơn hai triệu. Thành phố đã dự trù nhiều biện pháp để bảo đảm giao thông và an ninh cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhất là sau những đợt biểu tình hồi tháng Sáu vừa qua.

Nhà cầm quyền đã công bố các ngày 25 và 26 tháng Bẩy là ngày nghỉ cũng như nửa ngày 23. Các cơ sở thương mại nói chung như cửa tiệm và nhà hàng vẫn sẽ mở cửa, trừ ngân hàng.

Nhà cầm quyền cũng sẽ tăng cường nhân viên thuế quan và cảnh sát từ 16 tới 193 phần trăm tùy theo khu vực. Lực lượng an ninh của thành phố đã được tăng cường bởi 10,000 binh sĩ cộng với 12,000 cảnh sát dân sự. Ngoài ra còn hàng trăm cảnh sát thường phuc nữa. Số xe buýt đường xa cũng sẽ được gia tăng với 20,000 xe nữa chạy về Rio trong các ngày hội. Các cuộc bố ráp chống các xe búyt bất hợp pháp cũng đã được tổ chức và một trang mạng đã được thiết lập để khách hành hương kiểm soát tính hợp pháp của các xe buýt. Các khách sạn trong thành phố đã được giữ chỗ tới 60%.

Để theo dõi diễn tiến tổng quát của các biến cố, một Trung Tâm Quản Trị Rủi Ro cũng đã được thiết lập và sẽ hoạt động 24 trên 24 tiếng đồng hồ với sự hợp tác của nhiều thiện nguyện viên trên đường phố. Họ sẽ sử dụng điện thoại thông minh và kỹ thuật bản đồ để thông báo những gì đang xẩy ra trong thành phố và cung cấp những hình ảnh đúng lúc.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là một thử nghiệm đối với an ninh và hạ tầng của Rio trước Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2014 và Thế Vận Hội năm 2016 cũng như khả năng đương đầu với số lượng du khách khổng lồ.

Thay đổi xã hội trong vùng

Tờ Rio Times cũng đăng nhận định của Paul J. Griffiths, Giáo Sư Thần Học Công Giáo tại Phân Khoa Thần Học Duke, về chuyến đi Rio của Đức Phanxicô nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Theo ông, đối với người Công Giáo thế giới, không có sức mạnh thay đổi nào lớn hơn các quan điểm của một vị giáo hoàng. Nhân cuộc tông du đầu tiên ra ngoại quốc để thăm Ba Tây, Đức Phanxicô có dịp nói rõ bản chất triều đại giáo hoàng của mình. Thành thử, đây là cuộc tông du đáng theo dõi không những vì nó sẽ cho thấy rõ bản chất ngôi vị giáo hoàng, mà còn có thể khởi diễn nhiều thay đổi lớn lao về xã hội và kinh tế trong vùng.

Là một người Á Căn Đình và Hồng Y TGM Buenos Aires từ năm 2001 tới ngày được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô biết rõ số phận của hàng triệu người nghèo trong vùng. Ngài là người có kính nghiệm trực tiếp từ hồi còn trẻ về những bất quân bình lớn lao về giầu có và quyền lực vốn là đặc điểm của các thành phố lớn trên thế giới ngày nay.

Giống Rio de Janeiro và São Paulo, những địa điểm của các cuộc biểu tình gần đây, Buenos Aires là một trong các thành phố nơi tương lai Đạo Công Giáo ở Nam Mỹ sẽ được quyết định. Giống các thành phố vẫn còn đang phát triển hỗn độn tại nam bán cầu, các thành phố này hiện là trung tâm cho những khu ổ chuột kinh hoàng không kém những khu nghèo nàn nhất của New York và London ngày trước, và chỉ cách các cộng đồng kinh tế ưu đãi vài bước.

Tại Ba Tây ngày nay, và nhất là tại São Paulo và Rio, các người biểu tình không những rất quan tâm tới nạn tham nhũng và việc gia tăng giá cả đối với các nhu yếu phẩm, mà còn quan tâm tới những bất bình đẳng sâu xa nữa, giống như Phong Trào Chiếm Dụng (Occupy Movement) tại Mỹ vậy. Tuy chưa đòi thay chế độ, nhưng họ từng tuyên bố không thể chấp nhận các bất quân bình họ đang chứng kiến và sống với.

Đức Phanxicô dự tính dành gần hết thời gian thăm Ba Tây cho Rio, và sẽ thăm một trong các khu ổ chuột tệ nhất của thành phố này, tức khu ổ chuột Varginha, thuộc khu vực Manguinhos. Liệu ngài có tìm ra lời để nói với người nghèo Rio, và qua họ, nói với người nghèo Ba Tây, người nghèo Nam Mỹ và người nghèo thế giới hòng an ủi họ và gợi hứng cho họ, giúp huấn luyện họ thành một lực lượng thay đổi hay không? Liệu ngài có tìm ra cách để nói với chính phủ Ba Tây và thế giới bằng những ngôn từ cho thấy: hiện trạng sự vật hiện nay không thể nào chấp nhận được, cần có những thay đổi sâu xa và có tính cơ cấu?

Ngài từng đưa ra một vài dấu hiệu cho thấy ngài quan tâm đặc biệt đối với vấn đề nghèo đói, và từng đặc biệt đồng hóa với người nghèo. Tên hiệu giáo hoàng của ngài, tức tên của Thánh Phanxicô Assisi, là một trong các dấu hiệu này.Trong số tất cả các thánh, Thánh Phanxicô là vị thánh suy nghĩ nhiều hơn hết về bản chất của nghèo đói, và ta nên hay không nên tiếp nhận nó ra sao. Ngài nói về điều này một cách sâu sắc đến nỗi vừa có thể khẳng định người nghèo trong cảnh nghèo của họ vừa chỉ ra cách để họ và cả những người áp bức họ có thể thay đổi được hiện trạng cho tốt hơn.

Và ngài đã làm việc trên với một sức htuyết phục không ai có được. Các chính phủ quốc gia và các cơ quan nhà nước, tại Ba Tây cũng như tại các nơi khác, đều ngập ngừng trong các vấn đề này. Người ta thấy họ rõ ràng đang nằm trong tay các phần tử ưu đãi, và những điều họ làm và nói về các vấn đề này không có được sức thuyết phục tinh thần.

Còn Đức Phanxicô thì sao? Ở đây, ta thấy đã có tiền lệ: Đức Phanxicô có thể gây xúc tác cho các thay đổi xã hội và kinh tế đối với cảnh nghèo ở Châu Mỹ La Tinh và nam bán cầu theo cùng cung cách như Đức Gioan Phaolô II đã làm trong thập niên 1980 đối với ách thống trị Xô Viết tại Đông Âu.

Nhưng ta thấy có nan đề. Từ thập niên 1970, Giáo Hội Công Giáo tại Nam Mỹ từng tạo ra rồi lại bác bỏ một phong trào thần học, tức thần học giải phóng, mà quan tâm hàng đầu là thân phận người nghèo, và nhiều lần đã “liên minh” với một số chế độ chính trị áp chế tại đó. Đức Phanxicô, theo Griffiths, cần vượt qua các trở ngại do lịch sử này tạo ra mới mong tìm được tiếng nói trong các các vấn đề này.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tất cả mọi thứ đều bị mất trong chiến tranh”
Jos. Tú Nạc, NMS
08:56 21/07/2013
ROMA – Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập lại lời của Đức Giáo Hoàng Piô XII vào Thế chiến II trong một thông điệp hôm 19 tháng 7, đánh dấu 70 năm Vương Cung Thánh đường San Lorenzo ở Roma bị đánh bom.

“Ký ức về vụ đánh bom của ngày đầy xúc động đó một lần nữa tạo tiếng vang trong từng lời của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ‘Không có gì mất bởi hòa bình, mọi thứ đều có thể mất vì chiến tranh.’” Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu hôm 19 tháng 7. Hòa bình là hồng ân của Thiên Chúa, tìm kiếm những tâm hồn độ lượng như vậy và để đón nhận Người để làm việc, để trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải,” ngài đã nói với tổng đại diện giáo phận Roma, Đức Hồng Y Agostino Vallini.

Vương cung Thánh đường San Lorenzo bị đánh bom vào ngày 19 tháng 7 năm 1943 bởi máy bay của quân đồng minh nhằm làm gián đoạn sự vận chuyển giao thông đường sắt, và là vụ đánh bom thẳm khốc nhất ở Roma trong Thế chiến II.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng việc kỷ niệm sự kiện này cũng là “một cơ hội để cầu nguyện cho những người đã mất và một mối suy tư phục hồi những tai họa khủng khiếp của chiến tranh, cũng như một biểu hiện của lòng biết ơn đến với một con người, một người Cha ân cần, chu đáo.”

Trong thông điệp gửi Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng cũng đã cổ vũ hỗ trợ cho những người vô gia cư và những người bị tổn thương. “Tôi muốn được nhắc nhở đến tất cả những ai, trong khoảnh khắc ấn tượng đó, cần phải hợp tác trong việc cung cấp tinh thần và vật chất để giúp chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn cùng với sự chu cấp hỗ trợ cho những người vô gia cư,” ngài nói. Ngài nhấn mạnh rằng vào thời điểm đó, “Nhiều giám mục, linh mục, các tu sỹ nam nữ ở Roma và khắp nước Ý giống như người Samarita Nhân hậu trong dụ ngôn của Tin Mừng, tìm sự hỗ trợ người anh em của mình trong cơn hoạn nạn, giúp anh ta và cho anh ta niềm hy vọng, ủi an.”

Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII, ngài hồi tưởng, “Đừng ngần ngại mà bỏ chạy, ngay lập tức và không cần trợ tống, giữa những đổ nát vẫn mịt mù khói lửa của thị trấn San Lorenzo, để giúp đỡ và an ủi trong cơn kinh hoàng. Thậm chí vào lúc đó, ngài đã tỏ ra là một mục tử chăm sóc, người mà sống giữa đàn chiên của mình, nhất là trong những lúc thử thách, sẵn sàng chia sẻ những đau thương của chiên mình.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng nghĩa cử của Đức Pi-ô XII là một “dấu hiệu làm việc không ngừng của Tòa Thánh và Giáo Hội dưới những hình thức khác nhau, các giáo xứ, các dòng tu, các trường nội trú, mang niềm an ủi đến cho người dân.” Ngài lưu ý “trong số những người khác, tôi muốn đề cập đến Đức Cha Giovanni Battista Montini, sau là Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, lúc đó ngài là Thứ trưởng Ngoại giao, đã cùng đi với Đức Pi-ô XII trong chuyến thăm Barrio vừa bị bom tàn phá.”
 
Tòa Thánh Vatican đôn đốc ứng dụng cập nhật trong thời gian Đại hội Giới trẻ Thế giới
Jos. Tú Nạc, NMS
09:22 21/07/2013
DALAS TEXAS – Một ứng dụng cầu nguyện Công Giáo phổ biến cho điện thoại thông minh đã được hoàn thành chỉ trong thời gian diễn ra Ngày GTTG, theo yêu cầu của Tòa Thánh Vatican. Anh Andres Ruzo, người phát triển ứng dụng chương trình cầu nguyện “Ignio” nói với Thông Tấn xã Công Giáo rằng: “Một cách cơ bản, đó là một sáng kiến hoàn toàn mới mẻ với một diễn đàn mới”.

Ignio, một ứng dụng phục vụ như loại mạng cầu nguyện Công Giáo đã trải qua một vài thay đổi lớn từ khi Tòa Thánh Vatican yêu cầu để "Ignio" App sẵn sàng trước khi Ngày GTTG khởi sự được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2013.

Những cập nhật cho ứng dụng này gồm thêm tiếng Tây Ban Nha, Ý, và Bồ Đào Nha, để có sẵn trên các thiết bị Android cũng như IPhone, và hàng ngày sẽ tóm tắt những bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoặc của các cử tọa. “Chúng tôi cố gắng để mang ánh sáng đến cho thế giới này đang bị tấn công tới tấp bởi bóng tối trên diễn đàn xã hội”, Ruzo giải thích.

Cả hai Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội; và Đức Tổng Giám mục Octavio Ruiz Arenas, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Tân Truyền bá Phúc Âm, đã yêu cầu "Ignio" nhanh chóng cập nhật kịp thời để sẵn sàng cho sự kiện quan trọng ở Brazil vào tuần tới.

Phiên bản ban đầu đã có 17.000 lượt tải, và đánh giá 4 sao từ người sử dụng, nhưng Ruzo hy vọng rằng phiên bản 2.0 thậm chí sẽ giành được sự phổ biến rộng rãi hơn vì chất lượng của nó và diễn đàn lớn hơn. “Cửa ngỏ hẹp này là điều sẽ thúc đẩy sự thay đổi.”

Với sự gợi ý từ phương tiện truyền thông xã hội, những nhà thiết kế "Ignio" App có ý định tạo ra một “cộng đồng tâm linh” để cho phép kết nối các bạn trer3 và mọi thành phần dân Chúa qua lời cầu nguyện, suy niệm Thánh Kinh nghe bài giảng, và thúc đẩy việc sống đức tin siêu nhiên bằng cách khi vào Ignio sẽ đốt lên một cây nến, cây nến này sẽ chásáng từ từ lên - nếu bạn năng vào đó suy niệm mỗi ngày; nhưng ngọn nến sẽ giảm sáng, nếu như bạn lười biếng không chịu đọc phúc âm, nghe bài giảng hoặc cầu nguyện mỗi ngày - tùy thuộc vào hoạt động của người sử dụng. Trên trang Ignio bạn cũng có thể nối kết và cầu nguyện cho bạn bè, củng cố khuyến khíchạn bè nếu như họ cũng gia nhập Ignio.

Phiên bản Android sẽ có mặt vào ngày 1 tháng 8, nhưng những ngôn ngữ mới và tóm tắt các bài phát biểu cũng như những bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có từ 18 tháng 7.
 
Tâm tình của ĐTC trước giờ lên đường tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio
VietCatholic Network
09:39 21/07/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21 tháng 7 tại quảng trường Thánh Phêrô

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng trước khi đến Rio de Janeiro, nơi sẽ diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới - mà ngài gọi là "Tuần lễ Thanh niên" - Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng lời cầu nguyện không dẫn đến hành động cụ thể là một lời cầu nguyện vô vị và khiếm khuyết.

Đức Thánh Cha nói:

"Thưa anh chị em, Chúa Nhật này chúng ta tiếp tục đọc chương thứ mười trong Phúc Âm Thánh Luca. Đoạn Tin Mừng hôm nay đề cập đến câu chuyện của Martha và Maria. Cả hai đều bày tỏ lòng hiếu khách với Chúa Giêsu khi Ngài đi ngang qua nhà họ, nhưng với những cách thức khác nhau. Maria ngồi bên chân Chúa lắng nghe lời Ngài trong khi Martha bận rộn với đủ mọi điều. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Điều quan trọng là phải hiểu rằng không có sự tương phản giữa hai thái độ: lắng nghe Lời Chúa, suy niệm trong lòng; và phục vụ thiết thực cho những người khác. Đó không phải là hai thái độ đối lập, nhưng, ngược lại, cả hai đều là những khía cạnh cần thiết không thể tách biệt trong đời sống Kitô hữu, nhưng phải kết hiệp sâu sắc và hài hòa."

"Đối với một Kitô hữu, các công trình phục vụ và bác ái không bao giờ có thể tách biệt chúng ta ra khỏi căn cội chính của tất cả các hành động của chúng ta là lắng nghe Lời Chúa”

“Trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, thưa anh chị em, cầu nguyện và hành động luôn luôn phải kết hiệp sâu sắc. Một lời cầu nguyện không dẫn đến hành động cụ thể đối với anh em nghèo túng, bệnh tật, và cần sự giúp đỡ là một lời cầu nguyện không sinh hoa kết quả và khiếm khuyết."

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng "trong các công việc của Giáo Hội nếu anh chị em chỉ chuyên tâm lo lắng các thứ, các chức năng, và cấu trúc, mà quên đi vai trò trung tâm của Chúa Kitô, không dành thời gian để đối thoại với Ngài trong lời cầu nguyện, anh chị em chỉ có khả năng để phục vụ chính các thứ công việc ấy chứ không phải là Thiên Chúa hiện diện trong các anh em chị nghèo. Thánh Biển Đức tóm tắt lối sống cho nhà dòng của mình trong hai từ "ora et labora," cầu nguyện và làm việc; nghĩa là từ chiêm niệm, từ một quan hệ mạnh mẽ với Chúa, Đấng sinh ra trong chúng ta khả năng để sống theo thánh ý Chúa; chúng ta mang tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót, và lòng từ bi của Người đến với tha nhân."

Đức Thánh Cha nói với anh chị em tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô:

"Tôi thấy anh chị em viết trên những khẩu hiệu 'Chúc Đức Thánh Cha một chuyến đi thành công: Cảm ơn, Cảm ơn anh chị em. Tôi xin anh chị em đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện trong chuyến viếng thăm bắt đầu từ ngày mai. Như anh chị em đã biết, tôi sẽ đi đến Rio de Janeiro, Brazil, vào dịp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28. Sẽ có rất nhiều người trẻ ở đó, từ tất cả các nơi trên thế giới, và tôi nghĩ rằng biến cố này có thể được gọi là “Tuần lễ Thanh niên”. Những nhân vật chính trong tuần này sẽ là những bạn trẻ. Tất cả những người đến Rio để lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu, lắng nghe và hỏi Ngài: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong cuộc sống con'. Có bao nhiêu bạn trẻ cũng đang hiện diện tại quảng trường này? Các bạn cũng vậy, những người trẻ tuổi đang có mặt tại quảng trường này, hãy có cùng một câu hỏi với Chúa. Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong cuộc sống con? Con đường của con là gì?

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, rất được mến yêu và sùng mộ tại quốc gia này, những câu hỏi của những người trẻ tại Rio và của anh chị em. Và xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong giai đoạn mới này của cuộc hành trình vĩ đại của những người trẻ trên toàn thế giới. Cầu chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành! Một bữa ăn trưa ngon miệng và chào tạm biệt. "
 
Sau lũ lụt, phép lạ thư 69 tại Lộ Đức vừa được công nhận
Lê Đình Thông
12:39 21/07/2013
SAU LŨ LỤT, PHÉP LẠ THỨ 69 VỪA ĐƯỢC CÔNG NHẬN TẠI LỘ ĐỨC

Danila est la 69e miraculée officielle de Lourdes
Paris 21/07 - Ngày 19/07/2013, ông Joël Luzenko, thành viện văn phòng truyền thông đền thánh Lộ Đức, Pháp vừa cho báo chí biết: Ngày 20/06/2013, Đức Cha Gioavanni Giudici, giáo mục Giáo phận Pavie (Lombardie, Ý) đã chính thức công nhận phép lạ thứ 69 tại linh địa Lộ Đức.

Bà Danila Castelli sinh ngày 16/01/1946 bị bệnh biến chứng tăng huyết áp. Từ năm 1982, các hình chụp siêu âm cho thấy bà bị khối u tạo ra hóc môn catécholamine trong niệu sinh dục. Bà đã chịu nhiều phẫu thuật nhưng không đều có kết quả.

Bác sĩ Alessandro de Franciscis, chủ tịch văn phòng Y chứng cho biết mỗi ngày bà Castelli chịu nhiều đợt kịch phát lên đến 28/15. Tháng 5/1989, nhân chuyến hành hương tại Lộ Đức, bà tắm nước suối Lộ Đức và được khỏi bệnh. Hiện nay, bà đã hoạt động bình thường.

Từ 1989 đến 2010, Văn phòng Y chứng họp 5 phiên khoáng đại, đi đến kết luận là bà Caselli hoàn toàn bình phục nhờ hành hương Lộ Đức vào năm 1989. Hội chứng bình phục của bà hoàn toàn không có liên hệ gì đến trị liệu y khoa. Phép lạ này không thể giải thích được về mặt y học.

Sau đó, Văn phòng Y chứng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Ủy ban Y khoa Quốc tế Lộ Đức. Ủy ban gồm 20 bác sĩ y khoa. Sau khi xem xét hồ sơ, Ủy ban đã kết luận là các kỹ thuật y khoa hiện nay không giải thích được việc bình phục này.

Sau cùng, giám mục Pavie, giáo phận nơi bà Danila Castelle cư trú tại Bereguardo đã công bố phép lạ kỳ diệu mà việc lành bệnh là một dấu chỉ.

Từ năm 1858, có hơn 7 ngàn người được hoàn hoàn bình phục mà không giải thích được nhờ đến cầu xin tại hang đá Massabielle (Lộ Đức). Tháng 10/2012, nữ tu Luigina Traverso người Ý cũng đã được lành chứng đau cột sống.
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXVIII
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
13:23 21/07/2013
Đại Hội giới trẻ thế giới XXVIII.

Năm 1984 Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaoloô II. đã đưa ra sáng kiến kêu gọi mời Bạn Trẻ về Roma họp mặt dịp mừng Kỷ niệm giới trẻ thế giới. Từ sáng kiến thiên tài đó, Đại Hội giới trẻ thế giới đã thành hình trong đời sống Giáo Hội Công Giáo từ ngày đó với 27. lần Đại Hội, và lần thứ 28. sẽ được tổ chức diễn ra từ ngày 23. đến 28. tháng Bảy ở Rio de Janeiro bên nước Brazil thuộc miền Nam Châu Mỹ Latinh.

Đại Hội Giới trẻ thế giới đã trở thành một nếp sống đạo cho người trẻ trong Giáo Hội Công gíao đến nay trải qua với ba đời Gíao Hoàng, Gioan Phaolo II., Benedicto XVI và Phanxico. Vì Đức gíao Hoàng là người đứng ra triệu tập Bạn Trẻ lại, và chủ sự những buổi cầu nguyện, giảng dạy gặp gỡ với Bạn Trẻ. Trong qúa khứ đã có từng hàng trăm ngàn, hàng triệu Bạn Trẻ kéo về tham dự Đại Hội ở những lần trước.

1. Chủ đề đại hội 2013

Mỗi kỳ Đại hội diễn ra với một chủ đề. Đại hội giới trẻ thế giới 2013 với chủ đề lấy từ câu Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ:“ Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân“ (Mattheo 28, 19.)

Khi đưa ra chủ đề cho đại hội, đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. đã có suy tư:

„Các Bạn thân mến, các con đừng bao giờ quên rằng hành động đầu tiên của tình yêu mà các con có thể trao ban cho người khác chính là chia sẻ niềm hy vọng của chúng ta. Nếu chúng ta không trao cho họ chính Thiên Chúa, chúng ta đã trao cho họ quá ít ỏi! Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20).( Thông điệp Đại Hội Giới trẻ thế giới 2013)

Và đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. nhìn đại hội các Bạn Trẻ tụ họp về gặp gỡ trao đổi cách sống đức tin, đó là nền văn hóa gặp gỡ.

„Con đường để làm cho muôn dân trở thành môn đệ là thông qua Phép Rửa và việc học giáo lý. Như vậy, để dẫn người khác đi vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trước hết phải là một cuộc gặp gỡ sống động ngang qua Lời và các Bích Tích. Theo cách này, họ có thể tin vào Ngài; họ có thể đi đến việc biết Người và sống trong ân sủng của Ngài. Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Kitô giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng e ngại đề nghị một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô cho con người trong thời đại hôm nay. Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các bạn con đường để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, và để trở nên đầy sáng tạo trong việc công bố Tin Mừng.“ ( Thông điệp Đại Hội Giới trẻ thế giới 2013)

Đức đương kim giáo hoàng Phanxicô có suy tư về ý nghĩa câu kinh thánh chủ đề đại hội, khi làm chứng rao giảng tin mừng của Chúa là khơi dậy dấu chỉ sự hiện diện của Chúa luôn mãi trong đời sống (Jorge Mario Bergoglio, Papst Franziskus, Offner Geist und gläubiges Herz, Herder 2013,Tr. 21.)

Theo truyền thống đạo đức tốt lành, Đại Hội giới trẻ thế giới 2013 được đặt dưới sự bảo trợ thiêng liêng của các Thánh: Á Thánh giáo hoàng Gioan Phaoloô II., Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội Aparecida, Thánh Sebastian, Thánh Anton, Thánh nữ Terexa thành Lisieux.

Và 13 Vị Thánh khẩn cho Đại Hội nữa Thanh nữ Rosa Lima, Thánh Terexa thành Los andes, Á Thánh Laura, Á Thánh Giuse thành Anchieta, Á Thánh Albertina thành Berkenbrock, Á Thánh Chiara thành Luce Badano, Á Thánh Nữ tu Dulce, Á Thánh Adilo, Á Thánh Pier Giorgio, Á Thánh Isidore, Áb Thánh Frederich Oyanam, Thánh Georg, Thánh Andre Kim và các Bạn Tử đạo.

Đại Hội giới trẻ thế giới thứ 28. chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxico đến cùng với 2,5 triệu Bạn Trẻ trên thế giới về tham dự. Phần lớn Bạn Trẻ đến từ nước Brayil, nước Argentina và Hoa Kỳ. Có hơn 8.500 Linh mục ghi tên, 5.500 phóng viên nhà báo ghi danh tham dự tường thuật. Các tham dự viên Đại Hội được phân phối cư ngụ ở các nhà tư nhân trong thành phố Rio de Janeiro, các trường học, các phòng thể thao thành phố.

Trong suốt thời gian Đại hội có 270 địa điểm dậy cắt nghĩa Giáo lý bao gồm 26 ngôn ngữ khác nhau. Hơn 60.000 nhân viên làm việc thiện nguyện giúp đỡ săn sóc các tham dự viên Đại Hội. Có 800 Ca sĩ, Vũ công, diễn viên cakịch và nhạc công cùng trình diễn những màn ca hắt, vũ múa trong những chương trình chính của Đại Hội.

Theo ước tính Đại hội đã sửa soạn 4 triệu bánh lễ cho các Thánh lễ và 100 Tòa giải tội dùng cho Đại Hội.

Ngoài sân cánh đồng Copa Cabana rộng bằng 150 sân đá banh cộng chung lại, là nơi chính lễ đài Đại Hội và có 18 mân hình lớn dựng treo chung quanh để giúp những người ở xa khăn đài tiện theo dõi đêm canh thức ngày 27.07. 2013, và ngày lễ bế mạc 28.07.2013.

2. Logo Đại Hội

Đại hội được vẽ trình bày theo hình một trái tim, mà Chúa Giêsu mầu vàng đang giang tay đứng ở trung tâm đại hội sai các Tông đồ, sai các Bạn Trẻ ra đi truyền gíao với bức tượng Chúa Giêsu nổi tiếng thế giới ở Rio de Janeiro nước Brazil.

„Bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế nổi tiếng hướng nhìn về thành phố xinh đẹp của Brazil sẽ là biểu tượng cho chúng ta. Đôi tay rộng mở của Đức Kitô là một dấu chỉ của một khao khát mạnh mẽ nơi Ngài, khao khát ôm trọn những ai đến với mình; và trái tim của Đức Kitô tượng trưng cho tình yêu lớn lao của Ngài dành cho mọi người và cho từng người trong các con. Hãy để cho Đức Giêsu lôi cuốn các con!“ ( Thông điệp Đại Hội Giới trẻ thế giới 2013)

Mầu xanh lá cây (Zuckerhut) là hình ảnh những ngọn núi đặc trưng của thành phố Rio de Janeiro. Cây Thánh Giá màu trắng được đặt ở giữa nhấn mạnh đến nhận thức rằng nước Ba Tây được biết đến như là miền đất của Thánh Giá (Pilgerkreuz). Lớp màu xanh dương (Die Kuester Brasiliens) nói đến tài nguyên biển của đất nước Ba Tây Brasil. Ba màu sắc: vàng, xanh lá cây và xanh dương biểu hiện rỏ nét là ba màu căn bản của quốc kỳ Brazil.

3. Đất nước Brazil

Quốc gia Brazil Tây ở miền nam châu Mỹ Latinh. Brazil là một quốc gia rộng lớn với 8,5 triệu cây số vuông chiếm 47 % toàn diện tích Châu Mỹ Latinh. Một bên là vùng bờ biển Đại tây Dương chạy dài, một bên vùng đất lền giáp biên giới với những quốc gia Uruguay, Argentina, Paraguay, Bolivien, Peru, Kolumbia, Venezuela.

Brazil cũng là quốc gia có dân số đông nhất Châu Mỹ Latinh với 194 triệu dân, gồm nhiều sắc dân khác nhau. Thủ đô của Brazil là Basilia. Những thành phố lớn đông dân và nổi tiếng của Brazil đều nằm theo phía dọc bờ biển, như thành phố Sao Paolo,, Rio de Janeiro, Porto Alegre....Ngôn ngữ chính của Brazil là tiếng Bồ đào nha. Vì xưa kia là thuộc địa của Bồ đào Nha. Năm 1822 Brazil đã đứng lên tuyên bố đòi độc lập, và ba năm sau 1825 Bồ đào Nha công nhận để cho Brazila được trở thành một quốc gia độc lập.

Về chính trị, Brazil theo chính thể Cộng Hòa liên bang, chính phủ, Quốc Hội do dân bầu ra. Theo ước tính trên dưới 70% dân chúng theo Công Giáo Roma chiếm khoảng 120 triệu người. Ngài ra còn có những Tôn gíao khác như Tin Lành phái Giáo Hội tự do, Do Thái giáo, Hồi Gíao, Tín ngưỡng địa phương...

Brazil là một quốc gia có những cầu thủ bóng đá điêu luyện nổi tiếng. Đội bóng đá quốc gia Brazil nổi tiếng dẫn đầu thế giới là đội bóng có lối chơi nhồi bóng hùng mạnh nhanh lẹ và đã năm lần đoạt World Cup.

4. Thành phố Rio de Janeiro

Rio de Janeiro là thành phố lớn thứ hai của Brazil và đồng thời cũng là thủ phủ của bang Rio de Janeiro. Thành phố này nằm ở vùng vịnh Guanabara phía Đông Nam của nước Brazil. Tên thành phố theo nguyên ngữ tiếng Bồ đào Nha có nghĩa là „con sông tháng Giêng“. Vì Gaspar de Lemons đã khám phá ra vùng vịnh này vào ngày 01. tháng Giêng năm 1502, và Ông đã nhầm lẫn tưởng đây là cửa một con sông lớn chảy ra biển. Nên mới gọi nơi đó là con sông. Nguyên thành phố Rio de Janeiro có hơn 6 triệu dân cư, nếu tính cả vùng chung quanh Rio có gần 12 triệu dân số.

Cho tới 1960 Rio de Janeiro là thủ đô của nước Brazil, nhưng sau 1960 thủ đô quốc gia Brazil dời vể Brasilia. Rio de Janeiro cùng với Sao Paolo trước sau vẫn là trung tâm thương mại của toàn nước Brazil.

Ở thành phố Rio de Janeiro có hai biểu tượng chính là ngọn núi Zuckerhut - Sugarload mountian ̣ cao 394 mét, và ngọn núi Corcovado cao 704 mét với bức tượng Cristo Redentor, Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế Vua dang tay đứng trên đỉnh núi.

Ngoài ra bờ biển Copacabana nổi tiếng, và nhất là lễ hội Carneval de Rio có nhiều xe hoa rước kiệu vũ múa ca hát Samba hằng năm vào ngày thứ hai và thứ ba trước thứ Tư Lễ Tro rất to lớn tưng bừng lộng lẫy nổi tiếng trên thế giới.

Phần đại đa số dân chúng Brazil theo đạo công gíao Roma, nên Giáo Hội công gíao ở đây được chia thành 41 Tổng giáo phận với 265 Giáo phận. Ngoài ra ở Brazil còn có Tòa Khâm sứ Tòa Thánh và giáo phận quân đội.

Tổng gíao phận Sao Sebastiao do Rio de Janeiro được thành lập ngày 19.07.1575 dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregor XIII. theo nghi lễ Công gíao Roma. Tổng gíao phận có 251 Gíao xứ với hơn 3 triệu Giáo dân, 327 Linh mục.

Theo truyền thống lịch sử của Gíao Hội, vị Tổng giám mục của Tổng giáo phận này là vị có tước vị Hồng Y. Tổng giáo phận Rio de Janeiro còn có đại học Công Giáo của tòa thánh Vatican.

1. Cristo Redentor - Bức tượng Chúa Giêsu, Đấng cứu thế

Bức tượng Cristo Redentor là một đài kỷ niệm trên đỉnh ngọn núi Corcovado ở phía Nam thánh phố. Bức tượng được dự định xây dựng để kỷ niệm 100 năm độc lập của nước Brazil do Kỹ sư kiến thiết Heitor da Silva Costa người Brazil phác họa vẽ mẫu.

Bức tượng được khởi công thi hành năm 1922, nhưng gặp trở ngại vấn đề tài chánh. Nên việc thi hành kéo dài hằng 10 năm. Sau khi Tổng giáo phận Rio de Janeiro, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp cùng trợ giúp cho dự án, công trình được hoàn thành, và khánh thành ngày 12.10.1931.

Bức tượng Chúa Giêsu cao 30 mét, chân đế cao 8 mét, đủ chỗ chứa cho 150 người vào trú ẩn trong tượng. Hai cánh tay Chúa Giêsu dang ra rộng 28 mét. Bức tượng nặng 1145 tấn. Đầu và hai tay Chúa Giêsu do nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski làm ở Paris. Bức tượng làm bằng vật liệu betong cốt sắt theo từng phần ráp nối lại, và được kết bên ngoài bằng những viên đá dát theo kiểu Mosaic. Bức tương Cristo Redentor mầu trằng thiên nhiên hướng nhìn về phía ngọn núi Zuckerhut - Sugarload.

Năm 2006 dịp mừng kỷ niệm bức tượng được 75 năm, Giáo Hội đã chính thức nâng nơi đây thành nơi hành hương kính viếng Chúa Giêsu, Đấng cứu thế.

„Bức Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro tỏ lộ nhiều điều: Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người. Chính các con là con tim và đôi tay của Đức Giêsu! Hãy ra đi và làm chứng cho tình yêu của Ngài. Hãy trở thành một thế hệ truyền giáo mới, được thúc đẩy bởi tình yêu và rộng mở với tất cả. Hãy theo gương mẫu những nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội như như thánh Phanxicô Xaviê và bao nhiêu vị khác.“ ( Gíao hoàng Benedicto XVI. Thông điệp ngày Đại hội giới trẻ thế giới 2013)

***********************

Đại Hội giới trẻ thế giới là sáng kiến của Á Thánh Giáo hoàng Phaolo II. lập ra nhằm khơi lên niềm vui phấn khởi nơi người trẻ về cách sống đức tin đi vào Chúa giữa lòng thế giới ngày hôm nay.

„ Hãy mang Thập Giá đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Các con hãy đi và làm cho mọi dân nước thành môn đệ” (Mt 28,19), như chủ đề của Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay. Các bạn hãy mang Thập giá để nói với tất cả mọi người rằng trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường thù hận, phân cách con người và các dân tộc, và đã mang sự hòa giải và an bình.

Các Bạn thân mến cả tôi cũng lên đường với các bạn, từ hôm nay, theo vết chân phước Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16. Nay chúng ta gần giai đoạn cuối cùng của cuộc đại lữ hành của Thập Giá. Tôi vui mừng nhìn về tháng bẩy tới, tại Rio de Janeiro! Tôi hẹn các bạn tại thành phố lớn ấy ở Brazil! Các bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là chuẩn bị tinh thần trong các cộng đoàn của các bạn, để cuộc gặp gỡ ấy là một dấu chỉ đức tin cho toàn thế giới.

Các bạn trẻ phải nói với thế giới: theo Chúa Giêsu thật là điều tốt đẹp; thật là tốt lành khi đồng hành với Chúa Giêsu; sứ điệp của Chúa Giêsu thật là tốt đẹp; thật là tốt khi ra khỏi chính mình, đi tới các khu ngoại ô của thế giới và của cuộc sống để mang Chúa Giêsu! Có ba lời là: vui mừng, thập giá, và giới trẻ.“ ( Đức Gíao hoàng Phanxico, Bài giảng Lễ Lá ngày 24.03.2013).

Đại Hội giới trẻ thế giới 23.- 28. Tháng Bảy 2013

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ngày Giới Trẻ 2013: ít tín hữu hơn, nhưng nhiều cảm nghiệm mạnh mẽ hơn
Vũ Văn An
22:20 21/07/2013
Con số khách hành hương tham dự Ngày Giới Trẻ tại Rio hiện đang là đề tài được nhiều người bàn tán. Ban tổ chức dự trù trên dưới 2 triệu người tham dự, nhưng cho tới nay, số người chính thức đăng ký chưa tới 400,000 người. Báo chí Tây Phương vẫn mang não trạng riêng của họ khi bàn tới con số này. Với họ, số tiền tối đa trên dưới 200 dollars cho một tuần đại hội gồm cả ăn uống, di chuyển và chỗ ở chẳng là bao, ai cũng có thể “đăng ký” được để tham dự chính thức. Thành thử không đăng ký nghĩa là không tham dự. Nhưng ở một nước vẫn còn rất nhiều người nghèo như Ba Tây, số tiền ấy không nhỏ, khiến đa số chắc chắn sẽ chọn giải pháp “dự cọp” như người ta quen đọc báo cọp vậy, nghĩa là vẫn tham dự dưới một hình thức bất chính thức nào đó... Nói cho cùng, dù họ có ở nhà đi chăng nữa, họ vẫn có thể tham dự qua truyền thanh, truyền hình, qua bất cứ phương tiện truyền thông rẻ tiền nào, miễn là hòa mình với đoàn người đông đảo tại Rio để lắng nghe người con đầu tiên của miền đất của họ lên tiếng với họ lần đầu tiên ngay trên miền đất này. Con số tham dự vì thế là con số không thể đếm được, một con số vô hình.

Đức Phanxicô, khi tới chủ tọa Ngày Giới Trẻ tại Rio, chắc chắn là người không chỉ nhìn vào con số hữu hình những người tham dự. Bởi nếu không, ngài đã khuyến khích người đồng hương Á Căn Đình của ngài, bất chấp cảnh nghèo, vẫn “hãnh tiến” mua vé máy bay tới Rôma dự lễ đăng quang của người con đầu tiên của đất nước trên “ngai” Phêrô!

Riêng phái đoàn Hoa Kỳ lần này chỉ gồm 9,500 khách hành hương, rất ít so với con số 29,000 người tham dự Ngày Giới Trẻ Madrid năm 2011, ít hơn cả con số 15,000 người tham dự Ngày Giới Trẻ Sydney năm 2008, và 24,000 người tham dự Ngày Giới Trẻ Cologne năm 2005. Một trong các yếu tố tạo nên sự giảm sút này đã được nhận diện là tiền, tức chi phí di chuyển tới Rio. Yếu tố thứ hai là an ninh, tiếp theo nhiều vụ biểu tình chống chính phủ Ba Tây vừa qua.

Dù thế, Christopher Bellitto, một sử gia Giáo Hội tại Đại Học Kean ở Union, N.J., cho rằng bất kể số người tham dự là bao nhiêu, địa điểm tổ chức năm nay và sự hiện diện của Đức Phanxicô trên diễn đàn thế giới chắc chắn sẽ làm cho Ngày Giới Trẻ 2013 thành một biến cố đáng nhớ.

“Đây sẽ là một lễ hội đặc biệt, một thứ trở về quê hương đối với vị giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ La Tinh. Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã trở thành một loại tập hợp có tính động viên (pep rally) đối với Đạo Công Giáo”.

Tại những cuộc tập hợp trước đây, Đức Bênêđíctô từng lên tiếng chống lại ý niệm coi Ngày Giới Trẻ Thế Giới như một cuộc tập hợp thế tục hay một buổi trình diễn nhạc rock, như người ta vốn mô tả, vì việc tăng cường đức tin Công Giáo lúc nào cũng là phần chính của biến cố và càng là như thế đối với trường hợp Ba Tây. Theo Nghị Hội Pew, năm 1970, tỷ lệ người Công Giáo Ba Tây là 92% dân số, hiện nay, tỷ lệ ấy tròm trèm vào khoảng 65%. Từ năm 2000 tới năm 2010, dân số Công Giáo giảm mất 2 triệu, trong khi con số Thệ Phản tăng từ 26 lên 42 triệu người, chiếm 22% dân số.

Theo Bellito, chỉ trong vòng vài tháng đầu trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã mạnh mẽ khuyến khích người Công Giáo truyền giảng Tin Mừng và đã nhiều lần ngỏ lời với người Công Giáo bỏ đạo cũng như người vô thần và người thuộc các niềm tin khác. Trong các cuộc thăm dò dư luận, ngài được cả người Công Giáo lẫn người không Công Giáo đánh giá rất cao, nhờ văn phong và nhân cách phi truyền thống của ngài. Hai yếu tố này chắc chắn sẽ dành được nhiều cảm tình cho Giáo Hội nhân chuyến viếng thăm lần đầu của ngài tại Ba Tây.

Trước khi lên đường, Đức Phanxicô đã nói rõ ngài sẽ không sử dụng chiếc giáo hoàng xa bít bùng quen thuộc, và sẽ chỉ dùng chiếc jeep mui trần mà thôi, như ngài vẫn dùng tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Trong chuyến tông du lần này, ngài sẽ vượt đoạn đường 120 dặm từ Rio tới Aparecida để kính viếng Đức Mẹ, lên tiếng với cư dân một khu ổ chuộc tại Rio và thăm các bệnh nhân AIDS, thăm người nghèo và các tù nhân trẻ tuổi.

Bellito cho rằng: Đức Phanxicô cũng giống Đức Gioan Phaolô II, là vị giáo hoàng hướng ngoại, một đặc điểm sẽ được chú ý nhiều khi ngài lên diễn đàn tại Ba Tây. Năm nay, chắc chắn sẽ có nhiều nghị lực hơn chỉ vì Đức Phanxicô chơi trên sân nhà, có thể nói như thế. Chắc chắn ngài không bị trói buộc bởi truyền thống. Điều ngài làm chắc chắn sẽ gây bất ngờ.

Đối với các người trẻ hành hương như Calderon thuộc một giáo xứ ở Brooklyn, New York, Ngày Giới Trẻ Thế Giới luôn là dịp để suy niệm và gắn bó. “Quả là kỳ diệu được gặp gỡ người khắp thế giới, những người hoàn toàn cởi mở trong việc chia sẻ đức tin. Thoạt đầu, bạn có thể lo lắng, vì có quá nhiều việc phải lo khiến bạn bối rối. Nhưng khi gặp Đức Giáo Hoàng, bạn sẽ cảm thấy vừa thanh thản vừa rất phấn khích, thậm chí đầy yêu thương nữa”.

Người hành hương 2013 đối diện với cảnh nghèo

Không Ngày Giới Trẻ Thế Giới nào lưu tâm tới cảnh nghèo bằng Ngày Giới Trẻ năm nay tại Rio. Điều này dễ hiểu, một phần vì giới trẻ thế giới, dù muốn dù không, một là họ sẽ được Đức Phanxicô nhắc nhở khi ngài đích thân tới thăm khu ổ chuột tại Rio hai là chính họ sẽ được gặp người nghèo ngay tại Rio, thậm chí ngay tại những nơi họ học giáo lý. Đàng khác Châu Mỹ La Tinh cũng là châu lục sáng chế ra thuật ngữ bất hủ, từng trở thành câu tâm niệm trong học thuyết xã hội Công Giáo của thế kỷ 20: ưu tiên chọn người nghèo.

Điều ấy khiến những bài tường thuật của Cha Tuấn mấy ngày nay trên Vietcatholic thu hút được rất nhiều người đọc. Không như những tường thuật có tính phèng la, huênh hoang hãnh tiến, nhằm nói về mình của một số người, kể cả người lãnh đạo các nhóm hành hương. Nhóm Cha Tuấn quả đã nắm bắt được tinh thần Rio 2013.

Một nhóm khác đến từ Miệt Dưới, miệt Down Under của quả địa cầu, là nhóm của Tổng Giáo Phận Sydney, của Đại Học Công Giáo Úc và của các trường Công Giáo khắp Sydney. Trong hai ngày tiền đại hội, họ đã dừng chân để giúp xây một nhà nguyện, một trung tâm sinh hoạt và nhiều bậc thang đá trộn và nhiều lối đi tại Pamplona Alta, một khu phố tồi tàn bên ngoài thủ đô Lima của Peru. Đây là nơi cư trú của hơn 400,000 người nghèo, người rời cư hoặc bị chiếm đất, gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Nhiều nhóm hành hương xuất phát từ Sydney vốn đã đến thẳng Lima vào tuần rồi và bắt tay ngay vào việc xây dựng một nhà nguyện và một trung tâm sinh hoạt tại khu ổ chuột. Các nhóm khác, như nhóm 62 người do Đức HY Pell trực tiếp hướng dẫn, sau khi thăm Nhà Thờ Chánh Tòa Lima và thăm đền thờ Thánh Nữ Rôsa thành Lima, đã tham gia dự án này từ hôm thứ Tư.

Các bậc thang bằng đá trộn sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu và an toàn hơn đối với các gia đình sống trên những sườn đồi tại các khu tồi tàn của Lima.

Ngày Giáo Phận vốn đã là đặc điểm của các Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước đây, nhưng đối với ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này tại Rio, các khách hành hương được khuyến khích tham dự các kinh nghiệm hòa mình (immersion) và các dự án truyền giáo vùng xa nhằm tạo ra các thay đổi tích cực đối với cuộc sống của những cộng đoàn nghèo nhất trên thế giới.

Phái đoàn Úc gồm 1,500 người trẻ và 300 nhà lãnh đạo nhóm, các tu sĩ, linh mục và giám mục cùng đi với họ đều là những người khỏe mạnh về thể lý, nhưng phải khai phá đất đá trong cái giá lạnh giữa mùa đông trên những sườn đồi dốc của khu ổ chuột Pamplona, trước khi xây được những bậc thang bằng đá trộn hay nhà nguyện và trung tâm sinh hoạt, quả không phải là việc dễ.

Ashlee Payne, thuộc Trường Đại Học Công Giáo Úc, một trong các thiện nguyện viên tại Pamplona, cho hay: “Nhưng nó cũng rất phấn khích”. Cô đang học để trở thành một cô giáo. Theo cô, với lòng yêu ngành giáo dục và khả năng của ngành này, tập chú của cô là các trẻ em của khu ổ chuột. Cô mong các em sẽ theo chân các người hành hương của Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong việc giúp các cư dân của các cộng đoàn đang khốn khổ vì cảnh nghèo này.

Gertrude Lancanilao, cũng là một sinh viên của ĐHCG Úc và là một lãnh tụ của YFC của vùng Đông Sydney, cho rằng “phần lớn chúng tôi thức dậy đau cả mình mẩy và rất mệt, nhưng tinh thần thì rất vui tươi. Đối với tôi, điều nổi bật trong mấy ngày qua là cảm thức hân hoan và hy vọng mà tôi biết chắc do Chúa Kitô mang tới”.

Gertrude cho biết khi các nhóm hành hương họp nhau để kể lại kinh nghiệm của họ, mọi người đều đồng ý là khu ổ chuột đã biến thành một khu đẹp đẽ hơn. “Đây là nơi đem lại vẻ đẹp cho cho tâm hồn người ta. Không phải chỉ vì ngôi nhà nguyện, việc làm chung hay các trẻ em mà vì tình yêu. Chính tình yêu đem đến hy vọng và do đó, thật nhiều hân hoan”.

Dân số Pamplona hiện lên tới 400,000 người, không kém dân số một thành phố lớn. Như trên đã nói, họ là những người rời cư và bị cướp đất, phải sống trong những túp lều xiêu vẹo làm bằng bất cứ vật liệu gì lượm được. Pamplona không có nước máy, không có cống rãnh, không có điện và cũng không có cả cây cối để giữ đất truồi trong mùa đông hay cho bóng mát trong mùa hè.

Phần lớn cư dân của Pamplona là dân cày buộc phải rời đất đai của họ để tránh bách hại và bất an. Bất chấp cảnh nghèo và cuộc sống cam go, các người hành hương Sydney thấy đây là những cộng đoàn hết sức sinh động, nơi ai cũng sẵn sàng giúp người khác và là nơi, cùng với các mạng lưới xã hội, họ đã thiết lập được một hạ tầng cơ sở cơ bản, các trung tâm nhỏ để hội họp, thậm chí cả trường học cho con em của họ nữa.

Chính vì thế, người hành hương đã hết mình đến gặp gỡ họ. Càng tới gần khu ổ chuột, đường càng dốc và càng hẹp lại. Người hành hương đành xuống xe, cuốc bộ 300 mét để leo dốc lên tận khu dân cư.

Không những rất dốc, đường đi còn phủ đất sét trơn trượt, trên đó, không một cây cối nào có thể mọc được bên cạnh sỏi đá, đá tảng rải rác khắp nơi.

Mark Rix, trưởng ngành truyền thông của Sở Giáo Dục Công Giáo Sydney, người cùng đi với nhóm hành hương của các trường Công Giáo cho hay: Cảnh nghèo ở đây rất não lòng và cực kỳ thách thức. Nhưng không làm các nhóm hành hương nản lòng. Một trong các việc đầu tiên là dựng lên một khung gỗ gồm 43 bậc thang trước khi đổ đá và xi măng vào từ dưới lên tận đỉnh. Không có dây chuyển, không có xe tải chở xi măng hay côngkrít trộn. Thay vào đó, chỉ mang bao tay làm vườn, thùng nhựa và các can xăng biến cải, các nhóm đã lập hàng dài để chuyển khối đá và xi măng này từ dưới lên trên.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới còn mấy ngày nữa mới tới và tới tại quốc gia láng giềng, nhưng người trẻ hành hương của Sydney quả đã bắt đầu sống tinh thần Ngày Giới Trẻ năm 2013 ngay tại Pamplona này rồi. Rix cho rằng: “Đối với tất cả chúng tôi, du hành tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một ân phúc. Hôm nay, chúng tôi đã đền đáp ân phúc ấy”.
 
Top Stories
Pope visits Basilica of St Mary Major
Vatican Radio
09:27 21/07/2013
2013-07-21 Vatican - Pope Francis paid a visit on Saturday afternoon to the Basilica of Saint Mary Major in Rome to ask the Virgin for her protection for his upcoming apostolic journey to Brazil, for the young people who will
gather at World Youth Day in Rio de Janeiro and for all young people worldwide. The Pope came to the Basilica to the 16:45, where he was welcomed by the Archpriest Cardinal Santos Abril y Castelló. He entered through the side door of the Sacristy and immediately went to the chapel where the image of the Madonna Salus Populi Romani is displayed and where the canons of the Basilica and the community of the Dominican fathers had gathered.

Before the icon of Mary, the Pope spent time in silent prayer, for over half an hour, then he offered a wreath and lit a candle which also carried the symbolic logo of the World Youth Day in Rio de Janeiro.

Since the Basilica was open to the public and many faithful were present, the Pope before leaving stood in front of the central altar of the Basilica, where he listened to a brief address by the Cardinal Archpriest and addressed a few words to the faithful, asking them to also accompany him, "in prayer, with faith and penance" on his trip to Brazil and his meeting with young people all over the world. The whole visit lasted a little over an hour. At 18, the Holy Father returned to the Vatican.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Anrê Phú Yên Revesby mừng kính Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
09:16 21/07/2013
SYDNEY - Sáng Chúa Nhật 21/07/2013 Giáo đoàn Revesby đã long trọng mừng kính Lễ Thánh Tử Đạo Andrê Phú Yên Quan Thầy của Giáo đoàn tại nhà thờ St. Luke Revesby, Sydney.

Xem hình ảnh

Đúng 10 giờ 45 tất cả mọi người tập trung tại khuôn nhà thờ và Cha Michael Giáo xứ Revesby xông hương tượng Thánh Tử đạo Andrê Phú Yên sau đó là ba hồi chiêng trống cổ truyền VN bắt đầu kiệu tượng Thánh Tử Đạo Andrê Phú Yên rước vào trong nhà thờ. Cuộc kiệu rất nghiêm trang và long trọng, các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng, các Giáo đoàn bạn và quan khách Úc đều đến tham dự đông đủ.

Khi kiệu tiến vào trong nhà thờ và an vị trên cung Thánh. Quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn Đặc trách Giáo đoàn Revesby, Cha Maurice và Cha Michael dâng nén hương lên trước bàn thờ Thánh Anrê Phú Yên và Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn đồng thời Cha cũng giới thiệu Thánh lễ Bổn Mạng hôm nay có quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Maurice Thomson Quản Nhiệm Giáo Xứ Revesby, Cha Michael và Cha Trương Công Đam từ Việt Nam.

Trong Thánh lễ có nghi thức rước Phúc Âm và Thánh vũ tiến dâng Lễ Vật rất trang trọng do các em Thiếu Nhi phụng vụ và trong bài giảng. Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn đã nói về bài Phúc Âm hôm nay và theo thư của Thánh Phaolô đã nói trong ngục tối “ Tôi vui sướng trong những đau khổ vì anh chị em..” Thánh Phaolô kêu gọi mọi người đừng chú trọng đến mình.

Hãy chú trọng đến những đau khổ của những anh chị em khác, vì thế ta thấy tình thương của Thánh Anrê Phú Yên đã biểu lộ tột độ, lấy tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống. Không có gì cao quý hơn hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình. Thánh Anrê Phú Yên đã hy sinh cái mạng sống cao quý nhất của mình cho Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào bối rối lo âu khi có Chúa chúng ta bên cạnh đời mình, chúng ta hãy sắp đặt sự ưu tiên trong đời và không có sự ưu tiên nào hơn bằng ưu tiên mà Maria đã chọn phần tốt nhất là phần lắng nghe Lời Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Maurice Thomson Quản Nhiệm Giáo Xứ Revesby ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Cha cũng kể một mẫu chuyện dí dõm vui tươi để mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn sau cùng Cha cám ơn mọi người trong Giáo Đoàn đã đóng góp giúp ích cho Giáo Xứ thêm thăng tiến. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney đại diện Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của Giáo đoàn. Tuy là một Giáo đoàn nhỏ nhưng đã tích cực đóng góp giúp ích cho Cộng Đồng rất nhiều.

Sau cùng ông Giuse Trần Văn Hòa Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby thay mặt Giáo Đoàn ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và toàn thể mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn, đặc biệt cám ơn quý anh em trong Ban Mục Vụ Giáo đoàn, qúy Bác Thừa Tác Viên Thánh Thể, Hội Legio Mariae, Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót, Phong Trào Cursillo, và qúy ân nhân đã giúp bảo trợ xây dựng Giáo đoàn trong sự yêu thương đùm bọc. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em trong Ca đoàn Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên lúc nào cũng bên cạnh Giáo Đoàn trong tinh thần hăng say phục vụ. Kính chúc tất cả mọi người một ngày thật vui vẻ và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại cùng chung vui bữa tiệc thân mật trong khuôn viên trường học nhà thờ và thưởng lãm Văn Nghệ bỏ túi cây nhà lá vườn do Ca đoàn Revesby trình diễn và kèm theo phần xổ số may mắn lấy hên.

Đặc biệt phần văn nghệ có sự đóng góp giúp vui của Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn Đặc trách Giáo đoàn Revesy với nhạc phẩm Bên Kia Sông tạo bầu khí thêm linh động và đặc sắc. Sau đó kết thúc bế mạc vào lúc 2pm.
 
Legio Giáo phận Hải Phòng tập huấn cho Junior trong Năm Đức Tin
Jos Nguyễn Tòng Quảng
09:18 21/07/2013
Vừa qua, Cha linh giám G.B. Vũ Văn Kiện, Cha phó linh giám G. B Ngô Ngọc Chuẩn cùng với Hội đồng Comitium Giáo Phận Hải Phòng tập huấn cho một trăm hai mươi Trại sinh thuộc 19 Praesidia junior với chủ đề " Tái truyền giáo trong năm Đức tin "Giáo xứ Cựu Viên, với một khuôn viên rất thuận lợi cho việc tập huấn, hơn một trăm tông đồ thiếu nhi trong Giáo phận đã vượt đường trường xa xôi như Giáo xứ Trà Cổ; Thúy Lâm, Đầu lâm, Yên Hưng; Nam Am...đã về tập huấn hai ngày trọn trong sự hướng dẫn của Quý ban chuyên trách giới trẻ của Senatus Việt Nam và Hội Đồng Comitium các Curiae trong Giáo phận.

Xem hình ảnh

Ngày đầu, với phần khai mạc ngày trại, Cha linh giám thắp ngọn nến Phục sinh, ngọn nến này được thắp liên tục trong những ngày trại hè và khóa huấn luyện, Ngài ngỏ lời với các chiến sĩ tông đồ thiếu nhi hiện diện hãy cố gắng hy sinh giữ kỷ luật chung, liên kết trong tình hiệp nhất của gia đình Legio giáo phận, trao đổi cho nhau những công việc tông đồ nhỏ bé như phần nào góp thêm cho sứ vụ truyền giáo của Giáo phận,

Giờ Chầu Thánh Thể trong khóa tâph huấn này, như nối kết mọi người, những chiến sĩ tí hon biết hợp nhất và gắn kết với chúa Giêsu Thánh Thể, sự thinh lặng của bầu khí này đã tiếp thêm lòng yêu mến và tinh thần dấn thân trong sứ vụ làm tông đồ cho Chúa và Mẹ Maria.

Ngọn lửa trại đang bùng cháy to lên như nhắc nhở mỗi người con cái nhỏ bé Mẹ hãy tiếp tục mang ánh sáng, niềm vui và sự bình an cho cuộc đời, khi ngọn lửa bắt đầu tàn cũng là lúc mà Đức Mẹ mời gọi những dũng sĩ của Mẹ hãy tiếp tục nhóm lên những ánh lửa của niềm vui, sự bình an và niềm hy vọng.

Hai ngày tập huấn thật ngắn ngủi, nhưng bầu khí thật ấm và chan hòa của những người con cái mẹ được sống bên nhau, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để mỗi trại sinh ý thức hơn vai trò của người thực hành công việc tông đồ, cho dù công việc ấy thật nhỏ bé nhưng nó như men, muối và ánh sáng cho cuộc đời làm cho đời sống đức tin ngày một tăng triển hơn nữa trong những cộng đồng Giáo xứ.

Ngoài các giờ tập huấn về kiến thức tổ chức, những phận vụ mà các hội viên junior phải có, đan xen là những tiết mục văn nghệ sáng tạo, cây nhà lá vườn,những vũ điệu, bài hát và tiểu phẩm mà các đơn vị trình diễn như mang lại sự đa dạng của từng vùng miền, mang lại sự vui tươi hứng khởi của những người trẻ, với giọng nói truyền cảm của MC khi thì trầm lắng, khi thì mạnh dạn đã hướng cho các hội viên Nhí tinh thần học hỏi và sáng tạo.

Khóa tập huấn được kết thúc với Thánh lễ Tạ ơn do Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên Giám mục Hải Phòng, Quý Cha linh giám các Curiae, trong bài giảng Đức Cha đã khuyến khích các hội viên junior tinh thần học hỏi Lời Chúa, Giáo lý, biết cầu nguyện và làm việc Tông đồ trong những bổn phận nhỏ bé ở vị trí mình.Trong nghi thức sai đi Ngài mời gọi các tông đồ tí hon tiếp tục lên đường làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, sống khiêm tốn và thực hành lời dạy của Mẹ Maria.

Cha linh giám Comitium Hải Phòng thay mặt cho Hội Đồng Comitium cám ơn Đức Cha, Quý Cha linh giám, Cha gioakim Nguyễn chị Bằng quản xứ Cựu Viên, Quý Anh chị Senatus Việt Nam và toàn thể cộng đoàn tham dự đã cộng tác để chương trình tập huấn của junior Giáo phận thành công tốt đẹp.

Hai ngày tập huấn đã kết thúc, các hội viên thiếu nhi Junior đã trở về mang theo những phần quà cá nhân cũng như tập thể, nhưng món quà tinh thần lớn hơn đó là các em được học hỏi hỏi tinh thần dấn thân, sự sáng tạo, tính liên kết và lòng nhiệt thành truyền giáo. và món quà tuyệt vời nhất là các em được gặp Chúa qua Thánh lễ, qua các bài giảng, qua các câu chuyện minh họa để những món quà ấy được mở ra trao ban cho cuộc đời nơi đang cần những tông đồ nhiệt thành của Chúa và Mẹ Maria trên cánh đồng truyền giáo hôm nay.
 
Giới trẻ giáo xứ Thanh Xuân hướng về Ngày Giới Trẻ ở Rio
Lm. Tôma Nguyễn Văn Hiệp
11:55 21/07/2013
Phan Thiết - Nhằm giúp các bạn trẻ hiệp thông với Giáo Hội Hoàn vũ hướng lòng về Ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Brazil và để cùng nhau liên đới sống niềm tin; Giáo xứ Thanh Xuân tổ chức ngày Hành hương viếng Tượng đài Kitô Vua (Tao Phùng – Vũng Tàu), Nhà thờ Mồ các vị tử đạo, giao lưu với các bạn trẻ Giáo xứ Nam Đồng (Bàrịa) và tặng quà cho Nhà Dưỡng lão.

Xem hình ảnh

4h00 sáng Chúa Nhật, ngày 21.7.2013, trên 100 bạn trẻ tập trung tại Nhà xứ Thanh Xuân chào Cha xứ Phêrô Nguyễn Viết Hiền và cùng với Cha phó, thầy xứ lên đường bắt đầu ngày hành hương. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Nhà thờ Nam Đồng. Các bạn trẻ tham dự Thánh lễ, sau đó thăm viếng và tặng quà cho quí cụ ông cụ bà neo đơn tại Nhà Dưỡng lão Nam Đồng.

8h30, các bạn trẻ chinh phục hơn 1000 bậc thang, dài 500m để kính viếng thánh tượng Kitô Vua (Tao Phùng). Tượng được xây dựng 1974, do điêu khắc gia Văn Nhân và 50 thợ lành nghề thực hiện. Tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; được đặt trên bệ khối chạm hình Tiệc ly. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Trong lòng tượng có thể chứa 100 người cùng một lúc.

Bức tượng này có nét giống Tượng Kitô Vua ở Rio de Janeiro của Brasil. So với tượng ở Brasil thì tượng ở Vũng Tàu cao hơn 2 mét. Tuy nhiên, bức tượng ở Brasil đứng trên đỉnh núi Corcovado cao hơn 700 mét so với mực nước biển, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 170 mét của núi Nhỏ. Ngoài ra, bệ tượng ở Brasil cao 7 mét, còn bệ tượng ở Vũng Tàu chỉ cao 4 mét.

Ngày 09 tháng 01 năm 2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công bố 10 sự kiện của kỷ lục Việt Nam năm 2012; trong 4 điểm nói đến tâm linh Việt Nam thì đạt Kỷ lục châu Á có "Tượng Kitô Vua (Vũng Tàu)" với kỷ lục xác nhận là "Tượng Chúa Kitô lớn nhất". Ngày 26 tháng 05 năm 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã tổ chức chương trình trao danh hiệu kỷ lục Châu Á cho Tượng Chúa Kitô Vua (Vũng Tàu). Hiện nay, tượng Kitô Vua Vũng Tàu là tượng cao thứ hai trên thế giới sau tượng ở Pêru được khánh thành 01.7.2011.

Các bạn trẻ sốt sắng hướng về thánh tượng Kitô Vua để hiệp thông với các bạn trẻ thế giới đang tiến về Brazil tham dự Đại hội bằng việc đọc kinh, cầu nguyện cho những ngày Đại hội Giới trẻ (23 – 28/7) được diễn ra trong thánh ý Chúa.

12h00, đoàn dùng cơm trưa và giao lưu với các bạn trẻ Giáo xứ Nam Đồng.

14h00, ghé thăm Nhà thờ Chính tòa Bàrịa, sau đó kính viếng Nhà thờ Mồ nơi gần 300 tín hữu đã tử vì đạo. Trong bia đá “Những ngọn đuốc sống” đã ghi: “Nơi đây, 288 tín hữu Công Giáo đã bị giam cầm vì đức tin, chịu chết vì lòng mến và đang an nghỉ trong niềm hy vọng phục sinh vinh hiển …”.

Ước mong sau chuyến hành hương, các bạn trẻ Giáo xứ Thanh Xuân hiệp thông liên đới sống đức tin, thực hiện được điều mà Đức Thánh Cha Bendict 16 mời gọi trong sứ điệp ngày quốc tế giới trẻ 2013: “Chính các con là con tim và đôi tay của Đức Giêsu! Hãy ra đi và làm chứng cho tình yêu của Ngài. Hãy trở thành một thế hệ truyền giáo mới, được thúc đẩy bởi tình yêu và rộng mở với tất cả.”
 
Những người trẻ không bao giờ tham dự được Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Gioan Lê Quang Vinh
12:58 21/07/2013
Những ngày này, cả thế giới đang hướng về Rio de Janeiro, nơi nhiều người trẻ trên khắp năm châu tụ họp về chung quanh vị đại diện Chúa Kitô trên trần thế. Niềm vui, sự tự hào và niềm hy vọng chắc chắn sẽ bừng lên ở Rio, và hơn nữa, ở “khắp cùng bờ cõi đất”.

Lý do của niềm vui, tự hào và hy vọng ấy nằm ở nơi chính Chúa Giêsu, Đấng là thần tượng muôn đời cho giới trẻ trong một thế giới vốn đã có quá nhiều những thần tượng mau qua, chóng đổ.

Hội Thánh là Mẹ hiền, quan tâm đến những người vì hoàn cảnh không thể đến tham dự Đại Hội tại Rio, “trong suốt thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nếu theo dõi các biến cố qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh và các phương tiện truyền thông mới như Internet, sẽ nhận được ơn toàn xá miễn là xưng tội, rước lễ, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi”.

Như thế, mầu nhiệm hiệp thông và liên đới trong Hội Thánh được biểu lộ một cách vừa huyền nhiệm vừa rõ ràng. Cho nên việc không cùng đi với các bạn trẻ năm châu cũng không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, chúng ta không thể thấy vui mừng khi trên thế giới vẫn còn có những nơi mà người trẻ không những không thế tham dự Đại Hội dành cho mình, mà đau khổ hơn nữa, là không dám mơ có ngày mình sẽ được tham dự.

Ở những nước nghèo, các bạn trẻ không có điều kiện đến tham dự Đại Hội. Khó khăn về tài chánh quả là vấn đề lớn. Nhưng vấn đề này vẫn có thể giải quyết được. Theo tin của Thông tấn xã Vietcatholic, “Nhờ tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” tài trợ 220 ngàn Euros, nhiều bạn trẻ vùng Trung Đông đã có thể tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio. Trong số các bạn trẻ có 49 người Ai Cập, 100 người Irak, nhiều người Libăng, Giordania, Israel và Palestine”.

Ở một số nơi khác như Siri, Đức Tổng Giám Mục Zenari, Sứ Thần Tòa thánh tại đây cho biết vì tình hình nội chiến, người trẻ không thể đi Rio, nhưng họ sẽ hiệp thông với các bạn trẻ thế giới trong những ngày sắp tới.

Còn ở những nơi vừa nghèo vừa do xã hội bất an, như Việt nam chẳng hạn, ước mơ đến tham dự Đại Hội giới trẻ quả là xa vời. Nhiều bạn trẻ muốn đóng mấy trăm ngàn tiền Việt (khoảng hai mươi USD) để đi chơi với các bạn khác mấy ngày cuối hè ở một thành phố không xa, vẫn không thể kiếm ra tiền, làm sao họ nghĩ đến chuyện vượt trời mây đến một nơi xa xôi hàng chục ngàn cây số?

Rồi việc ra khỏi đất nước cũng không phải là điều dễ dàng. Ra khỏi đất nước để tham gia lễ hội thánh thiêng với một nhóm mà mình chưa quen biết trước thì quả là hồng ân, vì tất cả đều nằm trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh. Nhưng cái nguy cơ về nhà bị thẩm vấn, bị nghi ngờ là tham gia các tổ chức quốc tế vẫn có thể là mối đe doạ.

Vì những lý do “đặc biệt” ấy mà từ lần tổ chức đầu tiên ở Rôma (1984) đến nay, qua bao nhiêu lần Đại Hội Giới trẻ được tổ chức ở những thành phố danh tiếng trên thế giới, thì một phái đoàn chính thức của giới trẻ trong nước vẫn chưa bao giờ được cử đi tham dự. Năm 2008, một nhóm bạn trẻ đi Sydney với tư cách cá nhân và nhóm nhỏ, đã phải “sợ chết khiếp” khi sang bên ấy bắt gặp những hình ảnh và màu sắc hào hùng của các bạn đồng hương.

Làm sao cho giới trẻ quê hương mình có thể vươn lên cùng với anh em bạn bè muôn phương? Câu hỏi đó có vẻ dư thừa vì chuyện vươn bằng người khác không phải là điều quan trọng, vì thế giới ngày nay không còn cái kiểu cạnh tranh hơn thua. Cái quan trọng nhất chính là được hoà nhập trong cộng đồng của những con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu chuộc, để cùng nhau ca ngợi Đấng đã ban “sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, và chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy” (chủ đề Đại Hội Năm 2008).

Những bạn trẻ được hạnh phúc tham gia Đại Hội Giới Trẻ thế giới hẳn có lúc nghĩ đến những người anh chị em dù rất khát khao vẫn không bao giờ dám mơ có ngày được tham dự, trừ khi Đại Hội được tổ chức ở ngay quê hương mình. Mà như thế thì lại nảy sinh một vấn đề khác không thuộc phạm vi bài viết này.

Hôm nay một bạn nhỏ đến nhà tôi tổ chức Sinh nhật, chung vui cùng bạn bè. Tôi thấy các em hồn nhiên, vui tươi và hết mình với Đức Tin cũng như với những giá trị khác của thế giới. Khi các em ra về, tôi chạnh lòng nghĩ đến những bạn bè đồng trang lứa với các em, giờ này đang say sưa chuẩn bị chào đón ngày Giới Trẻ. Làm sao cho những con người đang hăng say ở đất nước tôi có thể đem hết nhiệt huyết Chúa ban mà làm cho cộng đồng nhân loại cùng tiến lên, hướng về siêu việt? Làm sao có những đam mê và sôi nổi của các em được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi biết rằng mình không lẻ loi trên những nẻo đường đời?

Rio de Janeiro, cố đô của Brazil (thủ đô nước này vào những năm 1763-1960), nổi tiếng với tượng Chúa Giêsu trên đỉnh núi nhìn ra biển. Rio de Janeiro từ nay càng nổi tiếng hơn với Đại Hội Giới Trẻ lần đầu tiên trong triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô. Rio de Janeiro, niềm mơ ước của bao tâm hồn người trẻ Việt nam.

Cùng cầu xin cho Đại Hội Giới Trẻ năm nay đem lại ơn ích thật nhiều cho những người tham dự và cho mọi người khát khao tham dự, cả những người không có cơ hội nghe đến. Và hãy cùng lặng lẽ hát lên bài “Này con là Đá, trên viên Đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là Đá, Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung. Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô…”
 
Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland Oregon Hoa Kỳ tổ chức Lễ Khấn Dòng
Phan Hoàng Phú Quý
17:53 21/07/2013
PORTLAND - Thứ Bảy ngày 20/7/2013 vào lúc 10 giờ sáng, Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland-Oregon đã tổ chức Lễ Tuyên Khấn Lần Đầu cho Nữ Tu Elizabeth Trần Thi Thanh Lý và Ngân Khánh Khấn Dòng cho Nữ Tu Anna Vũ Thị Tấu Thanh Lan tại Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Xem hình ảnh

Ngày hạnh phúc Chúa ơi !
Cuộc giao duyên đất trời
Đưa con vào tình sử
Để hiến thân trọn đời.
Đường lên cung thánh Chúa huyền linh.
Dịu dàng lờI thánh ca an bình
Hoa dâng ngát hương cho lòng mến đầy
Nến cháy lung linh thêm niềm tin cậy
Đẹp ôi cung thánh Chúa hồn say.


Trên đây là những tâm tình của bài ca nhập lễ đã được cộng đoàn dân Chúa hát lên để đón chào quý Soeurs, quý linh mục đồng tế và Đức Tổng Giám Mục chủ tế tiến vào cung thánh

Sau các bài đọc và Phúc Âm là nghi thức Tuyên Khấn Lần Đầu của Nữ Tu Elizabeth Trần Thị Thanh Lý:

Lạy Chúa, Chúa gọi con, này con đây
Nhờ ơn Chúa ban, con xin tuyên khấn được sống trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt miền Portland Oregon.

Nữ tu Thanh Lý đã đọc và ký vào văn thư tuyên khấn trước mặt ĐTGM, quý linh mục đoàn , chị Tổng Quyền, chị Phó Tổng và quý sơ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đồng thời cũng nhận khăn lúp và Hiến Chương của Dòng.

Nữ tu Anna Vũ Thị Tấu Thanh Lan cũng đã lập lại lời khấn hứa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả, tốt lành, nhờ ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn, con tự nguyện cam kết bước theo Đức Kitô trên đường Thánh giá, để cùng với Người, hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân . Con xin hiệp thông với toàn chị em , khấn giữ Ba lời khuyên Phúc Âm : Khiết tịnh, Nghèo khó, Vâng phục, theo Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Miền Portland, Oregon. Nguyện xin Chúa chấp nhận đời con như một hiến lễ, và xin giúp con trung thành với giao ước Tình yêu trong Đúc Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con . Amen.

Trong phần huấn từ Đức Tổng Giám Mục Portland Alexander K. Sample đã ngỏ lời cám ơn cha chánh xứ cũng như quý sơ và giáo dân đã dành cho ngài sự tiếp đón nồng hậu vì đây là lần đầu tiên ĐTGM đến với giáo xứ, tuy vậy nhưng ngài đã tìm hiểu và được biết Giáo xứ Đức Mẹ La Vang là một giáo xứ đông giáo hữu nhất và có truyền thống sống Đức Tin một cách cụ thể nhất, bằng chứng là hôm nay Ngài được tiếp nhận những lời khấn hứa của vị 2 nữ tu, một người tuyên khấn lần đầu tiên và một người lập lại Lời Tuyên Khấn 25 năm qua. Có một sự trùng hợp thật kỳ diệu va tuyệt vời , theo Ngài quan trong không phải là những lời tuyên khần lần đầu , nhưng mà sống với những lời tuyên khấn đó trong suốt 25 năm .

Thế gìói ngày nay không tin vào những lời tuyên khấn Khó Nghèo, Trinh Khiết và Vâng Phục họ chạy theo bản ngã của duy vật, coi trọng cái tôi, còn chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn va mời gọi để nên thánh, hãy lắng nghe va đáp trả tiếng Chúa mời gọi. Biết sống cho đời sống mai sau, chúng ta cho đi nhìều thì sẽ được Chúa chúc phúc nhiều. Khấn hứa là bằng chứng sồng động bước theo tiềng Chùa và làm chứng nhân cho mọi người noi theo .

Sơ Bề Trên Maria Nguyễn Thi Trinh cũng đã ngõ lời cảm ta va tri ân Đức TGM ,Cha chánh xứ va quý linh muc đồng tế, quy tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã đên hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho quý sơ trong ngày hôm nay và xin tiếp tục cầu nguyện cho ơn gọI của dòng cũng như của Giáo Hội hoàn vũ.

Thánh lễ được kết thúc vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, mọi người được mời ở lai dùng tiệc trà thân mật để cùng chia vui với Hội Dòng và gia quyến, trong buổi tiệc có phần văn nghệ giúp vui do chính các nữ tu phụ trách với nhiều tiết mục thật dễ thương và cảm động.

Được biết Tu viện Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland hiện có 28 nữ tu và 02 đệ tử, hiện đang phục vụ tại 3 điạ điễm chính, đó là Portland Oregon, Sacramento California và Virginia

Tu viện luôn sẳn sàng đón nhận các thiếu nữ từ 16 tuổi trở lên, những ơn gọi muộn được nâng đỡ đặc biệt. Muốn biết thêm chi tiết xin liên lac về địa chỉ : 7408 S.E. Alder Street Portland Oregon 97215 Điện thoại (503) 254-3284.
 
Chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức – Thái Bình thăm Giáo xứ Thuận Nghĩa
Pv Thuận Nghĩa
18:58 21/07/2013
VINH - Ngày 21 tháng 07 năm 2013, quý Thầy khóa 2011 – 2019, Đại Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức ghé thăm Giáo xứ Thuận Nghĩa. Đây là một trong những tiến trình đào tạo của Chủng viện. Sau thời gian giúp xứ các Thầy được bề trên cho phép đi tham quan một số nơi với mục đích giúp ích cho đời sống mục vụ của các Thầy sau này.

Trong dịp này, quý Thầy được Cha Quản xứ Thuận Nghĩa dâng lễ thánh tử đạo Phêrô Đinh Văn Thuần, bổn mạng của lớp vào sáng ngày 22 tháng 07 năm 2013.

Trước khi ra về quý Thầy viếng Đền Thánh Tử Đạo Phêrô Vũ Đăng Khoa, người con ưu tú của Giáo xứ Thuận Nghĩa.

Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần, Sinh năm 1802 tại Ðông Phú, Thái Bình. Người họ Đông Phú thuộc giáo xứ Trung Đồng, Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình trong giáo phận Trung Đàng Ngoài. Ông làm nghề đánh cá, một nghề như thánh Phêrô, bổn mạng của ông đã từng làm. Ông còn được chọn làm Lý trưởng nhờ tấm lòng cương trực và khả năng của mình. Là một giáo hữu bình dân chất phác và nhiệt thành, sau khi lập gia đình, ông đã tận tâm giáo dục con cái sống đạo cách sốt sắng theo tinh thần Phúc Âm.

Tháng 08-1861 với chiếu chỉ phân sáp của Vua Tự Đức, việc bách hại đạo gia tăng cách khủng khiếp nhất là trong giáo phận Trung. Các quan thi hành triệt để lệnh Vua, không những cho quân lính truy lùng các vị thừa sai, giám mục, linh mục, thày giảng, mà còn cưỡng ép mọi giáo hữu bất kể nam phụ lão ấu đều phải chối đạo và bước qua Thánh Giá. Đất đai, vườn ruộng, nhà cửa, súc vật… của giáo hữu sau khi bị phân sáp đều bị tịch thu, phá hủy. Hơn nữa, giáo hữu còn bị khắc trên má hai chữ "Tả Đạo" để khỏi lẩn trốn. Quả thực, Giáo Hội Việt Nam đang phải chìm đắm trong những thử thách lớn lao.

Đầu năm 1862, thảm họa đã đổ xuống trên làng Đông Phú. Trong dịp này, ông Phêrô Thuần đã bị bắt và bị giải về phủ huyện, rồi bị tống giam vào ngục Ngọc Chí. Tại đây ông phải chịu nhiều cực hình, cổ mang gông, chân chịu xiềng xích, và nhiều lần quân lính đưa ông đến trình diện quan lớn, rồi bị cưỡng ép chà đạp Thánh Giá. Nhưng ông vẫn nhất mực từ chối lời quan, và thẳng thắn tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô.

Mẫu gương sống động

Các quan đã phải dùng đến phương sách tình cảm để mong khuất phục ông. Quan cho quân lính dẫn ông về thăm gia đình, gặp vợ con. Trước cảnh gông cùm xiềng xích của người chồng, người cha, cả gia đình đều nức nở khóc lóc buồn thương. Nhưng điều quan quân không ngờ được: Ông bình tĩnh an ủi và khích lệ vợ con hãy sẵn sàng chấp nhận việc dâng hiến của mình.

Sau đó vị anh hùng bình thản trở về nhà tù sống chung với các chứng nhân khác.

Tháng 04-1862, các quan đầy ông ra làng Lương Mỹ, thuộc huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, và giam ở đó hai tháng. Trong hoàn cảnh này, ông đã một lần thối chí và nghe lời quan đạp lên Thánh Giá. Thế nhưng sau khi gặp các bạn hữu, ông tìm được can đảm, tiếp tục tuyên xưng niềm tin cho đến chết, bất chấp mọi đòn vọt tra tấn.

Nhận thấy việc kéo dài thời gian giam giữ cũng vô ích, các quan liền kết án thiêu sinh ông. Ngày 06-06-1862, quan cho nhốt chiến sỹ đức tin vào một chiếc cũi tre chật hẹp, rồi chất củi thiêu sống ông. Trong ngọn lửa phừng phực nóng bỏng, vị chứng nhân của Chúa Kitô chắp tay cầu nguyện, tạ ơn Chúa trong tâm tình hiến dâng mạng sống mình để nói lên niềm tin kiên vững vào Đấng Cứu Chuộc. Thi thể cháy đen của vị tử đạo được chôn cất ngay tại chỗ. Về sau, giáo dân đem an táng tại sân nhà thờ Đông Phú, quê hương của ngài.

Cùng với các vị tử đạo khác tại Việt Nam, ông Phêrô Đinh Văn Thuần đã được Đức Piô XII suy tôn lên bậc Chân Phước ngày 29-04-1951. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. (Nguồn từ thư viện Đa Minh)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ý nghiã việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. Mai Đức Vinh
10:37 21/07/2013
Ý NGHIÃ VIỆC TÔN VINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Để trình bày ‘Ý nghĩa việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo’, chúng tôi dựa vào bản văn kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh’. Trong đó, Giáo Hội chúc tụng rằng: ‘Chúa được tôn vinh trong cộng đoàn các Thánh, và khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa tuyên dương chính hồng ân của Chúa. Từ nếp sống của các ngài, Chúa ban cho chúng con gương sáng, nhờ sự hiệp thông với các ngài, Chúa cho chúng con được chung phần vinh phúc, nhờ lời các ngài chuyển cầu, Chúa ban ơn trợ giúp chúng con. Nhờ những chứng nhân thế giá như vậy nâng đỡ, chúng con xông vào chiến trận dàn sẵn mà nắm chắc phần vinh thắng, và cùng với các ngài, chúng con được lãnh nhận triều thiên vinh quang bất diệt’. Múc lấy những ý tưởng chủ yếu của bản văn trên đây, chúng tôi trình bày đề tài theo năm phần sau đây:

1. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là chúng ta tuyên dương vinh quang và hồng ân của Thiên Chúa.

2. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là chúng ta sống theo gương sáng của các ngài.

3. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là xin các ngài cầu nguyện trước tòa Chúa cho chúng ta.

4. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là nhờ các ngài nâng đỡ, chúng ta xông vào trận chiến và nắm vững phần thắng lợi.

5. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là xin Chúa cho chúng ta được chung phần vinh phúc với các ngài.

Hơn nữa, để mở đầu mỗi phần, chúng tôi mượn lại bài giảng của tháng Bênađô, viện phụ trong cuốn ‘Kinh Sách: các Bài Đọc’ IV, ngày lễ Các Thánh và bài giảng của thánh Aucơtinh, giám mục, ngày lễ Các Thánh Tử Đạo. Lời giảng của các ngài giúp chúng ta nắm bắt vững chắc hơn giáo huấn của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô, tông đồ. Tất cả những lời dạy của các Thánh Phụ đều nêu bật một ý nghĩa thần học sâu xa về việc chúng ta tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam: ‘Cái chết quý báu của các Thánh Tử Đạo được đánh giá bằng cái chết của Đức Kitô’.

1. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là ‘chúng ta tuyên dương vinh quang và hồng ân của Thiên Chúa’.

Nghĩa là ‘khi tôn kính các thánh, chúng ta tuyên dương chính hồng ân thánh thiện Thiên Chúa ban cho các thánh, tuyên dương vinh quang của Thiên Chúa giữa cộng đoàn các Thánh’.

Quả thật, mỗi vị thánh là một ánh vinh quang của Thiên Chúa tỏa ra giữa loài người, mỗi vị thánh là một đáp trả toàn túc lời Chúa Giêsu kêu gọi ‘các con hãy nên trọn lành như cha các con ở trên trời là đấng trọn lành’ (Mt 5,48), ý muốn của chính Thiên Chúa ‘chúng ta được thánh hóa’ (1Ts 4,3). Các thánh là những người làm vinh danh Chúa bằng sống đầy đủ ơn gọi của mình nhờ ơn thánh chính Chúa trao ban, như công đồng Vatican II nhắc nhủ: Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng của các ngài, nhưng vì ý định và công phúc của Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận phép Rửa, bí tích đức tin, các thánh đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài. Do đó, các ngài thực sự đã trở nên thánh. Rồi, với ơn Chúa các thánh đã cẩn thủ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà các ngài đã lãnh nhận. Quả thật, các ngài đã ‘sống xứng đáng như những vị thánh’ (Ep 5,3), đã ‘mặc lấy lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hóa và yêu thương’ (Cl 3,12), đã dùng ơn thánh thần mà thánh hóa mình (Rm 6,22) (x GH 40).

Riêng với các thánh Tử Đạo, thì ‘vâng lời Thiên Chúa quý hơn mọi vinh quang nhân loại’ (Ds 22, 17 tt), nền tảng vững chắc của vinh quang ở nơi Thiên Chúa (Tv 62,6+8). Các thánh Tử Đạo là những người khôn ngoan, nhìn rõ những vinh quang chóng qua và giả dối của người vô đạo, và xác tín chỉ mình Thiên Chúa mới là vinh quang của mình, mới ‘đưa mình vào vinh quang của Ngài’ (Tv 73,24 tt). Vì thế, noi gương Chúa Giêsu, các ngài tuyên bố ‘chối bỏ mọi vinh quang của trần gian, để chỉ tin yêu và phụng thờ một Thiên Chúa duy nhất và chân thật’ (x Mt, 48 tt). Các thánh Tử Đạo còn hiến máu mình để tôn vinh Thiên Chúa, vì ‘dầu phải chết, các ngài cũng chẳng tiếc sinh mạng mình’ (Kh 12,11). Các ngài xác tín hơn ai hết: lòng trung thành với Thiên Chúa quý hơn mọi vinh quang nhân loại. Cũng như Phêrô, các ngài tôn vinh Thiên Chúa ‘bằng giá máu của mình’ (Ga 21,19).

Tóm lại, đối với các thánh, vinh quang mà các ngài hết sức trân trọng là ngọn lửa tình yêu, là sự thánh thiện vẹn toàn phơi bày sự ô uế, sự hư vô, sự mỏng dòn tự bản chất của tạo vật. Vinh quang ấy không phá hủy trái đất, nhưng thanh luyện và tái sinh (Ez 11,22 tt), rồi quang tỏa trên cộng đoàn nhân loại được Thánh Thần đổi mới (Ez 36,23 tt): ‘Hãy vùng đứng lên, hãy bừng sáng lên! Vì đây ánh sáng và vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên ngươi (Is 60,1). Nói một cách khác, vinh quang của các thánh là ‘toàn thể nhân loại nhận biết Giavê là Thiên Chúa của loài người, Đấng luôn ở giữa họ’ (Xh 29,46). Quả vậy, các ngài noi gương Chúa Giêsu: không màng vinh quang người đời (Ga 5,41), coi thường sự ô nhục thập giá (Dt 12,2), chỉ đạt cho được vinh quang duy nhất là hoàn thành sứ mệnh để tôn vinh Đấng đã sai mình (Ga 7,18) và ‘phó thác mọi vinh dự nơi Chúa Cha mà thôi’ (Ga 8,50-54). Lúc đó, Chúa Cha sẽ nói với mỗi vị thánh: ‘Con là tôi tớ Ta, nơi con Ta tuyên dương vinh quang của Ta’ (Is 49,3).

Với người Công Giáo Việt Nam, những ý nghĩa thâm sâu này còn được múc lấy từ những lời chứng chân thành và sống động của các thánh tiền nhân:

• Lời kể của cha Đắc Lộ về cụ già Anrê (+1644), vừa suy tôn các thánh vừa tuyên dương hồng ân của Thiên Chúa từ nhân: “Cổ ông đeo gông nặng như các tù nhân trọng tội ở nước này, nhưng ông lại coi đó là một cây kiềng danh dự. Ông không coi đó là cực nhọc mà lại lấy làm vinh hạnh. Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một thánh Phaolô thứ hai trong ngục tù…”. Cũng vậy, hai thày giảng Anrê và Inhaxiô, bước đi mạnh mẽ, không sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái, dễ chịu vì đó là xe chở họ đi về nước thiên đàng (DMAH 1, tr.28, 29) (5)

• Lời của chính các vị tử đạo hoặc tuyên xưng trước toà, hoặc khích lệ bà con. Như trường hợp hai ông Alexi và Augustinô (+1646): “Quan hỏi ‘Đức Chúa Trời là ai ư’ ? – Ngài là Đấng tạo dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ, cả hồn cả xác chúng ta. Vì vậy chúng ta có bổn phận phải thờ phượng và đội ơn Ngài… Anh chị em hãy yêu thương nhau. Giờ đây chúng tôi không sợ hãi gì vì chúng tôi đi về nước trời. Chúng ta hãy cùng nhau kêu thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria trên miệng và trong tim…” (DMAH 1, tr. 40, 41).

• Một trong những hồng ân Thiên Chúa ban cho các thánh Tử Đạo là lòng can đảm, sẵn sàng bảo vệ đức tin, chịu khổ nhục vì đức tin và chết vì đức tin, như lời tuyên bố của cụ Toma (+1665) với đồng bào vây quanh cụ tại pháp trường: “Các vị coi đấy, tôi sắp sửa được chết để bảo vệ đức tin. Tôi chỉ có một điều là không có cả ngàn mạng sống để dâng cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và chủ tể trời đất” (DMAH 1 tr.63).

• Một trong những dấu ‘can đảm tuyên xưng đức tin’ mà hầu hết các thánh Tử Đạo Việt Nam đã biểu dương cách anh dũng, là cương quyết không bước qua hay đạp lên ảnh Thánh Giá. Thay lời cho các thánh tiền nhân, là câu tuyên xưng của thày giảng Phanxicô Chiểu (+1838): “Đức Chúa Trời là Thiên Chúa thật, là cội rễ mọi sự, mọi người phải thờ phượng và cung kính Ngài trên hết mọi sự, cho nên tôi không thể và không dám bước qua ảnh Thánh Giá. Dù phải chết, tôi cũng không xúc phạm đến Thánh Giá của Chúa tôi” (DMAH 2, tr.122).

• Hồng ân lớn nhất mỗi vị Tử Đạo mong mỏi là được phúc chết vì đạo thánh để được rỗi linh hồn và về thiên đàng với Chúa, như lời tuyên xưng của thánh linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển (+1840) trước tòa án: “Thưa các quan, tôi đã từng nói nhiều lần là tôi ước ao được chết vì đạo chứ không chối đạo. Đã đến giờ tôi được chết. Thật là đúng với nguyện ước từ lâu của tôi. Sau nhiều khổ hình, tôi vui sướng được chết để tỏ lòng kính mến Chúa và được về Thiên đàng với Ngài. Xin các quan cứ tự do thi hành án lệnh của nhà vua…” (DMAH 2, tr.416).

Là người Việt Nam Công Giáo, là hậu duệ của các thánh Tử Đạo, chúng ta nắm bắt được ý nghĩa cao cả của việc tôn kính các thánh Tử Đạo Tiền Nhân ngay trong văn hóa Việt Nam: sống đức Hiếu với Thiên Chúa là Cha. Người Công Giáo Việt Nam ý thức rằng ‘tôn kính các thánh tử đạo tiền nhân là tôn thờ Thiên Chúa, Đấng được tôn vinh giữa cộng đoàn các thánh’. Vì thế, nói theo văn hóa Việt Nam, lòng tôn kính các thánh Tử Đạo bắt nguồn từ đức Hiếu. Hiếu với Thiên Chúa là Cha, ‘hướng lòng về Chúa với tâm hồn chân thành’ (1Ch 2,18) qua các tôi trung của Ngài. Nếu các thánh là những cành lá sum xuê sai hoa chĩu trái, thì ‘cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn’. Nếu chúng ta cảm nghiệm được rằng ‘hồng ân của Chúa ban cho các thánh bao la diệu kỳ’, thì xin đừng quên ‘nước có nguồn mới bể rộng sông sâu’. Đức tin Công Giáo đã thăng hoa và siêu nhiên hóa đức Hiếu trong văn hóa quê hương trong đạo cổ truyền của dân tộc. Đạo Hiếu không chỉ nằm ở cấp độ tôn kính tổ tiên, nhưng được nâng lên lòng yêu mến, tin thờ Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng cho mọi loài. Khi tuyên xưng vững chắc vào một Thiên Chúa chân thật, các thánh tiền nhân nhắc nhở chúng ta: ‘Trời sinh trời dưỡng’, ‘Trăm sự nhờ Trời, sống chết ở Trời’, ‘Trời gần Trời biết, Thiên cao thính ti’, ‘Phúc đức nhờ Trời’… Sống đức Hiếu với Thiên Chúa là tôn kính Ngài, vâng lời Ngài, cẩn thủ luật Ngài truyền dạy, lắng nghe tiếng Ngài nói trong lương tâm… Hiếu với Chúa là tin nhận và tuyên xưng ‘đạo Ngài dạy là đạo thật’, ‘Đạo chi đại đạo, Đạo xuất ư thiên’ (Đạo lớn nhất là đạo phải đến từ trời). Tóm lại, tôn kính các Thánh Tử Đạo Cha Ông là tuyên dương hồng ân của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các Thánh.

Đạo của Chúa, luật Chúa dạy chúng ta sống đức Hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, ân nhân, thày dạy của chúng ta. Tuy phong cách khác nhau, tất cả các tiền nhân tử đạo đều đáng được chúng ta tỏ lòng hiếu thảo. Hiếu thảo với các thánh chính là hiếu thảo với Chúa, là tôn vinh danh về Chúa những kỳ công Ngài thực hiện trong cuộc tử đạo của các thánh:

Vinh danh Chúa vì qua bao thế hệ,

Đức tin lồng vào trang sử đau thương,

Hạt chết đi ôm sức sống Tin Mừng,

Nhập vào đất, nở nên hoa Giáo Hội.

Vinh danh Chúa vì những người mở lối,

Đã ngã vì ôm chân lý trong tim,

Đã hiên ngang tế lễ cuộc đời mình,

Nâng chén đắng của tình yêu chứng tá.

Vinh danh Chúa vì ơn Ngài thành tựu,

Nơi những người anh dũng chết vì tin,

Mối tình cao chung thủy đã trọn niềm,

Cho danh Chúa Ba Ngôi ngời vinh hiển.

(Thánh thi Kinh Sách lễ 24.11).

2. Tôn kính các thánh Tử Đạo là ‘để chúng ta sống theo gương sáng của các ngài’.

Trong huấn giới của Thiên Chúa “Hãy nên Thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44), rõ ràng là có hai sự thánh thiện: sự thánh thiện của Thiên Chúa, tức mầu nhiệm siêu việt của Ngài, và sự thánh thiện của con người, tức sự trong sạch do việc phụng thờ Thiên Chúa và sự hiện diện của Đấng Chí Thánh giữa dân Ngài đòi hỏi (Lv 19,2, Xh 29,45). Không nguyên huấn giới của Thiên Chúa, những lời giảng dạy của các sứ ngôn cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đòi buộc con người phải theo những đường lối mà chính Ngài đã thương chỉ dạy (Gr 9,23, Mk 6,8). Nhìn vào các tổ phụ và các ngôn sứ chúng ta nhận ra những mẫu gương cần thiết để noi theo, như gương đức tin và gương trung thành của tổ phụ Abraham (St 15,6; 22,12-16). Chúng ta luôn có những chứng nhân làm gương mẫu về đời sống thánh thiện, như thánh Phaolô chẳng hạn (Pl 3,10). Chính ngài nêu gương (1Cr 4,16; Gl 4,12), chính ngài kêu gọi các kỳ mục sống gương mẫu (1Tm 4,12; Tit 2,7) để cộng đoàn của họ trở thành gương mẫu (1Ts 1,7; 2,14).

Nhưng gương mẫu hoàn hảo nhất của chúng ta là Chúa Giêsu. Chúng ta phải noi gương thánh Phaolô bởi vì ngài đã noi gương Chúa Giêsu (1Ts 1,6; 1Cr 11,1). Chúng ta có thể bắt chước gương Chúa Giêsu sống tình yêu khiêm tốn hầu hiến dâng đời sống (Ga 13,15; Ep 5,2, 1Pr 2,21, 1Ga 2,16; 3,16) cho mọi người và yêu thương mọi người như chính Ngài yêu thương (Ga 13,34; 15,12). Vả lại, vì Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như Chúa Cha yêu thương Ngài (Ga 15,9), noi gương chước Chúa Giêsu tức là bắt chước Chúa Cha. Theo gương Chúa Giêsu là nên đồng hình đồng dạng với Ngài (Rm 8,29). Mà Ngài là hình ảnh toàn hảo của Chúa Cha (Cl 1,15), nên chúng ta sẽ được đổi mới theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa (Cl 3,10).

Vậy các Thánh là những người đã bắt chước Chúa Giêsu cách toàn hảo. Các ngài có thể nói với chúng ta như thánh Phalô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), vì thế anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô (1Cr 11,1).

Đặc biệt, các thánh Tử Đạo có thể nhắc lại cho chúng ta, như một bài học đức tin kiên cường, một sự gắn bó keo sơn với Chúa Kitô, một sự hiệp thông sâu đậm với sự thương khó của Ngài, những lời sau đây: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bày cừu để sát sinh! Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, chúng ta xác tín rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta” (Rm 835-39).

Nhờ sự kết hợp yêu thương với Chúa Giêsu, các thánh Tử Đạo Tiền Nhân để lại cho chúng ta nhiều gương sáng:

• Về đời sống bổn phận hằng ngày đối với gia đình, với mọi người chung quanh, nhất là với những người yếu thế và nghèo đói. Nhìn vào đời sống các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta nhớ tới lời dạy của Thánh Phaolô ‘anh chị em hãy noi gương đức tin của các vị tiền bối’ (Dt 1,1 tt), và ‘Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Giêsu’ (1Cr 11,1). Ở đây, chúng ta có trước mắt tấm gương của thánh linh mục Vicentê Đỗ Yến (+1838). Hồ sơ phong thánh đã viết về ngài: “Cha Yến là một vị đầy lòng từ bi bác ái, tính tình rất dễ thương, đồng thời cũng đầy cương nghị, nét mặt lúc nào cũng vui vẻ. Khi sống giữa giáo dân, ngài luôn sẵn sàng lo lắng cho con chiên và tận tụy hết mình. Sống giữa anh em dòng (Đa Minh), ngài luôn luôn quên mình. Ngài không bỏ qua một cơ hội nào mà không giúp đỡ người chung quanh. Tất cả tâm hồn ngài tập trung mỗi khi dâng lễ và làm các phép bí tích” (DMAH 2, tr.131). Riêng về thánh Micae Lý Mỹ (+1838), thì chính hiền thê của ngài đã làm chứng: “Tôi chẳng thấy ông ấy uống rượu, đánh bạc hay chửi ai bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, săn sóc cửa nhà và giữ đạo”. Vì thế, mọi người trong làng đều coi ông như gương lành để bắt chước. Có lần nhóm trẻ đến làng Kẻ Vĩnh thăm cụ Phê, thì cụ bảo họ rằng: “Chúng con hãy noi gương ông Lý Mỹ, vì ông ấy thật là người có nết na hẳn hoi và giữ đạo sốt sáng” (DMAH 2, tr.181).

• Về đức tin can tràng: Điều làm chúng ta thắng được thế gian, đó là đức tin của chúng ta (1Ga 5,4). Tất cả các Đấng Tử Đạo ở Việt Nam, dù đã được phong hiển thánh hay chưa, đều là những người đã ‘can đảm chết vì đức tin’. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một trường hợp tiêu biểu, thánh thày giảng Phanxicô Chiểu (+1838): ‘Thày Phanxicô bị điệu ra trước tòa án rất nhiều lần. Nhưng lần nào cũng anh dũng tuyên xưng đức tin, trả lời cho các quan với những lời lẽ thật khôn ngoan. Và khi quan bảo phải bỏ đạo, bằng không sẽ bị giết chết, thầy giảng Phanxicô đã trả lời cách hiên ngang: “Đức Chúa Trời là Thiên Chúa thật, là cội rễ mọi sự, người ta phải thờ phượng cùng kính mến Ngài trên hết mọi sự, cho nên tôi không bước qua ảnh, không từ chối đạo thánh, dù vua quan giết chết tôi, tôi vẫn cương quyết giữ đức tin” (DMAH 2, tr.122). Cha Luca Vũ Bá Loan (+1840) cũng nói vắn gọn và cương quyết: “Nếu các quan thương, tôi rất biết ơn. Trái lại, nếu các quan muốn lên án tử, tôi sẵn sàng và còn vui lòng chết để tuyên xưng đức tin nữa” (DMAH 2, tr. 422).

• Về đức phó tác chân thành: Có Chúa cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm gì được tôi? (Tv 117,6). Thánh nữ Anê Lê Thị Thành (+1841), khi bị quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh tra tấn cách dã man, là ‘thả rắn vào trong quần của bà’, bà bình tĩnh cầm hãm mọi tủi hổ và đau đớn, bà lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp sức cho con. Con liễu yếu đào tơ, đang bị quan quân ức hiếp, con phó thác tất cả cho Chúa, xin Chúa nâng đỡ con” (DMAH 3, tr.27). Cũng vậy, thánh trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (+ 1854), lúc lên đường đi lưu đày, đã nói với các bạn tù đồng đạo: “Xin anh chị em cầu cùng Chúa Trời cho tôi được sức mạnh và bền gan chịu đựng. Tôi sắp phải lên đường lưu đầy. Tôi phó dâng tất cả trong tay Chúa nhân lành. Tôi sẵn sàng dâng lên Chúa sự hy sinh lớn lao nhất là gia đình, vợ con. Chính Chúa sẽ lo liệu” (DMAH 3, tr.94).

• Về tinh thần truyền giáo, tuyên dương danh thánh Chúa: ‘Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo mọi kỳ công Chúa làm nên (Tv118, 17). Sử còn ghi lại, ông trùm Phêrô Ki (+1665) nổi tiếng về lòng yêu thương người nghèo và chôn cất người chết. Nhà ông đã trở thành nhà thương chăm sóc bệnh nhân. Ông lợi dụng cơ hội đó để rao giảng Tin Mừng. Chính ông đã can đảm chết vì đạo (DMAH 1 tr.56). Cũng một cách, thánh trùm Antôn Đích (+1838) có hai đức tính xã hội rất có ảnh hưởng truyền giáo: Một đàng ông chăm chỉ làm ăn nên trong gia đình không thiếu thốn… Đàng khác ông lại giàu lòng chia sẻ đặc biệt đối với linh mục tu sĩ già yếu, Nhất là mỗi khi có bệnh dịch tả, ông trùm Đích đã đón tiếp về nhà nhiều bệnh nhân để săn sóc… Thời bị giam tù, ông đã chia sẻ cho các bạn tù nghèo mọi quần áo và của ăn gia đình tiếp tế… (DMAH 2 tr.199-202).

• Về sự hiệp thông với sự thương khó của Chúa Giêsu: Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô, anh em tràn đầy vui mừng… Bị sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu, anh em thật có phúc… (1Pr 4,13-14). Người ta kể, năm 1801, giáo dân Xứ Đoài, khi quan tỉnh đem quân đến bao vây và bắt ép bỏ đạo, đã đồng thanh kêu lên: “Vạn tuế Vua Giêsu, chúng tôi sẵn sàng chết vì Ngài” (DMAH 1, tr. 247). Còn thánh trùm Antôn Nguyễn Hữu Năm (+1840), mỗi khi có người đến thăm và khóc lóc, thánh nhân lại khuyên: “Xin đừng khóc nhưng hãy cầu nguyện cho tôi có sức chịu khổ hình vì Chúa” (DMAH 2, tr.440). Hai thánh Đaminh Huyên và Đaminh Toái (+1863) đã khích lệ nhau: “Chúng ta hãy can đảm chịu khổ vì Chúa Giêsu, Đấng đã chịu khổ cực vì chúng ta. Chúng ta chịu khổ với lòng cương quyết cho đến chết vì Chúa” (DMAH 3, tr.320). Cha Đắc Lộ còn ghi lại lời trối tha thiết của thầy giảng Anrê: “Hỡi anh em, Chúa Giêsu yêu chúng ta quá bội, vậy chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, Chúa Giêsu đã chịu chết cho chúng ta được sống, vậy chúng ta hãy lấy sự sống đáp lại sự sự sống”.

• Về hy vọng phần thưởng lớn lao: Ai can đảm tuyên xưng Thầy trước mặt vua quan,… ai hy sinh mạng sống vì Thầy… người ấy sẽ được Thầy dẫn đến cùng Chúa Cha, sẽ được phần thưởng dành cho người công chính, và sẽ được sự sống đời đời… (Mt 10,32+39+41). Khi nghe tin bị xử trảm, thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự (+1838) đã kêu lên sung sướng: “Ôi, hôm nay Thiên Chúa đã ban cho tôi một đặc ân lớn, xin muôn đời ngợi khen Ngài: Chết vì Ngài để lãnh nhận phần thưởng lớn lao! Xin cảm tạ Ngài hết linh hồn, hết trí khôn” (DMAH 2, tr.228). Cũng vậy, vừa tới pháp trường, thày giảng Anrê Phú Yên (+1644) đã nói lên lớn tiếng: “Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi, tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi, bao nhiêu thánh Tử Đạo giơ cho tôi xem mũ triều thiên và cành lá thiên tuế. Ôi thiên đàng, hạnh phúc dường nào, mau mau cho tôi về thiên đàng!” (DMAH 1, tr.31).

Đọc chuyện các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ai lại không thấy hiện ra trước mắt những mẫu người Việt Nam đáng quý mến, đáng thán phục và đáng bắt chước. Đa số các ngài chỉ là những người dân thường, ‘an bần lạc đạo’, ‘cốt nhục tương liên’, ‘công minh chính trực’. Hầu hết các ngài làm ăn đầu tắt mặt tối, ít chữ nghĩa hay không được học… Thế nhưng các ngài lại thực hiện bao nhiêu nét đẹp của văn hóa bình dân, của đạo cổ truyền dân tộc, nơi các ngài hiển hiện bao nhiêu tính tình tốt đẹp của người Việt Nam có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng cảm, vị tha… Quả thật các ngài không nói mà làm, không hiểu thấu sâu xa nhưng sống thực tế và rất đúng theo lương tri của con người biết: trên đầu có Trời, chung quanh có đồng loại, lời nói bay đi gương bày lôi kéo… Các ngài đúng là ‘những người đắc đạo’ hay ‘những bậc thánh hiền’. Các thánh Tử Đạo không chỉ là những Kitô hữu sáng chói niềm tin, nhưng còn là những công dân Việt Nam gương mẫu, trọng ‘thuần phong mỹ tục’. Đức tin đã thắm nhuần và đời sống, vào cách ứng xử hằng ngày của các ngài là con người Việt Nam, là công dân của một dân tộc có đạo lý và phong hoá vững bền. Vì thế, một trật và cho đến muôn đời, các ngài là những người Việt Nam-Công Giáo đáng thán phục và noi theo về nhiều đức tính, về nhiều phạm vi...

Do đó, chúng ta không quên rằng càng nhiệt tình tôn kính các thánh Tử Đạo tiền nhân, càng phải ra công noi gương các ngài về đời sống đức tin, về tinh thần dân tộc, ngay giữa đồng bào chúng ta, ngay trong văn hóa quê hương… Càng hãnh diện là hậu duệ của các thánh, càng phải tha thiết cầu xin:

Xin cầu cho hậu duệ,

Noi gương sáng Ông Cha:

Đức Tin quyết bảo vệ,

Đức Ái tỏa sáng ra,

Xây dựng nước trần thế,

Mở rộng nước Chúa Cha

(kinh sáng, 24.11)

3. Tôn kính các thánh Tử Đạo là ‘thành tâm xin các ngài cầu nguyện cho chúng ta trước tòa Chúa’.

Chúng ta hãy nghe lời thánh Bênađô: “Chúng ta ca ngợi các thánh để làm gì? Chúng ta tôn vinh các thánh để làm gì? Những vinh dự trần gian ích gì cho các ngài, một khi Chúa Cha trên trời tôn vinh các ngài đúng như lời Chúa Con đã hứa? Lời tán dương của chúng ta ích gì cho các ngài? Các thánh không cần chúng ta tôn vinh và lòng tôn kính của chúng ta cũng chẳng thêm gì cho các ngài. Thực ra chúng ta tôn vinh các ngài thì ích lợi cho chúng ta chứ không phải cho các ngài”. (1). Ích lợi đó là: ‘nhờ lời chuyển cầu của các Thánh, Chúa ban ơn trợ giúp chúng ta’, như lời dạy của Công Đồng Vatican II:

• Để Giáo Hội được ‘Đấng Thánh duy nhất’ thánh hóa (GH 39).

• Để mọi thành phần Giáo Hội được nên thánh như ý Thiên Chúa muốn (GH 39).

• Để mọi bậc sống trong Giáo Hội (giám mục, linh mục, tu sĩ giáo dân, phụ huynh, người trẻ…) cố gắng đạt tới đức bác ái trọn hảo trong bậc sống của mình (GH 40).

• Để mọi người, theo bậc sống của mình, sống thánh thiện ngay trong việc phục vụ kín đáo và khiêm tốn (GH 42).

• Để mọi thành phần trong Giáo Hội sẵn sàng hy sinh, chấp nhận mọi đau khổ vì vinh danh Chúa, cho Nước Chúa được mở rộng… dù phải ‘tử đạo’ (TG 24, TĐ 14, LM 13).

• Để mọi Kitô hữu ‘bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin, nhiệt thành truyền bá đức tin’ (Giáo lý Thêm Sức).

Những lời giảng dạy của thánh Bênađô và những giáo huấn của Công Đồng Vatican II chắc chắn đã được các thánh Tử Đạo thể hiện cho mọi người, cách riêng cho chúng ta là hậu duệ của các Ngài. Sau đây là những lời chứng sống động:

• Bà Agnès bị bắt và được phúc tử đạo năm 1700. Khi chồng bà bế con đến thăm bà trong tù và khóc lóc tha thiết. Bà đã khuyên chồng: “Này anh, em xin anh đừng khóc lóc buồn phiền. Chính Chúa thương cho em được ơn trọng như thế này. Đó là một vinh dự cho cả anh và các con, sao anh lại khóc ầm ĩ lên thế. Em xin anh một lần nữa, là hãy đem hai con về nhà chăm sóc chúng nó, dậy dỗ chúng biết kính sợ Thiên Chúa và nhắc chúng rằng: em vẫn nhớ đến anh và các con trong nước Thiên Đàng. Em hy vọng sẽ sớm được phúc tử đạo” (DMAH 1 tr.79).

• Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ (+1839) trước khi được phúc tử vì đạo đã nhiều lần khuyên vợ: “Bà hãy đem con về nhà cha mẹ, chịu khó làm ăn mà coi sóc các con, để chúng lớn lên biết thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời và giữ đạo cho nên… Thương tôi, bà hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban sức mạnh cho tôi… Tôi không quên mẹ con bà trong lời cầu nguyện đâu…”. Lần khác, thánh nhân lại khuyên vợ: “Bà bế con về đi, xin bà thay tôi nuôi nấng dạy dỗ chúng. Tôi không về nhà nữa, tôi chỉ mong chờ phúc tử đạo thôi. Tôi đã dâng bà và con cái cho Đức Chúa Trời rồi. Khi lên Thiên Đàng tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho bà, cho các con và cho mọi người…” (DMAH 2 tr.369-370).

• Năm 1736, cha Cratz đã nhân danh hai thày giảng và ba linh mục dòng Tên khác, nói với giáo dân trước khi ra pháp trường: “Anh chị em thân mến, chúng tôi sắp được đổ máu làm chứng cho đức tin… Chúng tôi sửa soạn lên trời. Ở đó chúng tôi biết rõ sẽ giúp đỡ linh hồn anh chị em nhiều hơn, điều mà dưới thế gian này chúng tôi không làm được nhiều. Ở trên trời chúng tôi sẽ yêu mến và cầu nguyện cho anh chị em nhiều hơn…” (DMAH 1, tr.164).

• Ngay khi vừa bị giết chết, nhiều vị Tử Đạo đã cầu thay nguyện giúp cho người được những ơn họ cầu xin. Đó là những trường hợp Chúa đã làm phép lạ cho những người thành tâm nguyện cầu qua lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo (xin đọc bài Thiên Đạo Chí Công).

Chúng ta vui mừng nhận ra rằng: các đấng Tử Đạo Việt Nam đã được dân chúng lương và giáo tôn kính ngay từ buổi đầu. Chẳng hạn thánh Lý Mỹ, chính các quan tòa, vì thấy dân chúng ái mộ ngài cách nồng nhiệt, đã thốt lên ‘Ông này sau khi chết chắc sẽ làm thành hoàng của làng xã’ (DMAH 2 tr.195). Lòng yêu mến và tôn kính của người dân lương, giáo đã được các thánh đón nhận và chuyển cầu: Chúa đã ban ‘nhiều ơn trợ giúp’ cho những người thành kính kêu xin, nhờ lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo. Những ‘ơn trợ giúp’ này được thi ân bằng những dấu lạ mà sử sách còn ghi lại (xem bài Thiên Đạo Chí Công).

Quả đúng như những lời ca dao tục ngữ phổ biến trong dân gian: ‘Trời không đóng cửa ai’, ‘Thành tâm được trời giúp’, ‘Trời nào có phụ ai đâu’, ‘Những người nhân đức trời dành phúc cho’… Nếu việc tôn kính các Thánh Tử Đạo là một cử chỉ bày tỏ đức Hiếu đối với các bậc Tiền bối (cha mẹ, ông bà, ân nhân, thày dạy…) và đối với chính Thiên Chúa, thì lẽ tự nhiên chúng ta có thể xin các Thánh bầu cử cho chúng ta trước tòa Chúa, và lẽ đương nhiên các ngài không từ chối những ai có lòng thành và cầu xin những điều chính đáng… Xin được khoẻ mạnh, làm ăn may nắn, xin cho khỏi cơn bạo bệnh, khỏi nỗi gian nguy, xin cho gia đạo bình an, cho làng xã an vui, cho quê hương tấn phát…

Còn hơn các vị anh hùng ‘ích quốc lợi dân’, ‘cứu nhân độ thế’, hơn các vị thành hoàng ‘hữu hưu lạc quang’ (vui vì có công nghiệp rạng rỡ), các thánh Tử Đạo là những vị ‘tổ ích bồi cơ, công đằng sơn cao thiên cổ ngưỡng, vu kim diễn phái, trạch đồng hải tuấn ức niên tư’ (Nhờ xưa bồi đắp tảng nền, công đọ non cao, ngửa trông muôn thuở, đến nay nảy nở dòng giống, ơn tày bể rộng nhuần thắm ngàn năm). Cho nên trước mặt toàn dân, các ngài thật đáng tôn kính và ghi ơn. Hơn nữa, trước mặt Thiên Chúa, các thánh Tử Đạo là những tôi tớ trung thành, đã hy sinh tất cả vì vinh danh Ngài. Đáp lại, ‘Thiên Chúa coi cái chết của các ngài thật đắt giá’ và mau khấng nhận những lời cầu thay nguyện giúp của các tôi trung. Sau đây là ba chứng từ cụ thể:

• Ông Phêrô Vũ Văn Thang kể lại: “Cháu trai của tôi bị chứng bệnh đau bụng kinh niên, nhiều khi đau kinh khủng, không thuốc nào chữa được. Tôi liền đi đến mộ cha Gioan Đạt (+1798) đọc năm kinh Lạy Cha, năm kinh Kính Mừng, rồi nhổ vài ngọn cỏ trên mộ ngài đem về nấu nước cho cháu uống. Vừa uống xong bát nước, cháu khỏi bệnh ngay, không đau lại nữa” (DMAH 1, tr.244)

• Thày giảng Bernard Thu kể rằng: “Năm ấy đồng lúa của dân chúng bị sâu phá hoại toàn diện, không sao trừ được chúng. Tôi liền chạy đến mộ cầu nguyện cùng cha Tùy (+1833) và lấy nước thánh rảy lên ruộng lúa. Lời cầu nguyện của tôi được chấp nhận. Dân làng sửng sốt thấy ruộng lúa của họ bị sâu phá hoại còn ruộng của tôi thì trổ bông, đầy hạt. Tôi cho họ biết lý do và họ tôn vinh Đấng Tử Đạo…” (DMAH 2 tr.51).

• Thầy Tín kể rằng: “Một tên lính ăn xôi cúng, bị quỷ nhập, thày lấy nước thánh rảy lên anh ta, anh chỉ cười. Ngay lúc đó ông Loan nhớ lại mình còn giữ được cái kiếm chém đầu cha Phêrô Nguyễn Văn Tự (+1838), ông chạy về lấy thanh kiếm, mọi người cầu nguyện, và ông loan cầm thanh kiếm ép vào cổ người lính bị quỷ ám, lập tức anh ta được lành”. Riêng cậu Thanh con ông quan tuần, lấy được một miếng vải của cha Phêrô Nguyễn Văn Tự (+1838). Nhiều người muốn mua lại, anh không bán và còn quả quyết: ‘Từ khi tôi có miếng vải này, tôi hết bị ma quỷ quấy nhiễu’ (DMAH 2 tr.229-230).

4. Tôn kính các thánh Tử Đạo là ‘để nhờ các ngài nâng đỡ, chúng ta xông vào trận chiến và nắm phần thắng lợi’.

Theo thánh Bênadô, việc tôn kính các thánh Tử Đạo khơi lên và thôi thúc mạnh mẽ trong chúng ta niềm khát vọng hợp đoàn với các thánh, được xứng đáng làm người đồng hương và làm bạn hữu với các thánh… để tuyên xưng đức tin, để hân hoan sum họp trong mối dây hiệp thông với toàn thể các thánh, cộng đoàn các con đầu lòng của Thiên Chúa… (1). Nhờ cộng đoàn chứng nhân thế giá này nâng đỡ, chúng ta sẽ ‘xông vào trận chiến’ của bổn phận hằng ngày, của những khó khăn thường nhật… với niềm xác tín mãnh liệt:

• Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên ích lợi cho những ai yêu mến Ngài: Thiên Chúa kêu gọi họ nên ‘đồng hình đồng dạng với Con chí ái của Ngài’… nghĩa là làm cho họ nên công chính, nên những người đáng hưởng phúc vinh quang (2).

• ‘Thiên Chúa ban phần thưởng lớn lao cho những ai chịu đau khổ vì Ngài: Khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, bị coi như đàn cừu sát sinh và bị giết chết ư?… Tất cả không sao sánh được với những vinh quang Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta (2).

• Giữa mọi thử thách chúng ta được Chúa Giêsu và cộng đoàn các thánh nâng đỡ: các thánh nêu gương khích lệ, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… và chính Chúa sẽ bênh đỡ chúng ta… Lúc đó ai còn chống lại được chúng ta? ai dám buộc tội những kẻ Chúa chọn? ai dám kết án chúng ta? Người nào, sức lực nào có thể tách rời chúng ta ra khỏi Chúa Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta? (2). Nhờ đó chúng ta sẽ ‘can đảm và bền vững sống đức tin’, tuyên xưng đức tin và nằm lòng những lời Thánh Kinh: ‘Đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế’. ‘Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai hiến mạng sống mình vì Thày thì sẽ được sống muôn đời’ (Mt 10,39); và nữa “Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn, đúng hơn anh em chỉ sợ Đấng có thể giết được cả thân xác lẫn linh hồn” (Mt 10,28) (3).

Quả thật, một trong những ý nghĩa và mục đích của việc chúng ta tôn kính các thánh Tử Đạo tiền nhân là noi gương các ngài mà sống đức tin cách vững mạnh và hiên ngang. Đọc lịch sử thời cấm đạo hay đọc chuyện tích của các vị Tử Đạo ở Việt Nam, dù là người bản xứ hay thừa sai từ xa đến, dù đã được Giáo Hội tuyên thánh hay còn chờ đợi, dù có danh tánh rõ ràng hay chỉ ẩn danh ẩn tích, chúng ta làm sao không cảm thấy được thúc đẩy ‘bền vững sống đức tin, can đảm tuyên xưng đức tin và nhiệt thành trao truyền đức tin’, làm sao không cảm thấy sức mạnh thiêng liêng nung nấu và khích lệ chúng ta ‘xông vào chiến trận với ba thù và nắm vững thắng lợi cho vinh quang Chúa, để mở rộng Giáo Hội và được hưởng phần rỗi linh hồn’. Sau đây là những gương tích tiêu biểu, bảo đảm cho những điều chúng ta muốn trình bày ở đây:

• Gương sống thánh thiện của thánh giám mục Melchior Samperdro (Xuyên) (+1858): ‘Đức Cha Xuyên hết lòng chu toàn bổn phận và đặc biệt có tinh thần khắc khổ, ham thích cầu nguyện và hãm mình ăn chay và đánh tội… Đức Cha còn dành giờ dịch ra tiếng Việt các sách đạo cần thiết cho giáo dân… Ngài còn tự thân dạy giáo lý cho 54 gia đình gần 500 người tại một làng gần Cao Xá (Bắc Việt)… Dù là giám mục, Đức Cha cũng xin các cha chỉ vẽ cho ngài những điều sai lỗi, nhận mình là một tội nhân trước mặt Chúa… Ngài có lòng kính mến Đức Mẹ cách đặc biệt… Trong thời gian cấm đạo, Đức Cha Xuyên phải lẩn trốn nhiều nơi… Nhưng đêm 7.7.1858 ngài đã bị bắt, lúc mới 37 tuổi. Sau 20 ngày giam tù, ngài bị lên án ‘phân thây’ và ra pháp trường ngày 28.7.1858. Khi hành quyết Đức Cha, quan ra lệnh: trước tiên chặt hai chân, rồi đến tay, đầu và mổ bụng đốt ruột gan. Đức Cha bị trói chân tay vào các cọc và tấm gỗ đè trên ngực. Năm tên đao phủ cầm búa bổ xuống dưới chân 12 lát như bổ củi, trong khi đó miệng của Đức Cha vẫn kêu to Danh Thánh Chúa Giêsu, máu chảy lai láng. Sau đó lý hình chặt 8 lát cho nát cánh tay. Tiếp đến là bổ thêm 15 lát cho đứt đầu, trước khi mổ bụng. Sau đó, các phần thân thể được vất xuống hố, lấp đất và cho voi đạp lên. Còn đầu bêu trên cửa phía nam của thành Nam Định, hai ngày sau bị đập nát thành mảnh vụn và quẳng xuống sông ban đêm. (DMAH 3 tr.187-188).

• Gương thánh cai đội Phanxicô Trần Văn Trung (+1858): Phải chăng tên gọi của một người diễn tả tính tình và chí hướng của người ấy?. Như trường hợp của người anh hùng đức tin Trần Văn Trung: ngài vừa trung thành với quốc gia, vừa trung thành với đạo Chúa. Quả vậy, khi theo lệnh vua Tự Đức, cai đội trần văn Trung tình nguyện đi đánh giặc, bảo vệ quê hương. Các quan muốn phòng ngừa người Công Giáo nội ứng, nên bắt mọi người trước khi đi đánh ngoại xâm phải dâng hương trước bàn thờ tổ tiên và đạp ảnh chuộc tội. Vì muốn trung thành với đạo, ông Trung đã không làm như mười một người khác. Quan liền hạch hỏi: ‘Sao chú không đạp ảnh Thập Giá, đúng chú là người đạo Công Giáo?’. Ông trung can đảm thưa: ‘Vâng, tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc, nhưng không khi nào tôi chối đạo’. Câu trả lời khảng khái của người lính chiến Chúa Kitô đã khiến quan tức giận và bỏ tù ngài ngay lập tức. Ban đêm, bốn quan vào tù dụ dỗ ngài với mọi lý lẽ ngon ngọt, mong ngài bỏ đạo mà đi giết giặc cứu nước. Nhưng ngài vẫn một lòng giữ vững đức tin. Không dụ dỗ được ngài, các quan liền cho đánh đòn ba trận liền, mỗi trận 50 roi. Roi đòn cũng không lay chuyển được viên cai đội dũng cảm, các quan giam ngài trong ngục và kêu án chém đầu. Suốt hai tháng bị giam tù, ông cai Trung sốt sáng đọc kinh cầu nguyện với đứa con gái 8 tuổi được quan tù cho vào săn sóc bố. Một hôm, ông Trung khuyên con: “Con ơi, điều bố mong ước nhất là vua kết án tử cho bố. Con không học đạo ở đây được, vì hằng nghe những lời xấu xa của người ngoại, vậy con hãy về nhà với mẹ thì hơn. Con hãy nhớ chắc điều này: dù phải túng cực thế nào thì cũng đừng ở chung với người không có đạo, nhưng hãy ở giữa những người có đạo. Hễ cha sở chỉ bảo điều gì thì con phải hết lòng mà giữ…”. Lần khác ông khuyên bảo vợ: “Nếu tôi phải chết phen này, thì xin mình hãy thương mấy đứa con, coi sóc chúng tận tình và đừng đi lấy chồng nữa. Nếu mắc nợ ai, thì mình bán đồ đạc mà trả trước đi chứ đừng để chủ bên lương bắt con mình đi ở đợ mà thiệt hại phần linh hồn…” (DMAH 3, tr.193-194).

• Gương giáo dân Xứ Đoài (1799): Vào thời Nguyễn Ánh, các quan trấn Thanh Hóa cho lính vây Xứ Đoài, tập trung giáo dân lại và tra khảo bắt ép chối đạo. Phần đông đã anh dũng xưng đạo. Một giáo dân đã khảng khái nói: “Các quan có kề gươm vào cổ tôi, tôi cũng không ký giấy xuất giáo”. Một người khác tuyên bố: “Làm sao các quan có thể bắt tôi bỏ đạo được, đạo đã ăn sâu vào tâm khảm tôi rồi. Các ông có mổ bụng tôi ra thì đạo vẫn còn trong tôi”. Nghe vậy cả đám đông đồng thanh hô lên: “Vạn tuế Chúa Giêsu, chúng tôi sẵn sàng chết vì Ngài”. Rồi một bà cụ 60 tuổi đứng lên thưa với các quan: “Các quan muốn làm gì chúng tôi? Chúng tôi tất cả 52 người Công Giáo, dù các quan giết đến người thứ 51, người cuối cùng vẫn không sợ. Các quan chẳng bao giờ ép chúng tôi bỏ đạo thánh được đâu!”. Ông trùm Xứ Đoài cũng can đảm thưa với các quan: “Các quan nghĩ rằng chúng tôi sợ chết sao? Các quan lầm to! Chúng tôi không muốn gì hơn là được đổ máu mình ra vì Chúa Giêsu là Đấng đã chịu chết vì chúng tôi và vì cả các quan nữa”… (DMAH i, tr. 246-248).

Đọc chuyện các thánh Tử Đạo, chúng ta cảm nghiệm ba điều:

• Là người Việt Nam, nhiều ít, các thánh Tiền Nhân đã được phấn khích bởi những lời dạy của tổ tiên, được dạy dỗ bởi cha mẹ hầu sống đức tin vững vàng đúng theo những cốt tính của người Việt, tinh túy của văn hóa dân tộc. Nghĩa là, các ngài đã nằm lòng và mang trong xương tuỷ ‘chí khí anh hùng, can đảm, cương quyết… ‘cốt cách của dân tộc Việt’, được diễn tả qua những lời hay ý đẹp trong văn hóa bình dân: ‘Nhân tử lưu danh’, ‘Nhất tâm thiết thạch’, ‘Có chí thì nên’, ‘Mừng vui cơm tấm ổ rơm, tuy rằng đói khổ nhưng thơm sạch lòng’, ‘Làm sao như quế trên non, trăm năm khô mục vẫn còn thơm tho’, ‘Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi’, ‘Làm người suy chính, xét xa, cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài’, ‘Lòng ta quyết chí thi hành, đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây’, ‘Tận trung báo quốc’… Nghĩa là, các ngài đã nghe biết và được thúc đẩy bởi những vĩ nghiệp và chí anh hùng của các đẳng thần quốc gia, như hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… hay đẳng thần làng xã quen gọi là thành hoàng như ông Nguyễn Cần (làng Đông Lâm, Hải Dương), ông Nguyễn Công Trứ (nhiều làng thuộc huyện Kim Sơn và Tiền Hải)… (6). Nghĩa là, các ngài đã được ảnh hưởng tốt bởi nhiều truyện ngụ ngôn, cổ tích lành mạnh, đậm mầu sắc anh hùng, luân lý và đạo giáo, như chuyện Tiên Rồng, Trầu Cau, Vọng Phu, An Tiêm… (7).

• Là người Công Giáo đầy đức tin, được thúc đẩy, khích lệ và nâng đỡ bởi lời Chúa trong Thánh Kinh, bởi ơn Chúa Thánh Thần, bởi gương sáng và giáo huấn của các chủ chăn thánh thiện... các Thánh Tiền Nhân đã bền tâm sống gương mẫu giữa mọi người thân quen, đã đốt sáng đức tin và lấy cái chết anh dũng để phụng sự Chúa, mở mang đạo thánh, đồng thời phục vụ đồng bào và thăng hoa văn hóa quê hương… Đó là điều, chính các thánh không tuyên bố, khoe khoang, nhưng thực sự đã làm, đã sống như chúng ta vừa đọc được trong ba trường hợp tiêu biểu trên đây.

• Là người Việt nam – Công Giáo, các Thánh Tử Đạo đã ‘làm một lựa chọn can đảm, biểu hiện ý chí cương nghị, tinh thần tự do, suy nghĩ chín chắn’ vốn có của người Việt Nam. Các ngài giữ lấy những gì là tinh túy, là tốt đẹp của tôn giáo và văn hóa dân tộc làm cơ sở đời sống đức tin, tuyên chứng và trao truyền đức tin. Đồng thời các ngài lại nhờ ánh sáng đức tin để thanh tẩy và thăng hoa văn hóa của dân tộc… Các ngài đã năng nổ dấn thân, chịu đựng mọi nhục hình, cốt làm sáng tỏ ‘lý tưởng đã chọn lựa’, đến phải hy sinh mạng sống. Phần thưởng của các Ngài là biểu dương cốt cách của người Việt Nam trung kiên, là góp phần làm đẹp văn hóa quê hương, là Tin Mừng hóa những điểm cốt yếu của đạo lý dân tộc, là lấy mồ hôi và máu đỏ thắm nhuần đất nước để xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, là phất lên những cành lá thiên tuế anh dũng mời gọi ‘hậu duệ cùng xông vào trận chiến ba mặt: bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin và nhiệt thành truyền ba đức tin’.

5. Tôn kính các Thánh Tử Đạo là ‘xin Chúa cho chúng ta được chung phần vinh phúc với các ngài’.

Thánh Bênađô quả quyết: nhờ việc tôn kính các thánh Tử Đạo, chúng ta được thúc đẩy noi gương các ngài ‘tìm kiếm những sự thuộc thượng giới’, chúng ta được hiệp thông với các thánh, chúng ta mong mỏi Chúa Kitô, nguồn sống của chúng ta, xuất hiện cho các thánh thế nào thì Ngài cũng xuất hiện cho chúng ta như vậy, và chúng ta cũng được trình diện trước thánh nhan Ngài, để Ngài cho chúng ta chung hưởng vinh quang với các thánh (2).

Còn thánh Âutinh lại dạy chúng ta: Giáo Hội thường hân hoan hát lên rằng: ‘Trước mặt Chúa thật là quý giá, cái chết của những ai trung hiếu với Ngài’ (Tv 115,15). Chúa Giêsu đã diễn giảng cái chết trân châu ấy như sau: ‘Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt’ (Ga 12,24) (4)

Thánh Âutinh nói thêm: Cùng với các thánh Tử Đạo chúng ta chiêm ngắm biết bao kỳ diệu Đấng toàn năng đã làm cho chúng ta: Chúa đã sáng tạo nên con người, đã tìm kiếm con người khi con người lầm lạc, tìm thấy rồi Chúa lại ban ơn tha thứ, Chúa giúp cho con người khi con người chiến đấu yếu hèn, Chúa không bỏ con người khi con người lâm nguy, khi con người chiến thắng, Chúa trao triều thiên cho con người và ban chính mình làm phần thưởng. Biết mình lãnh nhận tất cả những ân huệ đó, các thánh kêu lên rằng: ‘Tôi biết lấy gì đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Chúa đã ban cho. Tôi xin nâng chén mầng ơn cứ độ’ (4).

Khi tôn kính các thánh Tử Đạo, chúng ta vừa nâng chén cứu độ chia vui với các ngài, vừa nghe mỗi vị hân hoan bày tỏ: ‘Tôi đã chấp nhận mọi thiệt thòi để được Chúa Kitô, được hiệp thông với sự thương khó của Ngài… (Pl 3,8). Nhờ Ngài, tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin. Giờ đây tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4,7-8).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thể hiện tròn đầy những điều thánh Aucơtinh diễn tả trên đây. Khác nhau về chi tiết, nhưng tổng thể, mỗi vị tử đạo là một tôi trung, can trường chịu mọi thua thiệt để được Chúa Giêsu, một hùng binh chiến thắng, được nâng chén mầng ơn cứu độ với Chúa Kitô, xứng đáng lãnh nhận vòng hoa công chính và cành lá tử đạo. Vì khuôn khổ của bài viết, chúng ta chỉ nêu lên một trường hợp điển hình là cuộc tử đạo của thánh Lý Mỹ (+1838). Hãy nghe những lời vừa phó thác vừa tuyên chứng vừa khích lệ của ông: - Nói với các nữ tu mến Thánh Giá: ‘Bây giờ vua cấm đạo thì cũng như là khóa thi Đức Chúa Trời ra, cho nên ta phải ý tứ và ăn ở cho vững vàng’. - Khuyên những người lính làng Vĩnh Trị bị bắt: ‘Xin anh em chịu khó và can đảm, đừng quá khóa’. - Hỏi ý kiến vợ hiền: ‘Nè, nếu tôi được phúc tử đạo thì mẹ nó có bằng lòng không?’. Câu trả lời của bà Lý làm ông phấn khởi: ‘Thày nó được phúc trọng ấy, thì tôi bằng lòng lắm chứ’. - Vừa phó thác cho Chúa, vừa khích lệ người con rể là thánh trùm Antôn Đích (+1838), khi cả hai cha con cùng bị bắt một ngày: ‘Cha con ta đồng sinh đồng tử với nhau, việc Đức Chúa Trời định đã đến rồi’. - Thưa mạnh dạn khi quan tòa muốn kéo ông Lý Mỹ qua ảnh Thánh Giá: ‘Bẩm lạy quan lớn, quan lớn kéo voi qua Thập Tự thì cũng được, nhưng tôi nhất định không bước qua Chúa chúng tôi đâu’. - Nói khảng khái, sau khi cắt nghĩa cho quan tòa biết ‘thiên đàng là gì’: ‘Lát gươm quan lớn chém đầu tôi là cửa mở cho tôi về thiên đàng’. - Mừng rỡ khi được tin sẽ bị trảm quyết, như người sắp đi ăn cỗ lớn. Rồi đi ra pháp trường Bảy Mẫu, với thái điệu hân hoan, nhanh nhẹn, ông Lý Mỹ vừa đi vừa ‘chào mọi người’. - Trên đường đi, gặp ông cả Thâu người em họ. Ông Thâu nói: ‘Anh Lý hãy vững vàng nhé!’. Ông Lý trả lời: ‘Chú yên trí, tôi chẳng có sợ đâu’. - Trước khi chém, tên lý hình đòi ông Lý Mỹ năm quan tiền thì sẽ chém một lát cho mát mẻ, ông Lý Mỹ trả lời: ‘Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, tôi chẳng có tiền cho chú mình đâu, chú muốn băm vằm thế nào tùy ý’. Tên lý hình tức mình, xử một nhát trượt không trúng, chỉ đứt một miếng thịt nơi cằm. Ông Lý Mỹ ngã xuống. Mãi tới lát thứ năm mới đứt đầu. (DMAH 2, tr.180-195). Ngài được phong Chân Phước 1900 và Hiển Thánh 1988. Ở trên trời, Thánh Lý Mỹ sẵn sàng chia sẻ vinh phúc cho chúng ta, sẵn sàng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Lịch sử còn ghi, không phải chỉ có ‘một thánh Lý Mỹ’, nhưng còn có ‘117 hiển thánh tử đạo anh dũng như Thánh Lý Mỹ’. (Đó là chưa kể hơn 100.000 vị Tử Đạo chưa được tuyên phong Chân Phước hay còn ẩn danh ẩn tích). Các ngài đã lãnh nhận cành lá thiên tuế và triều thiên tử đạo. Thiên Chúa trân trọng cái chết của các ngài và Chúa cho các ngài hưởng trọn vẹn phần thưởng vĩnh cửu dành cho các tôi trung của Chúa. Thành tâm tôn kính các ngài, chúng ta hy vọng các ngài sẽ chia phần vinh phúc cho chúng ta, sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước tòa Chúa. Không nguyên cho chúng ta, nhưng cho cả Giáo Hội, cả Tổ Quốc cả Đồng bào Việt Nam nữa, như lời kinh chúng ta thường đọc:

‘Lạy Chúa, các thánh Tử Đạo là ân huệ Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam. Vì thế, chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa. Hợp với cuộc hy sinh tử đạo của các tiền nhân anh dũng, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ và ca tụng, để biểu lộ tình con thảo với Chúa là Cha. Lạy Chúa, vì công nghiệp của các thánh Tử Đạo, xin ban cho dân Việt Nam chúng con được an vui và thịnh vượng, cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu rỗi, và bước theo con đường chân lý. Xin cho Giáo Hội Việt Nam được sống trong hòa thuận và hiệp nhất, luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị thánh Phêrô, và hăng say lo việc tông đồ, nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người. Xin cho chúng con được trung thành với Chúa ở trần gian, để ngày sau về hưởng vinh quang bất diệt, cùng các thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời. Amen’.

------------------------

(1) Kinh Sách, Các Bài Đọc tập IV, Mùa Thường Niên, lễ Các Thánh, Bài giảng của Thánh Bênađô tr. 667-668.

(2) Sd, Bài thư thánh Phaolô Rm 8,18-39, tr.742-743.

(3) Sd, Bài giảng của thánh Síprianô, tr. 744-745.

(4) Sd, Bài giảng của thánh Âutinh, giám mục, tr.748-750.

(5) Vũ Thành ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1,2,3, nxb Thanh Sinh Công, Hoa Kỳ, 1987. Trong bài này chúng tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt là (DMAH 1, 2, 3 tr…). Chúng tôi trích dẫn hoặc dựa theo bộ sách của cha Vũ Thành, vì đọc các chú giải hay thư mục ở phần cuối của mỗi cuốn sách, chúng tôi yên tâm về nguồn liệu lịch sử liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam mà cha đã dày công nghiên cứu và xử dụng.

(6) Toan Ánh, Nếp Cũ ‘Tín Ngưỡng Việt Nam’ cuốn thượng, 19?, tr. 122-230. xem: Tạ Chí Đại Trường ‘Thần, Người và Đất Việt’, nxb Văn Nghệ, Hà Nội, 1989.

(7) Nam Thiên, ‘Kinh Việt’ I, nxb Hoa Tiên Rồng, Australia, 1998.

Thánh Augustin Schoeffler

Linh Mục Thừa Sai Balê (+1851)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bóng Chim Mùa Phượng Tím
Nguyễn Bá Khanh
21:17 21/07/2013
BÓNG CHIM MÙA PHƯỢNG TÍM
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Cánh chim đơn lẻ sầu vương
Tình trong một phút ngàn sương phủ mờ…
(Trích thơ của Nguyễn Gia Linh)