Ngày 27-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A - Ascension of The Lord Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
17:57 27/05/2014
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 27/05/2014
NGỖNG TRỜI KIÊU NGẠO
N2T

Ngỗng trời từ lúc du học nước ngoài trở về, càng ngày càng cảm thấy cha mẹ là đạo đức giả khó mà thông cảm, những lời nhạt nhẽo của bạn bè, của xã hội là quá lỗi thời. Quả thật, nó không thể chịu đựng nổi và không ngừng chỉ trích trách móc:
- “Trời ạ, thế giới này sao lại trở thành ngu đần, vô tri như thế chứ ?”
- “Bé con, sửa đổi lại không phải là thế giới này, mà chính là nhà ngươi đó”. Đấng tạo hóa nhẹ lời nói tiếp: “Nếu tri thức để cho người kiêu ngạo, thì tri thức sẽ làm cho người ấy té nhào; nếu học vị để cho người ham hư vinh, thì học vị giống như một bức tường vậy, đem người ta đóng kín ở bên trong…”
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Có người được may mắn đi học nước ngoài, vinh vang tự đắc coi bạn bè không ra gì.
Có người ra nước ngoài học được vài chữ, thì khoe khoang khắp cùng bờ cõi trái đất: “Tôi học ở một ngôi trường nổi tiếng, ở đây giáo sư dạy giỏi…”, ngồi trường thì nổi tiếng nhưng thực chất họ học hành chẳng ra cái giống gì cả.
Các bạn trẻ thường có tính sính ngoại, đồng ý là các nước ấy văn minh tiến bộ, nhưng ta nên học những cái hay của họ để áp dụng cho mình, cho cộng đoàn và cho tổ quốc, chứ không học những cái dở những cái không phù hợp với văn hóa của dân tộc mình.
Có người mới học được vài chữ, nói nôm na bình dân theo kiểu Việt Nam mình là “chữ nghĩa không đầy lá mít”, mà đã chê bai sách nầy viết chẳng ra gì, sách kia viết chẳng ra hồn, chê luôn cả những tác phẩm giá trị về văn học, tôn giáo và khoa học.
Tôi nghiệm thấy rằng, họ chê vì họ không đủ trình độ để hiểu, đọc mà chẳng hiểu gì, đọc như trẻ em tiểu học đọc sách đại học, chỉ đọc được mặt chữ, còn ý nghĩa thì như người mù sờ voi.
Lúc nào đọc mà không hiểu gì cả, thì nên khiêm tốn nói: tôi không hiểu gì cả, có lẽ phải học thêm, thì đã tiến bộ rồi vậy.
- Khiêm tốn mà học hỏi thì như than hồng âm ĩ cháy mãi không thôi.
- Học hỏi trong khiêm tốn, thì như mặt trời từ từ ló dạng ở phương đông, cho đến lúc toả sáng, đem lại ánh quang cho mọi người.
Đức Chúa Giê-su đã nói Nước Trời không mạc khải cho những kẻ thông thái khôn ngoan đó sao ?
Đố các bạn biết tại sao?
Đơn giản là vì tâm hồn của họ đã chứa đầy mọi thứ thông thái khôn ngoan của thế gian rồi, còn chỗ đâu nữa để chứa những sự vĩ đại của Nước Trời chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 27/05/2014
N2T

17. Việc mong đợi càng nhiều thì tâm con người càng tản mạn, nhưng chỉ mong đợi một việc thì tâm con người mới có thể chuyên nhất.

(Thánh Thomas de Aquino)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn
Linh Tiến Khải
10:28 27/05/2014
Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn. Nó nhắc nhớ hy lễ, việc phục vụ, tình bạn, sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp và bình an. Từ Phòng Tiệc Ly Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ hai 26-5-2014. Đây cũng là Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ ba viếng thăm Thánh Địa.

Sau khi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ trong Vương cung thánh đường Giệtsêmani, Đức Thánh Cha đã trồng một cây ô liu bên cạnh cây ô liu Đức Phaolô VI đã trồng cách đây 50 năm trong vườn Cây Dầu. Tiếp đến ngài đã đi xe tới Phòng Tiệc Ly nằm cách đó 2 cây số trong thành cổ Giêrusalem.

Phòng Tiệc Ly là chiếc nôi của Giáo Hội khai sinh, nơi Chúa Giêsu Kitô đã thành lập chức Linh Mục, các Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải. Từ ”Coenaculum” tiếng La tinh ám chỉ nơi dùng bữa tối, nhưng nói chung nó ám chỉ tầng trên nơi tiếp khách trong nhà. Sự xác thực của Phòng Tiệc Ly đã rất cổ xưa, từ thế kỷ thứ III. Vào thế kỷ thứ IV có một nhà thờ mới được xây gần Phòng Tiệc Ly gọi là nhà thờ ”Thánh Sion”. Năm 614 nhà thờ này bị người Hồi tàn phá, khi người Hồi xâm lăng Thánh Địa. Nó được tái thiết rồi lại bị người Hồi phá hủy. Khi Đạo Binh Thập Tự tới Thánh Địa, nhà thờ ở trong tình trạng đổ nát, chỉ trừ nhà nguyện nguyện hai tầng của Phòng Tiệc Ly. Đạo Binh Thập Tự Kitô đã xây một vương cung thánh đường ba gian dọc gồm ”Phòng bên trên, tức Nhà nguyện Tiệc Ly, ”nơi Đức Maria ngủ” và một nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Năm 1187 thành Giêrsusalem bị thất thủ và rơi vào tay Saladino. Người Hồi cho phép kitô hữu hành hương thăm viếng và các linh mục có thể cử hành thánh lễ trong Phòng Tiệc Ly. Khi các tu sĩ Phanxicô tới Thánh Địa năm 1335 vương cung thánh đường do Đạo binh Thập tự xây bị bỏ hoang và hầu như bị tàn phá hoàn toàn. Sau nhiều thương thuyết dài và khó khăn với Sultan Ai Cập và trả một số tiền rất lớn, vua Roberto của vương quốc Napoli và hoàng hậu Sancia đã thành công trong việc giao cho các tu sĩ dòng Phanxicô trông coi Nhà Tiệc Ly. Các tu sĩ tái thiết với sự trợ giúp của các nghệ sĩ đảo Chypre, theo mô hình đầu tiên hai tầng. Các tu sĩ cũng xây một tu viện bên cạnh cho các anh em đặc trách quản trị các nơi thánh tại Giêrusalem và Bếtlêhem. Cha bề trên tu viện được nhận chức là ”Người canh giữ Núi Sion”.

Năm 1524 người Hồi chiếm các phòng bên dưới Phòng Tiệc Ly, vì cho đó là ”Mộ của ngôn sứ Đavít”. Tiếp đến đế quốc Ottoman ra sắc lệnh lấy lại cả Phòng Tiệc Ly ở tầng trên, và buộc các tu sĩ Phanxicô phải bỏ cả tu viện bên cạnh. Phòng Tiệc Ly bị biến thành đền thờ Hồi giáo, và chính quyền hồi cấm các kitô hữu lui tới nơi này.

Trong phòng bên dưới có một mộ kỷ niệm không hài cốt gọi là ”Mộ vua Đavít”, là đích điểm hành hương của tín hữu Do thái có khuynh hướng quốc gia, cả khi thiếu nền tảng lịch sử và khảo cổ liên quan tới mộ vua Đavít tại đây. Nhà nguyện phía trước, xưa kia là nhà nguyện ghi nhớ biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, biến thành hội đường do thái.

Nhà nguyện Tiệc Ly bên trên dài 15,3 mét rộng 9,4 mét được tái thiết theo kiểu Gôtích hồi thế kỷ XIV, có một cầu thang nối liền tầng dưới với tầng trên gồm 8 bậc dẫn lên nhà nguyện kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Người ta cũng thấy cái ”Mihrab” xây năm 1929, khi nhà nguyện bị biến thành đền thờ Hồi giáo, chỉ cho tín hữu Hồi giáo thấy hướng thành phố La Mecca. Đức Phaolô VI đã cầu nguyuện tại đây ngày mùng 5 tháng giêng năm 1964, Đức Gioan Phaolô II đã dâng thánh lễ tại đây ngày 23 tháng 3 năm 2000, và Đức Biển Đức XVI ngày 12 tháng 5 năm 2009.

Hiện nay Phòng Tiệc Ly là sở hữu của chính quyền Israel, nhưng nằm dưới quyền tài phán của Ủy ban hồi quản trị các nơi thánh Hồi giáo của Giordania và chỉ được dùng cho cac lễ nghi tôn giáo, và vua Abdullah II là thủ lãnh tối cao của Ủy ban này.

Các tu sĩ Phanxicô đã dọn một bàn thờ với các ghế cho các vị đồng tế. Giảng trong thánh lễ kính Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói:

Anh em thân mến, thật là một ơn lớn lao Chúa ban cho chúng ta, được tụ họp nhau nơi đây trong Phòng Tiệc Ly để cử hành Bí tích Thánh Thể. Nơi đây Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Chiều sau hết với các Tông Đồ; nơi ngài đã hiện ra giữa các vị sau khi sống lại; nơi Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với quyền lực trên Mẹ Maria và các môn đệ. Đây là nơi Giáo Hội sinh ra và ra đi. Từ đây Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim. Chúa Giêsu phục sinh được Chúa Cha gửi đến trong Phòng Tiệc Ly thông truyển cho các Tông Đồ cùng Thần Khí của Người, và với sức mạnh này Ngài gửi các vị ra đi canh tân gương mặt của trái đất (x. Tv 104,30).

Đi ra, khởi hành không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội đi ra giữ gìn ký ức những điều đã xảy ra; Chúa Thánh Thần nhắc cho Giáo Hội nhớ từng lời nói, từng cử chỉ và vén mở ý nghĩa của chúng. Phòng Tiệc Ly nhắc cho chúng ta biết việc phục vụ và rửa chân mà Chúa Giêsu đã thành toàn, như mẫu gương cho các môn đệ Người. Rửa chân cho nhau có nghĩa là tiếp đón nhau, chấp nhận nhau, yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau. Có nghĩa là phuc vụ người nghèo, người đau yếu, người bị loại trừ. Với Thánh Thể Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới hy lễ. Trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu tự hiến cho Thiên Chúa Cha vì chúng ta, để chúng ta cũng có thể hiệp nhất với Người, dâng cuộc sống, công việc làm, các vui buồn khổ đau của chúng ta cho Thiên Chúa, dâng mọi sự như hy lễ tinh thần.

Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới tình bạn. Chúa Giêsu nói với nhóm Mười Hai: ”Thầy không gọi các con là tôi tớ... nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúa làm cho chúng ta trở thành bạn của Người, ký thác cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa Cha và ban chính Người cho chúng ta. Đó là kinh nghiệm đẹp nhất của kitô hữu, và một cách đặc biệt của linh mục: trở thành bạn của Chúa Giêsu.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cử hành trong Phòng Tiệc Ly Đức Thánh Cha nói: Phòng Tiệc Ly nhắc nhớ cuộc từ biệt và lời hứa gặp lại các bạn của Người: ”Khi Thầy sẽ đi rồi.... Thầy sẽ lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa Giêsu không rời chúng ta, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người đi trước chúng ta trong nhà của Chúa Cha và Người muốn đem chúng ta tới đó. Tuy nhiên Phòng Tiệc Ly cũng nhằc nhớ tới điều tiêu cực, Đức Thánh Cha nói:
Nhưng Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ sự nhỏ nhen, tính tò mò ”ai là người phản bội?”, sự phản bội. Và mọi người trong chúng ta, chứ không luôn luôn phải là người khác, có thể sống lại các thái độ này, khi chúng ta nhìn người anh em với sự tự mãn, khi chúng ta phán xét họ, khi chúng ta phản hội Chúa Giêsu với các tội lỗi của chúng ta.

Phòng Tiệc Lỵ nhắc nhở sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp, sự bình an giữa chúng ta. Đã có biết bao nhiêu tình yêu thương, biết bao nhiêu điều thiện đã nảy sinh từ Phòng Tiệc Ly! Biết bao nhiêu bác ái đã xuất phát từ đây, như một dòng sông chảy từ nguồn, ban đầu chỉ là một con suối nhỏ rồi lan rộng và trở thành con sông lớn... Tất cả các Thánh đã kín múc từ đây; dòng sông lớn sự thánh thiên của Giáo Hội luôn luôn bắt nguồn từ đây, luôn luôn mới mẻ, từ Trái Tim Chúa Kitô, từ Thánh Thể, từ Thần Khí Thánh của Người.

Sau cùng Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới sự khai sinh của gia đình mới, Giáo Hội, do Chúa Giêsu phục sinh thành lập. Một gia đình có một Bà Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Các gia đình kitô thuộc đại gia đình này, và tìm thấy trong đó ánh sáng và sức mạnh để bước đi và canh tân, qua các nhọc mệt và thử thách của cuộc sống. Tất cả mọi con cái Thiên Chúa thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được mời gọi thuộc gia đình này, tất cả là anh em và là con cái của một Cha duy nhất ở trên trời. Đó là chân trời của Phòng Tiệc Ly: chân trời của Chúa phục sinh và của Giáo Hội.

Từ đây Giáo Hội ra đi, được linh hoạt bởi Thần Khí. Tụ tập cầu nguyện với Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn sống trở lại sự chờ đợi Thánh Thần được tuôn đổ xuống một lần nữa: Lậy Chúa, xin Thần Khí Chúa xuống và canh tân mặt đầt (c. Tv 104,30).

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã bắt tay chào các tu sĩ nam nữ và giáo dân hiện diện bên ngoài, kể cả mấy cảnh sát. Tiếp đến ngài đi xe đến núi Scopus cách đó 5 cây số để lấy trực thăng bay về phi trường Ben Gourion ở Tel Aviv. Tại đây lễ nghi từ biệt đã diễn ra lúc 8 giờ chiều. Đức Thánh Cha, tổng thống Perez và Thủ tướng Netanyahu đã duyệt hàng chào danh dự. Đức Thánh Cha đã bắt tay từ biệt các giới chức đạo đời và cả các cảnh sát viên và nhân viên phục vụ phi trường.

Tổng thống và Thủ tướng Israel đã tiễn Đức Thánh Cha tới tận chân thang máy bay. Khi bắt tay từ biệt Đức Thánh Cha Thủ tướng Netanyahu đã nói: ”Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng tôi, và chúng tôi cũng cầu nguyện cho ngài”. Lên tới cửa máy bay Đức Thánh Cha còn quay lại giơ tay chào mọi người. Ngài bắt tay các nhân viên phi hành đoàn trước khi vào ghế ngồi. Trong khi chờ đợi máy bay cất cánh, ống kính đài truyền hình Israel cho thấy Đức Thánh Cha đọc báo. Chiếc máy bay của hãng hàng không El Al B777 của Israel đã rời phi trường Tel Aviv lúc 8 giờ 20 tối thứ hai và đáp xuống phi trường Ciampino lúc 11 giờ đêm. Từ đó Đức Thánh Cha đã đi trực thăng về Vaticăng kết thúc chuyến viếng thăm Thánh Địa ba ngày.

*** Tuy chương trình ba ngày viếng thăm dầy đặc và khá mệt mỏi nhưng trên đường về Roma Đức Thánh Cha cũng đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn đài 50 phút vế tất cả mọi vấn đề. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã cám ơn Đức Thánh Cha dành thời giờ cho các nhà báo sau chuyến viếng thăm mệt nhọc này.

Chị Cristina Caricato thuộc đài truyền hình 2000 đã hỏi Đức Thánh Cha:
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong các ngày qua Đức Thánh Cha có các cử chỉ được chú ý trên toàn thế giới: đặt tay trên bức tường tại Bếtlehem, làm dấu thánh giá, ôm hôn những người do thái sống sót của các trại tập trung tại Yad Vashem, ôm hôn Đức Thượng Phụ Bartolomaios và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác tại Thánh Mộ. Đức Thánh Cha đã nghĩ trước và muốn có các cử chỉ đó hay sao, và đâu sẽ là các kết qủa của chúng ngoài cử chỉ rất lớn là đã mời hai tổng thổng Perez và Abu Mazen tới Vaticăng?


Đáp: Các cử chỉ chân thực nhất là các cử chỉ không được nghĩ trước, nhưng chúng tới. Tôi đã nghĩ ”Có thể làm một cái gì đó”, nhưng các cử chỉ cụ thể thì không có cử chỉ nào được nghĩ trước cả. Vài cử chỉ như cử chỉ mời hai tổng thống tham dự buổi cầu nguuện chung thì có được nghĩ là làm ở đó, nhưng có biết bao nhiêu vấn đề khung cảnh nơi chốn phải để ý, và không phải là điều dễ. Tôi có nghĩ một chút tới vấn đề này, nhưng sau cùng thì xảy ra điều mà tôi hy vọng là tốt. Nhưng chúng đã không được nghĩ và tính toán trước. Tôi thấy cần phải làm điều gì đó, nhưng nó tự phát, thế thôi. Ít nhất nói thật ra thì tôi nghĩ ”có thể làm một cái gì đó”, nhưng cụ thể thì không. Chẳng hạn tại đài tưởng niệm Yad Vashem, không có gì hết, nhưng rồi nó tới. Và như vậy đó.

Câu thứ hai của anh Frank Rocca, nhà báo hãng tin Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đại diện nhóm nói tiếng Anh.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã có những lời lẽ rất mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng tính dục của trẻ em vị thành niên từ phía hàng giáo sĩ, các linh mục. Đức Thánh Cha đã thành lập một Ủy ban đặc biệt để đương đầu với vần đề này trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta biết rằng trên thực tế trong tất cả mọi Giáo Hội địa phương có các điều luật bắt buộc luân lý và pháp luật cộng tác với các chính quyền dân sự cách này hay cách khác. Nhưng nếu có một Giám Mục không tuân hành các đòi buộc này thì Đức Thánh Cha sẽ giải quyết ra sao: bó buộc vị ấy từ nhiệm, hay có các hình phạt khác? Trong cụ thể làm thế nào để có kỷ luật?


Đáp: Bên Argentina chúng tôi thường nói với những người có đặc quyền đặc lợi: ”Người này là một con ông cháu cha đó”. Nhưng trong vấn đề này thì sẽ không có ”con ông cháu cha” đâu. Trong lúc này có ba Giám Muc đang bị điều tra, và một vị đã bị kết án, và người ta đang lượng định hình phạt cần đưa ra. Không có các đặc quyền đặc lợi. Lạm dụng tính dục các trẻ vị thành niên là một tội thật xấu xa hết sức, chúng ta biết đó là một vấn đề nghiêm trọng khắp nơi, nhưng tôi chỉ chú ý tới Giáo Hội. Một linh mục làm điều đó là phản bội Thân Mình của Chúa, bởi vì linh mục ấy phải đưa bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ này tới với sự thánh thiện, vì các em tin tưởng vị linh mục. Nhưng thay vì dẫn đưa chúng tới sự thánh thiện thì lại lạm dụng chúng. Đây là điều rất trầm trọng. Cũng y như - tôi chỉ so sánh thôi - cũng y như cử hành một lễ đen vậy, chẳng hạn. Cần phải đưa nó tới sự thánh thiện, thì lại đưa nó tới một vấn đề kéo dài suốt đời. Tuần tới ngày mùng 6 mùng 7 hay ngày mùng 3 tháng 6 sẽ có thánh lễ tại nhà trọ Santa Marta với 6, 7 nạn nhân bị lạm dụng tính dục: hai người từ Đức, hai người từ Anh hay Ai Len tôi không biết rõ, sẽ là 8 người với Đức Hồng Y O'Malley thuộc Ủy ban này: tôi sẽ gặp riêng họ. Liên quan tới điều này phải tiến tới. Và không có sự nhân nhượng.

Câu hỏi thứ ba của anh Eusebio Val phóng viên báo ”LaVanguardia” nhật báo lớn nhất tại Barcelona, đại diện cho nhóm nói tiếng Tây Ban nha.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, ngay từ ngày đầu sứ vụ Đức Thánh Cha đã gióng sứ điệp của một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo, nghèo trong sự đơn sơ và khổ hạnh. Nhưng đôi khi chúng con trông thấy các gương mù gương xấu chẳng hạn như vụ căn hộ của Đức Hồng Y Bertone, hay buổi lễ ngày phong Thánh hoặc trở lại với chuyện liên quan tới Đức Hồng Y Bertone, sự hỗn loạn của Viện giáo vụ hay nhà băng Vaticăng liên quan tới 15 triệu Euros... Đức Thánh Cha nghĩ sao? Phải làm sao để đừng có các mâu thuẫn chống lại sứ điệp của sự khắc khổ?


Đáp: Có một lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người trong Phúc Âm: ”Không thể tránh được các gương mù gương xấu. Chúng ta là người, tất cả là người tội lỗi. Và sẽ có các gương mù gương xấu. Vấn đề là tránh để đừng xảy ra nhiều gương mù gương xấu hơn. Trong việc quản trị kinh tế cần có sự liêm chính và trong sáng. Hai ủy ban: ủy ban nghiên cứu Viện giáo vụ IOR và Ủy ban nghiên cứu mọi vấn đề của thành Vaticăng đã đưa ra các kết luận và đưa ra các chương trình hành động. Giờ đây với Văn phòng thư ký kinh tế do Đức Hồng Y Pell làm chủ tịch, các cải tổ do hai ủy ban cố vấn sẽ được thực thi. Nhưng có các việc không ăn khớp, và sẽ luôn có các việc không ăn khớp, bởi vì chúng ta là người, nhưng việc cải tổ phải được tiếp tục.

Các Giáo Phụ đã nói: ”Ecclesia semper reformanda” Giáo Hội luôn luôn cải cách. Chúng ta phải chú ý cải tổ Giáo Hội mỗi ngày, bởi vì chúng ta tội lỗi, chúng ta yếu đuối, và sẽ có các vấn đề. Việc quản trị mà Văn phòng thư ký kinh tế đang làm sẽ giúp minh nhiên các gương mù gương xấu, các vấn đề... Chẳng hạn trong Viện giáo vụ tức nhà băng Vaticăng tôi tin là ở thời điểm này chúng đã được đóng lại. Số người không có quyền mở trương mục là 1.600. Tổ chức IOR là để giúp Giáo Hội. Các giám mục giáo phận, các nhân viên Vaticăng và các người chồng hay vợ góa của họ có quyền có trương mục. Những người khác, các tòa đại sứ không có quyền có trương mục. Nhà băng Vaticăng không phải dành cho mọi người. Và đóng trương mục của những người không có quyền là một việc tốt. Liên quan tới vụ 15 triệu Euros thì còn đang được cứu xét. Nó không rõ ràng. Có lẽ nó là sự thật, nhưng trong lúc này thì vấn đề chưa được xác định. Nó đang được cứu xét để công bằng.

