Ngày 06-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Điều phi thường
Lm. Minh Anh
16:43 06/07/2024
ĐIỀU PHI THƯỜNG
“Bởi đâu ông ta được như vậy?”.

Trong “Les Misérables”, “Những Người Khốn Khổ”, J. Valjean ở tù 19 năm vì ăn cắp một ổ bánh mì. Được tự do, anh đến nhà một Giám mục, được ăn ngon và ngủ qua đêm. Tối đó, J. Valjean lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc và bị bắt. Cảnh sát giao anh cho vị Giám mục; nhưng, chỉ để nghe, “Tôi đã tặng chúng cho anh ta. Và Jean, bạn quên cái chân đèn!”. J. Valjean đã sốc; sau đó, anh thực sự ăn năn vì lòng tốt phi thường của vị Giám mục.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy nhận ra ‘điều phi thường’ giữa những gì bình thường!”. Điều phi thường vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại vẫn là Giêsu, Ngôi Lời làm người. Vậy mà, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, Ngài về thăm quê, vào hội đường, đồng hương của Ngài không đón nhận Ngài; còn hơn thế, họ xúc phạm Ngài. Họ tự hỏi, “Bởi đâu ông ta được như vậy?”.

Qua miệng Êzêkiel, Thiên Chúa phán, “Chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng!” - bài đọc một. Ngạc nhiên thay, vị ngôn sứ Êzêkiel tiên báo chính là Chúa Giêsu. Buồn thay, cuộc gặp gỡ của Ngài với người cùng quê thật đáng thất vọng! Thoạt tiên, họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan và những việc Ngài làm; nhưng sau đó, họ “vấp phạm”; đúng hơn, ‘xúc phạm’ Ngài. Họ không hiểu làm thế nào, một người họ biết rạch ròi đến thế lại có thể phi thường đến vậy! Họ để cho sự gần gũi và thân quen che phủ khả năng của một niềm tin lẽ ra phải có đối với Ngài, cùng với sự vui mừng trước Con Thiên Chúa.

“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”; “Ngài đã đến, nhưng người nhà của Ngài không tiếp nhận Ngài”. Nhà thơ Gerard M. Hopkins diễn tả chân lý này một cách tuyệt vời, “Thế giới bị buộc tội bởi sự vĩ đại của Thiên Chúa!”; “Trên một thế giới bị bẻ cong, Đức Thánh Linh vẫn ấp ủ nó với bầu ngực ấm áp và ôi, với đôi cánh rạng ngời!”. Đó là một thế giới không nhận ra ‘điều phi thường’ giữa những gì bình thường!

Tin Mừng muốn nói, Thiên Chúa có thể đến với chúng ta qua bất cứ ai - thân quen hay xa lạ - bất cứ biến cố nào. Vì thường khi, chúng ta coi những gì quen thuộc là hiển nhiên; vậy mà chúng vẫn tiết lộ những bí ẩn về sự vĩ đại và hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới. Ngài vẫn có thể tạo nên điều kỳ diệu cả trong những gì chúng ta ước nó đừng bao giờ xảy ra. Như vậy, cả nơi những con người vốn có thể gây đau đớn cho chúng ta, những người ‘không mong chờ’ nhất, thì ‘điều phi thường’ của Thiên Chúa vẫn xảy ra!

Đó là những gì Phaolô gọi là “cái dằm đâm vào thân xác”. Nhưng nhờ cầu nguyện, Phaolô nghe được, “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối!”. Lời Chúa dạy chúng ta, hãy cậy trông vào Chúa, “Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Ngài xót thương chút phận!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Bởi đâu ông ta được như thế?”. Đừng đặt câu hỏi như vậy, nhưng ngược lại! Bởi đâu tôi được Chúa thương nhiều như vậy? Rất dễ dàng, chúng ta vẫn có thể rơi vào cạm bẫy khiến Chúa Giêsu quay đi. Đã bao lần chúng ta đánh mất cơ hội không gặp được Ngài qua các biến cố, qua những con người. Và chúng ta mất ơn Chúa. Chúng ta quên rằng, chính những con người, những biến cố đó là những hồng ân chính Ngài gửi tặng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, qua những sự việc ‘tầm thường’, những con người ‘bình thường’ và cả người ‘bất thường’, cho con nhận ra ‘điều phi thường’ Chúa thương gửi trao!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 14B: VÌ SAO CHÚA GIÊSU KHÔNG ĐƯỢC ĐÓN TIẾP TẠI QUÊ HƯƠNG?
Anphong Nguyễn Công Minh ofm
17:13 06/07/2024
CN 14B: VÌ SAO CHÚA GIÊSU KHÔNG ĐƯỢC ĐÓN TIẾP TẠI QUÊ HƯƠNG?

Là người Việt Nam, phần đông chúng ta đã thường được nghe kiểu nói: “vinh qui bái tổ, vinh qui về làng”; “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”..., nhằm diễn tả một anh chàng làng quê lên kinh đô dùi mài kinh sử; nàng ở nhà tần tảo làm ăn nuôi mẹ già lại còn gửi tiền nuôi anh ăn học. Khi thành đạt, anh trở về làng, vinh qui bái tổ, dân làng lọng che cờ xí ra đón anh ngay từ cổng làng; và người nuôi anh ăn học cũng được kông kênh đón rước: hình ảnh “võng nàng theo sau”.

Cũng có một chàng thanh niên 30 tuổi “tam thập nhi lập” từ một làng quê là Nazareth, lên thành thị là Capharnaum, giảng dạy và làm nhiều phép lạ, thiên hạ tán dương, nhưng khi trở về làng (cô Thắm về làng), dân làng lạnh nhạt: đối với chàng còn lạnh nhạt huống gì là đối với người nuôi nấng chàng: Maria và Giuse : “Nào chàng ta không phải là con bác Giuse thợ mộc đó sao”?

Tại sao dân làng không đón tiếp Đức Giêsu. Ta tạm kể 4 lý do :

1. Bụt nhà không thiêng

Đó cũng là lẽ khá thường tình. Những người tứ phương thiên hạ tấp nập tuôn đến hành hương chùa này đền nọ: còn dân tại đó thì thờ ơ. Mấy ai ở quanh đây đến Tháp Bà, xin phù hộ, trong khi đó không thiếu người thập phương đến đây tham quan cũng có mà cũng không ít người thành khẩn tháp nhang khấn vái ơn này ơn nọ. Đền Bà Chúa ở Núi Sam, Châu Đốc, nhất là vào ngày tắm Bà, thiên hạ đến hứng nước để xin ơn: Ơn may mắn làm ăn, ơn chữa lành bệnh tật..., còn những người tại chỗ chỉ lo tìm cách kinh doanh, chỗ giữ xe, nơi bán can hứng nước, cho thuê chiếu để ngủ qua đêm, bán bánh mì nước ngọt, v.v… và sẵn sàng cho giá cứa cổ khi cần, chẳng sợ gì uy danh của Bà cả. “Bụt nhà không thiêng” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh” là vậy. Dân làng Nazareth gần Giêsu quá. Cận kề gần 30 năm trời, nên dễ dàng xem thường Giêsu. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Gần Chúa thì xem trời bằng vung.

2. Biết rõ nguồn gốc.

Vì cận kề với Đức Giêsu, nên biết rõ nguồn gốc, biết rõ đường đi, tông chi họ hàng, con nhà ai làm nghề gì. Giá mà con quan con tướng, làm nghề dân chi phụ mẫu, thì dân làng còn kính còn trọng, đàng này Giêsu chỉ là thợ thủ công, con bác thợ Giuse và cô thôn nữ Maria. Một sơ yếu lý lịch không mấy vẻ vang rực rỡ. Làm sao dân làng tin tưởng đón tiếp tán dương được. Cho dẫu là chàng đã thành công ở nơi khác. Thôi hãy cứ đi nơi khác mà làm ăn, ở đó họ không biết nguồn gốc ngành nghề tha hồ mà nói năng bùa phép. Mấy Việt Kiều ở bên kia làm “leo” (nail) hoặc lau cửa kính dọn nhà vệ sinh, làm sao lên mặt được bên đó? Về Việt Nam với danh Việt kiều tha hồ giật le nhiều cô bé !

Dân làng Nazareth tự hào biết rõ ngọn nguồn của Giêsu nhưng thật ra họ chưa biết hết. Gốc gác thần linh của Ngài làm sao họ biết nổi. Ngay cả các môn đồ thân tín, cũng phải đợi tới khi Ngài chết và sống lại, mới nhận ra, huống là họ, ta đừng vội trách.

3. Phần số của ngôn sứ.

“Không một tiên tri, ngôn sứ nào được đón tiếp tại chính quê hương của mình.” Đức Giêsu là ngôn sứ, nên quê hương không đón tiếp Ngài, đó là phần số, là số mệnh của ngôn sứ. “Người đến nhà của mình mà người nhà không tiếp rước…” (Ga 1,11)

Họ càng không tiếp rước, càng chứng tỏ Ngài là ngôn sứ. Trong đoạn Tin Mừng tương đương của Luca, Đức Giêsu đã viện dẫn 2 trường hợp của ngôn sứ Elia và ngôn sứ Elisê để minh chứng sự không nồng nhiệt này.

Thời Êlia hạn hán 3 năm 6 tháng. Dân Israel đói. Nhưng Êlia chỉ được đón tiếp bởi bà goá Sarepta vùng dân ngoại Sidon… để qua đó Elia làm phép lạ “hũ bột không vơi choé dầu không vợi”. Còn Elisê thì chỉ làm phép lạ chữa cho Naaman bị phong hủi, mà Naaman là người Syria dân ngoại, chứ không chữa cho người phong hủi Israel nào hết.

4. Chúa của mọi người.

Khi nghe Đức Giêsu kể ra 2 sự việc trên, dân làng Nazareth phẫn nộ. Họ chuyển từ thái độ thờ ơ đón tiếp qua thái độ trục xuất thẳng thừng và tệ hơn, còn muốn xô Người xuống vực sâu cho tan thây nát thịt. Tại sao vậy?

Vì Giêsu là người Nazareth. Lẽ ra Nazareth được hưởng những phép lạ, đàng này Giêsu không làm phép lạ, lại còn viện dẫn Kinh thánh về Elia và Elisê. Khi họ thách thức Ngài: “Tất cả những gì chúng tôi đã nghe ông làm tại Capharnaum thì hãy làm tại đây, quê ông đây này, xem nào”, thì Đức Giêsu không làm gì hết. Ngài muốn cho dân làng Nazareth biết rằng Ngài không chỉ là của ‘riêng’ họ.

Chúng ta phải luôn sáng suốt để khỏi phải rơi vào những lỗi lầm của người làng Nazareth. Chúng ta là người Công Giáo, được Rửa tội, được giáo dục trong đức tin Kitô giáo, đi nhà thờ đều đặn…. Những cái đó không cho ta quyền gì trên Thiên Chúa cả, không phải vì vậy mà Thiên Chúa phải làm cho ta cái này cái kia như xưa dân Nazareth đòi Đức Giêsu phải làm phép lạ cho họ. “Thiên Chúa là Chúa của mọi người”. Ngài không chỉ là Cha của những người Công Giáo, mà là Cha của tất cả, cả những người không biết Ngài.

Đừng giữ Thiên Chúa cho riêng mình. vì Ngài là Thiên Chúa của mọi loài thọ tạo, và Con Ngài xuống thế làm người cũng là để vì mọi người. Đó là điều ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : “Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta…”. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Kính Các thánh Tử Đạo Việt Nam_Oregon_ Bài 1
Phan Hoàng Phú Quý
16:33 06/07/2024
HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG TẠI OREGON NGÀY THỨ SÁU KÍNH LỄ CÁC THÁNHTỬ ĐẠO VIỆT NAM

Xem Hình
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần Hai, Tín ngưỡng và Văn hóa: Chương mười một
Vũ Văn An
15:12 06/07/2024
Chương mười một: Xã Hội Tạp Nham và sau đó

Vào năm 1925, một thanh niên 23 tuổi người Anh đang bơi ra biển—việc tự sát hay chỉ để giải tỏa nỗi thất vọng của mình vẫn chưa bao giờ hoàn toàn rõ ràng. Anh bị một đàn sứa cắn—khiến anh phải quay trở lại bờ. Do đó, Thiên Chúa hoặc sự sáng tạo của Người đã tha mạng cho một người đàn ông được cho là tiểu thuyết gia người Anh vĩ đại nhất của thế kỷ XX; Evelyn Waugh. Nếu Hopkins thể hiện sự nhạy cảm thi ca hiện đại đang đấu tranh với sự đau đớn và ngây ngất của cuộc sống con người, thì Waugh đưa ra một lời châm biếm giống như dùi nhọn về thế giới hiện đại nhạt nhẽo khi nó bắt đầu xuất hiện ở Anh sau Thế chiến thứ nhất. Bức chân dung của anh về thế giới đó trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên vừa tàn nhẫn vừa vui nhộn. Khi anh trở thành người Công Giáo, khoảng bốn năm sau khi toan tính tự tử, công trình của anh phần nào chuyển sang các chủ đề phong phú hơn. Nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, hầu như mọi thứ Waugh viết đều có sự kết hợp bất thường giữa lòng căm thù và tình yêu. Trong những năm đầu đời, anh được gia đình biết đến như một đứa trẻ đặc biệt hay châm biếm. Nhưng cũng trong những năm đó, anh sớm bị thu hút bởi nghi lễ tôn giáo, thậm chí còn diễn lại các nghi lễ cao cấp của Anh giáo tại nhà. Có lẽ không quá mạnh khi gợi ý rằng sau mưu toan tự tử thậm chí anh còn là anh hơn nữa: với một số khả năng châm chích đặc biệt của riêng anh, như những cuốn tiểu thuyết đầu tiên chứng thực, nhưng cũng với khuynh hướng ngày càng tăng đối với Kitô giáo — và Công Giáo, mà anh đã quyết định từ khá sớm là Kitô giáo thực sự duy nhất còn lại.



Waugh và người bạn lâu năm của ông, Graham Greene, là những tiểu thuyết gia Công Giáo đầu tiên ở Anh thực sự đề cập đến thế giới xã hội hiện đại, thế giới xuất hiện ở Anh và những nơi khác sau thảm họa của Thế chiến thứ nhất. Ngược lại, Chesterton và Belloc là sản phẩm của một thời đại xa xưa hơn. Vào thời điểm Đại chiến kết thúc, cả hai đều đã ngoài bốn mươi và đã hình thành những cuộc tranh cãi đang bắt đầu thay đổi thành một điều gì đó hoàn toàn khác. Nước Anh theo chủ nghĩa khoái lạc cuồng nhiệt của “Những điều trẻ trung tươi sáng” sau chiến tranh và sự hỗn loạn sau sự rút lui của trật tự Kitô giáo phương Tây đã tạo thành chủ đề cho các tiểu thuyết đầu tiên của Waugh. Decline and Fall {Suy thíai và Sụp đổ] (1927) và Vile Bodies [những thân xác kinh tởm] (1930) nói riêng là một trong những đại diện vui nhộn và sáng tạo nhất về “xã hội tạp nham” (1) của thế giới hiện đại. Waugh mang đến một nguồn năng lực chóng mặt, liều lĩnh cho những câu truyện này. Tên của các nhân vật là nét thiên tài hài kịch: Lady Metroland, the Countess of Circumference, Mrs. Blackwater, Mr. Outrage, Fanny Throbbing, Alastair Digby-Vaine-Trumpington, gia đình Chasm, Sir Humphrey Maltravers, Miles Malpractice, Miss Runcible, Mrs. Melrose Ape (một nhà truyền giảng Tin Mừng nữa từng viết bài thánh ca nổi tiếng “There Ain’t No Flies on the Lamb of God”) [không có con ruồi nào trên Chiên Thiên Chúa]) và v.v... Ở những tay kém cỏi hơn, kiểu châm biếm này có thể sớm nhạt đi. Nhưng Waugh có khiếu châm biếm không hề nhẹ của P. G. Wodehouse - người mà anh vô cùng ngưỡng mộ - và một điều gì đó nghiêm túc hơn bên cạnh đó.

Mặt nghiêm túc hơn là một loại kỳ lạ trong văn học Công Giáo thế kỷ XX. Nhiều người trở lại đạo đến với Giáo Hội vì một số khủng hoảng bản thân, một số ít do cảm thức về trật tự văn minh mà Belloc và Chesterton thấy đã biến mất cùng với đức tin. Waugh khá khác thường ở chỗ ý thức của anh về sự phi lý của thế giới hiện đại dường như đã có ngay từ đầu — rất lâu trước khi anh thực hiện bất cứ bước ngoặt nghiêm túc nào đối với tôn giáo, bất chấp sự hấp dẫn của tuổi trẻ đối với nghi lễ Kitô giáo. Thật vậy, có lẽ chưa bao giờ có sự kết hợp kỳ lạ như vậy giữa tình yêu trật tự và cái đẹp cùng với sự lột xác tàn nhẫn của sự hỗn loạn bên ngoài trong tất cả các tác phẩm văn học. Nhưng như Graham Greene đã quan sát một cách xuất sắc, sự châm biếm của Waugh là mặt trái của Chủ nghĩa lãng mạn của anh. Anh vô cùng thất vọng trước những gì anh thấy là xã hội Anh vào thời của anh — một xã hội mà ít nhất khi còn trẻ, anh cũng là một phần của nó — và một loại tình yêu thất vọng ẩn sau sự châm biếm man rợ. Điều tương tự cũng phần lớn đúng với tường thuật của Waugh về đời sống quân ngũ, một định chế nữa tỏ ra khác xa với những gì anh đã trải qua trong Thế chiến thứ hai. Câu chuyện hài hước mà anh cung cấp trong Sword of Honor[lưỡi gươm danh dự], một cuốn tiểu thuyết gồm ba phần có thể thực sự là tác phẩm vĩ đại nhất của anh, theo cách của nó, là lời than thở về việc thiếu phong cách hiệp sĩ và sự hy sinh mà các chiến binh, với khả năng tốt nhất của họ, có thể hiện thân.

Giống như Chesterton, Waugh bắt đầu muốn trở thành một họa sĩ. Charles Ryder, người kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết Công Giáo vĩ đại sau này của Waugh, Brideshead Revisited [thăm lại Brideshead],—không phải ngẫu nhiên—cũng là một họa sĩ. Cha của Waugh là giám đốc của một nhà xuất bản, vì vậy cậu bé Waugh đã quen thuộc với các nhân vật văn học và nghệ thuật ngay từ đầu. Sự nghiệp hội họa chưa bao giờ thực sự thành công, nhưng đôi khi - có thể là ở Oxford - Waugh đã yêu thích phong trào Pre-Raphael và các họa sĩ người Anh thuộc phong trào này. Cuốn sách đầu tiên của anh là một nghiên cứu về Dante Gabriel Rossetti, một nhà thơ nổi tiếng, dịch giả của Dante, và là một trong những ánh sáng hàng đầu trong số những người Pre-Raphael. Điều quan trọng là thị hiếu của Waugh chạy theo hướng đó hơn là hướng tới chủ nghĩa duy hiện đại trong hội họa mà lúc bấy giờ đang thịnh hành ở khắp mọi nơi. Ở Waugh, không bao giờ có cảm giác—như ở một số tác giả Công Giáo khác—rằng việc quay về với quá khứ và với Giáo hội chỉ đơn thuần là một cuộc chạy trốn khỏi hiện đại. Thị hiếu và khả năng phê bình của anh dường như đã được kết hợp ngay từ đầu: thế giới hiện đại không đưa anh đến với những người Pre-Raphael. Những bức tranh sơn dầu của họ đơn thuần, rõ ràng là tốt hơn những gì hiện đang được cung cấp. Và theo cách tương tự, anh nhìn rõ và có thể vẽ những bức chân dung sắc nét về những năm 1920 tràn đầy năng lực nhưng trống rỗng.

Decline and Fall, cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, kể về câu chuyện của Paul Pennyfeather, một sinh viên thần học Oxford bị bạn bè lột quần trong một lần uống rượu và bị đuổi khỏi trường đại học. Buộc phải tự nuôi sống bản thân, anh nhận một công việc — như chính Waugh đã làm sau khi rời Oxford — tại một trường dự bị nam sinh ở Wales, có tên gọi là Lâu đài Llanabba. (Đó là sau thất bại của Waugh trong công việc tuyệt vọng này và sau lời hứa về một công việc của C. K. Scott Moncrieff, dịch giả nổi tiếng của Proust và là người trở lại đạo Công Giáo, đã khiến Waugh có thể đã toan tự tử.) Các giáo viên đồng nghiệp của Pennyfeather là tập hợp của những con chim kỳ quặc, và toàn bộ dàn nhân vật là một tập hợp những kẻ mập mờ độc ác. Nữ hiệu trưởng, bà Beste-Chetwynde (sau này là Lady Metroland), người mà Paul đem lòng yêu thương, là một tú bà có một tổ chức gái mại dâm lớn và có lãi ở Nam Mỹ. Paul vào tù thay cho bà ta, bằng cách giả làm anh họ của bà, trước khi trở lại Oxford nơi anh theo đuổi việc nghiên cứu về Kitô giáo một lần nữa với sự ưu tiên quyết định dành cho những nhân vật ban đầu có thái độ nghiêm khắc nhất đối với những sai lệch ít nhất so với chính thống. Cuốn sách này là một thành công lớn về mặt phê bình, mặc dù Chesterton - người sau này có ảnh hưởng rất lớn đến Waugh qua cuốn Everlasting Man [Người đàn ông bất diệt] - đã viết một bài phê bình gay gắt, có lẽ không hiểu rằng đó thực sự là một tác phẩm châm biếm chống lại một hình thức xã hội mới của Anh mà ông không tiếp xúc.

Trong số những cảnh ồn ào khác nhau, có một cảnh trong đó một đại tá quân đội đã nghỉ hưu tên Grimes, để kiếm sống qua ngày, phải dạy dỗ các cậu bé, nhận được một lá thư có thể giúp ông thoát khỏi cảnh khốn cùng. Chủ một nhà máy bia địa phương viết cho ông:

Chúng tôi thuê một số du khách nào đó đi vòng quanh các nhà trọ và khách sạn khác nhau để nếm thử bia và bảo đảm rằng nó không bị pha loãng hoặc tạp nhiễm dưới bất cứ hình thức nào. Du khách nhỏ tuổi của chúng tôi, một người bạn của tôi từ Cambridge, vừa mới phát triển chứng run rẩy vì rượu (D.T.= delirium tremens) và đã phải bị đình chỉ. Lương hai trăm một năm kèm tiền xe cộ đi lại. Điều này có thu hút bạn chút nào không? Nếu vậy, bạn sẽ cho tôi biết trong vài ngày tới. Trân trọng.

Grimes quay sang Paul: “Công việc của riêng Thiên Chúa, còn của tôi là cầu xin!” (2) Nhưng giống như tất cả các nhân vật khác, ông bị hoàn cảnh trước đó ngăn cản không thoát khỏi tình trạng xuống dốc hiện tại. Không có gì ngạc nhiên khi hết trang này đến trang khác của loại phát minh này đã thuyết phục được vô số nhà phê bình rằng đây là một tài năng văn học mới xuất hiện.

Nhưng Waugh thực sự trở thành của riêng mình với cuốn tiếp theo, cuốn tiểu thuyết Vile Bodies. Trong tất cả các tác phẩm văn học, chưa bao giờ có một tác phẩm châm biếm nào dài hơn thế về cơn lốc xã hội. Nó bắt đầu với việc hầu hết các nhân vật chính băng qua Eo Biển Anh gây nôn mửa - một hình ảnh rõ ràng về sự bất ổn đang chao đảo ở nước Anh của nhóm Bright Young Things [Những điều tươi sáng trẻ trung]. Và nó kết thúc với một cuộc đua ô tô hỗn loạn, trong đó chính máy móc của những chiếc xe đua và vòng đua đầy nguy hiểm—đổ vỡ và chấn thương ở khắp mọi nơi—cho thấy cả một xã hội đang sử dụng một thành tựu kỹ thuật không có mục đích thực sự mà có lẽ đang thực sự đưa loài người xuống mương rãnh. Một số mương rãnh, thực sự. Do một sự hiểu lầm hài hước, Agatha Runcible say xỉn trở thành tài xế thay thế trong Toa 13 kém may mắn. Cô đẩy những người lái xe nghiêm chỉnh ra khỏi đường chạy và lao vào một vụ tai nạn ở một thị trấn cách xa hàng dặm—cũng như phải vào một bệnh viện tâm thần, nơi cô lặp đi lặp lại cho mình trong nỗi kinh hoàng, "Nhanh hơn, nhanh hơn".

Tất nhiên, còn nhiều điều khác vui nhộn một cách đơn giản và thẳng thừng. “Cốt truyện” chính, nếu cuốn sách có thể nói là có, là nỗ lực của Adam Fenwick-Symes - một nhà quý tộc, nhưng cũng là một nhà báo hay tán láo như một số bạn bè của ông ta - để kiếm đủ tiền cưới cô Nina Blount, một người phụ nữ nhẹ dạ giống ông ta. Trong nửa sau của câu chuyện, cô đột ngột từ bỏ Adam để đến với một người bạn thời thơ ấu, người đã kiếm được rất nhiều tiền ở nước ngoài. Họ có một mối tình chóng vánh, rồi kết hôn, rồi đáp “máy bay” đi hưởng tuần trăng mật:

Ginger nhìn ra ngoài máy bay và hét lên: “Nina, anh muốn hỏi khi em còn nhỏ, em có bao giờ phải học một điều gì đó từ một tập thơ về: 'Hòn đảo vương trượng này, trái đất uy nghi này, một điều gì đó hoặc Eden khác '? Em có biết ý anh là gì không? ‘giống người hạnh phúc này, thế giới nhỏ bé này, viên đá quý này được đặt trong biển bạc. (3)

Nàng mơ hồ nhớ rằng nó xảy ra trong một vở kịch mà nàng từng đóng: “Chà, có thể họ đã đưa nó vào một vở kịch kể từ đó. Nó ở trong một tập thơ màu xanh khi em biết nó.” Vấn đề rõ ràng là hai đại diện đặc quyền này của giai cấp thượng lưu đã giữ được cảm thức di tích—nhưng rất mơ hồ—về những dòng thơ vĩ đại nhất từng viết về đất nước của họ, “This blessed plot, this Earth, this Realm, this England” [mảnh đất diễm phúc này, trái đất này, vương quốc này, Nước Anh này] mà Shakespeare đã đưa vào Richard II.

