Ngày 08-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giuđa Bán Chúa
Tuyết Mai
00:40 08/04/2009
"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người. (Mt 26, 14-25).

Trong nhân gian không biết bao nhiêu chuyện chúng ta được nghe và được biết là trò phản thầy, tớ phản chủ, bạn phản bạn, con bán đứng cha mẹ, vì tham tiền của và danh lợi thú trần gian, không phải là chuyện hiếm xẩy ra. Vì lòng tham lam mà con người chúng ta trở thành nham hiểm như thế đấy! Như biết bao nhiêu phim bộ của Hồng Kông chúng ta được coi, thường thì thấy những chuyện đại loại như thế, coi xong làm chúng ta tức giận kinh khủng. Nếu phản thầy, phản bạn, phản gia đình không thôi thì chẳng ai nói làm chi, nhưng đây sự phản bội thường làm chết người vô tội, mới có chuyện để làm thành sử sách và phim ảnh cho chúng ta coi. Chuyện có khúc mắc, có trần ai bi đát, có lấy nhiều nước mắt thì dân thương mại mới dễ dàng lấy tiền của chúng ta được, thưa có phải không anh chị em?

Như cái tên Giuđa phản Chúa Giêsu đã vì tham 30 đồng bạc mà bán đứng Chúa Giêsu, Thầy quý mến của mình. Quả hắn ta đã bị quỷ nhập vào hắn để vì hắn mà công trình của Chúa Giêsu mới được thực thi đúng theo thời hạn. Tôi không hiểu nếu không có nhân vật Giuđa phản Chúa này thì chắc cũng phải có một Giuđa khác, chứ không thì Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ không có và không được ghi chép vào lịch sử của nhân loại!?

Phải công nhận nếu hằng năm chúng ta chịu xem phim Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy nhân vật Giuđa là ghê sợ và đáng ghét thật, nhưng nếu chúng ta trầm lắng tâm hồn và suy tưởng về mình một chút, chỉ cần vài phút đồng hồ mà thôi! Chúng ta sẽ thấy rằng trong cuộc đời từ khi có trí khôn đến nay, có những lúc chúng ta có những sự suy nghĩ, lời nói, hay trong hành động của mình, cũng không khác Giuđa mấy đâu! Tuy không đến nỗi như Giuđa đã thật sự bán Chúa là Thầy của mình, nhưng có phải vì lòng tham lam và ganh ghét, chúng ta cũng hành xử gần giống như Giuđa là nếu chúng ta có cơ hội được ai cho tiền và nhất là một khoản tiền không phải là nhỏ, để làm dùm cho ai đó một việc nham hiểm, chắc hẳn chúng ta lấy cớ vì nhà nghèo và vì thấy tiền thì nẩy lòng tham, nên chúng ta cũng sẽ sẵn sàng mà làm theo để cho được số tiền đó!?? Bằng chứng là thời buổi ngày nay có biết bao nhiêu người đang hành nghề bất xứng và đang sống ngoài vòng của pháp luật, đã ngang nhiên chiêu dụ những thanh niên, thanh nữ ngoan hiền, và còn rất khờ khạo vào con đường của tội lỗi của thác loạn! Đã dụ dỗ những con nhà ngoan ngoãn bước theo con đường hư hỏng, của du đãng, của nghiện ngập xì ke ma túy, của cờ bạc, bán thân, và của tất cả những gì làm mê hoặc và làm chết đi một thân thể Chúa ban cho trước đây rất là bình thường.

Vì tham tiền bạc mà con người chúng ta có thể làm được tất cả những gì mà một đầu óc bình thường không thể nào có thể tưởng tượng cho nổi. Như con cái đi theo băng đảng đã bị dụ vào con đường xì ke ma tuý, đến cơn thèm thuốc đã đem cả băng đảng về nhà cha mẹ mình để thanh toán giết chết cả cha mẹ và anh chị em sau khi tra khảo được tiền và rút êm nhẹ trong đêm tối. Đã vì tham lam mà con cái chuốc thuốc độc cho cha mẹ uống để lấy căn nhà hương hỏa. Đã vì tham mà anh chị em phải tranh dành nhau đến đổ máu để lấy gia tài của cha mẹ chết đi để lại cho các con khi ông bà không kịp để lại di chúc. Có nhiều con cái vì lòng tham đã giết cha mẹ mình lấy của cải vì ông bà sống quá thọ. Và còn còn rất nhiều chuyện tương tự như thế nữa!

Lòng tham của con người thì vô đáy thì bất tận cùng! Không ai có thể dò được lòng người. Chỉ có Thiên Chúa là biết rất rõ lòng dạ của chúng ta mà thôi! Con người chúng ta nếu không có Chúa ngự trong tâm hồn thì hẳn có phải chúng ta sẽ đối xử với nhau không khác gì loài dã thú!?? Hằng ngày chúng ta thường gặp gỡ nhau trong sở làm, trong cùng một nơi, nhưng có phải chúng ta ít có thân thiện với nhau hay nói thật rõ ràng ra là không ưa gì nhau!? Thưa vì sao? Có phải vì chúng ta luôn dòm chừng lẫn nhau, không phải vì thương yêu nhau mà xem chừng và lo lắng cho nhau đâu! Nhưng là dòm chừng để xem người này có đi tâu xấu mình với chủ hay không? Hay xem chừng đồng nghiệp của mình có làm hư đồ của mình để hy vọng rằng mình sẽ bị đuổi hay không? Nhất là trong thời buổi tìm việc làm rất khó khăn này! Ai còn được ở lại ngày nào thì biết được ngày đó! Và ai còn được ở lại thì hà tất phải rất thận trọng trong công việc làm vì người này sẽ có thể hại người kia, để mình là người sẽ còn được ở lại sau cùng. Vâng, ai nói con người chúng ta là thương người hay thương anh chị em như thương yêu chính mình!? Tôi không bảo là không có nhưng thưa tìm được một người như thế thì rất hiếm trong xã hội duy vật và tranh dành này! Hiếm như thể tìm cây kim rơi trên thảm cỏ.

