Ngày 11-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/04: Không thực vẫn vực được Đạo – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:31 11/04/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:38 11/04/2024

15. Đức Chúa Giê-su lấy ân sủng và đức hạnh châu báu để tô điểm linh hồn chúng ta, chúng ta thuộc về các thiên thần phụng thờ Ngài.

(Thánh nữ Agnes)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:41 11/04/2024
27. CHUYÊN ĂN CHỰC

Có người chuyên môn ăn không (ăn chực), nhưng từ trước đến nay không mời người khác ăn.

Một lần nọ, người hàng xóm mượn phòng khách của ông ta để làm tiệc mời khách, có người không biết nên cảm thấy kỳ kỳ sao ấy bèn hỏi đầy tớ của ông ta:

- “Tại sao mặt trời đã lặn về tây rồi mà chủ của ông còn làm tiệc đãi khách?”

Người đầy tớ trả lời:

- “Làm gì có chuyện đó, nếu nhà chủ tôi đãi khách thì phải đợi kiếp sau.”

Không ngờ ông ta nghe được câu nói này bèn chửi đầy tớ một trận, nói:

- “Ai kêu mày hứa ngày khác chứ?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 27:

Người tự trọng dù được người khác mời cơm thì cũng sẽ mời lại khi có dịp, vì không ai thích mang tiếng là “ăn chực”; ăn chực khác với việc người nghèo khó nhận sự giúp đỡ của người khác, bởi vì tất cả việc người giúp đỡ và người nhận đều là vì bác ái mà giúp đỡ nhau.

Thời nay có những người không phải nghèo khó, không phải gặp tai ương hoạn nạn, cũng không phải là kẻ mồ côi góa bụa, nhưng lại đi ăn chực của người nghèo và của những người lao động làm thuê làm mướn, đó là những người tham nhũng làm hại quốc gia, làm hại xã hội, họ là những người không biết phục vụ người khác, chỉ lợi dụng chức quyền để hà hiếp và bốc lột người nghèo cô thế cô thân, họ ăn chực cách trắng trợn của những người nghèo...

Người nghèo, người hoạn nạn, người bệnh, nhận sự giúp đỡ của người khác là sự bất đắc dĩ nhưng họ cũng vui vẻ đón nhận sữ quan tâm của mọi người; nhưng người ăn chực, ăn không, thì họ lại cho rằng sự ăn không, ăn chực của mình là...khôn ngoan, nên họ ăn chực trên mồ hôi nước mắt của người khác...

Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy chúng ta: ai không làm việc thì đừng có ăn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Nhân chứng Phục Sinh
Lm. Thái Nguyên
07:46 11/04/2024

NHÂN CHỨNG PHỤC SINH
Chúa Nhật 3 Phục Sinh năm B : Lc 24,35-48

Suy niệm

Đang khi các môn đệ hội họp và nghe kể lại chuyện về Thầy Giêsu đã hiện ra trên đường Emmau, thì Thầy lại xuất hiện giữa các ông. Ngài trao ban bình an cho các ông, không phải sự bình an thường tình của thế gian, mà là bình an của Đấng phục sinh đã chiến thắng sự chết và mọi tai ác của sự dữ, để từ đây các ông không còn phải lo sợ về bất cứ điều gì nữa trong cuộc sống này, nhưng “các ông hoảng sợ tưởng là thấy ma”. Chúa lại cho các ông xem chân tay và sờ chạm đến Ngài. Thấy các ông còn ngờ vực, nên Ngài liền ăn uống trước mặt các ông.

Cũng như trên đường Emmau, một lần nữa Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu: “tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". Ngài lần giở Kinh Thánh để minh chứng cho các ông rõ là“Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Và rồi đây, Thánh Thần sẽ được Chúa Cha ban xuống trên Hội Thánh phôi thai (Cv 2,1) để làm cho các ông trở thành những chứng nhân khôn ngoan và can đảm, quảng đại và kiên trì dấn thân làm chứng về Đấng Phục Sinh.

Các tông đồ đã hoảng loạn trước cái chết của Thầy. Giờ đây việc Ngài phục sinh lại làm cho các ông“kinh hồn bạt vía”, vì họ vẫn nghĩ đó là điều không thể, cũng như trước đây các ông nghĩ việc Thầy tử nạn cũng là điều không thể. Nhưng mọi việc đều có thể và xảy ra như thế theo kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã báo trước ba lần việc tử nạn và phục sinh, nhưng các ông vẫn không để ý tới, vì thấy Thầy đầy quyền năng nên đang háo hức trước một tương lai huy hoàng, một vương quốc mới mà họ nghĩ Thầy sắp đứng lên thành lập. Chẳng lạ gì mà mẹ Giacôbê và Gioan mới xin cho hai con mình “một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20, 21).

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt. Có thể nói sau khi Đức Giêsu chết thì các tông đồ dường như cũng đã chết: tinh thần các ông hoàn toàn suy sụp, nhóm mười hai tan tác, còn lại vài người thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Nhưng sau khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã làm cho họ sống lại: họ không còn sợ hãi, nghi ngờ; không còn mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Con người cũ của các ông đã thay đổi, các ông sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người theo lệnh truyền của Thầy.

Đức Kitô phục sinh không chỉ là một sự kiện lịch sử hay một biến cố đã qua, mà còn là một thực tại luôn sống động, nghĩa là Đức Kitô đang sống, đang hiện diện, đang hành động trong đời sống con người, qua mọi biển chuyển và trong mọi thời đại. Giáo hội chính là nhiệm thể của Đức Kitô đang lớn lên từng ngày giữa lòng thế giới. Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình và mời gọi chúng ta hãy chứng kiến việc Chúa phục sinh bằng đức tin, bằng việc sống với Chúa hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa, qua mọi biến cố trong đời… Mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều mang bóng dáng và dấu vết của Chúa phục sinh, Đấng đang đồng hành, đang âm thầm tỏ mình, đang ngỏ lời, và không ngừng mở ra sự sống mới cho chúng ta trong mọi thời điểm, nhất là những lúc thất bại, đau thương, chán chường và thất vọng.
Không đặt niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đang sống với ta, trong ta, thì ta vẫn sống trong cô đơn, lạc loài, buồn thảm, và cuộc đời là sự trống rỗng mênh mông. Có bao nhiêu thành công hay lợi lộc cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu cuộc sống con người còn nằm trong bóng tối, không lối thoát. Đau khổ và cả cái chết nữa không phải là điều đáng kinh hãi, mà chỉ là một thách đố trước cuộc sống vô thường, để từ đây chúng ta dám dấn thân cho một niềm tin: niềm tin Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chính vì niềm tin đó mà chúng ta hân hoan tiếp nhận sứ mạng“phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”, nghĩa là trở thành chứng nhân cho sự sống mới của Đức Kitô nơi chính mình. Điều đó thể hiện qua một cuộc sống đơn sơ, hồn nhiên, trong sáng, âm thầm lan tỏa yêu thương và bình an cho mọi người.

Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin, nhưng là điều mà những người khác luôn có thể cảm nhận được từ một Kitô hữu biết sống quên mình, dám dấn thân xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ. Đức tin không dựa vào một biến cố quá khứ cho bằng dựa vào chính con người cụ thể, là cho người khác thấy “Đức Kitô đang sống trong tôi”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa tỏ mình ra sau phục sinh,
khiến các tông đồ phải khiếp kinh,
các ông sợ hãi tưởng là ma,
khiến cho tất cả phải sững sờ.
Quả thật các tông đồ không thể ngờ,
vì xây dựng đời mình trên giấc mơ,
mơ sống trong danh vọng và quyền hành,
nên có lần các ông đã phân tranh,
xem ai ngồi ghế nhất trong thiên hạ,
được vinh quang mà không qua thập giá.
Nhưng rồi mọi mơ ước đã tiêu tan,
Chúa chịu nạn làm các ông hoảng loạn,
Chúa chết đi khiến các ông bàng hoàng,
Chúa xuất hiện các ông càng choáng váng,
nhưng giờ đây sợ hãi đã biến tan,
bên Chúa niềm vui sướng lại dâng tràn.
Để từ đó Chúa trao ban sứ mạng,
là những người làm chứng giữa trần gian,
về khổ hình và phục sinh của Chúa,
đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới,
để ai tin được sự sống muôn đời.
Xin cho con một niềm tin yêu mới,
không còn ham những xa hoa danh lợi,
dám ra đi mang Chúa đến cho đời,
tạo an bình vui sống khắp mọi nơi,
cho u buồn và sầu khổ lắng vơi,
để ánh quang phục sinh Chúa rạng ngời. Amen.
 
Dẫy đầy, dư dật
Lm. Minh Anh
14:00 11/04/2024
DẪY ĐẦY, DƯ DẬT
“Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng”.

Sau cơn nguy kịch, một bệnh nhân biết mình phải trả 1,3 triệu tiền Oxy; anh thốt lên, “Vậy tôi phải trả bao nhiêu cho khí trời đã hít thở trong suốt 53 năm? Trời cho tôi nhiều quá!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trời cho tôi nhiều quá!”. Những gì Trời cho thường ‘dẫy đầy, dư dật!’. Tin Mừng hôm nay tường thuật phép lạ Chúa Giêsu thết hơn năm ngàn người ăn; và sau khi tất cả đã no nê, “Mười hai thúng” là những gì thu được từ năm chiếc bánh và hai con cá. Sao nhiều thế?

Với trình thuật này, Augustinô giải thích, Chúa Giêsu đã cung cấp nhiều hơn những gì người ta có thể hưởng dùng. Đây là cách thức mô tả đầy biểu tượng những chân lý tâm linh. “Mười hai thúng” là biểu tượng cho những chân lý siêu việt hơn mà đám đông không thể lãnh hội, trừ những ai sống thiết thân với Ngài. Họ được ban ‘dẫy đầy, dư dật!’.

“Mười hai thúng” còn tượng trưng cho “Nhóm Mười Hai”. Họ là những người được chọn để nhận nhiều hơn. Hãy nhớ lại những lần Chúa Giêsu dạy dỗ đám đông; sau đó, về nhà, Ngài giải thích riêng các dụ ngôn, tiết lộ cho họ một số chân lý mà đại đa số không thể hiểu, hoặc dễ chấp nhận. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xét xem ba nhóm khác nhau trong phép lạ này; cùng lúc, so sánh họ với những con người thời đại hôm nay.

Nhóm đầu tiên là những người thậm chí “không có mặt” khi phép lạ xảy ra; đây là những kẻ không cùng hành trình với Chúa Giêsu. Nhóm này lớn nhất trong thế giới, họ sống mà không hề hay biết phải tìm cho mình một nguồn ‘lương thực thiêng liêng’ tối thiểu. Tiếp đến là “đám đông” đã theo Chúa Giêsu từ những vùng xa xôi, họ ở lại với Ngài. Nhóm này đại diện cho những người trung thành tìm kiếm Chúa mỗi ngày qua Thánh Lễ, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, lắng nghe và được nuôi dưỡng bằng các Bí tích. Nhiều người ước ao được như họ bởi họ no đủ về đời sống thiêng liêng và tinh thần. Nhìn họ bình an, hạnh phúc - dẫu không miễn trừ gian nan, thử thách - không ít người thèm thuồng.

Cuối cùng, “Nhóm Mười Hai” là những môn đệ gắn kết với Chúa Giêsu, tiếp tục được Ngài nuôi dưỡng một cách ‘dẫy đầy, dư dật’ đến nỗi nhiều lúc, họ thốt lên “Trời cho tôi nhiều quá!”. Đây là những người tìm cách đào sâu và nắm lấy những chân lý tâm linh siêu việt, và họ được biến đổi ở mức độ sâu sắc nhất; sau đó, ra đi, chia sẻ cho người khác. Công Vụ Tông Đồ cho biết, “Mỗi ngày, trong đền thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Họ chất đầy được mười hai thúng!”. Thiên Chúa quảng đại vô song; hồng ân Ngài khôn lường - như chính Ngài - “Tôi đến cho chiên Tôi được sống, và sống dồi dào!”. Chỉ Chúa Phục Sinh mới có thể đáp ứng dư tràn mọi ước vọng sâu xa; chỉ Ngài mới có thể thoả mãn ‘những vô biên’ của lòng người. Chúng ta hãy ra sức tìm kiếm “mười hai thúng” chân lý thiêng liêng còn lại. Được điều đó, bạn và tôi khám phá ra rằng, sẽ không có hồi kết đối với chiều sâu biến đổi của ân sủng ‘dẫy đầy, dư dật’ Thiên Chúa muốn tặng ban!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘hời hợt thiêng liêng’ trước bất cứ ân huệ lớn nhỏ nào. Dạy con ‘hít thở’ bầu khí tạ ơn, vì luôn xác tín rằng, ‘Trời cho tôi nhiều quá!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Như lính canh của Chúa, các nữ tu chiêm niệm giữa lòng Paris
Vũ Văn An
14:40 11/04/2024

© Cécile Séveirac


Cécile Séveirac, trên Aleitea, ngày 10/04/24 tường trình rằng ngay tại trung tâm Paris, các nữ tu thuộc Gia đình Đan viện Bêlem (*), Đức Mẹ Lên Trời và Thánh Bruno, sống đời sống chiêm niệm ẩn dật.

Bây giờ là 7 giờ sáng, Paris đang thức giấc… Tại Đan viện Notre-Dame de la Présence de Dieu (“Đức Mẹ Hiện Diện của Thiên Chúa”), những bài thánh ca vang lên từ bình minh.

Người dân Paris có lẽ không biết điều này, cũng như họ không biết đến sự hiện hữu của Đan viện nằm ngay trung tâm thủ đô, thuộc quận 16 này. Tuy nhiên, một khi bước qua cánh cửa của nhà thờ, cả những du khách tò mò và thường xuyên sẽ có cơ hội nói lời tạm biệt tạm thời với sự ồn ào không ngừng của thế giới thành phố.

© Cécile Séveirac


Một ơn gọi trong một ơn gọi

Gia đình đan viện Bêlem Đức Mẹ Lên Trời và Thánh Bruno có 13 Đan viện ở Pháp. Hầu hết họ đều sống biệt lập ở nông thôn, nhưng tại Paris, 14 nữ tu, từ 36 đến 91 tuổi, đang sống đời sống Đan viện. Một “ơn gọi trong ơn gọi,” như các Tiểu Muội Bêlem mô tả.

Chầu Thánh Thể sau Thánh lễ sáng thứ Năm © Cécile Séveirac


Đối với một số người, đó là một lựa chọn hiển nhiên, chẳng hạn như Sơ Félicité, 38 tuổi, người đã gia nhập Gia đình Bêlem vào năm 2011. “Tôi mới bắt đầu làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Quốc Phòng,” Sơ nói với Aleteia. “Nhưng tôi có một ước muốn rất mãnh liệt về ơn gọi chiêm niệm. Khi bước vào nhà thờ này, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi Bí tích Thánh Thể và cảm nhận được lời mời gọi ở lại đó, dưới chân Chúa.”

Cầu nguyện, phụng vụ và thờ lạy

Việc tôn thờ Thánh Thể là một trong những trụ cột của đời sống đan tu trong cộng đồng Bêlem. Cộng đồng này được thành lập ngay sau khi Đức Piô XII công bố tín điều Đức Mẹ Lên Trời vào năm 1950. Sau đó, những người mới được tuyển dụng đã cùng với những người nhiệt thành rút ra bài học về linh đạo của các giáo phụ sa mạc do Thánh Bruno truyền lại.

Họ được phái đến phương Đông, đặc biệt đến các Đan viện Hy Lạp, từ đó họ mang về phụng vụ Byzantine với các bài thánh ca và cử chỉ, chủ yếu là metania (Ghi chú của người biên tập: một cử chỉ bao gồm việc hạ mình xuống đất và đứng lên trở lại trong cùng một chuyển động). “Chúng tôi đã nhận được lời kêu gọi từ Giáo hội để trở thành cầu nối giữa truyền thống đan viện của phương Đông và phương Tây. Thở bằng hai lá phổi, như Đức Gioan Phaolô II thường nói.”

© Cécile Séveirac


Các nữ tu Bêlem trước hết sống cô tịch và thinh lặng. Họ bắt đầu ngày mới bằng giờ cầu nguyện trong phòng riêng. Trong số tất cả các giờ kinh, có hai giờ mở cửa cho công chúng: buổi sáng và buổi chiều, ngoài Thánh lễ Chúa Nhật. Tín hữu có thể đến tôn thờ Mình Thánh Chúa mỗi ngày trừ Thứ Hai, khi Mình Thánh được trưng bày mỗi chiều trong một mặt nhật khổng lồ. Giờ ba, giờ sáu, giờ chín và kinh tối (compline) được mỗi nữ tu cầu nguyện riêng biệt và cùng một lúc. Giữa các giờ kinh, các nữ đan tu dành thời gian học tập và sau đó đi làm nhiệm vụ của mình: thủ công, chiêu đãi, nấu ăn…

Trái tim đang đập của thế giới

“Ở Paris này, chúng tôi thực sự ở trung tâm của thế giới. Tiếng còi xe, tiếng la hét, âm nhạc, lính cứu hỏa… là một lời nhắc nhở liên tục rằng chúng tôi ở đây để cống hiến, cầu nguyện, cầu thay cho tất cả mọi người, qua sự yếu đuối của trái tim chúng tôi, sự dễ bị tổn thương của nhân loại chúng ta,” Sơ Félicité nói tiếp như thế. “Khi rời khỏi phòng riêng, chúng tôi nhìn thẳng ra nhà thờ. Ơn gọi của chúng tôi được đánh dấu bằng nhiều địa điểm. Đó là một cuộc canh thức liên tục, giống như những người lính canh của Chúa.”

Nữ tu Église-Marie cũng khám phá ra ơn gọi của mình ở Paris. Là một sinh viên lịch sử, sơ tình cờ đến nhà thờ trên Quảng trường Victor Hugo vào năm 2007. Sơ nhớ lại: “Tôi bị thu hút bởi sự hiện diện của Chúa Giêsu”. Ban đầu là một nữ tu ở Lộ Đức, nơi sơ đã ở 13 năm, sơ đã không trở lại Paris cho đến tháng 10 năm 2023. “Chúng tôi trải nghiệm thực tế giống nhau ở tất cả các Đan viện. Im lặng, trên hết, là sự hiện diện,” Sơ nhận xét. “Bạn có thể được bao quanh bởi sự im lặng và trái tim bạn tràn ngập tiếng ồn… Trên hết, việc tạo ra sự im lặng là tùy thuộc vào chúng ta.”

Sơ Félicité © Cécile Séveirac


Sơ vừa thốt ra những lời này thì điện thoại trong túi Sơ reo lên. Giống như Sơ Félicité, Sơ Marie-Eglise phụ trách việc đón tiếp, vốn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chiêm niệm của họ.

Mỗi nữ tu được giao một nhiệm vụ cụ thể giữa các giờ kinh tôn giáo và thời gian học tập khác nhau. Các nữ tu kiếm sống bằng cách làm việc bằng đôi tay của mình: nến, đồ trang sức, tượng gỗ, đồ đất nung và tất nhiên là cả nghệ thuật biểu tượng. Cũng như Chính thống giáo, nghệ thuật biểu tượng được coi là một hình thức cầu nguyện thực sự, đó là lý do tại sao các nữ tu cô lập mình trong những studio nhỏ để vẽ một mình.

© Cécile Séveirac


Sơ Sabine trông coi phòng áo. Sơ đến Paris vào năm 1979, tám năm sau khi gia nhập Đan viện, đúng lúc cộng đoàn đang cư trú tại nhà thờ. “Tôi đến để dọn dẹp và giúp chuyển nhà. Lẽ ra chỉ là một ngày cuối tuần nhưng cuối cùng tôi vẫn ở lại,” Sơ cười.

Sơ Sabine © Cécile Séveirac


Cùng với Sơ Paule, sơ là một trong những thành viên lớn tuổi nhất của cộng đồng Paris. “Tất nhiên là khác với các Đan viện khác. Điều kiện khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi không ở đây vì chính mình, chúng tôi ở đây vì Chúa Kitô. Sơ Paule nói: Chúng tôi đang học cách sống với thực tại đặc thù này và điều đó mang lại một chiều hướng khác cho việc cầu nguyện.

Sơ Paule (phải) và Sơ Maroussia (trái) © Cécile Séveirac


Thời gian nghỉ ngơi

Để các nữ tu có thể tận hưởng không khí trong lành, có những khoảng thời gian thư giãn trong lịch trình. Mỗi tuần một lần, cộng đồng đi dạo vào sáng sớm trong khu rừng Versailles. Và, cách Paris không xa, Đan viện Poligny (Seine-et-Marne) chào đón những ai muốn tận hưởng “ngày sa mạc” (Chú thích của biên tập viên: Thứ Hai, một ngày không có công việc hoặc lịch trình) tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố. Ba tuần một năm, Đan viện ở Paris đóng cửa để cho phép những người cư ngụ trong đó đi nghỉ ở một trong những Đan viện ở vùng nông thôn.

Sơ Félicité mỉm cười nói: “Đây là những sắp xếp nhỏ dành riêng cho Đan viện của chúng tôi, giúp chúng tôi thở được một chút”. Sơ nói tiếp: “Vào thứ Sáu, là ngày ăn chay, chúng tôi được phép ăn thêm những món bổ sung nhỏ như pho mát hoặc chuối để giúp chúng tôi vượt qua cả ngày. Có một sự khôn ngoan và sự quan tâm thực sự từ phía các nhà lãnh đạo của chúng tôi, những người quan tâm đến từng người trong chúng tôi. Họ biết rằng đây là một tình huống chuyên biệt và mệt mỏi hơn. Có những chị em không thể vượt qua được, trong trường hợp đó họ ra đi vì họ cần sự tự nhiên và sự bình tĩnh tuyệt vời.”

Nữ tu Cécile, thành viên lớn tuổi nhất của cộng đoàn © Cécile Séveirac


Bình yên và tĩnh lặng là điều mà Sơ Cécile, 91 tuổi và là thành viên lớn tuổi nhất trong cộng đoàn, khởi đầu đã tìm kiếm. Xuất thân là một nữ tu Salêdiêng, Sơ gia nhập Gia đình Đan viện Bêlem vào năm 1986, khám phá ra niềm khao khát chiêm niệm và đến Paris ngay sau đó. “Ồ, đó là điều cuối cùng tôi đã chọn,” Sơ cười thừa nhận. “Tôi vốn ghét Paris. Nhưng tôi đã đến. Và tôi hạnh phúc. Tôi sống với những điều cần thiết, tôi chưa bao giờ nghi ngờ.” Sơ Cécile chỉ có một lời khuyên dành cho các phụ nữ trẻ đang thắc mắc về ơn gọi tu trì của mình: “Hãy đến! Bạn sẽ thấy. Tôi đi tìm Chúa và tôi đã tìm thấy Người. Các bạn phải cố gắng.”
__________________________________________________________________________________
(*) Gia đình đan viện Bêlem ra đời năm 1951 tại Burgundy với ba nữ tu, trong đó có người sáng lập là Odile Dupont, tên trong dòng là Sơ Marie. Sau đó họ được Fr. Ceslas Minguet đồng hành. Họ trình bày đặc sủng của cộng đoàn của họ với Đức Giám Mục Lamy của Sens, người mà họ đã nhận được áo Đan viện.

Nhiều năm trôi qua, các Đan viện mới được mở ở Pháp và nước ngoài với sự đồng ý của các giám mục các giáo phận liên quan. Cộng đồng này được thành lập như một viện thuộc quyền giáo hoàng theo một sắc lệnh ngày 6 tháng 10 năm 1998, được Đức Gioan Phaolô II phê chuẩn.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Kính Lòng Chúa thương xót 2024- CđCgVN Gp SanJose
Thái K Phạm
03:09 11/04/2024

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Chúa Kito phục sinh.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
04:05 11/04/2024
Hình ảnh Chúa Kito phục sinh.

Vui mừng về tin mừng Chúa Giesu Kito đã chỗi dậy sống lại từ cõi chết. Sự phục sinh của Chúa Giesu Kito gây ra những làn sóng tâm lý khác nhau ngay nơi các Tông đồ, là những môn đệ học trò thân tín của Chúa Giesu Kitô.

Qua phúc âm thuật lại Tông đồ Toma là người nổi tiếng thời lúc đó cách đây hơn hai nghìn năm và cả bây giờ nữa trong Giáo hội Chúa ở trần gian. Vì thái độ hoài nghi yếu kém lòng tin vào Chúa Giesu Kito đã phục sinh của ông!

Lần đọc tường thuật phúc âm tiếp theo, không phải chỉ Tông đồ Toma có thái độ hoài nghi, nhưng còn cả các vị Tông đồ khác nữa.

„Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xvớem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". (Lc, 24, 35-48).

Lời qủa quyết của Chúa Giesu phục sinh: Chính Thầy đây, cùng với thân xác mình! Nói lên Ngài vẫn là con người ngày xưa, ngày hôm qua trước đây, mà các Tông đồ đã hằng cùng đồng hành với tong suốt dọc đường gío bụi khắp các nẻo đường nước Do Thái.

Ngài là chính người đã rao giảng nói về Thiên Chúa tình yêu, đã chữa lành vết thương bệnh tật phần thân xác cũng như tâm hồn con người, đã an ủi củng cố vực dậy những tâm hồn đau khổ bất hạnh bị hất hủi…

Ngài chính là người đã dậy các Tông đồ kinh Lạy Cha chúng con ở trên trời để cầu nguyện, Ngài là người đã ăn bữa tiệc ly với các Tông đồ, đã rửa chân cho họ, đã bị phản bội, bị bắt và bị kết án xử tử hình chết trên cây thập tự, đã được chính mẹ Maria, các chị phụ nữ thương mến và các Tông đồ thân tín tháo xuống khỏi rthập gía, đem đi tắm rửa và mai táng trong huyệt mộ dưới lòng đất, và sau ba ngày Ngài đã được sức mạnh quyền phép của Thiên Chúa đánh thức gọi chỗi dậy sống lại từ cõi người chết.

Ngài đã chỗi dậy phục sinh sống lại, nhưng đồng thời Ngài cũng ra khác. Vậy hình ảnh đó thế nào?

Kinh thánh thuật lại có những người được Thiên Chúa gọi đánh thức cho chỗi dậy sống lại. Như trường hợp Lazarô, người bạn thân tín của Chúa Giesu. Lazaro đã sống trên trần gian như bao con người khác, và ông đã chết cùng được an táng trong mộ huyệt. Chúa Giêsu đã gọi Lazaro hãy ra khỏi mồ, làm phép lạ

cho ông chỗi dậy sống lại. Nhưng không vì thế ông sống muôn đời trên trần gian nữa. Trái lại sau cùng ông cũng lại phải chết như bao con người khác.

Trường hợp Chúa Giêsu Kitô thì khác không như thế. Đời sống phục sinh của Ngài nhiều khác hơn một con người bình thường, đến nỗi các tông đồ, những người thân tín của Ngài không nhận ra ngài nữa. Ngài có thể đi vào không gian bên trong ngôi nhà của họ, đang khi cửa nhà đóng kín. Nhưng dẫu vậy Ngài không phải là một hồn bóng ma hiện hình về. Ngài có thân xác đầu mình tứ chi cùng còn cả các vết thương nơi thân xác trong cuộc khổ hình bị hành hạ. Ngài có thể nói đàm thoại, ăn uống với các tông đồ.

Đây thật là điều khó hiểu cho tâm trí con người chúng ta về hình ảnh sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kitô. Chỉ con mắt tâm hồn đức tin giúp hiểu được mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kito thôi. Đó là sự tròn đầy của sự sống, thuộc vào phần thân thể, và cũng là niềm vui mừng, niềm hy vọng làm tròn đầy tinh thần tâm hồn chúng ta.

Xưa nay, người Công Giáo chúng ta khi đi tham dự Thánh lễ Misa tiếp nhận Tấm bánh Thánh Thể tình yêu Chúa Kitô là lương thực cho đức tin. Tấm Bánh đó nướng làm bằng bột bánh mì như bao tấm bánh mì khác, và đồng thời lại hoàn toàn khác. Tấm Bánh đó qua lời cầu nguyện của Linh mục, đọc lời của Chúa Giesu trối lại, thay cho mọi người trong thánh đường, biến dạng thay đổi thành Mình Chúa Giesu. Đức tin nói dậy chúng ta Tấm bánh Thánh Thể đó có chính Chúa Giêsu hiên diện.

Chúa Giêsu Kito tự biến đổi, như chúng ta tin nhận, mang lại nhiềm hy vọng và tình yêu.

Chúa Giesu Kito biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những con người gắn bó mật thiết với Ngài.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Ba 3
Vũ Văn An
02:02 11/04/2024

Chương ba: Thần học và những thống khổ của thời hiện đại, tiếp theo



Đánh giá Garrigou-Lagrange

Aidan Nichols, tu sĩ Đa Minh người Anh, đã viết một cuốn sách nhỏ cân đối về ý nghĩa của Garrigou-Lagrange, ngoài tranh cãi thần học, về mặt thần học Công Giáo hiện đại: “Nếu người ta muốn tìm một loại thần học có tính Công Giáo Rôma rõ rệt, có thể được mô tả như tương đối tiêu biểu về mặt nội dung và hình thức của các trước tác của các Kitô hữu Latinh hiệp thông với Tòa thánh được công bố từ thời Công đồng Trent đến thập niên 1950, tập hợp các tác phẩm của Garrigou chắc chắn là một ứng viên khả hữu”. (22) Đây có thể là một lời khen yếu ớt đối với những người coi toàn bộ thời kỳ này như một chệch hướng đáng tiếc. Nhưng Nichols nói thêm rằng các sinh viên thần học hậu công đồng có thể học từ Garrigou-Lagrange cách “lý luận với lòng đạo đức”, một thành tựu không bao giờ nhỏ nhoi trong bất cứ truyền thống thần học nào. Nichols hoàn toàn biết rằng người theo học thuyết Tôma nghiêm ngặt này cùng nhiều đồng nghiệp và những người kế vị của ngài trên thực tế ít quan tâm đến việc tuân theo Thánh Tôma lịch sử một cách nghiêm ngặt, theo mức ngày nay chúng ta có thể tái tạo lại ngài từ các nguồn lịch sử (và Garrigou cũng thừa nhận như vậy trong tác phẩm của mình). Thay vào đó, sự nghiêm ngặt của họ gần như cũng bao gồm ngang ngửa việc tôn trọng đối với các nhà bình luận của Phong trào Kinh viện Thứ hai (nghĩa là sự tái sinh của tư tưởng Kinh viện từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII). Và mục đích chính của họ là sử dụng các nguồn lực siêu hình, nhận thức luận và luân lý có sẵn trong truyền thống như một phương tiện để chống lại và bác bỏ các trào lưu chống siêu hình, hoài nghi và duy tương đối tìm thấy trong thuyết duy hiện đại Công Giáo.

Thuyết duy hiện đại Công Giáo, ít nhất theo những người phản đối nó, đã bị đầu độc tận gốc bởi một loại tình cảm tôn giáo nội tâm vốn là tiêu chuẩn để đánh giá lịch sử cứu độ, tín điều, Kinh thánh, thẩm quyền và những biểu hiện bên ngoài khác của đức tin như ít nhiều thoả đáng. Chống lại những điều này, thần học của phái Tôma - với sự hỗ trợ của nó đối với thẩm quyền của giáo hoàng và huấn quyền của Giáo hội - được cho là phương thuốc. Một chế độ độc đoán, trình bầy điều này trong các quy định trừng phạt đối với Giáo hội như một định chế, đã gây tiếng xấu cho một loại học thuyết Tôma nào đó ở nhiều giới khác nhau, nhưng việc lạm dụng các mối quan tâm chính đáng theo cách này không hoàn toàn làm mất uy tín các nỗ lực nhằm đáp ứng các thách thức bằng các phương tiện triết học và thần học thỏa đáng.

Thí dụ, hầu hết triết học và thần học hiện đại đã rời xa những lập luận duy lý về việc nhận thức Thiên Chúa. Năm Con đường của Thánh Tôma dường như không dẫn đến kết luận cuối cùng như một vấn đề hợp lý chặt chẽ, hiểu theo cách hiện đại. Nhưng như Simone Weil từng lập luận, những cách tiếp cận như vậy được đề cập, không những chỉ tới những gì được cho là hợp lý ở một thời đại nào đó, mà còn hướng tới tình yêu. Tuy thế, có một tập hợp các mệnh đề có thể bảo vệ được trên đó thần học tự nhiên luôn dựa vào, và Garrigou-Lagrange là một trong những quán quân của họ. Thánh Tôma thường nhận xét rằng chúng ta có thể biết Thiên Chúa hiện hữu, nhưng chúng ta có thể nói rõ Người không phải là gì hơn là Người là gì. Điều này có vẻ như là một điểm nhỏ trong ánh sáng của toàn bộ đức tin Công Giáo, nhưng nó là một điểm khởi đầu quan trọng cho một nền thần học “khoa học”.

Có thể nói rằng phần lớn cuộc tranh luận giữa những người theo thuyết Tôma nghiêm khắc và những nhà thần học mới hơn xoay quanh vấn đề liệu có phải chỉ có một nền thần học khoa học xứng với cái tên thần học hay không. Một lần nữa, ngay từ đầu trong Summa Theologiae, Thánh Tôma đã rất nỗ lực chỉ ra việc một nền thần học khoa học có thể được xây dựng ra sao trên nền tảng mặc khải, một khoa học phụ thuộc coi các sự kiện của mặc khải theo cách giống như khoa học vật lý coi các sự thật của thế giới vật chất. Nhưng trong toàn bộ bản văn về các sự thật mặc khải, một toàn bộ không được trình bày một cách đáng kể bởi ơn linh hứng thần linh qua các tác giả kinh thánh dưới hình thức một chuyên luận “khoa học”, có nhiều yếu tố khác mà một nền thần học linh hoạt hơn có thể cố gắng giải trình một cách hợp pháp. Garrigou chắc chắn đã không sai khi bảo vệ—và bảo vệ qua các định chế của Giáo hội cũng như lập luận trí thức—các nguyên tắc như không mâu thuẫn, tính bản thể, túc lý, tính nhân quả và tính cùng đích, và quy nạp. Tất cả những điều này giúp thiết lập một cơ sở quan trọng của các tiền đề thần học và các chân lý có thể được cho là bắt nguồn từ chúng. Hơn nữa, chúng đưa ra một điều mà hầu hết các nền thần học và triết học hiện đại không có: một tập hợp các quan niệm đưa cả chân lý tôn giáo và những chân lý khác của con người ra khỏi ngõ cụt của chủ nghĩa chủ quan đơn thuần và đi vào ánh sáng của những chân lý khách quan quan trọng về thế giới.

Một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra một khi đã được thừa nhận là liệu có những sự thật nào khác cần được trình bầy nghiêm túc như vậy, nhưng không phải trong một quỹ đạo quá nhỏ hay không. Không ích gì cho các vấn đề này khi kiểu lập luận này cũng được nhận diện, đặc biệt ở Pháp, với phản ứng chống lại sự xúc phạm nặng nề của những người theo chủ nghĩa thế tục đối với tài sản và tự do của Giáo hội. Garrigou là một người ủng hộ, chẳng hạn, Action française, chống lại những người theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến, ngay cả khi nó bị giáo hoàng lên án vào năm 1926. Đối với một số loại người Công Giáo, bị vướng vào những cuộc tranh cãi chính trị với những hậu quả thực tế rất thực chất này, việc bảo vệ sự thật và việc phủ nhận quyền tự do chính trị hiện đại dường như là những mối quan hệ tự chọn, vì không thể dựa vào các quan điểm phổ biến để đạt được các nguyên tắc thiết yếu. Kể từ cổ thời, chủ đề chung trong triết học chính trị là toàn bộ các dân tộc có thể trở nên thối nát. Và sự ra đời của các nền dân chủ hiện đại đã không loại bỏ một nhận xét dường như chỉ là một mô tả chính xác về bản chất con người.

Thần học mới dường như trình bày một vấn đề tương tự cho một số người có quan điểm tương tự. Vào đầu thế kỷ 21, chính một số người tiếp tục công việc của thần học mới cũng tôn trọng—thậm chí chấp nhận—một học thuyết Tôma nghiêm ngặt được đặt đúng bối cảnh. Như Nichols quan sát trong một bối cảnh khác, đối với những nhà tư tưởng mới hơn, được đào tạo dựa trên các nghiên cứu lịch sử đã xuất hiện như một phần của sự đổi mới theo học thuyết Tôma của Đức Lêô, “thần học mới đích thực... là Chủ nghĩa kinh viện muộn màng được Garrigou bảo vệ đến cùng... Đây là nền thần học mới nổi xa lạ không những với các Giáo phụ mà còn với cả Thời đại Hoàng kim của chính thế kỷ mười ba. Đó là điểm gây tranh cãi với nghiên cứu của de Lubac về mối quan hệ giữa bản chất con người và tầm nhìn về Chúa trong cuốn Surnaturel [siêu nhiên] của ngài.” (23) Nhưng một phần của bối cảnh đó đòi hỏi phải có một đức tin sống động coi thần học khoa học là một trong những công cụ của nó, chứ không phải là một hệ thống hợp lý yêu cầu tất cả kinh nghiệm tôn giáo phải được cắt bớt để phù hợp với một chiếc giường Procrustes tiêu chuẩn.

Người phong nhã đến từ Verona

Một số nhà tư tưởng Công Giáo khá chính thống đã đi theo những hướng khác ngay cả trước khi xuất hiện thần học mới. Chẳng hạn, một nhà thần học đã minh họa nhiều chiều kích khác nhau của tình hình vào đầu thế kỷ 20, đó là Romano Guardini (1885–1968) được rất nhiều người yêu mến. Mặc dù tên họ của ngài rõ ràng là người Ý và ngài sinh ra ở Verona, nhưng trong vòng một năm, cha mẹ của Guardini đã chuyển đến Mainz ở Đức, nơi ngài đã dành gần như toàn bộ thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của mình ngoại trừ những chuyến đi thường xuyên trở lại Ý. Việc phân loại các nhà tư tưởng theo hậu cảnh quốc gia là điều nguy hiểm, nhưng có điều gì đó ở Guardini phản ảnh cả khía cạnh trực quan lẫn khía cạnh xúc cảm hơn của Ý, đồng thời, yếu tố phân tích và khách quan của Đức và do đó mang lại sự cân bằng giữa các yếu tố phía bắc và phía nam trong đạo Công Giáo Châu Âu. Ngay cả khi viết những bài bình luận sâu sắc về nhiều chủ đề khác nhau, ngài vẫn chọn cách tiếp cận theo thuyết nhân vị [personalist]. Ngài bắt đầu học thần học sau khi quan tâm đến hóa học và kinh tế. Vào khoảng hai mươi tuổi, ngài đã trải qua một thời kỳ trầm cảm đã thoát được sau một số trải nghiệm tâm linh, những trải nghiệm cũng thuyết phục ngài tin rằng mình được gọi vào chức linh mục. Mặc dù tư tưởng của ngài chắc chắn luôn chính thống, nhưng ngài chưa bao giờ quan tâm nhiều đến thuyết Tân kinh viện khi đó phổ biến trong các chủng viện. Và không có gì ngạc nhiên khi luận án tiến sĩ năm 1922 của ngài là về học thuyết cứu rỗi của Thánh Bonaventura (Die Lehre des heiligen Bonaventura von der Erlösung [Học thuyết Cứu rỗi của Thánh Bonaventura]). Do đó, tác phẩm ban đầu của ngài thuộc về cả hai trào lưu bảo thủ và tự do của nửa đầu thế kỷ XX, và những người ngưỡng mộ ngài bao gồm những nhân vật khác nhau như Hans Urs von Balthasar, Joseph Ratzinger, Karl Rahner và Karol Wojtyła.

Mặc dù Guardini ăn nói nhẹ nhàng và nhút nhát, nhưng dường như ngài có một sự ấm áp bản thân đã thu hút các sinh viên và những người tìm kiếm. Cuốn sách quan trọng đầu tiên của ngài, Vom Geist der Liturgie (Về Tinh thần Phụng vụ) xuất bản năm 1918, khi ngài mới ba mươi ba tuổi, và đã thu hút sự chú ý rộng rãi không chỉ của những người Công Giáo mà ngay cả những người ngoại đạo như Martin Buber (triết gia Do Thái và tác giả của I-Thou), người sau đó đã mời Guardini tham gia vào một cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo thường xuyên ở Frankfurt. Chủ nghĩa nhân vị của Buber làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân vị của Guardini, và hai người họ vẫn là bạn cho đến cuối đời. Quan điểm của Guardini về nhu cầu phải có cảm thức tham gia và liên ngã nhiều hơn trong phụng vụ đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào cải cách phụng vụ ngày càng tăng cho đến Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II (Sacrosanctum Concilium) và hơn thế nữa, mặc dù ngài đã có những dè dặt sâu xa về nhiều việc mà Công đồng đã làm.

Phong trào muốn có một nền phụng vụ có sự tham gia nhiều hơn bắt đầu vào năm 1833, khi Prosper Louis Pascal Guéranger, một tu sĩ dòng Biển Đức phò thẩm quyền Giáo Hoàng một cách triệt để [ultramontane], đã thành lập lại Đan viện tại Solesmes. Từ đó, sáng kiến lan rộng theo nhiều hướng, bao gồm cả Tu viện Biển đức ở Beuron, nơi Guardini lần đầu tiên gặp phong trào này trong một chuyến viếng thăm vào năm 1906. Cho đến thời điểm đó, ngài khá bối rối với việc giáo dân đọc Kinh Mân Côi hoặc thực hiện các việc sùng kính riêng tư khác trong thời gian cử hành Thánh lễ Latinh thông thường. Ngài lập luận rằng một phụng vụ thực sự có nghĩa là một buổi cầu nguyện chung của Giáo hội, chứ không phải là một tập hợp các cá nhân trong các cuộc trò chuyện bản thân với Thiên Chúa. Chiều kích cộng đồng được phản ảnh trong nhiều thế kỷ trải nghiệm Kitô giáo theo cách Giáo hội mang lại với nhau nhiều yếu tố khác nhau—lời cầu nguyện lớn tiếng, các hành vi tượng trưng, ăn và uống một cách bí tích—trong một phụng vụ liên quan đến thể xác, tâm trí của chúng ta trong một hành vi toàn diện tập trung vào Chúa Kitô. Mặc dù có những giây phút tĩnh lặng trong phụng vụ, trong đó mỗi cá nhân ý thức rõ hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng việc sùng kính riêng nói chung mang lại một chiều kích khác và cá nhân hơn trong mối tương quan của Kitô hữu với Thiên Chúa và cũng cần thiết cho một đời sống cầu nguyện cân bằng. Mỗi thứ nên được dành cho vị trí thích hợp của nó để có tác dụng thiêng liêng trọn vẹn.

Đọc Guardini về phụng vụ để thấy thực tại xuất hiện sau Công đồng khác với tầm nhìn của ngài xiết bao. Mặc dù trong các Thánh lễ dành cho giới trẻ ở Berlin, Guardini đã sớm quay quanh bàn thờ và đặt các sinh viên thành hình bán nguyệt, nhưng ý định không bao giờ là tạo ra cộng đồng — lại càng ít đặt cộng đồng làm tập chú hàng đầu. Trọng tâm của phụng vụ luôn hướng về Chúa Kitô, mặc dù một chiều hướng của tập chú này là để đáp ứng diễn trình quá cá nhân hóa các xã hội hiện đại và chính Giáo hội, vốn thường phải chịu đựng các trào lưu trong nền văn hóa xung quanh. Một sự phát triển mà có lẽ Guardini đã không cảnh giác đủ là điều có thể gọi là việc Thệ phản hóa, theo một nghĩa rất quen thuộc ở tất cả các nền dân chủ tiên tiến của phương Tây. Các cộng đồng địa phương trở nên bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi môi trường xã hội trực tiếp của họ—thường là môi trường được hình thành trên cơ sở hoàn toàn khác với đạo Công Giáo. Những cộng đồng như vậy thấy mình mâu thuẫn không những với Rôma mà còn với các cộng đồng Công Giáo khác trong các hoàn cảnh văn hóa khác. Rõ ràng là một trong những hy vọng của Guardini về một phụng vụ thực sự đổi mới là nó sẽ đưa chúng ta vượt ra khỏi vòng nhận thức hạn chế được triết học hiện đại cho phép và cuối cùng đưa chúng ta vào sự hiện diện thực sự của Lời hằng sống. Trong thực hành, nó đã cung cấp một số phản kháng chống lại chủ nghĩa Quốc xã ở Đức trong thập niên 1930 nhưng ít thành công hơn trước những tán tỉnh của sự sung túc hậu hiện đại.

Guardini đã phát triển khá sớm một khái niệm về điều được ngài gọi là “sự đối lập” (Gegensätze), hay những căng thẳng, như sau này chúng thường được gọi, trong việc nắm bắt toàn bộ sự thật trong những vấn đề mà chúng ta khó dung hòa được hai sự thật. Ngài áp dụng nó không những vào phụng vụ mà còn vào nhiều tình huống khác. Ngài phân biệt những sự đối lập cần thiết như vậy khỏi những mâu thuẫn đơn thuần (Widersprüche), những mâu thuẫn này vi phạm luật không mâu thuẫn. Một cách được ngài sử dụng tốt những quan niệm như vậy là trong tác phẩm Briefe vom Comer See (Những bức thư từ hồ Como) năm 1927 của ngài, một trong những suy tư sớm nhất của Công Giáo về sinh thái, cùng những điều khác. Công trình này có những hạn chế, bao gồm một số lý tưởng hóa quá mức về nơi sinh ở Ý của ngài, nhưng nó cũng có ít nhất một cái nhìn sâu sắc lâu dài. Trong các chuyến thăm từ Đức trở lại Ý, ngài nhận thấy sự khác biệt giữa cách xử lý thiên nhiên một cách thô bạo bởi việc kỹ nghệ hóa của Đức và ý thức cũ của người Ý về việc xây dựng hài hòa với cảnh quan. Tất nhiên, Guardini đã nhận ra lợi ích của kỹ nghệ hóa và bác bỏ quan niệm Lãng mạn rằng chúng ta chỉ nên trở về với một thiên nhiên không bị xáo trộn. Chúng ta phải tìm cách dung hòa các lợi ích đối lập, kết nạp việc tôn trọng thiên nhiên, bao gồm cả bản chất con người, cùng với tiến bộ kỹ thuật thích đáng của chúng ta để ngăn chặn các xã hội hiện đại trở nên phi nhân một chiều.

Guardini thuộc về phe Platông hơn trong truyền thống Công Giáo và đã viết sách về cái chết của Socrates, việc trở lại của Thánh Augustinô, Dante, Montaigne, Pascal, Rilke và Dostoyevsky, cũng như các nghiên cứu sâu hơn về phụng vụ, cầu nguyện và tình yêu Thiên Chúa. Cuốn sách The Lord [Chúa] (24) của ngài là một bản trình bày kinh điển của thế kỷ 20 về cuộc đời của Chúa Giêsu, cuốn sách cũng kết nối các giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giêsu với niềm tin và thực hành của Giáo hội; nhà văn sắc sảo người Mỹ Flannery O'Connor đã xúc động nói sau khi đọc cuốn sách: “Không có gì giống như [nó] ở bất cứ đâu.” (25) Một số học giả Kinh thánh gần đây đã chỉ trích việc Guardini bỏ qua các cách tiếp cận có tính phê phán đối với Kinh thánh và tuyên bố công trình của ngài hoàn toàn lỗi thời, nhưng không có khả thể xảy ra điều đó đối với việc kêu gọi trái tim của ngài. Lời kêu gọi “trái tim” luôn xuất hiện trong thần học khi việc phân tích đơn thuần dường như đã đi đến chỗ bế tắc, và nơi Guardini, lời kêu gọi này gắn liền với quan tâm văn học suốt đời của ngài. Ngài đã viết về Thần khúc của Dante và các tác phẩm kinh điển khác, nhưng ngài cũng không ngừng quan tâm đến những gì đang xảy ra trong nền văn hóa hiện đại. Cuốn sách của ngài về cuốn Duino Elegies [Các khúc Bi thương Duino] của Rilke đã gây tranh cãi khi nó xuất hiện vì nó kết hợp việc đọc các bài thơ một cách cẩn thận, khách quan theo cách phê bình văn học hiện đại với việc đánh giá tầm nhìn của Rilke từ góc độ Công Giáo, điều không thể chấp nhận được đối với các học giả muốn được coi trọng trong giới học thuật Đức. Nhưng ngài không sợ hãi trước những lời chỉ trích như vậy, và việc ngài đọc các nhà thơ hiện đại - không chỉ Rilke, mà cả Hölderlin, Mörike, và những người khác - đã đóng một vai trò rất hữu ích, cả trong việc mở ra một quan điểm mới cho loại người Công Giáo sợ hãi thế giới hiện đại và cho những đối thủ của họ, những người cố gắng biến tính hiện đại thành thước đo mọi điều trong Giáo hội.

Một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới của Guardini xuất bản năm 1950: Das Ende der Neuzeit (Sự kết thúc của thế giới hiện đại). (26) Có thể coi một số chương của nó được chia thành hai phần lớn. Trong phần đầu tiên, Guardini đã cung cấp một cách đọc rất phong phú về toàn bộ lịch sử của phương Tây—với những bình luận đáng lưu ý về việc truyền lại nền văn hóa tiền sử và cả nền văn hóa phương Đông nữa. Ngài bắt đầu bằng cách nhận diện các yếu tố chính trước việc tạo ra thế giới hiện đại, trước khi giải thích tại sao ngài nghĩ thời hiện đại đang đi đến hồi kết thúc và điều đó có nghĩa là gì, trong nửa sau của cuốn sách.

Mặc dù có những suy đoán sâu rộng, người Hy Lạp coi thế giới như một hệ thống khép kín, thực sự, thậm chí, còn không thể nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài thế giới cho đến khi mặc khải đặt quan niệm đó trước nền văn minh cổ điển. Có một tinh thần phóng khoáng nào đó trong hệ thống của họ và cảm thức căn bản về vị trí của con người trong trật tự thế giới—do đó, những thành tựu sáng tạo nhưng cân bằng của nó và các quan tâm lâu dài của nó dành cho một số thời đại sắp tới.

Kitô giáo đã mang khái niệm sáng tạo của người Do Thái đến thế giới cổ điển đó: “Vũ trụ được tạo ra này chỉ được tìm thấy trong Kinh thánh. Ở những nơi khác, nguồn gốc của vũ trụ luôn được cho là thần thoại; hoặc là một sự hỗn loạn vô hình thức nào đó đã phát triển thành thế giới hoặc một sức mạnh thần thánh nào đó đã tạo ra nó từ một sự hỗn độn cũng vô hình thức như vậy.” (27) Thiên Chúa Tạo Dựng đòi hỏi sự tin tưởng và vâng lời, hai khái niệm có vẻ ngột ngạt theo quan điểm hiện đại, nhưng trong thế giới cổ thời: “Một nền tự do mới đã hé mở trong lịch sử cho tinh thần con người. Giờ đây đã tách khỏi thế giới, lần đầu tiên con người có thể đối diện với vạn vật từ một bình diện mới, từ một vị trí thuận lợi không phụ thuộc vào sự vượt trội trí thức cũng như thành tựu văn hóa. Nhờ vậy, tạo ra một sự biến hình vốn hoàn toàn không thể xảy ra đối với thế giới ngoại giáo cũ.” (28)

Yếu tố Đức của thời Trung cổ đã thêm một điều gì đó mới mẻ vào sự pha trộn này, một “linh hồn di động và hay lo lắng” (29) tìm kiếm sự siêu việt ở những biên giới xa nhất của vũ trụ và những nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người. Và do đó, những xung đột nảy sinh giữa Giáo hội và hoàng đế tiết lộ một loạt câu hỏi sâu sắc hơn nhiều so với trò chơi ảnh hưởng chính trị. “Từ một quan điểm, Giáo hội ràng buộc và giới hạn con người bằng thẩm quyền của mình; từ một quan điểm khác, Giáo hội đã giúp con người có thể vượt qua thế giới của họ. Giáo Hội đưa ra một viễn kiến tự nó rộng lớn và có tính giải phóng về mục tiêu.” (30) Nhưng theo Guardini, mọi con người và xã hội đều cần thẩm quyền, và nếu không có thẩm quyền thiêng liêng thực sự, thì việc biếm họa trần tục về nó xuất hiện là điều không thể tránh khỏi: quyền lực - một khái niệm sẽ chiếm hữu ngài trong tập tiếp theo tập này.

Khi phương Tây bác bỏ tầm nhìn trên và bắt đầu tập trung vào việc giành quyền lực trên thiên nhiên hơn là nghĩ về ý nghĩa của thiên nhiên, ba yếu xuất hiện khá rõ ràng: thiên nhiên, nhân cách (con người) và văn hóa. Kant đã có thể phát biểu các khái niệm một cách mạnh mẽ nhất trong ba cuốn Phê bình của ông. Đầu tiên, có loại thiên nhiên được mô tả một cách toán học bằng khoa học hiện đại. Theo chính quan niệm về nó, một thiên nhiên như vậy không thể có giá trị nhân bản nào ngoài tính tiện ích của nó. Và thiên tính không hiện diện một cách gián tiếp trong thiên nhiên như nó đã hiện diện trước đó trong Sáng thế. Vào đầu thời hiện đại, việc khám phá ra sự đa dạng và phạm vi rộng lớn của thiên nhiên đã mang lại một loại kính sợ có tính cách tôn giáo cho Giordano Bruno và những người theo chủ nghĩa Duy tâm Đức nhưng có thể thấy rõ nhất nơi Goethe. Cảm giác đó nhanh chóng tan biến. Thứ hai, con người phải được định nghĩa như một điều khác với bản chất phi bản vị đó, khiến họ không có “nơi ở” [location] (một chữ yêu thích của Guardini) trong vũ trụ, từ định nghĩa, xa lạ với thế giới và cần sự khẳng định tự do, bất tử và Thiên Chúa như các điều kiện tiên quyết của lý trí thực tiễn. Cuối cùng là lĩnh vực văn hóa:

“Kết quả gấp ba chiều là điều hiển nhiên. Bao lâu con người hiện đại coi thế giới đơn giản như “thiên nhiên”, họ thẩm hóa nó vào chính mình. Bao lâu họ hiểu mình như một “nhân cách”, họ tự coi mình là Chúa tể của hữu thể mình, và bao lâu họ thai nghén một ý chí dành cho ‘văn hóa’, họ cố gắng biến hiện hữu thành sự sáng tạo do chính bàn tay mình”. (31)

Mặc khải, vốn phủ nhận phần lớn điều này, phải bị coi là “không có ý nghĩa và thù địch với cuộc sống”. (32)

Phần nổi bật nhất trong phân tích của ngài liên quan đến văn hóa. Guardini cho rằng, đối với người nguyên thủy, văn hóa đã giúp mang lại sự an toàn trước cả bản chất chưa được cải thiện lẫn việc thiếu định hướng mà con người cảm thấy trước khi họ ý niệm được vị trí của họ trong vũ trụ. Từ thời phong trào Ánh sáng trở đi, nhiều người cho rằng văn hóa phương Tây đồng nhất với văn hóa nhân loại và sẽ mang lại cả sự sung túc về vật chất lẫn các mối tương quan nhân ái giữa mọi người và với thế giới. Guardini lập luận rằng sự khủng khiếp của Đức Quốc xã đã chứng minh rằng sự lạc quan này là không có cơ sở, và nhiều người trong thời kỳ hậu hiện đại dễ dàng đồng ý với ngài. Nhưng, ngài nói thêm, “Mối nguy hiểm mà con người ngày nay phải đối diện phát sinh từ chính văn hóa.” (33) Những nỗi kinh hoàng của thế kỷ 20 không chỉ đơn giản là kết quả của một vài người hay ý tưởng đã đạt được quyền lực; chúng bắt nguồn trực tiếp từ một bản chất đã mất đi chủ nhân thực sự của nó và do đó bị xâm chiếm bởi một kẻ giả mạo, bao gồm cả sức mạnh ma quỷ - một thực tại mà thế giới hiện đại nghĩ rằng nó đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, vào năm 1950, khi cuốn The End of the Modern World [Tận cùng Thế giới Hiện đại] lần đầu tiên xuất hiện, Guardini tin rằng không có đủ người hiểu được chiều sâu của vấn đề và nền văn hóa đó vẫn trình bày “một hình ảnh về các nhà máy và doanh trại trong con mắt của tâm trí”. (34) Chính tinh thần con người phải đáp ứng thách thức này, và khi làm như vậy, nó cũng phải nắm bắt được thực tại mới của quyền lực: “Con người ngày nay nắm quyền lực đối với sự vật, nhưng chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng con người chưa nắm được quyền lực đối với chính quyền lực của mình.” (35) Và Guardini nhận xét rằng không có cơ sở huấn luyện thích đáng nào trong giới tinh hoa hoặc quần chúng để xử lý tình huống này và nền văn hóa nhân loại hiện đang hiện hữu trên bờ vực nguy hiểm:

“Những vùng hoang dã của thiên nhiên từ lâu đã nằm dưới sự kiểm soát của con người: thiên nhiên như nó hiện hữu xung quanh và gần gũi chúng ta vâng theo chủ nhân của nó. Tuy nhiên, giờ đây, một lần nữa, thiên nhiên lại xuất hiện trong lịch sử từ bên trong chính các chiều sâu của văn hóa. Thiên nhiên đang trỗi dậy dưới chính hình thức đã khuất phục được hoang dã - dưới hình thức của chính quyền lực. Tất cả các vực thẳm của thời nguyên thủy đều há miệng trước mặt con người, mọi phát triển hoang dã, nghẹt thở của những khu rừng đã chết từ lâu đang tiến lên từ vùng hoang dã thứ hai này, tất cả những con quái vật của sa mạc hoang tàn, tất cả nỗi kinh hoàng của bóng tối một lần nữa lại tấn công con người. Họ lại đứng trước sự hỗn mang, một sự hỗn mang khủng khiếp hơn lần đầu tiên bởi vì hầu hết mọi người đều đi theo cách tự mãn của họ mà không nhìn thấy, bởi vì các quý ông có học thức khoa học ở khắp mọi nơi luôn phát biểu như mọi khi, bởi vì máy móc đang chạy đúng tiến độ và bởi vì các thẩm quyền hoạt động như bình thường. (36)

Đối với Guardini, mối đe dọa này rõ ràng vượt quá vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Đó chính là bản chất của điều ngài gọi là “văn hóa phi văn hóa”. (37)

Một câu trả lời cũ cho tình huống mới này là chủ nghĩa khổ hạnh, một sự thừa nhận sâu sắc rằng nếu không có sự tự chủ thì sẽ không thể làm chủ được những thách thức cộng cộng rất lớn. Guardini nói, thế giới hiện đại được tổ chức chính là để phủ nhận điều này và thay thế khái niệm tự chủ cá nhân bằng sự hoàn hảo của con người. Vì mức độ phổ biến của thái độ này, việc đảo ngược nó dường như là không thể. Tuy nhiên, ngài nói, chúng ta không nên tham gia vào một chủ nghĩa bi quan sai lầm, chỉ đơn thuần nên tham gia vào việc đánh giá chính xác về sự thật. Một phần của việc đánh giá này là để sửa chữa lại lịch sử tự khen ngợi nhưng sai lầm của phong trào Ánh sáng về chính nó như là người khám phá ra các giá trị, chẳng hạn như con người và tự do, chính bằng cách giải phóng loài người khỏi các giới hạn do mặc khải truyền tải. Guardini nói, những giá trị này đã được mở rộng vào thế kỷ 18 và 19, nhưng một khi con người bắt đầu đánh giá mình bên ngoài Thiên Chúa – Đấng bảo đảm thực sự duy nhất cho tư cách con người - thì chính con người trở thành bị đe dọa bởi các sức mạnh lúc đó phóng ra từ quyền tối cao của Thiên Chúa: “khi các lợi ích của mặc khải thậm chí biến mất nhiều hơn khỏi thế giới sắp tới, con người sẽ thực sự học được ý nghĩa của việc bị cắt đứt khỏi mặc khải.... Nietzsche đã cảnh cáo chúng ta rằng những người không phải là Kitô hữu của thế giới hiện đại không nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc không có Chúa Kitô. Các thập niên qua đã cho thấy cuộc sống không có Chúa Kitô thực sự sẽ như thế nào. Những thập niên vừa qua chỉ là một sự khởi đầu.” (38)

Và đối với Guardini, những câu trả lời được đưa ra bởi những người theo chủ nghĩa tân ngoại giáo, thời đại mới của Rilke, và chủ nghĩa hiện sinh của Pháp rõ ràng là quá phi thực chất và Lãng mạn đến không thể giải quyết được một vấn đề đòi phải có tính hiện thực phức tạp và sâu sắc nhất—loại được tìm thấy trong mặc khải của Kitô giáo về một Đấng Cứu Rỗi “Đấng biết rõ điều gì có trong con người”. Trước tình hình này, những cáo buộc thông thường chống lại Kitô giáo nên được đặt dưới một ánh sáng khác: “Người ta thường nói rằng Kitô giáo là nơi trú ẩn khỏi thực tại của thế giới hiện đại, và lời cáo buộc này chứa đựng một lượng lớn sự thật, không những vì tín điều dính kết suy nghĩ của Kitô hữu vào một trật tự khách quan, vượt thời gian và tạo ra một cuộc sống tồn tại qua các thời đại nhưng cũng vì Giáo hội đã bảo tồn một truyền thống văn hóa đầy đủ mà nếu không thì nó đã chết từ lâu. Thế giới sắp tới sẽ có ít cơ sở hơn để phản bác Kitô giáo như một nơi ẩn náu.” (39)

Guardini dự đoán rằng truyền thống trên sẽ bị đe dọa khi nền văn minh tự suy tàn, nhưng ít nhất tín điều đó sẽ tự cho thấy nó có sức sống và giá trị trong chính nhu cầu tự vệ của nó, và một “lập trường phi tự do” hướng tới việc vâng lời “Đấng Vô điều kiện” sẽ tự biểu lộ, không phải như bạo lực, mà như một “hành vi tự do” “dựa vào Thiên Chúa, Đấng thực sự hiện hữu”. (40) Giống như trong Cựu Ước, chúng ta sẽ tái khám phá Thiên Chúa hằng sống, Đấng hạ bệ kẻ quyền thế khỏi ngai vàng của họ và thắng vượt quyền lực của ma quỷ và có thể giải quyết vấn đề hiện đại về quyền lực: “Điều lạ là chúng ta thoáng thấy con đường thánh thiện này, khả thể thần linh này, xuất hiện từ chính giữa sức mạnh vũ trụ đang gia tăng từng ngày này.” (41)

Nửa thế kỷ sau khi Guardini viết tất cả những điều này, chúng ta có thể đánh giá năng lực của ngài như một nhà tiên tri. May mắn thay, ngài lầm về một thế giới tương lai gồm các nhà máy và doanh trại. Loài người dần dần nhìn thấu các ý thức hệ toàn trị, những ý thức hệ đang tàn lụi ngay khi ngài đang viết. The God That Failed [Thiên Chúa Đấng Thất Bại], tuyển tập các bài tiểu luận có ảnh hưởng lớn của các cựu đảng viên Cộng sản như Arthur Koestler, Ignazio Silone, André Gide, và những người khác xuất hiện cùng năm với bài phân tích của Guardini. Nhưng không thể nói rằng những ý thức hệ đó đã được thay thế bằng một tầm nhìn Kitô giáo đang trỗi dậy hoặc thậm chí là một tầm nhìn nhân bản đầy đủ hơn. Mặc dù phương Tây ủng hộ “tự do” chống lại sự chuyên chế của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và tiếp tục bảo vệ một số giá trị bắt nguồn từ quá khứ Kitô giáo của mình, nhưng phần lớn phương Tây đã phản đối cái ác một cách không nhất quán. Chủ nghĩa hậu hiện đại – trong căn bản, phủ nhận mọi nền tảng như là cách duy nhất để ngăn chặn những tệ nạn của các hệ thống toàn trị hóa – cũng đã chết vào cuối thế kỷ XX, nhưng chỉ như một sự vô tổ chức ít nhiều có tổ chức.

Guardini được nhiều người coi là nguồn cảm hứng và tiền thân của Công đồng Vatican II. Nhưng sự lạc quan của Công đồng về văn hóa hiện đại tương phản hoàn toàn với chủ nghĩa hiện thực của ngài. Có lẽ không thể tránh khỏi việc những người Công Giáo kém tài năng hơn ngài sẽ cố gắng tham gia vào nền văn hóa hiện đại, như ngài đã làm, nhưng cuối cùng lại thấy hiện đại là một loại bia mạnh hơn mức họ có thể uống mà không say. Sau Công đồng, chính sự chia rẽ về bản chất tự do, nhân cách cô lập và văn hóa Ánh sáng mà ngài coi là thiếu sót gấp ba lần đã tạm thời được thúc đẩy trong Giáo hội khi Các cấu trúc này bắt đầu hoạt động thông qua các định chế Công Giáo. Phần lớn sự hỗn loạn, rối loạn, bất ổn, đau lòng và thế tục hoàn toàn xảy ra sau đó có thể đã tránh được nếu Guardini được thẩm hóa tốt hơn. Nhưng như ngài biết quá rõ, lý trí và ý chí của con người, nếu không bắt rễ sâu xa vào mặc khải và truyền thống lâu đời hiện nay do Thiên Chúa ban cho chúng ta, thì sẽ rất nhanh chóng biến thành điều mà Newman gọi là “trí hiểu sống hoang dã của con người”.

Tuy nhiên, phải nói rằng chính tầm nhìn của Guardini có lẽ hơi phiến diện trong phản ứng của nó chống lại sự sụp đổ của tính hiện đại. Không một ai đọc những trang sắc bén của ngài về những gì chúng ta đã làm, không những cho thiên nhiên, mà còn cho chính ý tưởng về thiên nhiên, lại có bao giờ quên được chúng. Chúng chung tay trong nhiều thập niên với một số phong trào môi trường đã phát sinh. Nhưng giống như những phong trào này, chúng biểu lộ một số đối lập nào đó, theo thuật ngữ của Guardini, mà chúng ta vẫn chưa dung hòa đủ. Vào thời Trung cổ thân yêu của ngài, một số nhà khoa học và kỹ thuật viên coi những phát minh của con người như phương tiện để sửa chữa một phần những gì đã xảy ra với thiên nhiên trong cuộc Sa Ngã. Tất nhiên, Guardini đúng khi chúng ta chỉ coi thiên nhiên như một điều được tái tạo theo hình ảnh của chúng ta, chúng ta đã chuyển sang những giấc mơ của Prometheus. Nhưng cách bàn luận của ngài có xu hướng đánh giá thấp sự đau khổ rất thực của con người mà nhân loại tiền hiện đại và tiền kỹ thuật đã trải qua — và động cơ do đó nó phải tìm cách thống trị thiên nhiên. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là điều mà Guardini đã ghi nhận trong Letters from Lake Como [Những bức thư từ hồ Como] của ngài: lồng kỹ thuật đơn thuần vào bối cảnh nhân bản và thần linh phong phú hơn nhiều.

Dĩ nhiên, để điều đó xảy ra, chúng ta cần đổi mới tâm linh. Và Guardini—cùng với nhiều nhân vật theo sau ngài, đáng chú ý là Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI (cả hai đều là những người ngưỡng mộ ngài)—khẳng định rằng chúng ta sẽ tiếp tục hiểu sai những điều nhân bản trừ khi chúng bén rễ vào Thiên Chúa. Trong thông điệp Centesimus Annus năm 1991, Đức Gioan Phaolô II duyệt lại toàn bộ lịch sử Tây phương kể từ khi Đức Lêô XIII viết Rerum Novarum đúng một trăm năm trước đó và tổng kết các vấn đề nảy sinh trong thời gian chuyển tiếp là xuất phát, như đã đề cập trước đó, từ một nền nhân học sai lầm từng lìa bỏ Thiên Chúa và do đó trở nên giết người đối với con người. Nhưng, như Guardini đã biết rõ, ơn cứu rỗi không phát xuất từ một mình việc phân tích tốt hơn. Nói chính xác, nó hệ ở lời kêu gọi thực sự với trái tim. Và tất cả công việc của ngài, kể cả những công trình có tính kỹ thuật nhất, là một đóng góp quan trọng và lâu dài cho thần học Công Giáo chính vì nó đã giúp thúc đẩy nhiều người từng đọc, nghe và yêu mến ngài đến một định hướng khác về thế giới. Một nhà báo người Đức, Walter Dirks, đã nói rằng “trong thời Đức quốc xã, chúng tôi sống về thiêng liêng nhờ [cuốn “Chúa” của Guardini]”. Không ngoa khi nói rằng nhiều người sẽ tiếp tục sống còn trong thời kỳ tồi tệ nhờ những lời nói và tấm gương của Guardini.
 
