Ngày 16-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/05: Tình yêu và sứ vụ – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
00:38 16/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an,

Sau khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới lần thứ ba: “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

Đó là lời Chúa

 
Con người của Thánh Thần
Lm. Thái Nguyên
02:43 16/05/2024


Chúa Nhật Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ga 20, 19-23
CON NGƯỜI CỦA THÁNH THẦN

Suy niệm

Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được ghi lại trong Tân Ước cho chúng ta thấy được sự hoạt động vô cùng sâu rộng của Ngài trên đời sống Giáo Hội và từng người Kitô hữu. Kinh nghiệm cá nhân của mỗi người về tác động của Chúa Thánh Thần vẫn luôn được nhấn mạnh, đặc biệt là trong Phong Trào Ngũ Tuần.

Kitô hữu là con người của Thánh Thần, nhưng đó là một tiến trình rộng mở suốt đời. Trong tiến trình này luôn có những cám dỗ bên trong và lôi kéo bên ngoài khiến ta lạc bước, dễ suy thoái và trở lại với kiểu “sống tự nhiên không có Thần Khí” (Gd 1,19). Cần kiểm tâm và phân định lại từng ngày để xem mình có phải là con người của Thánh Thần hay không? Con người của Thánh Thần có những đặc điểm sau:

1- Là con người tự do (x. 2Cr 3, 17). Nhờ để cho Thánh Thần hướng dẫn (x.Gl 5,18), ta được giải thoát khỏi chính mình, trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Tự do vì không còn bị chế ngự bởi các đam mê của xác thịt (x.Gl 5,16); không còn nô lệ tội lỗi, không còn bị ràng buộc bởi những chuyện phù phiếm và lối sống trần tục, để sống“công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

2- Là người có não trạng thiêng liêng (x. Rm 8,5; 1Cr 10,15). Người của Thánh Thần thường nghĩ đến những thực tại thần thiêng (x. Cl 3,1-4): thích những điều thuộc về Thiên Chúa, ham mê đọc Thánh Kinh để đào luyện bản thân, biết lắng nghe Lời, đón nhận Lời và thực thi Lời, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (x. Dt 5,13-14). Nhờ vậy, người của Thánh Thần luôn đặt trọng tâm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (x. Mt 6,33), tìm mọi cách loan báo Đức Kitô (x.1Cr 9,16), nên mọi thứ khác thành phụ thuộc.

3- Là người nhiệt tình dấn thân phục vụ (1Cr 12,4-11). Phục vụ là thái độ nền tảng của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Phục vụ cũng là một lựa chọn cơ bản để sống cho Thiên Chúa và tha nhân như Đức Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta (x. Mt 20,28). Sự phục vụ trong Thánh Thần chủ yếu là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô (x.Ep 4,12), tất cả đều phải nhằm vào việc xây dựng Hội Thánh (x.1Cr 14,26), không như những hình thức phục vụ khác của thế gian (x.Mt 20,24-28). Sự phục vụ theo Thánh Thần là:

- Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất: người của Thánh Thần luôn cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, để tránh sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh. Mọi tranh chấp, bất hòa, chia rẽ đều do sự xúi giục của ma quỉ mà ra. Vì thế người của Thánh Thần luôn “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19).

- Phục vụ vô vị lợi vì lòng mến: Thánh Thần là ngôi vị biểu lộ sự tự hiến. Ngài luôn thúc giục ta phục vụ vì lòng mến, không đòi hỏi, không chờ đợi đáp trả, không lo sợ thiệt thòi, không khép lại trước một vô ơn, không chán nản trước một lãnh đạm,“vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7).

- Phục vụ khiêm tốn và âm thầm: Thánh Thần được ví như chiều sâu của Thiên Chúa, nên không chấp nhận việc phô trương bề mặt, không bày tỏ bản thân qua những việc tốt lành. Ngài luôn ẩn mặt mà vẫn hoạt động nơi mỗi người cách âm thầm, nhẹ nhàng, không áp đặt. Vì thế, chúng ta phải tránh kiểu phục vụ như kẻ cả, mà luôn nhận mình “là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

- Phục vụ trong tinh thần từ bỏ: từ bỏ là điều kiện tiên quyết của người môn đệ Đức Kitô, để thực hiện thánh ý Thiên Chúa (x.Mc 10,45). Không thể phục vụ theo cảm tính hay sở thích cá nhân, vì như vậy là phục vụ cách tùy tiện và ngẫu hứng. Phục vụ trong tinh thần từ bỏ cũng là phục vụ trong sự nghèo khó như Chúa Giêsu (Lc 9, 58): chọn sự thất thế chứ không chọn quyền thế; chọn sự coi thường chứ không chọn sự nổi tiếng… để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến.

4. Là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23)

Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa trái đúng mùa, Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn Kitô hữu cũng mang đến những mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái thánh thiện là:“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”.
Mỗi ngày sống, mỗi biến cố, chúng ta cần đặt mình lại trong Chúa Thánh Thần, là Đấng đang hiện diện trong tâm hồn ta; là Đấng đang điều khiển Giáo Hội và canh tân đời sống nhân loại; là Đấng đang làm nên trời mới đất mới, đang điều hướng con người và vũ trụ qui tụ về nguồn sống vĩnh hằng là chính Đức Kitô, cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.

Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.

Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.
quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.

Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.

Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.

Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:16 16/05/2024

10. Suy niệm có thể điểu khiển những cảm tình của linh hồn, làm cho hành động của chúng ta thẳng đến Thiên Chúa.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:19 16/05/2024
57. KHIÊNG BÀN CÁO TRẠNG

Sáng sớm, có người viết trên mặt bàn đầy sương rơi mấy câu giễu cợt: “Ta muốn làm hoàng đế”. Kẻ thù thấy như vậy liền khiêng cả chiếc bàn đến vệ môn tố cáo.

Sau khi đợi rất lâu quan huyện mới xuất hiện nên ánh nắng mặt trời chiếu khô mấy chữ ấy, quan huyện hỏi:

- “Mày khiêng cái bàn lại để làm gì?”

Người ấy vội vàng chối nói:

- “Tôi muốn hỏi ngài có muốn mua cái bàn này không?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 57:

Người ta nói “tai vách mạch rừng” là để răn đe những người hay phát ngôn bừa bãi không cẩn thận, dễ dàng mang họa vào thân, và có khi vì lời nói đùa mà bị tù tội...

Kẻ tiểu nhân thì hay bới lông tìm vết để hại người, mà trong cuộc sống của mỗi người thì lại vô thập toàn, nên luôn có những kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi dòm ngó và tìm cách làm hại.

Có những người Ki-tô hữu thật vui tính, nên có những lúc ăn nói không để ý, làm cớ cho người lòng dạ hẹp hòi khó chịu và tìm cách chơi xấu cáo gian; có những linh mục tính tình đơn sơ hiền hậu, nên lời nói cũng đơn sơ khiến cho kẻ tiểu nhân lấy cớ để hạ bệ kiện cáo; có những người thích nói đùa cách vô tội vạ nên bị kẻ tiểu nhân dựng thành cớ để cáo gian...

Ở đời kẻ ăn ngay ở lành thì kết cuộc sẽ được sự lành, kẻ bới lông tìm vết để hãm hại người khác thì trước sau gì cũng bị phạt, đó là sự công bằng của Thiên Chúa mà ai cũng hiểu, nhưng rất ít người ghi sâu vào tâm khảm.

Kẻ tiểu nhân khiêng bàn đi tố cáo người khác nhưng lại bị hố và bị khiển trách; người Ki-tô hữu vì có Chúa ở trong mình nên luôn tha thứ và rộng lượng với người vì ghen ghét mà tố cáo mình, đó chính là đem lửa (tình yêu) bỏ trên đầu họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu
Lm. Minh Anh
15:35 16/05/2024
TỘI LỖI CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU
“Con có yêu mến Thầy không?”.

Năm 1795, Joséphine phải lòng Napoléon; năm sau, họ thành hôn! Napoléon say đắm, nhưng xem ra Joséphine chẳng mấy rung động với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi. Sau đám cưới, Napoléon viễn chinh; Joséphine công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng, Trung Uý Hippolyte Charles. 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, nàng được triệu vào cung với sắc phong “Hoàng Hậu”. Tại sao một người phản bội đến thế lại được yêu? Một học giả chuyên về Napoléon trả lời, “Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu quên hết quá khứ của Phêrô! Trong Tin Mừng hôm nay, đến ba lần, Ngài hỏi ông, “Con có yêu mến Thầy không?”. Hẳn Ngài không cần Phêrô hối lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ‘gấp ba lần’. Thông điệp Lời Chúa thật rõ, ‘Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!’.

“3”, con số hoàn hảo! Khi chúng ta tuyên xưng “Thánh, Thánh, Thánh!”, biểu thức này cho biết, Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thánh khiết. Trả lời ba lần, “Con yêu mến Thầy”, Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo cách thánh khiết nhất; ba lần ‘tỏ tình’ thay cho ba lần ‘chối tình!’. Điều này tiết lộ nhu cầu của bạn và tôi, chúng ta phải yêu mến Chúa, tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để Chúa Giêsu hỏi bạn ba lần với một câu hỏi, và biết rằng, Ngài không hài lòng với một câu trả lời qua quít, “Con yêu mến Chúa”. Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa cách thánh khiết nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa!”.

Hơn cả Joséphine, tất cả chúng ta đều phạm tội; bôi mặt Thiên Chúa khi cặp bồ với đủ loại hình ‘ngẫu tượng!’. Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, ‘Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!’. Ngài không ghê tởm, nhưng chỉ đòi chúng ta một điều: đau buồn chân thành và hoán cải thực sự từ con tim; đồng thời, từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa. Vì lẽ, Ngài đã chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; đã sống lại và vẫn sống! Bài đọc một cho biết, Phaolô - tù nhân - xác tín điều đó! Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”.

Anh Chị em,

“Con có yêu mến Thầy không?”. Hãy dành thời giờ lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần! Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho bạn và tôi thấy được chiều sâu tình yêu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Chúa Giêsu. Hãy bày tỏ tình yêu với Ngài theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để nó trở nên sâu sắc, thánh khiết và không đổi thay! Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng gấp “n” lần! Đừng sợ vì những bất xứng của mình. Trước Thiên Chúa, nào ai xứng! Hãy đến kín múc ân sủng thứ tha của Ngài, dù bạn có thế nào đi nữa; cặp bồ ‘công khai hay không công khai!’. Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài. Bởi lẽ, ‘Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và biết con yêu cả ‘những gì ít hơn Chúa!’. Xin biến đổi con, hầu con dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Bình an trong tâm hồn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
23:33 16/05/2024
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
BÌNH AN TRONG TÂM HỒN

Mỗi lần hiện ra, Chúa Phục Sinh đều thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cùng lúc trao bình an cho các môn đệ.

Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần, có đến hai lần Chúa Phục sinh trao bình an: “Bình an cho anh em”, rồi lại: “Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy,Thầy cũng sai anh em”.

Dù vậy, lòng các môn đệ chưa thật sự chín mùi, chưa có sự chuẩn bị, chưa hề có lòng ao ước để ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô sinh hiệu lực. Đúng hơn, các ông chưa có tâm tình cầu nguyện đủ.

Ngược lại, bao nhiêu tác động của cuộc thương khó, bao nhiêu nỗi khiếp hãi vẫn chưa phai, cuộc sống đầy chao đảo, lòng rối bời, dẫn tới việc các tông đồ không có bình an, không một chút yên lòng. Ơn bình an Phục sinh chưa phục sinh trong lòng các môn đệ của Chúa.

Chúa Thánh Thần làm cho ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô nên hiệu lực nơi tâm hồn các tông đồ. Ngày ngự đến, Chúa Thánh Thần biến đổi "một trăm tám mươi độ" (180 degree) tâm hồn những kẻ đầy hoang mang, chết khiếp, thành can đảm phi thường.

Chính sự can đảm ấy, bày tỏ hết sức tỏ tường những tâm hồn giờ đây đã chất chứa bình an. Nhờ bình an thẳm sâu trong nội tâm, các tông đồ, cũng như lớp lớp môn đệ Chúa Kitô trong suốt dòng lịch sử đã hiêng ngang, bất khuất, bất chấp mọi lao lung, mọi cực hình... người đời dành cho mình.

Bình an nội tâm là ơn cần thiết vô cùng cho mỗi chúng ta. Bởi hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta là thời đại đang diễn ra quá nhiều hỗn tạp, có sức làm chao đảo ngay cả những người được coi là vững vàng nhất.

Đức Bênêđictô XVI coi đó là “tình trạng trẻ thơ trong đức tin” (Hồng Y Ratzinger - Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005). “Trẻ thơ” là do lòng người quá yếu đuối, không kiên định, không dứt khoát, lại để mình nghiêng ngã, “trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Eph 4, 14).

Ơn Chúa Thánh Thần sẽ khiến ta bình an nội tâm. Có bình an, ta đủ sức chống chọi mọi "làn gió" thổi ngoài Tin Mừng Chúa Kitô, ngoài sức hấp dẫn của Thánh Thần của Người.

Những làn gió đang tác động mạnh mẽ trong thời đại là, “Từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp…Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và sẽ xảy ra điều mà thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (Ep 4, 14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Hội Thánh, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín…” (Hồng Y Ratzinger - Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005).

Hãy mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô có sức lớn mạnh trong tâm hồn ta.
Có bình an tâm hồn nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ta sẽ kiên định đến cùng Chúa trong đức tin, trong lòng mến, trông sự cậy trông nơi tình yêu của Đấng Phục sinh.

Nguyện cho bình an của Đấng Phục Sinh ngự trị trong lòng chúng ta. Nguyện cho ân sủng tuyệt đối là chính Chúa Thánh Thần và bình an của Người sống mãi trong lòng Kitô hữu.

Nguyện cho mỗi Kitô hữu “chân cứng đá mềm” để xứng đáng hưởng nhờ bình an phục sinh và hăng hái trao ban bình an mà mình được lãnh nhận.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cảnh cáo về sự phân cực trong Giáo hội, kêu gọi đối thoại nhiều hơn
Vũ Văn An
14:26 16/05/2024

Tyler Arnold, thuộc Phòng tin tức Washington, D.C. của CNA, ngày 15 tháng 5 năm 2024, tường trình rằng Ba giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã cảnh cáo về sự phân cực ý thức hệ ngày càng gia tăng trong Giáo hội và sự cần thiết phải đối thoại dân sự giữa những người có bất đồng quan điểm trong cuộc thảo luận được phát trực tiếp vào chiều thứ Ba.



“Chính trị gần như là một tôn giáo và đôi khi nó là một môn thể thao, [nhưng] nó không nên được coi là một trong hai điều,” Đức Giám Mục Daniel Flores của Giáo phận Brownsville, Texas, cho biết trong cuộc thảo luận.

Đức Cha Flores nói: “Đây được cho là một cuộc trò chuyện dân sự… để tìm kiếm điều tốt và ưu tiên cách đạt được điều đó cũng như cách tránh điều ác. Và tôi nghĩ nếu chúng ta có thể tập trung vào điều đó, chúng ta có thể giảm bớt những bức tranh biếm họa và những lời hoa mỹ nhằm hạ thấp con người.”

Cuộc thảo luận bao gồm Đức Cha Flores, Đức Hồng Y Robert McElroy của Giáo phận San Diego, và Giám mục Robert Barron của Giáo phận Winona-Rochester, Minnesota. Nó được điều hợp bởi Gloria Purvis, người dẫn chương trình “The Gloria Purvis Podcast” tại Tạp chí America, và được đồng tài trợ bởi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Tổ chức từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ, Thừa sai tại gia Glenmary và Hội đồng Dòng Tên.

Cuộc hội thảo là một phần của sáng kiến “Văn minh hóa nó” của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy tính lịch sự trong các cuộc tranh luận ý thức hệ quan trọng. Là một phần của sáng kiến này, các giám mục yêu cầu người Công Giáo ký một cam kết khẳng định phẩm giá của mỗi con người – bao gồm cả những người có niềm tin ý thức hệ khác nhau – và hợp tác với những người khác để theo đuổi lợi ích chung.

Theo các tham luận viên, xã hội và Giáo hội Hoa Kỳ ngày càng trở nên phân cực hơn khi đề cập đến những khác biệt về ý thức hệ - và các cuộc tranh luận về những khác biệt đó đã trở nên kém lịch sự hơn.

Đức Cha Barron, người sáng lập tổ chức truyền thông Công Giáo Word on Fire, cho biết những bất đồng trong Giáo hội không có gì mới, nhưng cách mọi người tiếp cận những bất đồng đó đã thay đổi: “Điều bị phá vỡ là tình yêu giúp cho cuộc đối thoại thực sự có thể thực hiện được”.

Ngài nói: “Đó là một chủ nghĩa bộ lạc đã đánh mất cảm giác yêu thương trong đối thoại”.

Đức Giám Mục cảnh cáo rằng mọi người tập trung nhiều hơn vào việc chiến thắng các cuộc tranh luận và trung thành với một bản sắc ý thức hệ hơn là tình yêu. Ngài cho biết những vấn đề này rất dễ nhận thấy trong các cuộc thảo luận trên mạng và khuyến khích mọi người hỏi liệu “bình luận này [có phải] là một hành động yêu thương hay không” trước khi nói bất cứ điều gì.

“Có phải nó được phát sinh từ tình yêu?” Đức Cha Barron nói mọi người nên tự hỏi mình. “Có phải nó được phát sinh từ lòng mong muốn điều tốt cho người khác? Nếu không, có hàng ngàn việc tốt hơn để làm hơn là nói ra tuyên bố đó.”

Đức Hồng Y McElroy cho rằng ngày nay đối thoại quá nhiều “có nghĩa là đối đầu” đến mức mọi người “không thể tham gia vào một cuộc đối thoại thực sự”.

“Mọi người đang tiến về phía nhau trong đời sống Giáo hội, trước hết, nhìn vào nhãn hiệu: Bạn là ai? Bạn đứng ở đâu trong nền chính trị văn hóa hiếu chiến của nước ta?” Đức Hồng Y nói.

Ngài nói thêm, mọi người tập trung vào điều này “chứ không phải vào điều hiệp nhất chúng ta: chúng ta đang đứng ở đâu về bản sắc của mình là người Công Giáo và với quan điểm Kitô học”.

Đức Hồng Y McElroy cũng dựa trên những lo ngại được Đức Cha Barron nhấn mạnh về đối thoại trên internet.

Đức Hồng Y McElroy nói: “Khi bạn đang viết Tweet, hãy tưởng tượng Chúa Giêsu ở đó với bạn và khi bạn suy nghĩ kỹ câu hỏi đó ‘tôi có nên làm điều này không?’”.

Tương tự như vậy, Đức Cha Flores nhấn mạnh sự cần thiết phải ghi nhớ những gì Chúa Ki-tô làm.

Ngài nói: “Người sẽ tử tế, đặc biệt với người nghèo và đặc biệt với những người không có địa vị trên thế giới. Và Người cũng sẽ không bao giờ phạm bất công để cổ vũ công lý.”
 
Đức Giám Mục Bätzing: Đức hiện là một ‘quốc gia truyền giáo’.
Vũ Văn An
14:45 16/05/2024

AC Wimmer thuộc Phòng tin tức CNA, ngày 14 tháng 5 năm 2024 viết rằng Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã gọi Đức – một quốc gia có lịch sử gắn liền với Giáo Hội Công Giáo – là một “quốc gia truyền giáo”.



Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tiếng Đức của Hiệp hội Lời Chúa, Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg nói: “Chúng ta đang sống trong một quốc gia truyền giáo khi chúng ta nhận ra rằng chưa đến một nửa số công dân Đức vẫn thuộc các giáo phái Kitô giáo”.

Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, Đức Cha Bätzing cho biết việc truyền giáo đã là chủ đề trọng tâm “kể từ [Đức Giáo Hoàng] Gioan Phaolô II và cả đối với [Đức Giáo Hoàng] Phanxicô”.

Vị giáo phẩm người Đức nói tiếp: “Nhưng nửa còn lại không chỉ đơn giản là không có niềm tin hoặc không đặt bất cứ câu hỏi nào, và về mặt này, tôi tin rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”.

“Chúng ta nên liên lạc với những người này, nói chuyện với họ mà không can thiệp. Những thời điểm truyền giáo với giọng điệu tiêu cực này đã qua, nhưng việc nói và trả lời những câu hỏi về niềm hy vọng tràn ngập trong chúng ta, như bức thư gửi tín hữu Do Thái nói, là một phần của Kitô giáo.”

Đức Cha Bätzing đã lãnh đạo Giáo phận Limburg từ năm 2016 và Hội đồng Giám mục Đức từ năm 2020. Năm 2016, hơn 630,000 người Công Giáo cư trú tại Limburg. Đến năm 2022, con số này đã giảm xuống dưới 540,000.

Dân số Công Giáo ở Đức, một quốc gia có khoảng 83 triệu dân, đã giảm đáng kể.

Năm 2020, có khoảng 22.19 triệu người Công Giáo. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này đã giảm xuống còn khoảng 20.94 triệu.

Các nhà nghiên cứu đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng về tương lai: Năm 2019, một dự án của các nhà khoa học tại Đại học Freiburg đã dự đoán rằng số lượng Ki-tô hữu đóng thuế nhà thờ ở Đức sẽ giảm một nửa vào năm 2060.
Ba năm sau, vào năm 2022, hơn nửa triệu người Công Giáo đã được rửa tội rời bỏ Giáo hội, số liệu do Hội đồng Giám mục Đức công bố đã xác nhận.

Vào thời điểm đó, Đức Cha Bätzing tuyên bố trên trang web của giáo phận mình rằng những con số “đáng báo động” nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục “thay đổi văn hóa” và việc thực hiện các nghị quyết của Con đường Đồng nghị Đức.

Tuy nhiên, Con đường Đồng nghị Đức, vốn đã ủng hộ những thay đổi đáng kể đối với giáo huấn truyền thống của Giáo hội kể từ năm 2019, đã không ngăn được sự suy giảm đáng kể về số lượng người Công Giáo.
Một báo cáo năm 2021 của CNA Deutsch lưu ý rằng cứ 3 người Công Giáo ở Đức thì có 1 người đang cân nhắc việc rời bỏ Giáo hội. Theo một nghiên cứu trước đó, những lý do rời bỏ rất đa dạng, trong đó những người lớn tuổi viện dẫn cách Giáo hội xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng và những người trẻ tuổi chỉ ra nghĩa vụ nộp thuế nhà thờ.

Hội đồng Giám mục Đức hiện quy định rằng việc rời bỏ Giáo hội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, một quy định đã gây ra tranh cãi giữa các nhà thần học và luật sư giáo luật.

Vào tháng 6 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư dài 28 trang cho người Công Giáo Đức, kêu gọi họ tập trung vào việc truyền giáo trong bối cảnh “đức tin ngày càng xói mòn và suy thoái”. Ngài cảnh cáo không nên chỉ dựa vào sức mạnh nội tại, khi nói rằng: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng tự mình thoát khỏi các vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng nó lại gia tăng và nuôi dưỡng những tệ nạn mà nó mong muốn vượt qua."

Con đường Đồng nghị ban đầu gặp khó khăn trong việc đón nhận lời kêu gọi này. Vào tháng 9 năm 2021, một kiến nghị nhấn mạnh đến việc truyền giáo đã được thông qua trong gang tấc nhưng ban đầu bị bác bỏ do hiểu sai về số phiếu trắng. Đức Cha Bätzing sau đó xác nhận đề xuất đã được chấp nhận, thừa nhận sai sót về thủ tục.

Một năm sau, vào tháng 9 năm 2022, Bätzing cho biết định nghĩa ngắn nhất về tôn giáo là “sự gián đoạn” và một số hình thức liên tục mà mọi người tìm kiếm từ tôn giáo là “thực sự bị nghi ngờ”.
 
Tiến sĩ George Weigel: Hiệp nhất trong điều gì?
J.B. Đặng Minh An dịch
22:14 16/05/2024

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Unity in What?”, nghĩa là “Hiệp nhất trong điều gì?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong số rất nhiều câu hỏi cấp bách được nêu lên bởi các Thượng Hội đồng về Gia đình vào năm 2014 và 2015 và Thượng Hội đồng hiện tại về Tính đồng nghị - là những câu hỏi chắc chắn sẽ được đề cập trong Cơ Mật Viện bầu giáo hoàng sắp tới – có câu hỏi về sự hiệp nhất: chính xác thì sự hiệp nhất của Giáo hội thực hiện ở chỗ nào? bao gồm điều gì? Nội dung của chữ “duy nhất” trong Kinh Tin Kính khẳng định “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền” là gì?

Các Thượng Hội đồng về Gia đình đã vật lộn với vấn đề này trong các cuộc tranh luận về tính xứng đáng để rước lễ: Liệu những người trong các cuộc hôn nhân bất hợp pháp theo giáo luật, những người không sống trong sự hiệp nhất với các giáo huấn đã được thiết lập và thực hành mục vụ của Giáo hội, có thể tham gia đầy đủ vào bí tích hiệp nhất, Bí tích Thánh Thể không? Hay họ phải kiêng rước lễ trong khi vẫn cùng cộng đoàn dâng lễ thờ phượng Chúa Cha một cách đích thực?

Những điều mơ hồ trong Amoris Laetitia, là tông huấn hậu thượng hội đồng tiếp theo sau các Thượng hội đồng về gia đình, đã không giải quyết được vấn đề đó. Đúng hơn, nó làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng các ranh giới đang mở ra trong Giáo hội, với việc một số Giáo hội địa phương giải thích Amoris Laetitia theo đường lối mà họ đã đưa ra tại Thượng hội đồng, tức là những người trong các cuộc hôn nhân bất hợp pháp có thể được rước lễ, và các giáo hội địa phương khác giải thích Tông huấn này theo một cách khác là những người trong các cuộc hôn nhân bất hợp pháp không nên rước lễ.

Những đường đứt gãy đó thực sự rất sâu sắc. Vì làm sao nguồn ơn thánh hóa ở Đức lại là một tội trọng cách đó 10 dặm, phía Ba Lan của biên giới Đức-Ba Lan?

Nhân tiện, đây là mối quan ngại mà nhóm 13 Hồng Y (hiện nay nổi tiếng trong một số giới) đã cân nhắc nêu ra trong lá thư của họ gửi Đức Thánh Cha ngay từ đầu Thượng hội đồng 2015. Trong lá thư đó, các Hồng Y đã lịch sự yêu cầu sửa đổi các thủ tục của Thượng hội đồng để có một cuộc tranh luận thượng hội đồng mạnh mẽ hơn và một quy trình bỏ phiếu trong đó các nghị phụ Thượng hội đồng đưa ra các phán quyết của các ngài về các đề xuất cụ thể.

Bản thảo ban đầu của bức thư đó cảnh báo chống lại khả năng Giáo Hội Công Giáo trở nên giống với Cộng đồng Anh giáo tùy chọn ở địa phương, trong đó một số giáo hội quốc gia thành viên tin và thực hành theo một cách, còn các giáo hội thành viên khác tin và thực hành ngược lại: Các ngài cho rằng đó là con đường dẫn đến ly giáo thực sự. Cuối cùng, các Hồng Y quyết định chỉ tập trung vào các thủ tục thượng hội đồng và lá cờ cảnh báo màu vàng này không có trong văn bản cuối cùng của bức thư.

Tuy nhiên, mối quan tâm vẫn còn. Và nó đã được tăng cường kể từ đó, nhất là vì những phản ứng đa dạng đối với tuyên bố vào tháng 12 năm 2023 của Bộ Giáo lý Đức tin về khả năng chúc lành cho những người có quan hệ ngoài hôn nhân và trong các kết hợp đồng giới. Các Giáo hội ở Bỉ và Đức đã hoan nghênh (và tiếp tục làm những gì họ đã làm) và các Giáo hội ở Phi Châu đã ghi danh khẳng định “Không, cảm ơn”. Những đường lối sai lầm này, và những đường lối khác, sẽ giúp xác định cuộc tranh luận - và chúng ta hãy cầu nguyện rằng đó sẽ là một cuộc tranh luận thực sự, chứ không phải một cuộc tranh luận sai lầm và bịa đặt nào đó về “Cuộc đối thoại trong Thánh Thần” - tại Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2024.

Vấn đề về nội dung hiệp nhất của Giáo Hội đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm sáng tỏ trong chuyến hành hương mục vụ đầu tiên của ngài đến Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1979.

Trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha, các cuộc đối thoại đại kết tại Hoa Kỳ đã tập trung vào các vấn đề giáo lý cốt lõi, “đóng khung” các vấn đề đạo đức vốn có sự bất đồng sâu sắc giữa người Công Giáo và các đối tác đối thoại Tin lành của họ. Đức Gioan Phaolô II có một cái nhìn khác.

Sau khi chào cộng đoàn đại kết quy tụ tại nhà nguyện của trường Trinity College ở Washington với tư cách là “anh em Kitô giáo yêu dấu và là bạn đồng môn của Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha đã cử hành lời tuyên bố chung của họ rằng “có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người, đó là Chúa Giêsu Kitô” ( 1 Timothy 2.5) và hài lòng ghi nhận tình yêu chung của họ đối với “Kinh Thánh, mà chúng ta nhìn nhận là lời được linh hứng của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha cũng tiếc nuối nhắc đến “sự chia rẽ sâu sắc” giữa các cộng đồng Kitô giáo “vẫn còn tồn tại về các vấn đề luân lý”. Và rồi, chỉ bằng một câu, ngài đóng cửa quán ăn đại kết: “Đời sống luân lý và đời sống đức tin gắn kết sâu sắc với nhau đến nỗi không thể phân chia được”. Thông điệp của ngài thật rõ ràng: Trong một cuộc đối thoại chân thành về việc tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo, không thể có sự đóng khung các vấn đề đạo đức

Nếu điều đó đúng với chủ nghĩa đại kết thì chắc chắn nó đúng với sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo. Nội dung của chữ “duy nhất” trong khẳng định của Công đồng Nicê về “Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền” là sự hiệp nhất trong đức tin: sự hiệp nhất trong các chân lý mà chúng ta biết được từ mạc khải và lý trí. Đạo Công Giáo theo lựa chọn địa phương không phải là đạo Công Giáo. Công Giáo quốc gia không phải là Công Giáo. Các chân lý đức tin – bao gồm các chân lý luân lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và hạnh phúc của con người – đều mang tính phổ quát.

Có nghĩa là, Công Giáo phải là phổ quát.


Source:National Catholic Register
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Sáu: Ba thời đại nghiên cứu Kinh thánh
Vũ Văn An
13:53 16/05/2024

Chương Sáu: Ba Thời Đại Nghiên Cứu Kinh Thánh



Một nền thần học phủ nhận tính lịch sử của hầu như mọi điều trong các sách Tin Mừng mà đời sống, tình cảm và suy nghĩ của Kitô hữu đã gắn chặt với trong gần hai thiên niên kỷ — một nền thần học hoặc phủ nhận hoàn toàn phép lạ hoặc, kỳ lạ hơn nữa, sau khi làm ngơ chuyện lớn lao như lạc đà là sự Phục sinh, đã căng thẳng nghĩ tới những con muỗi nhĩ làm thức ăn cho đám đông—nếu được cung cấp cho người ít học chỉ có thể tạo ra một trong hai tác dụng. Nó sẽ biến anh ta thành một người Công Giáo Rôma hoặc một người vô thần. Những gì bạn cung cấp cho anh ta, anh ta sẽ không công nhận là Kitô giáo. Nếu anh ta giữ điều được anh ta gọi là Kitô giáo, anh ta sẽ rời bỏ một Giáo hội trong đó nó không còn được dạy nữa và tìm kiếm một Giáo hội nơi nó được dạy.

-C. S. Lewis, “Thần học hiện đại và Khoa Phê bình Kinh thánh”



C. S. Lewis đã đọc một bài thuyết trình mà từ đó, đoạn văn trên được lấy ra tại Westcott House, Cambridge, vào năm 1959, chỉ vài năm trước Công đồng Vatican II và việc ông làm mờ các lựa chọn rõ ràng giữa chủ nghĩa vô thần và Công Giáo. (1) Việc ông lên đặc điểm cho ngành học thuật Kinh thánh hiện đại cũng hơi phiến diện. Nhưng những câu hỏi chính mà ông nêu ra tiếp tục trình bầy một câu hỏi mục vụ ghê gớm cho các nhà lãnh đạo Giáo hội. Như chúng ta đã thấy Joseph Ratzinger đặt câu hỏi trong chương trước, ngay trong trường hợp tốt nhất, liệu những sự tái tạo không chắc chắn và mâu thuẫn của các học giả có thể được kết hợp với việc thực hành một đức tin mà một cách rõ ràng, dưới chính hình thức hiện thân của nó trong Kinh thánh, nhằm dành cho không phải các giáo sư, mà là những người bình thường hay không? Ngoài ra, Lewis tạo ra những nghi ngờ khá lớn về chính khả thể các học giả xác định được nguồn gốc, quyền tác giả và độc giả ban đầu một cách đáng tin cậy — vốn là những cơ sở chính cho cách tiếp cận học thuật hiện đại đối với Kinh thánh, ngay cả giữa những người Công Giáo Rôma, trong hậu bán thế kỷ XX. Và ông làm như vậy không phải vì đơn thuần bác bỏ các kết quả, mà vì kinh nghiệm bản thân - như một học giả văn học và bản thân là tác giả - về những điều phi lý đôi khi được các nhà phê bình đương thời dựng lên về nguồn gốc và ý nghĩa của các bản văn hiện đại.

Tất nhiên, các nhà phê bình hiện đại viết về các tác giả hiện đại có lợi thế rất lớn so với các học giả hiện đại nghiên cứu về Kinh thánh. Họ không phải cố gắng hình dung ra những bài viết hơn hai nghìn năm trước xuất hiện trong những nền văn hóa hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa của họ. Họ chia sẻ bầu không khí chung của thời đại và văn hóa của chúng ta, và thông thường, nhận thức tức thời về nhiều sắc thái ngôn ngữ tinh tế trong tư cách người nói tiếng bản ngữ của chính các tác giả. Tuy nhiên, Lewis nói, những tái tạo của họ về nội dung các cuốn sách của ông hoặc của các đồng nghiệp và bạn bè của ông như J. R. R. Tolkien và Roger Lancelyn Green đã ra đời vẫn không chính xác, ngay cả về những vấn đề đơn giản nhất về sự thật và diễn giải. (Thí dụ, một số học giả cho rằng “chiếc nhẫn quyền lực” trong Lord of the Rings [Chúa tể Các Chiếc nhẫn] của Tolkien hẳn là biểu tượng của bom nguyên tử, một điều đơn giản là bất khả vì Tolkien bắt đầu viết câu chuyện đó trước khi phát minh ra bom nguyên tử.) Ai đã đọc các nghiên cứu phê bình lịch sử hiện đại về Tân Ước đôi khi cảm thấy có điều gì đó tương tự và quan trọng hơn đang xảy ra trong nỗ lực tái cấu trúc đâu là ý định của tác giả kinh thánh đã chết từ lâu và cộng đồng đã qua đi từ lâu mà ông ngỏ lời với phải như thế nào.

Nhưng Lewis không dừng lại ở đó. Ông nói, đặt vấn đề về bố cục và niên đại sang một bên, cách nhiều học giả Kinh thánh đọc các bản văn như chúng ta hiện có làm nảy sinh một vấn đề khác: “Tôi không tin họ như những nhà phê bình”, (2), một trong những nhà văn Kitô giáo và nhà phê bình văn học tài năng nhất của thời đại chúng ta đã nói như vậy. Và không chỉ những người thực hành chán ngắt (những người nhất thiết phải chiếm phần lớn trong bất cứ ngành nghề nào) mới dám đưa ra nhận định chói tai. Ông chỉ thẳng vào Rudolf Bultmann, xét theo bất cứ khía cạnh nào, cũng là một trong những học giả Kinh thánh có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20, như người đặc biệt không tri nhận được chính hình tượng Chúa Giêsu và do đó, không đáng tin cậy về nhiều mặt khác. Bultmann nói rằng không có bức tranh rõ ràng nào về nhân cách của Chúa Giêsu xuất hiện từ các sách Tin Mừng; Lewis trả lời rằng một cách để ông biết một số “Tin Mừng” của Ngộ đạo là giả mạo là Chúa Giêsu - người kết hợp sự khôn khéo của nông dân với cả sự nghiêm khắc và sự dịu dàng tuyệt vời - “không nói như vậy”.

Ngay một trong những khẳng định chính của Bultmann – rằng việc rao giảng về Chúa tái lâm đi trước những khai triển sau này về Cuộc khổ nạn – cũng bị Lewis phá hủy một cách nghiêm túc trong một cuộc khảo sát ngắn gọn nhưng tài tình về tình tiết “Hãy lui ra đằng sau Ta” (Mt 16:21-23). Bultmann nghĩ rằng sự thay đổi đột ngột từ việc Chúa Giêsu khen ngợi Pherô vì đã nhìn nhận Người là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” sang việc Người mạnh mẽ bác bỏ suy nghĩ của Phêrô như một người tìm cách tránh cuộc đóng đinh của Đấng Kitô— (“Satan, hãy lui ra đằng sau Ta”) cho thấy sự bất nhất về mặt văn học phản ảnh sự xen kẽ sau này câu chuyện Khổ nạn vào những câu chuyện Tái lâm (Parousia) căn bản hơn. Lewis, một người đọc tinh mắt, cho rằng không thấy điều gì như vậy, mà đúng hơn là sự đặt cạnh nhau một cách khéo léo hai sự thật căn bản.

Lewis tổng kết niềm hoài nghi của ông về các cách tiếp cận Tân Ước tự cho mình là các phân tích văn học duy nhất có giá trị và đã thống trị các nghiên cứu học thuật trong nhiều thập niên: “Tôi đã học được trong các lĩnh vực nghiên cứu khác rằng 'kết quả bảo đảm của nền bác học hiện đại' có tính phù du xiết bao, nền bác học sẽ sớm hết hiện đại như thế nào.” (3) Và ông không hề đơn độc trong thuyết bất khả tri này. Ernst Käsemann, một sinh viên của Bultmann và là một học giả Kinh thánh Thệ Phản đáng gờm theo tư cách riêng của mình, đã đưa ra một bức tranh tương tự về sự nhất trí được cho là mang tính bác học: “Chắc chắn tôi không nên nói: 'Chúng ta có thể tự tin dấn thân vào [con đường này], cũng như chúng ta không cần sợ rằng chúng ta đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm và không có kết quả.’ Liệu chúng ta có thể quên trong một khoảnh khắc rằng chúng ta đang đối diện hàng ngày với vô số cuộc tấn công đáng ngờ và thậm chí khó hiểu vào các lĩnh vực chú giải, lịch sử và thần học và việc nghiên cứu của chúng ta đang dần dần thoái hóa thành một cuộc chiến tranh du kích hoàn cầu? (4) Tất nhiên, quan sát một vấn đề không nhất thiết là giải quyết nó, nhưng Käsemann đã gợi ý một cách đúng đắn rằng câu trả lời cho những câu hỏi như vậy sẽ không được tìm thấy theo đường lối bác học thuần túy. Một “Giáo hội” là điều cần thiết cho loại sứ điệp kerygma (=sơ truyền) mà Kinh thánh muốn truyền đạt, một Giáo hội vừa lắng nghe Lời Chúa, vừa mãi trung thành và tuyên xưng Lời đó không những trong phẩm trật mà còn giữa tất cả các tín hữu.

Công Giáo và Kinh thánh

Không giống như chủ nghĩa chính thống cực đoan và một số hình thức học thuật hiện đại mà Lewis chỉ trích, Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ cố gắng đọc Kinh thánh qua một quan điểm đơn giản và đơn nhất. Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã có những điểm nhấn khác nhau ở Antiôkia xưa (một cách tiếp cận theo nghĩa đen hơn) và Alexandria (phương pháp ẩn dụ). Giáo hội nói chung đã chứa đựng những phương thức giải thích Kinh thánh phức tạp và làm phong phú lẫn nhau, theo những cách khác nhau của chúng, phản ảnh nhiều chiều kích của chính Tân Ước. Một người hợp tình hợp lý ngày nay xem qua các bài bình luận Kinh thánh của các Giáo phụ cổ xưa (5) (Clêmentê thành Alexandria tin rằng ít nhất năm ý nghĩa—lịch sử, tín lý, tiên tri, triết học và huyền nhiệm—luôn hiện diện) hoặc một số người thực hành tốt hơn bốn ý nghĩa của Kinh thánh (nghĩa đen, luân lý, ẩn dụ, loại suy) khai triển vào thời Trung cổ (6) có thể tìm thấy nhiều điều lập dị hoặc không còn giá trị. Nhưng họ cũng có ấn tượng bởi ý thức thường xuyên của những nhà bình luận bị coi là ngây thơ này, những nhà bình luận “tiền phê phán” khi họ cho rằng bản văn đòi hỏi sự chú ý cẩn thận đến các thể thức đa dạng và ngôn từ văn học của nó.

Trong suốt thế kỷ 20, các học giả Kinh thánh cả Công Giáo lẫn Thệ phản đều đánh giá cao và, trong một số trường hợp, phục hồi và phát triển các phần của truyền thống đa dạng đó, vốn đã bị lãng quên trong việc tìm kiếm các “bản văn chứng minh” [proof texts] đơn giản cho tín lý Kitô giáo, ngay trong Giáo Hội Công Giáo. Tất nhiên, trong gần nửa đầu thế kỷ, các thẩm quyền Công Giáo đã phần lớn ngăn cản các học giả Giáo hội tham gia vào các phương thức phê bình lịch sử có ảnh hưởng lớn, được tiên phong chủ yếu ở nước Đức Thệ phản trong các thế kỷ 19 và 20. Và những hạn chế đó đã cản trở nhiều thế hệ người Công Giáo thực hiện loại công việc cần thiết để phát triển cách đọc Kinh thánh của người Công Giáo dưới ánh sáng nhận thức hiện đại. Trong một số trường hợp, Giáo hội đã bác bỏ một cách sai lầm các học giả, những người mà các thẩm quyền cho rằng đang đi theo những con đường nguy hiểm. Một số quả có đi theo như vậy; hầu hết không đi theo. Các thẩm quyền Công Giáo lo ngại rằng các hình thức nghiên cứu phê bình lịch sử khắc nghiệt hơn sẽ dẫn đến thuyết duy hiện đại, điều chắc chắn đã xảy ra ở các hệ phái Thệ phản chính dòng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, một số phương pháp học thuật phổ biến nhất được cho là mang lại “kết quả chắc chắn của nền bác học hiện đại” lại tự rơi vào khủng hoảng đáng kể vào hậu bán thế kỷ XX.

Kinh thánh luôn chiếm một vị trí phức tạp trong tư tưởng Công Giáo, và trong một số khía cạnh, việc nghiên cứu kinh thánh Công Giáo hiện đại khó xác định về mặt trí thức hơn là triết học và thần học Công Giáo. Các cuộc tranh luận trong các lĩnh vực vừa kể vẫn tiếp diễn, và một các đúng đắn, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người Công Giáo thực hành đạo. Nhưng khuôn khổ căn bản của nghiên cứu Kinh thánh hiện đại thường đặt “Chúa Giêsu lịch sử” chống lại “Chúa Kitô của đức tin”. Joseph Ratzinger đã lưu ý rằng “quy điển thần học”, nghĩa là, cách đọc bản văn trong truyền thống và Giáo hội, “thực sự chính là điều mà khoa chú giải hiện đại nhắm để vượt qua”. (7) Do đó, trong tổng thể năng động này, các nguyên tắc Công Giáo tinh túy gần như tự động bị nghi ngờ nơi các học giả. Tất nhiên, đây chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Vì Thiên Chúa hoạt động xuyên suốt lịch sử và bước vào thời gian trong Nhập thể, nên việc nghiên cứu lịch sử là một điều cần thiết của đức tin Công Giáo. Nhưng bất chấp các nỗ lực nhằm thanh lọc các phương pháp phê bình lịch sử khỏi những giả định thiên vị, phần lớn nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong phạm vi học thuật, nói một cách nhẹ nhàng, gây căng thẳng không nhỏ với Giáo hội—và với những tín hữu bình thường cố gắng đọc Kinh thánh.

Tân Ước đặc biệt gây khó khăn cho các học giả tìm cách hiểu nó theo thuật ngữ lịch sử thuần túy vì nó không bàn đến chất liệu chỉ có tính lịch sử đơn thuần. Thay vào đó, nó cho rằng đây là một tường thuật về một hiện tượng mầu nhiệm và độc đáo: rằng khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã thực sự bước vào lịch sử và trở thành con người. Ngoài ra, Giáo hội sơ khai - trên thực tế, mạng lưới các nhà thờ địa phương cấu thành nên cộng đồng Kitô giáo hải ngoại gần như được chấp nhận một cách phổ quát - đã quyết định rằng, mặc dù chúng có nhiều khác biệt với nhau, nhưng bốn bản tường thuật về cuộc đời của Đấng Kitô có địa vị có thẩm quyền: ba Tin mừng Nhất lãm ( Mátthêu, Máccô, Luca) và Gioan. Ngay cả ba sách Nhất lãm, được đặt tên như vậy (tiếng Hy Lạp: syn-optic—nghĩa là nhìn cùng với nhau) vì dường như chúng chứa đựng nhiều yếu tố giống nhau, nhưng lại khác nhau khá nhiều về chi tiết, cấu trúc và mục đích. Nhiều lý thuyết hiện đại khác nhau đã được đề xuất để giải thích cho cả những điểm tương đồng lẫn khác biệt. (8) Tất cả các lý thuyết này, ở mức độ này hay mức độ khác, đều thừa nhận rằng phải có một số nguồn hoặc nhiều nguồn chung, bằng văn bản hoặc bằng lời nói, thậm chí còn xa hơn cả Máccô, mà hầu hết các học giả đã chấp nhận là Tin Mừng sớm nhất (mặc dù một số ít đáng kể các chuyên gia được đào tạo bài bản ngang nhau thậm chí còn tranh cãi về phán đoán đó). Vì những niên đại đơn giản và ảnh hưởng lẫn nhau còn đang bị tranh chấp, không có hy vọng thực sự nào giải quyết dứt điểm các câu hỏi, phỏng đoán lịch sử về diễn trình dẫn đến việc soạn thảo các tác phẩm Tân ước, ấy là chưa nói đến những đánh giá thuần túy học thuật về độ đáng tin của chúng trong tư cách các tài liệu lịch sử, tự bản chất chúng, đều chỉ là suy đoán, tạm thời, rời rạc và gây tranh cãi, thậm chí bởi các học giả sử dụng cùng các phương pháp “khoa học” hiện đại.

Do sự tiến bộ trong nhận thức lịch sử, đã có những tiến triển thực sự trong việc hiểu Giáo hội sơ khai và cả bối cảnh Do Thái và Hy Lạp nơi các Kitô hữu sinh sống đầu tiên. Nhưng cũng đã có những sự tái tạo thiếu khôn ngoan và chắc chắn là quá tự tin về Chúa Giêsu “lịch sử” và vai trò—thường bị coi là bất chính—của Giáo hội sơ khai trong việc tạo ra các bản văn Tân Ước. Một dấu hiệu cho thấy những sự tái tạo này đã đi quá xa vì chúng tạo ra những lời tường thuật mâu thuẫn và thậm chí trái ngược nhau về việc Chúa Kitô “phải” là ai. Những nỗ lực sớm nhất nhằm tái tạo lại Chúa Giêsu “lịch sử” theo nghĩa hiện đại đã bắt đầu nơi những người theo thuyết Duy thần [deists] người Anh, Spinoza, các nhà triết học Lục địa và những nhân vật kỳ lạ của Mỹ như Thomas Paine và Thomas Jefferson. [Jefferson đã tạo ra cuốn “Kinh thánh” nổi tiếng của riêng mình bằng cách cắt bỏ những gì ông coi là mê tín dị đoan hoặc những điều không xứng đáng với Chúa Giêsu đích thực và—với sự kết hợp giữa tính cao ngạo và tính ngây thơ điển hình của nhiều người cùng thời với ông— ông nói rằng thật dễ dàng phân biệt những câu nói đích thực của Chúa Giêsu khỏi những câu nói giả mạo như phân biệt “những viên kim cương trong đống phân tro”.(9)] Tất cả đều rất giống nhau ở chỗ Chúa Giêsu mà nhóm đa dạng này khám phá ra đằng sau những gì họ cho là xuyên tạc sau này, thực sự là một vị thầy đạo đức giản dị—có sức lôi cuốn và thậm chí có thể quyến rũ— nhưng không phải là một nhân vật thần linh, mà chỉ quan tâm đến một xã hội nhân ái và một nền chính trị tự do hơn là mạc khải một Thiên Chúa đòi hỏi khắt khe. Tóm lại, là một con người như chính họ.

Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra để giải thích làm thế nào mà các câu chuyện “dị đoan” và phép lạ được thêm vào nhân vật được cho là hữu lý và đơn giản này là Chúa Giêsu, người đã sống sót cuộc bàn bạc này nhưng chỉ là một con người không tốt hơn bất cứ nhà đạo đức nào khác của Phong trào Ánh sáng. Và đó vẫn là một loại nhạc nền cho hầu hết các nỗ lực học thuật tiếp theo để phân tích lịch sử đằng sau các bản văn Tân Ước. Thí dụ, vào năm 1906, năm mà ông bị trục xuất khỏi Dòng Tên, George Tyrrell, một người Anh trở lại theo Công Giáo, mặc dù có khuynh hướng “duy hiện đại” của chính ông, đã phàn nàn về học giả vĩ đại Thệ phản hiện đại Adolf von Harnack (1851–1930) và ngụ ý rằng, nhiều người khác đã chia sẻ các giả định căn bản của ông cho rằng Kinh thánh phải hướng đến một quan điểm về thế giới và Thiên Chúa, vốn điển hình thuộc một số trào lưu đương thời: “Chúa Kitô mà Harnack nhìn thấy, khi nhìn lại mười chín thế kỷ đen tối của Công Giáo, chỉ là phản ảnh của một khuôn mặt Thệ phản cấp tiến, được nhìn thấy dưới đáy giếng sâu.” (10)

Việc đúc khuôn lại một người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất như một triết gia của thế kỷ mười tám hay một tín đồ Thệ phản cấp tiến ở thế kỷ mười chín quả là một chặng đường dài. Nhưng Chúa Giêsu của Thệ phản cấp tiến, một phần do những thôi thúc tương tự muốn khẳng định Người vì những lý do đương thời, sẽ sớm nhường chỗ cho Chúa Giêsu duy hiện sinh của Rudolf Bultmann, Chúa Giêsu phản văn hóa của những năm 1960, Chúa Giêsu duy nữ quyền, Chúa Giêsu duy giải phóng, và hơn thế nữa, không có kết thúc đối với những biến thể này trong tầm nhìn. Chúa Giêsu của thần học Kitô giáo cổ điển, người đã tồn tại qua nhiều mốt nhất thời và sự sụp đổ của toàn bộ nhiều nền văn minh, chắc chắn cũng không biến mất. Dĩ nhiên, một cách nào đó, có thể nói rằng Chúa Kitô chứa đựng mọi khát vọng hướng thiện của con người. Các yếu tố của cả các phiên bản duy hiện đại về Chúa Kitô cũng có thể được phát hiện trong hồ sơ cổ xưa. Nhưng những cách thức mà những sự tái tạo được cho là lịch sử này mâu thuẫn và cắt xén lẫn nhau—Thí dụ, về mặt luận lý, Chúa Kitô không thể vừa là một người theo chủ nghĩa tự do của thế kỷ 19 vừa là một Che Guevara của thế kỷ 20—đã có tác động tích lũy cho thấy những giải trình như vậy thực sự được “xây dựng” như thế nào. Và tiếp tục đặt nghi vấn đối với các giả định và hạn chế phương pháp luận, trong nhiều khía cạnh, của các cách tiếp cận phê bình-lịch sử mà chúng dựa vào.

Giáo Hội Công Giáo phần lớn không tham gia vào những sự phát triển hiện đại này, một phần là do niềm tin đã ổn định, không phải hoàn toàn phi lý, cho rằng chúng sẽ chứng tỏ là ra ngoài điểm chính, nhưng cũng phần lớn là do sự lo sợ rằng tất cả những trào lưu “duy hiện đại” này có thể sẽ dẫn đến pong trào Thệ phản và tệ hơn, trong một số trường hợp không nhỏ trong thế kỷ 20, chúng quả đã dẫn tới như thế.

Các phát triển của Công Giáo thế kỷ 20 trong Thần học Kinh thánh

Nói chung, trong thế kỷ 20, việc nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo đã trải qua ba giai đoạn lớn:

1. Vào đầu thế kỷ này, Giáo hội rất cảnh giác đối với những phát triển bác học hiện đại, phần lớn là lĩnh vực chuyên biệt của Thệ phản Đức, khi chúng không thực sự nhằm mục đích làm mất thanh thế niềm tin Kitô giáo hoặc làm mất uy tín Kinh thánh như lịch sử có thật. Không có học giả Công Giáo nào có cùng mức độ tinh vi như những nhân vật Thệ phản nổi tiếng của thế kỷ 19 như Baur, Wellhausen, Strauss, Schleiermacher, Feuerbach – và Schweitzer và Bultmann trong thế kỷ 20. Việc nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo vẫn nằm trong các phạm trù giải thích truyền thống vốn hữu ích và trung thành với giáo huấn của Giáo hội nhưng không tham gia nhiều vào các khám phá khảo cổ học hiện đại, mổ xẻ lịch sử các văn bản, các phương pháp giải thích mới và các phát triển khác.

2. Bắt đầu với Sắc lệnh Providentissimus Deus [Thiên Chúa Rất mực quan phòng] (1893) của Đức Lêô XIII, và trong một loạt thay đổi chậm chạp mà đỉnh cao là Sắc lệnh Divino Afflante Spiritu [nhờ ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần] (1943) của Đức Piô XII và Sắc lệnh Dei Verbum [Lời Thiên Chúa] (1965) của Công đồng Vatican II, phẩm trật Giáo hội dần dần chấp nhận rằng phương pháp phê bình lịch sử, như một số cách tiếp cận khác nhau đối với việc đọc Kinh thánh đã được gọi, có thể được sử dụng để giúp làm sáng tỏ bản văn và lịch sử của nó mà không nhất thiết nêu một vấn đề nào đối với giáo huấn và truyền thống Công Giáo. Khi những phương pháp này được cho phép, người Công Giáo bắt đầu sử dụng chúng với sự nhạy bén học giả ngang bằng với những người khác trong học thuật, mặc dù không có nhà chú giải Công Giáo nào xuất hiện, có thể được coi là nhân vật đẳng cấp thế giới ngang với những người Thệ phản trước đó.

3. Vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, các học giả Kinh thánh Công Giáo—những người đã háo hức chấp nhận các phương pháp luận hiện đại khi các thẩm quyền Giáo hội muộn màng cho phép họ—bắt đầu nhận ra nhiều giới hạn của chính những phương pháp đó. Các câu hỏi cũng đặt ra về mối quan hệ giữa kết quả học giả trong học thuật với niềm tin và thực hành trong Giáo hội. Mọi người đều nhất trí rằng nền học giả học thuật có vai trò, tiêu chuẩn và phương pháp riêng của nó, những điều cần phải tuân theo để trung thành với con đường đi tìm chân lý của nó. Nhưng Kinh thánh trình bày một sự khác biệt rõ ràng so với các bản văn khác. Các học giả có thể đọc Homer hoặc Dante hoặc Shakespeare với nỗ lực tái tạo chính xác ý nghĩa của chúng mà không cần quan tâm đến tầm quan trọng của chúng đối với cuộc sống đương thời. Kinh thánh, ít nhất là như người Công Giáo (và nhiều Kitô hữu khác) tin tưởng, có liên quan không những đối với thời điểm nó được viết ra hoặc thời điểm hiện tại nó được đọc, mà còn đối với mọi thời đại và địa điểm. Và hơn nữa, đối với các tín đồ, Kinh thánh, theo lời của Thánh Giêrôm, là “Lời của Thiên Chúa trong lời nói của con người”, một trường hợp rắc rối về quyền tác giả kép. Việc đọc Kinh thánh theo học thuật phải phục vụ—như nó phải có trong quan điểm Kitô giáo—việc đọc trong Giáo hội vẫn đã (và vẫn còn) là một vấn đề mà nhiều người hiện nay đã nhận ra, nhưng vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp hoàn toàn thỏa đáng. (11)

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng đây không chỉ là những thay đổi trí thức. Chúng phản ảnh một loạt sự phát triển thần học—nhất thiết phải như vậy bởi vì một trong những nguyên tắc căn bản của mọi nghiên cứu kinh thánh Công Giáo là việc viết, đọc và nghiên cứu chính thức về Kinh thánh diễn ra trong bối cảnh Thiên Chúa tự mặc khải cho loài người. Không có đức tin vào sự mặc khải đó, Kinh thánh vẫn là một cuốn sách đóng kín. Theo quan điểm này, sự mặc khải không đồng nhất với Kinh thánh, và dù sao, Kinh thánh không đơn thuần là một cuốn sổ tay cho người sử dụng với tất cả các câu trả lời có sẵn. Trong số các khía cạnh khác của sự mặc khải, có những biến cố thực sự đã diễn ra trong lịch sử của dân Israel, cuộc đời của Chúa Kitô, tác động của Người đối với các tông đồ và các môn đệ khác, và sự hiểu biết liên tục về sự mặc khải trong đời sống của dân Thiên Chúa trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. (Đôi khi trong truyền thống, chính tự nhiên - nghĩa là sáng thế - được nói đến như một cuốn mặc khải thứ hai). Các bản văn viết của Sách Thánh là những nét chính của toàn bộ thực tại này, có tính qui phạm cho cuộc sống Kitô hữu, vì chúng làm chứng cho, và, ngược lại, được giải thích bằng toàn bộ của sự thật mặc khải về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người.

Chính vì ý nghĩa phức tạp này, Giáo Hội Công Giáo rất thận trọng trong cách tiếp cận và sử dụng Kinh thánh. Chính một trong những kết quả đáng tiếc của các cuộc tranh luận Cải cách là Giáo hội có xu hướng không khuyến khích việc đọc Kinh thánh vào chính thời điểm việc in ấn khiến sách trở nên phổ biến rộng rãi hơn, bởi vì, người ta cho rằng, nó có thể dẫn đến việc “giải thích riêng tư”, không trung thành với nguyên tắc truyền thống hoặc phiến diện trong các điểm nhấn mạnh của nó. Trong các định chế Công Giáo, các đoạn trích từ Kinh thánh, cùng với một số trích dẫn từ truyền thống, từ lâu đã được sử dụng trong sách giáo khoa làm văn bản chứng minh cho các tín điều chuyên biệt. Điều này có nghĩa là bản thân Kinh thánh phần lớn được coi là tư liệu đã được giải thích, không phải là nguồn đổi mới, và có khi mới thật, của sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Lịch sử Kinh thánh đã được nghiên cứu một cách đại cương, và tất nhiên các sách Tin Mừng và các bản văn Tân ước khác đều quen thuộc với các bài đọc trong Thánh lễ. Nhưng cùng với sự công nhận ngày càng gia tăng về thần học trong thế kỷ 20 rằng Giáo hội là dân của Thiên Chúa đang lữ hành xuyên qua thời gian, ước muốn gặp gỡ Kinh thánh một cách bản thân hơn bắt đầu làm tan biến những dè dặt cũ. Sau đó, nó thậm chí còn bắt đầu định hình lại việc đánh giá các nghiên cứu kinh thánh hiện đại.

Mặc dù nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này vài năm, nhưng tông huấn hậu thượng hội đồng Verbum Domini [Lời Chúa] (2010) trình bày một viễn cảnh tổng thể, được cung cấp bởi hàng thập niên kinh nghiệm, qua đó đánh giá cách thức các yếu tố khác nhau cuối cùng đã kết hợp với nhau trong một Cách tiếp cận của Công Giáo đối với Kinh thánh. Như Đức Bênêđictô XVI viết ở đó, mượn lời Hans Urs von Balthasar, cách tiếp cận như vậy phải có tính “đa âm” [polyphonic], bởi vì chúng ta có thể thấy trong chính Kinh Thánh nhiều ý nghĩa của Lời đã được thông truyền cho chúng ta (xem VD 7).

1. Logos [Lời] đã có ở đó ngay từ đầu như chúng ta đọc trong dòng đầu tiên của Tin Mừng Gioan.

2. Ngôi Lời đã nhập thể làm người và ở giữa chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô.

3. Cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), như được gọi trong truyền thống, thông truyền những ước muốn yêu thương của Thiên Chúa trong tạo thế.

4. Lịch sử cứu rỗi, bao gồm câu chuyện của Israel, tiếng nói của các tiên tri, và Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô.

5. Lời qua đó Đức Kitô đã truyền cho các tông đồ hãy đi rao giảng cho muôn dân.

6. Truyền thống sống động của Giáo Hội bắt nguồn từ mệnh lệnh đó.

7. Và, “cuối cùng”, Cựu Ước và Tân Ước.

Đức Bênêđíctô nói thêm rằng, do đó, mặc dù Giáo hội tôn kính Kinh thánh, nhưng Đạo Công Giáo không phải - như người ta thường nói - là “tôn giáo của sách” mà là tôn giáo của Lời Chúa trong từng và mọi ý nghĩa. Và người Công Giáo phải được giúp đỡ để hiểu những ý nghĩa đa dạng và loại suy này mà không làm mất đi ý thức về sự thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa, vốn bao trùm tất cả.

Như phần tóm tắt ngắn gọn này cho thấy, việc học hỏi Kinh Thánh là một phần của việc tiếp nhận Lời Chúa sâu rộng hơn. Sự tiếp nhận đó có yếu tố trí thức nhưng cũng phải được người Kitô hữu nhìn nhận như một cuộc gặp gỡ giữa Đấng Tạo Dựng và các tạo vật có lý trí. Thật vậy, như chính một số học giả hiện đại đã hiểu, các nghiên cứu thuần túy hình thức sẽ mắc nhiều sai lầm nếu chúng không tự coi mình như dựa trên mối quan hệ đó một cách nền tảng. Ngay cả những phân tích phê bình-lịch sử mang tính thăm dò nhất, vốn phải được thực hiện theo cách riêng của chúng trong giai đoạn đầu, sẽ không đạt được sự hiểu biết đúng đắn trừ khi, sau đó, bằng cách nào đó, chúng được tích hợp vào một tổng hợp lớn hơn có tính đến những gì người viết và biên tập viên của các bản văn thánh tin rằng họ đang làm: tức nói về Thiên Chúa. Đối với Verbum Domini, rủi ro rất cao: “Dưới ánh sáng mặc khải của Lời Chúa, bí ẩn về thân phận con người được làm sáng tỏ một cách dứt khoát” (VD 6).

Vì tầm quan trọng của việc nghiên cứu Kinh thánh hiện đại đối với nhiệm vụ này, sẽ rất hữu ích nếu lướt qua lịch sử của nó một cách ngắn gọn ở đây, bởi vì lịch sử giúp làm sáng tỏ cả những xung đột và thành công sau này trong việc nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong thế kỷ XX.

Còn tiếp
 
Khô Hạn
Lm Vũđình Tường
21:56 16/05/2024
Thời tiết thay đổi. Năm nay nắng hạn hơn mọi năm. Mưa ít, nắng nhiều. Đã thế cái nắng lại gay gắt, không khí khô. Gió nóng samạc từ xa bay về, mang theo cát bụi màu đất đỏ làm cho cả bầu trời màu hồng, đậm mầu đất. Ngày nóng, đêm bức, ngột ngạt, hơi thở rè rè như tiếng ve già kêu rời rạc lúc cuối đời.

Nắng hạn, sợ không đủ nước cho dân chúng dùng, chính quyền ra lệnh giới hạn nước. Cấm hàng ngày tưới cỏ, cây cối trong vườn. Chỉ được phép tưới cầm hơi, giúp cho cây cối sống, cầm cự qua hè, mong cho mùa mưa tới nhanh. Vườn rau đay thiếu nước, lá teo, thân còm, cành rụt, vỏ dính thân. Lệnh tiết kiệm nước ban ra, hạn chế dùng nước. Như thế cả vườn bị chết khô. Không cấm giết cây. Cấm nước; cây chết. Thế mới biết thiên nhiên liên hệ với nhau. Nếu không giữ lại một vài cây làm sao có giống trồng cho năm tới. Một chọn lựa bắt buộc; Cu Tỏi tưới cho cây rau đay tốt nhất vườn. Mong cho nó mau ra hoa, có trái làm giống cho năm sau. Được tưới nước đầy đủ, phân bón đàng hoàng, nó mọc tốt, lá xanh, hoa vàng ươm. Cả vườn có vài cây rau xanh um; đàn bướm, cái sâu, con kiến bu lại tàn phá. Chưa hết, đất khô côn trùng trong đất đi tìm thực phẩm, nước uống. Chúng bu lại cầy bới, cắn gốc rễ. Cây rau đay giống, phía trên mặt đất bị sâu rầy tàn phá; dưới mặt đất bị côn trùng bách hại. Cuối cùng chỉ còn vài ba trái cằn cỗi, không được mấy hột giống.

Miếng đất trồng rau sau nhà khô rang, nứt nẻ vết chân chim, chằng chịt. Vết nứt này chưa dứt thì vết nứt kia đã nối vào, tạo thành vết nứt dài cong queo, ngoằn ngèo dài từ mảnh vườn sau nhà, chạy ra trước ngõ, rớt tỏm xống bờ ao. Cỏ dại còn chết, nói chi đến rau trồng. Mừng đại lễ Đức Kitô lên trời; chiều đó trời ban xuống cho nhân loại cơn mưa đầu mùa. Ai cũng bảo, đây chính là ơn Chúa Thánh Thần ban xuống. Mưa cho cây cối xanh um. Mưa cho con người có nước uống. Mưa cho không khí ôn hoà. Mưa cho lũ chim bay về ca hát líu lo mừng nắng sớm. Mưa cho đời bớt sầu, cho ve già im tiếng. Mưa cho ong hút mật nhuỵ hoa. Mưa cho con cá dưới ao thoả chí mừng nước mới, mưa cho con tôm sáng mắt mò tìm thức ăn. Mưa cho con cua lìa hang nhìn trời xanh, trăng sáng. Cơn mưa đầu mùa mang lại nhiều nước. Mưa như đổ nước xuống. Nước chảy đầy kẽ lẻ, mang theo bụi, đất lấp lầy các vết nẻ trên đất. Nhìn miếng đất mềm mại, ướt, dẻo. Cu Tỏi mong sao có hạt giống trồng rau. Chàng lục lọi trong tủ tìm được ít hạt giống cũ cách đây ba năm mang trồng. Hạt giống cũ, lâu quá, nó không mọc. Hy vọng chết theo với hạt đay giống.

Ngày ngày, nhìn qua cửa kiếng trong bếp sau nhà; đám cỏ non đua nhau chồi lên, lá mơn mởn, xanh nõn nà, vươn dài thật bắt mắt. Chàng nghĩ bụng nhìn thì thích thật nhưng mai mốt nhổ chúng, không còng xương sống, cũng giãn xương ngực, nhẹ nhất là mỏi rã cánh tay. Cỏ mọc không đều, chỗ thưa, chổ dầy; nơi này cao, đám kia thấp. Trong số những đám lô nhô cao thấp, lại có những cây lá ngắn, dài khác màu. Đoán chừng là một loại cỏ dại khác. Không thèm nhổ, để kệ nó, mai mốt làm phân xanh cho vườn. Rồi cũng một ngày kia; một buổi sáng trong sáng, khí trời mát mẻ mời gọi, Cu Tỏi bước chân vào vườn. Có cái gì bắt mắt, lại gần nhìn kĩ thì ra, vui quá, đám rau đay. Nó mọc ngay chỗ cây rau đay giống trước kia. Suy nghĩ mãi, chàng nhớ lại, ba năm trước đây cây rau đay giống có mấy trái nhỏ bằng đầu đũa. Trái khô cằn, còm cõi, vò ra chỉ lấy được vài ba hạt, số còn lại toàn hạt nép. Quẳng hạt nép xuống gốc cây. Không ngờ, hạt giống chàng chọn cất kĩ lại không mọc; hạt chàng khinh chê, vất bỏ đó, chúng ngủ yên trong đất, chờ cơ hội thuận tiện mọc lên. Hạt giống không mọc vì thiếu nước. Cất trong chai lọ, khô quá, mầm hạt giống chết khô. Dước đất, nhờ chất ẩm, chỉ một chút xíu thôi cũng đủ giúp mầm hạt giống tồn tại lâu năm trong lòng đất. Thế mới biết Đấng Tạo Hoá âm thầm dậy con người trăm ngàn điều tốt lành, mới lạ; khoa học từ từ khám phá mỗi ngày.

Tinh thần vươn cao, Cu Tỏi chăm sóc đám đay, thế là gia đình có bữa canh ngon. Xóm làng ai cũng hỏi làm sao cu Tỏi có hạt giống rau đay. Chàng đáp: Ơn Chúa Thánh Thần đấy bác ạ. Vài người đạo đức nghe được lên tiếng mắng:

Đừng hỗn. Ăn càn, nói bậy. Nói như thế là báng đạo, có biết không.

Cu Tỏi thanh minh. Dạ, cháu không có í nói hạt giống rau đay là Chúa Thánh Thần. Cháu muốn nói thiên nhiên làm việc tương tự như công việc của Thánh Thần. Hôm trước mưa vào đúng ngày lễ Chúa Giêsu lên trời, một tuần trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; chính các bác bảo đó là ơn Chúa Thánh Thần. Các bác dùng thiên nhiên ví vào việc đạo đức. Cháu cũng dùng thiên nhiên hiểu ơn Chúa Thánh Thần. Đây nhá, ngày bác chịu phép Thanh Tẩy, bác nhận ơn Chúa Thánh Thần. Bảy tám năm sau bác chịu phép Thêm Sức, bác cũng nhận ơn Chúa Thánh Thần. Rõ ràng chưa. Ơn Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thanh Tẩy và Thêm Sức chỉ là một Thánh Thần. Ơn Thánh Thần Kitô hữu lãnh nhận lúc Thanh Tẩy đến từ Đức Kitô, gồm các ơn tiên tri, tư tế và vương quyền của chính Đức Kitô. Kitô hữu nhận bảy ơn Thánh Thần lúc thêm sức. Đó là các ơn: Khôn ngoan, lo liệu, hiểu biết, sức mạnh, thông minh, đạo đức và kính sợ Chúa.
Ở bậc tiểu học, học sinh học toàn nguyên tắc căn bản. Mẫu tự thì có a, b, c; toán thì có 1,2,3. Lên trung học những nguyên tắc căn bản này được khai triển rộng ra hơn một chút và lên đại học thì được khai triển rộng rãi. Hiểu theo cách đó thì ơn Thánh Thần nhận lúc thanh tẩy trở thành nền tảng cho các ơn khác nhận sau này. Ơn Thánh Thần nhận lúc thêm sức khai triển các ơn nền tảng, căn bản nhận khi thanh tẩy, trước khi được sai đi làm nhân chứng cho Đức Kitô.

Thánh Gioan Tiền Hô có lần nói, phép rửa ông ban bằng nước, nhưng Đấng đến sau ông sẽ rửa bằng lửa, bằng Thánh Thần. Thời đó người ta phải chờ hơn ba mươi năm sau, Đức Kitô về trời mới ban Thánh Thần xuống. Ngày nay Giáo Hội có hai đại lễ: Lễ Chúa Giêsu lên trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trước hai đại lễ này, môn đệ Đức Kitô nhận ơn thanh tẩy rồi chờ để nhận ơn Thánh Thần. Sau hai đại lễ, Kitô hữu đón nhận Thánh Thần ngay khi nhận bí tích Thanh Tẩy.

Bí tích Thêm Sức có nguồn gốc từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tông đồ Đức Kitô đặt tay ban Thánh Thần cho những nhân tuyển có lòng tin vào Thiên Chúa nhưng chưa nhận Thánh Thần Cv 8:14-17. Phaolô gặp một nhóm khác cũng tin theo Chúa nhưng chưa hề nghe nói đến Thánh Thần. Ông đặt tay trên họ và họ nhận Thánh Thần, và hăng hái ra đi rao giảng Lời Chúa Cv 19:1-8. Những nhân tuyển này nhận ơn thống hối từ phép rửa của Gioan; ba mươi năm sau mới nhận ơn Thánh Thần. Như thế có thể nói Gioan là người không phải chỉ dọn đường cho Chúa Cứu Thế; Gioan còn dọn đường tâm linh cho môn đệ Đức Kitô. Môn đệ Đức Kitô ra đi rao giảng được chính những nhân tuyển này đón nhận. Họ là đầu cầu nối kết; là dân địa phương, chỉ đường, dẫn lối, giúp các tông đồ hiểu phong tục, tập quán địa phương trong việc rao giảng lời Chúa. Chính những nhân tuyển này trở thành lãnh đạo đền thờ địa phương.

Ơn Thánh Thần nhận lúc Thêm Sức được ví như cơn mưa đầu mùa đổi mới mặt đất. Ơn Thánh Thần giúp sưởi ấm, đổi mới tâm hồn, canh tân đời sống, thanh tẩy vết nhơ, làm đầy thung lũng, lấp đầy lỗ nẻ, hàn gắn vết rẽ. Tất cả đều do Thánh Thần. Đây là nguồn thần lực Thánh Thần Chúa khởi sự, lãnh đạo, chủ trương. Dùng hình ảnh thiên nhiên giải thích việc làm của Thánh Thần giúp trí óc con người dễ nhận ra Thánh Thần ngày đêm sinh hoạt trong tim, tâm hồn ta. Nhận ơn Thánh Thần lúc thanh tẩy nhưng đến khi thêm sức mới đánh dấu mức trưởng thành của Kitô hữu. Trưởng thành đây không phải là trưởng thành về thể lí. Trưởng thành về tâm linh, đức tin. Người Kitô hữu trưởng thành khi biết phân biệt phải trái, đúng sai, lành dữ, đạo đức; khô khan, siêng năng lười biếng trong việc tin theo và phụng thờ Chúa. Đời sống đức tin cùng đồng hành với đời sống thể lí là một ân huệ. Nhưng nhiều trường hợp đời sống đức tin không lớn mạnh chung với đời sống thể lí.

Khi gieo trồng một cây, dù là thân mộc hay giây leo; khởi đầu chỉ có một thân duy nhất mọc lên; khi trưởng thành cây đó bắt đầu đâm nhánh, mọc cành. Trưởng thành hơn nữa, nhánh chính sinh nhánh phụ; cành to sinh cành nhỏ, trở thành cây rậm rạp, xum xoe. Khi trưởng thành tất cả đều sinh hoa trái. Tương tự như thế, cuộc sống tâm linh được ví như 'cây đức tin'. Hạt giống đức tin Kitô hữu nhận khi lãnh bí tích Thanh Tẩy; cây đó bám rễ, từ từ lớn lên đến mức trưởng thành. Mức đó được đánh dấu, ghi ấn tín bằng bí tích Thêm Sức. Kitô hữu trưởng thành khi biết làm lành, lánh dữ. Họ được sai đi làm nhân chứng cho Đức Kitô giữa đời. Cuộc lữ hành tâm linh khởi sự bằng việc sai đi, và chấm dứt khi Kitô hữu đó được diện kiến trước tôn nhan Chúa.

TiengChuong.org
 
VietCatholic TV
Nhà máy lọc dầu Nga Rostov nổ tung. Tình trạng của Fico. FSB vũ trang hùng hậu đập phá nhà Tướng Nga
VietCatholic Media
02:57 16/05/2024


1. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đấu tranh giành sự sống sau vụ ám sát

Thông tấn xã BBC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Slovak PM Robert Fico fights for life after assassination attempt.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đang phải đấu tranh giành lấy sự sống trong bệnh viện sau khi bị bắn tại một thị trấn nhỏ phía đông bắc Bratislava.

Vào tối thứ Tư theo giờ địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kalinak cho biết ông Fico đã trải qua ca phẫu thuật hơn ba giờ và tình hình rất “tệ”.

Các chính trị gia Slovakia bao gồm cả tổng thống đã gọi vụ xả súng là một “cuộc tấn công vào nền dân chủ”.

Kẻ tấn công bị cáo buộc đã bị giam giữ tại hiện trường nhưng vẫn chưa được chính quyền xác định danh tính chính thức.

Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 14h30 tại Handlova tức là 19h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam, cách thủ đô Bratislava khoảng 180km, khi ông Fico chào người dân trước một trung tâm văn hóa cộng đồng nơi diễn ra cuộc họp chính phủ.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông giơ súng và bắn năm phát vào thủ tướng trước khi bị các vệ sĩ khuất phục trong khi các thành viên khác trong đội an ninh của ông Fico đưa thủ tướng vào xe của ông.

Ông được trực thăng đưa đến bệnh viện gần đó trước khi được đưa đến một bệnh viện khác ở Banska Bystrica, phía đông Handlova.

Cuối ngày thứ Tư, Phó Thủ tướng Slovakia Tomas Taraba nói với chương trình Newshour của BBC rằng ông tin rằng ca phẫu thuật tại bệnh viện của ông Fico đã diễn ra tốt đẹp.

“Tôi đoán cuối cùng anh ta sẽ sống sót,” ông Taraba nói và nói thêm: “Anh ta không ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng vào lúc này.”

Tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok cho biết ông Fico đã bị bắn vào bụng.

Ông nói thêm: “Thông tin ban đầu rõ ràng chỉ ra động cơ chính trị”.

Các phương tiện truyền thông địa phương chưa được xác nhận cho biết nghi phạm là một nhà văn và nhà hoạt động chính trị phò Nga 71 tuổi.

Một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Slovakia có mục đích giới thiệu nghi phạm.

Trong đoạn phim, người đàn ông nói rằng anh ta không đồng tình với chính sách của chính phủ và lập trường của chính phủ đối với truyền thông nhà nước. BBC không biết liệu người trong video có phải là thủ phạm bị giam giữ tại hiện trường hay không cũng như hoàn cảnh quay video.

Ông Fico đang đi thăm thị trấn Handlova thì bị tấn công

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Slovakia Zuzana Caputova cho biết có điều gì đó “nghiêm trọng đã xảy ra đến mức chúng tôi thậm chí còn chưa thể nhận ra”.

Cô nói thêm: “Những lời lẽ đầy hận thù mà chúng ta chứng kiến trong xã hội sẽ dẫn đến những hành động đáng hận thù”.

Ông Kalinak và ông Estok đổ lỗi cho việc lan truyền ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội là nguyên nhân gây ra vụ nổ súng và kêu gọi người dân không “trả thù bằng hận thù”.

Ông Estok cáo buộc giới truyền thông đã góp phần tạo ra bầu không khí dẫn đến vụ nổ súng nhắm vào ông Fico, đồng thời phát biểu trong một cuộc họp báo: “Nhiều người trong số các bạn là những người đã gieo rắc sự thù hận này”.

Ông nói thêm rằng sự bảo vệ sẽ được cung cấp cho các quan chức hiến pháp cũng như các nhóm khác có thể bị tấn công tương tự, bao gồm các nhà báo và nhân vật của công chúng.

Ông Fico, 59 tuổi, trở lại nắm quyền ở Slovakia sau cuộc bầu cử vào tháng 9 năm ngoái, với tư cách là nhà lãnh đạo liên minh dân túy-dân tộc chủ nghĩa.

Những tháng đầu tiên ông làm thủ tướng đã tỏ ra có nhiều tranh cãi về mặt chính trị. Vào tháng Giêng, ông đã dừng viện trợ quân sự cho Ukraine và tháng trước đã thông qua kế hoạch bãi bỏ đài truyền hình công cộng RTVS.

Hàng ngàn người Slovakia đã phản đối đề xuất cải cách đài truyền hình công cộng trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, một cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức đã bị hủy bỏ hôm thứ Tư khi có tin tức về vụ nổ súng.

Quốc hội đang họp vào thời điểm xảy ra vụ tấn công và truyền thông Slovakia đưa tin rằng một đồng nghiệp trong đảng của ông Fico đã hét vào mặt các nghị sĩ đối lập, cáo buộc họ đã châm ngòi cho vụ tấn công.

Tổng thống đắc cử Peter Pellegrini, một đồng minh chính trị của ông Fico, cho biết ông rất kinh hoàng khi biết tin về vụ tấn công và cũng đổ lỗi vụ nổ súng là do sự chia rẽ chính trị gần đây.

Mô tả cuộc tấn công là một “mối đe dọa chưa từng có đối với nền dân chủ Slovakia”, ông nói rằng mọi người không nhất thiết phải đồng ý về mọi thứ, nhưng có nhiều cách để bày tỏ sự bất đồng một cách dân chủ và hợp pháp.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã lên án vụ tấn công ông Fico. Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án “hành động bạo lực khủng khiếp” và cho biết đại sứ quán Mỹ đang “liên lạc chặt chẽ” với chính phủ Slovakia và “sẵn sàng hỗ trợ”.

Putin cho rằng “không thể có lời biện minh nào cho tội ác khủng khiếp này”. Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel cho biết “không gì có thể biện minh cho bạo lực hoặc các cuộc tấn công như vậy”

2. Quan chức Nga cho biết máy bay không người lái đã tấn công nhà máy lọc dầu ở tỉnh Rostov

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian official: Drones strike oil depot in Rostov “. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Sáng Thứ Tư, 15 Tháng Năm, Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, cho biết hai máy bay không người lái đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Rostov của Nga vào sáng 15 Tháng Năm, gây ra các vụ nổ kinh hoàng tại cơ sở này.

Golubev cho biết hai máy bay không người lái đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở quận Proletarsky của Rostov, gây ra các vụ nổ phá hoại nghiêm trọng cơ sở vật chất của nhà máy lọc dầu.

Tuy nhiên, Golubev nhấn mạnh rằng điều đáng mừng là vụ tấn công không gây ra hỏa hoạn tại cơ sở và không có thương vong.

Lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vào mùa xuân này. Các quan chức Kyiv cho biết những cuộc tấn công này được thực hiện nhằm làm suy yếu các hoạt động quân sự của Nga và trả đũa các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Tỉnh Rostov giáp Ukraine ở phía đông nam. Một cuộc tấn công trước đó vào nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk trong khu vực hồi tháng 3 đã khiến nhà máy này phải ngừng hoạt động một phần.

Các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu năng lượng của Nga đã khiến các quan chức Mỹ chỉ trích, những người đã nói rõ rằng Washington không ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu, với lý do lo ngại rằng nó có thể đe dọa thị trường năng lượng toàn cầu.

Đáp lại, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho rằng Kyiv có quyền sử dụng vũ khí của mình để tấn công vào sâu bên trong nước Nga.

3. FSB vũ trang hùng hậu đã lôi Tướng Nga Yury Kuznetsov ra khỏi giường vào lúc 5 giờ sáng. Các quan chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Nga lũ lượt từ chức.

Tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “PUTIN'S PURGE. Russian general Yuri Kuznetsov dragged out bed at 5am by cops as three more defence chiefs resign after Shoigu sacked”, nghĩa là “CUỘC THANH TRỪNG CỦA PUTIN. Tướng Nga Yury Kuznetsov bị cảnh sát lôi ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng khi có thêm ba nhà lãnh đạo quốc phòng từ chức sau khi Shoigu bị sa thải”.

Trung tướng Yury Kuznetsov bị bắt “vì nghi ngờ hoạt động tội phạm” ngay sau khi Putin cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu

Viên tướng Nga này đã bị lôi ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng để bị tạm giam, và đối mặt với “các cáo buộc hình sự về bí mật nhà nước” trong cuộc thanh trừng mới nhất của Vladimir Putin.

Trung tướng Yuri Kuznetsov, 55 tuổi, đã bị bắt bởi cảnh sát có vũ trang hạng nặng trùm kín mặt, những người đã dùng xà beng xông vào nhà ông.

Quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng được cho là đã bị “lôi ra khỏi giường và đưa đi thẩm vấn”.

Vụ bắt giữ tư lệnh quân đội diễn ra một ngày sau khi Vladimir Putin đưa ra những thay đổi lớn trong nền quốc phòng Nga, bao gồm cả việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng lâu năm Sergei Shoigu.

Trong khi đó, ba thứ trưởng quốc phòng khác bất ngờ nộp đơn xin từ chức, bao gồm thứ trưởng Sergei Tsalikov, 67 tuổi, thứ trưởng Alexey Kryvoruchko, 48 tuổi, và nữ thứ trưởng quốc phòng Tatiana Shevtsova, 54 tuổi.

Là đồng minh thân cận của Shoigu, Kuznetsov phụ trách bộ phận nhân sự chính của Bộ Quốc Phòng nhưng việc giam giữ ông được coi là có liên quan đến vai trò trước đây của ông là bảo vệ bí mật quân sự quốc gia.

Các nhà điều tra cho biết, trong quá trình khám xét nhà của ông ta, họ đã tìm thấy số tiền mặt lên tới 875.000 bảng Anh hay 1 triệu mốt Mỹ Kim dưới dạng rúp và ngoại tệ cũng như “đồng xu vàng, đồng hồ sưu tập và các mặt hàng xa xỉ”.

Kênh Telegram VChK-OGPU của Nga có thông tin nội bộ từ FSB đưa tin: “Kuznetsov bị còn tay trên chính giường của ông ta”.

“Các sĩ quan phản gián đến tìm vị tướng được trang bị vũ khí hùng hậu và cố tình hành động một cách thô bạo.”

“Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 13 tháng 5, lực lượng an ninh mặc áo vest chống đạn, trùm kín mặt, đã dùng xà beng để phá cổng và cửa sổ dinh thự của ông ta ở quận Istra.”

Người ta cáo buộc rằng ông “đã nhận hối lộ từ đại diện của các cơ cấu thương mại vì một số hành động có lợi cho họ” trong giai đoạn 2021-2023, khi ông phụ trách bảo vệ bí mật nhà nước của Nga.

Một nguồn tin an ninh nói với Tass: “Cuộc điều tra vụ án đang được tiến hành bởi cơ quan điều tra quân sự chính của Ủy ban Điều tra Nga.

“Điều tra viên đã tiếp cận tòa án để lựa chọn các điều kiện ngăn chặn đối với vị tướng này dưới hình thức giữ nguyên việc giam giữ ông ta.”

Một nguồn tin nói với kênh này rằng vợ anh ta cũng bị đưa đến thẩm vấn.

“Được biết, một trong những người thân của Yury Kuznetsov đã cần hỗ trợ y tế,” kênh này cho biết, ám chỉ cú sốc trước cuộc đột kích và bắt giữ.

“Vợ anh ta vẫn còn ở trong Ủy ban điều tra.”

Trước đây bà từng làm việc trong Ủy ban Hợp tác Kỹ thuật Quân sự với Nước ngoài, Học viện Lực lượng Hỏa tiễn Chiến lược và các cơ quan quân sự khác.

Các nhà điều tra quân sự cho biết Kuznetsov là “nghi phạm trong một vụ án hình sự”.

Kênh quân sự Rybar cho biết: “Các cuộc thanh trừng đã bắt đầu trong Bộ Quốc phòng, bao gồm cả những người liên quan đến những người đã bị vấy bẩn trong những giai đoạn khó khăn”.

Kênh này cho biết công việc của ông là lãnh đạo cơ quan bảo vệ bí mật nhà nước là nguyên nhân khiến ông bị giam giữ.

Thứ trưởng quốc phòng Timur Ivanov đã bị bắt vào tháng trước vì tội tham nhũng trong bối cảnh có nghi ngờ ông sẽ phải đối mặt với cáo buộc phản quốc.

Trong khi đó, có suy đoán về một vụ án hình sự sắp xảy ra chống lại Kryvoruchko, cựu giám đốc doanh nghiệp sản xuất súng Kalashnikov, về áo giáp phẩm chất thấp.

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga, Tatiana Shevtsova, người phụ trách dòng tài chính trong Bộ Quốc phòng, cũng từ chức hôm thứ Tư 15 Tháng Năm, sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng của Putin, Andrey Belousov, 65 tuổi - lên nắm quyền.

Bà được coi là thân thiết với Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Sergei Shoigu.

4. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết an ninh lâu dài của Mỹ với Ukraine trong chuyến thăm Kyiv

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Blinken emphasizes long-term US security commitment to Ukraine in visit to Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với an ninh Ukraine trong chuyến thăm Kyiv ngày 14 Tháng Năm.

Bình luận của Blinken, được ghi lại tại một cuộc họp báo mà Kyiv Independent tham dự, không đưa ra các chi tiết cụ thể nhưng nhấn mạnh rằng “Ukraine có thể tin tưởng vào các đối tác của mình sẽ nhận được hỗ trợ lâu dài và bền vững”.

Ngoại trưởng đã đến Kyiv trong một chuyến thăm bất ngờ vào sáng sớm ngày 14 tháng 5 trong một chuyến đi được cho là nhằm “gửi một tín hiệu trấn an mạnh mẽ đến người Ukraine rõ ràng đang ở trong thời điểm rất khó khăn”.

Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã tham gia Tuyên bố chung về hỗ trợ Ukraine của Nhóm G7. Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Ý, Canada, Hà Lan, Phần Lan và Latvia đã ký các thỏa thuận song phương với Kyiv.

Nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak cho biết Ukraine dự định hoàn tất một thỏa thuận an ninh song phương tương tự với Mỹ vào tháng 5.

“Theo thỏa thuận 10 năm của chúng tôi, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ quốc phòng và an ninh của Ukraine trên một loạt các khả năng thiết yếu: từ lực lượng không quân đến phòng không, từ máy bay không người lái đến rà phá bom mìn”, Ngoại trưởng Blinken nói tại Kyiv hôm 14 Tháng Năm.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói thêm: “Nếu Nga hoặc bất kỳ ai khác tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ làm việc với Ukraine ngay lập tức ở cao cấp nhất để phối hợp tìm cách giúp các bạn đánh bại mối đe dọa”.

Blinken cũng bình luận về mối quan hệ của Ukraine với NATO, một liên minh mà nước này đang tìm cách gia nhập.

“ Bạn có rất nhiều điều để dạy cho liên minh. NATO sẽ an toàn hơn khi có quân đội của các bạn ở bên cạnh chúng tôi.”

Mặc dù Blinken cũng không đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng ông nói rằng “chúng tôi sẽ thực hiện các bước cụ thể để tăng cường vai trò của NATO trong việc xây dựng một lực lượng Ukraine kiên cường, có năng lực, hỗ trợ các cải cách đang diễn ra của Ukraine, và hội nhập Ukraine tốt hơn vào liên minh tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới vào tháng 7.”

Phản bác lại những tuyên bố thường được đưa ra bởi một số người phản đối viện trợ của Mỹ cho Ukraine, Blinken nói rằng có một “kế hoạch” để Ukraine có thể “tự đứng vững trên đôi chân của mình về mặt quân sự, kinh tế và dân chủ để nhận được sự ủng hộ của Mỹ và có thể chuyển sang mức độ bền vững hơn.”

“Người dân Ukraine cũng mong muốn điều tương tự. Họ không muốn phải dựa vào người khác để bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho mình”, ông nói.

Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết để tự vệ.

“Chúng tôi biết rằng thời gian là điều cốt yếu. Đó là lý do tại sao chỉ một phút sau khi Quốc hội thông qua gói viện trợ khổng lồ của chúng tôi, Tổng thống Joe Biden đã gửi đạn dược, xe vũ trang, hỏa tiễn và hệ thống phòng không tới Ukraine.”

Trong bức tranh lớn hơn, Blinken cho biết, để Ukraine cải thiện khả năng có cơ sở hạ tầng quốc phòng tự cung tự cấp, năng lực sản xuất trong nước sẽ cần phải tăng lên.

Ông nói thêm, một nền kinh tế mạnh mẽ “không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh” là một phần quan trọng của mục tiêu này.

Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần tiếp tục nỗ lực để “xóa bỏ tai họa tham nhũng một lần và mãi mãi”.

“Chiến thắng trên chiến trường sẽ ngăn Ukraine trở thành một phần của Nga”, Blinken nói. “Chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng sẽ giúp Ukraine không trở nên giống Nga”.

Ngoại trưởng Blinken kết luận: “Hệ thống phòng thủ chống tham nhũng của Ukraine phải mạnh mẽ như hệ thống phòng thủ quân sự của nước này”. Ông cũng thừa nhận rằng Ukraine đã đạt được tiến bộ đáng kể trong cải cách.

5. Latvia phân bổ thêm 11 triệu Mỹ Kim cho sáng kiến do Tiệp dẫn đầu mua đạn pháo cho Ukraine

Chính phủ Latvia sẽ phân bổ thêm 10 triệu euro tức là khoảng 11 triệu Mỹ Kim, cho sáng kiến do Tiệp dẫn đầu nhằm mua đạn pháo cho Ukraine, hãng truyền thông Delfi đưa tin hôm 14 Tháng Năm, dẫn lời các quan chức Latvia.

Tổng thống Tiệp Petr Pavel hồi tháng 2 cho biết Praha đã xác định được 500.000 quả đạn pháo 155 ly và 300.000 quả đạn pháo 122 ly bên ngoài Âu Châu có thể được mua và gửi tới Ukraine sau khi số tiền cần thiết được phân bổ cho sáng kiến này.

Nhiều quốc gia, bao gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Canada, Ba Lan, Pháp, Đan Mạch và Slovenia, đã đóng góp tài chính cho sáng kiến của Tiệp, có thể dẫn đến việc cung cấp 1,5 triệu viên đạn cho Kyiv.

Lô đạn dược đầu tiên được mua theo sáng kiến này dự kiến sẽ đến Ukraine vào tháng 6, ông Pavel cho biết hôm 9 Tháng Năm.

Sau cuộc họp kín của chính phủ, Thủ tướng Latvia Evika Silinia và Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds đã xác nhận việc phân bổ hỗ trợ tài chính bổ sung cho việc mua đạn pháo trong sáng kiến do Tiệp dẫn đầu, Delfi đưa tin.

Spruds cho biết quỹ của Latvia sẽ cho phép đồng minh mua hơn 3.000 viên đạn pháo 155 ly.

Bộ trưởng Quốc phòng cũng nhắc lại những nỗ lực của Latvia trong khuôn khổ liên minh máy bay không người lái, được thành lập với sự hợp tác của Anh vào Tháng Giêng để củng cố kho vũ khí máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.

Theo Spruds, Latvia đã cung cấp cho Ukraine gần 100 máy bay không người lái và có kế hoạch vận chuyển khoảng 1.000 máy bay không người lái tấn công với nhiều năng lực khác nhau vào tháng 6.

Bộ trưởng nói thêm rằng liên minh đã thu được hơn 500 triệu euro hay 535 triệu Mỹ Kim để mua máy bay không người lái cho Ukraine.

Vào năm 2024 và 2025, Latvia cũng sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự trị giá 0,25% GDP cho Ukraine. Bộ trưởng cho biết năm nay, Kyiv sẽ nhận được 112 triệu euro (khoảng 121 triệu Mỹ Kim).

6. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo ngày 14 Tháng Năm, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào phía bắc thành phố Kharkiv.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Nhóm Lực lượng phía Bắc mới thành lập của Nga đã tấn công vào khu vực Kharkiv của Ukraine và nắm quyền kiểm soát một số ngôi làng. Thị trấn biên giới Vovchansk gần như chắc chắn là mục tiêu trước mắt của Nga và hiện đang bị tranh chấp giữa các lực lượng Nga và Ukraine.

Bằng cách mở thêm một trục tấn công, Nga gần như chắc chắn đang cố gắng chuyển nguồn lực của Ukraine ra khỏi các khu vực khác của chiến tuyến và đe dọa Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine. Khó có khả năng Nga đã xây dựng đủ sức mạnh chiến đấu để chiếm thành phố mà không chuyển thêm lực lượng vào khu vực.

7. Reuters: Pháp sẽ sớm cung cấp thêm hỏa tiễn phòng không, viện trợ quân sự

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Reuters: France to deliver additional air defense missiles, military aid shortly”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Pháp sẽ cung cấp một số lượng hỏa tiễn phòng không chưa xác định cũng như viện trợ quân sự bổ sung trong những ngày và tuần tới, Reuters đưa tin hôm 14 Tháng Năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu hôm thứ Ba cho biết trước Quốc hội rằng nước này sẽ cung cấp thêm một lô hỏa tiễn Aster cho hệ thống phòng không SAMP/T – là hệ thống của Pháp tương đương với Patriot của Mỹ.

Lecornu cho biết: “Tôi vừa ký lô hỏa tiễn Aster thứ hai để cho phép các bệ phóng SAMP/T - mà chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine cùng với các đối tác Ý – có đủ các hỏa tiễn để tiếp tục hoạt động”.

Không có thông tin chi tiết nào được cung cấp về số lượng hỏa tiễn sẽ được gửi đi cũng như thời điểm dự kiến chuyển giao vũ khí.

Trước đó vào ngày 14 Tháng Năm, sau cuộc trò chuyện của Tổng thống Pháp Emanuel Macron với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Điện Elysee cũng xác nhận sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine. Reuters đưa tin, mặc dù Điện Elysee từ chối nêu chi tiết về khoản viện trợ.

“Tổng thống nước Cộng hòa nhắc lại quyết tâm của Pháp trong việc cung cấp tất cả các hỗ trợ cần thiết. Tổng thống cũng có thể nêu chi tiết việc giao hàng trong những ngày và tuần tới để hỗ trợ nỗ lực quân sự của Ukraine,” Điện Elysee cho biết trong một tuyên bố.

Lecornu ban đầu tuyên bố vào ngày 30 tháng 3 rằng Pháp sẽ giao một lô hàng hỏa tiễn phòng không Aster 30 và hàng trăm xe thiết giáp cho Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới. Lecornu cũng cho biết nước này đang “phát triển các loại vũ khí điều khiển từ xa để cung cấp cho người Ukraine vào mùa hè này”.

Kyiv phải đối mặt với tình trạng thiếu phòng không ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga tăng cường. Lực lượng Nga đã lợi dụng tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine, cộng với việc thiếu viện trợ của Mỹ, và tăng cường áp lực dọc mặt trận.

Vào tháng 2, lực lượng Nga đã chiếm được Avdiivka, một thành phố tiền tuyến quan trọng ở tỉnh Donetsk và sau đó chuyển trọng tâm sang thị trấn Chasiv Yar. Gần đây nhất, quân đội Mạc Tư Khoa đã phát động các chiến dịch tấn công mới ở phía bắc tỉnh Kharkiv, kèm theo các cuộc pháo kích và không kích dữ dội.

8. Bộ Ngoại giao Mỹ không nghĩ rằng Nga có thể có bước đột phá đối với Kharkiv

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US State Department does not anticipate Russian breakthrough toward Kharkiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phó phát ngôn viên Vedant Patel cho biết trong cuộc họp báo ngày 13 Tháng Năm rằng Bộ Ngoại giao Mỹ “không lường trước được bất kỳ bước đột phá lớn nào” của Nga đối với Kharkiv, nhưng Nga có thể “có những tiến bộ hơn nữa trong những tuần tới”.

Quân đội Nga phát động làn sóng tấn công mới vào ngày 10 Tháng Năm, chủ yếu tập trung vào các khu định cư biên giới ở tỉnh Kharkiv.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine sáng sớm ngày 13 Tháng Năm cho biết Nga đã “thành công về mặt chiến thuật” trong trận đánh chiếm Vovchansk, một thị trấn nằm cách biên giới Nga 5 km và cách thành phố Kharkiv khoảng 50 km về phía đông bắc.

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết sau đó vào ngày 13 Tháng Năm rằng việc di tản dân thường trong khu vực vẫn tiếp tục khi quân đội Nga tiếp tục “tiến theo các hướng nhất định”.

Patel nói với báo chí rằng Bộ Ngoại giao dự đoán “Nga cũng sẽ cố gắng tiến sâu hơn về phía thành phố Kharkiv”.

“Có thể Nga sẽ đạt được những tiến bộ hơn nữa trong những tuần tới,” Patel nói, nhưng nói thêm rằng chúng tôi không nghĩ rằng Nga có thể đạt được bất kỳ bước đột phá lớn nào.

“Theo thời gian, sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ và sự hỗ trợ liên tục từ các đối tác sẽ giúp Ukraine tiếp tục chống chọi được với kiểu xâm lược này.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu Mỹ Kim cho Ukraine vào ngày 10 Tháng Năm, sau khi Quốc hội thông qua dự luật chi tiêu 61 tỷ Mỹ Kim được chờ đợi từ lâu cho Kyiv vào tháng 4.

Gói viện trợ quốc phòng trị giá 400 triệu Mỹ Kim bao gồm đạn dược cho lực lượng phòng không Patriot và NASAMS, hỏa tiễn phòng không Stinger, hệ thống và đạn dược HIMARS, đạn pháo 155 ly và 105 ly cũng như thiết bị tích hợp bệ phóng, hỏa tiễn và radar của phương Tây với các hệ thống của Ukraine.

Patel nói: “Ukraine vẫn giữ được những lợi thế quan trọng trong cuộc chiến này và quân đội của họ vẫn là một lực lượng chiến đấu dũng cảm và hiệu quả, đang khiến quân đội Nga phải trả giá đắt”.

9. Ukraine đối mặt trận chiến quyết định khi quân Nga tăng cường

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine faces decisive battle as Russian forces surge”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thành phố thứ hai của Ukraine Kharkiv và khu vực xung quanh đang phải đối mặt với làn sóng tấn công dữ dội từ quân xâm lược của Vladimir Putin. Dấu hiệu cho thấy sự gia tăng này đánh dấu sự khởi đầu của một trận chiến quyết định sẽ rất quan trọng đối với kết quả của cuộc chiến.

Bị đe dọa không chỉ là quyền kiểm soát một trong những trung tâm dân cư lớn của Ukraine mà là khả năng tiếp tục chiến đấu của đất nước này: Nếu Kharkiv thất thủ, quyết tâm của phương Tây có thể sớm tan rã.

Các lực lượng Nga từ lâu đã được dự đoán sẽ thực hiện một nỗ lực lớn nhằm chọc thủng phòng tuyến của Ukraine vào tháng 5 hoặc tháng 6. Bây giờ có vẻ rõ ràng rằng nỗ lực này đang được tiến hành, với việc Putin rõ ràng muốn tận dụng cơ hội trước khi có thêm đạn dược và vũ khí phương Tây đến để giúp quân đội Ukraine chống trả.

Hôm Chúa Nhật, Nga đã phát động một cuộc tấn công hai mũi nhọn vào rạng sáng trong khu vực và một trận chiến khốc liệt hiện đang diễn ra để giành quyền kiểm soát một nhóm gồm 30 thị trấn và làng mạc trên một vòng cung cách Kharkiv 30 km về phía bắc. Một số quan chức địa phương nói với truyền thông Ukraine hôm thứ Hai rằng các công sự được xây dựng kém cỏi đang cho phép người Nga tiến thêm nhiều bước nữa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ra lệnh di tản gần 6.000 người khỏi khu vực. Thống đốc Kharkiv cảnh báo việc trì hoãn gửi đạn dược của phương Tây đã mang lại lợi thế cho Nga và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine trong khu vực.

Zelenskiy đã đưa ra một thông điệp thách thức, nói rằng mặc dù cuộc giao tranh diễn ra “dữ dội” nhưng quân tiếp viện đã được gửi đến. “Chúng tôi đang bổ sung thêm lực lượng cho Kharkiv. Cả dọc theo biên giới quốc gia của chúng ta và dọc theo toàn bộ chiến tuyến, chúng ta sẽ luôn tiêu diệt kẻ xâm lược theo cách có thể phá vỡ mọi ý định tấn công của Nga.”

Thống đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết mặc dù “tình hình thực sự khá khó khăn” nhưng khu vực này “được quân đội của chúng tôi kiểm soát hoàn toàn”.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng của họ đã chiếm được 5 thị trấn và gây thương vong cho Ukraine 1.500 người trong cuộc giao tranh gần đây.

Những tuyên bố mà cả hai bên đang đưa ra về những gì có thể sẽ là những trận chiến kéo dài trong những tháng tới không thể được xác minh một cách độc lập.

Một cuộc tấn công mùa xuân của người Nga luôn được mong đợi nhưng một số quan chức Ukraine và các nhà phân tích độc lập cho rằng nó có thể được tiến hành khi Mạc Tư Khoa muốn khai thác lợi thế về vũ khí và binh lính trước khi tiếp tế từ Hoa Kỳ đến nơi.

Những khoản bổ sung đó đang bắt đầu đến Ukraine sau khi Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã thông qua gói viện trợ trị giá hàng tỷ đô la đã bị trì hoãn ở Đồi Capitol. Sự chậm trễ giúp Nga giành lại thế chủ động.

Nhà lãnh đạo lực lượng Lục Quân Ukraine, Tướng Oleksandr Pavliuk vẫn tự tin rằng Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến, nói rằng Nga đang nỗ lực hết sức có thể vào cuộc tấn công ở phía đông bắc và ở Donetsk. “Nga biết rằng nếu chúng tôi nhận đủ vũ khí trong vòng một hoặc hai tháng, tình hình có thể bất lợi cho họ”.

Nhưng Pavliuk dường như đã sẵn sàng cho thất bại của thành phố Chasiv Yar, ông nói rằng nó không có tầm quan trọng về mặt chiến lược và mô tả đây là một “khu định cư đô thị bình thường”.

Và hôm thứ Hai, Zelenskiy đã thay thế chỉ huy Ukraine ở phía đông bắc mà không có lời giải thích, trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích rằng các tuyến phòng thủ và công sự được xây dựng vội vàng ở phía bắc Kharkiv trong vài tuần qua là không đạt tiêu chuẩn, có quá nhiều khoảng trống.

Một số sĩ quan quân đội cao cấp của Ukraine không chắc Ukraine có thể ngăn chặn Nga đạt được những lợi ích lãnh thổ đáng kể hay không. Một bước đột phá quan trọng của Nga có thể gây ra áp lực mới từ một số khu vực Âu Châu để buộc Kyiv phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Tháng trước, một số quan chức cao cấp đã nói chuyện với POLITICO về một dự báo nghiệt ngã về việc tiền tuyến có khả năng sụp đổ khi Nga, với quân số đông hơn và sẵn sàng chấp nhận thương vong lớn, tiến hành cuộc tấn công như dự kiến.

Có lẽ tệ hơn, họ bày tỏ lo ngại riêng tư rằng quyết tâm của Ukraine có thể bị suy yếu, với tinh thần trong lực lượng vũ trang bị suy giảm. Người ta lo ngại rằng tính toàn của Putin đang mang lại kết quả trong việc nghiền nát sự phản kháng của Ukraine và làm cạn kiệt sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv.

Các chỉ huy Nga đã chuẩn bị cuộc tấn công trong nhiều tháng và đã làm dịu Ukraine trong nhiều tuần. Ở xa tiền tuyến, Nga đã liên tục duy trì các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Lực lượng của Putin đã tấn công 106 cơ sở hạ tầng ở 9 khu vực ở Ukraine vào ngày 11 Tháng Năm, theo Trung tâm Truyền thông Quân sự của Bộ Quốc phòng, khiến hàng ngàn gia cư không có điện. Các quan chức Ukraine nói rằng người Nga có thể có hai mục tiêu khi thực hiện các cuộc tấn công: làm suy yếu tinh thần của người Ukraine và làm gián đoạn hoạt động sản xuất vũ khí.

Ở tiền tuyến, vẫn chưa rõ người Nga sẽ tập trung vào đâu. Pavliuk cho biết: “Nga đang kiểm tra sự ổn định của các tuyến của chúng tôi trước khi chọn hướng đi phù hợp nhất”.

Nhóm của Zelenskiy từ lâu đã mong đợi một cú tấn công lớn của Nga đối với Kharkiv. “Nó mang tính biểu tượng vì người ta nói rằng Kharkiv là thủ đô đầu tiên của Ukraine. Đó là một mục tiêu lớn,” Zelenskiy nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với công ty truyền thông Axel Springer, công ty mẹ của POLITICO.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, lập luận rằng các lực lượng Nga đã được lệnh hình thành vùng đệm dọc biên giới và tiến về phía Kharkiv.

Viện nghiên cứu cho biết: “Hỏa lực gián tiếp thường xuyên, kết hợp với các cuộc tấn công liên tục bằng bom lượn và hỏa tiễn, có thể nhằm tạo điều kiện cho một nỗ lực tấn công lớn hơn nhằm vào thành phố Kharkiv sau này”. Nhưng Nga không cần phải cố gắng chiếm thành phố để kiểm soát nó.

ISW cảnh báo thành phố 1,8 triệu dân này sẽ nằm trong tầm bắn của pháo binh nếu lực lượng Nga có thể tiến thêm hàng chục km nữa từ vị trí hiện tại của họ. Nhưng cố gắng chiếm thành phố sẽ là một nhiệm vụ to lớn đối với người Nga - chưa nói đến việc duy trì sự xâm lược.

Ngoài Kharkiv, một nguy cơ mà Ukraine đang phải đối mặt là Putin thực hiện một nỗ lực khác nhằm chiếm khu vực xung quanh thủ đô. Để đề phòng, các quan chức Ukraine đang lên kế hoạch củng cố Kyiv.

Năm trong số 10 lữ đoàn mới sẽ được huy động trong những tuần tới sẽ được triển khai để bảo vệ thủ đô. Nhưng điều đó vấp phải một trong những lời chỉ trích chính đối với Zelenskiy và chính phủ của ông gần đây - cụ thể là việc chuẩn bị chậm cho cuộc tấn công của Nga và chỉ chấp nhận một cách muộn màng rằng việc tăng thêm quân là rất quan trọng.

Với tiếng súng của tháng Năm đang bùng nổ, thái độ đó đã thay đổi. Một luật mới, có hiệu lực trong tuần này, trao quyền lớn hơn cho các sĩ quan nhập ngũ và sẽ khiến cuộc sống của những người trốn quân dịch trở nên khó khăn hơn, với các hình phạt bao gồm đóng băng tài khoản ngân hàng của họ.

“ Tình trạng này, khi một số người đang chiến đấu ở tiền tuyến trong khi những người khác đang sống cuộc sống bình lặng, rõ ràng sắp kết thúc”. Ông nói: “Với một đối phương như Nga, cả nước cần phải được huy động.
 
Lạ lùng: Cuồng phong 280 cây số một giờ cuốn phăng mọi thứ, nhưng nhà tạm còn nguyên vẹn
VietCatholic Media
05:46 16/05/2024


1. Nhà tạm ở giáo xứ Oklahoma còn nguyên vẹn sau khi nhà thờ bị cơn lốc xoáy mạnh tấn công

Một giáo xứ vùng nông thôn ở Oklahoma bị cơn lốc xoáy mạnh tấn công trong tuần này đã bị thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là hội trường giáo xứ. Nhưng giữa đống đổ nát, kính vỡ và gió có thể cao tới 175 dặm/giờ, nhà tạm của nhà thờ chứa thi thể của Chúa Kitô vẫn còn nguyên vẹn.

Cha Emmanuel Nduka, cha sở của ba nhà thờ địa phương trong đó có Nhà thờ St. Mary, nói với CNA rằng sự tồn tại của nhà tạm là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa giữa sự tàn phá ở thị trấn Barnsdall nhỏ bé ở Oklahoma.

“Thật lạ lùng. Không có lý do gì giải thích tại sao nhà thờ của chúng tôi có thể đứng vững sau những gì xảy ra vào tối Chúa nhật ở Barnsdall,” vị linh mục nói với CNA.

Cha Nduka sống ở một thị trấn lân cận cách Barnsdall 30 phút, nhưng vào sáng sớm ngày 7 tháng 5, ngay khi nghe tin nhà thờ bị hư hại, ngài đã chạy đến. Không có ai ở trong nhà thờ vào thời điểm xảy ra cơn lốc xoáy; Bản thân cấu trúc bằng đá của tòa nhà nhà thờ vẫn tồn tại, trong khi hội trường giáo xứ bên cạnh “đã bị san bằng hoàn toàn”.

Cha Nduka nói tiếp, cánh cửa của nhà thờ giáo xứ nhỏ đã bị phá hủy, và sức mạnh của cơn gió kinh hoàng đã đập vỡ cửa sổ của nhà thờ.

“Gió thực sự đã lọt vào nhà thờ. Vì vậy, thật vô cùng kinh ngạc khi thấy nhà tạm vẫn đứng đó trong cung thánh và ánh sáng leo lét của nhà tạm vẫn đang cháy,” Cha Nduka nói.

Ngài cho biết khi bước vào nhà thờ, ngài ngay lập tức cúi xuống và tạ ơn Chúa vì đã “thể hiện sự hiện diện của Ngài”.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở Tulsa kết luận rằng cơn lốc xoáy ngày 6 tháng 5 tấn công Barnsdall là loại EF4 với tốc độ gió từ 165 đến 175 dặm/giờ. Nó cắt đứt một con đường tàn phá dài 39 dặm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây cối, nhà cửa và cơ sở kinh doanh, bao gồm cả một nhà máy lọc dầu địa phương, nơi cung cấp nhiều việc làm cho người dân địa phương. Thiệt hại nghiêm trọng đến mức đường đi của cơn lốc xoáy có thể nhìn thấy được từ không gian.

Theo báo chí địa phương, 30 đến 40 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy ở Barnsdall, trong đó có một viện dưỡng lão. Một người được xác nhận đã chết và một người khác vẫn mất tích tính đến thứ Sáu.

Cha Nduka cho biết ngài quyết tâm cử hành Thánh lễ Chúa nhật tới tại nhà thờ “như một dấu hiệu của niềm hy vọng”. Ngài nói, việc dọn dẹp đang được tiến hành và các tiện ích đã được khôi phục, vì vậy “trên 90%” đã được chuẩn bị cho Thánh lễ tại nhà thờ vào Chúa Nhật.

Giáo phận Tulsa đã “rất, rất ủng hộ,” Cha Nduka nói và cho biết thêm rằng ngài đã nói chuyện với giám mục, và cha chưởng ấn đã đến thăm địa điểm này. Ngài cho biết giáo xứ đang trong quá trình làm việc với nhà cung cấp bảo hiểm của mình, nhưng có thể sẽ cần nhiều quỹ hơn để phục hồi hoàn toàn.

Cha Nduka đã yêu cầu những lời cầu nguyện cho cộng đồng giáo xứ của mình, đồng thời cho biết nhiều người, đặc biệt là những người đàn ông trong giáo xứ, đã cùng nhau giúp đỡ sau thảm họa.

Vị linh mục nói: “Tôi rất biết ơn họ vì chúng tôi có những người rất yêu mến Giáo hội của mình và sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách để Giáo hội tiếp tục phát triển”.

“Chúng ta cần lời cầu nguyện từ những người có thiện chí, để có được sức mạnh biết rằng Chúa luôn quan phòng và chúng ta sẽ phục hồi tốt hơn và mạnh mẽ hơn.”

2. Phát biểu của Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về nạn phá rừng

Trong bài tham luận, hôm mùng 06 tháng Năm vừa qua, tại Diễn đàn thứ 19 của Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, về rừng cây, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, đã nhắc đến ý niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô về môi sinh học toàn diện, trong thông điệp “Laudato sì”, và nhấn mạnh rằng các rừng cây cũng là những “động cơ phát triển lâu bền, vì chúng cung cấp các phương tiện sống còn, nước trong sạch và điều hành khí hậu của hàng triệu người trên trái đất”.

Vì thế, điều thiết yếu là tất cả những hành động về vấn đề này cần nhắm tới sự phát triển toàn diện của các dân tộc tùy thuộc vào rừng cây. Rất tiếc là quá nhiều khi xảy ra tình trạng: để gia tăng sản xuất, người ta ít quan tâm đến điều xảy ra và gây hại cho các tài nguyên tương lai, sức khỏe của môi trường hoặc an sinh của con người, như nạn phá rừng. Vì thế, đường lối cần theo là một lối tiếp cận toàn diện, nhấn mạnh đến sự lệ thuộc hỗ tương giữa các yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế, với ý hướng tôn trọng hệ sinh thái và các cộng đoàn”.

3. Nhật Ký Trừ Tà số 290: Lời nguyền thế hệ được dỡ bỏ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #290: A Generational Curse Lifted”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 290: Lời nguyền thế hệ được dỡ bỏ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người phụ nữ viết email cho tôi như sau:

Con muốn cảm ơn cha vì những buổi trừ tà trực tuyến của cha. Con là mẹ của hai đứa con. Con là một người Công Giáo đã được rửa tội và được thêm sức, nhưng đã bỏ đạo khi còn đi học ở tuổi đôi mươi. Con thực sự đã không còn tin vào Chúa trong thời gian đó, và bắt đầu bị trầm cảm khá nặng và bị ma quỷ tấn công. Đó là điều mà con biết được sau khi nói chuyện với một linh mục. Với ân sủng của Chúa,con đã tìm được đường trở lại với Giáo Hội trong Mùa Chay năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ Tháng Giêng năm nay, sức khỏe của con sa sút khá nhanh. Sức khỏe suy giảm của con mà các bác sĩ cho là do bệnh tự miễn dịch, khiến con rất khó làm bất cứ việc gì. Ra khỏi giường đau nhức…làm những công việc đơn giản như gọi điện thoại hay rửa chén dĩa tốn nhiều năng lượng đến mức con phải lăn ra ngủ sau đó. Con bị chứng đau nửa đầu mỗi ngày. Mối quan hệ của con với chồng và các con không được tốt. Con vùng vẫy và bắt đầu nghĩ rằng mình thà chết còn hơn sống như thế này. Nhưng tất cả đã thay đổi vào tuần trước sau khi con tình cờ xem được một trong những video cầu nguyện giải thoát của cha: đó là một video về phá bỏ lời nguyền và bùa chú v.v.** Con thực sự bị sốc trước sự thay đổi về sức khỏe của mình. Sáng hôm đó con thức dậy với cảm giác kinh khủng như thường lệ (khi thức dậy con bị đau nửa đầu và cảm giác như mình đã chạy marathon suốt đêm). Tình cờ con xem được video của cha và chưa đầy một giờ sau, con bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Kể từ đó con tiếp tục khỏe mạnh hơn. Con đã lấy lại được năng lượng, con không còn bị chứng đau nửa đầu nữa. Điều quan trọng nhất là con có thể trở thành người mẹ như con mong muốn đối với các con mình. Con không nghi ngờ gì rằng tất cả điều này là do con đã tham gia vào những lời cầu nguyện giải thoát của cha. Không một chút nghi ngờ. Vì vậy con chỉ muốn nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng mình.

Trước hết, chúng ta tạ ơn Chúa đã chữa lành cho người phụ nữ này; chính Chúa là người chữa lành. Thứ hai, người ta tự nhiên sẽ thắc mắc: “Việc chữa lành có kéo dài không?” Vài ngày sau, tôi gửi email cho cô ấy và hỏi câu hỏi đó. Tôi cũng hỏi cô ấy nghĩ gì là cánh cửa mở ra phiền não ma quỷ. Cô ấy đã trả lời:

Đúng, con vẫn ổn - và vẫn còn sốc khi biết rằng con đã được chữa lành sau khi tham gia vào lời cầu nguyện của cha. Con là một khoa học gia và con vẫn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu tất cả các hiện tượng siêu nhiên, đặc biệt là liên quan đến sức mạnh của lời cầu nguyện.... Cha xứ của con nghi ngờ một lời nguyền thế hệ, rất có thể là từ phía gia đình mẹ con. Trầm cảm và các bệnh tự miễn dịch có tính chất di truyền bên đó.

Sự tồn tại của những lời nguyền thế hệ là một chủ đề gây tranh cãi. Những trường hợp nổi bật như thế này cho thấy chúng rất thực tế. Kinh nghiệm của cô cũng nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện. Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng tôi. Trong khi hầu hết chúng ta sẽ không nhận được sự chữa lành kỳ diệu như vậy, thì những ân sủng quan trọng nhất là đức tin, đức cậy và đức ái, cộng với món quà sự sống vĩnh cửu, đều được Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta.

Về mặt cá nhân, tôi và tất cả nhân viên tại Trung tâm Đổi mới Tâm linh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đánh giá cao sự phản hồi và hỗ trợ của cô ấy cũng như mọi người. Nó khuyến khích chúng tôi tiếp tục sứ vụ chữa lành này. Chúng tôi cùng nâng cao tâm hồn mình với cô ấy và tất cả anh chị em để tạ ơn Chúa.
 
Đánh phủ đầu: Ukraine phóng ATACMS cày nát phi trường Nga. Nổ lớn ở Crimea. Fico vẫn đang nguy kịch
VietCatholic Media
17:31 16/05/2024


1. Căn cứ không quân Crimea chứa 32 máy bay phản lực Nga bốc cháy sau các cuộc tấn công liên tục bằng ATACMS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Air Base on Fire After ATACMS Strike Hosted 32 Russian Jets: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một căn cứ không quân của Nga ở Crimea bốc cháy sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào hôm Thứ Năm, 16 Tháng Năm. Cho đến nay vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu chiến đấu cơ của Nga bị phá hủy. Người ta chỉ biết rằng căn cứ không quân này đã tiếp nhận hàng chục máy bay quân sự phục vụ cho cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Ukraine đã tăng cường tấn công vào các cơ sở của Nga trên bán đảo mà Mạc Tư Khoa xâm lược từ năm 2014 và Kyiv tuyên bố sẽ chiếm lại. Liên quan đến vụ việc mới nhất, Mikhail Razvozhayev, Thống đốc Sevastopol do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, cho biết đã có một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn của Ukraine vào thành phố cảng trong nhiều đêm liên tiếp bắt đầu từ đêm thứ Ba.

Đoạn phim trên các kênh truyền thông xã hội cho thấy ngọn lửa cuồn cuộn bốc lên không trung tại phi trường Belbek gần Sevastopol. Đây là tâm điểm của Hạm đội Hắc Hải của Nga, nơi có tàu và cơ sở hạ tầng liên tục bị Kyiv nhắm đến.

Hãng tin Krym Realii, một phần của mạng Radio Free Liberty do Mỹ tài trợ, cho biết cuộc tấn công mới nhất được thực hiện thành hai đợt và sau đợt thứ hai, người ta đã nghe thấy một số vụ nổ tương tự rất lớn.

Krym Realii cho biết dữ liệu của họ cho thấy tại phi trường có 12 máy bay Sukhoi Su-27, 12 máy bay Sukhoi Su-27SM và 3 máy bay huấn luyện chiến đấu Sukhoi Su-27UB, cũng như 5 máy bay Sukhoi Su-30M2 hai chỗ ngồi. tổng cộng 32 máy bay phản lực.

Hiện chưa rõ số lượng hỏa tiễn chính xác liên quan, nhưng blogger quân sự người Nga Ribar cho biết cuộc tấn công mới nhất liên quan đến 16 hỏa tiễn ATACMS mà tháng trước Mỹ cho biết họ đã chuyển giao cho Kyiv.

“Thật không may, một hoặc hai hỏa tiễn không thể bị bắn hạ và hậu quả của việc này đã được cả thế giới biết đến nhờ việc công bố một đoạn video từ camera quan sát. Làm thế nào và tại sao điều này vẫn có thể xảy ra trong năm thứ ba của cuộc chiến từ lâu đã là một câu hỏi cần phải được giải quyết đến nơi đến chốn.”

Ribar nói thêm rằng không hoàn toàn rõ ràng hỏa tiễn được bắn từ đâu, với các vụ phóng trước đây diễn ra từ khu vực Beryslav ở tỉnh Kherson. Tuy nhiên, blogger này cho rằng vị trí có thể đã được thay đổi để tránh bị phát hiện và hỏa tiễn có thể đã được bắn từ Đảo Rắn, cách bờ biển Ukraine 22 dặm. Đó là nơi diễn ra cuộc giao tranh khốc liệt khi bắt đầu chiến tranh.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không của nước này đã ngăn chặn cuộc tấn công bằng cách bắn hạ 10 hỏa tiễn tầm xa. Người dân địa phương nói với kênh telegram ASTRA rằng có “khoảng 20” hỏa tiễn được bắn đi.

Kênh Crimea Wind Telegram địa phương cho biết người ta đã nghe thấy tiếng nổ ở quận Yevpatoria và Bakhchisaray, đồng thời hình ảnh vệ tinh cho thấy có ba đám cháy xung quanh đường băng và khu vực đậu xe.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cũng cho biết Nga đã đánh chặn hỏa tiễn chống radar HARM của Mỹ, bom dẫn đường Hammer của Pháp, hỏa tiễn cỡ nòng lớn và máy bay không người lái kiểu máy bay.

2. Putin ủng hộ 'kế hoạch' hòa bình ở Ukraine của Trung Quốc

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin backs China’s ‘plan’ for peace in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trước chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai trong vòng sáu tháng, Putin tuyên bố ông ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cho biết Bắc Kinh, vốn luôn muốn khẳng định mình là một nhà môi giới trung thực, hoàn toàn hiểu rõ tình hình.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc công bố hôm thứ Tư, Putin ca ngợi cam kết của Tập Cận Bình đối với một “trật tự thế giới đa cực công bằng” và nhấn mạnh mối quan hệ nồng ấm giữa hai nước.

“Chúng tôi đánh giá tích cực về đường lối của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”, Putin nói, theo bản ghi lại cuộc phỏng vấn được công bố trên trang web của Điện Cẩm Linh trước chuyến đi của tổng thống.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố gồm 12 điểm nêu rõ các nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh – bao gồm “từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh” và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình – điều mà các quan chức Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đã bác bỏ như một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng khỏi lập trường thân Nga của nước này. Gần đây, ông Tập đã mở rộng các nguyên tắc đạt được hòa bình trong các cuộc đàm phán với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Ông Putin cho biết sự đóng góp của Trung Quốc cho thấy nước này hiểu rõ nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như tác động địa chính trị của nó và thực sự mong muốn đạt được hòa bình, theo bản tin phỏng vấn bằng tiếng Anh của Tân Hoa Xã.

Putin nói: “Chúng tôi chưa bao giờ từ chối đàm phán. Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng cho cuộc xung đột này thông qua các biện pháp hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán như vậy phải tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột, bao gồm cả lợi ích của chúng tôi”.

Mạc Tư Khoa đã quay sang Bắc Kinh như một huyết mạch kinh tế quan trọng sau các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt vì cuộc xâm lược, với việc Trung Quốc xuất khẩu nguyên liệu để cho phép Nga xây dựng lại kho vũ khí đã cạn kiệt.

3. Putin nói 'Chúng ta phải đi trước một bước'

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin: ‘We Have to Be One Step Ahead’ – Ukraine at War Update for May 16”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Putin đã đến Trung Quốc vào sáng sớm thứ Năm để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bằng cách chọn Trung Quốc cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 6 năm sẽ giúp ông nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030, Putin đang gửi một thông điệp tới thế giới về những ưu tiên của ông và mối quan hệ cá nhân sâu sắc với ông Tập. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết như trên.

Tổng thống Nga đến Bắc Kinh đúng thời điểm Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng bản thân ông sẽ hoãn mọi chuyến thăm nước ngoài cho đến khi việc Nga xâm nhập vào biên giới phía đông bắc Ukraine được kiểm soát.

Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã duy trì cái được gọi là quan hệ đối tác “không giới hạn” kể từ những tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Chúng tôi sẽ cố gắng thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao, vũ trụ và năng lượng hạt nhân hòa bình, trí tuệ nhân tạo, nguồn năng lượng tái tạo và các lĩnh vực đổi mới khác”, Putin nói về chuyến đi Trung Quốc.

Putin cũng kêu gọi sở hữu vũ khí mới hơn ngay bây giờ và nhu cầu “tăng gấp đôi, gấp ba nỗ lực”

Trong cuộc họp trên truyền hình với các nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh hôm thứ Tư, bao gồm cả tân Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov, Putin đã kêu gọi đổi mới hơn nữa trong sản xuất vũ khí trong nước và cho biết điều đó cần phải diễn ra nhanh chóng.

“Chúng ta đã nói nhiều lần rằng ai nhanh chóng làm chủ được các phương tiện chiến đấu vũ trang mới nhất sẽ thắng. Chúng ta phải đi trước một bước”, Putin nói với nhóm. “Chúng ta có mọi thứ cần thiết cho việc này và nhiều việc đã được thực hiện, nhưng chúng ta cần tăng gấp đôi và gấp ba nỗ lực của mình trong lĩnh vực này.”

Đây là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa Putin và Belousov, một nhà kinh tế không có kinh nghiệm quân sự nhưng theo Điện Cẩm Linh, là người nổi tiếng về sự đổi mới. Các cuộc gặp gỡ trên truyền hình còn có sự tham gia của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong vai trò mới là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia.

'Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa. Mặc dù đã làm được rất nhiều việc nhưng vẫn còn cần phải làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng”, Putin nói. “Phương tiện hủy diệt càng hiệu quả, càng chính xác, càng mạnh thì chúng ta càng ít tổn thất. Đây là vấn đề then chốt trong chiến đấu vũ trang”, ông ta nói.

4. Thủ tướng Slovakia Robert Fico trong tình trạng 'rất nghiêm trọng' sau khi bị bắn

Thông tấn xã AlJazeera có thông tín viên thường trực tại bệnh viện đã cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Slovakia PM Robert Fico in ‘very serious’ condition after being shot”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico hiện đã ổn định, hiểu theo nghĩa là tình trạng của ông không xấu đi, nhưng nhìn chung tình trạng của ông vẫn “rất nghiêm trọng”, Phó Thủ Tướng thứ nhất của Slovakia cho biết như trên, sau một vụ ám sát gây chấn động cả nước và thu hút sự lên án của toàn cầu.

Fico, 59 tuổi, bị bắn 5 phát ở thị trấn trung tâm Handlova hôm thứ Tư sau khi ông rời khỏi một cuộc họp chính phủ. Ông ta đang trong tình trạng nguy kịch và phải trải qua ca phẫu thuật khẩn cấp kéo dài nhiều giờ.

Phó Thủ tướng Robert Kalinak, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết hôm thứ Năm: “Trong đêm, các bác sĩ đã cố gắng ổn định tình trạng của bệnh nhân.”

Kalinak cho biết thêm: “Thật không may, tình trạng vẫn rất nghiêm trọng vì vết thương rất phức tạp”.

Miriam Lapunikova, giám đốc Bệnh viện Đại học Franklin Delano Roosevelt ở Banska Bystrica, nơi Fico đang được điều trị, cho biết Thủ tướng “có nhiều vết thương do đạn bắn, hậu quả của việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của ông ấy”.

Cô nói thêm: “Tại thời điểm này, tình trạng của ông ấy đã ổn định, nhưng nó thực sự rất nghiêm trọng và do đó ông ấy sẽ vẫn nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt”.

Natacha Butler của Al Jazeera, đưa tin từ Bankska Bystrica, cho biết kẻ tấn công bị cáo buộc là một nhà văn 71 tuổi và cựu nhân viên bảo vệ, đã bị buộc tội âm mưu giết người.

Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok phát biểu trong một cuộc họp báo rằng nghi phạm đã hành động một mình và trước đó đã tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ.

“Đây là một con sói đơn độc đã tự cực đoan hóa bản thân… sau cuộc bầu cử tổng thống,” ông nói, đề cập đến cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4 mà đồng minh của Fico, Peter Pellegrini, đã giành chiến thắng.

Sutaj Estok nói với các phóng viên: “Cảnh sát Slovakia đang điều tra một phiên bản duy nhất của vụ tấn công và nghi phạm bị buộc tội cố ý giết người có chủ ý trước”, Sutaj Estok nói với các phóng viên và nói thêm rằng vụ tấn công “có động cơ chính trị”.

Tổng thống Zuzana Caputova kêu gọi xoa dịu căng thẳng chính trị và cho biết cô sẽ mời tất cả các lãnh đạo đảng trong quốc hội tham dự một cuộc họp chung.

Cô nói hôm thứ Năm: “Chúng ta hãy bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của hận thù và cáo buộc lẫn nhau”. “Những gì xảy ra ngày hôm qua là hành động cá nhân nhưng bầu không khí thù hận căng thẳng là việc chung của chúng ta.”

Pellegrini, tổng thống đắc cử, mô tả vụ tấn công là “mối đe dọa chưa từng có đối với nền dân chủ Slovakia”.

Pellegrini nói: “Nếu chúng ta bày tỏ các quan điểm chính trị khác tại các quảng trường chứ không phải tại các điểm bỏ phiếu, chúng ta đang gây nguy hiểm cho tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong hơn 31 năm chủ quyền của Slovakia”.

Hôm thứ Năm, Pellegrini kêu gọi tất cả các bên đình chỉ hoặc giảm bớt chiến dịch tranh cử trước cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu dự kiến vào tháng 6.

Phản ứng trước vụ việc, Nga cho biết họ coi vụ tấn công là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Năm: “Đây thực sự là một thảm kịch lớn”.

Các đối tác Âu Châu của Fico, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, đã lên án vụ xả súng và chúc ông bình phục hoàn toàn.

Đất nước 5,4 triệu dân này đã chứng kiến những cuộc tranh luận chính trị phân cực trong những năm gần đây, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái đã giúp Fico siết chặt quyền lực.

Kể từ khi trở lại làm thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ của ông đã giảm bớt hỗ trợ cho Ukraine đồng thời mở cửa đối thoại với Nga, tìm cách giảm bớt các hình phạt đối với tham nhũng và đang cải tổ đài truyền hình công cộng RTVS bất chấp lời kêu gọi bảo vệ quyền tự do báo chí.

Fico là nhà lãnh đạo chính trị phục vụ lâu nhất ở Slovakia và là đồng minh thân cận của nhà độc tài Vladimir Putin.

5. Có thể hàng loạt hỏa tiễn ATACMS đã tấn công vào phi trường Nga ở Crimea

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Probable Mass ATACMS Missile Strike Hits Russian Airfield in Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Các vụ nổ mạnh đã tấn công căn cứ chính của hàng không quân sự Nga ở Crimea vào đầu giờ thứ Tư và gây ra hỏa hoạn trong nhiều giờ, trong các cuộc tấn công tầm xa mà Điện Cẩm Linh cho biết là hỏa tiễn ATACMS của Mỹ được các xạ thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine bắn.

Phương tiện truyền thông xã hội địa phương, theo sau là các quan chức khu vực, đã đưa tin về hơn 20 vụ nổ với cường độ khác nhau có thể nghe thấy được ở khu vực lân cận phi trường Belbek, bắt đầu ngay trước 2 giờ sáng theo giờ địa phương và kéo dài khoảng 10 phút.

Các quan chức Nga trong cơ quan quản lý xâm lược ở Crimea do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm trong các tuyên bố ban đầu cho biết lực lượng Ukraine đã phóng hỏa tiễn tầm xa vào phi trường Belbek nhưng toàn bộ vũ khí của Ukraine đều bị bắn hạ.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, đã đưa ra cảnh báo tới người dân Crimea về cuộc tấn công ATACMS gần đây của Ukraine ở khu vực lân cận phi trường Belbek và khả năng có bom chùm chưa nổ ở khu vực lân cận. Các hình ảnh cho thấy bom chùm con M74 do Mỹ sản xuất nhưng không thể định vị địa lý hình ảnh này thu được ở Crimea hay nơi khác.

Các thông báo chính thức sau đó, do “thị trưởng” Sevastopol Mikhail Razvozhaev do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, cho biết hỏa tiễn ATACMS do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong các cuộc tấn công mà ông ta cho là thất bại. Các quan chức Nga tuyên bố tất cả ATACMS đã bị phòng không Nga đánh chặn, nhưng một số vũ khí dẫn đường chính xác do Mỹ sản xuất đã phát tán bom chùm, khiến chính quyền phải cảnh báo công chúng không chạm vào chúng.

Lực lượng Ukraine trong những tuần gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công trên không vào các khu vực biên giới Nga nhưng cũng có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Các nhà phân tích độc lập và các phương tiện truyền thông xã hội địa phương đã đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn với tuyên bố của Điện Cẩm Linh rằng cuộc tấn công hỏa tiễn lớn của Ukraine nhằm vào Belbek không gây thiệt hại gì. Các bình luận trong các nhóm trò chuyện quân sự ở Sevastopol và Crimea xác nhận việc phóng hỏa tiễn phòng không đã gây ra nhiều vụ nổ trên mặt đất trong phạm vi giới hạn của phi trường.

Trước cuộc xâm lược Ukraine lần thứ hai của Nga vào tháng 2 năm 2022, Không quân Nga thường bố trí từ 20-40 chiến đấu cơ và máy bay ném bom toàn thời gian tại Belbek.

Các nhà phân tích độc lập cho biết có các đám cháy lớn bùng cháy tại phi trường kéo dài ít nhất ba giờ sau cuộc tấn công và có các vụ nổ thứ cấp được người dân địa phương báo cáo rộng rãi khi đám cháy bùng lên, có thể là bằng chứng cho thấy mục tiêu của cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine không phải là máy bay, nhưng là các kho đạn và kho nhiên liệu của phi trường Belbek.

Theo các báo cáo chưa được xác nhận, đợt hỏa tiễn thứ hai đã tiến vào không phận Belbek và tấn công các mục tiêu mặt đất vào lúc 02:35 sáng. Trong các cuộc tấn công hỏa tiễn lớn nhằm vào quân đội Nga trước đây, các nhà hoạch định cuộc không kích của Ukraine thường xuyên phóng vũ khí so le và định hướng hỏa tiễn tới các mục tiêu từ nhiều hướng.

Hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy ba đám cháy lớn ở phía nam phi trường Belbek đang bùng cháy vào rạng sáng thứ Tư.

Nhóm giám sát quân sự tập trung vào Crimea thân Ukraine Krymsky Veter trong các bài đăng vào sáng thứ Tư cho biết người dân địa phương đã báo cáo về những đám cháy lớn bùng cháy tại phi trường cho đến gần mặt trời mọc, với những ngọn lửa đỏ rực lên ở phía chân trời. Nguồn tin đó khẳng định ngọn lửa ngày càng dữ dội sau đợt tấn công thứ hai.

Việc xem xét hình ảnh từ ít nhất hai vệ tinh dân sự bay qua phi trường sau cuộc tấn công cho thấy ba đám cháy lớn đang bùng cháy ở khu vực dịch vụ của phi trường ở phía nam đường băng chính, nơi có thể nhìn thấy các tòa nhà hành chính của đơn vị không quân, kho nhiên liệu hàng không và hầm chứa bom. Nguồn tin đó cho biết, đến sáng, ngọn lửa đã cháy được ít nhất ba giờ.

Nền tảng phân tích quân sự OSINTechnical viết: “Dựa trên dữ liệu của FIRMS, rạng sáng Thứ Tư, Ukraine đã tiến hành tấn công ATACMS thành công vào căn cứ không quân Belbek của Nga. Nhiều vệ tinh cho thấy một đám cháy lớn bao trùm đường bay phía nam, có thể được đốt cháy bằng nhiên liệu hoặc đạn dược.”

FIRMS, hay Hệ thống quản lý thông tin về hỏa hoạn, là một dự án thu thập dữ liệu vệ tinh trên toàn thế giới do NASA quản lý nhằm xác định và theo dõi tiến trình của các vụ cháy lớn trên toàn thế giới. Kiểm tra của Kyiv Post đã tìm thấy hình ảnh đám cháy gần Belbek, có thể ở ba địa điểm.

Bộ Quốc phòng Nga trong một tuyên bố sáng thứ Tư thừa nhận thực tế về cuộc tấn công của Ukraine nhưng lặp lại tuyên bố rằng tất cả các hỏa tiễn được phóng tới - tổng cộng có 10 hỏa tiễn - đã bị bắn hạ và khẳng định cả cơ sở mặt đất cũng như nhân viên đều không bị bắn trúng. Chính quyền Crimea tuyên bố không có thiệt hại gì ngoại trừ một đám cháy nhỏ tại một cánh đồng do các mảnh vỡ hỏa tiễn rơi xuống gần làng Polushko.

6. Chiến sự Ukraine mới nhất: Lực lượng Ukraine ổn định tình hình ở tỉnh Kharkiv, đẩy 'một phần' quân Nga ra khỏi Vovchansk

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 16 Tháng Năm cho biết các lực lượng Ukraine đã cố gắng ổn định tình hình ở Kharkiv trong ngày qua trong bối cảnh Nga nỗ lực đột phá.

Nga đã phát động một cuộc tấn công mới với khoảng 30.000 quân vào ngày 10 tháng 5, nhắm vào tỉnh Kharkiv, nằm gần biên giới chung giữa hai nước ở phía đông bắc Ukraine.

Ông Zelenskiy đã nhận được báo cáo về tình hình ở tiền tuyến từ binh lính và Bộ Quốc phòng suốt cả ngày. Tổng thống nói thêm rằng chính quyền liên tục theo dõi các hoạt động chiến đấu ở tất cả các khu vực tiền tuyến.

Zelenskiy nói rằng lực lượng Ukraine tiếp tục các hành động phòng thủ ở Kharkiv, tiêu diệt quân đội Nga bằng “bằng mọi cách”.

“Pháo binh, máy bay không người lái, bộ binh của chúng tôi đang hoạt động chính xác”, nguyên thủ quốc gia nói thêm.

Tổng thống cũng đề cập đến tình hình ở hướng Pokrovsk ở tỉnh Donetsk và Kupiansk ở tỉnh Kharkiv, cả hai nơi này vẫn là hai trong số những khu vực nóng nhất của tiền tuyến.

Zelenskiy nói rằng quân đội Nga đã cố gắng tấn công các đơn vị Ukraine.

Zelenskiy nói: “Chúng tôi phản ứng với điều đó một cách chính xác khi cần thiết – ở mọi hướng, chúng ta phải có thứ gì đó để đáp trả đối phương”.

7. Ukraine nhấn mạnh những bước tiến của Nga ở phía đông bắc không phải là không có thương vong

Khi có nhiều báo cáo về việc Mạc Tư Khoa giành được thắng lợi dọc biên giới phía đông bắc Ukraine trong cuộc tấn công mới nhất, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong cuộc họp báo chiều Thứ Năm, 16 Tháng Năm, rằng những bước tiến của Nga ở phía đông bắc không phải là không có thương vong. Cụ thể, theo hướng Kharkiv, khoảng 700 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ qua cùng với 125 thiết bị quân sự bị phá hủy trên các chiến trường trong khu vực này.

“Ở mặt trận Kharkiv, các đơn vị của chúng tôi đã đẩy lùi thành công 4 cuộc tấn công của Nga vào các trục Pylna-Lyptsi, Lukiantsi-Slobozhanske, Pylna-Slobozhanske và Murom-Starytsia kể từ đầu ngày”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

“Giao tranh vẫn đang tiếp diễn trên các trục Hlyboke-Lyptsi, Lukiantsi-Slobozhanske, Pylna-Slobozhanske, Murom-Starytsia và Pletenivka-Vovchansk. Các đơn vị Ukraine vẫn đang giữ vững vị trí.

“Quân đội Ukraine tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng thủ và ổn định ở thành phố Vovchansk, kiểm soát tình hình. Tổn thất của quân xâm lược trên mặt trận Kharkiv lên tới 95 quân và 27 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự kể từ đầu ngày Thứ Năm, 16 Tháng Năm.”

8. Bộ Tổng tham mưu: Lực lượng Nga 'bị đẩy lùi một phần' khỏi Vovchansk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 16 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga theo hướng Vovchansk ở tỉnh Kharkiv và “đẩy lùi một phần lực lượng địch khỏi thị trấn”

Bộ Quốc phòng Ukraine trước đó cùng ngày cho biết các đơn vị bộ binh nhỏ của Nga đã tiến vào phía bắc Vovchansk và đang cố gắng thiết lập một chỗ đứng ở đó.

“Các hoạt động phòng thủ vẫn tiếp tục ở vùng ngoại ô phía bắc và tây bắc”, Bộ Tổng tham mưu cho biết trong báo cáo của mình.

Quân đội không cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình hình trong thị trấn.

Báo cáo cho biết quân đội Nga tiếp tục tấn công theo hướng Lyptsi, một thị trấn cách biên giới Nga 10 km về phía nam và cách Vovchansk khoảng 40 km về phía đông.

Cả Lyptsi và Mala Danylivka - một thị trấn ở ngoại ô Kharkiv - được cho là đã hứng chịu các cuộc không kích của Nga trong ngày.

Nga đã phát động các hành động tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv hướng tới Lyptsi và Vovchansk.

9. Ukraine triển khai thêm lực lượng tới tỉnh Kharkiv

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Năm 16 tháng Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết sau cuộc gặp với các chỉ huy quân sự hàng đầu, nhiều lực lượng Ukraine đang được triển khai tới Kharkiv trong bối cảnh Nga tấn công trong khu vực.

Nga đã phát động một cuộc tấn công mới vào phía đông bắc tỉnh Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, với 30.000 binh sĩ Nga được cho là đã tham gia vào chiến dịch này.

Giao tranh ác liệt đang diễn ra trên hướng làng Lyptsi và thị trấn Vovchansk, nơi cảnh sát trưởng địa phương báo cáo binh sĩ Nga đã chiếm giữ vị trí vào sáng 15 Tháng Năm.

Nazar Voloshyn, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Khortytsia, cho biết trên sóng hôm 15 Tháng Năm rằng tình hình trong khu vực đã phần nào ổn định. Ông Voloshyn cho biết lực lượng Ukraine đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của Nga trong khu vực trong ngày qua.

Zelenskiy đã thảo luận tình hình với Tổng tham mưu trưởng Anatolii Barhylevych và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi, cũng như những nhà lãnh đạo Cơ quan Biên phòng Nhà nước và Vệ binh Quốc gia.

“Các lực lượng bổ sung đang được triển khai, có lực lượng dự bị”, báo cáo từ Văn phòng Tổng thống cho biết.

Văn phòng Tổng thống cho biết ông Zelenskiy đã hoãn tất cả các chuyến đi quốc tế dự kiến trong những ngày tới. “Chúng tôi rất biết ơn các đối tác vì sự hiểu biết của họ.”

10. Rạp chiếu phim Nga chiếu phim sao chép lậu của Hollywood khi phim nội địa thất bại

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Cinemas Resort to Pirating Hollywood as Domestic Movies Flop”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Các rạp chiếu phim Nga đã quay trở lại tập quán chiếu phim lậu của Hollywood sau khi nỗ lực gần đây nhằm đề cao phim nội địa thất bại.

Sau khi các hãng phim lớn của Mỹ cho biết vào năm 2022 rằng họ sẽ rút khỏi nước này để đối phó với cuộc chiến ở Ukraine, nhiều rạp chiếu phim của Nga đã chiếu trái phép các bản sao lậu phim Hollywood, cùng với các phim ngắn sản xuất trong nước.

Để hỗ trợ phim nội địa, Hiệp hội chủ rạp chiếu phim Nga, gọi tắt là RACO, yêu cầu các chuỗi rạp dừng hoạt động này từ ngày 18 Tháng Tư đến ngày 12 Tháng Năm.

Tuy nhiên, các bộ phim trong nước không thành công bất chấp sáng kiến này, và một số rạp đã quay trở lại chiếu phim Hollywood, cơ quan truyền thông RBC của Nga đưa tin hôm thứ Tư.

Vào tháng 2, hãng tin nhà nước Nga RT đưa tin rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã có tác động tích cực đến sự đa dạng của nội dung địa phương có sẵn trên các dịch vụ phát trực tuyến quốc gia. Người ta nói rằng hiện nay số lượng phim điện ảnh và truyền hình nội địa xuất hiện ở Nga là kỷ lục.

Tuy nhiên, dân Nga lại không thích xem phim Nga. Cho nên, Các rạp chiếu phim Nga đã quay trở lại tập quán chiếu phim lậu của Hollywood để sống còn.

11. Zelenskiy hoãn các chuyến công du nước ngoài khi lực lượng Nga tấn công Kharkiv

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư đã hoãn các chuyến công du quốc tế sắp tới khi lực lượng Nga thực hiện một cuộc tấn công ở khu vực Kharkiv ở phía đông bắc đất nước.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào hôm thứ Năm 16 Tháng Năm, Tổng thống Zelenskiy cho biết ông đã chỉ thị rằng tất cả các sự kiện quốc tế dự kiến trong những ngày tới sẽ phải hoãn lại và sắp xếp các ngày mới. Chúng tôi rất biết ơn các đối tác vì sự thông cảm của họ”, ông nói.

Đầu tuần này, Ukraine đã di tản hàng ngàn cư dân khỏi khu vực Kharkiv khi lực lượng của Putin đang tiến lên. Tổng thống Zelenskiy cảnh báo “các trận chiến khốc liệt” đang diễn ra ở đó và các thị trấn đang bị biến thành “khu vực chiến đấu”.

Các chỉ huy của Ukraine đang “đưa ra mọi quyết định dựa trên thông tin toàn diện. Lực lượng bổ sung đang được triển khai cùng với lực lượng dự bị sẵn có”

Theo các phương tiện truyền thông, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nằm trong danh sách các quốc gia mà Zelenskiy chuẩn bị đến thăm.
 
Tin vui: Cuộc điều tra án phong chân phước Cố Benoît Thuận, linh mục truyền giáo tại Việt Nam
VietCatholic Media
18:50 16/05/2024


1. Kết thúc cuộc điều tra án phong chân phước Cố Benoît Thuận

Sáng thứ Sáu, ngày 10 tháng Năm vừa qua, giai đoạn điều tra cấp giáo phận về án phong chân phước cho cha Cố Thuận, vị sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam, đã được kết thúc tại Tòa Giám quản Roma, do Đức Cha Baldassare Reina, Phó Giám quản Roma, chủ tọa.

Cố Benoît Thuận, tục danh là Henri Francois Denis, sinh ngày 17 tháng Tám năm 1880, tại Boulogne-sur-Mère bên Pháp và gia nhập Hội thừa sai Paris năm 21 tuổi (1901), thụ phong linh mục hai năm sau đó, năm 1903 và được gửi sang Việt Nam, làm việc truyền giáo tại Huế. Cha lấy tên Việt là Thuận, có nghĩa là “vâng phục”, theo mẫu gương Fiat-Xin vâng của Mẹ Maria.

Cha Thuận dạy tại Tiểu chủng viện, và năm 1908 được gửi tới Nước Mặn, và sau đó, cha đạt được mộng ước là sống đời chiêm niệm vào năm 1918. Cha cùng với một môn đệ là Taddeo, thiết lập nhà đầu tiên. Năm 1920 được sắc lệnh thành lập và đón nhận các thỉnh sinh đầu tiên.

Cha qua đời ngày 24 tháng Bảy năm 1933 tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, lúc mới 53 tuổi. Ngày 21 tháng Ba năm 1935, tất cả các đan sĩ đã khấn đều lập lại lời khấn thành lời khấn trọng thể và được sáp nhập vào Dòng Xitô. Kỳ đó, Dòng Phước Sơn đã có 93 đan sĩ. Theo Niên giám 2023 của Tòa Thánh (trang 1391), Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam có 11 Đan viện với 773 Đan sĩ, trên tổng số 1.607 Đan sĩ toàn dòng.

Hiện diện tại buổi lễ kết thúc giai đoạn kết thúc điều tra cấp giáo phận, cũng có cha Mauro Giuseppe Lepori, người Thụy Sĩ, Viện Phụ tổng quyền. Ngoài ra, có sự tham dự của một số đan sĩ Xitô nam nữ Việt Nam và nước ngoài, cùng với các giáo dân.

Cuối buổi lễ, toàn bộ hồ sơ thu thập được đã được bỏ vào thùng, đóng triện để gửi về Bộ Phong thánh cứu xét.

Tại đây, Bộ sẽ cứu xét và ban sắc lệnh xác nhận giá trị cuộc điều tra cấp giáo phận, trước khi chỉ định vị tường trình viên án phong (relatore), để cùng với vị thỉnh nguyện viên soạn tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, về cuộc đời, hoạt động và việc thực hành các nhân đức Kitô giáo của vị tôi tớ Chúa Henri Francois Denis Thuận. Hồ sơ sẽ được 9 vị cố vấn của Bộ cứu xét và bỏ phiếu. Sau đó, Hội đồng các Hồng Y, giám mục thành viên của Bộ bỏ phiếu, và nếu qua lọt giai đoạn này, hồ sơ sẽ được đệ lên Đức Thánh Cha để xin ngài phê chuẩn, trước khi Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh công bố nhìn nhận vị tôi tớ Chúa đã thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng và vị tôi tớ Chúa sẽ được gọi là Đấng Đáng kính. Tiếp đến sẽ là giai đoạn cứu xét phép lạ, và nếu được phê chuẩn, thì sẽ được phong chân phước.

2. Đức Thượng phụ Bácthôlômêô sẽ dự Hội nghị về hòa bình Ukraine

Đức Thượng phụ Bácthôlômêô, Giáo chủ Chính thống Constantinople và là vị đứng đầu Chính thống giáo, sẽ tham dự Hội nghị quốc tế về hòa bình Ukraine, nhóm tại bang Nidwalden bên Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Chín tới đây.

Tòa Thượng phụ cho biết như trên, sau cuộc điện đàm chiều thứ Sáu, ngày 09 tháng Năm vừa qua giữa Đức Thượng phụ và Tổng thống Zelenskiy của Ukraine. Ngài tuyên bố vui mừng về cuộc gặp gỡ này và tái bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine trước cuộc tấn công của Nga.

Theo Tổng thống Zelenskiy, sự tham dự của Đức Thượng phụ có một giá trị biểu tượng rất lớn và ông đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của ngài vào việc tái lập nền hòa bình công chính tại Ukraine.

Bà Tổng thống Viola Amherd của Thụy Sĩ cũng đã mời Tòa Thánh tham dự Hội nghị về hòa bình nói trên và Tòa Thánh nhận lời sẽ cử đại diện tham dự. Theo tin của chính phủ Thụy Sĩ, đã có hơn 160 phái đoàn tham dự Hội nghị này nhưng không có sự tham dự của Nga.

3. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh khai mạc cuộc gặp gỡ “Bàn hòa bình”

Hôm thứ Sáu, ngày 10 tháng Năm, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã khai mạc cuộc gặp gỡ gọi là “Bàn hòa bình” (Tavolo per la pace), với sự tham dự của khoảng 30 nhân vật đã được Giải Nobel Hòa Bình.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại dinh thự gọi là “Tòa nhà Chưởng ấn”, nơi có trụ sở của một số cơ quan Tòa Thánh, như Tòa Thượng thẩm Rota, Tòa Ân giải Tối cao.

Trong số các nhân vật được Giải Nobel Hòa Bình hiện diện, có bà Rigoberta Menchù Tum, người Guatemala, ông Dmitrij Muratob người Nga, Tawakko Karman từ Yemen, bà Machel Mandela, góa phụ của Tổng thống Nelson Mandela, Nam Phi.

Có mười hai bàn thảo luận về mười hai đề tài khác nhau và một số được trực tuyến, với sự tham dự của các nhà khoa học, kinh tế gia, bác sĩ, chủ xí nghiệp, công nhân, nhà vô địch thể thao, và cả các công dân thường. Tất cả đều nhắm mục đích tìm kiếm những con đường khác với chiến tranh và nghèo đói, dựa theo nguyên tắc tình huynh đệ.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa đã tạo dựng con người để sống trong hòa bình và để bảo tồn công trình sáng tạo của Chúa, chứ không phải để hủy diệt nó”. Khi xúc phạm phẩm giá con người, và đi theo chiều hướng trái ngược với sự tạo dựng là chiến tranh, thì người ta không những làm thương tổn phẩm giá người khác, nhưng cả chính phẩm giá của mình.

Theo Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, ngày nay cần đặt lại vấn đề về chính ý niệm “cuộc chiến tranh chính đáng”, một ý niệm được đề ra trong thời đại các cuộc xung đột tương đối trong tầm mức giới hạn. Thời nay, với các võ khí hạt nhân và tàn sát tập thể, lý thuyết về cuộc chiến tranh chính đáng là điều gây nhiều vấn nạn.

Trong diễn văn, Đức Hồng Y Parolin cũng nhắc đến Tông sắc mới được Đức Thánh Cha công bố hôm mùng 09 tháng Năm vừa qua, ấn định Năm Thánh 2025 và nhấn mạnh rằng nếu không có đối thoại, thì chẳng những người ta không kiến tạo hòa bình, nhưng còn khơi lên chiến tranh, thay thế tiếng nói của ngoại giao bằng tiếng nói của võ khí. Vì thế, Đức Hồng Y nói đến ba lãnh vực dấn thân, như Đức Thánh Cha đã đề ra trong Tông sắc để khởi sự gieo vãi những hạt giống hòa bình, đó là chữa trị những nguyên nhân tạo nên các bất công, giải quyết những món nợ bất công không thể trả được, và bài trừ nạn đói.

4. Các giám mục Ba Lan tái khẳng định lập trường Giáo hội về phá thai

Các giám mục Ba Lan tái khẳng định lập trường của Giáo Hội Công Giáo chống phá thai, trước những toan tính của chính phủ tả phái tại nước này, đang tìm cách ban hành luật cho phá thai và sức ép gia tăng của dư luận quần chúng.

Trong thông cáo sau khóa họp vừa qua, Ban Thường vụ của Hội đồng Giám mục Ba Lan khẳng định rằng: “Phá thai là giết trẻ em ở trong lòng mẹ”. Các giám mục nhấn mạnh rằng cả Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án rõ ràng chống lại phá thai, qua văn kiện “Dignitas infinita”, Phẩm giá vô biên, do Bộ Giáo lý đức tin mới công bố. Các vị cũng phê bình những kiểu nói về phá thai, với chủ ý làm dịu bớt sự trầm trọng của hành động này. Các giám mục khẳng định rằng: “không có từ nào có thể thay đổi thực trạng: Phá thai là cố tình trực tiếp loại bỏ một người trong giai đoạn khởi đầu cuộc sống, từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, dù bằng bất kỳ phương tiện nào”.

Thông cáo của Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Ba Lan kết thúc với lời kêu gọi về Ngày Thế giới Trẻ em, do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập, để nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá trẻ em và quyền sống của các em. Tất cả các tín hữu cần cầu nguyện cho các trẻ em không được phép chào đời, và cần dấn thân bênh vực tất cả các quyền con người, nhất là bảo vệ sự sống từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.