Ngày 01-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 9 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
12:25 01/06/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,1-12

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Vì yêu thương chúng con, Chúa đã trao ban cho chúng con sự sống thần linh qua tấm bánh Thánh Thể. Xin giúp chúng con biết dựa vào sức sống thần linh của Chúa để thắng vượt những cám dỗ của thế gian. Xin giúp chúng con cũng biết sống trao ban như Chúa đã trao ban sự sống của mình cho chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con rằng: “cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá tham lam nên thường ích kỷ và so đo tính toán. Chúng con chỉ lo cho mình. Chúng con chỉ vun quén cho bản thân mình. Chúng con sợ cho đi, ngại chia sẻ. Chúng con nhận lãnh nhưng ngại ngần trao ban. Xin Chúa tha thứ những thói ích lỷ, hẹp hòi nơi chúng con. Xin giúp chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban để tôn vinh danh Chúa và tìm hữu ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo lòng nhân hậu Chúa, xin Chúa hãy dùng cuộc đời chúng con theo ý Chúa, để sinh hoa lợi cho vườn nho của Chúa là Giáo hội chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 9 thường niên

Mc 12,13-17

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa đang ngự trong phép Thánh Thể. Chúa đang đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Chúa tiếp tục nâng đỡ chở che cuộc đời chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Chúng con xin phó dâng cuộc đời cho lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa, giữa cuộc đời đong đầy những sóng gió nghi nan. Chúng con chẳng biết phải sống sao cho đúng với những giá trị của tin mừng. Chúng con cần cơm áo gạo tiền để sống. Chúng con chạy theo đồng tiền như thể bỏ quên chính Chúa. Thế nhưng chúng con lại không thể bỏ Chúa. Chúng con phải sống cho Chúa. Chúng con ở giữa thế gian nhưng lại thuộc về Chúa. Đôi khi chúng con cảm thấy chơi vơi giữa chợ đời, chẳng biết phải sống như thế nào?

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng con: “của Sê-za hãy trả cho Sê-za – của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa”. Xin Chúa soi sáng để chúng con biết phân biệt điều gì thuộc về phần đời, về công bằng xã hội chúng con phải đóng góp cho xã hội, nhưng chúng con cũng đừng quên bổn phận phải có với Chúa là tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,18-27

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin rằng: mỗi lần chúng con rước Chúa là một lần chúng con rước lấy mầm sống đời đời là sự sống của Chúa phục sinh. Xin Chúa ban ơn thánh hoá đến trong tâm hồn chúng con. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng con. Xin giúp chúng con kiện toàn con người của mình mỗi ngày một hoàn thiện hơn, để xứng đáng là đền thờ của Chúa.

Lạy Chúa, sống giữa thế gian luôn đong đầy những khổ luỵ, những tham sân si khiến lòng người luôn lo âu, sợ hãi. Chúng con luôn mơ ước có một cuộc sống an bình, hạnh phúc. Nhưng dòng đời lại đưa đẩy những sóng gió nghi nan. Xin giúp chúng con luôn biết kiên tâm vượt qua những sợ hãi để trung tín với giáo huấn của Chúa. Xin cho chúng con đủ đức tin để nhận ra Chúa luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Xin giúp chúng con biết tin tưởng vào Chúa đã phục sinh để chúng con dám sống theo những đòi hỏi của tin mừng.

Lạy Chúa, Chúa là niềm hạnh phúc đích thực của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con tâm hồn an bình để chúng con cũng trao ban sự bình an và tươi vui của Chúa phục sinh đến cho mọi người. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,28-34

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa chính là nguồn sự sống của chúng con. Chúng con tin và thờ lạy Chúa. Ngay từ khi dựng nên Adam. Chúa đã thổi hơi và thông truyền sự sống của Chúa cho con người. Giờ đây, qua bí tích Thánh Thể, Chúa lại tiếp tục trao ban sự sống phục sinh của Chúa nên lương thực nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Chúa cũng muốn chúng con tiếp tục trao ban sự sống của Chúa cho tha nhân qua đời sống bác ái yêu thương của chúng con.

Lạy Chúa, giữa cuộc sống còn đầy đói khổ và bất hạnh. Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa nơi khuôn mặt khốn khổ đang cần sự nâng đỡ, ủi an của chúng con. Nơi những kẻ nghèo đói, không chỉ thiếu thốn của ăn mà còn thiếu thốn cả Lời Chúa. Nơi những kẻ đang khát, không chỉ vì thiếu nước nhưng còn thiếu sự bình an, thiếu sự công chính, thiếu cả tình thương. Nơi những kẻ bệnh hoạn thể xác và cả tinh thần đang chết dần trong tuyệt vọng. Xin giúp chúng con luôn mạnh dạn giúp đỡ họ, vì chưng: “Điều gì mà chúng con làm cho những người bé mọn là chúng con đang làm cho chính Chúa”. Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhìn thấy người nghèo như vậy, không ở đâu xa mà là ở trong gia đình mình, để chúng con biết mang niềm vui, sự no thoả hạnh phúc đến cho những người thân nhất của mình.

Lạy Chúa, xin cám ơn vì đã dựng nên chúng con ai cũng nghèo về một mặt nào đó. Ai cũng cần đến sự trợ giúp của anh em. Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau, và làm cho nhau thêm giầu có. Xin cho chúng con mỗi khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng con cũng được đổi mới như Chúa để trở nên của ăn, của uống cho mọi người. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 9 TN

Mc 12,35-37

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin tuyên nhận Chúa là Thiên Chúa của chúng con. Chúng con xin tôn kính tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Chúng con xin ngợi ca tình thương quan phòng của Chúa luôn nâng đỡ che chở cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con thật lòng tạ ơn tình thương của Chúa dành cho chúng con. Cho dù cuộc đời chúng con còn đầy những tội lỗi và lầm lỡ, nhưng Chúa vẫn trao ban cho chúng con biết bao ơn lành hồn và xác. Chúa vẫn tiếp tục nhập thể trong cuộc đời chúng con hằng ngày qua bí tích Thánh Thể, qua cha mẹ, qua mọi người chung quanh, nhờ đó chúng con có một cuộc sống an vui hạnh phúc. Xin cho chúng con biết trân trọng ân ban của Chúa, và khiêm hạ đón nhận trong tâm tình cảm mến tri ân. Xin giúp chúng con cũng trở nên tấm bánh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình chúng con.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ, chúng con xin phó dâng cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng của Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống tín thác vào Chúa để tâm hồn chúng con được tươi vui và bình an. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 9 thường niên

Mc 12,38-44

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã lưu lại nơi trần thế này. Chúng con cám ơn Chúa đã lưu lại nơi tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con có cái nhìn của Chúa. Cái nhìn của kính trọng và yêu thương. Cái nhìn của công bằng và bác ái. Xin giúp chúng con luôn biết sống khiêm tồn và ôn hoà với nhau để mang lại hạnh phúc cho nhau.

Lạy Chúa, với hai đồng xu nhỏ bé của bà goá dâng cúng trong đền thờ đã được Chúa ca tụng. Chúa đã thấy tấm lòng chân thành của bà. Bà không nhiều tiền nhưng nhiều tình yêu độ lượng. Bà tuy nghèo nhưng giầu lòng bác ái. Bà đã dâng tất cả cho Chúa như dấu chỉ lòng tín thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.

Nhưng Chúa ơi, đôi khi nghèo khó đâm hèn. Chúng con lại tính toán chi li với Chúa và với nhau. Chúng con thường hẹp hòi. Chúng con thường ích kỷ thiếu độ lượng bao dung. Xin giúp chúng con biết sống với nhau bằng tấm lòng quảng đại cho đi. Xin giúp chúng con biết dâng tặng cho Chúa và cho đời sự hy sinh dấn thân phục vụ của chúng con thay cho những đòi hỏi và lười biếng.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ, xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự và hết cả trí khôn của chúng con. Amen
 
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
LM. An Phong Trần Đức Phương
15:26 01/06/2009
LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI, NĂM B

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Các Bài Đọc chu kỳ Năm B: Bài Đọc I (Đệ Nhị Luật 4: 32-34, 39-40): Ông Môsê nói với Dân Chúa: Thiên Chúa là Chúa duy nhất trên trời dưới đất; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa, không có Chúa nào khác. Bài Đọc II (Thơ Rôma 8:14-17): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta được làm con cái Chúa và có thể xưng với Chúa là Cha. Bài Phúc Âm (Matthêu 28:16-20): Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Hãy đi giảng dạy muôn dân và ban phép Thánh Tẩy cho họ “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm, nghĩa là một Tín Điều mà chúng ta không thể nào cắt nghĩa được bằng lý trí; nhưng chúng ta tin và lãnh nhận do Chúa Giêsu đã giảng dạy, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Gioan 16:12) để nhận biết: Chỉ có một Thiên Chúa mà Ngài có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi cùng một bản thể, cùng là một Thiên Chúa duy nhất.

Người ta nói khi Thánh Patrick giảng dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài đã dùng một lá có ba nhánh để làm thí dụ. Giáo sư Tiến sĩ Phan Văn Ngọc, sau khi tìm hiểu Thánh Kinh kỹ càng và được ơn Chúa soi sáng, đã tin nhận Thiên Chúa và chịu phép Thánh Tẩy. Khi tìm hiểu giáo lý, ông cảm thấy điều khó hiểu nhất là về Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng sau cùng, ông suy nghĩ: dù chỉ là nước, nhưng vẫn có thể ở thể lỏng, thể rắn (nước đá) hay thể hơi (hơi nước).

Tuy nhiên, tất cả những so sánh, những biểu tượng bề ngoài chỉ để tạm thời giải thích Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; vì ‘Mầu Nhiệm’ là điều vượt quá mọi sự suy nghĩ của lý trí con người. Con người dù thông minh thế nào, cũng không thể hiểu hết được những ‘bí ẩn’ trong vũ trụ, huống chi làm sao hiểu được hết mọi điều siêu việt của Thiên Chúa. Thánh Augustinô (354-430) là một nhà Thần Học và Triết Gia, Ngài luôn muốn cắt nghĩa mọi sự theo lý trí, kể cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Một ngày kia, Ngài đi đi lại lại trên bờ biển để vừa cầu nguyện vừa cố suy nghĩ trong tâm trí xem có cách nào để hiểu và cắt nghĩa được tường tận mọi điều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đang lúc vừa đi đi, lại lại trên bờ biển, vừa suy nghĩ mung lung, chợt ông thấy có một em bé trông rất khôi ngô và thông minh, đang dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ trên bờ biển. Thánh Augustinô liền dừng lại hỏi em đang muốn làm gì vậy. Em bé mỉm cười trả lời: “Cháu đang muốn múc hết nước đại dương để đổ vào cái lỗ nhỏ này.” Thánh Augustinô liền cười và nói: “Sao cháu làm một việc vô ích như vậy… Làm sao cháu có thể múc nước cả đại dương này để đổ hết được vào cái lỗ nhỏ như thế?” Em bé liền cười nói: “Việc của cháu đang làm có vẻ khờ dại thật, nhưng việc bác đang suy nghĩ còn khờ dại hơn…”

Thiên Chúa là cả một đại đương mênh mông, tâm trí con người chỉ là một giới hạn nhỏ bé, làm sao có thể thông hiểu tường tận hết mọi điều về Thiên Chúa. Chỉ với đức tin và tâm hồn khiêm nhường và sự kết hiệp với Chúa qua lời cầu nguyện, chúng ta mới có thể được Ơn Chúa soi sáng và tin nhận được các Mầu Nhiệm về Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không phải qua suy nghĩ của lý trí hạn hẹp của chúng ta.

Như vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một điều ‘huyền nhiệm’ chỉ các nhà Thần Học mới hiểu được. Một nhà Thần Học thế kỷ 19, ông Thomas Hancock nói: “Một người đàn ông hay một người phụ nữ dù quê mùa không thể lý luận về Thịên Chúa Ba Ngôi, nhưng vẫn có thể nhận thức được về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách hoàn hảo hơn một nhà Thần Học uyên bác, thông hiểu các tác phẩm của Thánh Athanasius hay Thánh Augustinô và tất cả những tranh luận của sáu thế kỷ đầu của Giáo Hội!” (trích trong Preaching the Lectionary, Reginald H. Fuller). Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Đức tin của chúng ta không dựa vào những lý lẽ khôn ngoan của con người…nhưng nhờ mạc khải của Thiên Chúa qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần (Xin xem 1 Corintô, chương 2; hoặc Gioan 14: 26). Trong một lần cầu nguyện, Chúa Giêsu đã nói: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã không soi sáng cho những kẻ khôn ngoan thế gian biết những điều ấy, nhưng cho những người đơn sơ, hèn mọn!”

(Luca 10: 21; Matthêu 11: 25). Chính vì vậy, Pascal, một nhà tư tưởng lớn trong thế kỷ 17, đã luôn cầu xin cho mình được có một Đức Tin mạnh mẽ của một bà nhà quê ở xứ Bretagne!

Chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh Tin Kính. Mỗi khi chúng ta đọc kinh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, chúng ta cúi đầu để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba ngôi: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta được chịu phép Thánh Tẩy để gia nhập Gia Đình Hội Thánh Chúa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi trong công thức: “Cha rửa con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng kính mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta luôn được ơn Chúa soi sáng để chúng ta có thể có một đức tin sáng suốt và mạnh mẽ, không phải chỉ dựa vào lý trí, nhưng bằng chính đời sống thực hành đức tin hàng ngày của chúng ta qua đức Bác Ái.

Với lời cầu nguyện của Thánh Phaolô, chúng ta hãy cùng “nguyện xin Ân Sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình Yêu của Chúa Cha, và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng mỗi người, mỗi gia đình chúng ta!” (2 Corinto 13:13).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
VietCatholic phỏng vấn Đức Cha Donald Sproxton về việc xây dựng VCTĐ Perth
Thuý Dung
01:27 01/06/2009
Vương Cung Thánh Đường tại Perth, một trong những ngôi nhà thờ cổ kính nhất của Úc Đại Lợi, đã được xây dựmg từ cách đây những 144 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Cố gắng hoàn thành Vương Cung Thánh Đường này đã được thực hiện vào năm 1926 với hy vọng đó là lần chót mọi sự sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, trước những khó khăn của cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1930, Đức Cha Clune đành phải ngậm ngùi tuyên bố “Chúng ta phải đành để lại cho hậu thế những phần còn lại chúng ta không có khả năng hoàn tất được”.

Hai năm trước đây, tháng 2 năm 2007, khi nền kinh tế Úc đang lên "vùn vụt", Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey khởi công trùng tu và hoàn thành hết các hạng mục bị bỏ dở từ năm 1930 với hy vọng có thể khánh thành vào ngày 15/8 năm nay.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, khủng hoảng tài chính thế giới lại xảy ra. Những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đang có những tác động sâu xa đến tiến trình xây dựng ngôi thánh đường này.

Hiện diện với chúng tôi trong buổi phỏng vấn hôm nay về việc trùng tu và hoàn tất Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Perth là Đức Cha Donald Sproxton, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận và đồng nghiệp Hồng Nhung.

Your Excellency,

We are here on behalf of VietCatholic News Agency, a media outlet for the Church in Vietnam and Vietnamese Catholic Communities around the world.

We understand that the Archdiocese of Perth has been a great help not only for the local Vietnamese Catholic Community here in this city but also the Church in our Mother Land. As a matter of fact, Archbishop Barry James Hickey has visited Vietnam several times as a great supporter for a wide range of charitable projects and programs of Vocations and Priestly Formation throughout the years.

Reports relating to the archdiocese of Perth, therefore, have always been among our main focus areas. During the last two years, we have continually covered the latest information on the Conservation and Completion of St Mary's Cathedral progress urging Vietnamese Catholics in Australia to contribute their part in this wonderful project which definitely will benefit all Western Australians, for generations to come.

There are some questions we would be asking you in our interview.

1) What are the necessities for the Conservation and Completion of St. Mary's Cathedral?
2) In comparison with other Cathedrals in Australia, what are the most outstanding characteristics of our new St Mary's Cathedral?
3) The Cathedral absolutely will benefit Catholics spiritually. But we also learned that each Cathedral plays certain roles in the culture of its city. What do you think on cultural contributions that St Mary's Cathedral can bring about to Perth? And what it can benefit Western Australians at large?
4) According to the latest financial report of the archdiocese, the project still needs at least $7.5 million more to complete. Are there any possibilities that we can get some more fundings from State government or the Federal government?
5) We have been witness to a remarkable progress in the project. However, as a substantial amount of cash still needed, do you expect that St Mary's Cathedral's journey will finally be complete in August 15 as scheduled?
6) We learn that Vietnamese Catholic Community in Western Australia as a whole is campaigning to urge Vietnamese Catholics in Perth and Australia to donate more for the completion of the project. Would you like to say anything to our audiences?

Trọng Kính Đức Cha

Chúng con đại diện cho thông tấn xã VietCatholic, cơ quan ngôn luận của Giáo Hội tại Việt Nam và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới.

Chúng con biết tổng giáo phận Perth đã luôn giúp đỡ không chỉ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại địa phương thành phố này nhưng còn giúp đỡ cả Giáo Hội tại quê hương chúng con. Thực thế, Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey đã viếng Việt Nam nhiều lần để nâng đỡ cho hàng loạt những dự án đa dạng về bác ái và các chương trình đào tạo linh mục tu sĩ.

Thành ra, các bản tường trình liên quan đến Perth luôn là một trong những tiêu điểm đáng chú ý của chúng con. Trong hai năm qua, chúng con đã đăng tải các thông tin mới nhất về tiến trình Trùng Tu và Hoàn Thành Vương Cung Thánh Đường Đức Bà, kêu gọi anh chị em Công Giáo Việt Nam tại Úc góp phần vào một dự án chắc chắn sẽ sinh nhiều ơn ích cho các thế hệ tương lai của người dân Tây Úc.

Trong cuộc phỏng vấn này, xin cho chúng con được phép hỏi Đức Cha những câu sau:

1) Thưa Đức Cha, đâu là những lý do cấp thiết phải Trùng Tu và Hoàn Thành Vương Cung Thánh Đường Đức Bà?
2) Nếu so sánh với các Vương Cung Thánh Đường khác ở Úc Châu, Đức Cha thấy Vương Cung Thánh Đường của chúng ta có những nét đặc thù nào?
3) Vương Cung Thánh Đường này chắc chắn sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng cho người Công Giáo. Nhưng chúng con cũng biết mỗi Vương Cung Thánh Đường của một thành phố đều đóng một vai trò nhất định trong nền văn hóa của thành phố đó. Đức Cha nghĩ thế nào về những cống hiến văn hóa mà Vương Cung Thánh Đường Đức Bà sẽ mang lại cho thành phố Perth, và cho dân chúng Tây Úc nói chung?
4) Theo bản báo cáo tài chính mới nhất của tổng giáo phận, dự án này còn cần tối thiểu là $7.5 triệu để hoàn thành. Theo Đức Cha thì chúng ta có thể xin trợ giúp từ chính quyền tiểu bang hay liên bang không?
5) Chúng con cũng thấy tiến triển vượt bậc trong dự án này. Nhưng mà bây giờ chúng ta còn cần đến một số tiền đáng kể như thế thì Đức Cha có trông đợi là hành trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường của chúng ta sẽ kết thúc vào ngày 15/8 như dự liệu không?
6) Chúng con biết toàn thể cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc đang trong chiến dịch vận động anh chị em giáo dân Công Giáo Việt Nam tại Perth và Úc Châu đóng góp hơn nữa cho công trình được hoàn tất. Nhân dịp này, xin Đức Cha ngỏ vài lời với khán thính giả của chúng con.
 
ĐTC: ''Nếu chúng ta quan tâm đển việc thanh lọc môi trường thì chúng ta cũng phải quan tâm đến việc tạo ra bầu khí trong sạch cho tinh thần''
Bình Hòa
03:45 01/06/2009
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Vatican

Hôm qua Giáo hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Nếu muốn dịch sát từ ngữ gốc Hy-lạp thì phải gọi là lễ “Ngũ tuần”, nghĩa là 50 ngày. Dân Do thái mừng lễ Ngũ tuần, 50 ngày sau lễ Vượt qua, để tưởng niệm việc lãnh nhận giao ước trên núi Sinai. Về phần các môn đệ của Chúa Giêsu, 50 ngày sau khi cuộc phục sinh, họ nhận lãnh Thánh Linh như là giao ước mới, giao ước của tình yêu, được ghi khắc trong trái tim chứ không trên bia đá. Lễ Ngũ tuần cũng đánh dấu ngày ra mắt của Hội thánh, một cộng đoàn tuy gồm bởi nhiều dân tộc và ngôn ngữ, nhưng cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất.

Sáng chúa nhựt hôm qua, vào lúc 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại đền thánh Phêrô. Một nét đặc biệt là sự hiện diện của ca đoàn nhà thờ chính toà Koln bên Đức hát bộ thường lễ hợp xướng Missa solemnis in si bemol do nhạc sĩ Josep Hayden (1732-1809) sáng tác, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ông tạ thế. Đến 12 giờ đức Bênêđictô XVI đã tiến ra cửa sổ văn phòng để chủ sự buổi đọc kinh kính Đức Mẹ như thường lệ. Một chủ đề được nhắc đến trong bài giảng Thánh lễ cũng như trong bài huấn dụ là năm nay lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống trùng vào ngày kính Đức Mẹ đi viếng bà Elizabeth. Trong cả hai biến cố, chúng ta đều nhận thấy sự hiện diện của Đức Maria. Trước hết, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài huấn dụ dẫn vào kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, và sau đó tóm lược vài đề tài của bài giảng Thánh lễ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, đaị lễ Ngũ tuần, Hội thánh rải rác trên khắp địa cầu sống lại mầu nhiệm của ngày ra đời của mình, mầu nhiệm “phép rửa trong Thánh Linh” (xc Cv 1,5) diễn ra ở Giêrusalem 50 ngày sau lễ Vượt qua, vào chính lễ Ngũ tuần của người Do thái. Trước đó, Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: “Các con hãy ở lại trong thành phố cho đến khi được khoác lấy sức mạnh từ trên cao” (Lc 24,49). Điều đó dã xảy ra cách nhãn tiền trong nhà Tiệc Ly, đang khi tất cả đang họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Trinh nữ Maria. Như chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ công vụ, đột nhiên một làn gió mạnh đã ập xuống nơi ấy, và những lưỡi lửa đáp xuống trên mỗi người hiện diện. Thế rồi các tông đồ đã ra đi và bắt đầu công bố bằng nhiều ngôn ngữ rằng đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết và sống lại (xc Cv 2,1-4). Thánh Linh, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Con đã tạo dựng vũ trụ, Đấng đã hướng dẫn lịch sử dân tộc Israel và đã phán dạy qua các ngôn sứ, đã hợp tác vào công cuộc cứu chuộc chúng ta vào thời viên mãn, thì vào dịp lễ Ngũ tuần đã ngự xuống Hội thánh mới khai sinh và đã biến Hội thánh trở nên truyền giáo bằng việc phái cử Hội thánh loan báo cho hết mọi dân tộc rằng tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Thánh Linh là hồn của Hội thánh. Nếu không có Thánh Linh, thì Hội thánh sẽ ra như thế nào? Chắc sẽ là một phong trào lịch sử, một cơ chế đồ sộ và vững chắc, có lẽ sẽ là một thứ cơ quan nhân đạo. Trên thực tế, đó là hình ảnh về Hội thánh ở nơi những người nhìn từ bên ngoài viễn ảnh của đức tin. Tuy nhiên, xét trong bản tính đích thực và trong sự hiện diện lịch sử, Hội thánh được đúc nặn và hướng dẫn liên lỉ bởi thần khí của Chúa Giêsu. Hội thánh là một thân thể sống động, và sức sống là hoa quả của Thánh Linh vô hình.

Các bạn thân mến, năm nay đại lễ Ngũ tuần trùng vào ngày cuối tháng năm, thường dành để mừng lễ Đức Mẹ thăm viếng. Sự kiện này mời gọi chúng ta hãy để cho đức trinh nữ Maria, nhân vật chính của cả hai biến cố, hướng dẫn và dạy dỗ. Tại Nazaret, Mẹ đã được báo tin về thiên chức làm mẹ diệu kỳ, và liền sau khi thụ thai do quyền năng Thánh Linh, Mẹ đã để cho chính Thánh Linh thúc đẩy đi giúp đỡ bà chị họ Elizabet, đã mang thai cách lạ thường được 6 tháng. Cô Maria trẻ trung, đang mang Chúa Giêsu trong lòng, và bỏ quên bản thân, chạy đi giúp đỡ tha nhân, là bức icôn tuyệt đẹp của Hội thánh luôn luôn được Thánh Linh làm tươi trẻ, của Hội thánh truyền bá Ngôi Lời nhập thể, được gọi mang Chúa đến cho thế giới và làm chứng cho Chúa trong cuộc phục vụ đức ái. Vì thế chúng ta hãy khẩn nài Mẹ Maria chí thánh cầu xin cho Hội thánh thời nay được củng cố sức mạnh nhờ Thánh Linh. Cách riêng, xin cho những giáo đoàn đang bị bách hại vì danh Chúa Kitô được cảm nhận sức mạnh ủi an của Thánh Linh, để đang khi thông phần vào những đau khổ của Chúa thì cũng nhận được dồi dào Thần khí vinh hiển (xc 1Pr 4,13-14).

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chú giải vài hình ảnh được sách Tông đồ công vụ ghi lại để mô tả tác động của Thánh Linh: bão, lửa. Trận bão được diễn tả như là làn gió mạnh. Tư tưởng này làm ta liên tưởng đến không khí, yếu tố cần thiết cho sự sống. Không khí cần cho sự sống thế nào, thì Thánh linh cũng cần cho đời sống tâm linh như vậy. Vì thế nếu có sự ô nhiễm không khí làm hoen ố môi trường, thì cũng có một thứ ô nhiễm của trái tim và tinh thần, làm hoen ố đời sống tâm linh. Vì thế, nếu chúng ta quan tâm đển việc thanh lọc môi trường thì chúng ta cũng phải quan tâm đến việc tạo ra bầu khí trong sạch cho tinh thần. Không khí trong sạch của tinh thần chính là tình yêu. Trên thực tế, chúng ta đã quá quen với sự ô nhiễm tinh thần đến nỗi không còn ý thức mối nguy hại của nó nữa. Nhân danh tự do, chúng ta đã để cho những hình ảnh đề cao lạc thú, bạo lực, bóc lột tha nhân lẻn vào con tim, khiến cho tinh thần của mình và của các thế hệ tương lai bị nhiễm độc, và bóp chết tự do đích thực.

Hình ảnh thứ hai về Thánh Linh là lửa. Chúa Giêsu đã mang ngọn lửa Thánh Linh vào trần gian. Người không lấy trộm ngọn lửa từ các thần linh trên thiên cung để đem đến cho nhân loại, theo huyền thoại ông Ptolomê của Hy lạp. Người làm môi giới để mang cho nhân loại “hồng ân của Thiên Chúa”. Người đã trở nên hồng ân, bởi vì Người đã trao ban mạng sống của mình trên thập giá. Thiên Chúa muốn tiếp tục trao ban hồng ân, trao ban “ngọn lửa” cho hết mọi thế hệ. Nhưng con người thời nay xem ra như không muốn đón nhận hồng ân của Chúa, bởi vì nó muốn khẳng định mình như là Thượng đế, muốn biến đổi vũ trụ, mà không đếm xỉa đến Đấng Tạo thành vũ trụ. Con người không muốn làm hình ảnh của Thiên Chúa nhưng muốn làm Chúa. Tuy nhiên, khi con người nắm trong tay ngọn lửa mà không quy hướng về Thiên Chúa thì nó sẽ sát hại mình: kỹ thuật và khoa học sẽ đưa tới chỗ tiêu diệt nhân loại, như chúng ta đã chứng kiến nơi những trái bom hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Chính vì thế Hội thánh ngày nay cảm thấy sự cần thiết phải nhận lãnh lửa của Thánh Linh, tác nhân của sự hoà giải giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Để nhận lãnh hồng ân Thánh Linh, cần phải noi gương cộng đoàn Hội thánh tiên khởi, đó là họp nhau để cầu nguyện, thinh lặng lắng nghe Lời Chúa.
 
Đức Thánh Cha khuyên học hỏi nơi Đức Mẹ để biết theo chân Chúa Thánh Thần
Bùi Hữu Thư
05:16 01/06/2009

Đức Thánh Cha khuyên học hỏi nơi Đức Mẹ để biết theo chân Chúa Thánh Thần



Đề cao việc Đức Mẹ chú tâm đến Chúa trong cầu nguyện

VATICAN, ngày 31, tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đang khuyên nhủ người Công Giáo học hỏi nơi Đức Mẹ để biết theo Chúa Thánh Thần với lòng vâng phục và nhận biết tiếng nói của Người trong đời sống hàng ngày.

Đức Thánh Cha nói như vậy vào tối thứ bẩy trong công viên Vatican trong một nghi thức truyền thống để kết thúc tháng Năm của Đức Mẹ. Sau khi rước kiệu và lần hạt Mân Côi, khách hành hương đã tụ tập tại Hang Đức Mẹ Lộ Đức để nghe diễn từ của Đức Thánh Cha.

Ngài khẳng định rằng cuộc canh thức theo truyền thống của năm nay “có một giá trị đặc biệt vì rơi vào ngày vọng của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống."

Đức Thánh Cha khẳng định, "Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mời gọi chúng ta suy niệm về mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria, một mối liên hệ rất mật thiết, rất ưu việt và không thể ngăn cách.”

Ngài tiếp, “Đức Nữ Đồng Trinh người Nazareth được chọn sẵn để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Chuộc bởi công trình của Chúa Thánh Thần: trong sự khiêm nhường, Mẹ đã tìm được ân sủng dưới mắt Thiên Chúa."

Đức Thánh Cha ghi nhận là “tất cả biến cố về Chúa Giêsu giáng sinh và thời thơ ấu của Người được hướng dẫn một cách khá rõ rệt bởi Chúa Thánh Thần, dù cho Thánh Thần ít được nhắc đến."

Hai trái tim

Ngài tiếp: "Tim của Mẹ Maria hoàn toàn cộng hưởng với tim của Chúa Con, là đền thờ của Thánh Thần Chân Lý, nơi tất cả mọi lời nói và biến cố được giữ gìn trong đức tin, niềm hy vọng và đức ái."

Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích, "Do đó chúng ta có thể chắc chắn rằng Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, trong suốt cuộc đời thơ ấu ở Nazareth, luôn luôn tìm được một ‘lò sưởi’ bừng cháy với kinh nguyện và sự chú tâm đến Chúa Thánh Thần trong Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Maria."

Ngài khẳng định rằng “tiệc cưới Cana là một chứng tích cho sự hòa điệu đặc biệt giữa Mẹ và Con trong việc tìm kiếm Thánh ý Chúa."

Đức Thánh Cha tiếp, rồi tại Canvariô, Mẹ Maria được chứng kiến Chúa Giêsu “nói lời cuối và thở hơi cuối cùng, khi Người bắt đầu trao phó linh hồn cho Thánh Thần” và “tiếng kêu âm thầm của Máu Cực Thánh, đã đổ tràn ra hoàn toàn cho chúng ta.”

Ngài thêm là Mẹ Maria "biết máu từ đâu chẩy ra: máu được tạo dựng bên trong Mẹ bởi bàn tay Chúa Thánh Thần, và Mẹ biết rằng chính ‘quyền năng’ sáng tạo này cũng sẽ làm cho Chúa Giêsu sống lại như Người đã hứa."

Đức Thánh Cha khẳng định rằng trong “trường của Mẹ Maria, chúng ta học để nhận biết sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta, để biết lắng nghe những gì Người mạc khải và vâng lời Người."

Ngài bầy tỏ niềm hy vọng là người Công Giáo sẽ “cũng bước theo Mẹ Maria như Chúa Thánh Thần truyền dậy."
 
Hội thoại kỷ niệm hai mươi lăm năm liên hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh
Vũ Văn An
08:25 01/06/2009
Tin Zenit ngày 29 tháng Năm cho hay: hôm thứ Năm vừa qua, tại Đại Học Công Giáo America, ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, một hội thoại kéo dài một ngày, để kỷ niệm 25 năm thiết lập các liên hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh, đã được tổ chức.

Các liên ngoại giao

Người ta còn nhớ, ngày 10 tháng Giêng năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tổng Thống Ronald Reagan đã chính thức ký thỏa hiệp thiết lập việc trên. Thực ra, Hoa Kỳ từng duy trì các liên hệ lãnh sự với các Lãnh Thổ Giáo Hoàng từ năm 1797 tới 1870 và các liên hệ ngoại giao với Đức Giáo Hoàng, trong tư cách vị đứng đầu các Lãnh Thổ Giáo Hoàng từ năm 1849 tới 1868, dù không ở cấp đại sứ. Rồi sau đó, các liên hệ trên bị gián đoạn khi các Lãnh Thổ Giáo Hoàng bị chiếm cứ vào năm 1870.

Từ năm 1870 tới năm 1984, Hoa Kỳ không có các mối liên hệ ngoại giao nào với Tòa Thánh. Tuy nhiên, một số vị tổng thống Hoa Kỳ có đề cử các đặc sứ riêng thỉnh thoảng tới viếng Tòa Thánh để thảo luận các vấn đề quốc tế thuộc lãnh vực nhân đạo và chính trị. Myron Charles Taylor là đặc sứ đầu tiên thuộc loại này. Ông phục vụ từ năm 1939 tới năm 1950. Các Tổng Thống Nixon, Ford, Carter và Reagan cũng đề cử các đặc sứ riêng tới gặp Đức Giáo Hoàng.

Trong lịch sử, Vatican vốn bị người ta chỉ trích là bài Hoa Kỳ, ít nhất cũng tới thời Tổng Thống John F. Kennedy. Phần lớn những chỉ trích ấy được tìm thấy trong cuốn sách của Paul Blanshard, tựa là American Freedom and Catholic Power (Tự Do Mỹ và Quyền Lực Công Giáo). Blanshard tấn công Tòa Thánh trên cơ sở là một định chế nguy hiểm, đầy quyền lực, xa lạ và phi dân chủ.

Ngày 10 tháng Giêng năm 1984, Hoa Kỳ và Toà Thánh công bố việc thiết lập các liên hệ ngoại giao giữa hai bên. Ngày 7 tháng Ba cùng năm, Thượng Viện chính thức chấp thuận việc đề cử Ông William A. Wilson làm đại sứ đầu tiên cạnh Tòa Thánh. Đại sứ Wilson vốn là đặc sứ riêng của Tổng Thống Reagan cạnh Đức Giáo Hoàng từ năm 1981. Toà Thánh thì đề cử Đức TGM Pio Laghi làm Sứ Thần đầu tiên (Apostolic Nuncio, tương đương như Đại Sứ) tại Hoa Kỳ. Đức TGM Laghi vốn là khâm sứ Tòa Thánh (apostolic delegate) của Đức GH Gioan Phaolô II bên cạnh Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ từ năm 1980. Người ta có thể mô tả mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh hay nhất như là một hùn hạp hoàn cầu có tính tích cực cho nhân phẩm. Việc thiết lập liên hệ ngoại giao đã thúc đẩy các tiếp xúc và tham khảo thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm.

Cam kết đối với nhân phẩm tại cốt lõi trong cả hai cách tiếp cận thế giới của Hoa Kỳ và Tòa Thánh làm phát sinh một nghị trình chung nhằm cổ vũ tự do tôn giáo, công lý, khoan dung tôn giáo và sắc tộc, tự do nói chung, tôn trọng phụ nữ và trẻ em, và pháp trị.

Một lãnh vực bất đồng khá nổi tiếng giữa hai bên là vấn đề phá thai. Tòa Thánh cực lực chống lại ý niệm cho rằng phá thai là quyền của người đàn bà đang mang thai, trong khi nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Mỹ lại hết lòng ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ.

Các ưu tiên của Tòa Thánh trong năm 2008 là tự do tôn giáo, đối thoại liên tôn (nhất là với thế giới Hồi Giáo), đại kết, bảo vệ gia đình truyền thống, và hòa bình (nhất là cho Trung Đông). Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng công khai bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề thay đổi khí hậu, mô tả việc bảo vệ môi sinh là trách nhiệm luân lý phải gìn giữ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày 14 tháng Hai năm 2008, Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon được cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh. Nhưng sau đó, đã từ chức vào đúng dịp tân tổng thống Barack Obama nhậm chức. Sau nhiều thăm dò, Ông Obama vừa đề cử ông Diaz, một di dân gốc Cuba, một nhà thần học không bảo thủ, từng ủng hộ các khuynh hướng cấp tiến, làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh, kịp thời cho chuyến viếng thăm của ông Obama tới Ý và Tòa Thánh. Tại Hoa Thịnh Đốn, Đức TGM Pietro Sambi hiện đảm nhiệm chức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, từ ngày 17 tháng Mười Hai năm 2005.

Duy trì và phát triển liên hệ ngoại giao

Tại cuộc hội thoại nói trên, cựu đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh và hiện là chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Học Xã hội, nữ giáo sư Ann Glendon, cho rằng: Hoa Kỳ luôn quan tâm tới việc duy trì và phát triển các liên hệ ngoại giao của mình với Tòa Thánh vì ba lý do chính.

Lý do thứ nhất: lãnh vực quan tâm của Tòa Thánh cũng như của Mỹ đều có tính hòan cầu. Dựa vào lời của Tướng Colin Powell, Ann Glendon nói rằng: “Cả hai chúng ta đều suy nghĩ và hành động trên bình diện hoàn cầu và điều đó tạo ra một cuộc hùn hạp độc đáo”. Bà cho rằng, đôi bên hiện đang có chung nhiều cam kết quan trọng, các cam kết có tính hoàn cầu, các cam kết có tính lâu dài. Bà kể ra một số các cam kết chung đối với nhân quyền, nhất là tự do tôn giáo, để củng cố sự nhất trí hoàn cầu về luân lý chống chủ nghĩa khủng bố, nhất là chống việc sử dụng tôn giáo làm cái cớ cho bạo lực, để cổ vũ đối thoại liên tôn, và để làm việc cho hòa bình tại trung Đông và các khu vực bất ổn khác trên thế giới.

Bà cũng cho rằng người ta rất hy vọng hai bên sẽ hợp tác trong các cam kết giảm nghèo đói, bệnh tật cho các dân tộc nghèo nàn nhất trên thế giới, và cho những quốc gia thiếu thốn nhất của địa cầu. Suy nghĩ sâu xa, người ta sẽ thấy: hiển nhiên sẽ có sự hùn hạp giữa quốc gia được coi là lớn nhất thế giới và là nước tặng dữ quảng đại nhất thế giới về viện trợ nhân đạo và Tòa Thánh là định chế hiện đang giám sát hệ thống lớn nhất thế giới gồm các cơ sở chăm sức sức khỏe, giáo dục và trợ giúp.

Lắng nghe và lên tiếng

Về lý do thứ hai khiến phải duy trì và phát triển các liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và Tòa Thánh, cựu đại sứ Glendon cho rằng: Tòa Thánh hiện đang được các nhà ngoại giao gọi là đài lắng nghe quan trọng. Điều đó là do Giáo Hội hiện giám sát 350,000 cơ sở giáo dục, bác ái, chăm sóc sức khỏe khắp trên thế giới. Ngoài ra còn hệ thống các giáo xứ, các linh mục coi xứ, các giáo phận, các giám mục, các nhà truyền giáo, các nữ tu khắp thế giới nữa. Điều này giúp Tòa Thánh nhận được đủ loại tín liệu mà các quốc gia khác khó lòng có được, những tín liệu về những gì thực sự đang diễn ra trong các ti vi huyết quản của xã hội.

Sau cùng, vị chủ tịch hàn lâm viện Giáo Hoàng này đề cập tới lý do thứ ba, một lý do, theo bà, ngày càng quan trọng vì thế giới chúng ta mỗi ngày một liên lập hơn lên. Bà nói rằng: “Trong thời đại truyền thông mau chóng này, Tòa Thánh đã được nhìn nhận không những như một đài lắng nghe vĩ đại, mà còn như đài truyền thông vĩ đại, quan trọng và gây nhiều ảnh hưởng nữa. Nó có tiếng nói luân lý được kính trọng rộng rãi”. Bà còn cho hay: như người ta thường nói: khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng, toàn thế giới lắng tai nghe. Và vì tiếng nói đó mang theo nhiều giá trị mà chính nước Mỹ cũng đang tận lực theo đuổi, nên điều này đem lại một lý do khác khiến ta phải trân qúy mối liên hệ ngoại giao giữa hai bên.

Khó khăn mới có

Đức Tân TGM Nữu Ước, là Đức Cha Timothy Dolan, nhân dịp này cho rằng các liên hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh không phải một sớm một chiều mà thành hình. Nó là kết quả của nhiều thế kỷ cố gắng từ cả hai bên, khởi từ ngày Hoa Kỳ còn chập chững là một tân quốc gia.

Lúc ấy, các tiếp xúc khá vụng về vì Mỹ thật sự còn đang phải củng cố tư thế quốc gia của mình. Chính các bề trên tại Rôma cũng chỉ biết bận tâm tới tình thế bấp bênh của Giáo Hội tại quốc gia mới mẻ này mà thôi.

Cái mô thức mà quốc gia non trẻ này đang khai triển đối với các liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước lúc ấy cũng khá độc đáo. Theo nhận định của Đức TGM Dolan, để trả lời một yêu cầu của Rôma, Benjamin Franklin cho rằng không cần để Quốc Hội can dự vào việc chỉ định ai là người cai quản Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Tuy thế, theo Đức TGM, con đường phải theo để thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp không phải là con đường dễ dàng.

Ngay từ đầu, Rôma đã muốn có mối tiếp xúc ổn định hơn với cả Giáo Hội Mỹ lẫn chính phủ Mỹ, “hy vọng trong con người của một khâm sứ Tòa Thánh”. Nhưng phong trào bài Công Giáo tại Mỹ lúc ấy là một phần gây trở ngại. Đức Tổng Giám Mục nhắc mọi người nhớ đến biến cố nhà ngoại giao của Đức Giáo Hoàng tới Mỹ năm 1853, bị đám đông vây khốn đến phải tàng hình và được hộ tống bí mật, lên tầu tại bến Nữu Ước, để trở lại Rôma.

Nhiều vị tổng thống sau đó đã thành công trong việc duy trì tiếp xúc với Rôma qua các đặc sứ riêng. Rồi cuối cùng, vào năm 1984, một khúc quanh đã xẩy ra. Theo Đức TGM Nữu Ước, “chắc chắn tiếng tăm lớn lao của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ảnh hưởng rõ ràng của Tòa Thánh trong các sự việc quốc tế đã làm câm họng các lời chỉ trích”. Nhờ thế, tổng thống Reagan mới có khả năng chính thức thiết lập quan hệ với Tòa Thánh.

Vị giáo chủ này nói thêm: “Theo quan điểm của Tòa Thánh, việc thiết lập một sứ bộ giáo hoàng tại Hoa Thịnh Đốn được coi là hết sức thành công. Vì kể từ những ngày đầu tiên của tân Cộng Hòa này, do khoảng cách xa xôi, do những sắp xếp chính trị quá mới mẻ, do xu hướng tự do của Mỹ, và do tính thiếu tin tưởng của truyền thông, Rôma lúc nào cũng muốn có sự đại diện có tính ổn định và bản thân. […] Việc phát triển ảnh hưởng của Hoa Kỳ vào tình hình thế giới khiến cho sứ bộ này càng trở nên quan trọng hơn đến độ việc trao đổi đại sứ và sứ thần trong năm 1984 quả hết sức thỏa đáng. Đối với Hoa kỳ cũng vậy, ngay những người chỉ trích cũng phải thừa nhận tác động của Tòa Thánh đối với các biến cố quốc tế trong thập niên 1980 lúc các liên hệ ngoại giao được nhìn nhận chính thức, và phải nhìn nhận rằng việc trao đổi đại sứ quả đã phục vụ lợi ích riêng của Hoa Kỳ”. Để kết luận, Đức TGM Dolan cho hay: diễn trình ấy quả lâu dài, nhưng là một diễn trình đáng giá.
 
Hồng y ủng hộ độc thân linh mục
Phan Du Sinh
12:45 01/06/2009
Hồng y ủng hộ độc thân linh mục

RÔMA, 29/5/2009 (Zenit.org).- Đức Hồng y Tổng giám mục Lima, Peru nói: “Những cớ vấp phạm nổi lên khi các linh mục không sống đức khiết tịnh, không chỉ liên quan đến kỷ luật của linh mục, nhưng đúng hơn đến sự thiếu hiểu biết về tình yêu con người.”

ZENIT đã nói chuyện với Hồng y Juan Luis Cipriani về hai cớ vấp phạm gần đây liên quan đến độc thân linh mục, vốn lôi kéo sự chú ý của Châu Mỹ -- Tổng thống Paraguay, Fernando Lugo, người đã công nhận mình là cha một đứa trẻ khi còn là giám mục, và cha Alberto Cutié, người Miami đã quay sang Anh Giáo tuần qua khi các tấm hình của ngài chụp với một người nữ đã lan truyền.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đề cập đến hai trường hợp này, liên quan đến đức khiết tịnh, nhưng đến tình yêu nhân loại nói chung,” Đức Hồng y Cipriani gợi ý, khi khẳng định rằng thông điệp "Deus Caritas Est" đã diễn giải rất hay về điều đó. "Đức Giáo hoàng giải thích rất chi tiết cho chúng ta làm sao tình yêu này, vốn khởi đi từ hành động 'eros', trở thành 'agape.'"

Sau khi lưu ý rằng Thiên Chúa định nghĩa cách rõ ràng tình yêu, không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng sự hi sinh Con của Người, Đức Hồng nói thêm rằng ngày hôm nay, "khi không muốn chấp nhận những đau khổ, sự hi sinh mà cuộc sống đem đến, tình yêu đã bị giết chết và cái gì còn lại? Chiếm đoạt tình dục. Khả năng chấp nhận đau khổ đã bị cắt đi vì sợ hãi, ích kỷ, tầm thường, vì chỉ tìm kiếm thành công và khoái lạc.

"Chúng ta đã hủy diệt cái cây nảy sinh từ đau khổ, đó là tình yêu, và vì thế trong nhiều mối tương quan nhân bản, tương quan gia đình, một mối tương quan hoàn toàn vật chất nảy sinh, trong đó sự toàn vẹn của một nhân vị không được tính đến. Khi chủ nghĩa duy vật lướt thắng các mối tương quan nhân bản, thì người nam và người nữ trở thành những đồ vật của kinh nghiệm tính dục […], kinh nghiệm này đánh mất sự bền vững, tới và đi, không có sản sinh niềm vui của sự từ bỏ bởi vì nó không đến từ đau khổ hoặc hi sinh, và khi một cơn bệnh xảy ra hay có khó khăn kinh tế hay có mâu thuẫn … hôn nhân đổ vỡ cùng một cách thức như những trường hợp khác, như trường hợp của Lugo hay cha Cutié, khi cảm thấy một hi sinh lớn hơn sức lực của mình, họ đã thất tín với lời hứa mà họ đã cam kết.”

Đức Hồng y khẳng định rằng các linh mục, cũng như các đôi vợ chồng, đều được mời gọi sống khiết tịnh.

Ngài nói: "Có một thứ khiết tịnh trong đời sống hôn nhân và có một thứ khiết tịnh trong đời sống độc thân. Ai biết cách yêu và có kinh nghiệm về một tình yêu hôn nhân lành mạnh và vững bền thì hiểu điều tôi nói đến. Giáo hội cũng trao ban một tình yêu như thế cho những ai trong chúng ta biết từ bỏ mọi sự vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Không có khó khăn nhiều hơn hay ít hơn, nhưng sản xuất thứ tình yêu đó thì khó kiếm trong ngày hôm nay, và vì thế, trong một thế giới duy vật và theo chủ nghĩa khoái lạc, thì khó mà giải thích về sự độc thân, vốn là một kho tàng của Giáo hội."
 
ĐTC Bênêđictô XVI: Hội Thánh cần phải thay đổi não trạng
Phaolô Phạm Xuân Khôi
16:01 01/06/2009
Mời gọi tín hữu giáo dân nhận ra trách nhiệm mục vụ của mình

Rôma, ngày 28 tháng 5, 2009 (Zenit.org). – ĐTC Bênêđictô XVI đã nói rằng các tín hữu giáo dân không phải chỉ là những cộng sự viên của các giáo sĩ, nhưng là những người đồng chia sẻ trách nhiệm mục vụ của Hội Thánh.

ĐTC kêu gọi các tín hữu giáo dân hãy ý thức hơn về vai trò của mình khi ngài khai mạc Đại Hội Mục Vụ của Giáo Phận Rôma về “Thành Viên Hội Thánh và Đồng Trách Nhiệm về Mục Vụ.” Đại Hội đang diễn ra đến Thứ Sáu.

ĐTC nói: “Phải có một ý thức mới về việc chúng ta là Hội Thánh và đồng trách nhiệm về mục vụ mà tất cả chúng ta đều được mời gọi để thực thi nhân danh Đức Kitô.” Ngài nói thêm rằng việc đồng trách nhiệm này phải đẩy mạnh việc “tôn trọng những ơn gọi và trách nhiệm của những người được thánh hiến cũng như của các tín hữu giáo dân.”

ĐTC nhìn nhận rằng việc này đòi hỏi phải thay đổi não trạng, đặc biệt là các tín hữu giáo dân, bằng cách thay vì “coi mình như những cộng sự viên của các giáo sĩ, thì phải nhận ra rằng mình thật sự là ‘người đồng trách nhiệm’ đối với đời sống và hành động của Hội Thánh, ưu tiên là củng cố một cộng đồng giáo dân trưởng thành và dấn thân.”

Đức Giám Mục Rômma đề nghị rằng “vẫn còn có khuynh hướng đồng hóa Hội Thánh với phẩm trật, mà quên mất trách nhiệm chung và sứ vụ chung” của tất cả những người đã được rửa tội.

Ngài hỏi: “Đến khi nào thì trách nhiệm mục vụ của mọi người, đặc biệt là của các tín hữu giáo dân mới được nhìn nhận và khuyến khích?”

Khi nhắc đến những tín hữu giáo dân đang dấn thân phục vụ Hội Thánh, ĐTC nói rằng không được “giảm bớt ý thức rằng họ là ‘Hội Thánh,’ bởi vì Đức Kitô, Lời Hằng Hữu của Chúa Cha, đã triệu tập họ và làm cho họ thành Dân Người.”

Như thế ĐTC Bênêđictô XVI đã yêu cầu các linh mục phải truyền thông cho các tín hữu giáo dân một “ý thức rằng mình thuộc về cộng đồng giáo xứ” và tầm quan trọng của sự hợp nhất. Ngài cũng khuyến khích các tín hữu giáo dân làm quen với Thánh Kinh, qua những phương tiện như Lectio Divina, và thực thi những hoạt động truyền giáo, trước hết là qua đời sống bác ái của mình.

ĐTC đã hài lòng là những chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 ở Rôma đã giúp “cộng đồng hội thánh gia tăng ý thức về mệnh lệnh truyền giáo không những chỉ được ban cho một ít người, mà cho tất cả những ai đã được rửa tội.”

ĐTC nói thêm rằng bằng cách ấy mà Hội Thánh đã sống qua nhiều thế hệ, trong khi “có rất nhiều người được rửa tội đã hiến đời mình để giáo dục những thế hệ trẻ về Đức Tin, để chăm sóc cho những người đau yếu và giúp đỡ những người nghèo.”

“Sứ vụ này được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta hôm nay, trong những hoàn cảnh khác, trong thành phố mà quá nhiều người đã được rửa tội đang lạc mất con đường của Hội Thánh và những người là Kitô hữu nhưng không biết vẻ đẹp của Đức Tin của chúng ta.”

Ngươc lại, ĐTC cũng cảnh giác về thái độ nhìn Dân Thiên Chúa từ một cái nhìn “thuần túy xã hội học với một nhãn quan hoàn toàn chiều ngang, mà bỏ mất liên hệ chiều dọc đối với Thiên Chúa.”

ĐTC nhìn vào sự phân biệt giữa “Dân Thiên Chúa” và “Thân Mình Đức Kitô”, bằng cách xác nhận rằng cả hai quan điểm “bổ túc cho nhau và phối hợp với nhau làm thành quan niệm về Hội Thánh trong Tân Ước.”

Ngài giải thích: “Trong khi ‘Dân Thiên Chúa’ diễn tả sự liên tục của lịch sử Hội Thánh, thì ‘Thân Mình Đức Kitô’ diễn tả sự phổ quát được khai trương trên Thánh Giá cùng sự Sống Lại của Chúa.”

Ngài xác quyết rằng “Trong Đức Kitô, chúng ta thật sự trở thành Dân Thiên Chúa,” chúng ta nghĩa là mọi người, “từ Giáo Hoàng cho đến đứa trẻ nhỏ nhất.”

Ngài ghi nhận rằng, “Cho nên, Hội Thánh không phải là kết quả của một tổng số của nhiều cá nhân, nhưng là một sự hợp nhất giữa những người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Hằng Sống.”

Ngài xác nhận rằng Hội Thánh “tăng trưởng và phát triển…. Tương lai của Kitô giáo và của Hội Thánh Rôma cũng là sự quyết tâm dấn thân và làm nhân chứng của mỗi người chúng ta.”
 
Hồng y Trần Nhật Quân: Nạn nhân vụ thảm sát Thiên an môn là những người tuẫn đạo vì dân chủ
Phụng Nghi
20:40 01/06/2009
Hong Kong (AsiaNews) - Hai mươi năm trường đã qua [kể từ vụ thảm sát tại Thiên an môn], thật buồn bã khi thấy thảm kịch này vẫn chưa được chính quyền Trung quốc nhìn nhận là sai lầm, là tội ác… Chính Đặng Tiểu Bình đã nhận hoàn toàn trách nhiệm trong vụ này vì những ngày liền sau vụ thảm sát ông ta đã đích thân đến khen ngợi binh sĩ. Chính ông đã ra lệnh tàn sát. Nhưng nay thì Đặng đã chết từ lâu: Quả thực có thể được chăng, sau bao nhiêu năm trường công lý vẫn chưa được thực thi, chỉ vì nỗi sợ hãi một người đã chết nhiều năm trước?

Đức Hồng y Joseph Trần nhật Quân cai quản tổng giáo phận Hong Kong nay đang nghỉ hưu, từng là nhà quán quân đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo, đã bày tỏ nỗi bất bình của ngài bằng những lời tuyên bố nói trên, và ngạc nhiên về việc chính quyền Trung quốc vẫn từ chối không muốn thú nhận lầm lỗi trong vụ Thiên an môn.
Hồng y Joseph Trần Nhật Quân


Trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã AsiaNews (toàn văn sẽ được đăng tải trong những ngày gần đây) ngài khẳng định rằng nguồn gốc của sự “chối từ” đó là do chế độ độc tài của Trung quốc, một hệ thống đã đến thời phải thay đổi.

“[Chế độ [Trung quốc] tùy thuộc vào một người. Con người đó có tầm nhìn tiến bộ và thông minh trong một số vấn đề, nhưng con người đó không có gì là dân chủ khi ông ta tự coi mình như một hoàng đế. Mới đây có người đã lên tiếng: Làm sao để phục hồi danh dự cho phong trào [Thiên an môn] đó? Đáng lý ra chúng ta phải đổ tội cho Đặng Tiểu Bình! Nhưng điều đó là chuyện không thể làm được!

Vì thế tôi hỏi lại: Tại sao chúng ta không thể đổ tội cho Đặng? Ông ta đã thực hiện được một số việc lớn lao. Ngày trước người ta đã cho rằng Mao phải chịu trách nhiệm về cuộc cách mạng văn hoá, thế thì tại sao ta không thể cũng gán tội cho Đặng? Chúng ta phải tuyệt đối đổi thay hệ thống độc tài kiểu vua chúa này, vì đó là căn nguyên của thảm kịch lớn lao đó.”

Hồng y Quân, hai mươi năm trước mới chỉ là một linh mục, nay nhắc nhớ lại sự tham gia của dân chúng Hong Kong vào phong trào Thiên an môn và nỗi đau đớn của họ khi cuộc thảm sát xảy ra.

“Năm [1989] đó đã làm phát sinh ra một nhận thức và một cảm xúc mới mẻ trong dân chúng Hong Kong: chúng tôi là người Trung hoa, chúng tôi là thành phần của quốc gia vĩ đại này. Trước đó chúng tôi chỉ nghĩ mình là dân Hong Kong, nhưng từ vụ đó, chúng tôi tất cả đều cảm thấy mình thực là người Trung quốc.”

“Vào lúc đó tôi đang làm giám đốc trường Salêdiêng ở Aberdeen, đồng thời làm bề trên cộng đồng và giám thị trường học. Vì những biến cố đó xảy ra vào ngày Chủ nhật, nên ngày thứ Hai liền sau đó, khi tất cả tập trung tại trường học, chúng tôi ai nấy nói với nhau mà tràn nước mắt, bởi vì chúng tôi cảm thấy mình là người Trung quốc, cùng chia sẻ xúc cảm và số phận của những người trẻ tuổi kia, những người đã can đảm bước ra đòi hỏi cải cách cho xứ sở mình. Tôi nhớ sau hậu quả cuộc tàn sát tôi đã đọc hai bài diễn từ, và tổ chức một buổi lễ tưởng niệm cho những người anh hùng đã chết tại quảng trường và trên những đường phố kế cận.”

“Đặc biệt là tôi còn nhớ ngày có cuộc tuần hành vĩ đại cả hàng triệu công dân ở Hong Kong đây xuống đường, vừa cầu nguyện vừa ca hát. Đó quả thực là một kinh nghiệm độc đáo mà tôi sẽ nhớ mãi suốt đời.”

Từ năm 1989 đó trở đi, hàng năm ở Hong Kong cứ vào này 4 tháng 6 lại có một buổi canh thức vĩ đại để tưởng niệm những người đã thiệt mạng tại Thiên an môn, được tổ chức tại công viên Victoria, có cả hàng ngàn người tham dự. Trong cương vị tổng giám mục Hong Kong, Hồng y Quân năm nào cũng tham gia buổi canh thức cầu nguyện:”Tôi nhớ mấy năm trưóc đây, trong một buổi canh thức cầu nguyện như thế, người ta hỏi tôi năm sau tôi có trở lại nữa hay không và tôi đã trả lời: Tôi hy vọng năm tới sẽ lại có mặt tại đây để mừng một chiến thắng, đó là nhìn nhận những người tuẫn đạo tại Thiên an môn như những người anh hùng ái quốc và thấy chính quyền công nhận việc đàn áp họ là một sai lầm.”

“Thật là điều đáng buồn vì 20 năm trời đã qua mà chính quyền vẫn chối từ không chịu nhận lầm lỗi và tội ác lớn lao đó. Nhưng [đối với chúng tôi] sau 20 năm chẳng thấy có gì thay đổi, chúng tôi vẫn cảm thấy nỗi đau sâu thẳm vì mất mát đi bầu nhiệt huyết của những người trẻ tuổi đã bị lãng phí một cách bi thương.”

Những ngày gần đây ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) là Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, tuyên bố rằng phải “để vụ thảm sát Thiên an môn cho lịch sử” xét định và nên quên đi; ông cũng yêu cầu người dân Hong Kong thay vào đó hiểu rõ giá trị “những thành quả kinh tế xuất sắc” mà Hong Kong và Trung quốc đạt được kể từ sau vụ thảm sát.

Hồng y Quân đã đáp lại: “Lời bình luận đó không phải tự ông ta nghĩ ra, mà chỉ là chính sách của nhà nước: nhờ đàn áp phong trào đó mà có được ổn định và do đó có phồn vinh. Nhưng điều đó là vô nghĩa, hoàn toàn vô nghĩa. Không một ai có thể chứng tỏ rằng ổn định có được là do đàn áp phong trào đó mà ra, và trong bất cứ trường hợp nào, thành công và phồn thịnh không bao giờ có thể biện minh cho việc dùng bạo lực một cách kinh hoàng đến thế.”
 
Có tin Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ gặp ĐGH vào thượng tuần tháng 7
Nguyễn Long Thao
23:48 01/06/2009
ROME - 01/06/09 - Thông tấn AFP trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn ANSA của Ý cho biết Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama có thể sẽ găp Đức Giáo Hoàng sau khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh của khối G -8 diễn ra tại Ý từ ngày 8 đến 10 tháng 7 năm 2009.

Hãng thông tấn ANSA không cho biết rõ nguồn tin trên xuất phát từ đâu nhưng nói hầu như chắc chắn cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Obama và ĐGH Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 7 là ngày bế mạc cuộc họp thượng định của khối G-8. Cuộc họp thượng đình được tổ chức tại thành phố L’Aquila là nơi đã bị tàn phá vì cuộc động đất vào tháng Tư vừa qua làm 299 người thiệt mạng.

Chưa có giới chức nào của Tòa Thánh cũng như Hoa Kỳ xác nhận nguồn tin trên. Và nếu cuộc gặp gỡ diễn ra như dự liệu thì đây là lần đầu tiên có cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo mới của Hoa Kỳ và vì đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại ngay sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng Thống, phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết ĐGH Bênêđictô XVI đã gửi điện văn chúc mừng Tổng Thống Obama trong đó Ngài viết” Xin Chúa phù trợ ông và dân chúng Hoa Kỳ cũng như tất cả những người có thiện chí đang hoạt động cho hòa bình, công lý và đoàn kết”

Thông tấn xã AFP cũng cho biết ngay sau khi đắc cử tổng thống được vài ngày, ông Obama đã nói chuyện trực tiếp bằng điện thoại với ĐGH.

Ông Obama là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, ông có lập trường ủng hộ phá thai và ủng hộ hôn nhân đồng tính. Cả hai lập trường này đều đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội. Do vậy, mối liên hệ giữa chính quyền đương thời của ông Obama và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như với Tòa Thánh Vatican có vẻ không được suông sẻ cho lắm.
 
Top Stories
Vietnam: Cardinal says Christians have duty to protect environment
Independent Catholic News
02:16 01/06/2009
In a strong-worded pastoral letter dated May 31, a Vietnamese Cardinal has condemned the exploitation of natural resources which damages the environment, urged Catholics to protest against new economic plans, and to pray for the government to show their concern for the people, the land, and future generations.

Cardinal Jean Baptiste Pham Minh Man, Archbishop of Saigon, stated that it is his pastoral duty to inform and raise awareness among his faithful about the risks of environmental damage in Vietnam after reviewing the recent reports on the issue at hand. The Cardinal's letter came a few days after a decision from Vietnam congress to back bauxite mining projects in the Central Highlands region despite widespread public protests.

The debate at Vietnam National Assembly occurred after a public outcry from scientists, intellectuals and former military high ranking officials-including general Vo Nguyen Giap, the legendary communist wartime hero – who oppose bauxite mining projects endorsed by the Politburo of Vietnam Communist Party - the Vietnam's most powerful ruling body.

Opponents of the bauxite projects claimed the environmental and social damage from the mines would far outweigh any economic benefit, and pointed to security concerns due to the long term presence of hundreds of thousands of Chinese workers in bauxite mines.

"The natural environment is a gift from the Creator that all of us can share," Cardinal Jean Baptiste Pham stated. "It's a gift for everyone, not for a particular individual or minority group; a gift not only for the present generation but also for generations to come," he added.

Echoing the concern of scientists and intellectuals that local residents close to the mines would suffer badly from environmental damage, the Cardinal argued: "Since natural environment is for everyone, no one has permission to damage or control it even in the name of economic development, and strategies to gain profits for only a small group of privileged people."

"Recent developments have proven that investors have only their personal profits in mind without taking into accounts the effects that their production might cause on the living environment. These strategies of economic development can only lead to chaos. They are neither for the common good of society, nor the future of the nation", he went on.

The criticism of bauxite projects has come from various directions. However, in response, state-owned media have seemed to choose to punish only Catholics. Last month, Fr Peter Nguyen Van Khai, the spokesman of Hanoi Redemptorist Monastery, and another Redemptorist, Fr Joseph Le Quang Uy were victimized by the government for their opposition against bauxite projects. They were accused of "stupidity" and "ignorance," of causing serious damage to national unity and to the process of development, and of plotting to overthrow the communist regime.

In a clear gesture to defend the accused Catholic priests, the Cardinal viewed the open criticism of bauxite projects as "healthy signs" of a democratic society urging his faithful to stand up in the same manner to voice their protest "through legitimate representatives and media" because "protecting environment is our Christian's duty," he confirmed.

In conclusion, the Cardinal urged his faithful "to pray for the government officials so that they know how to love and care for their people, their nation, and generations to come."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Về bên Mẹ Trà Kiệu
Huy An
14:24 01/06/2009
TRÀ KIỆU - Ngày 31 tháng 5 hằng năm, lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, là ngày hẹn của Giáo phận Đà Nẵng hành hương về Linh Địa Đức Mẹ Trà Kiệu. Năm nay, nhằm vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, càng làm cho bầu khí phụng vụ và lễ hội thêm rộng ràng.

Xem hình ảnh

Từ sáng sớm, trời mưa lất phất, vẫn không ngăn cản được dòng người đổ về Trà Kiệu mỗi lúc một đông bằng đủ mọi phương tiện. Những đoàn hành hương từ Sài Gòn, Hà Nội và những nơi khác ngoài Giáo phận đã về Trà Kiệu từ chiều hôm trước.

Đường lên xuống Đồi Bửu Châu với 150 cấp đá hôm nay như giòng thác. Khách hành hương chen chân nối đuôi nhau tham dự những phiên chầu Thánh Thể trong nhà nguyện lộng gió dâng kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu trên đồi. Dưới sân Nhà thờ Trà Kiệu rợp bóng me tây, kinh Mân Côi râm ran chen lẫn những điệu hoa dâng Mẹ từ các xứ đạo góp về. Đoàn người rồng rắn dẫn đến các toà giải tội. Tất cả tạo nên bầu khí hành hương, chuẩn bị cho giờ cao điểm là cuộc rước Đức Mẹ và Thánh Lễ kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ban chiều.

Đúng 13g30, những hồi chuông thánh thót vang lên, qui tụ con cái Mẹ đến quây quần trước sân Nhà thờ Trà Kiệu, nơi Đức Mẹ đã hiện ra bảo vệ giáo dân trong cơn nguy khốn từ 124 năm về trước. Khi chiếc xe hoa thật là hoa cung nghinh thánh tượng mái tóc trần nhẹ bay theo gió độc đáo của Mẹ Trà Kiệu từ lòng Nhà thờ tiến ra giữa sân Thánh đường trong tiếng nhạc mừng, giờ tôn vinh Mẹ bắt đầu. Cơn mưa chiều lất phất phụ hoạ cho những điệu múa tưng bừng dâng Mẹ của hàng chục thiếu ấu nữ xứ Trà. Đoàn kiệu bắt đầu hàng lối rời sân Nhà thờ Giáo xứ tiến về Quảng trường Đồi Bửu Châu, nơi sẽ diễn ra Thánh Lễ bế mạc.

Đoàn kiệu Mẹ đi qua con đường chẻ dọc làng Trà Kiệu, rồi băng qua giữa rừng người tại công trường Bửu Châu để tiến lên lễ đài. Hàng vạn cánh tay vẫy chào Mẹ trong tiếng nhạc mừng: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông…” Khi kiệu Mẹ an vị, phần diễn nguyện kết thúc cuộc rước. Đoàn thiếu nữ xứ sở Simhapura thuở xưa đã dâng Mẹ tiếng cồng chiêng hùng tráng, nhắc lại cuộc khải hoàn năm nào của đoàn con thơ yếu thế được Mẹ ra tay bảo vệ che chở. Câu chuyện tiệc cưới Cana được diễn lại trong năm giáo dục gia đình như lời nhắc nhớ vai trò của Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong nỗ lực xây dựng hạnh phúc gia đình hôm nay, nhất là những ai đang “thiếu rượu” giữa cuộc đời. Những cánh quạt đỏ nhịp nhàng như những lưỡi lửa trong điệu múa kết thúc giờ tôn vinh Mẹ của đoàn đệ tử Dòng Thánh Phaolô, dẫn cộng đoàn vào cử hành Mầu Nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Ngay trước Thánh Lễ, tâm tình của cộng đoàn phụng vụ được dẫn dắt vượt qua lãnh thổ Giáo phận Đà Nẵng, hướng đến toàn thể Giáo Hội Việt Nam, khi Cha Quản hạt Trà Kiệu tuyên đọc thư của Đức Cha Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, gửi cộng đoàn dân Chúa Việt Nam về Năm Thánh 2010 sắp tới. Một bầu khí hiệp thông vui mừng tràn ngập cộng đoàn khi Đức Cha Giuse, Giám mục Đà Nẵng cùng đoàn đồng tế trong lễ phục đỏ huy hoàng tiến ra lễ đài. Đức Cha chủ tế kêu gọi mọi người chào mừng nhau, mừng sinh nhật của Giáo Hội bằng một tràng vỗ tay thật kêu và thật dài. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí vừa ấm áp tâm tình, vừa mát dịu dưới bầu trời không mưa không nắng…

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức Cha Giuse đã nhắc đến Đức Maria như tác phẩm tuyệt vời trong đôi tay quyền năng của Thánh Thần Tình Yêu. Ngài mời gọi mọi người hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần, để Ngài tôn tạo lại ngôi đền mang tên Ngài mà mỗi người đã dâng hiến trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Sau Phép lành với ơn Toàn xá nhân năm Thánh Phaolô, quãng trường chân đồi Bửu Châu vỡ oà niềm vui. Đoàn con cái Mẹ chia tay nhau ra về, như các Thánh Tông đồ sau lễ Ngũ Tuần năm xưa, để Tin Mừng Phục Sinh được làm chứng khắp nơi.

Hẹn nhau cuộc hành hương năm 2010, kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ Trà Kiệu.
 
Các đoàn hoa cả trăm người Giáo xứ Trung Linh thuộc giáo phận Bùi Chu dâng hoa kính Đức Mẹ
Giuse Trần Ngọc Huấn
14:38 01/06/2009
BÙI CHU - Buổi chiều ngày 31 tháng 5 năm 2009, giáo xứ Trung Linh – Giáo phận Bùi Chu – đã long trọng tổ chức cuộc cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ và dâng hoa bế mạc tháng kính Đức Mẹ.

Xem hình ảnh buổi dâng hoa vĩ đại tại Trung Linh

Giáo xứ Trung Linh thuộc giáo phận Bùi Chu, là một giáo xứ lớn với số giáo hữu đông đảo, nằm cách Toà Giám mục Bùi Chu khoảng 1,5km. Đây là giáo xứ có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu, khi Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương Việt Nam này. Từ đó, đức tin và đời sống đạo đức của bà con giáo dân nơi đây mỗi ngày một thăng tiến, trở thành một trong những giáo xứ lớn sầm uất nhất của giáo phận Bùi Chu.

Đặc biệt, tại giáo xứ còn có một ngôi nhà nguyện để làm nơi Chầu Thánh Thể Chúa, nhờ đó đã thôi thúc mọi thành phần trong giáo xứ cố gắng sống đạo với niềm tin vững vàng và lòng nhiệt thành vì Chúa và tha nhân.

Giáo xứ Trung Linh còn có sự hiện diện và phục vụ của nhà Mẹ của Hội Dòng Mân Côi Bùi Chu, được Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn thành lập năm 1946, là Hội Dòng đầu tiên của Bùi Chu được thành lập theo giáo luật.

Hiện nay, giáo xứ Trung Linh do linh mục Đaminh Ngô Văn Viễn làm chính xứ.

Được biết, trong những biến cố nổi bật của giáo hội Công Giáo Việt nam hồi cuối năm ngoái, nhất là sự kiện Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà (thuộc TGP Hà Nội) giáo xứ Trung Linh cũng có những cộng tác đắc lực với tinh thần cầu nguyện và hiệp thông sâu xa. Các tin tức và tài liệu đã được in và phổ biến một cách rộng rãi, để mọi người biết được đâu là Sự thật, để từ đó cùng hiệp thông cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình trên quê hương đất nước này.

Chiều ngày Chúa nhật cuối tháng Hoa hôm nay, giáo xứ đã long trọng tổ chức cung nghinh Đức Mẹ quanh khuôn viên Thánh Đường và hồ lớn của giáo xứ. Đặc biệt, vào cuối buổi chiều, một cuộc đồng tiến hoa kính Đức Mẹ đã được cử hành tại tiền sảnh của thánh đường giáo xứ với hàng trăm “con hoa”, trong sự tham dự của đông đảo mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

Trong suốt tháng Hoa, giáo xứ đã có nhiều hoạt động để thể hiện tâm tình con thảo với Mẹ Thiên Chúa. Các buổi cầu nguyện, các chương trình học hỏi về Đức Mẹ, các buổi dâng hoa,… luôn thu hút sự tham dự của mọi người. Nhà thờ đã thực sự trở thành trung tâm đời sống đạo của bà con giáo dân nơi đây.
 
Tuần thường huấn các Linh mục Giáo tỉnh Hà Nội.
Giuse Trần Ngọc Huấn
18:44 01/06/2009
TGP HÀ NỘI, Sáng ngày hôm nay, 1 tháng 6 năm 2009, các Linh mục trong giáo tỉnh Hà Nội đã quy tụ về Toà Tổng Giám mục và Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội để tham gia đợt I của tuần thường huấn các Linh mục trong giáo tỉnh Hà Nội năm 2009.

Vào lúc 8h sáng, tại hội trường của Đại Chủng Viện, chương trình thường huấn đã được khai mạc với bài phát biểu mở đầu của Đức Tổng Giám mục giáo tỉnh Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt. Đức Tổng Giám Mục đã chào mừng quý Đức Cha và quý Cha đã từ khắp các nơi trong giáo tỉnh tụ họp về đây để tham dự đợt I của tuần Thường huấn Linh mục năm 2009. Ngài cũng nhấn mạnh bổn phận có tính bắt buộc thường huấn của các linh mục theo như chỉ dẫn mục vụ của Tòa Thánh. Đặc biệt, với tuần thường huấn này, các linh mục tham dự không chỉ nhắm đến lợi ích về kiến thức hay kinh nghiệm mục vụ mà còn nhắm đến tình hiệp thông huynh đệ giữa các linh mục trong toàn giáo tỉnh miền Bắc.

Tham dự chương trình khai mạc và những hoạt động chính của tuần thường huấn, ngoài Đức Tổng Giám mục Hà Nội, còn có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục Thanh Hoá – làm trưởng ban tổ chức, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên – Giám mục Hải Phòng – làm phó ban tổ chức, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh – Giám mục phụ tá Hà Nội, giám đốc ĐCV.

Tuần thường huấn các linh mục trong giáo tỉnh Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 6 tháng 6 năm 2009, tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, được chia làm hai đợt. Đợt 1 từ ngày 1 đến 3 tháng 6 với sự tham gia của 186 linh mục.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và tiểu ban mục vụ của ngài tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn sẽ trực tiếp hướng dẫn với những chuyên đề về mục vụ và bổ túc kiến thức cho các linh mục tham gia tuần thường huấn này./.
 
Những ngọn nến đức tin ở giáo xứ Lưu Mỹ Gp Vinh
Phan Khôi
18:51 01/06/2009
VINH - Hơn 2000 cây nến cháy sáng trải dài trên 3 km đường liên xã từ giáo họ Cẩm Sơn về nhà xứ Lưu Mỹ nằm trên địa bàn huyện Đô Lương, đã nói lên tinh thần tháng Hoa và Tháng Thánh Tâm Chúa của chủ chăn cùng đoàn chiên xứ Lưu Mỹ thuộc hạt Bảo Nham, giáo phận vinh; đồng thời hướng về cầu nguyện cho các luật sư công giáo và đồng bào Tây nguyên vùng Beauxit.

Ngay từ chập tối ngày 30 - 5- 2009. Giới trẻ và các hội đoàn giáo xứ Lưu Mỹ đã tập trung đông đủ trước tiền sãnh nhà thờ giáo họ Cẩm Sơn (Chợ Ú – Đô lương), mỗi người mang theo 5 cây nến, sẵn sàng cho chuyến hành trình đi bộ 3 km rước Kiệu Đức Mẹ và Thánh tâm Chúa về nhà xứ Lưu Mỹ.

Đúng 19h15 phút Linh mục quản xứ Lưu Mỹ - Cha Giuse Trần Văn Phúc - đã làm phép tượng Thánh tâm Chúa và Đức Mẹ, khai mạc cuộc rước.

Cha phúc nói: “Anh chị em thân mến! Xưa trong đêm tối sa mạc, Maisen đã theo cột lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Thần dẫn dắt dân người thoát thoát khỏi bóng tối nô lệ tiến về đất hứa, thì hôm nay đây trước ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tề tựu nơi đây để cầu xin Chúa Ngôi Ba đồng hành với chúng ta trên những chặng đường Đức tin và để cầu nguyện cho các Luật sư công giáo cùng với anh chị em đồng bào Tây nguyên vùng khai thác Bauxit đang chịu nhiều thiệt thòi. Trong tâm tình đó giờ đây cùng Thánh mẫu La vang và Thánh tâm Chúa, chúng ta hãy thắp nến, tay cầm chuỗi hạt Mân Côi và khởi kiệu…”

Những cây nến Tin yêu đã tỏa sáng xuyên suốt chặng đường 3 km liên xã Đại Sơn và Trù sơn. Kiệu Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ, đi tới đâu cũng được bà con lương dân hai bên đường kính cẩn chiêm ngưỡng. Tiếng trầm hùng của lời Kinh Hoà Bình đã làm cho nhiều người rơi lệ và dường như họ cũng cảm nhận được sự bình an đích thực khi nghe đoàn rước ca vang: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

Đem an hoà vào nơi tranh chấp,

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm
…”

Giờ cao điểm đã tới. Kiệu Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ được rước về Nhà xứ Lưu Mỹ. Nhiều tiết mục Dâng hoa Kính Mẹ và sau mỗi tiết mục là một lời nguyện được dâng lên Mẹ và Thánh Tâm Chúa.

Trong các lời nguyện – Linh mục quản xứ cùng giáo dân đã nói lên những thao thức của mình về tình hình của Giáo hội trong thời điểm này, về bối cảnh chung của xã hội với những bất công trong nhân quyền, nhân phẩm và những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt. Đặc biệt những bất công trắng trợn về quyền lợi và nhân phẩm mà con cái giáo xứ đang phải chịu. Cha xứ cũng đề cập đến tinh thần nghĩa hiệp của Tướng Giáp, nhất là trong thời điểm đặc biệt này, khi ông ở tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn canh cánh bên lòng nỗi khổ của đồng bào Tây Nguyên với những thiệt thòi về quyền lợi, tác hại về môi trường trong dự án Beauxít đang được khai thác rầm rộ ở Tây Nguyên.

Giới trẻ giáo xứ đã cầu nguyện rất lâu giờ cho các Luật sư Công giáo và các phong trào bảo vệ công lý, bảo vệ sự sống.

Rất đông các bạn trẻ lương dân cũng tham gia vào đêm cầu nguyện này và đó cũng là dịp tốt để họ chứng nghiệm tinh thần sống đạo, tinh thần yêu dân tộc, yêu giống nòi của người công giáo nói chung và riêng giáo dân nơi miền sơn cước hẻo lánh này.

Một lần nữa Lời kinh Hoà Bình được Cha xứ cất lên và hàng ngàn ngọn nến dương cao cung kính hoà đồng vào khúc hát tạ ơn Chúa, tri ân thánh Phanxicô đã gieo vào thế giới những lời ca bất hủ đượm tình nhập thế của Đức Kitô – Làm nên một cuộc cách mạng tình yêu, đưa nhân loại tới sự thật là nguồn bình an đích thực cho mọi thế hệ.

Mọi người ra về trong tâm tình hứng khởi với niềm tin yêu vào Mẹ Giáo hội, vào sức mạnh và ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Vững tâm thắp sáng cây nến Đức tin trong mọi góc khuất của đời thường.
 
Giáo xứ Nam Định bế mạc tháng hoa kính Đức Mẹ
Giuse Trần Tiến Thạo
18:59 01/06/2009
HÀ NỘI - Chúa nhật ngày 31.5.2009 cũng là Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, giáo xứ Nam Định đã long trọng tổ chức chương trình hoan ca và dâng hoa bế mạc tháng hoa kính Đức Mẹ.

Sau Thánh lễ trọng thể vào lúc 18h chiều, mừng kính Chúa Thánh Thần hiện xuống, chương trình chính thức bắt đầu tại quảng trường phía cuối nhà thờ.

Với chủ đề “MARIA MẸ NGÀN HOA”, đây có thể coi là một trong những chương trình lớn nhất của giáo xứ Nam Định từ trước đến nay. Vì không những có đầy đủ sự tham gia của các ca đoàn trong giáo xứ, của đội dâng hoa với 120 người từ em nhỏ lên 5 đến các cụ già 80 tuổi, mà chương trình còn có sự góp mặt của các bạn trẻ và các em thiếu nhi thuộc giáo xứ Tường Loan, các bạn trẻ giáo họ Trung Chí – giáo xứ Hàm Long, các Sr thuộc Dòng Mân Côi Bùi Chu, cùng các bạn sinh viên công giáo của các trường đại học trên địa bàn thành phố Nam Định. Và đặc biệt với sự tham dự của gần 7000 giáo dân, chương trình thực sự đã trở thành một ngày lễ lớn để tôn kính Đức Mẹ và cũng là ngày hội lớn của giáo xứ Nam Định nói riêng và thành phố Nam Định nói chung, góp phần làm cho công cuộc truyền giáo ở nơi đây ngày càng thêm phát triển hơn.

Trước đó vào ngày 3.5.2009 giáo xứ cũng đã có buổi dâng hoa trọng thể để khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ, và trong suốt tháng 5 giáo xứ đã dành những giờ chầu, giờ kinh thật sốt sắng với tâm tình của những người con dâng lên Mẹ Maria.

Hy vọng những tâm tình tôn kính Đức Mẹ không chỉ có trong tháng 5 này mà sẽ còn kéo dài mãi mãi, đồng thời đưa được nhiều người lạc bước trở về bên Mẹ Maria, đó sẽ là những bông hoa đích thực dâng lên Mẹ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quốc hội của ai?
Trần Công Luận
01:57 01/06/2009
QUỐC HỘI CỦA AI?

Khát vọng sâu sa, thầm kín và mãnh liệt nhất của con người mọi thời, đó là được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng và thịnh vượng; quyền lực nhà nước không thuộc về một cá nhân, hay một nhóm người nào, nhưng thuộc về toàn thể nhân dân. Khát vọng này càng cháy bỏng và thiết tha khi các tập đoàn phong kiến ngày càng toû ra chuyên quyền, độc đoán, và hà khắc. Nảy sinh từ khát vọng này, một lý thuyết về việc phân chia quyền lực đã ra đời.

Aristote (384-322 tcn), nhà triết học Hy Lạp cổ đại, được biết đến là người đầu tiên có tư tưởng về phân chia quyền lực. Theo ông thì bất kỳ một nhà nước nào cũng cần phải có những yếu tố bắt buộc sau đây: cơ quan lập pháp, cơ quan thực thi pháp luật, và các tòa án. Tuy nhiên, Aristote mới chỉ dừng lại ở việc phân biệt các hoạt động của nhà nước, chứ chưa đưa ra được phương thức vận hành cũng như mối tương quan của các cơ quan này.

Mãi đến thế kỷ 17, tư tưởng về phân quyền mới được John Locke (1632-1704), một triết gia người Anh, xây dựng thành hệ thống. Theo ông “chỉ có thể có một quyền lực tối cao, là cơ quan lập pháp, coøn tất cả các quyền lực khaùc thì là, và phải là, những cái phụ thuộc vào nó” . Như vậy thì quyền lực nhà nước phải gồm các thành phần sau: lập pháp, hành pháp và liên minh.

Kế thừa học thuyết trên của John Locke, Montesquieu (1689 – 1775) đã phát triển nó thành một học thuyết mang tính toàn diện hôn. Theo ông: “Trong bất cứ quốc gia nào cũng đều có ba thứ quyền: quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp, và quyền thi hành những điều trong luật dân sự” . Và khi nào “quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện Nguyên Lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết."

Sau Montesquieu, J.J. Rousseau (1712 – 1778) đã chủ trương nêu cao tinh thần tập quyền: tất cả quyền lực nằm trong tay cơ quan quyền lực tối cao tức là toàn thể người dân trong cộng đồng xã hội. Ông khẳng định rằng “những bộ phận quyền hành được chia tách ra đều phụ thuộc vào quyền lực tối cao” và “mỗi bộ phận chỉ thực hiện ý chí tối cao đó” mà thôi.

Cốt lõi của học thuyết này là mô hình quản trị đất nước dựa trên nguyên tắc: tam quyền phân lập, gồm ba cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba cơ quan này độc lập, và theo dõi lẫn nhau, làm cho không cơ quan nào đứng ngoài pháp luật, hoặc đứng trên pháp luật. Cơ quan này làm đối trọng của cơ quan kia.

Các dân tộc tiến bộ dân chủ trên thế giới đã áp dụng mô hình này vào thực tiễn xã hội, mặc dù mức độ, cũng như cách thức áp dụng có khác nhau nhưng đều dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập ấy.

Ở Việt Nam, đảng cộng sản không áp dụng học thuyết tam quyền phân lập nói trên nhưng thực hiện cơ chế quyền lực tập trung, để xây dựng nhà nước XHCN, trong đó ĐCSVN giữ “vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện bằng cách bổ nhiệm, bố trí Đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt, lãnh đạo trong chính phủ, trong lực lượng an ninh và quân đội, trong Mặt trận Tổ quốc, trong Quốc hội, trong tòa án và trong Viện kiểm sát” . Với cách xây dựng Nhà Nước như vậy thì mọi quyền lực đều tập trung trong tay ĐCSVN, trong đó Bộ chính trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất, hiện nay gồm có 15 thành viên. Tuy nhiên, để lừa bịp thế giới và để chứng tỏ rằng đất nước mình cũng có một nền dân chủ như ai, ĐCSVN đã chế tác ra ba cơ quan có đặc điểm và mô hình giống như mô hình tam quyền phân lập, gồm: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp.

ĐcsVN cũng rêu rao với mọi người rằng, cơ quan lập pháp hay còn gọi là Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất cho nguyện vọng ý chí của người dân, là cơ quan có quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng chính: lập pháp, giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (xem Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 ngày 25/12/2001).

Để đánh lừa cho người khác nghĩ rằng, Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cao nhất cho nguyện vọng ý chí của người dân, thì ĐcsVN đã cho viết trong Điều 43, Luật tổ chức Quốc hội rằng: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội” . Rồi trong Điều 6 Hiến pháp của Nước CHXHCNVN, đcsVN đã cho viết: “Nhân dân làm chủ nhà nước bằng cách sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” .

Tuy nhiên, nếu Quốc Hội của nước CHXHCNVN được hiểu đúng theo từng chữ bởi những gì đcsVN viết, thì cô quan này cần có tối thiểu các yếu tố sau:

• Đại biểu của cơ quan này phải được chính người dân chọn lựa thông qua các cuộc bỏ phiếu dân chủ và minh bạch. Vì ở Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất, đó là ĐCS, nên số đại biểu không phải là đảng viên ĐCS tối thiểu phải lớn hơn 51% trong tổng số đại biểu.

• Các vị đại biểu Quốc hội không được phép tham gia vào các cơ quan hành pháp và tư pháp, để tránh trường hợp “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay “mẹ hát con khen hay”, hoặc kẻ đi thưa kiện lại chính là quan tòa v.v. (Nếu một người vừa là đại biểu vừa là Thủ tướng, vừa là chủ tịch, vừa là bí thư... thì ai giám sát ai, ai chất vấn ai? “Vai trò, vị trí của đại biểu Nhân dân tại Quốc hội, do đó, tự nó phải tách biệt ra khỏi những kiêm nhiệm khác trong hệ thống đảng hay guồng máy chính phủ, chí ít là phải tách biệt rạch ròi ngay trong những phiên họp Quốc hội.” (Đinh Tấn Lực))

• Các vị đại biểu Quốc hội phải là những vị đại biểu chuyên trách, dành toàn bộ thời gian của mình để toàn tâm toàn lực vào thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình mà nhân dân đã phó thác cho. Hãy xem công việc hằng ngày căn bản của một Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu liên bang Mỹ là: (1) họp với cử tri, cư dân để thảo luận về các vấn đề, (2) dự các buổi họp các ủy ban quốc hội, (3) họp với các viên chức nhà nước và các nhà vận động hành lang, (4) nghiên cứu và thảo luận về các dự luật, (5) làm việc với các nhóm không chính thức của các bạn đồng viện, (6) giúp cư dân giải quyết các vấn đề, (7) quản trị các văn phòng quốc hội và nhân viên, (8) gây quỹ để tranh cử kỳ sắp tới, (9) làm việc với các lãnh tụ đảng để tìm hỗ trợ cho các dự luật, (10) theo dõi xem các cơ quan hành pháp thi hành luật tới đâu, và (11) xuất hiện trước cư dân ngoài tiểu bang để trình bày các vấn đề (theo Bách Khoa Encarta).

Nhưng thực tế cho thấy, việc lựa chọn các vị đại biểu Quốc hội của Việt Nam chỉ là một trò hề, một ma thuật dân chủ có tính bịp bợm: Đảng cử-dân bầu. Người dân bị bắt buộc phải đi bỏ phiếu, và họ chỉ đi bỏ phiếu cho “xong tội” như đi trả nợ chính phủ, để khỏi bị quy kết vào thành phần chống đối, thậm chí nặng hơn là phản động, phản cách mạng v.v. (để ĐCSVN có thể nêu thành tích là hơn 99% cử tri đã tham gia bầu cử…). Một người có thể đi bỏ phiếu cho cả nhà, thậm chí cho cả khu xóm, khu phố hay cho cả cơ quan. Một cử tri nhận xét: “Đi bầu dùm là điều "tự nhiên" chẳng ai quan tâm, mà còn ủng hộ khuyến khích nữa đằng khác. Chỉ có những người không đi bầu và đi bầu trễ mới là điều đáng quan tâm. Khi đó phải báo công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố, người thân, hàng xóm đi nhắc nhở tận nhà hoặc gọi điện thoại... hoặc yêu cầu người nhà đi bầu dùm và thật xui xẻo nếu người đi vắng đó lại mang theo luôn thẻ cử tri”.

Tất cả người dân đều không mấy quan tâm đến việc chọn lựa ai, mà nếu phải chọn lựa thì cũng chẳng biết chọn lựa ai vì không biết các ứng cử viên là ai, làm gì, chức vụ ra sao: “phó thường dân” hay cán bộ cốt cán, bằng cấp đại học hay “học đại”, mặt dài mũi ngắn hay mũi ngắn mặt dài…. Mà cũng chẳng cần biết, bởi dù cho mặt mũi có dài ngắn thế nào đi chăng nữa thì các ứng cử viên ấy cũng đã được ĐCSVN định đoạt, an bài, “cơ cấu” cả rồi, dưới hình thức chia theo tỷ lệ cho công nhân, nông dân, trí thức, giới tính, dân tộc v.v… Cơ cấu này phải trải qua 3 đến 4 lần hiệp thương do Mặt trận tổ quốc chủ trì. Dưới hình thức này nếu một ứng cử viên nào tự ứng cử mà không được ĐCS “duyệt” thì sẽ trở nên “lạc loài”, sau 3, 4 vòng hiệp thương thì hoàn toàn bị “đánh bật” ra ngoài. Với trường hợp này thì thầy Đỗ Việt Khoa là một ví dụ điển hình (một người rất nổi tiếng về việc chống bệnh thành tích và gian lận trong giáo dục ở Hà Tây, thầy đã nhận được 0% phiếu tín nhiệm tại nơi thầy đang công tác ở vòng hiệp thương thứ 2).

Ngoài ra, quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu không được thực hiện một cách minh bạch. Không có một cơ quan giám sát độc lập nào đứng ra giám sát, theo dõi quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu hết. Tất cả đều được thực hiện trong “nhà” của ĐCS. Như vậy, việc chọn ai, bầu ai là việc của người dân, còn ai được trúng cử là việc của ĐCS!

Kết quả của trò hề này là 444/493 (90%) đại biểu quốc hội là đảng viên ĐCS và 49/493 (10%) còn lại là những vị đại biểu ngoài Đảng nhưng biết “ngoan ngoãn” nghe theo ĐCS (xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/05/070520_electionday.shtml http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Vi%E1%BB%87t_Nam#Qu.E1.BB.91c_h.E1.BB.99i).

Như vậy, 100% các vị đại biểu là người “trong nhà” của ĐCS. Các vị đại biểu Quốc hội trở thành những ông/bà nghị “gật” của ĐCS. Đảng bảo gật thì các ông/bà gật. Đảng bảo dơ tay thì các ông dơ tay. Điều này chẳng có gì lạ lẫm đối với người dân caû, đến nỗi còn có câu ca dao rằng: "đảng chỉ tay, mặt trận vỗ tay, quốc hội dơ tay, nhân dân trắng tay…". Một ví dụ gần đây nhất của sự nghị gật, đó là lời phát biểu của ông Dương Trung Quốc liên quan đến vụ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Ông nghị gật Dương Trung Quốc này đã phát biểu trên báo Tuổi trẻ rằng: “Bộ Chính trị đã quyết rồi thì bây giờ ta (Quốc hội) chỉ bàn làm sao cho tốt, cho an toàn thôi” . Như vậy, Quốc hội chỉ còn một chức năng là làm hợp thức hóa các quyết định của ĐCS!

Như đã nói ở trên, đại biểu Quốc hội không được phép tham gia vào các cơ quan hành pháp và tư pháp. Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy đại biểu Quốc hội vừa là đảng viên, vừa là thủ Tướng, vừa là Chủ tịch nước, vừa là Bí thư, vừa là Ủy viên trung ương, vừa là Chánh án, vừa là Bộ trưởng, thứ trưởng, Chủ tịch, Bí thư các tỉnh thành v.v. Yếu tố này làm cho các phiên họp chất vấn trở thành những buổi nói chuyện mang tính dàn dựng. Các buổi chất vấn chỉ là các bài diễn của các vở kịch đã được soạn sẵn sao cho được thành thạo và điêu luyện mà thôi; người soạn kịch và đạo diễn chính là ĐCS. Vì thế, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Quốc hội chưa họp mà đã biết kết quả rồi. Điển hình gần đây nhất, cũng liên quan đến vụ khai thác bauxite nhôm ở Tây Nguyên (ñảng và Nhà nước bảo khai thác bauxite ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, còn nhân nhân phản đối, nói rằng khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, an ninh quốc gia, cuõng nhö những tác hại khôn lường và những hệ lụy của nó sau này v.v.), đó là trong khi Quốc hội chưa bàn, chưa họp nhưng ông chủ nhiệm VPQH, Trần Đình Đản, đã bu lu bu loa lên rằng: "Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn này.". Đôi khi ĐCS còn “lòe” thiên hạ bằng cách bố trí những buổi chất vấn thật “nảy lửa”, hoặc đôi khi trong các buổi chất vấn cũng phát sinh một số điểm không nằm trong vở kịch đã được ĐCS soạn sẵn; lẻ tẻ một số vị đại biểu nổi máu “anh hùng” phát biểu, nêu ra những vấn đề nổi cộm, chất vấn thẳng thừng chính phủ, nhưng khi kết thúc phiên chất vấn, cánh cửa Quốc hội khép lại, thì mọi sự lại đâu vào đấy, như “đá ném xuống ao bèo” vậy.

Hơn nữa, chính vì đã kiêm nhiệm các chức vụ và công việc trong bộ máy hành pháp cũng như tư pháp, các vị đại biểu Quốc hội cố nhiên trở thành những vị đại biểu không chuyên trách. Luật tổ chức quốc hội quy định rằng: “số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải có ít nhất là hai mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội” . Con số 25% do luật tổ chức quy đinh mặc dù đã là quá thấp, nhưng thực tế vẫn không đạt được con số như thế. Bởi vậy, đối với các vị đại biểu, đây là công việc bán thời gian, không chuyên. Mà đã là công việc không chuyên, bán thời gian, “làm thêm”, thì không bao giờ nó được làm một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn cả. Không thấy có một vị đại biểu Quốc hội nào có văn phòng riêng để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các cử tri hết. Có chăng những cuộc tiếp xúc cử tri, thì cũng chỉ như là cưỡi ngựa xem hoa, hay đi du lịch của các vị đại biểu mà thôi, và những cử tri được tiếp xúc thì cũng là những người đã được chỉ định và dàn xếp rồi. Điều này chứng tỏ công việc của vò đại biểu Quốc hội thật là dễ dàng, dễ dàng đến mức mà người ta thường nói rằng, chỉ có việc Vỗ tay và ăn cơm thôi! Mà chỉ vỗ tay và ăn cơm thì cũng chẳng cần học hành gì, chỉ cần học cách vỗ tay theo ý ĐCS là đủ. Hãy xem trình độ của một phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, như ông Trần Đình Long chẳng hạn, là đã biết (xin coi lá thư của ông này trả lời gởi cho 135 trí thức Việt Nam sau hai lần gửi kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên (xem http://bauxitevietnam.info/thongbao/090520_thuuybanphaplyquochoi.htm). Đọc thư phúc đáp này, người đọc không những thấy thói quan liêu, vô trách nhiệm, cẩu thả, trịch thượng của UBPLQH, mà còn thấy sự dốt nát đến nỗi nhiều người đã phải thốt lên rằng: trình độ chắc chỉ “tốt nghiệp” lớp 1 lớp 2, thậm chí tốt nghiệp loại “vớt” !

Như vậy, với tuyệt đại đa số số lượng đảng viên trong Quốc hội (mà những đại biểu này là những người đang nắm giữ các chức vụ trong cơ quan hành pháp và lập pháp và là những đại biểu không chuyên trách), thì Quốc hội chỉ là bình phong dân chủ cho ĐCSVN mà thôi, để ĐCSVN có thể duy trì được sư độc đảng, và độc quyền cai trị nhân dân một cách “hợp hiến”.

Thay vì là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thì Quốc hội lại là tay sai, là kẻ bảo kê và đồng lõa cho những hành vi thống trị độc đoán, chuyên quyền của ĐCSVN, đứng đầu là Bộ chính trị, mà Bùi Tín gọi là “15 người đang trị vì như một triều đình phong kiến thời suy đồi và tha hoá tồi tệ nhất” . Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, James Madison (1751-1836), đã viết: “Sự tập trung tất cả quyền lực, quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp vào trong cùng một bàn tay có thể chính thức được gọi là sự bất công và bạo tàn” . Điều này đã thực tế chứng minh ở Việt Nam trong 70 năm qua.

Đại biểu Quốc hội mỗi một lần “vỗ tay” hoặc “dơ tay” là một lần tiếp tay cho “bất công và bạo tàn”; mỗi một lần “ăn cơm” là một lần ăn mồ hôi, nước mắt và xương máu của gần 87 triệu người dân. Mà các vị “ăn cơm” lại “ăn mặn” lắm. Nhân dân phải mất 350 tỷ đồng (là số tiền được trung ương quyết định cho chi phí hoạt động của bầu cử quốc hội) cộng với một khoản tiền tương đương nói trên (các địa phương sẽ trích thêm ngân sách địa phương để kỳ bầu cử lần này đạt được hình thức tốt) cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII, và hằng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các phiên họp định kỳ, bất thường, cộng với lương bổng chi phí đi lại ăn ở của 493 ông/bà nghị gật và các bộ phận liên quan.

Tóm lại, Quốc hội là công cụ, là bình phong của ĐCSVN để ĐCSVN có thể đánh lừa được nhân dân để có thể “đàng hoàng” độc trị, và đánh lừa các nước văn minh dân chủ hòng nhận được những đồng tiền viện trợ/khoản vay từ những nước văn minh này để kéo dài sự sống, để ĐCSVN được gọi là “chính” quyền có đủ “tư cách” bắt tay với các dân tộc văn minh dân chủ khác trên thế giới. Quốc hội không phải là cơ quan đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân như hình thức mà ĐCSVN đã gán cho nó, mà trái lại, Quốc hội đã đi ngược lại với mọi nguyện vọng, ý chí của nhân dân, đã tiếp tay tiếp sức cho chế độ CSVN sống dai hơn, độc đoán hơn, tàn bạo hơn. Quốc hội là nơi tập hợp cuûa caùc ông/bà nghị có cái đầu chỉ để gật, có miệng như câm, có tai như điếc, có mắt như mù lòa, nhưng lại bợ đỡ, bán miệng nuôi trôn, bán linh hồn cho ĐCSVN v.v.

Bao lâu ở Việt Nam vẫn còn có một Quốc hội với những ông/bà nghị như vậy, dân tộc Việt Nam vẫn còn lầm than, đói khổ, không có dân chủ, không ngẩng mặt lên được với thế giới bên ngoài, và ĐCSVN vẫn còn cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân.

Vị đại biểu Quốc hội nào còn có chút liêm sỉ thì hãy bước ra khỏi cái tổ chức được gọi là “Quốc hội” ấy đi.
 
Chế độ toàn trị kiểu mafia hiện nay tại Việt Nam
Đỗ Hữu Nghiêm
02:02 01/06/2009
Không bỏ chế độ toàn trị kiểu mafia hiện nay tại Việt Nam, mọi biện pháp chống tham nhũng hay cải cách chỉ là những giải pháp vá víu ở “thế nằm trong bị”

I. Cuốn Phản Phát Triển l’Anti-Développement Của Richard Bergeron

Từ đấu năm 1994, trờ về nước sau khi tham dự Hội Nghị Quôc Tế Của Bộ Ngoại Giao Nam Hàn tổ chức tại Hán Thành ngày 21-23/12/1993, thế hiện chính sách Ánh Dương của Nam Hàn đối với Bắc Hàn nhằm thống nhất hai nước Nam Bắc Triếu Tiên. GS Đỗ Thái Đồng thuộc Ban Xã Hội Viện Khoa Học Xã Hội tại Sàigòn cậy nhờ tôi phiên dịch từ nguyên văn tiếng Pháp sang tiếng Việt cuốn sách mang tên L’Anti-développement do nhà l’Harmattan nhưng xuất bản tại Montréal, Canada.[Xin tham khảo: L'anti-développement. Le prix du libéralisme, Paris, L'Harmattan, 1992, 271 p. tp://www.harmattan.fr/index.asp?navig=catalogue&obj=livre&no=3645].Tôi không rõ GS ấy kinh phí từ đâu, nhưng có thể là từ nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia của CSVN tại Hà nội.

Tôi được GS cho biết đã chuyến bản dịch cuốn sách ấy cho Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia tại Hà Nội, nhưng bị hoãn lại, vì thời điểm không thích hợp cho công cuộc đầu tư và ký kết các hợp đồng đầu tư kinh doanh với ngoại quốc. Từ đó tôi không biết đến số phận cuốn sách ấy nữa.

II. Nội Dung Sơ Lược Cuốn Sách

1. Theo như tôi cố nhớ lại và nắm được nội dung, khi dịch xong toàn bộ cuốn sách đó, thì cuốn ấy nói đến nhu cầu phát triển kinh tế của các nước chậm phát triển trên thế giới, như tại Châu Phi, Châu Mỹ và châu Á.

Các quốc gia ấy cần các công ty hay tư nhân nước ngoài đầu tư liên doanh trong các lãnh vực để phát triển về nhiều mặt. Nhưng mặt trái tiêu cực của các cuộc cạnh tranh đầu tư liên doanh ấy diễn ra dưới nhiều hình thức

Các cơ quan quốc tế của Liên Hiệp Quốc, của các khối nước như Hoa Kỳ, EU, Nga Sô, Trung quốc, ASEAN, và các nước Đông Bắc Á

Các ngân hàng muốn đầu tư đêề giúp phát triển, cần thiết lập các dự án phát triển như hạ tầng cơ sở cho việc phát triển

Các công ty kinh doanh, tu nhân hay liên doanh, trong việc xuất nhập khẩu, chế biến, trồng tỉa, khai thác khoáng, lâm, nông, hải sản….

2. [Chú thích về trường hợp Việt Nam của người viết:

Từ tháng 9/1989, Liên Hiệp Quốc hạn chế người vượt biên bằng cách triệu tập Hội Nghị các nước liên hệ do LHQ triệu tập với Cơ quan UNHCR vào tháng 7/1989. Các nước tiếp nhận người vượt biên (như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, … và các nước tạm dung ở Đông Nam Á (như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, …) quyết định đặt ra các tiêu chuẩn thanh lọc các thuyền nhân trước khi được chấp nhận là các di dân thực thụ được quyền định cư, nhiều khi trái ngược với các tiêu chuẩn nhân đạo trước kia của LHQ.

Biện pháp thanh lọc đó gây nhiều thảm cảnh bất công cho các thuyến nhân để được chấp nhận là được đi định cư ở nước thứ ba, Mấy tê nạn trầm trọng nhất là cưỡng chế bằng bạo lực những người rớt thanh lọc phải hồi hương, hối lộ cho viên chức thanh lọc, hay hồi hương, tham ô bằng cách bán dâm đối với phụ nữ đề đuợc chấp nhận làm người có quyền tị nan

Từ khi đó làn sóng người vượt biên được chặn lại một cách cơ bản. và từ năm 1990 trở đi, nhất là năm 1995, sau khi Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao với Việt Nam, thì nhiều nước và cơ quan quốc tế như ADB, IMF, NGO va các công ty hay tư nhân cạnh tranh nhau đầu tự vào kinh doanh ở Việt Nam. ]

3. Những Đối Tượng Có Thể Can Dự Vào Dự Án Đầu Kinh Kinh Doanh Hay Xã Hội

Cuốn sách đó nêu ra những trường hợp tham ô của nhiều nước để giành quyền đầu tư vào các quốc gia hay lãnh thổ kém phát triển, nhất là ở Phi Châu,Trung và Nam Mỹ. Cách đề các cơ quan hay tư nhân ngoại quốc giành quyền đấu tư là chia tiền hối lộ cho các chính phủ và những viên chức của nước tiếp nhận viện trợ hay đầu rư kinh doanh có liên quan:

Đại thể những thành phần để hối lộ cho một dự án được thì hành, gốm có:

Viên Chức Cao Cấp trong Chính Phủ
Viên chức UNDP của Liên Hiệp Quốc
Viên chức kinh doh của các nước ngoài
Viên Chức chính quyền liên hệ, có quyền tiếp nhận đầu tư kinh doanh, cấp tỉnh thị hay thành phố
Viên Chức ngân hàng
Chuyên viên soạn thảo và thi hành dự án kinh doanh, nhất là về giao thông
Các tổng giám đốc, giám đốc phó giám đốc công ty, các nhân viên phu trách thi hành dự án đã ký kết

Người ta ước tính trong tổng số tiền đấu tư, chỉ cón khoảng 40% -60% là thực sự được dùng làm vốn cho một dự án, cón một phần là tiền chia chác các cá nhân và bộ phận có liên hệ nói trên.

4. Không Thế Có Cải Cách Trong Chế Độ Độc Tài Toàn Trị, Tham Những Tràn Lan

Trong cuộc cạnh tranh để trúng thầu kinh doanh đầu tự vào Việt Nam, chắc chắn khó tránh được những trường hợp hối lộ cho các viên chức hải ngoại và Việt Nam.

Vì có chia chác tham ô như thế, nên từ cấp trên xuống cấp dưới, về nhiều phương diện hoạt động, ai nấy đều phải bao che cho nhau kẻo rút dây động rừng. Vì thế chỉ nhân dân là thành phần phải cung cúc làm việc quần quật cho nhân viên chính quyền bỏ túi tham riêng tư.

Trong khuôn khổ một quốc gia thối nát lại độc tài toàn trị như vậy, không thể có bất cứ mộ cuộc cải cách có thể thực hiện được. Bao nhiêu kế hoạch cải cách tôn giáo, chính trị, hành chính, quân sự, giáo dục, kinh tế, xã hội, lật pháp, đất đai,… chỉ là một giải pháp vá víu tiêu cực, vì người dân không có được sáng kiến trong một chế độ mà mọi người phải tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc độc đoàn một chiều,thiển cận, thiếu sáng suốt và thiện chí của nhà cầm quyền.

Tôi nói vá víu và ở thế nằm trong bị (bao bì), vì một khi đã nằm trong bi, thì dù nằm, ngồi hay dừng, uốn cong hay nằm duỗi thằng, một người vẫn không thể thoát ra ngoài chiếc bị mình bị giam vào một cách độc đoán!

Oakland, Sat, Fri 30, 2009
 
Thông Báo
Cáo phó: Nữ tu Ya Terexa Maria Raphael Huưt vừa tạ thế tại Kontum
Bình Hòa
04:03 01/06/2009

CÁO PHÓ


NỮ TU, YA TEREXA MARIA RAPHAEL HUƯT
Sinh năm: 1958
Nguyên quán: làng Kon Rơbang, xã Vinh Quang, Tỉnh Kontum
Trú Quán: Dòng Ảnh Phép Lạ, 14 Nguyễn Huệ, Phường Thống Nhất Tỉnh Kontum
Từ trần vào lúc: 16giờ 45’, ngày 31 tháng 05 năm 2009
(Nhằm ngày 08 tháng 05 năm kỷ sửu)
Hướng dương: 51 tuổi

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TANG
* Lễ nhập quan: 19 giờ, ngày 01 tháng 06 năm 2009
* Lễ di quan: 06 giơ 30’, ngày 02 tháng 06 năm 2009
* Thánh lễ an táng: 07 giờ 00’, ngày 02 tháng 06 năm 2009
* Tại Nhà Thờ Chính Toà Kontum
* Linh cữu được an táng tại: nghĩa trang Phương Quý, xã Vinh Quang, Tỉnh Kontum.

Hội Dòng cùng Tang gia đồng kính báo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chuyên Cần
Josephhoa Phạm
06:10 01/06/2009

CHUYÊN CẦN



Ảnh của Josephhoa Phạm

Ở đời ai cũng phải làm

Chăm thì sung sướng, lười cam chịu hèn.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền