Ngày 03-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bùng cháy cho các linh hồn
Lm. Minh Anh
00:00 03/07/2022

BÙNG CHÁY CHO CÁC LINH HỒN
“Các con hãy đi!”; “Thầy sai các con như chiên con đi vào giữa bầy sói”.

J. Wesley nói, “Nhiệt tình mà không có kiến thức thì như chạy trong bóng tối. Như Chúa Giêsu, bạn hãy để trái tim ‘bùng cháy cho các linh hồn’, và người ta sẽ đến để thấy bạn cháy sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Người ta sẽ đến để thấy bạn cháy sáng!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, ngày Tạ Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu, cho thấy ngọn lửa tình yêu đối với các linh hồn trong trái tim Thiên Chúa cháy sáng! Lửa ấy thật mãnh liệt và vô giới hạn. Hãy chiêm ngưỡng sự đói khát các linh hồn của Ngài vốn khắc khoải, sao cho lửa ấy ngày càng cháy sáng, ‘bùng cháy cho các linh hồn!’.

Với các linh hồn, qua bài đọc thứ nhất, Isaia cho thấy sự chăm chút của Thiên Chúa, “Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con”. Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, thánh Phaolô qua bài đọc hai cũng thốt lên với tín hữu Galata, “Nguyện ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em!”. Để từ đó, bao tâm hồn biết ca ngợi tôn vinh Danh Chúa tới muôn đời, Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ tâm tình hân hoan, “Cả trái đất, nào tung hô Thiên Chúa!”.

Với bài Tin Mừng, những thao thức của Chúa Giêsu bộc lộ cách cụ thể hơn, Ngài nói, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Hãy chiêm ngắm cơn đói của Chúa Giêsu, cơn đói mang lại sự cứu rỗi cho vô ngần vô lượng các linh hồn như một cánh đồng bạt ngàn lúa chín, vốn xem ra vượt quá sức người mà cần có sức Trời, “Hãy xin Chủ Mùa sai thợ ra gặt lúa về!”. Tình yêu nồng cháy, lôi kéo của trái tim Ngài dành cho các linh hồn phá vỡ mọi rào cản của một vị Thiên Chúa; Ngài muốn làm sao ‘nhân lên sự hiện diện’ của Ngài trên thế giới, mọi lúc mọi nơi. Điều đó cũng dễ hiểu, trái tim Ngài đang bị thiêu đốt, ‘bùng cháy cho các linh hồn’ bởi những nhu cầu không bao giờ cạn kiệt của muôn triệu sinh linh mà Ngài mong mỏi cứu chuộc. Chính Ngài cũng đã nói, “Thầy đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy những ước mong cho lửa ấy cháy bùng lên!”.

Chúa Giêsu những ước mong lửa mến yêu đó bùng cháy lên trong tâm hồn chúng ta! Nhưng trước hết, “Hãy xin Chủ Mùa sai thợ ra gặt lúa về”; vì lẽ, việc sai đi cũng như việc ‘gặt lúa’ thuộc về Thiên Chúa và trong sức mạnh của Ngài. Tiếp đến, chính “Các con hãy đi!”; “Thầy sai các con như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Sau khi dạy cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, Ngài sai chúng ta đi, dù rất khó khăn như chiên đi vào giữa sói. Hình ảnh mạnh mẽ này tiết lộ rằng, sứ mệnh Ngài trao không phải là điều chúng ta có thể tự mình làm được. Sẽ không tốt khi một chiên non đi vào giữa sói… trừ khi người chăn chiên ở ngay bên cạnh nó. Sứ mệnh đòi hỏi một sự can đảm lớn lao, nhưng không thể hoàn thành nó nếu không có Ngài. Tin cậy Chúa, vốn là một trong những điều khó làm nhất trong đời; ngay cả việc tin cậy Ngài, cũng không phải là điều chúng ta có thể tự động làm được, nó đòi hỏi một sự đầu phục và quyết tâm liên tục khi chúng ta được mời gọi ngày càng cam kết sâu sắc hơn để có thể ‘bùng cháy cho các linh hồn’.

Anh Chị em,

“Các con hãy đi!”; “Thầy sai các con như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Chúa Giêsu sai các tông đồ đi, không một hứa hẹn sẽ thuận tiện dễ dàng, nhưng báo trước những gì thật phũ phàng. Thế mà, các ông vẫn đi; và suốt hai ngàn năm, vẫn có những con người tiếp tục ra đi, dẫu thời cuộc chẳng sáng sủa hơn. Chính Chúa Giêsu, vị “Tông Đồ Tiên Khởi” cũng đã bước vào trần gian như thế. Bởi một tình yêu ‘bùng cháy cho các linh hồn’ mà Ngài chấp nhận sinh ra trong đồng, lớn lên ngoài đường và chết treo trên đồi. Cũng bởi tình yêu ấy mà Giáo Hội luôn có những con người tiếp tục ra đi, và Chúa Giêsu có thể tiếp cận nhiều linh hồn hơn, băng bó nhiều trái tim hơn, chữa lành nhiều người bệnh hơn. Ngày nay, đến lượt chúng ta, Chúa cũng sai chúng ta đi. Điều quan trọng trước hết là phải cầu nguyện để chạm được lửa tình yêu đang cháy trong tâm hồn Ngài; nhờ bén chính ngọn lửa đó, chúng ta bùng cháy lửa tình yêu trong lòng mình. Để từ đó, ra đi, dấn thân vì hạnh phúc và sự sống đời đời cho linh hồn của tha nhân.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để trái tim con có thể ‘bùng cháy cho các linh hồn’, xin cho con biết phải sống làm sao để có cho mình một chỗ trong trái tim của ‘từng linh hồn!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 04/07: Ký Thác sẽ mang lại niềm bình an – Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:04 03/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với các môn đệ ông Gio-an, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo choàng của Người, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa!” Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông ồn ào. Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.

Đó là lời Chúa
 
Cuộc Đời Là Lời Chào Chúc Bình An
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:17 03/07/2022
Cuộc Đời Là Lời Chào Chúc Bình An

Chúa Nhật 14 TN C 2022

Trong những ngày này, có lẽ bản tin thời sự mỗi ngày được mọi người theo dõi, săn đón với cả lo âu phập phồng lẫn hy vọng ước mơ… đó chính là “bản tin chiến sự Ukraina”; và có lẽ hơn ai hết, những người mẹ, những người vợ, những em thơ, những người lính… của các gia đình trên mọi nẻo đường đất nước Uknaina, và cả tại nhiều nơi của nước Nga, đang mong mỏi một tin vui, đang chờ một tin mừng đó là tin hòa bình, là tin bình an.

Vâng, bình an để không còn nghe tiếng bom rền, đạn réo, hỏa tiển rơi…; bình an để thôi cảnh chết chóc thương đau, hoang tàn đổ nát; bình an để người với người tay bắt mặt mừng, nhìn nhau như bạn hữu, anh em…. Chính người dân Việt chúng ta cũng đã trải qua một thời khát khao và chờ đợi tin vui hòa bình, tin mừng bình an như thế mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng khắc họa qua những lời ca đi cùng năm tháng:

Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo

Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu

Chờ hòa bình đến, chờ tiếng bom im

Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn

Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền

Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong

Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh

Chờ khô nước mắt, chờ đá reo ca

Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà

Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ …(ca khúc “Chờ nhìn quê hương sáng chói”)

Và bình an cũng chính là nội dung sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, 14 C; vì chưng, cả ba Bài đọc đều nhắc tới sứ điệp nầy, nội dung nầy:

- Bài đọc 1 với lời hiệu triệu của ngôn sứ Isaia vang lên thuở dân Israel bị lưu đày trong đau thương và nước mắt: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ…”

- Bài đọc 2 với lời huấn dụ của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi cho cộng đoàn Galat khi ngài chia sẻ về cảm nghiệm niềm hạnh phúc bình an được thuộc về thập giá Đức Kitô trên những bước đường loan báo Tin Mừng: Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa…

- Bài Tin Mừng Luca với mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu dành cho 72 môn đệ; một mệnh lệnh tông đồ phổ quát cho toàn thể Kitô hữu mà sứ điệp và cũng là tin vui đầu tiên và quan trọng nhất cần được loan báo và chuyển tải đến cho con người đó chính lời chào chúc “bình an”: Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’…

Quả thật, tin bình an chính là tin cần thiết nhất, quan trọng nhất, giá trị nhất cho thế giới, cho cuộc sống con người muôn nơi muôn thuở, hôm qua cũng như hôm nay… Vì thế, không lạ gì, gắn liền với việc loan báo “Tin Mừng trọng đại” Con Chúa xuống thế làm người, các sứ thần đã ca vang sứ điệp bình an: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,10-14). Và cũng hoàn toàn hợp lý khi Đức Kitô Phục sinh trao ban lời “chào chúc bình an” cho các Tông đồ, một quà tặng tuyệt vời mà Ngài đã gặt hái được qua hành trình thập giá; và Ngài cũng muốn các môn sinh tiếp bước Ngài để trao cho thế giới: “Bình an cho các con” (Lc 24,36; Ga 20, 19-20).

Thế nhưng “bình an” cũng có nhiều thứ…

Cách đây 2000 năm, nhiều người Do Thái, sau khi chứng kiến các dấu lạ: nào kẻ què đi, kẻ điếc nghe, phung cùi được lành sạch, kẻ chết được hoàn sinh, ma quỷ bị trục xuất, được ăn no nê trong hoang mạc … đã chắc mẩm: hạnh phúc đây rồi, bình an đây rồi, đế quốc Rôma hết thời rồi, vương quyền Israel được phục hồi rồi…; Đấng Mêsia đã trở về trong uy quyền và chiến thắng đây rồi; phải đặt Ngài lên làm vua thôi ! (Ga 6,14-15).

Thế nhưng, tất cả “tin vui” hừng hực đó đã đổ sập, nhường chỗ cho một thất vọng lênh láng với tin buồn lan ra khắp nẻo Giêrusalem: Giêsu Nadarét bị đóng đinh thập giá.

Vâng, họ tìm kiếm nơi Đức Kitô một thứ “tin vui”, một thứ “bình an”, một niềm hy vọng mang đầy chất trần tục nên họ thất vọng hoàn toàn với “biến cố đồi Sọ”, với “nẻo đi thập giá”…

Tuy nhiên, cũng chính từ “nỗi đau thập giá”, chính từ “Con Người bị treo lên” đã mang lại một niềm bình an sâu thẳm cho tên trộm bị đóng đinh ăn năn sám hối khi lãnh nhận niềm hy vọng thiên đàng: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,42).

Nói cách khác, niềm vui đích thực, sự bình an đích thực mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta phải nhờ và qua chính Con Một của Ngài; điều đó đồng thời cũng có nghĩa là phải đi qua “nẻo đường thập giá”, phải được trổ sinh từ “mảnh đất của khổ nạn”.

Đó chính là sự “bình an” được trao ban từ Đấng sống lại từ cõi chết, là Tin Mừng được loan báo bởi những kẻ đã sống, đã loan báo và trải nghiệm chính “con đường thập giá của Đức Kitô”, như chứng từ của Tông Đồ Phaolô để lại cho chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Galata nơi bài đọc 2 hôm nay: “Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”.

Và một khi có được sự bình an của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải trở thành tông đồ của tin vui, của sự bình an. Đó chính là sứ mệnh mà Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, cho 72 môn đệ mà trích đoạn Tin mừng Luca hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’…”.

Lời chào chúc đó gói ghém tất cả sứ vụ tông đồ của người Kitô hữu: Vâng chúng ta phải là tông đồ của sự bình an, và sự giải thoát, là những chứng nhân cho niềm hy vọng về một thế giới mới, một triều đại mới của tình yêu, chân lý và ân sủng.

Tuy nhiên, “quà tặng bình an” của Kitô giáo không là “gậy gộc, bao bị, lương thực, tiền bạc, áo xống” (Lc 9, 3) hay “túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4), những thứ mà Đức Kitô căn dặn phải bỏ lại chứ đừng mang theo. Cái cần mang theo chính là sự đơn giản khó nghèo: “Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58); là sự “chọn lựa việc Chúa” và mau mắn lên đường: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 60); là niềm tin yêu phó thác và sự dứt khoát cho sứ mệnh: “Ai đã cầm cày mà ngó lại phía sau thì không xứng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62)…

Đứng trước một thế giới mà “sự giàu có thế gian”, mà “phương tiện trần tục”, mà “cám dỗ tiền bạc hay quyền lực”… đang được “đặt lên bệ thờ”, thì sứ điệp “lên đường” hôm nay của Lời Chúa quả là một sự “lội ngược dòng” đúng nghĩa. Tuy nhiên, người Kitô hữu với tư cách là một “tông đồ” sẽ không có một chọn lựa nào khác. Bởi vì Đức Kitô là “đường, sự thật, sự sống. Không ai đến được với Cha” nếu không đi qua nẻo đường nầy ! (Ga 14,6).

Và như thế, cuộc sống của mỗi người Kitô hữu hay việc thực thi sứ mệnh truyền giáo luôn được khắc họa thành một lời chào chúc bình an; bình an trong ánh mắt, nụ cười; trong vui tươi sẻ chia phục vụ; trong lặng lẽ hy sinh, quên mình; trong thân tình gặp gỡ, hiệp thông…

Vâng, hôm nay, tôi sẽ ra đi từ bàn tiệc Thánh Thể nầy và mang theo “lời chào chúc bình an” như thế cho mọi người xung quanh. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:08 03/07/2022

19. Tôi chỉ có một mong đợi, chính là đến được trên đỉnh núi cao của tình ái.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 03/07/2022
101. CHẾT BIẾN THÀNH QUỶ.

Nguyễn Tuyên Tử không tin có quỷ thần.

Có người cho rằng người chết sẽ biến thành quỷ, Nguyễn Tuyên Tử bác bỏ, nói:

- “Từ xưa đến nay, người nhìn thấy quỷ đều nói quỷ mặc y phục khi còn sống, nếu sau khi chết người biến thành quỷ thì áo quần cũng sẽ biến thành quỷ”.

(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 101:

Người vô thần thường kênh kênh cái mặt lên trời cười kiêu ngạo khi thấy người công giáo đi lễ nhà thờ, hoặc thấy người Phật giáo đi thắp hương ở các chùa chiền, nhưng tự tâm họ vẫn luôn cầu cho mình được bằng an !

Người hữu thần nói: có thế giới thần thiêng, có trời, có phật.

Người công giáo nói: có một Thiên Chúa hằng hữu, có linh hồn và có thưởng phạt đời sau.

Nếu không có đời sau thì sẽ không có một Thiên Chúa công bằng, chính trực; nếu không có đời sau, thì Đức Chúa Giê-su sẽ không xuống thế làm người chịu nạn chịu chết; nếu con người chết đi rồi chấm hết thì những lời dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su là không đáng tin cậy và những việc lành mà chúng ta làm đều lãng phí và vô ích...

Nhưng Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại, để cho nhân loại thấy rằng: có sự sống đời sau, tức là có một thiên đàng vĩnh viễn và một hỏa ngục đời đời, để bày tỏ sự yêu thương và rất công bằng của Thiên Chúa đối với con người...

Là người Ki-tô hữu, cũng có những lúc tôi đã sống như người vô thần không tin có Thiên Chúa hiện hữu, tôi vẫn cáo gian cho người khác, tôi vẫn kiêu căng khoác lác với mọi người, vẫn gian tham, vẫn đắm mê trong dục vọng đê hèn của chính mình, và trở thành gương mù cho những người chung quanh tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu thương là làm cho sống
Lm. Minh Anh
22:22 03/07/2022

YÊU THƯƠNG LÀ LÀM CHO SỐNG
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”.

Một nhà tu đức nói, “Nếu bạn sống trong nghĩa địa quá lâu, bạn sẽ ngừng khóc khi ai đó chết! Cũng thế, nếu bạn sống trong ích kỷ quá lâu, bạn sẽ làm cho người khác ‘bớt người’ hơn, khi bạn yêu họ; đang khi với Chúa Giêsu, yêu thương là nâng cao, ‘yêu thương là làm cho sống!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Yêu thương là làm cho sống!’, Thánh Vịnh đáp ca và hai bài đọc hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã yêu theo cách đó. Ngài nhân ái, thành tín, và yêu thương, vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”.

Qua miệng ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa sánh mình như một người chồng của dân Ngài; Ngài hứa hôn với dân, “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu; Ta sẽ lập hôn ước trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương!”. Chính Chúa Giêsu, hiện thân tuyệt vời của một Thiên Chúa làm người, cũng đã thể hiện trọn vẹn tình yêu tín trung này. Trong các Phúc Âm, Ngài từng ví mình là chàng rể; Phaolô gọi Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài, Đấng bày tỏ tình yêu của một Đức Lang Quân hiến mình đến chết trên thập giá. Từ kinh nghiệm sống, chúng ta biết, tình yêu đích thực luôn chết đi cho mình để mang lại sự sống cho người được yêu.

Điều này tuyệt đối đúng nơi Chúa Giêsu. Tình yêu của Ngài mang lại cho những ai Ngài gặp gỡ khả năng để sống một cuộc sống viên mãn ở mức độ cao nhất. Tin Mừng hôm nay đan xen bởi hai con người được Chúa Giêsu cứu sống; một đứa bé khoảng 12 tuổi đã chết, và người phụ nữ hơn 12 năm băng huyết; Ngài trả lại sự sống cho cả hai. Bằng cách đó, Chúa Giêsu cho thấy, tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết. Vì thế, cả khi cái chết đến, chúng ta cũng sẽ đứng dậy khi thông phần vào Sự Sống Phục Sinh của Ngài. Tuy nhiên, ngay ở phía bên này của cái chết, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm sự sống yêu thương từ Chúa Giêsu; đó là sự hiện diện của Ngài qua Thánh Thể, qua Lời Chúa và qua tha nhân, mà trong họ, Ngài đang sống.

Như người phụ nữ, chúng ta có thể tiếp cận và chạm vào sự hiện diện của Chúa Giêsu ở đây và lúc này. Khác với sự công khai của viên trưởng hội đường, hành trình đến với Ngài của phụ nữ này là một hành trình rất riêng tư, bà đến ‘từ phía sau’. Bằng bất cứ cách nào khi đến gần Chúa, chúng ta sẽ thấy, Ngài luôn ở đó để tiếp nhận chúng ta. Nếu phó mình cho Ngài với đức tin của người phụ nữ, và đức tin của viên trưởng hội đường, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện chữa lành và cứu sống của Ngài; bởi lẽ, với Ngài, ‘yêu thương là làm cho sống!’. Với người phụ nữ, Ngài nói, “Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu con!”.

Anh Chị em,

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Một định nghĩa thoạt nghe, có vẻ xa lạ về một Đấng Vô Hình; thế nhưng, lại trở nên cụ thể tuyệt vời, có thể thấy được, sờ được nơi con người Giêsu, trong hình hài của một phàm nhân! Ngài đến “cho trần gian được sống và sống dồi dào!”. Quả vậy, Chúa Giêsu không chỉ nắm lấy tay đứa bé để nó sống lại rồi lại chết; cũng không chỉ cho người phụ nữ chạm vào tua áo để được lành sạch, cao hơn thế bội phần! Ngài hiến mình làm lương thực tan biến trong máu thịt chúng ta, khiến chúng ta được thông dự sự sống thần linh, sự sống không làm chúng ta rồi đây, biến mất; nhưng được sống dồi dào, sống viên mãn hôm nay; và sống đời đời ngày sau! Vậy, mang lấy sự sống Thiên Chúa trong mình, chúng ta hãy sống như con cái Thiên Chúa. Đừng để ích kỷ trì kéo chúng ta xuống “quá lâu”; trái lại, sống cao thượng với một con tim đầy tràn tình yêu. Chính nhờ tình yêu vị tha và hy sinh như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm cho người khác, nhất là những người thân trong gia đình được sống. Nếu chúng ta tâm niệm ‘yêu thương là làm cho sống’, chúng ta thật sự đã trở nên một tạo vật mới và Thịt Máu Ngôi Hai đã thực sự biến hoá và biến đổi con người chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim yêu thương như Chúa, ‘yêu thương là làm cho sống’. Xin chữa lành một phần nào đó trong tim con, vốn cũng đã chết; một phần nào đó trong linh hồn con, vốn cũng đang chảy máu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp
Vũ Văn An
01:17 03/07/2022

Hàng ngày tái khám phá vẻ đẹp sự thật của việc cử hành Kitô giáo

21. Nhưng chúng ta phải cẩn thận: để liều thuốc giải độc của Phụng vụ có hiệu quả, mỗi ngày chúng ta phải tái khám phá vẻ đẹp sự thật của việc cử hành Kitô giáo. Một lần nữa tôi đề cập đến ý nghĩa thần học, như số 7 của hiến chế Sacrosanctum Concilium đã mô tả rất hay: Phụng vụ là chức tư tế của Chúa Kitô, được mặc khải và ban cho chúng ta trong Mầu nhiệm Vượt qua của Người, được làm cho hiện diện và hoạt động bằng các dấu chỉ được ngỏ với các giác quan (nước, dầu, bánh, rượu, các cử chỉ, lời nói), để Chúa Thánh Thần, khi dìm chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua, có thể biến đổi mọi chiều kích của đời sống chúng ta, khiến chúng ta ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

22. Việc liên tục tái khám phá vẻ đẹp của Phụng vụ không phải là việc tìm kiếm một thẩm mỹ thuộc nghi lễ vốn chỉ bằng lòng với việc cẩn thận tuân giữ bên ngoài một nghi thức hoặc được thỏa mãn với việc tuân thủ cẩn thận các qui định. Hiển nhiên, những gì tôi đang nói ở đây không hề mong muốn tán thành thái độ ngược lại, bằng bất cứ cách nào, một điều gây nhầm lẫn giữa tính đơn giản với tính tầm thường bất cẩn, hoặc điều thiết yếu với điều hời hợt thiếu hiểu biết, hoặc tính cụ thể của hành động nghi lễ với chủ nghĩa duy chức năng thực tế gây bực tức.

23. Chúng ta hãy nói rõ ở đây: mọi khía cạnh của cử hành phải được chăm chút cẩn thận (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ phục, bài hát, âm nhạc…) và mọi qui định đều phải được tuân thủ. Sự chú ý như vậy đủ để ngăn chặn việc cướp đoạt của cộng đoàn những gì nó vốn sở hữu; cụ thể là mầu nhiệm Vượt qua được cử hành theo nghi thức được Giáo hội ấn định. Nhưng ngay cả khi phẩm chất và hành động thích hợp của cử hành được bảo đảm, điều đó vẫn không đủ để làm cho sự tham gia của chúng ta đầy đủ.



Ngạc nhiên trước Mầu nhiệm Vượt qua: một phần thiết yếu của hành vi phụng vụ

24. Nếu không ngạc nhiên trước sự kiện mầu nhiệm Vượt qua được làm cho hiện diện cách cụ thể qua các dấu chỉ bí tích, thì chúng ta thực sự có nguy cơ không thấm nhập vào đại dương ân sủng vốn tràn ngập mọi cử hành. Các cố gắng nhằm cổ vũ phẩm chất cao hơn của cử hành, dù đáng khen, vẫn chưa đủ; cả lời kêu gọi phải có một nội tâm tính lớn hơn cũng thế. Nội tâm tính này có thể có nguy cơ tự giản lược thành một chủ quan tính trống rỗng nếu nó không tiếp nhận sự mặc khải của mầu nhiệm Kitô giáo. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không phải là kết quả của một tìm kiếm Người trong nội tâm cá nhân, nhưng nó là một sự kiện đã đã có đó. Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua sự kiện Nhập thể mới, là sự kiện, trong Bữa ăn tối Sau cùng, đã đạt tới cực điểm của việc Người khao khát được chúng ta ăn. Làm thế nào sự bất hạnh trong đó chúng ta tự tách rời khỏi sức hấp dẫn đẹp đẽ của hồng phúc này lại có thể xảy ra với chúng ta?

25. Khi nói về sự ngạc nhiên trước mầu nhiệm vượt qua, tôi hoàn toàn không có ý định ám chỉ điều mà đôi khi đối với tôi dường như là một biểu thức mơ hồ của “cảm thức mầu nhiệm”. Đôi khi đây là một trong những cáo buộc chính bị coi là chống lại cuộc cải cách phụng vụ. Người ta nói rằng cảm thức mầu nhiệm đã bị loại bỏ khỏi việc cử hành. Sự ngạc nhiên hay thán phục mà tôi nói đến không phải là loại bị vượt qua khi đối diện với một thực tại tối tăm hoặc một nghi thức mầu nhiệm. Ngược lại, nó rất đáng ngạc nhiên do sự kiện này là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải trong hành động vượt qua của Chúa Giêsu (xem Ep 1, 3-14), và quyền năng của hành động vượt qua này tiếp tục đến với chúng ta khi cử hành “các mầu nhiệm” bí tích. Điều vẫn còn đúng là, đối với sự hữu hạn của con người chúng ta, tính viên mãn của mặc khải có một sự dư dật vượt lên trên chúng ta và sẽ được hoàn thành vào lúc tận cùng thời gian khi Chúa sẽ trở lại. Còn nếu sự ngạc nhiên đúng loại, thì không hề có rủi ro nào là người ta không nhận biết tính khác biệt của Thiên Chúa, ngay cả trong sự gần gũi mà mầu nhiệm Nhập thể vốn dự định. Nếu cuộc cải cách đã loại bỏ “cảm thức mầu nhiệm” mơ hồ đó, thì đó là công phúc của nó chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến những lời buộc tội. Cũng giống như sự thật, vẻ đẹp luôn tạo ra sự ngạc nhiên, và khi những điều này nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng dẫn đến sự tôn thờ.

26. Thán phục là một phần thiết yếu của hành vi phụng vụ bởi vì đó là cách nhìn sự vật của những người biết họ đang tham gia vào tính đặc thù của các cử chỉ tượng trưng. Đó là việc ngạc nhiên của những người trải nghiệm sức mạnh của biểu tượng, một việc không hệ ở việc đề cập đến một số khái niệm trừu tượng mà là chứa đựng và phát biểu một cách rất cụ thể những gì nó biểu thị.

Sự cần thiết của việc đào tạo phụng vụ nghiêm túc và quan yếu

27. Vì vậy, câu hỏi căn bản là: làm thế nào để chúng ta phục hồi được khả năng sống trọn vẹn các hoạt động phụng vụ? Đây là mục tiêu cải cách của Công đồng. Thách thức này vô cùng đòi hỏi vì con người hiện đại - không phải trong mọi nền văn hóa và ở cùng một mức độ - đã mất khả năng tham gia vào hành động biểu tượng, vốn là một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ.

28. Với thời hậu hiện đại, con người càng cảm thấy mình bị lạc lõng hơn, không có bất cứ hình thức tham chiếu nào, thiếu thốn về giá trị bởi vì họ đã trở nên dửng dưng, hoàn toàn mồ côi, sống cảnh vỡ vụn trong đó chân trời ý nghĩa dường như không còn khả hữu. Và do đó, nó càng bị đè nặng bởi di sản nặng nề mà kỷ nguyên trước đã để lại cho chúng ta, bao gồm chủ nghĩa duy cá nhân và chủ nghĩa duy chủ quan (điều này gợi lên một lần nữa những vấn đề của thuyết Pêlagiô và thuyết ngộ đạo). Nó cũng bao gồm một chủ nghĩa tâm linh trừu tượng vốn mâu thuẫn với chính bản chất con người, vì con người là một tinh thần nhập thể và do đó có khả năng hành động biểu tượng và hiểu biết biểu tượng.

29. Chính với thực tại của thế giới hiện đại này, mà Giáo hội, hợp nhất trong Công đồng, đã muốn tiếp xúc, tái khẳng định ý thức của mình về việc trở thành bí tích của Chúa Kitô, là Ánh sáng của các dân tộc (Lumen gentium), đặt mình vào việc tận tụy lắng nghe Lời Chúa (Dei Verbum), và nhìn nhận là của mình các niềm vui và hy vọng (Gaudium et spes) của con người thời đại chúng ta. Các Hiến chế lớn của Công đồng không thể bị tách biệt khỏi nhau, và không phải ngẫu nhiên mà nỗ lực to lớn duy nhất được suy tư tại Công đồng chung bắt đầu với việc suy tư về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium); đây cũng là biểu thức cao nhất nói lên tính đồng nghị trong Giáo hội mà sự phong phú của nó tôi, cùng với tất cả anh chị em, được kêu gọi trở thành người trông coi.

30. Bế mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng (ngày 4 tháng 12 năm 1963) Thánh Phaolô VI đã phát biểu như sau:

“Các cuộc tranh luận khó khăn, phức tạp đã có kết quả phong phú. Chúng đã đưa ra một chủ đề để kết luận, đó là phụng vụ thánh thiêng. Được bàn luận trước tất cả những điều khác, theo một nghĩa nào đó, nó được ưu tiên hơn tất cả những điều khác vì phẩm giá nội tại và tầm quan trọng của nó đối với đời sống của Giáo hội và hôm nay chúng ta sẽ long trọng ban hành văn kiện về phụng vụ. Do đó, tinh thần của chúng ta nhẩy mừng với niềm vui thực sự, vì theo cách mà mọi sự đã diễn ra, chúng ta ghi nhận sự tôn trọng đối với thang giá trị và bổn phận đúng đắn. Thiên Chúa phải giữ vị trí đầu tiên; cầu nguyện với Người là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn hiệp thông thần linh đầu tiên, trong đó Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của chính Người với chúng ta. Nó cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên chúng ta phải dành cho những Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện của họ. Nó cũng là một lời mời gọi hàng đầu gửi tới loài người, để giờ đây mọi người có thể cất lên giọng nói thầm lặng của họ trong lời cầu nguyện chân thật và chúc phúc, và do đó có thể cảm nghiệm được sức mạnh tái sinh khôn tả khi họ tham gia cùng chúng ta trong việc cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa và những hy vọng của trái tim con người qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần”. [7]

31. Trong bức thư này, tôi không thể nói với anh chị em về sự phong phú của các cách diễn đạt khác nhau của đoạn văn, mà tôi đề nghị anh chị em nên suy gẫm này. Nếu phụng vụ là “đỉnh cao mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, và đồng thời là nguồn suối mà từ đó mọi quyền lực của Giáo hội tuôn chảy,” (Sacrosanctum Concilium, n. 10), thì chúng ta có thể hiểu điều gì đang bị đe dọa trong vấn đề phụng vụ. Quả là chuyện tầm phào nếu chỉ đọc các căng thẳng, không may đã xuất hiện xung quanh việc cử hành, như một sự khác biệt đơn giản giữa các thị hiếu khác nhau liên quan đến một hình thức nghi lễ đặc thù. Vấn đề chủ yếu có tính giáo hội học. Tôi không thấy làm thế nào người ta có thể nói rằng họ công nhận tính hợp lệ của Công đồng - mặc dù tôi ngạc nhiên nếu một người Công Giáo nào đó lại có thể không nghĩ như vậy – nhưng cùng một lúc, không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ phát xuất từ Sacrosanctum Concilium, một văn kiện diễn tả thực tại của Phụng vụ gắn bó mật thiết với viễn kiến về Giáo hội một cách đáng ngưỡng mộ được mô tả trong Lumen gentium. Vì lý do này, như tôi đã bày tỏ trong thư gửi tất cả các giám mục, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ khẳng định rằng “Các sách phụng vụ do Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II ban hành, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách diễn đạt độc đáo của Lex orandi [luật cầu nguyện] của Nghi lễ Rôma. " (Motu Proprio Traditionis custodes, điều 1)

Việc không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ, cũng như một sự hiểu biết hời hợt về nó, làm chúng ta xao lãng nghĩa vụ phải tìm ra các câu trả lời cho câu hỏi mà tôi xin nhắc lại: làm thế nào chúng ta lớn lên trong khả năng sống trọn vẹn hành động phụng vụ của mình? Làm thế nào chúng ta tiếp tục để mình ngạc nhiên trước những gì diễn ra trong việc cử hành dưới chính con mắt của chúng ta? Chúng ta đang cần một việc đào tạo phụng vụ nghiêm túc và năng động.

32. Chúng ta hãy trở lại phòng tiệc ly ở Giêrusalem. Vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội được khai sinh, tế bào ban đầu của nhân loại mới. Cộng đồng người nam và người nữ duy nhất - hòa giải vì được tha thứ, sống vì Người đang sống, đích thật vì được Thánh Thần sự thật cư ngụ ở trong - mới có thể mở toang không gian chật hẹp của chủ nghĩa cá nhân thiêng liêng.

33. Chính cộng đoàn của Lễ Ngũ Tuần mới có thể bẻ Bánh khi biết chắc rằng Chúa đang sống, sống lại từ cõi chết, hiện diện bằng lời của Người, bằng cử chỉ của Người, bằng việc dâng Mình và Máu Người. Kể từ thời điểm đó, việc cử hành đã trở thành địa điểm đặc biệt - mặc dù không phải là địa điểm duy nhất - của cuộc gặp gỡ với Người. Chúng ta biết rằng chỉ nhờ ân sủng của cuộc gặp gỡ này, con người mới trở thành con người trọn vẹn. Chỉ có Giáo hội của Lễ Ngũ tuần mới có thể quan niệm con người như một ngôi vị, cởi mở đón nhận mối liên hệ trọn vẹn với Thiên Chúa, với sáng thế và với anh chị em mình.

34. Trong điều này, trọn vấn đề quyết định của việc đào tạo phụng vụ đã được đặt ra. Romano Guardini từng nói, “Đây cũng là nhiệm vụ thực tế đầu tiên được chỉ ra: tiến bước theo sự biến đổi nội tâm này của thời đại chúng ta, chúng ta phải học lại cách liên hệ về tôn giáo như những hữu thể hoàn toàn nhân bản.” [8] Đây là điều mà Phụng vụ làm cho khả hữu. Vì điều này, chúng ta phải được đào tạo. Guardini không ngần ngại tuyên bố rằng nếu không có sự đào tạo phụng vụ “thì những cải cách về nghi lễ và văn bản sẽ không giúp ích được gì nhiều”. [9] Tôi không có ý định trình bày ở đây một cách toàn diện về chủ đề rất phong phú của việc đào tạo phụng vụ. Tôi chỉ muốn đưa ra một số điểm khởi đầu để suy gẫm. Tôi nghĩ có thể phân biệt hai khía cạnh: đào tạo cho Phụng vụ và đào tạo bởi Phụng vụ. Điều đầu tiên phụ thuộc vào điều thứ hai vốn là điều chủ yếu.

35. Vốn cần và vẫn còn cần phải tìm ra các đường kênh cho một việc đào tạo xứng với một nghiên cứu về Phụng vụ. Ngay từ đầu phong trào phụng vụ, nhiều việc đã được thực hiện về phương diện này, với sự đóng góp quý báu của các học giả và viện hàn lâm. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải phổ biến kiến thức này ra ngoài môi trường học thuật, một cách dễ dàng tiếp cận, để mỗi người trong hàng tín hữu có thể phát triển kiến thức về ý nghĩa thần học của Phụng vụ. Đây là vấn đề có tính quyết định, và nó dựa trên mọi cách hiểu và mọi thực hành phụng vụ. Nó cũng tạo cơ sở cho chính việc cử hành, giúp mỗi người và mọi người có được khả năng hiểu các bản văn kinh nguyện, động lực nghi lễ và ý nghĩa nhân học của chúng.

36. Tôi nghĩ đến nhịp điệu đều đặn của các cộng đoàn chúng ta đến với nhau để cử hành Bí tích Thánh Thể vào Ngày của Chúa, hết Chúa Nhật này sang Chúa Nhật nọ, hết Lễ Phục Sinh này sang Lễ Phục Sinh nọ, vào những khoảnh khắc đặc thù trong cuộc sống của mỗi con người riêng rẽ và của cộng đồng, thuộc mọi lứa tuổi của cuộc sống. Các thừa tác viên thụ phong thi hành một hoạt động mục vụ có tầm quan trọng hàng đầu khi họ cầm tay các tín hữu đã được rửa tội để dẫn dắt họ vào kinh nghiệm lặp đi lặp lại của Mầu nhiệm Vượt qua. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chính Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là chủ thể cử hành chứ không chỉ là linh mục. Loại kiến thức có được từ nghiên cứu chỉ là bước đầu tiên để có thể đi vào mầu nhiệm được cử hành. Hiển nhiên, để có thể dẫn dắt anh chị em mình, các thừa tác viên chủ tọa các cộng đoàn phải biết đường đi, biết nó từ việc nghiên cứu nó trên bản đồ nghiên cứu thần học của họ nhưng cũng từ việc thường xuyên lui tới phụng vụ trong thực hành thực sự kinh nghiệm sống đức tin, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện - và chắc chắn không những chỉ như một nghĩa vụ phải hoàn thành. Vào ngày được truyền chức, mọi linh mục đều nghe vị giám mục nói với mình: “Hãy hiểu những gì con sẽ làm, hãy bắt chước những gì con sẽ cử hành, và phù hợp cuộc sống của con với mầu nhiệm Thập giá của Chúa”. [10]

37. Ngoài ra, kế hoạch nghiên cứu về Phụng vụ trong các chủng viện phải tính đến khả năng phi thường mà việc cử hành thực sự tự nó có được để cung ứng một viễn kiến hữu cơ và thống nhất về tất cả các kiến thức thần học. Mọi ngành thần học, theo quan điểm riêng, phải cho thấy mối liên hệ mật thiết của nó với Phụng vụ, mà dưới ánh sáng của nó, tính thống nhất của việc đào tạo linh mục được làm rõ ràng và thực hiện (x. Sacrosanctum Concilium, n. 16). Một kế hoạch nghiên cứ phụng vụ-khôn ngoan trong việc đào tạo thần học của các chủng viện chắc chắn sẽ có những hậu quả tích cực trong hoạt động mục vụ. Không có khía cạnh nào của đời sống Giáo hội lại không tìm được đỉnh cao và suối nguồn của nó trong Phụng vụ. Không chỉ là kết quả của những chương trình công phu, việc thực hành mục vụ toàn diện, hữu cơ và tổng hợp là kết quả của việc đặt Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật, nền tảng của sự hiệp thông, làm trung tâm của đời sống cộng đoàn. Sự hiểu biết thần học về Phụng vụ không hề cho phép việc hiểu những hạn từ này theo nghĩa thu gọn mọi sự vào khía cạnh thờ phượng. Một cuộc cử hành không truyền giảng Tin Mừng là không chân chính thế nào, thì một lời rao giảng không dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh trong việc cử hành là không chân chính như thế. Và rồi cả hai điều này, nếu không có chứng từ của lòng bác ái, cũng giống như tiếng cồng ồn ào hoặc tiếng chũm chọe chói tai. (1 Cr 13: 1)

38. Đối với các thừa tác viên cũng như đối với tất cả những người đã rửa tội, việc đào tạo phụng vụ theo nghĩa đầu tiên này không phải là điều có thể đạt được một lần và mãi mãi. Vì hồng phúc của mầu nhiệm được cử hành vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta, nên nỗ lực này chắc chắn phải đi cùng với sự đào tạo thường hằng của mọi người, với lòng khiêm nhường của những người nhỏ bé, thái độ bừng nở thành lòng thán phục.

39. Một nhận xét cuối cùng về các chủng viện: ngoài chương trình học, họ cũng phải cung cấp khả thể trải nghiệm việc cử hành không những mẫu mực theo quan điểm nghi lễ, mà còn chân thực và sống động, giúp sống thực sự hiệp thông với Thiên Chúa; nhận thức thần học cũng phải hướng tới cùng một sự hiệp thông này. Chỉ có hành động của Chúa Thánh Thần mới có thể đem sự hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa của chúng ta đến chỗ hoàn tất, vì mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là vấn đề về một điều gì đó có thể nắm bắt bằng trí khôn mà là một mối liên hệ đụng đến trọn cuộc sống. Một kinh nghiệm như vậy có tính nền tảng để, một khi các chủng sinh của chúng ta trở thành các thừa tác viên thụ phong, họ có thể đồng hành với các cộng đoàn trong cùng một hành trình hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn là mầu nhiệm tình yêu.

40. Xem xét cuối cùng này đưa chúng ta đến suy tư về ý nghĩa thứ hai được chúng ta hiểu trong thành ngữ “đào tạo phụng vụ”. Tôi đề cập đến việc chúng ta được đào tạo từ việc tham gia cử hành phụng vụ này, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngay cả kiến thức phát xuất từ các nghiên cứu mà tôi vừa nói, để nó không trở thành một loại chủ nghĩa duy lý, cũng phải phục vụ cho việc thể hiện hành động đào tạo của chính Phụng vụ nơi mỗi tín hữu tin vào Chúa Kitô.

41. Từ tất cả những gì chúng ta đã nói về bản chất của Phụng vụ, có thể thấy rõ rằng sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, câu hỏi quyết định cho cuộc đời chúng ta, không hệ ở việc hấp thụ một ý tưởng nào đó về phương diện trí thức nhưng hệ ở việc gắn bó hiện sinh thực sự với con người của Người. Theo nghĩa này, Phụng vụ không nói về “kiến thức,” và phạm vi của nó không phải chủ yếu về mặt sư phạm, mặc dù nó có giá trị sư phạm rất lớn. (Xem Sacrosanctum Concilium, n. 33) Đúng hơn, Phụng vụ nói về sự ngợi khen, về sự cảm tạ Lễ Vượt Qua của Chúa Con, Đấng có quyền năng đối đời sống chúng ta. Việc cử hành liên quan đến thực tại chúng ta ngoan ngoãn đối với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động qua nó cho đến khi Chúa Kitô được thành hình trong chúng ta. (Xem Gl 4:19) Trọn bộ phạm vi đào tạo của chúng ta là sự đồng hình đồng dạng của chúng ta với Chúa Kitô. Tôi xin nhắc lại: nó không liên quan đến một diễn trình trí tuệ trừu tượng, mà liên quan đến việc trở thành Người. Đây là mục đích mà vì thế Chúa Thánh Thần đã được ban cho, mà hoạt động của Người luôn luôn và chỉ để cấu thành Thân Thể Chúa Kitô. Cũng như thế với bánh Thánh Thể, và với mỗi người đã chịu phép rửa được kêu gọi trở nên mỗi ngày một hơn điều đã được lãnh nhận như một hồng ân trong Bí tích Rửa tội; cụ thể là, trở thành chi thể của Thân thể Chúa Kitô. Đức Lêô Cả từng viết, “Việc chúng ta tham dự Mình và Máu Chúa Kitô không có mục đích nào khác hơn là khiến chúng ta trở thành điều chúng ta ăn.” [11]

42. Việc tham dự hiện sinh này xảy ra một cách bí tích - liên tục và phù hợp với phương pháp Nhập thể -. Phụng vụ được thực hiện với những điều hoàn toàn trái ngược với những điều trừu tượng tinh thần: bánh, rượu, dầu, nước, nước hoa, lửa, tro, đá, vải, màu sắc, cơ thể, lời nói, âm thanh, sự im lặng, cử chỉ, không gian, chuyển động, hành động, thứ tự, thời gian, ánh sáng. Toàn bộ sáng thế là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, và từ khi tình yêu đó được thể hiện trọn vẹn nơi thập giá của Chúa Giêsu, thì trọn sáng thế đều bị thu hút về phía đó. Chính toàn bộ công trình sáng tạo được giả định để phục vụ cho cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời: nhập thể, bị đóng đinh, chết, sống lại, lên trời về với Chúa Cha. Nó như lời cầu nguyện trên nước tại giếng rửa tội từng ca hát, nhưng cũng là lời cầu nguyện trên dầu để tạo dầu thánh và những lời để dâng bánh và rượu – tất cả đều là hoa trái của trái đất và công lao của bàn tay con người.

43. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa không phải vì chúng ta có thể thêm được điều gì vào vẻ đẹp của ánh sáng không thể nào tiếp cận được trong đó Thiên Chúa cư ngụ (x. 1Tt 6:16). Chúng ta cũng không thể thêm vào sự hoàn hảo của bài ca thiên thần vốn đời đời vang lên khắp các nơi trên thiên đàng. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa vì nó cho phép chúng ta - ở đây, trên mặt đất này - nhìn thấy Thiên Chúa trong việc cử hành các mầu nhiệm, và, nhờ nhìn thấy Người, rút tỉa được sự sống từ Lễ Vượt qua của Người. Chúng ta, những người đã chết vì tội lỗi của mình và đã được làm cho sống lại với Chúa Kitô - chúng ta là sự vinh hiển của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng, chúng ta đã được cứu rỗi (Ep 2: 5). Thánh Irênê, doctor unitatis [tiến sĩ hợp nhất], nhắc chúng ta điều này: “Sự vinh hiển của Thiên Chúa là con người sống động, và sự sống của con người hệ ở việc nhìn thấy Thiên Chúa: nếu sự mặc khải của Thiên Chúa qua sáng thế luôn ban sự sống cho mọi hữu thể sống động trên trái đất, thì sự biểu lộ của Chúa Cha qua Ngôi Lời còn là nguyên nhân của sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa xiết bao hơn thế nữa.” [12]

44. Guardini từng viết, "Ở đây có phác thảo nhiệm vụ đầu tiên của công việc đào tạo phụng vụ: con người phải một lần nữa trở nên có khả năng biểu tượng." [13] Đây là trách nhiệm đối với mọi người, đối với các thừa tác viên thụ phong cũng như các tín hữu. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng vì con người hiện đại đã trở nên mù chữ, không còn khả năng đọc được các biểu tượng; gần như thể sự hiện hữu của chúng thậm chí không được nghi vấn. Điều này cũng xảy ra với biểu tượng của cơ thể chúng ta. Cơ thể của chúng ta là một biểu tượng bởi vì nó là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn và thể xác; nó là tính hiển thị của linh hồn thiêng liêng trong trật tự xác thân; và tính độc đáo của con người, chuyên biệt của con người không thể bị giản lược vào bất cứ hình thức sinh vật nào khác đều hệ ở việc này. Sự cởi mở của chúng ta đối với thể siêu việt, đối với Thiên Chúa, là yếu tố cấu thành nên chúng ta. Không nhận ra điều này chắc chắn chúng ta không những không biết về Thiên Chúa mà còn không biết về chính mình. Chỉ cần nhìn vào cách nghịch lý trong đó cơ thể được đối xử, có lúc được chăm sóc một cách gần như ám ảnh, lấy cảm hứng từ huyền thoại tuổi trẻ vĩnh cửu, có lúc, lại giản lược cơ thể thành vật chất hoàn toàn bị phủ nhận mọi phẩm giá. Thực tại là không thể dành giá trị nào cho cơ thể nếu chỉ bắt đầu từ chính cơ thể. Mọi biểu tượng vừa mạnh mẽ vừa mong manh. Nếu nó không được tôn trọng, nếu nó không được đối xử như chính nó là, nó sẽ tan vỡ, mất đi sức mạnh, trở nên vô nghĩa.

Chúng ta không còn có cái nhìn của Thánh Phanxicô, người đã nhìn vào mặt trời - mà ngài gọi là anh em vì ngài cảm thấy nó như vậy - và thấy nó đẹp đẽ và rạng rỡ với vẻ lộng lẫy tuyệt vời, và đầy thán phục, ngài đã hát rằng nó mang hình ảnh giống như Ngài, hỡi Đấng Tối Cao. [14] Việc mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của cơ thể và của mọi sinh vật khiến ngôn ngữ biểu tượng của Phụng vụ hầu như không thể tiếp cận được đối với não trạng hiện đại. Thế nhưng, chắc chắn người ta phải từ bỏ một ngôn từ như vậy. Nó không thể bị từ bỏ bởi vì đó là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để vươn tới chúng ta qua xác thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn đây là vấn đề khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng của Phụng vụ. Chúng ta không được mất hy vọng bởi vì chiều kích này trong chúng ta, như tôi vừa nói, có tính cấu thành; và bất chấp những điều xấu xa của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh - cả hai đều phủ nhận tính thống nhất của linh hồn và thể xác - nó luôn sẵn sàng xuất hiện trở lại, cũng như mọi chân lý.

45. Vì vậy, câu hỏi tôi muốn đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể một lần nữa trở nên có khả năng biểu tượng? Làm thế nào chúng ta có thể biết cách đọc chúng và có thể sống chúng một lần nữa? Chúng ta biết rõ rằng việc cử hành các bí tích, bởi ân sủng của Thiên Chúa, tự nó hữu hiệu (ex opere operato), nhưng điều này không bảo đảm sự tham dự đầy đủ của mọi người nếu không có một cách thức thỏa đáng để họ tự đặt mình vào mối liên hệ với ngôn ngữ cử hành. “Đọc” một cách biểu tượng không phải là một nhận thức của trí tuệ, không phải là việc tiếp thu các khái niệm, mà là một kinh nghiệm sống.

46. Trên hết, chúng ta phải lấy lại niềm tin về sự sáng tạo. Tôi muốn nói rằng sự vật - các bí tích “được tạo thành” từ sự vật – phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng được quy hướng về Người, chúng được Người mang lấy, và được mang lấy một cách đặc thù trong biến cố Nhập thể, để chúng trở nên công cụ cứu rỗi, phương tiện của Chúa Thánh Thần, máng chuyển ân sủng. Trong điều này, rõ ràng là khoảng cách giữa viễn kiến này và viễn kiến duy vật hay duy linh rộng lớn biết chừng nào. Nếu những vật được tạo dựng là một phần căn bản, thiết yếu của hành động bí tích mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta, thì chúng ta phải sắp xếp mình trước sự hiện diện của chúng với một sự quan tâm mới mẻ, không hời hợt, tôn trọng và biết ơn. Ngay từ khởi nguyên, các sự vật được tạo dựng đã chứa đựng hạt giống ơn thánh hóa của các bí tích.

47. Vẫn còn trong diễn trình suy nghĩ về việc Phụng vụ đào tạo chúng ta như thế nào, một câu hỏi quyết định khác là việc giáo dục cần thiết để có thể có được thái độ nội tâm giúp chúng ta sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ. Tôi xin diễn đạt nó một cách đơn giản. Tôi luôn nghĩ đến cha mẹ, hay có khi hơn nữa đến ông bà, nhưng cũng cả các mục tử và giáo lý viên của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã học được sức mạnh của các cử chỉ phụng vụ từ họ, chẳng hạn như dấu thánh giá, quỳ gối, các công thức đức tin của chúng ta. Có lẽ chúng ta không thực sự nhớ được việc học này, nhưng chúng ta dễ dàng hình dung ra cử chỉ bàn tay lớn hơn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của một đứa trẻ và từ từ kèm bàn tay đó vạch trên cơ thể lần đầu tiên dấu hiệu ơn cứu rỗi của chúng ta. Những lời nói đi kèm với chuyển động, những lời này cũng được nói ra một cách chậm rãi, gần như muốn chiếm hữu mọi khoảnh khắc của cử chỉ, chiếm hữu toàn bộ cơ thể: “Nhân danh Cha… và Con… và Thánh Thần. …. Amen.” Và sau đó bàn tay của đứa trẻ được để lại cho một mình nó, và được quan sát việc lặp lại việc đó một mình, với sự trợ giúp sẵn sàng ở bên cạnh nếu cần. Nhưng nay, cử chỉ đó được ủy thác, giống như một thói quen sẽ phát triển cùng với Người, ban cho nó một ý nghĩa mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết cách thực hiện. Từ thời điểm đó trở đi cử chỉ đó, sức mạnh tượng trưng của nó, là của chúng ta, nó thuộc về chúng ta; hoặc nói đúng hơn, chúng ta thuộc về nó. Nó cung cấp cho chúng ta mô thức. Chúng ta được hình thành bởi nó. Không cần nhiều lời ở đây. Không cần thiết phải hiểu tất cả mọi điều trong cử chỉ đó. Điều cần thiết là trở thành nhỏ bé, cả trong việc ủy thác lẫn lãnh nhận nó. Phần còn lại là công việc của Chúa Thánh Thần. Bằng cách này, chúng ta được khai tâm vào ngôn ngữ biểu tượng. Chúng ta không thể để mình bị cướp mất sự phong phú như vậy. Lớn lên chúng ta sẽ có nhiều cách để có thể hiểu, nhưng luôn với điều kiện vẫn còn là những đứa trẻ.

Còn một kỳ
 
Các cuộc tấn công vào nhà thờ, trung tâm trợ giúp mang thai vẫn tiếp tục
Đặng Tự Do
05:02 03/07/2022


Kể từ khi Tối Cao Pháp Viện bãi bỏ phán quyết Roe chống Wade vào hôm thứ Sáu, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và các trung tâm trợ giúp mang thai đã được báo cáo ở Tây Virginia, Washington, Virginia, Louisiana, Colorado, California, Texas, Florida, New York và Indiana.

Dưới đây là các cuộc tấn công mới được ghi nhận.

Nhà thờ Công Giáo Thánh Patrick ở Philadelphia đã bị vẽ bậy bằng sơn xịt với các khẩu hiệu phò phá thai vào ngày 25 tháng 6.

Cha Hyacinth Cordell, OP, Cha Sở của nhà thờ, nói với CNA rằng những bức vẽ graffiti có nội dung “Hãy đốt nhà thờ” nằm ở một góc bên ngoài nhà thờ. Nó đã được chùi sạch.

Một bảng hiệu ủng hộ sự sống tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Teresa thành Avila ở Hutchinson, Kansas, cách Wichita khoảng 50 dặm về phía tây bắc, đã bị phá hoại vào cuối tuần qua.

Bảng hiệu cho thấy một người mẹ đang ôm một đứa trẻ có ghi “Bỏ phiếu Có ngày 2 tháng 8” và “ValueThemBoth.com” bên dưới. Dấu hiệu đang khuyến khích mọi người bỏ phiếu đồng ý về một sửa đổi hiến pháp tiểu bang liên quan đến hạn chế phá thai.

Matt Vainer, phát ngôn viên của Giáo phận Wichita, nói rằng hung thủ bị theo dõi bởi một nhân chứng đã gọi cảnh sát. Thủ phạm đã bị bắt, ông nói.

Cha Sở của nhà thờ Thánh Têrêxa thành Avila, là Cha Aaron Spexarth, đã đặt tấm biển bên dưới một cây thánh giá trong nhà thờ, vì ngài tin rằng đặt nó dưới chân Chúa là thích hợp nhất

Nhà thờ Công Giáo Các Thánh ở Portland, Oregon đã bị vẽ bậy với các khẩu hiệu ủng hộ phá thai vào ngày 25 tháng 6.

Một bức ảnh về vụ phá hoại có dòng chữ “Nếu phá thai không an toàn, bạn cũng vậy! “ FBI đang điều tra, Barbara Custer, một thư ký giáo xứ tại nhà thờ, nói với CNA.

Phòng khám trợ giúp mang thai có tên “Một người Bạn” ở Thành phố Yuba, California đã bị phá hoại vào ngày 27 tháng 6.

Giám đốc điều hành của phòng khám, Kristen Bird nói với CNA.

Video cho thấy hung thủ ném ba hòn đá vào cửa sổ cho đến khi cửa sổ bị vỡ. Việc sửa chữa sẽ mất từ 700 đến 900 đô la. FBI đang điều tra, Bird nói.

Blayne Wittig, Giám đốc điều hành của phòng khám nói với CNA, phòng khám di động của Options Health, một trung tâm trợ giúp mang thai ở Concord, California, đã bị phá hoại vào ngày 25 tháng 6.

Trung tâm Tài nguyên trợ giúp mang thai của Thành phố Salt Lake đã bị phá hoại vào ngày 24 tháng 6, trong vòng vài giờ sau khi Tối Cao Pháp Viện công bố quyết định hủy bỏ phán quyết Roe chống Wade.

Một nhân viên lễ tân tại phòng khám nói với CNA ngày 30 tháng 6 rằng một tấm biển được dán ở cửa trước có nội dung “Nếu phá thai không an toàn thì bạn cũng không”, và ở mặt sau, “Phụ nữ mỏng manh, không giống như một bông hoa, nhưng giống như một quả bom.”

Các nhãn dán được để lại trên tòa nhà, một trong số đó có nội dung “Chúa Giêsu yêu phá thai” với hình trái tim thay thế từ “tình yêu”. Các khẩu hiệu được đặt xung quanh có nội dung “phá thai mãi mãi” và “phá thai là chăm sóc sức khỏe.”
Source:Catholic News Agency
 
Tổng thống Guatemala chỉ trích ý thức hệ phò phá thai của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ
Đặng Tự Do
05:03 03/07/2022


Trong một phiên họp ngày 28 tháng 6 của Hội đồng thường trực của Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu tại Washington, DC, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ, gọi tắt là IACHR, “tôn trọng chủ quyền và tự do của mỗi quốc gia” và đừng là một “nhà hoạt động” cổ vũ cho việc phá thai.

Tổng thống Giammattei đã mạnh mẽ chỉ trích báo cáo thường niên năm 2021 của IACHR, trong đó nêu rõ Guatemala trong Chương IV.b.

Ủy ban lưu ý rằng Guatemala đã tham gia “Hiệp định đồng thuận Geneva để thúc đẩy sức khỏe phụ nữ và thúc đẩy gia đình”, nhưng “loại trừ việc phá thai” mà IACHR coi là “một phần không thể thiếu trong quyền của phụ nữ đối với sức khỏe tình dục và sinh sản” và khẳng định Guatemala “không tuân thủ nghĩa vụ quốc tế là bảo đảm hoặc tạo điều kiện cho việc phá thai.”

Ngoài ra, IACHR chỉ trích Guatemala “tuyệt đối” cấm phá thai “trừ khi có nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ.”

IACHR yêu cầu Guatemala áp dụng “các biện pháp lập pháp, chính sách công và bất kỳ biện pháp nào khác có thể cần thiết để bảo đảm phụ nữ tiếp cận với dịch vụ sức khỏe sinh sản mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, bao gồm quyền tiếp cận việc tự nguyện ngừng mang thai trong các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe, cũng như trong các trường hợp hiếp dâm và loạn luân”.

Theo trang web của mình, IACHR tự giới thiệu mình là “một cơ quan tự trị của Tổ chức các Quốc gia Mỹ Châu có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở bán cầu Mỹ.”

