Ngày 18-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con đường 3 chữ phải
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:16 18/06/2016
CN 12C THƯỜNG NIÊN
L

Có lẽ một số người trong chúng ta còn nhớ câu chuyện mà Khái Hưng và Nhất Linh, trụ cột trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đầu bán thế kỷ 20 đã kể về đôi vợ chồng nghèo tên Thức và Lạc, phải đi vớt củi kiếm sống. Chẳng may gặp dòng nước lũ xoáy cuốn luôn bè chìm. Người chồng cố dìu vợ vào bờ, nhưng rất khó khăn, có nguy cơ chết cả hai. Người vợ chợt nghĩ tới thằng Bò, cái Bé, cái Nhớn đang trông ngóng bố mẹ trở về, nên đã từ từ buông tay ra không bám lấy chồng nữa để chồng có thể đủ sức bơi vào bờ một mình, còn mình thì chìm dần, chìm dần rồi mất hút.

Đầu đề của truyện ngắn này là : “Anh Phải Sống.” Anh phải sống, đồng nghĩa với “Em phải chết” !

Trong cuộc sống hằng ngày, khi chỉ có một con đường để đi, chỉ có một lối để thoát, chỉ có một giải pháp duy nhất, thì ta vẫn thường dùng chữ “phải,” chứ không dùng “có thể, có lẽ”. Anh phải đi. Em phải chết. Con phải lấy anh ta. Anh phải yêu em. Không còn con đường nào khác.

Hôm nay trong lúc quan trọng, bài Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu hé mở cho các tông đồ biết con đường mà Chúa Giêsu phải đi, con đường ba chữ PHẢI. Chúa phải chịu đau khổ, phải bị loại bỏ, cuối cùng Ngài sẽ phải bị giết chết.

Trước khi chúng ta tìm hiểu con đường ba chữ PHẢI, tại sao Chúa phải đi con đường đó, chúng ta thử hỏi xem có thể có con đường nào khác không ?

1. Có thể có con đường nào khác không ?

Tông đồ Phêrô khi nghe Thầy mình loan báo con đường ba chữ phải này, thì kéo Chúa Giêsu ra nói nhỏ : Thầy không thể như thế đâu. Còn lý lẽ của loài người lúc nào cũng muốn gào to lên rằng : Chẳng lẽ không có con đường nào khác nhẹ nhõm hơn, dễ dàng hơn để cứu độ trần gian sao ? Nếu để tạo dựng nên vũ trụ bao la, muôn loài muôn vật, Thiên Chúa chỉ phán một lời là có mọi sự, thì tại sao để cứu chuộc, để hồi phục, Ngài không dùng con đường quyền phép đó : chỉ phán một lời mọi sự đâu vào đó.

Hoặc nếu cần, thì sai phái các thiên sứ Kerubim, Seraphim, hay cao hơn nữa, ra lệnh cho các Tổng lãnh Thiên sứ Micael, Gabriel, Raphael xuống trần gian để cứu chuộc. Vượt lên trên đó, Thiên Chúa đã chọn một con đường cực kỳ diệu là đích thân hoá mình làm người để xuống trần. Vậy là chưa quá đủ sao, mà lại còn phải chận bớt khoảng rộng để đi vào con đường quá hẹp hòi, gai góc là phải chịu đau khổ nhiều, phải bị loại bỏ, phải bị giết. Thiên Chúa quyền phép vô cùng, toàn năng vô song muốn gì được nấy, lại nhân từ vô cùng nữa, sao lại để Con của mình cũng là Thiên Chúa phải đi vào con đường khó hiểu như vậy, con đường chẳng có vẻ nhân từ chút nào, chứ chưa nói là con đường của Đấng nhân từ vô cùng.

Cũng vì vậy mà các Tông đồ vấp phạm vì con đường này, còn Phêrô, thì kéo Đức Giêsu về phía mình, một cử chỉ sỗ sàng song thành thực của một dân chài bộc trực như muốn ân cần săn đón, giữ gìn và giật người bạn, người thầy của mình khỏi hiểm nguy, kèm theo lời nói: Thầy đâu thể như thế được ! Nhưng Đức Giêsu đã nổi xung thiên về lời nói đó của Phêrô bằng cách đuổi Phêrô đi cũng bằng một lời như khi đuổi ma quỉ cám dỗ trong sa mạc: Satan, hãy xéo đi !

Vậy con đường Đức Giêsu đi là con đường ba chữ PHẢI, chứ không phải con đường “có thể” để đổi thay, để can gián. Và vì nhất thiết phải đi con đường dẫn tới cái chết do người ta giết, nên ta thử tìm hiểu ý nghĩa con đường Chúa đi đó.

2. Tại sao Chúa phải đi con đường ba chữ “phải” đó ?

Trả lời dễ dàng nhất là chúng ta không trả lời được. Hay nói cách khác: ta không hiểu nổi tại sao Chúa phải đi con đường đó. Chữ PHẢI đây không phải là tất yếu của định mệnh : như nghèo thì phải khổ. Bệnh thì phải đau. Đói thì phải rách. Không học thì phải dốt. Nhưng PHẢI ở đây là điều cần thiết trong kế hoạch của Thiên Chúa, ăn khớp với chương trình của Ngài trên nhân loại, mà chương trình và tư tưởng của Ngài thì vượt xa ý nghĩ của con người. Sách Isaia (55, 6-9) ghi : “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối tư tưởng của Ta cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu”. Cách xa nhau như vậy làm sao ta hiểu nổi kế đồ của Thiên Chúa ! Khi la Phêrô là Satan : Hỡi Satan hãy xéo đi, thì Chúa cũng nói như vậy : vì ngươi chẳng hiểu biết gì những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ biết những gì thuộc về loài người.

Nhưng chúng ta có Chúa Thánh Thần, có Chúa Phục sinh. Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, còn Chúa Phục sinh giải thích cho ta như xưa Chúa Phục Sinh đã giải thích cho hai môn đồ trên đường Emmau (Lc 24,25) : “Hỡi những kẻ kém trí và chậm tin, Đức Kitô há không phải chịu thương khó chịu chết rồi mới vào nơi vinh hiển sao ?” Vậy thì Chúa Phục Sinh đã giải thích và Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho ta hiểu phần nào, tại sao Đức Kitô phải chịu đau khổ, phải chết.

Càng dày lịch sử, càng lắm giải thích. Cho đến nay người ta ghi nhận ít là bốn giải thích này để trả lời cho câu hỏi Tại sao. Tại sao Chúa phải đi con đường đau khổ và chết ? Mỗi giải thích là một cours thần học, nhưng chúng ta chỉ lấy kết luận thôi.

1) Chân lý được khẳng đình rõ nhất là bằng cái chết. Dùng cái chết để chứng minh, thì lời chứng đó hùng hồn nhất (Các thánh Tử đạo sẵn sàng chết để chứng minh Đạo mình theo là Đạo thật ; vợ chàng Trương trầm mình chết để chứng minh mình ở nhà không phản bội chồng ; các võ sĩ đạo Nhật sẵn sàng chết để chứng minh sự thật).

2) Chúa đi con đường đó không phải để đau khổ, để chết nhưng để diễn tả tình yêu cho đến cùng, “Không có tình yêu nào lớn hơn là chết vì người mình yêu.” Mà Thiên Chúa là Tình yêu !

3) Đức Kitô chết để làm giá chuộc cho chúng ta. Người mang thương tích để anh em được chữa lành. Người đã chết – để anh em được sống . Thánh Phaolô nói : Anh em được chuộc bằng giá rất cao : giá máu Con Chúa. Chứng tỏ loài người chúng ta rất có giá.

4) Để lại một mẫu mực cho chúng ta. Nếu Đức Kitô không đau khổ, không chết thì khi con người chúng ta bản tính là hay chết, thân phận là lưu đày đau khổ, chúng ta biết nhìn vào ai, soi vào gương nào để tiến bước khi gặp chết chóc khổ đau.

Cũng chính vì vậy mà trong Bài Tin Mừng hôm nay, sau khi vạch con đường 3 chữ phải, Chúa Giêsu thêm : “Ai muốn đi sau tôi : Hãy bỏ mình vác thập giá mà theo.”

Trong kinh Tin Kính chúng ta sắp xướng đây, chúng ta hãy cùng tuyên xưng, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Đức Giêsu, để biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha, đã phải đi con đường thập giá và phải chết thời Phongxiô Philatô. Lời chúng ta tuyên xưng cũng là lời nhắc nhở khuyến khích nâng đỡ an ủi chúng ta khi chúng ta bước theo con đường 3 chữ phải của Ngài.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Đức Kitô -Con đường thập giá
Lm. Vinh Sơn, scj.
21:04 18/06/2016
Chúa Nhật XII Thường Niên C

ĐỨC KITÔ – CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

Dcr 12,10-11;13,1; Gl 3,26-29; Lc 9,18-24

Ở Roma có ngôi thánh đường nhỏ gần Porta San Sebastiano, gần via Ardeatina thuộc Appian Way, Ngôi thánh đường đó mang tên Quo Vadis Domine trong tiếng Latinh có nghĩa là "Thưa thầy, thầy đi đâu?" gần hang toại đạo Catacombs. Vào tháng 1/2003, khi còn là một chủng sinh về Roma họp của Hội dòng, tôi có đến viếng thăm Hang toại đạo và ngôi thánh đường này. Theo truyền thống của Giáo Hội, nhà thờ này là nơi thánh Phêrô gặp lại Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Quo Vadis Domine”.

Vào thời Giáo Hội thời Hội Thánh sơ khai, các hoàng đế Rôma đã bách hại đạo Chúa hết sức hung hãn: các tín hữu Chúa Kitô, người bị chém đầu, kẻ bị đóng đinh thập giá, nhiều người bị ném vào chuồng thú dữ cho chúng ăn thịt, bị buộc vào cột trụ, tẩm dầu rồi đến đêm châm lửa đốt cháy vùn vụt như bó đuốc nơi hý trường Colisê. Ngày nay vẫn còn Hý trường lịch sử 2000 năm này và Giáo Hội có ngày 30 tháng 6 kính nhớ các tín hữu tử đạo tiên khởi Giáo đoàn Roma… Lúc đó Phêrô là thủ lãnh của Hội Thánh, bị truy nã gắt gao theo lệnh của hoàng đế Nêron. Vì thế theo lời thỉnh cầu của anh chị em tín hữu, Phêrô có ý định tạm lẩn tránh ra khỏi thành Roma một thời gian, cho qua cơn sóng dữ. Một đêm nọ, người ta trông thấy một bóng dáng một đàn ông đang hồi hộp lần bước trên con đường Appian, đó là Phêrô đang trên đường chốn khỏi Roma. Lúc gần đến cửa Capena, bỗng nhiên ông đứng khựng lại! Từ xa một người đang tiến thẳng về phía ông. Ông dụi mắt, rồi quá đỗi mừng vui vì chính là Thầy Giêsu, Phêrô chay đến ôm chầm lấy Người và hỏi: "THƯA THẦY, THẦY ĐI ĐÂU?"... Đáp lai câu hỏi của Phêrô, Người ôn tồn nói: "Phêrô, vì con sợ gian khổ, con định đào tẩu, nên Thầy phải vào thành Roma để bị đóng đinh thêm một lần nữa!" Nói xong, Chúa Giêsu biến mất... Phêrô hiểu ý Thầy: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, kẻ ấy không xứng đáng làm môn đệ Thầy” (x. Mt 9, 23-26. Lc 14, 27), bèn quay gót trở lại thành Roma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin của anh em giáo hữu, xông pha giữa muôn nghìn nguy hiểm đến năm 67 thì bị bắt và bị tống giam ở nhà ngục Tullianum. Rồi sau đó thánh nhân cũng được diễm phúc đi lại con đường thập giá của Thầy Chí Thánh Giêsu, không phải đường lên núi sọ ở Giêrusalem mà là đường dẫn đến hí trường Caligula, trên đồi Vatican…

Cùng với biểu lộ niềm tin vào Chúa Kitô mà Phêrô tuyên tín cùng với Con đường thập giá mà ngài can đảm bước đi gợi cho chúng ta nhớ đến Tin Mừng (Lc 9, 18-24): Tông đồ Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Thầy, Chúa Giêsu mặc khải con đường thập giá, Ngài mời gọi các môn đệ nếu tin và theo thầy thì cùng tiến bước cùng Thầy trên con đường niềm tin, con đường không rộng thênh thang. Nhưng là con đường mang thập giá theo chân Thầy chí thánh.

Chúng ta quay lại với bối cảnh Tin mừng của Luca để khám phá niềm tin và đường thập giá: Trong khi Dân chúng luôn nghĩ Ngài là Êlia vị ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước. Vị ngôn sứ luôn trung tín với Lời Chúa và làm bao nhiêu điều vĩ đại cho Dân, hay cho Ngài là Gioan vị ngôn sứ khiến họ khơi dậy niềm hy vọng vào một Đấng Cứu Độ đang được mong chờ, hay “một ngôn sứ thời xưa đã sống lại” (Ga 9,19) . Như thế quần chúng đánh giá Đức Giêsu là một con người vĩ đại như một ngôn sứ, một “người phát ngôn”, người đến từ Thiên Chúa.

Từ niềm tin của quần chúng tự phát khi nghe và chứng kiến các lời và việc làm của Ngài, Chúa Giêsu dẫn đưa các ông đến xác tín hơn của người môn đệ đi theo thầy: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9, 20a) Ông Phê-rô đại diện nhóm mười hai thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 19, 20b).

“Kitô” trong tiếng Hi lạp và “ Mesiah” có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu tuyển chọn, được Thiên Chúa sai đến với Dân. Đó là Đấng mà toàn thể dân Do Thái luôn mong đợi. Đấng đến để khởi đầu một thời kỳ mới. Người sẽ trở thành vị Chúa Tể thống trị khắp địa cầu.

Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Ghi nhận tâm tình xác tín trên của Tông đồ Phêrô, Thánh sử Luca muốn nhấn mạnh nguồn gốc của Đức Giêsu Kitô. Ngài thuộc về Thiên Chúa, và là con của Thiên Chúa (x. Lc 1, 32-33), Ngài được tuyển chọn (x. Lc 23, 35), xức dầu làm vua (x. Lc 23, 2; 1Sm 9, 15-16; 10, 1; 24, 7; 2, :9) và được sai đến với dân, đặc biệt là những người nghèo và khốn khổ, bị lọai bỏ (x. Lc 1, 16.78; 2, 38). Trong Tin Mừng của Luca, tước hiệu “Đấng Kitô” gắn liền với sự cứu độ. Đấng Kitô chính là Đấng Cứu độ (Lc 2, 11). Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian(x. Lc 7, 16; 1, 47). Ngài là Đấng Kitô cuối cùng Thiên Chúa sai đến với dân Người, để ban ơn cứu độ viên mãn. Với tước hiệu Kitô, Phêrô đã xác tín Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ, mà là Đấng hơn một ngôn sứ nữa, Đấng thuộc về Thiên Chúa, hiện thân của Thiên Chúa được sai đến, cứu độ nhân loại về với Thiên Chúa.

Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Chúa truyền lệnh phải giữ im lặng vì đó là ý muốn của Chúa Cha, cho đến đúng ngày giờ, chính Ngài trong ánh sáng phục sinh đã giải thích lại cho hai môn đệ Emmaus hiểu vai trò cứu độ của Đấng “Mesiah” (x. Lc 24, 26.46). Phêrô đã tuân giữ lời Thầy truyền và sau này khi bắt đầu sứ mạng của Giáo Hội được Thần Khí thúc đẩy theo lệnh Thầy (x. Ga 6, 4-5), trong diễn từ vào lễ Ngũ tuần tông đồ Phêrô công bố tước hiệu “Mesiah” của Đấng Phục sinh (Cv 2, 31.36.38).

Loan báo cuộc Thương Khó trong sứ mạng “Mesiah”, Chúa Giêsu hé mở cho các môn đệ biết con đường thập giá mà Đấng Kitô phải đi. Hành trình của Ngài là làm theo ý của Thiên Chúa Cha (Lc 22, 42). Ai theo Ngài tức là người mang tư cách môn đệ phải từ bỏ chính mình và vác thánh giá. Đức Giêsu mời gọi người môn đệ tuyên xưng về Ngài: tin Đức Kitô đến, thì người môn đệ cũng bước tiến đi con đường thập giá của Ngài. Sự tiến bước trên đường thập giá không là một sự tiến dễ dàng, như trong thực tế: Phêrô đã từng chối bỏ Thầy (x. Lc 22, 54-62), cũng đã từng hoang mang muốn chạy trốn khỏi Rôma: trách nhiệm Giám mục – tức là chối bỏ thập giá. Vị Tông đồ xác định lại niềm tin đã tuyên xưng và con đường thập giá mà mình phải đi, nên ông đã quay trở lại Rôma tiếp tục sứ mạng thập giá mục tử…

Xin cho chúng ta những Kitô hữu – tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô bằng đời sống cụ thể, được mời gọi vác thập giá theo sau Đấng Kitô vác thập giá, đi trên con đường Ngài đã đi. Thân phận Kitô hữu gắn liền với thân phận Thầy mình: "Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài" (2Tm2,11).

Tuyên xưng danh thánh mỗi ngày

Bước Đường thập gía trọn đường tình yêu.

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 18/06/2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bộ phim: Giải phóng một đại lục: Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản
Joseph Nguyễn Văn Thống
17:27 18/06/2016
Bộ Phim: Giải phóng một đại lục: Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản

“Liberating a Continent: John Paul II and the Fall of Communism – Giải phóng một đại lục: Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản” là tiêu đề bộ phim tài liệu mới về Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang được trình chiếu tại Hoa Kỳ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào ngày 2/4/2005. Trong thánh lễ an táng của ngài có hàng trăm nguyên thủ quốc gia và có khoảng 4 triệu người đã tuôn về Roma để tiễn biệt ngài lần cuối. Đông đảo tín hữu tham dự thánh lễ đó đã hô vang: “Santo subito- phong thánh ngay lập tức.” Sau đó, tiến trình hồ sơ phong thánh cho ngài được tiến triển tốt đẹp. Vào ngày 19/12/ 2009, Đức Bênêdictô XVI đã ký sắc lệnh tuyên bố ngài là bậc đáng kính và ngày 1/5/2011 Đức Gioan Phaolô II đã được phong lên hàng chân phước. Ngày 27/4/2014, Đức Phanxicô đã nâng ngài lên bậc hiển thánh. Bộ phim tư liệu mới này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về con người vĩ đại- Đức Gioan Phaolô II.

Bộ phim “Giải phóng một đại lục: Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản” được tường thuật bởi Jim Caviezel, người đóng vai Chúa Giêsu trong bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” do Mel Gibson đạo diễn. Bộ phim đã phóng vấn rất nhiều nhân vật quan trọng bao gồm Đức Hồng Y Stanislaw tổng giám mục Krakow, nguyên thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II, Hanna Suchocka thủ tướng Ba Lan từ 1992-1993, Richard Allen cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ thời tổng thống Reagan từ 1981-1982, cùng các sử gia, chính trị gia, nhà báo, các giáo sư.

Bộ phim tư liệu này đã lột tả vai trò quan trọng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc giải phóng cả một đại lục rộng lớn tại Châu Âu. Theo David Naglieri, người viết kịch bản và đạo diễn bộ phim nói với CNA rằng: “Sự khác biệt bộ phim của chúng tôi và các tác phẩm cùng loại trong quá khứ ở chỗ chúng tôi nhìn toàn cảnh cục diện của Trung Tâm và miền Đông Âu và sứ điệp của ngài không những lay động riêng Ba Lan mà cả các quốc gia khác nữa.”

Cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II từ thời thơ ấu đến khi làm linh mục, giám mục, Hồng Y và sau đó là Giáo Hoàng cũng được đề cập trong bộ phim. Lời hiệu triệu của ngài khi khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng, “đừng sợ- hãy mở cửa cho Chúa Kiô”, đã làm xúc động trái tim thế giới.

Nhiều chứng nhân được phóng vấn đã kể lại các cuộc trở về quê hương Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, các hoạt động công khai hay âm thầm của ngài nhằm thúc đẩy việc sụp đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan, Liên Xô và Đông Âu. Cuộc trở về Ba Lan lần thứ nhất với 9 ngày vào năm 1979 là điểm đặc biệt. Đức Hồng Y Stanislaw đã nhận định cuôc trở về quê hương lần này của Đức Gioan Phaolô II là khởi đầu cho sự sụp đổ chế độ cộng sản tại Balan và làm thay đổi thế giới:“ Không có gì nghi ngờ, bạn có thể nói rằng mọi sự bắt đầu từ đó.” Trong dịp này, Đức Gioan Phaolô II khẩn khoản mời gọi dân chúng Ba Lan hãy can đảm và ngài ngỏ lời: “Hãy để Chúa Thánh Thần ngự đến! xin người canh tân bộ mặt trái đất, canh tân bộ mặt miền đất này.”

Suốt hơn 26 năm can đảm lên tiếng bảo vệ phẩm giá và quyền con người trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã được tường thuật trong bộ phim. Mặc dù đã thành mục tiêu tấn công và bị bắn tại quảng trường Roma vào ngày 13/5/1981 ý chí của ngài không giảm trong việc giúp giải phóng Ba Lan, Liên Xô và các nước Đông Âu thoát khỏi chế độ cộng sản.

Bộ phim tư liệu này là một tin vui cho mọi người hiểu biết hơn về Đức Gioan Phaolô II. Đặc biệt cuộc đời và sứ vụ giáo hoàng của ngài có một ý nghĩa trổi vượt đối với quê hương và dân tộc Việt Nam. Với tư liệu dồi dào trong bộ phim, nó sẽ đem lại những giá trị thiêng liêng và khuyến khích người Việt noi gương Đức Gioan Phaolô II để cống hiến những khả năng của mình cho sự tự do của dân tộc.

Nếu bạn quan tâm: Bộ phim tài liệu “Liberating a Continent: John Paul II and the Fall of Communism” đang được phát sóng trên truyền hình PBS trong tháng sáu này tại Hoa Kỳ. Để biết thêm thông tin về lịch trình chiếu hoặc để mua DVD bộ phim, ghé thăm: https://jp2film.com
 
Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời mời của Chúa Giêsu “hãy hoán cải”.
Đặng Tự Do
17:05 18/06/2016
Sáng thứ Bẩy 18 tháng 6, trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt với 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người hãy đón nhận lời mời của Chúa Giêsu “hãy hoán cải”.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt mỗi tháng một lần vào ngày thứ Bẩy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu xuất hiện nhiều lần với các môn đệ trước khi lên trời đến vinh quang của Chúa Cha. Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe (Lc 24,45-48) kể về một trong những lần xuất hiện này, trong đó Chúa chỉ ra nội dung căn bản trong sứ điệp các tông đồ sẽ mang đến cho thế giới. Chúng ta có thể tổng hợp nó trong hai từ: "hoán cải" và "tha thứ tội lỗi". Đây là hai khía cạnh quan trọng của lòng thương xót của Thiên Chúa, đang chăm sóc cho chúng ta trong tình yêu. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét chủ đề hoán cải.

Chủ đề này được trình bày thông qua Thánh Kinh, và một cách đặc biệt, trong việc rao giảng của các tiên tri, là những người liên tục mời gọi mọi người hãy "trở về với Chúa" trong khi kêu gọi họ tha thứ và thay đổi lối sống. Hoán cải, theo các tiên tri, nghĩa là thay đổi hướng đi và một lần nữa quay về với Chúa, trong niềm tín thác rằng Ngài yêu thương chúng ta và tình yêu của Ngài luôn luôn là thành tín.

Chúa Giêsu đã chọn hoán cải là từ đầu tiên trong hành trình rao giảng của Ngài: "Hãy hoán cải, và tin vào Thánh Kinh" (Mc 1:15). Cùng với lời loan báo này, Ngài trình bày chính mình cho mọi người, yêu cầu họ chấp nhận lời Ngài như những lời chung cuộc và dứt khoát của Chúa Cha đối với nhân loại (Mác 12,1-11). So với việc rao giảng của các tiên tri, Chúa Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ hơn chiều kích nội tâm của việc hoán cải. Thật vậy, toàn bộ con người phải toàn tâm toàn trí hoán cải để trở thành một thụ tạo mới.

Khi Chúa Giêsu mời gọi hoán cải, Ngài không đặt mình như một vị thẩm phán xét xử dân chúng, nhưng Ngài mời gọi họ từ một vị trí của sự gần gũi, bởi vì Ngài chia sẻ điều kiện sống của con người và mời gọi họ trên những đường phố, trong các gia đình, từ những bàn ăn ... Lòng Thương Xót của Ngài hướng đến những ai cần thay đổi cuộc sống của họ đã diễn ra thông qua sự hiện diện từ ái của Ngài hầu thu hút sự tham gia của mỗi người trong lịch sử cứu độ. Bằng sự hiện diện này, Chúa Giêsu chạm đến những chiều sâu thẳm của lòng người và họ cảm thấy bị thu hút bởi tình yêu của Thiên Chúa và cảm thấy được mời gọi để thay đổi cuộc sống của mình. Câu chuyện hoán cải của Thánh Matthêu (x Mt 9,9-13) và ông Giakêu (x Lc 19,1-10) xảy ra chính xác trong cách thức này. Họ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa Giêsu, và qua Ngài, là tình yêu của Chúa Cha. Hoán cải chân thực sẽ xảy ra khi chúng ta chấp nhận ân sủng, và một dấu chỉ rõ ràng về tính xác thực của ân sủng là khi chúng ta trở nên nhạy cảm trước nhu cầu của anh chị em chúng ta và sẵn sàng để đến gần họ.

Anh chị em thân mến,

Bao nhiêu lần, chúng ta cảm thấy cần phải thực hiện một sự thay đổi trong đó lôi cuốn sự tham gia của toàn bộ con người chúng ta! Bao nhiêu lần chúng ta nói với chính mình: "Tôi cần phải thay đổi, tôi không thể tiếp tục sống kiểu này. Cuộc sống của tôi trên con đường này sẽ không mang lại hoa trái; nó sẽ là một cuộc sống vô dụng và tôi sẽ không được hạnh phúc.” Những suy nghĩ như thế có thường xuyên đến trong tâm trí chúng ta không? Và Chúa Giêsu, Đấng đang gần gũi chúng ta, đang chìa đôi tay Ngài ra và nói, "Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ giúp con: Ta sẽ thay đổi con tim của con, Ta sẽ thay đổi cuộc sống của con, Ta sẽ làm cho con được hạnh phúc" Chúng ta có tin điều này không, có hay không? Anh chị em nghĩ sao? Anh chị em có tin điều này hay không? Hãy vỗ tay lớn hơn và kêu to hơn nữa! Anh chị em có tin hay không? "Vâng! Chúng ta tin như thế. Chúa Giêsu, Đấng đang ở với chúng ta nhắc nhở chúng ta phải thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chính Ngài, cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng đang gieo trong chúng ta sự khao khát khôn nguôi muốn thay đổi cuộc sống và sống mỗi ngày tốt hơn một chút. Chúng ta hãy theo lời mời gọi của Chúa và đừng kháng cự lại, bởi vì chỉ khi chúng ta mở lòng mình ra cho lòng thương xót, chúng ta mới tìm thấy cuộc sống và niềm vui thật sự.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huynh đoàn Phan Sinh Tại thế Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
02:03 18/06/2016
Melbourne, vào lúc 10.30 sáng Thứ Bảy 18/6/2016. Trong cái lạnh lẽo của một buổi sáng mùa Đông. Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Huynh đoàn Phan Sinh tại thế đã dâng lễ mừng Thánh An Tôn Padova là bổn mạng của huynh đoàn.

Mời xem hình

Huynh đoàn đã tề tựu rất sớm để cùng nhau đọc kinh thần vụ. Tượng Thánh An Tôn Padova được trang hoàng hoa nến thật trang trọng. Mọi người cất cao tiếng kinh nguyện, ngợi khen Thiên Chúa và đọc kinh cầu Thánh An Tôn. Đúng 11 giờ, Thánh lễ đồng tế mừng bổn mạng được cử hành.

Thánh lễ mừng kính được Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, Linh mục Mai Văn Sang Dòng Phaxico Viện tu cùng tám linh mục thuộc Giáo phận Thanh Hóa đồng tế. Đoàn Thánh Tâm Ca đã cất cao lời ca tiếng hát du dương, truyền cảm để vinh danh và tạ ơn Chúa giúp cho thánh lễ sốt sắng hơn.

Mở đầu, Linh mục quản nhiệm đã chào mừng đoàn Linh mục Giáo Phận Thanh Hóa đã đến dâng lễ cùng cộng đoàn nói chung và mừng lễ bổn mạng Huynh đoàn Phan Sinh nói riêng, và cầu chúc mọi thành viên Huynh đoàn Phan Sinh noi gương Thánh nhân để có cuộc sống đơn sơ, thánh thiện.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa. Linh mục Mai Văn Sang Dòng Phaxico là trợ úy của huynh đoàn đã nói về gương Thánh An Tôn, một vị Thánh với tài năng giảng thuyết tuyệt vời, tuy đời sống của Ngài ngắn ngủi, nhưng Ngài đã để lại gương sống đạo qua lời rao giảng, đã cứu được nhiều người từ bỏ, xa rời đạo Chúa quay trở lại với Giáo Hội.

Chị Thanh đại diện cho huynh đoàn đã cám ơn quý cha, ca đoàn, cùng toàn thể cộng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ mừng bổn mạng huynh đoàn, chị cũng ngỏ lời xin mọi người cùng cầu nguyện để mọi đoàn viên biết noi gương Thánh nhân sống đời sống khó nghèo, thánh thiện để làm chứng tá đức tin.

Đoàn Thánh Tâm Ca đã hát vang bài ca Kinh Hòa Bình là lời kinh nguyện của Thánh tổ Phaxico, tổ phụ của Dòng Phanxicô kết thúc Thánh lễ mừng bổn mạng của huynh đoàn.

Một bữa tiệc mừng được tổ chức tại hội trường trung tâm, để mọi người chung vui cùng huynh đoàn, đây cũng là dịp cho mọi người thăm hỏi nhau, chuyện trò thân mật, tiếng cười, tiếng nói chan hòa tình thân ái đã làm cho không khí ấm áp, xua bớt cái lạnh mùa Đông.
 
Giáo xứ Phú Bình: Thánh lễ Tạ Ơn của các tân linh mục khóa 12 ĐCV Sàigòn
Martino Lê Hoàng Vũ
09:05 18/06/2016
Giáo xứ Phú Bình: Thánh lễ Tạ Ơn của các tân linh mục khóa 12 ĐCV Sàigòn

“Qua đôi tay của người linh mục Thiên Chúa ban muôn hồng ân, đôi tay các cha mới vừa được xức dầu trong thánh lễ truyền chức. Cuộc đời linh mục là một huyền nhiệm, mang trong mình Đức Giêsu đến cho mọi người”Đó là lời chia sẻ của Cha Giu se Vương Sĩ Tuấn chánh xứ Phú Bình trong thánh lễ tạ ơn của các tân linh mục khóa 12 thuộc Đại Chủng Viện Thánh Giuse chiều nay.

Xem Hình

Lúc 17g00 tại Giáo Xứ Phú Bình đã diễn ra thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa của các tân linh mục Khóa 12 Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.Đặc biệt có sự hiện diện của Cha Giuse Trần Bình Long đã giúp mục vụ Phó Tế trong thời gian vừa qua tại Giáo xứ Phú Bình.

Thánh lễ do Cha Giuse Trần Bình Long Chủ Tế và 10 Tân Linh Mục, cùng với Cha Giuse Phạm Bá Lãm Hạt Trưởng Phú Thọ,Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn chánh xứ Phú Bình, Quý Cha thân hữu và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Phú Bình hiện diện đông đủ.

Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay theo Phụng vụ thứ sáu XI Thường niên.Bài Tin Mừng Chương 6,19-23: lời dạy của Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người hãy tìm kiếm kho tàng Nước Trời. Qua bài chia sẻ của cha mới mọi người hiểu kho tàng ở đây là tình yêu thương rộng mở, là quan tâm đến người khác, là đi ra ngoài vùng biên để loan báo Tin Mừng. Kho tàng ở đây không phải là thu tích của cải vật chất. Giáo Hội cần có các Linh Mục để thông truyền ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại. linh Mục là sự hiện diên của Chúa Kitô, Linh Mục cũng là con người có những mỏng dòn yếu đuối sa ngã. Ân ban thì cao quý th ân phận thì mỏng dòn,linh mục cũng là những rất cần lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của cộng đoàn.Linh mục mang đến niềm vui và Bình an cho cộng đoàn, nhưng cũng đón nhận từ cộng đoàn những sự nâng đỡ.Trong thánh lễ hôm nay giáo xứ đón nhận các cha mới về dâng lễ tạ ơn, chia sẻ niềm vui với giáo phận cùng đồng hành với các linh mục trong sứ vụ mà Chúa giao phó.

Sau lời nguyện hiệp lễ Ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Chúc Mừng và cám ơn các Tân Linh Mục đã về dâng thánh lễ tạ ơn tại giáo xứ.Ông tin rằng cộng đoàn dân Chúa luôn đồng hành với các linh mục trong lời nguyện và qua gương mẫu đón nhận ơn gọi của các ngài.Các em thiếu nhi và Lễ Sinh sẽ tiếp bước trong đời sống ơn gọi dâng hiến cho Chúa.

Kế đó cha Giuse Trần Bình Long đại diện các em em linh mục vừa được thụ phong cám ơn cha chánh xứ Phú Bình ngài là một cha giáo hướng dẫn an hem linh mục, nhưng còn là một tấm gương cho các cha mới noi theo trong bước đường sứ vụ linh mục.

Sau cùng Cha Chánh Xứ mời các Linh Mục ban phép lành đầu đời Linh Mục trên công đoàn giáo xứ để giáo xứ được luôn phát triển trong hồng ân của Chúa.