Ngày 11-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên 12/5 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:55 11/05/2024

BÀI ĐỌC I: Cv 1, 1-11

“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Đức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng; Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Đâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Đang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Đáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa; hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!

3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

BÀI ĐỌC II: Ep 1, 17-23

“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người; xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 16, 15-20

“Người lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo. Đó là lời Chúa.
 
Sứ mạng mãi ở lại ....
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:55 11/05/2024
LỄ THĂNG THIÊN NĂM B
SỨ MẠNG MÃI Ở LẠI...

Mừng lễ Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình nhưng đã về trời, cùng lúc Hội Thánh nhấn mạnh đến ơn gọi truyền thông Lời Chúa, đến nay (2024), Hội Thánh đã trải qua 58 lần cử hành ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày Quốc tế Truyền thông đầu tiên là dịp lễ Chúa về trời 6.5.1967. Vậy có liên quan nào giữa ngày lễ Chúa về trời với sứ vụ truyền thông?

Bài đọc I là phần mở đầu sách Công vụ Tông đồ cho biết Chúa ban lệnh sai đi: "Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất".

Nội dung Tin Mừng là phần kết thúc Tin Mừng theo thánh Marcô cũng là lời căn dặn ngay trước lúc Chúa về trời: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật".

Cả hai đoạn Kinh Thánh đều quả quyết: "Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông". Hoặc: "Sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa".

Rõ ràng có một liên hệ thật lớn giữa biến cố thăng thiên và truyền thông. Đó là dù Chúa Giêsu về trời nhưng sứ mạng của Chúa nơi Hội Thánh không kết thúc. Chúa Giêsu kết thúc sứ mạng trần thế, nhưng mở ra cho các Kitô hữu sứ mạng thánh hóa loài người nơi trần thế.
CHÚA VỀ TRỜI NHƯNG SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH VẪN Ở LẠI.

Đó là sứ mạng rao giảng Tin Mừng, sứ mạng loan báo ơn Chúa, nói về Chúa, về sự cứu độ của Chúa cho muôn người. Do sứ mạng cao cả này, Hội Thánh tiếp tục nhân danh Chúa truyền thông Lời Chúa khắp nơi trên toàn cầu.

Cử hành ngày Truyền thông, xét khía cạnh truyền giáo, Hội Thánh như muốn tuyên bố, bất cứ ai xưng mình là Kitô hữu, bất cứ ai biết mình là con của Hội Thánh, đều có bổn phận thông truyền Lời Chúa cho anh chị em ở tại bất cứ nơi nào mình hiện diện, mình được sai đến.

Các Kitô hữu cần nhớ đinh ninh, ngày Truyền thông không chỉ là ngày của người làm báo nhưng là ngày nhắc nhở các Kitô hữu về sứ mạng truyền thông Lời của Chúa Giêsu Kitô để lại.

Truyền thông Lời Chúa là đem lời chân lý đến với anh chị em. Người truyền thông Lời Chúa là người ý thức mình lãnh hội lời chân lý và có bổn phận phân phát lời ấy.

Trên thực tế, với chiếc điện thoại luôn ở bên, hầu như mỗi phút giây, ta đều tiếp xúc với truyền thông. Truyền thông gần gũi đến độ như cùng ta ăn, ngủ, làm việc, giải trí, gặp gỡ, tương quan...

Không chỉ tiếp xúc với truyền thông, không chỉ thụ nhận từ truyền thông, không chỉ biến nhiều phương tiện truyền thông trở thành vật "bất ly thân", thậm chí ta còn là chủ thể tạo ra truyền thông.

Một tin nhắn, một bình luận hay tương tác trên mạng xã hội, một dòng chữ trong thư điện tử..., đến một viđeo clip, một bản tin truyền hình, trên nhiều trang xã hội..., ta thực sự tích cực tham gia vào đại lộ truyền thông, tích cực hoạt động để truyền thông thêm thông dụng, thêm phổ biến...

Cho nên sứ điệp Lời Chúa của lễ Thăng thiên gắn với ngày đặc biệt về truyền thông mời gọi mọi người hãy cộng tác cùng Hội Thánh, làm cho những trang mạng truyền thông trở thành những trang mạng giàu ơn cứu độ.

Chỉ cần ít nhất một lần trong ngày, khi chúng ta lướt điện thoại - nào là những clip, những phim trên youtube, trên facebook, những lần tán gẫu trên ứng dụng nào đó, hoặc vào tiktok, zalo... mà ở đó chúng ta đều đặn tương tác, nghiền ngẫm, vui hay phẫn nộ với nó, like, bình luận, share nó... - hãy vào youtube hay facebook, hay web của các kênh Công Giáo để trau dồi giáo lý, học hỏi Lời Chúa, để ngày càng thêm đức tin, thêm lòng mến với Chúa và Hội Thánh.

Ta cũng có thể phổ biến những kiến thức đức tin bằng cách đăng trên các trang của cá nhân mình một lời cầu nguyện, một hình ảnh có nội dung đức tin, hay chia sẻ những đường link Công Giáo, những bài học về đức tin, đức ái... phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh và của Tin Mừng Chúa Kitô...

Có thể ta chưa loan Tin Mừng, chưa nói về Chúa cho ai, thì hãy góp phần mình, làm cho những trang tin Công Giáo sống động hơn, mạnh mẽ hơn.

Hãy nhớ lại hành vi làm truyền thông của mình, dù thật nhỏ nhặt, chỉ xoay quanh chiếc điện thoại, cái truyền hình, chiếc máy tính riêng... lại trở nên quan trọng vô cùng, nếu mỗi người đều ý thức và thực hành bằng cả lòng mến để xây dựng Nước Chúa trong khả năng, trong điều kiện của bản thân.

Hãy khắc ghi lệnh truyền "ra đi loan Tin Mừng", để ít nhất, trong bổn phận và khả năng bản thân, chúng ta cộng tác làm truyền thông nhằm mang lại sự sống, mang lại lợi ích cho chính hồn mình, cho đời sống đức tin của mình, và sau đó là của bao nhiêu anh chị em xung quanh.

Chúng ta hãy thử làm truyền thông Công Giáo bằng cách ấy, để chỉ với hành động nhỏ của bản thân, lại có thể thêm một phần ảnh hưởng cho thế giới.

Hãy tưởng tượng, một người thì nhỏ, nhưng một ngàn người, cả một cộng đoàn cùng thực hiện theo cách ấy, để có thể chia sẻ cho nhau, dù chỉ một hình ảnh nào đó về Chúa, về giáo huấn của Hội Thánh, thì sức ảnh hưởng của nó sẽ vô cùng đáng kể, sẽ vô cùng to tát mà chúng ta khó có thể ngờ.

Chúa đang cần chúng ta. Hội Thánh đang cần từng người. Chúa đã về trời. NHƯNG SỨ MẠNG THÁNH HÓA NHÂN LOẠI MÃI Ở LẠI. TỪNG NGƯỜI HÃY CỘNG TÁC ĐỂ MẠNG LƯỚI THÁNH HÓA ẤY LUÔN VỮNG VÀNG, LUÔN TRIỂN NỞ.
 
Chúa Lên Trời đời cao rộng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
02:57 11/05/2024
CHÚA LÊN TRỜI ĐỜI CAO RỘNG

Chúa lên trời không phải diễn tả chiều cao của không gian vật lý cho bằng chiều cao của tinh thần và vinh quang Thiên Chúa. Đồng thời, khi lên cao cũng giúp cho tầm nhìn và tâm hồn mở rộng.

1. CAO. Ngày nay, con người muốn nhiều thứ cao: Thân hình to cao, học hành điểm cao, đi làm lương cao, thể thao thành tích cao, xây nhà cao tầng, làm đường cao tốc, hàng hóa, cuộc sống chất lượng cao. Đó là những thứ cao vật chất, đồng thời, con người cũng rất cần những thứ cao tinh thần của đời sống cao cả, cao đẹp, cao quý, cao thượng. Chúa lên trời đem tới cho con người những suy tư, tầm nhìn và khát vọng vượt khỏi chân trời nơi đất thấp để vươn tới tận trời cao.

2. RỘNG. Con người cũng thích nhiều thứ rộng: nhà rộng, xe rộng, đất rộng, đường rộng. Đó là những thứ rộng vật chất, nhưng còn rất cần những thứ rộng tinh thần như tấm lòng quảng đại rộng rãi, tâm hồn tầm nhìn mở rộng. Sống mở rộng là vượt qua khỏi bản thân mình, nhóm mình, cộng đồng mình để đến với người khác, nhóm khác, cộng đồng khác. Trước khi về trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ: “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Đó là một lệnh truyền mở rộng. Đạo Chúa không chỉ giới hạn ở 1 quốc gia, 1 dân tộc, mà Đạo Chúa được mở rộng cho toàn thế giới. Môn đệ Chúa không chỉ dành riêng cho một ít người được ưu tiên tuyển chọn, mà được mở rộng cho toàn thiên hạ.

Phải chăm chỉ học hỏi nhiều mới mở rộng tầm nhìn, phải nỗ lực cố gắng nhiều mới có thể vươn lên những đỉnh cao trong đời. Cũng vậy, chúng ta cũng cần đức tin mạnh mẽ, lòng mến thiết tha, và nỗ lực dấn thân theo Chúa để có thể vươn lên trời cao rộng. Amen.
 
Một khởi đầu mới
Lm. Minh Anh
15:49 11/05/2024
MỘT KHỞI ĐẦU MỚI
“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông!”.

Không ai trong chúng ta muốn nói với người thân yêu của mình hai tiếng “Tạm biệt!”; càng không ai muốn nói với họ hai tiếng “Vĩnh biệt!”. Chúng ta luôn ao ước nói với họ một lời tin yêu hy vọng, “Hẹn gặp lại!”. “Hẹn gặp lại!”, đó cũng là những gì Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta trong Chúa Nhật mừng Chúa Lên Trời.

Kính thưa Anh Chị em,

Giữa lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống, lễ Thăng Thiên - phần nào - khá bị lãng quên. Một điều đáng tiếc! Thăng Thiên không phải là một hành động biến mất ma thuật của Chúa Giêsu như của David Copperfield, ảo thuật gia người Mỹ; đúng hơn, cuộc Thăng Thiên của Ngài, theo một nghĩa nào đó, là ‘một khởi đầu mới’ cho ‘một sự hiện diện mới’, ‘một hoạt động mới’, cũng là khởi đầu ‘một thiên đàng mới’ mà chúng ta đang hướng về.

Khi các môn đệ đang đăm đăm nhìn trời vào lúc Chúa Giêsu được cất lên, sứ thần Chúa hỏi họ, “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” - bài đọc một. Nghĩa là, việc đứng nhìn trời như vậy, giờ đây, không thích hợp! Vì dẫu trở về với Chúa Cha, Thầy của họ không thực sự rời bỏ, nhưng hiện diện với họ theo một cách thức mới mẻ. Vì thế, ngày mừng Chúa Lên Trời là ngày kỷ niệm ‘một khởi đầu mới’ của một sự hiện diện hoàn toàn mới của Con Thiên Chúa. Đây không phải là một sự kiện đánh dấu hoặc tưởng nhớ cho việc ‘ra đi’ hay cho một sự ‘vắng mặt’ nào đó; đúng hơn, đây là khoảnh khắc bắt đầu cho một sự ‘ở lại’ hoàn toàn mới mẻ của Chúa Cứu Thế.

Từ đó, “Emmanuel” có một ý nghĩa tròn đầy hơn bao giờ hết. Sau khi Chúa Giêsu được cất lên, thánh sử Marcô đã rất ý tứ, “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông!”. Đây là ý nghĩa cốt lõi của ngày lễ! Chúa Phục Sinh đang ở với các môn đệ, với Hội Thánh, với chúng ta, đang cùng hoạt động trong Thánh Thần của Ngài ngay hôm nay, như Ngài đã ở, đang ở và hoạt động trong hơn 2.000 năm qua. Vì thế, biến cố Thăng Thiên là ‘một khởi đầu mới’ của một nhân loại được cứu, được chữa lành trong Chúa Kitô qua Giáo Hội của Ngài.

Cuối cùng, lễ Thăng Thiên gợi lên ‘một khởi đầu mới’ về ‘một thiên đàng mới’. Trạng thái mà chúng ta gọi là thiên đàng là trạng thái hiệp thông hoàn hảo với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Kitô mở ra cho chúng ta cửa ‘thiên đàng’ mà nguyên tổ đã bị đuổi khỏi thuở xưa. Nhờ Ngài, chúng ta tìm thấy ‘la bàn’ cuộc đời; biết nơi mình sẽ đến; ở đó, Mẹ Maria, các thánh, cả triều thần và những người thân yêu đang chờ đợi chúng ta.

Anh Chị em,

“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi”. Đức Phanxicô nói, “Lễ Thăng Thiên mời gọi chúng ta ngước mắt lên trời, để ‘ngay lập tức’ quay lại trái đất, thực hiện những gì Chúa Phục Sinh giao phó! Hãy trở thành những ‘người con’ của Lễ Thăng Thiên, những người tìm kiếm Chúa Kitô dọc theo các nẻo đường của thời đại, mang lời cứu độ của Ngài đến mút cùng trái đất. Trên hành trình này, chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô nơi anh chị em mình, đặc biệt nơi những người đang phải chịu đựng trong thân xác và linh hồn những kinh nghiệm khắc nghiệt, nhục nhã của những hình thức nghèo đói cũ và mới!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa về trời, con vào đời. Đừng để con mất phương hướng vì đã đánh mất ‘la bàn Giêsu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:12 11/05/2024

6. Suy niệm là một sợi dây xích trói buộc linh hồn chúng ta với Thiên Chúa.

(Thánh nữ Paula)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:21 11/05/2024
53. ÔNG KHÁC CHỮ

Có một chủ nhà đem mấy thạch (1) gạo mời thầy giáo đến nhà dạy học cho con trai, và giao kèo: nếu học một chữ không giống thì phạt khâu trừ một thăng (2) gạo.

Khi một năm dạy sắp kết thúc, thống kê lại thì thầy giáo dạy một năm có mấy chữ khác nhau, theo đó mà phạt khấu trừ gạo, mấy thạch gạo lớn khấu trừ chỉ còn hai thăng mà thôi.

Chủ nhà trực tiếp đem đến bỏ trên bàn trước mặt thầy giáo, thầy giáo rất thất vọng, liên tục thở dài nói:

- “Làm sao nói nỗi, làm sao nói nỗi興” (3).

Chủ nhân thấy ông thầy giáo nói chữ “dư與” thành chữ “nỗi興”, câu cú không thông, bèn nói với đầy tớ:

- “Đem hai thăng gạo cất vào kho.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 53:

Dạy một chữ mới mà trừ một thăng gạo thì ông chủ quả là khắc khe, nhưng xét cho cùng thì ông chủ vẫn là người biết lo xa, bởi vì có những thầy cô giáo thời xưa cũng như thời nay, khi dạy học thì chỉ nghỉ đến tiền lương và kiếm lợi nhuận khi dạy thêm mà thôi, chứ không tận tâm dạy dỗ theo đúng chức nghiệp và lương tâm của mình, cho nên khi lên lớp thì dạy những chữ “khác” không nằm trong chương trình của nhà trường như nói chuyện tiếu lâm cho hết giờ, truy bài em này, nạt nộ em nọ cho đến...hết tiết dạy của mình...

Có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì không theo luật chữ đỏ, tùy tiện thêm bớt theo ý của mình cách quá đáng, làm cho giáo dân thắc mắc hồ nghi về việc cử hành thánh lễ của các ngài có...thành sự không ! Nếu việc dâng thánh lễ mà có “giao kèo” với giáo dân thì chắc là các ngài sẽ bị...khấu trừ tiền xin lễ đến chết đói mà thôi, vì đôi lúc cái tùy tiện vô ích ấy là thái độ không coi trong phụng vụ thánh của Giáo Hội và khinh thường giáo dân của các ngài.

Dạy học là việc của thầy cô giáo, cử hành thánh lễ là việc vô cùng cao trọng của linh mục, mặc dù các ngài tùy tiện theo ý mình thêm bớt cho oai mà không bị khấu trừ gạo, nhưng lòng sốt sắng của giáo dân sẽ bị “khấu trừ dần dần” vì thái độ tùy tiện của các ngài khi cử hành thánh lễ, và sẽ “khấu trừ dứt khoác” nơi các ngài vào ngày phán xét, thật đáng sợ chứ không phải chuyện đùa...

(1) Đơn vị đo gạo thời xưa, bằng 100 lít.

(2) Đơn vị đo gạo bằng 1 lít.

(3) Chữ 與 chỉ là một chữ than thở mà thôi, chẳng hạn như “chứ chứ” trong tiếng Việt: “Chuyện này biểu người ta làm sao nói chứ?” nhưng ông thầy giáo lại đọc là興 nghĩa là nổi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hamas muốn gì ở Gaza thời hậu chiến?
Vũ Văn An
19:38 11/05/2024

Sức mạnh để chiến đấu mà không có gánh nặng cai trị

Matthew Levitt, trên Foreign Affairs, ngày 10 tháng 5 năm 2024 có bài nhận định về quan điểm của Hamas đối với thời hậu chiến (https://www.forignaffairs.com/israel/what-hamas-wants-postwar-gaza):



Vào ngày 6 tháng 5, trong nỗ lực ngăn chặn một chiến dịch gần như chắc chắn của Israel ở Rafah, các lãnh đạo Hamas nói rằng họ có thể sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận đổi con tin đổi tù nhân với Israel. Được đưa ra sau nhiều tuần bị Hamas cản trở, thông báo này đã làm dấy lên hy vọng ở Washington rằng vẫn có thể đạt được một loại thỏa thuận nào đó có thể giải thoát hàng chục con tin và tạm dừng cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza. Nhưng ngay cả bây giờ, vẫn chưa rõ Hamas cam kết thực hiện thỏa thuận này như thế nào, hay liệu tổ chức này chỉ đơn giản là tìm kiếm một biện pháp để bảo vệ thành trì Rafah của họ, nơi Israel tin rằng các lữ đoàn còn lại của họ và giới lãnh đạo ở Gaza đang ẩn náu.

Sau bảy tháng chiến tranh ở Gaza, cuộc xung đột Israel-Hamas đã gây ra sự tàn phá không thể kể xiết đối với hơn hai triệu người Gaza mà Hamas tuyên bố đại diện và đã phá hủy toàn bộ dự án quản trị của Hamas ở dải đất này. Cần đặt ra hai câu hỏi căn bản: Mục tiêu của Hamas là gì? Và chiến lược để đạt được chúng là gì?

Với cuộc tấn công tàn khốc vào Israel vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã tìm cách đặt chính mình và vấn đề Palestine trở lại trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phá hủy phần lớn Gaza. Cuộc tấn công cũng nhằm mục đích ngăn cản một hiệp ước bình thường hóa có thể có giữa Israel và Ả Rập Saudi nhằm thúc đẩy những người ôn hòa ở Palestine và gạt Hamas ra bên lề.

Nhưng các nhà lãnh đạo Hamas cũng có những mục tiêu chính trị mà thoạt đầu có vẻ phản trực giác. Họ đang cố gắng giảm bớt gánh nặng duy nhất trong việc quản lý Dải Gaza, vốn đã trở thành trở ngại cho việc đạt được mục tiêu tiêu diệt Israel của nhóm. Và như các cuộc đàm phán do Trung Quốc tổ chức vào đầu tháng 5 giữa các quan chức Hamas và Fatah đã nhấn mạnh, ban lãnh đạo Hamas cũng đang cố gắng bắt đầu một quá trình hòa giải với Fatah và Chính quyền Palestine (PA), mà Fatah kiểm soát, bất chấp nhiều năm thù địch gay gắt giữa hai nhóm.

Ngược lại, những mục tiêu đó phục vụ một mục đích sâu sắc hơn. Khi tìm cách áp đặt một cơ cấu quản lý mới ở Gaza và đổi mới Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) theo hình ảnh của chính họ, Hamas hy vọng sẽ áp đặt một mô hình Hezbollah trên lãnh thổ này. Giống như Hezbollah, phong trào chiến binh Shiite được Iran hậu thuẫn được vũ trang mạnh mẽ ở Lebanon, Hamas muốn có một tương lai trong đó họ vừa là một phần vừa tách rời khỏi bất cứ cơ cấu quản trị nào của người Palestine sắp xuất hiện ở Gaza. Bằng cách đó, giống như với Hezbollah ở Lebanon, họ hy vọng sẽ giành được sự thống trị về chính trị và quân sự ở Gaza và cuối cùng là West Bank mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm giải trình nào chỉ xuất phát từ việc cai trị. Để hiểu được dự án lớn hơn này của Hamas và những tác động quan trọng của nó đối với Israel và khu vực, cần phải xem xét sự phát triển của Hamas trong những năm dẫn đến cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 và những gì Hamas hy vọng đạt được bằng cách giết hại và bắt cóc hàng loạt thường dân Israel.

THAY ĐỔI PHƯƠNG TRÌNH

Bốn ngày sau ngày 7 tháng 10, một quan chức Hamas công khai thừa nhận nhóm này đã bí mật lên kế hoạch tấn công trong hơn hai năm. Sau cuộc chiến ngắn ngủi với Israel vào tháng 5 năm 2021, các nhà lãnh đạo Hamas đã đánh giá lại các mục tiêu căn bản của họ. Vào thời điểm đó, họ đã cai trị Dải Gaza trong 14 năm – đã giành được toàn quyền kiểm soát từ tay Chính quyền Palestine vào năm 2007, hai năm sau khi Israel rút quân – và lẽ ra có thể tiếp tục duy trì hiện trạng. Bất chấp những cuộc giao tranh không liên tục với Israel, Hamas vẫn cố thủ vững chắc ở Gaza và được duy trì nhờ viện trợ hàng trăm triệu đô la từ Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông, hay UNRWA, và các nguồn tài trợ từ Qatar để trang trải lương cho công chúng.

Nhưng ngay sau cuộc chiến năm 2021, lãnh đạo Hamas ở Gaza, Yahya Sinwar, đã trình bày với Israel điều mà ông mô tả là hai kết quả thay thế. Trong lần xuất hiện trên Al Jazeera, mạng lưới vệ tinh do Qatar tài trợ, Sinwar nhấn mạnh rằng Hamas tiếp tục hướng tới mục tiêu “tiêu diệt” Israel nhưng ông có thể chấp nhận thỏa thuận đình chiến lâu dài với nước này - với điều kiện Israel đồng ý một thỏa thuận một danh sách dài các yêu cầu, bao gồm việc dỡ bỏ tất cả các khu định cư, thả tù nhân Palestine và cho phép người Palestine có quyền hồi cư. Tuy nhiên, ông nói, bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào như vậy sẽ chỉ là tạm thời và được thúc đẩy bởi yêu cầu đạt được sự thống nhất giữa các phe phái Palestine, có lẽ có nghĩa là ủng hộ quan điểm cuối cùng của Hamas là tiêu diệt Israel.

Sinwar còn khoe khoang rằng Hamas đã sẵn sàng tiếp xúc với “những người anh em của mình ở Lebanon” (Hezbollah) và với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran, đồng thời gợi ý rằng những đồng minh này sẽ hỗ trợ Hamas trong cuộc chiến năm 2021 nếu nó tăng cường. Chẳng bao lâu, Hamas bắt đầu gặp gỡ thường xuyên với các quan chức Iran và Hezbollah. Bốn tháng sau, Hamas cũng tài trợ cho một hội nghị ở Gaza do chính Sinwar tổ chức nhằm bàn về kế hoạch “giải phóng Palestine” sau khi Israel “biến mất”. Hội nghị kêu gọi thay thế PLO bằng một Hội đồng Giải phóng Palestine mới bao gồm “tất cả các lực lượng Palestine và Ả Rập tán thành ý tưởng giải phóng Palestine, với sự hỗ trợ của các lực lượng thân thiện”.

Đồng thời, thay vì ưu tiên dự án quản lý của mình ở Dải Gaza, Hamas bắt đầu bí mật thực hiện một kế hoạch đã có từ lâu nhưng vẫn chỉ mang tính lý thuyết nhằm tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Israel và bắt đầu điều mà họ hy vọng sẽ là một phản ứng dây chuyền sẽ dẫn đến sự hủy diệt của Israel. Các nhà lãnh đạo của nhóm giả vờ tập trung vào việc quản lý Gaza và giải quyết các nhu cầu của người Palestine sống ở đó, trong khi thực tế là họ đang tích trữ vũ khí nhỏ và, như một quan chức Hamas tên là Khalil al-Hayya sau đó thừa nhận, “đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn này”. Cuối cùng, như al-Hayya đã nói, Hamas kết luận rằng họ cần phải “thay đổi toàn bộ phương trình” với Israel.

BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ

Với kế hoạch cho cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 đã được tiến hành tốt, các nhà lãnh đạo Hamas ngày càng bị thuyết phục về tính cấp thiết của việc phải làm một điều gì đó quyết liệt. Đầu tiên, sự ủng hộ của phong trào ở Gaza dường như đang bị xói mòn. Chiến lược trước ngày 7 tháng 10 của Israel đối với Hamas dựa trên việc tạo ra sự bình tĩnh bằng cách cho phép tiền của Qatar chảy vào Gaza với hy vọng rằng điều này sẽ làm giảm sự ủng hộ đối với lực lượng dân quân Hamas trong người dân Gaza.

Đối với tất cả những lời chỉ trích mà Israel đã phải đối đầu với cách tiếp cận này trong những tháng kể từ cuộc tấn công của Hamas, có một số dấu hiệu cho thấy nó đã có hiệu quả. Ví dụ, một cuộc thăm dò do Trung tâm Ý kiến Công chúng Palestine tiến hành vào tháng 7 năm 2023 đã tiết lộ rằng 72% người dân Gaza đồng ý rằng “Hamas đã không thể cải thiện cuộc sống của người Palestine ở Gaza” và 70% ủng hộ đề xuất rằng đối thủ của Hamas, Chính quyền Palestine, tiếp quản an ninh ở Gaza. Nhìn vào những con số này, Hamas chỉ có thể kết luận rằng dự án quản trị của họ ở Gaza đang thất bại.

Hamas biết phản ứng của Israel sẽ chấm dứt dự án quản trị của họ ở Gaza.

Hamas cũng lo ngại việc Israel bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi. Ả Rập Saudi đang yêu cầu Israel thực hiện các bước đi hữu hình và không thể đảo ngược hướng tới giải pháp hai nhà nước và Washington phải ký kết một hiệp ước an ninh chính thức với Riyadh; đổi lại, Saudi sẽ chính thức công nhận Israel. Hầu hết người Palestine có thể coi sự tiến bộ trong việc trở thành một nhà nước Palestine là một điều tốt, nhưng Hamas thì không, vốn luôn kiên quyết phản đối giải pháp hai nhà nước và cam kết tiêu diệt Israel. Hamas cũng hiểu rằng theo giải pháp hai nhà nước, cả hai bên sẽ phải kiềm chế những kẻ cực đoan bạo lực tương ứng của họ, điều này sẽ không tốt cho Hamas và các đồng minh của nó.

Đồng thời, Hamas có thể coi sự bất ổn kéo dài ở Israel là một cơ hội vàng. Bên cạnh tình trạng bạo lực gia tăng ở West Bank và các cuộc đụng độ giữa những người thờ phượng Palestine và lực lượng an ninh Israel tại nhà thờ Hồi giáo al Aqsa ở Jerusalem, chính phủ cánh hữu của ông Netanyahu đã phải đối đầu với nhiều tháng phản đối về đề xuất cải cách tư pháp. Căng thẳng gia tăng ở West Bank - một phần do nỗ lực của các nhà lãnh đạo bên ngoài của Hamas, chẳng hạn như Salah al-Arouri, nhằm xúi giục các cuộc tấn công chống lại người Israel - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã di chuyển nhiều nguồn lực hơn đến đó, khiến biên giới Gaza bị dễ bị tổn thương nhiều hơn.

Chính giữa những diễn biến này, Hamas đã quyết định tiến hành cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10. Quay trở lại hội nghị năm 2021 của Sinwar, trong đó ông ta đe dọa sẽ đáp trả những hành động mà Hamas cho là làm suy yếu các yêu sách của người Palestine đối với Jerusalem, Hamas gọi chiến dịch ngày 7 tháng 10 là “Trận lụt al Aqsa”.



“CHÚNG TÔI CẦN MÁU NÀY”

Ngay từ đầu trong kế hoạch của họ, Hamas đã dự đoán rằng cuộc xâm lược miền nam Israel sẽ lôi kéo Israel vào một cuộc xung đột lớn hơn, một cuộc xung đột mà họ hy vọng Hezbollah và các thành viên khác trong “trục kháng chiến” của Iran sẽ nhanh chóng tham gia. (Bây giờ người ta hiểu rằng Hamas đã giữ kín các chi tiết chính xác về cuộc tấn công của họ, bao gồm cả ngày tháng chính xác, nhưng Iran và Hezbollah đã biết về khái niệm tổng quát.) Các nhà lãnh đạo Hamas cũng lên kế hoạch cho khả thể cuộc tấn công có thể đạt được nhiều thành tựu hơn, bao gồm cả một kịch bản trong đó các chiến binh Hamas có trụ sở tại Gaza sẽ liên kết với các máy bay chiến đấu ở West Bank và tiếp tục cuộc tấn công ban đầu bằng cách nhắm vào các thành phố và căn cứ quân sự của Israel. Để đạt được mục tiêu này, khi họ rút khỏi Gaza vào ngày 7 tháng 10, các chiến binh Hamas đã mang theo đủ lương thực và trang thiết bị để tồn tại trong vài ngày.

Lực lượng Israel cuối cùng đã phá vỡ những kế hoạch duy tối đa đó, nhưng trước khi họ có thể giành lại quyền kiểm soát các khu vực biên giới xung quanh Gaza, những kẻ tấn công Hamas đã gây ra những hành động tàn bạo khủng khiếp, giết chết khoảng 1,200 người Israel và người nước ngoài, bắt giữ hơn 200 con tin, ghi lại và phát sóng tội ác của họ.

Hamas thậm chí còn sử dụng điện thoại bị đánh cắp để chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội và WhatsApp của nạn nhân, từ đó phát trực tiếp các cuộc tấn công, đưa ra lời đe dọa đối với gia đình nạn nhân và kêu gọi thực hiện thêm các hành động bạo lực. Lực lượng Israel sau đó đã tìm thấy tài liệu trên thi thể của những kẻ tấn công Hamas bị giết, hướng dẫn họ “giết càng nhiều người càng tốt” và “bắt giữ con tin”. Một tài liệu đặc biệt chỉ đạo các điệp viên nhắm mục tiêu vào trẻ em tại một trường tiểu học và một trung tâm thanh thiếu niên.

Để dàn dựng và gây giật gân tình trạng hỗn loạn này, Hamas đã tìm cách kích động Israel tiến hành một cuộc xâm lược lớn trên bộ vào Gaza. Trụ cột cốt lõi của chiến lược này là bắt đầu một cuộc chiến có thể gây ra số lượng lớn thương vong cho người Palestine, như lãnh đạo chính trị của Hamas ở Doha, Ismail Haniyeh, đã thẳng thừng xác nhận trong một bài phát biểu qua video vài ngày sau ngày 7 tháng 10: “Chúng tôi là những người cần lượng máu này, vì vậy nó đánh thức trong chúng ta tinh thần cách mạng, vì vậy nó đánh thức sự quyết tâm trong chúng ta, vì vậy nó đánh thức trong chúng ta tinh thần thách thức và [thúc đẩy chúng ta] tiến về phía trước.”

Không phải ngẫu nhiên mà Hamas đã xây dựng hơn 300 dặm đường hầm ở Gaza để bảo vệ các chiến binh của mình nhưng không hề có một hầm tránh bom nào để bảo vệ thường dân Palestine. Hamas biết rõ rằng phản ứng của Israel sẽ dẫn đến thương vong cho dân thường Palestine - và nó cũng sẽ chấm dứt dự án quản lý Hamas ở Gaza, một trách nhiệm mà nhóm này mong muốn từ bỏ.

THÀNH CÔNG THẢM HỌA

Bất chấp tham vọng theo duy tối đa của mình là tiếp cận Tel Aviv và kết nối với các chiến binh đồng hương ở Hebron, Hamas dường như vẫn chưa chuẩn bị cho thành công ban đầu vào ngày 7 tháng 10. Hamas đã có thể đưa nhiều chiến binh của mình vào Israel hơn dự kiến, sau khi đã dự đoán trước rằng các lực lượng và hệ thống an ninh của Israel sẽ tiêu diệt và bắt giữ nhiều kẻ tấn công dọc biên giới hơn họ đã làm. Hơn nữa, hai làn sóng tấn công bổ sung diễn ra sau khi tin tức loan truyền ở Gaza rằng Hamas đã vượt qua hàng rào biên giới. Nhóm đầu tiên bao gồm các thành viên của các nhóm khủng bố khác như Jihad Hồi giáo Palestine và Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine; nhóm thứ hai bao gồm những người Gaza không liên kết, nhiều người trong số họ đã bị giết, bắt cóc và thực hiện các hành động tàn bạo khác trong các cộng đồng Israel gần biên giới.

Mặc dù cuộc tấn công không được kiểm soát trong nhiều giờ và lực lượng Israel phải mất nhiều ngày để bắt giữ hoặc tiêu diệt tất cả những kẻ tấn công và giành lại quyền kiểm soát biên giới, nhưng nó không mang lại một số kết quả như mong đợi của Hamas. Có một điều, Israel đã không ngay lập tức phát động cuộc chiến trên bộ ở Gaza, nơi mà Hamas cho rằng họ sẽ có lợi thế lớn nhờ mạng lưới đường hầm của mình. Thay vào đó, Israel mất vài tuần để lên kế hoạch phản ứng, bắt đầu bằng một cuộc tấn công trừng phạt trên không, sau đó vài tuần là một cuộc tấn công kết hợp trên không và trên bộ nhằm mục đích phá bỏ cơ sở hạ tầng quân sự mà Hamas đã xây dựng bên trong và bên dưới các cộng đồng dân sự.

Hezbollah và các thành viên khác trong trục kháng chiến cũng không phát động một cuộc tấn công toàn diện vào Israel. Khi Iran thực hiện một cuộc tấn công lớn vào tháng 4 để đáp trả cuộc tấn công của Israel nhằm vào các chỉ huy cấp cao của Iran ở Syria, lực lượng phòng không của Israel và đồng minh đã vô hiệu hóa phần lớn những gì được chứng minh là hoạt động chỉ diễn ra một lần. Cả Hezbollah và Iran, những đồng minh hùng mạnh nhất của Hamas, đều muốn tham gia cuộc chiến nhưng đều không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện.

Nói tóm lại, cuộc chiến Israel-Hamas có sức tàn phá khủng khiếp, nhưng nó chưa gây ra một cuộc chiến tranh khu vực đe dọa sự sống còn của Israel - và Hamas hiện vẫn ổn với điều đó. Đối với Hamas, kiên nhẫn chiến lược là một đức tính tốt. Mặc dù nhóm đã lên kế hoạch cho khả thể thành công lớn hơn nữa, nhưng mục tiêu chính của nhóm là bắt đầu một quá trình lâu dài và không thể tránh khỏi dẫn đến sự hủy diệt của Israel. Để làm được điều đó, Hamas cần thoát ra khỏi gánh nặng cai trị Dải Gaza, điều mà nhóm này kết luận là đang làm suy yếu hơn là tạo điều kiện cho các cuộc tấn công vào Israel. Được thoát khỏi trách nhiệm đó, giờ đây Hamas có thể cam kết “lặp đi lặp lại cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 cho đến khi Israel bị tiêu diệt”.

MÔ HÌNH HEZBOLLAH

Khi phát động cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, Hamas đã đảo ngược hiện trạng ở Gaza. Thay vào đó, ít được chú ý hơn là những gì nó muốn. Thực thế, khi cuộc tranh luận nổ ra về việc quản lý dải đất thời hậu chiến, Hamas đã bắt đầu đặt nền móng cho việc hòa giải và cuối cùng là tiếp quản PLO, qua đó đảm bảo rằng tổ chức này là một phần của bất cứ cơ cấu quản trị nào xuất hiện. Al-Hayya, quan chức Hamas, người đã giải thích rằng nhóm của ông muốn thay đổi toàn bộ phương trình, gần đây đã thừa nhận kế hoạch này và đã đưa ra ý tưởng về một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 5 năm với Israel dựa trên các ranh giới đình chiến tồn tại trước cuộc chiến năm 1967 và trên cơ sở một chính phủ Palestine thống nhất kiểm soát cả West Bank lẫn Dải Gaza. Thật vậy, kể từ tháng 12, các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas đã gặp gỡ các phe phái Fatah phản đối Mahmoud Abbas, nhà lãnh đạo không được lòng dân của Chính quyền Palestine, để thảo luận về việc nối lại quan hệ hữu nghị như vậy. Ngày 21/4, Haniyeh giải thích nó đề nghị tái cơ cấu PLO để bao gồm tất cả các phe phái của người Palestine.

Đối với một phong trào Hồi giáo hiếu chiến từ lâu đã không chấp nhận Chính quyền Palestine ôn hòa và thế tục hơn, việc tìm cách hợp tác với PLO có vẻ đáng ngạc nhiên. Nhưng đằng sau sự thúc đẩy gần đây của Hamas là mục tiêu chiến lược quan trọng hơn là noi gương mô hình Hezbollah. Ở Lebanon, Hezbollah trên danh nghĩa là một phần của nhà nước Lebanon yếu kém, cho phép tổ chức này gây ảnh hưởng đến chính sách và có ít nhất một số tiếng nói trong việc chỉ đạo các quỹ của chính phủ, tuy nhiên tổ chức này vẫn duy trì quyền tự chủ hoàn toàn trong việc điều hành quân đội hùng mạnh của mình và trong cuộc chiến chống lại Israel. Theo một thỏa thuận mới cho Gaza và West Bank, Hamas hy vọng sẽ phát huy được ảnh hưởng và sự độc lập tương tự với phong trào và lực lượng dân quân của chính mình, không chịu sự kiểm soát hay chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Hamas đã đặt nền móng cho việc hòa giải và cuối cùng là tiếp quản PLO.

Thực thế, các nhà lãnh đạo của Hamas ở Gaza đã tìm đến Hezbollah để được hướng dẫn khi họ lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10, vốn xuất phát theo vở kịch của Hezbollah. Mặc dù giới lãnh đạo bên ngoài của Hamas ở Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon quan tâm nhiều hơn đến việc kết thúc chiến tranh, nhưng Sinwar - người nắm giữ hầu hết các quân bài nhờ có mặt ở Gaza và kiểm soát các con tin Israel - lại tập trung vào việc hấp thu các cuộc tấn công của Israel, sống sót và tuyên bố “chiến thắng thần thánh”. Rõ ràng ông đang nhìn vào cuộc chiến năm 2006 với Israel, trong đó Hezbollah trở thành quân đội Ả Rập đầu tiên không bị Lực lượng quân đội Israel [IDF] tiêu diệt, bất chấp tổn thất nặng nề và kết quả là đã được nâng cao đáng kể về tầm vóc khu vực. Sống sót sau cuộc tấn công quân sự của Israel, Sinwar dường như đã tính toán, sẽ giúp ông có được vị trí tốt cho một vị trí cấp cao trong chính phủ Palestine trong tương lai.

Tất nhiên, ý tưởng cho rằng Sinwar có thể có một vị trí trong tương lai trong chính phủ đoàn kết Palestine là phi lý, không chỉ vì bản chất tàn ác của những gì Hamas đã làm vào ngày 7 tháng 10. Suy cho cùng, với tư cách là kẻ thù truyền kiếp của Fatah và Chính quyền Palestine, Hamas tiếp quản Dải Gaza bằng lực lượng vũ trang vào năm 2007 sau cuộc nội chiến với Fatah. Hơn nữa, chính quyền Biden đã loại trừ rõ ràng bất cứ cơ cấu quản trị thời hậu chiến nào có bao gồm Hamas. Nhưng nếu không có nỗ lực phối hợp nhằm dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở hạ tầng chính trị của nhóm ở Gaza và xây dựng các giải pháp thay thế, Hamas có thể vẫn thành công trong việc định vị mình là một trong nhiều đảng nắm quyền kiểm soát khi giao tranh dừng lại.

Nếu điều đó xảy ra, Hamas có thể áp dụng các khía cạnh khác trong cách tiếp cận của Hezbollah. Giống như Hezbollah đã sử dụng nơi trú ẩn của mình ở Lebanon để phát động các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel như những âm mưu khủng bố chống lại người Israel và người Do Thái trên khắp thế giới, Hamas có thể mở rộng các hoạt động quân sự của mình ra ngoài biên giới Israel, West Bank và Dải Gaza và thực hiện các hoạt động quân sự của mình. ra các cuộc tấn công khủng bố có thể phủ nhận một cách hợp lý ở nước ngoài. Cho đến nay, Hamas chưa bao giờ thực hiện một cuộc tấn công khủng bố quốc tế nào - mặc dù nó đã suýt xảy ra vài lần. Nhưng kể từ ngày 7 tháng 10, các cơ quan tình báo châu Âu đã phát hiện ra các âm mưu của Hamas ở Đức và Thụy Điển, cũng như các hoạt động hậu cần ở Bulgaria, Đan Mạch và Hòa Lan.

NGĂN CHẶN CHIẾN THẮNG HẬU CHIẾN

Bất chấp thông báo muộn màng của Hamas vào đầu tháng 5 rằng họ có thể phê duyệt một số phiên bản của thỏa thuận bắt giữ con tin, các quan chức chính quyền Biden từ lâu đã đổ lỗi cho ban lãnh đạo Hamas vì đã kéo dài chiến tranh bằng cách không thả con tin Israel và hạ vũ khí. Nhưng họ không phải là những người duy nhất. Có những dấu hiệu cho thấy bản thân người dân Gaza, ngày càng tuyệt vọng sau gần bảy tháng chiến tranh tàn khốc, đang mất kiên nhẫn với phong trào và việc phong trào này không thực hiện các bước để bảo vệ họ khỏi sự trả đũa của Israel mà Hamas đã quyết tâm khiêu khích. “Tôi cầu nguyện mỗi ngày cho cái chết của Sinwar,” một người Gaza nói với Financial Times vào tháng Tư. Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine cho thấy trong ba tháng qua, mức độ ủng hộ Hamas đã giảm khoảng 1/4, từ 43% xuống 34%. Gần đây, một nhà báo tự do ở Gaza nói với The Washington Post: “Hầu hết mọi người xung quanh tôi đều có chung suy nghĩ. Chúng tôi muốn dòng thác máu này dừng lại.”

Ẩn mình trong các đường hầm dưới lòng đất, các nhà lãnh đạo của Hamas chắc chắn nhận thức được rằng dân thường mà họ để mặc không được bảo vệ trên mặt đất đang ngày càng tức giận với phong trào, điều này có thể giải thích cho giọng điệu ôn hòa hơn trong một số tuyên bố mà các nhà lãnh đạo phong trào đưa ra gần đây. Nhưng họ cảnh giác với việc đồng ý bất cứ cuộc trao đổi con tin nào để lấy tù nhân mà không đi kèm với lệnh ngừng bắn hoàn toàn và cứu các tiểu đoàn Hamas còn lại ở Rafah. Thật vậy, số thăm dò kém có thể chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo một vị trí trong bất cứ cơ cấu quản trị nào sắp tới - một cơ cấu trong đó Hamas sẽ không phải là đảng duy nhất cai trị Gaza và do đó không phải là bên bị đổ lỗi khi mọi việc không suông sẻ. Hamas hiểu rằng sau khi thả những con tin còn lại, đòn bẩy tốt nhất mà họ có được là lực lượng chiến đấu còn lại của mình.

Vì vậy, như Hamas nhìn thấy điều đó, trước tiên họ phải đảm bảo một chiến thắng kiểu Hezbollah, chỉ bằng cách sống sót. Sau đó, họ phải áp dụng mô hình Hezbollah trong mối quan hệ với cơ cấu quản trị thời hậu chiến đang hình thành – gia nhập PLO và thay đổi phong trào Palestine từ bên trong trong khi vẫn duy trì Hamas như một lực lượng chiến đấu độc lập. Đối với Hamas, đây sẽ là sự quay trở lại với những nguyên tắc đầu tiên: họ có thể theo đuổi cam kết căn bản của mình là tiêu diệt Israel và thay thế nước này bằng một nhà nước Palestine theo đạo Hồi ở tất cả những gì họ coi là Palestine lịch sử.

Để ngăn chặn kế hoạch này trước khi nó được thực hiện, điều tối quan trọng đối với Israel, Hoa Kỳ và các đồng minh Ả Rập và phương Tây của họ là ngăn chặn Hamas tham gia vào bất cứ cơ cấu quản trị nào của Palestine được xây dựng. Nếu không, nhóm này có thể sớm tạo ra một tình huống nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều so với tình huống đã cho phép nhóm này tiến hành cuộc tấn công ngày 7 tháng 10. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ cả Hamas và Hezbollah thực sự tin rằng sự hủy diệt của Israel là không thể tránh khỏi, và ngày 7 tháng 10 chỉ đơn giản là sự khởi đầu của một quá trình không thể đảo ngược mà cuối cùng sẽ đạt được điều đó. Bất cứ ai thực sự ủng hộ ý tưởng đảm bảo một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột này đều phải phản đối việc đưa Hamas vào quản lý người Palestine vì lý do đơn giản là các mục tiêu căn bản của Hamas không tương thích với hòa bình
 
Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu công nhận Palestine là thành viên đầy đủ
Vũ Văn An
20:00 11/05/2024

John Burger, trên Aleteia, ngày 11/05, 2024, cho hay: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu áp đảo vào thứ Sáu để cho phép Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, khiến Tòa thánh trở thành quốc gia duy nhất có tư cách “quan sát viên” tại cơ quan thế giới này.



149 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc trao quy chế đầy đủ cho Palestine, chỉ có 9 quốc gia phản đối, trong đó có Hoa Kỳ, vốn duy trì rằng việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine cần đạt được thông qua các cuộc đàm phán giữa người Israel và người Palestine, 25 nước bỏ phiếu trắng.

Với tư cách là quan sát viên tại Liên Hợp Quốc, Tòa thánh không thể bỏ phiếu về một quyết định như vậy. Nhưng Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc đã liên tục đưa ra các tuyên bố ủng hộ người dân Palestine trong những năm qua, và Vatican đã kêu gọi “giải pháp hai nhà nước”.

Một phát ngôn viên của Phái bộ Tòa Thánh chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Cho phép trong tình trạng khủng bố?

Hôm thứ Sáu, đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc, Riyad Mansour, cho biết trước cuộc bỏ phiếu rằng người dân của ông muốn “hòa bình và tự do”.

Mansour phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên: “Bỏ phiếu đồng ý là bỏ phiếu cho sự tồn tại của người Palestine, nó không chống lại bất cứ nhà nước nào”. Bỏ phiếu đồng ý là “điều đúng đắn nên làm”.

Nhưng đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, Gilad Erdan, nói với những người đồng cấp của mình rằng việc bỏ phiếu cho nghị quyết sẽ cho phép một kẻ khủng bố gia nhập cơ quan thế giới, được thành lập sau cuộc chiến chống lại sự tàn sát người Do Thái của chủ nghĩa Quốc xã. Ông nói Hamas chính là Adolf Hitler của ngày nay.

Tờ New York Times giải thích: Hiến chương Liên hợp quốc quy định rằng Đại hội đồng chỉ có thể cấp tư cách thành viên đầy đủ cho một quốc gia sau khi được Hội đồng Bảo an chấp thuận. “Các ví dụ về điều đó bao gồm việc thành lập các quốc gia Israel và Nam Sudan. Nghị quyết được thông qua hôm thứ Sáu tuyên bố rõ ràng rằng vấn đề Palestine là một ngoại lệ và sẽ không tạo ra tiền lệ.”

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu trao cho người Palestine quyền phát biểu tại các cuộc họp của Đại hội đồng về bất cứ chủ đề nào, thay vì chỉ giới hạn trong các vấn đề của người Palestine. Họ có thể gửi đề xuất, sửa đổi và tham gia tại các hội nghị của Liên hợp quốc và các cuộc họp quốc tế.

Giải pháp hai nhà nước

Trong khi nhắc lại lời lên án của Tòa thánh về cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023 của Hamas, tổ chức chiến binh cai trị Dải Gaza, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên hợp quốc, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, cho biết vào tháng 11 năm ngoái,

“Phản ứng lâu dài duy nhất đối với hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn Palestine là một nền hòa bình công bằng đáp ứng các yêu cầu chính đáng của cả người Palestine và người Israel. Để đạt được một giải pháp như vậy dựa trên giải pháp hai nhà nước đòi hỏi phải chấm dứt các hành động thù địch hiện tại và giảm căng thẳng, kể cả ở cấp khu vực. Điều quan trọng là các chính quyền hợp pháp của Nhà nước Palestine và chính quyền của Nhà nước Israel, với sự hỗ trợ của toàn thể cộng đồng quốc tế, phải chứng tỏ sự táo bạo trong việc đổi mới cam kết của mình đối với một nền hòa bình dựa trên công lý và tôn trọng lẫn nhau. Mặc dù con đường đối thoại hiện nay có vẻ rất hẹp, nhưng đó là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt lâu dài chu kỳ bạo lực đã nhấn chìm vùng đất rất thân yêu này đối với các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo”.

Đức Tổng Giám Mục Caccia cũng bày tỏ mối quan ngại trước “tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza, dẫn đến việc hàng nghìn người Palestine vô tội thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, hàng trăm nghìn người phải di dời và sự đau khổ bừa bãi của người dân” tạo ra bởi thiếu lương thực, nhiên liệu và vật tư y tế, ngoài những vấn đề khác.”

Hai nhà nước sống hoà bình

Vatican từ lâu đã nhấn mạnh rằng giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất tiến tới, và trong lời cầu xin hòa bình gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng đã nói cụ thể như vậy.

Vào ngày 27 tháng 4, khi kết thúc buổi tiếp kiến chung, ngài nói:

“Và chúng ta cũng cầu nguyện cho Trung Đông, cho Gaza: nơi đây đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ trong chiến tranh. Vì hòa bình giữa Palestine và Israel, để họ trở thành hai quốc gia, tự do và có quan hệ tốt đẹp. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình”.

Vào ngày 14 tháng 4, sau khi đọc kinh Regina Caeli [Lạy Nữ vương Thiên đàng], Đức Thánh Cha nói:

“Không ai nên đe dọa sự tồn tại của người khác. Thay vào đó, cầu mong tất cả các quốc gia đứng về phía hòa bình và giúp đỡ người Israel và người Palestine sống ở hai quốc gia cạnh nhau trong sự an toàn. Đó là mong muốn sâu sắc và chính đáng của họ, và đó là quyền của họ! Hai nước láng giềng”.
 
VietCatholic TV
Nga tổng tấn công Kharkiv, Ukraine anh dũng chống trả, giờ đầu tiên hạ gục 18 thiết giáp, 3 xe tăng
VietCatholic Media
01:39 11/05/2024


1. Nga tổng tấn công vào tỉnh Kharkiv. Quân Ukraine bình tĩnh đối phó: Giờ đầu tiên 18 xe thiết giáp và 3 xe tăng Nga bị bắn cháy

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine war latest: Russia launches new offensive targeting Kharkiv Oblast”, nghĩa là “Tin chiến tranh Ukraine mới nhất: Nga mở cuộc tấn công mới nhắm vào tỉnh Kharkiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Năm, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo lực lượng Nga đã bắt đầu chiến dịch tấn công mới nhắm vào tỉnh Kharkiv.

“Nga đã bắt đầu một làn sóng hành động tấn công mới theo hướng Kharkiv. Ukraine đã giao chiến với lực lượng Nga ở đó bằng Địa Phương Quân, các lữ đoàn và pháo binh của chúng ta”, ông Zelenskiy nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova ở Kyiv.

Mạc Tư Khoa gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng Nga có thể lên kế hoạch tấn công thành phố này như một phần của cuộc tấn công rộng lớn hơn trong những tháng tới.

Bộ Quốc phòng trước đó cùng ngày đã báo cáo rằng quân đội Nga đã cố gắng đột phá tuyến phòng thủ của Ukraine ở tỉnh Kharkiv.

Zelenskiy nói rằng quân đội Nga có thể huy động các đơn vị tấn công xa hơn trong khu vực. Tổng thống nói thêm rằng bộ chỉ huy Ukraine đã biết về một cuộc tấn công tiềm tàng theo hướng này và đã chuẩn bị.

Zelenskiy nói: “Bây giờ, có một trận chiến khốc liệt đang diễn ra theo hướng Kharkiv.

Tính đến 1h30 chiều giờ địa phương, ít nhất 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương trong bối cảnh các cuộc tấn công dữ dội của Nga ở tỉnh Kharkiv.

Theo Bộ Quốc phòng, lực lượng Nga đã cố gắng vượt qua các tuyến phòng thủ của Ukraine vào khoảng 5h sáng giờ địa phương.

Tuyên bố của Bộ cho biết cuộc tấn công của Nga đã bị trì hoãn nhưng các trận chiến với cường độ khác nhau vẫn tiếp tục.

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov trước đó cho biết vụ tấn công “không gây ra mối đe dọa” cho trung tâm khu vực Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Lực lượng Nga đã thất bại trong việc chiếm Kharkiv trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện mặc dù thực tế thành phố này nằm cách biên giới Nga chưa đầy 30 km.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Bẩy, 11 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong giờ đầu tiên của cuộc tấn công 18 xe thiết giáp và 3 xe tăng Nga đã bị bắn cháy, cuộc tấn công của Nga đang bị khựng lại, nhưng quân Nga đang tấn công mạnh ở vùng ngoại ô làng biên giới Pletenivka ở tỉnh Kharkiv cách biên giới quốc gia 2 km.

Ông cho biết binh sĩ Ukraine cũng đang chặn bước tiến của quân đội Nga gần làng Hatyshche trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn.

“Các cuộc đọ súng đang diễn ra gần làng Krasne. Lực lượng Phòng vệ đang cầm chân đối phương trong khu vực chiến đấu này”

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho rằng quân đội Nga đã chiếm được một số thị trấn ở Kharkiv khi họ cố gắng tiến về phía Vovchansk, Thống đốc Oleh Syniehubov nói rằng các khu định cư ở biên giới nằm trong “vùng xám” và các hoạt động thù địch vẫn đang diễn ra nhưng không có căn cứ nào bị mất sau 24 giờ tổng công kích của quân xâm lược.

Nhận định về diễn biến mới nhất này, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, nhà lãnh đạo của SBU, nói với Ukrainska Pravda rằng cuộc tổng công kích của Nga vào thành phố Kharkiv là phần 2 trong kế hoạch ám sát Tổng thống Zelenskiy, cho nên quân Ukraine không hề bất ngờ trước cuộc tấn công này. Theo kế hoạch của Nga, sau khi 2 viên Đại Tá đã giết chết Tổng thống Zelenskiy, quân Nga sẽ tấn công vào Kharkiv, và từ đó tiến chiếm Thủ đô Kyiv đang trong tình trạng hoang mang. Phần một của kế hoạch này đã thất bại, nhưng vì đã chuẩn bị nên Nga vẫn cố thử thời vận. Ông cũng nghĩ rằng, có thể Nga đang theo đuổi chiêu dương đông kích tây để cố chiếm cho được thị trấn Chasiv Yar.

2. Trong bài phát biểu Ngày Chiến thắng, Putin cáo buộc phương Tây 'bóp méo lịch sử'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “In Victory Day speech, Putin accuses West of ‘distorting history’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin chỉ trích đối phương của Nga là “Đức Quốc xã”, trong khi Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cảnh báo về mối nguy hiểm từ “sự xâm lược” của Nga.

Putin đã tố cáo phương Tây – bao gồm cả Ukraine mà ông xâm lược vào năm 2014 và 2022 – vì đã “bóp méo lịch sử” trong bài phát biểu kỷ niệm 79 năm ngày quân đồng minh chiến thắng Đức Quốc xã.

Trong một cuộc duyệt binh hàng năm không hề hoành tráng như trước chiến tranh - chỉ có một chiếc xe tăng, mẫu T-34 thời Thế chiến thứ hai - dẫn đầu cuộc tuần hành, Putin đã sử dụng sự kiện này để đả kích đối phương của Nga và cảnh báo đen tối về kho vũ khí hạt nhân hùng mạnh của đất nước ông. Phát biểu cùng ngày tại Vilnius, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cảnh báo về mối nguy hiểm do Nga gây ra.

Putin chủ yếu dựa vào ký ức về việc Liên Xô chinh phục Berlin của Hitler vào năm 1945 để nhắm vào phương Tây.

“Ngày nay chúng ta thấy họ đang cố gắng bóp méo sự thật về Thế chiến thứ hai như thế nào. Nó bị bóp méo bởi những người đã quen với việc xây dựng chính sách thuộc địa dựa trên đạo đức giả và dối trá”, nhà độc tài mới tái nhậm chức nói với đám đông tụ tập, theo báo chí Nga.

Hồng quân là một phần của liên minh đồng minh rộng lớn hơn nhiều bao gồm Mỹ, Anh, Ba Lan, Pháp, Canada và các nước khác.

Ngày Chiến thắng của Liên Xô, được kỷ niệm muộn hơn một ngày so với ngày được các đồng minh khác đánh dấu, cũng đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ nửa thế kỷ Liên Xô xâm lược hầu hết Trung và Đông Âu, trục xuất hàng loạt đến Siberia và buộc tập thể hóa các nền kinh tế địa phương.

Mặc dù Nga chỉ là một phần của Liên Xô nhưng nước Nga ngày nay đã cố gắng độc chiếm chiến thắng của Liên Xô như của riêng mình và Putin đã sử dụng ký ức về cuộc chiến để củng cố chủ nghĩa dân tộc Nga.

Điều đó còn mở rộng đến việc bôi nhọ những người phản đối chế độ của ông với cái tên “Đức Quốc xã”.

“Chủ nghĩa phục thù, lạm dụng lịch sử và nỗ lực biện minh cho những người theo Đức Quốc xã hiện tại là một phần trong chính sách tổng thể của giới tinh hoa phương Tây nhằm khơi dậy những xung đột mới trong khu vực”, Putin nói, đề cập đến chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người mà ông thường xuyên cáo buộc là một người theo chủ nghĩa phát xít mới.

Putin cảnh báo rằng vũ khí nguyên tử của nước ông “luôn sẵn sàng” sau khi Nga tuyên bố hồi đầu tuần rằng các cuộc tập trận gần Ukraine sẽ xoay quanh vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong bài phát biểu, Putin tuyên bố ông thực sự đang ngăn chặn sự đối đầu toàn cầu nhưng sẽ “không cho phép bất cứ ai đe dọa chúng ta”.

Nhưng để thể hiện sự cô lập của Nga, chỉ có 9 nhà lãnh đạo khác có mặt tại Quảng trường Đỏ cùng với ông Putin để xem lễ duyệt binh.

Trong khi các quốc gia như Pháp kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh vào thứ Tư thì thứ Năm cũng đánh dấu Ngày Âu Châu.

Điều đó đang được nhấn mạnh bởi các quốc gia như Lithuania, vốn lo ngại ngày 9 tháng 5 là nguyên nhân của các lễ kỷ niệm thân Nga.

Von der Leyen, người hiện đang tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trước cuộc bầu cử Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 6, đã phát biểu tại thủ đô của Lithuania vào sáng thứ Năm và nhấn mạnh mối nguy hiểm mà Putin gây ra cho phần còn lại của lục địa.

Bà nói: “Trong nhiều năm, Lithuania đã cảnh báo Âu Châu về sự nguy hiểm của Nga. Sau năm 2014, các bạn đã nói với chúng tôi rằng Putin sẽ không dừng lại. Và Âu Châu đáng lẽ phải lắng nghe. Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra mối đe dọa từ nước Nga của Putin. Nhưng hôm nay Liên minh của chúng ta đứng vững bên cạnh các bạn, vì tự do và chống lại sự xâm lược.”

3. Zelenskiy sa thải nhà lãnh đạo Cơ quan bảo vệ yếu nhân Nhà nước

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky dismisses head of State Security Administration”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cách chức nhà lãnh đạo Cơ quan bảo vệ yếu nhân Ukraine, gọi tắt là UDO, Đại Tá Serhii Rud, theo sắc lệnh của tổng thống công bố ngày 9 Tháng Năm.

Nhiệm vụ chính của UDO bao gồm bảo đảm an ninh cho Tổng thống Ukraine và các quan chức cao cấp của nhà nước, cũng như bảo vệ các tòa nhà hành chính và đồ vật của cơ quan nhà nước Ukraine.

Việc sa thải Rud diễn ra ngay sau khi Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, tuyên bố đã phát hiện ra một mạng lưới đặc vụ Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, của Nga đang âm mưu ám sát Tổng thống Zelenskiy và các quan chức cao cấp khác ở Ukraine. Hai đại tá của UDO bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho Nga đã bị bắt giữ.

Mạng lưới FSB đã dày công tìm kiếm trong lực lượng thân cận với Zelenskiy, “những kẻ có thể bắt nhà lãnh đạo nhà nước làm con tin và sau đó giết ông”.

Chỉ vài tuần trước, các quan chức SBU và cơ quan thực thi pháp luật Ba Lan đã làm việc để bắt giữ một công dân Ba Lan được cho là đã đề nghị Nga ám sát Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Vào cuối tháng 11, Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Sun rằng ông đã sống sót sau ít nhất 5 vụ ám sát kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Nga.

Tổng thống Ukraine đã ban hành một số sắc lệnh tổng thống trong tuần này yêu cầu thay đổi lãnh đạo cao cấp trong chính phủ và quân đội Ukraine.

Dmytro Hereha được tái bổ nhiệm làm chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Ukraine, và Valerii Zaluzhnyi, cựu tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã chính thức được miễn nghĩa vụ quân sự để có thể giữ chức đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh

4. SBU bắt giữ người đàn ông Kharkiv bị buộc tội do thám các vị trí của Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “SBU arrests Kharkiv man accused of spying on Ukrainian positions”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Một người đàn ông 45 tuổi đến từ Kharkiv đã bị Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) bắt giữ hôm 9 Tháng Năm vì cáo buộc theo dõi vị trí các hệ thống phòng không của Ukraine và cung cấp tọa độ cho các sĩ quan tình báo Nga.

Theo tuyên bố của SBU, người đàn ông giấu tên đã bị bắt tại nhà riêng ở quận Vovchansk của Kharkiv. Người đàn ông này bị cáo buộc khảo sát, theo dõi các vị trí của Ukraine, ghi lại tọa độ trên Google Maps để cung cấp cho các quan chức tình báo Nga.

Trong quá trình điều tra của SBU, điện thoại di động của nghi phạm, được cho là có liên lạc với các quan chức tình báo Nga, đã bị thu giữ.

SBU cáo buộc rằng các quan chức tình báo Nga, với sự giúp đỡ của nghi phạm, đã quan tâm đến việc định vị địa lý các công sự của Ukraine trong thành phố, cũng như vị trí của các nhóm phòng không di động chịu trách nhiệm bắn hạ máy bay không người lái tấn công của Nga.

Người đàn ông này, một người Ukraine gốc Nga, lần đầu tiên được các sĩ quan tình báo Nga chú ý sau khi chia sẻ quan điểm ủng hộ Điện Cẩm Linh với những người quen của mình.

Bị cáo bị buộc tội theo Bộ luật Hình sự Ukraine và phải đối mặt với án tù 8 năm nếu bị kết tội.

Người đàn ông này trước đây đã từng bị kết án và thụ án về tội trộm cắp và gây tổn hại cơ thể dẫn đến tử vong.

Nga gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv, nơi có dân số 1,4 triệu người vào năm 2021, bằng việc sử dụng hỏa tiễn, bom lượn và máy bay không người lái, phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và giết hại dân thường.

5. M2A2 Bradley của Ukraine hạ gục xe tăng T-80 của Nga trong video

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian M2A2 Bradley Takes Out Russian T-80 Tank in Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine hôm thứ Tư đã chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh Xe chiến đấu Bradley của Mỹ tiêu diệt xe tăng T-80 của Nga trên chiến trường ở Ukraine.

Đoạn phim chiến đấu được chia sẻ bởi Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 của Ukraine, là lực lượng đang chiến đấu trên tiền tuyến ở khu vực phía đông Donetsk, nơi các cuộc đụng độ ác liệt đang diễn ra. Lữ đoàn cho biết xe tăng Nga đã bị phá hủy bằng hỏa tiễn dẫn đường chống tăng hạng nặng.

“Xe chiến đấu bộ binh Bradley chống lại xe tăng T-80 của Nga!” lữ đoàn đã thêm vào kênh Telegram của mình. “Các chiến binh của lữ đoàn cơ giới số 47 đã phá hủy thiết bị của địch bằng hỏa tiễn chống tăng BGM-71 gắn trên xe thiết giáp. Ghi công cho nhóm Discovery của Tiểu đoàn 2 Cơ giới.

Xe chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp được trang bị pháo 25 ly cực mạnh, có thể bắn đạn nổ và đạn xuyên giáp. Nó được nhà sản xuất BAE Systems mô tả là có “khả năng sống sót, tính cơ động và sát thương vượt trội” và có thể chở tới 10 người.

Cho đến nay, Washington đã cung cấp cho Kyiv tổng cộng 186 chiếc Bradley để hỗ trợ quân đội nước này trong cuộc chiến đang diễn ra chống lại Nga do Tổng thống Vladimir Putin phát động vào tháng 2/2022.

Đoạn clip do Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 của Ukraine công bố cho thấy một trận chiến xảy ra vào ban đêm, sau đó là cảnh quay cận cảnh trên không về tàn tích cháy đen của một chiếc xe tăng T-80 của Nga.

Trang web phân tích tình báo phòng thủ nguồn mở Oryx của Hà Lan đã xác nhận trực quan rằng 2.001 xe tăng Nga đã bị phá hủy, 156 chiếc bị hư hại, 329 chiếc bị bỏ rơi và 514 chiếc bị bắt giữ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine.

Oryx cũng xác nhận trực quan rằng 547 xe tăng Ukraine đã bị phá hủy kể từ đầu cuộc chiến, trong đó 68 chiếc bị hư hại, 61 chiếc bị bỏ lại và 132 chiếc bị bắt.

Hôm thứ Năm, quân đội Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa đã mất 7.429 xe tăng kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công toàn diện, trong đó có 11 chiếc trong 24 giờ qua. Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đăng số liệu về tổn thất quân đội và trang thiết bị của Nga như một phần cập nhật hàng ngày về cuộc chiến.

Lực lượng Nga đã giành được những thắng lợi ổn định ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine trong khi quân đội Kyiv đang thiếu đạn dược. Oleksandr Syrsky, Tổng tư lệnh Ukraine, cho biết trên Telegram vào cuối tháng trước rằng “tình hình ở mặt trận đã trở nên tồi tệ hơn” và các lực lượng Nga đang “tích cực tấn công dọc theo toàn bộ chiến tuyến và ở một số hướng” với thành công về mặt chiến thuật. Các tổn thất lớn của quân Nga dường như cho thấy viện trợ của Hoa Kỳ về đạn pháo đã được chuyển ra chiến trường.

6. Đức mua 3 HIMARS cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng nước này tuyên bố hôm 7 Tháng Năm rằng Đức sẽ mua 3 Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao,, gọi tắt là HIMARS, cho Ukraine.

Phát biểu trong chuyến đi tới Washington, ông Boris Pistorius cho biết chúng sẽ được mua từ Mỹ và bàn giao cho Kyiv.

Ông nói với các phóng viên: “Chúng sẽ đến từ lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và sẽ được chúng tôi trả tiền”.

HIMARS, với sức mạnh đã trở thành mô típ phổ biến của các meme trên mạng, đã thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine khi nó đến lần đầu tiên vào mùa hè năm 2022, cho phép Kyiv tấn công vào các lực lượng Nga ở phía sau chiến tuyến chính xác hơn nhiều so với trước đây.

Hệ thống vũ khí này là một hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng được gắn trên khung xe tải FMTV 6x6, cung cấp hỏa lực khủng khiếp được phóng từ một nền tảng có tính cơ động cao.

7. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Sẽ có thêm thông báo về viện trợ Ukraine trong vài tuần tới

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “State Department: More announcements on Ukraine aid to come in next few weeks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mỹ sẽ đưa ra nhiều thông báo hơn về viện trợ quân sự cho Ukraine “trong vài tuần tới”, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với các phóng viên hôm 10 Tháng Năm.

Sau sáu tháng đấu tranh chính trị và trì hoãn, gần đây Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ Mỹ Kim được chờ đợi từ lâu.

“Những gì chúng tôi có thể làm với tư cách là đối tác của Ukraine là tiếp tục hỗ trợ họ về mặt quân sự và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của họ, và trên hết, làm những gì có thể để giúp họ đến một vị thế mà họ có thể tự đứng vững trên hai chân,” Miller nói với các phóng viên.

“Bạn đã thấy chúng tôi thực hiện một số chính sách về vấn đề đó,” Miller nói và nói thêm rằng “sẽ có nhiều thông báo hơn” trong những tuần tới.

Miller cũng cho biết trong cuộc họp báo trước đó ngày 9 Tháng Năm rằng Mỹ đang nghiên cứu các gói tài trợ bổ sung cho Ukraine.

Miller nói với các phóng viên: “Tôi nghĩ bạn có thể mong đợi thấy chúng tôi quay trở lại nhịp độ như trước khi chúng tôi bị gián đoạn nguồn tài trợ.”

Trong thời gian sáu tháng ngừng tài trợ, Ukraine đã mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka vào tháng 2 trong bối cảnh thiếu đạn dược trầm trọng.

Kể từ đó, Nga tiếp tục tiến tới Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk, một thị trấn trên cao có khả năng mở đường cho những bước tiến sâu hơn vào khu vực.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 9 Tháng Năm cho biết Ukraine sẽ có thể ngăn chặn cuộc tấn công đang diễn ra của Nga nếu các đồng minh của nước này tăng cường cung cấp vũ khí.

8. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Nga không thể duy trì quy mô tổn thất như hiện nay

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Unable To Sustain Scale of Losses: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổn thất thiết bị của Nga ở Ukraine được cho là cao đến mức sẽ khó tìm được thiết bị thay thế khi Mạc Tư Khoa sử dụng gần hết kho vũ khí khổng lồ từ thời Liên Xô.

Đánh giá đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, được đưa ra sau các báo cáo về việc hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ cạn kiệt của các phương tiện quân sự của Nga trong các cơ sở lưu trữ trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Diễn biến này cũng xảy ra trong bối cảnh Putin vừa triệu tập cuộc họp quan trọng với Bộ Quốc Phòng Nga trong đó ông bày tỏ sự thất vọng thẳng thừng trước tình trạng tham nhũng trầm trọng và các thành tích quá khiêm tốn trên chiến trường, bất kể thực tế là các cuộc tranh cãi tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng viện trợ cho Ukraine từ tháng 10 đến cuối tháng Tư vừa qua.

Tài khoản tình báo nguồn mở X Jompy, chuyên theo dõi các kho quân sự của Nga, đã đăng vào ngày 6 tháng 5 rằng kho xe chiến đấu bọc thép của Nga đã giảm gần một phần ba, cụ thể là 32%, so với mức trước chiến tranh — giảm từ 15.152 vào năm 2021 xuống còn 10.389, mất 4.763 chiếc.

Tài khoản X cho biết hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Nga đã rút hầu hết các xe thiết giáp đa năng MT-LB của mình khỏi kho lưu trữ, nơi chỉ còn lại 922 chiếc so với 2.527 trước chiến tranh.

Cuộc kiểm kê của nó cho thấy chỉ còn lại 244 xe chiến đấu bộ binh bánh xích BMD, so với 637 chiếc trước cuộc xâm lược toàn diện.

Các số liệu cũng tiết lộ nguồn dự trữ của các phương tiện khác đang giảm dần, chẳng hạn như các mẫu BTR-60, 70 và 80 mới hơn và tài khoản cho biết Nga chỉ đang có thể tu sửa từ 1.000 đến 2.000 chiếc xe thiết giáp lội nước đa năng MT-LB còn lại của mình.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh, gọi tắt là IISS, cho biết vào ngày 12 tháng 2, Nga có thể duy trì tỷ lệ tổn thất phương tiện hàng năm — hơn 3.000 xe thiết giáp trong ít nhất hai hoặc ba năm — chủ yếu bằng cách kích hoạt lại các phương tiện từ các kho lưu trữ.

IISS cho biết lực lượng của Mạc Tư Khoa đã mất hơn 3.000 xe thiết giáp vào năm ngoái và khoảng 8.000 phương tiện trong suốt cuộc chiến, buộc nước này phải kích hoạt lại ít nhất 1.180 xe tăng chiến đấu chủ lực và khoảng 2.470 xe chiến đấu bộ binh và xe thiết giáp chở quân từ kho.

Trong khi đó, tài khoản X của tình báo nguồn mở Marsed đã đăng hôm thứ Tư rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng trong chiến tranh, Nga đã lấy ra khoảng 60% hệ thống pháo của mình từ các căn cứ lưu trữ pháo kéo.

Tuy nhiên, một nửa số hệ thống pháo còn lại tại căn cứ có thể không còn sử dụng được do kho bảo quản đã xuống cấp và quá cũ để tương thích với các loại đạn hiện đại.

ISW cho biết hôm thứ Tư rằng tổn thất các phương tiện từ thời Liên Xô của Nga ở mức cao hơn nhiều so với mức mà cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này có thể bù đắp được.

Viện nghiên cứu nói thêm rằng Nga “có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho các đơn vị của mình trong dài hạn nếu không chuyển nền kinh tế Nga sang trạng thái thời chiến”, điều mà Putin cho đến nay vẫn cố gắng tránh.

9. Tổng thống Tiệp xác nhận tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Czech president confirms attendance at global peace summit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Tiệp Petr Pavel đã thảo luận về hợp tác quốc phòng đang diễn ra giữa hai nước và Pavel xác nhận sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ được tổ chức tại Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16 tháng 6 và sẽ tập trung vào hòa bình ở Ukraine theo các điều khoản của công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelenskiy, một kế hoạch kêu gọi rút hoàn toàn quân đội Nga khỏi các vùng đất Ukraine bị tạm chiếm.

160 phái đoàn quốc gia đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình và nhiều quốc gia đã cam kết tham gia.

Phát ngôn nhân của tổng thống Sergii Nykyforov cho biết hôm 3 Tháng Năm, theo Deutsche Welle, những người tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu sẽ xây dựng lập trường đàm phán chung về kết quả của cuộc chiến và chuyển cho Nga.

Người ta không chắc Nga sẽ ngó ngàng đến lập trường chung của các quốc gia nhóm họp tại Thụy Sĩ. Cho đến nay, Nga không có ý muốn thương lượng bất kể những tổn thất rất lớn trên chiến trường. Sau khi Tổng thống Zelenskiy đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm tại hội nghị G20 tại Bali Indonesia hôm 14 tháng 11 năm 2022, cựu tổng thống Nga Medvedev, nay là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói 10 điểm là nhiều quá, ông ta có một kế hoạch hòa bình chỉ có một điểm duy nhất đó là Ukraine buông súng đầu hàng vô điều kiện. Điều này xem ra có vẻ vô lý nhưng đó là lập trường chính thức của Nga cho đến nay.

Zelenskiy bày tỏ lòng biết ơn về sáng kiến của Tiệp cung cấp đạn pháo và mua đạn pháo cho Ukraine.

Sau sáng kiến của Pavel gửi 800.000 quả đạn pháo tới Ukraine, nhiều quốc gia đã đóng góp kinh phí, bao gồm Bỉ, Pháp, Slovenia, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Canada, Ba Lan và Đan Mạch. Khoảng 1,5 triệu viên đạn dự kiến sẽ được gửi đến Ukraine thông qua dự án do Tiệp dẫn đầu.

10. Đồng minh của Putin cảnh báo Chính sách chiến tranh hạt nhân của Nga có thể thay đổi

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Warns Russia's Nuclear War Policy May Change”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, một đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, cảnh báo rằng mặc dù chính sách chiến tranh hạt nhân của Mạc Tư Khoa không thay đổi nhưng tình hình vẫn rất biến động.

Khi được hỏi liệu học thuyết hạt nhân của Nga có được cập nhật để bao gồm khả năng tấn công phòng ngừa hay không, Ryabkov nói với các phóng viên hôm thứ Năm: “Học thuyết và những điều cơ bản về chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân nêu rõ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc tấn công phủ đầu.

“Hiện tại, không có gì thay đổi về vấn đề này, nhưng bản thân tình hình đang thay đổi. Do đó, cách các tài liệu cơ bản trong lĩnh vực này liên quan đến nhu cầu duy trì bảo mật của chúng tôi được phân tích liên tục.”

Đã hơn hai năm kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Vẫn còn lo ngại rằng nó có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, hồi tháng 3, Putin cho biết, mặc dù Mạc Tư Khoa đã chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân nhưng ông không có ý định sử dụng vũ khí trừ khi có mối đe dọa đối với “sự tồn tại của nhà nước Nga” hoặc “thiệt hại đối với chủ quyền và độc lập của chúng ta”.

Trong khi đó, Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994 theo một thỏa thuận được gọi là Bản ghi nhớ Budapest.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, hàng ngàn vũ khí hạt nhân đã bị bỏ lại ở Ukraine, khiến Kyiv vào thời điểm đó có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Bản ghi nhớ Budapest khẳng định an ninh và chủ quyền của Ukraine để đổi lấy việc từ bỏ kho hạt nhân.

Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận vào tháng 12 năm 1994, cùng với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Belarus và Kazakhstan.

Khi căng thẳng gia tăng giữa Ukraine với các đồng minh phương Tây và Mạc Tư Khoa, Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành chuẩn bị cho các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân ở miền nam nước Nga.

“Chúng tôi cảnh báo các đối thủ của mình rằng lộ trình leo thang của họ tất nhiên sẽ khiến chúng tôi cần phải thực hiện các bước thực sự có nghĩa là tăng cường các biện pháp răn đe. Ông Ryabkov cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc tập trận thực hành kỹ năng sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược là một phần của những nỗ lực này.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Hai cho biết khi công bố cuộc tập trận rằng cuộc tập trận hạt nhân có liên quan đến “các tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa của một số quan chức phương Tây chống lại Liên bang Nga”.

Putin hôm thứ Năm cho biết “không có gì bất thường” về cuộc tập trận và rằng chúng là “công việc đã được lên kế hoạch”, gọi đó là “huấn luyện”, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.

Belarus sẽ cùng đồng minh của mình tham gia một trong những phần của cuộc tập trận hạt nhân.

Putin nói: “Chúng tôi giữ chúng thường xuyên. “Lần này chúng được tổ chức theo ba giai đoạn. Ở giai đoạn thứ hai, các đồng nghiệp Belarus sẽ tham gia hành động chung của chúng tôi.

11. Orban nói rằng ông ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Orban says he supports the Chinese peace plan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban cho biết ông ủng hộ “kế hoạch hòa bình của Trung Quốc” trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Budapest hôm 9 Tháng Năm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một tuyên bố gồm 12 điểm vào tháng 2 năm 2023 nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh về “giải pháp chính trị” cho cuộc chiến toàn diện của Nga. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây bác bỏ đề xuất này, lưu ý rằng nó có thể chỉ có lợi cho Nga.

“Ngày nay, Âu Châu đang đứng về phía chiến tranh,” Orban nói trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập. “Ngoại lệ duy nhất là Hung Gia Lợi, nước kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình, đồng thời ủng hộ mọi nỗ lực quốc tế hướng tới hòa bình…Chúng tôi cũng ủng hộ sáng kiến hòa bình của Trung Quốc do Tập Cận Bình đưa ra.”

Chủ tịch Trung Quốc hiện đang có chuyến công du Âu Châu. Trong tuần qua, Ông Tập đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.

Hung Gia Lợi là quốc gia Liên Hiệp Âu Châu duy nhất duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Điện Cẩm Linh kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Trái ngược hoàn toàn với các nhà lãnh đạo phương Tây khác, nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi gần đây đã chúc mừng Vladimir Putin về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông.

Tương tự, Bắc Kinh cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa trong chiến tranh, thắt chặt hợp tác kinh tế và phá vỡ các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga.

“Hai mươi năm trước, chúng ta sống trong một trật tự thế giới tập trung, và bây giờ là một trật tự thế giới đa trung tâm, và một trong những trụ cột của trật tự thế giới mới này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hiện có vai trò quyết định trong nền kinh tế và chính trị thế giới,” Orban nói thêm.

Ukraine đang giữ các kênh ngoại giao với Trung Quốc mở, mặc dù Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa. Các quan chức Âu Châu đã kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Mạc Tư Khoa để giúp chấm dứt chiến tranh.

Sau khi công bố kế hoạch hòa bình của Trung Quốc vào năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hứa sẽ xem xét đề xuất này nhưng kế hoạch này có thể sẽ không được tiến hành vì nó không yêu cầu quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine hoặc hứa trả lại cho Ukraine các lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Mỹ trừng phạt Nga, và các công ty Trung Quốc vì hỗ trợ nỗ lực chiến tranh

Zelenskiy đã giới thiệu kế hoạch hòa bình 10 điểm của riêng mình vào mùa thu năm 2022, trong đó bao gồm việc rút hoàn toàn quân Nga khỏi các vùng đất Ukraine bị tạm chiếm. Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào tháng tới để thảo luận về kế hoạch này, với khoảng 160 phái đoàn quốc gia được mời tham gia đàm phán.

Tổng thống Zelenskiy thông báo đã mời Orban tới hội nghị thượng đỉnh nhưng không xác nhận nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi có đồng ý tham dự hay không.

Nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak hồi đầu tháng xác nhận rằng chính phủ Ukraine khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của Trung Quốc vào hội nghị thượng đỉnh.

“Đối với Trung Quốc, chúng tôi đang làm mọi thứ để Trung Quốc có mặt ở đó. Trung Quốc rất quan trọng và các cuộc tham vấn liên tục diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau với sự tham gia của các đối tác của chúng tôi”, Yermak nói.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng họ không tin rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đồng ý với công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine.
 
Họp báo cảm động: Lính Nga cứu hai lính Dù Ukraine bị thương. Lại thêm một kho dầu Nga nổ long trời
VietCatholic Media
16:20 11/05/2024


1. Lính Nga giải cứu hai lính dù Ukraine bị thương trong cuộc hành quân đặc biệt của Tổng cục Tình báo Ukraine

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Rescued Two Wounded Ukrainian Paratroopers During HUR Special Operation”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người lính Nga đã giúp Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là HUR, tiến hành cuộc hành quân đặc biệt “Prapor” nghĩa là “Lá cờ” để giải cứu hai lính dù Ukraine khỏi lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm.

Mùa hè năm ngoái, Tổng cục Tình báo Hải quân Ukraine nhận được thông tin về hai lính dù Ukraine sinh năm 1993 và 1997, bị thương nặng khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga và đang trốn tránh trong lãnh thổ bị tạm chiếm, tại một thị trấn ở vùng Luhansk, nơi họ đã được người dân che giấu và điều trị.

Vào ngày 28 tháng 9 năm 2023, những người lính dù đã được di tản thành công đến lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Trong cuộc họp báo ngày 10 Tháng Năm, đại diện HUR, Andriy Yusov, cho biết người tham gia quan trọng trong cuộc hành quân đặc biệt này là một quân nhân Nga hiện đã trở thành chiến binh thân Ukraine trong Quân đoàn Tự do của Nga.

Dmytro, một quân nhân Quân đội Nga bị gọi nhập ngũ vào tháng 4 năm 2023, đã nộp đơn tham gia dự án Tôi Muốn Sống.

Khi ra đầu hàng quân Ukraine, Dmytro báo cáo về trường hợp hai người lính Dù đang được che giấu trong một ngôi làng và anh đã tìm mọi cách để bảo vệ họ.

Sau đó, hai nhiệm vụ hoạt động đặc biệt hợp nhất thành một: “sự trở lại của những người lính Dù và việc Dmytro chuyển sang phe của sự thật,” Yusov nói.

Theo Yusov, phải mất hai tháng để tổ chức hoạt động đa cấp này, thời gian còn lại dành cho việc bảo đảm an toàn cho tất cả những người tham gia.

Yusov cho biết các tài liệu giả đã được lập cho Dmytro cho phép anh trở lại lãnh thổ bị tạm chiếm cùng với những người lính Ukraine tham gia cuộc hành quân giải cứu.

Người lính Nga đào tẩu đã cướp một chiếc xe hơi mà tất cả họ cùng nhau lái qua 18 trạm kiểm soát, cải trang trong quân phục Nga.

Trước đó, HUR không thể tiết lộ chi tiết về sự thành công của chiến dịch đặc biệt này vì lý do an ninh.

Hiện cơ quan này có thể tiết lộ cuộc hành quân vì gia đình binh sĩ Nga đã được đưa sang Ukraine, trong khi 2 người lính dù “Chopa” và “Malyi,” đã quay lại đơn vị và tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Dù.

HUR thường xuyên tiến hành nhiều hoạt động đặc biệt khác nhau sau phòng tuyến của đối phương, thường nhằm mục đích phá hủy các thiết bị, tàu và máy bay của Nga.

Tuy nhiên, HUR không chỉ phá hủy thiết bị của Nga mà còn tiến hành các hoạt động thông tin với binh lính Nga. Năm nay Ukraine đã triển khai một dịch vụ thông tin để tìm kiếm những người bị quân Nga bị bắt.

Đầu tháng 5, đơn vị HUR Group 13 đã tiêu diệt một tàu tuần tra cao tốc của Nga thuộc Dự án 12150 Mongoose bằng thuyền không người lái tấn công hàng hải Magura V5.

Vào tháng 4, máy bay không người lái HUR đã tấn công radar hai tọa độ trên đường chân trời của 29B6 Container với phạm vi phát hiện khoảng 3.000 km và độ cao phát hiện hơn 100 km. Khoảng cách từ biên giới Ukraine đến mục tiêu là khoảng 680 km.

Ngoài ra, vào ngày 19 tháng 4 năm nay, Lực lượng Quốc phòng và An ninh đã lần đầu tiên bắn hạ một máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-22M3 trong một thành công khác của chiến dịch đặc biệt HUR.

2. Thông báo 'truy nã' Zelenskiy biến mất khỏi trang web của Bộ Nội vụ Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky's 'wanted' notice disappears from Russian Interior Ministry website”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Truyền thông Nga ngày 9 Tháng Năm đưa tin thông báo của Bộ Nội Vụ Nga cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy có tên trong danh sách tội phạm “truy nã” do Bộ Nội vụ Nga công bố trực tuyến đã bị gỡ xuống.

Vào ngày 4 tháng 5, tên của Tổng thống Zelenskiy đã xuất hiện trong danh sách các tội phạm bị cáo buộc trong một mục cho biết ông đang bị truy nã “theo một điều khoản của bộ luật hình sự” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Thông báo này bao gồm các chi tiết như ngày sinh của ông và một bức ảnh toàn cảnh trước cuộc xâm lược của Putin.

Theo hãng tin MediaZona của Nga, việc tìm kiếm tên của Zelesnky trên cơ sở dữ liệu hiện không trả lại kết quả nào.

Nga cũng đưa cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào danh sách truy nã. Mục nhập của ông ấy bây giờ cũng đã biến mất.

Ngày 4 Tháng Năm, Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng đây là “dấu hiệu của sự tuyệt vọng”.

“Chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng, không giống như những thông báo vô giá trị của Nga, lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, về việc bắt giữ nhà độc tài Nga Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh là có thật và có thể thi hành ở 123 quốc gia”, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba nói.

ICC đã ban hành lệnh bắt giữ vào ngày 17 tháng 3 năm 2023 đối với Putin và Ủy viên Nhân quyền Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova vì cưỡng bức trục xuất hàng ngàn trẻ em Ukraine sang Nga.

Tòa án cũng ban hành lệnh bắt giữ hai chỉ huy quân sự Nga một năm sau đó vào tháng 3 vì đã thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine trong mùa đông năm 2022–2023.

ICC cho biết Trung tướng Sergei Kobylash và Đô đốc Viktor Sokolov “mỗi người bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm” về một số tội ác chiến tranh, bao gồm cả “chỉ đạo các cuộc tấn công vào các địa điểm dân sự”.

Nga trước đó đã đưa vào danh sách truy nã Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine.

Tờ Moscow Times nhận định rằng: “Việc đưa ra thông báo truy nã Tổng thống Zelenskiy là một điều ngớ ngẩn, trái với phong tục và tập quán chiến tranh, và nó đang phản tác dụng vì nó nhắc nhở Vladimir Putin mới chính là người đang bị thế giới truy nã.”

3. Truyền thông Nga cáo buộc Ukraine tấn công kho dầu ở tỉnh Luhansk bị tạm chiếm gây ra thương vong cho công nhân

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian media: Attack on oil depot in occupied Luhansk Oblast kills 3, injures 7”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hãng truyền thông nhà nước Nga RBC đưa tin hôm 10 Tháng Năm rằng một kho dầu ở Luhansk bị Nga tạm chiếm đang chìm trong biển lửa. Các nguồn tin của Nga ban đầu báo cáo có một nạn nhân, sau đó cập nhật số người chết lên ba người. Vụ tấn công cũng được cho là đã làm 7 người bị thương, trong đó có một trẻ em, do bị thương do vụ nổ mìn.

Leonid Pasechnyk, lãnh đạo khu vực do Nga bổ nhiệm, cho biết đám cháy đã làm hư hại những ngôi nhà lân cận và nạn nhân của vụ tấn công là nhân viên của kho dầu và người dân gần đó.

Trong khi Ukraine chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, Kyiv đã thực hiện một loạt cuộc tấn công thành công vào các kho chứa dầu và nhà máy lọc dầu trên khắp Nga cũng như tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm nhằm làm chậm cỗ máy chiến tranh của Điện Cẩm Linh.

Đầu tuần này, Thống đốc tỉnh Luhansk Artem Lysohor cho biết hôm 8 Tháng Năm rằng một kho dầu ở thành phố Luhansk bị Nga tạm chiếm đã bị hư hại nặng nề trong một vụ hỏa hoạn mà các lực lượng ủy nhiệm của Nga cho rằng là kết quả của một cuộc tấn công của Ukraine.

4. Ukraine bắt kịp Nga về khả năng sản xuất máy bay không người lái

Ukraine cho biết họ đang sản xuất số lượng máy bay không người lái tấn công sâu tương đương với Nga, đồng thời tuyên bố đã đạt được mức ngang bằng về loại vũ khí quan trọng mà Mạc Tư Khoa đã sử dụng cho các cuộc tấn công tầm xa trong phần lớn cuộc xâm lược của mình.

Theo Reuters, không thể nhanh chóng bắt kịp kho hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo khổng lồ của Nga, Kyiv đã tập trung phát triển và sản xuất máy bay không người lái tầm xa để có thể đánh trả Nga, quốc gia đã ném bom Ukraine trong suốt cuộc xâm lược kéo dài 26 tháng.

Herman Smetanin, nhà lãnh đạo nhà sản xuất vũ khí nhà nước của Ukraine, nói với cơ quan truyền thông của Bộ Quốc phòng, ArmyInform: “Vào năm 2024, Ukraine đã bắt kịp Nga về số lượng sản xuất máy bay không người lái kamikaze tương tự như Shahed-131 và Shahed-136”.

Máy bay không người lái Shahed, mà Kyiv cho biết ban đầu được mua từ Iran trước khi Nga bắt đầu sản xuất ở khu vực Tatarstan của Nga, đã trở thành phương tiện không kích chủ yếu của Nga kể từ khi chúng được sử dụng lần đầu tiên chống lại Ukraine vào mùa thu năm 2022.

Những chiếc máy bay không người lái chứa đầy chất nổ và phát nổ khi va chạm, được người Ukraine đặt biệt danh là “những chiếc xe máy” do âm thanh vo ve của động cơ có thể nghe thấy khi bay trên bầu trời.

Smetanin cho biết nhận xét của ông về số lượng sản xuất cũng được áp dụng cho các loại máy bay không người lái tấn công khác. Ông không đưa ra số liệu.

5. Tòa Bạch Ốc nhận định 'Chắc chắn có khả năng' Nga chuẩn bị tấn công lớn hơn vào Kharkiv

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “White House: 'Certainly possible' that Russia prepares larger offensive on Kharkiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby không loại trừ khả năng Nga gia tăng các cuộc tấn công vào biên giới phía đông bắc Ukraine vào ngày 10 Tháng Năm có thể là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn vào thành phố Kharkiv, Reuters đưa tin.

Bộ Quốc phòng Ukraine trước đó cùng ngày đã báo cáo rằng các lực lượng Nga đã phát động một nỗ lực đột phá ở tỉnh Kharkiv. Tổng thống Zelenskiy sau đó xác nhận rằng Nga đang thực hiện các hoạt động tấn công mới trong khu vực.

Kirby cho biết Washington “đang làm việc suốt ngày đêm” để cung cấp cho Ukraine các thiết bị quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó vào ngày 10 Tháng Năm đã phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu Mỹ Kim cho Kyiv, bao gồm đạn pháo, hỏa tiễn phòng không, xe thiết giáp và các loại đạn dược khác.

“Chắc chắn có khả năng người Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn vào Kharkiv”, Kirby nói, trích dẫn các dấu hiệu cho thấy Nga dường như đang chuẩn bị sử dụng hỏa lực tầm xa trong phạm vi thành phố.

Kirby cũng cho biết, Nga có thể đạt được một số tiến bộ trong những tuần tới, nhưng khó có thể đạt được đột phá vì dòng viện trợ của Mỹ sẽ giúp Ukraine chống chọi được với các cuộc tấn công, AFP đưa tin.

Mạc Tư Khoa gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv, nơi có dân số 1,4 triệu người vào năm 2021, bằng việc sử dụng hỏa tiễn, bom lượn và máy bay không người lái, phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và giết hại dân thường.

Tướng Kirby nói thêm: “Bạn sẽ không làm điều đó nếu bạn không hoạch định một số cuộc tấn công lớn hơn trực tiếp vào thành phố”.

Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối rằng giao tranh ác liệt đang diễn ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng các trận chiến phòng thủ vẫn tiếp diễn ở tỉnh Kharkiv. Nga được cho là đang sử dụng bộ binh và thiết bị để tiến lên. Theo tuyên bố, cuộc chiến giành một số khu định cư ở biên giới được coi là “vùng xám” đang diễn ra.

Lực lượng Nga đã thất bại trong việc chiếm Kharkiv trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện mặc dù thực tế là thành phố này nằm cách biên giới Nga chưa đầy 30 km.

Trong bối cảnh có các mối đe dọa về một cuộc tấn công mới, Oleksandr Pivnenko, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết Nga “sẽ cần phải mất nhiều năm” may ra mới chiếm được Kharkiv

6. Bloomberg cho biết Ngũ Giác Đài chặn quân đội Nga truy cập Starlink ở Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Bloomberg: Pentagon blocks Russian military from accessing Starlink in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Ngũ Giác Đài Mỹ đang ngăn cản quân đội Nga sử dụng các thiết bị đầu cuối internet Starlink hoạt động trên chiến trường ở Ukraine, John Plumb, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Vũ trụ tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm 9 Tháng Năm.

Starlink, được công nhận vì tính bảo mật vượt trội so với tín hiệu di động hoặc vô tuyến, được coi là rất quan trọng đối với các hoạt động của Ukraine. Năm ngoái, Ngũ Giác Đài đã đạt được thỏa thuận với SpaceX để hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine tiếp cận.

Đầu năm nay, giám đốc tình báo quân sự Ukraine nói với tờ Wall Street Journal rằng lực lượng Nga ở Ukraine đang sử dụng hàng ngàn thiết bị đầu cuối liên lạc vệ tinh Starlink do SpaceX của Elon Musk sản xuất.

Theo Plumb, Mỹ đã “tham gia rất nhiều vào việc hợp tác với chính phủ Ukraine và SpaceX để chống lại việc Nga sử dụng trái phép các thiết bị đầu cuối Starlink”.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào Starlink, năm ngoái đã báo cáo rằng có khoảng 42.000 thiết bị đầu cuối đang hoạt động trong quân đội, bệnh viện, doanh nghiệp và các tổ chức viện trợ.

Plumb nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi đã chống lại thành công việc Nga sử dụng Starlink, nhưng tôi chắc chắn rằng Nga sẽ tiếp tục cố gắng tìm cách khai thác Starlink và các hệ thống liên lạc thương mại khác”. “Nó có thể sẽ tiếp tục là một vấn đề, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã giải quyết căn bản vấn đề này và tìm ra giải pháp tốt với cả Starlink và Ukraine.”

Quan chức Mỹ không nêu rõ chiến thuật nào đang được sử dụng để ngăn chặn việc Nga tiếp cận các thiết bị đầu cuối Starlink bên trong Ukraine.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ Hoa Kỳ mở cuộc điều tra về SpaceX của Musk, cáo buộc Nga sử dụng Starlink

Sau khi đăng bài phỏng vấn của Budanov với Wall Street Journal, hai đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội Hoa Kỳ, Jamie Raskin và Robert Garcia, đã mở một cuộc điều tra về công ty SpaceX của Elon Musk, yêu cầu cung cấp thông tin về cáo buộc Nga sử dụng thiết bị đầu cuối internet vệ tinh Starlink.

Tình báo quân sự Ukraine cho biết Nga bị cáo buộc đã mua thiết bị đầu cuối Starlink từ “các nước Ả Rập”, trích dẫn thông tin liên lạc bị chặn.

Elon Musk phủ nhận việc SpaceX đã bán các đơn vị Starlink cho Nga và cho biết Starlink sẽ không kết nối với bất kỳ thiết bị nào ở đó.

Cả tình báo quân sự và truyền thông đều cho biết lực lượng Nga đã kết nối Starlink ở Ukraine bị tạm chiếm chứ không phải trên lãnh thổ Nga.

Plumb khẳng định SpaceX đã trở thành “đối tác đáng tin cậy” ở Ukraine.

“Đối với tôi, họ là một đối tác rất đáng tin cậy và họ cũng đang 'đổi mới với tốc độ', cung cấp các dịch vụ hữu ích cho Bộ Quốc phòng.”

SpaceX bắt đầu cung cấp thiết bị đầu cuối Starlink cho Ukraine ngay sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022.

7. Bộ Tổng tham mưu: Các trận chiến đang diễn ra ở hướng Lyptsi, Vovchansk của tỉnh Kharkiv, một số khu định cư trong 'vùng xám'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “General Staff: Battles ongoing in Kharkiv Oblast's Lyptsi, Vovchansk directions, several settlements in 'gray zone'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 11 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân phòng thủ Ukraine đang chống lại lực lượng Nga ở hướng Lyptsi và Vovchansk ở phía bắc tỉnh Kharkiv khi Mạc Tư Khoa triển khai bộ binh và thiết bị hạng nặng.

Bộ Quốc phòng Ukraine trước đó đã báo cáo rằng các lực lượng Nga đã phát động một nỗ lực đột phá ở tỉnh Kharkiv. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sau đó xác nhận rằng Nga đang thực hiện các hoạt động tấn công mới trong khu vực.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết đang diễn ra các trận chiến nhằm giành các khu định cư biên giới “vùng xám” ở Strilecha, Pylne và Borysivka, cũng như tại các khu vực Oliinykove và Ohirtseve. Các khu định cư nói trên nằm dọc biên giới tỉnh Kharkiv với Nga.

“Các lực lượng Ukraine đang chiến đấu trên các tuyến phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhấn mạnh và cho biết thêm rằng hỏa lực của Ukraine đang “làm gián đoạn cuộc tấn công của đối phương”.

Trong khi phạm vi đầy đủ của cuộc tấn công mới của Nga vẫn chưa rõ ràng, một số quan chức Ukraine chỉ ra rằng hoạt động này có vẻ hạn chế và có thể là một nỗ lực nhằm rút lực lượng Ukraine khỏi các khu vực quan trọng ở phía đông.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine sẽ gửi thêm lực lượng để tăng viện cho khu vực Kharkiv và Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk khi giao tranh đang diễn ra ác liệt dọc mặt trận.

8. Một chiếc máy bay thể thao không người lái của Ukraine vừa bay 800 dặm vào Nga để làm nổ tung một nhà máy lọc dầu

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “A Ukrainian Sport Plane Drone Just Flew 800 Miles Into Russia To Blow Up An Oil Refinery”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một tháng sau khi Ukraine bắt đầu ném bom các mục tiêu bên trong nước Nga bằng máy bay thể thao mang đầy chất nổ được cải tiến để bay từ xa, một trong những máy bay không người lái tự chế đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở thành phố Salavat, cách tiền tuyến của Nga hơn 800 dặm.

Cho đến nay, đây là cuộc đột kích tầm xa nhất của Ukraine và là sự leo thang của chiến dịch tấn công sâu của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu, các nhà máy quốc phòng và các địa điểm quân sự chiến lược của Nga.

Và đây ít nhất là nỗ lực tấn công sâu thứ tư liên quan đến máy bay không người lái thể thao của Ukraine. Video do những người trên mặt đất ở Salavat quay mô tả rõ ràng những máy bay với cánh thẳng rộng, bánh xe cố định và cánh quạt đặc trưng của một chiếc máy bay thể thao rẻ tiền, loại mà một phi công trung lưu có thể chế tạo tại nhà từ một bộ phụ kiện có giá chỉ 90.000 Mỹ Kim.

Tổng cục tình báo Ukraine, phối hợp với bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt của nước này, đã biến hai loại máy bay sản xuất trong nước thành máy bay không người lái: Aeroprakt A-22 và Aerosor Nynja.

Có vẻ như cả hai loại đều có máy quay video rẻ tiền, máy tính tích hợp đơn giản, động cơ servo được kết nối với bộ điều khiển chuyến bay, cùng với radio vệ tinh để truyền video đến người điều khiển ở xa và đưa tín hiệu quay trở lại máy bay.

Chiếc A-22 dường như mang trọng tải nổ bên trong cabin. Nynja mang một quả bom nặng 220 pound dưới bụng. Cả hai máy bay đều bay với tốc độ khoảng 100 dặm/giờ và hòa vào luồng không lưu dân sự, khiến chúng khó bị đánh chặn.

Tám trăm dặm là giới hạn tối đa của một chiếc máy bay thể thao với bình nhiên liệu 20 gallon điển hình, vì vậy có thể người Ukraine đã bổ sung thêm bình nhiên liệu - sẵn sàng tăng thêm trọng lượng để đổi lấy tầm bay xa hơn. Mỗi dặm phạm vi mà máy bay không người lái đạt được sẽ tăng số lượng mục tiêu mà chúng có thể tấn công.

Cho đến nay, những mục tiêu đó bao gồm nhà máy sản xuất máy bay không người lái Shahed tại Đặc khu kinh tế Alabuga, cách biên giới với Ukraine 600 dặm, bị ít nhất một chiếc A-22 tấn công vào ngày 2 tháng Tư - và một radar ngoài đường chân trời ở Kovylkino, cách đó 300 dặm bên trong nước Nga. Các cuộc tấn công liên tiếp của máy bay A-22 vào khoảng ngày 17 tháng Tư có thể đã làm hỏng cột radar hoặc tòa nhà điều khiển.

Cuộc đột kích bằng máy bay thể thao thứ ba, lần này có sự tham gia của Nynja, đã thất bại vào ngày 27 tháng Tư, khi chiếc máy bay không người lái bị rơi cách biên giới Nga-Ukraine 600 dặm. Cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu Salavatnefteorgsintez của Gazprom ở Salavat, hai tuần sau, mang lại nhiều kết quả hơn cho người Ukraine. Nhà máy lọc dầu này là một trong những cơ sở sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Nga.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác những gì Ukraine đang cố gắng đạt được với chiến dịch tấn công sâu của mình. Các cuộc đột kích đã phần nào hạn chế sản xuất xăng dầu của Nga, nhưng có lẽ không đủ để tác động ngay lập tức đến nền kinh tế - và do đó đến nỗ lực chiến tranh lâu dài. Chuyên gia năng lượng Hennadii Rіabtsev nói với Pravda của Ukraine: “Đây là những cuộc tấn công tại chỗ”. “Chúng gây đau đớn và ảnh hưởng đến hậu cần, nhưng chúng không tác động đáng kể đến tổng khối lượng lọc dầu hàng năm.”

Có thể các cuộc tấn công nhằm mục đích gây căng thẳng cho hệ thống phòng không của Nga bằng cách buộc họ phải bảo vệ hàng trăm mục tiêu tiềm năng trên khắp nước Nga. Lực lượng phòng không càng dàn trải thì chúng càng ít bảo vệ được bất kỳ căn cứ hoặc khu công nghiệp nào. Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling lưu ý: “Bạn không thể phòng thủ ở mọi nơi.”

Nếu đó là mục đích thì tốt nhất nên coi các cuộc tấn công sâu là sự bổ sung cho các cuộc tấn công của Ukraine ở gần tiền tuyến hơn, bao gồm các cuộc tấn công vào các phi trường và sân tập bằng hỏa tiễn phóng từ mặt đất và máy bay không người lái tầm ngắn.

Bằng cách đó, những chiếc máy bay thể thao bay sâu vào lãnh thổ Nga đang giúp làm mỏng hệ thống phòng thủ cho các cuộc tấn công với tác động tức thời và rõ ràng hơn. Ví dụ, vụ tấn công bằng hỏa tiễn ngày 1 tháng 5 nhằm vào hàng trăm tân binh người Nga ở tỉnh Luhansk ở miền đông Ukraine – một cuộc tấn công có thể đã giết chết hơn một trăm người Nga.

9. Đối với một số người Nga, Ngày Chiến thắng của Putin là ngày đen tối nhất trong năm

Tờ Politico cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “For some Russians, Putin’s Victory Day is the darkest of the year”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà lãnh đạo chuyên quyền của Nga giết chết đối thủ của mình và yêu cầu lòng trung thành tuyệt đối. Nhưng ông ta vẫn có những người chỉ trích - và họ cảm thấy ông ta đã đánh cắp lịch sử của họ.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ năm, ông được chiêu đãi một cuộc duyệt binh vào ngày được cho là ngày lễ yêu thích nhất trong năm của ông.

Ngày Chiến thắng hôm thứ Năm không giống như một sự tôn vinh chiến thắng tốn kém của Liên Xô trong Thế chiến II trước Đức Quốc xã - khiến khoảng 27 triệu công dân Liên Xô thiệt mạng. Đúng hơn nó có vẻ là một buổi diễn tập cho chiến thắng đáng mơ ước trong tương lai trước Ukraine và những nước ủng hộ nước này.

Trong bài phát biểu trên Quảng trường Đỏ, Putin cáo buộc phương Tây leo thang và muốn “quên đi những bài học” của Thế chiến thứ hai, trong khi lại tự hào về sức mạnh hạt nhân của Nga.

Ông ta có lý do nào đó để tự tin. Trong khi Ukraine chờ ngày càng có nhiều vũ khí tốt hơn thì Nga đã lấy lại được thế chủ động trên chiến trường.

Cách đây đúng một năm, lãnh chúa Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner, đã gây xôn xao dư luận khi ghi lại một đoạn video trong đó ông nói một cách chế nhạo một “ông nội” – biệt danh thường được các đối thủ của Putin sử dụng – người có thể trở mặt thành một “kẻ khốn nạn hoàn toàn”.

Hôm nay Prigozhin đã chết.

Đối phương không đội trời chung của Putin, lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny cũng vậy. Những người chỉ trích khác đã bị bịt miệng, bị buộc phải lưu vong hoặc bị tống vào tù.

Bị khuất phục bởi sự kết hợp giữa tuyên truyền và luật pháp hà khắc, những người dân Nga bình thường không hề thách thức sự cai trị kéo dài một phần tư thế kỷ của Putin.

Nhưng mặt trận thống nhất được Putin ca ngợi và được truyền thông nhà nước Nga khuếch đại chỉ là một phần của câu chuyện. Đối với một bộ phận xã hội Nga, Ngày Chiến thắng là một lời nhắc nhở đau đớn hàng năm về cuộc chiến hiện nay ở Ukraine, cuộc chiến mà họ coi là làm hoen ố danh tiếng của đất nước họ và bóp méo lịch sử của đất nước cũng như lịch sử của gia đình họ.

Valeria, 20 tuổi, có cha đã bị gọi nhập ngũ, cho biết: “Đối với tôi đây không phải là một lễ kỷ niệm mà là một ngày để tang. Giống như những người khác được trích dẫn trong bài viết này, cô từ chối nêu tên đầy đủ của mình vì sợ bị ảnh hưởng khi nói ra.

“Bản chất của ngày này là không bao giờ nên có một cuộc chiến tranh nào nữa - đó là lý do tổ tiên chúng ta đã hy sinh mạng sống của mình. Nhưng bằng cách nào đó điều ngược lại đang xảy ra.”

Cô và một nhóm nhỏ những người có cùng quan điểm hôm thứ Năm đã tập trung tại khu tưởng niệm chiến tranh Poklonnaya Gora ở Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 5 lạnh nhất kể từ năm 1945, đeo khăn quàng cổ màu trắng hoặc mang hoa hoặc ruy băng màu trắng, biểu tượng của cuộc biểu tình phản chiến.

Nhóm này cho biết trong một bài đăng trực tuyến rằng một số người đã bị cảnh sát tiếp cận và yêu cầu cung cấp giấy tờ, mặc dù không có ai bị giam giữ.

“Không thể có sự song song giữa hai cuộc chiến,” một phụ nữ trẻ tự nhận mình là Alla, một người họ hàng khác của một người đang chiến đấu ở mặt trận, nói với POLITICO. “Và tôi không thể chờ đợi cho đến khi cuộc chiến ngày nay kết thúc trong đối thoại và hòa bình.”

Một người Nga phản chiến giấu tên đã nói chuyện với POLITICO cho biết cô đã cố tình rời khỏi thị trấn để tránh phải đối mặt với các lễ hội.

Nikita, một người Muscovite 29 tuổi, thú nhận rằng trước cuộc chiến chống Ukraine, anh đã quan sát các khí tài quân sự lăn qua Mạc Tư Khoa một cách thích thú. “Hồi đó chúng giống như những sinh vật kỳ lạ, giờ chúng là vũ khí giết người.”

Misha, người đã trốn khỏi Nga sau khi được tống đạt giấy gọi nhập ngũ vào năm 2022 và hiện đang sống ở Hoa Kỳ, đồng ý rằng cuộc chiến Ukraine đã để lại vết nhơ trong các lễ tưởng niệm. Ông nói: “Nhìn lại, bạn có thể nói kiểu ăn mừng quân sự hóa này đã chuẩn bị nền tảng cho cuộc chiến khủng khiếp này. “Điều đó đã làm đảo lộn hoàn toàn ngày tưởng nhớ này.”

Nghịch lý thay, trong khi mang đến cho Ngày Chiến thắng một ý nghĩa biểu tượng mới, việc Putin triển khai khí tài và nhân lực để chiến đấu ở Ukraine đã hạn chế quy mô của cuộc duyệt binh và lễ hội ở Mạc Tư Khoa.

Năm thứ hai liên tiếp, triển lãm quân sự chỉ có một chiếc xe tăng T-34 thời Liên Xô - cùng với một loạt hỏa tiễn tầm xa đáng sợ. Ở hàng chục thành phố của Nga, lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng đã bị hủy bỏ hoàn toàn.

Trung đoàn bất tử, cái tên được đặt cho các đám rước lớn của người Nga mang theo ảnh của người thân là cựu chiến binh của họ, đã được chuyển lên mạng.

Lý do chính thức được đưa ra là những cuộc tụ tập đông người như vậy không an toàn, nhưng nó cũng thuận tiện khiến những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến Ukraine không có cơ hội được lắng nghe và nhìn thấy.

Valeria nói: “Họ sợ chúng tôi sẽ thu hút sự chú ý về những tổn thất trên chiến trường của Nga. “Thay vào đó, họ chỉ cho chúng ta xem một bức ảnh đẹp khác trên TV thôi.”

Grigory Sverdlin, nhà lãnh đạo Idite Lesom, một nhóm giúp người Nga trốn nghĩa vụ quân sự, cho biết khoảng 100 người liên hệ mỗi ngày để được hỗ trợ tâm lý hoặc trợ giúp thực tế – và Ngày Chiến thắng cũng không ngoại lệ.

Ông nói, khoảng 1 Tháng Năm đã có sự gia tăng mạnh những câu hỏi liên quan đến những câu hỏi từ những người lính Nga đã được huy động đang tìm đường đào ngũ.

Sverdlin nói: “Những gì chúng tôi thấy là mọi người mệt mỏi vì chiến tranh và mất hết hy vọng, đặc biệt là những người đã được huy động”. “Một ngày như hôm nay không khơi dậy lòng yêu nước mà chỉ gây ra sự kiệt sức và khó chịu.”

Lịch sử bị đánh cắp

Đối với nhiều người Nga, Ngày Chiến thắng gắn bó chặt chẽ với bản sắc của họ, Andrei Kolesnikov, một thành viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Á-Âu Carnegie Russia có trụ sở tại Berlin, cho biết.

Kể từ khi lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev coi ngày này là ngày nghỉ lễ vào năm 1965, lễ kỷ niệm hàng năm trên toàn quốc là “chất keo gắn kết dân tộc”, ông nói từ Mạc Tư Khoa.

“Hầu hết người Nga cảm thấy như thể họ phải đoàn kết với Putin để đánh dấu ngày quan trọng này trong lịch sử.” Nhưng đối với một thiểu số, “có cảm giác như ông ta đã đánh cắp chiến thắng của tổ tiên chúng ta và ý thức về lẽ phải lịch sử”.

Các phương tiện truyền thông độc lập của Nga hôm thứ Năm chủ yếu tập trung vào việc vạch trần những tuyên bố của Putin hoặc nêu bật cái giá phải trả cho cuộc chiến của ông, trong khi cơ quan điều tra Vazhnye Istorii đăng câu chuyện về những cựu chiến binh lớn tuổi sống sót sau Thế chiến thứ hai rồi bị giết trong cuộc giao tranh ở Ukraine.

Trong một tin nhắn đăng trên Telegram, chính trị gia đối lập Ilya Yashin, người đứng sau song sắt vì lên tiếng về tội ác chiến tranh của Nga ở Bucha, một thành phố gần Kyiv, đã chia sẻ một bức ảnh của ông nội là cựu chiến binh của mình.

Ông viết: “Nếu họ nói với ông tôi rằng Nga sẽ pháo kích Kyiv, Kharkiv và Odesa, rằng người Nga và người Ukraine sẽ giết nhau dọc chiến tuyến xuyên qua Donbas, thì có lẽ ông ấy sẽ không tin điều đó”.

“Thành thật mà nói, bản thân tôi vẫn thấy khó tin vào điều đó.”
 
Đám tang binh sĩ là thách đố lớn nhất đối với các LM Ukraine. Giới Công Giáo chọn Biden hay Trump?
VietCatholic Media
17:46 11/05/2024


1. Báo cáo mới cho thấy 8.097 nhà thờ ở Ukraine vẫn liên kết với Mạc Tư Khoa

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “8,097 Churches in Ukraine Still Linked to Mạc Tư Khoa, New Report Finds”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, phần lớn những gì có liên quan đến Nga đã trở thành mối ác cảm đối với người Ukraine bình thường – nhưng tôn giáo lại là một lĩnh vực mà Điện Cẩm Linh vẫn đang tiếp tục phát huy ảnh hưởng. Một báo cáo hôm thứ Sáu, ngày 3 tháng 5 của Opendatabot cho biết như trên

Theo báo cáo này, có 8.097 nhà thờ vẫn gắn liền với Mạc Tư Khoa.

Ukraine và Nga mỗi nước có sự lãnh đạo riêng - hay còn gọi là chế độ thượng phụ. Tòa Thượng phụ Ukraine, vốn nằm dưới quyền Mạc Tư Khoa, đã giành được độc lập, thường được gọi là quyền tự trị vào năm 2018.

Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa với Điện Cẩm Linh – với nhà lãnh đạo là Thượng phụ Kirill, thường xuyên thúc đẩy cuộc xâm lược của Nga và ca ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin là vị cứu tinh của nước Nga hiện đại – chỉ có 685 nhà thờ trong số 8.782 nhà thờ liên kết với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa trước tháng 2 năm 2022 được chuyển giao cho Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU.

Hầu hết các nhà thờ được chuyển đến OCU đều ở các vùng Kyiv – 164, Khmelnytskyi – 155 và Vinnytsia – 75.

Đỉnh điểm của quá trình chuyển đổi là vào năm 2023 – khi 386 nhà thờ chuyển sang OCU.

Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, số lượng nhà thờ OCU chỉ tăng thêm 96.

Dữ liệu từ Opendatabot bao gồm cả các khu vực nằm dưới sự xâm lược của Nga hoặc gần tiền tuyến.

Chắc chắn rằng, việc ở dưới sự xâm lược của Nga mà không phải là một phần của một Giáo Hội không thuộc thẩm quyền của Giáo hội Chính thống Nga là rất nguy hiểm.

Như tạp chí Time đã đưa tin vào tháng trước –các tín hữu Công Giáo, Tin lành và Giáo hội Chính thống Ukraine đều bị đàn áp tàn bạo.

“Có hơn 30 trường hợp giáo sĩ bị giết và bắt cóc. 109 trường hợp bị thẩm vấn, buộc trục xuất, bỏ tù, bắt giữ. 600 ngôi nhà thờ bị phá hủy Và đây chỉ là những con số đã được xác nhận, còn con số thực trong bối cảnh mất thông tin ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm có thể sẽ cao hơn nhiều”

2. Linh mục Ukraine: “Đám tang các binh sĩ là thách đố lớn nhất đối với chúng tôi”

Một linh mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cha Rôman MyKyivych, cha sở giáo xứ Tsmenytsia ở miền tây Ukraine, cho biết: “Những đám tang các binh sĩ tử trận là thách đố lớn nhất đối với chúng tôi”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, truyền đi ngày 03 tháng Năm vừa qua, nhân dịp lễ Phục sinh theo các Giáo hội Đông phương, cha MyKyivych nói: “Lễ này ở nơi trung tâm đời sống Kitô và luôn hiện diện nơi các tín hữu Ukraine, nhưng với chiến tranh, lễ này càng trở thành một lối sống để có thể đương đầu với cái chết của bao nhiêu người, kể cả những người trẻ, dù là họ là thường dân hay binh sĩ”.

Cha cho biết sự đồng hành với người chịu tang bắt đầu với lễ an táng. Đối với các linh mục Ukraine, lễ an táng các binh sĩ tử trận là một trong những thách đố lớn nhất hiện nay, kể từ ngày 24 tháng Hai năm 2022, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Cha MyKyivych cũng là Quản hạt gồm 17 giáo xứ. Cha kể: “Các bạn hãy nghĩ xem trong 17 giáo xứ này, không có giáo xứ nào mà không có các lễ an táng các binh sĩ đã tử trận ở chiến trường. Tất cả các giáo xứ đều có các lễ an táng như vậy. Có vài giáo xứ có tới hơn 10 lễ. Tại đây, giáo xứ Tysmenytsia này của tôi, tôi đã có 5 lễ an táng các binh sĩ, và trong Giáo hạt này, đã có 30 lễ như vậy”.

Để nâng đỡ các gia đình đối phó với thảm trạng, giáo xứ tìm cách cử hành lễ an táng một cách trọng thể bao nhiêu có thể, với sự tham dự của các binh sĩ, đại diện chính quyền địa phương và tất cả các linh mục trong giáo hạt. Cha MyKyivych nói: “Đó là những kinh nghiệm rất quan trọng để nâng đỡ tinh thần cho gia đình, cho những người còn sống. Và sự nâng đỡ này bắt đầu chính từ lễ an táng, với sự hiện diện của một linh mục...”

Cha MyKyivych giải thích rằng nếu một linh mục không tham dự lễ an táng và chỉ đến sau đó để đề nghị hỗ trợ và giúp đỡ gia đình tang chế thì điều đó không hiệu năng lắm. “Gia đình không thể được an ủi bằng những trợ giúp vật chất, và đó là việc của nhà nước. Trái lại, một linh mục phải đích thân giúp dân chúng sức mạnh để sống. Điều này rất quan trọng ngày nay, vì dân đang đánh mất sức sống và điều này người ta thấy rõ ràng. Dân chúng ta thán, một số cho biết là bị trầm cảm, xuống tinh thần, không thấy có viễn tượng nào, một số người khác nói là sợ hãi. Tóm lại, dân chúng mất sức sống và họ không biết tìm ở đâu. Vì thế, khi linh mục đến nói chuyện với họ, điều này giúp ích cho họ. Tại nơi đây, các linh mục còn có uy tín, tại đất nước Ukraine linh mục là nhà tâm lý đầu tiên.”

Trong tư cách là Quản hạt, cha MyKyivych chủ sự tất cả các lễ an táng trong hạt. Cha nhận xét rằng: “Khi bạn đứng trước một thi hài của một binh sĩ trẻ, bạn nghĩ rằng lẽ ra bạn phải là người nằm đó, bạn ý thức rằng nếu binh sĩ này không chiến đấu, thì không biết bạn còn ở đây hay không, còn sống và bước đi trên mặt đất này hay không”.

Cha MyKyivych nói rằng: “Trong bối cảnh đó, cử hành lễ Phục sinh trở thành trung tâm cuộc sống. ‘Đối với chúng tôi, Phục sinh không phải chỉ là một truyền thống hay một lễ. Đối với chúng tôi, Phục sinh là tất cả. Chúng tôi không cần giải thích cho dân Phục sinh là gì. Đối với họ, đó là tột đỉnh, là thánh thiêng. Cho dù một người cả năm không đi nhà thờ, nhưng đối với họ đi kính viếng ảnh Chúa Kitô, được tháo gỡ khỏi thập giá hoặc lễ làm phép bánh cho lễ Phục sinh, là điều thánh thiêng. Trước lễ Phục sinh, các tín hữu đi xưng tội đông đảo. Vì thế, lễ Phục sinh là một biến cố rất quan trọng đối với dân của chúng tôi”.

3. Cựu Tổng thống Trump được thăm dò thắng Tổng thống Biden trong số cử tri Công Giáo do sự thay đổi trong phiếu bầu của người nói tiếng Tây Ban Nha

Peter Pinedo thuộc Phòng tin tức Washington, D.C. của CNA, ngày 2 tháng 5 năm 2024 tường trình rằng theo một cuộc khảo sát gần đây của Pew, cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden hơn 10 điểm trong số cử tri Công Giáo, một phần nhờ vào sự ủng hộ ngày càng tăng từ các cử tri Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn chung, Pew cho biết Cựu Tổng thống Trump dẫn đầu chỉ với 1% trong tổng số cử tri. Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông trong cộng đồng người Công Giáo cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng đáng chú ý so với năm 2020.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew, được thực hiện từ ngày 8 đến ngày 14 tháng 4, Cựu Tổng thống Trump dẫn trước Tổng thống Biden trong số những người Công Giáo với tỷ lệ 55% đến 43%. Tỷ lệ dẫn đầu 12% là một mức tăng đáng kể so với năm 2020, khi người Công Giáo bỏ phiếu ủng hộ Cựu Tổng thống Trump chỉ với 1%, 50% so với 49%.

Chad Pecknold, giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và là chuyên gia về Giáo hội Hoa Kỳ, nói với CNA rằng sự thay đổi của người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha là điều nổi bật nhất trong cuộc thăm dò mới nhất của Pew.

Người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, chiếm khoảng 40% Giáo hội Hoa Kỳ, tiếp tục ủng hộ Tổng thống Biden, nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn nhiều, 49% còn 47%. Đây là sự suy giảm nghiêm trọng trong sự ủng hộ của người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha dành cho Tổng thống Biden. Một cuộc thăm dò tương tự của Pew được thực hiện một tháng trước cuộc bầu cử năm 2020 cho thấy người nói tiếng Tây Ban Nha ủng hộ Tổng thống Biden với tỷ lệ áp đảo 67% so với 26%.

Điều này xảy ra khi Pew dự đoán người nói tiếng Tây Ban Nha sẽ chiếm tỷ lệ cao kỷ lục 14.7% trong tổng số cử tri Hoa Kỳ đủ điều kiện trong mùa bầu cử này.

Pecknold nói: “Đảng Dân chủ là chuyên gia gặt hái ‘các danh tính’ để lấy phiếu bầu, vì vậy điều quan trọng là phải hết sức chú ý khi họ thất bại.

“Họ [những người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha] từng là những cử tri đáng tin cậy cho đảng Dân chủ, nhưng giờ đây họ đang chia rẽ ở giữa. Điều này cho thấy rằng, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của họ trong việc mua phiếu bầu của họ thông qua các ưu đãi chính trị, các đảng viên Đảng Dân chủ đang đánh mất một trong những nhóm danh tính mà họ đã nỗ lực hết sức để duy trì.”

Trong khi đó, tỷ lệ dẫn đầu của Cựu Tổng thống Trump trong số những người Công Giáo da trắng cũng đã tăng lên, hiện ở mức 61% ủng hộ Cựu Tổng thống Trump với 38% dành cho Tổng thống Biden, so với 57% và 42% vào năm 2020.

Tuy nhiên, cả Tổng thống Biden lẫn Cựu Tổng thống Trump hiện đều có xếp hạng không thuận lợi cao đối với người Công Giáo. Theo Pew, chỉ có 35% người Công Giáo có quan điểm thuận lợi với Tổng thống Biden trong khi 64% có quan điểm không thuận lợi. Trong khi đó, Cựu Tổng thống Trump cũng được đa số người Công Giáo đánh giá không thiện cảm (57%) và có thiện cảm với 42%.

Mặc dù là tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng Tổng thống Biden đã gây ra sự phẫn nộ trong nhiều người Công Giáo vì viện dẫn đức tin Công Giáo của mình để ủng hộ việc phá thai. Đức Hồng Y Wilton Gregory, tổng giám mục Washington, D.C., gần đây đã chỉ trích Tổng thống Biden trên truyền hình quốc gia, nói rằng ông “lựa lọc” các yếu tố của đức tin Công Giáo để tuân theo.

Dữ kiện của Pew cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm chính trị giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tháng trở lên và những người không tham dự.

Bất kể sắc tộc, trong số tất cả những người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tháng hoặc thường xuyên hơn, 61% xác định theo Đảng Cộng hòa hoặc thiên về Đảng Cộng hòa. Điều này bao gồm đa số (67%) người Công Giáo da trắng và người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha (52%).

Tổng thống Biden dẫn đầu nhiều nhất trong cuộc thăm dò này nơi các cử tri vô thần, nhóm nhân khẩu học mà ông dẫn đầu với 76 điểm phần trăm, 87% so với 11%. Ông cũng dẫn đầu rất lớn trong số những người theo đạo Tin lành da đen (77% so với 18%) và những người theo thuyết bất khả tri (82% so với 17%). Tổng thống Biden dẫn đầu trong số cử tri không theo tôn giáo nào với tỷ lệ 69% so với 28%, rất giống với mức ủng hộ ông trong nhóm nhân khẩu học này vào năm 2020.