Biết thế, hiểu thế, nhưng chúng ta vẫn cứ làm, cho dù Chúa nói về Giuđa như sau: "Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!". Có phải khi chúng ta xem phim Cuộc Tử Nạn của Chúa giêsu, tất cả chúng ta đều thấy sự việc của Giuđa làm là đáng ghét và đáng khinh vô cùng? Vì chúng ta nhìn nhân vật Giuđa, mà thấy rằng Giuđa thì chẳng phải là mình, mình đâu có thể nào như Giuđa được. Chúng ta là con người rất là ngoan đạo, được Chúa thương yêu vô cùng, chúng ta nào lại làm như thế bao giờ!? Có phải cũng y như lời của tất cả các tông đồ đã nói và đã hứa với Chúa là sẽ không vấp phạm vì Chúa??? Ấy vậy vì cớ gì mà Thánh Phêrô đã chối Chúa đến 3 lần? Rồi lý do gì mà Giuđa đã sinh lòng tham mà nộp Chúa? Chúng ta thử ngồi một mình mà thử cáo tội chúng ta thử xem? Bao nhiêu lần chúng ta chối Chúa ví dụ như mắc cở hay cảm thấy xấu hổ khi phải làm Dấu Thánh Giá ngoài công cộng? Thông thường chúng ta khi ra ngoài nơi công cộng ăn thì tránh không làm Dấu Thánh Giá vì ngại người này nhìn người kia dòm ngó, mà chỉ làm Dấu Thánh Giá khi đi với một số đông người cùng là có đạo Công Giáo với nhau mới dám làm Dấu Thánh Giá mà thôi! Vì sao!? Rồi thì có nhiều khi chúng ta nói chuyện đùa cợt với nhau lại đem Chúa ra làm trò cho thiên hạ cười. Vì sao!? Và còn nhiều cách thức mà chúng ta chối Chúa, phỉ báng, nhạo báng, và làm cho Chúa phải đổ mồ hôi máu vì chúng ta, vì tất cả chúng ta đều xa tránh Chúa trên chặng đường đau khổ của Ngài. Thưa Ngài, vì ai mà Ngài phải chịu Cực Hình và Chết trên Thập Giá? Vì những con người vô tình, vô lương tâm, vô trách nhiệm, vô tình, vô liêm sỉ của chúng con ư!????

Lậy Chúa Giêsu! Đấng đã vì thương yêu nhân loại chúng con đến hơi thở cuối cùng của Ngài. Nhận cái chết thật tang thương, thật ê chề, thật nhục nhã, vì con người bội phản của chúng con. Vâng, thưa Chúa Giêsu, tất cả chúng con đều là Phêrô và đều là Giuđa đây! Chúa chết cho chúng con có đáng lắm không? Xin cho chúng con nhìn ngắm Chúa để thấy rằng nếu không vì Chúa xuống trần gian để Cứu Độ chúng con thì thử hỏi con người chúng con sau cuộc sống tạm bợ của trần gian này, thì đời sau chúng con sẽ đi đâu, sẽ đến một nơi hư vô nào!? Hay tất cả sẽ phải xuống hỏa ngục đọa đầy đời đời kiếp kiếp nếu không nhờ vào Lòng Thương Xót hải hà và một tình yêu vô cùng độ lượng của Chúa, Chúa ơi!
 
Cùng chung nhịp đập với tim Đấng tử nạn và phục sinh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:11 08/04/2009
CÙNG CHUNG NHỊP ĐẬP VỚI CON TIM ĐẤNG TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH

“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”( Ga 13,1 ). Đã yêu thì không biết dừng, vì biên giới của tình yêu là yêu thương không biên giới. Chúa Giêsu yêu thương nhân loại chúng ta, Người yêu thương từng người trong chúng ta bằng một tình yêu đến cùng cả trong mức độ lẫn trương độ. Tình yêu ấy được biểu lộ rõ nét và lên đến đỉnh cao nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Người.

CHÚA YÊU THƯƠNG TA ĐẾN CÙNG TRONG MỨC ĐỘ:

“ Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu” ( Ga 13,13 ). Chúa Giêsu đã thể hiện điều này bằng tấm thân trần trụi chẳng còn hình thượng nào trên thập giá. Sự hiến thân này được quyết định dứt khoát khi Người lập Bí tích Thánh Thể.

Mầu nhiệm Thánh Thể, một đề tài thật phong phú đã làm tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực mà dường như vẫn không tát cạn chút nào sự bao la và sâu thẳm của Tình Yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm này. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ngạn ngữ này không chỉ đề cao ưu thế của “tình huyết nhục” mà còn gợi cho chúng ta thấy một trong những biểu tượng của tình yêu mang đậm nét hiện sinh là máu-thịt. Tình yêu con người lên đến đỉnh cao khi nên một xương một thịt với nhau (x.Mc 10,8 ). Trích huyết ăn thề cũng là một cách thế tỏ bày tình yêu và sự tín thành với nhau. Máu- thịt vừa biểu trưng cho sự sống vừa biểu trưng cho tất cả những gì ta là. Không phải tôi có thịt máu này, mà thịt máu này chính là tôi.

“Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là Máu Thầy, Máu giáo ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Là tín hữu, chúng ta vốn quen và dễ thuộc những lời này. Dù rằng công thức truyền phép trong Thánh Lễ hiện nay có thay đổi vài chữ, nhưng nội dung lời Đức Kitô không hề đổi thay. Chúa Giêsu tự nguyện trao ban trọn vẹn bản thân mình để thể hiện tình Chúa yêu chúng ta, yêu nhân loại đến cùng. Thầy sẽ bị nộp vì các con, nghĩa là vì yêu, Chúa tự nguyện nhận lấy mọi hậu quả do tội chúng ta gây ra. Khi cho chúng ta tiếp nhận sự sống của Chúa, qua việc nhận Máu của Người là Chúa bày tỏ lòng khoan dung tha thứ. Và hiệu quả của sự thứ tha ấy là nhân loại chúng ta được cứu sống, được giải phóng khỏi ách nô lệ, được trở về làm con cái Chúa và thừa hưởng hạnh phúc Chúa trao ban.

Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể là vì chúng ta, nhân loại chúng ta đã phạm tội và đang ở trong cảnh nô lệ Thần Dữ. “Người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc mà là người đau yếu. “Con Người đến để cứu chữa những gì đã hư mất” ( Lc 19,10 ). Như thế có thể nói Bí Tích Thánh Thể có ra là vì người tội lỗi chứ không phải cho người công chính. Mẹ Hôi Thánh đã nhắc nhớ chúng ta điều này nhiều lần trong Thánh Lễ bằng những công thức thống hối. Ngay trước khi lên “chịu” Thánh Thể, chúng ta một lần nữa được hướng dẫn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Phải, nếu Chúa không vì yêu thương tự nguyện đến với ta thì trên trần gian này chẳng một ai xứng đáng đón nhận Người. Chính Chúa đến mới làm ta nên xứng đáng chứ không phải vì ta xứng đáng rồi nên Chúa mới ngự vào. Không phải do Giakêu xứng đáng, nhưng chính nhờ Chúa Giêsu đến viếng thăm đã khiến cho Giakêu đổi thay và nên xứng đáng (x.Lc 19,1-10 ).

Hãy nhận lấy… và hãy làm việc này… Hai mệnh lệnh của tình yêu từ Bí tích Thánh Thể. Hãy nhận lấy để được thứ tha. Hãy nhận lấy để được cứu sống, được giải phóng và nên xứng đáng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên mệnh lệnh thứ hai. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Theo giáo lý truyền thống ta dễ xem đây là lời lập Bí tích Truyền Chức Thánh, lập nên hàng Tư tế thừa tác. Là con cái trong lòng Mẹ Hội thánh Công giáo, chúng ta tin nhận chân lý này theo thần học Bí tích. Thế nhưng đọc Thánh kinh, đặc biệt Tin Mừng, ta cũng phải thừa nhận một chân lý khác: bên cạnh một ân sủng luôn có đó một sứ mạng. Ân sủng càng cao quý thì sứ mạng càng trọng đại. Được thứ tha nhiều là để ta tha thứ cho tha nhân cách quảng đại. Được cứu sống là để ta biết nỗ lực giải phóng tha nhân khỏi ách nô lệ ma quỷ.

Hãy làm việc này…đâu phải chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài dành cho các bậc tư tế thừa tác. Cầm lấy bánh, rượu rồi đọc công thức truyền phép quả là khá dễ dàng, nhưng sống nội hàm của mệnh lệnh ấy mới là vấn đề. Hãy làm việc này… là tất cả những ai đã đón nhận ân ban qua Thánh Thể thì hãy dùng chính máu thịt của mình để gánh lấy hậu quả tội lỗi của nhau đồng thời giúp cho nhau được sống, sống dồi dào.

Là tín hữu giáo dân, chúng ta vốn thích thực hiện mệnh lệnh đầu tiên: hãy nhận lấy…Là hàng tư tế thừa tác, chúng ta có thực hiện thêm mệnh lệnh thứ hai: hãy làm việc này… Tuy nhiên, phải chăng chỉ dừng lại ở nghi thức cử hành Bí tích theo luật dạy. Tin Mừng Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể nhưng lại tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Mẹ Hội Thánh cho ta nghe bài Tin Mừng này trong Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, lễ Tiệc Ly, hẳn có ý nhìn nhận hành vi phục vụ trong khiêm hạ này chính là hành vi yêu thương tự hiến của Chúa thật cao quý không kém như khi Người tự hiến trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã minh nhiên truyền lệnh: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”( Ga 13,14 ).

Không thực hiện mệnh lệnh thứ hai thì có làm mệnh lệnh thứ nhất cách đầy đủ nghi tiết theo luật dạy thì vẫn không chắc có được hiệu quả mong muốn. Xin hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể về anh đầy tớ chỉ biết nhận mà không biết cho đi trong Mt 18,23-35: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?”( c.32-33 ). Cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu khẳng định anh này đã chẳng nhận được sự gì.

Chúng ta đã từng rước Thánh Thể rất nhiều lần. Chúng tôi, các linh mục đã từng cử hành Bí tích Thánh Thể dường như hằng ngày. Chúng ta có dốc hết tâm huyết của mình để gánh lấy những hậu quả xấu xa do tội lỗi của những người trong đạo lẫn ngoài đời, đã và đang thấy đó trên quê hương Việt Nam, trên thế giới hay trong Hội Thánh ? Để cho Hội Thánh ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương và xã hội loài người phát triển trong công lý và hoà bình, chúng ta đã hao mòn máu thịt mình chút nào chưa đây ?

CHÚA YÊU THƯƠNG CHÚNG TA ĐẾN CÙNG TRONG TRƯƠNG ĐỘ:

Yêu thương, yêu hết cả lòng mà trong một lần, một lúc thì có thể đựơc lắm chứ. Tuy nhiên yêu hết mình, yêu hết sức, hết tâm hồn không chỉ một lần mà suốt cả đời, với mọi người, ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh thì quả là không thể. Thế mà Chúa Giêsu đã và đang yêu chúng ta bằng mói tình ấy. Qua sự Phục sinh vinh hiển Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế bằng Thánh Thần của Người để yêu thương chúng ta mãi mãi.

Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em ra vô ích và chúng ta là những kẻ khốn khổ nhất ( x. 1Cor 15,16-19 ). Ra vô ích có nghĩa là mất tất cả. Thánh Tông đồ dân ngoại lại nói rằng “khốn khổ nhất” thì dường như là “mất cả chì lẫn cả chài”. Mầu nhiệm Chúa phục sinh quả là mầu nhiệm có ý nghĩa sống còn đối với niềm tin Kitô hữu chúng ta. Việc Đức Giêsu phục sinh chính là bảo chứng cho phần phúc của chúng ta. Thế nhưng việc Ngài sống lại mãi vẫn là mầu nhiệm đối với các kẻ tin còn lữ thứ trần gian này. Đã nói đến mầu nhiệm là nói đến lý trí và nói đến mầu nhiệm cũng là nói đến sự góp phần của trí khôn. Đức tin là ân sủng Chúa ban, nhưng nó cũng là sự đáp trả của con người không nguyên bằng ý chí mà cả lý trí. Ngoài ơn Chúa ra thì truyền thống các tông đồ còn là nền tảng của đức tin chúng ta. Việc dùng trí khôn để đào sâu vào các mầu nhiệm thật chẳng khi nào thừa và hoài công cả, nhất là với mầu nhiệm có tính sống còn của đời Kitô hữu là mầu nhiệm Chúa Phục sinh.

CHÚA PHỤC SINH: MỘT MẦU NHIỆM

Chúa Kitô phục sinh không phải là một sự kiện hiển nhiên. Một Đức Giêsu đã chết, với nhiều người Do Thái hẳn đã rõ, còn việc Ngài phục sinh thì ít ai hay, và chắc chắn không một ai chứng kiến giây phút Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Tân Ước, đặc biệt bốn Tin Mừng làm chứng cho ta điều này. Quả thật nếu việc Chúa Kitô sống lại mà hiển nhiên, nghĩa là tự nhiên rõ ràng thì chẳng còn vấn đề tin hay minh giáo. Việc một người đã chết và tự mình phục sinh không còn chết nữa hiện đang sống sờ sờ trước mắt ta thì quả là không cần khổ công rao giảng. Thế mà việc Chúa phục sinh mãi vẫn là một mầu nhiệm, là đối tượng của đức tin chúng ta tức là vẫn mãi cần đến sự suy luận của lý trí, cần đến chọn lựa và dấn thân của mỗi người.

Chúa Phục sinh đối tượng của đức tin. Ông đã thấy và ông đã tin (x. Ga 20,1-10). Đã không ít lần chúng ta được nghe giảng về mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô dựa vào chứng cứ là ngôi mộ trống. Một bằng chứng xem chừng có vẻ hùng hồn nhưng khó thuyết phục vì “cái không” chưa nói đủ về “cái có”. Tôi không buồn chưa chắc minh chứng là tôi vui; tôi không phản đối thì chưa chắc là tôi đã đồng thuận… Một kiểu chứng minh tương tự các lý lẽ minh chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa theo triết “kinh viện”. Thiên Chúa không là như thế này, không là thế kia tuy nhiên các lý lẽ ấy cũng khó dẫn người ta đến một kết luận rằng có một Đấng siêu việt, vì thực tế cho hay vẫn còn đó nhiều người không tin có Thượng đế.

Chúng ta còn được nghe các lý lẽ hùng hồn khác để luận bác những giả thuyết cho rằng Chúa không sống lại. Chẳng hạn giả thiết các môn đệ “chôm” xác Thầy thì có việc lính quân canh phòng cẩn mật và cả sự thiếu logic trong lời phao đồn của lính canh. Đã có lệnh rất nghiêm từ cấp trên thì sao lại ngủ quên hoặc đã ngủ quên thì sao lại có thể chứng kiến việc các tông đồ lấy trộm xác (x. Mt 28,12-15). Với giả thiết do động đất làm mất xác Đức Giêsu thì có tấm vải liệm và dây buộc làm phản chứng. Tương tự như thế với giả thiết cho rằng số hương liệu tẩm xác Chúa đã làm hủy thi hài… Những cố gắng lý luận dựa trên sự logic hay căn cứ khoa học dẫu sao cũng là những lý chứng tiêu cực. Dù ta có bác bỏ một cách thuyết phục các luận chứng của kẻ khác nói rằng ta không đúng thì cũng không chắc chứng minh được rằng ta đúng. Xin đừng sa đà vào một trong những cách thế “nguỵ biện” của khoa luận lý học: tìm cách chứng minh đối phương sai

để minh chứng rằng mình đúng. Vẫn có đó nhiều trường hợp đối phương sai mà ta cũng lầm.

Thế là ta phải cần đến các chứng cứ tích cực, tức là những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra. Giả như Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho toàn dân thì ta khỏi phải loay hoay minh chứng. Đằng này Ngài hiện ra với trên năm trăm người theo lời Thánh Phaolô thuật lại (1Cr 15,6). Theo bốn Tin Mừng tường thuật, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra chỉ dăm ba lần với một số người ít ỏi thuộc Nhóm Mười Hai, các Môn Đệ, những bà đã từng theo giúp Ngài trước đây.

Đây là điểm ta cần lưu ý cách đặc biệt vì nó là dấu chỉ của đức tin. Các Tông đồ, các môn đệ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Vị Thầy mà họ gặp lại sau khổ nạn đã có nhiều đổi thay. Thân xác Thầy Chí Thánh đã biến đổi không còn như xưa nữa. Thân xác ấy nay không còn lệ thuộc thời gian, không gian, chợt có đó, chợt biến mất, hay dù cửa đóng then cài cũng không làm cản trở Ngài vào ra theo ý. Vóc dáng bên ngoài của thân xác ấy dường như cũng đổi thay. Khi Lazarô, người thanh niên con bà góa thành Naim, cô bé con bà Giaia cũng thân xác đó, hình dáng đó và chẳng một ai nghi ngờ còn Đức Giêsu khi sống lại thì ít ai nhận ra ngay Thầy mình dù là người rất thân quen.

