Ngày 11-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống Mầu Nhiệm Chúa Lên Trời
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:48 11/05/2018
Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên

Mùa Phục Sinh theo niên lịch Phụng vụ sắp kết thúc. Hội Thánh dẫn đoàn con đến với mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Dĩ nhiên là Kitô hữu trưởng thành, hẳn chúng ta không còn ngây ngô nhìn lên khoảng không gian trên trời để tìm xem nơi Chúa đã về. Chúa về trời nghĩa là Chúa lấy lại vinh quang của một Thiên Chúa có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều này được Thánh Kinh trình bày khi nói Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha (x.Eph.1,20-21). Và chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm Chúa về trời như là một trong những điểm tới của nhiệm cục cứu độ.

1. Mầu nhiệm Chúa về trời khẳng định “thần tính” của Đấng vào đời: Không ai có thể lên trời nếu người đó không từ trời mà xuống (x.Ga 3,13). Đấng từ trên cao xuống là Đấng vượt trên muôn vật muôn loài. Khi tuyên xưng Đức Kitô về trời chúng ta không chỉ tuyên xưng một biến cố mà là tin nhận một quá trình. Đó là “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2,6-11).

2. Mầu nhiệm Chúa về trời là nền tảng cho niềm hy vọng của con người: Chúa Kitô bỏ vinh quang danh dự của mình khi vào đời để rồi sau đó lấy lại thì có liên quan gì đến loài người chúng ta cũng như mọi loài thụ tạo? Xin thưa rằng có. Khi về trời, ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang bất diệt thì trong Chúa Kitô đã có tất cả những gì là thuộc nhân tính, thuộc thế trần. Bởi vì những gì thuộc thế trần, thuộc nhân tính đã được Đức Kitô tiếp nhận khi vào trần gian. Chính vì thế, từ đây mọi sự mọi loài, đặc biệt loài người chúng ta có thể đi vào cõi vinh quang vĩnh hằng chính là nhờ, với và trong Đức Kitô. Cái hữu hạn từ đây có thể trở nên thường tồn. Sự chóng qua từ đây có thể trở nên bất diệt. Và điều này đáp ứng nỗi khát mong muôn thưở của con người đó là được sống mãi. Niềm hy vọng của con người về sự trường sinh đã được mở ra với mầu nhiệm Chúa Kitô lên trời. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả khẳng định rằng khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời là “chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Kitô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách Thứ Năm tuần VI mùa Phục Sinh).

3. Mầu nhiệm Chúa về trời mời gọi, đúng hơn là thúc bách ta rao truyền tin vui: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,17-20).” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng thời tin nhận Người đã đưa các thực tại trần thế vào vinh quang Thiên Chúa với mầu nhiệm Thăng Thiên, không chỉ củng cố niềm hy vọng của chúng ta mà còn thúc bách ta rao giảng Tin Mừng. Nội hàm chủ yếu của Tin Mừng chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân trần mãi đồng hành với nhân loại mọi nơi, mọi thời. Thiên Chúa đã cắm lều giữa trần gian là ở mãi với nhân loại. Người mãi đồng hành với chúng ta, đặc biệt bằng Thánh Thần Người ban tặng, bằng Lời của Người đã trao ban, bằng các Bí tích, bằng Hội Thánh Người đã thiết lập…

4. Mầu nhiệm Chúa về trời đòi hỏi chúng ta làm cho cuộc đời hữu hạn này trở nên thường tồn. “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?…” (Cvtđ 1,11). Ái mộ những sự trên trời không có nghĩa là ái mộ những sự gì đó trên cao xanh mà là ái mộ những sự vĩnh hằng, những sự không thể bị kẻ trộm lấy mất hay mối mọt làm hư hoại (x. Mt 6,20). Lòng ái mộ này thúc bách ta không ngừng tìm cách vĩnh cửu hóa các thực tại chóng qua. Mọi sự, dù là bình thường hay tầm thường đều có thể trở thành phi thường trong tình yêu của Đấng Cứu Độ dành cho nhân trần. Tình yêu ấy có thể hiện rõ qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua Hội Thánh. Nhưng tình yêu ấy cũng có thể bàng bạc khắp mọi nơi bằng quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn luôn tự do như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Cùng với Thánh Thần, Hội Thánh không ngừng làm cho Nước Trời trị đến mọi lúc, mọi nơi, trong mọi thực tại của kiếp người: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giải trí, truyền thông…

Chính nhờ, với và trong tình yêu của Đức Kitô thì các thực tại trần gian trở thành vĩnh cửu. Đây là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu hướng tha. Và Chúa Kitô đã cụ thể hóa tình yêu ấy bằng sự hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại (x.Ga 15,13). Yêu thương mà tự nguyện nhỏ mình đi, ẩn mình đi, tự hủy mình đi để cho người mình yêu được sống, sống dồi dào, được triển nở và tinh tuyền thì đúng là yêu thương cách hoàn toàn vị tha, chỉ vì người mình yêu. “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em …” (Ga 16,8). Có thể nói Chúa Kitô đã khởi đầu sự ra đi ấy với việc bỏ trời xuống làm người, với hiến tế thập giá và kết thúc bằng mầu nhiệm về trời.

Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (x.1Ga 4,7-21). Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong Nước Trời. Tuy nhiên, tình yêu ở đây phải là tình yêu một cách nào đó như Chúa Kitô yêu thương chúng ta (x.Ga 13,34-35). Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thực thi điều này. Dù ở trong đan viện, kín cổng cao tường, chị đã làm cho những việc bé nhỏ, bình thường, và cả tầm thường như quét nhà, giặt giũ…trở nên phi thường bất diệt bằng chính con tim tràn đầy tình mến của chị. Nước trời không ở đâu xa. Nước trời đang ở giữa chúng ta. Chính vì thế, ta có thể nói rằng đừng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời ở một cõi nào đó trên cao, nhiều khi khiến chúng ta đâm ra ảo tưởng, xa rời thực tế, bỏ bê bổn phận, nhưng hãy làm cho hạnh phúc thành hiện thực ngay ở đây, lúc này, tức là làm cho “Nước Cha trị đến” vậy.

– Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám Mục Miến Điện được báo cho biết cuộc đối thoại Vatican – Bắc Kinh đã khựng lại
Đặng Tự Do
06:12 11/05/2018
Đức Hồng Y Charles Maung Bo nói với Catholic News Agency rằng trong một cuộc trò chuyện 90 phút nhân chuyến thăm ad limina, các Giám Mục Miến Điện đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về công việc hòa giải trong nước, vai trò của Giáo Hội trong quá trình đó, cuộc khủng hoảng Rohingya và xung đột ở bang Rakhine.

Đức Hồng Y Bo nói:

“Nhiều điều đã thay đổi tại quốc gia chúng tôi, người Công Giáo có nhiều tự do hơn, nhưng đất nước của chúng tôi vẫn còn quá mong manh,”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các Giám Mục Miến Điện ngày 8 tháng Năm, và một phần của cuộc hội thoại giữa ngài và các Giám Mục Miến Điện cũng bao gồm chuyến thăm quốc gia này của Đức Thánh Cha vào cuối năm 2017.

Đức Hồng Y Bo nói rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng từ ngày 28 đến 30 tháng 11 năm ngoái đã tạo ra một sự phục hồi tích cực trong đời sống của Giáo Hội.

Các Giám Mục Miến Điện cũng hỏi Đức Giáo Hoàng về “vấn đề Trung Quốc”, vì các ngài nói đã đọc rất nhiều thông tin trái chiều về khả năng có một thỏa thuận với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Các Giám Mục của Miến Điện cho biết các ngài rất quan tâm đến các quan hệ Tòa Thánh - Trung Hoa vì điều này cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội tại Miến Điện. Đức Hồng Y Bo nói Giáo Hội Công Giáo tại Miến Điện có bốn giáo phận dọc biên giới Miến Điện- Trung Quốc, và ngài cũng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở bang Kachin của Miến Điện có thể bị ảnh hưởng bởi một thỏa thuận như vậy.

Đức Hồng Y Bo cho biết vấn đề đối thoại Vatican Trung Quốc cũng đã được thảo luận trong một cuộc họp giữa các Giám Mục Miến Điện với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Parolin nói với các Giám Mục Miến Điện rằng “quan hệ với Trung Quốc đã được bắt đầu”, nhưng tại thời điểm này “họ đang xem xét thêm về các đề xuất và muốn đưa thêm” các điều kiện. Do đó, tại thời điểm này “mọi thứ bị chựng lại”, đặc biệt còn có những lo ngại của Đài Loan về một thỏa thuận có thể có giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.
Source - Catholic News Agency Myanmar’s bishops discuss China, Rohingya with Pope Francis
 
Đức Tổng Giám Mục Đài Bắc mời Đức Thánh Cha thăm Đài Loan
Đặng Tự Do
06:34 11/05/2018
Hôm thứ Năm 10 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên S.V.D (洪山川 -John Hung Shan-chuan), là Tổng Giám Mục Đài Bắc cho biết ngài sẽ mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Đài Loan nhân dịp Đại hội Công Giáo toàn quốc vào năm tới 2019.

“Chưa có vị Giáo Hoàng nào đến thăm đất nước chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục Đài Bắc nói tại buổi tiếp tân tại đại sứ quán Đài Loan cạnh Vatican.

Sau đó, ngài nói với Reuters rằng ngài thích “mơ ước những điều không thể”; và cho biết thêm ngài sẽ trực tiếp ngỏ lời với Đức Giáo Hoàng trong buổi tiếp kiến Đức Phanxicô dành cho các Giám Mục Đài Loan.

Đức Cha Hồng Sơn Xuyên cho biết ngài cảm thấy Đức Giáo Hoàng nên đến thăm hòn đảo này vì những người ở đó “đã phải chịu đựng”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc về chủ quyền lãnh thổ của họ và coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh bướng bỉnh. Hòn đảo này có khoảng 300,000 người Công Giáo.

Vatican là một trong 19 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập với quốc hiệu chính thức là Cộng hòa Trung Hoa. Bắc Kinh, đến nay không có quan hệ ngoại giao với Vatican, đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nếu nước nào muốn có quan hệ với họ, thì phải đoạn giao với Đài Loan.

Tháng trước Cộng hòa Dominica trở thành quốc gia mới nhất chuyển đại sứ quán từ Đài Loan sang Bắc Kinh.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trước đây đã đưa ra mời Đức Giáo Hoàng đến thăm quốc gia này.
Source - Reuters Taipei archbishop says will invite pope to visit Taiwan
 
Đức Thánh Cha yêu cầu Đức Hồng Y Dominik Duka tiếp tục cai quản Praha
Đặng Tự Do
06:54 11/05/2018
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Dominik Duka tiếp tục cai quản Tổng Giám phận Praha sau khi nhận được thư từ chức của ngài.

Vào ngày 26 tháng 4 vừa qua, Đức Hồng Y Duka tròn 75 tuổi. Vì thế, ngài đã gửi một lá thư từ chức cho Đức Giáo Hoàng. Tất cả các giám mục đều phải như thế khi đến tuổi này.

Đức Hồng Y Duka đôi khi đã bị giới trẻ Công Giáo tại quốc gia này chỉ trích vì đã quá ủng hộ một số chính trị gia. Ngài gần gũi với cựu Tổng thống Vaclav Klaus và được báo chí tường thuật là có quan hệ tốt với Tổng thống Milos Zeman, là người mà Đức Hồng Y đã chúc mừng khi được tái cử vào tháng Giêng vừa qua.

Tháng Ba vừa qua, một số nhà hoạt động Kitô Giáo đã vận động trình lên Đức Thánh Cha một thỉnh nguyện thư xin ngài bổ nhiệm một người khác thay thế Đức Hồng Y Duka.

Trước diễn biến này, Tổng thống Zeman đã viết một lá thư riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, có thể là yêu cầu ngài để Đức Hồng Y tiếp tục cai quản Praha.

Những người chỉ trích nói Đức Hồng Y Duka nghiêng về những người theo chủ nghĩa dân tộc và phe cánh hữu cực đoan. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Tiệp và Liên Đoàn Tù Nhân Chính Trị lại ca ngợi ngài đã phá vỡ các hàng rào nghi ngại trong quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước.

26.8% trong tổng số 10,200,000 dân Tiệp là người Công Giáo.
Source: Prague Daily Monitor Duka to keep post of Prague archbishop despite turning 75
 
Cha Aaron Huberfeld tin rằng Đức Mẹ chỉ bảo cảnh sát bắt trộm
Đặng Tự Do
08:03 11/05/2018
Linh mục Aaron Huberfeld của nhà thờ St. Mary, Wiscosin đang rầu gần chết vì nhà thờ của ngài bị mất trộm pho tượng Đức Mẹ đúng vào đầu Tháng Hoa, đã vui mừng khi thấy cảnh sát khệ nệ khiêng pho tượng trả lại cho ngài.

Ngài nói với WSAW-TV rằng khi được các nhân viên cảnh sát tại sở cảnh sát Wausau, Wiscosin báo cho biết cách thức họ đã nhanh chóng bắt được ba tên trộm, ngài đã có một trận cười nghiêng ngả.

Khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện một vài mảnh vụn thức ăn ở gần nơi vẫn đặt pho tượng. Những mảnh vụn thức ăn đó là những miếng “corn dog”, tức là một loại xúc xích lăn bột chiên dòn. Xác tín rằng không người giáo dân nào lại đến kính Đức Mẹ, vừa đọc kinh, vưà có thể nhai corn dog; cảnh sát nghĩ ngay đó chính là "tác phẩm" của bọn trộm. Corn dog thì chỉ có cây xăng gần đó mới có bán

Xem xét những đoạn video thu hình tại cây xăng, cảnh sát phát hiện ra hai phụ nữ là Miranda Lindner và Katie Kelly; và một thanh niên là Brian Yonker. Ba tên này đã vào cây xăng mua corn dog rồi đi thẳng về hướng nhà thờ.

Khi cảnh sát ập vào nhà, ba tên lập tức nhận tội và chỉ chỗ dấu tượng Đức Mẹ.

Cha Huberfeld nói ngài cười ngất vì chỉ từ mấy mảnh vụn corn dog tí ti mà cảnh sát phăng ra được cả một đường dây trộm cắp.

Tin rằng Đức Mẹ đã linh hứng cho cảnh sát bắt trộm, cha Huberfeld nói với anh chị em giáo dân: “Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Quan Phòng cũng có khiếu hài hước. Ngài làm cho tất cả chúng ta cười bò lăn bò càng với cái vụ này.”

Cha Huberfeld lên tiếng xin cảnh sát tha miễn hình phạt cho ba tên trộm và nói trên WSAW-TV: “Tôi tha thứ cho họ và không mong họ bị giam cầm tù tội.”
Source: WSAW-TV Caught by Corn Dog: Food clue catches theft suspects
 
Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ Chính Thống Giáo toàn hai nước cộng hòa Tiệp và Slovak
Giuse Thẩm Nguyễn
11:21 11/05/2018
Hôm thứ Sáu 11 tháng 5, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Rastislav, là nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo ở cả hai nước cộng hòa Tiệp và Slovak (trước khi tách ra thành 2 nước cộng hòa độc lập như hiện nay, hai nước này hợp nhất thành quốc gia Tiệp Khắc)

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng và vị Giáo Chủ được bầu vào tháng Giêng, năm 2014.

Ngỏ lời với Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Rastislav đã so sánh hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội như là các môn đệ trên đường Emmaus, là những người chỉ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh với họ. Trong khi chúng ta vẫn chưa thể bẻ Bánh Hằng Sống chung với nhau, chúng ta hãy “tiếp tục là các môn đệ cùng đi với nhau” như những người hành hương trên đường.

Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha đã nhắc đến di sản của các Tông Đồ người Slav sống vào thế kỷ thứ 9 là hai thánh Cyrilô và Methôđiô, là hai vị đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố là hai vị thánh đồng bảo trợ cho Âu Châu để vinh danh sứ mạng truyền giáo của các ngài.

Di sản của các Thánh Cyrilô và Methôđiô.

Đức Thánh Cha nói rằng hai vị, là hai anh em đã cùng nhau dịch sách Phúc Âm từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Slav, nhắc nhớ chúng ta “về di sản bao la chung về sự thánh thiện” của chúng ta. Như cơ man các chứng nhân và các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu, nhiều người đã bị bách hại dưới chế độ cộng sản vô thần và ngày nay vẫn còn bao người tiếp tục bị đau khổ vì đức tin của họ.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng hai Thánh Cyrilô và Methôđiô đã có can đảm dịch sách Phúc Âm ra một thứ tiếng quen thuộc để mọi người trong khu vực, thời ấy gọi là vùng Đại Moravia, có thể đọc.

Những mô hình truyền giáo hiện đại.

Đối với chúng ta ngày nay, hai vị Thánh tiếp tục là một mô hình truyền giáo, vì chỉ theo cho sát cách thế hành động đã được vạch ra thì chưa đủ đâu, chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, là Đấng truyền cảm hứng cho chúng ta với những cách thế mới để diễn dịch sứ điệp Phúc Âm cho những người nam nữ đương thời, kể cả những người đang sống trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo nhưng quá thường khi lại ghi đậm những dấu ấn thế tục hóa và thờ ơ.

Hiệp nhất nghĩa là hòa hợp sự đa dạng.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng hai Thánh Cyrilô và Methôđiô đã có thể vượt qua sự chia rẽ giữa các cộng đồng Kitô có văn hóa và truyền thống khác nhau, để trở thành “những nhà tiên phong đích thực của phong trào đại kết”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, các ngài nhắc nhở chúng ta rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, nhưng đúng hơn là hòa hợp sự đa dạng trong Thánh Linh.

Đức Giáo Hoàng nói rằng chớ gì chứng tá của các Tông Đồ người Slav đồng hành cùng với chúng ta trên con đường hiệp nhất toàn diện, thông qua công việc của ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống.
Source: Vatican News Pope meets primate of Orthodox Church in Czech, Slovac Republics
 
Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52
Đặng Tự Do
16:59 11/05/2018
Chúa Nhật 13 tháng 5, Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52. Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“Sự thật sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền “báo chí vì hoà bình” để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang “phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được chính Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Trong Sắc Lệnh này, các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II đã tuyên bố rằng:

“Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, Giáo Hội Công Giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm. Giáo Hội nhận thấy mình có bổn phận dùng cả các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn.

Như thế, Giáo Hội đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân đạo và Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.”

Ngày Truyền Thông Thế giới được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 52.
Source: Catholic World News - Background: World Communications Day
 
Kitô hữu Iran có thể trở thành những con dê tế thần vì Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran
Đặng Tự Do
17:27 11/05/2018
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố hôm thứ ba rằng Hoa Kỳ đang rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump gọi thỏa thuận này là “khiếm khuyết ở ngay cốt lõi” và tuyên bố sẽ tái tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Phản ứng quốc tế về lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ rất mạnh mẽ và đa dạng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson bày tỏ cam kết của họ vẫn cố gắng giữ cho thỏa thuận hạt nhân với Iran sống còn và thậm chí đã cố gắng thuyết phục tổng thống Trump đừng rút khỏi thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại ca ngợi quyết định của tổng thống Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong một bài thuyết trình, Netanyahu nói Iran đã nói dối về tham vọng hạt nhân của mình và vẫn có những kế hoạch bí mật xây dựng các đầu đạn nguyên tử.

Mike Ansari, một Mục Sư Tin Lành Hoa Kỳ nói: “Iran chắc chắn đã vi phạm các thỏa thuận đã ký kết. Iran hứa hẹn mọi thứ và sau đó vi phạm mọi thứ vì quốc gia này thực sự muốn có ảnh hưởng trong khu vực.” Tuy nhiên, ông cảnh cáo rằng việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế có thể sẽ có những tác động tiêu cực tại Iran. “Các dân tộc thiểu số và Kitô hữu ở Iran thường được sử dụng làm vật tế thần. Họ thường bị buộc tội phá hoại lợi ích của Iran và làm gián điệp cho phương Tây.”
Source: Mission Network News - Broken Iran nuclear deal likely to affect Iranian Christians
 
Vatican mở phiên tòa xét xử nguyên giám đốc ngân hàng Vatican
Đặng Tự Do
17:52 11/05/2018
Vatican đã cáo buộc cựu giám đốc của ngân hàng Vatican và luật sư của ông này tội rửa tiền và tham ô, với số tiền lên đến khoảng 57 triệu euro (khoảng 68 triệu Mỹ Kim) thu lợi bất chính từ việc bán các tài sản của Vatican.

Phiên tòa đã được bắt đầu tại tòa án Vatican vào ngày 9 tháng Năm để xét xử Angelo Caloia, từng là giám đốc Viện Giáo vụ, là tên chính thức của ngân hàng Vatican, và luật sư của ông này, là Gabriele Liuzzo.

Vatican đã công bố vào cuối năm 2014 rằng hai người này - cùng với Lelio Scaletti, cựu tổng giám đốc ngân hàng - đang bị điều tra trong một trường hợp liên quan đến việc bán 29 tòa nhà thuộc sở hữu của Vatican ở Rôma và Milan từ năm 2001 đến 2008. Scaletti đã chết sau đó.

Trong cuộc điều tra, Vatican đã đóng băng tổng cộng khoảng 17 triệu euro (20 triệu đô la) trong tài khoản ngân hàng Vatican của ba người này. Vào lúc mở phiên tòa vào ngày 9 tháng 5, Gian Piero Milano, công tố viên của Vatican, nói rằng theo yêu cầu của Vatican, chính phủ Thụy Sĩ đã đóng băng 10 triệu euro (11.8 triệu Mỹ Kim) trong một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của Liuzzo.

Phiên họp đầu tiên của phiên tòa kéo dài gần bốn giờ và bao gồm việc đọc chính thức các cáo buộc, việc trình bày danh sách các nhân chứng dự kiến sẽ được gọi và các thủ tục đưa ra các yêu cầu. Toà án chưa xác định chính xác phiên tòa tiếp theo, nhưng yêu cầu các luật sư bào chữa phải nộp danh sách giản lược các nhân chứng trước ngày 18 tháng Năm; danh sách ban đầu do bên bào chữa đệ trình bao gồm hơn 50 nhân chứng, bao gồm nhiều Hồng Y, là các vị đã từng tham gia trong hội đồng giám sát ngân hàng.

Tòa án cũng đã đồng ý với yêu cầu của bên bào chữa muốn có một bản dịch chính thức bằng tiếng Ý một báo cáo kiểm toán viết bằng tiếng Anh mà ngân hàng Vatican yêu cầu tập đoàn tài chính Promontory của Hoa Kỳ tiến hành. Dựa trên việc kiểm toán, được thực hiện theo yêu cầu của ban lãnh đạo mới của ngân hàng, ủy ban điều tra hình sự của Vatican đã cáo buộc các bị cáo bán tài sản Vatican và báo cáo với mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế họ nhận được, và bỏ túi khoản chênh lệch.

Tòa án Vatican cũng đồng ý với yêu cầu của bên bào chữa muốn mở một cuộc kiểm toán độc lập về các tài sản liên quan.
Source: Catholic Herald Embezzlement trial of former Vatican bank director begins
 
Giáo Hội cử hành lần đầu tiên trên toàn thế giới lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5
Đặng Tự Do
18:10 11/05/2018
Giáo Hội Công Giáo thường không thêm các lễ kỷ niệm mới vào lịch phụng vụ đã quá dầy đặc của mình, nhưng năm nay Giáo Hội đã thêm một ngày lễ mới, lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5.

Ở một số nơi trên thế giới, ngày lễ này không mới. Lịch Phụng Vụ của các Giáo Hội Ba Lan, Á Căn Đình, tại Đền Thờ Thánh Phêrô và một số dòng tu đã dành riêng Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống để kính nhớ Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội.

Trong một sắc lệnh được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố hôm thứ Bảy 3 tháng Ba, Đức Hồng Y Robert Sarah viết rằng từ nay trở đi, thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cử hành mới này “sẽ giúp chúng ta nhớ rằng sự tăng trưởng trong đời sống Kitô cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc, nơi Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Chúa”.

Lễ nhớ này sẽ xuất hiện trong tất cả các lịch và sách phụng vụ cho việc cử hành Thánh Lễ và cho các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã long trọng công bố tước hiệu này của Đức Maria vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vatican II. Trước đó, tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 và Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 sử dụng.

Năm 1975, Tòa Thánh đã chuẩn bị một thánh lễ Ngoại Lịch (Votive Mass) cho danh hiệu này và một số Hội Đồng Giám Mục đã được cấp phép để thêm tước hiệu này vào Kinh Cầu Đức Bà (Litany of Loretto).

Một số quốc gia và các giáo phận đã được cấp phép để thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ địa phương của họ.

Giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ chung của Giáo Hội Hoàn Vũ để “khuyến khích sự gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.”
Soure: Catholic Herald - Catholics get chance to celebrate Mary with new feast day
 
Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô phải đi cấp cứu
Đặng Tự Do
18:37 11/05/2018
Các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đã bày tỏ mối quan tâm lo lắng sau khi được tin Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô phải đi cấp cứu. Vị Thượng Phụ đại kết Chính Thống Giáo đã được đưa đến Bệnh viện Hoa Kỳ ở thủ đô Constantinople vào chiều Chúa Nhật ngày 6 tháng Năm, sau khi ngài cảm thấy chóng mặt dữ dội, có thể là triệu chứng của bệnh viêm thần kinh tiền đình.

Ngài ở lại bệnh viện qua đêm để phòng ngừa các biến chứng và sau các xét nghiệm đã được trả về nhà vào ngày hôm sau và hiện đang ở nhà.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô sinh ngày 29 tháng 2 năm 1940 là tổng giám mục thứ 270 và hiện tại của thành Constantinople và cũng là Thượng Phụ đại kết toàn Chính Thống Giáo, kể từ ngày 2 tháng 11 năm 1991. Ngài được coi là vị đứng đầu trong giáo hội Chính Thống, và là nhà lãnh đạo tinh thần của 300 triệu Kitô hữu chính thống trên toàn thế giới.

Đức Thượng Phụ sinh tại Dimitrios Arhondonis trong làng Agios Theodoros trên đảo Imbros, sau khi được thụ phong linh mục, ngài là cha giáo tại Chủng viện Thần học Halki của Tòa Thượng Phụ. Sau đó, ngài đã lần lượt đảm trách các chức vụ Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo tại Philadelphia, Hoa Kỳ và Tổng Giám Mục Chalcedon, Hy Lạp trước khi trở thành một thành viên của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo, và được bầu làm tổng giám mục thành Constantinople, một chức vụ đương nhiên đi kèm với danh xưng Thượng Phụ đại kết toàn Chính Thống Giáo.
Source: The Natonal Herald Patriarch Bartholomew Hospitalized in Constantinople
 
Một bước lớn tiến tới hợp nhất Kitô Giáo: 69% người Chính Thống Nga chấp nhận “Filioque”
Vũ Văn An
19:27 11/05/2018
Mấy năm gần đây, đã có nhiều nỗ lực đáng kể và ở cấp cao trong việc nối vòng tay lớn giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống lớn nhất thế giới, tức Giáo Hội Chính Thống Nga, nhất là dưới thời Đức Phanxicô với cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ngài và Thượng Phụ Kirill tại Cuba các nay mấy năm.

Dường như các cố gắng ấy đang đem lại nhiều hoa trái xum xuê mà một trong những hoa trái ấy vừa được linh mục Matthew P. Schneider phổ biến. Đó là việc có đến 69 phần trăm người Chính Thống Nga chấp nhận tín điều “Filioque” (và bởi Đức Chúa Con) trong Kinh Tin Kính Nixêa của Giáo Hội Phương Tây.

Ai cũng biết, khi cuộc Ly Giáo Đông Tây diễn ra năm 1054, một vấn đề lớn là Đức Giáo Hoàng lồng câu “và bởi Đức Chúa Con” vào Kinh Tin Kính. Ngày nay, ta đọc: Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”. Việc này thường được gọi là cuộc tranh chấp “Filioque” do chữ La Tinh có nghĩa là “và bởi Đức Chúa Con”. Có người cho rằng chữ “mà ra” trong tiếng La Tinh, tức procedit, thực ra không nặng nề như ἐκπορεύεσθαι của Tiếng Hy Lạp và do đó nghĩa của nó dễ chấp nhận hơn. Về phương diện này, Thánh Cyril thành Alexandria có lý khi cho rằng nên dùng động từ προϊέναι hay προχεῖσθαι, cả hai đều có nghĩa “chẩy từ” (flowing from) hơn là ἐκπορεύεσθαι với nghĩa phát sinh bởi.

Thực ra cuộc tranh chấp trên trở thành nặng nề và làm bùng nổ cuộc ly giáo vĩ đại, kéo dài tận ngày nay, không hẳn là vì những kiểu nói ấy cho bằng do tranh chấp quyền hành: Đông không chấp nhận quyền tối thượng của Tây khi Tây tự ý thêm “Filioque” vào Kinh Tin Kính Nixêa, một Kinh vốn không có cụm từ ấy.

Đấy là chuyện xưa cũ. Trong một cuộc thăm dò mới đây tại Nga về cụm từ trên, 69 phần trăm nay tin rằng câu “và bởi Đức Chúa Con” là đúng.

Thực vậy, trong một cuộc nghiên cứu toàn nước Nga, các tín hữu Chính Thống Giáo được hỏi một câu hỏi liên quan đến cách người Chính Thống Giáo hiểu tín điều Chúa Ba Ngôi.

Câu nào sau đây bạn nghĩ là đúng? “Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra?” hay “Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha mà ra mà thôi?”

1. Bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con [69%]

2. Chỉ bởi Đức Chúa Cha [10%]

3. Không câu nào đúng [3%]

4. Khó trả lời [10%]

Sơ đồ lấy từ bài báo nguyên thủy bằng tiếng Nga http://lodka.sreda.org/issledovanie-sredy-raz-dva-tri/


Cha Schneider nhận định rằng ngài đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về lòng đạo Chính Thống Giáo ở Nga trong nhiều năm nay, và giả thuyết làm việc của cha là hầu hết các người trả lời có lẽ sẽ chọn câu “tôi không biết”. Nhưng giả thuyết này quả đã sai: các người trả lời đã không chọn “khó trả lời” khi trả lời câu hỏi về Filioque.

Với sự kiện “Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”, 69% người Chính Thống Nga đã nhất trí. Quả là điều bất ngờ. Và thật tích cực đối với viễn ảnh hợp nhất Kitô Giáo.

Trên thực tế, trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Giáo đã đưa ra nhiều công bố cho thấy sự nhất trí của họ về Thiên Chúa Ba Ngôi, như Tuyên Bố Chung của Các Nhà Lãnh Đạo Công Giáo và Chính Thống Giáo Hoa Kỳ năm 2003, tựa là “The Filioque: A Church Dividing Issue?: An Agreed Statement” (dài gần 30 trang, do Ủy Ban Tham Khảo Công Giáo và Chính Thống Giáo Hoa Kỳ soạn thảo).

Hy vọng biến cố trên sẽ thúc đẩy nhiều bước cụ thể khác nữa để lời cầu xin “Để chúng nên một” của Đức Kitô sớm được thể hiện.

Không bao giờ nản lòng trong cuộc hành trình hợp nhất

Trong khi đó, ngày 11 tháng 5 hôm qua, Đức Giáo Chủ của Giáo Hội Chính Thống Các Lãnh Thổ Tiệp (Czech) và Tổng Giám Mục Giáo Đô Khắc (Slovakia), Rastislav, lần đầu tiên đã đến yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô.



Theo tin Zenit, trong thời gian ở Rôma, từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 5, Đức Giáo Chủ sẽ hội đàm với Đức Hồng Y Kurt Koch tại văn phòng Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp nhất Kitô Giáo. Ngài cũng sẽ cử hành Phụng Vụ Thánh tại mộ Thánh Cyril tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Clement.

Giáo Hội Chính Thống các Lãnh Thổ Tiệp và Khắc là một trong 14 Giáo Hội Chính Thống độc lập của truyền thống Byzantine, và có nguồn gốc trong việc rao giảng Tin Mừng tại Đại Moravia của các Thánh Cyril và Methodius.

Trong bài diễn văn của ngài với Đức Giáo Chủ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ niềm vui được đón tiếp Đức Giáo Chủ và phái đoàn của ngài, và sự đánh giá cao “về các mối liên kết thiêng liêng vốn hợp nhất chúng ta và khuyến khích chúng ta tiếp tục trong việc xây đắp chung và cùng nhau tìm kiếm hòa bình, một ơn phúc của Chúa Sống Lại”.

Đức Giáo Hoàng bày tỏ quan điểm của ngài rằng chuyến viếng thăm này là “một ơn phúc để cùng lớn lên trong việc xây dựng hỗ tương, củng cố các mối dây nối kết thiêng liêng và tình bằng hữu của chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng làm nổi bật các dây nối kết trên là sự hiện diện ở đây, ở Rôma, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Clement cổ xưa này, ngôi mộ của Thánh Cyril, Vị Tông Đồ của người Slav; sự rao giảng của ngài đã phát triển Đức tin trên các lãnh thổ mà hiện nay Giáo Hội của Đức Giáo Chủ đang thi hành sứ vụ.

Những người bị bách hại là lời kêu gọi khẩn thiết

Đức Giáo Hoàng cho rằng khuôn mạo Thánh Cyril gợi hứng để ngài chia sẻ với Đức Giáo Chủ và phái đoàn trong tình huynh đệ 3 ý nghĩ ngắn ngủi.

Theo truyền thuyết, chính hai anh em Cyril và Methodius, xuất thân từ Salonika, đã đem về cho Đức Giáo Hoàng Hadrian II các hài cốt của Thánh Clement, một trong các Giám Mục Rôma đầu tiên, người đã qua đời trong cảnh lưu đầy dưới thời Hoàng Đế Trajan. Cử chỉ của các Thánh Cyril và Methodius nhắc chúng ta nhớ rằng Kitô hữu chúng ta thừa hưởng, và cần liên tục chia sẻ, một gia tài thánh thiện chung và mênh mông.

“Trong số nhiều nhân chứng, vô vàn các tử đạo đã tuyên xưng lòng trung thành với Chúa Giêsu trong các thế kỷ qua, như Thánh Clement, nhưng cả trong các thời gần đây nữa, như khi cuộc bách hại của những người vô thần tác động lên các xứ sở của ngài. Ngay cả hiện nay, cảnh đau khổ của nhiều anh chị em đang bị bách hại vì Tin Mừng là một lời kêu gọi khẩn thiết, thách thức ta phải tìm cách hợp nhất hơn nữa. Ước chi gương sáng của các Thánh Cyril và Methodius giúp chúng ta thăng tiến gia tài thánh thiện vốn hợp nhất chúng ta này!”

Công bố Chúa mà thôi chưa đủ

Đức Giáo Hoàng nói thêm: Khía cạnh thứ hai, khía cạnh nhắc chúng ta nhớ đến Các Vị Tông Đồ Thánh Thiện của người Slav, liên quan đến mối liên hệ giữa việc rao giảng Tin Mừng và văn hóa.

“Văn hóa Byzantine, hai anh em thánh thiện đã có sự cả gan dám phiên dịch sứ điệp Tin Mừng sang một ngôn ngữ dễ hiểu đối với các dân tộc Slav của Đại Moravia. Nhờ nhập thể Tin Mừng vào một nền văn hóa nhất định, các ngài đã phát triển chính nền văn hóa. Việc tông đồ của hai Thánh Cyril và Methodius, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong làm các thánh đồng bổn mạng của Âu Châu, đối với tất cả chúng ta ngày nay, vẫn là một mẫu mực của việc rao giảng Tin Mừng”.

“Công bố Chúa mà thôi chưa đủ để tái khẳng định các mẫu mực quá khứ, nhưng chúng ta phải lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng luôn linh hứng những phương cách mới mẻ và can đảm để rao giảng Tin Mừng cho người đồng thời với chúng ta. Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn làm thế, ngay trong các xứ có truyền thống Kitô Giáo nhưng nay đang nổi bật vì phong trào tục hóa và dửng dưng”.

Hòa giải sự đa dạng

Ý nghĩ cuối cùng của Đức Giáo Hoàng phát xuất từ các Thánh Cyril và Methodius, mà theo ngài, vốn thành công trong việc thắng vượt các chia rẽ giữa các cộng đồng Kitô Giáo thuộc nhiều nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Ngài nói rằng theo chiều hướng này, ta có thể nói các vị là “những đấng tiền phong chân chính của phong trào đại kết” (Gioan Phaolô II, Tông Thư Slavorum Apostoli, 14).

“Các vị nhắc chúng ta nhớ rằng hợp nhất không có nghĩa độc dạng, mà là hòa giải sự đa dạng trong Chúa Thánh Thần”.

Đức GH Phanxicô kết luận bằng cách cầu nguyện “Ước chi chứng tá của các Thánh Cyril và Methodius đồng hành với chúng ta trên hành trình tiến tới hợp nhất, khuyến khích chúng ta sống sự đa dạng này trong tình hiệp thông và đừng bao giờ thất vọng trên hành trình này, một hành trình ta được mời gọi thực hiện vì thánh ý Chúa và với niềm hân hoan”.

“Tôi cầu xin Chúa, qua sự bầu cử của các Thánh Cyril và Methodius, cho chúng ta một ngày kia tiến tới sự hợp nhất trọn vẹn, sự hợp nhất mà chúng ta đang bước tới. Tôi khẩn khoản xin ngài chuyển tới các tín hữu của ngài việc bảm đảm tôi sẽ nhớ đến họ trong lời cầu nguyện và lời thăm hỏi chân tình của tôi trong Chúa Kitô đã sống lại. Cầu khẩn trên mọi vị phúc lành của Chúa và sự che chở của Mẹ Thiên Chúa, tôi xin qúy vị nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của qúy vị”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ai chống việc tuyên thánh tử đạo Việt Nam ?
P. Nguyễn Văn Phú
08:42 11/05/2018
AI CHỐNG VIỆC TUYÊN THÁNH TỬ ĐẠO?

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sắp mừng trọng thể kỷ niệm 30 năm Tòa Thánh tuyên thánh cho 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Chúng ta vui mừng vì dịp trọng đại này, đồng thời chúng ta cũng nhớ lại rằng có những người chống đối việc tuyên thánh cách kịch liệt. Nhắc lại không phải để đau buồn hay trách móc ai, nhưng để người Công Giáo đề phòng những tráo trở của thế gian.

Năm đó nhà nước CHXHCN Việt Nam chống đối mạnh mẽ nhất. Họ chống đối đến nỗi vào ngày tuyên thánh, không vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân nào ở Việt Nam được đi tham dự. Họ tổ chức tuyên truyền, lên án và nói xấu các Thánh, gây chia rẽ trong Giáo Hội tại Việt Nam.

Nhưng những cố gắng phá Giáo Hội đã thất bại. Một vị Giám mục đã nói với cán bộ nhà nước: “Ở Việt nam, nhà nước đã từng ra lệnh cho toàn dân, có đạo cũng như không có đạo phải đi học giáo lý cả thời gian dài”. Họ không hiểu, ngài giải thích: Các ông nói gì thì dân cũng hiểu ngược lại. Các ông càng nói xấu Giáo Hội, nói xấu các Thánh Tử Đạo thì người ta càng hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo là tốt, các Thánh Tử Đạo là tốt”.

Nhưng có một thế lực khác phản đối việc tuyên thánh, phản đối kịch liệt và hùng hổ hơn cả nhà nước. Nhóm này phản đối có vẻ làm cho người dân tin hơn, vì họ tự xưng là Công Giáo. Đó là Ủy ban đoàn kết Công Giáo yêu nước mà người dân hay gọi là ý ban đàn két, và tờ báo giả danh Công Giáo, có tên là Công Giáo và dân tộc. Vì có từ “Công Giáo”, nên một số người lầm tưởng họ là Công Giáo thật. Nhóm ấy và báo ấy dùng những lời lẽ cực kỳ thâm độc, nặng nề để thóa mạ Tòa Thánh và các chủ chăn ở Việt Nam. Họ cũng ra sức nói xấu các Thánh Tử Đạo.

Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu không thế lực nào chống đối nổi. Việc của Chúa đã thành sự, và tất cả những ai chống đối đều phải ngậm miệng xấu hổ.

Nhưng điều trớ trêu (và tráo trở) là nhóm ấy, báo ấy, bây giờ cũng chuẩn bị mừng 30 năm tuyên Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.

Chúng ta phải nói lên sự thật để các thế hệ sau được biết Giáo Hội Việt Nam vào những năm 1980, 1990 phải đương đầu với những gian nan đau khổ như thế nào.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Hà nội lúc bấy giờ phải khóc khi đi họp với nhà cầm quyền. dân Chúa thì lo lắng, bất an và đau khổ đủ mọi mặt. Những con người muốn vung tay đâp phá ấy đã thua cuộc, và bây giờ họ lại chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố ấy!!!

Cha Chân Tín cho biết: Sau khi Đức Hồng Y Giuse Maria và nhiều Giám mục, linh mục lên tiếng, “Ủy ban Đoàn kết đã không dám xin chữ ký ủng hộ Thỉnh nguyện thư của họ và sau đó, như Đức cha Nguyễn Quang Tuyến – giám mục giáo phận Bắc Ninh cho biết, các giám mục đã nhất trí xin tiếp tục xin Tòa Thánh phong Thánh cho 117 Thánh tử đạo Việt Nam”

Trước đây khi sách vở báo chí thiếu thốn, nhất là chưa có Internet, thì người ta mua báo đọc để giải trí là chính. Thông tin trên báo “lề phải” của nhà nước thì ai cũng biết là “ba phải” nên cũng chẳng tin bao nhiêu. Có người thông minh hơn, đọc báo để hiểu ngược lại, nhưng số phận những tâm hồn tin vào báo Cgvdt ấy thì sao?

Bây giờ có nhiều trang thông tin chính thống của Giáo Hội cho nên Cgvdt không thể bóp méo sự thật như trước. Họ đăng những tin vô thưởng vô phạt để chờ thời, rồi lâu lâu chen một câu như búa giáng. Họ vẫn có những chiêu trò rất “độc”. Chẳng hạn họ xin các Giám mục cho ý kiến về vấn đề gì đó, rồi họ đăng lên, và đăng hình các Giám mục ngoài trang bìa. Thế là giáo dân tưởng bào này được các Giám mục ủng hộ. Một số các Giám mục bất bình nhưng không nói được!

Để biết thông tin về Giáo Hội, chúng ta cần và nên đọc các website chính thống của Công Giáo, đừng để mất tiền và nhất là mất lòng tin khi đọc những báo không phải của Giáo Hội, mà hơn nữa, có ý đồ chống phá Giáo Hội.

Linh mục Phan Khắc Từ, trong cuộc trả lời phỏng vấn của anh J.B Nguyễn Hữu Vinh – giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội, thì Ủy ban Đoàn kết “Không phải của Giáo hội mà là của mặt trận, đương nhiên là của đảng.” Đảng thành lập, đảng nuôi dưỡng, đảng vạch đường chỉ lối. (Theo website Tin Mừng cho Người Nghèo). Ủy ban ĐK ấy và tờ báo ấy "ra đời, được nuôi nấng với nhiệm vụ tiêu diệt bằng được Giáo Hội Công Giáo qua hình thức tinh vi là thiết lập một Giáo Hội Công Giáo tự trị – tam tự – kiểu Trung Quốc"

Lời kể của tác giả Thúy Dung viết về báo này thiết nghĩ cần được nhắc lại và nhắc mãi: “Một linh mục ở Sàigòn nói với chúng tôi một nhận xét rất xác thực mà chúng tôi xin dùng thay lời kết: “Trò lưu manh của CGDT là nó dựng lên một Giáo Hội Công Giáo giả với tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi. Rồi nó đánh Giáo Hội đó để quảng cáo cho cái thiên đường mù xã hội chủ nghĩa với đầy dẫy những tất cả những xấu xa, bất công, đồi bại, hủ lậu, bảo thủ và tội lỗi rất thật”.

Lên tiếng cho công lý không bao giờ là thừa, người viết chỉ mong tất cả chúng ta phân biệt đúng sai để cùng hợp tác xây dựng Giáo Hội và xã hội.

P. Nguyễn Văn Phú
 
Ban Đại diện Giáo dân thuộc Liên Đoàn Miền Tây Nam Hoa Kỳ họp mặt
Minh Thu
15:21 11/05/2018
NAM CALI – Ban Đại Diện Giáo dân Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, gồm có ông Chủ tịch Nguyễn Đình Khương, Phó CT Nguyễn văn Thể, Thư ký Mai Tuấn, Chủ tịch Cộng đồng Orange ông Vũ Quyền, Chủ tịch Cộng đồng Los Angeles Nguyễn Thế Lữ, và một số các thành viên đại diện Ban ngành giáo dân đã có buổi họp tại trụ sở VietCatholic vào chiều ngày 10 tháng 5, 2018.

Xem hình

Trong dịp này, Ban Đại diện giáo dân cũng mời Đức ông Phạm Quốc Tuấn, chủ tịch Liên đoàn Miền Tây Nam Hoa Kỳ, Cha Trần Công Nghị, phó chủ tịch Liên đoàn Miền kiêm Chủ tịch Linh mục tu sĩ Miền tham dự.

Trước cuộc họp của Ban Giáo Dân Miền, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh hiện có cuộc họp mặt chào thăm Đức Cha Thomas Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá GP Orange, nhân dịp ngài sang thăm Nam Cali. Do vậy Ban Đại Diện giáo dân rất hân hạnh và hoan hỉ mời hai Đức Cha ở lại chúc lành và dùng bữa tối với anh chị em.

Đức cha Thomas vui vẻ đáp lại lời mời nồng nhiệt này đã ban phép lành và cầu chúc cho Ban Đại Diện được thành công và nói về tầm quan trọng của Tân Phúc Âm hóa. Tân phúc âm hóa không hiểu là đi truyền giáo ở đâu xa vời nhưng là chính tại ngay môi trường gia đình và cộng đoàn… của mình. Đây chính là một đề tài rất thích thời và cần thiết nên Ban Đại Diện dự tính trong tương lai sẽ tổ chức một buổi họp mặt mời Đức Cha Thomas thuyết cho giới chức trong Miền.

Đức Cha Micae ngỏ lời với anh em và nói về tầm quan trọng và vai trò của anh chị em trong việc duy trì và phát huy truyền thống văn hóa và nét đẹp quê hương cho thế mai sau trong các cộng đoàn Công Giáo. Ngài cũng nhấn mạnh rằng con cái của anh chị em sinh ra ở Mỹ hay Úc châu… thì dĩ diên phải 100% là Mỹ và là Úc… nhưng đồng thời các em cũng cần được cha mẹ giáo dục không quên nguồn gốc tổ tiên của mình… Trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền Hình VBS sau đó, Đức Cha Micae có trả lời câu hỏi của Đài liên quan tới tình hình thu hồi đất Dòng thánh Phaolô Hà Nội và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.

Trở lại cuộc họp Ban Đại Diện Giáo Dân Miền mà mục đích là để bàn về 2 việc: 1/ tổ chức ngày tĩnh huấn cho giáo dân Miền, 2/ Có nên tổ chức buổi Thánh ca Giáng sinh không?

Một số ý kiến cho rằng những năm gần đây việc tổ chức ngày tĩnh huấn không lôi kéo được số người tham dự vì nhiều yếu tố: như một số người vẫn chưa biết Liên đoàn là gì, có quá nhiều sinh hoạt từ cộng đồng đến cộng đoàn, đoàn thể… các ban chấp hành Cộng đồng Cộng đoàn trong miền vì một số lý do chưa tích cực tham gia, hay chưa được linh mục tuyên úy, cha xứ thúc đẩy… Qua những phát biểu, Ban đại diện đi đến kết luận: việc quan trọng đầu tiên là cần minh định lý do gì ít người tham dự, cách tổ chức và đề tài vì sao không lôi kéo được… Do vậy trước tiên nên có cuộc họp để liên kết và định hướng đường lối và sinh hoạt. Cụ thể tất cả đồng ý là trong tháng 6 tới đây dự tính mời 4 linh mục đại diện và 4 vị chủ tịch cộng đồng Los Angeles, Orange, San Diego, San Bernadino (nếu có ban chấp hành tham dự càng quí) và sẽ họp chung với Ban Chấp Hành Liên Đoàn Miền gồm đức ông chủ tịch và linh mục phó chủ tịch và tổng thư ký.

Vấn đề thứ hai có nên tổ chức Thánh ca Giáng sinh không? Đại đa số cho rằng không nên, và không cần thiết vì trong Mùa Giáng Sinh các cộng đoàn cộng đồng đều tổ chức các buổi hát thánh ca và bận rộn rất nhiều cho nghi lễ Giảng Sinh. Những gì cộng đồng đã hay đang làm được tốt thì Liên đoàn không nên làm lại.

Cuối cùng Ban Đại Diện mời hai Đức cha, đức ông, quí cha và quí quan khách dùng bữa ăn thanh đạm giữa những câu truyện thích thú và những chia sẻ hữu ích làm tăng thêm tình thân thiết giữa những người đang dấn thân vào công tác tông đồ cho Chúa và Giáo hội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ Chức Vì Nhân Quyền Cho Người Việt Nam ?
Hà Minh Thảo
20:05 11/05/2018
Trước khi bị đám phản loạn (xin đừng nhân danh ‘Quân đội Việt Nam Cộng hòa’) giết chết ngày 02.11.1963, cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã buồn bã cảnh cáo : « Rồi đây, quân Mỹ sẽ đến Việt Nam và, khi chúng thua chạy, thì nhiều người Việt sẽ bỏ nước, chạy theo chúng ». Lời tiên đoán đã trở thành Sự Thật. Ngày 30.04.1975, Graham Martin, Ðại sứ Mỹ tại Sài Gòn, đã cuốn cờ và được trực thăng giúp chạy… Bằng đường biển và hàng không, đồng bào thoát chạy. Do bạo quyền lừa dối sĩ quan, công chức Việt Nam Cộng hòa và văn nghệ sĩ về ‘học tập cải tạo’, người dân ‘đi kinh tế mới’ và công thương nghiệp bị cướp tài sản…, lãnh đạo cộng sản dã man buộc mọi giới đồng bào phải gạt nước mắt, bỏ gia đình và Quê hương ra đi tìm Tự do và tương lai cho con cháu. Ða số đã đến bến bờ bình an như ý, nhưng, theo ước luợng của các tổ chức phi chính phủ, nửa triệu đồng bào đã chết trên biển cả hay trong rừng sâu.

Tuy nhiên, một thiểu số người Việt được hưởng qui chế tị nạn trên đất Mỹ đã bị rơi vào vòng lao lý vì những hành động phạm pháp có nguy cơ bị trục xuất trở về Việt Nam, nơi đời sống của những người này sẽ càng bi đát hơn lúc ra đi. Rêu rao vì mình muốn giúp họ, ông (hay bà) Ted Osius đã từ chức Ðại sứ tại Hà Nội ?.

I.- SỰ KIỆN TỪ CHỨC HAY MÃN NHIỆM ?

Ted Osius, sinh 1961, tên đầy đủ là Theodore G. Osius III, công dân tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông từng đã là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017. Ông đã có 25 năm làm ngoại giao, với phần lớn thời gian làm việc ở Á châu như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Philippines. Ông nói được tiếng Việt, Pháp, Ý, và biết tiếng Arab, Hindi, Thái Lan, Nhật và Indonesia. Năm 2009 tới năm 2012, ông Osius giữ chức Phó đại sứ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Jakarta, Indonesia.

Ông kết hôn đồng tính với chồng là Clayton Bond tại Vancouver (Canada) và hai người đang nhận nuôi một bé trai.

A. Ông Ted Osius, một đại sứ cho hai nước.

Ngày 14.07.2015, khi đến tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt từng tị nạn Việt cộng tại San Jose, ông Osius đã yêu cầu dẹp bỏ Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa trong khi ông đeo trên ve áo chiếc phù hiệu có hình lá cờ đỏ sao vàng.

Tìm hiểu tại sao ?
Lý do 1. ông Đại sứ sợ bị ‘mất job’. Thật vậy, trong khi đồng bào, trong và ngoài nước, ngày thấy càng rõ Chính nghĩa của Cờ này làm cho Việt cộng buộc Ted Osius phải xa lánh Cờ Vàng. Chúng ta biết rằng, trước khi Tổng thống B. Obama xin Việt Nam chấp thuận ông này làm Ðại sứ tại Hà Nội thì họ phải hứa sẽ thực thi các điều kiện mà nhà nước Hà Nội đặt ra và đề nghị.

2. Một lý do khác cũng được nhắc tới là Ted Osius làm theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao mà Ngoại trưởng là John Kerry, một đảng viên Dân chủ phản chiến và thân cộng sản. Ông này khoe đã được Việt cộng dẫn xuống lăng Hồ để xem còn lính Mỹ nào bị giam ở đó không. Nếu có, chắc chắn chúng đã khôn hơn ông để dời họ đi chổ khác trước khi ông tới.

Do đó, thay mặt Cộng đồng Người Việt Quốc gia Hoa Kỳ, ngày 27.07.2015, Chủ tịch Michael Do (Ðỗ Văn Phúc) ký gởi văn thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về trường hợp Ted Osius buộc tháo bỏ Cờ Vàng. Một bàn sao đã được gởi đến ông (có không ít người gọi là ‘bà’ hay ‘nàng’ trong cặp đồng tính) Ðại sứ.

Kính gửi ông John Kerry
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
Washington, DC 20520

Kính thưa ông Kerry,
Thay mặt cho các công dân Mỹ gốc Việt, chúng tôi gửi đến ông lá thư này để bày tỏ sự thất vọng về một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao đã có hành vi xúc phạm đối với chúng tôi.

Khi ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tiếp xúc với người Việt tị nạn cộng sản tại San Jose ngày 14.07.2015, đã yêu cầu tháo bỏ Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa tại phòng hội, nơi không phải là cơ sở chính quyền Liên bang. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người Việt tị nạn, Đại sứ đã đeo trên ve áo chiếc phù hiệu kỷ niệm 20 năm bang giao Mỹ-Việt Cộng, trong đó có hình lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi xem đây là hành vi thiếu lễ độ, thiếu phong cách và là sự thách thức đối với người Việt chống Cộng.

Lá cờ Vàng ba sọc đỏ chúng tôi đã được gần 50 thành phố, quận hạt và tiểu bang tại Mỹ thừa nhận là lá cờ Tự Do và Truyền Thống của người Mỹ gốc Việt. Dù chúng tôi bị lưu vong, nhưng vẫn ôm ấp Quốc kỳ này như là biểu tượng và niềm hy vọng về một ngày tươi sáng khi Tự do và Dân chủ vãn hồi trên quê hương Việt Nam chúng tôi.

Bộ Ngoại giao có thể không muốn treo lá cờ chúng tôi tại các cơ sở của Bộ. Nhưng, đối với chúng tôi, khi treo lá cờ đó lên, là khẳng định lý lịch của mình cũng như thể hiện quyền tự do phát biểu có ghi trong Tu Chính Án số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nếu một vị nào đó không cảm thấy thoải mái với lá cờ Vàng, thì xin đừng tìm đến với chúng tôi.

Việc làm bất kính của Đại sứ Osius đã xúc phạm tình cảm thiêng liêng và niềm tự hào của tập thể người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi đang chờ sự giải thích của ông Bộ trưởng và lời xin lỗi của ông Đại sứ.
Xin cám ơn ông về sự quan tâm đúng mức trong vấn đề này.
Xin chào ông
Michael Do

Bản sao: Kính gửi ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam,
Dân Biểu Zoe Lofgren, California.
Michael Do (Do Van Phuc), Chairman of the Board of Executives.

Do bản sao thư này cũng được gởi đến Ðại sứ Osius nên ông này đã có thư trả lời, bắt đầu bằng lời trách tác giả đã chọn viết cho chủ của ông (my boss) mà không tìm hiểu sự thật trước với ông là người thẳng thắn và đáng kính.

Ngày 24.07.2015, hai Dân biểu liên bang Zoe Lofgren và Mike Honda đã gởi văn thư đến Ngoại trưởng John Kerry để bày tỏ sự quan tâm của nhị vị về cách hành xử của Ðại sứ Osius đối với Cờ Vàng trong các cuộc gặp gỡ với Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam và Bắc California tháng 7/2015. Ngày 07.08.2015, bà Julia Frifield, Phụ tá Ngoại trưởng về các vấn đề Lập pháp, xác nhận : ‘Việc trưng Cờ (Vàng) rõ ràng là một quyền hợp luật và hợp lý đối với bất cứ công dân Mỹ nào’. Trong thư đề ngày 13.08.2015, ký tên bởi nhị vị Dân biểu Liên bang kể trên gởi cho ông Đỗ đã giải thích thêm ‘Việc vinh danh Cờ Vàng hợp hiến với Tu Chính án số 1 Hiến pháp Hoa Kỳ’.

B. Lý do từ chức vì Nhân quyền.

Trong bài viết tựa đề ‘Lên Tiếng’ (Speak out) gửi cho Hiệp hội ‘The American Foreign Service Association’, một Hội đại diện cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, ông Osius cho rằng những người Việt này sẽ bị trục xuất về lại một quốc gia do chính quyền cộng sản nắm quyền mà họ chưa bao giờ hòa giải và bày tỏ lo ngại nhiều người sẽ trở thành các trường hợp liên hệ tới nhân quyền và lỗi đó là do chính phủ Mỹ.

Ông cho rằng đây là một chính sách thụt lùi và có thể hủy hoại cơ hội thành công trong việc theo đuổi các mục tiêu khác của Tổng thống Trump trong quan hệ với Việt Nam như giảm thâm thủng thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, nhất là xuất phát từ Bắc Hàn (?). Ông cho biết đã lên tiếng phản đối nhưng được lệnh phải im. Ông còn nói thêm rằng ông có thể phục vụ đất nước tốt hơn từ bên ngoài chính phủ bằng cách giúp xây dựng một đại học mới, đầy sáng tạo ở Việt Nam. Ông khoe hiện ông đang là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam. Báo chí trong nước vào tháng 10/2017 loan tin rằng ông đã rời nhiệm sở, dù lúc đó nhiệm kỳ của ông còn vài tuần nữa mới chính thức kết thúc.

Trên Facebook của mình, ngày 03.04.2018, Ted Osius đăng lại bài viết và nhận được bình luận từ nhiều người Việt ủng hộ ông đã ‘lên tiếng’. Thật vậy ?

Trả lời thông tấn xã Reuters tại Sài Gòn ngày 12.04.2018, ông Osius cho biết là một số nhỏ những người đáng lẽ được Hiệp định 2008 bảo vệ nhưng đã bị trục xuất về Việt Nam. Họ đã từng ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng Hòa và chính quyền Hà Nội sẽ coi họ là những phần tử gây mất ổn định. Những người này đã phải sang tị nạn tại Mỹ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vì vậy ông khẳng định họ không còn đất nước để trở về. Reuters cho biết Phủ Tổng thống Mỹ từ chối bình luận về thông tin này.

C. Ted Osius, người tranh đấu cho Nhân Quyền ?

Từng mang cờ đỏ trên áo, Ted Osius sợ ‘mất job’ vì sợ dính với Cờ Vàng như đã hứa với Việt cộng, nhưng xét cho cùng, chính những người Mỹ gốc Việt mới là những người đóng thuế cho Ngân sách Liên bang để trả lương tháng cho Ðại sứ. Tại Việt Nam, ông đã làm gì ngoài việc học nấu bún bò Huế, bánh chưng và bánh xèo mà thôi.

1. Vấn đề Nhân quyền cho người Việt đau khổ.

Ngày 22.05.2016, phi cơ Air Force One chở Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã đáp xuống phi trường Nội bài (Hà nội) lúc 21 giờ 32, được tiếp đón lạnh nhạt bởi một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Thế mà, trong bài Diễn văn ngày 24.05.2016, ông tự khoe ‘Với mối quan hệ đối tác toàn diện mới, chính phủ hai nước đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết. Và cùng với chuyến thăm này, chúng tôi đã đặt nền tảng vững chắc hơn cho mối quan hệ song phương trong nhiều thập niên tới… Thế rồi, khôi nguyên Hòa bình Nobel thoát xác trở thành kẻ rao bán súng đạn cho Việt cộng để chống lại Tàu cộng. Nói đến buôn bán, nhất là buôn bán súng đạn, thì đừng nhắc đến lương tâm và nhân quyền.

Ngày 24.05.2016, ông Obama gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội. Nhiều nhà hoạt động khác bị ngăn cản, bắt bớ như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật sư Hà Huy Sơn, nhà báo Đoan Trang, blogger Thảo Teresa… Những vị này có trong danh sách mời nhưng Ted Osius cứ để thời gian buổi họp mặt trôi qua. Sau khi phiên họp chấm dứt, công an và côn đồ thả các vị này về nhà. Ðược vậy, hai nhà nước chủ và khách rất bằng lòng nhau.

Do trước kia, giới dân cử Hành pháp (các Tổng thống) và Lập pháp (các Dân biểu và các Nghị sĩ) đặt vấn đề chỉ bán võ khí sát thương cho Việt cộng khi chúng đáp ứng vấn đề nhân quyền. Bây giờ, với sự đồng thuận của nghị sĩ Mc Cain (đảng Cộng hòa), Obama (Dân chủ) bỏ cấm vận này được chúng coi như vấn đề nhân quyền đã thành thứ yếu. Do đó, từ khi Obama rời Thành Hồ, Việt cộng đã mạnh tay bắt và tuyên những bản án ‘Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam’, theo Điều 88 Luật Hình sự, bao nhiêu vị anh hùng, can đảm như chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù ngày 29.06.2017.

2. Ca tụng quân đội anh hùng.

Ngày 27.07.2015, đến dự hội nghị về công tác triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, được tổ chức tại khách sạn Quân đội, Ðại sứ Ted Osius đã nói: « Hôm nay là ngày Việt Nam tưởng niệm những người có công với đất nước các bạn, là các thương binh, liệt sỹ. Cho tôi thể hiện sự tôn trọng của chúng tôi đối với những người anh hùng yêu nước đã hi sinh vì tổ quốc của các bạn… ». Trải qua những thời gian làm việc tại Việt Nam và hiểu biết lịch sử Hoa kỳ tham chiến tại đây, chuyên viên ngoại giao này không biết thế nào về ‘anh hùng’ của cái gọi là ‘Quân đội Nhân dân Việt Nam’ ? Thật đáng tiếc.

Lê Duẫn hồ hởi tuyên bố ‘Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, Trung quốc’. Do đó, lính bộ đội Việt cộng chỉ nhận võ khí và quân dụng để đánh cho đến ‘người Việt cuối cùng. Ðồng thời, do Tổng thống Lyndon Johnson tung quân Mỹ vào Việt Nam, khiến hơn 58 ngàn công dân Mỹ đã anh hùng hy sinh. Chính cộng quân, trong biến cố Tết Mậu thân 1968, tại Huế, đã giết chết tàn bạo và dã man chôn sống trên 6.000 đồng bào thường dân vô tội.

Ngoài ra, ngày 14.03.1988, khi Trung cộng tiến chiếm Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa), do tuân lịnh Bộ trưởng Quốc phòng Lê Ðức Anh ‘bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng’, 64 bộ đội Việt cộng đã bị lính Tàu cộng bắn chết và xác vẫn nằm dưới đáy biển. 27 năm sau, đám tướng tá hèn nhát Việt cộng mới dám lên tiếng. Tiếp sau đó, Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư cộng đảng, ra lịnh để các xác ‘yên như thế’. Các tên cộng sản khác im lặng. Lẽ ra, xác họ phải được đưa về chôn cất tại quê mẹ…

D. Sự thành công vượt bực của ông với CHXHCN Việt Nam.

Trước khi ông Ted Osius trình ủy nhiệm thư cho Chủ tịch nhà nước Việt Nam, hai chính phủ Mỹ Việt đã thỏa thuận những gì vị Ðại sứ Mỹ ở Hà nội phải làm và đừng làm để mối bang giao được tốt đẹp. Do đó, những gì ông Osius đã làm cho Nhân quyền đối với người Việt Nam hay ngụy biện ‘tôn trọng cờ Vàng’ nhưng không thể chụp hình với Quốc kỳ Tự do vì đang mang cờ đỏ trên áo.

Trong truyền thống ngọai giao Hoa kỳ, các Ðại sứ là đại diện cho Tổng thống (Representative of the President). Do đó, mỗi khi thay đổi Tổng thống thì đương nhiên, tất cả các Ðại sứ Mỹ trên khắp thế giới đều từ chức ngay, nếu không đồng ý chính sách Tổng thống mới. Riêng trường hợp ông Osius, ông không từ chức mà nói rằng ông tiếp tục chức vụ vì ‘ông là ngoại giao chuyên nghiệp’. Ðồng thời, việc chọn lựa nhân sự thời Tổng thống D. Trump thật đặc biệt vì ngay cả việc tuyển chọn các Bộ trưởng còn thay đổi liên tục, khoảng 50 lần sau 16 tháng tại chức, nên việc bổ nhiệm các Ðại sứ bị chậm trể. Ngoài ra, Tổng thống Trump tạm giữ ông Osius lại để chuẩn bị cho chuyến viếng Việt Nam và tham dự APEC tháng 11/2017, đồng thời, cử ngay Ðại sứ Daniel Kritenbrink để tháp tùng Tổng thống trong dịp này.

Ðể quảng cáo việc bảo vệ Nhân quyền, Ted Osius đã đến gặp Luật sư Lê Công Ðịnh, cựu tù nhân lương tâm, tháng 10/2015 và đã tiếp, ngày 19.10.2017, Ðức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, nơi bị tàn phá môi trường và con người bởi tập đoàn Formosa. Ngoài ra, nhân dịp này, chúng ta được biết : « vào tháng 9/2012, Ðại sứ David Shear vào để gặp Ðức cha Hợp, nhưng khi đến nơi, ông được chính quyền thông báo là’cuộc gặp sẽ không diễn ra được’ ».

Ngày nay, ông Ted Osius đã rời sứ vụ chuyên môn ngoại giao để phục vụ Giáo dục (Phó Chủ tịch Ðại học Fulbright). Do đó, nhà nước cộng sản Việt nhận ngay một thiên tài như vậy. Trong khi đó, họ từ chối nhận lại nhiều ngàn công dân Việt bị Mỹ trục xuất. Ðiều đó cũng cho thấy sự thất bại của việc Hoa kỳ đề cao việc tiếp nhận du sinh Việt sang đó để học. Rất nhiều sinh viên học không thành công đã ở lậu lại.

II.- TÌNH TRẠNG NGƯỜI VIỆT BỊ TRỤC XUẤT.

A. Những người bị trục xuất.

Từ ngày 30.04.1975, sau khi nhận rõ bôä mặt thật của đảng và nhà nước cộng sản, lúc nào cũng có những công dân Việt, mất Tự do và sự Sống bị đe dọa, muốn bỏ Nước ra đi… Gần 43 năm sau ngày Quốc hận này, Đại diện Cơ quan Di trú và Quan thuế Hoa kỳ (ICE) cho biết : « Tính đến tháng 12/2017, có 8.600 người Việt ở Mỹ nằm trong diện bị trục xuất và 7.821 người phạm tội hình sự ».

Nhóm người này có thể chia ra hai thành phần:
- Ða số đến Hoa kỳ để tị nạn cộng sản, nhưng trong thời gian cư trú tạm, chưa nhập tịch Mỹ đã phạm pháp và có án Tòa. Do đó, theo luật di trú Mỹ từ lâu, họ sẽ phải bị trục xuất về nước gốc. Luập áp dụng cho mọi kiều dân Anh, Pháp, Nga…, chứ không phải chỉ áp dụng cho người có Việt tịch.
- Thiểu số là những dân Việt ‘nhâäp cư lậu’, có thể là Việt cộng, sang Mỹ để du lịch hay du học, rồi ở lại luôn, bị bắt và chờ trục xuất về nước.
B. Nguyên nhân sự bế tắc cuộc trục xuất.

Việc trục xuất và tiếp nhận công dân giữa các quốc gia được qui định bởi công pháp quốc tế. Nhưng Việt cộng chỉ chịu tiếp nhận lại những người Việt đến Mỹ sau năm 1995.

Năm 2008, một Hiệp định nhận lại công dân Việt được ký giữa Hà Nội và Washington, D.C. quy định đối tượng được nhận trở lại Quê hương phải là công dân Việt Nam và, đồng thời, không phải là công dân Hoa Kỳ hay công dân bất kỳ nước nào khác; trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba; bị cơ quan có thẩm quyền Mỹ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật và nếu thuộc diện bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất phải thi hành xong án phạt tù hoặc phải được giảm án tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hiệp định không áp dụng đối với những công dân Việt đã đến Mỹ trước ngày 12.07.1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Những người tới Mỹ trước đó, Việt cộng không chịu nhận lại. Lý do là Tổng thống Clinton chỉ chính thức nhìn nhận Việt Nam XHCN từ ngày đó, nên chúng chỉ cần tôn trọng quy ước quốc tế từ lúc đó mà thôi. Các tội phạm đến Mỹ trong thời gian từ 1975 đến 11.07.1995 phải được xử lý riêng.

Ngày 31.05.2017, tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump, chủ đề nhận lại công dân Việt bị trục xuất cũng được đôi bên bàn thảo. Vào tháng 07/2017, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức buổi họp đầu tiên của Nhóm Làm Việc song phương về vấn đề nhận lại công dân Việt Nam từ Mỹ. Không thấy kết quả được công bố.

Tháng 11/2017, hai Dân biểu Correa và Lowenthal cùng với đại diện các Cộng đồng cử tri gốc Á châu đã viết thư yêu cầu ICE trả tự do cho những người tị nạn từ Việt Nam và Campuchia cùng đừng trục xuất họ về nước.

Mới đây, ngày 28.02.2018, các nhóm thuộc Tổ chức có tên là ‘Người Mỹ gốc Á châu thúc đẩy Công lý’ thông báo rằng nhiều người tị nạn gốc Việt đã đệ đơn kiện việc bị ICE bắt giữ ‘vô thời hạn’. Tổ chức này cho rằng khoảng 8 tới 10 ngàn người Mỹ gốc Việt, trong đó có ‘nhiều người tới Mỹ khi còn nhỏ để tránh bị đàn áp chính trị’, ‘vấp phải nguy cơ bị giam giữ trái phép’ và ‘bị trục xuất’ về Việt Nam.

Những người Việt đã nhập tịch Mỹ được bảo đảm không bị trục xuất, trừ một số ít trường hợp bị phát hiện khai man trong hồ sơ xin nhập tịch, nên có thể bị trục xuất.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
85 năm dòng suối nước Đức Mẹ Banneux
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:06 11/05/2018
Cách đây 85 năm ( 1933-2018) Đức Mẹ Maria đã hiện ra với cô Mariette Beco tám lần từ tháng Một đến tháng Ba 1933 ở Banneux nước Belgium. Đức Mẹ đi đàng trước, nhưng quay mặt về phía Mariette Beco và đoàn người đi theo, dẫn tới dòng suối nước nhỏ bên vệ đường trong rừng Banneux và bảo:“ Con hãy nhúng tay vào dòng suối nước này dành cho mọi dân tộc!”

Dòng suối nước Banneux từ ngày đó trở thành dòng suối nước linh thiêng. Ngày nay đi hành hương đến kính viếng Đức Mẹ Banneux, ai cũng đều ra đó nhúng tay vào chậu bể nước chảy và đọc kinh cầu nguyện. Hay có những còn người hứng nước ở các vòi nước chảy ra từ dòng suối đem về nhà dùng uống hay rửa mặt…

Nước từ dòng suối Banneux hay từ các dòng suối, sông ngòi, biển cả trong công trình thiên nhiên đều ẩn chứa yếu tố căn bản mang lại sức sống cho mọi tạo vật trong vũ trụ.

Nước là sản phẩm qùa tặng của Trời cao. Nước đem lại sức sống, ẩn chứa sức mạnh gìn giữ cùng phát triển và rửa tẩy rửa chữa lành. Nước là nhu cầu cần thiết cho đời sống con người, thú vật và cây cỏ trong dòng lịch sử thời gian ở khắp mọi nơi trên trái đất.

Và nước cũng còn giữ vai trò quan trọng trong niềm tin tôn giáo.

1. Nước trong đời sống con người

Nước chảy thành dòng, và không thể nắm giữ lại được như một vật rắn chắc. Nếu muốn giữ nước lại, phải có ly tách, hay thùng chậu, ao hồ chứa…mới có thể quy tụ giữ nước lại được.

Nhà hiền triết Aristoteles người Hylạp, đã suy nghĩ theo lý luận triết học đi đến kết luận có bốn yếu tố quan trọng nền tảng trong thiên nhiên: đất, nước, lửa và khí. Nước là một trong bốn yếu tố nền tảng đó. Cũng theo nhà hiền triết người Hylạp, Thales, nước là yều tố duy nhất làm nên thân thể.

2/ 3 trái đất được bao phủ bằng nước. Không có nước, sự sống héo khô tàn lụi. Vì tất cả mọi con đường sự sống đều tùy thuộc cần đến nước.

Nước là thành phần chính yếu quan trọng của các cơ quan thân xác con người. Từ 55-60% nước chiếm trọng lượng trong thân thể con người.Nước như viên gạch xây dựng các tế bào trong thân thể. Nước đóng vai trò là dung dịch làm tan biến tiêu hóa những chất nặng hay đặc trong các cơ quan thân thể.

Nước cũng đóng vai trò vận chuyển những chất dinh dưỡng cho các cơ quan trong thân thể. Nước điều hòa nhiệt độ nóng ấm trong thân thể con người.

Vì thế, nước là thành phần chính yếu cùng quan trọng cho cơ thể con người. Và cũng vì thế con người cần phải uống nước hằng ngày, để cho các cơ quan làm việc giúp cho sự sống phát triển và sức khoẻ được điều hòa.

2. Nước trong niềm tin các tôn gíao

Trong niềm tin các tôn giáo, nước là điều thánh thiêng cùng quan trọng.

Theo niềm tin Hồi giáo, nước là dấu hiệu khởi nguyên của sự sống, và là mối dây tương quan nối liền với Thần Thánh.

Theo Phật giáo, nước quan trọng. Vì nước là một trong bốn yếu tố trong vũ trụ. Dòng nước chảy trong sông là hình ảnh giáo lý Phật giáo, con đường chiêm niệm đời sống con người cho tới khi đạt được cứu độ nơi Niết Bàn.

Theo Ấn Độ gíao, nước là sức mạnh tẩy rửa thân thể cùng tinh thần con người.

Theo Kyto gíao, nước là khởi nguyên của mọi sự sống. Trong bài tường thuật về sáng tạo vũ trụ, Thần Linh Thiên Chúa bay là là trên nước, và Thiên Chúa sáng tạo trước tiên vũ trụ trái đất từ nước. Từ đó phát sinh nẩy nở sức sống mọi loài trong vũ trụ. 3. Nước, hình ảnh Chúa Thánh Thần Thánh Gioan dùng hình ảnh làn nước sự sống diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần (Ga 7,37-39).

Ai chúng ta cũng đều đã có kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự phấn khởi tươi mát mang đến năng lực cho đời sống. Lúc khát nước hay khi gặp trời nóng nực mà nhận được ly nước uống vào, ngay tức thì cơn khát được hạ dịu bớt, sức sống phấn khởi bừng lên trong thân thể nơi làn da thớ thịt, cùng nơi tâm trí . Lúc đó ly nước mát quan trọng qúy gía biết chừng nào!

Vào mọi thời đại và ở nơi nơi, nước luôn là yếu tố căn bản cho phát triển về ruộng vườn, cây cối ngoài thiên nhiên; cho nhu cầu ăn uống,vệ sinh sạch sẽ của con người cùng thú động vật.

Dòng nước chảy trong dòng suối, khe lạch, nơi sông ngòi đến đâu mang chất phân bón phù sa cho cây cỏ, ruộng vườn được phát triển tươi tốt. Và dòng nước là vùng, là ngôi nhà chỗ ẩn thân sinh sống cho mọi loài cá tôm. Trong dòng nước chúng sinh sản lớn lên phát triển làm thức ăn dinh dưỡng nuôi sống con người từ ngàn xưa.

Đức Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa, tựa như làn nước làm cho sức sống sự xanh tươi chảy thông cuồn cuộn bừng lên.

Chúng ta nhìn thấy dòng nước. Nhưng Thiên Chúa, Đấng dựng nên nước, ký thác sự bí ẩn mầu nhiệm sức sống trong đó, khiến mắt ta không nhìn thấy sức mạnh ẩn dấu trong nước.

Bằng đôi mắt thường chúng ta quan sát dòng nước chảy. Nhưng tâm trí ta, dù có thể dùng phương pháp khoa học thực nghiệm phân tích chất chứa trong nước, cũng không hiểu được mầu nhiệm thâm sâu ẩn chứa sức sống của nước do Trời cao tạo dựng nên.

Sức sống ẩn chứa trong dòng nước mang lại không chỉ sự tươi mát cho da thịt, mà còn sức mạnh cho tâm hồn lẫn gân cốt bắp thịt, sự phấn khởi tỉnh táo cho tâm trí suy nghĩ biểu hiện qua nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, trên ánh mắt con người.

Giống như mầu nhiệm sức sống ẩn chứa trong dòng nước, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh cho sự sống đức tin vào Thiên Chúa thể hiện theo nhiều phương cách, mà tâm trí ta không sao nhìn thấu cùng thông hiểu nổi, hay không như ta chờ đợi mong muốn.

Đức Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu hứa ban gửi đến cho Giáo Hội luôn hằng có mặt trong Giáo Hội. Ngài là Đấng vô hình, nhưng không phải là một „bóng ma thánh“.

Ngài là dòng nước mang sức sống đến cho đời sống thiên nhiên của Giáo Hội.

Dòng nước chảy mang đến sức sống cùng sự đổi mới. Dòng nước sức sống Đức Chúa Thánh Thần tác động âm thầm tiệm tiến trên sự đổi mới trong lòng sự sống Giáo Hội.

Chúng ta chỉ có thể tìm cách cắt nghĩa diễn tả Đức Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh, như Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh dòng nước là nguồn sức sống nói về Thần linh Thiên Chúa, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu với tâm trí con người.

Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giáo lý ngày 08.05. 2013 đã có suy tư:

„ Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy!

Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

________________________

Đức Mẹ đã hiện ra với cô Mariette Beco, và đã chỉ cho Cô dòng suối nước chữa trị ban ơn lành. Xin Đức Mẹ giúp chúng con đừng bao giờ quên làn nước Bí tích Rửa tội cũng là dòng suối nước ban ơn lành của Chúa, mà ngày xưa khi còn thơ bé chúng con đã lãnh nhận.

Khi hiện ra với cô Mariette Beco, Mẹ đã bảo „hãy nhúng tay vào dòng suối nước dành cho mọi dân tộc“. Xin Mẹ giúp chúng con luôn nhớ chạy đến dòng suối nước nguồn mạch mọi ơn đức là các Bí Tích, nhất là nguồn suối nước Bí Tích Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô.

Khi hiện ra Đức Mẹ đã nói với Mariette Becco rằng: Mẹ đến để xoa dịu những đau khổ thương tích cho con người. Là con cháu Evà đang còn trong thung lũng đầy nước mắt đau khổ nơi trần gian, thân xác hay đau yếu bệnh tật. Đời sống rất cần sự an ủi xoa dịu của Đức Mẹ cho cuộc đời mình.

Đức Mẹ Maria khi hiện ra ở Banneux đã xưng mình là Mẹ của người nghèo khổ. Con người loài thụ tạo trong công trình tạo dựng của Chúa trên trần gian. Đời sống chúng ta là những con người nghèo khổ. Vì cuộc đời có nhiều vướng trở vấp phạm khiếm khuyết tội lỗi, yếu đuối , giới hạn nghèo nàn tinh thần và thể xác.

Chạy đến dưới bóng áo từ bi của Đức Mẹ, xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho đời sống hôm nay và ngày mai.

Ngày hành hương Thánh Mẫu Âu Châu, 13.05.2018

Kỷ niệm 85 năm Đức Mẹ Banneux 1933-2018

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long