Không có bản tóm tắt ngắn gọn nào có thể truyền tải năng lực dồn dập mà Waugh đã dùng để thực hiện tác phẩm châm biếm này. Các nhà phê bình nhận thấy rằng nó trở nên sắc nét và man rợ hơn ở giữa cuốn sách bởi vì trong cuộc đời của chính mình, anh đã trải qua một điều gì đó tương tự như những gì đã xảy ra với Adam Fenwick-Symes: cuộc hôn nhân đầu tiên của ông đột ngột kết thúc khi người vợ chung sống vài năm của ông bỏ rơi ông mà không báo trước, để đi theo một người bạn khá tồi tàn. Vile Bodies cũng chứa đựng bức chân dung tàn khốc của một linh mục đầy mưu mô, Cha Rothschild, S.J., người dường như biết tất cả mọi người và mọi âm mưu đang diễn ra; ngài cũng có một số hiểu biết tâm linh sâu sắc về cuộc khủng hoảng hiện tại: “Có lẽ tất cả đều mang tính lịch sử theo một cách nào đó? Tôi không nghĩ mọi người muốn mất niềm tin vào tôn giáo hay bất cứ điều gì khác. Tôi biết rất ít người trẻ tuổi, nhưng dường như đối với tôi, tất cả họ đều bị chiếm hữu bởi một khao khát gần như chết người về sự trường tồn. Tôi nghĩ rằng tất cả những vụ ly hôn này cho thấy điều đó. Ngày nay, mọi người không hài lòng với việc loay hoay... Họ nói, 'nếu một việc không đáng làm một cách tốt đẹp, thì nó không đáng làm chút nào.' Điều đó khiến mọi sự trở nên rất khó khăn đối với họ.” (4) Nhưng nếu Waugh không chế giễu một loại linh mục nào đó vào thời điểm này, thì chính là Giáo Hội Công Giáo cuối cùng được ông hướng tới vào năm 1930, là năm trong đó Vile Bodies xuất hiện.

Giống như nhiều người trước đó, anh tìm đến Nhà thờ Phố Farm và không ai khác mà là Cha Martin D'Arcy nổi tiếng, đã để lại một ghi chép nổi bật về cách Waugh nghe lời giảng dậy. Dĩ nhiên, anh đã tự mình đọc rất nhiều về thần học và lịch sử. Cha D'Arcy nhận xét rằng Waugh đã “bắt đầu học và hiểu điều mà anh tin là sự mặc khải của Thiên Chúa, và điều này khiến cuộc nói chuyện với anh trở thành một cuộc thảo luận thú vị chủ yếu dựa trên lý trí. Bản thân tôi chưa bao giờ gặp một người trở lại đạo nào đã dựa vào sự thật một cách mạnh mẽ như vậy.... Suy nghĩ chín chắn, rõ ràng với sự trợ giúp của ân sủng đã cho anh câu trả lời mà anh đang tìm kiếm, và người ta có thể thấy hiệu quả của nó trong các tác phẩm tiếp theo của anh.” (5 ) (Khi Waugh viết Helena, cuốn tiểu thuyết năm 1950 của ông về mẹ của Hoàng đế Constantinô, người đã phát hiện ra Thánh Giá Thật ở Palestine, anh kết luận với nhận xét rằng thánh tích Thánh Giá được chào đón "vì nó nói lên một sự kiện", và Helena được vinh danh vì "bà đã đưa ra một khẳng định thẳng thừng. Và ở đấy có hy vọng."(6) Việc người tạo ra những người trở lại đạo nổi tiếng này chưa bao giờ gặp một ứng viên nào có xu hướng thiên về sự thật như vậy đã nói rất nhiều về Waugh. Và Cha D’Arcy đã đúng khi cho rằng việc hoán cải đã ảnh hưởng đến các tác phẩm sau này của anh, mặc dù không phải cho đến khi một số tác phẩm châm biếm độc ác khác, chẳng hạn như Black Mischief, A Handful of Dust [tinh nghịch đen và nắm bụi] và Scoop, xuất hiện.

Waugh cũng đã để lại một số dấu hiệu về trạng thái tinh thần của mình vào thời điểm đó. Như đã nói ở trên, trước đó anh đã tin rằng Công Giáo là hình thức Kitô giáo “chính thống duy nhất”. Và anh nhận thức rõ ràng, có lẽ còn hơn cả Belloc vì mọi sự thậm chí còn suy tàn hơn vào thời của Waugh, rằng Kitô giáo là thành phần thiết yếu và tạo nên nền văn hóa phương Tây. Những khó khăn không nằm ở đó, mà ở nhận thức bản thân, điều mà nhiều người đã buộc tội Waugh là thiếu sót. Anh giấu kín những vấn đề bản thân, nhưng về việc trở lại đạo của mình, anh viết một cách cởi mở, “rắc rối là tôi không cảm thấy mình là Kitô hữu theo nghĩa tuyệt đối. Câu hỏi dường như là tôi phải đợi cho đến khi tôi cảm thấy điều này... hay liệu tôi có thể trở thành một người Công Giáo khi tôi ở trong tình trạng chưa hoàn thiện như vậy—và nhờ đó nhận được lợi ích của các bí tích và nhận được đức tin sau đó không?” Cha D’Arcy khuyên nên hành động một cách rõ ràng. Như Waugh đã nói, anh muốn “dù sao cũng chỉ gieo hạt giống và hy vọng nó sẽ nảy mầm”. (7)

Nó "xuất hiện" theo từng giai đoạn theo thời gian. Bên cạnh tác phẩm châm biếm, vào những năm 1930, Waugh đã viết tiểu sử về vị tử đạo Dòng Tên Thomas Campion và một loạt sách du lịch. Trong loạt sách sau, một sự khẳng định không có tính hộ giáo về tính ưu việt của nền văn minh phương Tây và Kitô giáo đã được đưa lên hàng đầu. Và sự căng thẳng đôi khi man rợ này ngày càng trở nên rõ rệt hơn trong cuộc đời của Waugh. Theo một giai thoại thường được lặp đi lặp lại, Nancy Mitford từng nói với Waugh, một người khách tại nhà của bà ở Paris, rằng bà không thể hiểu làm thế nào mà anh có thể cư xử tệ như vậy mà vẫn tự nhận là người Công Giáo. Waugh trả lời: “Bà không biết tôi sẽ tồi tệ hơn thế nào nếu tôi không theo đạo Công Giáo. Nếu không có sự trợ giúp của siêu nhiên, tôi sẽ khó mà trở thành một con người.” (8) Trong những năm sau đó, anh còn sử dụng một trợ cụ thính thị như hình kèn trumpet và người ta nói rằng thậm chí anh còn tạo dáng như một kẻ lạc lõng ghét thời đại của mình, mặc dù Graham Greene tuyên bố rằng trong những năm họ quen biết, ông chỉ một lần quan sát thấy hành vi như vậy nơi Waugh. (9)

Cho dù tác phong bản thân là chân thành hay bị lệch lạc, quan điểm của Waugh về thế giới hiện đại đã ăn sâu và được tuyên bố một cách công khai. Trong một đoạn văn nổi tiếng trong Mexico: An Object Lesson [Mễ Tây Cơ: Một bài học về đối tượng] (được xuất bản ở Anh với tựa đề Robbery under Law [Cướp bóc theo luật]), anh lên án cuộc đàn áp các Kitô hữu ở quốc gia đó, quốc gia, giống như Graham Greene, anh đã đến thăm trong một thời kỳ đặc biệt tồi tệ, và đưa ra một kiểu tuyên xưng đức tin thế tục mà anh không bao giờ dao động một cách đáng kể:

Sau đó, hãy để tôi cảnh cáo độc giả rằng tôi là một người bảo thủ khi tôi đến Mexico và mọi thứ tôi thấy ở đó đã củng cố quan điểm của tôi. Tôi tin rằng tự bản chất, con người là một kẻ lưu vong và sẽ không bao giờ tự cung tự cấp hoặc hoàn thiện trên trái đất này; rằng cơ hội hạnh phúc và đức hạnh của họ, ở đây, ít nhiều không thay đổi qua nhiều thế kỷ và nói chung, không bị ảnh hưởng nhiều bởi các điều kiện kinh tế và chính trị nơi họ sống; rằng sự cân bằng giữa tốt và xấu có xu hướng sẽ quay trở lại một quy chuẩn; rằng những thay đổi đột ngột của tình trạng thể chất thường là tồi tệ và được ủng hộ bởi những người sai lầm vì những lý do sai lầm; rằng những người cộng sản trí thức ngày nay có những cơ sở bản thân, không thích hợp cho sự đối kháng của họ với xã hội, mà họ đang cố gắng khai thác. Tôi tin vào chính phủ; rằng con người không thể sống cùng nhau mà không có quy tắc nhưng họ nên được giữ ở mức an toàn tối thiểu; rằng không có hình thức chính phủ nào được Thiên Chúa ấn định là tốt hơn bất cứ hình thức chính phủ nào khác; rằng các yếu tố vô chính phủ trong xã hội mạnh đến mức giữ hòa bình là nhiệm vụ toàn thời gian. Tôi tin rằng sự bất bình đẳng về giàu nghèo và địa vị là không thể tránh khỏi và do đó, việc thảo luận về những lợi ích của việc loại bỏ là vô nghĩa; rằng con người tự nhiên sắp xếp mình trong một hệ thống giai cấp; rằng một hệ thống như vậy là cần thiết cho bất cứ hình thức hợp tác nào, đặc biệt hơn là công việc giữ một quốc gia lại với nhau. Tôi tin vào tính quốc gia; không phải về mặt chủng tộc hay sứ mệnh thần thánh để chinh phục thế giới, mà chỉ đơn giản là: loài người chắc chắn tự tổ chức thành các cộng đồng theo sự phân bổ địa lý của nó; bằng cách chia sẻ một lịch sử chung, các cộng đồng này phát triển các đặc điểm chung và truyền cảm hứng cho lòng trung thành của địa phương; cá nhân gia đình phát triển hạnh phúc và trọn vẹn nhất khi chấp nhận những giới hạn tự nhiên này....

Một người bảo thủ không chỉ là một người duy cản trở [obstructionist],... một cái thắng đối với thử nghiệm phù phiếm. họ có công việc tích cực để làm.... Nền văn minh không có sức mạnh của riêng nó ngoài những gì nó được ban tặng từ bên trong. Nó đang bị tấn công liên tục và nó cần hầu hết năng lực của con người văn minh để tiếp tục.... Chủ nghĩa man rợ cuối cùng không bao giờ bị đánh bại; trong hoàn cảnh thuận lợi, những người đàn ông và đàn bà có vẻ khá trật tự sẽ thực hiện mọi hành vi tàn ác có thể tưởng tượng được.... Nỗ lực không ngừng là cần thiết để giữ cho mọi người chung sống hòa bình.(10)

Ba năm trước, khi đi du lịch ở Abyssinia, nơi gần đây đã bị quân đội của Mussolini chiếm đóng, anh đã ca ngợi những người Phát xít, không phải vì bạo lực của họ, mà theo đánh giá của anh, thực tế là ít nhất họ đã mang lại nền văn minh và sự trong sáng cho những nơi chỉ có sự man rợ và sự hỗn loạn ngự trị: “Dọc theo các con đường, những con đại bàng của La Mã cổ đại sẽ đi ngang qua, khi chúng đến với tổ tiên man rợ của chúng ta ở Pháp, Anh và Đức, mang theo một số thứ rác rưởi và một số trò nghịch ngợm: rất nhiều lời thô tục và một số bất hạnh gay gắt cho từng đối thủ; nhưng vượt lên trên và chiếm ưu thế hoàn toàn, là năng khiếu vô giá về tay nghề khéo léo và khả năng phán đoán rõ ràng—hai phẩm chất quyết định của tinh thần con người, mà chỉ nhờ đó, dưới sự lãnh đạo của Thiên Chúa, con người mới phát triển và thịnh vượng.” (11) Mặc dù Mussolini được rất nhiều người ở Anh ngưỡng mộ thời điểm đó vì năng lực và kỷ luật là những điều họ tin là thiếu ở đất nước của họ, đây là một cái nhìn rất Lãng mạn về sự vật, đặc biệt là từ một nhà văn rất nhạy cảm với độ sâu của sự đồi bại và phù phiếm của phương Tây — và những ảo tưởng chính trị mà chúng đã phát sinh.

Chính trong những cuốn sách xuất hiện sau Thế chiến thứ hai, đặc biệt là Brideshead Revisited Sword of Honor, Waugh đã đạt được tầm nhìn trưởng thành nhất của mình. Đặc biệt, Brideshead rất nổi tiếng và thậm chí còn được dựng thành một phiên bản video lộng lẫy vào những năm 1980, mặc dù cuốn sách sau này có thể là tác phẩm tuyệt vời hơn. Trong những câu chuyện này, Waugh nhìn lại những năm 1930 và những năm chiến tranh với sự kết hợp của những lời chỉ trích và hối tiếc. Mặc dù con mắt tinh tường của anh vẫn sẵn sàng rút ra sự hài hước đen tối từ những điều phi lý của cuộc sống ở nước Anh hiện đại, nhưng trong những câu chuyện này vẫn xuất hiện sự đánh giá cao về những gì nền văn minh đã dần dần xây dựng theo thời gian và nhận ra rằng nó có thể bị vứt bỏ dễ dàng như thế nào, thậm chí bởi những người không nông cạn và lông bông như những nhân vật trong tiểu thuyết trước đó.

Lần đầu tiên, Giáo Hội Công Giáo cũng là một lực lượng nghiêm túc trong các câu chuyện của anh, mặc dù Giáo Hội cũng có ảnh hưởng hỗn hợp. Thí dụ, trong Brideshead Revisited, Giáo Hội phần lớn được đồng nhất với Mênh phụ Marchmain, một nữ quý tộc ngoan đạo, người đã chở chồng và con trai Sebastian đi uống rượu — rồi bỏ trốn (tên họ là Flyte). Đồng thời, đạo Công Giáo này cũng có yếu tố cứu chuộc, mặc dù nó phải diễn ra trong thời gian dài và khoảng cách. Tại một điểm quan trọng của câu chuyện, Mệnh phụ Marchmain đang đọc to một trong những câu chuyện trinh thám Father Brown của Chesterton, trong đó vị linh mục giải thích cách ngài bắt được một tên tội phạm. Nhưng vấn đề cũng liên quan đến các thành viên ương ngạnh trong gia đình và mọi người nói chung. Cordelia, một trong những cô con gái của Mệnh Phụ Marchmain và—giống như con gái của Vua Lear là Cordelia—một người nói sự thật, nhớ lại tình tiết sau đó:

“Anh có biết ba đã nói gì khi trở thành người Công Giáo không?... Người nói...: ‘Bạn đã đưa gia đình tôi trở lại với đức tin của tổ tiên họ.’... Gia đình không ổn định lắm phải không? Người đã biến mất, Sebastian đã biến mất và Julia đã biến mất. Nhưng Thiên Chúa sẽ không để họ đi lâu đâu, anh biết đấy. Tôi tự hỏi không biết anh có nhớ câu chuyện Má đã kể cho chúng ta nghe vào buổi tối lần đầu tiên Sebastian say xỉn không - ý tôi là buổi tối tồi tệ đó. Cha Brown đã nói điều gì đó đại loại như ‘Tôi đã bắt được hắn’ (tên trộm) ‘bằng một cái móc vô hình và một sợi dây vô hình đủ dài để cho hắn lang thang đến tận cùng thế giới và vẫn có thể đưa hắn trở lại chỉ với một cú giật trên sợi chỉ.’” (12)

Phụ đề của cuốn tiểu thuyết, "Những Ký ức Thánh thiêng và Phàm tục của Thuyền trưởng Charles Ryder", chỉ ra chủ đề chính của câu truyện. Ryder, cái tên gợi ý một cách tinh tế về một kiểu hiệp sĩ, gặp Sebastian Flyte tại Oxford, nơi họ nhanh chóng trở thành bạn bè và thậm chí có thể là người yêu đồng tính, như nhiều người đàn ông đã làm ở Oxford của Waugh. Sebastian toát lên vẻ quyến rũ trẻ trung, và phẩm chất bản thân đó, cùng với sự sang trọng của ngôi nhà và lối sống của gia đình anh, đã quyến rũ Charles và mang đến cho anh ta một giấc mơ lãng mạn về một cuộc sống mà anh ta chưa bao giờ đoán trước là có thể hiện hữu. Tuy nhiên, sự quyến rũ và niềm tin gia đình che giấu nhiều rắc rối, đặc biệt là cách mà Ngài Marchmain đã bỏ rơi gia đình vì tội lỗi — và sau đó lấy một tình nhân ở Venice. Khi Sebastian sa vào con đường tương tự, Charles thấy mình phẫn nộ với đạo Công Giáo vì cách nó hủy hoại các cuộc đời. Nhưng tất cả những điều này chỉ là khúc dạo đầu cho một quá trình mà chính anh sẽ kết cục trong Giáo hội.

Hơn một thập niên sau Oxford, Charles đã kết hôn và có con và là một họa sĩ lâu đời chuyên vẽ những ngôi nhà lớn của nước Anh và những chủ đề an toàn khác. Nhưng anh vô cùng bất hạnh và một cách nào đó lạnh lùng hẳn với các giấc mơ anh từng ấp ủ. Sebastian là một kẻ say rượu bị lạc ở đâu đó trên vùng đất Ả Rập. Vợ của Charles không chung thủy với anh, điều này đã đưa anh đến Mexico và Trung Mỹ để tìm kiếm những chủ đề kỳ lạ nhằm kích thích trí tưởng tượng của anh. Anh trở lại với nhiều bức tranh sơn dầu đã hoàn thành, nhưng Anthony Blanche, một người đồng tính luyến ái trắng trợn nhưng có tính giải trí cao, từng là bạn ở Oxford, xuất hiện tại cuộc triển lãm của anh. Anh ta đến, anh ta nói với Ryder, để xem những gì người bạn cũ của anh ta đã làm:

“Tôi đã tìm thấy, bạn thân mến, một trò đùa thực tế rất nghịch ngợm và rất thành công. Nó khiến tôi nhớ đến Sebastian thân yêu khi anh ấy rất thích để râu giả. Và cả sự quyến rũ nữa, bạn thân mến, một sự quyến rũ đơn giản, mịn mượt kiểu Anh, chơi với những con hùm.” Tôi nói, “Bạn nói khá đúng”.

“Bạn thân mến, tất nhiên là tôi đúng. Tôi đã đúng nhiều năm trước - nhiều năm hơn, tôi rất vui được nói thế, so với những gì cả hai chúng tôi cho thấy - khi tôi cảnh cáo bạn. Tôi đưa bạn ra ngoài ăn tối để cảnh cáo bạn về sự quyến rũ. Tôi đã cảnh cáo bạn một cách rõ ràng và chi tiết về gia đình Flyte. Sự quyến rũ là tai họa lớn của người Anh. Nó không hiện hữu ở bên ngoài những hòn đảo ẩm ướt này. Nó phát hiện và giết chết bất cứ thứ gì nó chạm tới. Nó giết chết tình yêu; nó giết chết nghệ thuật; tôi vô cùng sợ hãi, Charles thân mến, nó đã giết chết bạn.” (13)

Đây là Anthony Blanche đang nói, không phải Evelyn Waugh, nhưng thật khó để không phát hiện ra ở đây một yếu tố không hiện hữu trong những cuốn sách trước đó: sự quyến rũ như một tác nhân làm chết tâm linh, một tri nhận thực sự mới lạ.

Nhưng Anthony chưa nhìn thấy tất cả. Charles gặp Julia, em gái của Sebastian, trên con tàu đi từ New York về Anh. Trong cuộc vượt biển, anh nhận ra rằng Sebastian, giống như Thánh Gioan Tẩy Giả, chỉ là người báo trước và người phụ nữ rất giống anh trai mình này, chính là tình yêu định mệnh của đời anh. Họ bắt đầu ngoại tình, và tình yêu, như mọi khi, bắt đầu dẫn dắt mọi người theo những hướng đi mới. Họ nói rằng Thiên Chúa và toàn thể nhân loại dường như dàn trận chống lại họ, nhưng họ quyết tâm giữ lấy hạnh phúc của mình bất chấp mọi sự. Trong hai năm, họ tận hưởng niềm hạnh phúc tại Lâu đài Brideshead, “không một ngày lạnh nhạt, không tin tưởng hay thất vọng”. (14) Nhưng tất cả những gì có vẻ là hòa bình—và sự mong đợi về một cuộc sống lâu dài hơn khi việc ly dị của họ hoàn tất và họ có thể kết hôn—sắp bị phá hủy để tạo ra một nền hòa bình lớn hơn.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Phi trường Nga bị đánh suốt đêm. Đại Tá thảm sát dân Ukraine bị bắt. Hậu quả khi Tư Lệnh HQ say sưa
VietCatholic Media
02:53 06/07/2024


1. Hệ thống Patriot của Mỹ bắn hạ mọi hỏa tiễn 'dao găm' của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's US Patriot Systems Down Every Russian 'Dagger' Missile”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Lực lượng không quân Ukraine tuyên bố rằng các hệ thống Patriot của Mỹ đã đánh chặn mọi hỏa tiễn Kinzhal tức là “dao găm” của Nga kể từ tháng 5.

Với sự trợ giúp của hệ thống phòng thủ hiện đại mà Zelenskiy mong muốn từ lâu, đất nước này ngày càng ngăn chặn được các cuộc oanh tạc của Nga. Hiệu quả của nó có thể sẽ tiếp tục kích thích sự khao khát của Ukraine đối với nhiều hệ thống chống đạn đạo mà họ rất thèm muốn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ukrinform, hãng thông tấn quốc gia nhà nước, Đại tá Không quân Serhii Yaremenk cho biết: “Tất cả các Kinzhal được phóng tới thủ đô Ukraine kể từ khi có thông báo rằng hệ thống phòng không Patriot được đưa vào làm nhiệm vụ chiến đấu đều đã bị đánh chặn thành công.”

“Kể từ đầu tháng 5 năm 2023, không một hỏa tiễn đạn đạo nào đạt được mục tiêu ở thủ đô của nước ta. Hơn 20 hỏa tiễn Kinzhal đã được phóng tới Kyiv và tất cả chúng đều bị đánh chặn thành công”, ông nói thêm.

Hỏa tiễn Kinzhal, có nghĩa là “dao găm” trong tiếng Nga, từng được quảng cáo là có thể thay đổi cuộc chơi đối với quân đội Nga khi bắn phá các thành phố của Ukraine.

Tuy nhiên, chúng đã không thực hiện được lời hứa ở Ukraine nhờ Hệ thống Patriot mà Zelenskiy có được.

MIM-104 Patriot được nhà thầu quốc phòng Raytheon sản xuất tại Mỹ và được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới.

Ukraine hiện đang sở hữu ít nhất hai hệ thống này, một do Mỹ tài trợ hồi tháng 5 và một do Đức và Hòa Lan hợp tác cung cấp.

Zelenskiy đã liên tục vận động để gửi thêm vũ khí chống đạn đạo công nghệ cao tới Ukraine, điều mà ông cho là cần thiết để chống lại 3.000 hỏa tiễn và bom đạn mà Nga phóng vào nước này mỗi tháng.

“ Ukraine cần bảy hệ thống – đây là mức tối thiểu,” tổng thống nói trong bài phát biểu hồi tháng Tư.

Điều này đã được thu hẹp lại so với yêu cầu trước đó là 25 hệ thống Patriot, mà Zelenskiy cho rằng cần thiết để “bao phủ hoàn toàn Ukraine”.

Vào tháng 4, Đức cam kết sẽ gửi một chiếc Patriot khác tới Ukraine, sau đó Tổng thống Biden phê duyệt triển khai hệ thống thứ hai vào tháng 6.

Vào cuối tháng 6, Rumani cũng hứa sẽ gửi hệ thống Patriot tới Ukraine, mặc dù khoản tài trợ của Bucharest bao gồm lời cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải bù đắp phần chênh lệch.

“Khoản quyên góp này được thực hiện với điều kiện nước ta tiếp tục đàm phán với các đồng minh, đặc biệt là với đối tác chiến lược của Mỹ, nhằm mục đích có được một hệ thống tương tự hoặc tương đương… Đồng thời, cần tìm giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề này, che đậy lỗ hổng từ việc chuyển giao này,” thông báo trên trang web của Tổng thống Klaus Iohannis viết.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng đã công bố gói viện trợ trị giá 2,2 tỷ Mỹ Kim để nâng cấp hệ thống phòng không của Ukraine, bao gồm cả hỏa tiễn đất đối không bổ sung cho các hệ thống Patriot hiện có của nước này.

Với thành công của họ trong việc hạn chế các cuộc oanh tạc của Nga, không có gì ngạc nhiên khi Ukraine rất cần thêm Patriot để giúp bảo vệ bầu trời của mình.

2. Căn cứ không quân Nga Primorsko-Akhtarsk bị tấn công suốt đêm

Hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Veniamin Kondratyev, Thống đốc Krasnodar Krai của Nga, tuyên bố rằng một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào thành phố Primorsko-Akhtarsk đã khiến một bé gái 6 tuổi thiệt mạng và ít nhất 5 người khác bị thương, trong đó có một trẻ em. Ukraine chưa bình luận về các cáo buộc và các tuyên bố này không thể được xác minh độc lập.

Primorsko-Akhtarsk là nơi có căn cứ không quân của Nga, nơi cả máy bay phản lực quân sự và máy bay điều khiển từ xa thường xuyên được tung ra để tấn công Ukraine.

Kondratyev cho biết cuộc tấn công diễn ra suốt đêm và có ý nhắm vào một căn cứ không quân trong vùng. Tuy nhiên, các lực lượng phòng không Nga đã bắm hạ các máy bay điều khiển từ xa và mảnh vỡ đã rơi xuống một chung cư gần đó.

Chiều Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố rằng 14 máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ trên khu vực Krasnodar Krai, là khu vực phía nam nước Nga giáp với vùng Abkhazia ở phía nam và bán đảo Crimea bị tạm chiếm ở phía Tây.

3. Chỉ huy Nga liên quan đến vụ thảm sát Bucha bị bắt vì tội tham nhũng

Hôm Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, đã loan báo việc bắt giữ Đại tá Artyom Gorodilov, vì các cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Các phương tiện truyền thông Nga cho biết Gorodilov bị bắt vào hôm Thứ Tư, 03 Tháng Bẩy, vì bị buộc tội lừa đảo số tiền ít nhất một triệu rúp hay 11.236 Mỹ Kim. Gorodilov là chỉ huy Lữ đoàn Dù cận vệ 83 ở vùng viễn đông của Nga vào thời điểm ông ta bị bắt.

Nếu bị kết án, Gorodilov có thể phải đối mặt với án tù 10 năm tù.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết tên Đại tá Artyom Gorodilov là chỉ huy quân sự hàng đầu của đám lính Nga chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Bucha.

Ông cho biết khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, Gorodilov chỉ huy Trung đoàn tấn công phòng không số 234. Trung đoàn này được phát hiện là nguyên nhân gây ra các vụ bắt bớ, hãm hiếp và hành quyết thường dân ở Bucha, ngoại ô bên ngoài Kyiv.

Một số quan chức cao cấp của Nga đã bị bắt trong những tháng gần đây vì các cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Trong vụ có thể được coi là vụ tham nhũng cao cấp nhất ở Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov đã bị bắt vào tháng 4 vì tội nhận hối lộ.

Các cuộc thanh trừng gần đây nhằm vào giới lãnh đạo quân sự cao cấp trùng hợp với việc Putin cách chức Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Sergei Shoigu, sau đó một số chỉ huy bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau.

4. Đại sứ Đức cho biết hệ thống phòng không Patriot thứ ba của Đức đã đến Ukraine

Hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Đại sứ Đức tại Kyiv, Martin Jaeger, cho biết hệ thống phòng không Patriot thứ ba mà Đức cam kết đã có mặt ở Ukraine.

Đại Sứ Jaeger cho biết “Trong những tháng gần đây, xạ thủ đoàn Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện thành công ở Đức”.

Berlin đã cam kết triển khai khẩu đội thứ ba vào tháng 4 để đáp lại lời kêu gọi của Kyiv về việc tăng cường phòng không. Ukraine đã phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng dữ dội từ trên không của Nga trong những tháng gần đây, giáng một đòn nặng nề vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Ngoài đợt giao hàng mới nhất, Ukraine còn vận hành ít nhất ba hệ thống Patriot, một do Mỹ cung cấp và hai do Đức cung cấp. Hòa Lan đã chuyển giao một số bệ phóng Patriot và cho biết họ sẽ cung cấp một hệ thống đầy đủ với sự hợp tác của một quốc gia khác.

Rumani cũng cam kết sẽ cung cấp một hệ thống cho Ukraine, mặc dù thời gian chính xác cho việc chuyển giao Patriot của Rumani và Hòa Lan vẫn chưa rõ ràng.

Mỹ, quốc gia sản xuất hệ thống Patriot và sở hữu kho vũ khí lớn nhất, cho biết họ hiện không có kế hoạch cung cấp thêm hệ thống nhưng đã ưu tiên cung cấp hỏa tiễn phòng không cho Ukraine hơn các nước khác.

Các hệ thống vũ khí tiên tiến đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bầu trời Ukraine. Chúng có khả năng bắn hạ ngay cả những tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất như Kinzhals.

5. Tư lệnh Hải quân Nga 'say sưa' bị đổ lỗi cho thất bại của Hạm đội Hắc Hải

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “'Binge-Drinking' Russian Navy Commander Blamed for Black Sea Fleet Failure”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Một chỉ huy Hải quân Nga “say sưa” đã bị đổ lỗi cho những vụ tấn công vào thành phố Novorossiysk ở Krasnodar Krai, nơi có căn cứ hải quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Sáng Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, cho biết đã xảy ra liên tiếp “các cuộc tấn công bằng thuyền điều khiển từ xa” vào thành phố nơi Nga đã di dời nhiều tàu chiến khỏi Crimea do các cuộc tấn công không ngừng của Ukraine.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Hải quân Nga bằng cách sử dụng thuyền điều khiển từ xa Magura V5 khi Kyiv nỗ lực đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Dmitri, từ War Translated, một dự án độc lập chuyên dịch tài liệu về cuộc chiến, cho biết hôm Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, rằng kênh Telegram “Battle Sailor” của Nga đã đổ lỗi cho viên chỉ huy Hải Quân Nga ở Novorossiysk, một người khét tiếng là say sưa.

Kênh này dự đoán một cuộc tấn công trong tương lai của thuyền điều khiển từ xa của hải quân Ukraine vào thành phố sẽ lại tái diễn chừng nào viên chỉ huy này chưa bị cách chức.

“Battle Sailor” cảnh cáo : “Đối phương đã tiến hành trinh sát lực lượng, có lẽ chúng ta nên mong đợi một cuộc tấn công quy mô lớn hơn”.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết hai thuyền điều khiển từ xa của hải quân đang hướng tới Novorossiysk đã bị phá hủy ở Hắc Hải. Kênh Telegram địa phương Crimea Wind đã đặt câu hỏi về phiên bản sự kiện của Mạc Tư Khoa, công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy các đám cháy bùng phát tại cảng Novorossiysk.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã di dời phần lớn hạm đội của mình từ Crimea đến Novorossiysk và đến cảng hải quân ở Feodosia xa hơn về phía đông trên bán đảo bị sáp nhập vào tháng 10 năm 2023.

Ukraine cho đến nay đã vô hiệu hóa 1 phần 3 Hạm đội Hắc Hải quý giá của Putin, theo Dmytro Pletenchuk, cựu phát ngôn viên Hải quân Ukraine.

6. Đại tá Nga bị buộc tội vắng mặt vì ra lệnh tấn công cơ sở hạ tầng dân sự

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Artem Dekhtiarenko, phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết SBU đã buộc tội vắng mặt Đại tá Nga Ivan Panchenko vì đã ra lệnh tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở miền đông Ukraine.

SBU cáo buộc rằng Panchenko, chỉ huy Trung đoàn Hàng không Tiêm kích 159 thuộc Quân khu phía Tây của Nga, đã ra lệnh không kích vào nhiều mục tiêu khác nhau dọc theo mặt trận phía đông.

Panchenko bị cáo buộc đã ra lệnh không kích vào Bảo tàng Tưởng niệm Văn học Quốc gia Hryhoriy Skovoroda ở Skovorodynivka, Kharkiv - một tổ chức không nằm gần các mục tiêu quân sự. Bảo tàng đã bị phá hủy một phần ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 5 năm 2022.

Sau vụ tấn công, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã lên án vụ tấn công vào nhà của một người “đã dạy mọi người thế nào là thái độ Kitô giáo đích thực đối với cuộc sống và làm thế nào một người có thể nhận biết chính mình”. Người được Tổng thống Zelenskiy đề cập đến là Skovoroda, một nhà thơ được công nhận rộng rãi ở Ukraine.

Theo SBU, lực lượng Nga đã sử dụng chiến đấu cơ Su-35 bắn hỏa tiễn Kh-35 tấn công bảo tàng. Một nhân viên của bảo tàng bị thương nặng trong vụ tấn công.

Bằng chứng do SBU tổng hợp cho thấy Panchenko tiếp tục ra lệnh không kích vào nhiều khu vực khác nhau của Ukraine.

Panchenko bị buộc tội theo nhiều điều khoản của Bộ luật Hình sự Ukraine liên quan đến “vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh”.

7. Cuộc phỏng vấn giữa Tucker Carlson và Zelenskiy: Kyiv nói rằng không có cuộc phỏng vấn nào được đồng ý

Như chúng tôi đã đưa tin, một tin tức gây kinh ngạc loan nhanh trên thế giới do chính Tucker Carlson tung ra là anh ta đã được Tổng thống Zelenskiy dành cho một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, ngay sau đó, Phủ Tổng Thống Ukraine đã đưa ra một thông báo cho biết tin tức này là ngụy tạo từ A đến Z.

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết thêm chi tiết trong bài tường trình nhan đề “Tucker Carlson versus /vớ sầy/ Zelenskiy: Kyiv says no interview agreed”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Văn phòng của Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm phủ nhận rằng tổng thống Ukraine đã đồng ý trả lời phỏng vấn ký giả người Mỹ Tucker Carlson.

“Tổng thống Ukraine có một lịch trình hoàn toàn khác và Tucker Carlson không có mặt trong lịch trình đó,” phát ngôn viên của tổng thống Sergii Nykyforov cho biết vào chiều thứ Năm, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tin tức do Carlson đưa ra.

Lời phủ nhận của Ukraine được đưa ra sau khi Carlson cho biết vào buổi sáng cùng ngày rằng anh ta đã trò chuyện với Zelenskiy. “Có vẻ như chúng tôi sắp có cuộc phỏng vấn với Zelenskiy,” ông thông báo trên mạng xã hội.

Carlson nói: “Chúng tôi đã cố gắng trong hai năm và với cường độ đặc biệt sau cuộc phỏng vấn Putin vào tháng 2”. “Mục đích là mang đến cho người Mỹ những thông tin rất cần thiết về cuộc xung đột đang định hình lại hoàn toàn vị thế của đất nước họ trên thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có.”

Vào tháng 2, Carlson - cựu người dẫn chương trình Fox News, người đã rời mạng lưới trong bối cảnh tranh cãi gay gắt vào năm 2023 - đã công bố một cuộc phỏng vấn dài hai giờ với Putin, trong đó Putin có một đoạn độc thoại dài về lịch sử Nga và chế nhạo Carlson về nỗ lực thất bại của anh ta nhằm gia nhập CIA.

Một tuần sau, Putin tiết lộ trên truyền hình nhà nước Nga rằng ông ta “không hoàn toàn hài lòng” với cuộc phỏng vấn vì ông mong đợi những câu hỏi khó hơn từ nhà báo.

Ukraine đã cố gắng chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Putin trong hơn hai năm nay và bình luận của Carlson về cuộc xung đột thường phản ánh các quan điểm của Điện Cẩm Linh.

8. Máy bay điều khiển từ xa Ukraine tấn công nhà máy thuốc súng ở Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các máy bay điều khiển từ xa “kamikaze” của Ukraine do tình báo quân sự Ukraine điều hành đã tấn công một nhà máy thuốc súng ở thị trấn Kotovsk thuộc tỉnh Tambov của Nga.

Các kênh Telegram của Nga đã chia sẻ một đoạn video có nội dung cho thấy khói bốc lên sau vụ nổ xảy ra trên lãnh thổ của nhà máy.

Maksim Yegorov, thống đốc tỉnh Tambov, tuyên bố rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ cả hai máy bay điều khiển từ xa. Như thường lệ, ông ta cho biết không có thương vong, nhưng không cho biết những chi tiết liên quan đến thiệt hại vật chất.

Nhà máy thuốc súng Tambov là một trong những cơ sở công nghiệp lớn nhất ở Nga chuyên sản xuất đạn dược cho quân đội, bao gồm cả thuốc súng cho đạn vũ khí nhỏ.

Sản lượng của nó được cho là đã tăng lên một phần ba kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Nhà máy được đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ vào năm 2023.

Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công nhà máy vào Tháng Giêng và tháng 11 năm ngoái.

Lực lượng Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Nga, nhắm vào các tài sản quân sự, nhà máy lọc dầu và cơ sở công nghiệp.

9. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Nga vào Thứ Hai, 8 Tháng Bẩy

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Nga vào Thứ Hai, 8 Tháng Bẩy, văn phòng thủ tướng và Điện Cẩm Linh xác nhận vào ngày 4 Tháng Bẩy.

Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Modi tới Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine. Năm 2022, Modi gặp Putin vào tháng 9 năm 2022 tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan.

Theo Điện Cẩm Linh, ông Modi và Putin sẽ thảo luận về “triển vọng phát triển hơn nữa mối quan hệ thân thiện truyền thống Nga-Ấn Độ, cũng như các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực”.

Trang web chính thức của Thủ tướng Modi cho biết chuyến thăm sẽ bao gồm các cuộc đàm phán về “toàn bộ mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu hiện đại cùng quan tâm”.

New Delhi kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến của Nga chống Ukraine nhưng đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mạc Tư Khoa. Ấn Độ trở thành một trong những khách hàng mua dầu chính của Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, mặc dù áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ ngày càng đe dọa hoạt động thương mại này.

Trong khi Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine vào tháng 6, ông Modi đã không đích thân tham dự và đại diện của Ấn Độ cuối cùng cũng không ký vào thông cáo chung.

Modi cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ chúc mừng Putin tái đắc cử vào tháng 3 sau một cuộc bỏ phiếu được nhiều người coi là không tự do và công bằng.

10. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Rostov gây hỏa hoạn lớn

Hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 10 máy bay điều khiển từ xa trên vùng Rostov.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng sau một đêm tấn công dồn dập, một số máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã đánh trúng mục tiêu gây ra hỏa hoạn lớn.

Kênh tin tức Telegram của Nga Astra sau đó đã đăng tải những hình ảnh về địa điểm tấn công chìm trong biển lửa.

Tỉnh Rostov giáp Ukraine ở phía đông nam. Báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trong khu vực, đặc biệt nhắm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ địa phương, đã gia tăng vào mùa xuân năm 2024.

Đầu tháng này, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở thành phố Morozovsk ở tỉnh Rostov đã gây ra hỏa hoạn và gián đoạn nguồn điện địa phương.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ và khí tài quân sự của Nga.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo hôm 4 Tháng Bẩy, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga đánh cắp các tài nguyên của Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Các nguồn tin chính phủ Ukraine từ lâu đã nhấn mạnh việc Nga đánh cắp tài nguyên của Ukraine từ các khu vực mà nước này xâm lược. Các mỏ quặng sắt, than đá, titan, uranium, mangan, vàng và lithium đều có mặt ở Ukraine, đó là những nguồn tài nguyên hầu như chắc chắn Nga rất thèm muốn; nhưng đó cũng là những mục tiêu tiềm năng khi Nga tìm cách nghiền nát nền kinh tế Ukraine, bằng cách ngăn chặn Ukraine tiếp cận và đồng thời phá hủy cơ sở hạ tầng.

Một trong những lý do Nga tìm cách cải thiện mạng lưới giao thông ở các vùng Ukraine bị tạm chiếm là vì Nga muốn khai thác thêm khoáng sản của Ukraine. Quan chức xâm lược của Nga ở khu vực Zaporizhzhia trước đây tuyên bố rằng việc nâng cấp và xây dựng các tuyến giao thông đường bộ và hỏa xa liên tục tới Nga sẽ cải thiện các tuyến liên lạc không chỉ cho hậu cần quân sự mà còn cho xuất khẩu ngũ cốc và khoáng sản.

Phía nam Dniprorudne thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraine, Nga tiếp tục hoạt động khai thác, vận chuyển quặng sắt bằng hỏa xa. Xe lửa đi qua Crimea, qua cầu Kerch vào Nga. Hoạt động này không phải là không có rủi ro; vì các đoàn tàu phải di chuyển qua các khu vực được tường trình có hoạt động của quân du kích Ukraine; và họ đã từng nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công.

12. Tổng thống Biden giơ tay Kamala Harris để thể hiện sự đoàn kết sau khi các nhà tài trợ, và các cử tri nổi loạn. Ông sẽ không rút lui nhường cho Kamala Harris

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Biden Raises Kamala Harris' Hand in Show of Unity as Donors, Voters Revolt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Tổng thống Joe Biden thừa nhận đã mắc “sai lầm” trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn mới.

Ông đã phải đối mặt với những lời kêu gọi rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống từ một số đảng viên Đảng Dân chủ sau cuộc tranh luận, trong đó ông có vẻ khàn khàn và dường như lẩm bẩm một số câu trả lời, gây ra mối lo ngại rất lớn của một số cử tri và các nhà tài trợ về tuổi tác của ông.

Ít nhất đã có 20 thành viên Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ yêu cầu Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc tranh cử và nhường cho phó tổng thống Kamala Harris, là người mà họ tin rằng có khả năng cao hơn trong việc đánh bại cựu Tổng thống Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn mới với người dẫn chương trình phát thanh Milwaukee Earl Ingram, Tổng thống Biden cho biết ông “không có một cuộc tranh luận thú vị” nhưng ông chắc chắn sẽ không rút lui, và tin rằng ông “sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này”.

“Tôi đã có một đêm tồi tệ. Và sự thật của vấn đề là tôi đã làm hỏng việc. Tôi đã phạm sai lầm”, ông nói.

Sau cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Joe Biden đã giơ tay của Phó Tổng thống Kamala Harris trên Ban công Truman của Tòa Bạch Ốc để thể hiện sự đoàn kết trong màn bắn pháo hoa Ngày Độc lập vào tối Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy.

Sự kiện ngày 4 tháng 7 diễn ra khi các nhà tài trợ và cử tri đảng Dân Chủ tiếp tục phản đối chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden sau màn tranh luận của tổng thống với cựu Tổng thống Donald Trump vào tuần trước.

Hiện tại, một số cuộc thăm dò cho thấy 75% cử tri Đảng Dân chủ, cho rằng Tổng thống Biden, 81 tuổi, đã quá già để tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Các đảng viên Đảng Dân chủ nổi tiếng đã kêu gọi Tổng thống Biden từ chức hoặc bày tỏ lo ngại về khả năng tranh cử của ông.

Phó tổng thống Harris được nhiều người coi là người có khả năng tốt nhất để đánh bại cựu Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 trong số các ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ.

Ngoài ra, một số nhà tài trợ lớn, bao gồm cả người đồng sáng lập Reddit và Người thừa kế của Disney cho biết họ sẽ không quyên góp cho chiến dịch Tổng thống Biden trừ khi ông được thay thế bằng người khác.

13. Nhân ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo về 'Điềm báo nội chiến'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Issues 'Premonition of Civil War' Warning to US on 4th of July”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh thân cận của Vladimir Putin, đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc tới Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 7. Ông ta cho rằng có những điểm tương đồng giữa cuộc Nội chiến Hoa Kỳ và bầu không khí chính trị hiện nay ở Mỹ, gợi ý về “điềm báo cho một cuộc nội chiến mới”.

Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, thừa nhận tầm quan trọng của Ngày Độc lập ở Mỹ nhưng sau đó so sánh Nội chiến Mỹ với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Medvedev, 58 tuổi, đã gây chú ý trong suốt cuộc chiến ở Ukraine vì những lời chỉ trích thường xuyên trên mạng xã hội, từ kêu gọi tấn công hạt nhân vào các thành viên NATO cho đến những gợi ý rằng Mạc Tư Khoa không có lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Medvedev chỉ trích sự can dự của phương Tây vào cả hai cuộc xung đột, ví sự ủng hộ của Anh và Pháp dành cho Liên minh miền Nam giống như sự hỗ trợ ngày nay của các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ đối với Ukraine.

“Bọn ngoại bang khốn kiếp Anh, Pháp đã can thiệp trắng trợn, để mong miền Nam thắng lợi. Khi đó, họ ủng hộ các chủ nô ra sao thì ngày này họ cũng ủng hộ Kyiv của Đức Quốc xã như thế.”

Bình luận của Medvedev được đưa ra sau các cam kết của Mỹ và các đồng minh nhằm tài trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Tại cuộc họp khoáng đại của nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, vào tuần trước, các quốc gia thành viên đã đồng ý sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho khoản vay 50 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine.

Thông điệp của Medvedev đặc biệt gây khó chịu cho người Mỹ khi so sánh bạo chúa Vladimir Putin với Abraham Lincoln; và cho rằng có những điểm tương đồng giữa hành động của Putin ở Ukraine và nỗ lực của Lincoln nhằm bảo vệ Liên minh.

Chính trị gia Nga, người có các bài đăng trên Telegram được cho là trùng hợp với việc giao rượu đến nhà ông, cũng tuyên bố rằng cơ quan tuyên truyền của Tòa Bạch Ốc đang cố gắng hết sức để tìm ra những điểm tương đồng lịch sử giữa Tổng thống Zelenskiy với các nhân vật như Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill, nhưng ông đã bác bỏ những nỗ lực này là vô nghĩa.

Ông gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden là “một ông già miệng há hốc, khó đứng thẳng”, cho thấy khả năng nhận thức của ông đang suy giảm và ông có thể phải ngồi xe lăn để cầm quyền do sức khỏe kém.

Về Zelenskiy, ông nói rằng Tòa Bạch Ốc đang cố gắng ví Ukraine với Anh trong trận Blitz năm 1940-41. “Họ tuyên bố người đàn ông nhỏ bé với đôi mắt đỏ ngầu, gian xảo mặc chiếc áo kaki tồi tàn là Churchill mới.”

“Này, các bạn người Mỹ! Bắt chước Trump của các bạn, tôi kêu gọi các bân hãy làm cho nước Nga vĩ đại trở lại!”

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên quy mô lớn, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.
 
Oanh liệt: Ukraine nổ tung tuyến hỏa xa Bắc Hàn-Nga. FBI: 10 triệu USD cho ai chỉ điểm người Nga này
VietCatholic Media
16:16 06/07/2024


1. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bác bỏ thỏa thuận đổi đất của Ukraine lấy hòa bình

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO’s Stoltenberg rules out Ukraine land-for-peace deal”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Sáu, 05 Tháng Bẩy, nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ những lời kêu gọi ngày càng tăng ở Mỹ nhằm buộc Ukraine phải từ bỏ đất đai hoặc tư cách thành viên NATO trong tương lai để đổi lấy việc nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh.

Tổng thư ký NATO cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng ta không thể có Minsk 3”, đề cập đến các thỏa thuận hòa bình thất bại trước đó giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv. “Không có dấu hiệu nào cho thấy Putin… sẵn sàng đàm phán vì hòa bình.”

Hai thỏa thuận Minsk – được ký vào năm 2014 và 2015 với sự tham gia mạnh mẽ của Đức và Pháp – nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập lần thứ nhất của Nga vào Ukraine vào năm 2014. Trong năm 2014, Nga đã sáp nhập trái phép Crimea và sau đó gây ra xung đột ở miền đông Ukraine bằng cách sử dụng sự kết hợp giữa những kẻ kích động và quân đội Nga cộng với những người dân địa phương bất mãn.

Thỏa thuận Minsk áp đặt lệnh ngừng bắn và cho phép tự trị ở các vùng phía đông Ukraine, nhưng ở Kyiv, nó được coi là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga đối với trật tự hiến pháp của Ukraine. Nó chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ.

Nga đã hủy bỏ thỏa thuận này vào năm 2022, khi nước này tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Nhiều chính trị gia ở Mỹ được tường trình đang vạch ra kế hoạch khiến Kyiv từ bỏ nỗ lực tái chiếm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát và vô hiệu hóa tư cách thành viên tương lai của nước này trong NATO để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình với Nga.

Nhà độc tài Nga tháng trước đã đưa ra điều kiện để chấm dứt chiến tranh: Kyiv sẽ phải công nhận chủ quyền của Nga đối với 4 khu vực của Ukraine mà Mạc Tư Khoa đã sáp nhập trái phép; Ukraine sẽ phải bảo vệ quyền lợi của những người nói tiếng Nga; Ukraine sẽ phải “phi phát xít hóa” - nghĩa là thành lập một chính phủ mới - và sẽ phải hạn chế quy mô quân đội cũng như vũ khí hạng nặng của mình.

Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine phải đầu hàng, là điều mà Kyiv bác bỏ.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine trả lời: “Sẽ không có sự thỏa hiệp nào về độc lập hoặc toàn vẹn lãnh thổ”.

Tổng Thư Ký Stoltenberg đã chỉ ra những hành vi trước đây của Mạc Tư Khoa để biện minh cho việc Kyiv không thể đồng ý với các điều kiện hòa bình do phe Trump đưa ra.

“Chúng ta đã từng chứng kiến kiểu hành vi hung hăng của Nga chống lại Ukraine. Chiến tranh không bắt đầu vào năm 2022, nó bắt đầu vào năm 2014 khi người Nga lần đầu tiên sáp nhập trái phép Crimea, sau đó vài tháng, tiến vào phía đông Donbas, đồng ý ngừng bắn - với Minsk 1 - vi phạm điều hiệp ước đó, tiếp tục tấn công, thậm chí xa hơn về phía tây, đồng ý Minsk 2 đã chờ đợi bảy năm, rồi phát động một cuộc tấn công toàn diện và thậm chí còn cướp được nhiều hơn thế”, Stoltenberg nói.

“Những gì chúng ta thực sự cần bây giờ là một điều gì đó đáng tin cậy, nơi chiến tranh dừng lại và Nga ngừng gây hấn, và do đó khi giao tranh kết thúc, chúng ta cần an ninh, chúng ta cần tạo điều kiện cho người Ukraine ngăn chặn, nhưng chúng ta cũng cần một số hình thức bảo đảm an ninh cho Ukraine,” ông nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Đức dpa, ông Stoltenberg, người sẽ từ chức vào tháng 10, cho biết ông hy vọng sẽ thấy Ukraine gia nhập liên minh trong thập niên tới. Ông nói: “Tôi thực sự hy vọng Ukraine sẽ là một đồng minh”.

Tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ là một vấn đề trong hội nghị thượng đỉnh liên minh diễn ra vào tuần tới tại Washington, trong khi các đồng minh vẫn đang tranh luận về yêu cầu của Kyiv về một đề nghị trở thành thành viên “không thể đảo ngược”.

2. Du kích tuyên bố phá hoại tuyến hỏa xa Nga vận chuyển đạn dược của Bắc Hàn

Hôm Thứ Bẩy, 06 Tháng Bẩy, các nhóm du kích Ukraine tuyên bố đã phá hoại thành công một tuyến hỏa xa gần thành phố Yekaterinburg của Nga, ngăn chặn các đoàn tàu được sử dụng để vận chuyển đạn dược của Bắc Hàn.

Nhóm du kích ATESH cho biết hoạt động này được thực hiện trên tuyến hỏa xa xuyên Siberia ở phía đông Dãy núi Ural.

Theo các blogger quân sự Nga các nhà báo đã bị ngăn không cho tiếp cận hiện trường và việc sửa chữa chỉ được phép thực hiện sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đến thăm.

Nhóm ATESH nói thêm: “Và chúng tôi muốn nhắc bạn một lần nữa rằng hỏa xa sẽ còn phát nổ thường xuyên hơn nếu đạn dược được vận chuyển dọc theo nó”

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Thân Nguyên Thục (Shin Won-sik) cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 14 Tháng Sáu rằng Bắc Hàn đã gửi container sang Nga có thể chứa tới 4,8 triệu quả đạn pháo.

Với việc kho quân sự của Nga sắp cạn kiệt do phải sử dụng rộng rãi ở Ukraine, Bắc Hàn đã và đang trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Nga.

Phong trào ATESH tuyên bố hoạt động ở cả các khu vực bị tạm chiếm ở Ukraine và bên trong nước Nga.

Tuần trước, họ tuyên bố một trong những điệp viên của họ đã xâm nhập thành công vào một căn cứ không quân của Nga và thực hiện các hoạt động phá hoại.

Hôm 22 tháng 6, nhóm này cho biết họ đã trinh sát phi trường Baltimore ở Voronezh, cách biên giới với Kharkiv khoảng 220 km về phía đông bắc và là nơi có Trung đoàn máy bay ném bom cận vệ 47 của Nga.

Hình ảnh và video kèm theo bài đăng cho thấy một số máy bay đã bị hư hại, trong đó có một máy bay trực thăng và máy bay ném bom chiến đấu Su-34, là loại máy bay mà Nga thường sử dụng để phóng hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine.

“ Ở một số nơi, người Nga hiện có những điều bất ngờ đang chờ đợi họ,”

Ngày 12 Tháng Sáu, nhóm này cho biết một trạm liên lạc vệ tinh của Nga đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công phá hoại ở tỉnh Mạc Tư Khoa.

Trong một video do những người ủng hộ Atesh đăng trên Telegram, người ta nhìn thấy một đặc vụ Atesh đang đổ chất lỏng dễ cháy lên vệ tinh liên lạc R-441 Liven. Trạm liên lạc sau đó được nhìn thấy bốc cháy.

Vụ việc được cho là xảy ra ở quận Klin của tỉnh Mạc Tư Khoa – cách thủ đô Nga khoảng 85 km về phía tây bắc.

3. FBI treo thưởng 10 triệu Mỹ Kim cho ai bắt được hacker Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “FBI Offers $10 Million Reward for Capture of Russian Hacker”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Giám đốc FBI Christopher A. Wray cho biết:

FBI đã treo giải thưởng trị giá 10 triệu Mỹ Kim cho ai bắt được một hacker người Nga, kẻ được cho là đã tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của chính phủ Ukraine trước cuộc xâm lược năm 2022.

Amin Timovich Stigal là một hacker 22 tuổi đến từ Grozny, Cộng hòa Chechen.

Trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 2 năm 2022, Stigal bị cáo buộc đã thực hiện “các cuộc xâm nhập máy tính nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine”.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết: “Bị cáo đã âm mưu với tình báo quân sự Nga vào đêm trước cuộc xâm lược bất công và vô cớ của Nga vào Ukraine để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào chính phủ Ukraine và sau đó nhắm vào các đồng minh của họ, bao gồm cả Hoa Kỳ.”

Theo tài liệu của tòa án, Stigal cùng với cơ quan tình báo quân sự của Nga, đã sử dụng dịch vụ của một công ty không được nêu tên có trụ sở tại Hoa Kỳ để tấn công “nhiều mạng lưới của chính phủ Ukraine”, bao gồm Bộ Ngoại giao, bộ tài chính và Bộ Năng lượng của nước này.

Những kẻ âm mưu đã lây nhiễm các máy tính trên các mạng này bằng cách sử dụng nhu liệu độc hại được cộng đồng an ninh mạng gọi là WhisperGate, mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gọi là “vũ khí mạng được thiết kế để tiêu diệt hoàn toàn máy tính mục tiêu và dữ liệu liên quan”.

Stigal và các cộng sự của anh ta trong chính phủ Nga cũng sử dụng nhu liệu độc hại tương tự để xâm nhập vào máy tính của “cơ quan chính phủ liên bang ở Maryland” và vào tháng 8 năm 2022, đã tấn công cơ sở hạ tầng giao thông của một “quốc gia Trung Âu đang hỗ trợ Ukraine”.

Vào ngày 25 tháng 6, Stigal bị bồi thẩm đoàn Maryland truy tố tội âm mưu “hack và phá hủy” hệ thống máy tính và dữ liệu ở Ukraine và ở Mỹ.

Mối liên hệ của anh ta với vụ tấn công cũng đã khiến Stigal có một vị trí trong danh sách Truy nã gắt gao nhất của FBI và cơ quan tình báo hiện đang treo giải thưởng 10 triệu đô la cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ anh ta.

Newsweek đã nói chuyện với Madeline Carr, giáo sư chính trị toàn cầu và an ninh mạng tại Đại học College Luân Đôn, về cuộc tấn công mạng của Stigal.

Theo Carr, bản chất “phá hoại” của cuộc tấn công – không có “động cơ lấy tiền chuộc” thường đòi hỏi kỹ thuật tinh vi hơn – khiến cô tin rằng cuộc tấn công có bản chất là ý thức hệ.

Theo gợi ý của Carr, Stigal cũng đã xóa giao diện các trang web của chính phủ bị xâm nhập để phát tán thông điệp: “Người Ukraine! Mọi thông tin về bạn đều bị công khai, hãy lo sợ và mong chờ điều tồi tệ nhất. Điều này là dành cho quá khứ, hiện tại và tương lai của bạn.”

Carr cũng bình luận về việc Nga sử dụng Stigal, một cá nhân không liên quan đến chính phủ và lúc đó vẫn còn là một thiếu niên, để giúp tiến hành các cuộc tấn công mạng.

Cô nói rằng trên thực tế, việc sử dụng các “nhà thầu phụ” trong các cuộc tấn công mạng như vậy là một thông lệ khá phổ biến ở các quốc gia.

Carr nói: “Hầu hết các quốc gia sử dụng một số hình thức nhà thầu phụ… cho các hoạt động tình báo và quân sự. “Nhân viên an ninh mạng có tay nghề cao rất đắt tiền và không thường xuyên bị thu hút vào các nơi làm việc trong khu vực công nên việc thuê ngoài là điều khá bình thường.”

Carr đưa ra ví dụ về Edward Snowden, người từng làm nhà thầu tình báo cho Cơ quan An ninh Quốc gia khi anh ta làm rò rỉ các tài liệu mật tiết lộ các chương trình giám sát toàn cầu của cơ quan này.

Linda Zecher, Giám đốc điều hành của công ty An ninh mạng IronNet, nói với National Security News rằng cuộc tấn công của Stigal là một dạng tấn công mạng “cổ điển và hiệu quả cao” từ một quốc gia thù địch. Cô nói thêm rằng Nga đang “hợp đồng với các tác nhân bên ngoài để thực hiện chiến tranh mạng một cách hiệu quả”.

Vào tháng 6, một bài nghiên cứu của một trường Đại học Thụy Sĩ đã phác thảo những cách mà Trung Quốc sử dụng giới trẻ hiểu biết về dữ liệu để củng cố các chiến dịch mạng do nhà nước điều hành.

Bằng cách sử dụng các lỗ hổng nhu liệu được phát hiện trong các “cuộc thi hack” do chính phủ tổ chức, đồng hóa các cựu hacker chuyên nghiệp vào kho vũ khí an ninh mạng của Bắc Kinh và hợp tác với những tài năng hàng đầu từ các trường đại học của quốc gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra một “hệ sinh thái” hack bao gồm cả các khu vực công và tư nhằm tăng cường các cuộc tấn công chống lại các quốc gia và tập đoàn phương Tây.

Gián điệp mạng cũng nổi lên như một mặt trận quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Vào tháng Giêng, nhà lãnh đạo Cơ quan an ninh mạng của Ukraine lúc bấy giờ là Illia Vitiuk cho biết tin tặc Nga đã xâm nhập vào hệ thống của công ty viễn thông Kyivstar, một trong những nhà khai thác mạng chính của nước này.

Vitiuk nói rằng cuộc tấn công đã phá hủy “hầu hết mọi thứ”, bao gồm hàng ngàn PC và máy chủ tại Kyivstar, và phương Tây nên coi đây là một lời cảnh báo.

Vitiuk nói với Reuters: “Cuộc tấn công này là một thông điệp lớn, một lời cảnh báo lớn, không chỉ đối với Ukraine mà cả thế giới phương Tây phải hiểu rằng không ai thực sự là không thể chạm tới”.

4. Hung Gia Lợi hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức Baerbock sau những chỉ trích về chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Orbán

Hôm Thứ Bẩy, 06 Tháng Bẩy, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Hung Gia Lợi đã hủy chuyến thăm dự kiến của cô tới Budapest, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích chuyến đi của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán tới Mạc Tư Khoa.

Orbán đã gặp Putin vào ngày 5 tháng 7 trong chuyến thăm đột ngột tới Mạc Tư Khoa, diễn ra vài ngày sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện.

Thủ tướng Đức tuyên bố: “Viktor Orbán đang đến thăm Putin với tư cách là Thủ tướng Hung Gia Lợi. Về chính sách đối ngoại, Hội đồng Âu Châu được đại diện bởi Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, chứ không phải là Viktor Orbán bất chấp Hung Gia Lợi vừa đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Âu Châu vào ngày 1 Tháng Bẩy.”

“Lập trường của Liên Hiệp Âu Châu rất rõ ràng: chúng tôi lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Ukraine có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của chúng tôi”, Thủ tướng Scholz nói thêm.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel cũng nói rằng Hung Gia Lợi “không có nhiệm vụ hợp tác với Nga thay mặt Liên Hiệp Âu Châu”.

Orbán cho biết vào ngày 5 tháng 7, ông đã thảo luận về tình hình ở Ukraine với Putin và nhận thấy rằng quan điểm của Ukraine và Nga về cuộc xâm lược toàn diện cũng như triển vọng hòa bình là “rất xa nhau”.

Tại Kyiv, Orbán kêu gọi Zelenskiy xem xét lệnh ngừng bắn để “đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình” và nói rằng mặc dù các sáng kiến hòa bình của Ukraine rất đáng ngưỡng mộ nhưng chúng lại “mất quá nhiều thời gian”.

Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ihor Zhovkva cho biết Zelenskiy nghe Orbán nhưng lặp lại quan điểm “rõ ràng, dễ hiểu và nổi tiếng” của Ukraine. Kyiv đã tuyên bố rằng việc tạm dừng chiến sự sẽ chỉ tạo cơ hội cho Nga tập hợp lại lực lượng của mình.

Chuyến thăm Kyiv và Mạc Tư Khoa diễn ra trong bối cảnh Ukraine tiếp tục phải đối mặt với tình thế khó khăn trên chiến trường. Nga tiếp tục gây áp lực lên Ukraine trên mặt trận, phát động một cuộc tấn công mới ở tỉnh Kharkiv và dần dần tiến vào thị trấn trọng điểm Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk.

Budapest đã nhiều lần phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu cũng như tìm mọi cách ngăn chặn các lệnh trừng phạt đối với Nga, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực viện trợ của phương Tây cho Ukraine và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa trong suốt cuộc chiến toàn diện.

5. Đồng minh Ukraine chỉ trích Viktor Orbán về cuộc triều yết Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Allies Slam Viktor Orbán Over Putin Meeting”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chuyến thăm không báo trước của Thủ tướng Hung Gia Lợi và là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh Âu Châu mới đảm nhận Viktor Orbán tới Nga vào thứ Sáu đã làm dấy lên làn sóng lên án từ các đồng minh Âu Châu của Ukraine.

Orbán đã gặp Putin vào sáng thứ Sáu để thảo luận về các đề xuất hòa bình cho cuộc chiến đang diễn ra của Mạc Tư Khoa ở Ukraine. Chuyến thăm, một phần trong cái mà Orbán gọi là “sứ mệnh hòa bình” của ông, diễn ra chỉ ba ngày sau khi ông có chuyến đi tới Kyiv và kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xem xét ngừng bắn.

Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ vẫn là đồng minh mạnh mẽ của Ukraine, gửi vũ khí và thiết bị đến nước này đồng thời trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Trong khi đó, Orbán được nhiều người coi là có mối quan hệ thân thiết nhất với Putin trong số các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu và đã cố gắng ngăn chặn các nỗ lực của Liên Hiệp Âu Châu nhằm hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, trong một bài đăng gần đây trên X, ông kêu gọi bỏ “những tranh chấp trong quá khứ lại phía sau” đồng thời thừa nhận mối quan hệ căng thẳng của mình với Ukraine.

Chuyến thăm Nga của Orbán đã vấp phải sự chỉ trích công khai từ một số quan chức Liên Hiệp Âu Châu, những người nhấn mạnh rằng ông không đại diện cho quan điểm của đất nước họ hoặc Liên Hiệp Âu Châu.

Một quan chức Liên Hiệp Âu Châu nói với Newsweek trong một email hôm thứ Sáu, “Thủ tướng Orbán không thông báo về bất kỳ chuyến đi nào tới Mạc Tư Khoa. Đã có rất nhiều nỗ lực nhằm thiết lập liên lạc và xác nhận các báo cáo về việc Thủ tướng Orbán có thể đến thăm Nga nhưng đều không thành công.”

Quan chức này tiếp tục, “Nếu Thủ tướng Orbán yêu cầu, chủ tịch Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel sẽ khuyến nghị mạnh mẽ không nên có chuyến thăm như vậy”.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cáo buộc Orbán “lợi dụng” vị trí chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu kéo dài 6 tháng mới của ông, mà ông đảm nhận vào ngày 1 tháng 7, “để gieo rắc sự nhầm lẫn” bằng cuộc gặp với Putin.

“Liên Hiệp Âu Châu đoàn kết, rõ ràng đứng sau Ukraine và chống lại sự xâm lược của Nga,” Kallas, người được đề cử vào cuối tháng 6 làm nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại tiếp theo của Liên Hiệp Âu Châu, cho biết như trên.

Josep Borrell, nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, đã làm rõ trong một thông cáo báo chí hôm thứ Sáu rằng chuyến thăm của Orbán “chỉ diễn ra trong khuôn khổ quan hệ song phương giữa Hung Gia Lợi và Nga” và không phản ánh lập trường của Liên Hiệp Âu Châu.

Thông báo cho biết thêm, “Orbán chưa nhận được bất kỳ ủy quyền nào từ Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu để đến thăm Mạc Tư Khoa” và “Do đó, Thủ tướng Hung Gia Lợi không đại diện cho Liên Hiệp Âu Châu dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân của Trưởng ban Âu Châu Eric Mamer cũng nói về cuộc gặp của Orbán với Putin, nói rằng ủy ban không biết gì về chuyến thăm và chuyến đi “không được phối hợp với chúng tôi”.

Trước đó cùng ngày, Orbán thừa nhận trong một bài đăng trên X rằng ông không thể chính thức hành động thay mặt Liên Hiệp Âu Châu trong cuộc họp ở Mạc Tư Khoa này, đồng thời viết, “Ngay cả khi Chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Âu Châu không có nhiệm vụ đàm phán thay mặt cho Liên Hiệp Âu Châu, chúng tôi không thể ngồi lại và chờ đợi cuộc chiến kết thúc một cách kỳ diệu. Chúng tôi sẽ đóng vai trò là công cụ quan trọng trong việc thực hiện những bước đầu tiên hướng tới hòa bình. Đây chính là sứ mệnh hòa bình của chúng tôi. “

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cũng nằm trong số những người lên án chuyến thăm. Cô nói: “Sự xoa dịu sẽ không ngăn cản được Putin. Chỉ có sự đoàn kết và quyết tâm mới có thể mở đường cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine.”

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng việc Orbán sử dụng quyền chủ tịch luân phiên để đến thăm Nga là “vô trách nhiệm và không trung thành”.

“Nó gửi tín hiệu sai tới thế giới bên ngoài và là một sự xúc phạm đối với cuộc đấu tranh vì tự do của người dân Ukraine,” Kristersson viết trên X. “Viktor Orbán đứng một mình trong việc này. Ông ấy không phát ngôn cho Liên minh Âu Châu và không đại diện cho các Nguyên thủ quốc gia hoặc Chính phủ Liên Hiệp Âu Châu khác.”

Petr Fiala, thủ tướng Cộng hòa Tiệp cho biết trên X rằng Orbán “không đại diện cho lợi ích của chúng tôi hoặc Liên Hiệp Âu Châu ở Mạc Tư Khoa.”

Ông nói thêm: “Lập trường của Tiệp rất rõ ràng: Putin là kẻ xâm lược, chúng tôi sát cánh cùng Ukraine”.

6. Kuleba nói việc tiêu diệt máy bay ném bom Nga ngăn cản bước tiến của Nga trên chiến trường

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với hãng truyền thông LRT rằng việc phá hủy các máy bay ném bom chiến đấu của Nga và bổ sung kho đạn dược sẽ giúp Ukraine ngăn chặn bước tiến của Nga trên chiến trường.

Theo Kuleba, xu hướng Nga dần dần xâm lược lãnh thổ Ukraine có thể đảo ngược, nhưng nó “rất khó khăn” và cần “nhiều quyết định”.

Ông nói tiếp: Hai giải pháp then chốt là tiêu diệt máy bay Nga cả trên mặt đất và trên không, đồng thời bảo đảm đủ lượng đạn pháo để chống lại lực lượng Mạc Tư Khoa.

“Sức mạnh của không quân Nga thực sự là một điểm yếu đối với lực lượng bộ binh của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng lý do chính dẫn đến thành công của Nga chỉ đơn giản là số lượng bom dẫn đường vô tận được thả xuống lực lượng bộ binh của chúng tôi”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường chống lại Ukraine chỉ trong tuần qua.

Bom dẫn đường trên không là loại vũ khí được dẫn đường chính xác, có tầm bắn ngắn hơn hỏa tiễn nhưng chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều. Các loại vũ khí này được phóng từ máy bay trong lãnh thổ Nga, ngoài tầm bắn của phòng không Ukraine.

Bộ trưởng nói thêm: “Ngay khi chúng tôi giải quyết được mối đe dọa từ các cuộc oanh tạc từ trên không, các vị trí trên mặt đất của chúng tôi sẽ được củng cố và Nga sẽ rất khó tiến lên”.

Trong những tuần gần đây, chiến tuyến tích cực Nga-Ukraine đã mở rộng khi giao tranh dữ dội tiếp tục diễn ra ở các khu vực Pokrovsk và Toretsk, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết hôm 2 Tháng Bẩy.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Tổng tham mưu, quân đội Nga cũng đang cố gắng tấn công vào các khu vực Kharkiv, Kupiansk, Lyman, Siversk, Kramatorsk, Kurakhove, Vremivka, Orikhiv và Prydniprovia ở phía đông và phía nam Ukraine.

7. David Lammy được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “David Lammy appointed as UK foreign secretary”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nghị sĩ Đảng Lao động David Lammy đã được bổ nhiệm làm ngoại trưởng mới của Vương quốc Anh.

Lammy, người đại diện cho đơn vị Tottenham trong quốc hội, đã theo dõi bản tóm tắt các vấn đề đối ngoại hàng đầu từ đảng đối lập của ông kể từ năm 2021.

Thủ tướng mới của Vương Quốc Anh Keir Starmer đã được bổ nhiệm sau khi đảng của ông giành chiến thắng áp đảo được nhiều người dự đoán trước Đảng Bảo thủ của Rishi Sunak vào tối Thứ Năm, 04 Tháng Bẩy.

Các vấn đề mà Lammy sẽ phải giải quyết bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và xung đột ở Gaza - vấn đề sau này ảnh hưởng lớn đến một số kết quả tổng tuyển cử ở Vương Quốc Anh.

Nhà ngoại giao hàng đầu mới của Anh cho biết ông muốn theo đuổi một chương trình nghị sự “kinh tế học an toàn” khi nhậm chức, trong đó liên quan đến việc cân bằng các mục tiêu chính sách đối ngoại với an ninh kinh tế. Tránh những cú sốc chuỗi cung ứng sẽ là tên của trò chơi.

Ông cũng nói về những tham vọng tương tự khi nói đến mối quan hệ của Vương quốc Anh với Liên Hiệp Âu Châu – đặt ra kế hoạch đàm phán một thỏa thuận an ninh với khối bao gồm các lĩnh vực như an ninh khí hậu và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Là nghị sĩ từ năm 2001, Lammy trước đây đã học tại Đại học Harvard trước khi làm luật sư.

Ông thay thế David Cameron, cựu thủ tướng Anh giai đoạn từ 2010 đến 2016, người đã nghỉ hưu chính trị trước khi quay lại đảm nhận công việc ngoại giao hàng đầu vào tháng 11 năm ngoái.

8. Kuleba nói chuyện với tân ngoại trưởng Anh

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng mới của Vương Quốc Anh, David Lammy, vào ngày 5 tháng 7, chúc mừng ông đã “phụ trách ngoại giao Vương quốc Anh”.

“Tôi biết ơn người đồng cấp của mình vì đã tái khẳng định sự hỗ trợ chắc chắn của Vương quốc Anh dành cho Ukraine trong mọi lĩnh vực,” ông nói hôm Thứ Bẩy, 06 Tháng Bẩy. “Chúng tôi đã thảo luận về các bước tiếp theo trong quan hệ song phương và cũng đặc biệt chú ý đến Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Washington. Bộ trưởng ngoại giao đã chấp nhận lời mời của tôi tới thăm Ukraine.”

Lammy trở thành tân ngoại trưởng Vương quốc Anh vào ngày 5 tháng 7 sau chiến thắng vang dội của Đảng Lao động trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này.

Trong chuyến thăm Kyiv vào tháng 5, Lammy lúc bấy giờ đã thề sẽ duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine và nói rằng nhà độc tài Nga Vladimir Putin đại diện cho một “chủ nghĩa phát xít mới ở Âu Châu”.

Nói về cuộc bầu cử sắp tới, ông nói thêm: “Thông điệp... tôi mang đến là có thể có sự thay đổi chính phủ ở Anh trong năm nay nhưng sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi nhằm sát cánh cùng người dân Ukraine”..”

9. Lãnh đạo Hồi giáo Karachay-Cherkessia của Nga tuyên bố lệnh cấm tạm thời phụ nữ Hồi Giáo mặc niqab

Hội Đồng Hồi Giáo Karachay-Cherkessia, một nước cộng hòa của Nga ở Bắc Caucasus, đã công bố lệnh cấm tạm thời việc mặc niqab, một ngày sau khi Hội Đồng Hồi Giáo Dagestan công bố lệnh cấm tương tự.

Thông tấn xã Tass của nhà nước Nga cho biết: “Cơ quan quản lý tâm linh của người Hồi giáo ở Karachay-Cherkessia coi việc mặc niqab trong điều kiện hiện đại ở Nga là bị cấm cho đến khi các mối đe dọa khủng bố được loại bỏ và một ý kiến thần học mới được ban hành”.

Dagestan công bố lệnh cấm vào ngày 3 tháng 7 sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 23 tháng 6 khiến 22 người thiệt mạng.

Thông báo này được đưa ra sau tuyên bố sau khi Alexander Bastrykin, nhà lãnh đạo Ủy ban Điều tra Nga, cho rằng cuộc tấn công ở Dagestan là công việc của “những kẻ khủng bố Hồi giáo” và kêu gọi Nga cấm niqab, một loại trang phục dành cho phụ nữ che kín toàn bộ khuôn mặt của người mặc, ngoại trừ đôi mắt.

Đề nghị của Bastrykin đã gây ra phản ứng từ Ramzan Kadyrov, hung thần của Chechnya, người nói rằng quan chức này nên “cực kỳ cẩn thận” khi đổ lỗi vụ tấn công cho người Hồi giáo.

Karachay-Cherkessia giáp Krasnodar Krai ở phía tây, Stavropol Krai ở phía bắc, Cộng hòa Kabardino-Balkarian ở phía đông và Georgia ở phía nam.