Ngày 22-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ 12 Mùa Quanh Năm 23/6 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:51 22/06/2024

BÀI ĐỌC 1  G 38:1,8-11

Bài trích sách Gióp.

Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau:

Cửa đại dương, ai ra tay khép lại

khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,

khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,

phủ sương mù làm tã che thân?

Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,

lại đặt vào nơi cửa đóng then cài;

rồi Ta phán: "Ngươi chỉ tới đây thôi,

chứ không được tiến xa hơn nữa,

đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành! "

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  2Cr 5:14-17

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.

Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.

Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.

Alleluia

TIN MỪNG  Mc 4:35-41

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”

Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.

Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.

Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”

Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”

Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Đó là Lời Chúa.
 
Có Chúa, sợ gì sóng gió
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:04 22/06/2024
CÓ CHÚA, SỢ GÌ SÓNG GIÓ

Chúa Giêsu và các môn đệ đang đi thuyền thì sóng to gió lớn ập đến. Các môn đệ thì cuống cuồng sợ hết hồn, còn Chúa Giêsu lại vẫn vô tư ngủ ở ngay đàng lái. Tại sao vậy?

1. Sóng gió to. Có Chúa cùng đi trên thuyền mà các môn đệ vẫn gặp sóng gió. Hình ảnh này cho thấy dù có Chúa ở cùng thì thuyền đời chúng ta vẫn gặp những sóng gió, không tránh được. Biển không có sóng gió thì đó là ao làng. Biển càng rộng lớn sóng gió càng to.

2. Sợ gì. Trước sóng gió, các môn đệ sợ hết hồn, hoảng hốt thốt lên: “Thầy ơi, chúng con chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” còn Chúa lại không hề hoảng sợ, cứ thư thái bình an ngủ ngon lành. Trước sóng gió có người sợ, có người không. Tại sao? Sợ vì mình yếu khả năng, yếu sức lực, yếu bản lĩnh. Yếu nên thấy sóng gió là thấy hiểm nguy đe dọa. Còn khi mình mạnh mẽ, mình có chỗ cậy dựa vững chắc thì sợ chó gì sóng gió, gió càng to càng mát. Người mạnh bắt sóng gió đẩy thuyền mình lướt đi nhanh hơn, người yếu thì bị sóng gió vùi dập thuyền đắm chìm.

3. Vì có Chúa. Sóng gió luôn có trong đời. Điều quan trọng là cần sức mạnh để vững vàng vượt qua sóng gió. Sức mạnh đó có được là nhờ lòng tin vững vàng vào Thiên Chúa quyền năng chỉ cần phán một lời “Im đi!” thì “gió liền tắt, và biển lặng như tờ.” Điều nguy hiểm trong đời không phải là gặp sóng gió mà là không có lòng tin. Chúa đã khiển trách các môn đệ: “Sao hoảng sợ thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”

Gió có thể đẩy thuyền đi hay lật thuyền chìm là tuỳ thuộc vào bánh lái lòng tin. Ngọn lửa lòng tin nhỏ thì gió thổi nhẹ đã tắt, nhưng nếu ngọn lửa lòng tin lớn, thì gió thổi càng mạnh lửa cháy càng lớn. Chính lòng tin yếu hay mạnh vào Thiên Chúa quyền năng sẽ làm cho thuyền đời ta vượt thắng hay đắm chìm. Amen.
 
CN 12B QN : SỢ GÌ VÀ KHÔNG SỢ GÌ ?
Anphong Nguyễn Công Minh ofm
16:53 22/06/2024
CN 12B QN : SỢ GÌ VÀ KHÔNG SỢ GÌ?

Cách đây nhiều năm, năm 1991, cũng vào sáng Chúa Nhật, Chúa Nhật 23-6, khi đi lễ sớm người ta chưa cảm thấy gì, nhưng khi lễ xong ra về, trời đã sáng, người này nhìn người kia, chê nhau ăn mặc dơ bẩn, áo dính đầy bụi, đầu dính đầy tơ. Vì chưa bao giờ thấy vậy, nên không ai đoán ra là gì. Sau này mới hiểu đó là tro của núi lửa Pinatubo ở Philippines vừa mới phun lại sau gần 600 năm ngừng nghỉ. Núi lửa này phun nham thạch tro nóng cao có lúc tới gần 20 cây số. Nếu chỉ có vậy thì chúng ta vẫn chưa cảm thấy gì, vì từ Việt Nam đến Philippines xa tới 2.500 cây số. Nhưng tro của núi lửa Pinatubo đã tới Việt Nam được (rải suốt từ Đà Nẵng cho tới Cà Mau), là vì có cơn bão Yunga hình thành ở Phi với cấp gió 13, 14, đến Việt Nam còn cấp 5, cấp 6. Vả lại vì Yunga là cơn bão tầng cao nên ta không thấy gió nhiều, chỉ cảm thấy hậu quả của nó là lớp tro phủ đầy hoa lá mái nhà, áo quần mái tóc.

Bão tầng cao mang tro từ xa tới. Bão tầng thấp giật đổ nhà cửa, và trong bài Phúc âm hôm nay, bão làm mặt biển hồ nổi sóng. “Bỗng nổi lên một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền gần đầy nước. Nhưng Chúa Giêsu nằm ở đằng lái, nên các môn đệ phải đánh thức Ngài dậy và nói : “Chết đến nơi mà Thầy ngủ được sao?” Chúa Giêsu thức dậy ngăm đe gió bão và biển đã lặng như tờ.

Đây không chỉ thuần tuý thuật lại một phép lạ : dẹp yên sóng gió. Nhưng còn là một bài học dựa vào câu nói cuối trình thuật : “Sao sợ hãi thế?” “Không có lòng tin sao?”

Câu nói khích này của Chúa có thể diễn lại thành câu khích lệ như sau : “Đừng sợ, Anh em đừng sợ !”

Vậy chúng ta đừng sợ gì? Và chúng ta nên sợ gì? Đó là 2 điểm chúng ta cùng suy nghĩ.

1. Chúng ta đừng sợ gì?

Trả lời câu này không khó. Biển là thế gian. Con thuyền là Giáo Hội. Con thuyền ở trên biển tất có lúc gặp sóng gió, bão táp. Nhưng có những cơn bão thấy rõ lắm : bão bách hại, bão cấm đạo. Ở Roma xa xưa, ở Đại Hàn, ở Nhật Bản và trên chính quê hương ta, Việt Nam.

Cũng có những cơn bão không thấy rõ (như bão Yunga ta vừa kể) nhưng không phải không gây hậu quả. Bão Yunga đã khiến chúng ta mịt mù trong tro, ở Saigòn thì khi mưa xuống nước trắng đục như vôi uống không được.

Giáo hội trong quá khứ lẫn hiện nay cũng có những cơn bão không thấy gió mạnh, nhưng di hại không nhỏ, đó là các triết thuyết, trào lưu hiện sinh, giáo phái… làm cho người ta từ từ lìa xa Giáo hội.

Nhưng đừng sợ, Giáo Hội vẫn đứng vững.

Trong quá khứ, Giáo Hội cũng đã từng gặp những cơn bão chưa đến nỗi táp, nhưng cũng gặm, cắn giáo hội đau lắm. Ta chỉ kể tên đây mà không đi sâu vào. Bão “sa đoạ trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội,” bão “kết cấu quá đáng với thế quyền,” bão “chểnh mảng việc trau dồi đức tin,” bão “nội bộ Giáo hội bị xâu xé”… (mô tả từng cơn bão cũng dài lắm !) Ta chỉ nhớ, đừng sợ ! Dù quyền lực âm phủ cũng không thắng nổi, không làm chìm được con thuyền Giáo Hội đâu.

Có một câu chuỵện cổ điển, giáo khoa, người ta vẫn thường kể khi bàn về việc này là : Lúc đức cha Phaolô Hoà đang còn là một sinh viên học nhạc tại Roma, vẫn thường được giáo sư hướng dẫn đi thăm các nhà thờ. Một trong những nơi phải thăm đó là Đại Vương Cung Thánh đường Phêrô. Sinh viên ca nhạc thì đến giờ nào? Thưa giờ Kinh Chiều. Tại các nhà thờ lớn có kinh sĩ tức là những giáo sĩ sống chung với nhau và đọc hát kinh chung. Các kinh sĩ hát kinh chiều : kinh sĩ thì già cả, lại ít oi trong khi Vương cung thánh đường thì rộng lớn và uy nghi. Chứng kiến cảnh trái ngược này, nhiều người buông câu than : Hát như vậy thì nhà thờ sập mất ! Sập không phải vì hát to vang rung nhà thờ rồi sập, nhưng sập tức là tàn lụi, tiếng hát không tương xứng với nhà thờ.

Nhưng mà, nếu hát Kinh Chiều như vậy mà nhà thờ vẫn đứng vững thế kỷ này qua thế kỷ kia, thì chứng tỏ nhà thờ đứng vững không phải do tiếng hát của Kinh sĩ đoàn, nhưng do một cái gì cao hơn : tức là do Chúa.

Anh em hãy tin vào Thầy. Đừng sợ. Thầy đã thắng thế gian. Nếu trong lịch sử Giáo Hội có những người lãnh đạo bê trễ, gương mù; có những tín hữu phá hoại đạo Chúa, mà đạo và Giáo Hội vẫn vững, thì chứng tỏ có Chúa ở đàng lái thuyền. Đừng sợ.

2. Nhưng chúng ta nên và phải sợ gì?

Giáo hội sẽ đứng vững, nhưng mỗi người chúng ta có đứng vững hay không, đó là điều chúng ta phải sợ, hay nói cách khác, giữa bão táp trần gian, con thuyền Giáo hội sẽ không chìm, dứt khoát không chìm vì có Chúa, nhưng chúng ta có thể chìm vì chúng ta không bám vào thuyền, vào Giáo Hội.

Có nhiều cái lôi kéo chúng ta nhảy ra khỏi thuyền :

-tiền bạc (lo kiếm tiền mà quên tìm kiếm Chúa);

-danh vọng (lo danh vọng, chức tước, ghế ngồi mà quên mất chỗ ngồi cần có trong nhà thờ);

-lạc thú (lo tìm thú vui thế gian mà quên cái “thú” đi nhà thờ)…

Nhưng có một cơn bão mà mình không biết là bão (như bão Yunga), đang lôi kéo ta bỏ thuyền nhảy xuống biển. Cơn bão này có người mới nghe lần đầu, có người đã nghe đâu đó rồi, có người nghe thì hiểu là bão gì, có người nghe mà chẳng biết nó muốn nói gì. Cơn bão này trong Tông huấn về người Kitô hữu giáo dân… đã được ĐTC Gioan Phaolô II nhắc tên. Bão “Giải thiêng,” “khử thiêng” “duy thế tục,” tức là thái độ dửng dưng với tôn giáo. Có Chúa có Mẹ hay không chẳng quan trọng, đó là thái độ đóng kín Đạo ở lòng nhà thờ mà thôi. Ngoài nhà thờ không là Đạo nữa, Đạo không ở trong cuộc sống, ông linh mục chỉ được nói trong nhà thờ. Ngoài nhà thờ, xin ông câm cho.

Vậy mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra thông điệp về môi sinh Laudato Si’ : hãy gìn giữ căn nhà chung là trái đất, chẳng có vẻ đạo đức tín lý nào. Ngài cảnh báo, đang có cơn bão tầng cao như bão Yunga mà ta không thấy, là bão huỷ hoại môi trường sống. Vất một bịch rác ra đường có là gì đâu, mở nhạc thật to, cãi nhau thật bự có là gì đâu ! Ô nhiễm môi trường sống đó ! Và đối với ĐGH Phanxicô, đó là tội, chứ không là lỗi không đâu. Người ta qui định để rác ra đường sau 7g tối, để 8g xe rác đi hốt sạch. Ai đó 2g chiều đã đưa ra, tệ hơn là sáng sớm đi làm chở theo bao rác đặt ngay lề đường, như thế là suốt ngày trời, ông đi qua bà đi lại ngửi rác hôi. Đó là tội, chứ không phải là lỗi. Phải xưng tội, vì phạm đến Mẹ Đất, là môi trường sống của con người.

Khi Đạo chỉ ở trong lòng nhà thờ, thì ngoài đường, Đạo đừng xía vô ! Nói cách khác, không mang Đạo vào đời sống hằng ngày là một cách nào đó ta lìa xa Đạo, lìa xa giáo hội… và như thế là lìa khỏi thuyền.

Đó là điều chúng ta phải sợ. Sợ lìa, sợ mất, -không phải đùng một cái đâu, nhưng dần dần mất niềm tin nơi Giáo Hội, nơi Chúa.

Chính Chúa là Đấng đã nói : “Đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian.” Cũng chính Ngài nói câu : “Khi Con Người trở lại, liệu còn thấy niềm tin trên trái đất nữa không.” Thuyền là Giáo hội còn đó, nhưng trên thuyền, sợ không biết còn chúng ta không. Chúng ta phải biết sợ, bởi vì như lời sách thánh : Sợ là bắt đầu của khôn ngoan, “Kính sợ là đầu mối khôn ngoan” vậy. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Bão hoành hành
Lm. Minh Anh
19:25 22/06/2024
BÃO HOÀNH HÀNH
“Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”.

“Đôi khi Chúa làm dịu cơn bão; đôi khi Ngài để bão hoành hành và xoa dịu con cái mình!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thật hiện sinh khi chúng ta đang ở vào thời kỳ ‘bão hoành hành’ mà thế giới và Giáo Hội đang trải qua, khiến đức tin chúng ta bị thử thách. Đôi khi, như các môn đệ, chúng ta hấp tấp hỏi Chúa Giêsu, “Thầy ơi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Nếu Thiên Chúa thực sự hiện hữu, nếu Ngài là Cha, tại sao những sự việc này xảy ra?

Đối mặt với ký ức khủng khiếp của các trại tập trung trong thế chiến thứ hai, Đức Bênêđíctô 16 tự hỏi: “Thiên Chúa ở đâu trong những ngày đó? Tại sao Ngài im lặng? Làm sao Ngài có thể cho phép sự tàn sát không ngừng này xảy ra?”. Thiên Chúa sẽ không trả lời những câu hỏi này. Bạn có thể cầu xin Ngài mọi điều ‘ngoại trừ lý do’ của sự việc; bạn không có quyền bắt Ngài chịu trách nhiệm! Thực ra, Thiên Chúa đang hiện diện, đang nói. Chính chúng ta là những người ‘không hiện diện’ và do đó, không nghe Ngài. “Chúng ta không thể nhìn thấu kế hoạch huyền nhiệm của Thiên Chúa - chúng ta chỉ thấy từng phần - và sẽ rất sai lầm nếu tự coi mình là thẩm phán của Thiên Chúa và lịch sử. Khi đó, chúng ta sẽ không bảo vệ con người mà chỉ góp phần vào sự sụp đổ của nó!” - Bênêđíctô 16.

Thực ra, vấn đề không phải là Thiên Chúa không hiện hữu, mà là con người chúng ta sống ‘như thể’ Thiên Chúa không hiện hữu! Đây là câu trả lời của Ngài, “Sao nhát thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”. Đừng chất vấn Ngài; thay vào đó, hãy cầu nguyện và tôn trọng ý muốn của Ngài! Bấy giờ bi kịch sẽ ít hơn... và thật đáng kinh ngạc, chúng ta sẽ thốt lên, “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Có Chúa Giêsu trên thuyền không có nghĩa là mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Chúng ta cần khám phá rằng, Ngài đang hoạt động cả khi ‘bão hoành hành’. Cần hỏi Ngài đang dạy chúng ta điều gì. Nếu thử thách ‘kéo’ chúng ta đến gần Ngài hơn, thì có thể đó là một ân sủng thực sự đang hoạt động. Chúng ta chưa học được rằng, “Mọi sự đều có ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa!”.

Anh Chị em,

“Thầy chẳng lo gì sao?”. Những cơn gió nào đang đập vào cuộc đời tôi? Những làn sóng nào đang cản trở định hướng của tôi khiến đời sống tinh thần, đời sống gia đình, thậm chí cả đời sống tâm lý của tôi nguy kịch? Hãy nói tất cả với Chúa Giêsu; kể cho Ngài mọi chuyện. Ngài muốn điều này! Ngài muốn chúng ta ôm lấy Ngài để tìm nơi trú ẩn trước những sóng gió bất ngờ trong cuộc đời. Hãy đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Ngài, nói với Ngài. Đây là khởi đầu đức tin: nhận ra rằng, chỉ mình chúng ta không thể nổi; rằng chúng ta cần Chúa như thuỷ thủ cần hải đăng, cần những vì sao để tìm hướng đi. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng tôi không đủ cho chính mình, tôi cần Chúa. Khi vượt qua cám dỗ khép kín, vượt qua lòng đạo đức sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, để bắt đầu kêu cầu Ngài, thì Ngài có thể thực hiện những điều kỳ diệu. Chính sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của lời cầu nguyện mới làm nên những điều kỳ diệu ngay khi ‘bão hoành hành’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chăm nhìn sóng, dạy con nhìn Chúa! Đừng để con bỏ Chúa một góc dưới đáy thuyền đời mình, dạy con đánh thức Chúa - người vốn hay ngủ - dậy!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:57 22/06/2024


Chương 15


CẦU NGUYỆN



“Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” (Lc 22, 40)

CẦU NGUYỆN (1)

“Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40)

1. Cầu nguyện là sức mạnh mà chúng ta phải dựa vào.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:04 22/06/2024
89. NỬA ĐÊM KÊU CỬA

Mã chủ bộ (1) cổ hủ dốt nát, năng lực quá kém.

Một ngày nọ đêm khuya canh ba, đột nhiên ông ta đến gõ cửa nhà quan huyện, quan huyện cho rằng không phải vụ cháy thì là mất trộm, nên kinh hoàng xuống giường đi ra mở cửa.

