Ngày 21-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thăng Thiên
Trầm Thiên Thu
08:59 21/05/2014
Tại Giêrusalem, trên đỉnh Núi Ô-liu có một bảng ghi “Nhà Thờ Thăng Thiên” để tưởng nhớ việc Chúa Giêsu về trời, xa rời các tông đồ và thế gian này (Cv 1:9-12).

Theo tín điều của Công đồng Ni-xê, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu lên trời khi chúng ta nói: “Ngài lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha”.

Thăng Thiên là mầu nhiệm đức tin, cũng như việc Chúa Giêsu sống lại. Sự kiện này được nói ngắn gọn trong Mc 16:19 và Lc 24:50-53. Các chi tiết được Thánh Luca nói trong Cv 1:1-12.

Việc Chúa Giêsu lên trời có thể xác định là “bước chuyển tiếp” của thân xác sống lại vinh quang về trời, về thế giới vĩnh hằng. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được mô tả trong những cách như “từ trời xuống” để hoàn tất công việc trên thế gian, tồi Ngài “lên trời” hoặc “về trời”. Chính Chúa Giêsu cũng nói trước về việc Ngài xuống thế gian và lại về trời với Chúa Cha khi công cuộc cứu độ hoàn tất (x. Ga 3:13; Ep 4:10).

Ngoại trừ Thánh Luca nói bốn mươi ngày trong sách Công Vụ, cả Thánh Mác-cô, Thánh Luca và Thánh Gioan đều nghĩ về cuộc lên trời của Chúa Giêsu là điều xảy ra vào ngày Ngài phục sinh. Tư tưởng này là tôn vinh và tán dương Chúa Giêsu xảy ra khi Ngài phục sinh — có hai phương diện tương tự. Qua việc sống lại và lên trời, Chúa Giêsu rời thế gian và các thụ tạo để về ngự bên hữu Chúa Cha.

Hình ảnh “ngự bên hữu Chúa Cha” ảnh hưởng từ Thánh Vịnh: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110:1). Chính hình ảnh này đến từ ngày xưa, khi vua chúa được các quần thần bao quanh, bên phải vua là vị trí quan trọng nhất. Do đó, người ta cũng nói Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha để cùng chia sẻ quyền năng đối với vũ trụ.

Nếu Chúa Giêsu không tiến vào vinh quang khi sống lại, khó giải thích được Ngài ở đâu từ lúc sống lại tới khi lên trời. Ở đây chúng ta nói về mầu nhiệm và rất khó để hiểu trọn vẹn ý nghĩa. Lên trời là lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu đối với các tông đồ trước khi Ngài về trời.

Con số “bốn mươi” trong Kinh Thánh nghĩa là “một khoảng thời gian viên mãn”, không chỉ mang nghĩa bốn mươi ngày theo lịch. Như vậy, điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu thường xuyên hiện ra với các tông đồ trong một thời gian và rồi rời xa họ. Từ đó, họ phải sống bằng đức tin và giao tiếp với Ngài qua lời cầu nguyện và các Bí tích.

Mầu nhiệm này có hai phương diện: (1) Vinh quang Nước Trời của Đức Kitô xảy ra đồng thời với sự phục sinh của Ngài, và (2) Ngài đi xa các tông đồ sau một thời gian hiện ra nhiều lần với họ. Lễ Thăng Thiên tưởng nhớ phương diện thứ hai.

Lễ Thăng Thiên nghĩa là Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, Ngài bắt đầu sự sống mới với Thiên Chúa. Ngài về trời để chuẩn bị chỗ ở cho những người được chọn. Trong ngày cuối cùng, Ngài sẽ trở lại đưa họ tới đó để họ được đưa lên vĩnh cư với Ngài: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:1-3). Vì thế, Lễ Thăng Thiên là nguồn hy vọng và niềm an ủi lớn lao đối với các Kitô hữu.

(Lm Knenneth Baker, SJ, CatholicEducation.org)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 21/05/2014
ĐỐI THOẠI VỚI BÙN [1]
N2T

Có người hỏi bùn:
- “Anh lấy toàn bộ sinh mệnh bồi bổ cho sen, sen cao quý đẹp đẽ, hưởng hết vinh hoa phú quý của nhân gian, còn anh thì lại chịu đựng đủ điều chế giễu ghẻ lạnh, anh không ghen ghét, không vì thế mà uất ức sao?”
Bùn nói:
- “Xưa nay chưa từng có ai làm mẹ mà ghét bỏ con gái đi lấy chồng; cũng như từ trước đến nay không ai làm bố mà ghen ghét thành tựu của con cái vượt qua mình”.
Trong tình yêu nếu không có bao dung, thì tình yêu không trọn vẹn.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Chữ “bao包”, có nghĩa là ôm, gói, bọc, đùm…
Chữ “dung容”, có nghĩa là chứa, đựng và cũng có nghĩa là dung thứ…
Giải thích theo nghĩa của tình yêu, bao dung là tha thứ, là khoan dung.
Vợ hoặc chồng dung thứ cho nhau nhiều lắm là ba lần, qua lần thứ tư thì đem nhau ra tòa ly dị.
Bố mẹ dung thứ cho con cái ngỗ nghịch, nhiều hơn vợ chồng dung thứ cho nhau nhiều lần, nhưng đứa con nào quá quắc, chịu không nỗi, bố mẹ mới nuốt sự đau khổ đi đăng báo từ con.
Nhưng sự bao dung của Thiên Chúa thì không thể kể hết được, sư bao dung của Ngài rộng lớn vô cùng, trời đất vạn vật không thể chứa nỗi.
Chúng ta luôn xúc phạm đến tình yêu của Ngài, luôn ngỗ nghịch với Ngài, nhưng Ngài chẳng đăng báo từ con, cũng chẳng đưa ra toà ly dị, trái lại, Ngài vẫn luôn đợi chờ chúng ta, sẵn sàng đưa tay ra ôm chúng ta vào lòng.
Sự bao dung (包容) của Thiên Chúa thật là quá lớn, cho nên tình yêu của Ngài cũng vô bến bờ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 21/05/2014
N2T

12. Xin cho chúng con có lý tưởng thật cao, để từ đó chúng con sẽ đạt tới lợi ích mà không cần giảm bớt nguyện vọng của chúng con.

(Thánh Terese of Avila)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cái ôm hôn lịch sử giữa Đức GH Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras
Vũ Văn An
06:47 21/05/2014
Ngày giờ cuộc viếng thăm Đất Thánh sắp tới của Đức Phanxicô không phải là việc tình cờ. Chủ đích chính của chuyến viếng thăm trong các ngày 24-26 tháng 5 này là để cùng Thượng Phụ Barthôlômêô I của Constantinople kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức GH Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusdalem vào tháng Giêng năm 1964.

Các tường thuật về cuộc gặp gỡ đầu tiên này thường giả định rằng mục tiêu hàng đầu chuyến hành hương của Đức Phaolô VI là tạo dịp để gặp thượng phụ đại kết. Các biên tập viên của tờ America, chẳng hạn, ngày 18 tháng Giêng năm đó, đã viết như sau: “mục tiêu tối hậu của Đức GH Phaolô khi tới Đất Thánh chính là cơ may do việc này mang tới cho cuộc gặp gỡ đầy cảm kích”.

Nhưng thực ra, theo linh mục Thomas Stransky, vốn là nhân viên lúc đầu của Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và hiện là viện trưởng về hưu của Viện Đại Kết Tantur Nghiên Cứu Thần Học tại Giêrusalem, vấn đề không hẳn như thế.

Hai tuần trước khi Đức Tân Giáo Hoàng khai mạc khóa hai của Công Đồng Vatican II vào ngày 29 tháng 9 năm 1963, ngài viết một appunto, tức bản ghi nhớ riêng cho chính ngài, trong đó, ngài tỏ mối hy vọng đây là “cuộc hành hương của giáo hoàng tại Đất Thánh”. Mục đích phụ mới là có được “một cuộc gặp gỡ huynh đệ với nhiều hệ phái Kitô Giáo khác nhau tại đó”. Tuy nhiên, trong diễn văn trước Công Đồng vào ngày 4 tháng 12 năm 1963, lý do này đã không còn khi ngài chia sẻ quyết định của ngài là thực hiện một “cuộc hành hương đạo đức tới quê hương của Chúa Giêsu Cứu Thế” vào tháng Giêng. Vì một lý do nào đó, ngài và ủy ban kế hoạch gồm 5 người kín tiếng đã không dự trù sẽ có những cuộc gặp gỡ đại kết. Dường như quan tâm duy nhất của các ngài là thăm viếng các cộng đoàn Công Giáo tại các thánh điểm ở Do Thái và ở Đông Giêrusalem thuộc Giócđăng và Bờ Tây (West Bank), và thương thảo với các nước đang có chiến tranh với nhau, đang sát hại lẫn nhau.

Cuộc hành hương trên được giữ hết sức bí mật với Giáo Triều là cơ quan nổi tiếng về việc rì rỏ tin tức. Nó hoàn toàn là một ngạc nhiên đối với Đức HY Augustin Bea, Đức Cha Johannes Willebrands và các nhân viên của Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, như Cha Pierre Duprey thuộc Hội Truyền Giáo Phi Châu, là người cho tới tháng 4 năm 1963 vốn là giám đốc Chủng Viện Thánh Anna thuộc nghi lễ Melkite tại Giêrusalem, nơi ngài rất quen thuộc với các nhà lãnh đạo Kitô Giáo và các qui thức liên Giáo Hội khá nhậy cảm trong việc viếng thăm các vị đứng đầu các Giáo Hội. Cha Duprey tiên đoán ngay lập tức khả thể sẽ có các cuộc gặp gỡ của Đức Phaolô VI với các thượng phụ Hylạp và Ácmêni tại Giêrusalem, tức Đức Benediktos I và Đức Yeghishe Derderian. Nếu Tòa Thánh không đưa ra khả thể ấy với các vị, chắc chắn sẽ có hậu quả không hay, chứng tỏ một sự thiếu lịch thiệp, bất kể là cố ý hay không.

Làm cho việc ấy xẩy ra

Đức HY Bea, Đức Cha Willebrands và Cha Duprey đưa ra sáng kiến. Ngay chiều hôm đó, Đức GH Phaolô đã nhận được tờ trình của các ngài. Trước khi Đức GH đủ thì giờ suy nghĩ và phúc đáp, thì một thông cáo báo chí chung đề ngày 6 tháng 12 của tòa thượng phụ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo không những niềm phấn khích của Đức Athenagoras trước “quyết định lịch sử” mà còn nhận định rằng “sẽ là công trình của Chúa quan phòng nếu, nhân dịp cuộc hành hương thánh thiện của Đức Thánh Cha, mọi vị đứng đầu các Giáo Hội Thánh Thiện của Chúa Kitô, cả Đông lẫn Tây Phương, của ba nhóm tuyên tín, đều gặp nhau tại thành thánh Xion”. Thông cáo chung đưa ra lời kêu gọi hơi hấp tấp cho một cuộc gặp gỡ thế giới, chỉ trong vòng một tháng, qui tụ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo dưới chân Gôngôtha, cạnh ngôi mộ trống và gần Thượng Lầu Hiện Xuống.

Ngay năm 1954, trong một những cuộc đàm đạo đầu tiên với Thượng Phụ, Cha Duprey đã được yêu cầu trình cho Đức Piô XII hay: “Tôi muốn được gặp ngài và tôi sẵn sàng đi nửa đường, nhưng không thể đi thêm”. Và trong mùa xuân trước ngày khai mạc Vatican II, Đức Athenagoras công khai tuyên bố rằng ngài sẵn sàng viếng Đức Gioan XXIII tại Rôma nếu Đức GH chịu đáp lễ tại Constantinople. Thượng Phụ thường mượn lời Tin Mừng Gioan để nói về Đức GH Tốt Lành: “Có người được Thiên Chúa phái tới, tên ngài là Gioan”.

Đức Phaolô vì thế mau mắn hành động. Ngài chấp thuận để Cha Duprey, trong tư cách phái viên của Đức HY Bea, qua Istanbul và Giêrusalem ngay ngày 9-12 tháng 12 năm 1963. Cha Duprey minh xác với Đức Athenagoras rằng cuộc gặp gỡ đại thể các vị đứng đầu các Giáo Hội là việc bất khả, nhưng Cha khôn khéo cho ngài hay: “Đức Giáo Hoàng sẽ đi hành hương Giêrusalem. Nếu Đức Thượng Phụ cũng có thể đi hành hương Giêrusalem vào những ngày này, ngài sẽ sung sướng được gặp Đức Thượng Phụ tại đó”. Thượng Phụ Athenagoras hân hoan trả lời và hy vọng rằng các vị đứng đầu các Giáo Hội Tự Trị Chính Thống Hy Lạp khác sẽ chấp thuận hay ít nhất không phản đối. Việc này, ngài sẽ tham khảo họ.

Dấu hỏi lớn nhất là Thượng Phụ Benediktos của Giêrusalem. Theo một nghi thức có từ xưa của Công Đồng Canxêđoan năm 451, thượng phụ này sẽ là người đầu tiên cho mời thượng phụ Constantinople; ngài sẽ là người đầu tiên chào mừng giám mục Rôma và là thượng phụ Phương Tây; và ngài sẽ đón tiếp cuộc viếng thăm đáp lễ của Đức Phaolô VI. Thượng Phụ Benediktos vốn là người mạnh mẽ chống lại việc gửi quan sát viên Chính Thống Hy Lạp tới Vatican II. Ngài cho rằng “Họ sẽ trực tiếp và thụ động chứng kiến các bài diễn văn và các quyết định bài Chính Thống”. Ngài tin rằng Công Đồng có mục tiêu cải đạo nhằm quyến rũ những người Chính Thống yếu đuối vào đạo Công Giáo. Tuy nhiên, tại Giêrusalem, Thượng Phụ Benediktos miễn cưỡng bảo đảm với Cha Duprey rằng nếu Rôma tôn trọng các nghi thức, thì ngài sẽ hợp tác. Còn Thượng Phụ Ácmêni thì rất thuận hảo đối với việc gặp Đức Giáo Hoàng, và cả các vị đứng đầu các Giáo Hội tại Giêrusalem cũng thế: Giáo Hội Chính Thống Đông Phương Coptic, các Giáo Hội Êtiôpia và Syria cũng như Giáo Hội Anh Giáo. Điều giúp làm dễ bầu khí tích cực trong các cuộc thăm viếng ngắn ngủi của Cha Duprey là mọi Giáo Hội, chỉ trừ Giáo Hội Chính Tống Hy lạp, đều có gửi quan sát viên tới hai khóa đầu tiên của Công Đồng Vatican II.

Trong vòng hai tuần kế tiếp, Thượng Phụ Athenagoras nhận được nhiều phúc đáp tích cực từ các tòa thượng phụ Alexandria, Antioch, Mascow, Serbia, Romania và Bulgaria. Antioch đưa ra lời cảnh cáo này: đừng đặt dù chỉ một bàn chân lên đất Do Thái! Vì thế, theo đề nghị của Thượng Phụ Alexis I của Moscow, mọi người nhất trí rằng Thượng Phụ Athenagoras sẽ chỉ đại diện cho Giáo Hội Constantinople, chứ không đại diện cho toàn bộ Chính Thống Giáo.

Chống đối công khai duy nhất diễn ra trong Giáo Hội Hy Lạp. Tổng Giám Mục Chrysostomos II của Athens gọi chủ trương của TP Athenagors là “chết người” đối với quyền lợi Chính Thống. Ngài cho tổ chức một đêm canh thức cầu nguyện trên Núi Athos “để duy trì Chính Thống Giáo khỏi các hậu quả của cuộc gặp gỡ đầy thảm họa tại Giêrusalem”. Chính Phủ Hy Lạp và hầu hết hàng giáo sĩ và giáo dân thì tích cực hơn. Các phân khoa thần học danh tiếng nhất tại Athens và Salonica đều hân hoan ủng hộ.

Một số giáo phẩm cao cấp trong Giáo Triều chống đối ý niệm viếng thăm đáp lễ. Trong nhiều thế kỷ, nghi thức ngoại giao của Tòa Thánh chống lại việc Đức Giáo Hoàng đi viếng thăm như thế. Sau khi Đức Giáo Hoàng tới thăm vị quốc trưởng nào, thì một viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ viếng thăm tòa đại sứ của nước đó tại Rôma. Đức HY Bea ghi lại rằng Đức Phaolô VI không thấy có vấn đề nào khi phải đích thân viếng thăm đáp lễ Thượng Phụ Athenagoras và hai thượng phụ Giêrusalem. Ngài từng nói: “Đến Chúa Giêsu cũng từng đi viếng bạn hữu của Người, thì có chi chống lại việc vị đại diện của Người trên thế gian cũng làm như Người?”

Thời gian thật khẩn cấp. Sau Lễ Giáng Sinh, một phái viên của Thánh Công Đồng Constantinople, là TGM Athenagoras của Anh, tới Rôma để trình bày “nghi thức tiếp đón”. Vị này từng phục vụ trong tư cách giám mục tại Mỹ và Canada và là khoa trưởng Trường Thần Học Thánh Giá của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp tại Brookline, Mass. Tòa thượng phụ công bố lời chấp thuận của họ vào ngày 31 tháng 12 năm 1963.

Cuộc gặp gỡ tại Đất Thánh

Bốn ngày sau, vào chạng vạng tối, Đức Phaolô VI từ Giócđăng tới Giêrusalem. Tối hôm đó, TP Benediktos chào mừng ngài tại trụ sở của phái bộ Tòa Thánh. Sau đó, Đức Phaolô VI tới thăm TP Benediktos tại cư sở của tòa thượng phụ trên đỉnh Núi Cây Dầu. Ngày hôm sau, Đức GH Phaolô VI tiếp TP Athenagoras tại trụ sở phái bộ, bằng cái ôm hôn đầu tiên của các tòa tông truyền Rôma và Constantinople, do hai anh em ruột là Thánh Phêrô và Thánh Andrê thiết lập, kể từ khi Đức Eugiêniô IV và TP Giuse II gặp nhau tại cuộc hội ngộ của Công Đồng Florence tháng Ba năm 1438. TP Athenagors gọi cuộc gặp gỡ này “là tia sáng đầu tiên của một ngày hạnh phúc khi các thế hệ tương lai sẽ tiếp nhận sự hiệp thông với Mình và Máu Thánh Chúa chúng ta từ cùng một chén thánh”. Để làm quà, Đức Giáo Hoàng tặng Thượng Phụ một chén thánh bằng vàng.

Ngày hôm sau, ngày lễ Hiển Linh, TP Benediktos chào mừng Đức Giáo Hoàng tại cửa vào nơi TP cư ngụ trên Núi Cây Dầu. Bên trong có sự hiện diện của TP Athenagoras. Các vị cùng tiến qua nhà thờ chính tòa cạnh bên và cùng chủ tọa buổi cầu nguyện chung, bắt đầu bằng cái ôm bình an đầy tình huynh đệ.

