Ngày 20-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 6 Phục Sinh - Năm A Ngày 21/5/17 dành cho người đau yếu
Lm. Đinh Trọng Chính
03:57 20/05/2017
BÀI ĐỌC I: Cv 8, 5-8. 14-17

"Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần".

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả. Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!

1. Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa!

2. Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Người, ca khen danh thánh của Người. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

3. Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.

4. Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Đấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.

BÀI ĐỌC II: 1 Peter 3, 15-18

"Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh chị em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh chị em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh chị em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh chị em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: Jn 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Jn 14, 15 - 21

"Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".

Đó là Lời Chúa.
 
Họ đã trả lời như thế đó
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
21:43 20/05/2017
HỌ ĐÃ TRẢ LỜI NHƯ THẾ ĐÓ !

(CN 6 PS 2017)

Phụng vụ Chúa Nhật trước lễ Thăng Thiên, Lời Chúa mang chúng ta trở lại với những “điểm nhấn quan trọng” trong nội dung Tin Mừng mà các Tông Đồ nhận lãnh nơi Đấng Phục Sinh và sẽ công bố cho thế giới.

- Điểm nhấn đó chính là sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Thầy, Đấng Bảo Trợ (Cha-Con-Thánh Thần) : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Bài Tin Mừng : Ga 14,16).

- Điểm nhấn đó chính là vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội : “Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Bài Tin Mừng : Ga 14,17). Vì Thánh Thần chưa ngự xuống mọt ai trong nhóm họ : họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần. (Bài đọc 1 : Cv 8,16).

- Điểm nhấn đó chính là “làm chứng cách thuyết phục” cho mọi người về niềm tin và hy vọng của chính mình : “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15)

Riêng “điểm nhấn thứ 3” : “Trả lời cho những ai chất vấn…” có thể bao gồm tất cả sứ điệp Lời Chúa. Bởi vì câu chất vấn mà người Kitô hữu thường nhận được xưa nay suốt 2000 năm đó chính là : Anh chị tin ai, tin thế nào và hy vọng vào điều gì ?

Trong những ngày nầy, quả thật, thế giới đã nhận được những câu trả lời đầy thuyết phục của những người tin vào Đức Kitô, những người mà qua những lá phiếu bầu cử, xứng đáng là người đại diện cho quốc gia, dân tộc mình, và là những quốc gia hùng cường bật nhất trên thế giới. Đó là “câu trả lời về đức tin Kitô” của 3 vị Tân Tổng Thống mới vừa đắc cử :

- Tổng Thống Donald Drump : Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.(Nhậm chức 20/01/2017)

- Emmanuel Macron : Cộng Hòa Pháp quốc.(Nhậm chức ngày 14/5/2017)

- Moon Jae-in : Hàn Quốc.(Nhậm chức 10/5/2017).

Chúng ta thử lược qua những câu trả lời của họ :

1. Tổng Thống Mỹ Donald Drump : Trong chính bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2017 vừa qua, Tổng Thống đã tuyên bố :

“Dù là một đứa trẻ được sinh ra ở khu đô thị mới tại Detroit hay vùng đồng bằng lộng gió của Nebraska, chúng đều nhìn lên một bầu trời đêm, mang trong mình những giấc mơ giống nhau và cùng được trao hơi thở sự sống bởi cùng một Đấng Tạo hóa Toàn năng…”

Và mới đây nhất, trong “Ngày truyền thống cầu nguyện của nước Mỹ, (National Prayer Breakfast, 2/2/2017), Tổng thống đã có những phát biểu mạnh mẽ và dứt khoát về niềm tin của mình và của cả nước Mỹ :

“Tôi may mắn được lớn lên trong một gia đình tin Chúa. Cha mẹ đã dạy tôi rằng ai được ban cho nhiều, sẽ bị đòi lại nhiều. Tôi đã thề nguyện trên chính quyển Kinh Thánh mà mẹ tôi đã dùng để dạy dỗ chúng tôi khi còn nhỏ, và niềm tin đó sống mãi trong trái tim tôi mỗi ngày”.

“Những khách mời trong gian phòng này đến từ nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Quý vị đại diện cho rất nhiều tôn giáo và rất nhiều quan điểm. Nhưng tất cả chúng ta đều được hiệp một bởi đức tin của chúng ta, nơi Đấng tạo hóa đã nói chúng ta rằng chúng ta đều bình đẳng trong mắt Ngài. Chúng ta không chỉ là xác thịt và xương máu, chúng ta là những con người có linh hồn. Đất nước cộng hòa của chúng ta được hình thành trên cơ sở sự tự do không phải là món quà từ nhà nước, mà sự tự do là món quà từ Đức Chúa Trời”.

“Chừng nào còn có Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không bao giờ, không bao giờ đơn độc. Dù bạn là một người lính đang đứng gác ca đêm, hoặc một người cha người mẹ đơn thân làm việc ca đêm, Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn ban cho chúng ta niềm an ủi và sức mạnh, và khích lệ Chúng ta cần phải cứ tiếp tục tiếp tục tiến lên”.

2. Tổng Thống Pháp – Emmanuel Macron : Trong bài phỏng vấn do tạp chí Công Giáo La Vie thực hiện sau khi đắc cử Tổng Thống Pháp, ông Macron thổ lộ :

‘‘Tôi chịu phép rửa vào năm 12 tuổi. Đây là lựa chọn của riêng tôi. Tôi chịu phép thánh tẩy khi học ở Trường Providence (Chúa Quan Phòng) của các cha Dòng Tên tại Amiens. …Nhờ ơn Chúa, tôi có quyết tâm hội nhập với thế giới. Ngày nay, tôi thường suy nghĩ về bản chất đức tin của tôi. Tương quan của tôi với các vấn đề thiêng liêng tiếp tục nuôi dưỡng các suy nghĩ của tôi.’’

3. Tổng Thống Hàn Quốc – Moon Jae-In : Câu trả lời của Vị Tổng Thống Công Giáo nầy được thể hiện bằng chính hành động cụ thể, sống động sau đây :

Như một tín hữu Công Giáo tốt lành, trước khi đến định cư ở một ngôi nhà mới, tân tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã nghĩ đến việc làm phép nơi ở mới, đó là “Nhà Xanh” – nơi cư ngụ chính thức của tổng thống Hàn quốc, nơi đặt các văn phòng tổng thống và cũng là nơi đón tiếp các quốc trưởng đến thăm Hàn quốc.

Tân tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã mời cha xứ của mình – linh mục đang coi sóc giáo xứ Công Giáo Chúa Ba Ngôi ở vùng phụ cận Hongje-dong, Seul, nơi ông ở từ tháng một năm nay – đến làm phép “Nhà xanh”

Cha Phaolô Ryu Jong-Man đã nhận lời mời của tổng thống và hôm 13/05, cha đã đến Nhà Xanh để ban phép lành cho những người ở đó, làm phép cho ngôi nhà và các đồ vật.

Cha xứ Phaolô đã đặt tay trên tổng thống và vợ của ông và cầu nguyện cho ông, cầu cho ông được “khôn ngoan như Vua Solomon”. Cha cũng nói với tổng thống: “Trước khi quyết định về vấn đề của đất nước, anh chị em hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ đến với anh chị em và ban cho anh chị em ánh sáng và sức mạnh của Người.”

Nhưng có lẽ, chúng ta không quên một câu trả lời cách đây 220 năm của ngài Benjamin Franklin[1], một trong những nhà lập quốc danh tiếng của Hoa Kỳ và là khoa học gia lừng danh thế giới đã phát biểu ngay trong kỳ họp soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ vào năm 1787 :

“Thưa các bạn, chúng ta hãy nguyện kinh trước đã. Sống lâu năm, và càng sống thêm, tôi càng nhận rõ điều nầy là : có Thiên Chúa điều khiển mọi sự. Nếu một con chim sẻ không rớt xuống đất khi Thiên Chúa không cho phép, thì một quốc gia được thành lập thế nào được khi không có Ngài nâng đỡ?”

Đó là câu trả lời về đức tin và niềm hy vọng “mới nhất” hay “xưa nhất” của những những nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới.

Nhưng suy cho cùng, đó cũng chính là đức tin chung của Hội Thánh, của mọi Kitô hữu từ thời các Thánh Tông Đồ đến hôm nay, những người được chính Chúa Giêsu mặc khải về dung mạo của Chúa Cha và trao ban Thánh Thần.