Câu hỏi tiếp là của anh Sébastien Maillard, phóng viên của báo La Croix thuộc nhóm nói tiếng Pháp.
Hỏi: Sau vùng Trung Đông giờ đây chúng ta trở về Âu châu. Đức Thánh Cha có lo lắng vì phong trào Duy nhân dân đang gia tăng tại âu châu như được biểu lộ trong cuộc bỏ phiếu Quốc Hội Âu châu ngày hôm qua hay không?

Đáp: Trong những ngày này tôi đã có một ít giờ cầu nguyện với Kinh Lậy Cha, nhưng tôi không có tin tức về cuộc bầu cử, Tôi không có các dữ kiện, ai thắng ai không thăng. Nhưng mà duy nhân dân trong nghĩa nào?

Hỏi: Trong nghĩa ngày nay nhiều người dân Âu châu lo sợ, họ nghĩ rằng trong Âu châu không có tương lai. Có nhiều người thất nghiệp và đảng chống âu châu đã gia tăng mạnh trong lần bầu cử này...

Đáp: Đây là đề tài tôi đã nghe nói liên quan tới Âu châu, tin tưởng hay không tin tưởng nơi Âu châu, liên quan tới cả đồng Euro nữa. Có người muốn trở lại đàng sau... Tôi không hiểu nhiều lắm về các điều này. Nhưng anh đã cho tôi một từ chìa khóa: nạn thất nghiệp. Đây là điều trầm trọng. Điều trầm trọng, bởi vì tôi giải thích nó như thế này. Chúng ta đang sống trong một hệ thống kinh tế thế giới trong đó tiền bạc là trọng tâm, chứ không phải bản vị con người. Trong một hệ thống kinh tế đích thật con người phải là trung tâm. Nhưng ngày nay ở trung tâm có tiền bạc. Để duy trì điều này, để quân bằng thì phải tiến tới với các biện pháp ”loại bỏ”. Và người ta loại bỏ trẻ em. Mức sinh tại Âu châu không cao. Tôi tin rằng ở Italia được 1,2 %, Pháp được 2% hay hơn một chút, Tây Ban Nha còn thấp hơn Italia chỉ được 1%. Người ta loại bỏ các trẻ em, người ta loại bỏ người già: người già không hữu dụng, trong lúc này người ta còn thăm họ, vì họ đã về hưu và họ cần, nhưng là điều thêm vào thôi. Nhưng tại nhiều nước người ta loại bỏ người già cả với các tình trạng lén lút làm cho chết êm dịu nữa. Nghĩa là người ta cho thuốc mem cho tới một thời điểm nào đó thội. Và trong lúc này đây người ta loại bỏ người trẻ, và đây là điều vô cùng trầm trọng, vô cùng trầm trọng. Tại Italia tôi tin rằng số người trẻ thất nghiệp hầu như tới 40%, tôi không chắc; tại Tây Ban Nha tôi chắc chắn là 50%. Và trong vùng Andalusa nam Tây Ban Nha số người trẻ thất nghiệp là 60%. Điều này có nghĩa là cả một thế hệ của ”Không-không”, họ không học hành và không làm việc và đây là điều vô cùng trầm trọng. Người ta loại bỏ cả một thế hệ người trẻ. Đối với tôi nền văn hóa loại bỏ này rất trầm kha. Nhưng đây không phải chỉ là bên Âu châu mà thôi, mà ở khắp nơi, nhưng người ta cảm thấy nhiều hơn bên Âu châu. Nếu so sánh với nền văn hóa thoải mái cách đây 10 năm! Và đây là điều thê thảm. Đây là lúc khó khăn. Một nền kinh tế vô nhân. Tôi đã không sợ hãi viết trong tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” rằng: hệ thống kinh tế này giết người. Và tôi lập lại điều đó. Tôi không biết tôi đã tới gần nỗi lo lắng cảu anh một chút hay chưa?

Chị Ilze Scamparini, phóng viên đài Rede Globo Brasil, hỏi Đức Thánh Cha.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có đồng ý với việc trả lại thành Giêrusaelm cho người Palestine không? Làm thế nào để giải quyết ”vấn đề của thành Giêrusalem” hầu có được một nền hòa bình ổn định và lâu dài, như Đức Thánh Cha đã nói?

Đáp: Có nhiều đề nghị liên quan tới vấn đề Giêrusalem. Giáo Hội Công Giáo, Toà Thánh Vaticăng, có lập trường của mình trên bình diện tôn giáo: nó sẽ là thành phố của hòa bình của ba tôn giáo. Đó là trên bình diện tôn giáo. Các biện pháp cụ thể cho hòa bình cần được phát xuất từ việc thương thuyết. Phải thương thuyết. Tôi sẽ đồng ý điều phát xuất từ cuộc thương thuyết giả dụ như nó sẽ là thủ đô của nước này và nước kia. Tôi không nói rằng nó phải như vậy; không, đó là giả thuyết mà họ phải thương thảo. Thật thế tôi không cảm thấy mình là chuyên viên để nói rằng ”phải làm cái này cái nọ” nếu không sẽ thật là điên rồ! Nhưng tôi tin rằng cần phải bước vào cuộc thương thuyết với sự liêm chính, tình huynh đệ, sự tin tưởng lẫn nhau trên con đường thương thảo. Và trong đó cần phải thương lượng tất cả: toàn vùng đất và cả các tương quan với nhau nữa Cần phải có can đảm để làm điều đó. Tôi cầu xin Chúa rất nhiều để cho hai vị lãnh đạo, hai chính quyền có can đảm tiến tới. Đó là con đường duy nhất cho hòa bình. Còn Giêrusaelem thế này thế nọ, tôi chỉ nói điều Giáo Hội phải nói và đã luôn luôn nói: đó là ước gì Giêrusalem được giữ gìn như thủ đô của ba tôn giáo, như điểm quy chiếu, như một thành phố hòa bình - tôi cũng nghĩ tới từ thánh thiêng, nó không đúng - nhưng một thành phố hòa bình và tôn giáo.

Bài phỏng vấn còn các câu hỏi liên quan tới vấn đề linh mục có gia đình, tới chuyến viếng thăm Á châu và tình hình của các Kitô hữu khổ đau trong các nước không có tự do tôn giáo và tự do ngôn luận như Trung Cộng và Bắc Hàn, vấn đề từ nhiệm chức vụ Giáo Hoàng, việc phong chân phước cho Đức Pio XII, khả thể cho các tín hữu ly dị tái hôn rước lễ, và tiến trình cải tổ giáo triều Vaticăng. Chúng tôi sẽ gửi tới qúy vị và các bạn nội dung các câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lần phát tới.
 
Cuộc họp báo của Đức Thánh Cha trên chuyến bay từ Giêrusalem về Rôma
Đặng Tự Do
13:54 27/05/2014
Bất chấp những mệt mỏi sau một lịch trình dày đặc của cuộc hành hương kéo dài ba ngày tại Thánh Địa, trên chuyến bay trở về từ Giêrusalem vào tối thứ Hai 26 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc họp báo với các ký giả theo thể thức hỏi đáp với những câu hỏi tự phát.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sẽ gặp lần đầu tiên với tám nạn nhân của lạm dụng tình dục tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Hồng Y Sean O'Malley sẽ cùng tham gia với ngài trong cuộc họp riêng sẽ diễn ra trong những ngày đầu tiên của tháng Sáu. Trong quá khứ, từ năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các nạn nhân bị xâm phạm tính dục và cũng có sự hiện diện của Đức Hồng Y Sean O'Malley.

Tối thứ Hai theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Terrence Donilon, phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Boston cho biết:

"Giáo Hội hoàn vũ và cộng đồng quốc tế tiếp tục được chúc phúc bởi vai trò lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc ứng phó với những sự kiện bi thảm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em bởi các giáo sĩ. Đức Hồng Y Sean O'Malley mong muốn hỗ trợ nỗ lực này bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bất cứ cách nào hữu ích nhất.''

Đức Thánh Cha mô tả tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên như “một tội ác nghiêm trọng” và đã nhắc lại chính sách “zero tolerance” của Giáo Hội, nghĩa là hoàn toàn không khoan dung với những ai lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài phủ nhận cáo buộc nói rằng có một số giáo sĩ được hưởng những biệt lệ nhất định. Ngài tiết lộ rằng ba vị giám mục hiện đang bị điều tra vì những cáo buộc bao che cho sự lạm dụng.

Đức Thánh Cha nói:

"Một linh mục phạm vào điều này là phản bội lại nhiệm thể của Chúa, bởi vì các linh mục cần phải dẫn cậu bé này, cô gái này, người thanh niên này, người phụ nữ trẻ này nên thánh. Và cậu bé này, cô gái này tin tưởng nơi vị linh mục. Thế mà, thay vì đưa họ đến sự thánh thiện, lại lạm dụng họ.”

Đức Thánh Cha so sánh tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên giống như việc một linh mục lại dâng lễ đen để thờ phượng Satan.

Liên quan đến việc giải quyết những bê bối tài chính tại Vatican, Đức Thánh Cha nói rằng sẽ luôn có những vụ bê bối, bởi vì con người trước hết là những kẻ có tội. Nhưng ngài nói thêm rằng sự trung thực và minh bạch là chìa khóa để quản lý kinh tế tốt. 1600 trương mục đã bị loại vì theo Đức Thánh Cha chủ các trương mục này “không phải là các viên chức hay các tổ chức của Giáo Hội”.

Khi được hỏi về luật độc thân linh mục, Đức Thánh Cha giải thích rằng đời sống độc thân trong chức linh mục không phải là một "tín lý", mà là một "quy tắc của cuộc sống" mà ngài đánh giá cao và coi đây là "một hồng ân cho Giáo Hội." Nhưng có những ưu tiên khác mà Giáo Hội phải quan tâm nhiều hơn.

Khi được hỏi nếu ngài có thoái vị như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ lắng nghe ý Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

"Bảy mươi năm trước đây giám mục hiệu tòa không tồn tại. Hôm nay chúng ta có rất nhiều. Tại sao lại không có những Giáo Hoàng danh dự? Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhìn vào nó như là một cơ chế mà Đức Giáo Hoàng danh dự đã mở ngỏ. Sẽ có thêm một vị Giáo Hoàng danh dự nữa chăng? Chỉ có Chúa mới biết. Nhưng cánh cửa đã được mở ra."

Về vấn đề của người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, Đức Giáo Hoàng nói rằng những người này không nên bị xem như "khách lạ." Ngài cũng nói thêm rằng những vấn đề như thế sẽ được giải quyết trong Thượng Hội Đồng về gia đình, khi xem xét những khía cạnh như sự hiệp thông và quá trình cứu xét việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu của các tòa án hôn phối.

Nói về những thách đố khác mà Giáo Hội phải đối mặt ngày hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án một lần nữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, và thứ văn hóa "vứt bỏ" do nó tạo ra. Tuy nhiên, bên cạnh những người già và những người vô phương tự vệ, ngài cũng đã nói về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên con số đông đảo các thanh thiếu niên trên toàn thế giới.

Đức Thánh Cha nói:

"Điều này có nghĩa rằng có một thế hệ thanh niên không được học tập và làm việc, và điều này là rất nghiêm trọng. Cả một thế hệ những người trẻ tuổi bị vứt bỏ. Cái thứ văn hóa vứt bỏ này là rất nghiêm trọng."

Trong cuộc họp báo, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng đối thoại là cách duy nhất để đạt được hòa bình tại Thánh Địa. Ngài nói thêm rằng cuộc đối thoại này cũng quyết định về tình trạng của Giêrusalem, là thủ đô của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới là Công Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng cũng khẳng định rằng ngài sẽ tông du đến châu Á không chỉ trong tháng Tám, nhưng còn vào đầu năm tới nữa. Ngài sẽ thăm Hàn Quốc trong một vài tháng tới, sau đó, vào tháng Giêng, ngài sẽ đến Sri Lanka và Phi Luật Tân, nơi Đức Thánh Cha sẽ thăm những khu vực bị tàn phá bởi cơn bão năm ngoái.

Đức Thánh Cha đã về đến Rôma lúc quá 11h đêm thứ Hai giờ Rôma
 
Nhìn lại chuyến thăm Đất Thánh của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:50 27/05/2014
Ngày 26 tháng 5, tờ Times of Israel tại Giêrusalem đã duyệt lại các biến cố đáng ghi trong chuyến viếng thăm Đất Thánh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

• Tại Giócđăng, Đức Giáo Hoàng đã khởi đầu chuyến đi ngày thứ Bẩy của ngài bằng cách phê phán nặng lời các tên lái buôn vũ khí. Ngài đặt câu hỏi: “Tất cả chúng ta đều muốn có hòa bình, nhưng nhìn vào thảm họa chiến tranh, nhìn vào những người bị thương, thấy biết bao người phải rời bỏ quê hương, buộc phải xa xứ, tôi tự hỏi: ‘ai đang bán vũ khí để những người này tạo ra chiến tranh?’”. “Đây quả là căn cội của sự ác, lòng hận thù, say mê tiền bạc”.

• Sáng Chúa Nhật, Đức Phanxicô dùng trực thăng bay tới Bêlem, nơi ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Thẩm Quyền Palestine trước khi thăm Israel.

• Sau đó, Đức Giáo Hoàng hội kiến với Chủ Tịch Thẩm Quyền Palestine là Mahmoud Abbas. Ngài nói rằng cuộc tranh chấp giữa Israel và người Palestine là “không thể chấp nhận được” và thúc giục hai bên thực hiện các hy sinh để tiến tới hòa bình.

• Sau khi gặp Abbas, Đức Phanxicô thực hiện điều chắc chắn sẽ được ghi nhớ như là cuộc dừng chân đáng lưu ý nhất của ngài, đó là bất ngờ dừng lại trước bức tường an ninh tại Bêlem, nơi ngài tựa đầu vào bức tường ngay ở chỗ có nhiều hàng chữ sơn viết nguệch ngoạc chống Do Thái và cầu nguyện để đừng cần thiết có bức tường nữa. Ngài cũng nói tới “Nước Palestine” trong động thái có tính lịch sử này.

• Rồi Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ tại Công Trường Máng Cỏ, tha thiết kêu gọi chấm dứt việc bóc lột trẻ em giữa đoàn Kitô hữu đông đảo hoan hô vang dội.

• Chiều Chúa Nhật, Đức Phanxicô dùng trực thăng bay tới phi trường Ben Gourion, nơi ngài được các viên chức cao cấp của chính phủ Israel nghinh đón, trong đó có Thủ Tướng Benjamin Netanyahu và Tổng Thống Shimon Peres. Ông Peres tuyên bố rằng “Ngay cả khi hòa bình đòi hỏi hy sinh, các hy sinh của hòa bình vẫn đáng mến mộ hơn đe dọa của chiến tranh”. Phần Đức Phanxicô, ngài nói: “không có con đường nào khác” hơn là khởi diễn lại các cuộc thương thuyết hòa bình nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp; ngài cũng lên án cuộc tấn công khủng bố vào Viện Bảo Tàng Do Thái tại Brussels.

• Đức Phanxicô gặp gỡ đối tác Đông Phương của ngài là Đức Barthôlômêô I tại Nhà Thờ Mộ Thánh, thực hiện đầy đủ mục đích chính thức của cuộc viếng thăm của ngài. Hai vị lên tiếng kêu gọi hợp nhất Kitô Giáo.

• Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng bắt đầu vòng du hành thần tốc Giêrusalem với việc viếng thăm Núi Đền Thờ (Temple Mount), nơi ngài kêu gọi sự hợp tác liên tín ngưỡng. Ngài nói: “Xin đừng có ai lạm dụng danh Thiên Chúa bằng bạo lực”.

• Rồi Đức Giáo Hoàng đến thăm Bước Tường Than Khóc, đặt kinh Lạy Cha chép tay bằng tiếng Tây Ban Nha vào kẽ đá bức tường.

• Từ Cổ Thành, Đức Phanxicô đi đặt vòng hoa tại mộ ông Theodore Herzl. Lúc ở đó, ngài đồng ý thêm một lần dừng chân không dự trù trước đài tưởng niệm các nạn nhân của khủng bố, theo yêu cầu của Thủ Tướng Netanyahu. Trong lúc thăm địa điểm này, Thủ Tướng Netanyahu trình bày với Đức Giáo Hoàng rằng lý do thiết lập bức tường an ninh là để ngăn ngừa các vụ tấn công khủng bố. Đức Giáo Hoàng lên tiếng khẩn khoản yêu cầu chấm dứt khủng bố.

• Rồi Đức Phanxicô tới thăm Viện Yad Vashem, nơi ngài hôn tay 6 người sống sót và gọi Nạn Diệt Chủng Do Thái là tội ác lớn nhất đối với nhân loại cho tới nay.

• Khi gặp gỡ các trưởng giáo sĩ của Israel, Đức Phanxicô gọi người Do Thái là “anh cả” của các Kitô hữu.

• Tại nghi lễ ở Phủ Tổng Thống, tuy trông có vẻ mệt mỏi, Đức Giáo Hoàng vẫn hội kiến riêng với ông Peres và nghe một ca đoàn trình diễn.

• Trong cuộc gặp gỡ với ông Netanyahu, một lần nữa Thủ Tướng Israel lên tiếng bênh vực bức tường an ninh với Đức Giáo Hoàng; ông nói với ngài rằng “khi các xúi giục và khủng bố chống Israel ngưng, thì sẽ không còn cần tới bức tường an ninh nữa, một bức tường từng cứu hàng ngàn sinh mạng”.

• Sau đó, Đức Phanxicô đã cầu nguyện với các linh mục và chủng sinh tại Nhà Thờ Diệtsimani, trước khi trồng “cây hòa bình” theo gương Đức Phaolô VI cách nay 50 năm.

• Sau Thánh Lễ ở Nhà Tiệc Ly trên Núi Xion, Đức Giáo Hoàng lên đường ra phi trường dự lễ nghi từ biệt. Lễ nghi này dự tính vào lúc 8 giờ tối, nhưng đã được đẩy lên lúc 7 giờ 30 sau khi thấy mọi sự diễn ra nhanh hơn dự trù, nhờ không còn những chỗ dừng chân bất ngờ nữa.

Yad Vashem: cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có ý nghĩa đặc biệt

Trong một bản tuyên bố, Viện Yad Vashem nhận định rằng họ hài lòng với cuộc thăm viếng của Đức GH Phanxicô và hy vọng rằng nó sẽ góp phần gia tăng ý thức về Nạn Diệt Chủng.

Bản tuyên bố viết rằng: “Yad Vashem dành tầm quan tọng lớn lao và ý nghĩa đặc biệt cho cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một cuộc viếng thăm mà chúng tôi hy vọng sẽ phát huy ý thức nhiều hơn về Nạn Diệt Chủng trên thế giới… Các lời ngài phát biểu tại Yad Vashem cùng với bài diễn văn khi tới Israel của ngài, nói lên niềm ân hận và đớn đau, liên quan tới cái điểm thấp nhất mà nhân loại đã rơi vào với các tội ác Shoah (Diệt Chủng)”.

Thảm đỏ và phản lực cơ chờ Đức Giáo Hoàng tại phi trường

Tại phi trường Ben Gourion, thảm đỏ đã được trải ra trước chiếc phản lực cơ El Al đưa Đức Giáo Hoàng trở lại Rôma.

Và không như lúc ngài tới bằng trực thăng, lần này thảm đỏ xứng hợp với phương cách vận chuyển của vị giáo hoàng.

Trực thăng của Đức Giáo Hoàng gần tới phi trường

Phái đoàn đông đảo gồm các viên chức và nhà báo từng tháp tùng Đức Giáo Hoàng tới Israel nay đã lên máy bay chờ sẵn, khi trực thăng chở Đức Giáo Hoàng từ Giêrusalem chuẩn bị đáp xuống phi đạo Ben Gourion.

Đức Giáo Hoàng tới phi trường

Thủ Tướng Netanyahu và Tổng Thống Peres tới phi đạo vừa lúc Đức Giáo Hoàng tới thảm đỏ dự nghi thức từ biệt.

Sau đó, ngài theo đường lên máy bay, có Thủ Tướng Netanyahu và Tổng Thống Peres đi hai bên, hai ông chuyện vãn với ngài.

Đức Giáo Hoàng chào từ biệt các viên chức Israel

Tổng Thống Peres và Thủ Tướng Netanyahu chào thăm một nhóm các vị chức sắc của Giáo Hội, trong lúc Đức Phanxicô đứng nhìn.

Sau đó, ngài chào từ biệt một nhóm viên chức Israel, bắt tay từng người một.

Thủ Tướng Netanyahu nói với Đức Giáo Hoàng: ‘chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ngài, xin ngài cầu nguyện cho chúng tôi’

Trên đường tới máy bay, Thủ Tướng Netanyahu và Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói chuyện với nhau có vẻ rất hăng say, trong khi Tổng Thống Peres vội chạy theo hai vị.

Các vị dừng lại ngay trước máy bay để chụp hình.

Rồi, Đức Phanxicô bắt tay Tổng Thống Peres, đoạn bắt tay Thủ Netanyahu là người nói với ngài: “chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ngài, xin ngài cầu nguyện cho chúng tôi”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng một mình bước lên thang máy bay, trước khi vẫy tay chào từ biệt.

Bức hình cuối cùng của Times of Israel cho thấy Đức Giáo Hoàng yên vị trong máy bay, dường như đang đọc báo.

Trên chuyến bay về Rôma

Như thói quen đã thành lệ, trên chuyến bay trở lại Rôma, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo tháp tùng một cuộc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ. Trong các câu hỏi ấy, chỉ có ba câu liên quan tới cuộc viếng thăm ngài vừa thực hiện.

Theo Vatican Insider, được hỏi về các cử chỉ của ngài trong cuộc viếng thăm Đất Thánh, Đức Phanxicô cho rằng “Các cử chỉ chân thực nhất là các cử chỉ tự phát thực hiện. Trước đó, tôi có nghĩ tới việc phải làm một điều gì đó nhưng không một cử chỉ cụ thể nào tôi làm đã được nghĩ trước như thế cả. Có một vài điều, như việc mời hai tổng thống và chủ tịch, thì chúng tôi có nghĩ sẽ thực hiện ở đó, trong cuộc viếng thăm, nhưng có nhiều vấn đề về hậu cần, nhiều lắm, địa điểm dự định để nó diễn ra cũng không hẳn là việc dễ dàng. Nhưng cuối cùng, lời mời đã được chấp nhận và tôi hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ diễn tiến tốt đẹp. Tuy nhiên, các cử chỉ của tôi thì không hề dự tính trước, tôi đơn thuần làm những gì tự phát xuất hiện với tôi. Chỉ xin nói rõ về cuộc gặp gỡ tại Vatican. Mục đích của cuộc gặp gỡ là cầu nguyện chứ không phải làm trung gian. Hai vị tổng thống và chủ tịch cùng với tôi chỉ gặp nhau để cầu nguyện và tôi tin rằng cầu nguyện rất quan trọng và giúp ích cho việc này. Rồi thì các vị trở về nhà. Sẽ có một giáo sĩ Do Thái, một vị Hồi Giáo và tôi. Tôi đã yêu cầu vị Trông Coi Đất Thánh lo khía cạnh thực tiễn của vấn đề”.

Được hỏi về Giêrusalem, ngài trả lời: “Hiện có nhiều đề nghị liên quan tới vấn đề Giêrusalem, Giáo Hội Công Giáo và lập trường của Vatican dựa trên quan điểm tôn giáo: một thành phố hòa bình cho ba tôn giáo. Các biện pháp cụ thể để đạt hòa bình thì cần phải thương thảo, người ta có thể quyết định phần này sẽ trở thành thủ đô của nước này, phần kia trở thành thử đô của nước kia... Nhưng tôi không nghĩ vị trí của tôi có thể nói: cần phải làm điều này hay cần phải làm điều nọ, tôi mà nói như thế là điên rồ, tôi nghĩ chúng ta cần đi vào vấn đề này trong tinh thần huynh đệ và tin tưởng lẫn nhau, theo con đường thương thuyết. Cần phải có can đảm và tôi cầu xin Chúa cho tổng thống và chủ tịch có can đảm làm thế. Về Giêrusalem, tôi chỉ muốn nói rằng nó nên là thành phố hòa bình của ba tôn giáo”.

Với câu hỏi về mối liên hệ với Giáo Hội Chính Thống, Đức Phanxicô trả lời rằng “Với Đức Barthôlômêô, chúng tôi đã nói về hợp nhất, một điều còn đang diễn tiến, còn đang hành trình, chúng ta sẽ không bao giờ tạo được hợp nhất tại một hội nghị thần học. Ngài xác nhận với tôi rằng Đức Athenagoras từng nói với Đức Phaolô VI rằng “hãy nhốt mọi thần học gia trên một hải đảo, rồi chúng ta sẽ đi chung với nhau được”. Chúng ta cần giúp đỡ nhau, như vấn đề các nhà thờ chẳng hạn, ngay ở Rôma, nhiều tín hữu Chính Thống đang sử dụng các nhà thờ Công Giáo. Chúng tôi có nói chuyện về Công Đồng Toàn Thể Chính Thống Giáo để có thể làm một điều gì đó về ngày giờ của Lễ Phục Sinh. Hiện nay có hơi nực cười: qúy vị cho tôi hay Chúa Kitô trỗi dậy từ cõi chết khi nào? Của tôi thì tuần sau. Còn của tôi thì tuần trước. Đức Barthôlômêô và tôi nói chuyện như anh em, chúng tôi yêu thương nhau và nói với nhau về những khó khăn chúng tôi đang gặp phải trong tư cách lãnh đạo. Chúng tôi nói với nhau rất nhiều về sinh thái và đã đạt được một sáng kiến chung để giải quyết vấn đề này”.

Giấc mơ đại kết

Philippa Hitchen thì gửi các nhận định chung về chuyến viếng thăm Đất Thánh của Đức Phanxicô về NEWS.VA (trang tin của Tòa Thánh). Nhận định nổi bật nhất là giấc mơ đại kết. Cô bảo: “cuộc gặp gỡ tại Nhà Thờ Mộ Thánh của các vị kế nhiệm hiện nay của hai Thánh Phêrô và Anrê, việc các ngài ký tuyên bố chung, ôm hôn nhau và cùng nhau cầu nguyện với các vị lãnh đạo của mọi Giáo Hội Kitô Giáo khác là một dấu chỉ đầy khích lệ, một dấu chỉ mà những người mơ giấc mơ đại kết như tôi có lẽ quả đang đi đúng đường. Không ai ở đây nói tới việc hợp nhất Kitô Giáo ngay ngày hôm sau, thậm chí ngay cả sinh thời của của tôi. Nhưng nhìn những kẻ thù lâu đời kết tình bằng hữu mới và thờ phượng chung với nhau ngay tại nơi Giáo Hội mới bắt đầu, thì tôi tin chắc, nó sẽ gieo được nhiều hạt giống tiến bộ cho những năm sắp tới”.

Tuy nhiên, dựa vào nhận định của Đức HY Kurt Koch, Hitchen cho rằng chuyến viếng thăm vẫn quan trọng trong chiều kích chính trị. Cô kể ra các biến cố: Đức Phanxicô dừng chân bất ngờ tại bức tường phân cách, mời chủ tịch Palestine và tổng thống Israel tới “nhà tôi tại Vatican” để cầu nguyện cho hòa bình, lên án những tên lái buôn vũ khí.

Phần Đức HY Koch, chủ tịch Hội Đồng Hợp Nhất Kitô Giáo cũng như Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái, ngài cho rằng: Đức Phanxicô đem tới Giêrusalem một viễn kiến can đảm về hòa bình tập trung vào việc hòa giải với thế giới Chính Thống Giáo. Nhưng việc thực hiện sự hợp nhất này, nhất là hợp nhất quanh bàn Thánh Thể, có liên hệ mật thiết với ngữ cảnh liên tôn rộng lớn hơn. Vì hoà giải là sứ điệp của Thánh Thể tại chính tâm điểm đức tin Kitô Giáo của chúng ta, nên một cách hợp lý nó sẽ có một hiệu quả dây chuyền đối với cả lãnh vực chính trị nữa.

Về khía cạnh liên tôn, Hitchen tin rằng nét độc đáo trước chuyến đi là ý tưởng của Đức Phanxicô mang theo với ngài hai người bạn Á Căn Đình, giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và giáo sư Hồi Giáo Omar Abboud, để hiểu rõ tính phức thể của các vấn đề chính trị và tôn giáo trong vùng. Hình ảnh còn lại trong tâm trí Hitchen khi máy bay của Đức Phanxicô rời khỏi vùng trời Israel là hình ảnh Đức Giáo Hoàng và hai người bạn của ngài nước mắt lưng tròng ôm lấy vai nhau trong một tin tưởng rằng hòa bình là điều thực sự có thể, ngay trên mảnh đất nhiễu nhương này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự: Đan viện Biển Đức Thiên Tâm chuẩn bị cho ngày Thánh 2014
Trần Mạnh Trác
08:31 27/05/2014
Cuộc chuẩn bị cho chương trình Ngày Thánh Thể 2014

Đáng lẽ còn 2 tuần nữa chúng tôi, tôi và nội tướng, mới đến đan viện Biển Đức Thiên Tâm để tham dự 3 Ngày Thánh Thể được tổ chức lần thứ 5, đích xác là từ 7:00g chiều Thứ Năm mồng 5-6-2014 cho tới sáng Chuá Nhật 10:00g ngày 8-6-2014.

Xem hình ảnh

Đại hội Thánh Thể năm nay quá hấp dẫn, có Đức Giám Mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên, có LM Buì Quang Tuấn, LM Nguyễn Khắc Hy, giáo sư Đại Chủng Viện và LM Hà Quốc Dũng,DCCT, tham dự.

Nhưng hôm thứ Sáu 'Memorial Day' vừa qua, chúng tôi tới vì tò mò. Từ khắp vùng Dallas cho tới Arlington, đi đâu cũng đều nghe mọi người khuyên phải tới đan viện mà xem. Mỗi ngày đều có nhiều giáo dân tới dọn dẹp chuẩn bị, vào mỗi cuối tuần thì số người qui tụ về giúp nhà Dòng đông như trải hội.

Được biết với số tu sĩ 6 hoặc 7 người sống ở đan viện, là một số quá nhỏ so với dân số cuả nhà dòng Đồng Công ở Missouri, thì việc tổ chức một đại hội sẽ là vô cùng khó khăn nếu không phải nhờ có sự đóng góp cuả những giáo dân đắc lực đến từ các giáo xứ lân cận.

Từ 5 năm qua các vùng Dallas, Houston, Arlington, Ft Worth và Austin đã cung cấp rất nhiều nhân lực tích cực. Nhiều tháng trước đại hội, giáo dân những nơi này đả đến cắm trại và làm việc mỗi cuối tuần. Nhà dòng không chỉ hoan nghênh sự giúp đỡ như thế, mà còn khuyến khích họ đóng góp sáng kiến và tài năng một cách tự do.

Có thể nói các Ngày Thánh Thể tại đây đã thực hiện được một cách mỹ mãn cũng là nhờ nỗ lực tông đồ cuả giáo dân.

Một hiện tượng như thế phải là một đề tài hấp dẫn cho một pha phóng sự. Và do đó chúng tôi đi tới đan viện sớm cũng không ngoài mục đích sẽ viết một phóng sự trên VietCatholic, đồng thời quảng bá cho chương trình Ngày Thánh Thể này.



Một đan viện bỏ trống

Nhưng hình như không có ai có mặt ở đan viện cả. Tuy chúng tôi tới sớm so với giờ hẹn cuả cha bề trên, tức là khoảng 5:30 chiều thay vì 7:00g tối, nhưng ít ra thì chúng tôi cũng phải thấy những 'bóng dáng' hay 'tiếng động' cuả một dấu hiệu sinh hoạt nào chứ?

Tiếng động duy nhất là tiếng sủa cuả đàn chó 'không lồ'. Những chú chó lông xồm to bằng nửa con bò xổ ra vây buả chúng tôi, vừa suả vừa quẩy đuôi như gần muốn sút ra vậy. Những chú chó cuả 'các nhà dòng' ấy mà! có lẽ chủ nào thì tớ nấy, gặp ai cũng hoan hỉ vui mừng... Nhận ra là người đã từng quen, đàn chó riu riú chạy theo gót chân cuả tôi một cách lặng lẽ. Giờ đây, chỉ còn nghe tiếng gió thỉnh thoảng luà qua ngọn cây và cảnh những làn sóng gợn nhấp nhô trên đồng cỏ.

Chúng tôi không có ý định tìm gặp các cha sớm hơn lúc 7:00g lễ chiều vì hiểu rằng cuộc sống tu trì cuả các ngài có một thời khoá biểu rất 'chặt chẽ', trong khi chờ đợi, chúng tôi lang thang vòng quanh để săn hình.

Một chiếc xe cắt cỏ nằm bất động ở giữa đồng trống thay vì xếp hàng ngay ngắn bên đường, vài đống rong rêu không gọn gàng và đã khô ráo nằm bên hồ nước, cạnh vài chiếc cuốc xẻng vất ngổn ngang, một chiếc xe ATV nằm lệch ở lưng chừng một con đê và được niú lại vì một lùm cây... những vị trí bất thường đó chứng tỏ người ta đã bỏ ngang những công việc một cách đột ngột nào đây?

Chúng tôi mở cửa vào hội trường với hy vọng tìm được một ai trong đó, cửa hội trường dễ mở, nhưng lạnh tanh.

Bỗng nghe có vài tiếng buá đập ở sau nhà bếp...



Tin xét đánh.

Lần theo tiếng động, tôi đã gặp một vài anh em lạ mặt đang loay hoay lát gạch để nới rộng khu nhà bếp cuả giáo dân. Các anh em lạ mặt này nhìn tôi một cách lơ là rồi lặng lẽ tiếp tục công việc. Có lẽ những người ở đây đã quen với sự xuất hiện cuả những người lạ mặt cho nên sự đột nhập cuả tôi không làm ai ngạc nhiên chăng? Tôi tự nghĩ. Giaó dân quanh vùng tự động tới rồi tự động đi, làm việc theo cách cuả mình và chẳng muốn phiền hà ai cả.

Sau khoảng 5 phút gợi chuyện bâng quơ, tôi cho họ biết về mục đích của mình và xin chụp một vài tầm hình. Lúc này một anh nhìn thằng vào mắt tôi một cách ái ngại, anh nói:

-Các cha các thầy đi hết rồi, đang ờ nhà thương, chắc có lẽ củng sắp phải về thôi.

-ồ không sao đâu, tôi hẹn lúc 7:00g cơ mà, còn sớm chán. Tôi noí.

-Chắc chú chưa biết à? thầy Đức chắc 'đi luôn' rồi.



-Thầy Đức là ai vậy? Tôi thắc mắc vì chưa hề nghe tới tên cuả thày.

Thầy Phaolô Vũ Ngọc Đức, theo sự tổng hợp những điều kể lại, là một trung niên (55 tuổi) cư ngụ trong vùng, có một gia đình cuả người chị gọi là 'chị Vân' sống tại Carrollton, và chỉ mới nhập dòng khoảng 10 tháng nay thôi. Tính tình lúc nào cũng vui vẻ, bình dân và thân thiết với anh em.

Sáng thứ Năm hôm qua, các anh em cần chìa khoá kho để làm việc. Đáng lẽ một thầy khác đã đi lấy chià khoá, nhưng thầy Đức ở gần hơn nhanh nhẩu đòi đi.

Thầy nhẩy lên chiếc xe ATV '4 bánh lái' và phóng nhanh về phiá nhà dòng. Chiếc ATV 4 bánh là loại khó lái, thầy Đức chưa quen, bị sỏi trên đường đê làm cho trợt bánh, đâm vào lan can cuả cái chòi kiost ở bên cạnh Chư Thánh Điện, chiếc xe lật nhào nhiều vòng.



Các cha đưa thầy vào bệnh viện cấp cứu. Bị vào đầu nặng lắm, nhà thương phải gọi trực thăng chở lên Dallas. Chắc không xong rồi, nghe nói hôm nay đã rút ống thở ra.

Họ chỉ cho tôi nơi xảy ra tai nạn, vẫn còn chiếc băng màu vàng cuả cảnh sát bao quanh để bảo vệ hiện trường.

Bà con ở quanh vùng đã báo cho nhau biết, có lẽ mọi người đang ở nhà thương cả, hôm nay chỉ có vài anh em này tới đây thôi.



Những ký ức không thế quên

Khi các cha từ nhà thương về, chúng tôi đã có dịp thông phần với những cảm xúc dạt dào cuả một tu viện trước cảnh một người anh em ra đi đột ngột.

Chúng tôi đã từng phải trải qua những sự mất mát bất ngờ như thế trong khi còn ở quân ngũ, nhưng nghĩ rằng cảm xúc khi bị mất một đồng đội có lẽ không xâu sa như cảnh khi phải mất một người trong dòng, bởi lẽ đồng đội chỉ là giai đoạn trong đời, còn dòng tu là cả một đời.

Người ta khó quên những việc làm cuả mình khi một biến cố quan trọng xảy ra, các cha rất khiêm nhường tự xưng là 'em,' khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng chúng tôi xin được đổi lại là 'mình' cho khỏi bất kính.



"Lúc đó mình đang vớt bùn ở dưới hồ, nước ngập tới ngực, thì nghe tiếng đụng, ngẩng lên thì đã thấy chiếc xe đang lăn nhiều vòng...mình vội chạy lên và thay đồ để đưa thầy đi bệnh viện..." một cha kể.

"Mình thấy thầy nằm im. Thường thì những người đau đớn phải quằn quại nhưng mà thầy nằm im không phản ứng, như thế thì mình biết là đã phạm vào óc rồi...Mình để cả cái áo ướt mà đi theo đến nhà thương..." một cha khác kể.

"Từ cửa nhà bếp nhìn xuống, mình thấy thầy bị hất lên cao tới 2m rồi rơi xuống...mình chạy vào phòng lấy chià khoá để lấy xe đi cứu cấp gấp, cứ thế, chạy vào chạy ra đến 3 lần mà vẫn quên không lấy được chià khoá..."

"Chiếc xe chở thầy đi bệnh viện còn mới toanh, mới chỉ chạy có 30 ngàn miles thội, thế mà ra tới đường thì bể lốp, bể tan tành...chúng mình thay bánh 'sơ cua' vào mà lại quên không vặn ốc, may mà chiếc xe không chịu chạy, nếu mà chạy được thì có lẽ nó sẽ lật với mọi người trong đó...mãi tới khi một ông bạn người Mỹ đến giúp cho thì mới xong"

Cảnh xúc động kéo dài xuốt buổi đọc kinh chiều và buổi lễ tiễn chân sau đó, một thầy đọc sách nghẹn ngào không thể đọc tiếp thánh thư, cha bề trên phải lên đọc thế.

Cha bề trên nói: "mình phải cố giữ mà thôi, chứ nếu muốn khóc thì sẽ khóc ngay thôi..."



Nhân đức trong dòng

"Thầy Đức tuy mới ở trong dòng có 10 tháng thôi, nhưng mà đã nêu gương khiêm nhượng cho tất cả chúng ta. Ở ngoài đời thì thầy có thua kém ai? thế mà ở đây thầy luôn vâng phục những cha thua mình 20, 30 tuổi...các cha tự hỏi không biết 20, 30 năm tu hành cuả mình có được bằng 10 tháng cuả thầy không?"

"Sự ra đi cuả thày làm cho mỗi người trong chúng ta phải tự hỏi, mình đến đây để làm gì, đạt được cái gì?" một cha đặt câu hỏi và tự trả lời: " chỉ là để có được lòng thương xót Chuá."

Hy vọng lòng thương xót Chuá đã đựợc ban cho thầy. "Nó như có một cái điềm báo trước, " một cha kể "hai tuần vừa qua thì thày có vẻ trầm ngâm hơn chứ không vui vẻ như trước."

"Hôm tĩnh tâm mới vừa kết thúc, thường thì cha bề trên vẫn lên xưng tội với cha giảng phòng trước tiên. Nhưng lần này, thầy đã lên trước, trước cả cha bề trên."

Kể về diễn tiến cứu cấp, cha Bề Trên cho biết:

"Các bác sĩ tuyên bố thầy chính thức qua đời vào lúc 12:30 ngày hôm nay, tức là sau khi rút ống hơi ra. Nhưng đó chỉ là trên phương diện y khoa...Họ cho biết thầy đã bị brain dead (óc đã chết) khi tới nhà thương và họ muốn rút ông hơi ra ngay ngày hôm qua, nhưng mà bà chị cuả thầy yêu cầu nhà dòng hãy để cho chị và gia đình có thêm một chút hy vọng nữa."

Nhưng hy vọng lớn nhất có lẽ phải là sự 'Vui Ngày Trở Về' nhà Cha ở trên Trời. Trong bài hát có đoạn "Người đi trong đau thương sẽ về giữa vui cười", nhắc nhở cho chúng ta rằng nước Trời mới thật sự là nhà.

Tuy biết vậy nhưng mà khi hát, cổ họng vẫn có vị đăng đắng làm sao...



Một đêm trong tu viện

Các cha mời chúng tôi dùng cơm tối chung mặc dù chúng tôi đã ăn, bữa cơm thật là thanh đạm, hơn nữa vì thiếu vắng một người cho nên nó càng trở nên hiu quạnh hơn...

Khi tôi về lại khu hội trường thì 5 người bạn mới quen vẫn còn sơn mái nhà. Khuya lắm họ mới nghỉ tay và giở cơm ra ăn, gồm bánh mì và giò chả. Chúng tôi ngồi chơi đêm với nhau bên đống lửa, nhai động phọng nướng, và hàn huyên sự đời.

Có tâm sự khuya mới biết rằng cuộc đời là đa dạng, nhân duyên là nhiệm màu.



Khám phá ra rằng một anh đã từng lên giúp nhà dòng Đồng Công nhiều năm rồi bây giờ tiếp tục tới đây giúp, mà anh vẫn chưa có đaọ. Một anh khác có đạo và vẫn thường đi săn ngay sát bên mà không bao giờ muốn tới, bây giờ tới thì lại hăng hái hơn ai hết. Còn một anh bạn nữa đã lớn tuổi mà chưa hề nghĩ đến chuyện lập gia đình.

"Nếu anh không chiụ lập gia đình thì tại sao không xin vào nhà dòng đi? thay cho thầy Đức" tôi buộc miệng nói.

"Đúng thế đúng thế, cha Hạnh (cha Bề Trên) vẫn nói như thế" cả nhóm nhao nhao nói.

...



Ngày thứ Bảy nhộn nhịp.

Khi hừng đông ló dạng và hồi chuông báo thức vang lên thì cũng là lúc có những ánh đèn xe chập chờn đi vào con đường đất dẫn tới nhà dòng. Đó là những giáo dân từ Dallas, Arlington, Fort Worth, Austin và Tyler rủ nhau đến.

Cho đến khoảng 8g sáng thì sự hoạt động đã bắt đầu nhộn nhịp, người cắt cỏ, kẻ ủi đất, người khai mương, kẻ đóng sàn...

Tôi được một chị dúi cho một ly cafe đá, các bà các cô có một nhiệm vụ đặc biệt và cần thiết là nuôi dưỡng những anh em đang làm việc. Họ tự động mang đồ ăn sáng cho từng người. Tôi tuy không lao động và cũng không thuộc về một nhóm nào, nhưng vẫn được tiếp tế tận tình, có lẽ vì lòng thương xót chăng?

Dĩ nhiên là tôi cũng được các chị hậu đãi cho một bữa ăn trưa thịnh xoạn.

Sau buổi trưa, tôi từ giã các cha đi về.

Nhìn về khu cắm trại, tôi ngạc nhiên thấy có vài chiếc xe trailer đã cắm lều tại đấy. Sực nhớ ra rằng đây là một ngày Nghỉ Cuối Tuần dài, Memorial Weekend, thứ Hai vẫn còn nghỉ, và vì thế mà các anh chị em đã dự định làm việc đủ 3 ngày cho kịp ngày khai mạc.



Khi mở cửa xe, tôi bỗng nghe thấy một tiếng ó ở bên trên. Nhìn lên, dưới bầu trời xanh và mây trắng, tôi nhìn thấy bóng đen đơn độc cuả một con chim đại bàng đang lờ lững đảo vòng quanh.

Ở vùng này có nhiều chim kên kên (Vulture) thường đi chung từng đàn và cũng có loại chim Ó đầu trắng (Bald Eagle) đi săn một mình. Có thể là một con Ó chăng? là loại chim hiếm từng được dùng làm biểu hiệu cho nước Mỹ. Đã có thời bị liệt vào loại có nguy cơ tuyệt chủng nhưng những năm gần đây đã trở lại đông đảo và lan tràn ra khắp 48 tiểu bang.

Tôi miên man nghĩ tới nhà dòng Biển Đức, một dòng tu chiêm nghiệm lấy phương châm vừa cầu nguyện vừa làm việc (Ora et Labore), đã có thời tưởng bị mai một vì lối sống nông nghiệp âm thầm, nhưng ngày nay đang trở nên thịnh hành trở lại. Theo thống kê, các nhà dòng bắt đầu có nhiều ơn gọi hơn. Đan viện Biển Đức Thiên Tâm này năm nào cũng có thêm nhiều lễ khấn trọn đời và lễ phong chức linh mục hay phó tế.

Cho nên khi làn buị sau xe đã làm khuất mờ khuôn viên cuà đan viện, tôi vẫn không khỏi không liếc nhìn quanh để xem con chim đại bàng có còn bay quanh tuần tiễu trên một lãnh địa đã được dâng cho Chuá này không?

Và tôi đã không phải thất vọng.

Hẹn gặp lại ngày khai mạc, thứ Năm mùng 5 tháng 6 tới.
 
Linh mục Khóa IV ĐCV Vinh Thanh mừng lễ bổn mạng
Pv Thuận Nghĩa
08:28 27/05/2014
Hôm nay, ngày 26/05/2014 tại quảng trường Đức Mẹ thuộc Giáo xứ Hoà Mỹ đã diễn ra trọng thể lễ thánh Philipphê Nêri linh mục – Bổn mạng anh em Linh Mục khoá IV Đại Chủng Viện Vinh Thanh.

Hình ảnh

Mặc dù đang công tác mục vụ khắp các địa bàn thuộc Giáo phận Vinh và Thanh Hoá, nhưng với tinh thần hiệp thông, các anh em đã không ngại thời tiết nóng bức, đường sá xa xôi, vượt qua hàng trăm cây số để về tại Giáo xứ Hoà Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh để hội ngộ nhân ngày lễ bổn mạng.

Đúng 19h30 đoàn rước được khởi hành từ tiền sảnh nhà phòng tiến về Quảng trường Đức Mẹ. Trước thánh lễ, Giáo xứ long trọng tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Khoảng 400 Con hoa tươi là tất cả tấm lòng của đoàn con cái Giáo xứ Hoà mỹ dâng lên Đức Mẹ để mừng tháng hoa và cầu nguyện đặc biệt cho quý cha trong ngày trọng thể này.

Sau nghi thức dâng hoa, thánh lễ đồng tế của 20 anh em linh mục khoá IV được cử hành trọng thể, cùng với sự tham gia đông đảo của bà con trong và ngoài Giáo xứ. Chia sẻ trong thánh lễ, Cha quản hạt Phủ Quỳ đã khởi đi từ những con đường nên thánh của các thánh để mời gọi mọi thành phần noi gương bắt chước. Thánh lễ kết thúc vào lúc 22h00 cùng ngày.

Vào lúc 5h00 sáng hôm sau, anh em linh mục dâng thánh lễ cầu bằng yên cho Cha Quản xứ và cộng đoàn giáo xứ, đặc biệt cầu nguyện cho công trình nhà Chúa đang còn xây dựng dỡ dang được chóng hoàn thành.

Trước lúc chia tay về lại với nhiệm sở, anh em cũng dành nhiều thời gian để hàn huyên, chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm mục vụ quý báu từ các giáo xứ.

Linh mục khoá IV tựu trường năm 1995 và mãn trường 2001. Có 28 thành viên thuộc hai giáo phận Vinh và Thanh Hoá. Hiện tại còn 27 anh em, một anh em đã được Chúa gọi về.

“Với lòng yêu mến Chúa thì không có gì mệt mỏi, nhưng đầy hân hoan trong suối nguồn chân thật” (philipphê Nêri l.m). Ước gì tất cả các linh mục nói chung, cách riêng anh em linh mục khoá IV Đại Chủng Viện Vinh Thanh biết hy sinh không mệt mỏi vì Chúa, vì tha nhân, làm cho nước Chúa ngày càng rộng mở.
 
Phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp và Đức cha Mai Thanh Lương: Quê hương Việt Nam đi về đâu?
VietCatholic Network
10:31 27/05/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân dịp Đức Cha Phaolô Nguyễn thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh đến Hoa kỳ và ngài hiện đang thăm viếng Đức Cha Dominic Mai thanh Lương, giám mục phụ tá giáo phận Orange County -- Cha Trần Công Nghị gặp hai giám mục tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam ở Orange ngày 22/5/2014 và đã có cuộc nói chuyện với các ngài để tìm hiểu về hiện tình Quê hương trước những cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm phạm lãnh thổ trong những ngày vừa qua và hiện tình Giáo Hội Quê hương.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Melbourne: Đêm thắp nến cầu nguyện bình an cho quê hương và phản đối Trung cộng xâm lăng Việt Nam.
Vietcatholic
08:55 27/05/2014
Melbourne: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long cùng đồng bào tham dự Đêm thắp nến cầu nguyện bình an cho quê hương và phản đối Trung cộng xâm lăng Việt Nam.

Xem hình ảnh

Melbourne ngày 18/5/14. Với nguyên một ngày dành cho quê hương. Cộng đồng Người Việt Tự do Tiểu bang Victoria đã cùng với đồng bào tổ chức biểu tình tuần hành, từ Melbourne Federetion Square, trung tâm Thành phố Melbourne đến Tổng lãnh sứ quán Trung cộng (số 75 – 77 Irving Road, Toorak cách xa hơn 7 km, để phản đối và lên án hành động lấn chiếm xâm lăng của nhà cầm quyền Trung cộng.

Với một ngày thời tiết tương đối đẹp, hưởng ứng lời kêu gọi của ban tổ chức, nên đồng bào tham dự thật đông. Theo sự tính tóan của Cảnh sát Melbourne, những người có trách nhiệm bảo vệ cho những người biểu tình. Số người đi biểu tình thật đông, con số lên đến gần 4 ngàn người, gồm đủ mọi thành phần gồm nam, phụ, lão, ấu. Ai là người Việt Nam đều muốn được đi biểu tình để nói lên tiếng nói chống đối một nhà nước độc tài, ươn hèn trước họa xâm lăng của Trung cộng. Đòan người kéo dài hàng cây số tạo được sự chú ý của nhiều người trên đường đòan người đi qua.

Chiều cùng ngày, cũng tại Melbourne Federetion Square. Một buổi thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam thân yêu, và lên án Trung cộng xâm lăng bờ cõi Việt Nam, lên án bọn Việt cộng bán nước, hèn với giặc, ác với dân! Đã được tổ chức với đông đảo đồng bào tham dự.

Trong những ngọn nến lập lòe bên rừng cờ Úc và Việt Nam Cộng Hòa. Mọi người cùng nhau hướng về quê hương đất nước với mong ước một ngày quê hương thóat khỏi nền cai trị độc tài, bán nước của đảng cộng sản Việt Nam.

Sau chào cờ và phút mặc niệm, lời ngỏ của ban tổ chức, phát biểu của ông Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria. Người xướng ngôn viên với giọng uất nghẹn đã mạnh mẽ lên án bọn cầm quyền cộng sản Việt Nam đã làm tay sai cho Tầu cộng, dâng hiến từng tấc của tổ tiên gìn giữ bao đời để lại, nay chúng đã mang dâng cúng để được hưởng những ân huệ là làm tôi mọi cho Tầu cộng, đè đầu dân chúng, và đồng bào mình, để hưởng vinh thân phì gia do hành động tham nhũng, cướp bóc.

Những bài thơ với đầy hùng khí, những bản nhạc yêu nước của Nhạc sĩ Việt Khang được các ca sĩ trong cộng đồng hát lên với cả một tấm lòng yêu quê hương, đã làm dậy trong lòng những Người Việt Nam khắp nơi bừng bừng hào khí yêu nước.

Đại diện các tôn giáo trong Cộng đồng Người Việt Tự do Melbourne gồm có Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo đã lên dâng hương trước bàn thờ tổ quốc Việt Nam. Xin hồn thiêng sông núi, các bậc tổ tiên thương ban cho dân tộc được thóat ách độc tài, đảng trị. Mang tự do, no ấm về cho mọi nhà. Đòan kết để cùng nhau đuổi giặc ngọai xâm khỏi bờ cõi Việt Nam, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.

Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long, đại diện cho các tôn giáo hiện diện đã lên phát biểu về tâm nguyện của tòan thể các vị đại diện tôn giáo và đồng bào. Mở đầu cho bài phát biểu, Ngài đã dõng dạc đọc lại bài hịch của Danh tướng Lý Thường Kiệt hàng ngàn năm trước:

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dịch:

Sông núi nước Nam vua Nam ở.

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ ‘bị’ đánh tơi bời.

Ngài lên án nhà cầm quyền Trung cộng với những tham vọng bành trướng và tham vọng thôn tính nước ta từ bao đời nay, nhưng lịch sử đã chứng minh dân tộc ta đã nhiều lần đã quyết liệt chống trả, với những trận đánh dù không cân sức, Dân Việt Nam ta đã đánh cho chúng phải bay hồn bạt vía.

Ngài cũng nói về người dân Trung Hoa cũng chỉ là nạn nhân của chế độ độc tài, cộng sản, chúng ta không chống họ. Họ cũng muốn sống hòa bình, tự do như dân tộc ta. Chúng ta chống là chống bọn độc tài đảng trị Trung cộng và bọn độc tài bán nước Việt cộng, bọn hèn với giặc mà ác với dân. Chúng ta tranh đấu cho dân tộc ta thóat ách độc tài, bất công, đòi hỏi quyền tự do, nhân quyền cho mọi người dân Việt.

Ngài cũng kêu gọi những thành phần đang trong guồng máy cai trị, quân đội, cảnh sát hãy can đảm đứng lên trở về với dân tộc với nhân dân, tạo sự đòan kết để cùng nhau cứu nguy dân tộc. Mỗi người cùng thắp nên ngọn nến để thắp sáng vì, một ngọn nến thì không đủ phá tan bóng đêm, nhưng mọi người cùng thắp một ngọn nến thì sẽ bừng lên ánh bình minh của dân tộc.

Ngài cũng cầu nguyện làm sao để khai thông dòng chảy lịch sử, để mọi người có thể ngồi lại với nhau, chung tay xây dựng lại một nước Việt Nam tự do công bằng, đem lại cho quê hương thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Cộng đồng Tibet cũng lên kể lại những kinh nghiệm đau thương, kể từ khi đất nước họ bị Trung cộng xâm lăng, với những hành vi cai trị hà khắc, bị phân biệt đối xử, bị bắt bớ, bị cướp đọat, bị tra tấn dã man, bị tù tội và bị giết chết. Và họ cùng sát cánh cùng Cộng đồng Việt Nam đấu tranh chống quân Trung cộng xâm lược.

Ngòai ra, chúng tôi cũng thấy một số người dân Phi Luật Tân cũng về tham dự buổi thắp nến cầu nguyện cùng chúng ta hôm nay. Trời về tối, lất phất mưa mọi người vẫn ngồi nguyên tại vị trí không ai chịu rời. Ai có dù che dù, ai có biểu ngữ che bằng biểu ngữ. Còn những người khác thì ngồi chịu gío mưa, để đồng cảm nhận sự đau khổ mà những người yêu nước ở quê hương đang bị chính nhà cầm quyền nước mình trù dập!

Ban hợp ca của cộng đồng đã kết thúc buổi thắp nến cầu nguyện bằng bài hợp ca: “Hội Nghị Diên Hồng” Lời ca hùng tráng vang lên được tòan thể hàng ngàn người đáp lại lời hịch vua tôi hàng ngàn năm trước. Để gìa trẻ, gái trai một lòng lên án, chống lại cuộc xâm lăng của Tầu cộng trên biển Đông. Và lên án sự hèn nhát của quân bán nước, nhưng lại tàn ác với dân mình.

Melbourne 19/5/14

Vietcatholic
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao có phiên bản ngắn và phiên bản dài cho một số bài Tin Mừng Chủ nhật?
Nguyễn Trọng Đa
21:50 27/05/2014
Giải đáp phụng vụ: Tại sao có phiên bản ngắn và phiên bản dài cho một số bài Tin Mừng Chúa Nhật?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, tại sao Giáo Hội có một phiên bản ngắn và một phiên bản dài cho một số bài Tin Mừng Chúa Nhật? Hình như không có lý do cho việc này, bởi vì yếu tố thời gian hầu như không là vấn đề ở đây. Hình như đúng hơn có một động cơ chính trị nào đó: ví dụ, trong Tin Mừng Chúa Nhật 2-2-2014 (Lc 2, 22-32), phần về nữ ngôn sứ Anna có lẽ được cắt bỏ nhằm tránh xúc phạm Israel chăng? Rồi trong Tin Mừng Chúa Nhật 16-2-2014 (Mt 5, 17-37), các câu nói về việc giữ ít nhất các điều răn, việc gọi anh em là "ngốc, khùng" (nghĩa bóng), việc móc mắt ra nếu mắt nên dịp tội, và việc nêu ra sự ly dị đều được chọn bỏ - có lẽ không phải để gia tăng tội lỗi; gợi ý bạo lực; tránh các câu hỏi lộn xộn về ly dị sao? Thưa cha, xin cha vui lòng giải thích, vì sự cắt bỏ tùy chọn này của bài Tin Mừng có thể gây khó chịu cho nhiều người. - S. F., Perrysburg, bang Ohio, Mỹ.


Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể loại trừ các động cơ được cho là sửa bản văn vì lý do chính trị, và phải xem là đúng những gì đã được viết bởi các vị soạn thảo tài liệu “Giới thiệu tổng quát Sách Bài Đọc Thánh Lễ” (GILFM, của Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích, ngày 21-1-1981)

Về độ dài của các bài đọc, các vị soạn thảo tài liệu trên giải thích lý lẽ của họ như sau:

"75. Cần đi theo con đường trung dung, liên quan đến độ dài bài đọc. Có sự phân biệt rõ ràng giữa các trình thuật, vốn đòi hỏi việc đọc một đoạn tương đối dài nhưng thường thu hút sự chú ý của các tín hữu, và các bài văn, vốn thường là không dài do tính sâu sắc của giáo lý trong đó.

“Trong trường hợp của một số bài văn khá dài, phiên bản dài và phiên bản ngắn được cung cấp cho phù hợp với các tình hình khác nhau. Việc biên tập các phiên bản ngắn đã được thực hiện một cách thận trọng.

"3) Các bài văn khó

"76. Trong các bài đọc Chúa Nhật và lễ trọng, các bài văn nào trình bày các khó khăn thật sự thường được tránh sử dụng vì lý do mục vụ. Các khó khăn ấy có thể là khách quan, trong đó chính bài văn đưa ra các vấn đề văn chương sâu sắc, phê bình hoặc có tính chất chú giải; hoặc các khó khăn có thể, ít là ở mức độ nào đó, nằm trong khả năng của tín hữu để hiểu bài văn. Nhưng không thể có sự biện minh để che giấu không cho tín hữu biết sự phong phú thiêng liêng của một số bài văn, trên cơ sở của sự khó khăn, nếu vấn đề phát sinh từ sự bất cập của việc giáo dục đạo đức mà các tín hữu phải có, hoặc từ sự bất cập của sự rèn luyện Kinh Thánh mà mỗi mục tử các linh hồn cần phải có. Một bài đọc khó thường được làm sáng tỏ bởi sự tương quan của nó với bài đọc khác trong cùng một Thánh lễ.

"4) Việc bỏ một số câu

"77. Việc bỏ một số câu trong các bài đọc lấy từ Kinh Thánh đôi lúc là truyền thống của nhiều phụng vụ, kể cả phụng vụ Rôma. Phải thừa nhận rằng việc bỏ một số câu như thế có thể không được thực hiện cách nhẹ nhàng, vì sợ làm sai lệch ý nghĩa của bản văn hoặc ý định và phong cách của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trên nền tảng mục vụ, người ta đã quyết định tiếp tục tập tục truyền thống trong Thứ tự các bài đọc hiện nay, nhưng đồng thời đảm bảo rằng ý nghĩa chính yếu của bản văn vẫn là nguyên vẹn. Một lý do cho quyết định là rằng một số bản văn là quá dài. Cũng là cần thiết để bỏ hoàn toàn một số bài đọc có giá trị thiêng liêng cao cho các tín hữu, bởi vì các bài đọc ấy có vài câu, vốn ít hữu ích về mục vụ hoặc có liên quan đến các vấn đề khó thực sự.

"3. Nguyên tắc cần theo trong việc sử dụng thứ tự các bài đọc

"a) SỰ TỰ DO LỰA CHỌN MỘT SỐ BÀI ĐỌC

"2) Phiên bản dài và phiên bản ngắn của bài văn

"80. Một tiêu chuẩn mục vụ cũng phải hướng dẫn sự lựa chọn giữa phiên bản dài và phiên bản ngắn của bài văn. Việc xem xét chính yếu phải là năng lực của tín hữu để nghe cách hữu ích phiên bản dài hay phiên bản ngắn của bài văn; hoặc để lắng nghe trọn cả bài văn dài, vốn sẽ được giải thích qua bài giảng.

"3) Khi hai bài văn được cung cấp

"81. Khi một sự lựa chọn được cho phép giữa các bài văn tùy chọn, dù các bài này là qui định hay tùy chọn, việc xem xét đầu tiên phải là lợi ích tốt nhất cho các người tham dự. Nó có thể là một vấn đề của việc sử dụng bài văn dễ, hoặc một bài văn phù hợp hơn cho cộng đoàn, hoặc, như lợi ích mục vụ có thể đề nghị, đọc lại hay thay thế một bài văn, vốn xét là thích hợp riêng cho một buổi cử hành, hay là tùy chọn cho buổi cử hành khác.

"Vấn đề có thể phát sinh, khi người ta sợ rằng một số bài văn sẽ tạo ra khó khăn cho một cộng đoàn đặc biệt, hoặc khi cùng một bài văn ấy sẽ được lặp lại trong một vài ngày tới, chẳng hạn vào ngày Chúa Nhật và vào một ngày trong tuần sau đó".

Vì vậy, tôi tin rằng động cơ là rõ ràng, và liên quan trước tiên đến một vấn đề là duy trì một độ dài tương tự từ một Chúa Nhật này đến một Chúa Nhật khác, và giúp duy trì sự chú ý của các tín hữu. Sự khôn ngoan của các sự lựa chọn cụ thể có thể được thảo luận và thậm chí phải cải cách, nhưng mục tiêu tổng thể của các bài đọc cung cấp giáo lý vững chắc.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể bỏ qua việc xem xét sửa chữa bản văn vì lý do chính trị. Các bài của Sách bài đọc hiện nay đã được ấn định vào cuối thập niên 1960, và do đó không thể được giải thích dưới ánh sáng của các vấn đề nổi lên ở các thời kỳ sau đó. Như tài liệu “Giới thiệu tổng quát Sách Bài Đọc Thánh Lễ” nhìn nhận, một số bài văn có vấn đề đã được gác qua một bên, nhưng là do sự khó khăn giải thích trong văn mạch bài giảng, chứ không vì để tránh sự xúc phạm.

Nếu đây là trường hợp như thế, thì nhiều bản văn khác sẽ phải được cắt bỏ ra khỏi Sách bài đọc, vào các ngày không có sự chọn lựa giữa phiên bản ngắn hay phiên bản dài của bài đọc.

Tương tự như vậy, ngay cả khi có phiên bản ngắn nữa, qui định chung của việc in sách là phải luôn in cả hai phiên bản. Do đó, không linh mục nào bị giới hạn phải dùng phiên bản ngắn, và có thể giảng dựa vào phiên bản dài, nếu ngài chọn đọc phiên bản ngắn. (Zenit.org 27-5-2014)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Chúa lên trời
Đinh Văn Tiến Hùng
13:06 27/05/2014
CHÚA LÊN TRỜI
( Lễ kính 29/5/14 )

“Ngài được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa. Và lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng có người đàn ông mặc áo trắng đứng bên và nói: Hỡi các ngươi Galilê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giêsu Đấng vừa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời” ( Cv.1: 9- 11 )

Theo Thày lên núi Ô-liu,
Mây giăng đỉnh núi hắt hiu gợi buồn,
Môn-đệ khắc khoải tâm hồn,
Nghe sầu ly biệt bồn chồn biết bao !
Thiên Tử Thần Thánh đón chào,
Kiệu mây nhè nhẹ nâng vào không trung,
Hào quang tỏa sáng uy hùng,
Mây bao quanh núi chập chùng trôi đi,
Lâng lâng khúc nhạc diệu kỳ,
Vang vang hiệu lệnh thiên đình mở ra,
Đất trời bừng tỉnh giao hòa,
Đón mừng Thánh Tử hoan ca khải hoàn,
Tinh cầu vạn vật rộn ràng,
Màn đêm tan biến, huy hoàng vầng đông,
Ánh hồng lan tỏa mông lung,
Bừng lên sức sống muôn lòng ngất ngây.

Kể từ giây phút này đây,
Thánh Thần đổ xuống tràn đầy hồng ân,
Giáo Hội Thiên Chúa gian trần,
Niềm tin sức mạnh vững tâm tuyệt vời,
Môn-đệ đi khắp nơi nơi,
Tin Mừng rao giảng muôn người say mê,
Từ phố thị tới sơn khê,
Nhận biết chân lý tìm về đường ngay,
Tà quyền tội ác tràn đầy,
Vô thần ác quỉ tới ngày tận vong,
Từ đây muôn nước chờ mong,
Vinh quang Thiên quốc, hòa đồng thế gian,
Thân hèn cuộc sống tham lam,
Tiền tài danh vọng con hằng đam mê,
Xin Chúa hãy đem con về,
Để chỉ khao khát nơi quê Nước Trời.
Bụi trần bao phủ khắp nơi,
Cho con biến cải cuộc đời đẹp tươi,
Chúa Giê-su đã về trời,
Dọn cho ta chỗ trên nơi Vĩnh Hằng.

‘Tiến dâng Vua Cả Nước Trời,
Cùng Đấng Thánh Phụ ngàn lời chúc vinh,
Thánh Thần đồng trị uy linh,
Muôn ngàn thiên sứ đồng thanh hát mừng’
( Thánh Thi Phụng Vụ )

Đinh văn Tiến Hùng

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tháp Rùa Hồ Gươm
Nguyễn Hùng
21:28 27/05/2014
THÁP RÙA HỒ GƯƠM
Ảnh của Nguyễn Hùng
Tháp Rùa
vua ngự mùa thu
Lòng quên cùng gió
bâng khuâng lá vàng.
Rượu ngon
bàn đá đìu hiu
Thu heo hắt ẩm
lặng cùng vàng thu.
(Pleiksor nth)