Tạp chí Look đăng hình mầu cuộc gặp gỡ ở ngoài bìa. TP Athenagoras người khá cao và vạm vỡ, với bộ râu rậm dài và không cắt tỉa. Xem ra ngài muốn trùm phủ cả vị giáo hoàng thấp hơn, gầy hơn trong vòng tay của mình. Cả hai đều lặng lẽ mỉm cười, đôi mắt long lanh. Trong thông cáo chung sau đó, Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ tự gọi nhau là “hai người hành hương, mắt đắm nhìn Chúa Kitô”. Các ngài cầu xin để cử chỉ huynh đệ của các ngài, sau “quá nhiều thế kỷ thầm lặng… có thể trở thành dấu chỉ và mở đầu cho các điều sắp tới nhằm vinh quang Thiên Chúa và soi sáng cho dân tín trung của Người”. Tờ America hồi đó nhận định rằng cái ôm hôn này “có khả năng nói nhiều thần học hơn một sơ đồ của Công Đồng Vatican”.

Biến cố Giêrusalem cũng thay đổi bầu không khí của Chính Thống Hy Lạp đủ để cho phép tòa thượng phụ đại kết này gửi các đại diện làm quan sát viên tại khóa ba của Vatican II. Các nghị phụ công đồng thảo luận và sau đó cùng Đức Phaolô VI chấp thuận và công bố “Sắc Lệnh về Đại Kết” vào ngày 21 tháng Mười Một năm 1964. Nó hoàn tất cái ôm hôn tại Giêrusalem; nó quả là nền “thần học của cử chỉ”.

Vào ngày gần kết thúc Công Đồng, tức ngày 7 tháng Mười Hai năm 1965, một phái viên của Thánh Công Đồng Constantinople viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, và một phái viên của Đức Giáo Hoàng, là Đức HY Lawrence Shehan của Baltimore, đã viếng Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo St George tại Istanbul. Các vị đem theo mình một tuyên bố chung của Đức Phaolô VI và của Đức Athenagoras, nói rằng “chúng tôi muốn hủy bỏ khỏi ký ức Giáo Hội và khỏi tâm trí Giáo Hội án tuyệt thông [lẫn nhau] được công bố hồi ấy [năm 1054], và muốn chôn nó trong quên lãng”.

Như thế, TP Athenagoras quả đã khởi diễn bước đầu tiên dẫn tới việc hàn gắn cuộc ly giáo đã 1,000 năm nay, còn Đức Phaolô VI thì đã nắm lấy cơ hội này để cùng nhau khởi đầu một khởi đầu mới.
 
Nếu chúng ta hủy diệt Tạo Vật thì Tạo Vật sẽ hủy diệt chúng ta
Bùi Hữu Thư
09:40 21/05/2014
Huấn từ Đức Thánh Cha ngày Thứ Tư 21/5/2014

Ngày 21 tháng 5, 2014 (Vatican Radio)

“Với ơn Hiểu Biết, Thánh Thần giúp chúng ta nhận biết giá trị và vẻ đẹp của con người và các thực tại vây quanh chúng ta, và cũng biết được những giới hạn của chúng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như vậy trong loạt bài giáo lý tập trung vào bẩy ơn của Chúa Thánh Thần:

Các anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn nêu lên một ân sủng khác của Chúa Thánh Thần, ơn Hiểu Biết. Khi chúng ta nói về sự hiểu biết, chúng ta nghĩ ngay tới khả năng của con người để học hỏi nhiều hơn về thực tại chung quanh chúng ta, và để khám phá các định luật điều khiển thiên nhiên và vũ trụ. Tuy nhiên ơn hiểu biết đến từ Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn ở kiến thức của con người: đây là một ơn đặc biệt, giúp chúng ta hiểu biết qua Tạo Vật, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa và mối liên hệ mất thiết của Người với mọi tạo vật.

1. Khi con mắt chúng ta được Thánh Thần soi sáng, chúng mở ra để chiêm ngắm Thiên Chúa trong vẻ huy hoàng của thiên nhiên và sự vĩ đại của vũ trụ, và dẫn đưa chúng ta khám phá cách thức mọi tạo vật nói với chúng ta về Thiên Chúa, và mọi tạo vật nói với chúng ta về tình yêu của Người. Tất cả gợi lên cho chúng ta một sự ngạc nhiên và biết ơn! Đây là cảm xúc chúng ta có khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật hay bất cứ một tuyệt tác nào là kết quả của tài khéo và óc sáng tạo của con người: trước các tác phẩm này, Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến việc ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa từ đáy lòng chúng ta, và nhận thức rằng, tất cả mọi sự chúng ta có đều là những ân sủng vô giá của Thiên Chúa và là dấu chỉ của tình yêu vô biên Người dành cho chúng ta.

2. Chương đầu của sách Sáng Thế, nơi đầu Thánh Kinh, cho chúng ta thấy Thiên Chúa vui thích về tao vật của Người, bằng cách nhấn mạnh vẻ đẹp và sự thiện hảo của mọi sự. Vào cuối mỗi ngày, sách này viết: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp" ( 1,12.18.21.25 ) …Nhưng nếu Thiên Chúa thấy Tạo Vật là một cái gì tốt đẹp, thì chúng ta cũng phải có thái độ này, chúng ta phải thấy rằng Tạo Vật là một cái gì tốt đẹp. Ơn Hiểu Biết về vẻ đẹp này, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta ơn này, vẻ đẹp này! Đây là con đường phải theo… và khi Thiên Chúa đã dựng xong người đàn ông. Người không nói là “tốt đẹp”, Người nói “đây quả thật là tốt đẹp”, Người kéo chúng ta lại gần Người. Và trong con mắt Thiên Chúa, chúng ta cao trọng nhất, đẹp đẽ nhất, là tác phẩm tốt nhất trong mọi Tạo Vật….” Nhưng còn các Thiên Thần thì sao? Không! Thiên Thần còn thấp hơn chúng ta! Chúng ta còn cao qúy hơn Thiên Thần! Chúng ta được nghe thấy như vậy trong sách Thánh Vịnh! Thiên Chúa thực sự yêu thương chúng ta! Chúng ta phải cảm tạ Người về điều này!

Ơn Hiểu Biết làm cho chúng ta sống hòa điệu với Đấng Sáng Tạo và giúp cho chúng ta tham dự vào sự sáng suốt của nhãn quan và phán quyết của Người. Và trong phối cảnh này chúng ta có thể biết rằng nơi người nam và người nữ là đỉnh cao của Tạo Vật, và sự hoàn thành của kế hoạch yêu thương được in dấu trong mỗi người chúng ta và làm cho chúng ta nhận biết tất cả chúng ta đều là anh chị em.

3. Tất cả những điều này là một nguồn suối của sự thanh thản và an bình và làm cho Kitô hữu trở nên những nhân chứng hân hoan của Thiên Chúa, theo chân Thánh Phanxicô thành Assissi và nhiều Thánh khác, họ có thể ca tụng tình yêu của Người qua việc chiêm ngắm các Tạo Vật.

Tuy nhiên, đôi khi ơn hiểu biết giúp chúng ta không bị rơi vào cạm bẫy của những thái độ quá trớn hay sai lầm. Thái độ thứ nhất là nguy cơ coi chúng ta là chính những chủ nhân của Tạo Vật. Tạo Vật không phải là một sở hữu, chúng ta có quyền cai quản tùy ý; hay chỉ là các sở hữu của một số ít người: Tạo Vật là một quà tặng, một quà tặng quý giá Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta chăm sóc, và sử dụng cho lợi ích chung của mọi người, và luôn luôn với sự kính trọng và biết ơn.

Thái độ sai lầm thứ hai là cám dỗ tự giới hạn chúng ta vào hàng các tạo vật, vì chúng có thể cho chúng ta giải đáp về những gì chúng ta mong đợi. Với ơn hiểu biết, Thánh Thần giúp chúng ta không chào thua những cám dỗ này.. nhưng tôi muốn quay về con đường sai lạc thứ nhất … Chúng ta là những người Quản Thủ Tạo Vật, không phải là Chủ của các Tạo Vật. Nhưng khi chúng ta khai thác Tạo Vật, chúng ta hủy diệt dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, khi hủy diệt Tạo Vật chúng ta đang nói với Chúa là: “Con không thích chúng! Chúng không tốt đẹp!” “Vậy thì con thích cái gì?” “Con chỉ thích chính mình con thôi!” – Ở đây, chính là tội lỗi! Các bạn thấy không? Quản thủ Tạo Vật là quản thủ ân sủng Chúa ban cho chúng ta và cũng là một cách để nói lên lời tri ân Thiên Chúa. Con là chủ của Tạo Vật nhưng để tiếp diễn việc sáng tạo, con không bao giờ hủy diệt quà tặng của Chúa. Và đây phải là thái độ của chúng ta đối với Tạo Vật. Gìn giữ Tạo Vật. Vì nếu chúng ta hủy diệt Tạo Vật, Tao Vật sẽ hủy diệt chúng ta! Xin đừng bào giờ quên điều này!!

Một hôm về miền quê tôi nghe được một câu nói của một người bình dân yêu thích hoa và anh ta nuôi dưỡng những bông hoa, và anh nói chúng ta phải nuôi dưỡng những gì tươi đẹp Chúa ban cho chúng ta. Tạo Vật là để cho chúng ta sử dụng đúng cách, chứ không được lạm dụng… vì cha biết không, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ - Thật vậy, Chúa luôn luôn tha thứ… Chúng ta những người nam và nữ, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng không luôn luôn tha thứ… nhưng thưa cha, Tạo Vật không bao giờ tha thứ! Và nếu chúng ta không gìn giữ và chăm sóc, Tạo Vật sẽ không bao giờ tha thứ chúng ta”.

Chúng ta hãy suy nghĩ và xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn hiểu biết rằng Tạo Vật là một quà tặng của Thiên Chúa, một quà tặng quý giá nhất Người tạo dựng đó là con người…

Cám ơn các bạn.
 
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Hiểu Biết
Phaolô Phạm Xuân Khôi
19:08 21/05/2014
“Chăm sóc cho tạo vật chính là bảo vệ món quà của Thiên Chúa và thưa cùng Thiên Chúa, ‘Con cảm tạ Chúa, con là người giữ gìn tạo vật, nhưng để làm cho nó tiến lên, chứ không bao giờ huỷ diệt món quà của Chúa.’ Đó phải là thái độ của chúng ta đối với tạo vật: gìn giữ nó bởi vì nếu chúng ta hủy diệt tạo vật, thì nó sẽ tiêu diệt chúng ta!”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 21 tháng 5 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Ơn Hiểu Biết.

* * *


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến một hồng ân khác của Chúa Thánh Thần, đó là ơn hiểu biết. Khi nói đến hiểu biết, người ta nghĩ ngay đến khả năng của con người để hiểu biết thêm về thực tại chung quanh mình và để khám phá ra các định luật chi phối thiên nhiên và vũ trụ. Tuy nhiên, ơn hiểu biết đến từ Chúa Thánh Thần, không bị giới hạn ở kiến thức của con người: đó là một ơn đặc biệt, giúp chúng ta hiểu biết, qua tạo vật, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa cùng mối liên hệ sâu xa của Ngài với mọi tạo vật.

1. Khi đôi mắt của chúng ta được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng mở ra để chiêm ngắm Thiên Chúa trong vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ hùng vĩ của vũ trụ, cùng dẫn chúng ta đến việc khám phá ra rằng tất cả mọi sự nói với chúng ta về Ngài và tình yêu của Ngài như thế nào. Tất cả điều này gợi lên trong chúng ta sự kinh ngạc và ý thức biết ơn sâu xa! Đó là cảm giác chúng ta kinh nghiệm khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật hoặc bất ngạc nhiên nào là kết quả của sự tài khéo và sáng tạo của con người: trước tất cả những điều này, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến ngợi khen Chúa từ tận đáy lòng của mình và nhận ra, trong tất cả những gì chúng ta có và là, một hồng ân vô giá từ Thiên Chúa và là dấu chỉ của tình yêu vô biên của Ngài dành cho chúng ta.

2. Chương thứ nhất của sách Sáng Thế K‎ý, ngay ở đầu toàn bộ Thánh Kinh, đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa thích thú về tạo vật của Ngài, bằng cách nhấn mạnh nhiều lần về vẻ đẹp và sự tốt lành của mọi sự. Vào cuối mỗi ngày, sách viết rằng: “Thiên Chúa thấy điều ấy là tốt” (1:12,18,21,25): Nếu Thiên Chúa thấy rằng tạo vật là điều tốt và đẹp, thì chúng ta cũng phải có thái độ ấy và thấy rằng các tạo vật là tốt và đẹp. Đây là ơn hiểu biết, là ơn làm cho chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp này, vì vậy chúng ta ca ngợi Thiên Chúa, cảm tạ Ngài vì đã cho chúng ta rất nhiều vẻ đẹp. Và khi Thiên Chúa hoàn tất việc tạo dựng con người, sách đã không nói “Thiên Chúa thấy rằng điều đó là tốt”, nhưng nói rằng nó “rất tốt” (câu 31). Trong đôi mắt của Thiên Chúa chúng ta là tạo vật đẹp nhất, lớn nhất, tốt lành nhất trong các tạo vật, ngay cả các thiên thần cũng ở dưới chúng ta, chúng ta còn hơn các thiên thần, như chúng ta đã nghe trong sách Thánh Vịnh. Chúa yêu thương chúng ta! Chúng ta phải cảm tạ Ngài vì việc này.

Ơn hiểu biết giúp chúng ta hòa hợp cách sâu xa với Đấng Tạo Hóa và làm cho chúng ta được tham dự vào sự trong sáng của cái nhìn và phán đoán của Ngài. Và chính theo quan điểm này mà chúng ta có thể hiểu được tại sao người nam và người nữ là tột đỉnh của việc Tạo Dựng, như việc thể hiện kế hoạch yêu thương được in dấu trong mỗi người chúng ta và làm cho chúng ta nhận ra nhau như anh chị em.

3. Tất cả những điều này là nguồn gốc của sự thanh thản và bình an cùng biến một Kitô hữu thành một nhân chứng hân hoan, theo gương Thánh Phanxicô thành Assisi và nhiều vị thánh đã có thể hát lên và ca ngợi tình yêu của Ngài qua việc chiêm ngưỡng thụ tạo. Tuy nhiên, đồng thời, ơn hiểu biết giúp chúng ta tránh rơi vào một số thái độ quá đáng hoặc sai lầm. Thứ nhất là nguy cơ coi mình là chủ nhân của tạo vật. Tạo vật không phải là một tài sản mà chúng ta có thể cai quản theo ý mình; hoặc, thậm chí ít hơn, chỉ là tài sản của một số ít người: tạo vật là một hồng ân, là một món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để chúng ta chăm sóc và sử dụng nó vì lợi ích của tất cả mọi người, luôn luôn với sự tôn trọng và lòng biết ơn lớn lao.

Thái độ sai lạc thứ nhì được tìm thấy trong cám dỗ ngừng lại ở tạo vật, như là chúng có thể cung cấp câu trả lời cho tất cả những kỳ vọng của chúng ta. Với ơn hiểu biết, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta không rơi vào sai lầm này.

Nhưng tôi mốn trở lại sai lầm thứ nhất: áp đặt những luật lệ trên tạo vật thay vì chăm sóc nó. Chúng ta phải bảo vệ tạo vật bởi vì nó là một hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng ta, là món quà của Thiên Chúa dành cho chúng ta; chúng ta là những người chăm sóc các tạo vật. Khi khai thác tạo vật, chúng ta phá hủy dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa. Khi phá huỷ tạo vật, chúng ta thưa với Thiên Chúa: “Con không thích!” Và điều này là không tốt: đó là tội.

Chăm sóc cho tạo vật chính là bảo vệ món quà của Thiên Chúa và thưa cùng Thiên Chúa, “Con cảm tạ Chúa, con là người giữ gìn tạo vật, nhưng để làm cho nó tiến lên, chứ không bao giờ huỷ diệt món quà của Chúa.” Đó phải là thái độ của chúng ta đối với tạo vật: gìn giữ nó bởi vì nếu chúng ta hủy diệt tạo vật, thì nó sẽ tiêu diệt chúng ta! Đừng quên điều này. Có một lần tôi đã ở vùng quê và đã nghe được một câu nói từ một người chất phác, là người thích nhiều hoa và chăm sóc cho chúng. Bà nói với tôi: “Chúng ta cần phải gìn giữ những vật đẹp đẽ này mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta; tạo vật là dành cho chúng ta để xử dụng tốt; đừng khai thác nó, nhưng giữ gìn nó, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ,còn chúng ta, những con người, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng tạo vật không bao giờ tha thứ và nếu chúng ta không bảo vệ nó, nó sẽ tiêu diệt chúng ta.”

Điều này phải làm cho chúng ta suy nghĩ và cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn hiểu biết để hiểu rằng tạo vật là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa. Ngài đã làm tất cả những tạo vật tốt đẹp này cho tạo vật tốt đẹp nhất là con người.

http://giaoly.org/vn/
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx Thượng Lộc, Gp Vinh hiệp thông cầu nguyện cho Tổ Quốc
BTT Thượng Lộc
01:55 21/05/2014
Trong tâm tình hiệp thông cùng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, theo thư kêu gọi của Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục cùng thông báo của Tòa Giám mục Xã Đoài. Đúng 19h30’, thứ 7 ngày 17 tháng 5 năm 2014, hơn hai ngàn con tim giáo xứ Thượng Lộc cùng với Cha quản xứ Phêrô Lưu Văn Thành đã long trọng dâng Thánh lễ và giờ Chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho Tổ quốc Việt Nam, được thoát khỏi cảnh xâm lăng – xâm chiếm và đàn áp – cho Đất nước được hòa bình, Giáo Hội được hưng thịnh, cho công lý và hòa bình được ngự trị trên đất nước Việt Nam yêu dấu.
XEM HÌNH
 
Gx Phù Long, Gp Vinh hiệp thông cầu nguyện cho Tổ Quốc
TT Phù Long
02:08 21/05/2014
Hưởng ứng thư kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và theo Thông báo của Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh lên tiếng kêu gọi về việc tổ chức cầu nguyện cho Đất Nước trong tình hình hiện nay.
Lúc 15h30’ ngày 17 tháng 5, toàn thể giáo dân giáo xứ Phù Long cùng với Cha quê hương Phêrô Lưu Văn Thành đã long trọng tổ chức Thánh lễ và giờ chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho quê hương đất nước đang xảy ra căng thẳng có nguy cơ gây ra chiến tranh trên đất nước Việt Nam.

XEM HÌNH
Trong giờ chầu, mỗi người trong giáo xứ sốt sắng suy ngắm, thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể và hiệp thông cầu xin Chúa ban cho mỗi người được sống mạnh mẽ trong đức tin, sẵn sàng lên tiếng và sát cánh cùng với Giáo Hội và Đất Nước trong mọi việc, xin Chúa cũng đồng hành và ban hòa bình cho quê hương Đất Việt, cầu cho các cấp lãnh đạo của đất nước Việt Nam và Trung Quốc có chính sách đối thoại, tôn trọng sự thật và quyết định đúng để cho đất nước và mọi người dân được bình an. Cùng với những lời cầu nguyện và sự hiệp thông đó là những biểu ngữ băng rôn với nội dung như: “Xin cho Giáo Hội được hưng thịnh”, “Xin cho tổ quốc được bình an”, “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta’, “Xin cho công lý và hòa bình được ngự trị trên quê hương đất nước”. Từ đó để nói lên rằng mỗi người trong giáo xứ luôn luôn hiệp thông cầu nguyện, sằn sàng bảo vệ Giáo Hội và quê hương Đất nước.

 
Video Phần II: Rước Kính ''Đức Mẹ Thuyền Nhân'' tại Nam Úc
Truyền thông Adelaide
05:18 21/05/2014
 
Lễ Khấn Lần Đầu Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
04:01 21/05/2014

 
Dâng hoa cộng đồng tại giáo phận Thanh Hóa
PV GP Thanh Hóa
10:17 21/05/2014
Dâng hoa cộng đồng tại giáo phận Thanh Hóa: Dâng Mẹ cả vườn hoa xứ Thanh

Đã thành một thông lệ tại giáo phận Thanh Hóa, khi ve gọi hè về, khi cánh phượng đỏ gọi mùa chia tay giảng đường của học trò, là khi ấy, mùa hoa dâng Mẹ lại rộn ràng, xao xuyến. Dâng Mẹ ngàn hoa là một nét đẹp quý giá trong sinh hoạt đạo đức bình dân. Cùng với những bó hoa tươi thắm, ngát hương thơm là những bó hoa lòng ngát ân tình trao kính Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại. Nhằm cổ vũ và phát triển hơn nữa truyền thống tốt đẹp đó, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa đã đề xướng ý tưởng dâng hoa cộng đồng. Đó là ngày hội hoa toàn giáo phận, hàng nghìn con hoa thu về một mối, chung một tấm lòng, chung một điệu vãn, dâng Mẹ ngàn con tim mến yêu.

Xem hình dâng hoa

Năm nay, ngày hội hoa giáo phận diễn ra sớm hơn so với mọi năm, ngày 20.05.2014 (thay vì cuối tháng như mọi năm). Địa điểm diễn ra ngày hội hoa cũng thay đổi từ giáo xứ Ba Làng chuyển về giáo xứ Mẹ Chính Tòa. Nơi đây là trung tâm mục vụ, là trái tim của một giáo phận. Cũng nơi đây, hình ảnh của Mẹ hiện lên đẹp hơn bao giờ hết với bức tượng Đức Maria lớn nhất. Bên cạnh đó, giáo xứ Chính Tòa ngự ở trung tâm thành phố, phương tiện đi lại cũng như những điều kiện khác thuận lợi hơn cho sự quy tụ của hàng ngàn giáo dân.

Sáng sớm, tiết trời êm dịu, nâng bước từng đoàn xe về với Tòa giám mục. Có giáo xứ thì đi một xe lớn, có giáo xứ phải đi đến 4 xe. Xe này nối tiếp xe kia đưa đến biết bao tâm tình trông ngóng, đợi chờ được hát, được múa, được ca vang mối tình với Mẹ Maria.

Sau khi ổn định chỗ nghỉ ngơi, tập kết, quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá giúp quý con hoa luyện tập cho các tiết mục dâng hoa cộng đồng.

Số lượng con hoa năm nay trên bốn ngàn cùng với giáo dân tham dự, con số này tăng lên đáng kể. Với các màu hoa khác nhau, hiệu ứng của các vũ điệu làm Tòa giám mục bừng lên như mùa xuân vừa tới. Nhìn từ trên xuống, đó đúng là một vườn hoa rực rỡ, thỉnh thoảng thích cựa mình, đung đưa đùa nghịch cùng gió xuân.

Điểm đặc biệt là đội con hoa ấy giới nào cũng có, tuổi nào cũng có. Từ các em gái em trai còn học tiểu học đến các anh chị thanh niên, từ các bà hiền mẫu đến các cụ ông cụ bà… Đếm được trong số đó, có không biết bao nhiêu những mái đầu bạc, muối tiêu với mụ cười móm mém. Xưa Xuân Diệu có câu cười như mùa thu tỏa nắng. Còn nay ở giáo phận Thanh Hóa, nụ cười ấy giống như mùa hè đầy gió, cảm giác mát lành, yên bình len lỏi trong mỗi ánh nhìn.

Để nhấn mạnh hơn nữa chủ đề của năm Tân phúc âm hóa gia đình, năm nay dâng hoa cộng đồng giáo phận còn có thêm hoạt cảnh đám cưới Cana. Thông qua việc dựng lại bối cảnh cách đây hai ngàn năm Chúa đã làm phép lạ tại đám cưới Cana, ý nghĩa Phúc âm với đời sống gia đình được thể hiện. Hoạt cảnh giúp cho việc truyền tải Phúc âm được dễ dàng hơn. Và cũng là để các bậc hiền mẫu, gia trưởng hay các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng của một cuộc đời mới, gia đình là một điều thiêng liêng, là nơi của tình yêu và sự san sẻ. Gia đình là một khởi đầu của hành trình gieo niềm tin mới.

Đúng 14 giờ, đội hình con hoa tập hợp và bắt đầu trình diễn vãn hoa của mình. Rừng hoa di chuyển theo Thánh giá, đi xung quanh ao hồ, vòng ra đường quốc lộ và trở về giáo xứ Chính Tòa. Con hoa vừa rước vừa dâng hoa dưới cái nắng đã bắt đầu chiếu rọi sau buổi sáng ngơi nghỉ. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, những cái nheo mắt khó chịu vì nóng, nhưng cứ lời ca vang lên, tất cả như có tiếng còi hiệu triệu, đều răm rắp một nhịp “mùa hoa lại về, muôn hoa thơm con kính dâng Mẹ”.

Thánh đường xứ Mẹ trở thành nhụy của một bông hoa lớn, mỗi cánh mỗi màu, bao lấy nhụy mà lấp lánh đung đưa. Khung cảnh ấy, ai cũng ước gì mình cao hơn, hoặc có thể đứng ở tầm cao nhất, để mà chiêm ngắm cho thỏa thích. Vãn hoa cuối cùng sau khi rước kiệu kết thúc trong tràng pháo tay giòn giã của mọi người. Cảm ơn các “con hoa” đã đội nắng, đội nóng, hi sinh để tâm tình muôn con thảo được dâng hiến.

16 giờ 30, vãn hoa kết thúc, Đức Cha làm phép cho ngôi nhà nguyện “Ut sint unum” (Xin cho họ nên một) mới được hoàn thiện. Ngôi nhà nguyện nằm phía dưới của Lễ đài Ut sint Unum được xây dựng trong dịp Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận. Nơi đây được xem như một nguyện đường nhỏ để mọi người có điều kiện gặp Chúa nhiều hơn, thường trực hơn.

Thánh lễ được bắt đầu ngay sau đó.

Đức Cha Giuse cảm động trước sự hi sinh của các con hoa với ba tiếng đồng hồ phơi mình trong nắng hè. Vị cha chung cũng nhắn nhủ với mọi người, hoa là biểu tượng của cái đẹp, hoa cũng chính là một món quà có khả năng nói hộ lòng người. Hoa thay cho bao điều trái tim ấp úng, chẳng thể nên lời. Hoa không hề phân biệt giàu nghèo hay học thức bao nhiêu.

Vì vậy, những bông hoa hôm nay các con hoa dâng lên không chỉ là những bông hoa đẹp nhất trong vườn nhà mà còn là những bông hoa lòng rực rỡ nhất của đoàn chiên Thanh Hóa. Vậy là những bông hoa ấy thay cho bao con tim gửi đến Mẹ thông điệp “Lạy Mẹ, chúng con yêu mến Mẹ”.

Cũng qua bài giảng của mình, Đức Cha nhấn mạnh hơn nữa về đời sống gia đình trong thời cuộc hiện nay. Năm Tân phúc âm hóa gia đình là lúc để mọi người ý thức hơn nữa vai trò của gia đình trong sứ mệnh thiêng liêng của người Kitô hữu – loan báo Tin mừng. Cải thiện đời sống gia đình, sống theo mẫu gương gia đình Thánh để có thể vượt qua tất cả những nguy nan mà cuộc đời giăng mắc.

Thánh lễ kết thúc cũng là lúc đoàn con tạm biệt Mẹ và tạm biệt nhau. Chia tay có bao giờ lại vui, nhưng chia tay hẹn trước sẽ gặp lại, nỗi buồn sẽ không còn. Hẹn Mẹ tháng Năm năm sau, đoàn con lại về bên Mẹ, để dâng lên Mẹ cả một năm cố gắng…

Nguyện cầu Mẹ mãi ở cùng đoàn con. “Xin hương thơm nhân đức của Đức Mẹ tỏa mát trên chúng con để chúng con biết học theo Mẹ tặng bông hoa quý nhất như xưa Mẹ đưa Chúa đến …”

Từng đoàn xe đến và rồi từng chiếc, từng chiếc lại rời đi. Vậy là một ngày hội hoa nữa kết thúc. Hẹn gặp lại nhé hội hoa tháng Năm năm 2015!
 
Giáo xứ Trung Nghĩa, GP Vinh, cầu nguyện cho Tổ quốc Việt Nam
PV Trung Nghĩa
10:03 21/05/2014
Hưởng ứng Thư kêu gọi của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam về Tình hình Biển Đông, cũng như thông báo của Tòa Giám Mục giáo phận Vinh; Được sự hướng dẫn của cha quản xứ Paul Nguyễn Đức Vĩnh, cùng với quý cha ân nhân và quý cha quê hương, vào lúc 19h30' Chúa Nhật V Phục Sinh ngày 18 tháng 5 năm 2014, hơn 4000 tín hữu đã tập trung về tại thánh đường Giáo xứ Trung Nghĩa để cùng hiệp thông với toàn thể Giáo phận Vinh trong giờ Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho Tổ quốc Việt Nam và nhất là hòa bình công lý trên biển đông.

Hình ảnh

“Hãy cảm thấy Tổ quốc là thiêng liêng, và biết rằng khi ta được thuộc về một dân tộc, được sống trên mảnh đất của Tổ tiên là niềm hạnh phúc lớn lao.” Những lời tâm huyết trên đây của một người Cha viết cho con mình ,để khuyên dạy con cách sống của một người công dân tốt đối với Tổ quốc Việt Nam thật phù hợp với thư kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: “Với người Công Giáo Việt Nam, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI huấn dụ: “Là người Công Giáo tốt cũng là công dân tốt”. Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương đất nước và với tất cả lương tâm của mình tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.”

Theo gương Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài cũng đã thuộc về một Tổ quốc là nước Do thái, Ngài trở thành người Do thái, sống dưới lề luật của Tổ quốc Ngài và hết tình gắn bó, xây dựng đất nước. Là người Việt nam, mọi tín hữu trong cộng đoàn Giáo xứ Trung Nghĩa quyết sống gắn bó với mảnh đất Việt nam, luôn nhớ ơn những người đã hy sinh xây dựng Tổ quốc. Thật vậy, có gắn bó với quê hương trần thế ta mới hiểu được thế nào là quê hương trên trời. Có tha thiết với lịch sử nước nhà, ta mới hiểu được thế nào là lịch sử cứu độ. Và có sống tốt vai trò của người công dân trần thế, chúng ta mới được trở nên công dân nước trời mai sau.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh, qua lời bầu cử của Đức Maria rất thánh Mân Côi, Nữ Vương Hòa Bình: cho mọi thành phần trong đất nước Việt Nam từ những người giàu nhất cho đến những người nghèo nhất, từ những người có địa vị cao nhất cho đến những người người thấp hèn nhất, từ những người già nhất cho đến những người ít tuổi nhất, không phân biệt trai gái, không phân biệt tôn giáo… tất cả, tất cả không một ai thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai. Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cùng với sự cố gắng hết mình của mỗi người chúng ta tin chắc rằng tổ quốc Việt Nam sẽ được bình an, công lý và hòa bình sẽ được ngự trị trên đất nước và mọi người có thể sống trong âm no hạnh phúc.
 
TGP New Orleans có thêm 2 giáo xứ Việt Nam - Tiệc gây qũy cho việc phong chân phước ĐHY Nguyễn Văn Thuận
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
10:45 21/05/2014
GIÁO ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TỔNG GIÁO PHẬN NEW ORLEANS

Trong khi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ hân hoan đón mừng ngày trọng đại: Đại Lễ Tôn phong Hiển Thánh 2 Vị đại Giáo hoàng: Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại Châu thành Ngọc Lân (New Orleans) bang Louisiana hiệp cùng Giáo Hội hoàn vũ và đón nhận tin vui: Ngày 15.4.2014, trong lịch trình Tuần Thánh, Đức Tổng Giám mục Gregory M. Aymond công bố: Thành lập 2 Giáo xứ thể nhân cho Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam: Giáo xứ Thánh Giuse (Woodlawn) do Cha Chánh xứ Jos. Trần Đình Thắng và Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời (Avondale) do Cha Chánh xứ P. Nguyễn Thanh Hoài. Cả hai Cha sở mới với nhiệm kì 6 năm và có thể vẫn tiếp tục nhiệm kì kế tiếp do nhu cầu Mục vụ. Như vậy, hiện nay, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại New Orleans có 4 Giáo xứ: Gx Maria Nữ Vương Việt Nam và Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, Gx Thánh Lê Thị Thành, Gx Thánh Giuse và Gx Đức Mẹ Lên Trời.

Ngược dòng thời gian, ngay sau đợt người Việt đầu tiên tị nạn tại Hoa Kì sau biến cố 30.4.1975, vào tháng 9.1975, có khoảng 20 gia đình Việt Nam từ trại tạm cư Fort Chaffee (Arkansas), Indiantown Gap (Pennsylvania) về cư trú tại Versailles Arms Appartments, thuộc New Orleans East. Cuối năm 1975, đã có 600 người Việt cư ngụ tại Châu thành Ngọc Lân nhỏ bé thân thương này. Nhận thấy nhu cầu Mục vụ cấp bách cho Cộng đồng Người Việt Công Giáo tại đây, Đức Tổng Giám mục Philip M. Hannan đã ngỏ ý mời Cha Trần Công Nghị về New Orleans để lo Mục vụ cho khối Giáo dân đông đảo này. Đó là lí do hình thành Trung tâm Mục vụ cho Người Việt tại đây. Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam tại New Orleans được khai sinh đi tiên phong trong công tác mục vụ tông đồ riêng cho người tị nạn Việt Nam dù trong hoàn cảnh khó khăn lúc ban đầu.

Ngày hôm nay, gần 4 thập niên (1975-2014) Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam đã lớn mạnh với Đức Tin kiên vững, kiện toàn những cơ sở vững chắc cả về Tôn giáo lẫn duy trì Văn hoá Dân tộc. Thành quả này đạt được là do Hồng ân của Chúa và Mẹ Maria từ ái cùng với lòng quảng đại bao dung của Đức TGM Philip M. Hannan và công sức của các Linh mục khai phá lúc ban đầu và những thế hệ Linh mục kế tiếp cũng như toàn thể Cộng đồng Dân Chúa.

Để đáp lại nguồn Hồng ân vô biên, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam New Orleans đã tổ chức Mừng kính ngày Đại Lễ Tôn phong Hiển Thánh nói trên rất long trọng bởi: Hai Vị Đại Giáo hoàng đã thương Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thể hiện tình Phụ tử một cách rất đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Nhân dịp này, các Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam gồm các Linh mục Việt Nam, các Hội đồng Mục vụ, các Đoàn thể Công Giáo Tiến hành, một số Thương gia có tâm huyết và toàn thể Cộng đồng Dân Chúa New Orleans cùng chung tay nỗ lực tổ chức Dạ Tiệc Gây Quĩ Tiến trình Phong Chân Phước Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận vào buổi tối Chúa Nhật 27.4.2014. Hai Cha sở Trần Văn Nam và Nguyễn Văn Nghiêm đã là những đầu tầu cho buổi tổ chức thành công mãn nguyện này. Khách đặc biệt trong buổi Dạ tiệc này là Bà Thu Hồng (em gái út Đức Hồng Y)…

Sau đây, người viết xin được ghi lại đôi dòng về Hai Vị Đại Giáo hoàng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:

ĐẠI LỄ TÔN PHONG 2 THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII & GIOAN PHAOLÔ II

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN 23


Đức Gioan XXIII tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, ra đời ngày 25.11.1881, tại làng Sotto il Monte, ngoại ô Bergamo, trên đồi miền bắc Italy, là trưởng nam sau ba cô con gái của ông bà Giovanni và Marianna Roncalli. Cha mẹ Ngài có 9 người con và sinh sống bằng công việc nông trại. Chú Angelo (Thiên thần) gia nhập Tiểu Chủng viện Bergame năm 11 tuổi (1892), Đại Chủng viện năm 1895. Hết năm Thần học II, Thầy Angelo vào Học viện Thần học Roma đầu năm 1901 (20 tuổi). Ngài là một Đại Chủng sinh xuất chúng. Dù bị gián đoạn việc học hành trong 2 năm, từ cuối năm 1901 đến 1902 vì nghĩa vụ quân sự, Ngài đã chịu chức Phó Tế vào năm sau đó và Linh mục vào ngày 10.6.1904.

Sau khi Ðức Piô XII tạ thế vào năm 1958, các Hồng Y được triệu hồi về Vatican. Thế giới ngạc nhiên sửng sốt vô cùng, khi Đức Roncalli được bầu lên ngôi Giáo Hoàng ngày 28.10.1958, lúc Ngài đã 77 tuổi. Ngài đã lấy danh hiệu Giáo Hoàng "Gioan XXIII", COI NHƯ KIM CHỈ NAM của Ngài về đời sống đạo đức: Thánh Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ Chúa Kitô và Gioan, Người Thương Mến (John the Beloved), môn đồ Chúa Kitô.

Do sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng Vaticano II, một Hội nghị Cách mạng hoá Giáo Hội, canh tân Phụng vụ, mở cửa đối thoại với các Tôn giáo khác và thẩm định: Dân tộc Do thái không chịu trách nhiệm tập thể về sự tử nạn của Chúa Yêsu Kitô, vị sáng lập Thiên Chúa giáo.

Ngày 7.12.1959, sau hơn một năm cai quản, Ðức Gioan XXIII đã chính thức đặt tên cho Công Ðồng là "Vaticano II, Một Lễ Hiện Xuống Mới" và chọn ngày 5.6.1960, đúng ngày Lễ Hiện Xuống, để thành lập 12 Ủy ban và 3 Văn phòng Đặc trách chuẩn bị Công đồng. Với Tông huấn "Humanae Salutis" ban hành ngày 25.12.1961, Ngài quyết định triệu tập Công đồng năm 1962 và tự sắc "Concilium" ký ngày 2.2.1962, đã ấn định ngày khai mạc Công đồng là ngày 11.10.1962. Ngài chỉ chủ toạ được kì họp thứ I, từ ngày 11.10 đến ngày 8.12.1962. Ba kì họp sau, đã được diễn tiến dưới Triều vị kế nhiệm, Ðức Phaolô VI.

Ðức Gioan XXIII đã khiêm tốn nói rằng: Công đồng Vaticano chỉ "mở cánh cửa sổ để luồng gió tươi mát thổi vào Giáo Hội. Nhưng Thế giới đều nhìn nhận, đó là "một biến cố lớn lao trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngài trị vì Giáo Hội chỉ trong 5 năm. Qua bệnh ung thư, Ngài đã được gọi về Thiên quốc ngày 3.6. 1963. Tuy thời gian rất vắn vỏi, Ngài đã được lịch sử đánh giá là "một vị Giáo Hoàng cải cách rất được yêu mến của thời đại mới." Quần chúng Ý gọi Ngài là "Vị Giáo Hoàng của lòng nhân hậu”.

Đối với Giáo Hội Công Giáo VN luôn ghi ơn Ngài:

* Ngày 16 - 18.2.1959, cử Hồng Y Đặc sứ Agagianian, chủ toạ Đại hội Thánh mẫu toàn quốc lần đầu tiên trong lịch sử tại thủ đô Sàigòn.

* Ngày 24.11.1960, Đức Gioan XXIII đã kí Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập

Hàng Giáo phẩm Công Giáo VN với 3 Giáo Tỉnh:

- Giáo Tỉnh Hà Nội: TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê
- Giáo Tỉnh Huế: TGM Phêrô Mạctinô Ngô Đình Thục.
- Giáo Tỉnh Sàigòn: TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Đồng thời thành lập 3 Tân Giáo phận: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên. Bổ nhiệm 4 Tân Giám mục: Gm Trần Văn Thiện (Mỹ Tho), Gm Nguyễn Văn Thiện (Vĩnh Long), Gm Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ), Gm Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên.

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Đức Gioan Phaolô II tên thật là Karol Józef Wojtyła sinh vào ngày 18.5.1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan (Poland). Là con cựu Sĩ quan trong quân đội Habsburg. Rửa tội ngày 20.6.1920. Ngài lớn lên với cha mẹ ở Rynek. Sau, gia đình chuyển tới Krak Via Tyniecka. Rước lễ lần đầu lúc 9 tuổi và lãnh Bí tích Thêm sức lúc 18 tuổi.

Thời niên thiếu, Ngài có tiếp xúc nhiều lần với nhóm người Do Thái tại Kraków. Trong thời Đức quốc xã chiếm Ba Lan trong Đệ nhị Thế chiến, Ngài đã làm việc trong một mỏ đá và một nhà máy hoá học. Khi còn trẻ, Ngài đã là một vận động viên, một diễn viên, một nhà soạn kịch và một nhà ngôn ngữ học (Ngài biết đến 11 ngôn ngữ). Từ năm 1941, quyết tâm giã từ kịch trường và gia nhập ứng sinh Chủng viện Kraków và phân Khoa Thần học của Ðại học Jagiellonia. Karol Wojtyła được phong chức Linh mục ngày 1.11.1946. Sau đó, Karol Wojtyla du học Roma, tại Ðại học Angelicum của Dòng Ða minh và tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học.

Năm 1948, về Ba Lan, giảng dạy môn Luân lí tại Đại học Bách khoa Jagiellonian và sau này tại Đại học Công Giáo Lublin. Ngày 4.7.1958, Ngài được Đức Pio XII bổ nhiệm Giám mục Phụ tá Hồng Y Wyszynski, Giáo phận Kraków và 4 năm sau – ngày 30.12.1963 Đức Phaolô VI bổ nhiệm Tổng Giám mục Kraków. Ngày 26.6.1967, được Đức Phaolô VI vinh thăng Hồng Y.

*Lúc 16:30 Thứ Bảy 14.10.1978, được đề cử là vị Giáo Hoàng thứ 264 kế vị Thánh Phêrô, ở tuổi 58.

Ngày 22.6.1980, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tới Foyer Phát Diệm (Roma) thăm các Giám mục VN tới Visita ad Limina Apostolorum. Đức TGM Nguyễn Kim Điền đang tường trình lên Đức Thánh Cha những khó khăn của Giáo Hội VN. Đức ông Trần Ngọc Thụ bên phải ĐTC.

ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II & Giáo Hội Công Giáo VIỆT NAM

* 26.5.1979: Vinh thăng TGM Giuse Trịnh Văn Căn lên Hồng Y, Tổng Giám mục Hà Nội.
* 7.01.1998: Chọn Đức ông V. Trần Ngọc Thụ làm Đệ nhị Bí thư. Đây là vinh dự duy nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
* 19.6.1988: Tại Đền Thánh Phêrô, Roma: Tôn phong 117 Anh hùng Tử đạo Việt Nam lên bậc Hiển Thánh.
* 24.11.1994: Vinh thăng TGM PJ Phạm Đình Tụng lên Hồng Y, Tổng Giám mục Hà Nội.
* 24.6.1998: Bổ nhiệm TGM FX Nguyễn Văn Thuận: Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lí & Hoà bình.
* 21.2.2001: Vinh thăng TGM Nguyễn Văn Thuận lên Hồng Y tại Giáo triều Roma.
* 21.10.2003: Vinh thăng TGM GB Phạm Minh Mẫn lên Hồng Y, Tổng Giám mục Sàigòn.
* 25.4.2004: Bổ nhiệm Đức ông Dom. Mai Thanh Lương - người Việt đầu tiên tại Hoa Kì - Giám mục phụ tá Giáo phận Orange, California.
* 2.4.2005: Đức Gioan Phaolô II qua đời sau một thời gian dài chịu đựng những cơn bệnh hiểm nghèo.
*** Trong suốt Triều đại Giáo hoàng (1978 - 2005) Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm 40 Vị gồm Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Giám quản… trên khắp 3 Miền Đất nước của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Muôn ngàn đời Tạ ơn Ba Ngôi Cực Thánh đã ban cho Giáo Hội một Vị Đại Giáo Hoàng, một Vĩ nhân của thời đại – Deo Gratias.

Châu thành Ngọc Lân (New Orleans) Louisiana – Lễ Chúa Phục sinh 4.2014 Nhịlangsơn lược thuật

TỪ “TÔI TỚ CHÚA” ĐẾN “ĐẤNG ĐÁNG KÍNH”: ĐHY PX. NGUYỄN VĂN THUẬN

Trong Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ, đặc biệt từ năm 1983, tiến trình Phong Thánh cho một tín hữu phải trải qua nhiều giai đoạn và trong mỗi giai đoạn có một danh xưng khác nhau:

* Tôi Tớ Chúa (Servant of God)
* Đấng Đáng Kính (Venerable)
* Chân Phước (Blessed). Trước đây còn được gọi là Á Thánh.
* Thánh (Saint)

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện có 4 vị đang thuộc một trong các giai đoạn kể trên:

1. Chân phước Andrê Phú Yên, Thày Giảng thuộc Dòng Tên (Jesuit Catechist), vị Tử Đạo đầu tiên ở Việt Nam (Protomartyr of VN), 1624-1644.
2. Tôi tớ Chúa Phanxicô Trương Bửu Diệp, Linh mục, Giáo phận Cần Thơ, 1897-1946.
3. Tôi tớ Chúa “Marcel” Joakim Nguyễn Tân Văn, Tu sĩ, Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist – C.Cs.R.), 1928-1959.
4. Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hồng Y, 1928-2002.

Chân Phước Andrê Phú Yên đã được kể là Vị Tử Đạo (Martyr) nên tiến trình Phong Thánh của Ngài khác với Đức Hồng Y Thuận và Thày Marcel Văn, hai vị này được gọi là các “Đấng Tuyên Xưng Đức Tin” (Confessors). Riêng Cha Bửu Diệp đang được thỉnh cầu để cũng được Toà Thánh chấp nhận là Vị Tử Đạo.

Mặc dù qua đời sau, nhưng tiến trình Phong Thánh của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã đạt kết quả sớm hơn Cha Diệp và Thày Văn. Giai đoạn điều tra cấp Giáo phận ở Roma (Diocesan Inquiry) của Ngài đã kết thúc ngày 5 tháng 7, 2013. Từ đây, vị Cáo Thỉnh viên (Postulator), ông Hilgeman Waldery, sẽ tổng hợp tất cả các hồ sơ về Đức Hồng Y Thuận trong một “tập Luận án” (Positio) để trình lên Bộ Phong Thánh (Congregation for the Causes of Saints).

Sau những nghiên cứu thêm và nhiều cuộc hội họp của một Ủy ban gồm các Hồng Y và Giám mục trong Bộ Phong Thánh, nếu mọi sự xuôi thuận, Ủy ban này sẽ đệ trình lên Đức Thánh Cha để Tôn phong danh xưng Đấng Đáng Kính cho Ngài. Từ thời điểm này, tiến trình phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Thuận sẽ bao gồm một phép lạ, được Bộ Phong Thánh điều tra kĩ lưỡng và Toà Thánh chấp nhận phép lạ đó là có thật, do Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bầu cử. Kế đó, Đức Thánh Cha sẽ ban Sắc chỉ (decree) tôn phong Ngài là Chân phước. Nghi thức phong Chân Phước sẽ được cử hành cách trọng thể tại Đền Thánh Phêrô (Saint Peter Basilica) ở Roma. Một phép lạ thứ hai sẽ “nâng” Ngài lên bậc Hiển Thánh.

Tiệc gây qũy cho tiến trình phong chân phước ĐHY Thuận (photo: Phạm Mân)


LỊCH SỬ CÁC VỤ ÁN PHONG THÁNH

Các Đấng Tử Đạo (Martyrs)

Một điều hiển nhiên là Giáo Hội Công Giáo không tạo ra các “Chúa” mới trong việc phong Thánh. Giáo Hội chỉ đơn thuần ghi nhận những tín hữu đã có một đời sống đức tin sâu thẳm và những nhân đức anh hùng. Những vị ngày, theo Giáo Hội Công Giáo, chỉ đơn thuần là những bạn hữu và tôi tớ của Chúa, xứng đáng được Ngài yêu thương cách đặc biệt vì cuộc sống Đức tin ở trần gian của họ.

Các tín hữu Công Giáo thờ phượng (latia) Chúa và chỉ một Chúa duy nhất mà thôi, nhưng vẫn kính mến (dulia) các Thánh, vì những ân thiêng mà họ được Chúa ban đã đưa họ tới cuộc sống đời đời - mà qua đó - họ cùng trị vì với Chúa trên nước Trời như những tôi tớ trung thành và thân hữu của Ngài. Sự kính mến cao nhất (hyperdulia) được dành cho Đức Mẹ Maria.

Dĩ nhiên, Giáo Hội Công Giáo tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tim. 2:5-6), nhưng Ngài không chỉ là Đấng Trung gian (Mediator) duy nhất, cũng không phải là Đấng Bầu cử (Intercessor) duy nhất.

Công Đồng Chalcedon, năm 451, các Nghị phụ đã tung hô: “Flavianus sống sau khi chết, xin Đấng Tử Đạo cầu cho chúng tôi!” Thực ra việc tôn kính Đấng Tử Đạo đã được ghi nhận từ thời Thánh Polycarp, tử đạo năm 155, trong Giáo Hội ở Smyrna. Tuy nhiên vào thuở ấy, các việc tôn kính này vẫn còn trong vòng cục bộ, đồng thời Giáo Hội Công Giáo không “tự động” ban phép tôn kính trong phụng vụ cho tất cả các Đấng Tử Đạo.

Các Đức Giám Mục địa phương, sau khi điều tra cẩn thận, được quyền ban phép Tôn kính những Đấng đã chịu Tử Đạo trong Giáo phận của các Ngài. Việc tôn kính (cultus) này đôi khi còn lan đến các Giáo phận lân cận hay cả Giáo Hội Hoàn vũ nữa như trường hợp của các Thánh Lawrence, Cyprian of Carthage, Giáo Hoàng Sixtus of Rome.

Các Đấng Tuyên xưng Đức Tin (Confessors)

Việc Tôn kính các Đấng Tuyên xưng Đức Tin đã bắt đầu sau sự Tôn kính các Đấng Tử Đạo. Ngày nay, các Thánh được gọi là “Đấng Tuyên xưng Đức Tin” đơn giản chỉ vì các Ngài đã không Tử Đạo. Nhưng từ thuở đầu, danh xưng này chỉ được dùng để tuyên dương những vị đã can đảm và anh dũng Tuyên xưng Đức tin trước sự bách Đạo từ những kẻ thù của Giáo Hội, các Ngài đã bị tra tấn hành hạ dã man nhưng không chết vì Đạo Chúa. Đến khoảng thế kỉ thứ IV, việc Tôn kính các Đấng Tuyên xưng Đức Tin đã trở nên khá phổ biến, Thánh Cyprian đã ca tụng rằng: Các Ngài được ân thưởng dồi dào (multiplex corona). Tuy nhiên, mãi đến thế kỉ thứ VIII, việc chính thức Tôn kính các Ngài trong phụng vụ của Giáo Hội mới được ghi nhận.

Qua nhiều thế kỉ, các Đức Giám Mục bản quyền có thể cho phép Tôn kính các Thánh, thuộc cả hai hình thái, một cách chính thức và công khai trong Giáo phận của mình. Nhưng chỉ Đức Thánh Cha mới có quyền cho phép Tôn kính cách rộng rãi trong toàn Giáo Hội.

Đến khoảng cuối thế kỉ thứ XI, việc Tôn kính các Thánh phải được các nghị phụ của một Công Đồng Chung (General Council) chấp thuận, sau khi đã điều tra kĩ lưỡng. Cuối cùng, Đức Thánh Cha Urban, năm 1634, đã ra Tông thư (Bull, Apostolic Letter) quyết định rằng: Chỉ Toà Thánh (the Holy See) mới có quyền tuyên phong Chân phước (Beatification) và Hiển Thánh (Canonization).

Tiến trình Phong Thánh cho một vị Tử Đạo

Để Phong Thánh một vị Tử đạo, Giáo Hội vẫn giữ hai giai đoạn đầu như tiến trình Phong Thánh cho một vị Tuyên xưng Đức Tin, đi từ danh xưng Tôi tớ Chúa đến Đấng Đáng Kính và từ cấp Giáo phận đến cấp Toà Thánh.

Để được tôn vinh là Đấng Đáng Kính, vị Tử Đạo phải được một Ủy ban đặc biệt (particularis), gồm nhiều Hồng Y và Giám mục từ Bộ Phong Thánh cũng như do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm, cùng khẳng định là xác thực, sau khi đã điều tra về ba phương diện: Bằng chứng của cuộc Tử đạo, nguyên nhân của việc Tử đạo và các phép lạ (Constare de Martyrio, causa Martyrii et signis). Tuy nhiên, ở hai cấp Chân phước và Hiển Thánh, tiến trình này có thể diễn tiến rất nhanh vì Đức Thánh Cha có quyền “miễn” các phép lạ cho vị Tử đạo.

Tông Hiến “Divinus Perfectionis Magister”

Như đã nói ở trên, ngày 25.01.1983, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (được Tôn phong Hiển Thánh ngày 27.4.2014) đã công bố Tông hiến (apostolic constitution) “Divinus Perfectionis Magister” bản tiếng Anh là “Divine Teacher and Model of Perfection” (Thày Dạy Thánh và Gương Mẫu của Sự Trọn Hảo).

Vài tuần sau, Bộ Phong Thánh cũng công bố những qui luật để hướng dẫn các Giáo phận về tác vụ Thánh thiêng này. Thực ra, đây là một cải tổ đã được bắt đầu từ thời Đức Thánh Cha Phaolô VI, mà điểm đặc biệt nhất là việc hủy bỏ văn phòng “Cổ động Đức Tin” (Promotor fidei) hay thường được gọi là văn phòng “Biện Hộ Cho Quỉ” (Devil’s Advocate), chuyên tìm những lí do để ngăn cản hay từ chối tiến trình Phong Thánh.

Có lẽ cũng nhờ vậy mà sau đấy việc Phong Thánh trong Giáo Hội đã gia tăng rất nhiều, nhất là Các Thánh Tử Đạo ở Á Châu, trong đó có 117 Thánh Tử Đạo và Chân phước Andrê Phú Yên của Việt Nam. Tông hiến còn xác định bốn giai đoạn cần thiết cho việc Phong Thánh như đã ghi ở phần trên.

Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của chúng ta đang chờ để được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong là Đấng Đáng Kính hay còn được gọi là “Anh hùng trong Nhân Đức (Heroic in Virtue).

Đúng vậy, Bộ Phong Thánh sẽ duyệt xét kĩ càng về các nhân đức của ĐHY Thuận lúc còn sinh thời, những nhân đức Thần học như Tin, Cậy, Mến và những nhân đức cốt yếu như Khôn ngoan (Prudence), Công minh (Justice), Can đảm chịu đựng (Fortitude), Tiết độ (Temperance).

Vì chưa phải là bậc Hiển Thánh nên Đấng Đáng Kính chưa có “Lễ Kính” (Feast day), không được lấy tên Ngài để đặt tên cho các Nhà thờ… nhưng các thiệp cầu nguyện (prayer cards) có thể được in, đồng thời các tín hữu cũng được khuyến khích cầu nguyện để phép lạ có thể xảy đến, qua lời bầu cử của Ngài, như một dấu chỉ của Ý Chúa về việc tôn phong Ngài là Chân phước và sau đó là Hiển Thánh.

TRƯỜNG HỢP CỦA TỔNG GIÁO PHẬN NEW ORLEANS, LOUISIANA

Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, đã có cơ duyên rất tốt đẹp với Tổng Giáo phận New Orleans thuộc Tiểu Bang Louisiana. Khởi đi từ năm 1996, lúc ấy Đức đương kim Tổng Giám mục New Orleans, Gregory M. Aymond, còn là Linh mục Giám đốc Đại Chủng viện Notre Dame. Cha Giám đốc Aymond đã theo dõi gương can đảm đến anh hùng của Đức Hồng Y Thuận từ những tháng ngày Ngài còn bị Chánh phủ Cộng sản Việt Nam giam cầm, hành hạ… nên khi có “cơ hội”, Ngài đã minh bạch tỏ lòng ngưỡng mộ và quí mến của mình đối với vị “Anh Hùng Trong Nhân Đức” bằng cách quyết định trao tặng Đức Hồng Y Thuận văn bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại Chủng viện. Sau này, khi được vinh thăng Hồng Y, Đức Hy Thuận đã viết thơ cho Đức Aymond, lúc đó cũng đã được vinh thăng Giám mục, rằng: Bây giờ, trong số các ‘sinh viên tốt nghiệp’ từ Đại Chủng viện Notre Dame, New Orleans, đã có người gia nhập hàng Hồng Y của Giáo Hội…”

Tháng 7.2013, Đức Tổng Giám mục Aymond đã bay qua Roma để dự lễ kết thúc cuộc điều tra cấp Giáo phận của Đức Hồng Y Thuận (the Closure of the Diocesan Inquiry). Sau khi trở lại New Orleans, Ngài đã khuyến khích các Linh mục gốc Việt, nhất là các Linh mục đang chăm sóc Mục vụ cho 5 Nhà thờ Việt Nam - thuộc hai Giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam và Thánh Agnes Lê Thị Thành - phát động và cổ võ việc cầu nguyện xin ơn phép lạ qua lời bầu cử của Đức Hồng Y Thuận.

