Ngày 10-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mẻ cá 153 con
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:47 10/04/2013
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, năm C
Ga 21, 1- 19

MẺ CÁ 153 CON

Chúa Phục sinh vẫn minh chứng cho các môn đệ và nhân loại Ngài đã sống lại thật, Ngài đang hoạt động trong Giáo Hội, trong con người và sống động trong lòng chúng ta. Lần nào Chúa sống lại cũng hiện ra với các tông đồ và ban bình an cho các Ông. Hôm nay, Chúa hiện ra với các tông đồ trên bờ hồ Tiberiat, nơi các Ông đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, nhưng vâng lời Chúa Phục sinh dù rằng các Tông đồ chưa biết là Chúa, các Ông vẫn thả lưới bên mặt phải thuyền, quả thực, các Ông đã bắt được mẻ cá ngoài sức tưởng tượng: 153 con cá lớn…

Đọc Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta thường thấy thánh sử thích dùng chữ “ khoảng chừng “, chẳng hạn khoảng chừng 5.000 người, giờ thứ 10, giờ thứ 6 vv…Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu Phục sinh đã gặp gỡ bảy môn đệ trên bờ hồ. Lần này, vai trò của Phêrô được nổi bật nhờ Ông đã vội nhảy xuống thuyền và đi trên mặt biển để đến với Chúa Phục sinh dù rằng Phêrô mới chỉ nghe thánh Gioan nói :’ Thầy đó “. Thánh Phêrô là người đầu tiên có sáng kiến đi đánh cá và sáu môn đệ đã xin Ngài cho đi đánh cá cùng. Phêrô đã kéo lưới lên tuy đầy cá, nặng nhưng lưới không rách. Điều này chứng tỏ Hội Thánh của Chúa ở trần gian có lúc gặp sóng gió nhưng con thuyền Giáo Hội vẫn luôn kiên vững. Con số 153 con cá là con số tròn đầy. Bữa ăn do Chúa Phục sinh thết đãi các môn đệ trên bờ làm cho chúng ta liên tưởng tới Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu sẽ qui tụ muôn dân và nuôi dưỡng dân bằng chính Mình Máu của Ngài. Chúa Giêsu phục sinh ở trên đất liền, Ngài đang sống trong sự viên mãn của sự sống mới nghĩa là đời sống vĩnh cứu. Các môn đệ đang ở dưới thuyền, đang vất vả với đời sống tạm bợ. Các Ngài là những ngư phủ bắt người nhưng nếu không có Chúa, các môn đệ chẳng làm được gì cả.

153 con cá biểu thị cho mọi dân tộc trên thế giới sẽ được các tông đồ giới thiệu về Chúa Phục sinh và họ sẽ gặp gỡ Chúa mai sau trên nước trời. Tất cả mọi Kitô hữu sẽ được ơn cứu độ của Chúa chan hòa nếu họ biết mở rộng ra để đón nhận ơn của Chúa. Bởi vì, qua sự đau khổ, qua cái chết trên thập giá và qua sự phục sinh của Ngài, Chúa cứu độ nhiều người. Bến bờ vĩnh cửu, mọi Kitô hữu mong chờ quả không xa và không ngoài tầm tay vì bất cứ ai trung thành, ăn năn sám hối và luôn trở về với Chúa, chắc chắn Chúa sẽ cho họ được hưởng vinh phúc Nước Trời. Con người qua cuộc hành trình đức tin sẽ phải trải qua nhiều thử thách chông gai nhưng có Chúa ở bên, với sức mạnh của Chúa và với sự tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa sẽ giải thoát con người.

Mẻ cá 153 con ngoài sức con người là phép lạ lớn lao của Chúa phục sinh giúp các môn đệ nhận ra quyền năng của Ngài. Thánh Gioan cho chúng ta hay, Chúa Phục sinh hiện ra cho các môn đệ, Ngài vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho chúng ta hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng hiện diện nơi những con người nghèo khó chúng ta gặp gỡ Ngài hàng ngày. Cuộc gặp gỡ hàng ngày của chúng ta đối với những người nghèo, những người neo đơn, đau khổ, bệnh hoạn vv…sẽ chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ vĩnh viễn của chúng ta sau này. Một cuộc gặp gỡ không tiền khoáng hậu giữa chúng ta và Chúa Phục sinh trên Thiên Đàng. Đời sống tạm bợ ở trần gian, cuộc sống mong manh này sẽ chuẩn bị cho cuộc sống mới may sau. Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng của thánh Matthêu về ngày cánh chung rằng :” Mỗi lần anh em làm cho những kẻ bé mọn này là anh em làm cho Thầy “ ( Mt 25, 40 ). Do đó, khi chúng ta qui tụ với nhau nhân danh Chúa là có Ngài ở cùng, khi chúng ta tới nhà thờ, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể là chúng ta đến với Chúa.

Vâng như Phêrô, chúng ta phải thực mau mắn đến với Chúa vì khi nghe nói Thầy đó, Phêrô đã đến với Chúa phục Sinh liền.

Chúng ta hãy mượn lời của Đức Cha Bernard-Nicolas Aubertin để kết luận bài chia sẻ này :” Trong cuộc đánh cá lạ lùng lần thứ nhất, thì Đức Giêsu ở lại trong thuyền; còn lần thứ hai, sau ngày Phục Sinh, thì Người chờ đợi chúng ta trên bãi biển vĩnh cửu của Người. Chúng ta có biết nhận ra sự hiện diện của Chúa không ? Chúng ta có biết tin cậy vào Người không ? “.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với môn đệ trên bờ hồ Tibêriat vào lúc nào ?
2.Đây là lần thứ mấy Chúa sống lại đã hiện ra ?
3.153 con cá tượng trưng cho gì ?
4.Cử chỉ của thánh Phêrô chìm xuống nước ám chỉ gì ?
5.Lưới là hình ảnh gì ?
 
Yêu mến Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:54 10/04/2013
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH

Tin Mừng thuật lại hai tiếng gọi Chúa gọi Phêrô. Tiếng gọi đầu tiên là khi khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu (Mc 1,16-18). Tiếng gọi thứ hai sau khi Chúa sống lại như Tin Mừng hôm nay tường thuật. Hai tiếng gọi cách nhau ba năm. Dọc theo thời gian này, rất nhiều sự kiện đã xảy ra đối với Phêrô. Ông khám phá được nhiều điều về Thầy của mình, học biết nhiều công việc khi theo Thầy, và nhất là ông có kinh nghiệm gặp được chính bản thân mình.

Khi Chúa gọi lần hai, Phêrô đã là một con người khôn ngoan hơn và khiêm tốn hơn.

Bảy môn đệ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm tình thầy trò. Một đêm đen mờ mịt tại biển hồ Tibêria. Chúa Phục Sinh đã đưa đời Phêrô từ đêm đen thất bại ấy đi về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời. Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây. Bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Chúa Giêsu Phục Sinh đến với họ và ban tặng mẻ cá lạ lùng.

Sau mẻ cá, Đấng Phục Sinh hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa hỏi ba lần. Phêrô xác định cả ba lần lòng yêu mến Thầy, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến nặng thì hôm nay Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Ba lời xác định ấy là bình minh rửa tội quá khứ. Chúa trao đàn chiên cho Phêrô: “con hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy. Rồi Chúa nói: Thầy bảo cho con biết, lúc còn trẻ con tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, con đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi con chẳng muốn”. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: “Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào”. Thế rồi Chúa bảo ông: “Hãy theo Thầy”. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây “trên tảng đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được”. Từ đây, những trang sử vẻ vang của Giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Thánh Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát." (1Pr 5,2-4).

Ngày 19.3.2013, thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bài giảng lễ, ngài suy niệm: “…Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có ba lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải được linh hứng bởi sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, trung tín của thánh Giuse và như thánh nhân, ngài phải mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và đón nhận với lòng từ ái toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, những người trần trụi, đau yếu, tù đày (x.Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết làm sao để bảo vệ!”.

Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi đã phục vụ Giáo hội với lòng yêu mến nên ngài là một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt còn là người luôn biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ngài thông cảm với yếu đuối của người khác. Thánh Phêrô học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Đó là, dù ngài đã chối Chúa nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương ngài. Chính tình thương của Chúa đã thanh tẩy ngài khỏi mọi lỗi lầm. Cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là điều thật ngạc nhiên. Ân sủng là như thế đó.

Cũng như vậy, đối với Thánh Phaolô, tất cả là ân sủng. Khi được tha thứ và yêu thương, ngài đã hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô, sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11,23-27). Phaolô viết từ ngục thất cho Timôthê "anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì “tôi biết tôi đã tin vào ai. ..(2Tim 1,8-12). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt "chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4,8-9) Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5, 14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gal 2, 20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô, mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?. .. Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta " (Rm 8, 35-39).

Ân sủng của Chúa đối với Thánh Phêrô hay Thánh Phaolô đều là tình yêu cứu độ.

Cuộc đời Phêrô đầy lỗi lầm nhưng ngài được Chúa yêu thương, được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt. Tại sao Chúa không trao Giáo hội cho một Tông đồ trí thức, có tài tổ chức, có tài hoạch định? Chúa không đòi hỏi nơi Phêrô về tài năng, thông thái, khôn ngoan mà chỉ đòi hỏi lòng mến Chúa. Sau ba lần hỏi “con có yêu mến Thầy không”, sau ba lần Phêrô xác định lòng yêu mến, Chúa trao Giáo hội cho ngài.

Yêu mến chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó. Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình.

Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại dột! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngốc nghếch! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ khạo ! Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác. Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một niềm hạnh phúc, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất chí lý: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc. Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì ta thích cầu nguyện, ta thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực. Yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo cách miễn cưỡng.

Tình yêu Giêsu có sức mạnh cảm hoá con người và đối với bất cứ ai nếu họ biết đặt niềm tin nơi Ngài. Tình yêu Giêsu sẽ mở ra tương lai cho tội nhân, khép lại quá khứ để họ trở thành thánh nhân. Tình yêu Giêsu, một khi ta đã yêu Ngài thật sự, ta sẽ không còn hững hờ nữa mà dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời cho tình yêu Giêsu.

Mọi ơn gọi đều là tình yêu. Nhờ lòng mến Chúa nên chúng ta yêu mến Giáo hội và yêu thương anh em.

Chúa hỏi Phêrô: con có yêu mến Thầy không? Đó cũng là câu hỏi mỗi ngày Chúa hỏi tôi: con có yêu mến Thầy không?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 10/04/2013
TRÁNH CÃI LỘN
N2T

Một hôm, ông nội kêu cháu gái đến trong sân nhà, cô ta vừa mới cãi nhau với chồng.
Ông nội nói với cháu gái:
“Lisa, bà nội con kết hôn với ông được bốn mươi năm thì qua đời, ông và bà rất ít cãi nhau, ông với bà có một giao kèo nho nhỏ: nếu ông từ ruộng trở về mà đem theo sự tức giận, thì ông về nhà với bước dài bước ngắn, bà nội cháu vừa nhìn thấy ông như thế thì biết là ông đang giận. Nếu một ngày nào đó bà con bị con cái làm cho buồn bực, nếu như không vừa ý thì bà con ghim một cái chim châm trên lưng quần, ngày đó ông phải giúp bà làm một ít công việc nhà, chẳng hạn như nấu cơm, rửa chén, những phương pháp ấy rất có lợi, các cháu có thể thử xem sao ?”
Lisa nói:
- “Anh ta mỗi khi về nhà, chỉ cần nói câu thứ nhất là “rõ thật chán”, thì con không thể không sinh chuyện với anh ta.”
(Lovasik)

Suy tu:
Người chồng khôn ngoan thì không bao giờ đem những chuyện phiền phức buồn bực ở công sở về nhà mình, không dại gì đem nhà mình biến thành nơi đổ rác rến bẩn thỉu, bởi vì chuyện của công sở công ty thì nên để lại cho nó, về nhà với tâm hồn yêu thương vui vẻ với vợ con, đó là một trong những bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình; cũng vậy, người vợ khôn ngoan thì không bao giờ gay gắt khi chồng đi làm về nhà, cũng không chê trách giận dỗi hoặc nói những lời “chán ngán” khi chồng vừa ở công sở về, bởi vì làm việc mệt nhọc ở công sở rồi, về nhà nghe những lời giận dỗi của vợ nữa, thì hạnh phúc từ từ cũng bay mất...
Bớt cãi nhau nhưng gia tăng lời nói yêu thương và hài hước để gia đình có nụ cười; bớt tìm những khuyết điểm của nhau để chỉ trích, nhưng nên tìm những ưu điểm của nhau để khuyến khích và khen ngợi.
Hạnh phúc hôn nhân gia đình không tại ở sắc đẹp và đầy đủ tiện nghi, nhưng ở tại hai người (vợ, chồng) biết nhường nhịn nhau và biết cùng nhau cầu nguyện.
---------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 10/04/2013
N2T


33. Nếu Thiên Chúa vẫn chưa làm cho con thỏa lòng, thì lòng tham của con phải nói là quá lớn.

(Thánh Augustine)

----------------

http://nhantai.info

http://www.vietcatholic.net/nhantai

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô và Phép Thánh Thể
Vũ Văn An
01:09 10/04/2013
Ngày 30 tháng 9 năm 2008, tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Québec, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đã đọc một bài diễn văn về chủ đề “Thánh Thể: Hồng Ân từ Thiên Chúa cho Thế Gian Được Sống”.

Chủ đề Do Đức Đương Kim Giáo Hoàng chọn cho Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 này lấy từ Tin Mừng Thánh Gioan, trong đoạn Chúa Giêsu tuyên bố rằng “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống (…) và bánh Ta ban chính là thịt Ta, cho thế gian được sống” (Ga 6:51-52).

Thánh thể, hồng ân Thiên Chúa, Đấng muốn ban sự sống cho mọi người, đó là chủ đề chính của Thông Điệp “Sacramentum Caritatis”. Trong phần đầu, tựa là “Thánh Thể, mầu nhiệm phải tin”, Đức Giáo Hoàng khuyên ta thờ lạy Thánh Thể như là “Hồng ân nhưng không của Ba Ngôi Chí Thánh cho thế gian được sống”. Và ở cuối, tức phần thứ ba, tựa là “Thánh Thể, mầu nhiệm phải sống”, ngài khuyên ta cùng với Chúa, hiến mình như Thánh Thể cho người khác, vì “ơn gọi của mỗi người chúng ta hệ ở việc, cùng với Chúa Giêsu, trở nên bánh được bẻ ra cho thế gian được sống”. Như thế, Thánh Thể vừa là hồng ân vừa là nghĩa vụ, hồng ân sự sống được nhận lãnh và hồng ân sự sống được trao ban cho mọi người.

Sự sống trong Chúa Giêsu Kitô này, “để những ai ở trong Người đều được sống”, cũng là điều đang đập nhịp trong tâm điểm Văn Kiện Aparecida (cuộc họp của các giám mục Châu Mỹ La Tinh), với cung điệu biết ơn ngợi khen và nhiệt thành truyền giáo, vì “sự sống là hồng ân do Chúa ban, vừa là hồng ân vừa là nghĩa vụ…”.

Thánh Alberto Hurtado, Dòng Tên, quen nói rằng “Thánh Thể là tâm điểm sinh tử của vũ trụ, có khả năng thoả mãn mọi khát khao sống và hạnh phúc: ‘ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ ở trong Ta, và Ta ở trong họ’(Ga 6:57). Trong bàn tiệc hạnh phúc này, ta tham dự vào sự sống đời đời và nhờ thế, cuộc sống hằng ngày của ta trở nên một Thánh Lễ kéo dài”.

Ở giữa, tức ở giữa hồng ân và sứ vụ, Giáo Hội là động lực chính của bài giáo lý dành cho ngày nay: Thánh Thể và Giáo Hội, mầu nhiệm của Giao Ước.

Nói một cách đơn giản, tôi xin đề nghị ba bước để biến bài giáo lý này thành một “bài đọc thánh” (lectio divina). Bước đầu tiên là vắn tắt suy niệm về Giao Ước. Bước thứ hai tôi muốn nó trở thành một tổng hợp có tính chiêm niệm trong đó ta sẽ ngắm nhìn và thưởng ngoạn bằng con mắt tâm hồn một vài hình ảnh về Đức Nữ Trinh, Mẹ chúng ta, “Người Phụ Nữ Thánh Thể”. Và bước thứ ba hệ ở việc rút ra một số kết luận mục vụ hữu ích cho cuộc sống bản thân và cuộc sống trong Giáo Hội của ta.

1. Chiều kích giáo hội và hôn ước của Thánh Thể

“Thánh Thể và Giáo Hội, mầu nhiệm của Giao Ước”, với chữ “giao ước”, ta có ý nhấn mạnh tới chiều kích giáo hội và phu thê của hồng ân Thánh Thể, một hồng ân Chúa muốn dùng để với tới mọi người. Thánh Thể là bánh hằng sống để thế gian được sống và là máu giao ước đổ ra để tha tội cho mọi người. Như thế, sau khi để tâm trí dựa chặt vào bản chất nhưng không (theo nghĩa hoàn toàn “cho không”) của hồng ân này và tính năng động truyền giáo phổ quát của nó, ta hãy dừng lại để suy niệm về mầu nhiệm giao ước.

Giao Ước không sự gì và không ai có thể bẻ gẫy

“Như thế ai có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô?” (Rm 8:35). Điều đầu tiên làm ta cảm động về Phép Thánh Thể là mối liên quan tới Giao Ước “mới và vĩnh cửu” như Chúa nói tại Bữa Tiệc Ly. Điều này được Phụng Vụ trong Lời Nguyện Thánh Thể Hòa Giải diễn tả như sau: “Nhiều lần, chúng con đã vi phạm Giao Ước của Cha, nhưng, thay vì bỏ rơi chúng con, Cha đã lặp lại như mới với gia đình nhân loại, qua Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, một giao ước bền vững đến độ không điều gì có thể phá vỡ được”.

Lòng thèm khát một Giao Ước mà không một ai và không một điều gì có thể phá vỡ chính là điều Chúa vốn nhào nặn trong tâm hồn Israel hàng bao thế kỷ qua, và Chúa Giêsu đã thỏa mãn lòng thèm khát ấy và làm nó hoàn thiện đến nỗi không còn một cơ hội nào để tan vỡ.

Trong tính chắc chắn của Giao Ước này, việc thiết lập ra nó trước ngày Khổ Nạn đóng một vai trò trung tâm. Khi tự hiến mình trước trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã biến thời điểm và không gian trong đó các giao ước từng bị phá vỡ (lúc Giuđa phản bội Người) thành thời điểm và không gian thánh trong đó Giao Ước Mới sẽ được đóng ấn vĩnh viễn.

Dự phóng Thánh Thể (The eucharistic anticipation)

Để có thể suy niệm mầu nhiệm này, ta nên dựa vào sự hướng dẫn nơi một số cái nhìn thông sáng của Đức Gioan Phaolô II. Các cái nhìn này sẽ giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc “dự phóng” Thánh Thể… Ý muốn nồng nàn nhất trong thông điệp “Giáo Hội Sống Nhờ Thánh Thể” của ngài là để gợi hứng cho việc “thờ kính Thánh Thể”. Việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể trước cuộc Khổ Nạn của Người lúc ấy và hiện vẫn là động lực chính của lòng thờ kính (awe) này. Ta hãy đọc một ít dòng bằng con mắt của linh hồn:

“Giáo Hội được hạ sinh từ mầu nhiệm vượt qua. Chính vì lý do đó, Phép Thánh Thể, vốn là bí tích tuyệt vời của mầu nhiệm vượt qua, nằm ngay tại tâm điểm của đời sống Giáo Hội… sau hai ngàn năm, chúng ta vẫn tiếp tục tái sản sinh ra hình ảnh nguyên khởi đó của Giáo Hội. Và, trong khi chúng ta làm việc đó tại các cử hành Thánh Thể, con mắt linh hồn ta hướng về Tam Nhật Vượt Qua: hướng về những gì đã xẩy ra vào buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc ly và sau đó. Quả thế, việc lập Phép Thánh Thể đã dự phóng một cách bí tích các biến cố sẽ xẩy ra sau đó, bắt đầu với việc hấp hối tại vườn Diệtsimani.

Ta thấy Chúa Giêsu từ Nhà Tiệc Ly bước ra, cùng các môn đệ đi xuống phía dưới, băng qua suối Cedron và dừng lại Vườn Cây Dầu. Tại vườn này, cho đến nay, vẫn còn những Câu Dầu rất cổ xưa. Có thể chúng đã chứng kiến những gì xẩy ra dưới bóng chúng vào cái đêm định mệnh ấy, khi Chúa Kitô, trong lúc cầu nguyện, đã cảm nghiệm nỗi thống khổ đến chết người “và mồ hôi Người trở thành những giọt máu, nhiễu xuống đất” (Lc 22:44). Máu mà trước đó ít phút đã từng được ban cho Giáo Hội làm của uống cứu rỗi trong Bí Tích Thánh Thể, nay đang bắt đầu đổ ra; và việc tràn đổ này sẽ được hoàn tất không bao lâu sau trên Đồi Golgotha, trở thành dụng cụ cứu chuộc ta”.

Sau đó, Đức Gioan Phaolô còn cho ta thấy tại sao có tựa đề này cho Thông Điệp của ngài: “ ‘Đây là mầu nhiệm Đức Tin’ khi linh mục đọc hay hát lời này, các người hiện diện tuyên xưng: ‘Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến’. Với những lời như thế hay tương tự, Giáo Hội đã cùng một lúc nhắc đến Chúa Kitô trong mầu nhiệm Khổ Nạn của Người, cũng cho thấy mầu nhiệm của chính mình: Giáo Hội Từ Thánh Thể mà ra (Ecclesia de Eucharistia)”

Chính ở đây, ta khám phá ra ba đặc điểm không thời gian từng làm cho Thánh Thể trở thành hạch nhân thâm hậu nhất trong đời sống Giáo Hội hiểu như một hồng ân và một trách vụ: “Nếu, cùng với việc Chúa Thánh Thần hiện xuống [chiểu tự là “trao ban”) trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội đã được sinh ra và bắt đầu bước đi trên đường đời, thì giây phút quyết định xây nền cho Giáo Hội chắc chắn là lúc lập ra Phép Thánh Thể tại Phòng Tiệc Ly. Việc xây nền và khởi điểm của Giáo Hội tuy là toàn bộ Tam Nhật Phục Sinh, nhưng việc này đã được bao gồm, dự ứng và cô đọng mãi mãi vào hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân này, Chúa Giêsu Kitô ban cho Giáo Hội việc hiện thực hóa mãi mãi mầu nhiệm vượt qua. Người thiết lập ra “tính đương thời” (contemponabeousness) đầy mầu nhiệm giữa Tam Nhật kia và suốt dòng thời gian của mọi thế kỷ”.

Đức Gioan Phaolô kết thúc đoạn này bằng cách khiến ta bỡ ngỡ và ngạc nhiên trước “khả năng cứu chuộc” của biến cố này, một khả năng trong đó “trọn bộ lịch sử”, tức mọi sự sống của thế giới, đều được tham dự: “Tư tưởng này dẫn ta tới cảm quan tôn kính và biết ơn. Biến cố vượt qua và Phép Thánh Thể nhằm hiện thực hóa nó trong mọi thế kỷ có một 'khả năng thực sự vĩ đại' trong đó mọi lịch sử đều được tham dự như những người được dự tính thụ hưởng ơn cứu chuộc”.

Được bao gồm/dự phóng/cô đọng

Cái nhìn thông sáng của Đức Gioan Phaolô II hết sức độc đáo và việc trình bày nó quả bao gồm một tổng hợp khá khó hiểu. Làm thế nào rút tỉa được lợi ích từ nó mà không làm thiệt hại tới nó? Thiển nghĩ chỉ còn cách bước vào qua ngả sư phạm. Chúa Giêsu từng cho ta thấy ý định sư phạm trong việc rửa chân, khi Người phán rằng: “Là Chúa và là Thầy các con […] Ta đã làm gương cho các con…” (Ga 13:13-15). Do đó, ta có thể tự hỏi đâu là giá trị sư phạm của việc “bao gồm-dự phóng-và cô đọng” của Tam Nhật Vượt Qua trong hồng ân Thánh Thể? Tôi xin thưa ngay rằng ý định của Chúa Giêsu là nhằm chuẩn bị và điều kiện hóa kẻ tiếp nhận Hồng Ân này: chuẩn bị tâm hồn các môn đệ để họ đón nhận chiều kích bản thân và chiều kích Giáo Hội của Hồng Ân.

Khi dự phóng việc hiến mình của Người và bao gồm các bằng hữu của Người vào việc hiệp thông Bữa Tiệc Ly và cô đọng (concentrate) mọi yêu thương của Người vào hồng ân Thánh Thể này, Chúa Giêsu đã thành công trong việc làm cho họ trở thành những người tham dự vào hy lễ cứu chuộc, khi họ ý thức được điều Chúa Giêsu dâng hiến trong cuộc Khổ Nạn, cũng như hiểu ra điều họ đã được nhận lãnh. Ý Chúa muốn có Giao Ước, việc Người hiến mình hoàn toàn bằng cách chết trên Thập Giá, trở nên hiển nhiên đối với các môn đệ, không phải như một biến cố riêng rẽ và sau hết, nhưng tràn ngập ký ức họ đủ mọi điều họ từng chiêm ngưỡng, về đức Maria, về Thánh Gioan và về các phụ nữ thánh thiện, và sau này về toàn thể Giáo Hội, cùng với mỗi và mọi hành vi hiến mình của Chúa (Người không làm gì khác ngoài việc tốt), và một cách hết sức đặc biệt, tràn ngập tâm trí tín hữu một ký ức về sự hiến mình trong Phép Thánh Thể tại Bữa Tiệc Ly. Nếu không, hành vi cuối cùng kia sẽ xa cách chúng ta. Vì nó chỉ là một hành vi hoàn toàn nhưng một chiều, hành vi của Thiên Chúa, mà không có người xứng đáng để lãnh nhận. Rượu mới như thế liều mình sẽ làm bể bình cũ…

Nhưng không, hành vi hiến mình hoàn toàn của Chúa Giêsu trên Thập Giá đi vào bình rượu mới của các tâm hồn biết tiếp nhận và nếm trước Thánh Thể. Một Thánh Thể “cô đọng” được cuộc Khổ Nạn sẽ mang lại cho nó một “tỷ lệ tương xứng” với khả năng của ta, có thể nói như thế. Vì điều này, toàn bộ Khổ Nạn có thể và nên được coi như có tính cứu rỗi, bởi những ai chiêm ngắm nó đã được “bao gồm” trong hiệp thông với tình yêu cứu rỗi vốn đập nhịp trong Chúa đầy cảm thương rồi. Theo nghĩa này, ta có thể chiêm niệm việc rửa chân như là hành vi thanh tẩy, tương ứng với việc đổ máu cứu chuộc trên Thập Giá. Sự căng thẳng giữa lớn và nhỏ, giữa tầm thường và ngoại thường cô đọng tình yêu của Chúa và đặt nó vào thiên hướng của đức tin ta, ngăn cản không để trí hiểu của ta đi lệch về phía ngoại thường hoặc bị cái tầm thường làm loãng nhạt đi.

Có một sự tương tự sâu xa với điều trên trong công thức của bí tích hôn phối. Trong đó, các người phối ngẫu tự hiến cho nhau và hứa với nhau một lòng trung thành bao gồm, dự phóng và cô đọng đối với nhau, bất chấp sự gì xẩy ra trong đời: mạnh khỏe hay tàn tật, thịnh vượng hay gian nan. Là hình ảnh Giao Ước của Chúa Kitô từng được báo trước trong Phép Thánh Thể, vợ chồng cũng báo trước Tình Yêu của Chúa và làm nó bao gồm tất cả, khiến cho Giao Ước thành bất phản hồi.

Các bình rượu cũ

Thiên Chúa là hồng ân. Để hồng ân này có khả năng cho đi, Chúa đã làm cho bình đựng, tức người nhận, đồng hình đồng dạng với của ban, một thứ bình sẽ không vỡ, một thứ bình mới. Một thứ bình là hoa trái của Giao Ước giữa ơn thánh và tự do. Căn cứ vào viễn tượng “bình đựng” này, ta có thể chiêm niệm “mầu nhiệm Giao Ước giữa Thánh Thể và Giáo Hội”.

Như thế, ta hãy chú tâm vào điểm này: trong Thánh Thể, ta được của ăn biến đổi, như lời trích dẫn Thánh Leo Cả trong hiến chế Lumen Gentium: “tham dự mình và máu Chúa Kitô khiến ta bước vào diễn trình trở thành điều ta vừa tiếp nhận”. Khi ăn mình Chúa Kitô, dù Người đã trở nên cùng tầm cỡ với ta, nhưng Người không hề bị ‘gia giảm’. Phép lạ Thánh Thể hệ ở điều này: “bình đất xét” bắt đầu tiêu hóa của “châu báu” chứ không phải của xẩy ra trong thiên nhiên. Khi lãnh nhận Thánh Thể, ta là người được tiêu hóa vào Chúa Kitô. Bằng cách này, qua việc Người tự ban mình làm của ăn như Bánh Hằng Sống, Chúa khởi sự làm nên Giáo Hội. Người khởi sự biến đổi trong Nhiệm Thể của Người, trong một diễn trình tiêu hóa đầy mầu nhiệm và bí ẩn giống diễn trình nuôi dưỡng. Đồng thời, bất cứ khi nào diễn trình này có được sự “xin vâng” đầy tự do của Giáo Hội, một sự tin tưởng thuận tình đối với Giao Ước của Phu Quân, Giáo Hội cũng biến đổi thành nàng dâu của Người.

2. Tầm nhìn của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể

Muốn chiêm niệm mầu nhiệm Giao Ước này tốt hơn, ta nên tập chú vào Đức Maria. Một lần nữa, ta có thể dựa vào tầm nhìn của Đức Gioan Phaolô II, người từng mời gọi ta bước vào “trường học của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể”: “Muốn khám phá ra mối liên hệ thân thiết vốn kết hợp Giáo Hội với Thánh Thể trong tất cả mọi vẻ phong phú của nó, ta không thể quên được Đức Maria, là Mẹ và khuôn mẫu của Giáo Hội […] Đức Mẹ có thể hướng dẫn ta một cách hữu hiệu tới Bí Tích Cực Thánh này vì ngài vốn có mối liên hệ thâm sâu với Phép này”.

Dựa vào lối xếp lồng búpbê vào nhau (nesting dolls) của người Nga trong đó, những búpbê nhỏ hơn nhưng hoàn toàn đồng dạng được lần lượt lồng vào những búpbê lớn hơn, ta hãy bắt đầu với “người nhỏ nhất” là Đức Mẹ, để nhận ra điều đã hiển hiện nơi ngài, tức mầu nhiệm Giao Ước từng cho phép hồng ân Thiên Chúa được chấp nhận và thông truyền cho thế gian được sống, đã được biểu lộ ra sao nơi Giáo Hội phổ quát và nơi từng mỗi tâm hồn. Ta sẽ theo phương châm của các Giáo Phụ, theo đó, ít nhiều các vị đã nói như sau: “những gì được nói một cách phổ quát về Giáo Hội, cũng đã được nói một cách chuyên biệt về Đức Maria và một cách cá thể về mỗi tâm hồn tín hữu”.

Trong mối liên hệ giữa Đức Maria và Thánh Thể, ta thấy ba hình ảnh có thể cho thấy rõ các đặc tính của Giao Ước mà ta có thể áp dụng sau đó vào Giáo Hội phổ quát và vào chính linh hồn ta cách riêng.

Giao ước là đồng hành (company)

Hình ảnh Thánh Thể đầu tiên của Đức Maria cho ta thấy một người được “bao gồm” vào Giáo Hội, nhưng đồng thời, ngài cũng bao gồm trong đó sự nhỏ bé của ngài nữa, một cách đầy mầu nhiệm. Đức Gioan Phaolô II đề cập tới việc Đức Maria “tham dự” Phép Thánh Thể của cộng đoàn tiên khởi như sau: “Ngài hiện diện với các Tông Đồ, ‘đồng tâm nhất trí cầu nguyện’ (Cv 1:14), trong cộng đoàn đầu tiên, tụ tập nhau sau khi Chúa lên trời để chờ mong Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chắc chắn không thể thiếu sự hiện diện của ngài trong các cử hành Thánh Thể của các tín hữu thuộc thế hệ Kitô hữu đầu tiên, những người có thói quen chuyên chăm ‘bẻ bánh’ (Cv 2:42)”.

Cộng đoàn của các Tông Đồ này kiên tâm cầu nguyện trong tinh thần “đồng hành” với Đức Maria: “Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Máthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thần mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1:13-14).

Mầu nhiệm Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người là một mầu nhiệm “đồng hành”, chia sẻ cơm bánh, “ở với” người khác, trong gia đình, tại bàn ăn, một mầu nhiệm hiệp thông liên tục. Cuộc đồng hành này rất thích hợp đối với nền sư phạm của Chúa Giêsu, một sư phạm nhằm biến đổi mỗi người như đã áp dụng vào các môn đệ Emmau khi Người cùng đồng hành với họ tới lữ quán.

Giao Ước là tin tưởng (confidence)

Hình ảnh Thánh Thể thứ hai của Đức Maria cho ta thấy một nàng dâu hoàn toàn đặt tin tưởng vào Phu Quân của mình. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tới “thái độ Thánh Thể bên trong” mà Đức Mẹ từng sống suốt cuộc đời ngài, một thái độ đã định nghĩa chính xác việc “phó thác cho Lời Chúa”. Đức Maria cô đọng trong chính ngài mọi “việc làm” liên quan tới Lời Chúa. Phó thác hàm nghĩa “không làm”, rất thích hợp với người hoàn toàn sẵn sàng tiếp nhận một hồng ân, “xin làm cho tôi như lời ngài nói”. Phó thác cũng hàm nghĩa “làm”, rất thích hợp với người hiến mình không tính toán hay không cân đo và khuyên nhủ người khác cũng làm như thế, “hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các anh”.

Đối với Giáo Hội và đối với mỗi người chúng ta: “Sống cuộc tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô trong Thánh Thể cũng hàm nghĩa liên tục lãnh nhận hồng ân này. Nó có nghĩa, theo gương Thánh Gioan, ta đem theo ta đấng đã được ban cho ta làm Mẹ. Nó cũng đồng thời có nghĩa phải cam kết cùng đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, học hỏi từ Mẹ Thánh Người và để ngài cùng đồng hành với ta”.

Việc hoàn toàn tin tưởng và vâng phục đức tin này biến Trái Tim Mẹ Maria thành bình chứa hoàn hảo để Ngôi Lời trở thành xác phàm và từ từ biến đổi Mẹ Người một cách toàn diện.

Giao ước là hy vọng (hope)

Hình ảnh Thánh Thể thứ ba của Đức Maria cho ta thấy một điều chỉ riêng Giao Ước mới có đó là sống trong dự phóng (anticipation), trong hy vọng điều đã được hứa. Đức Gioan Phaolô II nhắc đến mầu nhiệm “dự phóng” này khi ngài viết: “bằng cách ngày ngày chuẩn bị lên Canvariô, Đức Maria đã như sống một thứ ‘dự phóng Thánh Thể’, có thể nói như vậy, một thứ ‘hiệp thông thiêng liêng’ cả trong ước muốn lẫn trong hiến dâng, một hiệp thông sẽ lên đến cao điểm với việc kết hợp cùng Con trong Khổ Nạn và sau đó tự biểu lộ ra trong thời hậu Vượt Qua, trong lúc tham dự vào cử hành Thánh Thể, một cử hành do các Tông Đồ chủ tọa, để ‘tưởng niệm’ cuộc khổ nạn”.

Ước muốn và hiến dâng là hai thái độ dự phóng sẽ biến cải Giáo Hội và linh hồn mỗi tín hữu thành “bình rượu mới”. Giống như Đức Maria, nhờ ước muốn và hiến dâng này, ta trở thành bình chứa xứng hợp để Ngôi Lời mặc lấy xác phàm ở trong ta. Sự hiện diện khiêm nhường và dấu ẩn của Chúa trong Đức Maria, trong Giáo Hội và trong mỗi linh hồn, toả ánh sáng và hy vọng ra khắp thế gian. Đức Gioan Phaolô II diễn tả điều này cách tuyệt vời khi đề cập tới biến cố Thăm Viếng: “ ‘và phúc cho chị vì chị đã tin’ (Lc 1:45): Đức Maria đã dự phóng đức tin Thánh Thể của Giáo Hội trong mầu nhiệm Nhập Thể. Trong biến cố Thăm Viếng, khi mang trong mình Ngôi Lời đã mang xác phàm, ngài đã trở thành một thứ ‘nhà tạm’, nhà tạm đầu tiên trong lịch sử, nơi đó, Con Thiên Chúa, tuy vẫn vô hình đối với con mắt phàm nhân, nhưng đã được tỏ bày để Elisabeth thờ kính, như đang ‘tỏa’ ánh sáng từ đôi mắt và giọng nói của Đức Maria”.

Bởi thế, Đức Maria là mẫu mực của Giao Ước giữa Chúa và Nàng Dâu của Người là Giáo Hội, giữa Thiên Chúa và mỗi con người. Ngài là mẫu mực của Giao Ước đồng hành trong yêu thương, phó thác một cách tin tưởng và đầy hiệu quả, và hy vọng tròn đầy toả sáng hân hoan. Tất cả những đức tính này đã trở thành âm nhạc trong Kinh Ngợi Khen, một kinh mà Đức Gioan Phaolô II đã đem lại một viễn kiến Thánh Thể tuyệt diệu: “Dù gì, trong Kinh Ngợi Khen, vẫn có sự căng thẳng cánh chung của Thánh Thể. Mỗi lần Con Thiên Chúa được trình bày dưới tính nghèo hèn của hình bí tích, tức bánh và rượu, thế giới đều nhận được trong mình mầm giống của lịch sử mới, trong đó, ‘Người đã hạ bệ những ai quyền thế’ và ‘nâng cao mọi kẻ khiêm nhường’ (xem Lc 1:52). Đức Maria ca ngợi ‘trời mới’ và ‘đất mới’ từng được dự phóng trong Phép Thánh Thể, và theo một nghĩa nào đó, từng cho phép ta thoáng nhận ra ‘kế sách’ đã lên chương trình cho chúng. Vì Kinh Ngợi Khen nói lên linh đạo của Đức Maria, nên không điều gì giúp ta sống Mầu Nhiệm Thánh Thể tốt hơn nền linh đạo này. Thánh Thể đã được ban cho ta để nuôi sống ta, như đã nuôi sống Đức Maria, tất cả đều đã được Kinh Ngợi Khen nói đến!”.

Đức Gioan Phaolô II mời gọi ta bước vào “trường học của Đức Maria, người phụ nữ Thánh Thể”. Giờ đây, ta được chỉ cho thấy trong Kinh Ngợi Khen, “cùng đích” hay chương trình của trường này đã hiện diện một cách sống động ra sao. Một cùng đích có tính dự phóng, nghĩa là Tin Mừng hân hoan, đó là Thánh Thể, được sống như một bài ca vinh danh và cảm tạ. Như thế, Đức Maria quả đã ‘dự phóng chương trình của Thiên Chúa” dành cho thế gian, tức kế hoạch cứu rỗi của Người, và đã sống kế hoạch đó như nó vốn đã hiện diện một cách tiên tri. Sống bằng một niềm hân hoan tràn ngập viễn kiến đức tin của ngài. Theo Đức Gioan Phaolô đây cũng là cách Thánh Thể dự phóng việc sáng tạo ra lịch sử mới “trong tính nghèo hèn của mình”.

Tư tưởng trên cũng đã được Đức Bênêđíctô XVI diễn tả một cách sâu sắc trong Thông Điệp về đức cậy của ngài, khi ngài nhấn mạnh rằng đức cậy của Kitô Giáo đem lại một điều hết sức có chất lượng cho thời hiện đại của ta, vì đã dự phóng ơn cứu rỗi bằng cách không những chỉ cung cấp tín liệu về tương lai mà còn “tiến hành” cuộc sống hiện nay của ta nữa: “Chỉ khi nào tương lai trở thành chắc chắn như một thực tại tích cực, nó mới đồng thời mang theo hiện tại. Theo cách này, ta có thể nói rằng: Kitô Giáo không phải chỉ là ‘tin mừng’, để truyền đạt các nội dung tới đó chưa ai biết đến. Theo ngôn từ ngày nay, ta có thể nói rằng: sứ điệp Kitô Giáo không chỉ nhằm ‘thông tri’ mà còn nhằm ‘tiến hành’ (performative) nữa. Điều này có nghĩa: các Tin Mừng không phải chỉ là truyền đạt những điều nên biết, mà còn truyền đạt những điều lên khuôn cho các biến cố và thay đổi đời sống ta nữa. Những ô cửa tối tăm của thời gian, của tương lai, đều được mở rộng. Ai có lòng hy vọng sẽ sống cách khác hẳn; họ nhận được một đời sống mới”.

Những điều Thánh Thể hoàn thành trong sự nghèo hèn bí tích của nó đều được Đức Maria ca hát trong Kinh Ngợi Khen và khi ngài hát kinh đó, thì Giáo Hội và mỗi người chúng ta trong đó trở thành “đồng thời” với Đức Mẹ và sống nền linh đạo của ngài, là chính cuộc sống trong Thần Khí: “Là nguồn và đỉnh sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội, Thánh Thể phải được diễn dịch thành hạn từ tâm linh, thành sự sống ‘theo Thần Khí’ (xem Rm 8:4; Gl 5:16; 5:25)”.

Tôi xin kết thúc phần này với câu trích bài giảng của Đức Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm 150 năm việc công bố tín điều Vô Nhiễm, trong đó, Đức Maria được định tính như là “hình ảnh cánh chung của Giáo Hội”, như người nói lên lời “xin vâng” đầu tiên đối với Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại và đi trước dân Thiên Chúa trên đường về Trời, và Giáo Hội nhận ra nơi ngài ơn cứu rỗi “đã được dự phóng” của mình: “Ngài, người đầu tiên được Con mình cứu chuộc, hoàn toàn tham dự vào sự thánh thiện của Người và trở nên điều được toàn thể Giáo Hội mong ước và hy vọng. Ngài là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Vì thế, Đấng Vô Nhiễm chính là ‘nguồn và là hình ảnh của Giáo Hội, nàng dâu của Chúa Kitô, đầy ắp tuổi trẻ và vẻ đẹp trong sáng’ (Kinh Tiền Tụng), luôn đi trước dân Thiên Chúa trong hành trình đức tin tiến về Nước Trời. Trong việc Đức Maria được tượng thai cách vô nhiễm, Giáo Hội thấy mình được dự phóng, dự ứng trước ơn thánh cứu rỗi của Phục Sinh trong chi thể cao đẹp nhất của mình. Trong biến cố Nhập Thể, ta thấy Con và Mẹ kết hợp với nhau một cách không thể hủy tiêu: ‘Người, Đấng là Chúa và là đầu của Giáo Hội, và ngài, đấng nói lên lời xin vâng đầu tiên đối với Giao Ước, đã tiên niệm (prefigure) thân phận làm nàng dâu và làm Mẹ của Giáo Hội’”.

3. Các hậu quả mục vụ cụ thể

a. Các hậu quả có tính bản thân

Trong suốt bài giáo lý này, lúc ta chiêm niệm mầu nhiệm Giao Ước nơi Đức Maria, dần dần ta đã được thấy các phong phú của Thánh Thể và của Giáo Hội. Nơi Mẹ Thánh của ta, mọi sự đều trở nên cụ thể và “khả hữu”. Tại trường học của ngài, các mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa được mang một bộ mặt và một âm sắc mẫu thân và trở nên khả niệm đối với một niềm tin được đổ đầy bằng Tình Yêu, mà trong tư cách dân trung tín của Thiên Chúa, ta ngỏ với Đức Maria. Thiển nghĩ trong các kết luận cần được rút ra cho cuộc sống thiêng liêng của bản thân, mỗi người chúng ta phải chọn những kết luận nào mang đến niềm vui lớn lao nhất, như lời Thánh Inhaxiô viết trong Linh Thao. Kết hợp Thánh Thể và việc hiệp thông bí tích với Đức Maria là một điều ta làm hết sức tự nhiên. Thâm hậu hóa cái hiểu của ta về điều này là điều mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Do đó, ta nên cầu xin cho được Ơn Hiệp Lễ như Đức Maria đã nhận lãnh Ngôi Lời, và để Thánh Thể lên xương thịt mới trong ta; ơn được lãnh nhận Thánh Thể từ tay Giáo Hội, với ta làm đĩa thánh, trong ý thức chính Đức Mẹ đặt đĩa ấy ở đây và trao phó nó cho ta; ơn được cùng Đức Maria hát Kinh Ngợi Khen trong lúc thinh lặng sau Hiệp Lễ; ơn biết dự phóng nơi Thánh Thể mọi sự sẽ trở thành ngày sống hay tuần sống của ta, mọi điều tốt lành và tích cực được dâng chung với bánh thánh, mọi đau khổ nhọc nhằn được dâng chung với rượu thánh; ơn được tin và yêu thương đặt trọn hy vọng vào tiền đề và biểu tượng cứu rỗi mà ta vốn đặt nơi từng Thánh Thể, để sau đó làm đời ta đồng hình đồng dạng với hình ảnh ta vừa lãnh nhận. Như thế, mỗi người chúng ta có thể rút tỉa được công phúc từ điều ta vừa chiêm niệm.

b. Các hậu quả có tính Giáo Hội

Ta cũng có thể rút ra một số kết luận có thể có ích cho đời sống Giáo Hội, căn cứ vào những phong phú đã thấy. Tình âu yếm và tôn kính mà tất cả chúng ta cảm nhận gần như tự phát đối với Đức Trinh Nữ, thì trước Thánh Thể, ta cũng phải vun xới đối với Giáo Hội. Hai loại tình cảm ấy phải như nhau vì như đã thấy, Đức Maria và Giáo Hội đều là “bình chứa” được biến đổi từ trong cốt lõi dành cho Đấng khát khao được “ngụ cư” trong đó. Hiệu quả của việc nhập thể này phát sinh từ sự kiện: các “bình rượu” này được biến đổi hoàn toàn thành những thực tại cao cấp nhất bao gồm cả chính chúng. Ngôi Lời khi nhận xác phàm từ Đức Maria đã thánh hóa ngài một cách hoàn toàn như thế nào (trước khi có Thánh Thể, đã được bao gồm trong việc Vô Nhiễm Thai), thì Giáo Hội cũng thánh thiện và thánh hóa như thế nhờ Giao Ước Thiên Chúa muốn ký với ngài.

Bởi thế, người Kitô hữu, mỗi khi nhìn Giáo Hội, đều thấy Giáo Hội thánh thiện, không tì vết, không vết nhơ, như Đức Maria, nàng dâu và là Mẹ. Người Kitô hữu coi Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, là bình đựng gìn giữ kho tàng đức tin luôn được vẹn tuyền, là Hiền Thê trung tín sẵn sàng thông truyền không thêm không bớt mọi điều Chúa Kitô ủy thác. Trong các bí tích, Giáo Hội thông truyền cho ta trọn vẹn sự sống mà Chúa Kitô đã đem đến cho ta. Mặc dù trong tư cách con cái, ta thường hay đôi khi phá vỡ Giao Ước với Chúa trên bình diện cá nhân, Giáo Hội vẫn là nơi trong đó Giao Ước này, giao ước ta nhận lãnh lúc rửa tội, vẫn nguyên vẹn và ta vẫn có thể tái lập được nó với bí tích Hòa Giải.

Từ viễn kiến toàn bộ này, có tính công giáo theo nghĩa đầy đủ nhất (“phổ quát một cách cụ thể”), một viễn kiến coi Giáo Hội như bình chứa mà phẩm chất và dung lượng được đo lường bởi chính Đấng đang cư ngụ và đang duy trì mãi mãi Giáo Ước của Người với Giáo Hội, ta thấy trào dâng nhiều khía cạnh khác có thể dùng để cải tiến hoặc sửa chữa hay diễn tả một cách minh nhiên hơn các khía cạnh thường thấy của Giáo Hội (như các khía cạnh phiến diện, rờ mó được, có tính lịch sử hay văn hóa). Nhưng luôn phải có Thần Khí Giao Ước không thể phá vỡ được, giống như trong cuộc hôn nhân tốt đẹp trong đó, mọi sự đều có thể mang ra thảo luận và cải thiện miễn là chúng chuyển động theo hướng Tình Yêu quan yếu vốn giữ gìn Giao Ước.

Tuyên xưng Chúa Kitô đã đến trong xác phàm là tuyên xưng rằng mọi thực tại nhân bản đều đã được “cứu thoát” và được thánh hóa trong Chúa Kitô. Vì điều đó, Chúa Giêsu đã muốn chết 3 ngày và trong ba ngày ấy đã xuống ngục tổ tông, nơi xa Thiên Chúa nhất mà con người có thể đạt được. Giáo Hội, trong tư cách một thực tại hoàn toàn “được thánh hóa” và, dù rất nghèo hèn, thậm chí tội lỗi nữa, nhưng có khả năng tiếp nhận và thông truyền một cách không lầm lẫn hay thiếu sót sự thánh thiện trọn vẹn của Thiên Chúa, vẫn không phải là một “bổ túc” hay một “thêm thắt có tính định chế” vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng là người tham dự đầy đủ vào chính việc Nhập Thể của Người, vào chính đời sống của Người, vào cuộc khổ nạn, cái chết và việc sống lại của Người. Không có những “bình rượu mới” này là Giáo Hội và Đức Maria thì việc Ngôi Lời vĩnh cửu đến thế gian và mang lấy xác phàm, một Ngôi Lời thuận tai ta và một sự sống thuận lịch sử ta, sẽ khó có thể được tiếp nhận cách thỏa đáng.

Để có thể chiêm niệm mầu nhiệm Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, một Giao Ước xuất hiện từ Cựu Ước và hiện được nới rộng cho mọi người có thiện chí, việc đầu tiên là định vị Giáo Hội vào giữa mầu nhiệm này như chiếc “bình chứa hoàn toàn được thánh hóa và có thể thánh hóa”, giống Đức Maria, từ đó trào dâng hồng ân Thiên Chúa cho thế gian được sống. Như lời Đức Giáo Hoàng từng trích dẫn Vatican II.

Như thế, ta hãy xem sét thực tại Giáo Hội – Maria này, một thực tại tại vốn lấy Thánh Thể làm trung tâm: sống bằng Thánh Thể và giúp ta sống nhờ Thánh Thể. Ta hãy xem thực tại Giáo Hội – Maria từng tiếp nhận từ phu quân mình trọn bộ hồng ân Bánh hằng sống cùng với sứ vụ phân phối nó cho mọi người, để thế gian được sống.

Trong thực tại này, Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại đã được ban hành, được tiếp nhận và được truyền đạt nguyên tuyền, không sứt mẻ. Việc chú rể tự hiến cho tới cùng đã làm cho nàng dâu Maria/ Giáo Hội nên thánh thiện hoàn toàn, đã thanh tẩy và luôn đổi mới trong đức tin và đức ái và các cửa hoả ngục sẽ chẳng làm gì được.

Tôi xin kết thúc bằng cách thưa rằng sự chắc chắn đối với tính thánh thiện của Giáo Hội này không phải chỉ là chuyện đặc ân bản thân hay xã hội, mà đúng hơn Giáo Hội được sắp đặt để phục vụ. Tôi xin được giải thích đôi chút. Vì Giáo Hội luôn tìm cách bảo vệ sự tinh tuyền của mình, bởi vẫn luôn có những kẻ lạm dụng sức mạnh của Giáo Hội (đây là chuyện đáng khinh vì đã dùng một điều chỉ có lợi cho cuộc sống vĩnh cửu để phục vụ thèm muốn chóng qua), nên thế gian thường có ấn tượng Giáo Hội luôn tìm cách bảo vệ quyền lực của mình, chứ thực sự không phải như thế. Khi bảo vệ sự tinh tuyền, sự không thể thiếu sót của mình, sự thánh thiện trong tư cách nàng dâu của mình, Giáo Hội chỉ bảo vệ “nơi chốn” qua đó hồng ân sự sống của Thiên Chúa được chuyển tới thế gian và hồng ân sự sống thế gian được chuyển lên Thiên Chúa. Hồng ân này, mà biểu thức trọn vẹn nhất được tìm thấy nơi Thánh Thể, không phải là một ân phúc nữa giữa chúng ta mà là hồng ân tối cao là chính sự sống thâm hậu nhất của Chúa Ba Ngôi được đổ ra cho thế gian được sống và là sự sống thế gian do Chúa Con mặc lấy nay được dâng lên Chúa Cha.

Balthasar từng viết rằng: “Hành vi trao ban, qua đó Chúa Cha đổ tràn Chúa Con xuống toàn bộ không gian và thời gian của sáng thế, là việc dứt khoát mở rộng hành vi Ba Ngôi theo nghĩa ‘Các Ngôi’ chính là ‘các liên hệ’ của Thiên Chúa, các hình thức, có thể nói như thế, cho đi, tuyệt đối tự hiến và lưu chuyển Yêu Thương (Loving fluidity)”.

Chính bản chất bất khả cân xứng, bất khả đáp đền của hồng ân từng được thông truyền cho ta này đã thúc đẩy Chúa thánh hóa Giáo Hội một cách không thể thiếu sót, như Người đã làm cho Mẹ Người, một cách chắc chắn phải khiến cho hồng ân này vừa được tiếp nhận vừa được thông truyền “cho thế gian được sống”. Mầu nhiệm Giao Ước khiến Giáo Hội hoàn toàn thánh thiện chính là mầu nhiệm vừa phục vụ vừa sống. Ta không bao giờ được phép ngừng thán phục sự kiện này là việc dứt khoát mở rộng sự sống Ba Ngôi đã được ban cho và đang được đổ xuống không phải trên một số người mà là cho trọn thế gian được sống. Đây là trường hợp không phải ai cũng biết hay cũng lợi dụng được hoa trái Tự Do khôn lường của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, Đấng tự ban hoàn toàn cho mọi người.

“Khi kết hợp với Chúa Kitô, thay vì khóa kín mình, Dân của Giao Ước Mới được hoán cải thành “bí tích” đối với toàn thể nhân loại, thành dấu chỉ và dụng cụ của cứu rỗi trong công trình của Chúa Kitô, thành ánh sáng cho thế gian và muối cho đời (xem Mt 5:13-16), để mọi người được cứu chuộc. Sứ mệnh của Giáo Hội tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô: “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (Ga 20:21). Bởi thế, Giáo Hội tiếp nhận sức mạnh bí tích cần thiết để hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc đời đời hóa hy lễ Thập Giá trong Phép Thánh Thể và trong việc hiệp thông mình và máu Chúa Kitô. Như thế, Thánh Thể chính là nguồn, và đồng thời là đỉnh điểm của mọi công cuộc phúc âm hóa, vì mục tiêu của nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và nơi Người, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.
 
ĐTC Phanxicô gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và thảo luận về Syria, và bán đảo Đại Hàn
Bùi Hữu Thư
10:27 10/04/2013
VATICAN (CNS) – Công nhận tầm quan trọng hai bên đóng góp trong chính trường quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã gặp gỡ tại Vatican ngày 9 tháng 4, để thảo luận về các nổ lực chung để cổ võ hòa bình và bảo vệ phẩm giá con người.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói với Đức Thánh Cha trong khi hai vị ngồi đối diện nhau tại một bàn làm việc trong thư viện của Đức Thánh Cha: "Liên Hiệp Quốc và Tòa Thánh cùng chia xẻ những mục tiêu và lý tưởng chung.” Vào lúc này các phóng viên đã bị mời ra khỏi phòng.

Cùng với sự trợ giúp thông dịch của một Đức Ông trong Bộ Ngoại Giao Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban đã thảo luận riêng trong vòng 20 phút.

Một bản tin của văn phòng truyền thông Vatican cho hay: Hai vị đã bàn luận đặc biệt về “các tình trạng tranh chấp và các hoàn cảnh khẩn cấp về vấn đề nhân đạo hết sức trầm trọng, nhất là tại Syria,” nhưng họ cũng đề cập đến những căng thẳng liên tục trên bán đảo Đại Hàn và tại nhiều quốc gia Phi Châu “nơi hòa bình và sự bền vững bị đe doạ”.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, đã gặp Đức Thánh Cha sau khi ông Ban ra về, ngài nói Đức Thánh Cha và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đề cập đến nạn buôn người, nhất là nạn buôn bán phụ nữ -- đây là một vấn đề hoàn vũ mà cả hai vị rất lưu tâm, và là vấn đề ngài đã lên án trong sứ điệp Phục Sinh của ngài là “hình thức tinh vi nhất về việc nô lệ hóa con người trong thế kỷ 21 này."

Bản tin của Vatican cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô nói về đường lối Giáo Hội Công Giáo, như một tổ chức tôn giáo, cũng cổ võ những mục tiêu giống như Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là về sự bảo vệ trọn vẹn cho phẩm giá con người và việc cổ võ một “nền văn hóa của sự gặp gỡ.”

Linh mục Lombardi nói câu này là một câu Đức Thánh Cha Phanxicô thường dùng khi ngài còn là tổng giám mục Buenos Aires để mô tả đường lối tiếp cận của ngài cho việc cổ võ sự đối thoại, thông hiểu và tôn trọng mọi dân nước và mọi tôn giáo, và nhận biết những sự khác biệt, nhưng không để cho những khác biệt này ngăn cản không cho tiếp xúc và thảo luận.

Sau cuộc tiếp xúc riêng, ông Ban giới thiệu với Đức Thánh Cha các thành phần phái đoàn tháp tùng ông, kể cả phu nhân của ông, Tham Mưu Trưởng người Á Căn Đình của ông, và Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về giải giới vũ khí.

Đức Thánh Cha Phanxicô đi quanh phòng và tặng cho mỗi người một hộp đựng chuỗi Mân Côi, vẫn còn mang dấu hiệu của Đức Thánh Cha Benedict XVI; một phụ tá của Đức Thánh Cha cho hay ngài đang chờ đợi các chuỗi mân côi có mang dấu hiệu của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô có nói vài lời bằng tiếng Anh trong buổi gặp gỡ. Ngài tặng cho ông Ban một bức hình bằng đá cẩn mosaic, ngài nói “Xin tặng cho ông” rồi ngài chuyển sang tiếng Ý để nói là bức hình trình bầy một khung cảnh của Rôma.

Ông Ban tặng cho Đức Thánh Cha một cuốn sách bọc bìa mầu xanh chứa đựng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Ả Rập, Trung Hoa, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Ông nói với Đức Thánh Cha là hiến chương phản ảnh “các mục tiêu và chủ đích của con người, mà ngài cũng cổ võ.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đi từ thư viện Giáo Hoàng đến nơi gặp Hồng Y Tarcisio Bertone, Tổng Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, rồi nói vắn tắt với các phóng viên. Ông cho hay đã mời Đức Thánh Cha tới thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc – một lời mời Vatican đã ghi nhận, nhưng chưa cam kết tham dự -- ông nói ông hết sức vui mừng vì Đức Thánh Cha đã chọn tên Phanxicô, vì danh xưng này đã trở nên có ý nghĩa là một sự cam kết cho việc kiến tạo hòa bình.
 
Giải đáp phụng vụ: Linh mục lau môi bằng khăn lau chén được không?
Nguyễn Trọng Đa
05:37 10/04/2013
Giải đáp phụng vụ: Linh mục lau môi bằng khăn lau chén được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con xin hỏi liệu một linh mục có thể dùng khăn lau chén (purifier, purificatoire) để làm sạch Máu Thánh dính trên môi ngài, sau khi ngài rước Máu Thánh từ chén thánh không, biết rằng khăn lau chén được dùng để lau chén thánh?. - J. T. P., Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.


Đáp: Về nguyên tắc, câu trả lời sẽ là không, vào thời điểm này.

Trong cuốn cẩm nang "Nghi thức của Nghi Lễ Rôma hiện đại" (Ceremonies of the Modern Roman Rite) của mình, linh mục – nay là Giám mục - Peter Elliott mô tả thời điểm linh mục rước lễ như sau:

"Cầm khăn lau chén bằng tay phải, linh mục chuyển khăn qua tay trái, đọc thầm “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”, rồi ngài kính cẩn và không vội vàng rước Máu Thánh, trong khi tay trái giữ khăn lau chén dưới cằm. Nếu ngài rước hết Máu Thánh, ngài không cần dốc ngược chén thánh lên cao. Ngài đặt chén thánh lên khăn thánh, chuyển khăn lau chén qua tay phải và cẩn thận lau miệng chén thánh, trong khi tay trái giữ phần chân của chén thánh. Nếu có tấm vuông đậy chén thánh, linh mục cần lấy nó xuống, trước khi ngài dùng khăn lau chén, sau đó ngài đặt tấm vuông đậy chén thánh trống rỗng lại.

"Một cách khác là linh mục có thể cầm chén thánh trong hai tay, đọc thầm “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”. Sau đó ngài kính cẩn và không vội vàng rước Máu Thánh. Ngài đặt chén thánh lên khăn thánh, cầm khăn lau chén bằng tay phải và cẩn thận lau miệng chén thánh, trong khi tay trái giữ phần chân của chén thánh. Cách làm này là thuận tiện hơn nếu chén thánh đầy rượu".

Tuy nhiên, về việc tráng chén, cha Elliott có một nhận xét khác:

"Sau khi uống nước tráng chén, linh mục lau môi mình, nếu xét là cần thiết. Ngài để lại khăn lau chén trên bàn thờ hoặc bàn bánh rượu, và người giúp lễ đậy chén thánh lại".

Các sách hướng dẫn về hình thức ngoại thường đưa ra nhiều chi tiết hơn, nhưng nói chung không tiên liệu việc dùng khăn lau chén như một khăn ăn hoặc khăn tay, ngay cả trong trường hợp tráng chén.

Tôi tin rằng lý do cho sự khác biệt này không phải là một vấn đề vệ sinh, nhưng là sử dụng một vật dụng phụng vụ cách không thích hợp.

Chức năng chính của khăn lau chén vào thời điểm rước Máu Thánh từ chén thánh là để ngăn chặn bất kỳ giọt Máu Thánh nào rơi ra hoặc dính vào mép của chén thánh. Điều này thường không phải là một nguy hiểm khi một linh mục thận trọng rước Máu Thánh từ chén thánh, và do đó không cần lau môi.

Tuy nhiên, khăn lau chén nên được dùng theo cách này nếu một số giọt Máu Thánh vô tình tóe ra trên cằm.

Trong việc tráng chén, có thể cần lau môi sau khi uống nước. Trường hợp này có thể phát sinh, nếu có nhiều vụn Bánh Thánh trong nước, và một số trong đó có thể dính vào môi linh mục. (Zenit.org 9-4-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Các giám mục Anh quốc dâng lời cầu nguyện sau cái chết của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher
Jos. Tú Nạc, NMS
10:22 10/04/2013
LIVERPOOL – Các giám mục Công Giáo của Anh quốc và Wales đã dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh quốc qua đời ở tuổi 87. Baroness Thacher, người đã dẫn dắt Anh Quốc từ năm 1979 đến 1990, đã chết “một cách bình an” vào sáng ngày 8 tháng 4, theo gia đình của bà cho biết.

Ngay sau khi tin bà qua đời được truyền đi rộng rãi, TGM Vincent Nichols của Westminster, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và Wales, đã gửi đi một lời phát biểu ngắn gọn: “Chúng tôi rất lấy làm đau buồn khi nghe tin Bà Baroness Thatcher qua đời, người mà đã phục vụ đất nước này nhiều năm với tư cách là một thành viên Quốc hội cũng như thủ tướng,” TGM Nichols nói.

Ngài nói tiếp, “Chúng tôi cầu nguyện cho niếm tín thác của linh hồn bà cùng với những ý định của gia đình bà và cho tất cả những ai giờ đây thương tiếc bà.”

Ngày 4 tháng 5, 1979, ngày bà đắc cử, bà đã đọc lên lời cầu nguyện của Thánh Francis Assisi trong bài diễn văn đầu tiên trước quốc dân.

Từ những bậc tam cấp của dinh thủ tướng số 10 Downing Street, Luân Đôn, bà nói: “Nơi có bất hòa, xin cho chúng tôi đem đến giao hòa. Nói có lỗi lầm, xin cho chúng tôi đem đến chân lý. Nơi có nghi ngờ, xin cho chúng tôi đem đến niềm tin. Và nơi có thất vọng xin cho chúng tôi đem đến hy vọng để cam kết đem giao hòa vào chốn bất hòa.”

Bà Thatcher ít khi có hướng đối lập với Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên, Lord Alton, một thành viên Công Giáo trong Quốc hội Anh, nhớ lại trong một phát biểu ngày 8 tháng 4 là làm thế nào sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng và Mẹ Teresa Calcuta một lần.

Sau đó Lord Alton nói rằng Mẹ Teresa đã thử thách thủ tướng về cuộc sống của những người sống trên đướng phố và những người phá thai ở Liên Hiệp Vương quốc Anh.

“Trong phúc đáp, Margaret Thatcher đã gửi cho Mẹ một đáp từ ngắn về những cung cấp phúc lợi và bảo vệ xã hội của Anh quốc,” ông nói, “Mẹ Teresa trả lời đơn giản bằng một câu hỏi “Nhưng bà có tình yêu không?”

Baroness Thatcher, một dược sỹ, rồi là một luật sư trước khi bước vào chính trường, đã bị đã phản đối việc đưa ra những hình thức hạn chế sinh đẻ vào đạo luật phá thai năm 1967, nhưng bà cũng phản đối những thí nghiệm hủy diệt những tế bào phôi về những lý lẽ cho rằng không có chứng cứ đầy đủ về khoa học đối với vấn đề này.

Phát ngôn viên của Lâu đài Buckingham cho biết Nữ hoàng Elizabeth II “rất lấy làm buồn khi nghe tin về cái chết của Baroness Thatcher” và sẽ gửi thông điệp riêng để chia buồn với tang quyến.

Đám tang của bà sẽ không tổ chức quốc tang theo nguyện vọng của bà, nhưng bà sẽ được mai táng theo đầy đủ những nghi thức danh dự quân đội, sau đó linh cữu sẽ được an táng ở Nhà Thờ Chánh tòa Thánh Phao-lô, Luân Đôn.
 
ĐTC: Hãy liên tục vun trồng các tương quan với Thiên Chúa là Cha và sống xứng đáng là con của Người
Linh Tiến Khải
11:07 10/04/2013
VATICAN - Tương quan với Thiên Chúa là Cha không phải là một kho tàng mà chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám hối và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Đó là phẩm giá của chúng ta. Hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thật của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10-4-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương đến từ Á châu như Philippines, Nam Hàn và Thái Lan. Hai đoàn hành hương đến từ xa nhất là đoàn hành hương của tổng giáo phận Buenos Aires Argentina và Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy bài giáo lý về tầm quan trọng của sự Phục Sinh đối với cuộc sống Kitô. Nếu không có sự phục sinh đức tin Kitô sẽ trờ thành vô ích. Đức Thánh Cha giải thích lý do như sau:

Đức tin của chúng ta dựa trên Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, y như một ngôi nhà dựa trên các nền tảng của nó: nếu các nền tảng này sụp đổ, thì ngôi nhà cũng sập. Trên thập giá Chúa Giêsu đã hiến dâng chính mình bằng cách mang trên mình các tội lỗi của chúng ta và xuống trong vực sâu của cái chết, và trong sự Phục Sinh Người chiến thắng và lấy đi các tội lỗi và mở ra cho chúng ta con đường tái sinh vào một cuộc sống mới. Thánh Phêrô diễn tả điều này một cách tổng hợp trong phần đầu thư thứ I của người như chúng ta đã nghe: ”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,3-4).

Thánh Tông Đồ nói với chúng ta rằng với sự Phục Sinh của Chúa Giêsu xảy ra một điều gì đó triệt để mới mẻ: đó là chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và trở thành con cái của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta được sinh vào một cuộc sống mới. Khi nào thì điều này được thực hiện cho chúng ta? Trong Bí tích Rửa Tội. Xưa kia, người ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng cách dìm mình trong nước. Người phải được rửa tội cởi bỏ y phục, bước xuống trong cái bồn lớn của Bí tích Rửa Tội, và vị Giám Mục hay Linh Mục đổ nước trên đầu họ ba lần, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Rồi người đã được rửa tội bước ra khỏi bồn và mặc y phục mới mầu trắng: nghĩa là họ đã được sinh vào một cuộc sống mới, bằng cách dìm mình trong Cái Chết và sự Sống Lại của Chúa. Họ đã trở thành con cái Chúa.

Trong thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô viết: ”Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em trở thành nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên ”Abba, Cha ơi” (Rm 8,15). Thần Khí thực hiện nơi chúng ta điều kiện mới này là con Thiên Chúa. Và đây là ơn lớn nhất mà chúng ta nhận được từ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đối xử với chúng ta như là con, Người hiểu biết chúng ta, tha thứ cho chúng ta, ôm ấp chúng ta, yêu thương chúng ta, cả khi chúng ta lầm lỗi. Trong Thánh Kinh Cựu Ước ngôn sứ Isaia đã khẳng định rằng cả khi một bà mẹ có quên con mình đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không bao giờ và không khi nào quên chúng ta” (x. Is 49,15). Đức Thánh Cha giải thích thêm về sự cần thiết phải phát triển cuộc sống mới là con Thiên Chúa của tín hữu như sau:

Tuy nhiên, tương quan là con với Thiên Chúa này không phải như là một kho tàng mà chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự vào các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám hối và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Và đó là phẩm giá của chúng ta. Chúng ta hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thật. Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải để cho Chúa Kitô biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giống như Người; nó có nghĩa là tìm sống như Kitô hữu, tìm cách theo Chúa, cả khi chúng ta trông thấy các hạn hẹp và các yếu đuối của chúng ta đi nữa. Cám dỗ bỏ Thiên Chúa ra một bên và để chính chúng ta vào trung tâm luôn luôn ở trước cửa, và kinh nghiệm về tội lỗi gây thương tích cho cuộc sống Kitô, cho sự kiện là con Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có can đảm sống đức tin, không để bị hướng dẫn bởi tâm thức nói với chúng ta rằng ”Thiên Chúa không cần thiết, không quan trọng đối với ngươi”. Trái lại: chỉ khi có cung cách hành xử như con cái Thiên Chúa, không ngã lòng vì các sa ngã của chúng ta, khi cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, cuộc sống của chúng ta sẽ mởi mẻ, được linh hoạt bởi sự thanh thản và tươi vui. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta! Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta!

Anh chị em thân mến, chúng ta phải là những người đầu tiên có niềm hy vọng chắc chắn này, và phải là một dấu chỉ hữu hình, rõ ràng, sáng láng của niềm hy vọng đó. Chúa Phục Sinh là niềm hy vọng không suy giảm, không gây thất vọng (x. Rm 5,5). Biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta các niềm hy vọng đã tan biến, biết bao nhiêu lần các chờ mong mà chúng ta mang trong con tim đã không được thực hiện! Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mạnh mẽ, chắc chắn, vững vàng trên trần gian này, nơi Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta tiến bước, và được mở ra cho sự vĩnh cửu, bởi vì được xây dựng trên Thiên Chúa, là Đấng luôn trung tín. Sống lại với Chúa Kitô qua Bí tích Rửa Tội, với ơn đức tin, cho một gia tài không hư nát, đem chúng ta tới chỗ tìm các điều của Thiên Chúa nhiều hơn, nghĩ tới Người nhiều hơn và cầu nguyện với Người nhiều hơn.

Là tín hữu Kitô không giản lược vào việc tuân giữ các điều răn, nhưng muốn nói rằng ở trong Chúa Kitô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu thương như Người; để cho Người chiếm hữu đời ta và thay đổi nó, biến đổi nó, giải thoát nó khỏi các tối tăm của sự dữ và tội lỗi.

Anh chị em thân mến, với người hỏi chúng ta về lý do niềm hy vọng trong chúng ta chúng ta hãy chỉ Chúa Kitô Phục Sinh cho họ, chúng ta hãy chỉ Người cho họ bằng việc loan báo Lời Chúa, và nhất là bằng cuộc sống phục sinh của chúng ta. Chúng ta hãy cho thấy niềm vui là con Thiên Chúa, sự tự do sống trong Chúa Kitô mà Người ban cho chúng ta, là sự tự do thật, tự do khỏi sự nô lệ sự dữ, tội lỗi và cái chết. Chúng ta hãy nhìn lền Quê hương trên trời, chúng ta sẽ có được một ánh sáng và sức mạnh mới cả trong dấn thân và các lao nhọc hằng ngày. Đó là một phục vụ qúy báu mà chúng ta phải trao ban cho thế giới này, thường không còn thành công trong viêc hướng cái nhìn lên cao, hướng cái nhìn về Thiên Chúa nữa.

Chào các đoàn hành hương khác nhau Đức Thánh Cha đã cầu chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui bổ ích. Chào đông đảo các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Giáo Hội mới mừng lễ Truyền Tin cho Đức Maria. Ngài xin Đức Mẹ linh hứng cho họ để họ luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa. Đức Thánh Cha xin Mẹ sưởi ấm con tim của các anh chị em đau yếu trong việc dâng hiến khổ đau của họ để cầu nguyện cho thiện ích của Giáo Hội. Ngài khích lệ các cặp vơ chồng mới cưới biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Người trong cuộc sống gia đình.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau khi ban phép lành Đức Thánh Cha đã đứng lâu chào các Giám Mục và một số quan khách. Tiếp đến ngài đã đến chào các tín hữu đứng hai bên trên thềm đền thờ thánh Phêrô. Đức Thánh Cha bắt tay từng người một, nói chuyện và lắng nghe họ. Ngài vuốt ve và hôn các trẻ em. Có một em bé tặng Đức Thánh Cha các hình em đã vẽ trên một mảnh giấy. Một bà mẹ xin ngài chúc lành cho bà và bào thai bà đang mang trong bụng. Đức Thánh Cha đã ban phép lành và đặt tay chúc lành cho thai nhi. Một Linh Mục xin Đức Thánh Cha làm phép một triều thiên mạ vàng để dâng kính Đức Mẹ, nhiều người đã xin Đức Thánh Cha chúc lành cho các chuỗi ảnh họ đem theo. Đức Thánh Cha cũng đã làm phép một tượng Đức Mẹ lớn đặt trên kiệu.

Trong khi đi vào nội thành Vaticăng, Đức Thánh Cha đã bảo dừng xe díp lại để ngài xuống chào và ban phép lành cho các bệnh nhân ngồi trên xe lăn, Ngài đã hôn các trẻ em tàn tật và bắt tay thân nhân của họ đứng đàng sau.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ nhậm chức Tân Giám Mục Rôma
Đồng Nhân
11:09 10/04/2013
Hai mươi sáu ngày sau khi được bầu lên ngôi Giáo Hoàng , Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Thánh Gioan Lateranô, để cử hành thánh lễ nhậm chức Giám mục giáo phận Rôma.

Hàng ngàn người tụ tập bên ngoài để được nhìn thấy Ngài. Đức Thánh Cha chào mừng họ, khi ngài di chuyển trên chiếc xe jeep. Sau đó, Ngài khánh thành Quảng trường Chân phước Gioan Phaolô II, bằng cách mở tấm màn che một tảng đá trắng ghi tên Đức Giáo Hoàng Ba Lan. Hiện diện trong buổi lễ có thị trưởng Rôma, ông Gianni Alemanno.

Tại cửa chính, Đức Hồng Y Agostino Vallini, vị Tổng Đại Diện của Giáo Phận Rôma, đã chào đón Đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng đã hôn thánh giá và rảy nước thánh cho Đền thờ. Trên đường đi tới bàn thờ, Ngài dừng lại dọc lối đi để ban phép lành và chào các bệnh nhân.

Vì đây là Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, nên trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Đây là cách thức của Thiên Chúa: Ngài không mất kiên nhẫn như chúng ta, là những người thường xuyên muốn có mọi thứ ngay lập tức. Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Con người đang yêu thì hiểu biết, sẵn lòng chờ đợi, và đem đến sự tự tin. Người đó không từ bỏ hoặc đốt giai đoạn. Người đó tha thứ".

Vì đây là Chúa Nhật Lễ Lòng Chúa Thương Xót , Đức Thánh Cha đã nói về cá nhân Ngài đã làm chứng cho lòng thương xót trong cuộc sống của Ngài và về chứng tá của các người khác nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:"Trong cuộc sống cá nhân của tôi, tôi đã nhìn thấy dung mạo thương xót của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của Ngài rất nhiều lần. Tôi cũng thấy nhiều người đã can đảm đi tới các vết thương của Chúa Giêsu và thưa: "Lạy Chúa, này con đây. Xin chấp nhận sự nghèo nàn của con. Xin che đi tội lỗi của con bằng các vết thương của Chúa, xin tẩy sạch tội con bằng Máu của Chúa". Tôi đã thấy Thiên Chúa chào đón họ biết bao, an ủi họ, tẩy sạch họ và yêu thương họ”.

Sau Thánh Lễ nhậm chức của mình, Ngài đã mở lại văn phòng Giáo hoàng của Đền thờ. Văn phòng này đã bị đóng cửa kể từ ngày 28 tháng 2, khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thoái vị. Với nghi thức này, Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức nhận danh hiệu của mình là Giám Mục Rôma.
 
ĐTC nói: Kitô giáo không chỉ giới hạn trong Mười Điều Răn, nhưng còn là việc để mình được biến đổi bởi ân sủng của Thiên Chúa.
Đồng Nhân
11:11 10/04/2013
VAITCAN 10/4/2013 - Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin. Ngài giải thích rằng Kitô giáo không chỉ giới hạn trong Mười Điều Răn, nhưng còn là việc để mình được biến đổi bởi ân sủng, tình yêu và hy vọng của Thiên Chúa.

Trước hơn 70,000 người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha giải thích rằng đức tin cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày, thông qua suy tư, cầu nguyện, các việc bác ái và các Bí tích.

Ngài nói: "Trong bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính trong Năm Đức Tin, giờ đây chúng ta xem xét ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Kitô đối với chúng ta và đối với ơn cứu độ dành cho chúng ta. Cái chết và sự phục sinh của Chúa là nền tảng của đức tin chúng ta, vì qua chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta con đường hướng đến cuộc sống mới.

Được tái sinh trong Phép Rửa, chúng ta nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần và trở thành dưỡng tử của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa giờ đây là Cha của chúng ta: Ngài đối xử với chúng ta như là những đứa con yêu quý của Ngài, Ngài thấu hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, bảo bọc chúng ta, và yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta đi chệch hướng.

Kitô giáo không chỉ đơn giản là vấn đề giữ các giới răn, nhưng là sống một cuộc sống mới trong Chúa Kitô, suy nghĩ và hành động như Chúa Kitô, và để mình bị biến đổi bởi tình yêu Chúa Kitô!

Nhưng cuộc sống mới này cần được nuôi dưỡng hàng ngày bằng cách nghe Lời Chúa, cầu nguyện, chia sẻ trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể, và thực hành các công việc bác ái. Thiên Chúa phải là trung tâm của cuộc sống chúng ta!

Với chứng tá hàng ngày của chúng ta cho niềm vui, sự tự do và hy vọng nảy sinh từ chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng đem lại cho thế giới của chúng ta một sự giúp đỡ quý báu vì anh chị em của chúng ta có thể nâng tầm nhìn của họ lên trời cao, hướng về Thiên Chúa và ơn cứu độ.
 
Top Stories
Philippines: Un sondage révèle que les catholiques sont de moins en moins pratiquants
Eglises d'Asie
10:26 10/04/2013
Les Philippines, qualifiées traditionnellement de « pays le plus catholique d’Asie », seraient-elles en train de vivre une mutation religieuse jusqu’ici passée inaperçue ? C’est en tout cas ce que suggère un sondage publié le 5 avril dernier par le très sérieux institut indépendant Social Weather Stations (SWS) (1).

Dans cette enquête réalisée en février dernier, le SWS révèle en effet que les catholiques seraient les moins pratiquants parmi les croyants des différentes religions présentes aux Philippines. Une surprise dans un pays où l’Eglise considère pouvoir s’appuyer sur une très écrasante majorité de catholiques pratiquants, particulièrement dans le cadre de son combat contre la RH Bill (loi sur la santé reproductive).

Plus troublant encore, un catholique sur onze se poserait « parfois » la question de quitter l’Eglise. L’institut a expliqué que cette investigation inhabituelle dans le domaine du sentiment religieux (et non pas du taux de pratique ou d'affiliation confessionnelle) lui a été suggérée par un billet publié par un prêtre jésuite, le P. Joël Tabora, sur son blog, très suivi par la communauté philippine catholique.

Dans un article publié le 7 février dernier, le prêtre s’exprimait sur « les difficultés de l’Eglise » face aux fidèles qui désertent les églises. Le post avait été abondamment commenté, aussi bien par les croyants que les non-croyants, mais surtout par un très grand nombre de catholiques philippins qui affirmaient se retrouver dans « les propos courageux et clairvoyants » du prêtre, le félicitant de briser un tabou et de révéler enfin la vraie nature de l’Eglise philippine d’aujourd’hui.

Tout autant que le rapport du SWS, les commentaires de ce blog apportent un éclairage nouveau et surprenant sur la pratique et la foi des catholiques aujourd'hui dans l’archipel.

Le SWS avait décidé de prendre au mot le P. Tabora qui écrivait dans son blog: «Il est temps, je pense, de demander à Mahar Mangahas [le président du SWS, NDLR] d’utiliser ses techniques d’enquêtes sociales pour nous aider à comprendre ce qui se passe ! ». L’institut explique dans l’introduction de son rapport, signé par le président lui-même, que « c’est la première fois que ce type de question est traité par le SWS ». Cette fameuse question (« Vous est-il arrivé d’envisager de quitter l’Eglise catholique ? ») – qui est l’élément dominant du sondage – était posée sur le compte du SWS où il était possible de voter du 15 au 17 février. dernier

Selon l’organisme, l’enquête menée auprès de 1 200 personnes (81 % de catholiques, 6 % de protestants, 6 % de musulmans, 3 % de membres de l’Iglesia ni Cristo (2) et 3 % d’autres dénominations chrétiennes) corroborerait les propos du P. Tabora, très critique envers l’Eglise philippine qu’il considère responsable de « la fuite des fidèles ».



Les résultats de l’enquête démontrent une baisse légère mais significative du nombre de personnes se déclarant catholiques (3), explique le SWS, ainsi qu’une diminution proportionnelle de la pratique des catholiques ces vingt dernières années.

Comparés aux autres groupes religieux, les catholiques seraient même les moins pratiquants avec seulement 43 % d’entre eux qui iraient à la messe au moins une fois par semaine, pour 43 % qui y assisteraient une à trois fois par mois et moins de 14 % qui n’iraient environ qu’une fois dans l’année. La plupart des croyants des autres confessions chrétiennes déclarent se rendre plus fréquemment à l’église (64 % des protestants iraient chaque semaine, comme 70 % des membres d’Iglesia ni Christos et 62 % des autres dénominations). Quant aux musulmans, 75 % d’entre eux se rendent à la mosquée toutes les semaines. Comme pour l’appartenance à la communauté catholique, le SWS a noté que cette baisse de la pratique s'était mise en place ces deux dernières décennies (en 1991, la participation des catholiques à la messe dominicale était de 64 %).

Intitulé « l’Eglise catholique: entre le sublime et le ridicule », le billet du P. Tabora, à l’origine de cet état des lieux du catholicisme aux Philippines, et qui a été mis en ligne le 7 février dernier, revient sur ses précédents posts qui portaient sur la RH Bill ainsi que sur les réactions des internautes dont certains avaient avoué penser parfois à quitter l’Eglise catholique.

« Ce que j’ai ressenti le plus fortement [dans ces commentaires ] était l’exaspération, écrit le P. Tabora. Les gens sont fatigués des homélies rasoirs qui s’étirent en longueurs et en inepties, et n’en finissent pas pour la simple raison qu’elles n’auraient jamais dû commencer. » Le prêtre jésuite passe ensuite en revue tous les reproches qu’il entend sur la façon dont le clergé traite les fidèles « comme s’ils étaient encore moins que des adolescents, auxquels il faudrait tout dicter (...) » et se croyant persuadé de détenir la vérité sur tous les sujets.

« Les gens sont fatigués des discussions sur la santé reproductive, poursuit-il, et surtout de la façon dont on leur rebat les oreilles de ce sujet, que ce soit à l’occasion de l’Avent, de Noël, ou de la Chandeleur. » Reprenant les remarques des internautes et de certains de ses fidèles, il met en garde l’Eglise des Philippines: « Oui, les pasteurs doivent les aider à être catholiques, y compris en leur parlant de la RH Bill ! Mais si c’est tout ce qu’ils savent transmettre, s’ils ne connaissent que cette chanson et demandent à tout le monde de ne danser que sur cet air, alors la fête aura perdu sa joie et les gens s’en iront. »

Ne nous étonnons pas, conclut-il, si, exaspérés, les catholiques finissent par quitter l’Eglise. « Pensez-vous que nous pouvons nous le permettre ? L’Italie était une nation entièrement chrétienne, l’Espagne aussi (...). Mais les Philippines ne sont pas une nation entièrement catholique. Elles ne l’ont même jamais été. »

Ce billet a déclenché de nombreuses réactions, certaines – exprimées par des membres du clergé philippin – accusant le P. Tabora de soutenir la RH Bill et de se « faire l’instrument du démon », d’autres, beaucoup plus nombreuses, inondant son blog de félicitations pour « avoir osé parler de l’exaspération des catholiques vis-à-vis de l’ Eglise philippine », de témoignages où ils déclarent « se reconnaître parfaitement dans ces propos », ou encore de remerciements. « Merci P. Joel, écrit notamment un certain Sanchez Tazlledo, de vous faire l’interprète de ces millions de Philippins comme moi qui sont en proie aux luttes que vous avez décrites avec tant de courage et de vérité. »

Si la controverse au sujet de ce billet se poursuit toujours à l'heure actuelle sur le blog du prêtre jésuite, l’enquête et le sondage qui en ont découlé, auront créé la surprise en traçant les grandes lignes d’un paysage religieux qui semble, sans que cela n'ait été clairement noté, avoir considérablement évolué ces dernières années.

(1) The Social Weather Stations (SWS) est un institut de sondages et d’enquête indépendant, installé aux Philippines et réputé pour son objectivité et sa transparence.

(2) L'Iglesia ni Cristo (INC) est une Eglise chrétienne restaurationniste des Philippines fondée au début du XXe siècle.

(3) De 1991 à 2013, le nombre de catholiques a faiblement mais indéniablement diminué. En 1997, ils étaient 88 % à se déclarer catholiques, pour n’être plus que 80 % en 2007. Contrairement à l’étude du sentiment religieux, le SWS a beaucoup de points de comparaison concernant l’affiliation religieuse: pas moins de 54 enquêtes depuis 1991.

(Source: Eglises d'Asie, 10 avril 2013)
 
Audience: Living like God's children
+Pope Francis
11:14 10/04/2013
Below a Vatican Radio translation of the General Audience catechesis, Wednesday, April 10, 2013:

On the third day he rose again: the salvific meaning and purpose of the Resurrection

Dear Brothers and Sisters, good day!

in the last Catechesis we have focused on the event of the Resurrection of Jesus, in which women have played a special role. Today I would like to reflect on its meaning for salvation. What does the Resurrection mean for our lives? And why, without it, is our faith in vain? Our faith is based on the death and resurrection of Christ, just like a house built on foundations: if they give in, the whole house collapses. On the Cross, Jesus offered himself taking sins upon himself our and going down into the abyss of death, and in the Resurrection he defeats them, he removes them and opens up to us the path to be reborn to a new life. St. Peter expresses it briefly at the beginning of his First Letter, as we have heard: "Blessed be the God and Father of our Lord Jesus Christ, who in his great mercy gave us a new birth to a living hope through the resurrection of Jesus Christ from the dead, to an inheritance that is imperishable, undefiled, and unfading, kept in heaven for you"(1:3-4).

The Apostle tells us that the Resurrection of Jesus is something new: we are freed from the slavery of sin and become children of God, that we are born to a new life. When does this happen to us? In the Sacrament of Baptism. In ancient times, it was normally received through immersion. Those to be baptized immersed themselves in the large pool within the Baptistery, leaving their clothes, and the bishop or the priest would pour water over their head three times, baptizing them in the name of the Father, the Son and the Holy Spirit. Then the baptized would emerge from the pool and put on a new vestment, a white one: they were born to a new life, immersing themselves in the death and resurrection of Christ. They had become children of God. In the Letter to the Romans Saint Paul writes: you " For you did not receive a spirit of slavery to fall back into fear, but you received a spirit of adoption, through which we cry, “Abba, Father! '"(Rom. 8:15). It is the Holy Spirit that we received in baptism that teaches us, leads us to say to God, "Father." Or rather, Abba Father. This is our God, He is a father to us. The Holy Spirit produces in us this new status as children of God, and this is the greatest gift we receive from the Paschal Mystery of Jesus. And God treats us as His children, He understands us, forgives us, embraces us, loves us even when we make mistakes . In the Old Testament, the prophet Isaiah said that even though a mother may forget her child, God never, ever forgets us (cf. 49:15). And this is a beautiful thing, beautiful!

However, this filial relationship with God is not like a treasure to be kept in a corner of our lives. It must grow, it must be nourished every day by hearing the Word of God, prayer, participation in the sacraments, especially the Sacraments of Penance and the Eucharist and charity. We can live as children! We can live as children! And this is our dignity. So let us behave as true children! This means that each day we must let Christ transform us and make us like Him; it means trying to live as Christians, trying to follow him, even if we see our limitations and our weaknesses. The temptation to put God to one side, to put ourselves at the center is ever-present and the experience of sin wounds our Christian life, our being children of God. This is why we must have the courage of faith, we must resist being led to the mentality that tells us: "There is no need for God, He is not that important for you". It is the exact opposite: only by behaving as children of God, without being discouraged by our falls, can we feel loved by Him, our life will be new, inspired by serenity and joy. God is our strength! God is our hope!

Dear brothers and sisters, we must first must firmly have this hope and we must be visible, clear, brilliant signs of hope in world. The Risen Lord is the hope that never fails, that does not disappoint (cf. Rom 5:5). God’s hope never disappoints!. How many times in our life do our hopes vanish, how many times do the expectations that we carry in our heart not come true! The hope of Christians is strong, safe and sound in this land, where God has called us to walk, and is open to eternity, because it is founded on God, who is always faithful. We should never forget this; God is always faithful! God is always faithful! Be risen with Christ through Baptism, with the gift of faith, to an imperishable inheritance, leads us to increasingly search for the things of God, to think of Him more, to pray more. Christianity is not simply a matter of following commandments; it is about living a new life, being in Christ, thinking and acting like Christ, and being transformed by the love of Christ, it is allowing Him take possession of our lives and change them, transform them, to free them from the darkness of evil and sin.

Dear brothers and sisters, to those who ask us our reasons for the hope that is in us (cf. 1 Pt 3:15), let us point to the Risen Christ. Let us point to Him with the proclamation of the Word, but especially with our resurrected life. Let us show the joy of being children of God, the freedom he gifts us to live in Christ, who is true freedom, freedom from the slavery of evil, sin and death! In looking to our heavenly home, we will also have a new light and strength in our commitment and in our daily efforts. It is a precious service that we give to our world, which is often no longer able to lift its gaze upwards, it no longer seems able to lift its gaze towards God.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 32 tại TTMV TGP Saigon
Trầm Thiên Thu
10:19 10/04/2013
TGP SAIGON – Thánh Augustinô, Tiến Sĩ Giáo Hội, đã so sánh: “Hát hay là cầu nguyện hai lần”. Điều đó chứng tỏ Thánh Nhạc có vị trí quan trọng trong Phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Theo thông lệ, Thứ Tư ngày 10-4-2013, đã diễn ra buổi hội thảo của Ban Thánh Nhạc (BTN) toàn quốc lần thứ 32 tại TTMV TGP Saigon.

Chủ tọa đoàn là ĐGM Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản (Giám mục GP Ban Mê Thuột, đặc trách BTN) và LM Rôcô Nguyễn Duy (Thư ký BTN). Tham dự buổi hội thảo có LM Đỗ Xuân Quế (nguyên Trưởng ban Thánh nhạc), LM Tiến Lộc (Ủy viên Ban thường vụ), LM Xuân Thảo (phụ trách nội san Hương Trầm),… và khoảng 100 hội thảo viên (các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhạc sĩ sáng tác, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhóm sáng tác Sao Mai, và một số ca trưởng) thuộc các giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam. MC là NS Minh Tâm, thư ký là NS Anh Tuấn.

Buổi hội thảo khai mạc lúc 8 giờ 15. Lần này vẫn tiếp tục đào sâu Bản hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc để hoàn thiện dần. Tiếp theo là LM NS Ân Đức (Dòng Xitô Thiên Phước, Vũng Tàu) giới thiệu một số cung hát Thánh Vịnh mà Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam đã sử dụng trong các giờ kinh Thần Vụ từ hơn 30 năm qua, với phần hát minh họa của các nữ tu Xita và một số ca viên.

9 giờ 30, các hội thảo viên chia thành 3 nhóm để họp bàn. Sau khi họp nhóm, ghi nhận có mấy điểm cần lưu ý:

– Dùng từ “bình dân” la chưa thực sự chính xác, nên bỏ và dùng từ “trần tục”. Vì những gì bình dân vẫn cần thiết, có thể là chất xúc tác tốt để tạo cảm hứng sáng tác cả nhạc tôn giáo và nhạc đời. Như vậy, chất bình dân không xấu, chỉ những gì trần tục mới không phù hợp với Thánh Nhạc.

– Các linh mục xứ nên quan tâm các ca trưởng, có thể “ưu tiên” điều gì đó để họ có thêm phấn khởi mà phụng sự Thiên Chúa, phục vụ giáo xứ qua việc ca hát để giúp cộng đoàn cầu nguyện.

– Bản văn chi phối âm nhạc, nghĩa là bản văn phụng vụ cố định, người soạn nhạc phải dựa trên bản văn đó mà dệt nhạc. Nhưng nên dùng bản dịch Kinh Thánh nào? Vấn đề vẫn chưa dứt khoát.

– Cách dùng Cha hay Chúa, Người hay Ngài cũng chưa có quy định rõ, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Bài Thánh ca nào được sửa lời cho phù hợp cũng chưa được phổ biến, mỗi nơi hát mỗi kiểu, thiếu tính thống nhất.

– Về “cung hát Thánh Vịnh”, phong phú về cung cách, kết hợp dân ca (cung) và bình ca (tiết tấu, không phân ô nhịp), nhưng có lẽ việc này phù hợp hơn với các cộng đoàn tu, các giáo xứ khó áp dụng. Tiết tấu có thể hát cho phù hợp, sao cho cảm thấy không quá chậm và cũng không nhanh.

– Nhạc đệm là phần phụ, không được át tiếng hát, đa số các ca đoàn thường mắc lỗi này. Ca trưởng phải hiểu Phụng vụ để có thể chọn bài phù hợp. Mùa Vọng và Mùa Chay nên “hạn chế” dùng đàn. Vấn đề khó là việc dạo nhạc, vì có những nơi đã lạm dụng việc dạo đàn, độc tấu hoặc hòa tấu.

Nói chung, vẫn còn nhiều nỗi ưu tư và trăn trở đối với nền Thánh nhạc Việt Nam.

ĐGM Vinh-sơn chia sẻ: “Nên đề cao chức năng của ca đoàn, nhưng cũng nên cho cộng đoàn tham gia hát. Ca đoàn không nên độc diễn. Ca đoàn nên giúp cộng đoàn cầu nguyện chứ không nên biểu dương tài năng”.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 11 giờ 30. Mọi người cùng dùng bữa trưa thân mật trong tình đoàn kết, yêu thương, và bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau đó, mọi người chia tay. Hẹn gặp nhau tại Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 33 cũng sẽ diễn ra tại TTMV TGP Saigon, ngày Thứ Ba, 15-10-2013, và cũng sẽ tiếp tục góp ý về cuốn “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” để khả dĩ sớm có bản văn hoàn chỉnh và chính thức áp dụng trên toàn quốc Việt Nam.
 
Giáo Phận Vĩnh Long: Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót năm 2013
Lm. P.X. Nguyễn Văn Việt
19:21 10/04/2013
Giáo Phận Vĩnh Long: Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót

Chúa Nhật II Phục Sinh năm 2013, Giáo phận Vĩnh Long tổ chức Đại lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót lần thứ 3 tại nhà thờ Long Mỹ. Trên con đường lộ nhựa 7km từ thành phố Vĩnh long dẫn vào xã Long Mỹ, ngồi trên xe, tôi đã nhìn thấy những đoàn người từ nhiều nơi với nhiều loại phương tiện cũng đang tiến về trung tâm Lòng Chúa Thương Xót Long Mỹ. Xuống xe, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những nụ cười rạng rỡ, đầy niềm vui, ánh lên một niềm tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương. Một nhóm các bạn trẻ mặc đồng phục hướng dẫn các phương tiện vào chỗ đậu một cách trật tự và an toàn. Bước vào khuôn viên nhà thờ Long Mỹ, ta sẽ bắt gặp ánh mắt của Chúa Thương Xót bất cứ đâu và thật dễ dàng để hướng lòng lên Chúa.

Xem Hình

Đúng 9 giờ, tiếng trống linh thiêng của các bạn trẻ Họ Mỹ Chánh và tiếng kèn rộn rã của đội kèn Sađéc vang lên khởi đầu Đại Lễ. Hai Cha Giuse Xưa và Cha Matthêu Thụy là MC của ngày Đại Lễ. Sau lời giới thiệu của Cha Giuse, Cha Phanxicô Việt, Cha sở Long Mỹ - Phụ trách trung tâm Lòng Chúa Thương Xót tiến lên lễ đài: chào mừng mọi người và tuyên bố khai mạc Đại Lễ. Lời chào chúc “Alleluia” mở đầu cho một Niềm vui lớn trong ngày Hội lớn, sẽ còn nối tiếp suốt ngày và sẽ mãi mãi liên kết mọi người trong sự hiệp thông của những người con đến với Lòng Chúa Thương Xót.

Giữa bầu khí vui tươi, rộn rã, bài diễn nguyện “Ngợi ca Lòng Chúa Xót Thương” do quí Soeurs Dòng Thánh Phao-lô Mỹ Tho đưa mọi người trở về sự trầm lắng của tâm hồn, nơi đó mọi người được hạnh phúc nhận lãnh món quà từ trái tim Chúa và cũng chính nơi đó mọi người được tái sinh bằng lòng tín thác. Nhưng làm sao để thể hiện lòng tín thác đó? - Bài hát múa “Dấu Thánh Giá” của dòng MTG Cái Nhum giúp cho mỗi người, giữa những trở ngại trong cuộc sống tự hỏi lại mình “tôi có dám tuyên xưng mình là Ki tô hữu hay không?’’ Xen lẫn giữa các tiết mục diễn nguyện, Cha Giuse Xưa giúp mọi người đi sâu vào sứ điệp Lòng thương Xót.

Tiếp tục là giới trẻ giáo xứ Mỹ Chánh giúp mọi người hiểu và thực hành Lòng Chúa Thương Xót cách thiết thực hơn qua tiểu phẩm được mô phỏng theo dụ ngôn “Người đầy tớ không biết thương xót”(Mt 18,23-35) làm cho mỗi người phải nhìn lại, đối diện với mình và với Chúa. Với lời dẫn của cha Mathêu Thuỵ sau tiểu phẩm: “Chúng ta mắc nợ Chúa quá nhiều, tội lỗi cũng không ít, nhưng Chúa đã không ngừng tha thứ cho chúng ta; tới phiên chúng ta, chúng ta cũng phải biết quảng đại tha thứ cho anh chị em mình; như thế Lòng thương xót và Tình yêu mới nên tròn đầy, mới xứng đáng là người con Chúa”, giúp mọi người chuẩn bị tâm hồn bước vào Thánh Lễ.

Đến 10 giờ, Đội kèn vang lên những giai điệu linh thiêng như những âm thanh phát ra từ thiên đường vĩnh phúc, đội trống Mỹ Chánh như thúc giục mọi người tiến lên Đền thánh. Bài hát ca nhập lễ “Đến với lòng Chúa xót thương” do Dòng MTG Cái Nhum phụ trách đã đưa đoàn đồng tế và cộng đoàn phụng vụ tiến lên bàn thánh.

Cùng đồng tế với Đức Cha Tôma - vị Cha chung của Giáo Phận- có 16 Cha trong và ngoài giáo phận. Bầu khí lúc này thật trang nghiêm và sốt sắng. Phụng vụ Lời Chúa được cử hành cách trang trọng, trước mỗi bài đọc có lời dẫn giúp cho cộng đoàn tham dự dễ dàng hiểu và tập trung hơn.

Trong bài giảng, Đức Cha Tôma nhắc nhở mọi người chúng ta đang phải đối diện với thế giới đi dần vào tục hóa, hãy biết tín thác vào lòng Chúa Thương Xót. Thiên Chúa thương xót chúng ta nên đã ban Con Một để dạy chúng ta biết cách thương xót và con đường dẫn vể sự sống. Chúng ta đến với Lòng thương xót Chúa không chỉ biết tập trung vào những gì bên ngoài, mà điều cốt lõi là đi sâu vào Lòng Chúa thương xót, là nhìn vào sâu nội tâm của mình, để sống hoán cải và yêu thương, sống tin yêu và phó thác vào Chúa.

Phần Dâng lễ vật với những sản phẩm từ 10 họ đạo được dâng lên như cùng một tâm tình tri ân cảm mến. Thánh Lễ được tiếp tục, mọi người dần dần được đưa vào bàn tiệc Thánh Thể, nơi mà lòng thương xót Chúa biểu lộ cách đầy đủ và thiết thực nhất. Tiệc thánh được dọn ra, đôi tay Thiên Chúa luôn dang rộng để mời gọi mọi người đến dự, hôm nay là một ngày đặc biệt. giữa những xao động của cơm, áo, gạo, tiền, niềm tin con người cũng đang dao động. Thế nhưng, hôm nay mọi lo lắng dường như được lãng quên nhường chỗ cho một cái gì quan trọng hơn. Từng người tiến đến lãnh nhận Thánh Thể Chúa, đón rước Chúa ngự vào lòng mình, mỗi người đang đối diện với Thiên Chúa của mình đầy niềm tin yêu và phó thác.

Trước và trong giờ Thánh lễ có 4 cha ngồi Toà thương xót liên tục. Bí tích Hòa Giải đã đưa con người lại trở về với phẩm giá làm con và là anh em một nhà, một sự bình an bao trùm cả Hội trường LCTX phủ lấp tâm hồn từng người một. Các bài hát trong Thánh Lễ hôm nay được chọn lọc một cách hết sức có ý nghĩa, không chỉ hay về giai điệu, ngôn từ mà cái quan trọng hơn cả là sứ điệp mà nó muốn truyền tải đến mọi người tham dự hôm nay là Sám hối và Tình Yêu, là lời Tạ Ơn và Lòng Tín Thác. Sau Thánh lễ Đức Cha Tôma long trọng ban ơn Toàn xá cho những người tham dự. Niềm vui được nhân đôi. Bài hát kết lễ vang lên như một lời mời gọi tha thiết: “Hãy loan truyền cho thế giới hôm nay Lòng Thương Xót khôn dò của Chúa”. Sự loan truyền không chỉ bằng lời nói nhưng bằng chính đời sống biết xót thương.

Thánh lễ kết thúc, tiếng Cha đặc trách lại vang lên mời gọi mọi người dự “Bữa ăn Huynh đệ” đã được chuẩn bị ở 3 khu vực khác nhau, dù hơn 4000 người, nhưng ai nấy mỗi người đều ai nấy đều có phần trong trật tự vui vẻ. Không phải sơn hào hải vị, chỉ là bữa cơm đạm bạc sao mà vui vẻ và ngon miệng đến thế! Phải chăng vì mỗi người đều cảm nhận được sự quan tâm yêu thương từ người khác, đặc biệt là từ Lòng Chúa Thương Xót tựa như cơn mưa hồng ân Chúa tuôn rơi bất ngờ. Hồng ân Chúa luôn tuôn xuống trên con cái Người, không có gì nằm ngoài ý định của Thiên Chúa.

Đến 12 giờ, một cơn mưa lớn trút xuống, như dòng nước từ trái tim Thương xót đã thực sự đổ xuống làm mát dịu sự oi bức của thiên nhiên, đất trời như đã kết nối. Cơn mưa đã làm dịu không những khí trời mà lòng con người bỗng trở nên như được tắm mát bởi hồng ân Chúa để nên gần gũi, thân thương cách lạ thường.

Bài hát múa “Trong trái tim Chúa” tiếp theo phần 2 Diễn nguyện do Dòng Thánh Phao lô trình diễn như một lời cám ơn về những ân ban suốt buổi sáng hôm nay. Nơi trái tim Chúa con trú ẩn, con tìm được niềm vui và sự thư thái, con tắm mát trong dòng suối của tình thương Chúa. Ôi! Một tình yêu mà sự trao ban là tất cả. Phần diễn nguyện của Dòng MTG Cái Nhum với vở nhạc kịch “Người phụ nữ ngoại tình” tái diễn lại Lòng thương xót Chúa và câu hỏi gây đớn đau lòng người, hãy nhìn mình trước khi xét người, một lần nữa làm sâu lắng không gian của ngày hôm nay. Các tiết mục chiều hôm nay hết sức đặc sắc vì có sự đóng góp của các bạn trẻ đến từ trường Sao Việt Quận 7, Họ đạo Đức Mỹ, Bãi Xan, Mai Phốp, Mỹ Chánh, làm nổi bật lên sức trẻ hôm nay không chỉ có tài năng mà là một nguồn sống mới, các bạn chính là tương lai của Giáo Hội, là thành phần mà Tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa tiếp tục được nối mãi.

Với cách thức đầy mới mẽ và sáng tạo, Cha Matthêu Thuỵ đã giúp cho mọi người hiểu và tiếp thu giáo lý về Lòng Chúa Thương Xót một cách dễ dàng, đầy hứng thú. Những câu hỏi đơn giản nhưng xoáy sâu vào chủ đề chính yếu về Tình yêu và Lòng thương Xót Chúa. Sau những giây phút hào hứng sôi động, cộng đoàn cùng lắng đọng tâm hồn để đi vào giờ chầu Thánh Thể do Cha Giuse Lục, Hạt trưởng hạt Vĩnh Long chủ sự; có lần chuỗi Thương Xót, dâng lời cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội, cho gia đình, cho bản thân, cho những người thân yêu. Khoảnh khắc linh thiêng nối kết mọi người trong cùng một tràng chuỗi, một lời kinh, một ý hướng cùng những ý nguyện tốt đẹp dâng lên Chúa để tôn vinh và van xin lòng Chúa Thương Xót. Song hành với đôi tay giơ lên, giang tay… là những tâm hồn được nâng cao thể hiện rõ qua từng gương mặt vất vả với cuộc sống của những người cha, người mẹ, người con… Từ trên cao, ánh mắt yêu thương của Chúa rọi xuống một cách đầy yêu thương như mỉm cười và hài lòng đón nhận.

Thật lạ lùng bởi Lòng Thương Xót Chúa, Họ đạo Long Mỹ hết sức nhỏ bé với khoảng 300 giáo dân, thế mà tại địa điểm này diễn ra ngày Đại lễ lần 3, lại đón tiếp trên dưới 4000 người đến với Lòng Thương Xót Chúa, như đến với nguồn suối bất tận của Tình yêu – Thương xót. Bảy phương thế mà Chúa Giêsu đã ban cho chị Faustina để đón nhận Lòng Chúa Thương Xót hôm nay xuất hiện tại đây một cách hết sức cụ thể. Bài giáo lý “Hiểu và Sống” Lòng Chúa Thương xót được quý Cha tóm gọn trong 3 điều cụ thể dễ nhớ là A-B-C: Ăn năn tội - Biết thương xót - Cậy trông tín thác.

Khoảng 3 giờ chiều, mọi người hớn hở ra về với niềm vui vì những ân ban mà mình đã lãnh nhận từ khi mới đến dây cho tới lúc này. Với một niềm tin mình đã được thương xót, tha thứ và được đón nhận như một người con. Tuy ra về nhưng lòng vẫn như muốn ở lại, muốn níu kéo lại giây phút mà tất cả mọi người được hiệp thông nơi lòng nhân từ Chúa, cùng nhìn về Một Thiên Chúa Toàn năng, cùng kêu xin một lòng thương xót. Con tin chắc rằng, với ân ban và Lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, nơi đây sớm trở thành trung tâm hành hương của Lòng Thương Xót Chúa để mọi người có nơi thể hiện lòng tôn thờ và tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương mà Cha phụ trách ước muốn và cầu xin.

Phép lành Thánh Thể kết thúc Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót để lại trong tâm hồn con một tâm tình mới, một tâm tình khao khát được biến hóa thành Lòng Chúa Thương Xót, tin tưởng vào Lòng Chúa Thương Xót con sẽ hăng say rao truyền Lòng Chúa Thương Xót cho mọi người bằng chính đời sống hằng ngày mở lòng để đến với người khác. Con được thêm sự mạnh mẽ khi tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Con tin chắc “Đến với Lòng Thương Xót Chúa, đón nhận nguồn suối tình thương, đến với Lòng Thương Xót Chúa, không chút tơ vương tội lỗi, tin tường vào Lòng Thương Xót Chúa, Máu Ngài rửa hết muôn tội đời, Phó thác vào Lòng Thương Xót Chúa con được Ngài dìu bước lên trời”. MythoSP 10.04.2013
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phong Trào Cần Vương
Trần Vinh
15:41 10/04/2013
 
Thông Báo
Cáo phó: Đan sĩ LM Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo đã tạ thế
Đan sỹ LM Đaminh Saviô Nguyễn Tuấn Hào
08:19 10/04/2013
ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN
Phú Sơn-Nho Quan-Ninh Bình-VIỆT NAM
Email: chauson@hotmail.com
Tel: (84) 0303 866416


CÁO PHÓ
"Đối với tôi, sống là Đức Kitô..." (Pl 1,21)
Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Tử Nạn và Phục Sinh
ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN NHO QUAN Trân trọng kính báo

Đan sỹ linh mục Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo
Nguyên Bề Trên Đan Viện Xitô Châu Sơn Nho Quan
Sinh ngày: 18-07-1918, tại Giáo xứ Thừa Lưu - Tổng Giáo Phận Huế.
Đã hoàn tất cuộc đời Thánh Hiến Đan Tu Xitô
và an nghỉ trong Chúa lúc 12g30' ngày 10 tháng 04 năm 2013
tại Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Ninh Bình.
Hưởng thọ: 96 tuổi
Khấn Dòng: 73 Năm
Linh mục: 68 Năm

Nghi thức tẩm liệm: 5g00' thứ Năm ngày 11 tháng 04 năm 2013, tại Đan Viện Xitô Châu Sơn
Lễ viếng: từ 07g00 đến 20g00, ngày 11 và ngày 12
từ 07g00' đến 8g00' ngày 13 tháng 04 năm 2013

Thánh lễ An Táng: 09g00, thứ Bảy ngày 13 tháng 04 năm 2013
tại Thánh Đường Đan Viện Châu Sơn Do Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm chủ sự,
sau đó được an táng trong Khuôn Viên Nội Vi Đan Viện.

Tiểu Sử Cha Cố Bề Trên M. Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo

Sinh ngày: 18-07-1918, tại Giáo xứ Thừa Lưu - Tổng Giáo Phận Huế.
1932: Gia nhập Đan Viện Phước Sơn, Quảng Trị Huế
08.09.1936: Thành viên đi thành lập Đan Viện Xitô Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình
21.03.1938: Vào Nhà Tập
21.03.1940: Khấn Sơ Khởi
21.03.1945: Khấn Trọng Thể
05.11.1945: Thụ phong Linh mục tại Đan Viện Châu Sơn
do Đức Cha M. Tadeo Anselmo Lê Hữu Từ.
09.1952: Vì hoàn cảnh Xã Hội, đưa một số lớn Tu sỹ, Đệ Tử của Cộng đoàn di cư vào Miền Nam thành lập Cộng Đoàn Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương
04.06.1971-1993: Bề Trên, (trưởng phái đoàn đi thành lập) Đan Viện Châu Thủy
06.1971: Thành Lập Giáo Họ Châu Thủy
19.03.1977: Linh mục Quản Xứ Châu Thủy, giáo Phận Phan Thiết.
07.11.1995: Mừng kỷ niệm 50 năm Linh mục tại Đan Viện Châu Thủy
10.06.1998: Bề Trên Đan Viện Châu Sơn Nho Quan.
18.07.2008: Mừng Đại Thọ 90 tuổi tại Đan Viện Châu Sơn Nho Quan
Từ năm 2011: Nghỉ hưu tại Đan Viện Xitô Châu Sơn Nho Quan.
Hoàn tất cuộc đời Thánh Hiến Đan Tu Xitô. Được Chúa gọi về Nhà Cha lúc 12g30, thứ Tư, ngày 10 tháng 04 năm 2013,
tại Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Ninh Bình (Nhằm ngày 01 tháng 03 Năm Quí Tỵ).
RIP

Chúng con kính xin quí Đức Tổng, Quí Đức Cha, Quí Viện Phụ, Quí Bề Trên, Quí Cha, Quí Tu Sỹ
và Quí Vị hiệp thông cầu nguyện cho Cha Cố Bề Trên M. Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Chúng con chân thành cảm tạ.
T/M Đan Viện
Đan viện trưởng
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Chuyện Tình Cờ
Trà Lũ
06:06 10/04/2013
Lá thư Canada: CHUYỆN TÌNH CỜ

Ngày 12 tháng Ba, trong lúc phe các nhà quân tử chúng tôi mải mê bàn chuyện quốc sự và phe các người đẹp tíu tít nấu bếp thì anh John la lớn tiếng: Bà con ơi, đã có khói trắng trên nóc nhà nguyện Sistine ở Roma nè, đã có tân giáo hoàng ! Thế là cả làng bỏ hết mọi việc rồi dán mắt vào máy truyền hình. Giáo triều Roma đã làm cả thế giới đứng tim vì phải hơn một giờ đồng hồ sau khi có khói trắng thì vị tân giáo hoàng mới xuất hiện. Ai vầy nè? Nghe xướng danh thì mới biết đó là Hồng Y Jorge Bergoglio của nước Á Căn Đình. Thế là mọi điều tiên đoán đều sai hết. Các cụ còn nhớ tháng trước người Canada chúng tôi đoán rằng Hồng Y Marc Ouellet ở Quebec sẽ làm giáo hoàng không? Nay thì niềm hy vọng này đã tan biến. Thật đúng y như câu nói vẫn có ở Roma là vị hồng y nào bước vào phònh họp mà có dáng dấp giáo hoàng thì thế nào lúc bước ra sẽ vẫn là hồng y. Đức tân Giáo Hoàng không hề có trong danh sách tiên đoán. Trước ngày bầu, người ta đoán giáo hoàng sẽ là Hồng Y Scola của xứ Ý ở Âu Châu, hay Hồng Y Turkson xứa Ghana ở Phi Châu, hay Hồng Y Ouellet ở Bắc Mỹ, bây giờ các tiên đoán đều sai hết.

Chỉ mấy phút sau khi công bố tin mừng thì thân thế sự nghiệp của tân giáo hoàng được loan báo ngay. Tôi thích hệ thống tin học này quá. Nháy mắt là có liền. Theo nguồn tin của Roma thì vị tân giáo hoàng xưa nay nổi tiếng là sống đơn giản, khiêm nhường và yêu thương người nghèo. Khi làm Tổng Giám mục ờ Buenos Aires, ngài đã không sống trong biệt thự lộng lẫy dành cho chức vụ mà sống trong một căn hộ tầm thường với một ông cha già, đã di chuyển bằng xe bus, đã tự nấu ăn lấy. Xưa nay, trong 1.200 năm dài, các giáo hoàng đều gốc Âu Châu, nay Ngài là giáo hoàng đầu tiên gốc Mỹ Châu. Ngài nhận danh hiệu Francis, tiếng VN đọc là Phan Xi Cô, là tên một vị thánh sống phục vụ người nghèo ở Ý vào cuối thế kỷ 12, danh hiệu này xưa nay chưa hề có trong các triều đại giáo hoàng. Nhiều người tự hỏi phải chăng một mùa xuân mới đang tới ?

Toàn bộ dân làng đã ngồi trước máy truyền hình, mắt thì chăm chú xem các diễn tiến lịch sử đang xảy ra tại đền thờ St Peter ở Roma, và tai thì nghe lời diễn nghĩa của anh John. Mãi rồi dân làng mới nhớ tới bữa ăn tối, mới ngồi vào bàn ăn. Và mãi rồi chuyện tân giáo hoàng mới tạm chấm dứt. Và mãi rồi đề tài Ngày Lễ Mẹ vào tháng Năm mới được đem ra bàn.

Theo lệ làng thì phe liền ông chúng tôi sẽ phụ trách việc nấu ăn ngày Lễ Mẹ. Phe liền ông nấu ăn đãi phe liền bà. Trưởng ban tổ chức là ông ODP. Ông này tài ba và mưu trí y như ông Từ Hoè vậy. Chưa biết ông sẽ cho nấu những món gì. Phe các bà có vẻ nôn nóng lắm về thực đơn bữa ăn này. Chị Ba Biên Hòa giao hẹn trước là họ không thích ăn món thịt ngựa.

A, đây là lời yêu cầu vừa mang tính chất thời sự vừa gay cấn đây. Các cụ còn nhớ tháng trước bên Anh quốc đã ầm lên việc siêu thị bán thịt bò trộn thịt ngựa không? Từ việc ầm ĩ này, báo chí mới đi tìm hiểu và đã phanh phui ra nhiều điều kinh ngạc lắm, các cụ biết chứ? Ngay tại Toronto nay có chỗ công khai bán thịt ngựa, thế mà tôi không biết. Đó là nhà hàng La Palette ở đường Queen. Nhà hàng mang tên Tây, nhưng do chủ nhân là người nói tiếng Anh. Ông đầu bếp tên Brook Kavanagh cho biết ông vẫn nấu món thị ngựa với cà rốt và táo, thiên hạ ai cũng khen. Thịt ngựa ngon như thịt bò mà. Phóng viên báo Toronto Star bèn làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ngay trên đường, và ghi chép như sau: Anh Brian James, 23 tuổi: Tôi vẫn nhậu thị bò, thịt heo, thịt gà. Nếu ai mời món thịt ngựa, tôi sẽ ăn liền. Cô Kristen Corbet, 31 tuổi và ông Stephanie Nadler 50 tuổi, cả hai cũng trả lời y chang: Tôi ăn tuốt. Chỉ có anh Logan Thayalan, 30 tuổi là không ăn: Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên ăn thịt ngựa vì nó là con vật thân yêu, ai lại nỡ giết nó mà ăn thịt. Nhật báo Metro ngày 4 tháng Ba đã làm một cuộc phỏng vấn mở rộng. Báo này hỏi: Xin cho biết thịt con nào ngon nhất ? Kết quả: gà 132 điểm, bò 128 điểm, cá 125 điểm, heo 122 điểm, thỏ 92 điểm, kangaroo 72 điểm, ngựa 67 điểm, chó 0 điểm. Qua bảng cho điểm này thì ta thấy dân Canada ăn bất cứ thịt con nào, kể cả ngựa, trừ thịt chó mà thôi.

Nghe đến đây thì anh H.O. giơ tay phát biểu: Bảng xếp hạng trên đây không đúng. Bảng này cho thịt chó 0 điểm, tức là ở Canada không có ai ăn thịt chó cả. Điều này sai. Chúng tôi là dân Canada gốc Việt vẫn thích ăn thịt chó nè. Bạn tôi năm ngoái về thăm VN, khi sang đã mang lậu vào Canada một đùi thịt chó đông lạnh. Ông giấu cái đùi thịt chó này trong vali quần áo. Chời ơi, đùi thịt chó đông lạnh, khi về tới nhà thì nó hết đông lạnh, chúng tôi làm mấy món rồi nhậu ngay. Chời ơi, thịt chó VN luộc ăn với mắm tôm chanh ớt và riềng với lá mơ, ngon cách gì! Chời ơi, món nhựa mận thịt chó nấu với mắm tôm và riềng mẻ, nhậu với bún, ngon quên chết!

Xin tạm ngưng món thịt chó để trở về món thịt ngựa Canada. Theo thống kê thì nơi giết ngựa nhiều nhất để lấy thịt là tỉnh bang Alberta. Báo in hàng chữ lớn: Thịt ngựa số một ! Big Business in Alberta ! Năm 2007, vì chậm tiến, Hoa Kỳ đóng cửa các cơ sở sản xuất thịt ngựa. Canada thì vẫn tiếp tục và trở thành cơ sở sản xuất thịt ngựa lớn nhất Bắc Mỹ. Mỗi năm Canada nhập cảng 100.000 con ngựa từ Hoa Kỳ.Thịt ngựa Canada được xuất cảng sang Pháp, Nga, Tàu và Ý. Không nghe nói sang Hoa Kỳ. Cụ nào thèm thịt ngựa thì xin kính mời tới Canada nha. Nó được đánh giá là vừa ngon vừa bổ như thịt bò. Nên ăn các cụ ạ. Có tờ báo ở đây còn cho biết: Ở Canada khi hạ thịt, người ta chỉ lấy thịt, tim, lá lách, và miếng mỡ ở cổ ngựa. Mỡ này dùng làm mỹ phẩm cho các bà các cô. Họ dám vất cái ngầu pín đi, thật phí của trời và đáng tiếc hết sức. Một con ngựa nặng 500 kí lô, khi làm xong, phần xử dụng chỉ còn 350 kí.

Ông ODP nghe chị Ba Biên Hòa lo sợ về việc phe liền ông chúng tôi sẽ đãi món thịt ngựa, thì ông cười ha ha. Ông trấn an ngay: Ngày lễ của các bà thì phe liền ông chúng tôi phải làm cho các bà vui, không bao giờ dám làm cho các bà sợ. Xin các bà an tâm.

Và để chuẩn bị ngày lễ lớn đó thì ngay từ bây giờ, phe các nhà quân tử chúng tôi xin bắt đầu chương trình học tập về những cách để làm đẹp lòng các bà. Cách đầu tiên là phải biết sợ vợ. Tôi xin kể một câu chuyện của nhà văn Mây Cao Nguyên đăng trên báo Con Ong Texas số tết vừa qua. Bài báo rất dài, tôi chỉ xin trích một đoạn về gốc tích Sự Sợ Vợ, như thế này:

. .. Có một đôi vợ chồng được giải nhất trong cuộc thi’ Gia đình hòa thuận sau 60 năm chung sống’. Một phóng viên tờ báo đã phỏng vấn về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. Người chồng cho biết như sau: Đó là kinh nghiệm khi hai chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật. Nàng cỡi một con ngựa đi dạo. Khi con ngựa của nàng vấp ngã, nàng nhẹ nhàng nói: Một lần. Đi một đoạn đường nữa, con ngựa của nàng lại vấp ngã, lần này nàng vẫn nhẹ nhàng nói: Hai Lần. Khi con ngựa của nàng vấp ngã lần thứ ba, nàng im lặng rút súng ra và bắn chết con ngựa. Tôi thấy như vậy là tán ác quá liền lên tiếng phản đối thì nàng nhìn vào mắt tôi rồi nói: Một lần ! Từ đó chúng tôi luôn luôn sống hòa thuận suốt 60 năm qua…

Phe các bà nghe xong thì ai cũng ồ lên một tiếng lớn: Làm gì có chuyện đó!

Ông ODP thấy phe các bà chú ý theo rõi câu chuyện thì thích lắm. Ông nói tiếp: Lời khuyên các ông chồng rút ra từ câu chuyện này là;

Muốn cho yên cửa yên nhà

Vợ gọi chồng dạ, bẩm bà con đây

Nói đến đây xong thì ông ODP cười hắc hắc rồi nói lớn: Nào các ông trong làng, hãy giơ tay lên và cùng tôi hô lớn: Xin thề sợ vợ! Và các nhà quân tử đều hô: Xin thề. Hô xong thì cả làng bò ra cười. Vui qúa là vui.

Rồi cụ bà B.95 lên tiếng: Phe đàn bà chúng tôi xưa nay vẫn được coi là hiền lành và dốt nát, làm gì có bà vợ nào dữ tợn như cái bà bắn ngựa trong chuyện ông vừa kể đâu.

Anh John bèn lắc đầu rồi giơ tay xin ngắt lời Cụ B.95 ngay: Cháu không đồng ý về việc cụ bảo các bà vợ dốt nát. Không đâu. Cháu biết một câu chuyện dân gian chứng minh các bà VN thông minh vô cùng. Rằng có một bà già kia sống cu ky một mình và nhờ có vốn làm ăn ngày xưa nên bây giờ bà cụ sống ung dung và rủng rỉnh. Bọn cán bộ địa phương muốn làm tiền nên một hôm chúng bày cớ vào khám nhà. Chúng lục ra được một thùng nấu rượu ngày xưa nằm trong xó bếp. Chúng buộc tội bà dám nấu rượu lậu và lập biên bản buộc tội bà cụ phá kế hoạch rượu quốc doanh. Bà già nhất định không chịu.Thấy chúng mỗi lúc một hung hăng nên cuối cùng bà già nói: Tôi sẽ ký vào biên bản này nếu các anh lập thêm một biên bản nữa. Chúng hỏi biên bản về cái gì, bà già đáp tỉnh bơ: Biên bản ghi rằng các cán bộ đột nhập nhà tôi và định hiếp dâm tôi. Bọn chúng liền giẫy lên: Đâu, chúng tôi hiếp dâm bà hồi nào đâu ? Bà già liền nhìn mặt chúng rồi nói: Các anh buộc tội tôi nấu rượu lậu vì có dụng cụ nấu rượu, thế còn các anh, anh nào cũng có đầy đủ dụng cụ để hiếp dâm mà vào nhà tôi thì sao đây? Các anh chưa hiếp chứ không phải là không hiếp. Các quan cán bộ biết bà già thuộc thứ dữ không bắt nạt được bèn làm phép chuồn.

Phe liền ông chúng tôi thì vỗ tay râm ran vì cho là câu chuyện nghe rất có lý đã nói lên được sự thông minh của bà cụ, còn phe các bà thì cũng khen câu chuyện hay nhưng không thích bàn về chuyện hiếp dâm. Các bà xin nói sang chuyện khác. Chị Ba Biên Hòa xin trở về câu chuyện bầu giáo hoàng ở Roma vì còn đang nóng hổi. Ai cũng đồng ý. Cả làng lại miên man bàn luận. Nhân việc được xem nhiều diễn tiến ngoạn mục trên đài, người đẹp Cao Xuân bàn sang chuyện những phát minh kỳ diệu của ngành truyền thông hiện nay, từ điện thoại đến truyền thanh truyền hình. Cô nói: một biến cố cách xa nửa vòng trái đất mà chì ít giây sau thì cả thế giới đều biết, đều nghe, đều thấy. Qủa là phép lạ. Ai cũng gật gù với lời cô Huế.

Ông bồ chữ ODP là người phát biểu sau cùng. Ông xin đúc kết. Ông ca ngợi nhận xét của cô Cao Xuân rất chí lý. Quả thực ngành truyền thông đã đi những bước nhảy vọt, như những phép lạ. Nhưng không phải nó luôn luôn phục vụ tích cực. Nhiều khi nó có những phản ứng tiêu cực mà ta phải đề phòng. Tôi xin lấy một việc rất nhỏ mọn và cụ thể để chứng minh, như cái máy điện thoại chẳng hạn. Tôi biết có nhiều việc chết người do cái máy điện thoại gây ra.

Nghe đến đây thì ai cũng giật mình. Làm sao mà máy điện thoại có thể giết người được? Ông để cho dân làng ồn ào một lúc rồi ông mới cười hà hà:

Chứng cớ nhiều lắm. Điển hình số một là cái chết ngày 2.5.2011 của ông trùm Osama Bin Laden của nhóm khủng bố al-Qaeda. Sau biến cố 11-9-2001, Bin Laden trốn biệt tăm, Mỹ tài giỏi như vậy mà không hề tìm ra được chỗ anh ta ẩn náu. Mãi 10 năm sau, vì Bin Laden muốn ra một tuyên cáo gửi thế giới, anh ta liên lạc với một đàn em thân tín. Anh đã sơ ý dùng điện thoại, màng lưới tình báo Mỹ đã bắt được làn sóng này từ vệ tinh, và đã tìm ra nơi ẩn náu của Bin Laden. Bin Laden đã bị hạ sát.

Chuyện số 2 là chuyện cái chết ngày 20.10.2011 của Tổng Thống Muammar Gaddafi xứ Lybia. Khi thành phố Sirte căn cứ cuối cùng sắp bị thất thủ thì Gaddafi và đoàn cận vệ lên đường tháo chạy. Trên đường trốn chạy này, Gaddafi cho ghi âm lời tuyên bố của mình qua điện thoại vệ tinh để sau đó sẽ phát qua kênh truyền thông. Hệ thống tình báo của liên quân bắt được làn sóng điện thoại, đã phân tích và tìm ra nơi trú ẩn của ngài Gaddafi. Găddafi đã bị hạ sát.

Chuyện số ba là chuyện ông lãnh tụ Dzhokhar Dudayev của nước Chechnya trong thời gian chống Nga. Nga dùng tiền mua chuộc được một thân cận của Dudayev. Tên này cho biết Dudayev có thói quen chỉ huy dân quân bằng điện thoại vệ tinh. Cơ quan tình báo Nga liền giăng một màn lưới viễn thông định vị dày đặc, và cuối cùng đã bắt được tín hiệu, họ đã tổng hợp và phân tích, và cuối cùng là Dudayev bị lọt lưới.Vị kế nhiệm của Dudaev là Aslan Maskhadov cũng phạm một lầm lỗi tương tự, cũng chỉ huy bằng điện thoại vệ tinh nên cũng đã bị Nga bắt sống.

Thấy cả làng ai cũng chăm chú nghe, ông ODP bèn diễn nghĩa: Đó, bà con thấy chưa. Giá mà các ‘ vĩ nhân’ trên đây đừng động tới cái điện thoại, cần gì thì sai vợ con hay tay chân thân tín đi truyền lệnh bằng miệng, thì đâu có gặp thần chết.

Dân làng vỗ tay khen mấy chuyện hay qúa.

Mà chưa hết chuyện điện thoại đâu, ông ODP kể tiếp. Trên đây là chuyện điện thoại bên Tây, tôi còn có chuyện điện thoại bên ta, ly kỳ hơn nhiều. Đó là chuyện thày tử vi và tướng số nổi tiếng Huỳnh Liên ở Saigon. Trước 1975 thày Huỳnh Liên là một trong những thày coi tướng số rất đông thân chủ và rất giầu có. Cơ sở chính của thày ở đường Phan Thanh Giản Saigon. Thầy có tậu thêm một khu nhà vườn ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, để lâu lâu thày về đây tĩnh dưỡng với bà nhỏ. Sau 1975 thày cũng như nhiều thày khác tuyên bố bỏ nghè tướng số vì theo chinh thể mới thì tướng số bị xếp vào hạng mê tín. Thày về Lái Thiêu sống với bà bé. Được ít lâu sau, nghề xem tướng số được sống lai, vì người dân càng khổ thì càng tin vào tướng số. Ngay cả các quan cán bộ cũng mê coi tướng số. Một buổi sáng kia cái điện thoại trên lầu chẳng may bị hư, thày bèn sai bà vợ nhỏ về Saigon tìm mấy người cháu biết về điện lên sửa. Thày nghĩ phải nhờ con cháu sửa thì mới tin cậy được. Buổi chiều thì hai người cháu lên tới nơi và bắt tay làm việc ngay. Hai cháu cho biết bà vợ nhỏ của thày có việc nên sẽ về ngày hôm sau. Thày ra lệnh chị người làm bắt gà làm cơm đãi khách. Chị lui hui dưới bếp bỗng nghe có tiếng động khác thường trên gác bèn chạy lên coi. Lên tới nơi thì trời ơi, chị thấy một anh cháu đang dùng dây điện xiết cổ thày. Thày như đã tắt thở. Chị người làm bèn chạy xuống đường hô hoán. Cùng lúc đó có mấy xe dân quân từ chiến trường bên Cao Mên về tới nhà. Mấy anh dân quân bắn súng chỉ thiên báo tin chiến thắng cho bà con hay. Hai anh thợ trên lầu nghe tiếng súng nổ thì nghĩ rằng công an đang kéo tới vây bắt mình nên vội vàng bỏ chạy. Khi công an vào tới nhà thì thày Huỳnh Liên đã chết. Két sắt nơi thày cất dấu vàng bạc vẫn còn y nguyên. Đồ đạc trong nhà vẫn còn y nguyên. Chỉ có 2 anh thợ điện là biến mất. Công an cũng không phải mất công tìm kiếm hai kẻ sát nhân này vì áo ngoài của hai anh cởi ra lúc làm việc vẫn còn treo gần đó với đầy đủ căn cước và giấy tờ.

Việc này được tường thuật đầy đủ trên báo địa phương, tờ Sông Bé, số đầu tháng 10 năm 1992.

Được biết khi còn sống, thày không tin bà vợ bé bao nhiêu nên tay hòm chìa khóa thày luôn giữ bên mình. Và do vậy ai cũng thắc mắc là không biết bà vợ bé của thày có liên hệ gì tới việc giết nguời và định cướp của này không.

Rồi ông ODP kết luận: Một câu hỏi vẫn hiện ra trong đầu tôi là chả lẽ thày tướng mà không biết trước được cái số mình sẽ bị giết chết mà đề phòng sao? Và, giá mà cái điện thoại đừng có hỏng thì đâu có xảy ra vụ án. Nó không trực tiếp liên hệ tới cái chết của Thày Huỳnh Liên nhưng nó là nguyên nhân. Các bạn có đồng ý với tôi không?

Nghe ông ODP hỏi, bà cụ B.95 lên tiếng, bà không trả lời nhưng bà phát biểu: Các bạn ơi, nay trời đang vào xuân, giáo hội Công Giáo cũng đang vào xuân với tân giáo hoàng, xin các bạn ngưng chuyện chết chóc. Xin nói sang chuyện gì tươi mát mùa xuân đi. Anh John đâu, xin anh một tiếng cười nào.

Anh John đáp ngay: Cháu có chuyện ngày xưa học chữ Hán. Những bài học đầu rất vui vì ông thày bảo rằng thuở xưa chữ viết của Tàu là những chữ tượng hình, viết chữ mà như vẽ hình. Như chữ khẩu là miệng thì họ vẽ cái miệng, chữ nhật là mặt trời thì họ vẽ mặt trời, chữ nguyệt là mặt trăng thì họ vẽ mặt trăng. Học như thế này thì vui và dễ nhớ qúa. Bữa đó ông thày hỏi lại cháu là tiếng Anh có loại chữ tượng hình như vậy không, cháu nghĩ mãi mới chỉ tìm ra được hai chữ tượng hình trong tiếng Anh. Nghe đến đây thì cả làng ngạc nhiên hết sức, xưa nay chưa hề thấy sách vở nào nói về việc này. Để cho cả làng ngạc nhiên một chập rồi anh mới nói: Đây là phát hiện của riêng tôi. Hai chữ Anh-văn viết theo lối tượng hình là hai chữ này:

- eye là mắt. Đây rõ ràng là 2 con mắt có sống mũi ở giữa.

- Boob là vú. Rõ ràng cả 3 chữ đều vẽ bộ ngực đàn bà nhìn từ 3 hướng khác nhau: Chữ thứ nhất là B, hình 2 vú nhìn từ trên xuống. Rồi hai chữ tiếp theo là oo, đây là 2 vú nhìn thẳng trước mặt. Còn chữ thứ 3 la b. Đây là hai vú nhìn tử bên cạnh.

Lần đầu tiên nghe và thấy sự lạ thì cả làng thích quá, ai cũng vỗ tay khen cái anh chàng rể này thông thái qúa chừng. Và mọi người đòi nghe nữa. Anh John liền lắc đầu bảo anh hết chữ và hết chuyện rồi.

Làng bèn xin ông ODP chuyện thời sự. Ông bồ chữ ODP kể ngay: Ttn thời sự nóng hổi là tin bầu cử giáo hoàng ở Roma thì ai cũng biết rồi vì vừa xem trực tiếp truyền hình. Rồi tin cái anh Bắc Hàn điên khùng định chơi trò nguyên tử dọa thế giới thì ai cũng biết, chuyện này cũ rồi. Còn chuyện VN với cái màn CSVN xin dân góp ý sửa hiến pháp thì không có gì mới, vì ai cũng biết họ đang đóng kịch dân chủ để đánh lừa thế giới. Sức mấy mà họ dám sửa điều 4 hiến pháp, tổ sư của họ là ngài Nguyễn Minh Triết mấy năm trước đã nói rằng bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát. Bản chất của CS là dối trá và đánh lừa mà. Thôi, tôi bỏ qua mấy cái tin đã cũ rồi nha. Bây giờ tôi xin trình bà con một tin thời sự tôn giáo, còn nóng hổi, liên hệ tới vinh quang của người VN hải ngoại. Đó là tin Ông Trần Thái Hoàng ở San Jose vừa được bầu làm chủ tịch văn phòng trung ương của Phong trào Cursillo toàn quốc Hoa Kỳ. Các cụ có nghe tới tên Cursillo bao giờ chưa ? Thưa đây là một phong trào học đạo và sống đạo của Công Giáo, chủ tâm canh tân bản thân và xã hội. Chỉ giữ đạo bằng việc đi nhà thờ và đọc kinh thì chưa đủ. Phải chứng minh việc yêu Chúa yêu tha nhân bằng việc làm. Đây là một phong trào giáo dân sống đạo có tầm vóc quốc tế có gốc từ năm 1944 ở Tây Ban Nha. Hiện nay phong trào sống đạo này đã lan ra khắp thế giới. Tại Brazil, phong trào này có 3.5 triệu hội viên. Phong trào tới Mỹ năm 1962. Năm 1963 phong trào tới Canada và Phi Luât Tân. Phi Luật Tân hiện có một triệu hội viên. Từ Phi Luât Tân phong trào Cursillo đã vào VN năm 1965. Hiện ở Mỹ có hơn một triệu hội viên, sinh hoạt trong các giáo phận. Văn phòng điều hành trung ương đặt tại Texas. ÔngTrần Thái Hoàng, gốc thuyền nhân VN hiện ở San Jose, sẽ chỉ huy chương trình đạo đức này toàn thể nước Mỹ. Da trắng da đen da vàng gì cũng do ông chỉ huy hết. Xin chúc mừng ông Trần Thái Hoàng, tuổi trẻ mà tài cao đức trọng.

Tin thời sự cuối cùng là một tin rất nhỏ bé, rất địa phương nhưng tôi muốn đem trình bà con vì nó mang tính chất ‘rất Canada’. Đó là tin ông Nguyễn Đông, 55 tuổi, dân Canada gốc Việt, bị tòa Canada kết án vì dám hành hạ súc vật. Chuyện xảy ra từ mùa hè năm 2011: có 3 con sóc chạy vào phá vườn rau của ông. Ông dùng cái xẻng làm vườn đuổi đánh. Người hàng xóm trông thấy liền gọi cảnh sát. Cảnh sát tới ngay, họ lập biên bản và đem ông ra tòa. Ông phải hầu tòa nhiều lần vì hội bảo vệ súc vật lớn tiếng kết án ông tàn ác vì ông đã dám đánh chết một con, đánh gẫy chân một con, con thứ ba chạy thoát. Mãi đầu năm nay tòa mới kết thúc vụ án. Ông Đông phải nộp $1.365 cho cơ quan đã chữa trị cho con sóc bị ông đánh gẫy chân, và ông phải làm việc thiện nguyện 100 giờ cho một cơ quan cộng đồng. Bài học rút ra từ vụ án này là ở Canada bạn chớ có đụng đến con sóc con chồn, dù nó có chạy vào vườn của bạn. Bạn không muốn nó ở trong vườn thì bạn phải gọi điện thoại cho mấy cơ quan bảo vệ súc vật. Họ sẽ rước nó đi chỗ khác !

Kể đến đây xong thì ông ODP xin chấm dứt phần tin thời sự. Thấy dân làng còn muốn nghe thêm nữa nên Chị Ba Biên Hòa lên tiếng: Các chuyện bác kể bao giờ cũng hấp dẫn. Xin bác vui lòng kể tiếp, chuyện gì cũng được. Ông ODP không lắc đầu nhưng ra dáng suy nghĩ tìm chuyện. Chị Ba liền gợi hứng: Kỳ tết vừa qua tôi thấy bác có một thùng lớn báo xuân, vừa báo ở Canada, vừa báo ở Âu Châu vừa báo ở Mỹ. Trong cái núi báo tết này bác thích bài nào nhất ? Mắt ông ODP tự nhiên sáng lên. Ông bảo câu hỏi của chị đã giúp tôi tìm ra câu trả lời. Và ông ODP thao thao ngay. Rằng trong cái rừng báo tết này tôi thích nhất bài viết của nhà văn tiền chiến Ngọc Giao ( 1911- 1997) mà báo Saigon Nhỏ của bà Hoàng Dược Thảo ở California đã trích đăng lại. Nhà văn Ngọc Giao nói về gốc tích của bài thơ nổi tiếng ‘ Hai sắc Hoa Ti Gôn’ của T.T.Kh. Lời này khác hẳn lời nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vũ Ngọc Phan ( 1907- 1987 ) khi giới thiệu bài thơ nhiều huyền thoại này.

Theo Vũ Ngọc Phan: Cửa toà soạn sắp đóng thì một người đàn bà có nét đẹp rất buồn, bận bộ áo dài đen, mang kính đen, vào đặt bản thảo lên bàn thư ký rồi ra đi, lẳng lặng không một lời…

Theo nhà văn Ngọc Giao thì toà soạn nhận bài thơ trên đây là tòa soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội. Năm 1937 ông đang làm việc ở tòa soạn này. Ông Ngọc Giao viết rằng: hôm đó đã đến giờ tan sở, văn phòng chỉ còn lại 2 người là nhà văn Trúc Khê và ông. Trúc khê thì còn mải mê với việc dịch cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ nên chưa về, còn ông đã đứng lên, ra gần tới cửa thì nghe tiếng kèn đám ma ngoài đường. Xưa nay ông vẫn sợ tiếng kèn buồn thảm này nên ông ngồi xuống cái ghế chờ cho đám tang đi qua hẳn rồi mới ra về. Trong lúc chờ cho đám tang đi qua thì ông nhìn quanh chỗ ngồi, ông ghé mắt nhìn giỏ rác ở dưới chân. Ông thấy một tờ giấy vo lại. Ông tò mò cúi xuống lượm lên coi. Đây là trang giấy vở học trò, chữ viết bằng bút chì, chữ đậm chữ nhạt, chép một bài thơ. Càng đọc bài thơ càng hút hồn ông. Cái gì vầy nè ? Bài thơ hay thế này mà tại sao lại bị ném vào giỏ rác. À, ông hiểu rồi. Xưa nay theo lệ thì các bài gửi đăng báo thì phải viết trên giấy hẳn hoi và phải viết bằng bút mực, bài này chép trên giấy học trò và bằng bút chì, nên chắc anh thư ký đã cho là không trúng cách nên không thèm đọc, anh đã vo lại và ném vào giỏ rác vất đi. Nhà văn Ngọc Giao đã đem bài thơ vào cho Trúc Khê đọc và Trúc Khê cũng cho là bài thơ hay hết sức. Ngọc Giao liền gọi ông thợ in lên và dặn rằng phải in ngay bài thơ này.

Vậy bây giờ ta tin Vũ Ngọc Phan hay Ngọc Giao? Lời giới thiệu của Vũ Ngọc Phan là lời chung chung, lời viết dựa theo ý bài thơ. Lời thơ buồn thì ông tưởng tượng ra tác giả mặc áo đen, đeo kính đen… Và không thấy chỗ nào ghi Vũ Ngọc Phan làm việc ở Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Nếu có thì nhà văn Ngọc Giao phải nói tới chứ. Còn lời giới thiệu của Ngọc Giao thì chứng tỏ ông là ngườc trong cuộc, người cầm bài thơ từ giỏ rác lên, người đã trao đổi ý kiến với nhà văn Trúc Khê, người đã tự tay giao cho thợ in.

Văn đàn VN xin cám ơn đám tang. Nếu không vì tiếng kèn ò e buồn thảm khiến Ngọc Giao phải nén ở lại tòa soạn thì làm gì ông lượm được bài thơ xuất sắc này.

Cuộc đời có nhiều chuyện tình cờ, tình cờ mà hóa đại sự, phải không cơ?

TRÀ LŨ
 
Phục Sinh & Hạnh Phúc
Nguyễn Trung Tây, SVD
18:25 10/04/2013
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Phục Sinh & Hạnh Phúc


Cuộc sống nào mà không có vị đắng của thất bại?
Vầng trán nào chưa một lần hằn sâu những nét lo toan?



Thứ Hai đầu tuần, thành phố Jerusalem ồn ào với những tấp nập rộn ràng và bận rộn ngược xuôi của một ngày mới tinh khôi. Sát ngay đồi Golgotha, khu nghĩa trang trống vắng bóng người nhưng lại vướng ngập mùi tử khí, những hạt sương đêm long lanh tia nắng sớm tiếp tục bốc cao che mờ hình dạng của những chú kên kên đang rũ đầu trên cành cây Ôliu dõi nhìn Maria Madalena khóc than vật vã bên ngôi mộ đá. Tiếng khóc và nước mắt nhạt nhòe của cô đã che khuất tiếng chân và hình dạng của một bóng người đang chầm chậm bước tới. Chưa hết, sau khi đã chuyện qua chuyện lại với người đàn ông ngay trước cửa mộ đá một hồi, Maria vẫn không hề nhận ra người mà cô đang nói chuyện chính là người cô đang tìm kiếm cho đến khi Người gọi tên cô,

— Maria!…

Và cô đáp trả lời mời gọi,

— Rabouni



Suy Niệm

Một trong những lý do để giải thích lý do tại sao Maria không nhận ra Đức Giêsu bên ngôi mộ đá là bởi vì cô đang bận rộn than khóc cho một nỗi mất mát trong quá khứ và những lo toan tính toán cho một tương lai không còn bóng dáng của Đức Giêsu. Tối thứ Năm trong tuần, cô nhận được bản tin dữ: “Thầy đã bị bắt!”. Chiều thứ Sáu ngày hôm sau, chính mắt cô đã chứng kiến giây phút Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Sáng sớm của ngày thứ Hai trong tuần, cũng lại chính cô là người đầu tiên đã khám phá ra tảng đá che lấp cửa mộ của Đức Giêsu bị đẩy sang một bên, xác Ngài biến mất...

Bạn,

Tương tự như Maria Mađalêna, đã bao nhiêu lần chúng ta cũng không nhận ra dung nhan của hạnh phúc trong khi đang diện đối diện với hạnh phúc, bởi vì chúng ta cũng đang bận rộn với những thất bại trong quá khứ và những lo toan tính toán cho một tương lai.

Cuộc sống nào mà không có vị đắng của thất bại? Vầng trán nào chưa một lần hằn sâu những nét lo toan? Nhưng cho dù cuộc đời vẫn đắng, trán vẫn hằn sâu, hạnh phúc vẫn như bầu không khí luôn luôn hiện diện dư thừa cho mọi người. Nhưng, thông thường, cả hai, không khí và hạnh phúc đều chia sẻ chung một số phận. Có đó, nhưng ít ai dõi nhìn. Hiện diện ngay bên, nhưng ưa bị lãng quên. Mất đi rồi, bắt đầu nuối tiếc.

Hạnh phúc không phải là bóng trăng chìm sâu dưới mặt nước hoặc bóng người đổ dài bên vệ đường, bởi đụng vào bóng trăng, trăng tan, đuổi bắt bóng mình, bóng chạy. Nhưng hạnh phúc là một thực thể có thể cầm được và đếm được như những tờ giấy bạc.

Hạnh phúc hiện diện trong căn phòng khi gia đình quây quần xum họp quanh mâm cơm, bởi vì trên trái đất này có những gia đình không bao giờ còn có cơ hội chia sẻ với nhau chén cơm manh áo.

Hạnh phúc xuất hiện trên khuôn mặt của những người thân trong gia đình, bố mẹ, vợ, chồng và con cái trong giây phút hiện tại, bởi vì không phải gia đình nào cũng có đầy đủ vợ chồng và con cái; có những gia đình có vợ nhưng không còn chồng, hoặc có vợ và chồng, nhưng thiếu vắng bóng con; mà ngay cả nếu bây giờ còn đầy đủ những người thân, nhưng trong tương lai thì không ai dám chắc!

Hạnh phúc tràn đầy trong hơi thở nhẹ nhàng, thơm tho, bởi vì có những người làn hơi bắt đầu ngắt quãng, vấp váp, hoặc hơi thở bắt đầu vương mùi tanh hôi của tử thần.

Hạnh phúc hiện diện khi nhìn quanh còn những người bạn bè thân thương để chia sẻ những niềm vui, những thành công và ngay cả những thất bại trên đường đời.

Hạnh phúc nằm trên chén cơm trắng tinh, miếng thịt kho vàng, và đậu hũ sốt cà chua đỏ, bởi vì không phải ai ai trên cõi trần gian này cũng sở hữu được nguyên cả một chén cơm.

Như Maria Mađalêna đã từng cất tiếng tâm sự với Đức Giêsu Phục Sinh bên ngôi mộ đá năm xưa, vào những khi bận rộn với những phiền muộn bắt rễ từ trong quá khứ và lo toan tính toán cho một tương lai, mời bạn mở miệng tâm sự với Chúa Phục Sinh,

Lạy Chúa, trong Mùa Phục Sinh thánh, xin mở mắt con để con nhận ra đời sống là một chuỗi dài hồng ân của những giây phút mà Chúa đã trao ban tặng. Vào những lúc con chán nản với những thất bại trong quá khứ và một tương lai mập mờ không định hướng, xin cho con nhận ra dung nhan của hạnh phúc đang hiện diện ngay trong con, và qua những người thân trong gia đình của con.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cát Bỏng
Nguyễn Hùng
21:09 10/04/2013
CÁT BỎNG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Ôi Trời cao, đã nhiều ngày qua,
mưa chẳng chịu rơi xuống tâm hồn tôi cằn cỗi.
(Pleiksor chuyển dịch)
The rain has held back for days and days, my God, in my arid heart.
(R. Tagore)