Ngày 05-06-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bangladesh lần đầu tiên có Đài phát thanh Công giáo
Tiền Hô
11:14 05/06/2016
Rajshahi (AsiaNews) - Hôm 3 tháng 6 năm 2016, Giáo phận Rajshahi của Bangladesh đã khánh thành Đài Jyoti ("Đài Phát thanh Ánh Sáng") - đây là đài Công Giáo đầu tiên của quốc gia này.

Đài Ánh Sáng hoạt động theo phương thức trực tuyến (online), cho phép thính giả nghe bằng điện thoại thông minh (smartphone).

Đức Cha Gervas Rozario của giáo phận Rajshahi nói: "Mục đích của đài chúng tôi là rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa và phổ biến giáo lý của Đức Giêsu Kitô qua các chương trình phát thanh".

Phòng thu âm và cơ sở phát sóng của Đài Ánh Sáng đặt tại Nhà thờ Công Giáo Emmaus ở giáo hạt Bogra của giáo phận Rajshahi.

"Thông qua đài phát thanh này, chúng tôi muốn loan báo và truyền tải đến người dân sống ở Bangladesh và ở hải ngoại về thánh ca, kịch nghệ và các giá trị cao đẹp của Giáo Hội Công Giáo, cũng như các nguyên tắc luân lý và đạo đức. Chúng tôi muốn tăng cường bảo vệ trẻ em, phụ nữ và môi trường. Chúng tôi trân trọng văn hóa Bengali (văn hóa cơ bản tại Bangladesh)".

Khoảng 25 bạn trẻ Công Giáo địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đã được đào tạo để có thể sản xuất ra các chương trình phát thanh cho đài. Hiện nay, đài Ánh Sáng phát sóng mỗi ngày 1 giờ, nhưng đang kế hoạch gia tăng thời lượng trong tương lai.

"Chúng tôi muốn sản xuất các chương trình dài hơn để thính giả quốc nội và hải ngoại có thể nghe tin tức về Giáo Hội trong nước, Giáo Hội toàn cầu cũng như tin tức về đời sống quốc gia". (AsiaNews)
 
Thánh Lễ ngày Năm Thánh cho các linh mục tại Vatican
VietCatholic Network
23:18 05/06/2016
Thánh lễ kết thúc tuần tĩnh tâm cho các linh mục do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 3/6/2016

Trong lúc ca đoàn hát lên bài ca “Hãy xót thương như Chúa Cha đã xót thương” thì đoàn đồng tế cùng Đức Thánh Cha tiến ra lễ đài…

Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá bắt đầu Thánh lễ và sau kinh cáo mình ca đoàn đã hát kinh Thương xót và Kinh sáng danh và sau đó Đức Thánh Cha đã đoọc lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, khi chúng con cử hành lễ Thánh Tâm Ðức Kitô, Con Một Chúa yêu dấu, Chúa ban cho chúng con được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì thương yêu chúng con. Xin dạy chúng con biết tìm đến Thánh Tâm Người để hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Sau đó là bài đọc 1 được trích từ sách Tiên tri Daniel như sau:

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”. Đó là lời Chúa.

Sau đó ca đoàn đã hát đáp ca là Thánh Vịnh 22

Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Đáp.

2) (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

Tiếp theo là bài đọc 2:

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 5-11

“Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người Đối với chúng ta “.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: GA 10,14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 15, 3-7 “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”. Đó là lời Chúa.

Sau đó Đức Thánh Cha đã diễn giảng:

Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha đã suy tư về “hai trái tim: trái tim của Vị Chúa Mục tử Nhân Lành” và trái tim của các linh mục.

Trái tim của Chúa Chiên Lành không chỉ là trái tim bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót, nhưng tự bản chất của nó là lòng thương xót. Đức Thánh Cha nhắc nhở các linh mục rằng “Trái tim của Chúa Chiên Lành chiếm đoạt chúng ta nhưng trên hết Ngài tiếm đạt những người xa cách Ngài nhất.”

Việc chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, Trái Tim Vị Chúa Chiên Lành là một lời mời gọi các linh mục suy nghĩ về câu hỏi, “trái tim tôi đang hướng về đâu?” Đức Thánh Cha nói: Linh Mục thừa tác thường bị cuốn hút vào các kế hoạch, dự án và hoạt động. Trong khi điều cần thiết như Đức Thánh Cha nói và mời gọi các linh mục hãy nhìn vào Trái tim Chúa Giêsu, Ngài đang hướng về hai kho báu là Chúa Cha và tha nhân. Vậy chúng ta hãy tập trung vào việc cầu nguyện với Chúa Cha và gặp gỡ tha nhân”. Cũng như Chúa Giêsu, các linh mục nên có trái tim qui hướng về Thiên Chúa và về anh chị em của mình.

Sau đó Đức Thánh Cha gợi lên ba ý tưởng để giúp các linh mục hun đúc cho trái tim mình là hãy “nung nấu lửa bác ái của Vị Chúa Chiên Lành”, đó là tìm kiếm chiên lạc; đưa chúng về đàn; và vui mừng khi tìm được chúng. Giống như Vị Mục Tử Tốt Lành đi tìm con chiên lạc, các linh mục không chỉ “giữ cho cửa đoàn chiên được rộng mở,” mà còn tích cực đi tìm những người đã lìa bỏ cộng đoàn. Các linh mục hãy hoà mình vào cộng đoàn và chào đón tất cả mọi người. Đức Thánh Cha nói Không được loại trừ một người nào! Đức Thánh Cha nói mọi người phải được chào đón với một trái tim rộng mở, qua việc cầu nguyện và nụ cười thân thiện của các linh mục.” Cuối cùng, niềm vui của Chúa Giêsu không phải là một niềm vui giữ cho riêng mình, nhưng được chia sẻ cho người khác, đó là niềm vui đích thực của tình yêu và đó cũng là “niềm vui của các linh mục “.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng nhắc lại lời thánh hiến, cầu nguyện của các linh mục hàng ngày trong Thánh Lễ: “Này là Mình Thày bị nộp vì anh em.” Anh em thấy, đấy là ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta; với những lời này, một cách thực tế, chúng ta hãy làm mới lại lời hứa này hàng ngày, lời hứa mà chúng ta đã đoan thề khi chịu chức linh mục” và Đức Thánh Cha cám ơn các linh mục về lời thưa “xin vâng” dâng hiến cuộc sống mình để “kết hiệp với Chúa Giêsu “.

Sau đó là Lời nguyện giáo dân được đó bằng nhiều thứ tiếng. Lời nguyện thứ nhất bằng tiếng Pháp cầu nguyện cho tất cả tín hữu biết hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa và biết gắn bó với tình bằng hữu cùng Chúa.

Lời nguyện thứ hai được đọc bằng tiếng Polacco cầu xin cho chúng ta được biết rập khuôn theo Thánh Tâm Chúa và thánh hóa cuộc đời chúng ta.

Lời nguyện thứ ba được đọc bằng tiếng Bồ Đào nha cầu xin cho chúng ta biết kín múc sự khôn ngón và lòng nhân ái từ Trái tim Chúa để biết phục vụ lẫn nhau.

Lời nguyện thứ bốn được đọc bằng tiếng Trung quốc cầu nguyện cho giới trẻ biết sống một cuộc sống tốt lành theo Thần khí biết tránh xa tinh thần thế tục

Lời nguyện thứ năm được đọc bằng tiếng Telesco xin cho cuoc đời cứu chuộc của Chúa trổ sinh hoa thơm và niềm hy vọng cho con cái Chúa

Cuối cùng Đức Thánh Cha đọc lời nguyện kết thúc:

Lạy Thiên Chúa là Cha, xin nhờ Thánh Tâm của Con Cha là Đức Gie6su Kito mà giao hòa chúng con, đem lại ơn cứu độ cho chúng con trong tình yêu và ân sủng của Chúa Cha, Nhờ Chúa Kito6 Chúa chúng con.

Sau đó Đức Thánh Cha tiếp tục nhận của lễ và bước vào phần Thánh Thể với Kinh nguyện Thánh thể thứ nhất

Kết lễ Đức Thánh Cha đọc lời nguyện kết lễ:

Lạy Chúa, xin cho bí tích tình yêu này hằng lôi kéo chúng con đến cùng Ðức Kitô Con Một Chúa, để chúng con được cháy lửa yêu mến nồng nàn và biết nhận ra Người hiện diện trong mỗi anh chị em chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Và Đức Thánh Cha ban phép lành trọng thể cho mọi người tham dự.

Kết thúc ca đoàn và mọi người cùng hát Bài Lạy Nữ Vương Thiên đàng để kính dâng Mẹ Maria.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cha Giuse Trần Văn Kiểm, Giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam GP Orange mừng kỉ niệm 25 năm linh mục
William Nguyễn
17:14 05/06/2016
WESTMINSTER, NAM CALI - Cha Giuse Trần Văn Kiểm, hiện là Giám đốc và Linh hướng Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Orange, Nam Cali hôm 4 tháng 6, 2016 lúc 10 đã long trọng cử hành Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 25 năm Linh mục tại nhà thờ Saint Barbara, là cộng đoàn Công Giáo Việt Nam lớn nhất tại hải ngoại.
Trong thánh lễ đồng tế có sự hiện diện của ĐC Mai Thanh Lương, Lm Trần Công Nghị, Lm Nguyễn văn Chuẩn, Lm Nguyễn văn Tuyên, Lm Nguyễn văn Sơn, Lm Chu Vinh Quang, Lm Nguyễn văn Luân và một số các linh mục thân hữu.

Hình ảnh

Trong bài giảng, Cha Trần Văn Kiểm đã chia sẻ về những chặng đường linh mục của Ngài, phần nào nói lên tinh thần phục vụ và liên kết với Cộng đoàn Dân Chúa tại Nam Cali như sau:

Kính thưa tất cả ông bà và anh chị em,

Tôi đã chịu chức linh mục, còn bốn ngày nữa là đúng 25 năm. Chính xác là ngày mồng 8 tháng 6 năm 2016. Còn 4 ngày nữa mới là 25 năm linh muc... Tôi nghĩ rằng trước sau gì cũng tổ chức ngày kỷ niệm, cho nên cứ làm trước đi cho nó chắc ăn. Nếu ngày mai Chúa có gọi về, thì mọi sự cũng đã xong rồi, bởi vì từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người.

Trong suốt 25 năm linh mục, tôi đã đi tới bẩy cộng đoàn: Anaheim, Hungtington Beach, Thánh Linh, St. Barbara, Tustin, Polycarp, và St. Columban. Nhưng mà cộng đoàn St. Barbara này là cộng đoàn tôi ở lâu nhất. Tổng cộng là 9 năm. Lần thứ nhất ở St. Barbara 7 năm, rồi đi một vòng các giáo xứ khác 12 năm. Rồi người ta có câu Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về, thế là tôi lại trở về St. Barbara thêm 2 năm nữa tổng cộng là 9 năm. Lúc đó tôi nghĩ rằng, tôi sẽ về hưu luôn ở đây, ở nhà thờ St. Barbara này. Người ta nói rằng Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về, chứ có ai nói rằng Nguyễn về rồi Nguyễn lại đi đâu. Thế mà Nguyễn về rồi Nguyễn lại đi.

Sau hai năm được ở thêm tại St.Barbara này, tổng cộng là 9 năm, tôi lại phải đi. Rồi cuối cùng, đi tới một nơi mà mình không bao giờ nghĩ tới là mình sẽ đi tới nơi đó. Đó là Trung Tâm Công Giáo. Chính vì đi như vậy mà tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu giáo xứ, biết bao nhiều cộng đoàn, với những đặc tính đáng yêu của nó.

Có một câu định nghĩa về Giáo Hội như thế này: Giáo Hội bước đi bằng đôi chân của các linh mục” Nếu các linh mục không ra đi, nếu các linh mục không lên đường theo lệnh truyền của Giáo Hội, thì làm sao Giáo Hội có thể hoàn thành sứ mạng của mình. Bởi vì Giáo Hội bước đi với đôi chân của các linh mục. Cho nên khi các ngài dừng lại, mọi thứ cũng dừng lại. Khi các ngài bước tới, mọi sự sẽ được bắt đầu, mọi sự sẽ được bước tới.

Không phải chỉ Giáo Hội bước đi bằng đôi chân của các linh mục, mà chính Chúa Giêsu cũng bước đi bằng đôi chân của các linh mục. Trong Phúc Âm nói rõ rằng Chúa chọn các môn đệ và sai các ông đi. Có chỗ khác chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều đó: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Như thế, trong thế giới ngày hôm nay, Chuá Giêsu bước đi bằng đôi chân của các linh mục, và bằng đôi chân của từng người trong chúng ta nữa.

Nhưng ngày hôm nay, trong thánh lễ này, chúng ta nhấn mạnh tới việc Chúa Giesu bước đi bằng đôi chân của các linh mục. Ở nơi đâu có linh mục thì ở nơi đó có thánh lễ, ở nơi đâu có linh mục thì ở nơi đó có bí tích Thánh Thế. Ở nơi đâu có linh mục thì ở nơi đó có ơn tha tội. Ở nơi đâu có linh mục thì Tin mừng được rao giảng. Ở nơi đâu có linh mục thì ở nơi đó có nhiều người được ơn cứu độ.

Hiện tại trong địa phận của chúng ta có tới, 51 linh mục Việt Nam thuộc về Giáo Phận Orange này, tôi nói là thuộc về Giáo phận Orange. Còn không thuộc về Giáo Phận Orange, cũng có thêm một số cha khác nữa. Khi tôi tới California năm 1986, thì các linh mục Việt Nam rất là ít, và người Việt nam cũng ít.

Tới năm 1991, tôi chịu chức linh mục, cũng chưa có nhiều cha, năm 1992 cho tới năm 1994, một lúc tôi phải coi hai cộng đoàn Huntington Beach và cộng đoàn Thánh Linh vì không có đủ cha. Nếu mà tính theo thứ tự, thì tôi cũng thuộc vào các linh mục Việt Nam đầu tiên chịu chức tại địa phận Orange này.

Các ông bà và anh chị em biết tôi đứng hàng thứ mấy không? Thứ năm, nếu tính theo kiều người Bắc. Cha Chuẩn là thứ Nhất, Cha Tuyên là Thứ Nhì, Cha Sơn là thứ Ba, Thứ bôn là ai….? Cha Luân là thứ Bốn. Tôi là Thứ Năm. Cha Chuẩn là anh nhất, cha Tuyên là Anh Nhì, Cha Sơn là Anh Ba, Cha Luân là Anh Bốn, Tôi là anh Năm. Ông bà va anh chị em biết. Năm này là Năm gì không? Năm Lửa chứ không phải là Năm Ve Chai đâu. Cha Sỹ cũng là Năm, mà Cha Quang cũng là Năm. Tôi thì không thích tính theo kiểu người Nam, bởi vì tính theo kiểu người Nam thì cha Chuẩn là anh Hai, như thế tôi là anh Sáu cơ, mà Sáu này là Sáu gì. Sáu Gỗ. Sáu gỗ kể là Amen rồi đó. Bởi vì sáu gỗ là sáu tấm.

Chỉ ở ngoài nghĩa trang Chúa Chiên lành mới có Sáu Tấm mà thôi. Nhưng mà cuối cùng, tất cả mọi người, dù là linh mục hay giáo dân, chúng ta cũng đều có ngày kết thúc ở nơi trần gian này.

Trong ngày hôm nay là ngày lễ kỷ niệm 25 năm linh mục của một linh mục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các linh mục.Vâng, cầu nguyện cho tất cả các linh mục. Xin Chúa ghi khắc hình ảnh Chúa vào tâm hồn các Linh mục, để các ngài trở thành những Kitô-thứ-hai của Chúa. Chúng ta xin Chúa cho cho các Linh mục biết sống theo ánh sáng Đức tin / luôn tin tưởng vào quyền năng vô biên của Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng ta hãy xin Chúa cho các Linh mục biết sống nội tâm, siêng năng cầu nguyện, lấy Mình Máu Thánh Chúa và Tin Mừng làm lương thực hằng ngày.

Chúng ta hãy xin Chúa cho các Linh mục biết thật lòng mến Chúa và yêu người, biết hy sinh cuộc đời vì tha nhân, biết nêu gương khiêm nhường, khó nghèo, hiền hòa, trong sạch, để mọi người nhận ra Chúa Giêsu nơi các Linh mục. Chúng ta xin Chúa cho các linh mục biết vâng lời các đấng bề trên. Chúng ta xin cho cho các Linh mục biết đoàn kết với anh em Linh mục trong việc mở mang nước Chúa.

Chúng ta xin Chúa cho các Linh mục trở thành những mục tử nhiệt thành săn sóc đoàn chiên, biết tìm kiếm những con chiên thất lạc, biết săn sóc những con chiên bệnh hoạn, biết chữa lành những con chiên đau yếu. Chúng ta hãy xin Chúa thương nâng đỡ các Linh mục yếu đuối, an ủi các Linh mục sầu buồn, khích lệ các Linh mục nản chí.

Ngày hôm nay lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria, xin Mẹ hãy nhận tất cả các linh mục làm con của Mẹ, như ngày xưa Mẹ đã nhận Chúa Giesu, linh mục đời đời, làm con chí ái của Mẹ.


Sau thánh lễ có Tiệc Mừng Cha Giuse Giuse Kiểm tại Seafood Palace Restaurant với chừng 600 người tham dự. Phần văn nghệ do các ca đoàn thuộc các cộng đoàn mà cha Giám đốc đã từng phục vụ. Mọi người hân hoan vui mừng chia sẻ niềm vui với Cha giám đốc Trung tâm Công Giáo Việt Nam tại Orange.
 
TGP Hà Nội: Thánh Lễ Tạ Ơn cho Khóa Sa Mạc Trợ Úy
Jos. Văn Nhất
17:29 05/06/2016
Hà nội - Vào lúc 9h00 thứ bẩy ngày 04 tháng 6 năm 2016, tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà nội đã diễn ra thánh lễ tạ ơn kết thúc khóa huấn luyện Sa Mạc Trợ Úy.

Hình ảnh

Chủ sự Thánh lễ do Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn. Đồng tế với ngài có cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh - Sa mạc trưởng, đặc trách thiếu nhi tổng giáo phận; cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái - tuyên úy sa mạc; Cha Giuse Nguyễn Quốc Hùng - Đặc trách thiếu nhi hạt chính tòa; Cha Phanxico Xavie Trần Truyền Giáo - phó ban điều hành sa mạc, đặc trách thiếu nhi giáo hạt Nam Định, và gần 200 Sa Mạc Sinh.

Được biết khóa huấn luyện này diễn ra trong năm ngày (từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 04 tháng 6 năm 2016) Khóa học nhằm giúp cho quý Thầy Đại Chủng Viện, quý Sơ và các Ứng Sinh nhà Gioan có thêm hiểu biết về phong trào TNTT khi đến giúp mục vụ tại các giáo xứ.

Năm ngày huấn luyện với năm chủ đề khác nhau: Ngày Cầu Nguyện; Ngày Thánh Thể; Ngày Hy Sinh; Ngày Làm Tông Đồ; Ngày Lên Đường. Dưới sự hướng dẫn của quý cha dòng Thừa Sai Đức Tin, quý cha và các trưởng của Liên Đoàn Anre Phú Yên.

Ngày đầu tiên với ý lực sống là Cầu nguyện. Sau nghi thức khai mạc, các sa mạc sinh lần lượt được các cha tuyên úy và các trưởng Liên Đoàn chia sẻ các bài khóa về phong trào TNTT. Các Sa Mạc Sinh được hướng dẫn làm quen với phương pháp hàng đội. Phương pháp này giúp các đoàn sinh rèn luyện tinh thần kỷ luật, ý thức tự giác, tinh thần đồng đội và phát huy khả năng lãnh đạo.

Ngày Sa Mạc thứ hai với chủ đề Thánh Thể, đêm Lửa Thiêng Thánh Thể khá ấm cúng với các tiết mục diễn nguyện xoay quanh chủ đề: "Đi tìm lòng thương xót". các Sa Mạc Sinh đã thực sự sống lại trong khung cảnh Thánh Kinh để diễn tả và cảm nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các phần diễn nguyện về các dụ ngôn: Người Cha Nhân Hậu, Người Samaritanô nhân hậu, Người đầy tớ không biết thương xót và Lòng thương xót của người Kitô hữu ngày nay. Các Sa Mạc Sinh đã có những giờ phút thinh lặng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, lắng nghe Chúa nói...

Ngày thứ ba của khóa huấn luyện, với ý lực sống là Hy sinh, các Sa Mạc Sinh đã được học hỏi về Vai trò của Trợ Úy trong phong trào và cách thức tổ chức đoàn thiếu nhi sao cho có phương pháp và hiệu quả theo tinh thần Thiếu Nhi Thánh Thể.

Ngày thứ tư, các Sa Mạc Sinh đã trải nghiệm một Hành trình Sa mạc thật bổ ích và hấp dẫn để lại nhiều bài học quý giá qua trò chơi lớn. Dù thời tiết rất oi bức, nhưng với lòng hăng say và nhiệt huyết, các Sa Mạc Sinh đã hoàn thành Hành trình Sa mạc với một khí thế hào hứng và vui tươi, sáng tạo cho đến giây phút cuối cùng.

Ngày thứ tư với ý lực sống là: Lên Đường. Cao điểm là thánh lễ tạ ơn kết thúc khóa huấn luyện Sa Mạc Trợ Úy.

Năm ngày huấn luyện trôi qua thật nhanh, các Sa Mạc Sinh đã nhập cuộc với tất cả sự hăng say trong những hoạt động căn bản của một Sa mạc huấn luyện. Với tinh thần cầu tiến ham học hỏi, nhiệt huyết Tông đồ và tinh thần sáng tạo cao độ các Sa Mạc Sinh đã gặt hái được những bài học và kinh nghiệm hữu ích cho sứ vụ giáo dục đức tin sắp tới.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đoản Khúc Dương Cầm
Đặng Đức Cương
18:03 05/06/2016
ĐOẢN KHÚC DƯƠNG CẦM
Ảnh của Đặng Đức Cương
Bài ca không lời
Dưới ánh trăng rơi
Chọn bài sonata
Điệu buồn ballade
Lãng mạn vô biên
Lạc bước thành Vienne
Nhịp Valse đoản khúc
Cho tim thổn thức
Dạ khúc Chopin..
(Trích thơ của Khả Nhi)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Phương pháp bóc cái màn background
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:27 05/06/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic.

Trong video này Kim Thúy sẽ trình bày với các bạn về cách bóc cái màn background phía sau người xướng ngôn viên.

Đây là trở ngại lớn đối với nhiều người. Cho nên, nếu các bạn làm được, các bạn đã đạt đến “bậc thượng thừa” trong công việc editing đấy nhé.

Cái chiêu bóc cái màn background này gay go lắm. Nhưng mà các bạn đừng lo, VietCatholic làm sẵn cho các bạn các presets. Dùng những presets này, các bạn sẽ bóc được dễ dàng.

Trước hết, các bạn download những presets của VietCatholic ở đây.

Sau khi download xong.

Bạn khởi động Adobe Premiere,

Bạn vào tab Effects chỗ Presets và lần lượt import các presets trong folder chúng tôi đặt tên là Presets.

Sau khi đã import xong các presets của VietCatholic, giờ đây Kim Thúy giả định là các bạn có một cái clip trong TimeLine và muốn bóc cái màn background.

Đầu tiên, chúng ta chọn trong Presets cái Four Point Preset, và kéo nó vào cái clip đang edit. Cái preset này sẽ vẽ một tứ giác trên cái clip; và loại bỏ những phần bên ngoài tứ giác. Do đó, nó giúp bỏ đi một phần đáng kể diện tích muốn bóc và như thế giải thuật của chúng ta dễ thành công hơn và hình đẹp hơn.

Một đôi khi chúng ta phải chỉnh lại các tọa độ để khỏi cắt phạm vào người xướng ngôn viên.

Các bạn có thể thay đổi tọa độ của các đỉnh của tứ giác bằng cách đánh máy trực tiếp.

Các bạn cũng có thể thay đổi tọa độ của các đỉnh của tứ giác bằng cách nhấn vào cái title Four Point Garbage Matte này. Cái tứ giác sẽ hiện ra và bạn dùng con mouse điều chỉnh lại cho phù hợp. Nếu khó thấy hết các đỉnh của tứ giác thì bạn thay đổi kích thước của cái Panel Output View.

Sau đó, chúng ta kéo tiếp một cái Preset nữa là Ultra Key Preset vào cái clip.

Gần xong rồi đấy các bạn.

Bây giờ, chúng ta cần kiểm tra lại xem cái background có bị bóc hoàn toàn hay không.

Chọn Alpha Channel nếu chúng ta thấy những chỗ mầu trắng không có những đốm đen và những chỗ mầu đen không có những đốm trắng bàng bạc.

Như thế này là chưa được.

Nếu chưa được, bước đầu tiên là ta dùng cái tool color selector này để chọn mầu khác. Bạn nhấn cái tool vào chỗ đậm nhất. Thông thường, mọi sự sẽ đâu vào đấy.

Nhưng nếu vẫn chưa được thì ta chỉnh cái Transparent, Highlight và Shadow cho đến khi không còn những đốm đen, đốm trắng là được.

Bước tiếp theo chúng ta lôi vào trong Adobe Premiere một cái file background.

Nâng cái video clip lên một layer khác để chèn cái background bên dưới.

Nếu cái background bên dưới có vẻ rực rỡ quá làm lu mờ người xướng ngôn viên khả ái của chúng ta thì giảm cái opacity của nó xuống sẽ làm người xướng ngôn viên của chúng ta nổi bật hơn.

Sắp xếp lại chút đỉnh nữa là được.

Kim Thúy muốn lưu ý các bạn một điểm quan trọng này. Trong một studio, ta nên có hai backgrounds khác nhau. Một cái màu xanh lá cây, và một cái màu xanh dương để đề phòng trường hợp người xướng ngôn viên mặc áo trùng với màu background.

Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn có thể tránh khỏi trường hợp có những đốm trên áo người xướng ngôn viên trùng với background, đặc biệt là với những áo dài có nhiều bông hoa. Trong trường hợp này, một số chỗ sẽ bị “screen through”, nghĩa là người xem có thể nhìn xuyên qua thấy cái background bên dưới.

Khi gặp trường hợp này ta phải “vá” lại.

Các bạn có thể xem cách vá trong đoạn video sau.

Chúc các bạn thành công.

Video này minh họa trường hợp bị screen through, người xướng ngôn viên mặc áo có nhiều bông hoa trong đó có cả những bông màu xanh lá cây và bông màu xanh dương.

Màn background hiện nay là màu xanh lá cây. Nếu chúng ta đổi màu cái màn background thành xanh dương, tình hình xem ra có thể còn trầm trọng hơn vì diện tích màu xanh dương còn nhiều hơn màu xanh lá cây.

Theo trình tự bình thường, chúng ta kéo cái preset 4 Points vào trong cái clip, để xoá một phần background.

Bây giờ, chúng ta kéo cái Ultra Key Preset vào nữa.

Chuyển qua cái Alpha Channel để kiểm tra, chúng ta thấy ngay vấn đề.

Như đã nói ở trên, chúng ta cố khắc phục bằng cách dùng Color Selection Tool để chọn Key Color đậm hơn nhưng xem ra vô hiệu.

Chỉnh Transparent, Highlight và Shadow cũng không đi đến đâu.

Bây giờ chúng ta làm như sau:

Chọn menu File / New / Black Video

Kéo cái Black Video mới làm vào trong TimeLine.

Chúng ta làm cái cái Black Video này active.

Trong Effect Controls, chúng ta sửa cái kích thước video này cho nhỏ lại.

Bây giờ, dùng Video Effects / Change to Color để sửa màu cái Black Video thành ra cái màu bông hồng trên áo.

Kéo cái Preset 4 points vào cái Black Video để cắt cho phù hợp với chỗ cần vá lại.

Rồi bỏ xuống layer bên dưới.

 
Giáo Hội Năm Châu 31/05 –06/06/2016: Giáo Hội Nhật Bản kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:00 05/06/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Giám Mục Nhật Bản kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử

Các Giám Mục Nhật Bản tái kêu gọi bài trừ vũ khí nguyên tử, học các giáo huấn của Đệ Nhị Thế Chiến, và đừng lập lại các lỗi lầm quá khứ.

Hội Đồng Giám Mục Nhật đã đưa ra lời kêu gọi trên đây nhân chuyến viếng thăm Hiroshima của tổng thống Barack Obama ngày 27 tháng 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm viếng thăm nơi quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945.

Bình luận về chuyến viếng thăm này Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi, Giám Mục Niigata, nói chuyến viếng thăm này là một “ngạc nhiên thích thú”, và có thể góp phần phát triển ước mong của nhiều người dân Nhật muốn bài trừ vũ khi nguyên tử. Hoà bình đích thật không thể đạt được mà không có việc duyệt xét luơng tâm liên quan tới các trách nhiệm của quá khứ. Bất cứ hoạt động nào cho một thế giới không có vũ khí nguyên tử đều đáng cầu mong và được đón nhận. Nhưng không thể tiến tới, nếu không suy tư sâu rộng trên các giáo huấn của Đệ Nhị Thế Chiến và các biện pháp cần áp dụng hiện nay để duy trì hoà bình.

Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã luôn luôn lưu tâm tới đề tài này trong các năm 1995, 2005 và 2015, nhân các dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm và 70 năm bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và Nagasaki và chấm dứt thế chiến. Giáo Hội đã luôn luôn dấn thân cổ võ hoà bình và khước từ chiến tranh. Trong một tài liệu công bố ngày mùng 7 tháng 4 vừa qua các Giám Mục Nhật đã tố cáo hai luật có hiệu lực từ ngày 29 tháng 3 năm 2016, cho phép quân đội Nhật can thiệp trợ giúp một đồng minh gặp nguy hiểm trong một cuộc xung khắc ngoại quốc. Như thế hai luật mới này tránh khoản 9 của Hiến Pháp cấm Nhật Bản dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Các Giám Mục nhấn mạnh rằng khổ đau do các vũ khí nguyên tử gây ra vượt ngoài mọi lời nói. Chúng ta hãy làm sao để đừng lập lại các lỗi lầm quá khứ, nhưng phải suy tư nghiêm chỉnh về điều chúng ta được mời gọi làm trong tư cách công dân và kitô hữu. Chính qua lời cầu nguyện, chứ không phải qua các sức mạnh vũ trang, mà chúng ta đi lên để xây dựng một nền hoà bình dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

2. Nigeria - “Hơn 1,3 triệu Kitô hữu buộc phải chạy trốn khỏi miền bắc Nigeria”

Tin của Thông tấn xã Fides từ Thành phố Abuja loan đi ngày thứ Hai 30/5/2016 thì ở miền Bắc Nigeria, yu72 giữa năm 2006 tới 2014 ước tính có khoảng 11.500 Kitô hữu bị giết, hơn 1,3 triệu người Kitô hữu bị buộc phải di tản và 13.000 nhà thờ bị phá hủy hoặc bỏ hoang.

Đức Hồng Y Joseph Bagobiri, Giám Mục Giáo phận Kafanchan đã nêu ra các con số trên trong bài tường trình bày của Ngài tại Hội nghị Quốc tế được nhóm họp tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (UNO), New York, Hoa Kỳ với nhan đề “Ảnh hưởng của bạo lực dai dẳng trên Giáo Hội tại miền Bắc Nigeria”.

Các cộng đồng Kitô hữu bị ảnh hưởng nhiều nhất ở miền bắc tiểu bang Adamawa, Borno, Kano và Yobe. Kitô hữu ở các vùng này phải di tản tới các vùng có nhiều Kitô giáo định cư như vùng lưu vực miền Trung: Plateau, Nassarawa, Benue, Taraba và một phần phía Nam của Kaduna.

Nhưng trong những tháng gần đây, các khu vực bị ảnh hưởng do bạo lực ngay cả trong những “Cộng đồng có nhiều Kitô hữu sinh sống như miền Trung lưu vực cũng bị những lượng lượng Hồi giáo xâm lược và tấn công dã man. Đây là những cuộc chiếm hữu trắng trợn đất đai tổ tiên của những người Kitô giáo đã sống lâu đời gầy dựng lên và của các cộng đồng các sắc tộc thiểu số”.

Đức Hồng Y Bagobiri trong bài tường trình gửi đến Fides đã viết “Trong nhiều vùng của những người du mục Fulani đã không ngừng bị khủng bố, bị tiêu diệt như ở Agatu thuộc tiểu bang Benue và Gwantu, Manchok thuộc quốc gia Kaduna đã xảy ra nhiều cuộc tấn công diệt chủng từ 150 đến 300 người mỗi đêm “.

Đức Hồng Y Bagobiri kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy gây áp lực lên các nhà chức trách Nigeria để họ bảo đảm sự tự do tôn giáo cho các Kitô hữu và các dân tộc thiểu số khác ở miền bắc Nigeria, và giải quyết khẩn cấp việc cung cấp nhân đạo cho các nhóm người tỵ nạn.

3. Đức Thánh Cha tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

Trưa 28-5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican đón tiếp 400 trẻ em vùng Calabria đến thăm Toà Thánh.

Chuyến xe lửa trẻ em năm nay có khẩu hiệu là “Đuợc các làn sóng đưa đi”, do sáng kiến “Sân Dân Ngoại” của Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá tổ chức. 400 trẻ em nói trên đến từ các trường khác nhau vùng Calabria nam Italia, là nơi có đông người di cư tỵ nạn cặp bến. Linh Mục Laurent Mazas, giám đốc điều hành Sân của dân ngoại, cho biết chuyến xe lửa năm ngoái gồm con cái của các cha mẹ bị tù. Năm nay nó gồm phân nửa trẻ em Ý phân nửa trẻ em con của những người di cư tỵ nạn đã trở thành bạn của nhau trong các trường học. Hằng năm Bộ Hoả Xa Italia dành cho cha một chuyến xe lửa miễn phí chở các trẻ em về Vatican đi về trong một ngày. Truớc chuyến đi các em đã được chuẩn bị tinh thần và sư phạm để hiểu biết ý nghĩa của các chuyến xe lửa viếng thăm này.

Đón tiếp các em tại nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican cũng có các trẻ em thuộc Dàn nhạc thiếu nhi “Bốn bài ca” tình Palermo, và Hiệp hội “Thể thao vô biên giới”. Cha Mazas cho biết lần trước cha đã hỏi Đức Thánh Cha “Thưa Đức Thánh Cha chúng ta làm thêm một chuyến xe lửa nữa chăng?” Ngài đã tươi cười trả lời: “Ồ có chứ, tôi thích nó, tôi thích nó”. Và lần này cũng có 400 trẻ em được Đức Thánh Cha tiếp đón tại nhà ga Vatican. Ngoài việc gặp gỡ Đức Thánh Cha các em cũng được hướng dẫn viếng thăm quốc gia thành phố Vatican, cầu nguyện bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn Toàn Xã, và viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô.

4. Hội nghị học đường quốc tế tại Vatican

Trong các ngày 27-29 tháng 5 Hội nghị các học đường quốc tế đã diễn ra tại nội thành Vatican với sự tham dự của 400 đại diện đến từ 190 quốc gia.

Hội nghị do Hàn Lâm viện các khoa học của Toà Thánh và Bộ Giáo dục Công Giáo tổ chức với sự tham dự của các giới chức chuyên môn thuộc 40 đại học năm châu và có đề tài là “Đại học và học đường: một bức tường hay một cây cầu”. Việc phân tích do dại diện của nhiều tôn giáo cũng như các chuyên viên khoa học não bộ, trí thức luận và chính trị đảm trách.

Từ phiá Giáo Hội Công Giáo có Đức Tổng Giám Mục Angelo Vincenzo Zani, Thư ký Bộ giáo dục Công Giáo trình bầy về đề tài “sứ mệnh học đường theo tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô”. Trong số các thuyết trình viên cũng có bà Shahrzad Houshmnd Zadeh, giáo sư Khoa nghiên cứu Hồi giáo thuộc Đại học giáo hoàng Gregoriana Roma, đại diện cho thế giới hồi giáo nói về “học đường như cây cầu đối thoại liên tôn và liên văn hóa”; ông Tamar Hay Sagic thuộc trường Twinned Peace Sport Trung tâm Perez thăng tiến hoà bình giữa Israel và Palestine trình bầy về “việc dùng thể thao như dụng cụ thăng tiến cuộc sống chung và hiểu biết giữa hai dân tộc”; giáo sư Luigi Berlinguer, nguyên Bộ trưởng giáo dục và đại học Italia, trình bầy về “học đường và sư phạm của cuộc gặp gỡ”. Cũng có đại diện của các nước Nigeria, Tay Ban Nha, Brasil, Gibuti, Israel, Palestina và Argentina tham dự. Mười hai bạn trẻ tham dự đến từ các nước Argentina, Australia, Các vương quốc A rập, Mozambic, Tây Ban Nha và Paraguay.

Sau ba ngày hội học các tham dự viên soạn thảo các đề nghị và giải pháp cụ thể cho hai vấn đề lớn của thế giới ngày nay: đó là sức hấp dẫn của nạn khủng bố quốc tế đối với người trẻ, và vai trò của giới trẻ trong việc săn sóc căn nhà chung, tiềm năng của họ đối với việc thay đổi thế giới.

Hội nghị đã kết thúc chiều Chúa Nhật với cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI.

5. Đức Thánh Cha tiêp kiến tổng thống Costa Rica

Sáng ngày 27 tháng 5 vừa qua Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tổng thống Costa Rica, ông Luis Guillermo Solis Rivera.

Thông cáo Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc hội kiến thân tình hai bên đã đề cập tới các tương quan tốt đẹp giữa Toà Thánh và nước Costa Rica, cũng như việc chính quyền đánh giá cao phần đóng góp của Giáo Hội cho dân nước này, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, sức khỏe và thăng tiến các giá trị nhân bản và tinh thần, cũng như trong các hoạt động bác ái. Ngoài ra, cũng có một số vấn đề được bàn đến như việc bảo vệ sự sống con người, nạn di cư và buôn bán ma tuý. Sau cùng là vài vấn đề vùng miền và quốc tế.

Sau khi hội kiến với Đức Thánh Cha tổng thống Costa Rica đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Paul Richard Gallagher.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Singapore

Sáng 28/5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Singapore Tony Trần Khánh Viêm. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng tiếp kiến người đứng đầu nhà nước của quốc gia nhỏ bé này.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, “trong cuộc thảo luận thân tình, những quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Singapore đã được nhắc đến, cũng như sự hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và xã hội”. Sau đó hai bên cũng chú ý đến những đề tài thời sự quốc tế và các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị trong khu vực, đề cập đặc biệt đến tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và liên văn hóa để thúc đẩy nhân quyền, sự ổn định, công lý và hòa bình ở Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Tông thống Tony Trần cũng đã gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức Giám Mục Ngoại trưởng Paul Richards Gallagher. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã viếng thăm Singapore vào tháng 8 năm ngoái trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của nước này.

Đức Tổng Giám mục Singapore William Gore đã chào đón cuộc viếng thăm Italia và Vatican của Tổng thống Trần. Đức Cha nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Sìgapore và Giáo Hội, ngài nói: “Chính quyền Singapore thì thế tục nhưng mà không bị thế tục hóa vì họ hiểu tầm quan trọng của tôn giáo trong sự phát triển luân lý của nhân dân”.

7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Sau khi trở thành Đức Giáo Hoàng đầu tiên là tác giả của một cuốn sách cho giới trẻ vào đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả của một cuốn sách khác sắp được phát hành, dựa trên các câu trả lời của ngài cho các câu hỏi của giới trẻ đặt ra cho ngài trên một trang web.

Trong cuộc họp mặt quốc tế của các lãnh đạo của tổ chức Scholas Occurentes, nhà báo và tác giả Tiziana Lupi đã giải thích là cuốn sách mới nhắm mở ra một cánh cửa đối thoại với giới trẻ. Scholas Occurentes là tổ chức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập vào tháng 8/2013 như sáng kiến để khuyến khích sự hội nhập xã hội và văn hóa của gặp gỡ qua kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Tác giả Lupi cũng cho biết:việc xuât bản đã kết hợp những nỗ lực của tổ chức Scholas trong việc tạo nên một diễn đàn kỹ thuật mới “cho phép các bạn trẻ khắp thế giới, thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà không bị lọc lựa”. Bình thường chỉ các nhà báo đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng, nhưng lần này các bạn trẻ có thể làm điều này qua trang web: new page “Ask Pope Francis” (đây là đường link trực tiếp: http://askpopefrancis.scholasoccurrentes.org/pope-francis-en-gb/). Chắc chắn là sẽ có rất nhiều câu hỏi được gửi đến Đức Giáo Hoàng nên chỉ có những câu thật sự xuất phát từ trái tim sẽ được chọn in trong sách. Cuốn sách này có thể được phát hành khoảng tháng 10 hay 11 năm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các tham dự viên trong buổi họp hôm 29 tháng 5. Sau khi nghe chứng từ đầy nước mắt của một thiếu nữ Mêhicô có cha mẹ đã chia tay, bị ngược đãi khi đến Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng được cho biết là một chiến dịch chống ngược đãi do tổ chức Scholas đưa ra với hashtag “#nosotrossomosunicos”, nghĩa là “chúng ta là duy nhất”.

Sau chứng từ của em gái người Mêhicô, 12 bạn trẻ trên mạng Youtube đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sao để xây dựng một thế giới tốt hơn, đa dạng và hòa đồng. Đức Giáo Hoàng trả lời là mỗi người phải nhận ra căn tính cá nhân của họ. Ngài giải thích là sẽ không có tương lai nếu một người thiếu một căn tính rõ ràng. Nếu muốn sự ngược đãi được ngừng lại thì chúng ta phải bỏ sự tấn công lại sau lưng; “ngược đãi là một sự tấn kích che dấu một sự tàn ác sâu sắc.” “Thế giới tàn ác. Chiến tranh là những tượng đài của sự tàn ác”, Đức Giáo Hoàng nói như thế và lấy từ trong túi ra một tấm ảnh mà một nữ tu ở châu Phi đã gửi cho ngài. Cho những tham dự viên xem tấm ảnh và Đức Giáo Hoàng than phiền: làm sao người ta có thể vẽ những hình ảnh ghê tởm như hình một em bé bị cắt cổ và em khác bị chặt đầu.

Đức Giáo Hoàng giải thích: nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức tàn ác. Thay vì tấn kích, chúng ta phải đạt được khả năng lắng nghe người khác và đối thoại, hơn là tranh luận. Ngài nói với các người hiện diện: “đừng sợ đối thoại” bởi vì với đối thoại “mọi người đều chiến thắng, không có ai thua cuộc”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: thế giới hôm nay cần giảm bớt mức độ tấn kích; nó cần sự khoan dịu, cần lắng nghe, cần bước đi với nhau. Vì thiếu những thái độ này nên đã có những tàn ác.

8. Hội Đồng Giám Mục Pháp kêu gọi đối thoại để giải quyết các xung đột bạo lực

Các Giám Mục Pháp kêu gọi mọi người hoà hoãn và đối thoại chân thành để tìm ra các sáng kiến giúp thắng vượt tình trạng xung đột bạo lực hiện nay.

Đức Cha Jean Luc Brunin, Giám Mục Le Havre, kiêm chủ tịch Uỷ ban Gia đình và Xã hội của Hội Đồng Giám Mục Pháp, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trước làn sóng mới của các vụ xuống đường biểu tình và đình công bãi thị chống lại Luật Lao Động do tổng thống François Hollande đề ra.

Song song với các vụ xuống đường biểu tình ồ ạt của dân chúng trong mọi tỉnh toàn nước, tất cả các nhà máy lọc dầu đều đóng cửa khiến cho cuộc khủng hoảng xăng nhớt có nguy cơ trầm trọng thêm. Trong sứ điệp Đức Cha Brunin tha thiết mời gọi mọi thành phần xã hội nỗ lực đối thoại để tìm ra một giải pháp thích đáng cho cuộc khủng hoàng gây ảnh hưởng tiêu cực trên cuộc sống của người dân và các gia đình, cũng như trên cuộc sống kinh tế của các hải cảng và các sinh hoạt kỹ nghệ toàn nước. Nếu tình trạng khủng hoảng này kéo dài, nó sẽ có các hậu quả trầm trọng trên sự phát triển và tương lai của đất nước. Thông cáo có đoạn viết: “Giáo Hội không có ý đưa ra các lập trường liên quan đến cuộc xung đột giữa các tầng lớp xã hội và chính quyền, vì đây không phải là vai trò của Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội lên án mọi hình thức bạo lực và mời gọi mọi phe liên hệ ý thức được tình hình nghiêm trọng này, và Giáo Hội xin mọi giai tầng xã hội mau chóng tái đối thoại và thương thuyết với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì chỉ có đối thoại mới cho phép thắng vượt quan điểm riêng để cùng nhau phân định công ích.

Từ nhiều tuần qua dân chúng Pháp đã rầm rộ xuống đường biểu tình tại Paris cũng như trong nhiều thành phố toàn nước để phản đối Luật Lao Động do chính quyền của tổng thống Hollande đề ra, vì nó không giúp giải quyết nạn thất nghiệp và đáp ứng các nhu cầu của giới công nhân.

9. Trẻ em Iraq ở trại tị nạn Erbil rước lễ lần đầu.

Hôm thứ Sáu 27 tháng 05 năm 2016, nhóm trẻ em Iraq đầu tiên ở trại tị nạn ở Erbil đã được rước lễ lần đầu, đem lại một nét sáng sủa cho tình hình u ám hiện nay.

Trong số 5,500 người tị nạn sống trong trại Aishty 2 ở Erbil, đa số là trẻ em; trong số này, 470 em sẽ được rước lễ lần đầu trong vài tuần tới. Năm 2015 số em lãnh nhận bí tích Thánh Thể vào khoảng 400 em.

Vì con số năm 2016 quá đông, nên các em được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên 175 em, đã rước lễ hôm thứ Sáu 27 tháng 05 năm 2016; nhóm thứ hai 145 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 03 tháng 06 năm 2016, và nhóm thứ ba 150 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 10 tháng 06 năm 2016.

Tất cả các em đều thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syria, và hầu hết đã cùng với gia đình trốn thoát khỏi thành phố Qaraqosh, là trung tâm Kitô giáo của người Kurd, khi quân ISIS tấn công thành phố này đêm 06 tháng Tám năm 2014.

Thánh lễ ngày 27 tháng 05 năm 2016 cho nhóm đầu tiên do Ðức Tổng giám mục Mosul là Ðức cha Boutros Moshe cử hành trong nhà thờ tiền chế lớn của trại tị nạn.

Nhà thờ có sức chứa khoảng 800 người, mới đầu chỉ là một căn lều khi những người tị nạn Kitô giáo đầu tiên đổ vào Erbil hai năm trước cần có một nơi để cầu nguyện. Hiện nay đã trở thành nhà thờ giáo xứ chính của trại tị nạn Aishty, đây là trại tị nạn lớn nhất ở Erbil và được chia thành ba trại nhỏ: Aishty 1, 2 và 3.

Ða số người tị nạn đến từ Qaraqosh, là nơi đặt Toà Giáo Hội Syria trước khi bị quân ISIS tấn công vào năm 2014.

Sau khi dời Toà chính thức từ Mosul về Qaraqosh mấy năm trước, do quan ngại về vấn đề an ninh và do thực tế là hầu hết các tín hữu sống tại thành phố, người Công Giáo Syria hiện nay không có giáo phận chính thức hay trụ sở chính nào.

Bây giờ sống ở vùng Erbil đa số là người Canđê, họ được Giáo Hội địa phương đón nhận và phải nỗ lực hằng ngày để giữ vững tinh thần cho các tín hữu đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn trong nước.

Có được gần 500 em rước lễ lần đầu ở trại tị nạn là một dấu hiệu của hy vọng ở một nơi mà ngọn lửa Kitô giáo đang leo lét, có nhiều nguy cơ sẽ tắt hẳn.

Một dấu hiệu hy vọng khác cho các Kitô hữu Iraq là việc phong chức bốn phó tế tại giáo xứ này. Hiện nay các thầy đang giúp những người tị nạn ngày đêm, và có thể sẽ được thụ phong linh mục trong vài tháng nữa.

Ba trong số bốn thầy phó tế này cùng với các nữ tu Dòng Ða Minh Catarina thành Siena - là cộng đoàn chủ yếu tạo thành cộng đồng Kitô hữu tị nạn Erbil - đảm trách việc giảng dạy giáo lý Thánh Kinh và phụng vụ cho các em.