Ngày 03-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:11 03/05/2014
NHẬT KÝ LÀM CÔNG CỦA CON CUA NHỎ
N2T

Con cua nhỏ thích phun bọt miếng giờ đã lớn rồi, nó muốn đi tìm một công việc để làm.
Đầu tiên nó đi đến tiệm hớt tóc để làm việc, chỉ thấy nó huơ huơ hai cái kéo cắt tóc cho khách với kỷ thuật thật tốt nên được mọi người yêu thích, nhưng hơi nóng từ máy sấy làm cho nó rất khó chịu, khiến cho nó ngay cả những bọt nước trong miệng cũng phun ra không được.
Thế là con cua nhỏ bèn đến thư viện làm quản lý viên, hai tay nó giống như hai cái kìm lớn chỉ một lần thì có thể ôm rất nhiều quyển sách, thế nhưng hai cái kìm lớn của nó thì lại “rất là vụng về”, chỉ cần không để ý là “cắt” rách sách, mà nước bọt trong miệng thì lại phun ra làm ướt sách khiến cho các bạn nhỏ đến mượn sách không vui.
Về sau con cua nhỏ đến nhà hàng làm phục vụ viên, nó bưng thức ăn vừa nhanh vùa chắc chắn, hai cái càng của nó có thể mở nắp chai bia rất dễ dàng, nhưng vì trong miệng của con cua nhỏ cứ phun nước bọt phì phì, kết quả là tập thể khách ăn đều kháng nghị với ông chủ:
- “Miệng của nó toàn là bọt nước, có phải là nó uống trộm bia của chúng tôi không ?”
Con cua nhỏ không biết làm sao cả nên chỉ có cách là tự mình mở một cái tiệm, nó vào trong công viên bày ra một cái quán thổi bọt bong bóng, thấy nó không ngừng thổi ra rất nhiều bọt bong bóng bay tứ tán khắp nơi, hấp dẫn rất nhiều trẻ em đến.
Rốt cuộc con cua nhỏ đã tìm được công việc rất hợp với mình, nên ngày ngày rất vui vẻ.

Suy tư:
Giúp định hướng tương lai cho con cái là việc nên làm của phụ huynh, bởi vì chính cha mẹ là người hiểu rõ tính tình, cá tính và khả năng của con cái hơn người khác, cho nên hướng dẫn cho cái một hướng đi cho tương lai là việc làm quan trọng.
Cái mà con cua nhỏ thích nhất là thổi nước bọt bong bóng, và đó cũng là khuyết điểm lớn nhất của nó, cho nên mới thất bại khi làm những công việc không cần đến bọt bong bóng, chỉ đến khi làm công việc phun bọt bong bóng thì nó mới thấy vui vẻ thích thú, vì đó là sở trường của nó.
Cũng vậy, có những đứa con muốn học nghề buôn bán kinh doanh, nhưng cha mẹ cứ ép nó học làm bác sĩ hoặc làm thầy giáo theo sở thích của mình mình chứ không theo khả năng và sở thích của con cái, cho nên có em một năm mà thay đổi hai ba trường...

Lời cho phụ huynh:
Giáo dục đa nguyên luôn khuyến khích trẻ em thử nghiệm về nhiều phương diện, để giúp chúng nó phát hiện chí hướng có ích cho bản thân mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:14 03/05/2014
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH

Tin mừng : Lc 24, 13-16.
“Họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh”.


Anh chị em thân mến,
Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đều biết rõ, và thường nghe nhắc nhở tới trong mùa phục sinh, đó là câu chuyện của hai môn đệ trên đường đi về làng Em-mau. Cả hai ông không nhận ra Đức Chúa Giê-su đang cùng đồng hành với mình, nhưng chỉ nhận ra Ngài khi Ngài lập lại một cử chỉ rất quen thuộc đó là bẻ bánh, rồi trao cho các ông ăn. Trong tâm tình “bẻ bánh” ấy, tôi xin chia sẻ tâm tình sau đây :

1. Bẻ bánh là dấu hiệu của bác ái
Cuộc sống của một con người có rất nhiều lần bẻ bánh, và những lần bẻ bánh ấy cũng có rất nhiều ý nghĩa :
- Bẻ bánh để ăn, là để nuôi mình,
- Bẻ bánh để phân phát cho mọi người, là để nhân rộng thêm tình bác ái.
- Bẻ bánh để chia sẻ với người nghèo khó, là để chia sẻ với Đức Chúa Giê-su khổ đau trên con người của họ.
Và cũng có lúc chúng ta bẻ bánh để quăng cho chó ăn hơn là cho người nghèo, đây là một hành vi bẻ bánh khinh thường Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của anh em chị em.

Bẻ bánh cần phải đi đôi với một tâm tình yêu mến và phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm với các môn đệ, Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng: rửa chân cho họ và ban Mình và Máu thánh của Ngài cho họ.

2. Bẻ bánh là dấu hiệu Hiệp Nhất
Có những người vừa bẻ bánh vừa chỉ trích nhau trên bàn ăn, họ coi việc ăn uống là dịp để cãi cọ nhau; có người vừa bẻ bánh vừa làm áp phe buôn bán, họ coi việc bẻ bánh (ăn uống) là cơ hội để phát tài; lại có người coi việc bẻ bánh là chuyện riêng tư, nên không thấy họ cùng đồng bàn với người khác, đối với họ sự hiệp nhất chỉ là chuyện lý thuyết viễn vông.

Chúng ta tham dự thánh lễ, tức là chúng ta cùng nhau tham dự việc “bẻ bánh” của Đức Chúa Giê-su, đó là dấu hiệu của tình thương hiệp nhất, mỗi lần chúng ta cùng nhau sắp hàng đi lên lãnh nhận tấm bánh đã được bẻ ra, nhưng nó vẫn nguyên vẹn tinh tuyền là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, là dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong mỗi một cộng đoàn của chúng ta.

Bẻ bánh là dấu hiệu để mọi người nhận ra Đức Chúa Giêsu đang hiện diện giữa cộng đoàn và nơi mỗi một anh chị em mình, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hứa: Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Anh chị em thân mến,
Hai môn đệ đi về làng Em-mau đã không nhận ra được Thầy mình là Đức Chúa Giê-su đang đồng hành và trò chuyện với mình, dù cho Ngài giải thích rất cặn kẻ về việc Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ và phải chết rồi sống lại, nhưng hai môn đệ chỉ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh mà thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tham dự thánh lễ, tức là tham dự vào việc “bẻ bánh” và ăn tấm bánh ấy, nhưng chúng ta có nhận ra Đức Chúa Giê-su đang thật sự ở với chúng ta không, lòng chúng ta có thật sự nóng lên khi nghe đọc và giải thích Lời Chúa không.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại thật rồi, và Ngài vẫn còn đang hiện diện với Giáo Hội, với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, đó là dấu chỉ của tình thương và hy sinh của một vị Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi....