Chắc chắn, không cần phải làm đến Tổng Thống hay có chức cao quyền rộng, câu trả lời về niềm tin và hy vọng mới có sức thuyết phục ; mà chủ yếu, đó chính là cuộc sống hiện thực và việc thể hiện niềm tin bằng hành động. Bởi chưng, nơi chính cội nguồn của Kitô giáo, lời chứng thuyết phục nhất, câu trả lời được đón nhận nhất lại là của những anh dân chài xứ Ga-li-lê, của những người phụ nữ chân quê vô danh tiểu tốt…; nhưng đó lại là thành phần của một cộng đoàn Kitô giáo nguyên thủy tuyệt vời, đến độ, những người ngoại giáo đã thốt lên : “Xem kìa, họ thương nhau biết dường nào” !

Đúng vậy, họ thương yêu nhau vì ở giữa họ có Thiên Chúa chính là Tình Yêu và có ngọn lửa Thánh Thần luôn đốt nóng và sưởi ấm ! Amen.

Giuse Trương Đình Hiền.

[1] Benjamin Franklin (17 tháng 01 1706 - 17 tháng 4 1790) là một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia, một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu. Trong lĩnh vực khoa học, ông là gương mặt điển hình của lịch sử vật lý vì những khám phá của ông và những lý thuyết về điện, ví dụ như các khám phá về hiện tượng sấm, sét. Với vài trò một chính trị gia và một nhà hoạt động xã hội, ông đã đưa ra ý tưởng về một nước Mỹ [1] và với vai trò một nhà ngoại giao trong thời kỳ Cách mạng Mỹ, ông đã làm cho liên minh là Pháp giúp đỡ để có thể giành độc lập.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trước khi Trump tới Vatican, nhìn lại khởi đầu mối liên hệ Tòa Thánh và Hoa Kỳ
Vũ Văn An
01:45 20/05/2017
Tòa Thánh và Hoa Kỳ không phải vấn đề nào cũng nhìn vào mắt nhau, nhưng cả hai đều hiểu vai trò quan trọng được mỗi bên thủ diễn trong thế giới sự vụ.

Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington khởi đầu mối liên hệ Hoa Kỳ - Vatican bằng cách trả lời một câu hỏi của Đức Giáo Hoàng lúc ấy: Ngài có quan tâm nếu chúng tôi bổ nhiệm một giám mục cho tân xứ sở của ngài không, và cách riêng, ngài có quan tâm nếu vị giám mục đó là linh mục Dòng Tên John Carroll không?

Năm ấy là năm 1788, lúc chỉ mới có 50,000 người Công Giáo khắp Hoa Kỳ, và rất ít linh mục.

Thư trả lời của Washington, gửi qua Benjamin Franklin, lúc đó là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Pháp, đã gieo hạt giống cho việc hợp tác giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh trong thế kỷ 20: Ngài cứ bổ nhiệm người nào ngài muốn!

Vị tổng thống đầu tiên có thể đơn giản nói: Có! Carroll vốn là một người bạn và đang phụ trách mối liên lạc của Washington với cộng đồng Công Giáo bé nhỏ của đất nước.

Bằng lời không hay có, Tổng Thống Washington đã đặt Hoa Kỳ vào con đường thực sự cách mạng trong việc cổ vũ tự do tôn giáo. Nó cũng hé cho Vatican lần đầu tiên thấy các lợi ích có thể phát sinh do việc tách mình ra khỏi mô thức “ngai vàng và bàn thờ” mà nó đã dùng hàng nhiều thế kỷ trong các mối liên hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước.

Washington vốn đang chiến đấu chống khuynh hướng phản Công Giáo trong nước kể từ cuộc Chiến Tranh Cách Mạng. Ông ra lệnh cấm cử hành Ngày Guy Fawkes, mà yếu tố chính là đốt hình nộp giáo hoàng, lúc đó vẫn còn rất thịnh hành ở Anh.

Trong tư cách tổng thống, Washington cũng đã viết một lá thư cho cộng đồng Công Giáo trong nước, ca ngợi họ đã tham gia vào cuộc Cách Mạng, và đã thiết lập các liên hệ lãnh sự với Các Lãnh Thổ Giáo Hoàng, tức một khu vực lớn ở miền Trung Nước Ý được Đức Giáo Hoàng cai trị như một vị vua.

Tuy nhiên, sau khi Washington rời chức vụ, các liên hệ xấu đi vì nhiều lý do ở cả Hoa Kỳ lẫn ở Âu Châu.

Bầu khí chống Công Giáo lên cao tại Hoa Kỳ, và sự việc không cải thiện chút nào với số lượng di dân Công Giáo nghèo đông đảo tràn vào nước Mỹ.

Tại Âu Châu, trật tự cũ đang bị lật nhào bởi các cuộc cách mạng mà bản chất thường rất phản giáo sĩ. Dân chủ, chủ nghĩa cộng hòa, và cả các hiến pháp thành văn bị Vatican nhìn bằng con mắt không thiện cảm, khiến cho mối liên hệ với Hoa Kỳ trở thành nghi vực lẫn nhau.

Hoa Kỳ rút lãnh sự của mình về năm 1868 và thông qua đạo luật ngăn cấm việc tài trợ cho một sứ bộ cạnh Vatican. Việc kết liễu các lãnh thổ Giáo Hoàng vào hai năm sau đã cắt đứt các liên hệ ngoại giao trong hơn một thế kỷ tiếp theo.

Hoa Kỳ và Vatican từ từ khởi sự việc xây dựng lại mối liên hệ song phương trong thế kỷ 20, và Tổng Thống Woodrow Wilson còn hội kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV ở Rôma năm 1919.

Từ thời Franklin Roosevelt, các tổng thống Mỹ bắt đầu gửi “đặc sứ” của mình tới Vatican.

Tòa Thánh và Hoa Kỳ cộng tác với nhau trong việc phân phối viện trợ nhân đạo sau Thế Chiến II, và chủ nghĩa phản Cộng Sản sau đó đã đem hai bên lại gần nhau hơn.

Hai biến cố trong thập niên 1960 đã dọn đường cho các liên hệ chính thức: việc bầu John F. Kennedy làm tổng thống Công Giáo đầu tiên, và Công Đồng Vatican II, trong đó, Giáo Hội ủng hộ chủ trương tự do tôn giáo, một chủ trương vốn do Tổng Thống Washington đưa ra năm 1788 và bác bỏ vĩnh viễn mô thức “ngai vàng và bàn thờ”.

Các liên hệ ngoại giao chính thức chỉ được thiết lập năm 1984, thời Tổng Thống Ronald Reagan.

Tổng Thống Reagan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xây đắp một mối liên hệ mạnh mẽ, và cùng nhau kết liễu chủ nghĩa Cộng Sản tại Đông Âu.

Tuy nhiên, các liên hệ với các chính phủ kế tiếp căng thẳng nhiều hơn.

George H. W. Bush ít có liên lạc với Vatican và bị chống đối bởi Đức Gioan Phaolô II vì cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khởi đầu với cuộc xâm lăng Kuwait. Vatican cũng bị thương tổn vì đã không được mời tham dự hội nghị Madrid đa phương để giải quyết cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine.

Mối liên hệ của Đức Gioan Phaolô II với Bill Clinton cũng khá căng thẳng, do lập trường phò phá thai mạnh mẽ của Tổng Thống Dân Chủ này. Năm 1993, khi các vị gặp nhau, Đức Gioan Phaolô II mạnh mẽ bênh vực quyền sống, và Vatican đụng nhau với Hoa Kỳ vào năm sau tại Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số và Phát Triển ở Cairo. Thậm chí, Clinton còn từ chối, không chịu nghe điện thoại của Đức Giáo Hoàng muốn thảo luận về hội nghị này.

Tổng Thống George W. Bush cũng đụng độ với Đức Gioan Phaolô II, và giống thân phụ, ông cũng đụng độ về cuộc chiến tranh ở Iraq. Ngài vốn chống cuộc chiến tranh thứ nhất ở vùng Vịnh, nhưng đối với cuộc chiến tranh năm 2003 ở Iraq, ngài còn chống đối dữ dội hơn nữa.

Tuy nhiên, trong các vấn đề về tự do tôn giáo, Ông Bush hợp tác với Vatican, và các giới chức Vatican đánh giá các lưu tâm của ông đối với Châu Phi.

Mối liên hệ được cải thiện nhiều thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, và Tổng Thống Bush đã mời ngài viếng thăm Hoa Kỳ năm 2008.

Giống Clinton, Barack Obama có nhiều tranh chấp với Vatican về phá thai và tự do tôn giáo, và khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Hoa Kỳ năm 2015, ngài đã cố tình tới thăm các Tiểu Muội Người Nghèo, một hội dòng đang có kiện cáo về chỉ thị ngừa thai trong đạo luật chăm sóc sức khỏe của Obama.

Đức Phanxicô cũng đã lãnh đạo phong trào quốc tế chống lại các cuộc không kích dự trù đánh vào Syria năm 2013. Cuối cùng, Obama phải rút lui.

Đức Phanxicô và Ông Obama tìm được thỏa thuận rộng rãi đối với các vấn đề di dân và môi trường, và hai bên đã yểm trợ lẫn nhau tại Hội Nghị Paris về Khí Hậu năm 2015. Phương thức nhẹ nhàng hơn của Đức Phanxicô đối với các vấn đề xã hội cũng được chính phủ Obama đánh giá cao.

Nói chung, trong ít thập niên qua, đã có sự hiểu biết lẫn nhau ở cả hai bên. Và trong một thế kỷ qua, không một tổng thống nào thấy có ích lợi chi trong việc tranh đấu với Đức Giáo Hoàng. Dù có bất đồng, các vị tổng thống luôn nói tích cực về vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.

Tuy nghi ngại trước quyền lực của Hoa Kỳ, Tòa Thánh thừa nhận rằng trong phạm vi đa phương, ít có điều gì thực hiện được nếu không có sự đóng góp của nước này. Ngay trong thế giới của “quyền lực mềm”, chính phủ Hoa Kỳ cũng cung cấp nhiều trợ giúp đáng kể, như các phúc trình hàng năm về bách hại tôn giáo.

Điều này đem chúng ta tới mối liên hệ giữa Đức Phanxicô và Ông Trump.

Cả hai đều là những nhân cách khó lường xưa nay đã đảm nhiệm các chức vụ liên hệ.

Có lẽ Đức Giáo Hoàng nghĩ Ông Trump sẽ không bao giờ thắng được cuộc bầu cử khi ngài nói rằng ông ta “không phải là Kitô hữu” lúc được hỏi về lời cam kết của ông lúc đang tranh cử rằng ông sẽ xây một bức tường giữa Hoa Kỳ và Mexico. Tòa Thánh, sau đó, nói rằng ngài không đích danh nói tới ông Trump, dù câu hỏi được đặt ra về chính ông ta.

Và năm 2013, khi chưa chính thức là một ứng cử viên, Ông Trump đã “hót” rằng Đức Phanxicô chẳng giáo hoàng chút nào khi đích thân đi trả tiền phòng sau khi đã được bầu.

Dù nhiều người đã rõ hai vị sẽ đồng ý và bất đồng về những vấn đề nào, cuộc hội kiến ngắn ngủi vào ngày 24 tháng này vẫn sẽ viết lên một chương mới trong lịch sử liên hệ giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh.
 
Trước khi sang gặp ĐTC, Tổng thống Donald Trump chính thức đề cử bà Callista Gingrich làm đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh
Đặng Tự Do
05:35 20/05/2017
Khi chuẩn bị sang gặp Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã chính thức đề cử bà Callista Gingrich, phu nhân của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, làm tân đại sứ Mỹ tại Toà Thánh.

Theo hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền chỉ định nhưng có từ 1,200 đến 1,400 chức vụ cao cấp trong chính quyền phải được Thượng Viện Mỹ xác nhận. Chức vụ đại sứ tại hải ngoại là một trong những chức vụ cần phải được Thượng Viện thông qua.

Tòa Bạch Ốc đã công bố việc đề cử này vào cuối ngày thứ Sáu 19 tháng 5, trong khi ông Trump sửa soạn chuyến tông du nước ngoài đầu tiên của mình. Trong chuyến đi này ông sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 24 tháng Năm tại Vatican.

Việc bổ nhiệm bà Gingrich, 51 tuổi, cựu trợ lý của Quốc hội, đã được đồn đại trong nhiều tháng qua. Nếu được xác nhận bởi Thượng viện, bà sẽ thay thế cho Đại sứ Ken Hackett, người đã về hưu vào tháng Giêng. Bà sẽ là phụ nữ thứ ba làm đại sứ Mỹ tại Tòa thánh sau Lindy Boggs, người giữ chức vụ này từ năm 1997 đến 2001 và Mary Ann Glendon, người phục vụ trong 2 năm 2008 và 2009.

Việc bổ nhiệm bà làm tân đại sứ Mỹ tại Toà Thánh được nhiều người ca ngợi. Bà Gingrich là chủ tịch của hãng phim Gingrich Productions, chuyên sản xuất phim tài liệu. Năm 2010, hãng phim này đã thực hiện bộ phim “Nine Days That Changed the World”, nghĩa là “Chín Ngày Thay Đổi Thế Giới”, nói về chuyến hành hương kéo dài 9 ngày của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Ba Lan vào năm 1979 và chuyến tông du này đã đóng góp vào sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu như thế nào. Bà Gingrich là một người nổi tiếng hát hay và là ca viên lâu năm của dàn hợp xướng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington.

Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói chỉ trích không kém phần ác liệt. Bà Gingrich đã từng thừa nhận có quan hệ tình cảm với ông Newt Gingrich trong nhiều năm liền trong khi ông ta đang sống với người vợ thứ hai. Sau khi ông ly dị vào năm 1999, hai người kết hôn một năm sau đó. Ông Newt Gingrich sau đó trở thành người Công Giáo vào năm 2009 và hai cuộc hôn nhân đầu đã được tiêu hôn hợp lệ.
 
Đức Thánh cha viếng thăm và làm phép nhà giáo dân
Lm. Trần Đức Anh OP
08:55 20/05/2017
VATICAN. Chiều thứ sáu 19-5-2017, ĐTC Phanxicô đã đến thăm và làm phép nhà cho một số gia đình ở vùng bờ biển Ostia, cách Roma khoảng 30 cây số.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tháng 5 này, ĐTC muốn tiếp tục truyền thống ”Thứ sáu lòng thương xót”: cuộc viếng thăm của ngài tại Ostia như một dấu chỉ sự gần gũi với những gia đình ở ngoại ô Roma. Ngài đi làm phép từng gia đình như thói quen của các cha sở trong mùa Phục Sinh.

Cách đây 2 ngày, LM Plinio Poncina, cha sở ở Ostia, đã yết thị thông cáo như thói quen tại chung cư, báo trước cho các gia đình là ngài sẽ đến thăm để làm phép nhà trong mùa Phục Sinh.

Thật là một ngạc nhiên lớn cho các gia đình, khi chuông cửa nhà họ reo và khi mở cửa, họ thấy ĐGH Phanxicô thay vì cha sở của họ. Ngài đơn sơ chuyện vãn với các thành phần trong gia đình và làm phép khoảng 12 căn hộ trong chung cơ ở Quảng trường Francesco Conteduca số 1, rồi để lại xâu chuỗi mân côi cho mỗi gia đình.

Vùng Ostia có khoảng 100 ngàn dân cư và tại đây có một cộng đoàn tín hữu sinh động, chia sẻ thực tại khó khăn của những người sống ở vùng ngoại ô (RG 19-5-2017)
 
Đường lưu vong của Thánh gia ở Ai cập trở thành di sản thế giới
Hồng Thủy
11:16 20/05/2017
“Con đường Thánh gia”, con đường mà theo truyền thống, Đức Mẹ và thánh Giuse đã đưa Chúa Giêsu trốn sang Ai cập khi chạy
trốn vua Herôđê, sẽ được định vị trên bản đồ các địa điểm di sản quốc tế của tổ chức Unesco.

Quyết định của Unesco sẽ đem lại mối lợi cho ngành du lịch của Ai cập, nơi có số lượng du khách giảm sút vì lý do khủng bố và bất an trong vùng. Theo Nhật báo Ai cập, từ 2015-2016, các chuyến bay đến nước này giảm khoảng 40%.

