Ngày 19-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Là Đấng Xót Thương Xót
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:20 19/04/2017
Chúa Là Đấng Xót Thương Xót

SUY NIỆM Chúa Nhật II PHỤC SINH

(Ga 20, 19-31)

Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa Nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo Hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo Hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).

Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.

Khi quảng diễn về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17-03-2013).

Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với dân chúng : “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Để hàng ngày cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân trong cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xóa bỏ sự thờ ơ, ngài viết: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc…” (x.Misericordiae Vultus số 15).

Ngài xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 18-10-2014).

Lạy Mẹ maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tín thác vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:34 19/04/2017
47. NUỐT TÁO CẢ HỘT

Có người nói “trái mận rất có lợi cho răng, nhưng sẽ hại cho tì (lá lách), táo có thể bổ tì, mà lại có chỗ hại cho răng.”
Một anh trẻ nhưng khờ khạo nói:
- “Lúc tôi ăn lê thì dùng răng nhai sạch trơn không cho nuốt xuống bụng, thì nó sẽ không làm hại tì vị; còn khi tôi ăn táo thì nuốt tất cả xuống bụng, không nhai thì nó sẽ không làm tổn hại răng của tôi.”
Người bên cạnh nói:
- “Đúng phải gọi anh là người nuốt táo cả hột mới phải.”
(Trạm Uyên Tịnh Ngữ)

Suy tư 47:
Có người nói: đi dâng lễ mà lòng trí cứ lo ra thì đi cũng vô ích, thế là họ rất lâu không đến nhà thờ tham dự thánh lễ, và tâm hồn của họ từ từ xa Chúa xa Mẹ...
Có người thấy một vài gương xấu của người khác, thì rùm beng tuyên bố: tôi thề không bao giờ đi lễ của ông cha ấy làm, thế là họ giữ đạo vì “ông cha ấy” chứ không phải vì yêu Chúa yêu Mẹ, mà giữ đạo vì người khác thì không chóng thì chầy cũng bỏ đạo mà thôi, vì người khác ấy không phải là Thiên Chúa...
Người khờ dại chỉ muốn nhai mà không muốn nuốt xuống vì sợ làm hại tì vị, chẳng khác chi người Ki-tô hữu muốn lên thiên đàng mà không chịu tham dự các bí tích, không muốn hy sinh hãm mình vì sợ thân xác mệt mỏi...
Nếu Đức Chúa Giê-su muốn cứu nhân loại khỏi tay ma quỷ ác thần tội lỗi, nhưng Ngài không muốn chịu chết trên thập giá thì tương lai của thế giới của nhân loại ra sao nhỉ ?
Đừng giữ đạo vì người này người nọ, cũng đừng bỏ đạo vì người này người nọ, nhưng hãy giữ đạo vì yêu mến Thiên Chúa và vì muốn được hưởng hạnh phúc với Chúa đời này cũng như đời sau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:37 19/04/2017

19. Người không cầu nguyện thì giống như cá không ở trong nước, như lính không có binh khí, như chim không có cánh, như thuyền không có mái chèo, hoàn toàn giống nhau.

(Thánh Christina)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Bí tích của Lòng Thương Xót
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
17:50 19/04/2017
Chúa Nhật II Phục sinh

Bí tích của Lòng Thương Xót

Nhìn lại cả dòng lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra, trong tương quan giữa Thiên Chúa và loài người có hai chiều trái ngược nhưng cứ song hành bên nhau; khác biệt nhưng cứ tồn tại. Đó là: Một bên loài người yếu đuối, tội lỗi, đầy bất trung. Còn bên kia, đối lại, Thiên Chúa quyền năng luôn nhẫn nại, luôn giàu lòng xót thương và sẵn sàng tha thứ.

Loài người càng bất trung, lòng tín trung và sự nhẫn nại của Thiên Chúa càng được thể hiện. Tội lỗi loài người càng nặng, sự tha thứ của Thiên Chúa càng đậm đà. Yếu đuối của loài người luôn được nhận thấy bằng sự đỡ nâng vô bờ bến của ân sủng và lòng xót thương. Tội lỗi làm cho loài người vong thân, thì tình yêu bền vững của Thiên Chúa càng lớn để cứu vớt, để mở ngỏ cho loài người hằng có lối quay về.

Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho loài người là vô giới hạn. Ơn tha thứ khắc sâu khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa. Nó cần thiết để mang từng người đến gần Thiên Chúa, mỗi khi họ ý thức về những sa ngã, lỗi phạm của mình.

Vì thế, dù chúng ta là những kẻ thường xuyên lầm đường lạc lối, Chúa vẫn không từ nan bất cứ điều gì, miễn là được dang rộng vòng tay đón nhận. Chúa đón nhận lòng ăn năn thống hối của từng người, khi quyết trở về với Chúa.

Lòng thương xót của Chúa luôn mời gọi để được trao ban, luôn chờ đợi để được đáp trả, luôn sẵn sàng để được cống hiến, luôn thổn thức nếu bị làm ngơ ngoảnh mặt.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu biết rõ sự cần thiết này của ơn tha thứ, nên vừa phục sinh, ngay sau khi trao ban một chuỗi đầy nghĩa xót thương: ơn bình an (x.Ga 20, 19), ơn nối tiếp sứ mạng truyền giáo (x.Ga 20, 21), ơn Chúa Thánh Thần (x.Ga 20, 22), lập tức Đấng Phục Sinh ban ơn tha thứ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 23).

Còn Hội Thánh, nhận lãnh sứ mạng và kho tàng ơn tha thứ từ Chúa Kitô, chính là nhận lãnh bí tích của tình thương hãi hà mà Thiên Chúa trao ban qua Chúa Kitô. Hội Thánh luôn ý thức tầm quan trọng và cần thiết của bí tích xót thương ấy.

Hội Thánh nhấn mạnh:

- “Những ai đến nhận lãnh Bí tích Hòa Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời, họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nghiệm để hoán cải họ” (Lumen Gentium số 11).

- “Không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa Giải” (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 28).

- “Bí tích Giao Hòa không những chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể” (GLCG số 1469).
Hội Thánh sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, qua đó:

- Hội Thánh cũng muốn công bố cho toàn thế giới về lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa là cao cả, lớn lao, lớn đến không có bất cứ bến bờ nào.

- Hội Thánh trao ban ơn huệ của lòng Thiên Chúa xót thương, giúp từng người xác tín vào tình thương không biết đến quá khứ mà chỉ là hiện tại và tương lai rộng mở với tất cả sự tín nhiệm, tin tưởng, đầy tràn hy vọng mà Thiên Chúa dám đặt nơi thụ tạo của Người.

- Hội Thánh dạy, chính Thiên Chúa dẫn đưa những người được cứu độ đến với Hội Thánh (x.Cv 2, 47) và mỗi hối nhân là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Từng người trong cộng đoàn Hội Thánh đã được lòng thương xót của Người triệu tập, là cộng đoàn đã được thương xót và đồng thời cũng là dụng cụ của lòng thương xót.

- Hội Thánh mang sứ mạng tha thứ không ngừng, tha thứ vô cùng. Qua đó dạy cộng đoàn gồm tất cả con cái mình cũng tha thứ cho nhau cách quảng đại, nhân ái, đầy lòng thương xót như Chúa của mình từng đòi hỏi: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).

Và như vậy, nơi bí tích của lòng xót thương tha thứ, không chỉ lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi trở nên những nhân chứng cho lòng thương xót bằng cách đem tha thứ và tình thương vào giữa thế giới còn nhiều thờ ơ, vô cảm, bạo lực, hận thù:

“Thế giới loài người chỉ có thể ngày càng mang tính người hơn khi nào chúng ta đưa vào trong mọi quan hệ hỗ tương giữa người với người sự tha thứ theo Tin Mừng. Sự tha thứ cho thấy rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Hơn nữa, tha thứ là điều kiện trước tiên của sự hòa giải, chẳng những trong các tương quan giữa Thiên Chúa với con người, mà còn trong những tương giao giữa người với người” (Gioan Phaolô II, Dives in misericordia – Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 14).

Riêng từng người tín hữu, hãy nhớ rằng, bí tích tha tội là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn chờ đợi để trao ban tình yêu tha thứ, trao ban sự sống vĩnh cửu. Vì thế, mọi tín hữu đừng ngần ngại, nhưng hãy siêng năng tìm đến bí tích của lòng thương xót mà hòa giải cùng Thiên Chúa, mà lãnh nhận mọi ân huệ tuôn trào từ lòng thương xót vô cùng ấy.