Mã chủ bộ nói:

- “Trong tháng tư vừa phải trồng ruộng vừa phải nuôi tằm nên nông phu quá bận, tại sao ngài không trương bảng cáo thị để cho dân chúng tháng tư trồng ruộng, tháng mười nuôi tằm?”

Quan huyện hỏi:

- “Trong tháng mười lá dâu ở đâu mà có?”

Mã chủ bộ bị mắng câm miệng hết lời, bèn chậm rãi nói:

- “Trời tối rồi, chúc ngài ngủ ngon ạ”.

(Nhã Ngược)

Suy tư 89:

Ca dao Việt Nam chúng ta có câu:

”Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Tháng Ba thì đậu đã già,

Ta đi ta hái về nhà phơi khô...”


Làm chủ bộ thì cũng giống như người làm kế hoạch cho công ty, làm kinh tế cho đất nước, biết lúc nào thì nên trồng lúa lúc nào thì nên trồng hoa màu, lúc nào thì nuôi tằm, lúc nào thì nuôi gà vịt.v.v... nên không thể lơ tơ mơ được.

Thiên Chúa biết cuộc sống con người thì có nhiều điều phải làm, nên Ngài ban cho con người có một trí khôn để sắp xếp công việc cho phù hợp với bổn phận và trách nhiệm của mình: bổn phận của người Ki-tô hữu và bổn phận của trần thế.

Có nhiều người Ki-tô hữu không phân biệt được đâu là bổn phận của người công giáo và đâu là bổn phận của trần thế, cho nên họ vẫn cứ loay hoay đem bổn phận Ki-tô hữu của mình chồng chéo lên bổn phận trần thế, họ nói rằng yêu người là yêu Chúa, nên chúa nhật nào họ cũng đi làm công tác từ thiện mà không đi tham dự thánh lễ ngày chúa nhật, dù rằng tối thứ bảy nào cũng có thánh lễ thế cho ngày chúa nhật, nếu họ đi lễ tối thứ bảy và ngày chúa nhật đi làm công tác từ thiện thì đẹp biết mấy, bởi vì không thể nói yêu người được khi trong lòng chúng ta làm việc từ thiện chỉ để mà khoe trương.

Coi công tác từ thiện hơn cả tham dự bàn tiệc thánh thì chắc chắn là không có đủ sức để làm việc từ thiện, vì họ chỉ biết làm mà không có ăn để thêm sức bổ dưỡng cho linh hồn.

Đừng viện cớ làm việc từ thiện là hơn cả đi nhà thờ tham dự thánh lễ, nhưng phải đặt thánh lễ là trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu của mình hơn tất cả mọi công việc từ thiện, đó là ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban cho vậy.

(1) Là chức quan nhỏ giúp quan huyện lo việc sổ bộ, gọi là huyện sứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần hai: TÍN NGƯỠNG VÀ VĂN HÓA, Chương 8
Vũ Văn An
15:16 22/06/2024

Chương 8: Sự xuất hiện của văn hóa như người chủ đạo (tiếp theo)



Đây là một vấn đề gây tranh cãi lớn trong thế giới hiện đại. Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, nó xoay quanh câu hỏi liệu con người có thể được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ nếu không có Thiên Chúa hay không. Một trào lưu trong tư tưởng phương Tây chắc chắn tin rằng câu trả lời là có và việc cúi đầu trước một hữu thể ở trên con người và thế giới chỉ làm nảy sinh chế độ chuyên chế và hạn chế quyền tự do của con người. Những thảm họa của thế kỷ XX—Chủ nghĩa Mácxít, Chủ nghĩa Quốc xã, Chủ nghĩa Phát xít—nảy sinh từ quan điểm “duy nhân bản”, đã đặt ra nhiều câu hỏi về vị Thiên Chúa vắng mặt đầy tính “nhân bản, quá nhân bản” (theo cách nói của Nietzsche). Tất nhiên, Dostoyevsky đã dự đoán trước khi những phong trào này diễn ra rằng “nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì mọi điều đều có thể được phép.” Những cuộc tàn sát của thế kỷ 20 đã phá hủy một số kiểu lạc quan nào đó, nhưng ở những khu vực khác - giờ đã tự do hơn, dân chủ hơn và hậu hiện đại hơn - giấc mơ về một nhân loại tự do kiểm soát được vận mệnh của chính mình đã có những hình thức mới. Bất chấp luận điểm của Nietzsche rằng đó là điều không thể, vẫn có những nỗ lực tích cực để bảo tồn một số nền tảng đạo đức Kitô giáo cũ trong trường hợp không có đức tin Kitô giáo. (8)

Văn hoá, tất nhiên, là một thực tại mây gió hơn triết học, đạo đức hay thần học. Và ở một số khía cạnh, nó quan trọng hơn chính vì nó len lỏi vào các cá nhân và xã hội, hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của bất cứ người nào hoặc nhóm nào. Antonio Gramsci, người theo chủ nghĩa Mác có ảnh hưởng của Ý, rất thích lập luận rằng những người Cộng sản nên rút ra bài học từ các tu sĩ Dòng Tên, những người đã đi đầu trong cuộc chiến chống lại những người Thệ phản trong Phong trào Phản Cải cách Công Giáo. Thông qua việc giảng dạy và ảnh hưởng văn hóa rộng rãi của mình, họ đã thiết lập một nền văn hóa mao dẫn (cultura capillare), một “nền văn hóa mao dẫn” đã truyền đến những ngóc ngách xa nhất của châu Âu. Nó không chỉ thành công bằng lập luận rõ ràng, nhưng sự hiện diện nói chung của nó mạnh đến mức khó bị đánh bật bằng bất kỳ cuộc tấn công trực diện nào. Loại văn hóa tôn giáo đó, mà Gramsci hy vọng có thể được những người theo chủ nghĩa Mácxít bắt chước trong thế kỷ 20, thống trị hầu như một cách thụ động và tồn tại nhờ nguồn lực và sự sống của chính nó rải rác qua nhiều triệu cuộc sống.

Trong thế giới hiện đại, như các vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã lập luận một cách xuất sắc, một nền văn hóa khác đã lan truyền khiến cho lập luận tôn giáo khó được lắng nghe. Sự thay đổi này diễn ra khá nhanh chóng. Trong gần như toàn bộ cuộc đời trưởng thành của mình (ông mất năm 1970), dường như Christopher Dawson đã gây ra một sự thay đổi lớn trong tư duy về văn hóa và lịch sử, không chỉ trong Công Giáo mà cả bên ngoài Công Giáo, ở một mức độ không nhỏ. Nhưng quan điểm đó dường như đã biến mất vào một phần ba cuối thế kỷ XX. Vào giữa những năm 1950, Khoa trưởng Douglas Horton của Harvard đã tuyển dụng Dawson làm Giáo sư Chauncey Stillman đầu tiên về Nghiên cứu Công Giáo Rôma, nói với Dawson rằng lời mời là "lời mời quan trọng nhất mà tôi từng có vinh dự được mang". Giống như Maritain trong lĩnh vực triết học, sự thâm nhập đa lĩnh vực của Dawson vào nhân chủng học, xã hội học, dân tộc học, lịch sử, tôn giáo và văn hóa—mà ngoài thiên tài của cá nhân ông, còn được truyền cảm hứng từ sự tái sinh hiện đại hơn của đời sống trí thức Công Giáo—đã được công nhận ở các giới học thuật cao nhất. Dawson giảng dạy tại Harvard từ năm 1958 đến năm 1962, những năm quan trọng ngay trước Công đồng Vatican II. Và ông có thể đã ở lại Cambridge của Tân Thế giới nếu sức khỏe yếu không buộc ông phải trở về Anh. Tuy nhiên, kể từ đó, niềm tin của Dawson vào tôn giáo như một yếu tố giải thích trung tâm trong hồ sơ nhân loại—từ các tập tục thời kỳ đồ đá ở “thời đại của các vị thần” cho đến các hình thức tôn giáo thời sau Phong trào Ánh sáng ở thế giới phát triển—và với tư cách là giáo phái truyền cảm hứng cho nền văn hóa, đã rút lui khỏi đời sống học thuật, tại Harvard và rất thường xuyên cả trong các định chế giáo dục đại học Công Giáo nữa.

Thay vì tin vào tầm quan trọng lịch sử của tôn giáo và loại hình văn hóa mà nó tạo ra, chúng ta có xu hướng tin rằng chủng tộc, giới tính và giai cấp hoặc các lực lượng kinh tế và chính trị lớn là những gì khiến thế giới chuyển động, và sau đó chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng người ta sẵn sàng tự sát, cho nổ tung các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới hoặc của nhau, hoặc chịu tra tấn và chết vì niềm tin tôn giáo. Sau cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại của những năm 1960, mà Dawson đã cảm nhận được là sẽ xảy ra ngay từ những năm 1920, một chủ nghĩa duy vật tiềm ẩn đã trở thành chìa khóa giải thích vĩ đại. Như Dawson đã nhận xét trong một trong những bài tiểu luận đầu tay của mình: “Chỉ người lạc quan mạnh mẽ nhất mới có thể phủ nhận rằng một chủ nghĩa man rợ mới, đa dạng và không mạch lạc, đang đe dọa không những trật tự vật chất vốn là công trình của thế kỷ trước [tức là thế kỷ 19], mà còn toàn bộ truyền thống trí thức mà văn hóa phương Tây dựa vào.” (9) Các mối đe dọa trước mắt là Chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng Dawson biết rằng động lực giành quyền lực, chứ không phải tự do và cân bằng tinh thần, cũng đã ăn sâu vào di sản dân chủ phương Tây.

Và điều này đã được phản ảnh trong những thay đổi định chế quy mô lớn: “Trong nhà nước hiện đại, tâm trí của một công dân bình thường được nhào nặn bởi trường học chính phủ và báo chí đại chúng, và những điều này không thể thay thế thực sự cho sự hướng dẫn tinh thần sâu sắc hơn được cung cấp bởi giảng dạy các truyền thống tôn giáo cũ.” (10) Vào thời điểm ông qua đời, cả Giáo Hội Công Giáo và thế giới đã để lại ở phía sau di sản của ông và phần lớn sự phục hưng trí thức Công Giáo mà ông là một nhà lãnh đạo lỗi lạc. Đây là một tổn thất nghiêm trọng. Như Aidan Nichols, tu sĩ Dòng Đa Minh người Anh, đã nhận xét một cách đúng đắn, toàn bộ công việc của Dawson tạo thành một loại City of God [Kinh thành Thiên Chúa] sau này. Và giống như tác phẩm của Thánh Augustinô có tên đó, Dawson đã xây dựng một bản giải trình Kitô giáo hấp dẫn về lịch sử loài người và ở quy mô rộng lớn hơn nhiều so với mức có thể vào thời của Thánh Augustinô, do kiến thức hạn chế của nó về các nền văn hóa xa xôi.

Tư duy lịch sử của Dawson đã được làm phong phú và theo một nghĩa nào đó đã ổn định nhờ nghiên cứu của ông về triết học và thần học Công Giáo. Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, xã hội học và nhân chủng học gần đây - như ông đã chỉ ra - đã dao động giữa hai thái cực, hai tầm nhìn giản lược dường như loại trừ lẫn nhau. Trong một nhân vật như Oswald Spengler hay Marx, khía cạnh vật chất của sự hiện hữu nhân bản thống trị và làm nảy sinh chủ nghĩa duy vật giáo điều mà đơn giản là loại bỏ phần lớn điều chuyên biệt thuộc nhân bản. Dawson đã chỉ ra rằng trong các nhà xã hội học hiện đại thời kỳ đầu, tầm quan trọng của sinh học (ngày nay nó sẽ là di truyền), địa điểm và kinh tế đã được xem xét một cách đúng đắn. Con người không chỉ có hữu thể vật chất mà còn có một di sản vật chất phải được xem xét cả trong cái nhìn nhanh xã hội học trong phân tích trực tiếp cũng như trong viễn cảnh lịch sử xuyên thời gian (theo lịch đại [diachronically], theo thuật ngữ kỹ thuật). Nhưng cách nhìn nhận sự vật này đã loại bỏ sự khác biệt cốt yếu của con người: chiều kích trí thức hoặc tâm linh—đặc biệt rõ ràng trong sự kiện ngôn ngữ—điều đánh dấu mạnh mẽ Homo sapiens, hay động vật nhân bản, khác với tất cả các loài động vật khác trên trái đất.

Một phần là để phản ứng lại việc nhấn mạnh quá mức vào các yếu tố vật chất mà chủ nghĩa duy tâm—và đặc biệt là quan niệm của Hegel về lịch sử như sự chuyển dịch của Tinh thần tuyệt đối qua thời gian—đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên lý thuyết lịch sử trong một thời kỳ đáng kể. Dawson, tất nhiên, tin vào Thiên Chúa, Đấng là Tinh thần Tuyệt đối, nhưng ông coi chủ nghĩa Hegel là một chủ nghĩa duy giản lược khác và coi nó là một sự đơn giản hóa “tâm linh” quá mức khi cho là đúng hệ thống chính đề-phản đề-tổng hợp như một giải trình đầy đủ về tinh thần trong thế giới. Sự trừu tượng hóa ở mức độ cao như vậy đã làm sai lệch hồ sơ lịch sử—lịch sử cho thấy nhiều bước lùi cũng như tiến, và nhiều chi tiết lịch sử phải được kéo dài hoặc bỏ qua để phù hợp với chiêc giường Procrustes (*) của Hệ thống. Không hề có diễn trình tự động trong đó sự thật và tiến bộ ngày càng lớn hơn trong một loài có khả năng, một cách cá nhân và trong các nhóm cộng đồng, đột ngột bùng nổ bạo lực tự đánh bại bản thân và quay trở lại sự man rợ phi suy nghĩ, như đã trở nên rõ ràng đối với nhiều nhà tư tưởng trong các cuộc chiến tranh hoàn cầu thế kỷ XX.

Nhưng Dawson không dừng lại ở đó. Ông lưu ý rằng mặc dù hệ thống phức tạp của Hegel, một sản phẩm tiêu biểu của việc làm triết học của Lục địa, phần lớn đã bị bỏ rơi vào thời của ông, nhưng các khái niệm liên hệ vẫn còn tồn tại nơi các nhà tư tưởng kém hệ thống hơn của trường phái cấp tiến. Chủ nghĩa cấp tiến kết hợp một số ý tưởng sâu sắc hơn của phương Tây được rút ra từ hàng thiên niên kỷ của truyền thống Do Thái-Kitô giáo và do đó đã cố gắng tồn tại cho đến ngày nay, nhưng Dawson đã nhìn thấy trong đó cả điểm mạnh lẫn điểm yếu có tính sinh tử:

Phong trào Cấp tiến, với chủ nghĩa duy tâm nhân đạo và niềm tin vào quy luật tự nhiên và quyền của con người, có nguồn gốc từ sự kết hợp bất thường giữa truyền thống duy nhân bản và lý tưởng tôn giáo được truyền cảm hứng bởi các giá trị luân lý Kitô giáo, mặc dù không phải bởi đức tin Kitô giáo.... Toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa nhân đạo, vốn có tầm quan trọng to lớn như vậy trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt nguồn từ động lực tinh thần của nó từ truyền thống Kitô giáo mà nó đã cố gắng thay thế, và khi truyền thống đó biến mất thì động lực tinh thần này cũng mất đi, và chủ nghĩa cấp tiến [liberalism] đến lượt nó được thay thế bằng hệ tư tưởng thô thiển và phi đạo đức của nhà nước toàn trị. (11)

Điều đó đã được viết trong một bài tiểu luận về “Nhật thực của Châu Âu” vào năm 1951. Hơn nửa thế kỷ sau, quá trình mà Dawson mô tả đã lan rộng đến mức nó tiến xa hơn và dễ nhìn thấy hơn nhiều. Và nó đã lan rộng đến mức hầu như ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng và các giá trị của “châu Âu”—ngoài khoa học và kỹ thuật—đang nhanh chóng biến mất và bị thay thế bởi các giá trị khác hoàn toàn xa lạ với truyền thống phương Tây. Như ông đã viết trong cuốn Progress and Religion [Tiến bộ và Tôn giáo], một trong những cuốn sách mạnh mẽ nhất của ông, “Ngay cả khi anh ta [người đàn ông trung bình hiện đại] mất niềm tin vào Lý trí, anh ta vẫn tin vào khoa học và đặc điểm cuối cùng của nền văn hóa khoa học mới.” (12)

“Niềm tin” là thuật ngữ có hiệu lực ở đây, bởi vì một đức tin mới đã xuất hiện khiến việc bảo tồn những thứ cũ kỹ của con người trở nên khó khăn, bất kể những người đề xuất nền “văn hóa” khoa học mới có tuyên bố những mục tiêu nhân đạo đến đâu đi chăng nữa— thì những mục tiêu này cũng khó có thể biện minh dưới một chế độ của chủ nghĩa duy vật chặt chẽ. Như Vladimir Soloviev từng nhận xét, sẽ quá đáng khi nói: “Con người có nguồn gốc từ loài khỉ; vậy chúng ta hãy yêu thương nhau.” Theo quan điểm của Dawson, chỉ có một khái niệm đầy đủ về con người - một khái niệm được hình thành đáng kể trong trường hợp của Dawson bởi cảm thức của Aristốt-Tôma về con người như một thực thể tổng hợp thể xác và tinh thần - mới có thể giúp chúng ta công bằng với chính mình và hồ sơ lịch sử. Nói điều này không có nghĩa là phủ nhận rằng, tại một thời điểm lịch sử nhất định, một số yếu tố gần như thuần túy vật chất hoặc thuần túy tinh thần hoặc trí thức có thể giải thích các diễn biến. Việc Dawson chấp nhận các chân lý triết học và thần học của truyền thống Kitô giáo cũng không khiến ông coi bản thân lịch sử là không quan trọng so với vĩnh cửu hoặc giải quyết các câu hỏi lịch sử cụ thể bằng các nguyên tắc lớn, phi lịch sử. Thật vậy, một trong những điểm mạnh rõ ràng nhất của ông là khả năng học hỏi bách khoa và sự chú ý mà ông dành cho chi tiết lịch sử.

Theo cách tiếp cận lịch sử đầy đủ hơn này, ông đã làm việc phần nào song song với một số người thực hành la nouvelle théologie (nền thần học mới) mà chúng ta đã gặp trong các chương trước, những người đánh giá cao Thánh Tôma nhưng muốn đặt công việc của ngài trong phạm vi rộng lớn hơn của tư tưởng và đời sống Kitô hữu. Như Dawson đã lập luận, quan điểm của Kitô giáo về lịch sử không bắt nguồn từ các nguồn gốc Hy Lạp mà bắt nguồn từ ý thức của người Do Thái về một Thiên Chúa hoạt động trong thời gian — và giao kết với con người vì mục đích riêng của Người. Đó là câu chuyện được kể lại trong Cựu Ước, và trong thời điểm tột đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể, cả trong Tân Ước nữa. Đối với Dawson, điều này có nghĩa là quan điểm của Kitô giáo về lịch sử “không phải là yếu tố thứ yếu do suy tư triết học dẫn khởi từ việc nghiên cứu lịch sử. Nó nằm ở trung tâm của Kitô giáo và là một phần không thể thiếu của đức tin Kitô giáo.” (13)

Việc khẳng định một Thiên Chúa luôn luôn và ở mọi nơi hoạt động trong lịch sử loài người khiến cho nhà sử học nhìn quá khứ dưới một ánh sáng khác. Không giống như các nhà xã hội học và nhân chủng học cùng thời, những người thường nghiên cứu người nguyên thủy như một dạng tồn tại của con người giờ đã bị thay thế, Dawson nhìn thấy những nét liên tục cơ bản trong mọi nền văn hóa. Cụ thể, ông lập luận rằng “tôn giáo nguyên thủy” không phải là một cấu trúc thượng tầng huyền ảo được xây dựng trên sự tồn tại vật chất của các dân tộc sơ khai hay một “sự thần thánh hóa” của cộng đồng, như Emile Durkheim đã lập luận nổi tiếng. Dawson đã cẩn thận chứng minh từ các tư liệu lịch sử và nhân chủng học có sẵn cho ông rằng chiều kích tâm linh là cảm thức về thể siêu việt luôn đi kèm với cảm thức của người nguyên thủy về thế giới vật lý.

Vì những lý do tương tự, Dawson cũng chỉ trích các nhà sử học văn hóa như Arnold Toynbee, người mà trong các khẳng định quy mô lớn của họ thường phân loại các yếu tố như cuộc sống làng quê đơn giản bị thay thế bởi các hình thức văn hóa và văn minh lớn. Về điều này, lịch sử cá nhân của chính ông — phần lớn cuộc đời ông dành cho việc nghiên cứu riêng trong ngôi nhà của gia đình ở vùng nông thôn xanh tươi của nước Anh — đã góp phần vào nỗ lực trí thức nghiêm túc hơn của ông. Đối với Dawson, toàn bộ nhân tính luôn luôn tác động, và ngay cả trong những thời điểm mà việc phát biểu phiến diện hoặc hẹp hòi của đời sống xã hội là điều hiển nhiên—hoặc một thế lực bên ngoài như bệnh dịch hoặc cuộc xâm lược tạo ra những tác động không lường trước được—chúng được đánh giá tốt nhất bởi nhà sử học từ quan điểm của một nhân học phong phú và chi tiết hơn.

Ông thường sử dụng một cụm từ có thể dễ bị hiểu lầm: “bản chất hữu cơ của xã hội”, điều có thể khiến nó có vẻ như không thể xác định rõ ràng các nguyên nhân và ảnh hưởng lịch sử. Điều này không có nghĩa như vậy. Ông sử dụng thuật ngữ này chỉ để chỉ ra rằng một nền văn hóa phải là một sinh vật sống - hoặc nó là một sinh vật đã chết hoặc đang hấp hối. Ông có lý do chính đáng để trả lời câu hỏi này bởi vì bất cứ ai tinh mắt cũng có thể thấy rõ ràng rằng trong tiền bán thế kỷ XX, nền văn minh phương Tây đang ở trong một cuộc khủng hoảng sâu xa – vẫn chiếm ưu thế về vật chất, nhưng phần lớn bị cắt đứt khỏi các gốc rễ văn hóa, lịch sử và xã hội và tâm linh của nó. Nó tiếp tục tồn tại nhờ nhựa cây tích lũy mà nó đã hấp thụ từ quá khứ, nhưng vẫn còn - và vẫn còn - một câu hỏi lớn là nó có thể tiếp tục như vậy trong bao lâu nếu không có yếu tố tâm linh vốn là năng lực sống của mọi nền văn hóa.

Những cân nhắc như thế đã khiến Dawson thực hiện một số nghiên cứu sơ bộ về một loại lịch sử thế giới biết đánh giá đúng các nền văn minh cá thể trong khi nhận ra rằng không những vì thế giới—và do đó, cuộc sống con người—đang trở nên thống nhất thông nhờ các kỹ thuật hiện đại, mà thời điểm đó đang đến gần khi một số loại giải trình sẽ phải được đưa ra cho quá khứ của con người để giúp soi sáng con đường hướng tới tương lai. Điều này sẽ phải được thực hiện, như Dawson thừa nhận, mặc dù cho đến nay chưa ai có thể tin tưởng vào những nghiên cứu đủ thận trọng về các nền văn hóa, nền văn minh, khu vực và thời kỳ lịch sử khác nhau để có thể thực hiện điều đó với bất cứ mức độ tin cậy nào. Nhưng điều đó không làm giảm bớt tính cấp bách của việc tìm ra một cách nào đó để hình dung toàn bộ cuộc sống con người trên trái đất.

Việc phân thời kỳ cũ hơn cho nền văn minh phương Tây—cổ đại, trung cổ, Phục hưng, hiện đại—không phù hợp với nhiệm vụ này. Dawson cho rằng những sự phân chia này thậm chí không thỏa đáng để giải thích về lịch sử phương Tây. Thí dụ, thời Phục hưng thường được coi trong lịch sử thông thường như một bước chuyển tiếp từ tôn giáo và đức tin sang lý trí và khoa học. Như vậy, nó sẽ là tiền thân của hiện đại. Nhưng Dawson và những người khác—Wallace K. Ferguson, Hans Boersma, và nhiều học giả gần đây hơn—đã xem xét kỹ hồ sơ và thấy rằng “Con người thời Phục hưng” hoàn toàn là một tín hữu Kitô giáo bất chấp những nỗ lực kể từ thời Phong trào Ánh sáng muốn coi ông theo hiện đại và chủ nghĩa hoài nghi—hoặc chủ nghĩa vô thần hoàn toàn. Hơn nữa, nếu có thể nói thời đại nào được đánh dấu bằng việc sử dụng mạnh mẽ lý trí, thì đó chính là thời Trung cổ. Các nhân vật thời kỳ đầu của thời Phục hưng đã chạy trốn khỏi Chủ nghĩa kinh viện siêu duy lý đó vì họ muốn tập trung nhiều hơn vào luân lý, thẩm mỹ và đời sống công dân — họ trở nên duy nhân bản hơn vì ít lý trí trừu tượng hơn.

Dawson định vị toàn bộ sự phát triển của châu Âu trong một sơ đồ khác. Đầu tiên, có một phong trào hoàn cầu từ các nền văn hóa nguyên thủy, trong đó các hữu thể nhân bản vẫn còn gần trái đất và hữu thể động vật nhưng đã sở hữu những trực giác lớn, tuy không rõ ràng, về những điều mà tâm trí con người nhận thức được ngoài sự hiện hữu vật lý đơn thuần. Những trực giác đó đã nhận được sự khớp nối trong các nền văn hóa cổ thời vĩ đại, giai đoạn thứ hai của lịch sử thế giới theo Dawson—một giai đoạn quan trọng đã để lại nhiều dấu vết trong cuộc sống con người, đặc biệt là truyền thống của các thành phố lớn. Các tôn giáo lớn trên thế giới đã dẫn nhập một bước ngoặt khác, “Thời đại Trục” [Axial Age] của Jaspers, chứng kiến sự trỗi dậy của các triết gia Hy Lạp và các nhà tiên tri người Do Thái, Đức Phật và Khổng Tử. Cuối cùng, đối với Dawson, có thời đại thứ tư, sự trỗi dậy của khoa học và kỹ thuật, mà ông cho rằng, trái ngược với nhiều nhà phân tích khác, là mắc nợ quan điểm Kitô giáo về Thiên Chúa, con người và thiên nhiên, trong hình thức hiện đại và có ảnh hưởng lớn của nó.

Một trong những đặc điểm khác biệt mà Dawson nhấn mạnh là sự hiện diện liên tục của tôn giáo trong các thời đại này và cả một sự liên tục nào đó. Các tôn giáo trên thế giới không hoàn toàn loại bỏ những trực giác nguyên thủy của thời nguyên thủy. Và ngay cả thời đại của chúng ta, dù có biết hay không, cũng có động lực để hiểu biết về tạo vật và tìm cách làm cho nó trở nên nhân bản hơn từ một tầm nhìn tôn giáo về thế giới. Hơn nữa, tầm nhìn đó chính là tầm nhìn Kitô giáo. Chính bởi vì Thiên Chúa nằm sau sự sáng tạo nên những suy luận hợp lý của khoa học có thể đạt đến chân lý, vì những suy luận này bắt nguồn từ niềm tin trước đây về một vũ trụ có trật tự và có thể hiểu được một phần. Một tôn giáo tin rằng thế giới là một ảo ảnh hoặc Thiên Chúa hành động thất thường theo ý muốn của mình không thể đạt được quan điểm về sự sáng tạo như một lĩnh vực hữu lý, hợp lý với các quy luật và nguyên nhân phụ có thể khám phá được. Và như Đức Bênêđictô XVI đã lập luận nhiều lần, điều này cũng tạo nên sự khác biệt đối với cách chúng ta nhìn nhận bản thân: Có phải tâm trí của chúng ta chỉ đơn giản là một bong bóng trí hiểu do các thế lực hỗn loạn tung ra và do đó, cho phép chúng ta làm bất cứ điều gì mình muốn? Hay chính việc suy nghĩ của chúng ta là sản phẩm của Logos nguyên thủy đó, một sự tham gia vào một sự thật có trật tự và một thực tại mà chúng ta mắc nợ hữu thể và lòng trung thành của chúng ta?

Đối với Dawson, phương Tây đã bước vào một cuộc khủng hoảng vì nó đã giữ lại một số giá trị Kitô giáo lâu đời hơn mà không có nền tảng để chúng dựa vào. Một tình huống như vậy, từ bản chất, là không ổn định, và những diễn biến kể từ thời của ông đã cho thấy nó là như vậy. Chẳng hạn, nhân quyền là một nhánh của quan niệm Kitô giáo cổ xưa về tính thánh thiêng của con người. Chỉ con người, sự kết hợp giữa thể xác và linh hồn hữu lý, mới có thể là người mang các quyền bởi vì chỉ con người mới có cả trí hiểu và ý chí để lựa chọn điều thiện hay điều ác và sự tự do để có thể lựa chọn như vậy. Đó là một lý do tại sao con người và lương tâm của họ đã được ban cho các bảo vệ nào đó ở phương Tây.

Nhưng nếu không có khuôn khổ tôn giáo trong đó các quan niệm như vậy vận hành, thì những mối nguy hiểm sẽ ngay lập tức xuất hiện. Khoa học và kỹ thuật hiện đại, giờ đây, ngay cả đối với nhiều người không coi mình là tôn giáo, rõ ràng đã làm thế giới vỡ mộng đến mức chúng đe dọa cả môi trường mà chúng ta phụ thuộc lẫn hệ sinh thái nhân bản giúp chúng ta phát triển như những hữu thể nhân bản trọn vẹn. Ngay cả nhân quyền cũng có thể nhanh chóng thoái hóa thành một tập hợp ý tưởng nguy hiểm nếu người ta tin rằng không có sự thật—chỉ có sự giải thoát cho ý chí cá nhân của con người—hoặc tin rằng, giống như nạn phá thai tràn lan, một người có thể tước đi mạng sống của người khác vì các lý lợi ích bản thân. Những mâu thuẫn như vậy trở nên không thể tránh khỏi một khi một nền văn hóa cố gắng biến những tiến bộ về vật chất hoặc kỹ thuật thành vật thay thế cho tôn giáo và một nền văn hóa hoàn toàn nhân bản, vốn đã bị hệ tư tưởng duy vật loại trừ từ trước.

Christopher Dawson đã hiểu cuộc khủng hoảng quy mô lớn này ở phương Tây từ khá sớm và biết rằng phương thuốc duy nhất là để nền văn hóa này tái khám phá nguồn gốc của nó trong Kitô giáo. Như ông đã nói trong cuốn sách năm 1933 Enquiries into Religion and Culture [Những Câu hỏi về Tôn giáo và Văn hóa]:

Xã hội, cũng như cá nhân, không thể chỉ sống bằng bánh mì. Kỹ thuật và tổ chức vật chất là không đủ. Nếu nền văn minh của chúng ta muốn phục hồi sức sống của nó, hoặc thậm chí để sinh tồn, thì nó phải chấm dứt việc sao nhãng cội nguồn tinh thần của mình và phải nhận ra rằng tôn giáo không phải là vấn đề tình cảm cá nhân không liên quan gì đến các thực tại khách quan của xã hội, mà, ngược lại, chính là trái tim của đời sống xã hội và là gốc rễ của mọi nền văn hóa sống động. Phi thế tục hóa nền văn minh hiện đại không phải là vấn đề dễ dàng; thoạt nhìn nó có vẻ là một nhiệm vụ vô vọng. Nhưng ít nhất chúng ta có thể dọn đường cho nó bằng cách phi thế tục hóa quan điểm trí thức của chúng ta và mở rộng tầm mắt của chúng ta về sự hiện hữu của các lực lượng tinh thần tạo ra và biến đổi nền văn minh. (14)

Một trong những cách mà “sự phi thế tục hóa” đã có một chỗ đứng đáng kể trong nền văn hóa phương Tây hiện đại là thông qua nghệ thuật Kitô giáo—đặc biệt là văn học Kitô giáo. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số nhà văn hiện đại lỗi lạc nhất trong truyền thống Công Giáo, tất cả đều thể hiện sự gắn kết mạnh mẽ với thế giới hiện đại. Một số—đáng chú ý nhất là Belloc và Chesterton—có cách tiếp cận khá đấu tranh đối với nền văn hóa đương thời, cho dù họ làm như vậy với sự dí dỏm và quyến rũ tuyệt vời. Những người khác xem xét cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong trái tim con người và cách cuộc đấu tranh đó tác động đến thế giới rộng lớn hơn. Trong mọi trường hợp, chúng ta thấy trong những nhân vật này những thí dụ cụ thể cho thấy một nền văn hóa Kitô giáo đã tìm ra cách tự phát biểu ra sao ngay cả trong một xã hội phủ nhận nhiều điểm xuất phát và phương thức phát biểu của nó. Kết quả—đa dạng, sáng tạo, lôi cuốn—làm chứng rằng một nền văn hóa Công Giáo có thể hiện hữu và tiếp tục đâm chồi nảy lộc ngay cả khi những phân tích trừu tượng đơn thuần cho rằng điều đó bất khả.
_______________________________________________________________________________________________________
(*) Chiếc giường Procrustes: nhân vật truyền thuyết Hy lạp Procrustes có hai cái giường, ai cao thì đặt trên cái giường nhỏ đánh gãy chân, ai thấp thì đặt trên cái giường dài kéo người cho dài ra mà chết. "To place on the Procrustes' bed" có nghĩa: đặt trên chiếc giường Prokrut tức là gò ép vào những khuôn khổ cứng ngắc đã có sẵn.

Ghi Chú

1 The Autobiographies of Edward Gibbon [Tự truyện của Edward Gibbon], ed. John Murray, tái bản lần thứ 2. (London: John Murray, 1897), 137.

2 Trích dẫn trong Christina Scott, A Historian and His World: A Life of Christopher Dawson [Sử gia và Thế giới của ông: Đời sống Christopher Dawson], 1889-1970 (New York: Sheed & Ward, 1984), 49.

3 Cùng nguồn, 210.

4 Cùng nguồn, 110.

5 Xem Christopher Dawson, The Crisis of Western Education [Cuộc Khủng hoảng của Nền Giáo dục Phương Tây], với lời giới thiệu mới của Glenn W. Olsen (Washington, D.C.: Catholic University of America Press, 2010), tái bản từ bản gốc năm 1961.

6 Christopher Dawson, “Edward Gibbon and the Fall of Rome [Edward Gibbon và sự sụp đổ của Rome]”, trong The Dynamics of World History [Động lực của lịch sử thế giới], ed. John J. Mulloy (Wilmington, Del.: ISI Books, 2002), 341.

7 Evelyn Waugh, Helena: A Novel [Helena:Tiểu thuyết] (Boston: Little Brown, 1950), 116.

8 Luc Ferry, A Brief History of Thought: A Philosophical Guide to Living [Lược sử tư tưởng: Hướng dẫn triết học về cuộc sống], Theo Cuffe dịch (New York: Harper Perennial, 2011), là một nỗ lực nghiêm túc theo hướng này, mặc dù cuối cùng vẫn thất bại.

9 “Civilisation and Order [Văn minh và Trật tự]”, Order, tập 1, số 2 (tháng 8 năm 1928): 42.

10 Christopher Dawson, Enquiries into Religion and Culture, with an introduction by Robert Royal [Tìm hiểu về Tôn giáo và Văn hóa], với lời giới thiệu của Robert Royal (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2009), 49.

11 Dawson, Dynamics of World History [Động lực của lịch sử thế giới], 424.

12 Christopher Dawson, Progress and Religion, with a foreword by Christina Scott and an introduction by Mary Douglas [Tiến bộ và Tôn giáo], với lời tựa của Christina Scott và lời giới thiệu của Mary Douglas] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2001), 29.

13 Christopher Dawson, “The Christian View of History” [Quan điểm lịch sử của Ki-tô giáo], trong Christianity and European Culture: Selections from the Work of Christopher Dawson, [Ki-tô giáo và văn hóa châu Âu: Tuyển tập từ tác phẩm của Christopher Dawson], ed. Gerald J. Russello (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 1998), 214.

14 Dawson, Enquiries into Religion and Culture [Tìm hiểu tôn giáo và văn hóa], xxi—xxii.
 
Sinh Nhật Người Xóa Bình Vôi
Nguyễn Trung Tây
17:44 22/06/2024
Nguyễn Trung Tây
Sinh Nhật Người Xóa Bình Vôi

https://www.youtube.com/watch?v=OfXaiP4m70g

Gia đình đó, ông có địa vị trong xã hội.
Nhưng lại không có con.
Bao năm rồi, hai vợ chồng cứ thế, héo quắt trái táo, ngậm nhấm cô đơn!
Cả hai bình vôi, bình vôi ông, bình vôi bà,
cả hai vôi đặc, vôi khô, vôi mốc!
cả hai thiên hạ gọi, ông bà bình vôi!

Bao nhiêu ngày tháng rồi, mặt trời rực rỡ đổ dài nơi khung cửa.
Lá xanh non chuyển đổi sang xanh đậm, rồi chuyển màu đỏ rực lửa.
Nhưng ông vẫn đi vô, bà đi ra.
Cả hai vẫn thế, cùng nhìn nhau, cùng thở dài, tựa bóng ma!
Hai bóng yên lặng, hai hình nhân hàng mã.
Thiên hạ đi chợ, tới Phố Hàng Mã, nhìn ông nhìn bà bình vôi, người người ngáp dài, chán ngán!

Ông bà bình vôi ngần ngại bước ra đường, bởi sợ miệng đời độc sâu,
Những tiếng thì thào tinh quái nho nhỏ nổi lên sau lưng như đàn ruồi trâu,
“Nhà ông bà bình vôi, không biết tại ông hay tại bà,
hay bởi cả hai, bụng vợ cứ thế, khô đét trái mướp, đen nâu nâu.”

Những lần phải bước tới Hội đường ngày Sabát.
Hết buổi kinh ngày Hưu Lễ, bà bước về nhà, nhớ lại lời thiên hạ vo ve bên tai,
bà trằn trọc mất ngủ, nguyên đêm dài.
Nước mắt ứa tuôn hai khóe mắt loang lổ chân chim, bà tủi hờn, thở dài!

Ngày nào cũng thế, sáng trưa tối,
bàn ăn bánh mì dọn ra, hai ổ bánh mì mới.
Ông một ổ, bà một ổ. Ông uể oải nhai nhai như nhai bánh mì nguội.
Bà trộn bánh mì, nước mắt hờn tủi!
Đĩa bánh mì thứ ba trên bàn vẫn như thế, nguyên vẹn hình hài, vẫn trống trơn.

Đêm đêm ông thức dậy, dâng lời kinh cầu nguyện, “Lạy Ngài, xin thương xót con!”
Ông nhìn bà, ông biết bà cũng đêm đêm trằn trọc, mắt trắng mắt.
Bà ngồi dậy, nhìn mái tóc bạc trắng của chồng, nhìn lưng còng của chồng.
Bà thở dài! Bà biết đã qua rồi, một thời.
Bà không hy vọng gì. Không trông mong gì.

Ông đôi khi nghĩ về một hậu duệ, nối dõi tông đường.
Nhưng người đàn ông biết giấc mơ viễn vông,
bởi ông biết mình, biết rõ về mình.
Tất cả những điều bình thường của một người đàn ông đã cạn kiệt nơi ông.

Bà nhớ lại những khi trời sáng, tiếng gà gáy vang vang, tai bỗng nghe tiếng khóc trẻ thơ.
Bà mơ ước, một lần làm mẹ, một lần cho con dòng sữa thơm tho.
Bà thầm thì lời kinh, nếu phải đánh đổi tuổi đời,
bà cũng xin được có người gọi mình, “Mẹ! Mẹ ơi!”
Bà ứa nước mắt! Một điều bình thường như thế, nhỏ nhoi như thế, mà sao vẫn không một lần xảy đến trong cuộc đời.

Bà nhớ lại, hôm nay, ông bước về nhà sau buổi đốt hương tế lễ Thiên Chúa trong gian Thánh Cực Thánh.
Bước vô nhà, mặt ông tái xanh.
Bà hỏi ông. Nhưng ông ú ớ.
Hàng xóm thì thào nho nhỏ,
chồng bà sáng nay hốt hoảng bỏ chạy ra khỏi gian Thánh Cực Thánh!

Nhưng thật bất ngờ, người một thời cây khô không lộc bỗng nẩy lộc.
Bà biết cung lòng khô héo của bà chuyển động.
Bà biết có một điều gì đó, mới tinh khôi trong dạ.
Giữa bữa bánh mì trưa, bà đứng dậy bỏ đi xuống bếp,
đất đen mời gọi bà ngồi xuống, ngồi lệt bệt!
Ông nhìn theo, nhưng không ngạc nhiên!

Bà quay lại bàn bánh mì. Nhưng bước đi những bước hiên ngang.
Bà không còn vừa đi vừa cúi gầm mặt xuống đất nữa, bởi hài nhi nảy mầm trong bụng.
Ông vẫn thế, vẫn ngồi đó, ngọng nghịu ú ớ, âm thanh người câm, nhưng nhìn bụng vợ, mặt tươi tươi hồng.
Cả hai không hẹn cùng nhìn về một phía, đĩa bánh mì trống trơn trên bàn.
Cả hai đều biết, bắt đầu từ ngày mai, họ sẽ phải để một ổ bánh mì lên đĩa bánh mì trống trơn đó.
Cả hai kiên nhẫn đợi chờ.
Cả hai một thời bình vôi đặc, bình vôi mốc hồi hộp mong chờ.

Ngày phải tới rồi cũng tới.
Người đàn bà cao niên đưa vào đời một bé trai.
Tiếng khóc trẻ thơ vang vang xóa tan một thời tủi nhục của ông bà,
một thời ông bà bình vôi.

Niềm vui nối tiếp niềm vui.
Bởi ông bật tiếng nói, ngay sau khi viết tên trên tấm bảng, “Tên cháu là Gioan.”
Ngày bé Gioan chào đời, sinh nhật em xóa bỏ chữ bình vôi khắc sâu trên khuôn mặt của bố và của mẹ!
Ngày sinh nhật của Gioan Tiền Hô, báo hiệu một ngày sinh nhật khác, sinh nhật Ngôi Lời.
Sinh nhật “tên cháu là Gioan”, một dấu hiệu báo Sinh nhật Emmanuel, ánh sáng mới chiếu rực rỡ xua tan đêm đen.
Sinh nhật của Giêsu hữu Tiền Hô, chứng nhân cho Ngài, tên Giêsu, Đấng Cứu Thế!

Sinh nhật của Giêsu hữu tôi cũng thế, ngày tôi chào đời, sinh nhật tôi xóa bỏ chữ buồn tủi trong trái tim bố và mẹ.
Ngày tôi sinh ra, trần gian khen ngợi bố mẹ tôi, “Ông bà thật diễm phúc!”
Sinh nhật tôi, một dấu hiệu báo cho trần gian biết, qua chứng nhân tôi, họ sẽ gặp gỡ Ngài, Chiên Thiên Chúa.

Cũng thế,
Dì Tám Sài Gòn!
Dì Đan viện Missouri!
Cha Bề trên, Cha Xứ,
Thầy Đan viện Bãi Dâu chuẩn bị tuyên khấn vĩnh viễn!
Thầy Dòng lấm lem ở một góc trời khu vực ngoại biên nào đó!
Giáo dân địa phận đàng ngoài!
Sinh nhật đó, ngày đó, rực rỡ khuôn mặt mẹ cha.
Sinh nhật đó, ngày đó, dấu hiệu đó chỉ tới Tin Mừng của Ngài, và về Ngài, Đấng Emmanuel!
Xin hãy là như vậy!□

 
VietCatholic TV
Hàng trăm UAV ào ạt tấn công Nga, đánh trúng kho drone và kho dầu lớn nhất. Nga bắn rớt máy bay Nga
VietCatholic Media
02:41 22/06/2024


1. Báo cáo cho biết Nga hạ gục máy bay trực thăng Ka-29 của chính mình trên thị trấn nghỉ mát Hắc Hải

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Downs Own Ka-29 Helicopter Over Black Sea Resort Town: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông địa phương, Nga đã vô tình bắn rơi trực thăng Ka-29 bằng hệ thống phòng không của mình trên Anapa, một thị trấn ở Krasnodar Krai của Nga, trên bờ biển phía bắc Hắc Hải.

“Ở Anapa, lực lượng phòng không của chúng ta đã bắn hạ trực thăng của chính chúng ta,” Egor Guzenko, người Nga điều hành kênh Telegram dưới biệt hiệu “Mười Ba” cho biết hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Guzenko cho biết trực thăng Kamov Ka-29 đã bị một trong các hệ thống hỏa tiễn Pantsir của Nga tấn công và nói thêm rằng vụ việc có thể xảy ra “do trục trặc”.

“Bốn người đã chết,” Guzenko nói thêm. “Ký ức vĩnh cửu cho những người lính của chúng tôi.”

Đã có rất nhiều trường hợp trong suốt cuộc chiến mà lực lượng phòng không Nga bắn vào máy bay của chính họ. Theo dữ liệu do Newsweek tổng hợp và phân tích vào cuối tháng 8 năm 2023, hơn 20% số thiệt hại về máy bay và trực thăng được biết đến của Nga kể từ khi Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022 là do chính họ tự gây ra.

Guzenko cho biết, trực thăng Kazov Ka-29 bị bắn rơi khi đang truy tìm thuyền điều khiển từ xa trên biển của Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 22 Tháng Sáu, thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, bác bỏ tuyên bố cho rằng hệ thống phòng không Nga bắn rơi chiếc máy bay trực thăng. Ông cho rằng một số thuyền điều khiển từ xa của Ukraine ngày nay có trang bị hỏa tiễn đối không để tiêu diệt máy bay trực thăng đang bắn vào chúng. Nói cách khác, chính thuyền điều khiển từ xa của Ukraine hạ gục chiếc máy bay trực thăng chứ không phải hệ thống phòng không của Nga.

Trước đó, hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết lực lượng của họ đã bắn hạ hơn 100 máy bay điều khiển từ xa do Ukraine phóng để tấn công Crimea, Krasnodar Krai và khu vực Volgograd của Nga.

Konashenkov tuyên bố: “Nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng cách sử dụng tàu điều khiển từ xa và máy bay điều khiển từ xa nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

Konashenkov cho biết thêm: “Các hệ thống phòng không có nhiệm vụ đã chặn và tiêu diệt 70 máy bay điều khiển từ xa trên lãnh thổ Cộng hòa Crimea và Hắc Hải, 43 UAV trên lãnh thổ Krasnodar Krai và một máy bay điều khiển từ xa trên lãnh thổ tỉnh Volgograd”. “Ở phía tây bắc Hắc Hải, lực lượng không quân hải quân của Hạm đội Hắc Hải Nga đã phá hủy 6 thuyền điều khiển từ xa của Hải quân Ukraine.”

Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng 4 rằng việc Nga “thiếu nhận thức về tình huống” đang gây ra các vụ bắn nhầm.

Bộ Quốc phòng Anh đưa ra đánh giá này sau khi có báo cáo cho biết Nga đã bắn rơi chiếc SU-27 của mình trên vùng lãnh thổ Crimea bị sáp nhập vào ngày 28 Tháng Ba. Nó có thể là nạn nhân của hỏa lực thân thiện do “thiếu nhận thức và phối hợp tình hình” giữa các lực lượng Mạc Tư Khoa, lực lượng quốc phòng. Bộ cho biết.

Người dùng Pro-Kyiv X,, Kherson Cat nói rằng trực thăng Ka-29 của Nga “được người Nga tích cực sử dụng để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa kamikaze của hải quân Ukraine ở khu vực Hắc Hải”.

Ukraine đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào một số căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga, nói rằng chúng là mục tiêu quân sự hợp pháp. Những cuộc tấn công như vậy có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi chiến tranh tiếp diễn, gây nguy hiểm cho các máy bay và chiến binh tiên tiến nhất của Nga.

2. Quân đội cho biết Ukraine đã tấn công 4 nhà máy lọc dầu, kho chứa máy bay điều khiển từ xa Shahed ở Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine attacks 4 refineries, Shahed drone storage sites in Russia, military says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết rạng sáng ngày Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, hàng loạt máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu ở Krasnodar Krai và Astrakhan của Nga, cũng như các địa điểm nơi máy bay điều khiển từ xa loại Shahed của Nga được cất giữ.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hơn 100 máy bay điều khiển từ xa trong cuộc tấn công hàng loạt vào Crimea, Krasnodar Krai và Volgograd vào rạng sáng Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu. Các kênh Telegram của Nga cho biết máy bay điều khiển từ xa đã tấn công vào một phi trường quân sự ở Yeysk trong cuộc tấn công vào Krasnodar Krai, gây ra thiệt hại cho một số máy bay và máy bay trực thăng.

Đại Úy Yusov cho biết các nhà máy lọc dầu Afipskyi, Ilskyi và Krasnodarskyi đã bị tấn công ở Krasnodar Krai, cũng như “nhà máy lọc dầu Astrakhan” ở tỉnh Astrakhan. Nhà máy lọc dầu Astrakhan là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Nga.

Tư Lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, cho biết các lực lượng Ukraine cũng tấn công các trạm radar và trung tâm tình báo điện tử của Nga ở Crimea và tỉnh Bryansk của Nga.

Ông cho biết các địa điểm lưu trữ và chuẩn bị máy bay điều khiển từ xa tấn công loại Shahed, các tòa nhà huấn luyện cũng như trung tâm chỉ huy và liên lạc của những máy bay điều khiển từ xa này đặt tại Krasnodar Krai đã bị hủy diệt ngay trong giờ đầu tiên của cuộc tấn công.

Vị Tư Lệnh không quân cho biết: “Kết quả của hoạt động này là một loạt vụ nổ và hỏa hoạn cùng với vụ nổ sau đó đã được ghi lại suốt ngày Thứ Sáu”. Hậu quả đầy đủ của các cuộc tấn công đang được xác định.

Đại Úy Yusov cũng xác nhận lực lượng vũ trang Ukraine cũng đã tấn công Cộng hòa Adygea và Tambov của Nga cùng với trong đêm Thứ Năm rạng ngày Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Ông cho biết máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công kho nhiên liệu và chất bôi trơn Tambovnefteprodukt ở Tambov và kho dầu Enyemskaya của công ty Lukoil-Yugnefteprodukt ở Cộng hòa Adygea.

3. Tướng Nga tung tin về thời hạn kết thúc chiến tranh của Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian General Floats Deadline for End of Putin's War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tướng hàng đầu của Nga Apti Alaudinov, chỉ huy đơn vị lực lượng đặc biệt Akhmat và là người ủng hộ nhiệt tình nhà độc tài Vladimir Putin, tuyên bố cuộc chiến với Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Alaudinov, người lãnh đạo lực lượng Chechnya trong cuộc xung đột, được Putin bổ nhiệm làm phó trưởng phòng chính trị-quân sự của Bộ Quốc phòng Nga vào tháng 4 vừa qua.

Trong một chương trình truyền hình nhà nước với Olga Skabeyeva, Alaudinov đã thảo luận về tình hình quân sự hiện tại và dự đoán của ông về việc kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm bắt đầu từ cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022 của Putin.

Skabeyeva, cùng với chồng, thành viên Duma Yevgeny Popov, đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt vào năm 2023, một phần vì “chương trình trò chuyện nơi họ chủ yếu phổ biến các tuyên truyền ủng hộ Nga về cuộc chiến chống Ukraine.”

Trong một chương trình truyền hình mới nhất Skabeyeva đã hỏi Alaudinov về tốc độ tiến bộ chậm lại của Nga ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, sau khi có tin 400 lính Nga đã đầu hàng quân Ukraine.

Không trực tiếp đề cập đến những lo ngại của Skabeyeva, Alaudinov tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã “thực hiện một bước đột phá rất nghiêm trọng” và “khá nhiều lãnh thổ đã được giải phóng”.

Ông nói thêm rằng Ukraine đã “di chuyển rất nhiều lực lượng đến đó, hầu hết các đơn vị của họ” đến khu vực đông bắc, nơi từ lâu đã là tâm điểm của cuộc chiến.

“Đây sẽ là một trận chiến quyết định đối với chúng ta, trong đó chúng ta sẽ tiêu diệt những lực lượng và phương tiện còn lại. Sau đó, tôi tin, như tôi đã nói trước đó, chúng ta sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt trong năm nay”, Alaudinov nói, và nhấn mạnh rằng “chúng ta sẽ chấm dứt nó.”

Ông nói rằng “mọi thứ đang diễn ra như bình thường” và “Cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc tất cả bằng một trận chiến quyết định cuối cùng mà tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng.”

Đối với người Nga, vốn khinh bỉ người Chechnya, Alaudinov là một vị tướng bất tài nhưng rất thích tung ra các tin đồn thất thiệt để tạo hào quang. Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, nói: “hãy chỉ cho tôi một trận chiến mà Alaudinov đã chiến thắng, một trận cũng không có”. Có lẽ vì Alaudinov chưa từng thắng được trận nào nên Putin mới bổ nhiệm ông ta làm phó trưởng phòng chính trị-quân sự của Bộ Quốc phòng Nga, phù hợp với năng khiếu tung tin đồn nhảm của ông ta, hơn là một chỉ huy ở chiến trường.

4. Nga tuyên bố lần đầu tiên triển khai bom lượn FAB-3000

Quân đội Nga được cho là đã tấn công Kharkiv bằng bom trên không có sức nổ mạnh FAB-3000, các nguồn tin Nga tuyên bố hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Một đoạn video được chia sẻ bởi một blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh có mục đích quay cảnh các máy bay ném bom Nga tấn công một mục tiêu quân sự của Ukraine ở làng Liptsy ở Kharkiv.

Blogger, người được cho là có quan hệ với lực lượng không quân Nga, khẳng định đoạn phim ghi lại lần đầu tiên Nga sử dụng bom FAB-3000 M-54 với mô-đun điều chỉnh và lập kế hoạch phổ quát.

Các lực lượng Nga trước đây đã tấn công tỉnh Kharkiv bằng bom có sức nổ mạnh trên không trong bối cảnh Mạc Tư Khoa tăng cường tấn công và tấn công mới vào khu vực này vào mùa xuân năm 2024.

Cảnh sát tỉnh Kharkiv báo cáo rằng lực lượng Nga đã tấn công quận Kupiansk vào ngày 5 tháng 5 bằng bom thả từ trên không FAB-1500, lần đầu tiên một quả bom nặng 1.500 kg được sử dụng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Vụ tấn công đã khiến một phụ nữ 88 tuổi thiệt mạng và một người đàn ông 34 tuổi bị thương.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào tháng 3 rằng họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt bom trên không FAB-3000.

Đoạn video ngày 21/6 tuyên bố một quả bom FAB-3000 đã tấn công vào phần cuối của một tòa nhà được quân đội Ukraine sử dụng làm điểm triển khai tạm thời. Bài đăng kèm theo video giải thích rằng quả bom không tấn công trực tiếp vào mục tiêu nhưng vẫn gây ra thiệt hại lớn.

5. Một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga 'bị hư hại' trong cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa qua đêm

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “One of Russia's Largest Oil Refineries 'Damaged' in Overnight Drone Barrage”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga đã bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trong đêm, theo một quan chức địa phương.

Thống đốc khu vực Veniamin Kondratyev cho biết trên kênh Telegram của mình rằng các tòa nhà hành chính và một số cơ xưởng tại nhà máy lọc dầu Ilsky ở miền nam Krasnodar Krai của Nga đã bị hư hại hôm thứ Sáu.

Nhà máy lọc dầu Ilsky là một trong những nhà máy lớn nhất quốc gia. Theo Reuters, nơi này có khả năng lọc 6,6 triệu tấn dầu thô mỗi năm, tức là 132.000 thùng mỗi ngày.

“Cơ sở hạ tầng dân sự trong khu vực của chúng tôi đã bị chính quyền tội phạm Kiev /ki-ép/ tấn công quy mô lớn. Ở Krasnodar, tòa nhà lò hơi cạnh bến xe buýt Yuzhny bị hư hại. Ở quận Seversky, các tòa nhà hành chính và các cơ xưởng tại một nhà máy lọc dầu đã bị hư hại”, Kondratyev nói. Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

“Thật không may, có thương vong trong số các công nhân tại các cơ sở này. Họ đang được cung cấp tất cả các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết”, ông nói thêm.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, đám cháy bùng phát tại nhà máy lọc dầu do mảnh vỡ của máy bay điều khiển từ xa rơi xuống.

Ukraine chưa bình luận về vụ tấn công được báo cáo, nhưng một chiến dịch tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga kể từ đầu năm đã được Cơ quan An ninh Ukraine và Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine tuyên bố.

Hôm thứ Năm, các quan chức Nga cho biết máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công hai nhà máy lọc dầu của Nga, một ở vùng Tambov và một ở Cộng hòa Adygea.

Tờ Moscow Times hôm thứ Sáu đưa tin rằng ít nhất 40 kho dầu và nhà máy lọc dầu của Nga đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công kể từ đầu năm, trong đó có một số kho lớn nhất nước này.

Vào tháng 3, Olha Stefanishyna, phó thủ tướng Ukraine cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc chiến vì chúng hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của nhà độc tài Vladimir Putin.

Các báo cáo cho thấy các quan chức Mỹ đã yêu cầu Ukraine hạn chế tấn công vào các trung tâm dầu mỏ để ngăn chặn sự gián đoạn có thể xảy ra đối với thị trường nhiên liệu toàn cầu. Cơ quan tình báo Ngũ Giác Đài hồi tháng trước ước tính rằng ít nhất 14% công suất lọc dầu của Nga đã bị gián đoạn do các cuộc tấn công gần đây.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu cho biết lực lượng của họ đã bắn hạ hơn 100 máy bay điều khiển từ xa do Ukraine phóng để tấn công Crimea, Krasnodar Krai và khu vực Volgograd.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết: “Nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng cách sử dụng thuyền và máy bay điều khiển từ xa nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”.

Tuyên bố viết: “Các hệ thống phòng không trực tiếp đã chặn và tiêu diệt 70 máy bay điều khiển từ xa trên lãnh thổ Cộng hòa Crimea và Hắc Hải, 43 máy bay điều khiển từ xa trên lãnh thổ Krasnodar Krai và một máy bay điều khiển từ xa trên lãnh thổ tỉnh Volgograd”. “Ở phía tây bắc Hắc Hải, lực lượng không quân hải quân của Hạm đội Hắc Hải Nga đã phá hủy 6 thuyền điều khiển từ xa của Hải quân Ukraine.”

6. Rheinmetall nhận được đơn đặt hàng đạn pháo 155 ly, gọi đây là 'lớn nhất trong lịch sử công ty'

Công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã nhận được hợp đồng từ Bundeswehr /bân-đờ-via/ cho loại đạn pháo 155 ly trị giá lên tới 8,5 tỷ euro hay 9,1 tỷ Mỹ Kim, công ty cho biết hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu.

Mục đích chính của hợp đồng này là để bổ sung kho vũ khí của quân đội Đức và các đồng minh, đồng thời hỗ trợ Ukraine trước sự xâm lược của Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ukraine đã thực hiện chuyển đổi rộng rãi sang sử dụng pháo 155 ly tiêu chuẩn NATO, vì các đối tác của Kyiv không có nguồn cung cho các loại đạn pháo cỡ nòng 122 ly và 152 ly của Liên Xô.

Công ty gọi đơn đặt hàng mới nhất là lớn nhất trong lịch sử của mình.

Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger cho biết: “Hợp đồng khối lượng lớn này nhấn mạnh vai trò hàng đầu của Rheinmetall với tư cách là nhà cung cấp đạn dược ở Đức và vị trí của chúng tôi là nhà sản xuất đạn pháo lớn nhất thế giới”.

Việc giao đạn pháo sẽ bắt đầu vào đầu năm 2025. Chính phủ Đức sẽ là người mua chính, sau đó sẽ cung cấp một phần nguồn cung cấp cho Ukraine. Công ty cho biết Hòa Lan, Estonia và Đan Mạch cũng đang tham gia đơn đặt hàng.

“Toàn bộ chuỗi giá trị đạn pháo” sẽ được sản xuất tại một nhà máy ở Unterluess, Lower Saxony, khai trương vào tháng 2. Nhà máy dự kiến sẽ đạt công suất 100.000 quả đạn/năm trong năm sản xuất thứ hai và sau đó tăng lên 200.000 quả đạn/năm.

Một số công ty quốc phòng phương Tây đang tăng cường sản xuất quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga và nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine, đặc biệt tập trung vào đạn pháo 155 ly và các loại đạn khác.

7. Nga tuyên bố hơn 100 máy bay điều khiển từ xa được sử dụng trong cuộc tấn công vào Crimea, Krasnodar Krai

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia claims more than 100 drones used in attack on Crimea, Krasnodar Krai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Chiều Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết Ukraine đã mở một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất từ trước cho đến nay.

Ông báo cáo rằng hơn 100 máy bay điều khiển từ xa đã được sử dụng trong một cuộc tấn công hàng loạt vào Crimea, Krasnodar Krai và tỉnh Volgograd của Nga, khiến ít nhất một người thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Trước đó, các kênh Telegram của Nga đưa tin đám cháy đã bùng phát tại phi trường quân sự Yeysk của Krasnodar Krai và nhà máy lọc dầu Ilya sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 70 máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ trên vùng Crimea bị tạm chiếm, 43 chiếc trên bầu trời Krasnodar Krai và một chiếc trên vùng Volgograd. Konashenkov cho biết thêm 6 thuyền điều khiển từ xa của hải quân cũng đã bị phá hủy ở khu vực phía tây bắc Hắc Hải. Như thường lệ, Konashenkov đã cố ý không đề cập đến các tổn thất của Nga.

Thống đốc Krasnodar Krai Veniamin Kondratyev cho biết rằng một nhân viên bến xe buýt đã thiệt mạng do các mảnh vỡ rơi xuống và 4 người khác bị thương.

Theo báo cáo sơ bộ của cảnh sát địa phương, cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu Ilya được cho là đã gây ra đám cháy lớn tại địa điểm tấn công và khiến 2 người bị thương.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, là điều rất quan trọng để duy trì các nỗ lực chiến tranh cũng như khí tài quân sự của Mạc Tư Khoa.

Các cuộc tấn công vào kho dầu ở Krasnodar Krai vào tháng 5 được cho là đã làm gián đoạn hoạt động tại hai cơ sở—nhà máy lọc dầu Slavyansk-on-Kuban và Tuapse.

8. Bắc Hàn tiết lộ đầy đủ chi tiết về thỏa thuận Kim-Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “North Korea Reveals Full Details of Kim-Putin Deal”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hiệp ước được ký hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, bởi Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân cam kết hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, nhưng một số nhà phân tích cho rằng hiệp ước này có thể không mang tính đột phá mới.

Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn, ông Kim và Putin ca ngợi “Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” là một bước đột phá cho mối quan hệ Mạc Tư Khoa-Bình Nhưỡng. Giám đốc An ninh Quốc gia Nam Hàn Trương Hạo Trân (Chang Ho Jin) trong một cuộc họp báo bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về thỏa thuận này.

Hiệp ước này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng kéo dài hàng thập niên giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, càng bị gia tăng bởi các cuộc xâm nhập ngắn ngủi của quân đội Bắc Hàn vào Khu phi quân sự và việc đình chỉ hiệp định quân sự Bắc-Nam năm 2018 nhằm giảm nguy cơ xung đột.

Tài liệu nêu rõ rằng trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược Nga hoặc Bắc Hàn, “bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác ngay lập tức bằng mọi phương tiện mà họ có theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc” và luật pháp Nga và Bắc Hàn. Tài liệu cho biết, các đối tác cũng sẽ phối hợp về “các biện pháp thiết thực có thể có để hỗ trợ lẫn nhau trong việc loại bỏ mối đe dọa”.

Sean King, học giả về Á Châu và phó chủ tịch cao cấp của công ty tư vấn Park Strategies có trụ sở tại New York, nói với Newsweek: “Mỹ, bạn bè và đồng minh của họ tất nhiên nên lo ngại về bất kỳ cam kết quân sự mới nào mà Putin và Kim đã ký và đưa ra với nhau trong tuần này”.

Ông nói thêm: “Nhưng bất kể nội dung văn bản thực tế là gì, họ đều là hai nhà độc tài sẽ làm những gì họ muốn khi nào và bằng cách nào họ muốn”. “Không phải là họ chưa cung cấp vũ khí và công nghệ cho nhau theo cả hai hướng. Do đó, cuộc họp tuần này có thể chỉ là một trường hợp chính thức hóa hơn nữa những gì chúng ta đã nghi ngờ, lo sợ và đã biết.”

Patrick Cronin, chủ tịch an ninh Á Châu-Thái Bình Dương tại Viện Hudson, nói với Newsweek rằng cam kết phối hợp sau một cuộc tấn công trực tiếp của hiệp ước “còn kém xa” các cơ chế phản ứng tự động được nêu chi tiết trong liên minh NATO hoặc các cam kết của Mỹ với các đồng minh hiệp ước Nhật Bản và Nam Hàn..

Ông nói thêm rằng cách diễn đạt đặc biệt trong Điều 8 của hiệp ước “cho thấy hai bên chưa suy nghĩ nghiêm chỉnh về các cơ chế phòng thủ mà họ có thể thiết lập”.

Điều 8 cam kết phát triển “các cơ chế thực hiện các biện pháp chung nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ nhằm ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế”.

Cronin nói: “Ngay cả khi ý chí chính trị của họ là thực sự và lợi ích của họ tiếp tục giao nhau, các cơ chế liên minh có ý nghĩa sẽ cần có thời gian”. “Chẳng hạn, Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã khác xa thời cuối những năm 1940, khi lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Joseph Stalin và bộ tham mưu của ông ta vạch ra kế hoạch chiến tranh cho cựu lãnh đạo Bắc Hàn Kim Nhật Thành.”

Cronin cho biết, ông Kim và Putin sẽ “tham gia vào cuộc chiến chính trị với mối đe dọa hợp tác quân sự nghiêm chỉnh hơn trong tương lai”, đồng thời cho biết thêm rằng họ có thể mong đợi “sự phản đối gay gắt từ Hoa Kỳ và các đồng minh nhưng cũng có sự phản kháng thầm lặng từ Bắc Kinh”.

Trung Quốc, được coi là đồng minh thực sự duy nhất của Bắc Hàn, đôi khi có lập trường khác về các vấn đề được cho là đe dọa sự ổn định khu vực, bao gồm cả tuyên bố chung hiếm hoi vào tháng trước mà Bắc Kinh đưa ra với Nhật Bản và Nam Hàn về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Khi được truyền thông nhà nước hỏi liệu hiệp ước có nghĩa là người Nga có thể phải chiến đấu thay mặt cho Bắc Hàn hay không, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người tháp tùng Putin tới Bình Nhưỡng, trả lời: “Nếu ai nghi ngờ tính hợp pháp của điều khoản này thì họ cần phải đọc kỹ”.

Nhà ngoại giao gọi đó là “hoàn toàn là một quan điểm phòng thủ” và nói rằng chỉ “những người đang có kế hoạch gây hấn” chống lại một trong hai quốc gia mới có thể phản đối.

Bộ Ngoại giao Nga và đại sứ quán Bắc Hàn tại Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận bằng văn bản.

Các nước láng giềng bị cô lập về mặt quốc tế đã tăng cường quan hệ quốc phòng kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.

Mỹ, Nam Hàn và các nước khác cũng nghi ngờ Bắc Hàn đã vận chuyển đạn dược tới Nga để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt trong chiến tranh, đổi lấy hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình quân sự và không gian của Bắc Hàn bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt. Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa đã bác bỏ những tuyên bố này.

Hiệp ước cũng cấm ký kết thỏa thuận với bên thứ ba hoặc tham gia vào các hành động “xâm phạm chủ quyền và an ninh của bên kia” hoặc “quyền tự do lựa chọn và phát triển các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa” của họ.

Mạc Tư Khoa đã và đang sử dụng đòn bẩy của mình để hạn chế các hành động quốc tế chống lại chế độ Kim.

Vào tháng 3, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn việc gia hạn nhiệm vụ của ủy ban Liên Hiệp Quốc nhằm giám sát việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Nga trước đây đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt liên quan của Hội đồng Bảo an sau các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bắc Hàn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này rất cần thiết cho an ninh quốc gia và tháng trước đã khiển trách Anh, Đức, Pháp và các đồng minh khác của Mỹ vì cử lực lượng hải quân đi tuần tra để thực thi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

9. Những người điều khiển máy bay điều khiển từ xa Ukraine 'cười ngất' khi họ bay qua thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến của Nga đang tan chảy này

Theo nhà phân tích Andrew Perpetua, lực lượng Ukraine đã làm hư hại hoặc phá hủy hơn một trăm xe của Nga vào hôm 15 Tháng Sáu, trong khi chỉ mất khoảng 30 chiếc máy bay điều khiển từ xa.

Đó là con số tổn thất hàng ngày gần như cao kỷ lục đối với người Nga - và cũng là khoảng cách gần như cao kỷ lục giữa tổn thất của Nga và Ukraine trong một ngày.

Các máy bay điều khiển từ xa có góc nhìn thứ nhất gây nổ của Ukraine chịu trách nhiệm phần lớn cho vụ tàn sát, nếu số liệu của Perpetua là chính xác. Hơn 70 trong số khoảng 100 cuộc tấn công vào các phương tiện của Nga có liên quan đến máy bay điều khiển từ xa trị giá 500 Mỹ Kim mà Ukraine triển khai với tốc độ 100.000 chiếc trở lên mỗi tháng.

Người Nga dường như không có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine. Một thú nhận gần đây của Nga gợi ý lý do tại sao. Trong khi ngành công nghiệp Nga sản xuất nhiều loại thiết bị gây nhiễu vô tuyến chống máy bay điều khiển từ xa - về mặt lý thuyết, có thể chặn tín hiệu giữa máy bay điều khiển từ xa và người điều khiển chúng - thì nhiều thiết bị gây nhiễu này đơn giản là không hoạt động.

Theo một blogger người Nga đang phẫn nộ, một thiết bị gây nhiễu trị giá 2.400 Mỹ Kim được rao bán bởi ít nhất một kênh truyền thông xã hội nổi tiếng của Nga còn tệ hơn là vô dụng. Nó khơi dậy niềm tin sai lầm trong quân đội tiền tuyến—và khiến họ bị máy bay điều khiển từ xa tiêu diệt. Blogger viết: “Thật đáng sợ khi tưởng tượng có bao nhiêu người đã chết vì kỳ vọng sai lầm vào các thiết bị dỏm”.

Thiết bị gây nhiễu đa tần số mà blogger này đã tháo rời và kiểm tra không phải là thiết bị gây nhiễu điều khiển từ xa kém hiệu quả đầu tiên của Nga xuất hiện trên tuyến đầu của cuộc chiến kéo dài 28 tháng của Nga với Ukraine. Vào đầu tháng 4, một lữ đoàn Ukraine đã tổ chức một cuộc đột kích táo bạo kéo dài ba đêm để đánh cắp một chiếc xe tăng cố định của Nga đang trang bị một thiết bị gây nhiễu mới – chỉ để phát hiện ra thiết bị gây nhiễu hoạt động không tốt.

Tuy nhiên, thiết bị gây nhiễu của blogger có thể là thiết bị tồi tệ nhất trong số các thiết bị tồi này. Blogger này đã xác định một “danh sách lớn các lỗi kỹ thuật” và cũng chỉ trích “trọng lượng và kích thước cũng như tay cầm của thiết bị gây nhiễu bị gãy”.

Trong số các lỗi kỹ thuật đó có ăng-ten không khớp và được điều chỉnh không đúng cách. Trong một thiết bị gây nhiễu được chế tạo phù hợp, các ăng-ten có hình dạng và kích thước phù hợp—và quay đúng hướng—để phát sóng nhiễu vô tuyến, mà theo lý thuyết, sẽ chế ngự các liên kết vô tuyến của máy bay điều khiển từ xa trên một khu vực rộng.

Trong thiết bị gây nhiễu trị giá 2.400 Mỹ Kim, có một số bộ phát sóng vô tuyến, mỗi bộ phát được điều chỉnh theo dải tần của một loại máy bay điều khiển từ xa cụ thể —bao gồm máy bay điều khiển từ xa tấn công góc nhìn thứ nhất bay thấp hoặc máy bay điều khiển từ xa giám sát bay cao hơn.

Vấn đề là nhiều ăng-ten gây nhiễu máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất hướng lên trên, mặc dù máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất có xu hướng tấn công từ bên cạnh. Và một trong những ăng-ten hướng lên trên được cố định tại chỗ thay vì có thể điều chỉnh được, như thể các nhà thiết kế “muốn bắn một chùm tia mạnh ngay phía trên”.

Ăng-ten cố định sẽ chỉ hoạt động nếu người điều khiển của đối phương vô tình định vị máy bay điều khiển từ xa của họ trong khu vực hẹp đó ngay phía trên thiết bị gây nhiễu.

Thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến tạo ra rất nhiều nhiệt, đó là lý do tại sao các nhà thiết kế của họ thường dành nhiều sự quan tâm đến các cơ chế khác nhau để làm mát thiết bị gây nhiễu. Các nhà thiết kế hệ thống mới của Nga không làm như vậy. Bộ làm mát chính là một chiếc quạt đơn giản được bắt vít vào bên trong vỏ nhựa.

Tệ hơn nữa, không có lỗ thông hơi nào để quạt có thể hút không khí mát và thoát khí nóng. Theo blogger, sau khi được bật, thiết bị gây nhiễu sẽ nhanh chóng biến thành “lò cao”. Thiết bị gây nhiễu trở nên quá nóng khi chạm vào và các bộ phận bị xuống cấp. Hệ thống này kém hiệu quả khi nó còn nguyên vẹn và nó còn tệ hơn nhiều khi nó tan chảy.

Blogger viết: Những người có ảnh hưởng ở Nga đang rao bán thiết bị gây nhiễu không hoạt động “giết lính của chúng tôi để lấy tiền”. Và những người điều khiển máy bay điều khiển từ xa Ukraine “bay qua cái 'phép màu' này—và cười lớn.”

10. Reuters đưa tin Mỹ cấm bán nhu liệu diệt virus Kaspersky

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US to ban sales of Kaspersky antivirus software, Reuters reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Reuters ngày 20/6 dẫn một nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ sớm ban hành lệnh cấm đối với nhu liệu diệt virus Kaspersky do bị cáo buộc có quan hệ với chính phủ Nga và có chứa nhiều mã độc.

Reuters dẫn lời “một người quen thuộc với vấn đề này” nói rằng “mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Nga” của Kaspersky gây ra rủi ro nghiêm trọng.

Lệnh cấm được cho là sẽ bao gồm việc cấm tải xuống các bản cập nhật nhu liệu, bán lại và cấp phép sản phẩm và sẽ có hiệu lực vào tháng 9.

Theo Reuters, quyền truy cập đặc quyền của nhu liệu vào hệ thống máy tính có thể cho phép nó đánh cắp thông tin nhạy cảm từ máy tính Mỹ, cài đặt nhu liệu độc hại hoặc giữ lại các bản cập nhật quan trọng.

Reuters cho biết Kaspersky được sử dụng bởi chính quyền tiểu bang và địa phương ở Mỹ cũng như các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng.

Giám đốc điều hành của công ty, Eugene Kaspersky, được đào tạo tại trường cao đẳng kỹ thuật KGB và tiếp tục làm việc cho tình báo quân đội Nga. Công ty đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc có quan hệ với chính phủ Nga.

Kaspersky tự mô tả mình là “nhà cung cấp giải pháp bảo mật internet tư nhân lớn nhất thế giới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Reuters cho biết chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ bổ sung công ty này vào danh sách hạn chế thương mại, “gây tổn hại đến danh tiếng của công ty và có thể cản trở doanh số bán hàng ở nước ngoài của công ty”.

Tin tức này xuất hiện một tuần sau khi Bộ Ngoại giao và Bộ Tài Chính Hoa Kỳ ban hành một loạt biện pháp trừng phạt “càn quét” đối với Nga và những người ủng hộ tài chính của nước này.

Hơn 300 biện pháp trừng phạt mới đã được công bố, nhắm vào một loạt thực thể và lĩnh vực từ tài nguyên thiên nhiên của Nga đến các ngân hàng Nga đã chuyển trụ sở ra nước ngoài.
 
Tin dữ: Mẹ Bề Trên và 15 nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo Tây Ban Nha bị vạ tuyệt thông.
VietCatholic Media
04:33 22/06/2024


1. Các nữ tu Tây Ban Nha ly giáo có cơ hội cuối cùng để tránh bị vạ tuyệt thông chính thức

Tổng Giáo phận Burgos ở Tây Ban Nha đã gia hạn cho các Dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Belorado, cho họ thời hạn mới là Thứ Sáu, ngày 21 tháng 6, để trình diện trước tòa án giáo hội và rút lại tuyên bố chính thức rằng họ sẽ rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, là một tội theo giáo luật liên quan đến sự ly giáo, đòi hỏi phải bị vạ tuyệt thông.

Theo tờ báo ABC của Tây Ban Nha, ba trong số các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo, bao gồm nữ tu Isabel de la Trinidad, bề trên của tu viện, cũng như Nữ tu Sión và Nữ tu Paz – đã phải ra hầu tòa án giáo hội của Tổng giáo phận Burgos muộn nhất là vào ngày Chúa Nhật, 16 tháng 6. Tuy nhiên, qua email, các vị đã yêu cầu gia hạn.

Bảy vị Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo khác không còn công nhận thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo và coi “Đức Giáo Hoàng Piô XII là Giáo hoàng tối cao hợp lệ cuối cùng”, cũng phải đối mặt với một thủ tục giáo luật với thời hạn ban đầu khác nhau nhưng bây giờ là cùng ngày 21 tháng Sáu.

Theo nguồn tin của ABC, tổng giáo phận Tây Ban Nha cho biết “tùy thuộc vào những gì mỗi người nói riêng và khi thời hạn trôi qua, việc đánh giá sẽ được thực hiện và chúng tôi sẽ tiến hành theo đó”.

Các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo của các tu viện ở Belorado và Orduña – dưới quyền của các tổng giáo phận Burgos và Vitoria của Tây Ban Nha – đã tuyên bố vào ngày 13 tháng 5 rằng họ không còn công nhận thẩm quyền của các giám mục Công Giáo và của Đức Thánh Cha Phanxicô nữa và rằng họ đang tự đặt mình vào dưới quyền của một giám mục bị vạ tuyệt thông giả tên là Pablo de Rojas.

Tòa án giáo hội của Tổng Giáo phận Burgos gần đây đã tuyên bố rằng các hành động của các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo Tây Ban Nha cấu thành “tội ly giáo, được định nghĩa trong Bộ Giáo luật phù hợp với Điều 751, hình phạt cho tội này được quy định trong Điều 1364 triệt 1, và nó kèm theo việc trục xuất khỏi đời sống thánh hiến.”

Điều 751 của Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tội ly giáo là “việc từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc không chịu hiệp thông với các thành viên của Giáo hội”.

Điều 1364 triệt 1 cảnh báo rằng những người ly giáo - cũng như những kẻ bội giáo hoặc lạc giáo - phải chịu vạ tuyệt thông “latae senentiae” nghĩa là tiền kết, đến mức tiến trình giáo hội được mở ra chống lại những Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo này có thể chỉ đơn giản là chính thức hóa tình trạng vạ tuyệt thông của họ hoặc ban cho họ một cơ hội để rút lại các tuyên bố của mình.

Theo Bộ Giáo luật, ngoài việc bị rút phép thông công, các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo sẽ bị cấm “cư trú tại một địa điểm hoặc lãnh thổ cụ thể” và không được “mặc áo dòng”, có nghĩa là họ sẽ bị buộc phải rời khỏi tu viện nơi họ đang sống.

2. Tổng thống Joe Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị thượng đỉnh G7 để thảo luận về chính sách đối ngoại, biến đổi khí hậu

Tổng thống Joe Biden đã gặp riêng Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng sớm thứ Sáu tại Apulia, Ý, nhân hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy cường quốc, gọi tắt là G7, để thảo luận về chính sách đối ngoại và biến đổi khí hậu.

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7, cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo chính phủ đến từ Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ý. Liên minh Âu Châu cũng tham gia nhưng không phải là thành viên chính thức.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Tòa Bạch Ốc cho biết cả hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thỏa thuận con tin” ở Gaza cũng như sự cần thiết phải “giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”.

Tuyên bố nói thêm rằng “Tổng thống Biden cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì công việc của Vatican nhằm giải quyết các tác động nhân đạo của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, bao gồm cả nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm giúp trả lại những đứa trẻ Ukraine bị bắt cóc về với gia đình của chúng”.

Theo tuyên bố, “Tổng thống Biden cũng tái khẳng định sự đánh giá cao sâu sắc của ông đối với sự ủng hộ không mệt mỏi của Đức Giáo Hoàng đối với người nghèo và những người bị đàn áp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xung đột trên khắp thế giới”.

Vào buổi sáng, trước cuộc họp, một quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Biden cho biết trong cuộc họp báo qua điện thoại rằng Tổng thống Biden dự định thảo luận các vấn đề ở Trung Đông và Ukraine với Đức Giáo Hoàng. Về Ukraine, quan chức này cho biết “Tòa thánh đã tích cực tham gia” vào vấn đề này.

“Đặc biệt, Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã là một đặc phái viên làm việc để trao trả những đứa trẻ Ukraine bị cưỡng bức bắt cóc qua biên giới, bị tách khỏi gia đình của chúng,” quan chức này nói thêm. “Tất nhiên, đó là một trong những bi kịch lớn của cuộc chiến này. Và Tòa Thánh cũng đã tham gia vào việc cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình.”

Quan chức này cho biết Tổng thống Biden cũng sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, “vấn đề gần gũi và thân thiết với cả hai nhà lãnh đạo”.

“ Tất nhiên, kế hoạch thích ứng và phục hồi của tổng thống, được đưa ra vào tháng 11 năm 2021, là một nỗ lực quan trọng nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, cũng như Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đa phương mà Hoa Kỳ đã đóng góp 17,5 triệu Mỹ Kim, một quỹ quan trọng đối với nỗ lực giảm thiểu một số tác động của biến đổi khí hậu”.

Trước cuộc họp dự kiến, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác đã chào ngắn gọn Đức Phanxicô khi ngài đến hội nghị thượng đỉnh để phát biểu trước các quan chức về những lo ngại liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đức Giáo Hoàng, người đã kêu gọi các quy định toàn cầu về Trí Tuệ Nhân Tạo, bày tỏ lo ngại về việc Trí Tuệ Nhân Tạo sẽ trở thành một công cụ chiến tranh và cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trí Tuệ Nhân Tạo mà không có sự can thiệp của con người trong bài phát biểu của ngài. Đức Phanxicô đã thúc đẩy các quy định toàn cầu để bảo đảm Trí Tuệ Nhân Tạo được sử dụng nhằm thúc đẩy lợi ích chung.

Quan chức chính quyền cao cấp cho biết trong cuộc hội thảo qua điện thoại rằng Tổng thống Biden cũng thảo luận về Trí Tuệ Nhân Tạo với Đức Phanxicô – một vấn đề rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng trong năm qua.

Quan chức này cho biết: “Tôi chỉ nói về Trí Tuệ Nhân Tạo, tôi nghĩ cả hai vị đều quan tâm đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, bảo vệ phẩm giá con người và nhân quyền”. “Và vì vậy họ có cơ hội tham gia vào lĩnh vực đó.”

Tuy nhiên, tuyên bố của Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp không đề cập đến Trí Tuệ Nhân Tạo.

Trước đó, Tổng thống Biden đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 10 năm 2021 trong khoảng 75 phút để thảo luận về tình trạng nghèo đói, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác. Đó là cuộc gặp trực tiếp với Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Tổng thống Biden trên cương vị tổng thống, nhưng hai nhà lãnh đạo cũng đã nói chuyện qua điện thoại ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng 10 năm 2023 để thảo luận về xung đột giữa Israel và Gaza. Tổng thống Biden đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô ba lần trước khi trở thành tổng thống.

Tổng thống tuyên bố vào năm 2021 sau khi hai người gặp mặt trực tiếp rằng Đức Phanxicô đã nói với ông rằng ông “là một người Công Giáo tốt và tôi nên tiếp tục rước lễ”. Vatican từ chối bình luận về việc Đức Phanxicô có đưa ra những bình luận đó hay không. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2022, Đức Phanxicô đã chỉ trích Tổng thống Biden vì việc tổng thống ủng hộ việc phá thai, nói rằng việc một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai hợp pháp là một “sự thiếu nhất quán”.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã bất đồng với chính quyền Tổng thống Biden về các vấn đề liên quan đến phá thai và ý thức hệ giới tính. Các giám mục cũng chỉ trích các biện pháp an ninh biên giới gần đây của tổng thống.

3. Đức Thánh Cha kêu gọi tái lập hòa bình tại Cộng hòa Dân chủ Congo

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ đau buồn vì các cuộc thảm sát tại miền Đông Congo Dân chủ và kêu gọi tái lập an bình tại miền này.

Lên tiếng trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 16 tháng Sáu vừa qua, ngài nói: “Các tin tức đau buồn về những vụ đụng độ và tàn sát tại miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp tục được gửi về Tòa Thánh. Tôi kêu gọi chính quyền quốc gia và cộng đồng quốc tế, làm sao để có thể ngưng bạo lực và cứu vãn sinh mạng của các thường dân. Trong số các nạn nhân, có nhiều tín hữu Kitô bị giết vì sự oán ghét đức tin. Họ là những người tử đạo. Sự hy sinh của họ là hạt giống làm nảy sinh hoa trái, và dạy chúng ta can đảm làm chứng về Tin mừng trong sự nhất quán”.

Hôm mùng 10 tháng Sáu vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng cho biết, theo thống kê chính thức của chính phủ Congo, có 41 người bị giết trong một loạt các vụ tấn công, xảy ra ngày 07 tháng Sáu trước đó, do các nhóm du kích Liên minh các lực lượng dân chủ, gọi tắt là ADF, tại tỉnh Beni, ở miền Bắc tỉnh Kivu thuộc miền Đông Congo Dân chủ.

Theo chính phủ nước này, có ba mươi chín người bị giết tại các làng Masala và Mahibi, hai người bị giết tại làng Keme. Có chín người khác bị thương.

Các lực lượng ADF từ hàng chục năm nay trú đóng tại miền Đông Congo Dân chủ, đặc biệt tại tỉnh Bắc Kivu. Năm 2019, ADF đã tuyên bố gia nhập Nhà nước Hồi giáo, gia tăng các đặc tính như một lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Ngày 04 tháng Sáu mới đây, chúng thực hiện các cuộc tàn sát tại Masau, ở vùng biên giới giữa Bắc Kivu và tỉnh Ituri. Trước đó, cuộc tàn sát đã diễn ra hồi tháng Tư và tháng Năm, dường như do cuộc hành quân Shujaa, do quân đội Congo và Uganda cùng phát động để truy lùng các thành phần thánh chiến Hồi giáo ADF.

Cuộc hành quân đó được phát động hồi tháng Chín năm 2021, nhưng đã mang lại hậu quả là đẩy các thành phần ADF chuyển về hướng tây để trốn tránh các nhóm quân Congo và Uganda, và chúng tiến về vùng Mangina cũng như lãnh thổ Mambasa thuộc tỉnh Ituri. Trong những vùng này, quân ADF đã cướp bóc các nguồn tài nguyên của dân địa phương, như cacao và khai thác các mỏ khoáng sản trong vùng để tái tổ chức lực lượng hầu tiếp tục các hoạt động chết chóc của chúng.
 
Nga thảm bại ở miền Đông. Nhà máy lọc dầu lớn nhất Nga cháy suốt 92 giờ. Kế độc của Putin ở Slovakia
VietCatholic Media
17:19 22/06/2024


1. Nga nỗ lực ngăn chặn vụ cháy kho dầu 92 giờ sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Fighting to Contain Oil Depot Fire 92 Hours after Drone Attack”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà máy lọc dầu của Nga vẫn bốc cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine hơn ba ngày trước.

