Ngày 26-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lịch phụng vụ tháng 7 / 2010
Lm Anphong Trần Đức Phương
08:05 26/06/2010
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 7/2010

Trong tháng này chúng ta sẽ mừng các Chúa Nhật XIV, XV, XVI và XVII mùa Thường Niên, Năm C.

CHÚA NHẬT XIV nói về công việc Truyền Giáo Chúa trao cho mọi tín hữu chúng ta mà chúng ta có bổn phận phải chu toàn. Bài đọc I (Isai 66:10-14): nói đến niềm vui của Dân Chúa sau cuộc lưu đày, được trở về lại quê hương và tái thiết thành thánh Giêrusalem. Bài đọc II (Galat 6:14-18): Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy luôn cố gắng sống như những tạo vật mới và mang trong tâm hồn hình ảnh khổ nạn của Chúa Giêsu để luôn vui vẻ chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống với niềm hy vọng hạnh phúc Nước Trời. Bài Phúc Âm (Luca 10:11-12, 17-20): Chúa Giêsu “sai thêm 72 người nữa đi làm công việc rao giảng tại các thành phố mà Ngài sẽ đến.” Chúa bảo các ông hãy cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo, vì “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít.” Chúa cũng căn dặn các ông các điều cần thiết phải lưu ý trên bước đường rao giảng; đặc biệt Chúa bảo các ông “Thầy sai các con đi như chiên giữa sói rừng, hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu!” Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho công cuộc truyền giáo và mọi người chúng ta cũng phải tiếp tay nhau để làm nhiệm vụ rao truyền Danh Chúa cho mọi người và mọi nơi trong môi trường sống của mỗi người, đặc biệt ngay trong gia đình chúng ta.

CHÚA NHẬT XV nói đến luật Bác Ái là mến Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân trong những hoàn cảnh khó khăn. Bài đọc I (Đệ Nhị Luật 30:10-14): Lề luật của Chúa đã được ghi khắc vào lòng chúng ta (lương tâm) để hướng dẫn chúng ta sống cho xứng đáng con người; chúng ta cần đem ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Bài đọc II (Côlôsê 1:15-20): Chúa Giêsu cũng chính là Thiên Chúa Thật, Ngài mặc lấy thân xác con người, đổ máu ra trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại và trở nên “trưởng tử mọi loài thọ sinh và là Đầu Giáo Hội.” Bài Phúc Âm (Luca 10: 25-37): Chúng ta phải thực hành Đức Bác Ái để được sống đời đời. Đó là yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương phục vụ tha nhân. Người Samaritano tốt lành là hình ảnh của những người biết thương cảm và hy sinh giúp đỡ mọi người, nhất là những người gặp hoạn nạn.

CHÚA NHẬT XVI nói đến những thử thách đức tin trong việc phục vụ Chúa và tha nhân. Bài đọc I (Sáng Thế 18:1-10): Abraham là tổ phụ của những người đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa và vâng theo thánh ý Chúa trong mọi sự. Thiên Chúa đã cho bà Sara được thụ thai trong tuổi già và sinh ra một người con trai để nối dõi dòng giống của ông Abraham. Bài đọc II (Côlôsê 1:24-28): Thánh Phaolô tỏ ra Ngài luôn sẵn sàng chịu mọi đau khổ trong việc phục vụ Chúa và mọi người. Ngài mời gọi chúng ta sống hoàn hảo hơn để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 10:38-42): Bà Matta đã phục vụ Chúa bằng việc làm và bà Maria phục vụ Chúa bằng cả tấm lòng yêu mến và được Chúa Giêsu khen ngợi. Sống kết hiệp với Chúa bằng đời sống cầu nguyện là điều rất quan trọng để mọi việc chúng ta làm đều hoàn toàn nhờ vào ơn Chúa giúp và để chúng ta luôn vui vẻ giúp đỡ mọi người chỉ do lòng yêu mến Chúa và yêu thương nhau.

CHÚA NHẬT XVII nói đến sức mạnh của sự cầu nguyện của những người công chính, của những tâm hồn thành tâm thiện chí. Bài đọc I (Sáng Thế 18:20-32): Ông Abraham bầu cử nhiều lần cho thành Sôđôma và Gômôra để khỏi bị thiêu hủy, và chỉ cần có những người công chính trong thành Chúa sẽ không tiêu hủy thành. Bài đọc II (Côlôsê 2:12-14): Chính Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh vào Thánh Giá để cứu chuộc tội lỗi chúng ta. Qua Phép Rửa Tội, Chúa ban ơn thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên những con người mới, những người con của Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 11:1-13): Qua kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa như với cha nhân lành. Đồng thời Chúa Giêsu cũng kể thêm các dụ ngôn để nhấn mạnh “Các con hãy xin thì sẽ được.” Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng cầu nguyện và phó thác mọi sự trong sự quan phòng kỳ diệu của Chúa là cha chúng ta.
 
Đường bất diệt
Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
08:08 26/06/2010
Có lẽ không con đường nào nhiều phiêu lưu cho bằng con đường theo Đức Kytô. Và chỉ những ai thực sự trải nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, người ấy mới có thể cất bước trên con đường linh thiêng ấy cách vững vàng được.

Hành trình theo Đức Kytô chẳng phải một sớm một chiều, cũng chẳng dễ cho bất kỳ ai muốn dấn thân trên nó. Có trải qua nhiều thử thách, càng nhiều khó khăn, mới dám kỳ vọng khám phá ra tình yêu Thiên Chúa vĩ đại. Đúng thật, chỉ khi nào được sức mạnh tình yêu ấy hoàn toàn chiếm đoạt, bạn mới có thể an lòng vui bước theo Ngài trên con đường Ngài đã đi.

Con đường ấy là gì, nếu không phải là con đường tự huỷ, xoá mình ra không, con đường chỉ còn biết sống cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Một bước đường không hứa hẹn vinh quang hào nhoáng tột bậc, nhưng lại là con đường tận diệt bản thân. Chẳng màng danh lợi, không ham chức quyền, nhưng luôn biết sống vâng phục thánh ý, kiếm tìm Nước Trời làm cơ nghiệp.

Trớ trêu thay, chả mấy người muốn cất bước trên con đường của Thiên Chúa. Người ta không thích mất, lại còn mất những thứ thuộc nhu cầu bản thân. Thử hỏi có bao giờ tham vọng con người dừng lại, bao nhiêu cũng chả đủ, bao nhiêu cũng vẫn còn thiếu. Kể thì cũng khó thật, vì chưng, trong khi thế giới lo tìm cơm ăn áo mặc, nhà cao cửa rộng, kẻ theo Chúa lại là người không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,58). Chả vậy, không là một thách đố cho tất cả những ai muốn dấn thân theo Ngài sao. Vậy mà Đức Giêsu lại mời gọi tất cả, hãy theo Ngài, hãy cùng Ngài bước đi trên con đường tận diệt để được hưởng vinh quang vĩnh cửu. Nói cách khác, Đức Giêsu muốn mọi người được sống hạnh phúc. Mà hạnh phúc của người theo Chúa chính là bước đi với Người.

Yêu ai là muốn lại gần, muốn được sống kề cạnh, muốn được diện tiếp diện. Tình yêu tự bản chất là kết hiệp. Tình yêu mà còn bị chia cắt là tình yêu chưa trọn vẹn. Do vậy, để có thể yêu Thiên Chúa thật, không cách nào khác ngoài việc bước đi với Ngài.

Thật ra, có người để mà đi theo đã là một hạnh phúc. Có một tiếng gọi để được lại gần đã là một ân huệ. Nhiều khi cả đời, tìm một con đường đoan chính cũng khó, tìm một tiếng gọi chân thật cũng trầy trụa. Thôi thì, nói như Đức Kytô, bán tất cả gia sản mà đi theo Chúa, thì được tất cả. Điều ta chịu mất vì Đức Kytô một, thì Ngài cho lại gấp trăm gấp ngàn. Vả lại, ta thật sự có gì để mà mất. Thật ra, ta chẳng có gì để phải mất, những gì ta đang có chẳng phải đều là hồng ân nhưng không Thiên Chúa trao ban đó sao. Vậy tại sao ta lại cảm thấy khó khăn nếu như phải từ bỏ mà sống cho Thiên Chúa. Nhức nhối cũng là vậy, nhân loại không tin Thiên Chúa, không nhận biết cần thiết phải sống cho Ngài, cho nên họ khước từ, đặt Ngài xuống hàng thứ yếu so với mọi tham vọng bản thân.

Giữa thế giới ngập tràn quyến rũ, trăm vàn tiếng gọi, ngàn vạn con đường, để tìm được tiếng Thiên Chúa không phải đơn giản. Chỉ khi nào biết thả lỏng đời mình, chỉ khi nào biết ngoan ngùy đón nhận thánh ý, khi ấy mới dám hy vọng được Nước Trời làm cơ nghiệp.

Sở dĩ trên đường theo Chúa còn nhiều dấu khựng cũng tại vì bạn chưa sống thật cho Ngài. Cách sống ảo của nhân loại ngày nay đã trở nên mối lo ngại lôi hút con người xa rời Thiên Chúa. Để có thể giữ vững tấm lòng trung kiên, son sắt, cần thiết phải có thái độ dứt khoát, tin tưởng, cậy trông và phó thác tuyệt đối, chân thành vào quyền năng Thiên Chúa. Không ai dám tự hào cho mình biết Thiên Chúa, cũng chẳng ai dám vênh vang trung tín với Ngài, chỉ đến khi được Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt, lúc ấy bạn mới có thể am hiểu sức mạnh tình yêu cứu độ. Người ta tồn tại cũng nhờ vào hiểu biết, người ta tạo được sức mạnh cũng nhờ vào lòng tin, người ta vui hạnh phúc cũng nhờ vào yêu mến. Hãy yêu đi, tình yêu sẽ làm biến đổi tất cả.

Lạy Chúa, Nước Thiên Chúa dành cho tất cả những ai biết yêu thương, phục vụ. Và chỉ có một con đường yêu thương duy nhất giữa trăm vạn nẻo đường đưa con đến cõi sống bất diệt. Cảm ơn Chúa đã cho con vào đời bằng con đường yêu thương trải nệm trên giá máu cứu chuộc, cho con mạnh mẽ tiến bước không chút ngập ngừng, vì biết chẳng thể sai lối. Con xin lỗi, con đã mất quá nhiều sức lực, mồ hôi và nước mắt vì lạc hướng bởi đam mê, ngông cuồng, kiêu ngạo. Xin giúp con thinh lặng thật ở tận cõi lòng, hầu có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa yêu thương mời gọi, với một niềm xác tín mạnh mẽ, chân thành, can đảm vui bước theo Ngài đến bất cứ nơi đâu, bất chấp gian nan, thử thách. Vì chưng, hiện tại lúc này, con đã kịp nhận ra, Chúa chính là đường sự sống bất diệt của con.
 
Theo ai?
Anmai, CsSR
17:24 26/06/2010
Chúa nhật 13 thường niên C (1 V 19, 16b.19-21; Gl 5, 1.13-18; Lc 9, 51-62)

Mỗi một người có một ơn gọi, mỗi một người có sứ mạng. Người thì làm vua, người thì làm quan, người thì làm dân thường, người khác nữa thì làm ngôn sứ như ngôn sứ Êlia. Êlia được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ cho Ngài. Hoàn thành một cách tốt đẹp vai trò ngôn sứ của mình, Êlia được Thiên Chúa chọn cho một ngôn sứ khác tên là Êlisa để thay cho ông.

Sách các vua quyển thứ nhất mà chúng ta vừa nghe kể lại cho chúng ta chuyện Êlia chọn Êlisa thay cho mình. Trước đó, qua lời của Thiên Chúa, Êlia xức dâu cho Giêhu để Giêhu làm vua Israel. Câu chuyện tuyển chọn Êlisa chúng ta nghe như thế này: còn Giê-hu con của Nimsi, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Israel. Êlisa con Saphát, người Avên Mơkhôla, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi. Kẻ thoát gươm của Khadaên sẽ bị Giêhu giết; người thoát tay Giêhu sẽ bị Êlisa giết. Nhưng Ta, Ta sẽ dành ra cho Ta bảy nghìn người trong Israel: tất cả những kẻ đã không hề bái gối trước Baan, những môi miệng không hề hôn kính nó." Ông Êlia bỏ đó ra đi và gặp ông Êlisa là con ông Saphát đang cày ruộng; trước mặt ông Êlisa có mười hai cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai. Ông Êlia đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Êlia và nói: "Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông." Ông Êlia trả lời: "Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu? " Ông Êlisa bỏ ông Êlia mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy sau khi đã về từ giã gia đình, Êlisa đã đi theo Êlia để phục vụ ông. Đi theo Êlia, đi theo một con người thì khác, khác vì còn có thể về để từ giã gia đình. Khi đi theo Chúa thì không được về từ giã gia đình. Lời mời gọi của Chúa là một lời mời gọi dứt khoát và quả quyết hơn là Êlia mời Êlisa.

Câu chuyện mà Thánh Luca thuật lại cho chúng ta hôm nay đã nói về điều ấy, đã chứng minh điều đòi hỏi ấy nơi Chúa Giêsu: Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! " Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."

Người này phải nói là người tốt đó chứ vì lẽ theo lẽ của con người, anh ta còn vướng bận người cha già thân yêu ở nhà để rồi anh lo cho tròn “chữ hiếu” anh sẽ theo Thầy. Chúa Giêsu đã khẳng định luôn: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết !”

Câu chuyện không dừng lại ở chỗ ấy. Người này nhẹ hơn người kia là xin về chỉ là để từ biệt gia đình thôi chứ không phải là chờ đến ngày cha mình chết thì mới theo nhưng Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

Trường hợp này thì Chúa Giêsu không trả lời cho anh ta là có về hay không về để từ biệt gia đình nữa nhưng Chúa Giêsu chỉ nói nhẹ: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." Nói là nhẹ nhưng chẳng nhẹ vì Chúa Giêsu đã khẳng định rằng những ai mà tra tay cầm cày mà ngoái lại đàng sau thì không thích hợp. Câu nói này như muốn nói đến thái độ dứt khoát của những ai theo Chúa với Nước Thiên Chúa.

Trang Tin mừng, câu chuyện, ý nghĩa của lời Chúa Giêsu ngày hôm nay hết sức hay và hết sức thực tế với mỗi người chúng ta.

Chúng ta, nhiều lần nhiều lúc đứng trước cái chết của một ai nào đó dù thân hay dù không thân cũng gợi đến cho chúng ta cái cảm thức, cái ý thức về phận người. Những lần ấy, chúng ta hình như là xác tín mạnh mẽ hơn quyết tâm theo Chúa của mình. Khi đứng trước bệnh tật, cái chết của con người chúng ta hay có cái cảm nghiệm hay có cái quyết tâm từ nay trở đi sẽ không dính bén gì đến của cải vật chất mau qua chóng tàn này. Mà thật ! Cuộc đời này chẳng có là gì cả, tất cả rồi cũng nhắm mắt xuôi tay thôi nhưng con người vẫn cứ loay hoay mãi đi theo ai chứ không phải là theo Chúa !

Cũng chẳng cần nói đâu xa. Nhìn lại ngay chính cái bản thân của mình thôi. Ngày mà mình khấn hứa sao mà hay quá ! Khấn khó nghèo, khấn vâng phục, khấn khiết tịnh ấy.

Vâng phục: Thuở ban đầu ta cũng tha thiết sống với lời khấn vâng phục lắm đấy chứ nhưng rồi sau một thời gian tu, ta lại hoán chuyển vị trí của lời khấn nghĩa là ta bắt Chúa vâng phục ý ta qua ý bề trên. Hễ bề trên làm theo ý ta thì đó là một bề trên tốt còn ngược lại, một bề trên không vâng theo ý của ta đó là một bề trên không tốt !

Khiết tịnh thì thật sự chỉ trong lòng của ta ta mới biết mà thôi. Có khi không phạm lỗi khiết tịnh ở bên ngoài nhưng trong lòng của ta đầy những hình bóng khác ngoài hình bóng của vị Thiên Chúa mà ta đã hơn một lần quyết tâm thề hứa để đi theo Ngài.

Khó nghèo thì cũng chỉ có mình và tiếng nói lương tâm nhưng nó bị lộ ra bên ngoài. Ngày đầu tiên ta khấn dòng thì hình như ta chỉ có vỏn vẹn cái túi xách tay từ khỏi Nhà Tập. Thế nhưng mà chẳng hiểu sao sau vài năm khấn hay sau cái ngày lãnh sứ vụ linh mục để đi phục vụ thì ôi thôi nào là giỏ, nào là thùng, nào là cả tủ … Nhìn lại giật mình quá sức tưởng tượng vì sau cái ngày ta lãnh sứ vụ, ta đi giúp xứ thì ôi thôi đồ đoàn nó nhiều không thể tưởng tượng. Ta cũng có thể tìm cách để lý luận cho tất cả những gì ta có để nó phục vụ ta nhưng nhìn kỹ một chút thì hình như ta phục vụ nó thì phải. Khi ta sắm sửa nó thì ta phải để dành giờ lưu tâm đến nó và chăm sóc cho nó sợ nó hư, sợ nó mòn … Nếu như không khéo ta sẽ chạy theo cái của cải vật chất hưởng thụ chứ ta không còn theo Chúa nữa.

Đời sống hôn nhân cũng vậy, ngày mới yêu, ngày mới cưới thì người ta rất chung thủy nhưng rồi sau đó một thời gian thì lời hứa đó như thế nào ? Ta còn chung thuỷ với người bạn đời mà ta đã dắt tay nhau ra thề hứa thuở nào hay không ? Khi ta còn sống chung thuỷ thì khi ấy ta còn theo Chúa và sống kết hợp mật thiết với Chúa. Khi ta không còn chung thuỷ trong đời sống hôn nhân thì khi ấy ta đã bỏ Chúa ra khỏi cuộc đời của ta để ta chạy theo tình cảm của người đời, ta phá vỡ hôn ước giữa ta và Thiên Chúa là sống chung thuỷ với người ta đã chọn.

Theo Chúa không phải là chuyện dễ, theo Chúa không phải là chuyện một sớm một chiều mà là một hành trình dài của đời người. Thánh Phaolô, một người đã quá sức kinh nghiệm về chính bản thân mình, về chính cuộc đời mình. Trong thư gửi tín hữu Galat mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô khuyên nhủ hết sức chân thành với chúng ta rằng: Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

Chỉ có một con đường tốt nhất đó là để cho Thần Khí, để cho Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta mà thôi.

Vốn dĩ là thân phận yếu hèn, chúng ta năng chạy đến Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, qua đời sống cầu nguyện để chúng ta được Thần Khí hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chỉ có nhờ Thần Khí chúng ta mới đủ sức để theo Chúa trọn vẹn con đường mà Chúa đã mời gọi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thi đấu banh đá trên sân cỏ
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:03 26/06/2010
Thi đấu banh đá trên sân cỏ

Cả thế giới như đang lên cơn sốt, vì những trận tranh tài bóng đá World Cup 2010 đang diễn ra trên sân cỏ nước Nam Phi từ ngày 11.06. đến 11.07.2010.

Âm thanh tiếng kèn Wuwuzela vang lên khắp cầu trường nước Nam Phi tuy có làm chói tai người nghe, ít là qua màn ảnh truyền hình, nhưng nó lại phản ảnh niềm vui mừng hân hoan của khán gỉa xem thi đấu ở cầu trường.

Những trận tranh tài trên sân cỏ giữa các đội tuyển bóng đá gây niềm hào hứng phấn khởi cùng cả thất vọng về nhiều khía cạnh đời sống con người.

Nhưng môn thể thao bóng đá không chỉ gây niềm phấn khởi hào hứng và thất vọng, mà còn gợi suy tư về đời sống, nhất là về đời sống tinh thần đạo gíao.

Thể thao bóng đá có tương quan gì với nếp sống tinh thần đạo giáo không?

Với người tín hữu Chúa Kitô, thánh đường là nơi thánh cho việc cử hành các lễ nghi phụng vụ kính thờ Thiên Chúa.

Còn với thể thao bóng đá cùng các môn thể thao khác, sân cỏ hay sân vận động là nơi chốn tập luyện thi đấu.

Người Công giáo đi đến thánh đường tham dự nghi lễ phụng tự, và còn tổ chức đi hành hương sang Jerusalem, đến Đức mẹ Lourdes và Fatima hay những nơi đền thánh khác trên thế giới.

Những người hâm mộ thể thao bóng đá cũng ồ ạt kéo nhau đến vận động trường tham dự xem trận thi đấu World Cup, Euro Cup, Champion Cup, hay Cup quốc gia đất nước hằng năm…

Đây cũng là một hình thức hành hương. Nhưng khác nhau ở chỗ người tín hữu hành hương đến nơi thánh thiêng đạo đức. Còn người hâm mộ thể thao bóng đá hành hương đến cầu trường ủng hộ đội nhà của mình mong thắng giải đoạt Cup.

Thánh đường xưa nay không chỉ là nơi thánh thiêng cho việc phụng tự tôn giáo, nhưng còn được xây cất như một công trình nghệ thuật văn hóa tùy theo mỗi thời đại, như những thánh đường lộng lẫy nguy nga ở bên Âu Châu có từ thời Trung cổ, thời cận đại và cả thời tân tiến hiện đại nữa.

Các thánh đường phần nhiều có hình thể như một con thuyền dài thẳng từ dưới cửa chính lên tới đầu thánh đường, nơi có bàn thờ cùng nhà tạm cất Mình Thánh Chúa. Phần gian cung thánh là trung tâm của Thánh đường. Ở phần cuối thánh đường có ngọn tháp chuông vươn lên trời cao. Hai hay bốn hàng ghế dài trong lòng thánh đường cũng được chạm khắc theo như mô hình thể loại thánh đường. Đền thờ Thánh Phero ở Vatican có sức chứa được hai chục ngàn người vào tham dự Thánh lễ. Ngoài ra các thánh đường khác chỉ có sức chứa được hai hay ba ngàn hay vài trăm người vào tham dự thánh lễ thôi

Những thánh đường như thế là di tích văn hóa của nhân loại.

Sận vận động thể thao cũng được xây dựng to lớn theo kiến trúc nghệ thuật văn hóa. Những sân vận động thể thao có sức chứa cả ba bốn hay năm sáu chục ngàn người vào xem. Hình thể cầu trường thể thao thường hình tròn hay hình bầu dục. Các ghế ngồi hay chỗ đứng của khán gỉa được sắp đặt theo thứ tự tầng cao thấp vòng chung quanh sân chơi thi đấu ở chính giữa.

Người tín hữu vào thánh đường để tham dự nghi lễ phượng thờ, đọc kinh cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đang khi khán gỉa vào cầu trường xem thi đấu thể thao, vui chơi giải trí là chính.

Ngày nay có những thành đường xây cất nhìn từ bên ngoài không có gì khác với mẫu thánh đường xưa nay. Nhưng bên trong lại có lối sắp đặt giống như ở sân vận động: Cung thánh bàn thờ chính giữa, chung quanh vòng tròn theo hình con ốc xoắn bậc cao thấp với những ghế ngồi cho người tín hữu bao chung quanh bàn thờ.

Thánh đường là nơi thánh cho việc thờ phượng. Vì thế luôn được giự gìn chăm sóc cho sạch sẽ trang nghiêm.

Còn vận động trường là nơi chốn tập luyện thi đấu thể thao. Nơi này cũng được chăm sóc cẫn thận vì lý do an toàn, nghệ thuật thẩm mỹ cùng vệ sinh, nhất là phần sân cỏ. Sân vận động thể thao cũng là nơi thể hiện lòng tự ái hãnh diện, vinh nhục của con người dựa trên thắng thua trong thi đấu. Vì thế có những người đã gọi sân vận động với niềm tự hào xông hương là „đền thánh“ là „ sân cỏ thánh“ !

Nhiều người hâm mộ thể thao bóng đá qúa say mê không cho thể thao bóng đá là một môn chơi, nhưng là chất lượng nội dung của đời sống. Dẫu vậy, thể thao bóng đá đâu có câu trả lời về ý nghĩa đời sống được. Thể thao bóng đá có thể mang đến cảm gíac mới lạ phấn khởi hứng thú hay buồn bực thất vọng. Nhưng không có câu trả lời căn bản về đời sống. Như thế bóng đá trứớc sau vẫn chỉ là môn thể thao luyện tập thân thể cho dẻo dai cường tráng tinh nhanh nhậy bén.

Thể thao bóng đá gây niềm vui phấn khởi cho người chơi thi đấu cũng như cho khán gỉa người hâm mộ xem. Nhưng thể thao không là tôn giáo.

Không là tôn giáo, vì thể thao bóng đá không mang gợi đến ơn cứu độ giải thoát cho con người, điều mà chỉ nơi niềm tin tôn giáo mới có thể.

Không là tôn giáo, vì thể thao bóng đá không thể giúp con người thoát ra khỏi tình trạng lúng túng khốn khó, khi họ vướng trở vào cơn buồn sầu đau khổ, hay khi gặp khủng hoảng. Chiến thắng của thể thao bóng đá mang đến thêm niềm vui sức lực phấn khởi, nhưng nó không thay thế cho linh hồn con người được.

Qua thi đấu chung thể thao bóng đá mối tương quan liên kết giữa con người các dân tộc quốc gia đất nước gần gũi hiểu nhau hơn, nhất là về phương diện ngoại giao.

Thể thao bóng đá gây niềm hy vọng hào hứng cho mọi người, khi trái banh lăn trên sân cỏ được đá vượt lằn ranh tung lưới khung thành của đội cùng chơi đấu.

Tôn giáo cũng gây mang niềm hy vọng cho con người, nhưng ở trên khía cạnh khác, khi con người vướng trở vào hoàn cảnh khó khăn. Trong hoàn cảnh đó tôn giao, thánh đường là nơi chốn cho con người tìm về niềm an ủi cậy trông.

Sân cỏ cầu trường không phải là thánh đường, là nơi chốn đền thánh hành hương. Nhưng là nơi tụ tập của những người hâm mộ yêu mến thể thao thi đấu diễn ra với niềm hân hoan phấn khởi cùng lo âu hồi hộp về thắng thua.

Sân cỏ cầu trường không là phòng khách, phòng hội họp hay xưởng thợ nhà máy. Nhưng lại là nơi gặp gỡ của nhiều người bất phân tuổi tác, giới tính, chức bậc cao thấp vừa vui chơi giải trí, và cũng vừa làm quen đi đến thông cảm hiểu nhau hơn.

Đội tuyển thi đấu bóng đá chạy trên sân cỏ, tuy chơi với khả năng riêng cùng đồng đội đã được tuyển chọn tập luyện, nhưng họ lại là đại diện cho vùng tỉnh, quê hương đất nước. Vì thế chiến thắng đá tung lọt lưới đội đấu thủ là vinh dự cho tập thể họ đại diện.

Hồi còn là Bộ trưởng Bộ tín lý ở Vatican, Hồng Y Joseph Ratzinger, bây giờ là đương kim Giáo Hoàng Benedicto thư 16. đã có suy tư:

"Sự hâm mộ và say mê bóng đá cơ bản nằm ở điểm là nó cưỡng ép cầu thủ phải tự ràng buộc trong kỷ luật với chính cá nhân mình, cũng bởi vậy mà thông qua huấn luyện và tự rèn luyện, cầu thủ đạt đưọc sự tự chế ngự được bản thân, tự làm chủ cá nhân. Thông qua việc làm chủ bản thân thì cầu thủ mới đạt đến mức độ xuất sắc và ưu việt. Và sau khi đạt đưọc trình độ ưu việt, xuất sắc thì cầu thủ đó mới đạt đến trình độ tự do chơi bóng và điều khiển bóng đá và năng lực cá nhân thi đấu theo ý muốn." Ngài tiếp tục suy niệm;

Bóng Đá (Túc Cầu) dạy cho cá nhân con người giá trị của sự hợp tác có kỷ luật, sự phối hợp có định hướng hẳn hòi." và đòi buộc một trật tự của cá nhân trong một tập thể. "Trật tự này thống nhất và đoàn kết các cá nhân lại vì một mục đích chung; sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân được gắn liền với sự chiến thắng hay thất bại của cả tập thể. "

Đức Hồng Y Ratzinger thuở ấy đã giải thích; "Bóng Đá cũng dạy cho chúng ta biết phải chơi đẹp, tinh thần thể thao cao thượng trong một cuộc đấu, với những điều luật thi đấu chung là nguồn của những điều ràng buộc và hiệp nhất tất cả các cầu thủ lại, ngay cả trong những trận đấu mà họ phải coi nhau như thù địch- một thắng một thua."

Để kết luận suy niệm về Cúp Vô Địch Bóng Đá Thế Giới - Đức Hồng Y Ratzinger ngày ấy đã viết; "Nếu chúng ta nhìn sâu hơn vào sự kiện này - hiện tượng của cả một thế giới thích thú say mê vì bóng đá- chúng ta sẽ biết được nhiều điều khác về Bóng Đá chớ nó không chỉ thuần túy là chuyện giải trí mà thôi." (Dominic David Trần, Vietcatholic news 22.07.2010)

Mùa World Cup 2010
 
Thánh Tích Bông Hồng Nhỏ đến Nam Phi
Bùi Hữu Thư
15:13 26/06/2010
JOHANNESBURG, Nam Phi, Ngày 25 tháng 6, 2010 (Zenit.org).- Hôm nay cộng đồng Công Giáo tổng giáo phận Johannesburg đón chào thánh tích Thánh Têrêsa thành Lisieux, đánh dấu lần thứ nhất di tích của vị thánh viếng thăm quốc gia này.

Thánh tích sẽ du hành khắp Nam Phi trong 3 tuần, và đến các điạ điểm sau đây: Tzaneen, Bắc Aliwal, Queenstown, Kokstad, Umzumkulu, Mariannhill, Durban và Cape Town.

Hãng thống tấn CISA cho hay nơi dừng chân đầu tiên của thánh tích là Dòng Kín Camelô tại Benoni, nơi các linh mục của tổng giáo phận, các sơ Dòng Camêlô và Đoàn Hiệp Sĩ da Gama hiện diện trong nghi thức đón chào.

Các thánh tích sẽ ở lại trong nguyện đường dòng kín cho đến ngày thứ Hai.

Linh mục Vusi Sokhela, người khởi xướng cuộc viếng thăm đã có may mắn được một môn sinh của nhóm Con Đường Nhỏ Bé của Thánh Têêsa đến thăm giáo xứ của cha; ngài đã cho hãng thông tấn CISA hay là “ngài hy vọng rằng Thánh Têrêsa qua đời năm 24 tuổi sẽ là một gương mẫu cho giới trẻ, nhất là vì chúng tôi không có một vị thánh Nam Phi nào. Hy vọng một ngày kia nhờ kết quả của cuộc thăm viếng này sẽ có thánh tích của một vị thánh Nam Phi thăm viếng nước Pháp."

Nam Phi cũng đang là nơi tổ chức các trận túc cầu tranh giải Vô Địch Thế Giới, sẽ chấm dứt ngày 11 tháng 7.

Bắt đầu giữa tháng Chín, các thánh tích Thánh Têrêsa sẽ thăm viếng nước Anh, và Wales trong 28 ngày. Giáo phận Westminster cho hay sẽ có khoảng 286.650 khách hành hương đến viếng thánh tích trong thời gian này.
 
Hành hương toàn quốc Lòng Thương Xót Chúa tại Ars
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:22 26/06/2010
ROMA, (Zenit.org) - Một chuyến hành hương Lòng Thương Xót Chúa sẽ được tổ chức tại Ars, Pháp quốc, vào Chúa Nhật ngày 22 tháng Tám 2010.

Sau kỳ đại hội toàn quốc lần thứ nhất tại Lyon trong hai ngày 4 và 5 tháng Mười năm 2008, chuyến hành hương Lòng Thương Xót Chúa lần này sẽ được diễn ra tại Ars. Có nhiều dòng tu và các phong trào sùng kính Lòng Khoan Dung của Chúa sẽ tham dự, giúp cho việc khám phá những gương mặt khác nhau về Lòng Thương Xót tại Pháp.

Các nhà tổ chức kêu gọi ghi nhanh sớm bao nhiêu có thể. Để nhận được những tờ quảng cáo hoặc tờ rơi, hay thông tin liên quan đến việc di chuyển và chỗ ở, xin hãy liên lạc tại địa chỉ hộp thư điện tử misericorde.fr@yahoo.fr; hay số điện thoại ++ 33 (0)1 64 33 90 94.

Trang mạng trực tuyến của Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa đề nghị khám phá « Lòng nhân từ của Thiên Chúa vô biên (Thánh Gioan Maria Vianney) » và có dùng lại trích đoạn lá thư của cha Guy Gilbert khi giới thiệu cuốn sách mới của ngài « Hãy dạy chúng con biết tha thứ ».

Trang mạng điện tử cũng nhắc lại rằng trong kỳ Đại Hội Toàn quốc lần thứ hai về Lòng Thương Xót Chúa tại Lisieux từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Hai năm 2010, các buổi hội thảo do nhiều diễn giả trình bày về chủ đề « Lòng Thương Xót dám tin tưởng ». Những bài thuyết trình này đã được ghi trên đĩa CD và đã sẵn sàng trong việc phổ biến.

Tuy nhiên trên trạng mạng này còn có thể đề nghị một ý chỉ cầu nguyện. Mỗi tối thứ hai hàng tuần, thánh lễ được cử hành với những ý chí ấy.
 
Pháp có 173 tân linh mục và phó tế trong tháng Sáu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:23 26/06/2010
Hàng năm tại Pháp, thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế thường được cử hành vào hai Chúa Nhật cuối cùng của tháng Sáu và Chúa Nhật đầu tiên của tháng Bảy. Đây là khoảng thời gian thuận tiện vì năm học vừa mới kết thúc và cũng là thời điểm mọi người chưa đi nghỉ hè. Năm nay Giáo Hội Pháp sẽ có thêm 173 tân chức, gồm 83 linh mục trong 43 giáo phận và 90 phó tế trong 45 giáo phận.

Như vậy, nếu tính bình quân từ tổng số 83 linh mục cho 43 giáo phận, thì mỗi giáo phận gần có được 2 tân chức. Tỷ lệ này thật khiêm tốn so với con số truyền chức linh mục gần đây tại Việt Nam. Khi gom các tân chức lãnh tác vụ linh mục vừa qua tại 7 giáo phận: Huế (13); Vinh (21); Xuân Lộc (18); Phú Cường (26); Saigon (33); Mỹ Tho (9) và Đà Nẵng (5) sẽ có được tổng số là 125. Trung bình mỗi giáo phận có 18 tân chức

Không phải tại mỗi giáo phận năm nào cũng có lễ truyền chức. Ngày mai, tại giáo phận Autun sẽ diễn ra thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế cho 2 ứng sinh. Lần truyền chức gần nhất của giáo phận cách đây đúng 3 năm.

Trong quá trình đào tạo, các ứng viên linh mục của mỗi giáo phận tại Pháp không nhất thiết được gửi đến chủng viện trong giáo tỉnh của mình, mà có thể được gửi đến các chủng viện khác nhau trong nước, đôi khi ở nước ngoài. Tại Roma, Giáo Hội Pháp cũng có một đại chủng viện riêng. Cũng vậy, một chủng sinh có thể theo chương trình triết học, thần học, và năm phó tế ở các chủng viện khác nhau.

Dịp kết thúc Năm Linh Mục vừa qua, Giáo Hội Pháp có 750 linh mục trong tổng số 17.000 linh mục khắp nơi trên thế giới tham dự kỳ hội ngộ tại Roma chung quanh Đức Giáo Hoàng.
 
Đức Giáo Hoàng sẽ bổ nhiệm đại diện không thường trú tiên phong tại Việt Nam.
Dominic David Trần
20:07 26/06/2010
LM. Lombardi đang phát biểu với giới báo chí quốc tế tại Phòng Thông Tin Báo Chí Tòa Thánh về việc Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm một Đại diện của Tòa Thánh Không Thường Trú cho Việt Nam.
Điện Vatican, ngày 26/06/2010-2:08PM theo bản tin liên hợp Thông Tấn Xã Công Giáo (CNA/EWTN News)- Phòng Thông Tin Báo Chí Tòa Thánh Vatican vừa mới phát hành một bản Thông Cáo Báo Chí Chung trong ngày thứ Bảy để mô tả về các buổi họp giữa Đoàn đại diện của Tòa Thánh Vatican và chính phủ Việt Nam trong tuần này. Một kết qủa lớn nhất đạt được trong các cuộc họp này là Hai Bên đã đồng ý về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm "một đại diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam" mà theo như Linh Mục Federico Lombardi SJ, Giám Đốc Thông Tin Báo Chí của Tòa Thánh Vatican đã gọi là " một bước có ý nghĩa rất quan trọng" trong việc xây dựng các quan hệ hiện hữu.

Phiên họp Vòng hai của Nhóm Công Tác Hỗn hợp Tòa Thánh Vatican và đại diện chính phủ Việt Nam đã diễn ra trong hai ngày 23 và 24/06/2010 và cũng để tiếp nối các công việcx của phiên họp Vòng một đã diễn ra ngày 17/02/2009 tại Hà Nội. Đồng chủ tọa các vòng họp là Đức Ông Ettore Balestreto, Thứ Trưởng Bộ Quan Hệ với Các Quốc Gia của Tòa Thánh và Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường.

Trong suốt các phiên họp trong tuần này, Đại Diện của Tòa Thánh đã yêu cầu nhiều quyền tự do hơn nữa cho người Công Giáo Việt Nam " để cho Giáo Hội có thể tham gia một cách có hiệu qủa trong việc phát triển đất nước, đặc biệt trong các lãnh vực đạo đức thiêng liêng, giáo dục, y tế, xã hội và bác ái."

Mặc dù không được đề cập và biểu hiện rõ trong Thông Cáo Báo Chí Chung của Toà Thánh Vatican về phiên họp vòng hai lần này, đó là việc các Giáo Phận Địa phương tại Việt Nam đã và đang yêu cầu một cách hòa bình để đòi hoàn trả lại các tài sản và đất đai của Giáo Hội sở hữu đã bị chế độ Cộng Sản Việt Nam tước đoạt sau khi họ cướp chính quyền vào năm 1945. Các buổi canh thức cầu nguyện và biểu tình ngồi do những tín hữu Công giáo địa phương tổ chức đã bị An ninh Cảnh Sát Việt Nam dùng các chiến thuật hù dọa, đánh đập và bắt giữ.

Ngay khi vừa kết thúc các phiên họp Vòng hai, đoàn đại biểu Việt Nam đã trả lời về yêu cầu mở rộng tự do cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bằng cách nêu ra rằng chính phủ Việt Nam" với chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng như có các điều khoản pháp lý để đảm bảo việc thực thi các chính sách này " Thông Cáo Báo chí Chung trích thuật lại như vậy (sic).

Hai bên cũng bày tỏ sự cảm ơn đến "những bước phát triển tích cực" kể từ phiên họp Vòng thứ nhất cho đến hôm nay, nêu bật lên tầm quan trọng của buổi thăm viếng của Chủ Tịch nước Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết và tiếp kiến Đức Thánh Cha Benedicto XVI vào tháng Mười Hai năm 2009 được coi như là thành công mặc dù đã không đạt được quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam.

Sau "các buổi thảo luận chuyên sâu và toàn diện về các quan hệ ngoại giao song phương" tuần này, hai đoàn đại diện đã đồng ý rằng " để đào sâu hơn nữa quan hệ giữa Toà Thánh và Việt nam, cũng như các mối liên kết giữa Tòa Thánh Vatican và Các Giáo hội Công Giáo địa phương Việt Nam... như là thể hiện bước đầu tiên, một Đại diện Không Thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm."

Phát Ngôn Viên của Toà Thánh Linh Mục Federico Lombardi SJ đã đích thân trao Thông Cáo Chung Báo Chí của Toà Thánh cho giới báo chí và đồng thời nhấn mạnh rằng đây thực qủa là " một bước tiến có ý nghĩa rất quan trọng" về việc phát triển các quan hệ tốt hơn.

Tuy nhiên; Linh Mục Phát Ngôn Viên Tòa Thánh đã giải thích rằng, chức vị mới này không hình thành nên các quan hệ ngoại giao toàn diện và đầy đủ giữa hai bên Toà Thánh Vatican và Việt Nam, vì chức vị mới này không phải là một vị Sứ Thần hay không phải là vị Khâm Sứ Thường Trực tại Việt Nam. Linh Mục Giám Đốc Thông Tin Báo Chí kiêm Phát Ngôn Viên của Tòa Thánh Vatican lập lại một lần nữa rằng chức vị Đại diện sẽ được chính Đức Thánh Cha chính thức bổ nhiệm và sẽ là " bước đi mở đường" giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam, một cách có hiệu qủa, đại diện cho Đức Thánh Cha trong các quan hệ.

Linh Mục Phát Ngôn Viên nhấn mạnh rằng, ở điểm này và tại thời điểm này, chưa có sự đề nghị hay bổ nhiệm chính thức nào được đưa ra.

Cũng theo Thông Cáo Báo chí Chung của Tòa Thánh, suốt trong tiến trình hai ngày họp của phiên Vòng Hai vừa qua - hai bên cũng nêu rõ là " đang khuyến khích các việc phát triển" trong đời sống Công Giáo tiến hành tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến việc trọng thể kính mừng Năm Thánh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã đưọc khởi sự từ tháng 11 năm 2009. Năm Thánh này để Kỷ niệm 350 Năm thành lập Hai Đại Diện Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam (1659-2009) và kỷ niệm 50 Năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Công Giáo Việt Nam (1960-2010).

Cũng tại buổi kết thúc Phiên họp Vòng Hai, Đoàn Đại biểu Hai Bên Toà Thánh Vatican và Việt Nam đồng ý rằng Phiên họp Vòng thứ Ba sẽ được tổ chức tại Việt Nam ở một thời điểm chưa được quyết định.
 
ĐHY Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phản đối cuộc bố ráp của cảnh sát nước Bỉ
Dominic David Trần
22:38 26/06/2010
Đức Hồng Y Tarcisio Bertone
ROME, Ý, ngày 26/06/2010/ 01:17 pm theo bản tin liên hợp của Thông tấn Xã Công giáo (CNA/EWTN News).- vào sáng ngày thứ Bảy này Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh Vatican tuyên bố rằng cái kiểu cách mà lực luợng cảnh sát và pháp luật nước Bỉ đã thực hiện cuộc vây ráp văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Brussels và tư gia của Đức nguyên Tổng giám Mục Brussels là chưa từng có tiền lệ nào như vậy đã xảy ra ngay cả ở trong các chế độ Cộng Sản."

Đi tìm các hồ sơ lưu trữ về các vụ lạm dụng và sách nhiễu tình dục trẻ vị thành niên, cảnh sát đã đi qúa xa đến mức dùng cả các búa hơi để mở cả mộ phần của các Đức cố Hồng Y Jozef-Ernest Van Roey và Leon-Josephy Suenens. Cảnh sát Bỉ cũng ngăn cản các Đức Giám Mục và các tham dự viên trong một hội nghị trong văn phòng Tòa Tổng Giám Mục không được rời phòng họp trong chín giờ.

Vì bận đọc diễn văn và ban huấn từ trong Đại Hội Quốc Tế của các Giáo sư Đại Học Công Giáo tại Rôma trong sáng ngày thứ Bảy nên Đức Hồng Y Tarcisio Bertone SDB Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh được yêu cầu cho biết nhận định của ngài về việc cảnh sát Bỉ mới đây đã lục soát văn phòng của Đức Tổng Giám Mục Andre-Joseph Leonard tại Mechelen.

Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, nhật báo bán chính thức của Toà Thánh, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho rằng hành động cấm cửa " đó là hành động bắt cóc người, một sự kiện sai lầm nghiêm trọng và không thể hiểu được.

"Thiệt chưa từng thấy có tiền lệ nào như vậy đã xẩy ra -ngay cả ở trong các chế độ Cộng Sản"; Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đã nói về những phương cách đã được sử dụng trong suốt cuộc bố ráp và lục soát cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã tịch thu bất hợp pháp các hồ sơ mật được lưu trữ bởi một Ủy Ban Điều Tra vê các vụ lạm dụng sách nhiễu tình dục trẻ vị thành niên do Tòa Tổng Giám Mục bảo trợ.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã lập lại Lời Lên Án của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đối với việc lạm dụng và sách nhiễu tình dục trẻ em của một số Giáo sĩ Linh Mục. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh cũng bày tỏ rằng ngài rất lấy làm tiếc khi biết rằng các Đức Giám Mục và các tham dự viên hội nghị tại Tòa Tổng Giám Mục đã không được nhận tiếp tế nước uống và thực phẩm trong suốt thời gian cảnh sát Bỉ lục soát và bố ráp Tòa Tổng Giám Mục.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vatican: Thông cáo của Tòa Thánh về khóa họp thứ II của Nhóm Làm việc chung
LM Trần Đức Anh OP dịch
08:04 26/06/2010
Thông cáo của Tòa Thánh về khóa họp thứ II của Nhóm Làm việc chung

VATICAN - Hôm 26-6-2010, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã công bố thông cáo về khóa họp thứ hai của Nhóm làm việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Nguyên văn như sau:

”Như đã thỏa thuận trong khóa họp thứ I của Nhóm Làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, nhóm tại Hà Nội hồi tháng 2 năm 2009, khóa họp thứ II của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 23 đến 24-6 năm 2010. Khóa họp được 2 vị đồng chủ tọa là Đức Ông Ettore Balestrero, thứ trưởng ngoại giao Tóa Thánh, trưởng đoàn Tòa Thánh, và Ông Nguyễn Quốc Cường, thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Việt Nam.

Sau khi duyệt qua những tiến bộ đã đạt được từ khóa họp thứ I của Nhóm làm việc chung, hai phái đoàn đã đề cập đến những vấn đề quốc tế và những vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam nhắc lại đường hướng trước sau như một của chính sách Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như các qui định pháp lý bảo đảm việc thực thi tự do đó. Phái đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận giải thích đó và yêu cầu đảm bảo thêm những điều kiện để Giáo Hội tham gia hữu hiệu hơn vào sự phát triển đất nước, nhất là trong lãnh vực tinh thần, giáo dục, y tế, xã hội và từ thiện. Ngoài ra phái đoàn Tòa Thánh nhắc lại rằng, qua các giáo huấn, Giáo Hội mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt và dấn thân cho công ích của nhân dân.

”Hai phái đoàn đã ghi nhận những phát triển khả quan trong các lãnh vực của đời sống Công Giáo tại Việt Nam, đặc biệt về Năm Thánh. Ngoài ra, cả hai nhắc đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 trong dịp các Giám Mục Việt Nam về Roma viếng mộ các Thánh Tông Đồ năm ngoái và Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nhân dịp Năm Thánh, và cả hai Phái đoàn đồng ý rằng các giáo huấn này của Đức Thánh Cha sẽ được dùng làm hướng đi cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong những năm tới đây.

”Về quan hệ song phương, hai Phái đoàn đánh giá cao những phát triển tích cực diễn ra từ sau Khóa họp thứ I của Nhóm làm việc chung, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hồi tháng 12 năm 2009. Hai Phái đoàn đã trao đổi sâu rộng về quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như những quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương, như một bước đầu, cả hai bên đã thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một vị Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

Hai Phái đoàn quyết định nhóm khóa họp thứ III của Nhóm Làm việc chung tại Việt Nam; ngày nhóm họp sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.

Nhân khóa họp, Phái đoàn Việt Nam đã viếng thăm Đức TGM Mamberti, Ngoại trưởng Tòa Thánh, ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và Tòa Giám Quản Roma. Đoàn cũng viếng thăm Bệnh Viện Nhi Đồng ”Chúa Hài Đồng Giêsu” của Tòa thánh ở Roma (SD 26-6-2010)
 
Chương trình tiếp sức Mùa Thi năm 2010 của Liên Đoàn Sinh Viên Công giáo Miền Bắc
Giuse Nguyễn Tiến Đạt
15:56 26/06/2010
Trọng kính quý Đức Cha,
Kính thưa quý Cha, quý Ân nhân, quý Anh chị cựu sinh viên,

Với ước mong được giúp đỡ các em học sinh nghèo từ các vùng nông thôn ra thành phố dự thi đại học, Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Miền Bắc chúng con sẽ tổ chức “Tiếp sức mùa thi năm 2010”, với mục đích tạo tâm lý thoải mái cho các em thí sinh và giảm bớt kinh tế cho các gia đình. Đây là một công việc đầy ý nghĩa bác ái Ki-tô giáo nhưng nó cũng gặp rất nhiều khó khăn khi giúp đỡ các em, nhất là gặp khó khăn thiếu thốn về phương tiện vật chất.

Hình ảnh văn nghệ Sinh viên gây qũy

Vì những lý do này, chúng con tha thiết kính xin quý Đức Cha, quý Cha, quý Ân nhân, quý Anh chị cựu sinh viên cùng cầu nguyện và nâng đỡ chúng con cả về tinh thần cũng như vật chất để chúng con có phương tiện phục vụ các em thí được tốt hơn.
Chúng con xin chân thành tri ân!

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2010
T/M BAN ĐIỀU HÀNH
Trưởng Liên Đoàn
Giuse Nguyễn Tiến Đạt

CHƯƠNG TRÌNH TIẾP SỨC MÙA THI NĂM 2010

I. Mục đích:
- Tạo tâm lý thoải mái cho các em thí sinh khi đi thi
- Giảm bớt kinh tế cho các gia đình ở những vùng quê nghèo
- Tạo tình liên đới giữa anh em đồng đạo trong các giáo phận miền Bắc

II. Thời gian tiếp sức:
- Tiếp sức trong 2 đợt thi đại học
+ Đợt 1: Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 7
+ Đợt 2: Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 7

III. Địa điểm tiếp sức:
- Tất cả các địa điểm thi tại Hà Nội, Gia Lâm, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định

IV. Thời gian đón thí sinh khu vục Hà Nội, Gia Lâm, Thái Nguyên, Vinh Phúc
- Tại bến xe Giáp Bát
+ Đợt 1: Từ 6h30 đến 12h30 ngày 2 tháng 7
+ Đợt 2: Từ 6h30 đến 12h30 ngày 7 tháng 7
- Tại bến xe Mỹ Đình và Gia Lâm
+ Đợt 1: Từ 7h00 đến 15h ngày 2 tháng 7
+ Đợt 2: Từ 7h00 đến 15h ngày 7 tháng 7

V. Phương cách phục vụ các em thí sinh:
- Các tình nguyện viên sẽ chia thành các nhóm để đảm trách các khu vực và tìm nhà trọ gần địa điểm thi cho các thí sinh
- Các tình nguyện viên sẽ phục vụ nấu cơm và chăm lo sức khỏe cho các em thí sinh trong thời gian các em dự thi đại học
- Các tình nguyện viên sẽ đưa đón các em thí sinh đến địa điểm thi bằng các phương tiện tốt nhất, phù hợp với các địa điểm thi.

VI. Dự trù chi phí cho công tác tình nguyện:
- Băng zôn + Biển hiệu đón tiếp: 1.000.000đ
- Nước uống cho các tình nguyện viên: 3.000.000đ
- Trợ giúp tiền điện thoại liên lạc cho các nhóm tình nguyện
+ Số nhóm số nhóm tình nguyện: 24 nhóm tình nguyện
+ Số tiền điện thoại cho các nhóm: 1.000.000đ/một nhóm
+ Tổng số tiền điện thoại cho các nhóm: 24.000.000đ
- Áo đồng phục cho tình nguyện viên:
+ Số áo: 1000 chiếc
+ Giá áo: 50.000đ/một chiếc
+ Số tiền áo: 50.000.000đ
Tổng số tiền dự trù cho tiếp sức mùa thi năm 2010 là: 78.000.000đ (bảy mươi tám triệu đồng)

Chúng con sẵn sàng đón nhận tấm lòng hảo tâm giúp đỡ của tất cả mọi người!
Địa chỉ liên hệ:
Điện thoại: 0976265717
Email: svcgmbvietnam@gmail.com
 
Đức Cha Giáo phận Bắc Ninh thăm họ đạo Yên Lễ
Giuse Nguyễn Tiến Đạt
17:21 26/06/2010
BẮC NINH:- Sáng ngày 26/06/2010, Đức Cha Cosma đã viếng thăm giáo họ Yên Lễ và dâng thánh lễ mừng kính thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh.

Xem hình ảnh

Đức Cha Cosma đã đến giáo họ Yên Lễ vào lúc 7g00 sáng, cùng đến hiệp dâng thánh lễ với ngài có cha quản hạt Bắc Giang Giuse Nguyễn Huy Tảo, cha xứ Đaminh Bùi Văn Sáu, cùng một số cha trong và ngoài giáo hạt Bắc Giang.

Ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa nơi đây trong bài giảng, Đức Cha Cosma đã nói đến điểm đặc biệt của thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh: “Ngài là vị thánh duy nhất được sinh ra, lớn lên, làm việc và chịu tử đạo ở Bắc Ninh”. Đức Cha nhắc đến mẫu gương anh dũng hy sinh ngài: Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ lòng trung kiên, vui lòng chấp nhận mọi hình khổ, không than van, không oán trách. Những lần quan bắt bước qua Thánh Giá cụ quỳ xuống hôn tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh…. Trên đường ra pháp trường, ngài cùng với cha Phêrô Nguyễn Văn Tự mặt mày hớn hở vui mừng, vừa đi vừa đọc kinh, chẳng hề sợ sệt gì cả.

Trong ngày lễ hôm nay, Đức Cha cũng nhắc nhở mọi người Kitô hữu hãy bắt chiếc mẫu gương anh dũng hy sinh của Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh: Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh là thầy lang, ngài đã làm việc tận tụy để nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ những người xung quanh. Ngài là một ông Trùm họ, cho nên ngài luôn nhiệt thành cho những công việc chung, đôi khi bị hiểu lầm nhưng ngài vẫn vui vẻ hy sinh vì Chúa và vì Hội Thánh. Nhất là ngài đã trải qua thử thánh cam go, nhưng vẫn một mực trung thành với Chúa, nhất quyết không chịu bước qua Thánh Giá và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho đức tin.

Cuối cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hiện diện trong Thánh lễ: “Hãy trung kiên, yêu thương tha thứ cho anh chị em đồng loại, và sẵn sàng bước đi theo con đường của Chúa Giêsu như thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đã đi. Chúng ta xin với ngài giúp cho chúng ta luôn luôn noi gương ngài bước theo Chúa Giêsu cho đến cùng”.

Đôi nét về giáo họ Yên Lễ:

Yên Lễ là một giáo họ có truyền thống lâu đời nằm ở vùng đồi núi trung du phía Bắc thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 50 Km về phía Bắc. Vùng này đã từng là nơi đóng quân của Hùm Xám Yên Thế (Hoàng Hoa Thám) trong những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Chính ngôi nhà thờ Yên Lễ đã được nghĩa quân Đề Thám giúp đỡ xây dựng, tuy nhiên ngôi thánh đường này đã bị phá hủy trong thời chiến tranh.

Người dân ở Giáo họ Yên Lễ rất tự hào về thánh Giuse Hoàng Lương cảnh, người con ưu tú nhất của giáo họ và Giáo phận Bắc Ninh, mà theo một số người thì ngài đã lớn lên và sinh sống tại giáo họ Yên Lễ này.

Ngày nay, giáo họ Yên Lễ thuộc giáo xứ Tân An, giáo hạt Bắc Giang, có hơn 1000 giáo dân nằm xen kẻ với những người lương dân trong địa bàn khoảng 5 Km2. Giáo dân ở đây rất nghèo vì đời sống của họ thuần túy là nông nghiệp.Về đời sống đức tin, cho dù có những lúc giảm sút vì từ 1954 đến nay không có cha xứ trực tiếp coi sóc, và đời sống kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống đức tin, nhưng các giáo hữu ở đây vẫn giữ được truyền thống đức tin và duy trì các buổi cầu nguyện sớm tối tại nhà thờ.

Đức Cha Cosma đã trở về Tòa Giám Mục lúc 11g30, kết thúc chuyến đi với ước vọng qua lời cầu bầu của thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, đời sống đức tin của người dân Yên Lễ luôn thăng tiến và họ sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh như ngài.

Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh (Trùm họ, dòng Ba Đaminh: 1763-1838)

*Lời kinh thắp sáng cuộc đời:

Đã là Kitô hữu thì ai cũng thuộc một số kinh để cầu nguyện. Thế nhưng số người sống theo lời kinh mình đọc không phải là nhiều. Đối với cụ lang Giuse Cảnh, thì lời kinh chính là hơi thở của cuộc đời mình. Lời kinh là nến sáng soi dẫn hành trình dương gian tiến về Nước Chúa. Đọc chuyện tử đạo của cụ, ta thấy rất rõ điều đó.

Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh ra dười thời chúa Trịnh Doanh năm 1763 tại làng Ván, tỉnh Bắc Giang. Sống ở làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, ông được mọi người quý mến, nổi tiếng hiền lành và bác ái. Là một lang y, ông tận tụy với các bệnh nhân, thường chữa trị miễn phí cho người nghèo. Tuy không đi tu, nhưng trọn ngày sống của ông được dệt bằng kinh nguyện và các việc tông đồ. Ông đã rửa tội nhiều người trong giờ hấp hối, đặc biệt cho trẻ em. Giáo dân Thổ Hà tín nhiệm và bầu ông làm Trùm họ. Từ đó, ông càng hăng say hơn với việc truyền giáo và phục vụ cộng đoàn dân Chúa.

Đầu tháng 07 năm 1838, đang khi quân lính bao vây bắt các giáo hữu làng Thổ Hà, có người mời ông đến chữa bệnh và rửa tội cho con họ. Dù rất nguy hiểm, ông Trùm vẫn tìm cách lén đi giúp đỡ, nhưng khi đến bên đó, quân lính phát giác ra, bắt ông đeo gông và giải về Bắc Ninh với cha Tự, thầy Úy, ba ông Trùm xứ khác và một số giáo dân.

*Sức Mạnh Của Lời Kinh:

Ngày 12-07 quan đưa tất cả ra tòa, để dọa và bắt họ bước qua Thánh Giá. Ba ông Trùm kia và một giáo dân nhát gan đã nghe lời để được tha về. Chỉ còn bảy người tuyên xưng niềm tin là cha Tự, cụ lang Cảnh, hai thầy Úy và Mậu, cùng ba thanh niên Mới, Đệ, Vinh. Xét rằng cụ Giuse ở chức vụ Trùm họ lại cao niên, nên có ảnh hưởng lớn đến giáo dân, qua kết án xử tử cụ như cha Tự, còn năm người kia chỉ bị án phát lưu.

Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ lòng trung kiên, vui lòng chấp nhận mọi khổ hình, không than van, không oán trách. Những lần quan bắt bước qua Thánh Giá cụ quỳ xuống hôn tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh. Thấy thế, quan bảo cụ đọc to lên, cụ liền đọc lớn tiếng những lời kinh nguyện cầu thay cho những lời giải thích lý luận. Khi thấy cụ đọc kinh Chúa Thánh Thần: “… Xin yên ủi chúng con, dạy dỗ chúng con làm những việc lành…” Khi thì đọc kinh Thánh Danh Chúa Giêsu: “… Chúa Giêsu là đường nẻo thật, ai theo đường này thì sẽ sống mãi vui vẻ chẳng cùng…” Đặc biệt có lần cụ đọc một lời kinh làm cho các quan ngạc nhiên phá lên cười: “Cầu Chúa Giêsu cho các vua trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh”. Họ hỏi sao cụ lại cầu cho kẻ hành hạ mình như thế. Cụ bình tĩnh trả lời các quan về giới luật yêu thương của đạo Chúa.

Một lần khác quan hỏi ý kiến cụ về những kẻ bỏ đạo hoặc tố cáo linh mục, cụ chậm rãi kể tích chuyện Giuđa phản thày vì 30 đồng bạc, rồi cụ thêm: “Thực ra lính cũng chẳng bắt được Chúa Giêsu, vì khi Chúa nói chính Ta đây, toán lính Do Thái bị té ngã xuống hết, chính Chúa đưa tay cho họ trói để hoàn tất việc chuộc tội thiên hạ, trong đó có cả các quan nữa đấy”.

*Vinh phúc nghìn thu:

Quan tỉnh Bắc Ninh thấy tội nghiệp người già yếu, nên tìm hết cách khuyên dụ cụ bỏ đạo về với con cháu. Nhưng cụ trả lời: “Xin quan cứ làm án cho tôi được chết với cha Tự của tôi, thì tôi mừng rỡ bội phần”. Ngày 15.09.1838, tỉnh Bắc Ninh nhận được bản án từ kinh đô ra. Thay vì án xử giảo như các quan đề nghị, bản án quyết định: “Đạo trưởng Nguyễn Văn Tự và Đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết ngay tức khắc”.

Khi biết tin sắp bị xử tử, vị linh mục và cụ Trùm họ liền vui vẻ chào giã biệt các bạn tù. Viên cai ngục kêu riêng cụ Cảnh ra, có ý cho uống chén nước trà để lấy sức, cụ đáp: “Xin cám ơn, tôi chẳng thiết ăn uống gì nữa, chỉ mong theo cha tôi ra pháp trường thôi”. Thấy cha Tự mặc bộ tu phục trắng toát trên mình, cụ cũng khoác tấm áo Dòng Ba, như biểu hiện nỗi lòng người con Cha Thánh Đaminh. Cụ nâng niu trên tay ảnh Chuộc Tội nhỏ mà trong hai tháng tù vừa qua cụ đã hôn kính cả nghìn lần, giờ đây là nguồn trợ lực quý giá của cụ trong cơn thử thách cuối cùng.

Đường ra pháp trường nô nức như ngày hội. Cha Tự thong thả vừa đi vừa xướng kinh Cầu Các Thánh, cụ lang Cảnh bước đi vất vả hơn vì yếu sức, nhưng vẫn đều đặn thưa đáp: “Cầu cho chúng tôi”. Hai vị như thấy lòng mình ấm lại vì như thấy toàn thể chư thánh đều hiện diện đâu đây sẵn sàng đón mình về trời cao. Đến nơi xử, vị chứng nhân đức tin và cha Tự quỳ xuống hai chiếc chiếu nhỏ. Lý hình theo lệnh trống thi hành phận sự, đưa cụ về hưởng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Hôm đó là ngày 05.09.1838, cụ Trùm Cảnh đã quá thất tuần, 75 tuổi.

Thi hài cụ Giuse Cảnh được chôn táng dưới một ngọn đồi gần đấy. Sau giáo dân làng Thổ Hà rước về họ mình.

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cụ Trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh lên bậc Chân phước của Giáo hội. Ngày 19.06.1988 Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên Bậc Hiển Thánh.

(Trích theo Uống Nước Nhớ Nguồn – Lm Fx. Đào Trung Hiệu, OP.)
 
Giáo Xứ St. James thuộc TGP Oregon tổ chức thánh lễ tạ ơn để kết thúc Năm Linh Mục
Bảo Tịnh
17:38 26/06/2010
McMinnville, OR - Mặc dầu năm Linh mục đã kết thúc, thế nhưng hôm nay tại Giáo Xứ St. James thuộc Tổng Giáo Phận Portland, Oregon tổ chức thánh lễ tạ ơn để kết thúc Năm Linh Mục vào lúc 05giờ 30 chiều ngày 25/06/2010. Trong thánh lễ Tạ Ơn hôm nay chúng tôi nhận thấy có Đức Ông Tổng Đại diện, Bà Chưởng Ấn, các Cha Mỹ, Việt trong Tổng Giáo Phận, và rất đông giáo dân Mỹ, Mễ đặc biệt với sự hiện diện của 100 Giáo dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có sự tham dự của Giáo dân Việt Nam tại Giáo xứ này.

QUÝ VỊ PHẢI ĐÁNH LỜI THIỆU VÀO ĐÂY

Mở đầu thánh lễ Linh mục Gioan Trần Hùng thuộc Tu Đòan Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa nói lên ý nghĩa của Ơn Gọi, và xin tất cả mọi người hiện diện trong thánh lễ hãy hiệp ý cầu nguyện với tất cả tâm tình tạ ơn những hồng ận mà Thiên Chúa đã ban cho nhân lọai đó Tình Yêu qua chính con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Trong bài giảng, Ngài dùng ba thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam diễn giải Ơn Gọi như thế nào, và chúng ta đáp lại trả lại thế nào với lời mời gọi ấy. Ngài nhấn mạnh gia đình là nên tảng của xã hội, là một giáo hội nhỏ thu hẹp vì chính gia đình là vườn ươm, là nơi phát triển ơn gọi.

Cuối thánh lễ, một đại diện giáo dân cám ơn các Linh mục còn sống cũng như đã qua đời, chính các Ngài đã hy sinh cuộc đời cho đòan chiên mà Chúa đã giao phó, mặc dầu Linh Mục cũng có những khiếm khuyết của một con người, thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta từ rảy, xa lánh mà hãy tiếp tục cầu nguyện nhiều hơn để các Ngài theo chân Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô đi rao giảng Tin Mừng cứu độ.

Sau thánh lễ có buổi tiệc liên hoan do Giáo xứ tổ chức. Nhân dịp nầy giáo dân Việt Nam mừng tròn một năm nhận tác vụ Linh Mục của Cha Gioan Trần Hùng và nhận bài sai về làm phó xứ tại đây. Xin chúc mừng Cha.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tản mạn về Nhân Sinh Quan
Trầm Thiên Thu
15:46 26/06/2010
Nhân sinh quan là gì? Nhân sinh quan (conception de la vie, conception of life) là quan niệm của con người đối với cuộc sống. Như vậy nghĩa là mỗi con người đều có một nhân sinh quan riêng. Dĩ nhiên cần có một nhân sinh quan đúng đắn!

Manurti nói: “Quá phê phán người khác là phủ nhận quyền tự do sống của họ”. Vì vậy, chỉ nên phê phán bằng tinh thần xây dựng chứ đừng ngụ ý xoi mói, xúc xiểm nhau. Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng không thể có sự tiến bộ nếu không có sự phê bình – nhưng phải xuất phát từ lòng yêu thương. La Rochefoucauld đã mạnh dạn kết luận: “Tất cả các dòng sông bác ái đều chảy vào biển cả ích kỷ”. Đó là một sự thật minh nhiên mà người ta khó có thể dám chấp nhận, dám đối diện. Người ta dễ bị coi thường khi phải nhờ vả người khác, thậm chí có thể xảy ra giữa quan hệ thân thuộc hoặc phu thê. Sự thật luôn phũ phàng, nhưng vẫn là sự thật. Tuy nhiên, luôn cần giữ niềm tin và niềm vui.

Ai cũng muốn được khen, nghĩa là không ai muốn bị chê. Nhưng cứ nhận lời khen mãi, người ta sẽ dễ kiêu ngạo và ảo tưởng. Thật vậy, người khen ta chưa đáng quý trọng, thậm chí có thể là kẻ thù địch mà nịnh bợ để lấy lòng. Nhưng người dám phê bình ta khi nhận ra sai trái, đó mới là bạn tốt, là người đáng quý trọng, là thầy ta, nhất là những người vì lợi ích của ta mà dám phản đối ta cả trăm lần. Kinh Thư đã dạy: “Với một câu nói trái ý, nên xét xem có hợp lý không; với một câu nói chiều lòng, nên xem xét có vô lý không”. Đức Phật xác định: “Hãy coi người chỉ lỗi cho ta như người chỉ cho ta kho tàng”. Đức Kitô khuyên: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng thấy cái rác trong mắt người khác mà lại không thấy cái xà trong mắt mình”. Chưa đáng trách khi sai lỗi nhưng đáng trách khi biết sai mà không chịu sửa. Đó là cố chấp. Ai không chịu rút lại ý kiến sai là người không chuộng chân lý, không phục thiện.

Người tự trọng thì luôn tôn trọng người khác, luôn trọng chữ tín, luôn tỏ ra cao thượng và có động thái của một quân tử. Điều đó tạo nên tính cách của một người có nhân cách. Lời hứa thường là lời nói có cánh. Nói dễ nhưng làm khó. Ai càng dễ hứa thì càng dễ lỡ hứa. Tại sao người ta hứa? Vì sợ người khác không tin. Cũng vậy, tại sao người ta ghét bạn? Vì người ta muốn được như bạn mà không được. Có vẻ nghịch lý nhưng lại hoàn toàn thuận lý. Lới hứa có hệ lụy với chữ TÍN. Từ chữ tín mà có sự chung thủy trong tình yêu đôi lứa. Hẳn là không vô lý khi người Anh dùng từ ngữ “sweet nothings” để diễn tả những lời thề non hẹn biển, tán tỉnh, o bế hoặc nịnh hót của những người đang yêu nhau.

Trong cuộc sống đời thường có nhiều người chưa biết sử dụng các từ ngữ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Rất đơn giản mà hiệu quả. Dù là ai, ở cương vị nào, với mối quan hệ nào cũng vẫn cần sử dụng các từ đó. Thật là nông cạn và sai lầm khi cho rằng không cần “khách sao” với nhau! Biết sử dụng các mỹ từ đó cũng là một động thái đậm nét liên quan chữ tín. Dù có là “ông kia, bà nọ” thì trước tiên người ta phải là “con người” đúng nghĩa.

Rivarel nói: “Sự khiêm nhường luôn có hệ lụy với với lòng khoan dung, còn lòng kiêu ngạo luôn có dính líu tới lòng ghen tỵ”. Người khiêm nhường không thể cộc cằn, thô lỗ, xốc nổi, độc đoán hoặc cố chấp, vì “khiêm nhường không thờ ơ với lời khen mà cũng chăm chú nghe lời chỉ trích” (Jean-Paul Sartre). Nhờ đó mà người ta khả dĩ khôn ngoan hơn. Rất chí lý khi Tạo hóa cho mỗi người có 2 chân, 2 tay, 2 tai, 2 mắt, 2 bán cầu não, nhưng chỉ có 1 miệng. Nghĩa là chúng ta phải đi nhiều, hành động nhiều, nghe nhiều, quan sát nhiều, suy nghĩ nhiều, nhưng… NÓI ÍT.

Yêu thương có hệ lụy với chữ tín. Người trọng chữ tín là người không nói suông. Ít nói, nhưng đã nói là làm. Họ trì hoãn hứa để luôn trung thành với giữ lời hứa, như Napoléon I khuyên: “Cách giữ lời hứa tốt nhất là đừng hứa gì cả”. Dục tốc bất đạt. Đừng vội vàng mà hãy chín chắn, như tục ngữ Việt Nam có câu: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Càng phải cẩn thận hơn khi đó là lời hứa, chẳng hạn khi chọn bạn thì hãy từ từ, và khi muốn thay bạn thì càng nên từ từ hơn.

Độc đoán, cố chấp, ích kỷ, kiêu ngạo và tự ái có hệ lụy gần gũi với nhau. “Thuận ngôn nghịch nhĩ” nhưng “cái tôi” trong con người quá lớn nên lấn lướt và xúi giục lý trí hành động sai lệch. Vì thế, Pascal đã xác định: “Cái tôi là đáng ghét”. Đàn áp, lấn át người khác thì dễ, nhưng chiến thắng chính mình thì vô cùng khó khăn. Ai ccó thể chiến thắng chính mình thì mới thực sự là người vĩ đại.

Carandier phân tích: “Người muốn làm thì tìm ra phương tiện, người không muốn làm thì tìm ra lý do”. Cứ ngỡ đơn giản nhưng lại chứa đựng cả một triết lý thâm thúy. “Nói trước bước không qua” là vậy. Người ta dễ thất hứa, một phần là do khinh suất. Người ta thường có “xu hướng” lấy cái phụ làm cái chính – và ngược lại. Có những điều cần đơn giản hóa, nhưng có những điều không nên đơn giản hóa.

Nhân vô tập toàn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Không ai dám chê trách người khác khi chính mình vẫn còn nhiều lỗi lầm. Như ca dao Việt Nam:

Chân mình còn lấm bê bê

Mà còn cầm đuốc đi rê chân người

Và tôi cũng không dám “bạo phổi” mà lạm bàn, chỉ muốn tìm một triết-lý-sống để không ngừng cố gắng tự hoàn thiện, càng nhiều càng tốt.

Bạn đừng vội chạm tự ái nếu chút thiển ý của tôi gây “dị ứng” đối với bạn. Hy vọng bạn cũng cởi mở và không hề tự ái. Chắc chắn “không ai cao đến mức không bao giờ phải vươn, và cũng không ai thấp đến mức không bao giờ phải cúi xuống” (M. D. Baughman).

Để kết, xin mượn lời Dục Tử để chia sẻ: “Biết hay mà không tin thì là dại, biết dở mà không sửa thì là mê”. Quả thật, con người rất yếu đuối và luôn đầy tham-sân-si. Hy vọng mỗi chúng ta khả dĩ giữ lòng thanh thản với tinh thần của sách Luận Ngữ: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ” (sáng nghe được đạo, chiều chết cũng vui). Theo tôi, đó là điều cần thiết và là niềm hạnh phúc với một nhân sinh quan đúng đắn. Người bạn tốt là người có mặt đúng lúc khi cần thiết. Sống tốt và sống chân thành còn là trách nhiệm của mọi người. Ngoài ra, người ta còn phải có một ý chí thép để đủ nghị lực vượt qua mọi nghịch cảnh.

Mong sao đừng có những người mang họ “hứa”, theo chủ nghĩa “duy hứa”, cứ hứa nhiều mà chẳng giữ được bao nhiêu – như người ta thường nói: “Trăm voi không được bát nước xáo”. Càng lớn càng phải trọng chữ tín, vì “nhất sự bất tín, vạn sự chẳng tin”. Khó thật, nhưng phải cố thi hành, nếu còn giữ lòng tự trọng và muốn được tôn trọng.
 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
06:23 26/06/2010
Chuyện Phiếm Đạo Đời

Suy tư theo Phúc Ân tuần thứ 13 quanh năm (Gv 3:1, 8-11)

Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi

Rồi trong mưa gió biết ai vỗ về…

(Trường Sa – Xin còn gọi tên nhau)

Gọi tên “Em”, cả vào lúc “Em” còn thức giấc. Hay, ngủ mê. Mê cuộc tình. Nơi dương gian, chốn ấy có lời ca. Tiếng hát. Rất đê mê. Nhè nhẹ. Như còn hát:

“Tình trong cơn ngủ mê,

Rồi phai trên hàng mi,

Chợt khi mình nhớ về.

Mộng thành mây bay đi,

Còn gì trên đôi tay,

Nên thầm hờn dỗi mình,

Cho tình càng thêm say.”

(Trường Sa – bđd)

Gọi tên “Em” hay tên “Anh”, ta gọi mãi. Suốt một đời. Để rồi, tên của người em mà ta nhung nhớ, lúc chia phôi, sẽ ở mãi trong tôi. Trong bạn. Gọi “Em”/gọi “Anh” gọi cả mọi người. Ai cũng gọi. Gọi, như một khẳng định của ai đó, người nghệ sĩ mới đây thôi:

“Chữ “Em” trong các bài hát, là đối tượng của tình yêu, mà chúng ta muốn gửi gắm vào đời sống. Có thể, là đối tượng của riêng tôi. Cũng có thể, của riêng bạn. Nói chung, là đối tượng của Tình Yêu, được trao gửi.” (x. Từ Công Phụng, Như mọi người, tôi cũng có trái tim mẫn cảm, Người Việt online 28/02/2010)

Gọi người trong tôi. Là gọi “Tình yêu”, rày vẫn thế. Vẫn nằm ở bản thể, tôi rất mến. Mến gọi và nhắn nhủ một lời Chúa vẫn gọi và vẫn nhắn trong Kinh Sách:

“Và này,

Thầy sẽ ở lại với anh em

suốt mọi ngày,

đến tận thế.”

(Mt 28: 20)

Gọi nhắn tên “Em”, còn là gọi nhắn một lời khác, ở Kinh Sách, ta vẫn nghe. Như thế này:

“Ở dưới bầu trời này,

mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

một thời để chào đời, một thời để lìa thế;

..một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;

một thời để than van, một thời để múa nhảy;

…một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;

một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi;

một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;

một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;

một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.”

(Gv 3: 1, 2, 4, 8)

“Chúa Tình Yêu” vẫn nhắn gọi mọi người hãy ở lại với “Em”và với tôi. Suốt mọi thời. Hệt như thế. Hệt như gọi nhắn người ở lại, từ cõi miên trường. Ngài gọi, vào lúc bạn mình vừa có người giã từ, mà ra đi. Ngài gọi mãi tiếng yêu đương, rất thân thương. Rất tình Thầy ở lại, với muôn người.

“(Tình) Thầy ở lại”, không chỉ là gọi nhắn vào lúc tôi và bạn có người thân thuộc đã ra đi, về miền thiên cổ. Quá khứ. Đi, mà không ngoái cổ, trở về lại. Đi, mà không hề thương tiếc. Thương, một đời người. Tiếc, một ngày vui. Bởi, ra đi về miền quá khứ, là giáp mặt với Tình Chúa. Như Lời Ngài vẫn hứa.

Bần đạo nhớ, có đấng bậc nọ cũng trần thuật về tình yêu/nỗi nhớ, có ý thức như sau:

“Con người vốn là sinh vật duy nhất ý thức mình sẽ chết. Vừa biết mình phải chết, vừa không chấp nhận được cái chết. Lòng tin Chúa Kitô đã sống lại và mình cũng sẽ được sống lại không hẳn sẽ miễn cho người tín hữu khỏi nỗi xao xuyến lo âu, khựng lại trước niềm đau và nỗi chết của mình, lòng tin ấy không phải là thuốc an thần, thuốc giảm đau. Trái lại, lịch sử tư tưởng nhân loại cho thấy không đâu bằng trong Kitô giáo, vấn đề khổ đau được đặt ra triệt để và ý thức cái chết là ý thức bi đát. Thánh Augustin, Pascal, Kierkegaard chẳng hạn. “Sống lại từ cõi chết là gì?” Chúng ta đối diện với khổ đau, với cái chết vẫn không tránh được câu hỏi bức xúc ấy.Tại sao Chúa Kitô đã sống lại mà tôi còn phải tiếp tục cuộc thương khó của Chúa nơi thân mình tôi, trong đời tôi? Tại sao đã “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6: 4) mà cứ còn phải chết? Cái chết càng không là lẽ đương nhiên (1Tx 4: 17).” (x. Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, nxb Cơ sở Hy Vọng 2002, tr. 160)

Lời Ngài, rõ ràng được nhận định là như thế. Lời Ngài, từng kéo dài nhiều thế kỷ. Không cần phải cãi tranh. Cũng chẳng có gì phải nghi ngờ. Bởi, thế đó là sự thật rành rành. Thế đó, rất thật như ánh mặt trời. Luôn soi dọi, để mình sống. Thật, như lời người nghệ sĩ, vào buổi Đông tàn. Xế bóng. Rất như sau:

“Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng

Chiều đong đưa những bước chân đau mòn

Chợt nghe mùa thu bay trên trời không

Còn ai giữa mênh mông đời mình

Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ...”

(Trường Sa – bđd)

Tuổi thơ, dù đặc dầy đến 100 năm, vẫn “bâng khuâng”. “Đau mòn”. “Mù lấp”. Cũng thương thân, thương cho bạn bè/người thân, nay vẫn cứ u uẩn. Sầu lắng. Khuất dạng. Thương, là thương cho người ở lại, vẫn phải sống. Sống thương nhớ. Và, vẫn có người lâm râm nguyện cầu cho kẻ quá vãng. Rất dài ngày.

Người thân ra đi, vẫn thương vẫn sầu dù biết rằng người thân ra đi, nay đã vào cõi phúc. Chẳng còn lo toan. Lẫn bon chen. Hạnh và phúc, được Chúa tiếp rước. Tội và “nghiệp”, là tội nghiệp cho người ở lại, chốn dân gian. Vẫn cứ lan man. Nhiều than khóc. Để rồi tưởng rằng: có cầu và có xin bằng nhiều kinh kệ, người thân mới hết tội và dứt nghiệp. Thương và tội là bởi, cứ mãi dùng lời kinh xưa mà khẩn cầu từng chữ. Những là kinh cầu “chữ”. Cầu hồn. Đã kéo dài nhiều thập kỷ. Như thói một quen, khó bỏ.

Lời kinh xưa, khác nào lời nghệ sĩ thập kỷ trước, vẫn cứ lai rai. Dông dài. Một tình tiết:

“Tiếng hát ru em, còn nuối trên môi.

Lời nào gian dối, cũng xin qua rồi.

Để lỡ ngày sau, khi ta cần nhau

Còn nuôi chút êm vui ngày đầu,

Cho mình mãi gọi thầm tên nhau…!

(Trường Sa – bđd)

Lời kinh hôm cho người quá vãng, chắc chắn sẽ không là lời hát ru “xin qua rồi”. Nuối tiếc những “êm vui”. Ngày đầu. Gọi mãi tên nhau. Lời kinh hôm cho cho người quá cố, lẽ đáng, phải là lời “trần tình” cho người ở lại. Cho, chính mình. Cho bạn bè/người thân. Cần hưng phấn.

Dù đó có là lời kinh hôm sớm, vẫn cứ phải tràn đầy hưng phấn, như nhận định được trích dẫn ở trên, còn nói thêm:

“Mùa Chay hay lúc nào khác trong năm, thì Phụng vụ vẫn là xum họp xung quanh Chúa Kitô đã sống lại, “không còn chết nữa” (Rm 6: 4): người tín hữu không bao giờ còn phải “đi tìm Đấng Sống giữa những người chết” (Lc 24: 5). Canh thức Vượt qua, Vọng Phục Sinh mới cốt cách, tinh thần của cả Mùa Chay. “Mùa Chay, nhằm chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua.” (x. Gs Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, nxb Cơ Sở Hy Vọng 2002, tr. 156-157)

Cầu xin hay cầu nguyện vào Mùa Chay, hay vào ngày tưởng niệm người thân vừa quá vãng, không còn là cầu và xin cho mình/cho người ấy được những điều, ta đã có. Nhưng, là hiệp lòng với Đức Chúa trong tinh thần Vượt Qua. Tức, vượt mọi thống khổ. Đau buồn. Chết chóc. Hầu, đi vào sự Phục Sinh, rất quang vinh. Của Chúa. Bởi thế nên, dù ăn chay nguyện cầu cho người quá cố, hay cho người ở lại, cách tốt nhất vẫn là nguyện hát lời ca hân hoan, khi gặp Đức Chúa, thế thôi.

Về cầu nguyện hay cầu xin, có đấng vị vọng từng nói quả quyết mạnh như thế này:

“Khuôn vàng thước ngọc: “Vậy mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế: Lề luật và các tiên tri là như thế. (Mt 7: 12)”. Đây là câu cần thiết để chúng ta chung sống với nhau. Hình thức của luật thương người này, chúng ta gặp trong thế giới Do thái (sách Tôbia 4: 15)…

Câu Mt 7: 12 nói đến qui ước xử sự. Muốn áp dụng theo châm ngôn thì phải đòi cho được áp dụng theo lương tri quân bình, chứ nếu là lương tri thiếu phán đoán, thì sẽ rất nguy hiểm. Thiếu phán đoán cả về đạo đức cũng nguy hiểm. Thí dụ: một người quản lý muốn ăn chay cầu nguyện, nhưng lại cũng muốn bắt mọi người ăn chay cầu nguyện như mình, thì chết thiên hạ! Mình muốn hãm mình nhưng đừng bắt người khác hãm mình. Phải có lương tri nào đó, bằng không thì nguy hiểm. Vậy, phải có sự phán đoán nào đó, lòng phải chăng, bởi vì “suy bụng ta ra bụng người” trong những trường hợp ấy thì rất nguy hiểm.

Vậy tự nhiên muốn áp dụng phải có lương tri quân bình. Nhưng thực sự, khi đã có quân bình đó thì nguyên tắc đó là một nguyên tắc giải phóng khỏi sự tù túng của lề luật theo tinh thần các rabbi.” (x. Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Hiến Chương Nước Trời, tr. 215-216)

Hiến chương Nước Trời, bao gồm không chỉ một số qui định của người đời. Do người đời chế biến. Ban ra. Hiến chương, không chỉ được ban khi có người thân thuộc với mình/với đời, vừa quá vãng. Hiến chương Nước Trời, là hiến chương cho cộng đoàn con cái Chúa ở trần gian. Bởi lẽ, Hiến Chương ấy áp dụng cho mọi người. Bất kỳ ngươi ấy còn sống, hay đã ra đi. Hiến Chương hạnh phúc, là nguyên tắc đạt hạnh phúc dành cho mọi người, bất kỳ người ấy ở đâu. Sống vào thời nào. Và, nguyên tắc sống hạnh phúc cho cộng đoàn Nước Trời, là dành cho người đã ra đi, hoặc còn ở lại đang sống những tâm tình thống thiết. Mông lung. Tiếc nuối.

Để minh hoạ cho chuyện đề cập ở trên, cũng nên kể cho nhau những lời ngọc ngà của các đấng đã và sẽ thành thánh, như Mẹ Têrêxa thành Calcutta, ở bên dưới:

“Có những kỷ lục tuyệt vời, qua lời Ngài quả quyết:

Ngày đẹp nhất trong đời, chính là: Ngày hôm nay.

Việc làm dễ sai phạm nhất, là: Tội và lỗi.

Trở ngại lớn nhất cho con người, là: Sự sợ hãi.

Sai phạm nghiêm trọng nhất đối với con người, là: Sự tự huỷ.

Nguồn gốc dẫn đến tội ác, chính là: Tính ích kỷ.

Thú tiêu khiển giải lao hay đẹp nhất, là: Lòng vui thú làm việc.

Thất bại nặng nề nhất, là: Nỗi chán chường.

Người thày tốt lành nhất, là: Các trẻ em.

Nhiệm vụ cần đặt ưu tiên nhất: Sự hiểu biết lẫn nhau.

Điều làm cho con người vui thích nhất, là: Trở nên hữu ích cho tha nhân.

Sự việc khiến mọi người mất đi tính sáng suốt nhiều nhất, là: Tính sợ chết.

Khuyết điểm lớn nhất của con người, là: Tính nóng nảy.

Người nguy hiểm nhất trên đời, là: Kẻ nói dối.

Cảm giác đớn hèn nhất, là: Lòng hận thù.

Quà tặng cao quý nhất, là: Sự tha thứ.

Với con người, những cái ta không thể thiếu được, là: Tình gia đình.

Con đường tắt ngắn ngủi nhất, là: Sự thẳng thắn.

Cảm xúc khiến ta vui thích nhất, chính là: Sự bình an trong tâm hồn.

Bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy mình hạnh phúc, là: Nụ cười mỉm.

Phương cách giải quyết hữu hiệu nhất, là: Sự lạc quan.

Thoả mãn lớn lao nhất, là: Hoàn tất công việc mình làm.

Quyền uy mạnh mẽ nhất trên đời, là: Tấm lòng của cha mẹ.

Niềm vui lớn nhất cho ta, là: Có người đồng hành cảm thông.

Nét duyên dáng mỹ miều nhất trần đời, là: Lòng yêu thương.

Tất cả những điều kể trên, chỉ tốt đẹp trong cuộc sống và nỗi chết, đều xuất từ:

Tình Yêu và Ân Sủng,

của Thiên Chúa.”

Quả là thế. Không có Tình Yêu và Ân Sủng Ngài ban, thì dù ta vẫn sống đấy, nhưng thực sự là mình đã chết. Sống cái chết của người còn sống, nhưng như chết. Sống vô bổ. Vô tích sự. Sống, trăm năm cuộc đời, mà không lĩnh hội và chuyển tải Tình Chúa trao ban, cho người cùng sống, cũng chỉ như người thực sự đã chết. Nỗi chết rất tệ. Tệ, hơn cái chết của người không còn sống.

Đằng khác, Đối diện sự chết của người thân, còn là giây phút rất mạnh, khiến ta cởi bỏ mặt nạ ta thường đeo, như: danh giá. Quyền lực. Tự ái. Để rồi, sẽ cảm nhận rằng thân phận mình mỏng dòn. Yếu đuối. Cuộc đời mình ngắn ngủi. Sẽ không biết còn cơ hội khác để gặp gỡ, thương yêu. Yêu người mình không thích. Thương, để ôm lấy hết mọi người. Mà, làm hoà. Mà nói lời xin lỗi. Xin lỗi và yêu thương, để rồi chấp nhận rằng thân phận mình cũng yếu hèn.

Thế nên, đây là cơ hội duy nhất để ta có thể tha thứ. Và, tìm được bình an. Trong tâm hồn. Bởi, trong cuộc sống, bình an trong tâm hồn chỉ có thể tìm lại được nếu mình biết “sống lại” với Tình yêu của Thiên Chúa. Sống vui với mọi người. Hết một đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Chợt nguyện cầu

cho mình và cho người

khi nghe tin bạn rất thân

vừa từ trần.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )
 
Sống tinh thần siêu nhiên cùng World Cup
Đặng Quốc Minh Dương
17:27 26/06/2010
Cứ bốn năm một lần, cả thế giới lại được vui cùng, sống cùng trái bóng World cup. Đây là sự kiện lớn nhất, quy mô nhất và được nhiều người quan tâm nhất. Bằng chứng cụ thể là: Chỉ cần gõ từ khóa World cup 2010 vào google.com.vn chúng ta được con số: 309.000.000 lượt truy cập!

Tôi cũng là một fan hâm mộ của môn thể thào này. Khi theo dõi các trận đấu – nhất là mùa World cup này, bên cạnh niềm đam mê và phấn khích về những đường bóng điêu luyện, những bàn thắng đẹp, tôi còn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa rất nhiều, rất rõ trong từng trận đấu, trong từng cầu thủ, từng cổ động viện…Đặc biệt, khi đối chiếu sự kiện này với năm Sa – bat, năm Toàn xá trong sách Lê vi tôi thấy có nhiều điểm tương đồng (Lv 25, 1 – 17). Năm Thánh trong sách Lê vi được mô tả là thời điểm hòa bình – hòa giải, con người và ruộng nương được nghỉ ngơi, thời gian – con người – đồ vật được hiến thánh… Những điều này chúng ta cũng gặp trong kỳ World cup này.

1. Những nghĩa cử hòa giải

Một trong những mục đích của Năm Thánh là sống tinh thần hòa giải. Điều này được Chúa nhắc lại hai lần trong một đoạn ngắn của sách Lê vi: “đừng làm thiệt hại người anh em mình” (Lv 25, 14) và “Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại đồng bào” (Lv 25, 17). Trước mỗi kỳ World cup, FIFA luôn kêu gọi các đội, các cầu thủ, các cổ động viên chơi đẹp, chơi đúng luật với nhau. Chính vì thế mà một trong những nghi thức bắt buộc của mỗi trận bóng đá là rước cờ Fair play. Đây một nhắc nhở đầy tính nhân văn, nhân bản của môn thể thao này. Rồi trong mỗi trận đấu, chúng ta vẫn thường được xem các cử chỉ thân thiện như bắt tay và tặng cờ kỷ niệm đầu trận đấu, đưa tay dìu đối thủ khi bị ngã hay đổi áo cho nhau cuối mỗi trận đấu. Một số trận bóng đá gần đây, chúng ta còn thấy hình ảnh các cổ động viên trong trang phục dân tộc của mình đứng cạnh các cổ động viên của đội bạn. Họ có những đối tượng để cổ vũ khác nhau nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ là những kẻ đối nghịch nhau. Đúng là một không khí thân thiện, hòa bình.

Giúp đối thủ bị chấn thương

Không những thế, bóng đá có thể góp phần giải quyết những mâu thuẫn, hiểu nhầm để mang lại hòa bình cho các dân tộc, quốc gia. Trong một cuộc phỏng vấn, ngôi sao của đội tuyển Hàn Quốc Park Ji Sung đã bày tỏ nỗi lòng về ước muốn dùng bóng đá để giảm bớt tình hình căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Hàn Quốc, cầu thủ của MU đã cho biết anh hy vọng những giá trị truyền thống và tình thương của những người anh em cùng dòng máu sẽ xoa dịu tình hình căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo Park: “Bóng đá có thể làm nên sự khác biệt và có thể thay đổi thế giới. Tôi nghĩ bóng đá sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ liên Triều”. Đây cũng chính là tinh thần mà lời kinh của Hội đồng Giám mục Nam phi hướng đến cho kỳ World cup này:

“Xin Thần khí trung thực, công bằng và bình an ngự giữa các cầu thủ và hết thảy những ai tham gia vào giải đấu.

Xin cho mỗi người biết góp phần tích cực của mình vào việc ngăn ngừa, kiểm soát và đấu tranh chống lại tội ác và tham nhũng, mọi hành vi côn đồ, mọi hình thức khai thác và lạm dụng đối với những người dễ bị tổn thương nhất.”

2. Là thời gian nghỉ ngơi

Sách Lê vi xem Năm Thánh là “thời kỳ đất nghỉ: các ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi” (Lv 25, 5). Đất nghỉ nên con người cũng “không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa” (Lv 25, 11). Con người và đất nghỉ ngơi là để dành thời gian phụng sự Chúa, làm những việc lành thánh.

Ở quê tôi, trước mỗi mùa World cup, nông dân thường tranh thủ hoàn tất các công việc đồng áng quan trọng để “toàn tâm toàn ý” với các trận đấu. Một số nhà thờ còn điều chỉnh giờ lễ để cho giáo dân vừa xem được bóng đá nhưng cũng không bê trễ trong việc nhà Chúa.

Điều này chúng ta cũng thấy ở các nước. Xin điểm qua một số quốc gia, công ty: Chính phủ Brazil cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân quyết định cho người lao động nghỉ làm vào những buổi có đội tuyển quốc gia thi đấu. Đối với các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, cảnh sát, vận tải công cộng, nhân viên được nghỉ luân phiên. Thậm chí những tay buôn ma túy cũng tạm ngưng hoạt động kinh doanh “béo bở” của mình để dõi theo trái bóng. Ở các nước Anh, Đức, nhiều công ty thậm chí chẳng buồn cấm phát sóng trận đấu. Một số còn để nhân viên xem trong giờ làm việc. Tại vài nơi khác, các nhà quản lý phải điều chỉnh giờ làm của nhân viên để phù hợp với lịch thi đấu. Riêng tại Paraguay, Tổng thống Fernando Lugo đã ban sắc lệnh cho phép các nhân viên công chức được nghỉ những ngày có đội tuyển quốc gia này thi đấu. Hãng Asda, thuộc tập đoàn Wal-Mart, cho phép nhân viên nghỉ không lương hai tuần nếu muốn tới Nam Phi. Công ty cũng cho phép nhân viên thay đổi ca trực, nghỉ giữa giờ lâu hơn và được xin nghỉ để xem giải đấu tại nhà. Các TV đặt trong cửa hàng điện tử của Asda được chuyển sang kênh phát sóng các trận đấu bóng World Cup, để nhân viên bán hàng có thể vừa xem vừa làm việc.

3. Tiếng kèn Vuvzela

Khi tổ chức năm Thánh, Chúa đã yêu cầu dân người “thổi tù và giữa tiếng reo hò…các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi” (Lv 25, 9). Rất tình cờ và rất đặc biệt, một trong các biểu tượng văn hóa của World cup 2010 tại Nam phi cũng là kèn Vuvuzela. Cả tiếng tù và và kèn Vuvuzela đều là một biểu hiện của niềm vui, của không khí lễ hội. World cup 2010 sẽ buồn và tẻ nhạt đi nếu thiếu đi chiếc kèn Vuvuzela. Tiếc là một số người không am hiểu văn hóa, thiếu sự tôn trọng nên đã có những phát biểu không hay trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí, có người định cấm hoặc hạn chế các khán giả sử dụng nhạc khí này. May mắn là lệnh cấm đó không được ban hành! World cup 2010 đa dạng hơn về sắc màu văn hóa và cũng qua đây, Chúa mời gọi ta cảm thông, đón nhận, chấp nhận những dị biệt của nhau – Vuvuzela là một minh chứng.

Nhắc đến sự tình cờ trên, tôi chợt nhớ đến thời điểm tổ chức hai sự kiện này cũng tương cận. Chúa truyền lệnh cho ông Mô – Sê tổ chức Năm toàn xá vào “tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng”. World cup năm nay khai mạc vào ngày 11 tháng sáu và kết thúc ngày 11 tháng bảy.

4. Hiến thánh

Trong Năm Thánh, Thiên Chúa thường hiến thánh một số loài vật, con người, nhà cửa, đất đai….dành riêng cho Ngài. Việc hiến thánh là một cách thế để Thiên Chúa hiện diện với dân người. Hiến thánh là một nhắc nhở để con người sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn với Chúa, với tha nhân và với bản thân.

Theo tôi, bóng đá là môn thể thao có biểu hiện tôn giáo nhiều nhất – đặc biệt là những dấu chỉ của đạo Công giáo.

Trước khi vào sân, các cầu thủ thường làm dấu Thánh giá để xin Ba ngôi Thiên Chúa phù hộ và chúc phúc cho trận đầu. Họ cầu nguyện cả trước, trong và sau khi thi đấu. Hình thức cầu nguyện của họ có khi là chắp tay trên ngực, ngước mắt lên trời, có khi là qùy gối xuống sân cỏ hoặc chắp tay ngửa mặt lên trời thì thầm với Chúa. Sau mỗi bàn thắng hay sau mỗi pha cứu nguy, các cầu thủ lại tiếp tục tạ ơn Chúa bằng cách này. Đêm qua, sau khi đẩy được quả penalty của Lukas Podolski, thủ thành Vladimir Stojkovic của tuyển Serbia đã ba lần làm dấu Thánh giá để tạ ơn Chúa. Tôi cho rằng đây là những cử chỉ tuyên xưng đức tin và cũng là cách truyền giáo hữu hiệu nhất. Mới đây, tôi cảm thấy vui mừng và hãnh diện khi nghe tin Wayne Rooney - một cầu thủ đội tuyển Anh được rất nhiều người mến mộ (trong đó có tôi), mang bên mình trang chuỗi mân côi trong suốt mùa World cup. Như vậy, các cầu thủ và những người tham gia trận đấu đã “thiêng hóa” trận đấu. Nhờ những Kitô hữu đá bóng này đã mang đến cho môn thể thao vua này những chiều kích thiêng liêng!

HLV Maradona (Achentia) – người có thói quen làm dấu mỗi lần khi ra sân

Ý thức được điều đó, trước ngày Khai mạc World Cup 2010, Hội đồng Giám mục Nam Phi đã thành lập Trang tin điện tử World Cup 2010 - www.churchontheball.com để cầu nguyện và cổ vũ cho sự kiện này. Giới thiệu Trang tin điện tử này, Đức Hồng y Wilfrid Napier, TGM Durban, Phát ngôn viên HĐGM Nam Phi, viết: “Thể thao đòi phải kiên nhẫn, bền bỉ, chuyên chú… những giá trị mà xã hội, đặc biệt tại Nam Phi, rất cần đến! Những giá trị mà Giáo hội luôn bênh vực: lòng bác ái, tinh thần đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa, tình yêu đối với tha nhân… Chúng ta hãy tận dụng cơ hội này để cống hiến cho thế giới chứng từ về một Giáo hội sống động và về thể thao. Hãy nhớ lời Đức Gioan Phaolô II tiến lên phía trước, đừng sợ. Và cũng như các vận động viên, hãy băng tới phía trước với đức Tin và lòng can đảm, không sợ hãi!

Tôi rất tâm đắc lời kết của Đức Hồng y: “Các bạn hãy nhớ, một chiến thắng thực sự phải ngời lên phẩm giá con người”.

***

Như vậy, qua những chia sẻ trên, chúng ta thấy được rằng Chúa hiện diện rất nhiều trong sự kiện này. Cảm tạ Chúa vì Ngài đã ở cùng World cup! Xin Chúa chúc lành cho kỳ World cup này.

Kết thúc bài viết, xin được trích một đoạn trong lời kinh được Hội đồng Giám mục Nam phi đề nghị để cầu nguyện cho World cup thay cho lời cầu chúc của người viết gởi đến các người hâm mộ của môn thể thao vua này: “Xin cho những ai sống xa nhà và những người đang sum họp gia đình tìm được niềm vui trong ngày hội của môn thể thao tuyệt đẹp là bóng đá, và trong trò chơi tuyệt đẹp của cuộc sống, như Ý Chúa hằng mong muốn cho mọi người. Amen”.
 
Người nghèo nhất thế gian
Ngô xuân Tịnh
22:43 26/06/2010
Con chim có tổ con chồn

có hang.Còn Con Người chọn lang thang

Đầu không chiếc gối dịu dàng

Nghèo hèn chọn cuối nấc thang cuộc đời

Vâng lời tự hạ để rồi

Bằng lòng chịu chết trên đồi Can-vê

Treo trên thập giá não nề

Thế nhân tội lỗi chuộc về Chúa Cha

Máu giao ước ký giao hòa

Đây Addam mới là cha muôn loài

Một dòng giống mới Nước Trời

Vinh quang Thiên Chúa đời đời tôn vinh

Xin cho con trọn cuộc tình

Tâm hồn nghèo khó lòng mình trống không

Quyền năng Chúa ngự vào lòng

Tin mừng rao giảng mênh mông cuộc đời