Ngày 14-06-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:10 14/06/2014
CON NHỆN TÁM CẲNG
N2T

Con ngỗng hỏi con nhện:
- “Anh có rất nhiều chân, mỗi lần đi thì sử dụng chân nào trước?”
Nhện đó người ra, nói:
- “Tôi có tám cái cẳng sử dụng cùng một lúc”.
- “Anh sai rồi”- con ngỗng bắt đầu dạy bảo, khuyên nhủ hết nước hết cái, rồi nói tiếp: “Anh nên có kế hoạch cho tốt, muốn đi đến chỗ nào, đi đường nào xa đường nào gần, lại quyết định sử dụng chân nào đi trước, tức là đã có tiết kiệm thể lực, lại không đến nỗi tự mình làm rối loạn tiền tiêu trận địa của mình”.
Con nhện suy nghĩ liền cảm thấy có lý, bèn quyết định tuân theo lời dạy của con ngỗng.
Kết quả phát hiện là: mỗi khi cất bước, không phải giữa chân với chân không phối hợp ăn ý, mà là giữa chân với chân đánh nhau, làm cho nó không nhích chân được một bước, buồn khổ quá chừng, chỉ có cách là hướng về Đấng tạo hóa mà cầu cứu.
Đấng tạo hóa cười lớn, nói :
- “Con nên quên mất cái chân của mình đi.”
Con nhện có tám cái cẳng, làm thế nào để quên mất chứ ? Nó càng nghĩ càng buồn rầu, quyết định nên điền [cái chân] vào cái bụng là khỏe re, đúng lúc ấy, nó nhìn thấy một con ruồi bay qua, con nhện chuyển thân chồm qua, mới phát hiện mình bản lĩnh linh hoạt, sử dụng chân nào trước một chút cũng không quan trọng.
Con nhện không còn nghĩ đến vấn đề cái chân mà con ngỗng cứ cho rằng nó dạy đúng cách.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Trời đã sinh ra như thế rồi, cái gì cũng có ích cho mình cả, sao lại chặt bỏ đi ?
Mỗi bộ vị trong thân thể đều phối hợp đến mức tuyệt vời, mà chẳng có nhà khoa học nào làm được đến mức hoàn hảo như thế.
Con nhện không có lập trường, nó không biết công dụng của cái chân nó hay sao? Biết chứ, nhưng con ngỗng nói hay quá, có lý quá nên nó quên mất lập trường của mình.
Chúng ta đã tìm được lời Thiên Chúa là lời ban sự sống, chúng ta đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống, nhưng ma quỷ đã cám dỗ chúng ta, khuyên chúng ta hãy ăn chơi cho thoả thích, hãy tìm kiếm danh lợi trước, từ từ rồi hối cải, Chúa rất nhân từ không phạt liền đâu mà sợ.v.v…
Thế rồi chúng ta nghi ngờ về sự sống đời đời, nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thậm chí có lúc chúng tra buông trôi cho cuộc sống đẩy đưa, mất cả niềm tin.
Giữ vững lập trường, không nghe lời thế gian, không tranh cãi, nhắm mục tiêu làm thánh mà tiến tới, đó là mục đích ưu tiên và bắt buộc của chúng ta khi còn sống ở thế gian này.
Chúa vẫn ở với chúng ta, đừng nghi ngờ gì cả!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (lễ Chúa Ba Ngôi)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:13 14/06/2014
LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Tin mừng : Ga 3, 16-18.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy lãnh nhận lấy Thánh Thần”.


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi là: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, đây là mầu nhiệm cao cả nhất trong Giáo Hội chúng ta; cao cả bởi vì không một trí óc nào của nhân loại có thể hiểu thấu và suy tới, cao cả bởi vì yêu thương nhân loại mà chính mỗi ngôi vị của Thiên Chúa đã không ngừng hoạt động trong đại vũ trụ và trong mỗi một tiểu vũ trụ là chúng ta, để nhờ đó mà chúng ta biết kết hợp mật thiết với Ngài hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Thông phần sáng tạo với Đức Chúa Cha
Chúa Cha đã tạo dựng nên vũ trụ, và con người không phải là căn nguyên của vạn vật nên không sáng tạo, nhưng con người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Ngài, khi Chúa nói với con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” .

Như vậy con người được phép tiếp tục hoàn thành công việc sáng tạo của Thiên Chúa cho đến tận thế, bằng sự khôn ngoan và hiểu biết của mình.

Thiên Chúa ban quyền “sáng tạo” ra con người trong bậc vợ chồng, nhưng ngày nay có những vợ chồng không làm như ý của Thiên Chúa, họ làm nên những bào thai sự sống rồi giết chết; họ tìm thấy những khoái lạc chóng qua hơn là hạnh phúc lâu dài đầy trách nhiệm, họ đang phá hoại công trình sáng tạo của Thiên Chúa, mà chính họ được Ngài ban cho quyền ấy.

Thiên Chúa cũng ban quyền “sáng tạo” ấy cho các nhà khoa học, để họ nghiên cứu, khám phá ra những ích lợi cho nhân loại trong vũ trụ này, nhưng rồi nhân loại đã lợi dụng khoa học để gây chiến tranh đau khổ cho nhau...

Thông phần cứu chuộc với Chúa Giêsu
Được hy sinh cho người mình yêu là một hạnh phúc mà là một hạnh phúc trọn vẹn. Chúa Giê-su đã đến trần gian để cứu chuộc nhân loại thoát khỏi tội lỗi do ma quỷ và sự ác hoành hành, mà điểm cao của việc cứu chuộc là chính Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá, chết và sống lại.

Tất cả chúng ta đều được Chúa Giê-su mời gọi thông phần vào sự cứu chuộc của Ngài, dù chúng ta không hề cứu chuộc ai, nhưng nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta được thông phần vào cuộc khổ nạn với Chúa Giê-su, đó là: khi chúng ta khiêm tốn để tha nhân được dễ chịu, khi chúng ta vui vẻ để người khác được thoải mái, khi chúng ta hy sinh để họ được hạnh phúc, khi chúng ta phục vụ để mọi người nhìn thấy Chúa Giê-su hiện diện giữa họ.v.v...đó chính là thông phần vào sự cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-su vậy.

Thông phần thánh hóa với Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là Đấng được gởi đến để làm cho Giáo Hội của Chúa Giê-su trở nên ánh sáng cho muôn dân, chính Ngài là Đấng dẫn dắt và là Đấng thánh hóa, để mỗi một phần tử trong Giáo Hội của Chúa Giê-su được trở nên những chứng nhân sống động cho Tin Mừng.

Chúng ta thông phần thánh hóa với Thánh Thần không có nghĩa là chúng ta thánh hóa anh em chị em, nhưng nhờ ân sủng của bí tích Thêm Sức mà chúng ta được trở nên người lính chiến chống lại sự ác và tội lỗi, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta trở nên tôi tớ phục vụ tha nhân để họ nhận biết khuôn mặt của Chúa Giê-su nơi ngôn hành của chúng ta, đồng thời làm cho họ trở nên người môn đệ của Chúa Giê-su nhờ vào sự phục vụ vô vị lợi của mình.

Anh chị em thân mến,
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng mầu nhiệm ấy giữa muôn dân:
- Khi chúng ta bảo vệ và duy trì sự sống nơi con người, nhất là các thai nhi.
- Khi chúng ta làm cho xã hội có sự bình an hạnh phúc bằng các phương thế mà khoa học đem lại.
- Khi chúng ta biết chia sẻ niềm vui nổi buồn với tha nhân.
- Khi chúng ta biết rao giảng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, chết và sống lại bằng ngôn hành bác ái và phục vụ của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:17 14/06/2014
N2T

28. Đức Cậy khuyến cáo chúng ta phải coi nhẹ đời này vì là hư ảo, hy vọng tương lai mới là hạnh phúc. Người nào đem hy vọng của họ ký thác nơi chóng qua như mây khói ở đời này, đó là đi ngược lại trái với đức cậy.

(Thánh Augustinus)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:20 14/06/2014
WORLD CUP
Mùa world cup đã bắt đầu, giáo dân biết cha sở mình rất mê coi đá banh, bèn hỏi ngài:
- “Sáng mai có lễ không cha ?”
- “Có chứ.” rồi ngài nói tiếp: “Sáng mai vẫn có lễ như thường, khi các ông coi đá banh thì đừng nhậu nhẹt, đừng cá độ, đừng làm ảnh hưởng sức khỏe gia đình vợ con...”
Giáo dân rất ngạc nhiên vì không thấy ngài “lên lớp” nhắc nhở họ đi dự thánh lễ ngày thường như ngài đã từng nhắc nhở...
Cuối cùng họ đã hiểu, cha sở của mình không phải là lúc nào cũng nghiêm khắc.
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha có thể ghé thăm Trung Quốc?
Bùi Hữu Thư
11:55 14/06/2014
VATICAN CITY (CNS) – Khi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Đại Hàn, từ ngày 14 đến 18 tháng 8 ngài sẽ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Á Châu cùng với các đại biểu từ 30 quốc gia, chủ tọa lễ phong Á Thánh cho 128 vị tử đạo Đại Hàn, và tiếp kiến Tổng Thống Đại Hàn Park Geun-hye.

Nam Hàn là một trong những nền kinh tế hùng mạnh tại Á Châu, với một Giáo Hội Công Giáo nhỏ bé nhưng đang lớn lên. Nam Hàn cũng là phân nửa của một bán đảo bị chia hai, nơi Cộng Sản Triều Tiên được trang bị võ khí nguyêntử là một mối đe doạ thường trực. Tất cả các yếu tố này hứa hẹn một cuộc viếng thăm quan trọng của Đức Thánh Cha, và đáng được giới truyền thông chú ý và theo dõi.

Bây giờ các quan sát viên đã có nghi vấn về việc ngài có thể tăng thêm một địa điểm khác trong chuyến du hành tại Á Châu lần đầu tiên này – một nơi sẽ khiến cho chuyến đi của ngài có tính cách lịch sử.

Thêm một chỗ ghé tại Trung Quốc – nơi Vatican đã không có bang giao trong 60 năm qua - sẽ là một sự thay đổi lớn trong việc thiết kế chuyến du hành của một giáo hoàng. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra là ngài sẵn sàng linh động trong các trường hợp tế nhị nhất về ngoại giao, như khi ngài đã ngừng để cầu nguyện tại hàng rào an ninh do Do Thái dựng lên tại Vùng Phía Tây (West Bank) trong chuyến thăm Đất Thánh hồi cuối tháng 5.

Chỉ cần ghé Bắc Kinh nửa ngày, nơi nằm trên đường bay từ Hán Thành đi Rôma, Đức Thánh Cha có thể thăm nhà thờ Chánh Tòa Công Giáo và ngôi mộ của bạn đồng môn với ngài là Linh Mục Dòng Tên Matteo Ricci, Cha Ricci, một thừa sai thuộc thế kỷ 16 tại Trung Quốc, có nguyên nhân phong thánh đã được tái khai mở vào năm 2010.

Sự khả dĩ có một chuyến viếng thăm này hãy còn xa vời. Nhưng giáo triều của Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những dấu hiệu tốt về một mối bang giao tốt hơn với Trung Quốc.

Một trong những dấu hiệu này là việc ngài lựa chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin làm Quốc Vụ Khanh.

Trong thời gian làm phụ tá bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh từ 2002 đếm 2009, Hồng Y Pietro đã đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến bang giao với Trung Quốc. Trong giai đoạn này, hai bên đã đạt được một sự thỏa hiệp ngầm về vấn đề quan trọng của việc truyền chức các giám mục Trung Hoa, hai bên đồng ý là các vụ phong chức tương lai sẽ phải được cả Vatican lẫn Hội Công Giáo Yêu Nước do chính phủ kiểm xoát phê chuẩn.

Tiến bộ này bị đình chỉ năm 2010, khi chính phủ sắp xếp cho một giám mục được truyền chức không có sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, và ép buộc nhiều giám mục khác tham dự lễ truyền chức này. Năm 2012, chính phủ cấm túc tại gia một giám mục khác và hủy bỏ việc bổ nhiệm của Tòa Thánh, sau khi vị này tuyên bố là sẽ không tham gia vào Hội Công Giáo Yêu Nước.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với một phóng viên người Ý vào tháng Ba, 2014 là “đã có một vài sự giao hảo với Trung Quốc, và tiết lộ rằng Tổng Thống Xi Jinping và ngài đã cùng gửi điện văn chúc mừng nhau khi cả hai bên cùng đắc cử gần như một lúc vào tháng Ba năm trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô là một nhân vật được nhân dân Trung Quốc xa gần chú ý, và các diễn văn cũng như các sáng kiến về ngoại giao của ngài – như chiến dịch chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, và khi ngài cầu nguyện cho hòa bình cùng tổng thống Do Thái và Palétin vào ngày 8 tháng 6 vừa qua – hai việc này đã đươc giới truyền thông Trung Quốc đăng tải rất tích cực.

Theo Francesco Sisci, là một nhà thông thái và một nhà báo Ý hiện đang có trụ sở tại Bắc Kinh, khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố hồi tháng 5 là các người Công Giáo Công Giáo phải là “men cho một cuộc sống chung hòa điệu giữa các đồng bào của họ,” một số các nhà bình giải Trung Hoa đã coi lời ngài nói có ý nghĩa là “một xã hội hoà điệu theo chủ nghĩa xã hội," một quan niệm được nhà cựu lãnh đạo Hu Jintao cổ võ.

Một cơ hội được chụp hình chung với một giáo hoàng cực kỳ nổi danh và được nhiều người ái mộ sẽ giúp cho Tổng Thống Xi nhiều về việc giảm thiểu tai tiếng trên trường quốc tế là Trung Quốc không tôn trọng tự do tôn giáo và các nhân quyền khác.

Vào đầu tháng 6, một Nhật Báo Hồng Kông “the South China Morning Post”, đã nêu lên một nguồn tin ẩn danh “thân cận” Tòa Thánh và Giáo Hội bên Hồng Kông, là các giới chức Vatican và Trung Quốc có thể gặp gỡ trước cuối năm nay.

Tuy nhiên những hoạt động tiếp cận này có thể bị ngăn chặn bất cứ lúc nào. Chính sách của Bắc Kinh đối với Giáo Hội Công Giáo thường bị chi phối bởi một hệ thống các ảnh hưởng rất phức tạp, kể cả việc đối xử với các cộng đồng tôn giáo khác, như cộng đồng Tin Lành đông đảo hơn nhiều và các tín hũu Phật Giáo Tây Tạng theo Đức Dalai Lama.

Trước trạng thái phức tạp về chính trị này, vẫn hãy còn nhiều thời gian trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô lên máy bay đi Hán Thành.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thanh Hóa : Lễ khai giảng Men Phục Sinh 2014
PV Thanh Hóa
09:34 14/06/2014
Lễ khai giảng Men Phục Sinh 2014

Vào lúc 15g30 ngày 13/06/2014, tại Tòa Giám Mục Giáo phận Thanh Hóa đã diễn ra lễ khai giảng khóa huấn luyện Men Phục Sinh lần thứ 9, trước sự hiện diện của Cha Tổng Đại Diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, cha Chủ tịch UB Ơn Gọi giáo phận Giuse Vũ Thanh Long, cha Chủ Tịch UB Giáo lý giáo phận Giuse Nguyễn Công Khương, cha Chủ tịch UB Thánh nhạc giáo phận Gioan Baotixita Đinh Xuân Đức, quý cha Trưởng Ban Giáo lý các giáo hạt, quý cha, đại diện quý soeurs Dòng Mến Thánh Giá Thanh hóa, Dòng Thánh Phaolô và 797 thành viên MPS 2014.

Xem Hình

Chủ đề của MPS 2014, được gợi ý từ Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình, theo Thư chung của HĐGM Việt Nam: “Giáo lý viên với Tân Phúc Âm Hóa”.

Ban Giảng huấn năm nay gồm 104 giảng viên. Trong số đó có 54 chủng sinh giáo phận, 24 nữ tu Dòng MTG Thanh hóa, 26 ứng sinh Tiểu Chủng Viện Thánh Lê Bảo Tịnh.

Theo thống kê chính thức của BTC, cho đến buổi chiểu hôm nay, con số học viên đăng ký tham dự Men đã lên tới 693 học viên, nam 218 em, nữ 475 em. Vì số lượng đăng ký tham dự hàng năm đông và điều kiện cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nên năm nay BTC đã giới hạn độ tuổi của học viên phải từ 14 trở lên. Học viên được chia thành 3 cấp: cấp I, 398 học viên; cấp II, 230 học viên; cấp III, 65 học viên.

Với mục tiêu nhằm đào tạo những người giáo lý viên đa năng trong môi trường mục vụ giáo xứ, khóa huấn luyện MPS nhằm đào tạo nhạc lý thực hành, phương pháp sư phạm giáo lý theo từng cấp và nội dung giáo lý: giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu (cấp I), giáo lý Thêm sức (cấp II), giáo lý sống đạo (cấp III). Đây cũng dịp để giúp cho giới trẻ sống đức tin qua việc học hỏi, gặp gỡ, chia sẻ về giáo lý, cũng như trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm sống đức tin.

Được biết, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh Giám mục Giáo phận đã khởi xướng chương trình Men Phục Sinh vào mỗi dịp hè với mục đích vừa để đào tạo giáo lý viên vừa thắt chặt tình liên đới của các bạn trẻ trong giáo phận đồng thời nhắm tới việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự tương lai cho Giáo phận.

Những năm trước đây, MPS được tổ chức tại các giáo hạt trong giáo phận, nhưng từ năm 2013, MPS được tổ chức tại Tòa Giám Mục trung tâm của giáo phận. Cho đến mùa hè năm nay, giáo phận đã tổ chức 9 mùa Men. MPS 2014 diễn ra trong 15 ngày. Kết thúc vào ngày 28.6 tới. Trong suốt qua trình diễn ra Men, toàn bộ Ban Huấn Luyện và các em đều sinh hoạt ( ăn, ở, lên lớp, nghỉ ngơi...) tại Tòa Giám Mục.

Trong lễ khai giảng cha Chủ tịch UBƠG Giuse Vũ Thanh Long đã nhắc lại lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Giáo lý viên là người giáo dân được Hội thánh, tùy nhu cầu địa phương, đặc biệt giao cho trách nhiệm giúp những người chưa nhận biết Chúa Kitô và các tín hữu được nhận biết biết, yêu mến và đi theo Chúa Kitô”. Đây chính là sứ mạng mà mỗi người GLV cần đạt tới trong đời sống của mình.

Cha chủ tịch UB Giáo lý Giáo phận, Giuse Nguyễn Công Khương chia sẻ kinh nghiệm của cha “đứng lớp gần 10 năm với tư cách là giáo lý”: “Giáo lý viên là một thiên ân và được Thiên Chúa mời gọi sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa… Trong khóa huấn luyện này mong các bạn tìm và gặp được Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa là Đấng cứu độ và Ngài là thầy dạy giáo lý viên. Sau khóa huấn luyện này các bạn là bậc thầy về giáo dục đức tin, chia sẻ những gì các bạn đã sống, cảm nhận trong tình yêu của mọi người cho các em thiếu nhi”.

Thao thức với nền thánh nhạc của giáo phận, cha Chủ tịch UB Thánh nhạc, Gioan Baotixita Đinh Xuân Đức bày tỏ mong muốn tới các học viên: “ Nếu am hiểu thánh nhạc thì sẽ rất hữu ích cho phụng vụ. Khóa học này không có tham vọng bao quát hết kiến thức nhạc lý chỉ mong cung cấp một số kiến thức căn bản để mọi người biết dùng lời ca tiếng hát dâng lên Thiên Chúa tâm tình của mình”.

Cha Tổng Đại Diện Giáo phận Phêrô Vũ Tiến Phúc, thay mặt cho Đức Cha giáo phận đang đi công việc, khẳng định: “ Tuy Đức Cha không hiện diện trong buổi lễ khai giảng này nhưng Đức Cha đã dành tất cả tâm tình cho các khóa Men và đặc biệt năm nay”.

Cha Tổng cũng nhắn nhủ tới MPS năm nay: “MPS không chỉ là đến để học mà là đến để sống. Trước hết phải sống thì mới dạy được. Có thể trước đây ít phút các con không nghĩ tới, nhưng giờ đây khi đã về Tòa Giám Mục tham dự khóa Men, các con cần sống đời sống của một giáo lý viên. Suốt quá trình ở khóa huấn luyện, các con hãy sống cho trọn vẹn cuộc sống của người giáo lý viên! Sống đời sống giáo lý viên là sống với Chúa và sống với những người bên cạnh. Sống bên nhau chính là thước đo cách thức các con sống với Chúa”.

Thánh lễ khai mạc MPS 2014 được diễn ra ngay sau buổi khai giảng do cha Tổng Đại Diện chủ tế cùng đồng tế có quý cha đặc trách giáo lý các giáo hạt và quý cha.
 
Đêm từ phụ vinh danh các người cha
Tường Vy
12:30 14/06/2014
ĐÊM TỪ PHỤ VINH DANH CÁC NGƯỜI CHA

Như thường lệ, tôi là người vẫn đều đặn tham dự các Đêm Gia Đình từ những lần tổ chức đầu tiên tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange do Gia Đình Nazareth tổ chức.

Đối với tôi, Đêm Gia Đình là một sinh hoạt rất giá trị và ích lợi cho những ai đang sống trong đời sống hôn nhân, gia đình, cũng như cho những ai đang phải đối diện với những khó khăn đến từ nhiều mặt, từ tâm lý, tâm sinh lý, giáo dục, xã hội, luật pháp, cũng như những vấn đề liên quan đến việc thực hành niềm tin tôn giáo. Điểm son của Gia Đình Nazareth là ở chỗ vẫn trung thành tổ chức các Đêm Gia Đình và đã không ngừng tìm kiếm những đề tài, cải tiến những hình thức sinh hoạt, nhờ đó thu hút số người tham dự ngày càng đông đảo.

Đêm Gia Đình, do đó, là một sinh hoạt nhằm đưa Gia Đình Nazareth đi vào dòng chính của sinh hoạt xã hội, của sinh hoạt tôn giáo. Với Đêm Gia Đình, Gia Đình Nazareth đã thực hành đúng phương châm sinh hoạt của mình: “Gia Đình Nazareth đồng hành với các gia đình”.

Đôi dòng lịch sử của Đêm Gia Đình:

Đêm Gia Đình là một sinh hoạt mang tầm mức Cộng Đồng và mở rộng cho mọi thành phần tham dự. Đêm Gia Đình đầu tiên được tổ chức vào chiều ngày 5 tháng 9 năm 2012 dưới sự chủ tọa, và giảng thuyết của Đức Cha Mai Thanh Lương. Kể từ đó đến nay, liên tiếp hàng tháng vẫn có những Đêm Gia Đình. Sinh hoạt này vì thế đã trở thành nét đặc thù của Gia Đình Nazareth.

Được tổ chức vào mỗi tối thứ Sáu, tuần thứ 2 trong tháng từ 7giờ đến 9giờ tối tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, Đêm Gia Đình đã thu hút nhiều thành phần trong cộng đồng Công Giáo cũng như những thính giả đến từ các tôn giáo bạn, hoặc từ các nơi xa. Điểm đặc biệt của Đêm Gia Đình là sự phối hợp nhịp nhàng giữa phần tâm linh và phần sinh hoạt đời thường.

a) Sinh hoạt tâm linh:

Bao gồm những đề tài về giáo lý, Giáo Hội, và Thánh Kinh nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về mục đích, giá trị, và ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh trong ứng dụng thực tế vào đời sống ơn gọi hôn nhân, gia đình. Đức Cha Mai Thanh Lương, Cha Giám Đốc Nguyễn Thái, các Cha Cựu Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo như cha Nguyễn Uy Sỹ và cha Mai Khải Hoàn, cha Phạm Ngọc Hùng, Viện Phụ Phạm Sỹ Hanh, Đan Viện Xitô, cha Trần Đình Thụy, Giáo Sư đại chủng viện Thánh Qui, Cần Thơ, cha Vũ Thế Toàn Dòng Tên, Cha Timothy Nguyễn, Cha Trịnh Ngọc Danh, linh hướng Gia Đình Nazareth, phó tế Hoàng Thanh Sơn, phụ tá linh hướng Gia Đình Nazareth và nhiều linh mục tên tuổi, phó tế đã đến với các Đêm Gia Đình qua những chủ đề khác nhau.

b) Sinh hoạt đời thường:

Bao gồm những chủ đề về tâm lý giáo dục, tâm lý tuổi trẻ, tâm lý hôn nhân, tâm lý gia đình, tâm lý cao niên, tâm lý xã hội, luật lệ xã hội, và những vấn nạn liên quan đến gia đình, bạo hành gia đình... Các chủ đề này được trình bày do các nhà tâm lý, luật sư, bác sĩ, và những chuyên gia giầu kinh nghiệm như Bác sĩ Trung Chỉnh, Tiến Sĩ Phạm Kim Long, Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt, Tiến Sĩ Tâm Lý Phan Nguyễn Kim, Tiến Sĩ Tâm Lý Lê Văn Ẩn, Tiến Sĩ Giáo Dục Phạm Thị Huê, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Luật Sư Phòng Biện Lý của Quận Cam (District Attorney of Orange County) chuyên lo về bạo hành trong gia đình, Đại diện văn phòng Cảnh Sát của Quận Cam chuyên lo về ngăn ngừa rượu, ma túy, Anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi, và Ông Kenny Phan, Giám Đốc của PNA Insurance…

Đêm Từ Phụ vinh danh người cha:

Không như những Đêm Gia Đình khác trong đó trình bày những chủ đề về đạo hiếu, về tình thương vợ chồng, về những ưu tư của cha mẹ đối với con cái, Đêm Gia Đình lần này được gọi là “Đêm Từ Phụ. Đêm Vinh Danh Các Người Cha”. Những gì xảy ra trong đêm nay đã gây xúc động cho mọi người tham dự, không những đối với những người cha mà cả những người mẹ, người con nữa.

Phần tâm linh của đêm hôn nay đã được bắt đầu bằng thánh lễ tạ ơn do linh mục Christ Phạm Quốc Tuấn chủ tế và giảng thuyết qua đề tài “Gia Đình là Cộng Đoàn Cầu Nguyện, Cộng Đoàn Yêu Thương”. Là một linh mục trẻ, hoạt bát, rất hăng say trong các sinh hoạt mục vụ tông đồ. Cha từng là linh hướng của Chương Trình TTHN, và hiện giờ là linh hướng của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Một trong những điểm khiến tôi tâm đắc và suy nghĩ nhất là câu nói của Thánh Augustine đã được linh mục giảng thuyết nhắc lại trong bài giảng của mình: “Gia đình cầu nguyện chung, gia đình ăn cơm chung với nhau là gia đình sống cho nhau”. Một tư tưởng nói lên đầy đủ ý nghĩa thế nào “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn yêu thương”, nhưng có lẽ đây cũng là một thách đố lớn lao đối với nhiều gia đình trong nếp sống hiện tại do thiếu ý thức trách nhiệm của các phần tử, và cũng do vì quá chú trọng vào những thu hút của cuộc sống trước mắt.

Phần sinh hoạt đời thường hôm nay mới thật sự gây ấn tượng hết sức đặc biệt đối với mọi người tham dự qua nghi thức “rửa chân cha” do các em đã tình nguyện rửa chân cho cha mình.

Nghi thức bắt đầu sau khi các người cha đã ngồi vào những chiếc ghế danh dự được chỉ định sẵn. Trước mặt họ là các con tuổi từ 8, 9, 10 đến 25, 29. Có em đã là những kỹ sư, chuyên viên computer, sinh viên y khoa, hoặc sinh viên các đại học, trai cũng như gái tất cả đều quì gốc rửa và lau chân cho cha mình. Nhiều gia đình cả mấy anh chị em cùng tham dự với nhau. Lúc đầu mọi người xem như bỡ ngỡ và coi đây như một hành động vui đùa, tượng trưng, nhưng khi thấy các em làm công việc này với tất cả tấm lòng biết ơn cha mình, thì cả hội trường đều thổn thức, đặc biệt, đối với những ai không còn cha. Và nhiều người đã thấy những giọt nước mắt lăn trên những gò má xám nắng vì công việc của một vài người cha. Việc này càng khiến tôi cảm động hơn khi nhớ lại câu chuyện của hai mẹ con đã trao đổi hôm trước Đêm Gia Đình như sau:

-Mẹ ơi, con nghĩ con không cần mua quà cho ba trong ngày Father’s Day nữa.

-Vậy con định làm cái gì cho ba. Hay là con mời ba đi ăn tối?

-Không. Con không nói trước được, chỉ cần mẹ nhớ nhắc ba và cả mẹ nữa đi dự Đêm Gia Đình tối mai là được. Tối mai con sẽ cho ba và mẹ xem quà gì con tặng cho ba.

-Con định tham dự nghi thức “Rửa Chân Cho Ba”?

-Mẹ đừng đoán nữa, sợ lộ chuyện, tối mai sẽ biết.

-Mẹ không đoán nữa, nhưng mà con trai của mẹ ngoan quá, mẹ không ngờ con lại biết tỏ lòng kính yêu cha mẹ như vậy. Mẹ biết thế nào ba con cũng sẽ cảm động lắm.

-Con sẽ làm một cử chỉ đẹp cho ba con, vì từ hồi nào tới giờ con ít khi nghĩ đến việc phải đền đáp công ơn của ba con. Nhưng cũng từ hôm nay, ngay bây giờ con muốn mẹ khi nào khen con, mẹ cũng thêm ba trong đó nữa, thí dụ như “Con trai của Ba Mẹ …tử tế, dễ thương, giỏi giang quá ”, tại vì con nghĩ rằng nếu không có Ba thì cũng không có con.

Gia Đình Nazareth đã đi tiên phong trong việc tuyên dương công đức người cha bằng việc làm rửa chân này. Nếu bên Đại Hàn, người ta đã xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến hàng trăm các em qùi trước mặt mẹ, rửa chân, và cúi đầu lạy mẹ các em trong một chương trình vinh danh hiền mẫu nhân ngày của mẹ, thì ở đây, cũng trong một hội trường đông đảo, nhiều người đã rưng rưng dòng lệ khi thấy hàng chục em quì trước mặt cha mình, rửa và lau chân cho cha mình trong một nghi thức vinh danh cha nhân ngày từ phụ.

Qua việc làm rửa chân này, Gia Đình Nazareth đã đem mọi người tham dự trở về với nguồn gốc gia đình và tinh thần hiếu thảo, khi hướng dẫn các em “rửa chân” cho cha mình như một món quà đặc biệt tặng cha nhân ngày Từ Phụ. Đây không phải là nghi thức rửa chân của tôn giáo, nhưng qua hình thức rửa chân này cũng đã nhắc nhở cho các con nhớ đến công ơn của cha mình. Nhờ những bàn chân bụi bậm, bầm dập, trầy trụa của cha mà các con mới có của ăn, áo mặc, mới có tương lai tươi sáng. Nhờ những bàn tay sạm nắng, chai cứng của cha mà cả gia đình được bảo toàn và sống những ngày bình an không thiếu thốn. Nhờ những cặp mắt nghiêm nghị của cha mà các con mới hiểu thế nào là kỷ luật. Nhờ những vất vả, mồ hôi nhễ nhãi của cha mà con mới hiểu thế nào là bổn phận, là trách nhiệm. Nhiều em đã khóc ròng, thổn thức khi nâng niu những bàn chân mà các em có lẽ chưa bao giờ cảm thấy hoặc sờ được cái chai cứng, sần xùi, và xấu xí của cha mình. Có lẽ chính những giây phút ấy, các em mới nhận ra món quà quí giá mà Thượng Đế đã ban tặng cho các em là người cha, mặc dù bề ngoài những món quà ấy có được gói ghém và mang những hình hài không như các em nghĩ.

Ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Nhưng có lẽ khi nói về tình mẹ, nghĩa cha, đa số chỉ nhắc đến công ơn sinh thành của mẹ, nhưng lại quên đi công đức dưỡng dục của người cha. Sinh thành và dưỡng dục phải đi đôi với nhau, sự hòa nhịp và gắn bó này không thể thiếu cho sự phát triển đồng đều và cần thiết của người con. Người con mỗi khi nhớ đến chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm của mẹ, cũng phải nghĩ đến sự dưỡng dục ân cần, những giọt mồ hôi và cả nước mắt của người cha trong khi lo lắng bảo toàn sự an nguy của gia đình, của con cái.

Xin thắp nén hương lòng dâng về người cha kính yêu. Người cha không còn trên cõi đời này để cùng đồng hành với con.

Đêm Gia Đình vinh danh những người cha.

13 tháng 6 năm 2014

Tường Vy
 
Thừa Tác Viên Thánh Thể Sydney tĩnh tâm
Diệp Hải Dung
21:27 14/06/2014
Sáng thứ Bảy 14/06/2014 các anh em Thừa Tác Viên Thánh Thể TGP Sydney đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly tham dự Tĩnh Tâm. Sau khi ghi danh mọi người tập trung trong nhà nguyện và mọi người cùng Chầu Mình Thánh Chúa do Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm Linh hướng Thừa Tác Viên Thánh Thể TGP Sydney điều hợp nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc lành cho qúy anh em Thừa Tác Viên.

Hình ảnh

Sau khi chấm dứt giờ Chầu Thánh Thể, Cha Dương Thanh Liêm giới thiệu Cha Phêrô Nguyễn Văn Hương Giám học Đại Chủng Viện Giáo phận Vinh VN giúp thuyết giảng đề tài “Sứ Vụ Của Thừa Tác Viên Thánh Thể” Sau đó Cha Dương Thanh Liêm và ông Huỳnh Công Lợi Trưởng Thừa Tác Viên hướng dẫn về những nghi thức phụng vụ trong Thánh lễ để giúp anh em ý thức được trọng trách của mình. Đồng thời các anh em cũng nêu những thắc mắc và ý kiến và Cha Linh hướng Dương Thanh Liêm đã giải đáp thỏa đáng về tác vụ của người Thừa Tác Viên Thánh Thể.

Sau phần nghỉ giải lao. Cha Dương Thanh Liêm và Cha Nguyễn Văn Hương cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn. Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Hương nói về niềm vui của người phục vụ là mỗi người chúng ta đã được đón nhận từ chính Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và Ngài đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương về sự phục vụ và cách phục vụ. Chúa Giêsu đã nói” ai muốn làm đầu thì phải là người rốt hết và là người phục vụ mọi ngưởi..”

Và sau đó mọi người cùng tuyên thệ trước bàn thờ. Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Huỳnh Công Lợi Trưởng Thừa Tác Viên Thánh Thể TGP Sydney ngỏ lời cám ơn Cha Linh hướng Dương Thanh Liêm và đặc biệt cám ơn Cha Nguyễn Văn Hương đã dành thời gian quý báu đến giúp giảng phòng tĩnh tâm cho các anh em Thừa Tác Viên Thánh Thể được sốt sắng và thêm lợi ích về tâm linh.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự buổi cơm trưa thân mật và sau đó ra về trong tình yêu thương của Chúa Giêsu KiTô.
 
Phan Thiết: 4000 Thiếu Nhi Thánh Thể dự Đại hội lần thứ XIV
Hồng Hương
21:32 14/06/2014
TAPAO - Quảng trường Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao sáng 13.6.2014 rộn ràng bước chân của 4000 bạn thiếu nhi đại diện thiếu nhi trên khắp Giáo phận đã quy tụ về tham dự Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) Giáo Phận Phan Thiết lần thứ 14. Niềm vui tạ ơn đong đầy với tin vui là Quyết định của UBND Tỉnh Bình Thuận ký ngày 5.6.2014 chấp thuận thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở thuộc Tòa Giám Mục với tên gọi chính thức là Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Hình ảnh

Cơn mưa suốt ngày hôm trước là món quà của Đức Mẹ cho đoàn con để làm dịu hẳn cái nóng của mùa hè tại Tàpao. Các chuyến xe từ các giáo xứ trong giáo phận đổ về mang theo bao trái tim Tàpao nhiệt huyết của các bạn TNTT về dự Đại Hội hòa trong dòng người hành hương. Xa nhất là giáo xứ Long Hương khởi hành lúc nửa đêm dù bị kẹt xe 2 giờ cũng kịp hiện diện trong ngày vui. Màu áo và khăn quàng của 4000 TNTT và 500 Huynh trưởng tạo nên phông màu độc đáo trên quảng trường. Năm giáo hạt trong Giáo phận là Đức Tánh, Phan Thiết, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Bắc Tuy đều về tham dự. Gác lại những bận tâm học hành thi cử, các bạn có những phút cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ, cầu nguyện với Chúa Giêsu và Mẹ Tàpao.

6g00 Tất cả các cờ Liên đoàn, cờ các giáo xứ được rước về tập họp trước lễ đài. Với nụ cười tươi và ánh mắt trìu Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết tiến vào giữa cộng đoàn trong tiếng pháo tay của thiếu nhi. Trong bầu khí trang trọng, Cha FX. Nguyễn Quang Minh, Tổng tuyên uý Phong trào TNTT Giáo Phận, quý Trưởng trong ban nghiên huấn cùng với tất cả thiếu nhi tham dự nghi thức chào cờ chính thức khai mạc Đại Hội TNTT Gp. Phan Thiết lần thứ 14. Câu chuyện dưới cờ, Đức Cha nhắc lại 4 khẩu hiệu của TNTT là “Hy sinh-Rước lễ-Cầu nguyện và Làm việc tông đồ” là cách các bạn đời sống đạo và tuyên xưng đức tin của mình giữa môi trường sống. Từ lời trong bài hát “Thiếu nhi tân hành ca” Đức Cha Giuse nhấn mạnh người trẻ phải ý thức luôn “cùng đi với Chúa Kittô” và “người trẻ Công Giáo Gp Phan Thiết đem Chúa đến cho người trẻ thuộc Giáo phận Phan Thiết”.

6g30 nghi thức khấn Đức Mẹ. Cùng với những ý nguyện của khách hành hương, mỗi bạn thiếu nhi cũng dâng lời tạ ơn và cầu xin theo ý riêng của mình. Tiếp ngay sau là Thánh lễ trọng thể do Đức Cha Giuse chủ tế, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan và 40 linh mục đồng tế. Đức Cha chào mừng cộng đoàn hành hương, quý Chủng sinh chủng viện Lâm Bích- GP Nha Trang và đặc biệt là các thiếu nhi và huynh trưởng hiện diện.

Trong bài giảng, từ bài Phúc Âm cả gia đình Thánh Gia lên đền thờ khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi và biến cố lạc mất Chúa, Đức Cha Giuse chia sẻ 3 bí quyết tạo nên gia đình hạnh phúc trong tinh thần năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” theo gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thứ nhất, mọi người trong gia đình luôn “đồng hành” bên nhau trong mọi biến cố vui – buồn – thành công – thử thách và nhất là vun đắp đời sống đạo. Thứ hai, mỗi thành viên torng gia đình luôn ý thức “chu toàn trách vụ” của mình với tất cả lòng yêu mến và hy sinh. Và thứ ba, “sống đúng vị thế” của mình trong gia đình với thái độ tôn trọng, hiền hòa và ngận tràn mến thương. Nhắn gởi cách riêng với người trẻ, là những TNTT phải luôn biết sống yêu mến và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Phải thực thi tình yêu thương với mọi người, với chính bản thân mình như những bài học Chúa dạy trong Kinh Thánh. Ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện và chúc mừng các bậc làm cha trong “Ngày Của Cha” sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật 15.6 sắp đến và mong muốn đừng có ai làm cha, làm mẹ, làm con của mình phải buồn để “cả nhà đều vui”.

Giờ Chầu Thánh Thể, đỉnh cao của đời sống người TNTT diễn ra trang trong với việc cung nghinh Thánh Thể chung quanh quảng trường. Đức Cha Giuse cầm hào quang Mình Thánh Chúa đi sau đoàn rước nghiêm trang trật tự của các bạn thiếu nhi. Đức Cha dâng lời tạ ơn Chúa và dâng các dự tính, các nguyện ước và những lời hứa của từng bạn TNTT trong Giáo phận lên Chúa và xin Chúa chúc lành. Sau phép lành Thánh Thể, Đại hội Bế mạc với nghi thức hạ cờ và chia tay trong sự tiếc nuối của các bạn. 10g30 cơn mưa ập đến sau khi các nghi thức đã hoàn tất và các đoàn đang ăn trưa. Dù bị ướt mưa, những các đoàn vẫn hăng hái theo sự sắp xếp của các huynh trưởng lên viếng Đức Mẹ trên linh đài trước khi ra về.



Cha Minh, Tổng tuyên uý Phong trào TNTT Giáo Phận Phan Thiết cho biết, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể trong GP Phan Thiết mới chính thức hoạt động từ năm 2000, nhưng đã có số lượng Thiếu Nhi và Huynh Trưởng khá đông. Với nhịp độ sinh họat theo qui chế của Phong trào khá đồng đều, từ cấp xứ đoàn (giáo xứ) đến liên đoàn (giáo hạt) và tổng liên đoàn (giáo phận). Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng phong trào này vẫn tồn tại và phát triển tốt đẹp cho đến hôm nay. Hiện GP có 33.000 thiếu nhi Thánh thể và khoảng 1500 huynh trưởng.

 
Giáo hạt Thuận Nghĩa: Khóa đào tạo kỹ năng sống cho giới trẻ
Pv Vĩnh Nghĩa
21:35 14/06/2014
vinh - Khám phá sức mạnh bản thân và can đảm bước ra khỏi những giới hạn để làm những việc người khác không dám là điều không phải dễ. Cuộc sống hối hả hôm nay đang khiến không ít các bạn trẻ lạc lối trong tư duy và chưa dám can đảm sống hết mình. Họ cần tiếp thêm động lực và những gói hành trang thiết yếu để bước vào đời. Nhằm giúp cho các bạn trẻ phát huy hết những tiềm năng Chúa ban để đem ra sống và phục vụ, từ ngày 9/6/2014-13/06/2014, tại giáo xứ Thuận Nghĩa đã diễn ra khoá đào tạo kỹ năng sống cho các bạn thuộc ban điều hành giới trẻ của các giáo xứ trong toàn giáo hạt.

Hình ảnh

Được sự quan tâm của cha quản hạt Antôn Nguyễn Văn Đính, cha đặc trách giới trẻ Fx. Đinh Văn Minh cùng quý cha, thời gian qua giới trẻ hạt Thuận Nghĩa đã có những bước đi đầy khởi sắc trong nhiều hoạt động. Rèn luyện kỹ năng sống là chương trình bổ ích, thiết thực, động chạm mạnh mẽ đến nhu cầu và lối sống của giới trẻ hôm nay. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Fx.Nguyễn Ngọc Phát, hai Nữ tu Maria Hồng Hà và Maria Hồng Quế, khóa học diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 120 học viên đến từ 13 giáo xứ trong giáo hạt.

Các chuyên viên trong quá trình giảng huấn đã đề cập đến những vấn đề thực tế nhằm cung cấp cho gác bạn trẻ những kỹ năng sống cho bản thân: Kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch công việc, các bước xác định mục tiêu, giúp kiểm soát tình cảm và hành vi bản thân, kỹ năng thuyết trình trước đám đông... Để các chuyên đề được tiếp thu và thực hành hiệu quả, các các học viên đã được chia tổ và làm việc nhóm qua việc thảo luận và phát huy ý kiến của mỗi thành viên. Không khí lớp học diễn ra trong bầu khí thi đua hào khởi giữa các nhóm với nhau. Mỗi tình huống đưa ra, các bạn đều nắm bắt nhanh nhạy, thảo luận sôi nổi và tìm ra những phương thức giải quyết đầy tính sáng tạo. Qua mỗi tiết học, mỗi thành viên không chỉ tích lũy cho mình những kiến thức bổ ích mà còn là cơ hội giao lưu học hỏi và thắt chặt tình huynh đệ giữa các bạn trẻ trong giáo hạt.

Tự tin là chìa khoá giúp người trẻ mở cánh cửa cuộc đời và sống với hết mình với vốn liếng Chúa ban tặng. Qua một tuần say mê học hỏi, các bạn biết nhạy bén hơn trong nhận thức vấn đề, bản lĩnh hơn trong những bước đi quyết định cho bản thân. Đây thực sự là những “túi khôn” giúp mỗi thành viên tiếp thêm nghị lực để dấn thân phục vụ tại các giáo xứ.

Kết thúc khoá học, các bạn trẻ đã gặp gỡ nhau trong buổi tĩnh nguyện vào đêm 13/6/2014. Đây thực sự là những giây phút linh thiêng, ngọt ngào lắng đọng trong tâm hồn mỗi người. Trong ánh nến lung linh, các bạn đã trao gửi cho nhau những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết và chân thành dâng lên Chúa những nguyện ước, những dự phóng cho tương lai.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mùa túc cầu thế giới 2014: Những tiếng la hét trên cầu trường
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:11 14/06/2014
Những tiếng la hét trên cầu trường

Những tiếng reo hò say mê như cuồng loạn của khán gỉa trên cầu trường đi xem thi đấu bóng đá không là tiếng nói của trái banh được các cầu thủ đá lừa dẫn giao chuyền lăn trên sân cỏ.

Những tiếng vỗ tay hay tiếng kèn trống vang dội trong cầu trường cũng không là tiếng nói của trái banh da đang bay bổng trong không gian cầu trường, khi thể lực từ đôi chân cầu thủ phổ vào đá tung lên cao.

Những nét hân hoan vui mừng trên đôi má vầng trán với cờ xí khăn quàng tung bay ngợp không gian cầu trường ngoài đường phố, hay cả nỗi ấm ức vẻ mặt buồn thảm thất vọng với dòng nước mắt của khán gỉa, và của cả cầu thủ thi đấu bóng đá cũng không là tiếng nói của trái banh da bơm căng đầy không khí trên sân cỏ.

Nhưng dẫu vậy môn thể thao bóng đá ẩn chứa sứ điệp không thành tiếng nói.

1. Sân cỏ thể thao và việc đào tạo giáo dục

Những trận thi đấu bóng đá World Cup 2014 - từ 12.06. đến 13.07.- đang diễn ra mỗi ngày càng sôi nổi, như cơn sốt lên tới cao độ ở bên Brail vùng trời châu lục Nam Mỹ, đã và đang phát tỏa gây ra làn sóng phấn khởi hân hoan đến độ cuồng loạn.

Tinh thần này không chỉ nổ lan ra nơi những người có mặt tại cầu trường sân cỏ thi đấu, cũng không chỉ nơi những người dân Brazil Nam Mỹ châu ,mà còn cả nơi những người trên khắp thế giới theo dõi qua màn ảnh truyền hình. Làn sóng phấn khởi hân hoan của thể thao bóng đá như thế đã nối kết mọi con người trên khắp qủa địa cầu hình tròn như trái banh lại với nhau.

Nhà văn Eduardo Galeano người Uruguay đã có nhận xét tương tự: “ Thể thao bóng đá là ngôn ngữ, mà tất cả mọi người đều hiểu được.” .

Ở thành phố cảng Tema nước Ghana, 55 trẻ em bạn trẻ bị bơ vơ theo chiều hướng giáo dục được hội từ thiện tập trung gây dựng thành những đội banh đá. Qua cùng thao luyện tập tành chơi chung bóng đá, các em dần hiểu ra thế nào là tinh thần đồng đội cùng chơi chung; thế nào kỷ luật và cung cách chơi thể thao Fair play. Và qua tập luyện thi đấu, các em cảm nhận ra mình vẫn cón gía trị, khi tập luyện thành công, thi đấu thắng giải được công nhận khen thưởng.

Thể thao bóng đá như thế khác nào chiếc chìa khóa giúp vào việc giáo dục làm thay đổi tâm lý nếp sống con người bạn trẻ. Và nhờ đó có đà sức sống cố gắng vươn lên.

Ở thủ đô Quinto nước Ecuadors, Dòng Don-Bosco trong chương trình dự án giúp đỡ các trẻ em bạn trẻ bụi đời sống lang thang ngoài đường phố, đã thành lập trường thể thao, nhằm qui tụ các em đó lại và hướng dẫn giáo dục họ qua môn thể thao bóng đá. Trường có tên bằng tiếng Tây ban Nha Golaso.

Trường thể thao Galaso không chỉ nhắm chú trọng đến thể thao bóng đá, nhưng tên Galoso còn mang ý nghĩa khác trong việc nâng đỡ giáo dục các em đó: Gol có nghĩa là Khung thành, cú banh lọt lưới khung thành ; A từ chữ Autoestima= tự tin vào gía trị mình; S =Solidaridad= tình đoàn kết; O= Organización= tổ chức sắp xếp. Đây là những gía trị tinh thần cần thiết cho đời sống, mà trường Galoso mong muốn qua môn thể thao bóng đá truyền mang lại làm hành trang cho các trẻ em bạn trẻ vướng mắc vào đời sống khó khăn lang thang không nghề nghiệp.

Các bạn trẻ cần được khuyến khích có niềm vui phấn khởi với đời sống. Thể thao bóng đá là một cách thế giúp họ. Vì thế trường dậy nghề cũng tổ chức song song đội nhóm lớp luyện tập thi đấu đá banh giữa nhau. Như thế, Thể thao bóng đá đóng vai trò trọng yếu trong cách tập luyện giáo dục đào tạo các em bước chân vào đời sống chung trong xã hội.

“ Thể thao bóng đá dậy đào tạo cung cách tinh thần đồng đội cùng chơi chung; gây niềm hân hoan phấn khởi cùng thúc đẩy lòng hâm hộ thể thao. Nên thể thao bóng đá là một yếu tố quan trọng trong chương trình nhằn nâng đỡ phát triển” như Reinhard Heiser, người điều khiển trong chương trình nâng đỡ phát triển, đã có nhận xét như vậy.

2. Bóng đá nói lên khát vọng đời sống con người

Hồi còn là Tổng giám mục München, Hồng Y Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedicto 16., ngày 03.06.1978 đã có suy tư về thể thao bóng đá trên đài phát thanh:

„ Bóng đá đã trở nên một biến cố trên khắp thế giới. Bóng đá có sức mạnh lôi cuốn, liên kết con người vuợt qua mọi ranh giới trong niềm hy vọng, lo âu hồi hộp, tha thiết nồng nàn và niềm vui tươi phấn khởi. Hiếm có biến cố nào trên thế giới có hấp lực trải rộng như thế.

Biến cố đó, có thể nói được, là khát vọng xa xưa khởi thủy của con người, và cũng đặt ra câu hỏi, trên nền tảng nào môn chơi này có hấp lực sức mạnh như vậy.

Người bi quan sẽ cho rằng, điều đó giống như ở thời Roma cổ xưa, họ đã viết trên biểu ngữ: Panem et circenses – Cơm bánh ăn và trò chơi Xiếc. Ăn và chơi chỉ là nội dung đời sống của một xã hội đang trên đà xuống dốc, đang lúc họ không còn nhận ra những đích điểm cao hơn nữa.

Nhưng nếu, cho đi rằng, người ta chấp nhận điều này, điều đó cũng không thể nào đủ có sức thuyết phục được. Vì thế phải hỏi lại: Trên nền tảng nào, môn chơi này có sức hấp dẫn, đến nỗi trở nên quan trọng bên cạnh cơm bánh như vậy?

Ðưa mắt nhìn ngược trở về thời Roma xa xưa, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời, tiếng la hét đòi cơm bánh và môn chơi biểu hiện của khát vọng về một đời sống thiên đàng hạnh phúc, về một đời sống no đủ không có cực nhọc vất vả, và tự do được thỏa mãn tràn đầy. Ðiều này ẩn chứa trong môn chơi: trong hành động hoàn toàn tự do, không có đích điểm, không có sự bó buộc, nhưng có cố gắng về sức lực và được thi hành trọn vẹn.

Trong ý nghĩa này môn chơi cũng là một thể loại thử tìm về trở về nhà, nơi là thiên đàng hạnh phúc: bước thoát ra khỏi đời sống hằng ngày bị trói buộc do những ràng buộc căng thẳng vất vả, và lo liệu cho đời sống căng thẳng có tự do những gì không bắt buộc và dẫn dưa đưa đến sự tốt đẹp.

Như thế, môn chơi đã vượt qua cuộc sống hằng ngày. Môn chơi trước hết, nhất là đem đến cho trẻ em, bạn trẻ một bộ mặt đức tính khác: Sự tập luyện bước vào đời sống. Nó vẽ nên dấu chỉ hình ảnh đời sống tự mình phát triển cung cách sống cởi mở tự do.

Với tôi, hấp lực của môn chơi Bóng đá nằm ở chỗ, nó liên kết cả hai khía cạnh này trong một hình thái có sức hấp dẫn thuyết phục.

Nó bó buộc con người, trước hết tự mình thuần thục hóa chính mình qua việc tập luyện để thắng chính mình, qua sự vượt trội có sẵn hay đạt được đưa đến tự do. Thể thao bóng đá cũng dậy cho biết sống chơi kỷ luật với nhau. Trong một đội banh bắt buộc phải khép mình từng cá nhân vào tập thể chung.

Môn thể thao bóng đá nối kết cùng chung đích điểm. Thành công hay không thành công của mỗi cá nhân nằm trong liên quan thành công hay không thành công của toàn đội banh.

Môn thể thao luyện cung cách chơi đấu cao thượng khi chống chọi nhau, qua việc tuân giữ luật lệ chơi chung. Có thế cả hai bên đội banh mới có tự do.

Trong khi theo dõi quan sát tranh tài trận bóng đá trên sân cỏ, khán gỉa tự đồng hóa mình với trận chơi và với các cầu thủ đang thi đấu; họ gần như tham dự hăng say tích cực với đội banh gà nhà và cả với đội đối thủ, với sự căng thẳng bó buộc và cả với tự do nữa. Các cầu thủ chơi chạy trên sân cỏ trở thành hình ảnh biểu tượng của đời sống riêng họ, và tạo ảnh hưởng lại trên họ. Các cầu thủ biết rằng, những người đó tự vẽ nên hình ảnh mình qua các cầu thủ và tìm thấy được công nhận nơi họ.

Lẽ tất nhiên những điều này có thể trở nên bị tiêu hủy, bị làm cho ra xấu xa, khi yếu tố thương mại, tiền bạc chiếm ngự; khi môn chơi thể thao trở thành kỹ nghệ sản xuất, nó tạo ra một thế giới hào nhoáng hình ảnh không tốt đẹp.

Cho dù không tạo ra một thế giới hào nhoáng đầy hình ảnh, không có được lý do tích cực đi nữa trong môn chơi thể thao này: nó vẫn là phần tiền luyện tập thuộc về đời sống và sự bước qua của đời sống đi tìm phương hướng của một thiên đàng hạnh phúc đã bị mất. Cả hai đều đi tìm kỷ luật của sự tự do, trong mối dây ràng buộc vào luật lệ với nhau, chống chọi lại nhau và của mỗi cá nhân.

Nên rất có thể, trong suy nghĩ như thế, chúng ta rút ra từ môn chơi thể thao bóng đá bài học mới cho đời sống.

Nơi môn chơi thể thao này ta nhận ra một nền tảng căn bản: Con người sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh thôi. Vâng, thế giới cơm bánh thật ra chỉ là bước tiên khởi cho đời sống con người, cho một thế giớ tự do. Sự tự do sống còn phát triển qua luật lệ, qua thuần thục giáo dục. Nó dậy cách sống chơi chung và sống thế nào là một đối thủ tốt có lối sống ngay chính trong cuộc chơi.

Cuộc chơi, đời sống, nếu đi sâu vào hiện tượng của một thế giới hào hứng phấn khởi về bóng đá, có thể giúp ta nhận ra nhiều điều vượt xa hơn chỉ là một cuộc vui chơi giải trí.“

3. Thể thao bóng đá và nếp sống nhân bản

Dịp khi mạc mùa Word Cup 2014 ở Brazil, Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô, người yêu chuộng mộ mến môn thể thao bóng đá ngay từ thờicòn là Hồng Y Tổng giám mục Buenos ires bên Argentina, đã gửi thông điệp chào mừng nói về nếp sống nhân bản qua môn thể thao bóng đá:

”Thể thao không phải chỉ là một hình thức tiêu khiển, nhưng đặc biệt nó là một dụng cụ cho việc thông truyền các giá trị thăng tiến thiện ích của con người và giúp kiến tạo một xã hội an bình và huynh đệ hơn. Chúng ta nghĩ đến sự lương thiện, kiên trì, tình thân hữu, sự chia sẻ, và liên đới. Thực vậy, bóng đá gợi lên nhiều giá trị và thái độ quan trọng không những tại sân bóng, nhưng cả trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cụ thể hơn là trong việc xây dựng hòa bình. Thể thao là một trường hòa bình, dạy chúng ta xây dựng hòa bình”.

”Trước tiên thể thao dạy chúng ta điều này: để thắng thì cần phải tập luyện. Qua việc thực hành thể thao, chúng có thể thấy đó là hình ảnh cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc đời cần phải chiến đấu, phải tập luyện, dấn thân để đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần thể thao gợi lại cho chúng ta hình ảnh những hy sinh cần thiết để tăng trưởng trong các nhân đức tạo nên cá tính mỗi người. Nếu để cải tiến một người, cần phải tập luyện khẩn trương và liên tục, thì cần phải dấn thân nhiều hơn để đạt tới cuộc gặp gỡ và hòa bình và giữa các dân tộc được ”cải tiến”.

”Bóng đá có thể và phải là một trường huấn luyện về một nền văn hóa gặp gỡ” mang lại sự hài hòa và an bình giữa các dân tộc. Ở đây bài học thứ hai trong việc thực hành thể thao giúp đỡ chúng ta: chúng ta học cách chơi đẹp trong bóng đá. Để chơi trong đội banh của mình thì trước tiên cần phải ý đến ích lợi của nhóm chứ không phải nghĩ đến mình.

Để thắng, cần phải vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ và mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bất bao dung và lợi dụng con người. Thái độ cá nhân chủ nghĩa trong bóng đá là một chướng ngại cản trở chiến thắng của đội bóng; cũng chúng ta theo cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống, cố tính không biết đến những người chung quanh, thì toàn thể xã hội sẽ bị thiệt thòi”.

Bài học sau cùng mà thể thao mang lại để giúp đạt tới hòa bình là phải tôn trọng đối phương. Bí quyết của chiến thắng trên sân banh và cả trong cuộc sống, hệ tại biệt tôn trọng người đồng đội của mình cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình trên sân banh cũng như trong cuộc đời. Ước gì không ai tự cô lập mình và cảm thấy bị loại ra ngoài! (SD 12-6-2014- Vietcatholic 12.06.2014).

**********

Bóng đá, theo sử sách viết để lại có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên bên Trung Hoa. Đến thời Trung cổ phát triển bên Anh quốc và từ thế kỷ thứ 19. được cải tiến cho phù hợp với thời đại cùng tâm tính con người. Dần dần bóng đá được du nhập vào các quốc gia khác trên thế giới như một môn thể thao cho việc giải trí, rồi cho việc huấn luyện thân thể con người khoẻ mạnh.

Và cũng trên nền tảng đó, bóng đá trở thành phổ thông hơn cho dân gian hầu như trong mọi lãnh vực khác nữa của đời sống.

Trong lãnh vực văn hóa, thể thao bóng đá cũng có chỗ đứng. Nhiều huấn luyện viên đã phát triển kỹ thuật chơi nhồi banh trên sân cỏ theo một triết lý đời sống mà họ nghĩ tìm ra. Như nền bóng đá Nam Mỹ có triết lý kỹ thuật khác với nền bóng đá Âu Châu hay Phi Châu.

Có lẽ từ căn bản văn hóa đó thể thao bóng đá còn được nhiều nghệ sĩ , nhà giáo dục hiểu coi như một thứ ngôn ngữ toàn cầu có cấu trúc tổ chức về luật lệ chơi thi đấu và truyền thống riêng.

Nhà văn Albert Camus, từng là người bắt banh thủ môn giữ khung thành một đội bóng đá đã có nhận xét: “Tất cả những gì tôi hiểu rõ về đạo đức và ý nghĩa nhiệm vụ của con người đều có được nhờ môn bóng đá!”

„Orandum est, ut sit mens sana in corpore sano- Con người ta cần phải cầu xin có một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể cường tráng.“ Nhà Thơ Juvenal


Mùa World Cup 2014
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long