CHÚA PHỤC SINH: CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ ĐÃ ĐỔI THAY

Ngày thứ nhất trong tuần Maria Madalêna ra mộ không thấy xác Chúa. Bà ở gần bên mộ mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào mộ thì thấy hai Thiên Thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu… Bà thưa với Thiên thần: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để Người ở đâu”. Nói xong bà quay lại thấy Đức Giêsu đứng đó nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu hỏi “ Này bà sao bà khóc ? Bà tìm ai ? “ Bà Maria tưởng là người làm vườn … (Ga 20,1.11-15). Một phụ nữ hết sức gắn bó với người mình yêu thì làm sao quên được dáng hình người ấy và cũng thật khó mà lầm lẫn với người khác. Madalêna đã được Thầy Chí Thánh trừ bảy quỷ, đã từng theo chân Thầy đến dưới chân thập giá, hẳn hình bóng người Thầy mình yêu đã khắc đậm vào tâm khảm thế mà giờ đây lầm tưởng là người giữ vườn, kể ra hơi nghịch thường. Ta có thể lý giải rằng Madalêna đang trong cơn phiền muộn và đôi mắt đang ngấn lệ, rất dễ “ trông gà hóa cuốc”. Thế nhưng với hai môn đệ đi thành Emau mà Tin Mừng Luca tường thuật thì chẳng có lý do gì để bào chữa. Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cùng đi với hai ông cả đoạn đường trên dưới 11 cây số thế mà họ cũng không nhận ra Ngài. Nếu dáng hình Đức Giêsu vẫn như xưa thật khó mà biện minh cho đôi mắt không chỉ một người mà cả hai người trong khoảng thời gian gần cả ngày ròng rã bách bộ bên nhau (x. Lc 24,13-29). Những lần Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ và môn đệ thì các Ngài đều tưởng là ma hoặc hoài nghi và hết sức kinh sợ (x. Lc 24,37; Mc 16,14; Mt 28, 17). Riêng Tin Mừng Mathêu có tường thuật Đức Giêsu Phục Sinh gặp các bà và họ ôm lấy chân Người và bái lạy Người nhưng vẫn còn sợ hãi. Trên bờ hồ Tibêria tuy trời đã sáng, Đức Giêsu đứng bên bờ hồ nhưng các môn đệ đều không nhận ra (Ga 21,4).

Với các chứng cứ Tin Mừng nêu trên chúng ta có thể khẳng định thân xác của Đức Giêsu Phục Sinh đã được biến đổi khác trước nhiều. Điều này được thánh Phaolô xác nhận: “Ngày sau thân xác của chúng ta cũng sẽ được biến đổi như thân xác Phục Sinh của Đức Kitô” (x. Pl 4,21). Giả như sau này thân xác loài người chúng ta được sống lại mà vẫn như cái dáng vóc hiện tại thì bảo đảm 100% rất nhiều người chẳng muốn được sống lại. Là người, hình như ít ai hài lòng với số phận mình và với cả cái vóc dáng bề ngoài hiện nay của bản thân nhất là những người dị tật bẩm sinh (On n’est pas toujours content de son sort et même de son corps). Thật chẳng công bình chút nào đến khi thân xác được sống lại người ta lại phải mang lấy cái dáng vóc bất hạnh như hiện nay.

CHÚA PHỤC SINH: CÓ MỘT ĐIỀU KHÔNG THAY ĐỔI

Thế thì chúng ta cần truy tìm một cái gì đó không thay đổi nơi Đức Giêsu Phục Sinh để làm căn cứ cho các tông đồ, các môn đệ, các bà nhận ra Thầy của mình. Phải có một cái gì đó không hề đổi thay. Xin mạo muội khẳng định đó là tình yêu của Đấng Cứu Độ. Dù trời đất có qua đi thì Lời của Ngày vẫn tồn tại và nhất là mối tình của Ngài dành cho nhân loại chẳng hề thay đổi. Cái tình, tấm lòng của một người được bày tỏ bằng nhiều cách thế: kiểu nói, cách làm, lối sống…

Phêrô và người môn đệ kia chạy ra mộ, hai Ngài vào trong mộ và người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin. Cái mà ông thấy đâu chỉ có cái ngôi mộ trống nhưng là băng vải để đó và khăn che đầu Đức Giêsu khi tẩm liệm. Khăn này không để lẫn với các dây băng nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi (x. Ga 26). Ông đã thấy dấu chỉ của một vị Thầy xưa đã từng ở giữa các ông như kẻ hầu người hạ ( x. Lc 22,27). Mỗi người có nét riêng trong kiểu sống, cách thế làm việc. Đã yêu nhau thời rất dễ nhận ra nhau qua các dấu chỉ quen thuộc: tiếng dép lê, cách ho, kiểu nói, cách sắp xếp vật dụng… Sự gọn gàng ngăn nắp như thế này chính tay Thầy chứ không một ai khác vào đây. “Ông Phê-rô và môn đệ liền kia đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tời mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn đó, nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”(Gio 19,3-8).

Hai môn đệ trên đường Emmau cả ngày bên Thầy chí thánh mà mắt vẫn như mù dù trời vẫn sáng. Đến khi trời đã tối, vị khách được mời cầm bánh bẻ ra trao cho hai ông. Người mời phải là người phục vụ chứ. Sao khách lại làm công việc phục vụ của chủ ? Khách chủ đổi ngôi. Dù trời đã tối nhưng mắt hai ông chợt sáng, vì bóng dáng vị Thầy “ đến không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ…” đây rồi. Hẳn đã hơn hai lần các ngài quen thuộc hành vi bẻ bánh phục vụ này của Thầy Giêsu. Năm ngàn và bốn ngàn người đàn ông ăn no nê chưa kể đàn bà và con trẻ. Diện mạo dù có đổi thay nhưng trái tim của Thầy vẫn mãi thế.

“Maria” quay lại Madalêna thưa: “Rabbôni”. Kiểu gọi ấy Madalêna làm sao quên được. Từ khi ngươi còn trong lòng mẹ, Ta đã gọi tên ngươi. Tình cảm con người vẫn thường được bộc lộ nơi cách gọi tên nhau. Lũ nhỏ khi mẹ gọi tên chỉ cần phân biệt cung cách, giọng gọi là có thể biết phải nhanh chân để nhận quà, hoặc phải chần chừ để khỏi bị rầy la.

Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá ( x.Ga 21,6). Trời đã tảng sáng bắt được gì đây ? Vị khách lạ muốn làm thầy các tay ngư phủ lão luyện này chắc ? Dẫu sao cũng là một tấm lòng. Đã có lòng thì quan tâm đến kẻ khác bất chấp hoàn cảnh thuận nghịch. Ba năm trước đó, Phêrô tuân lệnh cách chẳng đặng đừng, nhưng hôm nay có cái gì đó khiến ông và các môn đệ làm ngay cái điều xem ra nghịch lẽ với nghề đánh cá. Thả lưới ban ngày mà được ngay một mẻ cá lạ lùng đủ các loại ( 153 con). Giác quan thứ sáu chăng hay tình gặp tình. Người môn đệ Chúa yêu nói với Phêrô: “Chúa đó” ( Ga 21,7). Đấng mà năm xưa động lòng xót thương đoàn lũ dân chúng đói khát, Đấng mà năm xưa động lòng trước bao vất vả sinh kế của ngư dân giờ đây vẫn mãi chạnh lòng và thương xót. Xưa, cũng hoàn cảnh tương tự thì Phê-rô sợ hãi: “lạy Thầy, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” thì nay chính ông đã vội vã nhảy xuống biển, bơi đến với Thầy.

“Bình an cho anh em Thầy đây đừng sợ !” (x. Lc 24,26; Ga 20,21.26; Mt 28,10). Tấm lòng của vị Thầy năm xưa lo lắng cho các môn đệ đang vất vả vì sóng gió giữa đêm khuya trên biển cả, giờ đây trong thân xác phục sinh chẳng có đổi thay. Thầy ban cho anh em sự bình an, sự bình an không như thế gian ban tặng. Đừng sợ, Thầy đã chiến thắng thế gian.

TIN LÀ THẤY MỘT ĐIỀU VÀ QUA ĐÓ TA NHẬN MỘT ĐIỀU KHÁC

“Và đây, Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b). Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nhận ra Ngài hay không ? Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi “những tấm lòng” đang sống chung quanh ta chăng ? Có thể là một người cùng niềm tin mà cũng có thể là một người khác chính kiến với ta là chính Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện. Ta dễ nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi một Mẹ Têrêsa thành Calcutta, nhưng có thể chưa thấy Ngài nơi những người tự nguyện đứng giữa làn đạn của Palestin và Israel để mong nối lại nhịp cầu yêu thương hòa bình. Ta dễ tin nhận Chúa phục sinh hiện diện nơi Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II hay nơi nhiều vị thánh, ước gì ta cũng tin nhận Ngài nơi một người anh em lương dân hay một người chị phụ nữ khác tôn giáo đang xả thân vì hạnh phúc của đồng loại, đang hiến mình để cứu sống những mảnh đời bất hạnh...

Đức Giêsu Phục Sinh luôn là mầu nhiệm, vậy cần phải có con mắt đức tin. Có được một chút đức tin hẳn ta cũng sẽ nhận ra Chúa Phục Sinh nơi một khán giả đang cổ võ cách vô tư và hết tình cho cả đội bóng đá Công Giáo lẫn đội Tin Lành ở Bắc Ailen trước những pha bóng đẹp trong một trận đấu sinh tử cho dù người ngồi kế bên có thể hiểu lầm đây là tên, nếu “không vô thần thì cũng là cộng sản”. ( Lm. Antony De Mello )

Nhân tình thế thái, thời hiện đại có vẻ nhiễu nhương vì hận thù, chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… Đừng sợ ! Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta. Vẫn có đó những tấm lòng quyết sống chết cho hòa bình xanh, những con người hiến mình cho môi sinh trong lành. Vẫn có đó những con người chấp nhận đổ máu để cho nhân phẩm con người được tôn trọng. Vẫn có đó những con tim rộng mở cho những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi. Vẫn và đang còn đó những tấm lòng chấp nhận mọi hậu quả chỉ mong cho quê hương dân tộc cất cánh vươn cao trong hoà bình và công lý, mong cho đồng bào thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Vẫn có đó và vẫn còn đó… nhiều con người và nhiều cuộc đời để ta nhận ra Chúa Phục sinh mãi cùng ta đồng hành.

Tin rằng Chúa phục sinh, Chúa đang sống cũng có nghĩa là tin rằng trái tim con người vốn chai đá đang được Thánh Thần nung đốt để hoá nên thịt mềm ( x. Ed 36,26 ). Một vị tổng thống nước cờ hoa đã từng xin thầy giáo dạy cho con mình rằng dẫu khi nào đó trong cuộc sống nó gặp vài ba người vô lại thì hãy vững tin rằng vẫn còn đó những con người có tâm, có lòng.

Chúa đã phục sinh, Chúa đã thắng thần dữ nhưng cuộc chiến giữa thiện-ác, lành-dữ vẫn đang tiếp diễn. Xin góp một chút tình nhỏ cho Chúa Phục Sinh hiện diện với con người nơi chính bản thân ta. Chúa đã phục sinh, nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Ngài vẫn đang diệt trừ sự dữ, điều xấu xa và làm cho nhân loại được sống, sống dồi dào qua người này, người kia cách nhiệm mầu. Góp một tiếng nói thẳng thắn để khử trừ sự bất công, gian ác ra khỏi môi trường ta sống, góp một việc làm bé nhỏ để xoa dịu nỗi đau của người bé phận, kém may mắn kề bên có lẽ là một trong những phương thế tuyên xưng Chúa đã phục sinh cách khả tín. Phải chăng chính vì khi ấy “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong tôi ?”.

Kitô hữu chúng ta tiên vàn không lấy những ý thức hệ làm nền tảng cho động lực xây dựng thế giới, xây dựng xã hội loài người tiến đến chỗ hoàn thiện, nhưng động lực ấy phải được đức tin hướng dẫn và đức tin sẽ hoạt động trong đức ái ( x. Gl 5,6 ). Trước hết, họ phải là những con người được tình yêu của Đức Kitô đụng chạm tới; những con người mà trái tim của họ đã được Đức Kitô chinh phục bằng tình yêu tự hiến cách vô điều kiện và đến cùng. Và qua đó, Người khơi dậy tình yêu tha nhân trong lòng họ. Như thế, Lời hướng dẫn của họ sẽ là câu rút từ Thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: “ Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” ( 5,14 ). ( x. TĐ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Số 33 ).

MỘT VẤN NẠN MANG TÍNH THỜI SỰ:

Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nhưng đừng quên phải trân trọng hoa trái ơn cứu độ. Chúa Kitô đã chịu tử nạn và phục sinh để ban sự sống đời đời cho nhân loại. Dù rằng sự sống đời đời là sự sống đằng sau cánh cửa sự chết, nhưng lại được đặt nền tảng ngay trong sự sống hôm nay, một sống trong công lý và sự thật, một sự sống trong tình yêu và an bình.

Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để con người được làm con cái Thiên Chúa. Chúa Kitô tự nguyện nên khó nghèo để chúng ta được nên sang giàu. Người chấp nhận chịu kết án bất công để chúng ta được sống trong công lý. Người chấp nhận bị cáo gian để chúng ta được sống trong sự thật, vì Người đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý. Người đón nhận mọi hậu quả của sự ganh tương, hận thù để chúng ta được sống trong an bình và tình yêu. Người chấp nhận chịu đóng đinh vào khổ giá để giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ, giúp ta bước vào cảnh đời tự do của con cái Chúa…

“Thế hệ chúng ta phải hy sinh, phải chịu khổ, để cho thế hệ mai sau được hạnh phúc” Một khẩu hiệu hữu lý, hữu tình nhưng đã được lạm dụng và lợi dụng cho các chiêu bài chính trị một thời. Phải hy sinh, phải chịu khổ mãi cho cái ngày mai không bao giờ thấy mà vô tình hay hữu ý lãng quên rằng ngay thế hệ hôm nay cũng cần được trân trọng, cũng đáng được hưởng hạnh phúc. Tương tự như thế, một thái độ sống thụ động, cam chịu sự bất công, cam chịu bao cảnh gian dối, gian ác…với tình cách đại trà và lâu dài cũng có thể là đáng trách vì chưa trân trọng hoa trái của ơn cứu độ.

Thánh Luca tường thuật về sự kiện Chúa lên trời: Các Tông đồ trở về lòng đầy hân hoan đi rao giảng Tin Mừng. Các Ngài hân hoan vì cảm nghiệm luôn có Thầy Chí Thánh ở với mình. Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành với ta, đặc biệt bằng Thánh thần Người ban tặng. Chúa đang sống với chúng ta trên con đường gặp gỡ, yêu thương tha nhân của chúng ta. Tuy nhiên con đường ấy không phải lúc nào cũng êm ả, thuận buồm xuôi gió. Tình yêu đích thật luôn gắn liền với thập giá. Một lần nữa ta hãy nghe lời của Đức Kitô sai bảo chúng ta như xưa với các Tông Đồ: “Thầy sai anh em đi như con chiên ở giữa sói rừng. Vậy anh em hãy sống khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” ( Mt 10,15 ). Hãy sống yêu thương bằng cả con tim và khối óc, hết cả tấm lòng và hết cả sức lực, bằng cả tình cảm rất con người với mọi tính toán cân nhắc đồng thời bằng cả đức tin và niềm cậy trông. Đừng sợ, vì Chúa Kitô Phục Sinh đã chiến thắng thế gian.
 
Sự phản bội đáng thương
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:13 08/04/2009
SỰ PHẢN BỘI “ĐÁNG THƯƠNG”

Một thủ thuật của hội hoạ, để làm nổi bật một mảng nào đó của bức tranh người ta thường nhấn bên cạnh một vài nét hay mảng tối, sẫm màu. Đây chính là vận dụng quy luật tương phản. Lấy sắc đen làm nổi màu trắng. Có lẽ tương tự thế, khi dần bước vào tuần cao điểm sống mầu nhiệm đức tin của Kitô giáo,mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Kitô, mầu nhiệm mạc khải cách hoàn hảo về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì Mẹ Hội Thánh dọn cho chúng ta những bài đọc thánh kinh tường thuật những mảng tối của kiếp người. Sự phản bội của một Giuđa Iscariô, một Phêrô và cả tập thể nhóm Muời Hai Tông Đồ. Sự phản bội của các Ngài như là một trong những mảng tối làm rực rỡ hơn tình yêu khoan dung của Thiên Chúa.

Hai chữ phản bội khiến tôi liên tưởng đến cuộc thi hoa hậu áo dài lần đầu tiên tổ chức tại thành phố, vốn là Hòn Ngọc Viễn Đông ngày nào. Nếu không lầm thì người đoạt giải hoa hậu là cô Maria Nguyễn Thị Kiều Khanh, một nữ thợ làm đầu và cũng là một nữ tín hữu giáo xứ Vườn Xoài, giáo phận Sài Gòn. Kiều Khanh đăng quang nhờ thắng cuộc phần thi ứng xử. Khi được hỏi em ghét điều gì nhất Kiều Khanh trả lời em ghét sự phản bội. Theo thông tin báo chí thời bấy giờ thì chính câu trả lời này đã đưa Kiều Khanh lên ngôi hoa hậu.

PHẢN BỘI: HÀNH VI ĐÁNG KHINH BỈ

Đã là người ai ai cũng chân nhận rằng cần phải có những nhân đức nhân bản. Một trong những nhân đức nhân bản giúp sống xứng phận con người đó là sự trung tín. Bất trung, bất tín là những hình thức phản bội. Chúng làm cho xã hội bất an, tương quan giữa người với người bất ổn. Làm sao có thể ổn định hay an bình khi mà chữ tín không được coi trọng, chữ trung không được tuân giữ. Ai dám thoả thuận, ký hợp đồng hay cam kết khi không tin vào sự tín thành của phía đối tác. Không có niềm tin vào sự tín trung thì sẽ chẳng có sự gì hiện thực ngay cả cơ cấu nền tảng của xã hội đó là hôn nhân gia đình.

