Ngày 29-04-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:36 29/04/2015
DÂNG VUA ÁNH MẶT TRỜI
N2T

Nước Tống có một nông dân, kiến thức rất ít, suốt đời chỉ có làm một việc là tước đay để đun vào mùa đông.
Có một năm vào mùa xuân, anh ta đến thôn đông để làm ăn sinh sống, một mình phơi nắng dưới ánh mặt trời, thì cảm thấy rất làm ấm áp.
Sau khi trở về nhà thì nói với vợ là ánh mặt trời chiếu trên người thật là ấm áp, người khác có lẽ không biết, nếu đem dâng cho nhà vua, thì chắc chắn sẽ được thưởng lớn.
( Liệt tử )

Suy tư:
Mặt trời ngày nào cũng có, và trên cả địa cầu này ngày nào cũng có ánh sáng mặt trời, mây mù chỉ tạm thời che lấp nó, bóng đêm cũng tạm thời che lấp nó, nhưng nó vẫn hiện hữu, đó là chân lý.
Ân sủng của Thiên Chúa từng giây phút đổ xuống trong tâm hồn chúng ta, nhưng tội lỗi như bóng đêm, như mây mù che lấp ân sủng của Chúa, và có khi ngăn cản không cho ơn Chúa xuống trên chúng ta.
Chúng ta sống trong tình thương của Chúa mà chúng ta không biết, không khí để chúng ta thở, gió mát để chúng ta vui tươi, mưa để tưới đất thêm màu mỡ, mặt trời để ta hân hoan.v.v...và còn biết bao là ơn lành khác mà Thiên Chúa đã ban cho mà chúng ta không biết, chẳng hạn như anh nông dân vừa ít học đã tình cờ khám phá ra ánh mặt trời rất là ấm áp, có thể lấy để dâng tặng vua, thật là đơn sơ.
Tôi cũng có thể dùng ân sủng của Thiên Chúa như một món quà để dâng lại cho Chúa: kính mến Ngài và yêu thương anh chị em, đó chính là lòng biết ơn của tôi đối với Thiên Chúa vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:39 29/04/2015
N2T

17. Nếu con người không biết kinh sợ và yêu mến Thiên Chúa, bất kể anh gọi Ngài là gì, thì dứt khoác không thể gọi anh là người khôn ngoan.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Tình yêu hôn nhân là công trình tuyệt diệu của xã hội
Linh Tiến Khải
08:32 29/04/2015
Tuyệt tác công trình sáng tạo của Thiên Chúa là con người. Sự kiện người nam và người nữ yêu thương nhau trong hôn nhân khiến cho gia đình là tuyệt tác của xã hội. Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình, nhưng khi lấy nhau trong Chúa, họ được biến đổi thành dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư (4/29) hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói sau khi duyệt xét hai văn bản sách Sáng Thế liên quan tới chương trình ban đầu của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng giờ đây chúng ta trực tiếp hướng tới Chúa Giêsu. Ở phần đầu Phúc Âm của người thánh sử Gioan kể lại câu chuyện đám cưới làng Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-11). ĐTC giải thích sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tiệc cưới tại làng Cana như sau:

Chúa Giêsu không chỉ tham dự đám cưới đó, nhưng “cứu vãn buổi lễ” với phép lạ hóa nước thành rượu. Như thế, một trong các dấu lạ đầu tiên, qua đó Chúa Giêsu vén mở vinh quang của mình, Người đã làm trong bối cảnh của một hôn nhân, và đó đã là một cử chỉ thiện cảm lớn đối với gia đình đang nảy sinh, nhờ sự can thiệp sốt sắng ân cần hiền mẫu của Mẹ Maria. Và điều này khiến chúng ta nhớ tới sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa kết thúc công trình sáng tạo và làm ra tuyệt tác của Người, tuyệt tác người nam và người nữ. Và chính ở đây Chúa Giêsu bắt đầu các phép lạ của Người với tuyệt tác này, trong một hôn nhân, trong một lễ cưới: một người nam và một người nữ. Như thế Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết rằng tuyệt tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau. Đó là tuyệt tác!

Từ thời đám cưới tại làng Cana, biết bao nhiêu điều đã thay đổi, nhưng “dấu chỉ” ấy của Chúa Kitô chứa đựng một sứ điệp luôn luôn có giá trị. Ngày nay khó mà nói tới hôn nhân như là một ngày lễ, được canh tân trong thời gian trong các mùa khác nhau của toàn cuộc sống của các đôi vợ chồng. Có một sự kiện đó là càng ngày người ta càng ít lấy nhau. Đây là một sự kiện: người trẻ không muốn lấy nhau. Trong nhiều quốc gia trái lại, số ly thân gia tăng trong khi số sinh giảm sút. Sự khó khăn sống với nhau như là vợ chồng, như là gia đình đưa tới chỗ bẻ gẫy các mối dây ngày càng thường xuyên và mau chóng hơn, và chính con cái là những người đầu tiên phải gánh chịu các hậu quả của nó. Chúng ta hãy nghĩ rằng các nạn nhân đầu tiên, các nạn nhân quan trọng nhất, các nạn nhân đau khổ nhất trong một cuộc ly thân là con cái.

Nếu ngay từ khi còn bé người ta sống kinh nghiệm hôn nhân là một mối dây “ràng buộc một thời gian” xác định, thì trong tiềm thức nó sẽ là như thế đối với bạn. Thật thế, nhiều người trẻ bị dẫn đưa tới chỗ khước từ chính dự án của một mối dây cột buộc không thể hủy bỏ và một gia đình lâu bền. Tôi tin rằng chúng ta phải suy tư nghiêm chỉnh về lý do tại sao biết bao nhiêu người trẻ không cảm thấy phải lấy nhau. Có một nền văn hóa tạm bợ… tất cả là tạm thời, xem ra không có cái gì là vĩnh viễn cả.

Người trẻ không muốn lấy nhau: đây là một trong các lo âu nổi bật ngày nay: tại sao người trẻ không lập gia đình? Tại sao họ thường thích việc sống chung và biết bao lần “có trách nhiệm hạn chế”? Tại sao cả các tín hữu đã được rửa tội, ít tin tưởng nơi hôn nhân và gia đình? Thật là quan trọng tìm hiểu điều này, nếu chúng ta muốn rằng giới trẻ có thể tìm ra con đường đúng đắn để đi theo. Tại sao họ không tin tưởng nơi gia đình?

Các khó khăn không có tính cách kinh tế, mặc dù chúng nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng sự thay đổi xảy ra trong các thập niên qua là do sự thoát ly của nữ giới gây ra. Nhưng lý do này cũng không có giá trị. Đó là một hình thức duy nam giới. Nhưng mà điều này cũng là một bất công. Không, không đúng như vậy! Nó là một hình thức của khuynh hướng duy nam giới, luôn muốn thống trị phụ nữ. Chúng ta xấu mặt như Ađam đã xấu mặt, khi Thiên Chúa hỏi: “Mà tại sao con lại ăn trái ấy?”, và ông trả lời: “Bà ấy đã đưa cho con”. Và lỗi là của đàn bà. Tội nghiệp đàn bà chưa! Chúng ta phải bệnh vực phụ nữ chứ!

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Thật ra hầu như mọi người nam và người nữ đều muốn có một sự an ninh tình yêu ổn định, một hôn nhân vững chắc và một gia đình hạnh phúc. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

Gia đình đứng hàng đầu tất cả các dấu chỉ ưa thích của người trẻ, nhưng vì sợ sai lầm, nhiều người cũng không muốn nghĩ tới nó. Tuy là các tín hữu kitô họ không nghĩ tới hôn nhân bí tích, dấu chỉ duy nhất và không lập lại được của giao ước, trở thành chứng tá đức tin. Có lẽ sự sợ hãi thất bại này là chướng ngại lớn lao nhất đối với việc tiếp nhận lời Chúa Kitô hứa ban ơn thánh của Người cho sự kết hiệp hôn nhân và gia đình.

Chứng tá thuyết phục nhất của việc làm phép hôn nhân kitô là cuộc sống tốt lành của các cặp vợ chồng kitô và gia đình. Không có cách thức nào tốt hơn để nói lên vẻ đẹp của bí tích. Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hiến giữ gìn mối dây ràng buộc đó giữa người nam và người nữ mà Thiên Chúa đã chúc lành ngay từ khi tạo dựng thế giới. Nó là suối nguồn của bình an và thiện ích cho toàn cuộc sống hôn nhân và gia đình. Thí dụ vào các thời gian đầu của Kitô giáo, phẩm giá lớn lao này của mối dây nối kết người nam và người nữ đã đánh bại một lạm dụng hồi đó được coi như bình thường, hay quyền của các người chồng rẫy vợ, kể cả với các lý do viện cớ và hạ nhục nhất. Phúc Âm của gia đình, Phúc Âm loan báo chính bí tích này đã đánh bại nền văn hóa quen rẫy vợ ấy.

Hạt giống kitô của sự bình đẳng giữa chồng vợ ngày nay phải đem lại các hoa trái mới. Chứng tá phẩm giá xã hội của hôn nhân sẽ thuyết phục chính nhờ con đường này, con đường của chứng tá lôi cuốn, con đường của sự tương giao giữa họ, của sự bổ túc giữa họ.

Vì thế, như là kitô hữu chúng ta phải đòi hỏi hơn đối với điều đó. Chẳng hạn như cương quyết nâng đỡ quyền thù lao bình đẳng đối với công việc làm như nhau. Tại sao người ta lại coi là chuyện đương nhiên sự kiện chị em phụ nữ bị trả lương ít hơn nam giới? Không! Phải cùng quyền lợi như nhau. Sự bất bình đẳng là một gương mù gương xấu! Đồng thời phải nhìn nhận chức làm mẹ của nữ giới và chức cha của nam giới, nhất là vì lợi ích của con cái. Cũng thế, nhân đức hiếu khách của các gia đình kitô ngày nay có tầm quan trọng định đoạt, đặc biệt trong các hoàn cảnh nghèo túng, tồi tệ và bạo lực gia đình.

Rồi ĐTC kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta không được sợ hãi mời Chúa Giêsu đến dự lễ cưới. Và chúng ta đừng sợ mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta, để Người ở với chúng ta và giữ gìn gia đình chúng ta. Và hãy mời cả Mẹ Maria Mẹ Người nữa! Khi lấy nhau trong Chúa, các kitô hữu được biến đổi thành một dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa. Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình nhưng lấy nhau trong Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội. Vẻ đẹp này của hôn nhân chúng ta sẽ đề cập đến trong lần tới.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ như Hoa Kỳ và Canada, cũng như các đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Ai Len, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước Bắc Âu như Thụy Điển. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu hay Á châu như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Philippines, hoặc từ xa hơn như Australia và các nước châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô, Costa Rica, Nicaragua, Uruguay, Chile và Brasil.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người cảm tạ Chúa vì chứng tá của biết bao nhiêu cặp vợ chồng tín thác nơi ơn Chúa ở lại trong bí tích hôn phối. Ngài xin mọi người hỗ trợ các cặp đính hôn bằng lời cầu nguyện, lời khuyên nhủ và sự trợ giúp, để họ có can đảm liều lĩnh tạo dựng một sự kết hiệp bất khả phân ly và xây dụng các gia đình hạnh phúc với phước lành của Chúa.

Ngài cũng chào đoàn hành hương Croat gồm tín hữu, các học sinh và giáo viên trường Công Giáo Sebenico do ĐC Ante Vas, GM sở tại hướng dẫn. Ngài xin họ hãy là các chứng nhân tươi vui của Chúa Giêsu.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Slovenia.

Chào các đoàn hành hương Italia ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh nữ Catarina thành Siena Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng Italia và Âu châu. Ngài mời mọi người vỗ tay mừng thánh Bổn Mạng. Ngài xin thánh nữ giúp người trẻ hiểu ý nghĩa cuộc sống cho Thiên Chúa; và cầu mong đức tin kiên cường của thánh nữ giúp các anh chị em đau yếu biết tín thác nơi Chúa trong những lúc khổ đau; và sức mạnh của thánh nữ đối với các kẻ quyền thế chỉ cho các đôi tân hôn các giá trị thật sự quan trọng trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo thảo luận chuyên đề ''Tâm lý và đặc tính của lứa tuổi học sinh ''
Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo
08:53 29/04/2015
HỌP MẶT THAM QUAN, SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ VÀ CHIA SẺ CỦA ĐẠI DIỆN NHÀ NỘI TRÚ CÁC DÒNG TU

"Một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt " (Victor Hugo)

Thật thế, để trang bị thêm cho kiến thức giáo dục, ngay từ 7 giờ sáng thứ bảy ngày 25 tháng 4 năm 2015 vừa qua, anh chị em tu sĩ coi sóc các nhà nội trú, các thầy cô giáo thuộc một số trường học chung quanh Sài gòn (có người ở tận Cà Mau) đã có mặt tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục, số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Tp. HCM, tham gia sinh hoạt chuyên đề giáo dục với chủ đề: Tâm lý và đặc tính của lứa tuổi học sinh sinh hoạt chuyên đề giáo dục với chủ đề: Tâm lý và đặc tính của lứa tuổi học sinh cấp I (từ 6 đến 10 tuổi) do Tiểu Ban Giáo Dục về Nội Trú thuộc Ban Sinh viên - Học sinh của Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo tổ chức. Buổi sinh hoạt giúp các tham dự viên thêm kiến thức cho sứ mạng đào tạo con người như nhà tâm lý Carl Jung đã nhận định: “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”.

Xem Hình

Chương trình làm việc gồm ba phần: Tham quan, Sinh hoạt chuyên đề và Hội thảo nhóm.

Đến 7g30, hơn 100 tham dự viên đã có mặt ở hội trường tầng 2 của Văn Phòng và bắt đầu sinh hoạt đầu tiên tham quan nhà nội trú Đức Minh do các sư huynh Lasan phụ trách. Mọi tham dự viên đi bộ sang đường Pasteur đến nhà Nội Trú.

Đây là nhà nội trú nam sinh cấp II nằm trong hẻm nhỏ giữa khu vực dân cư ngay sau nhà thờ Tân Định. Diện tích mặt cắt không nhiều, nhưng có nhiều tầng và được sắp xếp trật tự, đủ tiện nghi cho mọi nhu cầu sinh hoạt của một nhà nội trú: phòng học chung, phòng vi tính có nối mạng, thư viện, phòng ăn, nhà ngủ. Hai khu vực giải trí được đặt hai màn hình tivi lớn để học sinh có thể xem nhiều đài khác nhau cùng lúc.

Đặc biệt, học sinh được quản lý chặt chẽ bằng những phương tiện hiện đại: thẻ ra vào có mã số kiểm soát thông qua màn hình vi tính, nhiều camera an ninh phủ sóng các phòng. Các tham dự viên cũng được các sư huynh chia sẻ nhiều kinh nghiệm về cách tổ chức, quản lý và chăm sóc nam sinh ở lứa tuổi này… Giáo dục các em không chỉ dạy kiến thức nhưng toàn diện hơn như nhà giáo dục Uyliam Batơ Dit chia sẻ: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”.

Rời nhà nội trú Đức Minh, anh chị em tham dự viên trở lại hội trường lúc 8 giờ 30 và bước vào phần II là sinh hoạt chuyên đề: Tâm lý và đặc tính của các lứa tuổi học sinh cấp I do cha Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, thành viên Ủy Ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục, Đặc trách Ban Giáo dục Công Giáo của Tổng giáo phận Sài gòn thuyết trình. Cha Giuse là một nhà tâm lý học, trình bày bốn đặc điểm chính của tuổi học sinh tiểu học:

- Tuổi khủng hoảng đến trường.

- Tuổi mang hai nhu cầu căn bản: nhu cầu xã hội và nhu cầu hoạt động

- Một số nét tính cách tâm lý nổi trội: đa cảm, dễ xúc động, thích được khen ngợi, khích lệ của người lớn

- Các tật xấu thường gặp ở lứa tuổi tiểu học: Nói dối, ăn cắp vặt.

Cha Giuse bằng sự sâu sắc kiến thức của một nhà tâm lý và kinh nghiệm thực tế mục vụ đã phân tích và phát triển từng đặc điểm của tuổi mới cắp sách đến trường này:

1. Tuổi học sinh tiểu học - tuổi khủng hoảng đến trường: Là giai đoạn vượt ra khỏi môi trường ‘nhiều tình cảm” sang môi trường “vô tình”. Do chuyển tiếp từ môi trường học gắn liền với chơi (môi trường mẫu giáo: chơi là chính) sang môi trường (cắp sách đến trường) học là chính, với những đòi hỏi nghiêm ngặt. Cho nên, vị thuyết trình tâm lý nhấn mạnh các nhà giáo dục cần tập cho trẻ quen với những chế độ sinh hoạt, môi trường học tập ở nhà trường, đồng thời khơi dậy sự hãnh diện, niềm vui…

Vị thuyết trình viên lưu ý đến các nhà giáo dục thường hay “lạm quyền”:

• Sự thúc ép quá đáng của thầy cô giáo, cha mẹ đối với trẻ.

• Người lớn lẫn lộn trí nhớ và trí hiểu quá lạm dụng trí nhớ của trẻ.

• Định kiến của thầy cô giáo với cá nhân làm trẻ sợ hãi (phobie).

Cho nên, vì sự phát triển tự nhiên của trẻ, các nhà giáo dục cần sửa chữa trong việc dạy dỗ ở trường tiểu học và đồng hành nội trú với các em ở tuổi này…

2. Hai nhu cầu căn bản: Vị thuyết trình nhấn mạnh đến nhu cầu xã hội và nhu cầu hoạt động.

• Nhu cầu xã hội: Các em thích giao du với bạn bè cùng tuổi, không phân biệt giai cấp. Vì thế các em dễ bị lôi cuốn gia nhập băng nhóm xấu, bởi những bạn bè xấu, bạn bè cùng sở thích. Kế tiếp trẻ lứa tuổi này chỉ giao tiếp với những người lớn mà các em thấy vừa ý chúng, nhất là những người phiêu lưu, anh hùng, khoẻ mạnh. Cho nên, các em thích đọc truyện, xem phim anh hùng, phiêu lưu, trinh thám, bạo lực….

Vì thế, các vị trách nhiệm, phụ huynh thông qua việc giáo dục, làm việc, vui chơi...: Tạo ra những cơ hội để gần gũi với các em với tinh thần trẻ thơ. Biết cách gợi ý tổ chức cùng chơi, cùng làm với các em để kịp thời can thiệp giúp đỡ. Cũng như là cần kích thích mở rộng mối quan hệ của các em với bè bạn.

• Nhu cầu hoạt động: Vào tuổi này, độ tăng trưởng của các em đang rất dồi dào. Bên cạnh đó, các em cũng đang trải qua một cơn khủng hoảng về trí tuệ – khủng hoảng về ý thức cử động (idée motrice). Các em dễ hào hứng với những ý tưởng, kiến thức mới lạ. Câu hỏi “tại sao?” đã được chuyển sang câu hỏi “làm thế nào?”. Hơn nữa trẻ rất hiếu động, chúng chơi rất hăng say: Bên nam thích những trò chơi đối kháng, mang tính giao chiến và tranh đua giữa hai phe (kéo co, cướp cờ, đánh trận giả...). Đối với các em, thắng thua là việc rất quan trọng, nó nhằm mục đích tự khẳng định cá tính. Trẻ nữ cũng tương tự như thế, nhưng trò chơi nhẹ nhàng hơn (nhảy cò cò, đánh chuyền, nhảy dây, chơi ô quan...). Chơi chính là lao động của trẻ. Trong khi chơi, đứa trẻ học cách áp dụng và thực hành những khả năng của nó, dùng thời giờ phù hợp với năng lực và khả năng của nó, đắc thủ sự khéo léo và độc lập. Cấm trẻ em chơi là một tai hại cho đời sống tương lai của trẻ, vô tình đẩy trẻ vào tình trạng dồn nén, tạo nên những tình cảm rối loạn... Thích những trò chơi mạo hiểm, khám phá, mang tính tưởng tượng.

Chính vì những đặc tính của trẻ mà cha Giuse vừa trình bày, các vị trách nhiệm dùng trò chơi để giáo dục trẻ các đức tính: thành thật, tính kiên trì – rèn luyện tập quán kỹ thuật – tập thói quen làm việc – rèn luyện ý chí chinh phục, tự chủ…

3. Một số nét tâm lý khác của lứa tuổi tiểu học: mà các nhà giáo dục cần lưu ý là trẻ rất đa cảm, dễ xúc động. Cho nên bất cứ hành động thô bạo nào đối với các em, với các bạn, đối với thiên nhiên đều gây tổn thương nơi trẻ. Những câu chuyện quá thương tâm gợi lên cho các em lòng thương cảm nhưng cũng có thể âm thầm hình thành nên những tính hiếu chiến, hiếu sát, thích trả đũa, nhẫn tâm....trong vô thức.

Các nhà giáo dục cũng nên chú ý đến lứa tuổi các em rất hãnh diện khi được khen ngợi, khích lệ của người lớn những hình thức khen thưởng (hoa điểm 10, bảng danh dự, thăng cấp trong đoàn thiếu nhi thánh thể, kéo cờ,. ..) thúc đẩy sự thăng tiến rất nhiều nơi các em, đặc biệt sự trung tín.

4. Các tật xấu thường gặp: nói dối và ăn cắp vặt.

• Nói dối do: sợ – tưởng tượng (có ích vì báo trước một trí khôn) – khoe khoang.

• Ăn cắp vặt do: thiếu tình thương, thích bị lôi cuốn với những thứ đó, nhưng thường không có mưu mô, cho nên đừng đánh mắng trẻ nhưng phân tích cho chúng hiểu việc đó không tốt.

Biết đặc điểm tuổi của các em trong một hoàn cảnh xã hội luôn thay đổi, người mang sứ vụ đào tạo như Xukhomlinxki đã nói: “Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người”.

Gần 1h30 thuyết trình, vì đề tài thật hấp dẫn, lợi ích cho sứ vụ giáo dục và phụ trách nội trú cấp I, hơn nữa cha Giuse sâu sắc phân tích, dí dỏm, sinh động làm cho mọi tham dư viên cảm thấy quá ngắn, nhưng đã vượt quá giờ của chương trình, cha Giuse phải kết thúc thuyết trình chuyên đề khi lưu ý đến các nhà giáo dục hai điểm của tuổi tiểu học: ăn cắp không phải vì thiếu vật chất nhưng vì muốn được để ý và nói dối, nói dối vì tưởng tượng… Cho nên các nhà giáo dục không giải quyết bằng cái nhìn luân lý, nhưng với tinh thần nhìn nhận thực tế tâm lý của lứa tuổi, phải chăng như triết gia Socrates có gợi ý: "Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình"

Buổi thuyết trình khép lại lúc 10 giờ với giải lao, cũng là thời gian cho anh chị em tham dự viên có dịp gặp gỡ thăm hỏi nhau, biết nhau hơn… Sau đó Ban tổ chức chia làm 5 nhóm để thảo luận đề tài: “Những khó khăn thường gặp trong việc giáo dục hoặc quản lý lứa tuổi tiểu học”, các nhóm làm việc tại các phòng và hành lang của tầng III Văn phòng Hội đồng Giám mục…

Đúng 11g các nhóm báo cáo kết quả thảo luận, có rất nhiều khó khăn tùy theo hoàn cảnh của các nhà Nội tru, nhưng có ba điểm chung mà các nhóm thảo luận đều nói đến: Các em hay nói dối, hay ăn cắp, nhưng cái lo lắng nhất là vấn đề của giới tính: thích ghép đôi, bày tỏ tình cảm nam nữ…

Cha Giuse cùng trao đổi và hóa giải các khó khăn của tuổi tiểu học mà các vị đại diện vừa trình bày…

Theo chương trình dự định 11 giờ 00 là các tham dự viên cùng chia sẻ cơm trưa, nhưng các anh chị còn nhiều điều muốn trao đổi với nhau và xin cha Giuse trả lời những thắc mắc, hóa giải những vấn đề, phải đến gần 12 giờ mọi thành viên mới có thể rời hội trường đến phòng ăn ở lầu I. Trước khi dùng cơm, Ban tổ chức cám ơn cha Giuse Nguyễn Văn Sinh, quản lý Văn phòng Hội đồng Giám mục đã tạo mọi điều kiện cho Hội thảo chuyên đề hôm nay được thành công, ngài cũng bày tỏ là cửa Văn phòng luôn mở rộng để đón tiếp các anh chị em đến sinh hoạt. Cám ơn tấm lòng của cha quản lý. Với bữa cơm thân mật agapé, mọi người vừa chia sẻ cơm bánh vừa trao đổi kinh nghiệm sứ vụ giáo dục trong nhà nội trú.

Các tham dự viên rời tòa nhà văn phòng Hội đồng Giám mục vào lúc 13g, lòng anh chị em vẫn còn luống tiếc vì thời gian trôi qua đi nhanh mà mọi người còn muốn nghe, muốn trao đổi... Tuy nhiên ra các tham dự viên cũng rất vui vì ai cũng cảm thấy có thêm kinh nghiệm, thêm kiến thức cho sứ vụ đào tạo con người…

Quả thật như cha ông chúng ta dạy qua Tục ngữ Việt Nam: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" …

Ủy ban Giáo dục Công Giáo
 
Thăm nơi tổ chức Đại hội La Vang kỳ 2 của Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Melbourne.
Trần Văn Minh
19:33 29/04/2015
Melbourne, 30/4/2015, chỉ còn hai ngày nữa là Đại hội Thánh Mẫu La Vang TGP Melbourne Kỳ 2, với chủ đề Cùng Mẹ La Vang Đồng hành với Dân tộc Việt, khai mạc tại Trung tâm Công giáo Việt Nam Hoan Thiện hai ngày 2 và 3 Tháng Năm 2015.

Mời xem hình


Mặc dù đường xa, trời đã vào Thu Melbourne, trời tối nhanh và có chút lành lạnh, nhưng anh em chúng tôi thuộc nhóm phóng viên Dân Chúa Úc châu cũng đã đến địa điểm tổ chức đại lễ xem buổi tổng diễn tập cuối cùng trước khi diễn chính thức vào ngày khai mạc đại lễ.

Đến nơi, chúng tôi thấy các căn nhà bạt trắng đã được dựng, các thiện nguyện viên đang làm các công tác chung quanh khu vực sạnh sẽ, hàng ngàn ghế ngồi chất đống đang chờ di chuyển vào khu vực bên trong các nhà bạt và lau chùi bụi bặm. Các đoàn diễn cũng qua lại với những diễn viên đóng vai các đồng bào Miền Bắc di cư, áo nâu, quần đen và chít khăn mỏ qụa đang sửa y phục và trang điểm cho nhau.

Ngoài trước sân khấu, mấy Sơ đang chỉ cho các em thiếu nhi múa dâng hoa. Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long và ban mục vụ cộng đồng đều có mặt trực tiếp giải quyết mọi việc theo yêu cầu cho đại hội. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng đã sẵn sàng, màn ảnh lớn trên sân khấu đang được các thiện nguyện viên lắp ráp.

Nhân kỷ niệm 40 năm biến cố 30 Tháng 4 Năm 1975- 2015. Những màn diễn về lịch sử đất nước hơn 60 năm được diễn lại cảnh chia đôi đất nước Năm 1954 với hơn 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Gây chia lìa biết bao gia đình, sau đó là những cảnh thanh bình ở Miền Nam, rồi chiến tranh đã gây bao nhiêu tang thương, chết chóc! Cuối cùng, là cảnh Sài Gòn sụp đổ, cảnh sống khó khăn, đàn áp. Để dẩn đến một cuộc vượt biên đi tìm tự do với nước mắt, cướp bóc. Sau những ngày tháng cực khổ, Dân Việt trên khắp nơi đã thành đạt. Mọi sự mà mọi người có hôm nay đều nhờ vào ơn Mẹ che chở phù trì vì suốt cuộc hành trình dài, không lúc nào chúng ta không quên ngửa xin ơn Mẹ Maria thương cứu gíup. Các diễn viên đã thể hiện xuất sắc vai diễn của mình thật tuyệt.

Ngày đại hội gần kề, nhưng còn nhiều việc phải làm cho xong, các thiện nguyện viên từ khắp nơi trong cộng đồng, cùng Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, các vị trách nhiệm, đang ngày đêm hoàn tất các việc chuẩn bị. Mọi sự đã sẵn sàng, các yếu tố về địa lợi, nhân hòa có đủ chỉ còn thời tiết là cậy trông vào Mẹ Maria thương giúp cho ngày đại hội chúng con được tốt đẹp. Nhóm phóng viên Dân Chúa sẽ tường trình cùng sẽ gửi các hình ảnh để các nơi xa có thể theo dõi thông công cùng công đồng Công giáo việt Nam Melbourne.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
40 năm rồi Đảng phải rút cho dân hồi cư
Phạm Trần
21:17 29/04/2015
40 NĂM RỒI-ĐẢNG PHẢI RÚT CHO DÂN HỒI CƯ

Trong 40 năm cai trị cả nước Việt Nam từ sau ngày 30/04/1975, lần đầu tiên đã có những tiếng nói từ trong lòng chế độ lên án đảng phản bội dân tộc và buôn xương máu các chiến sỹ để được yên thân với Trung Quốc bá quyền.

Những người can đảm lên tiếng không ai khác hơn đã một thời chiến đấu dưới ngọn cờ đảng, từng là đảng viên, lão thành cách mạng và văn nghệ sỹ đã nằm gai nếm mật tại các chiến trường, có người từ thời chống Pháp.

Nhưng tại sao họ đã dứt khóat như thế mà không sợ bị trù dập, bắt tù ? Nhất là lại lên tiếng đúng vào dịp đảng ra sức tuyên truyền và tiêu phí tiền dân để che giấu tội hại nước, phản dân vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày được thêu dệt là “Đại thắng mùa Xuân 1975-Giải phóng miền Nam-Thống nhất đất nước” ?

Lý do vì, không riêng số người nổi tiếng này mà hàng triệu người dân trong và ngoài nước đều thấy rằng, sau 40 năm thử nghiệm mớ lý thuyết viển vông “Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” và làm “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” giở giăng giở đèn mà Việt Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít thì chế độ này phải bị thay thế, nhất là ngày càng để mất đất, mất biển vào tay láng giềng xấu bụng Trung Quốc.

GIẢI PHÓNG CÁI GÌ ?

Người đầu tiên phải kể là Nhạc sỹ nổi tiếng Tô Hải (tên thật là Tô Đình Hải, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927 tại Hà Nội, quê ở Tiền Hải - Thái Bình.

Ông gia nhập đảng Cộng sản từ năm 1949, tham gia kháng chiến chống Pháp và làm công tác văn nghệ ở Quân khu 4 và nhiều hoạt động văn nghệ và sáng tác theo hướng nhạc dân tộc và lọai nhạc gọi là “cách mạng”.

Tuy nhiên, sau năm 1975 một thời gian, Nhạc sỹ Tô Hải sống ở Sài Gòn đã phủ nhận gia tài sản âm nhạc đồ sộ của mình. Ông gọi chúng là “nhạc nô” rồi ông quyết định bỏ đảng để trở thành một Tín đồ đạo Cộng giáo ngày 25/5/2014.

Ông từng được suy tôn là “ nhà cách mạng lão thành” và nhận rất nhiều huân chương của Nhà Nước Cộng sản, trong đó có các Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Sau khi bỏ đảng, ông trao tập “Hồi ký của một thằng hèn” cho Nhà văn Uyên Thao, Giám đốc Nhà Xuất bản Tủ sách Tiếng Quê Hương ở Falls Church, Virginia (USA), xuất bản. Rất nhiều người đã tìm đọc cuốn hồi ký nổi tiếng của Nhạc sỹ Tô Hải.

Bình luận về tuyên truyền “Giải phóng miền Nam” nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày 30/04/1975, Nhạc sỹ Tô Hải chất vấn trong bài viết ngáy 23/04/2015:

-“ Giải phóng gì, hòa hợp gì mà cả triệu con người, đa số là trí thức của đối phương mà ông tướng Trà, trong lúc bốc nhằng lỡ nói với tướng Dương văn Minh rằng thì là: “Người Việt chúng ta không ai thắng thua, chỉ có đế quốc Mỹ là thất bại mà thôi” còn in nóng sốt trên khắp các báo… thì lập tức, ngay sau đó, có lệnh của “kẻ to hơn ông Trà” cho gom tất cả cán binh cao cấp bên thua trận, vào các trại cải tạo nơi thâm sơn cùng cốc để chết dần chết mòn vì… “học tập” hoặc có sống sót mà về thì cũng chỉ còn là những tấm thân tàn, ma dại nằm chờ chết? (ngay gia đình mình, “gia đình cách mệnh” như lời ông Trần văn Trà tuyên bố hẳn hoi mà cũng có người phải đi học tập đến cả 11 năm vì trót làm…trung tá – luật sư Tòa án Binh).

- Giải phóng gì hòa hợp gì mà nhà cửa, ruộng vườn, xưởng máy, xí nghiệp của bên “được giải phóng” đều rơi vào tay các ông cán bộ sử dụng cho đến tận ngày nay…

- Giải phóng gì, hòa hợp gì mà dân miền Bắc quanh năm xếp hàng kiếm mớ rau, miếng đậu phụ theo tem phiếu, bỗng… “giầu lên” nhờ “nhận họ nhận hàng” từ miền Nam bị Đế Quốc Mỹ kìm kẹp (!) chia xẻ cho cái xe máy, cái tủ lạnh, thậm chí ít “cây vàng” để cơi nới ngôi nhà đã quá sức chứa đến 3,4 thế hệ! Thế mà, chỉ một đêm, có lệnh của bác ĐM (chiến dịch Z 200 hay 500 gì đấy), đều bị “kiểm tra hành chính”, tịch thu tài sản không lý do, lý trấu gì xất!

(Chú thích của người viết bài này: ĐM là Đỗ Mười. Năm 1977 ông là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam)

- Giải phóng gì, hòa hợp gì mà cả nước bỗng trở thành… súc vật ăn bo bo tranh phần của ngựa, lừa nhưng vẫn phải hô to đảng ta vô cùng sáng suốt!

- Và đặc biệt vô nhị là giải phóng gì mà ba, bốn triệu người đều sợ hãi chạy suốt từ Bắc vô Nam rồi từ Việt Nam đi bất cứ nơi nào trên thế giới dù thân xác có làm mồi cho cá mập đại dương còn hơn là làm công dân của một chế độ, mà rồi đây con sẽ đấu cha, vợ đấu chồng, đồng chí đấu nhau, thậm chí bắn giết, chôn sống nhau để “đấu tranh này là trận cuối cùng”, để “bao lợi quyền ắt qua tay mình?!

Sau khi tự đặt các câu hỏi như thế, người Nhạc sỹ 88 tuổi có thời gian dài sống chết cho đảng đã gay gắt viết bằng chữ hoa như xiết từng chữ cho mọi người biết rõ thái độ của mình.

Ông viết: “ KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐƯỢC SỰ HÒA HỢP TRONG 90 TRIỆU CON HỒNG CHÁU LẠC NẾU NHỮNG KẺ CỘNG SẢN GÂY TỘI ÁC KHÔNG BỊ VẠCH TRẦN VÀ BỊ XÓA SỔ VĨNH VIỄN !”

LỪA DỐI VĨ ĐẠI

Người thứ hai, đồng đội của Nhạc sỹ Tô Hải là Nhà văn cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Phạm Đình Trọng phát biểu ngày 22/4/2015, ông viết:”Suốt 40 năm qua, hệ thống tuyên truyền khổng lồ của đảng CSVN (Cộng sản Việt Nam) cầm quyền đã ngốn quá nhiều tiền thuế của dân, tiền bán tài nguyên đất nước vào việc tự huyễn hoặc mình và lừa dối người dân về ngày 30 tháng tư năm 1975, ngày huy hoàng đại thắng, ngày vẻ vang thống nhất đất nước.

Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước” thực chất chỉ là cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt.”

Nhà văn vào đảng ngày 19/05/1970, đi lính thành sỹ quan để xâm nhập vào chiến trường Tây Nguyên miền Nam. Nhưng ông đã tự ý ra khỏi đảng ngày 20/1/2009, vì theo thư gửi Chi bộ quận Tân Bình (TpHCM), ông nói: “ Tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng.”

Ông Trọng nói thẳng với cái đảng một thời đã mê hoặc ông rằng: “ Ngay từ khi phát động cuộc nội chiến phi nghĩa núp bóng cuộc chiến tranh chính nghĩa “giải phóng miền Nam”, những người cộng sản đã vẽ ra con ngáo ộp “đế quốc Mĩ” hiếu chiến, tham tàn, man rợ hù dọa người dân, đã lôi “đế quốc Mĩ” vào tham chiến để biến cuộc nội chiến thành cuộc thánh chiến….”

Từ nhận thức mới này, Nhà văn vạch trần sự thật : “Nếu cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30. 4. 1975 là “Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” thì cuộc chiến tranh đó trước hết phải giải phóng người dân miền Nam khỏi sự nô dịch của đế quốc Mĩ như hệ thống tuyên giáo cộng sản vẫn ra rả tuyên truyền, để người dân miền Nam trở về với dân tộc Việt Nam yêu thương. Đất nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong tình cảm, ý chí người dân. 40 năm đã qua, sự thống nhất đó vẫn chưa hề có. Cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30. 4. 1975 chỉ giải phóng đất đai miền Nam để người thắng cuộc thâu tóm, thống trị cả nước, còn người dân miền Nam vẫn bị người thắng cuộc coi là thù địch. Chỉ là cuộc nội chiến, người Việt Cộng sản làm chiến tranh để tiêu diệt người Việt Cộng hòa. Người Việt Cộng hòa có may mắn thoát chết trong cuộc nội chiến khốc liệt, tàn bạo đó cũng bị loại bỏ khỏi sinh hoạt xã hội, trở thành những người tù không án, bị giam cầm mút mùa không thời hạn trong những nhà tù hà khắc.”

THẤT VỌNG TUYỆT CÙNG

Nhân chứng thứ ba đã bất mãn với đảng vì bị lừa dối từ khi còn tấm bé theo Cha, một Luật sư liệt sỹ kháng chiến chống Pháp vào bưng là Bà Nghệ sỹ Kim Chi.

Tên đầy đủ của Bà là Nguyễn Thị Kim Chi sinh ngày 15 tháng 6 năm 1943, tại Rạch Giá ( Kiên Giang). Bà theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1954 và được học trở thành diễn viên điện ảnh, đạo diễn và biên kịch.

Nghệ sỹ Kim Chi đã lặn lội ở chiến trường miền Nam trong 10 cùng đội Văn công Giải phóng và đã đóng nhiều bộ phim chiến tranh và tình cảm nổi tiếng.

Bà cũng là người được báo chí quốc tế chú ý sau khi bà công khai vào năm 2013 từ chối nạp hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Bà cho biết lý do từ chối vì, ông Nguyễn Tấn Dũng “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.”

Bà Kim Chi cũng đã tham gia nhiều cuộc xuống đường đòi dân chủ, tự do và ủng hộ dân oan chống cưỡng chế đất đai, đòi bồi thường công bằng. Bà luôn luôn sát cánh trong hàng ngũ trí thức và thanh niên tranh đấu cho quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng và chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam.

Như vậy, khi Bà lên tiếng chỉ trích và tố cáo đảng đã lừa dối nhân dân, phản bội xướng máu của những người Việt đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc chống quân Trung Cộng xâm lược thì hẳn nhiên không phải là chuyện bình thường.

Bà giãi bầy tâm trạng thất vọng của mình trong bài viết ngày 23/04/2015 vào dịp 40 năm ngày 30/04/1975 : “Mấy năm qua, mỗi lần 30/4 tôi mất hẳn trạng thái cảm giác hạnh phúc, tự hào như những năm trước đây. Tôi buồn vì niềm tin trong tôi hoàn toàn đổ vỡ. Nghĩ lại, nhận rõ và xác thực hơn: Những năm bom đạn ‘đi theo lý tưởng’ thì quả là “lớn rồi mà như ngây thơ”. Tôi cũng như biết bao đồng đội đã ‘ngây thơ’….”

“…Đúng thế, dần dần tôi nhận ra lời tuyên bố hùng hồn của đảng CS ngày ấy nay như không hồn! Những điều nói và làm khác biệt, làm ngược với nói như thế, dân Nam bộ chúng tôi đã đúc rút: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Thực tế đời sống chính trị-xã hội đã khác hoàn toàn những điều tôi hằng tâm niệm, một sự giả dối mà họ không dễ tự nhận biết, không dễ sám hối!...”

Rồi Bà kể ra tội lỗi của đảng: “Trong cương lĩnh đảng CSVN tuyên bố “người cày có ruộng”. Vì lẽ đó nên con em nông dân đi lính đông nhất khi đất nước có chiến tranh. Ở nông thôn miền Bắc VN đóng góp quá nhiều máu xương cho những cuộc chiến. Vậy mà cho đến hôm nay có rất nhiều gia đình vẫn đói nghèo vì bị cướp đất cho những dự án. Có còn xứ sở nào nhiều dân oan như ở VN không ? Hiến pháp VN không công nhận quyền tư hữu ruộng đất là cố tình để những nhóm lợi ích tước đoạt ruộng đất của nông dân….”

Đối với hành động lấn đất, chiếm biển Việt Nam của Trung Quốc, Bà gay gắt lên án: “Lãnh đạo VN sợ Trung Quốc đến nỗi cho đục bỏ cả tên tuổi của các chiến sĩ khắc trên bia đá ở biên giới. Tàn nhẫn hơn là mỗi lần anh em chúng tôi tố chức những cuộc tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma, ở Hoàng Sa, ở biên giới đều bị đám côn đồ và dư luận viên quấy phá, chửi bới tục tỉu. Mọi người đều thừa biết nếu không có đảng và công an đứng phía sau thì bố bảo bọn giặc ấy cũng không dám láo xược như thế.”

Vì vậy, đối với Nghệ sỹ người miền Nam như Kim Chi thì : “Đã 40 năm “ giải phóng miền Nam” nhưng với người miền Nam thì từ “ giải phóng” đầy mỉa mai. Miền Nam trước đây được biệt danh là “ hòn ngọc viễn đông”. Nhưng “ giải phóng” vô thì họ mất nhà cửa , tiền bạc. Rồi chồng con bị tù đầy…Mất tất cả nên hàng triệu người miền Nam buộc phải trở thành thuyền nhân. Đã hàng ngàn người chết trôi, làm mồi cho cá mập. Những kẻ chiến thắng đã cư xử với người thua cuộc tàn bạo một cách tiểu nhân. Khi nhân ra được sự tồi tệ này tôi thấy vô cùng đau đớn.”

Bà nói thẳng vào mặt lãnh đạo: “ Với tôi bây giờ 30/4 không phải là giải phóng miền Nam. Miền Nam trước đây là mơ ước của Thái Lan, của Singapore. Vậy mà bây giờ VN ta tụt sau họ hằng thế kỉ. Miền Nam là vựa lúa xuất khẩu đi các nước.Vậy mà sau 30/4 một thời gian thì các nhà lãnh đạo đã khiến cho cả nước phải ăn độn khoai, sắn, ngô. Cảnh cấm chợ ngăn sông ngày ấy đã dẫn tới cảnh thiếu từng con khô, chai nước mắm…

Bây giờ mỗi lần 30/4, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời.”

Nghệ sỹ nổi tiếng Kim Chi không ngại nhìn nhận Bà và những đồng đội người miền Nam của Bà đã “ngây thơ” nên bây giờ Bà mới đau buồn như thế.

Nhưng đâu phải chỉ có một mình Bà buồn mà nỗi buồn, nỗi oan khiên do người Cộng sản gây ra đã đổ lên đầu đại đa số trên 90 triệu dân, ngọai trừ những kẻ có chức có quyền và các nhóm lợi ích đang không ngừng tự mãn hưởng thụ trên xương máu của cả dân tộc.

Hãy nghe Đạo diễn điện ảnh Song Chi, người đã rời Việt Nam sống tị nạn chính trị ở Đan Mạch lên án: “Mỗi lần 30 tháng Tư về là một dịp để nhà cầm quyền tìm mọi cách nhắc nhở với người dân những “chiến công” lẫy lừng đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, thống nhất đất nước của đảng cộng sản. Khi thực tế VN hôm nay về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, chất lượng sống của người dân… đều tụt hậu quá xa ngay cả so với các nước trong khu vực, chứng tỏ sự thất bại không thể bào chữa, đổ thừa bằng bất cứ lý do nào của đảng cộng sản trong 40 năm cầm quyền sau chiến tranh, thì họ càng phải bám vào “những “chiến thắng, chiến công” trong quá khứ để tiếp tục lừa dối người dân về tính chính danh, vai trỏ không thể thay thế của đảng cộng sản.”

Bà giãi bầy tâm tư tr6en trang báo điện tử của Đài Á Châu Tự Do (Radio Free ASIA, RFA) ngày 21/04/2015: “Ngày càng nhiều những thành phần khác trong xã hội, từ thái độ bàng quan về chính trị, không nghĩ ngợi nhiều về cái ngày 30 tháng Tư hàng năm, thậm chí vui mừng, kiêu hãnh ban đầu do được tuyên truyền, đã dần dần mất vui, cay đắng, chua xót, thậm chí ân hận.

Họ là những người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh đánh lại Mỹ và miền Nam ruột thịt, đã góp phần tạo dựng nên cái chế độ này. Và khi thông tin đa chiều cũng như thực tế xã hội giúp họ thức tỉnh, để nhận ra mình bi lừa, dân tộc này bị lừa, con đường đi của đất nước dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản đã hoàn toàn sai lầm ngay từ đầu cho đến tận bây giờ, không chỉ đã gây ra những hậu quả khủng khiếp cho đất nước, dân tộc mà còn đẩy VN bị lệ thuộc nặng nề về mọi mặt vào Trung Cộng.”

TRIỆT HẠ DÂN MÌNH

Trong khi đó, Nhà văn Võ Thị Hảo, 59 tuổi (Bà sinh năm 1956

tại Diễn Châu - Nghệ An), một người trực tính, không ưa nói thẳng vào mặt chẳng sợ hãi gì, đã viết trên BBC (Tiếng Việt) ngày 28/04/2015 : “ Sau bốn mươi năm, lòng người vẫn ly tán. Việt Nam vẫn ngửa tay hân hoan đón dòng tiền kiều hối bất kể nó chảy về từ nguồn nào, nhưng vẫn kỳ thị và sẵn sàng trừng trị những kiều bào và công dân bất đồng chính kiến, gán cho họ hai tội "diễn biến hòa bình" và "phản động".

Cùng tiến theo mức độ tham nhũng, mức độ vi phạm tự do và nhân quyền, với nạn công an giết dân ngay tại trụ sở công quyền ngày càng tăng, là những cuộc đại lễ kỷ niệm 30/4 thêm khoa trương tốn kém.”

Rồi Bà hỏi mọi người : “ Là người Việt Nam có lương tâm, lẽ nào không biết đến nước mắt và máu của đồng bào mình trên một nửa trái tim Việt đã đổ, đã chảy thành sông, đã pha đỏ ngầu nước biển trên con đường đi tị nạn của họ sau ngày 30/4/1975 để tìm tới tự do.

Làm sao có thể không xót xa, không tưởng nhớ, không thắp một nén nhang, một lời nói công tâm cho khoảng 250 ngàn đồng bào mình đã chết oan khốc trên biển? Có ai đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiều dù chỉ một phần ngàn những khốn khổ của họ?”

Ngày 30/4/1975 đối với người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là ngày đánh dấu của điều thêu dệt là "Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng", nhưng Nhà văn Võ Thị Hảo đã có cái nhìn khác.

Bà nói: “ “Tháng tư đen", "Ngày quốc hận", "Ngày Sài Gòn thất thủ", và mới nhất: "Ngày Hành trình tới Tự do" là tên gọi đối chọi nước lửa với cái tên "Ngày giải phóng miền Nam" của nhà cầm quyền Việt Nam luôn tự hào vỗ ngực.”

Tên gọi “Ngày Hành trình tới Tự do" được Quốc hội Canada chấp thuận lúc 19 giờ 15 ngày 22/04/2015 (giờ Ottawa) ghi trong Luật S-129, xác nhận “trong khắp đất nước Canada, trong mỗi năm, ngày thứ ba mươi của tháng tư được gọi là "Ngày hành trình đến Tự do" (Journey to Freedom Day).

Luật này thành công nhờ công lao của Nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải có mục đích xác nhận hàng trăm ngàn người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau ngày quân Cộng sản vào Sài Gòn ngày 30/04/1975.

Luật S-129 cũng ghi nhận việc Chính phủ Canada đã cứu 600.000 thuyền nhân, trong số 300.000 người đang sống ở Canada. Đồng thời cũng nhằm để tưởng nhớ đến 250 ngàn người Việt Nam đã bỏ mình trên biển Đông hoặc là bị cướp, bị bão trên đường tìm tự do.

Vì vậy, Nhà văn Võ Thị Hảo mới hỏi mọi người Việt Nam : “ Chúng ta đã làm gì khi hai triệu đồng bào mình, chỉ vì khác chính kiến, là cánh bèo trôi dạt của những thể chế chính trị, mà không còn đường sống, phải tất tưởi đứt ngàn khúc ruột, bỏ lại đằng sau tất cả những gì đời người chắt chiu và hang ổ ẩn náu cuối cùng phó thác mình cho sóng dữ ?”

Rồi để trả lời cho luận điệu chối tội “không làm gì có tằm máu” sau ngày 30/04/1975, Bà viết : “Có thực sự không có tắm máu không? Máu của khoảng 250 ngàn người bỏ mạng trên biển, dù bị nước biển pha loãng nhưng cũng đủ nhuộm màu.

Sóng biển vỗ qua xương thịt của những thuyền nhân Việt Nam, từ đó biển ấy không bao giờ như cũ. Nước ấy pha máu xương người Việt trên con đường chạy trốn khỏi sự bạo tàn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chính quyền này nhân danh đấu tranh giai cấp và hệ tư tưởng để triệt hạ người dân của chính nước Việt.

Có đủ để phủ nhận không tắm máu sau 30/4/1975? Nếu tính những dòng máu của đồng bào Việt Nam đang rỉ rả chảy, kể cả những người bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đi tù và bị chết trong tù bởi chế độ nhà tù tàn bạo và thiếu thốn?”

Cuối cùng Nhà văn nói dõng dạc: “ Người Việt Nam sẽ tự động hòa hợp ngay sau khi Việt Nam giải thể chính quyền độc tài cộng sản và thay vào đó bằng một chính thể dân chủ đa nguyên, tôn trọng tự do và nhân quyền.”

NỖI ĐAU NÀO LỚN ?

Người thứ 6, bất chấp hiểm nguy bị bắt lại đã cất cao tiếng nói lên án đảng CSVN đến từ nguyên Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, 47 tuôi (ông sinh ngày 02/11/1968). Ông từng làm việc gần 10 năm cho Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của đảng CSVN.

Theo Bách khoa Tòan thư (mở) thì : “Ngày 02/9/2000, Ông làm đơn xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ, đồng thời cũng làm đơn xin nghỉ việc tại Tạp chí Công Sản. Tháng 01/2001 Ông bị Tạp chí Cộng Sản buộc thôi việc. Sau đó, Ông cùng với 16 người khác đã viết một thư mở đến chính quyền kêu gọi cải cách chính trị và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ông cũng ủng hộ việc thành lập "Hội nhân dân giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" và trở thành thành viên sáng lập của Câu lạc bộ dân chủ cho Việt Nam.”

Ông bị bắt và bị “Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 31 tháng12 năm 2003, tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia vì tội làm gián điệp.”

Ông kháng án nhưng “ ngày 5 tháng 5 năm 2004, tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội vẫn quyết định giữ nguyên bản án. Tại cuối phiên kháng án thất bại của mình, Nguyễn Vũ Bình tuyên bố: "Đối với tôi, tự do hay là chết",

“Các tổ chức quốc tế như Ký giả Không Biên giới , Quan sát Nhân quyền , Uỷ ban Bảo vệ Các nhà báo, World Association of Newspapers , và Diễn đàn Biên tập viên Thế giới, đại diện 18.000 tờ báo trên 100 quốc gia và Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng loạt lên án phiên xử.

Vào ngày 9 tháng 6 năm 2007, ông được nhà cầm quyền thả tự do từ nhà tù Ba Sao ở tỉnh Nam Hà.”

Với thất bại của chính bản thân không được nói tự do và hoạt động dân chủ như đảng tuyên truyền, ông Nguyễn Vũ Bình đã nhìn ra sự thật của điều được gọi là “giải phóng miến Nam, thống nhất đất nước” của ngày 30/04/1975 như thế này:

“Người ta đã nói nhiều tới nỗi đau của người dân miền Nam sau biến cố 30/4/1975 này, và đó là những sự thật hiển nhiên. Một quốc gia (Việt Nam Cộng Hòa), với chính nghĩa sáng ngời, tinh thần nhân bản đã bị cưỡng chiếm một cách đau đớn, tức tưởi. Từ sự kiện này, hàng triệu quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa đã phải vào các trại cải tạo, lao tù. Hàng chục vạn người đã phải bỏ nước ra đi, vượt biên vì không thể sống nổi trên quê hương. Hàng chục ngàn người đã nằm trong bụng cá và dưới đáy biển sâu…đó là số phận, là nỗi đau của bên thua cuộc.”

Ông Bình nói tiếp không ngại ngùng : “Tuy nhiên, ngoại trừ sự thất bại của cuộc chiến tranh (có nguyên nhân quan trọng từ việc đồng minh Mỹ bỏ rơi) mà người dân miền Nam ít nhiều có trách nhiệm, thì những nỗi đau khác, sự thống khổ, bi ai của người dân miền Nam là kết quả của những chính sách thâm độc, hiểm ác và tàn bạo của chế độ cộng sản.”

Như vậy, thực tế ngày nay Việt Nam sau 40 năm đảng thống trị cả nước, có tốt đẹp hơn ngàn lần hơn như giấc mơ của ông Hồ Chí Minh ?

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình trả lời : “ Sau 30/4/75, đất nước sạch bóng quân thù, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội….một sự vỡ mộng, bẽ bàng khủng khiếp từ từ xâm lấn tâm hồn bên thắng cuộc. Với độ lùi 40 năm sau ngày 30/4 đó, tất cả đã hiển hiện, bức tranh toàn cảnh của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản: Sự toàn vẹn lãnh thổ không còn, đất đai, hải đảo, lãnh hải bị mất và xâm phạm nghiêm trọng; nợ gấp đôi GDP (Gross Domestic Product, tổng sản lượng quốc gia)và không có khả năng thanh toán; đạo đức, nền tảng xã hội bị băng hoại và phá hủy hoàn toàn; sự dồn nén cùng cực của tất cả mọi tầng lớp nhân dân…đây phải chăng là kết quả của niềm vui chiến thắng?”

Trước sự thật phũ phàng như thế, ông Bình đặt nghi vấn : “Còn nỗi đau nào lớn hơn khi ngay từ những năm 14-15 tuổi làm liên lạc viên cho Việt Minh, cả cuộc đời cống hiến, lên tới chức vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng…khi đã về hưu, khi sự thật được phơi bày mới biết rằng mình đã bị lừa, những điều mình làm không hề đem lại điều tốt đẹp cho nhân dân, đất nước mà còn góp phần gây ra thảm họa cho dân tộc, cho nhân dân, cho đất nước.

Vậy thì, nỗi đau nào lớn hơn?”

Tất nhiên không có sự hành hạ thể xác nào, dù có trăm cay nghìn đắng, cũng không bằng một chiếc kim xuyên thấu tâm gan gỉa dối của chính bản thân người cán bộ vì đã nhân danh “giải phóng” để lường gạt Tổ quốc và đồng bào mình trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Hàng chục ngàn dân đã bỏ vùng Việt Minh kiểm soát ở miền Bắc hồi cư về thành phố trước năm 1954. Trên 1 triệu người miền Bắc đã bỏ mồ mả cha ông để di cư vào miền Nam (Việt Nam Cộng hòa sau này) sau Hiệp định Geneve chia đôi Việt Nam ngày 20/07/1954.

Và đến khi quân Cộng sản vào Sài Gòn ngày 30/04/1975 cho đến thập niên 1980, trên 2 triệu người miền Nam đã phải chạy trốn Cộng sản ra nước ngoài, dù phải đổi mạng sống để được tự do.

Trong đợt bỏ nước ra đi lần này, ít nhất cũng đã có khỏang 250.000 người Việt Nam được gọi là “thuyền nhân” bỏ mình trên biển cả, trong số họ có cả những xác Phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp.

Vậy ai đã gây ra thảm cảnh này cho dân tộc, nếu không phải là người Cộng sản đã gây ra cuộc nội chiến và xâm lăng Việt Nam Cộng hòa dưới chiêu bài “giải phóng” ?

Nhưng người Việt Nam đâu đã hết bỏ nước ra đi, tại sao ?

Hãy nghe Nhà Trí thức dân chủ Vũ Cao Đàm báo động trên mạng báo Bauxite Việt Nam ngày 22/04/2015 : “Trên thực tế, có lẽ các nhà lãnh đạo cũng phải suy nghĩ, vì sao dân lại cứ thích bỏ đi mãi thế. Mà dân bỏ chỉ theo một dòng muốn thoát khỏi thể chế cộng sản. Không thấy có dòng ngược lại?

Trong số những người dân bỏ nước ra đi không chỉ có quân cán chính và công dân Việt Nam Cộng hòa, mà cả những người là công dân của chế độ xã hội chủ nghĩa, không chỉ có các doanh gia, mà có cả dân thường, có cả con em các tướng tá và quan chức cao cấp của chế độ.

Chẳng lẽ dân “thoái hóa” hết rồi sao?

Chẳng lẽ các tướng tá và quan chức cao cấp của chế độ cùng con cái của họ cũng “thoái hóa” hết rồi sao?

Chẳng lẽ, trừ mấy ông bà giáo sư tiến sĩ trong Hội đồng Lý luận Trung ương, còn lại, dân Việt Nam ngu đến mức không thấy được chủ nghĩa cộng sản là “đỉnh cao trí tuệ” và “thiên đường của nhân loại” hay sao?

Câu hỏi mỉa mai của ông Vũ Cao Đàm không phải là chuyện nhỏ mà là tiếng chuông báo động số phận đảng sắp đến hồi cáo chung.

Vì vậy, muốn con dân nước Việt ở nước ngoài trở về xây dựng quê hương; muốn người dân trong nước đòan kết cùng nhau xóa bỏ hận thù không do mình gây ra; và để bảo vệ giống nòi, giữ vững giang sơn gấm vóc khỏi hiểm họa Trung Quốc xâm lược, chỉ có giải pháp duy nhất là : Đảng phải rút cho dân hồi cư. -/-

Phạm Trần

(30/04/2015)
 
Văn Hóa
Viết về Đức ông Pietro Nguyễn văn Tài….
LM Francis Lý văn Ca
12:08 29/04/2015
Trong tuần vừa qua tôi có dịp đọc những bài viết về ĐÔ Phêrô Tài trên mạng lưới Truyền Thông của Vietcatholic và trên vài mạng lưới điện toán khác. Từ những mạng lưới nầy chuyển sang nhiều mạng lưới khác khắp nơi trên thế giới cho đến những youtube cá nhân. Chỉ trong một buổi sáng của ngày thứ Ba 21.4.2015, cả thế giới đều hay tin Đức Ông Pietro Nguyễn văn Tài đã an nghỉ trong Chúa sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.

Trong các bài viết về Đức Ông Pietro Tài, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều phải công nhận một điều là sự chiến đấu kiên cường không ngừng nghỉ-mỏi mệt của người chiến sĩ Pietro Tài của Giáo Hội Việt Nam trên ‘Mặt Trận Truyền Thông’ vì ‘Nước Trời’ đã gặp rất nhiều khó khăn, như tinh thần bài Tin Mừng chúng tôi chọn để đọc trong thánh lễ cầu nguyện cho Đức Ông Phêrô Tài tại VietCatholic Studio ở Perth, miền Tây Australia tối ngày hôm nay: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Trong gần 4 thập niên phụ trách ‘Radio Veritas Of Asia - Đài Chân Lý Á Châu’. Tôi muồn dùng lại cầu đầu xướng lên trong chương trình Phát Thanh của làn sóng Việt Nam luôn bắt đầu là như thế.

Tôi đã đến Đài nhiều lần và trong gần 40 năm phục vụ của Đức Ông tại Đài Phát Thanh Chân Lý, it là gần 30 năm tôi đã được biết Đức Ông và trong khoảng thời gian đó, tôi đã đến Phi hơn 10 lần và cư ngụ tại Đài Chân Lý và thỉnh thoảng được Ngài cho dâng thánh lễ và phát thanh về quê Mẹ Việt Nam. Tôi cũng đã mời Ngài sang giảng Tĩnh Tâm cho CĐ.CG.VN tại Tây Úc (Perth) khi tôi làm Quản Nhiệm...Mỗi lần tôi báo sẽ sang Phi thăm là chính Đức Ông tận tình ra phi trường đón tôi về Đài và nghỉ ngơi tại đó.

Có một lần, tôi xin đi nghỉ sau hơn 10 năm phục vụ, Ngài đã giúp tôi sang Phi tham dự khoá bồi dưỡng tại EAPI trong 3 tháng, ở Manila. Mỗi cuối tuần, chính Ngài ra EAPI đón tôi về Đài để gặp quý Linh Mục Tu Sĩ từ Việt Nam sang Phi tu nghiệp và chúng tôi cùng chung vui, chia sẻ bữa cơm Việt Nam tại Đài hằng tuần và khi các Linh Mục Tu Sĩ về lại những nơi tạm trú, Ngài cố gắng sắp xếp xe chuyên chở trong phạm vi và điều kiện mà Ngài có thể bảo bọc được. Như một người Cha, người Anh Cả lo cho các em xa Quê Mẹ sang Phi Tu Nghiệp.

Tôi có thể nói Đài Chân Lý Á Châu là Chiếc ‘NÔI MẸ của Giáo Hội Việt Nam trong suốt nhiều năm đã qua tại Phi Luật Tân. Nếu những ai đã sang Phi Tu Nghiệp hay chỉ ghé Phi… mà đã đến Đài rồi chắc hẵn phải công nhận chiếc ‘NÔI’ của Đức Ông Tài đã giúp hay cây ‘DÙ’ Tình Thương mà Đức Ông Pietro đã giương ra bao bọc biết bao nhiêu người không những Linh Muc Tu Sĩ mà cả Giáo Dân và Đồng Bào Tỵ Nạn tại Phi nữa. Có những vị đã sang Phi Tu Nghiệp bây giờ là Bề Trên, Tổng Phụ Trách và có vị lên hàng Giám Mục, Bề Trên Tổng Đại Diện hay hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong các Địa Phận hay các Dòng Tu…

Những việc THIỆN mà Đức Ông đã giúp cho Giáo Hội Việt Nam. Giờ đây có thể mượn lời Ông Gióp như trong bài đọc I chúng ta đã nghe công bố: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người”. Thiên Chúa là Cha nhân từ sẽ trả công cho Đức Ông Pietro Tài thay cho chúng ta, trong đó có cả tôi nữa…

Trong chuyến đi tham quan Miên Điện đầu năm 2014…, phái đoàn của chúng tôi có dịp ghé Phi. Chuyến đi nầy có 3 ngày, mục đích là thăm Đức Ông, vì tôi biết Đức Ông sẽ từ Việt Nam về lại Manila để nhập viện. Ngày mà Đức Ông Tài nhập viện ở Quezon City Hospital là ngày chùng tôi đặt chân đến Manila… Cho dù phải nhập viện, nhưng Ngài vẫn không quên phái đoàn của chúng tôi đang từ Miến Điện sang Manila…. Ngài cho tài xế ra phi trường đón chúng tôi với tấm giấy đề tên tôi và Ngài cũng dàn xếp xe đưa chúng tôi đi đó đây ngay cả việc đưa chúng tôi ra phi trường ngày hôm sau… cho dù Ngài đang nằm bệnh viện. Họ đã đưa chúng tôi về Đài và từ Đài chúng tôi có thể đi bộ ra bệnh viện để thăm Ngài… nhìn thấy Ngài…. Đó là lần cuối...

Ngài xin tôi ban phép lành… Trong nghẹn ngào, Ngài nói với người nữ tu Dòng MTG.CQ bên cạnh giường bệnh cũng như nói với tôi…’Cám ơn Cha.’ Lúc đó dường như Ngài đang ức nghẹn vì cảm giác khó chịu trong người….như muốn ói…. Người nữ tu nhanh nhẹn chuẩn bị phục vụ người Cha và là người Ân Nhân của hội Dòng bằng một trái tim của một người con thay thế chị em mình săn sóc ngưòi Cha và là Ân Nhân của Hội Dòng MTG.CQ.

Ngày hôm sau tài xế đưa chúng tôi ra phi trường thì các con cái Việt Nam, chăm sóc Ngài cũng theo đoàn y tá đưa Ngài tới cửa phòng phẫu thuật… Về đến Perth cùng ngày, tôi đã điện thoại cho người nữ tu săn sóc Ngài để vấn an sức khoẻ của Ngài sau ca mổ của ngày hôm ấy…

Có đông đảo các Tổng Giàm Mục, Giám Mục, Đức Ông, Linh Mục Tu Sĩ Nam Nữ từ khắp mọi miền của Quê Mẹ và ở Hải Ngoại để đưa Đức Ông Pietro đền nơi an nghỉ cuối cùng trong ngày lễ an táng vừa qua. Sự hiện diện đông đảo của Hàng Giáo Phẩm, Quý Đức Ông, Linh Mục, Tu Sĩ, Các Dòng Tu và Giáo Dân bên những thân bằng quyến thuộc của Đức Ông cùng với toàn thể Địa Phận Mẹ Vĩnh Long đã nói lên lòng cảm mến sâu xa của Giáo Hội đối với Ngài. Như tôi được biết là những lần đầu về Việt Nam để phục vụ… và sau nầy trị bệnh, vì Ngài làm việc Truyển Thông, nhiều người biết và ngay cả chính quyền…

Ngài đã trải qua những khó khăn trong vấn đề tạm trú…về mặt pháp lý. Nhưng nếu những ai đã đi tham dự Lễ Nghi An Táng thì không thể nào mà không nhìn thấy ngoài những lẵng hoa của các Địa Phận, Dòng Tu, Hội Đoàn, Truyền Thông… không những ở trong nuớc mà còn ở ngoại quốc nữa.

Mượn tư tưởng của bài đọc thứ 2 để kết thúc bài suy niệm về Đức Ông Phêrô trong thánh lễ cầu nguyện cho Ngài như sau: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người”.

Vâng, suốt gần 40 năm làm chiến sĩ kiên cường đã làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh, về Giáo Hội của Chúa trên mặt trận truyền thông không ngừng nghỉ-không mỏi mệt cho dù thân xác bi hạn hẹp trong những căn bệnh nan y… Chúng ta ngưỡng mộ Đức Ông Phêrô, Giáo Hội ngưỡng mộ và tri ân trong số đó có những người không cùng tôn giáo, không cùng chung một chiến tuyến. Nhưng qua cái chết, sự hiện diện của họ nói lên một điều, ít là trong lễ Nghi An Táng của Đức Ông Phêrô… mà tôi tạm nghĩ và chọn làm câu kết của bài viết: “Cho dù không cùng chung lý tưởng, nhưng chúng tôi phải cảm phục và ngưỡng mộ sự kiên cường của người chiến sĩ Công Giáo Đức Ông Pietro Nguyễn văn Tài trên chiến tuyến Truyền Thông Đại Chúng, cho nên chúng tôi đến đặt vòng hoa tưởng niệm Ông…”

Perth, ngày 29.4.2015
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 23/04 - 29/04/2015: Câu chuyện ông Phêrô chữa một người què
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:57 29/04/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu

Chúa Giêsu không bao giờ quên ngày chúng ta gặp Ngài lần đầu tiên; chúng ta nên xin Chúa ban cho “ân sủng của ký ức” để chúng ta luôn nhớ điều này. Đó là hy vọng của Đức Thánh Cha dành cho chúng ta trong bài giảng Thánh Lễ vào sáng thứ Sáu 24 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.

Gặp gỡ là phương tiện Chúa Giêsu chọn để thay đổi cuộc sống chúng ta. Một ví dụ điển hình là câu chuyện thánh Phaolô thành Tarsus, kẻ bách hại Kitô giáo đã trở thành một Tông Đồ, khi ông đến thành Đamát. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến câu chuyện này được kể trong bài đọc thứ nhất, và liên hệ với nhiều cuộc gặp gỡ khác đã diễn ra trong Tin Mừng.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Đức Thánh Cha coi là “cuộc gặp gỡ đầu tiên” với Chúa Giêsu một cuộc gặp gỡ “thay đổi cuộc sống” của những ai gặp Ngài: Thánh Gioan và Anrê, là những người ở lại với Thầy suốt đêm; Simon người đã ngay lập tức trở thành “đá tảng” của cộng đồng mới; tiếp theo là người cùi Samaritano, là người đã quay lại tạ ơn Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho ông, và sau đó là người phụ nữ bị băng huyết là người đã được chữa lành khi bà chạm vào chiếc áo dài của Chúa Kitô: những cuộc gặp gỡ này là những cuộc gặp gỡ quyết định mà lẽ ra phải nhắc nhở một Kitô hữu đừng bao giờ quên cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Kitô.

“Ngài không bao giờ quên, nhưng chúng ta quên cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Và đây sẽ là một nhiệm vụ tốt cho anh chị em làm khi về nhà sau thánh lễ này, đó là chúng ta hãy xem xét: “Khi nào thì tôi thực sự cảm thấy Chúa gần gũi với tôi? Khi nào tôi cảm thấy cần phải thay đổi cuộc sống của tôi để trở nên tốt hơn, hay để tha thứ cho một người nào đó? Khi nào tôi cảm thấy Chúa yêu cầu một điều gì đó nơi tôi? Tôi đã gặp gỡ Chúa khi nào? Bởi vì đức tin của chúng ta là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đây là nền tảng đức tin của chúng ta: Tôi đã gặp Chúa Giêsu, như Saolô đã gặp”.

Ký ức hàng ngày

Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta nên nhìn vào bên trong chính mình và chân thành hỏi: “Khi nào Chúa nói điều gì đó với con mà đã thay đổi cuộc sống con, hay mời con bước tới trong cuộc sống của con?”

Đây là một lời cầu nguyện đẹp, và tôi khuyên anh chị em nên thực hiện mỗi ngày. Và một khi anh chị em nhớ ra, hãy vui mừng về điều đó, vui mừng về ký ức ấy, vì đó là một ký ức của tình yêu. Một nhiệm vụ khác đẹp hơn là hãy cầm lấy sách Phúc Âm và nhìn vào những câu chuyện trong đó Chúa Giêsu gặp gỡ nhiều người, làm thế nào Ngài đã chọn các tông đồ. .. Có rất nhiều cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu được thuật lại trong đó. Có lẽ một trong số trường hợp đó cũng tương tự như trường hợp của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều tìm thấy trường hợp riêng của mình.

Chúng ta hãy nhớ mối tình đầu

Và chúng ta không nên quên rằng Chúa Kitô có ý định duy trì “mối quan hệ với chúng ta” trong ý nghĩa của một sự ưa thích, mối quan hệ của tình yêu “dành cho bạn và chỉ cho bạn”

Hãy cầu nguyện và xin hồng ân. “Khi nào, Chúa đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên, tình yêu đầu tiên với tôi? để chúng ta có thể không phải nghe lời trách móc Chúa đã đưa ra trong sách Khải Huyền: “Ta có điều này chống lại ngươi, đó là ngươi đã quên tình yêu đầu tiên của ngươi”.

2. Giáo Hội ngày hôm nay là Giáo Hội của các vị tử đạo

Xúc động trước cái chết thương tâm của 28 vị Kitô hữu người Ethiôpia trong đó 12 vị bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu và 16 vị bị chúng bắn chết và những trường hợp bách hại đầy thương tâm khác, Đức Thánh Cha đã dành thánh lễ sáng thứ Ba 21 tháng Tư để cầu nguyện cho các ngài. Trong thánh lễ ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội của chúng ta ngày hôm nay là một Giáo Hội của các vị tử đạo.

Khi phân tích bài đọc thứ nhất trong sách Tông Đồ Công Vụ kể lại biến cố thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi bị ném đá cho đến chết, Đức Thánh Cha đã nói về “những anh em chúng ta bị cắt đứt cuống họng trên bãi biển Libya”, về “cậu bé Pakistan bị thiêu sống bởi đám bạn của vì niềm tin Kitô của mình” và “những người di cư đã bị ném từ trên thuyền xuống biển” chỉ vì họ là các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói:

Các vị tử đạo không cần “bánh nào khác” trừ bánh duy nhất là Chúa Giêsu, và thánh Stêphanô không có nhu cầu để tìm kiếm một thỏa hiệp hay thương lượng với những kẻ đã đưa ngài đến cái chết.

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng trước chứng tá quyết liệt của thánh Stêphanô những kẻ bắt bớ ngài “đã bịt tai và vội vã nhất tề xông vào ngài”.

Cũng giống như Chúa Giêsu, thánh Stêphanô đã phải đối phó với những lời chứng dối và sự giận dữ của người dân. Thánh Stêphanô nhắc nhở các trưởng lão và các thầy thông luật rằng tổ tiên của họ đã từng bắt bớ các tiên tri khác vì lòng trung tín của các ngài với Lời Chúa, và khi ngài mô tả thị kiến của mình về các tầng trời mở ra “và Con người đứng bên hữu Thiên Chúa” họ không muốn nghe nhưng đã đẩy ngài ra ngoài thành bắt đầu ném đá Ngài.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Lời Chúa luôn bị từ chối bởi một số người. Lời Chúa là bất tiện một khi anh chị em có một con tim bằng đá, một khi anh chị em có một trái tim ngoại giáo, vì Lời Chúa sẽ yêu cầu anh chị em bước tới cố gắng để thỏa mãn cơn đói của anh chị em với bánh mà Chúa Giêsu đã đề cập đến. Trong lịch sử của Mạc Khải nhiều vị tử đạo bị giết chỉ vì lòng trung tín đối với đức tin và lòng trung thành của họ đối với Lời Chúa, là sự thật của Thiên Chúa “.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục so sánh sự tử đạo của thánh Stêphanô với cuộc thương khó của Chúa Giêsu với nhận xét rằng cả thánh Stêphanô “cũng đã chết với lòng cao thượng Kitô Giáo là sự tha thứ, và cầu nguyện cho kẻ thù của ngài”.

Và thật mỉa mai rằng những ai bách hại các tiên tri đều tin rằng họ đã làm vì vinh quang Thiên Chúa; họ nghĩ rằng họ đã thực thi đúng giáo huấn của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Hôm nay tôi muốn nhắc nhớ rằng lịch sử đích thực của Giáo Hội là lịch sử của các thánh và các vị tử đạo. Tôi biết nhiều người đã bị đàn áp và giết hại bởi những kẻ nghĩ rằng họ đang sở hữu ‘sự thật’, là những kẻ mà con tim đã bị băng hoại bởi cái ‘sự thật’ ấy.

“Trong những ngày, có biết bao nhiêu Stêphanô trên thế giới! Chúng ta hãy nghĩ đến những anh em chúng ta bị cắt cổ họng trên bãi biển ở Libya; hãy nghĩ các chàng trai trẻ, những người bị thiêu sống bởi bạn bè của mình chỉ vì là một Kitô hữu; chúng ta hãy nghĩ về những người di cư bị quăng ra khỏi thuyền của họ trong vùng biển rộng bởi những người di cư khác chỉ vì niềm tin Kitô, chúng ta hãy nghĩ đến hai ngày trước đây khi những người Ethiopia bị ám sát chỉ vì họ là các tín hữu Kitô ... và trường hợp của nhiều người khác nữa. Nhiều người trong số họ, chúng ta thậm chí không biết đến và những người đang đau khổ trong các nhà tù vì họ là Kitô hữu ... Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội của các vị tử đạo: họ phải chịu đau khổ, họ thí mạng sống mình và chúng ta nhận được các ơn lành của Thiên Chúa nhờ các chứng tá của họ”.

Đức Giáo Hoàng cũng chỉ ra rằng có rất nhiều “vị tử đạo ẩn danh, đó là những người nam nữ trung thành với tiếng gọi của Chúa Thánh Thần và những người đang tìm kiếm những cách thức mới và những con đường dẫn đưa anh em của mình nên tốt hơn trong tình yêu của Thiên Chúa”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng họ thường bị nghi ngờ, phỉ báng và bức hại bởi rất nhiều Hội Đồng Công Tọa là những người nghĩ rằng họ là chủ sở hữu của chân lý.

3. Câu chuyện hai ông Phêrô và Gioan bị bắt vì rao giảng Lời Chúa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tuần trước Như Ý đã thuật lại chyên hai ông Phêrô và Gioan chữa một người bị què từ khi mới sinh. Chúa Giêsu từ trong kẻ chết sống lại đã khai mở một kỷ nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông đồ. Biến cố đầu tiên gây sửng sốt cho những người đã đòi đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Barbara là câu chuyện hai ông Phêrô từ một người nhát đảm chối Chúa ba lần đã hiên ngang cùng với ông Gioan rao giảng Tin Mừng cách công khai trong đền thờ. Bằng chứng đầu tiên ông đưa ra cho người Do Thái là phép lạ chữa cho một người què từ lúc lọt lòng mẹ có thể đi đứng bình thường và chạy nhảy tung tăng.

Trước phép lạ nhãn tiền ấy, đám đông dân chúng đã ùa lại cùng hai ông tại hành lang Sôlômôn.

Phúc Âm thuật tiếp rằng:

Thấy vậy, ông Phêrô lên tiếng nói với dân: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức GiêSu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.

“Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình.Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phản ứng của những thầy thông luật và các thủ lãnh dân Do Thái ra sao? Phúc Âm cho biết rằng khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến. Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức GiêSu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn người.

4. Cần trả lại cho hôn nhân và gia đình chỗ đứng danh dự

Sự kiện xã hội không đánh giá cao khế ước ổn định và truyền sinh của người nam và người nữ chắc chắn là một mất mát lớn đối với tất cả mọi người. Kitô hữu được mời gọi dấn thân say mê giữ gìn giao ước này của người nam và người nữ, cả khi họ là những người tội lỗi và bị thương tích, lẫn lộn và bị hạ nhục, mất tin tưởng và không chắc chắn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 22 tháng Tư. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói trong bài giáo lý trước ngài đã suy tư về việc tạo dựng con người theo trình thuật chương thứ nhất sách Sáng Thế khẳng định rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: “theo hình ảnh Ngài Thiên Chúa tạo dựng nên họ; nam nữ Ngài tạo dựng nên họ” (St 1,27). Trong bài giáo lý này ngài muốn suy tư về trình thuật thứ hai trong chương hai sách Sáng Thế. Ở đây sau khi tạo dựng trời và đất, Thiên Chúa “nắn ra con người với bụi đất và thổi sinh khí vào lỗ mũi con người và con người trở thành một sinh linh. Rồi Thiên Chúa đặt con người vào trong một ngôi vườn rất xinh đẹp để con người vun trồng và giữ gìn nó” (St 2, 15).

Ngài nói:

Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh ứng toàn Thánh Kinh, trong một lúc chỉ gợi lên hình ảnh của người nam, không có người nữ. Và Người gợi lên tư tưởng của Thiên Chúa, hầu như là tâm tình của Thiên Chúa là Đấng nhìn con người, quan sát Ađam một mình trong vườn: ông đẹp, đế vương… nhưng cô đơn. Và Thiên Chúa thấy rằng điều này không tốt: nó như là một sự thiếu thốn hiệp thông, một sự thiếu thốn cái tràn đầy. “Thiên Chúa nói: Không tốt và thêm: “Ta muốn làm cho con một sự trợ giúp tương xứng với con” (St 2,18).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Khi đó Thiên Chúa giới thiệu với con người mọi thú vật: con người cho mỗi thú vật một tên – và đây là một hình ảnh khác của quyền làm chủ của con người trên thụ tạo – nhưng con người không tìm thấy nơi bất cứ thú vật nào người khác giống nó. Sau cùng khi Thiên Chúa giới thiệu người nữ, người nam vui sướng nhận ra rằng thụ tạo đó và chỉ có nàng thôi, là phần của mình “xương từ xương tôi, thịt từ thịt tôi” (St 2,23). Sau cùng có một sự phản chiếu, một sự hỗ tương. Và khi một người – đây là một thí dụ giúp hiểu điều này – khi một người muốn giơ tay ra cho một người khác, thì phải có người khác trước mặt: nếu một người giơ tay ra và không có gì, không có ai, thì bàn tay ở đó, vì thiếu sự hỗ tương. Con người cũng thế, nó thiếu cái gì đó để đi tới sự toàn vẹn, nó thiếu sự hỗ tương. Và Đức Thánh Cha định nghĩa người nữ như sau:

.Người nữ không phải là một “lập lại” của người nam; nhưng đến trực tiếp từ cử chỉ tạo dựng của Thiên Chúa. Thật ra hình ảnh “chiếc xương sườn” không diễn tả sự thấp kém hay sự lệ thuộc, nhưng trái lại, nó diễn tả rằng người nam và người nữ có cùng bản thể và bổ túc cho nhau. Họ cũng có sự hỗ tương này. Và sự kiện đó là – luôn luôn trong dụ ngôn – Thiên Chúa nắn ra người nữ trong khi người nam ngủ, nó nhấn mạnh rằng người nữ không phải là một thụ tạo của con người, nhưng là của Thiên Chúa. Nó cũng gợi lên một điều khác: để tìm người nữ và chúng ta có thể nói rằng để tìm thấy tình yêu nơi người nữ, để tìm ra người nữ, người nam phải mơ nàng trước và rồi tìm ra nàng.

Sự tin tưởng của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ, mà Ngài giao phó trái đất cho họ, thật quảng đại, trực tiếp và trọn vẹn. Nhưng này đây kẻ dữ đưa vào trong tâm trí họ sự nghi ngờ, không tin và mất tin tưởng. Và sau cùng nó đi tới chỗ bất phục tùng lệnh truyền che chở họ. Họ rơi vào trong sự mê sảng của sự toàn năng làm ô nhiễm mọi sự và phá hủy sư hài hòa. Tất cả chúng ta nữa đã cảm thấy trong chính mình điều này biết bao lần. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm biến cố phạm tội của con người như sau:

Tội lỗi làm nảy sinh ra sự nghi ngờ và chia rẽ giữa người nam và người nữ. Tương quan của họ sẽ bị giăng bẫy bởi hàng ngàn hình thức thực hiện sai trái chức vụ và bắt phục tùng, rủ rê lừa dối và chuyên quyền hạ nhục nhau cho tới các hình thức thê thảm và bạo lực nhất. Lịch sử mang đầy các dấu vết của chúng. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới các thái qúa tiêu cực của các nền văn hóa theo chế độ phụ hệ. Chúng ta hãy nghĩ tới nhiều hình thức đề cao nam giới, trong đó nữ giới bị coi như hạng hai. Chúng ta hãy nghĩ tới việc lèo lái và buôn bán thân xác nữ giới trong nền văn hóa truyền thông ngày nay. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới nạn dịch mớí đây liên quan tới sự mất tin tưởng, chủ thuyết nghi ngờ, và cả thù nghịch đang lan tràn trong nền văn hóa của chúng ta – đặc biệt bắt đầu một thái độ nghi ngờ có thể hiểu được của các chị em phụ nữ - đối với một khế ước giữa ngưòi nam và người nữ có khả năng tinh luyện sự hiệp thông thân tình và giữ gìn phẩm giá của sự khác biệt.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Nếu chúng ta không tìm ra một phản ứng của sự thiện cảm đối với giao ước này, có khả năng che chở các thế hệ mới khỏi sự mất tin tưởng và sự thờ ơ, thì con cháu chúng ta sẽ chào đời ngày càng bị mất gốc ngay từ trong lòng mẹ. Sự kiện xã hội không đánh giá cao khế ước ổn định và truyền sinh của người nam và người nữ chắc chắn là một mất mát lớn đối với tất cả mọi người. Chúng ta phải đưa hôn nhân và gia đình trở về chỗ danh dự của chúng. Và Thánh Kinh nói một điều hay đẹp: người nam tìm thấy người nữ. họ gặp gỡ nhau, và người nam phải bỏ điều gì đó để tìm thấy người nữ một cách trọn vẹn. Và vì thế người nam bỏ cha mẹ mình để đến với người nữ. Thật là đẹp! Điều này có nghĩa là bắt đầu một lộ trình. Người nam là tất cả cho người nữ và người nữ là tất cả cho người nam.

Như thế, việc giữ gìn giao ước này của người nam và người nữ, cả khi họ có là những người tội lỗi và bị thương tích, lẫn lộn và bị hạ nhục, mất tin tưởng và bị thương đi nữa, đối với tất cả chúng ta là một ơn gọi dấn thân say mê trong điều kiện ngày nay. Chính trình thuật về việc tạo dựng và tội lỗi, vào đoạn cuối của nó, trao ban cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp: “Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ mình các áo quần bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Đó là một hình ảnh sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng tội lỗi khiến cho chúng ta ngạc nhiên há miệng. Đó là một hình ảnh của sự giữ gìn hiền phụ đối với cặp vợ chồng. Chính Thiên Chúa lo lắng và che chở kỳ công của Ngài.

5. Hãy tránh cám dỗ lợi dụng đức tin cho những nhu cầu trần thế

Cầu xin cho chứng tá của các vị tử đạo giúp chúng ta tránh được cám dỗ lợi dụng đức tin cho những nhu cầu trần thế. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Hai 20 tháng Tư tại tại nhà nguyện Santa Marta khi trình bày những suy tư trên câu chuyện đám đông dân chúng tìm kiếm Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng đám đông đến tìm Chúa Giêsu, không xuất phát từ một cảm thức tôn giáo ngưỡng mộ và tôn thờ, nhưng là vì những lợi ích vật chất riêng của họ. Đức Thánh Cha cảnh giác rằng một khi chúng ta tận dụng lợi thế của đức tin và bị cám dỗ bởi quyền lực, chúng ta có nguy cơ không hiểu được sứ mệnh thực sự của Chúa chúng ta.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Chúng ta thấy thái độ này lặp đi lặp lại trong các sách Phúc Âm, nơi rất nhiều người theo Chúa Giêsu vì những lợi ích riêng của họ. Ngay cả nơi chính các môn đệ Ngài như những người con trai của ông Dêbêđê, những người muốn được làm “Thủ tướng và bộ trưởng tài chính”. Họ muốn có quyền lực. Thay vì đem Tin Mừng cho người nghèo rằng Chúa Giêsu đã đến để giải thoát các tù nhân, cho người mù được thấy và trả lại tự do cho người bị áp bức, chúng ta bị cám dỗ để chuyển thông điệp chữa lành này thành công cụ của quyền lực và lợi dụng cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng chính Chúa Giêsu cũng đã từng bị ma quỷ cám dỗ. Thứ nhất bằng cách mang đến lương thực cho Ngài ăn, thứ hai bằng cách đưa ra một chương trình tuyệt vời trong đó mọi người sẽ tin vào Ngài và thứ ba bằng cách thúc giục Ngài phải tôn thờ các ngẫu tượng khác. Đây là cám dỗ hàng ngày của Kitô hữu chúng ta: đó là không tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhưng để mình bị cám dỗ bởi quyền lực thế gian.

Hậu quả là chúng ta đang ngày càng bị thu hút bởi những đường lối của thế gian để đi đến một thái độ mà Chúa Giêsu gọi là đạo đức giả. Chúng ta trở nên Kitô hữu trên danh nghĩa nhưng trong trái tim của chúng ta, chúng ta hành động theo lợi ích riêng của mình, làm suy yếu đức tin của chúng ta, sứ mệnh của chúng ta và chính Giáo Hội. Chúa Giêsu đã từng chê trách đám đông “các ngươi tìm kiếm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu chỉ nhưng vì các ngươi đã được ăn uống no nê.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha xin các thánh và các vị tử đạo, thức tỉnh chúng ta với những chứng tá của các ngài là theo đuổi con đường của Chúa Giêsu và công bố năm hồng ân. Khi đám đông tại Capernaum hiểu lời quở trách của Chúa Giêsu, họ hỏi Ngài “Chúng tôi có thể làm gì để thực hiện các công trình của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu trả lời: “Đây là kỳ công của Thiên Chúa, các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến.” Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đừng rơi vào tinh thần thế gian này là điều sẽ dẫn chúng ta đến lối sống của người ngoại đạo dưới chiêu bài Kitô giáo, nhưng trái lại hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và Đấng mà Ngài đã gởi đến cho chúng ta.