Nhà máy lọc dầu, có trụ sở tại thị trấn Azov thuộc vùng Rostov của Nga, đã bị tấn công từ máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào ngày thứ Ba 18 tháng 6. Cuộc tấn công đã đốt cháy một số bể chứa dầu, gây thiệt hại lớn và làm suy giảm các cơ sở hạ tầng khác tại kho. Vasily Golubev, thống đốc vùng Rostov, báo cáo rằng các dịch vụ khẩn cấp đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát ngọn lửa.

Nhà máy lọc dầu vừa bị tấn công đã giải quyết khoảng 220.000 tấn nhiên liệu tính đến tháng 5 năm nay, được phân chia giữa hai kho cảng chính là DonTerminal và Azovproduct.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, gọi tắt là HUR, Đại Úy Andriy Yusov, tuyên bố rằng HUR nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và nhấn mạnh rằng họ đã thực hiện vụ tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào sáng sớm thứ Ba. Ukraine đã nhiều lần tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga như một phần để trả đũa cuộc xâm lược, chẳng hạn như phá hủy cây cầu Crimea, một trong những tuyến đường chính của Nga vào bán đảo bằng đường bộ.

Tờ Moscow Times hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, đưa tin ít nhất 40 kho dầu và nhà máy lọc dầu của Nga đã bị Ukraine tấn công kể từ đầu năm. Ukraine đã nhiều lần biện minh cho những cuộc tấn công như thế này là một phần cần thiết của nỗ lực chiến tranh. Vào tháng 3, Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp do vai trò của chúng trong việc hỗ trợ lực lượng Nga ở Ukraine.

Đầu tháng này, Putin đã đặt ra các điều kiện cho lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Ukraine, nói rằng Kyiv sẽ phải dừng mọi nỗ lực gia nhập NATO và nhượng lại quyền kiểm soát một số khu vực phía đông Ukraine cho lực lượng Nga.

Putin nói: “Tôi muốn nhấn mạnh, nó phải xuất phát từ toàn bộ lãnh thổ của các khu vực này trong phạm vi biên giới hành chính của họ như chúng đã tồn tại vào thời điểm sáp nhập vào Ukraine.

“Ngay sau khi Kyiv nói rằng họ sẵn sàng cho một quyết định như vậy và bắt đầu rút quân thực sự khỏi các khu vực này và chính thức tuyên bố từ chối kế hoạch gia nhập NATO, từ phía chúng tôi, ngay lập tức, theo đúng nghĩa đen, sẽ có lệnh tới dừng lửa và bắt đầu đàm phán.

“Chúng tôi sẽ làm điều đó ngay lập tức. Rõ ràng, chúng tôi sẽ bảo đảm việc rút quân an toàn và không bị gián đoạn của lực lượng Ukraine.”

Các vụ tấn công nhắm vào các nhà máy lọc dầu, kho dầu, kho đạn và các căn cứ không quân là câu trả lời của người Ukraine cho các yêu sách của Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói rằng ông sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi tất cả các khu vực tranh chấp của Ukraine được giải phóng.

2. Người phụ nữ Saint Petersburg bị kết án 10 năm tù vì cáo buộc đốt các văn phòng nhập ngũ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Saint Petersburg woman sentenced to 10 years in prison for allegedly setting fire to military enlistment office”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Một phụ nữ ở Saint Petersburg, tên là Elena Komaricheva, 24 tuổi, đã bị kết án 10 năm tù vì bị cáo buộc cố gắng đốt cháy một văn phòng nhập ngũ của quân đội, một tòa án thành phố ra phán quyết hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Theo tòa án, Komaricheva đã nhận được hướng dẫn từ một nguồn không xác định về cách thu được vật liệu dễ cháy và tạo ra một loại bom xăng tự chế.

Komaricheva sau đó đã ném ba thiết bị gây cháy tự chế vào văn phòng tuyển mộ nhập ngũ vào tháng 9 năm 2023, được cho là đã gây thiệt hại khoảng 37.000 rúp hay 418 Mỹ Kim.

Luật sư biện hộ cho rằng số tiền thiệt hại không lớn, và cô đã hành động như trên vì người yêu chết trận ở Ukraine. Bất kể những lời bào chữa này, tòa vẫn tuyên án đến 10 năm tù cho số tiền 418 Mỹ Kim.

Ít nhất 11 văn phòng nhập ngũ của quân đội đã bị đốt cháy ở Nga sau khi bắt đầu chiến dịch tổng động viên vào tháng 9 năm 2022, trong đó hàng trăm ngàn quân dự bị được đưa vào quân đội.

Một thanh niên 17 tuổi bị kết án sáu năm tù vào tháng 11 năm 2023 vì âm mưu đốt phá các trung tâm nhập ngũ ở Kirovsk và Saint Petersburg.

Ngay cả khi đỉnh điểm huy động đã lắng xuống, các cuộc tấn công đốt phá các văn phòng nhập ngũ vẫn tiếp tục.

Hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga đưa tin vào tháng 8 năm 2023 rằng đã có ít nhất 28 nỗ lực phóng hỏa các văn phòng nhập ngũ trong 5 ngày trước đó.

3. Lực lượng Ukraine ngăn chặn bước tiến của Nga về phía Borova của tỉnh Kharkiv

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 22 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân tình báo quân đội Ukraine Andrii Yusov đưa tin quân đội Ukraine đã ngăn chặn bước tiến của Nga về hướng Borova ở tỉnh Kharkiv.

Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine hôm 18 Tháng Sáu báo cáo rằng các lực lượng Nga đang tăng cường tấn công ở các khu vực biên giới của tỉnh Luhansk với mục đích chiếm làng Borova ở tỉnh Kharkiv lân cận.

Yusov nói: “Quân phòng thủ Ukraine đã phá vỡ ý định của đối phương ở đó, và tổn thất về nhân lực và trang thiết bị của quân xâm lược là rất đáng kể”.

Ông nói thêm: “Các lực lượng Nga đang cố gắng tăng cường quân dự bị và mối đe dọa tiềm tàng vẫn còn, nhưng chúng tôi không thấy việc thành lập các nhóm hùng mạnh mới để lặp lại tình hình”.

Yusov nói rằng quân đội Nga đã buộc phải bố trí lại lực lượng dự bị, bao gồm cả những khu vực rất “nhạy cảm” khác đối với họ.

Yusov nói: “Điều này cho thấy những tổn thất nặng nề và tình hình chắc chắn không diễn ra theo kế hoạch (của Nga) dành cho họ”.

Phát ngôn nhân nhấn mạnh rằng tình hình ở biên giới phía bắc của đất nước vẫn “căng thẳng và nguy hiểm”.

“Đối phương sẽ tiếp tục cố gắng tăng cường lực lượng dự bị của Ukraine và đánh lạc hướng chúng ta, bao gồm cả tình hình ở phía Đông.”

Borova bị lực lượng Nga xâm lược vào tháng 3 năm 2022 và sau đó được giải phóng vào cuối năm đó trong cuộc phản công sâu rộng của Ukraine ở Kharkiv.

Ngày 18 Tháng Sáu, Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân cho biết lực lượng Nga đang bị tổn thất nặng nề nhưng đang được bổ sung quân số. Lữ đoàn cũng cho biết họ đang cố gắng giữ vững tiền tuyến “bất chấp số lượng địch áp đảo và tình trạng thiếu quân bổ sung cho Lữ Đoàn”.

4. Kyiv cho biết Nga mất 14 xe tăng, 35 xe tăng APV và 54 hệ thống pháo binh chỉ trong một ngày

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses 14 Tanks, 35 APVs and 54 Artillery Systems In Single Day: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, lực lượng Nga đã mất hơn chục xe tăng, cùng 54 hệ thống pháo binh và 35 xe thiết giáp chỉ trong một ngày.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 22 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết tổn thất mới nhất hiện nay đồng nghĩa với việc Nga đã mất hơn 8.000 xe tăng kể từ tháng 2 năm 2022, cùng với hơn 15.000 xe xe thiết giáp chuyển quân và 14.000 hệ thống pháo binh.

Tình báo Ukraine cũng đưa tin hơn 1.000 quân Nga đã bị giết hoặc bị bắt trong 24 giờ trước đó, nâng số người chết ước tính của quân đội Nga lên hơn nửa triệu.

Những tổn thất lớn khác được báo cáo kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 bao gồm 28 tàu hải quân, 359 máy bay, 861 hệ thống phòng không và 11.000 máy bay điều khiển từ xa Vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thừa nhận 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược.

Vào ngày 6 tháng 6, Valdimir Putin đã đưa ra một tuyên bố hiếm hoi thừa nhận thương vong của Nga trong cuộc chiến, mô tả những tổn thất là “không thể bù đắp được”, nhưng khẳng định rằng Ukraine đang phải chịu đựng nhiều hơn đáng kể. Tuyên bố của ông đã bị cả tình báo Mỹ và Ukraine phản đối.

Nhà độc tài Nga nói: “Tôi có thể nói với bạn rằng tổn thất của chúng tôi, đặc biệt là tổn thất không thể khắc phục, chắc chắn nhỏ hơn đáng kể so với tổn thất của bên kia”.

Quân đội Ukraine đã được yêu cầu chuẩn bị cho “bất kỳ kịch bản nào” ở khu vực Kharkiv, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc chiến. Tình báo Ukraine cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới qua biên giới từ khu vực phía đông Luhansk.

Hôm thứ Ba, Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine báo cáo rằng Nga đang mưu toan chiếm các làng Cherneshchyna và Pershotravneve, cả hai đều ở vùng Kharkiv, cũng như một khu định cư ở phía bắc Cherneshchyna, nơi có thể dùng làm đường tiến vào Borova.

5. Slovakia đệ đơn kiện hình sự cựu Thủ tướng vì tặng chiến đấu cơ cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Slovakia files criminal complaint against ex-PM for giving Ukraine fighter jets”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia hiện nay đã đệ đơn khiếu nại hình sự cựu Thủ tướng Eduard Heger và Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Naď vì đã cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đương nhiệm Igor Melicher cho biết hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Slovakia đã tặng toàn bộ phi đội chiến đấu cơ MiG-29 thời Liên Xô và hai hệ thống phòng không cho Ukraine vào mùa xuân năm 2023, trở thành quốc gia đầu tiên gửi chiến đấu cơ đến Kyiv sau cuộc tấn công tổng lực của Putin vào tháng 2 năm 2022.

“Quyết định tặng máy bay phản lực này khiến bầu trời không được bảo vệ và người dân gặp rủi ro về an toàn,” Melicher nói trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, gọi hành động này là vi hiến.

Melicher nói: “Hai quý ông này đã giải giáp Slovakia tốt hơn bất kỳ đối phương nào khác. “Tôi tin chắc rằng Jaroslav Naď đã phản bội Slovakia, quê hương của ông ta.”

Heger, người giữ chức thủ tướng từ năm 2021-2023, và Naď, người giữ chức bộ trưởng quốc phòng từ năm 2020 đến năm 2023, bị cáo buộc có hành vi phá hoại, lạm dụng quyền hạn của quan chức và vi phạm nghĩa vụ trong việc quản lý tài sản quân đội.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kaliňák trước đây đã gọi Naď là kẻ phản bội. “Làm suy yếu các lực lượng vũ trang theo cách vi phạm hiến pháp không thể được mô tả trong từ vựng chính trị của chúng ta như bất cứ điều gì khác ngoài tội phản quốc. Tôi không biết liệu điều này có đáp ứng được bản chất của tội ác này hay không nhưng đây là người đã phản bội các giá trị quốc gia”, Kaliňák nói hôm 13 Tháng Sáu.

Heger và Naď đã phản bác lại các cáo buộc trong một cuộc họp báo vào giữa tháng 6.

Naď cho biết: “Cung cấp vật liệu quân sự cho Ukraine không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề về sự liên kết rõ ràng của Slovakia với thế giới phương Tây,” Naď nói và nói thêm rằng ông rất tự hào về quyết định giúp đỡ Ukraine của chính phủ Heger.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người được bầu vào tháng 10 năm 2023, đã dừng viện trợ quân sự cho Ukraine ngay sau khi nhậm chức.

Các quan sát viên cho rằng quyết định kiện cựu Thủ tướng Heger và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nad có thể không đi đến đâu vì quyết định của các vị này được Quốc Hội Slovakia thông qua. Tuy nhiên, quyết định đâm đơn kiện của chính phủ xã hội chủ nghĩa đang nắm quyền tại Slovakia là một âm mưu nguy hiểm do Nga khởi xướng như một phát súng cảnh cáo nhắm vào các chính trị gia tích cực trợ giúp Ukraine bằng cách chia sẻ các tài sản quốc phòng.

6. Hòa Lan cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine cùng với một quốc gia khác

Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Kajsa Ollongren tuyên bố Hòa Lan sẽ cung cấp phụ tùng cho hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine cùng với một quốc gia khác, Algemeen Nederlands Persbureau đưa tin hôm 21 Tháng Sáu.

Bộ trưởng Quốc phòng Ollongren không nêu tên quốc gia thứ hai cũng không cung cấp thông tin chi tiết về thời điểm hệ thống sẽ được chuyển giao, nhưng cho biết Hòa Lan sẽ cung cấp radar và bệ phóng cho hệ thống.

Kyiv đã kêu gọi các đối tác của mình cung cấp thêm lực lượng phòng không khi Nga tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ukraine đã nhận được khẩu đội Patriot đầu tiên từ Mỹ vào nửa đầu năm 2023 và kể từ đó, hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bầu trời khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Bộ Quốc phòng Hòa Lan cho biết vào tháng 5 rằng Hòa Lan muốn cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine với sự hợp tác của các nước khác và đang đàm phán để xây dựng hệ thống phòng không.

Hòa Lan cho đến nay vẫn chưa cung cấp hệ thống Patriot đầy đủ cho Ukraine nhưng trước đó đã cung cấp bệ phóng và các thiết bị khác cũng như đào tạo thủy thủ đoàn.

Ollongren mô tả quyết định của Rumani cung cấp hệ thống Patriot, được công bố vào ngày 20 tháng 6, là “một tin rất tốt”.

Bucharest cho biết họ quyết định tặng hệ thống Patriot cho Kyiv với sự phối hợp của các đối tác trước “tình hình an ninh ngày càng xấu đi” ở Ukraine do các cuộc tấn công liên tục của Mạc Tư Khoa.

7. Putin đưa ra cảnh báo hạt nhân với phương Tây

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Issues Nuclear Warning to West”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, Putin đe dọa sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga vì. theo ông ta, phương Tây đang “hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Putin đã phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội khi kết thúc chuyến đi tới Bắc Hàn và Việt Nam và cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về cuộc xâm lược đang diễn ra của Putin ở nước láng giềng Ukraine.

Học thuyết hạt nhân của Nga đặt ra các điều kiện để nước này có thể sử dụng loại vũ khí đó. Putin cho biết Mạc Tư Khoa có thể biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu một quốc gia khác sử dụng chúng để chống lại Nga hoặc nếu “sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.

Nga biết rằng một “đối thủ tiềm năng” đang nghiên cứu các yếu tố mới “liên quan đến việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, Putin nói trong cuộc họp báo.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết hôm thứ Năm rằng Putin có thể sẽ phản ứng một phần với nhận xét của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 17 tháng 6 rằng các thành viên của liên minh quân sự đang thảo luận về việc tăng cường sẵn sàng hạt nhân khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc, “mặc dù Stoltenberg không thảo luận về việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”.

ISW đánh giá: Những luận điệu của Putin “cố tình nhằm mục đích thể hiện sự xâm lược của Nga ở Ukraine như một cuộc chiến sống còn vì chủ quyền của Nga”.

Nhà lãnh đạo Nga “có thể viện dẫn khả năng hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân để ám chỉ rằng ông có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lực lượng của ông bị đánh bại một cách dứt khoát trên tiền tuyến nhằm ngăn chặn các đồng minh của Ukraine đạt được mục tiêu chiến lược chung là đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lược Ukraine của Nga - một kết quả có lợi cho phương Tây”, tổ chức nghiên cứu này cho biết.

“Mối đe dọa hạt nhân của Putin là một phần trong chiến dịch tống tiền hạt nhân của Điện Cẩm Linh đang diễn ra nhằm ngăn cản các đồng minh của Ukraine kiên quyết đánh bại cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraine. Bất kể các luận điệu của Putin và các đồng minh của ông ta, rất khó có khả năng dẫn đến leo thang hạt nhân thực sự”, báo cáo cho biết.

ISW cho biết thêm: “Thất bại chiến lược của Nga ở Ukraine không đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga nhưng nó có thể đe dọa sự ổn định của chế độ Putin”.

Đầu tháng này, Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg rằng học thuyết hạt nhân của nước ông là “một công cụ sống động” có thể thay đổi được.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng cảnh báo Mạc Tư Khoa có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân vì “những hành động leo thang và không thể chấp nhận của phương Tây”.

Ryabkov không nói rõ những thay đổi cụ thể nào có thể được thực hiện, nhưng cho biết những hành động gần đây của Mỹ và các đồng minh NATO khác của Ukraine đang buộc Mạc Tư Khoa phải suy nghĩ kỹ lưỡng để đưa ra quyết định.

“Những thách thức đang nhân lên do các hành động leo thang và không thể chấp nhận được của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO, chắc chắn đặt ra trước mắt chúng ta câu hỏi đầy đủ về cách các tài liệu cơ bản trong lĩnh vực răn đe hạt nhân có thể được áp dụng nhiều hơn vào các vấn đề đó”. phù hợp với nhu cầu hiện tại”, Ryabkov được hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax dẫn lời cho biết vào ngày 11 Tháng Sáu.

8. SBU buộc tội hai blogger bị nghi chia sẻ các vị trí quân sự trên mạng xã hội

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã buộc tội hai blogger mạng xã hội vì cáo buộc chia sẻ vị trí của Lực lượng vũ trang Ukraine trên nền tảng mạng xã hội của họ.

Phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 22 Tháng Sáu.

Nghi phạm đầu tiên, một người đàn ông đến từ Zaporizhzhia, được cho là đã chia sẻ các vị trí của Lực lượng vũ trang Ukraine ở quận Kupiansk của tỉnh Kharkiv, cũng như các vị trí phòng thủ gần Robotyne ở tỉnh Zaporizhzhia. Người đàn ông được cho là đã chia sẻ thông tin chi tiết lên kênh Telegram của mình với hơn 140.000 người dùng theo dõi.

Theo SBU, người đàn ông này còn phát trực tiếp chuyển động của xe thiết giáp và hệ thống pháo binh.

Nghi phạm được cho là đã bị bắt giữ khi đang tải nhiều nội dung quân sự bị cấm lên mạng.

Nghi phạm còn lại, một người đàn ông đến từ Vinnytsia, đã đăng vị trí địa lý và đoạn video về một chiếc trực thăng quân sự Ukraine đang bay trên kênh Telegram của mình.

Bị cáo bị buộc tội theo Bộ luật Hình sự Ukraine vì tội “phổ biến trái phép thông tin về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ”.

Trong thông cáo của mình, SBU lưu ý rằng việc phát tán ảnh và video trực tuyến gây nguy hiểm cho các vị trí quân sự của Ukraine “được coi là hỗ trợ hỏa lực của đối phương và là một tội ác có thể bị pháp luật trừng phạt”.

Cuộc điều tra của SBU đang diễn ra và nếu bị kết án, các nghi phạm sẽ phải đối mặt với án tù 8 năm tù.

9. Đồng minh của Putin gợi ý về kế hoạch của NATO cho 'sứ mệnh quân sự' ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Hints at NATO's Plan for 'Military Mission' in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán cho biết quốc gia thành viên NATO này sẽ không tham gia vào các hoạt động của khối phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine bảo vệ nước này trước cuộc xâm lược của Nga, như một phần của thỏa thuận mà ông được cho là đã ký với lãnh đạo NATO.

Nhận xét được đưa ra trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với đài phát thanh Hung Gia Lợi Radio Kossuth. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Hung Gia Lợi bản địa của Orbán.

Orbán cho biết: “Tôi đã đồng ý với tổng thư ký NATO: NATO sẽ thực hiện một sứ mệnh quân sự ở Ukraine, nhưng Hung Gia Lợi sẽ không tham gia vào sứ mệnh đó, thậm chí không cung cấp tiền,” Orbán nói.

“Chúng ta đã đạt được mục tiêu tối thiểu, tôi đã đồng ý với Tổng thư ký NATO, Hung Gia Lợi sẽ rút lui. NATO sẽ có một sứ mệnh quân sự ở Ukraine, nhưng Hung Gia Lợi sẽ không tham gia vào sứ mệnh đó. Người lái xe không thể bị thuyết phục, và bây giờ chỉ có Trump mới có thể dừng đoàn tàu”, ông nói, theo bản dịch của hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti.

Một số cơ quan báo chí bằng tiếng Hung Gia Lợi, bao gồm Blikk và Portfolio, đã trích dẫn các bình luận của Orbán về NATO về tác động đó, mặc dù chủ yếu là diễn giải.

Bài báo trên Portfolio dẫn lời thủ tướng cho biết: “NATO sẽ cử một phái đoàn quân sự đến Ukraine, nhưng Hung Gia Lợi sẽ không tham gia vào sứ mệnh đó”.

“Chúng tôi không chỉ đồng ý với Tổng thư ký sắp mãn nhiệm mà còn với Tổng thư ký NATO mới sắp nhậm chức. Không ai từ NATO sẽ gây áp lực lên Hung Gia Lợi.”

Kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, NATO đã kiên quyết tố cáo “cuộc chiến xâm lược tàn bạo và bất hợp pháp” của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, khối này đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc cho rằng có sự tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hoặc có kế hoạch che giấu bất kỳ sự tham gia nào như vậy.

Orbán, một đồng minh hiếm hoi của Putin trong số các quốc gia thành viên NATO, là người phản đối mạnh mẽ việc phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và đổ lỗi cho các chính trị gia “ủng hộ chiến tranh” ở các nước NATO đã làm leo thang căng thẳng với Nga sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.

Ông cũng đã lên tiếng phản đối việc Ukraine trở thành thành viên của NATO.

Nhưng vào tháng 5, ông đã đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi về quân đội Nga và triển vọng của lực lượng này ở Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào ngày 24 tháng 5, Orbán thừa nhận rằng Putin có thể đang vượt quá tầm kiểm soát của mình khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra.

Orbán nói: “Nếu người Nga đủ mạnh để đánh bại người Ukraine trong một đòn thì họ đã làm được điều đó rồi, nhưng đó không phải là những gì chúng ta đang thấy”.

Orbán cũng được biết đến là một trong những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn nhất ở Âu Châu và thậm chí còn mượn khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông. Đảng Fidesz cầm quyền của ông đã thông báo trong tuần này rằng chức vụ chủ tịch sắp tới của Liên minh Âu Châu sẽ được tổ chức với phương châm “Làm cho Âu Châu vĩ đại trở lại”.

10. ‘Tình huynh đệ’ Putin-Kim làm dấy lên hàng loạt trò đùa, Memes

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin-Kim 'Bromance' Sparks Avalanche of Jokes, Memes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chuyến thăm lịch sử kéo dài hai ngày của Putin tới gặp nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân tại Bình Nhưỡng đã làm dấy lên một loạt trò đùa và meme về “tình huynh đệ” của hai người này.

Putin đã đến thăm Bắc Hàn hôm thứ Ba, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới nước này sau 24 năm. Hai quốc gia đã tăng cường mối quan hệ kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Hai người này đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược mới vào hôm thứ Tư, yêu cầu cả hai quốc gia sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức trong trường hợp chiến tranh. Ông Kim ca ngợi thỏa thuận này là “hiệp ước mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” được ký kết giữa Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa, trong khi Putin cho biết thỏa thuận này cung cấp “sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành động xâm lược” chống lại một trong hai nước.

Hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn, gọi tắt là KCNA, cho biết Putin được trao một giải thưởng như một “biểu tượng cho sự tôn trọng và tin tưởng vô bờ bến của chính phủ và người dân chúng ta đối với ông, người đã có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước”.

Phản ứng trước thông tin này, Tonya Levchuk, người đồng sáng lập Quỹ Liberty Ukraine, đã nói đùa trên X: “Thật là một tình anh em tuyệt đỉnh giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng!”

Những người khác phản ứng với món đồ mà ông Kim tặng Putin - một bức chân dung của Putin trên phông nền đen mô tả Điện Cẩm Linh, Nhà thờ Thánh Basilô ở Mạc Tư Khoa và pháo hoa.

Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, viết: “Kim Chính Ân đã tặng Putin một tấm bia mộ? Hay đó là một bức tranh? Thật khó hiểu”.

Một người dùng X khác viết: “Tôi hiểu mọi chuyện nhưng tại sao Kim lại đưa bia mộ cho Putin?”

Những người khác chế giễu bức ảnh ông Kim và Putin đi trên chiếc xe Mercedes-Benz ở Bình Nhưỡng.

Andrei Kozyrev, Ngoại trưởng Nga từ năm 1990 đến 1996, viết: “Bức ảnh này đã nói lên tất cả. Họ đang thể hiện thái độ thù địch với Mỹ và phương Tây bằng cách lái chiếc Mercedes sản xuất tại Đức”.

Konstantin Sonin, nhà phân tích Nga và giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago, nói trên X rằng ông “không thể tưởng tượng được một nước Nga trong tương lai, trong đó người dân không cho rằng đây là một bức ảnh gây xấu hổ sâu sắc”.

Sonin nói thêm: “Trong bong bóng của mình, Putin dường như không nhận thức được mình trông như thế nào khi cầu xin chế độ thảm hại một cách phi lý này giúp đỡ quân sự chống lại Ukraine”.

“Có chút buồn cười phải không?” Olexander Scherba, một nhà ngoại giao Ukraine từng làm đại sứ Ukraine tại Áo từ năm 2014 đến năm 2021, cho biết về bức ảnh.

Một số người dùng X cũng nhanh chóng so sánh giữa bức ảnh của Kim và Putin trong cuộc gặp tuần này với các meme về ngôn ngữ cơ thể của Putin khi ông nghe Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu tại Sochi, Nga vào năm 2020.

Văn phòng Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt đã lên án thỏa thuận song phương mới giữa Nga và Bắc Hàn.

Văn phòng của ông nói: “Thật vô lý khi hai bên có lịch sử phát động các cuộc chiến tranh xâm lược – Chiến tranh Bắc Hàn và chiến tranh ở Ukraine – lại tuyên bố hợp tác quân sự chung với tiền đề là một cuộc tấn công phủ đầu cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ xảy ra”.
 
Cử chỉ đẹp của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô dành cho người Ukraine. ĐHY Zuppi thăm Thánh Địa
VietCatholic Media
18:10 22/06/2024


1. Tòa Thượng phụ đại kết ký thông cáo hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu, chữ ký của Rwanda bị xóa

Theo trang web của chính phủ Thụy Sĩ, Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople đã thêm chữ ký của mình vào thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh về tốc độ toàn cầu dành cho Ukraine, trong khi chữ ký của Rwanda đã biến mất kể từ ngày 17 tháng 6.

Tính những thay đổi mới nhất, 77 quốc gia và 5 tổ chức đã ủng hộ tài liệu được soạn thảo trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ.

Thông cáo kêu gọi trả lại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine, bảo đảm việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn ở Ukraine, bảo đảm quyền tiếp cận đầy đủ các hải cảng ở Hắc Hải và Biển Azov, thả tất cả tù nhân chiến tranh, và trả lại tất cả trẻ em Ukraine bị bắt cóc, cùng những thứ khác.

Tài liệu cũng tuyên bố bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là không thể chấp nhận được và các cuộc tấn công vào tàu và cảng dân sự là không thể chấp nhận được.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết 101 quốc gia và tổ chức đã tập trung cho hội nghị thượng đỉnh, nghĩa là không phải tất cả những người tham gia đều ủng hộ thông cáo. Lúc đầu, 80 quốc gia đã ký văn bản này, nhưng chữ ký của Jordan và Iraq sau đó đã bị xóa bỏ dưới áp lực của Nga và Trung Quốc.

Nga không được mời tham dự, trong khi Trung Quốc từ chối lời mời.

Brazil, hiện diện với tư cách quan sát viên trong danh sách 92 quốc gia tham gia đã được xác nhận do Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ chia sẻ ngày 14 Tháng Sáu, cũng chưa ký thông cáo chung.

2. Diễn từ của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh tại Hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ về Ukraine

Trong diễn từ tại Hội nghị ở Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Sáu vừa qua, về hòa bình tại Ukraine, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi các phe đối thoại, tôn trọng công pháp quốc tế và chủ quyền của mỗi nước. Đặc biệt, Đức Hồng Y mạnh mẽ kêu gọi bảo vệ các trẻ em và tù nhân, dù là thường dân hay quân nhân.

Trong phái đoàn Tòa Thánh, do Đức Hồng Y hướng dẫn tại Hội nghị, có Đức Tổng Giám Mục Martin Krebs, Sứ thần Tòa Thánh tại Thụy Sĩ, và Đức ông Paul Butnaru, Tham tán Sứ thần thuộc Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

Chi tiết bài diễn từ hôm 16 tháng Sáu của Đức Hồng Y, được Phòng Báo chí Tòa Thánh phổ biến, hôm 17 tháng Sáu vừa qua, trong đó có đoạn ngài khẳng định rằng: “Phương thế duy nhất có thể giúp đạt tới một nền hòa bình đích thực, bền vững và công chính là đối thoại giữa tất cả các phe liên hệ”. Nhân danh Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y tái khẳng định sự gần gũi với nhân dân Ukraine đang chịu đau khổ, và nhắc đến sự dấn thân liên lỉ của Đức Thánh Cha bênh vực hòa bình.

Trọng tâm bài diễn từ của Đức Hồng Y Parolin là cổ võ cộng đồng quốc tế tìm kiếm những phương thức để hỗ trợ và giúp làm trung gian, về nhân đạo hoặc chính trị. Ngài cầu mong rằng nỗ lực ngoại giao do Ukraine cổ võ và được bao nhiêu nước ủng hộ sẽ được kiện toàn, làm sao để đạt tới kết quả mà các nạn nhân đáng được và toàn thế giới hy vọng”. Đồng thời, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng Tòa Thánh tiếp tục dấn thân “duy trì những tiếp xúc liên tục với chính quyền Ukraine và Nga, và cũng sẵn sàng giúp đỡ trong việc thực thi những “sáng kiến trung gian có thể” được cả hai bên chấp nhận và can dự hầu mưu ích cho những người bị tổn thương”.

Đức Hồng Y Parolin đánh giá cao hội nghị thượng đỉnh này ở Thụy Sĩ và gọi đây là một biến cố quan trọng trên thế giới, được Ukraine chuẩn bị kỹ lưỡng; quốc gia này, một đàng, hết sức cố gắng tự vệ chống lại sự gây hấn, nhưng đàng khác, tiếp tục làm việc trên bình diện ngoại giao để đạt tới một nền hòa bình công chính và lâu bền. Đứng trước chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó, điều quan trọng là không cam chịu, nhưng tiếp tục tìm kiếm những phương thức để chấm dứt xung đột, sử dụng thiện chí, tin tưởng và tinh thần sáng tạo”.

Một điểm khác được Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đặc biệt nhấn mạnh là cần phải tôn trọng công pháp quốc tế, đồng thời tái khẳng định nguyên tắc căn bản là tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.

Tiếp đến là vấn đề hồi hương các trẻ em. Về vấn đề này, một cơ cấu đã được thành lập, sau cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, khi viếng thăm tại Kyiv và Mạc Tư Khoa, trong tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng. Về vấn đề này, Đức Hồng Y khẳng định rằng cần củng cố mọi kênh hiện có để tạo điều kiện dễ dàng cho tiến trình này, cũng như để tránh mọi sự lợi dụng tình trạng của các trẻ vị thành niên.

Trong tư cách là quan sát viên tại Hội nghị, Đức Hồng Y Parolin đã không ký vào tuyên ngôn chung kết của Hội nghị, như các nước thành viên.

3. Đức Hồng Y Zuppi viếng thăm nhà thương nhi đồng Bethlehem

Hôm 14 tháng Sáu vừa qua, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã viếng thăm nhà thương Bethlehem, là bệnh viện nhi đồng duy nhất tại vùng Cisjordani, hay là “Bờ Tây” của người Palestine, và ngài nhận thấy rằng “sự đau khổ của các trẻ em tại đây thật là không thể chấp nhận nổi và kêu gọi những người lớn hãy suy nghĩ lại”.

Đức Hồng Y Zuppi hướng dẫn phái đoàn 160 tín hữu từ Tổng giáo phận Bologna của ngài, thực hiện cuộc hành hương “hòa bình và liên đới” tại Thánh địa.

Bệnh viện nhi đồng này của Giáo Hội Công Giáo, hoạt động liên tục từ 71 năm nay trong một vùng có hơn 410.000 người trẻ dưới 18 tuổi sinh sống. Chiến tranh tại Gaza hiện nay càng gây khó khăn cho các gia đình cần đưa con cái bị bệnh của họ đến đây chữa trị, vì từ Gaza đến nhà thương Bethlehem, họ phải qua hàng trăm trạm kiểm soát của Israel. Trong ba tháng đầu tiên của chiến tranh, 700 trẻ em Palestine không được săn sóc cũng vì lý do đó.

Bà Shireen Khamis, thuộc văn phòng thông tin của bệnh viện nhi đồng Bethlehem cho biết chiến tranh càng làm gia tăng những vấn đề kinh tế rất khó khăn cho dân địa phương: không có du khách và các tín hữu hành hương, nhiều gia đình không có công ăn việc làm và không thể được chữa trị. Nhưng bệnh viện này vẫn tiếp tục thi hành phận vụ của mình để săn sóc các em bệnh nhân. Hồi giữa tháng Ba vừa qua, có một đoàn 68 em bệnh nhân từ Gaza. Các em được đón tiếp trong một trung tâm chữa trị chuyên môn và hiện nay đang được tổ chức “SOS-Làng trẻ em” theo dõi và săn sóc, còn việc chữa trị thì được ủy thác cho bệnh viện nhi đồng Bethlehem.

Đức Hồng Y Zuppi được nữ tu giám đốc Aleya Kattakayam, thuộc dòng Đức Mẹ Maria Bé Thơ (Maria Bambina), đang quản trị bệnh viện nhi đồng Bethlehem, hướng dẫn viếng thăm các khu vực trong nhà thương, chào thăm các em bệnh nhân và cha mẹ, trao đổi với các bác sĩ và y tá. Tuyên bố sau cuộc viếng thăm, Đức Hồng Y nói: “Chúng ta ở trong một nơi mà đau khổ của rất nhiều trẻ em được chữa trị. Nhưng không luôn luôn được như vậy. Chúng ta phải khởi hành từ đây để giúp hiểu điều hữu ích cho các em nhỏ nhất, những em mong manh nhất để các em có thể có tất cả những gì các em cần”.

Đức Hồng Y cũng kể rằng một số các em bệnh nhân từ Gaza đã được đón tiếp và chữa trị tại các nhà thương ở Ý. Tôi đã nghe từ họ những chuyện kinh khủng, như các cuộc phẫu thuật mà không có thuốc mê... Khi nhìn các em, chúng ta hiểu mình phải làm gì. “Oán ghét, bạo lực, không biết hiểu đau khổ của người khác và chỉ nghĩ đến mình, đó là tất cả những điều tạo thêm bạo lực và các nạn nhân vô tội như các trẻ em”.