Trong những năm gần đây, Bộ du lịch Ai cập đã khởi xướng các chuyến hành hương theo hành trình của Thánh gia, dựa trên Tin mừng và truyền thống Kitô giáo. Chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được xem như là một cơ hội mở ra ngành du lịch cho các tín hữu hành hương.

Hôm 09/05, không đầy hai tuần sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, Bộ trưởng du lịch Ai cập, ông Yahiya Rashid đã đến Vatican để quảng bá chương trình “Hành trình của Thánh gia”.

Các địa điểm dọc “Con đường Thánh gia” được Giáo Hội Chính thống và Đức Thượng phụ Tawadros II chỉ định và chấp thuận.

Theo Nhật báo Ai cập, các tín hữu hành hương sẽ viếng thăm các điểm khảo cổ:

- Giai đoạn I bao gồm nhà thờ thánh Sergio và vùng lân cận ở miền Ai cập cổ, các đan viện của Wadi El-Natrun thuộc tỉnh Beheira, Cây Trinh nữ ở Matariya, đan viện Gabal El Teir ở Minya, và tất cả các nơi khảo cổ ở Assiut.

Hành trinh bất đầu từ miền Ai cập cổ, được biết như thành trì Babylon, nơi Thánh gia đã sống trong một hang hiện nằm trong nhà thờ thánh Sergio.

Hành trình sẽ bao gồm Nhà thờ Treo và sẽ dẫn đến Maadi để thăm nhà thờ Đức Trinh nữ Maria ở miền nam Cairo, rồi đi đến Wadi El-Natrun trên bờ tây của sông Nile, nơi có rất nhiều đan viện và nhà thờ.

Hành trình sẽ tiếp đến đan viện Gabal El Teir ở Minya và đến đan viện Muharraq ở Assiut, nơi Thánh gia sống 6 tháng trong hang của đan viện.

Cuối cùng là núi Dronka; trên núi này có một hang cổ xưa, là nơi Thánh gia cư trú trước khi trở về quê hương. (Aleteia 18/05/2017)
 
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay 15/5/2017
VietCatholic Network
09:03 20/05/2017


VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha ngày 14/ 5/ 2017.

2- Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về Thiên văn.

3- Hòm đựng thánh tích “Thánh Nhan” ở Alicante, Tây ban nha, bị xâm phạm.

4- Một lần nữa linh mục Tom Uzhunnalil kêu gọi hãy giải cứu ngài.

5- Thánh lễ kỷ niệm 100 năm Nghĩa Binh Thánh Thể tại Sài gòn.

6- Linh mục Nguyễn viết Chung, vị linh mục của người nghèo và người bệnh phong cùi mới từ trần tại VN.

7- Đêm ca nguyện kính Đức Mẹ để gây qũy xây dựng Trung tâm La Vang tại giáo phận Orange.

8- Thông Cáo Báo Chí của Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam về tình hình tại Vinh.

9- Giới thiệu Thánh Ca Tháng Hoa Đức Mẹ: Tiếng Gọi Fatima.

Sau đây mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đem nềm vui Phục Sinh đến cho đồng bào thiểu số và lương dân ở Quảng trị
Maria Nguyễn Thị Ái
21:41 20/05/2017
THIỆN NGUYỆN PHỤC SINH

“ ĐEM NIỀM VUI CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VÀ 100 NĂM HỒNG ÂN ĐỨC MẸ FATIMA ĐẾN ANH CHỊ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ LƯƠNG DÂN ”

Vào lúc 6 giờ sáng thứ bảy 13/5/2017, được sự hổ trợ của cha Gioan Baotixita Hồ Ngọc Sáng thuộc Giáo phận Melbourne - Úc, chị Maria Nguyễn Thị Ái và những người bạn đã đến thăm và tặng quà cho các hộ dân tộc Vân Kiều ở thôn Kreng, Paloang, xã Hướng Hiệp, Huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị.

Xem hình

Ông Hồ Văn Xây, đại diện cán bộ xã Hướng Hiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác, nên chương trình phát quà bắt đầu lúc 9 giờ 30’. Đoàn đã phát 200 phần quà, gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo và một ít viết màu cho các cho các em học sinh. Trị giá mỗi phần 250.000 đ.( tương đương 12 USD).

Công việc phát quà cho hai thôn kết thúc lúc 10 giờ 30’.

Anh Hồ Văn Thạch trưởng thôn Kreng đã chia sẻ : “ Cám ơn tất cả quí vị ân nhân đã đến giúp các gia đình nghèo của hai thôn chúng tôi. Đa số chúng tôi ở đây đều là những gia đình nghèo, kinh tế chủ yếu làm vườn, chăn nuôi nhỏ, đường xá đi lại khó khăn. Rất mong quí vị thỉnh thoảng ghé thăm giúp đỡ chúng tôi. Xin cám ơn tất cả.”

Chị trưởng đoàn đã đáp lại lời cám ơn “ Tôn giáo của chúng tôi có hai ngày lễ lớn. Thứ nhất : Lễ Chúa Sinh Ra, thứ hai Lễ Chúa Sống Lại. Hôm nay trong niềm vui Chúa sống lại và kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Quí cha và chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui đến với các anh chị em ở đây mặc dù các anh chị em chưa được biết Chúa và Đức Mẹ của chúng tôi, nhưng qua tình thương mà chúng tôi chia sẻ hy vọng bà con sẽ được biết đến Các Ngài. Xin cám ơn tất cả mọi người.”

Rời Hướng Hiệp, chúng tôi đến thăm Khe Ngài, một bản ở trên những ngọn đồi, đường đi khó khăn và hiểm trở. Có những giây phút trải nghiệm trên con đường dốc, đầy ổ gà, khe nước chảy…Chúng tôi mới cảm nhận phần nào cuộc sống cơ cực của đồng bào nơi đây. Nguồn nước suối bị ô nhiễm, thức ăn tự cung cấp nhờ săn bắn, chăn nuôi, trồng sắn…Những thức ăn tươi như cá, tôm, thịt…thật quí hiếm với các gia đình nơi đây. Họ còn ăn sâu bọ, veve xào. Để có được “con chữ” các em học sinh hàng ngày phải đi bộ 7 km vượt qua mấy ngọn đồi và một con sông. Nói chung cuộc sống của đồng bào nơi đây khó thoát được cảnh nghèo nàn, khốn cực. chúng tôi hy vọng còn trở lại nơi đây.

Lúc 13 giờ, kết thúc hành trình ở huyện Đăkrông, tỉnh Quảng trị, chúng tôi quay về xã Hồng Tiến, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đợi cơn mưa trái mùa tạnh ngớt, chúng tôi cùng với cha Phêrô Nguyễn Thái Công quản xứ Bình Điền tiếp tục phát 100 phần quà, gồm gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, bánh cho các gia đình dân tộc nghèo ở đây như Tà ôi, Catu, Vân kiều. Công việc hoàn thành lúc 17 giờ.

Một ngày trải nghiệm cùng bà con dân tộc đã qua, Tạ Ơn Chúa và Mẹ Fatima, chúng tôi đã hoàn thành sứ vụ, được trở về bình an. Xin mọi người cầu nguyện cho chúng tôi để thực hiện những chuyến thiện nguyện tiếp theo.

Maria Nguyễn Thị Ái
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cộng đấu tố, Dân biểu tình.
Bảo giang
09:52 20/05/2017
Cộng đấu tố, Dân biểu tình.

Mấy tháng vừa qua, trong nội địa Việt Nam vùng Thanh Nghệ, bỗng bùng lên những cuộc tập hợp dân chúng nơi công trường, đường phố, một cách khác thường. Đây là một chuỗi sự kiện tiếp nối theo sau câu chuyện của tập đoàn Trung cộng thuê bao đất tại Vũng Áng để làm nhà máy sản xuất sắt thép, nhưng nó không làm với nguyên tắc an toàn cần phải có để bảo đảm cho đời sống của con người. Trái lại, với việc được tập đoàn nô lệ Nguyễn phú Trọng, qua Nguyễn văn Cự và Hoàng trung Hải, Nguyễn tấn Dũng hỗ trợ, nhà thầu TC đã được cho thuê bao đất của Việt Nam với gía rẻ mạt trong 70 mươi năm. Đã thế, hệ thống sản xuất nơi đây còn tạo ra những nguy cơ mang tai hoạ đến cho con người và sinh vật trong vùng ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài.

Trước nguy cơ của sự bị giết chết dần mòn, người dân nơi đây đã đồng loạt cùng nhau xuống đường phản đối hệ thống xây dựng nhà máy của tập đoàn TC. Đồng thời đòi hỏi nhà nước VC phải có hiểu biết tối thiểu trong việc bảo vệ đời sống của người dân và của đất nước trong việc thẩm định lại sự an toàn trong các khâu sản xuất của cơ sở này. Hoặc gỉa, đóng cửa vĩnh viễn hệ thống thuê bao của tập đoàn TC tại Vũng Áng vì những tai họa của nó gây ra. Kết quả:

Đi ngược lại những yêu cầu xem ra thuận tình hợp lý với lẽ sống còn của người dân và của đất nước, trước tiên, nhà nước Việt cộng vui vẻ nhận lấy 500 triệu được gọi là tiền bồi thường thiệt hại do tập đoàn TC gây ra để chia nhau và vung vãi đôi chút xuống tận vùng đất có thiệt hại để làm kiểng. Sau đó nhăn răng ra cười và cho rằng câu chuyện đến đây đẵ mãn. Tiếc rằng câu chuyện không chấm dứt ở đây. Trái lại, dân chúng sống trong cảnh lầm than buộc phải kéo nhau xuống đường phản đối, đòi hỏi nhà nước VC phải có thái độ hiểu biết của con người trong việc đối xử với tai họa và hành xử việc nước, chứ không phải chỉ để nhận tiền chia nhau.

Để đáp lại những đòi hỏi chính đáng của ngưòi dân, tập đoàn CS Hà Nội liền cho cán bộ, công an nhập cuộc. Kế đến, bung tiền ra thuê bao một số người thuộc diện cựu bộ đội, viên chức, đảng viên và một số người dân trong vùng cùng xuống đường, truơng lá cờ Phúc Kiến lên cao phản đối đoàn biểu tình của người dân trong vùng. Tệ hơn thế, nhóm người này còn hò hét, trương biểu ngữ lên cao trong khí thế hừng hực đòi giết người.

Nhìn cảnh này, ai cũng nhớ lại những hình ảnh man rợ của mùa đấu tố thời 1953-56 do Hồ chí Minh lãnh đạo. Ở đó, dưới sự chỉ đạo của cán bộ nhà nước, đoàn biểu tình từ người gìa, trẻ con rồi nông dân đã réo tên tuổi nhiều người ra mà đấu tố. Rồi điên cuồng hò hét, đòi hỏi nhà nước phải “ luộc”, phải “ thịt”, phải “nướng nóng” hay “ nướng nguội” những nhân vật đầu não trong cuộc biểu tình đòi công bằng và an toàn trong cuộc sống cho dân chúng là LM Đặng hữu Nam và Nguyễn đình Thục. Đồng thời, tìm bắt những người được có liên hệ khởi xướng những cuộc biểu tình này.

Rõ ràng, cuộc tập hợp này chỉ là sự tái diễn trò đấu tố của Hồ chí Minh đã mở ra xưa kia, mà khởi đầu là cái chết của bà Nguyễn thị Năm, người đã bỏ ra hàng trăm lượng vàng để nuôi sống chính Hồ chí Minh, Đặng xuân Khu và lũ cán bộ bất nhân của Y. Sau đó, không phải chỉ một mình bà Nguyễn thị Nam bị Hồ chí Minh làm thịt, nhưng là 170000 người dân Việt Nam đã bị tập đoàn Việt Minh cứa cổ, chặt đầu trong khoảng 1953-1956. Nay đứng trước những diễn biến tồi tệ, có thể tạo ra những xô sát và đổ máu người dân Việt một cách vô pháp, vô cương. Hỏi xem, chúng ta phải có thái độ nào?

I. Một định nghĩa:

Để khả dĩ có cái nhìn chuẩn xác về hướng đi của những cuộc tụ họp đông người, tưởng cũng nên tìm hiểu hoặc định nghĩa cho chính xác những cụm từ Biểu tình và Đấu tố là như thế nào?

a. Biểu Tình là gì?

Thuật ngữ này đã bắt đầu có từ các nước Tây phương vào thế kỷ 18, sau đó, lan dần đến các nước bị trị. Theo đó, biểu tình (to demonstrate and parade against…) là tên gọi những cuộc tập hợp tuần hành bất bạo động của người dân hay công nhân trên đường phố để đòi hỏi chính quyền hoặc những công tư sở liên hệ phải thoả mãn những điều kiện làm việc, cũng như sự công bằng về lương bổng cho các công nhân, công chức trực thuộc. Theo đó, thường là sau các cuộc tập hợp này là những cuộc điều đình giữa đôi bên để đem lại những thoả thuận mới cho cả hai. An ninh của nhà nước thường không tác động gì đến những cuộc biểu tình này, ngoại trừ khi nó gây ra bạo động trên đường phố.

Tuy nhiên, sau những cuộc tuần hành của công nhân, giới chính trị cũng thường tìm cách tổ chức những cuộc biểu tình mang tính chống lại những sách lược của chính phủ, đôi khi những cuộc tuần hành này nhắm mục đích xấu, trở thành những cuộc bạo động, biến loạn lớn. Thí dụ, những cuộc biểu tình tại miền nam Việt Nam trước 1966.

b. Đấu tố là gì?

Đấu tố là một động từ mang tính khích động và bạo động. Nó thường không có tính tôn trọng luật pháp. Trái lại là sự chuyên dùng trong gian trá. Thường được tổ chức từ giới cầm quyền với chủ trương dù là đê tiện để đạt mục đích không có tinh công bằng và công ích xã hội. Nó được coi như là cánh tay của bạo quyền CS. Những cuộc đấu tố này đã khởi đầu từ Liên Sô, đến Trung cộng rồi lan dần sang Việt Nam từ những năm 1940. Nó đã giết chết hàng chục triệu người trên thế giới. Những cuộc đấu tố này thường được che đạy dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo thống kê được ghi nhận trong cuốn “Death by Government” (Chết do chánh phủ), tác giả Rudolph J. Rummel, giáo sư khoa chính trị học đại học Yale, thì số nạn nhân của những cuộc đấu tố này được ghi nhận như sau:

(1) Mao’s Regime 76,702,000 ( PRC từ 1928- 1987).

(2) Lenine, Staline (Liên Xô) 61,911.000 người.

(3) The Nazi Genocide State ( Hitler 20, 946, 000 người).

(4) Quân phiệt Nhật 5,964.000.

(5) Khmer đỏ 2,035.000 người. (Ponpot)

(6) Thổ Nhĩ Kỳ 1,883.000 người.

(7) Hồ chí Minh, Cộng sản Việt Nam 1.670.000 người.

(8) Cộng sản Ba Lan 1.585.000 người.

(9) Cộng sản Nam Tư 1.072.000 người.

Dĩ nhiên, sau khi đọc bản công bố này, hàng ngũ trong bộ chính trị cũng như các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đều mừng rỡ. Họ bảo nhau, toàn đảng, toàn nhà nưóc ta thật đáng hãnh diện về bác và không bõ công theo người. Bởi vì, nay bác đã được xếp hạng thứ 7 trong danh sách những tên đồ tể của thế giới! Đảng ta quang vinh biết mấy!

Trong khi đó, đi ngược chiều với những reo mừng của đảng và nhà nước Việt cộng là nhân dân Việt Nam. Lý do, là cho đến nay chưa có người Việt Nam nào quên đi cái chết của đồng bào mình đã bị tập đoàn cộng sản Hồ chí Minh đấu tố vào những năm 1953- 1956 là hơn 172000 trưởng gia đình. Trong số đó có cả các công nhân viên, binh sĩ hay sỹ quan trong đoàn quân được gọi là giải phóng Hà Nội vào 1954. Riêng những người bị giam giữ nhiều năm trong lao tù, hoặc gỉa, chết mất xác sau khi bị đưa đi khỏi vùng đang định cư sau vụ đấu tố này là không dưới 500,000 người. Dĩ nhiên là chưa kể đến những tội ác của chúng trong chiến tranh đối với đồng bào tại miền nam, đặc biệt là vụ pháo kích trường tiểu học Cai Lậy và việc thảm xát đồng bào ta vào tết Mậu Thân ở Huế. Hỏi xem, đây có là những lưỡi dao đã chém đứt tim lòng Việt Nam trong tháng năm qua hay không?

Chuyện hôm xưa là thế. Nhưng nay, hãy nhìn về Thanh Nghệ Tĩnh và hỏi xem, cuộc đấu tố người dân Việt Nam do Nguyễn phú Trọng nhận vàng và tập đoàn CS VN nhận tiền, vừa chủ động mở ra sẽ đi về đâu? Liệu người Việt Nam có nằm im dưới lưỡi dao của những tên cuồng đồ, bạo ác này nữa hay không?

II. Theo một hướng đi.

Hiện nay, không một người Việt Nam nào không biết rõ hai hướng đi hoàn toàn đối chọi với nhau và đưa đến cuộc sống hoàn toàn khác biệt cho người dân trong ngày mai. Đó là, cùng nhau đứng dậy để đòi lấy Tự Do, Công Bình và an toàn xã hội. Hai là cúi đầu theo cái mã tấu của cộng sản để đấu tố Nhân Quyền con người, để kiếm cơm ăn và nhận đời nô lệ!

1. Cúi đầu dưới mã tấu của cộng sản?

Tôi vẫn cứ thắc mắc và không hiểu tại sao, cái mã tấu của Hồ chí Minh lại có thể chém đứt hơn 170000 cái đầu của người dân Việt Nam. Và rồi tệ hơn thế, những viên đạn của Tàu cộng và Liên sô lại cũng giúp cho Y thí mạng đến 4 triệu người Việt Nam, mà đến nay, ngưòi Việt Nam vẫn cúi đầu phục tùng chúng?

Nếu bảo rằng vì bạo lực thì tôi không tin rằng ngừơi Việt Nam sợ bạo lực, sợ cường đồ đến như thế. Bởi lẽ, dân ta đã từng đứng lên dù chỉ có giáo mác trong tay cũng đã làm nên những chiến thắng ở Đống Đa, Hà Hồi, Ngọc Hồi và khuất phục thành Thăng Long đang trong cảnh chim lồng của những bạo chúa bắc phương! Thế tại sao người Việt Nam lại tự đưa cổ, trao tay cho Hồ chí Minh, mà đến nay phần lý lịch bản thân của y hoàn toàn chưa có thể minh định được là Nguyễn tất Thành người Việt, hay là Hồ Quang, người Hẹ, để cho Y làm cuộc diệt chủng dân Việt Nam ta trên đất nước này?

Xem ra, khi trả lời câu hỏi này, hầu hết đều cho rằng: Vì chúng ta khao khát Hòa Bình, khao khát Độc Lập, khao khát Tự Do nên đã bị Y lừa đối, đã bị Y phản phúc đưa dân ta vào một cuộc chiến diệt chủng, mà lại ngây thơ cho rằng đó là một cuộc cách mạng cứu quốc! Rồi trong lúc ngưòi dân lầm lẫn như thế, những kẻ vác mã tấu theo Y chém giết người Việt Nam không phải là không biết việc chém giết ấy là sai, trái là tội ác. Tuy nhiên, vì người Việt Nam qúa nhẹ dạ đã không dám lên tiếng, nên vẫn bị chúng lạm dụng, lừa dối. Tệ hơn, khi bị chúng triệt giết mà không hề dám có lấy một phản ứng nào. Kết qủa, chính sự yếu hèn này đã giúp chúng thành công trong việc hành nghề đao phủ theo gương Hồ chí Minh để kiếm sống trên thân xác ngưòi Việt Nam hôm nay.

Đây, dĩ nhiên là một thảm kịch đau đớn. Nhưng xét cho cùng, dân ta chết không phải bởi cái mã tấu quyền lực của Hồ chí Minh hay Nguyễn phú Trọng! Nhưng chính 90 triệu con Việt Nam được xưng tụng là anh hùng đã như những con giun, con dế, ích kỷ tìm sống riêng, nên chúng ta mới bị tập đoàn gồm 4, 5 triệu kẻ hành ác dẫn đường, chỉ lối bằng cái mã tấu và những cuộc đấu tố bạo tàn của chúng. Và còn tệ hơn thế, chúng ta hăng say chém giết nhau theo sự chỉ đường, dẫn lối của chúng. Kết qủa, bạn được gì, dân tôi được gì? Xem ra, chỉ có khốn khổ và tang thương chồng chất lên nhau!

2. Cùng nhau đứng dậy được không?

Ngược chiều với hướng làm thân giun, cánh dế hay kiếp nô lệ dưới những đôi dép râu Việt cộng, một câu hỏi khác được đặt ra là. Cùng nhau đứng dậy chăng? Câu hỏi thật hay, thật chuẩn xác, nhưng hỏi ai đây và rồi ai sẽ trả lời hay ai đứng dậy đây? Lẽ nào câu hỏi này dành cho trời, cho đất, cho mây, cho gío… trả lời chăng?

Không, câu hỏi ấy là dành cho anh, cho tôi, cho chị, cho em và cho tất cả mọi người Việt Nam hôm nay đấy. Bởi lẽ, muốn cứu đất nước này ra khỏi bàn tay ác độc, bạo tàn của tập đoàn CS Hồ chí Minh thì phải cần đến sự góp sức, chung tay chung lòng của tất cả chúng ta. Bởi lẽ, khi tiền nhân gầy dựng nên cơ nghiệp rồi để lại cho con cháu thì không cần phải hỏi, ngươi có muốn nhận hay không? Tuy nhiên, nếu muốn bảo vệ và giữ lấy cơ nghiệp của tiền nhân bền vững thì buộc cháu con phải chung lòng, gắng sức với nhau mà giữ lấy. Điều này là dễ hiểu. Cha mẹ khi sinh con, không cần phải hỏi ý kiến con. Nhưng khi muốn chúng nên người thì buộc phải có sự cộng tác của chúng. Quê hương này cũng thế. Còn hay mất, vinh hay nhục, giữ được hay không là do chúng ta, những người đang sống hôm nay. Ai chả biết thế, nhưng tại sao lại cần đến tôi?

Đơn giản lắm. Một người không thể quật ngã được một con bò. Nhưng mười người góp chung cánh tay thì đến cả hổ rừng cũng chết, nói chi đến một con bò (VC). Cũng thế, nếu những bước chân của ĐTGM Trịnh như Khuê phải khua mòn trên sân thượng của tòa Gíam Mục Hà Nội xưa là dễ hiểu. Bởi vì khi đó người ta chẳng được nghe biết gì về thế giới bên ngoài, ngoại trừ những liềm búa vung cao. Đã thế, gánh nặng của hàng triệu người di cư, trong đó có rất nhiều xứ đạo Công Giáo, có thể đã là sợi giây để chúng trấn áp, trói buộc. Trói buộc không phải một bước chân của Ngài, nhưng là tất cả mọi người dân còn ở lại. Tuy thế, dù trong thinh lặng, ai cũng biết đó là sự cô đơn, can trường, không phải là sự khiếp nhược.

Nhưng nay, đã bốn mươi năm sau chiến tranh, lại giữa thời internet cực thịnh, nhà nào cũng có máy điện toán, điện thoại không giây. Mọi ngươì đều có thể biết được những bản tin đích xác về nhau và về xã hội. Tuy nhiên, vẫn chẳng mấy người, hay không một nơi nào biết đến nỗi đau của Hà Nội, của tòa Khâm Sứ, nên một mình TGM Ngô quang Kiệt phải nhận cảnh vò võ trong đêm đen. Để rồi thế lực của tội ác, của cường đồ đẩy Ngài ra khỏi vị trí của người Mục Tử vì đàn chiên, mà mọi nơi vẫn im lặng như tờ, hoặc gỉa, tưởng chừng như đang sống trong cảnh thiên đường. Chuyện ấy không ai hay, nói chi đến trường hợp dám chấp nhận gông cùm vì niềm tin, vì cuộc sống con người như LM Nguyễn văn Lý! Cứ thế, Ta ngủ yên, hủi vẫn tiến bước.