Church Documents
Thủy 11 Apr 2024
Đặng Tự Do
00:05 11/04/2024
1. Video cho thấy hệ thống gây nhiễu tác chiến điện tử đắt giá của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công HIMARS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Russia's Prized EW Jamming System Destroyed in HIMARS Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim mới cho thấy một cuộc tấn công của Ukraine vào hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến của Nga ở phía nam đất nước bị chiến tranh tàn phá này, khi cả hai bên tiếp tục săn lùng các máy bay không người lái và các hệ thống chống máy bay không người lái chủ chốt dọc tiền tuyến.

Ukraine rõ ràng đã có chủ ý tấn công vào hệ thống tác chiến điện tử Leer-3 của Nga ở khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine, khu vực do lực lượng Mạc Tư Khoa kiểm soát một phần. Đoạn video, được chia sẻ trên mạng xã hội, được cho là của những người điều khiển máy bay không người lái thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 129 của Ukraine.

Chiến tranh không người lái và công nghệ chống lại các phương tiện không người lái là cuộc đua phát triển nhanh chóng và quan trọng giữa các lực lượng Nga và Ukraine trong hơn 25 tháng chiến tranh. Cả hai bên đã cố gắng vô hiệu hóa các hệ thống tác chiến điện tử của bên kia được dùng để cản trở các cuộc tấn công của máy bay không người lái.

Các máy bay không người lái trinh sát đã định vị hệ thống tác chiến điện tử của Nga, hướng dẫn một cuộc tấn công bằng pháo binh được thực hiện bởi HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Ukraine điều hành, hãng tin tập trung vào quân sự Ukraine, Militarnyi, đưa tin hôm thứ Hai.

Theo một trang web của quân đội Mỹ, Leer-3 là hệ thống tác chiến điện tử dựa trên máy bay không người lái, sử dụng máy bay không người lái Orlan-10 của Nga để “vô hiệu hóa mạng di động và cho phép quân đội Nga gửi tin nhắn giả đến những người điều khiển máy bay không người lái”. Hệ thống có thể chặn điện thoại di động của đối phương trong khi vẫn cho phép điện thoại của chính nó hoạt động.

Leer-3 sử dụng một chiếc xe tải sáu bánh làm trạm chỉ huy và điều khiển, điều phối ba trong số máy bay không người lái Orlan-10 được trang bị thiết bị gây nhiễu. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Mạc Tư Khoa đã sử dụng Leer-3 để chống lại quân đội Ukraine.

Ukraine đã sử dụng HIMARS từ mùa hè năm 2022 và Mỹ đã gửi 39 HIMARS tới nước này kể từ tháng 2 năm 2022, theo tài liệu của Ngũ Giác Đài.

Quân đội Ukraine thường công bố các đoạn phim cho thấy HIMARS thực hiện các cuộc tấn công thành công vào các tài sản quan trọng của Nga. Tháng trước, lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết các chiến binh của họ đã phá hủy hệ thống điện tử Palantin của Nga ở vùng Zaporizhzhia bằng hệ thống pháo binh sau khi máy bay không người lái trinh sát của Ukraine xác định được vị trí của nó. Militarnyi báo cáo vào thời điểm đó rằng lực lượng Ukraine đã sử dụng HIMARS trong cuộc tấn công.

Giao tranh ở Zaporizhzhia vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự tập trung xa hơn về phía bắc dọc theo tiền tuyến phía đông ở Donetsk và các cuộc tấn công của Nga tới thành phố Kupiansk của Kharkiv.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ở phía tây khu vực vào hôm thứ Hai, nhưng không có tiến triển nào được xác nhận từ cả hai phía. Các cuộc đụng độ đã được báo cáo gần làng Robotyne ở Zaporizhzhia, cơ quan cố vấn cho biết trong bản cập nhật mới nhất của mình.

Ukraine đã giành lại Robotyne khỏi sự kiểm soát của Nga trong cuộc phản công vào mùa hè năm 2023, nhưng lực lượng Nga đã tấn công thị trấn kể từ đó.

ISW lưu ý rằng giao tranh hạn chế đã được báo cáo xung quanh làng Staromayorske của Donetsk, cạnh biên giới với Zaporizhzhia.

Hôm thứ Ba, quân đội Ukraine cho biết Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công xung quanh Staromayorske trong 24 giờ trước đó.

2. Zelenskiy xác nhận kế hoạch phản công mới của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Confirms Plans of New Ukrainian Counteroffensive”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Kyiv đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công mới trong cuộc chiến với Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được tờ Bild của Đức đăng tải, ông Zelenskiy nói rằng Ukraine có “kế hoạch phản công” nhưng nhấn mạnh rằng những nỗ lực đó phải được hỗ trợ bởi vũ khí hiện đại và sự hỗ trợ từ các nước phương Tây.

Zelenskiy đặc biệt chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn, nơi viện trợ quân sự cho Kyiv đã bị các thành viên Quốc Hội tại Hạ Viện Hoa Kỳ trì hoãn trong nhiều tháng. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson gần đây cho biết ông có kế hoạch sớm thúc đẩy một thỏa thuận viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim đã được Thượng viện thông qua vào tháng 2, mặc dù việc tài trợ cho Ukraine đã trở thành cái gai đối với Johnson khi ông phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các thành viên trong chính đảng của mình.

“Đúng, Nga có nhiều người hơn, nhiều vũ khí hơn”, Zelenskiy nói với Bild. “Nhưng phương Tây thống nhất có hệ thống vũ khí hiện đại. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ có được một số công nghệ nhất định. Và nếu chúng tôi tiếp tục tăng sản lượng, nếu chúng tôi nhận được giấy phép từ các đối tác của mình, thì vấn đề không phải là số lượng người. Đó là về phẩm chất của vũ khí.”

Cuộc phản công đầu tiên của Ukraine chống lại Nga vào tháng 9 năm 2022 đã cực kỳ thành công, với việc Kyiv chiếm lại những vùng lãnh thổ rộng lớn mà Mạc Tư Khoa đã chiếm được từ đầu cuộc xung đột. Nhưng cuộc tấn công thứ hai do Ukraine phát động vào mùa hè năm 2023 đã không đạt được kỳ vọng và một số chuyên gia cho rằng quân đội Kyiv có thể chưa sẵn sàng cho một cuộc tấn công khác cho đến năm sau.

Trung tướng Ukraine Oleksandr Pavliuk, chỉ huy lực lượng Lục Quân của Kyiv, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình quốc gia Ukraine vào tháng trước rằng ưu tiên hàng đầu của Ukraine vào lúc này là “ổn định” tiền tuyến và “tiêu diệt càng nhiều quân Nga càng tốt”.

Tuy nhiên, ông nói thêm trong cuộc phỏng vấn rằng mục tiêu cuối cùng là “thành lập một nhóm tấn công và tiến hành các hoạt động phản công” trong năm nay.

Đô đốc Anh Tony Radakin, nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Vương quốc Anh, cho biết trong cuộc họp ở Luân Đôn vào tháng 2 rằng cuộc phản công của Ukraine “rất có thể” sẽ được phát động vào năm tới, với lý do quân đội Kyiv đang “vật lộn” dọc chiến tuyến với Mạc Tư Khoa, nơi người Nga đã giữ vững được thế chủ động và đà tăng trưởng trong những tuần gần đây.

“ Ukraine đang gặp khó khăn về đạn dược và kho dự trữ và phần còn lại của thế giới buộc phải đáp ứng điều đó”. “Ở cấp độ chiến thuật, bạn đang thấy một số thành công của Nga khi giành được một lượng lãnh thổ tương đối nhỏ”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ đó là tình trạng khó khăn có thể sẽ kéo dài ít nhất trong vài tháng tới”. “Và sau đó chúng ta sẽ phải xem phản ứng của Ukraine và ban lãnh đạo quân sự mới.

3. Trung Quốc đáp trả việc Mỹ 'gây áp lực' về quan hệ với Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China Hits Back at US 'Pressuring' Over Ties With Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung Quốc chỉ trích một quan chức Mỹ vì “gây áp lực” lên Bắc Kinh về mối quan hệ với Nga khi chiến tranh tiếp tục hoành hành ở Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết trong cuộc hội thoại hôm thứ Ba rằng Trung Quốc và Nga đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ dựa trên “sự bất bình chung với phương Tây và Hoa Kỳ”.

Campbell cảnh báo Trung Quốc rằng mối quan hệ của nước này với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu nước này tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga, vì Mạc Tư Khoa hiện đặt ra “mối đe dọa đáng kể” đối với lợi ích của Mỹ bằng cách gây nguy hiểm cho “hòa bình và ổn định ở Âu Châu”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã đáp trả Campbell trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã “tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình” để chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine.

Mao Ninh nói: “Về vấn đề Ukraine, Trung Quốc luôn có quan điểm khách quan, công bằng và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”. “Trung Quốc và Nga có quyền thực hiện hợp tác bình thường. Sự hợp tác như vậy không nên chịu sự can thiệp hoặc ràng buộc từ bên ngoài.”

Cô ta nói thêm: “Trung Quốc sẽ không chấp nhận những lời buộc tội và gây áp lực”. “Nếu một số quốc gia thực sự quan tâm đến hòa bình và muốn kết thúc sớm cuộc khủng hoảng, họ nên suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng và làm điều gì đó thực sự giúp mang lại hòa bình, thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc.”

Campbell cho biết Mỹ đã “rõ ràng và minh bạch” với Trung Quốc về cái giá mà họ sẽ phải trả khi hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine, gọi đây là “vấn đề trọng tâm” sẽ không thể bỏ qua.

“Vấn đề mà chúng tôi đang cố gắng đưa ra với các đối tác Trung Quốc là đây là lợi ích chiến lược của chúng tôi,” Campbell nói. “Đây là vấn đề trọng tâm nhất và Trung Quốc đang can thiệp theo cách mà họ nghĩ rằng chúng ta không hoàn toàn biết được”.

“Chúng tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi đã trực tiếp nói với Trung Quốc: Nếu điều này tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Chúng tôi sẽ không ngồi yên và nói rằng mọi thứ đều ổn, bởi vì điều này đi ngược lại lợi ích của chúng tôi”.

Campbell nói tiếp rằng ông không tin rằng cuối cùng thì Trung Quốc đang hy vọng “các biên giới của Âu Châu về cơ bản sẽ được vẽ lại thông qua xung đột”, lập luận rằng diễn biến như vậy sẽ không nằm trong “lợi ích chiến lược” của Bắc Kinh.

Ngay trước khi Campbell tham gia vào cuộc hội thảo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau tại Bắc Kinh, nơi họ được cho là đã bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau và liên minh chống lại phương Tây.

“Chúng tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao và ngưỡng mộ cao nhất đối với những thành công mà ông đã đạt được trong những năm qua”, ông Lavrov nói với ông Tập, theo một báo cáo của Associated Press trích dẫn truyền thông Nga. “Đây là những thành công của bạn bè.”

Ông nói thêm: “Không phải ai trên thế giới cũng chia sẻ thái độ này và đang cố gắng bằng mọi cách có thể để hạn chế sự phát triển của Trung Quốc”. “Giống như sự phát triển của nước Nga.”

4. Nga vô tình thả bom bay trên không FAB-1500 xuống thị trấn bị tạm chiếm

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Accidentally Drops FAB-1500 Aerial Glide Bomb on Occupied Town”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một quả bom nặng 1.500 kg đã hạ cánh xuống một thị trấn do Nga kiểm soát ở vùng Donetsk phía đông Ukraine nhưng không phát nổ, đoạn phim mới xuất hiện cho thấy, sau nhiều tuần tấn công dữ dội của máy bay Nga sử dụng vũ khí đã được cải tiến.

Một đoạn clip ngắn lan truyền trên mạng xã hội dường như cho thấy hậu quả của một quả bom trên không FAB-1500 rơi xuống nhưng không phát nổ tại một cửa hàng ở thị trấn Yenakiieve, hay YenaKyivo của Donetsk. Thị trấn nằm trong lãnh thổ do Mạc Tư Khoa nắm giữ, phía đông của tiền tuyến hiện tại. Mặc dù Nga đã sáp nhập khu vực này nhưng nước này không kiểm soát hoàn toàn khu vực Donetsk

Vào tháng 3, Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho biết Nga đã thả 700 quả bom dẫn đường xuống lãnh thổ Ukraine chỉ trong một tuần.

Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Nga đã vô tình tấn công các khu vực của Ukraine dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa và ngay cả trong lãnh thổ Nga nằm trong biên giới được quốc tế công nhận của Nga.

Vào tháng 4 năm 2023, một chiến đấu cơ của Nga đã vô tình ném bom thành phố Belgorod của Nga, gần biên giới nước này với Ukraine. Vào tháng Giêng, Nga đã vô tình ném bom làng Petropavlovka ở vùng Voronezh của nước này. Truyền thông nhà nước đưa tin Bộ Quốc phòng Nga vào thời điểm đó cho biết đã có “vụ xả đạn máy bay bất thường” trên thị trấn.

Hôm 8 Tháng Giêng, một quan chức thân Mạc Tư Khoa cho biết một máy bay phản lực của Nga đã vô tình thả quả bom FAB-250 xuống thành phố Rubizhne, thuộc vùng Luhansk sáp nhập của Ukraine.

Dòng bom FAB, bao gồm FAB-250 nặng 250kg và FAB-500 nặng 500kg, là vũ khí thời Liên Xô đã được nâng cấp với bộ dẫn đường để trở thành bom chính xác. Các sửa đổi mới cũng đã bổ sung thêm các cánh bật ra, nghĩa là chúng lướt về phía mục tiêu đã định. Các quan chức Ukraine đã mô tả FAB-1500 là vũ khí hủy diệt mà các máy bay phản lực Nga đã triển khai rộng rãi hơn nhiều trong những tuần gần đây.

Vào đầu tháng 3, đoạn phim được cho là giao tranh xung quanh thị trấn Krasnohorivka của Donetsk cho thấy một quả bom FAB-1500 đáp xuống một tòa nhà nhiều tầng, dẫn đến một quả cầu lửa.

Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash ngày 1 Tháng Tư, cho biết FAB-1500 là “vũ khí cực kỳ mạnh mẽ”. Chìa khóa để chống lại bom hạng nặng là tiêu diệt các máy bay phóng chúng như Su-34 và Su-34. Su-35, Yevlash nói thêm.

Ngoại trưởng Ukraine cho biết vào tháng 3: “ Lợi thế chính của Nga trên chiến trường hiện nay là việc sử dụng rộng rãi bom dẫn đường trên không”. “Những quả bom này, nặng trung bình từ 500 đến 1.500 kg, cho phép quân xâm lược Nga tiêu diệt các mục tiêu trong cuộc tấn công của họ và tiến qua đống đổ nát.”

Ông nói với Financial Times vào tháng 4 rằng các chiến binh của Ukraine “thường xuyên bị tấn công bằng bom dẫn đường quét sạch các vị trí của chúng tôi”.

Các quan chức lực lượng không quân Ukraine cảnh báo vào tháng Tư năm 2023 rằng Nga đã bắt đầu chuyển đổi bom trên không FAB-500 nặng 500 kg thành vũ khí giống hỏa tiễn hành trình, được bắn ra từ ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine. Mykola Oleshchuk, nhà lãnh đạo lực lượng không quân Ukraine, cho biết vào thời điểm đó rằng đã có “dấu hiệu chuẩn bị cho việc sử dụng hàng loạt” quả bom nặng 1.500 kg.

Trước đây, Nga đã sử dụng FAB-500 rộng rãi, bao gồm cả thị trấn chiến lược Avdiivka ở miền đông Ukraine trước khi lực lượng Ukraine rút khỏi khu định cư vào giữa tháng 2.

Vào tháng 3, truyền thông nhà nước Nga đưa tin Mạc Tư Khoa đã bắt đầu sản xuất hàng loạt FAB-3000, loại bom nặng 3.000 kg hay 3 tấn.

5. Ukraine tấn công mục tiêu của Nga chỉ cách nơi lưu trữ hạt nhân 7 dặm

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Struck Russian Target Just 7 Miles From Nuclear Storage Site”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cuộc tấn công của Ukraine vào Trung tâm Huấn luyện Hàng không Nga dành cho phi công Borisoglebsk, vùng Voronezh, chứng kiến máy bay không người lái đã bắn trúng mục tiêu chỉ cách một cơ sở lưu trữ hạt nhân bí mật của Nga vài dặm.

Trung tâm huấn luyện hàng không Chkalov nằm cách thành phố quân sự Voronezh-45 đã đóng cửa chưa đầy 11 km, nơi cất giữ vũ khí hạt nhân của Nga, hãng thông tấn độc lập Nga Agentstvo đưa tin trên Telegram.

Cuộc tấn công mới nhất càng làm bộc lộ những rủi ro và nguy hiểm liên quan đến các cuộc tấn công của Ukraine trên đất Nga, bắt đầu ngay sau khi Nga khởi sự cuộc xâm lược và ngày càng gia tăng về phạm vi cũng như tần suất trong những tháng gần đây.

Nhiều video xuất hiện hôm thứ Ba cho thấy một vụ nổ lớn xảy ra tại khu vực có trung tâm đào tạo phi công, gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất được một quan chức Ukraine xác nhận.

“Chúng tôi sẽ không tiết lộ chi tiết, nhưng theo thông tin sơ bộ, cơ sở sản xuất chính của doanh nghiệp đã bị hư hại”, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết như trên hôm Thứ Năm, 11 Tháng Tư.

Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố ngay sau khi tuyên bố rằng hai máy bay không người lái của đối phương đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt ở khu vực Voronezh.

Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, trung tâm hàng không bị máy bay không người lái tấn công nằm trên phố Narodnaya, cách Voronezh-45 chưa đầy 7 dặm, nơi có một trong 12 cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân được biết đến của Nga.

Địa điểm này trước đây đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông vào tháng 6 năm 2023, khi quân đội Wagner tiếp cận nó trên đường tới Mạc Tư Khoa trong cuộc binh biến của Yevgeny Prigozhin.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, bình luận về các sự kiện vào tháng 7 năm 2023, tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đã cố gắng có được các thiết bị hạt nhân trong cuộc nổi dậy ngắn ngủi của họ chống lại cơ sở quân sự của Nga.

Budanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Nếu bạn sẵn sàng chiến đấu cho đến người cuối cùng, thì đây là một trong những cơ sở giúp nâng cao đáng kể số tiền đặt cược”.

Trong cuộc binh biến, các xe quân sự của Wagner đã chuyển hướng về phía đông từ đường đến Mạc Tư Khoa và hướng tới Voronezh-25, bằng chứng là các video đăng trực tuyến và các cuộc phỏng vấn với người dân địa phương trên các phương tiện truyền thông Nga.

Lính đánh thuê Wagner được cho là đã đến thị trấn Talovaya, nơi họ chiến đấu với quân đội Nga, bắn hạ một chiếc trực thăng Ka-52 “Alligator”.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và phá hoại đau đớn vào các cơ sở quân sự, nhà máy lọc dầu và sản xuất của Nga vào năm 2024, với các cuộc tấn công thành công gần đây được ghi nhận cách xa biên giới Ukraine tới 800 dặm.

Hàng chục cơ sở và nhà máy dầu quan trọng về mặt chiến lược của Nga dường như nằm trong tầm tay của Ukraine, trong đó Kyiv đang quảng bá kế hoạch sắp tới để sản xuất hàng loạt máy bay không người lái mới với tầm bắn xa hơn, có khả năng vượt quá 1.800 dặm.

6. Hình ảnh vệ tinh Crimea cho thấy phần lớn Hạm Đội Hắc Hải đã rời khỏi bán đảo Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Satellite Images Show Most of Russian Black Sea Fleet Left Peninsula”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Hạm đội Hắc Hải đang bị đánh tơi bời của Nga dường như đã từ bỏ phần lớn các căn cứ hải quân lớn ở Crimea dưới áp lực của các cuộc tấn công thường xuyên bằng máy bay không người lái, hỏa tiễn và biệt kích của Ukraine.

Nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở MT Anderson đã đăng các hình ảnh của Planet Labs lên X, trước đây gọi là Twitter, được chụp vào ngày 6 tháng Tư và cho thấy ba căn cứ hải quân quan trọng của Nga ở Hắc Hải—Sevastopol và Feodosia ở Crimea hầu như trống rỗng, và Novorossiysk ở vùng Krasnodar Krai của Nga.

Những hình ảnh này dường như xác nhận các báo cáo trước đây rằng Hạm đội Hắc Hải đã rút các tài sản có giá trị nhất của mình ra khỏi cảng Crimea và vào lãnh hải Nga, sau nhiều cuộc tấn công thành công của Ukraine bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn hành trình.

Ví dụ, cảng nhà Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải giờ đây dường như là nơi đóng quân của một số tàu hỏa tiễn nhỏ, tàu quét mìn và tàu chống ngầm. Trong số những tàu được xác định quan trọng nhất trong tuần này có hai tàu hộ tống lớp Tarantul và hai tàu khu trục lớp Krivak.

Những bức ảnh này dường như nhấn mạnh sự bất lực của Nga trong việc bảo đảm an ninh Hắc Hải, bất chấp ưu thế vượt trội của hải quân thông thường.

“Đó là một tin tốt,” Ivan Stupak – cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine – nói với Newsweek. “Crimea không còn là nơi trú ẩn an toàn cho hải quân Nga”

Sevastopol có truyền thống đóng vai trò là trung tâm triển khai quyền lực chính của Nga ở khu vực Hắc Hải. Đây là nơi đặt trụ sở của Hạm đội Hắc Hải—đã bị phá hủy bởi một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình vào tháng 9 năm 2023—và các cơ sở ụ tàu quan trọng cũng bị phá hủy bởi hỏa tiễn hành trình cùng với một tàu ngầm tấn công và tàu đổ bộ cùng tháng đó.

Cảng Feodosia ở Crimea, cách Sevastopol khoảng 100 dặm về phía đông cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công. Ukraine tuyên bố đã đánh chìm một tàu đổ bộ ở đó vào tháng 12 năm 2023 bằng hỏa tiễn hành trình. Những hình ảnh vệ tinh gần đây nhất cho thấy hiện không có tàu chiến Nga nào đáng chú ý ở Feodosia.

Hầu hết các lực lượng hải quân quan trọng của Nga được cho là đã chạy tới Novorossiysk. Hơn 100 dặm về phía đông của Feodosia và trong vùng biển của Nga, việc tấn công cảng này khó khăn hơn đối với lực lượng Ukraine, mặc dù họ đã thực hiện thành công vào tháng 8 năm 2023.

Hầu hết các tàu chiến và tàu ngầm chính còn sống sót của Hạm đội Hắc Hải dường như đã tập trung ở đó. Trong số đó có ba tàu ngầm lớp Kilo và một tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich—có thể là Makarov, chiếc tàu này đảm nhận vai trò soái hạm của hạm đội sau vụ tàu Moskva bị hỏa tiễn chống hạm Ukraine đánh chìm vào tháng 4 năm 2022.

“Họ đã tập trung tất cả các tàu chiến của mình vào Novorossiysk”, phát ngôn nhân hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk nói với các nhà báo trong cuộc họp báo của Trung tâm Truyền thông Ukraine hôm thứ Tư. “Những chiếc tàu duy nhất còn lại ở Crimea là những chiếc đang được sửa chữa - ít nhất 15 chiếc - hoặc những chiếc mà họ không có điều kiện hay cơ hội để đưa đến các căn cứ khác.
 
Thủy 12/04/2024
Đặng Tự Do
22:44 11/04/2024
1. Nga cáo buộc Vương Quốc Anh chỉ d0ạo 'phần lớn' các cuộc tấn công ở Hắc Hải của Kyiv

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Accuses UK of Overseeing 'Vast Majority' of Kyiv's Black Sea Attacks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đổ lỗi cho Vương quốc Anh đã tạo điều kiện cho “phần lớn” các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea.

Trong một tuyên bố bằng video do FSB phát hôm thứ Sáu, một sĩ quan tình báo Nga cho biết cơ quan này “thường xuyên nhận được thông tin về sự tham gia của các cơ quan tình báo phương Tây, chủ yếu là Vương Quốc Anh, trong việc huấn luyện lực lượng đặc biệt Ukraine”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đã khẳng định vai trò chỉ đạo của lực lượng đặc biệt Anh trong phần lớn các hành động khủng bố và phá hoại nhằm vào các tàu của Hạm đội Hắc Hải của Nga và Bán đảo Crimea”.

FSB không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố của họ và Newsweek đã liên hệ với văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Grant Shapps qua email vào để bình luận.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công chống lại Crimea và Hạm đội Hắc Hải của Nga trong những tháng gần đây, gây tổn thất đáng kể cho hạm đội hải quân Mạc Tư Khoa đóng quân quanh bán đảo.

Ngoài hải quân Nga, Ukraine đã tấn công các cơ sở quân sự quan trọng trên khắp Crimea, nơi đóng vai trò là bệ phóng cho cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào tháng 2 năm 2022.

Ukraine cũng nhắm tới cơ sở hạ tầng như cầu Kerch, nối Crimea với đất liền Nga. Các cuộc tấn công của Kyiv vào cây cầu đã làm gián đoạn dòng giao thông và vật tư qua cầu trong hai lần khác nhau, và một báo cáo hồi đầu tháng này của tình báo quân sự Ukraine đã tiết lộ về một cuộc tấn công thứ ba trong “nửa đầu năm 2024”.

Ukraine tuyên bố rằng chiến tranh sẽ không thể kết thúc cho đến khi Crimea, nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, được trả lại cho Kyiv quyền kiểm soát.

Theo FSB, lực lượng Anh đã giúp huấn luyện quân đội Ukraine và cung cấp cho Kyiv thiết bị trinh sát cũng như “các loại” vũ khí và chất nổ mới.

Sĩ quan FSB cho biết: “Các cơ quan tình báo Anh đề ra các kế hoạch đại thể, không đi vào chi tiết việc lập kế hoạch cho các hành động được cân nhắc kỹ lưỡng và các hoạt động cụ thể, càng không quan tâm đến sự an toàn của binh sĩ Lực lượng Vũ trang Ukraine”.

Mạc Tư Khoa đã đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine bằng cách tăng cường khả năng phòng không ở Hắc Hải và thực hiện các biện pháp răn đe nhằm đánh lừa đối phương của mình bằng sơn đen để khiến các tàu chiến trông giống như một mục tiêu “kém hấp dẫn hơn”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng tuyên bố vào tuần trước rằng Hạm đội Hắc Hải sẽ được tăng cường vào cuối năm nay, bao gồm ba tàu mang hỏa tiễn mới.

“Để tăng cường tiềm năng chiến đấu của Hải quân, chúng tôi tiếp tục trang bị cho lực lượng này những tàu mang vũ khí chính xác tầm xa”, ông Shoigu nói trong cuộc gọi hội nghị với quân đội Nga, thừa nhận rằng hạm đội đã trải qua một “tháng tồi tệ” vào tháng Ba.

2. Kyiv cho biết Nga mất hơn 800 xe ở Ukraine trong tuần qua

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Lost Over 800 Vehicles in Ukraine in Past Week: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo số liệu từ quân đội Ukraine, Nga đã mất hàng trăm phương tiện các loại trong tuần qua khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền đông Ukraine.

Hôm thứ Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga đã mất 5 xe tăng, 12 xe thiết giáp và thêm 50 phương tiện và thùng nhiên liệu trong ngày qua.

Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, trong 7 ngày qua, Nga đã mất 119 xe tăng, 293 xe thiết giáp, 437 xe hơi và thùng nhiên liệu.

Thiệt hại về phương tiện của Nga trong suốt hơn 25 tháng chiến tranh là rất lớn, nhưng Mạc Tư Khoa đã huy động ngành công nghiệp quốc phòng của mình tiếp tục tung ra các phương tiện để bổ sung cho lực lượng của mình ở Ukraine.

Xe tăng chiến đấu chủ lực và xe thiết giáp rất quan trọng đối với chiến tranh cơ giới và xe chở nhiên liệu nhiên liệu rất cần thiết để duy trì hoạt động của chúng trong trận chiến.

Vào tháng 2, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, ước tính rằng Mạc Tư Khoa đã mất hơn 3.000 xe tăng trong hai năm chiến tranh - nhiều hơn toàn bộ hạm đội đang hoạt động trước chiến tranh của nước này. Ước tính của Ukraine về tổn thất xe tăng của Nga thậm chí còn cao hơn, lên tới 7.000 chiếc.

Để lấp đầy kho dự trữ của mình, Mạc Tư Khoa đã tăng sản lượng xe tăng gấp 5 lần kể từ tháng 2 năm 2022, Putin cho biết hồi đầu năm nay. Điện Cẩm Linh cũng đã rút những chiếc xe tăng cũ ra khỏi kho và tái sử dụng các phương tiện cũ để vận chuyển và kích nổ chất nổ xung quanh mục tiêu.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh toàn diện, Nga đã mất một loạt xe tăng và xe thiết giáp, phần lớn là do những gì mà các nhà phân tích mô tả là những thất bại về tổ chức và lập kế hoạch, chuỗi chỉ huy bị phá vỡ và huấn luyện kém. Các chuyên gia trước đó đã nói với Newsweek rằng thương vong nặng nề trong những tuần đầu tiên đã để lại những lỗ hổng về chuyên môn cho các đội xe tăng của Nga.

Các trận chiến kéo dài cũng khiến tổn thất về xe tăng và xe thiết giáp của Nga tăng đột biến. Theo báo New York Times, trận chiến giành thị trấn Vuhledar ở Donetsk được các quan chức Ukraine mô tả vào tháng 3 năm 2023 là “trận chiến xe tăng lớn nhất trong cuộc chiến cho đến nay”.

Thiệt hại về phương tiện của Nga nhanh chóng trở thành một phần quyết định trong cuộc tấn công của Điện Cẩm Linh vào Avdiivka, thành phố chiến lược ở Donetsk mà Mạc Tư Khoa đã chiếm được vào tháng 2 năm nay. Ukraine đăng tải những hình ảnh được cho là cho thấy các phương tiện bị hư hỏng và bị phá hủy nằm rải rác trên các cánh đồng xung quanh Avdiivka.

Trong vòng vài tuần kể từ cuộc tấn công dữ dội đầu tiên vào Avdiivka vào tháng 10 năm 2023, Nga đã chuyển sang các cuộc tấn công do bộ binh chỉ huy nhiều hơn để “bảo toàn các phương tiện bọc thép sau hai đợt tấn công đầu tiên vào khu định cư”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ, cho biết. cho biết vào tháng 12 vừa qua.

Vào cuối tháng 3, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng xe tăng lớn và xe thiết giáp vào làng Tonenke, ngay phía tây Avdiivka.

3. Lãnh đạo đa số Hạ viện: Chưa đạt được thỏa thuận' về việc tài trợ viện trợ cho Ukraine khi các cuộc đàm phán với Tòa Bạch Ốc tiếp tục

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “House Majority Leader: 'No agreement reached' on Ukraine aid funding as negotiations with White House continue”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lãnh đạo đa số tại Hạ viện Đảng Cộng hòa Steve Scalise nói với các phóng viên hôm 11 Tháng Tư rằng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy gói tài trợ viện trợ Ukraine khi các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson và Tòa Bạch Ốc tiếp tục diễn ra.

Scalise nói với các phóng viên rằng Chủ tịch Hạ Viện Johnson đang đàm phán một gói khác với gói viện trợ Ukraine trị giá 60 tỷ Mỹ Kim mà Thượng viện đã thông qua vào ngày 13 tháng 2 và bao gồm một số yêu cầu của Đảng Cộng hòa, theo Associated Press.

Scalise không cung cấp thông tin chi tiết về những nhượng bộ mà Đảng Dân chủ Hạ viện và chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải thực hiện để nguồn viện trợ được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu.

Gần đây, Johnson đã thúc đẩy tài trợ viện trợ gắn liền với việc chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ việc tạm dừng phê duyệt xuất khẩu Khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Trong tháng qua, Johnson cũng đã cân nhắc việc chia viện trợ của Ukraine và Israel thành hai dự luật riêng biệt, cung cấp viện trợ cho Ukraine dưới dạng cho vay và sử dụng tài sản Nga bị tịch thu để bổ sung cho nguồn viện trợ.

“Không có thỏa thuận nào đạt được,” Scalise nói. “Rõ ràng là phải đạt được thỏa thuận không chỉ với Tòa Bạch Ốc mà còn với chính các thành viên của chúng tôi.”

Johnson đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng và sự bất đồng quan điểm từ các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, những người ban đầu chặn nguồn viện trợ của Ukraine do những bất đồng về an ninh biên giới.

Vào cuối tháng 3, Dân biểu Marjorie Taylor Greene đã đệ trình kiến nghị đe dọa phế truất Johnson khỏi vị trí của ông nếu Chủ tịch Hạ viện đưa đề xuất viện trợ cho Ukraine ra Hạ viện để bỏ phiếu.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Don Bacon ngày 31 Tháng Ba cho biết một cuộc bỏ phiếu loại bỏ Johnson “rất có thể xảy ra” nếu ông cho phép viện trợ Ukraine được đưa lên sàn, và rất có thể khi đưa lên sàn bỏ phiếu thì dự luật này sẽ được thông qua thành công.

Theo Associated Press, Johnson đã gặp cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên tổng thống dự kiến của Đảng Cộng hòa, vào ngày 12 Tháng Tư để tham khảo ý kiến của Trump về sự ủng hộ của ông đối với gói tài trợ viện trợ.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trước đó đã bác bỏ dự luật viện trợ được Thượng viện thông qua với lý do nó không giải quyết được cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biên giới phía Nam, nhưng sau đó đã báo hiệu ý định của ông là cuối cùng sẽ đưa ra một gói tài trợ để bỏ phiếu.

Johnson ban đầu hứa sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh, nhưng những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa mâu thuẫn với mốc thời gian của Johnson khi tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu viện trợ sẽ còn phải mất vài tuần nữa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật tài trợ, tuyên bố rằng “Ukraine sẽ thua trong chiến tranh” nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói tài trợ viện trợ, trong bối cảnh tình trạng thiếu vũ khí, đạn dược ngày càng gia tăng.

4. Hỏa xa Ukraine khởi công xây dựng các tuyến đường lớn ở Âu Châu

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Railways initiates construction of major European routes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong nỗ lực tạo điều kiện hội nhập với Liên minh Âu Châu, Hỏa xa Ukraine, gọi tắt là Ukrzaliznytsia, đã khởi sự xây dựng tuyến hỏa xa khổ Âu Châu, kéo dài từ thị trấn biên giới Chop của Ukraine ở Zakarpattia đến trung tâm hành chính thành phố Uzhhorod.

Cộng đồng Chop nằm ở góc biên giới Slovakia-Hung Gia Lợi-Ukraine, chỉ cách các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu vài km.

Việc xây dựng tuyến hỏa xa đòi hỏi phải xây dựng 22 km đường ray tiêu chuẩn Âu Châu. Sau khi hoàn thành, tuyến hỏa xa sẽ cung cấp các tuyến hành khách trực tiếp từ Uzhhorod đến một số điểm đến ở Âu Châu

Theo Giám đốc điều hành Ukrzaliznytsia Yevhen Liashchenko, giai đoạn chuẩn bị của dự án đang được tiến hành, với việc xây dựng chính sẽ bắt đầu vào tháng 5.

Dự án bao gồm việc xây dựng lại các yếu tố cơ sở hạ tầng lỗi thời và hiện đại hóa công nghệ điều độ.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết tuyến hỏa xa này sẽ tạo điều kiện kết nối hỏa xa trực tiếp tới các thành phố lớn của Âu Châu, bao gồm Vienna, Bratislava và Budapest.

Ukrzaliznytsia cũng có kế hoạch giới thiệu 18 tuyến container mới trên khắp Âu Châu trước tháng 9 năm 2024, tiếp tục mở rộng kết nối hỏa xa của Ukraine trong lục địa.

Dự án được đồng tài trợ với 50% trợ cấp từ Cơ sở Kết nối Âu Châu của Liên Hiệp Âu Châu và sẽ có chi phí 33 triệu Mỹ Kim.

5. Truyền thông cho biết Hà Lan phân bổ thêm 429 triệu Mỹ Kim cho Ukraine vào năm 2024

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Media: Netherlands to allocate additional $429 million to Ukraine for 2024”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đài truyền hình Hà Lan RTL đưa tin hôm 12 Tháng Tư, Hà Lan sẽ phân bổ thêm 400 triệu euro tức là 429 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, nâng tổng cam kết cho năm 2024 lên hơn 2,4 tỷ euro hay 2,5 tỷ Mỹ Kim.

Chính phủ Hà Lan cũng đã dành 1,5 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2025.

Dưới thời Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte, Hà Lan đã đóng vai trò chủ động hỗ trợ Ukraine; dẫn đầu liên minh chiến đấu cơ và cam kết cung cấp 24 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine.

Rutte và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng đã ký thỏa thuận 10 năm về hợp tác an ninh giữa Ukraine và Hà Lan vào tháng 3.

Hà Lan đã tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2023, trong đó Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ, gọi tắt là VVD của Rutte đứng thứ ba sau Đảng cực hữu vì Tự do, gọi tắt là PVV, và liên minh Lao động Cánh tả Xanh.

Sau nhiều tháng đàm phán, các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh mới đã bị đình trệ vào đầu tháng 2. Cho đến khi chính phủ mới được thành lập, Rutte vẫn là thủ tướng tạm quyền của đất nước.

Lãnh đạo PVV thân Nga Geert Wilders hôm 24 Tháng Hai, cho biết ông phản đối việc Hà Lan ký hợp tác an ninh với Ukraine, cho rằng “nội các sắp mãn nhiệm không thể ký kết thỏa thuận 10 năm”.

6. Tướng Mỹ nói lực lượng Nga thay thế tổn thất trên chiến trường 'nhanh hơn nhiều' so với dự kiến

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US general says Russian forces replaced battlefield losses 'far faster' than expected”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tướng Christopher Cavoli, tư lệnh hàng đầu của Mỹ ở Âu Châu, cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản trước Quốc hội ngày 11 Tháng Tư rằng quân đội Nga đã bù đắp phần lớn những tổn thất nặng nề trên chiến trường ở Ukraine và với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán.

Tổng số ước tính về thương vong và tổn thất thiết bị của Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện rất khác nhau.

Ban tiếng Nga của BBC cùng với hãng truyền thông độc lập Mediazona của Nga đã xác nhận danh tính của hơn 50.000 binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraine hồi đầu tháng 4. Số người chết thực sự được cho là cao hơn nhiều.

Theo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, Nga cũng đã mất hơn 20.000 xe chiến đấu bọc thép và xe tăng, cũng như hàng trăm máy bay và trực thăng.

Mặc dù vậy, Cavoli cho rằng Nga đã xây dựng lại lực lượng của mình một cách hiệu quả.

“ Thông điệp chung mà tôi muốn gửi đến các bạn là quân đội Nga đã trở lại như trước đây vào tháng 2 năm 2022”.

“Họ có một số khoảng trống do cuộc chiến này tạo ra, nhưng năng lực tổng thể của họ vẫn rất đáng kể và họ có ý định nâng cao hơn nữa.”

Cavoli nói thêm rằng Nga hiện sở hữu nhiều quân ở tiền tuyến hơn so với trước cuộc xâm lược toàn diện.

Cavoli viết: “Nga đang tái lập lực lượng đó nhanh hơn nhiều so với ước tính ban đầu mà chúng tôi đề xuất”. “Quân đội hiện nay thực sự đã lớn hơn - 15% - so với khi xâm chiếm Ukraine”.

Quân đội Nga đã củng cố quân số của mình thông qua đợt huy động một phần được tiến hành vào mùa thu năm 2022, điều mà nhiều người tin rằng đã tiếp tục diễn ra một cách bí mật hơn kể từ đó. Nó cũng đưa các tù nhân, người di cư và công dân nước ngoài vào hàng ngũ của mình.

Cavoli nhấn mạnh rằng: Sức mạnh mới của quân đội Nga không chỉ giới hạn ở nhân sự. Ông nói thêm rằng hiện nay Nga đang vận hành số lượng xe tăng nhiều như trước cuộc xâm lược toàn diện.

Lời cảnh báo nghiêm trọng này được đưa ra trong bối cảnh vị thế của Ukraine đang suy yếu trên chiến trường và tình trạng thiếu đạn dược, vốn càng trở nên trầm trọng hơn do Quốc hội đang bế tắc về viện trợ của Mỹ.

Ngày hôm trước, Cavoli nói với Quốc hội rằng Ukraine sẽ hết đạn dược và hỏa tiễn đánh chặn phòng không “trong thời gian khá ngắn” nếu không có thêm sự hỗ trợ từ Mỹ.

Cavoli nói rằng các lực lượng Nga đang bắn 5 quả đạn cho mỗi quả mà Ukraine bắn - sự chênh lệch mà ông cảnh báo có thể tăng lên 10:1 trong những tuần tới - và nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ Mỹ đối với khả năng tự vệ của Ukraine.

“Ukraine năm nay thực sự phụ thuộc vào chúng ta...và nếu không có sự hỗ trợ của chúng ta, họ sẽ không thể thắng thế.”

7. Fico cho biết Slovakia hoàn toàn ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Fico: Slovakia fully supports Ukraine's EU membership”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại Slovakia ngày 11 Tháng Tư rằng Bratislava sẽ không cản trở việc Kyiv gia nhập Liên minh Âu Châu.

Được bầu vào tháng 9 năm 2023 trên nền tảng dân túy, hoài nghi Ukraine, Fico đã tạm dừng cung cấp vũ khí từ kho quân sự của Slovakia và đã nhiều lần chỉ trích cả hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine lẫn các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Thủ tướng Slovakia trước đó từng nói rằng ông không phản đối việc Ukraine trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu nếu Kyiv đáp ứng mọi tiêu chuẩn để gia nhập.

“Đây không phải là suy đoán. Đây là sự hỗ trợ tuyệt đối đầy đủ,” Fico nói. “Chúng tôi không phải là quốc gia sẽ gây trở ngại cho các bạn. Ngược lại, chúng tôi muốn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi với các bạn.”

Về các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, Bratislava muốn Ukraine “nhanh chóng” trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu, “vì đây là sự bảo đảm cho triển vọng và sự phát triển hòa bình của đất nước”, theo Fico.

Fico cũng cho biết Slovakia sẵn sàng hợp tác quân sự với Ukraine trên cơ sở thương mại và đề nghị hỗ trợ trong việc rà phá bom mìn.

Sau khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2022, các nhà lãnh đạo Âu Châu đã đồng ý mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên trong hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Âu Châu vào tháng 12 năm ngoái.

Ủy ban Âu Châu ngày 12 Tháng Ba đã đề xuất dự thảo khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tư cách thành viên với Ukraine và Moldova, một ứng cử viên khác gia nhập khối, hiện bao gồm 27 quốc gia.

Chính phủ Ukraine tin rằng các cuộc đàm phán về việc nước này gia nhập Liên minh Âu Châu có thể bắt đầu vào nửa đầu năm 2024, Shmyhal cho biết.
 
VietCatholic TV
Bí ẩn trong vụ trực thăng rớt ở Crimea khiến Nga lo sợ. Ukraine bất ngờ có thêm 32 chiến đấu cơ F-16
VietCatholic Media
02:35 11/04/2024


1. Bí ẩn Crimea khi Ukraine phủ nhận vai trò trong vụ tai nạn máy bay trực thăng Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Mystery As Ukraine Denies Role in Russian HeliCopter Crash”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đã không bắn hạ một máy bay trực thăng của Nga ở phía tây Crimea vào sáng sớm thứ Tư, hải quân nước này cho biết, trong bối cảnh có nhiều báo cáo trái ngược nhau từ Mạc Tư Khoa và Kyiv.

Thuyền trưởng Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, người vừa được thăng cấp Trung Tá hôm qua, nói với Newsweek rằng Ukraine không tấn công, vụ máy bay trực thăng Nga bị rơi ngoài khơi bán đảo Crimea hôm Thứ Tư, 10 Tháng Tư, không liên quan gì đến Ukraine.

Trung Tá Pletenchuk cho biết Ukraine không có lực lượng ở đó và vụ máy bay trực thăng Nga bị rơi có thể là do hỏa lực thân thiện, nói cho dễ hiểu là do Nga bắn Nga. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng để xác nhận điều đó cũng như phi hành đoàn có sống sót hay không.

Trước đó cùng ngày, quân đội Kyiv cho biết một trực thăng hải quân Ka-27 của Nga đã bị rơi ở phía tây Crimea. Tuy nhiên, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết một trong những trực thăng tấn công Mi-24 của họ đã rơi xuống Hắc Hải vào khoảng 6 giờ sáng theo giờ Mạc Tư Khoa.

Các chi tiết sơ bộ cho thấy chiếc trực thăng bị rơi sau một lỗi thiết bị chưa xác định, hãng thông tấn nhà nước Nga đưa tin. Cách giải thích này đã bị một số blogger quân sự Nga chỉ trích kịch liệt vì nó phơi bày những khiếm khuyết đáng lo ngại của máy bay trực thăng Mi-24, là loại máy bay trực thăng hàng đầu trong xuất khẩu của Nga.

Một blogger quân sự nổi tiếng của Nga cho biết một chiếc Mi-24 đã bị rơi ở phía tây Mũi Tarkhankut, và cho rằng phi hành đoàn đã thiệt mạng.

Mũi Tarkhankut nằm ở phía tây bắc thành phố cảng Sevastopol của Crimea, nơi Nga đóng quân một phần hạm đội hải quân Hắc Hải.

Quân đội Ukraine hôm thứ Tư cho biết Nga đã mất tổng cộng 325 máy bay trực thăng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực vào tháng 2 năm 2022. Con số này giống như ngày thứ Ba, chưa tính đến việc mất một máy bay trực thăng vào đầu ngày thứ Tư.

Cuối tháng 3, một chiếc Su-27 của Nga đã rơi xuống biển gần Sevastopol. Thống đốc thành phố do Nga bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, cho biết phi công đã sống sót và được cứu cách bờ biển Crimea hai trăm mét.

Tuy nhiên, chính phủ Anh hồi đầu tháng này đã đánh giá rằng có “khả năng thực tế” rằng chiếc máy bay phản lực này có thể trở thành nạn nhân của hỏa lực thân thiện của lực lượng phòng không Nga.

Vào tháng 6 năm 2023, Kyiv cho biết lực lượng Nga ở Ukraine đã mất “số trực thăng nhiều gấp 5 lần” so với trong các hoạt động của Mạc Tư Khoa ở Chechnya. Mùa hè năm ngoái, quân đội Ukraine cho biết Nga đã mất 60 máy bay trực thăng chiến đấu và vận tải trong cuộc chiến ở nước cộng hòa này trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000 sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tiêu diệt hàng loạt máy bay trực thăng của Nga tại các khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát trên đất nước.

Lực lượng đặc biệt của Ukraine cho biết vào năm 2023 rằng chiến binh của họ đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga trong các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân ở thành phố Zaporizhzhia của Berdiansk và thành phố Luhansk. Cả hai địa điểm này đều nằm ở phía sau chiến tuyến ở miền đông và miền nam Ukraine, trên lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Sau cuộc tấn công, các báo cáo tình báo nguồn mở sau đó cho rằng Ukraine có thể đã làm hư hại tới 21 máy bay trực thăng của Nga.

2. Mỹ trang bị cho Ukraine vũ khí từ đồng minh hàng đầu của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US Arms Ukraine With Weapons From Top Russian Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hoa Kỳ đã chuyển giao hơn 5.000 khẩu súng và hàng trăm ngàn viên đạn cho quân đội Ukraine sau khi nhận được vũ khí từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, gọi tắt là IRGC.

Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, hơn 5.000 khẩu AK-47, súng máy, súng bắn tỉa và RPG-7 đã được gửi đến lực lượng vũ trang Ukraine vào tuần trước, cùng với 500.000 viên đạn. Số thiết bị này đủ để trang bị cho một lữ đoàn Ukraine, Bộ Tư lệnh Trung ương nói, và cho biết thêm rằng “vũ khí sẽ giúp Ukraine phòng thủ trước cuộc xâm lược của Nga”.

Chính phủ Hoa Kỳ ban đầu giành được quyền sở hữu vũ khí vào ngày 1 tháng 12 năm 2023 thông qua các yêu cầu tịch thu dân sự đối với IRGC. Bộ Tư lệnh Trung ương cho biết trong tuyên bố của mình rằng số vũ khí này “ban đầu được Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ và lực lượng hải quân đối tác thu giữ từ bốn tàu không quốc tịch riêng biệt quá cảnh” trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2021 đến tháng 2 năm 2023.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Các loại đạn dược đang được chuyển từ IRGC sang lực lượng Houthi ở Yemen, vi phạm Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”. Nghị quyết được Hội đồng thông qua vào năm 2015 đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí có mục tiêu đối với một số thực thể và cá nhân nhằm “bảo vệ Yemen và người dân nước này khỏi sự xâm lược liên tục của người Houthis”.

Cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên gắn liền với các cuộc xung đột ở Trung Đông vì quan hệ đối tác của Nga với Iran, vốn đã tăng cường cung cấp máy bay không người lái và đạn dược cho Mạc Tư Khoa kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022. Chính phủ Iran cũng liên kết với một số lực lượng dân quân hoạt động ở khu vực Trung Đông, trong đó có nhóm Hamas của Palestine hiện đang có chiến tranh với Israel.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ cũng gia tăng sau cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán của Tehran ở Syria, khiến một số nhân viên Iran thiệt mạng vào tuần trước.

Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết trong tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ “cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để chống lại dòng viện trợ sát thương của Iran trong khu vực bằng mọi biện pháp hợp pháp, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc cũng như thông qua các biện pháp ngăn chặn”.

Tuyên bố tiếp tục: “Sự hỗ trợ của Iran đối với các nhóm vũ trang đe dọa an ninh quốc tế và khu vực, lực lượng của chúng tôi, nhân viên ngoại giao và công dân trong khu vực cũng như các đối tác của chúng tôi”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì có thể để làm sáng tỏ và ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn của Iran.”

Sự ủng hộ của Washington dành cho Kyiv đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây khi các thành viên Quốc Hội phản đối yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về viện trợ quân sự bổ sung. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tuần trước cho biết ông sẽ sớm đưa ra gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim, bao gồm hỗ trợ cho Ukraine và Israel, mặc dù nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đang phải đối mặt với các cuộc đàm phán liên quan đến một số người có quan điểm cứng rắn trong đảng của ông.

3. Zelenskiy chỉ trích lý do Scholz không gửi hỏa tiễn Taurus của Đức

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskiy blasts Scholz’s reason for not sending German Taurus missiles”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chỉ trích gay gắt Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì đã từ chối cung cấp cho Kyiv hỏa tiễn hành trình Taurus do Đức sản xuất và cho rằng sự miễn cưỡng này xuất phát từ mong muốn giữ vũ khí để phòng thủ cho Berlin trước mối đe dọa từ Nga.

Zelenskiy nói thêm về Scholz :”Theo những gì tôi hiểu, thủ tướng tin rằng, vì ông ấy là đại diện của một quốc gia phi hạt nhân, đây là vũ khí duy nhất mà Đức có, là vũ khí mạnh nhất”, Zelenskiy nói về hỏa tiễn Taurus trong một cuộc phỏng vấn với Axel Springer, công ty mẹ của POLITICO. “Ông ấy đã chia sẻ tin nhắn với tôi rằng ông ấy không thể bỏ mặc đất nước của mình không có vũ khí mạnh như vậy”.

Tuy nhiên, chính phủ Đức lại đưa ra cho công chúng một logic hoàn toàn khác về việc không gửi vũ khí. Scholz đã kiên quyết từ chối gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine, nói trong các tuyên bố công khai rằng một động thái như vậy có thể dẫn đến leo thang chiến tranh và thậm chí có thể lôi kéo Đức vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Người Ukraine muốn hỏa tiễn Taurus của Đức, có tầm bắn khoảng 500 km và mang đầu đạn cực mạnh, nhằm tấn công các mục tiêu sâu phía sau chiến tuyến, chẳng hạn như Cầu Kerch nối Nga và Crimea bị tạm chiếm.

Tuy nhiên, nhận xét của Zelenskiy - nếu Scholz đã được hiểu đầy đủ - cho thấy có một động cơ mà thủ tướng chưa công khai thốt ra - hoặc ít nhất là lời giải thích mà Scholz có thể cảm thấy thoải mái nhất khi đưa ra cho Zelenskiy: Rằng Berlin cần vũ khí để ngăn chặn Putin tấn công Đức.

Zelenskiy cho biết Scholz coi hỏa tiễn Taurus là công cụ ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân, mặc dù tổng thống nói thêm rằng ông không thấy điều này hợp logic. Ông nói: “Bất kỳ hỏa tiễn nào cũng sẽ không bảo vệ được một người nào khỏi các cuộc tấn công hạt nhân, nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, xin Chúa đừng để nó xảy ra.”

“Điều rất quan trọng là để mọi người biết rằng bạn có thứ gì đó đặc biệt, một số vũ khí đặc biệt. Và nếu có chiến tranh, nó sẽ có ích”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, Scholz lại có quan điểm khác hẳn với công chúng Đức, tự miêu tả mình là một nhà lãnh đạo có thể cung cấp viện trợ cho Ukraine mà không vượt qua ranh giới có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng hơn. Một số chính trị gia trong Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của ông đã gọi ông là “thủ tướng hòa bình” vì đường lối này.

Ngay cả khi các thành viên trong chính phủ liên minh của chính ông - cùng với các nhà lãnh đạo phe đối lập bảo thủ - đã thúc giục ông gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine, Scholz vẫn từ chối, cho rằng hành động này sẽ khiêu khích Nga.

Scholz nói vào tháng Ba: “Đó là ranh giới mà tôi không muốn vượt qua với tư cách là thủ tướng. Tôi có trách nhiệm ngăn chặn Đức tham gia vào cuộc chiến này.”

Scholz cũng đã tìm cách lập luận rằng việc sử dụng hỏa tiễn Taurus sẽ yêu cầu Berlin triển khai bộ binh tới Ukraine để giúp vận hành chúng - một quan điểm không được những người cao cấp nhất của ông chia sẻ.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Zelenskiy không chỉ phê phán việc Đức miễn cưỡng gửi hỏa tiễn mà còn chỉ trích tốc độ của Mỹ trong việc cho phép lực lượng Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16 và hỏa tiễn ATACMS do Mỹ cung cấp.

“Tôi luôn sử dụng logic trong các bước đi, trong lời nói và kết luận của mình. Tôi không hiểu logic đằng sau một số vấn đề, chẳng hạn như khi một trong những đối tác của chúng tôi có vũ khí mà Ukraine cần ngày nay để tồn tại. Và tôi không hiểu tại sao họ không cung cấp nó cho chúng tôi.”

4. 'Xe tăng rùa' kỳ lạ của Nga trở thành mục tiêu của trò cười, và những Memes

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Bizarre 'Turtle Tank' Becomes Target of Jokes, Memes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các đội xe tăng Nga có thể đã điều chỉnh phương tiện của họ một cách khác thường với hy vọng chống lại các cuộc tấn công bằng chất nổ dai dẳng của máy bay không người lái Ukraine, đoạn phim mới xuất hiện cho thấy.

Nga đã bắt đầu lắp một cấu trúc kim loại cố định giống như một mái nhà xung quanh các xe tăng của họ đang lăn bánh dọc tiền tuyến ở Ukraine, các video clip lan truyền trên mạng cho thấy.

Một đoạn video do máy bay không người lái quay cho thấy một chiếc xe tăng Nga được bọc trong một thiết bị che phủ phía trên. Chiếc xe tăng giờ đây trông giống một con rùa di chuyển qua cánh đồng xung quanh thị trấn Krasnohorivka của Donetsk trong vài ngày qua. Krasnohorivka từ lâu đã là tiền tuyến ở miền đông Ukraine, phía tây thủ phủ khu vực do Nga kiểm soát, là Thành phố Donetsk.

Đoạn video dường như cho thấy vỏ kim loại che một phần pháo chính của xe tăng khi nó dẫn đầu một số phương tiện không có lớp bảo vệ. Xe tăng đó là T-72, một blogger quân sự Nga cho biết hôm thứ Hai.

Đoạn phim nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng, được gắn nhãn đùa là “xe tăng rùa” hay cụ thể hơn là “xe tăng Ninja Rùa Nga”.

Nga đã chịu tổn thất nặng nề về xe tăng kể từ khi xâm chiếm Ukraine. Các ước tính từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh vào đầu năm nay cho thấy tổn thất xe tăng của Nga ở mức khoảng 7.000 chiếc kể từ tháng 2 năm 2022.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Những bức ảnh về thiết bị kỳ lạ mới đã gây ra những phản ứng sửng sốt trên mạng xã hội, nơi mọi người phản ứng bằng cách đăng hình ảnh về một động cơ phủ kín thời Trung cổ và tấm che mặt trên mũ bảo hiểm Darth Vader bị sập xuống.

Một thiết kế mới nhưng đã có từ trước. Nga từ lâu đã trang bị các loại thiết giáp tự chế cho đội xe tăng của mình nhằm bảo vệ trước các cuộc tấn công của Ukraine. Màn chắn mái cũng đã xuất hiện trên các bệ phóng hỏa tiễn của Nga.

Tháng trước, các báo cáo cho thấy Nga đã mở rộng hoạt động và lần đầu tiên áp dụng chiến thuật này lên một tàu hải quân.

Các công sự bổ sung được mệnh danh là “chiếc lồng đối phó”, được thiết kế để làm giảm tác động của các cuộc tấn công bằng đạn dược có mục tiêu tốt lên các tài sản có giá trị như xe tăng.

Và việc nhắm vào xe tăng của Nga là điều Ukraine đã tỏ ra thành thạo. Kyiv sử dụng đội máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất hay còn gọi là FPV, chống lại nhiều mục tiêu và thường xuyên đăng tải các cảnh quay có nội dung cho thấy máy bay không người lái FPV gây nổ lao thẳng vào xe thiết giáp của Nga.

Bộ Quốc phòng Kyiv cho biết hồi đầu tháng này: “Xe tăng Nga là “mục tiêu yêu thích” của máy bay không người lái FPV của Ukraine.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College, Luân Đôn, cho biết, các hệ thống tác chiến điện tử - được cả Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi để đánh chặn máy bay không người lái đang lao tới - không thể bảo vệ tất cả xe tăng của Nga, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào bảo vệ vật lý.

Đầu năm nay, truyền thông nhà nước Nga đưa tin Mạc Tư Khoa đã bắt đầu sử dụng “hệ thống trấn áp máy bay không người lái FPV” trên xe tăng của mình.

Bà nói với Newsweek rằng các chi tiết về chiếc lồng giống rùa này không rõ ràng và thật khó để biết có bao nhiêu chiếc đã được sản xuất hoặc liệu chúng chỉ đang tận dụng những vật liệu có sẵn tại hiện trường hay không.

Một blogger quân sự Nga cho biết: “Mối đe dọa liên tục từ máy bay không người lái FPV của đối phương dẫn đến nhiều dự án xa hoa khác nhau nhằm nỗ lực bảo vệ các phương tiện bọc thép, chẳng hạn như xe tăng tác chiến điện tử, hoặc như trong bức ảnh này, một chiếc xe tăng được bao phủ bởi cấu trúc bảo vệ liên tục” của “rùa”

5. Mỹ công bố doanh số 138 triệu Mỹ Kim để củng cố hệ thống phòng không HAWK của Ukraine

Bộ Ngoại giao đã phê duyệt gói bán thiết bị quân sự nước ngoài khẩn cấp trị giá 138 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, cho phép sửa chữa thiết yếu và mua sắm các phụ tùng cần thiết cho hệ thống hỏa tiễn Hawk.

“Ukraine có nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga và khả năng trên không của các lực lượng Nga. Việc duy trì và tăng cường hệ thống hỏa tiễn HAWK sẽ nâng cao khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo hôm 10/4 về thương vụ này.

HAWK là hỏa tiễn đất đối không có điều khiển tầm trung, cung cấp khả năng phòng không chống lại máy bay tầm thấp đến tầm trung.

Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đều đang tìm cách duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh Quốc hội trì hoãn gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim cho nước này.

6. Quân đội phủ nhận Nga giành được chỗ đứng ở Robotyne

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Military denies Russia gained foothold in Robotyne”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Các lực lượng Nga đã không thể giành được chỗ đứng tại thị trấn tiền tuyến Robotyne ở tỉnh Zaporizhzhia, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết hôm Thứ Tư, 10 Tháng Tư, bác bỏ tuyên bố trước đó của một quan chức khu vực.

Làng Robotyne, nằm cách Orikhiv khoảng 15 km về phía nam và cách Zaporizhzhia 70 km về phía đông nam, đã được Ukraine giải phóng trong cuộc phản công vào mùa hè năm 2023 và đã ở tiền tuyến kể từ đó.

Những tuần gần đây chứng kiến sự leo thang thù địch trong khu vực này, quân đội Ukraine nói rằng tình hình “không ổn định” nhưng không nghiêm trọng.

Serhii Lyshenko, một thành viên của hội đồng tỉnh Zaporizhzhia, cho biết trên kênh Espresso TV vào ngày 9 tháng 4 rằng lực lượng Nga đã đột nhập vào Robotyne và giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong chính thị trấn. Kênh giám sát Telegram DeepState của Ukraine cũng tuyên bố rằng quân đội Nga đã giành được chỗ đứng trong khu định cư.

Tuy nhiên, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết: “Trong khu vực do Lữ đoàn cơ giới số 65, là lực lượng bảo vệ Robotyne, trấn giữ, thực sự thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ với các nhóm phá hoại của đối phương”.

Các đơn vị Nga được cho là đã tiến vào làng và cố gắng giành được chỗ đứng ở đó “nhưng không thành công”, ông nhấn mạnh.

Tuyên bố viết: “Lực lượng của chúng tôi đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương bằng trọng pháo trên đường chúng tiếp cận Robotyne, đồng thời các binh sĩ của Lữ đoàn 65 và các đơn vị lân cận tiêu diệt các nhóm đối phương rải rác bằng máy bay không người lái và súng cối”.

“Ngày nay, khu định cư do lực lượng quốc phòng Ukraine nắm giữ.”

Robotyne nằm cạnh con đường chính hướng tới Tokmak bị Nga tạm chiếm và xa hơn là tới Melitopol, một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng Nga ở miền nam Ukraine.

Mạc Tư Khoa đã tăng cường các hoạt động tấn công dọc theo mặt trận trong những tháng qua khi Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, cộng với sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ.

7. Ukraine để mắt đến hỗ trợ thêm F-16 bất ngờ từ đồng minh Âu Châu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Eyes Unexpected F-16 Boost from European Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo truyền thông Hy Lạp, quốc gia này có thể chuyển tới 32 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine trong khi Kyiv đang nóng lòng chờ đợi chiếc máy bay phản lực đầu tiên do phương Tây sản xuất sẽ đến trong những tuần tới.

Tờ Newsbreak của Hy Lạp đưa tin “gần như chắc chắn” rằng Athens sẽ chuyển giao các máy bay phản lực nhanh cho Kyiv, đồng thời cho biết thêm Ukraine cũng có thể nhận được 24 chiến đấu cơ Mirage 2000-5 do Pháp sản xuất.

Hy Lạp đang trải qua cái mà họ gọi là một cuộc đại tu “triệt để” các lực lượng vũ trang của mình, ưu tiên đánh giá lại kỹ lưỡng lực lượng không quân của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias nói với truyền hình Hy Lạp vào cuối tháng trước: “Chúng ta có rất nhiều loại máy bay khác nhau. Chúng ta có F-4, Mirage 2000-5, Block 30 F-16, Block 50 F-16, Block 52 F-16, Viper F-16 và Rafales. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này.”

Dendias cho biết: “Mirage 2000-5 là một chiếc máy bay có khả năng đặc biệt và có thể được bán. Những chiếc F-16 Block 30 cần được bán.”

Kyiv từ lâu đã kêu gọi các chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất tăng cường khả năng cạnh tranh với hạm đội vượt trội của Nga và những chiếc F-16 do Lockheed Martin sản xuất sở hữu hệ thống radar và hệ thống điện tử hàng không hiện đại.

Mặc dù một số quốc gia – Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ – cuối cùng đã cam kết cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine vào năm ngoái, nhưng mốc thời gian chính xác về việc chúng đến vẫn chưa rõ ràng và có thể thay đổi.

Những chiếc máy bay phản lực đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng vào nửa đầu năm 2024, nhưng chính phủ Hà Lan đã thông báo vào Tháng Giêng rằng Ukraine sẽ nhận được lô F-16 đầu tiên vào “quý hai” của năm nay. Và trước khi các máy bay phản lực cất cánh ở Ukraine, các nước phương Tây cho biết, nhân viên Ukraine phải hoàn thành các chương trình đào tạo của họ, đồng thời cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cần thiết phải được đưa vào sử dụng ở nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 2: “Tất cả người dân Ukraine đang chờ đợi ngày những chiếc F-16 đầu tiên của Ukraine xuất hiện trên bầu trời của chúng ta”.

Các chuyên gia cho rằng lịch trình kéo dài từ lâu đã gây bất lợi cho Ukraine. Đầu tháng này, một sĩ quan quân sự cao cấp giấu tên của Ukraine nói với Politico rằng “Cần có F-16 vào năm 2023; chúng sẽ không phù hợp với năm 2024.”

Các chuyên gia đề xuất với Newsweek vào tuần trước rằng số lượng chiến đấu cơ Ukraine sẽ vận hành quá ít để tạo ra sự khác biệt chiến lược trên toàn bộ chiến tuyến, và Nga có thể đã tận dụng những tháng kể từ khi công bố quyên góp máy bay phản lực để chuẩn bị.

Frank Ledwidge, giảng viên cao cấp về Luật và Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Portsmouth ở Anh và là cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, cho biết một khi các máy bay phản lực đến nơi, chúng sẽ trở thành “thỏi nam châm tuyệt đối thu hút lực lượng phòng không Nga và máy bay Nga”.

“Một hệ thống duy nhất không thể thay đổi tình hình trên chiến trường”, nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Bild của Đức vào tuần trước. “Đây không phải là viên đạn bạc có thể thay đổi cục diện cuộc chiến.”

8. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện chưa từng có giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Ông Vương cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng. Hai bên đồng thanh bắt đầu đối thoại về an ninh Á-Âu.

Bất kể Nga là quốc gia xâm lược Ukraine, phát biểu sau cuộc gặp, ông Vương nói rằng hai nước “phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị quyền lực”.

Cuộc gặp diễn ra khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đang có mặt tại Bắc Kinh để hội đàm với các quan chức Trung Quốc. Hôm thứ Hai, bà Yellen cho biết bà đã có những cuộc trò chuyện khó khăn về sự hợp tác của Trung Quốc với Nga, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về “những hậu quả đáng kể” đối với bất kỳ công ty Trung Quốc nào hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga.

Tập Cận Bình và Vladimir Putin dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối năm nay.

9. Vương quốc Anh cho biết hỏa tiễn tầm xa 'uy tín' của Nga gặp vấn đề lớn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's 'Prestigious' Long-Range Missiles Suffering Major Problems: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, hỏa tiễn Kh-101 “có uy tín” của Nga cho thấy một số vấn đề trong dây chuyền sản xuất hỏa tiễn tầm xa dùng để bắn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ngày 31/3, truyền thông Ukraine đưa tin một hỏa tiễn Kh-101 của Nga đã rơi xuống khu vực Saratov phía tây nam nước Nga sau một loạt hỏa tiễn nhằm vào Ukraine.

Một số báo cáo cho rằng các mảnh vỡ rơi xuống cánh đồng ở vùng Saratov thuộc về máy bay không người lái của Ukraine. Các nguồn khác, bao gồm cả hãng tin độc lập Astra của Nga, đã chia sẻ những hình ảnh cho thấy mảnh vỡ thuộc về một hỏa tiễn Kh-101 phóng từ trên không.

Không quân Kyiv ngày 31/3 cho biết Nga đã phóng 14 hỏa tiễn Kh-101 và Kh-555 từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS từ vùng Saratov.

Vùng Saratov là nơi tập trung lực lượng hàng không tầm xa của Nga. Một số máy bay ném bom chiến lược được đặt tại cơ sở Engels-2 gần thành phố Saratov, nơi quân đội Nga thực hiện các cuộc tấn công chống lại Ukraine. Kyiv đã nhiều lần tấn công vào căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong một bản cập nhật tình báo đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực Saratov vào cuối tháng trước có khả năng là do “trục trặc” của hỏa tiễn Kh-101 bắn vào Ukraine trước đó cùng ngày.

Bộ này mô tả hỏa tiễn Kh-101 là “vũ khí dẫn đường chính xác hàng đầu của Nga”. Chúng có tầm bắn khoảng 4.000 km hoặc gần 2.500 dặm và còn được gọi là hỏa tiễn AS-23a Kodiak.

Sự việc rõ ràng của “một hỏa tiễn uy tín như vậy” cho thấy có vấn đề trong quá trình sản xuất hỏa tiễn, chuỗi cung ứng bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt nhắm vào Mạc Tư Khoa liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine và sản phẩm “được gấp rút sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc xung đột, Bộ cho biết.

Nga đã đốt cháy kho dự trữ hỏa tiễn của mình trong hơn 25 tháng chiến tranh nhưng đã đặt ngành công nghiệp của mình vào tình thế sẵn sàng chiến tranh để duy trì hoạt động sản xuất thiết bị quân sự. Các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Mạc Tư Khoa nhằm hạn chế khả năng sản xuất hỏa tiễn mới của Nga – là biện pháp mà Kyiv và nhiều chuyên gia phương Tây cho là phần lớn không hiệu quả.

Ukraine cho biết Nga đã tăng cường tấn công Kh-101 vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong những tháng gần đây. Nhưng hiện tại, Mạc Tư Khoa đã bổ sung lại kho dự trữ hỏa tiễn hành trình Kalibr, họ sẽ chọn tiếp tục tấn công Kalibr “vì số lượng Kh-101 đã giảm đáng kể”, Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, GUR, cho biết. vào cuối tháng Ba.

Vào đầu năm, Vadym Skibitsky, phát ngôn nhân của GUR, cho biết Mạc Tư Khoa đã điều chỉnh và cải tiến hỏa tiễn Kh-101, đồng thời cho biết thêm các phiên bản mà Nga bắn vào Ukraine tính đến năm 2024 “hoàn toàn khác với những phiên bản được sử dụng vào năm 2022”.

10. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết tại Bắc Kinh hôm thứ Ba sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố như một phần của mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai nước.

“Tôi cảm ơn phía Trung Quốc vì đã gửi lời chia buồn liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở khu vực Mạc Tư Khoa vào ngày 22 tháng 3 năm nay, và đã hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của Nga”, ông Lavrov nói.

Nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ nổ súng tại một địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc gần Mạc Tư Khoa, nơi có ít nhất 144 người chết, nhưng Nga, không cung cấp bằng chứng, cho biết họ tin rằng Ukraine đứng sau vụ tấn công.

Ông Lavrov cho biết: “Sự hợp tác của chúng tôi về chống khủng bố sẽ tiếp tục, kể cả trong khuôn khổ các thể chế đa phương”.

Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2022 khi Putin đến thăm Bắc Kinh chỉ vài ngày trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và đã củng cố mối quan hệ của họ kể từ đó.

Ông Lavrov, tại Bắc Kinh trong chuyến thăm chính thức, cũng cảm ơn Trung Quốc đã cử một nhóm quan sát viên tới cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3, cuộc bầu cử mà Vladimir Putin đã giành chiến thắng với tỷ lệ áp đảo kỷ lục thời hậu Xô Viết.

11. Bản thiết kế tàu hỏa tiễn Nga xuất hiện sau vụ 'phá hoại' rực lửa ở biển Baltic

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Missile Ship's Blueprints Emerge After Fiery Baltic Sea 'Sabotage'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là HUR, hôm Chúa Nhật đã công bố video về hoạt động phá hoại được tuyên bố nhằm vào một tàu hộ tống mang hỏa tiễn của Nga ở vùng biển Baltic thuộc Kaliningrad, nơi mà cơ quan tình báo cho biết đã “vô hiệu hóa” con tàu.

“Do hỏa hoạn bên trong tàu hỏa tiễn, các phương tiện liên lạc và tự động hóa của nó đã bị phá hủy hoàn toàn”, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết như trên cùng với đoạn video được đăng lên các kênh truyền thông xã hội chính thức của họ hôm thứ Hai.

Đoạn phim được cho là cho thấy một đám cháy đang bùng phát ở đâu đó bên trong tàu hộ tống lớp Serpukhov Buyan-M, một phần của Hạm đội Baltic và có thể được trang bị hỏa tiễn hành trình Kalibr hoặc Oniks. Đoạn video cũng cho thấy những gì được cho là bản thiết kế của con tàu, có lẽ được các đặc vụ HUR sử dụng để lên kế hoạch tấn công.

Newsweek không thể xác minh độc lập đoạn phim và đã liên hệ với bộ quốc phòng Ukraine và Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Các tàu lớp Buyan-M được thiết kế để hoạt động ở vùng biển ven biển tương đối nông hoặc các tuyến đường thủy nội địa. Serpukhov được đưa vào sử dụng vào năm 2015 và được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Kalibr chống lại phiến quân Hồi giáo ở Syria từ Biển Địa Trung Hải vào năm 2016 như một phần trong sự can thiệp của Mạc Tư Khoa vào cuộc nội chiến tàn khốc ở đó. Con tàu được triển khai tới khu vực biển Baltic vào cuối năm đó.

Cuộc tấn công HUR được tuyên bố diễn ra khi con tàu đang ở căn cứ Baltiysk của Hạm đội Baltic ở vùng Kaliningrad, nằm trên Vistula Spit, nhô ra biển Baltic và bị chia cắt bởi biên giới Nga-Ba Lan.

Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với Serpukhov. Andrii Ryzhenko, thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek rằng các báo cáo mới đây cho thấy con tàu có “thiệt hại nghiêm trọng”.

Ông nói thêm, đám cháy bên trong có thể đã “phá hủy hoàn toàn” hệ thống liên lạc của tàu hộ tống và các thiết bị quan trọng khác.

Ryzhenko nói: “Có thể sửa chữa con tàu này nhưng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể”.

Nếu vụ tấn công được xác nhận, đây sẽ là một sai sót an ninh đáng xấu hổ khác của hải quân Nga. Nó đã nhiều lần bị các lực lượng Ukraine vượt mặt, đặc biệt là ở Hắc Hải, mặc dù Kyiv không có lực lượng hải quân thông thường đáng chú ý. Thay vào đó, Ukraine đã sử dụng chiến tranh bất đối xứng và các cuộc tấn công tầm xa để gây tổn thất liên tục cho Hạm đội Hắc Hải từng đáng sợ.

Ukraine tuyên bố đã đánh chìm hoặc vô hiệu hóa khoảng 1/3 số tàu trước chiến tranh của Hạm đội Hắc Hải chỉ sau hơn 2 năm chiến đấu toàn diện. Trong số những tổn thất có tàu tuần dương mang hỏa tiễn dẫn đường Mosvka, đóng vai trò là soái hạm của hạm đội, tàu ngầm tấn công Rostov-na-Donu và nhiều tàu đổ bộ lớp Ropucha.
 
Zelenskiy tuyên bố phản công. Putin không kích tàn bạo. Tác chiến điện tử Nga trúng HIMARS, tan tành
VietCatholic Media
17:06 11/04/2024


1. Zelenskiy xác nhận kế hoạch phản công mới của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Confirms Plans of New Ukrainian Counteroffensive”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Kyiv đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công mới trong cuộc chiến với Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được tờ Bild của Đức đăng tải, ông Zelenskiy nói rằng Ukraine có “kế hoạch phản công” nhưng nhấn mạnh rằng những nỗ lực đó phải được hỗ trợ bởi vũ khí hiện đại và sự hỗ trợ từ các nước phương Tây.

Zelenskiy đặc biệt chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn, nơi viện trợ quân sự cho Kyiv đã bị các thành viên Quốc Hội tại Hạ Viện Hoa Kỳ trì hoãn trong nhiều tháng. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson gần đây cho biết ông có kế hoạch sớm thúc đẩy một thỏa thuận viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim đã được Thượng viện thông qua vào tháng 2, mặc dù việc tài trợ cho Ukraine đã trở thành cái gai đối với Johnson khi ông phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các thành viên trong chính đảng của mình.

“Đúng, Nga có nhiều người hơn, nhiều vũ khí hơn”, Zelenskiy nói với Bild. “Nhưng phương Tây thống nhất có hệ thống vũ khí hiện đại. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ có được một số công nghệ nhất định. Và nếu chúng tôi tiếp tục tăng sản lượng, nếu chúng tôi nhận được giấy phép từ các đối tác của mình, thì vấn đề không phải là số lượng người. Đó là về phẩm chất của vũ khí.”

Cuộc phản công đầu tiên của Ukraine chống lại Nga vào tháng 9 năm 2022 đã cực kỳ thành công, với việc Kyiv chiếm lại những vùng lãnh thổ rộng lớn mà Mạc Tư Khoa đã chiếm được từ đầu cuộc xung đột. Nhưng cuộc tấn công thứ hai do Ukraine phát động vào mùa hè năm 2023 đã không đạt được kỳ vọng và một số chuyên gia cho rằng quân đội Kyiv có thể chưa sẵn sàng cho một cuộc tấn công khác cho đến năm sau.

Trung tướng Ukraine Oleksandr Pavliuk, chỉ huy lực lượng Lục Quân của Kyiv, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình quốc gia Ukraine vào tháng trước rằng ưu tiên hàng đầu của Ukraine vào lúc này là “ổn định” tiền tuyến và “tiêu diệt càng nhiều quân Nga càng tốt”.

Tuy nhiên, ông nói thêm trong cuộc phỏng vấn rằng mục tiêu cuối cùng là “thành lập một nhóm tấn công và tiến hành các hoạt động phản công” trong năm nay.

Đô đốc Anh Tony Radakin, nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Vương quốc Anh, cho biết trong cuộc họp ở Luân Đôn vào tháng 2 rằng cuộc phản công của Ukraine “rất có thể” sẽ được phát động vào năm tới, với lý do quân đội Kyiv đang “vật lộn” dọc chiến tuyến với Mạc Tư Khoa, nơi người Nga đã giữ vững được thế chủ động và đà tăng trưởng trong những tuần gần đây.

“ Ukraine đang gặp khó khăn về đạn dược và kho dự trữ và phần còn lại của thế giới buộc phải đáp ứng điều đó”. “Ở cấp độ chiến thuật, bạn đang thấy một số thành công của Nga khi giành được một lượng lãnh thổ tương đối nhỏ”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ đó là tình trạng khó khăn có thể sẽ kéo dài ít nhất trong vài tháng tới”. “Và sau đó chúng ta sẽ phải xem phản ứng của Ukraine và ban lãnh đạo quân sự mới.

2. Lực lượng của Putin tiến hành cuộc tấn công hỏa tiễn 'khủng khiếp' vào Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin’s forces unleash ‘heinous’ missile attack on Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Nga đã tấn công Ukraine bằng 82 hỏa tiễn và máy bay không người lái vào đầu giờ ngày thứ Năm, nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở 5 khu vực của đất nước.

Thống Đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết lực lượng của Putin đã bắn 10 hỏa tiễn vào Kharkiv, một thành phố ở phía đông Ukraine, nơi gần đây đã hứng chịu gánh nặng từ các cuộc tấn công của Nga. Ông cho biết đã xảy ra tình trạng thiếu điện ở một số quận và tàu điện ngầm không hoạt động.

Trong một tuyên bố, Tư lệnh Mykola Oleshchuk cho biết Lực lượng Phòng không Ukraine đã bắn hạ 57 mục tiêu trên không đang bay tới trên khắp đất nước.

Trích dẫn Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine, Tướng Oleshchuk cho biết thêm: “May mắn thay, theo dữ liệu hoạt động, cuộc tấn công hôm nay không gây tử vong hay thương tích nào”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên án vụ tấn công là “tàn ác” và kêu gọi các đồng minh hãy ngừng tranh cãi và bắt đầu hỗ trợ thêm cho Kyiv.

“Chúng tôi cần các hệ thống phòng không và sự hỗ trợ phòng thủ khác, xin vui lòng đừng nhắm mắt làm ngơ và thảo luận kéo dài”, ông Zelenskiy nói.

Chính quyền địa phương cho biết Nga cũng tấn công vào các khu vực Odesa, Lviv, Zaporizhzhia, Mykolaiv, Kyiv và Kharkiv, chủ yếu nhắm vào năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng. Tư Lệnh lực lượng không quân Ukraine cho biết hầu hết các hỏa tiễn đều được bắn vào Lviv - khu vực gần biên giới Ukraine với Liên minh Âu Châu.

“Hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng phân phối khí đốt ở quận Stryi và một trạm biến áp điện ở quận Chervonohradsky. Nhiều đám cháy bắt đầu xảy ra”, Thống đốc Lviv Maksym Kozytskyy cho biết.

Một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất của Ukraine ở quận Stryi được cho là đã được các công ty năng lượng Liên Hiệp Âu Châu sử dụng để lưu trữ lượng khí đốt dư thừa trong mùa tích trữ cao điểm.

3. Cameron của Vương quốc Anh gặp McConnell - nhưng không gặp Johnson - trong cuộc tranh cãi ở Đồi Capitol

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “UK’s Cameron meets with McConnell — but not Johnson — during Capitol Hill swing”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

David Cameron, ngoại trưởng Vương quốc Anh, sau chuyến thăm Donald Trump đã tới Đồi Capitol - mặc dù ông không gặp trực tiếp Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson.

Hôm Thứ Ba, Cameron được nhìn thấy gặp gỡ Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, một người ủng hộ mạnh mẽ viện trợ mới của Hoa Kỳ cho Ukraine, sau khi ăn tối hôm thứ Hai với cựu Tổng thống Trump tại Mar-a-Lago. Theo một nguồn tin của chính phủ Anh, nhà ngoại giao hàng đầu của Anh đã liên hệ với văn phòng của Johnson về một cuộc gặp trực tiếp, mặc dù cuối cùng một cuộc gặp gỡ như thế đã không diễn ra do xung đột về lịch trình.

Khi rời văn phòng của McConnell, Cameron từ chối xác nhận rằng Johnson không có tên trong danh sách các cuộc họp với các nhà lập pháp của ông khi ông đưa ra vấn đề về viện trợ Ukraine và các ưu tiên xuyên Đại Tây Dương khác.

“Tôi có rất nhiều cuộc họp,” ông nói, “và tôi không chắc mình sẽ gặp gỡ ai và không gặp ai.”

Trước khi đến Đồi Capitol, Cameron đã gặp Trump ở Florida. Theo bản tóm tắt cuộc trò chuyện trong chiến dịch tranh cử của Trump, họ đã thảo luận về “các cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ và Anh, các vấn đề chính sách cụ thể đối với Brexit, sự cần thiết của các nước NATO để đáp ứng các yêu cầu chi tiêu quốc phòng của họ và chấm dứt tình trạng giết chóc ở Ukraine”.

Theo chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump, cuộc gặp tại Mar-a-Lago còn có đại sứ Anh tại Mỹ, Karen Pierce, và cả ba “cũng thảo luận về sự ngưỡng mộ chung của họ đối với cố Nữ hoàng Elizabeth II”

4. Tổng thống Joe Biden kêu gọi Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu ngay lập tức về dự luật viện trợ cho Ukraine

Tổng thống Joe Biden vừa lên tiếng kêu gọi Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu ngay lập tức về dự luật Ukraine trị giá 60 tỷ Mỹ Kim. “Có sự ủng hộ áp đảo dành cho Ukraine của đa số đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Cần phải có một cuộc bỏ phiếu ngay bây giờ,” tổng thống nói với các phóng viên.

Khoản tiền này đã được Thượng viện thông qua, nhưng đã bị chặn lại trong nhiều tháng tại qua Hạ viện, nơi Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson đã từ chối đưa một cuộc bỏ phiếu lên sàn.

5. Máy bay NATO được kích hoạt sau cuộc tấn công hỏa tiễn lớn của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Aircraft Activated After Massive Russian Missile Strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Máy bay NATO đã được điều động sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào Ukraine vào rạng sáng thứ Năm.

Lực lượng Vũ trang Ba Lan cho biết trên X: “Xin lưu ý rằng máy bay của Ba Lan và đồng minh đang hoạt động trong không phận, điều này có thể dẫn đến mức độ tiếng ồn tăng lên, đặc biệt là ở khu vực phía đông nam của đất nước.

“Người ta đang quan sát thấy hoạt động hàng không tầm xa căng thẳng của Liên bang Nga, liên quan đến các cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào các cơ sở nằm trên lãnh thổ Ukraine.”

“Tất cả các thủ tục cần thiết để bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan đã được triển khai và lực lượng không quân đang liên tục theo dõi tình hình.”

Diễn biến này xảy ra sau khi chiến đấu cơ của Đức xuất kích để đánh chặn một máy bay trinh sát của Nga trên Biển Baltic hôm thứ Ba.

6. Video cho thấy hệ thống gây nhiễu tác chiến điện tử đắt giá của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công HIMARS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Russia's Prized EW Jamming System Destroyed in HIMARS Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim mới cho thấy một cuộc tấn công của Ukraine vào hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến của Nga ở phía nam đất nước bị chiến tranh tàn phá này, khi cả hai bên tiếp tục săn lùng các máy bay không người lái và các hệ thống chống máy bay không người lái chủ chốt dọc tiền tuyến.

Ukraine rõ ràng đã có chủ ý tấn công vào hệ thống tác chiến điện tử Leer-3 của Nga ở khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine, khu vực do lực lượng Mạc Tư Khoa kiểm soát một phần. Đoạn video, được chia sẻ trên mạng xã hội, được cho là của những người điều khiển máy bay không người lái thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 129 của Ukraine.

Chiến tranh không người lái và công nghệ chống lại các phương tiện không người lái là cuộc đua phát triển nhanh chóng và quan trọng giữa các lực lượng Nga và Ukraine trong hơn 25 tháng chiến tranh. Cả hai bên đã cố gắng vô hiệu hóa các hệ thống tác chiến điện tử của bên kia được dùng để cản trở các cuộc tấn công của máy bay không người lái.

Các máy bay không người lái trinh sát đã định vị hệ thống tác chiến điện tử của Nga, hướng dẫn một cuộc tấn công bằng pháo binh được thực hiện bởi HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Ukraine điều hành, hãng tin tập trung vào quân sự Ukraine, Militarnyi, đưa tin hôm thứ Hai.

Theo một trang web của quân đội Mỹ, Leer-3 là hệ thống tác chiến điện tử dựa trên máy bay không người lái, sử dụng máy bay không người lái Orlan-10 của Nga để “vô hiệu hóa mạng di động và cho phép quân đội Nga gửi tin nhắn giả đến những người điều khiển máy bay không người lái”. Hệ thống có thể chặn điện thoại di động của đối phương trong khi vẫn cho phép điện thoại của chính nó hoạt động.

Leer-3 sử dụng một chiếc xe tải sáu bánh làm trạm chỉ huy và điều khiển, điều phối ba trong số máy bay không người lái Orlan-10 được trang bị thiết bị gây nhiễu. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Mạc Tư Khoa đã sử dụng Leer-3 để chống lại quân đội Ukraine.

Ukraine đã sử dụng HIMARS từ mùa hè năm 2022 và Mỹ đã gửi 39 HIMARS tới nước này kể từ tháng 2 năm 2022, theo tài liệu của Ngũ Giác Đài.

Quân đội Ukraine thường công bố các đoạn phim cho thấy HIMARS thực hiện các cuộc tấn công thành công vào các tài sản quan trọng của Nga. Tháng trước, lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết các chiến binh của họ đã phá hủy hệ thống điện tử Palantin của Nga ở vùng Zaporizhzhia bằng hệ thống pháo binh sau khi máy bay không người lái trinh sát của Ukraine xác định được vị trí của nó. Militarnyi báo cáo vào thời điểm đó rằng lực lượng Ukraine đã sử dụng HIMARS trong cuộc tấn công.

Giao tranh ở Zaporizhzhia vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự tập trung xa hơn về phía bắc dọc theo tiền tuyến phía đông ở Donetsk và các cuộc tấn công của Nga tới thành phố Kupiansk của Kharkiv.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ở phía tây khu vực vào hôm thứ Hai, nhưng không có tiến triển nào được xác nhận từ cả hai phía. Các cuộc đụng độ đã được báo cáo gần làng Robotyne ở Zaporizhzhia, cơ quan cố vấn cho biết trong bản cập nhật mới nhất của mình.

Ukraine đã giành lại Robotyne khỏi sự kiểm soát của Nga trong cuộc phản công vào mùa hè năm 2023, nhưng lực lượng Nga đã tấn công thị trấn kể từ đó.

ISW lưu ý rằng giao tranh hạn chế đã được báo cáo xung quanh làng Staromayorske của Donetsk, cạnh biên giới với Zaporizhzhia.

Hôm thứ Ba, quân đội Ukraine cho biết Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công xung quanh Staromayorske trong 24 giờ trước đó.

7. Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 57 trong số 82 hỏa tiễn, và máy bay không người lái chỉ trong một đêm

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Air Force: Ukraine downs 57 of 82 missiles, drones overnight”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 57 trong số 82 hỏa tiễn và máy bay không người lái do Nga phóng qua đêm, Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash cho biết trong bản cập nhật buổi tối ngày 11 Tháng Tư.

Lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công trên không quy mô lớn trên khắp Ukraine, nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở nhiều khu vực. Lực lượng Không quân đã đưa ra cảnh báo cho hầu hết đất nước, bao gồm cả các vùng viễn tây, vào đầu giờ ngày 11 tháng 4.

Lực lượng Ukraine đã bắn hạ tất cả ngoại trừ một trong số 40 máy bay không người lái tấn công loại Shahed do Nga phóng trong cuộc tấn công, Không quân cho biết.

Về hỏa tiễn, Ukraine đã bắn rơi 2 trong số 4 hỏa tiễn dẫn đường Kh-59 được lực lượng Nga phóng từ tỉnh Zaporizhzhia bị tạm chiếm.

Máy bay Tu-95 của Nga còn phóng 20 hỏa tiễn hành trình Kh-101, trong đó 16 hỏa tiễn bị Ukraine bắn rơi.

Lực lượng Không quân cho biết: “Các chiến đấu cơ và lực lượng hỏa tiễn phòng không của Không quân, các nhóm hỏa lực cơ động và các đơn vị tác chiến điện tử của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tham gia đẩy lùi cuộc tấn công.

Theo Không quân, 12 hỏa tiễn phòng không dẫn đường S-300 cũng được phóng từ Belgorod ở Nga và 6 hỏa tiễn Kinzhal được phóng từ máy bay MiG.

Những loại hỏa tiễn này không nằm trong danh sách vũ khí bị bắn hạ.

Lực lượng Không quân cho biết hướng chính của cuộc tấn công là Lviv.

8. Cựu tướng quân Nga xin được chiến đấu ở Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian ex-warlord asks to fight in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Người theo chủ nghĩa dân tộc Nga Igor Girkin, người bị kết tội cực đoan hồi tháng Giêng, đang yêu cầu được cử đi chiến đấu ở Ukraine. Girkin, còn được biết đến với bí danh “Strelkov”, là một cựu sĩ quan tình báo đóng vai trò nòng cốt trong cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine vào năm 2014.

Girkin bị bắt vào tháng 7 năm 2023 vì các bài đăng trên Telegram của mình, bị chính quyền Nga coi là “cực đoan”. Những bình luận của ông thường chỉ trích cách hành xử của Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến, kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn.

Sau khi bị bắt, Girkin bị kết tội kích động chủ nghĩa cực đoan trên mạng và bị Tòa án thành phố Mạc Tư Khoa kết án 4 năm tù.

Luật pháp Nga hiện cấm những cá nhân bị kết tội cực đoan phục vụ trong quân đội. Do đó, Girkin phải kháng cáo thành công mới có thể được đưa đến Ukraine.

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, đơn kháng cáo của Girkin đi kèm với một lá thư đồng ý từ một trong các đơn vị quân đội Nga có trụ sở tại Donbas yêu cầu Girkin giữ chức vụ chỉ huy trung đội.

Vào tháng 4 năm 2014, Girkin đã tổ chức chiếm giữ thị trấn Sloviansk, tỉnh Donetsk, khơi mào cho cuộc chiến của Nga ở Donbas. Girkin sau đó thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã “bóp cò” cuộc chiến của Nga ở Donbas.

Sau đó, ông tự xưng là “bộ trưởng quốc phòng” của lực lượng ủy quyền của Nga ở tỉnh Donetsk vào năm 2014.

Vào tháng 11 năm 2022, một tòa án ở The Hague đã kết án vắng mặt Girkin và cấp dưới vì đã bắn rơi một máy bay dân sự bay qua Ukraine từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào năm 2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Anh ta bị kết án tù chung thân.

Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Girkin thường chỉ trích Điện Cẩm Linh vì đã giải quyết sai nỗ lực chiến tranh. Girkin đồng sáng lập “Câu lạc bộ những người yêu nước giận dữ”, một phong trào dân tộc theo đường lối cứng rắn thúc đẩy các biện pháp cực đoan hơn để giành chiến thắng trước Ukraine.

Những người ủng hộ Girkin đã đề cử ông tranh cử tổng thống vào năm 2024, nhưng thủ tục vẫn chưa được hoàn tất do công chứng viên không có mặt để chứng nhận chữ ký của họ.

Các phương tiện truyền thông đối lập với Điện Cẩm Linh cho rằng lý do Girkin muốn sang Ukraine chiến đấu là vì ông ta lo ngại sẽ bị đánh chết trong tù.

9. Bộ trưởng Quốc phòng Austin nhận định rằng cuộc tấn công của Ukraine vào dầu Nga có thể đe dọa thị trường năng lượng toàn cầu

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Austin: Ukraine's attacks on Russian oil could threaten global energy market”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo các cuộc tấn công gần đây của Ukraine nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể gây “hiệu ứng kích nổ” đối với thị trường năng lượng toàn cầu, tờ Bloomberg đưa tin hôm 10/4.

Lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Tổng cộng có 12 nhà máy lọc dầu của Nga được cho là đã bị tấn công thành công ở nhiều khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Nga tính đến ngày 17 tháng 3.

Ukraine cũng tấn công một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga vào ngày 2 tháng 4 tại thành phố Nizhnekamsk ở Tatarstan, cách biên giới Ukraine 1.500 km.

Bài báo của Bloomberg cho biết, chiến lược của Mỹ bao gồm hai mặt. Thứ nhất, Hoa Kỳ đang cố gắng hạn chế việc Nga xuất khẩu xăng dầu nhằm ngăn họ kiếm được tiền để theo đuổi cuộc xâm lược. Thứ hai, Hoa Kỳ lại đồng thời muốn duy trì nguồn cung cho thị trường năng lượng toàn cầu để hạ nhiệt lạm phát và tạo điều kiện cho nền kinh tế toàn cầu hạ cánh nhẹ nhàng.

Theo các phương tiện truyền thông, ép giá đối với xuất khẩu dầu của Nga là một công cụ thành công, nhưng mối lo ngại đã tăng lên do “giá dầu toàn cầu đạt mức cao nhất trong gần 6 tháng, chủ yếu là do căng thẳng ở Trung Đông”.

“Ukraine được phục vụ tốt hơn trong việc truy đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến hiện tại,” Austin nói trong cuộc họp ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Bloomberg viết: Quan điểm của Austin bị Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton chỉ trích, người đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vì “không khuyến khích những hành động hiệu quả của Ukraine vì các lý do chính trị”.

Theo các phương tiện truyền thông, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm vào đầu tháng 4 so với mức cao nhất tính đến thời điểm hiện tại của tháng trước, được cho là do các chuyến hàng từ các cảng Baltic của nước này giảm.

Bloomberg cho biết sự sụt giảm trong tuần trước cũng là do lượng hàng hóa từ Primorsk và Ust-Luga ít hơn, nơi khối lượng giảm khoảng 20%.

Bài báo viết: “Sự suy thoái này xảy ra sau sự gia tăng dòng chảy từ các cảng đó trong hai tuần cuối tháng 3 trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu. Nga có thể đã phải chuyển dầu thô sang xuất khẩu thay vì chế biến”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ “không ủng hộ cũng như không khuyến khích Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ của mình”, khi trả lời câu hỏi của một nhà báo về cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Reuters hôm 4 Tháng Tư, đưa tin, dẫn nguồn tin giấu tên quen thuộc với vấn đề này, cho biết các công ty Nga gặp khó khăn trong việc sửa chữa các nhà máy lọc dầu do lệnh trừng phạt của phương Tây, và các cuộc tấn công của Ukraine có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

10. Zelenskiy đến Lithuania dự Hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ba biển

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến Lithuania vào ngày 11 Tháng Tư để tham dự Hội nghị cao cấp ba vùng biển và hội đàm với lãnh đạo các nước đối tác.

“Các cuộc họp quan trọng đã được lên lịch và một thỏa thuận an ninh song phương mới sẽ được ký kết”, ông Zelenskiy cho biết trên mạng xã hội.

“Nhiệm vụ chính hiện nay là nỗ lực hết sức để tăng cường hệ thống phòng không của chúng ta, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của Lực lượng Phòng vệ Ukraine và củng cố sự hỗ trợ quốc tế để chúng ta có thể vượt qua những cuộc khủng bố của Nga.”

11. Kuleba cho biết Ukraine đặt mục tiêu có được 7 khẩu đội Patriot trong tương lai gần

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kuleba: Ukraine aims to obtain 7 Patriot batteries in near future”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đặt mục tiêu có thêm 7 khẩu đội phòng không Patriot càng sớm càng tốt và đã đề nghị các nước cho Kyiv mượn các hệ thống này, Kuleba nói với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 10 Tháng Tư.

Khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine trong mùa xuân, tình trạng thiếu hệ thống phòng không ở các thành phố và làng mạc của Ukraine ngày càng được cảm nhận rõ hơn khi các cuộc tấn công của Nga đã gây ra số thương vong gia tăng.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Nga đã phóng hơn 400 hỏa tiễn các loại, 600 máy bay không người lái Shahed và 3.000 quả bom dẫn đường vào Ukraine trong tháng 3, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng.

Kyiv đã tăng cường kêu gọi các đồng minh cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không hơn, đặc biệt là các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất có thể đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo.

Theo Zelenskiy, Ukraine cần 25 chiếc Patriot để bao phủ toàn bộ đất nước nhưng Kuleba cho biết ban đầu ông tập trung vào việc bảo đảm 7 chiếc. Điều này sẽ đủ để bảo vệ các thành phố lớn nhất của Ukraine và để lại ít nhất một khẩu đội ở gần chiến trường hơn.

Kuleba cho biết nhóm của ông đã xác định được hơn 100 hệ thống Patriot hiện có ở nước ngoài, đồng thời nói thêm rằng ông “khó hiểu” tại sao một số quốc gia từ chối chuyển ít nhất một trong các hệ thống của họ sang Ukraine.

Hỏa tiễn tấn công Kyiv vài giây sau cảnh báo không kích, khiến người dân không có thời gian trú ẩn

Kuleba thậm chí còn đề nghị các nước cho Ukraine mượn Patriot và hứa sẽ trả lại các khẩu đối ấy ngay khi họ cần.

Kuleba nói với tờ Washington Post: “Tôi cảm thấy mình đang đập đầu vào tường, mặc dù tôi là một nhà ngoại giao, và điều đó có nghĩa là tôi phải tháo dỡ từng viên gạch trên bức tường”.

“Nhưng vì kiểu ngoại giao này không có tác dụng nên tôi cảm thấy như đâm vào tường. Tôi không hiểu tại sao điều đó lại không xảy ra.”

Theo Bộ trưởng, bốn quốc gia ở Âu Châu và Á Châu có Patriot có thể được gửi tới Ukraine ngay lập tức, nhưng ông cũng tiếp tục vận động hành lang để Mỹ chuyển giao hệ thống của mình.

“Bạn có thực lòng tin rằng toàn bộ Quân đội Hoa Kỳ không có một khẩu đội Patriot dự phòng nào không làm nhiệm vụ chiến đấu và không thể cung cấp cho Ukraine không? Tôi không nghĩ như thế.”

Sau khi Kuleba nhấn mạnh Ukraine cần có Patriot tại cuộc họp ngoại trưởng NATO ở thủ đô Bỉ vào ngày 3 và 4 Tháng Tư, một số đồng minh của Kyiv đã cam kết tìm kiếm hệ thống phòng không cho Ukraine.

12. Trung Quốc đáp trả việc Mỹ 'gây áp lực' về quan hệ với Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China Hits Back at US 'Pressuring' Over Ties With Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung Quốc chỉ trích một quan chức Mỹ vì “gây áp lực” lên Bắc Kinh về mối quan hệ với Nga khi chiến tranh tiếp tục hoành hành ở Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết trong cuộc hội thoại hôm thứ Ba rằng Trung Quốc và Nga đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ dựa trên “sự bất bình chung với phương Tây và Hoa Kỳ”.

Campbell cảnh báo Trung Quốc rằng mối quan hệ của nước này với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu nước này tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga, vì Mạc Tư Khoa hiện đặt ra “mối đe dọa đáng kể” đối với lợi ích của Mỹ bằng cách gây nguy hiểm cho “hòa bình và ổn định ở Âu Châu”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã đáp trả Campbell trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã “tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình” để chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine.

Mao Ninh nói: “Về vấn đề Ukraine, Trung Quốc luôn có quan điểm khách quan, công bằng và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”. “Trung Quốc và Nga có quyền thực hiện hợp tác bình thường. Sự hợp tác như vậy không nên chịu sự can thiệp hoặc ràng buộc từ bên ngoài.”

Cô ta nói thêm: “Trung Quốc sẽ không chấp nhận những lời buộc tội và gây áp lực”. “Nếu một số quốc gia thực sự quan tâm đến hòa bình và muốn kết thúc sớm cuộc khủng hoảng, họ nên suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng và làm điều gì đó thực sự giúp mang lại hòa bình, thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc.”

Campbell cho biết Mỹ đã “rõ ràng và minh bạch” với Trung Quốc về cái giá mà họ sẽ phải trả khi hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine, gọi đây là “vấn đề trọng tâm” sẽ không thể bỏ qua.

“Vấn đề mà chúng tôi đang cố gắng đưa ra với các đối tác Trung Quốc là đây là lợi ích chiến lược của chúng tôi,” Campbell nói. “Đây là vấn đề trọng tâm nhất và Trung Quốc đang can thiệp theo cách mà họ nghĩ rằng chúng ta không hoàn toàn biết được”.

“Chúng tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi đã trực tiếp nói với Trung Quốc: Nếu điều này tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Chúng tôi sẽ không ngồi yên và nói rằng mọi thứ đều ổn, bởi vì điều này đi ngược lại lợi ích của chúng tôi”.

Campbell nói tiếp rằng ông không tin rằng cuối cùng thì Trung Quốc đang hy vọng “các biên giới của Âu Châu về cơ bản sẽ được vẽ lại thông qua xung đột”, lập luận rằng diễn biến như vậy sẽ không nằm trong “lợi ích chiến lược” của Bắc Kinh.

Ngay trước khi Campbell tham gia vào cuộc hội thảo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau tại Bắc Kinh, nơi họ được cho là đã bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau và liên minh chống lại phương Tây.

“Chúng tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao và ngưỡng mộ cao nhất đối với những thành công mà ông đã đạt được trong những năm qua”, ông Lavrov nói với ông Tập, theo một báo cáo của Associated Press trích dẫn truyền thông Nga. “Đây là những thành công của bạn bè.”

Ông nói thêm: “Không phải ai trên thế giới cũng chia sẻ thái độ này và đang cố gắng bằng mọi cách có thể để hạn chế sự phát triển của Trung Quốc”. “Giống như sự phát triển của nước Nga.”
 
Virginia: Hàng trăm bánh lễ bị vứt bỏ. George Weigel: Phán xét khắc nghiệt nếu Ukraine thất thủ
VietCatholic Media
18:09 11/04/2024


1. Bánh lễ được tìm thấy bị vứt bỏ trong bãi đậu xe của nhà thờ Tây Virginia sau Thánh lễ Phục sinh

Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ Phục sinh tại một nhà thờ lịch sử Harpers Ferry, Tây Virginia, đã phải chứng kiến một cảnh tượng đau lòng khi họ rời buổi lễ để trở về nhà – ít nhất 100 bánh thánh được rải khắp bãi đậu xe và con phố gần đó.

“Người dân rất khó chịu vì họ lo ngại đó có thể là Mình Thánh Chúa,” Cha Timothy Grassi nói về vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô 190 tuổi.

Không rõ ai đã đặt những tấm bánh xốp xuống đất hay thủ phạm đang cố truyền tải thông điệp gì, nhưng nhà thờ đã báo cáo hành động này với cơ quan thực thi pháp luật của Cục Công viên Quốc gia, cơ quan đang điều tra vấn đề. Cha Grassi nói với CNA rằng ngài chưa nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào kể từ khi vụ việc được báo cáo cho cảnh sát.

Bất cứ ai trải bánh xốp trên mặt đất đều làm việc đó trong khi Thánh lễ đang được cử hành. Theo vị linh mục, những chiếc bánh thánh này không có mặt khi bắt đầu Thánh lễ nhưng đã ở đó khi những người tham dự Thánh lễ ra khỏi nhà thờ.

Cha Grassi cho biết ngài chắc chắn rằng những tấm bánh này “không phải từ nhà thờ của chúng tôi bởi vì không cái nào bị mất và chúng có kích cỡ khác”. Ngài cũng nói: “Tôi không biết bất kỳ nhà thờ nào xác định có bánh thánh bị đánh cắp đến mức độ đó không”. Ngài nhận định rằng các bánh thánh này có thể không được lấy từ một nhà thờ Công Giáo và có lẽ không được thánh hiến.

“Dự đoán tốt nhất của tôi là đây không phải là Mình Thánh Chúa,” Cha Grassi nói.

Cha Grassi lưu ý rằng các tấm bánh chưa thánh hiến có thể được mua trực tuyến hoặc ở nơi khác, đây là lời giải thích hợp lý nhất cho số lượng lớn các tấm bánh thánh. Một tấm bánh thánh chưa được truyền phép chưa trải qua quá trình biến thể - quá trình mà chất của tấm bánh thánh trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Vị linh mục cho biết ngài nghi ngờ hành động này là “một cách để ai đó đưa ra một tuyên bố theo cách nào đó,” mặc dù ngài không chắc chắn tuyên bố đó là gì. Ngài lưu ý rằng một số tấm bánh dường như đã được cố ý đặt gần cửa bên tài xế của các phương tiện. Ngài cho biết có vẻ như không có tấm bánh nào bị biến dạng, ngoại trừ việc bị trải rộng trên mặt đất.

Theo Cha Grassi, khoảng 80 người đã tham dự Thánh lễ Phục sinh lúc 9h30 sáng. Bãi đậu xe chỉ chứa được khoảng 15 xe hơi đã chật kín và các đường phố gần đó cũng chật kín xe hơi.

Nhà thờ Thánh Phêrô được xây dựng vào năm 1833, nằm trên một ngọn đồi nhìn ra điểm giao nhau của sông Potomac và Shenandoah và nằm gần một số tòa nhà lịch sử khác trong thị trấn du lịch nổi tiếng. Nhà thờ được Giáo xứ St. James ở Thị trấn Charles duy trì như một nhà nguyện lịch sử, trong đó cha Grassi là cha sở.

Nhà thờ có một thánh lễ Chúa nhật hàng tuần vào lúc 9 giờ 30 sáng


Source:National Catholic Register

2. Khánh thành nhà thờ đã bị IS phá hủy

Lễ khánh thành nhà thờ đã bị lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS phá hoại ở thành phố Mosul, miền bắc Iraq đã mang lại hy vọng cho cộng đồng Công Giáo tại nước này.

Hãng tin Asia News, truyền đi ngày 06 tháng Tư vừa qua, cho biết hôm trước đó, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Canđê, đã chủ sự lễ thánh hiến nhà thờ bị ISIS chiếm và dùng làm trạm cảnh sát tôn giáo, sau đó đã phá hoại hồi mùa hè cách đây mười năm (2014) và ba năm sau, thành này được quân đội Iraq giải phóng. Trong thời gian qua, nhà thờ đã được tái thiết và tu bổ.

Tham dự lễ khánh thành cũng có các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị, Kitô và Hồi giáo, người Yazidi và Sabei ở Mosul cũng như vùng bình nguyên Ninive, cùng với một số nhân vật quốc tế, kể cả các ân nhân đã tài trợ việc tái thiết nơi thờ phượng này, cùng với ít nhất 300 tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Sako nói rằng kết quả ngoại thường này có thể khích lệ các tín hữu Công Giáo trở lại thành Mosul quý mến, với xác tín rằng điều này sẽ góp phần kiến tạo hy vọng, thăng tiến sự sống chung hài hòa và bảo tồn cơ cấu rất đẹp của Mosul. Đức Hồng Y cũng kể rằng ngài đã phụ trách thánh đường này và bảo trợ cho trường học tại đây trong mười lăm năm trời. “Chúng tôi cảm thấy như trong một gia đình, các tín hữu Kitô và Hồi giáo sống hòa hợp với nhau.”

Đức Hồng Y cũng nhắc đến vai trò tiên phong của các tín hữu Kitô trong việc xây dựng nền văn minh và xã hội Iraq, nền văn hóa và sự tiến bộ trong tỉnh Mosul. Tuy nhiên, Đức Hồng Y lấy làm tiếc vì sự vắng mặt của ông tỉnh trưởng hiện nay. Sự hiện diện của ông, nếu có, sẽ khích lệ các Kitô hữu trở lại thành này. Vì thế, Đức Hồng Y hy vọng một chế độ chính trị phục vụ các công dân và những biện pháp nhắm tới công bằng và bình đẳng để vượt thắng não trạng phe phái, nạn hạn ngạch và thành phần” trong một viễn tượng hòa bình và tin tưởng”. Và Đức Hồng Y kết luận rằng cần chiến đấu chống lại nạn tham nhũng, sự lan tràn võ khí và bài trừ ý thức hệ cực đoan.

3. Đức Giám Mục Vitus Huonder, đã qua đời

Một giám mục người Thụy Sĩ đã nghỉ hưu, người đã gây chú ý khi tuyên bố rằng ngài sẽ nghỉ hưu tại một trường nội trú do nhóm ly giáo Huynh Đoàn Thánh Piô 10 điều hành, đã qua đời.

Đức Cha Vitus Huonder phục vụ với tư cách là Giám mục của Chur từ năm 2007 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2019 ở tuổi 77. Ngài vào bệnh viện vào ngày 25 tháng 3 và qua đời vào ngày 3 tháng 4.

Huynh Đoàn Thánh Piô 10 ra tuyên bố toàn văn như sau:

Đức Cha Huonder đã trao trả linh hồn mình cho Chúa.

Chúng tôi vô cùng đau buồn khi báo tin rằng Đức Giám Mục Vitus Huonder đã dâng linh hồn mình cho Chúa vào Thứ Tư Phục Sinh sau một loạt các vấn đề sức khỏe đã đến giai đoạn cuối.

Đức Giám Mục Huonder vào bệnh viện vào ngày 19 tháng 3 năm 2024, Lễ Thánh Giuse. Bệnh tình của ngài và lời cầu nguyện kèm theo đã được biết đến vào ngày 25 tháng 3, Thứ Hai Tuần Thánh, thường là Lễ Truyền Tin.

Từ lúc đó trở đi, Đức Giám Mục Huonder tỏ ra hoàn toàn ngoan ngoãn trước Chúa Quan Phòng và liên tục dâng hiến những đau khổ của mình cho Giáo Hội Công Giáo. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn không ngừng đối với Huynh Đoàn Thánh Piô 10, và đặc biệt là trường nội trú của họ, Institut Sancta Maria, ở Wangs, Thụy Sĩ, nơi ngài có thể trải qua những năm cuối đời với niềm vui sâu sắc được chăn dắt các linh hồn. Cuối cùng, Đức Cha Huonder đã sống một cuộc đời cầu nguyện và sùng kính Bí tích Thánh Thể.

Sinh ngày 21 tháng 4 năm 1942 tại Trun, Thụy Sĩ, Đức Giám Mục tương lai Huonder được thụ phong linh mục của Giáo phận Chur vào năm 1971. Sau hơn ba thập kỷ phục vụ Giáo hội, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Chur vào tháng 7 ngày 8 tháng 12 năm 2007, ngài được tấn phong làm giám mục. Ngài nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2019.

Huynh Đoàn Thánh Piô X phó dâng linh hồn của ngài trong tay Chúa với những lời cầu nguyện nhiệt thành xin Chúa cho ngài được hưởng ánh sáng ngàn thu và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu càng nhanh càng tốt. Thông tin chi tiết liên quan đến tang lễ của Giám mục Huonder sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.


Source:SSPX