Đối với tổng thống Guatemala, báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ cho thấy một “sai lầm về phương pháp luận khiến rõ ràng là IACHR đang theo đuổi và áp đặt một chương trình nghị sự ủng hộ việc phá thai vượt quá quyền hạn của mình, bởi vì IACHR không nên là một nhà hoạt động về những vấn đề này, mà phải tôn trọng chủ quyền và quyền tự do quyết định của mỗi quốc gia đối với những vấn đề như thế này”.

Tổng thống Giammattei chỉ ra rằng “phán quyết gần đây mà chúng tôi thấy ở Hoa Kỳ về việc này”, khẳng định rằng không có cái gọi là “quyền phá thai hiến định”.

Tổng thống Guatemala lưu ý rằng đất nước của ông “luôn tuân thủ các cam kết về nhân quyền và đã cung cấp cho ủy ban tất cả thông tin mà họ yêu cầu.”

Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng “điều cần thiết là chúng ta phải làm việc cùng nhau để củng cố Hệ thống Nhân quyền Liên Mỹ, bởi vì sự bất hợp pháp và không tôn trọng các quy định của đất nước được áp dụng ngày hôm nay đối với Guatemala có thể xảy ra vào ngày mai đối với mọi quốc gia thành viên khác của tổ chức.”

Source:Catholic News Agency
 
Vụ tấn công phá hoại bạo lực nhằm vào nhà thờ Công Giáo ở bang Washington
Đặng Tự Do
17:05 03/07/2022


Một phụ nữ đang cầu nguyện một mình trong nhà nguyện Chầu Thánh Thể liên tục vào sáng sớm thứ Ba khi làn sóng chống phá Công Giáo và bạo lực quét qua Hoa Kỳ tấn công vào Nhà thờ Công Giáo St. Louise ở Bellevue, Washington.

Nghe thấy tiếng huyên náo bên ngoài, người phụ nữ đánh liều chạy ra ngoài hành lang. Ở đó, cô đối mặt với một kẻ đột nhập đeo mặt nạ đứng bên ngoài trung tâm giáo xứ, đập vỡ cửa kính phía trước.

Người này hét lên những lời tục tĩu với người phụ nữ. Cô đã chạy ngược trở lại nhà nguyện. Quá kinh hãi, cô khóa cửa sau lưng và gọi cho Cha Sở là Cha Gary Zender, trong khi nấp sau một cây đàn piano.

Cha Gary Zender cho biết: “Cô ấy đã gọi cho tôi theo số văn phòng của tôi xin giúp giải cứu cô ấy,” Zender nói với CNA. “Cô ấy đã sợ đến chết được.”

Một camera giám sát đã ghi lại sự việc đáng sợ trên video.

Đoạn phim cho thấy một người đeo mặt nạ với mái tóc dài sải bước ra cửa mang theo một tảng đá lớn và ba lô màu hồng. Người này ném đá vào cửa trước ba lần, sau đó đá vào cửa bốn lần, làm vỡ kính.

Sau đó, người này lấy một lon sơn xịt màu đen ra khỏi ba lô và bắt đầu viết những chữ nghuệch ngoạc lên mặt ngoài của tòa nhà. Tiếp đó, kẻ hành hung có cử chỉ tục tĩu về phía cửa, dùng bình xịt sơn đập vỡ kính một lần nữa rồi đẩy cửa. Sau đó, người này xuất hiện để hét vào một người nào đó bên trong tòa nhà trước khi tiếp tục phun sơn bên ngoài và vỉa hè của tòa nhà.

Kẻ tấn công, vào nhà thờ khoảng 9:30 sáng, cũng đập vỡ một cửa kính khác ở hội trường giáo xứ và làm hư hỏng một bức tượng của Đức Mẹ Tháo gỡ các nút thắt, Cha Zender cho biết. Ngài ước tính thiệt hại là 10.000 USD.

Cha Zender nói rằng kẻ tấn công đã phun sơn vào má phải của quản lý giáo xứ, Jonathan Taasan và “khá nhiều” vào tai anh ta. Anh ta không bị thương.

Sở cảnh sát Bellevue đã tweet hôm thứ Ba rằng họ đã bắt giữ một cư dân Bellevue 31 tuổi vì tình nghi phạm tội thù hận và hành hung. Cảnh sát cho biết nghi phạm đã bị bắt “mà không chống cự.” Cảnh sát gọi hành vi của anh ta là “bài Công Giáo.”
Source:Catholic News Agency
 
ĐTGM San Antonio chủ tọa Thánh lễ tưởng niệm những cái chết của người di cư tại Texas
Đặng Tự Do
17:06 03/07/2022


Sau khi phát hiện hàng chục người di cư chết trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ rơi ở Texas – cho đến nay là cái chết hàng loạt lớn nhất của những người di cư từ biên giới phía nam trong lịch sử hiện đại - Đức Tổng Giám Mục San Antonio đã tổ chức một thánh lễ tưởng niệm vào thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, và các Giám Mục Phụ Tá Michael Boulette và Gary Janak đã chủ trì thánh lễ tưởng niệm những người di cư vào ngày 30 tháng 6, lúc 7 giờ tối tại Nhà thờ San Fernando. Theo phát ngôn viên Jordan McMorrough, nghi lễ bao gồm một cuộc rước từ Quảng trường Chính của nhà thờ, một cây thánh giá đặc biệt, cùng nến và cờ đại diện cho quốc gia của những người đã khuất cũng như những người sống sót.

Đức Tổng Giám Mục García-Siller nói trong một tweet rằng ngài đã gặp một cô gái trẻ tên là Serenidad, người có mặt trong chiếc xe bị bỏ rơi và đã sống sót. Ngài kêu gọi những lời cầu nguyện cho những người sống sót và kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động về cải cách nhập cư.

“Những người bên trong xe tải là những người vô tội. Họ là kết quả của sự tham nhũng ở nơi xuất xứ của họ cũng như tại Hoa Kỳ. Mong chúng ta thực hiện các bước để thay đổi tốt hơn cho con người. Hãy cầu nguyện về điều đó!”

Những người di cư được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ hoang trong nhiệt độ cực cao ở San Antonio, Texas vào tối ngày 27 tháng 6. Số người chết chính thức đã tăng lên 53 người, bao gồm 22 người Mễ Tây Cơ, 7 người Guatemala, và 2 người Honduras, với những người khác vẫn chưa được xác định.

San Antonio, cách biên giới quốc gia tại Laredo khoảng 150 dặm, là một trung tâm vận tải của khu vực, cũng như nơi xảy ra tệ nạn buôn người và buôn lậu. San Antonio cũng là nơi đã xảy ra vụ việc tương tự vào năm 2017, trong đó 10 người di cư thiệt mạng trong một chiếc xe đầu kéo.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng những người ngồi trong xe đầu kéo đã đi bộ qua biên giới, trước khi tập trung ở Laredo để được chất lên xe tải. Người lái xe tải được cho là đã bị tạm giữ.

Marie Kenyon, người đứng đầu ủy ban Công lý và Hòa bình tại Tổng giáo phận St. Louis, nói rằng cô đã ở Laredo vào tuần trước với một nhóm tình nguyện hỗ trợ tại một nơi tạm trú dành cho người di cư của Tổ chức bác ái Công Giáo. Cô cho biết với tư cách là một giáo phận truyền giáo, nơi tạm trú dành cho người di cư ở Laredo không nhận được nhiều sự quan tâm hoặc quyên góp như một số nơi khác dọc biên giới Mỹ-Mexico, chẳng hạn như Brownsville và El Paso.

Cô rùng mình khi nghĩ rằng nhóm tình nguyện của cô có thể đã vô tình vượt qua chiếc xe tải chở đầy người di cư đi ngược chiều trên đường cao tốc từ San Antonio đến Laredo.

“Hôm thứ Bảy ở Laredo nhiệt độ là 107 độ. Vì vậy, nếu bạn ở trong chiếc xe bít bùng đó từ 3 đến 4 giờ, chắc chắn là chết.”
Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3 tháng 7
Đặng Tự Do
20:02 03/07/2022


Chúa Nhật 3 tháng 7, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 14 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.

Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’

Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”

Đức Giêsu bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Quân Nga, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Trong Tin Mừng Phụng vụ Chúa nhật tuần này, chúng ta đọc thấy “Chúa đã sai bảy mươi hai môn đệ cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, những nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Các môn đệ được cử đi hai người, chứ không phải riêng lẻ. Thực hiện sứ vụ chung hai người như thế, từ quan điểm thực tế, dường như có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Có một nguy cơ là cả hai không hòa hợp với nhau, họ có một nhịp độ khác nhau, một người mệt mỏi hoặc bị ốm trên đường đi, buộc người kia cũng phải dừng lại. Mặt khác, khi anh chị em đi một mình, dường như cuộc hành trình trở nên nhanh chóng và suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nghĩ như vậy: Người không sai họ đi lẻ loi, nhưng cứ từng hai người một. Chúng ta hãy tự hỏi: lý do cho sự lựa chọn này của Chúa là gì?

Nhiệm vụ của các môn đệ là tiến vào các làng và chuẩn bị cho dân chúng đón Chúa Giêsu; và những chỉ dẫn mà Ngài ban cho họ không tập trung quá nhiều về những gì họ phải nói cũng như về cách họ phải làm như thế nào: nghĩa là, không phải về “tập sách” mà họ phải theo, không; nhưng là chứng tá của cuộc sống, chứng tá mang lại nhiều thành quả hơn lời nói. Trên thực tế, Chúa Giêsu xem các môn đệ là những người lao động: nghĩa là họ được kêu gọi để làm việc, để truyền giáo thông qua hành vi của họ. Và hành động cụ thể đầu tiên mà các môn đệ thực hiện sứ mệnh của mình chính là hành động đi từng cặp với nhau. Các môn đệ không phải là “những người muốn làm gì thì làm”, không phải là những người rao giảng nhưng không biết giao tiếp với người khác. Trước hết, chính đời sống của các môn đệ khi loan báo Tin Mừng là điều quan trọng: họ biết ở bên nhau, tôn trọng lẫn nhau, không muốn chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác, đồng tâm quy chiếu về một Thầy.

Những kế hoạch mục vụ hoàn hảo có thể được soạn thảo một cách tỉ mỉ, những dự án được thực hiện tốt, được sắp xếp đến từng chi tiết nhỏ nhất; anh chị em có thể triệu tập đám đông và có nhiều phương tiện; nhưng nếu không có sự sẵn sàng cho tình huynh đệ, thì sứ vụ truyền giáo không tiến triển được. Một lần, một nhà truyền giáo kể về việc đã đến Phi Châu với một người bạn. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh tách khỏi người bạn, dừng lại ở một ngôi làng nơi anh thực hiện thành công một loạt các hoạt động xây dựng vì lợi ích cộng đồng. Mọi thứ hoạt động tốt. Nhưng một ngày nọ, anh ta giật mình khi nhận ra rằng cuộc sống của mình là của một doanh nhân giỏi, luôn ở giữa công trường xây dựng và giấy tờ kế toán! Nhưng... một dấu “nhưng” to đùng. Sau đó, anh để lại quyền quản lý cho người khác, cho giáo dân, và tham gia cùng người anh em của mình. Vì vậy, anh hiểu tại sao Chúa đã sai các môn đệ đi “từng hai người một”: sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dựa trên hoạt động cá nhân, nghĩa là những công việc “làm” nhưng dựa trên chứng tá của tình yêu thương huynh đệ, và qua những khó khăn mà cuộc sống chung gặp phải.

Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Làm thế nào để chúng ta chia sẻ tin mừng của Phúc Âm với những người khác? Chúng ta làm điều đó với tinh thần và phong cách huynh đệ, hay theo cách của thế giới, với khả năng lãnh đạo, khả năng cạnh tranh và hiệu quả? Chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta có khả năng cộng tác không, chúng ta có biết cách đưa ra quyết định cùng nhau, chân thành tôn trọng những người xung quanh và tính đến quan điểm của họ không, chúng ta có làm mọi việc trong cộng đồng không, hay chỉ làm một mình. Trên thực tế, trên tất cả, bằng cách này, cuộc sống của người môn đệ tiết lộ ý định của Thầy, và thực sự công bố Chúa Giêsu cho người khác.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, dạy chúng con biết dọn đường cho Chúa với chứng tá của tình huynh đệ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại San Ramón de la Nueva Orán, Á Căn Đình, Pedro Ortiz de Zárate, linh mục triều, và Giovanni Antonio Solinas, Bề trên Giám Tỉnh Dòng Tên đã được phong chân phước. Hai nhà truyền giáo này, những người đã cống hiến cuộc đời mình để truyền bá đức tin và bảo vệ người dân bản địa, đã bị giết vào năm 1683 vì các ngài mang thông điệp hòa bình của Phúc âm. Xin cho gương của các vị tử đạo này giúp chúng ta làm chứng cho Tin Mừng mà không nhượng bộ, quảng đại hiến mình để phục vụ những người yếu đuối nhất. Xin anh chị em một tràng pháo tay chúc mừng các tân Chân Phước!

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên toàn thế giới. Tôi kêu gọi người đứng đầu các quốc gia và các tổ chức quốc tế phản ứng với xu hướng làm nổi bật xung đột và chống đối. Thế giới cần hòa bình. Không phải là một nền hòa bình dựa trên sự cân bằng của vũ khí, trên sự sợ hãi lẫn nhau. Không, điều này không đúng. Điều này có nghĩa là làm cho lịch sử quay ngược lại bảy mươi năm. Cuộc khủng hoảng Ukraine lẽ ra không nên xảy ra, và nó vẫn đang là một thách thức đối với các chính khách khôn ngoan, có khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn trong đối thoại cho các thế hệ mới. Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, điều này luôn có thể thực hiện được! Nhưng cần phải chuyển từ các chiến lược sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự sang một dự án hòa bình toàn cầu: đừng xây dựng một thế giới bị chia rẽ giữa các cường quốc xung đột; nhưng hãy nói vâng đối với một thế giới thống nhất giữa các dân tộc và các nền văn minh tôn trọng lẫn nhau.

Tôi chào tất cả các bạn, những người Rôma thân mến và những người hành hương! Đặc biệt, tôi chào các thành viên đọc sách thánh và những người giúp lễ của Dobra, Ba Lan; các sinh viên của Slavonski Brod, Croatia; các tín hữu Albania với các linh mục quản xứ của họ và đội lưu động của Con đường Tân Dự Tòng ở Albania. Tôi chào các tín hữu của Napoli, Ascoli Piceno, Perugia và Catania, và các thanh thiếu niên vừa chịu Bí tích Thêm sức ở Tremignon và Vaccarino, giáo phận Vicenza.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Nguyên văn Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp và hết
Vũ Văn An
23:50 03/07/2022

Nghệ thuật cử hành

48. Một cách quan tâm tới và phát triển trong sự hiểu biết quan yếu về các biểu tượng của Phụng vụ chắc chắn là ars celebrandi, tức nghệ thuật cử hành. Biểu thức này cũng có thể được giải thích khác nhau. Ý nghĩa của nó trở nên rõ ràng nếu chúng ta tham khảo ý nghĩa thần học của Phụng vụ được mô tả trong Sacrosanctum Concilium số 7, mà tôi đã nhắc đến vài lần. Không thể giản lược ars celebrandi thành một qui chế chữ đỏ, càng không nên nghĩ về nó như một tính sáng tạo tưởng tượng - đôi khi lung tung - không có quy tắc. Nghi thức, tự nó, đã là một chuẩn mực, và chuẩn mực tự nó không bao giờ kết thúc, nhưng nó luôn nhằm phục vụ một thực tại cao hơn mà nó muốn bảo vệ.



49. Như trong bất cứ nghệ thuật nào, ars celebrandi đòi hỏi các loại kiến thức khác nhau. Trước hết, nó đòi sự hiểu biết về tính năng động bộc lộ qua Phụng vụ. Hành động cử hành là nơi trong đó Mầu nhiệm Vượt qua được làm cho hiện diện bằng phương tiện tưởng niệm để những người đã rửa tội, qua việc tham gia của họ, có thể cảm nghiệm nó trong đời sống của chính họ. Nếu không có sự hiểu biết này, việc cử hành dễ trở thành mối bận tâm về hình thức bên ngoài (ít nhiều tinh tế) hoặc chỉ quan tâm đến các qui định chữ đỏ (ít nhiều cứng ngắc).

Sau đó, cần phải biết Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong mọi cử hành. Nghệ thuật cử hành phải hòa hợp với hành động của Chúa Thánh Thần. Chỉ bằng cách này, nó mới thoát khỏi tính chủ quan vốn là kết quả của thị hiếu cá nhân trổi vượt. Chỉ bằng cách này, nó mới thoát khỏi sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa được tiếp nhận mà không có sự phân định và không liên quan gì đến sự hiểu biết đúng đắn về việc hội nhập văn hóa.

Cuối cùng, cần phải hiểu động lực của ngôn ngữ biểu tượng, bản chất đặc thù của nó, hiệu năng của nó.

50. Từ những chỉ dẫn ngắn gọn này, cần rõ ràng rằng nghệ thuật cử hành không phải là thứ có thể cương biến. Giống như mọi nghệ thuật, nó yêu cầu ứng dụng nhất quán. Đối với một nghệ nhân, kỹ thuật là đủ. Nhưng đối với một nghệ sĩ, ngoài kiến thức kỹ thuật, còn phải có cảm hứng, đó là một hình thức sở hữu tích cực. Người nghệ sĩ chân chính không sở hữu một tác phẩm nghệ thuật mà là bị nó sở hữu. Người ta không học nghệ thuật cử hành bằng cách thường xuyên tham gia một khóa học nói trước công chúng hoặc các kỹ thuật truyền thông đầy thuyết phục. (Tôi không đánh giá các ý định, chỉ quan sát các hiệu quả.) Mọi công cụ đều có thể hữu ích, nhưng nó phải phục vụ bản chất của Phụng vụ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Cần phải có sự tận tụy cần mẫn cho việc cử hành, để chính việc cử hành tự truyền tải nghệ thuật của nó cho chúng ta. Guardini từng viết: “Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta vẫn còn cố thủ xiết bao trong chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chủ quan, chúng ta đã trở nên không quen thuộc xiết bao đối với những đòi hỏi của những ‘điều vĩ đại’ và các thông số trong đời sống tôn giáo của chúng ta nhỏ bé đến mức nào. Chúng ta phải lấy lại cảm thức đối với phong thái cầu nguyện ‘vĩ đại’, cả ý chí hướng tới hiện sinh trong cầu nguyện nữa. Tuy nhiên, cách để đạt được điều này là thông qua kỷ luật, thông qua việc từ bỏ tính tình cảm ủy mị; qua việc làm nghiêm túc, được thực hiện trong sự tuân phục Giáo hội, về việc là người tôn giáo và là người hành động.” [15] Đây là cách học được nghệ thuật cử hành.

51. Nói về chủ đề này, chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ về nó trong tương quan với các thừa tác viên thụ phong thực hiện nhiệm vụ chủ tọa. Nhưng thực ra, đây là một thái độ mà tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi để sống. Tôi nghĩ đến tất cả các cử chỉ và lời nói thuộc cộng đoàn: tập hợp, bước đi cẩn thận trong đám rước, ngồi, đứng, quỳ, hát, im lặng, tung hô, nhìn, lắng nghe. Có nhiều cách trong đó cộng đoàn, như một cơ thể (Nơkhemia 8: 1) tham gia vào cuộc cử hành. Mọi người cùng làm một cử chỉ giống nhau, mọi người cùng nói với nhau một giọng - điều này truyền cho mỗi cá nhân năng lực của toàn bộ cộng đoàn. Đây là sự đồng nhất không những không làm chết đi mà ngược lại, giáo dục các tín hữu cá nhân khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân cách họ không phải trong thái độ cá nhân chủ nghĩa mà trong ý thức là một cơ thể. Không phải là vấn đề tuân theo một cuốn sách về nghi thức phụng vụ. Đúng hơn, nó là một “kỷ luật” - theo cách mà Guardini đã đề cập đến - thứ mà nếu được tuân theo một cách chân chính sẽ đào luyện chúng ta. Đây là những cử chỉ và lời nói đặt trật tự trong thế giới nội tâm của chúng ta giúp chúng ta sống những cảm xúc, thái độ, hành vi nhất định. Chúng không phải là lời giải thích cho một lý tưởng mà chúng ta tìm cách để nó truyền cảm hứng cho chúng ta, mà thay vào đó chúng là một hành động mời gọi toàn bộ cơ thể tham dự, nghĩa là trong một thể thống nhất gồm thể xác và linh hồn.

52. Trong số các hành vi nghi lễ thuộc về toàn thể cộng đoàn, sự im lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Nhiều lần nó được quy định rõ ràng trong các qui định chữ đỏ. Toàn bộ việc cử hành Thánh Thể chìm đắm trong sự im lặng trước khi bắt đầu và đánh dấu mọi khoảnh khắc của việc triển khai nghi lễ. Thật vậy, nó hiện diện trong hành vi sám hối, sau lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện,” trong Phụng vụ Lời Chúa (trước các bài đọc, giữa các bài đọc và sau bài giảng), trong kinh nguyện Thánh Thể, sau khi rước lễ [16]. Sự im lặng như vậy không phải là nơi ẩn náu bên trong, để giấu mình trong một kiểu cô lập thân mật nào đó, như thể bỏ hình thức nghi lễ lại phía sau như một sự phân tâm. Kiểu im lặng đó mâu thuẫn với bản chất của việc cử hành. Sự im lặng trong phụng vụ là một điều gì vĩ đại hơn nhiều: nó là biểu tượng của sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ hoạt động cử hành. Vì lý do này, nó tạo thành một điểm đến trong trình tự phụng vụ. Chính vì nó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, nên nó có sức mạnh nói lên hành động nhiều mặt của Người. Bằng cách này, trở lại các khoảnh khắc tôi vừa đề cập, sự im lặng chuyển sang việc thống hối vì tội lỗi và ước muốn được hoán cải. Nó đánh thức sự sẵn sàng nghe Lời Chúa và đánh thức việc cầu nguyện. Nó chuẩn bị để chúng ta tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô. Nó gợi cho mỗi người, trong tình thân mật hiệp thông, điều Chúa Thánh Thần sẽ tác động trong đời sống chúng ta để làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với tấm Bánh được bẻ ra. Vì tất cả những lý do này, chúng ta được kêu gọi thực hiện một cách hết sức cẩn trọng cử chỉ im lặng mang tính biểu tượng. Qua đó, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hình dạng, ban cho chúng ta mô thức.

53. Mọi cử chỉ và mọi lời nói đều chứa đựng một hành động chính xác luôn luôn mới bởi vì nó gặp một khoảnh khắc luôn mới trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ giải thích ý tôi bằng một thí dụ đơn giản. Chúng ta quỳ gối để cầu xin sự tha thứ, bẻ cong lòng kiêu hãnh của chúng ta, để dâng lên Chúa những giọt nước mắt của chúng ta, để cầu xin sự can thiệp của Người, để cảm ơn Người về một hồng phúc đã nhận được. Đó luôn luôn cùng là một cử chỉ mà, trong yếu tính, tuyên bố rằng con người chúng ta là nhỏ bé trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Tuy nhiên, được thực hiện trong những khoảnh khắc khác nhau của cuộc đời chúng ta, nó lên khuôn các chiều sâu nội tâm của chúng ta và sau đó tự biểu lộ ra bên ngoài trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Việc quỳ gối cũng nên được thực hiện một cách nghệ thuật, nghĩa là, với ý thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng của nó và sự cần thiết chúng ta phải có cử chỉ này để phát biểu cách chúng ta hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Và nếu tất cả những điều này đúng đối với cử chỉ đơn giản này, thì việc cử hành Lời Chúa sẽ còn phải hơn thế xiết bao? Ôi, chúng ta được triệu tập để học nghệ thuật nào cho việc công bố Lời, nghe Lời, để Lời linh hứng cho việc cầu nguyện của chúng ta, để làm cho Lời ấy trở thành chính cuộc sống của chúng ta? Tất cả những điều này đáng được quan tâm tối đa - không phải về hình thức hay chỉ đơn thuần là bên ngoài, mà là sống động và nội tâm - để mọi cử chỉ và mọi lời nói của việc cử hành, được phát biểu một cách có “nghệ thuật,” đào tạo nên nhân cách Kitô hữu của mỗi cá nhân và của cộng đoàn.

54. Nếu quả ars celebrandi được toàn thể cộng đoàn cử hành yêu cầu, thì quả các thừa tác viên thụ phong cũng phải có mối quan tâm đặc biệt đối với nó. Khi đến thăm các cộng đồng Kitô giáo, tôi nhận thấy cách sống của họ trong việc cử hành phụng vụ tùy thuộc cách mục tử của họ chủ tọa cộng đoàn, mà tốt hơn hoặc, không may, tệ hơn. Có thể nói rằng có nhiều “mô hình” chủ tọa khác nhau. Sau đây là một danh sách khả hữu liệt kê một số phương thức, thậm chí trái ngược nhau, cho thấy đặc tính của một cách chủ tọa chắc chắn không thỏa đáng: khắc khổ cứng ngắc hoặc sáng tạo gây mất lòng, một chủ nghĩa huyền bí linh đạo hoặc một chủ nghĩa duy chức năng thực tế, một sự nhanh chóng vội vàng hoặc một sự chậm chạp nhấn mạnh quá mức, sự bất cẩn cẩu thả hoặc sự cầu kỳ quá mức, một sự thân thiện quá mức hoặc sự vô tình kiểu cha cụ. Tuy các thí dụ này bao gồm một phạm vi khá rộng, nhưng theo tôi sự bất cập của các mô hình chủ tọa này có một gốc rễ chung: chủ nghĩa cá nhân cao độ muốn có phong cách cử hành đôi khi kỳ quặc, được che giấu một cách kém cỏi, nhằm kéo chú ý của mọi người. Thường thì điều này trở nên rõ ràng hơn khi các cuộc cử hành của chúng ta được truyền qua mạng hoặc trực tuyến, một điều không phải lúc nào cũng thuận lợi và cần được suy nghĩ thêm. Xin anh chị em hiểu tôi một cách chắc chắn rằng: đây không phải là những hành vi được loan truyền rộng rãi nhất, nhưng các cộng đoàn vẫn đang bị lạm dụng như vậy.

55. Còn nhiều điều để nói về tầm quan trọng của việc chủ tọa và nó đòi phải quan tâm ra sao. Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ giảng trong thánh lễ, một nhiệm vụ nhiều đòi hỏi. [17] Ở đây, tôi xin giới hạn vào một số xem xét tổng quát khác, luôn muốn suy nghĩ với anh chị em về cách chúng ta phải được Phụng vụ đào tạo ra sao. Tôi nghĩ về nhịp điệu bình thường của Thánh lễ Chúa nhật trong các cộng đồng của chúng ta, và do đó tôi xin ngỏ lời với các linh mục, nhưng một cách mặc nhiên với mọi thừa tác viên thụ phong.

56. Linh mục sống việc tham dự đặc trưng của ngài vào việc cử do hồng phúc đã nhận lãnh trong Bí tích Truyền chức thánh, và điều này được thể hiện một cách minh nhiên chính trong việc chủ tọa. Giống như tất cả các vai trò mà ngài được kêu gọi để thực hiện, đây chủ yếu không phải là một bổn phận mà cộng đoàn giao cho ngài nhưng là hệ quả của việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần nhận được trong lúc chịu chức, để trang bị cho ngài một nhiệm vụ như vậy. Linh mục cũng được đào tạo bởi việc chủ tọa của ngài trong cộng đoàn cử hành.

57. Để việc phục vụ này được thực hiện tốt – đúng hơn, một cách đầy nghệ thuật! - điều quan trọng căn bản là linh mục phải nhận thức sâu sắc về sự hiện diện đặc thù của Chúa Phục Sinh, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính thừa tác viên thụ phong là một trong những kiểu hiện diện của Chúa làm cho cộng đoàn Kitô giáo trở nên độc đáo, khác với bất cứ cộng đoàn nào khác. (xem Sacrosanctum Concilium, số 7) Sự kiện này mang lại mức quan trọng “bí tích” (theo nghĩa rộng) cho mọi cử chỉ và lời nói của vị chủ tọa. Trong những cử chỉ và lời nói này, cộng đoàn có quyền cảm nhận được ước muốn của Chúa, hôm nay cũng như trong Bữa Tiệc Ly, được ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta. Vì vậy, Chúa Phục sinh giữ vai trò dẫn đạo, chứ không phải các ấu trĩ của chúng ta, đảm nhận những vai trò và hành vi không thích hợp chút nào. Ước muốn hiệp thông mà Chúa muốn dành cho mỗi người nên chế ngự chính vị linh mục. Như thể ngài được đặt giữa trái tim yêu thương cháy bỏng của Chúa Giêsu và trái tim của mỗi tín hữu, vốn là đối tượng của tình Chúa yêu thương. Chủ tọa Bí tích Thánh Thể là lao mình vào lò lửa tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta được ơn hiểu thực tại này, hoặc thậm chí chỉ trực giác một điều gì đó của nó, chúng ta chắc chắn không cần Sách Hướng Dẫn để qui định tác phong thích đáng nữa. Nếu chúng ta vẫn cần điều đó, thì đó là vì sự cứng lòng của chúng ta. Qui luật cao nhất, và do đó đòi hỏi nhiều nhất, chính là thực tại của việc cử hành Thánh Thể, một cử hành chọn lựa các lời nói, cử chỉ, cảm xúc có thể giúp chúng ta hiểu được việc chúng ta sử dụng những điều này có đúng mức với thực tại mà chúng phục vụ hay không. Hiển nhiên không thể cương biến được. Đó là một nghệ thuật. Nó đòi phải có sự chuyên tâm của linh mục, một sự chuyên cần chăm lo cho ngọn lửa tình yêu của Chúa mà Người vốn đến để đốt cháy trên mặt đất (Lc 12:49).

58. Khi cộng đoàn đầu tiên bẻ bánh tuân theo mệnh lệnh của Chúa, họ đã làm như vậy trước sự hiện diện của Mẹ Maria, đấng đã đồng hành với những bước chân đầu tiên của Giáo Hội: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1:14). Mẹ Đồng Trinh “trông chừng” các cử chỉ của Con Mẹ đã được ủy thác cho các Tông đồ. Như Mẹ đã bảo vệ Ngôi Lời thành xác thịt sau khi nhận được lời của sứ thần Gabrien, Mẹ, một lần nữa, bảo vệ các cử chỉ trong lòng Giáo hội vốn hình thành nên thân thể Con Mẹ. Chính vị linh mục, người lặp lại những cử chỉ đó do hồng phúc đã lãnh nhận trong Bí tích Truyền Chức Thánh, cũng được bảo vệ trong cung lòng Đức Trinh Nữ. Liệu chúng ta có thực sự cần một quy tắc ở đây để cho chúng ta biết chúng ta phải hành động như thế nào không?

59. Khi trở thành khí cụ để đốt cháy ngọn lửa tình yêu của Chúa trên trái đất, vốn được che chở trong cung lòng Mẹ Maria, Trinh Nữ đã trở thành Giáo hội (như Thánh Phanxicô đã hát về Mẹ), các linh mục phải để Chúa Thánh Thần tác động trên các ngài, hoàn thành công việc mà Người đã bắt đầu nơi các ngài khi các ngài được phong chức. Hoạt động của Chúa Thánh Thần cung ứng cho các ngài khả thể thi hành thừa tác vụ chủ tọa cộng đoàn Thánh Thể với lòng kính sợ của Thánh Phêrô, ý thức mình là kẻ có tội (Lc 5:1-11), với lòng khiêm nhường mạnh mẽ của người tôi tớ đau khổ (x. Is 42tt), với lòng mong muốn “được ăn” bởi những người được giao phó cho họ trong việc thi hành thừa tác vụ hàng ngày.

60. Chính việc cử hành cũng giáo dục linh mục để ngài đạt tới bình diện và phẩm chất chủ tọa này. Tôi xin nhắc lại, nó không phải là việc chấp nhận trí thức, cho dù toàn bộ trí tuệ cũng như mọi nhạy cảm của chúng ta đều phải tham gia vào đó. Vì vậy, linh mục được đào tạo nhờ việc chủ tọa lời nói và cử chỉ mà Phụng vụ vốn đặt lên môi và lên tay ngài. Ngài không ngồi trên một ngai vàng [18] bởi vì Chúa trị vì với sự khiêm nhường của một người phục vụ. Ngài không đánh cướp sự chú ý khỏi vị trí trung tâm của bàn thờ, vốn là dấu chỉ Chúa Kitô, Đấng mà từ cạnh sườn bị đâm thâu chảy ra máu và nước, nhờ đó mà các Bí tích của Giáo hội được thiết lập và là trung tâm của lời ca tụng và tạ ơn của chúng ta. [19]

Đến gần bàn thờ để dâng của lễ, vị linh mục được giáo dục về lòng khiêm nhường và thống hối bằng những lời: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay được đẹp lòng Chúa” [20]. Ngài không thể dựa vào chính mình để thi hành thừa tác vụ đã được ủy thác cho ngài vì Phụng vụ mời gọi ngài cầu nguyện để được thanh tẩy qua dấu chỉ của nước, khi ngài đọc: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy” [21].

Những lời mà Phụng vụ đặt lên môi ngài có những nội dung khác nhau, đòi hỏi những âm sắc chuyên biệt. Nghệ thuật cử hành đích thực đòi linh mục phải coi trọng những lời như vậy. Những điều này tạo nên hình dạng và hình thức cho cảm xúc nội tâm của ngài, có lúc phải khẩn cầu Chúa Cha nhân danh cộng đoàn, có lúc phải dạy dỗ cộng đoàn, có lúc lại tung hô đồng thanh với toàn thể cộng đoàn.

Trong Kinh nguyện Thánh Thể - trong đó mọi người đã được rửa tội đều tham gia bằng cách lắng nghe với lòng tôn kính, im lặng và xen kẽ bằng những lời tung hô [22] (IGMR 78-79) – vị chủ tọa có sức mạnh, nhân danh toàn thể dân thánh, để tưởng nhớ trước mặt Chúa Cha lễ dâng của Con Người trong Bữa Tiệc Ly, để lễ dâng bao la ấy có thể được làm cho hiện diện mới mẻ trên bàn thờ. Ngài tham gia vào lễ dâng đó lễ bằng việc dâng chính mình ngài. Linh mục không thể thuật lại Bữa Tiệc Ly cho Chúa Cha mà không tự mình trở thành người tham dự vào đó. Ngài không thể nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con,” mà lại không sống theo cùng một ước muốn dâng chính thân thể mình, mạng sống mình cho những người được giao phó cho ngài. Đây là điều diễn ra khi thi hành thừa tác vụ của ngài.

Từ tất cả những điều trên và từ nhiều điều khác, linh mục liên tục được đào tạo bởi hành động cử hành.

* * *

61. Trong lá thư này, tôi chỉ muốn chia sẻ một số suy tư mà chắc chắn không khai thác hết kho tàng bao la của việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Tôi yêu cầu tất cả các giám mục, linh mục và phó tế, những người đào tạo trong các chủng viện, những người hướng dẫn trong các khoa thần học và các trường thần học, và tất cả các giáo lý viên hãy giúp dân thánh của Thiên Chúa rút tỉa được từ dòng suối đầu tiên của linh đạo Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi liên tục tái khám phá sự phong phú của các nguyên tắc tổng quát được trình bày trong những đoạn đầu tiên của Hiến chế Sacrosanctum Concilium, nắm bắt mối liên hệ mật thiết giữa hiến chế đầu tiên của Công Đồng đồng này và tất cả những hiến chế khác. Vì lý do này, chúng ta không thể quay trở lại hình thức nghi lễ mà các nghị phụ Công đồng, cum Petro et sub Petro [cùng với Phêrô và dưới Phêrô], cảm thấy cần phải cải cách, chấp thuận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và tuân theo lương tâm của họ trong tư cách mục tử, các nguyên tắc mà từ đó cuộc cải cách đã phát sinh ra. Các thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, khi phê chuẩn các sách phụng vụ được cải cách, ex decreto Sacrosancti Œcumenici Concilii Vaticani II [từ sắc lệnh của Công Đồng Chung Vatican II], đã bảo đảm lòng trung thành của việc cải tổ của Công đồng. Vì lý do này, tôi đã viết tự sắc Traditionis custodes, để Giáo hội, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể nâng lên một và cùng một lời cầu nguyện có khả năng phát biểu sự hiệp nhất của mình. [23]

Như tôi đã viết, tôi dự định sự thống nhất này sẽ được tái lập trong toàn thể Giáo Hội thuộc Nghi lễ Rôma.

62. Tôi muốn lá thư này giúp chúng ta khơi dậy sự ngạc nhiên thán phục trước vẻ đẹp của sự thật cử hành Kitô giáo, để nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc đào tạo phụng vụ đích thực, và nhận ra tầm quan trọng của một nghệ thuật cử hành để phục vụ chân lý của Mầu nhiệm Vượt qua và phục vụ sự tham gia vào đó của tất cả những ai đã được rửa tội, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình.

Tất cả sự phong phú này không xa cách đối với chúng ta. Nó nằm ngay trong các nhà thờ của chúng ta, trong các ngày lễ của Kitô giáo chúng ta, ở tính trung tâm của Ngày của Chúa, trong quyền năng của các bí tích mà chúng ta cử hành. Đời sống Kitô hữu là một hành trình tăng trưởng không ngừng. Chúng ta được mời gọi để mình được đào tạo trong niềm vui và sự hiệp thông.

63. Vì điều này, tôi mong muốn để lại cho anh chị em một chỉ dẫn nữa để tuân theo dọc hành trình của chúng ta. Tôi mời anh chị em tái khám phá ý nghĩa của năm phụng vụ và Ngày của Chúa. Cả hai điều này cũng đã được Công Đồng để lại cho chúng ta (Xem Sacrosanctum Concilium, các số 102-111).

64. Dưới ánh sáng của tất cả những gì chúng ta đã nói ở trên, chúng ta thấy rằng năm phụng vụ cho chúng ta khả thể tăng trưởng trong sự hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm Chúa Kitô, dìm cuộc sống chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người, chờ đợi Người trở lại trong vinh quang. Đây là một sự đào tạo liên tục thực sự. Cuộc sống của chúng ta không phải là một chuỗi sự kiện hỗn loạn ngẫu nhiên, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia. Đúng hơn, nó là một hành trình chính xác, một cử hành mà từ một cử hành hàng năm về sự chết và sự phục sinh của Người cho đến cử hành kế tiếp, làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con [24].

65. Khi thời gian được làm nên mới nhờ mầu nhiệm Sự Chết và Sự Phục Sinh của Người, cứ mỗi ngày thứ tám, Giáo Hội lại cử hành biến cố cứu rỗi chúng ta trong ngày của Chúa. Trước khi là một giới luật, Chúa nhật là một hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho dân tộc của Người; và vì lý do này, Giáo hội bảo vệ nó bằng một giới luật. Việc cử hành Chúa nhật cung cấp cho cộng đồng Kitô hữu khả thể được Bí tích Thánh Thể đào tạo. Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ, lời của Chúa Phục Sinh soi sáng cuộc hiện sinh của chúng ta, muốn đạt được trong chúng ta mục đích mà lời ấy đã được sai đi. (X. Is 55: 10-11) Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ, việc rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cũng muốn biến cuộc đời chúng ta trở thành của lễ đẹp lòng Chúa Cha, trong sự hiệp thông chia sẻ, hiếu khách, phục vụ huynh đệ. Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật nọ, năng lực của Bánh được Bẻ nâng đỡ chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng, trong đó tính chân chính của việc chúng ta cử hành đã tự được tỏ hiện.

Chúng ta hãy từ bỏ những luận điệu luận chiến của mình để cùng nhau lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội. Chúng ta hãy lo bảo vệ sự hiệp thông của chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục ngạc nhiên thán phục trước vẻ đẹp của Phụng vụ. Mầu nhiệm Vượt qua đã được ban cho chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được đón nhận bởi ước muốn của Chúa được tiếp tục ăn Lễ Vượt Qua của Người với chúng ta. Tất cả những điều này dưới con mắt của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội.

Ban hành tại Rôma, tại Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 29 tháng 6, Lễ Trọng các Thánh Phêrô và Phaolô, các Tông đồ, năm 2022, năm thứ mười triều đại Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

_________________________________________________

Mọi người hãy kính sợ, cả thế giới hãy run sợ, và các tầng trời hãy hân hoan
Khi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, hiện diện trên bàn thờ trong tay của một linh mục!

Ôi, sự cao cả và phẩm giá tuyệt vời!
Ôi sự khiêm nhường cao cả! Ôi sự uy nghi khiêm hạ!

Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và Con Thiên Chúa,
Tự hạ mình đến nỗi để cứu rỗi chúng con
Người đã giấu mình dưới hình bánh tầm thường!

Hỡi anh em, anh em hãy nhìn vào sự khiêm nhường của Thiên Chúa,
Và thổ lộ hết cõi lòng trước mặt Người!
Hãy hạ mình xuống để anh em có thể được Người nâng lên cao!
Không giữ điều gì của anh em cho chính anh em,
để Đấng ban chính mình Người hoàn toàn cho anh em có thể đón nhận anh em hoàn toàn!

Thánh Phanxicô Assisi
Thư gửi Toàn bộ Nhà Dòng II, 26-29


[1] Xem Đức Lêô Cả, Bài giảng LXXIV: Về Chúa Lên trời II, 1: «quod […] Redemptoris nostri conspicuum fuit, in sacramenta transivit» [điều hiển hiện của Chúa Cứu Chuộc được chuyển qua các bí tích].

[2] Kinh tiền tụng Phục sinh III, Sách lễ Rôma (2008) tr. 367: «Người đã bị sát tế mà không còn chết nữa, dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi».

[3] Xem Sách Lễ Rôma (2008) tr. 532.

[4] Xem Thánh Augustinô, Chú giải các Thánh vịnh. Tv. 138,2; Kinh nguyện sau bài đọc thứ bầy, Vọng Phục sinh, Sách lễ Rôma (2008) tr. 359; Trên các của dân, cầu cho Giáo Hội (B), Sách lễ Rôma (2008) tr. 1076.

[5] Xem Thánh Augustinô, Trong khảo luận về Tin Mừng Gioan XXVI, 13.

[6] Xem Thông điệp Mediator Dei (20 tháng 11, 1947) trong AAS 39 (1947) 532.

[7] AAS 56 (1964) 34.

[8] R. Guardini Liturgische Bildung [Đào tạo Phụng vụ] (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ] (Mainz 1992) tr. 43.

[9] R. Guardini Der Kultakt und die gegenwärtige Aufgabe der Liturgischen Bildung [Hành vi thờ phượng và Nhiệm vụ thực sự Dào tạo Phụng vụ] (1964) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ] (Mainz 1992) tr. 14.

[10] De Ordinatione Episcopi, Presbyterorum et Diaconorum [về việc phong chức Giám Mục, linh mục và phó tế] (1990) tr. 95: «Agnosce quod age, imitare quod sugarabis, et vitam tuam mysrio dominicæ crossis conforma» [Hãy biết việc con làm, hãy bắt chước việc con giảng dạy và đời sống con phù hợp với mầu nhiệm thập giá Chúa]

[11] Đức Lêô Cả, Bài giảng LXIII: De Passione Domini [về Cuộc Khổ nạn của Chúa]III, 7.

[12] Thánh Irênê thành Lyon, Adversus hæreses [Chống lạc giáo]IV, 20,7.

[13] R. Guardini Liturgische Bildung [Đào tạo Phụng vụ] (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ] (Mainz 1992) tr. 36.

[14] Cantico delle Creature (Ca khúc Tạo vật], Fonti Francescane, tr. 263; Bản Tiếng Anh, Francis of Assisi, Early Documents, vol. I, 113.

[15] R. Guardini Liturgische Bildung [Đào tạo Phụng vụ] (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung [Phụng vụ và Việc Đào tạo Phụng vụ](Mainz 1992) tr. 99.

[16] Xem Chỉ thị Institutio Generalis Missalis Romani các số 45; 51; 54-56; 66; 71; 84; 88; 271.

[17] Xem Tông huấn Evangelii gaudium, (24 tháng 11 năm 2013) các số 135-144.

[18] Xem chỉ thị Institutio Generalis Missalis Romani n. 310.

[19] Lời cầu nguyện thánh hiến trong Nghi thức thánh hiến nhà thờ và bàn thờ (1977) tr. 102.

[20] Sách lễ Rôma (2008) tr. 515: « Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay được đẹp lòng Chúa. ».

[21] Sách Lễ Rôma (2008) tr. 515: « Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy ».

[22] Xem Chỉ thị Institutio Generalis Missalis Romani, các số 78-79.

[23] Xem Đức Phaolô VI, Tông hiến Missale Romanum (3 tháng 4, 1969) trong AAS 61 (1969) 222.

[24] Sách lễ Rôma (2008) tr. 598: «… mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con ».
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thế hệ linh mục thời Hậu-Covid: Lễ Tạ Ơn 3 tân linh mục DCCT tại Gx ĐMHCG Garland TX
Trần Mạnh Trác - Phạm Thái Hùng
19:24 03/07/2022
Xem hình ảnh

Ngày Chuá Nhật hôm nay, ngay trước lễ Độc Lập cuả Hoa Kỳ, Gx ĐMHCG ở Garland TX đã có dịp chứng kiến 1 lễ Tạ Ơn cuả 3 tân linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, là quí cha Vincentê Maria Nguyễn Minh Quân, Giuse Nguyễn Xuân Trường và Phanxicô Xaviê Nguyễn Lâm Lợi.

Tất cả 3 tân LM, khi còn là chủng sinh, đã phục vụ nhiều năm với nhiều đoàn thể cuà Gx ĐMHCG. Việc họ rủ nhau trở về đây dâng lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, thì còn có nghĩa là một việc Tạ Ơn giữa họ và Gx ĐMHCG.

Đây là thế hệ linh mục đầu tiên 'thời Hậu Covid' cuả Phụ Tỉnh DCCT Việt Nam tại Hoa kỳ, và các LM này, theo lời của họ, đã trải qua một thời gian tu tập kéo dài từ 9 cho tới 13 năm.

Trước hết, nói về 'thời Hậu Covid', chúng tôi có ý chỉ về ngày hôm nay, khi mà hầu hết các luật lệ 'cách ly xã hội' đã được bãi bỏ. Khoa Học và Sử Học có thể đưa ra một cột mốc khác, tuy nhiên điều quan trọng mà chúng tôi muốn đề cập tới là một 'bầu không khí xã hội mới' với nhiều hy vọng và dự phóng lạc quan cho tương lai.

Thứ hai khi đề cập đến khoảng thời gian tu tập dài từ 9 tới 13 năm: thì một ứng viên linh mục ở Hoa Kỳ phải hoàn tất 2 môn Triết Học và Thần Học. Chương trình cuả từng môn kéo dài 4 năm, cộng lại thành 8 năm, tuy nhiên hai môn học có nhiều chứng chỉ trùng lặp cho nên thông thường các sinh viên giải quyết được cả hai với khoảng thời gian 6 năm hoặc ít hơn, có thể là ít hơn nữa tuỳ việc họ đã có những chứng chỉ tương đương khác cuả một văn bắng khác. (Đây cũng giống như việc nhiều sinh viên đồng môn cuả tôi từ nhiều thập kỷ trước đã chỉ phải học thêm 1 semester mà được ra trường 'double majors' (Electric và Computer.))

Cha chánh xứ Phaolô Nguyễn Tất Hải, CSsR, còn cho chúng tôi biết thêm rằng, các chủng sinh cuả nhà dòng phải bỏ ra 2 năm dự tập (nói nôm na là tập tu hành), làm việc truyền giáo phương xa 6 tháng cho tới 1 năm, và sau đó thì thêm 1 năm mục vụ sau khi lãnh chức Phó Tế.

Tính ra thì 10 năm là con đường bình thường cho một học sinh sau Trung Học đạt tới chức LM.

Trong diễn văn cảm ơn cuối lễ, cha mới đã kể ra nhiều kỷ niệm vui buồn trong lúc đi truyền giáo tại Thái Lan.

Quí cha mới sẽ nhận nhiệm sở ở đâu?

Theo lời Cha Hải (Cha Xứ), thì một vị sẽ phục vụ tại Houston TX, một vị khác tại Winnsboro TX và sau cùng thì 1 vị...đi tuốt luốt tới tận xứ Tiệp, ở mãi bên trời Đông Âu.
 
VietCatholic TV
Kho đạn lớn của Nga nổ tung. Chiến tranh ác liệt, Tiểu đoàn trưởng Nga sợ bỏ trốn, bị lính bắt giam
VietCatholic Media
03:06 03/07/2022


1. Ukraine tăng cường tấn công các kho đạn của Nga

Kho đạn của Nga, và các sở chỉ huy đang là mục tiêu tấn công chủ yếu của Ukraine trong bối cảnh quân Nga đông hơn từ 10 đến 20 lần, và có hoả lực mạnh hơn ít nhất 10 lần.

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 3 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết một kho đạn lớn của Nga đã bị phá hủy bởi một hỏa tiễn Ukraine, với đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội với mục đích cho thấy hậu quả kịch tính của cuộc tấn công.

Đoạn video được đăng trên trang Facebook của Lực lượng vũ trang Ukraine, có nội dung “làm thế nào một trong những kho đạn của quân chiếm đóng Nga ở miền đông Ukraine đã nổ tung”. Vụ nổ được tường trình đã diễn ra ở Popasna thuộc vùng Luhansk

Nó cho thấy một cuộc tấn công vào thứ trông giống như một nhà kho, sau đó là một ngọn lửa và khói bốc lên bầu trời.

Đoạn clip được đưa ra khi các lực lượng vũ trang Ukraine ước tính rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24/2, Nga đã mất gần 36.000 quân nhân.

Ước tính thiệt hại của Nga cho đến cuối ngày thứ Bẩy 2 tháng 6 bao gồm 35.870 binh sĩ, 1582 xe tăng và 3737 thiết giáp chở quân.

Hãng tin mil.in.ua cho biết việc phát hiện từ xa các vị trí quân sự của Nga đã được thực hiện bằng máy bay không người lái hoặc máy ảnh cố định.

Hãng tin này lưu ý rằng Popasna là nơi giao tranh ác liệt khi bắt đầu chiến tranh và các lực lượng Nga bắt đầu chiếm đóng thành phố bị phá hủy vào đầu tháng 5.

Tin tức này được đưa ra khi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn cho biết hôm thứ Bảy rằng họ đã bao vây thành phố quan trọng Lysychansk.

Andrei Marotchko, phát ngôn nhân của lực lượng ly khai thân Nga, nói với Tass rằng “lực lượng dân quân nổi tiếng ở Luhansk và các lực lượng Nga đã chiếm giữ những đỉnh cao chiến lược cuối cùng” và điều này có nghĩa là thành phố, nơi đã chống lại sự bắn phá của Mạc Tư Khoa trong nhiều tuần, “hoàn toàn bị bao vây.”

Tuyên bố này đã bị phía Ukraine bác bỏ.

2. Lính Nga bắt giam chỉ huy của họ để anh ta không thể bỏ trốn

Tình báo Ukraine đã chặn được cuộc điện đàm giữa một kẻ xâm lược và vợ của anh ta. Người lính kể cho cô nghe về một số lượng lớn những người bị thương và về việc giam giữ một chỉ huy đã cố gắng chạy trốn khỏi tiền tuyến.

Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố vụ đánh chặn trên Telegram.

“Ở Tiểu đoàn 4, họ đã bắt tiểu đoàn trưởng của họ làm tù binh. Họ bắt giam anh ta để anh không bỏ trốn. Họ có rất nhiều người bị thương. Hôm qua bọn anh cũng đã chất đầy xe những thương binh. Họ đã sẵn sàng để trốn thoát nhưng một lệnh đã được đưa ra buộc họ phải ở lại. Hôm qua, hơn 20 người Nga bị thương đã được đưa đi, một tên khủng bố Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho anh biết như thế”.

Trước đó, Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, các binh sĩ Nga đã bắt đầu ồ ạt đào ngũ.

3. Lviv chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Belarus

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 3 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết tại Lviv, với sự tham gia của lãnh đạo quân sự và dân sự của thành phố, một cuộc họp đặc biệt đã được tổ chức để phát triển một kế hoạch hành động trong trường hợp có thể xảy ra leo thang từ phía Belarus.

Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi cho biết: “Ở mỗi quận của thành phố, chúng tôi sẽ tạo ra một sở chỉ huy phòng thủ và tiến hành huấn luyện bổ sung cho các thành viên của đội hình tình nguyện của lực lượng bảo vệ lãnh thổ. Chúng tôi sẽ không chuyển họ sang nhiệm vụ 24 giờ. Tuy nhiên, quyết định này có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Do tình hình ở biên giới Belarus-Ukraine không thể đoán trước được nên đây là khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay. Chúng tôi cũng đang xem xét phương án thành lập các tiểu đoàn tình nguyện dự bị từ các nhân viên của hội đồng thành phố và các doanh nghiệp địa phương.”

Tình báo Ukraine cho biết lực lượng Belarus ở khu vực biên giới trong vùng Brest và Gomel đang được huấn luyện về thiết lập cầu phao vượt sông.

“Trên các hướng Volyn và Polissia, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Belarus tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bao vây biên giới Belarus-Ukraine ở các vùng Brest và Gomel trên cơ sở luân phiên. Các bài tập về thiết lập cầu vượt đang được tiến hành.” Tuyên bố cho biết không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ nhóm tấn công nào đang được thành lập.

4. Putin triệu tập một tướng Nga về hưu quá mập trở lại chiến trường

Một bức ảnh về một tướng Nga đã nghỉ hưu trong quân đội của Vladimir Putin đã làm dấy lên những đồn đoán cho rằng Mạc Tư Khoa đang kêu gọi tái nhập ngũ các quân nhân đã nghỉ hưu để tham gia cuộc chiến chống Ukraine vì những tổn thất quá lớn trong cuộc chiến tại miền Donbas.

Một nguồn tin tình báo cấp cao nói với Daily Star hôm Chúa Nhật rằng ông Putin đã ra lệnh cho Tướng Pavel, 67 tuổi, trở lại phục vụ tại ngũ để lãnh đạo các lực lượng đặc biệt của Nga hoạt động ở Ukraine.

Nguồn tin cho biết Pavel đã nghỉ hưu cách đây 5 năm và sống ở ngoại ô Mạc Tư Khoa cho đến khi được gọi trở lại lãnh đạo một đơn vị sau khi một cựu chỉ huy bị thương nặng trong một cuộc tấn công bằng pháo binh.

Hình ảnh của vị tướng về hưu đã lan truyền trên mạng xã hội, với những người dùng Twitter, bao gồm cả Đại diện Hoa Kỳ Adam Kinzinger, một đảng viên Đảng Cộng hòa, chế giễu ngoại hình và cân nặng của ông ta.

Nguồn tin tình báo cấp cao cho biết: “Putin hiện đang thiếu tướng lãnh. Hầu hết các chỉ huy cấp cao giỏi nhất và thiện chiến nhất của ông ta đều đã bị giết hoặc bị thương trong trận chiến ở Ukraine, vì vậy ông ấy đang cầu viện đến các sĩ quan hạng hai ra mặt trận, những người chắc chắn không tồn tại được lâu”.

Nguồn tin tiếp tục: “Ông ấy hiện đang lôi kéo các tướng lĩnh nghỉ hưu và một trong số đó là Tướng Pavel.”

“Putin giống như một trùm mafia không ai có thể từ chối phục tùng. Nếu một vị tướng về hưu nhận được tin nhắn từ Putin nói rằng nước Nga cần bạn chiến đấu ở Ukraine thì bạn không thể làm được gì nhiều. Bây giờ thoát khỏi Nga cũng không phải là dễ vì các lệnh trừng phạt. “

Bức ảnh được xác nhận bởi Reddit, là mạng xác minh tính chất xác thực của các câu chuyện trên Internet. Theo Reddit, vị tướng này đã đi lính hơn 40 năm và trở thành chỉ huy lực lượng đặc biệt của Nga. Ông ta cũng phục vụ ở Syria và đã có một thời gian hoạt động ở Afghanistan.

Các nguồn tin cho biết cả Nga và Ukraine đều đang hứng chịu rất nhiều thương vong và kho đạn dược chiến tranh “đang ở mức rất thấp”.

“Nga cũng đã mất một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép và đây là những thiết bị phức tạp không thể dễ dàng thay thế.”

5. Wall Street Journal cho rằng người Nga ít quan tâm đến cuộc chiến tại Ukraine

Ở các thành phố lớn nhất của Nga, có rất ít dấu hiệu rõ ràng về một cuộc chiến đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản ở Ukraine, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Các liên hoan phim và nhạc jazz đều bán hết vé, trong khi Mạc Tư Khoa đã mang đến một “cảm giác lễ hội” gợi nhớ đến mùa hè mà nước này đăng cai World Cup 2018, tờ báo viết. Các sĩ quan cảnh sát ở Mạc Tư Khoa bận rộn hơn trong việc nộp phạt vì uống rượu nơi công cộng hơn là các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh.

Dima Karmanovsky, người đang đi nghỉ khi quân đội của Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, đã vô cùng sửng sốt khi thấy thành phố hầu như không thay đổi khi anh trở lại vào tháng Tư.

Nó thực sự khiến tôi bị sốc vì mọi người đang cố gắng tạo ra một bầu không khí thanh thản xung quanh mình, nhưng tôi không chắc điều này là thích hợp.

Một người dân Mạc Tư Khoa khác, một huấn luyện viên yoga vừa kết thúc một lớp học ngoài trời ở trung tâm thành phố, cho biết:

Một số người đã đi đánh nhau, nhưng những người còn lại phải làm gì - ngồi xung quanh và khóc? Đây là sự thích nghi bình thường. Bây giờ chúng ta đang sống trong một thế giới khác và chúng ta phải tiếp tục sống.

Tờ báo viết rằng người dân ở các thành phố lớn của Nga rời xa cuộc chiến vì quân đội Nga có xu hướng thu hút tân binh từ các vùng nghèo hơn. Trong số 11 tướng lãnh và 57 sĩ quan cấp tá được cho là đã thiệt mạng ở Ukraine, chỉ 8 người đến từ Mạc Tư Khoa và 26 người từ St Petersburg, theo trang web độc lập của Nga Mediazona.

Kết quả là, cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành tiếng ồn xung quanh đối với nhiều người, một chuyên gia cho biết.

Một người phản đối nói:

Mọi người không hiểu làm thế nào để chấm dứt chiến tranh khi ở Nga. Thật khó để xem một bi kịch mà bạn không thể dừng lại và vì vậy chúng tôi đang chứng kiến một cảm giác bất lực.

6. Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết Nga đạt được 'những bước tiến nhỏ' xung quanh Lysychansk

Lực lượng Nga đang tiếp tục đạt được “những bước tiến nhỏ” tại thành phố chiến lược Lysychansk ở miền đông Ukraine, với các cuộc không kích và pháo binh tiếp tục diễn ra ở quận này, tình báo Anh cho biết.

Các lực lượng Ukraine có thể tiếp tục ngăn chặn các lực lượng Nga ở vùng ngoại ô phía đông nam của thành phố miền đông Ukraine, theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh.

Theo các báo cáo, Nga rất có thể đang bị cạn kiệt kho dự trữ vũ khí hiện đại chính xác, đành quay sang sử dụng hỏa tiễn chống hạm phóng từ trên không trong vai trò tấn công đất liền thứ cấp.

Phân tích đoạn phim CCTV về các cuộc tấn công chết người vào một trung tâm mua sắm ở thành phố Kremenchuk của Ukraine vào đầu tuần này cho thấy hỏa tiễn “rất có thể là Kh-32”, một phiên bản nâng cấp của hỏa tiễn thời Liên Xô.

Mặc dù Kh-32 có một số cải tiến về hiệu suất so với Kh-22, nhưng nó vẫn không được tối ưu hóa để tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là trong môi trường đô thị. Điều này làm tăng đáng kể khả năng gây ra các thiệt hại phụ khi tấn công vào các khu vực đông đúc.

Các cuộc tấn công tiếp theo vào ngày 30 tháng 6 năm 2022 tại Odesa có thể liên quan đến hỏa tiễn Kh-22 KITCHEN. Những vũ khí này thậm chí còn kém chính xác và không thích hợp cho các cuộc tấn công chính xác và gần như chắc chắn đã liên tục gây ra thương vong cho dân thường trong những tuần gần đây.
 
Sa tan hoành hành: Hàng loạt nhà thờ ở Mỹ bị tấn công. TT Guatemala nổi giận với ý thức hệ bài Kitô
VietCatholic Media
05:00 03/07/2022


1. Các cuộc tấn công vào nhà thờ, trung tâm trợ giúp mang thai vẫn tiếp tục

Kể từ khi Tối Cao Pháp Viện bãi bỏ phán quyết Roe chống Wade vào hôm thứ Sáu, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và các trung tâm trợ giúp mang thai đã được báo cáo ở Tây Virginia, Washington, Virginia, Louisiana, Colorado, California, Texas, Florida, New York và Indiana.

Dưới đây là các cuộc tấn công mới được ghi nhận.

Nhà thờ Công Giáo Thánh Patrick ở Philadelphia đã bị vẽ bậy bằng sơn xịt với các khẩu hiệu phò phá thai vào ngày 25 tháng 6.

Cha Hyacinth Cordell, OP, Cha Sở của nhà thờ, nói với CNA rằng những bức vẽ graffiti có nội dung “Hãy đốt nhà thờ” nằm ở một góc bên ngoài nhà thờ. Nó đã được chùi sạch.

Một bảng hiệu ủng hộ sự sống tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Teresa thành Avila ở Hutchinson, Kansas, cách Wichita khoảng 50 dặm về phía tây bắc, đã bị phá hoại vào cuối tuần qua.

Bảng hiệu cho thấy một người mẹ đang ôm một đứa trẻ có ghi “Bỏ phiếu Có ngày 2 tháng 8” và “ValueThemBoth.com” bên dưới. Dấu hiệu đang khuyến khích mọi người bỏ phiếu đồng ý về một sửa đổi hiến pháp tiểu bang liên quan đến hạn chế phá thai.

Matt Vainer, phát ngôn viên của Giáo phận Wichita, nói rằng hung thủ bị theo dõi bởi một nhân chứng đã gọi cảnh sát. Thủ phạm đã bị bắt, ông nói.

Cha Sở của nhà thờ Thánh Têrêxa thành Avila, là Cha Aaron Spexarth, đã đặt tấm biển bên dưới một cây thánh giá trong nhà thờ, vì ngài tin rằng đặt nó dưới chân Chúa là thích hợp nhất

Nhà thờ Công Giáo Các Thánh ở Portland, Oregon đã bị vẽ bậy với các khẩu hiệu ủng hộ phá thai vào ngày 25 tháng 6.

Một bức ảnh về vụ phá hoại có dòng chữ “Nếu phá thai không an toàn, bạn cũng vậy! “ FBI đang điều tra, Barbara Custer, một thư ký giáo xứ tại nhà thờ, nói với CNA.

Phòng khám trợ giúp mang thai có tên “Một người Bạn” ở Thành phố Yuba, California đã bị phá hoại vào ngày 27 tháng 6.

Giám đốc điều hành của phòng khám, Kristen Bird nói với CNA.

Video cho thấy hung thủ ném ba hòn đá vào cửa sổ cho đến khi cửa sổ bị vỡ. Việc sửa chữa sẽ mất từ 700 đến 900 đô la. FBI đang điều tra, Bird nói.

Blayne Wittig, Giám đốc điều hành của phòng khám nói với CNA, phòng khám di động của Options Health, một trung tâm trợ giúp mang thai ở Concord, California, đã bị phá hoại vào ngày 25 tháng 6.

Trung tâm Tài nguyên trợ giúp mang thai của Thành phố Salt Lake đã bị phá hoại vào ngày 24 tháng 6, trong vòng vài giờ sau khi Tối Cao Pháp Viện công bố quyết định hủy bỏ phán quyết Roe chống Wade.

Một nhân viên lễ tân tại phòng khám nói với CNA ngày 30 tháng 6 rằng một tấm biển được dán ở cửa trước có nội dung “Nếu phá thai không an toàn thì bạn cũng không”, và ở mặt sau, “Phụ nữ mỏng manh, không giống như một bông hoa, nhưng giống như một quả bom.”

Các nhãn dán được để lại trên tòa nhà, một trong số đó có nội dung “Chúa Giêsu yêu phá thai” với hình trái tim thay thế từ “tình yêu”. Các khẩu hiệu được đặt xung quanh có nội dung “phá thai mãi mãi” và “phá thai là chăm sóc sức khỏe.”
Source:Catholic News Agency

2. Tổng thống Guatemala chỉ trích Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ

Trong một phiên họp ngày 28 tháng 6 của Hội đồng thường trực của Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu tại Washington, DC, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ, gọi tắt là IACHR, “tôn trọng chủ quyền và tự do của mỗi quốc gia” và đừng là một “nhà hoạt động” cổ vũ cho việc phá thai.

Tổng thống Giammattei đã mạnh mẽ chỉ trích báo cáo thường niên năm 2021 của IACHR, trong đó nêu rõ Guatemala trong Chương IV.b.

Ủy ban lưu ý rằng Guatemala đã tham gia “Hiệp định đồng thuận Geneva để thúc đẩy sức khỏe phụ nữ và thúc đẩy gia đình”, nhưng “loại trừ việc phá thai” mà IACHR coi là “một phần không thể thiếu trong quyền của phụ nữ đối với sức khỏe tình dục và sinh sản” và khẳng định Guatemala “không tuân thủ nghĩa vụ quốc tế là bảo đảm hoặc tạo điều kiện cho việc phá thai.”

Ngoài ra, IACHR chỉ trích Guatemala “tuyệt đối” cấm phá thai “trừ khi có nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ.”

IACHR yêu cầu Guatemala áp dụng “các biện pháp lập pháp, chính sách công và bất kỳ biện pháp nào khác có thể cần thiết để bảo đảm phụ nữ tiếp cận với dịch vụ sức khỏe sinh sản mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, bao gồm quyền tiếp cận việc tự nguyện ngừng mang thai trong các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe, cũng như trong các trường hợp hiếp dâm và loạn luân”.

Theo trang web của mình, IACHR tự giới thiệu mình là “một cơ quan tự trị của Tổ chức các Quốc gia Mỹ Châu có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở bán cầu Mỹ.”

Đối với tổng thống Guatemala, báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ cho thấy một “sai lầm về phương pháp luận khiến rõ ràng là IACHR đang theo đuổi và áp đặt một chương trình nghị sự ủng hộ việc phá thai vượt quá quyền hạn của mình, bởi vì IACHR không nên là một nhà hoạt động về những vấn đề này, mà phải tôn trọng chủ quyền và quyền tự do quyết định của mỗi quốc gia đối với những vấn đề như thế này”.

Tổng thống Giammattei chỉ ra rằng “phán quyết gần đây mà chúng tôi thấy ở Hoa Kỳ về việc này”, khẳng định rằng không có cái gọi là “quyền phá thai hiến định”.

Tổng thống Guatemala lưu ý rằng đất nước của ông “luôn tuân thủ các cam kết về nhân quyền và đã cung cấp cho ủy ban tất cả thông tin mà họ yêu cầu.”

Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng “điều cần thiết là chúng ta phải làm việc cùng nhau để củng cố Hệ thống Nhân quyền Liên Mỹ, bởi vì sự bất hợp pháp và không tôn trọng các quy định của đất nước được áp dụng ngày hôm nay đối với Guatemala có thể xảy ra vào ngày mai đối với mọi quốc gia thành viên khác của tổ chức.”

Source:Catholic News Agency

3. Xã luận của Tòa Thánh sau khi phán quyết Roe bị thu hồi ở Hoa Kỳ

Phản ứng trước quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về việc phá thai, Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông Vatican, nhấn mạnh rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng mạnh mẽ và dứt khoát” chống lại việc phá thai.

Bài xã luận của Tornielli (“Phò sinh, Luôn luôn”) theo sau một tuyên bố trước đó của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống. Tornielli nói, phán quyết “có thể tạo cơ hội để suy gẫm về sự sống, việc bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị vứt bỏ, quyền của phụ nữ và bảo vệ quyền làm mẹ”.

Ông nói thêm, “Thật không may, một sự suy gẫm nghiêm túc và chia sẻ về sự sống cũng như việc bảo vệ tư cách làm mẹ đòi hỏi chúng ta phải tránh xa luận lý cực đoan chống đối và phân cực chính trị - thật không may – thường đi kèm với cuộc thảo luận về vấn đề này, ngăn cản cuộc đối thoại thực sự”.

“Phò sinh, chẳng hạn, luôn có nghĩa là phải quan tâm nếu tỷ lệ tử vong của phụ nữ do việc làm mẹ tăng lên,” ông nói tiếp như thế trong khi trích dẫn sự gia tăng tỷ lệ tử vong của người mẹ ở Hoa Kỳ từ năm 2019 đến năm 2020 (Tornielli không đề cập đến sự gia tăng đó có liên kết với Covid.)

Ông nói thêm, “Phò sinh luôn luôn có nghĩa là hỏi xem phải giúp đỡ phụ nữ ra sao để họ chào đón sự sống mới. Ở Mỹ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc lương thấp. Và chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương … Phò sinh, luôn luôn, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng ống.”

Tornielli kết luận, “Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc tranh luận về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ không bị giản lược thành một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta — ở cả hai phía của đại dương — suy gẫm về ý nghĩa của việc chào đón sự sống”.

Sau đây là nguyên văn bài xã luận của Tornielli:

Phò sinh, luôn luôn

Phán quyết của Tối cao Pháp viện, sau gần nửa thế kỷ, đã loại bỏ các quyết định trước đó từng thực tế hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu trên toàn nước Mỹ. Phán quyết hôm thứ Sáu trao cho các tiểu bang cá thể thẩm quyền ra luật lệ về vấn đề này và có thể tạo cơ hội để suy gẫm về sự sống, việc bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị vứt bỏ, quyền của phụ nữ và bảo vệ quyền làm mẹ.

Đó là một chủ đề mà ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng một cách mạnh mẽ và dứt khoát.

Trong Evangelii gaudium, văn kiện phác thảo “lộ trình” của Giám mục Rôma đương nhiệm, chúng ta đọc: “Trong số những người dễ bị tổn thương mà Giáo hội mong muốn được chăm sóc với tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt là những đứa trẻ chưa chào đời, những đứa trẻ vô tội và không tự vệ nhất trong chúng ta. Ngày nay, những nỗ lực được đưa ra nhằm phủ nhận nhân phẩm của chúng và làm bất cứ điều gì người ta muốn, lấy mạng sống của chúng và thông qua luật pháp ngăn cản bất cứ ai cản trở điều này. Như một cách chế giễu nỗ lực của Giáo hội nhằm bảo vệ sự sống của chúng, nhiều mưu toan thường được thực hiện nhằm trình bầy chủ trương của Giáo hội như có tính ý thức hệ, duy tăm tối và bảo thủ. Nhưng thực ra, bảo vệ sự sống chưa sinh này có liên hệ chặt chẽ với việc bảo vệ mỗi và mọi nhân quyền khác. Nó bao hàm niềm xác tín rằng con người luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở mọi giai đoạn phát triển nào. Con người là mục đích trong chính họ và không bao giờ là phương tiện để giải quyết các vấn đề khác”.

Một suy tư nghiêm túc và chia sẻ về sự sống cũng như việc bảo vệ quyền làm mẹ đòi hỏi chúng ta phải tránh xa luận lý cực đoan chống đối và phân cực chính trị - thật không may – thường đi kèm với cuộc thảo luận về vấn đề này, ngăn cản cuộc đối thoại thực sự.

Phò sinh, chẳng hạn, luôn có nghĩa là phải quan tâm nếu tỷ lệ tử vong của phụ nữ do việc làm mẹ tăng lên. Tại Hoa Kỳ, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ tử vong của người mẹ đã tăng từ 20.1 phụ nữ chết trong 100,000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2019 lên 23.8 trên 100,000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2020. Và, một cách đáng chú ý, tỷ lệ tử vong nơi phụ nữ da đen năm 2020 là 55.3 ca tử vong trên 100,000 trẻ sinh ra còn sống, gấp 2.9 lần tỷ lệ tử vong ở phụ nữ da trắng.

Phò sinh luôn luôn có nghĩa là hỏi xem phải giúp đỡ phụ nữ ra sao để họ chào đón sự sống mới. Theo một thống kê ở Mỹ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc lương thấp. Và chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương … Phò sinh, luôn luôn, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng ống.Theo một thống kê ở Hoa Kỳ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc có mức lương thấp. Và theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Harvard Review of Psychiatry vào ngày 9 tháng 3 năm 2020, chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương. Gần một trong bốn bà mẹ mới không được nghỉ hộ sản có lương buộc phải đi làm trở lại trong vòng mười ngày sau khi sinh con.

Phò sinh, luôn luôn, còn có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa của súng đạn, thứ không may đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ.

Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc tranh luận về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ không bị giản lược thành một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta — ở cả hai phía của đại dương — suy gẫm về ý nghĩa của việc chào đón sự sống, bảo vệ nó và thúc đẩy nó bằng các luật lệ phù hợp.
 
Ngay tại Mariupol, Ukraine vừa đánh chìm chiến hạm Nga. Mỹ quyết định cho Ukraine hỏa tiễn Nasams
VietCatholic Media
17:00 03/07/2022


1. Tàu đổ bộ của Nga chìm gần Mariupol

Trong bản báo cáo chiều ngày Chúa Nhật 3 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết tàu tấn công đổ bộ của Nga thuộc dự án 1176 Akula đã va phải một quả thủy lôi gần Mariupol vào ngày 30 tháng 6 và đã chìm.

Hôm 30 tháng 6, Ông Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên của Cục quản lý quân sự khu vực Odesa, cho biết một tàu tấn công đổ bộ của Nga thuộc dự án 1176 Akula của Hạm đội Biển Đen D-106 đã nổ tung gần Mariupol. Ông nói: “Chúng tôi đang chờ xác nhận về một 'cử chỉ thiện chí'“ Ông nói như thế nhằm mỉa mai tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Nga cho rằng việc Nga rút lui khỏi Đảo Rắn là một 'cử chỉ thiện chí'.

Phía Nga đã xác nhận con tầu này bị chìm nhưng cho rằng trên con tầu lúc ấy chỉ có 3 thủy thủ và cả 3 người đã hy sinh. Đồng thời, họ cũng áp đặt các hạn chế ra vào Mariupol đề phòng những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, cho biết:

“Cuối cùng, chúng tôi cũng đã nhận được xác nhận rằng một tàu đổ bộ của Nga thuộc dự án 1176 Akula của Hạm đội Biển Đen D-106 đã trúng một quả thủy lôi gần Mariupol vào ngày 30 tháng 6. Ba thủy thủ đã hát những bài hát cho cá cùng với Kobzon.”

Kobzon, tên đầy đủ là Josef Kobzon, sinh ra trong gia đình cả cha và mẹ đều là người Do Thái tại thị trấn mỏ Chasiv Yar, vùng Donbas của Ukraine.

Khi còn là một cậu bé, anh đã thể hiện tài năng ca hát, giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi ca hát trong khu vực. Kobzon đã lọt vào vòng chung kết quốc gia trong hai dịp khác nhau, xuất hiện trong các buổi hòa nhạc dành riêng cho Joseph Stalin - một vinh dự quan trọng vào thời điểm đó.

Mặc dù có năng khiếu ca hát, Kobzon vẫn theo học trường kỹ thuật để nghiên cứu địa chất và khai thác mỏ ở Dnipropetrovsk, vì đây được coi là một công việc hái ra tiền ở Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, vào năm 1959, sau khi tiếp xúc với các giảng viên âm nhạc chuyên nghiệp trong Quân đội Liên Xô từ năm 1956 đến 1959, nơi ông là thành viên của đội ca múa nhạc quân đội, ông quyết định rằng âm nhạc sẽ là công việc ưa thích của mình.

Trong nhiều dịp, Kobzon đã biểu diễn ở các khu vực thiên tai và các điểm nóng quân sự như Afghanistan trong Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan và Chechnya.

Năm 2009, Kobzon trở thành cá nhân thứ 24 được vinh danh là Công dân danh dự của Mạc Tư Khoa.

Kobzon bị ung thư tuyến tiền liệt từ năm 2005.

Vào tháng 3 năm 2014, Kobzon nằm trong số 500 nghệ sĩ Nga đã ký một bức thư ngỏ ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea. Kết quả là Kobzon bị coi là một tên phản quốc đối với người Ukraine. Vào tháng 7 năm 2014, Kobzon bị cấm nhập cảnh vào Latvia và các nước trong vùng Baltic. Ông mất vào ngày 30 tháng 8 năm 2018 vì ung thư tuyến tiền liệt.

Ngày Chúa Nhật đầu tháng 7, được gọi là ngày Hải Quân Ukraine. Dịp này, Vương quốc Anh đã gởi lời chúc mừng. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói ông tự hào về quan hệ đối tác với Hải quân Ukraine.

“Vương quốc Anh tự hào về quan hệ đối tác và tình hữu nghị của chúng tôi với Hải quân Ukraine. Hôm nay, vào Ngày Hải quân Ukraine, và luôn luôn, chúng tôi sát cánh cùng Ukraine!”

2. Mỹ trao cho Ukraine các hệ thống hỏa tiễn đất đối không Nasams

Mỹ cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine hai hệ thống hỏa tiễn đất đối không Nasams, bốn radar phản pháo bổ sung và lên tới 150.000 viên đạn pháo 155ly như một phần trong gói vũ khí mới nhất của họ.

Gói viện trợ, trị giá khoảng 820 triệu đô la đã được Tổng thống Mỹ, Joe Biden, công bố vào hôm thứ Năm sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nato ở Madrid.

Ngũ Giác Đài đã chính thức thông báo vào hôm thứ Bẩy, và nói thêm rằng đợt hỗ trợ mới nhất cũng sẽ bao gồm nhiều đạn dược hơn cho Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS.

3. Vụ nổ mạnh làm rung chuyển thành phố Mykolaiv của Ukraine

Thị trưởng Oleksandr Senkevich cho biết, các vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển thành phố Mykolaiv ở miền nam Ukraine vào đầu ngày thứ Bảy, trong khi người dân được yêu cầu ở lại các nơi trú ẩn.

Còi báo động của cuộc không kích vang lên khắp vùng Mykolaiv, giáp với cảng xuất khẩu quan trọng của Odesa, trước khi vụ nổ xảy ra.

Senkevich cho biết: “Có những vụ nổ mạnh trong thành phố! Ở những nơi trú ẩn!”

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ nổ, diễn ra một ngày sau khi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã giết chết ít nhất 21 người, trong đó có 2 trẻ em, ở khu vực miền nam Odesa của Ukraine.

Theo các quan chức địa phương, 8 người khác đã được xác nhận đã thiệt mạng sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một tòa nhà dân cư ở thành phố Mykolaiv. Thị trưởng Senkevich trước đó cho biết 8 hỏa tiễn đã bắn trúng thành phố, đồng thời nói thêm rằng tòa nhà dân cư dường như đã bị trúng hỏa tiễn hành trình X-55 của Nga.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, hôm qua bác bỏ thông tin Nga tấn công các mục tiêu dân sự.

4. Nga bị cáo buộc bắt giam 8 thị trưởng Ukraine trong bối cảnh chiến tranh giữa hai nước

Josep Borrell Fontelles, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, đã cảnh báo về vụ bắt cóc các thị trưởng và các cơ quan chính trị Ukraine khác vào tháng Ba.

“Liên Hiệp Âu Châu lên án mạnh mẽ vụ bắt cóc thị trưởng Melitopol và Dniprorudne của các lực lượng vũ trang Nga. Đây lại là một cuộc tấn công khác nhằm vào các thể chế dân chủ ở Ukraine và một nỗ lực nhằm thiết lập các cấu trúc chính phủ thay thế bất hợp pháp ở một quốc gia có chủ quyền.”

Theo lời ông, ít nhất 8 thị trưởng Ukraine đã bị bắt cóc trong 4 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở cuộc xâm lược ở Ukraine vào cuối tháng 2 với chiêu bài “giải phóng” vùng Donbas, một khu vực phía đông tập trung đông người nói tiếng Nga..

Nhiều thị trưởng đến từ các thành phố, làng mạc và các khu định cư vẫn bị chiếm đóng ở miền nam và miền đông của Ukraine, theo Hiệp hội các thành phố Ukraine.

Thông tin chi tiết về nơi các thị trưởng bị giam giữ hoặc tình trạng của họ vẫn chưa được biết, nhưng việc bắt giữ họ đã làm dấy lên những cáo buộc về tội ác chiến tranh của người Nga từ chính quyền Ukraine.

Vụ bắt cóc gần đây nhất là vụ bắt giữ ông Petro Zbarovskyi, người đứng đầu thành phố Novotroitsky vào hôm thứ Sáu. Một số thị trưởng khác đã bị bắt cóc — bao gồm Ihor Kolykhaev của Kherson, Valentina Kostenko của Veliko Kopaniv, Dmytro Lyakhno của Gornostaiv và Serhii Khilchenko của Khrestiv cũng đã bị đưa vào các trại giam của Nga.

Các thị trưởng khác bị bắt cóc hồi tháng 3 bao gồm Yevhen Matveyev của Dniprorudne, Oleksandr Shmygol của Vilkhiv và Oleksandr Babich của Holopristan.

“Hiệp hội các thành phố Ukraine tiếp tục kêu gọi các tổ chức quốc tế bảo vệ các quan chức chính quyền địa phương bị Nga bắt giữ và kêu gọi mọi người cùng tham gia trong nỗ lực trả tự do cho họ”

Các nhà chức trách Ukraine và quốc tế trước đây đã nêu quan ngại về những vụ bắt cóc này.

Theo Đài Âu Châu Tự do, Oleksandr Starukh, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Zaporizhzhya của Ukraine, đã viết trong một bài đăng trên Facebook sau vụ bắt cóc Matveyev: “Tội ác chiến tranh ngày càng có hệ thống hơn”.

Ivan Fedorov, thị trưởng Melitopol, đã được thả khỏi nơi giam cầm ở Nga vào tháng 3 trong một cuộc trao đổi tù binh.

Nga đã phải đối mặt với những cáo buộc khác về việc bắt giữ các chính trị gia Ukraine trong suốt cuộc xung đột.

Tuần trước, Thị trưởng Enerhodar Dmytro Orlov cáo buộc Nga bắt cóc Yormolenko Borys Heorhiyovych, một thành viên chính quyền thành phố tán thành quan điểm thân Ukraine.

5. Bác bỏ cáo buộc rằng các lực lượng Nga đã chiếm được Lysychansk

Chính phủ Ukraine hôm thứ Bảy bác bỏ cáo buộc rằng các lực lượng Nga đã chiếm giữ một thành phố mới, khi quân đội xâm lược tiếp tục cuộc tấn công lớn vào khu vực Luhansk.

Các báo cáo gần đây xuất hiện rằng các lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn Lysychansk, thành phố cuối cùng mà Nga cần để kiểm soát hoàn toàn khu vực Luhansk ở miền Đông Ukraine. Cùng với Donetsk, khu vực này tạo nên khu vực Donbas có nhiều tranh chấp, là tâm điểm của cuộc xâm lược của Nga ngay từ đầu.

Hôm thứ Bảy, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã lên tiếng phản đối những tuyên bố này trong một cuộc điện đàm, giải thích rằng thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine bất chấp những nỗ lực của Nga.

Ruslan Muzychuk, phát ngôn nhân của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết: “Bây giờ có những trận chiến ác liệt gần Lysychansk. “Tuy nhiên, may mắn thay, thành phố không bị bao vây và vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine”.

Các quan chức Ukraine và Nga đã đưa ra các tuyên bố trái ngược trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Lysychansk và khu vực Luhansk rộng lớn hơn. Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng lực lượng nước này đã nắm quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu bên ngoài thành phố. Đáp lại, Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai đã bác bỏ tuyên bố trên vào hôm thứ Sáu, nói rằng cuộc chiến tại nhà máy lọc dầu vẫn đang diễn ra.

Trong một thông điệp trên nền tảng truyền thông xã hội, Telegram, Haidai đã trình bày quy mô của cuộc xung đột trong khu vực của mình, tuyên bố hôm thứ Bảy rằng “trong ngày qua, quân xâm lược Nga đã nổ súng từ tất cả các loại vũ khí sẵn có.” Giao tranh đã trở nên tập trung nhiều vào Lysychansk sau khi thành phố lân cận Severodonetsk rơi vào quyền kiểm soát của Nga vào tuần trước.

Nga đã tập trung đáng kể vào khu vực Donbas, nơi mà phe ly khai thân Nga đã kiểm soát nhiều vùng khác nhau kể từ năm 2014. Nga đã chính thức công nhận nền độc lập của các khu vực Donetsk và Luhansk vào tháng 2 vừa qua, chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc xâm lược toàn diện. Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn các cáo buộc lạm dụng công dân ở vùng Donbas của chính phủ Ukraine là lý do biện minh cho vụ tấn công.

Sau khi thất bại trong nỗ lực giành quyền kiểm soát miền Bắc Ukraine và thủ đô Kyiv, Putin đã chuyển hướng lực lượng của mình để tập trung các cuộc tấn công vào các khu vực phía đông, với trận Donbas bắt đầu vào giữa tháng 4.

Hôm thứ Sáu, các quan chức Ukraine báo cáo rằng một khu dân cư gần thành phố cảng Odessa đã bị trúng hỏa tiễn của Nga, khiến 21 dân thường thiệt mạng. Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết, các nhà điều tra đang thu hồi tài liệu từ hiện trường để giúp xác định tội danh cho các cáo buộc tội phạm chiến tranh.

6. Lực lượng Ukraine phá hủy căn cứ quân sự của Nga ở Melitopol

Hôm Thứ Bẩy 2 tháng 7, Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy một trong bốn căn cứ quân sự của đối phương ở thành phố Melitopol, trong vùng Zaporizhia, hiện bị quân Nga chiếm đóng tạm thời.

Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, đã cho biết như sau:

“Tối nay, Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy một trong bốn căn cứ quân sự của quân Nga. Họ đã phát động hơn 30 cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga.”

Fedorov cũng nói thêm rằng dự kiến sẽ có một lượng lớn cư dân Melitopol tản cư.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ những người muốn chuyển đến Zaporizhia,” ông nói thêm.

Vào ngày 2 tháng 7, nhờ lực lượng kháng chiến Ukraine, một đoàn tàu bọc thép với đạn dược của quân đội Nga đã bị trật đường ra

“Hiện tại, những người chiếm đóng đang cố khiêu khích bằng cách pháo vào các khu vực yên bình, dân thường, và cơ sở hạ tầng thành phố. Điều này sẽ không thể xảy ra! Lực lượng vũ trang Ukraine đang làm tất cả để trả lại cuộc sống hòa bình và tự do cho Melitopol. Tất cả những gì quân xâm lược có thể làm là chạy trốn khỏi thành phố của chúng ta.”
 
Washington: Hung hăng xông vào nhà thờ đập phá. HY Kurt Koch: Kirill ủng hộ Putin là lạc giáo
VietCatholic Media
17:03 03/07/2022


1. Vụ tấn công phá hoại bạo lực nhằm vào nhà thờ Công Giáo ở bang Washington

Một phụ nữ đang cầu nguyện một mình trong nhà nguyện Chầu Thánh Thể liên tục vào sáng sớm thứ Ba khi làn sóng chống phá Công Giáo và bạo lực quét qua Hoa Kỳ tấn công vào Nhà thờ Công Giáo St. Louise ở Bellevue, Washington.

Nghe thấy tiếng huyên náo bên ngoài, người phụ nữ đánh liều chạy ra ngoài hành lang. Ở đó, cô đối mặt với một kẻ đột nhập đeo mặt nạ đứng bên ngoài trung tâm giáo xứ, đập vỡ cửa kính phía trước.

Người này hét lên những lời tục tĩu với người phụ nữ. Cô đã chạy ngược trở lại nhà nguyện. Quá kinh hãi, cô khóa cửa sau lưng và gọi cho Cha Sở là Cha Gary Zender, trong khi nấp sau một cây đàn piano.

Cha Gary Zender cho biết: “Cô ấy đã gọi cho tôi theo số văn phòng của tôi xin giúp giải cứu cô ấy,” Zender nói với CNA. “Cô ấy đã sợ đến chết được.”

Một camera giám sát đã ghi lại sự việc đáng sợ trên video.

Đoạn phim cho thấy một người đeo mặt nạ với mái tóc dài sải bước ra cửa mang theo một tảng đá lớn và ba lô màu hồng. Người này ném đá vào cửa trước ba lần, sau đó đá vào cửa bốn lần, làm vỡ kính.

Sau đó, người này lấy một lon sơn xịt màu đen ra khỏi ba lô và bắt đầu viết những chữ nghuệch ngoạc lên mặt ngoài của tòa nhà. Tiếp đó, kẻ hành hung có cử chỉ tục tĩu về phía cửa, dùng bình xịt sơn đập vỡ kính một lần nữa rồi đẩy cửa. Sau đó, người này xuất hiện để hét vào một người nào đó bên trong tòa nhà trước khi tiếp tục phun sơn bên ngoài và vỉa hè của tòa nhà.

Kẻ tấn công, vào nhà thờ khoảng 9:30 sáng, cũng đập vỡ một cửa kính khác ở hội trường giáo xứ và làm hư hỏng một bức tượng của Đức Mẹ Tháo gỡ các nút thắt, Cha Zender cho biết. Ngài ước tính thiệt hại là 10.000 USD.

Cha Zender nói rằng kẻ tấn công đã phun sơn vào má phải của quản lý giáo xứ, Jonathan Taasan và “khá nhiều” vào tai anh ta. Anh ta không bị thương.

Sở cảnh sát Bellevue đã tweet hôm thứ Ba rằng họ đã bắt giữ một cư dân Bellevue 31 tuổi vì tình nghi phạm tội thù hận và hành hung. Cảnh sát cho biết nghi phạm đã bị bắt “mà không chống cự.” Cảnh sát gọi hành vi của anh ta là “bài Công Giáo.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Kurt Koch khẳng định lập trường của Thượng Phụ Kirill bênh vực cuộc xâm lược Ukraine là lạc giáo

Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, mạnh mẽ phê bình việc Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, dùng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh chống Ukraine, và Đức Hồng Y gọi đây là một “lạc giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo “Die Tagespost”, Điện Báo, số ra ngày 30 tháng Sáu năm 2022, tại thành phố Wuerzburg bên Đức, Đức Hồng Y Koch, người Thụy Sĩ, nói: “Coi nhẹ cuộc chiến tàn bạo của ông Putin chống Ukraine như một ‘cuộc hành quân đặc biệt’ là một sự lạm dụng ngôn từ. Tôi phải lên án điều này như một lập trường tuyệt đối không thể chấp nhận được... Thật là một lạc giáo khi vị thượng phụ dám biện minh cho cuộc chiến tàn bạo và vô lý tại Ukraine với những lý do tôn giáo ngụy tạo”.

Đức Hồng Y Koch nhắc đến việc Đức Thượng phụ Kirill dựa trên sự thống nhất quốc gia giữa người Nga và Ukraine, như kết quả của “phép rửa tội cho miền Rus tại Kiev” hồi năm 988 và Đức Hồng Y nói rằng: “Tuy người Nga và Ukraine xuất phát từ cùng một phép rửa tội, nhưng ngày nay người Nga đang tấn công người Ukraine và gây chiến, thì sự hiệp nhất bị phủ nhận”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Koch cũng tiết lộ về cuộc gặp gỡ qua video giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill hồi tháng Ba năm nay: chính Đức Hồng Y, hồi tháng Hai trước đó, đã đề nghị với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, theo đó Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ cùng công bố một tuyên ngôn chống chiến tranh tại Ukraine. Nhưng ít lâu cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Đức Hồng Y Koch nhận được câu trả lời rằng Đức Thượng phụ không sẵn sàng có một tuyên ngôn chung với Đức Giáo Hoàng. Chỉ vài tuần sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva mới yêu cầu có một cuộc gặp gỡ qua video với Đức Giáo Hoàng. Ngay sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Nga công bố một thông cáo cho biết Đức Thượng phụ cám ơn vì Đức Giáo Hoàng có cùng một quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine. Vì thế, Tòa Thánh đã phải mau lẹ công bố điều mà Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói.

Đức Hồng Y Koch tỏ ra dè dặt về một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ Kirill. Ngài nói: “Nếu một cuộc gặp gỡ như vậy diễn ra, nếu những hành động chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, và nếu Đức Kirill tiếp tục biện minh cho chiến tranh với lập trường không thể chấp nhận được, như cho đến nay, thì sẽ có sự hiểu lầm nghiêm trọng. Dầu vậy, chúng ta không bao giờ được khép cửa”.
Source:Crux

3. Đức Tổng Giám Mục San Antonio chủ tọa Thánh lễ tưởng niệm những cái chết của người di cư tại Texas

Sau khi phát hiện hàng chục người di cư chết trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ rơi ở Texas – cho đến nay là cái chết hàng loạt lớn nhất của những người di cư từ biên giới phía nam trong lịch sử hiện đại - Đức Tổng Giám Mục San Antonio đã tổ chức một thánh lễ tưởng niệm vào thứ Năm.

Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, và các Giám Mục Phụ Tá Michael Boulette và Gary Janak đã chủ trì thánh lễ tưởng niệm những người di cư vào ngày 30 tháng 6, lúc 7 giờ tối tại Nhà thờ San Fernando. Theo phát ngôn viên Jordan McMorrough, nghi lễ bao gồm một cuộc rước từ Quảng trường Chính của nhà thờ, một cây thánh giá đặc biệt, cùng nến và cờ đại diện cho quốc gia của những người đã khuất cũng như những người sống sót.

Đức Tổng Giám Mục García-Siller nói trong một tweet rằng ngài đã gặp một cô gái trẻ tên là Serenidad, người có mặt trong chiếc xe bị bỏ rơi và đã sống sót. Ngài kêu gọi những lời cầu nguyện cho những người sống sót và kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động về cải cách nhập cư.

“Những người bên trong xe tải là những người vô tội. Họ là kết quả của sự tham nhũng ở nơi xuất xứ của họ cũng như tại Hoa Kỳ. Mong chúng ta thực hiện các bước để thay đổi tốt hơn cho con người. Hãy cầu nguyện về điều đó!”

Những người di cư được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe đầu kéo bị bỏ hoang trong nhiệt độ cực cao ở San Antonio, Texas vào tối ngày 27 tháng 6. Số người chết chính thức đã tăng lên 53 người, bao gồm 22 người Mễ Tây Cơ, 7 người Guatemala, và 2 người Honduras, với những người khác vẫn chưa được xác định.

San Antonio, cách biên giới quốc gia tại Laredo khoảng 150 dặm, là một trung tâm vận tải của khu vực, cũng như nơi xảy ra tệ nạn buôn người và buôn lậu. San Antonio cũng là nơi đã xảy ra vụ việc tương tự vào năm 2017, trong đó 10 người di cư thiệt mạng trong một chiếc xe đầu kéo.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng những người ngồi trong xe đầu kéo đã đi bộ qua biên giới, trước khi tập trung ở Laredo để được chất lên xe tải. Người lái xe tải được cho là đã bị tạm giữ.

Marie Kenyon, người đứng đầu ủy ban Công lý và Hòa bình tại Tổng giáo phận St. Louis, nói rằng cô đã ở Laredo vào tuần trước với một nhóm tình nguyện hỗ trợ tại một nơi tạm trú dành cho người di cư của Tổ chức bác ái Công Giáo. Cô cho biết với tư cách là một giáo phận truyền giáo, nơi tạm trú dành cho người di cư ở Laredo không nhận được nhiều sự quan tâm hoặc quyên góp như một số nơi khác dọc biên giới Mỹ-Mexico, chẳng hạn như Brownsville và El Paso.

Cô rùng mình khi nghĩ rằng nhóm tình nguyện của cô có thể đã vô tình vượt qua chiếc xe tải chở đầy người di cư đi ngược chiều trên đường cao tốc từ San Antonio đến Laredo.

“Hôm thứ Bảy ở Laredo nhiệt độ là 107 độ. Vì vậy, nếu bạn ở trong chiếc xe bít bùng đó từ 3 đến 4 giờ, chắc chắn là chết.”
Source:Catholic News Agency