Ngày 19-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 19/04/2013
NGUYỆN VỌNG CỦA TRẺ CON
N2T

Có một bác sĩ khi đang bận nghiên cứu thì con trai nhỏ của ông đi lặng lẽ đi vào và đứng bên cạnh ông, bác sĩ vừa bận với công việc của mình, vừa bỏ tay vào trong túi áo lấy một đồng xu đưa cho con trai.
- “Ba, con không cần tiền.” Đứa con nói.
Qua một lúc sau, bác sĩ rút trong ngăn kéo ra một cái kẹo đưa cho nó, đứa con lại không muốn, nói:
- “Ba, con không cần kẹo.”
Vì bận công việc cho nên bác sĩ có chút cáu gắt, hỏi nó:
- “Vậy thì con muốn gì nói ba nghe.”
Đứa con trả lời:
- “Con không cần gì cả, con chỉ muốn ở đây với ba mà thôi.”
(Lovasik)

Suy tư:
Giữa xã hội văn mình và hưởng thụ này, có những lúc những bậc làm cha mẹ vì bận công ăn việc làm mà giao phó “tiền” cho con, để nó tự do muốn mua gì thì mua, để nó quên mất quấy rầy cha mẹ nó; có những bậc cha mẹ cứ thúc giục con cái kết bạn cho nhiều, đi với bạn cho nhiều để gọi là mở mang kiến thức với người với ta, nhưng đó chỉ là lý do để con cái khỏi quấy rầy cuộc sống của mình. Nguyện vọng của trẻ con thật đơn giản là được ở với ba nó mãi, đó là một ước muốn rất hiện thực của đứa con yêu mến cha mẹ mình...
Ước muốn kết hợp với chúng ta của Đức Chúa Giê-su thật là mãnh liệt, khi Ngài nói: ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.
Nhưng trong thực tế chúng ta có thật sự ước áo kết hợp mật thiết với Chúa hay không, hay là chúng ta chỉ kết hợp với Ngài sau khi rước lễ, nhưng khi bước ra khỏi nhà thờ hoặc trong đời sống hằng ngày thì lại quên Ngài đang ở trong chúng ta...
Nguyện vọng luôn kết hợp với Đức Chúa Giê-su là nguyện vọng và khát khao của mỗi người trong chúng ta...
------------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 19/04/2013
N2T

38. Linh hồn con người không thoát khỏi tình ý riêng của mình, thì thánh đức của họ cũng không thể cho là vững chắc được.

(Thánh nữ Terese of Avila)
--------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Trộm cắp
Lm Vũđình Tường
20:17 19/04/2013
Trộm cắp là vấn nạn xã hội. Xã hội càng nghèo đói trộm cắp càng nhiều vì làm không đủ ăn nên phải ăn vụng, ăn trộm. Cứ nhìn vào đời sống dân chúng người ta có thể đoán khá chính xác khả năng người lãnh đạo tài hay tồi. Một xã hội trộm cắp lan tràn do lãnh đạo tồi. Tồi đến độ không tạo nổi công việc cho dân chúng nên họ đói khát, phải ăn trộm để sống. Một xã hội đời sống đạo đức xa đoạ do lãnh đạo mị dân. Người lãnh đạo không dám mạnh dạn đủ bảo vệ thuần phong, điều chính đáng mà ngả theo đòi hỏi thị hiếu quần chúng mong kiếm phiếu. Trong trường hợp này họ sợ tiếng nói chân chính. Một là cấm đoán hai là làm lơ, bỏ qua tiếng vọng yêu cầu cải tổ, xét lại. Đạo đức thái hoá trong xã hội khi niềm tin tôn giáo lu mờ, khi người lãnh đạo không khích lệ làm việc thiện, cổ võ điều công chính.

Trộm cắp xảy ra giữa cá nhân với cá nhân là một tội phạm. Trộm cắp xảy ra giữa công ti thương mại này với công ti thương mại khác ngầm ăn cắp tài liệu buôn bán của nhau là tội thương mại. Trộm cắp xảy ra giữa chủ trương của nhà cầm quyền nước này với nhà cầm quyền nước khác chủ trương ăn cắp tin tức mật về quốc phòng về điều hành và viễn ảnh kinh tế tương lai lại được khuyến khích, cổ võ, ban thưởng. Ngày nay với ngành công nghệ thông tin trở nên phổ quát hơn kẻ cắp có thể ngồi nhà ăn cắp tin tức tứ phương, tám hướng. Khả năng điện toán giúp kẻ cắp có thể ngồi nhà ăn cắp từ trong nước lẫn hải ngoại. Tình trạng kẻ cắp ban ngày càng ngày càng tăng và không thể ngăn chặn dễ dàng. Hiện nay chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu. Nếu để tình trạng trộm cắp bùng nổ lớn sẽ là một tai vạ lớn cho thế giới dẫn đến tình trạng tiêu huỷ hàng loạt nhân mạng trong chớp mắt.

Còn một loại trộm cắp nữa mà xã hội ít quan tâm nhưng niềm tin Kitô giáo luôn cảnh giác đó là trộm tâm linh. Trộm tâm linh xảy ra khi người Kitô hữu chọn để niềm tin vào Đức Kitô ngủ. Điều này xảy ra không phải do lãnh đạo tồi mà do quyền tự do lựa chọn lối sống của cá nhân. Với quyền tự do cá nhân có toàn quyền tự do chọn lối sống riêng cho mình. Chọn cuộc sống Kitô hữu tích cực hoạt động, hoặc chọn cuộc sống đức tin hoàn toàn thụ động. Chọn để đức tin trở thành thứ yếu. Chọn giam cầm đời sống tâm linh thầm lặng. Chọn đặt trọng tâm vào mưu tìm vinh hoa phú quí trần thế. Chọn giam cầm niềm tin chính là chọn biếng nhác trong việc thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Chọn cắt đứt liên hệ thân mật giữa các Kitô hữu trong cộng đoàn dân Chúa. Chọn để danh vọng, quyền hành hướng dẫn, chỉ đạo, ảnh hưởng đến đời sống đạo. Chọn phục vụ cho tư lợi riêng và đặt tư lợi trên công ích. Tinh thần phục vụ không còn nếu không có lợi nhuận riêng.

Chọn từ chối nghe theo tiếng nói êm dịu nhẹ nhàng trong tâm hồn sẽ làm cho tâm hồn người đó bất an. Vì bất an trong tâm hồn nên cần phải có những thứ khác thế chấp, xoa dịu nỗi khát vọng chân chính trong tâm hồn. Để thoả mãn khát vọng đó người ta dùng vật chất mong thoả mãn khát khao bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Từ chối tiếng Đức Kitô mời gọi sẽ lún sâu vào đời sống tha hoá. Từ chối sinh hoạt chung với cộng đoàn dân Chúa sớm muộn gì cũng đắm chìm trong sinh hoạt xã hội tồi bại. Chọn từ bỏ ánh sáng, chấp nhận bóng tối mong thoả mãn nhu cầu thân xác đòi hỏi. Như thế thân xác phải vất vả, cực nhọc, dục vọng trần thế thường quá sức chịu đựng của thân xác. Vì thế kẻ ăn chơi trác táng, kẻ nghiện ngập bao giờ thân xác cũng ủ rũ mệt mỏi, vai so, cổ rụt. Thân xác không chịu được những kích thích của hoá chất, phản ứng lại bằng cách phát sinh ra nhiều loại bệnh tật không thuốc trị.

Đức Kitô cho biết, ngoài Ngài ra, nhân loại dù tài giỏi tới đâu cũng không có khả năng ban bình an thực sự. Muốn có bình an thực sự cần tìm về nguồn bình an vĩnh cửu. Nguồn bình an vĩnh cửu đến từ Thiên Chúa. Muốn nhận biết Thiên Chúa thì cần lắng nghe tiếng Ngài và đặt tin tưởng vào Ngài. Ai lắng nghe và đặt tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ không bao giờ hư mất nhưng được Ngài con sóc, bảo vệ. Ngay cả trường hợp họ lầm lẫn, lạc đường họ sẽ nghe tiếng Ngài mời gọi trở về.

Chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta... ta ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi Gioan 10,27tt

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người không tin thách thức Kitô hữu
Vũ Văn An
21:46 19/04/2013
Các Thánh Vịnh 114 và 53 cùng mở đầu với câu: “Kẻ đần độn tự nhủ ở trong lòng: làm gì có Thiên Chúa”. Bất kể câu này muốn nói với ta điều gì về việc không tin trong xã hội Do Thái cổ thời, ngày nay, không phải chỉ có kẻ đần độn mới nói thế. Vả lại, họ cũng chẳng chịu chỉ tự nhủ ở trong lòng mà thôi đâu. Riêng tại Mỹ và Âu Châu, nơi vốn được coi như trái tim lịch sử của “Thế Giới Kitô Giáo”, hiện có cả một đoàn lũ mỗi ngày một đông thêm những người thông minh, có giáo dục, có suy nghĩ lên tiếng bác bỏ Kitô Giáo và vị Thiên Chúa mà tôn giáo này tuyên xưng. Nhiều người trong số này cho rằng niềm tin Kitô Giáo đơn thuần chỉ là bất khả tín, không phải chỉ sai lầm, mà là sai lầm một cách thô thiển, tức cười. Nhiều người trong số họ là những khuôn mặt công sáng giá: khoa học gia, triết gia, nhà báo, tiểu thuyết gia, chính trị gia, “bloggers” và tấu hề duyên dáng. Nhưng phần đông họ là những con người rất bình thường. Họ là đồng nghiệp, bạn bè, thân nhân của ta, và thậm chí còn là chính ta nữa. Điều chủ yếu không nên quên là những người không đần độn ấy rất có thể đã được đóng ấn rửa tội, nhất là tại Hoa Kỳ; trong số này, người Công Giáo chắc chắn đã được dạy giáo lý, đã chịu phép thêm sức và đã được rước lễ lần đầu thành “chứng nhân đích thực của Chúa Kitô”, như Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội từng mô tả họ.

Những sự kiện khó nghe trên, cùng với con số gia tăng những người “không xếp hàng” với các tôn giáo (không nhất thiết là người vô thần), đang đặt ra cho Giáo Hội thật nhiều vấn đề hóc búa. Và mặc dù đã có những nhận định sáng suốt của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay rằng: “ta có thể kể chủ nghĩa vô thần là một trong các nan đề trầm trọng nhất của thời ta và đáng được ta lưu tâm nhiều hơn nữa”, đây là các vấn đề chưa được ta thực sự bắt đầu khuôn định, chứ đừng nói tới việc giải đáp. Không cần nói cũng thấy việc giải đáp này là một trong những trách vụ khẩn cấp nhất đang đặt ra cho diễn trình “tân phúc âm hóa những người từng đã được nghe công bố về Chúa Kitô rồi” như lời Chân Phúc GH Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Redemptoris Missio” của ngài.

Dĩ nhiên, có cả ngàn vạn lý do (triết học, tâm lý học, xã hội, văn hóa, luân lý) khiến người ta hoài nghi hay trở nên hoài nghi đối với các chân lý của Kitô Giáo. Ở đây, chúng tôi chỉ tập chú vào một lý do duy nhất. Một cách nghịch thường, đây là đặc điểm nền tảng trong sứ điệp Kitô Giáo, nhưng là một đặc điểm mà người vô thần nắm được một cách trực giác hơn chính chúng ta. Xét trong căn bản, những người không đần độn kia đã hiểu được một điều chủ yếu mà chính chúng ta đang cố quên đi.

Những chủ trương quái dị

Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề: Thiên Chúa của Kitô Giáo là một loại hữu thể hết sức kỳ lạ, nếu người ta có thể gọi Người là một loại hữu thể. Và những người tin nhận vị Thiên Chúa này đã ủng hộ, hay cho rằng mình đã ủng hộ, khá nhiều chủ trương lố bịch.

Quả quyết một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí và toàn ái, tạo dựng và duy trì “mọi vật hữu hình và vô hình” là một chuyện. Xét ngay trong nó, đây là một chủ trương khá nổi bật và cấp tiến, mà vào lúc mới ra đời, nó vốn là một chủ trương có tính cách mạng trong lịch sử con người và là một chủ trương được Kitô Giáo tiếp thu từ sữa bú của Do Thái Giáo. Ấy thế nhưng cho rằng vị Thiên Chúa này, tệ hơn nữa, một trong Ba Ngôi Vị của cùng một Thiên Chúa này, đã mang lấy xác phàm, trở thành một ai đó vừa thực sự là Thiên Chúa vừa thực sự là con người, lại là một chuyện khác hẳn.

Thí dụ, hãy xem hai biểu tượng dễ nhận ra ngay tức khắc của Kitô Giáo là hài nhi Giêsu và tượng chịu nạn. Biểu tượng đầu muốn công bố rằng vị Thiên Chúa làm người này đã dành rất nhiều thời gian để làm những việc như đau bụng và cứt trâu da đầu, khóc nhè trong đêm chẳng biết vì lý do gì và không ngừng đái dầm khiến cha mẹ mất ngủ liên miên. Như thế, nước mắt, cáu kỉnh, và mọc răng cũng là công việc của vị Thiên Chúa duy nhất chân thực này, y hệt “trời, đất, biển khơi và mọi vật trong đó” (Cv 4:24). Biểu tượng sau quả quyết rằng vị Thiên Chúa làm người này bị tra tấn và sát hại, chịu một hình thái đau đớn và một cái chết không xứng hợp với một vị vua, nhưng một hình thức xử tử hết sức nhục nhã được Đế Quốc Rôma dành cho nô lệ, tướng cướp và kẻ thù của nhà nước.

Có thể nói được rằng phần lớn tín hữu không nhận rõ cái đặc tính quái dị trong các biểu tượng nền tảng vốn được coi như đương nhiên của Kitô Giáo. Há không phải là điều lạ lẫm khi đeo quanh ngực một cái xác nhỏ xíu bị đóng đinh vào thập giá đó sao? Bất chấp là thật hay không, những chủ trương này chắc chắn là những chủ trương hoang dại và quái dị nhất trong lịch sử con người. Nhưng nếu đúng sự thật, thì chắc chắn chúng phải là những sự kiện sâu sắc nhất và đảo ngược thế giới nhất liên quan đến cuộc đời và vũ trụ. Ây thế mà, trong suốt 2000 năm qua, những chủ trương này đã trở thành quen thuộc đến nỗi chẳng ai trong đại đa số những người tuyên xưng chúng thèm bình luận, chứ đừng nói tới việc ngạc nhiên hay ngưỡng mộ.

Sự điên rồ đối với Dân Ngoại

Tuy nhiên, điều đó không đúng đối với những người đầu tiên được nghe tin mừng này của Chúa Giêsu Kitô. Như chính Thánh Phaolô đã ghi lại “Chúng tôi rao truyền Chúa Kitô và là người bị đóng đinh, một vấp ngã đối với người Do Thái và một sự điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cor 1:23). Dĩ nhiên, đối với người Do Thái, chủ trương cho rằng Đấng Mêxia, bất chấp là Thiên Chúa hay không, đã đến và đã bị đóng đinh là một chuyện gây gương mù gương xấu (scandalon, gương mù, tiếng Hy Lạp có nghĩa vấp ngã) một cách đầy phạm thượng. Và ta phải nói ngay rằng quả chẳng điên rồ chút nào khi nghĩ như thế: vì có ai lại đi mong chờ một đấng Mêxia bị đóng đinh rồi trỗi dậy bao giờ? Chính vì vậy mà ông Phêrô “quỉ quái” (Satanic) đã trách cứ Chúa Giêsu ở Mt 16 và các môn đệ trên đường Emmau đã chán chường nói đến người mà “họ từng hy vọng… sẽ là đấng sẽ cứu cuộc Israel” ở Lc 24.

Trong khi ấy, đối với dân ngoại, toàn bộ cuộc tuyên xưng là một sự điên rồ tỏ tường. Ngay cái ý niệm cho rằng vua dân Do Thái, đúng ra, vua toàn thế giới, xuất thân không những từ cái vùng lạc hậu Giuđêa của Đế Quốc mà còn từ cái miền lạc hậu Galilê của cái vùng lạc hậu Giuđêa ấy, rồi xuất hiện trên lưng lừa thu hút những đám dân tạp nham gồm nông dân và ngư phủ, rồi bị bắt và bị đóng đinh như một thường phạm trước khi trỗi dậy một cách lạ lùng từ cõi chết mấy ngày sau đó, được chào đón như là cứu chúa của vũ trụ, thì quả là những truyện mê xảng của “đàn bà, nô lệ và con nít” như kiểu nói của triết gia ngoại giáo Celsus.

Nhưng đối với những ai từng được nuôi dưỡng trong trình thuật này và biết vị Thiên Chúa làm người thực sự này, dù biết một cách không hoàn toàn hay ít khi phát biểu hay suy niệm về nó, ít khi họ cảm thấy thực sự bị thách thức bởi toàn bộ sứ điệp Kitô Giáo trong cái chiều kích bề ngoài xem ra gây gương mù gương xấu này. Dù tin tất cả sứ điệp đó hay không, người ta cũng thấy dễ khi phải gật đầu nửa vời như thể đây là những sự kiện hiển nhiên đến phát chán mà ai cũng đã nghe rồi. Điều cũng cần nói là các nhà giảng thuyết và hộ giáo Kitô Giáo thường lại hay củng cố quan niệm này.

Trình bày “Chúa Kitô và người bị đóng đinh” như một điều bình thường, không gây tranh cãi gì cả, một điều mà người có đầu óc lành mạnh, không trì độn đương nhiên sẽ đồng ý một cách không thắc mắc là liều mình điều kiện hóa không những người khác mà còn chính ta nữa, khiến họ không còn xem sét điều đó một cách thực sự nghiêm chỉnh nữa. Bởi vì thay đổi lối sống của mình chỉ vì một điều bình thường hay một điều thường thức, thì chỉ những người bất bình thường mới làm mà thôi. Nhưng chính sự thay đổi ấy, sự quay gót (metanoia) ấy, hay sự ăn năn thống hối ấy, là điều Chúa Giêsu cho là cần thiết để ta “tin vào tin mừng” (Mk 1:15).

Về Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh, Jürgen Moltmann nhận xét rằng ý nghĩa đích thực của Thứ Sáu Tuần Thánh “thường được người vô thần và người ngoài Kitô Giáo nhìn nhận nhiều hơn là người Kitô Giáo ngoan đạo, bởi nó làm họ ngỡ ngàng và như bị xúc phạm. Họ thấy nỗi khiếp đảm trần đời và sự vô thần của Thập Giá vì họ không tin các giải thích tôn giáo thường gán ý nghĩa cho tính vô nghĩa của cái chết này”. Dưới cái nhìn ấy, ta hãy xem hai nhận định sau đây trích dẫn từ hai nhà “tân vô thần” mà chúng tôi cho là phản ảnh được quan điểm rộng rãi hơn của những người không đần độn.

Trong The God Delusion, Richard Dawkins viết rằng “Tôi từng mô tả việc xá tội (atonement)… là lẩn quẩn, là ác thống dâm (sado-machochistic) và kinh tởm. Ta cũng nên bác bỏ nó như một thứ điên loạn chói tai, vì sự thân quen áp đảo của nó từng làm cho tính khách quan của ta ra cùn nhụt”. Còn trong Letter to a Christian Nation, Sam Harris viết như sau: “Kitô Giáo đã tiến tới chỗ chủ trương rằng ta phải yêu và được yêu bởi một vị Thiên Chúa từng chấp nhận việc thế tội, việc tra tấn và việc sát hại một con người, mà tình cờ thay lại là chính Con của Người, để đền bù vì tác phong xấu xa và tội ác tưởng tượng của người khác”.

Xét theo mô tả chân thực của thần học về thập giá, thì những phát biểu trên có phần chưa đầy đủ. Tuy nhiên, xét như những suy tư ấn tượng học về việc đóng đinh, nghĩa là như một sự lăng mạ quái dị, một thứ gián đoạn, đối với các vận hành bình thường của thế giới, một thứ điên dại của Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô nói, thì chúng quả đề cập tới một điều gì đó rất chủ yếu mà các Kitô hữu đã quá quen thuộc đến nhàm chán. Dù việc ngạc nhiên và việc bất khả tín không hẳn là đồng nghĩa, nhưng người không tin vẫn có thể nghe thấy những căng thẳng hiện đang bị những người với lỗ tai đã trở nên “nặng không còn nghe nổi” (Mt 13:15) làm ngơ.

Tái ngộ Tin Mừng

Dawkins chính xác khi cho rằng vấn đề nằm ở sự “thân quen áp đảo”, không hẳn vì nó xâm hại khách quan tính của ta, mà đúng hơn vì nó hạn chế khả năng có thể ngỡ ngàng và ngạc nhiên, và do đó, có thể phấn khích và được thách thức của ta. Tin Kitô Giáo chân thực là một chuyện. Nhưng cảm thấy bỡ ngỡ trước việc không những nó chân thực, nhưng nếu nó chỉ có thể chân thực mà thôi, ta vẫn dựa vào nó để xây dựng cuộc đời ta, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, các cố gắng phúc âm hóa và giảng dạy giáo lý của ta xem ra chỉ tập chú vào việc thuyết phục người ta tin điều trước. Có lẽ đó là một lý do khiến quá nhiều người Công Giáo, dù đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong đức tin xưa nay, đã dễ dàng lạc dần xa đức tin ấy, mà đôi khi chẳng nhận ra.

Nhưng đối với con số càng ngày càng đông những người được dưỡng dục bên ngoài Kitô Giáo, hay đã trôi dạt khá xa khỏi tôn giáo này, thì các khả thể gặp gỡ Tin Mừng trong mọi vẻ sáng chói của nó đối với tâm trí họ sẽ hứa hẹn hơn nhiều. Như Giáo Hội tiên khởi đã chứng tỏ một cách sâu rộng, một bối cảnh trong đó tin mừng có thể được tiếp nhận như là một sự rồ dại gây gương mù cũng chính là bối cảnh trong đó nó được chào đón một cách đầy ngạc nhiên như là “tất cả những gì tốt lành, đúng đắn và chân thật” (Eph 5:9). Nhìn dưới ánh sáng này, việc người ta thích Thánh Kinh lạnh hay nóng, ngược với hâm hấp, dù kỳ lạ, vẫn có nghĩa nhiều hơn (Rv 3:15-16).

Dĩ nhiên, khi nhấn mạnh tới bản chất triệt để, nghịch thường của sứ điệp Kitô Giáo, ta luôn gặp nguy cơ rơi vào sự tối tăm của chủ nghĩa duy tín (fideistic). Điều này cũng cần phải nghiêm chỉnh xa lánh: Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đều đã cảnh giác việc không cần thiết phải tạo ra irrisio infidelium, hay “sự châm chọc của người không tin”. Chúng tôi muốn nói không phải Kitô Giáo điên dại thực sự hoặc lầm lạc hay tức cười. Nhưng đúng hơn, chúng tôi muốn nói rằng giống mọi điều chân thực một cách sâu sắc khác, Kitô Giáo nên làm người ta bỡ ngỡ ngay ở lần nghe đầu tiên và sơ sài. Hãy so sánh với các điều kỳ diệu của vũ trụ được khoa vật lý hiện đại phát hiện, đó là: mọi sự trong vũ trụ có lần đã được gói gọn trong một không gian cực kỳ nhỏ mọn; tuyệt đại đa số các vật ở thể rắn thực sự chỉ là những khoảng không trống rỗng; có cả hàng trăm tỉ ngân hà trong vũ trụ, mỗi dải với hàng trăm tỉ thái dương hệ… Các nhà văn khoa học nổi tiếng đã rất thành thạo giải thích cho ta cách nào và tại sao những sự vật kia có thật và các lý do vững chắc để ta tin những điều ấy. Nhưng họ cũng vẫn tỏ ra ngưỡng phục trước cái vẻ bề ngoài đầy quái dị của những khám phá ấy, vì biết rất rõ đó là điều khiến độc giả của họ phấn khích và say mê.

Dĩ nhiên, các giáo phụ không xa lạ gì đối với các chiến thuật ấy, cho nên các nhà tân phúc hóa tương lai cũng cần phải cố gắng khắc ghi lấy nó. Nhà biện giáo thế kỷ thứ hai là Thánh Melito thành Sardis mô tả Chúa Kitô “nện chân trên đất, mà vẫn phủ đầy bầu trời… đứng trước Philatô mà đồng thời vẫn ngự trị với Cha của Người; bị đóng đinh trên thập tự giá, nhưng vẫn là chúa tể muôn vật”. Còn Thánh Augustinô thì viết như sau trong một bài giảng Lễ Giáng Sinh thời danh: “Đấng tạo ra con người nay trở thành con người, đến nỗi vua các vì sao phải bú vú mẹ; suối nguồn trở thành khát nước… sức mạnh trở thành yếu ớt; lành mạnh, trở thành thương tích; sự sống, trở thành chết chóc”.

“Một vấp ngã đối với người Do Thái và một điên dại đối với người dân ngoại”, rất có thể như thế, nhưng dù cho là như thế, vẫn còn hơn cái thứ bình thường đối với người bên ngoài và chán ngán đối với người đã rửa tội.

Trích dịch bài “Foolishness!” của Stephen Bullivant, giảng sư thần học và đạo đức học tại Đại Học St Mary, Luân Đôn, Anh Quốc. America 11 tháng 2, 2013.
 
Cần có một cuộc phục hưng mới.
Linh Tiến Khải
10:16 19/04/2013
Phỏng vấn giáo sư xã hội học Zygmunt Bauman

Từ năm 2008 tới nay cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế đã khiến cho tình hình thế giới bị xáo trộn, làm cho hàng triệu người mất công ăn việc làm, vì các hãng xưởng kỹ nghệ lâm cảnh nợ nần không trả nổi bị phá sản và nền kinh tế toàn cầu xuống dốc thê thảm. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu không lối thoát như thế, các chính quyền có khuynh hướng trở thành hiếu chiến và tìm cách gây ra chiến tranh để đánh lạc hướng, tránh các cuộc bạo loạn của dân chúng, đồng thời giải quyết mọi bế tắc xã hội với giá trả mắc mỏ của cảnh hy sinh nhân lực tài lực và tàn phá tất cả những gì đã nhọc công xây dựng từ bao thập niên qua. Bài học của hai thế chiến xem ra vô ích vì không dậy con người học được gì từ lịch sử.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của ông Zygmunt Bauman, giáo sư xã hội học người Ba Lan, về sự cần thiết của một cuộc phục hưng mới, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.

Giáo sư Zygmunt Bauman sinh năm 1925 bên Ba Lan, nhưng đã bị trục xuất khỏi Ba Lan bởi phong trào bài Sêmít do nhà ưnớc cộng sản Ba Lan phát động. Vì thế từ năm 1971 ông sống bên Anh quốc và dậy môn xã hội tại đại học Leeds, rồi năm 1990 về hưu. Giáo sư Bauman nổi tiếng vì các phân tích tương quan giữa thời đại tân tiến, nạn diệt chủng Do thái và chủ thuyết tiêu thụ hậu tân tiến. Ông là tác gỉa của 59 cuốn sách, đa số đề cập tới các đề tài toàn cầu hóa, sự tân tiến và hậu tân tiến, cũng như chủ nghĩa tiệu thụ và nền luân lý. Giáo sư cũng đã nhận được nhiều giải thưởng về xã hội học và Khoa học xã hội. Năm 2010 giáo sư đã nhận được giải thưởng Asturias về truyền thông và nhân bản tính.

Hỏi: Thưa giáo sư, từ ”chủ thuyết nhân bản” có nghĩa gì trong ngàn năm mới này?

Đáp: Một trong các dấu chỉ đặc thái của thời đại chúng ta là sự cách biệt qúa lớn giữa tầm quan trọng toàn cầu của sự tùy thuộc nhau và các ràng buộc địa phương của các phương tiện hoạt động tập thể. Các phương tiện hoạt động tập thể không theo kịp đà bành trướng nhanh chóng của các tùy thuộc nhau trên bình diện toàn cầu. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến sự phân rẽ gia tăng giữa quyền lực - tức khả năng thực hiện các sự vật - và chính trị, là khả năng quyết định chúng ta cần những gì và phải thực hiện chúng như thế nào, và kết qủa là cuộc khủng hoảng nặng nề như chúng ta đang phải sống. Một đàng chúng ta phải đương đầu với các cường quốc thế giới trong một vùng đất ”không thuộc về ai cả”, thoát khỏi sự kiểm soát chính trị; đàng khác với các dụng cụ chính trị ”địa phương” bị hạn hẹp trong ranh giới của các quốc gia riêng rẽ, như đã bắt đầu trước thời toàn cầu hóa của sự tùy thuộc, và vì thế chúng ta bị bệnh thiếu quyền bính... Như thế chúng ta đang đương đầu với một dấn thân tương tự với dấn thân của các thế hệ cha ông chúng ta trong thời phục hưng. Chúng ta đứng trước thách đố của việc hội nhập nhiều quyền bính địa phương hay các thực tại chủng tộc và chính trị hầu như độc lập với nhau vào bên trong các dân nước và quốc gia tân tiến, nhưng cần phải làm điều này trên bình diện rộng rãi hơn nhiều.

Chúng ta có bổn phận xây dựng ”nhân loại” bên ngoài sự dư dật của các chính quyền quốc gia một cách kỹ lưỡng, và với một sự cấp bách có tính cách sinh tử đối với nhân loại. Đối với nhiều người trong chúng ta điều này xem ra đảo lộn và vượt qúa khả năng của con người.

Hỏi: Ngày nay đâu là các giới hạn của mô thức phát triển tây phương thưa giáo sư?

Đáp: Trong thời đại tân tiến có một xác tín được phổ biến một cách rộng rãi và đã đâm rễ một cách sâu sa: đó là các khả năng của một cuộc sống có phẩm giá và đáng sống tùy thuộc một cách nòng cốt nơi các của cải được đo lường qua các dữ kiện chính thức của tổng sản lượng quốc gia. Sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn được coi như là một đơn thuốc đại đồng để săn sóc các tật bệnh của con người và giải quyết tất cả mọi vấn đề phát xuất từ sự chung sống của con người với nhau. Sứ điệp đã được các chính quyền kiên trì ghi sâu vào đầu óc chúng ta đó là mua sắm là con đường cho một cuộc sống được tưởng lệ và hạnh phúc. Trong các hàng quán có thể tìm thấy các thứ thuốc chắc chắn cho tất cả mọi tật bệnh của cuộc sống con người. Các nơi bán được giới thiệu như là nhà thuốc giải quyết tất cả mọi khó khăn trong đời sống đã từng phải khổ đau, hay người ta sợ rằng nó sẽ bị khổ đau. Một kiểu sống dựa trên một giả thuyết tương tự là một đơn thuốc khiến hao mòn các tài nguyên vốn có hạn của trái đất này. Chúng ta đã tiêu thụ 50% các tài nguyên mà trái đất có thể cung cấp, và theo đa số các ước tính, chỉ nội trong nửa thế kỷ XXI này cần phải có 3 hành tinh như trái đất này để sống còn, nếu chúng ta không thay đổi kiểu sống, nghĩa là không tiết kiệm và giảm mức tiêu thụ. Người ta sẽ bị giết vì có người có tài nguyên, mà những người khác đang cần đến một cách tuyệt vọng. Cần phải suy tư trở lại một cách triệt để và duyệt xét trở lai cung cách sống của chúng ta, cũng như các giá trị hướng dẫn kiểu sống này.

Hỏi: Thưa giáo sư Bauman, như vậy phải làm thế nào để loại trừ cuộc khủng hoảng môi sinh, bắt đầu từ cung cách hành xử của các cá nhân?

Đáp: Tình hình hiện nay là hậu qủa tột cùng của việc đã thay thế nhân bản tính bằng sự cạnh tranh và thù nghịch, đóng hộp ước vọng lớn lao và sự nhớ nhung bằng sự chung sống dựa trên sự cộng tác, chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau, thừa nhận nhau và tôn trọng nhau. Tham lam không có lợi ích gì cả: đây là một xác tín sẽ được đa số chúng ta hiểu và chấp nhận. Bạn cứ hỏi người ta liên quan tới các giá trị thân thiết đối với họ, thì chắc chắn sẽ thấy là nhiều người sẽ kể ra: trước hết là bình đẳng, sự tôn trọng lẫn nhau, tình liên đới và tình bạn. Nhưng khi quan sát cung cách hành xử trong cuộc sống cụ thể thường ngày của họ, chắc chắn bạn sẽ nhận ra một xếp loại các giá trị hoàn toàn khác biệt... Bạn sẽ ngạc nhiên khám phá ra sự cách biệt giữa các lý tưởng và thực tại, giữa lời nói và hành động. Có thể lấp đầy khoảng cách đó không? Không phải vô tình mà người ta lại dùng từ ”thực tại” để ám chỉ các đề tài qúa quan trọng để thảo luận chúng từ xa, đề tài mà các giới lãnh đạo chính trị của chúng ta tiếp tục nói với chúng ta rằng ”không có sự lựa chọn nào khác”. Nhiều người trong chúng ta tin rằng có một sự lựa chọn khác, cả khi cần phải có rất nhiều ý chí, sự cương quyết và một dấn thân để biến nó thành thực tại.

Hỏi: Vậy theo giáo sư đâu là trách nhiệm của người cai trị trong tình hình phổ biến một mô thức phát triển có thể chịu đựng nổi hiện nay như tại Italia chắng hạn?

Đ: Cột sống xem ra có thể chống cự và ổn định của các cơ cấu quốc gia hiện nay đã rách nát tan tành, mà không có hãng xưởng nào có thể chắp nối chúng lại với nhau. Một lần nữa các lợi lộc kinh tế lại nổi lên, với ít điểm tham chiếu trên bình diện chất liệu cũng như trên bình diện ý niệm, giúp chúng đề phòng hay hạn chế sự lựa chọn các mục tiệu. Với thời gian chúng sẽ đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.

Hỏi: Thế tình liên đới đích thực có giúp chúng ta ra khỏi ngõ cụt của cuộc khủng hoảng hiện nay hay không thưa giáo sư?

Đáp: Có, tôi tin rằng đó là điều có thể. Tuy nhiên, làm thế nào để tái xây dựng tình liên đới sau một soi mòn đã kéo dài nhiều thập niên qua một chủ nghĩa cá nhân xâm lấn và sách nhiễu cuộc sống và qua sự tư nhân hóa các lợi lộc và các lo lắng? Xã hội chìm nghỉm trong các tiến trình này không chứa chấp tình liên đới. Trái lại, các hoàn cảnh sống, trong đó chúng ta đã diễn tả sự cộng tác và thăng tiến đã bị biến thành sự ganh đua, cạnh tranh và nghi ngờ nhau. Tất cả những điều này xảy ra trong một thờ gian, trong đó chúng ta đang cần tình liên đới hơn bao giờ hết để có được thiện ích chung hầu có thể sống còn. Nhưng người ta nhận thấy chưa sẵn sàng các bảng hướng dẫn không thể lầm lẫn chỉ cho chúng ta thấy phải tiến lên như thế nào và không có bao đảm thành công nào cả.

Hỏi: Làm thế nào để thắng vượt cảnh buôn bán đời sống chúng ta thưa giáo sư?

Đáp: Không thiếu các thử nghiêm, cả khi chưa thấy được các kết qủa của chúng. Thí dụ như phong trào ”Slow Food Thực phẩm chậm” do ông Carlo Petrini phát động tại Italia hồi năm 1986, để chống lại phong trào ”Fast Food - Thực phẩm nhanh”, hầu bảo vệ nghệ thuật nấu ăn truyền thống và vùng miền của Italia và khích lệ việc trồng tỉa và chăn nuôi sức vật phù hợp với môi sinh địa phương. Phong trào đã trở thành toàn cầu cho tới độ có 150.000 thành viên tại 150 nước khác nhau. Mục đích của phong trào là thăng tiến thực phẩm có thể chịu đựng nội và phát triển các tiểu doanh thương địa phương, song song với các chương trình chính trị chống lại việc toàn cầu hóa thực phẩm nông nghiệp. Phong trào Thực phẩm chậm nhắm phục hưng và tái khám phá ra các niềm vui gắn liền với cuộc sống được chia sẻ và tình liên đới, là các gía trị đã bị lãng quên. Phong trào đã mở các văn phòng tại Thụy Sĩ năm 1995, Đức năm 1998, New York năm 2000, Pháp năm 2003, Nhật Bản năm 2005 và mới đậy là tại Anh quốc và Chile. Nhưng đây chỉ là một trong các nỗ lực phục hưng. Cho tới nay đã có nhiều dấn thân nhằm cứu vãn trái đất này khỏi cảnh trụy lạc duy tiêu thụ.

Hỏi: Đâu là các đề tài mà giáo sư sẽ đào sâu trong cuốn sách tới đây?

Đ: Cuốn sách tới tựa đề ”Sự giầu có của ít người có lợi cho tất cả mọi người hay không?” nhằm đào sâu cái đe dọa của sự bất bình đẳng xã hội đang gia tăng và hậu qủa tàn phá luân lý của nó. (Avvenire 12-2-2013)
 
Chúa Kitô phục sinh luôn hướng dẫn nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta
Linh Tiến Khải
10:16 19/04/2013
Chúng ta không bao giờ cô đơn vì Chúa Kitô tử nạn và phục sinh luôn ở với chúng ta. Người luôn hướng dẫn, nâng đỡ và bầu cử cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh cuộc sống và giúp chúng ta đem quyền bính tình yêu của Người đến cho thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 17-4-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Bên cạnh hàng trăm đoàn hành hương đến từ Bắc Mỹ và Âu châu, đặc biệt là từ nhiều giáo phận Italia có các Giám Mục Anh quốc và vùng Galles. Cũng có các nhóm hành hương Á châu đến từ Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Philippines. Trong khi từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Argentina, Panama, Venezuela và Mêhicô. Đến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý lấy từ Kinh Tin Kính: Chúa Giêsu ”đã lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”. Dùng trình thuật của thánh sử Luca Đức Thánh Cha nói: Cuộc sống dương thế của Đức Giêsu đạt tột đỉnh với biến cố Lên Trời, nghĩa là khi Người từ trần gian này về với Thiên Chúa Cha và được nâng lên bên hữu Người. Phúc Âm thánh Luca kể như sau: ”Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên Trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Đức Thánh Cha giải thích:

Khi Người ”lên” Thành Thánh, nơi sẽ thành toàn cuộc ”xuất hành” của Người khỏi đời này, Chúa Giêsu đã trông thấy đích điểm là Trời, nhưng Người biết rõ là con đường đem Người trở về với vinh quang của Thiên Chúa Cha, đi qua Thập Giá, đi qua sự vâng phục chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Giáo Lý Giáo hội Công Giáo khẳng định rằng ”việc nâng cao lên trên thập giá có nghĩa và loan báo việc nâng cao của việc lên trời” (s. 661). Cả chúng ta nữa cũng phải biết rõ rằng trong cuộc sống kitô của mình việc bước vào trong vinh quang của Thiên Chúa đòi hỏi hy sinh, đôi khi đòi hỏi thay đổi các chương trình của chúng ta. Việc lên trời của Chúa Giêsu xảy ra một cách cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi Chúa đã rút lui vào để cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, để sống trong sự kết hiệp xâu xa với Thiên Chúa Cha: một lần nữa chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện ban cho chúng ta ơn thánh giúp sống trung thành với chương trình của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Vào cuối Phúc Âm thánh sử Luca kể lại biến cố Lên Trời một cách rất ngắn gọn. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ ra ngoài về phía Bêtania và Người giơ tay chúc lành cho các ông. Trong khi chúc lành cho họ, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên Trời. Bấy giờ các ông bái lậy Người, rồi trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,50-53). Đức Thánh Cha ghi nhận hai yếu tố của trình thuật và nói:

Trước hết, trong khi lên Trời Chúa Giêsu thành toàn cử chỉ chúc lành của linh mục và chắc chắn các môn đệ diễn tả đức tin của mình với cử chỉ phủ phục, qùy gối và cúi đầu. Đây là một điểm quan trọng đầu tiên: Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất và đời đời với cuộc khổ nạn của mình đã đi qua cái chết và mồ chôn, đã phục sinh và lên Trời; Người ở bên Thiên Chúa Cha, nơi Người luôn mãi cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9,24). Như thánh Gioan khẳng định trong thư thứ I: Người là trạng sư của chúng ta. Thật là đẹp biết bao khi nghe điều này! Khi một người bị thẩm phán mời hay phải ra tòa, điều đầu tiân phải làm là tìm một trạng sư để bênh vực mình. Chúng ta có một trạng sư luôn luôn bênh vực chúng ta, Người bênh vực chúng ta khỏi các sách nhiễu của qủy dữ, Người bênh vực chúng ta khỏi chính chúng ta, khỏi các tội lỗi của chúng ta. Anh chị em rất thân mến, chúng ta có trạng sự đó: chúng ta đừng sợ hãi đến với Người và xin lỗi, xin phước lành, xin lòng thương xót! Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là trạng sư của chúng ta: Người luôn luôn bênh vực chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó.

Như thế việc Chúa Giêsu lên Trời làm cho chúng ta biết thực tại trao ban an ủi đối với con đường đời ta: trong Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật, nhân loại đã được đem lên gần Thiên Chúa; Người đã mở lối cho chúng ta; Người giống như người dẫn đầu toán leo núi, đã lên tới đỉnh và kéo chúng ta lên, bằng cách dẫn đưa chúng ta tới với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tín thác cuộc sống chúng ta cho Người, nếu chúng ta để cho Người hướng dẫn chúng ta thì đúng thật là chúng ta ở trong các bàn tay chắc chắn.

Có một yếu tố thứ hai: thánh sử Luca kể rằng các Tông Đồ, sau khi đã nhìn thấy Chúa Giêsu lên Trời, họ trở lại Giêrusalem ”với niềm vui lớn”. Điều này xem ra hơi lạ. Nói chung, khi chúng ta chia tay các người thân trong gia đình hay bạn hữu, để ra đi vĩnh viễn và nhất là vì cái chết, có sự buồn sầu tự nhiên, bởi vì chúng ta sẽ không trông thấy mặt họ nữa, chúng ta sẽ không lắng nghe được tiếng của họ nữa, chúng ta sẽ không còn có thể hưởng nếm sự trìu mến và sự hiện diện của họ nữa. Trái lại thánh sử nêu bật niềm vui sâu xa của các Tông Đồ. Tại sao vây? Chính bởi vì với cái nhìn của đức tin các vị hiểu rằng, cho dù khuất mắt họ, Chúa Giêsu vẫn luôn luôn ở với họ, Người không bỏ họ và trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người nâng đỡ, hướng dẫn và bầu cử cho họ.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ở đầu sách Công Vụ các Tông Đồ, thánh sử Luca cũng kể lại việc lên Trời để nhấn mạnh rằng biến cố này giống như vòng xích nối liền cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu với cuộc sống của Giáo Hội. Ở đây thánh Luca cũng nêu bật áng mây che phủ Chúa Giêsu khỏi cái nhìn của các môn đệ, còn đứng đó để chiêm ngưỡng Chúa Kitô lên trời về với Thiên Chúa Cha (x. Cv 1,9-10), Khi đó có hai người mặc áo trắng can thiệp mời các vị đừng ở yên bất động nhìn trời, nhưng hãy dưỡng nuôi cuộc sống mình và làm chứng cho sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong cùng một cách thức mà các ông đã thấy Người lên trời (x. Cv 1,10-11). Đức Thánh Cha giải thích lời các thiên thần mời đoàn môn đệ như sau:

Đó là lời mời gọi ra đi từ việc chiêm ngưỡng quyền là Chúa của Đức Giêsu, để có từ Người sức mạnh đem Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày: chiêm ngắm và hành động, cầu nguyện và làm việc, như thánh Biển Đức dậy, cả hai việc đều cần thiết cho cuộc sống kitô của chúng ta.

Anh chị em thân mến, biến cố lên Trời không ám chỉ sự vắng mặt của Chúa Giêsu, mà nói với chúng ta rằng Người sống giữa chúng ta một cách mới mẻ; Người không còn ở trong một chỗ chính xác của thế giới như trước khi lên trời nữa. Giờ đây Người ở trong quyền là Chúa của Thiên Chúa, hiên diện trong mọi nơi mọi lúc, gần gũi từng người trong chúng ta. Trong cuộc sống chúng ta không bao giờ cô đơn: có Chúa chịu đóng đanh và phục sinh hướng dẫn chúng ta. Và với chúng ta có biết bao nhiêu anh chị em hằng ngày trong thinh lặng và kín ẩn, trong cuộc sống gia đình và làm việc, trong các vấn đề và các khó khăn của họ, trong những nỗi vui buồn và hy vọng của họ, họ sống đức tin mỗi ngày và cùng với chúng ta đem quyền là Chúa của tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương hiện diện và chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui và bổ ích. Với đông đảo các bạn trẻ ngài xin Chúa phục sinh đổ tràn đầy tình yêu của Người trong trái tim họ để họ sẵn sàng hăng say theo Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các anh chị em đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với tâm hồn thanh thản. Ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới để gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách noi gương sống của Thánh Gia.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau đó Đức Thánh Cha đã đứng chào các Giám Mục và một số quan khách. Rồi ngài đi sang hai bên để bắt tay chào, nói chuyện và lắng nghe các tín hữu, cũng như hôn và thoa đầu các trẻ em, trong khi các bạn trẻ thì không ngừng gọi tên Đức Thánh Cha. Cũng có người tặng Đức Thánh Cha chiếc áo của đội bóng đâ Argentina.

Khi xe díp chở ngài xuống khỏi thềm đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha bảo tài xế dừng xe để ngài xuống bắt tay chào các người tàn tật ngồi trên các xe lăn. Ngài hỏi thăm, an ủi và chúc lành cho họ. Có một em bé mù ban đầu không chịu để cho Đức Thánh Cha hôn nhưng sau đó quàng tay ôm cổ Đức Thánh Cha và không muốn rời ngài nữa. Ngài cũng đã ôm hôn nhiều người tàn tật khiến cho giới trẻ lại càng gọi tên Đức Thánh Cha to hơn.
 
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi 2013
LM. Phan Du Sinh Chuyển Ngữ
12:58 19/04/2013
Chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin”

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp lần thứ 50 ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi, diễn ra vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, Chúa Nhật IV Phục Sinh, tôi muốn mời gọi anh chị em suy nghĩ về chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin”. Thật là may mắn khi ngày này xảy ra trong năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công Đồng Vaticano II. Trong khi Công Đồng đang họp, Tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI, đã thiết lập ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi hướng về Thiên Chúa Cha, để khẩn cầu Người tiếp tục sai các thợ gặt cho Giáo Hội (x. Mt 9,38). Khi ấy ngài khẳng định rằng: “Vấn đề có đủ số lượng các linh mục có liên quan trực tiếp đến mọi tín hữu: không chỉ vì họ lệ thuộc vào đó về phương diện tương lai tôn giáo của xã hội Kitô giáo, nhưng cũng bởi vì vấn đề này là dấu chỉ cụ thể và không thể lờ đi được của sức sống đức tin và tình yêu của mỗi giáo xứ và các cộng đoàn giáo phận, và bằng chứng của sức khoẻ luân lý nơi các gia đình Kitô hữu. Nơi đâu ta càng thấy có nhiều ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, nơi đó người ta đang sống Tin Mừng với sự quảng đại lớn lao” (Đức Phaolô VI, Sứ Điệp truyền thanh, 11 tháng 4 năm 1964).

Trong những thập niên qua, các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau trên khắp thế giới đã tụ họp mỗi năm vào ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh, hiệp nhất trong lời cầu nguyện để xin Thiên Chúa món quà là những ơn gọi thánh thiện, và lại đề ra cho mọi người suy nghĩ, về nhu cầu cấp bách đáp trả lời mời gọi của Chúa. Thực vậy, biến cố hàng năm đầy ý nghĩa này đã cổ võ một sự dấn thân mạnh mẽ để đặt tầm quan trọng của ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến ngày càng vào trung tâm của đời sống thiêng liêng, cầu nguyện và hoạt động mục vụ của người tín hữu.

Hy vọng là mong đợi một điều gì đó tích cực trong tương lai, đồng thời nó còn nâng đỡ cuộc sống hiện tại của chúng ta, thường bị ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại. Đâu là nền tảng của niềm hy vọng chúng ta? Nhìn vào lịch sử của dân tộc Do thái, được tường thuật lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy một yếu tố luôn xuất hiện, đặc biệt là trong những thời điểm khó nhăn như thời Lưu Đày, một yếu tố được tìm thấy đặc biệt nơi sách các Ngôn Sứ, cụ thể là tưởng nhớ các lời hứa của Thiên Chúa với các Tổ Phụ: sự tưởng nhớ mời gọi chúng ta bắt chước thái độ gương mẫu của Abraham, như thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn cậy trông và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: "Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế" (Rm 4,18). Vì thế, một chân lý đầy an ủi và có tính soi sáng nổi lên từ toàn bộ lịch sử cứu độ, đó là sự trung tín của Thiên Chúa đối với Giao Ước mà Người đã đi vào, bằng cách canh tân nó bất cứ khi nào con người vi phạm qua bất trung và tội lỗi, từ thời lụt hồng thủy (St 8,21-22) đến thời xuất hành và cuộc hành trình ngang qua sa mạc (x. Dt 9,7). Cũng chính sự trung tín đó đã dẫn đưa Người ký kết một giao ước mới và vĩnh cửu với loài người, nhờ máu của Người Con, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta.

Trong mỗi giây phút, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, sự trung tín của Chúa luôn là động lực đích thực của lịch sử cứu độ, nó đánh thức trái tim của những người nam và người nữ và củng cố họ trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ đạt đến “Đất Hứa”. Đây chính là nơi chúng ta tìm thấy nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng: Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta và luôn trung tín với Lời của Người. Vì lý do đó, trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay khó khăn, chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng vững chắn và cầu nguyện với Vịnh gia: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến” (Tv 62, 6). Như thế, có đức cậy thì tương đương với tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tín trung, Đấng luôn giữ lời hứa của giao ước. Vì thế, đức tin và đức cậy có mối liên hệ mật thiết với nhau. Quả thế, ‘đức cậy’ là một từ chủ chốt trong khái niệm đức tin của Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ ‘đức tin’ và ‘đức cậy’ dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Theo chiều hướng ấy, Thư Do Thái liên kết chặt chẽ giữa “việc tuyên xưng niềm hy vọng cách vững vàng” (10,23) và “sự viên mãn của đức tin” (10,22). Cũng thế, khi thư thứ nhất của thánh Phêrô khích lệ các Kitô hữu hãy luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do – của niềm hy vọng (x. 3,15), thì từ ‘hy vọng’ tương đương với từ ‘đức tin’” (Spe Salvi, 2).

Anh chị em thân mến, sự trung tín của Thiên Chúa mà chúng ta gắn bó với niềm hy vọng không lay chuyển, chính xác là gì? Thưa, đó chính là tình yêu của Người. Thiên Chúa Cha đổ tràn tình yêu của Người vào nơi sâu thẳm nhất trong mỗi chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (xem Rm 5,5). Và tình yêu này, được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, đã thấm sâu vào cuộc sống chúng ta và đòi hỏi một lời đáp trả ngang qua cách thức mà mỗi cá nhân muốn thực hiện cho cuộc sống của mình. Tình yêu Thiên Chúa đôi lúc đi theo những lộ trình mà ta không bao giờ nghĩ tới, nhưng nó luôn luôn nắm bắt những ai muốn được tìm gặp. Như thế, đức cậy được nuôi dưỡng bởi sự xác tín này: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16). Tình yêu sâu xa, mang tính đòi hỏi này, thấm sâu vào chúng ta, trao ban cho chúng ta sự can đảm; nó trao ban cho chúng ta niềm hy vọng trong cuộc hành trình của cuộc đời mình và trong tương lai của chúng ta. Cách riêng, cha muốn nói với các bạn trẻ và cha muốn nhắc lại rằng: “Cuộc sống của các con sẽ ra sao nếu thiếu tình yêu ấy? Thiên Chúa chăm sóc mọi người nam và người nữ từ buổi tạo dựng đến ngày tận thế, khi Người hoàn tất kế hoạch cứu độ của mình. Nơi Chúa Phục Sinh, chúng ta có sự chắc chắn của niềm hy vọng” (Bài Huấn dụ dành cho Các Bạn Trẻ Giáo phận San Marino – Montefeltro, 19 tháng 6 năm 2011).

Như xưa Đức Giêsu đã sống cuộc đời dương thế như thế nào, thì hôm nay Đức Giêsu Phục sinh cũng đồng hành trên những con đường của cuộc sống chúng ta và Ngài thấy chúng ta ngụp lặn trong các hoạt động, với mọi ước muốn và nhu cầu. Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống cuộc đời chúng ta với Ngài, vì chỉ mình Ngài có thể thỏa mãn được khát khao về niềm hy vọng nơi ta. Giờ đây, Đức Giêsu sống giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và cả ngày hôm nay nữa, Ngài vẫn mời gọi người ta bước theo Ngài. Tiếng gọi này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Cả ngày hôm nay nữa, Đức Giêsu tiếp tục nói: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa. Theo Ngài nghĩa là chôn vùi ý muốn của chúng ta vào trong Ý muốn của Đức Giêsu, đích thực trao ban cho Ngài quyền ưu tiên, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình. Theo Ngài có nghĩa là dâng hiến cuộc sống chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và do đó với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống đó với Đức Giêsu là một “khung cảnh” ưu tiên, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó đời sống chúng ta trở nên viên mãn và tự do.

Ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến được nảy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, từ một cuộc đối thoại chân thành và tin tưởng với Ngài, đến độ đi vào trong ý muốn của Ngài. Do đó, điều cần thiết là phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, hiểu như là mối tương quan sâu xa với Đức Giêsu, sự chú ý nội tâm đối với tiếng nói của Ngài vốn chỉ được nghe trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Tiến trình này, giúp chúng ta đáp trả một cách tích cực đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ khả thi tại những cộng đoàn Kitô hữu, nơi mà đức tin được sống cách mạnh mẽ và quảng đại, nơi mà chứng tá quảng đại về việc gắn bó với Tin Mừng được trao ban, nơi có một cảm thức mạnh mẽ về sứ vụ đến nỗi thúc đẩy người ta hiến mình cho Nước Thiên Chúa, nhờ được nuôi dưỡng bởi các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và nhờ một đời sống nhiệt tâm cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện này, “một đàng phải là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa cái tôi thâm sâu với Thiên Chúa, Đấng hằng sống. Đàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện cao quý của Giáo Hội và của các thánh, bởi kinh nguyện phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào để cầu nguyện cho xứng hợp” (Spe Salvi, 34).

Đời sống cầu nguyện sâu xa và bền bỉ đem lại sự tăng trưởng đức tin cho cộng đoàn Kitô hữu, khi không ngừng canh tân sự xác tín là Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân Người và luôn nâng đỡ họ bằng cách trao ban những ơn gọi đặc biệt – ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến – để họ có thể là dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Thực vậy, linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Chúa, qua việc phục vụ của tình yêu đối với Tin Mừng và Giáo hội, khi phục vụ niềm hy vọng vững chắc đó, vốn chỉ có thể đến từ một sự mở lòng ra đối với Thiên Chúa. Do đó, nhờ chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ của họ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Bất cứ khi nào một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay đời sống thánh hiến, chúng ta chứng kiến một trong những hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, nó giúp chúng ta nhìn đến tương lai của Giáo Hội và sự dấn thân cho công cuộc phúc âm hoá của Giáo Hội với một sự tin tưởng và hy vọng đặc biệt. Điều này luôn cần đến những người thợ gặt mới để rao giảng Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải. Vì thế, ước gì có những linh mục dấn thân, biết đồng hành với những người trẻ như “người bạn đường”, giúp đỡ họ, trong bước đường khúc khuỷu và khó khăn của cuộc sống, để nhận ra Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6), với sự can đảm của Tin mừng, nói với họ rằng phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình thì đẹp biết bao! Ước gì có những linh mục biểu lộ những hoa trái của một sự dấn thân nhiệt thành, đem lại một ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, bởi vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. Ga 4,19).

Đồng thời, tôi hy vọng rằng các người trẻ, dẫu phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, vẫn có thể nuôi dưỡng một niềm khát vọng về điều gì có giá trị đích thực, những mục tiêu cao quý, những lựa chọn triệt để, việc phục vụ tha nhân khi noi gương Đức Kitô. Các bạn trẻ thân mến, các con đừng sợ bước theo Ngài và đi trên những con đường có tính đòi hỏi và can đảm của đức ái và sự dấn thân quảng đại. Trên con đường này, các con sẽ hạnh phúc khi phục vụ, các con sẽ là chứng nhân về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban, các con sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu, các con sẽ biết cách “sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con” (1Pr 3,15).

Vatican, ngày 6 tháng 10 năm 2012
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
 
Cuộc khủng hoảng ý niệm về tội lỗi và Bí tích Hòa Giải
Linh Tiến Khải
19:02 19/04/2013
Cho tới nay chúng ta đã tìm hiểu ba Bí tích khai tâm là: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Tiếp đến là hai Bí tích trao ban ơn thánh cho cuộc sống kitô trong cương vị là chồng vợ và cha mẹ trong gia đình là Bí tích Hôn Phối, và trong ơn gọi linh mục là Bí tích Truyền Chức Thánh. Khi đau yếu, tín hữu lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Và sau khi phạm tội tín hữu có thể tẩy rửa các vết nhơ của tội lỗi bằng cách chạy đến lãnh nhận ơn tha thứ qua Bí tích Hòa Giải hay Bí tích Giải Tội hoặc Sám Hối.

Để hiểu biết ý nghĩa của Bí tích hòa giải trước hết chúng ta tìm hiểu ý niệm về tội lỗi và người có tội hay hối nhân.

Kinh nghiệm về tội lỗi là điều ai trong chúng ta cũng đã trải qua. Chúng ta phạm tội mỗi ngày: tội cá nhân và tội tập thể, thường là tội nhẹ, nhưng cũng có khi là tội nặng. Chúng là các tư tưởng và hành động chống lại Thiên Chúa, chống lại tha nhân và chống lại chính chúng ta. Tội lỗi làm vấy bẩn tâm hồn và đầu độc cuộc sống con người. Chúng khiến cho con người ít là người hơn, chúng gây thương tích cho cuộc sống và giết chết hạnh phúc của con người. Tội lỗi làm ô nhiễm cuộc sống cá nhân, và làm băng hoại cuộc sống gia đình và xã hội. Trên bình diện tâm lý và nhân chủng xã hội, tội lỗi không phải là cái gì độc lập với các tình cảm, các âu lo và các tham vọng riêng của một thời đại. Chúng cũng không dựa trên các luật lệ kỹ thuật xa lạ với cuộc sống thường ngày, nhưng phản ảnh các khát vọng nội tâm và tính hoạt động sáng tạo của con người. Chúng cũng diễn tả các thực hiện văn hóa, thông truyền các khát vọng thầm kín cá nhân và tập thể. Tội lỗi vén mở cho thấy các các đặc thái suy tư hành động của một thời đại. Thật thế, mỗi thời đại đều có các cung cách suy tư hành xử riêng biệt, phản ảnh cả trên tội lỗi của con người. Trong bầu khí tục hóa và tương đối hóa mọi sự có lẽ tội lớn nhất trong thế giới ngày nay đó là con người bắt đầu đánh mất đi ý thức về tội lỗi. Sự kiện con người không còn biết tội là gì nữa ngày càng trở thành một thực tại hiển nhiên gây lo âu.

Qủa vậy, đối với rất nhiều người xem ra vấn đề tội lỗi đã là điều lỗi thời, hay người ta coi nó như là một cái gì hoàn toàn khác đối với suy tư thần học truyền thống. Con người ngày nay hiểu biết một ý thức trách nhiệm về lỗi lầm và muốn được giải thoát khỏi lỗi lầm ấy. Chắc chắn ý thức đó đã bị thay đổi nơi nhiều mgười. Và vì thế nhiều người ít cảm thấy các lỗi lầm trong cuộc sống riêng tư hơn là các vi phạm có ảnh hưởng trên môi trường xã hội công cộng. Ý nghĩ tội lỗi xúc phạm tới Thiên Chúa bị liệt vào hàng thứ yếu đứng trước ý thức tội lỗi là một bất công đối với tha nhân và xã hội. Hơn là việc quy chiếu về các giới răn và luật lệ, nó giúp kệu gọi tinh thần trách nhiệm cá nhân và việc hiểu biết các tương quan nhân bản và xã hội. Ngoài ra, cũng cần chú ý tới các hệ lụy khác nhau có bản chất tâm lý trong việc đánh mất đi ý thức về tội lỗi.

Đàng khác, các tiến bộ của khoa học nhân văn xem ra đặt vấn nạn liên quan tới suy tư thần học về vần đề tội lỗi và ý thức về tội, đồng thời đối với cả sự sám hối hay bí tích giải tội. Bầu khí tục hóa nặng nề của xã hội ngày nay cho thấy Thiên Chúa xem ra vắng bóng, không hiện diện trong thế giới và nền văn hóa của chúng ta. Thiên Chúa bị gạt ra khỏi chân trời cuộc sống thường ngày của con người. Thế rồi trước sự phát triển của các khoa học nhân văn ngày càng cung cấp cho con người các phương tiện có phẩm chất hơn giúp giải thích thực tại và trao ban lý do cho cung cách hành xử của con người, các tiêu chuẩn và các luật lệ trước đây được coi như đã được chinh phục một cách rõ ràng, giờ đây bị đặt thành vấn nạn. Và người ta tự hỏi có còn một khoảng không cho suy tư thuộc loại có luận lý, luân lý và tinh thần loại này hay không. Và có thể xem ra là trong đường nét chung của nó diễn văn không là một trợ giúp biện minh kiểu ”tự ngắm nghía chính mình” của một nhóm tôn giáo, một diễn văn mà gía trị tính và tính sinh động của nó bị cái nghiêm chỉnh của tiến trình khoa học đặt lại vấn đề.

Từ đó có thể phát sinh ra một thái độ khước từ, giản lược sự hiện diện của Thiên Chúa vào một sự hiện diện thuần túy đối với thế giới con người, bằng cách coi thực tại nhân bản như là dấu chỉ của sự thiên linh, và như thế có gia trị điều luật đối với thái độ sống của con người. Thế nhưng không có cuộc gặp gỡ nào, kể cả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, mà lại không cần đến các lời nói và các dấu chỉ, mà lại không cần đến một ngôn ngữ diễn tả nó. Cuộc khủng hoảng của ngôn ngữ đức tin bỗng dưng đặt để chúng ta trước sự bất toàn và tính cách tạm bợ của chính ngôn ngữ. Các công thức tín lý, các hệ thống thần học, và cả các cử chỉ bí tích và thái độ của kitô hữu cũng cho thấy sự không thích hợp của chúng trước một mầu nhiệm không thể cạn.

Chính trên bìmh diện này mà suy tư thần hoc cần phải tái định vị trí và tìm lại ý nghĩa của nó, và đây là điều không thể thiếu, mà ngay từ bây giờ tín hữu kitô phải dám đưa ra một công thức phản ánh sự đối chiếu từ kinh nghiệm cuộc sống giữa đức tin và thảm cảnh cuộc sống con người ngày nay. Chính trong nghĩa này suy tư luân lý và tinh thần có được một khúc rẽ nền tảng, và cả tương quan giữa thần học và các khoa học nhân văn sẽ không bị coi như không thể hòa hợp được với nhau, hay phải chọn một bỏ một.

Tuy hai lãnh vực khác nhau và có đối tượng hình thái nghiên cứu khác nhau nhưng chúng bổ túc cho nhau. Không thể nói đến tu đức mà không đề cầp đến nhân chủng học, bởi vì không thể nói về con người được quy chiếu về Thiên Chúa, mà không biết tới cấu trúc và các guồng máy sâu thẳm của bản vị con người và các tương quan của nó với các người khác. Đây là điều vượt thoát khỏi lãnh vực thần học. Đàng khác, cũng sẽ lá điều không thể chấp nhận được đối với một tín hữu kitô cho rằng với các tiêu chuẩn thuần túy khoa học có thể lý giải tính cách toàn diện cuộc sống và hành động của con người, làm như thể trong chúng ta có một chiều kích siêu vượt trên khả thể của các dụng cụ phân tích này.

Cuộc khủng hoảng ý niệm về tội lỗi có các triệu chứng của nó. Trên bình diện ngôn ngữ, các từ của nền thần học thông thường tạo ra một tình trạng khó chịu gia tăng. Trước mắt đa số người các ý niệm về tội lỗi, ăn năn hối lỗi, xá giải tha tội ngày càng có nội dung không chắc chắn. Việc phân chia chúng thành các phạm trù chính xác tạo ra vấn nạn, khi phải xác định tầm nghiêm trọng của tội lỗi: tội trọng hay tội nhẹ, án phạt hỏa ngục hay luyện ngục, phẩm chất của sự hối hận hoàn toàn hay không hoàn toàn. Một vài ý niệm lại còn đang trên đường biến mất một cách thuần túy và đơn sơ, vì các tấn kích của việc giải trừ sự thánh thiêng hay chỉ vì sự quên lãng liên quan tới sự đau buồn, và sự bất toàn hay việc đền tội. Trên bình diện hành xử, người ta ghê tởm đối với tất cả các hình thức hãm mình và sám hối đền tội. Tất cả đều bị coi như tiêu cực và tước đoạt đối với ước muốn của chúng ta, và bị nghi ngờ là vô nhân, khổ dâm, phá rối. Trong kinh nghiệm sống nội tâm, chúng ta khó mà hiểu được tội có nghĩa là gì: xem ra nó là một khuynh hướng hay một tình trạng phổ biến, hay sự thiếu hụt của một tình trạng tổng quan hơn là một hành động chính xác có thể được kê khai trong một loạt các hành động tội lỗi.

Các lý do của cuộc khủng hoảng ý thức về tội lỗi có thể được giản lược vào trong lãnh vực vấn đề của sự tự do. Người ta đặt vấn nạn liên quan tới sự vững vàng thực sự nơi sự tự do của con người. Sự tự do xem ra giòn mỏng và bị hạn chế bởi một loạt các điều kiện, tới độ người ta thảo luận cả chính khả thể thực thi các hành động có lỗi muốn làm một cách tự do.

Đàng khác, người ta cũng nhận thấy một ý thức không tin tưởng trước mọi dữ kiện bên ngoài sự tự do, và có khuynh hướng điều kiện hóa nó, ý thức không tin tưởng vì việc đặt vấn nạn liên quan tới gía trị của luật lệ; vì nhận thấy sự đa nguyên và khác biệt trong xã hội mà các điều lệ không còn có thể hòa hợp được trong một loạt các cấm đoán luân lý khách quan có giá trị một cách đại đồng; vì sự tương đối hóa các gía trị và vì sự không chắc chắn liên quan tới điều được phép hay bị cám đoán bởi xã hội chúng ta, không tạo dễ dãi cho việc thức tỉnh lương tâm luân lý; vì không có khả năng thích ứng với ”nguyên tắc của thực tại” để làm theo ”nguyên tắc làm hài lòng”, trong nghĩa thỏa mãn một ước muốn ngay tức khắc, cho dù nó có phù du thế nào đi nữa.

Trong nguồn gốc, chúng ta cũng có thể nói về sự sợ hãi biến Thiên Chúa thành đồ vật, và thừa nhận sự khác biệt và sự tự do của Thiên Chúa. Thiên Chúa bị coi như việc thực hiện ước muốn của con người nhiều hơn đối với sự toàn vẹn của con người, và sự hòa giải đại đồng như là sự can thiệp vào lịch sử con người của một sự tự do gọi hỏi chúng ta và liên tục khiêu khích chúng ta phải thay đôi và thắng vượt dự tính nhân loại của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta nhân ra rằng đây không phải là chuyện mất đi ý thức về tội lỗi cho bằng mất đi một ý thức nào đó về tội lỗi. Ở đây đó là ý thức về tội lỗi như là một vi phạm luật cấm, và đàng khác là việc gia tăng của một hình thức tình trạng tội tiềm ẩn dẫn đưa tới chỗ khước từ gương mặt quyền bính của chính Thiên Chúa, vì sự sợ hãi có khi là vô thức và việc bị Thiên Chúa xét xử. Đồng thời cũng nảy sinh ra một chiều kích mới về ý thức tội lỗi với một sự nhậy cảm khác, chẳng hạn như thừa nhận trách nhiệm tập thể đối với số phận của toàn nhân loại, và chú ý nhiều hơn tới các đòi hỏi của tình yêu thương, có tính cách quan trọng và định đoạt hơn là các đòi hỏi của luật lệ. Thế rồi người ta cũng nhấn mạnh nhiều hơn trên chiều kích liên bản vị và xã hội của cuộc sống con người.

Kết luận, có một sự giảm thiểu nào đó liên quan tới ý thức về tội lỗi, nhưng đàng khác lại nảy sinh một khía cạnh ý thức đích thật gần gũi hơn với nền văn hóa của chúng ta. Các khó khăn gặp phải trong việc diễn tả tội lỗi một cách thỏa đáng giúp chúng ta hiểu rằng sự tuyệt đối của tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa phải là điểm tham chiếu thường xuyên của chúng ta. Nó siêu vượt hơn trí thông minh và khả năng yêu thương của chúng ta. Như thế, tâm tình phải có đối với tình yêu ấy sẽ là một chỉ dẫn hiện sinh cho điều kiện là người tội lỗi của chúng ta. Các thánh là các thầy dậy trong lãnh vực này. Như vậy cần phải minh giải ngôn ngữ cho phép chúng ta sử dụng một cách chính xác hơn các từ ”tội lỗi”, ”ý thức về tội lỗi” và ”sự hoán cải” trên nhiều lãnh vực khác nhau, để tránh các lẫn lộn, và không vượt qua ranh giới của suy tư thần học để bước vào các lãnh vực khác, tuy chúng bổ túc cho lãnh vực thần học nhưng phải khác biệt với nó. Và như thế nền tu đức cũng được hưởng lợi nữa. (KT1144)
 
“Khiêm nhường không phải là một đức tính của kẻ yếu đuối”
Bùi Hữu Thư
20:12 19/04/2013
Đức Thánh Cha (Nguyên là Hồng Y Bergolio

Một tác phẩm của Hồng Y Bergolio xuất bản bằng tiếng Ý

Rome, 19 tháng 4, 2013 (Le Monde vu de Rome)

Hồng Y Jorge Maria Bergoglio, giải thích trong một cuốn sách mới xuất bản bên Ý: “Khiêm Nhường Không Phải là một Đức Tính của Kẻ Yếu Đuối”: đây là một bài ca ngợi đức khiêm nhường, một đức tính đã đánh động dư luận từ khi có Giáo Hoàng mới, khi ngài yêu cầu “Dân Chúa” đang tụ tập trong quảng trường Thánh Phêrô là hãy cầu nguyện để Thiên Chúa ban phúc lành cho ngài.

Tác phẩm mang tên “Khiêm Nhường, Con Đường Đi Tới Thiên Chúa” (Umiltà, la Strada verso Dio) do nhà xuất bàn Missionaria Italiana phát hành, nối tiếp bài diễn văn ngài đọc trước các người Công Giáo của điạ phận của ngài khi ngài còn là hồng y tổng giám mục Buenos Aires. Hồng Y Bergoglio trích ra từ đó một lời bình của Dorothée de Gaza, một giáo phụ của Giáo Hội vào thế kỷ thứ VI.

Khiêm nhường được trình bầy trong cuốn sách “không như một đức tính của những người yếu đuối”, nhưng như là “tiếng nói duy nhất khả dĩ giúp chúng ta hiệp thông với người khác, và đến gầnThiên Chúa ".

Một con đường đòi hỏi phải tiến bước suốt cuộc đời: Không phải là một “tính tình bẩm sinh”, nhưng là một nỗ lực tiếp tục được xây dựng – đây là kinh nghiệm của Thánh I Nhã – dựa trên “một cuộc xét mình” để thiết lập một thài độ “phục vụ” thay vì “kẻ cả.”

Và có lẽ vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã bầy tỏ ngay từ lúc khởi đầu giáo triều của ngài: tầm quan trọng của việc “trở nên người phục vụ, thay vì để được phục vụ ".

Bản văn ngắn gọn, “rất thâm thúy” và nhắc là đức tính này đến tứ Chúa Kitô: Chúa Kitô, qua sứ điệp cách mạng của ngài, ngài đã xuống thế để làm đảo lộn tất cả mọi hoạt động của thế gian, và mạc khải rằng ai muốn đứng đầu phải khởi sự bằng việc làm kẻ thấp hèn nhất.”
 
Top Stories
Vietnam: Human Rights Watch met en relief l’aggravation de la répression religieuse en 2012
Eglises d'Asie
10:19 19/04/2013
Dans son rapport sur la situation des droits de l’homme au Vietnam, paru le 9 avril dernier, l’association américaine Human Rights Watch (HRW) a consacré sept pages à la liberté religieuse. Le titre de ce sous-chapitre du rapport est éloquent : « Il n’y a pas de liberté religieuse ». Le compte rendu de cette année est particulièrement critique. Selon ses auteurs, le gouvernement vietnamien n’a cessé de restreindre la liberté religieuse de la population vietnamienne au cours de ces derniers mois. Pour cela, trois types de moyens ont été utilisés : des interdictions inscrites dans la loi, un contrôle exercé sur l’organisation des religions et de leurs activités et enfin la répression violente.

Il existe des restrictions à la liberté religieuse directement signifiées par les textes législatifs eux-mêmes. Le rapport concentre son analyse sur l’ordonnance de 2004 concernant les croyances et la religion et, plus particulièrement, sur son décret de mise en application dont la dernière version (N° 92/2012/NDCP) a été adoptée l’année dernière. Ce nouveau décret est un énorme recul par rapport à l’ordonnance de 2004, affirme le rapport de HRW. Son texte « méticuleux et tatillon » renforce le contrôle gouvernemental sur la formation et la nomination des membres du clergé, sur la restauration des édifices religieux. Les règles concernant les « organisations religieuses » et leurs activités sont devenues plus sévères. Elles stipulent, par exemple, que l’Etat peut dissoudre toute organisation religieuse s’il juge qu’elle porte atteinte à la sécurité nationale, si elle sème la division parmi le peuple ou trouble l’ordre public. Le rapport reprend la critique que les évêques de la province ecclésiastique de Saigon avaient déjà faite avant l’adoption du décret : celui-ci met les organismes religieux en position de quémandeurs perpétuels, parce que sans cesse obligés de solliciter l’autorisation de l’Etat.

Par ailleurs, les auteurs du rapport dénoncent l’utilisation de certains articles du Code pénal pour faire condamner devant les tribunaux certains militants de la liberté religieuse. De nombreuses condamnations ont été portées contre eux pour des crimes définis dans le Code pénal comme « tentative de renversement du pouvoir populaire », « trouble de l’ordre public », « résistance à un agent dans l’exercice de ses fonctions », etc. Le rapport passe en revue une douzaine de procès qui ont eu lieu en 2012 et au début de 2013, où le recours à des articles du Code pénal a servi à camoufler des restrictions de la liberté religieuse. Comme le Code pénal, la loi sur la propriété collective des terres a été utilisée à maintes reprises pour justifier des spoliations de terres ou de propriétés appartenant aux diverses organisations religieuses.

Dans une seconde partie, le rapport souligne le renforcement du contrôle de l’Etat sur l’organisation des activités religieuses. Il souligne en particulier l’emprise désormais totale du ministère de l’Intérieur sur le Bureau des Affaires religieuses, puisque son directeur n’est autre que le général Pham Dung, ancien chef de la Sécurité générale. Le contrôle de l’Etat sur l’ensemble de l’organisation des religions s’effectue par l’intermédiaire du Front patriotique. C’est de lui qu’émane les comités de gestion placée à la tête de chacune des religions. C’est emprise de l’Etat a provoqué des scissions à l’intérieur même des communautés religieuses. C’est ainsi qu’il existe un bouddhisme unifié indépendant et séparé du bouddhisme patronné par l’Etat, un bouddhisme Hoa Hao « originel » distinct du bouddhisme Hoa Hao soumis aux directives du Front patriotique.

Selon le rapport de HRW, la troisième manière de restreindre la liberté religieuse, à savoir la répression violente, est utilisée en guise d’avertissement ou bien lorsqu’un événement échappe au contrôle habituel des autorités. Les cas de répression violente ont été très nombreux en 2012. Parmi les cas rapportés dans le compte rendu, on peut retenir l’agression du P. Nguyên Quang Hoa, dans le diocèse de Kontum, le 23 février 2012, la destruction d’un orphelinat et l’agression contre un prêtre, son directeur, le 14 avril 2012, dans le diocèse de Hanoi, l’attaque et la destruction de l’église de Con Cuông, dans le Nge An, par une troupe de 400 policiers et hommes de main en septembre 2012… Il ne s’agit là que du début d’une longue liste de persécutions brutales citées par le rapport de l’association humanitaire.

Peut-être faut-il attribuer ce redoublement de la répression religieuse au Vietnam à une méfiance accrue des autorités à l’égard des Eglises et communautés religieuses du pays qui rechignent de plus en plus à se tenir à l’intérieur des limites qui lui sont imposées. En témoigne par exemple la récente contribution des évêques catholiques à la refonte de la Constitution.

(Source: Eglises d'Asie, 19 avril 2013 )
 
Sharing of pastoral resources for the 47th World Communications Day
Social Communications
17:25 19/04/2013
Vatican City - The Pontifical Council for Social Communications is pleased to announce a request for the sharing of pastoral resources and media materials being prepared for the 47th World Communications Day, which this
year falls on May 12th and is dedicated to the theme chosen by the Holy Father, "Social Networks: portals of truth and faith; new spaces for evangelization".

Communication and media offices of the Episcopal Conferences, Dioceses and Religious Communities, are all invited to send any materials they might be preparing for the occasion, a selection of which will be posted on the Council's website www.pccs.va. Please send us an email with the details to webmaster@pccs.va or info@intermirifica.net

Thank you in advance for your participation, a sign of a new frontier of communion among Catholic communicators!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tiên tại hội trường trường trung học Silver Creek, San Jose, California
Đặng Văn Linh
10:29 19/04/2013
Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tiên tại hội trường trường trung học Silver Creek, San Jose, California

Hôm nay chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày để đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tiên tại trường trung học Silver Creek do Giáo Xứ Việt Nam St.Patrick, San Jose mới mở ra. Trường trung học Silver Creek nằm ở ngoai o thành phố San Jose, và cách Nhà Thờ St.Patrick khoảng 7 dặm về hướng Đông Nam. Đây là Thánh Lễ Chúa Nhật cuối tuần thứ 19 của Giáo Xứ sau khi Nhà Thở bị cháy.

Sáng nay trời vẫn còn lạnh. Mặc dù mùa Xuân đã tới nhưng những cái lạnh thấu da của gió Đông vẫn còn quanh quẩn đâu đây, hình như chúng vẫn còn quyến luyến những người dân vùng thung lũng hoa vàng này.

Xem Hình

Mặt trời vừa ló dạng sau rặng núi phía Đông, nhưng những tia nắng yếu ớt của buổi bình mình vẫn chưa xuyên qua được làn sương mỏng giăng phía chân đồi. Trời không có gió. Bầu trời bao phủ nhiều mây trắng. Ngoài đường xe cộ lưu thông thưa thớt. Trên lề đường, dưới những hàng cây ít lá, những chiếc lá vàng còn sót lại cuối Đông đang tụm đầu vào nhau như thì thầm to nhỏ.

Chúng tôi có mặt ở bãi đậu xe của nhà trường vào lúc 8:30 sáng. Chung quanh có lác đác một vài chiếc xe nằm quay đầu về phía hội trường.

Vào trong hội trường chúng tôi rất ngạc nhiên vì đã có một số lớn các tình nguyện viên đang làm việc ráo riết để chuẩn bị cho buổi lễ thật long trọng sẽ diễn ra lúc 10 giờ sáng nay.Những người trang trí bàn thờ, các anh chị em lo xếp ghế ra giữa hội trường, ban âm thanh lo thử âm thanh vv…ho làm việc rất nhịp nhàng. Vẻ mặt hân hoan, nói cười vui vẻ.

Khoảng 9 giờ, các anh chị em trong Ban Hợp Xướng GLORIA đã tới đầy đủ và họ bắt đầu tập hát. Họ tập cả những cái căn bản như “ luyện thanh” í, a, i, ớ. .. trước khi ôn lại những bài hát cho buổi Lễ sắp diễn ra.

Đây là một Thánh Lễ rất đặc biệt.

Đặc biệt vì là Thánh Lễ tiếng Việt đầu tiên làm tại một hội trường rộng lớn với sức chứa khoảng 2000 người và làm hàng tuần vào mỗi Chúa Nhật lúc 10 giờ sáng. Vì là địa điểm thuê mướn nên để chuẩn bị cho buổi lễ Chúa Nhật này, các tình Nguyện viên và những người phụ trách những việc nặng nhọc như dọn bục bàn thờ,căng biểu ngữ, trang trí gian cung thánh, xếp ghế, chuẩn bị âm thanh vv. đã phải đến từ tối hôm trước. Rồi sau Thánh Lễ họ lại phải thu dọn tất cả để rồi trả lại cho nhà trường nguyên vẹn như một cái “gym” để cho các em học sinh trở lại sinh hoạt bình thường trong tuần. Và kể từ hôm nay trở đi tuần nào họ cũng làm như vậy !

Đặc biệt là ban phụng vụ do chính Cha Xứ tuyển chọn toàn những người trẻ tuổi, hy sinh, quên mình và có tinh thần hăng say phục vụ cộng đoàn. Dàn âm thanh với 8 thùng loa lớn, Mixer, Microphone. ...do một nhóm chuyên viên ngoại quốc phụ trách. Họ cũng mang đến xắp xếp cho buổi lễ và dọn đi ngay sau lễ.

Và đặc biệt nhất là sự ra đời của Ban Hợp Xướng GLORIA với hàng trăm ca viên được tuyển chọn do chính Cha Xứ Phero Huỳnh Lợi thành lập với sự công tác của Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến, người mà có lẽ nhiều người trong nước cũng như hải ngoại biết đến qua những lớp ca truởng.

Thánh Lễ diễn ra thật nghiêm trang, sốt sắng với số người tham dự thật đông đảo ngoài ước tính. Vì là Thánh Lễ Chúa Nhật nên mọi người tham dự rất vui tươi hớn hở như họ trở về Nhà Cha, gặp gỡ anh chị em cùng nhau tham dự Tiệc Thánh. Những cụ Ông cụ Bà, những người già nua, lớn tuổi được mời ngồi vào những hàng ghế xếp ở giữa hội trường ngày trước Bàn Thánh.Những thanh niên thiếu nữ, những người trẻ tuổi khỏe mạnh thì ngồi hai bên hông, trên những hàng ghế dài.

Sau Thánh Lễ có tiệc trà để mọi người gặp nhau hàn huyên tâm sự.

Một số nhưng chi phí dai thọ do các nhà hảo tâm đong góp

Các đoàn thể như Hội Các Bà Mẹ Công Giáo giúp phần tiệc trà cuối Lễ.

Mọi người vui vẻ ra về, lòng hân hoan vui sướng. Họ chúc nhau một cuối tuần vui vẻ hạnh phúc. Họ hẹn gặp lai nhau Chúa Nhật tuần tới, tại đây và cũng vào giờ này.

Xin nhấn vào đây xem Video Clip Ban Hợp Xướng GLORIA hát.

http://youtu.be/5Zm9EkGQOtA


Đặng Văn Linh
 
Ơn gọi - Hồng ân và Chọn lựa
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:55 19/04/2013
Chúa Nhật Cầu Cho Ơn Thiên Triệu

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường nghe nói nhiều về ơn gọi. Nhiều lúc chúng ta thắc mắc vì không hiểu được tại sao có người đi tu; tại sao Chúa lại chọn những con người này. Vì ơn gọi rất huyền nhiệm, nên nhiều bạn trẻ muốn đi tu hay tìm hiểu ơn gọi nhưng không chắc chắn rằng mình có ơn gọi hay được Chúa gọi không? Nhân dịp Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu, chúng ta tìm hiểu về chủ đề này.

1. Ơn thiên triệu là gì?

Trước hết chúng ta thử hỏi: ơn thiên triệu hay ơn gọi là gì?

Thông thường khi nói tới ơn thiên triệu, ta nghĩ ngay tới ơn Chúa gọi ai đó đi tu làm linh mục, thầy dòng, hoặc nữ tu, còn giáo dân không đi tu, họ ở giữa thế gian, nên không có ơn thiên triệu. Chúng ta cần phải xét lại các hiểu đó.

Từ ngữ “Thiên Triệu” dịch từ tiếng Vocatio trong tiếng Latinh do động từ vocare có nghĩa là kêu gọi, mời gọi.

Khi dùng trong lãnh vực tôn giáo, vocatio thường dùng để chỉ lời kêu gọi của Thiên Chúa gọi người này, kẻ kia làm việc gì theo ý Ngài, nên ta dịch từ ngữ Vocatio là ơn thiên triệu.

Jacque Guillet định nghĩa: “Ơn gọi là tiếng Thiên Chúa mời gọi kẻ Ngài đã chọn ủy thác làm một công việc đặc biệt trong kế hoạch cứu rỗi loài người và trong vận mệnh của dân Ngài” (trong Vocabulaire de theologie biblique, 1970). Định nghĩa này thu hẹp “lời Thiên Chúa kêu gọi” trong những trường hợp riêng biệt để đảm nhận công việc đặc biệt trong dân Chúa.

Công Đồng Vaticano II hiểu ơn thiên triệu theo nghĩa rộng: Có nghĩa là tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi, đều có ơn thiên triệu: làm người và làm Con Chúa, tất cả đều được mời gọi nên thánh. Công Đồng xác định đây là ơn gọi phổ quát, một ơn gọi mà tất cả mọi kitô hữu đều được mời gọi hướng tới. Trong văn kiện Lumen Gentium số 40 Công Đồng nói rằng: “Tất cả mọi người tín hữu dù ở cấp bậc đều được mời gọi đạt tới sự thánh thiện”. Chính vì vậy, không chỉ có giám mục, linh mục và tu sỹ, cả giáo dân, tất cả đều được mời gọi đạt tới sự hoàn thiện (LG 39). Cũng theo Công Đồng này, trong Giáo Hội có nhiều hình thức của đời sống: ơn gọi linh mục, tu sĩ, giáo dân. Đây là những hình thức đời sống để nên thánh hay để đạt tới sự hoàn thiện kitô giáo.

Nhưng hiểu theo nghĩa nào, cuối cùng ta phải nhìn nhận: Ơn thiên triệu luôn có hai phía hay hai yếu tố đi liền với nhau: Thiên Chúa gọi và con người đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Theo cái nhìn đó, ơn gọi là sáng kiến của Thiên Chúa: Thiên Chúa dự định, Thiên Chúa chuẩn bị, Thiên Chúa ban ơn, Thiên Chúa thúc đẩy. Con người đáp trả cách tự do, chọn lựa, từ bỏ và bước theo Chúa, sống cho Chúa, hiến thân cho Chúa.

2. Ơn gọi vừa là hồng ân vừa là chọn lựa dứt khoát

Ơn gọi hay đi tu là một hồng ân mầu nhiệm của Thiên Chúa, vừa là một sự chọn lựa riêng của mỗi người. Chúng ta tìm hiểu những câu chuyện ơn gọi nỗi bật trong Cựu Ước và Tân Ước.

Câu chuyện ơn gọi của Abraham là một điển hình. Chúa gọi Abraham để ông trở thành tổ phụ của một Dân riêng và “Cha của những kẻ tin”. Thiên Chúa chọn Abraham trong dòng dõi Sem, người ‘sinh ra từ Ur’ (St 11,10-31) và dẫn đưa ông bằng những con đường đến vùng đất mà ông không hề biết (Dt 11,8). Ông đã ra đi theo tiếng gọi đó, dù không biết đi về đâu, nhưng ông biết chắc một điều là có Chúa dẫn đường. Ông đã phó thác cho Chúa hướng dẫn.

Ơn gọi của Giêrêmia cũng rất huyền nhiệm: Chúa nói: “Trước khi ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Giêrêmia đáp lại: A, a, a lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa, tôi đâu có biết ăn nói, vì tôi còn là con nít”. Chúa lại phán: ngươi đừng nói ngươi là con nít... ngươi đừng sợ họ, vì ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi” (x. Gr 1,4-10).

Tin Mừng tường thuật về việc Chúa chọn các tông đồ cách lạ lùng:

Chúa Giêsu chọn và mời gọi các môn đệ đầu tiên như Phêrô, Gioan và Giacôbê: “Hãy theo Ta. Ta sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 3,20). Họ từ bỏ và mau mắn đáp trả theo Chúa. Họ là ai? Họ là những người đánh cá, bình dân, quê mùa, không có học vấn cao, bằng cấp, có địa vị… nhưng họ đã đáp trả lời mời gọi đó một cách hăng hái và từ bỏ tất cả để theo Chúa. Họ đã được Chúa biến đổi và làm cho trở thành những “kẻ lưới người như lưới cá”.

Trường hợp ơn gọi của Matthêu cũng gây nhiều ngạc nhiên: ông là một người thu thuế, nhưng khi nghe tiếng Chúa gọi: “Hãy theo ta! Ông trả lời tức thì và quảng đại, bỏ tất cả, ông đứng dậy, đi theo Người (Lc 5,28). Tất cả đều được Chúa mời gọi và tất cả đã đáp trả và từ bỏ để theo Chúa.

Như thế, ơn gọi vừa rất huyền nhiệm vì Thiên Chúa gọi ai Ngài muốn, gọi vào thời điểm nào và ở nơi nào đều tùy ý Ngài (x. Mc 3,13). Nhưng ơn gọi cũng là một chọn lựa liên lĩ, đòi hỏi nhiều hy sinh và từ bỏ của những ai mà Thiên Chúa muốn gọi. Vì thế, nếu nhìn ơn gọi như là một hồng ân của Thiên Chúa, việc đi tu hay theo Chúa không phải hệ tại nơi khả năng và tài cán của con người, nhưng hệ tại nơi lòng muốn và ân sủng của Thiên Chúa. Nếu nhìn ơn gọi như là chọn lựa, đi tu bao gồm sự hy sinh, từ bỏ để dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

3. Những dấu chỉ của ơn gọi

Rất khó trả lời một cách chắc chắn rằng bạn có ơn gọi tu trì hay không. Nhưng dựa trên những dấu chỉ mà mình có để phân định ơn gọi và để vững tin tiến bước.

Nếu Thiên Chúa đang kêu mời bạn đi tu, chắc chắn ngài sẽ ban cho bạn những phẩm chất cần thiết để trở thành linh mục hoặc tu sỹ.

Có hai dấu hiệu cho thấy một người có ơn gọi tiến tới đời sống linh mục: đó là có ý hướng ngay lành và những phẩm chất sự phù hợp.

Ý hướng ngay lành:

Ý hướng ngay lành liên quan tới ơn gọi linh mục hoặc thánh hiến bao gồm những nội dung sau đây: Khát khao phụng sự Chúa Kitô vì tình yêu mến chính Ngài và có lòng yêu mến Giáo Hội, yêu mến giáo huấn Giáo Hội, yêu mến đời sống đạo đức, có tinh thần hy sinh chịu khó; khát khao đi tu để phục vụ người khác và muốn dẫn đưa các linh hồn về cho Chúa. Đó là dấu hiệu cho thấy ý hướng ngay lành. Trái với ý hướng ngay là ý hướng lệch lạc: đi tu vì những động cơ nhân loại như để mưu cầu danh dự, tìm đặc ân đặc quyền, thích được trọng vọng và để thoát đời…

Những phẩm chất phù hợp:

Dấu hiệu thứ hai của ơn gọi tu trì là có những phẩm chất phù hợp đó là phẩm chất đạo đức, trí thức, thể lý, tâm sinh lý và hoàn cảnh gia đình.

Trước hết là khả năng về đạo đức: ai muốn đi tu trước hết phải là người có khả năng sống đời sống nội tâm hay tâm linh. Phẩm chất này bao hàm không chỉ khả năng sống khiết tịnh suốt đời mà còn bao hàm các nhân đức khác nữa như khiêm tốn, vâng phục, tự chủ, nhân hậu, quảng đại, vị tha, cẩn trọng, yêu mến sự thật, thẳng thắn, có lòng đạo hạnh, có đời sống luân lý tốt… Tóm lại: là người có lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Khả năng tri thức: đi tu phải có những phẩm chất trí năng cần thiết để thi hành sứ vụ tông đồ.

Phẩm chất về thể lý và tâm sinh lý: đi tu phải là người khỏe mạnh và bình thường về thể lý và tâm lý. Đây là phẩm chất cần thiết để hoàn thành các bổn phận của người theo Chúa. Ứng sinh phải không bị vướng mắc những bệnh nan ý, rối loạn thần kinh và rối loạn chức năng vốn là biểu hiện của một tình trạng “lệch lạc” hoặc bệnh hoạn về tâm lý trong phán đoán, thái độ và hành động.

Sự phù hợp về gia đình – Ứng viên phải xuất phát từ một gia đình có cha mẹ đàng hoàng, có tiếng tốt. Khi xem xét để trao tác vụ linh mục, yếu tố danh thơm tiếng tốt của ứng viên trong cộng đồng cần phải được cân nhắc như giáo luật đòi hỏi. Một ứng viên xuất thân từ một hoàn cảnh gia đình phù hợp thì sẽ là sự thuận lời cho đời sống và sứ vụ linh mục sau này.

Vì thế, trong quá trình tìm hiểu ơn gọi, ứng sinh cần phân định kỹ lưỡng về ơn gọi và những khả năng của mình để chọn lựa và sống ơn gọi tu trì. Cùng với cầu nguyện, biện phân ơn gọi là một công việc quan trọng trong quá trình tìm hiểu và đào tạo.

4. Những đòi hỏi của Giáo Hội đối với ứng sinh linh mục

Mọi ơn gọi Kitô hữu đều đến từ Thiên Chúa, đó là ơn huệ của Thiên Chúa. Tuy nhiên ơn gọi ấy không bao giờ được ban bên ngoài và tách biệt khỏi Giáo Hội, nhưng luôn luôn ở trong Giáo Hội và qua Giáo Hội. Giáo Hội được Chúa giao phó cho nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo ơn gọi.

Giáo Hội - “người sinh ra và giáo dục các ơn gọi” - có nhiệm vụ phân định ơn gọi và sự phù hợp của các ứng sinh vào tác vụ linh mục. Thật vậy, tiếng gọi bên trong của Thánh Thần cần được Giám mục giáo phận và những người có trách nhiệm nhìn nhận xem có phải là tiếng gọi chân thực không.

Chính vì vậy, Giáo Luật 1983 đòi hỏi: Điều 241,1: “Giám mục giáo phận chỉ nên thâu nhận vào Đại Chủng Viện những người nào, xét theo các đức tính nhân bản và luân lý, đạo hạnh và trí tuệ, sức khỏe thể lý và tâm lý cùng ý muốn ngay thẳng của họ, được coi là có đủ khả năng hiến trọn đời cho các tác vụ thánh”.

Ngoài ra, Giáo luật còn yêu cầu cả những đức tính nhân bản, thể lý tâm lý phù hợp với đòi hỏi của thiên chức linh mục:

Điều 1029: “Dựa theo sự phán đoán khôn ngoan của Giám mục riêng hoặc Bề Trên cao cấp có thẩm quyền và sau mọi cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ nên cho tiến chức những người có đức tin tinh tuyền, chí hướng ngay thẳng, kiến thức đầy đủ, danh thơm tiếng tốt, tác phong đoan chính, nhân đức đã được thử luyện và những đức tính khác về thể lý và tâm lý tương ứng với chức thánh sẽ lãnh nhận”.

Kết luận:

Giáo Hội hoàn vũ đang đối diện với cơn khủng khoảng về ơn gọi tu trì. Nếu nhìn ơn gọi tu trì là quà tặng của Thiên Chúa, thì mỗi người kitô hữu cần phải cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi như lời Chúa Giêsu dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10,2).

Nếu hiểu ơn gọi đồng thời là sự đáp trả của con người, thì mỗi người chúng ta cần có ý thức và cộng tác để vun trồng các mầm ơn gọi trong gia đình và trong giáo xứ. Mỗi người cần biết cổ võ ơn gọi và nâng đỡ các chương trình mục vụ ơn gọi trong Giáo Hội để càng ngày Giáo Hội có nhiều người trẻ dám quảng đại dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khúc Xuân Ca
Lê Trị
21:09 19/04/2013
KHÚC XUÂN CA
Ảnh của Lê Trị
Mở mắt vào đời cất tiếng ca
Chào mừng Xuân mới khắp sơn hà
Trăm hoa muôn sắc tranh đua nở
Hoà nhịp đất trời khúc Xuân Ca
(Lê Trị)