Ngài còn cho phép các Nhà thờ thu tiền lần thứ hai để yểm trợ tiến trình phong Chân phước cho Đức Hồng Y Thuận. Nhân cơ hội, các giáo dân có lòng, mà đa số là những thương gia gốc Việt trong Tổng Giáo phận, đã tự động đứng lên chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc gây quĩ cho công cuộc chính đáng này.

Hiện nay, tất cả các cuộc thu tiền lần thứ hai và gây quĩ đã qui về một mối. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn gặp một khó khăn khá tế nhị: Ngân khoản quyên góp được nên gửi về đâu và cho ai?

Đức Tổng Aymond đã có giải pháp chính đáng và theo đúng nguyên tắc của Giáo Hội: Tất cả ngân khoản quyên góp được sẽ gửi về Toà Tổng Giám mục. Kế đó, Toà Tổng Giám mục sẽ chuyển về Toà Khâm sứ (Office of the Nuncio) ở thủ đô Washington D.C. và Toà Khâm sứ sẽ chuyển đến văn phòng của Tiến trình phong Chân phước cho Đức Hồng Y Thuận ở Roma.

Trường hợp rất đặc biệt của Tổng Giáo phận New Orleans nên được xem như một “mô hình” cho các cuộc khuyến khích Cầu nguyện và vận động tài chánh cho Tiến trình phong Chân Phước của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Việc vận động cho Chân phước Andrê Phú Yên cũng như 2 Tôi tớ Chúa Marcel Văn và Phaxicô Trương Bửu Diệp cũng nên được linh động và dàn xếp theo từng địa phương và Giáo phận.

Linh mục và Giáo dân gốc Việt khắp nơi trên Thế giới có thể dùng mô hình vận động này trong Giáo phận của mình. Ở thời buổi thông tin bùng nổ ngày nay, chỉ cần một cuộc điện đàm giữa các vị chủ chăn là mọi việc đều trở nên minh bạch và sòng phẳng.

Lm Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(Tài liệu tham khảo: Catholic Encyclopedia và nhiều trang mạng liên hệ đến đề tài)
(1) Tập biên soạn “Nhân dịp lễ giỗ 10 năm, Tôi Tớ Chúa: Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.” của Anrê Lê Thiện Sĩ, cựu Chủng sinh Huế, An Ninh 1947; trang 41. (2) Cùng nguồn, trang 43.
(2) Vài kỉ niệm với ĐHY Nguyễn Văn Thuận của LM Nguyễn văn Tùng
(3) Đọc thêm: Ngững tâm sự lịch sử của ĐHY Nguyễn văn Thuận của Mặc Vân
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Không thể thờ ơ với tình hình của đất nước’
Đoàn Xuân Lộc / VOA
06:56 21/05/2014
Không thể thờ ơ với tình hình của đất nước

Trước những hành động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông trong những ngày qua, có thể nói người Việt Nam – dù ở đâu, thuộc thành phần, địa vị nào trong xã hội – đều hướng lòng về Biển Đông, đều nghĩ và lo cho an nguy Đất nước, vận mệnh Dân tộc.

Người Công Giáo Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.

Hôm 09/05/2014, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã có Bản lên tiếng về tình hình Biển Đông, do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và Chủ tịch HĐGM Việt Nam – ký.

Mở đầu, bản lên tiếng đã nhắc lại việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại – trong đó có cả tàu quân sự – vào xâm chiếm, hoạt động trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam và cho tàu quân sự tấn công các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.

HĐGM coi đó là những “hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp các nguyên tắc ứng xử Quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Qui tắc ứng xử trên Biển Đông.”

Theo HĐGM “tình hình này có nguy cơ đưa đến chiến tranh rất cao.”

'Ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng'

Vì “quan ngại trước tình hình căng thẳng và nguy hiểm” ấy và với trách nhiệm của mình, các HĐGM đã nêu bốn điểm.

Trước hết, Bản lên tiếng nhấn mạnh: “Giáo Hội Công Giáo luôn kiên trì lập trường xây dựng hoà bình, phản đối chiến tranh. Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả.”

Vì thế, theo HĐGM Việt Nam ‘mọi tranh chấp hiện nay cần phải kiên trì với đường lối đối thoại; loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù của đôi bên.

Với chính quyền Trung Quốc, Bản lên tiếng đã yêu cầu ‘phải ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng này’.

Nhằm nhấn mạnh và ‘thể hiện đường lối xây dựng hoà bình trong sứ vụ của mình’ – và cũng là đường lối chung của toàn thể Giáo Hội Công Giáo – Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc lại diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tại Liên hiệp quốc vào năm 1965, trong đó Ngài đã kêu gọi: ‘Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!… chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!’

Bản lên tiếng cũng trích dẫn Thông diệp Ngày hòa bình Thế giới năm 1975 của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: ‘Hòa bình chỉ thể hiện chính mình trong hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, khoan dung, lòng thương xót và tình yêu’.

Với Chính phủ Việt Nam, HĐGM Việt Nam cho rằng: “Tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng phải có lập trường kiên định, lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc.”

Dù viết rất ngắn gọn, các Giám mục Việt Nam đã chỉ ra một hướng đi mới – hay ít ra khác với đường lối, phương châm “bốn tốt” và “16 chữ vàng” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi – trong quan hệ với Trung Quốc.

Đó là “lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước” khi tương giao với Trung Quốc.

Vì theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, “Những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi nhiều cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy”.

‘Biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc’

Hai điểm còn lại trong Bản lên tiếng đề cập đến việc người Công Giáo Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh này.

Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Đây là lúc người Công Giáo Việt Nam cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: 'Là người Công Giáo tốt cũng là công dân tốt.' Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai."

Vì vậy, các Giám mục Việt Nam mời gọi: "Người Công Giáo chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương, đất nước và với tất cả lương tâm của mình tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.”

Cụ thể, bắt chước sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – người đã kêu gọi con cái mình và những ai thành tâm thiện chí dành ngày 7/9/2013 để cầu nguyện cho hoà bình ở Syria – Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam."

Trong ngày đó, mọi người được mời gọi: “Sám hối, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm, để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt Nam bị thương.”

Ngoài Bản lên tiếng này, từ lâu các Giám mục Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông – đặc biệt là kể từ mấy năm nay khi Trung Quốc càng ngày càng có nhiều hành động gây hấn, lấn chiếm ở Biển Đông.

Và một người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho “Công lý và hòa bình” ở Biển Đông là Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGM Việt Nam.

Ngài cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Dưới sự hướng dẫn, chủ trì của ngài, Câu lạc bộ này đã tổ chức một buổi tọa đàm về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” vào năm 2009 – khi tàu Trung Quốc ngang ngược vào Biển Đông đánh đuổi, đàn áp các ngư dân Việt Nam.

Cách đây hơn một tháng – trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-891 vào hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam – ngài đã dành cho trang Lam Hồng, một trang chuyên về niềm tin, văn hóa, giáo dục của Giáo phận Vinh, một cuộc phỏng vấn về đề tài “Xông lý và hòa bình trên Biển Đông.”

Với những hành động hung hăng, ngang ngược gần đây của Trung Quốc, Ban biên tập trang Lam Hồng đã đưa bài phỏng vấn lên mạng hôm 09/05/2014.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, Đức Cha Hợp đã cho biết dù gặp nhiều khó khăn khi tổ chức, tọa đàm đó cũng được diễn ra và sau đó được giấy phép để xuất bản cuốn “Biển Đông và hải đảo Việt Nam.”

Vào năm 2011, Câu lạc bộ dự tính tổ chức một tọa đàm về “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” nhưng vì phải đối diện với nhiều áp lực Ban tổ chức đã hủy bỏ tọa đàm đó. Tuy vậy, ngài cho biết, theo ước nguyện của một số người, Ban tổ chức đã cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” với tính cách là lưu hành nội bộ.

Khi được hỏi đâu là động lực duy khiến ngài và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông”, ngài chia sẻ: “Động lực duy nhất đó là lòng yêu nước và cố gắng để làm sáng tỏ một vấn đề mà lúc đó cũng như ngày hôm nay đang là vấn đề nhạy cảm, đó là hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông – một biển mà có chiều dài lịch sử là biển của Việt Nam”.

Vì vậy, mục đích của việc tổ chức buổi tọa đàm và cho xuất bản cuốn sách ấy là “đòi công lý và hòa bình cho vùng biển của Việt Nam, vùng lãnh hải của Việt Nam."

Khi được hỏi về việc Việt Nam – bao gồm các học giả, trí thức và chính quyền – đã làm đủ những gì cần phải làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình chưa, Đức Cha Hợp đã trả lời là: “Nhìn lại lịch sử của Dân tộc, những gì cha ông chúng ta đã làm thì chúng ta phải xấu hổ vì những gì chúng ta chưa làm và không làm trong giai đoạn hiện nay.”

Đặc biệt ngài không hiểu tại sao nhà cầm quyền Việt Nam đáng lẽ ra là phải tạo cơ hội để cho các nhà nghiên cứu, các nhà trí thức xuất bản những bài viết, những cuốn sách nói về giá trị lịch sử của Trường Sa và Hoàng Sa, lại “phản ứng rất bạo lực đối với những người muốn chứng tỏ rằng Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.

‘Con có một Tổ quốc’

Nói đến lời mời gọi biểu lộ lòng yêu nước của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một bài thơ, một bài hát – hay đúng hơn một cảm nhận cá nhân – rất quen thuộc với nhiều người Công Giáo, đặc biệt là giới trẻ Công Giáo Việt Nam, và được nhắc đến hay đăng tải nhiều trên các trang mạng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào HD-981 vào trong vùng biển của Việt Nam.

Đó là bài “Con có một Tổ quốc” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận – người từng giữ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh – trong đó có đoạn:

Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.”

Và:

“Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.”


Ngài viết những cảm nhận này ngày 8/12/1975 khi bị quản thúc ở Cây Vông, Phú Khánh – cũng là lúc ngài phải sống xa địa phận, con cái của mình, khi phải đối diện với một hoàn cảnh rất cô đơn, nếu không muốn nói là rất tuyệt vọng.

Nhưng dù sống trong một hoàn cảnh như thế, ngài vẫn nghĩ tới Quê hương, Đất nước, Tổ quốc. Vì được viết trong một hoàn cảnh đó – viết để tự nhắc nhở mình cũng như bao thế hệ sau luôn biết yêu Quê hương, Đất nước – bài “Con có một Tổ quốc” mang một ý nghĩa rất đặc biệt và thực sự đã được nhiều người quý mến, đón nhận.

Cụ thể, bài thơ này đã được một số người – như Linh mục Ðỗ Bá Công – phổ nhạc và được những ca sỹ nổi tiếng như Khánh Ly trình bày rất hay và truyền cảm.
 
CSVN đã mất chính nghiã chống Tầu xâm lược
Phạm Trần
20:57 21/05/2014
CSVN ĐÃ MẤT CHÍNH NGHĨA CHỐNG TẦU XÂM LƯỢC

Tổ tiên người Việt đã dạy : Đòan kết thì sống, chia rẽ thì chết. Muốn chống được ngoại xâm, quân và dân phải một lòng, chính phủ phải cùng một dạ trên dưới như nhau. Nhưng từ ngày Trung Cộng đặt gìan khoan dầu HD-981 “vào trong biển chủ quyền” của Việt Nam thì tuy căn nhà Việt Nam mới “bén khói” thôi mà Lãnh đạo đã lộ ra cực kỳ hoang mang, lúng túng trước quân thù đến nỗi đã làm dân bất bình, ngờ vực như có ai đó “nối giáo cho giặc”.

Trước hết là các tín hiệu lạc quan đã làm mọi người phấn khởi từ cuộc biểu tình tự phát của dân tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 11/05/2014.

Lúc đầu có vẻ như đảng đã “đồng hành cùng dân tộc”, hay “lòng dân ý đảng” đã “không hẹn mà gặp” khi thấy lực lượng Công an-Cảnh sát, từng nhiều phen ăn sống nuốt tươi người biều tình chống Trung Cộng trong 2 năm 2011 và 2012, không còn phá cuộc xuống đường tự phát của dân. Đôi chỗ, đôi lúc người đi biểu tình còn được Công an mở đường cho đi hét hò thoải mái chống giặc phương Bắc ngay trước Tòa Đại sứ qúan của Bắc Kinh ở Hà Nội.

Nhưng cũng ngày 11/05 (2014) tại Sài Gòn thì đảng ủy Thành phố lại muốn lên mặt “ta độc lập” với Trung ương. Họ có sáng kiến “độc quyền yêu nước” kiểu trong Nam nên đã tổ chức cho Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “diễu hành phá đám” cuộc biểu tình tự phát của dân.

Phe biểu tình Nhà nước in nhiều biểu ngữ vải lớn với những khẩu hiệu trơ trẽn, lạc điệu và phản cảm như : “Biểu tình bằng lòng yêu nước-Không lợi dụng biểu tình để xuyên tạc và kích động bạo động”, “Sống chiến đấu lao động học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Chúng ta giữ hòa bình trên Biển Đông”, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.

Bên cạnh hành động “nối giáo cho giặc” của Thành ủy Sài Gòn là những tiếng phóng loa cực mạnh do họ chủ động để át đi tiếng nói vô vọng của một số Trí thức miền Nam, điển hình hôm 11/5 là hai ông Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm và Giáo sư Tương Lai.

Nhóm “nhân sỹ” này từng nuôi mộng ủng hộ chính phủ để “ôn hòa” và “lịch sự” chống xâm lược Trung Cộng! Họ thuộc thế hệ Lê Hiếu Đằng đã từng thất vọng cay đắng sau nhiều năm “nếm mùi sống chung với người Cộng sản” nhưng dường như vẫn chưa được “sáng mắt sáng lòng” với “trăm mưu nghìn kế” yêu nước là “yêu xã hội chủ nghĩa” và phải làm theo ý đảng !

Về phiá nhân dân tự phát thì lập trường đã dứt khoát không thỏa hiệp. Họ hô vang và trưng cao qua đầu người các khẩu hiệu viết trên những tấm bảng giấy cứng : Đả đảo Trung Quốc xâm lược” , “Phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam”, “Hãy xứng đáng là Lãnh đạo đất nước”, “Tự do cho người yêu nước Đinh Nguyên Kha” (Nhạc sỹ Việt Khang), “Tẩy chay 16 vàng-4 tốt” (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.), “Bảo vệ ngư dân Việt Nam”, “China Back Off” v.v…

Lãng xẹc và phản cảm nhất là khi đòan biểu tình Thanh niên của “nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh” cất lên tiếng hát “Như Có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” tại một cuộc biểu dương chống xâm lược Tầu.

BỪNG CON MẮT DẬY THẤY GÌ ?

Màn thứ nhất chống Tầu Bắc Kinh đã thành công và gây được cảm tình tốt trong nhân dân. Nhưng tình thế đã thay đổi bất ngờ trong 2 ngày 13 và 14/05 (2014) khi xẩy các cuộc biểu tình bạo động có máu đổ, chết người và phá họai tài sản đã bung ra tại hai khu doanh nghiệp Bình Dương và Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Báo chí Việt Nam đưa tin: “Theo thống kê đã có 697 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình bị thiệt hại, trong đó 365 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, 27 doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng. Đến ngày hôm 16/5 vẫn còn khoảng 800 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp VSIP, Việt Hương, Đồng An... chưa thể hoạt động kéo theo khoảng 290.000 công nhân không thể đi làm.”

Tuy nhiên vào ngày 20-5-2014, Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an Bình Dương cho biết : “ Khi xảy ra vụ việc gây rối, toàn tỉnh Bình Dương có 700 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp bị các đối tượng đe dọa, trên 460 doanh nghiệp bị đập phá, đốt cháy nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp của Trung Quốc bị đốt cháy. Thiệt hại chủ yếu là các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...” (Báo Đất Việt, 21/05/2014)

Nhưng tại sao có vụ “nổi loạn” này thì ông Đức cho biết : “Vụ việc xuất phát từ những bức xúc của các công nhân có lòng yêu nước trước hành động Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Tuy nhiên, đã bị một nhóm phần tử xấu kích động, lợi dụng để cướp bóc tài sản. Ngoài ra, có một số người từng là công nhân có những mâu thuẫn với doanh nghiệp nên nhân cơ hội này lợi dụng đập phá để trả thù...”

Có gần 800 người bị bắt, trong số này có lối 300 người có thể bị truy tố nhưng không biết có bao nhiêu nghi can là công nhân.

Tuy nhiên, dưới con mắt của Tổng Liên đòan Lao động Việt Nam, tổ chức nghiệp đòan duy nhất của nhà nước thì vụ bạo loạn ở Bình Dương không phải như thế.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đòan Lao động Việt Nam, nói rằng hầu hết những kẻ đi đâp phá, lấy trộm máy móc, dụng cụ và đồ đạc ở Bình Dương không phải là công nhân mà là “những kẻ xấu” đầu xanh đầu đỏ.

Báo Người Lao Động đưa tin ngày 16/05/2014 : “ Theo ông Mai Đức Chính, trong các vụ việc xảy ra, các đối tượng kích động gây bạo loạn có tổ chức rất chặt chẽ. Theo phản ánh của cán bộ công đoàn (CĐ) cơ sở thì từ trước đó, chúng đã mua cờ Tổ quốc, áo với số lượng rất lớn. Dụ dỗ được công nhân đi biểu tình, khi công nhân vừa ra khỏi cửa nhà máy đã được phát áo.

Chuyên nghiệp hơn, chúng đã photocopy bản đồ tất cả doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, Đài Loan để thuận tiện ra tay. Chúng còn sử dụng cả bộ đàm liên lạc với nhau, đi bằng xe máy cho cơ động. Trong xe đều có đủ đồ nghề dao, kiếm. Chúng còn sử dụng cả “bom xăng” để đốt công ty.

Thậm chí, có nơi còn phát tiền mỗi công nhân được 50.000 đồng. Việc này đã có sự chuẩn bị với số đông lực lượng bất hảo. Ở thời điểm biểu tình đang “nóng”, chúng nhắn tin kêu gọi biểu tình cho 200 - 300.000 đồng, yêu cầu nếu có cả trẻ con thì cho mang theo.

Những đối tượng xấu bị bắt hầu hết đều xăm trổ, ăn mặc “đầu xanh, đầu đỏ”. Hầu hết được xác định không phải là công nhân ở các nhà máy. Ở Bình Dương hiện đã bắt trên 800 người và phân loại trên 300 người có thể bị khởi tố. “

Song song với vụ Bình Dương, công nhân làm việc cho nhiều Công ty nước ngòai, đặc biệt của Trung Cộng ở nhiều vùng trong nước cũng đã nổi lên biều tình chống gìan khoan HD-981.

Riêng tại Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh, nơi Tổ hợp Formosa của Đài Loan đang xây dựng dự án Nhà máy Thép và bến cảng trị giá 8 tỷ dollars, có 76 người bị tạm giữ nhưng chỉ có 16 bị can bị truy tố về tội "gây rối trật tự công cộng", "trộm cắp tài sản" của Formosa.

Các cuộc tấn công ở Vũng Áng đã tập trung vào công nhân Trung Cộng khiến 2 người chết và trên 100 bị thương, theo tin của chính phủ Bắc Kinh. Con số 16 công nhân Trung Cộng đầu tiên tưởng chết sau khi bị chận đánh đã được cứu chữa và tải thường về nước.

Trung tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh nói : “Vụ xô xát là tự phát, chưa xác định được có tổ chức, cá nhân nào đứng sau vụ việc này".

Như vậy là cả hai nơi, Bình Dương và Vũng Áng đều do những “kẻ xấu” chủ động. Nhưng ai cũng muốn Công an trả lời thắc mắc: Tại sao các kẻ xấu này lại biết tổ chức có bài bản và có nguồn tài chính lớn để thuê vẽ biểu ngữ, mua cờ, in áo và mua chuộc người đi đốt phá ?”

Nhiều Nhà báo xã hội (Bloggers) đã phát đi nhiều bài viết tỏ ý ngạc nhiên khi họ thấy nhiều cảnh sát, công an đứng nhìn khi có bạo động và không can thiệp ở Bình Dương. Riêng tại Vũng Áng, chính quyền Hà Tĩnh phải triệu tập cả Lực lượng biên phòng mới có thể vãn hội được an ninh.

HẬU QỦA KINH TẾ

Khác với Bình Dương, đến ngày 19/5 (2014) đã có gần 4.000 công nhân của Công ty luyện kim Trung Cộng đã rút khỏi Vũng Áng về nước. Trung Cộng cũng “đình chỉ một số quan hệ đã có kế họach từ trước với Việt Nam”, nhưng Bắc Kinh không tiết lộ các “quan hệ” này có liên quan đến các dự án kinh tế hay không.

Về phiá Việt Nam, Phó Thủ tướng-Bộ trường Ngọai giao Phạm Bình Minh nói :” Chưa có việc rút thỏa thuận nào cả vì quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc là quan hệ phát triển giữa hai nước và nhân dân hai nước nên chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển mối quan hệ này. Còn việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì đó vẫn là công việc phải làm của chúng ta, không cho các nước xâm phạm quyền chủ quyền của chúng ta.

Tất cả các biện pháp hòa bình chúng ta đều có thể sử dụng để bảo vệ chủ quyền của ta.” (VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam, 20/05/2014)

Vì e ngại an ninh đối với du khách, một số Công ty hàng không của Trung Cộng cho biết họ sẽ giảm các chuyến bay đến Việt Nam vì du khách người Hoa đã hủy bỏ các chuyến du hành.

Theo báo chí Việt Nam, tại họp báo về tình hình khách du lịch quốc tế tháng 5, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (HTT&DL) tổ chức sáng 19/5, Tổng cục Du lịch cho biết: “ Từ 15/5, du khách Trung Quốc đi qua đường cửa khẩu phía Bắc bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh (theo quy chế 849) tạm ngừng. Ngày 17/5, khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ giảm mạnh. Năm 2013, trong số 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, riêng Trung Quốc chiếm 1,9 triệu lượt, khoảng 25%.”

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết: “ Bốn tháng đầu năm Việt Nam đón khoảng 800 nghìn lượt khách Trung Quốc, tháng 5 có giảm nhưng chưa nhiều, từ tháng 6 trở đi sẽ hầu như không có khách. Đánh giá thiệt hại trước mắt, ông Tuấn cho biết với mức chi tiêu trung bình khoảng 500 USD/người, tuy thuộc loại thấp nhưng tổng thu sẽ giảm hơn 500 triệu USD. Đấy là thiệt hại trước mắt, lâu dài ông Tuấn quan ngại cuộc khủng hoảng của ngành du lịch lần thứ tư là “thách thức chưa từng có.”

Lợi dụng các vụ bạo động “đã chứng minh bằng sự vô hiệu của Liên đòan Lao động của nhà nước” và “tình trạng như rắn mất đầu khi hữu sự” của lực lượng Công an, Trung Cộng đã phát động chiến dịch tuyên truyền chống Việt Nam và dùng đe dọa bao vây kinh tế để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên Biển Đông.

NGỌAI GIAO VÀ CHỐNG DÂN BIỂU TÌNH

Về phiá Cộng sản Việt Nam thì đã “thổi phồng” các vụ bạo động chống Tầu của công nhân để chống nhân dân biểu tình chống xâm lược Trung Cộng như đã xẩy ra tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 18/5 (2014) vừa qua.

Trái với những nụ cười “tự mãn” cho rằng nhân dân đã ủng hộ đường lối đấu tranh hòa bình của đảng để đòi Trung Cộng phải rút gìan khoan HD-981 như diễn ra trong cuộc biểu tình ngày 11/5 (2õ), nhà nước đã “quay lưng” phản bội lòng yêu nước của dân khi ra lệnh cho Công an ngăn chặn và đánh đập dã man những người đi biểu tình ngày 18/5 tại Hà Nội và Sài Gòn.

Nhóm chữ “những kẻ xấu” được Nhà nước cho báo, đài sử dụng khi nói về số người bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo động tại Bình Dương và Vũng Áng đã biến thành “đề phòng những thế lực thù địch, chống đảng, chống nhân dân” trên một số báo, đài nhà nước khi loan tin kêu gọi của nhà nước “không tham gia tuần hành,biểu tình làm ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an tòan xã hội, trật tự an tòan giao thông và đời sống sinh hoạt của nhân dân…”

Hành động chụp mũ và đàn áp, đánh đập thô bạo người dân đi biểu tình hòa bình chống Trung Cộng của Công an Hà Nội và Sài Gòn đã được “nấu nướng” điển hình nhất bởi báo PetroTimes (Năng Lượng) của Công ty Dầu khí Việt Nam.

Một số đọan trong bài viết ngày 18/05/2014 có nội dung như sau:

“Như PetroTimes đã đăng tải, nhiều ngày nay, lợi dụng lòng yêu nước của người dân khi phản ứng lại sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, các đối tượng phản động lưu vong đã kích động bạo loạn, gây ra tình trạng mất trật tự, an ninh ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Bình Dương...

Bọn chúng còn kêu gọi biến ngày Chúa Nhật, 18/5 trở thành ngày “đại biểu tình” với các cuộc tuần hành ở khắp nơi. Để chuẩn bị cho việc này, các đối tượng gây rối đã đi đến tận làng, xóm, xã để kêu gọi người dân biểu tình, thậm chí hứa sẽ hỗ trợ phương tiện, kinh phí để người dân biểu tình càng lâu càng tốt.

Việc tổ chức này đã được các cán bộ công đoàn cơ sở ở các khu công nghiệp và nhiều nhà máy phát hiện ra. Bọn chúng còn chuẩn bị sẵn bản đồ vị trí các công ty nước ngoài để tiện phá hoại và cướp tài sản. Các đối tượng này trang bị sẵn cờ, áo, mũ, băng rôn khẩu hiệu để kích thích người dân tham gia tuần hành. Đấy là chưa kể một số nơi, có những tổ chức lạ còn đứng ra phát tiền cho dân từ 50 - 200 nghìn đồng/người, yêu cầu có trẻ nhỏ mang theo càng tốt.

Trong ngày 16, 17/5, người dân ở nhiều địa phương cũng đã phát hiện sự có mặt của một số đối tượng lạ, rủ rê kích động người dân tham gia tuần hành vào ngày 18/5.

Trước ngày 18/5, trên các diễn đàn Internet, nhiều đối tượng lưu vong còn “ra điều kiện” yêu cầu chính quyền chấm dứt quan hệ với Trung Quốc, thả các đối tượng phạm pháp mà chúng gọi là “nhà bất đồng chính kiến”.

Qủa là báo Petro Times đã “thay trắng đổi đen” về đối tượng chủ động các cuộc bạo động ở Bình Dương và Vũng Áng. Báo này biết rõ hơn cả các cấp chỉ huy Công an, Công đòan và Xã-Huyện ở Bình Dương và Vũng Áng, như đã ghi lại ở các đọan trong bài này, là những viên chức có thẩm quyền và trách nhiệm tại địa phương mà không hề có lời cáo buộc nào “sắt máu” như báo Petro Times.

Như vậy thì một khi Ban Tuyên Giáo Trung ương, cơ quan kiểm soát báo chí của đảng để cho những báo, đài như báo Petro Times tự do chụp mũ, xuyên tạc hành động yêu nước của người dân chống quân xâm lược Trung Cộng thì đảng có còn bảo vệ được chính nghĩa không ?

Việt Nam đã mở cuộc phản công ngọai giao quốc tế để đòi Trung Cộng phải rút gìan khoan HD-981 và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh đã báo cáo với Quốc hội trong “phiên họp kín” chiều 20/05/2014 rằng : “Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì biện pháp đấu tranh ngoại giao. Một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Đến nay, đã có khoảng 20 cuộc giao thiệp giữa hai bên.

Kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu hộ tống ra khỏi khu vực đó là lập trường kiên quyết của Việt Nam

Nhưng theo ông Minh: “Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường lượng tàu ở khu vực xung quanh giành khoan. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút giàn khoan về.”

Nhưng ngay sau đó ông Minh lại xuống giọng : “ Lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thực hiện mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.”

Với một lập trường chưa dám kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm và cũng không dám để dân đứng lên bảo vệ đất nước thì liệu nhà nước CSVN có được Quốc tế ủng hộ trong cuộc đấu tranh với kẻ thù ngoan cố và liều lĩnh như Trung Cộng đã chứng minh với Việt Nam trong lịch sử không ?

Ngay đến Quốc hội, sau khi ông Phạm Bình Minh báo cáo, cũng không dám họp công khai để cho các Đại biểu Quốc hội lên tiếng mà chỉ tổ chức “họp Tổ” để “than vãn” với nhau thì lấy gì để bảo vệ đất nước ?

Sau cuộc họp “Tổ” này, Quốc hội cũng không dám có một Nghị quyết mà chỉ ghi lại lập trường “biết rồi khổ lắm nói mãi” nguyên văn 4 điểm như sau:

1. Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

2. Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

3. Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

4. Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Với một Đảng cầm quyền nhát gan, Chính phủ sợ dân biều tình sẽ làm mất lòng Trung Cộng, một Quốc hội mất định hướng và không có dân đòan kết đứng sau lưng như Nhà nước Cộng sản Việt Nam đang phải đối diện thì liệu chính nghĩa có còn khi quân Trung Cộng tràn qua biên giới như khi Lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình đã “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979 ?

Phạm Trần

(05/014)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngững tâm sự lịch sử của ĐHY Nguyễn văn Thuận
Mạc Vân
10:20 21/05/2014
NHỮNG TÂM SỰ LỊCH SỬ CỦA ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN

Tôi có cơ duyên làm quen với cố Hồng Y Thuận vào năm 1967 khi Ngài là một vị Giám mục trẻ mới đổi về Giáo phận Nha Trang. Hồi đó, tôi là Sĩ quan cao cấp Không quân và là Đại diện Binh sĩ Công Giáo của Sư Đoàn II ở phi trường Nha Trang. Ngài rất trẻ rất đẹp trai, ăn nói dịu dàng, thái độ hiền hậu rất trí thức dễ thu hút người đối thoại.

Tôi thường lên xuống Toà Giám mục gặp Ngài, không phải là để hỏi các vấn đề Giáo lí hay xưng tội mà để thăm viếng như người thân tình. Mỗi lần xuống là Ngài mời vào trong văn phòng Toà Giám mục nói chuyện thân mật thoải mái. Tôi nhận xét Ngài thích bàn về chính trị và rất thông suốt các vấn đề Quốc tế. Cũng dễ hiểu thôi, vì Ngài hay đi Roma và Ngài cũng là Đại diện Caritas Quốc tế, một tổ chức Từ thiện của Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ ở Việt Nam. Ngài là cháu kêu Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm bằng Cậu ruột. Biết Ngài ưu tư nhiều bí ẩn về cuộc đảo chánh 1963 nên có hôm tôi tò mò mạnh dạn hỏi Ngài về biến cố này.

NHỮNG BÍ ẨN LỊCH SỬ

Đức Cha Thuận kể: Với Mĩ thì cuộc đảo chánh không thể ngừng lại được. Lí do là những nhà tư bản Mĩ đã đầu tư cả hàng trăm tỉ Mĩ kim vào những Hãng chế tạo máy bay, Thiết giáp, tàu chiến, vũ khí đạn dược... Đối với họ thì không có gì đem lại lợi nhuận nhanh chóng bằng đầu tư vào chiến tranh. Bên cạnh đó, lại phải kể thêm thành phần các Tướng lãnh hiếu chiến trong Quân đội bên Ngũ Giác đài, những nhà Chính trị diều hâu trong Quốc Hội Mĩ và ở Toà Bạch ốc, có người không đồng quan điểm với Tổng thống Diệm. Trong lúc đó, Ông Cụ (TT Diệm) một mực từ chối không chịu cho quân đội Mĩ đổ vào Việt Nam.

Cái rủi cũng là một đại hoạ vì có một nhóm Tướng lãnh VN thời cơ… bị Mĩ mua chuộc

Trong ngày đảo chánh, có một gia đình người Mĩ thân với gia đình ông Nhu là ông bà Colby từng là Giám đốc CIA đã đến Nhà thờ cầu nguyện cho Tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu. Ông bà Colby đã nói với bạn bè là, hãy cầu nguyện cho hai người bạn Việt Nam. Ngài nói tiếp: Ông bà Colby là người Công Giáo và có người con trai làm Linh mục. Cuộc đảo chánh đã xảy ra như thế nào, phần lớn chúng ta đều đã biết. Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị giết…

Ngài kể tiếp với một giọng bình dị: Hai tuần sau đó, nhân dịp Tướng Dương văn Minh ra Huế, đem theo đứa con trai độ 10 tuổi và có ghé lại thăm. Ngài kể: Dương văn Minh vừa nói vừa đặt tay lên đầu đứa con: Thưa Cha, con thề trên đầu con của con là con không giết Tổng thống.

Ngài trả lời: Chuyện đáng tiếc đó đã xảy ra rồi, bây giờ làm sao đừng để cho quân Mĩ vào…

Nói đến đây, Ngài ngưng một vài phút và kể tiếp: Tướng Trần văn Đôn có đến gặp Ngài. Trong câu chuyện, Tướng Đôn đã nói: Các Tướng lãnh Việt Nam thật nhục nhã xấu hổ…

Chắc Ông Đôn muốn ám chỉ đến các Tướng đảo chánh, trong đó có ông…

Thời gian sau, Tướng Tôn Thất Đính ra Huế làm Tư lệnh Quân đoàn I có ghé lại thăm Ngài. Ngài mời Tướng Đính uống rượu Lễ...

Tướng Đính vừa uống vừa khóc và nói: Thưa Cha, con mà giết Tổng thống thì cũng như con giết cha con. Cho con một Sư Đoàn là con dẹp sạch bọn đó…

Sau đó, Quân Mĩ ồ ạt vào Việt Nam và chiến tranh leo thang khủng khiếp, gây đau thương tang tóc cho khắp 3 Miền Đất nước. Thời điểm này, Thầy Trí Quang có gọi điện thoại đề nghị với Ngài là Công Giáo và Phật giáo cùng họp nhau xuống đường biểu tình chống Mĩ.

Ngài trả lời với Thầy Trí Quang: Tôi với Thầy là những người tu trì… đừng làm chính trị…

Một sự việc đặc biệt đã xẩy ra trong đêm Tết Mậu Thân 1968. Theo lời Ngài kể: Một chiếc xe lạ dừng lại ngoài đường lộ, đối diện với Toà Giám mục trên bãi biển Nha Trang và một chiếc khác đậu bên hông trái Toà Giám mục… đã xối xả bắn vào phòng ngủ của Ngài. Cả phòng ngủ đầy lỗ đạn; áo quần và đồ dùng của Ngài bị rách nát chi chít những lỗ đạn. May là Ngài không ở nhà…

Tôi hỏi: Thưa Đức Cha… ai là thủ phạm việc này..? Ngài giữ im lặng không trả lời…

(* Xin bổ túc chi tiết này: Giáo sư Trần Xuân Nguyên (dạy tại trường La San Bá Ninh, Nha Trang) là Thư kí riêng của Đức Cha Thuận, kể chi tiết: Ngay sau đêm Tết Mậu Thân, xe lạ bắn vô phòng ngủ của Đức Cha Thuận thì sáng hôm sau, mấy giới chức Mĩ đến Toà Giám mục… ngỏ lời phân ưu vì Giám mục Thuận đã chết đêm Tết Mậu Thân… nhưng họ sửng sốt vì thấy Đức Cha không hề hấn gì… Các Giới chức Giáo phận Nha Trang lúc đó, đều quả quyết có bàn tay lông lá của ông bạn Đồng minh..!

* Chính Frère Irénée Trần Xuân Nhật (vừa là người nhà, vừa là bạn đồng môn của Nhị Long), con của Gs Trần Xuân Nguyên kể chi tiết cho Nhị Long tại La San Taberd Sàigòn 1969 – Nhịlangsơn bổ túc).

Nay đã trên 40 năm trôi qua. Buổi nói chuyện với Ngài cứ ám ảnh, làm tôi bận tâm suy nghĩ. Tại sao Ngài đã đem câu chuyện bí hiểm Lịch sử này mà kể cho tôi nghe. Ngoài tôi ra, không biết Ngài có kể thêm cho những người khác nghe không?

Bây giờ Ngài đã qua đời, câu chuyện lịch sử này sẽ là một bí ẩn không ai biết, nếu tôi không kể ra. Cho nên vì bổn phận thiêng liêng, tôi muốn phổ biến nó cho những nhà viết Sử sau này có một vài ánh sáng mới trong vụ đảo chánh 1963. Tôi cảm thấy mình phải viết ra cho công luận đối với một biến cố lịch sử đã làm cán cân chiến tranh nghiêng về phe Cộng sản. Tôi không viết để chỉ trích hay bênh vực một ai.

Theo tôi được biết thì hồi đó, phe Việt Cộng đã ăn mừng và ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam đã vui mừng: Đảo chánh ông Diệm là một món quà Trời cho. Bắc Việt cũng không ngần ngại tuyên bố là Mĩ đã dọn cỗ cho ta ăn…

Một nhà báo Pháp hỏi ông Hồ Chí Minh: Ông Diệm là người thế nào..? Ông Hồ đã trả lời: Ông Diệm là một người yêu nước theo đường lối của ông ta.

Cuộc đảo chánh 1963 vẫn còn nhiều bí ẩn.

Ai giết Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu. Nếu thật sự không phải ông Minh thì là ai? Có lí do nào ông Minh dám nói láo khi thề trên đầu con ông? Về cuộc chính biến 1963 đã có quá nhiều báo chí sách vở nói đến. Nhưng tôi cũng có một vài thắc mắc và nhận xét cá nhân.

Cũng thêm một sự tình cờ, sáng hôm đó, tôi chứng kiến đoàn xe đi vào Nhà thờ Cha Tam đón hai Ông trở ra. Trước đó, tôi ở Đà Nẵng vào họp hành quân ở Bộ Tư lệnh Không quân và tạm trú tại câu lạc bộ An Đông ở trong Chợ lớn. Đoàn xe nhà binh hùng hậu trên mười chiếc có cả xe bọc thép M113 và xe GMC gắn bốn khẩu đại liên 50 phòng không, dẫn đầu là chiếc xe jeep của Đại Tá Dương Ngọc Lắm, tôi nhận ra ông Lắm; vì ông có bộ râu dê và anh Đỗ Thọ mặc chiếc áo T Shirt. Anh Thọ là dân Không quân quen thuộc.

Theo nhận xét của tôi thì cuộc chính biến 1963 không phải là một cuộc Cách mạng như ông Đôn viết trong hồi kí cuả ông, mà là một cuộc đảo chánh do Mĩ giàn dựng và các Tướng lãnh Việt Nam chỉ là kẻ thừa hành. Họ được trả một giá rẻ mạt là 3 triệu đồng bạc VN, tương đương với 42 ngàn dollars theo thời giá hồi đó, do tên Lou Connein, một Sĩ quan Tình báo Mĩ đưa đến, để các Tướng Tá đảo chánh chia chác với nhau.

Theo nhận xét của tôi thì Tổng thống Diệm là một Chí sĩ hết lòng vì Nước vì dân. Dù sao thì Cụ là một người có uy tín rất lớn đối với dân Việt Nam. Cái sai lầm lớn nhất của Cụ là một nhà Nho áp dụng chữ TÍN vào chính trị không đúng chỗ, đúng lúc và đúng người.

***

Vào những ngày cuối tháng 3.1975, tôi có đến Toà Giám mục lần chót gặp Đức Cha: Lần này, Ngài tỏ ra rất lo âu và nói với một giọng buồn bã. Số phận miền Nam còn bi đát hơn cả Trung hoa Quốc gia năm 1949, khi TT Tưởng Giới Thạch tháo chạy ra Đài Loan…

Tôi nói: Dù sao đi nữa xin Đức Cha đừng đi…

Ngài trả lời: Cha là người tu trì thì đi đâu..

Cứ mổi lần nghĩ đến biến cố 1963 và 30.4.1975, là tự nhiên tôi có hai câu hỏi: Thế kỉ XX này, có hai nhà Chính tri đạo đức, hai nhà Lãnh đạo tài ba Đó là: GANDHI & NGÔ ĐÌNH DIỆM… cả 2 đều bị ám sát…

Phải chăng chính trị không đi đôi với đạo đức ?

Nuớc ta có nợ nần, ân oán gì với Đất nước và Dân tộc Do Thái không? Tại sao có hai nhân vật Do Thái đem tang thương tai hoạ đến cho Đất nước ta?

* Năm 1954: ông Mendes France, Thủ tướng Pháp, một người gốc Do Thái đã chia cắt Việt Nam ra làm hai mảnh.

* Năm 1975: Kissinger, cũng là một người Do Thái đã bán đứng chúng ta. Nhân quả hay vận Nước hay ý Trời..?
 
Vài kỉ niệm với Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
10:26 21/05/2014
VÀI KỈ NIỆM VỚI ĐỨC Hồng Y THUẬN

Khoảng đầu mùa Thu năm 1967, khi tôi bắt đầu năm học đệ Nhị (lớp 11) chuẩn bị cho kì thi “quyết định” Tú tài I; trong một cuộc họp của Thanh Sinh Công ở Thị xã Long Xuyên, các bạn tôi đã nhắc đến một vị Linh mục còn rất trẻ, mới 39 tuổi, nhưng đã được Toà Thánh phong làm Giám mục: Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của Giáo phận Nha Trang.

Thoạt tiên, tôi không quan tâm nhiều lắm. Điều tôi đang lo nhất lúc ấy là làm sao để thi đậu kì thi Tú tài bán phần, tổ chức cùng một lượt trên toàn quốc vào mùa Hè sắp tới. Nếu thi đậu và nếu năm sau có “lỡ” rớt Tú tài toàn phần, tôi vẫn được vào quân trường Võ Bị Thủ Đức để trở thành Sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Nếu rớt ngay trong kì thi này, vào thời buổi chiến tranh đó, dĩ nhiên là tôi sẽ bị động viên và may lắm thì có thể trở thành một Hạ Sĩ quan (Trung Sĩ) sau khi tốt nghiệp quân trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế ở gần thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, khi được biết Ngài là cháu ruột Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, thì thái độ của tôi thay đổi hẳn. Tôi đã tìm hiểu về Ngài nhiều hơn và ước mong có dịp gặp con người thánh thiện, tài hoa và liên hệ mật thiết với “thần tượng” của tôi (TT Diệm).

Cơ hội đó không xảy ra cho mãi đến mùa Thu năm 1970 - khi đó - tôi đã xong Tú tài toàn phần, được ơn Chúa mời gọi theo Ngài, đang là một Tu sinh và giúp Xứ năm thứ hai ở Thanh Hải, Phan Thiết, thuộc Giáo phận Nha Trang (lúc đó chưa có Giáo phận Phan Thiết).

Thời gian này, Giáo phận đang tổ chức các khoá Cursillos và tuy chưa đủ tuổi (người trẻ nhất phải 28 tuổi) nhưng Cha Xứ đã xin “chuẩn” để cho tôi được tham dự “Khóa 4, Nha Trang.” Quả đúng như lời “đồn,” sự thánh thiện, thân mật, ân cần chăm sóc và “phục vụ” (như một Trợ Tá) cho từng khóa sinh nơi Đức Cha hiển nhiên đến độ, chỉ hôm sau là mọi người đã cảm thấy đó là những điều… bình thường!

Một lần, khi không còn ai đứng cạnh Đức Cha nữa, tôi đã đến và tâm sự với Ngài mấy câu: Thưa Đức Cha, từ lâu con vẫn mong có dịp gặp Đức Cha và nhất là để thố lộ những điều con còn ôm ấp trong lòng từ nhiều năm nay. Con đã được sinh ra trên đất Bắc, nhưng lớn lên và trưởng thành ở trong Nam. Khi đủ trí khôn, con đã nhận biết vị Lãnh tụ Đất nước đầu tiên trong đời mình là Cố Tổng thống (tôi không nhắc đến tên “Người” để tỏ sự kính trọng.) Ngài còn là Đại Ân nhân của tất cả những đồng bào người Bắc di cư (1954), trong đó có gia đình con.

Sự “ra đi” của Ngài không phải chỉ là mất mát riêng của gia đình Đức Cha, nhưng còn là nỗi đau của hàng triệu người dân Việt, trong đó có gia đình con, có con. Nhân đây, con muốn nói tiếng phân ưu với Đức Cha…

Thấy gương mặt Đức Cha biến đổi rất nhanh, tôi chợt nhận ra rằng, đã lỡ chạm đến nỗi thống khổ của Ngài và chỉ còn biết lặng thinh. Ngài choàng tay trên vai tôi và Cha con đã đứng im như thế một hồi lâu…

Trở lại Phan Thiết, tôi vẫn tiếp tục dạy ở trường Trung học Đệ Nhất cấp (Trung học cơ sở hay cấp Hai) của Giáo xứ Thanh Hải. Sau Tết, một hôm Cha Xứ báo cho tôi biết là Đức Cha sẽ ghé thăm và nhân dịp này, Ngài sẽ chính thức “công bố” cho tôi trở thành “thừa tác viên Thánh thể” (đúng ra là “thừa tác viên cho rước lễ,” – tiếng Anh là Extraordinary Minister of the Holy Communion hay EMHC - còn ‘tác viên Thánh thể’ - Minister of the Holy Eucharist - là chính vị Linh mục chủ tế). Đây là một vinh dự rất lớn thuở bấy giờ, vì rất ít người đã được trao “năng quyền” này, kể cả các Tu sĩ, Chủng sinh.

Sau bài giảng và được Đức Cha gọi lên Cung Thánh, tôi đã quì xuống, cung kính cúi đầu nhận tác vụ. Nghĩ đến việc được cầm Mình Thánh Chúa trong tay, tôi đã xúc động đến run người. Hơn tám năm sau, 1979, khi được thụ phong Linh mục ở Hoa Kì, sự xúc động trong tôi cũng có nhưng không đến mức độ đó. Hôm ấy, quả là một ngày Hồng ân không bao giờ phai nhạt trong tâm thức của tôi.

***

Thế rồi vận Nước nổi trôi, tôi sống tha hương ở Ngoại quốc nhưng vẫn theo dõi cơn khổ ải của Ngài và luôn cầu mong cho Ngài được “chân cứng đá mềm” trước cơn cuồng phong thật dài và còn đang đe dọa cuốn đi cả tiền đồ của Tổ Quốc. Mãi đến tháng 8 năm 2000, tôi mới có dịp gặp lại Ngài trong Đại hội Thánh Mẫu do dòng Đồng Công tổ chức ở Carthage, Missouri; đồng thời còn có cuộc họp của các Linh mục, Tu sĩ gốc Việt đã chọn dịp này để gặp nhau.

Trước đó mấy tháng (3.2000,) Đức Tổng Giám mục Thuận, lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lí và Hoà Bình, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đích thân mời giảng phòng mùa Chay cho Ngài và cả Giáo triều của Vatican. Đức Tổng đã tóm tắt cuộc “giảng phòng” đó cho anh em chúng tôi trong lối nói chuyện vẫn lôi cuốn, vẫn khôi hài ý nhị và xuôi chảy khiến người nghe còn tiếc nuối khi Ngài đã giảng xong.

“Uy vũ bất năng khuất”

Thỉnh thoảng, Đức Tổng đã ra đứng ở sân nhà Dòng để thân mật nói chuyện với các khách hành hương. Tôi cũng đến chào và Ngài đã nhận ra tôi, không phải vì những kỉ niệm xưa, nhưng vì những bài viết đã được đăng trên báo Dân Chúa và trang mạng Vietcatholic. Đức Tổng đã khuyên nhủ tôi nhiều điều, trong đó đáng nhớ nhất là câu mà những ai hay chơi volleyball đều biết: Bên tung, bên hứng, về những “tương quan” giữa các anh em đang định cư ở Ngoại quốc cũng như những người còn phục vụ Giáo Hội bên Quê nhà.

Thình lình, tôi nói: Đức Tổng còn ‘nợ’ Giáo Hội 13 năm. Một thoáng ngạc nhiên, nhưng Ngài đã mỉm cười, hiểu ngay “thâm ý” của thằng… “Bắc Kì”. Đúng vậy, tôi đã kín đáo chúc Ngài được mạnh khỏe để tiếp tục phục vụ Giáo Hội thêm 13 năm nữa; những năm tháng Ngài đã đi… “nghỉ Hè” cách “bất đắc dĩ” trước đây, thì tạm coi như… không kể! Cha con lại hàn huyên trong một tình thân, thắm thiết thật khó tả, nhưng có thể tóm tắt trong hai chữ: “Hạnh Phúc.”

Cha,

Chúa đã có chương trình riêng của Ngài, ngoài dự tưởng của bao người và Cha đã vâng phục trong khiêm cung, thanh thản, bình yên tiến về Vương quốc của Ngài.

Hôm nay và trong những ngày này, Kitô hữu của Giáo Hội Hoàn vũ, nói chung, và những giáo hữu Việt Nam vẫn hằng thương mến Cha, nói riêng, đang tổ chức các lễ kỉ niệm mười năm ngày Cha về “Quê Thật là Nước Thiên Đàng.” Toà Thánh cũng đã cho phép “Cáo Thỉnh viên” thu thập các tài liệu để phong Thánh cho Cha. Con biết, với sự khiêm nhường muôn thuở và nếu được “có ý kiến”, chắc Cha đã không muốn điều này xảy ra, cho dù đây là Thánh vụ của Giáo Hội, hiền thê của chính Chúa Giêsu.

Nhưng, thưa Cha, điều này lại rất cần cho chúng con, chẳng phải vì “bản tính loài người” nhưng vì tiền đồ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì tương lai của các thế hệ Kitô hữu dân Việt sau này, nếu không muốn nói cả Giáo Hội Hoàn vũ nữa.

Trước cảnh các “thần tượng” Việt Nam, từ đạo đến đời, đã và đang thi nhau sụp đổ một cách thảm hại, thì hình ảnh của Cha đã tách riêng, đứng hẳn trên một góc Trời như một ánh quang hướng dẫn những người bước sau. Những cảm nghiệm, những giảng dạy của Cha cần được toả sáng cho các thế hệ tương lai.

Vị Giáo Chủ của Giáo Hội Hoàn vũ - lúc Cha về Trời - Đức Thánh Cha, Chân phước Gioan Phaolô II đã giảng trong Thánh lễ an táng rằng: Trong 13 năm ngục tù, Ngài (ĐHY Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị Tử Đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỉ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hi Vọng’ và ĐHY đã giải thích rằng, chúng ta chỉ có thể chu toàn ơn gọi ấy với sự hi sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất.

ĐHY nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và hiệp nhất đau khổ của mình với đau khổ của Chúa; có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn của Thiên Chúa.’ Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị Tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.” (1)

Chính vị Giáo Chủ kế vị, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, ngày 17 tháng 9 năm 2007, cũng đã nói: Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này (ĐHY Thuận) đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lí và Hoà bình, Ngài đã soạn thảo bản toát yếu Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài. Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy hi vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người.

Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hi Vọng. Ngài sống bằng Hi Vọng, Ngài phổ biến niềm Hi Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp gỡ (…) Đức Cố Hồng Y Phanxicô thường nhắc lại rằng, Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu toả điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm (…) Và Đức Bênêdictô XVI đã kết thúc: Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong Chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hi vọng Kitô này và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em. (2)

Còn nữa, thật nhiều những dạy dỗ của Cha, hàng chục tuyển tập đã được Cha chắt chiu từ chính con tim, từ từng dòng máu của mình để viết ra như Đường Hy Vọng đến Năm chiếc bánh và hai con cá đến Sứ điệp Đức Mẹ La Vang… cần được quảng bá đến khắp Năm Châu, từ những thôn xóm nghèo cho đến từng thành phố cao sang trên khắp mặt đất.

Một cách hết sức “nhân tính”: Nếu Cha không… làm Thánh, thì những thông điệp sâu thẳm tin yêu và hy vọng đó chỉ là tuyển tập của một vị Hồng Y đã qua đời. Nhưng nếu Cha “để” cho Giáo Hội tuyên xưng là một vị Thánh, thì những giáo huấn tràn sức sống đó sẽ được đón nhận như từ một vị được kể tên ngang hàng với Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Chân phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta, những “Đại Thánh” của thế kỉ XX.

Con xin Cha “hợp tác” với Giáo Hội để Tiến trình phong Chân phước và Hiển Thánh cho Cha được hoàn tất trọn vẹn và để vạn đời sau còn được hưởng Ơn phúc của Chúa Trời qua những giáo huấn của Cha.

Con - Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bài Tình Ca
Diệp Hải Dung Australia
21:30 21/05/2014
BÀI TÌNH CA
Ảnh của Diệp Hải Dung (Australia)
Tôi không muốn làm bông hoa rực rỡ
Đem sắc hương quyến rũ bướm ong
Tôi chỉ muốn làm nốt nhạc uốn cong
Để giữ mãi âm giai chung thủy…
(DHD)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 16/05 - 22/05/2014 - Chân phước Êugiêniô Magiênô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:37 21/05/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Là một Kitô hữu, nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn dân Chúa

Trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 15 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến căn tính của Kitô hữu. Ngài nói người ta không thể hiểu một Kitô hữu lại ở bên ngoài cộng đoàn dân Thiên Chúa. Là một Kitô hữu, nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn dân Chúa.

Quảng diễn bài đọc Một từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha nói: "Điều thú vị là khi các tông đồ rao giảng Chúa Giêsu Kitô họ không bao giờ bắt đầu với Ngài", nói ví dụ như : "Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế". Họ không bắt đầu như thế, thay vào đó, các Tông Đồ đưa ra chứng tá của các ngài bằng cách trình bày "lịch sử của dân tộc" . Chúng ta thấy điều đó ngày hôm nay, trong một đoạn trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (13:13-25 ), trong đó kể lại lời chứng của Thánh Phaolô tại Hội Đường Pisidia thành Antiôkia. "Thánh Phêrô cũng làm như vậy trong bài giảng đầu tiên của mình và ông Stêphanô cũng đã làm như thế" .

Khi người ta hỏi các Tông Đồ "tại sao anh em lại tin vào người này?", họ luôn bắt đầu nói về "Abraham và toàn bộ lịch sử của dân tộc" . Lý do của thái độ này thật là rõ ràng: "chúng ta không thể hiểu được Chúa Giêsu bên ngoài bối cảnh lịch sử này. Chúa Giêsu chính là điểm kết thúc cuối cùng mà toàn bộ lịch sử và cuộc hành trình của dân tộc hướng tới" .

Do đó, chúng ta đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ rằng Phaolô đã bắt đầu trong Hội Đường Do Thái với những lời này: “Thưa đồng bào Isarael và những người kính sợ Thiên Chúa, xin nghe đây: Thiên Chúa của dân Isarael đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Aicập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.”. Khi nói rằng Thiên Chúa "đã chọn tổ phụ chúng ta", Thánh Phaolô bắt đầu diễn từ của mình "với sự lựa chọn một con người cụ thể của Thiên Chúa là ông Abraham" , người mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho rời bỏ quê hương của mình, và ngôi nhà của cha mình. Thiên Chúa đã chọn Abraham và bắt đầu “một cuộc hành trình tuyển chọn: Dân Chúa là một dân được ưu tuyển, được lựa chọn nhưng luôn luôn trên một cuộc hành trình”. Đó là lý do tại sao “người ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô mà không có lịch sử chuẩn bị hướng về ngài” . Do đó, “người ta không thể hiểu một Kitô hữu tách biệt khỏi dân Thiên Chúa” . “Một Kitô hữu không phải là một đơn thể, đi đâu đó một mình. Không, người ấy thuộc về một dân tộc, là Giáo Hội vì thế một Kitô hữu mà không có Giáo Hội là một ý tưởng thuần túy, không phải là một thực tế!” .

Thiên Chúa đã hứa với ông Abraham: “Ta sẽ ban cho ngươi một dân tộc tuyệt vời!” . Như vậy, "dân tộc tiến bước trong cuộc hành trình này với một lời hứa " , Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng chính đây là nơi mà chiều kích của ký ức được đưa vào". Điều quan trọng là chúng ta, trong cuộc sống của mình, phải giữ cho ký ức luôn luôn sống động trước chúng ta” . Thật vậy,"một Kitô hữu là một con người nhớ về của lịch sử của dân mình; là người luôn nhớ lại cuộc hành trình dân mình đã kinh qua; là một người nhớ đến Giáo Hội mình" . Do đó, một Kitô hữu là một người lưu trữ ký ức về quá khứ.

"Dân tộc tiến bước hướng tới lời hứa cuối cùng và hướng tới sự viên mãn của nó; họ là một dân được tuyển chọn, có một lời hứa trong tương lai và đang trong cuộc lữ hành hướng tới lời hứa này, tới việc thực hiện lời hứa này”. Đó là lý do tại sao “Kitô hữu trong Giáo Hội là một người nam, nữ của hy vọng. Người đó hy vọng vào một lời hứa không phải là kỳ vọng: đó là điều hoàn toàn khác! Đó là hy vọng: là điều sắp xảy đến! Đó là niềm hy vọng mà không thể thất vọng được! " .

Như vậy, "khi nhìn lại, thì người Kitô hữu là một người nhớ về quá khứ; người luôn luôn cầu xin ân sủng để nhớ", trong khi " nhìn về phía trước , người Kitô hữu là một người nam, nữ của hy vọng". Giữa ký ức và hy vọng, người Kitô hữu trong hiện tại đi theo con đường của Thiên Chúa và canh tân giao ước với Thiên Chúa" . Trong thực tế người ấy liên tục nói với Chúa: Vâng, con ao ước huấn lệnh Ngài; con muốn biết thánh ý Chúa; con muốn theo Ngài. Làm như thế, người ấy là một con người của giao ước, là giao ước mà chúng ta đang cử hành ở đây mỗi ngày trên bàn thờ. Vì vậy, “người Kitô hữu luôn luôn là người nam, nữ của Thánh Thể" .

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nói, "người ta không thể hiểu một Kitô hữu cô đơn" vì "Chúa Giêsu Kitô đã không rơi từ trên trời xuống như một anh hùng đến cứu chúng ta. Không, Chúa Giêsu Kitô có một lịch sử !". Hơn nữa "chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa có một lịch sử vì đã muốn đồng hành với chúng ta" . Đó là lý do tại sao "người ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô mà không có lịch sử" , và đó cũng là lý do tại sao "một Kitô hữu mà không có lịch sử, một Kitô hữu mà không thuộc về một dân tộc, một Kitô hữu mà không có Giáo Hội là không thể hiểu nổi: nó là một cái gì đó được sáng tạo ra trong phòng thí nghiệm, một cái gì đó nhân tạo, một cái gì đó không có sự sống " .

Đức Thánh Cha tiếp tục bằng cách đưa ra một đề nghị chúng ta xét mình về tình trạng căn tính Kitô của chúng ta? Chúng ta hãy tự hỏi mình "xem mình có thuộc về một dân tộc, một Giáo Hội hay không. Nếu không thì chúng ta không phải là Kitô hữu vì thông qua bí tích rửa tội chúng ta bước vào Giáo Hội" .

Về vấn đề này, điều quan trọng là chúng ta có “thói quen kêu cầu ân sủng để ghi nhớ cuộc hành trình mà dân Thiên Chúa đã thực hiện, xin ký ức cá nhân để ta nhớ được những gì Thiên Chúa đã làm cho ta trong cuộc sống? và làm thế nào để có Ngài trong cuộc hành trình?" . Chúng ta cũng cần phải biết làm thế nào "để xin ân sủng của niềm hy vọng, chứ không phải xin ơn biết lạc quan: đó là cái gì khác" .

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta hãy "xin ơn để canh tân mỗi ngày giao ước của chúng ta với Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ba ân sủng cần thiết đó cho căn tính Kitô của mỗi người".

2. Giáo Hội không thể đóng cửa tâm hồn với Thánh Thần

“Chúng ta là ai mà đóng cửa tâm hồn với tiếng nói của Chúa Thánh Thần?” Đây là câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại trong bài giảng sáng ngày 12 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Bài giảng dựa vào việc lớp dân ngoại đầu tiên theo Kitô giáo. Chúa Thánh Thần tác động làm cho Giáo Hội vượt mọi biên cương để tiến về phía trước.

Chúa Thánh Thần như cơn gió muốn thổi đâu thì thổi. Một trong những cám dỗ phổ biến nhất của những người có đức tin là tự vạch cho mình một lộ trình theo hướng riêng. Cám dỗ đó không phải chỉ có nơi dân ngoại nhưng cũng gặp thấy ở nơi Giáo Hội tiên khởi, như kinh nghiệm của thánh Phêrô trong bài đọc I được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (x.Cv 11,1-18). Cộng đồng dân ngoại hân hoan đón nhận Tin Mừng và Phêrô là chứng nhân cho việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Sự dè dặt khi lần đầu tiên, Phêrô đụng chạm và ăn những thứ được coi là “ô uế” theo luật Mô-sê. Sau đó, ông đã bị các Kitô hữu tại Giêrusalem chỉ trích gay gắt và họ sốc vì vị lãnh đạo của họ đã ăn những thứ “được coi là không thanh sạch” và thậm chí còn rửa tội cho đám dân ngoại này nữa.

Pha chút khôi hài, Đức Thánh Cha nói:

“Đó là chuyện không thể tưởng tượng được. Giống như vào ngày mai có nhóm người từ sao Hỏa đến đây với cái mũi dài và đôi tai lớn, hình thù quái dị…Và họ xin Giáo Hoàng rằng “Chúng tôi muốn được rửa tội! thì điều gì sẽ xảy ra”?

Phêrô biết việc mình làm khi ngài đã được soi sáng để nhận ra chân lý căn bản này là: những gì đã được Thiên Chúa thánh tẩy thì không thể gọi là “ô uế”. Khi kể lại sự kiện này với các kitô hữu đã trách ngài, Thánh Tông Đồ hòa giải và xoa dịu họ khi đưa ra tuyên bố này: “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa”?

Khi Chúa cho chúng ta thấy cách của Ngài, thì tôi là ai mà dám ngăn cản khi nói, ‘Không, lạy Chúa, điều đó không được khôn ngoan. Không được làm theo cách đó!” … Và Phê-rô, vị Giám Mục tiên khởi đi đến quyết định này: “Tôi là ai mà dám cản trở Thiên Chúa?” Một lời tốt đẹp nêu gương cho các giám mục, các linh mục và cho các Kitô hữu. Chúng ta là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?

Trong Giáo Hội sơ khai, thậm chí ngày hôm nay có một sứ vụ “gác cổng.” Người này làm công việc gì? Anh ta chỉ mở cửa, đón nhận mọi người và cho phép họ đi qua cửa. Anh không được phép đóng cánh cửa lại, ngăn cản một ai. Không bao giờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại rằng, Thiên Chúa trao ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn Giáo Hội. “Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, sẽ dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ” và “nhắc nhở chúng ta những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta làm”. “Chúa Thánh Thần là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Ngài gìn giữ Giáo Hội. Đưa Giáo Hội tiến về phía trước. Thánh Thần với các ân sủng của Ngài sẽ hướng dẫn Giáo Hội. Thánh Thần, Đấng An Ủi sẽ giúp chúng ta hiểu về Giáo Hội của Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao Thiên Chúa gởi Thánh Thần đến với chúng ta. Ngài tự do hoạt động và chúng ta không thể hình dung và tưởng tượng thấu đáo những công việc của Ngài. Thánh Gioan XXIII đã diễn tả Thánh Thần như sau: Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội. Ngài luôn luôn gìn giữ Giáo Hội. Người tín hữu phải cầu xin Chúa ban cho được ơn ngoan ngùy trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ nói trong trong tâm hồn chúng ta. Người nói với chúng ta trong mọi trạng huống của cuộc sống. Người nói với chúng ta trong đời sống Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu. Người luôn luôn nói với chúng ta.

3. Muốn biết Chúa Giêsu chúng ta phải cầu nguyện với Người, suy tôn và bắt chước Người.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói học hỏi về Chúa Giêsu không đủ để hiểu biết về Người, chúng ta còn phải cầu nguyện, suy tôn và bắt chước Người. Đây là nội dung huấn từ của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ hôm 16 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày suy tư của ngài về phương cách tốt nhất để hiểu biết Chúa Giêsu, ngài mô tả đây là công trình quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Đồng thời ngài cũng lưu ý chúng ta là chỉ học hỏi mà thôi hay hay chỉ có những ý tưởng mà thôi thì không đủ để biết Chúa.“Chỉ duy các ý tưởng mà thôi thì chẳng dẫn đưa tới đâu và những ai theo đuổi con đường của những ý tưởng của họ sẽ Iâm vào một trận đồ rối mù không thể thoát ra được! Chính vì lý do này mà các ý tưởng lạc đạo đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội. Lạc đạo bắt đầu như thế này: Cố gắng tìm hiểu Chúa Giêsu là ai, bằng trí óc mình và ánh sáng nội tâm của mình. Một nhà văn người Anh đã viết là lạc đạo là một ý tưởng đã trở thành điên rồ . Khi chúng chỉ là những ý tưởng tự tại thì chúng trở nên điên rồ… Đây không phải là con đường ngay chính.”

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục giải thích là chúng ta cần phải mở ba cánh cửa để hiểu biết Chúa Giêsu: “Cửa thứ nhất là cầu nguyện với Chúa Giêsu. Anh chị em phải ý thức là học hỏi mà không cầu nguyện thì chẳng ích gì. Chúng ta phải cầu nguyện với Chúa Giêsu để hiểu biết Người nhiều hơn. Các nhà thần học nổi tiếng phát triển thần học của họ trong khi quỳ gối. Xin hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu! Bằng việc học hỏi và cầu nguyện chúng ta sẽ đến được gần hơn một chút…Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết được Chúa Giêsu nếu không cầu nguyện. Không bao giờ! Không bao giờ!

Cửa thứ hai là suy tôn Chúa Giêsu. Cầu nguyện xuông không đủ, chúng ta cần có niềm hân hoan của việc suy tôn. Chúng ta phải suy tôn Chúa Giêsu qua các bí tích của Người, vì các bí tích này ban cho chúng ta sự sống, ban cho chúng ta sức mạnh, nuôi dưỡng chúng ta, an ủi chúng ta, thiết lập một giao ước với chúng ta, và ban cho chúng ta một sứ mệnh. Không cử hành các Bí Tích, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu biết Chúa Giêsu. Bản chất của Giáo Hội là cử hành.

Cửa thứ ba là bắt chước Chúa Giêsu. Hãy đọc Thánh Kinh, xem Chúa làm gì, cuộc đời của Chúa ra sao, Chúa đã dạy chúng ta những điều gì, và cố gắng bắt chước Người.”

Đức Thánh Cha tiếp: Bước vào ba cửa này, có nghĩa là bước vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu và chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể tìm biết Chúa và chúng ta không được e ngại khi làm điều này. “Trong ngày hôm nay, chúng ta có thể suy nghĩ về cách thức cánh cửa cầu nguyện sẽ đưa chúng ta đến đâu: nhưng cầu nguyện từ trong tim không giống cầu nguyện như con vẹt! Cầu nguyện từ con tim là thế nào? Việc cử hành các bí tích có ảnh hưởng thế nào đến đời sống chúng ta? Tôi phải bắt chước Người thế nào? Và bắt chước Chúa sẽ làm cho đời sống chúng ta biến chuyển ra sao? Tôi phải bắt chước Người thế nào? Nếu anh chị em thực sự đã không nhớ được thì chính là vì Thánh Kinh đã bám nhiều bụi vì không bao giờ được mở ra! Xin hãy cầm lấy cuốn Thánh Kinh, mở ra và anh chị em sẽ khám phá ra cách thức bắt chước Chúa Giêsu! Chúng ta hãy suy nghĩ về ba cánh cửa này trong cuộc đời chúng ta và việc này sẽ có lợi ích cho tất cả mọi người.”

Chân phước Êugiêniô Magiênô

Phụng vụ ngày 21 tháng 5 mừng kính Chân phước Êugiêniô Magiênô, bổn mạng của những người dân nghèo tại Pháp. Chân phước Êugiêniô Magiênô là ai, thưa quý vị và anh chị em?

Chân phước Êugiêniô Magiênô sinh tại Pháp năm 1782 trong một gia đình quý tộc và được huấn luyện trong môi trường giáo dục nổi tiếng của Dòng Tên. Cuộc cách mạng Pháp bùng nổ năm 1789, buộc gia đình Magiênô phải trốn chạy sang Ý. Chính tại đó, Êugiêniô may mắn có cha Don Bartôlô, một linh mục dòng Tên đạo đức và thánh thiện đồng hành, để rồi có được một ấn tượng sâu sắc vốn sẽ thay đổi đời sống của mình sau này.

Trở về lại quê hương vào năm 1802, từ một chàng thanh niên quí tộc, Êugiêniô Magiênô giờ đây không còn gì nữa. Gia đình đã mất đi gia tài và địa vị trong xã hội sau cuộc cách mạng. Êugiêniô Magiênô đã sống một cuộc sống vô định trong nếp sống tồi tệ của một chàng thanh niên đang tìm hạnh phúc nơi những gì là trần tục, những trang lưu bút đã nói lên điều đó: “Tôi đã tìm hạnh phúc ngoài Chúa và từ lâu tôi đã nên họa cho chính tôi… Tôi sống trong tình trạng tội lỗi”.

Êugiêniô Magiênô đã được ơn “trở lại” vào thứ sáu tuần thánh năm 1807 khi chiêm ngắm Đức Kitô trên Thập giá, và đã nhận ra lòng nhân hậu, sự tha thứ và tình yêu bao la của Thiên Chúa qua Đức Kitô trên Thập giá. Cũng từ đó ngài nhận ra thân phận yếu đuối đầy tội lỗi của mình nhưng được Thiên Chúa cứu chuộc bằng chính giá máu của Đức Kitô. Tình yêu Thiên Chúa bắt đầu được khám phá một cách sống động, thân tình, không thể nghi ngờ được. Kinh nghiệm của Êugiêniô Magiênô không phải là những phép lạ Chúa hiện ra, hoặc là được những ơn làm được điều này hay điều khác, mà là kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách gần gũi, kín đáo trong cõi lòng mình. Từ đó ngài tìm được sự bình an, hạnh phúc, tràn đầy sức sống để quên đi tất cả những gì là mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ. Đây là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và hoán cải, bắt đầu bằng việc từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh ý và Tình yêu của Ngài. Êugiêniô Magiênô quyết định hiến mình cho Chúa theo công trình Cứu độ, và được thụ phong linh mục năm 1811. ngay sau đó, cha đảm trách vụ Giám đốc Đại Chủng Viện. Tuy vậy chỉ hai năm sau, cha quyết định từ bỏ chức vụ này để trở lại phục vụ những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Cha rất có lòng thương cảm đối với hoàn cảnh khó khăn của những người dân nghèo; Cha truyền giáo cho những người làm thuê làm mướn, những trẻ em đường phố và trong các lao tù cho những tù nhân do cuộc Cách mạng Pháp để lại. Ngoài ra, Cha lo việc thường huấn cho các linh mục trong giáo phận. Cha cũng không ngần ngại đặt mình ngang hàng với những người nghèo khổ để rao giảng Tin Mừng bằng tiếng Provencial của họ, điều mà từ trước tới giờ chưa có một linh mục nào dám làm, và điều đó cũng đã gây nên rất nhiều khó khăn cho Cha do các linh mục đã quen với tính cách quan liêu trong đường hướng mục vụ, chống đối cha. Nhất là khi Cha nói cùng những người nghèo khổ, làm thuê làm mướn và đang bị bóc lột rằng: “ Hỡi anh chị em yêu quí của tôi, hãy đến đây, tôi chỉ cho quí vị biết về nhân phẩm quí giá của mình… Chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng đáng cho quí vị!” Hàng quí tộc và tầng lớp giầu có đã phẫn nộ chống lại Cha, vì bỗng nhiên họ mất đi những hàng ghế đầu, những hàng ghế danh dự trong nhà thờ của họ. Từ đó, vị linh mục trẻ yêu chuộng bác ái, công bằng và tình huynh đệ của Tin Mừng đã thành lập “Anh em truyền giáo vùng Provence”

Năm 1826, cha Êugiêniô Magiênô thiết lập thêm hội dòng mới dành cho các linh mục và các anh em giáo dân, với tên gọi Hiến Sĩ Đức Mẹ Nhiễm. Công việc của Cha và dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm đang phát triển tốt đẹp thì Cha được giao trọng trách làm Tổng Đại diện giáo phận Marseille, rồi sau đó Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 1832. Ngài cũng rất băn khoăn khi phải gánh hai trách vụ trên vai… Nhưng sau khi cầu nguyện và suy nghĩ ngài nói rằng: «Tôi phải gắn bó với dân này của Chúa như tình cha đối với con». Từ đây Hội dòng nhỏ bé của ngài được nhiều người biết đến, và giấc mơ truyền giáo đến các vùng xa xôi hẻo lánh của ngài sẽ được thực hiện. Chỉ trong vòng mười năm, hội dòng đã phát triển mau lẹ, nhất là sang Canađa và một số nơi ở Mỹ quốc.

Ngài thường nói “Tôi muốn được cung cấp các Tu sĩ truyền giáo cho cả hoàn cầu mới thỏa chí”. Tháng 02 năm 1847, để đáp lời thỉnh cầu của Đức Cha Blanchet, bốn vị thừa sai đáp tàu từ Le Havre sang Oregon trên bờ Thái Bình dương là miền Tây Bắc Mỹ. Tháng 10 năm 1847, một nhóm thừa sai khác do Đức Cha Bettachini hướng dẫn đã đến đảo Jaffna thuộc Tích Lan, (ngày nay là Sri Lanka), Ấn Độ.

Năm 1850, Đức Hồng Y Barnabo, Tổng trưởng Bộ truyền giáo đề nghị anh em Hiến Sĩ nhận việc truyền giáo cho vùng Natal thuộc vùng đông- nam châu Phi. Năm 1935 có 3 anh em Hiến Sĩ đặt chân lên đất nước Lào và sau đó là Hồng Kông, Nhật bản, Hàn quốc và Việt nam…

Ngày nay, dòng Hiến Sĩ Đức Maria Vô Nhiễm có mặt trên khắp Năm Châu, trên 70 quốc gia. Số linh mục và tu huynh khoảng 4200.

Lời nguyện:

Đức Giám Mục Êugiêniô Magiênô đã can đảm đáp ứng những đòi hỏi thiết yếu của dân Chúa khi ngài gặp gỡ họ. Chúng ta hãy nài xin giám mục Êugiêniô Magiênô giúp chúng ta ý thức rằng chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người sống chung quanh mình.