Ngày 17-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trái Tim Hoàn Hảo - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
00:31 17/06/2009
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Trái Tim Hoàn Hảo

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội tôn kính Trái tim Chúa Giêsu. Nói như vậy, không hiểu theo nghĩa là tôn kính một phần cơ thể của Ngài, cũng không phải là tôn kính một di vật của Ngài cho dù di vật đó quý giá bao nhiêu đi nữa. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, cho nên tôn kính Trái tim Chúa là tôn kính Tình yêu của Ngài. Kính nhớ trái tim Chúa là kính nhớ tình yêu của Ngài. Đền đáp trái tim Chúa là đền đáp tình yêu của Ngài đã dành cho chúng ta.

Vậy, tình yêu đó như thế nào? Thưa, đó là một tình yêu tự hiến, một tình yêu dám chết vì yêu, một tình yêu trao ban trọn vẹn đến nỗi dốc cạn đến giọt máu cuối cùng cho người mình yêu. Yêu là tự hiến, yêu là cho đi đến nỗi quên cả chính mình. Tình yêu có sức mạnh đến nỗi khiến người ta dám mang thương đau vì người mình yêu. Tình yêu sẽ giúp người ta vượt lên mọi khó khăn, mọi ngăn trở để thể hiện tình thương mến dành cho nhau. Thế nên, cha ông ta mới nòi rằng:

“Yêu nhau tam núi núi cũng trèo

Thất bát sông cũng lội

Thập cửu đèo cũng qua”.

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp trám vào thay thế. Chàng trai cười nói:

- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

- Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè. . . Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn khi đón nhận lại từ tôi, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái của tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầu khoảng trống mà tôi luôn chời đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Giọt nước mắt từ trài tim tuôn trào khiến anh đáng yêu hơn. Giọt nước mắt sót xa vì quá khứ thiếu sự trao ban cho tha nhân. Anh cần phải làm điều gì đó để minh đẹp tươi hơn. Anh bước tới. Anh vội xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ đã chảy trong tim anh. ..

Vâng, một trái tim đẹp là một trái tim biết trao ban, luôn rộng mở cho tha nhân. Một trái tim hoàn hảo là một trái tim có ích cho tha nhân. Một trái tim biết dành cho tha nhân những ngĩa cử yêu thương và phục vụ thì luôn rạng ngời và hấp dẫn giữa anh em. Hôm nay chúng ta chiêm ngắm một trái tim đã bị đâm thâu đến nỗi không còn khả năng giữ lại một giọt máu để nuôi dưỡng sự sống cho mình. Trái tim đó đã tan nát bởi tình yêu với nhân loại. Nhưng, chính từ trái tim đó, mà con người nhận được lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài đã dùng máu của mình để xoá bỏ mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa với con người. Ngài đã dùng cái chết của mình để minh chứng cho tình yêu bất diệt và trung tín cho đến cùng. Vì Ngài là tình yêu. Tình yêu của Ngài cao đẹp bởi sự dâng hiến đến quên cả tình mạng vì người mình yêu. Cuộc đời Ngài dành cho con người, tận hiến và hy sinh cho hạnh phúc con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tình yêu trên trái đất.

Mỗi khi tôn kính Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi noi gương yêu thương của Ngài để sống cho anh em. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu thương của mình dành hết cho mọi người. Từ những người thân yêu đến xa lạ. Từ những kẻ cảm thông với cuộc khổ nạn của Chúa cho đến kẻ hành hình Chúa. Dầu là ai, Ngài vẫn yêu, và yêu họ cho đến cùng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta khi nhận ra tình yêu của Chúa luôn bao phủ trong cuộc đời chúng ta, thì cũng biết trao ban tình yêu của mình cho anh chị em mình xung quanh. Amen
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:23 17/06/2009
LUỒNG KHÍ NÓNG ĐI QUA

N2T


Căn cứ theo báo cáo của báo chí, bởi vì ảnh hưởng của luồng khí nóng nên con người ta rất dễ bị choáng váng. Do đó ở trong nhà thờ có một cô gái trẻ nhìn thấy một ông trung niện ngồi bên cạnh chúi đầu xuống phía trước, thì trực giác cho biết là ông ta bị trúng nắng.

Thế là cô ta quỳ xuống bên cạnh ông ta, một tay nâng đầu ông ta lên, dùng sức ấn đầu xuống giữa hai đầu gối của ông ta, và vội vàng nói cho ông ta biết:

- “Cúi xuống để trong óc có chút máu thì ông sẽ dễ chịu liền.”

Vợ của ông trung niên ấy nhìn chuyện trước mắt thì cười không thành tiếng, hoàn toàn không đưa tay ra giúp đỡ. Cô gái nghĩ thầm: “Bà vợ này không có lương tâm.”

Nhưng điều khiến cho cô ta kinh ngạc là, cái đầu của ông ấy từ trong tay cô ta vùng ra, và mắng cô ta một cách bất lịch sự, nói:

- “Cô làm gì vậy, đồ ngu hết sức, tôi chỉ cúi xuống ghế quỳ để nhặt cái mũ của tôi lên mà thôi mà.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Có người bạn bên Mỹ nói với tôi rằng: ở nước Mỹ khi đi ngoài đường hể thấy người bị gió hoặc bị tai nạn té bên đường thì đừng làm gì cả, tức là đừng giúp họ cạo gió, đừng day huyệt thoa dầu, nhưng lập tức gọi xe cứu thương đến, thế là ổn, bằng không nếu chúng ta giúp họ cạo gió hay day ấn huyệt thì rắc rối to...

Cuộc sống có lắm điều kỳ diệu nhưng cũng có nhiều điều kì dị, kỳ diệu là người ta sống chan hòa yêu thương và biết giúp đỡ nhau khi hoan nạn, mặc dù người ta không quen biết nhau; kì dị là khi con người ta sống thờ ơ với anh chị em đồng loại của mình, thấy người bị nạn không giúp đỡ, thấy bất công không bênh vực, thấy đau thương không cứu giúp...

Người Ki-tô hữu khi giúp đỡ người khác thì thường không nghĩ đến hậu quả, mà chỉ nghĩ đến người anh em chị em đang đau khổ trước mắt cần giúp đỡ ngay, bằng không thì lương tâm của họ sẽ không yên ổn, cho nên họ cũng thường gặp rắc rối khi đưa tay giúp đỡ tha nhân.

Giữa yêu thương phục vụ và nghi kỵ sợ hãi, thì người Ki-tô hữu luôn chọn yêu thương phục vụ làm niềm vui của mình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:24 17/06/2009
N2T


15. Kiêu ngạo thật là hung ác, có thể khiến cho thiên thần đẹp tuyệt vời trở thành ma quỷ xấu xí. Khiêm tốn thật là dễ thương, có thể làm cho người ti tiện biến thành thiên thần đẹp tuyệt vời.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:26 17/06/2009
N2T


148. Bạn bè là một mặt kính khác.

 
Linh mục - người nối kết với Trời Cao
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
05:09 17/06/2009
Để có thể hòa mạng được với đời, linh mục phải nối mạng với trời cao, phải kết nối với “máy chủ” là Đức Kitô. Kết nối qua đời sống cầu nguyện và qua đời sống độc thân khiết tịnh. Đây là tương quan kết nối chiều cao, tương quan nền tảng của mọi tương quan kết nối khác. Thiếu chiều kích tương quan này, mọi tương quan khác sẽ mất gốc và mất sức sống tự căn.

1. Kết nối với Chúa qua đời sống cầu nguyện:

Cầu nguyện là một trong những phương thế kết nối người linh mục với Chúa. Cầu nguyện đưa người linh mục tháp nhập vào sự sống của Chúa. Nhờ cầu nguyện mà cuộc đời của người linh mục được tháp nối với Chúa như cành nho gắn liền với thân cây nho (x. Ga 15, 1-7) và khi gắn liền với thân nho thì cành nho linh mục sẽ sinh nhiều hoa trái tốt tươi; ngược lại tách rời với cây nho, khi thiếu sự cầu nguyện, cành nho linh mục sẽ có nguy cơ tháp nối vào cây danh vọng, cây quyền lực, cây tiền tài, cây sắc dục…. Lúc đó cành nho này sẽ chỉ sinh nho hoang, nho dại.

Cầu nguyện, đối với người Kitô hữu nói chung và đặc biệt đối với ngưới linh mục nói riêng, là hơi thở và là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Thiếu cầu nguyện là thiếu nền tảng cho mọi hoạt động; thiếu cầu nguyện, linh mục sẽ đánh mất ý nghĩa của mọi công việc mục vụ. Thiếu cầu nguyện, người linh mục sẽ rơi vào chủ nghĩa hoạt động vì hoạt động. Nhưng khốn nỗi thay vì hoạt động để tìm vinh danh Chúa và mưu cầu lợi ích cho các linh hồn, thì người linh mục chỉ tìm vinh danh bản thân và mưu cầu lợi lộc cho cái tôi ích kỷ của mình. Linh mục Nguyễn Tầm Thường, trong cuốn “Sự Cô đơn và Tự do” đã viết: “Nguy hiểm biết bao cho một người tông đồ thiếu cầu nguyện, thiếu kết hiệp với c ! Có những việc tông đồ bị đổ bể như tháp Babel, chia rẽ trong giáo xứ, gây gươg mù, làm khổ đau cho biết bao tâm hồn và cho Giáo hội chỉ vì thiếu cầu nguyện …. Do đó phải biết sợ những công việc tông đồ không cầu nguyện. Không có Chúa trong tâm hồn mà làm việc nhân đức, nhiều khi còn gieo thảm hoạ cho mình và cho Hội Thánh nữa” (tr 27).

Cầu nguyện không chỉ bằng những giờ đã được qui định, như Thánh lễ, Nguyện gẫm, viếng Thánh Thể, Giờ Kinh Phụng Vụ… mà còn phải cầu nguyện qua công việc mục vụ mà người linh mục làm hằng ngày bằng cách làm những công việc đó với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, vì Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Điều này giúp người linh mục đặt cả trái tim và tâm hồn của mình vào cả những công việc mà mình đang làm. [1]

Mẫu gương tuyệt hảo của đời sống cầu nguyện là Đức Giêsu. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc; cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Cả những việc rao giảng, chữa bệnh, Ngài cũng mặc cho chúng những tâm tình cầu nguyện. Nhờ đó cuộc sống của Ngài luôn kết nối với Chúa Cha 24/24.

Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu đã đưa ra 4 tiêu chuẩn cho các linh mục trong thời đại ngày nay, mà một trong 4 tiêu chuẩn đó là: “Linh mục là con người của cầu nguyện”. Thiết tưởng, để trở thành con người của cầu nguyện, người linh mục phải kiên trì tập luyện và xin ơn Chúa giúp sức vì bản chất con người thường dễ khô khan nguội lạnh, ngại ngồi lâu giờ, sợ đối diện với thinh lặng. Hơn nữa, một trong những cám dỗ lớn đó là con người thích hoạt động hơn là cầu nguyện: khi cầu nguyện, chúng ta mới thấy làm việc 3 giờ đồng hồ thì dễ hơn là cầu nguyện 1 giờ đồng hồ.

2. Kết nối với Chúa qua đời sống độc thân khiết tịnh:

Khi khước từ hạnh phúc của đời sống hôn nhân gia đình, kể cả niềm vui thú của tình yêu đôi lứa mà lẽ ra mình được hưởng, để rồi chấp nhận đời độc thân khiết tịnh vì Nước trời, người linh mục hoàn toàn thuộc trọn về Chúa cả tâm hồn, cả thân xác và cả con tim. Là người của Chúa, nên người linh mục để cho Chúa tuỳ nghi sử dụng. Điều này hoàn toàn tự nguyện, tự nguyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa với con tim không san sẻ. Như thế, khi chấp nhận sống độc thân khiết tịnh, người linh mục mới có thể tự do để yêu Chúa và yêu hết thảy mọi người mà không có quyền giữ lại riêng ai. “Nhờ bậc độc thân khiết tịnh, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo, được dễ dàng kết hiệp với Người bằng một trái tim không chia sẻ”. [2] Ngoài ra các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó các con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa. [3]

Thực ra, tự bản chất linh mục không đòi buộc phải sống độc thân khiết tịnh như đã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai và trong cùng Giáo Hội Đông Phương. Tuy nhiên, truyền thống Giáo Hội hết sức quý trọng đời sống độc thân khiết tịnh. Đây cũng là bậc sống được Chúa Kitô khuyến khích (x. Mt 19,12). Giáo Hội coi bậc sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho nhân loại: “Hãy nhìn nhận đó là ơn rất trọng đại mà Chúa Cha đã ban cho các linh mục và Chúa Con đã công khai tán thưởng, cũng như hãy nhớ đến những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua ơn độc thân”.[4]

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sống độc thân khiết tịnh cũng là một thách đố cho con người ngày hôm nay, đặc biệt đối với các linh mục triều. Vì chưng, các ngài sống giữa thế gian, tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông đại chúng, cả tốt lẫn xấu, nên người linh mục rất dễ bị cám dỗ về đức khiết tịnh. Bởi đó, các ngài phải dùng mọi phương thế siêu nhiên và tự nhiên sẵn có, nhất là đời sống cầu nguyện và khổ chế để có thể làm chủ con người và các tính mê nết xấu của mình. Thiếu đời sống cầu nguyện và kết hiệp với Chúa, các ngài rất dễ bị sa ngã trước sự mời gọi của tính xác thịt. Như vậy, lời hứa độc thân khiết tịnh có thể được diễn dịch thành lời hứa cầu nguyện. Bao lâu người linh mục trung thành trong đời sống cầu nguyện thì họ mới có thể đứng vững trong bậc sống của mình.[5]

Sau cùng, các linh mục cần phải có lòng yêu mến Đức trinh nữ Maria. Mẹ là mẫu gương trọn hảo về đời sống khiết tịnh; Mẹ cũng là Mẹ của các linh mục. Các linh mục cần phó dâng bậc sống của mình cho Mẹ giữ gìn bằng tâm tình mến yêu và tín thác của những người con thảo. Có như thế các ngài mới hy vọng trung thành với đời sống tận hiến của mình.

[1] Suy niệm và Cầu nguyện, Bánh Vụn, tr 91
[2] 1Cor 7, 32-34
[3] x. Lc 20, 35-36
[4] x. CĐV II, Sắc lệnh Chức vụ và Đời sống Linh mục, số 16
[5] x. Patrick Carrol, S.J. Những Thách Đố Cho Người Tu Sĩ, 2002, tr 40 - 53
 
Ơn gọi Linh mục
Lm. Phêrô Lê Quang Phú
06:52 17/06/2009
Trong buổi tiếp kiến Bộ giáo sĩ sáng 16.3.2009 ĐTC Bênêđictô XVI đã tuyên bố mở 'Năm Linh Mục' từ ngày 19.6.2009 đến 19.6.2010.

Mục đích của ý định này đã được ĐTC nói rõ: 'Để tạo điều kiện thuận lợi cho các linh mục (Linh mục) hướng về sự trọn lành thiêng liêng là điều mà hiệu năng sứ vụ của các vị lệ thuộc, tôi quyết định mở năm đặc biệt 'Năm Linh Mục’ từ ngày 19.6 tới đây cho đến ngày 19.6.2010. Đây cũng là dịp kỷ niệm 150 năm thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars, qua đời. Người là mẫu gương đích thực của vị Mục Tử phục vụ đoàn chiên Chúa Kitô.” Bộ giáo sĩ sẽ cổ võ và phối hợp những sáng kiến linh đạo và mục vụ hữu ích để ngày càng giúp cảm nghiệm về tầm quan trọng của vai trò và sứ mạng của Linh mục trong Giáo Hội và trong xã hội ngày nay.

Nhằm hưởng ứng sáng kiến của ĐTC, và cũng để góp phần suy tư về đời sống và chức vụ Linh mục, chúng tôi xin chia sẻ vài điều góp nhặt trên bước đường theo đuổi ơn gọi Linh mục.

I. Ơn Gọi Linh Mục đến từ Thiên Chúa

Khi xác quyết ơn gọi Linh mục đến từ Thiên Chúa, chúng ta nhấn mạnh vai trò khởi xướng của Thiên Chúa trong hành trình của ơn gọi Linh mục. Lời mời gọi của Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Chúa Giêsu cho các môn đệ Ngài biết, chính Ngài đã chọn họ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Không phải các Linh mục đã chọn Chúa cho bằng chính Chúa đã kêu gọi, đã tuyển chọn họ bằng ân sủng và tình yêu của Ngài. Thiên Chúa khởi xướng, con người đáp trả.

Sau khi “đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12), “Chúa Giêsu đã chọn gọi những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Chúa Giêsu chọn họ không phải vì họ là những người thánh thiện, giàu sang, có địa vị trong xã hội, có học vấn uyên bác. Ngài chọn họ chỉ vì ý muốn của Ngài. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1578 lưu ý: “Không ai có quyền đòi được chịu chức thánh. Phải được Chúa kêu gọi” (x. Dt 5,4).

Điều đầu tiên phải nhớ đến khi nói về các linh mục, là họ được Thiên Chúa kêu gọi. Theo Cha Maciel, không linh mục nào tạo nên ơn gọi của mình. Ơn gọi đó cũng không tùy thuộc sở thích hay cảm quan riêng của họ. Họ hoàn toàn tự do và ý thức khi bước vào chủng viện hay nhà dòng, nhưng sáng kiến đó không bắt đầu từ họ. Ơn gọi Linh mục không phải là chuyện may rủi, cũng không là một tuyển chọn máy móc, nhưng là một sự bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa.

Tình yêu thì ‘cho không biếu không’. Không ai mua bán tình yêu. Ơn gọi Linh mục khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa. Cho nên không ai có thể mua bán chức Linh mục. Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê văn Hồng, trong một dịp giảng tỉnh tâm cho các Linh mục, đã nói: “Linh mục là người của Thiên Chúa vì ơn gọi linh mục hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa.” Và Ngài nhấn mạnh: “Ơn gọi linh mục là một ơn gọi của trời và từ trời. Con người không thể mua bán chức linh mục bằng tiền của, vàng bạc.”

Trong ‘Sứ điệp Ngày Thế giới cầu cho Ơn gọi’ được cử hành vào Chúa nhật Chúa Chiên Lành (2009) với chủ đề “Tín thác nơi sáng kiến của Thiên Chúa và lời đáp trả của con người”, ĐTC Benedict XVI kêu gọi chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ngày nay Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi những người thợ vào làm việc trong vườn nho của Ngài. Mặc dù tại một số miền trên trái đất, có sự thiếu thốn Linh mục một cách đáng lo âu, và có những khó khăn, chướng ngại trên con đường của Giáo Hội, nhưng chúng ta được nâng đỡ nhờ xác tín không lay chuyển, rằng chính Chúa hướng dẫn chúng ta kiên vững trên những nẻo đường trần thế tiến về sự viên mãn chung kết của Nước Chúa. ĐTC xác quyết: “Thiên Chúa tự do chọn lựa và mời gọi những người thuộc mọi nền văn hóa và tuổi tác bước theo Ngài, theo những kế hoạch khôn dò của lòng yêu thương từ bi của Ngài”.

Vì phát xuất từ trời cao nên ơn gọi linh mục mang tính huyền nhiệm.

II. Huyền Nhiệm của Ơn Gọi Linh Mục

Trong dịp mừng Kim Khánh Linh Mục (1996), ĐGH Gioan Phaolô II đã viết ở ngay đoạn đầu của quyển ‘Ân huệ và Mầu nhiệm’ (Gift and Mystery): “Nơi mức độ sâu thẳm nhất, mỗi ơn gọi linh mục là một mầu nhiệm lớn lao.” (At its deepest level, every vocation to the priesthood is a great mystery). Trong đoạn kế tiếp Ngài nói: “ Mỗi ơn gọi là một mầu nhiệm của sự tuyển chọn của Thiên Chúa” (A vocation is a mystery of divine election).

Không nên quá cường điệu thần thánh hóa con người linh mục, nhưng cần xác định rõ tính huyền nhiệm trong ơn gọi Linh mục. Có thể con người có ước muốn. Nhưng ước muốn đó khởi đầu thế nào và diễn tiến ra sao? Chỉ có Chúa biết. Chỉ có Chúa toàn quyền quyết định. Chúng ta không thể dò thấu ý định của Ngài: “Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,33-36).

Nhiều khi người ta thắc mắc tại sao Chúa gọi người này mà không gọi người kia, tại sao Chúa chọn kẻ này mà không chọn kẻ nọ. Tại sao có nhiều người xem ra ‘xứng đáng’ mà lại không được Chúa chọn? Thật là huyền nhiệm! Chúa chỉ có thể trả lời chúng ta rằng: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” (Is 55, 8-9).

Có một linh mục chia sẻ cảm nghiệm về Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đã chọn gọi mình. Ngài thấy có nhiều anh em đồng bạn thông minh và lỗi lạc hơn mình, có những người đạo đức và thánh thiện hơn mình nhiều, mà không được chọn. Ơn gọi dành cho các Linh mục không đến do một công trình nào của họ, nhưng hoàn toàn do Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu vẫn mãi là một cái gì cao siêu và huyền nhiệm khiến chúng ta không thể thấu hiểu được. Cũng như có khi chúng ta thắc mắc tại sao anh nầy cưới chị kia hay tại sao chị thế ấy mà đi lấy anh thế nầy. Đó là huyền nhiệm của Tình yêu.

Tính cách huyền nhiệm nổi rõ ngay từ bước đầu của ơn gọi Linh mục và sẽ thể hiện trong cuộc đời và khi thi hành sứ vụ Linh mục. Linh mục bắt đầu cuộc hành trình ơn gọi trong tinh thần phó thác, như Abraham ra đi mà không biết mình đi đâu.

Qua mọi nẻo đường của sứ vụ, Linh mục luôn cảm nhận Thiên Chúa, Đấng Vô Hình, luôn đồng hành và nâng đỡ mình. Linh mục thi hành sứ vụ không phải bằng sức lực và khả năng của riêng mình, nhưng nhờ quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa. Người đón nhận ơn gọi bao giờ cũng mở mình ra cho Thiên Chúa trong một chiều sâu mà họ không hề biết trước.

Với trào lưu dân chủ, người ta coi linh mục cũng giống như mọi người. Theo khuynh hướng công nghiệp hóa, Linh mục chỉ là 1 bộ phận trong guồng máy của Giáo hội. Trong một thế giới tục hóa, Linh mục chỉ là 1 nhân viên trong hệ thống phân công xã hội.

Tuy nhiên, ơn gọi linh mục không phải là một nghề nghiệp trong kinh tế thị trường. “Một linh mục công giáo mang nơi mình một mầu nhiệm lớn, đến độ ông không thể tự định nghĩa như chuyên viên trong một nghề nào hay như một chức năng xã hội nào. Vị linh mục được một tiếng gọi từ trên nắm bắt, để dành riêng cho Thiên Chúa và tha nhân một cách siêu nhiên” (Jean-Marc Bot).

Ơn gọi Linh mục phát xuất từ Tình yêu huyền nhiệm của Thiên Chúa nên là một món quà tuyệt diệu.

III. Ơn Gọi Linh Mục là Một Món Quà

Đứng trước sự kiện khan hiếm Linh mục ở nhiều nơi trên thế giới, ơn gọi Linh mục thật là món quà Thiên Chúa ban cho giáo hội. Một nữ tu, gần ba mươi năm lặn lội với bà con trong các vùng kinh tế mới không có Linh mục, đã nói lên cảm nghỉ: “Linh mục là món quà vô giá mà không bao giờ chúng ta có thể cám ơn Chúa cho đủ.” Chị nữ tu ấy cũng nhận định rằng: “Tích cực giúp đỡ và cầu nguyện cho các linh mục, đó là điều tối thiểu sau khi mình đã hưởng nhờ quá nhiều ân đức của họ”. Bà Madeleine Delbrêl (1904-1964), một “khuôn mặt toả sáng” của công giáo Pháp thế kỷ XX, đã thốt lên: “Món quà lớn nhất mà người ta có thể dâng, đó là một linh mục xứng với danh hiệu của mình.”

Trong thư gửi cho các Linh mục dịp Thứ Năm Tuần Thánh năm 1979, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở các Linh mục hãy nghĩ đến những nơi đang thiếu thốn Linh mục, nhiều nơi không có Thánh Lễ vì không có Linh mục dâng lễ, nhiều tâm hồn bơ vơ, lạc hướng vì không có Linh mục chăn dắt…

Hơn nữa, ơn gọi Linh mục thật là món quà tuyệt vời cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi vào tác vụ Linh mục. Qua bí tích truyền chức, Linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, lãnh nhận “quyền bính thiêng liêng”, tức là tham dự vào quyền bính mà Đức Kitô dùng để hướng dẫn Hội Thánh. Thiên Chúa là Đấng đã chọn gọi các Linh mục, cũng sẽ ban cho họ ân sủng và sức mạnh của Thánh Thần để thi hành nhiệm vụ. Thiên Chúa muốn thực hiện những điều kỳ diệu và biểu lộ quyền năng cứu độ của Ngài qua các Linh mục, là những chiếc bình đất dễ vỡ. Phải có đời đời để tạ ơn vì đã được làm Linh mục.

Theo ĐGH Gioan Phaolô II, ơn gọi Linh mục là một món quà vượt quá giới hạn của con người. Đứng trước sự cao cả của món quà đó, các Linh mục cảm thấy sự bất xứng của mình. (x. Gift and Mystery).

IV. Sự Bất Xứng của Con Người

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1578 nói rằng: “Không ai được coi mình là xứng đáng với chức vụ này.” Do đó các Linh mục phải luôn sống khiêm tốn, luôn luôn cùng với Mẹ Maria chúc tụng Chúa vì đã đoái thương nhìn đến thân phận hèn mọn, vì “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”.

Khi nêu lên tính cách cao trọng của chức Linh mục có thể làm cho các Linh mục ảo tuởng mình đã được “nâng lên hàng khanh tướng” rồi có những thái độ quan liêu, những hành xử cao ngạo, những lời nói hống hách. Trái lại, Linh mục phải khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và khiêm tốn đối với con người, biết cảm thông với người khác vì chính mình cũng đầy yếu đuối: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5,2).

ĐTC Benedict XVI trong Thánh Lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh (2009), đã nói với các Linh mục: “Có sự kiêu hãnh hủy hoại và sự tự phụ làm băng hoại mọi cộng đoàn. Chúng ta có biết học từ Chúa Kitô sự khiêm nhường ngay chính, tương ứng với sự thật về bản tính chúng ta?”

Bản chất của ơn gọi Linh mục sẽ được hiểu rõ hơn khi được nhìn trong bối cảnh của ơn gọi người Kitô hữu.

V. Ơn Gọi Linh Mục trong Ơn Gọi Người Kitô Hữu

Trong Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội là văn kiện then chốt, giúp làm sáng tỏ bản chất thần học của Giáo hội, vì trước đó, vấn đề bản tính Giáo Hội đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học. Với cái nhìn mới về Giáo hội, vai trò Linh mục cũng được xem xét một cách sâu sát và cũng mở rộng hơn. Theo đó, chúng ta cần tập chú vào ơn gọi Linh mục chủ yếu từ nhãn quan ơn gọi căn bản của mọi Kitô hữu và trong cái nhìn tổng thể của mầu nhiệm Giáo hội.

Cha Bernard Haring, sau 56 năm trong chức vụ Linh mục, nhận thấy rằng Công đồng đã sải những bước dài vượt qua não trạng giáo sĩ trị in hằn từ bao đời, một não trạng đánh giá cao các linh mục và đánh giá thấp người giáo dân. Ngài đã nói lên xác tín của Ngài: “Người linh mục không thể hiểu rõ ơn gọi của mình nếu không có một nhận thức đúng mức và một lòng kính trọng sâu sắc đối với ơn gọi của mọi Kitô hữu.” (x. ‘Giáo hội cần loại Linh mục nào?’ do Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ).

Điều này chúng ta có thể thấy qua Thư gửi tín hữu Do thái: Linh mục “là người được chọn giữa loài người, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa.” (Dt 5,1) Ơn gọi không bao giờ tách biệt các Linh mục ra khỏi cộng đồng tín hữu để “ăn trên ngồi trước” hay để sống xa cách, nhưng để ở giữa họ và phục vụ họ. Lý do sự hiện hữu của Linh mục là để phục vụ Dân Chúa. Chức Linh mục không phải là một bước đi lên trong bậc thang xã hội, nhưng là một sự dấn thân đặc biệt, trong khiêm nhường phục vụ, đến với con người để trở thành “một người ở giữa mọi người”.

Kết: Với sáng kiến của ĐGH Benedict XVI, dành riêng một ‘năm linh mục’, Giáo hội có cơ hội suy tư, đào sâu và cũng cố chức vụ và đời sống Linh mục. Chúng ta cần trở về với căn tính Linh mục nơi Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và là nguyên mẫu của các Linh mục.
 
Hãy vững tin, Thầy đây
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:40 17/06/2009
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 4, 35-41

Trong cuộc hành trình đức tin, người tín hữu quả thực gặp biết bao thử thách, gian nan, gặp biết bao nhiêu sự khó khăn cần phải vượt thắng. Tuy nhiên, với sức riêng của con người những điều ấy con người hầu như vô phương chiến thắng. Vũ trụ luôn có quy luật của nó: động đất, thiên tai, bão lụt. Khoa học tiến bộ cũng chỉ chế ngự được phần nào sức mạnh của thiên nhiên. Riêng mình Thiên Chúa có thể làm được tất cả mọi sự: Ngài khiến cho biển yên, gió lặng

CUỒNG PHONG GIÓ LỚN: Khi vượt biển, một trận cuồng phong, gió lớn bỗng chỗi dậy, Chúa Giêsu lúc đó đang nằm trên đầu mạn thuyền để ngủ. Các môn đệ kinh hoàng, lo âu sợ sệt vì họ tưởng chừng sẽ bị phong ba bão táp nuốt chửng mất. Các môn đệ bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên, họ liền đánh thức Chúa Giêsu để xin ngài giúp đỡ. “ Chúng con chết mất !“ “Mà Thầy không lo sao ? “. Quả thực, các môn đệ sợ sệt, bó tay trước sức mạnh kinh hồn của gió bão. Chúa vẫn bình tĩnh xem như không có gì xẩy ra, chỉ khi các môn đệ hốt hoảng đánh thức Ngài dậy, Chúa mới thức tỉnh và ra lệnh cho gió bão, biển khơi: ” Câm đi ! Im đi ! “.

Tin Mừng cho hay: ” Gió ngừng ngay và biển lặng liền “. Nỗi kinh hoàng của các môn đệ tan biến, nỗi sợ chết cũng cất cánh bay xa.Bởi vì, Chúa đã dùng uy quyền để khiến gió, bão, biển im lặng. Rồi, Chúa nói với các môn đệ: ” Sao nhát thế ? Anh em chưa có lòng tin sao ? “.

BÃO TỐ CUỒNG PHONG THIỆT VÀ NHỮNG ĐIỀU CHÚA ÁM CHỈ : Sóng gió, cuồng phong, biển thật là hình bóng Chúa Giêsu tiên báo trước cho các môn đệ thấy những bất trắc, những bắt bớ, những bách hại mà các môn đệ sẽ gặp sau này trong cuộc đời, đặc biệt trong đời làm việc tông đồ.Đối với các môn đệ, con thuyền nhỏ bé bị gió to sóng lớn, bão tố đánh dữ tợn, con thuyền hầu như sắp chìm là hình ảnh Giáo Hội sẽ bị ma quỉ, sự dữ tấn công dữ dội, các môn đệ phải kiên gan, bền vững chống đỡ. Nhìn vào Giáo Hội, con thuyền mà Phêrô là đầu đã trải qua hơn hai ngàn năm bị biết bao cơn gió bão tấn công, nhưng Giáo Hội luôn đứng vững. Giáo Hội luôn vững vàng bởi vì Chúa luôn có mặt như khi xưa Chúa có mặt trên thuyền của các môn đệ lúc gió to, bão lớn. Có lúc, chúng ta cảm tưởng hầu như Ngài ngủ và có vẻ buông xuôi tay lái. Nhưng thực ra Ngài vẫn có đó và luôn biểu dương sự hiện diện đầy uy quyền của Ngài.

CUỘC ĐỜI MỖI CON NGƯỜI NHƯ MỘT BIỂN CẢ: Đối với mỗi người cuộc đời thật giống như một biển cả đầy sóng gió nào là vật chất, nào là tinh thần. Con người sinh ra và lớn lên không phải ai cũng hoàn toàn xuôi chảy. Đời con người hết tai nạn này tới đau khổ khác. Có người có đủ kinh tế để sống nhưng có người rất chật vật mới có ăn, rồi bệnh này hết bệnh khác lòi ra. Bao nhiêu tiền cũng đổ vào bác sĩ và tiền thuốc. Ai cũng phải mệt nhọc, vất vả để kiếm sống, để chống chọi với bệnh tật. Lúc đó, con người sẽ tự hỏi Chúa đâu rồi ? Tại sao Chúa lại không giúp chúng ta ? Nhiều khi chúng ta cảm tưởng như Chúa làm thinh, ngủ yên. Bao nhiêu chuyện dồn dập xẩy ra trong cuộc đời nhiều khi yếu đức tin khiến chúng ta chán nản và buông xuôi thất vọng.

Trong cuộc hành trình đầy cam go ấy, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ đến với Chúa, xin Chúa cứu giúp, đặc biệt xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta luôn tin rằng: ” Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” và “ Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho “.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Cuộc đời con người, đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp những phong ba bão táp, những nghi kỵ, thử thách, ghen tương, bắt bớ, như các môn đệ xưa, chúng ta hãy mau tìm gặp và ở với Chúa, xin Chúa trợ giúp và cứu chúng ta. Chắc chắn Chúa sẽ truyền lệnh để sóng gió cuộc đời của chúng ta im lặng. Chúng ta hãy chạy tới với Đức Mẹ, xin Mẹ an ủi, nâng đỡ và đưa chúng ta tới gặp Chúa.Chúng ta hãy vững lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và lòng yêu thương của Mẹ Maria.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn bám chặt vào Chúa và cậy trông vào lòng từ mẫu của Mẹ Maria. Amen.
 
Thư mục vụ ''năm Linh Mục'' của ĐGM giáo phận Kontum
+GM Micae Hoàng Đức Oanh
16:51 17/06/2009
Kính gửi

Quý Cha cùng toàn thể Gia đình Giáo phận Kontum.

Ngày 19.06.2009 sắp tới, vào giờ kinh chiều tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ chính thức khai mạc Năm Linh Mục, nhân kỷ niệm ngày qua đời thứ 150 của Cha Thánh Gioan Maria Vianney. Thế giới Công giáo hân hoan đón nhận tin vui này. Vì bận công tác ở nước ngoài, nên tôi xin gửi về anh em linh mục và gia đình giáo phận chút tâm tình qua bức tâm thư đây.

I. VỚI ANH EM LINH MỤC

Anh em linh mục thân mến,

Linh mục là một hồng ân Chúa ban. Thiếu vắng linh mục là một mất mát to lớn. Linh mục là cộng sự viên gần gũi nhất, thân thiết nhất của giám mục. Vui mừng và hy vọng của anh em linh mục cũng là vui mừng và hy vọng của giám mục. Không linh mục, giám mục như người không tay chân. Nhân cơ hội này chúng tôi – cả giáo phận cũng như cá nhân tôi – xin tỏ bày lòng quý mến và biết ơn anh em linh mục. ĐTC Bênêđictô XVI đã xác định Năm Linh Mục nhằm "cổ vũ các linh mục trong nỗ lực trọn lành thiêng liêng, là điều mà hiệu năng sứ vụ của các vị lệ thuộc. Vì thế, nó phải trở nên – theo một cách thức đặc biệt – một năm cầu nguyện của các linh mục, cầu nguyện với linh mục và cho các linh mục, một năm canh tân linh đạo của hàng linh mục và của mỗi linh mục. Theo viễn tượng này, bí tích Thánh Thể nằm ở trung tâm linh đạo của người linh mục".

Anh em linh mục thân mến,

Là linh mục, hằng ngày tiếp cận với thế giới con người, cách riêng với "thế giới tội lỗi" qua bí tích hòa giải, chúng ta càng hiểu rõ chỗ đứng cũng như thân phận mỏng dòn của mình. Chúng ta biết hăng say dấn thân phục vụ với thái độ cảm thương và cảm thông, một cách rất tình người và rất tình Chúa với hết mọi người theo mẫu gương Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành. Như chính Chúa Giêsu đã nói: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14), Ngài yêu thương từng người và yêu thương tất cả. Quyết định mở Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha kêu mời toàn thể Giáo hội hướng tới các linh mục với lòng quý mến, biết ơn sâu xa, cùng quyết tâm làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho đời sống của linh mục và cho công cuộc đào tạo các thế hệ kế thừa theo như lòng Chúa mong muốn.

Vậy, cụ thể chúng ta sống Năm Linh mục sao cho thật hiệu quả và bổ ích?

Nhớ ngày về nhậm xứ Ars, Cha Gioan M. Vianney đã hỏi bé Antoine Givre: "Này cháu, làm ơn chỉ cho bác đường tới xứ Ars, Bác sẽ chỉ cho cháu đường lên Nước Trời" (Teresio Bosco, Messe di Maggio, consacrato alla Madona Regina dei Santi, Elledici, 2004, Torino, 1770-189). Đấy cũng là nhiệm vụ của linh mục. Đường lên Nước Trời cũng chính là đường đến với mọi người. Thánh Gioan M.Vianney là mẫu gương cho người linh mục biết đến với đoàn chiên, đến với muôn người. Ngài biết tiếp đón và yêu mến quý trọng mọi người. Người người tìm đến nhờ Ngài giúp hòa giải với Chúa, với Giáo Hội, với anh em. Ngài đến với anh chị em của mình theo tinh thần người được sai đi. Qua phục vụ, thăm viếng và cầu nguyện.

Ý thức "Thánh Thể là trung tâm linh đạo đời linh mục", nên Thánh Gioan M. Vianney dành nhiều giờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Ước gì trong Năm Linh Mục này, mỗi ngày thứ sáu anh em linh mục chúng ta dành một giờ cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa Giêsu. Giờ cầu nguyện này giúp người linh mục thấy rõ con người thật của mình, thấy rõ Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành, nhờ đó mỗi người trong chúng ta biết sống và giúp người khác sống sao cho đúng như lòng Chúa mong muốn và xã hội chờ mong.

Mừng Năm Linh Mục, người linh mục gương mẫu sao có thể quên việc đào tạo các thế hệ kế thừa? "Phải luôn luôn có các Linh Mục cho đến tận thế, để các Kitô hữu không bao giờ giống như những con chiên không người chăn" (Vat. II, PO, số 11). Chúa Giêsu đã thiết lập thiên chức linh mục và Giáo Hội ý thức rõ ràng trách nhiệm cao cả này để dân Chúa không thiếu vắng linh mục. Giáo Hội mời gọi các linh mục cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giáo Hội mà giáo dục và chọn lựa những thừa tác viên có đủ khả năng để giảng dạy cho người khác (x. 2Tm 2,2), để Dân Chúa ở trần gian không bao giờ thiếu người mục tử. Các gia đình ơn gọi trong các xứ đạo được coi như con ngươi trong mắt của các cha xứ, cha phó. Tích cực chăm sóc các gia đình ơn gọi là một cách cử hành Năm Linh Mục thiết thực nhất.

II. VỚI ANH CHỊ EM GIÁO DÂN

Anh chị em giáo dân thân mến,

Anh Chị em có biết tại sao Đức Thánh Cha đã dành một năm để hướng tới các Linh Mục không? Và theo ý anh chị em, chúng ta có thể tổ chức năm linh mục sao cho thật hữu hiệu?

Đức Hồng y Cláudio Hummes, Tổng trưởng Thánh bộ Giáo sĩ, đã nói: “Đây phải là một năm tích cực và hướng về tương lai, trong năm này Giáo hội trước tiên nói với các linh mục, nhưng cũng nói với toàn thể các tín hữu và xã hội rộng lớn hơn nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, rằng Giáo hội hãnh diện vì các linh mục của mình, yêu mến họ, tán dương họ, khâm phục họ và nhìn nhận với lòng biết ơn các công việc mục vụ và chứng tá đời sống của họ.”

* Vì thế, hãy cầu nguyện cho các linh mục của anh chị em sống xứng danh những người mục tử nhân lành theo mẫu gương Đức Kitô mà Thánh Gioan Vianney đã triệt để bước theo.

* Hãy giúp đỡ các linh mục chu toàn chức năng cách tốt đẹp. Linh mục sống thánh hay không thánh một phần tùy thuộc vào anh chị em giáo dân. Chúng ta hãy chia sẻ gánh nặng mục vụ bằng cách lo canh tân đời sống, dấn thân phục vụ và chuyên chăm truyền giáo cùng với các linh mục.

* Hãy chuẩn bị và trao hiến những đứa con kế thừa tác vụ linh mục trong Giáo Hội. Cụ thể là tích cực chăm sóc các gia đình ơn gọi trong giáo xứ và tham gia Gia đình Phanxicô Xaviê trong Giáo Phận. Nhân dịp năm linh mục, mỗi người, mỗi gia đình và cả xứ đạo tự hỏi chúng ta đã, đang và có thể làm gì cụ thể và thiết thực để có nhiều ơn gọi linh mục cho giáo phận và cho cả Giáo Hội?

Có ơn gọi hay không, phần lớn tùy thuộc vào các gia đình và các cha xứ. Cần thúc đẩy và vun trồng ơn gọi bằng mọi cách, nhất là quan tâm hướng dẫn con em đi theo con đường dấn thân phục vụ tha nhân và Nước Trời. Làm linh mục là một hồng ân cao cả, nên chúng ta phải tha thiết cầu xin, chăm sóc vun trồng, chấp nhận tốn phí. Cần được coi đây là công việc ưu tiên hàng đầu trong xứ đạo.

“Ước gì Năm này sẽ là một cơ hội để hăng say tìm hiểu giá trị của căn tính linh mục, hiểu biết thần học về chức linh mục công giáo và ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi và sứ vụ của linh mục trong giáo hội và trong xã hội. Điều đó cần đến những cơ hội học hỏi, những ngày tĩnh tâm, những linh thao suy tư về chức vụ linh mục, những thuyết trình và hội thảo thần học trong các phân khoa của Giáo hội, các nghiên cứu khoa học và xuất bản tương ứng.” (Hồng y Cláudio Hummes, Tổng trưởng Thánh bộ Giáo sĩ).

Anh chị em thân mến,

Hiệp cùng Giáo Hội toàn cầu, Giáo phận chúng ta sẽ khai mạc Năm Linh Mục như sau:

· Ngày 19.06.2009, tất cả các giáo xứ trong toàn giáo phận sẽ cử hành thánh lễ đón mừng Năm Linh Mục trong tâm tình tôn vinh tạ ơn Chúa và cầu cho các linh mục.

· Ngày 22.06.2009, vào lúc 06 giờ 00 sáng tại nhà thờ Chính Toà, chúng ta sẽ có thánh lễ đồng tế mừng Năm Linh Mục. Xin mời quý Cha cùng anh chị em về tham dự đông đủ.

Nguyện Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên các linh mục và thương ban cho có nhiều ơn gọi kế thừa hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ truyền giáo. Nguyện xin Mẹ Maria chúc phúc cho mọi dự tính chúng ta sắp làm trong Năm này. Xin Thánh Gioan Vianney, bầu cử cho anh em linh mục biết sống tinh thần khó nghèo, khiêm hạ và hiền lành cùng nhiệt tâm phục vụ mọi người như Thánh Nhân.

Giám Mục Giáo phận Kontum
 
Linh Mục - Người nối kết với Giám Mục
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
17:31 17/06/2009
LINH MỤC – NGƯỜI KẾT NỐI VỚI GIÁM MỤC

Nếu tương quan chiều cao là tương quan với Thiên Chúa, thì tương quan chiều rộng là tương quan với linh mục đoàn. Tương quan này làm nên tính đặc thù của linh đạo linh mục Giáo phận và cũng là điểm phân biệt với linh đạo linh mục dòng. Trước hết là tương quan với vị Giám mục của mình.

Linh mục triều là linh mục làm mục vụ tại các xứ đạo trong Giáo phận. Các ngài là những cộng sự viên đắc lực của Giám mục, nên đời sống của các ngài phải kết nối với vị Giám mục Giáo phận mình. Kết nối với ngài trong tinh thần hiệp thông và vâng phục.

Tất cả các linh mục và Giám mục đều tham dự cùng một chức Tư Tế (Thừa Tác) duy nhất của Chúa Giêsu. Chính vì thế, đòi hỏi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và Giám mục. Sự hiệp thông này là dấu chỉ cho sự hiệp thông hữu hình của Giáo hội. Các ngài liên kết với Giám mục của mình tạo thành “linh mục đoàn” duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau. Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1567 đã ghi rõ: “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại. Lãnh nhận phần chức vụ, cùng chia sẻ nỗi lo lắng của các Giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy, các linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ khi tuỳ thuộc vào Giám mục và hiệp thông với Giám mục”.

Kết nối với giám mục trong tinh thần hiệp thông, người linh mục cũng phải nối kết trong tinh thần vâng phục. Lý do là vì các Giám mục lãnh nhận sung mãn bí tích truyền chức thánh, nên các linh mục phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính tròn đầy của Chúa Kitô, Vị Chủ Chăn Tối Cao. Và vì thế các linh mục phải kết hiệp với Giám mục không những bằng tình yêu thương chân thành mà còn bằng lòng vâng phục. Đức vâng phục ấy đặt nền tảng trên chính việc tham dự chức vụ Thừa Tác của Giám mục, mà các linh mục đã lãnh nhận trong ngày chịu Chức Thánh và bài sai do chính Đức Giám mục trao.

Tuy nhiên, vâng phục luôn là một thách đố đối với các linh mục, vì các ngài cũng là con người mang cái tôi ích kỷ hẹp hòi, thích làm theo ý riêng mình hơn là làm theo ý người khác. Bởi đó để sống đức vâng phục trong tinh thần tín thác, các ngài phải chấp nhận chết đi cho ý riêng của mình, chấp nhận trở nên nhỏ bé để thánh ý Chúa được lớn lên. Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận trong cuốn “Đường Hy Vọng” đã nói: “Khiết tịnh là chết cho nhục dục, vâng phục là chết cho ý riêng”. Do vậy các linh mục cần phải có tinh thần cởi mở để đối thoại với Giám mục của mình với tư cách là một cộng sự viên trung thành, đồng thời sẵn sàng đón nhận ý muốn của Giám mục như là thánh ý Chúa trong tâm tình yêu mến của người con thảo. Có như thế, mối dây hiệp nhất, yêu thương và tin tưởng ngày một bền chặt và có sức mang lại hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội và các linh hồn. Ngược lại nếu thiếu đức vâng phục, người linh mục sẽ đánh mất đi dung mạo tốt lành của Đức Kitô, “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”. Cũng có thể nói, không có gì gây nên sự chia rẽ trong Giáo phận và tạo nên gương mù gương xấu cho giáo dân cho bằng thiếu đức vâng phục.

Ước gì trong năm linh mục này các linh mục ý thức hơn trong việc vun trồng mối tương quan gắn kết mật thiết với vị cha chung của mình là Đức Giám Mục giáo phận trong tinh thần hiệp thông và vâng phục. Có như thế đời sống của các ngài mới trở nên dấu chỉ hữu hình nói lên mầu nhiệm thông hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người.

Phan thiết, Năm Linh Mục
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:02 17/06/2009
MAU CHẠY NHANH LÊN

N2T


Một linh mục đi trên phố nhìn thấy một bé trai đang nhảy lên nhảy xuống để bấm chuông điện trên cửa, em bé trai vừa nhỏ vừa thấp mà cái chuông điện thì ở quá cao.

Linh mục bèn đi tới đưa tay bấm chuông, sau đó cười mĩm chi với em bé, nói: “Tiếp theo thì làm gì nữa ?”

Tiểu quỷ la lớn: “Mau chạy nhanh lên.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Ha ha ha linh mục bị mắc lừa em bé, bởi vì em bé đi bấm chuông nhà người khác đùa giỡn chơi, nếu không co giò chạy thì trả lời sao với chủ nhà ra mở cổng ?

Linh mục với bản tính thật thà, thương người và hay giúp đỡ người khác, do đó mà có những lúc ngài dở khóc dở cười khi làm ơn mắc oán, hoặc bị người khác hiểu lầm, hoặc tự mình cảm thấy bị lừa vì quá thật thà...

Ma quỷ thường dùng những chiêu thức đánh động tâm hồn người khác để cám dỗ các linh mục, bởi vì đem chuyện ăn trộm ăn cắp hoặc đem chuyện vu oan giá họa cho người khác thì không thể cám dỗ các ngài được, nhưng các ngài dễ động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của người khác, và dễ dàng quên nghĩ đến hậu quả khi giúp đỡ tha nhân.

Không ai bỏ chạy trước người bất hạnh, do đó mà ma quỷ đã nhiều lần thành công khi dùng nó để hạ gục linh mục.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:05 17/06/2009
N2T


16. Ma quỷ hại linh hồn của con người, thì thường lấy đức hạnh và việc thiện tu đức của con người bày ra trước mắt, để dẫn con người đi đến kiêu ngạo.

(Thánh John Climacus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 17/06/2009
N2T


149. Trong cuộc sống của mọi người đều sẽ có những ngày mưa vô tình, nhưng sau khi mây đen qua đi đương nhiên trời lại quang đãng.

 
Nếu Chúa gọi bạn làm linh mục
Pt Huỳnh Mai Trác phỏng dịch
18:27 17/06/2009
Bài giảng của Đức Hồng Y Lustiger trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi

Nếu Chúa gọi bạn, thì bạn sẽ nhận biết ngay. Trong thế giới ngày nay nơi chúng ta đang sinh sống, là một thế giới thờ ơ và lãnh đạm vì những khốn cùng và im lặng, một thế giới bị tàn phá mà ở đó tuồng như vắng bóng của Thiên Chúa, nhưng trong tim của bạn đang bùng cháy lên một ngọn lữa nhiệt tình của Thiên Chúa và bạn nhận biết tiếng của Ngài, không phải chỉ dành riêng cho bạn mà còn cho những ngưòi anh em của bạn nữa. Sự hiện diện này trổi lên một hòa âm trong vũ trụ, không phải mất hút đi trong sa mạc, hoặc tan biến đi trong một thế giới vô nghĩa, mà lan tràn ra trong một thế giới đầy những vẽ đẹp.

Bạn sẽ thấy trong thế giới này vang lên lời ca tụng Thiên Chúa, một vũ trụ hữu hình và vô hình tuyệt hảo, có rất nhiều người và nhiều dân tộc có một lịch sử làm cho chúng ta say mê. Bạn nhận thấy trong thế giới này có một âm diệu tuyệt vời thầm kín mà người hòa âm chính là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mọi sự mọi vật và luôn góp phần vào điệu hát của bạn. Đời sống của bạn là một bản tình ca mà bạn muốn hát lên và bạn luôn muốn cầu xin. Đến nổi bạn muốn hiến dâng đời bạn cho Ngài. Món quà mà Chúa ban cho bạn là sự hiện diện của bạn ở thế giới này sẽ không bị hư mất mà là một nguồn mạch hạnh phúc vô biên. Nếu Chúa gọi bạn thì tất nhiên bạn biết ai là Đấng đang mời gọi bạn.

Nếu Chúa gọi bạn thì bạn đừng có buồn khi bạn thấy chung quanh bạn chỉ toàn những điều làm cho bạn chán nãn như hận thù, những khốn cùng, những bất công đang ngự trị, Bạn buồn nãn tức giận khi thấy con người đang chém. giết lẫn nhau. Bạn sẽ thất vọng khi thấy sự khốn cùng đè nặng lên con người. Bạn sẽ không bịt tai lại khi bạn nghe tiếng kêu la thảm thiết của những kẻ chống đối, tiếng khóc lóc của những người hấp hối, tiếng kêu khóc của trẻ thơ đang dẩy chết.. Bạn không còn nổi loạn với chính mình khi thấy những dối trá và những lời nguyền rủa, Bạn sẽ không nói: Điều đó được ích gì? Bạn sẽ không chán nãn cầu xin lìa khỏi cuộc đời ô trọc này. Tại sao? Nếu Chúa gọi bạn, bạn sẽ nhận biết hình ảnh của Chúa Kitô, đầy lòng thương xót, tràn đầy tình yêu thương và tràn đầy lòng ưu ái. Bạn sẽ nhận thấy sự hiền dịu bao la của Thiên Chúa đón nhận lòng thương xót của Chúa Kitô, một con người từ bỏ mình để tìm lại chính mình, người chết đi để sống lại và khi đó bạn sẽ ước ao để đi theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc đau khổ, cho đến khi bị bỏ rơi hoàn toàn hầu để cho nhân loại không còn bị bỏ rơi nữa.

Nếu Chúa gọi bạn, thánh giá sẽ là ánh sáng tuyệt vời của đời sống bạn chứ không còn là một thất bại ở giữa trần gian.Thánh giá đối với bạn là cây của sự sống chứ không phải là cái thập giá của sự chết. Thánh gía đối với bạn là chìa khóa để hiều biết về thế giới bạn đang sống. Nếu Chúa gọi bạn, và bạn quyết theo Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Ngài để hòng cứu vớt những người anh em của mình thì bạn đừng sợ.

Nếu Chúa gọi bạn, thì đừng sợ hãi. Nếu Chúa gọi bạn thì đôi môi câm lặng của bạn sẽ vang lên lời của Chúa Kitô rao truyền và mọi người đều nhận biết.. Nếu Chúa gọi bạn thì mọi tội lỗi của bạn được tha thứ và bạn sẽ nhân danh Chúa mà tha tội lỗi cho kẻ khác dù bạn cảm thấy mình là bất xứng.. Nếu Chúa gọi bạn thì bạn là thừa tác viên và là người tôi tớ của thân xác tan nát để trở thành bánh của sự sống hầu nuôi sống nhân loại.

Nếu Chúa gọi bạn, bạn sẽ bị nguời đời thóa mạ, họ sẽ nói xấu bạn, bạn sẽ bị hiểu lầm, nhưng đó là bạn được chia sẻ số phận của Chúa Kitô. Chúa, bị nguyền rủa, không nguyền rủa trả lại, nhưng chỉ tha thứ, Chúa bị bỏ rơi, nhưng Chúa lại đi tìm lại những kẻ lạc loài trở về lại với Chúa Cha là Cha của chúng ta. Nếu Chúa gọi bạn thì bạn đừng sợ phải hiến dâng cuộc đời bạn, bởi vì một khi hiến dâng thì bạn được kết hợp cùng Chúa Giêsu Kitô.

Nếu Chúa gọi bạn, lòng của bạn sẽ được mở rộng ra trong tình yêu và bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa. Bạn sẽ yêu mến nhân loại, không phải như những kẻ đồng hành mà người đời tìm kiếm. Cũng không phải như tình huynh dệ mà con người tìm kiếm dể tránh khỏi cô đơn của một con tim lang thang mà không biết tìm ở đâu một chút nòng ấm cảm thông. Không! Bạn sẽ hết lòng yêu mến tất cả mọi người. Bởi vì nơi những con người khác bạn sẽ nhận biết như một người anh em, một kho tàng quý báu mới mẽ.. Bạn sẽ yêu mến dân này, dân mà chính Chúa Kitô đã tu họp lại và bạn sẽ là người mục tử.. Bạn sẽ yêu mến dân này, dân này sẽ cưu mang bạn; nhưng cũng có thể đánh bạn, tuy vậy dân này sẽ nâng đỡ bạn và là sức mạnh của bạn. Giáo Hội như một người mẹ hiền từ đầy lòng yêu thương và an bình luôn thờ phượng và ca tụng Thiên Chúa và là nguồn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Nếu Chúa gọi bạn, thì đừng sợ hãi, bạn sẽ nhận biết tiếng Chúa, hãy bước đi theo Ngài. Nếu Chúa gọi bạn, thì dừng sợ hãi, Chúa Thánh Thần là sự sống của đời ban.
 
Tại sao Thiên Chúa để cho sóng gió xảy đến trong cuộc đời?
LM. Inhaxiô Trần Ngà
19:01 17/06/2009
Tại sao Thiên Chúa để cho sóng gió xảy đến trong cuộc đời?

(Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 12 thường niên theo Tin Mừng Mác-cô 4, 35-41)

Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ, một trận cuồng phong nổi lên dữ dội, nước xô ập vào thuyền. Các môn đệ hoảng hốt đối phó với sóng to gió lớn. “Trong khi đó, Chúa Giê-su dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” như chẳng có gì xảy ra.

Khi viết như thế, có lẽ thánh Mác-cô ám chỉ Chúa Giê-su chưa muốn ra tay can thiệp nhưng để cho các môn đệ tự mình đương đầu với nghịch cảnh và tự tìm cách giải quyết vấn đề.

Đối diện với tình thế vô cùng nguy khốn, các môn đệ sợ hãi đánh thức Chúa Giê-su dậy và lên tiếng trách móc: “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”

Khi các môn đệ đã bó tay, Chúa Giê-su chỗi dậy, truyền cho gió im biển lặng làm an lòng mọi người. Rồi Chúa khiển trách các ông đã không biết vận dụng lòng tin để đối phó: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Vì thiếu lòng tin nên các môn đệ đâm ra hốt hoảng. Vì thiếu lòng tin mà các ông đã không đẩy lùi được sóng gió. Bài học Chúa Giê-su thường dạy: “nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em bảo núi nầy: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì anh em không làm được” vẫn chưa thấm nhập vào tâm hồn các ông. (Matthêu 17,20; Mt 8,26; Mt 9,22; Mt 15, 28; Mt 21, 22)

Lắm khi trong cuộc đời, chúng ta gặp phải nhiều gian truân sóng gió: bị thất bại trong công việc làm ăn, gặp nhiều điều không may lành trong cuộc sống… khiến chúng ta mệt mỏi chán chường, buông xuôi tuyệt vọng. Chúng ta kêu van với Chúa nhưng dường như Người cố tình “ngủ quên” không đáp lại. Thế là chúng ta trách móc Chúa như các môn đệ gặp sóng gió trong Tin Mừng hôm nay: Lạy Thầy, chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng quan tâm sao?

Thực ra, Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta, nhưng Người để cho thử thách xảy đến để rèn luyện chúng ta trưởng thành.

Khi cha mẹ quá nuông chiều con cái, con xin gì cha mẹ cho ngay; lúc nào cũng tìm cách đùm bọc, che chở con cái, lo cho con hết mọi sự từ A đến Z. Nhờ vậy tuy đứa bé lớn lên mập mạp trắng trẻo, nhưng rất yếu ớt, không thể tự đứng trên đôi chân của mình mà phải cần “cặp nạng” mới tiến bước được.

“Nạng” là sự che chở của người cha, là tiền bạc mẹ dúi cho từng ngày, là gia tài mẹ cha để lại... Nếu không có những chiếc “nạng” nầy, đứa con không thể tự mình đứng vững. Giáo dục như thế là làm hại con, làm cho con mình lệ thuộc, mềm yếu và rất khó trưởng thành.

Trong khi đó, phụ huynh nhà bên cạnh để con vừa đi học vừa phải lo làm việc cần cù giúp đỡ gia đình vừa tự liệu lấy những nhu cầu bản thân.

Nhiều năm sau, hai đứa bé cùng lớn lên và cùng mất cha mẹ như nhau. Người con được nâng niu chiều chuộng trong thời niên thiếu cảm thấy hụt hẫng như người què mất cặp nạng, không thể tự đứng trên đôi chân của mình, không biết nương tựa vào ai mà sống. Còn người con kia, nhờ quen lao động cần cù, nhờ được trui rèn trong gian khổ, nay trở thành người đầy bản lĩnh, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào.

Thiên Chúa cũng rèn luyện chúng ta theo hướng đó.

Khi chúng ta cầu xin lương thực, Chúa không cho ngay con cá mà trao cần câu để ta tự câu lấy cá nuôi mình.

Khi chúng ta xin nhà ở, Chúa không phù phép để có ngay một ngôi nhà cho ta trú ngụ, nhưng Người trao cho chúng ta khối óc và đôi tay. Nhờ thế, không những ta có nhà ở mà còn có thêm nhiều tiện nghi khác.

Chúa không thích ban bố theo kiểu người giàu sang bố thí nắm xôi cho kẻ ăn mày, vì làm như thế là hạ thấp nhân cách và phẩm giá người nhận, nhưng Người cung cấp những điều kiện cần thiết giúp ta lao động và phát minh, tạo ra những tiện nghi cần thiết cho đời sống và phát triển toàn diện con người.

Thiên Chúa để cho sóng to gió lớn xảy đến trong cuộc đời chúng ta không phải vì Người ghét bỏ chúng ta, nhưng đó là những bài tập rất cần thiết mà Thiên Chúa gửi đến để rèn luyện chúng ta nên người khôn ngoan, có bản lãnh và trưởng thành.

Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn dạy chúng ta biết vận dụng niềm tin như bí quyết thần diệu để giải quyết mọi vấn đề. Đừng để Chúa trách chúng ta như đã trách các môn đệ xưa: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục: Mầu nhiệm tự hiến & Lẽ tấn phong Giám mục tại Melbourne
Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
02:11 17/06/2009
Linh mục: Mầu nhiệm tự hiến & Lễ tấn phong Giám mục tại Melbourne

Trong lá thư luân lưu về năm linh mục sẽ được bắt đầu vào thứ sáu 19/6 của ĐTGM Mark Coleridge, tổng giáo phận Canberra và Goulburn, ngài xác quyết thiên chức linh mục vượt xa một nghề; đó là tiếng mời gọi nên thánh qua cuộc đời xả thân yêu thương và phục vụ.

ĐTC Benedictô XVI mời gọi toàn thể Giáo hội cử hành 'Năm Linh Mục' như là một thời gian cầu nguyện học hỏi đào sâu về mầu nhiệm của thừa tác vụ linh mục, về hồng ân lớn lao thiên chức này và là trọng điểm, là trái tim của Giáo hội. Chúa Giêsu vừa là 'linh mục vừa là của lễ' đã tự hiến trên Thập gía. Cũng chính từ sự tự hiến chết vì yêu thương trên Thập tự mà tình yêu hiệp nhất của ba ngôi Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn cho nhân thế.

Các linh mục cũng được mời gọi bước vào mối yêu thương này để xây dựng một dân tư tế. Trong thiên chức các linh mục cũng tự hiến như Đức Kitô trên bàn thờ mỗi khi các ngài dâng lễ, lặp lại lời hiến tế của Thầy Giêsu: “Đây là mình Thầy hiến tế vì anh em”; “Đây là chén máu Thầy đổ ra vì anh em”.

Nên chức linh mục không phải chỉ là một nghề, một công việc mà là một lời mời gọi hiến dâng nên thánh và phục vụ trong yêu thương tự hiến...

Đức Tân Giám Mục Les Tomlinson


Thật là thích hợp trước ngày khai mạc năm Linh mục tại TGP Melbounre thì TGP vui mừng có thêm một tân Giám mục phụ tá thứ tư cho TGP. Cha chính địa phận Les Tomlinson sẽ được truyền chức Giám mục tại nhà thờ chính tòa St Patrick's lúc 7.30 tối 17/6/2009. Đức tân giám mục từng là cậu bé giúp lễ năm xưa. Ngài nhớ mãi hồi 11 tuổi được diễm phúc giúp lễ bằng tiếng Latin... Dù ba ngài không phải là người Công giáo nhưng rất khích lệ con gia nhập các sinh hoạt trong giáo xứ Công giáo. Lớn lên ngài gia nhập chủng viện và thụ phong linh mục ngày 18/8/1972. Ngài từng nắm giữ các chức vụ phó xứ, chính xứ, chính xứ nhà thờ chính tòa và là cha chính địa phận từ 10/4/2003 tới nay.

Sau khi thụ phong giám mục, Ngài thừa hành chức giám mục phụ tá trông coi các giáo xứ của trung tâm thành phố Melbourne và sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Vicar General - cha chính địa phận nữa.
 
Ai bôi lọ Đức Piô XII
Vũ Văn An
04:16 17/06/2009
Cộng sản và chia rẽ trong Giáo Hội, đó là câu trả lời của giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano của Tòa Thánh, Giáo sư Giovanni Maria Vian. Ông Vian nói như thế với hãng tin Zenit khi đề cập tới cuốn sách do ông chủ biên tựa là "In Difesa di Pio XII: Le Ragioni della Storia" (Bênh Vực Đức Piô XII: Các Lý Do Lịch Sử).

Giáo sư Vian sử dụng thuật ngữ "leggenda nera" (dã sử đen) khi nhắc tới cuộc tranh cãi chung quanh Đức Piô XII, một cuộc tranh cãi thường gán cho vị giáo hoàng này ‘tội’ làm quá ít để chặn đứng tội ác tày trời của Quốc Xã nhằm vào người Do Thái. Ông nói rằng lúc ngài qua đời vào năm 1958, Đức Piô XII được mọi người đồng thanh ca ngợi về các cố gắng trong Thế Chiến Hai, nhưng sau đó thực sự đã bị “biến thành qủy”.

Tại sao lại có chuyện đảo ngược hình ảnh một cách quái đản như thế, một đảo ngược chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bắt đầu khoảng năm 1963? Giáo sư Vian trước nhất cho rằng việc đó do chiến dịch tuyên truyền của Cộng Sản, từng được tăng cường thời Chiến Tranh Lạnh. Ông nhận định rằng: “Đường lối được Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh chấp nhận trong các năm tranh chấp, tuy ngược với chủ nghĩa toàn trị nhưng theo truyền thống vẫn là trung lập, căn cứ vào các việc làm cụ thể, thì có thiên về phe đồng minh chống lại Hitler và được đặc điểm hóa trong các cố gắng nhân đạo chưa từng có, từng cứu được nhiều nhân mạng. Dù sao, đường lối này cũng chống cộng, và chính vì vậy, ngay từ Thời Chiến, Đức Giáo Hoàng đã trở thành mục tiêu cho bộ máy truyên truyền của Xô Viết, một bộ máy coi ngài cấu kết với chủ nghĩa Quốc Xã và các tội ác tày trời của nó".

Việc tuyên truyền của Xô Viết chống lại Đức Piô XII sau đó đã được tái phát động một cách vũ bão trong vở kịch của Rolf Hochhuth tựa là "Der Stellvertreter" (Vị Đại Diện), được trình diễn lần đầu ngày 20 Tháng Hai năm 1963 tại Bá Linh. Vở kịch này mô tả sự im lặng của Đức Giáo Hoàng như một thái độ dửng dưng đối với việc tận diệt người Do Thái.

Giáo sư Vian cho hay vở kịch trên lấy lại nhiều ý tưởng do Mikhail Markovich Scheinmann đưa ra trong cuốn sách tựa là "Der Vatican im Zweiten Weltkrieg" (Vatican trong Thế Chiến Hai). Cuốn sách này được xuất bản lần đầu bằng tiếng Nga do Viện Lịch Sử Các Khoa Học Xã Hội Xô Viết, một dụng cụ tuyên truyền ý thức hệ Cộng Sản. Ở Việt Nam, năm 1981, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội cũng ‘học đòi’ Viện Lịch Sử này của Xô Viết mà bắt Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội xuất bản ‘tác phẩm’ ngớ ngẩn “Tây Dương Giatô Bí Lục”, một “truyện ký dã sử” nhưng trong phần giới thiệu lại chứa đầy những sai phạm ấu trĩ về lịch sử. Đúng là một loại “leggenda nera” (dã sử đen) như ông Vian nói trên đây.

Từ bên trong

Giám đốc tờ L’Osservatore Romano còn cho rằng cũng có những người từ bên trong Giáo Hội đang ra sức cổ động cho việc hạ giá Đức Piô XII vì cảnh chia rẽ giữa phe “cấp tiến” và phe “bảo thủ” từng xuất hiện trong và sau thời Công Đồng Vatican II. Vị kế nhiệm Đức Piô XII là Đức Gioan XXIII, người, ngay từ lúc khởi đầu triều đại, đã được chào đón là ‘Vị Giáo Hoàng Tốt Lành’ nhưng sau đó càng ngày càng được một số người dựng thành người đối lập với vị tiền nhiệm: vì phong thái triệt để khác nhau đã đành mà còn vì đã bất ngờ và rầm rộ quyết định cho triệu tập một công đồng.

Tuy nhiên, theo giáo sư Vian, có những người Công Giáo từng bắt đầu chỉ trích Đức Piô XII từ năm 1939. Như nhà triết học người Pháp, Emmanuel Mounier chẳng hạn, từng cho rằng ngài “im lặng” trước việc Ý gây hấn Albania. Các nhóm Ba Lan lưu vong cũng chỉ trích Đức Piô XII, cho rằng ngài im lặng trước cuộc xâm lăng Ba Lan của Quốc Xã.

Giáo sư Vian cho rằng cùng với sự chia rẽ trong Giáo Hội bắt đầu từ thập niên 1960, những người chống đối phe bảo thủ càng tấn công Đức Piô XII nhiều hơn, coi ngài như biểu tượng của phe đối nghịch. Buồn một điều, phe “cấp tiến” đã vô tình cổ vũ và sử dụng các luận điểm của bè dã sử đen.

Cuối cùng công lý cũng đã thắng

Giáo sư Vian nhấn mạnh rằng cuốn sách do ông chủ biên không thoát thai từ ý định muốn tiên thiên bênh vực Đức Piô XII, “bởi vì Đức Piô XII không cần các nhà hộ giáo không biết cách giúp làm sáng tỏ vấn đề có tính lịch sử”.

Giáo sư cho rằng đường lối tiếp cận không lộ liễu (low key) của Đức Piô XII, không phải chỉ trong vấn đề Quốc Xã bách hại người Do Thái, một việc ngài lên tiếng kết án dứt khoát trong thông điệp Giáng Sinh năm 1942 và trong bài diễn văn với các hồng y ngày 2 tháng Sáu năm 1943, mà còn trong vấn đề tội ác nói chung của chủ nghĩa Quốc Xã nữa, đường lối này có mục tiêu cố gắng không làm cho tình huống các nạn nhân ra tệ hại thêm, mà còn có thể giúp đỡ họ một cách hữu hiệu hơn. Ông giải thích: Đức Piô XII “thường tự hỏi mình về thái độ của mình, một thái độ thực ra được lựa chọn một cách có ý thức và được ngài chịu đựng, ngõ hầu có thể cứu được số nạn nhân cao nhất, hơn là tiếp tục tố cáo tội ác nhưng có nguy cơ làm gia tăng các thảm khốc còn lớn hơn nữa”.

Ông cũng nhận định rằng mục tiêu của cuốn sách trước hết là đóng góp phần nào vào việc dựng lại cho lịch sử và ký ức người Công Giáo một vị Giáo Hoàng và một triều đại giáo hoàng mà vì nhiều lẽ, có một tầm quan trọng hết sức chủ yếu, nhưng hiện bị phủ mờ đối với công luận do những luận điểm tranh cãi của thứ dã sử đen nói trên.

Cuốn sách này có sự cộng tác của Đức HY Quốc Vụ Khanh Bertone, nhà báo và sử gia Paolo Mieli, nhà cố sinh vật học, y sĩ và văn sĩ người Do Thái, Saul Israel, sử gia và sáng lập viên Cộng Đồng Sant'Egidio, Andrea Riccardi, các Đức TGM Salvatore Fisichella, chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, và Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa; và sau cùng là bài giảng lễ của Đức Bênêđíctô XVI và hai bài diễn văn khác để tưởng niệm vị tiền nhiệm của ngài.

Bằng chứng mới cho thấy Đức Piô XII tận tình giúp đỡ người Do Thái

Theo tin của hãng Zenit ngày 15 tháng Sáu, Qũy Dọn Đường (Pave the Way Foundation) có trụ sợ tại Nữu Ước vừa cho hay họ có hơn 2,300 trang tài liệu nguyên thủy đề cập đến các cố gắng của Đức Giáo Hoàng Piô XII trong việc trợ giúp người Do Thái khỏi cơn bách hại của Quốc Xã.

Ông Gary Krupp, một người Do Thái, và là chủ tịch của tổ chức, khẳng định điều đó với Zenit và cho rằng các tài liệu có từ các năm 1940-1945 này sẽ được sẵn sàng cung cấp cho công chúng nghiên cứu. Ông cho hay các tài liệu trên có được là nhờ công tìm tòi riêng của tổ chức. Chúng “mạnh mẽ hỗ trợ cho luận điểm: Đức Giáo Hoàng Piô XII, tức Eugenio Pacelli, đã làm hết sức để cứu người Do Thái thoát cơn bạo chúa của Quốc Xã”.

Trong các tìm tòi riêng nói trên, tổ chức của ông đã tìm được nhiều tài liệu trong một đan viện tại Avellino, Ý Đại Lợi. Ông tin rằng có thể còn “tìm ra nhiều tài liệu quan trọng hơn nữa trong các giáo phận lớn, nếu các nhà tìm tòi chịu dành nhiều giờ cho việc ấy”.

Theo ông Krupp, “Suốt trong lịch sử con người văn minh, vì lịch sử thiên kiến vốn biện minh cho hận thù, cho các mối thù truyền kiếp và cho chiến tranh, há các sử gia lại không có trách nhiệm luân lý và sinh tử phải làm cho lịch sử ngay thẳng trở lại đó sao? Con người từng bị sát hại hàng ngày chỉ vì những mối thù truyền kiếp được coi là lịch sử kia.

“Một thất vọng bản thân từng xuất hiện trong cuộc tìm tòi của chúng tôi là đã hiểu ra rằng chúng ta từng bị nhiều người tự nhận mình là sử gia lừa dối. Những cá nhân này, với những nghị trình riêng, đã thất bại không tìm tòi cách đúng đắn các bằng chứng của thời kỳ này và đã giữ im lặng khi bị những tên cuồng tín phi lý thao túng sự thật”.

Ông nói rằng: “nếu tổ chức của chúng tôi, một tổ chức tài tử đi tìm sự kiện, đã có thể khám phá ra số tín liệu như thế này, thì làm thế nào những người tự gọi mình là sử gia và các định chế khoa bảng lại có thể để mặc tình cho cuộc đánh giá Đức Piô XII, đã cũ từ 46 năm nay, tiếp tục không bị thách thức, gây chấn động cho dư luận và các mối liên hệ của hơn một tỉ người?

Tìm kiếm sự thật

Qũy Dọn Đường sẽ cung hiến các tài liệu trên cho mọi người khắp thế giới nghiên cứu, tại Trang Mạng của mình. Qũy cũng ghi nhận “đáp ứng của giới khoa bảng hoàn cầu” đồng ý “tạm hoãn các phán đoán về Pacelli cho đến khi [thư viện] Vatican cho mở phần chưa được lên danh mục về trọn triều đại Giáo Hoàng của Đức Piô XII”. Nhưng Qũy cho rằng “kết quả của việc bỏ qua này đang tác động một cách tiêu cực lên công luận và các mối liên hệ của hơn một tỉ người”. Nên họ phải cho công bố số tài liệu tự họ tìm tòi được.

Quỹ cũng cho hay họ cũng đã tìm tòi được nhiều tài liệu nhân khi nghiên cứu các tài liệu của Văn Khố Mật của Vatican. Nhờ thế, họ đã khám phá ra “nhiều điển hình cho thấy các hành động trực tiếp và thừa tác vụ mục tử của Eugenio Pacelli nhằm cứu người Do Thái khỏi chế độ bạo chúa của Quốc Xã” cũng như “nhiều chứng cớ đầy đủ tài liệu” cho thấy ngài “trực tiếp can thiệp để che chở người Do Thái tại Palestine khỏi tay người Thổ Ottoman vào năm 1917 và việc ngài khuyến khích ý niệm thiết lập một quê hương cho người Do Thái tại Palestine vào năm 1925”.

Tuyên bố của Qũy cũng cho hay việc biết ơn phổ quát đối với Đức Piô XII đã triệt để bị thay đổi khoảng 5 năm sau ngày ngài qua đời, do vở kịch hư cấu của Rolf Hochhuth, tựa là “Vị Đại Diện”. Qũy cho rằng hiện đã có bằng chứng được xác nhận cho thấy vở kịch đó là một phần trong âm mưu của KGB [mật vụ Nga Xô] mã số “tòa 12” (seat 12) nhằm mục tiêu chiến thuật phá hoại danh giá của Giáo Hội Công Giáo.

Qũy Dọn Đường cho rằng các tài liệu của họ đưa tới kết luận không thể chối cãi rằng Đức Giáo Hoàng Piô XII là một anh hùng thật sự của Thế Chiến Hai. Quả ngài đã cứu nhiều người Do Thái hơn mọi nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị trên thế giới cộng lại. Đàng khác, trong một tinh thần anh hùng thực sự, ngài đã làm tất cả những điều đó khi bị trực tiếp đe dọa bởi nòng súng Đức từ 200 thước Anh sẵn sàng nhắm dưới cửa sổ ngài”.
 
ĐTGM Chaput: Đời Sống Mới trong Đức Kitô như thế nào và đòi hỏi những gì?
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
12:43 17/06/2009
Dưới đây là bản dịch diễn từ của ĐTGM Chales J. Chaput, TGP Denver, Colorado đọc tại Edmonton, Alberta ngày 30 tháng 4, năm 2009 và được đăng trên website First Things ngày 11 tháng 5, 2009.

* * *


Tôi muốn mở đầu bằng một câu trích từ Thư Thhứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinthô. Câu này sẽ được dùng làm nền tảng cho buổi đàm thoại của chúng ta hôm nay:

“Vì trước tiên, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi cũng đã nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Thánh Kinh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại theo lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, hầu hết những người đó hiện nay còn sống, dầu một số đã an nghỉ. Sau đó Người đã hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau cùng, Người cũng đã hiện ra với tôi, như một đứa bé sinh non.” [1]

Điều gì làm cho những câu này trở nên quan trọng? Thánh Phaolô là một nhà truyền giáo vĩ đại mà thế giới chưa bao giờ thấy và sẽ không bao giờ thấy. Ngài đã nói với một lòng xác tín tuyệt đối về việc Chúa Giêsu đã hiện ra với ông Kêpha và Nhóm Mười Hai; với 500 anh em; và lại hiện ra với Thánh Giacôbê và các tông đồ. Nhưng những lời then chốt trong câu này, mà thật ra cũng là những lời then chốt trong toàn thể cuộc đời Thánh Phaolô, nằm ở cuối câu: “Sau cùng, Người cũng đã hiện ra với tôi, như một đứa bé sinh non”.

Đức Tin Công Giáo không đơn thuần chỉ là một sưu tập những giáo thuyết và tư tưởng, hay một khối kiến thức, hoặc một hệ thống những niềm tin, mặc dù tất cả những điều ấy đều quan trọng. Tận nguồn gốc, Kitô giáo là một kinh nghiệm; một kinh nghiệm đổi đời và cá nhân về Đức Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Tất cả những điều khác trong cuộc đời Thánh Phaolô, và tất cả những điều khác trong cuộc đời chúng ta như người Công Giáo, đều phát sinh từ cuộc gặp gỡ riêng với Đức Kitô ấy. Nếu chúng ta thật sự tìm kiếm Người, thì chúng ta sẽ luôn luôn tìm thấy Người. Nhưng một khi tìm thấy Người, chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận hậu quả, vì cuộc đời chúng ta sẽ hoàn toàn đảo ngược.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em một câu truyện để cắt nghĩa điều tôi muốn nói. Đó là câu truyện về một chàng thanh niên tên là Franz sống khoảng 60 năm trước đây trong một làng nhỏ ở Áo Quốc. Franz là con rơi của một nhà nông, sau đó ông này bị chết trong Thế Chiến Thứ Nhất. Anh là một thiếu niên lêu lổng. Dân địa phương kể lại rằng anh là người đầu tiên trong làng cỡi xe gắn máy. Không phải vì anh lái xe an toàn hay giữ đúng vận tốc.

Franz là lãnh tụ một lũ du côn thường dùng dao và xích sắt để đánh nhau với những bọn du côn khác ở những thành lân cận. Anh cũng là một thứ dân vô loại, và mê gái. Anh làm cho một cô gái có bầu và bị nguời ta buộc phải rời khỏi thành phố. Người ta nói rằng anh đã làm việc ở một mỏ sắt một thời gian.

Vì một lý do không ai hiểu rõ, anh Franz đã trở về làng như một con người hoàn toàn thay đổi. Anh vẫn luôn đi nhà thờ, dù trong những ngày lêu lổng nhất. Nhưng khi trở về, anh là một người Công Giáo nghiêm chỉnh, chứ không phải chỉ là một người Công Giáo ngày Chúa Nhật. Anh đã bắt đầu trả tiền nuôi đứa con ngoại hôn của anh. Anh đã cưới một người phụ nữ Công Giáo tốt lành và sống ổn định để thành một nông dân, một người chồng và một người cha tốt, dưỡng dục ba người con và phục vụ như một giáo dân nòng cốt ở giáo xứ địa phương.

Tôi sẽ kể cho anh chị em phần lại còn của câu truyện sau. Nhưng tôi muốn trưng dẫn một vài điều mà anh Franz đã viết trong một bức thư gửi người con đỡ đầu của anh. Anh viết: “Cha có thể nói từ kinh nghiệm bản thân của cha rằng cuộc đời thường đau khổ biết bao khi một người sống đời Kitô hữu lưng chừng. Nó giống tình trạng cây cỏ hơn là tình trạng sống.” [2]

Tôi nhớ đến anh Franz khi tôi bắt đầu nghĩ về đề tài tối hôm nay: “Đời Sống Mới trong Đức Kitô” của chúng ta. Nhiều tín hữu ngày nay không ngừng bị cám dỗ chấp nhận một Kitô giáo nửa chừng, để sống “đời sống hai mặt”, là một người khi chúng ta ở nhà thờ hay cầu nguyện và là một người khác khi ở với bạn bè hay gia đình, hoặc ở sở làm, hay khi nói về chính trị.

Một phần của sự cám dỗ này đến từ những áp lực bình thường của xã hội. Chúng ta không muốn nổi bật. Chúng ta không muốn bị coi là lập dị, nên chúng ta giữ kín những niềm tin về tôn giáo cho mình. Làm như chúng ta đã nội tâm hóa câu châm ngôn cổ: “Không bao giờ được nói về tôn giáo hay chính trị giữa những người có học.” Chính tôi không bao giờ chấp nhận loại tư tưởng này. Tôn giáo, chính trị, công bằng xã hội – chính là những điều chúng ta phải bàn đến. Không có gì khác quan trọng hơn. Có mấy điều có thể quan trọng hơn niềm tin tôn giáo, là điều liên quan đến ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, và chính trị, là điều liên quan đến việc chúng ta phải cùng nhau tổ chức đời sống thế nào vì công lý và công ích.

Đó là những điều mà chúng ta cần phải nói đến đêm nay nếu chúng ta thật sự muốn có một đời sống mới, một đời sống trọn vẹn và không bị phân chia, trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta bắt đầu với một loại “chẩn bệnh” cho nền văn hóa mà chúng ta đang sống, và những thách đố mà nó buộc chúng ta phải đương đầu. Lý do thật đơn giản. Chúng ta đang sống trong thời đại đầu tiên của lịch sử nhân loại mà trong đó toàn thể xã hội được tổ chức quanh nguyên tắc “sống hai mặt”.

Triết gia người Gia Nã Đại Charles Taylor gọi thời đại của chúng ta là “thời đại thế tục.” Việc chúng ta làm sao mà đi đến thời điểm này là một đề tài quá lớn để thảo luận đêm nay. Điểm đáng nói là chỉ trong vòng vài thế kỷ mà chúng ta đã đi từ sống trong một thế giới hầu như người ta không thể không tin có Thiên Chúa, đến một thế giới mà niềm tin vào Thiên Chúa không được coi là cần thiết nữa hoặc chẳng còn có nghĩa lý gì.

Hầu hết mọi người ngay nay có thể sống cả đời như là không có Thiên Chúa. Đương nhiên là ở Tây Phương – và tôi ám chỉ tất cả các quốc gia tân tiến theo kiểu dân chủ Tây Phương, chứ không phải chỉ có Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, chúng ta được phép tin vào Thiên Chúa, kể cả được cùng nhau cầu nguyện và phụng tự. Nhưng chúng ta luôn được các cơ quan truyền thông đại chúng dạy là không bao giờ được “áp đặt” những quan điểm tôn giáo của mình trên người khác. Tư tưởng kỳ cục này luôn được trình bày như một cách sống rất hợp lý và giác ngộ. Anh muốn tin gì thì tin; tôi muốn tin gì thì tin; và chính phủ bằng lòng không bảo chúng ta điều gì phải tin và điều gì không được tin.

Nhưng sự thể chỉ xem ra hợp lý và giác ngộ chứ thật ra không phải thế. Đây là một ví dụ mới xảy ra: ĐTC Bênêđictô vừa tông du Phi Châu vào tháng ba. Trên máy bay có một phóng viên hỏi ngài về dịch AIDS và việc Hội Thánh không cho phép dùng bọc cao su. Hiện nay không có có mấy quốc gia hay tổ chức nào đã đổ nhiều tiền và nỗ lực nhân sự vào cuộc chiến chống bệnh AIDS ở Phi Châu bằng Hội Thánh Công Giáo. Điều này là sự kiện theo thống kê. Vì thế khi ĐTC trả lời câu hỏi như thế, ngài nói không phải là theo quan điểm thần học mà với sự hiểu biết thật sự về những điều kiện có thật.

Và ĐTC Bênêđictô đã nói rằng cổ võ việc dùng bọc cao su không ích lợi gì. Trên thực tế nó còn có hậu quả ngược lại. Không ai nghe câu trả lời của ngài quá điểm này. Khắp nơi trong vài ngày truyền thông đã loan đi rằng vị Giáo Hoàng bảo thủ này đang sát tế hàng triệu người dân Phi Châu mắc bệnh AIDS trên bàn thờ tín điều luân lý cứng ngắt của Hội Thánh. Chỉ đếm sơ qua người ta đã thấy hơn 4 ngàn bài báo nói về đề tài này. Điều kinh ngạc là tính đồng nhất của lời phê bình - rằng ĐTC và Hội Thánh hủ lậu và trung cổ, và các niềm tin của Công Giáo là một mối đe dọa cho nền y tế công cộng.

Việc gì đã xảy ra? ĐTC đã thách đố một trong những điều có tính cách chính thống nho nhỏ được thời đại chúng ta tôn thờ, đó là việc tôn thờ bọc cao su, và lý tưởng được đề cao là làm tình là một “nhu cầu” căn bản của con người mà không ai được quyền thắc mắc bao giờ - dù trong trường hợp người ta có thể mất mạng khi theo đuổi nhu cầu đó.

Như thế người ta đã cấm bàn luận nơi công cộng. Không ai ngừng lại để suy nghĩ rằng điều ĐTC nói không phải chỉ là niềm tin tôn giáo, nhưng thật sự có ý nghĩa trên thực tế. Việc phân phát bọc cao su cho dân chúng chỉ tạo cho người ta một một ngộ nhận rằng họ được an toàn, cùng khuyến khích chính những cách ăn ở đưa đến việc truyền lây bệnh AIDS. Điều thất vọng hơn nữa là người ta biết rằng những khoa học gia nghiên cứu các phương thức phòng ngừa bệnh AIDS thực sự đồng ý với ĐTC.

Chúng ta được dạy để nghĩ rằng mình đang sống trong một xã hội cởi mở, kính trọng quyền tự do tôn giáo và tự do trao đổi những tư tưởng khác nhau. Nhưng không phải thế đâu. Đừng tự lừa dối mình. Có thể một ngày không xa người ta sẽ được quyền cấm không cho chúng ta giữ một vài quan điểm luân lý nào đó, và không cho phép chúng ta từ chối làm một vài điều nào đó mà chúng ta nhận thấy là ác. Khi ấy vấn đề được đặt ra là: Chúng ta sẽ sống trong cái thế giới mới này thế nào? Chúng ta làm sao để sống “đời sống mới trong Đức Kitô” trong thời đại không có niềm tin này?

Chúng ta thật sự không thể trả lời câu hỏi này cho đến khi chúng ta hiểu rõ là Kitô hữu có nghĩa gì. Điều đó có nghĩa là phải biết rõ về Đức Chúa Giêsu Kitô. Đây là một trong những sản phẩm phụ của thời đại thế tục của chúng ta: Chúng ta thật không còn biết nghĩ gì về Chúa Giêsu. Tại sao? Bởi vì nền văn hóa của chúng ta đã sửa lại khuôn mặt Chúa Giêsu. Chúng ta biến Người thành hình ảnh và giống lòng trắc ẩn chung chung. Ngày nay Người không còn là Chúa, Con Thiên Chúa, nhưng giống một người tử tế được giác ngộ theo thuyết nhân bản.

Vấn đề là thế này: Nếu Chúa Giêsu không phải là Chúa, nếu Người không phải là Con Thiên Chúa, thì Người không làm được gì cho chúng ta. Khi ấy Tin Mừng chỉ hơn kém một triết lý sống đáng chú ý mà thôi. Và là điểm đầu tiên và Tin Mừng là điều chúng ta cần để sống trong thời đại thế tục: Chúng ta cần phải tin tưởng vào Tin Mừng, và cần phải tin tưởng vào Hội Thánh là cơ quan cho chúng ta các sách Tin Mừng. Chúng ta cần tin thật rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Con Đức Mẹ Maria; Thiên Chúa thật và Người thật; là Đấng có Lời ban sự sống đời đời. Nếu chúng ta không xác tín vào chân lý ấy, thì không có điều gì khác tôi đề cập đến đêm nay sẽ còn ý nghĩa.

Đây là điểm thứ nhì: Chúa Giêsu đã không từ trời xuống để bảo chúng ta phải đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật. Người cũng không chết trên Thánh Giá và sống lại để chúng ta có thể cầu nguyện nhiều ở nhà và tử tế hơn một chút với những người hàng xóm. Có một điều mà ngay cả những người không có đức tin có thể thấy là các sách Tin Mừng không phải là những tài liệu được thỏa hiệp. Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta. Và không phải chỉ vào ngày Chúa Nhật. Người muốn chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí khôn. Người muốn chúng ta yêu người lân cận như chính mình. Nói cách khác, một một tình yêu hoàn hảo.

Chúng ta cần phải tin vào Lời Đức Kitô. Chúng ta phải yêu Người như là sự sống của chúng ta lệ thuộc vào đó. Ngay bây giờ. Và không được bào chữa. Anh chị em có nhớ người đàn ông trong Thánh Kinh thưa với Chúa Giêsu rằng: Tôi sẵn sàng trở thành môn đệ Thầy, nhưng trước hết tôi cần sửa soạn đám táng cho cha tôi không? Cách Chúa Giêsu trả lời thật thẳng thừng và đúng hơn là hơi quá khích: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Hãy theo Thầy và công bố Nước Thiên Chúa.” [3] Dĩ nhiên là Chúa không ra lệnh cho chúng ta không được thảo kính cha mẹ. Điều mà Chúa Giêsu nói là không có ưu tiên nào khẩn cấp trong đời sống chúng ta bằng việc đi theo Người và rao giảng Nước Trời.

Điểm thứ ba của tôi bắt nguồn từ hai điểm trên: Làm môn đệ Đức Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ là một trong nhiều bình diện của đời sống anh chị em. Làm một Kitô hữu là con người anh chị em. Chỉ có thế. Và là một Kitô hữu có nghĩa là cuộc đời anh chị em có một sứ vụ. Có nghĩa là cố gắng mỗi ngày để trở nên một môn đệ tốt hơn, để trở nên giống Chúa Giêsu hơn trong tư tưởng và việc làm.

Chân Phước Charles de Foucauld đã nói, “Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi linh hồn mà Ngài đã dựng nên yêu mến Ngài với toàn thể con người.... Nhưng Ngài không đòi hỏi mọi linh hồn phải chứng tỏ tình yêu của họ bằng cùng một công việc, phải leo lên Thiên Đàng bằng cùng một cái thang, phải đạt được sự tốt lành bằng cùng một cách. Vậy tôi phải làm thứ công việc nào? Con đường nào là đường lên Thiên Đàng của tôi?” [4].

Thiên Chúa mong mỏi những gì lớn lao từ mỗi người chúng ta. Đó là lý do tại sao Ngài dựng nên chúng ta. Để yêu mến Ngài và phục vụ lẫn nhau, cùng đóng vai trò của mình trong việc làm cho Nước Tình Yêu ngự đến. Như thế anh chị em phải tự hỏi mình cùng những câu hỏi mà Chân Phước Charles đã tự hỏi. Thiên Chúa muốn anh chị em làm gì? Ngài muốn anh chị em đi theo Đức Kitô cách nào?

Giờ đây, anh chị em sẽ làm gì để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này? Bằng cách thư chuyện với Thiên Chúa, cách khiêm nhường và chân thành, trong cầu nguyện. Bằng cách biết Đức Kitô mỗi ngày một hơn qua việc đọc và cầu nguyên bằng Tin Mừng mỗi ngày. Bằng cách mở lòng ra đón nhận ân sủng Ngài ban cho chúng ta trong các bí tích. “Các con hãy xin thì sẽ được ban cho, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở cho” [5]. Không phải qua việc anh chị em chọn làm gì với đời mình. Nhưng là qua việc khám phá ra Thiên Chúa muốn anh chị em dùng cuộc đời anh chị em thế nào để truyền bá Tin Mừng tình yêu của Ngài và Nước Ngài.

Đồng thời, Chân Phước Charles là một trong những câu chuyện vĩ đại của thế kỷ thứ 20. Ngài là một người Pháp sống hầu hết đời ngài như một đứa con hoang đàng, phung phá gia tài trong rược chè, trai gái và những thú vui cùng đường. Nhưng một khi nhận biết Đức Chúa Giêsu Kitô, cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài cảm thấy được mời gọi theo Đức Kitô, ngài đi đến Nadareth để dấn thân sống một cuộc đời làm việc lao động khiêm tốn, cầu nguyện và bác ái. Vài năm sau, việc theo gương Đức Kitô dẫn ngài đến Sa Mạc Sahara, ở đó ngài sống như một nhà ẩn tu và sau cùng chết một cái chết tử vì đạo.

Hầu hết anh chị em sẽ nhận ra rằng con đưởng lên Thiên Đáng của anh chị em được bắt đầu gần nhà hơn. Thực ra, đó chính là điều Thiên Chúa muốn. Trong Tin Mừng Thánh Luca [6], Chúa Giêsu gặp và tỏ mình ra cho hai môn đệ trên đường Êmmau. Các ngài không đi về Giêrusalem hay Mạc Tư khoa hoặc Ottawa hay Bắc Kinh hoặc Hoa Thịnh Đốn. Các ngài đang trên đường về nhà. Trong Tin Mừng Thánh Marcô [7] cũng thế, thiên sứ bảo các người phụ nữ ở ngôi một trống rằng Chúa Giêsu “đang đi trước anh em về Galilêa; ở đó anh em sẽ gặp Người như Người đã bảo anh em.” Galilêa là một nơi vô danh và chẳng quan trọng gì. Nhưng đó là nhà của các môn đệ.

Nói cách khác, Đức Kitô tỏ mình ra cho những kẻ theo Người trong đời sống bình thường. Người gặp chúng ta trên đường đời, còn chúng ta gặp đi gặp lại Người trong việc “bẻ bánh”, và khi chúng ta cầu nguyện bằng Luật Môsê, các tiên tri, thánh vịnh và toàn thể Thánh Kinh. Việc chúng ta gặp gỡ Người trong những hoàn cảnh cá nhân của mình mở trí chúng ta hiểu ý nghĩa của tất cả những điều này. Chúa Giêsu muốn chúng ta mọc lên ở nơi Người trồng chúng ta. Công tác của anh chị em là rao giảng Tin Mừng bằng đời sống anh chị em bất kỳ anh em ở đâu và làm bất cứ việc gì, đi học, làm việc, dưỡng dục con cái, sống trong gia đình.

Còn một điểm cuối cùng triước khi chúng ta bắt đầu phần đặt câu hỏi và thảo luận đêm nay. Đó là: Yêu Hội Thánh; anh chị em hãy yêu Hội Thánh như mẹ và thầy của anh chị em. Hãy giúp xây dựng Hội Thánh, thanh lọc đời sống và việc làm của Hội Thánh. Tất cả chúng ta đều tức giận khi thấy sự yếu đuối của con người và tội lỗi trong Hội Thánh. Nhưng chúng ta luôn luôn cần phải nhớ rằng Hội Thánh còn hơn là tổng số các phần tử nhân loại cộng lại nhiều.

Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là Đấng hoạt động trong Đức Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ của Người vẫn còn hoạt động trong Hội Thánh. Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ rằng khi các ngài giảng dạy, thì chính Chúa giảng dạy. Khi các ngài tha tội, thì chính Chúa tha tội. Khi các ngài nói lời, “Này là Mình Thầy,” thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người. Chúa Giêsu không quên những lời hứa của Người. Hội Thánh ở đâu thì Chúa Giêsu ở đó – cho đến tận thế. Và chúng ta luôn muốn ở nơi nào có Chúa Giêsu, bởi vì không có con đường nào để về nhà với Thiên Chúa trừ khi đi qua Người.

Vậy anh chị em hãy yêu Hội Thánh. Và đây là điều cốt yếu: Biết và tôn trọng những điều Hội Thánh dạy. Điều Hội Thánh dạy là điều Đức Kitô muốn anh chị em và mọi người khác phải biết – vì sự tốt lành và phần rỗi của anh chị em cùng chia sẻ những giáo huấn ấy với người khác.

Các lãnh tụ của các xã hội bị tục hóa ngày nay muốn tự cho mình là nhân bản và nhân đạo. Nhưng cũng những xã hội này đang biện minh cho việc giết chết hàng triệu trẻ em trong bụng mẹ và cắt chia những phôi thai trong phòng thí nghiệm. Chúng ta giết những người tàn tật cùng già cả và gọi đó là “chết cách xứng đáng.” Chính ngôn ngữ của chúng ta đang bị đảo lộn. Gia đình không còn là sự hiệp thông giao ước giữa một người nam và một người nữ đem lại sự sống mới và như thế đem lại tương lai cho xã hội nữa. Thực ra, hiện có quá ít các trẻ em đang được sinh ra trong các quốc gia tân tiến kiểu Tây Phương đến nỗi chúng ta thắc mắc rằng có phải nền văn minh của chúng ta đã mất ý chí sinh tồn hay không.

Chỉ có Hội Thánh đứng lên chống lại những khuynh hướng bất nhân này trong các xã hội của chúng ta. Đó là sứ vụ của anh chị em, các tín hữu giáo dân nam nữ, để đảm bảo rằng giáo huấn của Đức Kitô được rao giảng và giải thích cùng được bảo vệ ở mọi giai tầng của xã hội chúng ta – trên chính trường, ở sở làm và trong văn hóa. Đìều này cần sự can đảm thật. Có đủ mọi thứ áp lực, tinh vi và không mấy tinh vi, để bán rẻ Chúa Giêsu. Để làm giảm bớt hay giảm thiểu Tin Mừng của Người. Để lựa và chọn một số trong các giáo huấn của Người. Nhưng chúng ta không thể làm như thế. Anh chị em hãy hứa cùng Đức Chúa Giêsu Kitô rằng anh chị em không bao giờ làm trái ngược các giáo huấn của Hội Thánh bằng những lời nói hay việc làm của mình.

Chỉ có chân lý mới có thể giải phóng con người. Chân lý ấy là Đức Chúa Giêsu Kitô. Cho nên nếu chúng ta thật sự yêu thương tha nhân thì chúng ta sẽ muốn cho họ biết chân lý. Toàn thể chân lý. Chứ không phải chỉ một phần của chân lý là điều làm cho họ cảm thấy thoải mái mà không thách thức họ thay đổi.

Một Kitô hữu chân chính không thể sống cuộc đời hai mặt; toàn thể phương cách chúng ta suy nghĩ và hành động phải được biến đổi bởi đức tin của mình, nếu không chúng ta sẽ biến mình thành những kẻ giả hình. Như người bạn chúng ta là anh Franz đã nói, là Kitô hữu lưng chừng giống như một cây cỏ. Đó không thật sự là đời sống. Nó chỉ là một sự tồn tại. Và điều này nhắc cho tôi rằng đã đến lúc kể tiếp cho anh chị em phần còn lại của câu truyện về anh Franz.

Đức Quốc xâm lăng Áo Quốc vào năm 1938. Không giống như các hàng xóm, anh Franz đã không chịu hợp tác bất cứ cách nào với chế độ Quốc Xã mới bởi vì anh coi Hitler là một kẻ thù của Đức Kitô và Hội Thánh. Anh đã chiến đấu trong một cuộc kháng chiến luân lý cá nhân trong vòng năm năm. Nhưng cuối cùng anh bị bắt vì bất tuân lệnh gia nhập quân đội Đức Quốc.

Trong khi chờ đợi bị kết án, nhiều người, kể cả gia đình anh và linh mục địa phương, đã thúc giục anh đã bằng lòng cách đãi bôi với chế độ để cứu mạng. Nhưng anh Franz đã không chịu.

Vì thế 66 mùa hẻ trước đây, vào ngày 9 tháng 8 năm 1943, anh Franz đã chết trên đoạn đầu đài của Đức Quốc Xã. Ngày nay chúng ta tưởng nhớ đến anh như Chân Phước Franz Jägerstätter - một vị tử đạo vì chân lý, chân lý ấy nói rằng một người Công Giáo không bao giờ được phép sống đời hai mặt; rằng không thể có cái gọi là Kitô hữu nửa chừng.

Chân Phước Franz đã viết những lá thư tuyệt vời gửi cho vợ ngài từ khám đường. Trong một thư ngài đã nói về những vị tử vì đạo vĩ đại của Hội Thánh. Ngài đã viết: “Nếu chúng ta hy vọng một ngày nào đó đạt được mục tiêu, thì chúng ta cũng phải trở thành những anh hùng của Đức Tin. Bởi vì bao lâu chúng ta còn sợ người ta hơn sợ Thiên Chúa thì chúng ta không bao giờ thành công.” Khi khác ngài viết: “Điều quan trọng là chúng ta đừng để một ngày qua đi vô ích mà không dùng nó để sinh lợi cho đời sống vĩnh hằng.” [8].

Đó là điều chính yếu cho bất cứ ai muốn trở thành một Kitô hữu chân chính. Đó là con đường dẫn đến đời sống mới trong Đức Kitô: Tận dụng mỗi ngày để đạt đến đời sống vĩnh hằng. Và thời điểm để bắt đầu là bây giờ.

Cám ơn và nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

+TGM Charles J. Chaput

----------------------------------------------------------------------------------

Chú Thích:

1. 1 Cor 15:3-7

2. Gordon Zahn, In Solitary Witness: The Life and Death of Franz Jägerstätter (Beacon, 1964), 32

3. x. Luca 9:59–60

4. Charles de Foucauld (Modern Spiritual Masters Series), 69–70.

5. Mat. 7:7.

6. Lc 2413-37

7. Mc 16:7

8. Zahn, 35, 73
 
Đức Thánh Cha loan báo về thông điệp sắp được ban hành
Pt Huỳnh Mai Trác
14:52 17/06/2009
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI loan báo là ngài sẽ ban hành một thông điệp với “chủ đề rộng lớn về kinh tế và lao động”, sau khi các thành viên của Tổ chức “Centesimus Annus”, đã đến triều kiến ngài vào ngày thứ bảy 13 tháng 6 năm 2009. Họ là những người chuyên môn nghiên cứu về các vấn đề xã hội.

Thông điệp này là thông điệp thứ ba trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, nhắc lại “những giá trị cần phải bảo vệ” để thực hiện một xã hội nhân bản “thực sự tự do và đoàn kết”. Ngài đã phác họa vài nét chính trong bài diễn văn đọc trước các thành viên của Tổ chức này.

Đầu đề bằng tiếng La tinh của thông điệp này sẽ là “Caritas in veritate” (Bác ái trong sự thật). Ngài sẽ duyệt ký vào ngày 29 tháng 6 vào dịp lễ các thánh Phêrô và Phao lồ và phát hành ngay sau đó trong thượng tuần tháng 7 theo như dự định của Tòa Thánh Vatican.

Đức Thánh Cha nói: “Cuộc hội kiến hôm nay có một ý nghĩa và một giá trị đặc biệt làm sáng tỏ hoàn cảnh mà nhân loại đang phải chịu đựng.

“Thật vậy, cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế đang đè nặng trên các quốc gia kỹ nghệ, các quốc gia vừa phục hồi và những quốc gia đang trên đà phát triển cho chúng ta thấy một cách rỏ ràng là chúng ta cần phải suy nghỉ lại những hình thái kinh tế tài chánh đã được thực hành trong những năm vừa qua.”

“ Tôi rất vui mừng được biết các vị đã nghiên cứu kỷ càng, đặc biệt là những liên hệ giữa các trung tâm nghiên cứu, xã hội và thị trường cho phù hợp với tông thư “Centesimus Annus” mà đấng tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolồ II đã nhận xét về “kinh tế thị trường (…) con đường tiến bộ về kinh tế và xã hội phải luôn phù hợp và hướng về lợi ích chung.”

“Nhưng quan niệm này cũng cần phải kèm theo ý tưởng tự do, trong những địa hạt kinh tế cần phải đóng khung lại trong “một cơ cấu pháp lý vững chắc phục vụ cho tự do của con người, một thứ tự do có trách nhiệm mà “trung tâm điểm là luân lý và tôn giáo”.

Thông điệp thứ nhất là “Deus caritas est” có chủ đề là bác ái và tình yêu Thiên Chúa được phát hành vào ngày 25 tháng 1 năm 2006.

Thông điệp thứ hai là “Spes salvi” có chủ đề là niềm hy vọng kitô đã dược phát hành vào ngày 30 tháng 11 năm 2007. (Nguồn tin: VIS)
 
ĐHY Giuse Trần Nhật Quân: Bằng mọi giá đã đến lúc thi hành Bức Thư của Đức Thánh Cha gửi người Công Giáo Trung Hoa
Nguyễn Hoàng Thương
16:04 17/06/2009
Hồng Kông (Asianews) - Trong cuộc trò chuyện sôi nổi với Tin Tức Á Châu (AsiaNews), Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân cho rằng thời điểm đã đến để Giáo Hội Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican chấm dứt chấp nhận bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào với chế độ cai trị Bắc Kinh và thi hành những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Bức Thư của ngài, để bảo vệ sự tự do tôn giáo của Giáo Hội. Đức Hồng y Giuse, đã về hưu vào tháng Tư vừa qua, trở Thánh Tổng Giám Mục danh dự của Giáo phận Hồng Kông, đã hết sức quan ngại về Giáo Hội chính thức đã quy phục một cách rõ rệt Hội Yêu Nước, tạo nên một “cái tát vào mặt” Đức Thánh Cha và những chỉ dẫn mà ngài trình bày trong Bức Thư gửi người Công Giáo Trung Hoa hai năm trước.

Đức Hồng y cũng nói rõ tầm quan trọng của việc tìm kiếm quan hệ ngoại giao bằng mọi giá giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh: nó mang đến nguy cơ chỉ là ảo tưởng nếu không có tự do tôn giáo ở đất nước này.

Dưới đây là trích đoạn phỏng vấn Đức Hồng Y Giuse, trong đó ngài nhắc lại dấn thân của Giáo Hội và Tòa Thánh nhằm hòa giải hai cộng đoàn ở Trung Hoa (Giáo Hội chính thức và hầm trú), ngài nói đến tương lai ngài trở thành nhà giáo và trên hết là kiên định tiếp xúc với các Kitô hữu ở Trung Quốc:

Thưa Đức Hồng y, xin Đức Hồng y nói về sự dấn thân của mình đối với sự tự do tôn giáo của Giáo Hội ở Trung Hoa

Kể từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 nhiều người đã dấn thân cho Giáo Hội ở Trung Hoa. Và những gì xảy ra là thực tế Giáo Hội ở Trung Hoa bắt đầu một cách chậm chạp so với bên ngoài Trung Hoa. Nói cách khác, sự chia rẽ giữa cái gọi là Giáo Hội chính thức và Giáo Hội hầm trú đã được tạo ra, ít nhất trước tiên là hai quan điểm khác nhau, cả ở Hồng Kông và Tòa Thánh. Tại Hồng Kông này – tôi đang nói về những năm đầu sau mở cửa – những người giúp Giáo Hội ở Trung Hoa cũng rơi vào hai nhóm. Đó là những người ủng hộ cộng đoàn hầm trú và hầu như thù địch với cộng đoàn chính thức và ngược lại, những người thông cảm với Giáo Hội chính thức thì nhìn cộng đoàn hầm trú bằng sự ngờ vực. Những người có mối quan hệ tốt với Giáo Hội ở Trung Hoa, những người am hiểu thực sự những gì đang xảy ra, đương nhiên ngả về phía Giáo Hội hầm trú, vì Giáo Hội can đảm chịu đựng vì đức tin. Họ nhìn Giáo Hội chính thức bằng sự ngờ vực, chỉ trích Giáo Hội này tự nộp mình cho chính quyền. Nhưng một số người nào đó ở Hồng Kông, những người không biết rõ Trung Hoa, hoặc các nhà truyền giáo trẻ chưa bao giờ làm việc ở Trung Hoa, lại dễ dàng tán tụng bởi những gì họ thấy trong chuyến đi ngắn đến Trung Hoa: các nhà thờ cởi mở, các hội đoàn ca hát v.v… Vì thế họ cảm thấy phấn khởi bởi thứ tự do mà họ tin là có thật. Hậu quả là họ cáo buộc Giáo Hội hầm trú ngoan cố, không sẵn lòng chấp nhận thực tại mới.

Đây cũng là trường hợp bên trong Tòa Thánh: hẳn nhiều người biết về sự xích mích trong quá khứ giữa Thánh Bộ Ngoại Giao, với khuynh hướng hòa giải để tái thiết lập quan hệ ngoại giao và Thánh Bộ Truyền Giáo, vốn nhắm đến mục đích Giáo Hội có đời sống giáo hội thật sự và tự do. Sau vài năm trao đổi giữa Giáo Hội Trung Hoa và Giáo Hội Hoàn Vũ, trên hết đối với những người chúng tôi đến đó giảng dạy, chúng tôi thấy rằng Giáo Hội chính thức không có bất kỳ đường hướng ly giáo hay chia rẽ nào. Chúng tôi nhận thấy rằng chính quyền đang giữ thế tách khỏi Rôma một cách giả tạo. Thay vào đó, giáo dân vẫn giữ gìn đức tin Công Giáo trong tim mình, giống như chúng tôi. Và vì thế, trong thời gian ngắn hai quan điểm xích lại gần nhau hơn. Đó là sự thực của Tòa Thánh và của Hồng Kông. Dĩ nhiên, cũng có một số nhóm phân cực theo hoàn cảnh, chỉ ủng hộ phía này hay phía kia.

Chúng ta có thể nói rằng là Giáo Hội Hoàn Vũ quen thuộc hơn với thực tại cụ thể, bắt đầu chấp nhận với cái gọi là Giáo Hội chính thức. Kết quả này bước đầu một tiến trình khôi phục tín hữu của Giáo Hội chính thức, với các giám mục lớn tuổi hơn thì trình Đức Thánh Cha xin tha thứ và xin được công nhận là giám mục. Tòa Thánh tỏ thái độ rất cởi mở về điều này: sau việc điều tra cần thiết và với sự đồng thuận của các giám mục hầm trú hợp pháp, Giáo Hội đã công nhận nhiều giám mục mà chưa bao giờ đòi hỏi khắc khe trong việc công bố công khai tính hợp pháp mới được ban cho họ. Khởi đầu điều này làm cho tiến trình hợp pháp hóa rất khó khăn. Lòng khoan dung của Toà Thánh, với một mức độ nhất định, đã được làm cho xứng hợp bởi sự tha thứ của chính phủ. Ở chừng mực nào đó, những người sau này biết về sự kiện này nhưng không có phản ứng với những hành động căm thù hay đàn áp các giám mục đã được sự phê chuẩn của Rôma.

Giai đoạn thứ nhì cũng đã được thực hiện theo cùng một ý hướng, trong đó các giám mục trẻ sau khi có được sự bầu chọn [theo thủ tục bầu chọn dân chủ được chính quyền áp đặt] muốn nhận được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng trước khi được tấn phong. Trong trường hợp này, hai giáo hội đã rất quảng đại và phê chuẩn nhiều người trong số họ, tất nhiên miễn là là họ được chấp nhận. Và những trường hợp này chính quyền cũng nhắm mắt làm ngơ và không từ chối họ để có được sự phê chuẩn của Rôma. Vì thế có một giai đoạn có sự nhượng bộ và thỏa hiệp để mọi thứ cuối cùng đạt đến tốt đẹp một cách chính thức.

Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra: không có suy tư liên tục, chúng ta rơi vào trì trệ không có sự suy gẫm cần thiết và chưa bao giờ cố gắng cải thiện tình hình.

Giờ chúng ta đã đến thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết hoặc là chấp nhận thỏa hiệp thêm nữa. Thời khắc sung mãn cho một chương mới bắt đầu. Bức Thư của Đức Thánh Cha gửi người Công Giáo ở Trung Hoa (2007) hẳn đánh dấu khởi đầu mới này. Trong đó, Đức Thánh Cha nói rất rõ ràng về các nguyên tắc soi dẫn giai đoạn mới này trong đời sống Giáo Hội ở Trung Quốc. Đáng tiếc là trong suốt 2 năm qua, sự chuyển động về hướng ánh sáng này đã không đúng chỗ. Đối với tôi, dường như chúng ta đang lo lắng trượt khỏi con dốc của sự thỏa hiệp. Sự kiện đáng lo âu nhất, vốn đi đến chống lại mọi chỉ dẫn của Đức Thánh Cha, là cử hành kỷ niệm 50 năm tấn phong giám mục bất hợp pháp đầu tiên vào năm 1958. Điều này thực sự làm tôi lo lắng: nó xuất hiện hầu như quá đáng để chấm dứt những sự kiện định hình đang xảy ra. Tôi thực sự bị làm hoảng sợ bởi viễn cảnh một Hội nghị có thể có của Công Giáo Trung Quốc. Có thể trong cuộc họp đó, tôi e ngại sẽ xảy ra, thành công trong việc bảo vệ sự tham dự của nhiều giám mục và linh mục, nó có nghĩa là chấm dứt. Tôi lặp lại: nó có nghĩa là hoàn toàn lãng phí mọi nỗ lực trong nhiều năm trước và nó xúc phạm đến Đức Thánh Cha. Vâng, nó có thể là cái tác vào mặt, vì nó có thể mang ý nghĩa hoàn toàn lờ đi Bức Thư của ngài.

Thưa Đức Hồng y, ai phải chịu trách nhiệm cho việc không thi hành những chỉ dẫn chứa đựng trong Bức Thư của Đức Thánh Cha?

Rõ ràng ở Trung Hoa, họ cố tìm mọi cách ngăn chặn Bức Thư của Đức Giáo Hoàng. Nhưng tôi cũng tin rằng Tòa Thánh phải đưa ra sự ủng hộ lớn hơn đối với Bức Thư. Tòa Thánh nên đưa ra thi hành những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha một cách rõ rệt trong một thời gian dài hơn.

Vào Tháng Giêng vừa qua, Đức Hồng y đã viết một bài xã luận trên tạp chí Công Giáo ở Hồng Kông, trong đó Đức Hồng y đã yêu cầu các giám mục chính thức của Trung Hoa phải có đức hạnh của Thánh Stêphanô, vị thánh tử vì đạo tiên khởi, và đừng quy phục ý chí của Nhà Nước khi nó trái ngược với đức tin. Đức Hồng y đã yêu cầu họ “đứng trên mặt đất” và chống cự lại sự bách hại từ Hội Yêu Nước, để giữ tín hữu theo Đức Thánh Cha

Quan điểm mà tôi đang đưa ra khi tôi viết bài báo vào tháng Giêng dường như có phần khắc nghiệt, vì đối với một số người dường như tôi đang kêu gọi tử vì đạo. Tử vì đạo không phải là thứ chúng ta có thể lựa chọn. Nếu một hoàn cảnh kêu gọi tử vì đạo, sẽ có Ơn Chúa ban cho chúng ta sức mạnh. Tử vì đạo không phải là thành quả của tự bản thân chúng ta, nhưng nếu hoàn cảnh quá bức bách thì chúng ta phải sẵn sàng cho việc tử vì đạo, không có sự chọn lựa. Nếu hoàn cảnh đòi hỏi phải tử vì đạo, người ta loại trừ bản thân mình ra, thì có nghĩa là bội ước trong việc làm chứng cho đức tin vốn là bổn phận được trao phó.

Cụm từ “đứng trên mặt đất” dường như tàn bạo, nhưng chúng ta phải rõ ràng, chúng ta phải kiên quyết. Sự chọn lựa khác là đầu hàng. Chúng ta không có quyền đầu hàng. Chúng ta phải đứng kiên vững trong đức tin.

Trong nhiều dịp khác nhau, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta phải kiên vững trong các nguyên tắc của đức tin, ngay cả khi ban đầu chúng ta xuất hiện với thất bại. Không may là một số người tin rằng chúng ta có thể từ bỏ một phần đức tin của chúng ta để chúng ta có thể loan báo Tin Mừng. Nhưng điều này là lố bịch, đó là lý do tại sao tôi phải hỏi: nhưng Tin Mừng nào mà anh em nói đến? Một Tin Mừng bị cắt xén? Của một Tin Mừng bị bớt đi?

Đức Hồng y nghĩ gì về cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Hoa và những khả năng của mối quan hệ ngoại giao trong tương lai?

Vào thời điểm hết sức quan trọng để đưa ra mối quan hệ ngoại giao, một mình chúng không thể chỉnh sửa mọi thứ. Đôi khi chúng có thể gây thất vọng bằng cách đưa ra cảm giác tự do tôn giáo tồn tại. Điều quan trọng nhất là tự do tôn giáo, tất nhiên có thể được làm cho dễ dàng bởi quan hệ ngoại giao. Nhưng nó thực sự không nhất thiết khi đôi khi thế này, đôi khi thế khác. Vì thế anh không thể có quan hệ ngoại giao khi mục đích duy nhất của anh không đảm bảo tự do thực sự. Thiết lập quan hệ ngoại giao hiện thời không chắc có thể làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc được cải thiện tốt lên. Vì thế, để giữ thể diện trước Mã Anh Cửu (Tổng Thống Đài Loan), Bắc Kinh không vội vàng thiết lập quan hệ với Vatican, vốn có nghĩa là cặt đứt mối quan hệ giữa Vatican và Đài Loan. Dường như có sự đồng thuận ngầm ở cả hai phía, Bắc Kinh cho phép Đài Loan duy trì mối quan hệ với một loạt nước nhỏ, nơi mà cho đến gần đây nó tiếp tục đeo đuổi chiến dịch đưa những nước này nằm dưới mũi Đài Loan bằng cách đề nghị những nhượng bộ về kinh tế. Hiện thời có sự đình chiến về điểm này.

Những kế hoạch của Đức Hồng y cho tương lai…

Tôi đã nói rằng tôi mong muốn rời khỏi văn phòng giáo phận để rút lui và tập trung phục vụ cho Trung Hoa. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đặt tôi làm hồng y. Tôi cảm thấy rằng tôi không thể làm tốt cả hai. Tôi sẽ phải nhận nhiều thư từ và tiếp nhiều người, nhưng tôi không thể theo sát chi tiết từng giáo phận ở Trung Hoa. Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ phải đọc thư và đặt chúng một bên, tôi sẽ phải tiếp khách (từ Trung Hoa), nói những gì tôi nghĩ là đúng, nhưng sau đó phải kết thúc ở đó, tôi không thể đi xa hơn. Giờ tôi hy vọng có thể làm thêm nữa. Đây là mục đích chính của tôi: trở nên am hiểu tốt hơn về Giáo Hội ở Trung Hoa và từng giáo phận cách riêng, bằng cách này tôi sẽ ở vị trí tốt hơn để đưa ra lời khuyên. Hiện giờ tôi cảm thấy tôi am hiểu về Giáo Hội ở Trung Hoa bằng một tình cảm chung chứ không phải từng giáo phận đơn lẻ. Nhiều vấn đề tồn tại trên bình diện giáo phận đơn lẻ.

Hơn nữa vì công việc trước đây của tôi là đào tạo chủng viên, tôi rất sẵn sàng tiếp tục công viện này mà không xung đột với công việc của tôi ở Trung Hoa. Đó là lý do tại sao Đức Cha Tong yêu cầu tôi giúp trong giảng dạy và trong đời sống chủng viện, tôi đã vui lòng chấp nhận. Tương tự, tôi cũng sẵn lòng rút khỏi tất cả, chỉ để lại một lĩnh vực rõ ràng, có lẽ đến một trường trung học Salêdiêng ở Phi Châu, nơi cần giáo viên. Nhưng tôi phải nhớ rằng tôi đã 77 tuổi, tôi không biết tôi sẽ có thể thực hiện được bao lâu. Tôi hy vọng rằng sức khỏe của tôi sẽ cho phép một vài năm nữa. Và sau đó khi tôi không còn có thể phục vụ được, tôi sẽ về hưu ở một nhà Salêdiêng.
 
ĐGH thăm thị trấn San Giovanni Rotondo của thánh Padre Piô
Peter Nguyễn Minh Trung
16:28 17/06/2009
VATICAN (CNA) - Hôm nay Tòa Thánh công bố chi tiết chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Benedict XVI tới San Giovanni Rotondo, một thị trấn thuộc vùng Puglia, nơi thánh Padre Piô năm dấu đã từng sống.

ĐTC sẽ đáp máy bay trực thăng đến sân vận động Antonio Massa vào lúc 9h15 sáng Chúa nhật 21-06-2009. Ngài sẽ viếng mộ thánh Padre Piô tại Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm, tại đây ngài sẽ cầu nguyện và thắp lên hai ngọn nến, biểu trưng cho chuyến viếng thăm tông đồ như Đức Gioan Phaolô II đã làm trước đây.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ và buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Piô.

Lúc 4h45 chiều, ngài sẽ gặp gỡ các bệnh nhân và các nhân viên chăm sóc y tế, bác sĩ tại "Casa Sollievo della Sofferenza" - Ngôi nhà An ủi Người đau khổ do chính Cha thánh Padre Piô sáng lập năm 1956.

Tiếp đó, ĐTC sẽ quay lại Nhà thờ Thánh Piô ở Pietrelcina để gặp các linh mục, giáo dân và những bạn trẻ tại đó.

7h30 tối cùng ngày, máy bay trực thăng chở ĐTC sẽ hạ cánh tại Vatican.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Linh Mục người Mỹ làm Tổng Thư Ký Bô Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tich
Peter Nguyễn Minh Trung
16:31 17/06/2009
VATICAN (CNA) - Hôm qua 16-06-2009, Tòa Thánh công bố một bổ nhiệm quan trọng của Đức Thánh Cha Benedict XVI cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Linh mục Hoa Kỳ là cha Agustine Di Noia O.P thuộc Dòng Đaminh được ĐTC bổ nhiệm làm Tổng thư ký của Thánh Bộ nói trên, đồng thời nâng phẩm trật từ linh mục lên thành Tổng Giám Mục.

Việc bổ nhiệm một vị người bản ngữ nói tiếng Anh của Đức Giáo Hoàng cho thấy ngài quan tâm đến những chuẩn bị của Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích để sắp giới thiệu rộng rãi một bản dịch tiếng Anh mới của bộ Sách lễ Rôma.

Đức tân TGM vừa được chỉ định Di Noia sẽ làm việc dưới quyền Đức Hồng Y Antonio Cañizares Llovera, người cũng mới giữ chức vụ bộ trưởng bộ này từ tháng 12 năm ngoái.

Trước đây, vị linh mục Dòng Đaminh này đã từng làm vệc ở Thánh bộ Giáo lý Đức tin từ năm 2002 đến 2005, dưới thời ĐHY Joseph Ratzinger trước khi ngài lên làm Giáo hoàng.

Đức tân TGM Di Noia sinh tại New York năm 1943, thụ phong linh mục năm 1970. Ngài nhận bằng cử nhân thần học tại Học viện Dòng Đaminh ở Hoa Kỳ, sau đó lấy bằng tiến sĩ triết học tại Đại học danh tiếng Yale.

Khi được bổ nhiệm vào cương vị mới đồng nghĩa với việc cha Di Noia được nâng lên hàng Tổng Giám Mục, ĐTC Benedict XVI ban cho tân TGM Di Noia hiệu tòa Ore (thành Oregon).

Vị Tổng thư ký hiện nay của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích là Đức TGM Albert Malcolm Ranjith cũng vừa được ĐTC bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Colombo, Sri Lanka.
 
Lãnh đạo tôn giáo các nước trong khối G-8 họp thượng đỉnh
Phụng Nghi
17:23 17/06/2009
ROME (Zenit.org) – Trước cuộc họp của Nhóm G-8 vào tháng 7 tới đây tại Ý, các nhà lãnh đạo tôn giáo của 8 quốc gia trong nhóm này cũng khai mạc cuộc họp thượng đỉnh của riêng họ để xem xét các chiều kích tôn giáo trong cùng những vấn đề sẽ được hội nghị G-8 thảo luận.

Cuộc họp của G-8 sẽ được tổ chức tại L’Aquila (nước Ý) từ ngày 8 đến 10 tháng 7. Còn nhà lãnh đạo các tôn giáo thì đã bắt đầu cuộc hội nghị lần thứ tư tại Roma hôm 16 tháng 6; theo thông lệ, một cuộc họp thượng đỉnh về tôn giáo được tổ chức song song với cuộc họp của G-8.

Hơn 80 vị lãnh đạo tôn giáo cùng thảo luận nhằm đưa ra một văn bản tóm lược và các đề nghị để trình bày cho quốc gia chủ đạo tổ chức cũng như cho hội nghị chính trị thượng đỉnh.

Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch ủy ban đối thoại liên tôn giáo và đại kết thuộc Hội đồng giám mục Ý, phát biểu trong buổi trình bầy phiên họp tại văn phòng của Đài Phát thanh Vatican.

Giám mục Vincenzo Paglia giải thích rằng “chiều kích tôn giáo là cốt yếu cho sự phát triển, sống chung và cho hòa bình giữa các dân tộc.”

Cuộc họp thượng đỉnh hai ngày này sẽ thảo luận một số vấn đề chính yếu của G-8 đặt ra cho năm 2009, gồm có việc cung cấp nước, quyền được có thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an ninh và hòa bình. Họ sẽ đăc biệt chú ý tới châu Phi và tới tình trạng kinh tế toàn cầu.

Giám mục Paglia tuyên bố: “Sức mạnh của tôn giáo không phải là một “sức mạnh” ở bên ngoài, nhưng hoàn toàn ở bên trong vì nó đặt căn bản trong trái tim, trong những lực lượng tinh thần nằm phía sau lịch sử, nhưng không có nó, các sức mạnh khác có nguy cơ được xây dựng trên cát.”

Cuộc họp thượng đỉnh tôn giáo khai mạc bằng một buổi thăm viếng L'Aquila, vùng đất này bị ảnh hưởng do cuộc động đất hồi tháng tư vừa qua. Các tham dự viên hôm nay cũng được Tổng thống Ý tiếp kiến.

Ngài Abuna Paulos, thượng phụ Giáo hội Chính thống Ethiopia là người khai mạc hội nghị. Các tham dự viên khác gồm có: Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo; ông Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Sant'Egidio; ngài Aram I, thượng phụ Cilicia của người Armenians; ông Mordechai Piron, cựu giáo trưởng các lực lượng quốc phòng Do thái; ông Mustafa Ceric, đại giáo trưởng Hồi giáo tại Sarajevo; và ông Nichiko Niwano, chủ tịch phong trào cư sĩ Phật giáo Nhật bản Risshō Kōsei Kai.
 
Các Giám Mục Mexico lên án vụ sát hại một Linh Mục và hai chủng sinh
Peter Nguyễn Minh Trung
18:20 17/06/2009
MEXICO CITY (CNA) - Hội đồng Giám mục Mexico đã ra một thông cáo hôm thứ hai lên án mạnh mẽ vụ giết hại một linh mục và hai chủng sinh ở thành phố Altamirano, bang Guerrero.

Trong thông cáo, các Giám mục "chia buồn với Đức cha Maximino Martinez Miranda - Giám mục giáo phận Ciudad Altamirano, đến Chủng viện của hai chủng sinh và đến gia đình của họ, những người đang chịu nỗi đau mất mát người mình yêu thương không gì bù đắp được."

Các Giám mục cũng kết án việc "bạo lực đã tràn lan khắp đất nước" và yêu cầu "các giới chức chính quyền từ trung ương tới địa phương phải tiến hành điều tra ngay lập tức để tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm cho tội ác."

Các Giám mục Mexico viết: "Chúng ta tin tưởng rằng Cha Habacuc Hernandez, đặc trách ơn gọi của giáo phận, và hai chủng sinh Eduardo Oregon Benitez, Silvestre Gonzalez sẽ được hưởng vinh phúc Nước Trời."

Để kết luận, các Giám mục còn mong muốn "toàn thể Giáo hội hãy hiệp nhất với chúng tôi trong lời cầu nguyện cho giáo phận, chủng viện và những gia đình đang chịu đau khổ, xin Chúa ban cho họ sức mạnh và niềm ủi an."
 
Vương cung thánh đường St. Paul bang Minnesota, Hoa Kỳ được nâng lên thành Đền Thánh Quốc Gia
Peter Nguyễn Minh Trung
18:23 17/06/2009
MINNEAPOLIS, MINNESOTA (CNA) - Vatican vừa nâng Vương Cung Thánh Đường St. Paul lên thành Đền thánh Quốc gia đầu tiên vinh danh Thánh Tông đồ Phaolô, theo thỉnh nguyện của Đức TGM John C. Nienstedt của TGP St. Paul và Minneapolis.

Quyết định này được Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ xác nhận. Đây sẽ là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên trở thành Đền thánh Quốc gia ở Minnesota và cũng là Đền thánh Quốc gia duy nhất ở khu vực Bắc Mỹ để vinh danh Thánh Phaolô. Giáo hội đặc biệt vinh danh Thánh Phaolô qua hàng loạt những biến cố lớn trong cuộc đời ngài, từ cuộc hoán đổi trên đường Damas cho đến hành trình nên thánh.

Trong giáo luật nói rõ rằng một Đền thánh là một nhà thờ hay một nơi thờ phượng khác mà tín hữu có thể đến hành hương vì "một lý do thiêng liêng đặc biệt."

Mỗi năm, Vương Cung Thánh Đường St. Paul đón trên 200,000 lượt du khách đến thăm, người ta hy vọng con số trên sẽ tăng lên nữa sau khi nơi đây trở thành Đền thánh Quốc gia.
 
Top Stories
Vatican China envoy to get tough with Beijing
Nicole Winfield, AP
00:19 17/06/2009
VATICAN CITY — The Vatican's top envoy for China says the time has come for the Holy See to get tough with Beijing and not compromise over religious freedom, saying relations are taking a "worrisome slide" for the worse.

Hong Kong Cardinal Joseph Zen also said the Vatican shouldn't give so much importance to re-establishing diplomatic relations with Beijing because such a move could trick people into thinking there is religious freedom in China when there isn't.

And in an interview Tuesday with the Vatican-affiliated missionary news agency AsiaNews, Zen repeated his call for official bishops in China to "not give in" to pressure from the state-sanctioned church, saying they have to remain firm in their faith and loyalty to the pope – even to the point of martyrdom.

China forced its Roman Catholics to cut ties with the Vatican in 1951, shortly after the officially atheist Communist Party took power. Worship is allowed only in state-backed churches, which recognize the pope as a spiritual leader but appoint their own priests and bishops.

Millions of Chinese, however, belong to unofficial congregations that are loyal to Rome. Underground priests and bishops have been harassed or arrested by Beijing authorities.

Pope Benedict XVI has made improving often-tense relations with Beijing a priority of his papacy and has sought to unify the country's 12 million faithful under his wing. But there has been little tangible evidence of progress in his four-year effort, and the Vatican recently denounced a new wave of arrests of underground priests and bishops, and accused Beijing of mounting obstacles to a dialogue with the Holy See.

The Vatican insists that Benedict alone must appoint bishops; China says such papal authority interferes in its internal affairs. In recent years the two sides have reached a compromise of sorts under which both Beijing and Rome agree on candidates.

In 2007, Benedict sent a special letter to Catholics in China, praising the underground church but also urging the faithful to reconcile with followers of the official church. Zen, an outspoken advocate of freedom of worship and a critic of Beijing, said that letter was supposed to have ushered in a new season of relations with Beijing but hasn't.

"We've come to the point where it's not possible and just to accept compromise as we did before," he said. "In these two years there hasn't be a turn toward clarity. In fact, it seems to me that we're taking a worrisome slide along the slope of compromise."

Most worrisome, he said, was a planned assembly of official Chinese priests and bishops this year, which he said would be an "insult to the Holy Father" because it would "completely ignore" his letter.

At the same time, Zen also criticized the Vatican for not having reinforced the 2007 letter, noting that Chinese authorities have tried to block its distribution among mainland faithful.

The Vatican has said it was ready "at any time" to switch its diplomatic relations from Taiwan to China. But Zen warned against moving too quickly.

"Sometimes too much importance is placed on diplomatic relations, when these alone don't set things straight," AsiaNews quoted Zen as saying. "In fact, sometimes it could be misleading because it can give the false impression that religious freedom exists."

(Source: http://www3.signonsandiego.com/stories/2009/jun/16/eu-vatican-china-061609/?world)
 
Vietnamese Catholic lawyer accused of treasonous acts
CathNews Australia
01:03 17/06/2009
Ho Chi Minh City police have arrested Catholic lawyer, Paul Le Cong Dinh on charges of working with foreigners to overthrow the government and creating "propaganda against the State of the Socialist Republic of Vietnam."

Security officials searched Dinh's office and house in Ho Chi Minh City and confiscated "anti-government" documents, UCA News says quoting Vietnamese reports.

The lawyer reportedly "compiled papers distorting the government's economic and social policies, slandering high ranking officials, and causing division among people." He also sent his papers to websites based in foreign countries, media reported.

Authorities also charge Dinh, 41, with working with "reactionary forces" in foreign countries to overthrow the regime.

Dinh studied in France before obtaining a master's degree in law from Tulane University in Louisiana in the United States. He then returned to Ho Chi Minh City where he has been working as a prominent lawyer specialising in international commercial law.

Some local Church observers said Dinh's arrest was a clear sign that the communist government wanted to warn those who oppose the regime and its economic and social policies.

A number of high profile Catholics have run afoul of the authorities in recent months.

Several Redemptorists in Ha Noi, who launched a campaign against two controversial bauxite mining projects in the central highlands in late April, were questioned by the police last week and had their computer confiscated.

Le Tran Luat, the lawyer who defended eight Catholics from Ha Noi's Thai Ha parish accused of causing social disturbance and damaging public property, has been continuously questioned by police.

They have also closed down his office.

The defendants were among hundreds of Catholics who occupied a plot of former Church land near the Redemptorist run Thai Ha church on August 15 last year. They placed crosses and Marian statues on the plot, which the government confiscated in the early 1960s.

Luat represented the eight in court on December 8 when seven of them were handed suspended prison sentences ranging from 12 to 17 months. One was let off with a warning.
 
Vietnam: Free Prominent Rights Lawyer Le Cong Dinh
Human Rights Watch
02:04 17/06/2009
For Immediate Release

Vietnam: Free Prominent Rights Lawyer Le Cong Dinh
Rights Defenders Face Ongoing Harassment and Arrest


(New York, June 16, 2009) – The Vietnamese government should immediately free respected human rights lawyer Le Cong Dinh and repeal national security laws that criminalize peaceful expression and association, Human Rights Watch said today.

On June 13, 2009, police from the Ministry of Public Security’s Investigation Security Agency arrested Dinh on national security charges and raided his Ho Chi Minh City law office. Police charged him under article 88 of Vietnam’s criminal code, “conducting propaganda against the government,” which carries a sentence of up to 20 years. The arrest came just days after President Nguyen Minh Triet addressed the International Association of Democratic Lawyers, on June 6, 2009 at their annual congress in Hanoi. In his speech, Triet affirmed Vietnam’s respect and support for progressive lawyers and vowed to criticize those who “trample democracy and human rights.”

“This arrest makes a mockery of the president’s lofty words,” said Elaine Pearson, deputy Asia director at Human Rights Watch. “It tells other lawyers and human rights defenders just what they can expect if they dare to speak out.”

Government authorities accuse Dinh of using his work as a defense lawyer for high-profile democracy and religious freedom activists to “propagandize against the regime and distort Vietnam’s constitution and laws,” as reported in Nhan Dan (The People), the Vietnamese Communist Party’s official daily newspaper.

Dinh, 41, is the former vice president of the Ho Chi Minh City Bar Association and a managing partner of DC Law, a prominent private law firm in Ho Chi Minh City. Clients listed on the firm’s webpage include Yahoo!, Sun Wah International, Nestlé, and Toyota. After studying law at Hanoi Law School and Saigon University, Dinh received a Fulbright scholarship to study at Tulane University in the United States, where he received a master of law degree in 2000.

Dinh is best known for his defense of Vietnamese bloggers, human rights defenders, and democracy and labor rights activists such as Nguyen Van Dai, Le Chi Cong Nhan, and Nguyen Hong Hai (known as Dieu Cay). During his defense of democracy activists Dai and Nhan at their appeals court trial in 2007, Dinh said: “Talking about democracy and human rights cannot be seen as anti-government unless the government itself is against democracy.”

The outspoken lawyer is also known for his public criticism of controversial bauxite mines in Vietnam’s Central Highlands and of China’s claims to disputed offshore islands in the South China Sea. In interviews with the BBC and Radio Free Asia, Dinh has called for political pluralism to accompany economic pluralism in Vietnam, currently a one-party state controlled by the Vietnamese Communist Party.

In articles in the Vietnamese state media, authorities accuse Dinh of providing “distorted information” about Vietnam’s government and its leaders to international press agencies and websites, “colluding” with domestic and foreign “reactionaries” to sabotage the government, and calling for multi-party reforms in published documents, articles posted on the internet, and interviews with foreign media.

Most political and religious prisoners in Vietnam do not have access to independent legal counsel during their trials.

Other lawyers seeking to defend Vietnamese human rights defenders and religious freedom activists have faced threats and harassment. They include Bui Kim Thanh, who was involuntarily committed to a mental institution in 2008 and 2006 because of her defense of farmers seeking redress for confiscation of their land, and Le Tran Luat, who is defending Catholic parishioners from Thai Ha parish in Hanoi calling for return of government-confisca ted church properties.

During 2009, police have raided Luat’s law office in Ho Chi Minh City several times, confiscating computers, documents and files. Authorities also prevented him from traveling to Hanoi in March to meet with his clients, detained and interrogated him on several occasions, and pressured him to drop the Thai Ha case. In addition, the state-controlled press has run articles accusing Luat of fraud, and his local bar association in Ninh Thuan has opened an investigation into his activities.

“Le Cong Dinh’s arrest is part of an ongoing pattern of harassment by the Vietnamese government of human rights and democracy activists – and lawyers seeking to defend their rights to free speech,” said Pearson. “Lawyers – like all citizens – have the right to exercise free speech and peacefully express their views.”

For more Human Rights Watch reporting on Vietnam, please visit:
http://www.hrw. org/en/asia/ vietnam

For more information, please contact:
In New York, Elaine Pearson (English): +1-212-216-1213; or +1-646-291-7169 (mobile)
In London, Brad Adams (English): +44-20-7713- 2767; or +44-79-0872- 8333 (mobile)
 
Les paroissiens de Thai Ha manifestent dans les rues de Hanoi
Eglises d'Asie
16:34 17/06/2009
Les paroissiens de Thai Ha manifestent dans les rues de Hanoi

Un communiqué émanant de la paroisse de Thai Ha (1) décrit en détail une manifestation à laquelle ont participé, le 16 juin 2009, les prêtres rédemptoristes et quelque 200 fidèles de la désormais célèbre paroisse catholique. Le groupe a parcouru à pied la route séparant la paroisse du siège du Comité populaire de l’arrondissement de Dông Da. Les manifestants priaient tout en brandissant des pancartes réclamant la restitution de la parcelle de terre dite de « l’étang de Ba Giang », accaparée par la municipalité, ainsi que la cessation des travaux d’exploitation de la bauxite sur les Hauts Plateaux du centre du Vietnam.

La paroisse de Thai Ha avait envoyé, le 4 juin 2009, pour la deuxième fois, une pétition réclamant la restitution du terrain de l’étang de Ba Giang, sur lequel les pouvoirs publics avaient entamé, au mois d’avril, des travaux, interrompus à la fin du mois. Dès la réception de la réclamation, l’arrondissement de Dông Da faisait parvenir une réponse dans laquelle il convoquait le P. Mathieu Vu Khoi Phung, supérieur de la communauté, à une « séance de travail » dans la matinée du 16 juin 2009. Informés de cette nouvelle, de très bonne heure, des centaines de fidèles se sont rassemblés dans l’église de Thai Ha, avec l’intention d’accompagner le religieux jusqu’au siège du Comité populaire de Dông Da. Avant de partir, prêtres et fidèles ont prié pour la réussite de leurs négociations avec les autorités civiles. Ils se sont ensuite mis en route sous une pluie battante, porteurs d’un certain nombre de pancartes avec des inscriptions telles que « Nous protestons contre un deuxième accaparement d’un terrain de l’église ! » ou « Justice et vérité ! ». On pouvait lire aussi d’autres phrases d’ordre plus général: « Stop à la bauxite ! », « Faites reverdir la forêt sur nos Hauts Plateaux ! ». Sur des autobus croisés en route, les manifestants ont collé des affiches portant ces mêmes slogans qui ont pu ainsi être lus dans les rues de la capitale. La séance de travail entre le P. Phung et les autorités de l’arrondissement s’est achevée à 12h. Les manifestants ont alors pris le chemin du retour dans l’ordre et le calme. Parvenus à l’église de la paroisse, ils ont prié quelque temps avant de se disperser.

Le terrain réclamé, d’une superficie de 18 230 m², fait partie de la propriété acquise par les premiers rédemptoristes canadiens à leur arrivée à Hanoi en 1928. Dans les années 1970, la parcelle de terre avait été louée quelque temps à un certain M. Ba Giang, qui transforma une excavation laissée par les travaux en exploitation piscicole. Cette parcelle de terrain a toujours été considérée comme faisant partie intégrante de la propriété de la congrégation. Elle figurait dans les pièces officielles enregistrées à diverses dates par différents services municipaux de la capitale. Dans les années 1990, l’arrondissement de Dông Da a projeté de transformer ce terrain en lotissements. Mais, depuis plus de quinze ans, les religieux rédemptoristes persistent à envoyer au pouvoir local des réclamations revendiquant leur droit d’utiliser et de gérer le terrain en question. Au cours du mois d’avril dernier, la municipalité avait ouvert un chantier sur ce terrain, ce qui avait alerté les catholiques. Une grande réunion de prière avait eu lieu, le samedi 25 avril (2). Quelques jours plus tard, le porte-parole du ministère vietnamien des Affaires étrangères annonçait officiellement à la presse internationale que les travaux étaient interrompus.

(1) Diffusé par VietCatholic News, 16 juin 2009.

(2) Voir EDA 506
 
W Wietnamie nie ustają represje
Naszdziennik - Maria Popielewicz
16:37 17/06/2009
W Wietnamie nie ustają represje (tiếng Ba Lan)

http://www.naszdziennik.pl/index.php?typ=wi&dat=20090617&id=wi11.t

Sytuacja Kościoła w Wietnamie jest coraz trudniejsza. Co kilka dni napływają wiadomości o kolejnych formach prześladowania i represji wobec osób duchownych i wiernych świeckich. Wszelkie działania na rzecz obrony katolików wobec władz kraju kończą się oskarżeniami o próby obalenia rządu czy podburzanie społeczeństwa i niszczenie ładu społecznego.

Jak informuje VietCatholig.org, do aresztu "w trybie pilnym" trafił katolicki adwokat Paul Le Cong Dinh, wybitny prawnik specjalizujący się w międzynarodowym prawie handlowym, za "propagandę przeciwko Socjalistycznej Republice Wietnamu". W rzeczywistości 41-letni prawnik działał na rzecz obrony prodemokratycznych aktywistów i w internecie na zagranicznych stronach publikował swoje teksty na temat konieczności poszanowania prawa do wolności słowa. Swoje zaniepokojenie aresztowaniem Le Conga wyraziły nawet władze Stanów Zjednoczonych, gdzie prawnik kończył studia. Lokalni obserwatorzy kościelni zauważają, że jego aresztowanie jest sygnałem dla wszystkich, by nie sprzeciwiać się państwowej polityce gospodarczej i społecznej.

Nie ustają także represje wobec redemptorystów z Hanoi, którzy sprzeciwiają się zabieraniu parafialnej ziemi pod budowę kontrowersyjnej kopalni boksytu. W ubiegłym tygodniu policja skonfiskowała im komputer. Także prawnik broniący ośmiu katolików skazanych za rzekome podburzanie społeczeństwa po tym, jak wystąpili w obronie redemptorystowskiej parafii, Le Tran Luat, został oskarżony o działanie na szkodę publiczną i jest nękany przez miejscową policję wezwaniami na przesłuchania. Zamknięto także jego biuro.

Najbardziej jednak bolesne dla miejscowej społeczności jest wyrzucenie z klasztoru zakonnic ze Zgromadzenia Sióstr Miłujących Krzyż na przedmieściach Ho Chi Minh (dawny Sajgon). Siostry obecne były w tym mieście od ponad 170 lat, a klasztor był ich jedynym domem w Wietnamie. Nakaz opuszczenia budynku stanowił wstrząs nie tylko dla samych zakonnic, ale także dla dzieci i biednych, którymi się opiekowały. W posiadaniu zgromadzenia oprócz klasztoru znajdowały się również kościół, dom formacyjny, przedszkole, do którego uczęszczało 400 dzieci, przychodnia, schronisko i gospodarstwo.

Jak zauważa VietCatholig.org, reformy ostatnich lat przeprowadzone w Wietnamie nasiliły działania spekulacyjne w obrocie ziemi i wartość gruntów na obszarze, na którym położony jest klasztor, ogromnie wzrosła, dlatego władzy tak zależało na przejęciu majątku zgromadzenia.

Mienie sióstr już w minionych kilkudziesięciu latach stawało się coraz bardziej okrojone. Władze kilkakrotnie konfiskowały ziemię, a siostry nie reagowały i z pokorą przyjmowały to, co się działo. Teraz jednak zostały wyrzucone z jedynego ich domu i postanowiły przerwać milczenie i dłużej nie godzić się na taką niesprawiedliwość. Poparcie dla zgromadzenia wyrazili rodzice przedszkolaków, którymi się opiekowały, i miejscowa społeczność, która nie wyobraża sobie życia bez obecności sióstr.
 
Sous l’égide du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, une rencontre historique entre hindous et catholiques
Eglises d'Asie
16:53 17/06/2009
Sous l’égide du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, une rencontre historique entre hindous et catholiques

Une rencontre interreligieuse historique s’est tenue le 12 juin dernier à Mumbai (Bombay), entre les plus hauts représentants du Saint-Siège et de l’Eglise catholique en Inde et les grands leaders religieux hindous. Ce sommet, tenu à huis clos, avait pour objet de permettre aux deux communautés de dialoguer face à face, après les violences antichrétiennes qui ont frappé, ces derniers temps, plusieurs régions de l’Inde, en particulier l’Orissa.

Selon les dernières estimations, émanant de sources ecclésiales, les violences perpétrées par les hindouistes depuis août dernier 2008 ont fait plus de 90 morts, près de 60 000 déplacés, détruits 5 000 habitations, et provoqué des dommages dans plus de 150 églises catholiques et protestantes (1).

La délégation catholique était menée par le cardinal Jean-Louis Tauran, président du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, avec à ses côtés le cardinal Oswald Gracias, archevêque de Bombay et vice-président de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde, Mgr Pedro Lopez Quintana, nonce apostolique en Inde, Mgr Felix Machado, archevêque de Nashik, Mgr Thomas Dabre, évêque de Poona et président de la Commission épiscopale indienne pour la doctrine et la foi, Mgr Raphy Manjaly, évêque de Varanasi (Bénarès), Mgr Gali Bali, évêque de Guntur, et le cardinal Telesphore Toppo, archevêque de Ranchi.

Ils rencontraient dix chefs religieux hindous à la tête desquels se trouvait l’un des plus importants leaders de cette communauté, Shankaracharya Sri Jayendra Saraswati Swami. Etait également présent Sri Sri Ravi Shankar, une autre figure majeure de l’hindouisme, fondateur de l’International Art of Living Foundation et de l’International Association for Human Values.

Dans des échanges, qualifiés par les participants de « francs et directs », les principaux points d’achoppement entre les deux communautés ont été évoqués. Ainsi, Shankaracharya Saraswati a exprimé le principal grief avancé par les hindouistes pour justifier les attaques en Orissa, en demandant à l’Eglise d’arrêter sans délai les « conversions forcées ». Les différents représentants chrétiens ont assuré les leaders hindous que l’Eglise catholique n’était en aucun cas impliquée dans ces conversions et n’avait aucun contrôle sur d’autres groupes qui seraient éventuellement concernés.

Selon L’Osservatore Romano, le cardinal Tauran est revenu sur l’importance du « droit des minorités à pratiquer leur foi dans des conditions pacifiques » et sur le fait que « les responsables religieux avaient la responsabilité de mettre en lumière les points communs et de discuter des diversités avec clarté et tranquillité afin de renforcer la paix et l’harmonie » (2). S’exprimant devant les médias à l’issue de la rencontre, le cardinal Oswald Gracias, qui était à l’initiative de l’événement, a déclaré que l’ensemble des leaders religieux des deux communautés avait condamné unanimement les violences des mois derniers. Sankaracharya Saraswati a surenchéri en rappelant qu’aucune « violence ne devait être exercée contre les minorités » et que ce qui s’était passé en Orissa ne reflétait pas l’état d’esprit de la majorité des hindous.

Le chef religieux a cependant ajouté que tout dialogue était inutile tant que l’Eglise n’assurerait pas aux hindous le respect de leur sensibilité religieuse et ne mettrait pas cette promesse en pratique. Il a poursuivi en disant qu’il était devenu facile pour les missionnaires de convertir les hindous. Toutes les organisations et associations hindoues devront travailler ensemble pour éduquer les hindous et arrêter les conversions, a-t-il affirmé. Le cardinal Gracias a tenu à réitérer que la conversion était un choix personnel et que les conversions forcées n’existaient pas dans l’Eglise catholique. « Cela n’a pas de sens et c’est considéré comme invalide », a-t-il déclaré. Les deux chefs religieux ont conclu sur une note optimiste, en annonçant que les groupes hindous et chrétiens désiraient s’investir ensemble dans des œuvres sociales, notamment dans les domaines de la santé et de l’éducation (3).

Pour Mgr Dabre, également membre du Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, une telle rencontre amorce un nouveau départ, « plein d’espoir », dans le dialogue entre chrétiens et hindous et « augure bien de l’avenir » pour les deux communautés comme pour l’ensemble du pays.

Le meeting avait été prévu pour coïncider avec l’année de la paix et de l’harmonie lancée par l’archidiocèse de Bombay, à Pâques, le 12 avril dernier.

(1) Voir EDA 490, 491, 492, 493, 494, 495, 496, 499

(2) Zenit, 15 juin 2009.

(3) Ucanews 11 juin 2009; Ucanews, 15 juin 2009.
 
Selon un chercheur chinois, l’impact du récent Compendium de la Lettre de Benoît XVI aux catholiques chinois peut se révéler positif
Eglises d'Asie
17:02 17/06/2009
Selon un chercheur chinois, l’impact du récent Compendium de la Lettre de Benoît XVI aux catholiques chinois peut se révéler positif

Publié le 24 mai dernier, à l’occasion de la journée de prière pour l’Eglise en Chine (1), le Compendium de la Lettre de Benoît XVI pour les catholiques chinois est un texte à visée pédagogique, présentant sous forme de questions-réponses les principaux points abordés par le pape dans sa Lettre. A ce titre, il s’adresse principalement et directement aux catholiques chinois, qui ont eu le loisir de prendre connaissance de cette lettre diffusée le 30 juin 2007, mais, étant donné le contexte difficile des relations entre le Saint-Siège et la Chine, il intéresse également Pékin. Selon Ren Yanli, chercheur chinois spécialiste de la religion catholique – mais non chrétien lui-même –, l’impact du Compendium pourrait se révéler positif.

Ren Yanli est un observateur attentif et informé des réalités religieuses de la Chine. Membre depuis les années 1980 de l’Académie des sciences sociales à Pékin, le plus important et influent think tank du pouvoir chinois, il y a dirigé, jusqu’en 2005, année de son départ en retraite, la Section des études chrétiennes de l’Institut d’études des religions. A ce titre et dans le cadre d’échanges universitaires, il a soutenu, en 2001, un doctorat à l’Université catholique du Sacré-Cœur de Milan, en Italie. Aujourd’hui âgé de 65 ans, Ren Yanli souligne, dans un entretien donné à l’agence Ucanews (2), que le Compendium ne comporte pas d’éléments nouveaux par rapport à la Lettre de Benoît XVI mais qu’il permet de souligner clairement les principes qui guident la pensée du pape.

Ainsi que l’exprime le chercheur chinois, le point central sur lequel le Saint-Siège souhaite conclure un accord avec Pékin est celui de la nomination des évêques et, plus largement, du fonctionnement de l’Eglise en Chine, avec des points particuliers tels que l’organisation et le redécoupage de la carte des diocèses et des provinces ecclésiastiques. Le Saint-Siège exprime également dans ce document sa volonté de parvenir à un accord par « un dialogue constructif et ouvert ».

Pour peu qu’un accord soit trouvé, explique encore le chercheur, le bienfait produit se ferait sentir au-delà du seul cercle des relations entre le Vatican et Pékin. En contribuant à réduire les tensions « entre la religion et la politique », l’établissement de bonnes relations entre les deux parties ne pourrait qu’inciter la Chine à édifier la société harmonieuse que les dirigeants chinois appellent de leurs vœux. Cela pourrait être « une situation gagnant-gagnant » pour les deux parties.

A ce jour, des contacts existent, même s’ils restent discrets, comme, par exemple, l’escale que la délégation vaticane au Vietnam a fait à Pékin, en mars dernier, sur le chemin de son retour vers Rome. De plus, des échanges sur un plan culturel ont pu avoir lieu. Mais, pour aller au-delà, « il reste à voir si les choses peuvent aller de l’avant », analyse le chercheur.

A la lumière de la vie de l’Eglise en Chine ces dernières années, on peut s’interroger sur la nécessité pour l’Eglise locale « de continuer à élire et à ordonner par elle-même ses évêques », poursuit Ren Yanli. De même, il serait intéressant d’étudier si les principes d’autonomie et d’indépendance, systématiquement mis en avant, sont toujours appliqués. Pour illustrer son propos, le chercheur évoque les trois ordinations épiscopales effectuées en 2005 avec un mandat pontifical, puis celles menées l’année suivante sans mandat pontifical. En janvier 2007, une réunion à haut niveau était organisée au Saint-Siège (3), suivie, en juin de la même année, de la publication de la Lettre de Benoît XVI aux catholiques chinois et, enfin, en novembre, de la mise en place d’une Commission ‘Chine’ au Saint-Siège pour suivre de près ces affaires. Après la trêve olympique, le bruit avait circulé que Pékin se préparait à nouveau à faire élire et ordonner des évêques sans mandat pontifical. De fait, plusieurs diocèses dont les sièges épiscopaux sont vacants avaient procédé à l’élection d’un candidat à l’épiscopat et le nom de l’élu avait été présenté à la Conférence des évêques « officiels » – une instance non reconnue par le Saint-Siège car comprenant plusieurs évêques qui ne sont pas en communion avec le pape et excluant les évêques « clandestins » de l’Eglise de Chine.

Aujourd’hui, les rumeurs relatives à de prochaines ordinations épiscopales restent des rumeurs, explique Ren Yanli. Comme on l’a souvent constaté par le passé, les deux parties en présence attendent que l’autre fasse un pas pour réagir. Pékin n’a pas officiellement commenté la publication du Compendium, mais un commentaire est paru, le 26 mai dernier, dans les colonnes du Wen Wei Po, quotidien pro-chinois de Hongkong. Dans cet article, on lit que, selon « une source autorisée », sous-entendu proche du gouvernement chinois, le fait que le Compendium indique très clairement que le Saint-Siège ne reconnaît pas la Conférence des évêques « officiels » est un élément qui « peut créer de nouveaux obstacles à la prochaine phase du dialogue entre le Vatican et la Chine » De même, les principes d’autonomie et d’indépendance qui gouvernent l’administration des religions en Chine sont inscrits dans la Constitution du pays et sont par conséquent intangibles. Toutefois, poursuit « la source autorisée », il n’est pas exclu que la Chine sache donner « une explication raisonnable » à ces principes constitutionnels, dans un sens qui, à l’avenir, soit acceptable par les deux parties en présence.

(1) Voir EDA 508

(2) Ucanews, 16 juin 2009.

(3) Voir EDA 455
 
US calls for release of Vietnam lawyer who defended activists
DPA
18:34 17/06/2009
US calls for release of Vietnam lawyer who defended activists

Hanoi - The US government urged Vietnam to 'immediately and unconditionally' release a US-educated lawyer arrested this weekend who had defended democracy activists.

Le Cong Dinh, 41, was arrested Saturday in Ho Chi Minh City on charges of 'colluding with domestic and foreign reactionaries to sabotage the Vietnamese state.'

Dinh, a former Fulbright scholar, defended two prominent human rights lawyers in 2007 and a pro-democracy blogger last year.

US State Department spokesman Ian Kelly said Dinh's arrest 'contradicts the government's own commitment to internationally accepted standards of human rights and to the rule of law.'

An article Monday in the Communist Party newspaper Nhan Dan said Dinh was a member of an opposition political party, the People's Action Party, formed by Vietnamese emigres in the US. It said Dinh had met repeatedly with party head Nguyen Si Binh to 'work out the action plan to topple the Communist regime in Vietnam in 2010.'

Reached by telephone Tuesday at his home in Palo Alto, California, Nguyen Si Binh said he had worked with Dinh, but denied that the lawyer had ever been a member of the People's Action Party.

'We worked together as individuals on human rights issues and legal reforms in Vietnam,' said Binh, 55. Binh said he stepped down as head of the People's Action Party by 2007 and was no longer associated with the group.

International press freedom group Reporters Without Borders said it feared the arrest was 'aimed at punishing a respected man who promotes the cause of the rule of law in Vietnam.'

Dinh, who had a law degree from Tulane University, had been close to several of the dissidents who formed a pro-democracy movement in 2006 known as Bloc 8406. He defended human rights lawyers Nguyen Van Dai and Le Thi Cong Nhan in May 2007, when they were sentenced to prison for 'disseminating propaganda harmful to the State.'

In September 2008, Dinh defended the pro-democracy blogger known as Dieu Cay, who was sentenced to three years in prison on tax charges.

Several prominent Vietnamese intellectuals have reacted unusually sharply to Dinh's arrest. Leading economist Nguyen Quang A said Monday the arrest was 'a brutal choking-off of democracy.'

Dinh rose to prominence in 2003 when, as a lawyer at the firm White and Case, he defended Vietnamese catfish farmers against US anti-dumping tariffs. He served as vice chairman of Ho Chi Minh City's Law Association before establishing his own firm in March.

Dinh is charged with violating Article 88 of Vietnam's criminal code, which forbids distributing information opposing the government. The charges carry a sentence of up to 20 years in prison.

DPA
 
Catholic lawyer accused of treasonous acts
Indiancatholic.in
18:36 17/06/2009
Catholic lawyer accused of treasonous acts

BANGKOK: A Catholic lawyer has been arrested in Vietnam, charged with working with foreigners to overthrow the government.

Paul Le Cong Dinh was arrested on June 13 for creating "propaganda against the State of the Socialist Republic of Vietnam," state-run media reported on June 14.

Security officials searched Dinh's office and house in Ho Chi Minh City and confiscated "anti-government" documents, the reports said. The lawyer reportedly "compiled papers distorting the government's economic and social policies, slandering high-ranking officials, and causing division among people." He also sent his papers to websites based in foreign countries, media reported.

Authorities also charge Dinh, 41, with working with "reactionary forces" in foreign countries to overthrow the regime.

Dinh studied in France before obtaining a master's degree in law from Tulane University in Louisiana in the United States. He then returned to Ho Chi Minh City where he has been working as a prominent lawyer specializing in international commercial law.

Some local Church observers said Dinh's arrest was a clear sign that the communist government wanted to warn those who oppose the regime and its economic and social policies.

Some Church people have run afoul of the authorities in recent months.

Several Redemptorists in Ha Noi, who launched a campaign against two controversial bauxite-mining projects in the central highlands in late April, were questioned by the police last week and had their computer confiscated.

Many academics, scientists and former high-ranking military officials inside and outside the country had petitioned the government to stop the two mining projects. They fear the projects could badly damage the environment and the well being of local people.

Earlier this month, a Catholic teacher from Quang Ngai province was dismissed after being accused of providing her students with the addresses of anti-government websites.

Le Tran Luat, the lawyer who defended eight Catholics from Ha Noi's Thai Ha parish accused of causing social disturbance and damaging public property, has been continuously questioned by police.

They have also closed down his office.

The defendants were among hundreds of Catholics who occupied a plot of former Church land near the Redemptorist-run Thai Ha church on Aug. 15. They placed crosses and Marian statues on the plot, which the government confiscated in early 1960s.

Luat represented the eight in court on Dec. 8 when seven of them were handed suspended prison sentences ranging from 12 to 17 months. One was let off with a warning.

http://www.indiancatholic.in/news/storydetails.php/12403-1-10-Catholic-lawyer-accused-of-treasonous-acts
 
US calls for release of arrested Vietnam activist
AP - Ben Stocking
18:39 17/06/2009
US calls for release of arrested Vietnam activist

HANOI, Vietnam (AP) — The U.S. Embassy in Vietnam expressed deep concern Tuesday about the arrest of a prominent lawyer known for his pro-democracy writings and defense of human rights activists.

Le Cong Dinh, 41, was arrested Saturday at his home in Ho Chi Minh City and accused of violating Article 88 of Vietnam's criminal code, which prohibits distributing information harmful to the government. He faces up to 20 years in prison if convicted.

The U.S. Embassy issued a statement calling for Dinh's immediate release.

"No individual should be arrested for expressing the right to free speech, and no lawyer should be punished because of the individuals they choose to counsel," the statement said.

According to accounts in Communist Vietnam's state-controlled media, authorities believe Dinh "colluded with domestic and foreign reactionaries" bent on "sabotaging" the state and overthrowing the government.

Dinh, one of Vietnam's most high-profile attorneys, came to prominence several years ago when he defended Vietnamese catfish farmers in a trade dispute with U.S. fishermen. He also represented two human rights attorneys, Nguyen Van Dai and Le Thi Cong Nhan, who were jailed by the government in 2007 for allegedly spreading anti-government propaganda.

In his defense of Dai and Nhan, he made a strikingly direct plea for free expression, highly unusual in a country where the government tightly controls public speech. Dinh has argued it is wrong to accuse those who promote free speech of undermining the state.

The Communist Party newspaper Nhan Dan said Dinh used the trial to "take advantage" of his work as a defense lawyer and "propagandize against the regime and distort Vietnam's constitution and laws."

Authorities also accused Dinh of exploiting a national debate over an expansion of bauxite mining in Vietnam's Central Highlands to "incite people against the Communist Party and the government," according to the official Vietnam News Agency.

Dinh opposed the expansion, which includes a processing plant being built by a Chinese company. The plans have stirred an unusual level of debate in Vietnam, where government policies are rarely challenged.

Opponents of the plans say they would cause grave environmental damage. They also say Vietnam should not allow a Chinese company into the Central Highlands because of its strategic location among the border with Cambodia.

Suspicions of China are deep in Vietnam, which has fought several wars against its northern neighbor, most recently in 1979.

The Central Highlands are home to many of Vietnam's ethnic minority groups.

Dinh studied law at Tulane University in New Orleans for two years on a Fulbright scholarship.

His arrest came just days after Vietnam hosted the 17th Congress of the International Association of Democratic Lawyers, a United-Nations affiliated group which supports the Universal Declaration of Human Rights.
 
Vietnam: Free Prominent Rights Lawyer Le Cong Dinh
Human Right Watch
18:55 17/06/2009
Vietnam: Free Prominent Rights Lawyer Le Cong Dinh

Rights Defenders Face Ongoing Harassment and Arrest

(New York) - The Vietnamese government should immediately free respected human rights lawyer Le Cong Dinh and repeal national security laws that criminalize peaceful expression and association, Human Rights Watch said today.

On June 13, 2009, police from the Ministry of Public Security's Investigation Security Agency arrested Dinh on national security charges and raided his Ho Chi Minh City law office. Police charged him under article 88 of Vietnam's criminal code, "conducting propaganda against the government," which carries a sentence of up to 20 years. The arrest came just days after President Nguyen Minh Triet addressed the International Association of Democratic Lawyers, on June 6, 2009 at their annual congress in Hanoi. In his speech, Triet affirmed Vietnam's respect and support for progressive lawyers and vowed to criticize those who "trample democracy and human rights."

"This arrest makes a mockery of the president's lofty words," said Elaine Pearson, deputy Asia director at Human Rights Watch. "It tells other lawyers and human rights defenders just what they can expect if they dare to speak out."

Government authorities accuse Dinh of using his work as a defense lawyer for high-profile democracy and religious freedom activists to "propagandize against the regime and distort Vietnam's constitution and laws," as reported in Nhan Dan (The People), the Vietnamese Communist Party's official daily newspaper.

Dinh, 41, is the former vice president of the Ho Chi Minh City Bar Association and a managing partner of DC Law, a prominent private law firm in Ho Chi Minh City. Clients listed on the firm's webpage include Yahoo!, Sun Wah International, Nestlé, and Toyota. After studying law at Hanoi Law School and Saigon University, Dinh received a Fulbright scholarship to study at Tulane University in the United States, where he received a master of law degree in 2000.

Dinh is best known for his defense of Vietnamese bloggers, human rights defenders, and democracy and labor rights activists such as Nguyen Van Dai, Le Chi Cong Nhan, and Nguyen Hong Hai (known as Dieu Cay). During his defense of democracy activists Dai and Nhan at their appeals court trial in 2007, Dinh said: "Talking about democracy and human rights cannot be seen as anti-government unless the government itself is against democracy."

The outspoken lawyer is also known for his public criticism of controversial bauxite mines in Vietnam's Central Highlands and of China's claims to disputed offshore islands in the South China Sea. In interviews with the BBC and Radio Free Asia, Dinh has called for political pluralism to accompany economic pluralism in Vietnam, currently a one-party state controlled by the Vietnamese Communist Party.

In articles in the Vietnamese state media, authorities accuse Dinh of providing "distorted information" about Vietnam's government and its leaders to international press agencies and websites, "colluding" with domestic and foreign "reactionaries" to sabotage the government, and calling for multi-party reforms in published documents, articles posted on the internet, and interviews with foreign media.

Most political and religious prisoners in Vietnam do not have access to independent legal counsel during their trials.

Other lawyers seeking to defend Vietnamese human rights defenders and religious freedom activists have faced threats and harassment. They include Bui Kim Thanh, who was involuntarily committed to a mental institution in 2008 and 2006 because of her defense of farmers seeking redress for confiscation of their land, and Le Tran Luat, who is defending Catholic parishioners from Thai Ha parish in Hanoi calling for return of government-confiscated church properties.

During 2009, police have raided Luat's law office in Ho Chi Minh City several times, confiscating computers, documents and files. Authorities also prevented him from traveling to Hanoi in March to meet with his clients, detained and interrogated him on several occasions, and pressured him to drop the Thai Ha case. In addition, the state-controlled press has run articles accusing Luat of fraud, and his local bar association in Ninh Thuan has opened an investigation into his activities.

"Le Cong Dinh's arrest is part of an ongoing pattern of harassment by the Vietnamese government of human rights and democracy activists - and lawyers seeking to defend their rights to free speech," said Pearson. "Lawyers - like all citizens - have the right to exercise free speech and peacefully express their views."

http://www.hrw.org/en/news/2009/06/16/vietnam-free-prominent-rights-lawyer-le-cong-dinh
 
Release human rights lawyer Le Cong Dinh immediately says Amnesty International
Amnesty International
23:18 17/06/2009
Human rights lawyer Le Cong Dinh was arrested at his office in Ho Chi Minh City on 13 June by Public Security police. He has been charged with "conducting propaganda" against the state, under Article 88 of the Penal Code. If convicted, he faces a three- to 20-year prison sentence. He is a prisoner of conscience, detained solely for the peaceful exercise of his right to freedom of expression.

The Investigation Agency of the Ministry of Public Security told a press conference the day he was arrested that Le Cong Dinh had "connived with overseas subversives to publish documents distorting the socio-economic policies" of the government. Officials also accused him of communicating with international media, including the BBC and Radio Free Asia, and of conveying "distorted" information about the rule of law in Viet Nam in the course of his work as a defence lawyer.

Le Cong Dinh is a prominent lawyer and former deputy president of the Ho Chi Minh City Bar Association. He runs a private law firm in Ho Chi Minh City. In November 2007 he represented human rights lawyers Nguyen Van Dai and Le Thi Cong Nhan, two other prominent prisoners of conscience, at the appeal court hearing against their sentences. At the hearing he and other lawyers argued that Article 88, under which the two were charged, is unconstitutional and contravenes international human rights treaties that Viet Nam has ratified, such as the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), and should therefore be reviewed. He also represented Nguyen Hoang Hai, a blogger known as Dieu Cay, who was tried in September 2008 on politically motivated criminal charges for writing critical articles and calling for human rights.

Le Cong Dinh has also been an outspoken critic of recent bauxite-extraction in the Central Highlands, as well as calling for political reform in Viet Nam.

BACKGROUND INFORMATION

The Vietnamese authorities have sentenced at least 30 dissidents, including a number of lawyers, to long prison terms since 2006 in an attempt to stifle freedom of expression and association. Most are supporters of an internet-based pro-democracy movement, Bloc 8406, or other unauthorized groups calling for democracy and human rights. The majority have been sentenced to imprisonment under the national security section of the 1999 Penal Code, with additional sentences of up to five years of house arrest on release from prison. An unknown number of dissidents are in custody awaiting trial.

Articles of the Penal Code used to criminalize peaceful political dissent include Article 80 (Spying), 87 (Undermining the unity policy), and 88 (Conducting propaganda against the Socialist Republic of Viet Nam).

In May 2009, the UN Human Rights Council considered Viet Nam under the Universal Periodic Review (UPR). Viet Nam rejected the recommendations of other states to allow greater freedom of expression and to reform national security laws which limit freedom of expression, among others.

RECOMMENDED ACTION: Please send appeals to arrive as quickly as possible, in English, Vietnamese, French or your own language:

- expressing concern that lawyer and human rights advocate Le Cong Dinh has been arrested under Article 88 of the Penal Code solely for the peaceful exercise of his right to freedom of expression, and is therefore a prisoner of conscience;

- calling on the authorities to release him immediately and unconditionally, and drop the charges against him;

- calling on them to ensure that he is allowed immediate access to a lawyer of his choosing and his family, and that he is provided with any medical attention he may require;

- calling on the authorities to either repeal or amend provisions in the 1999 Penal Code which criminalize peaceful political dissent;

- calling on the authorities to uphold the rights to freedom of expression and association, in line with human rights treaties Viet Nam has ratified.

APPEALS TO:

Le Hong Anh

Minister of Public Security

Ministry of Public Security

44 Yet Kieu Street

Ha Noi

VIET NAM

Fax: +8443 942 0223

Salutation: Dear Minister

Pham Gia Khiem

Minister of Foreign Affairs

Ministry of Foreign Affairs

1 Ton That Dam Street

Ba Dinh District

Ha Noi

VIET NAM

Fax: +8443 823 1872

Email: bc.mfa@mofa.gov.vn

Salutation: Dear Minister

COPIES TO: diplomatic representatives of Viet Nam accredited to your country.

PLEASE SEND APPEALS IMMEDIATELY. Check with the International Secretariat, or your section office, if sending appeals after 29 July 2009.

Janice Beanland

Southeast Asia Team

Amnesty International

International Secretariat

London - UK

Tel: + 44 (0) 20 7413 5660
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ca đoàn Quê Hương trong lễ mừng 800 năm Ơn Gọi Phan Sinh
Thanh Hải
01:00 17/06/2009
Nghe nhiều ắt sinh ra nhàm chán, lẽ thường vẫn thế. Nhiều người tham dự dịp mừng 800 năm Ơn Gọi Phan Sinh trong ngày lễ thánh Antôn 13-6-2009 vừa qua tại thánh đường Antôn Vĩnh Phước – Nha Trang đã không giấu vẻ ngại ngùng khi nghe đến hai từ “Thánh Ca” trước giờ lễ. Nếu được chọn giữa xem múa và nghe nhạc, có lẽ nhiều người sẽ chọn chương trình múa hơn. Bởi lẽ, các vũ khúc dễ làm vui mắt người xem, còn âm nhạc không phải ai cũng có khả năng cảm thụ. Thế nhưng, Ca đoàn Quê Hương Tổng Hợp đã đưa khán thính giả đi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng thán phục, qua “Trường ca Các Tạo Vật”, dưới sự điều khiển của Linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo.

Người nghe ngỡ ngàng thán phục không phải vì tư tưởng của tác phẩm – đành rằng, với tư tưởng này, thánh Phanxicô đã để lại những nét chấm phá táo bạo trong trang sử của Giáo Hội – mà vì khả năng diễn xuất với cả con tim và tâm hồn của mỗi ca viên. Khán thính giả dễ dàng nhận thấy sự độc lập nhưng liên kết, vững vàng nhưng phối hợp hài hòa và tinh thần trách nhiệm toát lên trên khuôn mặt của mỗi thành viên trong Ca đoàn Quê Hương. Họ là những người yêu mến việc nhà Chúa và có khả năng lột tả tình yêu của Người qua âm nhạc cách say mê. Không những hy sinh công ăn việc làm và những chuyện riêng tư khác, mà họ còn không nghĩ đến việc phục vụ âm thầm không thù lao của mình, nhưng ít được ai biết đến.

Khi tiếng các nhạc cụ nhẹ nhàng vang lên, họ bắt đầu đưa người tham dự đi vào tâm tình tạ ơn Thiên Chúa toàn năng, nhân lành qua đoản khúc “Hợp ca Mở Đầu”. Rồi tiếp đến là sự oai hùng của Ông Anh Mặt Trời, nét dịu dàng kiêu sa của Chị Hằng Nga và Muôn Tinh Tú, tiếng vi vu vi vu của Anh Gió, sự trong lành của Chị Nước long lanh, sự cường tráng uy hùng của Anh Lửa… và cùng với Anh Chị Em Loài Người, tất cả đều tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa Chí Tôn. Sẽ rất thiếu sót nếu khán thính giả chỉ nghe mà quên theo dõi khả năng diễn xuất qua sắc thái của ngôn ngữ thân thể. Chính vì thể hiện rõ những đặc nét của những từ tượng hình, như: bập bùng, long lanh, lấp lánh, lung linh v.v.. hay từ tượng thanh: vi vu vi vu, mà khán thính giả như cảm nhận được làn gió mát dịu êm, như thấy được ánh lửa bập bùng đang reo vui trước mắt, và như đang thả hồn trong đêm trăng thanh dưới muôn ngàn vì sao lấp lánh.

Nhắc đến Anh Em Hèn Mọn, người ta thường nghĩ ngay đến màu áo nâu khiêm hạ, khó nghèo. Riêng với Anh Em Hèn Mọn ở Việt Nam, có lẽ cần phải nhắc thêm đến “Trường ca Các Tạo Vật”, nhắc đến Ca đoàn Quê Hương, nhắc đến cố nhạc sư Hải Linh và người đồng sáng tác Linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo – OFM. Nhắc đến họ để nhớ đến một lần được nghe thánh nhạc dài 40 phút mà không hề cảm thấy nhàm chán, như lẽ thường phải có, hoặc như Linh mục nhạc sĩ Mi Trầm – Trưởng ban thánh nhạc GP Nha Trang nhận xét: “Vì tác giả đã phối hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Tây Phương và âm điệu dân ca Việt Nam, nên khi chuyển từ đoản khúc này sang đoản khúc khác làm người nghe không cảm thấy nhàm chán”. Và loáng thoáng đâu đây, có ai đó đã mạnh dạn nói rằng: “Xuân Thảo đã lấy lại “mặt bằng” cho anh em Phanxicô về phương diện âm nhạc, văn nghệ. Thật tuyệt vời!”

Không sao diễn tả hết được ấn tượng đẹp mà Ca đoàn Quê Hương trong ngày lễ đã để lại trong lòng Dân Chúa ngày hôm ấy. Những suy tư, nỗ lực của cố nhạc sĩ Hải Linh và Linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo giờ đây đã sinh hoa kết trái trong nền thánh nhạc Việt Nam. Và có lẽ, hai tiếng “CÁM ƠN” cũng là rất bé nhỏ so với những gì họ đã âm thầm phục vụ mọi người qua lời ca tiếng hát. Nhưng sẽ không thừa chút nào nếu gởi đến họ những lời chúc mừng chân thành và cảm phục, vì họ đã – cách nào đó – gởi đến mọi thành phần Dân Chúa thông điệp: Quảng đại quên mình vì lợi ích chung. Xin dâng lên Thiên Chúa Ngàn Trùng Chí Thánh muôn ngàn lời tri ân chúc tụng, vì Người đã ban cho các “nghệ sĩ biệt tài phô diễn” vẻ đẹp huy hoàng của Người qua Ca đoàn Quê Hương. Tạ ơn Chúa! Alleluia!
 
Điêu khắc gia Văn Chương: 'Một chút gì gọi là' góp phần cho nền nghệ thuật thánh
Anmai, CSsr
01:51 17/06/2009
Cũng khá lâu, hôm nay mới có dịp ghé lại thăm Văn Chương - một người bạn, một người anh đã đi chung một quãng đường ơn gọi – Doanh nghiệp chuyên sản xuất các “sản phẩm” phục vụ cho nền nghệ thuật Thánh. Những ngày đầu, chỉ là một căn phòng nho nhỏ anh tạm thuê ở đường Nguyễn Văn Đậu, nay đã trở thành một “cơ ngơi rộng lớn” nằm cạnh quốc lộ 13 – Bình Triệu.

Xem các các phẩm của nghệ sĩ Văn Chương

Sinh ra ở vùng đất đậm chất “Thánh” Bùi Chua, vì hoàn cảnh sinh nhai, Văn Chương lặn lội lên Hà Thành tìm đất sống. Nảy sinh ý tưởng dâng mình cho Chúa, Văn Chương đã gặp Cha giáo Giuse Trịnh Ngọc Hiên để tìm hiểu ơn gọi trong Dòng Chúa Cứu Thế (nay Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên là Giám Đốc Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế). Sau một thời gian tìm hiểu ơn gọi, lại vì kế sinh nhai, Văn Chương lại khăn gói vào Nam. Dù cuộc sống đầy bôn ba thử thách, Văn Chương vẫn tìm đến với ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế qua sự dìu dắt của Cha Giám đốc ơn gọi Giuse Nguyễn Ngọc Bích (nay Cha Bích là Cố Vấn Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế).

Với năng khiếu bẩm sinh từ bé và lòng yêu thích mỹ thuật, Văn Chương đã miệt mài sáng tác những tác phẩm Thánh. Vừa sáng tác vừa tìm hiểu ơn gọi. Đến một ngày kia, anh phải lựa chọn cho mình một con đường: theo nghệ thuật hay theo ơn gọi tu trì. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện nhiều, anh và Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích cùng vui vẻ đi đến quyết định là anh Văn Chương chuyển hướng nhận đi theo con đường nghệ thuật.

Ơn gọi nào cũng cao quý cả nếu như ta sống đúng, sống đẹp với ơn gọi ấy. Dù sống đời tận hiến, dù sống đời đôi bạn nhưng nếu ta hoàn trành trách nhiệm và ơn gọi với bậc sống ấy ta sẽ phát triển đời mình cách tròn vẹn như lòng Chúa mong muốn. Đến ngày hôm nay, Văn Chương mỉm cười thật bình an với con đường Chúa mời anh đi.

Anh mỉm cười với con đường anh đi vì lẽ anh đã góp một chút gì cho nền nghệ thuật Thánh. Nghệ thuật Thánh - con đường anh chọn - một cách nào đó cũng góp vào việc tôn vinh và thờ phượng Chúa cho phải lẽ.

Nhìn lại con đường hơn chục năm qua, không phải là “khai công kể trạng” nhưng dấu chân anh, bàn tay của Văn Chương đã ghi dấu trên mọi miền đất nước.

Một chút gì đó tình riêng với Đền Mẹ Hằng Cứư Giúp Thái Hà, Văn Chương đã sáng tác bức phù điêu kính mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như là một tác phẩm có một không hai để tạ ơn Chúa, tri ân Mẹ.

Một chút gì đó tình riêng với người dân tộc, Văn Chương đã miệt mài ngày đêm với hai tác phẩm lớn hoành tráng ở nhà thờ Plei-chuet do anh em Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách cho anh chị em dân tộc thiểu số, cách riêng cho anh chị em dân tộc J’rai.

Một chút tình riêng với người nghèo, Văn Chương đã để lại dấu ấn ở giáo xứ Phú Lý, ở giáo điểm An Thới Đông …

Và, với tấm lòng yêu Mẹ, Hai Lúa Tô-ma Trần Quốc Hùng đang mời Văn Chương về thiết kế Hang Đá kính Mẹ ở Đền Mẹ Hằng Cứư Giúp La Mã Bến Tre.

Ai đã một lần tiếp xúc với Văn Chương, sẽ thấy anh có một lòng đam mê nghệ thuật thật lạ lùng. Dẫu biết rằng cũng cần phải có một chút đầu óc kinh tế mới có thể làm ăn, cũng cần một chút gì đó vốn liếng để cho doanh nghiệp của mình hoạt động và phát triển nhưng đối với Văn Chương, tất cả những chuyện kinh doanh và tiền bạc ấy anh hoàn toàn “khoán trắng” cho chị Sương - người vợ hiền dấu yêu của anh. Anh muốn dành tất cả tâm trí, thời gian, sức lực để đầu tư cho bộ môn nghệ thuật mà anh đang theo. Bên dưới niềm đam mê, nỗi khát khao sáng tác ấy đã là anh muốn gửi tâm tình mình qua những bức phù điêu, qua những bức tượng do anh sáng tác.

Thật ra mà nói, cái gì nó cũng ảnh hưởng đến kinh tế, đến đồng tiền. May mắn cho anh là anh có người vợ hiền và “cánh tay” mặt là chị Phương, người đồng vai sát cánh với anh trong việc điều hành và phân phối tượng ảnh hơn chục năm qua. Nhờ người vợ đảm đang và người quản lý trung tín mà Doanh nghiệp của anh không ngừng phát triển.

Hỏi đến sự phát triển của Doanh nghiệp mình, Văn Chương chỉ mỉm cười và nói: “Tất cả là hồng ân”.

Vâng ! Đối với Văn Chương: “Tất cả là hồng ân”, điều này chính xác và hoàn toàn chính xác khi nhìn thấy những công việc anh làm. Với ý thức “”Tất cả là hồng ân” nên Văn Chương đã chia sẻ hồng ân ấy cho những người nghèo khó tất bạt. Doanh nghiệp của anh hiện đang là nơi cưu mang của trên dưới bảy mươi nhân sự. Phải nói là góp phần giúp công ăn việc làm cho hơn bảy mươi con người không phải là đơn giản và điều lạ là những người ấy là những người nhà quê, những người nghèo. Những người nhà quê, những người nghèo ấy ban đầu chỉ với hai bàn tay trắng nhưng nay nhờ sự huấn luyện và đào tạo của anh, họ đã có công ăn việc làm ổn định. Những người nghèo ấy sống chung với anh dưới một mái nhà, dưới một mái ấm hơn là những người làm công, những người giúp việc.

Với một chút “máu” mà anh thừa hưởng nơi Dòng Chúa Cứu Thế - nơi anh có những năm tháng tu học – anh không chỉ cưu mang những người nghèo, những người xa quê mà còn cưu mang những đứa trẻ mồ côi, không nhà không cửa.

Trên lầu văn phòng của Văn Chương hình như lúc nào cũng tíu tít tiếng của trẻ con. Hoá ra là anh đang cưu mang hơn hai chục trẻ mồ côi. Xin phép anh để viết một chút về tấm lòng của anh với những đứa trẻ mồ côi nhưng anh bảo đừng. Anh bảo là mình làm gì mình vẫn thích âm thầm và lặng lẽ. Thế nhưng, đứng trước tấm lòng của người nghệ sĩ hết lòng vì Chúa, vì người nghèo, lẽ nào ta chẳng ghi nhận, chẳng trân trọng ấy sao ?

Phải nói là ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Chẳng ai hiểu một Văn Chương ngày ấy và Văn Chương bây giờ. Văn Chương ngày ấy mang trong mình dòng máu yêu người nghèo như Thánh Tổ phụ Anphongsô - Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế - Dòng mà anh theo đuổi ơn gọi. Văn Chương ngày nay vẫn mang trong mình dòng máu yêu người nghèo.

Trong tình thân của người một thời tìm hiểu ơn gọi, anh cũng không ngần ngại chia sẻ niềm mơ nỗi ước của anh là anh đang dự định làm một văn phòng cho thuê để lấy cái phần cho thuê ấy mà nuôi những đứa trẻ mồ côi, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Khi nghe tâm tư ấy, tôi cảm nhận nơi anh có một cái ơn thật lạ. Hiện tại, anh đã cưu mang nhiều rồi, đã là gánh nặng rồi nhưng hình như anh vẫn thấy người nghèo còn đến với anh, trẻ mồ côi vẫn cứ quấn bên anh để rồi mỗi lần nhìn những đứa trẻ mồ côi mà anh đang cưu mang vui vẻ nô đùa phần nào xoa dịu nỗi vất vả của anh.

Anh cũng không giấu được cảm xúc của anh là anh vẫn không thể nào quên được những ngày tháng được ẩn náu trong Dòng Thánh, anh vẫn không thể nào quên được hình ảnh của các cha như cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Đaminh Nguyễn Đức Thông, Phêrô Đinh Ngọc Lâm … và nhất là anh không quên được dòng máu yêu người nghèo. Những bài học, những tâm thức từ các cha giáo anh vẫn ủ ấp cho đến ngày hôm nay. Anh bộc bạch: “Nhờ những năm tháng được học trong nhà dòng mà ra đời mình “biết” cách sống với người khác hơn. Nhờ lối sống ấy, mọi người yêu và quý mình hơn …”.

Thật vậy, ai đã hơn một lần tiếp xúc với Văn Chương sẽ thấy trên anh một nụ cười hồn nhiên và sâu lắng. Chắc có lẽ luôn mang trong mình niềm vui, niềm hạnh phúc nhờ ơn Chúa nên tất cả các tác phẩm của anh đều ghi lại dấu ấn trong lòng người tín hữu. Đặc biệt, những bức tượng Mẹ La Vang của anh đã góp phần nào đó cho tình Mẹ và tình con được đầm ấm hơn nhờ cách “diễn đạt” của anh nơi ánh mắt của Mẹ hiền.

Chắc chắc, tương lai còn mở ngõ và cũng sẽ còn nhiều và nhiều khó khăn nhưng trong lòng tin mà anh từng ủ ấp “Tất cả là hồng ân” sẽ luôn ở mãi với anh và gia đình.

Sự rẽ hướng của Văn Chương, thoạt đầu cũng để lại nhiều nuối tiếc cho các cha giáo, cho anh em cùng lớp nhưng nay nhìn vào hoạt động của anh, các cha giáo và bạn bè cùng lớp cảm thấy an tâm hơn. Văn Chương không phục vụ ơn cứu độ bằng con đường tu trì nhưng Văn Chương đã phục vụ ơn cứu độ bằng cách góp “một chút gì gọi là” cho nền nghệ thuật Thánh. Một cách nào đó, qua bàn tay nghệ thuật của anh, anh đã làm cho tình Chúa – tình con, tình Mẹ tình con ngày một khăng khít hơn, trìu mến hơn qua ánh mắt của Chúa và Mẹ.

Qua bàn tay tuyệt tác của anh, anh đã “tạo” ra Chúa và Mẹ thật tuyệt vời. Lẽ nào, Chúa và Mẹ lại để cho anh phải bơ vơ tất bạt sao ?
 
Hội Thảo Khai Mạc Năm Linh Mục tại TGM Bùi Chu: Việc đào tạo Linh mục hôm nay
LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss
06:47 17/06/2009
Hội Thảo Khai Mạc Năm Linh Mục tại TGM Bùi Chu ngày 16/6/2009

VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC HÔM NAY
HIỆP THÔNG VỚI TRUYỀN THỐNG KHÔNG GIÁN ĐOẠN CỦA GIÁO HỘI


ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục. Ngài đã cầu nguyện cho các tông đồ, là các linh mục đầu tiên của Ngài, và qua họ, cho mọi linh mục sẽ tới, và chúng ta hôm nay: “Lạy Cha chí thánh, xin Cha thánh hóa họ trong sự thật. Như Cha đã sai con vào thế gian, con cũng sai họ vào thế gian. Vì họ, con thánh hóa chính mình để họ cũng được thánh hóa trong sự thật” [1]

Chính vì thế, trong diễn văn loan báo Năm Linh Mục vào dịp Hội nghị khoáng đại của Bộ Giáo sĩ ngày 16/03/2009 vừa qua, Đức Thánh Cha mong muốn “giúp các linh mục hướng đến sự hoàn thiện thiêng liêng mà tính hiệu quả của thừa tác vụ của họ đặc biệt tùy thuộc.” [2]

Để mừng Năm Linh Mục (19/6/2009-19/6/2010) với Ơn Toàn Xá, mà Đức Thánh Cha sẽ khai mạc vào ngày 19 tháng 6, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và ngày Quốc tế cầu nguyện cho sự thánh hóa các linh mục, kỷ niệm 150 năm ngày mất của cha thánh Gioan Maria Vianey, với sự hưởng ứng của linh mục đoàn Giáo phận Bùi Chu chúng ta hôm nay, con xin trình bày đề tài việc đào tạo linh mục hôm nay hiệp thông với truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội “để hăng say tìm hiểu giá trị của căn tính linh mục, hiểu biết thần học về chức linh mục công giáo và ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi và sứ vụ của linh mục trong Giáo hội và trong xã hội.” [3]

I. TRUYỀN THỐNG KHÔNG GIÁN ĐOẠN CỦA GIÁO HỘI

1. Truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội về nguồn gốc chức Linh mục

Trong xã hội tục hóa hôm nay, ảnh hưởng của tinh thần tôn sùng vật chất đang thao túng mãnh liệt. Địa vị, tiền bạc và lạc thú được đại đa số xem như là tất cả hạnh phúc của con người. Sự phóng túng tình dục và chủ nghĩa hưởng lạc cuốn hút bao trái tim và đầu óc của người trẻ. Do đó, độc thân khiết tịnh, nhất là nơi giới đàn ông, bị nghi ngờ và coi là không thể.

Nhưng đối với Giáo Hội Công giáo Rôma, đời sống độc thân linh mục là một thực hành bắt buộc rất cựu trào, dựa vào truyền thống Tông Đồ, chẳng hạn thế kỷ IV, Công Đồng Carthage (năm 390) đã nói: “Những người phục vụ các mầu nhiệm thánh phải hoàn toàn tiết dục hầu cho những gì các Tông Đồ đã giảng dạy và người xưa gìn giữ thì nay chúng ta cũng tuân giữ nó.” Quả thế, ngay từ đầu, Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã nêu gương chọn cuộc sống ấy. Rõ nét hơn từ Công đồng Latêranô I (1123), luật độc thân được áp dụng trong Giáo Hội Công Giáo đối với mọi linh mục theo lễ nghi La-tinh.

Thế kỷ 14-15 cho thấy bức tranh toàn cảnh lịch sử Giáo Hội của một nền luân lý suy đồi dẫn đến thời kỳ Phục Hưng nguy hiểm và kết thúc với cuộc ly khai Thệ phản. Công đồng Trentô (1543) đã đưa đến một cuộc canh tân thiêng liêng sâu xa và bền bỉ về chức linh mục và thừa tác mục vụ linh mục.

Thời đại chúng ta chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về vấn đề kỷ luật này. Một số người đã cho rằng chẳng mấy hữu lý khi đòi buộc những người sẽ chịu chức linh mục phải sống bậc độc thân; họ vịn cớ cả Chúa Giêsu lẫn thánh Phaolô không trình bày bậc độc thân như là một thực hành bắt buộc đối với các môn đệ. Một ít người còn đi xa hơn nữa đổ lỗi cho bậc độc thân phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ơn gọi linh mục và những gương mù giới tính đã xảy ra tại nhiều nước Bắc Mỹ và Âu Châu. [4]

Dù vậy, qua Sắc lệnh Chức vụ và Đời sống linh mục của Công đồng Vatican II, Giáo Hội vẫn duy trì truyền thống không thay đổi, nhưng nhấn mạnh đặc biệt đến mối liên hệ chặt chẽ giữa độc thân khiết tịnh và đức ái mục tử vì Nước Trời [5] của chức linh mục thừa tác của linh mục.

Đức Phaolô VI trong Sacerdotalis Coelibatus khẳng định: “Luật độc thân thánh, mà Giáo Hội canh giữ từ nhiều thế kỷ nay như một viên ngọc quý rạng ngời, bảo tồn toàn bộ giá trị của nó cả ở thời đại chúng ta vốn tiêu biểu bằng một sự biến đổi sâu xa các não trạng và các cơ cấu.” [6]

THĐGM 1971 khẳng định sự cần thiết phải duy trì luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh, với việc giải thích nền tảng, các động cơ và điều kiện ủng hộ nó mà linh mục thi hành với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. [7]

Bộ Giáo luật 1983 lặp lại: “Các Giáo sĩ buộc phải giữ tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời, và vì thế phải tuân giữ luật độc thân, ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban, nhờ đó các thừa tác viên chức thánh có thể kết hiệp dễ dàng hơn với Đức Kitô bằng một tâm hồn không chia sẻ, tự hiến trọn vẹn và tự do hơn cho việc phục vụ Chúa và con người.” [8]

Tông huấn hậu THĐGM Pastores Dabo Vobis trình bày luật độc thân như một đòi hỏi căn bản trong toàn cảnh bốn chiều kích đào tạo nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ.

Sách Giáo lý Công giáo lặp lại: “Tất cả các thừa tác viên được truyền chức linh mục trong Giáo Hội Latinh, ngoại trừ các Phó Tế Vĩnh Viễn, được chọn một cách bình thường giữa các tín hữu đang sống độc thân và có ý chí giữ luật độc thân vì Nước Trời” .

Trong cuộc họp với lãnh đạo các Bộ của Giáo triều ngày 16.11.2008, ĐTC Biển Đức XVI đã tái khẳng định giá trị của chọn lựa đời sống độc thân của các Linh mục, hợp với truyền thống Công Giáo chưa bị gián đoạn và lập lại đòi buộc phải có một đào tạo nhân bản và Kitô giáo vững vàng, cho cả các chủng sinh lẫn các Linh mục đã chịu chức.

Chỉ Nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục năm 1994 của Bộ Giáo sĩ khẳng định: “Xác tín vào những động cơ thần học và mục vụ sâu xa làm cơ sở cho mối tương quan giữa sự độc thân và chức linh mục, được soi sáng bằng chứng tá còn giá trị ngày hôm nay của rất nhiều cuộc đời linh mục vững mạnh về mặt thiêng liêng và Phúc Âm, mặc dầu xảy ra nhiều trường hợp đau thương, Giáo Hội đã tái xác nhận, qua Công đồng Vatican II và giáo huấn của các Giáo hoàng về sau, ‘ý muốn mãnh liệt duy trì luật đòi buộc tình trạng độc thân vĩnh viễn tự do chọn lựa cho các ứng viên linh mục theo nghi lễ Latinh’ [9], xác tín rằng đó là ân huệ mang lại thiện ích cho Giáo Hội và thế giới.” [10]

Và mới đây nhất, trong bài diễn văn khai mạc Công Nghị Giáo Phận Rôma ngày 26/5/2009 “Mọi thành viên Giáo Hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ” , ĐTC Biển Đức XVI khẳng định ”không hề có gián đoạn hay đối lập giữa Giáo Hội trước và Giáo Hội sau Công đồng Vatican II.” [11]

2. Truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội về ý nghĩa và bản chất của bậc độc thân linh mục

Đặc sủng sống độc thân thánh hiến giả thiết linh mục phải có một dấn thân dứt khoát dõi theo một đời sống tự chủ bản thân và khiết tịnh. Từ thời các tông đồ, Giáo Hội đã muốn bảo tồn ơn tiết dục vĩnh viễn của giáo sĩ và hướng về giải pháp chọn ứng viên chức thánh nơi những người độc thân (x. 2 Th 2,15; 1 Cor 7,5; Tt 1,6-8). [12] Sự dấn thân được lựa chọn cách tự do và quảng đại là lời đáp trả hồng ân quảng đại của Thiên Chúa. [13] Vậy độc thân linh mục được ghi tạc ngay tại nội tâm của một tương quan đối thoại liên lỉ giữa Thiên Chúa và mỗi linh mục.

Qua việc cho đi chính đời sống mình được diễn tả bằng cách chọn đời sống độc thân, linh mục càng ngày càng sống cho Thiên Chúa và tha nhân hơn, qua sự lột bỏ liên lỉ, một sự “tự hủy” (Ph 2,7), làm cho mình “nhỏ bé đi để cho Chúa lớn lên” (Ga 3,30) và góp phần vào sự tăng trưởng của Giáo Hội và của từng người trong anh chị em mình.

Độc thân linh mục không thể tách rời khỏi toàn bộ đời sống kitô “không còn là tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,19-20), trong đó linh mục cố gắng nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Mục Tử “ban sự sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Chính trong khung cảnh đó mà sự tự do của linh mục không ngừng được củng cố trưởng thành bản thân sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa qua việc phục vụ dân Ngài. Vị linh mục chấp nhận tình trạng sống ấy sẽ gặp được kho báu hàm chứa việc “mang trong thân xác sự chết của Chúa Giêsu, để sự sống của Ngài cũng được bày tỏ trong thân xác mình” (2 Co 4,10), hầu học biết ban phát sự sống mình cho đoàn dân được trao phó cho mình, nhờ đó được thúc đẩy loan báo Tin Mừng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tim 4,2).

Mỗi thời đại diễn tả đức tin và thực hành của Giáo Hội trong trạng huống văn hóa riêng của mình, tùy theo mức độ được đâm rễ chắc chắn trong Truyền Thống mà chúng ta sống nhờ đó. Giáo huấn của Giáo Hội cung cấp cho chúng ta những căn bản cần thiết để suy nghĩ và định hình lời trả đáp của chúng ta đối với hồng ân của Thiên Chúa trong bậc độc thân thánh hiến.

Cuộc sống độc thân khiết tịnh tự bản chất là liên hệ, liên hệ với Thiên Chúa, liên hệ với con người và thế giới. Nó định phẩm cho căn tính của linh mục là một con người của liên hệ. Nó tăng cường những liên hệ của linh mục với Giám Mục và với linh mục đoàn của giáo phận mình. Nó mời gọi linh mục nhận rõ sự bổ túc của mình với các bậc sống khác và những mối liên hệ mình phải duy trì với họ. Nó cũng cho phép linh mục thiết lập các liên hệ nhân bản, kể cả các liên hệ bạn hữu chân chính với người nam lẫn người nữ.

Chúng ta lưu ý những điểm giáo huấn nổi bật này của Giáo Hội[14]:

Sống độc thân thánh hiến là một cách thức yêu mến và hiện hữu với tha nhân. Nó khai mở một cuộc sống không tự đóng kín nơi chính mình, nhưng khai sáng những liên hệ và đời sống cộng đồng, tôn trọng phẩm giá những người mình gặp gỡ, kêu gọi mọi người cùng nhau tìm kiếm sự thánh thiện và làm cho Nước Chúa ngự đến.

Sống độc thân khiết tịnh hệ tại sự dấn thân tất cả cuộc đời: Nhờ bí tích Truyền Chức, lời hứa sống độc thân thánh hiến đâm rễ sâu xa vào chính thực thể của linh mục và phải được nhắc lại trong suốt chiều dài của đời sống linh mục, đặc biệt trong ngày lễ Truyền Dầu.

Đời sống độc thân thánh hiến của linh mục tìm được tất cả ý nghĩa của nó trong liên hệ với các lời khấn khác, được diễn tả ra hay hiểu ngầm trong các nghi thức truyền chức. Nó mang dấu ấn của một cuộc sống giản dị và hướng tới một đời sống cầu nguyện chuyên cần, vì đây là một hồng ân phải nhận lãnh và làm mới lại không ngừng, khuôn mình cách mật thiết với những mầu nhiệm mà linh mục cử hành.

Đời sống độc thân thánh hiến giả thiết một khổ hạnh, dù ngày nay ít được nhấn mạnh, nhưng vẫn là thiết yếu. Sự thận trọng, dè dặt, tỉnh thức, từ bỏ, chấp nhận mọi thánh giá trong suốt cả đời sống, và những yếu tố khác cùng loại, làm thành bấy nhiêu phương diện của một quan niệm toàn vẹn về cuộc sống độc thân khiết tịnh. [15]

Chọn lựa sống độc thân thánh hiến là trao hiến đời sống mình để nhắm tới một sự phong phú đặc biệt. [16] Linh mục đã chọn sống độc thân thánh hiến phải có một quan niệm lành mạnh về tình phụ tử và danh hiệu “cha” mà những người được trao phó thường gọi mình. Đời sống của ngài phải hoàn toàn quy hướng về sự tăng trưởng của họ trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Thánh Kinh cung cấp rất nhiều phương sách để suy tư và cầu nguyện, hầu hiểu được căn bản Phúc âm của bậc độc thân thánh hiến: kỷ luật của Giáo Hội Roma không chỉ thuộc về sự gắn bó với truyền thống lâu đời không hề xa lạ với Thánh Kinh, mà còn mặc lấy một hình thức bắt buộc, cho dù một hình thức như vậy không được đặt định trong Tân Ước. Nhưng bằng nhiều cách, Tân Ước vẫn làm vang lên lời mời gọi vào bậc độc thân thánh hiến.

Đời sống độc thân hiến thánh của linh mục cũng phải tựa trên nền tảng thần học nghiêm chỉnh và sâu xa, cho phép chủng sinh và linh mục hiểu rõ ý nghĩa Kitô học, Giáo hội học, Thánh Kinh học, ý nghĩa hôn ước và tông đồ của bậc sống họ, cả trong thời gian đào tạo khởi đầu cũng như trong thời gian thi hành sứ vụ và thường huấn, đào sâu tính “thích hợp” của bậc độc thân với chức vụ linh mục mà sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục nói đến.

Ngoài ra còn phải lưu ý đến tầm quan trọng của cộng đồng giáo dục như là yếu tố căn bản của việc đào tạo khởi đầu về đời sống độc thân thánh hiến, nhờ sự phân định và quân bình giữa những thời gian trao đổi và những thời gian trầm mặc, những chia sẻ giữa chủng sinh và nhà đào tạo. Nhưng đừng quên vai trò của các cộng đồng khác, là những cộng đồng tự nhiên như gia đình, hoặc cộng đồng Giáo hội như các xứ đạo.

Nhưng bậc độc thân thánh hiến phải là một chọn lựa tự do dấn thân được Giáo Hội chuẩn nhận, chứ không phải là một gánh nặng áp đặt từ bên ngoài. Và như thế, kỷ luật độc thân trở nên như một sự che chở bảo vệ và một gánh nhẹ nhàng cho linh mục.[17]

3. Truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội về mối hiệp thông phẩm trật

Toàn thể Giáo Hội thông phần vào chức tư tế cộng đồng của Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần. Hiệp thông với Chúa Kitô như là đầu của thân thể, chức tư tế thừa tác được trao ban cho các tông đồ trước tiên, tiếp đến được hiện hữu nơi các người kế vị là các Giám mục, rồi qua việc đặt tay truyền chức, các Giám mục thông truyền cho linh mục một phần chức linh mục trọn vẹn của mình.[18]

Sắc lệnh Chức Vụ và Đới Sống Linh Mục viết: “Chúa Kitô đã sai các tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ vụ của chính mình Người. Tác vụ này của giám mục cũng được trao cho linh mục ở cấp độ tùy thuộc, để một khi đã gia nhập hàng linh mục, họ là những cộng sự viên của hàng giám mục, chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ do Chúa Kitô trao phó.” [19]

Như thế, nhờ việc thánh hiến, linh mục được trao ban quyền bính thiêng liêng, thông phần vào quyền bính mà Chúa Kitô điều khiển Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là linh mục được thông hiệp cách riêng biệt và đặc thù với Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thế, bản chất và sứ vụ linh mục không thể được xác định nếu không có những tương quan bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, được kéo dài trong sự hiệp thông của Hội Thánh và của toàn thể nhân loại. [20]

Đời sống và sứ vụ của linh mục là sự tiếp nối đời sống và sứ vụ của Chúa Kitô. Căn tính linh mục liên quan thiết yếu với tình thương cứu độ của Chúa Cha, với sự tuyển chọn và kêu gọi đích danh của Chúa Kitô, và với ân huệ thông ban sự sống của Chúa Thánh Thần, nhờ đó linh mục tìm được sức mạnh hướng dẫn cộng đoàn đã được trao phó cho mình và gìn giữ cộng đoàn ấy trong sự hiệp nhất như Chúa muốn. [21]

Là thành phần tư tế thừa tác của Giáo Hội, Thân Thể và Hiền Thê của Chúa Kitô, Giám mục tham dự vào hôn ước của Chúa Kitô, được biểu thị qua nghi thức trao nhẫn trong lễ tấn phong Giám mục [22]. Cũng thế, được thông phần vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô ở cấp độ thấp, linh mục cũng thông phần một cách nào đó vào chiều kích hôn ước đối với Giáo Hội, nên phải hết lòng yêu mến Giáo Hội bằng cách cống hiến mọi năng lực và tự hiến trong đức ái mục tử đến độ hy sinh chính cuộc sống mình mỗi ngày cho đoàn chiên được trao phó. [23]

Do bí tích truyền chức và thừa tác vụ lãnh nhận, linh mục liên kết và hiệp thông phẩm trật với Giám mục đoàn phục vụ toàn thể Giáo Hội, nên chức linh mục cũng có tính cách phổ quát, và dù nhập tịch ở một Giáo Hội địa phương, linh mục phải có con tim và não trạng thừa sai, luôn rộng mở cho mọi như cầu của Giáo Hội và thế giới. [24]

Linh mục phải luôn sống trong sự hiệp thông phẩm trật này: “Không có thừa tác vụ linh mục ở ngoài sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn, đặc biệt với Giám mục giáo phận, trong lòng tôn kính như con thảo và sự tuân phục đã hứa khi thụ phong.” [25] Sự hiệp thông được diễn tả và củng cố qua cử hành Thánh Thể, nhất là thánh lễ đồng tế do Giám mục chủ sự với linh mục đoàn; cũng như qua sự hiệp nhất phẩm trật trong việc thi hành thừa tác vụ mục vụ: [26] Linh mục không làm gì mà không có Giám mục, nhưng ngày nay nhấn mạnh nhiều về nguyên lý bổ trợ (subsidiary principle). [27]

Mối hiệp thông của linh mục đoàn được thiết lập bởi đức ái tông đồ, thừa tác vụ và tình huynh đệ bí tích, diễn tả bằng việc đặt tay của linh mục đoàn trong nghi lễ truyền chức và việc nhập tịch/nhập vụ vào một Giáo hội địa phương. [28]
Linh mục còn sống hiệp thông với giáo dân, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến, nỗ lực khơi dậy và phát triển sự đồng trách nhiệm trong cùng một sứ mạng cứu độ duy nhất của Giáo Hội. [29] Ngoài ra còn cố gắng tiếp tay với Chúa Thánh Thần để khơi dậy ơn gọi linh mục tiếp nối thừa tác vụ của mình. [30]

Giáo Hội là một cộng đoàn gồm những con người hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông này mang hai chiều kích: hiệp thông hướng nội và hiệp thông hướng ngoại. Hiệp thông hướng nội bao hàm sự hiệp nhất và bổ sung cho nhau ngay trong lòng Giáo Hội với ĐTC, với các Giám mục, các linh mục, những người sống đời thánh hiến và giáo dân để trở thành “Giáo Hội tham gia” , nghĩa là mọi người đều đảm nhận ơn gọi và vai trò riêng của mình trong lòng Giáo Hội. Hiệp thông hướng ngoại là sự hiệp thông của Giáo Hội với thế giới, với mọi người thuộc mọi tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Công cuộc đào tạo phải trang bị cho các linh mục tương lai một ý thức hiệp thông nhạy bén sâu sắc và một kinh nghiệm cá nhân sống động về việc xây dựng cộng đoàn, để họ biết cách hiệp thông với Giám mục, với Bề trên, với anh em linh mục đoàn, với các tu sĩ, với các cộng sự viên, với giáo dân trong giáo xứ, cả với những người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác, hầu sống và làm việc trong hòa điệu và yêu thương, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm và vai trò khác nhau trong cộng đoàn.

II. TIẾN TRÌNH CÁC GIAI ĐOẠN LIÊN TỤC ĐÀO TẠO LINH MỤC

Tiến trình đào tạo linh mục qua các giai đoạn liên tục nhằm sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, cho cả ứng sinh lẫn nhà đào tạo.

Trước hết nhà đào tạo phải theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã sống với các môn đệ liên tục không gián đoạn trong ba năm cuộc đời công khai cho đến khi chết trên thập giá. Ngài đã đồng hành cùng họ với tình yêu bao dung, nhẫn nại và săn sóc ân cần để họ được lớn lên trong đức tin và trưởng thành, thiêng liêng lẫn nhân bản. Ngài biết rõ mỗi người, những cá tính, những điểm mạnh và những điểm yếu của họ. Ngài nhẫn nhục chịu đựng những khuyết điểm, những bất toàn, những tham vọng trần tục, những bướng bỉnh, thiếu lòng tin và chậm hiểu các mầu nhiệm Nước Trời; và Ngài kiên trì chờ đợi Thánh Thần đến kiện toàn công cuộc đào tạo họ: “Thầy còn nhiều điều để nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không thể hiểu. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ hướng dẫn anh em biết tất cả sự thật” (Ga 16,12-13). Chúa Giêsu cũng hằng cầu xin Chúa Cha giữ gìn bảo vệ các môn đệ: “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi tay ác thần” (Ga 17,15).

Các giai đoạn đào tạo tuy khác nhau nhưng phải có sự liên tục tiệm tiến và tổng thể, ăn khớp mắt xích với nhau trong chiều hướng canh tân tìm kiếm một phương thức thể hiện mới để Giáo Hội hiện diện hữu hiệu trong hoạt động dưỡng giáo lẫn truyền giáo. Phương thức này đòi hỏi canh tân các giá trị, các tâm thức, các quan điểm, các mối quan hệ, cách suy nghĩ và hành động, lối sống và cách thi hành sứ vụ, nghĩa là một cuộc canh tân sâu sắc và toàn diện trong Giáo Hội.

Để thực hiện trọng trách dưỡng giáo và truyền giáo của mình trong thời đại mới, linh mục hôm nay phải được đào tạo hiệp thông với truyền thống không gián đoạn của Giáo Hội, được coi như một đòi hỏi bức thiết của thời buổi hiện nay. Công cuộc đào tạo này là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, và được Giáo Hội ủy thác cách riêng cho các nhà đào tạo, từ giai đoạn Tiền Chủng viện, qua giai đoạn đào tạo khởi đầu trong Chủng viện, đến giai đoạn đào tạo thường xuyên diễn ra trong suốt cả cuộc đời mỗi linh mục, với những hình thức rất đa dạng và thích hợp cho từng hoàn cảnh và độ tuổi.

Việc đào tạo ngày nay được thực hiện với nhiều người và cho nhiều người, nhưng phải chú trọng đến sự hợp tác của từng cá nhân với từng hoàn cảnh cá biệt, nghĩa là phải được cá nhân hóa và nội tâm hóa, tức vừa được đào tạo vừa tự đào tạo, trong một tổng thể liên tục qua ba giai đoạn đào tạo và tự đào tạo tiền chủng viện, chủng viện và hậu chủng viện. [31]

1. Giai đoạn đào tạo tiền chủng viện

Người có trách nhiệm trước nhất và cao nhất trong việc tuyển chọn và đào tạo linh mục là Giám Mục giáo phận. Nhưng đây cũng là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là các cha xứ (GL 233,1). Nhưng trong chiều kích “Giáo Hội tham gia”, Giám mục giáo phận ủy nhiệm cho một số nhà đào tạo đã được chuẩn bị kỷ lưỡng cộng tác với Ngài để đồng hành với các ứng sinh, tiệm tiến thẩm tra và giúp ứng sinh biện phân ý Chúa và thực thi ý Chúa, bảo đảm cho ứng sinh là anh được Thiên Chúa kêu gọi, mời gọi anh tham gia vào việc đào tạo chính anh bằng việc tự đào tạo chính mình, và sau cùng, chính việc Giám Mục gọi ứng sinh lên chịu chức linh mục xác nhận ơn gọi đích thực của Chúa đối với anh.

Bộ Giáo dục Công giáo yêu cầu “trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập chủng viện, cần lưu tâm trước nhất việc đào tạo thiêng liêng.” [32] Đào tạo toàn diện đòi hỏi ứng sinh phải có trưởng thành nhân cách, tri thức và thiêng liêng. Giai đoạn chuẩn bị này nên làm ở một nơi thích hợp ngoài chủng viện để đón nhận, nuôi dưỡng và vun trồng các ơn gọi, nhận định, đánh giá và tuyển chọn ứng sinh, căn cứ vào đời sống cầu nguyện, thực hành đức tin, sự phát triển nhân cách với các nhân đức như thành thật, trung tín, can đảm và trách nhiệm, trình độ văn hóa và khả năng tri thức, vì nếu lúc nào cũng phải đối phó với việc học thì việc đào tạo thiêng liêng và toàn diện sẽ bị giới hạn và không hiệu quả, [33] phải quan tâm đến thái độ của ứng sinh đối với giới tính và khả năng sống độc thân thánh hiến, [34] đồng thời phải xem ứng sinh có ngăn trở Giáo luật nào không (x. GL 1024-1052).

Ứng sinh cũng cần có một cam kết khởi đầu về ý ngay lành và tính trung thực của việc theo đuổi ơn gọi, liên quan đến bối cảnh gia đình “xét như chủng viện đầu tiên,” [35] những điều kiện bên ngoài, những điều kiện tự nhiên và những điều kiện thiêng liêng. Ứng sinh cũng được yêu cầu trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát và trắc nghiệm tâm lý; lãnh vực đời sống tình cảm cũng cần được khảo sát và chữa lành hầu đạt được sự ổn định cần thiết cho đời sống linh mục mai ngày; những gánh nặng nội tâm cần được tháo gỡ và giải quyết nhờ sự trợ giúp của vị linh hướng (GL 220; 239,2; 240,2; 246,4). [36]

Tóm lại, việc chuẩn bị các ứng sinh thích hợp là nhiệm vụ hàng đầu của cộng đoàn Giáo phận, mà trên hết là của Giám Mục Bản Quyền và những người Ngài tin tưởng ủy thác cho công cuộc tối quan trọng này. Sự chuẩn bị nhắm đến việc tiếp nhận các ứng sinh vào chủng viện, qua việc phân định, nhận xét, đánh giá, tuyển chọn và khai tâm họ đi vào sự cam kết khởi đầu tiến trình tự biến đổi và cam kết với sứ vụ (GL 241). Việc đào tạo ở chủng viện tùy thuộc vào phẩm chất của các ứng sinh đã được nhận vào.

2. Giai đoạn đào tạo khởi đầu ở chủng viện

Có thể nói đây là giai đoạn đào tạo ứng sinh trở thành linh mục, nói cách khác là giai đoạn ứng sinh học làm linh mục. Đây là giai đoạn đào tạo và tự đào tạo toàn diện với bốn chiều kích nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, diễn ra trong một chu kỳ 8 năm:

- Một năm Tu đức
- Hai năm Triết học
- Hai năm Thần Học 1 & 2
- Năm Thực tập Mục vụ
- Hai năm Thần học 3 & 4

Việc đào tạo và tự đào tạo ở Chủng viện nhằm đến con người toàn diện và làm cho người linh mục tương lai có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản, trưởng thành trong đời sống kitô giáo và trưởng thành trong đời sống linh mục. Vì thế, chủng sinh phải được đào luyện với một trình độ và khả năng tri thức đầy đủ, nền tảng thần học kiên vững, tinh thần cầu nguyện, tinh thần khổ chế, đức vâng lời đích thực và trưởng thành, tinh thần sống giản dị theo Phúc âm và khiết tịnh vì Nước Trời.

Chủng sinh cũng phải học và thực hành những nhân đức nhân bản và xã hội vốn được dân chúng ngưỡng vọng và đức ái đòi hỏi, chẳng hạn: lòng thành thật, ý niệm về đức công bằng, trung thành giữ lời hứa, lịch thiệp và tín cẩn, tinh thần phục vụ và dấn thân, khả năng làm việc chung, có trách nhiệm, v.v…

Trong khi cố gắng trang bị kiến thức, ngày nay phải nhấn mạnh hơn đến sự tương tác giữa việc đào tạo nhân bản và đào tạo thiêng liêng. Việc đào tạo nhân bản cho ứng sinh được bắt đầu với sự trợ giúp của gia đình và xứ đạo trước khi anh vào Chủng viện. Việc đào tạo nhân bản không chỉ đem lại lợi ích cho ứng sinh trong thời gian học tại chủng viện mà còn có một ảnh hưởng sâu xa đến sứ vụ tương lai của anh nữa. Nó tùy thuộc phần lớn vào sự trưởng thành, sự quân bình tâm lý và sức mạnh ý chí của ứng sinh. Vì thế, việc đào tạo nhân bản luôn phải hòa quyện với đào tạo thiêng liêng. Những trách cứ mà người thời nay than phiền ở linh mục, nhất là các linh mục trẻ, có nguyên nhân là sự thiếu cân đối trong việc đào tạo nhân bản, đào tạo thiêng liêng và thiếu đời sống nội tâm siêu nhiên.

Chính vì thế, hầu hết các Đại Chủng Viện điều chỉnh lại chương trình đào tạo, nâng đào tạo thiêng liêng lên tầm cao mới: Môn Tu Đức được dạy trãi dài cho mọi lớp cho đến khi ra trường, chứ không phải một hai năm khi mới vào Chủng viện như trước đây. Việc đào tạo thiêng liêng cho các linh mục tương lai sẽ hữu hiệu và đáp ứng đúng lòng mong đợi của Hội Thánh và thế giới, nếu nó được thực hiện trong viễn ảnh của Giáo Hội học của Công Đồng Vatican II, của Truyền giáo, của Cộng tác với Giáo dân, của Truyền Thông và Đối Thoại.

Trong tiến trình đào tạo này, việc linh hướng chiếm một chỗ rất quan trọng (GL 240,2). Việc linh hướng nhằm giúp chủng sinh kinh nghiệm về Chúa và sự hiện diện của Ngài, khám phá ra đường lối Chúa kêu gọi và đáp lại với tự do nội tâm, dấn thân đi theo và sống tương quan thân mật với Chúa, nhận rõ trách nhiệm của mình và phát triển nó dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện là yếu tố quan trọng nhất của đời sống thiêng liêng, được nuôi dưỡng và thăng tiến nhờ sự thinh lặng bên trong cũng như bên ngoài, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. Các chủng sinh được khích lệ áp dụng những cách cầu nguyện theo kiểu Á Châu, chẳng hạn như cầu nguyện tập trung và cầu nguyện thân thể. Tập cho họ chủ tọa và hướng dẫn các buổi cầu nguyện chung của cộng đoàn chủng viện là cách tốt nhất để họ trở thành người hướng dẫn cầu nguyện cho đoàn chiên tương lai.

Đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm làm phong phú và nuôi dưỡng đời sống và sứ vụ linh mục. Do đó, các ứng sinh không chỉ học triết học, thần học, các khoa học xã hội và nhân văn, nhưng họ cũng cần được các nhà đào tạo giúp biết cầu nguyện và chiêm ngắm ở trong và qua các đòi hỏi kiến thức hàn lâm này.

Tương tác giữa toà trong và toà ngoài bảo đảm tự do nội tâm cho chủng sinh. Trong việc đào tạo thiêng liêng, một công việc vừa nhân loại vừa thần linh, Chúa Thánh Thần luôn giữ vai trò cốt yếu và Đức Giêsu Nadarét là mẫu gương tối cao của mọi nhà đào tạo, vốn là những dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Các tác nhân đào tạo khác là hội đồng chủng viện, cộng đoàn giáo dục, môi trường thực tập mục vụ, và nhóm nhỏ các bạn đồng môn. Nhưng tác nhân không thể thay thế được là chính chủng sinh, vì nếu không có tự đào tạo thì việc đào tạo sẽ mất hết hiệu quả mong đợi của nó. Việc lượng giá của chủng viện và tự đánh giá của ứng sinh là bắt buộc và phải đi đôi với nhau trong suốt tiến trình đào tạo và tự đào tạo, đặc biệt là trong thời gian giới thiệu ứng sinh lên chịu chức linh mục.

3. Môi trường thực tập mục vụ và việc đào tạo ứng sinh linh mục

Môi trường thực tập mục vụ là cần thiết và lý tưởng để mở rộng việc tự đào tạo của chủng sinh, cũng như việc đào tạo linh mục của Hội Thánh. Trong suốt thời gian này, chủng sinh tham gia vào đời sống và sứ vụ của các linh mục, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Các cha xứ có cơ hội để biết, làm việc với các chủng sinh và trở nên một phần trong việc đào tạo chủng sinh, mà một ngày kia họ sẽ hội nhập với các ngài trong sứ vụ linh mục. Vai trò và sự đóng góp của cha xứ rất quan trọng trong việc đào tạo ứng sinh. Môi trường thực tập mục vụ này sẽ cung ứng cho chủng sinh nhiều cơ hội thuận lợi để anh:

• được kinh nghiệm và tham dự vào sứ vụ giáo xứ;
• phát triển đời sống cầu nguyện của anh ngay trong bối cảnh đời sống giáo xứ, vì đó sẽ là cuộc sống thực sự của anh sau này;
• học hỏi với cha xứ mà anh đang sống với ngài như người tập sự;
• được làm quen với nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận;
• đem những gì đã học trong chủng viện vào hành động, trong những hoàn cảnh thực tế;
• kinh nghiệm được cuộc sống nhà xứ.
• Sự hiện diện hữu hình của các chủng sinh ở trong giáo xứ sẽ thăng tiến việc phát triển các ơn gọi;
• Qua việc phục vụ và cộng tác với giáo dân, chủng sinh có thể học được nơi họ rất nhiều điều, là một chuẩn bị tuyệt vời cho sứ vụ của anh sau này.”

4. Giai đoạn đào tạo thường xuyên (hậu chủng viện)

a. Yêu sách của Huấn quyền về đào tạo thường xuyên

Các thẩm quyền Giáo Hội rất đặt nặng việc đào tạo và tự đào tạo thường xuyên này, chẳng hạn:

Sứ Vụ và Đời sống Linh Mục dành trọn chương III, số 69-92, để nói về việc đào tạo thường xuyên này như “một bổn phận và quyền lợi chính đáng của linh mục…. và của Hội Thánh” , phù hợp với “mục đích cơ bản của sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng,” [37] mà “không ai có thể thay thế được linh mục trong việc canh chừng chính mình” (x. 1 Tm 4, 16). [38]

Trong khi đó Tông Huấn Pastores Dabo Vobis cũng dành trọn chương VI, số 70-82, để nói về việc đào tạo thường xuyên này của linh mục, như “sự tiếp tục tự nhiên và tuyệt đối cần thiết của tiến trình xây dựng nhân cách của linh mục, vốn đã được khởi sự và phát triển từ trong chủng viện.” [39]

Còn Optatam Totius khuyến cáo rằng “việc đào tạo linh mục, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại, cần phải được tiếp tục và hoàn thiện hoá sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo trong chủng viện.” [40]

Ngoài ra, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis số 100-101 mô tả việc đào tạo hậu chủng viện, “cách riêng trong những năm đầu tiên sau khi chịu chức …. để các linh mục mới ra trường có thể được trang bị tốt hơn, ngõ hầu họ có thể gánh vác và hoàn thiện các bổn phận của người tông đồ. [41]
Và Tông Huấn Ecclesia in Asia mở ra một hướng rộng lớn: “Để phục vụ Hội Thánh như ý Đức Kitô, các Giám mục và linh mục cần một đào tạo chắc chắn và thường xuyên, có thể cung ứng những cơ hội khả dĩ cho một cuộc canh tân thiêng liêng và mục vụ” [42]

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thực hiện lời khuyên này sớm nhất, qua cuộc hội thảo số 5 mang tựa đề “đào tạo tiếp tục cho các linh mục Á Châu.” [43]

Chỉ Nam Cho Thừa tác vụ và Đời sống linh mục 1994 của Bộ Giáo sĩ dành cả chương III để bàn về việc huấn luyện thường xuyên các linh mục, trong mọi phương diện tuổi tác, khả năng, hoàn cảnh sống và phận vụ mục vụ. [44]

b. Những năm đầu đời linh mục

Đây là giai đoạn cho người mới chịu chức linh mục dần dần đi vào đời sống linh mục thực sự, hay nói cách khác là sống linh mục: Càng sống đời linh mục càng trở nên linh mục hơn.

Việc chịu chức linh mục khép lại giai đoạn được đào tạo và tự đào tạo ở chủng viện, nhưng lại mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đào tạo và tự đào tạo thường xuyên kéo dài suốt đời của linh mục: “Việc huấn luyện không bao giờ được xem như chấm dứt, cả về phía Giáo Hội trao ban lẫn về phía thừa tác viên nhận lãnh.” [45] Các linh mục trẻ tự trắc nghiệm mình giữa cái học có tính cách lý thuyết hàn lâm và sự thực hành trong các thực tại của đời sống sứ vụ của họ. [46]

Giai đoạn đào tạo và tự đào tạo này nhằm mục đích giúp các linh mục trẻ chu toàn cách trung thành và vui tươi sứ vụ của họ trong những hoàn cảnh khác nhau, chấp nhận và vượt thắng những chiến đấu và cám dỗ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Những mối tương quan tốt lành, hài hoà, quân bình và trưởng thành được điều chỉnh và thăng tiến mỗi ngày, với chính mình, với thiên nhiên, với tha nhân, nhất là với những người khác phái, là những phương tiện nhân loại. Tương quan thân mật với Thiên Chúa, sự trung thành với cam kết của mình khi chịu chức, với đời sống cầu nguyện và với sứ vụ, lòng tôn sùng kiên trì và nhiệt thành với Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh giá và Mẹ Maria là những phương tiện siêu nhiên. Những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên này sẽ thực sự bảo đảm cho sự thành công và lòng trung thành của họ.

Các linh mục trẻ sẽ thi hành sứ vụ trong một thế giới đang thay đổi của nền văn minh khoa học kỹ thuật, của chủ nghĩa tục hoá và hưởng thụ, của thần học giải phóng, của việc đề cao phẩm giá phụ nữ. Vì thế, việc đào tạo và tự đào tạo thường xuyên phải được nhấn mạnh và thực hành nhiều hơn; nó sẽ giúp họ được trưởng thành trong suy nghĩ, trong việc tự mình quyết định và hành động, cũng như trong mọi lãnh vực đời sống. Họ cũng phải làm việc trong sự hợp tác với mọi người trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Vì thế, họ cần được đào tạo thích hợp và phải tự mình điều chỉnh và thăng tiến các mối tương quan hài hoà, quân bình và trưởng thành với Thiên Chúa, với chính mình, với thiên nhiên và với người khác, nam cũng như nữ, giáo dân hay tu sĩ.

Do đó, “việc huấn luyện này phải bao gồm và hòa hợp mọi khía cạnh, nghĩa là nó phải nhằm giúp linh mục phát triển nhân cách con người đã chín mùi trong tinh thần phục vụ kẻ khác, dầu đang nắm chức vụ gì; giúp linh mục được đào tạo về mặt trí thức, cả trong các khoa học tự nhiên lẫn trong các khoa học nhân văn, trong mức độ liên quan đến thừa tác vụ của mình, ngõ hầu linh mục chu toàn phận vụ làm chứng đức tin một cách hữu hiệu hơn; giúp linh mục có được một đời sống thiêng liêng sâu xa, được nuôi dưỡng bằng tình thân mật với Đức Giêsu Kitô và bằng tình yêu Giáo Hội; giúp linh mục chu toàn thừa tác vụ mục vụ với nhiệt tình và nhiệt tâm.” [47]

Các đề tài bàn luận như Thần học cơ bản, Tín lý, Luân lý, Thánh Kinh, Phụng vụ, Giáo luật, Đại kết... không được mang tính tranh luận, thuần túy lý thuyết hoặc thông tin, nhưng phải khuyến khích một sự huấn luyện đích thực, nghĩa là khuyến khích cầu nguyện, hiệp thông và làm việc mục vụ... liệu sao cho các văn kiện của huấn quyền được đào sâu chung với nhau dưới sự hướng dẫn của một nhân vật có thẩm quyền, để đưa tới sự thống nhất giải thích và thống nhất chương trình hành động mục vụ trong giáo phận. [48]

c. Những năm về sau cao tuổi cuộc đời linh mục

Các linh mục sau nhiều năm thi hành thừa tác vụ cần được khuyến khích, đề cao giá trị vai trò và đào sâu hơn việc huấn luyện mình trong mọi chiều kích để duyệt xét lại chính mình và công việc mình làm, hầu làm sống dậy các động lực của thừa tác vụ thánh... Các vị nầy cần đến sự hiệp thông linh mục và tình bạn của Giám mục để lướt thắng những kinh nghiệm mệt mỏi, thất vọng, cô đơn... hầu tìm lại được những nguồn mạch sâu thẳm của linh đạo linh mục. [49]

Các linh mục cao niên tìm “xác nhận lại một cách thư thái và ôn hòa vai trò mà các ngài còn được mời gọi nắm giữ trong linh mục đoàn... để tự thấy mình còn hữu dụng như làm cha giải tội kinh nghiệm, linh hướng, chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ, đón tiếp, lắng nghe và trấn tĩnh anh em đồng sự. [50]

Các linh mục ở vào một hoàn cảnh suy yếu thể lý hay mệt mỏi tinh thần, cô đơn, thất vọng cần được khích lệ tiếp tục phục vụ Giáo Hội một cách bình thản và can trường, nêu chứng từ ghi dấu thánh giá, cam chịu trong hy vọng và niềm vui Vượt Qua (x. Col 1,24). [51] Trách nhiệm của Giám mục và linh mục đoàn là phải tránh sự cô đơn nảy sinh do sự chểnh mảng tình hiệp thông linh mục đối với các anh em đó. [52]

Ước gì để việc cử hành Năm Linh Mục mang lại hiệu quả lâu dài trong cả hai chiều kích dưỡng giáo và truyền giáo, trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam tổ chức Năm Thánh Công Nghị 2010 kỷ niệm 50 thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Giáo phận Bùi Chu chúng ta có thể tiến đến tổ chức một “Công nghị giáo phận”, noi gương ĐTC đã làm cho giáo phận Rôma của ngài ngày 26-29/5/2009 với đề tài “Mọi thành viên Giáo Hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ” [53]

KẾT LUẬN

Cuối cùng, chúng ta hãy nhấn mạnh việc tôn thờ bí tích Thánh Thể, trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, cũng là trung tâm linh đạo của linh mục, cùng với việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria trong việc đào tạo và sống sứ vụ linh mục. Mẹ đã giáo hóa Chúa Giêsu Hài Đồng và đã dẫn dắt Ngài đến tuổi trưởng thành nhân bản, thì hôm nay Mẹ cũng luôn hiện diện trong việc đào tạo linh mục, khởi đầu và thường xuyên, đặc biệt trong việc sống sứ vụ linh mục độc thân khiết tịnh.

Mẹ đã hiến dâng bản thân đồng trinh khiết tịnh cho Chúa một cách đặc biệt. Sự hiến dâng của Mẹ không thể tách rời khỏi sứ mệnh duy nhất của Mẹ trong lịch sử cứu độ là ban Con Mẹ cho thế giới. Mẹ hướng chúng ta tới sự hiểu biết về bậc độc thân như là sự hiến dâng bản thân để mở thế giới này ra cho Chúa Kitô ngự đến. Việc truyền chức hiến dâng linh mục cho Chúa Kitô để họ được sai đi loan báo Phúc âm trong thế giới. Sự chọn lựa bậc độc thân diễn ra trong định hướng đồng hình dạng với Chúa Kitô cả trong cách sống riêng tư sâu kín nhất của Ngài. Do đó, dù không tuyệt đối phải liên kết với chức vụ linh mục, bậc độc thân vẫn có một sự thích hợp đặc biệt với chức vụ này, mà Mẹ là một trợ lực quý báu để đưa dẫn chúng ta trên đường bắt chước Con Mẹ.

Để kết thúc phần trình bày này, con xin mượn nhận định lạc quan, hy vọng và đầy an ủi của ĐHY Claudio Hummes, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ: “một số rất nhỏ các linh mục thỉnh thoảng bị lôi vào những vấn nạn nghiêm trọng và những tình huống tội phạm cần phải phân xử và ra hình phạt, nhưng đa số áp đảo các linh mục là những người rất xứng đáng, toàn tâm toàn ý cho thừa tác vụ linh mục, những người chuyên tâm cầu nguyện và làm việc bác ái mục vụ, đặt cả cuộc đời vào việc thực hiện ơn gọi và sứ mệnh của họ”...“Trong suốt Năm Linh Mục này (năm cầu nguyện của linh mục, với linh mục và cho linh mục), Giáo Hội muốn nói trước hết với các linh mục, nhưng cũng cả với mọi kitô hữu, với xã hội trần thế, qua các phương tiện truyền thông thế giới rằng Giáo Hội hãnh diện biết bao về các linh mục của Giáo Hội; Giáo Hội yêu mến, tôn kính, ngưỡng mộ họ dường nào và nhìn nhận với lòng tri ân công tác mục vụ của họ và cuộc đời chứng nhân của họ.”

Con xin hết lòng cám ơn Đức Cha, Cha Chính, Quí Cha Quản Hạt, Quý Cha Cố, Quý Cha và Quý Thầy đã chịu khó nghe con trình bày. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến hoàn thánh tốt đẹp những gì Ngài đã thương khởi sự với chúng ta và cho chúng ta hôm nay. Con xin mời cộng đoàn thư giản một chút với slideshow BÀI HỌC QUÉT LÁ.

BÀI HỌC QUÉT LÁ

Thơ: Diệu Nhân - Nhạc: Võ Tá Hân – Ca sĩ: Xuân Phú

Vâng lời Thầy, con đi quét lá, lá vàng rơi lả tả khắp nơi. Lá khô rơi như kiếp một con người, giờ phút cuối là về cùng cát bụi. Con vừa quét sạch một gốc cây, quay trở lại đã thấy đầy rơi rụng. Con hỏi nếu như gió đừng rung động thì lá kia hẳn còn trên cành. Một kiếp người cũn thế, quá mong manh, một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa. Thầy đã cho con bài học quét lá thâm sâu như một triết lý không cùng. Con ra về lòng luống những bâng khuâng: Lá và con cũng trong vòng sinh diệt. Lá vừa sinh đã có mầm huỷ diệt, con vừa sinh đã hẹn có ngày đi.

Suy tư: Có ai biết chốc lát nữa mình sẽ chết mà còn ham hố những sự đời này, còn gieo rắc bất công hận thù, còn ghen ghét tranh chấp hơn thua, mà không trái lại, an hòa với mọi người, tôn trọng lương tâm kẻ khác, giao phó cho lòng nhân từ của Chúa lời phẩm bình cuối cùng và sự xét đoán chung thẩm, nỗ lực chuẩn bị tâm hồn để ra đi trong bình an về với Chúa?

Một làn gió có sức mạnh gì đâu, mà lá rơi không thể nào cưỡng lại? Hơi thở con cũng giống như làn gió ấy, nếu không về thì con sẽ đi đâu? Đã lâu rồi vẫn lặn hụp chìm sâu trong mê mải con đi tìm sự nghiệp: Con vẫn mơ có một căn nhà rộng đẹp, con vẫn mơ con cái học thành tài. Con vẫn mong, vẫn đợi một ngày mai lũ con cháu trở nên người thành đạt. Con vẫn chưa có gì cho con hết làm hành trang khi cất bước lên đường. Tạ ơn Thầy đã cho con chút tư lương, là bài học quét lá vàng rơi rụng. Lá và con cũng có cùng số phận: đi về đâu do con chọn lấy con đường. Tạ ơn Thầy đã cho con chút tư lương, là bài học quét lá vàng rơi rụng. Lá và con cũng có cùng số phận: đi về đâu do con chọn lấy con đường. ĐI VỀ ĐÂU, DO CON CHỌN LẤY CON ĐƯỜNG!

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Người thời đại nghi ngờ đức khiết tịnh và cho là không thể. Chúng ta cũng nhìn nhận những chiến đấu cam go của phận người. ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi kitô hữu, mọi Giám mục, mọi linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa.” [54] Vậy chúng ta sử dụng các phương thế tự nhiên và siêu nhiên như thế nào để đứng vững trong các mối quan hệ khác giới, kể cả với các nữ tu? [55]

2. ĐHY Hummes, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ viết: “Cũng thật buồn là có một số linh mục đôi khi đã bị dính líu vào những vấn đề nghiêm trọng và những hoàn cảnh phạm tội. Cần phải tiếp tục điều tra những vấn đề này, xét xử họ và phạt họ như cần phải.” [56] Chúng ta cần lưu ý đặc biệt tránh khỏi ba trường hợp tội với vạ tiền kết dành riêng cho ĐGH: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm (x. GL.1048; 220). [57]

3. Chỉ Nam Linh Mục 1994 số 32 ghi: “Một đòi hỏi không thể lẫn tránh của đức ái mục vụ là mỗi linh mục tiếp tay với ơn Chúa Thánh Thần, quan tâm khơi dậy ít nhất một ơn gọi linh mục để có thể tiếp nối thừa tác vụ của mình.” Chúng ta đang làm gì và sẽ làm gì để tích cực tham gia vào công cuộc mở Đại Chủng viện Bùi Chu (GL 237,1; 242,2) và đào tạo các ơn gọi linh mục Giáo phận cần, để ước nguyện và nỗ lực của Đức Cha sớm được thực hiện?

4. Giáo Hội dạy rằng thường huấn là một quyền lợi và bổn phận của anh em linh mục chúng ta. Vậy chúng ta sẽ có thể làm gì để triển khai và phát huy quyền lợi và bổn phận đó giữa các độ tuổi của chúng ta: nhóm linh mục trẻ, nhóm linh mục trung niên, nhóm linh mục cao tuổi, nhóm linh mục già nghỉ hưu?

5. Thư Chủ tịch Bộ Giáo sĩ [58] viết: “(Năm Linh Mục) còn phải là một năm trong đó người ta chú ý đến những hoàn cảnh cụ thể và điều kiện vật chất mà các linh mục sống, đôi khi bị giảm thiểu thành những hoàn cảnh nghèo nàn khó khăn.” Chúng ta có thể làm gì để nâng đỡ nhau, nhất là khi ốm đau và hưu dưỡng? Phải chăng đã đến lúc thích hợp để nghĩ đến một “Qũy tương trợ linh mục giáo phận Bùi Chu” chúng ta?

LM Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Chú thích:
[1] Ga 17, 18-19.
[2] Trích thư của ĐHY Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, Zenit.org ngày 23/5/2009.
[3] Trích thư của ĐHY Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, Zenit.org ngày 23/5/2009.
[4] Các nước Á châu, và ngay cả tại Việt Nam, không phải là không có đâu, nhưng không bị bạch hóa ồn ào vì tâm thức dè dặt kín đáo và tế nhị của người mình thôi.
[5] Presbyterorum Ordinis, số 16.
[6] Sacerdotalis Coelibatus số 12.
[7] Pastores Dabo Vobis số 29.
[8] x. GL 277,1.
[9] PDV. 29; PO. 16; Sacerdotalis Coelibatus 14; GL 277,1.
[10] Chỉ Nam 1994 số 57.
[11] Zenit.org ngày 26/5/2009.
[12] Sđd. số 59.
[13] Bộ GDCG, Đường hướng giáo dục trong việc huấn luyện độc thân linh mục số 16.
[14] Hội Xuân Bích, Vì Nước Trời – Những khái niệm suy tư về việc đào tạo bậc độc thân linh mục số 27.
[15] x. Bộ Giáo dục Công giáo, Huấn luyện thiêng liêng trong các chủng viện II,3 “những khổ chế thiêng liêng”; Jean-Jacques OLIER, “Con đường nên thánh là con đường thập giá”.
[16] 1 Co 4, 14-15 về tình phụ tử của thánh Phaolô đối với các tín hữu.
[17] Chỉ Nam 1994 số 58.
[18] Pastores Dabo Vobis số 79.
[19] Presbyterorum Ordinis số 2.
[20] Pastores Dabo Vobis số 12.
[21] Chỉ Nam 1994 số 4-11; PO số 6
[22] Lumen Gentium số 28.
[23] Chỉ Nam 1994 số 13.
[24] Sđd. số 14-15.
[25] PDV. 28; LG. 28; PO 7,15; GL 245,2.
[26] Chỉ Nam 1994 số 22-24.
[27] Archbishop Celestino Migliore, Vatican 6/2/2009: “Luận lý của tình liên đới và nguyên lý bổ trợ là dụng cụ rất thích hợp để vượt lên mọi vấn đề và bảo đảm sự tham gia của mọi người cho công cuộc phát triển chung của cộng đồng”; JP II, Centesimus Annus, số 48: «Nếu tôn trọng nguyên lý bổ trợ, tổ chức cấp trên không được can thiệp vào cuộc sống nội bộ của tổ chức cấp dưới bằng cách lấy đi những khả năng chuyên môn của nó, đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết»
[28] Chỉ Nam 1994 số 25-29.
[29] Sđd. số 30-31; đề tài của Công nghị giáo phận Rôma 26-29/5/2009: Mọi thành viên Giáo hội và sự đồng trách nhiệm mục vụ.”
[30] Sđd. số 32.
[31] Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay, tr.188-315.
[32] Bộ GDCG, Đào tạo thiêng liêng trong các chủng viện tr.24.
[33] Calpotura, Nhật ký đào tạo tác vụ tr.9-10.
[34] Bộ GDCG, Chỉ dẫn việc huấn luyện độc thân linh mục tr.7-75.
[35] Optatam Totius số 2.
[36] FABC, 7th Plenary Assembly, Spiritual Direction.
[37] Presbyterorum Ordinis số 72 và 82.
[38] Sđd. số 87.
[39] Pastores Dabo Vobis số 71.
[40] Optatam Totius số 22.
[41] Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis số 100.
[42] Ecclesia in Asia số 43
[43] FABC 92e, Về đào tạo thường xuyên cho linh mục tại Á Châu.
[44] Chỉ Nam 1994 số 69-97.
[45] Chỉ Nam 1994 số 73.
[46] Sđd. số 93.
[47] Chỉ Nam 1994 số 74.
[48] Chỉ Nam 1994 số 77-78.
[49] Pastores Dabo Vobis số 77; Chỉ Nam 1994 số 94.
[50] Sđd. số 95.
[51] Chỉ Nam 1994 số 96-97.
[52] Sđd. số 97.
[53] Vatican Information Service ngày 26/5/2009.
[54] ĐHY Carlo Maria Martini, Thánh Phaolô đối diện với chính mình in Alleluiah 109.
[55] ĐTC Biển Đức hứa sẽ ra một Chỉ Nam cho các cha giải tội và linh hướng trong Năm Linh Mục này.
[56] Như trường hợp từ chức của ĐTGM Paulin Pomodimo Giáo Phận Bangui bên Trung Phi.
[57] Vatican giải thích Luật mới cho phép Giám mục được giải trừ tình trạng giáo sĩ của các Linh mục có những lỗi nghịch lại sứ mệnh Giáo Hội. CAN June 5, 2009.
[58] ĐHY Cláudio Hummes, Thư nhân Năm Linh Mục Zenit.org ngày 27/5/2009.
 
Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ tại Hội Truyền Giáo Paris
Ánh Minh Đăng
07:25 17/06/2009
THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CHA MICAE NGUYỄN KHẮC NGỮ

TẠI HỘI TRUYỀN GIÁO PARIS

Hồi 18 h 00 ngày 12/06/2009, tại nhà nguyện của Hội Truyền giáo Paris, quý linh mục sinh viên Việt Nam đang du hoc cùng dâng thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho cố Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, với sự hiện diện của cha bề trên Etcharren và giáo dân đại diện cho thân bằng quyến thuộc linh tông huyết tộc của cố Đức cha Micae.

Trong phần bài giảng lễ, cha Ngoc Minh đã gợi lên cho mọi người hình ảnh Đức cha cố Micae là một vị mục tử thánh thiện, khiêm tốn, đơn sơn và tràn đầy đức khôn ngoan.

Cuối thánh lễ, cha Micae Nguyễn Khắc Minh, một trong những người con cháu của Đức cha cố Micae, thay lời cho gia đình linh tông huyết tộc cảm ơn cha bề trên Hội Thừa sai Paris, cùng quý cha đồng tế và gia đình linh tông huyết tộc đã cầu nguyện và đến hiệp dâng thánh lễ.

 
Mến Thánh Giá Bà Rịa:Tiên & Vĩnh Khấn - ''Hiện Tôi Có Là Gì... Là Nhờ Bởi Ơn Chúa...''
Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa
09:26 17/06/2009
“Hiện Tôi Có Là Gì, Là Nhờ Bởi Ơn Chúa”.

Hôm nay, Hội dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa hân hoan chung lời tạ ơn Thiên Chúa về Hồng ân Thánh hiến mà Chúa tặng ban cho một số chị em thiện chí. Mỗi giây phút qua đi trong cuộc đời là những khoảnh khắc kết dệt thành khúc nhạc tri ân, để trong thâm sâu của cõi lòng bừng lên lời xác tín: “Hiện tôi có là gì, là nhờ bởi ơn Chúa (1Cr 15,10)”.

Từ những bước chân chập chững của tuổi đôi mươi trong ngày đầu tìm hiểu ơn gọi, đến những giây phút ngỡ ngàng trong hành trình khám phá tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa, để rồi hôm nay: Lạy Chúa, này con đây, Chúa gọi con.

Chúa đã đưa chị em vào đời thánh hiến, để bước theo Đức Kitô, mẫu mực đức Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục.

Lời khấn Khiết tịnh mời gọi chị em gìn giữ trái tim không bị phân chia và hiến dâng trọn vẹn con người mình cho Đức Kitô, để cùng với Người hân hoan phục vụ Nước Trời.

Lời khấn Nghèo khó đưa chị em vào mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô, để trở nên hư không trong sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha.

Lời khấn Vâng phục tháp nhập chị em vào hiến lễ trên bàn thờ thập giá của Đức Kitô, để thao thức tìm kiếm và thi hành Thánh ý Chúa.

Ơn gọi là quà tặng cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đã ôm trùm lấy sự giới hạn của con người, để nâng lên và cho thuộc trọn về Ngài.

Ngôn sứ Giêrêmia trong một phút lắng đọng suy gẫm về ơn gọi đời mình đã thốt lên:

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,

Và con đã để cho Ngài quyến rũ

Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng.” (Gr 20,7)

“Tất cả là hồng ân”

Tạ ơn Chúa vì của lễ thánh hiến mà Chúa đã đoái nhận nơi những con người yếu đuối mong manh, để với những bình sành dễ vỡ đó Chúa gởi trao nguồn ân sủng của Ngài.

Thế nhưng ngày thánh hiến chưa phải là đỉnh đến để được dừng chân, mà là một bước khởi đầu mới của hành trình hiến dâng và phục vụ.

Từ đây, quý chị sẽ luôn thuộc trọn về Chúa, để nên như tấm bánh Giêsu, được bẻ ra mỗi ngày cho anh chị em, chấp nhận tiêu hao như ngọn nến trên bàn thờ để đem ánh sáng cho tha nhân.

Nguyện chúc các chị luôn bước theo sát dấu chân Chịu Đóng Đinh của Thầy Giêsu, để được nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tin yêu và phục vụ.
 
Hình Ảnh Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa:Tiên & Vĩnh Khấn - 17.6.2009
Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa
11:23 17/06/2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
Hình Ảnh Lễ Tiên & Vĩnh Khấn Hội Dòng MTG Bà Rịa 17.6.2009
 
Hồng Ân Nối Kết Hồng Ân - Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa:Tiên & Vĩnh Khấn 17.6.2009
Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa
11:41 17/06/2009
Hồng Ân Nối Kết Hồng Ân

Lời Dẫn:

Nhân dịp kỷ niệm Đệ Nhất Chu Niên Ngày Thành Lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa (17.6.2008 – 17.6.2009), Đức Cha Tôma Nguyễn văn Trâm, Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa đã đến Dâng Thánh Lễ cùng đồng tế với Ngài có hơn 70 Linh Mục trong và ngoài Địa Phận. Trong dịp nầy, Ngài chứng nhận lời Tiên Khấn của 7 chị em và Vĩnh Khấn của 8 chị em thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa. Các chị đã tuyên khấn trong tay chị Tổng Phụ Trách Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn, Tổng Phụ Trách của Hội Dòng.

Ngoài ra, những hình ảnh các nữ tu của Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa mà Quý Vị thấy trong các bài Vietcatholic Netwrok là Tu Phục Mới vừa được canh tân.

Chúng tôi xin được phép ghi lại những lời nhắn nhủ của vị Mục Tử Giáo Phận Bà Rịa trong thánh lễ sáng hôm nay (17.6.2009) được cử hành tại Giáo Xứ Xuân Sơn... Đức Cha Toma Nguyễn văn Trâm đã bắt đầu bài giảng của Ngài qua câu chuyện về Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu như sau….


Đức Cha Toma đón nhận Lời Khấn
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, khi tự thuật về ơn gọi của mình, đã xác định: “Ơn gọi của tôi, chính là tình yêu”. Thánh nữ đã nhìn tình yêu như động lực, như định hướng và chỉ nam cho đời tu của mình. Nhờ tình yêu tín thác vào Thiên Chúa, thánh Têrêxa đã vượt qua những khoảnh khắc đêm tối của tâm hồn. Nhờ tình yêu, thánh nữ đã vượt qua những hiểu lầm, khiển trách của các chị em và của cả bề trên là chị ruột của thánh nữ. Nhờ tình yêu, thánh nữ đã chịu đựng những đau đớn bệnh tật hiểm nghèo và chết vào tuổi 25. Chính nhờ tình yêu, thánh nữ mở rộng tình yêu của mình đến các miền truyền giáo với việc dâng những lời cầu nguyện, hy sinh hãm mình cầu cho công cuộc truyền giáo của các linh mục thừa sai.

Tình yêu là sự sống và sức sống cho mọi người và đặc biệt cho các nữ tu Mến Thánh Giá: Chúa Giêsu chịu đóng định là đối tượng duy nhất của lòng trí, là đối tượng duy nhất của tình yêu. Tôi muốn chia sẻ với cộng đoàn và các tu sĩ đang tham dự lễ khấn hôm nay về sứ điệp tình yêu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gởi cho các bạn trẻ tại Đại hội Giới trẻ năm 2008 tại Sydney.

Mọi người đều muốn yêu và được yêu. Đây là ước nguyện của mọi người, dù nam hay nữ, tu sĩ hay giáo dân. Nhưng ĐTC xác nhận yêu thương thật là khó, bao nhiêu lầm lẫn và thất bại xảy ra trong tình yêu! Thậm chí có người đi tới độ nghi ngờ không biết có thể yêu thương chân thực hay không? Thậm chí có người chọn chọn cái chết để giải thoát khỏi những đau khổ và thất vọng vì không tìm được tình yêu. Tuy nhiên không thể vì những khiếm khuyết về tình cảm hoặc những vụ thất tình có thể khiến cho người ta nghĩ rằng yêu là một ảo tưởng, là một giấc mơ hảo huyền và đành phải buông xuôi hay sống thác loạn sao? Đức Thánh Cha khẳng định tình yêu là điều có thể và mục đích sứ điệp này là để góp phần khơi dậy nơi mỗi người niềm tín thác nơi tình yêu chân thực, chung thủy và mạnh mẽ; một tình yêu mang lại an bình và hoan lạc; một tình yêu nối kết con người, làm cho họ cảm thấy tự do trong niềm tôn trọng lẫn nhau. Một tình yêu chân thực phát xuất từ ba nguồn cội:

1. Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thực và duy nhất

Thánh Gioan đã nêu rõ điều này khi quả quyết rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16); thánh nhân không chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhưng ngài còn nói chính bản tính của Thiên Chúa là tình yêu. Nguồn mạch tình yêu là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: trong Thiên Chúa, duy nhất và Ba Ngôi, có một sự trao đổi yêu thương vĩnh cửu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, và tình yêu này không phải là một năng lực hay một tình cảm, nhưng là một Ngôi Vị, là Chúa Thánh Thần.

2. Thập giá Chúa Kitô biểu lộ hoàn toàn tình yêu của Thiên Chúa

Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong việc sáng tạo đã có những dấu hiệu rõ ràng về tình yêu của Thiên Chúa, nhưng mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa diễn ra trong sự Nhập Thể khi chính Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Trong Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và là Người thật, chúng ta đã nhận ra tình yêu trong mọi chiều kích.

Sự biểu lộ tình yêu Thiên Chúa thật là trọn vẹn và hoàn hảo trên Thập Giá, nơi mà - như Thánh Phaolô quả quyết, “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu đích thực của Ngài đối với chúng ta, vì trong khi chúng ta còn là kẻ tội lỗi, Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Vì thế, mỗi người trong chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: “Chúa Kitô đã yêu thương và hiến mạng vì tôi” (Eph 5,2). Được cứu chuộc nhờ máu của Chúa, không một nhân mạng nào là vô ích hoặc kém giá trị, vì tất cả chúng ta đều được Chúa đích thân yêu thương bằng một tình yêu say mê và chung thủy, một tình yêu vô biên.

Nếu Thập Giá là sự điên rò đối với thế gian, là cớ vấp phạm đối với nhiều tín hữu, thì đây chính là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa” đối với tất cả những ai để cho Thập Giá đánh động tận thâm tâm họ, “vì điều điên dại của Thiên Chúa vẫn khôn ngoan hơn loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn loài người” (1 Cr 1,24-25). Đấng Chịu Đóng Đanh, sau khi sống lại, vẫn luôn mang những dấu hiệu cuộc khổ nạn của Ngài là bạo lực, thù hận, khủng bố, chiến tranh, đại dịch hay khủng hoảng tâm linh, kinh tế toàn cầu đang lan rộng đến mọi miền thế giới. Và Người phủ lấp tâm hồn con ngowfi bằng tình yêu chân thực loại bỏ oán thù khỏi tâm hồn con người bằng tình yêu thập giá, hy sinh mạng sống cho người mình yêu để họ được sống và sống dồi dào.

3. Yêu thương tha nhân như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta

Trên thập giá Chúa Kitô kêu lên “Ta khát” (Ga 19,28): qua đó Ngài biểu lộ lòng khát khao nồng nhiệt yêu mến mọi người và muốn được mỗi người yêu mến. Chỉ khi nào chúng ta thấu hiểu được chiều sâu và cường độ của mầu nhiệm ấy, chúng ta mới ý thức được sự cần thiết và cấp bách phải yêu mến “như” chính Chúa đã yêu tưhơng chúng ta. Điều này bao hàm ý nghĩa phải hiến mạng sống mình vì anh chị em được nâng đỡ bằng tình yêu mến Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dạy: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như bản thân mình” (Lv 19,18), nhưng sự mới mẻ của Chúa Kitô hệ tại yêu như Chúa đã yêu thương, nghĩa là yêu tất cả mọi người, không phân biệt ai, yêu cả kẻ thù, “cho đến cùng” (Ga 13,1).



Các Chị em Vĩnh Khấn và Tiên Khấn thân mến,

Lời tuyên xưng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con không phải chỉ là khẩu hiệu hay lời khấn xuông trong ngày lễ khấn long trọng hôm nay, mà phải được in đậm nét trong đời thường của các chị em. Hãy là chứng nhân về tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh trong suốt hành trình đời tu, trong việc phục vụ tha nhân hằng ngày, trong chứng tá tình yêu đối với nhau trong cộng đoàn, trong dấn thân tông đồ nơi giáo xứ và xã hội.

Các chị em hãy luôn xác tín rằng không có hoa hồng nào mà không có gai, không có trièu thiên nào mà không được đan kết bằng những đau khổ và ngước mắt, không có hành trình nào mà không có lên đồi xuống núi, vượt qua thung lũng bùn lầy, không có cuộc theo Chúa nào mà không chung số phận với Chúa là cùng vác thánh giá và chịu đóng định với Chúa. Nhưng các chị em đã chọn và bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh với Chúa. Nhưng các chị em đã chọn và bước theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các chị em. Đừng sợ vì Chúa Giêsu luôn đồng hành, chia sẻ, gánh vác, hỗ trợ và ban ơn sự sống đời đời cho csc chị em trong suốt và sau cuộc hành trình thánh hiến nầy.

Đức Cha Toma Nguyễn văn Trâm

Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa

+++++++++++++++++++++++++

Sau thánh lễ, Chị Têrêsa Nguyễn Thi Hoan, Tổng Phụ Trách của Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa đã thay mặt Hội Dòng có những tâm tình tri ân như sau…

Trọng Kính Đức Cha

Kính thưa Cha Tổng Đại Diện,

Quí Cha Đồng Tế

Kính Thưa Tu Sĩ,

Quí Ân Nhân & Thân Nhân

Và Cộng Đoàn Dâng Lễ.

Trọng kính Đức Cha,

Hôm nay chúng con muốn nói lên lời của Thánh Phaolô: “Hiện tôi có là gì, là nhờ bởi ơn Chúa” (1Cr: 15, 10) Một năm đã trôi qua từ ngày Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa được thành lập, một năm với biết bao ơn lành Chúa đã trao ban cho Hội Dòng chúng con. Chúng con cảm nghiệm sâu xa tình thương Chúa qua từng ngày sống, qua các biến cố, qua Quý Ân Nhân và đặc biệt qua tình yêu thương của Đức Cha. Dù thật nhiều công việc của Giáo Phận, nhưng Đức Cha dành cho chị em chúng con tình yêu thương thật lớn. Đức Cha đã từng bước dẫn dắt chúng con trong mỗi công việc, dã bảo ban chỉ dẫn để chúng con hoàn thành được Tổng Tu Nghị Tiên Khởi đặt nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hội Dòng.

Đức Cha cũng không quản ngại đường xa hiểm trở đã vượt qua hàng trăm cây số đến thăm chị em chúng con nơi những vùng truyền giáo xa xôi hẻo lánh. Sự hiện diện đầy thân thương của Đức Cha giúp tăng thêm sức mạnh cho chị em chúng con dấn thân trong môi trường truyền giáo. Với cả tấm lòng yêu thương của người Cha, hôm nay, Đức Cha đến Chủ Tế Thánh lễ khấn dòng cho một số chị em chúng con như một sự chứng kiến chị em chúng con đang từng ngày lớn lên trong yêu thương của Chúa, của Đức Cha và của mọi người dành cho chúng con.

Kính Thưa Đức Cha,

Để đáp lại tình yêu thương đó, chúng con chỉ biết dâng lên Đức Cha lòng tri ân cảm mến sâu xa của chúng con và cầu Xin Thiên Chúa ban cho Đức Cha được sức khoẻ và khôn ngoan để dẫn dắt giáo phận trong giai đoạn khó khăn này, đồng thời chúng con cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày để xây dựng bản thân và Hội Dòng trong Linh Đạo Mến Thánh Giá và đường hướng chung của Giáo Hội. Xin Đức Cha tiếp tục hướng dẫn và cầu nguyện cho chị em chúng con để chúng con can đảm thực thi những gì Chúa muốn qua quyết định của Tổng Tu Nghị Hội Dòng.

Chúng Con xin cám ơn Cha Tổng Đại Diện, Quí Cha đã vì tình nghĩa với con cái và với Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa đã hy sinh và sắp xếp công việc để đến đồng tế trong Thánh Lễ cầu nguyện và tạ ơn Chúa với Hội Dòng và chị em chúng con hôm nay. Với tình thương và nghĩa cử cao quí ấy, chúng con chỉ biết dâng lên Cha Tổng Đại Diện và Quí Cha lòng tri ân sâu xa của chúng con, nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành trên Cha Tổng Đại Diện và Quí Cha.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Quí Tu Sĩ Nam Nữ đã đến tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn, chia sẻ niềm vui với chị em chúng tôi trong ngày lễ Khấn Dòng, sự hiện diện của Quí Vị nói lên tình liên đới sâu xa giữa những người bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến, là một khích lệ lớn lao cho chị em chúng tôi, xin Quí Vị tiếp tục cầu nguyện cho Hội Dòng chúng tôi trong bước đầu khó khăn này.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Quí Hội Đồng Giáo Xứ, những nơi chị em chúng tôi đang phục vụ, Quí Vị đã bày tỏ lòng quí mến đối với Hội Dòng chúng tôi qua việc góp sức, nâng đỡ để chị em chúng tôi chu toàn được sứ mạng của mình, Quí Vị đã không quản ngại xa xôi khó khăn đến chung vui và Tạ Ơn Chúa với chúng tôi hôm nay.

Chúng tôi xin ghi ân Quí Vị Ân Nhân xa gần, đã giúp đỡ, cộng tác với chúng tôi trong việc xây dựng Hội Dòng về mặt vật chất cũng như tinh thần, sự hiện diện của Quí Vị hôm nay là một khích lệ lớn lao cho Hội Dòng chúng tôi xin quí vị tiếp tục nâng đỡ và cầu nguyện cho chúng tôi. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành cho Quí Vị và Gia Đình.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Quí Cựu Tu Sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa và Huế đã đến dâng lễ cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với chúng tôi hôm nay.

Chúng tôi xin cám ơn Cha Mẹ, Bà Con Thân Nhân của các chị Tân Khấn Sinh cũng như Phụ Huynh của toàn thể chị em trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa. Nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục cũng như sự cộng tác tích cực và nâng đỡ của gia đình để hôm nay Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa mới có được những người con can đảm sẵn sàng dấn thân, hăng say phục vụ Nước Chúa. Sự hy sinh của Quí Vị là một đóng góp lớn lao cho việc xây dựng và phát triển Hội Dòng. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu và ban tràn đầy hồng ân xuống trên mỗi gia đình Quí Vị.

Và cách riêng, chúng con xin hết lòng cám ơn Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Xuân Sơn, Cha đã hết sức lo lắng và tạo mọi điều kiện để cho buổi lễ được trang trong, tốt đẹp. Xin cám ơn Cha Phó, Ban Hành Giáo, Các Giới và Quí Ban Ngành trong Giáo Xứ đã tích cực cộng tác với chúng tôi trong thời gian qua để buổi lễ hôm nay được diễn ra thật long trọng và trang nghiêm.

Chúng tôi xin đặc biệt cám ơn Ca Đoàn của Giáo Xứ đã hy sinh thời giờ, sức khoẻ dày công tập luyện cho buổi lễ hôm nay thêm phần sốt sắng.

Chúng tôi xin cám ơn toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa đã hiệp thông trong Thánh Lễ Tạ Ơn và Cầu Nguyện cho chúng tôi.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Chính Quyền các cấp tại địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ chúng tôi tổ chức ngày lễ thật tốt đẹp.

Một lần nữa chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha, Cha Tổng Đại Diên, Quí Cha, Quí Bề trên và Toàn Thể Quí Vị.

Trong việc tổ chức không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong Đức Cha và Quí Vị lượng tình tha thứ.

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phúc lành cho Đức Cha, Quí Cha và Toàn Thể Quí Vị.

Sau Thánh Lễ, chúng con kính xin Đức Cha và Đoàn Linh Mục Đồng Tế chụp chung với chúng con tấm hình lưu niệm trước cung thánh.

Sau hết, chúng con kính mời Đức Cha, Quí Cha và Quí Vị về phía Nhà Giáo Lý dùng bữa tiệc thân mật để chia sẻ niềm vui trong ngày Đại Lễ của chúng con.

Chúng con đồng cảm tạ.

Thay mặt Hội Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa

Nữ Tu Têrêsa Nguyễn Thị Hoan

Tổng Phụ Trách

Xuân Sơn, ngày 17.6.2009
 
Một dòng nữ lâu đời tại Huế ghi thêm lịch sử của hội dòng
LM. Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
17:10 17/06/2009
Một dòng nữ lâu đời tại Huế ghi thêm lịch sử của hội dòng.

Huế, Việt Nam(17-6-2009): Một dòng nữ có lịch sử 290 năm tuổi vừa ghi thêm một mốc mới lịch sử của hội dòng bằng lễ khấn dòng và ngân khánh cho 42 nữ tu thuộc hội dòng Mến Thánh Giá-Huế.

Ba màng hình cở lớn để trực tiếp truyền hình nghi thức thánh lễ cho gần 1500 giáo dân và tu sĩ đứng ngoài trời không thể trực tiếp tham dự thánh lễ. Trong nguyện đường có Đức cha phụ tá giáo phận Huế, Đức giám tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, bề trên các dòng nam nữ tại Huế, hơn 100 linh mục trong và ngoài nước, tu sĩ, thân nhân và giáo dân đến từ các giáo phận Việt Nam.

Nữ tu Tổng phụ trách Anna Trần Thị Hồng Túy, đọc lời chào mừng nói với mọi người: “ Hôm nay là ngày Hồng ân thánh hiến xin mời cộng đoàn cầu nguyện cho 27 chị tiên khấn, 11 chị vĩnh khấn và 4 chị mừng ngân khánh khấn dòng vì quý chị muốn dấn thân trọn vẹn cho Đức KiTô chịu đóng đinh trong hội dòng Mến Thánh Giá Huế.

Sau 10 năm tìm kiếm Chúa trong học tập và 5 năm đi mục vụ tại cộng đoàn Mến Thánh Giá Mỹ Chánh, nữ tu Maria Nguyễn Thu Hà, là một trong 27 nữ tu lần đầu tiên bước lên cung thánh để tuyên khấn với lời đáp trả:” Lạy Chúa, này con đây xin Chúa gọi con”. Chị nói rằng ngày lễ giúp chị khám phá tình thương của Chúa.

Chị Thu Hà cho biết, năm 2004 chị vâng lời bề trên sai đến mục vụ tại xứ Mỹ Chánh để dạy mẫu giáo và giữ trẻ em, con cháu họ là những nông dân sống nghèo nàn làm ăn vất vã, ăn mặc quanh năm thiếu thốn. Chị nói: “qua phục vụ họ tôi khám phá hình ảnh Đức KiTô chịu đóng đinh trong giáo xứ”.

Tuy nhiên, nữ tu Catarina Văn Thị Bằng Lăng, cũng là một trong 11 nữ tu vĩnh khấn đã không cầm nỗi những giọt nước mắt hạnh phúc, chị khóc vì từ nay là thành viên chính thức của hội dòng Mến Thánh Giá Huế. Chị Bằng Lăng gia nhập dòng từ năm 1997, sau thời tu học tại dòng và giúp xứ Tân Lương, chị đã vượt qua những thử thách, quyến rũ để theo linh đạo của dòng bằng đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.

Chị nói: “12 năm tìm Chúa, một năm phục vụ tha nhân ở giáo xứ vùng sâu vùng xa, giúp tôi ý thức đời tu là trung thành với Chúa, phục vụ Giáo Hội và yêu mến tha nhân”. Nếu không có quãng thời gian này, tôi không thể chu toàn bước theo Đức Ki Tô với ơn gọi của mình”.

Trong bài giảng dành cho các nữ tu khấn dòng, Đức cha phụ tá giáo phận Huế Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng nhấn mạnh “sự từ bỏ ý riêng để theo Đức KiTô trong vai trò người nữ tu”. Trong dịp này, ngài gợi ý giúp 4 chị mừng ngân khánh nhìn lại cuộc đời có lúc họ đã xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng ngài trấn an họ rằng:” Ơn Chúa vẫn mạnh hơn tỗi lỗi”.

 
Lễ an táng cha JB. Vũ Đình Hiên - Phan Thiết
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
17:21 17/06/2009
LỄ AN TÁNG CHA JB VŨ ĐÌNH HIÊN – PHAN THIẾT

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, 84 tuổi, đã qua đời tại nhà nghỉ của Ngài trong sự thanh thản và bình an, vào lúc 9 giờ 37 phút ( giờ Rôma) đêm Thứ Bảy ngày 2/04/2005, tức vào lúc 2 giờ 37 phút sáng Chúa Nhật 3/04/2005 (giờ Việt Nam), kết thúc 26 năm, 5 tháng và 17 ngày trong cương vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần thế.

Trước khi giã từ cuộc sống trần thế, trên giường bệnh Đức Giáo Hoàng đã thì thào với vị thư ký riêng: “Cha đang vui mừng, ước gì các con cũng vậy.” Ước mong, lời trăn trối này là “một di chúc” dành cho tất cả mọi tín hữu trên toàn thế giới.

Hôm nay 17.9.2009, Giáo Phận Phan Thiết tiễn biệt cha JB Vũ Đình Hiên. Đức Ông JB Lê Xuân Hoa, cùng 70 linh mục đồng tế, đông đảo chủng sinh tu sĩ, các thân nhân cùng hiệp dâng thánh lễ và tiễn đưa cha già đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang linh mục Phan Thiết, thuộc giáo xứ Vinh An.

Cha JB Vũ Đình Hiên sinh ngày 23/12/1920 tại An Nhiên, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thụ phong Linh Mục, ngày 29/6/1957 tại Nhà thờ Chính Tòa Saigon.

- Những nơi ngài phục vụ:

+ 1957-1960: Chủng Viện Thánh Tự, Thủ Đức.
+ 1960-1972: Nghỉ bệnh, Quản xứ Thanh Xuân Lagi-Hàm Tân.
+ 1972-1975: Quản xứ Vinh Thủy Phan Thiết.
+ 1975-1988: Quản xứ Thọ Tràng, Mương Mán.
+ 1988-1992: Chánh xứ Thanh Hải, Phan Thiết.
+ 1992-2005: Quản xứ Đông Hải, Phan Thiết, kiêm Hạt Trưởng Phan Thiết đến năm 2002.
+ 17/10/2005: về nhà Hưu Dưỡng Giáo Phận Phan Thiết.
+ Về Nhà Cha lúc 7g20 sáng Thứ Hai 15/6/2009 tại nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Phan Thiết.

Sau hành trình 90 năm cuộc đời, 52 năm linh mục, cha già vui mừng về với Chúa. Ngài đã hoàn tất đời người trong tuổi thọ đáng kính. Ngài cũng hoàn tất sứ vụ linh mục qua nhiều nẻo đường phục vụ, từng là giáo sư chủng viện, cha xứ, hạt trưởng, ban tư vấn. Cuộc đời của ngài luôn bước đi “Trong thinh lặng và tin tưởng” (Is 30,15), như câu Thánh Kinh ngài chọn cho đời linh mục của mình.

Cha già JB đã bước qua tuổi “Cửu thập như nhân tiên”, nhưng lời Thánh Vịnh luôn nhắc nhớ về sự ngắn ngủi của đời người:

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…’ (Tv 90,10)


Cái thân phận đời người “sớm nở tối tàn” thường được ví như một hạt bụi. Có nhọc nhằn bon chen thủ đắc được một số bằng cấp, tài sản, địa vị, chức quyền, tiếng tăm, cũng không thể thoát ra được thân phận đó. Có đi đâu và làm gì đi nữa, đâu đó vẫn luôn vang vọng một tiếng thở than cái hư vô của kiếp người. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Để một mai tôi về làm cát bụi Ôi cát bụi mệt nhoài,

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi...” ( Cát bụi – Trịnh Công Sơn ).

Con người chỉ là một hạt bụi trước vũ trụ bao la. Tuổi của một đời người chỉ là vài chục năm còn tuổi của vũ trụ bao nhiêu tỉ năm không ai tính toán được chính xác. Vũ trụ đã có đó trước khi tôi sinh ra và sau khi tôi qua đi, vũ trụ vẫn còn đó.

Tôi vẫn thích cách nhìn của nhạc sĩ Trần Long Ẩn về một đời người như một cây trong rừng cây.

“Khi nghĩ về một đời người, Tôi thường nhớ về rừng cây. Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh...” (Một đời người một rừng cây).

Tôi nhỏ bé như một hạt bụi nhưng mà hạt bụi thì vô tri nhưng tôi lại có cảm xúc. Một cái cây trong một rừng cây không là gì cả nhưng trong nó lại có sự sống và làm thành sức sống của rừng cây. Một cái cây có thể chết đi nhưng rừng cây sẽ vẫn còn đó. Cha già JB như một cây cổ thụ, ngài chết đi nhưng có nhiều cây khác mọc lên làm xanh rừng cây.

Điều quan trọng là ở trong rừng cây, tôi được yêu thương và tìm ra ý nghĩa của đời sống của mình. “Rừng đã yêu em, rừng vẫn yêu em, Người ơi, ta bỗng nghe rừng hát trong ta..” ( Rừng cây trút lá – Trịnh Công Sơn ).

Sau thánh lễ, cả cộng đoàn phụng vụ cùng trầm tư tĩnh lặng trên đoạn đường dài tiễn cha già đến nghĩa trang.Cảm giác khi đứng trước nghĩa trang giữa rừng cây xanh um cũng thật đặc biệt. Những nấm mồ của các linh mục đã an giấc ngàn thu gây ấm lòng.Nghĩa trang như nối dài cuộc sống bình thường đến cõi thiêng liêng.

Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Sự tôn trọng đối với người đã chết hòa chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Những ngôi mộ các linh mục nằm gần gũi giữa cây xanh ruộng đồng nương rẫy. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà... Con người sinh ra ở trần gian không phải để để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa.

Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Trong sự tiễn đưa ấm áp của Linh mục đoàn, linh tông huyết tộc, tu sĩ nam nữ, những bà con giáo dân nơi ngài từng phục vụ, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...cha già JB thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.

Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:

Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu. (Gitanjali 103,4).



 
Giáo hạt Xóm Mới khai mạc năm Linh Mục
LM. Đaminh Đinh Ngọc Lễ
18:06 17/06/2009
Tổng Giáo Phận TP. HCM
Giáo hạt Xóm Mới

THÔNG BÁO
Kính gửi:
- Quý Cha Cố và quý Cha
- Quý Bề Trên các Hội Dòng cùng các cộng đoàn Tu Sỹ
- Quý Chủng Sinh
- Quý Ban Thường vụ HĐMV Hạt và quý chức 15 giáo xứ Hạt Xóm Mới
- Quý đoàn thể và toàn thế anh chị em giáo dân Hạt Xóm Mới

Ngày 16/3/2009 vừa qua, tại Rôma, Đức Thánh Cha Bênêdicto 16 đã tuyên bố thiết lập “ Năm Linh Mục” cho toàn thể Giáo Hội, cũng như ban Sắc Lệnh về năm linh mục, được khai mạc vào ngày 19 tháng 6 năm 2009 và bế mạc vào ngày 19 tháng 6 năm 2010. Để đáp lại nguyện vọng của Đức Thánh Cha:
- Tại Tổng Giáo Phận sẽ khai mạc “Năm Linh Mục” vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ sáu ngày 19 tháng 6 năm 2009 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Sài Gòn, với nghi thức kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục
- Giáo Hạt Xóm Mới chúng ta sẽ khai mạc “Năm Linh Mục” vào lúc 18giờ 00 thứ bảy ngày 20 tháng 6 năm 2009 tại Thánh Đường Giáo Xứ Hà Nội, với chương trình Thánh ca, Diễn Nguyện, rước kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Lễ Đồng Tế Trọng thể
- Tại các Giáo Xứ trong hạt sẽ khai mạc vào ngày 21 tháng 6 năm 2009 Chúa Nhật 12 thường niên, kính trọng Thể Thánh Tâm Chúa Giêsu (thời gian và cách tổ chức tùy sáng kiến của từng giáo xứ)
Trân trọng kính báo cùng quý Cha, quý Tu Sỹ Nam Nữ, quý chức cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa, và xin trân trọng kính mời quý Cha và toàn thể quý vị tham dự Lễ Khai Mạc “ Năm Linh Mục” của Giáo Hạt Xóm Mới vào ngày giờ nói trên
Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ban tràn đầy ơn thánh trên quý Cha cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa.
Xin chân thành cám ơn


Hạt Xóm Mới, ngày 14 tháng 6 năm 2009


Hạt Trưởng


LM. Đaminh Đinh Ngọc Lễ
 
Gặp mặt truyền thống lớp ơn gọi giáo xứ An Phú- Giáo Phận Hà Nội
Tin Yêu
18:30 17/06/2009
GẶP MẶT TRUYỀN THỐNG LỚP ƠN GỌI GIÁO XỨ AN PHÚ - TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI.

Sáng nay, ngày 18 tháng 06, 120 em thiếu nhi thánh thể trong lớp ơn gọi của giáo xứ An Phú – Tổng giáo phận Hà Nội đã tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm một năm ngày thành lập tại giáo họ Tân Hương, xứ An Phú. Trong buổi gặp mặt này, các em đã tham dự Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho một bạn trong lớp ơn gọi mới qua đời.

Buổi sinh hoạt được bắt đầu lúc 7h00 sáng bằng việc gặp gỡ, giao lưu giữa Cha đặc trách – Giuse Trịnh Duy Hưng, quý thầy Đại Chủng Viện và các em trong lớp ơn gọi. Sau những giây phút đón tiếp và giao lưu, các em lần lượt được học hỏi về ơn gọi và nhân bản. Xen giữa việc học hỏi, các em được vui chơi, sinh hoạt vòng tròn với những bài hát, cử điệu thật ý nghĩa và vui tươi.

Cao điểm của buổi gặp mặt là Thánh lễ tạ ơn. Cha chủ tế cùng các em đã dâng Thánh lễ để tạ ơn Chúa vì những hồng ân cao cả mà Ngài đã dành cho mỗi người trong năm vừa qua. Đồng thời, cộng đoàn phụng vụ cũng dâng mỗi thành viên trong lớp lên Chúa để xin Ngài tiếp tục ban ơn nâng đỡ các em trong năm học sắp tới. Đặc biệt, trong Thánh lễ này, các em cũng dâng lời cầu nguyện cho một thành viên trong lớp ơn gọi là bạn Giuse Nguyễn Thế Văn, người đã được Chúa gọi về trong thời gian gần đây.

Sau Thánh lễ, các em cùng với Cha đặc trách, quý thầy Đại chủng viện và các anh chị phụ trách đã chung vui trong bữa cơm gia đình.

Buổi sinh hoạt tuy đơn sơ, ngắn gọn nhưng đã để lại trong tâm hồn mỗi người những tình cảm và ấn tượng thật khó phai.

Tưởng cũng nên biết, lớp ơn gọi Giáo xứ An Phú đã được thành lập cách đây đúng một năm. Ngay từ khi thành lập, lớp đã nhận được sự ủng hộ của cha đặc trách, quý phụ huynh và các em. Chính vì thế số lượng các em đăng ký không ngừng tăng lên. Trong năm vừa qua, các em nữ đã được gửi đến sống tại các nhà dòng lân cận. Các em nam cũng được chia thành các nhóm đến ở tại nhà xứ.

Ngoài ra, vào các dịp hè và tết, các em cũng có những buổi gặp mặt để giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.



 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thanh tra Quận Đống Đa: Một màn kịch vụng, một kép hát tồi
JB. Nguyẽn Hữu Vinh
01:10 17/06/2009
ĐỐNG ĐA, HÀ NỘI - Sáng 16/6/2009, theo giấy mời của Thanh tra Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội trả lời đơn khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã xếp hàng một trật tự ra trước UBND Quận Đống Đa để làm việc với Thanh Tra về đất hồ Ba Giang của Giáo xứ bị chiếm đoạt trái pháp luật.

Trời đổ cơn mưa như khóc thương cho những đau khổ của giáo dân thời gian qua, những dòng người cầm ô, mang áo mưa vẫn nối đuôi nhau hăm hở lên đường.

Sau Thánh lễ sáng và cầu nguyện dưới chân Đức Mẹ Công lý, đoàn người xuất phát từ nhà thờ Thái Hà, một loạt biểu ngữ trên các trang giấy A3 với các khẩu hiệu: “Chúng tôi kiên quyết bảo vệ tài sản của chúng tôi” “Của Thiên Chúa phải trả về Thiên Chúa” “Công lý, sự thật” “Phản đối cướp đất Thái Hà lần 2” … đã dương cao trên tay các giáo dân đi trên đường lên Quận.

Khác với những lần trước, lần này có rất nhiều biểu ngữ lạ, chữ “STOP BO-XIT” trên tay, trên áo mưa, trên mũ của giáo dân đã làm nhiều người đi đường thấy lạ lẫm và tìm hiểu.

Đầu giờ buổi sáng trên đường đông nghịt, người ta vẫn ngoái đầu nhìn dòng người đi và hát Thánh ca trên hè phố.

Đoàn đến trước văn phòng Ủy Ban Nhân dân Quận Đống Đa, đến đây hàng loạt chiến sĩ công an đang hối hả dàn hàng, dân phòng lăm lăm gậy trong tay, mấy chiếc xe chở những hàng rào sắt nhọn lởm chởm đang vội vàng bốc xuống chắn trước cửa Ủy Ban Nhân dân Quận.

Hai cánh cổng vào cơ quan này đóng chặt, bên trong là một đoàn công an. Hàng đoàn giáo dân chen nhau đứng trước cổng mong được vào để gặp các “đầy tớ” của mình đã bị sức mạnh của những chiến sĩ công an trẻ, khỏe chặn lại.

Trớ trêu thay, bên cạnh một bảng đồng ghi rõ: “Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa” là một đám “Nhân dân” chen chúc nhau đứng dưới trời mưa trước cánh cửa đóng chặt và hàng đoàn công an ngăn chặn. Nhiều người bảo nhau, không biết hai chữ Nhân dân trên cái bảng này có ý nghĩa gì?

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân đứng hồi lâu dưới trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, cánh cửa sắt hé mở để một vài “đầy tớ” ra vào rồi đóng lại ngay tắp lự. Dàn quay phim, công an được dịp phô diễn lực lượng và canh giữ bên ngoài, trong sân, trên nhà làm việc.

Dùng dằng mãi, cuối cùng cũng có 3 linh mục, một tu sĩ được vào phía trong để gặp các “cán bộ”. Đến phòng làm việc, không thể yên tâm với đoàn giáo dân đang dầm mưa phía dưới, các linh mục đề nghị để giáo dân vào trú mưa trong hè Ủy ban Nhân dân. Nhưng, những đề nghị đó lập tức bị bác bỏ.

Với đủ các lý luận, viện đủ các lý do không thể bác bỏ rằng: tài sản, đất đai này là của giáo xứ, giáo dân, tu sĩ đều đồng trách nhiệm với nhau, không thể không có giáo dân cùng làm việc và được biết về những vấn đề liên quan đến đất đai của họ. Cuối cùng, đoàn Thanh tra mới đồng ý để 3 đại diện giáo dân vào làm việc cùng.

Tôi đang đứng nhìn đoàn người dưới mưa vẫn cầm những tấm biểu ngữ bằng giấy trong tay, dán lên hàng rào sắt, thì được một nhóm giáo dân cử làm đại diện cho họ vào theo các linh mục trong phòng họp.

Cùng với một giáo dân tên Mạnh, tôi được đi qua chiếc cổng sắt bảo vệ chu đáo bằng lớp lớp công an phía trong, bà Nguyễn Thị Việt và vài giáo dân vào từ trước đang phải đứng lơ ngơ dưới sân cũng được cử đi theo đoàn. Nhưng một công an chặn lại bằng mọi cách ngay tại cầu thang. Sức vóc to lớn là thế, anh chặn ngang đường vì “lệnh trên” không cho lên tầng 2 là nơi làm việc của đoàn. Lại đấu tranh rồi cuối cùng bà Việt cũng vào được phòng làm việc.

Vào phòng làm việc của Quận, hoành tráng với hai dãy bàn kê hình elip và bày biện sang trọng. Các cán bộ của các phòng, ban đã yên vị. Ông Đào Trường Sơn (Một cái tên nghe cứ như phá rừng làm tôi suýt bật cười) làm trưởng đoàn đọc quyết định thành lập Đoàn Thanh tra.

Theo quyết định Đoàn Thanh tra gồm đầy đủ các ban, ngành của Phường, Quận, Thành phố… được giới thiệu khá đầy đủ, từng người một, chỉ thiếu một vị.

Nghe xong quyết định, các thành phần linh mục và giáo dân phản ứng: Việc quyết định nói rằng giải quyết khiếu nại của ông Vũ Khởi Phụng và ông Phụng vắng mặt không có lý do là không đúng, đơn từ đã ghi rõ ràng Linh mục Vũ Khởi Phụng là đại diện cho toàn bộ linh mục, tu sĩ, và giáo dân Thái Hà. Các thành phần ở đây đã là đại diện cho Giáo xứ.

Ông Đào Trường Sơn đã không đồng ý cho giáo dân phát biểu, lại nhận được sự phản đối, ông bảo tôi: “Nếu anh có ý kiến gì, thì viết đơn chuyển đến tôi” tôi phản ứng lại: “Tại sao, trong cuộc họp hôm nay, ngồi đối diện với nhau, mà không được phát biểu lại phải làm đơn, tôi phản đối lối làm việc quan cách không tôn trọng nhân dân, các anh là cán bộ, là đầy tớ của dân, có đầy tớ nào mà trong cuộc họp không cho ông chủ phát biểu không? Nếu không thì chúng tôi vào đây làm gì? Nếu tất cả mọi lời nói đều phải làm đơn, thì bao nhiêu nhà máy giấy cho đủ”. Vậy nhưng với các ý kiến của giáo dân, ông vẫn… phớt.

Nội dung buổi làm việc chẳng có gì nhiều, trong suốt từ đầu cuộc họp, có một nhân vật nam, tóc dài bỏ xù, không hề được giới thiệu, nhưng hết ghé tai thì thầm ông trưởng đoàn, lại thì thầm anh chàng viết biên bản, vẻ rất bí mật. Hết ghé tai thì thầm lại chụp ảnh từng người, và ngồi nhìn trừng trừng vào tôi, tôi cũng trừng mắt nhìn lại thì anh ta lảng.

Vui nhất là khi viết biên bản. Quen cách làm việc hống hách, cửa quyền, các cán bộ rủ nhau viết biên bản, cả một cuộc họp, họ viết được khoảng trang giấy, khi đọc lại giáo dân và linh mục, tu sĩ phản đối rất “nhiệt tình”.

Có vài lời phát biểu ngắn, gọn, nhưng trưởng đoàn đề nghị phát biểu lại để ghi. Khi linh mục Khải cầm xem lại biên bản, đề nghị được ghi vào thì ông trưởng đoàn đồng ý. Thấy vậy, anh chàng tóc xù “không biết từ đâu” tiến đến can thiệp. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong phản ứng: “Anh này từ đâu tới, tên gì, chức vụ và nhiệm vụ gì ở đây mà cứ chỉ đạo cuộc họp?” . Anh ta ngang ngạnh: “Ông cần tôn trọng người khác, tôi không ở trong đoàn Thanh tra nhưng tôi có nhiệm vụ” .

Tôi phản ứng: “Ngay khi đầu đến nay, anh chưa giới thiệu anh là ai, chức vụ gì, thành phần nào mà dám vào chỉ đạo ở cuộc họp này nghĩa là anh đã chưa biết tôn trọng người khác. Nếu anh có nhiệm vụ, yêu cầu công khai giới thiệu danh tính. Nếu anh không thuộc thành phần làm việc ngày hôm nay, đề nghị anh ra ngoài. Chúng tôi không chấp nhận một cuộc họp mà có người không danh tính đến đây chỉ đạo. Nhỡ nếu có ông xe ôm nào chạy vào chỉ đạo cuộc họp này thì sẽ ra sao”?

Anh ta bảo: “Tôi nói cho anh Vinh biết, tôi biết anh ở đâu, về hộ khẩu, anh không thuộc giáo xứ Thái Hà” .

Ngay lập tức, anh Mạnh giáo dân và tôi hỏi lại: “Anh có biết thế nào là giáo dân giáo xứ không? Anh có biết giáo hội là gì không? Chúng tôi không phân biệt bất cứ hộ khẩu hay tạm trú, đâu có nhà thờ, nhà xứ là nhà chúng tôi. Nếu nói như anh, thì những người ở Vĩnh phúc, ở Miền Nam, ở Hà Nam… lên Hà Nội là không được đi tham dự sinh hoạt tôn giáo sao”?

Chắc anh ta nhầm tưởng rằng Giáo hội cũng như nơi cơ quan anh ta nhận lương bổng, nên cũng có cách quản lý bằng lý lịch và hộ khẩu như thế?

Quả thật, các cán bộ thời nay muốn làm ông chủ, quản lý nhân dân, nhưng họ thiếu hiểu biết nhiều về nhân dân mình. Những hành xử vừa qua của chính quyền Hà Nội với giáo dân, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác làm cho sự việc ngày càng trầm trọng, chính là vì họ thiếu thông tin về giáo dân. Dù họ có Ban này, Viện nọ, với cả hàng đống công an tôn giáo, công an nọ kia, đủ cả nhưng thông tin đầy đủ về giáo dân thì chắc họ thiếu họ mới làm thế. Nếu có đủ, tôi tin họ có cách hành xử khác nhiều khi không mang nặng một tư tưởng thù địch với tôn giáo.

Ông Trưởng đoàn nhận: “Anh ta làm việc cho tôi” .

Tôi phản đối: “Dù anh ta có làm việc cho anh, trong cuộc họp cũng phải công khai tên tuổi. Còn nếu anh là trưởng đoàn mà không đủ năng lực để làm việc, thì anh cần có ủy quyền”.

Cuối cùng thi ông trưởng đoàn mời anh ta ngồi phía sau nhưng nhất định không công khai anh ta là ai.

Phần biên bản, phía giáo xứ đề nghị:

Thứ nhất: Các yêu cầu về thành phần đoàn thanh tra, có giáo dân, giáo sĩ giáo xứ và Giáo phận tham gia. Những yêu cầu này phải được trả lời bằng văn bản trước khi đoàn Thanh tra bắt tay vào việc.

-Thứ hai: Phản đối cách làm việc của Trưởng đoàn Thanh tra, không tôn trọng nhân dân, làm việc hống hách và thiếu minh bạch.

-Thứ ba: Đất đai của chúng tôi, không phải bàn cãi, đề nghị phía nhà nước cho biết cơ quan nào đã vào xâm chiếm ngang ngược đất của chúng tôi, và yêu cầu thu dọn có thời hạn để chúng tôi thu hồi vì đất này chúng tôi vẫn quản lý. Không thể để tình trạng kéo dài việc ngang nhiên xâm chiếm đất của chúng tôi trái pháp luật, coi thường kỷ cương và làm mất an ninh khu vực. Chúng tôi đã làm theo các quy định của pháp luật và đề nghị các cơ quan nhà nước phải làm theo đúng pháp luật.

Trong khi làm biên bản chuẩn bị ký, phía Giáo xứ Thái Hà yêu cầu có một bản mang về, ông trưởng đoàn đã hứa đồng ý.

Vậy nhưng, khi ra ngoài nhận chỉ thị anh ta đã quay ngoắt 180 độ làm những người trong phòng cũng sửng sốt trước sự bất nhất của anh ta.

Sau khi linh mục Khải viết vào biên bản các yêu cầu của Giáo xứ, anh ta mang về sai một người khác: “xóa chỗ này, thêm chỗ kia” rồi giữ rịt để yêu cầu mọi người nghe đọc.

Giáo xứ phản đối quyết liệt, nhưng anh ta sau khi xin chỉ thị thì vẫn khăng khăng “chúng tôi sẽ đưa vào sau” .

Cuối cùng, để vấn đề được đơn giản, chúng tôi yêu cầu anh ta cho chúng tôi chụp lại văn bản đó để đảm bảo rằng nội dung không bị sửa chữa. Nhưng anh ta không chấp nhận và từ khi đó trở đi, anh ta giữ rịt lấy cái biên bản đã được sửa chữa rồi tuyên bố giải tán cuộc họp.

Tất cả mọi người phía Giáo xứ đều phản ứng, hiền lành như linh mục Nguyễn Văn Thật cũng đứng dậy tuyên bố: ”Các ông đánh lừa tất cả chúng tôi, các ông gọi chúng tôi đến đây, mưa gió bão bùng để các ông lừa bịp viết nhăng viết cuội à? Những kẻ sống ác đức sẽ bị trời quả báo” .

Một tiếng sét như xé mang tai, tia chớp làm ánh sáng lọt vào phòng như một lưỡi lửa làm mọi người giật mình, ngoài kia mưa nặng hạt, các giáo dân càng cất cao tiếng hát và tiếng hô “Quan tham trả đất nhà thờ” vọng vào nơi chúng tôi ngồi nghe đến xót ruột.

Ông trưởng đoàn cứ cù nhầy nhất định không giao biên bản, cũng không để cho chụp hình, đồng thời ông chỉ giữ ông đọc cho mọi người nghe hoặc sai lính của ông đọc mà thôi.

Biết tình hình không thế khác khi đã có chỉ thị, các giáo dân, tu sĩ và linh mục đành yêu cầu kiên quyết hủy biên bản. Nhưng ông trưởng đoàn vẫn kiên quyết giải tán cuộc họp mà bất chấp ý kiến phản đối.

Sau khi ngồi khá lâu, yêu cầu được đọc lại biên bản, nếu không đồng ý chỗ nào thì bỏ, giáo xứ đành phải hủy biên bản đó bằng những dòng gạch chéo khi không được ký biên bản và đọc nội dung cũng như không có gì đảm bảo là sẽ không bị sửa chữa làm sai lệch.

Chúng tôi ra về sau một buổi làm việc đầy thất vọng khi nhìn thấy cách làm việc của những cán bộ, “đầy tớ của nhân dân”.

Trước khi vào phòng họp, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đã hỏi: “Các anh đến họp có chỉ thị gì không? Nếu đã có chỉ thị thì chúng tôi về. Thanh tra là phải khách quan mới tìm ra được sự thật”.

Ông ta đã trả lời là không có.

Vậy nhưng, chỉ sau một lúc, ông ta đã xin nghỉ để xin chỉ thị, và sau khi xin chỉ thị thì ông ta quay ngược những điều ông đã hứa mà không hề thấy ông tỏ ý xấu hổ.

Thật là lạ cho sự xấu hổ của quan chức giờ biến đi đâu hết cả. Hèn chi trong thiên hạ có câu ca “Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì/ Nếu có phòng bì, thì lại thanh kiu” .

Chúng tôi nghĩ mãi mà chưa hiểu, không biết có bạn đọc nào hiểu được sự bất nhất, không minh bạch dù chỉ một tờ biên bản của ông trưởng đoàn thanh tra Quận Đống Đa này có ý nghĩa gì không?

Nếu chỉ mới một tờ biên bản, anh ta đã không thể minh bạch, thì hỏi có ai tin những cuộc thanh tra của ông và những người như ông đảm bảo sự khách quan?

Và một điều nữa, là “quan thanh tra” nhưng ông không theo các quy định cần có khi làm việc, mà anh ta lại làm theo một sự chỉ đạo nào đó khi anh phải chạy ra chạy vào nhiều lần trong buổi họp.

Giáo xứ Thái Hà có thể trông chờ vào công lý ở đây hay không thì họ đã hiểu, vì họ đã có kinh nghiệm của đoàn thanh tra trước đây về khu đất nay đã là vườn hoa. Đoàn Thanh tra đó, chưa một lần đến gặp nhà thờ là chủ thể khiếu nại, nhưng đã có những kết luận mà đọc lên, không chỉ giáo dân mà một người không bình thường cũng đã thấy được trò ma giáo.

Một cuộc họp có nhiều điều không bình thường, một màn kịch vụng, một kép hát tồi. Những kép hát và vở kịch này càng được diễn, thì bộ mặt của chủ gánh hát ngày càng lộ ra trước mắt thiên hạ mà thôi.

Hà Nội, Ngày 16 tháng 6 năm 2009
 
Đâu là chân tướng thực trong vụ bắt LS Lê Công Định
Văn Minh - X-Cafe
07:50 17/06/2009
Vụ bắt LS Lê Công Định quả là gây "sốc" lớn cho giới trí thức VN, như lời của một người đồng nhiệm với LS trên BBC.

Sốc vì LS Lê Công Định là người có tiếng tăm, có học thức trong xã hội, chưa hề bị răn đe về các hành động khiêu khích chính quyền, và chưa hề có hành động nào lộ rõ là chống đối chính quyền, ngoài các phản ứng thông thường về các sự kiện bất bình trong xã hội. Có thể nói, LS Lê Công Định có đến 8, 9 phần giống như mọi trí thức trẻ khác, mang tinh thần cấp tiến, yêu nước, yêu chuộng công lý và tự do, - Hay nói cách khác, LS Lê Công Định là hình mẫu thành đạt của thanh niên Việt Nam ngày nay, là kiểu mẫu thế hệ trẻ mà giới trí thức mong muốn để chấn hưng đất nước.

Vậy tại sao LS Lê Công Định bị bắt - với lời buộc tội to đùng là "âm mưu lật đổ chế độ" nhưng chỉ bị bắt một mình, với những hồ sơ giấy tở thể hiện quan điểm riêng, không cổ võ bạo lực, chưa được phát tán, và thực sự không thể có hại gì đến an ninh quốc gia?

Hiển nhiên, ngoài các nhân vật chóp bu ra, không ai có thể biết được chân tướng thực sự của vụ bắt bớ này. Tuy nhiên, đây lại là điểm chúng ta, thế hệ trẻ tiến bộ, cần biết nhất, để có thêm sự hiểu biết về đất nước mà chúng ta đang sinh sống, để thấy được những việc từng cá nhân sẽ phải làm giúp đất nước vượt qua các khó khăn, tiến lên con đường văn minh, dân chủ.

Với vị trí người ngoài cuộc, tôi chỉ có thể đưa ra các suy luận của mình dựa trên các thông tin có được và kinh nghiệm sống. Hy vọng các bạn ở các vị trí thuận lợi khác sẽ cung cấp thêm thông tin để ta cùng thấu hiểu chân tướng thực của vụ bắt người rất đáng quan tâm - này.

Theo lô gích thông thường của bên An Ninh thì chưa đến mức phải tiến hành bắt khẩn cấp LS Lê Công Định, vì nguy cơ với an ninh quốc gia chưa thể hiện rõ ràng. Tất cả những chứng cứ đưa ra chỉ là tài liệu, quan điểm đấu tranh ôn hòa, dựa trên lý lẽ, dù không có lợi cho chính thể hiện nay, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, và do đó không thể có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Thời điểm bắt cũng rất phi lô gích khi Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa trên biển, Quốc Hội và Chính Phủ thì đang nóng lên về các chính sách và vấn đề điều hành phát triển kinh tế, với các ý kiến nhiều chiều.

Nếu thực sự nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, bên An Ninh cần tìm cách giảm bớt xung đột chính trị xã hội trong nước, để tăng cường đòan kết, ổn định tinh thần tư tưởng nhân dân lao động và giới trí thức.

Nếu thực sự LS Lê Công Định là đối tượng quá nguy hiểm với an ninh quốc gia, vì sự ổn định xã hội, bên An Ninh có thể cô lập đối tượng này thông qua việc giám sát chặt hơn các đối tượng “tay chân” có ít tên tuổi xã hội hơn. Đồng thời, thông qua hệ thống truyền thông, từng bước hạ thấp uy tín xã hội và chuyên môn của LS Lê Công Định để việc bắt người không gây sốc nhiều cho dư luận, như trường hợp của Cha Lý.

Với những lời buộc tội nghiêm trọng “tổ chức lật đổ chế độ vào năm 2010”, thì việc chỉ bắt được mình LS Lê Công Định với một số tài liệu kêu gọi đấu tranh dân chủ bất bạo động là rất không tương xứng. Thông thường, bên An Ninh sẽ kiên nhẫn chờ lâu hơn một chút, để ra tay bắt luôn một mẻ lưới lớn khi các lãnh tụ của phong trào bắt đầu gặp gỡ và xúc tiến các công việc cụ thể. Ít nhất việc đó giúp họ luận tội rõ ràng hơn, chưng ra được chứng cứ cụ thể hơn, và giúp họ có thành tích to tát hơn.

Trong mối quan hệ với quốc tế, Việt Nam thừa biết rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ thường là chủ đề bị công kích nhiều nhất, nhất là tại Mỹ và châu Âu. Để hình ảnh đất nước tốt hơn, quan hệ làm ăn đỡ có vấn đề, đương nhiên phải hạn chế tối đa những hành động có thể bị thế giới coi là vi phạm nhân quyền và dân chủ. Bắt đột ngột (khẩn cấp) một LS trẻ, tài năng, có tiếng trong các vụ bảo vệ nhân quyền và dân chủ, với các lý do mơ hồ, là một việc làm không thể tồi hơn để bôi nhọ thành tích nhân quyền và dân chủ của Việt Nam, trong một thời điểm Việt Nam cần nó hơn bao giờ hết.

Với nhiều điểm bất thường như vậy, có thể sơ bộ kết luận rằng vụ bắt LS Lê Công Định không xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tính cấp thiết của sự việc. Vụ bắt này cũng hòan tòan không phản ánh quan điểm bảo vệ an ninh truyền thống của Đảng và Nhà Nước trong tình hình mới, vốn đề cao ổn định xã hội và chỉ tiến hành bắt khi đó là cách duy nhất để duy trì trật tự và ổn định xã hội.

Hiện tượng trên nghiêng về giả thuyết rằng việc bắt LS Lê Công Định là phản ứng của một nhóm lợi ích đang thâu tóm một số quyền trong trong nội bộ Đảng và Nhà Nước, nhằm cứu vãn những kế họach của họ hiện đang bị trào lưu phát triển của xã hội đe dọa.

Thông qua việc bắt LS Lê Công Định với lời buộc tội hàm hồ về “một kế họach lật đổ chính quyền vào năm 2010” nhóm này muốn đánh tiếng với giới đương chức về nguy cơ có thực của “diễn biến hòa bình” như là mối nguy cơ chung để họ giảm bớt nhiệt tình đấu tranh, cải cách, châm chước cho các sai phạm của nhau, gia tăng đòan kết nội bộ. Có lẽ các Đại biểu Quốc Hội là những đối tượng chính của thông điệp này. Mặt khác, như là một lô gích của sự phòng vệ, sự kiện này sẽ giúp bên An Ninh sự chính danh để can thiệp sâu hơn, mạnh hơn tới các tư tưởng cáo buộc lãnh tụ, Đảng, Nhà Nước, dưới danh nghĩa bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia. Các chỉ trích về vụ bê bối Bô xít, tham nhũng, năng lực điều hành, tham nhũng, … vì thế sẽ giảm đi.

Khi việc bắt LS Lê Công Định gây sự phẫn nộ ở các nước dân chủ Phương Tây (chắc chắn không thể không tạo ra sự phẫn nộ), điều này có nghĩa rằng Việt Nam đang tách xa dần quỹ đạo Phương Tây. Muốn lại gần Trung Quốc hơn, không có việc gì tốt hơn là có xung đột với Phương Tây.

Vụ bắt LS Lê Công Định đang được sử dụng như một công cụ để minh chứng cho các quan chức sự nguy hiểm của “diễn biến hòa bình”, quan điểm luôn “thù địch” và “chống đối” của các nước Phương Tây với Việt Nam – vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ chế độ trong tương lai không xa (2010).

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng giữa sự lựa chọn: một là ngả theo Trung Quốc gần để tránh đối đầu và giữ yên chế độ; hai là thúc đẩy cải cách phát triển theo các tiêu chí văn minh phương Tây và thế giới, nhưng với nguy cơ sụp đổ chế độ; - thông điệp mà vụ bắt LS Lê Công Định thực sự rất có ý nghĩa trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tiến hành khống chế xã hội trên tư duy lợi ích nhóm, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ làm xã hội, nhất là giới trí thức, thêm “sốc”, suy giảm niềm tin, hoang mang hơn, về các giá trị đạo đức tinh thần thực sự mà chế độ này đang hướng tới. Cùng với những vụ đình đám như PMU 18, tham nhũng vốn FDI, Bô xít Tây Nguyên, bắt phóng viên đưa tin, vụ Công Giáo, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ càng làm lộ rõ hơn những mặt thối nát của chính quyền hiện tại.

Có thể nói, vụ bắt LS Lê Công Định, vì toan tính nhỏ hẹp trên tư duy lợi ích nhóm, không vì lợi ích quốc gia, đang gây chia rẽ xã hội và đẩy giới trí thức Việt Nam ra xa chính quyền hơn lúc nào hết. Nếu nhân cơ hội này giới trí thức ra tăng đấu tranh để tạo thêm nhiều vụ bắt bớ nữa thì có thể nhân gấp bội sự bất bình của xã hội, mào đầu cho các thay đổi tích cực theo hướng tôn trọng sự thật, nhân quyền.

(Nguồn: http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=27361)
 
Tổ quốc lâm nguy - Sơn hà nguy biến
Lê Dân Việt
16:17 17/06/2009

TỔ QUỐC LÂM NGUY- SƠN HÀ NGUY BIẾN



I. BẢN CHẤT GIAN ÁC CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN:

Ai cũng biết chính quyền cộng sản Việt Nam là một chính quyền độc tôn, độc đảng, độc đoán, độc tài và độc ác… Đảng cộng sản vô thần đó lại lãnh đạo cả tư pháp, lập pháp và hành pháp. Lại đứng lên trên cả luật pháp và hiến pháp, và vì thế chúng tha hồ thao túng, bắt bớ, ăn cướp, ăn cắp, bóc lột, trấn áp, vu khống, chụp mũ, cắt xén, xuyên tạc, gian lận, gian xảo, lưu manh, xảo trá, lật lọng, tráo trở, lừa dối, dùng cả bọn du thử, du thực, sì ke, ma túy, cao bồi, du đảng…để làm những chuyện mờ ám, đập phá, đánh người, dùng những lời lẽ thô tục, bẩn thỉu, với những việc làm tồi bại, để cùng đảng làm những chuyện tán tận lương tâm để đạt mục đích xấu xa của đảng đề ra. Nếu cần thì quốc hội bù nhìn đưa ra những nghị quyết, luật mới cho phù hợp với ý đồ của đảng, rồi cùng với luật rừng để ăn cướp tài sản, đất đai, nhà cửa của dân, của hội đoàn, của đoàn thể, của tổ đình, của tôn giáo, ăn cướp cả ngày lẫn đêm mà vẫn hợp pháp và được bọn công an bảo kê như thường.

Đất nước ta, nhân dân càng ngày càng nghèo nàn lạc hậu, tệ nạn xã hội đang hoành hành trên cả nước, trên mọi lãnh vực, đạo đức suy thoái, luân thường, đạo lý bị suy đồi, lòng dân ly tán. Lại bị bọn cường hào ác bá, tham nhũng, hối lộ, buôn người, đầu độc trẻ thơ vô tội vào con đường ô trọc vào con đường bán phấn buôn hương trong nước và trên xứ người, đưa chị em phụ nữ đi làm điếm, làm tôi mọi cho ngoại nhân, đưa công nhân làm ăn rồi bỏ chợ ở nước ngoài, rồi còn hùa với bọn chủ nhân ngoại quốc để đàn áp công nhân Việt Nam, phải dở khóc, dở chết nơi xứ người. Nạn quan liêu cửa quyền, ngang tàng, hống hách lan tràn khắp chốn, đời sống nhân dân thì nghèo khổ cơ hàn. Dân oan thì vô số, giáo oan thì vô kể. Pháp nạn và quốc nạn càng ngày càng tăng và càng tồi tệ và hiển nhiên hơn.

Chế độ cộng sản Việt Nam lại cam tâm bán rẻ quê hương, giang sơn của Đại Việt cho ngoại bang nên đất, biển của tổ tiên càng ngày càng mất mát dần, cho đến một ngày nào đó đất nước Việt Nam sẽ rơi vào tay Hán Tộc mà không biết. Những mất mát đó dần dần được thể hiện đầu tiên bằng công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958, dẫn tới ngày 11-1-1974 Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rồi bất thần ngày 14-1-1974, hải quân Trung Cộng tấn công đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, với một trận hải chiến quyết liệt, đẫm máu. Trong cuộc chiến đấu ấy, hải quân bắc việt đứng nhìn, hạm đội hải quân Hoa Kỳ án binh bất động, nhìn chiến hạm hải quân Việt Nam Cộng Hòa trúng hỏa lực Trung Cộng đang lặng lẽ chìm xuống dưới lòng đại dương mênh mông, mang theo những chiến sĩ oai hùng can đảm và bất khuất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc để bảo vệ toàn vẹn lãnh hải Việt Nam.

Tiếp đến cuộc chiến ở 6 tỉnh miền Bắc năm 1979 mà Trung Cộng ngạo mạn gọi là:” Dậy cho Việt Nam một bài học”. Sau khi rút về, coi như tự chiếm Ải Nam Quan và Thác Bản Dốc để rồi sau đó Nguyễn Công Phụng họp bàn ký biên giới Bắc Bộ đã phát biểu:” Ải Nam Quan chưa từng là của Việt Nam”. Ôi sao mà nhục nhã vô cùng cho đảng cộng sản Việt Nam khôn nhà dại chợ đến thế. Vua Hùng có công dựng nước còn bác cháu ta có công giữ nước là như vậy sao?

Kế đến năm 1988 hải quân Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa và bắn chết 64 bộ đội Việt Nam đang canh giữ ở đó.

Các hiệp ước phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 30-12-1999 và ngày 25-12-2000….Xem ra chỉ là những hình thức trò hề để hợp thức hóa cho những ý đồ xâm lăng, lấn chiếm thô bạo của đảng cộng sản đàn anh kẻ cả Trung Quốc. Thật sự lãnh địa, lãnh hải của tổ quốc Việt Nam đang bị mất dần bởi kẻ thù phương Bắc, trước sự hèn nhát, nhu nhược, những kẻ lãnh đạo chóp bu cộng sản Việt Nam đôi khi đã ngấm ngầm làm tay sai cho bọn ngoại bang?

Hiệp ước ký kết về vùng đánh cá chung giữa việt Nam và Trung Quốc ở các năm 2005, 2006…. Thế nhưng ngư dân Thanh Hóa, Nghệ An bắt cá trong vùng này, đã nhiều lần bị bộ đội Trung Quốc bắn chết, bắt những người bị thương, cướp ghe thuyền của ngư dân Việt Nam đem về giam giữ ở đảo Hải Nam Trung Cộng. Trong tình cảnh ngư dân bị đau khổ và mất mát về người và của như vậy, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ lên tiếng lấy lệ, không hề có động thái tích cực, để bênh vực quyền lợi đúng đắn cho ngư dân của mình trước hành động thô bạo của Trung Cộng. Trong lúc đó đón tiếp phái đoàn Trung Quốc còn mở miệng ca ngợi tình hữu nghị Việt -Trung mãi mãi tốt đẹp. Điều này chứng tỏ đảng cộng sản Việt Nam hèn nhát và nhu nhược. Đã đánh mất uy quyền bảo vệ dân, đại diện cho dân, bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải tổ quốc Việt Nam!!!

Mới đây cộng sản Trung Quốc lại ngang nhiên cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận của mình từ ngày 16-5-2009 đến ngày 1-8-2009, và đã điều nhiều tàu Trung Quốc đến tuần tra, để theo dõi, giám sát khu vực rộng hơn 128 ngàn Km vuông, tại biển Đông thuộc hải phận Việt Nam, mà đảng cộng sản Việt Nam chỉ phản ứng một cách yếu ớt, hời hợt cho có lệ qua đề nghị của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn, để Trung Quốc phản hồi việc cấm đánh bắt cá đó là:” Biện pháp hành chánh thông thường và đúng đắn”, đã làm cho hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam phải nằm ụ, nằm bờ, không dám ra khơi vì sợ Trung Quốc còn hơn là sợ hải tặc, sợ bão táp, phong ba. Không nằm bờ sao được, khi ra khơi mưu sinh tìm sự sống thì bị tàu lạ đâm chìm, bắt bớ, bắn chết, lại bị cướp hết cả cá, bị hút hết xăng dầu, bị đuổi cho chạy đến mức không còn gì nữa, và cứ thế lênh đênh trên biển cả hàng tháng trời. Ôi đau khổ cho ngư dân Việt Nam đến cỡ nào!!!

Nay lại để cho Tàu khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, đảng cộng sản Việt Nam đã rước Trung Cộng vào căn cứ địa trên nóc nhà của dân tộc Việt Nam, thì vấn đề mất nước chỉ còn là thời gian. Đứng trước hiểm họa nước mất, nhà tan…nhiều tướng lãnh, những nhà khoa học, trí thức, thân hào nhân sĩ yêu nước, nhà văn, nhà thơ, đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, kiêm viện trưởng viện Hóa Đạo GHPGVNTN, ngày 29-3-2009 đã ban hành lời kêu gọi tháng 5 bất tuân dân sự và biểu tình tại gia nhằm hai mục đích:

1. Cảnh tỉnh nhà nước Việt Nam trước hiểm họa xâm lược, bành trướng của Trung Quốc, mà nguy hiểm nhất là việc khai thác Bauxite Tây Nguyên, nơi mà tập đoàn công nhân Trung Quốc đến cư ngụ cả hàng chục ngàn người qua kiểm soát của chính quyền Việt Nam.

2. Cảnh báo cho toàn dân nguy cơ mất nước, mỗi người dân biểu thị quyền công dân hợp pháp của mình để buộc nhà nước phải ngưng ngay các hành động thiếu cảnh giác, nếu không muốn nói là bán đứng tổ quốc, bán đứng dân tộc cho kẻ thù truyền kiếp.

Cũng như linh mục Lê Quang Uy đã lên tiếng kêu gọi:” Hãy cứu Tây Nguyên khỏi thảm họa Bauxite”. Nhưng thực chất có thể là ngài muốn cứu dân tộc Việt Nam khỏi rơi vào tay Hán Tộc.

Học sinh, sinh viên những người yêu nước biểu tình chống Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc Việt Nam với biểu ngữ” Đả đảo cộng sản Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa, và Trường Sa của dân tộc Việt Nam” thì bị công an Việt Nam bắt bớ, đánh đập, trù dập, một cách tàn bạo. Ôi có một chế độ nào mà lại đàn áp nhân dân của mình biểu tình chống đối bọn ngoại nhân cướp nước như vậy đâu!!!? Như vậy với băng rôn chống Trung Cộng cướp đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì bị bắt, bị đàn áp. Chứ bây giờ ghi lại là:” Hoan hô Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc Việt Nam muôn năm” thì chắc chắn công an cộng sản Việt Nam để cho tự do, tha hồ mà hoan hô với chủ trương nhất quán của ban lãnh đạo trung ương đảng cộng sản Việt Nam thối nát ở Ba Đình Hà Nội chỉ đạo đã ngấm ngầm đồng tình ủng hộ bọn bành trướng Bắc Kinh. Ôi có một chế độ nào mà tồi tệ, nhu nhược, hèn kém đến như vậy đâu. Với những việc làm tồi tệ như trên, đã chứng tỏ đảng cộng sản Việt Nam không còn đủ tư cách để lãnh đạo dân tộc và đất nước này nữa.

II.- CÔNG GIÁO CÙNG CÁC TÔN GIÁO KHÁC ĐÃ NHẬP CUỘC:

Là người công giáo lấy phúc âm làm căn bản, mục đích để sống. Thiên Chúa là vua tình yêu. Chúa Giêsu đã từ bỏ trời cao, xuống thế làm người, chịu hy sinh, chịu chết để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại. Có nghĩa là qua giá máu của Ngài, tội tổ tông, tội nguyên thủy của loài người đã được tha. Tình yêu Thiên Chúa còn được thể hiện chính trên cây thánh giá, Chúa Giêsu trước khi tắt hơi thở cuối cùng, đã mở miệng xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình, vì chúng lầm không biết. Nếu Thiên Chúa trong cựu ước mang hình ảnh trừng phạt nhãn tiền, cho những ai phạm tội. Thì trong tân ước cho thấy Thiên Chúa là một người Cha nhân từ, sẵn sàng tha thứ.

Tuy nhiên có những sự kiện mà chúng ta cần ghi nhận và suy nghĩ là khi Chúa Giêsu vào đền thờ, thì thầy nhiều người đã biến nơi thợ phượng làm nơi buôn bán…Chúa Giêsu đã giận dữ, dùng dây roi quất, hất tung bàn ghế, và xua đuổi họ và nói rằng:” Nhà Cha ta là nhà cầu nguyện, chứ không phải là nhà buôn bán’. Như vậy những ai phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Thượng Đế. Những ai nguyền rủa, kinh miệt, nhạo báng Thiên Chúa toàn năng, Thượng Đế Tối Thượng thì chúng ta cũng không thể tha thứ cho họ được.

Có một lớp người, mà Chúa Giêsu thường lên án họ là bọn Pharisiêu giả hình, qua những lời Chúa nói với những người này như sau:” Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình, và gian ác”( Mt. 23,27-28).

Thiên Chúa đã cho con người quyền tự do, ngay cả tự do chối bỏ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa vẫn tôn trọng việc đó. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho những ai lầm lỡ, những ai phạm tội, những việc làm gian ác…nếu biết thống hối, ăn năn thật lòng như tên trộm lành, và thực tâm trở lại con đường ngay chính, con đường sự thật…, thì Thiên Chúa sẽ rộng lượng tha thứ.

Nhưng Thiên Chúa sẽ không tha cho những ai cố chấp, dám phạm thượng phỉ báng, ngạo mạn đến Thiên Chúa Toàn Năng bằng ngôn từ( như: Thằng Trời dẹp lại một bên để cho thủy lợi vươn lên thay Trời…v.v..), hay bằng hành động đập phá tượng Chúa, Đức Mẹ, phá sập nhà thờ, bàn Thánh, nhà nguyện, vấy bẩn những nước phế thải hôi hám lên bàn thờ, lên tượng Chúa và Đức Mẹ như cộng sản đã làm ở Đồng Đinh, ở Thái Hà, ở tòa Khâm Sứ…

Là người công giáo sống theo phúc âm, sống theo gương Chúa Giêsu yêu thương mọi người giữa thế gian, chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những người gian ác, những người cộng sản lầm đường lạc lối, những người cộng sản thời cơ, vì muốn thăng quan tiến chức trên con đường hoạn lộ nên đã vào đảng, hay vì sự sống của bản thân, của gia đình là những người lãnh đạo, công an, bộ đội, công viên chức nhà nước….Chúng ta sẽ thường xuyên cầu nguyện cho họ, để họ sớm thức tỉnh để trở về con đường ngay chính, công lý, chính trực, trở thành con người tốt cho đời, cho xã hội, cho tôn giáo. Chúng ta không bao giờ thù oán và ghét bỏ họ. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ cầu nguyện và tha thứ cho một chủ nghĩa, một chế độ mà bản chất của nó là chống Chúa, dám phạm thượng đến Thượng Đế Toàn Năng. Một chủ thuyết mà cốt lõi là vô thần và bản chất của nó là chống Chúa, là gian ác, bất nhân, với mọi người, nhất là những người nghèo khổ như dân oan….Như vậy người công giáo đứng trước chủ nghĩa cộng sản, chúng ta biết sẽ phải làm gì cho đúng với ý của Thiên Chúa toàn năng. Khi đứng trước những con người chóp bu, đầu não cuồng tín, muốn giữ chế độ độc tài, độc đoán, độc quyền, độc đảng đó tồn tại để tiếp tục chống Chúa, chống Phật, chống Thần Linh, và tiếp tục làm những chuyện tồi bại, xấu xa, bất nhân cho tôn giáo và dân tộc.

Khi tổ quốc lâm nguy, đứng trước nạn xâm lăng, thì mọi người không phân biệt chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, tuổi tác, nam hay nữ phải đứng lên chung vai, sát cánh để làm tròn bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam.

Trong tinh thần đó, ngày 19-4-2009 liên hiệp truyền thông công giáo ký tên bởi những linh mục trách nhiệm truyền thông như: Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, giám đốc Radio Veritas Asia; linh mục John Trần Công Nghị giám đốc Vietcatholic news; linh mục Nguyễn Đức Việt Châu chủ nhiệm dân Chúa Mỹ Châu; linh mục Stephen bùi Trọng Lư, chủ nhiệm dân Chúa Âu Châu; linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, chủ nhiệm dân Chúa Úc Châu; linh mục Paul Văn Chi, giám đốc phát thanh tin mừng bình an…với lời kêu gọi:” Chúng tôi kêu gọi tất cả đồng bào Việt Nam, đặc biệt đồng bào công giáo trong và ngoài nước, bao gồm các vị giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, và toàn thể giáo dân, bằng mọi cách và bằng mọi phương tiện, phổ biến tin tức đất nước yêu qúi và tài nguyên giá trị của Việt Nam đang bị đảng cộng sản hiến dâng cho Trung Quốc. Cụ thể nhất là hãy ủng hộ tất cả những lời kêu gọi của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào kêu gọi đảng cộng sản Việt Nam phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thồ, lãnh hải, và môi trường sinh thái, để 80 triệu người dân Việt Nam được sống trong an bình, đất nước không bị đế quốc Tàu xâm chiếm”.

Với thư mục vụ ngày 31-5-2009 hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã lên tiếng hiệp thông Công Giáo vào cuộc tranh đấu chung trước những nguy cơ cho đất nước, ngài viết:” Trong những sự kiện như vụ việc Vedan và khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, đã có nhiều tiếng nói, được gióng lên trên báo chí, và các phương tiện truyền thông khác. Đây là dấu chỉ lành mạnh của một xã hội dân chủ, trong đó người dân ý thức trách nhiệm tham gia vào tiến trình quyết định về những vấn đề liên quan đến đời sống của họ và của đất nước. Là người công giáo, chúng ta ý thức rằng việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng văn minh là trách nhiệm gắn liên với niềm tin Kitô Giáo của mình”.

Trong lời kêu gọi các giám mục, linh mục thức tỉnh, đức cha Nguyễn Văn Khảm nhân dịp tấn phong giám mục Nguyễn Văn Bản, giám mục Ban Mê Thuột, với sự hiện diện của 20 giám mục, 700 linh mục và tu sĩ ngài đã mạnh dạn nói:” Mỗi người kể cả giám mục và linh mục, có những lúc sống trong mù lòa, và mất tự do….Bản thân giám mục, cũng có thể bị giam giữ trong ngục thất vô hình”.

Trong tinh thần dân tộc, đứng trước những bức xúc của toàn dân đòi công lý, sự thật, lẽ phải, công bằng…hội đồng giám mục Việt Nam cũng đã lên tiếng:” Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không thể đứng bên lề xã hội…”

Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt viết:” …Hôm nay, Chúa Thánh Thần đến gõ cửa vào những cánh cửa đó. Ta rất ngại mở những cánh cửa đó ra. Ta rất sợ Chúa Thánh thần đến sẽ làm ta mất tất cả. Đừng sợ, hãy mạnh dạn mở tất cả những cánh cửa đó ra cho Chúa Thánh Thần ùa vào. Ngài sẽ đem đến sự thông thoáng làm cho linh hồn, ta được hít thở bầu khí đạo đức lành mạnh. Ngài sẽ phá tan những xiềng xích của ma quỉ, xác thịt thế gian, trói buộc, giam hãm linh hồn để ta được hoàn toàn tự do. Ta sẽ không mất gì mà sẽ được tất cả. Đời sống ta sẽ trở nên phong phú vì trong tự do của Chúa Thánh Thần, ta sẽ triển nở đến vô biên, sẽ đạt tới tầm vóc viên mãn”. Và câu nói bất hủ của đức tổng Ngô Quang Kiệt mà những người Việt Nam, nhất là những người công giáo muôn đời sẽ ghi nhớ đó là:” Nếu ai cầu nguyện bị đi tù, tôi đi thế” Ôi đức tổng Kiệt chúng ta đúng là một vị chủ chăn đáng kính, đã dám hy sinh hạnh phúc của mình vì công lý….Và lời nói của ngài vẫn còn văng vẳng đâu đây:” Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải là cơ chế xin cho”. Tức cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Trong đấu tranh cho công lý, đức tổng chắc chắn sẽ gặp nhiều thiệt thòi, nhưng uy tín và danh tiếng của ngài sẽ được cả dân tộc Việt Nam sẽ muôn đời ghi nhớ. Ngài đã mất một số cái lợi trước mắt, nhưng ngài đã được tất cả, mà người công giáo chúng con rất hãnh diện về đức tổng.

Hoà thượng Thích Quảng Độ vì yêu thương người dân, yêu thương dân tộc, đã lặn lội đi cứu nạn lụt ở miền Trung, miền Nam thì bị cộng sản cấm đoán, cứu tế lương thực cho những người dân oan đi khiếu kiện thì bị cho là tiếp tay với tụi phản động. Đi thăm đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang trước đây khi còn sống ở Bình Định thì không cho. Đất nước đang bị mất đất, mất biển ngài không ngại lên tiếng kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh để lấy lại. Nay cộng sản Việt Nam lại đưa Trung Cộng vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, hòa thượng đã đứng lên kêu gọi tháng 5 bất tuân dân sự và biểu tình tại gia, để như một hình thức chống đối đảng cộng sản Việt Nam nhu nhược, hèn yếu hiện nay.

Một câu hỏi đặt ra có phải Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đứng lên đấu tranh cho công lý, cho sự thật, cho dân tộc. Còn các Giáo Hội Công Giáo ở các nước khác thì sao? Thưa là các tôn giáo ở những nước khác cũng như vậy.

Cụ thể là đức giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ II, theo lời trần thuật của ông Wojciech Adamiecki chủ bút và là điều hành tờ báo bí mật của công đoàn Đoàn Kết Ba Lan năm 1992, là cố vấn cho toà đại sứ Ba Lan tại Washington phát biểu:” Chính thức ra chúng tôi không biết đức giáo hoàng đang hợp tác với Hoa Kỳ. chúng tôi nghe nói: Đức giáo hoàng cảnh báo Sô Viết rằng nếu họ tiến vào Ba Lan, thì ngài sẽ bay về Ba Lan ở với dân chúng để đấu tranh…”

Cố đức tổng giám mục Oscar Romeo( 1917-1980) một vị tử đạo của châu Mỹ La Tinh, ngài đã từng nói:” Ngày nay là một Kitô hữu, có nghĩa là phải can đảm rao giảng, loan báo giáo huấn đích thực của Chúa Giêsu và không sợ hãi rao giảng”. Và trong một bài giảng ngài đã khẳng khái nói:” Thần khí sự thật ban cho giáo hội sức mạnh rao giảng, viết bài, nói trên phát thanh, để nói lên sức mạnh chân lý đối diện với những lời dối trá, để không né tránh những chuyện phải làm. Bách hại là chuyện cần thiết cho giáo hội. Tại sao thế? Chỉ vì chân lý thường luôn bị bách hại”. Vì ngài đã tìm thấy nơi những người nghèo khổ tiếng nói ngôn sứ, ngài đã khám phá ra tiếng nói của dân tộc, và những đòi hỏi của lịch sử muốn ngài phải hành động trong thánh thiện của một vị chủ chăn. Chính vì sự đấu tranh của ngài như vậy, cho nên đức tổng giám mục Oscar Romero đã ngã dưới lằn đạn của chính phủ quân phiệt El Salvador, đang khi ngài cử hành thánh lễ tại ngôi nguyện đường bệnh viện Chúa Quan Phòng.

Cũng như đức hồng y F. Tomasek là tổng giám mục Praha, Tiệp Khắc viết:” Đồng bào thân mến, tôi ngõ lời với anh chị em vài giờ sau khi tôi trở về từ Rôma, nơi tôi tham dự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước Anê miền Bohêmia. Thánh nữ là công chúa, mặc dù tu trong đan viện, vì lòng mến Chúa yêu người, nhưng ngài không ngừng ở cạnh dân mình trong những giờ phút vinh quang cũng như trong những lúc tủi nhục. Về phần tôi, tôi cũng không thể nào tỏ ra xa lạ với định mệnh quốc gia của tôi và toàn thể đồng bào đất nước tôi. Tôi không thể im lặng trong lúc tất cả anh chị em đang hiệp lực với nhau để phản đối những bất công mà anh chị em phải chịu từ 40 năm nay…

Người ta không thể duy trì lòng tín nhiệm đối với giới lãnh đạo quốc gia. Không muốn nói sự thật và chối bỏ các quyền lợi và các quyền tự do của nhân dân. Với truyền thống có từ hàng ngàn năm nay, những quyền này vẫn được coi là những quyền bình thường trong những quốc gia, trẻ trung hơn đất nước chúng ta. Tôi muốn soi sáng tình trạng xã hội của chúng ta qua những kinh nghiệm của giáo hội công giáo của đất nước này. Đã bao nhiêu lần giáo hội gửi đến nhà nước những lời khiếu nại và thỉnh cầu, nhưng nhà nước đều không thèm đếm xỉa gì đến….”

Đức hồng y F. Tomasek kiêm giáo chủ công giáo miền Bohêmia, Tiệp Khắc đã viết tiếp:” …Về phần chúng ta, chúng ta không thể nào chờ đợi được nữa. Bây giờ cần phải ra tay hành động. Chúng ta cần có một chính phủ dân chủ, nếu không thì chúng ta không thể nào thành công trong việc chận đứng những tai họa về môi sinh và những tai ương khác. Tất cả những người có điều kiện muốn nói với chúng ta, họ phải có điều kiện, muốn nói với chúng ta, họ phải được phát biểu tự do, để chúng ta chọn lựa từ nơi họ một chính phủ cùng tiến bước với chúng ta, chứ không phải chống lại chúng ta.

Các bạn thân mến,

Chúng tôi hợp sức với các bạn, các bạn là những người đang kêu gào công bằng cho tất cả mọi người. với lòng biết ơn và kính trọng, tôi hướng lòng về các nạn nhân của bạo lực tàn ác, lời Chúa Kitô được áp dụng cho các bạn:” Phúc cho những người đói khát vì sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa”.

Lời kêu gọi trừng trị những kẻ phạm tội ác là điều rất đúng. Tôi chỉ xin các bạn một điều này: Đó là tiếp tục theo đuổi con đường bất bạo động. Chúng ta tranh đấu cho sự thiện bằng những phương thế tốt. Qua kinh nghiệm của những kẻ áp bức chúng ta, chúng ta thấy được rằng những chiến thắng trong giận dữ, thù oán, tham lam, ham hố quyền lực, hống hách là những chiến thắng ngắn ngủi.

Hỡi các tín hữu công giáo và các linh mục, tôi cũng muốn ngỏ lời với tất cả anh chị em trong giờ phút quyết liệt này của lịch sử, chúng ta không ai trong anh chị em được đứng ngoài lề. Hãy lại lên tiếng, hợp với tất cả công dân Tiệp Khắc, cả với những người thuộc sắc tộc khác, dầu họ là tín hữu hay không có tín ngưỡng. Quyền tự do tín ngưỡng không thể tách rời khỏi những quyền dân chủ khác. Tự do là điều không thể phân chia được.

Tôi xin chấm dứt nơi đây với những lời đã từng vang dội đã lâu trong lịch sử của chúng ta:” Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, số phận của chúng ta ở trong tay chúng ta.”. ( Praha ngày 21-11-1989).

Vâng đúng như câu nói của hồng y F. Tomasek. Người Việt Nam chúng ta đã chờ đợi quá lâu trong sự đối thoại để mưu tìm công lý, công bằng, và hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Và nay ngay cả tiền đồ của tổ quốc, giang sơn Đại Việt đang đứng trước lâm nguy dưới sự lãnh đạo của bọn cộng sản việt Nam hèn nhát, nhu nhược, đã và đang làm tay sai cho bọn Bắc triều, thì dân tộc Việt Nam sẽ phải làm gì???

III- NHẬN THỨC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY:

Muốn đấu tranh với cộng sản Việt Nam thành công, để có thể buộc chế độ cộng sản phải nhượng bộ chấp nhận sự đòi hỏi dân ý, tức chấp nhận công lý, công bằng, lẽ phải, sự thật… trong một xã hội dân chủ đa nguyên của dân tộc, và phải cùng toàn dân lấy lại đất, biển đã bị mất vào tay Trung Quốc. Phải đấu tranh quyết liệt để ngư dân Việt Nam được bắt cá ngoài biển Đông trong hải phận Việt Nam. Và không thể để cho Trung Cộng khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vì nó ảnh hưởng đến môi trường, đến sự sống của người dân. Nhưng quan trọng hơn là vì an ninh và vận mệnh dân tộc Việt Nam, nếu không muốn đất nước này rơi vào tay Hán Tộc. Thì toàn dân phải đứng lên đấu tranh cùng một lúc, đồng bộ và quyết liệt vào ngày giờ nhất định, chứ không đấu tranh rải rác, tản mác sẽ bị cộng sản tiêu diệt và khống chế.

Nếu dân tộc được độc lập, để có thể đương đầu với các nước ngoại bang muốn xâm lăng Việt Nam, thì phải tạo cho mọi thế hệ bây giờ và mai sau niềm kiêu hãnh tinh thần bất khuất của tổ tiên, của cha anh ngày trước, và dân tộc Việt nam là một dân tộc thuộc giòng giống hào hùng Con Rồng Cháu Tiên và phải tạo cho toàn dân một ý chí quật cường, tức là làm sao cho người dân ý thức được tinh thần quốc gia, và ý chí dân tộc vững mạnh và những ý chí đó phải ăn sâu vào tâm não, tâm trí, tâm thức, tâm khảm của mỗi một con người Việt Nam và đề cao vai trò đấu tranh cho sự độc lập, tự do của tổ quốc của dân tộc, thì cho dù quân xâm lăng có đánh tan được quân đội chính qui của dân tộc, hay thắng chúng ta cả trên đường lối ngoại giao, thì cũng không thể tiêu diệt được hết ý chí quật cường và sức mạnh tiềm ẩn của cả một dân tộc với khí thế hào hùng, bất khuất đang sục sôi trong lòng, trong từng huyết quản của người dân Việt Nam, để có thể sẵn sàng đứng lên bất cứ lúc nào, để dành lại độc lập cho dân tộc khi cần. Dân tộc Việt Nam phải tạo khí thế Hội Nghị Diên Hồng, tức toàn dân đánh giặc với cả mọi người có khả năng. Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh. Khi đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách. Sơn hà nguy biến thì mọi thành phần dân tộc phải tham gia đấu tranh, tùy thuộc vào khả năng và sức lực của mình. Thì với tinh thần đoàn kết dân tộc với tinh thần chiến đấu như thế, và với một quân đội chính qui kiên cường, bất khuất, hết lòng chiến đấu vì tổ quốc, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ, thì kẻ thù nào muốn xâm lăng nước ta cũng phải e dè, nể sợ và sợ hãi…

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng quân dân nước Nam đã 6 lần đẩy lui được đoàn quân hung hãn, có sức mạnh, đông người vô kể từ phương Bắc xâm lăng( Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần do nhà Minh, và một lần do nhà Thanh). Cha ông chúng ta đánh Tống bình Chiêm, để giữ vững non sông và mở mang bờ cõi, thì lẽ nào chúng ta lại để cho bọn cộng sản Việt Nam bán đứng cả giang sơn Đại Việt này cho bọn cộng sản Trung Quốc hay sao???

Sáu lần xâm lăng muốn thôn tính Việt Nam từ năm 900 đến năm 1840, điều này chứng tỏ các triều đại vua chúa Trung Hoa từ trước tới nay đều theo một chính sách chung là muốn thống trị và chiếm trọn giang sơn Việt Nam để chúng bắt nhân dân Việt Nam phải, buổi sáng xuống bể mò ngọc trai, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu báu…

Không ai thương dân tộc Việt Nam bằng dân tộc Việt Nam, và cũng không ai thương dân tộc Tây Tạng bằng nhân dân Tây Tạng, đang phải sống dưới nanh vuốt của bạo tàn cộng sản Trung Hoa.

Đối với Trung Quốc, chúng ta chỉ chống những người lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản TQ, mà những người lãnh đạo này gian ác ngay cả đến dân tộc của họ, như qua vụ đàn áp Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Ngày này chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã ra lệnh cho quân đội tàn sát hàng ngàn sinh viên, học sinh tại quảng trường Thiên An Môn. Trong khi những người biểu tình đó chỉ đấu tranh ôn hòa chống tham nhũng, đòi dân chủ và cải cách đất nước. Hành động giết người đó nó biểu lộ sự khát máu, bất nhân, đã bất chấp tính người khi vị trí độc quyền, độc đảng của họ bị đe dọa, bởi những cuộc biểu tình dù là ôn hòa bất bạo động. Với chính dân tộc của mình mà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa còn tàn nhẫn đến như thế, thì mạng sống của những người dân Tây Tạng, hay mạng sống của nhân dân Việt Nam họ coi ra gì!!!???

Nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân Trung Hoa, những người yêu nước Trung Hoa, những người yêu chuộng hòa bình và tự do, đang đấu tranh cho dân chủ nước nhà. Chúng ta sẽ là những anh em, những đồng chí thân thiện, biết tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ ngoại giao và chủ quyền của hai nước.

Vấn đề vận mệnh đất nước hiện nay không phải là vấn đề của cá nhân, của riêng ai, của đảng phái nào, của tổ chức nào, của tôn giáo nào, mà là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người dân Việt Nam phải đứng lên đấu tranh cho chính nghĩa, công lý, công bằng, lẽ phải, sự thật của dân tộc. Và nhất là phải đòi lại những phần đất, biển của quê hương đã bị mất. Và phải đấu tranh quyết liệt để cho ngư phủ được ra khơi, ra biển Đông đánh bắt cá trong hải phận của mình. Và phải ngưng ngay việc khai thác Bauxite Tây Nguyên của Trung Quốc. Đó là vận mạng tối quan trọng của dân tộc, nếu chúng ta không muốn rơi vào tay đô hộ của Hán tộc nữa, vì với hơn một ngàn năm đô hộ trước đây trên dân tộc Việt Nam là đã quá đủ.

Vậy hỡi toàn dân, muôn người như một phải đứng lên đấu tranh buộc cộng sản Việt Nam phải chấp nhận những đòi hỏi dân ý mà không hề sợ hãi hay nhu nhược. Và những người cộng sản đã thức tỉnh hãy cùng với toàn dân, chúng ta lấy lại những đất, biển đã mất, và những đòi hỏi thiết thực khác nữa. Hãy trở về với dân tộc khi thời gian còn cho phép.
 
Cộng Sản Việt Nam Có Thực Sự Biết Nghe Tiếng Nói Của Nhân Dân, Nhất Là Người Trí Thức Có Tâm Huyết Với Đất Nước?
Đỗ Hữu Nghiêm
16:42 17/06/2009
Cộng Sản Việt Nam Có Thực Sự Biết Nghe Tiếng Nói Của Nhân Dân, Nhất Là Người Trí Thức Có Tâm Huyết Với Đất Nước?

Quá trình hình thành và diễn biến của Khối Cộng Sản thế giới cho phép người có trí thức và suy nghĩ đặt vấn đề về các chính sách và hành động của chính quyền Việt Nam từ sau 30/4/1975 đến nay có thể hiện tình yêu đất nước, dân tộc và tôn trọng con ngườiViệt Nam cu thể không?

Qua việc bắt giữ Luật Sư Lê Công Định người ta có bằng chứng và cơ hội cụ thể để suy nghĩ đến cách ứng xử nghiêm chỉnh của Cộng Sản Việt Nam đối với giới trí thức có tâm huyết xây dựng đất nước.

Luật Sư Lê Công Định không phải là người đầu tiên và cuối cùng lên tiếng về tình hình Việt Nam và những sự kiện liên quan đến tổ chức, vận mệnh và sinh hoạt đất nước. Ngay tử tháng 4/2001, ba ông Nguyễn Chính Kết, Hồ Minh Diệp và Đỗ Hữu Nghiêm đã bị triệu tập đến các Uy Ban Nhân Dân liên hệ (Gò Vấp và Quân 10, Sàigòn) để bị thẩm vấn và đe dọa theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Trước đó đã có nhiều vụ bắt giữ các ông Hoàng Duy Hùng, Đoàn Viết Hoạt và Đoàn Thanh Liêm, LM Nguyễn Văn Lý, Ls Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân,…

Nhưng từ trước đến nay, chưa hề có một phản ứng thống nhất đồng loạt nào của cộng đồng Việt Nam và quốc tế đối với cuộc bắt giữ bất công Luật Sư Lê Công Định. Chắc chắn việc bắt giữ luật sư Lê Công Định, thay vì dàn áp dập tắt phong trào dấu tranh dân chủ tại Việt Nam hiện nay, lại có tác dụng thức tỉnh nhân dân Việt Nam và thế giới giấy lên những loạt hành động đấu tranh mới

Người ta nghĩ đến một phát biểu khinh miệt giới trí thức của ông Mao Trạch Đông trước kia: “Trí thức không bằng một cục phân!”.

Trong đấu tranh giai cấp kiểu Cộng sản, quả nhiên chính sách như vậy được tuyên truyền nhồi sọ và có thể áp dụng kéo dài cho đến nay tại Việt Nam. Một sự trùng lắp đặc biệt là nhiều thành phần tham gia cách mạng đã xuất thân từ giai cấp nông dân, thơ thuyền, nghèo khó cả về tài sản vật chất và vốn liếng trí thức. Số người trí thức tham gia cách mang chỉ là một thiểu số.

Điển hình là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà trí thức làm cách mạng, đã bị chính những đồng chí của mình trong bộ chính trị Đảng CSVN khinh miệt, khi CSVN vẫn ngoan cố quyết định kế hoạch khai thác boxit ở Tây Nguyên

Phải chăng chính vì giới trí thức bị chính quyền Việt Nam đánh giá và khinh miệt như vậy, nên những người chuyên chính trong chính quyền Việt Nam mới hành xử tàn bạo với nhân dân Việt Nam suốt hơn ba mươi năm qua.

Như thế mọi nỗ lực cải tổ và cam kết quốc tế của Việt Nam nhằm nâng cao tổ chức chính quyền, nhận thức nhân quyền và trình độ giáo dục và học vấn đều bị ngăn trở. Chính thái độ coi nhẹ giáo dục và trí thức thể hiện rõ trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, qua nhiều người mua bằng giả để được tiến cử vào địa vị lãnh đạo.

Tôi có tiếp xúc bất ngờ với cựu một sĩ quan công an Việt Nam, không mang sắc phục, tại Trường Bella Vista ở Oakland, CA Anh là cư dân Móng Cáy, miền biên giới Việt Hoa phía Đông Bắc, có liên hệ xui gia với nhiều nhân vật cao cấp trong hàng ngũ chính quyền CSVN. Anh đã tỏ ra thái độ khinh rẻ trí thức và anh quả quyết giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam hiện nay không màng gì tới giới trí thức!

Nhưng tôi phản đối ngay, nếu khinh miệt trí thức, thì tại sao người ta chịu đầu tư gửi con cái học trong những trường có tín nhiệm nhất, hay cho con cái đi du học ở ngoại quốc.

Những thuật ngữ mập mờ trong điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam là một cái bẫy pháp lý, để chính quyền CSVN bắt giữ, đàn áp những người xử dụng quyền tự do ngôn luận, phát biểu những lời lẽ xây dụng đất nước hay biên soạn những bài viết góp ý trong tinh thần dân chủ.
 
CSVN đang trở thành những “THẰNG HÈN” cúi đầu vâng phục bọn bành trướng Bắc Kinh
Hà Long
16:56 17/06/2009
CSVN đang trở thành những “THẰNG HÈN” cúi đầu vâng phục bọn bành trướng Bắc Kinh

Có lẽ lúc này csVN đang bị sao quả tạ chiếu thẳng đỉnh đầu, nào là thế giới lên án việc bắt giam luật sư Ls Lê Công Định cho đến luật sư Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Nguyễn Tấn Dũng, từ việc nước Úc điều tra vụ tiền Polymer dính líu đến các quan chức cao cấp Việt Nam, rồi lại chuyện Bô-xít Tây Nguyên tạo nên làn sóng chống đối mạnh mẽ, tiếp theo Biển Đông mất chủ quyền đánh cá làm cho hàng ngàn ngư dân thất nghiệp và hàng triệu nông dân mất ruộng vì bị thu hồi đất làm sân gôn phục vụ giai cấp tư bản cộng sản đỏ…

Qua sự kiện Ls Định và Ls Vũ cho thấy tình hình nội bộ VN có những sự việc đang xảy ra nghiêm trọng mà ít ai có thể tin làm được trong thế giới cộng sản chuyên chính như Việt Nam từ hơn 30 năm nay.

Trùng hợp hơn với buổi ra mắt sách “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải vào thứ bảy, 13/6/2009 tại California, Hoa Kỳ. Theo báo Người Việt, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ 1.000 cuốn sách đã được tiêu thụ và phải xuất bản thêm trong 3 tuần tới. Theo ông Tô Hải, một người còn đang sống tại VN thì “cuốn sách này chỉ là một lời thú tội của một thằng đã sống hèn cả một cuộc đời.” Cả cuộc đời của tác giả hiến dâng cho cách mạng và chính chủ nghĩa cs tàn bạo này đã biến ông thành một “thằng hèn”.

Sự đổi mới về kinh tế tại VN làm cho csVN tự hào về thành quả người dân VN đang đạt đến một mức sống sung túc khoảng 1.000 đô la cho một năm. Tuy nhiên sự hội nhập vào cách sống kinh tế thị trường cũng phải đi liền với sự thay đổi tư duy nhận thức về quyền căn bản được hưởng thụ trong bầu khí tự do dân chủ, nhất là người VN đang được tiếp cận nhiều với thế giới bên ngoài và ngay cả tại quốc nội có khoảng 70.000 ngoại quốc làm việc hợp pháp, chưa kể thêm những tên ngoại lai Tàu cs chui rúc trong rừng núi Tây Nguyên hoặc trong những công trình đầu tư dấu kín của họ.

Điều đáng kể ra khi nói về hệ thống thông tin báo đài của đảng và nhà nước luôn cúi đầu đi bên lề phải nhưng không thể bưng bít hết sự thật vì phương pháp tuyên truyền của nhà nước đã tiêm quá liều thuốc làm cho dân chúng nhờn ra, rốt ráo làm cho người dân lãnh đạm, ngoảnh mặt làm ngơ và tự đi tìm các nguồn tin đa chiều trong xa lộ internet.

Chiếc chai tuyên truyền, độc đoán, tàn bạo của csVN được bịt chặt từ năm 1975 bây giờ đã được hé nắp, cả nước chụp giật cơ hội tuôn ra ngoài nhằm hít thở bầu khí tự do trong lành, từ đó nhận thức về điều lành và sự dữ, về dối trá và sự thật, về công bằng và lừa đảo, về tự do và cộng sản độc quyền khát máu, về tư sản và vô sản, về liêm chính và hối lộ công quyền, về tôn giáo và vô thần, về yêu nước và bán nước… Tất cả đang tạo nên một bức tranh muôn màu để gợi lên cho người thưởng thức đạt đến những ý tưởng riêng tư, từ đó có thể tạo ra nhận thức riêng cho chính mình.

Một so sánh không khác gì lắm khi người Tàu muốn hít thở bầu khí tự do thì chính họ cũng phải kiếm tìm nó, qua chị Deng Jujliao, 21 tuổi, một tiếp viên ở quày Karaoke tại Enshi vừa mới đâm chết tên dâm tặc là cán bộ giám đốc của một công trình đầu tư tại vùng Hubei vào ngày 10/5/2009, khi tên này đến đây hát hò vui chơi giải trí. Cái giá bị đâm chết vì tên cán bộ ỷ lại cầm đống tiền trên tay là có thể mua được tình dục với chị Deng, khi bị người nữ tiếp viên quyết liệt phản đối thì tên dâm quan muốn dở trò tồi bại hãm hiếp. chị Deng chống đỡ và tự vệ đâm chết tên này. Theo truyền thống bao che và ém nhẹm hủ hóa, báo chí cs Tàu đổ tội ngay cho chị Deng cố tình giết người và có thể bị án tử hình.

Thế là các dân viết Blooger của Tàu vào cuộc tìm tòi sự thật và loan truyền sự việc nhanh chóng trên xa lộ thông tin internet. Họ trao tặng cho chị Deng với danh hiện “Nữ Anh Hùng của năm”. Làn sóng của dân cư Blooger lan tỏa làm cho chính quyền trung ương chùng bước phải điều tra lại và chị Deng được giảm tội vì “tự vệ chính đáng” cho bản thân nên mới có hành động đâm tên cán bộ dâm tặc. Trong các trang Bloog dân cư mạng loan truyền câu nói: “Đất nước chúng ta đầy dẫy những tên cán bộ hủ hóa này” và còn mạnh bạo hơn: ”Thật tốt khi một đứa tham quan đã bị giết đi!” Chị Deng đã được miễn trừ tội hình sự và được trả tự do ngay lập tức. Ngoài ra 2 tên các bộ khác đi theo ông sếp cũng bị cách chức khai trừ khỏi đảng. Vụ án của chị Deng gây xôn xao trên toàn quốc và được bàn tán nhiều nhất tại Tàu. Tin sốt dẻo này được thế giới tự do loan đi trong vài ngày nay. Đó chính là thành quả chung của cộng đồng cư dân mạng chống lại hế thống tuyên truyền đi bên lề phải của chế độ cộng sản.

Sức mạnh vô hình của cộng đồng dân cư mạng và Blooger đang làm cho nhà cầm quyền trong một thế giới cộng sản độc tài luôn đi “theo lề phải” ngay ngáy lo sợ, vì tốc độ loan truyền internet nhanh như điện, bén như dao và nhà nước mất quyền kiểm soát. Quan trọng hơn là lôi kéo được các thành phần trí thức bước vào sân chơi.

CSVN "sợ" và đâm ra “hèn”

Vừa lúc csVN ra lệnh bắt khẩn cấp luật sư Lê Công Định vào ngày 13/6/2009 vì “tội đồ cấu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam”, thì cùng lúc trên thế giới đã có hơn 180 báo chí quốc tế đưa tin và bình luận về chế độ vô pháp luật của VN. Tiếp theo Ls Định đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính quyền Hoa Kỳ, Cơ Quan Tranh Đấu Nhân Quyền, hội luật sư quốc tế và các nhà báo ngoại quốc.

CSVN không ngờ được đòn bẩy WTO đang mạnh mẽ bật ngược lại về phía mình. Khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO thì hầu như đảng csVN vui mừng khôn tả và có thể vui sướng hơn lớp người dân còn lại vì mọi cánh cửa thị trường thế giới đều rộng mở đối với họ và có thể cứu nguy họ trong sự vô vọng tiến triển kinh tế quốc gia. csVN đã đấu tranh cật lực để được bước vào sân chơi của WTO. Nhưng khi họ đạt được vị trí cao quý đó thì cũng là lúc các bất lợi lại đang nghiêng về họ.

Cửa WTO đã làm thông thoáng giới trí thức, làm cho người dân can đảm thêm để đòi hỏi quyền lợi cho chính mình, quyền lợi sở hữu được đề cao, cạnh tranh kinh tế song phương và ngay cả về quan điểm chính trị trở nên gay cấn. Chính trong quốc nội cũng đang có những tia lửa nho nhỏ được thắp lên đòi công lý và sự thật. Phong trào cứu lấy Tây Nguyên được lan tỏa trong mọi tầng lớp. Lòng yêu nước đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được hâm nóng lên. Làn sóng dân chủ dâng lên đập mạnh vào đầu não của chính quyền Hà nội. Chỉ một tư tưởng ngắn gọn của Ls Định đã là một thách thức quyết liệt cho csVN: "Chính kiến có thể khác song dứt khoát không thể bị quy chụp khi xét đến ý định và động cơ. Vấn đề là liệu bắt giam họ có thể làm cho thực trạng xã hội mà họ lên tiếng tốt hơn không và liệu có dập tắt được những tiếng nói yêu nước khác hay không? Thực tế đã chứng minh rằng không. Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy (đi)."

Tuy rằng những nhà đấu tranh như Ls Nguyễn Văn Đài, nữ Ls Lê Thị Công Nhân, Lm. Nguyễn Văn Lý và bây giờ kể thêm luật sư Lê Công Định đang bị tù tội, nhưng họ là những mẫu gương đấu tranh đòi hỏi nhân quyền, công lý, sự thật và tự do tôn giáo cho người dân VN.

Cách làm của những người trên không nhằm xúi dục, kích động nào cả, mà chỉ là những bước chập chững đầu tiên trong tiến trình đạt đến nền dân chủ tự do thực sự.

Khi xét đến cáo trạng của các nhân vật trên đều được csVN gán vào tội “tuyên truyền chống chính quyền Việt Nam” thì 3 tội phản quốc vĩ đại đang xảy ra được đặt cho csVN:

1. Tại sao không xét xử những tên Tàu cộng tuyên truyền xuyên tạc bằng tiếng Việt nhằm chiếm bờ cõi VN tại vùng biển Đông qua trang mạng của nhà nước VN?

2. Thế sao không khẩn cấp bắt tên Nguyễn Tấn Dũng với nhiều tội đồ phản bội tổ quốc như lời tố cáo của Ls Cù Huy Hà Vũ?

3. Cả ngay tên trùm đảng Nông Đức Mạnh với tội bán nước khi cúi đầu vâng phục tiếp đón “thân mật” sứ thần phương Bắc Lý Nguyên Triều, ủy viên bộ chính trị, bí thư ban bí thư, trưởng ban tổ chức trung ương cs Tàu vào ngày 12/6/2009 tại Hà Nội, trong khi đó bọn Tàu ngang ngược xua đuổi ngư dân VN ngay trong lãnh thổ biển Đông, như vậy có đúng là “Chiêu Thống của thế kỷ 21” tiếp tay nối giáo cho giặc chăng?

CSVN đang trở thành những “THẰNG HÈN” cúi đầu vâng phục bọn bành trướng Bắc Kinh!
 
Đất có hồi sinh?
Nam Hải
17:01 17/06/2009
Đất có hồi sinh?

Ngày nay, mọi người dân Việt, không kể bắc, không kể nam, không kể trong hoặc ngoài nước đã bắt đầu trực tiếp hỏi nhau rằng:

- Liệu đất ấy có hồi sinh? Và sức mạnh của dân tộc Việt có thể đập nát mộng làm nô lệ cho Tàu cộng của Việt cộng hay không?

Khi hỏi thế là người Việt Nam đã bắt đầu bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn tạo lại cho mình niềm tin để tháo bỏ, bẻ gãy mọi xiềng xích của cộng sản ra khỏi bản thân, để cùng nhau nhắm đến việc xây dựng một tương lai mới rồi đấy.

Thật vậy, mọi người còn nhớ như in, câu chuyện mùa đấu tố ” trí phú địa hào” với khẩu lệnh, “đào tận gốc trốc tận rễ” và “ giết lầm hơn bỏ xót” của Hồ và Việt cộng phóng tay từ những năm 1930-1958 đã đưa toàn bộ dân ta vào cuộc sống khủng hoảng niềm tin, không có tình người. Lúc ấy, mạng sống, nhân phẩm của con người bị coi rẻ như bèo! Bất cứ ai, bị chúng khóac cho chiếc áo “ trí phú địa hào” thì chỉ còn một con đường duy nhất, người ấy được giải phóng bằng dao mã tấu và con cháu họ đến nhiều đời không thể được góp mặt vào sinh hoạt của xã hội. Theo đó, sau mùa múa dao mở đại hội giết người, Hồ không cần phải ra bất cứ một lệnh lạc nào khác nữa, y vẫn có khả năng đẩy người dân đất bắc vào cảnh sống lầm than, tăm tối mà không gặp chống đối. Từ đó, Hồ rảnh rang mở rộng chíến tranh vào nam.

Phận người dân. sau khi bị đẩy lùi vào trong cuộc sống lầm lũi không tương lai ấy, người ta phải tìm cách tồn sinh cho mình và cho con cái mình. Một trong những phương cách, thái độ rõ nét nhất mà chẳng ai bảo ai, lại là sự việc ngoảnh mặt làm ngơ, hay chọc tai làm điếc trước những trò múa rồi của nhà nước Việt cộng. Thái độ này, dần dà dẫn đến sự vô cảm, bạc nhược trước thời cuộc, dù trong lòng vô vàn đau đớn vì đây không phải là lối sống của dân ta, nhưng không có đường lựa chọn khác. Cũng thế, cuộc sống thụ động ở miền nam hiện nay, chỉ là một rập khuôn, học lại những điều ở ngoài bắc đã làm trước đó hơn hai mươi năm...

Nghĩa là, sau những ngày đen tối ấy, người đã trưởng thành thì đánh mất dần bản ngã tự tại, cầu tiến, nhìn trước nhìn sau rồi cắn răng chấp nhận giải pháp xin - cho. Riêng lớp trẻ thì bị áp đặt dưới một chế độ giáo dục vô văn hóa, không Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, không đạo hiếu, không đạo làm người. Tệ hơn thế, phải tập sống rập khuôn với cái văn hoá vô đạo, phi luân của Hồ chí Minh để đạt mục tiêu duy nhất của đảng cộng đề ra là: Triệt tiêu nhân tính trong bản tính người của các học sinh, biến chúng thành những công cụ nói theo, làm theo, nghe theo những mệnh lệnh, dù là rất phi nhân của chế độ như đấu tố bố mẹ, anh em, vợ chồng hay chính con cái của mình để được hưởng quy chế xin cho của đảng. Triết lý này đã trở thành lý luận chủ đạo của nền văn hóa mã tấu. Bởi lẽ, chúng lý luận rằng: Khi khuôn mẫu vô nhân tính đã được đúc thành khuôn, được tôi luyện thành nề nếp, nó sẽ trở thành thành lũy bảo vệ sức mạnh tàn bạo của đảng cộng vậy.

Tại sao người ta đưa đến kết luận, nền văn hóa, giáo dục của Việt cộng là một lối giáo dục vô đạo, phi nhân và bất nghĩa?

Đơn giản là: Phàm là người, khi bước vào hệ giáo dục buộc phải nhắm đến ai điều: Trí Dục và Đức Dục. Nếu bỏ Trí là bất Minh, nếu bỏ Đức là phù Ác. Nói cách khác, ngoài việc giáo dục để thêm kiến thức, để bổ túc cho con người những hiểu biết về đời sống, khoa học kỹ thuật thì con người cũng còn cần phải được giáo hoá, rèn luyện về Nhân Lễ Nghĩa Trí Tìn để sống làm người nữa. Chứng minh cho tính đứng đắn của nguyên tắc giáo dục này, sách vở từ ngàn xưa đã day rằng: Một kẻ có học mà không có lòng nhân là một kẻ ác. Đó là nói đến trường hợp một kẻ không giữ lòng nhân, nhưng vẫn được dạy bảo về chữ Nhân Lễ Nghĩa, nên khi ra làm việc vẫn trở thành những kẻ đại ác, làm hại cho xã hội hơn là có khả năng hành thiện giúp ích cho đời.

Nay trong lối giáo dục của Việt cộng, người ta đã không tìm thấy có trong chương trình những bài học về luân lý, về Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín Trung. dạy cho con người biết thương yêu nòi giống, đùm bọc lấy nhau. Trái lại, chỉ ra ra “ hồng hơn chuyên” bỏ hẳn phần Đức dục, Tệ hơn thế, còn áp đặt trên các thế hệ sau 1954 ở bắc, và trong nam sau 1975 một lối giáo dục đáng kinh tởm theo khẩu hiệu viết từ trong nhà trường và ra đến đầu đường xó chợ là: “ sống… học tập theo gương bác hồ vĩ đại”! Hoặc giả, dạy cho trẻ Việt Nam biết kính yêu tên đồ tể của nhân loại là Stalin như” “ thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương ông thương mười”. Hay là dạy người ta đi theo bài thờ nô lệ: “ bên kia biên giới là nhà, bên đây biên giới cũng là quê hương” ( tố hữu). Các bạn trẻ nghĩ gì về loại văn thơ này? Bạn đã nhìn thấy nền luân lý xã hội của Việt Nam hôm nay ra sao? Đó, có phải là kết qủa của lối giáo dục vô luân, vô đạo của Việt cộng hay không?

Nhưng Hồ vĩ đại ở điểm nào thế?

Hồ chí Minh, có lẽ trở thành kẻ vĩ đại là vì suốt một đời không biết đến cha mẹ mình là ai, tên gì ( ngay trong cả những cuốn sách mà ai cũng biết là của Hồ ký dưới tên Trần dân Tiên hay T. Lan, Hồ có bao giờ nhắc đến tên cha mẹ của “ bác “đâu?) Và rồi họ chết lúc nào, sống ra sao? Hồ có khi nào nhắc đến? Rồi có ai, hãy hỏi ngay cả những người kề cận với Hồ xem, họ có bao giờ bắt gặp Hồ dù trong lén lút, hay trong công khai, đã đốt cho cha mẹ mình một nén nhang hay không?

Nghĩa tử là nghĩa tận, mọi người đều nói thế, dù là ma cô, dĩ điếm hay kẻ gian ác, tội phạm, có lẽ cũng còn biết thương xót, khóc cha mẹ mình khi họ vĩnh viễn ra đi, nhưng Hồ thì không! Một kẻ không biết đến cha mẹ mình là ai, không đốt cho cha mẹ được một nén nhang khi cha mẹ qua đời mà dám bảo kẻ ấy là người thương dân thương nước được hay sao? Hồ không biết thương cha mẹ, người đẻ ra Hồ. Y có thể thương người dưng nước lã được à? Chẳng lẽ đó là cái "đạo đức" của Việt cộng định nghĩa và chúng muốn những thế hệ Việt Nam phải học noi theo?

Bất hiếu, là một trong những tội đại nghịch của con cái đối với cha mẹ, mà không một xã hội loài người nào mà không lên án gắt gao (có lẽ chỉ có xã hội loài thú mới không đặt ra vấn dề này thôi). Nhưng nay thì Việt cộng đang rất hãnh diện mà rao truyền chủ trương giáo dục của chúng là: “ học tập theo gương bác hồ vĩ đại” đấy! Và “bên kia biên giới là nhà” nên chúng hỗ trợ cho Trung cộng đặt nền hành chánh trên Tam Sa và nay đưa rước Trung cộng sang những đặc khu ở Tây Nguyên đấy! Vậy hãy hỏi xem, nền giáo dục ấy ra sao? Có phải là một nền giáo dục vô đạo, phi nhân bản hay không?

Sau khi trả lời, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên tạ ơn trời đất, tạ ơn vong linh của tiền nhân còn bảo vệ nòi giống, còn bảo vệ con cháu, nên cả mấy thế hệ qua cũng chẳng có mấy kẻ đi theo cái đường lối giáo dục “đặc biệt” ấy của nhà nước và đảng Việt cộng, may ra có một ít trong sô`các đoàn đảng viên của chúng học noi theo mà thôi, còn dân ta thì không. Và dĩ nhiên, khi chúng đi theo con đường ấy, chúng phải trả giá cho chương trình của chúng.

1. Giá của một cuộc lừa đảo: Dân chúng xa rời chế độ bất nhân.

Sự việc đầu tiên là sau khi kết thúc chiến tranh, dù chúng vẫn giữ y nguyên, hoặc mạnh tay hơn nữa trong hệ thống công an trị và guồng máy tuyên truyền để kềm chế nhân dân thì di sản của những cuộc truyên truyền sảo trá, của sách lược giáo dục bất nhân, vô đạo của chúng vẫn lộ diện và đổ vỡ. Lý do, người dân sau chiến tranh đã biết nhìn ra bên ngoài, biết nhìn ra sự thật của miền nam, nhìn ra cái khẩu hiệu ghê tởm “hạt gạo cắn làm tư” trong mưu toan lừa bịp của chế độ Hà Nội. Từ đó, họ không còn lấy một chút tin tưởng nào vào cái nhà nước Việt cộng này nữa. Hơn thế, họ đã nhìn chúng bằng cặp mắt khác, tuy chưa tích cực tỏ thái độ mà thôi. Bởi vì, dân miên nam không đói, dân miền nam không nghèo khổ, dân miền nam không bị Mỹ Ngụy bóc lột. Trái lại, dân miền nam có cuộc sống qúa sung túc và hưởng được tất cả những tiện nghi về vật chất. Phần tinh thần thì sống sung mãn trong đời sống nhân bản có Tự Do, Nhân Quyền và Công Lý che chở. Đây là mức sống, nhìn qua thì không lấy gì làm đặc sắc cho lắm. Nhưng nếu để cho Việt cộng dẫn đường thì có lẽ hàng trăm năm sau miền bắc chưa thể có được những cái, mà miền nam đã có vào năm 1975.

Kế đến, việc đi tìm chồng tìm con sau chiến tranh đã tạo ra một lỗ hổng đau đớn gấp trăm, gấp ngàn lần cái vui gỉa tạo, nhảy múa mừng cái gọi là giải phóng miền nam của cán bộ, nhân viên của đảng và nhà nước tạo ra. Chúng vui mừng vì cướp được hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng từ nam ra chia nhau, nhưng những bà mẹ, những thiếu phụ khốn khổ đi tìm chồng tìm con kia chỉ thấy một nỗi đau nhục nhằn. Đã mất chồng, mất con, mất cháu, nay niềm mơ ước được giải phóng cũng bị tiêu tan. Cầm cuốn sổ thương binh, cái bằng liệt sỹ với lòng uất hận nhà nước. Nay cầm thêm cái bảng đi kêu oan là mất đất mất nhà nữa đã đắp đầy khổ đau cho đời họ. Họ được gì và mất gì? Họ có giữ im lặng, không nói mãi không? Hay phải tìm ra câu trả lời cho những oan khiên này?

Một sự thật nữa là, nhờ vào sự việc mắt thấy tai nghe, nhờ vào sự kiện kết thúc chiến tranh, người dân đất bắc ngày nay đã có đánh gía về chúng chuẩn xác hơn. Họ biết, chẳng làm gì có việc chống Mỹ cứu nước. Chẳng làm gì có chuyện giải phóng miền nam, nó chỉ toàn là những chiêu bài lừa đảo thôi. Vì thực tế, nơi cần được giải phóng là miền bắc chứ không phải miền nam. Theo đó, chỉ có hai lý do để chúng đẩy cả nuớc vào chiến tranh: Một là Hồ muốn mở đường cho Trung cộng tràn xuống nam. Hai là Hồ muốn nưóng bớt những thành phần có đầu óc Dân Trí, Độc Lập của dân ta ở trên cả hai miền mà thôi. Bằng chứng là: miền bắc thì bị tiêu diệt trong cuộc đấu tố. Miền Nam thì bị dập vùi bằng việc tập trung cải tạo các viên chức miền nam, đẩy thành phần sinh viên, học sinh lớp lớn, trí thức ở miền nam ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội bằng cái phiéu lý lịch. Rồi mở những cuộc đánh cướp của miền nam qua những lá bài đánh tư sản mại bản! Phần chúng đứng trên những luống cày bất nhân mà hưởng lợi.

Tuy thế, nước ta có cái rủi là chiến tranh. Cái may là kết thúc, nhưng cái họa lại quy về cho Việt cộng, dù hiện nay, thảm cảnh vẫn đổ xuống trên toàn dân. Sở dĩ có chuyện nghe ra nghịch lý này là vi: sau chiến tranh, những người dân khốn khổ miền bắc năm xưa là những người đã giúp Việt cộng bám vào được cái gọi là vinh quang gỉa tạo của chiến thằng, lại chính là những quan án khi nhìn ra tất cả mọi sự thật phơi bày trước mắt. Rồi họ sẽ là những phán quan đang duyệt xét lại toàn bộ những hành động gian ác, bạo tàn cũng như những trò tuyên truyền bịp bợm của chúng. Khi nhìn ra, tôi tin rằng, họ sẽ là những bước tiên phong tiêu hủy cái căn nhà quái ác cộng sản này. Nói cách khác, cuộc hồi sinh cũng lại sẽ bắt nguồn từ đất bắc. Nơi sinh ra chúng thì cũng chính là nơi chôn vùi chúng. Ngày ấy tôi nghĩ không còn xa. Bởi vì trong ánh mắt của người dân đất bắc hôm nay đã có những tia nhìn nghiêm khắc về cái hành động vô nhân tính của chúng rồi.

2. Tìm một niềm tin mới.

Chuyện người dân đất bắc lúc gần đây thường tập họp lại thành những ngọn sóng lớn với khối lượng hàng năm bảy ngàn, hoặc già, cả chục ngàn người, có khi lại hàng ngũ chỉnh tề tay cầm ngành vạn tuế đi rước Công Lý trên đường phố Hà Nội, tuy là những tụ họp mang tích cách tôn giáo trong những giờ cầu nguyện, chầu lễ, bảo vệ và hỗ trợ tìm Công Lý, nhưng hẳn nhiên không phải là vì tình cờ, hay ngẫu nhiên mà có. Nhưng là kết hợp của một sự kiện nghiêm chỉnh: Người dân đất bắc đang đi tìm niềm tin mới để thay thế cho cái bạo tàn độc ác của nhà nước Việt cộng.

Thật vậy, ngay khi một người học trò còn khá trẻ của miền nam được điều ra ngoài bắc, từ Lạng Sơn rồi về Hà Nội làm việc, dù hoạt động của ông chỉ có tính cách tôn giáo, nhưng không kể lương cũng không kể gíao, kể cả các quan cán nhớn nhỏ của nhà nước nữa, thẩy đều nhìn ông bằng một đôi mắt dò xét thận trọng. Sau ánh mắt dò xét, đặt để lên trên người lãnh đạo trẻ này, người ta đã nghĩ đến một cuộc hồi sinh. Hồi sinh trong niềm tin tự quyết. Hồi sinh trong quyền làm người. Hồi sinh để kiến tạo và sống một ngày mới và hồi sinh để đổi mới xã hội.

Đó là những nấc thang, những bước đi mà có lẽ toàn thể dân tộc ta đang nhắm đến. Đó chính là sức sống của một Niềm Tin đã trở lại.

Thật vậy, Hà Nội và miền bắc nói chung, đã từ lâu lắm rồi, chưa bao giờ có những cuộc tụ họp tự phát và bền bỉ đến như vậy. Ngay cái ngày gọi là “giải phóng miền nam”, các loa của nhà nước có mở hết kích cỡ thì người ta cũng chỉ đổ nhau ra đường múa hát vài bài ca rồi trở về với cuộc sống thê thảm vốn có, không để lại trên nét mặt người đi reo hò một niềm vui hay một ý hướng nào, nếu như không muốn nói là thêm một tuyệt vọng. Nhưng nay thì khác rồi. Người ta đi và đến tụ họp lại với nhau không phải vì các cái loa mở hết công xuất đang hò hét réo gào. Nhưng đi vì tiếng tiếng réo gọi từ trong tim, từ trong dòng máu còn lưu chuyển. Đi vì niềm tin. Đi vì tiếng gọi của non sông của nòi giống để đòi lại Tự Do, Nhân Quyền, Dân Chủ và Công Lý cho mình và cho tha nhân. Đi đòi lại quyền làm người của con người đã bị nhà nước và đảng cộng sản cướp giựt của họ từ nhiều năm qua. Theo đó, bước đi ấy là bước đi vững chắc và là do sự tự phát.

Khởi đi từ tiềng gọi của con tim và dòng máu Việt Nam ấy, một ngày trong mùa Noel 2007, hàng hàng lớp lớp ngườì dân Hà thành, cuộn lên như dòng nước lớn, đổ về chung quanh khu Nhà Thờ Lớn Hà Nội, gặp nhau trên phần đất có tên Toà Khâm Sứ, nơi mà từ địa sở vật chất cho đến ý nghĩa tinh thần của dòng người ấy đã bi Việt cộng dùng mã tấu mà cường đoạt lấy sau cái ngày 20-7-1954 đến nay. Nên họ đổ về đây, bền bỉ nối vòng tay, tim liền tim, chí liền chí, quyết đòi lại phần di sản thiêng liêng thuộc về họ và con cháu của họ.

Đây có phải là những cuộc họp bạo loạn như nhà nước Việt cộng cho tuyên truyền không? Không. Đây chỉ là những cuộc tụ họp trong trật tự, hiền hoà. Cuộc họp của những đôi mắt còn sáng và niềm tin đang lớn dậy. Ở nơi đây, người ta không tìm được một cõi lòng mang óan hận, nhưng là tình yêu thương trong tha thứ được thể hiện. Ở nơi đây, người ta không tìm được những ràng buộc tranh chấp, nhưng có sẵn những tấm lòng an hòa, giải đáp và sẵn sàng đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Và hơn thế, ở đây có cả những tấm lòng nhân ái, không những chỉ tha thứ cho kẻ thù của dân tộc này, mà còn cầu nguyện cho chúng được hưởng an bình trong tâm hồn nữa.

Ước nguyện là thế, và hơn thế, họ đã kiên nhẫn gõ những cánh cửa được tuyên truyền là vì dân, cho dân. Kiên trì gõ những cánh cửa đã tuyên truyền rằng là có Tự Do, Nhân Quyền và Công Lý. Kết qủa, những cánh cửa ấy đã chẳng mở ra, tệ hơn thế, nó còn được đóng thêm ván tham lam. Đóng thêm bản lề độc ác. Xây thêm tường bất nhân. Đào thêm hố ngăn cách. Và Rào cho chắc, khoá cho chặt để không bao giờ còn mở ra, để mặc chúng tự tung tự tác trong âm mưu vẽ lại họa đồ, tạo ra giấy tờ mạo nhận chủ quyền trên khu đất cưóp đoạt, để phân lô, buôn bán chia tiền cho nhau. Trước những hành động bất nhân, phi pháp ấy của nhà cầm quyền Việt cộng, người ta bảo rằng, quỷ địa ngục cũng không thể ngồi yên, chứ nói chi đến con người. Người giận sự bất công thì nói như thế thôi. Thực ra, con người vẫn có những hành sử của con người và Công Lý thì có bước đi của Công Lý.

Trong bước đi của Công Lý ấy, người con của hiền hậu, ôn nhu và rất khiêm cung bảo rằng: “Đất ấy chẳng phải là của Tàu, chẳng của Tây, nhưng là của Toà Giám Mục Hà Nội”. Có người cắt nghĩa rộng ra là: Đất nước ấy là của người Việt Nam, chẳng thuộc cộng sản Tàu cũng chẳng phải là của tư bản Tây, lại càng không phải là của Việt cộng!

Qủa cảm thay. Nghiã khí thay!

Âm thanh ôn nhu nhưng lời rắn rỏi ấy đã truyền vào đến tận tim lòng mọi người Việt Nam. Rồi âm thanh vượt tường, băng sông, qua núi mà truyền đi khắp mọi nơi cho đến tận rùng sâu, núi thẳm và vang vọng ra bầu trời hải ngoại. Những ánh mắt Việt Nam bỗng bừng sáng lên niềm hân hoan để đón nhận âm thanh như thần khí, truyền vào sức sống và tạo lại niềm tin cho những qủa tim đang khô héo hoặc đã cạn ước mơ. Họ vui mừng nối tay nhau mà truyền đi âm thanh mang sức sống và niềm tin ấy.

Trong khi đó, tập đoàn Việt cộng Hà Nội bỗng ngơ ngác, rồi kinh hoàng nhìn nhau khi nghe được âm thanh phản hồi đầy sinh động ấy. Một âm thanh mà chúng đã tự tin rằng đã giết được từ lâu, không còn sức hồi sinh nữa. Sao nay bỗng trở dậy một cách mãnh liệt như thế? Chúng hoảng loạn hỏi nhau: Thần chết đã đến đón bác đảng rồi hay sao? Chịu trói chăng? Sau lúc chấn động, chúng bảo nhau: Không. Chưa đến giờ chết! Có lẽ đất của Tàu. Chúng cử Dũng đi chầu Trung quốc.

Sau chuyến đi Trung Quốc của Dũng, Công Lý trên phần đất Việt lại bị chà đạp thêm một lần nữa. Đêm 19-9-2008. Hàng hàng lớp lớp chó nghiệp vụ của chế độ bao vây Toà Giám Mục, kéo xe đền ủi đất chiếm. rôi mở loa tuyên truyền là làm công viên cây xanh cho thành phố. Màn kịch một đã chấm dứt bằng phương sách: Không được ăn thì đạp đổ, làm gì có Công Lý trên phần đất cộng tạm chiếm đóng.

Đêm ấy, bạo lực có giết chết được niềm tin đang lớn dậy trong lòng mọi người hay không?

Không. Trái lại, ngọn lửa của niềm tin mỗi lúc thêm ngời sáng. Ý chí của niềm tin Tự Quyết mỗi lúc càng làm cho đồng bào ta mạnh mẽ thêm. Thật vậy, vào trưa ngày hôm sau 20-9-2008, không phải chỉ có mấy chục người trong phòng họp, nơi được gọi là văn phòng nhân dân thành phố Hà Nội, tái mặt, kinh hoảng, mà tất cả mọi người Việt Nam và thế giới đã bàng hoàng đến kinh ngạc khi nghe một án lệnh phán trên đầu trên cổ những viên chức của nhà nước Việt cộng răng: “ chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét…” và rằng: “ tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng”. “ Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”.”

Bút mực nào có thể tả nổi lóng can trường của vị Tổng Giám Mục Hà Nội? Sách vở nào ghi cho hết được ý chí vượt thắng của người Việt Nam. Bởi lẽ, án lệnh được dừng lại ở đó, nhưng tất cả mọi người đã hiểu rằng: Người dân Việt Nam thấy xấu hổ khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam, nhưng do nhà cầm quyền Việt cộng cấp phát! Và một trong các điều phải xâu hổ ấy là nhà nước này đã tự cho mình cái quyền cướp đoạt tài sản của toàn dân, lại còn cướp giựt luôn tài sản tinh thần của con người là quyền tự do về tôn giáo! Và cũng không biết tôn trọng nhân phẩm con người và công lý của xã hội…

Thành thật thay! Qủa cảm thay!

Nước Việt Nam còn, lịch sử còn, thì lời tuyên bố ấy còn được ghi vào trong sách sử. Đây chính là một án lệnh đành cho những tội phạm của dân tộc này. Nó không phải chỉ có hôm nay, nhưng còn là mãi mãi.

Dĩ nhiên, lời lẽ đó phát xuất từ quả tim đầy nhiệt huyết, đây yêu thương và rất mực chân thành. Và chỉ từ nguồn sống thật mới đủ khà năng giúp Ngài vượt lên trên sự chết, để nói thay cho nhân dân những điều dân muốn nói. Thế nên, trong lúc toàn dân vui mừng, hân hoan vì thấy phần đất hồi sinh, thì từ bên trong cái rọ, cái cũi cộng lại có những tiếng hò hét man rợ:

-- Đấu tố nó, đấu tố nó đi………

-- Giết, giết nó đi………

Tiếp theo, muôn vạn cái loa tuyên truyên trên cả nước, hơn 600 tờ báo in và báo điện của Việt cộng đã đồng loạt dơ cao tay, mở lại trò đấu tố sở trường của nhà nước. Chúng chặt đầu, chặt đuôi câu nói để có thể tạo ra một bầu không khí “ hừng hực ngọn lửa đầu tố “ giết người cướp của vào năm 1954.

Kết qủa, cái trò tạo tin lừa phỉnh ấy ngày nay không còn lừa gạt được ai nữa. Chúng càng tạo tin, thì những mảng tin tự tạo ấy càng giống phân bùn ném vào mặt chế độ mà thôi. Bởi lẽ, chỉ vài phút sau, khi rời phòng họp ấy, nguyên văn bài phát biểu của vị Tổng Giám Mục này đã được truyền đi khắp nơi trong nước, tỏa ra trên thế giới. Mọi ngưòi tâm phục khẩu phục lòng can đảm phi thường, ý chí kiên cường và lòng hy sinh dũng cảm của Ngài đối với đất nước. Hơn thế, người ta còn hiểu được rằng, Ngài không thách đố, nhưng đã đặt tương lai của đất nước trên cả sinh mệnh của mình. Và Ngài không khoa trương, nhưng đã sẵn sàng ” thí mạng sống mình vì đàn chiên”

Dĩ nhiên, khi phải đối diện với tấm lòng trong sáng vì non sông và đất nước ấy, những mảnh vụn của bản tin giả tạo kia dần thành rác rưởi. Bởi chính Ngài, giữa lúc nhà nước dấu mặt hò hét đòi đấu tố, đòi giết chết nó đi. Ngài lại một lần nữa, rất ung dung trong tình cảm của con ngưòi, sắn quần lên qúa gôi lội nước bùn mà đi thăm dân. Lời nói làm rúng động lòng người vẫn còn kia, nay lại thêm những dấu chân lội bùn này đã biến Ngài thành một niềm tin, một tượng đài yêu dân thương nước không gì có thể che khuất được. Nhìn sự kiện, nhiều người cho rằng: Bạo ác đã phãi dừng chân trước niềm tin và Công Lý. Phần Ngài, Ngài chỉ chân phưong cho rằng, nếu có phải đi tù vì dân, thậm chí, có thể hy sinh mạng sống vì đàn chiên thì Ngài đã sẵn sàng. Như thế, cái vũng nước bùn kia có là gì để ngăn cản bước chân của Ngài đến với người dân trong lúc họ gặp tai trời ách nước! Cao qúy thay, tâm tình của một con người chân thật.

Từ đó, mọi người đều nghĩ rằng: việc săn quần lên qúa gối để đi thăm dân trong lúc dân gặp nạn, tuy là việc làm rất nhỏ bé, nhưng chính nghĩa cử chân tình ấy đã tạo nên một tầm vóc lớn của người lãnh đạo. Tầm vóc ấy khả dỉ là một tâm điểm cho ngưòi ta đặt vào đó một niềm tin. Niềm tin tự quyết trong cuộc Hồi Sinh của dân tộc. Và chính sự kiện có hàng hàng lớp lớp ngưòi cầm ngành vạn tuế đi đòi Công Lý ở giữa lòng Hà Nội hôm nào, phải được kể là một bước tiến thứ hai của sự kiện lấy lại niềm tin để tạo ra một ngày mới đáng sống…

Tuy nhiên, nếu chỉ nói đến sụ kiện bắt đầu của cuộc hồi sinh là chưa đủ. Nhưng phải vun tuới cho các chồi lộc theo nhau nẩy mầm và sinh trái trên toàn quốc nữa. Giai đoạn hai này thuộc về mọi người, chẳng trừ ai, kể cả các cán bộ, cán binh trong hàng ngũ của nhà nước đã nhìn ra chân lý. Bởi lẽ, nếu chỉ có một vài nơi như Thái Hà, Toà Khâm Sứ mọc lên những mầm sinh Công Lý, nhưng không được các vùng khác kiên trì hỗ trợ và mọc lên theo, chồi lộc non ấy rất dễ bị rơi vào khoảng cô đơn và sẽ làm mồi cho nhà nước đem nước sôi, thuốc độc đến tận nơi mà dìm dập những chồi non vừa nẩy lộc ấy. Theo đó, việc của người sống trong vùng đất đang hồi sinh hôm nay là đi lên, tiếp sức cho chồi lộc phát sinh hoa trái, chứ không phải là ngồi nhìn chồi non kia héo uá.

Trong tương quan ấy, đây có lẽ là thời cơ thuận tiện nhất cho các chồi Hồi Sinh trên toàn quốc nẩy mầm tươi mới. Bởi lẽ, nhà nước Việt cộng ngày nay đã công khai hóa việc đón rước Trung Cộng xuôi nam. Sau khi chúng đã ký những công hàm bán nước năm 1958, đến những hiệp thương, hiệp định giao vùng đất Bản Giốc, Nam Quan, Tục Lãm, Lão Sơn cho Trung quốc. Rồi hết lòng ủng hộ Tàu trong việc họ thiết lập nền hành chánh trên Hoàng Sa và trường Sa qua vụ việc ngăn cấm, bắt bớ sinh viên, học sinh phản đối Trung quốc xâm lược nước ta. Nay chúng lại chính thức ký giao vùng Tây Nguyên nước ta cho Trung Cộng làm đặc khu ( quân sự, tự trị?) dưới lá bài khai thác Bauxite, nhưng thực chất là bác đầu cầu cho một nền thống trị mới của Trung cộng ở trên nước ta. Để biến đất nước của Việt Nam ta thành một phiên thuộc, hay là một tỉnh bang như Quảng Châu, Phúc Kiến của Trung cộng.

Từ những việc làm này, Việt cộng không còn phương cách bào chữa cho những hành động của chúng. Trái lại, chính những giấy tờ này đã xác minh chúng là kẻ thù của dân tộc ta. Ai cũng biết, Dân tộc Việt Nam là giòng giống khoan hậu, nhân ái, nhưng cái gía của Lê chiêu Thống, Mạc đăng Dung phải trả là sự bị tiêu diệt trưóc khi chúng có khả năng rước voi về dày đất tổ. Dĩ nhiên, Lich Sử vẫn là sự tái diễn của những giây phút tình cờ nối tiếp nhau.

Để kết, khi bước vào vùng đất hồi sinh, có lẽ, chúng ta cũng nên mạnh dạn một lần đổi thái độ, đổi cách suy nghi, để cùng nhau Hồi Sinh trong niềm tin tự quyết. Hồi Sinh trong quyền làm ngưòi. Hồi Sinh để kiến tạo một ngày mới đáng sống và Hồi Sinh để đổi mới xã hội. Chúng ta không nên ru ngủ mình hoặc là ru ngủ ngưòi khác bằng những điệu ru tiêu cực như:

- Chúng đang dãy chết. Chúng sắp tàn cuộc. Chúng đang tìm cách vơ vét thêm tý nữa rồi bỏ chạy, hoặc gỉa, chúng đang thay đổi….

Đó là những câu lừa dối mà ngày đêm chúng mong ước người Việt Nam ru nhau như thế. Ru càng lâu, ru càng nhiều, chúng càng có cơ hội bám vững trụ quyền lực. Để sau khi, Trung cộng đã hoàn toàn Giải Phóng tây nguyên, rồi nhờ Trung cộng gúp sức, bạo lực của chúng quay lại. Khi ấy, nó sẽ đè nặng xuống trên đầu, trên cổ ngưòi dân ta, có khi còn gấp trăm gấp ngàn lần những thống khổ mà dân ta đã phải gánh chịu trong mấy chục năm vừa qua. Bởi vi:

Tình người không thể phát sinh dưới chế độ cộng sản. Nhưng trong vùng đất Hồi Sinh, chúng ta sẽ tìm được Công Lý.
 
Vai trò quan trọng của luật sư trong tiến trình dân chủ hoá đất nước
Alfonso Hoàng Gia Bảo
17:27 17/06/2009
Vai trò quan trọng của luật sư trong tiến trình dân chủ hoá đất nước

Tin tức về vụ bắt giữ Ls.Lê Công Định hôm 13/6/2009 đã gây nên phản ứng mạnh suốt mấy ngày qua. Mặc dù chuyện bóp méo sự thật để ‘chụp mũ’ người dân là bản chất của các chế độ cộng sản, nhưng bắt một trí thức am hiểu luật pháp hàng đầu đất nước như Ls.Định mà Csvn lại dàn dựng như cách đối phó với những tên tội phạm nguy hiểm “đầu trộm đuôi cướp” quả là chuyện ‘dại dột’ lạ thường.

Rốt cuộc chỉ vì đứng trước một nhân cách lớn và uy tín cao cỡ như Ls.Lê Công Định, Csvn vì sợ dùng lưới nylon thường bắt ‘con cá’ lớn này e sẽ bị dư luận lên án nên họ đã phải ‘gia cố’ rào trước đón sau thêm bằng mấy chữ “bắt khẩn cấp” cho giống lưới B40 cho an toàn!

Mất công là vậy và đó là chưa kể việc Csvn đã chu đáo đến mức chọn thời điểm ra tay vào ngày cuối tuần, khi các cơ quan thông tấn nước ngoài đều nghỉ weekend, chờ sang Thứ Hai thì mọi chuyện cũng đã nguội bớt. Nhưng sự lên án nhanh chóng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và cả bộ ngoại giao Hoa Kỳ đang cho thấy hiệu quả của màn kịch “bắt khẩn cấp” này có vẻ như đang bị biến thành ‘hậu quả’ do bị phản tác dụng. Chẳng những uy tín Ls.Lê Công Định không giảm mà nhờ vụ bắt bớ này Csvn đã “lăng-xê” không công tên tuổi anh.

Những ngày qua những bức chân dung hết sức sáng sủa của anh cùng người vợ cựu hoa hậu đã bay đến khắp nơi trên thế giới. Những ai lần đầu biết đến tấm gương đấu tranh này chắc hẳn đã không khỏi cảm kích khi biết anh đang có một cuộc sống quá tuyệt: công thành danh toại ở tuổi khá trẻ, vợ đẹp con ngoan, nhà cửa ở khu Phú Mỹ Hưng sang trọng v.v… ấy vậy mà anh chẳng màng lo hưởng thụ mà lại bận lòng đến những người nghèo cần phải được bênh vực trước tình trạng bất công đang tràn lan trong xã hội VN hôm nay.

Csvn ắt phải đang rất lo lắng trước một ‘hiện tượng’ khó hiểu khác lạ với họ như vậy nên mới sẵn sàng bán rẻ cả uy tín chế độ khi ra lệnh bắt bớ anh. Nhưng vì sao các luật sư lại là những người hay gặp ‘vấn đề’ với nhà cầm quyền nhất mà chẳng phải các vị giáo sư, bác sĩ, kỹ sư hay đại biểu quốc hội v.v…?

Thời thế tạo anh hùng

Như chúng ta đều đã biết sau ngày Đông Âu và Liên Xô tan rã, CSVN buộc phải ‘cởi trói’ nhiều cho lĩnh vực, trong đó có nghề luật sư.

Hơn hai thập niên “đổi mới” đã trôi qua nhưng mớ ‘luật rừng’ XHCN của Csvn vẫn còn nguyên đó sự chằng chịt. Thậm chí còn được ‘gia cố’ thêm bằng nhiều điều luật rừng rú thời thượng cổ như Nghị định 31/CP (14/4/1997) việc cớ “nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia” để quản thúc trái phép không phải người nước ngoài mà là chính công dân VN, Nghị quyết 23/QH11/2003 của quốc hội 11 nhằm chối bỏ trách nhiệm cướp bóc đất đai nhà cửa của người dân, các tôn giáo v.v… bấy nhiêu đủ cho chúng ta thấy, việc phải phóng thích nghề luật sư là một thách thức không nhỏ với Hà Nội.

Mặc dù vậy, Hà Nội ngày ấy cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, mệnh lệnh ‘đối mới theo tư bản hay là chết’, đã buộc Csvn phải ‘nhắm mắt đưa chân’ thì họ mới có được những đồng Dollars do tư bản nước ngoài đổ vào giúp đảng qua cơn bĩ cực.

Nay nhờ những đồng dollars ‘cứu sinh’ ấy mà Csvn được thoát hiểm, thì nhiều ngành nghề tư nhân khác từng bị xem là ‘kẻ thù’ không đội trời chung với họ cũng đã có được cơ hội trỗi dậy. Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ về luật tính đến tháng 5/2009 VN đã có 1.284 văn phòng, 80 công ty luật hợp danh và 115 công ty luật tư nhân tập trung nhiều nhất ở Sàigòn và Hà Nội. [1]

Lịch sử cho thấy xưa nay giới luật sư và những kẻ độc tài luôn ‘kỵ rơ’ nhau như nước với lửa. Khi cả hai cùng lớn mạnh, vì Thiện Ác không thể chung sống bên nhau nên những trận ‘thư hùng’ giữa họ là điều khó tránh khỏi. Nhưng vì ở thế yếu hơn nên ở VN thời gian qua những Ls.Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyền, Bùi Kim Thành v.v… đã phải lần lượt dắt nhau vào tù.

Gần đây chúng ta vẫn chưa quên chuyện hai luật sư trụ cột của VP Luật Pháp-Quyền là anh Lê Trần Luật và chị Tạ Phong Tần, những người mà sau lần cộng tác trợ giúp phap1 lý cho giáo xứ Thái Hà, tuy chưa bị bắt vào tù nhưng cũng đã bị Csvn trù dập rất mạnh tay, qua những gì anh Luật đã trả lời phỏng vấn đài RFA hôm 15/5. [2]

Do vậy, để minh họa cho sự sợ hãi của Csvn đối với nghề luật sư ra sao, thiết tưởng hiện không gì thuyết phục cho bằng chính những tình huống rút từ hai phiên tòa ‘bất hạnh’ dành cho chế độ mới diễn ra hồi đầu năm, mà ở đó, Csvn đã bị các luật sư Pháp Quyền cùng xứ Thái Hà dí vào đến tận ‘đường cùng ngõ cụt’ ra sao?

Thái Hà, bàn thua đậm pháp lý của Csvn

Vụ Thái Hà khởi đi từ hôm 15/8/2008. Nhân ngày Mừng Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, giáo dân xứ này đã phá bỏ bức tường cũ ngăn cách khu đất tranh chấp đang bỏ trống để rước tượng Đức Mẹ vào đó để cầu nguyện.

Nhận thấy việc chưa từng có này là dấu hiệu của sự chẳng lành đối với chế độ, công an quận Đống Đa đã được lệnh ‘dằn mặt’ không để ngọn lửa Thái Hà cháy lan sang những nơi khác bằng cách hình sự hóa vụ bức tường. Việc để xảy ra các sự cố đánh người, xịt hơi cay và cuối cùng là bắt giáo dân cuối tháng 8/2008 đã khiến vụ Thái Hà đã bị trở thành ‘chuyện lớn’.

“Lỡ phóng lao nên đành phải theo lao”, Csvn phải lôi tiếp tờ Hà Nội Mới và Đài Truyền Hình VTV vào cuộc với thói quen suy nghĩ ngón đòn ‘vu khống’ là thứ đặc quyền bất khả xâm phạm của chế độ, nên họ đã vô tư phát sóng mà không ngờ rằng lần tái phạm này đã là giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly đã sắp tràn miệng.

Sau vụ vu khống Đức cha Ngô Quang Kiệt hồi tháng 11/2008, giáo dân Hà Nội đã quyết không thể bỏ qua tội họ nữa mà sẽ làm đến cùng. Và thế là vụ việc đã nhanh chóng được Ls.Luật giúp họ tiến hành khởi kiện ngay sau phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 12/2008.

Sai lầm đất đai chưa giải quyết xong nay lại thêm tội vu khống, cả hệ thống bảo vệ chính quyền Hà Nội bị rơi vào thế luống cuống chưa từng thấy. Thông tin về hai phiên xử này nay vẫn còn đầy đủ trên các trang VietCatholic, Dcctvn.net, Giaoxuthaiha.org v.v…

Bao nhiêu việc làm tồi tệ trong bóng tối mấy chục năm trước với Thái Hà và nhiều nhà thờ khác tưởng đã có thể ‘ngủ yên’ nay bỗng dưng sống lại khiến Csvn hết sức lo ngại.

Hiệu quả chống án thậm chí còn có thể quật ngược lại Csvn và đẩy nhà cầm quyền vào thế phải chống đỡ vất vả cho thấy sự trợ giúp pháp lý hết sức hiệu quả của các Ls.Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần thiết tưởng đã quá rõ chẳng cần nói thêm.

Hai phiên tòa xử tám giáo dân chẳng những nhà cầm quyền không thể kết tội họ, ngược lại, tấm ‘lá chắn’ luật rừng chở che đảng an toàn bấy lâu nay còn bị rách tơi tả trước công luận.

Có một chi tiết tưởng rằng nhỏ thực ra rất quan trọng nói lên cái sự ‘bí đường’ của Csvn thời điểm ấy, đó là khi Ls.Lê Trần Luật và Tạ Phong Tần bị công an cầm chân tại Sàigòn sau những màn đấu trí rượt bắt cứ như phim trinh thám, vì nó diễn ra sát phiên phúc thẩm 27/3 chúng ta đang bị hút vào phiên tòa này nên tưởng rằng họ chận hai anh chị, chỉ vì không muốn thấy họ hiện diện tại phiên tòa, nhưng chúng ta cũng đã bị lầm!

Nhìn lại toàn cục vụ Thái Hà chắc nhiều người cũng thấy chính vụ việc phát sinh kiện tờ Hà Nội Mới và đài THVN vu khống “giáo dân cúi đầu nhận tội” mới khiến Csvn lo lắng hơn nhiều so với phiên phúc thẩm.

Vì sao? Mọi người cứ thử tưởng tượng xem một phiên tòa mà phần tranh luận chỉ còn lại hai chữ “Yes / No” để xác nhận mấy chữ “cúi đầu nhận tội” bên cạnh những bằng chứng quá rõ ràng không thể chối cãi, “tên tội phạm” Csvn sẽ chạy đi đâu nếu chẳng phải đứng chết trân giữa tòa?

Tình thế trở nên ngặt nghèo đối với Csvn ở chỗ nếu để chuyện này xảy ra thì cả ông Tô Huy Rứa và Vụ Báo chí Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương từ nay về sau sẽ khó lòng chỉ đạo 700 tờ báo lớn nhỏ tiếp tục ‘nói láo’, đơn giản vì đồng nghiệp của họ là các ông tổng biên tập tờ Hà Nội Mới và tổng giám đốc Đài Truyền hình Trung ương VTV từng bị ‘mất mặt’ trước công luận vì làm theo lời chỉ… đại của đảng.

Chính vì lý do này mà Csvn đã phải bằng mọi giá không để nó xảy ra. Muốn thế thì việc ra lệnh cho công an Gò Vấp đánh phủ đầu Ls.Luật, cấm không cho anh bay ra Hà Nội hoàn tất nốt thủ tục đang bị họ cố tình ém nhẹm tất yếu phải xảy ra.

Thú thật khi ấy tôi rất ao ước được chứng kiến xem Csvn sẽ ‘trổ tài’ chống đỡ với hai chữ Yes / No trong phiên tòa “cúi đầu nhận tội” này ra sao, nhưng tiếc là nó đã không xảy ra. (Giáo xứ Thái Hà đã bỏ lỡ cú penalty, còn Csvn biết thân phận thua nên đã gỡ luôn cái khung thành bỏ chạy.)

Luật sư chân chính, ‘cứu tinh’ của dân nghèo thời nay

Có thể nói luật sư là những người luôn “nặng nợ” với các phong trào đấu tranh cho đòi hỏi tự do - nhân quyền ở mọi thời và mọi nơi. Tấm gương đấu tranh của Mahatma Gandhi của Ấn Độ và Nelson Mandela của Nam Phi vẫn còn đó, cả hai người đều là những luật sư.

Ở VN thời gian qua mặc dù con số trí thức đấu tranh đòi hỏi dân chủ không nhiều, nhưng nhìn tới lui chúng ta vẫn thấy đông nhất là các luật sư với những tên tuổi đã nêu trên. Sau đó mới đến các bác sĩ, nhà báo v.v…

Thứ bậc này theo chúng tôi cho rằng xuất phát từ lý do va chạm nghề nghiệp trong thực tế. Luật sư và bác sĩ là hai nghề phải thường xuyên đối mặt nhiều nhất với những số phận, mảnh đời đáng thương tâm hơn bất cứ nghề nào khác.

Chính những nỗi ray rức mỗi khi họ bất lực nhìn thân chủ của mình phải vào tù oan, thấy bệnh nhân của mình chết vì nghèo không đủ tiền chạy chữa v.v… sự chồng chất ấy cao dần theo năm tháng đến một lúc nào đó có thể sẽ bẻ ngoặt cuộc đời họ rẽ sang một hướng đi khác mà nhiều khi bản thân họ cũng không thể cưỡng lại được.

Nếu không vì lý do này làm sao chúng ta có thể lý giải nổi vì sao một Lê Thị Công Nhân bé nhỏ là vậy mà lại có thể nói ra những lời danh thép mà ngay cả nam nhi như chúng ta cũng chưa chắc có mấy người làm nổi “…tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là: tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất cứ một điều gì dù chỉ là thỏa hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng về phía tôi.”[3]?

Và sẽ là thiếu sót lớn nếu bài viết này chúng tôi không nhắc đến một trong những luật sư điển hình của thời đại cũng từng chịu sự dày vò lương tâm và đã thay đổi cuộc đời ông, đó chính là cố tổng thống Nam Hàn Roh Moo Hynn, người vừa tự tử trong tháng 5/2009 qua.

Vị cố tổng thống này từng xuất thân là một luật sư nhân quyền và “…vào năm 1981, công việc đưa ông tiếp xúc với một trường hợp vi phạm nhân quyền mà ông nói làm ông vĩnh viễn thay đổi khát vọng của đời mình. Ông Roh khi đó được đề nghị bảo vệ cho 12 trong số 24 sinh viên bị bắt vì tàng trữ văn chương cấm, và vì tội này, họ bị giam cầm và tra tấn trong gần hai tháng. Ông Roh được trích lời nói rằng: "Khi tôi nhìn thấy những đôi mắt hoảng sợ, những ngón chân bị mất móng của họ, cuộc đời một luật sư an nhàn của tôi chấm dứt". [4]

Những trường hợp ‘tai nạn nghề nghiệp’ tương tự như Roh Moo-Hynn nêu trên, phần nào giúp chúng ta hiểu được vì sao ở những nước như thiếu tự do dân chủ VN, TQ, Miến Điện v.v… luật sư thuộc giới nghề luôn có nguy cơ phải vào tù cao nhất.

Nhờ hiểu biết về luật, luật sư luôn là những người sớm nhất trong xã hội nhận ra sự bất minh và gian xảo trong hệ thống pháp luật trong các chế độ độc tài để rồi chính lương tâm và ý thức trách nhiệm của người có học trong xã hội thôi thúc họ hành động chống lại những sai trái này.

Như trường hợp CSVN, đó chính là các Điều 4 để kéo dài sự cai trị bất hợp pháp của đảng CSVN. Điều 88 ‘chống lại nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia’ để chụp mũ những người đấu tranh và còn nhiều điều luật cố tình chồng chéo khác mà nếu không có các luật sư chỉ ra không chắc chúng ta đã để ý đến.

Tóm lại, luật sư là những người đang ‘chạy xe ba gác trong bụng dạ chế độ’ vì tường tận mọi ngóc ngách bất minh trong hệ thống luật pháp hiện hành. Vì không chịu nổi cảnh bị người khác đâm thấu ruột gan mình mà Csvn đã ra tay bắt họ.

Vùng lên hỡi các… luật sư!

Nhờ hội nhập Csvn mới có cơ hội được đóng học phí ngu một cách ‘lãng nhách” trong các vụ kiện quốc tế như VN Airlines, Liên đoàn Bóng đá VN nên mới thấy cần các luật sư trẻ được học hành bài bản từ Âu Mỹ trở về. Nhưng khi nhìn lại hệ thống luật lệ của mình, Csvn vì không đủ bản lĩnh cải tiến nên không sao tránh khỏi tâm lý bất an khi thấy bao quanh những con người tài giỏi như vậy, lại là mớ dây oan ‘luật rừng’ do họ dựng lên để bảo kê chế độ.

Chính vì lý do này mà gần đây, nhất là kể từ sau khi gia nhập WTO, Csvn lại càng ra sức ‘chấn chỉnh’ ngược lại ngành nghề đặc biệt này, khiến cho hai Ls trẻ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vào ngày 6/3/2007 đã phải vào tù cùng lúc.

Với ai chưa đáng được vào tù thì phải ‘dằn mặt’ họ và Csvn đã nhắm vào Ls.Lê Quốc Quân hôm 8/3/2007 khi anh tham dự khóa học do cơ quan NED của Mỹ (National Endowment for Democracy) cấp học bổng, vừa trở về Việt Nam liền bị bắt.

Nhưng đây mới là đích Csvn đang nhắm đến đó là việc họ vừa vội vã dựng lên “Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam” (LĐLSVN), chính cái tổ chức này chúng tôi cho rằng sẽ làm thay công an để khóa tay các luật sư nào tỏ ý chống đối từ sớm chứ không để quá muộn như Ls.Lê Trần Luật, Lê Công Định kẻo mang tiếng cho chế độ khi phải bắt họ. Vụ liên đoàn luật sư Tp.HCM ra nghị quyết xác lập chủ quyền với hai quần đảo đang tranh chấp với TQ trong khi Csvn im lặng cũng đã khiến nhà cầm quyền đang rất khó chịu, chắc chắn cũng đang gây nên những cơn sóng ngầm đâu đây.

Mặc dù ý đồ thành lập LĐLSVN đã có từ sau vụ bắt hai Ls Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, nhưng vì gặp phải chống đối, đặc biệt là từ Liên Đoàn LS Tp.HCM do Ls. Nguyễn Đăng Trừng lãnh đạo, nơi mà nhiều người bảo là “ly khai”, mãi đến 11/5/09 Csvn mới trình làng được cái “tổ chức hoạt động dân sự” nhưng lại do đảng điều hành này.

Bằng chứng rõ rệt nhất là ngày ra mắt LĐLSVN người ta không chỉ thấy có ông Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường mà còn cả chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng.

Cơ cấu LĐLSVN thì lại toàn những cán bộ đảng viên ‘gộc’ như Lê Thúc Anh (nguyên Phó Chánh án TAND tối cao) làm Chủ tịch Hội đồng lâm thời, hai Phó Chủ tịch là Nguyễn Văn Thảo, nguyên là một vụ trưởng thuộc Bộ Tư pháp và Trần Đại Hưng nguyên là phó ban nội chính trung ương, cho thấy sự ra đời của tổ chức này chắc chắn không để cải cách ngành tư pháp mà sẽ được dùng để hợp pháp hóa việc đàn áp những luật sư như Lê Trần Luật thay cho công an để tránh tiếng.

Đâu có cái tổ chức dân sự nào mà lại được đảng quan tâm nhiều như vậy nếu không phải trá hình?

Nhận thấy sự áp đặt này là quá trắng trợn nhiều luật sư đã lên tiếng phản đối. LS.Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM đã bày tỏ sự bất bình và thất vọng “Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Chủ tịch Liên đoàn phải do tất cả các đại biểu bỏ phiếu bầu, nhưng thực tế lại không được như vậy”. [5]

Trước đó, Đoàn luật sư Sàigòn cũng đã từ chối kết nạp Lê Thúc Anh làm thành viên để đáp ứng quy định (phải là luật sư mới được tham gia Hội Đồng Lâm thời Luật sư toàn quốc) Lê Thúc Anh đã tìm cách “chạy chọt” được làm thành viên của Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tình hình cho thấy có thể sẽ có thêm nhiều lưới sắt được tung ra nhắm vào giới luật sư nay mai chứ chưa hẳn đã dừng lại sau vụ bắt anh Lê Công Định.

Nhưng như đã nói trên, “duyên nợ” của giới luật gia đối với vận mệnh đất nước ở mọi thời và mọi nơi bao giờ cũng khăng khít hơn bất cứ nghề dân sự nào khác. Một dân tộc có tiếng dũng cảm đấu tranh như Việt Nam càng khó nằm ngoại lệ và trọng trách ấy đang ở trong tay khoảng 5000 luật sư trên cả nước.

Việc khởi kiện ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Ls.Cù Huy Hà Vũ trong bối cảnh giáo sư Nguyễn Huệ Chi và mọi người đang hình dung ra ‘bàn thua trông thấy’ xảy ra ở quốc hội, cho chúng ta thấy ‘ngón đòn’ của luật sư tung ra bao giờ cũng hiệu quả hơn cái sự loay hoay chống đỡ của những người ít hiểu luật như chúng ta nhiều lần.

Để VN sớm có một xã hội dân sự đích thực, không thể ai khác ngoài chính các luật sư trong nước phải đứng ra “xóa mù” luật giúp cho CSVN.

Xóa bằng cách nào? Chẳng cần tìm đâu xa vì ‘vũ khí’ đã có sẵn cái khẩu hiệu “Sống và Làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật” Csvn đang vung vãi khắp nơi, buộc họ tuân thủ luật pháp như cách mà giáo xứ Thái Hà cùng với Ls.Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần vừa mới ‘lên lớp’ cho họ hai bài học vỡ lòng hồi đầu năm nay.

Suốt chiều dài lịch sử nhân loại chúng ta chưa từng thấy có kẻ độc tài nào bỗng dưng nổi hứng tuyên bố tự ý bãi bỏ chế độ của họ, thôi kềm kẹp và trả tự do cho dân chúng. Và cả đến khi đến trái đất này nổ tung ra, ảo tưởng này khó có thể xảy ra mà ngược lại, chúng ta chỉ toàn thấy những sự tự do dân chúng khắp nơi phải mua với những cái giá “cắt cổ” vì bằng máu và nước mắt. Vài trăm mạng sống sinh viên TQ chỉ cho phép họ được vài chục chục ngày đêm hít thở tự do trên bầu trời Thiên An Môn 20 năm trước vẫn còn sờ sờ ra đó.

Và như vậy, cái giá của tự do dân chủ mà Csvn sắp ‘bán’ cho hơn 80 triệu dân VN nay mai chắc chắn cũng không hề rẻ! Vài chục triệu dân đen chúng tôi không tài nào có cơ hội sở hữu chúng nếu thiếu sự giúp sức của giới trí thức đặc, biệt là các luật sư dũng cảm và tên tuổi như anh Lê Công Định, Lê Trần Luật, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quận v.v.v. và nhiều người khác.

Bài viết này xin được như một lời tri ân bé nhỏ gởi đến các vị luật sư chân chính, những người vì một nước Việt Nam tự do dân chủ tương lai mà nay đã và đang chịu sống trong vòng tù tội của bạo quyền Csvn.

Ghi chú:

[1] Chủ tịch nước: Luật sư phải độc lập http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/846958/

[2] Luật sư Lê Trần Luật dưới áp lực của chính quyền

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lawyer-le-tran-luat-under-constant-pressure-meetings-with-international-delegations-obstructed-q-a-05152009165332.html?searchterm=None

[3] Lời tâm huyết cuối cùng

http://vi.wikisource.org/wiki/L%E1%BB%9Di_t%C3%A2m_huy%E1%BA%BFt_cu%E1%BB%91i_c%C3%B9ng

[4] Cuộc đời ông Roh Moo-Hyun

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/090523_rohmoohyun_obit.shtml

[5] Luật sư và Liên đoàn Luật Sư. .. Quốc Doanh

http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090516_01.htm

Sàigòn, 17/6/2009
 
Viết về người bạn: Luật Sư Lê Công Định
Luật Sư Lê Quốc Quân
18:10 17/06/2009
VIẾT VỀ NGƯỜI BẠN – LUẬT SƯ LÊ CÔNG ĐỊNH

Luật sư Lê Công Định vừa gặp nạn. Là một người cùng chí hướng, đồng nghiệp và là một người bạn, tôi muốn viết đôi dòng về Anh và tự chịu trách nhiệm cá nhân về những gì mình viết.

Những câu chuyện giữa Tôi và Luật sư Lê Công Định không còn bí mật để cơ quan An Ninh dùng như là một bằng chứng chống lại anh ấy. Ngược lại, tôi tin rằng Cơ quan an ninh cần trả tự do cho Luật sư Định.

Là một luật sư yêu nước !

Tôi biết Luật sư Định vào cuối năm 2002, khi đó anh đã có một bài viết trên Tuổi Trẻ về vụ Năm Cam.

Chúng tôi tìm đến nhau vì cùng phẫn nộ một “liên minh ma quỷ”. Một tay xã hội đen vô học đã có được Thứ trưởng bộ công an và giám đốc đài tiếng nói Việt Nam, có cả súng và loa.

Lần đầu gặp thấy Anh hao hao giống tây và phát âm rất chuẩn tiếng Pháp, tôi hỏi rằng: “Anh có tý máu nào từ quê hương của Montesquier không?. Định bảo: “Không, tôi 100% Vietnam”. Tự hào về dân tộc, yêu quê hương giống nòi Việt Nam là cảm nhận đầu tiên của tôi đối với Luật sư Định !

Chúng tôi chia sẻ với nhau về tự tình dân tộc, về nỗi đau và vô cảm trước bất công, sự bế tắc của cơ cấu nhà nước không có tam quyền phân lập, mâu thuẫn không thể dung hòa giữa cơ chế thị trường và định hướng XHCN.

Chúng tôi cho rằng các luật sư cần phải chung tay với tất cả mọi người xây dựng một Việt Nam phát triển và tiến bộ.

Là một luật sư giỏi và đúng mực

Chính Bộ Tư Pháp phải thừa nhận rằng trong gần 4.000 luật sư toàn quốc, Khả năng tranh tụng và tư vấn quốc tế như Luật sư Định là đếm trên đầu ngón tay.

Là một chuyên gia về luật thương mại quốc tế, đã từng du học ở Pháp, Mỹ, Anh từ chối những cơ hội làm việc và bỏ lại đề tài tiến sỹ dở dang tại Mỹ để về phục vụ quê hương.

Anh tham gia nhiều vụ kiện lớn cho Việt Nam như Cá Tra-Ba sa và vụ kiện Da giày với Liên Minh Châu Âu. Ở trong bất cứ cuộc đấu trí nào trên bàn nghị sự với các luật sư đối phương, Anh kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia từng li từng tý.

Ngoài ra hiện nay anh còn là Tổng thư ký của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC), giải quyết rất nhiều tranh chấp quan trọng trong quá trình hội nhập, có được niềm tin của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Trong các bài viết của mình Anh luôn giữ một thái độ ôn hòa nhưng kiên quyết, đúng huyệt nhưng khoan dung. Nhiều bài viết của Anh đăng trên báo trong nước như Tuổi Trẻ, Tia Sáng, Doanh nhân Sài Gòn…nhưng BBC là nơi anh yêu thích nhất.

Anh là người đầu tiên sẵn sàng đứng ra bào chữa miễn phí cho tôi khi bị bắt giữ. Dù không có cơ hội đó, nhưng những gì Anh đã làm cho Ls Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Blogger Điếu Cày đã nói lên tình yêu của anh với pháp luật, sự tha thiết của anh với vấn đề công lý và dân chủ.

Những lời cố vấn, động viên của Anh trong suốt thời gian tôi bị giam cầm là nguồn an ủi và khích lệ rất lớn lao cho gia đình tôi. Tình cảm đó Vợ tôi, Mẹ tôi không bao giờ quên.

Vì sao bị bắt và bắt để làm gì ?

Khi còn là phó chủ nhiệm Đòan Luật sư TPHCM, LS Định đã chấp bút nhiều tài liệu quan trọng, đặc biệt là văn bản lên án Quyết định thành lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc.

Ngoài ra ông cùng Luật sư Nguyễn Đăng Trừng kiên quyết phản đối chiến dịch “cài người” vào Liên Đoàn Luật sư Quốc Gia Việt Nam nhằm khống chế và định hướng cho tổ chức nghề nghiệp này.

Phải chăng, người ta muốn dằn mặt người chủ nhiệm Đoàn của Anh khi với tư cách Đại biểu quốc hội, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng hiện đang cùng nhiều đại biểu khác làm nóng hội trường bằng những chất vấn “không thể trả lời” về Bauxite, Lãnh Thổ và Lãnh hải.

Có thể một trong những mục đích của việc bắt giữ là để “xé” quan hệ với Mỹ và Phương Tây đang còn manh nha được phục hồi. Con ngáo ộp – “Thế lực thù địch” lại được đưa ra để hù dọa mọi người và làm cho nhóm thân Trung Quốc có dịp thắng thế.

Là luật sư từng bảo vệ cho vụ cá Ba Sa Việt Nam anh Định đã cùng tôi bàn thảo nhiều đến việc khởi kiến Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông ra tòa án quốc tế vì lệnh cấm đánh bắt này ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngư dân Việt Nam. Nếu đây là một lý do thì vận nước đang có biến !

Có một thông tin cho báo chí rằng luật sư Định là người đầu tiên thông báo cho tôi Nguyễn Đức Chi bị bắt vào năm 2005. Các báo hồi đó chạy hàng loạt tít lớn “siêu lừa” với những cáo buộc nặng nề. Sau hơn 4 năm tạm giam và qua 2 lần xét xử, tòa án tuyên Nguyễn Đức Chi không lừa đảo.

Bởi vậy dù chỉ có một ông Tổng biên tập của 700 tờ báo, những đòi buộc về sự khách quan và tôn trọng phẩm giá con người cần phải được các nhà báo đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này.

Luật sư Định không phạm tội và hãy trả tự do !

Trong nhiều bài bào chữa của mình Luật sư Định đã hỏi: “yêu nước có phải là tội không ?. Hôm nay câu hỏi đó lại day dứt trong tim nhiều người. Cá nhân tôi cho rằng Luật sư Định là người yêu nước và không vi phạm pháp luật.

Anh có cao vọng cá nhân và tin rằng chỉ thế mới đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Báo chí trong nước nói về mong muốn làm Tổng Thống như một sự mỉa mai, nhưng thực sự đó là một hoài bão đẹp. Nếu không có ước mơ thì làm sao nước Mỹ có một tổng thống như Obama.

Nếu ai đó đã từng “nhạo báng công lý” để bắt rồi thả Nguyễn Việt Tiến ra, thì hôm nay nên tôn trọng công lý mà trả lại tự do cho Luật sư Lê Công Định.

Nếu ai đó chưa từng gặp và trao đổi trực tiếp với Luật sư về đất nước, thì hy vọng đây sẽ là dịp làm rõ tinh thần trong sáng của Anh, thay đổi “não trạng” mà có quyết định sáng suốt để trả tự do cho Anh.

Nếu ai đó đang vì quyền lợi riêng tư của một nhóm, một tập đoàn nào đó thì đã đến lúc hãy bình tâm đặt tổ quốc lên trên hết, lắng nghe tiếng xôn xao của dư luận, tiếng thì thầm của quần chúng và khát vọng cống hiến chính đáng của công dân ưu tú của mình, hãy trả tự do cho Luật sư Định !

Tôi gọi điện cho Ngọc Khánh. Là vợ, chị luôn tin rằng những điều anh ấy làm là tốt đẹp cho đất nước. Là cử nhân luật, chị quả quyết rằng chồng mình không vi phạm pháp luật. Là Hoa hậu với những quan hệ xã hội rộng lớn, Chị tin rằng công lý sẽ giải thoát anh khỏi gông cùm.
 
Ai sinh trưởng trong hang ổ tội phạm - phải trở thành kẻ cướp ?
Lê Sáng
18:17 17/06/2009
AI SINH TRƯỞNG TRONG HANG Ổ TỘI PHẠM - PHẢI TRỞ THÀNH KẺ CƯỚP ?

Ăn theo sự kiện công an csvn bắt luật sư Lê Công Định, ngoài những lời cáo buộc “rất nghiêm trọng” nửa kín nửa hở được sì ra từ quan chức an ninh cho đám bồi bút cộng sản tung hứng trên hơn 1000 báo viết - báo hình của 1 tổng biên tập. Lại có nhiều kẻ ở trong “hội đoàn nghề nghiệp độc lập” lên tiếng phê phán ông luật sư “phản động – lật đổ chính quyền nhân dân”. Nào là bị sốc, nào là không hiểu nổi, nào là chống lại pháp luật thì sẽ bị pháp luật trừng trị…

Trong số những kẻ vô liêm sỉ đó có cả giới luật gia, luật sư - Điển hình là Phạm Vĩnh Thái - Luật sư, kiêm phó chủ tịch hội luật gia TP.HCM.

Trong chế độ csvn, hội luật gia là một hội nghề nghiệp nằm trong mặt trận tổ quốc VN – Nó đương nhiên là cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản. các chức vụ từ phó chủ tịch thường trực cấp quận hội trở lên, phải là đảng viên. Hội này tập hợp tất cả những ai có chút liên quan đến nghề luật (Luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, cán bộ công an, hội thẩm nhân dân, thư ký toà án, cán bộ uỷ ban pháp luật quốc hội, ban nội chính trung ương cs, cán bộ tư pháp… Tóm lại là ô hợp mọi thành phần có chút công việc liên quan đến luật pháp – Không cần tiêu chuẩn gì về trình độ bằng cấp). Có một điều đặc biệt là hội luật gia rất ưu ái các vị trí lãnh đạo cho cán bộ trước thuộc cơ quan đảng, công an, toà án về hưu và tham gia hội - Hội này hoạt động nhờ vào kinh phí của nhà nước, rót từ trung ương hội, hay từ UBND cùng cấp… Hội phí chỉ khoảng vài chục nghàn VNĐ/năm/hội viên – Không đủ để trả tiền điện thắp sáng cho trụ sở hội - Trụ sở hội được nhà nước csvn cấp, hoặc cho mượn… Lương của những người hoạt động thường xuyên cho hội cũng lấy từ ngân sách quốc gia, tức là từ tiền đóng thuế của dân.

Ngay sau khi bắt giữ luật sư Lê Công Định, Phạm Vĩnh Thái với tư cách là luật sư, phó chủ nhiệm hội luật gia TP.HCM trả lời phỏng vấn của BBC, (*) trích nguyên văn:

“Khi nghe tin tôi cũng hơi bị sốc. Thứ nhất là vì ông Định cùng trong giới luật sư, những người biết luật mà giờ đây lại chống lại pháp luật.

Thứ hai là, ông Định thuộc thế hệ sau chiến tranh, sinh năm 1968, khi giải phóng miền Nam thì ông ấy còn nhỏ. Được đào tạo, giáo dục, lớn lên trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà bây giờ lại cấu kết với những người khác để lật đổ chế độ hiện nay thì chúng tôi thấy sốc.

Bản thân tôi hơi sốc và nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng thấy hết sức ngỡ ngàng trước việc này.

Còn đương nhiên nếu ông ấy chống lại pháp luật nhà nước Việt Nam thì sẽ bị pháp luật trừng trị thôi.” - Hết trích.

Hãy khoan phân tích những ẩn ý kết tội luật sư Lê Công Định, đe doạ công luận công lý của người đồng nghiệp luật sư này. Chỉ phân tích một ý của Phạm Vĩnh Thái: “Được đào tạo, giáo dục, lớn lên trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà bây giờ lại cấu kết với những người khác để lật đổ chế độ.” - Để những người công chính biết được lời cộng sản nói và việc cộng sản làm.

Đây là câu cửa miệng và là não trạng thâm căn cố đế của csvn. Từ thời sơ khai của nhà nước csvn với lãnh tụ “cha già dân tộc” Hồ Chí Minh, cán bộ việt minh đã luôn miệng dùng câu nói này để kết tội bất cứ ai trái ý cộng sản. Khi Trần Dụ Châu, sĩ quan cấp tá của HCM khi bị Hồ ra lệnh xử bắn, HCM cũng nói như thế… Trong thời kỳ cải tạo XHCN ở miền Bắc, và sau khi chiếm được miền Nam 1975, thì câu nói này đã được quan chức cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ luôn miệng tuôn ra từ trên bục giảng vào đến tận xà lim ngục tù … Nhàm đến mức chẳng ai thèm để ý đến nữa. Nhưng khi mà hệ thống XHCN sụp đổ nhẵn tiền, các “học sĩ” của CN Mác-Lênin cũng thừa nhận học thuyết này đã phá sản, hay ít ra cũng thừa nhận đã “hiểu lầm” CN Mác-Lênin, thì câu nói cửa miệng của những vị cán bộ cộng sản này trở nên lố bịch.

Theo như cách lập luận của Phạm Vĩnh Thái, ai sinh trưởng trong chế độ cộng sản, bất kể cái chế độ này đúng hay sai, đều không được phép phê phán, chống lại nó. Ai sinh trưởng trong chế độ cộng sản, không cần biết họ thuộc thành phần nào, tiền bạc cha mẹ họ có từ đâu, công sức cha mẹ họ chăm sóc con cái thế nào, đều phải hiểu là chế độ cộng sản này đã nuôi dưỡng người đó. Và để trả ơn, họ phải thành người cộng sản, hay ít ra phải phục tùng vô điều kiện nhà nước cộng sản. Miễn bàn cãi.

Học thuyết cộng sản của Mác đã bị những người tự xưng là cộng sản lợi dụng để xây dựng nhà nước man rợ ngay giữa xã hội văn minh. Giả sử Mác được chứng kiến ông sẽ kinh hoàng hơn ai hết. Hệ thống nhà nước cộng sản ngày nay đã bị cả thế giới văn minh nhân bản ra nghị quyết lên án tội ác của nó. Không tính những người lính chết ngoài mặt trận, chỉ riêng thường dân vô tội chết trong các chính sách cải cách, cải tạo, cách mạng nhỏ trong lòng cách mạng lớn… (cải cách ruộng đất, tập chung cải tạo, cải tạo công nghiệp, cải tạo thương nghiệp, cải tại tư bản, cải tạo XHCN… cách mạng văn hoá, cách mạng tư tưởng…) đã là hơn 100.000.000 nhân mạng.

Đến hôm nay, những kẻ xuất khẩu thứ chủ thuyết và kiểu nhà nước tội phạm giết người này đã phải thừa nhận sai lầm, thừa nhận tội lỗi một cách chính thức và cả không chính thức. Chính tay những kẻ xây nên thành trì XHCN đã giựt sập thành quách này. Và cái gọi là mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng không còn. Thay vào đó những người tự nhận là cộng sản ở Việt Nam cho xây dựng mô hình nhà nước tư bản – Nhưng cải lương thành “tư bản đỏ” để bám giữ quyền lực hòng tránh một phiên toà luận tội cộng sản giết người. Vẫn là máu và nước mắt trong cái nhà nước của những kẻ lấy danh cộng sản để lừa bịp, để tham nhũng, để đàn áp giết chóc người lương thiện. Như thế cái mà Phạm Vĩnh Thái gọi là “Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” – Dù là nguyên bản của những năm 1970-1990 hay thứ nhà nước kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa quái gở hôm nay, thì vẫn chỉ là một tổ chức tội phạm có gương mặt 1 quốc gia mà thôi.

Và theo ông đảng viên cộng sản, cựu sĩ quan quân đội, được nhà nước cộng sản may vá lên thành luật gia - luật sư này thì, ai sinh trưởng trong cái hang ổ tội phạm cấp nhà nước này, phải trở thành kẻ cướp dưới sự điều hành của nhà nước để trả ân trả nghĩa cho đảng cộng sản. Nếu không đích thị là kẻ: “chống lại pháp luật nhà nước Việt Nam thì sẽ bị pháp luật trừng trị thôi”. - Lập luận về ân oán của kẻ cướp.

Dùng ngay lập luận của Phạm Vĩnh Thái, người ta đặt câu hỏi rằng: Tại sao sinh trưởng trong lòng một dân tộc á đông, có truyền thống lễ nghĩa rất chặt chẽ, rất mô phạm. Mà lại có những người Việt đi rước về thứ chủ nghĩa ngoại lai, phản khoa học, bất nhân và rất xa lạ với dân tộc Việt đến thế? Sao những người cộng sản không áp dụng chính lập luận về trả ân trả nghĩa của mình cho những hành động của họ? Sao họ không trả hiếu cho tổ tiên người Việt mà đến tận lúc hấp hối còn trăng trối đi gặp Mác, gặp Lênin - Những kẻ đã không có máu huyết gì với người Việt mà lại còn dùng nước Việt như bàn đạp như tên lính đánh thuê cho âm mưu bá quyền gớm ghiếc của nó?

Ai sinh trưởng trong hang ổ tội phạm mà không thành kẻ cướp đã là hồng phúc cho dân tộc Việt. Ai sinh trưởng trong hang ổ tội phạm mà chống lại kẻ cướp sẽ là đại phúc cho dân tộc Việt. Những người như thế sẽ trả được hiếu cho tổ tiên nước Việt – Nào ! Những ai sinh trưởng trong hang ổ tội phạm không biến thành kẻ cướp, hãy cùng nhau đi trả hiếu cho tổ tiên !
 
Thông Báo
Thư mời tham dự thánh lễ cầu nguyện và tưởng nhớ công ơn Đức cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ tại Houston, Texas
Nhóm Lm Long Xuyên
21:30 17/06/2009
THƯ MỜI THAM DỰ THÁNH LỂ CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NHỚ CÔNG ƠN ĐỨC CỐ GIÁM MỤC MICAE NGUYỄN KHẮC NGỮ

Nguyên Giám Mục Tiên Khởi Chánh Tòa Giáo Phận Long Xuyên

Kính Thưa:

- Quí Linh Mục, Quí Thầy Sáu, Quí Tu Sĩ nam nữ gốc thuộc các giáo phận Long Xuyên, Thái Bình, Lạng Sơn và các Linh Mục, Tu Sĩ thân hữu.

- Quí ông bà anh chị em giáo dân hải ngoại gốc thuộc các giáo phận Long Xuyên, Thái Bình và Lạng Sơn.

- Quí anh chi em cựu Chủng Sinh và Tu Sĩ thuộc giáo phận Long Xuyên.

- Quí gia tộc của Đức Cha Micae Nguyễn khắc Ngữ.

- Quí thân hữu.

Để tưởng nhớ công ơn và cùng nhau cầu nguyện cho Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, vị Giám mục tiên khởi, là người Cha Gìa kính yêu và cũng là Đại Ân Nhân của gíao phận Long Xuyên và Giáo Hội Việt Nam, mới được Chúa gọi về nhà Cha trên Trời ngày 11 Tháng 6 năm 2009 tại Việt Nam, hưởng Thượng thọ 101 tuổi.

Chúng tôi, một số Linh Mục, cựu chủng sinh và giáo dân gốc điạ phận Long Xuyên – Xin kính mời quí Cha, quí Thầy Sáu, quí Tu Sĩ nam nữ và giáo dân gốc thuộc các Giáo Phận Long Xuyên, Thái Bình, Lạng Sơn, quí vị trong gia tộc của ĐC Micae và các thân hữu, bớt chút thời giờ đến tham dự thánh lễ cầu nguyện và tưởng nhớ công ơn của Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ.

Vào lúc 6:00 giờ chiều Thứ Bẩy, ngày 20 tháng 6 năm 2009 Tại: Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức, 6550 Fairbank N. Houston, Houston, TX 77040

Chúng tôi ước mong được qúi Cha, qúi Thầy Sáu, qúi Tu Sĩ và toàn thể quí vị nhiệt tình hưởng ứng, đến hiệp dâng thánh lể để cầu nguyện cho người Cha chung, vị Mục Tử nhân lành của chúng ta và cùng cầu nguyện cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

Nhóm Linh Mục, Cựu Chủng Sinh và Giáo Dân Long Xuyên

Trân Trọng Kính Mời

Mọi chi tiết xin liên lạc: Cha Châu: (832)755-9926); A.Tân (713) 983-8393; A. Khôi (713) 398-1554; A. Thuý (713) 320-7555; A.Mậu (281) 642-1380.
 
Văn Hóa
Nhân ngày lễ Hiền Phụ: CHA TÔI
An Mai
16:26 17/06/2009
Nhân ngày lễ Hiền Phụ: CHA TÔI

Mấy chục năm trời nhận được biết bao nhiêu tình thương của Cha mà không viết về Cha của mình thì dở quá !

Mấy chục năm trời mà chỉ trải lòng trên vài trang giấy thì cũng dở vì lẽ tình thương trời bể ấy sao gói ghém cho được trong vài con chữ !

Và, chẳng có ngôn từ nào để nói hết về ơn Cha, về nghĩa Mẹ cả. Nhưng, nếu không nói thì quả là điều xấu hổ cho một con người đã lãnh nhận không biết bao nhiêu ơn lành từ bàn tay Cha, từ tấm lòng của Mẹ.

Sau biến cố 75, gia đình đã rơi vào cảnh túng quẩn do thay đổi chế độ. Nghe người này người kia nói sẽ gặp nhiều sự khó khăn sau ngài Giải phóng ấy nên gia đình khăn gói lên đường đi Kinh Tế Mới. Một điều chẳng ai mong đợi đó là Cha tôi bị bệnh và mất sức lao động từ ngày ấy. Mọi chuyện trong nhà nặng trĩu trên đôi vai Mẹ.

Sinh ra trong một gia đình vốn dĩ mang tính truyền thống là hiền lành, với hoàn cảnh sức khoẻ như vậy, Cha tôi lại càng hiền hơn nữa. Truyền thống hiền lành ấy đã để lại dấu ấn nơi bà con chòm xóm và ngay cả Cha Sở. Trong Thánh Lễ an táng của người bác ruột, Cha Sở giáo xứ Thánh Giuse (Gò Vấp) chia sẻ trong bài giảng rằng: “Ông T chỉ một lần nóng giận vợ con đập bể 1 cái đĩa thôi mà ông ân hận mãi. Ông chẳng hiểu tại sao ngày hôm ấy ông lại làm như vậy. Để xảy ra chuyện không vui ấy, ông hối hận vô cùng. Từ đó về sau, chẳng bao giờ vợ con thấy ông la mắng vợ con điều gì cả. Nhìn vào tấm gương của ông, chúng ta cần nhìn lại cách hành xử của chúng ta, chúng ta phải mặc lấy tâm tình hiền lành như ông T đã học nơi Chúa Giêsu …”.

Quả thật, Cha tôi cũng hiền như bác tôi vậy. Từ bé đến lớn, chưa bao giờ thấy ông to tiếng với ai trong gia đình cả. Phật lòng điều gì đấy, Cha tôi cũng chỉ lặng lẽ và lặng lẽ đón nhận.

Với con mắt của người đời, với cái nhìn hết sức bình thường của con người thì Cha tôi được liệt vào hàng “vô dụng”. Thế nhưng, tôi cũng như anh chị em trong gia đình lại có cái nhìn khác về Cha của mình. “Vô dụng” với cái nhìn của người đời nhưng với con cháu, Cha tôi là một người ơn cho cả gia đình. Lẽ thường của cuộc đời, trong gia đình, có người nóng thì cũng phải có người nguội chứ không thì gia đình sẽ tan nát. Mẹ tôi thì mang đậm nét của một cá tính mạnh, Cha tôi lại mang đậm nét của người hiền từ và nhân hậu. Cha tôi hoàn toàn không “vô dụng” và ngược lại rất “hữu dụng” và là người ơn của cả gia đình bởi lẽ bài học khiêm tốn từ người cha trong gia đình con cái khó có thể mà sống được như cha và đặc biệt hơn nữa, đó là đời sống cầu nguyện và sâu lắng với Chúa của Cha tôi. Nhờ có đời sống nội tâm và gắn bó với Chúa nên gia đình phải nói là ít có sóng gió.

Điểm son trong cuộc đời Cha tôi đó chính là sự khiêm hạ. Nhớ những lần gia đình có mâu thuẫn, có va chạm thì y như rằng, Cha vẫn là người nhịn nhục, chịu thiệt thòi. Nhịn nhục, thiệt thòi ấy vậy mà hay. Những nhịn nhục, những thiệt thòi ấy là “chất” gìn giữ cho gia đình được bình an và hạnh phúc. Cũng với nhiều người, nhịn nhục, chịu thiệt là hèn nhát nhưng với Cha tôi, chịu thiệt và nhịn nhục ấy chính là cách mà Người cư xử với vợ, với con.

Phải nói là Cha tôi hiền đến độ kiệm lời. Ít bao giờ thấy ông to tiếng và thậm chí lên tiếng này tiếng nọ. Cha ít nói đến độ thi thoảng dịp này dịp nọ có cha này cha kia trong cộng đoàn hay thân quen ghé thăm nhà Người cũng chẳng biết nói gì. Chỉ đơn giản “xin cảm ơn các cha đã ghé thăm nhà”. Và hình như lời “cảm ơn” nhỏ nhẹ của Cha tôi như thay lời muốn nói tất cả của Người.

Nhìn lại chặng đường dài của gia đình, nếu như Mẹ còn sống, thì suốt 45 năm qua, nhờ đời sống khiêm hạ của người Cha mà anh chị em chúng tôi mới có được như ngày hôm nay.

Cách đây hơn chục năm, khi đối diện với cơn tai biến, Cha tôi đã tiên liệu đến cái “ngày ấy”. Biết con cái phải bôn ba hơn với cuộc sống khi người Mẹ hiền đã nằm xuống, Cha tôi càng lo lắng hơn cho cái phần “hậu sự”. Không lo sao được khi cả nhà đã dốc hết mọi sự lo cho Mẹ chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, không lo sao được khi Mẹ hiền nằm xuống các con rơi vào cảnh ngộ “hai bàn tay trắng”, không lo sao được khi chính bản thân mình lại bị tai biến …

Chẳng biết bộc bạch với ai, Cha bèn thỏ thẻ với người anh kế ! Tất cả những âu lo cho “ngày ấy” được cậu trai Út thu xếp từ phần “Bảo hiểm xã hội” sau vài năm lăn lộn với cuộc sống. Cậu trai Út của ông đã gửi phần tiền ít ỏi để lo cho Cha mình nơi Cha Giám Đốc Dự Tập khi bước vào “nhà tu”. Đến nay, cu cậu đã tốt nghiệp ra trường nhưng sức khoẻ của Cha tôi cũng phần nào được ủi an. Chắc có lẽ Thiên Chúa đã quan phòng, đã yêu thương, đã chăm sóc và đã bù đắp lại cho người Cha hiền lành trong gia đình nhỏ bé ấy.

Biết rằng một ngày nào đó con sẽ mất cha, cháu sẽ mất ông nhưng cậu trai Út cứ nài van xin Chúa cho Cha của mình được thọ lâu bên đàn con cháu.

Thi thoảng, anh chị em chúng tôi lại ngồi lại và nhắc nhớ nhau về hình ảnh, về nhân cách của người Cha. Ngày nay, cả gia đình tạm gọi là “hàng ngày dùng đủ” phải chăng là nhờ lời cầu bầu của người Mẹ hiền yêu dấu và bằng những lời kinh, những tràng chuỗi từ người Cha già khiêm hạ. Những gì đàn con lũ cháu có được ngày hôm nay chẳng phải nhờ vào sự bôn ba của người Mẹ và lời nguyện cầu của người Cha đó chăng ?

Chỉ biết thầm xin Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót cho Mẹ được vui hưởng tôn nhan Chúa và xin cho Cha được vui hưởng những ngày cuối đời vui vầy bên lũ cháu đàn con.
 
Ngày Hiền Phụ: Bố tôi khi tôi lên...tuổi
Jos. Tú Nạc, NMS
16:46 17/06/2009
BỐ TÔI KHI TÔI LÊN

4 tuổi: Bố tôi có thể làm bất cứ điều gì.

5 tuổi: Bố tôi biết đủ mọi cái.

6 tuổi: Bố tôi thông minh hơn Bố bạn.

8 tuổi: Bố thật ra chẳng biết một cái gì.

10 tuổi: Ngày trước khi bố tôi mới lớn, mọi thứ chắc không giống như bây giờ.

12 tuổi: Ồ, phải rồi, Bố chẳng biết bất kỳ một thứ gì, về điều đó. Bố già quá không nhớ được thời thơ ấu của mình.

14 tuổi: Đừng chú ý gì tới Bố tôi. Ông quá cổ hủ!

21 tuổi: Bố tôi á? Lạy Chúa tôi, ông lỗi thời không cách cứu chữa.

25 tuổi: Bố biết chút ít về việc đó, nhưng rồi ông sẽ biết bởi vì ông đã quá từng trải.

30 tuổi: Có lẽ chúng ta nên hỏi Bố nghĩ gì. Xét cho cùng, ông đã có nhiều kinh nghiệm.

35 tuổi: Tôi sẽ không làm được một việc đơn độc tới lúc tôi nói chuyện với Bố.

40 tuổi: Tôi tự hỏi Bố vận dụng vấn đề đó như thế nào. Ông rất khôn ngoan và có cả một thế giới kinh nghiệm.

50 tuổi: Nếu bây giờ Bố hiện diện nơi đây, tôi có thể đưa ra bất cứ điều gì để bàn bạc việc này với ông. Thật quá tệ, tôi đã đánh giá không đúng Bố là người thông minh như thế nào. Tôi có thể học được nhiều điều ở Bố tôi.
 
Cha thánh Khoan
LM Phêrô Hồng Phúc
19:00 17/06/2009
CHA THÁNH KHOAN
Lễ kính nhớ ngày 28.4


Thánh Khoan công đức cao dầy
Là cha chính xứ, hai thầy giúp cha.
Phúc Nhạc khi ấy rộng xa
Kim Sơn, Gia Khánh, cả qua Ninh Bình.
Cha không coi sóc một mình
Có ba cha phó tận tình giúp cha.
Dù đường đất đá lại xa
Nhưng về các họ, tháng qua một lần.
Dâng lễ, giải tội giáo dân
Đông Biên, Tôn Đạo bao lần trải qua.
Nhưng rồi việc đã xảy ra
Một tám hai bẩy (1827) khi cha, hai thầy
Trên đường về bị bắt ngay
Giải về thị xã chờ ngày án ra.
Quan tuần phủ kính trọng cha
Giãn thi hành án, muốn tha cho người.
“Tôi chỉ muốn cứu Cụ thôi
Xin Cụ quá khoá để tôi giải hồi.”
Cha thưa: “Tôi nghĩ kỹ rồi
Càng nghĩ càng xác tín đời Đức tin
Dù chết cũng chẳng đoạn tình.”
“Thế Cụ không muốn cho mình sống ư?
Thưa: “Con người có suy tư
Càng yêu sự sống, nhưng từ niềm tin
Người Kitô hữu nhận nhìn
Chết là đường đến sống trên Thiên đàng.”
“Nhưng ai khẳng định rõ ràng?”
“Đó là đạo luật, suy càng thấy thôi
Vua trần ban thưởng bề tôi
Vua trời ban thưởng, gọi nơi thiên đàng.”
“Nhưng ai đã dạy Cụ rằng
Có Chúa trời đất vĩnh hằng để tin?”
“Bẩm quan, vũ trụ ta nhìn
Chính là sách mở trăm nghìn lời khuyên
Công trình kỳ diệu thiên nhiên
Dạy ta biết có Chúa trên tạo thành
Gọi là Thiên Chúa tốt lành
Chúng tôi thờ kính, xưng danh của Người.”
Biết không đối lý, đổi lời
Quan phê án tử đệ nơi pháp đình.
Đang khi đợi án tử hình
Nhà tù vang vọng lời kinh sớm chiều
Tedeum trọng bao nhiêu
Cha con đầy đức tin yêu nên mừng!
Sau ba năm án ngập ngừng
Ngày nay quyết định, pháp trường tiến ra.
“Chúng tôi mến đạo thiết tha
Chúng tôi chịu chết vì là đạo ngay
Chúng tôi không chống lại ai
Không phạm tội ác, không sai luật nào”
Cha Khoan nói với đồng bào
Trước khi bị đẩy đi vào khu riêng.
Đôi tay ba vị giơ lên
Cầu cho vua chúa, quan quyền thái an
Mong vua hiểu Đạo rõ ràng
Quốc gia hạnh phúc nhờ trang Tin Mừng!
Ba lần như đêm Phục Sinh
Alleluia hát cao cung mỗi lần.
Ba đầu ba vị chứng nhân
Cùng rơi xuống đất, hồn dâng về trời.
Chứng nhân anh dũng sáng ngời
Máu đào Tử đạo muôn đời lưu danh!

Từ năm một chín chín nhăm (1995)
Giáo phận Phát Diệm tỏ lòng suy tôn
Lấy Phúc Nhạc làm trung tâm
Kính thánh Tử Đạo hàng năm lễ mừng
Khải hoàn ca vẫn vang lừng
Vang từ nhà ngục chấn rung pháp trường
Hôm nay vang tại địa phương
Khắp nơi Giáo hội yêu thương tràn đầy
Đoàn con cảm tạ nơi đây
“Máu đào thánh hiến từ ngày khởi công” (Thánh thi)
Nay ngày kết trái đơm bông
Trên toà hiển thánh, ánh hồng vinh quang
Trần gian hướng vọng Thiên đàng
Việt Nam hướng vọng nhập đoàn thánh nhân.

Hồi chuông vọng tiếng vang ngân
Cao cung cảm tạ, hồng ân Nước Trời
“Máu đào Tử đạo rạng ngời
Trở thành hạt giống nên người Kitô.” (Tertulianô)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cỏ Khô Bên Đường
Thérésa Nguyễn
06:13 17/06/2009

CỎ KHÔ BÊN ĐƯỜNG



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Sang Thu cỏ úa lá vàng

Ngàn cây thanh thản chẳng màng nợ duyên

Rũ sạch kết ước hương nguyền

Còn trơ nhánh đọng tinh truyền vô ưu.

(Trích thơ của Ấu Tím)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Khát
Josephhoa Phạm
18:56 17/06/2009

KHÁT



Ảnh của Josephhoa Phạm

Ngay lúc vào đời, đã có cái thang

đặt trước mặt ta, vượt thoát nỗi kinh hoàng

Còn nguồn còn suối,sông còn chảy

Chớ lo âu, nước vô tận nốc tràn !

(Trích thơ của Rumi, gs Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền