Ngày 21-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Là Mục Tử Nhân Lành
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:30 21/04/2018
CHÚA LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH - Chúa Nhật IV PHỤC SINH
Cv 3,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,27-30
Trong cả ba năm phụng vụ, vào Chúa Nhật IV Phục Sinh chúng ta được nghe bài Tin Mừng Gioan về người mục tử nhân lành. Ở Chúa Nhật vừa rồi, Lời Chúa giúp chúng ta suy niệm về người đánh cá; Chúa Nhật này, Tin Mừng giới thiệu với chúng ta về người mục tử. Đây là hai hình ảnh quan trọng như nhau để diễn tả về sứ vụ cứu độ trong Tin Mừng. Hình ảnh thứ nhất có tước hiệu “những kẻ chài lưới người,” và hình ảnh thứ hai có tước hiệu là “mục tử của các linh hồn.” Cả hai danh hiệu đều được áp dụng cho các Tông Đồ.
1- Chân dung người mục tử
Phần lớn vùng đất Giuđêa là một cao nguyên với đất cằn cỗi và sỏi đá, chỉ phù hợp cho việc chăn nuôi hơn là trồng trọt. Những cánh đồng cỏ xanh thì rất khan hiếm nên đoàn chiên phải luôn di chuyển từ nơi này tới nơi khác; không có những thành lũy bảo vệ và vì thế, người mục tử phải luôn hiện diện với đàn chiên. Một du khách của thế kỷ trước đã để lại cho chúng ta một bức chân dung về người mục tử ở Palestina như sau: “Khi bạn thấy người mục tử xuất hiện trên một đồng cỏ, ông không ngủ, nhưng quan sát từ xa, với dáng phong trần sương gió, tựa mình trên chiếc gậy, chăm chú theo dõi đoàn chiên di chuyển, bạn hiểu tại sao người mục tử có tầm quan trọng như thế trong lịch sử của Israel. Vì thế, họ dành tước hiệu này cho vị vua của họ và chính Đức Kitô đã dùng tước hiệu này như biểu tượng để diễn tả về hy sinh chính mình.”
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được trình bày như là mục tử của dân Người: “Chúa là mục tử của tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1). “Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95,7). Trong sách tiên tri Isaia, Đấng Messia tương lai cũng được miêu tả với hình ảnh của người mục tử: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
Trong Tân Ước, hình ảnh lý tưởng về người mục tử này được ứng nghiệm một cách đầy đủ nơi Chúa Kitô. Người là Mục Tử nhân lành, đã dong duổi đi tìm những con chiên lạc; Người động lòng thương xót con người bởi vì, Người thấy họ như “đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36); Người gọi các môn đệ của Người là “đàn chiên bé nhỏ” (Lc 12,32). Thánh Phêrô gọi Chúa Giêsu là “Mục Tử của linh hồn chúng ta” (1 Pr 2,25) và Thư gửi tín hữu Do Thái nói về Người như là “Mục Tử cao cả của đoàn chiên” (Dt 13,20).
2- Nét tiêu biểu của vị Mục Tử nhân lành
Tin Mừng Chúa Nhật này làm nổi bật những nét tiêu biểu của Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành. Nét tiêu biểu thứ nhất đó là sự hiểu biết lẫn nhau giữa người mục tử và đoàn chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Trong một số nước ở Châu Âu, chiên được nuôi và phát triển một cách chính yếu vì để cung cấp thịt; ở Israel, trước hết chúng được nuôi để lấy lông và sữa. Vì lý do này, chúng được nuôi giữ nhiều năm trong đoàn chiên của người mục tử. Nên ông biết rõ đặc điểm mỗi con và đặt cho chúng những danh xưng rất thân tình.
Điều mà Chúa Giêsu muốn nói qua hình ảnh này là rất rõ. Người biết các môn đệ của Người (như Thiên Chúa biết hết mọi người). Người biết rõ tên của họ. Đối với Kinh Thánh, biết tên gọi cũng có nghĩa là biết rõ bản chất sâu xa nhất của họ. Người yêu thương họ với một tình yêu cá vị và với tình yêu đó, Người đối xử mỗi người như họ là duy nhất, hiện hữu, không ai thay thế đối với Người. Chỉ có Chúa Kitô mới biết rõ mỗi người môn đệ Chúa thế nào và mỗi người môn đệ đó chính là chúng ta.
Đoạn Tin Mừng còn nói với chúng ta điều gì đó nữa về người Mục Tử tốt lành. Người hiến mình cho và vì đoàn chiên, không ai có thể cướp chúng khỏi tay Người. Những con vật hoang dã – những con sói và loài báo – và những tên cướp là cơn ác mộng đối với những mục tử ở Israel. Trong những nơi hoang liêu như thế, chúng luôn là mối đe dọa thường xuyên. Đó là những khoảnh khắc cho thấy sự khác biệt giữa mục tử đích thực và người chăn thuê. Người mục tử đích thực là người chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên khỏi sự tấn công của lũ sói, dẫu phải đối diện với nguy cơ phải bỏ mạng; còn người chăn thuê là người chỉ làm việc vì tiền công, không phải vì lòng yêu mến đoàn chiên, và thường họ chẳng có yêu mến gì đoàn chiên.
Khi đối diện với những nguy hiểm, người chăn thuê đào tẩu và bỏ đoàn chiên ở lại với lũ sói hoặc lũ cướp; còn người mục tử đích thực thì dám can đảm đối diện với nguy hiểm để bảo vệ và cứu vớt đoàn chiên. Điều này diễn tả lý do tại sao phụng vụ đề nghị chúng ta chọn đọc đoạn Tin Mừng về người Mục Tử nhân lành trong Mùa Phục Sinh, thời điểm mà Chúa Kitô minh chứng Người là Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên qua cuộc tử nạn trên thập giá và phục sinh vinh hiển.
3- Chúng ta là đoàn chiên của Người
Khi suy ngắm hình ảnh Chúa là mục tử tốt lành, một câu hỏi đặt ra trong tâm trí chúng ta: Tại sao Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến thế? Đây cũng là câu hỏi mà tác giả Thánh Vịnh đã từng thắc mắc: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8,4-5). Con người chỉ là cát bụi mong manh: “Thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu” (Tv 39,6-7). Nhưng con người được Thiên Chúa tạo dựng rất vĩ đại: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7).
Triết gia Blaise Pascal đã diễn tả sự tương phản giữa sự khốn cùng và vĩ đại của con người: “Con người chỉ là một cây sậy, một cây yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy tư” (Tư Tưởng 347). Con người trổi vượt hơn mọi loài vì con người giống hình ảnh Thiên Chúa và được Người yêu thương một cách đặc biệt.
Như thế, Đấng Phục Sinh chính là vị Mục Tử nhân lành, Người yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho chúng ta như mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình. Để kết thúc, chúng ta tâm nguyện với lời ca của Thánh Vịnh:
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23). Amen!
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 4 Phục sinh 22/4/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:22 21/04/2018
Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12

"Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: "Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.

Xướng: Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. - Ðáp.

Xướng: Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2

"Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:28 21/04/2018
64. LÙN GẶP CƯỚP
Có một tiến sĩ họ Hình, thân thể rất lùn thấp đang đi qua huyện Bà Dương thì gặp cướp.
Tên cường đạo sau khi cướp đoạt tất cả tài sản của ông ta và đưa cao lưỡi đao chuẩn bị để giết, Hình tiến sĩ nói:
- “Người ta thường gọi tôi là Hình lùn, nếu bây giờ lại cắt mất đầu tôi, thì tôi lại càng lùn thêm hay sao ?”
Tên cường đạo cảm thấy tức cười, buông đao bỏ đi. (Lộ thư)

Suy tư 64:
Dù là kẻ cướp thì cũng vẫn còn có lòng nhân, lòng nhân này dù lớn một tí xíu bằng đầu mũi kim thì cũng có thể tha một mạng người, huống chi lòng nhân của một con người bình thường.
Nhưng sự đời, lòng nhân vẫn thường thua lòng ích kỷ và tham lam.
Có người lòng nhân lớn nhưng lòng tham và ích kỷ càng lớn hơn nên đành đoạn bỏ mặc người nghèo đói, vì họ nghĩ rằng nếu mình đói ai cho mình ăn ! Thế là họ sống ích kỷ.
Có người thở dài cảm thông khi nhìn thấy bà mẹ già ẳm đứa con bệnh hoạn ngồi trước cổng nhà thờ để xin bố thí, nhưng vẫn cứ đi qua mà không làm một nghĩa cử bác ái, vì họ nghĩ rằng đã có Chúa lo cho họ.
Tên cường đạo chỉ có một chút xíu lòng nhân nhưng nó tha cả mạng người, lòng nhân này quả là to lớn hơn lòng nhân “chính thống” của chúng ta –người Ki-tô hữu- bởi vì tên cường đạo biết rằng giết làm gì khi họ đã xin tha chết.
Lòng nhân của Thiên Chúa thì ai ai cũng biết, to lớn hơn trời hơn đất nên Ngài đã hy sinh Con Một của mình chết trên thập giá, để nhân loại được sống, lại còn ban rất nhiều ơn huệ để nhân loại sống trong tình thương của Ngài.
“Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con có một chút xíu lòng nhân của Chúa, để chúng con thắng được cái ích kỷ và tham lam trong lòng chúng con, để chúng con nhìn thấy những bất hạnh của người anh em chị em chung quanh mình. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:30 21/04/2018
Chúa Nhật 4 PHỤC SINH
Tin Mừng: Ga 10, 11-18.
“Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”


Bạn thân mến,
Giáo Hội chọn ngày hôm nay là ngày lễ Chúa Chiên Lành và cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý lễ của ngày hôm nay là cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiều người theo tiếng gọi của Chúa để làm linh mục và tu sĩ, tức là trở thành những linh mục và tu sĩ nhân lành như ý muốn của Thiên Chúa.
Mục tử nhân lành là mục tử biết hy sinh vì đàn chiên của mình, tức là biết quên mình để lo lắng và chăm sóc cho chiên. Mục tử nhân lành là mục tử biết quên giờ nghỉ trưa của mình để đi chữa lành những con chiên đang hấp hối trên giường bệnh. Mục tử nhân lành là mục tử biết hy sinh giờ giải trí của mình để đi tìm những con chiên quên mất đường đến nhà thờ. Mục tử nhân lành là mục tử biết nở nụ cười hiền từ khi có những con chiên thường hay dở chứng chống lại mình. Mục tử nhân lành là mục tử sẵn sàng vì lẽ công chính mà hy sinh để đàn chiên được sống. Mục tử nhân lành là mục tử biết chia sẻ với đàn chiên của mình nhưng lo âu và vui mừng, những trăn trở và kế hoạch tương lai, để cùng với đàn chiên xây dựng một giáo xứ hiệp nhất, cảm thông và yêu thương.
Có lúc nào bạn cầu nguyện cho cha sở và cha phó của bạn được mạnh khỏe, khôn ngoan sáng suốt chưa ? Có bao giờ bạn cầu nguyện cho các thanh niên nam nữ biết hy sinh đời mình tận hiến cho Chúa chưa ? Có bao giờ bạn vui vẻ cộng tác với các tu sĩ nam nữ đến giúp xứ của bạn chưa ?
Bạn thân mến,
Tôi là linh mục của Giáo Hội Công Giáo, là mục tử của đàn chiên; bạn là người Ki-tô hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội bởi linh mục, để trở thành con cái của Chúa và chi thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, cho nên bạn và tôi đều phải luôn nhớ rằng, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trở thành những công cụ bé nhỏ của Ngài, để xây dựng một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền ngay trong cuộc sống của mình ở trần gian này.
Không phải chỉ ngày hôm nay chúng ta mới nhớ đến các giám mục, linh mục hay những tu sĩ nam nữ để cầu nguyện cho họ, nhưng mỗi ngày trong kinh nguyện của mình, bạn và tôi đều phải nhớ đến các ngài để cầu nguyện cho họ, đó chính là bổn phận của chúng ta vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:32 21/04/2018

13. Vàng thật thì không sợ lửa, càng luyện càng tinh, vàng giả thì không chịu được lửa.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ấn Độ ngày càng khét tiếng với nạn dịch hãm hiếp phụ nữ
Đặng Tự Do
00:38 21/04/2018
Các linh mục, nữ tu, các đoàn thể Công Giáo, và cư dân trong các tổng giáo phận Goa và Bombay đã tham gia cùng hàng ngàn người trong cuộc diễu hành dưới ánh nến ở Ấn Độ để biểu lộ tình đoàn kết với các nạn nhân, kêu đòi công lý cho họ và bày tỏ sự phẫn nộ về nạn dịch hãm hiếp phụ nữ trong xã hội Ấn Độ.

Các cuộc biểu tình đã bùng lên trong hai tuần qua sau khi giới truyền thông tường thuật về hàng loạt các vụ hãm hiếp và giết người dã man.

Một cô bé Hồi giáo 8 tuổi sống tại Kathua trong bang Jammu đã bị bắt cóc, bị nhốt trong một ngôi đền hoang vắng và nhiều lần bị cưỡng hiếp trước khi những người đàn ông Hindu giết cô bằng cách dùng đá đập vào đầu cô.

Trong một trường hợp gây kinh hoàng khác, người cha của một nạn nhân bị hãm hiếp đã bị đánh chết trong khi bị cảnh sát giam giữ ở bang Uttar Pradesh. Cô gái nạn nhân mới 18 tuổi đã toan tính tự thiêu tại dinh của tỉnh trưởng Yogi Adityanath vào ngày 8 tháng Tư.

Cô gái thuộc giai cấp cùng đinh này đã bị một thành viên Quốc Hội của đảng cầm quyền hãm hiếp nhưng cảnh sát đã không hành động để trừng phạt thủ phạm. Vào ngày 5 tháng 4, cảnh sát bắt cha cô và bốn ngày sau, ông qua đời tại một bệnh viện chính phủ.

Một nữ tu dòng Bênêđíctô, tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Bhopal, nói với ucanews:

“Chúng tôi hiện đang sống trong một hoàn cảnh khốn khổ. Một số nhà lãnh đạo Ấn Độ công khai nói đây là một đất nước Hindu và những người khác không có chỗ ở đây. Điều đó khơi mào cho các cuộc tấn công vào những nhóm thiểu số. Cảnh sát và chính quyền đã trở thành những khán giả câm lặng. Nhãn tiền là một đại diện dân cử được bầu tại Uttar Pradesh bị cáo buộc hiếp dâm nhưng không ai có hành động nào đối với ông ta cả.”

Báo cáo của Bộ Nội Vụ liên bang Ấn Độ đã ghi nhận 38,947 trường hợp hãm hiếp trong năm 2016 và khoảng 8,000 nạn nhân là trẻ em dưới 12 tuổi. Thậm chí có tới 520 nạn nhân là trẻ em dưới 6 tuổi”

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng phàn nàn rằng các cuộc tấn công chống Kitô Giáo ngày càng gia tăng. Trong năm 2017, đã có 736 cuộc tấn công chống lại các Kitô hữu, so với 348 trong năm 2016.
Source: UcaNews Protesters march against India's rape crisis
 
Sinh viên Công Giáo Pakistan biểu tình tưởng niệm một sinh viên bị đánh chết vì bị vu cáo phỉ báng
Đặng Tự Do
02:26 21/04/2018
Một cuộc diễn hành hòa bình đã được tổ chức tại thành phố Lahore của Pakistan để tưởng niệm một sinh viên bị giết sau khi bị vu cáo về tội phỉ báng.

Cuộc diễu hành và một hoạt cảnh diễn lại vụ án đã được thực hiện để tưởng nhớ Mashal Khan, một sinh viên báo chí tại Đại học Abdul Wali Khan ở thành phố Mardan.

Khan, 23 tuổi, bị lột trần, đánh đập và cuối cùng bị bắn chết bởi một đám đông chủ yếu là các sinh viên vào ngày 13 tháng 4 năm 2017, sau khi anh bị vu cáo đã đăng những nội dung báng bổ trên Internet.

Vào ngày kỷ niệm đầu tiên cái chết của Khan, nhóm diễn viên Azad Fankaar đã tái dựng lại các sự kiện dẫn đến vụ giết người của các sinh viên.

Các diễn viên đã biểu diễn trước đám đông hơn 300 người trước câu lạc bộ báo chí Lahore.

Một tòa án Pakistan đã kết án tử hình tên sinh viên đã bắn chết Khan và năm sinh viên khác bị tù chung thân vì vụ giết người này. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn tiếp tục kháng cáo và cuối cùng có thể sẽ chẳng có tên nào bị trừng phạt.

Peter Jacob, Giám đốc Trung tâm Công lý Xã hội của Công Giáo Pakistan, cho biết cộng đồng Công Giáo đã bách hại trong nhiều năm qua vì luật báng bổ.

“Cả các công tố viên lẫn chính phủ đều không chú ý đến việc trừng phạt những kẻ giết Mashal. Người thanh niên vô tội này là một ví dụ rõ ràng về sự ngược đãi. Họ đã thất bại trong việc bảo vệ người vô tội khỏi luật báng bổ”, ông nói.

Báo cáo trên các phương tiện truyền thông cho thấy nỗi sợ hãi bạo lực vẫn chiếm ưu thế trong làng quê của Khan, nơi ba cảnh sát viên vẫn đang phải bảo vệ ngôi mộ của anh 24 giờ một ngày để tránh bị người ta quật mồ..
Source: UcaNews Rally remembers slain Pakistan student
 
Ukraine tìm cách tách Chính Thống Giáo khỏi qũy đạo của Mạc Tư Khoa
Đặng Tự Do
03:12 21/04/2018
Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do tổng thống đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tuần trước, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Tổng thống Poroshenko nói ông có sự hỗ trợ của Đức Thượng Phụ Đại Kết cho một Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập nhưng không tiết lộ thêm các chi tiết của cuộc họp giữa hai vị. Một phát ngôn viên tại văn phòng của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô cũng từ chối đưa ra các lời bình luận.
Source: Reuters - Ukraine moves to split church from Russia as elections approach
 
Đức Thánh Cha gởi thông điệp video cho giới trẻ Cuba
Đặng Tự Do
06:10 21/04/2018
Trong thông điệp video cho giới trẻ Cuba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ người trẻ tại quốc gia này có can đảm và làm việc cùng nhau để xây dựng Giáo hội Cuba.

Hôm thứ Bẩy, 21 tháng Tư, Tòa Thánh đã công bố một thông điệp video của Đức Thánh Cha gởi cho giới trẻ Cuba.

Mở đầu thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ những người trẻ Cuba đừng sợ lắng nghe lời Chúa. Ngài khuyến khích họ “yêu mến Chúa Giêsu” và hoạt động cho sự thăng tiến của Giáo Hội Công Giáo ở Cuba. Ngài nói lời mời gọi của Chúa tự tỏ lộ với chúng ta trong các tình huống hàng ngày. Đáp lại tiếng Chúa gọi, chúng ta “hãy rộng lượng và mở lòng mình ra cho Chúa!”.

Ngày giới trẻ thế giới là cơ hội

Liên hệ đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp diễn ra, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Ngày Giới trẻ Thế giới tại Panama và Đại Hội Giới Trẻ cấp quốc gia của Cuba sắp diễn ra tại Santiago vào tháng 11 năm 2018. Đó là những cơ hội để “tiếp tục xây dựng Giáo hội Cuba hôm nay và ngày mai.”

Ngài khích lệ họ: “Hãy biết rằng các bạn không đơn độc, và chúng ta xây dựng từ cộng đồng cụ thể mà chúng ta thuộc về.”

Bàn về tầm quan trọng của cộng đồng Giáo hội địa phương, Đức Thánh Cha nói chính là trong môi trường đó “chúng ta dấn thân cho cuộc sống và thực hiện ơn gọi của mình.”

Những người yêu nước

Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ Cuba hãy là “những người yêu nước” và yêu mến Chúa Giêsu. “Tôi mời gọi các bạn luôn luôn tiến về phía trước. Nhìn thẳng. Yêu mến quốc gia xứ sở của mình và yêu mến Chúa Giêsu”

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khích lệ những người trẻ Cuba hãy có can đảm tìm đến và bắt chước Đức Trinh Nữ Maria.

Ngài kết luận thông điệp với lời cầu nguyện sau:

“Cầu xin Đức Mẹ gìn giữ các bạn”.
Source: Vatican News Pope in video message tells Cuban youth to have courage
 
Đức: ‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ trong vụ xin cho người Tin Lành được rước lễ
Chân Phương
09:09 21/04/2018
Hội đồng Giám mục Đức tuyên bố, những tin tức cho rằng Vatican đã bác bỏ đề nghị của các vị giám mục Đức về việc cho phép người Tin Lành rước là “sai”.

Qua nhiều nguồn khác nhau, một số hãng thông tấn Công Giáo vừa loan báo rằng Bộ Giáo lý Đức tin - với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô - đã bác bỏ dự thảo cho phép những người Tin Lành nào kết hôn với người Công Giáo được rước lễ trong một số trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, ngay lập tức Hội đồng Giám mục Đức lại ra một tuyên bố nói rằng các thông tin như vậy là "sai". Hội đồng này cho biết, Đức Giáo Hoàng đã đồng ý tiếp kiến Đức Hồng Y Reinhard Marx - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức tại Roma.

Hồi tháng Hai, các vị giám mục Đức đã bỏ phiếu phê chuẩn một dự thảo cho phép các vợ chồng Tin Lành và Công Giáo được rước lễ, sau khi họ đã được một linh mục hoặc người có thẩm quyền mục vụ "xác minh là có lương tâm ngay lành". Họ cũng phải "tuyên xưng đức tin của Giáo Hội Công Giáo", và ước ao được giải thoát khỏi "sự đau khổ về tâm hồn" và "có mong muốn được no thỏa cơn đói khát Thánh Thể".

Tuy nhiên, một nhóm gồm bảy vị giám mục khác do Đức Hồng Y Rainer Woelki - Tổng giám mục Cologne - lại phản đối dự thảo này và các ngài yêu cầu Vatican minh định rằng điều này có được cho phép hay không.

Hôm thứ Tư, trang web tin tức Công Giáo bên Áo là Kath.net thì cho biết “có nguồn tin cậy từ Vatican” nói rằng Bộ Giáo lý Đức tin đã bác bỏ dự thảo ấy. Sau đó, hãng tin National Catholic Register cũng cho hay việc Bộ Giáo lý Đức tin bác bỏ là có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng lá thư đó được yêu cầu không công khai.

Trước đây, dự thảo này đã bị một số vị giám mục chỉ trích, trong đó có Đức Hồng Y Gerhard Müller – nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, người đã gọi dự thảo ấy là một "mánh lới ngụy biện". (Catholic Herald)

Chân Phương
 
Cộng Hòa Tiệp long trọng đón tiếp di hài vị Hồng Y đã từng chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản
Đặng Tự Do
16:36 21/04/2018
Đức Hồng Y Josef Beran, được xem như một biểu tượng thách thức chế độ cộng sản, đã bị nhà cầm quyền buộc phải sống lưu vong tại Vatican. Đức Hồng Y đã chết cách đây 49 năm, và được chôn cất trong khu hầm mộ của các vị Giáo Hoàng nhưng ngài luôn muốn được chôn cất ở quê hương của mình. Nguyện vọng cuối cùng của ngài đã được thực hiện.

Hôm thứ Sáu 20 tháng Tư, di hài của ngài đã được đưa từ Đền Thờ Thánh Phêrô về sân bay Kbely của thủ Prague và được đón tiếp long trọng với hàng quân danh dự và đông đảo các vị đại diện cho chính quyền và giáo quyền của Cộng Hòa Tiệp.

Trong bài phát biểu cảm động tại sân bay, ông Ilja Šmíd, bộ trưởng Văn Hóa Tiệp đã ca ngợi tấm gương bất khuất của Đức Hồng Y Beran, người đã trở thành Tổng Giám Mục thủ đô Prague vào năm 1946 sau khi sống sót trở về từ trại tập trung Dachau của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Sau cuộc đảo chính của cộng sản vào năm 1948, Đức Tổng Giám Mục Beran đã công khai phản đối chế độ mới.

Ngài bị quản thúc tại gia và sau đó bị công an Tiệp bắt và di chuyển bí mật từ làng này sang làng khác trong mưu toan muốn cắt đứt mối quan hệ giữa ngài và đàn chiên của mình.

Chế độ cộng sản cũng đã bỏ tù hàng ngàn linh mục Công Giáo, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân. Cộng sản cũng tịch thu tài sản và phá hủy các nhà thờ và tu viện vì trong nhãn quan của họ Giáo Hội là kẻ thù không đội trời chung với cộng sản.

Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quyết định nâng Đức Tổng Giám Mục Beran lên hàng Hồng Y. Nhà cầm quyền cộng sản cho phép ngài đi Rôma dự lễ tấn phong; nhưng không cho quay lại Tiệp.

Ngài qua đời vào ngày 17 tháng Năm năm 1969 ở tuổi 80 và được chôn cất trong Đền Thờ Thánh Phêrô trong khu hầm mộ thường chỉ dành riêng cho các vị Giáo Hoàng.

Phát ngôn viên tổng giáo phận Prague là ông Stanislav Zeman cho biết nguyện vọng cuối cùng của Đức Hồng Y là được chôn cất ở quê nhà.

Ông nói với Đài phát thanh Prague:

“Vì chí nguyện cuối cùng của Đức Hồng Y Josef Beran là muốn được chôn cất ở Prague, Đức Hồng Y Dominik Duka đương kim Tổng Giám Mục, đã xin Tòa Thánh cho được thực hiện ước nguyện này của Đức Hồng Y Beran. Theo tinh thần này, đã có một số cuộc đàm phán cụ thể với Vatican.”

Di hài của Đức Cố Hồng Y đã được rước đi trên các đường phố của thủ đô Prague trước khi được đưa về nhà thờ chính tòa Thánh Vitus nơi anh chị em giáo dân kính viếng cho đến ngày thứ Hai khi thi hài của ngài được chôn cất trong khu hầm mộ dành cho các vị Tổng Giám Mục tại nhà thờ này.
Source: Vatican News - Czechs welcome home late Cardinal who fought Communism
 
ĐGH Phanxicô khuyến khích khách hành hương tiến bước trên hành trình đức tin.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:10 21/04/2018
(Vatican News) ĐGH Phanxicô đã nói chuyện với khoảng 13 ngàn khách hành hương đến từ hai giáo phận của Ý là Bologna và Cesena trong buổi tiếp kiến vào Thứ Bẩy, ngày 21 tháng Tư năm 2018. Trong dịp này ngài đã nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài đến cộng đồng của họ vào ngày 1 tháng Mười năm ngoái nhân dịp kết thúc Đại Hội Thánh Thể của giáo phận Bologna và kỷ niệm đệ tam bách chu niên ngày sinh của ĐGH Piô VI và ĐGH Piô VII. Ngài nói rằng cả hai vị Giáo Hoàng đều sinh ra ở Cesesa, cho chúng ta một cơ may để phản ánh con đường truyền giáo đã thực hiện và những mục tiêu truyền giáo mới để tiến bước.

Những thừa kế của Đức Giáo Hoàng Piô VI và VII

ĐGH nói rằng “Là những người thừa kế của hai vị giáo hoàng cũng như của những mục tử có tầm cỡ quan trọng khác và của những nhà truyền giáo, các con được kêu gọi để cùng tiếp tục trên con đường này, cam kết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng cho những người đồng hương và làm chứng cho Tin Mừng qua những công việc nhỏ bé thường ngày.”

Ngài giải thích rằng “Các Kitô hữu men là yêu thương, huynh đê và hy vọng qua cách xử sự, thái độ yêu thương nho nhỏ mỗi ngày” cũng giống như chỉ một ít men nhỏ có thể làm dậy lên cả một khối bột.

Đại Hội Thánh Thể.

ĐGH nói rằng “Chớ gì đại hội được cỗ võ và khuyến khích để có nhiều người đến với Phép Thánh Thể, được tiếp tục duy trì, không mai mốt theo thời gian nhưng phát triển và sinh nhiều hoa trái, để lại một dấu ấn không thể phải nhòa trên hành trình đức tin của cộng đồng tín hữu.”

ĐGH đã trích từ Tông Huấn “Hãy Vui Mừng Hân Hoan” mới đây của ngài rằng “Cùng nhau chia sẻ Lời Chúa và cử hành bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tình huynh đệ và biến chúng ta thành một cộng đồng thánh và truyền giáo.”

Phép Thánh Thể làm cho Giáo Hội gắn bó và hiệp nhất với nhau trong tình yêu và hy vọng.

ĐGH kết thúc bài chia sẻ của ngài bằng việc khuyến khích con người thời đại hôm nay hãy mở lòng để gặp gỡ chúa Giê-su trong phép Thánh Thể. Sứ mạng này là trách nhiệm,là niềm vui, là gia sản của ơn cứu độ và là quà tặng để chia sẻ”. Nó đòi hỏi lòng sẵn sàng quảng đại, biết từ bỏ chính mình và tin tưởng phó thác vào Thánh Ý của Chúa. Điều đặt ra là thực hiện một hành trình nên thánh để can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su, tùy theo thần khí ban riêng cho mình.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha khích lệ ban giảng huấn và sinh viên Học Viện Anh Quốc tại Rôma
Đặng Tự Do
17:14 21/04/2018
Sáng thứ Bẩy 21 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với ban giảng huấn và sinh viên Học Viện Anh Quốc tại Rôma. Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người tăng cường lòng mến Chúa, yêu người, xua tan những nỗi sợ hãi và xaây dựng tình bạn. Đó là những đá tảng xây dựng cuộc đời chúng ta.

Học Viện Anh Quốc tại Rôma được thành lập năm 1579 như một chủng viện đào tạo các linh mục cho Anh và xứ Wales. Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận năm nay là năm đánh dấu “một loạt các lễ kỷ niệm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội ở Anh và xứ Wales”. Đáng kể nhất là lễ kỷ niệm 900 năm ngày sinh của Thánh Thomas Becket, việc thành lập chủng viện Anh quốc đầu tiên tại Douai vào năm 1568, và sự phục hồi của chính Học Viện Anh Quốc tại Rôma này 200 năm trước.

Tình yêu dành cho Thiên Chúa

Nhắc nhở các chủng sinh rằng “mối quan hệ sâu sắc với Chúa” phải là ưu tiên hàng đầu của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng yêu cầu này “khó thực hiện hơn đối với các bạn so với tôi”. Đức Thánh Cha giải thích rằng đó là vì ảnh hưởng của “nền văn hóa tạm bợ” ngày nay. Và đây chính là lý do tại sao điều rất quan trọng là chúng ta phải “nuôi dưỡng cuộc sống nội tâm, học cách đóng cánh cửa nội tâm của mình từ bên trong”. Như thế, “sự phục vụ của các bạn cho Thiên Chúa và Giáo Hội sẽ được củng cố”.

Tình yêu dành cho người lân cận

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm rằng chúng ta phục vụ những người khác “không phải chỉ đơn thuần vì cảm tình, nhưng là vì vâng lời Chúa”, và luôn hợp tác với những người khác. Đức Thánh Cha xác nhận rằng yêu thương người lân cận với mình không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng, nhưng ngài đề nghị chúng ta cần phải đặt nền tảng “vững chắc nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta”. “Sức mạnh bên trong” này là những gì đặc trưng cuộc sống của các vị tử đạo xuất thân từ Học Viện Anh Quốc này hồi thế kỷ 16. Tất cả lên đến bốn mươi bốn vị từ chính Học Viện Anh Quốc này đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin.

Xua tan nỗi sợ

Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra rằng “sợ hãi” là một trong những trở ngại chính mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, bao gồm cả nỗi sợ hãi của chính mình. Liên hệ đến Tông huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ hân hoan – vừa được công bố gần đây Đức Thánh Cha nói thêm rằng “chúng ta có thể vượt qua sự sợ hãi bằng tình yêu, lời cầu nguyện, và một cảm thức hài hước”

Đề cao tấm gương của Đấng bảo trợ của nhà trường, là Thánh Thomas thành Canterbury, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, khi chúng ta thành công trong việc vượt qua nỗi sợ của chính mình, chúng ta cũng có thể giúp đỡ người khác vượt qua nỗi sợ của họ.

Xây dựng tình bạn

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng những lời khích lệ sau cùng của ngài là những lời “của một người cha, bộc bạch từ con tim”, và là một lời mời gọi các chủng sinh nuôi dưỡng “những mối quan hệ tốt lành và lành mạnh nhằm nâng đỡ các bạn trong sứ vụ tương lai của mình”. Bạn bè không chỉ bao gồm những người đồng ý với chúng ta, họ là những ân sủng “để giúp chúng ta trên hành trình hướng đến những gì là đúng, cao quý và tốt lành”.
Source: Vatican News -Pope to Rome’s Venerable English College: Banish fear. Build friendships.
 
Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người dân bản xứ vùng Amazone
Thanh Quảng sdb
18:04 21/04/2018
Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người dân bản xứ vùng Amazon

Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi bảo vệ và phát huy nhân quyền và phẩm giá của những người dân bản xứ tại vùng Amazon.

Ngài nhấn mạnh rằng các dân tộc bản địa phải luôn được coi là những đối tác quan trọng trong mọi công cuộc phát triển, với một sự đồng ý không miễn trừ nào trước bất cứ một thông báo quan trọng nào có liên quan đến họ. "Trong thực tế, điều này có nghĩa là duy trì quyền tập thể của người dân bản địa gắn liền với đất đai và tài nguyên của họ", Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza là Khâm sứ và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York đã phát biểu như trên vào thứ Năm 18/4/2018 vừa qua.

Amazon - quyền con người

ĐTGM đã đưa ra quan điểm trong bài phát biểu khai mạc một Đại Hội đặc biệt về Amazone được Tòa Thánh tổ chức với chủ đề "Những Vi phạm Nhân quyền ở Amazon: Phương cách ứng phó và giải quyết!".

ĐTGM Auza đã bày tỏ những lo ngại của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người dân bản địa, đặc biệt những người gốc châu Mỹ Latinh với văn hóa, quyền lợi và phẩm giá của học, chủ quyền đất đai, đang bị bỏ qua hoặc thậm chí bị chà đạp vì lợi ích kinh tế hẹp hòi của một số thiểu số. Điều này đang xảy ra tại Amazon, một khu vực rừng nhiệt đới rộng lớn nhất thế giới, nơi có 2,8 triệu người dân bản xứ với những nét văn hóa đa dạng và phong phú của họ.

Ba tây

Trong chuyến viếng thăm Brazil năm 2013, ĐTGM Auza lưu ý, Đức Thánh Cha đã ca ngợi sự hiện diện của Giáo Hội ở Amazon, không giống như những người khác đến đây để vơ vét những gì có thể! Ngài đặc biệt kêu gọi khuyến khích công việc của Giáo hội qua việc đào tạo những nhân lực của Giáo hội như các giáo viên bản xứ, các giáo sĩ hãy xây dựng "một diện mạo Giáo hội cho vùng đất Amazon". "Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã mời gọi triệu tập một Thương Hội Đồng các Giám mục Giám mục về Amazon sẽ được nhóm họp tại Rome vào tháng 10 năm 2019.

Peru

ĐTGM đã nhắc lại chuyến thăm ngày 19/1/2018 vừa qua của Đức Thánh Cha Phanxicô tại trung tâm Amazon ở Puerto Maldonado giữa rặng núi Andes trong đất nước Peru, nơi đó ĐTC đã mạnh mẽ lên án việc khai thác đất đai và tài nguyên vì những lợi ích kinh doanh dẫn đến tình trạng đàn áp người bản địa thay vì bảo vệ và tôn trọng tài nguyên bao la của khu rừng này.

Đối diện với những vấn nạn này, ĐTGM Auza nêu lên hai biện pháp:

- Thứ nhất, người ta cần phải đánh đổ "ý đồ mang tính chất lịch sử lâu đời thường coi vùng Amazon này là nguồn cung cấp vô tận cho thế giới mà không cần quan tâm đến người dân bản địa tại đây."

- Thứ hai, thế giới phải nhận ra rằng bản thân người dân và cộng đồng ở đây mới chính là những người bảo vệ đất đai và cần bảo tồn những văn hóa của họ.

Ngài kêu gọi người dân bản địa phải được đảm bảo qua việc duy trì ngôn ngữ của họ và tôn trọng những lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội cần thiết thuộc về họ và quyền làm chủ trước những phát triển hầu đảm bảo cho vận mệnh của chính họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới Trẻ Giáo Xứ Paris Tham Dự Họp Bạn Huynh Đệ ‘‘Frat’’ Tại Lộ Đức
Lê Đình Thông
08:31 21/04/2018
Lộ Đức (21/04/2018).- Họp Bạn Huynh Đệ Frat (Frat : Fraternel) diễn ra từ 17 đến 22/04/2018 tại thánh địa Lộ Đức với 10 ngàn bạn trẻ và 2 ngàn hướng dẫn viên tham dự, trong số có giới trẻ Giáo Xứ Việt Nam.

Đại Hội Frat năm nay đánh dấu 110 năm thành lập Frat và 160 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Cha Michel Aupetit, tổng giám mục Paris, 4 vị Giám Mục Phụ Tá, 7 vị giám mục ngoại thành trực thuộc tổng giáo phận Paris : Meaux, Versailles, Créteil, Évry-Corbeil-Essonnes, Nanterre, Pontoise, Saint-Denis đã cử hành nghi thức khai mạc và các Thánh lễ.

Chủ đề đại hội ‘‘Chúa gọi con, đừng sự hãi’’ hướng đến học sinh trung học cư ngụ tại Paris và vùng phụ cận, tuổi từ 15 đến 18, là lứa tuổi định hướng cho tương lai. Chủ đề này được khai triển từ Thượng hội đồng về rao giảng Phúc âm cho các bạn trẻ và ơn gọi, sẽ diễn ra tại Roma vào tháng 10 sắp tới.

Đại hội Frat họp hai năm một lần. Cuộc họp bạn đầu tiên vào năm 1908, kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Đại hội Frat xoay quanh ba chủ đề : cầu nguyện, gặp gỡ và ca hát (prier, rencontrer, chanter).

Năm ngày đại hội gồm sinh hoạt nhóm, phụng vụ, canh thức (rước kiệu, nghi thức hòa giải, Thánh thể) :

- Thứ tư 18/04/2018 : Nghi thức khai mạc. Tôn kính Đức Mẹ.

- Thứ năm : Ơn gọi, cuộc sống là hình ảnh Chúa Kitô. Mỗi bạn trẻ tự tìm một ơn gọi và cam kết thực hiện.

- Thứ sáu (tối) : Canh thức tán tụng, kết thúc với chủ đề : Con sẵn sàng dấn bước theo Chúa trong cuộc sống hôm nay. Trong đêm canh thức, nghĩa sĩ Nguyễn Xuân Phương, 17 tuổi, thuộc Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ Paris đã đọc chứng từ tại Hang đá Đức Mẹ Massabieille, trước 10 thanh thiếu niên tham dự : ‘‘Cuộc hành hương Frat gồm lời tán tụng, thờ phượng và nghi thức hòa giải giúp ta kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. (Un temps de pèlerinage entre louanges, adorations et confessions… pour entrer dans cette très belle intimité avec le Seigneur).

Từ 16 giờ 30 đến 20 giờ 30 cùng ngày, các bạn trẻ diễn hành trên các đường phố, đồng thời nhiều ban nhạc trẻ trình diễn nhạc chủ đề Huynh đệ tại hai công trường lớn ở Lộ Đức.

- Thứ bảy : Nghi thức Sai đi.

Tuy Họp Bạn Frat 2018 đã bế mạc nhưng mối dây huynh đệ kết từ Lộ Đức luôn liên kết mỗi bạn trẻ với Thiên Chúa và với cộng đoàn.

Lê Đình Thông
 
Họp Mặt các xướng ngôn viên và cộng tác viên Vietcatholic tại Melbourne
Thanh Quảng sdb
18:28 21/04/2018
Họp Mặt các xướng ngôn viên và cộng tác viên Vietcatholic tại Melbourne

Sau 4 năm bền bỉ hàng tuần với chương Giáo Hội Năm Châu cùng nhiều chương trình đặc biệt cũng như góp nhiều bài Thánh ca, cộng tác vào chương trình Thánh lễ hàng tuần cho những ai không thể tham đi tham dự lễ… Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng, thầy Phùng Bá Đạt, Sơ Thùy-Linh cùng nhiều anh chị em đã họp mặt để chia sẻ kinh nghiệm và tiến tới tương lai… Trong dịp này lm Anthony Quảng cũng đại diện Viethcatholic cám ơn những công sứ đóng góp không ngừng của anh chị em…

Trong cuộc họp cũng có phần góp ý qua điện thoại sky với kỷ sư Đặng Minh An từ Perth…

Sau đó tất cùng chia sẻ chút đồ ăn thức uống do chính anh chị em sửa soạn.

Xem hình (KHắc Thái)
 
Trường Cao Đẳng Hòa Bình của giáo phận Xuân Lộc
Trương Trí
20:31 21/04/2018
Giáo phận Xuân Lộc là một Giáo phận đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam về số lượng giáo dân: trên 1 triệu người, chiếm 30% dân số của tỉnh Đồng Nai. Đó là chưa kể đến số di dân từ khắp nơi trên mọi miền đất nước tìm về vùng đất màu mở này làm ăn sinh sống, nhất là lớp trẻ là công nhân trong các nhà máy và xí nghiệp.

Xem Hình

Trong hoàn cảnh đó, suốt bao nhiêu năm qua Tòa Giám mục Xuân Lộc đã hết sức trăn trở lo toan cho cuộc sống tương lai của giới trẻ, nhất là về lối sống đạo đức nhân bản trước bao cạm bẫy giữa một xã hội đầy dẫy đam mê và tệ nạn. Từ năm 2012, sau bao khó khăn gian nan, ngôi trường tư thục đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam được thành lập mang tên Trường Trung cấp Nghề Hòa Bình Xuân Lộc. Đây là cả một tấm lòng biết ơn Đức Cha Đa minh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, người đã lập nên trường Trung học Hòa Bình vào năm 1966 tại Giáo xứ Long Khánh, nơi mà Ngài làm phó xứ ngay sau khi chịu chức Linh mục, hiện nay là Giáo xứ Chính tòa Xuân Lộc.

Tọa lạc trên một diện tích rộng hơn 5 hecta trên địa bàn Giáo xứ Lai Ổn và Lộ Đức thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Với châm ngôn: “Thăng tiến con người toàn diện”, “Học đi đôi với hành” do linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy, quản xứ Lai Ổn, Trưởng ban Bác ái Xã hội Giáo phận Xuân Lộc làm Hiệu trưởng.

Ngay từ niên khóa đầu tiên, thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất cũng như thiết bị, trường cũng đã thu nhận được một số lượng học viên đáng kể. Mỗi năm Nhà trường càng phát triễn, nhà cửa được xây dựng khang trang, máy móc và trang thiết bị càng khá đầy đủ, số lượng học sinh ngày càng tăng. Năm 2016, ông bà Đa minh Phạm Đức Vinh và Maria Đỗ thị Minh Tuyết đã hiến tặng cho nhà trường 2,5 hecta đất của Công ty Thức ăn chăn nuôi Vina, trường đã xây dựng khu nội trú dành cho sinh viên học sinh ở các tỉnh xa xôi về học, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí ăn ở và học tập.

Ngoài việc dạy nghề, trường còn dạy bôt túc văn hóa cấp III cho học sinh để khi ra trường các em không chỉ có tay nghề vững chắc mà còn có một trình độ văn hóa tối thiểu để ứng xử trong cuộc sống. Hiện nay, được sự chấp thuận của chính quyền các cấp, trường đã nâng lên thành trường cao đẳng với tên gọi: TRƯỜNG CAO ĐẲNG HÒA BÌNH XUÂN LỘC. Với một Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên là các linh mục, nữ tu và thầy cô giáo nhiệt tâm có bằng cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao.

Mỗi buổi sáng các em thức dậy vào lúc 5 giờ, sau đó các em học sinh Công Giáo sẽ tham dự Thánh lễ do linh mục Hiệu phó chủ tế. Đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng các em vẫn có thể hòa nhập cùng nhau một cách dễ dàng trong lối sống cũng như mọi sinh hoạt. Sau Thánh lễ, các em có thể ăn sang tại Căn tin của trường luôn bảo đảm được vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trường có gần 2.500 sinh viên học sinh, trong đó có đến gần 1.500 em nội trú đến từ 43 tỉnh thành trong cả nước. Trường đào tạo 9 ngành gồm 27 nghề thuộc hệ Trung cấp và Cao đẳng, trong đó nghành Công nghệ Ô tô và Du lịch là hai nghành đông nhất. Hàng năm, trường đào tạo được hàng trăm học sinh ra trường với tay nghề vững vàng, 90% trong số đó được thu nhận vào làm việc trong các nhà máy và xí nghiệp, chất lượng làm việc của các em tạo một uy tín và thương hiệu của nhà trường cả về việc làm lẫn đạo đức nhân bản, số còn lại thì làm việc trong gia đình hoặc các công ty gia đình. Chính nhờ vậy, hầu như sinh viên học sinh xuất thân từ trường luôn tìm được công việc thuận lợi.

Theo linh mục Hiệu trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy, để làm tốt công việc dạy học, đòi hỏi nhà trường phải liên kết với một số doanh nghiệp lớn và uy tín trong phạm vi địa bàn tỉnh Đồng Nai để tạo điều kiện cho các em có cơ hội thực hành trong các phân xưởng. Nhà trường cũng đang lien kết với Học viện TAIKEN Nhật Bản để cho các em đi học và làm việc tại Nhật Bản. Hiện nay có 80 học sinh đang theo học tại Học viện Taiken và gần 200 em đang lao động các nghành nghề tại Nhật Bản. Nhà trường cũng luôn chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe cho sinh viên học sinh, đã tạo ra nhiều khu thể thao như bóng chuyền.

Là ngôi trường tư thục Công Giáo đầu tiên trong cả nước, ngoài việc đào tạo nghề nghiệp và văn hóa cho giới trẻ, châm ngôn của trường là “Thăng tiến con người toàn diện”, trường còn đào tạo được một nền đạo đức nhân bản và bác ái. Những học sinh của trường luôn ý thức được trách nhiệm của con người trẻ trong xã hội ngày nay, khẳng định được vai trò của Giáo Hội Công Giáo là hết sức quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn lao trong sự nghiệp giáo dục, làm tiền đề cho việc phát triễn và mở mang các lãnh vực giáo dục, y tế trên khắp 26 Giáo phận trong cả nước.

Ngày 18 tháng 4 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc của ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với ông Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các vị lãnh đạo trung ương và tỉnh Đồng Nai. Đã nhìn nhận một cách sâu sắc, đồng thời đánh giá cao về những việc làm thiết thực và hiệu quả của Nhà trường cũng như của Tòa Giám mục Xuân Lộc. Trong dịp này, ông Chủ tịch đã tặng Nhà trường một màn hình tivi Sony rộng 1,3mx0,7m. Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh qua ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Tài chính của Hiệp sĩ Đại Thánh giá cũng đã tặng 10 bộ máy tính để phục vụ việc dạy và học. Cũng trong dịp này, trường đã khởi công xây dựng Sân Bóng đá nhân tạo để các em có điều kiện rèn luyện thể thao và sức khỏe.

Trương Trí
 
Văn Hóa
Phượng Hoàng Tòng Đông Lai *
Lê Đình Thông
11:54 21/04/2018

鳳 凰 從 東 來

Năm Ất Mão (1) đàn chim Việt biệt xứ (2)
Trời, Biển xanh nuôi ý chí tự do
Ngoài Biển Đông, bao cô hồn bức tử
Bến bờ xa, còn trăm mối tơ vò.

Mấy chục năm, đất nước vẫn rối tung
Hố giàu nghèo thêm cách biệt vô chừng
Dân đói khổ : đất nước mình ngộ quá ! (3)
Trước bất công mà vẫn cứ dửng dưng

Từ Nghệ Tĩnh, tiếng hò nghe ‘‘lạ quá !’’
Mạng sống người nhẹ như chiếc móng tay
Lời trở trăn, nỗi buồn không xí xóa
Và thương đau, nhục nhã vẫn đong đầy.

Quê hương mình trước mắt sẽ ra sao ?
Trong thành phố bệnh nhân nằm la liệt
Trên lề đường, mặt mũi quá xanh xao
Chờ nhập viện hay trông chờ cái chết ?

Bệnh tật nhiều vì ăn uống khổ khem
Đồ độc hại làm hao mòn tuổi tác
Sức khỏe dân, miệng quan chức chẳng thèm (4)
Tiền đầy ắp túi tham quan ô lại.

Cấp úy đảng ở nhà cao cửa rộng
Chết thành ma, xây nghĩa địa thênh thang
Quê hương mình, tro tàn còn chất đống
Phượng bay về, đất nước sẽ sang trang.

Phương trì, Phượng trì, Phượng trì, Phượng trì (5)
Cánh phượng hoàng vỗ cánh xóa bất công
Và tro tàn tham nhũng sẽ chìm sông
Phượng trì bay quy hướng đông lai tòng. (6)

Lê Đình Thông
---
* Phượng Hoàng Tòng Đông Lai
(鳳凰從東來) Đỗ Phủ.
(1) Ất Mão : 1975.
(2) Đàn chim Việt (Văn Cao)
(3) Đất nước mình ngộ quá phải không anh ? (Trần Thị Lam)
(4) Thủ khẩu như bình (守口如瓶).
(5) Ave Maria (Hàn Mặc Tử)
(6) Theo thần thoại Hy lạp, phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tưởng Niệm Chiến Sỹ VNCH
Tấn Đạt
08:31 21/04/2018
TƯỞNG NIỆM CHIẾN SỸ VNCH

Ảnh của Tấn Đạt

Tháng tư năm ấy khóc sang trang

Tháng tư nhuộm đẫm, máu thành hàng

Tháng tư buông súng lòng uất nghẹn

Nước NAM phủ kín một màu tang

(Trích thơ của PL Hoàng Thị Cỏ May)