Ngày 09-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thực Thi Lòng Thương Xót
Lm. Anmai, CSsR
10:19 09/07/2010
Chúa Nhật Thứ15 Mùa Thường Niên, Năm C

Con người, chẳng hiểu tự bao giờ mà cái máu của ích kỷ, của ghen tương, của thù hận nó xen vào. Ai cũng biết ích kỷ, ghen tương, không biết cảm thương ấy là không tốt nhưng rồi cũng chẳng hiểu sao người ta cứ để cho cái nồng độ của ích kỷ, của ghen tương tăng lên dần dần trong đời sống thường ngày.

Đời sống con người có lúc này lúc khác, lúc sung túc và lúc ngặt nghèo. Lúc sung túc người ta cũng chia sẻ nhưng hình như không bằng lúc người ta ngặt nghèo. Cuộc sống người ta dù có nghèo đi chăng nữa những khi gặp những người khó khăn hơn thì họ dễ chia sẻ hơn là khi người ta giàu có.

Tâm lý thường thì người ta chia sẻ cho những người thân cận, đồng vai đồng vế, đồng hàng đồng xóm với họ chứ ít bao giờ họ nghĩ đến chia sẻ cho những người xa lạ. Đi xa hơn một chút nữa, để chia sẻ cho những người mà ta tạm gọi họ là người không đồng tình đồng ý hay là người đối nghịch với ta thì càng khó hơn nữa.

Vì tâm lý thường là như vậy nên khi người ta chia sẻ với những người thân thuộc, đồng vai đồng vế thì họ cũng tự nhủ rằng họ làm như thế là tốt lắm rồi nhưng Chúa Giêsu mời gọi con người đi một bước xa hơn cái bước bình thường đó là thương những người không cùng lập trường với mình, những người đối lập với mình. Lời mời gọi ấy thật sự là khó. Lời mời gọi ấy được Thánh Luca ghi lại qua câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể.

Chúa Giêsu là nhà giáo dục tài ba, Ngài hết sức tinh tế khi muốn dạy, muốn khuyên, muốn bảo những người nghe Ngài giảng dạy. Chuyện dụ ngôn là câu chuyện hết sức gần gụi và hết sức thực tế. Chuyện dụ ngôn không ám chỉ riêng tư một cá nhân, một tập thể nào cả nhưng chỉ nói chung chung. Với cách nói chung chung đó sẽ làm giảm đi phần nào đụng chạm, phần nào tự ái của người, của nhóm người được nói đến.

Dụ ngôn người Samaria nhân hậu này hết sức quen thuộc với mỗi người kitô hữu. Chúa Giêsu nói là một người kia chứ không nói người đó tên gì, nhà ở đâu. Người kia đó đi đường từ Giêrusalem xuống Giêricô đi công chuyện, đi đám cưới hay đi đám tiệc gì đó không rõ. Chuyện đáng tiếc là người này gặp cướp giữa đường. Chắc là đoạn đường Giêrusalem xuống Giêricô vắng vẻ lắm nên người khách mới ra nông nổi này. Giá như người này chết thì chẳng còn chuyện gì đển nói nhưng người này dở sống dở chết. Sống cũng chẳng ra sống mà chết cũng chẳng ra chết mới oan nghiệt. Giá mà chết thì khoẻ còn sống mà chẳng làm được gì, kêu cũng chẳng được mà la cũng chẳng xong.

Câu chuyện hết sức hấp dẫn ở cái chổ là có thầy tư tế đi ngang qua nhưng cũng bỏ đi luôn. Và rồi, đến một thầy Lêvi cũng đi ngang nhưng ông thầy này tiếp tục cái cảnh “nhắm mắt làm ngơ”. Hai ông thầy đi qua và rồi một người Samari cũng đi qua đó. Thế nhưng, điều hết sức kinh ngạc, hết sức tuyệt vời đó là người Samari này đã lấy rượu để rửa vết thương, năng bó vết thương. Khi bị tai nạn, được làm như thế quả là có phúc lắm rồi nhưng người này lại có phúc hơn nữa khi mà người Samari này còn cho lên lưng lừa và đem đến quán trọ. Không chỉ đưa đến quán trọ mà còn trao tiền cho chủ quán chăm sóc. Hơn điều mà mọi người nghĩ đó lại là còn hứa là sau khi đi công chuyện về ông sẽ thanh toán phần còn lại. Tuyệt vời, hết sức tuyệt vời nơi con người Samari này.

Câu chuyện đẹp không chỉ dừng ở chỗ này mà còn đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi người Samari và người Do Thái ngày xưa kình địch nhau, không đội trời chung với nhau. Nét đẹp của người Samari là họ đã vượt qua cái ranh giới hận thù, chia rẽ của lòng người để toả lòng thương cảm đến người bị tai nạn.

Câu chuyện này cũng đáng lưu ý nơi hình ảnh của hai ông thầy là thầy tư tế và thầy Lêvi. Hẳn ông ta có ăn, có học hơn cái người Samaria kia nhưng lòng của ông ta đã khép lại trước con người bị tai nạn. Chúa Giêsu không hề đề cập đến bằng cấp, địa vị, thân thế sự nghiệp của người Samari, Chúa Giêsu chỉ đề cập đến tấm lòng nhân hậu của người Samari dành cho người bị nạn mà là người đó lại là người ở phe đối lập của mình.

Hình ảnh của người Samaria nhân hậu hết sức dễ thương. Làm sao ông có thể làm được cái điều mà người đời khó làm này ? Chắc có lẽ trong đời thường của ông, ông đã cảm nhận được tình thương từ ơn trên dành cho đời của ông nên ông đã làm như thế với anh chị em đồng loại và anh chị em đồng loại ấy không phân biệt là kẻ ghét người thương.

Đáng trách chăng đó là hai ông thầy. Hai ông thầy được ăn được học nhất là được hòng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Bài học về lòng thương xót ấy đã được mời gọi trong suốt dòng chảy của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa mời gọi con người giản đơn ở cái chuyện mến Chúa và yêu người. Mệnh lệnh Chúa gửi đến cho con người có như vậy thôi.

Mệnh lệnh đó, chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô nhắc qua thư của Ngài gửi tín hữu Côlôsê. Ngài mời gọi tín hữu Côlôsê cũng như mọi người chúng ta là khi chúng ta nghe tiếng Chúa thì chúng ta giữ những mệnh lệnh, những thánh chỉ của Ngài trong sách Luật. Ngài nhắc cho chúng ta mệnh lệnh ấy nó nằm trong lòng bàn tay của mọi người. Mệnh lệnh ấy gần và rất gần. Mệnh lệnh ấy ngay trong miệng, trong lòng của chúng ta và chúng ta hết sức dễ để đem ra thực hành.

Lời của Chúa Giêsu dạy trong dụ ngôn hết sức tế nhị. Chúa Giêsu không bắt người thông luật làm như mệnh lệnh của Chúa nhưng Chúa Giêsu mời gọi người thông luật thực thi điều mà chính ông đề ra: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Chúa Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Trang Tin mừng này kết thúc một cách bỏ ngõ. Thánh Luca không hề viết thêm cho độc giả rằng người thông luật đó đã làm gì, đã sống như thế nào sau khi nghe lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng đã mở ngõ cho nhà thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng mở ngõ cho mỗi người chúng ta. Chắc chắn khi nghe dụ ngôn ấy xong và sau khi nghe Chúa Giêsu chất vấn chúng ta cũng sẽ trả lời như nhà thông luật đó là thực thi lòng thương xót với người ấy. Thế nhưng, nhìn vào thực tế của cuộc sống, hình như chúng ta khiếm khuyết lòng thương xót anh chị em đồng loại. Lý do khiếm khuyết đó là vì chúng ta đã không lắng đọng tâm hồn, lắng đọng cõi lòng của chúng ta. Nếu chúng ta lắng đọng tâm hồn, chúng ta để cho lòng chúng ta lắng xuống chúng ta sẽ thấy được chúng ta hạnh phúc và Chúa thương chúng ta nhiều. Khi và chỉ khi chúng ta nhìn thấy tận căn lòng Chúa thương xót thì chúng ta mới có thể thương xót anh chị em đồng loại chúng ta được.

Chúng ta vẫn bị những rào cản của vật chất, của quyền lợi để rồi chúng ta không thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy xin với Chúa Giêsu ban cho chúng ta con mắt đức tin để chúng ta thấy lòng Chúa thương xót chúng ta để chúng ta có thể thương xót anh chị em đồng loại như lòng Chúa mong muốn.
 
Không còn là mơ
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
10:29 09/07/2010
Thật khó hiểu, không biết tại sao nhân loại ham sống bất tử. Dẫu biết xác đúng “đời là bể khổ” nhưng chẳng ai muốn sớm lìa bỏ cuộc đời. Có người tham sống sợ chết thật nhưng cũng có người không sợ chết mà vẫn không muốn chết. Hằn sâu trong tiềm thức, nhân loại khao khát tồn tại mãi. Người ta không thích chết không hẳn vì tham sống, mê danh vọng, bạc tiền nhưng chết dù sao vẫn không thấy hạnh phúc. Nếu đúng thực chết là chân lý, thì có lẽ nhân loại chẳng ai muốn sống, còn đâu việc kiếm tìm sự sống bất diệt?

Nếu vậy, đâu là duyên do con người thích trường sinh bất tử? Thật ra, dẫu ý thức chết là cửa ngõ đưa con người đến sự sống mới, sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa nhưng người ta vẫn cứ muốn kéo dài sự sống trên trần gian này. Có lẽ bởi vì chính trong nó, nhân loại được tạo dựng. Trần thế là quê hương tạm, Nước Trời mới là quê hương đích thực, nơi con người phát xuất và lại trở về. Nhưng, nhân loại vẫn muốn được luôn sống, phải chăng ở trong tận cõi lòng, con người tìm về sự thật về chính họ, sự thật phát nguyên từ Đấng mãi hằng có cho nên thế giới cũng trông mong hằng tồn tại như vậy. Đúng thực, phải lấy sự sống trần thế làm phương tiện đạt sự sống vĩnh cửu, sống hôm nay nhưng cho hôm sau, mới hòng mong thủ đắc hạnh phúc bất diệt.

Người thông luật hôm nay khá khôn ngoan khi tỏ ra am hiểu sự thật thân phận con người. Người vô tâm thì chả cần để ý, cứ ra sức hưởng thụ thú vui trần thế cho thoả khát vọng. Riêng ông, không chỉ chăm chút tương lai mà còn lo lắng cho sự sống vĩnh cửu. Ngoài lẽ thường của cuộc đời, không chỉ lấy thế làm đủ, ông còn tỏ lộ ước muốn khao khát sự sống khác cao hơn, vững bền hơn. Đối diện với những cuộc chia lìa, sự ra đi, mất mát, có lẽ khiến ông ngán ngẩm vì kiếp người sao lại vô vị, tẻ nhạt đến thế, sinh rồi tử, hợp rồi lại tan, thế có gì vui thú?

Thật ra, thế giới đi tìm sự sống vĩnh cửu đã từ lâu, rất lâu kìa, có thể từ thuở đầu mới tạo dựng. Khi con rắn cám dỗ người phụ nữ, Evà, nó đã chẳng từng nham hiểm dụ dỗ bà ăn trái cấm, để được bằng Thiên Chúa và trường sinh bất tử (x. St 3). Thế nhưng, tìm mãi không được hay không tìm trúng chỗ mà nhân loại, người thì mặc kệ hay kẻ chán, buông xuôi, thôi không thao thức. Hỏi thử, ai có thể khiến cho bạn sống mãi được chứ, nếu không phải là Đấng làm chủ sự sống bạn. Đấng cho bạn sự sống, bạn lại từ khước, kẻ khiến bạn huỷ diệt, bạn lại tìm kiếm. Nói khao khát muốn sống trường sinh là có thật, nhưng con đường tìm kiếm sự sống ấy lại sai lệch, do vậy mà chả mấy ai trong nhân loại diễm phúc tìm được nó.

Vấn đề không phải có hay không có sự sống vĩnh cửu, nhưng chính là việc chọn lựa trúng hay không đúng. Trớ trêu thay, người ta thích sống mãi nhưng lại sống phung phí, cũng tại vì đường vào cõi bất diệt thì hẹp mà lối vào chốn huỷ diệt lại thênh thang. Điều quan trọng cũng chính là việc chọn lựa và việc thực hiện. Muốn, ai thật cũng đã muốn nhưng hành động cho có được ý muốn đó lại không dễ. Lạ lắm, nhân loại có thể bỏ ra hàng triệu đôla, vất vả kiếm tìm đến hàng triệu thiên niên kỷ, leo đèo, lội suối chỉ vì truy tìm phương thuốc trường sinh bất tử nhưng lại không dám cho tha nhân vài giờ, chia sẻ đôi chút vật chất cho người bên cạnh. Nực cười cũng là vậy, mà đau lòng cũng là vậy!

Câu trả lời cho vấn nạn thiên niên của thế giới, đã có giải đáp rõ ràng, mạch lạc. Đức Giêsu đã khẳng định hết sức chắn chắn: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27) thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Như thế, việc cần làm không phải là bôn ba kiếm tìm nữa mà chính là hành động. Đáp án đã sẵn và đã có trước phương cách thực hiện, chỉ cần hành động nữa thôi, bạn sẽ có được khao khát ngàn đời nhân loại tìm kiếm.

Mà hình như ngày nay con người không thích sống mãi, cho nên họ chôn vùi cuộc sống trong thoả mãn đam mê, dục vọng. Sống vội, sống cuồng, người ta chỉ còn biết vùi đầu trong hưởng thụ, bỏ quên mọi tiềm thức thánh thiện thuở đầu tạo dựng, là tìm về căn nguyên cùng đích cuộc đời. Thế nên, ngày nào cũng có tranh chấp, bất hoà, bạo động xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội, trên thế giới.

Nhân loại bớt đói vì văn minh tiến bộ nhưng lại khát tình thương, lòng mến. Tìm được người công chính trên thế giới khó quá. Người ta thương bản thân hơn cả Thiên Chúa và xem tha nhân như kẻ xa lạ. Thật, chỉ khi nào bạn biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài hết lòng khi ấy mới dám kỳ vọng, bạn sống chết cho Ngài. Cũng vậy, không yêu Thiên Chúa được, sao bạn có thể mến tha nhân đây? Hơn thua cũng ở hành động, cho dẫu bạn nói lời yêu hay đến mấy, chân thật đến bao nhiêu cũng không bằng một hành động yêu thương nho nhỏ. Và có hành động yêu nào tuyệt đối hơn hành động Chúa chết cho tình yêu!

Lạy Chúa, nếu quá kỳ vọng vào trần thế, muôn đời chẳng bao giờ con có thể được sự sống vĩnh cửu. Như bao người, hằn sâu trong tâm thức, con khao khát được sống mãi và cũng như họ, con cất công kiếm tìm. Trầy trụa trong đam mê cào xước, bao năm qua, con bỏ mất không biết bấy nhiêu thời giờ vì tham vọng. Phương trình cuộc sống, con giải mãi không ra được đáp số của Ngài, tất cả cũng tại con chưa yêu mến Chúa thật. Chỉ vì chưa yêu Chúa mà con không yêu người. Yêu là hy sinh và tha thứ, là bỏ qua tham vọng bản thân để chỉ còn sống cho người mình thương mến. Con đã chọn Chúa làm hạnh phúc, làm gia nghiệp đời đời, xin giúp con sống trọn vẹn trong tình yêu ấy, không còn luyến tiếc bất kỳ vạn vật nào ngoài Chúa. Xin giúp con dám sống tình yêu, hành động yêu chứ không chỉ yêu trên môi, trên miệng, hầu minh chứng cho thế giới biết sự sống tình yêu vĩnh cửu là có thật, không còn là mơ nữa!
 
Đức Kitô là sức mạnh hoà giải của thế giới tự nhiên
Jos. Tú Nạc, NMS
10:39 09/07/2010
Chúa Nhật Thứ XV Mùa Thường Niên – Năm C

Thiên Chúa muốn gì ở chúng ta? Chúng ta nên sống như thế nào? Điều gì đúng và điều sai? Đây là những câu hỏi mà con người đã vật lộn hàng bao thế kỷ.

Con người biểu lộ những gì mà họ đang có xu hướng để đưa ra những câu trả lời cho những câu hổi phức tạp và trừu tượng một cách khó tin. Đôi khi, thậm chí họ bị tổn thất tinh thần, tâm lý và thể chất. Sự hy sinh con người, bạo lực tôn giáo hoặc những biện minh tôn giáo vì những bất công nguy hiểm chỉ là một đôi chút khả năng ảm đạm hơn.

Tác giả của Sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh rằng lề luật của Thiên Chúa đơn giản một cách lạ thường và chẳng khó khăn truy cứu. Không cần nghiên cứu cao thấp hoặc đi đến những tiêu chuẩn đánh giá cực đoan vì nó được viết bằng chính tâm hồn của chúng ta. Để hiểu nó chẳng cần đến những hệ thống triết học và thần học phức tạp, uyên bác. Nó cốt là ở sự dâng hiến trái tim và linh hồn của con người cho Thiên Chúa và điều này được thể hiện bằng hành động hướng tới tha nhân. Kết thúc ư! Các luật sỹ Do Thái đã nói, Giới Luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng mà là một niềm vui. Nó ban sự sống cho linh hồn một người nào đó và cho những linh hồn người khác.

Vậy sao chúng ta trải qua khững khó khăn như vậy trong đời sống của lề luật thiêng liêng này? Chúng ta tham gia vào sự trốn tránh như vậy, thực hiện hầu hết mọi điều ngoại trừ điều mà Thiên Chúa mong muốn chúng ta, bởi chúng ta e sợ. Chúng ta biết rằng bước trên con đường của Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta ra khỏi sự cách ly, cô lập, và tự cho mình là trung tâm và sắp xếp lại vũ trụ cá nhân của chúng ta. Và chúng ta biết rằng chúng ta phải ra đi và để lại nhiếu hành lý. Vì thế, chúng ta tự cho phép chúng ta để quên lãng vẻ đẹp và tính hồn nhiên, mộc mạc của đời sống chân thành tập trung vào Thiên Chúa. Lại một lần nữa tập trung vào Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt mọi khó khăn – những ai giữa những Ki-tô hữu với nhau và với những ai không cùng đức tin tôn giáo với chúng ta. Nó cũng sẽ mang lại sự an bình cho tâm hồn con người và đóng góp vào tiến trình hàn gắn thế giới của chúng ta.

Chúa Giê-su là người của những ai sống trong sự trọn vẹn và hài hòa tuyệt đối với Thiên Chúa. Từ khi sự viên mãn của Thiên Chúa bằng lòng sự hiện hữu của Chúa Giê-su chúng ta có một mô hình hoặc kiểu mẫu của con người, một con người thành thật và thánh thiện chân thành. Những hiệu quả của sự hòa giải và hàn gắn của sự hiệp nhất với mạch nguồn thiêng liêng và trong thực tế hiển nhiên Đức Ki-tô đã trở nên sức mạnh hòa giải của sự sáng tạo. Tất cả mọi điều đã khởi sự từ Người; tất cả mọi điều được kết thúc từ Người.

Một luật sỹ đưa ra một trong những câu hỏi về sự sống đời đời – tôi phải làm gì để được cứu vớt? Một lần nữa như trong bài đọc thứ nhất, sự hưởng ứng này là say mê trong những hiểu biết và giản dị của nó. Yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn và nghị lực – và người anh em của mình như chính bản thân mình. Ở đó có đầy đủ cho những quãng đời riêng lẻ.

Người bạn của chúng ta không thể cưỡng lại sự cám dỗ để minh chứng và phân tích nên hỏi ai là người anh em của mình – không cảm nhận tình yêu lãng phí về một người nào đó mà không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Chúa Giê-su đã trả lời bằng một câu chuyện, một phương thức giáo huấn hiệu quả đầy ấn tượng. Chúng ta ai nấy đều quen thuộc với câu chuyện này. Người đàn ông này bị cướp bóc và đánh đập và bị bỏ chờ chết, và đã bị làm ngơ bởi hai thành viên quản trị tôn giáo, một tư tế và một trợ tế. Một người mà đã dành thời gian và chi phí để thấy ông ta thể hiện lòng nhân hậu là một trong những “người khác” bị thù ghét, khinh khi – một người Samaria. Chúa Giê-su đã kết thúc câu chuyện mà người ta đã hành động giống như người anh em và câu trả lời dĩ nhiên là người mà đã thể hiện lòng thương cảm thực tế, chân thành.

Tình yêu không phải là vấn đề trước những rào cản và điều kiện giả tạo và nhất là không phải bị hạn chế đối với đoàn thể, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo của riêng ai. Chúa Giê-su đã thách thức thế giới quan những cử tọa của Người. Ngày nay cũng vậy, Người cư xử với những ai cởi mở. Ai là người anh em? “Người khác” là ai và tinh thần Ki-tô mời đón chúng ta như thế nào để đáp trả?

Mệnh lệnh truyền đi từ Chúa Giê-su đến tất cả mọi người – hãy đi và làm y như vậy.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 09/07/2010
LÔNG RÙA

N2T


Thời nhà Đường có một thi nhân hòa thượng tên là Hàn Sơn, ông ta đã viết một bài thơ như thế này:

- “Trên thân áo không hoa, chân nhẹ giày lông quy, tay cầm cung sừng thỏ, đi bắn quỷ vô danh”. Ý nghĩa là: trên thân mặc áo không có hoa, trên chân lông rùa làm giày dép, trên tay cầm sừng thỏ làm cung, chuẩn bị đi bắn con quỷ không tên tuổi.

Không hoa là không có hoa, và con rùa rõ ràng là không có lông, con thỏ cũng không có sừng, quỷ càng không cần phải nói, ai mà nhìn thấy nó chứ. Những thứ ấy chỉ có tên gọi, chứ trong cuộc sống hiện thực rõ ràng là không tồn tại, rõ ràng là hư vô.