Chúng ta hãy sung sướng mà cầu nguyện bằng lời Thánh vịnh để tri ân tình yêu thương xót và tha thứ đến vô cùng mà Thiên Chúa dành cho mình: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét. Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt. Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa’, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (Tv 32, 1-5).


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong thông điệp Phục sinh, các Giám mục Phi lên án những người Công Giáo bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội
Đặng Tự Do
16:17 19/04/2017
Trong sứ điệp Phục sinh được công bố hôm Chúa Nhật 16 tháng Tư, chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân đã mạnh mẽ phê bình những người Công Giáo chối bỏ giáo lý của Giáo Hội về luân lý

Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan, chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, viết: “Có biết bao những người Công Giáo vỗ ngực tuyên bố “Tôi là người Công Giáo, nhưng tôi đồng ý rằng những người nghiện ma túy phải bị giết; họ là những kẻ vô dụng. Tôi là một người Công Giáo nhưng tôi ủng hộ án tử hình.”

Đức Tổng Giám Mục than thở rằng ngày nay đã trở nên mốt “thời trang” của nhiều người Công Giáo là lờ đi sự lãnh đạo của các giám mục trước những vấn đề đạo đức quan trọng mà đất nước phải đối mặt.

Đức Cha Villegas nói rằng các giám mục của các quốc gia này “đã trở thành những vị tử đạo trên các phương tiện truyền thông xã hội.” Ngài viết: “Khi chúng tôi nói, họ muốn chúng tôi im lặng. Khi chúng tôi phản đối, họ xỉ vả chúng tôi. Khi chúng tôi đấu tranh cho sự sống, họ muốn chúng tôi chết đi.”

Đức Tổng Giám mục thúc giục người Công Giáo từ bỏ thái độ này. “Anh chị em hãy sẵn sàmg vào tù vì Phúc Âm. Hãy sẵn sàng chết vì đức tin của chúng ta.”
 
Khủng bố Hồi Giáo IS tấn công một tu viện ở núi Sinai để gia tăng áp lực lên chuyến tông du Ai Cập của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
16:31 19/04/2017
Một viên cảnh sát đã bị giết, và bốn người đàn ông khác bị thương, khi những tên khủng bố Hồi giáo tấn công ngôi vào tu viện Thánh Catherine trên núi Sinai vào chiều ngày 18 tháng Tư.

Bọn khủng bố đã gặp phải một sức kháng cự mạnh mẽ của cảnh sát trong một trạm kiểm soát bên ngoài tu viện, và bọn khủng bố đã bị bắt buộc phải rút lui. Một phát ngôn viên của tu viện nói rằng các nữ tu không bị nguy hiểm. Amaq, cơ quan thông tin của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ này.

Hôm Chúa Nhật Lễ Lá, khủng bố Hồi Giáo IS cũng đã gây ra hai vụ tấn công khủng bố tại phía Bắc Cairo và tại thành phố Alexandria làm 44 người bị thiệt mạng và 126 người khác bị thương.

Tu viện của Thánh Catherine có từ thế kỷ thứ 6, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nơi chứa có một bộ sưu tập các tranh ảnh và bản thảo cổ. Đây là tu viện Kitô hoạt động lâu đời nhất trên thế giới.
 
Nhà thờ chính tòa Kathmandu, Nepal bị phóng hỏa
Đặng Tự Do
16:41 19/04/2017
Một vụ cố ý phóng hỏa nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, là nhà thờ chính tòa Công Giáo tại thủ đô Kathmandu, của Nepal, đã xảy ra hôm 18 tháng 4, phá hủy một chiếc xe hơi và hai chiếc xe gắn máy, thiêu rụi nhà xứ và một phần của nhà thờ.

Cha Ignatius Rai, chánh xứ cho biết: “Điều này gây kinh hoàng cho chúng tôi. Cộng đồng Kitô hữu địa phương cảm thấy mình đang sống dưới một sự đe dọa.”

Nepal có 29 triệu dân. Một thập kỷ trước đây, quốc gia này còn là một vương quốc Ấn Giáo. Tuy nhiên, theo ý nguyện chung của toàn dân, Nepal trở thành một quốc gia thế tục. Ấn Giáo không còn được coi là quốc giáo nữa mặc dù 81% dân chúng theo Ấn Giáo. Theo thống kê vào tháng 6 năm 2016, 9% dân số Phật giáo, và 4% theo Hồi giáo. Chỉ có 8,000 người Công Giáo tại quốc gia này.
 
Đức Thánh Cha không thể đi thăm Brazil trong năm nay
Đặng Tự Do
16:47 19/04/2017
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo với tổng thống Brazil là ông Michel Temer rằng ngài không thể tới thăm quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay vì lịch trình làm việc đã quá dày đặc.

Tòa Thánh đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha đã viết cho ông Temer cách đây vài ngày để đáp lại lời mời của vị lãnh đạo Brazil đến tham dự các buổi lễ đánh dấu lễ kỷ niệm 300 năm đền thờ Đức Mẹ tại Aparecida.

Đức Giáo Hoàng viết rằng tiếc là ngài không thể đi được vì lịch trình của ngài không cho phép.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến đến thăm Colombia vào tháng Chín. Đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể ngài sẽ dừng lại ở Brazil trong chuyến đi đó.

Trong bức thư gửi Tổng thống Temer, Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích nhà lãnh đạo Brazil “nỗ lực nâng cao cuộc sống những người nghèo nhất” tại quốc gia này.
 
Thống đốc Kitô hữu đầu tiên của Indonesia bị đại bại trong cuộc tái tranh cử
Đặng Tự Do
17:00 19/04/2017
Tuy việc kiểm phiếu vẫn còn đang diễn ra, kết quả sơ khởi cho thấy viên thống đốc của thủ đô Jakarta đã bị đánh bại trong nỗ lực tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Thống đốc đương nhiệm Jakarta, Basuki Tjahaja Purnama (hay còn gọi là “Ahok”), là một tín hữu Tin Lành, là người Kitô hữu đầu tiên vươn lên được ví trí này tại một quốc gia có đông người Hồi Giáo nhất

Trong cuộc tái tranh cử, ông Purnama đã làm nhiều người Hồi Giáo tức giận khi ông lập luận rằng người Hồi giáo không nên đi làm theo một đoạn trong kinh Qu'ran, theo đó người Hồi Giáo phải từ chối không để cho một người không theo đạo Hồi lãnh đạo mình, dù là trong xã hội dân sự.

Các nhà hoạt động Hồi giáo cực đoan đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn của công chúng chống lại viên Thống đốc và đòi ông phải bị tử hình về tội báng bổ.

Kết quả sơ khởi cho thấy Anies Baswedan, cựu bộ trưởng giáo dục của Indonesia, đã vượt xa ông Purnama.

Sự thất bại của thống đốc Purnama tiêu biểu cho một sự thất bại trong các mối quan hệ liên tôn tại một đất nước tự hào về sự khoan dung tôn giáo. Ahok cũng là một mục tiêu của thái độ khinh thị trong số cử tri vì là người Hoa. Thành kiến chống người Hoa rất phổ biến ở Indonesia.
 
Giám Mục Anh hoan nghênh việc giảm bớt án tử hình trên thế giới
Đặng Tự Do
17:08 19/04/2017
Số án tử hình trên toàn thế giới đã giảm từ 1,634 vào năm 2015 xuống còn 1,032 vào năm 2016. Đức Giám Mục Declan Lang, chủ tịch ủy ban quốc tế sự vụ của Hội Đồng Giám Mục Anh đã lên tiến hoan nghênh xu hướng này.

Ngài nói: “Tôi rất hoan nghênh việc sụt giảm án tử hình trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiến bộ hơn nữa cần phảiđược thực hiện. Hơn 1,000 người đã bị hành quyết vào năm ngoái - họ không chỉ là thống kê.”

“Mọi vụ hành quyết đều là việc vi phạm phẩm giá bẩm sinh của con người và chúng ta phải tiếp tục lắng nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cần phải nỗ lực để bãi bỏ hoàn toàn án tử hình trên toàn cầu”

Đức Cha Declan Lang nói thêm:

“Tôi cảm thấy được khích lệ bởi sự phản đối quyết liệt của chính phủ Anh đối với án tử hình trong mọi trường hợp.”

Những con số thống kê nêu trên không bao gồm các án tử hình tại Trung quốc và Bắc Triều Tiên là những quốc gia coi các con số thống kê này là “bí mật quốc gia”.
 
Đức Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo
Vũ Văn An
17:40 19/04/2017
Theo bản tin của Crux ngày 19 tháng Tư, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, Ai Cập, đã mời Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople tới Cairo gặp gỡ Đức Phanxicô khi ngài tới đó ngày 28 tháng này, để cùng tham dự một hội nghị quốc tế về hòa bình. Thượng Phụ vốn có lịch sử tiếp xúc lâu đời với Đức Phanxicô trong nhiều biến cố quan trọng tại Đất Thánh, Vatican và Hy Lạp.

Các cơ quan truyền thông khác nhau của Ý, hôm thứ Ba vừa qua, tường trình rằng Thượng Phụ Batholomew, vị đứng đầu những vị ngang quyền của Thế Giới Chính Thống Giáo Đông Phương sẽ gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Cairo, Ai Cập trong chuyến viếng thăm từ ngày 28 tới ngày 29 tháng tư của ngài tại một đất nước đại đa số là người Hồi Giáo Sunni.

Lời mời Thượng Phụ Bartholomew phát xuất từ chính Ahmad al-Tayyib, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, được coi như trung tâm học thuật quan trọng nhất của thế giới Hồi Giáo Sunni.

Sau các buổi cử hành Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật qua tại Phanar, trụ sở của Tòa Thượng Phụ Constantinople tọa lạc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Thượng Phụ Batholomew nói với các tín hữu của ngài rằng ngài đã nhận được một lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ý hy vọng hai vị sẽ gặp nhau một ngày gần đây. Thượng Phụ Bartholomew nhấn mạnh ngày ấy “rất gần”. Ngài nói: "Tôi cũng được mời tới Đại Học Al-Azhar ở Cairo và ngày 28 tháng Tư, tôi sẽ hiện diện cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Thành thử, các nhà lãnh đạo của Kitô Giáo cả Đông lẫn Tây sẽ cùng vị đứng đầu của Giáo Hội Chính Thống Ai Cập, Giáo Hoàng Tawadros II, biểu lộ một mặt trận thống nhất trong cuộc gặp gỡ của các ngài tại Al-Azhar. Việc biểu dương chính nghĩa chung này diễn ra chỉ ba tuần sau các cuộc đánh bom vào các nhà thờ Coptic sát hại 45 giáo dân, do ISIS chủ mưu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Giáo Trưởng al-Tayyib dự trù sẽ lên tiếng tại một hội nghị quốc tế về hòa bình tại Al-Azhar, và nay, có lẽ có cả sự lên tiếng của Thượng Phụ Bartholomew nữa, một nhà tranh đấu lâu đời cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự trù tới Cairo trong các ngày 28-29 tháng Tư. Ngoài cuộc thăm viếng Al-Azhar và hội kiến với Tổng Thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Đức Phanxicô còn dâng Thánh Lễ, gặp gỡ các giám mục Ai Cập, cũng như hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh Ai Cập.

Việc gặp nhau của Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo được xây dựng trên một mối tương quan gần gũi từ lâu giữa hai nhà lãnh đạo.

Thượng Phụ vốn tham dự Thánh Lễ đăng quang của Đức Phanxicô hồi tháng Ba năm 2013, và năm sau đó, cùng viếng Đất Thánh với Đức Giáo Hoàng, nơi hai vị cùng cầu nguyện với nhau tại Nhà Thờ Mộ Thánh. Ít ngày sau đó, Thượng Phụ lại có mặt tại Vườn Vatican khi Đức Phanxicô mời Shimon Peres, lúc đó, còn là Tổng Thống Israel, và Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình.

Tháng Mười Một năm 2014, Đức Phanxicô tông du Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại Phanar với Thượng Phụ. Năm ngoái, Thượng Phụ Bartholomew lại cùng Đức Phanxicô thăm Đảo Lesbos, Hy Lạp để kêu gọi thế giới lưu ý tới số phận của di dân và tị nạn. Dịp này, hai vị cùng hiện diện với Thượng Phụ Ieronymos II của Athens, đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Thượng Phụ Bartholomew cũng hiện diện với Đức Phanxicô tại Assisi, Ý, hồi tháng Chín năm 2016, để tham dự hội nghị thượng đỉnh đại kết và liên tôn.

Dù biến cố ngày 28 tháng Tư tới tại Al-Azhar rõ ràng nhằm mục tiêu trình diễn một khuôn mặt khác của Hồi Giáo, khuôn mặt bác bỏ bạo lực và ủng hộ đối thoại, vẫn có một số căng thẳng nào đó nơi bà nhà lãnh đạo Kitô Giáo về cách tốt nhất để liên kết với al-Tayyib và giai cấp giáo sĩ lãnh đạo do vị này lãnh đạo.

Cả Đức Phanxicô lẫn Thượng Phụ Bartholomew đều từng ca ngợi al-Azhar trong khá nhiều dịp, và rõ ràng nhận ra giá trị chiến lược trong việc coi nó là một đồng minh trong cuộc đấu tranh chống khủng bố và bạo lực tôn giáo.

Nhưng nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Ai Cập đã nêu lên nhiều câu hỏi về chiều sâu của sự cam kết cải tổ của Al-Azhar. Cha Rafic Greich, một linh mục theo nghi lễ Melkite Hy Lạp và là phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Ai Cập, nói với Crux ngày 10 tháng Tư vừa qua rằng “tôi nghĩ giới lãnh đạo tôn giáo không hề nghiêm túc”.

Cha nói thêm: “Đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, chứ không phải ý kiến của Giáo Hội, nhưng tôi biết những người này rất, rất rõ. Họ chỉ trình diễn thôi, trình diễn rằng họ cởi mở, họ là người của đối thoại, v.v… nhưng tận cõi lòng, không đúng như thế”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh truyền giáo VN: Xứ nghèo Lâm Cầu Thanh Hoá vẫn còn đợi một ngày Phục Sinh.
Trần Mạnh Trác
14:59 19/04/2017
Xem hình ảnh



Nền cũ lâu đài bóng tịch dương:

Bài hát "Con đường nào Chuá đã đi qua" cuả Cha Văn Chi, phó giám đốc VietCatholic, đã thúc đẩy những suy tư truyền giáo muà chay năm nay. Hình ảnh những con đường lầy lội trơn trợt cuả miền núi Tây Bắc Bộ, cuả 'vùng sâu vùng xa' Kontum, Lagi hay Hậu giang, đã luôn luôn nhận được nhiều nỗi thương cảm cuả độc giả VietCatholic.

Nhưng còn nhiều con đường Chuá được đón nhận từ rất lâu, nay trở thành hoang phế. Người đang tìm cách quay về nhưng chưa có lối!

Nhiều nơi ở ngoài Bắc VN, sau những biến cố dồn dập cuả chiến tranh, cuả đấu tố, cuả tiêu thổ kháng chiến, cuả đố kỵ là 'thế lực thù địch, phản động' mà do đó phải bị tiêu diệt bằng cách triệt hạ kinh tế, nhiều ngôi thánh đường cổ kính đã 'xuống cấp' đến nỗi nay không còn sửa chữa được nữa.

Trích dẫn lời trong email cuả Đức Giạ́m Mục Giuse Nguyễn chí Linh, tổng giám mục Huế, kiêm giám quản địa phận Thanh Hoá, thì "trong địa bàn xứ (Đa Minh, Thanh Hóa) có một giáo họ tên là Lâm Cầu, nhà thờ đã mục nát như cha Ba đã trình bày. Đã mấy đời cha xứ muốn làm nhưng chưa làm được vì dân ở đó quá nghèo. Cha Ba đã khởi công từ năm ngoái nhưng cũng chật vật lắm mới có thể đeo đuổi được đến nay...".

Chúng tôi tình cờ gặ̣p cha Giuse Nguyễn Văn Ba trước muà Phục Sinh, Ngài cho chúng tôi xem hình ảnh cuả ngôi nhà thờ cổ gần trăm tuổi, theo lẽ thường trong một hoàn cảnh bình thường, thì ngôi thánh đường đáng là một di tích du lịch hoặc ít ra cũng phải là một cổ tích đáng tham quan, nhưng vì cái nghèo không cho phép tu bổ, đức cha Linh đã khuyên không nên dùng nữa, lo sợ xụp đổ bất cứ lúc nào.

"Rờ vào đâu là vữa ra ngay", Cha Ba cho chúng tôi biết. Ngôi nhà thờ làm bằng gạch, xây bằng vôi trộn cát cho nên không chắc, cột kèo đều mọt hết cả.

"Không ai còn dám leo lên," ngài nói về chiếc tháp chuông, "định lấy xuống một bức tượng thì rờ vào là gẫy ngay, đầu ra đằng đầu, chân ra đằng chân."



Đồng chua nước mặn:

Về dân tình thì "ví trí điạ lý là đồng chua nước mặn, người giáo dân đa số làm nông nghiệp và chù yếu là trồng cói và nghề sông nước nên rất nghèo, nghề sông nước gần đây ô nhiễm nặng nề nên nghèo lại nghèo hơn", trích lời Cha Ba.

Số người dân phải tha phương cầu thực là rất cao, theo cha Ba thì chủ yếu là đi vào Nam, thường là tới Bình Dương vì giá sinh hoạt rẻ. "Giáo họ có 400 nhân danh...nay chỉ còn lại 300", "Trai tráng đi gần hết, ông Từ nhà thờ một năm về có 1, 2 lần, chỉ còn lại phụ nữ, con nít và ông già bà cả", Cha Ba cho biết.

Vào thời cải cách, tức là kéo dài trên 30 năm từ 1951 cho đến 1988, nhà thờ bị bỏ hoang thành nơi trú mưa cho gia súc, mãi tới cuối năm 1988 mới gầy dựng lại thành nơi cầu nguyện, hàng tuần có thánh lễ.

Cạ́i khát khao cuả cha xứ và giáo dân ở đây không phải là một ngôi nhà thờ to lớn, theo lời cha Ba nói, "nhưng vừa đủ cho việc thờ phượng cuả cộng đoàn."

Kinh phí ngôi nhà thờ là 300 ngàn đô la, so sánh với các công trình bên Mỹ, thì chỉ bằng một phần tám cuả một bãi đậu xe 350 chỗ ở Dallas TX, nhưng ở miền Bắc VN, thì "chật vật" lắm (theo lời Đức Cha Linh.) "9 đời cha xứ, cũng vì hoàn cảnh nghèo, lực bất tòng tâm, cũng không dám nghĩ đến xây dựng nhà Chuá," Cha Ba nói thêm.

Lang thang đất lạ quê người:

Sau khi đã hết sức tìm nguồn tài trợ ở trong nước mà chỉ trang trải được có một phần ba kinh phí, Cha Ba đánh liều xin tháp tùng ĐC Linh sang Hoa Kỳ.

Sau một tháng trời vất vả theo chân Đức Cha từ Đông sang Tây và từ Nam chí Bắc, đi thăm đủ nơi có tiếng trù phú và hào phóng như New Orleans và Nam Cali, kết quả thu lượm được vẫn khiêm nhường lắm, khoảng 10 ngàn đô, 1 phần 20 cuả kinh phí còn lại.

Thôi đành chịu vậy, khi Đức Cha đã về thì Cha Ba cũng lên Michigan thăm gia đình cuả một người quen duy nhất rồi dự tính về lại Việt Nam cho kịp lễ Phục Sinh...thì một chuỗi bất ngờ, toàn là do những người chưa hề quen biết, đã đưa ngài xuống Texas.

Cái khó cuả Cha Ba cũng là cái khó của các cha ở miền Bắc VN khi đi tìm nguồn tài trợ bên Hoa Kỳ, đó là vấn đề liên hệ tình cảm. Hay nói rõ hơn là mối liên hệ 'đồng hương'.

Hầu hết người Việt Hải Ngoại là những người di cư miền Nam, dù cho người đó có mang cái 'gốc' miền Bắc chăng nữa, nhưng đó là cái văn hoá Bắc ở các vùng định cư trong Nam.

Do đó các vị linh mục miền Bắc khi đi qua Hoa Kỳ quyên góp không có cái lợi thế cuả một linh mục miền Nam, nghĩa là không thể trông cậy vào những đoàn thể, hội đoàn hay nhóm 'Đồng Hương'.

Cũng vì không liên hệ, cho nên khi được giới thiệu về Ngài, tôi đã sưu tra và nhận thấy ngôi nhà thờ Gx Đa Minh cuả Ngài còn có vẻ tươm tất, vậy thì câu chuyện hư thực là ra sao?

Con đường truyền giáo

Những tin tức về một số linh mục giả đi quyên tiền làm cho tôi e dè. Tôi đã nhờ ban Giám Đốc VietCatholic tìm hiểu thêm, và kết quả là, dù rất bận rộn trong công việc cai quản hai giáo phận Huế và Thanh Hoá một lượt, DC Nguyễn chí Linh đã mau mắn và ân cần trả lời email cho anh em VietCatholic chúng tôi, qua anh Nguyễn Long Thao. Với lời lẽ đầy thông cảm yêu thương, Đức Cha nói: "trong địa bàn xứ (Đa Minh, Thanh Hóa) có một giáo họ tên là Lâm Cầu, nhà thờ đã mục nát như cha Ba đã trình bày. Đã mấy đời cha xứ muốn làm nhưng chưa làm được vì dân ở đó quá nghèo. Cha Ba đã khởi công từ năm ngoái nhưng cũng chật vật lắm mới có thể đeo đuổi được đến nay. Xin Bác cứ yên tâm đó là "người thật việc thật"".

Địa bàn xứ Đa Minh bao gồm 2 quận, 8 xã và kéo dài hơn 40 km mỗi chiều. Mỗi tuần cha xứ phải làm 'anh hùng xa lộ' trên các con đường quê đi dâng lễ cho 12 giáo họ mà chỉ có 2 giáo họ là có nhà thơ,̀ còn những nơi khác thì thánh lễ được dâng ở nhà dân. Giáo họ Lâm Cầu tuy nghèo nhất, có nhà thờ hoang phê,́ nhưng lại là giáo họ 'trung kiên' nhất và đông dân nhất.

"Theo lẽ thường thì Giáo Xứ phải chuyển về đây," Cha Ba tâm sự.

Quyên góp

Những người bạn mới ở Dallas Texas tìm cách giúp ngài. Có người dự định lập hội giùp người nghèo ớ đó, có người muốn tổ chức tiệc gây quĩ, có Cha cho mượn hội trường tổ chức văn nghệ, lại có nhà hàng, tuy không Công Giáo mà lại là người gốc Hoa, xin bao không cho một buổi chiều gây quĩ.

Khí thế thì cao như thế, nhưng...

Tháng này là tháng Tư, người Việt Hải Ngoại gọi là tháng Tư Đen, gợi lại những kỷ niệm đau buồn cuả biến cố 75. Người ta sẽ không tiệc tùng văn nghệ, mà vì thế tổ chức một buối gây quĩ cho miền Bắc thì quả là nan giải!

Sau cùng thì sẽ chỉ là một bữa họp mặt nhỏ thôi, không kèn không trống vào Chuá Nhật 23/4/2017... ở nhà hàng Tasty China!

Và sau đó?

Thôi thì, việc cuả Chuá xin để Chuá lo.

Note: để liên lạc với LM Giuse Nguyễn Văn Ba:

email: nguyenngocba2002@yahoo.com

Tại HK: 504-505-0175

Tại VN: 0978.971.077
 
Phỏng vấn Đức Tân Giám Mục Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám Mục Phó GP. Đà Lạt
Gioan Lê Quang Vinh
19:05 19/04/2017
PHỎNG VẤN ĐỨC TÂN GIÁM MỤC ĐA-MINH NGUYỄN VĂN MẠNH

Vào ngày áp Lễ Lá 8/4/2017, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh, Tiến sĩ Giáo Luật, đại diện tư pháp Giáo phận Đà lạt làm Giám mục phó giáo phận Đà lạt, Việt Nam. Nhân dịp này Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin được phỏng vấn ngài.

PV: Kính thưa Đức Cha, Cha Giám Đốc, Ban Biên Tập, cộng tác viên và độc giả Vietcatholic chúng con xin tạ ơn Chúa và chúc mừng Đức Cha trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha cho chúng con biết cảm tưởng của Đức Cha khi nhận được tin Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha làm Giám Mục Phó Giáo phận Đà lạt.

Đức Cha Đa-minh: Xin chân thành cám ơn Cha Giám đốc, Ban Biên Tập, cộng tác viên và toàn thể độc giả Vietcatholic đã chúc mừng tôi nhân biến cố lịch sử này, và cho tôi có cơ hội để nói lên lời cám ơn đối với mọi người, cách này cách khác, đã hiệp thông chúc mừng và cầu nguyện cho tôi.

Có hai từ trong tựa đề một tập sách nhỏ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có thể giúp tôi cô đọng những cảm tưởng của mình khi nhận được tin Đức Thánh Cha bổ nhiệm tôi làm Giám mục phó Giáo phận Đà Lạt, đó là: “Hồng ân và mầu nhiệm”. Hồng ân, vì đứng trước ân huệ lớn lao này tôi cảm thấy mình bất xứng; Mầu nhiệm, vì nếu Thiên Chúa tuyển chọn thì tại sao lại là tôi mà không phải là một người khác khả năng hơn, thánh thiện hơn? Không thể giải thích nổi ngoài lý do Tình yêu: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt cử để các con ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái các con tồn tại” (Ga 15,16); “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được gọi” (Dt 5,4); “Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta…, không phải vì công kia việc nọ chúng ta làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 1,9). Việc suy niệm những lời Kinh Thánh này trước khi trả lời vị đại diện Tòa Thánh, đã giúp tôi đi từ e ngại và lo sợ đến mạnh dạn và bình an.

Ngoài ra, bối cảnh đón nhận việc công bố bổ nhiệm của Tòa Thánh ngày 08.4.2017 vừa qua tại nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt giữa Cộng đồng Dân Chúa với sự hiện diện của Đức Cha chính Antôn và linh mục đoàn giáo phận cũng đã ghi vào tâm hồn tôi một sự bình an lạ lùng mà cho đến nay vẫn còn ấn tượng.

PV: Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho chúng con biết những ưu tư mục vụ hiện tại của Đức Cha.

Đức Cha Đa-minh: Được bổ nhiệm làm Giám mục phó, chắc chắn tôi sẽ phải thể hiện trách nhiệm của mình theo giáo luật điều 405 § 2: “Giám mục phó và Giám mục phụ tá giúp đỡ Giám mục giáo phận lãnh đạo toàn giáo phận và thay thế ngài khi ngài vắng mặt hoặc bị ngăn trở”. Căn cứ Giáo luật điều 406, Đức Cha chính Antôn cũng đã thông báo: Giám mục phó “phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại diện; hơn nữa, Giám mục giáo phận phải ưu tiên ủy thác cho vị Tổng Đại diện hơn những người khác các công việc mà luật đòi hỏi phải có sự ủy nhiệm đặc biệt”. Do đó ưu tư mục vụ của tôi là ưu tư mục vụ của toàn Giáo phận do Hội đồng Mục vụ Giáo phận định hướng hàng năm, vừa theo định hướng mục vụ của HĐGMVN, vừa thêm những điểm Giáo phận muốn lưu ý trong năm đó.

PV: Đà lạt là thành phố du lịch của Việt nam, đồng thời cũng là giáo phận rất nhiệt thành sống đức Tin. Xin Đức Cha giới thiệu đôi nét về Giáo phận nhà.

Đức Cha Đa-minh: Giáo phận Đà Lạt nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích 9.764,79 km2, dân số 1.385.000 người. Theo thống kê năm 2016, Giáo phận Đà Lạt có 379.122 giáo dân, trong đó 137.493 giáo dân người dân tộc, 98 giáo xứ, 174 linh mục triều và 128 linh mục dòng, 76 đại chủng sinh, trên 1.000 tu sĩ nam nữ thuộc 50 dòng tu hoặc tu hội. Đức Cha chính Antôn thường nhắc đến định hướng mục vụ nhằm xây dựng Giáo phận, Giáo xứ “trở nên một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, để trở thành một cộng đoàn truyền giáo”.

PV: Xin Đức Cha vui lòng chia sẻ cho độc giả Vietcatholic về hành trình ơn gọi của Đức Cha.

Đức Cha Đa-minh: Tôi sinh tại Cần Thơ. Ít năm sau gia đình tôi từ Cần Thơ lên Bà Rịa, rồi định cư ở Thủ Đức, nay là quận 9 Sàigòn. Từ những năm lên sáu lên bảy, tôi đã thường xuyên đi lễ trong Dòng Phanxicô Thủ Đức, và thỉnh thoảng được các cố Tây trong dòng quan tâm chăm sóc v.v… Cứ tự nhiên có lẽ tôi đã trở thành một tu sĩ Phanxicô. Nhưng năm lên lớp ba, Mẹ tôi lên Bảo Lộc thăm họ hàng thì gặp một người chị là nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Thế là lập tức tôi được gửi lên Bảo Lộc, Lâm Đồng, học hành trong nhà ký nhi viện của người chị nữ tu ấy cùng với hai em một trai một gái. Cuối năm lớp nhất (lớp năm bây giờ) tôi thi đậu vào Tiểu chủng viện Đà Lạt. Và thế là đời tu của tôi bắt đầu: theo dòng lịch sử của đất nước để từ tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, rồi đến Giáo Hoàng Học Viện Piô X, vài ba tháng tham gia Thanh niên Xung kích Lâm Đồng dưới chân đèo Bảo Lộc tại Santa Maria, rồi tiếp đến những năm “giúp xứ” tại giáo xứ Tân Thanh, Bảo Lộc (14 năm). Sau khi chịu chức linh mục ngày 29.5.1994, tôi được bổ nhiệm làm phó xứ Tân Hóa, một giáo xứ toàn tòng với ba họ lẻ mà tất cả làm nên một bức tranh phong phú giúp tôi thêm nhiều kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo thật tuyệt vời. Từ năm 2003 đến 2009, tôi có điều kiện học giáo luật tại Đại Học Urbaniana, Roma, trung tâm của Giáo Hội, nơi cho tôi có cơ hội sống và trải nghiệm tính cách “Công Giáo và tông truyền” của Giáo Hội hoàn vũ. Từ khi về nước 2009 đến nay, tôi được các Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Antôn Vũ Huy Chương bổ nhiệm làm Đại diện Tư pháp giáo phận, và ở tại Tòa Giám mục Đà Lạt.

PV: Thưa Đức Cha, chúng con được biết Giáo phận Đà lạt có khoảng 28% giáo dân là người dân tộc thiểu số. Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về công việc mục vụ cho anh chị em các sắc tộc này.

Đức Cha Đa-minh: Một nét truyền giáo đặc biệt của giáo phận Đà Lạt là việc truyền giáo cho anh chị em dân tộc bản địa. Kể từ khi thừa sai Jean Cassaigne được cử lên “thí điểm truyền giáo” Di Linh vào năm 1927, rồi đến các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris tới Đà Lạt vào thập niên 1940, các cha Dòng Chúa Cứu Thế tại Phú Sơn vào thập niên 1950, rồi các cha thuộc Tu đoàn Truyền giáo thánh Vinh Sơn, thì tiếp sau đó liên tục có các linh mục giáo phận, các nữ tu thuộc nhiều hội dòng dấn thân vào hoạt động này.

Hiện nay (2016), số giáo dân người dân tộc là 137.493, chiếm hơn một phần ba tổng số giáo dân trong giáo phận (khoảng 36%), và đã có trên 10 linh mục và khoảng trên 30 nữ tu người dân tộc.

Trong chiều hướng truyền giáo và phát triển văn hóa người dân tộc, phải kể đến hai công trình dịch thuật và bảo tồn chứng tích văn minh. Dịch thuật: dịch kinh lễ và nghi thức bí tích sang tiếng dân tộc (Kơho), biên soạn từ điển, đặc biệt bản dịch Sách lễ Rôma tiếng Kơho đã được Tòa Thánh phê chuẩn để dùng trong phụng vụ. Công trình bảo tồn chứng tích văn minh: thu góp các sinh hoạt đủ loại, sưu tầm sử thi, truyện cổ dân gian, những sách vở và hình ảnh về đồng bào dân tộc.

Một tòa nhà tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận đã được dành riêng làm phòng Truyền thống đón nhận các chứng tích văn minh liên hệ đến nếp sống của các dân tộc bản địa. Phòng Truyền thống đã mở cửa vào tháng 10.2011 với phần về dân tộc ở tầng trệt và phần trình bày lịch sử truyền giáo của Giáo phận ở tầng trên, hoàn tất vào năm 2016.

Về nhân sự truyền giáo, Giáo phận Đà Lạt có khá nhiều linh mục rất giỏi tiếng dân tộc và đã dấn thân hoạt động truyền giáo hữu hiệu nơi anh chị em dân tộc. Tôi luôn cảm phục những tấm gương truyền giáo của các linh mục bậc thầy hoặc đàn anh như của cố linh mục Laurensô Phạm Giáo Hóa với bài sai truyền giáo cho người dân tộc ngay từ những năm 1958, và được anh chị em dân tộc Kơho gọi là “Cha Già”; linh mục nghĩa tử của ngài hiện là tổng đại diện cũng đã theo ngài trên các nẻo đường vào các buôn làng dân tộc từ trước 1975 và đã có những đóng góp đáng kể trong nhiều lãnh vực, kể cả phụng vụ; linh mục Đaminh Nguyễn Huy Trọng gần 50 năm sống và làm việc nơi anh em dân tộc với nỗi đam mê thu thập ghi chép lại văn hóa ngôn ngữ và những phong tục của người dân tộc Kơho; đến nay một công trình thu thập khổng lồ đã lên đến 20.000 trang, và vừa mới ra đời tập một vào đầu năm 2017 với tựa đề “Phác họa chân dung dân tộc Kơ Ho, qua niềm tin cơ bản và phong tục tập quán”, và dự trù sẽ xuất bản 10 tập.

Bản thân tôi không giỏi tiếng dân tộc, và tôi biết đó là một bất lợi, một khó khăn mà có lẽ Chúa sẽ giúp tôi dần dần vượt qua.

Bởi thế tôi rất trân trọng cảm thức của Đức Cha Antôn giám mục giáo phận Đà Lạt khi quyết định tạo điều kiện cho các chủng sinh của giáo phận được đào tạo tại địa phương để có thể học ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số miền Lâm Đồng, và tiếp cận với những môi trường điều kiện sống cụ thể của họ, nhằm sẵn sàng theo bước các cha anh dấn thân vào công việc truyền giáo cho anh chị em dân tộc, một thành phần đông đảo và là nét đặc biệt của giáo phận Đà Lạt.

PV: Xin Đức Cha cho độc giả biết về khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Đức Cha và xin Đức Cha giải thích ý nghĩa của khẩu hiệu, huy hiệu ấy.

Đức Cha Đa-minh: Rất cám ơn trang web Vietcatholic cho tôi có dịp chia sẻ về khẩu hiệu giám mục. Khẩu hiệu được chọn cho sứ vụ giám mục của tôi là “Mẹ và Mục Tử” với ước mong những người muốn đến với mình thì gặp được một mục tử có tấm lòng của một người mẹ. Khẩu hiệu này được gợi hứng từ ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô mà ngài nhiều lần nhắc đến trong các cuộc nói chuyện hoặc trả lời phỏng vấn: “Tôi mơ ước một Giáo Hội là mẹ và là mục tử”.

Người mục tử thì gần gũi đoàn chiên của mình, đến nỗi biết từng con chiên (Ga 10,14), sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên (Ga 10,11.15), miễn sao chiên “được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10). Hiến tế mạng sống mình để đoàn chiên được sống đối với người mục tử có nghĩa là trở thành một người cha, người mẹ thiêng liêng, mà sợi dây liên kết dường như vô tận: “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay cạn tình thương với đứa con mình đã mang nặng đẻ đau” (Is. 49,15).

PV: Chúng con xin cám ơn Đức Cha và cầu chúc Đức Cha và Giáo phận tràn đầy ơn Chúa trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha chúc lành cho chúng con.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
 
Cộng Đoàn Tín Hữu Trại Phong Bến Sắn Mừng Chúa Phục Sinh 2017
Giáo xứ Bến Sắn
21:15 19/04/2017
Cộng Đoàn Tín Hữu Trại Phong Bến Sắn Mừng Chúa Phục Sinh 2017

Vào lúc 6g30 sáng ngày 16/4/2017, đại lễ Chúa Nhật Phục sinh, tại trại phong bến sắn, bà con giáo dân đã cung nghinh tượng Chúa Phục sinh chung quanh nhà nguyện. Cha Đa Minh Nguyễn Đức Trung - Chánh xứ Bến Sắn, chủ sự Thánh lễ.

Thánh lễ diễn ra trong niềm hân hoan. Và để niềm vui phục sinh được lan tỏa, bà con giáo dân không quản ngại cùng nhau tung hô ca ngợi trên suốt quãng đường kiệu Chúa Phục sinh, dù việc di chuyển của các bệnh nhân là một việc rất khó khăn.

Xem Hình

Trong bài giảng, cha Đa Minh nhấn mạnh ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Giêsu làm thay đổi não trạng các tông đồ vì các ngài vẫn còn u minh, chỉ đến khi với ơn Chúa Thánh Thần, các ông mới đọc ngược lại các biến cố, mới ngộ ra Chúa đã sống lại thật và phấn khởi làm chứng về mầu nhiệm tình thương này.

Người Kitô hữu vừa chấm dứt Mùa Chay tịnh và cử hành các biến cố trong tam nhật thánh cũng như công bố Tin Mừng Phục sinh, nhiều người sảng khoái và nghĩ rằng đã xong mọi việc, vui vẻ với những hình thức bên ngoài như nhận trứng phục sinh và nghỉ ngơi, nhưng niềm vui phục sinh còn kéo dài cả trong cuộc đời người Kitô hữu, ánh sáng Phục sinh đã phá tan màn đêm, nhưng ánh sáng này phải như sao mai không bao giờ lặn, nghĩa là mỗi người phải tiếp tục cộng tác với ơn chúa đem ánh sáng phục sinh đến mọi chỗ, nơi chúng ta sinh hoạt, khu xóm hay gia đình.

Cuối lễ, cha Đa Minh gửi lời chúc mừng và cảm ơn đến tất cả cộng đoàn đã góp công góp sức chuẩn bị cho ngày đại lễ được long trọng và sốt sắng. Cha cũng nhắn nhủ với các bệnh nhân dù luôn đối diện với những vết đau thân xác, nhưng vết thương của Chúa phải mang vì tội của nhân loại còn nặng nề hơn gấp bội, bà con hãy cố gắng vì Chúa, vì Giáo Hội, vì cuộc sống này. Mỗi người hãy luôn thắp sáng ngọn nến Phục sinh Chúa đã trao, bà con hãy biến những nỗi đau thân xác của mình hòa điệu với nỗi đau của Chúa, và mọi người sẽ phục sinh mãi mãi trong niềm vui, niềm tin đã ký thác nơi Đức Kitô.

Kính chúc bà con niềm vui sung mãn nhất trong Chúa. Alleluia!

Truyền thông Giáo xứ Bến Sắn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Những tên Giu Đa thời điểm 30-4-1975
Trần Vinh
19:19 19/04/2017
Những tên Giu Đa thời điểm 30-4-1975

Bước sang năm 1975, chiến sự ở Miền Nam đột nhiên chuyển biến mau chóng, Quân lực VNCH bắt đầu triệt thoái dần về phía Nam. Sang Tháng 4 thì chiến thắng của Cộng Sản đã cận kề. Nương theo đà thắng lợi của Cộng quân, “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” ở Sài Gòn bắt đầu hành động.

Thành phần của “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” đã kí tên vào bức tâm thư “Gởi Anh Chị Em Công Giáo Miền Nam Việt nam” (nội dung cáo buộc Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre một số tội và đòi Ngài phải ra đi) gồm có 8 tổ chức:

Phong Trào Thanh Lao Công
Phong Trào Công Giáo và Dân Tộc
Đoàn Sinh Viên Dự Tập Dòng Chúa Cứu Thế (rất ít)
Nhóm Liên Tu Sĩ Trẻ (rất ít)
Phong Trào Công Giáo Xây Dựng Hoà Bình (ma)
Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học (rất ít)
Tổng Đoàn Thanh Niên Công Giáo (ma)
Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo (rất ít)

Thực sự thì hầu hết các tổ chức kể trên chỉ có dăm ba thành viên, thậm chí chỉ là tổ chức ma mới “thành lập” hoặc là một người mà tham gia mấy tổ chức, nhưng đã được những kẻ giật dây nặn ra, cốt để gây thanh thế.

Hai thành phần chính yếu trong “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” là các linh mục và các sinh viên Công Giáo “tiến bộ”. Các linh mục “tiến bộ” gồm có:
Trương Bá Cần,
Huỳnh Công Minh,
Phan Khắc Từ,
Vương Đình Bích,
Thanh Lãng,
Chân Tín,
Nguyễn Ngọc Lan,
Nguyễn Nghị,
Nguyễn Thiện Toàn,
Trần Viết Thọ,
Nguyễn Quang Lãm,
Nguyễn Văn Hoà,
Hoàng Kim,
Nguyễn Văn Trinh,
Nguyễn Văn Huệ,
Đinh Bình Định...

Đông hơn cả là nhóm sinh viên Công Giáo “tiến bộ”. Những tay tranh đấu hung hăng nhất trong nhóm này là:
Nguyễn Văn Ngọc,
Đoàn Khắc Xuyên,
Nguyễn Xuân Hàm,
Vũ Sĩ Hùng,
Nguyễn Chí Thành,
Nguyễn Ziên Hồng,
Phạm Văn Phổ,
Nguyễn Văn Hồng,
Trịnh Viết Trung,
Dương Thị Hoè,
Phi Nga…
(Xem Công Giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-1975 của Nguyễn Antôn. Dân Chúa xuất bản
1988. Trang 225).


Theo một số tác giả từng là chứng nhân tình hình sau 30-4-1975 thì Cộng Sản đã dùng chiến thuật dùng chính người Công Giáo để đánh phá Giáo Hội Công Giáo Miền Nam, mà tên giáo gian đầu sỏ chính là Nguyễn Đình Đầu.

Một trong số các tác giả ấy là Lữ Giang, tức thẩm phán Nguyễn Cần (VNCH), đã viết: “Nguyễn Đình Đầu, một cán bộ Việt Cộng nội tuyến trong hàng ngũ Công Giáo, ở trong nhóm Sống Đạo, đã đứng đàng sau sắp xếp và tổ chức các trận đánh phá này” (Lữ Giang. Những Bí Ẩn Đàng Sau Các Cuộc Thánh Chiến Tại Việt Nam. 1994. Trang 200)…

Ông viết tiếp: “Trong cuốn ‘30 tháng 4’ do nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1985, ký giả Võ Trần Nhã của Việt Cộng cho biết Nguyễn Đình Đầu là người yểm trợ đắc lực cho việc đưa miền Nam vào tay Cộng Sản” và “… Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, bên ngoài Nguyễn Đình Đầu không giữ chức vụ gì quan trọng, nhưng bên trong Nguyễn Đình Đầu đã đứng ra tổ chức và giật giây các chiến dịch chống phá Giáo Hội Công Giáo. Từ vụ hô hào trục xuất Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre, đòi bãi chức Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, đến việc lên án các vụ Vinh Sơn, Đắc Lộ, Dòng Đồng Công… đều có bàn tay thúc đẩy của Nguyễn Đình Đầu” ( Lữ Giang. Sđd. Trang 220, 221).

Chúng tôi chưa biết Nguyễn Đình Đầu có phải là đảng viên Cộng Sản hay không, nhưng chắc chắn ông ta là kẻ theo Cộng Sản. Loại người này sống ở miền Nam, nhưng dùng các quyền tự do được hưởng để chống phá miền Nam và tiếp tay cho Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam. Thực sự, họ còn nguy hiểm hơn là chính những cán bộ Cộng Sản, bởi vì kẻ nội thù đâm sau lưng thì khó đỡ hơn kẻ ngoại thù chém chúng ta ngay trước mặt.

Mục tiêu đấu tranh đầu tiên của “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” nhắm vào Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre. Họ đòi trục xuất Ngài ra khỏi Việt Nam. Trục xuất Đức Khâm Sứ là đại diện của quốc gia Vatican, của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ tức là muốn cắt đứt liên hệ giữa Vatican với nước Việt Nam Cộng Sản, cắt đứt ảnh hưởng của Giáo Hội Mẹ với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nhóm “Công Giáo Tiến Bộ” muốn chứng tỏ lòng thần phục đối với chính quyền Cộng Sản sắp được thành lập ở Miền Nam và muốn dâng công đầu tiên là thiết lập một Giáo Hội Công Giáo tự trị theo kiểu Giáo Hội Công Giáo tự trị bên Tầu Cộng. (1)

Tranh đấu hoặc đánh phá phải có lí do. Không có thì phải tạo ra. Nhóm “Công Giáo Tiến Bộ” tố cáo Đức Khâm Sứ phạm nhiều tội.

Khởi đầu, nhóm này kí tên và phổ biến một bức tâm thư, không đề ngày tháng, nêu rõ lí do và mục tiêu đấu tranh như sau: “Khâm Sứ Henri Lemaitre là người trước đây đã hỗ trợ mạnh mẽ cho chính sách thực dân mới của Hoa Kỳ và cho chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu… Từ trước tới nay, các Khâm Sứ đã xen vào nội bộ của Giáo Hội Việt Nam quá nhiều trái với tinh thần Vatican 2. Giải thoát các Giám Mục MNVN cho khỏi áp lực và xâm lấn của Khâm Sứ Toà Thánh là giúp cho Giáo Hội Việt Nam được trưởng thành.” (Nguyễn AnTôn. Công Giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-75. Dân Chúa xuất bản, 1988. Trang 218).

Trong một bản cáo trạng in roneo, LM Thanh Lãng quy kết: “Từ trước đến nay, ở Miền Nam có 5 vị Khâm Sứ Toà Thánh thì Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre có thành tích bất hảo nhất vì tính chất thực dân, có đường giây điện thoại đỏ với Toà Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam và dính líu với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu” (Nguyễn AnTôn. Sđd. Trang 220).

Lúc ấy, trong Toà Khâm Sứ có Đức Kâm Sứ Henri Lemaitre, một linh mục phụ tá người Ba Lan và linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ. Đức Khâm Sứ là mục tiêu “nhắm bắn” chính, còn linh mục phụ tá người Ba Lan và linh mục bí thư người Việt là mục tiêu phụ, đương nhiên 2 vị là những chứng nhân từ đầu đến cuối.

Để đạt mục tiêu trục xuất Đức Khâm Sứ, “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” đã tổ chức 3 cuộc biểu tình đấu tranh:

Lần thứ nhất: Ngày 02-4-1975, họ kéo tới biểu tình trước Toà Khâm Sứ đường Hai Bà Trưng. Họ đòi Đức Khâm Sứ phải ra đi. Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre vẫn bình tĩnh, nhẫn nại và can đảm. Ngài từ chối yêu sách của nhóm tranh đấu và dứt khoát không rời khỏi Việt Nam nếu chưa có lệnh của Toà Thánh. Lúc này, Cộng Sản chưa chiếm được Sài Gòn, cho nên “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” chưa có hành động thô bạo.

Lần thứ hai: Ngày 14-5-1975, tức là lúc Miền Nam đã lọt vào tay Cộng Sản, nhóm đấu tranh tỏ ra hết sức hung bạo. Đi đầu là Nguyễn Phúc Khánh, bọn họ trèo tường đột nhập Toà Khâm Sứ, dùng búa đập bể ổ khoá cổng để đám đông tràn vào. Mấy tay xông xáo hơn đã trèo lên mái nhà căng biểu ngữ và hạ cờ Toà Thánh xuống. Bọn họ dùng lời lẽ của phường bất hảo để thoá mạ, hò hét. Mỗi lần hô “Đả đảo! Đả đảo!”, “Henri Lemaitre cút đi, cút đi…!” thì cả bọn đồng loạt giơ lên cao những nắm đấm, y hệt một hoạt cảnh bần cố nông đấu tố địa chủ ở Miền Bắc hồi 1954. Sau đó, họ dùng vũ lực xô đẩy Đức Khâm Sứ, linh mục phụ tá nguời Ba Lan và linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ ra khỏi cổng Toà Khâm Sứ, rồi đóng cửa lại.

Trong đợt đấu tranh bạo động này, người ta nhận diện 3 linh mục nổi bật: LM Phan Khắc Từ xách động bên trong Toà Khâm Sứ, LM Huỳnh Công Minh chụp hình liên tục (để báo cáo), còn LM Thanh Lãng thì đứng bên kia đường để “lược trận”. (2)

Rập theo chủ trương của Cộng Sản là dùng bất cứ phương tiện nào miễn là đạt mục đích. Trong những lần đối thoại giữa đôi bên, những tay cầm đầu “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” bất chấp tất cả, đã dám đe doạ Đức Khâm Sứ: “…nếu Đức Khâm Sứ không chịu từ chức và ra đi, thì người ta bắt buộc phải dùng đến một biện pháp “rất đáng tiếc” (Nguyễn Antôn. Sđd. Trang 220).

Lần thứ ba: Tối ngày 03-6-1975, “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” lại tổ chức biểu tình tại Toà Khâm Sứ.

Lần này xẩy một sự việc đau lòng. Đó là khi nghe tin Toà Khâm Sứ lại bị “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” quậy phá, hàng ngàn giáo dân trẻ thuộc giáo xứ Bùi Phát kéo nhau đi giải vây cho Đức Khâm Sứ. Đoàn người bị bộ đội Cộng Sản ngăn chặn tại cầu Trương Minh Giảng, một giáo dân bị bắn chết, LM Vũ Bình Định, phó xứ Bùi Phát, bị bắt giữ.

Chiến dịch đánh phá của “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” đã lộ nguyên hình họ là những tên “Giu Đa bán Chúa” bởi vì hành động của họ tạo nên cái cớ rất tốt, rất đúng lúc để chính quyền Cộng Sản ra tay.

Thật vậy, ngay sáng hôm sau, ngày 04-6-1975, Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời MNVN đã mời Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre đến để bảo cho biết: “Ngài nên lánh khỏi Việt Nam trong một thời gian, và càng sớm càng tốt, nếu không sự hiện diện của Ngài sẽ không còn được bảo đảm” (Nguyễn Antôn. Sđd. Trang 221). Theo ngôn ngữ ngoại giao phải hiểu đây là lệnh trục xuất. Đức Khâm Sứ phải lấy máy bay để rời khỏi Sài Gòn vào hôm sau, 05-6-1976.

Đức Khâm Sứ đi rồi, linh mục phụ tá người Ba Lan yêu cầu linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ phải vào ở thường trực trong Toà Khâm Sứ để phụ với ông đối phó với tình hình mới.

Nghe biết tin này, từ Vatican, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Jean Villot gửi cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà MNVN một bức thư nói: “… rất đau lòng khi hay tin… và sẵn sàng mở những cuộc tiếp xúc cần thiết…” (Nguyễn Antôn. Sđd. Trang 222).

Sau khi Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre rời Việt Nam, ngài được bổ nhiệm làm khâm sứ Toà Thánh ở Uganda, rồi ở nhiều nước Bắc Âu. Nhiệm sở cuối cùng của Ngài là ở Hoà Lan. Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre nghỉ hưu năm 1997 và qua đời năm 2003.

Đức Khâm Sứ đi rồi thì ít lâu sau đến lượt vị linh mục phụ tá người Ba Lan. Chúng tôi không ghi nhận được thêm tin tức gì về vị linh mục phụ tá Đức Khâm Sứ, kể từ khi ông bị trục xuất khỏi Sài Gòn.

Người chủ Toà Khâm Sứ bị trục xuất. Vị linh mục phụ tá người Ba Lan cũng đã phải ra đi. Toà Khâm Sứ chỉ còn là cái xác nhà. Cha bí thư Trần Ngọc Thụ có thể trụ lại được không? Ra khỏi Toà Khâm Sứ, Cha Thụ có thể đi đâu? Dù ở đâu, Cha có được yên thân không để làm việc mục vụ?

Một sự thật sau này mới biết là Đức Khâm Sứ đã tiên liệu xin quốc tịch Vatican cho Cha Thụ từ trước, để hòng khi hữu sự. Quả đúng như vậy. Cha Thụ có quốc tịch Vatican nhưng Cha giấu mọi người. Cha vốn nổi tiếng kín đáo, không bao giờ tiết lộ những chuyện không cần tiết lộ. Nhưng mà giờ đây, việc phải đến đã đến. Đã đến lúc Cha phải quyết định đi hay ở. Cha không giấu kín được nữa. Dù còn vấn vương, không muốn ra đi thoát thân một mình, nhưng Cha phải tìm ra đáp số hợp tình hợp lí nhất cho việc ở hay đi.

Các đấng các bậc thân quen nói Cha nên ra đi. Bà con và tất cả mọi người thương ông, muốn ông được an toàn cho nên đã giục giã ông nên đi.

Cuối cùng, Cha Thụ quyết định ra đi.

Tại phi trường Tân Sơn Nhất, trước khi lên máy bay, đột nhiên có một viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao của chính quyền Cộng Sản tới nói: “Chúc linh mục thượng lộ bình an. Sau này, nếu khi nào linh mục muốn trở về thì cứ cho chúng tôi biết!”

Đâu ngờ, đây là lần ra đi không hẹn ngày về của Cha Thụ.

Đúng là “nói dối như Vẹm!”, sau này, ở Roma, nhiều lần Cha Thụ xin visa tại Toà Đại Sứ CSVN để trở về thăm Việt Nam, thăm cố hương Phát Diệm, thăm mộ phần cha mẹ ở họ Đông Hoà, xứ Văn Hải, nhưng chưa bao giờ CSVN cấp giấy cho Cha.

Bù lại, vì ra đi nên sau này Cha Thụ mới có cơ hội làm nhiều việc quan trọng hơn cho GHCG hoàn vũ và cho GHCGVN.

*Trần Vinh

Ghi chú:

(1) Trong cùng thời gian này, nhóm “Công Giáo Tiến Bộ” phát động song hành 2 cuộc đấu tranh nhắm vào 2 mục tiêu: một là trục xuất Đức Khâm Sứ; hai là buộc Đức TGM Phanxicô Nguyễn Văn Thuận phải từ chức Phó Tổng Giám Mục Sài Gòn (do sắc phong của Toà Thánh ngày 25-4-1975). Nhiều sách vở đã kể về vụ Đức TGM Nguyễn Văn Thuận bởi vì Ngài quá nổi tiếng. Giáo Hội đang xúc tiến việc tuyên thánh cho Ngài. Ở đây, chúng tôi chỉ tường thuật vụ Đức Khâm Sứ, bởi vì chủ đề loạt chuyện của chúng tôi trong sách này là LM Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, bí thư Toà Khâm Sứ. Cha Thụ cũng là chứng nhân của các vụ việc xẩy ra liên quan tới Đức Khâm Sứ.

(2) Về cuối đời, LM Thanh Lãng đã viết di chúc, khiêm nhường ăn năn sám hối, xin Chúa và Giáo Hội “tha tội”. LM Thanh Lãng cũng “công khai sám hối xin lỗi Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, … anh em linh mục và …toàn thể dân Chúa”.

GS. Nguyễn Văn Lục, em ruột GS. Nguyễn Văn Trung, trong bài Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận Nguyên Nhân 13 Năm Lưu Đầy Khổ Nhục, đã công bố một phần bản di chúc 13 trang của LM. Thanh Lãng trao cho GS. Nguyễn Văn Trung, nguyên văn như sau:

“Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh Toàn cầu và Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lầm lẫn và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.

Tôi xin công khai sám hối xin lỗi Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức Cha.

Tôi xin công khai sám hối xin lỗi tất cả và tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý, làm mất lòng.

Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong Mục vụ.

Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội Thánh và Chúa tha tội cho tôi”.

Ngày 28-11-1988, Đinh Xuân Nguyên, Thanh Lãng”. (DCVOnline.net)

(Trích trong sách Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ sẽ phát hành cuối năm 2017. Chủ biên: Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương. Biên tập: Trần Vinh)
 
Thông Báo
Chương trình Đức Mẹ Fatima Thánh Du tại Long Beach và Đại Hội Lòng Chuá Thương Xót.
DCCT Long Beach
18:28 19/04/2017




 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Vàng Đồi Xuân
Mỹ Lê
18:56 19/04/2017
HOA VÀNG ĐỒI XUÂN
Ảnh của Mỹ Lê
Tiết xuân mưa nắng dịu dàng
Đồi hoang cỏ biếc hoa vàng lượn quanh
Đơn sơ đẹp tựa như tranh.
(bt)