Ngày 18-05-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo hội
Vũ Đức Anh Phương SJ
17:45 18/05/2016
VATICAN. Con đường mà Đức Giêsu chỉ ra là con đường yêu thương, phục vụ, nhưng trong Giáo Hội, người ta lại thường đi tìm kiếm quyền lực, tiền bạc và những điều phù phiếm khác. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ của thế gian muốn chia rẽ Giáo Hội và cảnh giác những kẻ ‘cơ hội’. Họ là những người luôn tìm cách loại trừ người khác để leo lên vị trí cao hơn.

Các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ quyền lực

“Các môn đệ có cám dỗ về quyền lực. Họ suy nghĩ theo tinh thần thế gian. Các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Nhưng Đức Giêsu nói với các ông rằng phải làm người rốt hết, phải làm người phục vụ mọi người.

Tiêu chuẩn trên con đường mà Đức Giêsu chỉ ra chính là sự phục vụ. Người đứng đầu phải là người phục vụ, khiêm nhường phục vụ người khác chứ không huênh hoang, tự đắc, chỉ lo tìm kiếm quyền lực, tiền tài và những thứ phù phiếm khác. Nếu ai không phục vụ thì không phải là người lớn hơn cả. Tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn cả đã là chuyện xảy ra với các tông đồ, cũng như với mẹ của Gioan và Giacôbê. Và đó cũng chính là điều diễn ra ngày hôm nay trong Giáo Hội, trong mỗi cộng đoàn. Trong chúng ta, ai là người lớn hơn cả? Ai là người ra lệnh? Trong mỗi cộng đoàn, trong các xứ đạo, trong các tổ chức luôn có một ước muốn được thăng tiến, được leo thật cao trên nấc thang quyền lực.

Bài đọc một thuật lại một đoạn trong lá thư của thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân đã cảnh giác mọi người trước đam mê quyền lực, ghen ghét, ganh tị dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau.

Đây cũng là thông điệp cho Giáo Hội ngày hôm nay. Thế gian cho rằng ai có nhiều quyền lực sẽ là người chỉ huy. Nhưng Đức Giêsu lại tuyên bố ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.

Khi chúng ta có những ước muốn thế tục, muốn nhiều quyền lực, muốn được phục vụ chứ không phục vụ, thì sẽ rất dễ dẫn đến việc chúng ta nói xấu và loại trừ người khác. Sự ghen ghét và đố kỵ cũng khiến người ta làm như thế. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Nó xảy ra trong mọi tổ chức của Giáo Hội: xứ đạo, trường học, giáo phận và thậm chí là trong giám mục đoàn. Ước muốn của tinh thần thế gian chính là tinh thần của sự giàu có, của danh vọng và những thứ phù phiếm. Đức Giêsu đã dạy sự khiêm nhường phục vụ nhưng các môn đệ lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Đức Giêsu đến thế gian này để phục vụ và ngài dạy cho chúng ta con đường của sự phục vụ, của khiêm hạ.

Yêu thế gian là ghét Thiên Chúa

Khi các vị đại thánh nói họ cảm thấy mình rất tội lỗi, đó là vì họ hiểu được tinh thần thế gian đang tồn tại trong tâm hồn họ, và họ bị cám dỗ rất nhiều bởi những tinh thần ấy. Không ai trong chúng ta có thể nói: Tôi là thánh. Tôi trong sạch.

Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bởi tinh thần thế gian. Chúng ta bị cám dỗ loại trừ người khác để leo lên những vị trị trên cao. Đó chính là cám dỗ của thế gian, gây chia rẽ và hủy hoại Giáo Hội, chứ không phải là Thần Khí của Đức Giêsu. Chúng ta hãy hình dung cảnh này: Khi Đức Giêsu nói những lời khiêm tốn phục vụ, các môn đệ thưa: ‘Thôi Thầy ơi, đừng yêu cầu quá nhiều. Chúng ta hãy đi thôi’. Và sau đó, các ông lại thích cãi vã với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rất nhiều lần chúng ta đã thấy điều này xảy ra trong Giáo Hội và ngay cả chúng ta cũng đã làm như thế. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta, để chúng ta hiểu ra rằng yêu thế gian, hay yêu tinh thần thế gian, tức là ghét Thiên Chúa.”

(Source: Radio Vatican)
 
Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ
Lm. Trần Đức Anh OP
17:46 18/05/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ nỗ lực của HĐGM Italia trong việc canh tân hàng giáo sĩ qua việc thường huấn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 16-5-2016, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên lần thứ 69 của HĐGM Italia nhóm tại Vatican từ ngày 16 đến 19-5 này.

ĐTC đã trình bày một mẫu Linh Mục lý tưởng dựa theo ba câu hỏi: điều gì làm cho cuộc sống của Linh Mục ấy có hương vị? Việc dấn thân phục vụ của linh mục là cho ai và để làm gì? Đâu là lý do tối hậu sự hiến thân của linh mục?

ĐTC khẳng định rằng: ”Linh Mục ý thức chính mình cũng là một người người bất toại được chữa lành, nên không có thái độ lạnh lùng của một người chỉ tuân giữ luật một cách ngặt nghèo.. Trái lại linh mục chấp nhận người khác, lãnh nhận trách nhiệm về họ, cảm thấy mình tham phần và có trách nhiệm về vận mạng của tha nhân.”

”Linh mục của chúng ta không phải là một người bàn giấy hoặc một công chức vô danh của một cơ chế; linh mục không được thánh hiến để thi hành vai trò của một nhân viên, và cũng không bị thúc đẩy theo những tiêu chuẩn hiệu năng. Linh Mục không tìm kiếm những bảo đảm trần thế hoặc những tước hiệu danh dự làm cho Linh Mục tín thác nơi con người; trong sứ vụ Linh Mục không đòi hỏi cho mình điều gì ngoài nhu cầu thực sự cần thiết, và cũng chẳng bận tâm liên kết mình với những người được ủy thác cho mình. Lối sống của linh mục đơn sơ và thiết yếu, luôn sẵn sàng, khiến Linh Mục là người đáng tín nhiệm trước mặt dân chúng”.

ĐTC đề cao cố gắng của Linh Mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đó là bí quyết sống và hành động của Linh Mục. Linh Mục sẵn sàng ra đi truyền giáo, không bám víu vào một nhiệm sở cứng nhắc.

”Đối với một Linh Mục, điều sinh tử là trở lại nhà tiệc ly của Linh Mục đoàn.. Kinh nghiệm này giải thoát Linh Mục khỏi thái độ tự yêu mình và những thứ ghen tương của giáo sĩ, tạo điều kiện cho sự hiệp thông đích thực giữa các Linh Mục với nhau.

ĐTC cũng phê bình thái độ của những người tính toán, so đo, sợ mất mát. Trái lại Linh Mục cần biết dấn thân trọn vẹn, nhưng không, khiêm tốn và vui tươi, cả khi không có ai nhận thấy điều đó.

Hôm 17-5-2016, các GM thuộc 228 giáo phận Italia tiếp tục nhóm họp dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Angelo Bagnasco, TGM Genova. Ngoài việc canh tân hàng giáo sĩ, các GM còn bàn về một số đường hướng quản trị kinh tế, duyệt lại các qui luật về tòa án của Giáo Hội, và một loại những biện pháp khác có tính chất pháp lý và hành chánh.

Chiều thứ tư 18-5-2016, các GM sẽ đồng tế thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp mừng 50 năm Linh Mục của ĐHY Bagnasco.

Ngày 19-05, ban lãnh đạo HĐGM Italia sẽ mở cuộc họp báo về kết quả khóa họp hiện nay của HĐGM nước này (SD 16-5-2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Oregon
Phan Hoàng Phú Qúy
08:55 18/05/2016
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Oregon

(Portland-Oregon) Chúa Nhật ngày 15 tháng 5 năm 2016, vào lúc 4 giờ chiều Đức Tổng Giám Mục John G.Vlazny nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland đã đến giáo xứ Đức Mẹ La vang để cử hành thánh lễ và ban Phép Thêm Sức cho 116 em học sinh thuộc trường Giáo Lý & Việt Ngữ La Vang.

Xem Hình

Cùng đổng tế với Đức Tổng Giám Mục có quý cha chánh xứ Phạm hữu Đạt, quy cha phụ tá Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đức Hậu, linh mục Mathew Libra chánh xứ nhà thờ St_Rose of Lima Parish, linh mục Trần Đạt thuộc Dòng Tên, Linh mục Nguyễn Hùng và Thầy Phó Tế Nguyễn Châu.

Hôm nay cũng là ngày Hội Thánh kết thúc 50 ngày của Mùa Phục Sinh bằng nghi thức mừng trọng thể Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lễ Hiện Xuống vẫn được xem như ngày khai sinh của Hội Thánh, là dấu ấn trọng đại mỡ ra một trang mới trong lịch sử cứu độ. Từ một cộng đoàn nhỏ bé Phúc Âm của Chúa được loan đi tận cùng trái đất để mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Trong tâm tình tạ ơn và nguyện cầu, chúng ta cùng khấn xin Chúa Thánh Thần ngự đến canh tân và đồi mới đời sống của mỗi người chúng ta, nhất là các em được nhận lãnh Bí tích Thêm Sức hôm nay được 7 Ơn Chúa Thánh Thần trợ lực hầu sống mạnh mẽ và can trường hơn trong việc giữ đạo, biết kính Chúa, yêu người và siêng năng làm việc tông đồ hơn.

Cộng đoàn dân Chúa cùng đứng lên và cất cao lời ca nhập lễ để đón vị chủ tế, quý linh mục đồng tế và các em chịu Phép Thêm Sức từ từ tiến về Cung Thánh.

Xin Thánh Thần Chúa xuống chan hoà khắp vũ trụ

Người nắm giữ mọi sự và thông suốt mọi lời

Xin Thánh Thấn Chúa xuống đầy tràn hồn tín hữu

Nhóm lữa tình yêu Chúa trong lòng hết mọi người

Sau bài Tin Mừng, linh mục chánh xứ Phạm hữu Đạt đã trình diện lên Đức TGM 116 em xin nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức, các em này đã được hướng dẫn đầy đủ về giáo lý Công Giáo trong suốt 11 năm qua tại Trường GL&VN La Vang, và giờ đây sẳn sàng nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức.

Vị Chủ Tế đã đặt tay trên đầu và xức dầu lên trán cho các em, trong khi mọi người hợp với ca đoàn La Vang hát kinh xin Ơn Chúa Thánh Thần:

Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài mau đến, đến với chúng con

Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài mau đến, đến với chúng con

Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài mau đến, đến trong tim con,

đến trong hồn con, đến trong đời con.

Sau phần kết lễ, đại diện các em đã ngỏ lời cám ơn Đức TGM. Quy linh mục, quý tu sĩ nam nữ, quy thầy cô, quý cha mẹ sinh thành cũng như đỡ đầu, đã hướng dẫn, nâng đỡ và dạy dỗ cũng như cầu nguyện cho các em được nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức hôm nay.

Nguyện xin bình an của Chúa Thánh Thần ở mãi với các em và với mọi người chúng ta.

Phan Hoàng Phú Quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biển khóc
Nhà Quê
08:50 18/05/2016
BIỂN KHÓC

Dưới chân người là cát
Biển dạt dào ca hát
Rêu rao phận đời mình
Bao đời vẫn lung linh.

Bạc đầu con sóng vỗ
Cha yêu đời gian khổ
Vui những chuyến cá tôm
Mẹ tần tảo sớm hôm.

Tương lai đời con cháu
Ấm lòng người trông ngóng
Đợi những sáng thuyền về
Tiếng cười chốn chợ quê.

Hôm nay tiếng khóc than
Theo sóng cuộn miên man
Biển âm thầm nức nở
Than trách người sao nỡ.

Độc ác hay vô tâm
Xả chất thải âm thầm
Chết đi đời biển mặn
Biển từng giờ đau quặn

Những giọt nước mắt rơi
Nhỏ to giữa đất trời
Phơi mình nằm trên cát
Đớn đau chờ hư nát

Mang hình dáng cá tôm
Chết tức tưởi sớm hôm
Vật vờ trên biển … đắng
Biển bây giờ … hoang vắng.

Cha chẳng muốn ra khơi
Ngồi buồn mắt xa xôi
Mẹ thở dài than vắn
Giọt lệ sao cay đắng.




Thương cho những đứa con
Tương lai chắc chẳng còn
Chợ bây giờ trống vắng
Vài bóng người im lặng

Chỉ có gió rì rào
Thương phận người lao đao
Buồn cho đời biển mặn
Những con tàu ngơ ngác.

Ôi dân tộc anh hùng
Bốn ngàn năm vẫy vùng
Năm mươi con lên núi
Năm mươi con xuống biển.

Ôi dân tộc của tôi
Siêng năng suốt cả đời
Rừng vàng và biển bạc
Sao phận nghèo đeo bám.

Ôi biển đáng thương ơi
Xin tạ tội một đời
Không giữ được biển mặn
Biển phải rơi nước mắt.

Bãi cát dài thân thương
Giọt nước mắt thê lương
Buồn tênh nghe … biển khóc
Nức nở chuyện quê hương.

Tháng 5/2015
Viết sau vụ cá chết hàng loạt tại bãi biển Vũng Áng, Hà Tĩnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô Hữu (9)
Vũ Văn An
20:18 18/05/2016
4. Lòng thương xót như phẩm tính vừa khôn dò vừa có tính tối thượng

Nơi Tiên Tri Hôsê, ta thấy cao điểm của việc Cựu Ước mặc khải thánh danh Thiên Chúa. Ngoài Tiên Tri Amos, Tiên Tri Hôsê là người đầu tiên trong các tiên tri soạn tác (scriptural prophets). Ngài sống trong một tình thế rất cảm kích của những ngày cuối cùng của Vương Quốc Phía Bắc và việc nó bị bức tử (722/721 trước CN). Tính cảm kích trong sứ điệp của ông tương ứng với tính cảm kích của tình thế. Người dân đã phá bỏ giao ước; họ đã trở thành đĩ điếm ô nhục. Do đó, Thiên Chúa cũng đã cắt đứt với dân Người. Người quyết định không tỏ lòng thương xót với thứ dân bất trung của mình nữa (Hs 1:6). Dân của Người sẽ không còn là dân của Người nữa (Hs 1:9).
Do đó, mọi sự xem ra đã không còn và tương lai xem ra đã trệch hướng. Nhưng rồi, một xoay chiều đầy cảm kích đã xuất hiện. Bản Dịch Thống Nhất (Unity Translation [*]) dịch lời tuyên bố có tính quyết định của Thiên Chúa như sau: “trái tim Ta co cụm lại trong Ta” (Hs 11:8). Nhưng lời dịch này quả đã làm giảm ý nghĩa lời Thiên Chúa khá nhiều. Nguyên bản Hípri diễn tả nó một cách quyết liệt hơn nhiều: Thiên Chúa đã đảo ngược đức công lý của Người; có thể nói: Người liệng bỏ nó. Thay vì con người bị lật đổ, sự lật đổ đã diễn ra ngay trong bản ngã Thiên Chúa (20). Tại sao? Lòng cảm thương (Mitleid) của Thiên Chúa bừng sáng lên và Người quyết định không thực hành cơn giận bừng bừng nữa. Trong Thiên Chúa, lòng thương xót đã chiến thắng công lý.

Cuộc xoay chiều các biến cố trên không chỉ sự tùy tiện của một Thiên Chúa hay giận dữ, Đấng vì muốn làm dịu cơn giận của mình một cách tốt đẹp, đã để cho sự dịu dàng thắng lướt quyền lợi. Theo Tiên Tri, lời biện minh được chính Thiên Chúa đưa ra mầu nhiệm và sâu sắc hơn nhiều. Nó biểu lộ cho ta sự sâu sắc hoàn toàn của mầu nhiệm Thiên Chúa: “Vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải kẻ tử sinh, là Đấng Thánh giữa các ngươi, và Ta sẽ không đến trong giận dữ” (Hs 11:9). Đây quả là một lời tuyên bố gây ấn tượng mạnh mẽ. Nó muốn nói: sự thánh thiện của Thiên Chúa, Hữu Thể Hoàn Toàn Khác của Người, trong tương phản với tất cả những gì nhân bản, không được tiết lộ trong cơn giận chính đáng của Người, cả trong tính siêu việt khôn dò và khôn thấu của Người. Hữu thể thần linh của Thiên Chúa được mặc khải trong lòng thương xót của Người. Lòng thương xót nói lên yếu tính thần linh của Người.

Đoạn văn hết sức cảm kích trên cho thấy ngay trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã không phải là Đấng Thiên Chúa giận dữ và thẳng thừng, nhưng là Đấng Thiên Chúa hay thương xót. Người cũng không phải là Đấng Thiên Chúa lãnh đạm, Đấng ngự trên ngai chót vót, không biết gì tới tội lệ và buồn đau của thế gian. Người là Đấng Thiên Chúa có một trái tim; trái tim này biết nổi giận nhưng sau đó, theo cả nghĩa đen, đã tự lật nhào trở thành thương xót. Với sự “lật nhào” này, một đàng, Thiên Chúa tự biểu lộ mình chuyển động theo cách nhân bản rõ ràng, đàng khác, Người lại tự mặc khải mình như là người hoàn toàn khác với những kẻ tử sinh. Người tự mặc khải Người như Đấng Thánh, như Người Hoàn Toàn Khác. Yếu tố tạo thành yếu tính của Người, một yếu tính từ căn bản vốn phân biệt Người với các hữu thể nhân bản và nâng Người lên trên mọi loài tử sinh, chính là lòng thương xót của Người. Nó là sự siêu phàm và tối thượng của Người; nó chính là yếu tính thánh thiện của Người.

Tính tối thượng của Thiên Chúa, trên hết, được chứng minh qua hành vi tha thứ và ân xá. Chỉ những ai đứng trên chứ không đứng dưới các đòi hỏi của công lý nguyên tuyền mới có thể tha thứ và ân xá. Chỉ có người này mới có thể hủy bỏ sự trừng phạt chính đáng và cho phép một khởi đầu mới. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ và sự tha thứ thuộc về yếu tính của Người.

“Vì lạy Chúa, Chúa là đấng tốt lành và tha thứ, giầu tình thương bền vững đối với tất cả những người kêu cầu Chúa” (Tv 86:5).

“Vì Người sẽ tha thứ một cách đại lượng” (Is 55:7). “Người hân hoan trong việc tỏ lòng khoan nhân” (Mk 7:18; xem Xh 34:6; Ps 130:4).
Thần học, dù khôn khéo bao nhiêu, cũng vẫn thiếu sót khi nói về Thiên Chúa, Đấng không hợp với bất cứ phạm trù nào. Ta không thể khiếm nhã sử dụng kiểu nói hoặc / hoặc (either/or): hoặc Đấng Thiên Chúa chính trực / hoặc Đấng Thiên Chúa thương xót, như thể đây là vấn đề hiển nhiên nhất ở trên đời. Trong ngôn ngữ của ta, ta có thể nói: lòng thương xót là sự mặc khải tính siêu việt của Người so với mọi loài tử sinh và so với mọi điều con người có thể tính toán được. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa được mặc khải một cách nghịch lý vừa như Đấng Hoàn Toàn Khác vừa như Đấng Hết Sức Gần Gũi Chúng Ta. Sự siêu việt của Người không phải là khoảng cách vô tận và sự gần gũi của Người không phải là bồ bịch thân thiết. Thiên Chúa hay thương xót của ta không phải là “Đấng Thiên Chúa thân mến” bọc đường, làm ngơ các phóng túng và ác ý của ta. Ngược lại, sự gần gũi có tính cứu rỗi của Người nói lên tính khác và tính dấu ẩn không hiểu thấu được của Người (Is 45:15). Người là Deus revelatus (Thiên Chúa được mặc khải) rõ ràng và hiển hiện như thế nào, thì Người cũng là Deus absconditus (Thiên Chúa dấu ẩn) như thế. Lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ cho ta thấy Hữu Thể Hoàn Toàn Khác của Người và việc không thể hiểu được Người cách trọn vẹn, một việc vừa là sự không thể hiểu nhưng đồng thời lại là sự khả tín đối với tình yêu và lòng nhân hậu của Người.

5. Lòng thương xót, sự thánh thiện, đức công lý và lòng trung thành của Thiên Chúa

Trong Cựu Ước, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn nối kết bất khả phân với những cách thế khác qua đó Thiên Chúa được mặc khải. Ta không thể tách lòng thương xót của Người ra khỏi bối cảnh này để xử lý một cách độc lập. Việc mặc khải thánh danh Người cho Môsê đã chứng tỏ rằng lòng thương xót của Người có thể nói là được bao bọc bởi lòng nhân hậu và lòng trung thành. Việc Thiên Chúa tự mặc khải Người nơi Tiên Tri Hôsê chứng tỏ rằng lòng thương xót được liên kết bất khả phân với sự thánh thiện của Thiên Chúa và nói lên sự thánh thiện này.

Tương quan gắn bó giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người là điều quan trọng hết sức đặc biệt. Hạn từ Hípri chỉ sự thánh thiện (qados) nguyên khởi có nghĩa là cắt đứt hay để riêng ra. Do đó, sự thánh thiện của Thiên Chúa chính là sự dị biệt và trổi vượt triệt để của Người so với mọi sự vật và mọi sự ác trần thế (21). Sự thánh thiện của Thiên Chúa được phát biểu một cách trịnh trọng trong thị kiến ngai vàng của Tiên Tri Isaia, trong đó, Isaia nghe thấy các seraphim ca hát rằng “Thánh, thánh, thánh”. Thị kiến này khiến Tiên Tri rùng mình một cách thánh thiện; nó làm ông ý thức được sự bất xứng và tội lệ toàn diện của mình. “Khốn thân tôi! Tôi phải nín thinh, vì tôi là con người có những làn môi dơ bẩn, và tôi sống giữa những người có những làn môi dơ bẩn” (Is 6:3-5). Điều này chứng tỏ rằng ta không nên hạ giá lòng thương xót của Thiên Chúa và biến Thiên Chúa thành người khờ khạo, một người, vì cấp tiến khoan dung, không lưu ý gì tới các lầm lỗi và ác ý của ta, để mặc chúng tự tung tự tác trong ta. Nietzsche chế giễu cách quan niệm như thế về Thiên Chúa và cho biết Thiên Chúa đã chết vì lòng thương xót của Người (22). Ta không thể coi thường Thiên Chúa; Người không để Người bị chế giễu (Gl 6:7). Khi cảm thương và thương xót, Người chứng tỏ sự thánh thiện và cao cả của Người.

Vì sự thánh thiện của Người, Thiên Chúa chỉ có thể đối kháng sự ác. Thánh Kinh gọi điều này là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (23). Nhiều người thoạt đầu rất có thể ngần ngại với điều này và coi nó không thích đáng. Nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa không phải là việc nổi giận có tính xúc cảm hay một can thiệp đầy giận dữ, mà đúng hơn là sự kháng cự của Thiên Chúa đối với tội lỗi và bất công. Có thể nói, thịnh nộ là biểu thức tích cực và năng động của yếu tính thánh thiện của Người. Vì lý do này, ta không thể xóa bỏ sứ điệp phán xét khỏi sứ điệp của Cựu Ước hay sứ điệp của Tân Ước hay giải thích sứ điệp ấy một cách vô hại như không có.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa phù hợp với đức công lý (zedakah) của Người (24). Đối với Cựu Ước, ý niệm lề luật và công lý là ý niệm trung tâm. Đối với những con người đạo hạnh trong Cựu Ước, công lý của Thiên Chúa là một định đề nền tảng không cần bàn cãi. Dựa vào sự thánh thiện của Người, Thiên Chúa không thể làm bất cứ điều gì khác hơn là trừng phạt sự ác và tưởng thưởng sự thiện. Đối với Cựu Ước, điều đó không hề là một sự thật khiến người ta sợ hãi; ngược lại, nó là biểu thức nói lên hy vọng. Người đạo hạnh trong Cựu Ước hy vọng ở việc mặc khải đức công lý phổ quát của Thiên Chúa (Tv 5-9; 67:5; 96:13; 98:9; v.v…). Niềm hy vọng cánh chung này hướng về việc xuất hiện của Đấng Mêxia chính trực (Is 11:4). Chứng cớ công lý trong một thế giới bất công vốn là công trình của lòng thương xót đối với người bị áp bức và những ai bị từ khước mọi quyền lợi.

Như thế, sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là sứ điệp ơn thánh rẻ tiền. Thiên Chúa mong ta thực hiện những điều đúng đắn và công chính (Am 5:7, 24; 12:2, v.v…). Vì lý do này, lòng thương xót không chống lại sứ điệp công lý. Đúng hơn, trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa kìm hãm cơn thịnh nộ chính đáng của Người; thực vậy, người kìm hãm chính Người. Người làm thế, để cung cấp cho con người cơ hội hoán cải. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho người có tội một thời ơn thánh và mong họ trở về. Xét cho cùng, lòng thương xót chính là ơn trở lại.

Chỉ cần trích dẫn đoạn sau đây để hỗ trợ cho điều trên. Sau khi dân bị trừng phạt đích đáng phải biệt xứ vì tội bất trung của họ, Thiên Chúa, vì lòng thương xót, đã ban cho họ một cơ hội khác.

“Ta bỏ ngươi trong chốc lát, nhưng với lòng cảm thương vô hạn, Ta sẽ gom ngươi lại. Trong cơn thịnh nộ bừng bừng chốc lát, Ta đã dấu mặt Ta khỏi ngươi, nhưng với tình yêu muôn thuở, Ta sẽ cảm thương ngươi…

“Vì núi có thể ra đi và đồi có thể chuyển rời, nhưng tình yêu bền vững của Ta sẽ không đi khỏi ngươi, và giao ước bình an của Ta sẽ không chuyển rời, Chúa Thượng, Đấng cảm thương ngươi, nói thế” (Is 54:7-8, 10) (25).


Lòng thương xót chính là công lý đầy sáng tạo và phong phú của Thiên Chúa. Do đó, nó đứng trên mọi luận lý học tội lệ và trừng phạt kiểu bàn tay sắt, tuy nhiên, nó không mâu thuẫn với công lý. Đúng hơn, nó phục vụ công lý. Như thế, Thiên Chúa không bị trói buộc bởi một lề luật xa lạ cao hơn Người. Người không phải là một quan tòa ra phán quyết dựa theo một lề luật đã được định trước cho Người. Người càng không phải là một viên chức thi hành án lệnh của người khác. Trong quyền tối thượng của Người, Thiên Chúa thiết lập ra điều đúng.

Sự tự do tối thượng nói trên không hề là một tự do tùy tiện. Cũng có thể nói nó không phải là một thứ lưu tâm bột phát, theo bản năng và đầy lo lắng đối với nỗi khốn khổ của dân Người. Đúng hơn, nó nói lên sự trung thành (emet) của Người (26). Lòng khoan nhân (hay thương xót) và lòng trung thành đã được hàm nghĩa ngay trong việc mặc khải thánh danh Thiên Chúa. Trong chữ emet ta thấy gốc aman; gốc này chỉ một điều gì đó giống như “đứng vững” và “nắm được một thế nắm”. Hiểu theo cách này, lòng thương xót của Thiên Chúa tương ứng với lòng trung thành của Người. Giao ước, một điều Người ân ban hoàn toàn do lòng nhân hậu tự tại, là điều đáng tin cậy; nó cung cấp cơ sở vững vàng để ta dựa vào. Lòng thương xót nói lên một nghĩa vụ nội tại, đầy tự do và nhân hậu, mà Thiên Chúa có đối với chính Người và đối với dân mà Người đã chọn. Trong sự tự do tuyệt đối của Người, Thiên Chúa đồng thời là Đấng tuyệt đối đáng tin cậy. Ta có thể tín thác nơi Người; ta có thể trông cậy nơi Người trong mọi tình huống; nơi Người, có sự đáng tin cậy tuyệt đối.

Các chữ emetaman còn được tìm thấy trong công thức khẳng định có tính thánh kinh và phụng vụ tức công thức “Amen”. Trong Tân Ước, aman được dịch là Πιστεύειν, nghĩa là tin. Tin không chỉ đơn giản là chấp nhận một điều gì đó đúng. Mà đúng hơn, trong diễn trình chấp nhận một điều gì đó đúng này, tin có nghĩa cậy nhờ vào Thiên Chúa, dựa vào Người mà xây dựng, gắn bó với Người và tìm được một chỗ vững chắc ở trong Người mà đứng. Đức tin là hành vi đầy tin tưởng phó mình cho lòng trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa. “Không vững tin là bạn không vững chi hết” (Is 7:9). “Tin vào Chúa, Thiên Chúa bạn, là bạn sẽ vững vàng” (2 Sb 20:20). Ta cũng có thể nói: có đức tin nghĩa là thưa “amen” đối với Thiên Chúa và, do đó, tín thác vào ân huệ, lòng trung thành, và lòng thương xót vô bờ của Người. Trong đức tin, con người nhân bản tìm được thế đứng vững chắc. Trong đức tin, họ nhận được ân ban một không gian đáng tin để sống.

6. Thiên Chúa chọn sự sống và người nghèo

Sứ điệp thương xót của Cựu Ước không đơn giản chỉ là sứ điệp thuần thiêng liêng; nó là một sứ điệp về sự sống và, do đó, có một chiều kích cụ thể theo nghĩa thể lý và xã hội hết sức thiết yếu đối với nó. Nhân loại đáng phải chết vì đã phạm tội. Vì thương xót, Thiên Chúa đã ban cho họ sự sống và không gian mới để sống. Thiên Chúa quả không hề là Đấng Thiên Chúa chết, đúng hơn, Người là Đấng Thiên Chúa đang sống, Đấng không hề muốn sự chết mà chỉ muốn sự sống. Người không hề vui trước cái chết của người có tội. Đúng hơn, Người vui mừng khi người có tội ăn năn và tiếp tục sống (Ed 18:23; 33:11). Chúa Giêsu tiếp nhận sứ điệp của Cựu Ước và nói rằng Thiên Chúa không phải là Đấng Thiên Chúa của kẻ chết, mà đúng hơn là Đấng Thiên Chúa của người sống (Mc 12:27; Mt 22:32; Lc 29:38).

Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa là sức mạnh Người nâng đỡ, bảo vệ, thăng tiến, xây đắp và tạo ra sự sống mới. Nó phá đổ luận lý học của con người về công lý, một thứ công lý luôn bao hàm trừng phạt và chết chóc cho người có tội. Lòng thương xót của Thiên Chúa mong muốn sự sống. Trung thành với giao ước từng ký kết với dân Người, Thiên Chúa hay thương xót đã tái lập mối liên hệ từng bị hủy diệt bởi tội lỗi, và Người ân ban các điều kiện sống mới, đáng tin cậy. Lòng thương xót chính là việc Thiên Chúa chọn sự sống. Nó minh xác: Không như Nietzsche từng nghĩ, Thiên Chúa không phải là kẻ thù của sự sống (27). Thiên Chúa quyền năng (Tv 27:1) và là nguồn sự sống (Tv 36:10); Người là bạn của sự sống (Kn 11:26).

Sự lưu tâm lo lắng đặc biệt của Thiên Chúa hướng về người yếu đuối và người nghèo nàn (28). Ký ức về việc Israel lúc còn ở Ai Cập rất nghèo (Xh 22:20; Đnl 10:19; 24:22) và Thiên Chúa dẫn dân Người ra khỏi Ai Cập bằng một bàn tay mạnh mẽ và cứu vớt họ (Xh 6:6; Đnl 5:15) vẫn tiếp tục gây hiệu quả. Ở đất hứa, tình yêu và sự chăm sóc đặc biệt của Thiên Chúa đã được áp dụng vào người nghèo nàn và yếu đuối. Nó đặc biệt hiển nhiên trong giới luật không được áp bức hay khai thác ngoại kiều, góa phụ và cô nhi (Xh 22:20-26); nó cũng hiển nhiên trong việc bảo vệ người nghèo ở tòa án (Xh 23:6-8) và trong việc cấm cho vay nặng lãi (Xh 22:24-26). Trong Sách Lêvi, ta thấy một luật lệ có tính xã hội rõ rệt (Lv 19:11-18; 25). Với Thiên Chúa, phẩm trật xã hội thông thường đã bị đảo ngược. Trong bài ca tạ ơn của Hanna, một bài ca báo trước bài Ngượi Khen (Magnificat) của Đức Maria trong Tân Ước, ta nghe thấy:

“Người đã nâng người nghèo lên khỏi đống bụi; Người đã nâng người thiếu thốn lên khỏi đống tro, và đặt họ ngồi ngang hàng vua chúa và thừa hưởng chỗ ngồi danh dự” (1Sm 2:8).

Ta cần đặc biệt nhắc đến luật Sabát (Xh 20:9tt; 23:12-15), là luật giả thiết cũng phải cung cấp cho nô lệ và ngoại kiều một ngày để lấy lại sức và nghỉ ngơi. Cũng có năm sabát, diễn ra mỗi chu kỳ 7 năm, trong đó, đồng ruộng được cày sới nhưng không gieo mục đích giúp người nghèo; trong năm này, nô lệ được trả tự do (Xh 23:10tt; Đnl 15:1-18). Cũng những điều tương tự như thế diễn ra trong năm hồng phúc (jubilee), trong đo, cứ mỗi 49 năm (7 lần bẩy năm) mọi tài sản được trả về nguyên chủ, đồng ruộng không gieo vãi, vườn nho không được thu hái và mọi người được trả tự do (Lv 25:8tt; 27:14tt). Dù cho điều khoản sau cùng ít khi được tuân giữ, nhưng phía sau nó vẫn hàm chứa ý tưởng liên đới của dân Chúa, những người đất đai được ban cho làm của chung. Sách Đệ Nhị Luật, do đó, đã khai triển quan niệm về một dân tộc, trong đó, sẽ không có người nghèo và người bị hất hủi (Đnl 8:9; 15:4), một dân tộc biết mọi qui định chi tiết liên quan tới quả phụ và cô nhi, ngoại kiều, và nô lệ (Đnl 14:29; 15:1-18; 16:11, 14; 24:10-22) và một dân tộc còn biết nhìn nhận cả nghĩa vụ đóng 10 phần trăm lợi tức (tithe) cho người nghèo. Sứ điệp này khởi đầu với lời tố cáo nghiêm khắc của Tiên Tri Amos chống việc bóc lột, bất công, và áp bức (Am 2:6-8; 4:1, 7-12; 8:4-7) và lời phê phán của ông trước lối sống phè phỡn của giai cấp thượng lưu (6:1-14). Thay thế cho các lễ lạc huyên náo và hy lễ toàn thiêu, ông đòi lấy sự chính trực và công lý làm lễ dâng tôn giáo (5:21-25).

Những lời lẽ tương tự như thế cũng tìm thấy nơi Isaia (1:11-17; 58:5-7), Êdêkien (18:7-9), Hôsê (4:1-3; 6:6; 8:13; 14:4), Mika (6:6-8) và Giacaria (7:9tt). Trong những đoạn văn này, ta cũng thấy nhiều lởi lẽ khích lệ người nghèo, những người tìm thấy nơi Thiên Chúa của Israel, Đấng Thiên Chúa khác với các ngẫu thần (Br 6:35-37), một lỗ tai thiện cảm, nơi trú ẩn, lòng thương xót, sự chính trực, và niềm an ủi (Is 14:32; 25:4; 41:17; 49:13; Gr 22:16).

Trong các vị tiên tri, ta nghe đi nghe lại lời khẩn cầu tha thiết xin được Chúa thương xót (Is 54:7; 57:16-19; 63:7 – 64:11; Gr 31:20 v.v…). Thiên Chúa hứa hẹn với người nghèo chứ không phải người cao ngạo và quyền thế (Is 26:6; 41:17; 49:13). Theo Sách Isaia 3, Đấng Mêxia được phái tới người nghèo và người bé mọn để đem tin mừng đến cho họ (Is 61:1).

Với các tiên tri, ta có thể an tâm nói về việc Thiên Chúa hết sức ưu tiên chọn người nghèo, người vô quyền, và người bé mọn. Người ta gần như bị cám dỗ nói tới một thứ trật tự xã hội mới hoàn toàn không tưởng (utopia). Tuy nhiên, chữ “utopia” (không tưởng) dùng ở đây không đúng chỗ. Vì ta không nói về một dự án của con người mà nói về ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng muốn ban cho nhân loại sự sống, và lời hứa cánh chung của Người.

7. Ca tụng Thiên Chúa trong các Thánh Vịnh

Trong nhiều đoạn, các Thánh Vịnh nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa bằng những vần thơ tuyệt đẹp. Sau đây chỉ là một vài điển hình:

“Mọi nẻo đường của Chúa đều là yêu thương và trung tín bền vững, đối với những người tuân giữ giao ước và các giới răn của Người” (Tv 25:10).

“Lạy Chúa, tình yêu bền vững của Ngài vươn tới các tầng trời, lòng tín trung của Ngài vươn tới các tầng mây” (Tv 36:5).

“Chúa là Đấng thương xót và nhân hậu, chậm giận dữ và chan chứa yêu thương bền vững” (Tv 103:8; 145:8).

“Người cha cảm thương con cái thế nào, Chúa cũng cảm thương những người kính sợ Người như vậy” (Tv 103:13).

Giống như nơi các tiên tri, trong các Thánh Vịnh, những người trên cũng được Thiên Chúa nghe, được Người an ủi và giúp đỡ (Tv 9:10, 19; 10:14, 17; 22:25; 113:4-8, v.v…).

Ngoài lời ca tụng lòng Thương xót của Thiên Chúa, ta còn liên tiếp nghe lời kêu gọi vang vọng sau đây trong các Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, xin Ngài nhân hậu đối với con” (Tv 4:1; 6:2, v.v…). Đặc biệt đáng lưu ý là đoạn đầu Thánh Vịnh nổi tiếng Miserere (Xin xót thương con), một Thánh Vịnh vốn được gán cho Vua Đavít sau khi ông phạm tội ngoại tình với Bethsheba, vợ Tướng Uriah, và Tiên Tri Nathan đã buộc ông phải nhận tội:

“Ôi lạy Chúa, xin xót thương con, theo tình thương bền vững của Chúa; xin tẩy sạch mọi tội nhơ của con theo lòng thương xót hải hà của Chúa” (Tv 51:1).

Cuối cùng, lời khẩn cầu tha thiết nhất đã nhiều lần được thay thế bằng lời tung hô tạ ơn và mừng vui hân hoan:

“Hãy ngợi khen Chúa! Ôi, hãy cảm tạ Chúa, vì Người tốt lành; vì tình yêu bền vững của Người kéo dài thiên thu” (Tv 106:1; 107:1).

Thánh Vịnh 136 nhắc lại lời tung hô mừng vui hân hoan ấy đến 26 lần. Các Thánh Vịnh tạo nên bài ca duy nhất tán tụng lòng thương xót của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan tiếp nhận bài ca tán tụng lòng thương xót này:

“Nhưng Chúa, Thiên Chúa của chúng con, nhân hậu và chân thật, kiên nhẫn và cai trị mọi loài bằng lòng thương xót” (Kn 15:1).

Trong những ngày sau này ở Israel, những người tầm thường (am-haarez) trở nên cùng kiệt và bị giai cấp có ảnh hưởng và có học khinh bỉ. Do đó mà hình thành ra nhóm anawim gồm người nghèo, người thấp cổ bé miệng, người kém thế, người bị áp bức, người hiền lành, khiêm hạ, những người chẳng dám mong chờ chi nơi thế giới và chỉ còn biết đặt trọn hy vọng nơi một mình Thiên Chúa (30).
Cộng đồng Qumran cũng thuộc cùng bối cảnh này. Theo Sách Isaia 3, Đấng Mêxia biết Người được sai đến với những người thấp cổ bé miệng nghèo hèn này để đem tin mừng đến cho họ và để hàn gắn tất cả những ai có tâm hồn tan nát. Người sẽ công bố tự do cho người bị giam cầm, giải thoát các tù nhân, và an ủi những ai tang chế khóc lóc (Is 61:1-3). Ông Simêong và Bà Anna trong Tân Ước cũng thuộc những người tầm thường và đạo hạnh đang mong đợi Đấng Mêxia (Lc 2:25-38). Chúa Giêsu đã tiếp nhận sự chờ đợi này và liên kết sự nên trọn của nó với việc Người xuất hiện. Người biết rằng Người được sai đem tin mừng đến cho người nghèo (Lc 4:16-21).

Để tóm tắt, ta có thể nói rằng: sứ điệp thương xót của Thiên Chúa bàng bạc toàn bộ Cựu Ước. Thiên Chúa không ngừng làm dịu cơn thịnh nộ thánh thiêng hết sức chính đáng của Người và tỏ lòng thương xót với dân lang bang của Người, bất chấp sự bất trung của họ, ngõ hầu ban cho họ một cơ hội nữa để ăn năn và hoán cải. Người là Đấng bảo vệ và duy trì người nghèo và những ai không có quyền lợi. Các Thánh Vịnh, trước hết, cung cấp cho ta đầy đủ chứng cớ thuyết phục nhất chống lại lời quả quyết luôn được nêu ra rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là Đấng Thiên Chúa hờn ghen ưa trả thù và thịnh nộ. Đúng hơn, từ Sách Xuất Hành tới Sách Thánh Vịnh, Thiên Chúa của Cựu Ước là “Đấng nhân hậu và hay thương xót, chậm giận dữ và giầu tình thương bền vững” (Tv 145:8; xem Tv 86:15; 103:8; 116:5).

Kỳ sau: IV. Sứ Điệp của Chúa Giêsu về lòng thương xót của Thiên Chúa
____________________________________________________________________________________________________________
[*] Ghi chú của người dịch: đây là bản dịch Thánh Kinh của Đức được thực hiện giữa các thập niên 1960 và 1980 để dùng trong phụng vụ, và được Katholisches Bibelwerk ấn hành. Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phung Vụ dịch là “Lòng Ta đảo lộn trong Ta”.

(20) Hans Walter Wolff, Dodekapropheten, XIV/1 (Neukirchen-Vluyn: Neukirchener Verlag, 1976), 261.
(21) Proksch và G. Kuhn, “ἃγιος”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament 1:87-112.
(22) Friedrich Nietzsche, Thus Spake Zarathustra, bản dịch của Thomas Common (NY: Carlton House), 96.
(23) J. Fichtner và G. Stahlin, “ὀργἡ” Theologisches Worterbuch zum Neue Testament, 5:395-410, 442-48. Gunther Bornkamm, “Die Offenbarung des Zormes” trong Studien zum Neuen Testament (Munich: Kaiser, 1985) 136, 189; Walter Groẞ, “Zorn-ein biblisches Theologumenon” trong Gott-ratlos vor dem Bosen? Wolgang Beinert hiệu đính (Freiburg i.Br.: Herder, 1999), 47-85.
(24) G. Quell, “δικαιοκρισία”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 2:176-80.
(25) Xem Is 44:26, 28; 49:10-13; Gr 3:12; 12:15; 26:13.
(26) G, Quell, G. Kittel và R. Bultmann, “άλήθεια”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 1:233-51.
(27) Friedrich Nietzsche, The Twilight of the Idols, bản dịch của Antholy M. Ludovici (New York: Macmillan, 1924), 42-43.
(28) F. Hauck, “πέυης”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament 6:37-40; F. Hauck và E, Bammel, “πτωχός” Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament 6:885-902; Norbert Lohfink, Lobgesange der Armen (Stuttgart: Verlag Kathpolisches Bibelwerk, 1990); H.-J. Fabry, “Armut”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 1:1005-8.
(29) Về Đệ Nhị Luật, xin xem Norbert Lohfink, “Das deuteronomistishe Gesetz in der Endgestalt: Entwurf einer Gesellschaft ohne marginale Gruppen”, Biblische Notizen 51 (1990) 25-40.
(30) Hauck và Bammel, πτωχός, 894-902
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Vào Hà Tiên Xưa
Nguyễn Ngọc Liên
18:57 18/05/2016
ĐƯỜNG VÀO HÀ TIÊN XƯA
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Ngó ra Vàm Cậu lù mù,
Đông Hồ, Thị Vạn, Tô Châu, Rạch Dừa,
Ngó ra hòn Họ lưa thưa,
Hòn Chong, Phụ Tử trên bờ Tà Săng.
(Ca dao).
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 12– 18/05/2016: Câu Chuyện Cánh Diều
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:01 18/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng trong Giáo Hội lại có những ‘người thích nói xấu sau lưng’. Họ gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn bằng lời nói, bằng đầu môi chót lưỡi của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 12 tháng 05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Sự hiệp nhất là một trong những điều khó thực hiện nhất

Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người tin được trở nên một. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn các Kitô hữu để họ được trở nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên bài đọc Tin Mừng. Ngài nói:

“Sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các gia đình Kitô hữu là những bằng chứng, chứng thực rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến. Nhưng có lẽ sự hiệp nhất trong một cộng đoàn Kitô hữu, một xứ đạo, một giáo phận, một gia đình Kitô hữu là một trong những điều khó thực hiện. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo Hội, khiến chúng ta nhiều lần phải cảm thấy xấu hổ, vì chúng ta đã gây ra nhiều cuộc chiến với những anh em Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về một trong số đó: Chiến tranh Ba mươi Năm giữa Công Giáo và Tin lành.

Xin tha thứ vì những chia rẽ

Ở đâu những Kitô hữu gây ra chiến tranh, xung đột thì ở đấy không có chứng tá. Chúng ta hãy tha thiết nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì những sự kiện đáng buồn này trong lịch sử. Một lịch sử đã bị ghi dấu nhiều lần bởi các cuộc chia rẽ. Những chia rẽ không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ngày hôm nay nữa. Thế gian nhìn chúng ta chia rẽ và nói rằng: ‘Chúng ta hãy thử xem họ có hợp nhất, yêu thương với nhau được không. Nếu Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và đang sống, tại sao các môn đệ lại không hòa hợp được với nhau?’ Có khi, một tín hữu Công Giáo hỏi một tín hữu Đông phương rằng: ‘Đức Kitô của tôi phục trong ngày thứ ba. Còn Đức Kitô của bạn phục sinh lúc nào?’ Ngay cả phục sinh, chúng ta cũng không hợp nhất. Và khi thế gian nhìn thấy điều đó, họ không tin.

Những người gieo tiếng xấu phá hoại và gây chia rẽ

Chính vì sự ghen ghét, đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đã đi vào thế gian. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh. Thay vì phải cực nhọc đi tìm sự thật, sẽ dễ dàng hơn nếu nói sau lưng người khác và hủy hoại danh dự của họ. Có một giai thoại khá nổi tiếng về Thánh Philip Neri như thế này: Khi có một phụ nữ đến xưng tội đã nói xấu người khác, thánh nhân ra việc đền tội cho bà là hãy nhổ hết lông của một con gà, rồi sau đó đi rải lông mới nhổ xung quanh nhà hàng xóm. Khi rải xong rồi, thánh nhân lại yêu cầu bà hãy đi gom tất những lông ấy lại. Khi nghe thánh nhân ra việc đền tội như thế, bà thốt lên: ‘Điều đó là không thể. Làm sao mà nhặt lại hết được.’ Thánh Philip mới từ tốn trả lời: ‘Buôn chuyện nói xấu người khác cũng như vậy con ạ. Khi nói rồi thì không thu lại được nữa.’

Quả thế, nói xấu sau lưng người khác cũng giống như vậy. Nó làm cho người khác ra xấu xa. Ai nói sau lưng sẽ làm cho mọi sự trở nên xấu xa, nhơ bẩn. Đó là kẻ phá hoại. Họ hủy hoại danh dự người khác, hủy hoại cuộc sống người khác mà chẳng có lý do, thậm chí còn trái với sự thật. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng như cho cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta rằng: ‘Xin cho tất cả được trở nên một’. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng; vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi đẩy chúng ta đến sự chia rẽ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, ban cho chúng ta món quà của sự hiệp nhất. Và món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí để chúng ta có được sự hòa hợp, vì Ngài chính là sự hòa hợp và là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta.

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an, bình an của sự hợp nhất. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho ơn hiệp nhất của tất cả Kitô hữu. Đó là một ơn lớn. Đồng thời, chúng ta cũng xin những ơn nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có thể làm chủ được miệng lưỡi của mình.”

2. Các nhà truyền giáo dâng hiến đời mình vì Đức Kitô

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng những nhà truyền giáo ngoan ngoãn vâng nghe lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn họ đến chỗ bị thiêu đốt bởi một lòng khát khao bùng cháy muốn dâng hiến đời mình cho việc rao giảng Phúc Âm, dẫu có phải đến những nơi xa xôi cách trở. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 10 tháng 05, tại nguyện đường thánh Marta.

Những chia sẻ của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài đọc một, thuật lại việc Thánh Phaolô giã từ cộng đoàn tín hữu ở Mi-lê-tô và được Thánh Thần thúc đẩy đi đến Giê-ru-sa-lem. Đức Thánh Cha đã mô tả tiếng gọi của Chúa Thánh Thần như là một sự thôi thúc không sao cưỡng lại được để dâng hiến đời mình phục vụ Đức Kitô, và thậm chí dám hủy mình đi, làm cho mình hóa ra hư không vì danh Đức Kitô. Thánh Phaolô đã mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết này và các Tông đồ khác cũng thế. Ngọn lửa ấy cũng mãi sống động trong trái tim của rất nhiều người trẻ hôm nay. Họ dám từ bỏ gia đình, quê hương, đất nước để lên đường đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh loan báo về Đức Giêsu.

Được thúc đẩy bởi Thần Khí

“Đề cập đến bài đọc ngày hôm nay, Đức Thánh Cha nói rằng đó là một trình thuật đầy đánh động. Thánh Phaolô biết ngài sẽ không còn gặp lại cộng đoàn Mi-lê-tô nữa. Ngài cũng nói với những người đang lắng nghe rằng Chúa Thánh Thần thúc đẩy ngài về Giê-ru-sa-lem. Thánh Phaolô ý thức quyền năng tối thượng của Thánh Thần trên cuộc đời ngài, luôn thúc đẩy ngài rao giảng Tin Mừng cho dù có gặp phải những khó khăn, thách đố. Tôi tin rằng trình thuật trong bài đọc hôm nay cũng gợi hứng cho đời sống truyền giáo của mỗi người chúng ta qua mọi thế hệ.

Các nhà truyền giáo tiến lên phía trước do Thánh Thần thúc đẩy. Đó là một lời mời gọi. Khi chúng ta đến nghĩa trang, chúng ta thấy những nấm mộ của các vị ấy. Rất nhiều người trong số họ đã chết trước khi bước qua tuổi 40. Lý do là vì họ ngã nước và không thể vượt qua những bệnh tật xảy ra ở những nơi họ đến truyền giáo. Họ đã dâng hiến chính tuổi thanh xuân của mình. Họ đã dâng lên Thiên Chúa lễ toàn thiêu là chính cuộc đời của họ. Tôi nghĩ đến những giây phút cuối cùng của họ trên trần thế này – dù phải xa cách quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn; phải xa cách gia đình và những người thân yêu – nhưng họ vẫn thốt lên: ‘Việc tôi làm thật đáng!’

Các nhà truyền giáo – vinh quang của Giáo Hội

Những nhà truyền giáo sẵn sàng cất bước lên đường mà không hề biết điều gì đang chờ đợi họ phía trước. Chúng ta có hai gương mẫu sáng ngời là Thánh Phaolô và Thánh Phanxicô Xavier. Thánh Phaolô, trong khi từ biệt cộng đoàn Mi-lê-tô, đã nói rằng: ‘Tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.’ Các nhà truyền giáo biết cuộc sống của họ sẽ không dễ dàng nhưng họ vẫn tiến lên phía trước.

Những nhà truyền giáo trong thời đại của chúng ta. Họ là những anh hùng trong việc rao giảng Tin Mừng. Rất nhiều người Âu Châu đã đến các châu lục khác để truyền giáo. Họ đã ra đi và không quay về nhà nữa. Tôi nghĩ thật là chính đáng khi chúng ta biết cảm tạ Chúa vì những chứng tá của họ. Thật là chính đáng khi chúng ta biết vui mừng vì có những nhà truyền giáo là những chứng nhân đích thực. Tôi tự hỏi rằng những giây phút cuối cùng còn được ở trên thế gian của những nhà truyền giáo này như thế nào? Họ đã nói những lời từ biệt ra sao? Thánh Phanxicô Xavie nói: ‘Tôi phải để lại tất cả nhưng điều đó thật đáng!’ Các nhà truyền giáo đã chết đi, có nhiều người trong số họ chẳng được ai nhắc đến tên. Họ là những vị tử đạo đã dâng hiến đời mình vì Tin Mừng. Các nhà truyền giáo là vinh quang của chúng ta! Vinh quang của Giáo Hội chúng ta!”

Những người trẻ dâng hiến đời mình cho những gì cao quý hơn

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói đến một đặc tính quan trọng của nhà truyền giáo. Đó là biết ngoan ngoãn vâng nghe Thánh Thần. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện để ngày hôm nay có nhiều bạn trẻ được lời mời gọi của Chúa Thánh Thần thúc đẩy dâng hiến đời mình cho những gì cao quý hơn.

“Tôi muốn ngỏ lời với các bạn trẻ, nam cũng như nữ, đang cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hôm nay. Tôi đã nghe nhiều bạn nói rằng: ‘Tôi không hạnh phúc với chủ nghĩa tiêu dùng và nền văn hóa tự tôn trong thế giới hôm nay…’ Nếu bạn đang cảm thấy như thế, tôi mời gọi các bạn hãy nhìn về phía chân trời! Ở đó, có những nhà truyền giáo.

Chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy để các bạn trẻ dám bước đi, dám dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa. Truyền giáo là một cuộc sống đầy khó khăn nhưng cũng là một cuộc sống thật đáng giá. Chúng ta cần phải sống trong một cách thức đúng đắn, biết dâng hiến để phục vụ, để rao giảng Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng sẽ mang lại cho chúng ta niềm hoan hỷ không gì có thể so sánh được.”

3. Câu Chuyện Cánh Diều

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:

Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.

Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: “Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi”. Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa tước nguyện như sau: “Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng”.

Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: “Ít ra mình cũng làm cho người vui”.

Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.

Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.

Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.

Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng”. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.

Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người.

Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.

4. Thánh Thần giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu ‘đích thực’ chứ không phải chỉ trên ‘lý thuyết’

Chúa Thánh Thần thúc đẩy trong lòng Giáo Hội, nhưng đáng tiếc là có nhiều Kitô hữu ngày hôm nay không nhận biết Ngài hay thậm chí xem Ngài là một ‘tù nhân cấp cao’. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 09 tháng 05, tại nguyện đường thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu ‘đích thực’ chứ không phải những Kitô hữu ‘lý thuyết’. Từ đó, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các tín hữu hãy để cho Thần Khí thúc đẩy và hướng dẫn ngõ ngầu có thể bước đi trên con đường tự do, hạnh phúc. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cũng nhắc tới cách đặc biệt các nữ tu Dòng Thánh Vinh sơn đang làm việc tại Nhà trọ Thánh Marta, nhân dịp hôm nay mừng kính thánh nữ Luisa di Marillac, Đấng sáng lập Dòng.

‘Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.’ Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình từ cuộc đối thoại giữa nhưng môn đệ đầu tiên tại Ê-phê-xô và Thánh Phaolô về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống các Kitô hữu. Ngay cả ngày hôm nay cũng có phần giống như với các môn đệ xưa kia, có những người tin vào Đức Giêsu nhưng lại không biết Chúa Thánh Thần là Đấng nào.

Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội và giúp chúng ta làm chứng về Đức Giêsu

“Có nhiều người nói mình đã được học giáo lý và biết rằng Chúa Thánh Thần là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và chỉ như thế thôi. Họ không biết thêm gì về Ngài nữa. Thậm chí họ còn hỏi: Chúa Thánh Thần để làm gì vậy? Xin thưa: Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy Giáo Hội, là Đấng luôn làm việc trong Giáo Hội và trong tâm hồn của chúng ta. Ngài là Đấng làm cho các Kitô hữu tuy rất khác biệt nhau nhưng lại hiệp nhất với nhau trong đoàn kết, yêu thương. Ngài là Đấng thúc đẩy anh chị em tiến về phía trước, dám mở toang cánh cửa và sai anh chị em lên đường làm chứng cho Đức Giêsu.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Chúng ta đã nghe đọc lúc đầu thánh lễ rằng: ‘Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần và hãy làm chứng cho Thầy khắp cùng trái đất.’ Thánh Thần cũng là Đấng thúc đẩy chúng ta ngợi khen Thiên Chúa và cầu nguyện với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Đấng luôn ở bên trong chúng ta, dạy chúng ta biết chiêm ngắm Chúa Cha và thân thưa: Cha ơi’. Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi tình cảnh mồ côi mà tinh thần thế gian muốn áp đặt lên chúng ta.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong Giáo Hội và luôn làm việc trong Giáo Hội. Điều nguy hiểm là khi chúng ta không sống sống sứ mạng của Thánh Thần, khi chúng ta giảm thiểu đức tin xuống thành đạo đức hay một vấn đề luân lý: điều này được làm, điều kia không được làm. Được làm tới đây thôi; còn tới kia thì không được làm. Đó là một sự lệ thuộc vào luật và là một thứ đạo đức luân lý lạnh lùng.

Đừng xem Chúa Thánh Thần là một ‘tù nhân cao cấp’

Đời sống Kitô không phải là một hình thức đạo đức nhưng là một cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Giêsu Kitô. Và chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta bước vào cuộc gặp gỡ này.

Nhưng rất nhiều lần, trong đời sống của mình, chúng ta giam giữ Chúa Thánh Thần giống như một ‘tù nhân cao cấp’. Chúng ta không để cho Ngài thúc đẩy, đánh động chúng ta. Chúa Thánh Thần làm tất cả, biết tất cả và nhắc nhở cho chúng ta tất cả những gì Đức Giêsu đã nói, Ngài giải thích cho ta tất cả những gì Đức Giêsu đã làm. Tuy nhiên, có duy nhất một điều mà Chúa Thánh Thần không làm được. Ngài không biết làm cho chúng ta trở thành những Kitô hữu lý thuyết, chỉ biết nói suông chứ không có đạo đức thật. Nhưng trái lại, Ngài giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu đích thực, mang chúng ta vào đời sống thực tế với những lời ngôn sứ trong việc đọc những dấu chỉ thời đại và không ngừng thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước. Có những lúc, chúng ta đã biến Ngài thành một người tù trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta chỉ biết thốt lên rằng: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và có thế mà thôi.

Hãy phản tỉnh về những điều mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong cuộc sống của chúng ta

Trong tuần này, thật là thích hợp để mỗi người chúng ta phản tỉnh lại những điều mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong cuộc đời chúng ta, và hãy nài xin với Thánh Thần dẫn chúng ta bước đi trên con đường tự do. Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn tôi, thôi thúc tôi hãy bước ra ngoài. Tôi có sợ hãi không? Lòng can đảm mà Thánh Thần đã ban cho tôi, để tôi bước ra khỏi chính mình, ngõ hầu tôi có thể làm chứng cho Đức Giêsu như thế nào? Lòng kiên nhẫn của tôi trong những khó khăn thử thách ra sao?

Những ngày trong tuần này, chúng ta cũng đang chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Chúng ta có thực sự tin không; hay nói cách khác, đối với chúng ta, Chúa Thánh Thần là ai? Chúng ta hãy tập cố gắng để biết thân thưa, trò chuyện với Thánh Thần: ‘Con biết rằng Chúa đang ngự trong tâm hồn còn, Chúa đang ngự trong lòng Giáo Hội, Chúa thúc đẩy Giáo Hội phát triển, Chúa làm cho chúng con hợp nhất với nhau mặc dù chúng con rất khác biệt nhau.’ Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như thế và xin Ngài ơn biết học hỏi đồng thời biết đem ra thực hành trong đời sống những gì Ngài đã dạy. Hãy xin ơn được trở nên ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Ngài. Trong tuần này, chúng ta hãy nghĩ nhiều về Chúa Thánh Thần và tâm sự với Ngài.”

5. Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan với Thiên Chúa là Cha

“Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Sứ mệnh của Chúa Giêsu đạt tột đỉnh với ơn Chúa Thánh Thần đã có mục đích nòng cốt này: đó là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, đã bị tội lỗi làm hư hại; kéo chúng ta ra khỏi điều kiện mồ côi và tái lập điều kiện là con cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm Chúa Nhật 15 tháng 05.

Ngài giải thích như sau:

Khi viết cho kitô hữu giáo đoàn Roma thánh tông đồ Phaolô nói: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “ (Rm 8,14-15). Đó là tương quan được nối lại: chức làm cha của Thiên Chúa được kích hoạt lại trong chúng ta nhờ hoạt đông cứu độ của Chúa Kitô và nhờ ơn Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa Cha ban cho dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Toàn công trình cứu chuộc là một công trình tái sinh, trong đó chức làm cha của Thiên Chúa, qua ơn của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi cảnh mồ côi chúng ta đã bị rơi vào. Cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa cũng gặp thấy nhiều dấu chỉ của điều kiện mồ côi này của chúng ta: sự cô đơn nội tâm mà chúng ta cũng cảm thấy giữa đám đông và đôi khi có thể trở thành sự buồn sầu hiện sinh; yêu sách tự lập khỏi Thiên Chúa, đi kèm một nhớ nhung nào đó về sự gần gũi cuả Ngài; sự mù chữ tinh thần phổ biến khiến cho chúng ta không có khả năng cầu nguyện; cái khó khăn trong việc cảm nhận sự sống vĩnh cửu đích thật như sự hiệp thông tràn đầy đâm chồi và nẩy lộc vượt quá cái chết; sự mệt nhọc trong việc thừa nhận ngườì khác như anh em, trong tư cách là con của cùng một Cha; và nhiều dấu chỉ tương tự khác nữa.

Đối nghịch với tất cả các thứ đó là điều kiện là con, là ơn gọi nguyên thuỷ của chúng ta, là điều vì đó chúng ta đã được tạo dựng nên, là yếu tố di truyền sâu đậm nhất cuả chúng ta, nhưng nó đã bị hư hoại, và để tái lập nó đã cần phải có hy tế của Con Một Thiên Chúa. Từ ơn tình yêu vô biên là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đã nảy sinh ra cho toàn nhân loại như là một thác ơn thánh vô biên, việc đổ tràn đầy Thánh Thần. Ai dìm mình với đức tin trong mầu nhiệm tái sinh ấy thì được sinh lại vào cuộc sống tràn đầy là con cái Thiên Chúa.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Thầy sẽ không để các con mồ côi”. Hôm nay, lễ Ngũ Tuần, các lời này của Chúa Giêsu cũng khiến cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện hiền mẫu của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly. Mẹ Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn các môn đệ tụ họp cầu nguyện: Mẹ là ký ức sống động của Con và là lờì khẩn nài sống động của Thánh Thần. Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Một cách đặc biệt chúng ta hãy phó thác cho lời bầu cử cuả Mẹ tất cả các kitô hữu, các gia đình và các cộng đoàn trong lúc này đây đang cần đến sức mạnh của Thần Khí Ủi An, Bảo Vệ. Thần Khí của sự thật, tự do và hoà bình.

Thần Khí, như thánh Phaolô khẳng định một lần nữa, khiến cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô: “Nếu ai không có Thần Khí của Chúa Kitô thì không thuộc về Ngài” (Rm 8,9). Và khi củng cố tương quan tuỳ thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta, Thần Khí làm cho chúng ta bước vào một năng động huynh đệ mới. Qua Người Anh đại đồng là Chúa Giêsu, chúng ta có thể tương quan với các người khác một cách mới mẻ, không phải như những kẻ mồ côi nữa, nhưng như là con cái của cùng một Cha nhân lành và thương xót. Và điều này thay đổi mọi sư! Chúng ta có thể nhìn nhau như anh em và các khác biệt của chúng ta chỉ gia tăng niềm vui và sự tuyệt diệu thuộc về một chức làm cha và tình huynh đệ duy nhất.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12 – 18/05/2016: Khi bác sĩ trở thành hung thần của bệnh nhân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:03 18/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Người dân Bỉ kêu gọi Canada đừng thông qua luật “làm cho chết êm dịu”.

Ngày 6 tháng 6 năm 2016, Quốc hội Canada sẽ xem xét Bill C-14, một đạo luật gây tranh cãi, mà nếu được thông qua, luật “làm cho chết êm dịu” sẽ được hợp pháp hóa tại quốc gia này.

Một số công dân Bỉ, quốc gia mà luật “làm cho chết êm dịu” đã được hợp pháp hóa từ năm 2002, đã gửi một thông điệp cho Canada: “đừng làm điều đó”. Trong một số video clip, các bác sĩ, luật sư, và thành viên của các gia đình của những người bị “làm cho chết êm dịu” đã chỉ rõ rằng hợp pháp hóa “cái chết êm dịu” đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và làm tổn hại các mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Hendrik Reitsema có người ông đã bị “làm cho chết êm dịu” ở Bỉ nói: “Chúng ta đã có một cuộc phản đối chống lại các thầy thuốc giết người cách đây từ 2000 năm bởi vì lời thề Hippocrates, và bây giờ chúng ta đi đến một thời khắc trong lịch sử khi các thầy thuốc trở thành mối đe dọa đối với bịnh nhân.”

Luật “làm cho chết êm dịu” mà Quốc hội Canada đang xem xét, khác với “trợ giúp tự sát”. “Trợ giúp tự sát” là khi một bác sĩ, hay một thành viên trong gia đình của bệnh nhân có thể giúp đỡ bịnh nhân nhưng chính bịnh nhân phải hành động để kết thúc cuộc sống của mình. Còn “làm cho chết êm dịu” là hành động chích thuốc độc một bịnh nhân, được thực hiện cách chủ ý bởi một người khác với ý định kết thúc cuộc sống của bịnh nhân để giảm bớt sự đau khổ cho bịnh nhân.

Những người ủng hộ luật “làm cho chết êm dịu” thường cho rằng các biện pháp bảo vệ có thể che chở những người dễ bị tổn thương khỏi sự lạm dụng của các luật này. Tuy vậy, các bác sĩ và luật sư Bỉ trong một video clip đã phản đối rằng: sự bảo vệ chỉ là ảo tưởng.

Theo bác sĩ Benoit Beuselinck, một bác sĩ chuyên về ung thư, sự bảo vệ rõ ràng nhất là các bác sĩ không thể giết một bịnh nhân. Một khi bạn chấp nhận rằng một bác sĩ có thể giết bịnh nhân, ngay cả trong giai đoạn cuối, thì cũng khó mà đặt một vạch đỏ và nói bạn không thể vượt qua nó. Ông cho biết các bác sĩ ung thư thường phân vân khi cho các bịnh nhân biết những tiên đoán vì mỗi bịnh nhân phản ứng khác nhau với các loại bịnh và điều trị, và tiên đoán thường sai. Theo luật của Bỉ, bất cứ một người trưởng thành nào đang bị bịnh ở giai đoạn cuối có thể yêu cầu được “chết êm dịu”. Nhưng những chẩn đoán bịnh ở giai đoạn cuối có thể bị sai vì nhiều bịnh nhân vẫn sống lâu sau những chẩn đoán. Như thế nào là bịnh giai đọan cuối? Làm sao bạn có thể phán xét một bịnh nhân sẽ sống 3 ngày, 3 tuần hay 3 tháng? Ông nói là các bác sĩ có thể giúp bịnh nhân vào giờ chết của họ mà không cần giết họ.

Trong một video khác, bác sĩ Beuselinck chia sẻ rằng ông cũng đã thấy luật pháp không được kiểm soát với con số 30-40% trường hợp “chết êm dịu” không được báo cáo. Ông nói: “Ở Bỉ, các bịnh nhân bị “làm cho chết êm dịu” ngay những chẩn đoán đầu tiên của bịnh Alzheimer hay bệnh ung thư ác tính.

Theo nhà hoạt động chống luật trợ tử Lionel Roosemont, một khi “làm cho chết êm dịu” đã được ghi vào luật thì chẳng mấy chốc nó sẽ không còn là một chọn lựa tự do nữa vì các bịnh nhân thường cảm thấy mình buộc phải yêu cầu phương thức này để tránh trở thành gánh nặng cho gia đình và bè bạn. Ông nói thêm: “Trước khi “chết êm dịu” trở thành một chọn lựa hợp pháp, chăm sóc cho một người cần sự chăm sóc chỉ là một điều nhân bản cần làm, nhưng một khi họ có cơ hội chọn lựa kết thúc cuộc sống, việc không chọn lựa kết thúc cuộc sống trở thành chọn lựa trở thành gánh nặng cho những người thân. Nó không công bằng.”

Còn Etienne Montero, một luật gia và khoa trưởng của khoa luật của đại học Namur nhận định rằng luật “làm cho chết êm dịu” cũng nguy hiểm vì những từ ngữ không rõ ràng của nó. Ông nói: “Theo luật, người bệnh phải đang mắc phải một căn bệnh nặng hoặc không thể chữa khỏi dẫn đến đau khổ về thể chất hoặc tâm thần, nhưng rõ ràng nên đặt câu hỏi cách nhanh chóng là tại sao một người đang mắc phải một căn bệnh tâm thần sẽ không thể được sử dụng cái chết êm dịu. Ðây là những gì chúng ta thấy ngày ngày nay; chúng ta thấy rằng luật “làm cho chết êm” dịu áp dụng trong những tình huống đau khổ tâm thần mà không nhất thiết phải nghiêm trọng hoặc không thể chữa khỏi được.

Vào năm 2015, Laura, 24 tuổi, theo luật của Bỉ cô “được quyền chết” vì cô bị căn bệnh muốn tự tử. Nhưng khi đến hẹn để chích thuốc độc cô đã thay đổi quyết định.

Nước Bỉ cũng đã thấy luật vượt khỏi giới hạn ban đầu của nó. Trong khi luật ban đầu chỉ cho phép áp dụng với các người từ 18 trở lên, nhưng bây giờ cả trẻ em bất cứ tuổi nào cũng có thể yêu cầu “cái chết êm dịu” nếu được các bác sĩ, các nhà tâm lý và cha mẹ chúng đồng ý.

Marnix Coelmont, một giáo viên và luật sư nói rằng lời khuyên của ông cho Canada là nếu họ sẽ chuẩn nhận luật “làm cho chết êm dịu”, họ cũng cần đầu tư thêm tiền cho các chăm sóc giảm đau và cuối đời để các bịnh nhân không phải chọn “cái chết êm dịu”.

2. Số bịnh nhân tâm thần chết êm dịu tăng 4 lần trong vòng 4 năm ở Hà Lan.

Số liệu thống kê mới cho biết số người bịnh tâm thần chết êm dịu tăng gấp 4 lần trong vòng 4 năm tại Hà lan. Số liệu thống kê chính thức hàng năm ghi nhận 56 trường hợp chích thuốc độc để chết êm dịu vì họ đã chịu những đau khổ không thể chịu đựng từ những vấn đề tâm thần.

Số liệu ghi nhận được trong năm 2011 chỉ có 13 trường hợp. Như thế các trường hợp “an tử” của bịnh nhân tâm thần đã tăng 330% trong vòng 4 năm. Thống kê cũng cho thấy số bịnh nhân bị mất trí nhớ “bị giết” theo cách “an tử” cũng gia tăng 35% trong vòng một năm, cụ thể là từ 81 trong năm 2014 lên 109 năm 2015.

Trong khi tổng số trường hợp “an tử” ở Hà lan chỉ tăng 4%, từ 5,306 đến 5,561 trường hợp, nhưng nó tăng 50% trong vòng 5 năm cuối. Số người chết êm dịu chiếm 3.78% trong tổng số 147,000 người chết hàng năm ở Hà lan, nghĩ là khoảng 1/27 người.

Luật pháp chỉ cho phép sử dụng “an tử” trong những trường hợp đau đớn không chịu nổi, phần lớn liên quan đến những người bị ung thư không thể chữa lành. Chính quyền Hà lan chỉ ghi nhân 4 trường hợp không hợp luật và các trường hợp này sẽ được điều tra thêm.

Tuy nhiên các nhà vận động chống an tử ở Anh băn khoăn đặc biệt bởi con số tăng vọt của những người bị mất trí nhớ hoặc bệnh tâm thần trong các trường hợp này. Nikki Kenward thuộc nhóm quyền cho người khuyết tật Voices Distant cho rằng người Hà Lan đã không quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nặng nề khi đè nghị “an tử” như một giải pháp cho các vấn đề của họ. Bà nói: “Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, điều chúng ta thấy ở đây là não trạng thay đổi, nhìn nhận việc này là hợp pháp hay thậm chí còn hoan nghênh nó... Nếu đây là điều tốt nhất mà khoa tâm thần có thể cung cấp khi đối mặt với những nhu cầu phức tạp và sâu sắc thì tất cả chúng ta nên thận trọng khi tin tưởng vào ngành này, vì sự thiếu thành công trong điều trị rõ ràng làm cho các bịnh nhân tệ hơn”.

Một nghiên cứu cho biết là một phần lớn các bệnh nhân “bị giết” an tử bởi vì những vấn đề sức khỏe tâm thần đã phàn nàn về sự cô lập với xã hội. Các nhà nghiên cứu ở Hoa kỳ khám phá ra rằng sự cô đơn là một lý do đàng sau các chọ lựa “an tử”, yêu cầu xét lại 37 trong 66 trường hợp, nghĩa là 56% tổng số vụ “an tử”. Nghiên cứu bởi Viện sức khỏe quốc gia đã trưng dẫn trường hợp một phụ nữ trong tình trạng sức khỏe tâm thể lý tôt, “bị giết bởi chích thuốc độc” vì bà cảm thấy cô đơn lẻ loi sau cái chết của chồng bà một năm trước, và tuyên bố là Hà lan, trong thực tế, đang thực hiện một chính sách an tử theo yêu cầu.

Có khả năng là các trường hợp an tử liên quan đến các trường hợp mất trí sẽ tiếp tục gia tăng, bởi vì đầu năm 2016 những quy định được nới lỏng để cho các bác sĩ quyền tự do hơn để “giết” các bịnh nhân mà tình trạng bịnh ngày càng nặng hơn. Hướng dẫn của chính phủ bào đảm các bác sĩ có thể chích thuốc độc cách hợp pháp cho các bịnh nhân không còn có thể bày tỏ ước muốn được sống hay chết nữa. Tuy thế, các bịnh nhân phải ký trước một đơn yêu cầu “an tử” khi mà họ còn khả năng lý trí. Hướng dẫn trước đó nhấn mạnh là một người chỉ được chết an tử khi họ có thể bày tỏ đầy đủ sự đồng ý. Hiện tại, chính quyền Hà lan đang xem xét sẽ theo gương của Bỉ hay không và mở rộng “an tử” cho cả các trẻ em.

3. Đức Thánh Cha tiếp 870 nữ Bề Trên Tổng Quyền

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẵn sàng lập một ủy ban nghiên cứu về vai tro của các nữ phó tế trong Giáo Hội sơ khai.

Đây là đề tài được dư luận báo chí chú ý nhiều nhất trong buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho gần 900 nữ Bề trên Tổng quyền sáng ngày 12-5-2013 tại đại thính đường Phaolô 6. Trong buổi tiếp kiến một số tham dự viên đã đưa ra những câu hỏi và Đức Thánh Cha ứng khẩu trả lời.

Một nữ tu Bề trên hỏi Đức Thánh Cha về việc các nữ tu đã giữ vai chính trong các công tác phục vụ ngừơi nghèo và bệnh nhân, dạy giáo lý và nhiều thừa tác vụ khác trong Giáo Hội, tại sao không thiết lập một ủy ban chính thức để nghiên cứu vấn đề phụ nữ làm phó tế vĩnh viễn như trong Giáo Hội sơ khai?

Đức Thánh Cha nhận định rằng vai trò xưa kia của các nữ phó tế cho đến nay vẫn không rõ ràng lắm. Công đồng chung Calcedonia (451) cũng nói nhưng hơi tối. Đâu là vai trò của các nữ phó tế thời đó? Một nhà thần học uyên bác (đã chết rồi) nói với tôi rằng dường như vai trò của họ là để giúp các phụ nữ khi chịu phép rửa tội, dìm mình trong nước, rồi xức dầu trên thân thể các nữ tân dự tòng. Và cũng có một điều ngộ: khi có một vụ xử hôn phối vì người chồng đánh vợ, bà này đến khiếu nại với Đức Giám Mục, các nữ phó tế được giao phó nhiệm vụ xem xét trên thân thể người vợ ấy có những vết bầm vì chồng đánh hay không và trình lại cho Đức Giám Mục. Đó là điều tôi nhớ được... Tôi nghĩ là sẽ hỏi Bộ giáo lý đức tin thông báo cho tôi xe những nghiên cứu về vấn đề này, vì bây giờ tôi trả lời các chị theo những điều tôi đã nghe từ vị linh mục ấy, một nhà nghiên cứu uyên thâm và vững chắc về chức phó tế vĩnh viện. Về việc lập một ủy ban chính thức để nghiên cứu vấn đề, tôi đồng ý. Tôi nghĩ điều tốt là Giáo Hội làm sáng tỏ vấn đề này..

Về sự hiện diện của phụ nữ trong các tiến trình quyết định của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đồng ý về việc gia tăng trách nhiệm của nữ giới ở các cấp độ khác nhau trong những trường hợp không đòi phải có quyền tài phán liên quan đến thánh chức. Lý do vì cái nhìn của phụ nữ có thể góp phần phong phú hóa giai đoạn chuẩn bị quyết định cũng như giai đoạn thi hành.

Về việc nữ giới giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắc lại kỷ luật hiện nay của Giáo Hội là cần phân biệt: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, trong giải đoạn này việc giảng liên quan đến sự chủ tọa thánh lễ là của tư tế. Trong phần đầu, phụ nữ có thể giảng dạy.

Đức Thánh Cha không quên mời gọi các nữ tu hãy dành chỗ đúng đắn cho việc nghỉ ngơi và đừng lơ là với việc hỏi ý kiến của các nữ tu cao niên, hoặc lãng quên các nữ tu già yếu bệnh tật trong tu việc. Các chị ấy chính là ký ức của Hội dòng, với kinh nghiệm và sự khôn ngoan của các chị.

Một số câu hỏi liên quan đến việc cải tổ trong nhiều dòng tu và có thể có những khó khăn về giáo luật. Đức Giáo Hoàng cho biết ngài có khuynh hướng về việc có thể thay đổi một số điều nhỏ trong luật của Giáo Hội, miễn là đây là kết quả của một sự phân định sâu sắc của các giới chức có thẩm quyền.

Chiều ngày 13-5-2016, 870 nữ Bề trên Tổng quyền các dòng trên thế giới đã kết thúc Đại hội lần thứ 20, sau 5 ngày tiến hành tại khách sạn Ergiffe ở Roma, với chủ đề “Kết dệt tình liên đới hoàn cầu để phục vụ sự sống”.

Đại Hội này do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ tổ chức lần thứ 20. Đặc biệt lần này có 6 Bề trên Tổng Quyền của các dòng từ Việt Nam tham dự, đó là dòng Đa Minh Tam Hiệp, Đa Minh Phú Cường, Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Dòng MTG Phan Thiết, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Viên và dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế. Cũng có một Bề trên Tổng quyền người Việt của một dòng Quốc Tế là dòng Chúa Quan Phòng Portieux và một chị tổng cố vấn dòng Đức Bà Truyền giáo.

Cũng nên nói thêm rằng năm 2002, Ủy ban thần học quốc tế đã công bố kết quả nghiên cứu và đi đến xác quyết các nữ phó tế trong Giáo Hội sơ khai không co vai trò phụng vụ như các nam phó tế.

4. Cha Lombardi làm sáng tỏ bài phát biểu của Đức Thánh Cha về Nữ Phó tế

Trong buổi triều yết hôm 12 tháng 5, kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ về sứ mệnh và mục vụ của nữ giới trong đời sống tôn giáo, Đức Thánh Cha trả lời một số câu hỏi tế nhị, trong đó có vấn đề những gì ngăn cản Giáo Hội từ bao năm qua không có nữ phó tế vĩnh viễn, giống như trong thời gian sơ khai của Giáo Hội! Trong câu trả lời của mình, Đức Thánh Cha nói sự hiểu biết về vai trò nữ phó tế trong Giáo Hội vẫn chưa rõ ràng và nhất thống, nên thật hữu ích để thiết lập một Ủy ban để nghiên cứu về vấn đề này.

Cha Lombardi mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nữ tu là một “cuộc trao đổi rất tốt đẹp và khích lệ” về vai trò phụ nữ, đặc biệt đời của các sơ tận hiến trong Giáo Hội, trong đó họ đóng những vai trò và các vị trí quan trọng trong các lãnh vực không thuộc về chức thánh.

Đề cập đến việc cứu xét thiết lập một Ủy ban để nghiên cứu về vấn đề Nữ Phó tế của Đức Thánh Cha, Cha Lombardi cho biết đây là một vấn đề đã và đang được thảo luận trong Giáo Hội hầu có thêm nhiều phụ nữ tham dự vào nhiều trách vụ trong cộng đoàn Kitô giáo.

Cha Lombardi nói “chúng ta cần phải trung thực” khi nhìn vào những nhận xét của Đức Thánh Cha về việc sẵn sàng để thiết lập một Ủy ban nghiên cứu vấn đề này cho được sáng tỏ hơn.

Đức Thánh Cha không nói ngài dự định sẽ giới thiệu việc phong chức phó tế cho nữ giới và nhất là việc truyền chức linh mục cho nữ giới! Trong thực tế, Đức Thánh Cha nói rõ ràng trong bài giảng của ngài là ngài không có ý định gì trong việc này cả.

Cha Lombardi cho biết thật là sai lầm khi quảng diễn nhiều điều một cách rộng rãi qua những chia sẻ của Đức Thánh Cha trong buổi triều yết này với các Bề trên tổng quyền của các Dòng và Tu hội nữ giới này.

5. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tại Vatican

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 15 tháng 5, Đức Thánh Cha đã cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có gần 100 vị gồm các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và các Linh Mục trong giáo triều Rôma. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Toà Thánh và ca đoàn Mater Ecclesiae. 10,000 tín hữu và du khách hành hương đã ngồi chật bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau bài thánh ca Xin Chúa Thánh Thần đến và ca nhập lễ Đức Thánh Cha đã bắt đầu buổi cử hành với phần làm phép nước là dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ, và dẫn đưa họ vượt qua Biển Đỏ, Đấng đã cho nước vọt ra trong sa mạc để giải khát cho dân cho dân. Với hình ảnh nước mát, các ngôn sứ đã tiên báo giao ước mới, mà Thiên Chúa muốn cống hiến cho loài người. Sau cùng trong nuớc sông Giordan được Chúa Kitô thánh hóa, Chúa đã khai mào bí tích tái sinh ghi dấu việc khởi đầu một nhân loại mới, tự do không bị tội lỗi làm hư hoại. Xin Chúa làm sống dậy nơi chúng con trong dấu chỉ của nước thánh này kỷ niệm bí tích Rửa Tội để chúng con có thể kết hiệp với cộng đoàn tươi vui của tất cả các anh chị em đã được rửa tội trong lễ Phục Sinh của Chúa Kitô Chúa chúng con.

Tiếp đến Đức Thánh Cha và hai Phó tế rảy nước thánh trên tín hữu, trong khi ca đoàn hát bài thánh thi “Tôi đã trông thấy nước từ Đền Thờ chảy ra, nước ấy chảy đến đâu thì đem sự sống đến đó”.

Bài đọc một bằng tiếng Tây Ban Nha, trích từ sách Công Vụ kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khiến cho các Tông Đồ mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô phục sinh và dân chúng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiểu trong ngôn ngữ của mình điều họ nghe. Bài đọc hai bằng tiếng Anh, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma, nói về cuộc sống mới trong Thần Khí khiến cho tín hữu được gọi Thiên Chúa là Cha. Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh thuật lại các lời Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ ở lại trong Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, để Thiên Chúa Cha và Ngài yêu thương họ và ở lại trong họ. Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến sẽ dậy dỗ họ mọi điều, để họ nhớ lại những gì Ngài đã nói với họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha bằng cách ban Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn, ủi an và bênh vực chúng ta trong cuộc sống.

6. Kỷ niệm lần thứ 99 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

180,000 khách hành hương đã cầu nguyện đặc biệt cho những người tị nạn hôm thứ Sáu 13 tháng 5 tại đền thánh Đức Mẹ Fatima, một thị trấn 130 km về phía bắc của Lisbon, bên Bồ Đào Nha, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự vào năm tới để kỷ niệm một trăm năm các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Dom Manuel Clemente, Tổng Giám Mục Lisbon và cũng là nhà lănh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha, đã yêu cầu những người hành hương cầu nguyện “cho sức khỏe của các bệnh nhân, niềm ủi an và hy vọng cho những người cô đơn, những người thất nghiệp, và đặc biệt cho những người tị nạn.”

Đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố hồi năm ngoái khi ngài rước tượng Đức Mẹ Fatima sang Rôma rằng ngài muốn tham gia vào trong cuộc hành hương hàng năm tại Fatima vào năm 2017.

Theo truyền thống Công Giáo, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra cùng ba trẻ mục đồng sáu lần tại Fatima vào năm 1917, lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5.

Vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2010 đã là vị Giáo Hoàng thứ ba hành hương đến Fatima sau khi Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đến viếng nơi này vào năm 1967. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến viếng đền thánh Đức Mẹ Fatima vào những năm 1982, 1991 và 2000.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt tôn kính Đức Trinh Nữ Fatima vì ngài xác tín rằng Mẹ Fatima đã cứu ngài thoát chết trong vụ mưu sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Thánh Gioan Phaolô II đã từng mơ ước trở thành một linh mục dòng Cát Minh nhặt phép. Lý do duy nhất cản trở ngài không thực hiện được giấc mơ này là vì chủng viện Camêlô ở Czerna, Ba Lan, vào thời điểm đó đã không nhận các tu sinh mới trong thời chiến.

Cậu thanh niên Karol Wojtyla bị mê hoặc bởi các công trình của Thánh Gioan Thánh Giá, và sau này đã viết luận án tiến sĩ của mình về vị thánh vĩ đại này của dòng Cát Minh.

Sự say mê của ngài trước các công trình của Thánh Gioan Thánh Giá một phần đến từ sứ điệp của chị Faustina Kowalska về lòng Chúa thương xót trong bối cảnh đất nước Ba Lan giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Giai đoạn này là một trong những chương bi đát nhất của lịch sử lâu dài và đau thương của đất nước này.

Đức Gioan Phaolô II luôn luôn nhìn thấy thế giới, bao gồm cả những thăng trầm của cuộc sống riêng của mình, như là một phần trong một bộ phim rộng lớn mô tả một cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Ngài xác tín rằng bất kể những thăng trầm của lịch sử, nhờ Lòng Thương Xót Chúa, nhân loại không bao giờ cạn kiệt các khả năng. Niềm xác tín ấy hình thành nên lời khích lệ thường xuyên của ngài với thế giới: “Đừng sợ!”.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima, tay súng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca, là người đã bắn chết một nhà báo và một nhà đấu tranh cho nhân quyền người Thổ Nhĩ Kỳ là Abdi Ipekci, đã bắn không chỉ một nhưng đến hai viên đạn ở cự ly rất gần nhưng Đức Mẹ Fatima đã làm chệch đi các đường đạn để cứu sống ngài.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô tạo ra những ngạc nhiên vì chuyến viếng thăm bất ngờ của ngài.

Chiều 13/5, “trong chuỗi hoạt động của sáng kiến Năm Thánh ‘các ngày thứ sáu của lòng thương xót’, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn ‘Il Chicco’ ở Ciampino. “Chicco” là cộng đoàn được thực hiện đầu tiên ở Italia, được thành lập vào năm 1981, đón nhận 18 người bị thiểu năng trí tuệ nặng. Cộng đoàn thứ 2 tương tự như vậy được thành lập ở Bologna và một cộng đoàn thứ 3 sắp được thành lập ở đảo Sardegna.

Đây là một cộng đoàn trong mạng lưới gia đình rộng lớn của Hiệp hội ‘Arche’ – Con Tàu – do Jean Vanier sáng lập vào năm 1964, hiện diện ở 30 quốc gia thuộc 5 châu. Cùng với Hiệp hội Đức tin và Ánh sáng, các cơ sở này giúp đỡ những người yếu đuối và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ý hướng căn bản của các cộng đoàn này là đón nhận những người khuyết tật nặng nề và làm cho họ cảm thấy được đón nhận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ và của những người cùng chia sẻ với họ. Ý tưởng quan trọng của Hiệp Hội ‘Arche’ – Con Tàu là không có ai bị phân biệt kỳ thị bởi bất cứ hình thức khuyết tật nào.

Viếng thăm các cơ sở này giúp chúng ta khám phá ra những người khuyết tật này có một cảm nhận chân thật phát sinh từ tình cảm sâu sắc và tìm kiếm tình bạn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn thực hiện thêm một cử chỉ chống lại nền văn hóa loại trừ.

Cha Lombardi đã giải thích: người ta không thể bị tước đi tình yêu, niềm vui và phẩm giá chỉ vì mang trong mình sự thiểu năng trí tuệ. Không có ai có thể cho phép mình đối xử phân biệt với họ vì những định kiến là thứ đã gạt họ ra ngoài lề và nhốt họ sống đơn độc trong những gia đình và hiệp hội.

Tại cộng đoàn “Chicco” ở Ciampino có 2 “gia đình” là “Vườn nho” và “Oliu”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi ở bàn để dùng bữa snack với các người khuyết tật và các tình nguyện viên, nghe các lời đơn sơ của Nadia, Salvatore, Vittorio, Paolo, Maria Grazia, Danilo…, chia sẻ niềm vui và sự đơn sơ trong giây phút gia đình này. Ngài cũng đã thăm những người bị tâm thần nặng và bày tỏ tình cảm sâu sắc và dịu dàng, đặc biệt với Armando e Fabio, là những người đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn.

Theo ý hướng của vị sáng lập, các người khuyết tật cũng phải tham gia vào cuộc sống với các hoạt động tay chân tùy theo khả năng của họ. Do đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến xưởng thủ công, nơi họ hàng ngày làm việc, tạo ra các đồ thủ công nho nhỏ từ sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các thành viên “Chicco”. Cuối cùng, tất cả cùng nắm tay nhau và cầu nguyện với Đức Thánh Cha trong nhà nguyện nhỏ. Tất cả ôm vị cha chung và chia tay với ngài lúc khoảng 18.30.

Bên cạnh số tiền đóng góp cá nhân, Đức Thánh Cha còn mang theo pasta, các loại trái cây, được mọi người hân hoan vỗ tay đón nhận.

Đây là “cử chỉ của Lòng thương xót” thứ 5 của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh. Vào tháng 1 ngài đã thăm nhà hưu dưỡng dành cho các người già và các bịnh nhân sống thực vật; vào tháng 2 ngài thăm cộng đoàn người nghiện ở Castelgandolfo; tháng 3 ngài đến trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; và tháng 4 ngài thăm đảo Lesbo.

8. Đức Thánh Cha tiếp tổ chức “Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra câu trả lời dài hạn về chính trị, xã hội và kinh tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-5-2016, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức mang tên thông điệp “Năm Thứ 100” (Centesimus Annus) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại đảo Lesbo bên Hy lạp, nghe những chứng từ đau thương của những người tị nạn. Cuộc viếng thăm của ngài muốn lôi kéo sự chú ý của các vị hữu trách và dư luận về thảm cảnh này. Đức Thánh Cha nói: “Ngoài khía cạnh giúp đỡ vật chất cho các anh chị em ấy của chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đề ra những câu trả lời chính trị, xã hội và kinh tế về lâu về dài cho các vấn đề vượt lên trên ranh giới quốc gia và đại lục, liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại”.

Tại hội nghị của tổ chức “Năm Thứ 100”, các tham dự viên cứu xét, dưới những những quan điểm khác nhau, những hệ luận thực hành và luân lý đạo đức của nền kinh tế của thế giới hiện nay, đồng thời tìm cách đặt nền móng cho một nền văn hóa kinh tế và công việc kinh doanh, bao gồm mọi người và tôn trọng phẩm giá của con người”.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “một quan niệm kinh tế chỉ nhắm đến lợi lộc và an sinh vật chất thì không có khả năng góp phần tích cực vào một sự hoàn cầu hóa giúp phát triển toàn diện cho các dân tộc trên thế giới, phân phối tài nguyên công bằng, bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng, làm tăng trưởgn các sáng kiến tư nhân và các xí nghiệp địa phương. Một nền kinh tế loại trừ và bất chính (EG 53) đã làm gia tăng số người bất hạnh và những người bị gạt bỏ vì bị coi là không sản xuất và vô ích.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Hậu quả của thứ kinh tế đó chúng ta cũng nhận thấy trong các xã hội tân tiến, trong đó sự gia tăng tỷ lệ nghèo đói và suy đồi xã hội là một đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình, cho giai cấp trung lưu và đặc biệt là cho những người trẻ. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thực là một gương mù, đòi phải giải quyết trước tiên về mặt kinh tế, nhưng còn phải đối phó như một căn bệnh xã hội, xét vì tuổi trẻ bị tước đoạt mất niềm hy vọng và những tài nguyên lớn lao của họ vệ năng lực, óc sáng tạo và trực giác lớn lao của họ bị tiêu tán”

9. Phúc trình hoạt động 2015 của Ngân hàng Vatican

Trong năm 2015, Viện Giáo Vụ hay cũng quen gọi là 'Ngân Hàng Vatican' lời được 16 triệu 100 ngàn Euro.

Theo phúc trình 2015 công bố hôm 12-5-2016, số vốn của Viện giáo vụ hiện nay là 645 triệu Euro. Kết quả hoạt động năm ngoái của Viện này là 42 triệu 800 ngàn Euro so với 104 triệu rưỡi Euro trong năm 2014 trước đó. Số tiền lời trong năm 2014 trước đó là 69,3 triệu Euro. Ông Tổng giám đốc Gian Franco Mammi giải thích sự suy giảm này là do khủng hoảng kinh tế.

Viện Giáo Vụ tiếp tục thực thi chính sách minh bạch và trong thời gian qua đã đóng 4.935 tài khoản không hợp tiêu chuẩn mới của Viện này. Hiện nay số khách hàng của Ngân Hàng Vatican là gần 15 ngàn (14.801) trong đó có các cơ quan đại diện của Tòa Thánh, các dòng tu, giáo phận, các tổ chức Công Giáo, giáo sĩ, nhân viên Tòa Thánh và ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Tổng cộng 75% khách hàng của ngân hàng này có cư trú tại Italia và Vatican, 15% ở Âu Châu và 10% ở các nơi khác trên thế giới.

Trong cuộc viếng thăm trụ sở Viện Giáo Vụ ngày 24-11 năm ngoái, Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này là Viện phải “tôn trọng các nguyên tắc luân lý đạo đức không thể thương thảo đối với Giáo Hội, Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng”. Ngoài ra hoạt động của Viện Giáo Vụ phải tôn trọng bản chất đặc thù của Viện nay, hòa hợp hiệu năng hoạt động và bản chất mục vụ là điều cốt yếu trong mọi hoạt động”

10. “Christo’s Box” – sáng kiến của Đức Thánh Cha ủng hộ bịnh viện nhi ở Trung Phi

Một sáng kiến từ thiện mới, liên kết nghệ thuật, văn hóa, lòng thương xót và sự tương trợ với nhau. Đó là “Christo’s Box – hộp của Christo, giữa nghệ thuật và lòng thương xót, món quà cho Bangui”.

Sự kiện được phát động bởi Bộ truyền thông của Tòa Thánh, bởi bảo tàng viện Vatican với trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin.

Những tác phẩm nghệ thuật khổ nhỏ (hơn 300 tác phẩm) được thực hiện bởi nghệ nhân nổi tiếng người Bungari Christo Vladimirov Javacheff sẽ được bán tại các buổi đấu giá ở Luân đôn, Torino, Milan, Roma và tất cả số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi ở Bangui, Cộng hòa Nam Phi. Đó là ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô để tương trợ cho một vùng đất nghèo khổ như tại Bangui, miền trung của Châu Phi.

Sáng kiến này bắt đầu từ tác phẩm nghệ thuật mà Christo đã thực hiện với một gói hàng có hộp chứa các dvd “Khám phá bảo tàng viện Vatican”do trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin thực hiện. Tác phẩm này mô tả khuôn mặt của một thanh niên, được vẽ cách đây 500 năm bởi Raphael, bên cạnh triết gia Aristote trong bức họa nổi tiếng “trường học Atêna”. Họa sĩ đã chọn tập trung sự chú ý của mình vào đôi mắt của chàng thanh niên, người anh em họ của Đức Phaolô II. Christo chụp lấy ánh nhìn của chàng thanh niên, bất động và ngừng lại ở vô cùng, diễn tả vẻ đẹp sâu xa.

Các hộp đựng DVD này sẽ được bán tại nhiều nơi khác và số tiền thu được sẽ giúp cho các bịnh nhân trẻ em của Trung Phi có những bình dưỡng khí và dụng cụ hồi sức, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn và tuyên bố rõ ràng trong cuộc viếng thăm Bangui vào năm ngoái. Còn bản gốc của tác phẩm sẽ được tác giả tặng cho Vatican và sẽ được cất giữ tại Bộ truyền thông của Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn trong buổi giới thiệu tác phẩm này, giám đốc bảo tàng viện Vatican, ông Antonio Paolucci đã nói: “Christo đã đóng gói Raphael” và ông làm như thế để giúp đỡ Bịnh viện nhi đồng ở Bangui, ở vùng thất vọng nhất của Châu Phi: là một mẫu gương đáng khâm phục của sự đa năng. Cách đây 500 năm, Đức Giáo Hoàng Giulio II đã gọi Raphael đến vẽ các phòng của Vatican vì muốn vinh danh ông và Giáo Hội. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dùng Raphael và Christo cho một hành động từ thiện cho những người nghèo nhất giữa những người nghèo.

Đức ông Vigàno, giám đốc Ủy ban truyền thông thì nhấn mạnh rằng: “Hoạt động này có một mục đích kép. Trên hết nó trình bày dấu chỉ cụ thể sự quan tâm của Ủy ban Truyền thông của Tòa Thánh đến một thời đại và ngôn ngữ đặc trưng của nó. Christo là một trong những nhân vật nổi tiếng của nghệ thuật đương đại của thế giới. Tác phẩm mà ông tặng cho Bộ truyền thông sẽ là một dấu hiệu cụ thể của sự kết hợp mà ông thấy tại Bảo tàng viện Vatican. Khía cạnh thứ hai là sự liên kết giữa nghệ thuật, văn hóa và sự tương trợ. Tác phẩm nghệ thuật trở thành món quà cho nhân loại và cũng là cơ hội để thực hiện một hành động từ thiện cụ thể. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ định là số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi đồng ở Bangui.

11. Thông điệp gởi người Phật tử Hàn quốc nhân lễ Vesak

Hôm 12 tháng 5, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục của Hán Thành, trong một văn thư gửi đến cộng đồng Phật giáo nhân dịp kỷ niệm 2560 năm ngày sinh của Đức Phật, đã viết như sau:

“Xã hội chúng ta đang sống đầy nhiễu nhương mâu thuẫn và chia rẽ trong thời điểm khó khăn hiện nay, tôi cầu xin ‘lòng đại từ đại bi của Đức Phật’ tuôn trào xuống xã hội chúng ta đang sống”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh:

“Tôi ước nguyện giáo huấn của lòng thương xót từ bi xả kỷ của Đức Phật và của Chúa Giêsu được mọi người đón nhận, và hai tôn giáo của chúng ta có thể cùng đồng hành trên con đường của sự thật, để soi dẫn người trấn thế và xây dựng một xã hội an hòa hạnh phúc”.

Đức Hồng Y bày tỏ “lời chúc mừng chân thành nhân dịp kỷ niệm 2560 năm ngày sinh của Đức Phật”, và Ngài đại diện cho những người Công Giáo Hàn Quốc phát biểu:

“Tôi hy vọng lòng từ bi xả kỷ dồi dào và lòng thương xót của Đức Phật được tuôn tràn trong tâm lòng từng người trong quí vị”.

Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc luôn có một mối quan hệ liên tôn rất tốt đẹp với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Đức Hồng Y Yeom và Hòa thượng Jaseung, người đứng đầu Giáo Hội Phật giáo Hàn quốc có tên là “Korean Bhussit Jogye” luôn có những tương giao mật thiết và những lời cầu chúc trao gửi cho nhau vào những dịp Giáng sinh của Công Giáo hay Sinh nhật của Đức Phật cũng như những sinh hoạt liên tôn khác.

12. Đức Thánh Cha chủ tọa lễ khai mạc Đại hội đồng thứ 69 của Hội đồng Giám mục Ý

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa lễ khai mạc Đại hội đồng thứ 69 của Hội đồng Giám mục Ý vào chiều thứ Hai 16 tháng 5, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở Vatican.

Các vấn đề chính trong chương trình nghị của Đại hội đồng thứ 69 của CEI là việc canh tân hàng giáo sĩ thông qua những hoạt động thường huấn.

Trong bài phát biểu với các Giám Mục Ý trong dịp này, Đức Thánh Cha khuyến khích các ngài lắng nghe các linh mục của mình và học hỏi từ những tấm gương của họ. “Chiều nay,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi không muốn trình bày với các hiền huynh một suy tư có hệ thống về hình ảnh các linh mục: nhưng trái lại hãy nhìn khía cạnh này một cách khác, và sẵn sàng để lắng nghe. Chúng ta hãy tiếp cận vấn đề một cách chăm chú - hãy nhìn một trong rất nhiều các linh mục giáo xứ xả thân trong cộng đồng của chúng ta, hãy để gương mặt vị linh mục ấy trước con mắt tâm hồn của chúng ta, và chúng ta hãy tự hỏi một cách đơn sơ rằng: điều gì mang lại hương vị cho cuộc sống? Vì ai và tại sao người linh mục ấy thực hiện một sứ vụ tận tụy như vậy? Lý do tột cùng cho sự tự hiến của vị linh mục ấy là gì? “

Những câu trả lời Đức Thánh Cha Phanxicô kết hợp việc vun trồng tình bạn đích thực với Thiên Chúa, sự hồi phục vai trò lãnh đạo dũng cảm mà các linh mục - đặc biệt là các cha triều - được mời gọi để thực thi trong những hoạt động truyền giáo cơ bản của toàn bộ Giáo Hội, là điều vốn dĩ là trung tâm của mọi đời sống Kitô hữu, và cuối cùng là Vương Quốc của Thiên Chúa như là chân trời và mục tiêu của toàn bộ công việc của Giáo Hội và của mỗi người được kêu gọi để phục vụ như một linh mục.

Các chủ đề khác trong chương trình nghị sự của các Giám mục Ý bao gồm việc duyệt xét các các quy định gần đây về Toà án Giáo Hội (với cải cách Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong thời gain giữa các Thượng Hội Đồng Giám Mục), vấn đề quản lý tài nguyên kinh tế, và một số vấn đề về pháp lý và hành chính khác.

Một cuộc họp báo được tổ chức lúc13:30, thứ Năm 19 tháng 5, để trình bày các công việc của Đại hội.

13. Indonesia chuẩn bị Ðại hội Giới trẻ Công Giáo toàn quốc và toàn châu Á.

Indonesia đang tích cực chuẩn bị cho hai Ðại hội Giới trẻ được tổ chức trong hai năm 2016 và 2017. Ðại hội thứ nhất là Ngày Giới trẻ Indonesia, diễn ra từ 1 đến 6 tháng Mười năm 2016, tại Manado. Ðại hội thứ hai là Ngày Giới trẻ Châu Á, diễn ra từ 30 tháng Bảy đến 6 tháng Tám năm 2017, tại Yogyakarta.

“Qua hai sự kiện trọng đại này, chúng tôi hy vọng sẽ cho mọi người thấy các tín hữu Công Giáo là một thành phần của nhân dân Indonesia”, ông Antonius Agus Sriyono, đại sứ Indonesia tại Toà Thánh, nói. “Người Indonesia phải có lòng khoan dung với các tôn giáo khác”.

Indonesia có gần 90% người theo Hồi giáo, còn Kitô giáo chỉ vào khoảng 10% dân số, tức trên 25 triệu người.

Manado, thành phố đăng cai Ngày Giới trẻ Indonesia nằm ở phía Bắc tỉnh Sulawesi có đa số dân theo Kitô giáo. Yogyakarta thuộc đảo Java, đảo có đông người dân Indonesia nhất, cũng là đảo đông dân nhất thế giới và là một trong những vùng có mật độ dân số cao nhất toàn cầu.

Chính quyền Indonesia mong muốn hai sự kiện lớn này sẽ là dịp xây đắp tình đoàn kết mọi thành phần trong đất nước.

“Chúng tôi mong người trẻ Công Giáo Indonesia nhận thức được tầm quan trọng của nhiều vấn đề tại Indonesia, chẳng hạn, sự thống nhất và tinh thần quốc gia”, vị đại sứ Indonesia tại Toà Thánh nói với Ðài Phát thanh Vatican.

14. Chiếm đất Nhà thờ để xây Chùa

Hôm 13 tháng 5, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết tại Miến Điện, nhà sư Myaing Kyee Ngu Sayadaw đã khích động những người theo ông đi phá các nhà thờ và thay thế bằng các đền chùa Phật giáo.

Trong một diễn biến, nhà thiền sư Phật giáo 73 tuổi đã hô hào hàng chục người đàn ông xông vào khuôn viên của nhà thờ Anh giáo tên là Nhà thờ Thánh Máccô ở Hlaingbwe, thuộc tiểu bang Kayin, nằm ở trung tâm miền nam nước Myanmar. Những người này chở theo gạch và xi măng, và bắt đầu xây một ngôi chùa ngay trước nhà thờ thánh Máccô và việc xây dựng này được tiếp diễn trong nhiều ngày sau đó.

Đức Cha Saw Stylo là Giám Mục Anh Giáo của giáo phận đã không trực tiếp trả lời báo chí, nhưng ngài gửi văn thư tới cho các cơ quan chính phủ để nói lên lập trường rằng “Chúng tôi không muốn gây hận thù và chia rẽ giữa các cộng đồng tôn giáo, chúng tôi mong muốn sống trong hòa bình, hòa hợp”.

Trong một bản báo cáo về vụ việc , bà Aung Ko Thura, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo của Chính phủ mới của Myanmar đã xin lỗi các Kitô hữu ở tiểu bang Kayin, và hứa sẽ thảo luận và đưa ra một giải pháp hòa bình và hòa giải cho mọi người.