Cho nên “lông rùa” nguyên là chữ của nhà Phật dùng để ví dụ chữ “hư vô”, về sau mới dần dần biến thành cách dùng hiện này.

(Thân giả không hoa y)

Suy tư:

Hư vô là không có và cũng không tồn tại, hư vô cũng là phù vân, là như gió thổi mây bay, là như bóng câu qua cửa sổ, tóm lại là không có gì cả…

Làm hòa thượng là trở nên một Phật sống, là từ bỏ mọi của cải của hồng trần, là không còn nghĩ đến chuyện tham sân si nữa, cho nên khi hòa thượng nhìn thấy cuộc sống bon chen của thế gian thì tâm niệm rằng: mọi sự chỉ là hư vô.

Hư vô của người Ki-tô hữu chính là chết cho thế gian và sống cho Chúa, tức là nói như thánh Phao-lô tong đồ đã nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi”, mà Chúa Ki-tô sống trong tôi, chính là tôi biết ca tụng Thiên Chúa qua những kỳ công tạo dựng vũ trụ vĩ đại của Ngài, dù tôi biết trời đất vũ trụ này sẽ qua đi, bởi vì chính cái hư vô của tạo vật vẫn luôn ca tụng danh Chúa, thì huống hồ là tôi, một con người giống hình ảnh của Thiên Chúa !

Ai hiểu thì hiểu.

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 15 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 09/07/2010
CHỦ NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 10, 25-37.

“Ai là người thân cận của tôi ?”


Bạn thân mến,

Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều câu hỏi được dặt ra cho mình: tôi phải làm gì để có tiền ? Tôi phải làm gì để học giỏi ? Tôi phải làm gì để người yêu tôi được vui vẻ, tôi phải làm gì để giành được địa vị giám đốc.v.v… và có rất nhiều câu hỏi mà bạn và tôi đã đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi có nhựng nhu cầu đòi hỏi…

Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “Ai là người thân cận của tôi” như người thanh niên thông luật đã đã hỏi Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.

1. Người thân cận của tôi là ai ?

Người thân cận của tôi trước hết là “cái tôi” của mình, cái tôi này đã làm cho tôi có lúc như nổi loạn vì bất mãn với người khác, bất mãn với cuộc sống hiện tai, bất mãn với đời sống cộng đoàn.

Người thân cận của tôi tiếp theo là vợ chồng con cái của tôi, những người thân cận này vì yêu thương họ mà tôi phải làm việc mệt nhọc, phải thức khuya dậy sớm, và có khi vì yêu thương họ mà tôi phải phạm pháp, phải hối lộ, phải chửi nhau với người khác để kiếm tiền chăm sóc họ.

Người thân cận của tôi cũng chính là cha mẹ anh chị em ruột thịt của tôi, vì họ mà có lúc tôi bỏ đường danh vọng theo ý mình để nghe lời cha mẹ làm những việc khác mà tôi không thích, vì anh em thân cận mà có lúc tôi phải trở thành người xa lạ với những người đã nâng đỡ tôi trong cuộc sống…

Người thân cận của tôi cũng chính là bạn bè thân hữu, họ đã chơi rất thân với tôi, và vì nể bạn bè mà có khi tôi phải nhậu nhẹt với họ sau giờ làm việc, có khi thức suốt đêm để ăn chơi rượu chè quên mất đường về nhà…

Đó là những người thân cận của tôi ngày hôm nay, cũng như những người thân cận mà người Do Thái thời Chúa Giê-su đã quan niệm.

Chúa Giê-su không trả lời với người thanh niên thông luật rằng: người thân cận của anh là cha mẹ, là anh chi em, là vợ chồng của anh, là bạn hữu của anh. Bởi vì đó là mối “thân cận” thường tình của con người, mối thân cận này thường làm cho người ta dễ dàng đi đến thái độ thờ ơ, dửng dưng với người xa lạ không quen biết, mà Nước Trời thì không phải chỉ dành cho bà con bạn hữu hay của một nhóm người mà thôi.

2. Người thân cận của tôi là ai ?

Đó là người Samaria nhân hậu mà Chúa Giê-su đã nói trong bài dụ ngôn hôm nay, là người biết thương xót nỗi bất hạnh của người khác.

Người Samaria nhân hậu ấy là người thân cận của tôi, họ là người ngày hôm qua chửi tôi trong cuộc họp cộng đoàn, họ là người ngày hôm qua phê bình tôi giữa đám dông dân chúng, họ là người mà thường ngày tôi ghét cay ghét đắng vì thái độ hách hách của họ, họ là người mà tôi quyết tâm sẽ trừng trị họ cho bỏ ghét trong xí nghiệp của tôi…

Những người Samaria ấy là người thân cận của tôi, vì ích kỷ, vì kiêu ngạo, vì ghét ghen mà tôi biến họ thành kẻ thù của tôi, nhưng Chúa Giê-su đã dạy cho tôi biết cách nhìn xa hơn và hướng thiện hơn: con người ta ai cũng có một tâm hồn biết thương xót. Người Samaria là kẻ thù của người Do Thái nhưng họ vẫn sẵn sàng xuống ngựa và cúi xuống ôm lấy người Do Thái bị nạn đang nằm bên vệ đường, tấm lòng của họ tốt lành hơn các tư tế và các thầy Lê Vi của người Do Thái gấp trăm ngàn lần…

Chúa Giê-su rất có lý khi đưa ra dụ ngôn tuyệt vời này, cái lý lớn nhất của Ngài là mọi người đều là anh em của nhau và con cùng một Cha trên trời, từ cái lý này mà sinh ra nhiều lý khác rất hợp với lời rao giảng của Ngài là yêu thương người như chính mình, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù ghét mình…

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su đã trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy người thân cận của bạn và của tôi là ai trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe rất rõ ràng, nhưng thực hành thì chúng ta vẫn chưa làm tốt, bởi vì chúng ta chưa thực sự là người muốn trở nên người thân cận của mọi người, khi mà chúng ta vẫn còn những phê bình ác ý, vẫn còn suy tính hơn thiệt khi giúp đỡ người khác…

Hy vọng –với ơn Chúa giúp- bạn và tôi sẽ nhìn thấy tất cả mọi người đều là người thân cận của mình, nhất là những người mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc trò chuyện, những người mà chúng ta cho rằng “không đáng làm bạn với mình” sẽ trở nên những người thân cận của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 09/07/2010
N2T


45. Người không trải qua nhiều cám dỗ và rèn luyện đau khổ, thì không thể đem mình làm người tôi tớ chân chính của Thiên Chúa.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 09/07/2010
N2T


481. Làm việc mà cầu mong sự nhanh chóng là một trong những việc nguy hiểm nhất.

 
Ai là người anh em
Lm Vũđình Tường
16:22 09/07/2010
Có người thông luật hỏi Đức Kitô phải làm thế nào để trở thành anh chị em trong Đức Kitô. Ngài không đưa ra câu trả lời trực tiếp nhưng dùng dụ ngôn giúp anh ta hiểu và tự trả lời thắc mắc của chính anh.

Ngài dùng dụ ngôn một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô dọc đường bị cướp đoạt hết của cải còn đánh trọng thương nằm vệ đường chờ chết. Tình cờ có thầy Tư Tế và thầy Lêvi đi qua con đường đó. Cả hai cùng trông thấy và cả hai mỗi người tránh sang một bên mà đi. May mắn cho nạn nhân, người thứ ba đi ngang ông là người Samaritanô, trông thấy nạn nhân. Chạnh lòng thương, ông xuống lừa băng bó vết thương, và bồng người đó về quán trọ. Ông còn cẩn thận dặn chủ quán chăm sóc cho nạn nhân, tốn phí bao nhiêu ông sẽ thanh toán món nợ sau khi xong công việc.

Kể xong dụ ngôn Đức Kitô hỏi người thông luật. Trong số ba người, theo anh thì ai là người anh em của người nạn nhân. Hẳn nhiên không còn câu trả lời nào khác ngoài câu trả lời người có lòng thương người khác. Ngài kết luận một câu vắn gọn. Ông trả lời đúng lắm.

Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy c.37

Luật trói buộc

Thầy tư tế và thầy Lêvi trông thấy nạn nhân mà không cứu vì cả hai đều bị luật lệ trói buộc. Họ trên đường đến đền thờ nên theo luật họ không được đụng chạm đến xác chết hay người gần chết. Nếu đụng chạm họ phải trải qua một thời gian thanh tẩy trước khi làm công việc thờ phượng.

Chính luật thanh tẩy trói buộc thầy tư tế và thầy Lêvi.

Trong thâm tâm có thể họ sợ bị liên luỵ tới bản thân.

Sợ cướp còn đang rình rập quanh quẩn đâu đó sẵn sàng tấn công.

Cũng có thể họ không biết cách giải quyết sao cho ổn thoả.

Cũng có thể họ có lòng bác ái, muốn giúp nhưng không dám trái luật.

Dù giải thích thế nào chăng nữa cũng chỉ là những có thể. Thực tế cả hai thầy đều tránh sang một bên để đi mà không ra tay cứu người gặp nạn.

Các nhà làm luật cần chú trọng đến thành quả bác ái, yêu thương trong việc soạn luật. Bất cứ luật nào không đặt căn bản trên bác ái, yêu thương luật đó đều thiếu ý ngay lành. Bản chất luật đã thiếu ý ngay lành, bản án dựa vào luật đó làm nghiêng cán cân công lí. Kẻ dùng luật bất công xét xử là người bất chính. Biết bất chính mà vẫn áp dụng là bất công.

Trong thực hành bất cứ luật nào trở thành gánh nặng trói buộc con người. Luật đó thay vì gieo yêu thương lại gieo tai họa. Cả người xử lẫn người bị xử đều là nạn nhân của luật. Thay vì luật bảo vệ mạng sống, thăng tiến đời sống luật trở thành tai vạ, ngăn cản con người thực thi bác ái, yêu thương.

Luật ở tầm mức nhỏ như thôn làng hay tầm vóc quốc gia đều cần đặt căn bản trên luật yêu thương. Mỗi địa phương, mỗi thời đại giải thích yêu thương theo khuynh hướng, định chế xã hội khác nhau. Đôi khi người làm luật bị sức ép phải uốn nắn cố giải thích yêu thương cho hợp chủ thuyết hay thoả mãn nhóm lãnh đạo. Chính vì có giải thích khác biệt ngàn trùng về luật yêu thương nên cần phải thống nhất một luật yêu thương căn bản. Luật yêu thương Kitô hữu sống và thực hành không đến từ cá nhân hay tập thể mà do chính Chúa Kitô dậy sống và thực hành. Yêu thương theo tinh thần Kitô giáo mang tính cách toàn cầu. Mọi người đều là anh chị em trong Chúa. Yêu thương hiểu khác tinh thần Kitô giáo đều không hoàn hảo, có khi dẫn đến phản yêu thương. Nhờ tinh thần yêu thương Kitô giáo mà mạng sống thai nhi, cô nhi, quả phụ, người nghèo, cô đơn, vô gia cư được bảo đảm và tôn trọng.

Vượt rào

Đức Kitô đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau. Hình ảnh thầy tư tế và Lêvi có quá nhiều luật. Luật này chằng chéo luật kia khiến con người ngộp thở trong lề luật. Giữ trọn lề luật là hết thời gian, không còn giờ cho chính mình và cho tha nhân. Ở đây có thể nói Đức Kitô dùng người biết ít luật mở mắt thầy thông luật. Người Samaritanô biết có một luật duy nhất đó là luật yêu thương, được ghi khắc trong lòng con người. Yêu thương bao trùm các luật dậy về cách xử thế. Người Samaritanô cũng chứng tỏ cho thấy mạng sống con người là trên hết. Quí hơn cả tiền bạc, thời gian và sự hy sinh của người khác. Hy sinh cứu người gặp nạn bị trộm đánh trọng thương dọc đường là một hy sinh nguy hiểm. Nhưng cần thiết vì hy sinh cứu mạng.

Người Samaritanô cứu nạn nhân Do Thái là một việc làm lạ thường vượt khỏi sự mong đợi của nhà thông luật. Anh ta đã vượt qua các rào cản ngăn cách về mầu da, chủng tộc, phe nhóm và ngay cả giai cấp. Theo truyền thống dân Do Thái coi thường dân Samaritanô. Thái độ khinh bỉ, chê bai, hiện rõ trong cuộc sống. Quan hệ với nhau càng ít càng tốt. Một bên là dân riêng. Bên kia là dân ngoại, thờ tà thần.

Đặc biệt hơn nữa trong hoàn cảnh nạn nhân mong đợi ít nhất lại là lúc nhận được nhiều nhất. Nạn nhân trông mong, đặt hết hy vọng vào thầy tư tế và thầy Lêvi cứu. Nạn nhân nhận được thái độ thờ ơ, tránh sang một bên để đi. Trong khi nạn nhân không hề ước mong được thi ơn thì lại nhận được ơn và nhận một cách dồi dào, nhiều hơn ngàn lần lòng mong đợi. Với cách kết luận dụ ngôn một cách tài tình, gây kinh ngạc như thế hẳn nhà thông luật chỉ có một chọn lựa là học từ lòng bác ái, yêu thương của người mà họ trước đây coi thường. Người ta không cần bằng cấp cao, khéo nói, hay tài giỏi để thể hiện bác ái. Bác ái và yêu thương chân thật đến từ tấm lòng chân thành của mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt màu gia, tiếng nói, niềm tin và ngay cả học thức. Bởi vì khi tạo dựng con người Thiên Chúa khắc sẵn trong lòng họ một tấm lòng biết yêu thương, rung cảm và thứ tha. Bất cứ ai sống thực thi được điều Thiên Chúa khắc sẵn trong tim, sống trọn vẹn lề luật Mến Chúa Yêu Người. Người đó là anh em trong Chúa.
 
Mùa World Cup 2010: Trên sân cỏ đời sống đức tin
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
21:08 09/07/2010
Trên sân cỏ đời sống đức tin

Những trận cầu thi đấu bóng đá World Cup 2010 diễn ra trên sân cỏ nước Nam Phi đang vào vòng kết thúc chung kết.

Những trận thi đấu bóng đá trên sân cỏ giữa các đội tuyển quốc gia tranh dành một trái banh da tròn, làm sao đá tung lưới khung thành đội bạn đối thủ. Và càng vào sâu những vòng bên trong càng khó khăn hơn, nhưng cũng càng sôi nổi hào hứng hơn thêm.

Đá tung lọt lưới càng nhiều trái banh, càng mang lại nhiều phấn khởi hào hứng cho đội của mình, và cũng mang lại danh dự niềm tự hào cho quê hương quốc gia của đội thi đấu, đồng thời đôi chân tài nghệ của cầu thủ càng sáng gía.

Thể thao Bóng đá như thế, đã đang trở thành một lối sinh họat văn hóa cho lãnh vực giáo dục huấn luyện. Hay nói cách khác, là một đường lối giáo dục xã hội quốc gia! Và qua đó đem lại niềm tự hào, tự tin cho cá nhân người chơi banh thi đấu, cùng lan sang cho cả tập thể xã hội quốc gia đất nứơc nữa.

Ở những trận thi đấu mở màn hay vòng tứ kết, vòng bán kết, nhất là vòng chung kết, những vị nguyên thủ quốc gia đất nước của đội thi đấu trên sân cỏ đều có mặt trên cầu trường tham dự. Và khi đội banh chiến thắng mang Cup trở về nhà, họ như những vị anh hùng, được vị nguyên thủ quốc gia tiếp đón trao tặng huy chương cách trọng thể.

Nhìn vào sân cỏ bóng đá thì như vậy. Còn nhìn vào sân cỏ đời sống đức tin của người Công giáo thì thế nào?

1.Tinh thần đồng đội chung

Hai đội tuyển thủ bóng đá, mỗi đội có 11 cầu thủ, tranh dành nhau chỉ một trái banh lăn trên sân cỏ. Trái banh thì luôn luôn tròn có khí bơm căng đầy.

Chúa Giêsu khi xuống trần gian đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa đã đi qua mọi nẻo đường sân cỏ đất nước Do Thái. Tình yêu nước Thiên Chúa trước sau luôn luôn là đích điểm cho con người hướng tới tìm nhìn về.

Xưa kia Ngài tuyển chọn tới 12 Tông đồ là những „ cầu thủ“ cho đội của Ngài. Trong sân banh chỉ cần 11 cầu thủ thôi. Vậy phải chăng còn 01 cầu thủ cho ngồi ghế dự bị chờ đó để khi cần vào thay thế?

Đội banh đá nào khi đi thi dấu cũng thường có hơn kém 22 cầu thủ, đang khi chỉ cần 11 cầu thủ thi đấu. Những cầu thủ dự bị khác rất cần thiết. Nhưng không vì thế mà phân biệt có hai cấp cầu thủ. Trái lại đội tuyển thủ nào cũng đồng tâm thề hứa với nhau: chúng ta chơi thi đấu chung trong tinh thần đồng đội. Không có ai là một ngôi sao lẻ loi trong đội, nhưng mỗi người đều có khả năng tài cán riêng của mình.

Như thế cầu thủ được chỉ định chạy trên sân cỏ, cũng như cầu thủ mặc áo ngồi dự khuyết trên ghế cũng đều thuộc về đội tuyển thủ. Tất cả chung hợp bện làm thành trong tinh thần đồng đội.

Chúa Giêsu nhắn nhủ 12 Tông đồ „ cầu thủ“ của đội ra đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa: „ Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu, hãy là người cuối cùng và là người phục vụ tất cả những người khác.“ ( Mc 9,35)

2.Tinh thần cổ võ nâng đỡ

Đội tuyển thủ nào khi xuất trận chạy trên sân cỏ cũng đều mong muốn thi đấu ngoạn mục, dẫn chuyền banh đá phá tung lưới khung thành đối thủ. Nhưng không phải luôn luôn được như mong muốn. Trái lại, rất nhiều khi gặp hoàn cảnh khó khăn lúng túng, nhất là lúc bị đội banh đối thủ dành banh đá tung lưới khung thành nhà mình…Khi đó những cổ võ tinh thần của đồng bạn, của huấn luyện viên và của khán gỉa rất cần thiết. Có như thế họ mới lấy lại sức lực tinh thần mà vươn lên chiến đấu tiếp, hầu mong lật ngược thế cờ dành banh thắng trở lại.

Sau khi Chúa Giêsu trở về trời, đội cầu thủ các Thánh Tông đồ ra đi tiếp tục rao giảng nước Thiên Chúa, họ cảm thấy bất lực, bơ vơ, gặp nhiều khó khăn. Tình hình không chỉ lúc đó mà càng ngày hầu như đen tối khó khăn cùng vô vọng. Nhưng Chúa Giêsu khi sai họ ra đi đã căn dặn họ: hãy nhận lấy Đức Chúa Thánh Thần. Đức Chúa Thánh Thần là bảo đảm, là Đấng cùng đồng hành, trợ giúp an ủi cho anh em trong mọi hoàn cảnh đời sống. Dù anh em không còn nhìn thấy Thầy nữa, nhưng Thầy hằng ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.( Mt 28,20).

Về Giáo Hội cũng thế, Chúa Giêsu nói với đội trưởng Phero: Thầy sẽ xây Hội Thánh trên tảng đá Phero và quyền lực hỏa ngục cũng không thắng nổi“ ( Mt 16, 18).

3.Fair play

Các cầu thủ thi đấu chạy trên sân cỏ tranh giành trái banh được dùng kỹ thuật đôi chân nhồi giao chuyền, lừa dẫn banh, nhưng họ phải chơi với tinh thần thể thao cao thượng. Họ không được lỗi phạm kỷ luật, không được chơi xấu làm hại người khác. Điều này thể hiện nếp sống văn hóa cao đẹp. Vì thế, tinh thần Fair play luôn luôn được nhắc nhở đề cao.

Và đội banh hay cầu thủ cũng được đánh gía theo cung cách chơi Fair play theo bảng nấc thang gía trị nữa.

Chúa Giêsu nhắc nhở lối sống Fair play: „ Những gì anh em muốn người khác làm cho mình, hãy làm cho người khác như vậy“ ( Mt 17,12).

Và còn thế nữa, trong ngày sau cùng trước tòa phán xét, Thiên Chúa sẽ nhìn đến lối sống Fair play của con người mà thưởng công hay luận phạt: „ Những gì anh em làm cho một người bé nhỏ nhất trong anh em, chính là anh em làm cho Thầy“ ( Mt 25, 40)

4. Người nối tiếp

Thông thường các đội banh nào cũng đều tuyển chọn huấn luyện những cầu thủ mầm non kế tiếp. Có như thế truyền thống đội banh mới tiếp tục phát triển cùng sống còn trong tương lai.

Chúa Giêsu xuống trần gian không chỉ rao giảng nước Thiên Chúa cho một nước Do Thái, nhưng cho mọi con người trên khắp mặt đất. Vì thế, trứớc khi trở về trời, Ngài đã sai các Tông đồ ra đi: Anh em hãy ra đi đến cùng khắp muôn dân, rao truyền Lời Chúa và kêu gọi họ trở thành môn đệ của Thầy“ (28,19 )

5. Người Đội trưởng

Đội banh nào cũng có một người đội trưởng, tuy người này cũng chỉ là một cầu thủ như chúng bạn cầu thủ khác, nhưng trên sân cỏ thi đấu người đội trưởng có nhiệm vụ đứng đầu đội trong lễ nghi ngoại giao với đội bạn và trọng tài. Ngoài ra, người đội trưởng còn có trách nhiệm huy động cổ võ tinh thần các đồng bạn. Nhiệm vụ người đội trưởng khác nào như gạch nối giữa các chúng bạn đồng đội và với huấn luyện viên của đội.

Thánh Phero được Chúa Giêsu chỉ định làm đội trưởng đội cầu thủ các Tông đồ của Chúa. Khi Chúa Giêsu về trời, sau khi nhận lãnh Đức Chúa Thánh Thần, ông đã mạnh dạn ra trước công chúng giảng nói về Chúa Giêsu trứơc hàng ngàn người tụ tập mừng lễ Ngũ Tuần.

Bài giảng của Ông đã gây lòng hào hứng, vực dậy tinh thần cho các Bạn tông đồ khác đang sống trong sợ hãi nghi hoặc.

Bài gỉang của vị tông đồ đội trưởng Phero giúp khơi lên trong họ và dân chúng niềm hân hoan phấn khởi hiểu thêm về Chúa Giêsu.

Bài giảng của đội trưởng Phero đã gây lòng hào hứng cho ba ngàn người hôm đó xin nhận lãnh phép rửa tội tin vào Chúa Giêsu. ( Công vụ tông đồ 2,14-46)

Trái banh da luôn luôn tròn khi được bơm căng đầy khí lăn trên sân cỏ vận động trường.

Đời sống con người là một con đường dài có nhiều giai đoạn phát triển lên xuống trên sân cỏ cuộc đời.

Đức tin vào Chúa, Đấng là hơi thở sự sống con người, không có hình dạng tròn và dài. Nhưng gắn liền ghi khắc ăn sâu trong tâm hồn đời sống con người.

Trên sân cỏ đời sống đức tin, Thiên Chúa là khởi đầu và cùng đích của đời sống con người cho ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Mùa World Cup 2010

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Antonio Rosmini, người của đức tin, lý trí và trái tim
Vũ Văn An
01:17 09/07/2010
Thứ năm, ngày 1 tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 155 ngày qua đời của Antonio Rosmini, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ý là đức Hồng Y Angelo Bagnasco, đã tới Stresa cử hành Thánh Lễ mừng kính ông. Trong bài giảng lễ, Đức HY Bagnasco nhấn mạnh rằng với Rosmini, đức tin, lý trí và trái tim chính là phương thế để đối thoại với thế giới hiện đại và vượt qua các trở ngại cũng như khó hiểu do chủ nghĩa thế tục đem đến. Đức Hồng Y cho rằng con đường gặp gỡ và đối thoại với thế giới hiện đại luôn được gợi hứng bởi nhiều ánh sáng và khát vọng chung nhưng không thiếu trở ngại và nhiều thiên kiến sâu xa. Muốn vượt qua những trở ngại và hiểu lầm ấy, Rosmini chỉ cho ta con đường đức tin, lý trí và trái tim: “qua một hành trình lâu dài và liên tục, hào hứng và sâu sắc đầy suy tư và nghiên cứu, nhưng trước hết phải cầu nguyện và sống thực”. Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh tới một đòi hỏi khác cũng đã được Rosmini nêu ra và nêu gương cho những người biết tin, suy tư và đối thoại: lòng khiêm tốn, đủ để chấp nhận đau đớn và khổ nhục.

Một cuộc đời đầy sóng gío

Rosmini chính là nhân vật được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nâng lên hàng đáng kính vào ngày 26 tháng 6 năm 2006. Một năm sau, tức vào ngày 3 tháng 6 năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI ký sắc lệnh chấp thuận việc phong chân phúc cho ông và lễ phong chân phúc đã diễn ra ngày 18 tháng 11 cùng năm tại Novara, Ý Đại Lợi. Toàn bộ diễn biến này được Sandro Magister gọi là một phép lạ (1). Vì, con người được nâng lên hàng đáng kính và chân phúc ấy từng bị “Giáo Hội” trù dập suốt từ năm 1849 cho tới tận năm 2001. Cũng chính vì sự trù dập này, không thiếu những người cho rằng hành động của Đức Bênêđíctô XVI nhân việc phong chân phúc cho Rosmini chỉ là một hành vi lạc giáo không hơn không kém.

Các phản ứng trái ngược trên đủ cho ta thấy: cuộc đời của chân phúc Rosmini không hề đơn giản chút nào. Sinh tại Rovereto, lúc ấy thuộc Đế Quốc Áo Hung, vào ngày 24 tháng 3 năm 1797, Rosmini vốn thuộc một gia đình giầu có trong vùng. Tuy nhiên, ông được cha mẹ gửi vào học trường công. Tháng 8 năm 1816, ông dự kỳ thi mãn trung học đệ nhị cấp với điểm ưu hạng cho tất cả các môn và được phê là “có trí thông minh vượt bậc”. Mùa thu năm ấy, ông bắt đầu học thần học tại Đại Học Padua, nơi ông đậu cử nhân năm 1822. Trước đó, vào năm 1821, ông được thụ phong linh mục. Sau đó, ông được tháp tùng thượng phụ Venice là Đức Hồng Y Ladislao Pyrcher tới Rôma. Tại đây, ông được Đan Viện Phụ Mauro Cappellari, tức Đức GH Grêgôriô XVI tương lai, giới thiệu với Đức Thánh Cha Piô VIII. Vị giáo hoàng này khuyên ông nên chuyên chăm viết sách thay vì hoạt động ở ngoài đời, vì thấy ông rất giỏi về lý luận. Năm 1830, ông cho xuất bản tác phẩm lớn đầu tiên về triết học, tựa là “Khảo Luận Mới về Nguồn Gốc Các Ý Niệm”. Ngày 2 tháng 2 năm 1831, người bạn của ông là Hồng Y Capellari lên ngôi giáo hoàng. Chỉ trong hơn 10 ngày từ ngày 18 tới ngày 30 tháng 11 năm 1832, ông viết xong cuốn “Năm Thương Tích Của Giáo Hội Thánh Thiện”. Trong cuốn này, ông tố cáo các nguy cơ đang đe dọa sự hợp nhất và nền tự do của Giáo Hội, và đưa ra các phương thuốc chữa trị. Cuốn sách chỉ được xuất bản năm 1846.

Năm 1839, ông cho xuất bản cuốn “Khảo Luận về Lương Tâm Luân Lý”. Trong cuốn này, ông cho rằng trí khôn con người được soi dẫn bởi ánh sáng thực tại tức ánh sáng chân lý. Do đó, có một cái gì “thần thiêng” ngay trong chính con người. Một số tu sĩ Dòng Tên lên tiếng mạnh mẽ tấn công các luận điểm của ông. Năm 1848, theo lệnh của Vua Piedmont là Carlo Alberto di Savoia, Rosmini trở lại Rôma với sứ mệnh ngoại giao, nhằm thuyết phục Đức Giáo Hoàng Piô IX làm quốc trưởng một liên bang các quốc gia Ý Đại Lợi. Nhưng khi chính phủ Piedmont yêu cầu đức giáo hoàng tham gia cuộc chiến chống lại Áo, Rosmini đã từ bỏ vai trò ngoại giao của mình. Tuy nhiên, Đức Piô IX yêu cầu ông lưu lại Rôma. Có nguồn tin ông sẽ làm hồng y quốc vụ khanh, và sau khi thiết lập ra Cộng Hòa Rôma, sẽ làm thủ tướng. Nhưng ông từ khước cầm đầu một chính phủ cách mạng nhằm tước quyền tự do của đức giáo hoàng. Ngày 24 tháng 11 năm 1848, Đức Piô IX chạy về Gaeta. Rosmini tháp tùng ngài. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông bị thất sủng vì chống đối đường lối chính trị của Đức Hồng Y Giacomo Antonelli, người muốn sử dụng quân đội ngoại quốc để ủng hộ đức giáo hoàng. Năm 1849, Rosmini rời bỏ hàng ngũ của Đức Piô IX.

Về điểm này, từ điển mở Wikipedia cho rằng: năm 1848, ông được mời phục vụ tại Giáo Triều của Đức Piô IX trong tư cách thủ tướng các Lãnh Địa Giáo Hoàng. Ông tham gia cuộc tranh đấu trí thức nhằm mục đích thoát ly khỏi Đế Quốc Áo, nhưng với tư cách cố vấn và là nhà ngoại giao tin cậy của đức giáo hoàng, ông không khởi xướng phong trào nhằm giải phóng và thống nhất nước Ý. Thực vậy, dù rất muốn giải phóng Ý khỏi Đế Quốc Áo, mục đích của ông lại là thành lập một liên bang các quốc gia đặt dưới quyền kiểm soát của đức giáo hoàng. Nhưng, với việc thành lập Cộng Hòa Rôma, Đức Piô IX đã buộc phải chạy trốn và trở thành xa lạ đối với người cố vấn cũ của mình trong các vấn đề chính trị. Hoàn cảnh mong manh về chính trị lúc ấy khó có thể giảng hoà hai nhân vật này vì các dự án rất khác nhau của họ: các canh tân nhằm cải tiến xã hội và luật lệ, dù nhỏ nhoi, cũng phải lùi bước trước các nhu cầu cấp bách có tính hiện sinh nhằm bảo vệ tính tối thượng về quyền lực thế tục cho Giáo Hội.

Rời Rôma, ông trở lại miền Bắc nước Ý. Nhưng đang trên đường tới Stresa, ông được tin hai cuốn “Năm Thương Tích của Giáo Hội Thánh Thiện” và “Hiến Pháp Dân Chính Theo Công Bằng Xã Hội” bị liệt vào Bảng Các Sách Bị Cấm. Rosmini lập tức tuyên bố phục tùng và vui lòng ẩn dật tại Stresa. Ở đấy, dưới sự công kích của nhiều tu sĩ Dòng Tên, nhưng được sự nâng đỡ tận tình của nhiều bằng hữu, trong đó có Alessandro Manzoni, tiểu thuyết gia danh tiếng, ông dành trọn thời giờ hướng dẫn hai tu hội do ông sáng lập và viết tác phẩm thời danh "Theosophia" (Triết thần học).

Năm 1854, ông bị Vatican xử lần đầu, nhưng được trắng án. Hai tác phẩm của ông được tuyên bố là vô hại, và không còn bị coi là sách cấm nữa. Ông qua đời tại Stresa sau đó ít lâu, tức ngày 1 tháng 7 năm 1855.

Tuy nhiên, 20 năm sau khi ông qua đời, từ ngữ “dimittantur” làm tựa đề cho quyết định của Văn Phòng Thánh (Holy Office, Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày nay) nhằm “giải vạ” hai tác phẩm của ông được đem ra tranh luận trở lại. Có người cho rằng từ ngữ này là bằng chứng của việc chấp thuận trực tiếp đối với hai tác phẩm, nhưng có người lại cho nó chỉ có nghĩa tiêu cực và do đó không hàm nghĩa hai tác phẩm này không có lầm lẫn. Cuộc tranh luận này tiếp tục cho tới năm 1887, khi Đức Lêô XIII chấp thuận Sắc Lệnh “Post Obitum” (sau khi đã qua đời) của Văn Phòng Thánh lên án 40 mệnh đề của ông và cấm không được giảng dạy về chúng. Sắc lệnh này phải đợi tới ngày 1 tháng 7 năm 2001, nhân kỷ niệm năm thứ 146 sau ngày ông qua đời, mới được thu hồi bằng quyết định của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc ấy dưới quyền điều khiển của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.

Tuyên bố của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin

Thành thực mà nói: cung cách giải “oan” cho Rosmini khá đặc biệt và tế nhị. Nguyên hình thức của nó cũng đã lạ lùng rồi. 40 mệnh đề của Rosmini bị lên án và cấm giảng dạy bằng một sắc lệnh. Nhưng chúng đã được tuyên bố là không sai lầm bằng một văn kiện có tên chính thức trong tiếng Anh là “Note on the Force of the Doctrinal Decrees Concerning the Thought and Work of Fr Antonio Rosmini Serbati” (Ghi Chú về Quyền Lực Pháp Lý của Các Sắc Lệnh Tín Lý Liên Quan Tới Tư Tưởng và Công Trình của Cha Antonio Rosmini Serbati). Chúng tôi dịch chữ “Note” là Ghi Chú, vì thực sự không biết thuật ngữ chuyên môn của Thánh Bộ này có nghĩa gì. Rất có thể nó có nghĩa khác, nên Gregory Baum, một nhà cực duy hiện đại (arch-modernist), vốn không ưa gì Đức HY Ratzinger, khi lên tiếng nhận định về văn kiện này, đã dùng nguyên ngữ La Tinh “nota” để gọi nó.

Thứ hai, chúng tôi nói sắc lệnh lên án 40 mệnh đề của Rosmini đã được thu hồi (revoked) là nói theo một số nhà bình luận cho giản tiện. Chứ thực ra, nó không bị thu hồi đúng nghĩa. Thu hồi phải là vô hiệu lực, bị hủy bỏ. Đàng này, sắc lệnh trên không hẳn bị hủy bỏ. Nói theo Baum, mục đích của nó là bãi bỏ việc lên án 40 mệnh đề của Rosmini. Còn hiệu lực pháp lý của nó vẫn còn đó, ít nhất đối với những ai đọc Rosmini bên ngoài hệ thống của ông. Từ ngữ chính thức được văn kiện này dùng là “bị thay thế” (superseded) và không hẳn chính sắc lệnh mà là các nguyên động lực đưa đến việc công bố sắc lệnh này đã bị thay thế. Ta hãy đọc phần quan trọng nhất của văn kiện, tức số 7:

“Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, sau khi khảo sát ngọn nguồn hai Sắc Lệnh tín lý, được công bố trong thế kỷ 19, và xem sét các kết quả phát sinh từ khoa nghiên cứu lịch sử cũng như tìm tòi khoa học và lý thuyết của 10 năm qua đã đạt tới kết luận sau đây: 'Các nguyên động lực khiến có sự quan tâm tín lý và khôn ngoan cũng như các khó khăn đến độ phải công bố Sắc Lệnh lên án 40 mệnh đề rút ra từ các công trình của Antonio Rosmini nay được coi là bị thay thế. Sở dĩ như thế, là vì ý nghĩa của các mệnh đề này, như đã được Sắc Lệnh hiểu và lên án, không nằm trong chủ trương đích thực của Rosmini, mà nằm trong các kết luận có thể đã được rút ra từ việc đọc các công trình của ông. Các vấn đề liên quan tới tính đáng tin cậy (plausibility) của hệ thống Rosmini, của sự nhất quán về suy lý của nó và của các lý thuyết cũng như giả thuyết về triết lý và thần học trong đó vẫn còn được ủy thác cho cuộc tranh luận lý thuyết.

Đồng thời, hiệu lực khách quan (objective validity) của Sắc Lệnh liên quan tới các mệnh đề bị kết án trước đây vẫn còn đó đối với bất cứ ai, đứng bên ngoài hệ thống của Rosmini, và đọc chúng theo quan điểm duy tâm luận (idealist), tồn hữu luận (ontologist) và với một ý nghĩa đi ngược lại đức tin và tín lý Công Giáo'”.

Gregory Baum coi quyết định này nói lên một mâu thuẫn nội bộ với ý nghĩa: những gì trước đây bị Giáo Hội coi là sai lầm nay được Giáo Hội nhìn nhận là đúng đắn. Nhưng nếu đọc kỹ lời lẽ rào trước đón sau của văn kiện, người ta khó mà nhất trí với nhận định của Baum. Số 2 của văn kiện giúp ta hiểu phần nào điểm tế nhị này: “Đọc vội vàng và phiến diện các can thiệp khác nhau này khiến người ta nghĩ rằng chúng tạo nên một mâu thuẫn nội tại và khách quan về phía Huấn Quyền trong các đường lối giải thích nội dung tư tưởng của Rosmini và trong đường lối đánh giá nó cho Dân Chúa. Tuy nhiên, đọc một cách cẩn trọng không những các bản văn của Thánh Bộ, mà cả ngữ cảnh của chúng cũng như tình thế lúc công bố chúng, một tình thế cho phép có những khai triển lịch sử, ta sẽ đánh giá được việc suy tư đầy cảnh giác và gắn bó, luôn lo lắng đối với nhiệm vụ gìn giữ đức tin Công Giáo và quyết tâm không cho phép có những giải thích sai lạc hay giản lược đối với đức tin ấy. Ghi Chú hiện nay về giá trị tín lý của các văn kiện trước đây cũng nằm trong dòng suy tư đó”.

Nói cách khác mọi văn kiện trên đều không có gì mâu thuẫn, vì đều cùng phát sinh từ một âu lo, một quan tâm, một sứ mệnh như nhau là gìn giữ đức tin Công Giáo khỏi các nguy hại, méo mó, lệch lạc có thể do não trạng hiện đại tạo ra hay làm cho gia trọng. Một khi não trạng ấy thay đổi hay không còn nữa, thì những nguy cơ do chúng tạo ra hay làm cho gia trọng cũng không còn. Lúc ấy, sự ích lợi lớn hơn có thể được xem sét để đưa ra những kết luận mang lại hiệu quả tốt hơn cho việc gìn giữ đức tin sống động của Dân Chúa.

Đàng khác, trong Giáo Hội trước đây, người ta tưởng có một nền triết học chính thức duy nhất được đồng hóa với chủ nghĩa Tôma (Thomism). Lối suy nghĩ này chính là lực lượng nằm phía sau việc lên án học lý của Rosmini. Như văn kiện năm 2001 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã phân tích, sắc lệnh năm 1854 của Thánh Bộ, khi bãi bỏ việc cấm lưu hành hai tác phẩm của Rosmini, đã xác nhận tính chính thống trong tư tưởng của ông. Nhưng đến thời Đức Lêô XIII, Giáo Hội thấy mình cần phải tách rời khỏi dòng tư tưởng này trong cố gắng phản công lại lối tư duy hiện đại, rất nguy hại cho đức tin Công Giáo. Trong cố gắng này, Giáo Hội đã canh tân việc học hỏi trong các định chế của mình bằng cách đưa ra thông điệp Aeterni Patris (1879), nhằm phát huy lòng trung thành với tư duy của Thánh Tôma Aquinô. Huấn Quyền lúc đó thấy cần phải cổ vũ học thuyết Tôma làm phương tiện triết học và thần học để đưa ra một tổng hợp nghiên cứu có tính thống nhất cho việc đào luyện trong Giáo Hội, nhất là trong các chủng viện và phân khoa thần học, chống lại phương thức chiết trung hầm bà làng về triết học đương thời. Việc cổ vũ này tạo ra phán đoán tiêu cực đối với các chủ trương triết học và suy lý như của Rosmini, vì sự dị biệt về ngôn từ và hệ thống ý niệm.

Lối suy tư ấy ngày nay không còn thích hợp nữa. Thực vậy, tháng 9 năm 1998, Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio, đã tuyên bố rằng Giáo Hội không hề có một nền triết lý đặc thù nào và lên án chủ trương cho rằng một hệ thống đơn độc nào đó có thể đại diện cho tính toàn bộ của triết học. Chính vì thế, lần đầu tiên, ngài chính thức liệt kê Rosmini vào sổ các triết gia và thần học gia được Giáo Hội ca ngợi vì các công trình có giá trị của họ. Khi nhắc lại điểm này, văn kiện của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (số 8) cũng nhấn mạnh thêm một điểm nữa của Thông Điệp nói trên: việc nêu tên các nhân vật ở đây không hề hàm nghĩa công nhận mọi khía cạnh trong tư tưởng của họ, mà chỉ là nêu ra các điển hình có ý nghĩa cho diễn trình tìm kiếm triết học, một diễn trình sẽ phong phú hơn khi nối kết với các dữ kiện đức tin. Nói cách khác, tâm thức Công Giáo hiện nay đủ trưởng thành để có thể chào đón tính đa nguyên của triết học nhằm phục vụ hay giải thích đức tin. Việc “giải oan” cho Rosmini thực sự là vì lợi ích của tín hữu vậy.

Diễn trình giải oan

Thực ra, văn kiện giải oan của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không hẳn là độc đáo. Nó chỉ là bước cuối cùng của một diễn trình dài, bắt đầu từ trước Công Đồng Vatican II. Thực vậy, dù một số mệnh đề của Rosmini bị coi là không đồng thanh đồng khí (consonant) với chân lý Công Giáo và bị cấm không được giảng dạy, nhưng chính sắc lệnh Post Obitum cũng không minh nhiên coi chúng là lạc giáo. Bản thân ông không hề bị lên án và nhất là tu hội do ông sáng lập vẫn tiếp tục hoạt động và hoạt động rất hiệu quả ở khắp mọi nơi. Nhờ thế, phần lớn học thuyết của ông vẫn được truyền bá, nghiên cứu, các tác phẩm của ông vẫn được in ấn, phổ biến, học hỏi.Theo Royden Hunt của Đại Học Cardiff, Anh (2), các triết gia như Brentano và sau đó Husserl cũng như Heidegger đều cho thấy những dấu vết chịu ảnh hưởng sâu sắc của Rosmini…

Từ 1930 tới năm 1960, nhà xuất bản quốc gia của Ý đã công bố 30 tác phẩm lớn của ông. Việc này đã kích thích các đại học Ý, nhất là các đại học ở phía Bắc, hăng say nghiên cứu về ông. Stresa, nơi có một văn khố lớn về Rosmini, cũng là một trung tâm khảo cứu nhộn nhịp, tạo ra nhiều tác phẩm cũng như nhiều hội nghị chuyên đề về ông. Và, năm 1955, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ông qua đời, một hội nghị quốc tế đã được triệu tập. Nhân dịp này Tổng Thống Ý, Sig. Gronchi, đã gửi cho Cha Giuseppe Bozzetti, Bề Trên Tu Hội Bác Ái do ông sáng lập, một điện văn trong đó có đoạn: “Tên tuổi và công trình của Antonio Rosmini thuộc di sản của Phong Trào Hồi Sinh Ý Đại Lợi (Risorgimento) hiện vẫn còn được nhân dân Ý duy trì như một thực tại tâm linh có tính sinh tử. Chính từ di sản đó, ý thức quốc gia của chúng ta đã thành hình, các định chế tự do của chúng ta đã được khai sinh. Rosmini là bậc thầy của nguyên lý tự do, duy trì được sự quân bằng hoàn hảo giữa lý thuyết và thực hành; ông cũng đã mạnh mẽ tuyên xưng các bổn phận và quyền lợi mà nền tự do cần phải có nếu muốn đơm hoa kết trái. Là một trong các tư tưởng gia độc đáo và có ý nghĩa nhất mà nước Ý và Âu Châu đã cho ra đời trong thế kỷ 19, Rosmini mãi mãi luôn trung thành với lý tưởng tự do trong các trước tác triết học của mình, trong khi đó, về lãnh vực hoạt động chính trị, ông luôn nhất quán với nguyên lý cai trị theo hiến định. Song song với tư cách một triết gia và một tư tưởng gia về chính trị, trước nhất, ông còn là một nhà giáo dục, không những qua gương sáng đời sống, mà còn qua việc hiểu biết thấu đáo và sáng suốt trái tim con người. Là một người Công Giáo sâu sắc, nhờ hoạt động trí thức, nhờ sự thánh thiện bản thân, một sự thánh thiện đã đạt tới đỉnh cao nhất, ông đã rút tỉa được sức mạnh để có thể phát biểu lại toàn bộ truyền thống Kitô Giáo trong một hệ thống có cơ cấu trong đó có cả những chủ trương cốt yếu của tư tưởng hiện đại”.

Tuy nhiên, phải đợi đến Đức Gioan XXIII, việc phục hồi danh dự cho Rosmini mới có được những bước tiến dứt khoát. Cuốn tiểu sử về ngài, do Peter Hebblethwaite viết, ghi nhận rằng mùa hè năm 1961, lúc đang chuẩn bị cho Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã tái khám ra Rosmini và đã trích dẫn tác giả này trong Nhật Ký của mình. Năm 1905, lúc còn là sinh viên, Đức Gioan XXIII từng gặp và làm bạn với TGM Milan là Đức Cha Ferrari, một người vốn bị Đức Piô X coi là nguy hiểm vì đã phục hồi các ý tưởng của Rosmini về Giáo Hội như đã được phát biểu trong cuốn Năm Thương Tích Của Giáo Hội Thánh Thiện. Lúc lên ngôi giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã cho phép mở án phong chân phước cho vị TGM này. Bởi thế, người ta dễ dàng nhìn ra đường dây thông đạt giữa Rosmini, Đức Gioan XXIII và Vatican II, một đường dây sau đó đã nhập thân các khát vọng của Rosmini muốn có sự liên kết gần gũi hơn giữa giáo sĩ và giáo dân, giữa phụng vụ và ngôn ngữ bình dân, và nhất là tự do tôn giáo. Đức Hồng Y Saraiva Martins, Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, và là đại diện của Đức Bênêđíctô XVI trong lễ phong chân phúc cho Antonio Rosmini, cũng coi Rosmini là tiền hô của Dignitatis Humanae.

Vị giáo hoàng kế tiếp, tức Đức Phaolô VI, cũng đã thấu đáo Rosmini lúc còn làm TGM Milan. Bởi thế, khi lên ngôi giáo hoàng, ngài đã chọn một linh mục thuộc Tu Hội Bác Ái tại nhà mẹ ở Porta Latina làm cha giải tội. Nhưng chính học giả của tu hội này là Don Clemente Riva, người được Đức Phaolô VI cử làm Tham Tán cho Phòng Báo Chí Công Giáo tại Công Đồng Vatican II, mới là người thiết lập được những mối liên hệ thiết yếu với hai vị giáo hoàng Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II, những mối liên hệ cho phép việc phục hồi danh dự của Rosmini tiến nhanh. Câu truyện liên hệ giữa học giả Riva và Đức Gioan Phaolô I quả là do Chúa quan phòng. Lúc dọn tiến sĩ tại ĐH Lateran ở Rôma, Don Riva chọn luận án sau đây: “Nguyên Ủy của Tri Hồn Theo Rosmini” (Origine of Intellective Soul According to Rosmini). Mục đích là giải thích đúng đắn các mệnh đề 20-24 trong 40 mệnh đề bị cấm của Rosmini. Giải đáp ấy cũng là lời giải đáp đối với một luận án tiến sĩ tương tự khác được đệ nạp tại ĐH Gregoriana, của Albino Luciani, Đức Gioan Phaolô I tương lai. Luciani không những bênh vực việc lên án 40 mệnh đề trên mà còn cho rằng lệnh cấm này không thể nào đảo ngược được. Tuy nhiên, năm 1975, Don Riva được Đức Phaolô VI cử làm giám mục phụ tá cho Rôma. Bởi thế, khi trình diện với Đức Gioan Phaolô I lúc mới lên ngôi, Đức Cha Riva bẽn lẽn thưa với vị tân giáo hoàng rằng mình là giám mục phụ tá cho một giáo hoàng vốn có ý kiến dị biệt về Rosmini. Nhưng lạ lùng thay, mấy hôm sau, chính vị giáo hoàng này đã nói tới Rosmini “như một linh mục yêu mến Giáo Hội, chịu đau khổ vì Giáo Hội, một người học rộng, có đức tin Kitô Giáo tinh tuyền, một bậc thầy của khôn ngoan triết lý và luân lý, một người nhìn ra những trì trệ cũng như các thiếu sót về rao giảng và mục vụ của Giáo Hội. Tôi muốn tìm dịp để nói về Antonio Rosmini và công trình của ông, các công trình mà tôi đã đọc lại cẩn thận. Trước nhất, tôi sẽ gặp các cha Tu Hội Bác Ái để làm hòa. Lúc công bố luận án tiến sĩ của tôi về “Nguyên Ủy của Linh Hồn Con Người Theo Antonio Rosmini”, một số các cha ấy không nhất trí với lối suy nghĩ và phân tích của tôi. Tôi muốn sắc lệnh tín lý Post Obitum mà Văn Phòng Thánh dùng để kết án bốn mươi mệnh đề rút ra từ các công trình của Rosmini được duyệt lại. Chúng ta không cần phải vội vã làm việc đó, nhưng chúng ta nhất định sẽ làm”. Rất tiếc, sau đó ít ngày, Đức Giao Phaolô I băng hà, như ta đã thấy.

Sau đó, nhiệm vụ làm giám mục phó của Rôma đã giúp Đức Cha Riva tiếp xúc thường xuyên với Đức Gioan Phaolô II. Nhờ thế, ngài có nhiều cơ hội nói với đức giáo hoàng về Rosmini. Là một người ưa nghiên cứu về triết học, Đức Gioan Phaolô II, dù lúc mới lên ngôi, không biết nhiều về Rosmini, nhưng nhờ đọc Rosmini, ngài khám phá thấy một tinh thần tìm kiếm chân lý giống như ngài và là một nguồn mà ngài có thể dựa vào để phục hồi triết học trở lại địa vị chủ yếu trong tư duy hiện đại. Bởi thế, ngài cho thiết lập một ủy ban để tái sét các công trình của Rosmini. Kết quả là năm 1994, ngài chính thức mở đường cho việc phong chân phúc cho Rosmini và năm 1998, sau lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, ngài đã không tiếc lời ca ngợi ông trong thông điệp Fides et Ratio như đã trình bày. Và sau đó, ngài còn gửi một thông điệp cho Tu Hội Bác Ái lúc đó đang hội họp tại Rôma. Trong thông điệp này, ngài viết: “Vị sáng lập của anh em đã đứng vững vàng trong truyền thống trí thức vĩ đại của Kitô Giáo là truyền thống vốn biết rằng không hề có sự chống chọi nhau giữa đức tin và lý trí, nhưng điều này đòi phải có điều kia. Thời của ngài là thời mà diễn trình phân rẽ lâu dài giữa đức tin và lý trí đã đạt đến đỉnh cao, cả hai xem nhau như kẻ tử thù. Tuy nhiên, Rosmini… biết rằng đức tin mà không có lý trí sẽ úa tàn thành thần thoại và mê tín, và bởi thế, ông bắt tay vào việc áp dụng các khả năng tri thức rộng lớn của mình không những vào thần học và linh đạo, mà còn vào cả những lãnh vực khác nhau như triết học, chính trị, luật pháp, giáo dục, khoa học, tâm lý và nghệ thuật, không thấy trong chúng bất cứ đe dọa nào mà chỉ là những đồng minh thiết yếu của đức tin… Dù là một người rõ ràng thuộc thế kỷ 19, Rosmini vượt quá thời và nơi của ông để trở thành nhân chứng phổ quát mà đến nay, giáo huấn vẫn còn thích đáng và hợp thời”.

Theo nhận định của Royden Hunt, các lời lẽ trên thực ra không thấm thía gì so với lời lẽ của Đức Gioan Phaolô II trong Fides et Ratio. Có thể nói: người ta không thể hiểu tư tưởng của thông điệp này nếu không tham chiếu tư tưởng của Rosmini. Thực vậy, thông điệp này là lời tái khẳng định cả Vatican I lẫn Vatican II khi cho rằng không thể có sự phân rẽ giữa đức tin và lý trí, giữa lý tính và mạc khải. Thông điệp cũng nhấn mạnh tới địa vị xây nền của triết học trong việc con người đi tìm sự thật.

Giống Rosmini, Đức Giáo Hoàng phác họa các nguyên nhân lịch sử và xã hội từng tạo ra sự phân rẽ ngày càng sâu rộng giữa đức tin và lý trí kể từ thời Phong Trào Ánh Sáng tại Âu Châu. Một trong các nguyên nhân ấy chính là sự phân mảnh triết học đến đánh mất vai trò làm nguồn khôn ngoan và hiểu biết của mình. Ngài ghi nhận sự xuất hiện của chủ nghĩa hoài nghi phổ quát đối với các nền tảng của triết học và việc mất tin tưởng vào khả năng của nó trong việc giải quyết các vấn nạn do thế giới kỹ thuật tạo ra. Sự xuống dốc của triết học cũng làm suy yếu vị thế thuận lý của mọi niềm tin tôn giáo cũng như tính khả tín của thần học nói chung về phương diện tri thức.

Ngay ở phần nhập đề, Đức Giáo Hoàng cũng đã dùng những ngôn từ khiến người ta phải nhớ tới Rosmini để nói tới ngữ cảnh cho mọi cuộc tìm kiếm triết học. Ngài viết: “Thúc đẩy bởi ý muốn tìm ra chân lý tối hậu của hiện hữu, con người tìm cách thủ đắc các yếu tố phổ quát của nhận thức, tức các yếu tố giúp họ hiểu chính họ tốt hơn và tiến bộ trong việc tự thể hiện chính mình… Dù thời gian có thay đổi và nhận thức có gia tăng… ta vẫn có thể biện phân được cốt lõi cái hiểu thông sáng của triết học trong lịch sử tư tưởng như một toàn bộ”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng trình bày bản chất cái hiểu thông sáng ấy cũng như mối liên hệ của nó với lý tính. Ngài dùng những ngôn từ hết sức đặc trưng liên quan tới nền tảng từng được Rosmini nhận ra cho triết học trong trực giác về hữu thể. Thí dụ, Đức Giáo Hoàng nói tới ‘nguyên tắc không mâu thuẫn, nguyên tắc cùng đích và nguyên tắc nguyên nhân cũng như ý niệm coi con người là chủ thể tự do và thông minh có khả năng nhận biết Thiên Chúa, sự thật và sự thiện’. Ngài còn cho rằng, ‘một khi lý trí thành công trong việc trực giác được và phát biểu được các nguyên tắc phổ quát của hữu thể và từ chúng rút được các kết luận đúng đắn có tính gắn bó cả về luận lý lẫn đạo đức, thì lúc đó nó xứng đáng mang danh lý trí đúng đắn hay orthos logos’.

Đối với Đức Gioan Phaolô II, muốn sử dụng lý trí đúng đắn ấy, triết học phải vượt quá các dữ kiện thực nghiệm để đạt tới điều tuyệt đối, tối hậu và nền tảng trong cố gắng đi tìm Sự Thật… Thách đố lớn nhất của thời nay là chuyển dịch từ hiện tượng tới nền tảng. Suy tư suy lý phải vào sâu cốt lõi linh thiêng và cái cơ sở phát sinh ra cốt lõi linh thiêng ấy… vì… con người tạo thành điểm gặp gỡ ưu việt với hữu thể và do đó với cuộc tìm kiếm siêu hình.

Tuy nhiên, theo Hunt, đoạn có ý nghĩa nhất trong thông điệp liên quan tới triết học của Rosmini là số 66. Trong số này, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng không có sự đóng góp của triết học, thì thực tế ta không thể thảo luận các vấn đề thần học, như việc dùng ngôn ngữ nói về Thiên Chúa, các mối liên hệ bản vị giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, hành động sáng tạo của Chúa trong thế giới, mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, hay bản sắc Chúa Kitô như Thiên Chúa thật và người thật. Tóm lại, thần học tín lý có tính suy lý giả thiết và hàm nghĩa phải có một triết học về hữu thể nhân bản, về thế giới và căn để hơn nữa về chính hữu thể, một triết học phải có sự thật khách quan làm nền tảng.

Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng khó có thể có những chủ trương như thế về triết học và thần học nếu không dựa vào các nguồn đã có sẵn. Thực vậy, phần lớn những điều ngài viết đều nhắc ta nhớ rất rõ nền triết học của Antonio Rosmini. Chính vì thế, ngài đã nhắc tới ông một cách đặc biệt trong thông điệp này. Và chính thông điệp này đã trực tiếp dẫn tới Ghi Chú (hay Thông Cáo) của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, chính thức giải oan cho ông và mở đường cho việc tôn phong ông lên hàng chân phúc của Giáo Hội.

Ghi chú:

(1) Sandro Magister, Blessed Liberty: The Posthumous Miracle of Antonio Rosmini

(2) Royden Hunt, An Introduction to the Life and Thought of Antonio Rosmini
 
Giáo dục giúp chiến thắng sự bất khoan nhượng và khuynh hướng hồi cuồng tín
Linh Tiến Khải
05:06 09/07/2010
Phỏng vấn ông Antoine Massara, chuyên viên xã hội chính trị người Libăng, về việc giáo dục như phương thế chiến thắng sự bất khoan nhượng và khuynh hướng hồi cuồng tín

Trong các ngày 16-23 tháng 6 năm 2010 ”Ủy ban khoa học quốc tế Oasis” đã tổ chức một đại hội về đề tài ”Giáo dục giữa đức tin và văn hóa: đối thoại giữa các kinh nghiệm kitô và hồi giáo”. Đại hội diễn ra tại Beirut thủ đô Libăng, có 70 người tham dự kể cả một số vị lãnh đạo tôn giáo, các tu sĩ và giới trí thức công giáo và hồi giáo thế giới. Trong số các tham dự viên cũng có Đức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ Venezia, và Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.

Tổ chức Oasis do Đức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ Venezia, thành lập hồi năm 2004 nhằm mục đích thăng tiến sự hiểu biết giữa các tín hữu kitô và hồi giáo tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. Để đạt mục tiêu này Tổ chức Oasis cho phát hành một nguyệt san hai lần mỗi năm, một bản tin hàng tháng, một loạt sách và có một địa chỉ trên Mạng.

Đại hội thay đổi nơi họp một năm tại Venezia bắc Italia, một năm tại nước ngoài. Việc lựa chọn Libăng làm nơi triệu tập đại hội lần thứ V này hầu như bắt buộc, vì Libăng là quốc gia Trung Đông đã luôn luôn đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục chia sẻ và đối thoại giữa các tín hữu kitô và hồi giáo. Libăng là quốc gia có tới 94% nam giới và 84% nữ giới được đi học, nên tầm hiểu biết và tâm thức của người dân cũng khác người dân các nước A rập khác.

Trong hai ngày đầu, Ủy ban khoa học quốc tế Oasis đã viếng thăm vài vùng tại Libăng. Đức Hồng Y Nasrallah Sfeir, Thượng Phụ Maronít Libăng và ông Tareq Mitri, Bộ trưởng giáo dục Libăng, đã chào mừng đại hội.

Bộ trưởng Mitri đã cho mọi người biết chính phủ Libăng đã quyết định biến ngày 25 tháng 3 lễ Truyền Tin thành quốc lễ. Mục đích là để củng cố cuộc đối thoại giữa các tín hữu kitô và hồi giáo chung quanh lòng sùng kính Trinh Nữ Maria. Theo ông, đối thoại là ”ngoại giao phòng ngừa” giúp bảo đảm hòa bình, nhưng nó cần có thời gian để trở thành mạnh mẽ và đáng tin cậy.

Phát biểu trong đại hội Đức Hồng Y Angelo Scola nói: ”Hôm nay tại Beirut này, chúng ta đã nghe các tín hữu kitô và hồi giáo nói về giáo dục như yếu tố định đoạt, ngắn hạn và dài hạn, giúp chống lại tệ nạn qúa khích. Chính nền giáo dục dậy cho chúng ta biết tương quan không thể tách rời giữa sự thật và sự tự do, là điều bị khuynh hướng qúa khích khước từ. Giáo dục là con đường chính của sự chung sống giữa các tín hữu kitô và hồi giáo, nếu nó giải thoát con người khỏi thuyết thực nghiệm tuyệt đối và khỏi thuyết qúa khích hình thức. Chủ thuyết thực nghiệm tuyệt đối giản lược giáo dục vào việc thông truyền các dữ kiện khoa học như chân trời duy nhất của cuộc sống con người; trong khi chủ thuyết qúa khích hình thức thông truyền cho con người các lược đồ hành xử và thứ chân lý loại bỏ sự tự do tiếp nhận, và vì thế nó thúc đẩy con người đi tới bạo lực và tàn phá xã hội”.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, ghi nhận rằng trong các xã hội Tây âu người trẻ thường sống Kitô giáo như một khuynh hướng thần minh xa vắng, nhưng gần đây có các cộng đoàn mới làm nảy sinh ra một nền tu đức được động viên hơn và có tinh thần truyền giáo nhiều hơn. Trong khi trong thế giới hồi giáo người ta ngạc nhiên nhận thấy việc thực hành tôn giáo được biểu lộ ra trong mọi chiều kích cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng bầu khí thờ ơ với tôn giáo, đặc biệt tại Âu châu, có thể có hai hậu qủa đối với người trẻ hồi. Trong trường hợp thứ nhất khuynh hướng tục hóa lan tràn khẳng định một căn tính hiếu chiến; trong các trường hợp khác nó dẫn đưa tới chỗ không thực hành tôn giáo nào hết. Nhưng các giới chức kitô và hồi giáo có thể gây ý thức cho các nhà làm luật và các giáo chức để họ đề nghị các luật lệ hành xử chẳng hạn như: sự tôn trọng người kiếm tìm sự thật trước các bí ẩn của con người; ý thức phê bình cho phép phân biệt điều thật và điều giả; việc dậy dỗ một triết lý nhân bản có khả năng cống hiến các câu trả lời liên quan tới các vấn đề về con người, thế giới và Thiên Chúa; việc đánh giá cao và phổ biến các truyền thống văn hóa lớn rộng mở cho siêu việt, diễn tả khát vọng tự do và sự thật của chúng ta.

Các thuyết trình viên hồi shiít cũng như sunnít đã lên án khuynh hướng hồi cũng như kitô cuồng tín, thô bạo, nguy hại cho sự chung sống tại Libăng. Giáo sư Riwan al-Sayyed, thuộc đại học Beirut, theo hệ phái sunnít, đã trình bầy về ”Việc đào tạo các ulema giữa sự tiếp nối và canh tân”. Giáo sư không dấu diếm sự bi quan đối với tình hình hiện nay, vì việc đào tạo hiện nay được làm bên ngoài các cơ cấu như đền thờ hồi giáo, tức tại các nơi mới do các giảng thuyết viên điều hành. Vì thế khuynh hướng Hồi giáo khép kín thắng thế. Theo giáo sư, hai mô thức tích cực là mô thức Libăng và mô thức Âu châu đang gặp khó khăn: Libăng đã có kinh nghiệm chung sống rất mạnh mẽ, nhưng đã không biết đề ra các lý do nền tảng giúp củng cố kinh nghiệm này. Các vị lãnh đạo được đào tạo ở ngoại quốc giỏi lý thuyết, nhưng lại không có khả năng giải thích và trao ban cho sự đa nguyên một tương lai. Tại Âu châu thế hệ trẻ bị cám dỗ bởi khuynh hướng qúa kích. Điển hình như Thổ Nhĩ Kỳ, là quốc gia nơi đảng hồi giáo cầm quyền sống chúng với chính quyền đời, nhưng đã không thể rộng mở cho các viễn tượng mới.

Trong thế giới hồi giáo có hiện tượng qúa khích ngày càng gia tăng và xâm lấn cuộc sống cá nhân, không phải chỉ trong trường học nhưng cả trên các phương tiện truyền thông và các chương trình xã hội nữa. Nhưng nó không có khả năng đối thoại với các căn tính khác, cũng như với thế giới hồi giáo, và chỉ thích áp đặt các luật lệ cho cuộc sống tư, chẳng hạn như: nữ giới phải ăn mặc như thế nào, phải cầu nguyện ra sao vv... hay chỉ trích các chính quyền nước ngoài, trong khi lại im lặng không dám phê bình các chế độ độc tài mà họ đang phải chịu.

Sheik Hani Fahs, thành viên Cao ủy Shiít Libăng, đã nhấn mạnh kinh nghiệm của lòng tin tách rời khỏi Nhà nước tôn giáo và đường lối chính trị tôn giáo; trong khi nó tìm ra một cuộc sống khác và sự che chở của Nhà nước đời và trong đường lối chính trị của quốc gia. Theo ông, cần phải thành lập các cơ cấu giáo dục đi sát với cuộc sống thường ngày, và mở rộng tâm trí cho các tư tưởng và giá trị, cho ký ức và mộng ước được chia sẻ, tạo điều kiện cho việc tôn trọng các khác biệt của tha nhân.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Antoine Massara, chuyên viên xã hội chính trị người Libăng, về việc giáo dục như phương thế chiến thắng sự bất khoan nhượng và qúa khích.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại Libăng là một quốc gia đa văn hóa và đa tôn giáo, người ta đã điều hợp sự đa nguyên trong nền giáo dục như thế nào?

Đáp: Khoản 10 của Hiến pháp Libăng bảo đảm việc tự do giáo dục, và thừa nhận quyền của các cộng đoàn tôn giáo có các trường học. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăng tiến nền giáo dục tại Libăng, trái với các thói quen quốc hữu hóa giáo dục như tại nhiều quốc gia A rập khác. Sự phát triển tự phát của hệ thống giáo dục này đã tạo ra việc hội nhập không cưỡng bách, và làm nảy sinh một nền văn hóa đặc biệt của Libăng, đồng thời nó cũng có sắc thái a rập, tự do và đa nguyên.

Hỏi: Một vài thuyết trình viên đã nói tới Libăng như là một quốc gia giữ thế thủ, thu mình trong pháo đài, và có nền văn hóa bị phân hóa tan tành, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Nơi đâu có một sự tan tành văn hóa nào đó, thì nó không phải là hậu qủa của hệ thống giáo dục, nhưng là hậu qủa của sự kiện nó không được lương tâm tập thể hợp thức hóa. Để thống nhất nền giáo dục cần phải thừa nhận nó. Thực ra vấn đề các căn tính văn hóa trong hệ thống giáo dục tại Libăng, nhất là đối với các cộng đoàn kitô, cũng có nỗi âu lo đối với sự sống còn của mình trước các gia tăng lương bổng và sự phát triển của trường công.

Hỏi: Có thể biện minh cho các sợ hãi này hay không thưa giáo sư?

Đáp: Có thể biện minh được một phần nào đó. Việc giáo dục chung trước kia do các cộng đoàn đặc trách, được trợ giúp bởi các dòng tu và nhận được tài trợ từ nước ngoài, và từ các điều kiện kinh tế ít ỏi của các trường học và các gia đình. Vấn đề sống còn được đặt ra vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, nhưng có thể đưa ra một vài thích ứng. Thật ra chính quyền Libăng đã không bao giờ là chính quyền độc tài. Ngoài ra các trường cộng đoàn luôn luôn có lợi vì có sự cạnh tranh. Nhưng ngoài một quyền bính trung ương có thể bảo đảm cho sự trung thực, một sự độc lập văn hóa bị cô lập hóa không làm nảy sinh ra cái gì khác hơn, nếu không phải là tính cách bình dân và vài kiểu diễn tả nghệ thuật.

Hỏi: Thế thì theo giáo sư, đâu là các yếu tố tạo thành một nền văn hóa của sự chung sống trong một xã hội có nhiều nhóm dân sống chung như vậy?

Đáp: Trước hết là không gian công cộng. Tra tấn kiểu giáo dục đóng kín để cho nó thay đổi thái độ đối với người bên cạnh, không có lợi gì hết. Vì nếu qúy vị đụng chạm tới thái độ văn hóa của nó, nó sẽ nổi loạn. Thế rồi còn có ký ức tập thể, nền văn hóa được chấp nhận, việc chính trị hóa các đụng chạm xung khắc, nền văn hóa cẩn trọng trong các tương quan đối ngoại, và một niềm tin tôn giáo rộng mở nữa. Điều nghiêm trọng nhất sẽ là một việc giáo dục tôn giáo không tập trung nơi niềm tin đại đồng và rộng mở, nhưng như là hiện tượng căn tính, với hậu qủa là khiến cho người ta dưỡng nuôi tinh thần phe nhóm và chính trị hóa tôn giáo. Ngày nay việc giáo dục tôn giáo phải coi chừng, đừng để cho tôn giáo bị lèo lái.

(Avvenire 22-6-2010; ASIANEWS 17.21.23-6-2010)
 
Cuộc viếng thăm của ĐGH tại Anh quốc
Phụng Nghi
09:45 09/07/2010
ROME (Zenit.org).- Vì tất cả những quan ngại về các cuộc biểu tình chống đối và vấn đề an ninh, cuộc viếng thăm ngoại giao của ĐGH Benedict XVI đến nước Anh có thể sẽ là một trong những cuộc thăm viếng thành công nhất và có tính cách lịch sử đáng kể của ngài tính cho đến thời gian đó.

Cuộc tông du, được biết là Đức thánh cha nao nức chờ đợi, sẽ khởi đầu ngày thứ Năm 16 tháng 9, bằng cuộc tiếp đón ngài của Nữ hoàng Elizabeth II tại Điện Holyroodhouse ở Edinburgh là trú sở chính thức của bà tại Scottland.

Buổi chiều cùng ngày, Đức giáo hoàng sẽ đến Glasgow để cử hành Thánh lễ ngoài trời tại Bellahouston Park, một công viên rộng 175 mẫu có những vườn cây cảnh trang trí, cách trung tâm thị trấn khoảng 3 miles. Người ta ước tính có rất nhiều người sẽ đến dự thánh lễ này vì 30% cư dân Glasgow là người Công giáo và đa số các tín hữu Công giáo của nước Anh cư ngụ tại miền bắc.

Sau một ngày dài tại Scotland, Đức giáo hoàng sẽ bay tới Luân đôn vào chiều tối. Cuộc tiếp xúc đầu tiên của ngài vào buổi sáng hôm sau sẽ diễn ra tại trường Đại học St. Mary’s College ở Twickenham, đông nam Luân đôn. Đây là một trong số ít các trưòng đại học Công giáo ở Anh quốc, nổi tiếng là trường cổ kính nhất nước, và cũng thời danh vì các lớp đào tạo giáo sư. Nơi đây Đức giáo hoàng sẽ gặp gỡ nhiều người trẻ tuổi đến từ các trường Công giáo, và theo Tổng giám mục Vincent Nichols ở Westminster cho biết, ngài sẽ “phát biểu về vai trò của Giáo hội trong nền giáo dục” và chia sẻ viễn ảnh của ngài về học vấn. Theo chương trình, ngài cũng sẽ có cuộc họp với các nhà lãnh đạo những tôn giáo khác tại đây.

Buổi chiều cùng ngày, ngài sẽ thực hiện điều mà Tổng giám mục Nichols mô tả là “ba đại sự thật đáng chú ý” liên tiếp tại Luân đôn. Đầu tiên là cuộc viếng thăm vị Tổng giám mục Canterbury tại Điện Lambeth là trú sở chính thức của vị lãnh đạo giáo hội Anh giáo này. Thứ hai là đọc một bài diễn văn chính thức trước các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa nước Anh tại Westminster Hall. Đây là một trong những tòa nhà quan trọng nhất ở Luân đôn, kế cận trụ sở Nghị viện, được dùng từ thời trung cổ làm nơi tụ hội và đãi đằng yến tiệc. Nhưng đây có lẽ được danh tiếng nhất vì là nơi Thánh Thomas More, vị thánh bổn mạng các chính trị gia và là người được Benedict XVI rất mực ngưỡng mộ, đã bị xét xử và bị kết án tử hình.

Sau đó, Đức giáo hoàng sẽ đến thăm Tu viện Westminster Abbey kế cận, nơi an nghỉ của các bậc vua chúa nước Anh, của những nhân vật quan trọng khác trong nước, và cũng là nơi tổ chức các lễ đăng quang theo truyền thống quốc gia. Nơi đây ngài sẽ cùng với các nhà lãnh đạo các chi phái Kitô giáo khác tham dự buổi kinh chiều. Và điều hứa hẹn sẽ là cơ hội lịch sử cho những người chụp ảnh, là cả ngài và Tổng giám mục Canterbury sẽ cùng cầu nguyện tại ngôi mộ của Thánh Edward the Confessor, một quân vương nước Anh và là vị thánh bảo trợ của Hoàng gia, cũng là người kiến thiết Wetsminter Abbey đầu tiên.
Westminter Abbey


Ngày kế tiếp, thứ Bẩy, 18 tháng 9, ngài sẽ đến Nhà thờ Chính tòa Công giáo Westminster, cách Tu viện khoảng chừng nửa mile. Nơi đây ngài sẽ cử hành Thánh lễ và gặp Thủ tướng, phó Thủ tướng nước Anh cũng như nhà lãnh tụ phe đối lập. Một cuộc viếng thăm ngôi nhà dành cho người cao niên và buổi canh thức cầu nguyện tại Hyde Park được hoạch định diễn ra vào buổi chiều và buổi tối cùng ngày. Sang ngày Chủ nhật, Benedict XVI sẽ dùng trực thăng bay tới Cofton Park gần Birmingham để cử hành lễ tuyên phong Chân phước cho bậc Đáng kính Hồng y John Henry Newman, cũng là một nhân vật ngài rất mực ngưỡng mộ. Công viên này chỉ cách nơi an táng Hồng y Newman ở Rednal một khoảng ngắn.

Theo các nguồn tin từ Vatican, chính phủ Anh quốc biết rõ rằng Đức giáo hoàng sẽ đề cập đến những vấn đề liên quan đến chính sách phù hợp với Tòa thánh, như giải quyết nạn nghèo đói và bảo vệ môi trường. Nhưng Benedict cũng có thể đưa ra những mối quan tâm quan trọng mà dường như bị đặt ra ngoài lề sinh hoạt chính trị ở Anh, như bảo vệ trẻ chưa sinh, bảo vệ gia đình và các vấn đề khác liên quan đến sự sống. Một viên chức cho biết: “Ngài sẽ đề cập đến những vấn đề đó nhưng nói một cách tinh tế, và có lẽ cũng sẽ nói tương tự như thế với các vị giám mục.” Tuy nhiên ngài sẽ không trực tiếp đề cập đến những vấn đề gây tranh cãi mới đây tại Anh, như lập pháp bình đẳng, như ngài đã cất lên tiếng nói quan tâm hồi đầu năm nay, và sẽ tránh trực tiếp đi vào các vấn đề liên quan đến chính trị.

Mặc dù đây là cuộc viếng thăm ngoại giao, các viên chức tại Vatican coi đó chủ yếu có ý nghĩa mục vụ, và cũng “rất mực quan trọng” cho cả quốc gia này, không chỉ riêng cho Giáo hội mà thôi. Nước Anh đã trở thành một trong những quốc gia thế tục nhất ở châu Âu – ít ra là trong giới ưu tú về truyền thông – với thành kiến bài Công giáo có từ xa xưa ngay thời Cải cách.

Nhưng các viên chức tại Vatican không quá quan tâm về các cuộc biểu tình chống đối người ta đã dự trù. Một vị nói: “Những chuyện đó có thể xảy ra, nhưng lúc ngài đến, sẽ thấy nhiều điều thay đổi rất rõ rệt.” Vị này nhắc lại những cuộc biểu tình hùng hổ om xòm tương tự đã được người ta hoạch định tại Thổ nhĩ kỳ, nhưng mọi chuyện đã đổi thay khi Đức thánh cha tới đó hồi năm 2006.

Một viên chức khác coi đây là tài năng đặc biệt của Benedict XVI: “Mỗi nơi ngài đến, giới truyền thông trước đó đều tỏ ra thù địch, thế mà rồi họ lại hoàn toàn giải giáp. Khi dân chúng thấy ngài gần cận, họ nhận ra đó là một con người trong sáng, một con người thánh thiện, điều gì thấy được tức là có thật, mặc dù ngài là con người cực kỳ e lệ.”

* * *

Chân phước Newman

Việc phong chân phước cho Hồng y Newman, một nhà thần học thế kỷ 19 được nhiều người coi là đã thúc đẩy cho Công đồng Vatican II, có thể đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc giúp giới hạn những điều tranh cãi của thời kỳ hậu Công đồng.

Đó là quan điểm của Cha Ian Ker, một học giả nghiên cứu về Newman đứng hàng đầu trên thế giới. Linh mục này cho thấy rằng ĐGH Phaolô VI cũng hoan hỷ khi Newman được tôn kính trên các bàn thờ bởi vì Newman “chủ trương đúng y như các nhà cải cách chủ trương – những nhà cải cách này chủ trương tiếp nối chứ không cắt đứt với quá khứ và với truyền thống.”

Cha Ker, giáo sư thần học tại trường Đại học Oxford, đã từ lâu tranh đấu với những người Công giáo bất đồng chính kiến đã cố gắng lôi kéo Newman về phía họ, dùng nhận xét nổi tiếng của nhà thần học này là ông sẽ uống mừng “cho lương tâm trước nhất, rồi sau đó mới tới Giáo hoàng” để biện minh cho sự bất đồng chính kiến của họ.

Nhưng cha nhấn mạnh rằng Newman “chỉ đơn thuần nêu lên quan điểm Công giáo, cũng hệt như của Thánh Tôma Aquinô, đó là: chung cuộc chúng ta phải vâng lời lương tâm của chúng ta dù có khi chúng lầm lạc.” Cha nói: Là người Công giáo “chúng ta bắt buộc phải sửa sai lương tâm, nhưng nếu chúng ta thất bại và không thể sửa đổi được, thì chúng ta phải dựa vào điều gì là tốt đẹp nhất được soi sáng. Đó là giảng huấn căn bản.”

Điều Cha Ker ao ước nhất là có thể thấy Newman được phong làm tiến sĩ của Hội thánh: “Đó là điều đáng chú ý bởi vì nó chỉ cho người ta thấy rằng ngài là người chính thống, ngài là thày dạy của Giáo hội. Theo cá nhân tôi, tôi thiết nghĩ ngài là một tiến sĩ lớn của thời kỳ công đồng chúng ta đang sống, một nhân vật nổi trội.”

Khi được hỏi nếu như bước tiến đó chung cuộc có chấm dứt những diễn giải sai lạc về Công đồng hay không, Cha Ker nói: “Tôi hy vọng là thế. Ngài quả đã dự kiến về Công đồng Vatican II, nhưng trong mọi dự kiến, ngài luôn luôn rất đỗi cẩn trọng để giữ được một sự quân bình chừng mực. Ngài không bao giờ tiến lên quá mức.”

Cha tin rằng một hiệu quả tích cực khác của việc tuyên phong chân phước là sẽ có nhiều người bắt đầu cầu nguyện cùng nhà thần học vĩ đại này, để có thể đưa đến một phép lạ thứ hai cần có để được tuyên phong lên bậc hiển thánh: “Rõ rệt thường rất hay xảy ra là việc tuyên thánh sẽ mau chóng tiếp theo sau việc phong chân phước, có thể bởi vì nhiều người sẽ bắt đầu sốt sắng cầu nguyện.”

Cha biết điều đó. Chính vì thấy cha xuất hiện trên truyền hình kêu gọi khán giả cầu nguyện với Hồng y Newman để có được phép lạ đầu tiên, mà Phó tế Jack Sullivan đã cầu nguyện với nhà thần học lỗi lạc của thế kỷ 19 này để cho lưng của ông được chữa lành.

Phép lạ chữa lành đó đã trực tiếp đưa đến việc tuyên phong chân phước sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 9 sắp tới.
 
Châu Âu và các Giáo Hội đối thoại về mặt chống đói nghèo
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:20 09/07/2010
ROMA (Zenit.org) - Trong khuôn khổ của năm 2010, năm Châu Âu chống lại nghèo đói và sự gạt ra khỏi xã hội, một cuộc hội thảo đối thoại đã diễn ra hôm nay, thứ Sáu 09/07/10 tại Ủy Ban Châu Âu ở Bruxelles, Vương Quốc Bỉ với chủ đề: « Chống lại nghèo đói và sự gạt ra khỏi xã hội trong chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu 2020 ».

Cuộc hội thảo này được tổ chức cùng sự phối hợp của Phòng Cố Vấn Chính Trị của Ủy Ban Châu Âu với Ủy Ban « Giáo Hội và Xã Hội » trực thuộc Hội Đồng Các Giáo Hội Châu Âu và Ban Bí Thư của Liên Hiệp Hàng Giáo Phẩm Cộng Đồng Châu Âu.

Những cuộc thảo luận kín đề cập đến những chính sách do Liên Hiệp Châu Âu vạch ra liên quan đến công cuộc chống lại nghèo đói và sự gạt bỏ khỏi xã hội, thông cáo của Liên Hiệp Hàng Giáo Phẩm Cộng Đồng Châu Âu chỉ rõ.

« Các Giáo Hội tại Châu Âu sẽ phản biện về cam kết chính sách cứng rắn của Liên Hiệp Châu Âu và của các Quốc Gia thành viên trong việc tiến tới một xã hội cho phép tất cả mọi người sống trong phẩm giá », Ban Bí Thư Liên Hiệp Hàng Giáo Phẩm Châu Âu nói thêm.

« Trong tháng Sáu 2010, Hội Đồng Châu Âu đã nhất trí một mục tiêu về mặt nghèo đói và gạt bỏ khỏi xã hội, là làm cho 20 triệu người thoát khỏi đói nghèo từ nay cho đến năm 2020 », các nhà tổ chức hội thảo nhắc lại. « Tuy nhiên, những Quốc Gia thành viên đã được tự do ấn định mục tiêu quốc gia riêng của mình từ những chỉ dẫn thích hợp nhất, lại vừa tính đến những ưu tiên riêng cũng như những ngữ cảnh quốc gia của mình ».

Cũng thế, các nhà tổ chức cảnh báo rằng « ngay như nếu quyết định này đã bao hàm một tiến độ đáng kể đối với sự giảm nghèo đói và gạt ra khỏi xã hội, thì sự thiếu động cơ chính trị của các quốc gia thành viên có thể làm ngăn trở việc thực hiện hiệu quả chiến lược này ».

Thuyết trình viên chính yếu tại buổi hội thảo đối thoại này gồm có, Mục Sư László Andor, coi sóc địa hạt Jukka Paarma của Hội Thánh Phúc Âm phái Luterô Phần Lan; Đức Cha Giuseppe Merisi, Giám Mục Lodi và là Chủ Tịch Caritas Italia.

« Những cuộc hội thảo đối thoại trong phạm vị của một truyền thống được thiết lập từ những tháng ngày dài đối thoại giữa Ủy Ban Châu Âu và Các Giáo Hội tại Châu Âu », thông cáo nhắc lại, đồng thời nhấn mạnh rằng ngay từ thuở ban đầu, các buổi hội thảo đã tỏ ra là « một diễn đàn thảo luận đầy ý nghĩa đối với các đề tài cùng quan tâm chung ».

« Các cuộc hội thảo thể hiện một yếu tố quan trọng của việc đối thoại cởi mở, trong sáng và đều đặn giữa Ủy Ban Châu Âu và Các Giáo Hội tại Châu Âu », thông cáo còn chỉ rõ.
 
Chứng cớ là ĐGH Piô XII có thể đã giúp cho 200.000 người Do Thái trốn khỏi Đức Quốc Xã
Bùi Hữu Thư
18:28 09/07/2010
Vatican, ngày 9 tháng 7, 2010 / 06:10 am (CNA).- Có thêm các chứng cớ chống lại lời lên án là Đức Giáo Hoàng Piô XII đã không can thiệp vụ người Do Thái bị đàn áp trong Thế Chiến thứ II. Một sử gia người Đức đang đang thực hiện cuộc nghiên cứu văn khố Vatican đã nói Đức Giáo Hoàng Piô II có thể đã thu xếp cho 200.000 người Do Thái trốn thoát khỏi nước Đức trong những tuần lễ sau các cuộc tấn công Kristallnacht của quân Đức Quốc Xã.

Đức Giáo Hoàng Piô XII


Báo Daily Telegraph cho biết: Tiến Sĩ Michael Hesemann dựa vào kết quả cuả cuộc nghiên cứu văn khố Vatican cho “Hội Dọn Đường (Pave the Way Foundation), một nhóm liên tôn có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Ông nói năm 1938 Đức Giáo Hoàng lúc đó là Hồng Y Eugenio Pacelli, Tổng Trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh đã viết thư cho tất cả các tổng giám mục Công Giáo trên thế giới để yêu cầu họ đăng ký chiếu khán cho những người Công Giáo không thuộc gốc Bắc Âu (non-Aryan Catholics) và các người Do Thái đã theo Thiên Chúa giáo, muốn rời khỏi nước Đức.

Ông Hesemann báo cáo là có thêm chứng cớ cho thấy là các chiếu khán thông hành cũng có thể đã được cấp cho người Do Thái bình thường để trốn thoát sự đàn áp.

Ông Hesemann nói với báo Telegraph: “Sự kiện là lá thư này nói về ‘những người Do Thái đã theo đạo’ và những người Công Giáo không thuộc gốc Bắc Âu, thực sự chỉ là một sự che dấu mà thôi.”

Ông tiếp: “Chúng ta không thể chắc chắn rằng mật vụ Đức Quốc Xã không biết gì về sáng kiến này. Đức Hồng Y Pacelli phải đảm bảo rằng họ không lạm dụng lá thư này để tuyên truyền, để cho họ không thể cho rằng Giáo Hội là đồng minh của người Do Thái.”

Lá thư đề ngày 30 tháng 11, 1939, 20 ngày sau vụ tấn công Kristallnacht, sau đêm “các tấm kính bị đập vỡ” (the night of broken glass) khi người Do Thái bị tấn công tại Đức. Đức Hồng Y Pacelli có thể đòi hỏi các chiếu khán này vì theo thỏa hiệp năm 1933 ký với chính phủ Nazi, có ghi rằng những người Do Thái theo đạo Thiên Chúa cũng được bảo vệ.

Tiến Sĩ Ed Kessler, Giám Đốc Học Viện Woolf về các Đức Tin Abraham (Woolf Institute of Abrahamic Faiths) có trụ sở tại Cambridge nói với báo Telegraph “Rõ ràng rằng Đức Piô XII đã làm cho việc cứu vớt các người Do Thái theo Rôma được dễ dàng.”

Trong khi Đức Giáo Hoàng thời chiến đang được cứu xét để được phong chân phước hay phong thánh, một số các nhóm người Do Thái muốn cho thể thức này phải ngưng lại cho đến khi các văn khố thời chiến của Vatican được mở niêm phong năm 2014.

Những nhóm chỉ trích Đức Piô XII lên án rằng ngài không tố cáo vụ diệt chủng Holocaust.

Những người bênh vực ngài vạch ra những chứng cớ của công trình cứu vớt người Do Thái của ngài và cách thức ngài ngấm ngầm kết án bọn Nazi. Họ nói rằng những điều lên án sự “im lặng” của Đức Piô XII đã phát xuất chính từ vở kịch nhăm 1963, mang tựa đề “Vị Phụ Tá” (The Deputy), của soạn giả người Đức Rolf Hochhuth.
 