Câu hỏi gợi ý :
1. “Bẻ bánh” là tham dự tiệc Thánh Thể, bạn có nhận ra sự ích lợi cho phần hồn cũng như phần xác khi rước Đức Chúa Giê-su vào lòng không ?
2. Bạn có thấy mình giống hai môn đệ đi đường Em-mau: nhiệt tâm sau khi thấy Đức Chúa Giê-su bẻ bánh không ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:16 03/05/2014
N2T

22. Mặc dù Thiên Chúa đã cho phép vài khó khăn ngăn trở, thì đó chính là dấu lạ rõ ràng bày tỏ Ngài phải từ việc khó này để đạt được lợi ích lớn hơn, để chúng ta tin tưởng và trông cậy Ngài, dũng cảm nhẫn nại mà tiến lên phía trước.

(Thánh Don Bosco)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:18 03/05/2014
ĐỌC KINH CHUNG
Giáo dân thấy cha sở sau khi dâng lễ xong thì ở lại cùng đọc kinh và lần chuỗi Mân Côi với họ, họ rất vui và thấy lòng ấm áp, nói với nhau:
- “Giáo xứ mình từ trước đến nay chưa hề có cha nào cùng đọc kinh chung với giáo dân như cha sở hôm nay của mình, thật là tạ ơn Chúa.”
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Xin Ngài ở lại với chúng con
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
09:14 03/05/2014
Chúa Nhật III Phục Sinh A

XIN NGÀI Ở LẠI VỚI CON

Ai đã từng gặp thất bại trong tình trường hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng u uất, chán chường của hai môn đệ làng Emmaus. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão bỗng chốc tan thành mây khói. Đúng như linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã viết trong một ca khúc của mình: “Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”. Những năm tháng theo Thầy Giêsu bôn ba rao giảng Tin Mừng, họ đã trọn niềm tin và niềm hy vọng vào Thầy. Tin rằng Thầy chính là Ðấng Thiên Sai, Ðấng đã được loan hứa từ bao thế kỷ qua, và nay đã đến lúc Thầy sẽ ra tay giải thoát dân Israel khỏi ách thống trị Rôma đô hộ, đem lại sự ấm no và thịnh vượng cho dân tộc. Đồng thời Thầy sẽ thiết lập một vương quốc cho riêng mình và sẽ lên ngôi trị vì dân tộc. Còn họ sẽ là những nhân vật có chức cao quyền trọng.

Khát vọng vinh quang trần thế này cho dẫu không đúng với thánh ý của Chúa Cha, song lại là động lực thúc đẩy các môn đệ dấn thân theo tiếng gọi của Thầy Giêsu. Bởi đó, họ đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Thầy: gia đình, nghề nghiệp và cuộc sống quen thuộc xưa nay của mình.

Tuy nhiên Thầy Giêsu đã bị giết treo trên Thập giá một cách nhục nhã như thể một kẻ tử tội. Thất bại hoàn toàn! Tương lai sự nghiệp, tất cả đều đặt dấu chấm hết, một dấu chấm hết to đùng. Trước đây theo Thầy, hoài bảo lớn lao của họ là, nếu không được làm “thủ tướng” thì ít ra cũng là “bộ trưởng bộ quốc phòng” hay “bộ trưởng bộ ngoại giao”…. Vậy mà bây giờ về làm… “tổ trưởng tổ dân phố” hay “công an khu vực” cũng không xong. Còn mặt mũi nào mà nhìn bà con lối xóm nữa vì lỡ lên mặt, lỡ to tiếng, lỡ nghêng ngang với họ rồi. Đau buồn hơn nữa là chính đức tin của họ đặt nơi Thiên Chúa cũng bị lung lay, lung lay đến tận gốc rễ trước cái chết tức tưởi của Thầy mình trong chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.

Nhưng rồi chiều ngày thứ nhất trong tuần, giữa lúc đang ưu sầu tuyệt vọng, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện đến với họ như một người bạn đồng hành. Người không an ủi họ kiểu: “đừng tuyệt vọng tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Nhưng Người chăm chú lắng nghe họ trút bầu tâm sự, kể lể nỗi buồn đau. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích cho họ hiểu các mầu nhiệm. Lời Người soi sáng, sưởi ấm cõi lòng u tối và lạnh giá của họ. Và rồi khi được Ngài mạc khải qua việc bẻ bánh, họ đã nhận ra Người. Lòng họ bừng sáng, trí họ tràn ngập hân hoan, tâm hồn họ rộn lên niềm vui khôn tả. Họ đã phục hồi được niềm tin, đã tìm lại được “Chúa lòng của mình”, Đấng Hằng sống. Cuộc đời họ được biến đổi từ đây.

“Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến làng quê Emmaus sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ diệu kỳ với Đấng Phục Sinh” (Hành trình Emmau – Đamas, VietCatholic News, 02/04/2008).

Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, người sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Người vẫn hiện diện với chúng ta trong mọi Thánh lễ được cử hành hằng ngày, hiện diện trong Lời của Người và trong Bí tích Thánh Thể. Người sẽ biến đổi tâm trí và cõi lòng chúng ta như đã biến đổi hai môn đệ xưa hầu giúp ta nhận ra Người. Phần chúng ta, chúng ta có để cho Chúa bước vào tâm hồn mình hay không? Và nhất là chúng ta có tha thiết mời Chúa ở lại với chúng ta vì “trời đã về chiều và ngày sắp tàn” hay không?

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Phục Sinh & Hạnh Phúc
Nguyễn Trung Tây, SVD
19:08 03/05/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Phục Sinh & Hạnh Phúc


□ Cuộc sống nào mà không có vị đắng của thất bại?
Vầng trán nào chưa một lần hằn sâu những nét lo toan?






Thứ Hai đầu tuần, thành phố Jerusalem ồn ào với những tấp nập rộn ràng và bận rộn ngược xuôi của một ngày mới tinh khôi.

Trên con đường bẩy dặm dẫn về ngôi làng Emmau, hai người môn đệ của Đức Giêsu đang đi với nhau. Họ muộn phiền với một quá khứ. Họ cảm nghiệm những cảm nghiệm đắng cay với một cái mất. Và họ không nhận ra được người bạn đồng hành đang đi với họ chính là Đức Kitô. Mãi đến khi họ mời Người ở lại, ngồi chung một bàn ăn, và Người bẻ bánh, cả hai mới nhận ra đó chính là Người.

Sát ngay đồi Golgotha, khu nghĩa trang trống vắng bóng người nhưng lại vướng ngập mùi tử khí, những hạt sương đêm long lanh tia nắng sớm tiếp tục bốc cao che mờ hình dạng của những chú kên kên đang rũ đầu trên cành cây Ôliu dõi nhìn Maria Madalena khóc than vật vã bên ngôi mộ đá. Tiếng khóc và nước mắt nhạt nhòe của cô đã che khuất tiếng chân và hình dạng của một bóng người đang chầm chậm bước tới. Chưa hết, sau khi đã chuyện qua chuyện lại với người đàn ông ngay trước cửa mộ đá một hồi, Maria vẫn không hề nhận ra người mà cô đang nói chuyện chính là người cô đang tìm kiếm cho đến khi Người gọi tên cô,

— Maria!…


Suy Niệm

Một trong những lý do để giải thích lý do tại sao hai người môn đệ và Maria Mađalêna không nhận ra Đức Giêsu bên ngôi mộ đá là bởi vì họ đang bận rộn than khóc cho một nỗi mất mát trong quá khứ và những lo toan tính toán cho một tương lai không còn bóng dáng của Đức Giêsu.

Tối thứ Năm trong tuần, họ nhận được bản tin dữ: “Thầy đã bị bắt!”. Chiều thứ Sáu ngày hôm sau, chính mắt Maria đã chứng kiến giây phút Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Sáng sớm của ngày thứ Hai trong tuần, cũng lại chính cô là người đầu tiên đã khám phá ra tảng đá che lấp cửa mộ của Đức Giêsu bị đẩy sang một bên, xác Ngài biến mất...


Bạn,

Tương tự như hai người môn đệ trên đường Emmau và Maria Mađalêna, đã bao nhiêu lần chúng ta cũng không nhận ra dung nhan của hạnh phúc trong khi đang diện đối diện với hạnh phúc, bởi vì chúng ta cũng đang bận rộn với những thất bại trong quá khứ và những lo toan tính toán cho một tương lai.

Cuộc sống nào mà không có vị đắng của thất bại? Vầng trán nào chưa một lần hằn sâu những nét lo toan? Nhưng cho dù cuộc đời vẫn đắng, trán vẫn hằn sâu, hạnh phúc vẫn như bầu không khí luôn luôn hiện diện dư thừa cho mọi người. Nhưng, thông thường, cả hai, không khí và hạnh phúc đều chia sẻ chung một số phận. Có đó, nhưng ít ai dõi nhìn. Hiện diện ngay bên, nhưng ưa bị lãng quên. Mất đi rồi, bắt đầu nuối tiếc.

Hạnh phúc không phải là bóng trăng chìm sâu dưới mặt nước hoặc bóng người đổ dài bên vệ đường, bởi đụng vào bóng trăng, trăng tan, đuổi bắt bóng mình, bóng chạy. Nhưng hạnh phúc là một thực thể có thể cầm được và đếm được như những tờ giấy bạc.

Hạnh phúc hiện diện trong căn phòng khi gia đình quây quần xum họp quanh mâm cơm, bởi vì trên trái đất này có những gia đình không bao giờ còn có cơ hội chia sẻ với nhau chén cơm manh áo.

Hạnh phúc xuất hiện trên khuôn mặt của những người thân trong gia đình, bố mẹ, vợ, chồng và con cái trong giây phút hiện tại, bởi vì không phải gia đình nào cũng có đầy đủ vợ chồng và con cái; có những gia đình có vợ nhưng không còn chồng, hoặc có vợ và chồng, nhưng thiếu vắng bóng con; mà ngay cả nếu bây giờ còn đầy đủ những người thân, nhưng trong tương lai thì không ai dám chắc!

Hạnh phúc tràn đầy trong hơi thở nhẹ nhàng, thơm tho, bởi vì có những người làn hơi bắt đầu ngắt quãng, vấp váp, hoặc hơi thở bắt đầu vương mùi tanh hôi của tử thần.

Hạnh phúc hiện diện khi nhìn quanh còn những người bạn bè thân thương để chia sẻ những niềm vui, những thành công và ngay cả những thất bại trên đường đời.

Hạnh phúc nằm trên chén cơm trắng tinh, miếng thịt kho vàng, và đậu hũ sốt cà chua đỏ, bởi vì không phải ai ai trên cõi trần gian này cũng sở hữu được nguyên cả một chén cơm.

Như hai người môn đệ trên đường Emmau đã từng mở miệng mời gọi Đức Kitô ở lại khi trời đã đổ bóng ngã về chiều, như Maria Mađalêna đã từng cất tiếng tâm sự với Đức Giêsu Phục Sinh bên ngôi mộ đá năm xưa, vào những khi bận rộn với những phiền muộn bắt rễ từ trong quá khứ và lo toan tính toán cho một tương lai, mời bạn mở miệng tâm sự với Chúa Phục Sinh,

— Lạy Chúa, trong Mùa Phục Sinh thánh, xin mở mắt con để con nhận ra đời sống là một chuỗi dài hồng ân của những giây phút mà Chúa đã trao ban tặng. Vào những lúc con chán nản với những thất bại trong quá khứ và một tương lai mập mờ không định hướng, xin cho con nhận ra dung nhan của hạnh phúc đang hiện diện ngay trong con, và qua những người thân trong gia đình của con.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Kinh tế Tòa Thánh
Đặng Tự Do
05:57 03/05/2014
Hôm thứ Sáu 2 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Hội đồng Kinh tế Tòa Thánh, vừa được thành lập hồi tháng Hai. Hội Đồng gồm 8 Hồng Y và 7 giáo dân, là những người sẽ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh tế và hành chính của tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trong cuộc họp Đức Thánh Cha nói:

"Giáo Hội nhận thức được trách nhiệm phải bảo vệ và quản lý tài sản của mình một cách cẩn thận, dưới ánh sáng của sứ mệnh truyền giáo của mình và với sự chăm sóc đặc biệt cho những người nghèo."

Hội đồng sẽ giám sát tài chính của 230 cơ quan trung ương Tòa Thánh. Đây là một cách để giáo triều có thể tập trung vào trách nhiệm chính của mình và không cần phải lo liệu nhiều đến vấn đề quản lý tài nguyên .

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng công việc của Hội Đồng sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngài khích lệ tất cả các thành viên sẽ cần phải can đảm và quyết tâm để chấp nhận một não trạng phục vụ, đặc trưng cho sự quản trị của Tòa Thánh .

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có một thông điệp đặc biệt cho bảy thành viên giáo dân của Hội Đồng. Ngài nói rằng trong các quyết định của Hội Đồng họ có quyền giống như các Hồng Y, và thêm rằng họ không phải là công dân hạng hai.
 
Ca sĩ Celines Diaz đã từ bỏ danh tiếng để thờ phượng Thiên Chúa qua âm nhạc của cô
Đặng Tự Do
07:12 03/05/2014
Khi lên 10 tuổi Celines Diaz đã viết bài hát đầu tiên của cô. Kể từ đó, cô đã dành cuộc sống của mình cho sân khấu. Diaz bắt đầu sự nghiệp của mình với việc viết nhạc đời, và vào năm 2001, cô đã ký một hợp đồng thu âm quốc tế.

Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng một cái gì đó đã mất tích trong cuộc sống của cô. Sau khi tham dự một cuộc tĩnh tâm, cô quyết định từ bỏ mọi sự để chỉ hát cho Thiên Chúa thôi.

Celines Diaz tâm sự:

"Tôi đã dành riêng đời mình cho âm nhạc thế tục. Nhưng trong một buổi tĩnh tâm, cảm nghiệm của tôi với Thiên Chúa, với sự tha thứ và tình yêu của Ngài, rất tuyệt vời. Tôi phát hiện ra Chúa Giêsu vẫn sống động. Kể từ lúc đó, tôi muốn dành cho Chúa cuộc sống của tôi, âm nhạc của tôi."

Tiếng hát Celines Diaz một sớm một chiều tắt ngúm trên các sân khấu đời gây ngỡ ngàng cho nhiều người hâm mộ … và đặc biệt cho các bầu sô.

Nhưng hiện nay người ta gặp gỡ cô dễ hơn. Diaz và ban nhạc của cô lưu diễn trên khắp nước Mỹ và các nước Mỹ Châu La tinh, sử dụng lời bài hát và âm nhạc của mình để truyền bá Lời Chúa.

Celines Diaz cho biết thêm:

"Năm 2014, chúng tôi đang làm việc cật lực để tung ra album thứ hai của mình với tựa đề ‘Chúa luôn trung tín’. Chúng tôi rất vui , rất hạnh phúc để có thể chia sẻ tất cả mọi thứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi trong những năm qua. Chúng tôi muốn sử dụng âm nhạc để chia sẻ những hồng ân đó. "
 
Các Giám Mục Kenya ngỡ ngàng với Tổng thống Uhuru Kenyatta
Đặng Tự Do
16:05 03/05/2014
Tổng thống Uhuru Kenyatta ký luật hợp thức hóa chế độ đa thê.
Đau buồn và ngỡ ngàng là phản ứng của các Giám Mục Kenya hôm 29 tháng Tư sau khi Tổng thống Uhuru Kenyatta ký luật hợp thức hóa chế độ đa thê.

Trước những vận động ráo riết cho luật này, các Giám Mục Kenya đã phản ứng quyết liệt nhưng các ngài không thể ngờ là Tổng thống Uhuru Kenyatta, một tín hữu Công Giáo thực hành đạo, tuần nào cũng có mặt tại nhà thờ St. Austin lại đã thông qua dễ dàng luật này.

Chế độ đa thê "từ lâu đã là một thực tế văn hóa" trong các quốc gia Đông Phi, đặc biệt trong những nước người Hồi Giáo chiếm đa số. Nhưng Kenya là một trường hợp khác. Trong tổng số 45 triệu dân có tới 82.5% dân số là tín hữu Kitô (45% Tin Lành, Công Giáo 27%). Người Hồi Giáo chỉ chiếm 10% người Hồi giáo.

Luật mới cho phép một người đàn ông có quyền kết hôn với một số không giới hạn phụ nữ mà không cần sự đồng ý của người vợ thứ nhất.

Điều oái oăm theo CNN là các nhóm nữ quyền tại nước này đã lên tiếng ca ngợi luật mới!

Chế độ đa thê được hợp pháp hóa ở hơn 40 quốc gia, hầu hết là các quốc gia Hồi giáo
 
Tai nạn giao thông tại Hán Thành làm lo ngại cho Đại Hội Giới Trẻ Á Châu
Đặng Tự Do
08:19 03/05/2014
Chìm tầu
Xe điện ngầm đâm vào nhau
Lúc 3:30 chiều thứ Sáu ngày 2 tháng Năm, hai chiếc tầu điện ngầm đã tông vào nhau tại nhà ga Sangwangsimni ở phía Đông thủ đô Hán Thành làm khoảng 200 người bị thương. Hàng ngàn người đã được di tản khỏi hai chiếc tầu điện ngầm này.

Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết chính quyền đã chậm chạp trong việc thông báo cho những người sống sót phải làm gì, như trong vụ chìm phà.

Tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc đã xin lỗi về phản ứng chậm chạp trong vụ chìm phà xảy ra hôm 16 tháng Tư làm 226 người chết và 76 người mất tích. Chiếc phà chở 476 người trong đó có 325 học sinh trung học trên đường từ Incheon đến khu nghỉ mát ở đảo Jeju đã bị lật ngang trước khi chìm. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy chiếc tầu đã chở đến 3608 tấn trong khi trọng tải tối đa chỉ là 987 tấn.

Hôm thứ Sáu 2 tháng 5, chính quyền cho biết thợ lặn đang bị mệt mỏi và một số đã bị bệnh nặng vì ngâm trong nước lâu giờ.

Những người thợ lặn nói rằng dòng nước rất mạnh mẽ nên rất khó bơi mặc dù hiện nay có dây để hướng dẫn họ vào trong con tàu.

Trong khi đó, một video ghi âm tìm thấy trên điện thoại di động của một cậu bé 17 tuổi đã chết cho thấy em và bạn bè của mình vẫn cười đùa khi con tàu bắt đầu bị lật , không biết nó sẽ chìm. Phi hành đoàn của con tàu đã nhiều lần sử dụng loa phóng thanh để bảo hành khách ở yên trong cabin của mình. Thành ra, đến khi con tàu bị lật ngang, nhiều người đã bị mắc kẹt trong cabin của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm nước này nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Á Châu diễn ra từ 13 đến 18 tháng 8 tại Daejeon.
 
Đức Thánh Cha cổ võ Giáo hội tại Sri Lanka tiếp tục đối thoại và hòa giải
LM. Trần Đức Anh OP
09:51 03/05/2014
VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ Giáo Hội tại Sri Lanka tiếp tục dấn thân trong hành trình đối thoại và hòa giải đất nước sau cuộc nội chiến đau thương.

Sáng ngày 3-5-2014 Ngài đã tiếp kiến 14 GM thuộc HĐGM Sri Lanka, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Chủ tịch Malcolm Ranjith, TGM giáo phận thủ đô Colombo.

Trong bài huấn dụ trao cho các vị tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến ơn gọi của Kitô hữu là trở thành men giữa lòng nhân loại, công bố và mang ơn cứu độ của Chúa vào thế giới, thường bị hoang hoang mất hướng đi và cần được khích lệ (Evangelii Gaudium 114). Ngài nhận xét rằng: ”Sri Lanka đang đặc biệt cần men ấy. Sau nhiều năm xung đột và đổ máu, chiến tranh đã chấm dứt tại đất nước anh em và bình minh hy vọng mới đang ló rạng.. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thăng tiến hòa giải, tôn trọng nhân quyền của mọi người và khắc phục những căng thẳng về chủng tộc còn tồn đọng.”

Cùng với các GM Sri Lanka, ĐTC khẳng định rằng ”các tín hữu Công Giáo tại nước này muốn cùng với mọi thành phần khác trong xã hội, góp phần vào việc hòa giải và tái thiết. Sự đóng góp này là thăng tiến tình đoàn kết và hiệp nhất.. Giáo Hội ở một vị thế đặc biệt có thể mang lại một hình ảnh sống động về sự hiệp nhất trong đức tin, với các tín hữu thuộc sắc tộc Singalais và Tamil trong các cộng đoàn của mình. Trong các giáo xứ và trường học, trong các chương trình xã hội và các tổ chức khác của Giáo Hội, người Singalais và Tamil có những cơ hội sống, học hành, làm việc và thờ phượng chung”.

ĐTC cũng khích lệ các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội như một đóng góp quan trọng cho sự tái phát triển... Giáo Hội tại Sri Lanka cũng quảng đại phục vụ trong các lãnh vực giáo dục, săn sóc sức khỏe, nâng đỡ người nghèo.. Sứ vụ của anh em và các hoạt động nâng đỡ người nghèo phải bao gồm mọi thành phần trong xã hội, vì ”không thể loại trừ bạo lực, bao lâu còn có tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội và giữa con người với nhau” (Evangelii Gaudium 59).

Trong bài huấn dụ, ĐTC cổ võ việc đối thoại liên tôn và đại kết, thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín đồ các tôn giáo và giữa các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, và làm cho nhau được phong phú. ĐTC viết” ”Giáo Hội tại Sri Lanka phải kiên trì trong việc tìm kiếm những người đối tác phục vụ hòa bình và đối thoại. Những hành vi dọa nạt, cũng xảy ra đối với Cộng đồng Công Giáo càng thúc đẩy anh em phải củng cố dân chúng trong niềm tin của họ”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các GM Sri Lanka tích cực nâng đỡ hàng giáo sĩ và tu sĩ, cũng như đẩy mạnh việc săn sóc mục vụ cho các gia đình. Ngài viết: ”Khi nâng đỡ tình yêu và lòng chung thủy của vợ chồng với nhau, chúng ta giúp các tín hữu sống ơn gọi của họ trong tự do và vui tươi và chúng ta mở ra cho các thế hệ mới sự sống của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Những cố gắng của anh em trong việc nâng đỡ gia đình không những trợ giúp Giáo Hội, nhưng còn giúp đỡ xã hội Sri Lanka nói chung, đặc biệt là những cố gắng hòa giải và hiệp nhất”.
Sri Lanka hiện có hơn 20 triệu dân cư, trong đó 70% là tín hữu Phật giáo; 9% là Kitô hữu trong đó có 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo (SD 3-5-2014)
 
Đức Thánh Cha tiếp 7 ngàn thành viên Công Giáo tiến hành Italia
LM. Trần Đức Anh OP
09:51 03/05/2014
VATICAN. ĐTC khuyến kích các thành viên phong trào Công Giáo tiến hành Italia gia tăng tinh thần và lối sống truyền giáo, mang lại niềm hăng say và nghị lực cho những giáo xứ cảm thấy mệt mỏi và khép kín.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến trưa ngày 3-5-2014 tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 7 ngàn thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành tham dự Đại Hội toàn quốc lần thứ 15 từ ngày 30-4 đến 3-5-2014 với chủ đề ”Những con người mới trong Chúa Giêsu Kitô, đồng trách nhiệm về niềm vui sống”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM, Đức Cha Mansueto Bianchi, tân tổng tuyên úy, các vị chủ tịch Công Giáo tiến hành giáo xứ và các LM tuyên úy.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhận xét rằng chủ đề đại hội toàn quốc lần này của Phong trào Công Giáo Tiến hành Italia rất phù hợp với mùa Phục Sinh. Đó là niềm vui của các môn đệ trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh, và đòi phải được nội tâm hóa, trong một lối sống truyền giáo, có khả năng ảnh hướng trên cuộc sống. Trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội hiện nay, các giáo dân thành viên Công Giáo tiến hành được mời gọi canh tân chọn lựa truyền giáo, cởi mở đối với những chân trời mà Chúa Thánh Linh chỉ cho Giáo Hội và biểu lộ một sự trẻ trung mới mẻ trong việc tông đồ giáo dân. ĐTC nhấn mạnh rằng ”Nhất là các giáo xứ, đặc biệt là những giáo xứ bị mệt mỏi và khép kín, đang cần lòng hăng say tông đồ của anh chị em, cần thái độ hoàn toàn sẵn sàng của anh chị em và việc phục vụ với tinh thần sáng tạo”.

ĐTC cũng chỉ dẫn cho Phong trào Công Giáo tiến hành hướng đi được tóm gọn trong 3 động từ: ở lại, ra đi và vui mừng.

- Trước tiên là ở lại. ”Tôi mời gọi anh chị em hãy ở với Chúa Giêsu, vui hưởng sự đồng hành của Chúa. Để loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô, trước tiên cần ở lại gần Chúa.”

- Tiếp đến là ra đi. Ra đi trên các nẻo đường thành thị và đất nước để loan báo Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô đã tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha, và nhờ đó đời sống chúng ta được biến đổi: chúng ta có thể sống với nhau như anh chị em, mang trong mình một niềm hy vọng không làm thất vọng”.

- Sau cùng là vui mừng. ”Luôn hân hoan vui mừng trong Chúa. Là những người ca mừng sự sống, ca hát niềm tin, có khả năng nhìn nhận những tài năng và những giới hạn của mình, biết nhận ra trong ngày, kể cả những ngày đen tối nhất, những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Vui mừng vì Chúa đã gọi anh chị em thành những người đồng trách nhiệm về sứ mạng Giáo Hội của Chúa. Vui mừng vì trong hành trình này, anh chị em không lẻ loi, nhưng có Chúa tháp tùng anh chị em (SD 3-5-2014)
 
Chính quyền Trung Quốc phá hủy ngôi thánh đường lớn ở Ôn Châu
Nguyễn Long Thao
10:56 03/05/2014
Tin của CNN cho biết một ngôi thánh đường lớn ở Ôn Châu Trung Quốc đã bị chính quyền dùng xe ủi đất phá bình điạ trong ngày Thứ Hai 1 tháng 5 năm 2014. Ôn Châu là một thành phố ven biển có biệt danh là " Jerusalem của phương Đông" vì có đông người Kitô giáo cư ngụ tại đây.

Thánh đường bi phá hủy đã được xây dựng trong 12 năm và tốn vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ. Ban đầu chính quyền cho phép xây dựng ngôi thánh đường này và tháng Chín năm 2013 chính quyền địa phương còn ca ngợi ngôi thánh đường này là một mô hình kiến trúc tân kỳ

Khi cho lệnh phá hủy ngôi thánh đường, chính quyền cho rằng kiến trúc thánh đường đã to hơn gấp bốn lần diện tích cho phép. Tuy nhiên các người Thiên Chúa Giáo ở đây lại cho rằng chính quyền muốn giới hạn ảnh hưởng người Thiên Chúa Giáo vì số người tin ở Thiên Chúa đã tăng vọt trong những năm vừa qua. Số giáo dân chiếm 15% trong tổng số dân cư của thành phố.

Năm quan chức chính quyền địa phương liên quan đến việc trước đây đã cho phép xây dựng nhà thờ đang bị điều tra và một người đã bị bắt

Các tín hữu lo rằng việc phá huỷ nhà thờ có thể là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang muốn giới hạn Kitô giáo ở Trung Quốc.. Tỉnh Uỷ Chiết Giang đến thăm Ôn Châu và Hàng Châu đã phát biểu rằng chính quyền địa phương đã quá dễ dàng cho phép xây dựng thánh đường.

Theo tin của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số người theo Thiên Chúa Giáo tại Trung Quốc là 67 triệu người vào năm 2010, đứng hàng thứ hai sau Phi Luật Tân ở Châu Á.
 
Top Stories
Pontifical Commission for the Protection of Minors concludes first meeting
Vatican Radio
09:17 03/05/2014
2014-05-03 Vatican - The members of the Pontifical Commission for the Protection of Minors held their inaugural meeting May 1-3 at Domus Santa Marta in Vatican City. As was previously announced, the purpose of the meeting was to make recommendations to the Holy Father regarding the Commission’s functions and to propose additional members from different parts of the world. The members who took part in the meeting are Catherine Bonnet, France; Marie Collins, Ireland; Sheila Baroness Hollins, United Kingdom; Cardina lSeán Patrick O'Malley O.F.M. Cap., United States; Claudio Papale, Italy; Hanna Suchocka, Poland; Humberto Miguel Yáñez, S.J., Argentina; and Hans Zollner, S.J., Germany.

At the end of the meeting, during a Briefing at the Holy See Press Office, the following statement was issued on behalf of the Commission:

“As we begin our service together, we wish to express our heartfelt solidarity with all victims/survivors of sexual abuse as children and vulnerable adults and to share that, from the very beginning of our work, we have adopted the principle that the best interests of a child or vulnerable adult are primary when any decision is made.During our meetings, each of us have been able to share our thoughts, experiences, and our aspirations for this Pontifical Commission. Responding to our Holy Father’s requests, these discussions focused on the Commission’s nature and purpose and on expanding the membership to include people from other geographical areas and other areas of expertise. Our conversations included many proposals for ways in which the Commission might collaborate with experts from different areas related to safeguarding children and vulnerable adults. We also met with some people from the Roman Curia regarding areas for future cooperation, including representatives from the Secretariat of State, the Congregation for the Doctrine of the Faith, the Congregation for the Clergy, the Vatican Press Office, and the Vatican Gendarmerie.

As an advisory commission to the Holy Father, the fruit of our work will be communicated to Pope Francis. In time, we will propose initiatives to encourage local responsibility around the world and the mutual sharing of “best practices” for the protection of all minors, including programs for training, education, formation, and responses to abuse. We have also shared with Pope Francis how important certain areas are to us in our future work. We see ensuring accountability in the Church as especially important, including developing means for effective and transparent protocols and processes.

We will propose Statutes to the Holy Father to express more precisely the Commission’s nature, structure, activity, and the goals. It is clear, for example, that the Commission will not deal with individual cases of abuse, but we can make recommendations regarding policies for assuring accountability and best practice. In the Statutes, we plan to make specific proposals regarding the importance of emphasizing ways for raising the awareness of all people regarding the tragic consequences of sexual abuse and of the devastating consequences of not listening, not reporting suspicion of abuse, and failing to support victims/survivors and their families.

As the Catholic people make our parishes, schools, and institutions safe for all children, we join with people of good will in our endeavour to ensure that children and vulnerable adults are protected from abuse. We request the prayers of all who wish to support the work of the Commission.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney tĩnh tâm
Diệp Hải Dung
08:41 03/05/2014
Sáng thứ Bảy 03/05/2014 các hội viên Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Tổng Giáo Phận Sydney đã đến Hội trường nhà thờ St. Luke Revesby Sydney tham dự buổi tĩnh tâm thường niên. Khai mạc buổi tĩnh tâm, Cha Phêrô Đặng Đình Nên Linh hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney chào mừng quý Hội viên đồng thời Cha giới thiệu Cha Remy Bùi Sơn Lâm Chính xứ Liverpool đến giảng thuyết với đề tài “ Mẹ Maria và Đời Sống Tín Hữu”

Hình ảnh

Cha Bùi Sơn Lâm đã trích dẫn trong Tin Mừng nói về Đức Mẹ Maria được Sứ Thần truyền tin và mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần và thiên chức làm mẹ của Đức Mẹ bắt đầu từ hai tiếng “Xin Vâng” Mẹ không những sống với đời sống Đức Tin trong niềm phó thác mà nếp sống của Đức Mẹ rất là hoàn mỹ thánh thiện. Cha cũng kể những mẫu truyện trong thực tế áp dụng môi trường sống hiện tại bây giờ để nói lên những ưu tư của các bà mẹ Công Giáo Việt Nam. Đặc biệt Cha nêu cao vai trò của Đức Mẹ để các bà mẹ học hỏi và noi gương theo Đức Mẹ.

Sau giờ dùng cơm trưa, Cha đưa ra những câu hỏi để các chị em hội viên chia sẻ hoặc nêu những thắc mắc và sau đó quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ. Trong bài giảng Thánh lễ. Cha Bùi Sơn Lâm nói về các ông như Philiphê, Giacôbê v..v.. là những người có kinh nghiệm ở lại chia sẻ đời sống và học hỏi nơi Chúa KiTô và trở nên Môn Đệ Chúa KiTô. Các ông đã trở thành khí cụ của Chúa KiTô truyền bá Tin Mừng cho mọi người. Các chị em Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cũng vậy và qua những biến cố của đời mình, qua những giờ kinh nguyện, qua những giờ thao thức của cuộc đời mình để mà kiếm gặp Chúa Giêsu KiTô…

Kết thúc bài giảng. Chị Hội Trưởng Hà Trí Tri tuyên đọc danh sách 10 chị em Tân Hội Viên lên trước bàn thờ với nghi thức tuyên hứa gia nhập Hội.

Truớc khi Thánh lễ kết thúc, chị Huỳnh Kim Phượng Hội Phó ngỏ lời cám ơn Cha Remy Bùi Sơn Lâm đã giúp thuyết giảng cho Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney với đề tài rất phong phú và hữu ích giúp cho các chị em trong Hội có thêm đời sống Đức Tin vững hơn. Chị cũng cám ơn Cha Linh hướng, qúy vị ân nhân và mọi người đã hy sinh dành nhiều thời giờ quý báu đã đến đây tham dự ngày tĩnh tâm.

Thánh lễ kết thúc qúy Cha trao tặng qùa lưu niệm cho các chị em trong Hội và kết thúc bế mạc.
 
Văn Hóa
Paraguay - Dư âm Mùa Phục Sinh
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
16:29 03/05/2014
PARAGUAY – DƯ ÂM MÙA PHỤC SINH 2014

Dư âm ngày Phong Thánh và Mùa Phục Sinh

Tuần Thánh đã qua và Tuần Bát Nhật Phục Sinh cũng vừa chấm dứt với Lễ Phong Thánh của hai vị Giáo Hoàng thời đại Gioan XXIII và Gioan Phaolo II vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh trùng với lễ Lòng Chúa Thương Xót là một dịp để cả thế giới nhận ra tầm quan trọng đặt biệt của những giá trị tâm linh mà những người vô thần không muốn chấp nhận. Tuy nhiên đối vời người có đức tin thì thì mầu nhiệm khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su vẫn chưa dừng ở đây. Chính mầu nhiệm này đã hiệp nhất với thân phận con người chúng ta vì chúng ta vẫn tiếp tục đau khổ, chết đi và sống lại mỗi ngày trong cuộc sống lữ hành trên trần gian này.

Nếu chúng ta quan sát dịp lễ Phong Thánh của Hai Tân Hiển Thánh Giáo Hoàng hiện đại vào Chúa Nhật 27/4 vừa rồi tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, chúng ta sẽ nhận thấy có hàng triệu tín hữu hành hương và cả trăm phái đoàn ngoại giao của các quốc gia mà phần lớn do các nguyên thủ quốc gia dẫn đầu dù nhiều người trong số họ không phải là Công Giáo thì chúng ta mới cảm nhận được. Một trong các nguyên thủ quốc gia có tầm cỡ thế giới là Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra một tuyên bố nhân dịp này, tuyên bố có đoạn: “Hôm nay, Michelle và tôi cùng với các tín hữu Công Giáo trên khắp thế giới mừng lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Công việc và đời sống của các ngài không những thay đổi Giáo Hội Công Giáo mà còn thay đổi cả thế giới.” (UCAN 01.05.2014/ Vatican Insider/La Stampa).

Thật vậy, Thiên Chúa luôn yêu thương và quan tâm đến con người dù đôi lúc con người ngoảnh mặt đi. Thế kỷ XX và XXI có nhiều biến chuyển tích cực lẫn tiêu cực về đời sống tâm linh lẫn khoa học. Thiên Chúa đã gởi đến nhiều nhân chứng sống mà trong đó 2 vị Giáo Hoàng vừa mới được Tuyên Thánh là những bằng chứng hung hồn chó thấy Chúa vẫn luôn ở với dân Người.

Người Công Giáo Paraguay những năm gần đây có những thay đổi đáng kể về mặt tâm linh dù sau cú sốc lớn do một vị giám mục và nhiều linh mục đã cởi áo nhà tu tham gia vào đời sống chính trị đã làm mất đi tính thánh thiêng mà đến nay vẫn còn để lại trong tâm trí họ những vết thương tâm linh. Trong Mùa Chay và Tuần Thánh, họ bắt đầu có thói quen xưng tội và tham dự các nghi thức dù thời tiết lúc này mưa nắng thất thường. Chúng tôi nhận thấy người dân ở đây còn rất Công Giáo, nghĩa là họ biết kính sợ Chúa và tôn trọng các Nơi Thánh là các Nhà Thờ, Nhà Nguyện. Bất cứ một sự xúc phạm nào đến những nơi Thánh Thiêng ấy là họ sẵn sàng lên tiếng và bảo vệ cho đến cùng. Ngày lễ Vọng Phục Sinh và lễ Lòng Chúa Thương Xót, người dân ở đây tham dự rất tích cực và trang nghiêm vì họ nhận ra rằng học là những người tội lỗi cần được sự thương xót của Chúa như Ngài đã hứa với thánh nữ Faustina. Trong ngày lễ Phong Thánh của hai vị Giáo Hoàng mà một trong số đó là Thánh Gioan Phaolo II đã từng đặt chân đến quốc gia nhỏ bé ít dân này vào năm 1988 để Phong Thánh cho các thánh tử đạo ở Paraguay. Thật là một điều hãnh diện vì tuy là quốc gia chỉ hơn 7 triệu dân nhưng là một quốc gia dân chủ, tự do thật sự và có thể ngẩng cao đầu vì họ không hề sợ những áp lực từ các nước lớn, và vị nguyên thủ quốc gia đại diện cho người dân dám nói thay cho người dân những nguyện vọng chính đáng với các nguyên thủ quốc tế mà không hệ sợ một phe phái nào trù dập. Nghĩ đến đây mình hơi buồn… 5 phút cho nước mình.

Dư âm kỳ tĩnh tâm năm

Mọi năm cứ sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh thì chúng tôi có kỳ tĩnh tâm năm để anh em có dịp gặp gỡ nhau, nghỉ ngơi và nhất là sống kinh nghiệm tâm linh với Chúa Phục Sinh.

Kỳ Tĩnh Tâm năm nay trùng vào những ngày cuối tháng 4 và đầu thánh 5 nên số anh em tham dự Tĩnh Tâm có ít đi do các anh em linh mục phụ trách giáo xứ lo lễ bổn mạng xư ngày 1.5. Tuy nhiên kỳ tĩnh tâm vẫn diễn ra rất ấm cúng và sốt sắng.

Vị giảng phòng năm nay là một linh mục Dòng Tên người Paraguay chuẩn bị bước qua tuổi 60 nên có khá nhiều kinh nghiệm trong đời tu và mục vụ truyền giáo. Ngài đã giúp an hem chúng tôi sống lại kinh nghiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su trong Mùa Phục Sinh và theo phương pháp linh thao, chúng tôi có những giờ thuyết trình mỗi ngày, những giây phút thinh lặng gặp gỡ Chúa trong những giờ Chầu Thánh Thể, xưng tội, gặp gỡ cá nhân và Thánh Lễ. Chính những giây phút này đã giúp chúng tôi lắng đọng để nhìn lại mình sau những tháng ngày mục vụ với những lo lắng, những căng thẳng, những bon chen của đời thường.

Trong một thánh lễ của tuần tĩnh tâm, một linh mục đàn anh người Ba Lan, quê hương với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lo II, vừa tròn 81 tuổi và đã làm việc ở Paraguay từ năm 1968 khi Paraguay còn trong chế độ độc tài và phương tiện di chuyển lúc đó để đến các giáo điểm truyền giáo là ngựa. Ngài đã tâm sự những niềm vui và nỗi buồn trong đời truyền giáo mà ngài đã gặp là vào lúc ấy khi ngài hãy còn trẻ, một hôm có người xin ngài đi xức dầu cho một bà cụ sắp lìa đời. Vội vã lên ngựa để đến với bệnh nhân trên một triền núi, đến nơi thì ngài biết là bệnh nhân còn tỉnh táo và trước khi ngài xức dầu thì đã hỏi bà lão đã được rửa tội chưa vì đó là nơi hoang vắng, bà nói đã được một người Legio rửa tội. Ngài hỏi tiếp là có bao giờ rước Mình Thánh Chúa chưa, bà nói rằng chưa bao giờ. Vị linh mục liền nói với bà tầm quan trọng của việc rước Mình Thánh Chúa, sau đó giải tội và xức dầu trước khi trao Mình Thánh Chúa cho bà và mấy ngày sau bà qua đời. Ngài nói lần đầu tiên trong đời truyền giáo ngài đã cho một bà cụ hơn 80 tuổi Rước Chúa lần đầu trên giường bệnh và kỷ niệm đó ngài không bao giờ quên. Một kỷ niệm khác nữa là trong một lần người ta mời ngài đến giảng tĩnh tâm cho một nhóm những người cao tuổi. Ngài là một người tính tình rất khó và nghiêm khắc. Vừa đến nơi thì có một người trạc khoảng 60 tuổi đến xin ngài giải tội, ngài hơi bực mình nhưng cũng bình tĩnh lại và hỏi lần xưng tội cuối cùng của ông là khi nào. Ông ta trả lời là cách đây 50 năm khi ông ta rước Chúa Lần Đầu đến giờ chưa xưng tội lần nào nữa. Bình thường thì vị linh mục này sẽ la mắng nhưng tự nhiên lúc ấy ngài lại ôm chầm hối nhân và bắt đầu giải tội. Ngài nói chính Chúa ban cho ngài một sự kiên nhẫn và yêu thương qua bí tích hòa giải vì nếu lúc đó ngài la mắng thì không biết bao giờ hối nhân này có thể thay đổi. Tuy nhiên ngài cũng chia sẻ một kinh nghiệm buồn trong đời mục vụ là có một lần một linh mục triều mời ngài đến giúp một tuần lễ trong khi linh mục này đi vắng. Khi ngài đến giáo xứ thì người phụ trách nhà xứ từng có thành kiến với ngài đã không cho vào và còn nhục mạ ngài. Ngài cảm thấy thật buồn vì còn có những phần tử không tốt và nhiều thành kiến khiến khó có thể có sự hiệp thông trọn vẹn. Ngài phải liên lạc với cha xứ đã mời ngài thì mọi sự mới được giải quyết.

Sau những này trong Tuần Thánh thì chúng tôi phải trải qua một cuộc giải phẩu và phải nằm một ngày trong phòng hồi sức. Không hiểu tại sao cảm giác lần này khi nằm trong phòng phẩu thuật và sau đó là phòng hồi sức lại có cảm giác sợ. Có lẽ do nghĩ về một linh mục bạn thuộc Dòng Đaminh bên này chỉ vì mổ ruột thừa đơn giản mà do chích nầm thuốc đã tử vong. Tuy nhiên khi mổ xong bác sĩ cho về nhà nghỉ ngơi và có thể tham dự tĩnh tâm tốt vì tĩnh tâm cũng là dịp nghỉ ngơi.

Kỳ tĩnh tâm lần này các anh em cùng Dòng Việt Nam mới qua cũng tham dự dù anh em chưa hiểu nhiều do hạn chế về ngôn ngữ. Anh em tâm sự là cảm thấy thoải mái và không bị gò bó như những lần tĩnh tâm ở Việt Nam. Cha giảng phòng đã chốt lại trong ngày cuối tĩnh tâm là Giáo Hội ngày nay không chỉ cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ nhưng cầu cầu nguyện cho có thêm nhiều chứng nhân và những vị mục tử kinh nghiệm về Thiên Chúa và biết lắng nghe và dám “sờ chiên” vì nếu họ không biết lắng nghe những người họ đang phục vụ thì cũng chẳng biết nghe Thiên Chúa.

Paraguay, 3/5/2014- lễ thánh Philiphê và Gia-cô-bê Tông đồ,