Nay lại đến trường hợp của LM Đặng hữu Nam và Nguyễn đình Thục ở Cồn Dầu, Đông Yên. Rõ ràng vì cuộc sống của người dân mà họ lên tiếng, chứ bản thân họ cần gì! Lạ thay, cả nước đều không ai hay biết, nên khắp nơi im lặng như tờ? Trong khi đó, kèn loa Hồ binh lại khua vang, lập đàn thúc dân đấu tố những người vì cuộc sống của dân, của nước. Chúng đấu tố không phải để những Linh Mục và đồng bào Công Giáo Cồn Dầu, Đông Yên thêm phần cô độc, thêm rét. Nhưng là để tất cả mọi ngưòi Việt Nam phải ngậm miệng, phải cúi đầu trước bạo quyền! Ấy là chưa kể đến việc chúng đã nhắm tạo ra cuộc tương tàn giữa lòng các tôn giáo. Trước tình thế này, xin hỏi, chúng ta có thể im lặng được nữa hay không? Hoặc gỉa, giữ im lặng có giúp chúng ta sống yên bình dưới thời cộng sản hay không?

Tôi cho là không. Bởi lẽ, bạn còn nhớ chuyện bà Nguyễn thị Năm, người đã ủng hộ Việt Minh và kháng chiến cả hàng trăm lượng vàng có kết qủa thế nào không? Rồi bạn còn nhớ hai người con trai của bà là những Trung tá và thiếu tá trong đội quân giải phóng Hà Nội đã có một kết thúc bi thảm ra sao? Xem ra những kẻ trung thành với Việt cộng với Hồ chí Minh đều không có một cái kết hậu tốt lành. Trái lại chỉ có tai bay vạ gió mà thôi!

Bạn không tin ư? Bạn hãy hỏi lại chính bản thân xem. Công của bạn có thể xo bằng mẹ con bà Nguyễn thị Năm không? Hỏi xem, mẹ con bà đã phải chết và sống ra sao? Hỏi xem, người có công nuôi nấng giặc Hồ còn bị chính Nó “ bịt mặt, che râu” đấu tố. Bạn là ai để chúng nhường đường? Phần tôi, tôi chỉ nhắc bạn rằng : HCM là kẻ suốt đời đã không có một cây nhang, cho bố cho mẹ, Nó lại có thể đáp nghĩa đền ơn cho bạn hay sao? Những kẻ theo Y lại có thể tử tế với người dân Việt Nam được hay sao? Có chăng là cái mã tấu của Nó đang chờ bạn mà thôi! Chuyện là như thế đấy, bạn còn im lặng được không?

- Được chứ!

Xin chúc mừng “ đồng chí”, những nô lệ của gian trá và tội ác!

- Im thế nào được!

Khổ rồi đấy. Bạn sẽ mất ăn mất ngủ để hỏa mình vào cuộc đấu tranh tiêu diệt tội ác. Tuy nhiên, bạn không hề lẻ loi, tất cả mọi người không mang bệnh yêu cái ác, tôn thờ cộng sản đều đứng chung một phía với bạn. Như thế, đường dẫu có dài, bạn sẽ chẳng bao giờ mỏi chân, kiệt sức. Trái lại, cuối đường dài kia là ánh sáng của Chân Lý, của Độc Lập Dân Tộc, của Tự Do và Hòa Bình cho đất nước như mặt trởi luôn dọi sáng trên chúng ta. Hơn thế, nơi đây mọi người còn mãi hân hoan, ca vang trên đường chúng ta đi:

Dẹp búa liềm tà ma dáo Mác.

Dựng Tự Do ta hát muôn thơ.

Núi sông chung một bóng cờ,

Cháu con giữ trọn cõi bờ Việt Nam.

Bảo Giang

19-5-2017
 
Văn Hóa
Phải chăng cũng một chữ ''vì''
Sơn Ca Linh
09:41 20/05/2017
PHẢI CHĂNG CŨNG MỘT CHỮ “VÌ” (3) ?
(Thầy là sự sống – Ga 14,6)

Vì Thầy là sự sống,
Nên ông bà tiên tổ chúng con,
Cho dẫu bị xua đuổi khỏi địa đàng,
Vẫn lầm lũi bước đi trong niềm vui ơn cứu độ.
Cho dẫu thân già Sa-ra chỉ chờ ngày quá cố,
Vẫn ươm mầm hy vọng của một lần giao ước yêu thương.

Vì Thầy là sự sống,
Nên dẫu hoang mạc xa xôi, khát đói trăm đường,
Dân vẫn đủ manna, và dạt dào nước tuôn khe đá.
Đường về đất hứa, dân chết chắc bên bờ biển Đỏ,
Chiếc gậy Mô-sê uy quyền, dân rẽ sóng vượt qua.

Vì Thầy là sự sống,
Nên con đường về Hô-rép của ngôn sứ Ê-li-a,
Cần chút dầu, chút bột cuối cùng của mẹ con bà góa.
Rồi cho dẫu tháng năm lưu đày dập dìu tai họa,
Đường về Sion vẫn ắp đầy và rạng rỡ câu ca.

Vì Thầy là sự sống,
Nên chấp nhận phận người,
Được cưu mang trong dạ mẹ như bao kiếp người ta.
Yêu tiếng khóc oa oa
và làm em bé nơi hang lừa máng cỏ.

Vì Thầy là sự sống,
Nên phải chấp nhận, trốn chạy, di cư, rày đây mai đó.
Và để được khôn lớn,
Nhờ dòng sữa của mẹ, giọt mồ hôi của cha.
Cần có quê hương, cần một mái nhà,
Cần năm tháng dài lâu
để trải nghiệm ý Cha và luyện công hàm dưỡng.

Vì Thầy là sự sống,
Nên đã trả lại đứa con trai
cho bà góa Na-in trên con đường về nơi tử táng,
Kéo chàng La-za-rô,
Đĩnh đạc bước ra từ địa huyệt âm u.
Những kẻ phung cùi, câm, điếc, què mù,
Sự sống mới hồi sinh và thương đau khép lại.

Vì Thầy là sự sống,
Nên người thiếu phụ Sa-ma-ri mỏi mòn tê tái,
Đã tìm lại được dòng nước mát tinh khôi.
Cô Mai-đệ-liên, hay chàng thuế vụ Gia-kê, tội lỗi ngập trời,
Con tim mới từ đây vui trở lại.

Vì Thầy là sự sống,
Nên chấp nhận con đường thịt rơi, máu chảy,
“Bẻ tấm bánh thân mình”
và rót cạn chén máu yêu thương.
Để trở thành quà tặng vĩnh viễn, muôn phương,
Thành lương thực trường sinh cho nhân thế.

Vì Thầy là sự sống,
Nên tử thần đã bị đập tan ngày trên đồi thập giá,
Và con đường về “Mộ trống” đã rực sáng phục sinh.
Hạt lúa gieo mục nát, giờ đã chuyển mình,
Hơi thở Thần Linh
đã làm dậy men Tin Mừng cho thế giới.

Vì Thầy là sự sống,
Nên hãy lắng nghe bao tiếng than chới với,
Những bào thai chưa kịp mở mắt chào đời,
Những đọa đầy, bóc lột, oan khúc nơi nơi,
Những tù nhân đang chết dần trong ngục tối.

Vì Thầy là sự sống,
Nên hy vọng ngày mai cây rừng còn xanh lá,
Để chim về, cá tìm lại biển xanh.
Để quê hương con, đâu cũng thấy yên lành.
Vì con biết, con tin :
“Ngài là đường, sự thật và là sự sống”.

Sơn Ca Linh (Phục Sinh 2017)




 
Nói có sách - Mách có chứng
Nguyễn Văn Nghệ
09:50 20/05/2017
NÓI CÓ SÁCH – MÁCH CÓ CHỨNG

Tác phẩm “ Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của Phó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm ( được thăng lên Giáo sư vào tháng 11/2002) lâu nay được xem là tác phẩm nghiên cứu gối đầu giường cho giới sinh viên đại học. Trong tác phẩm này có tất cả 13 trang viết về Nho giáo và Văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm P. Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM,1997,trang 222-234). Khi đề cập đến tư tưởng trung quân, tác giả viết: “ trong khi đó thì ở Việt Nam, tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc lại là một truyền thống rất mạnh (bởi coi trọng hai đơn vị làng và nước). Người Việt Nam tiếp thu tư tưởng trung quân Nho giáo trên cơ sở tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sẳn có, khiến cho cái trung quân đó đã bị biến đổi và gắn liền với ái quốc. Khi xuất hiện mâu thuẫn giữa vua với đất nước, dân tộc thì đất nước, dân tộc là cái quyết định”. Sau đó tác giả đưa ra một số dẫn chứng trong lịch sử, trong đó có dẫn chứng: Chính vì đặt nước lên trên mà một người xuất thân dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi tìm đường cứu nước tại trời Tây xa xôi (theo Nho giáo thì phụ mẫu tại bất viễn du – “cha mẹ còn, con không được đi xa”)

Khi đọc đến câu dẫn chứng này, làm tôi sực nhớ đến câu chuyện vui: “Bốc thuốc có sách hẳn hoi”. Chuyện như sau: Một ông thầy thuốc Đông y nọ rất dốt nghề y. Mỗi khi ông ta trị bệnh cho ai là ông ta phải đem cuốn cẩm nang thầy thuốc để tìm ra cách điều trị đúng.

Một hôm có một người trong làng bị đau bụng, người nhà liền đến nhà ông thầy thuốc này để bốc thuốc. Ông thầy thuốc liền đem cuốn cẩm nang ra đọc rồi kê đơn bốc thuốc. Theo như đơn thuốc ấy, người nhà sắc nhân sâm cho bệnh nhân bị đau bụng uống. Vừa uống xong, bệnh nhân càng đau dữ dội và ngã lăn ra chết. Người nhà bệnh nhân kiện lên quan. Tại công đường ông thầy thuốc tự bào chữa cho mình bằng cách nói rằng: Mỗi khi tôi trị bệnh cho ai,tôi luôn luôn đọc và làm theo cuốn cẩm nang thầy thuốc nổi tiếng. Nếu quan không tin, tôi xin trình lên để quan xem qua. Ông liền rút cuốn cẩm nang từ túi áo ra và chỉ cho quan xem câu chót của một trang sách. Câu đó như sau: “ Phúc thống phục nhân sâm”(đau bụng uống nhân sâm). Nhưng khi lật tiếp sang trang sau thì còn hai chữ “tắc tử” (thì chết ngay).

Sách Luận ngữ ,thiên Lý nhân ghi: Tử viết: “Phụ mẫu tại, bất viễn du; du tất hữu phương” (Khổng tử nói rằng: Trong khi cha mẹ còn sanh tiền, phận làm con chớ có đi chơi xa, như đi chơi đâu thì thưa trước cho cha mẹ biết để cha mẹ an tâm).

Trong câu nói của Khổng tử gồm hai vế: “ Phụ mẫu tại, bất viễn du” và “Du tất hữu phương”, nhưng tác giả chỉ nhắc đến và giải thích vế đầu khiến câu nói của Khổng tử trở nên “câu què”, “câu cụt”. Chẳng lẽ trước đây những gia đình theo Nho giáo khi cha mẹ còn sống, con cái không được đi xa hay sao?

Dẫn chứng theo kiểu “câu què- câu cụt” là căn bệnh thường gặp trong giới truyền thông “lề phải” hiện nay.

Kế đến, tác giả đã ca ngợi ông Hồ Chí Minh: dám không lập gia đình (theo Nho giáo thì bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại – “tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là nặng nhất”).

Riêng về đời tư của ông Hồ Chí Minh đang có nhiều tranh luận nên xin miễn bàn ở đây.

Vâng, tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là tội nặng nhất. Nhưng “hiếu” cũng có ba. Thầy Tăng tử nói: “Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân; kỳ thứ phất nhục; kỳ hạ năng dưỡng” ( Hiếu có ba bậc: bậc đại hiếu là làm tôn trọng cha mẹ; bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ; bậc dưới cùng là có thể nuôi cha mẹ - sách Lễ Kí, thiên Tế nghĩa). Bậc “đại hiếu” là làm tôn trọng cha mẹ. Sách Mạnh tử thiên Vạn Chương ghi: “Hiếu tử chi chí, mạc đại hồ tôn thân”(chỗ chí hiếu của người con, không chi lớn bằng làm cho cha mẹ được tôn trọng).

Làm “tôn trọng” cha mẹ là như thế nào?

Làm “tôn trọng” cha mẹ là: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu”(gây dựng thân mình, đem thi hành cái đạo ra, rõ tiếng về đời sau để cho cha mẹ vinh hiển – sách Hiếu kinh).

Trước đây ở Việt Nam cũng đã có những con người “dám không lập gia đình” (cũng không léng phéng với phụ nữ) để phụng sự quốc gia dân tộc không phải là bất hiếu với cha mẹ, mà người ấy đã làm trọn công việc: “lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu”. Cụ Mai Anh Tuấn (1815-1851) là người đỗ Thám hoa đầu tiên dưới triều Nguyễn. Cụ đã hy sinh trong khi giao tranh với giặc. Trong lễ an táng của cụ, vua Tự Đức đã sai quan Tổng đốc Hà – Ninh sung chức Kinh lược sứ Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng là Nguyễn Đăng Giai đến tế và trong văn tế có đoạn ca ngợi Thám hoa Mai Anh Tuấn: “Khôi giáp đỉnh khoa, dương danh hiển thân, hiếu dã!”( Khôi giáp đỗ đầu, nổi danh rạng rỡ người thân, ấy là hiếu vậy!).Sách Đạo đức kinh có ghi: “tử nhi bất vong giả thọ”( chết mà không mất là thọ). Những con người như trên đã làm cho tên tuổi của song thân của họ được trường thọ vì tên tuổi song thân của những người ấy không bị rơi vào quên lãng.

Có những người để lại con đàn cháu đống, nhưng đám con cháu ấy không thấy “lưu hương” mà chỉ toàn “lưu xú” cho tổ tiên, liệu cha mẹ đám con ấy có hiếu hay là bất hiếu với tổ tiên?

Ngoài ra trong tác phẩm “ Cơ sở văn hóa Việt Nam” còn ghi: “Để tổ chức xã hội, điều cốt lõi là đào tạo cho được những người cai trị kiểu mẫu – người QUÂN TỬ (quân = cai trị; quân tử = người cai trị). Để trở thành người quân tử, trước hết phải TU THÂN”.

Có phải “quân tử = người cai trị” không? Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí giải thích hai chữ “quân tử”: “Người có tài đức, nhân cách hơn người”. Như vậy cần gì phải là “người cai trị” mới gọi là “quân tử”. Tử Cống vấn quân tử. Tử viết: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tùng chi” ( Tử Cống hỏi Khổng tử: Người như thế nào mới đáng gọi là người quân tử. Khổng tử đáp: Mình muốn dạy người ta điều gì, trước hết mình phải làm điều đó đi. rồi sau cứ theo đó mà dạy. Như vậy mới đáng gọi là quân tử - Luận ngữ: Vi chính II,13). Trong tác phẩm Nho giáo, cụ Trần Trọng Kim đã dành riêng 12 trang để giải thích “quân tử” và “tiểu nhân”: “ Khổng giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là: quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quý, là hay; tiểu nhân là tiện, là dở”.

Còn vấn đề “tu thân” thì tất cả mọi người đều phải tu thân chứ không phải dành riêng cho người cai trị (quân tử). Sách Đại học ghi: “ Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (từ vua cho đến dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc). Riêng những người muốn làm “dân chi phụ mẫu”( cha mẹ của dân – người cai trị) thì cần phải tuân theo “tam cương lãnh, bát điều mục”.

- Tam cương lãnh: Minh đức; Tân dân; Chỉ ư chí thiện.

- Bát điều mục: Thành ý; Chính tâm; Cách vật; Trí tri; Tu thân; Tề gia; Trị quốc; Bình thiên hạ.

Tam cương lãnh và Bát điều mục được giải thích rõ ràng trong sách Đại học.

Hiện nay sách nghiên cứu về Nho giáo đã được xuất bản rất nhiều cho nên muốn nghiên cứu về Nho giáo cần phải đọc nhiều sách để đối chiếu, không nên mới chỉ đọc vài ba cuốn sách hoặc nghe lóm một vài câu liên quan đến Nho giáo rồi vội nhận xét phê bình làm sai lạc tinh thần và ý nghĩa uyên thâm của Nho giáo.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang