Ngày 18-06-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kinh Lạy Cha - lời kinh tuyệt vời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:18 18/06/2014
Thứ năm tuần 11 thường niên

Trong chuyến hành hương Đất Thánh, tôi có đến thăm Nhà Thờ Kinh Lạy Cha tại Giêrusalem. Tảng đá Chúa ngồi dạy Kinh Lạy Cha vẫn còn đó. Nhà thờ này do các Soeur Dòng Kín Cát Minh người Pháp coi sóc. Nơi đây có 114 phiến đá ghi Kinh Lạy Cha bằng 114 ngôn ngữ. Có bản kinh bằng tiếng Việt do Đức cố Giám mục Phạm Ngọc Chi đặt từ năm 1959.

Thánh Luca xếp hoàn cảnh Kinh Lạy Cha ngay sau trình thuật bữa ăn ở nhà Matta, Maria. Câu chuyện xảy ra ở vùng núi Ôliu. Nơi chốn và thời gian của Kinh Lạy Cha là: “Mọi người trở về nhà mình, còn Chúa thì đến và qua đêm ở núi Ôliu.” Cả ngày Chúa giảng trong đền thờ. Đêm đến Thầy trò kéo nhau về núi Ôliu. Bấy giờ các môn đệ hỏi Chúa cách cầu nguyện. Chúa đã dạy Kinh Lạy Cha. Đây là lời kinh duy nhất Chúa để lại.

Kinh Lạy Cha, một lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm.

Kinh Lạy Cha bao gồm: một lời thân thưa, hai lời nguyện ước và ba lời cầu xin.

1. Lời thân thưa

Thiên Chúa được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau : Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa thánh thiện… Mỗi danh hiệu nói lên một ưu phẩm, một đặc tính của Thiên Chúa.

Nhưng không một danh hiệu nào lại đậm đà, trìu mến, ý nghĩa, hy vọng cho bằng danh hiệu Cha. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ là mỗi khi cầu nguyện hãy thân thưa : Lạy Cha chúng con ở trên trời.

Lời mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lời diễn tả một chiều kích thiêng liêng, các môn đệ được đi vào đời sống thân mật, liên kết với Chúa Cha và Chúa Con.

Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ Cha gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm vô cùng.

Từ đây, lời thân thương “Lạy Cha” luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kitô hữu. Lời gắn kết họ với Thiên Chúa. Lời nối kết tương quan cha con trong tình yêu. Hồng ân thật cao quý Chúa muốn ban cho con người. Được gọi Thiên Chúa là Cha, được làm con cái của Thiên Chúa. Đó là tư cách rất riêng của những ai là môn đệ Đức Giêsu. Ơn gọi làm con là ơn gọi căn bản nhất, ơn gọi cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu. Vì thế chúng ta phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha và huynh đệ với tha nhân là anh chị em. Vì chưng toàn thể nhân loại chỉ có một Cha và tất cả đều là anh em chị em của nhau.

2. Hai lời nguyện ước

"Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển" và "Triều đại Cha mau đến" là hai lời nguyện ước của những người con thảo hiếu hướng về Cha mình.

Thiên Chúa không cần đến lời chúng ta cầu nguyện để nhờ đó danh Người và triều đại Người mới được hiển thánh, được tôn vinh. Tự bản chất, Thiên Chúa không cần đến những lời cầu xin của chúng ta, có hay không, danh Người mãi mãi vẫn rạng ngời vinh hiển.

Vậy thì chúng ta cầu nguyện như thế để làm gì? Chắc một điều đó là vì phần ơn ích cho chúng ta.

Hai lời nguyện ước là xin cho danh Thiên Chúa được hiển thánh nơi chính con người chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Là con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, người con xin Cha thánh hoá, xin Cha kiện toàn mỗi ngày để con được nên thánh, được tham dự vào cuộc sống thần linh với Cha. Người con cần sống hiếu thảo. Biết quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về Cha của mình. Là con của Cha trên trời thì chúng ta phải làm cho Danh Cha được cả sáng và Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện. Cha rất vui, hài lòng khi có những người con biết sống hiếu thảo như thế.

3. Ba lời cầu xin.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Xin cho những nhu cầu chính đáng phần xác phần hồn: lương thực hằng ngày, ơn thứ tha tội lỗi, ơn vượt thắng cám dỗ và ơn thoát khỏi sự dữ. Thân xác cần cơm bánh lương thực. Linh hồn cần ơn thánh. Ba lời cầu xin rất thiết thực đối với sự sống của nhân loại. Lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày, thiết thực và hữu ích cả trên bình diện thiêng liêng lẫn cuộc sống đời thường. Bởi ngoài nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh ra, người Kitô hữu cần đến một thứ thần lương tuyệt vời khác chính là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô.

Ơn tha thứ thật cần thiết. Trước mặt Thiên Chúa, con người là tội nhân. Tha thứ cho nhau là điều kiện cần và đủ để chúa tha thứ cho mình. Được Cha yêu thương chăm sóc và thứ tha các lỗi lầm, con noi gương Cha sống yêu thương tha thứ cho anh em của mình. Như thế mới trọn vẹn tình con thảo hiếu.

Cạm bẫy và cám dỗ vẫn bủa vây tư bề. Cần tỉnh thức trước mọi cơn cám dỗ. Ơn Chúa là nguồn trợ loực là sức mạnh để con người vuột thắng mọi cám dỗ.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Vinh danh và thánh ý Chúa được đặt trên hết. Các nhu cầu của con người được đặt sau.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Con người được gọi Thiên Chúa là Cha. Mỗi người là con cái của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời. Xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi sa chước cám dỗ ở tương lai.

Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này.

Lạy Cha,
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con chưa nhận thấy được.
Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:05 18/06/2014
LỜI HỨA CỦA TÌNH YÊU

N2T


Phong tín tử ngày ngày đuổi theo bươm bướm hỏi:

- “Nói cho cùng thì em có yêu anh không ? Em có thể vĩnh viễn cam đoan với anh là lòng em không thay đổi không?”

Bươm bướm, sau khi giải thích rồi lại giải thích, cam đoan rồi lại cam đoan, cuối cùng vẫn bất đắc dĩ nói:

- “Giả sử tình yêu của chúng ta được thiết lập trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, quy tắc căn bản là không cần phải hứa gì cả. Bởi vì, bản thân của tình yêu chính là một cách hứa rồi vậy”.

(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:

Tôi có một cô học trò nhí nhảnh dễ thương, đã hỏi tôi: “Thưa thầy, anh ấy đã hứa với con là yêu con suốt đời, bây giờ anh ta đi cặp bồ với cô gái khác, như vậy anh ấy có tội không?”- Tôi trả lời: “Có chứ, tội...nói láo”.

Đúng là tội nói láo, còn mức độ nặng nhẹ thì phải để lương tâm của anh ta và Thiên Chúa xét đoán. Đây không phải là một lời hứa long trọng của bí tích hôn phối được cử hành trong nghi thức hôn phối của Giáo Hội Công Giáo, có sự chứng kiến của linh mục và cộng đoàn, cho nên anh ta chỉ mắc tội nói dối người bạn gái dễ thương của mình mà thôi.

Bản thân của tình yêu là một lời hứa.

Bởi vì:

Một tu sĩ khi chưa chính thức khấn công khai, mà đã tuân giữ và sống những lời mình sẽ khấn vì yêu hội dòng và luật dòng, thì cũng là –đối với Thiên Chúa- coi như là đã khấn, lời khấn công khai chỉ là công thức và hợp thức hoá theo giáo luật.

Trái lại, một tu sĩ đã tuyên khấn (tạm hay trọn đời) mà không giữ lời khấn thì –trước mặt Thiên Chúa- coi như là không có khấn vì không yêu mến luật dòng, mà lại mắc thêm tội và gây ra gương mù gương xấu cho cộng đoàn và cho các giáo hữu.

Mỗi người Ki-tô hữu đều có lời hứa từ bỏ ma quỷ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng trong cuộc sống hằng ngày có lẽ chúng ta quên mất lời hứa ấy, để sống như những người chưa bao giờ hứa từ bỏ ma quỷ. Nhưng qua đời sống thánh thiện đạo đức, qua việc làm bác ái yêu thương của chúng ta, thì chắc chắn mọi người sẽ nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa, dù rằng họ chưa bao giờ nghe thấy chúng ta hứa từ bỏ ma quỷ.

Bản thân của tình yêu chính là một lời hứa rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư


-----------------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:09 18/06/2014
N2T

1. Có tình yêu thì không có nhọc nhằn; cho dù có nhọc nhằn thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu đốt hóa lỏng.

(Thánh Augustinus)
---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
2 học giả được nhận giải thưởng Ratzinger 2014
Chỉnh Trần S. J.
08:48 18/06/2014
2 học giả được nhận giải thưởng Ratzinger 2014

Hôm thứ ba (17.06.2014), Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố danh tính 2 học giả gồm một người Pháp và một người Ba Lan được nhận giải thưởng Ratzinger năm 2014. Cả hai vị đều là những học giả nghiên cứu Thánh kinh và có nhiều đóng góp tích cực trong việc đối thoại giữa Do thái giáo và Công Giáo.

Người thứ nhất được nhận giải Ratzinger là nữ giáo sư người Pháp Anne-Marie Pelletier. Bà đang giảng dạy Kinh thánh và Thông Diễn học tại Đại Chủng viện Notre Dame ở Paris. Bà cũng đang giảng dạy Kinh thánh tại Viện Tôn giáo học Âu Châu. Bà đã từng phục vụ trong cương vị là phó chủ tịch Văn phòng lưu trữ thông tin và tài liệu về quan hệ giữa Do thái giáo và Kitô giáo. Bà đã tham dự nhiều hội nghị được Tòa Thánh bảo trợ và đã từng là dự thính viên tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2001 bàn về vai trò của Giám mục như người phục vụ Tin Mừng. Giáo sư Anne-Marie Pelletier là người nữ đầu tiên được nhận giải thưởng Ratzinger.

“Giáo sư Pelletier là một nhân vật rất quan trọng của Giáo Hội Công Giáo Pháp đương đại. Bà có được một uy tín khoa học cùng với một sức sống văn hóa lớn lao và uyên bác cũng như một sự cống hiến đích thực đối với chứng tá Kitô giáo trong xã hội”, Đức Hồng Y Camillo Ruini, Chủ tịch Ủy ban Khoa học Quỹ Ratzinger nói.

Người thứ hai được nhận giải là Đức ông Waldemar Chrostowski, tổng biên tập Hợp tuyển thần học Ba Lan, và đã từng phục vụ trong cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các học giả Kinh thánh Ba Lan từ năm 2005. Ngài đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2008 về Lời Chúa và sứ vụ của Giáo Hội trong tư cách là một chuyên viên. Ngài đã viết rất nhiều bài viết công phu và giá trị về Cựu ước, một lãnh vực ưa thích của ngài, đặc biệt là về các Ngôn sứ. Ngài không chỉ là một chuyên gia về văn chương thời kỳ giữa Cựu và Tân ước mà còn về Do thái giáo và mối liên hệ giữa Do thái giáo với Kitô giáo.

Đức ông Chrostowski giảng dạy tại Khoa Thần học thuộc Học viện Warsaw kể từ năm1987. Ngài cũng là một thành viên kỳ cựu của Ủy ban đối thoại với Do thái giáo thuộc Hội đồng Giám mục Ba Lan và của Hội đồng Kitô hữu và người Do thái Ba Lan. Ngài là người Ba Lan đầu tiên được nhận giải thưởng Ratzinger.

Đức Hồng Y Ruini mô tả Đức ông Chrostowski là một người đã “kết hợp sự nghiêm túc trong học thuật với lòng say mê Lời Chúa để phục vụ Giáo Hội và quan tâm đến đối thoại liên tôn.”

Cuộc họp báo cũng đưa ra những thông tin cập nhật về việc chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tư của Quỹ Ratzinger vốn sẽ được tổ chức từ ngày 23 đến 24 tháng 10 năm 2014 tại Đại học Giáo hoàng Bolivaria ở Medellín, Colombia với chủ đề “Tôn trọng sự sống – đường dẫn đến hòa bình.”

Nhân sự kiện này, ông Germán Cardona Gutiérrez, Đại sứ Colombia tại Tòa Thánh phát biểu rằng: “Ngày nay, chúng ta thật không may khi phải nếm trải những đe dọa phức tạp đến sự sống con người trong những chiều kích bi thảm khác nhau, đặc biệt đối với những dân tộc dễ bị tổn thương nhất. Vì lý do này, điều rất quan trọng là phải không ngừng cổ võ một nền Văn hóa Hòa bình và Bất bạo động xét như một tập hợp các giá trị, thái độ và hành vi vốn phản ánh sự tôn trọng đối với sự sống và phẩm giá con người. Nền Văn hóa Hòa bình và Bất bạo động này sẽ góp phần xây dựng một thế giới công bình hơn, con người biết quan tâm lẫn nhau hơn, xứng phẩm giá hơn và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.”

Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J.
 
Bài Giáo Lý I của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Thiên Chúa Thiết Lập một Dân
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:15 18/06/2014
“Thiên Chúa hình thành một dân bao gồm tất cả những ai nghe Lời Ngài và lên đường, tin tưởng vào Ngài: Đây là điều kiện duy nhất: tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu anh chị em tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy lắng nghe Ngài và bắt đầu một cuộc hành trình, đó là Hội Thánh. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước mọi sự. Thiên Chúa luôn luôn đứng đầu, Ngài đến trước chúng ta, Ngài đi trước chúng ta.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC bắt đầu chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh nờ đầu bằng bài Thiên Chúa Thiếp lập một Dân.

* * *


Anh chị em thân mến, chào anh chị em. Và xin chúc mừng anh chị em vì anh chi em tốt lắm, với thời tiết này chúng ta không biết có mưa hay không mưa. .. Anh chị em tốt lắm! Chúng ta hy vọng sẽ kết thúc buổi triều yết này mà chưa mưa, xin Chúa xin thương xót chúng ta.

Hôm nay tôi bắt đầu một chu kỳ Giáo Lý về Hội Thánh. Nó hơi giống như một đứa con nói về mẹ mình, về gia đình mình. Nói về Hội Thánh là nói về mẹ của chúng ta, gia đình của chúng ta. Thật vậy, Hội Thánh không phải là một tổ chức nhắm vào chính mình hoặc một tổ chức tư nhân, một tổ chức Phi Chính Phủ (NGO), và cũng không nên giới hạn cái nhìn của chúng ta vào các giáo sĩ hoặc toà thánh Vaticanô. .. “Hội Thánh nghĩ...”. Nhưng tất cả chúng ta là Hội Thánh! “Anh chị em đang nói về ai?” “Không nói về các linh mục...”. À, các linh mục là một phần của Hội Thánh, nhưng tất cả chúng ta là Hội Thánh! Đừng chỉ giới hạn vào các linh mục, các giám mục, toà thánh Vaticanô... Đó là những phần của Hội Thánh, nhưng tất cả chúng ta là Hội Thánh, tất cả là gia đình, tất cả thuộc về Mẹ. Và Hội Thánh là một thực thể rộng lớn hơn nhiều, mở ra cho tất cả nhân loại và không được sinh ra trong một phòng thí nghiệm, Hội Thánh đã không được sinh ra trong một phòng thí nghiệm, không được sinh ra một cách bất ngờ. Hội Thánh “được Chúa Giêsu thiết lập nhưng có một lịch sử lâu dài đằng sau nó và một sự chuẩn bị bắt đầu rất lâu trước chính Đức Kitô.

1. Lịch sử này, hoặc “tiền sử” của Hội Thánh đã có trong các trang của Cựu Ước. Chúng ta nghe sách Sáng Thế nói: Thiên Chúa đã chọn ông Abraham, cha của chúng ta trong đức tin, và yêu cầu ông rời khỏi, rời bỏ quê hương trần thế của ông và đi đến một vùng đất khác mà Ngài sẽ chỉ cho ông (x. St 12:1-9). Và trong ơn gọi này Thiên Chúa đã không gọi một mình ông Abraham, như một cá nhân, nhưng ngay từ đầu ơn gọi ấy liên quan đến gia đình ông, bà con ông và tất cả những người phục vụ trong nhà ông. Một khi lên đường, - vâng, đó là cách Hội Thánh bắt đầu cuộc hành trình – rồi, Thiên Chúa mở rộng chân trời và đổ đầy phúc lành của Ngài trên ông Abraham, hứa cho con cháu ông đông đúc như sao trên trời và như cát trên bờ biển. Dữ kiện quan trọng đầu tiên là: khởi đầu với ông Abraham, Thiên Chúa hình thành một dân để đem phúc lành của Ngài đến cho tất cả các gia đình trên thế gian. Và Chúa Giêsu được sinh ra trong dân này. Chính Thiên Chúa đã làm thành dân này, lịch sử này, Hội Thánh lữ hành, và Chúa Giêsu đã sinh ra ở đó, trong dân này.

2. Một yếu tố thứ nhì: không phải là ông Abraham đã lập một dân chung quanh ông, nhưng Thiên Chúa ban sự sống cho dân này. Thông thường thì con người hướng về phía các thần minh, cố gắng thu ngắn khoảng cách và xin giúp đỡ và bảo vệ. Dân chúng đã cầu nguyện với các thần minh, thần thánh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta đang chứng kiến một điều chưa từng xảy ra: chính Thiên Chúa đã chủ động. Hãy lắng nghe điều này: chính Thiên Chúa đã gõ cửa của ông Abraham và nói với ông: hãy đi, rời khỏi xứ sở ngươi, hãy bắt đầu bước đi, và Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Đó là khởi đầu của Hội Thánh và Chúa Giêsu đã sinh ra trong dân này. Thiên Chúa đã chủ động và nói với con người bằng Lời của Ngài, tạo ra một mối dây liên hệ và một mối quan hệ mới với Ngài. “Nhưng, thưa cha, chuyện ấy xảy ra thế nào? Thiên Chúa nói với chúng ta?” “Vâng.” “Và chúng ta có thể nói chuyện với Thiên Chúa sao?” “Vâng.” “Nhưng chúng ta có thể có một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa sao?” “Vâng.” Việc này được gọi là cầu nguyện, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng đã làm điều này ngay từ ban đầu. Vì vậy, Thiên Chúa hình thành một dân bao gồm tất cả những ai nghe Lời Ngài và lên đường, tin tưởng vào Ngài: Đây là điều kiện duy nhất: tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu anh chị em tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy lắng nghe Ngài và bắt đầu một cuộc hành trình, đó là Hội Thánh. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước mọi sự. Thiên Chúa luôn luôn đứng đầu, Ngài đến trước chúng ta, Ngài đi trước chúng ta. Ngôn sứ Isaia, hay Giêrêmia, tôi không nhớ rõ, nói rằng Thiên Chúa giống như hoa của cây hạnh nhân, bởi vì nó là cây đầu tiên nở hoa vào mùa xuân, để nói rằng Thiên Chúa luôn luôn nở hoa trước chúng ta. Khi chúng ta đến, Ngài đang chờ chúng ta, Ngài gọi chúng ta, Ngài làm cho chúng ta bước đi. Ngài luôn luôn đi trước chúng ta. Và điều này được gọi là tình yêu, bởi vì Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta. “Nhưng, thưa cha, con không tin điều này, bởi vì thưa cha, nếu cha biết cuộc đời của con, nó quá tồi tệ, làm sao con có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đang chờ đợi con?” “Thiên Chúa đang chờ bạn. Và nếu bạn đã là một người rất tội lỗi, Ngài còn chờ đợi bạn nhiều hơn nữa, và Ngài đang chờ đợi bạn với rất nhiều tình yêu, bởi vì Ngài đi trước.” Và đây là cái đẹp của Hội Thánh, là đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa này, là Đấng đang chờ đợi chúng ta! Trước ông Abraham, trước cả ông Adam.

3. Ông Abraham cùng việc ông lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và lên đường, mặc dù không biết rõ Thiên Chúa này là ai và Ngài muốn đưa ông đi đâu. Đúng vậy, bởi vì ông Abraham lên đường trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa này, Đấng đã nói với ông, nhưng ông đã không có một cuốn sách thần học để nghiên cứu xem Thiên Chúa này là ai. Ông tin tưởng, ông tín thác vào tình yêu. Thiên Chúa làm cho ông cảm nhận được tình yêu và ông tin tưởng vào Ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dân này luôn luôn tin chắc và trung thành. Thật ra, ngay từ đầu đã có những chống đối, có sự quay về với chính mình và lợi ích riêng mình cùng cám dỗ mặc cả với Thiên Chúa và giải quyết những vấn đề theo cách riêng của họ. Và đó là những phản bội và tội lỗi đánh dấu cuộc hành trình của dân này trong suốt lịch sử cứu độ, là lịch sử về lòng trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của dân Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không biết mệt, Thiên Chúa kiên nhẫn, rất kiên nhẫn, và tiếp tục giáo dục cùng đào luyện dân Ngài, như một người cha với con mình. Thiên Chúa cùng đi với chúng ta. Ngôn sứ Hôsêa nói: “Ta đã đi với ngươi, và ta dạy ngươi bước đi như một người cha dạy con mình bước đi.” Hình ảnh này của Thiên Chúa đẹp biết bao! Và với chúng ta cũng thế: Ngài dạy chúng ta bước đi. Đó cũng là thái độ mà Ngài giữ trong tương quan với Hội Thánh. Thực ra, chính chúng ta cũng thế, mặc dù quyết tâm theo Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng ta kinh nghiệm sự ích kỷ và cứng lòng của mình. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn nhận mình là người tội lỗi, thì Thiên Chúa ban tràn ngập lòng thương xót và tình yêu của Ngài cho chúng ta. Và Ngài tha thứ cho chúng ta, luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Chính điều này làm cho chúng ta lớn lên như dân của Thiên Chúa, như Hội Thánh: không phải do tài năng của mình, không phải do các công trạng của mình - chúng ta là một vật nhỏ bé; không phải là do những điều đó -, nhưng chính nhờ kinh nghiệm hàng ngày về việc Chúa muốn điều tốt cho chúng ta và chăm sóc cho chúng ta thế nào. Chính điều này đã làm cho chúng ta cảm thấy thật sự thuộc về Ngài, ở trong tay Ngài, và làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Ngài và với nhau. Là Hội Thánh có nghĩa là cảm thấy ở trong tay của Thiên Chúa, Đấng là Cha và yêu thương chúng ta, vuốt ve chúng ta, chờ đợi chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy sự dịu dàng của Ngài. Và điều này thật là tốt đẹp!

Các bạn thân mến, đây là kế hoạch của Thiên Chúa; khi Ngài gọi ông Abraham, Thiên Chúa đã nghĩ đến điều này: hình thành một dân được chúc phúc bởi tình yêu của Ngài và mang phúc lành của Ngài đến cho tất cả các dân tộc trên trái đất. Kế hoạch này không thay đổi, nó luôn luôn được tiến hành. Nó đã được hoàn thành trong Đức Kitô, và ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện nó trong Hội Thánh. Như vậy chúng ta hãy xin ơn trung thành trong việc theo Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Người, sẵn sàng ra đi mỗi ngày, như ông Abraham, về phía vùng đất của Thiên Chúa và con người, quê hương đích thực của chúng ta, và do đó trở nên một phúc lành, một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả con cái Ngài. Tôi thích nghĩ đến một từ đồng nghĩa, một tên khác mà chúng ta có, chúng ta, các Kitô hữu sẽ là: chúng ta là những người nam nữ, là dân chúc phúc. Kitô hữu phải luôn luôn chúc phúc với cuộc sống của mình, phải chúc tụng Thiên Chúa và chúc lành cho tất cả mọi người. Chúng ta, các Kitô hữu, là dân chúc phúc, là dân có khả năng chúc phúc. Đó là một ơn gọi tuyệt mỹ!

http://giaoly.org/vn/
 
Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hàn Quốc
Lm. Trần Đức Anh OP
11:51 18/06/2014
VATICAN. Hôm 18-6-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Hàn quốc, từ ngày 13 đến 18-8 tới đây, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Công Giáo Á châu.

- ĐTC sẽ rời Roma lúc 4 giờ chiều ngày thứ tư, 13-8 và bay tới Căn cứ không quân ở thủ đô Hán Thành lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau, 14-8. Ngài sẽ cử hành thánh lễ riêng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh vào lúc 12 giờ trưa. Sau đó lúc gần 4 giờ chiều cùng ngày sẽ có nghi thức đón tiếp chính thức tại Tòa Nhà Xanh là dinh tổng thống Hàn Quốc, rồi gặp gỡ chính quyền.

Tiếp đến, vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ngài sẽ gặp các GM Hàn quốc tại Trụ sở của HĐGM.

- Sáng hôm sau, thứ sáu 15-8, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến thành phố Đại Điền (Daejeon) và chủ sự thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời tại Sân bóng đá thế giới tại đây vào lúc 10 giờ rưỡi.

Sau lễ, ngài sẽ dùng bữa trưa với đại diện các bạn trẻ Công Giáo Á châu tại Đại chủng viện giáo phận Đại Điền.
Ban chiều, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Đền Thánh Solmoe để gặp gỡ các bạn trẻ Á châu vào lúc 5 giờ rưỡi chiều rồi trở về thủ đô Hán Thành.

- Sáng thứ bẩy, 16-8, ĐTC sẽ kính viếng Đền các Thánh Tử Đạo Hàn quốc Seo So Mon, rồi trở về Quảng trường Khải Hoàn Môn ở thủ đô Hán Thành để chủ sự thánh lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo đứng đầu là vị Tôi Tớ Chúa Phaolô Duẫn Trì Trung (Paul Yun Ji-Chung).

Ban chiều cùng ngày 16-8, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Kkottongnae để viếng thăm Nhà Hy Vọng, lúc 4 giờ chiều. Đây là một trung tâm phục hồi những người khuyết tật.

Sau đó lúc 5 giờ 15 ngài gặp gỡ các cộng đồng dòng tu tại Hàn Quốc tại Trung Tâm Huấn nghệ ”Trường Tình Thương”, gặp các thủ lãnh tông đồ giáo dân ở Trung Tâm Linh Đạo, cũng tại thành phố Kkottongnae.

- Sáng Chúa Nhật 17-8, ĐTC sẽ đáp trực thăng tới Đền thánh Haeni, gặp gỡ các GM Á châu tại đây lúc 11 giờ, và dùng bữa trưa với các vị. Ban chiều, lúc 4 giờ rưỡi, ngài sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội kỳ 6 của giới trẻ Công Giáo Á châu tại Lâu Đài Haeni.

- Sáng thứ hai, 18-8, vào lúc 9 giờ, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Tòa GM cũ của Tổng giáo phận Hán Thành trước khi cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ tại Nhà thờ Chính tòa Minh Đổng ở địa phương để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.

Sau thánh lễ, ĐTC sẽ đáp trực thắng tới căn cứ quân sự Hán Thánh, và sau nghi thức tiễn biệt, ngài đáp máy bay lúc 1 giờ trưa để bay trở lại Roma, dự kiến sẽ về tới phi trường Ciampino vào lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày 18-8. (SD 18-6-2014)
 
ĐTC: Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới
Linh Tiến Khải
11:52 18/06/2014
Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới. Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập, nhưng là một dân tộc có lịch sử dài được chuẩn bị từ rất lâu trước Chúa Kitô, một dân tộc được tình yêu của Thiên Chúa chúc phúc để đem phúc lành ấy đến cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-6-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Sau khi chào tín hữu Đức Thánh Cha khen họ giỏi, vì với trời hay thay đổi bất thình lình trong những ngày này không ai biết sẽ có mưa hay không, nhưng ngài hy vọng Chúa thương để có thể kết thúc buổi tiếp kién mà không bị ướt.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha bất đầu loạt bai giáo lý mới về Giáo Hội. Ngài nói: nói về Giáo Hội cũng giống như một người con nói về mẹ mình và về gia đình mình. Và ngài định nghĩa Giáo Hội như sau:

Thật thế, Giáo Hội không phải là một cơ cấu có mục đích là chính mình hay một hiệp hội tư, một tổ chức phi chính quyền, lại càng không phải là hướng về hàng giáo sĩ hay về Vaticăng... Giáo Hội là chúng ta tất cả. Bạn nói về ai?” ”Không, về các linh mục..”. A, nhưng mà các linh mục là phần của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta chứ. Đừng thu hẹp Giáo Hôi lại nơi các linh mục, các giám mục, Vaticăng. Tất cả những điều này là các phần của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta. tất cả là gia đình, là của người mẹ. Và Giáo Hội là một thực thể rộng rãi hơn nhiều, rộng mở cho toàn nhân loại và không nảy sinh từ một phòng thí nghiệm, không nảy sinh một cách bất thình lình, từ số không. Giáo Hội được xây dựng trên Chúa Giêsu, nhưng là một dân tộc có một lịch sử dài sau lưng và một sự chuẩn bị đã bắt đầu từ lâu trước Chúa Kitô.

Lịch sử hay ”tiền sử” đó của Giáo Hội được tìm thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước. Theo Sách Sáng Thế mà chúng ta đã nghe, Thiên Chúa đã lựa chọn Abraham là cha của chúng ta trong lòng tin, và đã xin ông ra đi, bỏ quê hương xứ sở để đi tới một miền đất khác, mà Người sẽ chỉ cho (x. St 12,1-9). Và trong ơn gọi này Thiên Chúa không chỉ gọi Abraham như là cá nhân mà thôi, mà cũng lôi cuốn ngay từ đầu gia đình, bà con và tất cả những người phục vụ nhà ông nữa. Rồi một khi đã lên đường - Phải, và Giáo Hội bắt đầu bước đi như thế - Thiên Chúa sẽ còn nới rộng chân trời và sẽ đổ tràn đầy phúc lành của Người trên Abraham, bằng cách hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát dưới biển. Dữ kiện quan trọng đầu tiên bắt đầu từ Abraham Thiên Chúa làm thành một dân để đem phúc lành của Người tới tất cả mọi gia đình của trái đất. Và Đức Giêsu sinh ra trong lòng dân tọc ấy. Chính Thiên Chúa làm nên dân tộc này, lịch sử này, Giáo Hội tiến bước và Đức Giêsu sinh ra trong dân tộc đó.

Yếu tồ thứ hai đó là không phải Abraham quy tụ một dân tộc chung quanh mình, mà là chính Thiên Chúa khai sinh ra dân tộc ấy. Bình thường con người hướng về thần linh, bằng cách tìm lấp đầy khoảng cách, bằng cách khẩn cầu sự yểm trợ và che chở. Người ta khẩn cầu các thần linh... Nhưng trong trường hợp này, trái lại người ta chứng kiến điều chưa từng thấy. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau

Chính Thiên Chúa đưa ra sáng kiến. Chúng ta hãy nghe nhé! Chính Thiên Chúa gõ cửa nhà Abraham vá nói với ông: Hãy ra đi, hãy rời bỏ đất đai, hãy bắt đầu bước đi và Ta sẽ khiến cho ngươi trở thành một dân tộc lớn. Đó là khởi đầu của Giáo Hội và trong dân tộc này Chúa Giêsu sinh ra. Nhưng Thiên Chúa đưa ra sáng kiến và hướng lời Ngài tới con người bằng cách tạo ra một mối dây, một tương quan mới với ông. ”Nhưng thưa cha, làm sao? Thiên Chúa nói với chúng ta ư? ”Phải”. ”Và chúng ta có thể dàm thoại với Thiên Chúa à?” Phải, và điều này gọi là lời cầu nguyện, nhưng chính Thiên Chúa ban đầu đã làm điều đó. Như vậy Thiên Chúa làm thành một dân với tất cả những ai bước đi và tín thác nơi Ngài. Đây là điều kiện duy nhất: tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nếu bạn tin tưởng nơi Thiên Chúa, lắng nghe Ngài và bước đi đó là làm thành Giáo Hội. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước tất cả. Thiên Chúa luôn luôn là đầu tiên, Ngài đến trước chúng ta, Ngài đi trước chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Ngôn sứ Isaia hay Giêrêmia, tôi không nhớ rõ, một trong hai vị đã nói rằng Thiên Chúa như hoa hạnh đào, bởi vì đó là cây đầu tiên nở hoa trong mùa xuân. Để nói rằng Thiên Chúa luôn luôn nở hoa trước chúng ta, lôi chúng ta tới, Ngài chờ đợi chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta, Ngài làm cho chúng ta bước đi. Ngài luôn luôn đi trước chúng ta. Và điều này gọi là tình yêu bởi vì Thiên Chúa luôn luôn chở đợi chúng ta. ”Nhưng mà thưa cha, con không tin điều

này, bởi vì cuộc đời con đã rất là xấu xa, làm sao con có thể nghĩ rằng Thiên Chúa chờ đơi con được?” ”Thiên Chơáu chờ đơi bạn. Và nếu bạn đã là một người tội lỗi lớn, thì Ngài lại càng chờ đợi bạn hơn với biết bao tình yêu, bởi vì Ngài là nhất. Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội, đem chúng ta tới với Thiên Chúa, là Đấng chờ đợi chúng ta! Ngài đi trước Abraham. Ngài cũng đi trước cả Ađam nữa!

Tổ phụ Abraham và người nhà ông lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và lên đường, mặc dù họ không biết rõ Thiên Chúa đó là ai và Ngài muốn dẫn họ đi đâu. Đúng thế bởi vì Abraham lên đường và không có sách thần học để nghiên cứu xem vị Thiên Chúa đã nói với ông là ai. Ông tín thác, ông tín thác nơi tình yêu. Thiên Chúa làm cho ông cảm thấy tình yêu và ông tín thác nơi Ngài. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các người đó luôn luôn xác tín vá trung thành. Trái lại, ngay từ đầu đã có các kháng cự, khép kín trong chính mình, trên các lợi lộc riêng, và cám dỗ mặc cả với Thiên Chúa và giải quyết các sự việc theo ý riêng. Đó là các phản bội và các tội lỗi ghi dấu con đường của dân dọc dài toàn lich sử cứu độ, là lịch sử sự tín trung cảu Thiên Chúa và sự bất trung của dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mệt mỏi. Thiên Chúa kiên nhẫn, rất kiên nhẫn và trong thời gian Ngài tiếp tục giáo dục và đào tạo dân Ngài, như một người cha giáo dục và đào tạo con mình. Thiên Chúa bước đi với chúng ta. Ngôn sứ Hosêa nói: ”Ta đã bước đi với con và dậy con bước đi như một người cha dậy cho con mình”. Thật là hình ảnh dẹp về Thiên Chúa! Ngài làm với chúng ta như thế. Ngài dậy chúng ta bước đi. Đó cũng là thái độ Ngài có đối với Giáo Hội. Thật vậy cả chúng ta nữa, tuy có ý hướng theo Chúa Giêsu, nhưng hằng ngày chúng ta sống kinh nghiệm sự ích kỷ và cứng lòng. Nhưng khi chúng ta nhận mình là những kẻ tội lỗi, thì Thiên Chua đổ tràn đầy lòng thương xót và tình yêu của Ngài trên chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta, ngài luôn tha thứ cho chúng ta. Chính điều đó làm cho chúng ta lớn lên như dân của Thiên Chúa, như Giáo Hội: không phải vì chúng ta giỏi, không phải do công lao của chúng ta, chúng ta ít ỏi chẳng là gì cả. Không phải cái đó mà là kinh nghiệm thường ngày cho chúng ta biết Chúa thương chúng ta và lo lắng cho chúng ta. Chính điều đó khiến cho chúng ta cảm thấy chúng ta là của Ngài, ở trong tay Ngài, và làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Ngài và giữa chúng ta với nhau. Là Giáo Hội có nghĩa là cảm thấy mình ở trong tay Thiên Chúa, là Cha và yêu thương chúng ta, vuốt ve chúng ta, chờ đợi chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy sự dịu hiền của Ngài. Và đây là điều rất đẹp!

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến đó là chương trình của Thiên Chúa. Khi Ngài gọi Abraham, Thiên Chúa đã nghĩ tới điều này: làm thành một dân tộc được phúc phúc bởi tình yêu của Ngài để dân tộc đó đem phước lành của Ngài đến với tất cả mọi dân tộc của trái đất. Chương trình ấy không thay đổi nó luôn luôn đang được thực hiên. Nơi Chúa Kitô nó đã có sự thành toàn và cả ngày nay nữa Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện nó trong Giáo Hôi. Chúng ta hãy xin ơn trung thành với việc theo Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Ngài, sẵn sàng ra đi mỗi ngày, như tổ phụ Abraham, hướng tới miền đất của Thiên Chúa và của con người, là quê hương thật của chúng ta, và như thế trở thành phước lành, dấu chỉ tình yệu thương của Thiên Chúa đối với tất cả các con cái Ngài. Tôi thích nghĩ tới một từ đồng nghĩa, một tên gọi khác má kitô hữu chúng ta có thể có, đó là những người nam nữ, là dân chúc tụng. Với cuộc sống của mình kitô hữu phải luôn luôn chúc tụng Thiên Chúa và chúc tụng cả chúng ta nữa. Kitô hữu chúng ta là dân chúc lành, biết chúc lành. Và đó là mổt ơn gọi đẹp!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương các nước bắc Mỹ và Tây Âu cũng như các nhòm tín hữu Nigeria, Zimbabwe, Kuweit, Ấn Độ, Nigeria, Australia, Mêhicô, Puerto Rico, Argentina và Brasil. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui bổ ích. Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết ngày thứ năm 19-6 lá lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngài cầu mong Thánh Thể dưỡng nuôi đức tin của người trẻ. Ngài khích lệ người đau yếu đừng mỏi mệt thờ lậy Chúa trong thử thách, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới học yêu thương, noi gương Chúa Giêsu hiến mình vì yêu thương và để cứu rỗi chúng ta.
Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Hiện tượng truyền thông Phanxicô
Vũ Văn An
18:23 18/06/2014
Theo tin Zenit ngày 18 tháng 6, các phát ngôn viên của các hội đồng giám mục Âu Châu đã họp nhau tại Bồ Đào Nha vào tuần rồi để nghiên cứu “hiện tượng truyền thông” Phanxicô. Cuộc họp kéo dài trong các ngày 11-14 qui tụ khoảng 50 phát ngôn viên hoặc giám đốc truyền thông.

Theo bản tuyên bố của hội nghị, “ ‘văn phong thuật truyện’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một văn phong hết sức nhất quán với tính gắn bó và chân thực trong cuộc sống của vị kế nhiệm Thánh Phêrô này, là một cơ may cho toàn thể Giáo Hội. Nó dọn đường cho cuộc đối thoại chân chính với thế giới. Đức Phanxicô không những chiếm được trái tim người ta mà ngài còn thay đổi được thái độ của nhiều nhà báo. Những nhà báo này nay cởi mở hơn và sẵn sàng lắng nghe lý lẽ của Giáo Hội. Dù thế, lối truyền thông của ngài, một lối truyền thông bao gồm những câu phát biểu ngắn gọn và súc tích, có mang theo một số nguy hiểm, vì bản chất của nền văn hóa đương thời ưa đơn giản hóa và giảm thiểu hóa. Các nhà truyền thông của Giáo Hội có nhiệm vụ liên tiếp nói về toàn bộ đời sống của Giáo Hội và việc công bố Tin Mừng, dù là đi ngược lại giới truyền thông chính dòng, để tránh khỏi rơi vào hình thức tôn thờ cá nhân”.

Các phát ngôn viên cũng thảo luận về thượng hội đồng giám mục sắp tới là thượng hội đồng nói về gia đình. Với sự trợ giúp của Đức HY Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, và của Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Vatican, họ đã nghiên cứu phương cách truyền đạt hữu hiệu về thượng hội đồng này.

Các thảo luận của họ nhấn mạnh tới khuôn mặt của Giáo Hội. Bản tuyên bố cho hay “trong phạm vi này, cần phải tập chú vào sự trong sáng, không sợ bị so sánh, sẵn sàng đương đầu với các thách đố của lịch sử và trình bày cách mới mẻ Tin Mừng của Chúa Kitô cho gia đình Kitô Giáo như là nguồn chân thực của hy vọng và sự sống mới.

"Nói tóm lại, cuộc họp của Thượng Hội Đồng sắp tới sẽ cho ta ý niệm rõ ràng về việc quản trị có tính công đồng và về việc hiệp thông vừa có tính cảm giới vừa phải hữu hiệu giữa giám mục đoàn và vị kế nhiệm Thánh Phêrô mà Đức Giáo Hoàng đã công bố từ đầu triều giáo hoàng của ngài”.
 
Những người cao niên là một kho tàng quý giá
Bùi Hữu Thư
19:31 18/06/2014
Tweet ngày 17 tháng 6, 2014

ROME, 17 tháng 6, 2014 (Zenit.org) – Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là nền văn hóa của “sự chối bỏ” có tác động trên người trẻ và người già. Ngài cũng nhắc lại điều này vào lúc khai mạc hội nghị của giáo phận Rôma, chiều ngày thứ hai, 16 tháng 6, trong sảnh đường Phaolô VI tại Vatican.

Ngài mời gọi chúng ta không bao giờ làm một điều gì “bất công” đối với hai loại người này, những điều ngài coi là “không thể cứu vãn nổi”, trong trang tweet của ngài đăng tải ngày hôm nay, 17 tháng 6 trên chương mục @Pontifex_fr của ngài: "Đôi khi chúng ta chối bỏ các người cao niên, nhưng họ chính là một kho tàng quý giá: chối bỏ họ là điều bất công và là một sự mất mát không thể cứu vãn.”

Đức Thánh Cha đã lưu ý trong một tweet ngày 6 tháng 5, 2014: “Một xã hội bỏ rơi trẻ em và người già nua là tự chặt đứt nguồn gốc và làm cho tương lai trở nên đen tối.”

Trong buổi gặp gỡ các báo chí, trên chuyến bay đi Rio để tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha đã tuyên bố: “Một dân tộc có tương lai nếu tiến bước với hai thực tại này” cùng với giới trẻ bằng sức mạnh, vì giới trẻ sẽ dẫn đưa họ đi tới; và cùng với những người cao niên vì chính họ mới đem lại sự khôn ngoan cho đời sống" (xem Zenit ngày 23 tháng 7, 2013)

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh trong Thánh Lễ ngày 30 tháng 9, 2013 tại nhà nguyện Thánh Mác-ta: “Tương lai của một dân tộc, chính là những người cao niên và những trẻ em,” họ đại diện, theo thứ tự cho: “ký ức” và “sự hứa hẹn”, nhưng cũng là “sự bình an” và “niềm vui”. (xem Zenit ngày 30 tháng 9, 2013).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Khôi Bình Cần Thơ và Mỹ Tho thăm trung tâm Khôi Bình Việt Nam
Matthias Lê Minh Hiền
09:08 18/06/2014
GIA ĐÌNH KHÔI BÌNH GIÁO PHẬN CẦN THƠ VÀ MỸ THO THĂM TRUNG TÂM KHÔI BÌNH VIỆT NAM

Khuôn viên Trung tâm Khôi Bình Việt Nam (KBVN) sáng thứ hai ngày 16/06/2013 dường như tươm tất, sạch sẽ, và gọn gàng hơn thường ngày. Bên trong Trung tâm, các anh chị trong Ban Điều Hành đang tất bật chạy tới chạy lui, và các cô chú trong Ban Quản Gia KBVN đang tập trung trò chuyện vui vẻ.

Chuyện gì sắp diễn ra vậy nhỉ??? Vì ngày thường ở đây chỉ có các anh chị trong Ban điều hành với những công việc văn phòng, đâu đến nỗi tất bật như vậy.

Và rồi, bí mật đã được bật mí…

Quả là sáng nay, gần 50 thành viên Khôi Bình hai giáo phận Cần Thơ và Mỹ Tho sẽ đến thăm Trung tâm KBVN. Đặc biệt hơn, cùng đi trong chuyến viếng thăm lần này còn có 53 thanh thiếu niên, là thành viên Khôi Bình Trẻ của 2 giáo phận.

Cả hai Ban quản gia Khôi Bình giáo phận Cần Thơ và giáo phận Mỹ Tho từ lâu đã ấp ủ kế hoạch đi thăm BQG KBVN và Trung tâm KBVN, nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, mãi đến nay ước mơ đó mới thành sự thật. Các anh chị Khôi Bình trong BQG đã toại lòng. Chuyến đi này như một chuyến thăm viếng giữa những anh em cùng một nhà, mà ở đó, lâu lắm rồi họ mới được gặp mặt. Bên cạnh đó, chuyến đi này cũng là một động lực nhằm thúc đẩy tinh thần Khôi Bình nơi các bạn nhỏ. Chính các bạn là chủ nhân tương lai của đất nước này, của Giáo Hội này, và của hai gia đình Khôi Bình này. Các bạn vừa trải qua một năm học căng thẳng - học hành ở trường, cũng như học hành giáo lý đức tin - đầy phấn đấu và nỗ lực, và chuyến đi này như là một sự tưởng thưởng cho các bạn. BQG hai giáo phận vô cùng hy vọng vào những lớp bạn trẻ này. Họ là những hạt mầm cần phải chăm bón từng ngày từng giờ, nếu muốn những hạt mầm ấy sinh ra những hoa trái của Thần Khí - bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. (x. Thư Galat 5, 22)

Theo dự tính, cả 3 chiếc xe khách chở toàn bộ anh chị em sẽ đến cổng Trung tâm KBVN vào lúc 8h30, nhưng không may hôm ấy là ngày đầu tuần, mọi cửa ngõ ra vào thành phố ken đặc người và người. Thế nên, đoàn đến hơi trễ - 9h45.

Đón đoàn là BQG KBVN và Ban điều hành, họ đã chờ đợi sẵn từ lâu. Những nụ cười rạng rỡ vang lên trong khuôn viên Trung tâm… Mọi người trao cho nhau những nụ cười, những cái nhìn đầy xúc động, những cái nắm tay thắt chặt.

Mọi người tranh thủ vệ sinh cá nhân. Rồi cùng kéo nhau lên tầng 4 của dãy nhà B Trung tâm – nơi đó có một nhà nguyện nhỏ nhưng ấm cúng. Anh Andrew Trần Thành Tâm, Đặc trách giới trẻ KBVN, nhanh chóng giúp mọi người ổn định chỗ ngồi, cùng tập với nhau một bài hát nhằm tạo bầu khí. Mọi người trông ai cũng rạng rỡ và đẹp lung linh, kể cả các bạn trẻ.

Sau đó, cha đồng hành KBVN, Đa Minh Nguyễn Đình Tân, đã giới thiệu sơ lược về lịch sử hạt giống Khôi Bình tại Việt Nam. Sau đó, cha dâng lời nguyện, và bắt một kinh khai mạc ngày sinh hoạt. Theo quan sát, người viết thấy cha đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phần chia sẻ của mình, theo ngài, dường như Khôi Bình ngày càng lớn mạnh, và đang được dìu dắt bởi Thần Khí.

Tiếp đến, mọi người kéo nhau xuống sân, cùng chụp hình kỷ niệm chung với nhau. Và rồi, bầu khí như vỡ òa khi anh Đặc trách giới trẻ chia các bạn Khôi Bình Trẻ ra thành 2 đội. Cả 2 đội cùng nhau chính thức bắt đầu tranh tài ở những trò chơi sinh hoạt.

Các bạn trẻ vô cùng hào hứng tham gia các trò chơi thi đua. Ai ai cũng đầy nhiệt huyết muốn chiến thắng. Ai ai cũng hết mình nỗ lực vì thành công của cả nhóm. Tuy nhiên, thi đua thì thi đua, tranh tài thì tranh tài, mọi người vẫn vô cùng vui vẻ với nhau. Tiếng cười, tiếng la hét cổ vũ, tiếng hối thúc,… vang vọng cả một khoảng không…

Một điều rất đặc biệt, đó là, sau khi kết thúc mỗi trò chơi thi đua. Anh Trần Thành Tâm đều thiêng liêng hóa trò chơi ấy. Qua đó nhắn gởi các bạn trẻ những bài học làm người rất thiết thực trong cuộc sống thường nhật, như cách sống làm con trong gia đình, cách sống là thành viên Khôi Bình,…

Điều vô cùng không may đã xảy ra – trời mưa, lúc đầu mọi người quyết định tiếp tục chơi dưới mưa. Nhưng sau đó, mưa nặng hạt dần, nên đành phải đưa các bạn vào bên trong dãy nhà A. Cũng thật tiếc là dãy nhà này có diện tích quá nhỏ nên không thể tiếp tục tranh tài các trò chơi khác… Ai nấy đều tiếc nuối. Vài bạn nhỏ “hăng máu” xin phép được tiếp tục chơi nhưng Ban điều hành xét thấy không thuận tiện nên tạm nghỉ cuộc tranh đua.

Các bạn trẻ tranh thủ nghỉ ngơi một lát. Phần cơm trưa nóng hổi dành cho các bạn đã sẵn sàng. Các bạn chia thành những nhóm nhỏ, nhóm thì ngồi dưới sàn nhà, nhóm thì kéo ghế quây thành từng bàn. Mọi người cùng giúp nhau soạn các phần ăn.

Dường như sau khi tham gia các trò chơi, các bạn mệt và đói. Cộng với cái mưa nặng hạt, khí trời mát lạnh làm các bạn ăn vô cùng ngon miệng. Các bạn ăn nhưng vẫn không quên chọc ghẹo, trêu đùa nhau í ới. Như một đám giặc trận vậy!!! Thật dễ thương làm sao!!! Và bỗng chúng tôi chợt nhớ câu nói cửa miệng: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”!!!

Các anh chị lớn cùng đi theo đoàn cũng vui vẻ cùng nhau chia sẻ những phần ăn trưa với nhau. Lúc nãy, họ là những cổ động viên vô cùng đắc lực cho các bạn trẻ trong các trò chơi thi đua.

Sau bữa trưa, mọi người tiếp tục ngồi lại với nhau trò chuyện. Có lẽ, tất thảy đều nhận ra đây là dịp để mọi người cùng nhau củng cố tình thân trong gia đình Khôi Bình. Ngoài trời mưa vẫn nặng hạt. Trời vẫn lạnh. Thế nhưng, lòng người thì ấm áp vô cùng, cái ấm của tình thân, tình gia đình, tình Khôi Bình…

Sau đó, mọi người nói lời chia tay nhau… Nhóm giáo phận Cần Thơ tiếp tục hành trình đi Thảo Cầm Viên Saigon, nhóm giáo phận Mỹ Tho thẳng tiến ra Vũng Tàu – tiếp tục chuyến tham quan…

Thật luyến tiếc khi xa nhau… Hy vọng mọi người luôn nhớ về nhau, nhớ về ngày gặp gỡ này…

Và trời vẫn mưa…

Trung tâm Khôi Bình Việt Nam

Thứ hai, ngày 16/06/2013
 
Nhà Khách ''Lâm Bích La Vang'' thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế
Nữ tu Nguyễn Bảo Uyên
12:01 18/06/2014
NHÀ KHÁCH LÂM BÍCH – LA VANG
HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ HUẾ


Là người con của Giáo Phận Huế, được hiệp thông và chia sẻ trong công việc phục vụ khách hành hương ở Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, thuộc Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị- một vùng rừng núi hoang vu, hẻo lánh nay đã được biến thành nơi linh thiêng sau biến cố lịch sử về việc Đức Mẹ hiện ra vào năm 1798. Trãi dài hơn
200 năm lịch sử, Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang đã trở thành điểm quy tụ hàng trăm ngàn khách hành hương từ khắp bốn phương tìm về bên Mẹ để tạ ơn và xin ơn. Cảm nhận được sự cần thiết để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hành hương có được một chốn nghỉ ngơi an bình và có thể cầu nguyện sốt sắng hơn với Mẹ La Vang, Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế đã thầm ước nguyện xây dựng một nhà khách tại cộng đoàn La Vang, thuộc Trung tâm Thánh Mẫu La Vang.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2013, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Huế đã chủ sự nghi thức đặt viên đá khởi công xây dựng Nhà khách Lâm Bích La Vang. Trãi qua gần một năm xây dựng, nhờ sự cầu nguyện, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ của Đức Cha Stêphanô và Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê, Tổng Giáo Phận Huế, cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, quý ân nhân, cùng toàn thể quý chị em trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, mà hôm nay nhà khách Lâm Bích La Vang đã được hoàn thành cách khang trang, tốt đẹp.

"Việc Chúa khởi sự nơi chúng con-Ngài đã hoàn tất.
Lạy Chúa, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
(Tv 136, 1)

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân quý Đức Cha, quý ân nhân xa gần, cùng tất cả những anh chị em đã đóng góp trong công cuộc xây dựng nhà khách này, sáng ngày 17 tháng 6 năm 2014, Chị Anna Trần Thị Hồng Túy, Tổng phụ trách và ban điều hành Hội Dòng MTG-Huế, cùng hơn 60 chị em, từ Nhà Mẹ An Lăng thuộc thành phố Huế và nhiều chị em khác thuộc vùng Quảng Trị đã quy tụ về nhà khách Lâm Bích-La Vang.

Sau hơn một giờ di chuyển, quý chị em đã đến đất Mẹ dưới bầu trời quang đãng, tuy những ngọn gió lào có chút khan khốc nhưng ai cũng cảm nhận được bầu khí an vui, linh thiêng, trầm lắng. Tâm hồn mỗi một chị em giờ đây như đang được quyện với những tiếng hát được phát ra từ loa phóng thanh của Trung tâm Thánh Mẫu La Vang “…cùng Mẹ ra khơi, con đi muôn nơi loan báo Tin Mừng…”

Nhà khách Lâm Bích đã hiện ra trước mắt chị em, nó nằm cách xa khoảng 500m về hướng Tây - Nam của Linh Đài Đức Mẹ, trên mảnh đất khiêm tốn, nhỏ hẹp của cộng đoàn Mến Thánh Giá La Vang. Một nhà khách khang trang, gồm 4 tầng, với màu sơn trắng, được điểm tô bằng những cánh hoa tươi thắm trông thật duyên dáng và như đang sẵn sàng chào đón và phục vụ quý khách hành hương đến, để được nghỉ ngơi, cầu nguyện, bồi dưỡng trong những ngày về hành hương bên Mẹ La Vang.

Cái nắng gay gắt của mùa hè đã không có thể đốt cháy bầu khí hân hoan, vui mừng được thể hiện trên từng gương mặt của mỗi chị em. Đúng 9h sáng, với những tràng vỗ tay nồng nhiệt, và những lời hát chào mừng, chị em MTG-Huế đã đón chào Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê đến để chủ sự nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép nhà. Nghi thức được diễn ra cách trang nghiêm, sốt sắng và ấm cúng cùng với sự hiện diện trong tâm tình hiệp thông và chia sẻ của cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý, hạt trưởng hạt Quảng Trị, cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, cha Patrick-Marie, quý cha thuộc hạt Quảng trị, quý tu sĩ thuộc Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng và Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, cùng quý chức thuộc Hội đồng giáo xứ La Vang và một số anh chị em giáo dân.

Trong tâm tình hiệp thông và chia vui cùng Quý chị em của Hội Dòng MTG-Huế, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê đã ban huấn từ cho cộng đoàn tham dự một cách sâu sắc và ý nghĩa. Cảm hứng của Ngài được khởi đi từ đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu (Mt 10, 40 - 42), Ngài đã nhấn mạnh đến sự tương quan của tình yêu và phục vụ, tinh thần phục vụ luôn chất chứa một tình yêu, như thánh Augustinô đã nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Ngài cũng đã chia sẻ sự nhận định của mình về hình ảnh của Matta và Maria trong đoạn Tin Mừng với lời gợi nhắc rằng Chúa Giêsu đã không chê trách khi nói: “Matta, Matta con lo lắng quá nhiều điều…” nhưng chỉ là một lời nhắc nhở cho Matta thấy được sự cần thiết của sự quân bình giữa công việc và sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống. Có lẽ qua tâm tình chia sẻ đó cũng như muốn nói với mỗi một chị em MTG-Huế cách thức và kỷ năng để diễn tả tình yêu của Chúa qua sự gặp gỡ, tiếp xúc và phục vụ của mình.

Nghi thức cắt băng khánh thành nhà khách Lâm Bích được kết thúc bằng những tâm tình tri ân, cảm tạ chân thành của chị Anna Trần Thị Hồng Túy, Tổng Phụ Trách Hội Dòng MTG Huế, kính thưa lên Đức Tổng Giám Mục, Quý cha, Quý tu sĩ, Quý ân nhân và Quý chị em trong Hội Dòng.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria – Mẹ La Vang, nguyện xin Chúa ở lại trong ngôi nhà này và hãy làm cho nhà này được chan chứa tình bác ái, yêu thương qua sự đón tiếp, phục vụ của quý chị em MTG-Huế hầu hương thơm tốt lành của Chúa Kitô và Mẹ La Vang được lan tỏa khắp nơi.

Huế ngày 18, tháng 6, năm 2014

Hội Dòng MếnThánh Giá-Huế
Nhà Khách Lâm Bích La Vang
Hội Dòng MTG –Huế
Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị
Điện thoại: 053.387.3382/ 016.944.30664
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tượng Chịu nạn được đặt trên mọi bàn thờ không?
Nguyễn Trọng Đa
08:58 18/06/2014
Giải đáp phụng vụ: Tượng Chịu nạn được đặt trên mọi bàn thờ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nhắc bốn lần một tượng Chịu nạn (tượng Thánh giá, crucifix) đặt trên bàn thờ Hy tế. Liệu giờ đây tượng Chịu nạn được dự kiến đặt trên bất cứ bàn thờ nào chăng? Xin hỏi thêm: tại Mỹ, liệu các linh mục cử hành thánh lễ được phép sử dụng các bài đọc từ cuốn Revised Standard Version, phiên bản Công Giáo, thay cho cuốn New American Bible lectionary, mà nhiều người cho là một bản dịch ít văn học không? - J. M., Kansas City, Missouri, Mỹ.


Đáp: Tôi cho rằng độc giả của chúng tôi nhắc đến bốn số sau đây của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

"117. Phải có ít là một khăn trải màu trắng trên bàn thờ. Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám Mục giáo phận cử hành Thánh Lễ, thì đặt bảy chân nến. Ðàng khác, trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt thánh giá có hình Chúa chịu nạn. Có thể mang theo chân nến và thánh giá có hình Chúa chịu nạn khi rước chủ tế vào hành lễ. Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách Bài Ðọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ.

"122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu.

Nếu có mang thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.

"188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang thánh giá đi giữa hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt thánh giá gần bàn thờ, để thành thánh giá bàn thờ, nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy về chỗ của mình trong cung thánh.

"350. Trên hết, phải lưu tâm đến những gì có liên quan trực tiếp đến bàn thờ và cử hành Thánh Lễ, như thánh giá bàn thờ và thánh gia cầm khi rước kiệu” (bản dịch tiếng Việt của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Cần lưu ý rằng các số trên đây không thực sự sử dụng thuật ngữ "tượng Chịu nạn”, mặc dù điều này là rõ ràng trong các số 117 và 122.

Tài liệu này cũng cho phép tượng Chịu nạn được đặt trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ. Không có yêu cầu nào nói rằng nó được đặt trực tiếp trên chính bàn thờ.

Điều này cũng được hiểu như thế trong tài liệu "Built of Living Stones” của Hội đồng Giám mục Mỹ liên quan đến trang trí nhà thờ:

"Tượng Chịu nạn § 91. Thánh giá có hình Chúa Kitô chịu đóng đinh là một lời nhắc nhở của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Nó lôi kéo chúng ta đi vào mầu nhiệm đau khổ và làm cho niềm tin của chúng tôi nên hữu hình rằng sự đau khổ của chúng ta khi kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô dẫn chúng ta đến sự cứu chuộc. Nên có một tượng Chịu nạn 'được đặt trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, và ... được toàn cộng đoàn phụng vụ nhìn thấy’. Bởi vì một tượng Chịu nạn được đặt trên bàn thờ và khá lớn, cho toàn cộng đoàn phụng vụ nhìn thấy, cũng có thể gây cản trở tầm nhìn của các hành động diễn ra trên bàn thờ, các lựa chọn thay thế khác có thể là thích hợp hơn. Tượng Chịu nạn có thể treo phía trên bàn thờ hoặc gắn trên tường cung thánh. Một tượng Chịu nạn dùng trong cuộc rước, có kích thước vừa đủ, được đặt trong một nơi có thể được mọi người nhìn thấy sau cuộc rước, là một tùy chọn tốt. Nếu tượng Chịu nạn dùng trong cuộc rước được sử dụng cho mục đích này, kích thước và trọng lượng của tượng Chịu nạn không nên gây khó khăn cho người mang thánh giá trong cuộc rước. Nếu đã có một tượng Chịu nạn trong cung thánh, tượng Chịu nạn dùng trong cuộc rước được đặt ngoài tầm nhìn của cộng đoàn sau cuộc rước".

Do đó, có nhiều sự tùy chọn hợp lệ được cung cấp liên quan đến vị trí của tượng Chịu nạn trên bàn thờ, và luật hiện nay không ưu tiên một giải pháp nào hơn một giái pháp khác.

Người ta cũng được biết rằng trước khi trở thành Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ủng hộ việc sử dụng một tượng Chịu nạn khá lớn trên bàn thờ, như là một phương tiện để thiết lập điều mà Ngài gọi là một phía Đông phụng vụ, hoặc một phương tiện hướng linh mục và tín hữu về mầu nhiệm trung tâm của sự cứu chuộc, vốn được hiện diện và biểu tượng bởi tượng Chịu nạn.

Trong triều đại giáo hoàng của Ngài, sự hiện diện của một tượng Chịu nạn lớn trên bàn thờ đã trở thành quen thuộc trong các Thánh lễ giáo hoàng, và cho đến nay đã được tiếp tục bởi Giáo Hoàng Phanxicô.

Bằng cách này, các Giáo hoàng giảng dạy thông qua gương mẫu và tập tục phụng vụ tốt. Tuy nhiên, không có sắc lệnh hoặc văn bản pháp lý nào khác được ban hành để thiết lập một sự thay đổi trong luật lệ. Vì vậy, hiện nay các Qui chế tổng quát của Sách Lễ Rôma (GIRM) vẫn duy trì tính hợp lệ và hiệu lực pháp luật.

Không luật lệ nào có thể là một sự lựa chọn có chủ ý về phía các Giáo hoàng, cũng như không có sự chấm dứt một cuộc tranh luận mở, liên quan đến tập tục tốt nhất trong lĩnh vực này, và dành chỗ cho sự uyển chuyển trong các tình hình mục vụ khác nhau.

Về câu hỏi thứ hai: Các linh mục nên tuân theo các bản văn phụng vụ đã được phê duyệt bởi Hội đồng Giám mục của mỗi quốc gia. Họ không nên sử dụng các bản văn khác đã được phê duyệt bởi Hội đồng Giám mục quốc gia khác. Một ngoại lệ là một Thánh Lễ bằng tiếng Anh ở các nước có ngôn ngữ khác. Trong trường hợp này, bất kỳ bản văn tiếng Anh nào đã được phê duyệt có thể được sử dụng. (Zenit.org 17-6-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tự điển Việt -Bồ - La giúp hiểu rõ kinh Cảm Tạ Niệm Từ
Sr. Minh Thùy
09:04 18/06/2014
TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ - LA GIÚP HIỂU RÕ MỘT SỐ KINH ĐỌC CÁC DỊP ĐẶC BIỆT

Trong những ngày qua, tôi đã dùng Từ điển Việt – Bồ - La để giải thích nghĩa các từ cổ trong các Kinh đọc thường ngày, Chúa Nhật, Lễ Trọng và các Kinh cầu. Nhiều độc giả khát khao được tôi giải thích thêm các Kinh nguyện giỗ (cầu cho linh hồn nào đó mới qua đời, hoặc là trong những ngày giỗ), các Kinh phép ngắm Rosa, các Kinh viếng Đàng Thánh Giá, các Kinh ngắm Bảy Sự Đức Mẹ (buồn – vui), Bảy Sự Ông Thánh Giuse... Trong giới hạn của mình, với khát mong đáp lại lòng yêu mến Chúa của giáo dân Việt Nam, tôi sẽ gởi đến quý vị dần dần để quý vị kịp nguyện gẫm thật sâu, những tài sản quý giá các nhà truyền giáo cũng như ông cha ta để lại. Nguyện Chúa chúc lành cho quý vị.

Dưới đây là một trong những Kinh mà giáo dân Việt Nam thường đọc trong các ngày giỗ hoặc là khi có ai đó mới qua đời. Các dịp ấy, tín hữu trong các Giáo họ, Giáo xứ tụ tập tại các gia đình hoặc những nơi chung để cầu nguyện cho linh hồn người thân yêu. Bài kinh vần điệu thật hay, nhưng có khá nhiều từ cổ khiến cho người đọc có khi đọc lên nhưng không hiểu hết nghĩa. Xin gởi đến quý vị phần giải nghĩa để đáp lại tấm chân tình khát mong của quý vị.


CẢM TẠ NIỆM TỪ

(KINH NGUYỆN GIỖ)

(Bản Diễn Ca của cụ Phạm Trạch Thiện)

Lạy ơn Thiên Chúa cao sang

Chín tầng ngự trị thiên đàng liên liên.

Loài người mọn mạy phàm hèn

Cùng chung muôn vật ở trên địa cầu.

Tính thiêng soi tới khắp thâu,

Suốt thông mọi sự làu làu không sai.

Rất công chẳng chút riêng ai,

Khắp hòa che chở chẳng ngoài kiền khôn.

Chúng tôi chút phận dân con,

Trộm đem tấc dạ ngu hôn nghĩ rằng:

Chúa Cha phép tắc khôn chừng,

Linh thông rất mực toàn năng vô cùng,

Bởi không rẽ đám hồng mông,

Máy huyền tạo hóa phép thông diệu thần,

Sinh nên trời đất thần nhân,

Cùng chung muôn vật mọi phần tốt xinh.

Chúa Con lòng rất nhân lành,

Vì thương thiên hạ giáng sinh chữa đời.

Để tòa cao trọng trên trời,

Liều mình chịu chết thay loài người ta.

Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba

Uy linh hiện hóa thiết tha ôn tồn.

Cho ta mạnh sức linh hồn,

Đầy lòng đức nghĩa cao tôn khác vời.

Ba Ngôi cũng một Chúa Trời,

Một tính một phép Ba Ngôi một giềng.

Trí năng một thể cao sang,

Tốt lành nhân đức vẻ vang rất là.

Bây giờ trộm dám suy ra,

Hồn nay đã phải nghiêm tra trước tòa.

Xét từ hồn mới sinh ra,

Chưng nay hồn đã phải qua đời rồi.

Chịu ơn Thiên Chúa vô hồi.

Lo hồn hoặc lại luống côi vô tình.

Ở đời những thuở bình sinh,

Chẳng suy chẳng nghĩ việc lành phải chăm.

Lòng lo miệng nói mình làm,

Chan chan lỗi phạm sai lầm lắm thôi,

Linh hồn ba phép chẳng noi,

Dùng về nẻo khác lôi thôi nhiều chiều,

Từ bề xác thịt ngã xiêu,

Đi càn lối vạy chẳng theo đàng lành,

Kinh dâng chẳng vẹn tâm thành,

Phượng thờ chẳng trọn bậc mình sớm trưa.

Gặp cơn nguy ách chẳng ngờ,

Ăn năn chưa trọn ngày giờ đã qua.

Than ôi! Giờ chết chẳng xa,

Khí thiêng mong thở hắt ra còn gì.

Bồi hồi hoi hóp đang khi,

Cậy trông Chúa cả phù trì ủi an.

Phương chi ngày trước lo toan,

Ích riêng theo thói thế gian chiều lòng.

Lỗi nay khôn kể cho cùng,

Ai hay cứu thoát khỏi vòng hồng lô.

Hỡi ơi! Lạy Chúa Giêsu,

Chuộc đền ơn cả thương cho lúc này.

Cậy trông Đức Mẹ nhân thay,

Cầu cùng Chúa cả lỗi rày thứ cho.

Lại xin Đức Thánh Angiô,

Bấy lâu gìn giữ hộ phù tính linh,

Hằng hằng dạy dỗ đinh ninh,

Đã công coi sóc thần hình bấy thu.

Rày xin giúp đỡ cần cù,

Để cho thắng được kẻ thù thiêng nay.

Cùng xin đấng thánh quan thầy

Vốn từng thân thiết thuở ngày bình sinh.

Hằng hằng đỡ vực che bênh,

Xin Người thương đoái đinh ninh thay lời.

Lại xin các Thánh trên trời,

Đang chầu chực Chúa ở nơi vui vầy,

Vì tình thương đến hồn này,

Cầu cho chóng được thấy ngày hiển vinh.

Như Lời Chúa phán rành rành.

Xin thì sẽ được ơn lành đoái thương.

Sấp mình trông Chúa cao sang,

Ba Ngôi một tính rõ ràng uy nghi.

Trời cao đất rộng cực kỳ,

Trong tay quyền phép tóm về kỷ cương.

Cao xa Chúa ngự thiên đàng,

Thấu nghe suốt hết trần gian mọi vùng.

Khuyên răn thưởng phạt rất công,

Lưới trời lồng lộng ai hòng trốn thâu

Chúng tôi cả dám khấu đầu,

Hết lòng van thiết âu sầu kêu xin.

Rộng tha phần phạt luyện đền,

Cho linh hồn ấy được lên thiên đàng.

Sống lâu hưởng phúc vinh quang,

Đền xuân cõi thọ vẻ vang đời đời.

Kinh văn cầu khẩn một bài,

Mọi người xin hết hợp lời. Amen.

‒ Trong Kinh này chúng ta lại gặp lại câu khi bắt đầu lời kinh: “Lạy ơn Thiên Chúa cao sang...” như tôi đã giải thích nhiều “lạy ơn” là lời “tạ ơn” lời đầu tiên khi bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, trước khi ca ngợi và xin ơn. Từ “cao sang” Hùinh Tịnh Của giải thích “cao” nghĩa là “vượt lên trên hết”, “sang” nghĩa là “vinh hiển”, “cao sang” nghĩa là “sang cả”, là “vinh hiển vô song, vượt lên trên hết mọi loài”. “Chín tầng ngự trị thiên đàng liên liên”: từ “liên liên” nghĩa là “luôn luôn”.

Lạy ơn Thiên Chúa cao sang

Chín tầng ngự trị thiên đàng liên liên.

Câu này có nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, Đấng vinh hiển vô song, Ngài luôn luôn ngự trị trên chín tầng trời cao thẳm. Hoặc có thể hiểu: Lạy Thiên Chúa, Đấng vinh hiển vô song, Ngài luôn luôn ngự trị trên chín tầng trời cao thẳm, chúng con tạ ơn Chúa.

Loài người mọn mạy phàm hèn

Cùng chung muôn vật ở trên địa cầu.

‒ Từ “mọn mạy”: “mọn” nghĩa là “bé mọn”, Tự Vị Annam Latinh có từ “mạy” nhưng tác giả không giải thích, tiếp đến là mục từ “nhớ mạy” nghĩa là “nhớ mang máng” có thể nói là nhớ không đáng kể, suy ra “mọn mạy” nghĩa là “nhỏ bé không đáng kể”; Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của có từ “mọn mạy” nghĩa là “nhỏ bé, hèn mọn”. Từ “phàm hèn”: “phàm hèn” nghĩa là “hèn hạ”. Ghép hai từ ghép “mọn mạy” và “phàm hèn” để làm gia tăng nét nghĩa “nhỏ bé, hèn mọn, hèn hạ” của thân phận con người. Chúng ta cũng nhớ lại kiểu nói “chúng con là kẻ hèn mọn”, “chúng con là vật mọn”... đã được Cha Đắc Lộ xác định, đây là kiểu nói cửa miệng cách khiêm tốn của người An Nam lúc bấy giờ.

Câu kinh “Loài người mọn mạy phàm hèn, cùng chung muôn vật ở trên địa cầu” nghĩa chung là trước Thiên Chúa cao sang “loài người chúng con nhỏ bé hèn mọn, cũng như muôn vật khác ở trên trái đất này”.

Tính thiêng soi tới khắp thâu,

Suốt thông mọi sự làu làu không sai.

‒ “Tính thiêng soi tới khắp thâu” nghĩa là Thiên Chúa thiêng liêng vô cùng có thể thấu biết khắp nơi, “thâu” nghĩa là thấu hết. “Suốt thông mọi sự làu làu không sai”: Từ “suốt thông” hay “thông suốt” nghĩa như nhau vì đây là từ ghép đẳng lập có thể đảo vị trí cho nhau, nghĩa là Chúa biết rõ, Chúa hiểu hết; từ “làu làu” nghĩa là “hoàn toàn, trọn vẹn”.

Câu kinh “Tính thiêng soi tới khắp thâu, suốt thông mọi sự làu làu không sai”: nghĩa là “Thiên Chúa thiêng liêng, Ngài thấu tỏ khắp mọi nơi, thấu cả những gì kín ẩn trong lòng, Ngài biết hết mọi sự, cái biết của Ngài hoàn toàn trọn vẹn không sai điều nào bao giờ”.

Rất công chẳng chút riêng ai,

Khắp hòa che chở chẳng ngoài kiền khôn.

‒ “Rất công chẳng chút riêng ai”: Từ “rất” (rứt) theo Từ điển Việt - Bồ - La nghĩa là “dấu chỉ cấp cao nhất”. “Rất công” nghĩa là Thiên Chúa vô cùng công bằng, công thẳng, công minh... Từ “riêng” trong câu này nghĩa là “riêng tư”. Chúng ta vẫn nghe câu nói cửa miệng của các thế hệ cha ông lớn tuổi về cụm từ “riêng tư, tây vị” nghĩa là “thiên vị”. Câu kinh này có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng ‘rất công (công bằng)’, Ngài không chút thiên vị ai”.

‒ “Khắp hòa che chở chẳng ngoài kiền khôn”: Từ “hòa” đồng nghĩa với từ “cả và” trong tiếng Việt cổ nghĩa là “tất cả”; “khắp hòa” nghĩa là “khắp tất cả”. Từ “kiền khôn”: “kiền” là âm Hán cổ của từ “càn”; “càn khôn” nghĩa là “trời đất”. Nguyên trọn câu này có nghĩa là “Thiên Chúa che chở tất cả mọi người trên trái đất này”.

Câu kinh: “Rất công chẳng chút riêng ai, khắp hòa che chở chẳng ngoài kiền khôn”: nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng ‘rất công (công bằng)’, Ngài không chút thiên vị ai; tất cả mọi người trên trái đất này đều được Ngài che chở”.

Chúng tôi chút phận dân con,

Trộm đem tấc dạ ngu hôn nghĩ rằng:

‒ Từ “tấc dạ” nghĩa là “lòng”, “tấc lòng” là “tấm lòng”; “ngu hôn” nghĩa là “ngu si mờ tối” chúng ta cũng gặp từ “hôn” trong “hoàng hôn” có nghĩa đen là “mờ tối”, còn “hôn” trong “ngu hôn” là nghĩa bóng cũng chỉ về sự mờ tối tâm hồn. Cả câu kinh nghĩa là “chúng con phận làm dân, làm con Chúa; chúng con với tâm hồn ngu si mờ tối dám nghĩ thầm rằng”:

Chúa Cha phép tắc khôn chừng,

Linh thông rất mực toàn năng vô cùng,

Bởi không rẽ đám hồng mông,

Máy huyền tạo hóa phép thông diệu thần,

Sinh nên trời đất thần nhân,

Cùng chung muôn vật mọi phần tốt xinh.

‒ “Chúa Cha phép tắc khôn chừng”: Từ “phép tắc” như đã giải thích nghĩa là “quyền năng”. Từ “khôn” nghĩa là “không”, chúng ta cũng thường hay thấy cụm từ “khôn dò, khôn thấu, khôn ví...” trong các Thánh Vịnh hoặc trong các bài hát thánh ca, từ “khôn” trong cụm từ ấy cũng có nghĩa là “không”. Từ “chừng” trong Tự Vị Annam Latinh giải thích là “tận cùng”. Như vậy cụm từ “khôn chừng” nghĩa là “không có tận cùng” đồng nghĩa với “vô cùng”. Cả câu ý nói “Thiên Chúa Cha là Đấng quyền năng vô cùng”.

‒ “Linh thông rất mực toàn năng vô cùng”: Trong cụm từ “linh thông” từ “linh” nghĩa là “linh thiêng”, “thông” nghĩa là “thấu suốt hết”; từ “rất mực” trong Từ điển Việt - Bồ - La giải thích “rất” (rứt) nghĩa là “dấu chỉ cấp cao nhất”, “rất mực” nghĩa là “tuyệt đỉnh”. Câu này có nghĩa: “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, thấu suốt hết tất cả và Ngài vô cùng toàn năng”.

‒ “Bởi không rẽ đám hồng mông”: Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của có từ “hồng mông” ông ghi chú là từ ít dùng, đồng nghĩa với từ “hồng hoang”; “hồng hoang” theo Tự Vị Annam Latinh có nghĩa là “trước khi vũ trụ được tạo thành”.

‒ “Máy huyền tạo hóa phép thông diệu thần”: Cụm từ “máy huyền” là cụm từ lược bớt của “máy huyền vi” mà chúng ta gặp trong Thánh Thi Kinh Chiều thứ Sáu tuần I “máy huyền vi Ngài nắm gọn trong tay”. Từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức, giải thích nghĩa thứ hai nghĩa bóng của từ “máy” là “sức phát động của Tạo Hóa”, còn từ “huyền” nghĩa là “mọi sự chưa dính vào đâu, chưa có gì, còn huyền bí”. Đây là ý tưởng lấy lại trong văn chương cổ xưa, ví dụ: trong Ca Dao có câu “Máy huyền vi mở đóng khôn lường”; hoặc như trong Lục Vân Tiên “Chẳng qua máy tạo đổi thay khôn lường”; còn trong Hoa Tiên thì diễn tả “Mới hay máy tạo tuần hoàn dành cho”... Ý của cụm từ “máy huyền Tạo Hóa” nghĩa là “Vũ trụ trời đất này được ví như một cái máy vĩ đại. Trong máy cái đó, có những điều cao siêu, lạ lùng, kỳ vĩ vượt quá sức hiểu biết của con người. Chính Chúa đã dựng nên cái máy vĩ đại đó”. Cụm từ “phép thông” là từ ghép đẳng lập giữa hai từ “quyền phép” và “thông minh”, nghĩa là “toàn năng” và “thấu biết mọi sự”. Hai từ này đã được giải thích trong Kinh Cậy và Kinh Tin.

‒ “Sinh nên trời đất thần nhân, cùng chung muôn vật mọi phần tốt xinh”. Cụm từ “sinh nên” theo Tự Vị Annam Latinh nghĩa là “dựng nên”. Câu kinh này nghĩa là “Chúa Cha dựng nên trời đất, thiên thần, loài người, cùng mọi loài tạo vật, tất cả đều tốt đẹp.”

‒ Sáu câu thơ kinh này ca ngợi “Thiên Chúa Cha là Đấng quyền năng vô cùng, Ngài dựng nên vũ trụ trời đất từ hư không, Ngài dựng nên thiên thần, loài người và muôn muôn vật”.

Chúa Con lòng rất nhân lành,

Vì thương thiên hạ giáng sinh chữa đời.

Để tòa cao trọng trên trời,

Liều mình chịu chết thay loài người ta.

‒ Từ “nhân lành” nghĩa là “khoan dung và quảng đại”, “rất nhân lành” nghĩa là “khoan dung và quảng đại vô cùng”. Từ “thương, mến, yêu” trong Từ điển Việt – Bồ - La đều có nghĩa là “yêu” như đã giải thích trong Kinh Mến. Từ “thiên hạ” theo tiếng Việt hiện đại được giải thích “người đời, trừ mình và những người thân ra” nghĩa này hoàn toàn không phù hợp với lời kinh. Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “thiên hạ” nghĩa là “tất cả mọi người dưới bầu trời này”. Từ “chữa” có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là “cứu cho khỏi mọi tội lỗi và sự dữ”, nghĩa thứ hai là “giải cứu khỏi bất cứ tai họa nào như bệnh nạn hoặc sự nguy hiểm...”

‒ Từ “để” có một nghĩa rất cổ đó là “bỏ”. Từ “cao trọng” nghĩa là “cao sang, quí trọng”.

‒ Bốn câu kinh này nói về “Chúa Giêsu là Ngôi Hai, Ngôi Con, Ngài là Đấng khoan dung quảng đại vô cùng, vì yêu thương loài người chúng ta Ngài muốn cứu vớt chúng ta; Ngài đã bỏ trời sinh xuống trần gian, hy sinh chịu chết thay cho chúng ta”.

Thánh Thần Thiên Chúa Ngôi Ba

Uy linh hiện hóa thiết tha ôn tồn.

Cho ta mạnh sức linh hồn,

Đầy lòng đức nghĩa cao tôn khác vời.

‒ Cụm từ “hiện hóa” là từ ghép hội nghĩa của hai từ “hiện diện và thánh hóa”. Chúa Thánh Thần hiện diện và biến đổi con người theo ý Thiên Chúa, theo hình ảnh Thiên Chúa. Cả bốn câu này nói về “Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài rất uy linh, Ngài hiện diện thánh hóa và dịu dàng với mỗi người, Ngài ban ơn sức mạnh cho linh hồn, để chúng ta sống trọn nhân nghĩa cao quý và được tôn trọng khác vời”.

Ba Ngôi cũng một Chúa Trời,

Một tính một phép Ba Ngôi một giềng.

Trí năng một thể cao sang,

Tốt lành nhân đức vẻ vang rất là.

‒ Từ “giềng” đồng nghĩa với “giường, chiềng” ý chỉ “giềng mối”. Bốn câu gôm lại nghĩa là “Ba Ngôi nhưng là một Thiên Chúa, cùng một bản tính, một quyền năng như nhau, cùng cao sang, tốt lành, vẻ vang như nhau”.

Bây giờ trộm dám suy ra,

Hồn nay đã phải nghiêm tra trước tòa.

Xét từ hồn mới sinh ra,

Chưng nay hồn đã phải qua đời rồi.

‒ Câu này có nghĩa: Giờ đây, chúng ta suy nghĩ cách kín đáo trong lòng rằng, linh hồn mới qua đời đã phải ra trước tòa phán xét, phải được tra hỏi cách nghiêm minh.

‒ Từ “chưng” là một từ rất cổ, trong Từ điển Từ Cổ của Vương Lộc đã ghi 6 nét nghĩa của từ “chưng”, nét nghĩa thứ 2 là nét nghĩa trong bối cảnh của câu kinh này. “Chưng là từ biểu thị phạm vi thời gian diễn ra sự việc được nói đến.” “Chưng nay” nghĩa là “cho đến nay”. Câu kinh này nghĩa trọn vẹn là “Linh hồn vừa qua đời đã phải ra trước tòa Chúa một cách nghiêm minh. Linh hồn phải chịu xét xử từ lúc mới sinh ra, cho đến nay khi hồn vừa qua đời”.

Chịu ơn Thiên Chúa vô hồi.

Lo hồn hoặc lại luống côi vô tình.

‒ Từ “chịu ơn” như đã giải thích trong Kinh Truyền Tin, là một từ có nét nghĩa tích cực, nét nghĩa này chỉ có trong tiếng Việt cổ, nghĩa là “được ơn, nhận ơn, lãnh ơn”. Từ “vô hồi” Từ điển Việt - Bồ - La giải thích nghĩa là “không đếm được, vô số”. Câu kinh này nghĩa là “chúng ta lãnh nhận ơn của Thiên Chúa rất nhiều, không tài nào đếm nổi”. Các từ điển không thấy ghi nhận cụm từ “luống côi”, có lẽ cụm từ này tác giả làm trại âm của từ “luống công” để cho đúng vần đúng điệu thơ lục bát; nghĩa của từ “luống công” nghĩa là “uổng công” (luống = uổng). Ý của câu này nghĩa là “lo cho linh hồn, không biết có nghĩ đến việc ‘chịu ơn Thiên Chúa vô cùng’ hay không; hay lại là uổng công bởi vì sự ‘vô tình’ của linh hồn”.

Ở đời những thuở bình sinh,

Chẳng suy chẳng nghĩ việc lành phải chăm.

Lòng lo miệng nói mình làm,

Chan chan lỗi phạm sai lầm lắm thôi.

‒ Từ “những” tiếng Việt cổ có ba nét nghĩa: 1.nhiều; 2.chỉ có thể; 3.trong khi đó; trong câu “Ở đời những thuở bình sinh” thì “những” có nghĩa thứ 3; cụm từ “thuở bình sinh” nghĩa là “lúc còn sống ở đời”. Từ “chan chan” nghĩa là mênh mông, nhiều lắm. Trọn câu kinh nghĩa là: “Ở đời, trong khi còn sống, không chịu suy nghĩ đến chăm chỉ siêng năng làm việc lành; nhưng lỗi phạm thì rất nhiều, từ tư tưởng (lòng lo), lời nói (miệng nói), đến việc làm (mình làm)”.

Linh hồn ba phép chẳng noi,

Dùng về nẻo khác lôi thôi nhiều chiều,

‒ Từ “phép” trong câu này là “phép luật”, từ “noi” nghĩa là “giữ”, từ “dùng” trong tiếng Việt cổ có một nét nghĩa rất cổ là “chăm chút”. Câu này ý nói: “Linh hồn có ba điều luật phải giữ đã nhắc ở trên đó là tư tưởng, lời nói, việc làm; nhưng dường như là linh hồn lại lo chăm chút điều khác, ham nẻo khác, lôi thôi nhiều vấn đề khác mà không chăm lo giữ tư tưởng, lời nói, việc làm cho đẹp lòng Chúa.”

Từ bề xác thịt ngã xiêu,

Đi càn lối vạy chẳng theo đàng lành,

Kinh dâng chẳng vẹn tâm thành,

Phượng thờ chẳng trọn bậc mình sớm trưa.

‒ Cụm từ “lối vạy” nghĩa là “đường tà, đường cong queo không ngay thẳng, không phải là con đường chân chính đẹp lòng Chúa”. Tiếng Việt cổ đọc từ “đàng” nghĩa là “đường”. Bốn câu kinh này có nghĩa là: “Từ dạo (từ bề) mà yếu đuối sa ngã, thì linh hồn đã đi càn (ẩu, bậy) vào đường tà, đường gian ác mà không đi theo con đường lành thánh; đọc kinh dâng Chúa thì không trọn vẹn với lòng thành, làm việc thờ phượng Chúa thì không trọn vẹn cho xứng với bậc mình, làm qua loa trong ngày.”

Gặp cơn nguy ách chẳng ngờ,

Ăn năn chưa trọn ngày giờ đã qua.

Than ôi! Giờ chết chẳng xa,

Khí thiêng mong thở hắt ra còn gì.

Bồi hồi hoi hóp đang khi,

Cậy trông Chúa cả phù trì ủi an.

Phương chi ngày trước lo toan,

Ích riêng theo thói thế gian chiều lòng.

Lỗi nay khôn kể cho cùng,

Ai hay cứu thoát khỏi vòng hồng lô.

‒ Từ “ách” có nghĩa là “nạn”. “Gặp cơn nguy ách chẳng ngờ” nghĩa là “gặp cơn gian nguy, hoạn nạn đến vào lúc không ngờ”. Lúc ấy “không kịp ăn năn thì ngày giờ đã hết”. Lời kinh dạy, lúc ấy hãy “cậy trông và tin tưởng vào Chúa, cho dù khi còn sống đã chiều theo thói thế gian, chỉ tìm ích riêng cho mình”.

‒ “Lỗi nay khôn kể cho cùng, ai hay cứu thoát khỏi vòng hồng lô”: Từ “hay” trong câu này có nghĩa là “mở ra, đưa ra”. Nghĩa của câu là “Lỗi của linh hồn đã trót phạm thì khôn kể xiết, chẳng ai có thể mở ra hoặc cứu thoát ra khỏi ngọn lửa hồng”.

Hỡi ơi! Lạy Chúa Giêsu,

Chuộc đền ơn cả thương cho lúc này.

‒ Câu này là “lời than vãn cùng Chúa Giêsu, xin Chúa cứu chuộc linh hồn ấy bằng “ơn cả” (ơn huệ lớn lao) trong lúc lìa thế này”.

Cậy trông Đức Mẹ nhân thay,

Cầu cùng Chúa cả lỗi rày thứ cho.

‒ “Cũng xin Đức Mẹ vô cùng khoan nhân, cầu bầu cùng Chúa nay tha thứ lỗi cho linh hồn ấy”.

Lại xin Đức Thánh Angiô,

Bấy lâu gìn giữ hộ phù tính linh,

Hằng hằng dạy dỗ đinh ninh,

Đã công coi sóc thần hình bấy thu.

Rày xin giúp đỡ cần cù,

Để cho thắng được kẻ thù thiêng nay

‒ Cụm từ “Đức Thánh Angiô” nghĩa là Thánh Thiên Thần, từ “Angiô” được phiên từ tiếng gốc Bồ Đào Nha có nghĩa là “Thiên thần”. Từ “tính linh” nghĩa là “phần linh hồn của con người”. Từ “hằng hằng” nghĩa là “luôn luôn”, “đinh ninh” nghĩa là “ân cần giao phó”, “bấy” nghĩa là “dường ấy”, “rày” nghĩa là “nay”. Và chúng con cũng xin Thiên Thần bản mệnh, xưa dạy dỗ, gìn giữ bảo vệ hồn xác của người mới qua đời. Thì nay xin giúp đỡ, để chúng con thắng được kẻ thù thiêng liêng này.

Cùng xin đấng thánh quan thầy

Vốn từng thân thiết thuở ngày bình sinh.

Hằng hằng đỡ vực che bênh,

Xin Người thương đoái đinh ninh thay lời.

‒ Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “quan thày” được giải thích rất hay: “quan thày” là “vị quan của tôi, là người điều khiển, dẫn dắt tôi, là vị quan mà tôi tùy thuộc vào ngài”. Ý của hai câu kinh là “xin thánh quan thầy (bổn mạng), Đấng đã gắn bó với linh hồn mỗi người từ khi chào đời; xin Ngài luôn luôn bênh vực che chở, xin giao phó cho người linh hồn này.”

Lại xin các Thánh trên trời,

Đang chầu chực Chúa ở nơi vui vầy,

Vì tình thương đến hồn này,

Cầu cho chóng được thấy ngày hiển vinh.

‒ Cụm từ “nơi vui vầy” được hiểu là “thiên đàng, nơi có Chúa ngự”. Từ “chóng” nghĩa là “mau”. Bốn câu này là “cầu xin các thánh, thương đến linh hồn mới qua đời mà cầu bầu trước tòa Chúa, cho linh hồn ấy cũng được về chầu Chúa ở ‘nơi vui vầy’.”

Như Lời Chúa phán rành rành.

Xin thì sẽ được ơn lành đoái thương.

Sấp mình trông Chúa cao sang,

Ba Ngôi một tính rõ ràng uy nghi.

Trời cao đất rộng cực kỳ,

Trong tay quyền phép tóm về kỷ cương.

Cao xa Chúa ngự thiên đàng,

Thấu nghe suốt hết trần gian mọi vùng.

Khuyên răn thưởng phạt rất công,

Lưới trời lồng lộng ai hòng trốn thâu.

‒ Từ “rành rành” có nghĩa là “rõ ràng”. “Trời cao đất rộng cực kỳ, trong tay quyền phép tóm về kỷ cương”: Từ “kỷ cương” = “kỷ cang” nghĩa là “luật pháp”. Hai câu này có nghĩa là “dù trời đất bao la rộng lớn vô cùng, nhưng dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa thì nó phải đi vào kỷ cương, luật pháp của Ngài”. Từ đó suy ra, con người cũng không thể tránh khỏi quy luật muôn đời ấy, con người cũng phải đi vào trong “luật pháp” của Ngài.

‒ “Lưới trời lồng lộng ai hòng trốn thâu”: “Trốn thâu” nghĩa là “trốn thoát, trốn khỏi”. Câu kinh ý nói: “Dưới bầu trời bao la này, con người không thể thoát ra khỏi bàn tay Thiên Chúa. Đừng có ai mong trốn khỏi lưới trời”.

Chúng tôi cả dám khấu đầu

Hết lòng van thiết âu sầu kêu xin.

Rộng tha phần phạt luyện đền,

Cho linh hồn ấy được lên thiên đàng.

Sống lâu hưởng phúc vinh quang,

Đền xuân cõi thọ vẻ vang đời đời.

Kinh văn cầu khẩn một bài,

Mọi người xin hết hợp lời. Amen.

‒ Từ “khấu đầu”, từ điển Hán Việt giải thích “khấu” nghĩa là “cúi rạp đầu xuống”. “Chúng tôi cả dám khấu đầu”: Chúng tôi những người còn đang sống, chúng tôi “cả dám” nghĩa là “chúng tôi gan to lắm, dám đến trước nhan Chúa cao sang uy nghi, cúi rạp mình xuống, hết lòng than van kêu xin”. “Xin Chúa rộng lòng tha phần phạt mà linh hồn mới qua đời này phải đền trong luyện ngục, xin cho linh hồn ấy được lên thiên đàng, được hưởng phúc vinh quang, được vào nơi ví như ‘đền xuân’ cao trọng xinh đẹp muôn đời”.

‒ “Kinh văn cầu khẩn một bài”: Tác giả gọi bài kinh này, là lời kinh dưới dạng thơ văn, mọi người hợp nhau cầu nguyện cho người đã qua đời. Tất cả hợp lời với lòng tin trọn vẹn. “Amen”.

‒ Sr. Minh Thùy
 
Thông Báo
Thiệp Mời Chương trình Đêm nhạc: ''Chúa và Tôi 2''
Lm Nguyễn Hùng Cường
07:38 18/06/2014
 
Mời tham dự Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam tại Nam Cali
LM Mai Khải Hoàn
09:49 18/06/2014
LIÊN ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM
MIỀN TÂY-NAM HOA KỲ
P.O. Box 2131, Westminster, CA. 92684


THÔNG CÁO

Kính gởi:
- Quí vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
- Quí vị lãnh đạo cộng đồng, đoàn thể và tổ chức,
- Quí cơ quan truyền thông và báo chí,
- Quí Cụ, quí ông bà và toàn thể quí đồng bào.

Kính thưa quí vị,

Đứng trước sự xâm lăng ngang tàng của Trung Cộng bất chấp những công ước quốc tế về lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam
và hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây-Nam Hoa Kỳ
qua sự hợp tác với các Tôn Giáo bạn, các Đoàn Thể, các Tổ Chức và các Cơ Quan Truyền Thông trong Cộng Đồng sẽ cùng đứng ra tổ chức

“ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
TRƯỚC HIỂM HỌA XÂM LĂNG CỦA TRUNG CỘNG”


Từ: 6 giờ 30 chiều đến 10:00 giờ tối
Ngày: Thứ Sáu, ngày 20 tháng 6 năm 2014
Tại: BOLSA GRANDE HIGH SCHOOL
9401 Westminster Ave.,
Garden Grove, CA 92844

Trân trọng kính mời toàn thể quí vị đến tham dự:

Thay mặt Ban Tổ Chức
LM Mai Khải Hoàn
Trưởng Ban Tổ Chức
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giáo Đường Trên Đồi Hoa
Đặng Đức Cương
21:29 18/06/2014
GIÁO ĐƯỜNG TRÊN ĐỒI HOA
Ảnh của Đặng Đức Cương
Tạ ơn Chúa cả đầu ngày
Ban cho trời đẹp hôm nay tuyệt vời
Tâm thanh hướng tạ ơn Trời
Ơn lành rải xuống muôn đời thế nhân.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)