Top Stories
Vietnam: Enquête sur le paroissien de Côn Dâu battu à mort par la police
Eglises d'Asie
07:51 09/07/2010
NDLR: Les premiers récits et témoignages sur la mort de M. Nguyên Thanh Nam, paroissien de Côn Dâu battu à mort par la police le 3 juillet 2010 (voir la dépêche à la rubrique ‘Vietnam’ du présent Bulletin), n’ont pas permis de préciser très clairement les circonstances exactes de ce drame, sans doute à cause de l’émotion et surtout des pressions exercées sur la population par la Sécurité. Mme Ta Phong Tan, une militante pro-démocratique, a entrepris de recueillir, avec beaucoup de rigueur, les divers témoignages proposés par les blogs et les journaux en ligne. Son texte a paru sur le journal en ligne Thoi Bao. Eglises d’Asie le traduit ci-dessous pour enrichir la documentation en langue française sur cette affaire. Nous avons recherché les adresses Internet de chacun des textes cités et les avons indiqués en note.

TEXTE: La première nouvelle publiée a laissé le lecteur passablement bouleversé et effrayé. Elle a été mise en ligne sur le blog Mylinhng (1), le 3 juillet 2010, à 9h24. Selon ce blog, un fidèle de la paroisse de Côn Dâu (Da Nang), M. Nguyên Thanh Nam, âgé d’environ 40 ans, a été convoqué par la police pour interrogatoire, frappé et maltraité très brutalement, ensuite libéré et renvoyé chez lui. Dans la soirée, vers 10h00, les agents de la Sécurité sont de nouveau revenus chez lui. A leur arrivée, Nam s'est enfui mais il a été poursuivi par la police, rattrapé et obligé de s'agenouiller à terre sans pouvoir se relever. Son épouse et ses enfants le voyant ainsi, se sont également mis à genoux pour supplier la police d’épargner la vie de Nam. Les agents de la Sécurité ont continué de le frapper. En fin de compte, ils l'ont relâché en l'avertissant que, le lendemain, il devrait se présenter au siège de la Sécurité pour y poursuivre son interrogatoire. Nam a ensuite souffert toute la nuit et s'est éteint dans la matinée. Il avait déjà été frappé et blessé gravement le 4 mai, lors des obsèques de de Mme Dang Thi Tan.

Le lendemain, 4 juillet 2010, Radio Free Asia (2) a fait entendre les interviews d’un certain nombre de personnes habitant sur les lieux à propos de cet événement. Les personnes interrogées se sont montrées effrayées par les pressions exercées sur elles par les autorités de Da Nang. Aucune d’entre elles n’a voulu se montrer totalement affirmative. Selon Radio Free Asia, la Sécurité encercle Côn Dâu, fait pression sur la population et brutalise férocement tous ceux qui ont participé au cortège funéraire de Mme Tân, le 4 mai. Ce jour-là, plus de soixante personnes avaient été amenées au poste de police. Bon nombre d’entre elles ont ensuite été libérées mais onze sont encore en prison. La Sécurité continue d'arrêter les participants du cortège qui se sont opposés aux agents de la Sécurité. Ils sont appelés au poste de police et sont frappés au cours de l’interrogatoire. La population du hameau est menacée. Elle a reçu l’ordre de ne pas prendre contact avec les gens de l’extérieur. De nombreux numéros de téléphone que les journalistes de Radio Free Asia pouvaient joindre autrefois, sont maintenant fermés ou inaccessibles. Il y a cependant encore des gens qui disent la vérité, mais avec beaucoup d’appréhension.

Deux personnes de la région ont déclaré: « Nous avons entendu dire que le médecin avait ordonné un examen post mortem, et que la famille aurait refusé. Avant de mourir, la victime aurait vomi des matières sanguinolentes et du sang aurait coulé de ses oreilles. Nous ne savons pas comment il est mort, mais lorsqu’on l’a déshabillé, son corps et ses bras étaient meurtris. La population a aussi rapporté que M. Dao, le cousin de M. Nam, qui avait été, plusieurs fois, convoqué avec ce dernier par la police pour interrogatoire, avait organisé une cérémonie funéraire et demandé à la population de venir prier pour son cousin. Il a été brutalement interrogé par la police et a craint de subir le même sort que son cousin. Il s’est évanoui et a été transporté aux urgences de l’hôpital. On est sans nouvelles de lui. »

Ce même 4 juillet, les journaux officiels ont tous publié (3) une information de l’agence de d’information officielle du Vietnam Vietnam News Agency (Thông tân xa Việt Nam, TTXVN) affirmant que « personne n’a[vait] été frappée à mort par la Sécurité de Da Nang ». En voici le texte: « Le 4 juillet, un certain nombre de médias étrangers ont annoncé que la Sécurité de Da Nang avait frappé à mort un paroissien de Côn Dâu, M. Nguyên Thanh Nam. Réagissant à cette information, le 6 juillet, le Bureau des Affaires religieuses de la ville de Da Nang a affirmé à notre agence que M. Nguyên Thanh Nam (né en 1967, résidant au numéro 23 du quartier de Hoa Xuan, arrondissement de Cam Le, ville de Da Nang), a été découvert mort chez lui, par sa famille, à 13h30, le 3 juillet. Après son décès, la famille a déclaré aux autorités locales qu’il était mort d’une attaque cérébrale. On sait par ailleurs que certains des ancêtres de Nam ont été sujets à des attaques cérébrales. Mais on ne se souvient pas de gens qui en soient morts. »

Une dépêche du 7 juillet 2010, mise en ligne sur le site des rédemptoristes vietnamiens (4), informait à son tour que, le 3 juillet 2010, un fidèle de la paroisse de Côn Dâu, M. Nguyên Nam, serait mort à la suite de brutalités qui l’avaient conduit à ne plus pouvoir manger ni boire.

Un collaborateur (de VietCatholic News), Thomas Viêt, a rapporté (5) qu’il avait téléphoné à la Sécurité de la ville de Da Nang pour demander le motif du décès de M. Nam. La première fois, on lui a répondu que c’était une attaque cérébrale. La seconde fois, un agent lui a déclaré ne pas connaître clairement la cause, et a ajouté que, la famille n’ayant pas porté plainte, il n’y avait pas de raison que quelqu’un de Saigon vienne fourrer son nez dans cette affaire ! Insatisfait de cette réponse, le collaborateur a appelé de nouveau et a été informé par l’agent de service que la famille de Nguyên Nam avait déclaré que Nam avait été victime d’un dérangement mental qui l’avait conduit à ne plus s’alimenter et donc à mourir. Selon les personnes qui le connaissaient, Nguyên Nam était un homme robuste, de forte taille, exercé à la lutte. Il venait d’atteindre la quarantaine (…) (6).

Un blog intitulé traisongtien (7) a publié un billet signé « la population pauvre de Côn Dâu ». En voici certains passages plus significatifs:

« Les gens du peuple ne savent que piocher la terre, vendre au marché leur production de légumes pour nourrir leur famille. Les fidèles de la paroisse vivaient simplement. Matin et soir, ils se rendaient à l’église pour prier afin que tous les hommes sur cette terre vivent en paix. Ils étaient loin de se douter que leur paroisse allait être détruite pour satisfaire les appétits égoïstes des autorités de Da Nang, ignorant des réalités humaines (…). Aujourd’hui, la population doit être expulsée de chez elle, pour que des étrangers viennent résider dans cette belle contrée, en payant très cher. Le bon peuple, lui, est persécuté (…). Ils ont utilisé leur pouvoir pour nous obliger à nous soumettre à leurs arrangements. Nous n’avons pas eu le droit de choisir, y compris les activités religieuses dans la paroisse. Nous, les gens du peuple, nous avons été arrêtés; nous avons été frappés et maltraités férocement par la police qui exécutait les ordres sans humanité de Nguyên Ba Thanh.

Vous nous avez frappés ! Nos femmes portent encore les traces violettes de vos coups. Au poste de l’arrondissement, vous avez utilisé des matraques électriques. Avez-vous eu pitié d’elles lorsque, en votre présence, elles demandaient du sel à leurs compagnes pour en enduire leurs ecchymoses ? Vous avez obligé tous les fidèles arrêtés à se reconnaître criminels sous peine de continuer à être maltraités. Qui n’aurait pas signé cette reconnaissance ? Mais après cette signature, nos bourreaux continuaient à frapper puisque nous étions des criminels ! Après nous avoir battus, ils nous ont recommandé de bien nous souvenir de leur visage pour que nous puissions nous venger… Non, je ne doute pas qu’ils aient frappé jusqu’à la mort Nguyên Thanh Nam, un enfant de notre paroisse. Où est donc leur conscience ?

Aujourd’hui, les fidèles ont fermé les portes de leur maison. Nous n’osons pas recevoir nos amis. Nous n’osons même pas rendre une dernière visite à Nguyên Thanh Nam. Comment le faire alors que vous entourez sa dépouille 24 heures sur 24, sans nous laisser approcher ! Ces jours-ci, les agents de la Sécurité avec leurs fusils sont partout dans la paroisse de Côn Dâu. Les fidèles ne savent plus à qui recourir. Ils espèrent seulement que leur cri sera entendu de quelqu’un qui n’est pas sensible à l’appât de l’argent. Mais ce type de personne est bien rare chez les autorités du Vietnam d’aujourd’hui. « Il est plus facile de passer par le chat d’une aiguille que de trouver un cadre communiste non corrompu. » (…). »

(1) Les adresses des articles sur les blogs ou les sites Internet ont été ajoutées par le traducteur. Pour cette première nouvelle, voir: http://mylinhng.multiply.com/journal/item/1033
(2) Voir http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/Con-dau-parishioner-beaten-to-death-by-police-07042010114244.html?searchterm=
(3) Voir, par exemple, sur le site du journal An Ninh Thu Dô, à l’adresse http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=77561&ChannelID=80
(4) http://www.chuacuuthe.com/index.php
(5) http://www.vietcatholicnews.com/News/Html/81850.htm
(6) Le texte rapporte ensuite les essais infructueux du collaborateur pour obtenir des éclaircissements auprès de diverses autorités. Celles-ci lui ont déclaré tout ignorer de l’affaire.
(7) http://traisongtien.multiply.com/journal/item/1045/1045

(Source: Eglises d'Asie, 9 juillet 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Thanh Sinh Công họp mặt tại Phan Thiết
Viết Khôi
10:58 09/07/2010
PHAN THIẾT - Từ ngày 06 – 08/ 7/ 2010, tại Chủng viện Thánh Nicolas Phan Thiết đã diễn ra Chương trình họp mặt thường niên năm 2010 của Gia đình Thanh Sinh Công Việt Nam.

Hình ảnh họp mặt (Hồng Hương)

Chương trình khai mạc chiều ngày 6.7.2010, bắt đầu với phần đón tiếp và sinh hoạt khởi động. Không gian Hội trường tràn ngập tiếng đàn hát với những tràng pháo tay không dứt. Niềm vui hội ngộ thể hiện rạng rỡ trên gương mặt tất cả anh chị em Thanh Sinh từ khắp nơi quy tụ về đây. Sau những phút chào mừng nhau, mọi người sốt sắng tham dự Thánh lễ. Hiện diện trong thánh lễ có linh mục GB. Lê Quang Quý (Giáo phận Huế), Tổng linh hướng gia đình Thanh Sinh Công tại Việt Nam, linh mục Augustino Nguyễn Đức Lợi (linh hướng Thanh Sinh Công Phan Thiết) cùng với gần 100 anh chị em thuộc các gia đình Thanh Sinh Phan Thiết, Hàm Tân, Sài Gòn, Nha Trang, Tân Bình, Đà Lạt, Huế và một số anh chị em Thanh Sinh hải ngoại vui mừng tham dự ngày họp mặt.

Trong bài giảng, cha Tổng linh hướng đã làm sáng lên ý nghĩa của tên gọi “THANH – SINH – CÔNG” qua ba điểm. Điểm thứ nhất nói lên đời sống của anh chị em Thanh Sinh Công là truyền giáo. Mỗi anh chị em Thanh Sinh phải luôn ý thức rằng ngày nào tôi chưa đem tin mừng cho người nghèo khó là tôi còn thiếu sót. Điểm thứ hai, phải để cho lời Chúa thấm nhập vào đời sống của mỗi anh chị em. Và điểm cuối cùng là phải sống làm sao để người Thanh Sinh Công chu toàn trách nhiệm của mình là truyền giáo.

Sau thánh lễ là nghi thức khai mạc Ngày họp mặt Thường Niên Gia Đình Thanh Sinh Công Việt Nam. Anh chị em vui mừng được linh mục Giuse Trần Đức Dậu (chánh xứ Thanh Hải- Phan Thiết) Cựu linh hướng gia đình Thanh Sinh đến chia vui với gia đình Thanh Sinh nhân ngày họp mặt. Phát biểu trong phần khai mạc, linh mục Tổng linh hướng đã nêu bật lên ý nghĩa chủ đề “SỨ MẠNG” của ngày họp mặt. Đó là thông qua những thao thức của Giáo hội và những người có trách nhiệm liên quan đến phong trào Thanh Sinh Công trước đây và hiện nay, từng thành viên Thanh Sinh phải tiếp tục phát triển phong trào Thanh Sinh Công bằng những việc làm tại gia đình, trong môi trường làm việc. Việc làm đó được thể hiện với ý thức mỗi người Thanh Sinh Công luôn nhận được sự che chở của Giáo hội, sự yêu thương của nhiều tấm lòng quảng đại …

Trong những ngày này, các tham dự viên sẽ nghe thuyết trình về đề tài “Sứ mạng của gia đình Thanh Sinh Công trong hoàn cảnh hiện tại”. Các tham dự viên sẽ thảo luận, trao đổi, và định hướng hoạt động cho mỗi gia đình Thanh Sinh Công trong năm mới.

Chiều ngày 8.7.2010, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết đã chủ tế Thánh lễ tạ ơn và bế mạc Ngày họp mặt thường niên Gia đình Phan Sinh Công năm 2010.

Thanh Sinh Công là tên viết tắt của Thanh niên Sinh viên Học sinh Công giáo. Đây là một phong trào Công giáo tiến hành chuyên biệt quy tụ các sinh viên học sinh Công giáo có ý thức sứ mệnh tông đồ của người Kitô hữu và muốn dấn thân hoạt động truyền giáo trong môi trường sinh viên học sinh.
 
Đại Hội Về Đất Hứa V Phong Trào TNTT VN tại Hoa Kỳ tại Chapman University, California
Giuse Đặng Văn Kiếm
11:04 09/07/2010
ORANGE, California (07.07.2010) -- Hơn 100 anh chị em phục vụ trong Ban Tổ Chức phối hợp các công tác nhịp nhàng đón chào hằng trăm thành viên Thiếu Nhi Thánh Thể và qúy khách đến từ mọi miền đất nước, tạo một bầu khí vui tươi đầy sức sống ngay từ giây phút đầu gặp mặt cho đến lúc tạm biệt chia tay. Khung cảnh mùa Hè tại Đại học Chapman hôm nay như vui nhộn hẳn lên khi những tiếng chào hỏi gọi nhau tíu tít giữa những người bạn trẻ cùng chung chí hướng, lâu ngày găp lại nhau hay mới chỉ lần đầu diện kiến. Về đây họp mặt quây quần bên Anh Cả Giêsu Chí Thánh.

Thánh lễ đồng tế và lời chào mừng khai mạc đại hội trong đêm hội ngộ của Cha Tổng Tuyên Úy Phanxicô Trần Quốc Tuấn, giúp mỗi tham dự viên trầm lắng nhìn lại chặng đường đi theo Chúa trong cuộc hành trình sống đạo, nên thánh, và loan báo Tin Mừng Đức Kitô.

Lời Chào Mừng của Tổng Tuyên Úy PT/TNTTVN/HK

Trong bầu không khí tưng bừng của buổi lễ Khai Mạc hôm nay, tôi hân hoan chào mừng quý Cha Tuyên Uý, quý Trợ Uý, quý Trợ Tá, quý Phụ Huynh, quý Huynh Trưởng và quý Quan Khách từ bốn châu Âu, Á, Mỹ, Úc, và từ Tám Miền của đất nước Hoa Kỳ cùng về đây họp mặt trong Đại Hội Về Đất Hứa V, năm 2010. Đặc biệt tôi xin chào đón quý Tuyên Uý và Huynh Trưởng từ quê mẹ Việt Nam, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc đã cố gắng rất nhiều để vượt ngàn dặm để họp mặt với chúng ta hôm nay. Đồng thời chúng ta cũng rất hân hạnh có sự hiện diện của các Cựu Tổng Tuyên Uý: cha Phaolô Nguyễn Văn Thảnh (1968-74), Đức ông Phanxicô Phạm Văn Phương (1984-2002) cha Gioan B. Chu Vinh Quang (2002-2008).

Chúa Giêsu Thánh Thể mời gọi mỗi người chúng ta: “Hãy Theo Thầy!” – “Follow Me!” (Gn 21, 19). Tất cả chúng ta đã can đảm đáp lại lời mời gọi đó để sinh hoạt trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam. Chính vì vậy, hôm nay chúng ta về đây để được hâm nóng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, được đong đầy tình yêu thương của anh chị em và được Phong Trào sai đi hăng say phục vụ trong ơn gọi là tuyên uý, trợ uý, trợ tá, huynh trưởng, phụ huynh, và là những nhà bảo trợ của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thực vậy, bầu không khí nhộp nhịp vui tươi của trên 845 tham dự viên, từ bốn phương, tám hướng quy tụ về nơi đây, giờ này đã dấy lên khí thế của sức trẻ với tinh thần yêu thương và đoàn kết đang đổ tràn vào Đại Hội. Chắc chắn tuổi trẻ, với lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể sâu xa, với tinh thần tha thiết phục vụ Phong Trào và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ cùng nhau phục vụ Chúa Giêsu Thánh Thể một cách tích cực hơn.

Đây là cuộc hội ngộ sum họp của anh chị em trong gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ và đây cũng là dịp học hỏi, trao đổi và nối kết của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại các quốc gia trên thế giới, để chúng ta gắn bó chặt chẽ hơn giữa Cấp Lãnh Ðạo và Huynh Trưởng, giữa Huynh Trưởng với nhau trong Phong Trào. Qua mối giây liên kết thân thương huynh đệ dưới sự bảo trợ và dẫn dắt của Mẹ Maria và Các Thánh Tiền Nhân Tử Ðạo Việt Nam, chúng ta sống gần và nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể, Vị Huynh Trưởng Tối Cao và hướng dẫn giới trẻ Việt Nam biết và yêu mến Chúa Thánh Thể nhiều hơn.

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy cùng đồng hành và cố gắng tận dụng từng giây phút của Đại Hội dưới sự lãnh đạo của Vị Huynh Trưởng Tối Cao Giêsu, cùng chia sẻ tâm tình, cùng sinh hoạt, cùng học hỏi và cùng được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể qua các ý lực: “Để Biết Chúa tỏ tường… Để Yêu Chúa thắm thiết… Để Theo Chúa một cách trung tín… và Để Phụng Sự Chúa hết cả tâm hồn…” “To Know… To Love… To Follow and To Serve” – To know God clearly… To love God intimately… To follow God faithfully and To serve God full heartedly.

Một lần nữa, chúng ta cùng hân hoan chào đón nhau và tôi xin long trọng công bố: Đại Hội Về Đất Hứa 5 chính thức bắt đầu.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc lành, đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong suốt Đại Hội và trên con đường phục vụ sau này.

Kính chào quý Tuyên Uý, quý Trợ Uý, quý Trợ Tá, quý Phụ Huynh, quý Huynh Trưởng và quý Quan Khách.

Diễn Tiến Những Ngày Đại Hội

Sau đêm hội ngộ gặp gỡ thân tình của ngày đầu tiên, nội dung đại hội của những ngày tiếp theo tuần tự diễn ra tốt đẹp đúng như chương trình đã được hoạch định.

800 huynh trưởng và các phụ huynh trợ tá cùng với 80 linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ tích cực theo sát các giờ giấc làm việc chung. Mọi người hăng say ôn tập, hội thảo và chia sẻ các vấn đề liên quan tới Bản Tu Chính Nội Quy, Nghi Thức, Chương Trình Thăng Tiến Đoàn Sinh, Quy Chế Huấn Luyện Các Cấp Lãnh Đạo Phục Vụ cũng như các việc cập nhật về Cơ Cấu Lãnh Đạo, Bản Chất, Phương Pháp và Đường Hướng Giáo Dục của Phong trào nhằm thích nghi và đáp ứng nhu cầu mới cho thế hệ đoàn sinh hiện nay và tương lai.

Sư huynh Lasan Trần Trọng An Phong, một nhà giáo hết lòng yêu thương và luôn gắn bó với các sinh hoạt giới trẻ, thuyết trình các đề tài về Lời Chúa và Thánh Thể xem ra rất khô khan, nhưng với lối trình bày dí dỏm kèm theo hình ảnh hợp với tâm lý tuổi trẻ, nên khán giả hiện diện như cảm nhận được sức thu hút sống thực Lời Chúa và gắn bó mật thiết hơn với Chúa Giêsu Thánh Thể, là hai cột trụ kiên vững cho đời thường của người Thiếu Nhi Thánh Thể.

Các buổi văn nghệ do 8 miền góp phần thực hiện gợi lên nét độc đáo TNTT. “Đêm Tình Thánh” (Eucharistic Night) thay cho Lửa Thiêng Thánh Thể, làm nổi bật những tấm gương yêu thương phục vụ trong suốt quá trình hiện diện 81 năm (1929-2010) của Phong trào trên khắp các nẻo đường đất nước và nơi hải ngoại. Rồi những tiết mục trong “Đêm Tâm Tình Hiến Dâng” (The Spirit of Dedications) như ngọn Đuốc Thiêng Dân Tộc đưa lòng người về lại cội nguồn quê hương với mấy ngàn năm lịch sử nước nhà, và 477 năm (1533-2010) đạo thánh Đức Kitô có mặt giới thiệu nền văn minh tình thương cho đồng bào đất Việt.

Điểm son là có sự hiện diện chủ sự 3 Thánh Lễ của 3 Đức Giám mục Giáo phận Orange: Đức cha Tod D. Brown, Đức cha Cerilo Flores, và Đức cha Đaminh Mai Thanh Lương.

Tân Ban Chấp Hành Trung Ương nhiệm kỳ 2010-2014

Với sự chứng kiến của toàn thể các tham dự viên Đại hội VĐH5, Hội Đồng Lãnh Đạo PT/TNTTVN/HK đã bầu Ban Thường Vụ nhiệm khóa 2010-2014, kết quả sau đây:

Chủ Tịch: Giuse Đào Văn Đức
Phó Chủ Tịch Quản Trị: Đaminh Hoàng Công Thái Dương
Phó Chủ Tịch Nghiên Huấn: Têrêsa Đinh Ngọc Nga
Tổng Thư Ký: Maria Lê Ngọc Khánh
Thủ Quỹ: Dorothy Phan Bắc Hà

Tân Ban Thường Vụ đã long trọng tuyên thệ nhậm chức trong Thánh Lễ bế mạc đại hội. Trưởng Tân Chủ tịch đã nói lên tâm tình của mình vào cuối Thánh Lễ như sau:

Trọng kính Đức Cha,

Mến chào quý Cha Tuyên Úy, quý Trợ Uý, Trợ Tá và quý Huynh Trưởng,

Lời đầu tiên, con xin được cảm tạ Chúa đã chọn con làm công cụ của Chúa để đồng hành với Phong Trào trong 4 năm tới.

Cảm tạ quý Cha, quý Huấn Luyện Viên, quý Trợ Tá và quý Trưởng trong Hội Đồng Trung Ương và Hội Đồng Lãnh Đạo đã thương yêu và tín nhiệm con trong chức vụ và sứ mệnh mới này.

Hơn suốt 9 năm qua, bằng nhiều cách, con luôn tâm niệm nối kết các anh em về với Phong Trào, về với Giáo Hội qua những kiến thức cần thiết và rất căn bản của Giáo Hội Công Giáo; trở về với căn tính của Phong Trào đó là Chúa Giêsu Thánh Thể, qua vai trò một nghiên huấn là trách nhiệm giúp đỡ anh em hiểu biết Chúa hơn - TO KNOW GOD MORE.

Ngày hôm nay, với trách nhiệm mới là Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương, ước mong của con trong nhiệm khóa này là làm sao để Ban chấp Hành Trung Ương luôn là nhịp cầu nối kết anh em, nối kết các Ban Chấp Hành các cấp về với Chúa, về với Phong Trào trong YÊU THƯƠNG và HIỆP NHẤT, để các thành viên biết Chúa nhiều hơn - TO LOVE GOD MORE - và để dấn thân phục vụ giới trẻ đắc lực hơn - TO SERVE GOD MORE.

Xin quý Cha Tuyên Uý, quý Trợ Uý, Trợ Tá vá quý Trưởng cầu nguyện cho chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ mệnh được trao phó cho chúng con.

Xin tiếp tục cầu nguyện để chúng con luôn có Chúa trước mặt để tôn thờ, trong tim để yêu mến và trên đôi tay để phụng sự.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ bế mạc đại hội, Đức cha Đaminh Mai Thanh Lương gợi lên tâm tình liên đới hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam đang cử hành Năm Thánh 2010, và cùng với Phép Lành Tòa Thánh từ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Đức cha Đaminh ban phép lành Toàn Xá cho mọi người tham dự Đại hội Về Đất Hứa V này. Đức cha Đaminh nói lên tâm tình và gởi gấm lời cầu chúc đáng ghi nhớ: “Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một đoàn thể tuổi trẻ năng động, sáng tạo, đa dạng và tinh thần vững vàng tại quê nhà cũng như nơi hải ngoại; đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt sống đạo cho giới trẻ hôm nay. Cầu mong TNTT càng ngày càng phát triển mạnh mẽ về phẩm chất cũng như về số lượng.”
 
Thánh lễ Thêm Sức và mừng 55 năm LM Đinh Cao Tùng tại giáo xứ Tân Thái Sơn, Saigòn
Nguyêễn Quang Ngọc
11:25 09/07/2010
Sài Gòn, sáng thứ tư vào lúc 09h00 ngày 07 tháng 07 năm 2010, tại Giáo xứ Tân Thái Sơn Hạt Tân Sơn Nhì (Số 1 Hoàng Văn Hòe, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú) hân hoan chào đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm Giám Mục Phụ tá, Tổng Giáo Phận Sài Gòn về thăm mục vụ Giáo xứ, đồng thời ban Bí Tích Thêm Sức cho 106 em Thiếu nhi, cùng với 121 em được diễm phúc đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu. Đặc biệt hơn nữa, Cộng đoàn Giáo xứ cùng hiệp lời với Cha Cố Giuse Maria Đinh Cao Tùng, dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn nhân dịp mừng kỷ niệm 55 năm hồng ân Linh mục của Ngài. Hiệp thông trong Thánh Lễ có sự hiện diện Cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn Quốc Tuý, Cha Phụ tá Giuse Nguyễn Hoàng Thanh, Cha Hạt Trưởng Tân Sơn Nhì Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc, Cha Hạt Trưởng Phú Thọ Giuse Phạm Bá Lãm, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeurs, Quý ân nhân, Quý quan khách và toàn thể Cộng đoàn Giáo xứ Tân Thái Sơn.

Hình ảnh Thánh lễ

Đầu Thánh Lễ, Cha Chánh xứ Phêrô có đôi lời chào mừng:

Trọng kính Đức Cha, kính thưa Cha Cố, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý ân nhân, Quý quan khách và toàn thể Cộng đoàn.

Chúng con, Cộng đoàn Giáo xứ Tân Thái Sơn hôm nay, rất vinh dự được đón tiếp, và hân hoan chung lời chào mừng Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và tất cả Quý vị. Vâng, chung một tấm lòng thảo kính, trân trọng, biết ơn và sướng vui trong ngày Hồng ân hôm nay. Chúng con xin được nổ tràng pháo tay để chào mừng Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý vị và toàn thể Cộng đoàn.

Trong tinh thần Năm Thánh 2010, sự hiện diện đầy đủ các thành phần Dân Chúa trong Lễ Tạ ơn, Ban Bí Tích Thêm Sức, Rước Chúa lần đầu, mừng thượng thọ và 55 năm Hồng ân Linh mục hôm nay, đã tỏa sáng hơn nữa Mầu nhiệm Giáo hội, sự Hiệp thông, và Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội trong Giáo xứ chúng con.

Với ý nghĩa đó, niềm vui thiêng thánh hôm nay được nhân lên, tình nồng thắm Cha con, và anh chị em trong Đức Kitô được thể hiện cụ thể hơn. Vì thế, một lần nữa, chúng con xin được tỏ bày niềm vui và lòng biết ơn Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý vị và toàn thể Cộng đoàn.

Chúc mừng Cha Cố

Thưa Cha Cố khả kính, đại diện cho Giáo xứ Tân Thái Sơn, cho gia đình Huyết tộc và Linh tông, con xin tỏ bày tâm tình của chúng con nhân ngày mừng Thượng thọ, và 55 năm Hồng ân Linh mục của Cha Cố hôm nay.

Tâm Tình đầu tiên, chúng con xin hợp với Cha Cố tạ ơn Thiên Chúa, vì lòng nhân từ và tình thương của Ngài, đã ấp ủ Cha Cố trong suốt 83 năm cuộc đời, và 55 năm Linh mục đã qua.

Tâm tình thứ hai, chúng con xin chúc mừng Cha Cố, vì đường đời phúc thọ cao dầy. Sách Thánh vịnh đã ghi: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi”, ấy thế mà Cha Cố đã vượt mức tám mươi, ba mùa lá đổ rồi, mà nay vẫn minh mẫn, thanh thản, bình an.

Chúng con chúc mừng Cha Cố, vì đã hơn nửa thế kỷ qua, vẫn giữ trọn lời đoan nguyền với Chúa trong ngày nhận lãnh Thừa tác vụ Linh mục, cho dù có những lúc gặp gian khó hiểm nguy. Thật đúng như khẩu hiệu Linh mục Cha Cố đã chọn: “Đức Khôn Ngoan ở cùng con, và đồng lao cộng khổ với con”.

Tâm tình thứ ba, chúng con hôm nay, và nối tiếp thế hệ con cháu chúng con mai sau, xin ghi lòng tạc dạ công ơn Cha Cố, đã tận tâm tận lực lo toan thực hiện cho Giáo xứ chúng con. Quả thật, vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, và phần rỗi mỗi người chúng con, mà Cha Cố đã hao mòn cả tấm thân. Ơn sâu nghĩa nặng lắm Cha Cố ạ, chúng con không thể nào quên.

Cùng với tâm tình tạ ơn Chúa, chúc mừng và tri ân Cha Cố. Chúng con xin kính chúc và cầu nguyện cho Cha Cố luôn sống bình an trong Chúa, và hiện diện dài lâu hơn nữa bên đoàn con Tân Thái Sơn, trong cảnh đẹp hoàng hôn thiêng thánh của đời hiến dâng.

Vâng, thưa Cha Cố, với tất cả tâm tình chúng con vừa tỏ bày. Giờ đây xin kết thành vòng hoa tươi thắm, kính dâng, chúc mừng Cha Cố.

Kế tiếp, Cha Cố xin được bày tỏ lòng tri ân đến Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Đức Cha Phêrô, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý khách và toàn thể Cộng đoàn Dân Chúa Giáo xứ Tân Thái Sơn. Cách riêng, xin cảm ơn Cha Chánh xứ, Cha Phụ tá, Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Tân Thái Sơn, đã ưu ái tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn 55 năm Linh mục thật tốt đẹp.

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô đã chia sẽ: Chúa Thánh Thần đến làm nên sự hiệp nhất, sự hiệp nhất của tất cả mọi người, dù là khác nhau về ngôn ngữ, vể chủng tộc, về văn hóa, về tuổi tác, nhưng mà mọi người đều hiệp nhất với nhau trong đức tin, cho nên chúng con chịu phép Thêm Sức là chúng con Lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần muốn chúng con phải trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất. Và hôm nay là ngày Lễ đặc biệt của Cha Cố Giuse Maria, 55 năm làm Linh mục, để phục vụ sự hiệp nhất, sự hiệp nhất gữa con người với Thiên Chúa,trong 55 năm Cha Cố dâng biết bao nhiêu Thánh Lễ, cử hành bí tích giải tội bao nhiêu người, rao giảng lời Chúa không biết bao nhiêu lần, tất cả công việc Ngài làm đó, là để phục vụ sự hiệp nhất giữa các tín hữu trong Giáo xứ Tân Thái Sơn này, cũng như ở những nơi khác.

Sau bài giảng, Đức Cha Phêrô đã lần lượt trao ban ấn tín Chúa Thánh Thần cho 106 Thiếu Nhi trong Giáo xứ. Và 121 em được diễm phúc đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu.

Sau Thánh Lễ, Ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ, đại diện Giáo xứ cám ơn Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, toàn thể Quý vị và kính dâng Đức Cha, Quý Cha bó hoa tươi thắm với tấm lòng đơn sơ nhỏ bé của Cộng đoàn Giáo xứ Tân Thái Sơn.

Xin tạ ơn Thiên Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
 
Hội Ngộ Giới Trẻ tại Sydney
Diệp Hải Dung
11:30 09/07/2010
SYDNEY - Tối thứ Sáu 09/07/2010 rất đông đủ các bạn trẻ đã đến hội trường nhà thờ Sacred Heart Cabramatta Sydney tham dự buổi hội ngộ và gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge từ Thủ Đô Canberra đến.

Hình ảnh Hội Thảo

Khai mạc chương trình Cha Dương Thanh Liêm Phó xứ Cabramatta ngỏ lời chào mừng các bạn trẻ và cùng sinh hoạt giải trí lành mạnh, sau đó giới thiệu với các bạn trẻ Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge đến từ Thủ đô Canberra để gặp gỡ các bạn trẻ tại Sydney và Ngài thuyết giảng về chủ đề "Có gì trong Kinh Thánh ?

Đức Tổng Giám Mục ngỏ lời chào mừng các bạn trẻ và Ngài nói về Kinh Thánh. Ngài nói Kinh Thánh chính là Lời Chúa và là niềm Hy Vọng cho tất cả mọi người, Thiên Chúa đã giải thoát dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập và Ngôi Hai Thiên Chúa cũng đã giáng trần làm người để cứu chuộc nhân loại. Kinh Thánh là một cuốn sách giá trị nhất trên hết tất cả những sách. Chính Kinh Thánh đem chúng ta biết Chúa và đến gần Chúa nhiều hơn và Kinh Thánh cũng mang chúng ta về nước Trời cùng với Thiên Chúa. Sau cùng Đức TGM khuyến khích các bạn trẻ hãy năng đọc Kinh Thánh và học hiểu Lời Chúa để tìm nguồn vui và Hy Vọng.

Sau khi Đức Tổng Giám Mục kết thúc thuyết giảng, các bạn trẻ nêu những câu hỏi và những thắc mắc đã được Đức TGM giải đáp và trả lời thỏa đáng. Cha Dương Thanh Liêm ngỏ lời cám ơn Đức TGM đã ưu ái đến với Giới Trẻ Sydney và giúp cho các bạn trẻ am hiểu thêm về Kinh Thánh, sau đó tất cả mọi người cùng thắp lên ngọn Nến, lắng nghe Lời Chúa trích đoạn thư thứ 1 của Thánh Gioan nói về Thiên Chúa Là Tình Yêu.

Qua những giây phút thinh lặng cầu nguyện, Đức TGM và các bạn trẻ dâng lên bàn thờ Đức Mẹ với những ánh Nến tin yêu và phó thác. Buổi hội ngộ giới trẻ tại Sydney kết thúc trong tình đoàn kết và thân thương.
 
Lớp ca trưởng Phan thiết và Ngày mãn khóa
Cao Huy Hoàng
18:39 09/07/2010
PHAN THIẾT - Khóa học Ca Trưởng Cấp 1 đợt 2 đã bắt đầu từ Chúa Nhật 4-7, với một chương trình học khá dày gồm xướng âm, thanh nhạc, nhạc bình ca Gregorien, kỷ thuật tập hát, điều khiển hợp xướng, phụng vụ Thánh Nhạc, từ 7g30 sáng đến 18g30 tối mỗi ngày. Ngoài những giờ học chung với nhạc sư Phạm Đức Huyến, các học viên có nhiều thời gian được thực tập theo nhóm với các thầy ca trưởng Đinh Thiện Bản, Lê Hùng, Lê Hà, Văn Duy Tùng, Kiều Văn Tập, Sr Mến, Sr Yến Linh. Có những học viên miệt mài học không kể sáng trưa chiều tối, học chung, học nhóm, học riêng từng người với các thầy, nhất là những học viên lo ngại không kịp tiến bộ cùng anh em. Nhờ sự tận tâm của các thầy, nhất là Thầy Lê Hùng, Lê Hà, mà 103 học viên đã đạt trình độ khá đều nhau.

Hình ảnh Lớp Ca trưởng và mãn khóa

Sáng thứ 3 ngày 6-7, trên đường Mục Vụ tại Đa Mi, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết đã đến thăm khóa học. Ban Giảng Huấn, Ban Tổ Chức và các học viên thật vui mừng vì sự quan tâm của Đức Cha. Ngài lắng nghe Thầy Phạm Đức Huyến trình bày về chương trình dạy và học và lắng nghe lớp học trình bày hai bài hợp xướng. Ngài chào chúc và cảm ơn Ban Giảng Huấn, đồng thời nhắn nhủ các học viên tận dụng cơ hội tốt Chúa ban, để có được kiến thức, kỷ thuật, nhờ kinh nghiệm của quí thầy, và nhất là đạt đến một đời sống kinh nguyện trong thánh nhạc. Ngài chúc lành cho khóa học và chụp hình lưu niệm với khóa học. 30 phút đầu ngày bên Đức Cha thật đầm ấm tình mục tử và con chiên, phát khởi một nguồn cảm hứng diệu kỳ làm ngày dạy ngày học tăng thêm tính tích cực và đầy tính trách nhiệm.

Dẫu phải tranh thủ với một chương trình dày đặc trong một thời gian ngắn ngủi, trong điều kiện thời tiết nóng bức khắc nghiệt, Ban Giảng Huấn, Ban Tổ Chức cùng tất cả học viên cũng quyết tâm dành một buổi sáng thứ tư 7-7 lên đường hành hương về bên Mẹ Tà Pao với ý nguyện xin muôn ơn lành cho Giáo Phận, cho các ca đoàn giáo phận, và riêng cho mỗi người. Từ 4g sáng, đoàn hành hương đi trong sương sớm theo con đường cao nguyên Bình Thuận từ Ma Lâm đến Đông Giang, Đông Tiến, qua La Dạ đến Đa Mi rồi ra Tánh Linh Đồng Kho và về đến Linh Địa Mẹ Tà Pao lúc 7g30 sáng. Sau phần diễn nguyện với hợp xướng “Về Bên Mẹ Tà Pao” của Ns Lê Hà và “Maria Hiền Mẫu Tà Pao” của Ns Phạm Đức Huyến, lòng mỗi học viên sốt sắng nhiều lên khi Thầy Huyến nghẹn ngào tâm tình với Mẹ những niềm thương nỗi nhớ hướng về quê hương và hướng về Mẹ của những người con xa xứ.

Cha Phêrô Nguyễn văn Quang, Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận cùng các Cha Đặc Trách Thánh Nhạc các Giáo hạt đã đồng tế thánh lễ dưới chân Mẹ. Thánh Lễ kính Mẹ, đồng thời cầu cho linh hồn Phanxico Assisi Cố Nhạc Sĩ Hải Linh trong cái mát dịu buổi sáng của núi rừng, trong tâm tình mến yêu, sốt sắng. 10g đoàn hành hương giã biệt Mẹ để lên đường trở về với chương trình học buổi chiều.

Buổi chiều 8-7-2010, các học viên phấn khởi vì đã qua một ngày thi khá căng thẳng về lý thuyết, xướng âm, thực hành đánh nhịp, nhưng cũng khá hay ho hấp dẫn và mãn nguyện, vì được một lần khẳng định vốn liếng kiến thức thánh nhạc của mình trước Ban Giảng Huấn và các học viên khác.

Thánh Lễ Tạ ơn Chúa vì một khóa học nữa đã hoàn tất được Đức Cha cắt cử Cha Phanxicô Phạm Quyền, Hạt Trưởng Hạt Phan Thiết về chủ tế và cùng đồng tế có Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, chánh xứ Ma Lâm, cố vấn Ban Thánh Nhạc và cha Phêrô Nguyễn văn Quang trưởng ban Thánh Nhạc. Rất đông Giáo dân giáo xứ Ma Lâm cùng tham dự Thánh Lễ Tạ ơn với khóa học. Có nhiều cụ ông cụ bà sung sướng được nghe lại, được hát lại bộ lễ De Angelis của một thời xa xưa mình còn là ca viên ca đoàn trong những ngày rất ban sơ của Giáo Hội Việt Nam.

Sau thánh lễ, một bữa tiệc thanh đạm để Cha con, Thầy trò bên nhau những giây phút đầy lưu luyến nhất. Một bất ngờ lớn đối với Ban Giảng Huấn, và không có trong chương trình của Ban Tổ Chức, là chương trình Mừng Sinh Nhật tự phát của các học viên. Một học viên đại diện khóa học nói mấy lời cảm ơn Thầy Huyến và Ban Giảng Huấn, đồng thời dâng Thầy một chiếc bánh “Mừng Sinh Nhật Một Tuổi Lớp Học tại Phan Thiết”. Rồi một bó hoa sinh nhật cùng với ca khúc Happy Birthday. Thật sôi động, ý nghĩa và một cách trọn ven tâm tình của các học viên khi anh đại diện nói lên nguyện ước của các học viên được mừng sinh nhật lần thứ hai tại Phan Thiết váo tháng 7 năm tới.

Sau bữa tiệc, tất cả học viên tập trung trước tiền đường nhà thờ Ma lâm để chuẩn bị cho đêm diễn nguyện và trao chứng chỉ “mãn khóa cấp 1 ca trưởng Phạm Đức Huyến”.

Sau phần hát cầu nguyện cùng Mẹ Tàpao thật tâm tình với hai bài hợp xướng, Thầy ca Trưởng Lê Hùng, thay mặt cho Ban Giảng Huấn tường trình tổng kết và đánh giá về khóa học. Thầy Lê Hùng cho biết các học viên đã nỗ lực đáng kể trong khóa học nầy, và đã đạt được những thành tích vượt ước muốn của ban giảng huấn: 102 học viên/103 đạt điểm từ trên 70 đến 100 tổng cộng các điểm: Lý thuyết, xướng âm đánh nhịp. Có 1 học viên đạt điểm 68/100 được Ban Giám Khảo xét vớt điểm vì nhỏ tuổi. Như vậy 100% học viên đã tốt nghiệp mãn khóa ca trưởng cấp 1, trong số đó có 1 học viên đạt diểm 101 cả điểm bonus, 1 học viên đạt 99 điểm và 4 học viên đạt điểm 98. Một thành quả đáng kể, đáng quí cho các ca trưởng Giáo Phận Phan Thiết.

Các học viên được Thầy Phạm Đức Huyến trao chứng chỉ mãn khóa rất vui mừng, vừa cảm nhận một vinh dự, một hồng ân, đồng thời, cũng là một trách nhiệm đặt lên vai người ca trưởng.

Chương trình diễn nguyện Tạ Ơn Chúa, Tạ Ơn Mẹ Tà pao được tiếp tục với bài Hợp xướng “Hướng Về Chúa” của Lm Kim Long, Ns Văn Duy Tùng điều khiển. Sau đó là các bài hợp xướng Ôi Thần Linh Chúa, Hang Be lem, Kính Thánh Giuse, và Tán Tụng Hồng Ân được trình bày dưới sự điều khiển của các học viên ca trưởng: Nguyễn thị Hoài, Nguyễn Viết Vàng, Kim Oanh và Đinh văn Hồng. Chen trong những bài hợp xướng, có các tiết mục múa của Giáo Xứ Bình An, Ma Lâm, các bài đơn ca của một học viên thầy dòng Châu Thủy, và ba tiếng hát của ca doàn và Bà Mẹ GX Ma lâm. Cha Trưởng Ban Thánh nhạc nói lời cảm ơn Đức Cha Giuse, Cha Hạt trưởng, quí Cha Hạt trưởng, quí Cha, Cha sở GX Ma Lâm, Thầy Phạm Đức Huyến, và Ban Giảng Huấn, quí ân nhân trong ngoài nước, cảm ơn và Hội Đồng Mục Vụ GX Ma lâm, cảm ơn các bà Mẹ Công Giáo Ma lâm, và tất cả những người đã ưu ái, góp công, góp của cho khóa học nầy. Ngài nguyện xin Chúa trả công bội hậu. Thày Phạm Đức Huyến cũng có lời cảm ơn Đức Cha, quí Cha, và tất cả đã hỗ trợ cho khóa học. và theo nguyện vọng của các học viên trong bữa tiệc, Thầy hứa sẽ tổ chức khóa ca trưởng cấp 2 cho các ca trưởng GP Phan Thiết vào tháng 7 năm tới. Các học viên vui mừng vỗ tay không ngớt.

Ca khúc “Maria Tình Yêu” của Lm Ns. Hoàng Kim Tốt và ca khúc “Trinh Vương Maria” được trình bày chung trong một vũ khúc kết thúc phần diễn nguyện thật tâm tình, thật nhẹ nhàng khiêm tốn, và cũng thật thánh thiện “Điều lớn lao Chúa làm cho Mẹ là sự nhỏ bé. Điieuef vĩ đại Chúa làm cho Mẹ, là sự khiêm nhường. Điều muôn đời khen Mẹ diễm phúc là nữ tỳ được Chúa yêu thương” (lời bài hát Maria Tình yêu của Lm Hoàng Kim Tốt).

Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt ban phép lành cuối ngày cho các học viên và cho mọi người.

Đêm diễn nguyện khép lại, khép lại cả khóa học, nhưng cũng đang mở ra cho mỗi ca trưởng một ngày mai bình an vui tươi trong tinh thần khiêm tốn cho đi để phục vụ Nước Chúa vì tình yêu như Mẹ Maria tình yêu rất thánh. Phút chia tay với Thầy Phạm Đức Huyến và Ban Giảng Huấn trong đêm đầy lưu luyến, tri ân, và kính mến.
 
Văn Hóa
Hãy đi và làm như vậy
Mic. Cao Danh Viện
10:33 09/07/2010
Cảm hứng Lc 10, 25-37

Hành hương trọn kiếp miệt mài

Con đường hạnh phúc, gia tài thiên niên

Bàn chân lên núi xuống ghềnh

Bàn tay vươn vẫy tìm duyên tình trời

Đâu là cuộc sống đời đời

Đâu là hạnh phúc con người trăm năm

Thiên duyên ở taị cái tâm

Yêu thương nhân hậu lặng thầm trao ban

Người đi giữa kiếp nhân gian

Không đi đơn lẽ, không mang một mình

Trái tim sáng lữa an bình

Làm người thân cận, gieo tình Giêsu

Trái tim nhân hậu khiêm nhu

Mong xin lau sạch vết thù nhân sinh

Trần gian còn một chữ tình

Thì ơn sự sống thiên đình về đây

Hãy làm như vậy! Từ đây!
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
19:40 09/07/2010
Chuyện Phiếm Đạo Đời

(Suy tư lời Chúa từ cuộc sống)

“Chiều nay, mình lang thang trên phố dài”

Không có em, ai chung bước dỗi nhau giận hờn.”

(Ngô Thụy Miên – Chiều Nay Không Có Em)

(Kn 1: 28)

Lời trần tình ở trên, vẫn cứ thế. Thật không dễ. Bởi, không có em, thì mình sẽ “lang thang, trên phố dài”, cả đời người. Dễ mất vui. Và, đời anh. Đời em. Đời người. Sẽ “chung bước dỗi nhau giận hờn”. Giận hết biết. Hờn, khôn nguôi. Giận và hờn, bởi: “em” là người thể hiện tình thương gửi đến muôn người. Và bởi, “em” vẫn chưa được làm chủ thể, để người người ới gọi. Rong chơi. Thoả thích.

Không có “em”, thì người nghệ sĩ vẫn thấy “đời mình, sao vắng vui cuộc tình”. Tình của nhiều đứa, chứ đâu hai người. Không có “em”, hiểu theo nghĩa bản-thể-chưa-thành-hồn. Cũng chưa linh. Và như thế, tình người. Ở đời. Cứ thế mà im ắng. “Vắng vui”. Vắng cuộc tình”. Vắng nhiều thứ nữa. Chí ít, là tình mẫu tử. Cha con. Cộng đoàn. Rất hân hoan. Bởi, thiếu “em” là thiếu đủ mọi thứ. Thiếu tình. Thiếu đời. Nên cũng khó. Càng khó hơn, khi chợt nhớ Lời Giavê Chúa cảnh báo:

“Hãy sinh sôi nảy nở

cho dẫy đầy mặt đất,

và bá chủ địa cầu.”

(Kn 1: 28)

Cái khó hôm nay, không chỉ bá chủ điạ cầu, mà thôi đâu. Còn, như người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Không có em,

một mình, ta với ta ngày dài,

thôi chóng qua, tuổi hoang trôi vai gầy.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Hôm nay, ngồi suy tư chuyện thiếu vắng tình người. Vắng, cả bóng hình của người “em” không được mặc thân xác, sống làm người. Để, hiện hữu với đời, là thiếu vắng rất lớn. Lớn nhất đời.

Hôm nay và mai ngày, ngồi buồn nghĩ lại mới thấy đời người đều có ước. Và, có mơ. Mơ ước rồi, để còn xin. Xin cho “tình yêu hãy lên ngôi”. Thứ tình, mà nhiều người vẫn “dấm dẳng” cứ nhận chìm. Để rồi, bé em sẽ không bật được tiếng khóc, rất chào đời. Để rồi, người nghệ sĩ, lại có thêm lời hát, rất oán, Rất thán. Suốt một đời:

“Không có em,

còn ai thương lá thu bay.

Còn ai vương vấn cơn say.

Đời gian dối, cô đơn mình ta.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Không có em, chẳng ai “thương lá thu bay”, chuyện đã đành. Không có “em”, chẳng ai là không thấy: “đời dối gian”. Cô đơn mình ta”. Và khi cô đơn, người người sẽ cứ gặp cơn say. Mai ngày. Nghiệt ngã. Nghiệt và ngã, là bởi từ ngày “không có em”, mây chẳng buồn bay. Mắt nai thiên thần, không buồn nuối tiếc. Khát khao. Đợi chờ. Và từ đó. Đời anh. Đời tôi. Sẽ ra vô nghĩa. Và, từ nay, địa cầu sẽ không có ai làm bá chủ. Thống trị. Nước Trời, sẽ không có người quản lý. Vũ trụ, cứ thế quay cuồng. Bần thần. Nhung nhớ.

Hôm nay đây, ngồi buồn mình chợt nhớ. Nhớ rất nhiều. Nhiều nhất, là: từ ngày con người bất tuân Lời Chúa, Đấng Tạo Thành trời đất, tự khắc sẽ không còn đất đứng. Để bá chủ. Nên, đã quay cuồng. Với tâm linh. Tình tự, rất suy tư. Suy tư và quyết định. Để rồi, quần thần nơi nơi nay xao xuyến. Xốn xang. Như độc giả nọ ở Sydney từng thắc mắc. Hỏi han. Rất như sau:

“Nếu biết rằng, số thai phôi đông lạnh ở đâu đó, chẳng có người đến nhận hoặc lấy đi. Thì thử hỏi, là phụ nữ vẫn ao ước có con còn nhỏ để chăm nom và dưỡng dục. Những người như thế, có được phép “tiếp nhận làm của mình” một bào thai, mà đặt cài vào cung lòng mình, hầu cứu vớt. San sẻ tình thương yêu, chăng?”

Phải công nhận, là: thắc mắc/hỏi han thường mang tính luân lý/đạo đức. Cũng rất Đạo. Thường là hỏi và han về luật pháp/án lệ ở nhà Đạo. Hỏi rằng: Hội thánh có cho phép ta được làm những chuyện như thế? Nếu không, ta hiểu thế nào chuyện “Bảo Vệ Sự Sống”, rất thai phôi? Trứng nước. Thai phôi, có là người. Rất tính người? Hỏi, là hỏi thế. Chứ, câu trả lời, vẫn nên để cho đấng bậc đức thầy chuyên môn. Bài bản. Sáng suốt, mà trả lời. Bởi, đức ngài vốn giòng hào kiệt, rất John Flader đấng bậc linh mục thuộc trường phái Opus Dei ở Sydney, triệu năm văn vật. Như sau:

“Về chuyện này, có nhiều quan điểm/lập trường, cũng khác biệt. Nhưng thôi, xin cho tôi được phép đưa ra đây, một đáp giải có chú thích, chút ít, về đường hướng lấy bối cảnh Hội thánh làm nền.

Lý do, như bạn biết, tại sao người người hôm nay có cả trăm ngàn thai phôi đang được trữ lạnh ở khắp mọi miền trên thế giới, qua tiến trình thụ thai trong ống nghiệm “IVF”? Bởi thế nên, các thai phôi nay được nhân bản. Sản xuất. Cũng rất nhiều. Và, thai phôi nào chưa được cài đặt đem vào cung lòng của các vị-chuẩn-bị-làm-mẹ để thành thân và thành nhân, đôi lúc vẫn được cất giữ vào chỗ đông lạnh; để rồi, trong tương lai mai ngày, ai đó sẽ tìm cách biến nó thành thai nhi. Thật cũng dễ.

Giả như tiến trình thụ thai IVF đạt kết quả. Khả quan. Và, người mẹ sẽ sinh hạ được quý tử, không muốn trải qua ngày dài cực khổ. Lại đắt giá. Và, thai phôi ở bệnh viện không có ai đến nhận xin, thật cũng khó. Nên nhớ rằng: dù chỉ là thai phôi thôi, nhưng thai đây cũng đã là bản thể “người”, đang ở vào giai đoạn tiền-phát-triển. Hoặc, chỉ mới chớm.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã đưa ra huấn thư gọi là “Phẩm Giá Con Người” ban hành năm 2008, có giải thích, rằng: việc trữ lạnh thai phôi “phải phù hợp” với động thái tôn kính thai-nhi-đã-là-người. Nghĩa là, việc này giả định rằng: chuyện sản sinh thai phôi trong ống nghiệm, tự thân, sẽ đưa thai phôi vào tình huống có nguy cơ tử vong, hoặc gây hại cho cơ thể. Bởi, đa phần thì thai phôi không thể sống sót sau tiến trình làm lạnh và tan giá, khiến có thể tránh cho người mẹ khỏi phải tiếp nhận và ấp ủ, thai nhi dễ chết ấy. Vì thế, ta đặt mình vào vị trí dễ phạm tội và thao tác, mãi về sau. (x. bđd #18)

Đàng khác, ta sẽ làm gì với thai phôi vô-thừa-nhận ấy? Và đây, Huấn Thị có nói rõ: những ai đề nghị “sử dụng thai phôi cho công cuộc nghiên cứu hoặc trị bệnh, cũng nên biết rằng: đó là điều ta không thể chấp nhận được. Bởi, thai phôi luôn bị coi như chất liệu sinh thái. Nên, kết cuộc dễ đưa đến tàn phá. Huỷ diệt. (x. bđd #19)

Hệt như thế, có người còn đề nghị: ta làm sao để thai phôi, khi được làm tan băng giá và ấm lên, vẫn không phục hồi được sự sống, khi đó ta sử dụng thai phôi này cho nghiên cứu, tựa hồ xác không hồn như bao xác chết giữa đường, được không? Câu trả lời sẽ là: điều này, lại càng không thể chấp nhận được. Còn đề nghị, bảo rằng: có nên giao thai phôi như thế cho vợ chồng nào hiếm muộn, để sử dụng hầu trị liệu cho chứng bệnh hiếm muộn? Lại nữa, đây là đề nghị không chấp nhận được, vì các lý do như dã nói. Tức, lý do tương tự sẽ khiến cho việc sinh đẻ theo phương pháp nhân tạo trở thành trái luật giống như kiểu đẻ thay. Sinh giùm. Sinh và đẻ, giúp người hiếm muộn. Hành động này cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề mang tính y học. Tâm lý. Pháp luật.” (x. bđd).

Cuối cùng thì, Huấn Thị trên cũng lại đề cập đến vấn đề mà bạn vừa hỏi, là: “Có người lâu nay thường đề nghị, là: họ chỉ muốn giúp cho bé em có thể chào đời, bằng không các em sẽ bị huỷ diệt, thôi. Có người còn coi đây như hình thức “nhận con nuôi trước khi bé chào đời, để cho dễ”. Đề nghị này, tưởng là đáng được khuyến khích vì có tôn trọng và bảo vệ sự sống. Nhưng xét kỹ, nó vẫn tạo nhiều vấn đề khác nhau. Nhất thứ, nó lại không khác gì những điều ta vừa nói ở trên.”

Phản bác chính, chống việc “nhận nuôi” thai phôi là vì đứa bé chỉ có thể bước vào cuộc sống làm người bình thường, qua động thái thân thương từ đấng bậc cha mẹ đẻ của chính em, mà thôi. Theo cách thế này, thì ý nghĩ duy nhất kết hợp và mang ý nghĩa “sinh sôi tràn trên dất” tạo được từ tác động tình dục mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã giải thích rõ và khuyên nên duy trì, khi ngài đề cập đến vấn đề này trong Hiến Chế Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) ban hành năm 1968. (x. bđd #12)

Việc “nhận nuôi” thai phôi, thì: không chỉ mỗi hai ý nghĩa nói ở trên, quyết làm cho thai phôi được hiện hữu sống sót, cũng không thể tách rời ý nghĩa kết hợp và sinh sôi nảy nở nói trên, bằng cách cho bé sống qua ống nghiệm. Bởi lẽ, ta hiểu rằng cặp phối ngẫu nào mà “nhận nuôi” thai phôi trong điều kiện như thế, sẽ không là cha mẹ đích thực của đứa trẻ, hiểu về mặt thể lý. Tức, hiểu theo nghĩa nói từ đầu, là: bé sẽ chào đời làm người, nơi cung lòng của bà mẹ đẻ thay/sanh giùm, mà thôi.

Nói thế, tức bảo rằng: cặp phối ngẫu nào “nhận nuôi” thai phôi mà không đích thực cưu mang trẻ bé qua hành động dục tình có tính yêu thương vợ chồng thật sự, thì bé sẽ không là con cái của hai người, xét về mặt sinh lý. Ví dụ để thấy rõ, là: có thể sau này, trong cuộc sống bình thường, trẻ bé sẽ gặp nhiều vấn đề hơn, một khi em khám phá ra rằng: cha mẹ sinh ra em lại không phải là cha mẹ đẻ đích thực, theo nghĩa tâm sinh lý.

Còn lại vấn nạn: với mẹ ruột thuộc tâm sinh lý đích thực, thì nếu bà có dư thai phôi đông lạnh, lại không ý thức chuyện, theo luật Đạo, không được phép sinh con qua phương pháp ống nghiệm, trong trường hợp ấy, bà có được phép đem thai phôi này chuyển về lại tử cung mình, như cách lưu giữ chúng, có được không?

Huấn Thị “Phẩm Giá Con Người” không nói gì đến vấn nạn này. Cho nên, đối với các nhà thần học luân lý lỗi lạc, mỗi người một lập, rất khác nhau.

Lập trường và quan niệm khả thi hơn cả, là: xem ra vẫn là chuyện còn trong vòng tranh cãi quyết chống lại các bà mẹ nào có những hành động đại loại như thế. Theo quan niệm của một số các nhà thần học trổi trang, thì bà mẹ nào làm những việc như thế, cần theo tiếng nói của lương tâm, nếu hành xử như thế. (x. John Flader, The catholic Weekly 02/02/2010, tr. 11)

Ối chà! Đúng, là chính kiến. Rất chính qui. Khúc chiết. Không sai chạy. Của đấng bậc, vị vọng thuộc trường phái rất Opus Dei. Còn lại, chuyện hỏi rằng: được bao nhiêu đấng bậc lành thánh, rất mẹ hiền, hiểu và biết lập trường gai góc. Khó hiểu. Của đấng bậc thần học, trong Hội thánh. Rất như thế?

Bần đạo đây, thuộc giống giòng lào khào, ít vốn liếng những học về thần. Về giáo luật, thì chỉ ăn đong, đếm từng chữ. Đếm, để hiểu chuyện luân lý. Tín điều. Nên, vẫn hay đi vào giòng đời tìm tòi truyện kể. Thi văn. Âm nhạc, cho dễ nhớ. Bỗng, bất chợt gặp một vài âm hưởng thi ca vang vọng của người nghệ sĩ có cung điệu lai rai. Chảy dài. Rất xao xuyến. Như ý tứ/ý lời ở đời. Sau đây:

“Rồi mai, mình lang thang trên phố người,

sao mắt nhung

không nuối tiếc, khát khao đợi chờ.

Không có em, còn ai thương lá thu bay.

Còn ai vương vấn cơn say,

đời gian dối, cô đơn mình ta.

Bảo rằng “đời gian dối”. “Cô đơn” mỗi mình ta, là bảo: không có “em’, các bé chưa thành thân, hoặc thành người mà hiện hữu cùng người. Ở với đời. Thì cũng sẽ chẳng có ma nào “thương lá thu bay”. Và, cả “tình Chúa” hay tình người” cũng kém vui. Lẻ loi. Đơn độc. Và như thế, đời bạn và đời tôi cũng chẳng còn ý nghĩa. Gì nữa hết.

Phiếm Đạo chuyện cao siêu. Diệu vợi. Nhiều lý lẽ. Khúc mắc. Thâm trầm. Còn là phiếm bằng truyện kể, rất lễ mễ. Lai rai. Dài dài. Chuyện con gián rất đáng chán; hoặc con ve, rất lè nhè. Nhưng không ẹ, như sau:

“Có cô gái và thiếu niên nọ cùng bước xuống đò, đi đâu đó. Khi bà lão lái đò, chèo ra giữa sông, gã thiếu niên xích lại gần cô gái, bèn hỏi nhỏ:

-Em có muốn hôn anh không?

-Đồ nhóc con. Cô gái hét vào mặt gã.

Khi cô gái bước lên bờ, bà lãi lái đò bèn nói với gã:

-Hằng tháng, cứ vào đêm 30, cô ấy thường hay vào miếu làng khấn vái. Cô ta rất tin vào vị thần ở miếu thiêng. Nếu chú chịu núp sau tượng thần, khi thấy cô đến khấn, cứ nhảy ra rồi xưng mình là thần trụ trì ở đó, lúc ấy muốn gì cô ta cũng chiều ý hết. Gã thiếu niên làm y như lời lão bà, không sai chậy. Đúng vào đêm 30, cô gái đến miếu làng, khập đầu quỳ khấn khấn lạy lạy trong bóng tối, chẳng cần ai. Bỗng chốc gã thiếu niên giả làm thần, từ sau tượng, nhảy ra ngoài nói sang sảng:

-Ta đây, vị thần ở miếu này. Con cần chi?

Cô gái hồn vía lên mây, bèn thưa thốt:

-Con lạy thần! Lạy thần ạ. Con muốn xin thần một chuyện…

-Xin gì, thì cũng phải cưới ta làm chồng trước đã.

-Dạ thưa, con là gái còn trinh. Lấy thần, làm sao sau này lấy được chồng, và có con!

-Thôi. Không chịu lấy, thì phải cho ta ôm hôn một cái, mới được.

-Dạ. Thần dạy thế, con chẳng dám chối từ…

-Kha. Kha. Ta không phải là thần, chỉ là thằng nhóc thôi.

-Ha ha ha. Thì ta cũng đâu phải là cô gái, trinh trong gì đâu chú. Chỉ là lão bà chèo đò, có thế thôi. Ha ha ha…

Truyện kể trên, tưởng như chẳng có gì ăn nhập chuyện bạn và tôi, ta bàn định. Nhưng, người kể bao giờ cũng cứ muốn thêm thắt đôi ba lời bàn, cho có dáng. Dáng, của kinh sư, bậc thầy, hay nói chữ. Nên mới bảo: sống đạo làm người. Ở đời. Muốn chuyện gì, bao giờ cũng thế. Rất dễ. Dễ nói. Dễ phân giải.Nhưng thực hiện ý muốn, của người của mình, mới là khó. Khó, không ở chuyện nói ra. Bằng lý thuyết. Nhưng khó làm. Chí ít, là làm từ vị thế. Góc độ. Khác với người chỉ mỗi nói.

Chuyện ở đây, tưởng dễ hiểu. Dễ thực hiện. Ở đời. Và, với đời. Nhưng kỳ thực, cũng rất khó. Khó hơn cả, là khi người người sống đời hiện thực mãi cứ thấy: “đời gian dối, cô đơn mình ta.” Thấy rồi lại hát tiếp, câu nối kết. Hát rằng:

“Như ước mơ,

xin nhớ lần mình hẹn hò,

Xin cho nhau một lời rồi,

xin tình yêu hãy lên ngôi.

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Xin cho nhau một lời để tình yêu lên ngôi, còn là xin cho tình của bé em cứ mãi mãi, được đi vào trần thế. Mà hiện hữu. Có người đời thương yêu. Vĩnh cửu.

Trần ngọc Mười Hai

Vẫn cứ cầu và cứ xin để được như thế.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nhớ Rừng
Phạm Tuấn Anh
22:15 09/07/2010

NHỚ RỪNG



Ảnh của Phạm Tuấn Anh (Toronto, Canada)

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi.

Với khi thét khúc trường ca dữ dội

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng...

(Trích thơ của Thế Lữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền