Ngày 10-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:06 10/06/2019
Chương 19:

KIÊU NGẠO

“Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gc 4, 6)


1. Kiêu ngạo là vua của các thứ tội, kiêu ngạo vừa đến thì muôn vàn tội ác cũng đến theo, các đức hạnh đều bỏ đi.(Thánh Gregory)



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:17 10/06/2019
39. THỊT HEO NÁI

Có người dùng thịt heo nái làm lễ vật, chủ nhà ngâm thơ chế nhạo:

“Mỗi ngày nhớ ơn huệ người quân tử,

cả nhà lớn nhỏ ăn,

củi đun hết ba gánh

nước nấu hết hai nồi.

Thịt là đế ủng mới

da là yên ngựa cũ.

ba mươi sáu cái răng nhai

mỗi cái không bình an !”


(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 39:

Không một phụ huynh nào đi tết thầy cô mà lại biếu những thứ không xứng đáng, cũng không một ai khi đi biếu quà mà lại đem những thứ dư thừa đi biếu, vì như thế là bất lịch sự và bày tỏ một tâm hồn không kính trọng thầy cô.

Thời nay người ta thường hay nói quà tặng không quan trọng bằng tấm lòng, nhưng nếu cấp dưới đem quà tặng không xứng đáng thì trong lòng buồn bực và có khi rủa mắng thầm là không biết điều (!), bởi vì con người ta thì bản tính sân si không siêu thoát được để nhận tấm lòng của người khác như Thiên Chúa, cho nên vẫn còn có những sần sùi trong cách nhận lễ vật.

Mỗi người Kitô hữu đều có một món quà riêng để tặng cho Thiên Chúa, món quà này không phải là vài cân thịt heo nái hoặc vài hộp bánh trung thu có kẹp chiếc nhẫn vàng bên trong, nhưng chính là tâm hồn khiêm hạ của mình.

Tâm hồn khiêm hạ của mình chính là nhận ra những bất toàn tội lỗi của bản thân để dâng lên Thiên Chúa xin Ngài đón nhận thứ tha và thánh hóa. Đó là lễ vật quý nhất vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai triệu tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo hành hương đến Tu viện ở Smalut tại Ai Cập
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:46 10/06/2019
Hai triệu tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo đã thực hiện một cuộc hành hương để khẩn cầu Đức Mẹ Maria can thiệp vì an ninh và hòa bình tại vùng đất Ai cập. Họ đã tham gia vào nghi thức phụng vụ dịp lễ Chúa Giêsu lên trời trong những ngày qua tại tu viện Deir Al Tayr ở Smalut. Tu viện là một trong những di tích lớn nhất với chiều cao 45 mét. Nhiều hầm mộ cổ trở thành nhà thờ. Có 3 nhà thờ sát nhau. Kitô hữu đến Petra vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4 sau khi dân Nabataen di cư sang nơi khác.

Các tín hữu của cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo viếng thăm tu viện trong tuần lễ này vì tu viện được biết đến với nhà thờ cổ được đục chạm ở trung tâm của phần phía đông ngọn núi. Cuộc hành hương đến tu viện tạo thành giai đoạn thứ hai, được gọi là "Con đường Thánh Gia", hành trình kết hợp những nơi mà Đức Mẹ, thánh Giuse và Hài nhi Giêsu đi qua khi họ lánh nạn ở Ai Cập để thoát khỏi bạo lực của Hêrôđê. Mỗi năm, 35 triệu người hành hương đi trên con đường này.

Một tháng sau lễ Chúa Phục sinh và cho đến lễ Chúa lên trời, trẻ em của các gia đình Kitô hữu được rửa tội ở Smalut trong hang động nơi Thánh Gia tìm ra nơi ẩn náu. Các cử hành trong tuần qua là sáng kiến được thêm vào, biểu lộ tính đặc trưng cho mối quan hệ truyền thống giữa Kitô hữu Ai Cập và Hồi giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Ai Cập vào năm 2017 và nói về chuyến viếng thăm tông đồ của ngài trong buổi gặp chung các khách hành hương ngày 4 tháng 10 năm 2017: "Tôi cảm kích nhớ đến chuyến thăm tông đồ của tôi tại vùng đất tốt của bạn và dân tộc hào phóng của nó; là vùng đất nơi thánh Giuse, Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu Hài Đồng và nhiều ngôn sứ đã sống, vùng mảnh đất được chúc phúc qua nhiều thế kỷ bởi dòng máu quý giá của các vị tử đạo và các vị công chính; vùng đất của chung sống và hiếu khách; vùng đất của gặp gỡ, lịch sử và văn minh"

(Nguồn: Agenzia fides)
 
Các Khâm Sứ Tòa Thánh sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Roma vào ngày 12-15 tháng 6.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:07 10/06/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô mời các khâm sứ Tòa Thánh tại các quốc gia trên thế giới và các quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc và tại các cơ quan khác, tham dự cuộc họp tại Roma vào ngày 12-15 tháng 6.

Tiếp theo các cuộc gặp gỡ tương tự vào năm 2013 và 2016, phòng báo chí Vatican cho biết, việc triệu tập ba năm một lần là một cách để Đức Thánh Cha Phanicô củng cố các hoạt động của các nhà ngoại giao Vatican.

Kể từ cuộc họp trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ sung phân bộ thứ ba - Phần Nhân sự Ngoại giao - vào Quốc Vụ Khanh Vatican, được thành lập năm 2017. Phân bộ này đã chuẩn bị cuộc họp tháng sáu.

Văn phòng báo chí Vatican cho biết ngày 10 tháng 6 rằng 103 nhà ngoại giao dự kiến ​​sẽ tham gia - 98 khâm sứ và 5 quan sát viên thường trực. Ngoài ra, 46 khâm sứ nghỉ hưu được mời tham gia cùng với những người khác vào ngày 15 tháng 6, ngày Đức Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ với các khâm sứ và tổ chức một bữa trưa cho họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến ​​sẽ nói chuyện với các nhà ngoại giao vào ngày 13 tháng 6. Lịch trình của họ cũng bao gồm các cuộc họp với lãnh đạo cao cấp nhất của Quốc Vụ Khanh cũng như các hội nghị cập nhật họ về các vấn đề hiện tại của Giáo Hội, hợp tác quốc tế và đối thoại liên tôn, văn phòng báo chí cho biết.

Một số thời gian của họ sẽ được dành cho các nhóm được tổ chức theo lục địa nơi họ đang phục vụ. Họ cũng được gặp một số người đứng đầu văn phòng Vatican và với các đại sứ đại diện cho các quốc gia của họ tại Vatican.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

(Nguồn: Catholic News Service)
 
Chết vẫn chưa yên. Cộng sản Trung Quốc cấm không được cử hành tang lễ cho Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức
Đặng Tự Do
17:57 10/06/2019
Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức (李思德, Li Si-de), sinh năm 1927, là Giám Mục Thiên Tân (天津, Tianjin) được Tòa Thánh công nhận, nhưng bọn cầm quyền Trung Quốc không công nhận, đã qua đời hôm thứ Bảy 8 tháng Sáu sau một cơn bệnh dài.

Thông tấn xã Công Giáo Asia News cho biết đến nay, Hội Công Giáo Yêu nước do cộng sản dựng lên để chi phối các hoạt động của Giáo Hội đã cấm không cho tổ chức tang lễ cho ngài và cấm an táng ngài trong nghĩa trang Công Giáo.

Thi hài của ngài hiện được đặt ở một nhà quàn dành cho công chúng, chứ không được đặt ở nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của giáo phận Thiên Tân. Các tín hữu thuộc Giáo Hội thầm lặng đang tìm cách xin nhà cầm quyền dân sự thành phố Thiên Tân cho phép cử hành lễ an táng ngài tại một nhà thờ nhỏ. Một tín hữu nói với AsiaNews rằng “nhà cầm quyền địa phương đối xử văn minh hơn nhiều so với Hội Công Giáo Yêu nước.”

Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức sinh ngày 03 tháng 10 năm 1927 tại Tuân Hóa (Đường Sơn, Hà Bắc), trong một gia đình Công Giáo truyền thống, với sáu anh chị em. Từ thời thơ ấu, ngài đã cảm thấy ơn gọi dâng hiến mình cho Chúa và vào năm 1940 ngài vào tiểu chủng viện địa phương. Năm 1945, ngài được chuyển đến tiểu chủng viện ở Thiên Tân. Năm 1949, ngài vào đại chủng viện Văn Thánh (文圣区, Wen Sheng) ở Bắc Kinh và ngày 10 tháng 7 năm 1955 ngài được thụ phong linh mục của Giáo Phận Thiên Tân.

Sau khi Mao Trạch Đông giành được quyền lực tại Trung Quốc, Hiệp hội Yêu nước được ra đời để kiểm soát Giáo Hội và tạo ra một cộng đồng “độc lập” với Tòa Thánh, Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức đã bị bắt vào năm 1958. Được trả tự do ngày 16 Tháng Hai năm 1962, ngài trở về với công việc mục vụ tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Thiên Tân , nhưng lại bị bắt và bị giam giữ từ năm 1963 đến năm 1980 trong các trại lao động cưỡng bức.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Thiên Tân và ngày 15 tháng Sáu 1982, ngài được tấn phong giám mục Giáo Phận Thiên Tân trong bí mật. Năm 1989, sau khi tham gia vào phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc Hầm trú – trong đó các Giám Mục yêu cầu bọn cầm quyền cho tự do tôn giáo nhiều hơn - ngài bị bắt giam lần thứ ba. Năm 1991, ngài được trả tự do và trở về nhà thờ chính tòa Thiên Tân. Tuy nhiên, năm 1992 ngài bị bọn cầm quyền quản thúc tại làng Lương Trang Tử (良莊子, Liang ZhuangZi) thuộc huyện Tập Hiền (集贤, Ji Xian) là một huyện miền núi của tỉnh Hắc Long Giang (黑龙江,Heilongjiang) cho đến khi qua đời.

Năm 1963, cộng sản Trung Quốc chỉ định linh mục Giuse Lý Đức Bồi (李德培,Li De-pei) làm Giám Mục Thiên Tân. Vị này qua đời cùng với vạ tuyệt thông vào ngày 13 tháng Bẩy 1991.

Trong thập niên 1980, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu các Giám Mục Trung Quốc bí mật phong chức Giám Mục cho cha Mêchiô Thạch Hồng Trinh (石鴻禎, Shi Hongzhen)và cha Giuse Thạch Hồng Thần (石洪臣, Shi Hongchen) làm Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá Thiên Tân. Hai vị này là anh em bà con với nhau.

Đức Cha Giuse Thạch Hồng Thần được chính Đức Cha Stêphanô Lý Tư Đức tấn phong Giám Mục. Vị này có quan hệ “cởi mở” với bọn cầm quyền Trung Quốc nên sau khi linh mục Giuse Lý Đức Bồi qua đời, Hội Công Giáo Yêu nước đã bổ nhiệm Giám Mục Giuse Thạch Hồng Thần là Giám Mục Thiên Tân. Tòa Thánh đã ra vạ tuyệt thông cho vị này vì việc này. Ngài đã qua đời vào ngày 3 tháng Ba, 2005.

Đức Cha Mêchiô Thạch Hồng Trinh là Giám Mục phó với quyền kế vị chính thức trở thành Giám Mục Thiên Tân sau cái chết của Đức Cha Lý Tư Đức. Tuy nhiên, ngài đau yếu thường xuyên sau những năm dài tù tội trong các trại cải tạo lao động.

Giáo Phận Thiên Tân có khoảng 100,000 tín hữu, được chăm sóc bởi 40 linh mục chính thức và 20 linh mục thầm lặng. Có 40 nữ tu chính thức và 20 nữ tu thầm lặng tại Thiên Tân.


Source:Asia News
 
Tòa Thánh công bố văn kiện mới về lý thuyết phái tính
Vũ Văn An
23:56 10/06/2019


Theo Gerard O’Connell của tạp chí America, Bộ Giáo dục Công Giáo của Tòa Thánh vừa ban hành một tài liệu về vấn đề lý thuyết phái tính, một văn kiện, dù không chứa các yếu tố tín lý hoặc phát triển nào mới, nhưng đã tìm cách trình bày quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề theo cách không bút chiến và bày tỏ sự cần thiết phải đối thoại về chủ đề này.

Bản ăn được ký bởi bộ trưởng và tổng thư ký thánh bộ, lần lượt là Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi và Đức Tổng Giám Mục Angelo Vicenzo Zani. Nhưng không chỗ nào nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã duyệt hoặc phê chuẩn tài liệu này. Điều này có thể gợi ý rằng bản văn này là cơ sở để đối thoại và thảo luận cho những người liên quan đến lĩnh vực giáo dục và không được coi là câu trả lời cuối cùng về chủ đề gây tranh cãi này.

Đức Hồng Y Versaldi, trong một bài trình bày được công bố trước báo chí cùng với bản văn “Nam và Nữ”, giải thích rằng các giám mục trên toàn thế giới đã lưu ý đến vấn đề phái tính trong thập niên vừa qua. Trong hội nghị toàn thể của thánh bộ vào tháng 2 năm 2017, “ý thức hệ phái tính” đã xuất hiện như “một vấn đề khẩn cấp” trong lĩnh vực giáo dục, vì vậy hội nghị đã quyết định thánh bộ nên viết một tài liệu để giúp đỡ những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục Công Giáo. Đức Hồng Y Versaldi cho biết các bộ sở của Tòa Thánh đã đóng góp nhiều dữ liệu, nhưng ngài không nói liệu các thành viên của thánh bộ ở các nơi khác nhau trên thế giới có được tham khảo ý kiến hay không.

Tài liệu dài 31 trang, đang được gửi đến các chủ tịch của mọi hội đồng giám mục, mang tựa đề “Người dựng nên họ có nam có nữ”. Nó được công bố bởi phòng báo chí Tòa Thánh vào ngày 10 tháng 6 và có phụ đề là “Hướng tới một con đường đối thoại về vấn đề lý thuyết phái tính trong giáo dục”.

Bản văn giải thích rằng “lý thuyết phái tính” nói lên một ý thức hệ vốn “bác bỏ sự khác biệt và tính hỗ tương trong bản tính đàn ông và đàn bà và dự kiến một xã hội không có sự khác biệt giới tính, do đó loại bỏ cơ sở nhân học của gia đình.

Bản văn nói rằng ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và các ban hành luật pháp nhằm cổ vũ một bản sắc bản vị và thân mật xúc cảm tách biệt hoàn toàn với sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ với hậu quả là “bản sắc con người trở thành sự lựa chọn của cá nhân, một lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian”, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong tông huấn của ngài về gia đình, “Amoris Laetitia” (số 56).

Trong khi nhìn nhận rằng ý thức hệ này tương phản với viễn kiến của Kitô giáo về nhân học, tài liệu nói rằng, “nếu chúng ta muốn tiếp nhận cách tiếp cận vấn đề lý thuyết phái tính dựa trên con đường đối thoại, thì điều sinh tử là phải lưu ý phân biệt giữa ý thức hệ phái tính một mặt và mặt khác, toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu về phái tính mà các khoa học nhân văn đã và đang đảm nhiệm.

Tài liệu nhắc nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra rằng dù các ý thức hệ phái tính đáp ứng “các hoài mong đôi khi có thể hiểu được”, nhưng chúng cũng tìm cách “tự khẳng định là tuyệt đối và không thể nghi ngờ, thậm chí còn ra lệnh trẻ em nên được nuôi dạy như thế nào”, do đó loại bỏ đối thoại.

Bản văn nhấn mạnh “Thay vào đó, các công trình khác về phái tính đã được thi hành nhằm đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về cách thức trong đó sự khác biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà được sống thực trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính trong mối liên hệ với loại nghiên cứu này mà chúng ta nên cởi mở hơn để lắng nghe, lý luận và đề xuất”.

Tài liệu này cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về các “biến cố văn hóa” thế kỷ 20, “những biến cố đã mang đến những lý thuyết nhân học mới và với chúng là các khởi đầu của lý thuyết phái tính”. Nó cho rằng, những lý thuyết này “dựa trên một cách hiểu sự dị biệt hóa phái tính tính hoàn toàn mang tính xã hội , dựa vào sự nhấn mạnh mạnh mẽ vào quyền tự do cá nhân”, và vào khoảng giữa thế kỷ, “các cuộc nghiên cứu đã được công bố, nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của điều kiện hóa từ bên ngoài, bao gồm cả ảnh hưởng của nó đối với việc xác định nhân cách”.

“Khi các cuộc nghiên cứu như vậy được áp dụng vào giới tính của con người, họ thường làm như vậy với mục đích chứng minh rằng bản sắc giới tính là một cấu trúc xã hội hơn là một sự kiện tự nhiên hoặc sinh học có sẵn”.

Theo tài liệu, “vào đầu những năm 1990, nó tập chú vào khả thể cá nhân tự xác định xu hướng tình dục của mình mà không xem xét tính hỗ tương và tính bổ túc trong các mối liên hệ nam nữ, cũng không xem xét mục đích sinh sản của tình dục. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng người ta có thể ủng hộ lý thuyết tách biệt triệt để giữa phái tính (gender) và giới tính (sex), với phái tính chiếm ưu tiên hơn giới tính. Một mục tiêu như vậy được coi như một giai đoạn quan trọng trong sự biến hóa của loài người, trong đó, “một xã hội không có các dị biệt về giới tính” là điều có thể dự kiến được.

Theo tài liệu, tất cả các điều trên dẫn đến vấn đề “tách biệt giới tính khỏi phái tính”; và tài liệu viết thêm, “khái niệm phái tính được coi là phụ thuộc vào tâm thức (mindset) chủ quan của mỗi người, họ có thể chọn phái tính không tương ứng với giới tính sinh học của họ, và do đó với cách những người khác nhìn người đó (chuyển phái tính, transgenderism).

“Các đề xuất của lý thuyết phái tính gặp nhau ở khái niệm “queer”, có ý nói đến các chiều kích giới tính cực kỳ dễ thay đổi (liquid, lỏng), dễ uốn nắn, và dường như du mục (nomadic). Điều này đạt đến đỉnh cao khi chúng khẳng định sự giải phóng hoàn toàn của cá nhân khỏi bất cứ một định nghĩa nào về giới tính theo lối tiên thiên (a priori) có sẵn, và việc không còn các việc phân loại bị coi là quá cứng ngắc.

Bản văn tiếp tục: “tính sóng đôi (duality) nơi các cặp nam nữ ngoài ra còn bị xem là mâu thuẫn với ý niệm ‘đa ái’ (polyamory), nghĩa là các mối liên hệ liên quan đến hơn hai cá nhân. Vì thế, người ta cho rằng khoảng thời gian kéo dài của các mối liên hệ, cũng như bản chất ràng buộc của chúng, nên linh hoạt, tùy thuộc vào mong muốn thay đổi của các cá nhân liên quan. Đương nhiên, điều này có hậu quả đối với việc chia sẻ trách nhiệm và các nghĩa vụ cố hữu trong chức phận làm mẹ và làm cha. Loạt liên hệ mới này trở thành ‘sự giống nhau về tính chất’ (kinship)", vốn “dựa trên thèm muốn hoặc tình âu yếm, thường có đặc điểm ở một khoảng thời gian giới hạn được định sẵn, linh hoạt về mặt đạo đức hoặc thậm chí (đôi khi bằng sự đồng thuận minh nhiên) không hy vọng có bất cứ ý nghĩa dài hạn nào".

Bản văn giải thích rằng Giáo Hội rõ ràng có vấn đề với tầm nhìn này về giới tính, bản sắc và mối liên hệ, nhưng nó cũng lưu ý những điểm mà trên đó, Tòa Thánh và các nhà lý thuyết phái tính tìm được đồng thuận và các nguồn để đối thoại, như “một mong muốn đáng khen chống lại mọi phát biểu kỳ thị bất công” và “các hình thức kỳ thị bất công là một sự kiện đáng buồn của lịch sử và cũng đã gây ảnh hưởng trong Giáo hội”.

Bản văn thừa nhận “Điều trên đem đến một nguyên trạng (status quo) cứng ngắc nào đó, làm chậm diễn trình hội nhập văn hóa cần thiết và có tính tiến bộ việc công bố sự thật của Chúa Giêsu về phẩm giá bình đẳng của đàn ông và đàn bà, và khuyến khích các tố cáo thuộc loại não trạng duy nam tính (masculinist mentality), núp dưới các động cơ tôn giáo ít nhiều che đậy”.

Một điểm quan trọng khác của đồng thuận là “nhu cầu giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên biết tôn trọng mọi người về nét đặc thù và khác biệt của họ, để không ai phải chịu sự bắt nạt, bạo lực, lăng mạ hoặc kỳ thị dựa trên các đặc điểm cụ thể của họ (như nhu cầu đặc biệt, chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng giới tính, v.v.)”.

Tài liệu sau đó tiếp tục phác thảo nền nhân học Kitô giáo, một nền nhân học, theo tài liệu, “có gốc rễ trong câu chuyện về nguồn gốc con người xuất hiện trong sách Sáng thế, trong đó, chúng ta đọc rằng 'Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của chính Người ... Người dựng nên họ có nam có nữ’”.

Tài liệu nói, “những lời lẽ này nắm bắt không những bản chất của câu chuyện về sáng thế mà còn cả câu chuyện về mối liên hệ trao ban sự sống giữa người đàn ông và người đàn bà, đưa họ đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa”.

Tài liệu của thánh bộ lý luận rằng, “Cần phải khẳng định lại nguồn gốc hữu thể của sự khác biệt giới tính, như một sự bác bỏ nhân học về các mưu toan phủ nhận tính sóng đôi (duality) nam-nữ của bản chất con người, mà từ đó gia đình được phát sinh”.

Dựa trên giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, tài liệu nói, “việc bác bỏ tính sóng đôi này không chỉ xóa bỏ viễn kiến coi con người như là thành quả của một hành động sáng tạo mà còn tạo ra ý niệm coi con người như một loại trừu tượng hóa tự chọn cho mình thứ bản tính mình muốn”.

Tài liệu viết tiếp: “Người đàn ông và người đàn bà trong trạng thái thụ tạo của họ như các phiên bản bổ sung của những gì là nhân bản đang bị tranh cãi. Nhưng nếu không có tính song đối nam nữ định sẵn trong sáng thế, thì gia đình cũng không còn là một thực tại được sáng thế thiết định. Tương tự như vậy, đứa trẻ cũng đánh mất vị trí nó chiếm hữu được từ đó và cả phẩm giá vốn thuộc về nó”.

Tài liệu kết luận bằng cách nói rằng “các nhà giáo dục Công Giáo được kêu gọi vượt xa mọi chủ nghĩa giản lược có tính ý thức hệ hoặc chủ nghĩa duy tương đối có tính đồng điệu hóa (homologizing relativism) bằng cách trung thành với bản sắc dựa trên tin mừng của họ, hầu biến đổi cách tích cực các thách thức thời đại thành cơ hội bằng cách đi theo con đường lắng nghe lý luận và đề xuất viễn kiến Kitô giáo, đồng thời làm chứng bằng chính sự hiện diện của họ, và bằng sự nhất quán trong lời nói và việc làm của họ”.

Tài liệu viết thêm, “nền văn hóa đối thoại không hề mâu thuẫn với các nguyện vọng chính đáng của các trường Công Giáo trong việc duy trì viễn kiến của họ về giới tính con người, phù hợp với quyền của các gia đình được tự do giáo dục con cái theo một nền nhân học toàn diện, có khả năng hài hòa bản sắc thể lý, tâm linh và thiêng liêng của con người”.

Đón đọc: Văn Kiện “Người Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cha Ant. Đinh Minh Tiên, O.P., “soi sáng” về điều cha quả quyết “Chúa Giêsu, khi lên trời, đã giũ bỏ nhân tính”
Vũ Văn An
05:38 10/06/2019
Trên trang mạng http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1165:ch-nht-l-thng-thienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28, cũng như trên trang mạng của Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, https://catechesis.net/chua-nhat-vii-phuc-sinh-nam-c-chua-thang-thien/, Cha Ant. Đinh Minh Tiên đã sửa lại đoạn gây bối rối cho anh em chúng tôi trong bài giảng mới đây của ngài về Lễ Thăng Thiêng năm nay.

Xin trích đoạn nguyên thuỷ và đoạn đã được Cha Tiên sửa lại và phần chú thích của ngài:

a. Đoạn nguyên thủy: “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời”

b. Đoạn đã sửa: “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác giới hạn con người (nhân tính), để chỉ hành động theo thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời. (Xem chú thích bên dưới)”.

c. Chú thích: Trước tiên, tôi xin cám ơn ông Vũ văn An đã viết bài trên VietCatholic để góp ý với tôi và muốn tôi làm sáng tỏ vấn đề. Có nhiều vấn đề liên quan tới đoạn văn trên tôi xin được giải thích vắn gọn như sau:

(1) Khi nói tới nhân tính có nghĩa là những đặc tính của con người như phải chết, phải ăn uống mới sống và nhất là bị giới hạn với thời gian và không gian: không thể đi qua cửa hay tự mình lên trời. Đa số các kiến thức con người có được là do thân xác (mắt, tai, mũi, miệng, tay).

(2) Khi nói tới thiên tính có nghĩa là những đặc tính của Thiên Chúa thì Ngài làm được mọi sự. Ngài luôn sống mà không cần phải ăn uống và nhất là không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Vì thế, Ngài có thể đi qua cửa và tự mình lên trời. Tất cả các kiến thức của Ngài không cần phải có ngũ quan.

Điều chúng ta cần tập trung ở đây là thân xác phục sinh của Đức Kitô: nó không phải là thân xác con người như chúng ta để phải chịu tất cả các giới hạn của thân xác con người. Nó là một thân xác đã sống lại do quyền năng hay thiên tính của Thiên Chúa, một loại thân xác mà từ nay sẽ không còn bị chi phối bởi đau khổ, bệnh tật hay chết chóc nữa, như thánh Thomas Aquinas cắt nghĩa: “Nơi chốn phải cân xứng với cái gì ở đó. Chúa Kitô, do việc sống lại, đã khởi sự đời sống bất tử và không thể bị tiêu hư; trong khi nơi chỗ con người chúng ta đang ở là nơi chỗ sinh sản và tiêu hư, còn trời là nơi không bị tiêu hư. Vậy việc Chúa Kitô sau khi sống lại còn ở trên trái đất là không thích hợp, song trái lại, Ngài phải lên trời. (ST, III, Q.57, A1)

Việc chúng ta cũng sẽ có được thân xác phục sinh vinh hiển như Chúa Kitô là do công nghiệp của Đức Kitô và ơn thánh của Thiên Chúa. Tôi cũng đã từng được học môn Kitô học và Công Đồng Nicea 325 và quyết định quan trọng của Công Đồng về Đức Kitô mang hai bản tính Thiên Chúa và con người. Những gì bị giới hạn bởi bản tính con người thì Ngài cứu chuộc và làm thăng hoa nó lên bằng bản tính Thiên Chúa và trợ giúp bằng ơn thánh. Vì thế, đừng vội nghĩ ai là lạc giáo.

Việc Chúa Giêsu ăn uống trước mặt các môn đệ cũng do quyền năng Thiên Chúa của Ngài với mục đích để tỏ cho các môn đệ biết là Ngài vẫn sống; chứ thân xác phục sinh không cần phải ăn mới sống. Đừng làm cho giáo dân lầm tưởng là khi con người lên trời rồi họ cũng vẫn cần phải ăn uống mới sống được!

Những bài chia sẻ Lời Chúa đăng trong trang Web này không phải là những bài khảo cứu cần phải có chú thích cách tỉ mỉ; và nhất là nhiều khi không thể cắt nghĩa thần học cách rõ ràng minh bạch vì giới hạn thời gian. Tôi mong ông Vũ văn An và các độc giả thông cảm.

Vậy, để tránh hiểu lầm cho độc giả, tôi xin sửa đoạn văn như trên.

Cám ơn,

Lm. Anthony Đinh minh Tiên, O.P.

(nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1165:ch-nht-l-thng-thienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28)

Đầu tiên, con xin cám ơn Cha Tiên đã trả lời con. Con còn nhớ, năm 2007, con gửi bài viết đầu tiên cho Vietcatholic, tựa là “Vùng Sâu Vùng Xa” thuật lại một hiện tượng diễn ra tại một giáo xứ vùng sâu vùng xa ở Sóc Trăng, Việt Nam, nhân chuyến con về thăm nơi đó: hai linh mục ở đấy tin và thực hành việc rửa tội cho người đã chết. Các ngài khổ công thu lượm các chuyện xẩy ra, ghi âm mọi lời nói của các người đã chết và việc họ được giải thoát sau khi được rửa tội. Các ngài còn trích dẫn cả 2 Cr 15:29-34 để chứng minh việc làm của mình là đúng Thánh Kinh. Quả tình diện kiến với các ngài, con chẳng dám hó hé chi, nhất là 1 trong hai vị lại là thầy dậy của lớp chúng con ngày còn ở tiểu chủng viện, dù biết đó là việc làm sai với giáo lý, vì chưa nắm được ý nghĩa thực sự của câu 2Cr 15:29-34. Về lại Sydney, con đi tìm tài liệu thì thấy ở Côrintô thế kỷ thứ nhất, một giáo đoàn hết sức phức tạp, một số người quả có thực hành điều này, nhưng không phổ quát, và không hẳn được Thánh Phaolô thừa nhận. Ý nghĩa người chết trong câu trên không hẳn người đã chết cho bằng người sắp chết, hoặc thiếu khôn ngoan, và “được rửa tội” có thể có nghĩa “bị hủy diệt” (xem Mc 10:38; Lc 12:50).

Dù sao, rửa tội như thế trái với giáo lý Công Giáo: số phận người chết chỉ có thể một là thưởng (thiên đàng), hai là phạt (hỏa ngục) ba là chuẩn bị được thưởng (luyện ngục) không thể có tình trạng lang thang để mong được cứu rỗi bằng cách rửa tội. Trong Kitô Giáo chỉ có nhóm Mormon tin và thực hành việc này. Con không cho là các linh mục này bịa ra chuyện lừa người. Tất cả các chi tiết được các ngài thuật lại có thể đúng. Nhưng ma qủy cũng có thể làm được những chuyện lạ để phỉnh gạt ta.

Bài con viết không có phản hồi chi cả. Chính con cũng không biết hai vị linh mục ở vùng sâu vùng xa Sóc Trăng có còn thực hành hay không. Nhưng có một vị linh mục khác, từng giữ chức Tổng Thư Kỳ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thì vẫn còn tin, ít nhất cho tới mấy năm gần đây, lúc ngài qua Hoa Kỳ, ngài dành khá nhiều giờ để trình bầy về nó và có người đã trình bầy lại nội dung ngài nói dài tới 3, 4 bài báo trên một trang mạng rất đông độc giả. Mấy hôm nay, con được một người bạn xác nhận: vị linh mục này không còn tin như thế nữa.

Nay con lại thấy điều lạ tai khi cha qủa quyết: lúc lên trời, Chúa Giêsu chính thức giũ bỏ nhân tính và chỉ giữ lại thiên tính. Nên đã có bài góp ý trên Vietcatholic với cha, và được cha hồi âm. Cám ơn Cha. Nhưng hồi âm của cha chưa “soi sáng” được gì đối với con.

Điều đầu tiên xin thưa là dường như Cha không có cái nhìn rõ ràng về nhân tính. Sống ở trên đời, làm con người trần thế, ta phải ăn, uống, ngủ nghỉ... thì mới sống được. Nhưng thiển nghĩ đây không hẳn là phẩm tính của nhân tính, mà là phẩm tính của thân xác vật lý, các phẩm tính có chung với các động vật. Thân xác ấy, ít nhất, nơi Chúa Kitô phục sinh, đã biến đổi rồi, không còn chịu các định luật vật lý nữa như Tân Ước đã chứng minh. Nhưng Người vẫn xác nhận Người là người, hiểu theo nghĩa nhân tính, chứ không phải ma. Theo giáo lý thì thân xác phục sinh của chúng ta cũng thế. Không ai ngây thơ hiểu rằng sau khi “xác loài người ta sống lại” mình vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ. Cha yên tâm, không ai nghĩ như thế. Họ chỉ sợ Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, không hiện diện thực sự trong Phép Thánh Thể thôi. Cho nên khi sửa “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác giới hạn con người (nhân tính), để chỉ hành động theo thiên tính”. Cha nên bỏ chỗ ngoặc đơn (nhân tính) và câu “để chỉ hành động theo thiên tính” để tránh sai lầm. Chúa Giêsu không bao giờ giũ bỏ nhân tính của Người cả.

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 665 dạy: Ðức Ki-tô lên trời nghĩa là nhân tính của Người vĩnh viễn đi vào thượng giới của Thiên Chúa (Bản gốc tiếng Pháp: L’ascension du Christ marque l’entrée définitive de l’humanité de Jésus dans le domaine céleste de Dieu”)

Con không dám nói cha lạc giáo. Con chỉ nói: các lạc giáo vẫn thường cho Chúa Giêsu mặc nhân tính như người ta mặc áo để có thể giũ bỏ thôi. Con vẫn nghĩ có thể cha đã dựa vào 1 nguồn nào đó, nhưng đến nay, thì rõ ràng cha không dựa vào nguồn nào cả. Cha có trích dẫn Thánh Tôma, nhưng đoạn trích dẫn ấy không thấy nói gì về việc Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính hết. Dĩ nhiên trong một bài giảng nói, không cần phải trích dẫn dài dòng, nhưng trong một bài viết, thì nên có trích dẫn, ít nhất trong bản nháp, để khi có người thắc mắc như con chẳng hạn thì giúp họ nắm vững điều mình viết cho họ. Phương chi điều cha viết đụng đến tín lý căn bản của Giáo Hội.

Theo con nghĩ, khi viết, chúng ta nên tôn trọng độc giả. Các độc giả giáo dân Việt Nam bây giờ, nhất là ở các nước tạm dung Tây Phương, có vốn giáo lý không khiêm nhường như trước đây đâu. Thiển nghĩ ta nên thận trọng hơn khi viết cho họ. Nói cho cùng, không riêng cha đâu, nhiều cây viết hiện nay, tiện có blog riêng, không ai kiểm soát, muốn viết ra sao thì viết, muốn dịch ra sao thì dịch, sai bét, gây hoang mang cho độc giả. Gần đây nhất, một anh bạn, cũng tuổi 80, hỏi về điều một trang mạng kia dịch các thị kiến riêng của Chân Phúc Emmerich, nói rằng Thánh Gioakim và Anna làm lễ “cắt bì” cho Đức Mẹ. Đức Mẹ làm gì có da qui đầu mà cắt. Thế mà vẫn dịch là “cắt bì” (xem http://memedu.dk/sudiepmemaria/AnneCatherine/cuocdoiMeMaria1.pdf). Xem lại bản Tiếng Anh, thì chỉ thấy nói là “cử hành một ngày lễ [feast]”, có cắt bì gì đâu (xem https://www.ecatholic2000.com/anne/lom36.shtml)!

Tuy nhiên, theo con, sai lầm vẫn là chuyện thường tình của con người, điều quan trọng là biết thừa nhận mình sai và xin lỗi độc giả. Về phương diện này, con thấy Đức Đương Kim Giáo Hoàng nêu gương rất lớn: khiêm nhường nhận lỗi trong vụ Đức Cha Barros ở Chile. Điều này dễ hiểu vì ngài vốn hết lòng cố gắng tận diệt điều ngài gọi là chủ nghĩa giáo sĩ trị.
 
Giáo xứ Tân Việt Thánh lễ cầu cho các bệnh nhân
Vinh sơn Trần văn Đẩu
08:28 10/06/2019
“ Chúa Thánh Thần đang âm thầm tác động, tác động lên mỗi người chúng ta để chúng ta lan tỏa tình yêu của Chúa đến cho mọi người chung quang… “. Đó là lời chia sẻ của Cha chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ khi Ngài chủ tế Thánh lễ Chúa Thánh thần hiện xuống và cũng là ngày truyền thống cầu cho các bệnh nhân diễn ra lúc 10g Chúa Nhật 9/10/2019 tại giáo xứ Tân việt hạt Tân sơn nhì.

Xem Hình

Vào lúc 9g30, các bệnh nhân được đưa đến nhà thờ để các cha ban các Bí tích xức dầu tại cho các bệnh nhân.

Đầu lễ cha chủ tế nhắn nhủ: Hôm nay ngày lễ Chúa TT hiện xuống cũng là ngày cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân. Trong tình liên đới yêu thương các đoàn thể trẻ cùng với hội đồng mục vụ giáo xứ tổ chức Thánh lễ thật trang trong để mong Chúa đến chữa lành phần hồn và phần xác cho chúng ta.

Chia sẻ Tin mừng cha chủ tế nói: Chúa Thánh thần đang âm thầm tác động lên mỗi người chúng ta, để chúng ta lan tỏ tình yêu của Chúa đến với mọi người chung quanh, chính vì tình yêu đó mà hôm nay các quý chức cũng như các đoàn thể đã cùng nhau giúp đỡ các bệnh nhân tham dự Thánh lễ này. bằng tình yêu thương, xin Chúa Thánh thần tuôn đổ muôn vàn hồng ân để chữa lành cho các bệnh nhân phần hồn cũng như phần xác.

Thánh lễ tiếp tục vời phần phụng vụ Thánh thể.

Sauk hi ban phép lành, cha chánh xứ và cha phó gởi đến quý bệnh nhân một món quà nhỏ tượng trưng cho tấm lòng của cộng đoàn giáo xứ.

Chúng con xin dâng lên Chúa tất cả các bệnh nhân đau yêu tinh thần và thể xác. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn trợ giúp để chúng con nhận ra Thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời sống.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Đoàn Hành Hương Kiệm Tân-Xuân Lộc Hành Hương Về Bên Mẹ La Vang
Trương Trí
08:43 10/06/2019
Với một tấm lòng dâng hiến cho Mẹ hiền La Vang, đoàn Kiệm Tân-Xuân Lộc hằng năm đều tổ chức hành hương về La Vang để tạ ơn và dâng lên Mẹ tất cả những vui buồn trong suốt một năm qua. Gần 1 ngàn người từ già đến trẻ vượt qua chặng đường dài hơn 1 ngàn cây số, nhưng khi về đến bên Mẹ thì tất cả mệt nhọc đều tiêu tan, ai cũng tìm cách lên Linh đài để được chiêm ngưỡng và cầu nguyện.

Sáng ngày 8/6, Thánh lễ tạ ơn do linh mục Tôma Phạm Ngọc Châu, Linh hướng của Đoàn Hành hương chủ tế. Hiệp với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam về chủ đề “Đồng hành với những Gia đình khó khăn”, đó là những khó khăn trong đời sống hôn nhân. Thánh lễ hôm nay nhằm tôn vinh Bí tích Hôn phối, 49 đôi hôn nhân đại diện cho Đoàn Hành hương lập lại lời hứa thủy chung và tôn trọng người bạn đời kể cả lúc gian nan khó khăn cũng như lúc thịnh vượng. Linh mục chủ tế làm phép nhẫn và trao cho từng cặp đôi. Có những đôi mừng kỷ niệm 63 năm hôn phối, có những đôi mừng 50 năm và cùng có những đôi chỉ mới 10 năm-20 năm đại diện cho gia đình trẻ ôn lại những kỷ niệm của tình yêu hôn nhân.

Xem Hình

Chia sẻ trong bài giảng lễ, linh mục Toma Phạm Ngọc Châu nêu bật những điểm quan trọng trong đời sống hôn nhân để đạt đến một tình yêu đích thực:

1/ Tình yêu đích thực đòi hỏi hai người phải tôn trọng lẫn nhau.

2/ Thường xuyên thể hiện tình cảm với nhau

3/ Giành nhiều thời gian cho nhau

4/ Thường xuyên đối thoại với nhau

5/Hy sinh cho nhau

6/ Chung thủy với nhau

7/ Chu toàn bổn phận đối với nhau

8/ Năng cầu nguyện với nhau và cho nhau.

Trong buổi gặp gỡ sinh hoạt và cùng nhau chia sẻ, nhiều người đã nêu lên những thắc mắc mà họ gặp phải trong đời sống hôn nhân và gia đình. Cha Linh hướng đã nêu ra những ý nghĩa Tín lý và Giáo luật để giải tỏa những vấn đề khó khăn cho mọi người.

Hiện diện với Đoàn Hành hương, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh cũng chia sẻ về những ưu tư mà nhiều người đang vướng mắc một cách chân tình, cộng đoàn rất hoan nghênh và vỗ tay tán dương. Cũng trong dịp giao lưu gặp gỡ này, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh giới thiệu với cộng đoàn gia đình ông Đặng Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Phú An, một gia đình không cùng tôn giáo nhưng thường xuyên sát cánh trong những công tác từ thiện, giúp đỡ những người nghèo và gia đình khó khăn với Hiệp sĩ trên khắp mọi vùng miền của đất nước. Ông Đặng Văn Thanh gửi đến Đoàn một số tiền 5 triệu đồng để cùng với Đoàn giúp người nghèo trong dịp hành hương này.

Đêm Diễn nguyện tôn vinh Lòng thương xót Chúa và Mẹ Maria hết sức trọng thể, chương trình tôn vinh được khởi đầu bằng cuộc rước kiệu Chúa Thương xót và kiệu Đức Mẹ La Vang từ sân Nhà Hành hương tiến về Linh đài Đức Mẹ. Bầu trời La Vang lung linh bởi ánh nến và trang trọng bởi những đoàn dâng Hoa-dâng Tràng hạt- và dâng Hoa do những nam nữ và thiếu nhi liên vũ.

Như lời dẫn nguyện thể hiện tâm tình không riêng gì của Đoàn Hành hương mà của mọi người Công Giáo Việt Nam:

Một dân tộc Việt Nam-Một tâm hồn Việt Nam

Một Văn hóa Việt Nam-Một truyền thống Việt Nam

Là người Công Giáo Việt Nam-Con yêu tổ quốc gấp bội

Tuy quê hương con còn nghèo, còn nhiều đau khổ

Con vẫn mời. Mời Chúa đến với quê hương con

Sau buổi Diễn nguyện và tôn vinh Mẹ, linh mục Quản nhiệm La Vang Micae Phạm Ngọc Hải chia sẻ: Ngài rất tâm đắc về buổi Diễn nguyện hôm nay, đặc biệt nhất và khác với mọi năm là cuộc rước kiệu hôm nay gồm hai Kiệu: Kiệu Chúa Thương xót và Kiệu Đức Mẹ. Đó cũng là điểm đặc biệt vì trong thánh 6 này, Giáo hội dành để tôn kính Thánh tâm Chúa Giêsu, đó là trái tim của tình yêu thương, yêu thương đến nổi đổ hết máu mình ra cho người mình yêu, đó cũng là trái tim của Lòng thương xót, thương xót cả những người tội lỗi. Tháng 6 này cũng có một ngày lễ mà Giáo hội tôn vinh Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, trái tim của người Mẹ luôn đoái thương đến đoàn con, Mẹ của Lòng thương xót.

Trương Trí
 
Đại hội Công Giáo Việt Nam nước Đức trong ngày Chúa Nhật
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:58 10/06/2019
Ngày chính của Đại hội Công Giáo Việt Nam nước Đức là ngày Chúa Nhật. Ngày này cũng là ngày cùng với toàn thể Giáo hội mừng kính lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Ngày xưa sau khi Chúa Giêsu trở về trời, Đức Mẹ và các Tông đồ tụ tập ở nhà tiệc ly cầu nguyện và Đức Chúa Thần vào ngày mừng lễ Ngũ Tuần, theo tập tục đạo Do Thái, đã hiện xuống ban ân đức cho Đức Mẹ, và các Thánh Tông đồ.

Người Công Giáo Việt Nam nước Đức tổ chức Đại hội hằng năm tụ họp lại cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn và cùng lắng nghe nhau.

Văn hào người Pháp De Saint Exupery trong cuốn tiểu thuyết Le petit prince - Der kleine Prinz, đã có suy tư đối thoại: “Người ta chỉ nhìn tốt bằng con mắt của trái tim tâm hồn những gì là nền tảng sâu xa. Những điều đó người ta không thể nhìn thấu được bằng đôi con mắt thị giác thường được.“

Dựa trên suy tư này, chúng ta cũng có thể suy diễn rộng thêm ra “Người ta chỉ nghe tốt bằng con tim, những gì là nền tảng sâu xa. Những điều đó không thể nghe được bằng đôi tai thính giác thường được!„

Đôi tai, đôi con mắt là cơ quan, món qùa tặng qúy báu cao cả được Trời cao tạo dựng ban cho mỗi con người để thu nhận những diễn biến ở trong đời sống. Nhưng trái tim nơi mỗi con người không chỉ đóng vai trò là cơ quan quan trọng trung tâm luân chuyển máu sự sống trong thân thể con người, mà trái tim còn đóng vai trò nối liền những diễn biến dấu hiệu bên ngoài với tâm khảm nội tâm sâu thẳm bên trong con người nữa.

Trong đời sống đức tin cũng vậy, lẽ dĩ nhiên cần nghe và nhìn những gì xảy diễn ra trong nếp sống phụng vụ, mục vụ bằng đôi tai thính giác, bằng đôi con mắt thị giác. Nhưng con mắt, đôi tai trái tim tâm hồn cũng rất quan trọng, để nghe, nhìn ngắm được tiếng Thiên Chúa nói trong tâm hồn, những sứ điệp Thiên Chúa gửi hiển thị qua những dấu chỉ ngoài thiên nhiên.

Lắng nghe bằng trái tim tâm hồn ví tựa được như một đồng tiền cắc nhỏ, để nghe nhận lời nói to lớn quan trọng còn ẩn dấu hay chỉ âm thầm nhỏ nhẹ không phát thành âm thanh. Nhưng đó lại là lời chất chứa tình yêu mang lại niềm vui sâu thẳm cùng là hướng chỉ dẫn cho đời sống vươn lên.

Buổi sáng sau giờ ăn sáng, từ 08.30 giờ đến 10.30 giờ là giờ thuyết giảng về đề tài Hãy lắng nghe cho mọi người lớn trong phòng hội, và cũng là thời gian các linh mục ban phép bí tích giải tội cho những ai muốn lãnh nhận. Vì ngày này có nhiều linh mục đến cùng dâng thánh lễ ngồi tòa giải tội và có nhiều người có nhu cầu xưng tội.

11.00 thánh lễ trọng thể mừng kính Đức Chúa Thánh Thần là cao điểm của ba ngày đại hội. Vào ngày này có khoảng ba tới bốn ngàn người trẩy về tham dự thánh lễ trọng thể.

Song song với thánh lễ ở phòng hội lớn còn có thánh lễ cho trẻ em và các bạn trẻ ở căn phòng nhà nguyện trong khuôn viên Đại hội. Thánh lễ này được tổ chức cử hành bằng tiếng Đức và theo cung cách cho trẻ em bạn trẻ do một số linh mục trẻ phụ trách.

Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống, niềm vui tươi phấn khởi cho thiên nhiên, cho con người. Nơi đời sống cùng khả năng của các trẻ em bạn trẻ chiếu lan tỏa sức sống vươn lên cho ngày mai. Đời sống họ phát triển tựa như bông Hoa hồng Chúa Thánh Thần (Pfingstrose) bung nở vươn mình khoe hương sắc cánh hoa tươi thắm trong thiên nhiên.

Sau thánh lễ Misa là giờ nghỉ ăn trưa và cùng gặp gỡ nhau. Đây là dịp thuận tiện cho nhiều người trong năm hay từ nhiều năm không gặp được nhau, có dịp tay bắt mặt mừng hàn huyên nói chuyện hỏi thăm nhau, cùng nhau nâng chén mừng vui.

Đại Hội Công Giáo hằng năm mang đậm mầu sắc không khí đạo đức, nhưng cũng là cơ hội để mọi người có dịp đến gặp gỡ nhau, bắc cầu quen thân với nhau. Khía cạnh này cũng là khía cạnh đạo đức tình người.

Buổi chiều ngày Chúa Nhật trong phòng hội lớn vị thuyết giảng tiếp tục thuyết trình, giải đáp các thắc mắc của nhiều người nêu ra. Đang khi các bạn trẻ có sinh hoạt riêng ca hát hay thể thao.

16.30 giờ là giờ chầu Thánh Thể, và sau đó là giờ ăn bữa tối. Những ai ghi tên tham dự Đại hội ba ngày nhận được phần ăn sáng, trưa và chiều tối. Những người chỉ đến tham dự ngày Chúa Nhật cũng có sẵn hàng quán bán đồ ăn hay họ tự mang theo.

Buổi chiều tối lúc 19.00 giờ đến 24.00 giờ là phần văn nghệ góp chung vui do các Cộng đoàn cùng tổ chức.

Mừng kính lễ Đức Chúa Thánh Thần với tâm hồn rộn ràng phấn khởi vui mừng, nhưng đồng thời cũng hướng con mắt cùng đôi tai lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn, cùng qua những dấu chỉ trong thiên nhiên, và nói lên tâm tư nguyện cầu:

„Lạy Chúa Thánh Thần,

xin hà hơi vào tâm hồn con, để con suy tư điều chân chính thánh thiện,

xin thúc đẩy con con làm điều thiện hảo tốt lành,

xin gợi hứng để con biết yêu mến điều tốt đẹp mỹ miều,

xin ban ân đức để con biết gìn giữ những gì là chân-thiện mỹ,

xin gìn giữ con để con đừng bao giờ lạc xa điệu chân thiện mỹ.“

(Thánh Augustino)

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Ban Truyền thông mừng bổn mạng
Văn Minh
15:58 10/06/2019
"Nhờ ơn Chúa Thánh Thần biến đổi mà làm cho mỗi người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, biết ý thức trong việc xây dựng Giáo hội và ra đi Truyền thông loan báo Tin Mừng của Đức Kitô đến cho muôn người”.

Đó là lời chia sẻ của LmGioakim Lê Hậu Hán trong Thánh lễ mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống – bổn mạng của Ban Truyền thông và Nhóm Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ của giáo xứ Vĩnh Hòa, diễn ra lúc 17g30 Chúa Nhật ngày 09.06.2019.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do LmVinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, SCJ, Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có LmGioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng Thánh lễ.

Trước Thánh lễ, đại diện Ban Truyền thông cùng Nhóm Cộng đoàn kitô hữu nhỏ rước quý cha từ trước sân chư thánh vào trong ngôi thánh đường trong sự hân hoan chào đón của cộng đoàn giáo xứ.

Đầu lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn hiệp dâng lời cầu nguyện cho anh em trong Ban Truyền thông và Nhóm Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ trong giáo xứ được nhiều sức khỏe, tinh thần hăng say và lòng nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục sinh đến cho mọi người trên các phương tiện truyền thông của ngày hôm nay.

Trong bài giảng lễ, cha xứ Gioakim chia sẻ: khichúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội, là chúng ta được lãnh nhậnơnChúa Thánh Thần. "Nhờ ơn Chúa Thánh Thần biến đổi mà làm cho mỗi người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, biết ý thức trong việc xây dựng Giáo hội và ra đi Truyền thông loan báo Tin Mừng của Đức Kitô đến cho muôn người”.

Qua đây,chúng ta cũng nhìn lại đôi nét về hoạt động của anh em trong Ban Truyền thông của giáo xứ.Trong năm qua,Ban Truyền thông đã làm việc cách rất tích cực, anh emđã đưa tin và sự kiện của giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn lên trang thông tin điện tử (Web) của giáo xứ“gxvinhhoa.net”rất tốt.Đặc biệt, khitrong giáo xứ có người qua đời, tên và hình ảnh được đăng trên mục cáo phó trong vòng 24g00. Ngoài ra, hình ảnh của các cháu đến nhà thờ Rửa tội vào Chúa Nhật đầu tháng, cũng như các thông tin quan trọng của giáo xứ và Giáo hội đều được cập nhật nhanh chóng…Nhân dịp này, giáo xứ chúng ta cũng vui mừng đón nhận hơn mười anh chị em trong Nhóm Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, đã hoàn thành xong khóa Huấn luyện Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (Chương trình Huấn luyện AsiPa) vào ngày 01.06 vừa qua. Khóa học này, giúp cho các anh chị biết đọc và chia sẻ Tin Mừng theo 7 bước, và lấy Lời Chúa là tâm điểm và định hướng cho bản thân, gia đình và trong giáo xứ của mình.

Sau lời nguyện hiệp lễ, anh Gioan Baotixita Nguyễn Vĩnh Thân,Trưởng ban Truyền thông, ngỏ lời cảm ơn quý cha, quý cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ hôm nay được sốt sắng; và bó hoa tươi được vị đại diện dâng lên quý cha trong tâm tình cảm mến và tri ân. Nhân dịp này, anh Gioan Baoxixita cũng giới thiệu lên quý cha cùng cộng đoàn:Ban Truyền thông của giáo xứ cũng đón nhận thêm ba thành viên. Trong đó có hai thành viên mới học xong khóa Mục vụ Truyền thông Tổng quan do TGP tổ chức. Đáp từ, cha xứ thay mặt cộng đoàn phụng vụ có lời chúc mừng và cảm ơn anh em trong Ban Truyền thông đã tích cực phục vụ cách âm thầm, hy sinh thời gian của mình đi lấy tin, chụp hình và viết bài đăng lên trang web của giáo xứ trong thời gian qua được tốt đẹp. Đồng thời, ngài cũng cảm ơn gia đình anh chị Thiện Châu, Dũng Bảy,và Cty Long Vỹ đã ủng hộ cho giáo xứ có được hai màn hình và chiếu quay Video.

Nhân đây, cha xứ cũng đề cử ông Phêrô Nguyễn Văn Vi, làm Trưởng Nhóm Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, quý cha cùng anh em trong Ban Truyền thông và Nhóm Cộng đoàn kitô hữu nhỏ chụp chung tấm hình kỷ niệm ngay trước thềm cung thánh trước khi ra về.
 
Về bên Đức Mẹ Núi Bổng, Bắc Giang
Triết Giang
16:21 10/06/2019
Năm nay lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5 (6-2014/6-2019) Tông đoàn Gioan Phaolô 2 chọn Đức Mẹ Núi Bổng thuộc xứ An Tràng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là địa điểm tổ chức. Tương truyền, Bắc Giang có 100 quả núi thiêng mà Núi Bổng là nơi linh thiêng nhất vì là nơi cư trú của con đại bàng mẹ. Đức Mẹ Núi Bổng mới được xây dựng năm 2015 (ảnh trên).

Thời tiết Hà Nội báo nắng nóng 40 độ và tối có mưa giông. Chúng tôi cũng lo đêm văn nghệ, đốt lửa trại sẽ bị ảnh hưởng nhưng thật may đến Núi Bổng, trời mát dịu lại lác đác có mưa và tối thì tạnh ráo. Cha Giuse Đỗ Đình Tư- Giám đốc và Bề trên Học viện dòng Chúa Cứu thế là Chủ tịch và Linh hướng của Tông đoàn cũng bay từ Sài Gòn ra dự cùng với 160 anh chị em của Tông đoàn. Đường vào Núi Bổng có nhiều ngã ba nhưng giáo xứ cho căng nhiều khẩu hiệu chào mừng đoàn nên không phải hỏi thăm, cứ theo đường có băng rôn mà đi. Cha FX Nguyễn Huy Liệu, chính xứ An Tràng cùng Ban hành giáo đã có mặt để chào mừng đoàn. Sau lời giới thiệu của cha Giuse, cha FX. đã giới thiệu vắn tắt về mình cũng như giáo xứ. Cha quê ở tận Phúc Yên, sinh năm 1969 nhưng năm 1972, nhà bị trúng bom. Ông nội và mấy người thân bị chết nhưng cha 3 tuổi chỉ bị vùi đất nhưng vẫn sống sót. Cha theo phục vụ cha Phaolô Phạm Đình Tụng (sau này là Hồng Y TGM Hà Nội). Rồi vào chủng viện, thành linh mục và được cử đi học nước ngoài. Nhưng do bệnh tật phải về nước và TGM Bắc Ninh cử cha về An Tràng năm 2013. Nơi đây 71 năm không có linh mục nên giáo dân chỉ con chừng 100 người song cũng khô khan, nguội lạnh. Đất nhà thờ 12.000m2 bị dân chia nhau làm nhà. Cha mua lại 2 nhà được hơn 1000m2 làm nhà thờ nhỏ xíu chỉ đủ chỗ cho chừng 40-50 người. Nhà của cha cũng vậy. Việc đầu tiên cha lo là làm 2 nhà máy nước sạch để cung cấp cho người dân có nước sạch để dùng, rồi làm đường đi lại. Có một ngôi mộ của nhà sư chôn ở cạnh đường và nghe nói vị sư này bị ma nhập nên dân cứ đổ rác vào ngôi mộ để yểm. Cha cho cải táng và chôn cất tử tế. Để dân có nơi chôn cất, cha cho dọn bãi rác. Nhưng cứ dọn bữa sau người ta lại đổ. Cha vận động vài người đưa mộ người thân về đặt ở đây và làm biển đề: Nơi yên nghỉ của tổ tiên, xin đừng đổ rác. Vậy là không ai đổ nữa. Bây giờ là nghĩa trang nhân dân thôn Nguyễn. Cha có một ân nhân cho chiếc xe 7 chỗ. Cha nói, bất cứ ai không kể lương giáo có nhu cầu dùng xe chở người đi viện, cha cho mượn. Không có tài xế, cha giúp luôn. Vậy là chiếc xe thành xe cứu thương, lúc chở bà bầu đi đẻ, lúc chởbệnh nhân cấp cứu. Còn ngày thứ bảy, Chúa Nhật, chiếc xe như một gánh hát lưu động chở Ban hành giáo, người hát lễ, máy điện, tăng âm … đến địa điểm dâng lễ. Khi chọn Núi Bổng dựng tượng Đức Mẹ thì diện tích cũng chật hẹp lắm. Bây giờ vừa có người hiến đất, vừa mua thêm cũng được 4ha rồi. Ngày 21-10-2017, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt-Giám mục Bắc Ninh đã về chủ sự đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Toản Thanh ở chân Núi Bổng nhưng cha thấy nhu cầu nơi cứ trú cho khách hành hương cấp bách hơn nên đã cho xây nhà đa năng có thể đủ chỗ cho vài trăm khách và cũng có thể hội họp, dâng lễ.

Sau thánh lễ Tạ ơn cùng đồng tế với cha Giuse, cha FX lấy xe máy chở tôi về thăm xứ An Tràng mà cha nói vui là nhà thờ chính tòa và Tòa Giám mục An Tràng. Có khoảng 100 em nhiều lứa tuổi đang học vũ điệu “ca ngợi Chúa Kitô” để tối tham gia văn nghệ với Tông đoàn. Cha cho biết, hè về đây là sân chơi cho trẻ cả lương và giáo. Cha đang muốn làm một sân bóng cho giới trẻ nữa. Tháp chuông ở đây,tôi chưa từng thấy ở đâu. Chỉ có hai cột xi măng nhỏ cao chừng 2 m là treo 2 quả chuông cả tây và nam. Phòng khách nhỏ nhưng lúc nào cũng mở và trên bàn có cả bánh mỳ, mì ăn liền vài loại trái cây và ai đói cũng có thể lấy ăn. Cha đang nuôi 5 trẻ mồ côi bây giờ cũng học cấp 2, 3 rồi ra dáng trai tráng lắm. Cảm mến cha trẻ yêu dân nên nhiều người đã tìm về đạo. Có tới 500 người gia nhập đạo nên năm 2015, Đức TGML. Girelli đã đến đây động viên. Ngày Đức TGM đến lại đúng lúc sửa điện thế là mất điện. Cha gọi điện cho lãnh đạo đừng để người dân hiểu làm rằng chính quyền gây khó khăn với đoàn Tòa thánh. Tỉnh cho người mang máy phát điện về phục vụ ngay.

Chính quyền đề nghị làm sổ đỏ đất nhà xứ nhưng cha đề nghị lui lại và làm đơn xin lại đất nhà thờ. Nhưng cha nói rõ, làm điều này,chúng tôi cũng thấy khó xử, chính quyền cũng khó xử và người dân đang cư trú ở đất cũ của nhà thờ cũng ấy náy nên xin chính quyền cấp cho chúng tôi mảnh đất mới để làm nhà thờ. Sau mấy lần thương thảo, bây giờ mảnh đất 8.000m2 cấp cho nhà thờ đã có quyết định rồi. Cha đưa tôi ra khu đất hiện đang trồng lúa. Bây giờ còn chút thủ tục chuyển đổi nữa là xong. Sẽ có đường lớn từ tỉnh lộ 31 vào nhà thờ trong tương lai. Tôi cũng cầu mong cho ước nguyện của giáo xứ sớm thành sự thực.

Trong buổi sinh hoạt tổng kết 5 năm thành lập cho thấy Tông đoàn ngày càng lớn mạnh đã có 49 người tuyên khấn và năm nay có thêm 11 thành viên nữa nhưng số tham gia sinh hoạt thường xuyên có tới cả trăm. Nhiệm vụ chính của Tông đoàn là truyền giáo cũng có kết quả. Đã có 100 người gia nhập đạo qua công sức của Tông đoàn. Mỗi năm, Tông đoàn cũng quyên góp cả trăm triệu làm từ thiện cho nơi khó khăn. Tông đoàn cũng trao học bổng cho sinh viên nghèo chăm ngoan mỗi năm từ 100 đến 200 triệu đồng. Mọi người cùng thảo luận tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả truyền giáo như làm sổ cẩm nang về đạo Công Giáo để tuyên truyền, lập các tổ truyền giáo và cả quỹ truyền giáo nữa.

Buổi tối, Tông đoàn tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ Núi Bổng, sau đó là đêm văn nghệ mừng Tông đoàn 5 tuổi. Đã có 5 tiết mục được trao giải. Cha xứ An Tràng đã tặng 5 đội 5 pho tượng Đức Mẹ Bắc Ninh với nón quai thao quan họ rất quê hương. Tông đoàn cũng quyên góp tặng lại cha xứ 70 triệu đồng để xây dựng Núi Bổng. Sau chương trình văn nghệ là đêm đốt lửa trại vui nhộn. Mọi người cùng với các em thiếu nhi Thánh thể An Tràng nối vòng tay nhảy múa quanh đống lửa. Đêm về khuya, mọi người cùng thắp nến dâng lên lời cầu nguyện với Chúa,với Đức Mẹ mong sao cho mọi người hăng say hơn , nhiệt thành hơn với việc loan báo Tin mừng. Cha Chủ tịch ban phép lành cho mọi người khi kết thúc buổi cầu nguyện. Cha xứ chuẩn bị sẵn bao khoai, ngô để mọi người nướng ăn đêm.

Sánglễ Hiện Xuống, cha Chủ tịch đã dâng lễ Tạ ơn trọng thể cho Tông đoàn. 11 thành viên mới đã tuyên khấn. Trong bài giảng,cha Chủ tịch mong ngọn lửa Chúa Thánh thần sẽ đốt nóng nhiệt tình truyền giáo trong tất cả mọi người. Mọi người cùng chụp ảnh kỷ niệm dưới chân Đức Mẹ Núi Bổng. Sau bữa cơm chia tay, cha xứ An Tràng mời mọi người thăm giáo xứ.Ngài còn gửi tặng bánh đa Kế và mỗi nhà niêu cá rang quả trám- đặc sản ở đây để làm quà. Ngài còn đi xe ra tận đường 31 tiễn chúng tôi về Hà Nội và vẫy tay mãi khi xe khuất bóng mới thôi.

Triết Giang
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thật Bất Công Cho Người Việt Tị Nạn Tại Đức
Hà Minh Thảo
15:47 10/06/2019
Ngày 04.06.2019, đài phát thanh Tiếng nói Mỹ quốc (VOA) đã loan tin : « Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, ái nữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân, cho biết cô có nhiều khả năng cô sẽ bị chính phủ Đức trục xuất trong hai tuần nữa, tức trước ngày 16.06.2019.

Như chúng ta biết, từ hơn hai năm trước, Cộng hòa Liên bang Ðức dưới sự lãnh đạo của bà Thủ tướng Angela Merkel đã nhận cứu xét hồ sơ xin tị nạn của ông Trịnh Xuân Thanh với nhiều hứa hẹn được chấp nhận rất cao. Tại sao ?

Chúng ta thử tìm hiểu họ là ai để thấy sự bất công vô cùng trong việc cứu xét tiếp nhận người tị nạn giữa đồng bào chúng ta.

I.- ÔNG TRỊNH XUÂN THANH.

Sinh ngày 13.02.1966 tại Đông Anh (Hà Nội), ông có trình độ học vấn Cử nhân Kỹ thuật môi trường và đô thị. Năm 1990, ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm 1995, ông sang làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Năm 1996, ông đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc Công ty phát triển kinh tế kỹ thuật Detesco của Trung ương Đoàn Cộng sản. Năm 2009, khi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, ông được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2011. Khi PVC bị thua lỗ trầm trọng, có nguy cơ mất vốn, ông được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ. Ngày 13.05.2015, ông đắc cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang. Do bị điều tra về vụ xe Biển số xanh và việc công ty PVC dưới thời ông quản trị thua lỗ trầm trọng, ông không tái ứng cử.

Năm 2016, ông đắc cử đại biểu Quốc hội, nhưng bị Hội đồng bầu cử không công nhận tư cách Đại biểu theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng. Ngày 06.09.2016, ông đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng đến báo Thanh niên để đăng, với lý do là ‘không còn tin vào sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư’, còn bản thân ông đã biến đi đâu ai không rõ.

Ngày 16.09.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19.09.2016 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra - bộ Công an, khởi tố Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; và ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông này. Sau khi xác định Thanh đã bỏ trốn, Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can.

Do là Ðại biểu Quốc hội, ông có Thẻ Thông hành công vụ, đã ‘vượt biên’ qua đường Lào, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ để tới Đức. Khi tới dây, vợ chồng ông đã xin giấy phép lưu trú tại Đức, nhưng chỉ có vợ ông được chấp thuận, còn ông bị từ chối, vì đang bị Hà Nội truy tìm. Tháng 6/2017, ông đã làm đơn xin tị nạn chính trị và từ đó, nhà nước Ðức đã tốn rất nhiều tiền và uy tín đối với nhà nước việt cộng. Cuối cùng trong nhiệm kỳ cuối cùng, khi uy tín bà Merkel xuống thật thấp trước khi phải rời chính trường.

Từ tháng 08/2017 cho tới giờ phút này, nhà nước Ðức cáo buộc nhà nước Việt bắt cóc Trịnh Xuân nhưng không chứng minh được. Trong khi nhà nước Việt đoan chắc ông Thanh về nước và tự ra đầu thú và ông này đã xác nhận như vậy. Không phải vì trường hợp Trịnh Xuân Thành mà uy tín bà Merkel bị giảm, nhưng vì khả năng cầm quyền bị cạn kiệt, lục nghề. Ðó là sự thật.

II.- CÔ NGUYỄN QUANG HỒNG ÂN.

Năm 2015, cô Nguyễn Quang Hồng Ân, 15 tuổi, đi dự thi Piano ở Áo và Đức. Do dưới 18 tuổi, cô cần phải có cha mẹ tháp tùng. Như đa số người Việt đã là trước đó. Nhân dịp nầy, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân xin tị nạn chính trị ở Đức cho gia đénh và đã nộp đơn xin ngày 21.08.2015 tại bang Bayern miền miền Nam Đức, một bang ‘khét tiếng’ có chính sách xét tị nạn khó khăn nhất và trục xuất người tị nạn nhanh nhất trên toàn Liên bang Đức vì đang tạm trú tại thành phố Nuremberg. Sau đó, ông làm đơn xin tỵ nạn với chính quyền Canada tại Đại sứ quán nước này ở Áo.

Vấn đề tạm đặt là năm 2015, nhà nước Ðức có thông suốt là nhà nước Việt vi phạm nhân quyền tại Quê hương không, nên đã bác đơn xin tỵ nạn này. Ðiều này có thể, nhưng khó tin. Ngay cuối năm 2017, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ÐạÏi sứ và các nhân viên Toà Ðại sứ Ðức ở Hà Nội chỉ có đêå làm cảnh.

Ngày 20.12.2017, nhân viên Sứ quán Ðức có cho đài VOA biết họ dự định sẽ ‘quan sát’ phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh. Lúc 20 giờ ngày 04.01.2018, bà Petra Schlagenhauf, luật sư người Ðức của ông Thanh thụ lý hồ sơ xin tị nạn ở đó, đã bị ‘cấm vào Việt Nam’ và phải đáp phi cơ lại Bangkok. Sáng sớm ngày 05.01.2018, từ Thái Lan, bà luật sư này gởi một email cho VOA cho biết bà đang chờ chuyến bay về Berlin và nói ‘Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh’… ‘Đại sứ Đức đã nói chuyện về trường hợp của tôi với phía Việt Nam nhưng không có kết quả’. Dĩ nhiên, một lần nữa, Việt Nam XHCN, dùng bàn tay sắt với Ðức, một nước từng cho chúng tiền, những viện trợ quốc tế không đến tay đồng bào nghèo Việt Nam dâu. Cuối cùng, VOA, trong Bản tin ngày 05.01.2018, cho biết ‘không thể liên lạc ngay lập tức với Sứ quán Ðức ở Hà Nội để biết thêm chi tiết về vụ việc’.

Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là nhà văn, hoạt động nhân quyền, từng bị nhà nước Việt Nam cầm tù. Năm 1979, ông bị tòa án Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc ‘hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng’ và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài. Ông đã nói với VOA đầu năm 2018: « Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù, tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa. Trong khoảng thời gian 8 năm liền tôi không làm được gì nên tôi chỉ viết sách, khoảng 20 quyển và phát hành trên Amazon cho đến khi tôi rời khỏi Việt Nam năm 2015. Tôi cũng cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm, thành lập Diễn đàn Đại học Nhân quyền, và sau đó là Viện Nhân quyền Việt Nam. Đó là những việc làm mà khiến chính quyền Việt Nam để ý và theo dõi rất nhiều ».

Trả lời Đài Á châu Tự do (RFA) từ Đức ngày 27.03.2019, cô Nguyễn Quang Hồng Ân kể: « Bỗng dưng ngày hôm qua 26/3, một tốp cảnh sát chừng 6 hay 7 người ập vô, sau đó lên đến hơn 10 cảnh sát, họ đến chẳng nói gì cả, chỉ nói là phải rời khỏi đây. Em phải cố gắng hết sức để hỏi họ thì họ nói là có lệnh tống xuất Ba em về Việt Nam, họ bắt phải đi ngay bây giờ, đúng 8 giờ 40 phút thì xe bắt đầu chạy, bây giờ phải gói đồ. Họ hỏi có đem được gì không? Nếu không thì chỉ đi tay không thôi. Lúc đó tình hình rất khẩn cấp, em không hiểu tại sao lại bị như vậy, em hỏi họ quyết định này từ đâu, thì họ có cầm một quyết định cho em coi nhưng rất nhanh và em chưa kịp đọc gì cả, và họ cũng không cho em chụp hình. Ba em rất là sốc, muốn liên lạc qua Canada nhưng không được, còn cảnh sát thì cứ la lối nên không làm được gì hết. Ba em bị ngã quỵ vì sốc, và cũng có nhiều bệnh, em có xin họ cho gặp bác sĩ và thuốc, họ có hứa cho nhưng họ đưa thẳng Ba em đến Munich, rồi đưa lên máy bay luôn ». Sự tàn bạo đáng trách của cảnh sát Ðức là hứa, nhưng không làm.

Sau đó, cô Hồng Ân đến sở cảnh sát thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để hỏi thì được cho biết phía Đức đã giao Ba Mẹ cho công an Việt Nam tại Hà Nội. Cô nói tiếp: « Em đã liên lạc được với Ba ở Việt Nam, Ba cho biết công an đã thẩm vấn Ba, hiện Ba rất xuống tinh thần. Sau đó họ đưa Ba đi đâu thì em không rõ ».

RFA đã gọi các số điện thoại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức nhưng không thể kết nối. Cơ quan Di trú Đức từ chối trả lời các câu hỏi của RFA về trường hợp vợ chồng ông Nhân, với lý do để bảo vệ thông tin cá nhân trong thủ tục xin tị nạn.

III.- PHẢN ỨNG CÔNG LUẬN ÐỨC.

Ngày 05.04.2019, Bản tin Thông tấn Pháp xã AFP đăng trên báo Stern (Đức) cho biết : « Vụ trục xuất người bất đồng chính kiến Nguyễn Quang Hồng Nhân và hiền thê từ Đức, nơi tạm cư chờ cứu xét tị nạn ở Canada, về Việt Nam đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội, buộc Chính phủ Liên bang Đức phải cứu xét lại trường hợp bất nhân này. Bộ Ngoại giao Đức quyết định theo dõi sát việc ông Nhân hiện đang bị quản thúc tại gia hay được đối xử như thế nào. Ước mong đây là lời hứa thật…

Ngày 06.04.2019, đài RFI (Radio France Internationale, Ðài phát thanh Quốc tế Pháp) loan tin ‘Trung tâm Văn bút Ðức phản đối vụ trục xuất Nguyễn Quang Hồng Nhân’. Theo đó, Tổ chức PEN-Zentrum Deutschland bất bình về việc ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bất ngờ bị Đức trục xuất từ Nuremberg về Việt Nam ngày 26.03.2019, đang chờ xét đơn xin tị nạn ở Canada, sau khi bị bác đơn xin tị nạn ở Đức.

Báo The Local Germany đưa tin : ‘Việc Đức quốc trục xuất một nhà văn Việt nam và là một nhà hoạt động nhân quyền về lại nước Việt Nam cộng sản đã gây ra sự phản đối hôm 04.04.2019’. Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, 65 tuổi, và vợ đã bị trục xuất tuần trước bởi các nhân viên di trú thành phố Nuremberg (Bayern). Sự kiện diễn ra bất chấp sự nhà nước nước này xem ông Nhân là ‘kẻ thù nhà nước’ và, do đó, đã tống ông vào tù 20 năm.

Đảng tả phá Xanh (Greens) đã phản đối việc trục xuất ngày 26.03.2019, cho đó là ‘cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo’ do ‘thảm bại hoàn toàn của chính sách tỵ nạn Bavaria’. Năm 1979, ông Hồng Nhân bị kêu án 20 năm tù tại Việt Nam vì ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ và ở tù hết án. Báo TAZ (Đức) đã đầu tiên tường trình về hồ sơ trục xuất, cho biết ông Nhân đã viết hơn 20 cuốn sách.

Theo lời luật sư Manfred Hưrner của ông Nhân nói với nhật báo Süddeutsche Zeitung là ‘Sau khi về tới Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân (lúc đó cần thuốc điều trị đột quỵ) bị công an thẩm vấn rồi thả ra. Về phần cô Hồng Ân, luật sư Manfred Hưrner nói với nhật báo Stuttgarter Nachrichten rằng gia đình cô bị chia cách, cha mẹ bị trục xuất đã làm cô vô cùng khủng khiếp. Bà Margarete Bause, dân biểu Đảng Xanh kêu gọi Bộ Ngoại Giao Đức giải quyết hồ sơ này và phải bảo vệ cô Hồng Ân. Hiệu trưởng trường nhạc Christoph Adt tuyên bố với báo TAZ ‘việc trục xuất cô Hồng Ân sẽ là điều tuyệt đối không chấp nhận được’. Ông và Giáo xứ đã kêu gọi khẩn cấp để cô được phép ở lại Đức quốc.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 04.04.2019, gởi Bộ trưởng Nội Vụ Bayern và Giám đốc Sở Liên bang về Di cư và Tị nạn, ông Ralf Nestmeyer, Phó Chủ tịch Trung tâm Văn bút PEN CLUB ở Đức đã bày tỏ thái độ ‘bàng hoàng’ về vụ trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân về Việt Nam. Trả lời RFI (Ðài Phát thanh quốc tế ngày 05.04.2019, ông Nestmeyer tuyên bố : « Ông ấy đã bị trục xuất về Việt Nam cách đây vài ngày. Chẳng ai quan tâm đến ông và để ý đến việc ông đã bị cầm tù suốt 20 năm ở Việt Nam. Tôi cho rằng việc trục xuất ông Nhân thật là quá đáng. Bình thường, chúng ta không thể trục xuất một người đã thọ án tù lâu như vậy về nước người ấy. Tôi rất bàng hoàng và tôi kêu gọi cơ quan liên bang về di trú hãy xét lại quyết định của mình, để ông Nhân được trở về Đức. Aùi nữ ông ấy vẫn đang sống ở Hambourg. Chúng tôi hy vọng cô có thể sống ở đây lâu dài và nhất là được gặp lại cha mẹ. Ông là một nhà văn, còn tôi là phó chủ tịch PEN CLUB Đức. Trách nhiệm tôi là phải nói rằng chúng ta không thể nào trục xuất một người về Việt Nam, nơi nổi tiếng về đàn áp và kiểm duyệt ».

Ông Ralf Nestmeyer, cũng đồng thời là Ủy viên Writer-in-Prison (Ủy ban Người cầm bút trong nhà tù) của Trung tâm Văn bút Đức, cũng bày tỏ sự tiếc nuối rằng nhà văn Nguyễn Quang Hồng Nhân đã không tiếp cận hiệp hội PEN với các vấn đề của mình. Về vụ trục xuất ông Nestmeyer chỉ biết được từ báo chí, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). ” Làm sao người ta có thể trục xuất một tác giả mà tiếng nói tự do là căn bản của cuộc sống, về một quốc gia có tiếng trong việc đàn áp và kiểm duyệt?“, ông Nestmeyer đặt câu hỏi trong bức thư ngỏ của mình.

« Chính quyền bang Bayern, một lần nữa, thực hiện một vụ trục xuất đáng nghi ngờ, cho thấy họ không có khả năng », bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo Quốc hội Liên bang Đức, nói với đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức). Nữ chính trị gia đảng FDP này trách nhà nước bang Bayern lập lại ‘việc thực hiện trục xuất về các quốc gia nơi người ta tiếp tục bị truy nã’.

Theo lời ông Alexander Thal, tổ chức Flüchtlingsrat (giúp đỡ người tị nạn) ở bang Bayern, ngay sau khi bị trục xuất về đến Hà Nội, ông Hồng Nhân đã bị công an thẩm vấn suốt 14 giờ. ‘Bây giờ ông ta phải được khẩn cấp quay trở lại Đức’. Ông Thal trách ‘sự trục xuất này là một quyết định sai lầm, không có bằng chứng nào tốt hơn là cuộc thẩm vấn như vậy’. Ngoài ra, một người Việt Nam ở bang Bayern đã khởi đầu một chiến dịch thu chữ ký cho bản kiến nghị với yêu cầu chính phủ Đức đưa ông bà Hồng Nhân trở lại Đức.

Cô Hồng Ân cho biết các cộng đồng ở Đức đã lên tiếng bảo vệ cô và gia đình nhưng chính quyền thành phố cương quyết ‘mạnh tay trục xuất’. « Họ lên tiếng cũng rất nhiều. Không chỉ cộng đồng người Việt mà các đảng phái đối lập như SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức), Grune, STV… cũng lên tiếng, nhưng tôi cảm thấy chính quyền lại làm lơ, họ lại muốn mạnh tay trục xuất ».

Trong bức thư của Cộng đồng người Việt vùng Nuremberg gửi chính quyền thành phố và các cơ quan hữu quan hôm 01.06.2019, ông Nguyễn Thế Bảo, Phó Chủ tịch Cộng đồng, viết: « Tất cả chúng tôi một lần nữa kinh hoàng trước hành vi của chính quyền thành phố ngày 31.05.2019, đã khiến Hồng Ân một lần nữa rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc ».

Cô Hồng Ân cho biết : « Báo chí Việt Nam, Hội Cờ Đỏ, Nghệ An Thời báo … lên án ba mẹ tôi rất dữ. Tinh thần ba tôi tệ dần, cảm thấy cả cuộc đời đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam… nay đã mất hết. Một đất nước tự do nơi mình tìm đến lại đối xử như vậy… Ba tôi cảm thấy thất vọng ».

IV. - SỰ TUYỆT ÐỈNH BẤT CÔNG.

Chính ngay vào giờ phút này, nhà nước Ðức vẫn còn muốn Việt Nam trả Trịnh Thanh trở về Ðức để hưởng quy chế ‘tị nạn’ dù ông này đang thụ án tại Việt Nam, nhưng đã thoát tử hình vì tội xúc phạm đến tổng bí thư. Theo ngu ý của tôi, Ðức muốn thế vì ông có tài sản khá kết xù. Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân thì khá khiêm nhượng. Nếu bây giờ, Ðức ngại khi nhận cô Hồng Ân, họ phải chu cấp cho cho đương sự. Ðó là sự thật.

Ngày 01.06.2019, thân phụ cô Hồng Ân, qua Viện Nhân Quyền Việt Nam, khẩn cầu Thượïng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải, qua đường ngoại giao, can thiệp, gấp để cứu giúp cháu Hồng Aân vì Sở Ngoại kiều Nuremberg thông báo họ có quyền trục xuất cháu bất cứ lúc nào từ hôm nay và chỉ cho giấy phép cháu được ở trong hai tuần nữa, đến ngày 16.6.2019 là chấm dứt. Cháu đang bấn loạn. Một lần nữa, xin Thượng Nghị Sĩ cứu giúp để chận đứng hành vi tàn nhẫn, thô bạo này trước khi cháu được phỏng vấn vào Canada.

Hà Minh Thảo

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu huấn luyện mục vụ tông đồ giáo dân giáo phận Qui Nhơn năm 2019: Vì Chúa Cần Đến Nó
Linh mục Giuse Trương Đình Hiền
19:38 10/06/2019
Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy? ", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." (Mc 11,1-3)

DẪN NHẬP

Trong một bài suy niệm mang tựa đề “Đời tôi tiến bước như một con lừa”, linh mục J.B. Trần Văn Hào đã viết những dòng thật thâm thuý như sau:

“Đây là tựa đề một quyển sách Đức Hồng Y Etchegarey đã viết khi suy tư về hành trình ơn gọi của mình. Ngài vay mượn hình tượng một con lừa để mô tả. Người đời vẫn thường nói: “Ngu như bò và dốt như lừa”. Nhưng bò và lừa lại là hai vị thượng khách được ưu tuyển để đến cung chiêm Vua Trời đất khi Ngài mới hạ sinh. Đức Hồng Y cũng mượn lại hình ảnh con lừa chở Chúa tiến vào Giêrusalem để nói về hành trình ơn gọi của Ngài. Người dân hai bên đường vỗ tay reo hò, trải áo và cầm cành lá trên tay để nghinh đón. Con lừa vẫn không vênh mặt lên để tự mãn, vì những lời tung hô đó dành cho Chúa chứ không phải cho nó. Nó mãi mãi cũng chỉ là một con lừa mà thôi. Đường vào Giêrusalem đầy sỏi đá làm chân nó đau nhức, nó vẫn không một lời kêu than. Con lừa vẫn cứ âm thầm lặng lẽ mang Chúa trên vai, và tiến bước một cách ngoan thuần. Nó khiêm tốn bước đi để Chúa hướng dẫn, và suốt đời nó mãi mãi vẫn chỉ là một con lừa mà thôi. Cuộc hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng phải giống như vậy. “Đời tôi tiến bước như một con lừa” chính là như thế…”[1]

Riêng Đức cố Hồng Y Etchegarey[2] trong chính tác phẩm[3] mà linh mục J.B. Trần Văn Hào vừa nhắc đến, trong phần đầu tiên, ngài đã để lại những tâm tình rất đáng để cho mỗi người chúng ta cùng suy tư, học hỏi và ứng dụng vào cuộc sống đạo hôm nay. Xin trích:

“…Tôi tiến bước, như con lừa vùng Giêrusalem mà Đấng Mêsia, vào ngày Lễ Lá, đã cưỡi lên như một ông vua hiền lành. Tôi chẳng biết gì nhiều, nhưng tôi biết là tôi đang cõng Đức Kitô trên lưng tôi, và tôi thì quá hãnh diện còn hơn được là người Basque. Tôi cõng Người, nhưng chính Người dẫn tôi đi. Tôi biết rằng Người dẫn tôi đến Vương Quốc của Người, ở đó tôi sẽ được nghỉ ngơi muôn đời trên những đồng cỏ xanh tươi.

Tôi tiến bước, những bước đi chậm chạp. Qua những con đường hiểm trở, cách xa những đại lộ cao tốc, (…). Khi tôi váp phải hòn đá, ông Chủ của tôi chắc bị dằn mạnh lắm, nhưng Ông chẳng hề trách mắng tôi nửa lời…

Tôi tiến bước…lặng thinh (…). Câu nói duy nhất của Người mà tôi hiểu được thì hình như chỉ để cho tôi thôi, và tôi cũng chứng thực được điều đó: “Ách của Ta thì dễ mang và sức nặng của Ta cũng nhẹ.” (Mt 11,30). Cũng như khi, Mẹ của Người ngồi trên lưng tôi, đi tới Bêlem, vào một buổi tối Giáng Sinh, sao lúc đó tôi vui sướng làm sao (…).

Tôi tiến bước…trong sướng vui. Khi tôi muốn hát lên, ca ngợi, thì tôi lại thốt ra những tiếng ồn ào như lũ quỷ, vì tôi lạc giọng. Còn Người, lúc đó, Người cười ngả nghiêng, một tiếng cười khiến những vết lằn xe trên đường làm nên một điệu vũ, còn những móng chân tôi thành những đôi dép tung trên gió. Những ngày như thế, tôi thề đấy, chúng tôi đi được nhiều lắm !

Tôi tiến bước, tiến bước như một con lừa đang cõng Đức Kitô trên lưng.[4]

Sở dĩ chọn hình ảnh “con lừa” cùng với những “suy tư gợi ý” trên của Đức cố Hồng Y Etchegarey như một “dẫn khởi” cho bài nói chuyện đầu tiên trong chương trình Huấn Luyện Mục Vụ Tông Đồ Giáo dân giáo phận Qui Nhơn, là muốn nhấn mạnh đến vai trò rất cần thiết nhưng đầy khiêm tốn của người giáo dân trong sứ mệnh và công cuộc “Tông Đồ” của Giáo Hội.

Vâng, một cách nào đó, mọi ơn gọi Kitô hữu trong Nhiệm Thể Đức Kitô, đều có chung một “xuất phát điểm”: lời mời gọi cọng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa qua Người Con Một được ban tặng cho thế gian: “VÌ CHÚA CẦN ĐẾN NÓ”.

“Nó” là “Con Lừa” ngày xưa, hay “Nó” là chính chúng ta hôm nay đều thuộc về lời mời gọi đầy yêu thương đó !

Sau đây là một vài gợi ý, như là những định hướng cơ bản cho công cuộc thường huấn dành cho các hội đoàn mang tính mục vụ tông đồ giáo dân. Ước mong sao công cuộc mục vụ quan trọng nầy thực sự mang lại hoa trái thiêng cho đời sống đức tin của dân Chúa và cho sự phát triển phong phú trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận.

I. MỘT THOÁNG NHÌN LẠI ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

1. Giáo dân: Công dân hạng hai trong “tháp phẩm trật”:

Đã có những thời, Giáo Hội được quan niệm như một “khối tháp tam giác” mà giáo dân luôn là thành phần nằm ở bề đáy”, như chứng từ của Hồng Y Avery Dulles, một thần học gia Hoa Kỳ và là chuyên viên về Công Đồng Vatican II, được tác giả bài viết “Ơn gọi tông đồ giáo dân” Nguyễn Tri Sử tường thuật lại như sau: Xin trích:

Avery Dulles nói rằng lược đồ cho Công Đồng Vaticanô I đã có những câu như thế này:

“Giáo Hội của Chúa không phải là một cộng đồng của những người bình đẳng trong đó mọi tín hữu đều có những quyền như nhau. Đây là một Giáo hội gồm những người không bình đẳng, không phải chỉ vì trong số tín hữu một số người là giáo sĩ một số người là giáo dân mà thôi, song đặc biệt vì lý do trong Giáo Hội Thiên Chúa chỉ ban quyền lực cho một số người để thánh hoá, dạy dỗ, và cai trị, còn những người khác thì không.”

Và lược đồ ấy đã được lấy lại phần nào làm lược đồ cho Công Đồng Vaticanô II, khiến cho có nhiều tranh cãi và lược đồ phải bị sửa đổi 3 lần, và Avery Dulles viết:

“Trong phiên họp Khóa I của Vaticanô II, Giám mục Emile De Smedt, giáo phận Bruges, (Bỉ quốc) đã mô tả đặc điểm của lược đồ này với ba “từ” trở thành nổi tiếng đến nay: clericalism, juridicism, and triumphalism” (xin tạm dịch là: “chủ nghĩa giáo quyền” (có người còn gọi là “giáo sĩ trị”), “chủ nghĩa pháp trị”, và “chủ nghĩa đắc thắng” (theo Tự Vựng Triết Thần Căn Bản của Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh).

Cũng theo Avery Dulles thì Giám mục Emile De Smedt đã cắt nghĩa tại sao dùng từ “chủ nghĩa giáo quyền” để mô tả tinh thần của lược đồ, vì nó “nhìn giáo sĩ, đặc biệt là những giáo sĩ ở cấp trên như là nguồn gốc của mọi quyền hành và sáng kiến”. De Smedt “còn nói đến tháp phẩm trật trong đó mọi quyền hành phát xuất từ trên xuống, từ giáo hoàng đến giám mục rồi linh mục, ở dưới nền là giáo dân với một vai trò thụ động và vị trí thấp kém trong Giáo hội. Quan niệm “duy pháp trị” thì xem Giáo hội như một nhà nước trong đó đặt nặng luật pháp và hình phạt…“Chủ nghĩa đắc thắng” xem Giáo Hội như một đạo binh dàn trận chống lại Satan và quyền lực sự dữ”[5] (Hết trích)

Cũng từ quan niệm đó, nên cũng đã từng lưu truyền trong Giáo Hội một khái niệm khá hài hước để định nghĩa giáo dân là những người phải thực hiện 3 chuyện cơ bản nầy: “pray, pay, and obey” (cầu nguyện, cúng tiền, và vâng phục)[6]

2. Trong “Vườn Nho Giáo Hội”, không ai là kẻ dư thừa.

Trở về cội nguồn của Kitô giáo, về lại với những giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp được chính cái nhìn của Thầy Giêsu trên “Đoàn Dân Mới của Ngài”; chắc chắn đó không là “cái nhìn” theo “tháp phẩm trật” phân biệt đối xử giữa “bề trên mục tử có bổn phận phán truyền” và “bề dưới đàn chiên có trách nhiệm vâng nghe”; mà là cái nhìn về “một Vườn Nho” đông vui nhộn nhịp, ở đó, tất cả đều là “những người thợ được Thiên Chúa kêu gọi đi làm cho Ngài”. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã cảm nhận rõ nét ý nghĩa nầy, và ngài đã thuyên giải xuyên suốt trong tông huấn hậu THĐGM thế giới lần thứ VII[7] - “KITÔ HỮU GIÁO DÂN”. Xin trích:

“Cả các anh nữa: Lời mời gọi không chỉ gửi tới các vị Chủ chăn, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng tới mọi người: cả các giáo dân cũng được mời gọi đích danh, nhận lãnh từ Ngài một sứ vụ đối với Giáo Hội và thế giới. Khi giảng thuyết cho các kitô-hữu, Thánh Grêgôriô Cả nhắc lại điều đó khi ngài diễn giải dụ ngôn thợ làm vườn nho trong một bài giảng cho dân chúng: “Anh em thân mến, hãy lưu ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải đã là thợ làm vườn của Chúa không. Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận định xem mình có làm việc trong vườn nho của Chúa hay không”.[8]

Giáo dân không phải là loại “công dân hạng hai” trong Giáo Hội, mà chính là “Giáo Hội”, là “cành nho giữa muôn vạn cành nho” đang được tháp nhập và chính “Thân Nho Kitô”:

“Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định “Các tín hữu, và chính xác hơn, các giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiền phong trong đời sống Giáo Hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt hơn rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là Giáo Hội, tức là cộng đồng tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội.

Phù hợp với hình ảnh cây nho trong Thánh Kinh, các giáo dân, cũng như tất cả mọi thành phần của Giáo Hội, đều là cành nho, được tháp nhập vào Đức Kitô là cây nho đích thực, và chính nhờ Ngài mà họ được trở thành người trao ban sự sống.”[9]

Thật sự chúng ta đã được nghe, được giảng dạy rất nhiều về ơn gọi và sứ mệnh căn bản của mọi người Kitô hữu, các chi thể của một thân thể, cho dù khác nhau về phận vụ[10] (Giáo hoàng, Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân…) đều bắt nguồn từ chính việc được tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô.[11]

Đây không là sự phát biểu “ngẫu hứng” hay “thậm xưng” chỉ với mục đích để “làm vừa lòng”, hay nói một cách dân giả là “nịnh đầm giáo dân”, nhưng là một khẳng định minh nhiên của Huấn Quyền Hội Thánh, được ghi rõ trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Tông Đồ giáo dân (APOSTOLICAM ACTUOSITATEM) của Thánh Công Đông Chung Vatican II:

“Thánh Công Đồng, vì muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tông đồ của đoàn Dân Thiên Chúa, ưu ái hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người vẫn giữ một vai trò riêng biệt và vô cùng cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội như từng được nhắc đến trong các văn kiện khác. Thật vậy, vì khởi phát từ chính ơn gọi Kitô hữu, nên việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể thiếu vắng trong Giáo Hội. Rất nhiều nơi trong Thánh Kinh cũng cho thấy hoạt động nầy đã được thi hành cách tự phát và đạt nhiều kết quả trong những ngày đầu của Giáo Hội”. (x. Cv, 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Pl 4,3)[12].

3. Tính cách đặc thù của ơn gọi và sứ mệnh giáo dân.

Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng chung Vatican II, dành trọn chương IV để minh giải các chiều kích về ơn gọi và sứ mệnh đặc biệt của giáo dân.

“Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả nững điều đó như thể đã dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hoá thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt, bằng chứng từ đời sống toả sáng đức tin, đức cậy, đức mến.”[13]

Sắc lệnh Tông Đồ giáo dân đã tái xác nhận về điểm giáo lý nền tảng nầy như sau:

“Tính cách đặc thù của bậc giáo dân là sống giữa thế gian và giữa các công việc trần thế, họ được Thiên Chúa mời gọi để nhiệt thành thực thi việc tông đồ với tinh thần Kitô hữu như chất men thấm vào thế giới”.[14]

Những gì liên quan đến ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân đã được Giáo Hội minh giải, định hướng qua những văn kiện của Công Đồng Vatican II từ 1965, lại được hâm nóng, luận bàn và đề nghị những phương thế áp dụng thực hành cách đặc biệt sau đó hơn 20 năm, với Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1987 trong chủ đề “ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI”, được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đúc kết qua Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng mang tên “KITÔ HỮU GIÁO DÂN” (CHRISTIFIDELES LAICI”.

Chúng ta có thể đọc thấy ngay “điểm nhấn nội dung” trên qua những dòng đầu tiên của tông huấn. Xin trích:

“Được thừa hưởng di sản vô giá về giáo lý, tu đức và mục vụ, Công Đồng đã viết những trang thật tuyệt vời về bản tính, phẩm giá, linh đạo, sứ mạng và trách nhiệm của giáo dân. Họa theo lời mời gọi của Đức Kitô, các Nghị Phụ công đồng đã mời gọi mọi giáo dân, nam cũng như nữ, vào làm việc trong vườn nho của Chúa: “Nhân danh Thiên Chúa, Thánh Công Đồng hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gửi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận. Quả thật, chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (x. Pl 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người, và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến”. (x. Lc 10,1)[15]

II. ĐỪNG ĐỂ “PHẨM GIÁ” LỤI TÀN

Khi bàn đến những chuyện “hơi thiêng liêng một tý”, thường nhiều người (linh mục, tu sĩ và giáo dân) hay có phản ửng ứng “giẫy nẫy”: “chuyện đó nghe hoài, nói mãi, chán phèo…” !

Thế nhưng, chính những “phản ứng tiêu cực đó” đã biến chúng ta, những Kitô hữu”, trở thành một thứ theo ngôn ngữ của ĐGH Phanxicô: “xác ướp trong viện bảo tàng”:

“Thế là mối đe doạ lớn nhất từ từ hình thành: “chủ nghĩa thực dụng màu xám của đời sống hằng ngày của Hội Thánh, trong đó mọi sự có vẻ diễn tiến bình thường, nhưng trên thực tế đang hao mòn dần và rơi xuống tình trạng thiển cận”. Bằng cách này một tâm lý nấm mồ phát triển và từ từ biến những người Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng. Vỡ mộng với thực tế, với Hội Thánh và với bản thân mình, họ trải nghiệm một cám dỗ ở lại trong một thái độ u buồn vô vọng, níu kéo con tim như “liều thuốc quí nhất của quỉ”. Vốn được kêu gọi toả ánh sáng và truyền sự sống, rốt cuộc họ bị giữ chặt trong những cái chỉ sinh ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm và dần dần làm tan đi mọi nhiệt tình tông đồ. Về tất cả chuyện này, tôi lặp lại: Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng.”[16]

1. Có cần không một cuộc “huấn luyện” ?

Tâm thức nhân loại nói chung, đặc biệt, với những người chịu ảnh hưởng “văn hoá Khổng Mạnh”, luôn coi trọng “phẩm giá”, muốn mọi người kính trọng đề cao, sẵn sàng “chết vinh” chứ không bao giờ chịu “sống nhục” (“Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”).

Riêng, đối với những ai chọn theo Đức Kitô, thì phẩm giá cao cả nhất đó chính là được mang danh Ngài, được thuộc về Ngài: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…” (Pl 1,21).

Nếu tất cả chúng ta, những người cùng mang danh “Kitô hữu”, đều như Thánh Phaolô hết, hay ít ra như Thánh Phaolô Hạnh của Việt Nam[17], thì e rằng, Giáo Hội không cần tốn công của hơi sức để có những cuộc “tập huấn” nầy.

Tuy nhiên, mọi sự đã không được như thế; không phải chỉ hôm nay “cuộc sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” mới là “điểm nóng thời sự mục vụ của Giáo Hội”, mà là chuyện nhức nhối của những ngày khai sinh Hội Thánh, như tâm tư của chính Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gởi giáo đoàn Philip:

“Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3,18-19).

Và đó chính là lý do để Giáo Hội, suốt 2000 năm, “thường huấn chính mình” và “huấn luyện” cho con cái trở nên “những cành nho sai trái”, chứ không phải là “những cành nho khô bị quăng vào lò lửa”, như giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tông huấn KTHGD:

“Con người được Thiên Chúa mời gọi trong sự tự do của mình, để lớn lên, trưởng thành và sinh hoa trái. Con người không thể không trả lời, không thể không đảm nhận trách nhiệm. Những lời của Đức Giêsu ám chỉ đến trách nhiệm vừa đáng sợ, vừa làm phấn khởi: "Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi" (Ga 15,6).

Chính trong cuộc đối thoại này giữa Thiên Chúa kêu gọi và con người được gọi trong ý thức trách nhiệm của mình, mà người ta thấy có thể và thậm chí cần thiết phải có một sự huấn luyện toàn vẹn và thường xuyên cho người giáo dân. Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã có lý khi dành một phần lớn công việc của mình cho điều đó. Đặc biệt, sau khi diễn tả việc huấn luyện người giáo dân như “một tiến trình trưởng thành liên tục của cá nhân trong đức tin và là một tiến trình nên giống Đức Kitô, theo ý muốn của Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”, các ngài xác quyết rõ ràng: “Việc huấn luyện giáo dân phải nằm trong số những ưu tiên của giáo phận và phải có chỗ đứng trong chương trình hoạt động mục vụ, sao cho mọi cố gắng của cộng đồng (các linh mục, giáo dân, tu sĩ) đều quy hướng về mục đích này”[18]

2. Thử xem lại: từ đâu tôi đã “đánh mất tình yêu thuở ban đầu” ?

Từ cuối thế kỷ thứ nhất, Thánh Gioan đã cảnh báo cộng đoàn tín hữu Êphêsô:

“Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; … Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” (Kh 2,2-5)

Phải chăng, “xem ngươi đã từ đâu rơi xuống” cũng chính cái lộ trình “Hoán Cải Mục Vụ”[19] mà Đức Giáo Hoàng đề nghị cho toàn dân Chúa cùng nỗ lực thực hiện như bước khởi đầu cơ bản trong công cuộc “Tân Phúc Âm hoá”. Ngài đã diễn tả lại lời nhắc nhở của sách Khải Huyền bằng những ngôn ngữ mới của thời đại thích hợp cho mỗi người chúng ta:

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.”[20]

Xin khơi gợi một vài “điểm rơi” có thể rất “phổ thông” nơi nhiều người:

a. Nhạt mờ “CAM KẾT”

Trong tác phẩm “THE COMPASSIONATE SAMURAI” của tác giả người Mỹ Brian Klemmer, mà bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long mang tên “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG”, đã chọn phẩm cách “CAM KẾT”, như phẩm hạnh đầu tiên trong số 10 phẩm cách cơ bản của người “Chiến Binh nhân từ”[21]: cam kết, trách nhiệm cá nhân, cống hiến, tập trung, trung thực, danh dự, lòng tin, sung túc, dũng cảm và kiến thức.[22]

Tác giả đã khai mở nội dung ý nghĩa về phẩm cách “CAM KẾT” bằng những lời của Howard Thurman trong tác phẩm Những nguyên tắc tinh thần:

“Cam kết là khả năng tập trung ý chí vào một mục tiêu, một hành động hay một lý tưởng mà ý nghĩa của nó còn quan trọng hơn cả sự sống còn”[23]

Nào chẳng phải căn tính của người Kitô hữu được xây dựng trên chính lời “CAM KẾT THÁNH THIÊNG CỦA NHIỆM TÍCH THÁNH TẨY” ! Cam kết “Từ bỏ ma quỷ, tội lỗi và những quyến rũ bất chính” và “Tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Hội Thánh”[24].

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cắt nghĩa minh bạch về sự “CAM KẾT” đặc biệt nầy nơi Chương I của tông huấn KTHGD. Xin trích đoạn mở đầu:

“Thật không quá đáng khi nói rằng toàn bộ đời sống của giáo dân có mục đích đưa họ tới chỗ nhận biết sự mới mẻ căn bản Kitô-giáo phát sinh từ bí tích Thánh Tẩy, bí tích của lòng tin, để họ có thể thực hiện những nghĩa vụ theo đúng ơn gọi đã được Thiên Chúa ấn định. Để phác họa “dung mạo” của người giáo dân, chúng ta hãy xem xét một cách trực tiếp và rõ ràng hơn những khía cạnh căn bản sau đây, trong số nhiều khía cạnh khác: Bí tích Thánh Tẩy tác sinh chúng ta vào cuộc sống con cái Thiên Chúa; kết hiệp chúng ta với Đức Kitô và với Thân Thể của Ngài là Giáo Hội; xức dầu cho chúng ta trong Thánh Thần qua việc biến chúng ta thành những đền thờ thiêng liêng.” (Số 10).

Từ “cam kết” nền tảng của bí tích Rửa Tội, đời sống đức tin của chúng ta lớn lên, phát triển, nuôi dưỡng và kết thúc, có thể nói được, qua con đường dài của những “cam kết”. Cam kết khi lãnh nhận Thánh Thể lần đầu, cam kết khi chịu Phép Thêm Sức, cam kết “thuỷ chung yêu thương, đón nhận nhau trong bí tích Hôn phối”, cam kết với thánh vụ của bí tích Truyền chức, cam kết dốc lòng chừa bỏ tội lỗi của bí tích Giải Tội, cam kết dấn thân thuộc về Chúa Kitô khi khấn dòng…cho tới khi cam kết phó thác cuộc sống cho Chúa trong niềm cậy trông của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân !

(Riêng 3 hội đoàn cùng nhau về tham dự khoá huấn luyện nầy đều có những “cam kết” đặc thù trước Đấng bản Quyền và trước cộng đoàn khi chính thức dấn thân gia nhập và lãnh trách nhiệm hoạt động tông đồ).

Sở dĩ ngày hôm nay có quá nhiều người giữ đạo bơ thờ, mỏi mệt, thậm chí khô đạo, bỏ đạo…vì xa lìa chính lời cam kết cơ bản của bí tích Rửa tội, rồi từ đó bỏ luôn các lời cam kết khác. Tôi muôn nhắc lại tinh thần giữ lời cam kết của các samurai: “Các người chiến binh trong lịch sử luôn giữ đúng lời cam kết cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình. Không phải họ không yêu quý bản thân, nhưng họ biết đặt lời hứa và nguyên tắc lên trên tất cả…”[25]

Để trở thành một “cành nho sinh đầy hoa trái”, thiết nghĩ, điều đầu tiên phải quyết tâm tìm lại và làm mới lại mỗi ngày chính “CAM KẾT” của bí tích Thanh tẩy và mọi cam kết khác trong đời sống Kitô hữu. Phải là những cam kết “bằng lòng” chứ không “bằng mặt”, bằng “lãnh nhận trách nhiệm hoàn toàn” chứ không “tìm cách biện hộ”, giống như “4 câu trả lời” của học viên thuộc học viện quân sự West Point của Mỹ. Vâng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ chỉ được trả lời 1 trong 4 câu sau:

1. Vâng, thưa sếp.

2. Không, thưa sếp.

3. Thưa sếp, tôi không có gì để biện hộ.

4. Thưa sếp, tôi không hiểu.[26]

Trong đời thường cuộc sống không thiếu những mẫu gương anh hùng sống trọn hảo với sự “cam kết” giữ vẹn phẩm hạnh đạo đức, trước những cám dỗ của tiền bạc, giàu sang, như câu chuyện cảm động của “cô bé Chiada và cái túi xách 100 ngàn đô la”[27].

Riêng trong lịch sử Hội Thánh, tất cả các Vị Thánh, tiêu biểu nhất là các Thánh Tử Đạo, phải chăng là những “samura” đã giữ vẹn lời “CAM KẾT” dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh, “CAM KẾT” đi trọn con đường của Tám Mối Phúc Thật, của Thập Giá, của giới luật “tình yêu”…!

Và như thế, mỗi người có thể chọn lời phát biểu cuối cùng của Thánh Tử Đạo Việt nam Phaolô hạnh làm câu châm ngôn để sống mỗi ngày lời “cam kết” của chính mình: “KITÔ HỮU CHO ĐẾN CHẾT” !

b. Đánh mất sự “tập trung cốt lõi”: NÊN THÁNH

Trong chương Tám mang chủ đề “MỤC TIÊU XÁC ĐỊNH” của tác phẩm “CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN”, tác giả Napolen Hill đã đặt trên miệng con Quỷ lời thú tội như sau:

“Ngay khi người đó do dự, chần chừ hay không xác định về bất cứ điều gì, anh ta sẽ lập tức rơi vào sự kiểm soát của ta” [28].

Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn kêu gọi nên thánh, cũng đã lặp lại những lời mà có thể đã âm vang suốt chiều dài lịch sử trên con đường “hoàn thện Kitô giáo”:

“Khi chúng ta xem thường mất cảnh giác, ma quỷ chụp thời cơ để hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chúng “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

“Lời Chúa mời gọi chúng ta thật rõ ràng: hãy “đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16). Đây không là kiểu nói thi vị, bởi vì ngay cả con đường nên thánh của chúng ta cũng là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Những ai không muốn nhìn nhận điều này sẽ làm mồi cho sự thất bại và tầm thường.”[29]

Vâng, “điểm rơi” thứ hai mà chúng cần xét đến chính là: đánh mất sự “tập trung cốt lõi”: NÊN THÁNH.

Nếu bí tích Rửa Tội đưa chúng ta vào đời sống mới làm con cái Thiên Chúa, gia nhập vào một đoàn dân mới, “hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” (1 Pr 2,9) cùng với sự “cam kết” nên thánh (từ bỏ tội lỗi, ma quỷ và những quyến rũ bất chính), thì có thể nói được, điểm “tập trung cốt lõi” của đời sống Kitô hữu là nỗ lực sống cho được hai hạn từ “NÊN THÁNH”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn kêu gọi dân Chúa nên thánh đã minh định rõ:

“Nhưng với Tông huấn này, trên hết tôi muốn nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, lời mời gọi mà Ngài cũng ngỏ lời cách riêng tư vói bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44; X. 1 Pr 1,16). Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố điều này cách rõ ràng: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”[30]

Khi nhắc đến “tiêu đích” nầy, chắc không ít người trề môi “lại chuyện trên trời” ! Vâng, rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường quan niệm “nên thánh” là chuyện “quá khó”, chỉ một số ít người thực hiện; và đa phần chỉ có thể sống đời “phàm” bởi nó dễ chịu, thoải mái và trong tầm tay... Và khi cuộc sống Kitô hữu chỉ “tập trung vào cái “PHÀM”, mà lãng tránh, không chú tâm tới cái “THÁNH”, rốt cuộc, trở thành một “Kitô hữu tầm thường, dở dở ương ương, mà nếu dùng ngôn từ của thánh Gioan trong sách Khải Huyền, đó là kẻ bị Thiên Chúa kết án là “hâm hẩm”: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3,15-16)

Chắc chắn vì muốn dân Chúa đặt lại “quan niệm nên thánh” cho đúng đắn, là ơn gọi, là con đường không phải xa lạ mà gần gũi, không phải khó khăn mà ai cũng có thể thực hành, không phải dành riêng chỉ cho một nhóm, một giới nào đó, mà cho chính mỗi người chúng ta…, nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ”.

Chúng ta có thể gặp thấy các ý nghĩa trên trong mục đề “CŨNG DÀNH CHO BẠN NỮA” trong Chương I của văn kiện nầy. Xin trích:

“Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.(…).Hãy để ân sủng bạn đã nhận lúc lãnh bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả trên đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa. (…).Trong Hội thánh, … bạn sẽ tìm thấy mọi điều bạn cần để lớn lên theo hướng thánh thiện… nơi Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, nơi các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và nơi vẻ đẹp muôn màu, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa.(…). Sự thánh thiện Chúa đang mời gọi bạn như thế sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. (…). Khi Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. (…).Các giám mục Tân Tây Lan thật chí lý khi dạy rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì chính Chúa Phục sinh đã chia sẻ sự sống mãnh liệt của Ngài với những mảnh đời yếu ớt của chúng ta…”[31]

Nếu “chiết xuất” ra những gì được tông huấn trình bày, chúng ta có thể “tập trung” vào trọng tâm: TÔI NÊN THÁNH ĐÓ CHÍNH LÀ:

- Sống đời mình với tình yêu.

- Làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.

- Để bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả.

- Dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa.

- Đón nhận và thực hành các phương thế trong Hội Thánh: Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh…

- Thực hành những cử chỉ nho nhỏ.

- Sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó…

Riêng ở điểm cuối cùng “Sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”, Đức Giáo Hoàng đã minh nhiên nhắc đến “chứng từ thánh sống động” của Vị Tôi Tớ Chúa – Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta có thể dừng lại một chút để nghe Vị Hồng Y của chúng ta bộc bạch:

“Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:

khoảnh khắc đầu tiên

khoảnh khắc cuối cùng

khoảnh khắc duy nhất.”[32]

(Đọc thêm: Eckhart Tolle: Sức mạnh của hiện tại: “Ngay khi bạn vừa trân quý phút giây hiện tại, tất cả mọi ưu phiền và vật lộn với đời sống đều tiêu tan và đời sống bỗng trở nên chan chứa niềm vui tươi và sự thanh thản. Khi bạn hành động từ ý thức của phút giây hiện tại, bất cứ điều gì bạn làm, dù chỉ là một hành vi nhỏ nhặt, cũng mang đầy phẩm chất vị tha và thương yêu.”[33]

Nếu mỗi một thành viên chức việc, mỗi hội viên HHMTGTT hay Legio Mariae, hay bất cứ hội đoàn nào, giới lớp nào…đều nỗ lực “tập trung” vào tiêu đích “NÊN THÁNH”, thì chắc chắn, không chỉ đời sống đức tin của mỗi người, của mỗi gia đình, của hội đoàn mình tham gia…mà của cả giáo xứ, giáo hạt, giáo phận sẽ sinh động, phát triển.

Bởi, như Jesé Ortega y Gasset phát biểu: “Hãy nói cho tôi biết bạn chú tâm vào điều gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”[34].

c. Xem thường những “CHI TIẾT NHỎ”

Cứ mỗi mùa thi cử, xã hội Việt Nam lại nóng lên các tin tức chắng mấy tốt đẹp gì về sinh hoạt và hệ thống giáo dục: các vụ nâng điểm, gian lận thi cử, bằng giả…

Cũng có người ra sức biện minh: có mấy người mấy vụ đâu, vài con số, vài cái bằng giả…có sao đâu ! Có đó. Bác sĩ giả sẽ gây ra tử vong cho nhiều người; kỷ sư giả sẽ khiến nhiều công trình sụp đổ; thầy giáo giả sẽ đào tạo những thế hệ học trò dốt nát, bại hoại; tài xế với bằng giả, không được đào tạo bài bản về kỷ năng và nhân cách, sẽ gây tai nạn chết chóc cho bao nhiêu người…

Sở dĩ xã hội Việt Nam ngày nay có quá nhiều tệ đoan, băng hoại, suy thoái đạo đức…vì phải trả giá cho việc xem thường việc “nhỏ mà không nhỏ” chút nào: giáo dục nhân bản, phẩm cách, đạo đức…, giáo dục làm người tử tế, làm người lương thiện !

Trong môi trường “Đạo” thì sao ? Thực tế đa phần là “sống đạo lưng chừng”. Thánh: không dám mơ. Giữ đạo cách “bình dân, đơn sơ” (dâng lễ, đọc kinh, lần chuỗi, xưng tội…): xem thường, không thèm thực hiện.

Vâng, mọi biểu hiện khô đạo, yếu đức tin, nhạt tinh thần truyền giáo, mất nghị lực tông đồ…đều bắt nguồn từ việc “khinh thường những việc nhỏ”.

Thật sự, đức tin mà chúng ta có được hôm nay phải chăng là nhờ có các bà mẹ mà ngay từ còn mang con trong dạ, đã nguyện dâng con cho Chúa, và không ngừng lần chuỗi, đọc kinh, dâng lễ… để những đứa con sau nầy làm linh mục, làm thừa sai đi rao giảng Tin Mừng; là nhờ các người cha, sau mỗi ngày vất vả, trung thành dắt con lên nhà thờ và dọc đàng ân cần dạy con đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…

Chắc chắn, những vị đại thánh như Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Piô X, Gioan-Phaolô II, các vị Tử Đạo giáo phận như Stêphanô Thể, Gagelin Kính, Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông…, các ngài đạt được sự hoàn thiện và mang lại vô vàn ơn ích cho Hội Thánh chính là nhờ được giáo dục từ những “chi tiết nhỏ” bởi những con người đơn sơ, nhỏ bé, nơi môi trường gia đình giản đơn, khiêm tốn.

Chắc chắn, khi xác tín về những giá trị thầm lặng, ẩn khuất, nhỏ bé của đời sống thấm nhuần Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ân cần nhắn gởi Hội Thánh trong tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ:

“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.” (Số 144).

Chỉ trong một đoạn ngắn thôi, chúng ta tìm đọc thấy 6 lần ĐTC nhắc đến cụm từ “chi tiết nhỏ” mà hầu hết là những “chi tiết nhỏ” trong giáo huấn và hành động của chính Chúa Giêsu cách đây 2000 năm được các Tin Mừng kể lại.

Tôi muốn nêu bật lại một vài chứng từ về “chi tiết nhỏ” mà có lần tôi đã nhắc đến trong cuộc Đại Hội HĐMVGP năm 2018:

- “Chi tiết nhỏ” đó là nỗi trăn trở của bà Bộ ở Nhơn Hải, đêm ngày ước mong có được một nhà thờ cho giáo họ; và đã cụ thể hoá nỗi ước mơ đó bằng một cuộc đời đạo hạnh, hằng ngày lần mười mấy chuỗi Mân Côi, không bỏ một lễ Chúa Nhật nào, và không ngại nắng mưa, gió rét, hết chạy đến cha sở tới, lại về Toà Giám Mục, ra tận cửa cơ quan chính quyền… để kêu xin trợ giúp thủ tục và hồ sơ có được đất đai và cơ sở xây dựng nhà thờ.

- “Chi tiết nhỏ” như cộng đoàn anh chị em di dân Bắc Kỳ tại giáo điểm Ba Tơ thuộc miền núi Quảng Ngãi, xa xôi cách trở vẫn cố nhắc bảo nhau giữ đạo, quảng đại góp công góp sức, trung thành họp nhau kinh nguyện gia đình, giữ ngày Chúa Nhật… để hôm nay đã có được một mái ấm đơn sơ sớm hôm họp nhau kinh lễ.

- “Chi tiết nhỏ” như anh Tài ở trên giáo điểm Tân Thuộc, một vùng trắng tôn giáo của huyện Vĩnh Thạnh, nhưng vẫn can đảm trung thành làm chứng đức tin và sống đạo với muôn khăn khó ngặt nghèo, để minh chứng: đạo Chúa vẫn hiện diện ở vùng sâu vùng xa heo hút nầy.

- “Chi tiết nhỏ” như chú Thanh, ông cố của sr. Quyên ở Sơn Nguyên hay anh Thiên ở Ngọc Thạnh, “mâm nào cũng có”, công việc nào của giáo xứ cũng tham gia, từ chức việc tới Legio, từ TNTT tới MTG Tại thế, từ ca đoàn tới GLV…miển sao Chúa được vinh danh, cha sở bớt nhọc nhằn, cộng đoàn được nở mày nở mặt…”

Nhắc đến ý nghĩa “chi tiết nhỏ” nầy, tôi chợt nhớ câu chuyện “CHIẾC TRÂM CÀI TÓC CỦA LỘC NƯƠNG” đã làm nên “TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ CỦA CHÙA TẾ VŨ”[35]

Một giáo xứ mạnh, một cộng đoàn trưởng thành không phải được đánh giá với các tiêu chí: nhà thờ to lớn, nhà xứ hoành tráng, kiệu rước Đức Mẹ linh đình, lễ Giáng Sinh trang trí hang đá vĩ đại, đèn sáng ngợp trời…; mà chính là, như cách đánh giá của Đức Phanxicô trong tông huấn “HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ”:

“Một cộng đoàn biết trân trọng những chi tiết nhỏ của tình yêu, nơi đó các thành viên chăm sóc lẫn nhau và tạo ra một môi trường mở và đầy tinh thần Phúc âm, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hoá cộng đoàn theo kế hoạch của Chúa Cha. Có đôi khi, nhờ món quà tình yêu của Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ nầy, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi” (Số 145).

KẾT

Trước khi kết thúc “câu chuyện mở đầu” của khoá huấn luyện mục vụ tông đồ giáo dân, tôi muốn trở lại với “hình ảnh con lừa của ngày Chúa Nhật Lễ Lá”. Trong thời đại công nghệ “4.0” nầy, mang hình ảnh “con lừa” để làm biểu tượng cho cuộc “hành trình đức tin”, nên thánh và truyền giáo, e có người sẽ cho là “phản cảm”, không hợp thời.

Tuy nhiên, những gì Thiên Chúa đã chọn lựa, Đức Kitô đã “sử dụng”, thì đều mang giá trị vĩnh hằng; điều cần thiết là hiểu thấu “ý nghĩa đằng sau” cái dấu chỉ “dụng cụ được sử dụng đó”. Ý nghĩa đằng sau dấu chỉ “con lừa” phải chăng là “một dụng cụ tầm thường”, một “đị vị thấp hèn”, một “vai trò ẩn khuất”…nhưng với mục đích “chở Đức Kitô”

Nếu Đức Hồng Y Etchegarey, một chức sắc cao cấp thuộc hàng Giám mục Pháp với địa vị Tổng Giám Mục Marseille, sau đó thuộc Giáo triều Rôma trong trách vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà bình, mà đã tự nhận mình “như một con lừa đang cõng Đức Kitô trên lưng”, thì tôi (một chức việc quèn, một hội viên tầm thường của HHMTGTT, của Legio Mariae…hay gì gì đi nữa) nếu chẳng phải là “chú lừa con” thì cái gì để thích hợp hơn đây ?

Riêng Mục sư Martin Luther King[36] thì đề nghị với chúng ta những loại “dụng cụ” nầy:

“Nếu bạn không thể là cây thông trên đỉnh đồi,

Hãy là bụi rậm trong thung lũng,

Nhưng hãy là bụi rậm đẹp nhất.

Hãy là bụi cây, nếu bạn không thẻ là cây lớn.

Hãy là đường mòn, nếu bạn không thể là đường lớn.

Hãy là ngôi sao, nếu bạn không thể là mặt trời.

Dù bạn là ai,

Không phải bằng tầm vóc mà bạn chiến thắng,

Nhưng bởi sức mạnh trong tình yêu.”[37]

Vâng, dẫu bạn là ai, xin “Làm ơn đừng về hưu non”[38], vì “CHÚA CẦN ĐẾN BẠN” !

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

[1] Nguồn:

http://kinhmungmaria.com/yahoo_site_admin/assets/docs/%C4%90%E1%BB%9Di_t%C3%B4i_ti%E1%BA%BFn_b%C6%B0%E1%BB%9Bc_nh%C6%B0_m%E1%BB%99t_con_l%E1%BB%ABa.259213736.htm

[2] Roger Marie Élie Etchegaray (sinh ngày 25 tháng 9 năm 1922) là một Hồng Y người Pháp của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Etchegaray từng là tổng giám mục của Marseille từ năm 1970 đến năm 1985 trước khi vào giáo triều Rôma, nơi ngài từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình (1984-1998) và Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum (1984 - 1995). Ngài đã được vinh thăng Hồng Y trong Công nghị Hồng Y năm 1979.

Đức Hồng Y Etchegaray được sự chú ý của khán giả quốc tế vào đêm Giáng sinh năm 2009, khi ngài bị thương nặng trong một cuộc tấn công bất thành vào Giáo hoàng Biển Đức XVI khi họ cử hành Thánh Lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Etchegaray đã phải nhập viện do gãy xương. (Theo trang Wikipedia).

[3] ĐHY Roger Etchegaray. Nguyên tác: J'avance comme un âne – Như một con lừa…tôi tiến bước. Dịch giả: Nguyễn Thị Chung. NXB: Tôn Giáo 2010.

[4] Ibid. Tr. 5-6

[5] Avery Dulles. Models of the Church (N.Y., N.Y.: Doubleday; rev. edition 2002), t. 28-32. (Xem thêm bài viết Ơn gọi tông đồ giáo dân của Nguyễn Tri Sử trên trang mạng http://ttntt.free.fr/archive/NguyentriSu2.html)

[6] Shaw, Russell. Understanding your rights: Your rights and responsibilitirs in the Catholic Church (Ann Arbor, Michigan: Servant Publications, 1994), t. 22-23. Câu “pray, pay, and obey” được lấy ra từ mẫu giai thoại đầy tính cười u mặc được chính các đấng trong hàng giáo phẩm cao cấp kể. Y. Congar: “Trong bài tiểu luận “Người giáo dân trong giáo xứ dưới thời Tiền Thệ phản” xuất bản cách đây bốn mươi năm trong tập san Catholic Truth Society, cho biết Hồng Y Aidan Gasquet có kể lại giai thoại một người đến hỏi một linh mục vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo là như thế nào, linh mục kia trả lời: người giáo dân có hai vị thế, một là quỳ trước bàn thờ, hai là ngồi ở dưới trước tòa giảng. Hồng Y nói còn có một vị thế thứ ba mà linh mục đã quên: người giáo dân còn thò tay vào ví lấy tiền” (Y. Congar, sđd bản anh văn Lay People…, t. XXVII).

[7] Đây là cuộc THĐGMTG Thường lệ lần thứ VII từ ngày 1-10 đến 8-12-1987 với chủ đề: “Ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới”. Số người tham dự: 232. Ngày 30-12-1988, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Christifideles laici (Kitô hữu giáo dân).

[8] Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Tông huấn KITÔ HỮU GIÁO DÂN (CHRISTIFIDELES LAICI), Phần Dẫn Nhập, số 2. Nguồn: Trang Giáo phận Đà Lạt:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2001/NguoiTinHuuGiaoDan/01NhapDe.htm. (Từ đây về sau, văn kiện nầy sẽ được viết tắt: KTHGD)

[9] Ibid. (KTHGD, Chương I, số 9).

[10] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản Việt Ngữ của UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. Nxb Tôn Giáo 2012. Hiến Chế Tín lý về GIÁO HỘI (LUMEN GENTIUM), số 7, tr. 77. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: GH): “Như tất cả các chi thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một hân thể, thì các tín hữu trong Đức Kitô cũng vậy (x. 1 Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô, rất cần đến sự đa dạng của các chi thể và phận vụ. Chỉ có một Thần Khí duy nhất là Đấng ban những ân huệ khác nhau theo sự sung mãn của Người và tuỳ nhu cầu của các tác vụ vì ích lợi của Giáo Hội” (x. 1 Cr 12,1-11).

[11] TĐGD. Số 2, tr. 534; GH số 31, tr. 129.

[12] SĐD: CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản Việt Ngữ của UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. Nxb Tôn Giáo 2012. Sắc Lệnh VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN (APOSTOLICAM ACTUOSITATEM), số 1, tr. 531-532. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: TĐGD)

[13] SĐD (GH số 31, tr. 129).

[14] SĐD (TĐGD, số 2, tr. 534)

[15] SĐD: (KTHGD, Phần Dẫn Nhập, số 2).

[16] ĐGH Phanxicô, tông huấn “NIỀM VUI TIN MỪNG” (EVANGELII GAUDIUM), Bản Việt ngữ của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng, trực thuộc HĐGMVN, 2013. Số 83, tr. 72. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: NVTM)

[17] Trích từ “Hạnh Thánh Tử Đạo Phaolô Hạnh” với tựa đề “CÁNH HOA TÍM NGÁT HƯƠNG”: Những người bị anh khuất phục tức giận tìm cách trả thù. Họ chọn giải pháp hèn hạ nhất “ném đá giấu tay”. Họ tố cáo anh là Kitô hữu, và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp. Trước tòa án, anh không bao giờ nhận tội phản quốc, vì thực tế anh không làm. Nhưng khi quan hỏi: “Anh có phải là Kitô hữu không?” thì anh công nhận, và còn khẳng định rằng: “Sẽ là Kitô hữu cho đến chết”. Nguồn: http://truongdinhhien.net/index.php/2019/05/27/canh-hoa-tim-ngat-huong/

[18] SĐD: (KTHGD, Chương V, số 57)

[19] NVTM, số 25, tr. 27: “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo không để tình hình tiếp tục như hiện tại.”

[20] Ibid. Số 3, tr. 8

[21] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ: “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. Lời Giới Thiệu, tr. 8: “Cụm từ Võ Sĩ Đạo hểu theo nghĩa đen là “đạo hay con đường của chiến binh”. Khái niệm về một chiến binh dũng mãnh với trái tim nhân hậu nghe đầy nghịch lý, nhưng bản thân từ chiến binh trong tiếng Nhật (samura) còn có nghĩa là “phục vụ”. Xét ở tầng ý nghĩa sâu nhất thì trái tim của một chiến binh như vậy là để giúp đỡ mọi người. Dựa trên cơ sở đó, tôi đã mở rộng khía cạnh này để tạo ra thuật ngữ “chiến binh nhân từ” dành để chỉ những người hội tụ được các giá trị đạo đức vững vàng, có khả năng biến những ý định của mình thành hiện thực, trong khi vẫn dành trọn cuộc đời để phụng sự xã hội”.

[22] Ibid. Tr. 11.

[23] Ibid. Tr. 15

[24] UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN, SÁCH LỄ RÔMA 1992, TR. 300.

[25] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ: “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. CHƯƠNG 1 CAM KẾT, tr. 16

[26] Ibid. Tr. 22.

[27] Câu chuyện cảm động lưu hành trên facebook và được đăng lại trên trang:

http://truongdinhhien.net/index.php/2019/06/04/pham-hanh-mot-tai-san-cao-quy/

[28] Napolen Hill, nguyên tác: OUTWRITTING THE DEVIL. Bản dịch Việt ngữ: CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN. Dịch giả: Thanh Minh. Nxb. Lao Động, tái bản lần thứ 7, 2019. Chương Tám, tr. 171.

[29] SĐD: ĐGH Phanxicô, Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ (GAUDETE ET EXSULTATE), chuyển ngữ: Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, Văn phòng HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2018. Chương V: CUỘC CHIẾN DẤU THIÊNG LIÊNG, TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH, số 161, 162, tr. 108. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt: VMHH)

[30] VMHH. Chương I, số 10, tr. 11-12.

[31] VMHH, số 14-18; tr. 14-18

[32] TGM F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chứng nhân hy vọng. Bài suy niệm thứ 6. DÙ KHI ĂN DÙ KHI UỐNG.. Tr. 70

[33] SĐD (SỨC MẠNH CỦA HIỆN TẠI (POWER OF NOW của Eckhart Tolle): Chương 3: Hãy kiên trì chú tâm vào giây phút hiện tại: (Bản PDF tại nguồn: https://thuvienhoasen.org/images/file/jwEzuTL00ggQAF06/suc-manh-cua-hien-tai-2-.pdf)

[34] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ: “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. CHƯƠNG 4 SỰ TẬP TRUNG, tr. 81.

[35] Một truyền thuyết của nhà Phật: Thiếu phụ nghèo Lộc Nương chỉ có một chiếc trâm cài tóc bằng gỗ, đã thể hiện lòng thành, cúng cây trâm cho chùa Tế Vũ để đúc chuông trừ tà dịch. Sư đúc chuông lấy vàng bạc đúc còn chiếc trâm ném đi. Chuông đúc 3 lần không kêu lại có in lõm hình chiếc trâm trên thân. Sau nhớ lại, thành tâm sám hối, quyết tìm lại chiếc trâm, chuông tự động kêu vang và hình cây trâm vá lại chỗ lõm. Tà dịch được xua trừ.

[36] “Martin Luther King, Jr. (viết tắt MLK; 15 tháng 1 năm 1929 – 4 tháng 4 năm 1968) là Mục sư Baptist, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.

King dẫn dắt cuộc tẩy chay xe buýt diễn ra ở Montgomery (1955-1956), và giúp thành lập Hội nghị Lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (1957), trở thành chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Năm 1963, King tổ chức cuộc tuần hành tại Washington, và đọc bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một giấc mơ" trước hàng ngàn người tụ tập về đây. Ông nâng cao nhận thức của công chúng về phong trào dân quyền, và được nhìn nhận là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1964, King là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua biện pháp bất tuân dân sự, và các phương tiện bất bạo động khác. Ngày 4 tháng 4 năm 1968, King bị ám sát tại Memphis, Tennessee. Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng King Huân chương Tự do của Tổng thống. Đến năm 1986, ngày Martin Luther King, Jr. được công nhận là quốc lễ. Năm 2004, ông được truy tặng Huân chương vàng Quốc hội.” (Theo trang Wikipedia)

[37] ĐHY Roger Etchegaray. Nguyên tác: J'avance comme un âne – Như một con lừa…tôi tiến bước. Dịch giả: Nguyễn Thị Chung. NXB: Tôn Giáo 2010. Tr. 124.

[38] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), Bản dịch: Phạm Xuân Khôi, số 147: “Hỡi những người trẻ, đừng bỏ mất những năm tốt nhất của tuổi trẻ, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng lầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời trước màn ảnh. Đừng trở nên cảnh tượng đau lòng của một chiếc xe phế thải. Đừng trở thành những chiếc xe đang đậu, thay vào đó hãy để cho những giấc mơ nở hoa và hãy có những quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.”
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Hồn Xác Khoẻ Mạnh
Trà Lũ
09:24 10/06/2019
Canada đang chan hòa ánh nắng, rộn rã tiếng chim, và ngào ngạt thơm ngát những bông hoa muôn màu. Đây là thời gian dân bản địa chỉ ở nhà lo vườn hoa vườn rau và phơi nắng. Họ chỉ đi xa du lịch vào mùa đông để tránh tuyết và trốn cái lạnh. Ngoài ra, mùa hè còn là mùa cưới hỏi vì thời tiết thuận lợi mọi mặt. Người Việt phe ta ở đây cũng theo tập tục bản xứ, không còn kiêng kỵ chọn ngày chọn tháng. Bây giờ không còn chọn ngày lành dữ mà luôn luôn là 2 ngày cuối tuần, bây giờ không còn chọn tháng kiêng tháng cữ mà luôn là 3 tháng hè, tiện cho đi lại, rước dâu, lễ nhà thờ, yến tiệc đình đám, là dịp rất tốt để khoe y phục, chụp ảnh quay phim. Cụ Chánh tiên chỉ làng An Lạc của tôi bảo rằng: ông bà dạy có kiêng có lành, vì ở đây không kiêng nên 100 đám cưới thì về sau có 50 đám ly dị.

Xin sang phần thời sự. Hải quân Canada sẽ thăm cảng Cam Ranh của Viêt nam vào 10-13 tháng Sáu. Xưa nay chưa có chuyện này. Chắc phải có cái gì nên Canada mới cho 2 tàu hải quân HMCS Regina và NRU Asterix theo chân hải quân các nước bạn tới hải cảng đẹp vào bậc nhất thế giới này. Đây quả là một cuộc thăm viếng mang nhiều tính cách ngoại giao. À, nói về ngoại giao thì có một chuyện khá nóng bỏng là Canada đóng cửa toà đại sứ ở Venezuella và rút các nhân viên về nước. Không biết ngài tổng thống Maduro sẽ đưa nước này về đâu. Về mặt quốc nội thì không có gì sôi nổi, ngoài tin về môi trường. Đó là Canada đang bị các chú heo rừng phá vỡ môi trường. Các chú heo này không phải có gốc ở Canada mà từ Âu Châu đem qua hồi 1980. Các nhà nuôi heo muốn heo Canada có thêm chất mới, nhưng vì không đề phòng nên một số heo đã sổ lồng chạy vào rừng. Đất rừng Canada quá tốt nên các chú heo này sinh sôi nảy nở nhanh như chớp. Một con héo nái có thể sinh đẻ 1 năm những 3 lần, và mỗi lần ít là 6 con. Con heo mới 6 tháng tuổi đã có thể làm mẹ và đẻ con được rồi. Đàn heo rừng này tràn về và đang đe dọa cỏ cây mùa màng ở miền Tây Canada...

Anh John giơ tay xin kể một chuyện thời sự về heo. Rằng có một chàng quân tử kia đang lái một chiếc xe hơi láng coóng, bỗng có một chiếc xe khác lái vượt qua, và người tài xế ngoái cổ ra nói với nhà quân tử: Heo ! Heo ! Nhà quân tử này nghe tiếng heo thì tưởng tên kia ghen tị xe với mình nên mới chửi mính là đồ con heo. Nhà quân tử giận quá bèn rú ga đuổi theo tên bất lịch sự này với ý định dạy cho nó một bài học. Nhưng đang lúc ngài rú ga thì đột nhiên có một đàn heo rừng ào ào chạy tới, may mà ngài thắng xe kịp. Và tự nhiên ngài chợt nghĩ ra: À, cái anh chàng lái xe kia thò đầu ra có ý báo cho ngài biết một đàn heo rừng đang tới. Và anh John kết luận: Chúng ta lái xe đừng vội nóng giận nha.

Bây giờ là chuyện thời sự làng tôi. Tháng trước có lễ Hiền Mẫu và phe liền ông chúng tôi đãi tiệc thết các bà bằng hai món Canh Chua và Cá Kho Tộ. Tháng này có lễ Hiền Phụ, kính các người cha, và phe các bà làm tiệc đãi phe các nhà quân tử chúng tôi. Chúng tôi cứ thắc mắc không biết các bà sẽ đãi ăn món gì. Đến giờ ngồi vào bàn tiệc chúng tôi mới sững sờ: Các bà cũng đãi 2 món canh chua và cá kho tộ, chỉ khác một điều là tháng trước chúng tôi mua thức ăn từ nhà hàng đem về, còn lần này các bà tự nấu lấy. Ăn rồi mới thấy món các bà nấu ngon thiệt. Qủa là siêu phàm. Cái ngọt của cá tươi đi với món đậu bắp và bạc hà tươi sao mà nó ngon làm vậy. Đúng là ông trời sinh ra phụ nữ để nấu ăn

Bữa tiệc này ăn ở nhà anh John và Chị Ba Biên Hoà. Hôm nay chúng tôi có một người khách đặc biệt, đó là Cha Paolo. Các cụ còn nhớ ông Cha Canada gốc Ý này chứ. Ông là cha sở của họ đạo mà anh John là con chiên. Vì anh John xin nên Cha Paolo và giáo xứ của ngài đã đứng ra bảo trợ gia dình Cụ Chánh và ông Từ Hoè từ trại tỵ nạn Thái lan qua năm 1980. Vì tôi quen chị Ba, anh John và ông ODP nên mới có cái làng An Lạc thân thương này. Cả làng tôi đều thích và mê Cha Paolo. Ngài rất yêu món ăn VN. Hôm nay lần đầu tiên Cha được ăn món canh chua cá kho tộ nên Cha đã ăn miệt mài say sưa. Và chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện vui. Đặc biệt chúng tôi đã bàn những chuyện cưới xin vào những tháng hè này. Cụ Chánh lên tiếng hỏi Cha Paolo: Nhân nói về cưới hỏi, Cha có chuyện lễ cưới nào hay ở nhà thờ không ? Cha Paolo nói ngay: Có, tôi có một chuyện rất đặc biệt mà mỗi lần làm lễ cưới cho con chiên ở nhà thờ thì không thể nào quên được. Chuyện như thế này:

Có một đôi trẻ đến xin tôi làm lễ cưới. Cô dâu là người theo đạo Công Giáo, đạo gốc, còn chú rể là ngưòi đạo Do Thái. Lễ tổ chức vào trưa thứ Bảy. Vì chú rể khác đạo nên tôi xin cặp này tới tập dượt lễ nghi trước vào thứ Sáu. Đúng ngày lễ họ hàng đôi bên ngồi chật nhà thờ. Vì họ nhà trai đạo Do Thái nên tôi cho mở âm thanh rất lớn để người khác đạo hiểu rõ ý nghĩa của buổi lễ. Và lễ cưới đã được bắt đầu rất trọng thể. Sau phần đọc Kinh Thánh mở đầu là phần lễ hôn phối. Đôi trẻ đứng ở bàn thờ, quay mặt vào nhau, cha chủ tế đứng giữa. Đây là giây phút quan trọng. Những gì cha chủ tế nói cũng như những lời thề của cô dâu chú rể đều đưọc truyền qua máy âm thanh, cả nhà thờ nghe rõ hết. Sau phần cha chủ tế chúc lành thì tới phần cô dâu chú rể đeo nhẫn cưới cho nhau và thề hứa. Chú rể sẽ nói thế này: ‘Anh xin nhận em làm vợ. Anh xin hứa sẽ chung thủy với em vĩnh viễn, khi thịnh vượng cũng như khi nghèo đói, khi mạnh khoẻ cũng như khi đau ốm, để yêu thương và tôn trọng em trọn đời. Xin em hãy nhận chiếc nhẫn này làm biểu hiệu tình yêu chung thủy của anh, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.’ Thế nhưng, lúc quan trọng đó, tự nhiên không ai nghe thấy chú rể nói gì hết. Chắc hệ thống âm thanh hư. Chú rể cứ cầm tay cô dâu và đứng im. Chắc chú rể đang chờ sửa máy. Cả nhà thờ yên lặng như tờ. Mãi năm phút sau người ta mới nghe chú rể cất tiếng nói. Và sau đó nghi lễ đã diễn ra tốt đẹp.

Sau lễ có người hỏi tôi rằng cái giây phút chú rể thề hứa yêu thương và trung thành với vợ trọn đời là cái phút quan trọng nhất, tại sao cha lại để máy âm thanh hư lúc đó. Tôi đã trả lời ngay: Máy đâu có hư, máy của tôi là máy tối tân nhất mà. Chú rể nói không nên lời đó thôi. Nó cầm tay vợ nó xong thì nó xúc động, nước mắt nó chảy ra ròng ròng. Vợ nó cũng khóc ròng ròng. Cả hai nước mắt như mưa. Chúng nó xúc động vì hạnh phúc chan hòa nên nói không ra lời. Tôi cho đây là những giây phút đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong đời nên tôi đã để cho 2 trẻ khóc trong hạnh phúc. Một hồi lâu sau tôi mới nói nhỏ: Chúng con hãy can đảm nói đi, cha mẹ và họ hàng nhà chúng con đang chờ nghe chúng con công khai nhìn nhận nhau là vợ chồng trọn đời. Mãi rồi chú rể mới ngưng được tiếng khóc và cất tiếng thề nguyền.

Cả làng tôi nghe xong đã vỗ tay râm ran và cho là câu chuyện lễ cưới này có ý nghĩa và đáng nhớ qúa. Cha Paolo nhấp thêm vài ngụm trà rồi xin cáo biệt vì ngài có hẹn đi thăm viếng một bệnh nhân. Ngài vừa ra khỏi cửa thì cái không khí trang nghiêm của chuyện nhà thờ cũng loãng đi. Làng tôi ào ào nói các thứ chuyện khác. Rồi Chị Ba Biên Hoà lên tiếng hỏi ông bồ chữ ODP về mẩu tin liên hệ tới VN đang làm xôn xao thế giới: Đó là việc ngày 30 tháng Năm vừa qua ngài thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chê VN xâm lược và cai trị Campuchia trong 10 năm, từ 1979-1989. Lời tuyên bố này đã làm mất lòng VN và ngay cả chính quyền Campuchia. Ông Hun Many, con trai thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng ngay: Dân Campuchia chúng tôi đã phải trải qua gần 4 năm dưới sự cai trị diệt chủng của Pol Pot và Khmer Đỏ, gần 3 triệu người dân đã chết mà thế giới đã làm thinh, may mà nước láng giềng VN đã cứu chúng tôi. Nếu không có việc can thiệp này thì không biết số phận nước chúng tôi bây giờ sẽ ra sao. Ngày 16/11/2018 Tòa án quốc tế đã xét xử tội ác Khmer Đỏ và đã ra phán quyết kết tội diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ. Ngoài ra, bộ trưởng quốc phòng Campuchia, tướng Tea Banh, tối ngày 3/6 vừa qua đã phản đối gay gắt lời ông Lý Hiển Long, ông nói: Quân VN đến đây là để giải phóng dân tộc tôi, họ đã đến cứu được mạng sống chúng tôi...

Quân đội VN gồm 150 ngàn quân nhân, tháng 12/1978, đã tràn qua Campuchia, một phần để dẹp bọn lính Khmer ở biên giới thường sang VN cướp phá giết người, một phần để cứu nước láng giềng theo lời xin của thủ lãnh Hun Sen. Chỉ trong 1 tuần quân VN đã tới thủ đô, bọn Pol Pot bỏ chạy, VN đã giúp Hun Sen lập chính phủ mới và quân đội mới. Quân VN đã ở lâu trên đất Campuchia để tái lập an ninh trật tự theo mô hình VN. Sau 10 năm giúp đỡ, quân VN đã rút về nước 1989.

Con số 10 năm này chính là sự xâm lăng mà Ông Lý Hiển Long có ý nói tới.

Ông ODP bồ chữ của làng bây giờ mới thêm ý kiến riêng: Chính vì việc quân đội VN rút về nước năm 1989 nên mới sinh ra việc hội nghị Thành Đô 1990. Xưa nay ai cũng bảo Tập Cận Bình triệu tập các quan lớn cuả VC sang Tàu để tuyên bố về lịch Tàu hóa VN. Đây là một tin sai. Hội nghị Thành Đô 1990 không phải để nói về lịch sát nhập VN vào Tàu, mà là để Vua Tàu báo cho các chư hầu VN từ nay không được động tới Campuchia nữa. Campuchia là đất của tao, chứ không phải là đất của chúng mày, nghe rõ chửa?

Lần đầu tiên dân làng nghe giải thích ý nghĩa Hội Nghi Thành Đô khác với xưa nay, ai cũng tỏ ra ngạc nhiên hết sức. Ông bồ chữ ODP nói tiếp: Tàu Cộng đã coi VN mình thuộc về nó từ lâu rồi. Chứng cớ ư? Xin đọc lời Dương Khiết Trì, cựu bộ trưởng ngoại giao cuả Tàu Cộng. Lời này đăng trong nội san mật của Tàu Cộng. Tàu Cộng bảo nhau như thế này:

- Tại sao ta phải đánh chúng ( Việt Nam ) khi hơn 700 cây số vùng biên giới phía nam của ta đã được chúng dâng cho ta ? Nửa Thác Bản Giốc đã thuộc về ta, Ải Nam Quan đã được đổi tên là Hữu Nghị quan..

- Súng đạn nào mãnh liệt bằng những bao thư ta đã nhét vào túi bọn chúng để Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên của chúng?

- Xe tăng đại pháo nào mạnh bằng hàng ngàn công trình xây dựng để những sư đoàn Trung Hoa trong bộ áo công nhân đang có mặt trên xứ sở của chúng, từ Hữu Nghị Quan phía bắc tới tận mũi Cà Mau phía nam..

- Cần gì phải đánh khi chúng thay thế ta bắt bớ, đánh đập, bỏ tù những người dân nào dám phản đối Đại Hán ta. Người dân nào của chúng dám nói Hoàng Sa Trường Sa là của VN thì bị chính bọn chúng bắt bớ tra khảo thay cho ta...

- Cần gì phải đánh, cờ Đại Hán của ta từ 5 sao trở thành 6 sao phất phới trên toàn vùng lãnh thổ của chúng. Ta không cần phải đánh, ta chỉ cần viết sẵn những văn kiện để chúng sẽ đến xin ký để được làm vùng tự trị của Đại Hán ta...

Dân làng mặt ai cũng ngẩn ra. Ông ODP như biết được sư ngạc nhiên trong đầu mọi người, ông liền chứng minh: Ta cứ nhớ lại những lời các cựu lãnh tụ CSVN đã thừa nhận việc này, từ lâu rồi, như:

- Lê Duẫn: VN đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc

- Tố Hữu: Bên này biên giới là nhà, Bên kia biên giới cũng là anh em.

- Nguyễn Văn Linh: Thà mất nước chứ không mất Đảng

- Khẩu hiệu của công an: Còn Đảng còn mình...

Cụ già B.95 nghe bồ chữ ODP luận về cái gian manh của CSVN như vậy, coi là chói tai quá. Cụ chỉ thẳng vào tôi xin nghe chuyện khác. Tôi cũng ngấy chuyện VC quá rồi, hôm nay bị cụ B.95 kêu đích danh, không thể từ chối được, bèn xin kể chuyện cụ Đinh Bá Hoàn ở Ottawa Canada mà tôi có quen biết. Cụ Hoàn bút hiệu là Tú Hát. Cụ cùng thời làm thơ với nhà thơ Tú Mỡ. Tôi được quen cụ khi Cụ sắp về chầu Trời. Tôi thấy cụ lúc nào cũng vui vẻ yêu đời nên một hôm đã xin cụ chỉ cho bí quyết được sống hạnh phúc như cụ. Cụ vỗ vai tôi rồi nói nhỏ vào tai: lão chỉ có 2 bí quyết này: biết sợ vợ và không giận ai bao giờ. Bí quyết số 1 là điều mà nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã nói từ xưa: Trên đời này ta không nên sợ ai, nhưng nếu phải sợ thì nên sợ vợ mà thôi. Bí quyềt số 2 là ta không nên giận ai bao giờ, điều này ai cũng biết vì cả Chúa cả Phật đều dạy như vậy. Tôi kể xong chuyện cụ Tú Hát ở Canada xong bèn xin hết. Và tôi xin Cụ Chánh tiếp lời.

Cụ Chánh như có sẵn ý trong đầu bèn kể ngay: Vừa giờ bạn nói tới sợ vợ thì sẽ được hạnh phúc. Lão còn thấy ta còn phải sợ một cái nữa, cái sợ này có viết trong chuyện Tam Quốc Chí. Chuyện Khổng Minh và Trương Phi. Trương Phi thấy anh mình là Lưu Bị mất nhiều công sức đi cầu Khổng Minh thì trong bụng không phục. Bữa đó Lưu Bị di vắng, chỉ có Trương Phi và Khổng Minh ở nhà. Trương Phi đứng ngoài trướng cao giọng nói khích: Ta đây, người đất Yên, không sợ một ai, không sợ Trời, không sợ Đất, không sợ một thứ gì trên đời này cả. Khổng Minh trong trướng bước ra, rồi nói: Trên đời này Tướng quân phải sợ một thứ ! Trương Phi được dịp trút nỗi giận trong lòng, liền đáp: kẻ anh hùng trên đời liều nhất không ngoài cái chết. Tôi đây không sợ chết thì còn gì những thứ khác. Khổng Min đáp ngay: Tướng quân có dám đánh cuộc không? Trương Phi đáp: Dám ! Nếu tôi còn sợ thứ gì thì từ nay tôi để quân sư điều khiển tôi hoàn toàn. Còn nếu quân sư nói không đúng thì sao ? Khổng Minh đáp: Tôi sẽ để tướng quân điều khiển tôi. Hai người đồng ý đánh cuộc. Khổng Minh yêu cầu Trương Phi đưa bàn tay ra rồi ông lấy bút viết một chữ lên bàn tay Trương Phi. Trương Phi rút tay lại xem. Đó là chữ bệnh. Trương Phi mới nhớ ngày xưa khi còn đang bán hàng thịt, có lúc ốm nặng không cầm nổi con dao, lại nhớ câu nói cổ trong dân gian: anh hùng không sợ chết chỉ sộ bệnh. Trương Phi bèn xin thua Khổng Minh và từ đó xin phục tùng...

Rồi cụ Chánh kết: Lão không những sợ bệnh phần xác mà còn sợ bệnh phần hồn nữa. Muốn có hạnh phúc thật thì ta phải khoẻ cả thân xác cả tâm hồn, đúng như khẩu hiệu của Thế Vận Hội: Mens sana in corpore sano. Rồi cụ Chánh chắp tay: Chúc các bạn khoẻ cả xác cả hồn nha, Amen.

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chớm Hè Phượng Đỏ
Vũ Đình Huyến Lm.
08:26 10/06/2019
CHỚM HÈ PHƯỢNG ĐỎ
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)

Tôi tìm về với ký ức tuổi thơ
Nghe rạo rực sắc màu hoa Phượng đỏ
Vạt nắng rọi góc sân trường ngày đó
Cánh Phượng hồng trong gió bay bay…
(Trích thơ của Văn Liêm)
 
VietCatholic TV
Vinh danh Đức Mẹ cứu người lính nhảy dù thật ngoại thường trong cuộc đổ bộ Normandie
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:30 10/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vào ngày 6 tháng Sáu năm 1944, thường được gọi là D-Day, hơn 150,000 quân Đồng Minh đã tấn công vào bờ biển phía bắc nước Pháp, đánh dấu sự khởi đầu chiến dịch giải phóng quốc gia này khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

D-Day được nhớ đến như một thời khắc quyết định Thế chiến thứ Hai, nhưng D-Day cũng được gọi là ngày dài nhất trong Thế chiến thứ Hai và thương vong của hai bên được kể là kinh hoàng nhất. Theo các báo cáo khác nhau, từ 4,000 đến 9,000 quân Đức đã tử trận. Phía Đồng Minh còn bi thảm hơn với hơn 10,000 binh sĩ hy sinh khi cố gắng vượt qua các bãi mìn dưới hỏa lực rất mạnh của đối phương.

Năm nay là kỷ niệm lần thứ 75 cuộc tấn công này. 16 nhà lãnh đạo các quốc gia đã tham dự các lễ kỷ niệm trong đó có tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Theresa May. Tòa Thánh cũng đã cử Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục, cử hành thánh lễ khai mạc các sự kiện tưởng niệm.

Trong số các sự kiện tưởng niệm này, tờ Aleteia đã đề cập đặc biệt đến một sự kiện rất có ý nghĩa là hàng trăm người, trong đó có đông đảo các cựu quân nhân, đã tụ tập tại nhà thờ Sainte-Mère-Église tức là Mẹ Thánh Giáo Hội, để tôn vinh Đức Mẹ đã bảo vệ cho một người lính nhảy dù được thoát chết.

Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người kể chuyện mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây đang kể lại cho mọi người nghe biến cố Đức Mẹ cứu một người lính nhảy dù tên là John Steele thuộc Trung đoàn Dù 505 như thế nào.

Cuộc đổ bộ của các lực lượng bộ binh và thiết giáp vào bờ biển Normandie đã diễn ra vào lúc 6g30 sáng ngày 6 tháng Sáu năm 1944. Để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ, ngay sau nửa đêm ngày mùng 5, rạng sáng mùng 6, hàng đoàn máy bay đã mở cuộc oanh tạc vào các vị trí phòng thủ của quân Đức. Từ ngoài biển, các chiến hạm hải quân cũng bắn tới tấp vào bờ.

Lúc 3 giờ sáng, 900 quân nhân trung đoàn 505 Nhảy Dù được lệnh nhảy xuống nhà thờ Sainte-Mère-Église. Đó là khu vực được chừa ra không bị oanh tạc để bảo đảm an toàn cho lực lượng nhảy dù.

Quân Đức hoàn toàn bị bất ngờ vì trước đó trung tâm khí tượng Luftwaffe của Đức ở Paris dự đoán hai tuần tới là thời tiết bão tố, nên nhiều chỉ huy của quân Đức yên trí là sẽ không có các cuộc tấn công. Họ đã rời bỏ vị trí của mình để tham dự các trò tiêu khiển ở Rennes. Chính Nguyên soái Erwin Rommel cũng trở về Đức vào dịp sinh nhật vợ.

Sau vài giờ bị oanh tạc và pháo kích, quân Đức, trú đóng trong khu vực, như rắn mất đầu quyết định bỏ chạy. Nhưng trước khi rút lui, chúng đốt nhà và phá hủy các khí tài chiến tranh không thể mang theo.

Đó là một chuyện không may cho trung đoàn 505 Nhảy Dù. Lửa sáng rực bầu trời đã giúp quân Đức nhận ra những cánh dù đang từ từ đáp xuống. Chúng bắn như mưa lên trời. Một số lính nhảy dù không chết vì đạn bắn lên lại bị rơi vào đám cháy. Nhiều người bị treo trên cây và các cột điện và bị bắn trước khi họ có thể tự cắt dây để trèo xuống.

Trong cuốn hồi ký của mình, đã được dựng thành phim như quý vị và anh chị em đang thấy đây, anh John Steele, một người Công Giáo có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt cho biết cánh dù của anh vướng vào một cây thánh giá như có ai giữ anh lại. Từ vị trí bị treo lơ lửng đó anh có thể thấy mọi đồng đội của anh khi đáp xuống đều bị quân Đức chờ sẵn ở đó bắn chết.

Anh xác tín rằng Đức Mẹ đã cứu anh. Nếu anh không bị cây thánh giá giữ lại, anh chết là cái chắc. Anh còn xác tín điều đó hơn nữa khi một người lính Đức nhìn lên và thấy anh. Y bắn lên xối xả nhưng như có ai đó gạt các mũi đạn đi hướng khác. Tương kế tựu kế, anh gục đầu giả chết và thoát nạn.

Câu chuyện của anh đã được làm thành cuốn phim “The Longest Day” – “Ngày Dài Nhất” trong đó diễn viên Red Buttons đóng vai Steele.

Ủy ban hành chính địa phương đã quyết định treo một cánh dù và một hình nộm anh Steele tại chính ngay nơi thánh giá đã giữ cánh dù của anh lại như một hình thức nhắc nhở mọi người về phép lạ phi thường này.

Đồng phục và thiết bị của người nộm được thay đổi hai lần trong một năm do khí hậu mưa ẩm ướt trong khu vực.

Mỗi năm, vào ngày 6 tháng Sáu đều có lễ tôn vinh Đức Mẹ đã cứu anh Steele và nhiều quân nhân khác trong các hoàn cảnh thật phi thường; và ngày 16 tháng Sáu là buổi hòa nhạc quốc tế vinh danh Đức Mẹ.


Source: Aleteia