Ngày 11-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:39 11/07/2017
76. HOÀNG CÔNG TRỘM ĐAO
An Kỳ Sinh (theo truyền thuyết là người thần) đã học được pháp thuật tại núi Chi Phù, tay cầm xích đao, đứng trước mặt con hổ phải trái chỉ huy, con hổ đã thuần chủng như một em bé biết nghe lời. Đông hải Hoàng Công nhìn thấy rất là ngưỡng mộ, cho rằng tất cả thần kỳ ảo diệu đều ở nơi thanh xích đao, thế là ăn cắp thanh xích đao và mang trên người.
Một hôm ông đi ra ngoài và gặp một con hổ đang đi trên đường, ông ta rút đao ra và nhắm vào con hổ mà đi tới chứ không muốn tranh thắng lợi với nó, thế là ông ta bị hổ vồ ăn mất tiêu.
(Úc Ly tử)

Suy tư 76:
Có người cầm hai ba thanh xích đao nhưng vẫn cứ bị hổ vồ ăn thịt, vì không biết cách sử dụng đao, vì không biết pháp thuật hoặc võ thuật, nhưng An Kỳ Sinh sai khiến hổ bằng cách dạy cho con hổ biết nghe lời và những hiệu lệnh do người nuôi nó đặt ra, chứ không phải bằng thanh xích đao.
Có những người Ki-tô hữu đọc kinh lần chuỗi rất nhiều nhưng vẫn cứ phạm tội; có những người Ki-tô hữu tham gia lớp kinh thành này, lớp giáo lý nọ, nhưng đời sống đạo đức của họ vẫn cứ không thấy “khá hơn” người khác chút nào..!!
Tại sao vậy ?
Thưa, vì họ đọc kinh lần chuỗi nhiều, tham dự nhiều lớp kinh thánh mà tâm hồn họ không chịu thay đổi, không có quyết tâm sửa đổi tính hư tật xấu.
Chuỗi Mân Côi, các lớp giáo lý kinh thánh hay tu đức chỉ là phương tiện giúp chúng ta tìm ra phương pháp để đi đến gần Chúa hơn, sống tốt hơn mà thôi, chứ nó không thể giúp ích gì cho chúng ta nếu chúng ta không có một tâm hồn quyết tâm sống đạo và cải thiện cuộc sống.
Đông hải Hoàng Công đã bị hổ ăn thịt mặc dù trong tay có cầm thanh xích đao, bởi vì ông ta không biết cách dạy hổ và cũng chưa lần nào tiếp xúc với hổ.
Người Ki-tô hữu cũng sẽ bị ma quỷ vồ ăn thịt (mất linh hồn) nếu chúng ta lần chuỗi cho nhiều, học tu đức học kinh thánh cho nhiều mà một chút tâm tình hối cải cũng không có.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:44 11/07/2017

9. Giả như Thiên Chúa không cố ý nghe lời chúng ta cầu nguyện, thì sẽ không khuyên chúng ta cầu nguyện với Ngài.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hạt giống có mầm sống
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:43 11/07/2017
Chúa Nhật 15 Thường niên A

Hạt giống có mầm sống

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ, thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đang bán ở quày hàng này. Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim.
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Lm. Anthony de Mello. SJ).

Tin mừng hôm nay có tên gọi là “Dụ ngôn người gieo giống”. Thiên Chúa là người gieo giống. Chúng ta là đất. Hạt giống là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Tùy vào thái độ của mỗi người, chân thành đón nhận hay lười biếng khước từ, Lời Chúa sẽ sinh những hiệu quả khác nhau.Hạt giống được gieo trên bốn loại đất, đất vệ đường, đất lẫn sỏi đá, đất có nhiều gai góc và đất tốt. Đất nào cho năng suất nấy. Làm sao bên lề đường khô cằn sỏi đá, hạt giống có thể sinh hoa kết trái được? Trong bụi gai chằng chịt cỏ rác không mọc nổi, hạt giống làm sao vươn lên để thành cây xanh tốt được?

Chúa Giêsu ví lời giảng dạy của Ngài như hạt giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại đất khác nhau, số phận các hạt giống khác nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số phận khác biệt. Có lời sinh lợi muôn vàn lời. Có lời sống èo uột bị bóp nghẹt. Có lời làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư không. Khác biệt về thành quả không hệ tại bởi hạt giống mà bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên mặt đất mà là cõi lòng con người. Vì thế, dụ ngôn hạt giống gieo trên các loại đất khác nhau gợi lên những ý nghĩa.

1. Tấm lòng quảng đại của người đi gieo.

Người đi gieo đã gieo hạt giống trên những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ. Những mảnh đất sỏi đá, gai góc, lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo hạt không bỏ rơi một mảnh đất nào, ông quảng đại muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. Thiên Chúa quảng đại nhìn mọi người với chính phẩm giá của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Vì thế, mảnh đất nào cũng nhận được hạt giống đồng đều. Ai cũng có cơ may nhận được ân sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ thành tâm thiện chí. Lòng quảng đại không phân biệt đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng loại trừ ai, không thất vọng về hiện tại của người khác mà biết kiên tâm đợi chờ hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Không ai hoàn toàn là “lề đường”, là “sỏi đá” hay là “bụi gai”. Trong mỗi con người luôn có một mảnh đất tốt cho dù nó chỉ nhỏ bé thôi. Có thiện chí đón nhận hạt giống cũng sẽ có một mùa gặt bội thu “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11). Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa chan hòa như mưa móc: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,10-12).

Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu… Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.

2. Hạt giống tiềm ẩn sự sống.

Hạt giống có vỏ cứng bảo vệ, khi được gieo vào lòng đất vỏ sẽ vỡ ra cho mầm đâm chồi. Chồi non lên xanh là hình ảnh của sự sống mới. Sự sống vào đời mới bằng một cuộc phiêu lưu, bằng niềm phó thác cho tương lai.

Hạt giống là ánh sáng, là Tin mừng, là thiện hảo tốt lành, là giá trị Nước Trời. Tự nó, hạt giống có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Trong hạt giống có mầm sự sống, hễ cứ gặp điều kiện thuận lợi là mọc lên. Trong mầm sống có sự sống tiếp nguồn từ sự sống của Thiên Chúa. Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh sức sống tiềm tàng thì “Hạt lúa mục nát đi” (x. Ga 12,24) lại là một hình ảnh khác nói lên niềm hy vọng một mùa gặt mới sau khi chịu ‘mục nát”. Hạt giống là hồng ân Thiên Chúa, phong phú bao la và vô cùng mạnh mẽ. Điều quan trọng là hãy cho hạt giống một cơ hội để mọc lên.

Lời Chúa ví như hạt mưa. Khí hậu dù khắc nghiệt mấy cũng không triệt tiêu được hạt mưa. Giá rét, hạt mưa biến thành tuyết. Gió bão, hạt mưa biến thành bụi sương. Nóng rát, hạt mưa biến thành thể khí bay là là trên cát nóng. Rơi xuống sông biển hạt mưa hoà mình trong nước, trên đất khô hạt mưa thẩm thấu vào lòng đất.

3. Niềm hy vọng mùa gặt phong phú

Nếu người gieo hạt đã đặt hy vọng vào từng mảnh đất bất kể mức độ tốt xấu thì bổn phận của đất là không được phụ lòng người quảng đại gieo hạt. Thiên Chúa làm được mọi sự nhưng Ngài cần con người cộng tác.Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi con người.

Trong các hoạt động tông đồ, không cần phải phân tích người nào là lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Hạt giống cứ gieo vào đất, chúng ta hãy làm việc tốt cho người khác. Chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 5-9).

Niềm hy vọng phải là một đặc trưng của đời sống người kitô hữu. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại, hướng tới một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu của người được làm con cái Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Nước Trời còn ẩn chứa nhiều điều huyền diệu và chỉ cõi lòng nào chân thành, khiêm nhường đón nhận mới có cơ duyên thưởng thức những huyền diệu của Lời Hằng Sống. Nhận lấy hạt giống Lời Chúa trong mình, chúng ta từ từ sinh hoa trái trong Giáo Hội cho vinh quang của Thiên Chúa (GLCG # 1724).

Người nông dân có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống là cần thiết, nhưng nước, phân bón và công chăm sóc thật là quan trọng. Giống tốt, gieo xạ đúng quy trình kỹ thuật, nhưng để đất khô hạn thì lúa không lên xanh. Có giống, có nước mà không có phân bón thuốc trừ sâu, thì lúa sẽ èo uột không kết quả. Có được giống tốt, nước bảo đảm, phân thuốc đầy đủ, nhưng chẳng chăm sóc thì không thu lợi được bao nhiêu.

Người sáng, người mù hay người câm điếc cũng đều có thể nghe Lời Chúa, đón nhận hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng, nhưng quan trọng là đem ra thực hành.

Có một mãnh đất hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư mua lại thửa đất ấy rồi cày xới, làm sạch cỏ, rồi ông trồng cây, trồng hoa, trồng rau. Một thời gian sau, mảnh đất trở thành một khu vườn thật đẹp. Một hôm, ông Tư đang làm việc trong vườn, cha xứ đi qua và nói: "Khu vườn thật là đẹp! Ông Tư thấy không, khi ông biết cộng tác với Thiên Chúa thì kết quả như thế đó". Ông Tư trả lời: "Vâng, cha cứ thử nghĩ lại xem, miếng đất này như thế nào khi chỉ có một mình Chúa làm việc ở đây".

Có gieo thì mới có gặt. Gieo giống nào thì gặt giống đó. Thánh Phaolô viết: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6,7-9).

Hạt giống tốt mới có thể nảy mầm tốt, lớn thành cây tốt và sinh hoa trái tốt. Chúa Giêsu xác định: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12,33; Lc 6,44). Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Đời sống tinh thần cần có “hạt giống tâm hồn”. Đời sống tâm linh rất cần “hạt giống Lời Chúa”.

Lời Chúa chính là ngọn đèn soi bước đường đi, là ánh sáng chỉ đường trong đêm tối và là lương thực nuôi linh hồn chúng ta. Lời Chúa như hạt giống, tự nó có sức phát triển mạnh mẽ, nhưng hạt giống ấy, tuy là hạt giống hảo hạng nhưng cũng cần có điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho hạt giống ấy nảy nở và phát triển. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác vào trong công việc này.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta đi gieo hạt giống Lời Chúa, gieo hào phóng, gieo kiên trì, gieo hy vọng và nhất là gieo yêu thương. Gieo gì gặt nấy. Gieo bác ái chúng ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập đời sống hàng ngày.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Peter Turkson kêu gọi bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của các công nhân biển
Linh Tiến Khải
09:49 11/07/2017
VATICAN: Trong sứ điệp gửi nhân Ngày Chúa Nhật của Biển mùng 9 tháng 7, ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện, kêu gọi bảo vệ quyền lợi và thăng tiến cuộc sống của những người sống về nghề biển.

ĐHY viết trong sứ điệp gửi các linh mục tuyên uý, các thiện nguyện viên, thân hữu và những người ủng hộ Tông Đồ Biển như sau: Chúa Nhật của Biển mời gọi chúng ta thừa nhận và bầy tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với lực lượng to lớn gồm 1,5 triệu công nhân làm việc trong lãnh vực này, đa số thuộc các nước đang trên đường phát triển. Nhờ công việc nặng nhọc cam go và các hy sinh của họ cuộc sống của chúng ta được tiện nghi hơn. Vì họ chuyên chở 90% mọi loại hàng hoá và sản phẩm từ nước này sang nước khác. Mặc dù phần đóng góp nòng cốt của họ cho nền kinh tế thế giới, các công nhân này gặp nhiều khó khăn và phải đương đầu với các thách đố ảnh hưởng nghiêm trọng trên cuộc sống của họ và gia đình họ.

Tuy có nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp cải tiến sự thông truyền giữa các công nhân nghề biển, nhưng họ phải sống xa gia đình nhiều tháng trời. Đây là hy sinh thường âm hưởng trên cuộc sống gia đình của họ. Các bà mẹ phải sống và giáo dục dưỡng nuôi con cái một mình, vì người cha luôn luôn vắng mặt. Trong công tác mục vụ chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các gia đình của các công nhân này và hỗ trợ họ bằng cách thành lập các nhóm các bà vợ để họ nâng đỡ trợ giúp nhau.

** Việc sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến giúp các công nhân nghề biển liên lạc với bạn bè khắp nơi trên thế giới, nhưng giữa họ với nhau lại có nguy cơ cô đơn, mỗi người sống trong thế giới ảo của mình. Nhiệm vụ của các tông đồ biển khi thăm viếng họ trên tầu là tìm tạo ra sự kết nối nhân bản, củng cố truyền thông nhân bản để tránh sự cô lập, đơn độc và trầm cảm, là các lý do dẫn đến chỗ tự tử của các công nhân.

Ngoài ra nạn khủng bố đe dọa khắp nơi đòi hỏi phải có các biện pháp an ninh giới hạn không cho các thuỷ thủ lên đất liền tại các hải cảng. Phải làm sao bảo đảm cho các công nhân không bị kỳ thị vì bất cứ lý do chủng tộc tôn giáo nào. Cần bảo đảm cho họ được săn sóc sức khoẻ trên đất liền. Tuy có các luật lệ quốc tế bắt đầu có hiệu lục từ tháng 8 năm 2013 vẫn còn có nhiều công nhân bị lừa đảo tiền lương, bị khai thác bóc lột và lạm dụng tại nơi làm việc, bị kỳ thị và kết tội một cách bất công vì các tại nạn biển và bị bỏ rơi trong các hải cảng xa lạ. ĐHY Turkson yêu cầu các giới chức hữu trách chú ý tới thực tại này để phòng ngừa hay sửa chữa các bất công đó.

Ngoài ra còn có nạn cướp biển vũ trang hoành hành khiến cho mạng sống của các công nhân gặp nguy hiểm. Cần gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho họ.

Sứ điệp đặc biệt nhắc tới các ngư phủ, là những người cũng sống ngoài biển nhiều tháng trời. Nghề đánh cá là một trong các nghề nguy hiểm nhất, nhưng lương của các ngư phủ thường thấp hơn lương của các thuỷ thủ. Lãnh vực đánh cá cũng bị ảnh hưởng vì các vụ buôn người và lao động cưỡng bách, hay đánh cá bất hợp pháp. Tất cả các vấn để của họ sẽ được thảo luận trong đại hội quốc tế lần thứ 24 nhóm tại Cao Hùng bên Đài Loan vào tháng 10 tới đây. ĐHY Turkson mời các chuyên viên, các linh mục tuyên uý và thiện nguyện viên tham dự đại hội và góp phần cải tiến cuộc sống của các công nhân biển và các ngư phủ. Trong dịp này Bộ cũng sẽ củng cố sự cộng tác giữa tổ chức Tông đồ Biển của các quốc gia, góp chung các kinh nghiệm cụ thể và các tài lực nhằm phát triển các chuyên môn đặc biệc trong lãnh vực đánh cá (REI 9-7-29017)
 
Giáo Hội Ấn Độ hy vọng có thay đổi chính trị
Linh Tiến Khải
09:52 11/07/2017
NEW DEHLI: Giáo Hội Ấn Độ hy vọng chính quyền cải tổ chính sách đối xử với người Đalít khi tổng thống nước này sẽ là người Đalít.

Hiện nay hai ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 17 tháng 7 này đều là người Đalít, tức giai tầng cùng đinh trong xã hội Ấn. Đó là ông Ram Nath Kovind thuộc đảng Liên minh quốc gia dân chủ tiến bộ và bà Meira Mumar thuộc đảng Quốc đại. Ông Kovind đã từng là dân biểu và là thống đốc tiểu bàng Bihar, trong khi bà Kumar là nguyên chủ tịch Quốc hội và là luật sư. Bình luận về việc ứng cử của hai ngưòi LM Suresh Mathew dòng Capucino nói: không cần nhìn việc bỏ phiếu bầu tổng thống như là việc đối đầu giữa hai người cùng gốc Đalít hay giữa một người nam và một người nữ. Đây đúng hơn là sự đối đầu giữa hai ý thức hệ khác nhau. Ông Kovind thuộc nhóm Ấn cấp tiến, trong khi bà Kumar là ngưòi bảo vệ các lý tưởng và giá trị của Hiến pháp quốc gia. Ông Philipp, chuyên viên chính trị kitô cho rằng ông Kovind không biết rằng đền thờ hồi giáo đầu tiên tại Ấn đã được xây hồi tiên tri Mohamed còn sống và Kitô giáo thì đã được một môn đệ của Chúa Giêsu là tông đồ Toma rao truyền hồi thế kỷ thứ nhất, trước Mahomed 5 thế kỷ. Tổng thống là người có nhiệm vụ bảo vệ Hiến Pháp. Đó là một nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự khôn ngoan, sáng suốt và yêu thương dân, một cách độc lập với khuynh hướng và đảng phái chính trị. Ai thắng cử sẽ phải có khả năng bảo vệ và thi hành Hiến pháp.

Ông John Dayal, nhà báo Công Giáo, chuyên dấn thân bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số, thì cho rằng sự kiện hai ứng cử viên tổng thống đều là người Đalít cho thấy hy vọng tân tổng thống sẽ hiểu các vấn đề liên lụy tới các giai tầng xã hội tại Ấn hơn ai hết và có các đường lối chấn chỉnh xã hội. Vì hiện nay vẫn còn có các vụ xâu xé và xử tử các người Đalít mà không bị luật pháp trừng phạt, người dân thiếu tự do tôn giáo, vì nếu họ bỏ Ấn giáo thì bị mất vài quyền lợi xã hội. Vì thế chúng tôi yêu cầu ông Kovind là ứng cử viên có cơ may thắng cử, nghĩ tới các công dân Ấn giáo, hồi giáo và kitô giáo bị định nghĩa là „tôn thờ các tôn giáo ngoại lai“, tiếp tục được hưởng các quyền công dân, bao gồm cả quyền tự do hành đạo, rao giảng và truyền bá đức tin của họ.

Theo nhiều quan sát viên bà Kumar được các tôn giáo thiểu số ủng hộ, vì bà cống hiến nhiều bảo đảm cho việc tôn trọng các quyền được Hiến Pháp chấp thuận nhưng lại thường không được tôn trọng và thi hành (FIDES 7-7-2017)
 
Abou Bakr Thủ Lãnh Hồi Giáo Cực Đoan Daesh Thiệt Mạng
Lê Đình Thông
11:54 11/07/2017
Abou Bakr Thủ Lãnh Hồi Giáo Cực Đoan Daesh Thiệt Mạng

Nguồn tin thẩm quyền cho hay Abou Bakr al-Baghdadi, thủ lãnh tổ chức hồi giao cực đoan Daesh đã thiệt mạng. Chính các viên chức Daesh ở Deir Ezzor (Syrie) đã xác nhận tin này.

Abou Bakr al-Baghahi tự phong là quốc trưởng Nhà nước Hồi giáo (émir de Daesh). Y tự nhận là lãnh chúa hổi giáo, phát động nhiều cuộc khủng bố và diệt chủng đẫm máu tại Bắc Mỹ, Âu Châu, Á Châu và Phi Châu, giết hại nhiều tìn đồ Công Giáo. Y bị coi là trùm tội ác chống lại nhân loại.

Ngày 31/01/2004, y bị lực lượng Hoa Kỷ bắt giam tại Falloujah. Ngày 06/12/2004, y được phóng thích. Abou Bakr al-Baghahi là thành viên Al-Qaïda tại Irak. Năm 2010, y thay thế Abou al-Baghdadi, trở nên thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo. Sau khi ly khai al-Qaïda, ngày 29/06/2014, y tự phong là thủ lãnh tối cao (calife) của hồi giáo trên toàn thế giới.

Tháng 08/2013, bà Kayla Mueller, thành viên tổ chức nhân đạo của Mỹ, bị bắt làm con tin ở Alep đã bị chính tên ác quỷ Abou Bakr al-Baghdahi hãm hiếp nhiều lần,

Năm 2014, sau khi chiếm một phẩn lãnh thổ Irak, Daesh đã thi hành việc thanh lọc tín đồ Công Giáo có truyền thống sống đạo từ 1800 năm nay.

Năm 2000, có một triều tín độ Công Giáo sinh sống tại Irak. Năm 2010, họ phải chạy trốn sang Mossoul. Tháng 06/2014, họ phải trốn khỏi Mossoul, chạy sang Kurdistan.

Bữa qua (10/07/2017), nhật báo Công Giáo La Croix đưa tin : Việc quân đội Irak tái chiếm Mossoul là niềm ủi an khôn tả, là tiếng reo vui nếu không muốn nói là lời Tạ Ơn hay tiếng alléluia (un immense soulagement, un cri de joie, et pourquoi pas un Te Deum ou un lléluia). Với việc Daesh bị đuổi ra khỏi Mossoul và thủ lãnh hồi giáo Abou al-Baghdadi bị bắn hạ, từ nay tổ chức khủng bố mang danh Nhà nước Hồi giáo Daech trở nên rắn satan mất đầu.

Paris, ngày 11/07/2017
Lê Đình Thông

 
Quan toà ra lệnh chống quyết định của Bệnh Viện London và thuận theo yêu cầu của cha mẹ bé Charlie Gard.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:01 11/07/2017
Quan toà ra lệnh chống quyết định của Bệnh Viện London và thuận theo yêu cầu của cha mẹ bé Charlie Gard.

(CNSNews.com) Một quan toà tại Toà Án Tối Cao ở Luân Đôn đã ra án lệnh chống quyết định của Bệnh Viện và thuận theo yêu cầu của cha mẹ bé Charlie Gard-- Bé trai này đang gặp phải chứng rối loạn di truyền hiếm thấy và cha mẹ của em được phép trình bày bằng chứng y khoa mới để điều trị tốt hơn cho con mình và tòa án sẽ xem xét các bằng chứng ấy vào Thứ Năm này và hy vọng sẽ dẫn tới việc bé Charlie có thể được điều trị tại Hoa Kỳ theo lời đề nghị của Tổng Thống Donald Trump hay tại Vatican theo lời đề nghị của ĐGH Phanxicô.Tuy nhiên sự thể như thế nào thì còn phải chờ và tình trạng của bé Charlie càng lúc càng tồi tệ.

Charlie Gard là bé trai 10 tháng tuổi. Em đang sống hoàn toàn lệ thuộc vào sự hỗ trợ y khoa để có thể sống tại bệnh viện Great Ormond Street ở London. Bệnh xáo trộn di truyền là bệnh gây huỷ hoại các cơ bắp, nội tạng của em và hầu hết những em mắc bệnh này thường dẫn tới tử vong. Cha mẹ của em là Chris Gard và Connie Yates muốn con mình được chữa trị theo phương cách mà đã mang lại hiệu quả ở một số trường hợp. Một cuộc kêu gọi giúp đỡ trên mạng đã góp được trên 1.5 triệu đồng để chữa trị cho em.

Nhưng theo luật y tế của nước Anh, cha mẹ không được quyền theo đuổi cách điều trị này. Bệnh viện chuẩn đoán Charlie bị hư hại não và không có hy vọng chữa khỏi và muốn rút bỏ y cụ hỗ trợ sự sống của em. Sự từ chối của bệnh viện đối với ý muốn của cha mẹ trong việc tìm kiếm việc chữa trị cho con mình ở một nơi khác dẫn tới việc thưa kiện và toà án đã có những phán quyết có lợi cho bệnh viện. Hôm thứ Hai 10 tháng Bẩy, vị quan toà trước đây đã ra án lệnh không chấp nhận yêu cầu của cha mẹ Gard đã đồng xem xét các bằng chứng mới được đệ trình để đánh giá lại vụ kiện.

Theo Catherine Glen Foster, Chủ Tịch hiệp hội Hoa Kỳ Vì Đời Sống (AUL=Americans United for Life) thì “bệnh viện Great Ormond Street đã yêu cầu quan tòa Francis tái xác định phán quyết trước kia của ông và rằng không có bằng chứng mới nào và bệnh viện được quyền rút bỏ hỗ trợ sự sống của bé Charlie.”

Cũng theo Foster thì “quan tòa đã từ chối yêu cầu của bệnh viện ngày hôm nay. Ông đã nghiêng về yêu cầu của gia đình và tuyên bố là sẽ mở phiên tòa vào ngày Thứ Năm và nếu cần thì sẽ tiếp tục vào ngày thứ Sáu để cha mẹ bé Charlie và các luật sư của họ có cơ hội trình bày về những bằng chứng y khoa mới tại tòa.”

Thứ Năm tuần trước, các nhà nghiên cứu,nhân viên y tế và một bác sĩ ở Hoa Kỳ đã gởi thư cho bệnh viện Great Ormond Street giải thích rằng có bằng chứng cho thấy phương phát trị liệu “deoxynucleoside” có nhiều khả năng giúp trị bệnh cho bé Gard.

Theo BBC thì có một lá thư mới với nhiều chữ ký gồm một chuyên gia về thần kinh và một nhà nghiên cứu từ Bệnh Viện Nhi Đồng Roma, một khoa học gia từ Trường Đại Học Cambridge University’s Mitochondrial Biology Unit (Phòng Sinh Học) và hai nhà nghiên cứu từ Vall d'Hebron Institut de Recerca in Barcelona."

Mẹ của bé Charlie là Connie Yates đã yêu cầu bà Catherine Glenn Foster là chủ tịch AUL đến London để giúp đỡ gia đình họ. Hiệp Hội Hoa Kỳ vì Đời Sống (AUL) là một cánh tay nối dài về luật pháp của Phong Trào Bảo Vệ Sự Sống và tranh đấu để bảo vệ những bào thai.

Bà Foster nói với CNSNews.com rằng cha mẹ của bé Charlie Gard muốn con mình được đưa sang Hoa Kỳ để được chữa bệnh trong các bệnh viện có tầm cỡ thế giới, đứng đầu chuyên nghành trong lãnh vực này. Họ muốn con mình được chữa trị tốt nhất với các bác sĩ và bệnh viện tốt nhất.

Nếu có án lệnh thuận cho cha mẹ, thì bé Charlie sẽ được chữa trị tại các bệnh viện tại Hoa Kỳ, có thể là New York Presbyterian Hospital và Columbia University Medical Center. Một bệnh viện ở Vatican cũng muốn được chữa trị cho bé Charlie. Thủ tục thì tương đối dễ dàng khi thuốc điều trị được pha vào sữa cho em bé uống.

ĐGH Phanxicô và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng bày tỏ muốn Charlie Gard được chữa trị tại nơi mà cha mẹ em mong muốn. Chính điều này có ảnh hưởng rất lớn và gây nhiều chú ý để tạo ra một phiên tòa mới.

Foster nói rằng “Khi mà vụ việc này được công chúng quan tâm, thì tôi nghĩ sẽ có nhiều bác sĩ và các bệnh viện lên tiếng và thật ra chúng ta biết rằng có nhiều cơ hội hơn cho bé.”

Cùng với AUL, ĐGH Phanxicô, TT Donald Trump, 37 thành viên của Quốc Hội Âu Châu, một số thành viện của Quốc Hội Anh, các dân biểu, các nhà nổi tiếng trong công chúng gồm Cher và Lindsay Lohan cũng đã ủng hộ bé Charlie Gard và muốn giúp đỡ gia đình.

Foster nói “Có rất nhiều hy vọng. Chúng tôi cám ơn Tòa án Tối Cao đã ra án lệnh hôm nay. Chúng tôi hy vọng vào phiên tòa thứ Năm này với nhiều bằng chứng mới y khoa được trình bày, bé Charlie sẽ sớm được chuyển đến Hoa Kỳ để chữa trị.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Giáo Hội Trung Hoa: từ thư Đức Bênêđíctô tới Đức Cha Shao Zhumin
Vũ Văn An
17:10 11/07/2017
Mấy ngày nay, dư luận Công Giáo Quốc Tế chú ý tới sự kiện Đức Cha Peter Shao Zhumin của Giáo Phận Wenzhou, Trung Hoa, ngày 18 tháng Sáu vừa qua, bị bắt giam và hiện cả gia đình Đức Cha lẫn Giáo Hội Công Giáo đều không được thông báo nơi ngài bị giam giữ.

Theo tin của ucanews.com, ngày 26 tháng Sáu, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phát hành một lời tuyên bố về việc trên. Bản tuyên bố này nói: “Tòa Thánh đang rất lo âu quan sát tình trạng bản thân của Đức Giám Mục Peter Shao Zhumin của Wenzhou, bị cưỡng bức phải ra khỏi tòa giám mục của ngài đã mấy ngày nay”.

Bản tuyên bố cho rằng chính phủ Trung Hoa đã không cho biết lý do của việc mất tích này và Tòa Thánh “rất buồn” về việc xẩy ra và đối với “những tình tiết tương tự khác vốn bất hạnh thay không giúp làm cho việc hiểu biết nhau được dễ dàng”. Tòa Thánh tỏ ý mong mỏi thấy Đức Cha trở về giáo phận của ngài càng sớm càng tốt.

Tưởng cũng nên lưu ý: bản tuyên bố trên được phát hành trong lúc các cuộc thương nghị giữa Tòa Thánh và Trung Hoa diễn ra về việc bổ nhiệm các giám mục, mà cuộc họp gần đây nhất đã diễn ra trong các ngày 21-23 tháng Sáu tại Rôma.

Đây là lần thứ tư, Đức Cha Shao bị giam giữ kể từ khi Tòa Thánh xác nhận ngài là giám mục Wenzhou hồi tháng Chín, năm ngoái, sau khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cha Vincent Zhu Weifang qua đời.

Nhân dịp này Hãng Tin ucanews.com cho hay: Chính Phủ Trung Hoa luôn thúc giục Đức Cha Shao gia nhập Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước để được nhà nước nhìn nhận. Nhưng nếu ngài gia nhập tổ chức này, ngài có nguy cơ bị cắt đứt khỏi 80,000 giáo dân trong cộng đồng hầm trú của giáo phận Wenzhou, trong khi Giáo Hội công khai chỉ có 50,000 giáo dân.

Các nhà cầm quyền cũng buộc ngài phải thuyết phục để Tòa Thánh cử nhiệm một linh mục thuộc cộng đồng công khai làm giám mục phó, nhằm mục đích để thay thế ngài, giống trường hợp giáo phận Bảo Định, nơi giám mục phó Francis An Shuxin được cử nhiệm và sau đó thay thế luôn Đức Cha James Su Zhimin.

Đức Ông Bernardo Cervellera của AsiaNews thì quả quyết Đức Cha Shao hiện đang bị tẩy não để gia nhập Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước. Sự kiện Phòng Báo Chí Tòa Thánh phải lên tiếng về việc bắt giam Đức Cha Shao cho thấy sự việc đang gây đau lòng cho nhiều giới trong Giáo Hội. Nhân dịp này, cơ quan truyền thông của Đức Ông cho đăng một bài nhận định của một giáo dân hầm trú Trung Hoa, ký tên Giuse, về 10 năm im lặng kể từ ngày Đức Bênêđíctô XVI gửi thư cho Giáo Hội Trung Hoa năm 2007.

Bài nhận định như sau:

Gần đây, tiếp theo lần thứ tư giam giữ Đức Cha Shao Zhumin, Giám Mục Wenzhou, hoàn cảnh của ngài đã được Đại Sứ của Đức tại Trung Hoa lưu ý, cùng với nhiều người ở trong nước và ở ngoại quốc. Thêm vào đó, năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm Lá Thư gửi Người Công Giáo Trung Hoa của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và 5 năm đánh dấu việc giam giữ Đức Cha Ma Daqin tại nhà, ngày 7 tháng 7 năm 2012. Đây là dịp rất thích hợp để duyệt lại các biến cố gần đây tại Trung Hoa.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Mười năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho công bố bức thư nổi tiếng của ngài gửi Người Công Giáo Trung Hoa, trong đó, ngài xác định rằng một số cơ phận, tự đặt mình lên trên Giáo Hội, tức Hội Trung Hoa Yêu Nước và Hội Đồng Giám Mục (thường được gọi là Nhất Hội Nhất Đoàn, Yi hui, Yi tuan) , bất tương hợp với bản chất chuyên biệt của Giáo Hội Công Giáo. Lá thư của Đức Giáo Hoàng đã gây nên một phản ứng mạnh. Sau đó, Tòa Thánh còn cho công bố một bản tóm lược Lá Thư này nữa. Chín năm sau ngày công bố nó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận rằng Lá Thư vẫn còn điều hướng các sự việc của Giáo Hội tại Trung Hoa. Thêm vào đó, hai sáng kiến tiếp nối Lá Thư này: sáng kiến thứ nhất là việc tuân giữ ngày 24 tháng Năm làm Ngày Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu và Ngày Cầu Nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa và kinh đặc biệt kính Đức Mẹ Sheshan của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô viết đặc biệt cho mục đích này. Sáng kiến thứ hai là việc Tòa Thánh thiết lập một ủy ban nghiên cứu thường trực, họp kín cách khoảng đều đặn để xem xét các vấn đề của Giáo Hội tại Trung Hoa và các liên hệ giữa Trung Hoa và Tòa Thánh: các tuyên bố chính thức của Ủy Ban đã tỏ ý lo ngại và trách cứ các trường hợp trong đó nhà cầm quyền Bắc Kinh rõ ràng đã cưỡng bức (điều được gọi là) các vụ tấn phong giám mục một cách dân chủ. Thế mà 10 năm sau, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến Ngày Cầu Nguyện của Giáo Hội Hoàn Vũ cho Giáo Hội tại Trung Hoa, các văn phòng của Tòa Thánh không còn nhắc chi tới Lá Thư của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí hay Ủy Ban Đặc Biệt đã bị ngưng chức không có lý do.

Giám mục Thượng Hải và các cuộc tấn phong giám mục “tự do”

Liên quan tới Giáo Hội tại Trung Hoa, 5 năm trước đây, lúc tấn phong giám mục phụ tá của Thượng Hải, Đức Cha Ma Daqin (Hội Công Giáo Yêu Nước của Bắc Kinh cử ngài làm giám mục phó), trong nghi thức, ngài từ khước việc đạt tay của một giám mục bất hợp pháp và sau khi ban phép lành, ngài tuyên bố rằng ngài rút chân ra khỏi Hội Yêu Nước. Sự kiện này đi vào lịch sử dưới tên “sự thay đổi ngày 7 tháng 7”. Cử chỉ của Đức Cha Ma Daqin được sự hoan nghinh rất lớn ở cả Trung Hoa lẫn ngoại quốc. Nhưng đồng thời, nó cũng đã dẫn Giáo Phận Thượng Hải tới chỗ tê liệt, đoàn chiên không có chủ chiên, tình trạng kéo dài cho tới tận nay. Đức Cha Ma bị giam tại gia trong 5 năm, và cho tới nay vẫn không được thi hành thứa tác vụ giám mục của ngài. Tòa Thánh không coi vị giám mục duy nhất ở Thượng Hải là đấng bản quyền của giáo phận, nên tình thế đang lệ thuộc các biến tố không thể nào đoán trước được.

Trong thời gian 5 năm qua, Bắc Kinh không tiến hành bất cứ cuộc tấn phong giám mục dân chủ nào, nhưng việc bổ nhiệm và tấn phong giám mục cho thấy những dấu hiệu hiển nhiên của việc lệ thuộc vào quyền kiểm soát hoàn toàn của các nhà chức trách địa phương. Các trường hợp như thế bao gồm các Đức Cha An Shuxin, Wu Qinjin và các giám mục khác vốn được chính thức đặt để bởi các nhà chức trách địa phương, sau khi được sự thỏa thuận của Nhất Hội Nhất Đoàn ở Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, các vị giám mục được chính thức tấn phong đều được chọn bởi giáo phận và Hội Yêu Nước, với sự cho phép của Nhất Hội Nhất Đoàn và Phòng Đăng Ký của Tôn Giáo Vụ Nhà Nước, và đồng thời được Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm. Trước ngày tấn phong, sắc lệnh bổ nhiệm của Đức Thánh Cha được đọc cho hàng giáo sĩ nghe, còn trong nghi lễ tấn phong, văn kiện cho phép của Hội Đồng Giám Mục Trung Hoa được công bố. Tân giám mục cũng phải tuyên bố mình ủng hộ đảng và chính phủ là những người yêu Giáo Hội và Tổ Quốc, tuân giữ Hiến Pháp và luật lệ… Đồng thời, các giám mục hợp pháp và các giám mục bất hợp pháp đều tham dự các lễ tấn phong, dù, trước đó, các nghi lễ phải được nhà chức trách chính thức chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm việc thực thi từng chi tiết một được hoàn hảo [1].

Đối thoại và bách hại

Trong bối cảnh có nhiều đồn đại mạnh mẽ về một thỏa hiệp đạt được trong các cuộc thương thảo giữa Trung Hoa và Tòa Thánh, hai vị Hồng Y của Hồng Kông, Đức Hồng Y hưu trí Giuse Zen Ze-kiun và đức Hồng Y Giám Mục Bản Quyền Gioan Tong Hon, đã cho công bố hai nhận định khác nhau: vị thứ nhất minh hoạ sự bi quan và thất vọng của ngài, vị thứ hai minh họa một thứ lạc quan nào đó. Các giới văn hóa bán chính thức của Trung Hoa mau mắn tới thăm Tòa Thánh và trao đổi tiếp xúc dưới hình thức thân hữu. Nhưng tin tức được phổ biến hiện nay là: các cuộc thương thảo giữa Trung Hoa và Tòa Thánh đang giao động. Người ta đang chuẩn bị tiếp diễn chúng với việc thay đổi nhân sự.

Trong một tầm nhìn khác, cử chỉ của Đức Cha Ma Daqin khiến ngài được coi như một biểu tượng tốt cho Giáo Hội tại Trung Hoa, và ngài lôi cuốn được nhiều quan tâm mới đối với Giáo Hội không chính thức. Nhưng năm ngoái, ngài viết năm bài báo, trong đó, ngài suy tư sâu xa về hành động mạnh mẽ 5 năm về trước của ngài và khiêm nhường xin công khai rút lại hành động ấy. Trong 5 năm ấy,một linh mục hầm trú, Cha Yu Heping chết đuối một cách đáng ngờ vực, một giám mục cao niên bị giam tại nhà lâu năm, Đức Cha Shi Enxiang qua đời lúc bị giam. Ít nhất hai giám mục và một linh mục hầm trú thường xuyên bị bắt giữ, bị điệu đi và buộc phải tham gia Hội Yêu Nước của Giáo Hội chính thức. Thế nhưng, tất cả các sự kiện này dường như bị mọi người làm ngơ, bởi họ quá phấn khởi bởi các tin tức cho rằng cái ngày có thể có thỏa hiệp ngoại giao giữa Trung Hoa và Tòa Thánh đã gần kề.

Mà Tòa Thánh cũng không hề hé lời nói nào hay thậm chí lời kêu gọi nào về tình huống của các ngài: hình như các ngài đã trở thành nhóm yếu thế cần phải loại hỏ. Trong khi ấy, một số giáo phận trong nước chia rẽ thành nhiều phe nhóm, một số phe nhóm này được coi là “trung thành” với Giáo Hội không chính thức. Người ta có thể thấy hiện tượng này tại các khu vực Fujian và Hebei. Trường hợp một linh mục đã bị treo chén, Cha Paul Dong Guanhua của Giáo Phận Zhengding, tự phong mình làm giám mục bí mật là một thí dụ đặc thù: nó khiến Tòa Thánh công khai bác bỏ ngay.

Hiện nay, các nhà chức trách Trung Hoa, song song với việc chấp pháp nghiêm ngặt hơn và cổ vũ việc “Trung Hoa hóa các tôn giáo”, đang gia tăng các nỗ lực của họ nhằm đặt một số thành trì của Giáo Hội không chính thức dưới quyền kiểm soát, nghĩa là khuất phục các vị giám mục Shao Zhumin, Guo Xijin và các giám mục khác luôn trung thành với các nguyên tắc của Giáo Hội và buộc các ngài phải suy phục và gắn bó với Giáo Hội chính thức. Gần đây nhất, cả ở Trung Hoa lẫn ở ngoại quốc, nhiều người lo âu và lên tiếng phản đối việc giam giữ và sự nguy hiểm mà Đức Cha Shao Zhumin đang gặp phải.

Hội nghị chuyên đề AsiaNews và chủ nghĩa thực tiễn mầu xám

Trong bối cảnh 10 năm Lá Thư gửi Người Công Giáo Trung Hoa của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, hai hội nghị khác nhau đã được tổ chức ở Rôma: hội nghị thứ nhất do thông tấn AsiaNews tổ chức có tên là “Trung Hoa: Thánh Giá mầu đỏ”. Thoạt đầu, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Piero Parolin được mời và rất đuợc mong đợi tham dự. Tuy nhiên, cuối cùng, vì các cam kết khác, ngài đã không đến được. Vị Tổng Thư Ký của Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Savio Han Tai-Fai, đã đọc một diễn từ tại hội nghị chuyên đề, trong đó, ngài nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa thực tiễn mầu xám” (gray pragmatism, xem Niềm Vui Tin Mừng, số 83) (2) đang lan tràn trong Giáo Hội tại Trung Hoa... Trong hội nghị chuyên đề thứ hai, do Cộng Đồng Sant’Egidio tổ chức về chủ đề liên hệ giữa Trung Hoa và Tòa Thánh, đại diện phía Trung Hoa đã được hoan hô vang dội vì diễn từ của ông ta về “việc Trung Hoa hóa các tôn giáo từ quan điểm lịch sử và tình thế hiện nay”.

Nói chung, bất cứ thỏa hiệp đạt được nào trong các cuộc thương thảo giữa Trung Hoa và Tòa Thánh đều có thể tốt, nhưng số phận của Giáo Hội không chính thức vẫn ở trong trạng thái không chắc chắn với nhiều biến tố khả hữu. Nói về các sợ hãi, điều mà nhiều người lo ngại là nền tảng thiêng liêng của đức tin không còn lấy Chúa làm tâm điểm nữa, nhưng một cách vô thức, không hiểu rõ, [tâm điểm này] đã trở thành mối quan tâm đối với vấn đề “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa và trả cho Xêda những gì thuộc Xêda”.

Còn đối với Thượng Hải, đối với hàng giáo sĩ và tín hữu Jiangsu, tình thế hiện nay đang gây nên hỗn độn và quan ngại. Người ta hy vọng rằng Tòa Thánh có thể phát biểu rõ ràng sự quan tâm thích đáng của mình đối với Đức Cha Shao Zhumin và tương lai của toàn bộ Giáo Hội không chính thức và cố gắng giải quyết vấn đề để 30 hoặc hơn các vị giám mục của Giáo Hội hầm trú, những vị không được chính phủ nhìn nhận, nhận được sự nhìn nhận đúng đắn và điều này không chỉ nhờ những cuộc thương thảo bí mật mà thôi. Thêm nữa, “chủ nghĩa thực tiễn xám” và việc tục hóa, những điều đang sói mòn Giáo Hội tại Trung Hoa, là những vấn đề cần được xem xét nhiều hơn.

Giuse,
Tín hữu thuộc Giáo Hội xám Miền Tây Bắc Trung Hoa
_____________________________________________________________________________________________
[1] Điển hình là các cuộc tấn phong giám mục tại Chengdu và Xichang hồi tháng Mười Một và tháng Mười Hai vừa rồi.
(2) Có thể dựa vào câu nói thời danh của Đặng Tiểu Bình để hiểu chủ nghĩa thực tiễn mầu xám: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”
 
Tâm trạng của các tín hữu Kitô tị nạn khi hay tin Mosul hoàn toàn giải phóng: mừng thì ít, sợ thì nhiều
Đặng Tự Do
20:11 11/07/2017
Ngày 16 tháng 10 năm ngoái 2016, khi hay tin quân Iraq và quân Kurd hiệp đồng tác chiến mở chiến dịch giải phóng Mosul, hàng trăm ngàn tín hữu Kitô Iraq đang tị nạn tại thành phố Erbil đã tràn ra đường hân hoan mừng rỡ. Chuông nhà thờ đổ từng hồi dài.

Hôm thứ Hai 10 tháng 7, thủ tướng Iraq là ông Haider al-Abadi tuyên bố Mosul hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, các tín hữu Kitô tị nạn tại Erbil không có sự mừng rỡ như người ta trông đợi.

Rabea, một Kitô hữu lánh nạn Hồi Giáo từ năm 2014, nói với tổ chức International Christian Concern: “Bây giờ, Mosul được giải phóng hoàn toàn nhưng nhà cửa tan nát hết. chúng tôi không rõ liệu chính phủ có khả năng để giúp người dân những chi phí xây dựng lại cộng đồng của chúng tôi hay không? Nhà cửa của chúng tôi bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS trao cho những người khác cư ngụ, liệu họ có trả lại cho chúng tôi một cách hòa bình hay không?”

Cha Albert, một linh mục tại thủ đô Baghdad nói thêm với tổ chức International Christian Concern:

“Vấn đề là sự đánh mất niềm tin tưởng lẫn nhau. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phá vỡ các cộng đồng và Kitô hữu sẽ khó có thể hòa hợp trong cộng đồng thành phố Mosul một nữa. Nhà cửa tan nát và lòng người cũng tan nát.”

Ahmed Amouri, một sĩ quan trong lực lượng chống khủng bố của Iraq cũng bày tỏ những lo ngại trước những hệ quả lâu dài về ý thức hệ cực đoan Hồi Giáo mà IS đã gieo vào tâm trí những người Hồi Giáo Sunni tại Mosul. Anh nói với International Christian Concern:

“Lực lượng của chúng tôi đang giao tranh với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại khu vực cổ thành Mosul. Hàng chục gia đình đang chạy về phía chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy một phụ nữ đang bế một đứa trẻ trong vòng tay mình có một thái độ kỳ lạ. Khi đi ngang qua chúng tôi. Cô ta liên tục bấm một cái gì đó trên tay. Đó là cái bộ điều khiển để kích hoạt bom quấn quanh người cô ta”.

“Tôi không thể tin rằng một người phụ nữ sẽ nổ bom tự sát trong khi bế trên tay mình một đứa trẻ thơ vô tội như thế, nhưng ISIS đã có thể gieo vào lòng họ tất cả những điều kì quái và lạ lùng”

Đài truyền hình Al-Mawskeya quay lại toàn bộ vụ nổ bom tự sát này như hình bên cạnh.

“May mắn cho tôi, bom không phát nổ ngay khi cô ta đi ngang qua tôi. Vài phút sau, những quả bom mới phát nổ.”

Amouri nằm trong số sáu binh sĩ bị thương trong vụ nổ này. Anh nói tiếp:

“Tôi bị thương nhẹ và được đưa lên một chiếc humvee. Đột nhiên trong dòng người tị nạn, một phụ nữ khác chạy nhanh về phía chúng tôi la lên ‘Allahu akbar’. Một binh sĩ nhanh trí bắn nhiều phát vào cô ta. Cô ta quỵ xuống nhưng vẫn còn khả năng kích hoạt chất nổ trên người. Cô ta chết trên mặt nở một nụ cuời thật mãn nguyện. 12 người khác trong dòng người tị nạn chết theo cô ta và hàng chục người khác bị thương.”

Cho đến nay, ít nhất đã có 30 phụ nữ Iraq nổ bom tự sát. Họ là những cư dân của thành Mosul đã đi theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bọn chống cự đến giờ phút cuối cùng là những tên thánh chiến Hồi Giáo người nước ngoài. Những tên khủng bố IS là cư dân của Mosul thường cạo râu đi và trà trộn trong dòng người tị nạn thoát ra ngoài an toàn chờ cơ hội tấn công một lần nữa.
 
Các Giám Mục Venezuela kêu gọi Maduro nên dẹp trò hề Quốc Hội Lập Hiến
Đặng Tự Do
22:42 11/07/2017
Các Giám Mục Venezuela đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nicolás Maduro tôn trọng sự độc lập của các nhà lập pháp và hủy bỏ cuộc bầu cử vào ngày 30 tháng 7 để thành lập “Quốc Hội Lập Hiến” nhằm soạn thảo một hiến pháp mới.

Vào năm 2015, các nhà lập pháp thuộc phe đối lập đã giành được đa số 109 trên 55 trong Quốc hội. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 đảng xã hội do Hugo Chávez thành lập đã trở thành nhóm thiểu số trong Quốc Hội.

Tháng 3 năm 2017, Toà án Tối cao do Maduro khống chế đã tuyên bố giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, chính Toà án Tối cao lại đảo ngược quyết định của mình sau đó trước một làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng.

Tháng 5, Maduro kêu gọi thành lập một hiến pháp mới và công bố cuộc bầu cử ngày 30 tháng 7 để bầu ra Quốc Hội Lập Hiến. Phe đối lập đã quyết định tẩy chay cuộc bầu cử này.

Các Giám Mục Venezuela nói Tòa Thánh đã nhiều lần kêu gọi một cuộc bầu cử nhưng là bầu lại tổng thống chứ không phải bầu ra trò hề Quốc Hội Lập Hiến.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn dòng và mừng kim khánh tại đan viện Thiên An Huế
Trương Trí
07:36 11/07/2017
ĐAN VIỆN THIÊN AN MỪNG LỄ THÁNH TỔ PHỤ BÊNÊDICTÔ

MỪNG HỒNG ÂN KHẤN TRỌNG CỦA 2 THẦY MỪNG KIM KHÁNH KHẤN DÒNG CỦA CHA PHÓ BỀ TRÊN

Trong tâm tình tạ ơn, sáng ngày 11 tháng 7, Đan viện Thiên An đã long trọng mừng lễ Thánh Tổ phụ Bênêđictô. Thánh lễ do Cha Bề trên Anton Nguyễn Văn Đức chủ tế, cùng đồng tế có Cha Tổng Đại diện Anton Dương Quỳnh, Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ và quí Cha trong Giáo phận Huế. Cùng hiệp dâng lời cầu nguyện trong Thánh lễ này có quí Bề trên Dòng và đại diện các Hội Dòng Nam Nữ cùng cộng đoàn Dân Chúa.

Xem Hình

Niềm vui của Đan viện Thiên An hôm nay được nhân lên vì hồng ân khấn trọng thể của 2 Thầy Giuse Nguyễn Viết Hoàng và Gioan Baotixita Trương Vĩnh Hậu, đồng thời cũng mừng Kim khánh khấn dòng của Cha Phó Bề trên Anre Trông Nguyễn Văn Tâm.

Nghi thức Khấn trọng mở đầu do Cha Đồng hành Gregorio Đặng Chung giới thiệu lên Cha Bề trên 2 Đan sĩ đã qua thời kỳ khấn tạm để xin Ngài chập thuận cho khấn trọn đời.

Tiếp theo, 2 thầy đến quỳ trước Cha Mẹ của mình để được cha mẹ đặt tay lên đầu chúc lành và dâng con mình cho Chúa.

Trước Nhan Thánh Chúa và với sự hiện diện của gia đình huyết tộc và đan tu cùng sự chứng kiến của Cộng đoàn Dân Chúa, Cha Bề trên Anton Nguyễn Văn Đức một lần cuối thẩm vấn lại các thầy dứt khoát chọn đời sống đan tu, dâng mình cho Chúa Kito và theo gương Thầy chí thánh. nguyện suốt đời gắn bó với Đan viện cùng anh em Đan sĩ.

Sau phần thẩm vấn, các thầy phủ phục trước bàn thờ để tỏ lòng phó thác trong lúc cộng đoàn dâng kinh cầu các Thánh, khẩn xin các Ngài cầu xin Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót tuôn đổ nhiều ân phúc để các thầy trung tín trong suốt cuộc đời tận hiến cho Chúa.

Các khấn sinh đọc lời khấn và ký vào sổ Đan viện trước khi trình lên Cha Bề trên và quí Đan sĩ đã khấn trọng.

Quỳ gối trước Bàn thờ, các tân Khấn sinh dang rộng tay cất lên lời ca dâng hiến: “Lạy Chúa, theo lời Chúa xin nhận lấy con. Cho con được sống và đừng để con cậy trông mà phải thất vọng!..”

Cha Bề trên long trọng dâng lời nguyện chúc lành cho tân khấn sinh và làm phép tu phục khấn trọng rồi mặc cho các thầy, tiếp đến là trao sách Thần vụ để các thầy trung tín với việc cầu nguyện.

Kết thúc nghi thức khấn dòng, Cha Bề trên tuyên bố: “Từ nay, mọi sự đều là của chung giữa chúng ta trong tiếng vỗ tay chúc mừng của cộng đoàn, Ngài ôm hôn chúc bình an cho các thầy.

Nghi thức mừng Kim khánh khấn dòng của Cha Phó Bề trên được bắt đầu với sự lặp lại lời tuyên khấn. Ngài là người đã cống hiến cuộc đời cho ơn gọi đan tu Biển Đức Việt Nam, cách riêng Đan viện Thiên An. Ngài là tấm gương mẫu mực cho các đan sĩ vì lòng trung tín và sự nhân đức.

Sau khi lặp lại lời khấn, Ngài quỳ gối và cất cao tiếng hát dâng mình cho Chúa, dù tuổi đã cao nhưng giọng ca của Ngài vẫn rất hùng hồn khiến mọi người khen ngợi.

Cha Bề trên dâng lời nguyện chúc lành và thay mặt quí đan sĩ ôm hôn chúc bình an cho Ngài.

Kết thúc Thánh lễ, Cha Bề trên Anton Nguyễn Văn Đức thay mặt Đan viện nói lời cảm ơn Cha Tổng Đại diện, quí Cha đồng tế, quí bề trên Dòng và cộng đoàn đã yêu thương Đan viện mà hiện diện trong Thánh lễ hôm nay. Ngài xúc động khi thấy sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn hơn lúc nào hết, biểu tỏ tình yêu thương và sẻ chia với Đan viện Thiên An.

Trương Trí

 
Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương: Thánh lễ Khấn Dòng
Mai Thi
07:46 11/07/2017
Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương: Thánh lễ Khấn Dòng

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 11 tháng 7 năm 2017, Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương tổ chức thánh lễ mừng thánh Biển Đức - đấng sáng lập đời sống đan tu trong Giáo Hội và cũng là tổ phụ của các Đan sĩ. Cũng trong thánh lễ trọng thể diễn ra tại nguyện đường Đan Viện, sau bài giảng là nghi thức khấn dòng cho các thành viên trong cộng đoàn: 3 thầy khấn trọng thể, 1 thầy khấn thêm thời hạn và 4 thầy khấn lần đầu.

Xem hình

Thánh lễ trọng thể do Viện phụ Vianney Nguyễn Tri Phương chủ tế và với tư cách bề trên đại diện Giáo Hội nhận lời tuyên khấn của các anh em trong cộng đoàn. Cùng đồng tế với ngài có quí linh mục khách, đại diện quí linh mục trong hạt Đơn Dương và là các linh mục trong cộng đoàn Đan viện. Về phía cộng đoàn phụng vụ, có sự hiện diện của quí tu sĩ nam nữ thuộc nhiều Hội dòng, quí ông bà cố và đông đảo thân nhân đến từ gia đình các tân khấn sinh.

Nghi thức khấn dòng diễn ra sau bài giảng lễ của Viện Phụ Vianney. Dưới ánh sáng lời Chúa, cuộc đời gương mẫu và giáo huấn quí báu của cha thánh Biển Đức, trong bài giảng lễ, Viện phụ đã nhắn nhủ các khấn sinh noi gương và khám phá gia sản vô giá mà thánh tổ phụ đã đi qua và trao lại cho chúng ta. Gương mẫu của thánh tổ phụ Biển Đức tuyệt vời ở chỗ là đã quyết từ bỏ tất cả để làm một việc duy nhất là sống với một mình Thiên Chúa. Sự khôn ngoan duy nhất không phải tìm ở đâu trên trần gian nhưng là nơi Chúa: nơi Chúa chúng ta nhận được ơn cứu độ và hạnh phúc nước trời, cho dẫu phải đánh đổi tất cả.

Tư tưởng ấy tiếp tục được đào sâu khi Viện Phụ Vianney đưa ra lời nhắn nhủ các anh em tuyên khấn. Sau những năm được huấn luyện tại cộng đoàn Đan viện qua các giai đoạn thỉnh sinh, tập sinh, khấn tạm, và sau khi đã được học hỏi, suy nghĩ, cầu nguyện và tập sống nếp sống đan tu chiêm niệm, hôm nay ước nguyện của anh em đã cụ thể bằng việc tự do tuyên đọc năm lời khấn dòng của mình một cách công khai và long trọng. Niềm vui của tất cả mọi người là thấy các khấn sinh hân hoan, can đảm và dứt khoát dấn thân quyết liệt hơn trong giai đoạn huấn luyện mới theo Luật dòng và qui chế của Giáo luật, và cách riêng 3 tân đan sĩ, từ nay trọn vẹn hiến dâng cuộc đời mình với mong muốn phụng sự Thiên Chúa trong gia đình Đan viện này cho đến chết.

Thánh lễ kết thúc sau 2 tiếng đồng hồ với bầu khí trang nghiêm sốt sắng, tâm tình hân hoan và mang đậm nét đơn sơ của đời Đan tu. Sau đó tất cả mọi người chia sẻ bữa ăn huynh đệ trong niềm vui của Hội dòng, niềm vui của các khấn sinh và quí gia đình.

Được biết, sau giờ Kinh Ba cùng ngày, cộng đoàn Đan viện cũng vui mừng đón nhận 6 Thỉnh Sinh lãnh áo dòng khởi sự năm tập theo Giáo luật.

Mai Thi
 
Hội Ngộ Giới Trẻ Melbourne
Khắc Thái
21:48 11/07/2017
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều
Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD
19:08 11/07/2017
CHIỀU
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chết trong hồn chiều nay?
(Trích thơ của Hồ Dzếnh)