Thế mà thực tiễn cho ta thấy điều này là sự phản bội, bất tín bất trung vẫn có đó, lắm khi nhan nhản ngoài xã hội và chính ngay trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân chúng ta đã từng biết bao lần bất trung với lời hứa, lời khấn, lời cam kết của mình. Từ Đức Giáo Hoàng đến các Phó tế, được mấy ai khẳng định mình chưa hề thất trung với lời hứa hàng giáo sĩ ngày lãnh nhận tác vụ phó tế, linh mục hay giám mục. Có được bao nhiêu tu sĩ khẳng khái rằng mình chưa hề lỗi các lời khấn vâng phục, khó nghèo hay khiết tịnh. Được mấy ai trong hàng tín hữu con cái Chúa lại chưa bất trung với những lời cam kết ngày lãnh nhận bí tích thánh tẩy: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma quỷ và những quyến luyến lệch lạc do ma quỷ cám dỗ, và rồi hết lòng tin vào Chúa... Sự kiện hàng năm Kitô hữu lặp lại lời cam kết và tuyên xưng đức tin trong đêm Vọng Phục Sinh, việc các linh mục lập lại lời hứa hàng giáo sĩ trong thánh lễ Truyền Dầu cũng như các tu sĩ lập lại lời khấn, phải chăng đủ minh chứng cho sự thật này. Chúng ta đã từng phản bội nhiều lần với nhiều cách thế và trong nhiều mức độ khác nhau. Và rồi chúng ta lại sẽ còn bất tín, bất trung nếu Chúa không gìn giữ cách đặc biệt.

SỰ PHẢN BỘI ĐÁNG GHÉT- ĐÁNG THƯƠNG HAY DỄ THƯƠNG

Dù rằng ta chưa từng thấy Giuđa Iscariô thề hứa hay cam kết điều gì với Thầy mình thế nhưng việc ông ta bán Thầy với ba mươi đồng bạc khiến ta khó chấp nhận. Đọc Tin Mừng và tìm hiểu Tin Mừng kỹ lưỡng ta thấy rằng chẳng phải vì Giuđa ham hố gì ba mươi đồng bạc để đánh đổi sinh mạng của Thầy chí thánh. Ông ta được Chúa Giêsu giao cho giữ túi tiền và ròng rã suốt ba năm trời bớt xén quỹ chung trong sinh hoạt cũng như trong việc bố thí cho người nghèo, thì với ông ta, ba mươi đồng chẳng đáng là bao. Các nhà chú giải cho ta hay rằng động cơ phản bội của Giuđa là muốn dồn Thầy mình vào tận chân tường. Vào thế chẳng đặng đừng thì Thầy phải ra tay thi thố quyền năng. Chắc hẳn lần này Thầy không thể từ chối vương quyền mà dân chúng, đặc biệt ở Giêrusalem xưng tôn. Thầy đã làm vua thì mình, Giuđa Iscariô này, dẫu không tranh được cái ghế bên hữu bên tả thầy như Phêrô, Gioan hay Giacôbê, thì chí ít cũng được vào hàng quan nhị phẩm của triều đình mới. Vì lợi ích cá nhân, vì danh vọng, quyền bính của chính mình để rồi phản bội Thầy chí thánh thì thật là đáng ghét đáng khinh. Rất có thể ông Giuđa nghĩ rằng Thầy không thể thua, vì đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy, nhưng điều này cũng khó có thể bào chữa cho những tính toán vụ lợi bất chấp cả nghĩa tình và tôn ti. Một sự phản bội có tính toán xuất bởi những ích lợi cá nhân quả thật đáng ghét.

Tuy nhiên cái đáng ghét của Giuđa cũng thật “đáng thương”. Ông ta đáng được thương xót vì đã lầm. Trong thâm tâm, Giuđa đâu có muốn làm hại Thầy. Ta dễ nhận ra điều này khi thấy Thầy chịu bó tay trước bạo lực của thần quyền và thế quyền thời bấy giờ ông đã công khai ném trả số tiền bán Thầy cho các Thượng Tế và thú nhận: “tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”( Mt 27,4 ). Quả thật, Giuđa đang còn lương tri và chút liêm sĩ khi thú tội công khai, một điều mà lắm người trong chúng ta kể cả những vị có chức có quyền đạo đời dễ gì có được, khi mà chỉ biết đổ lỗi cho cơ chế hay đổ lỗi cho nhau như hai ông trưởng, phó bộ giao thông vận tải vừa qua trong vụ án PMU 18. Lỗi lầm của Giuđa quả “đáng thương”.

Chuyện Giuđa ngã lòng thất vọng đi thắt cổ tự vẫn như Thánh sử Matthêu trình bày ( x. Mt 27,5 ) hay ông ta “ ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra” như lời thánh Phêrô ( x. Cvtđ 1,18 ) thì ta có thể cảm thông cho ông cách nào đó. Một khi đã tự nhận mình là “ nô tài có tội”, “hạ thần đáng chết” thì cũng có thể làm những sự quẩn trí. Thái độ của mẹ Hội Thánh trước sự tự vẫn của một Giám mục muốn phản đối một luật bất công hay của một nhân viên trong giáo triều thời gian vừa qua khiến ta nhận ra điều này. Một người trong tình trạng mất quân bình thì khi thực hiện một hành vi đáng trách nào đó cũng dễ được khoan dung. Theo tôi, sự ngã lòng của Giuđa chắc chắn không làm cản trở lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Trường hợp Tông Đồ Phêrô thì dường như ngược lại. Chính ông đã hơn hai lần tuyên hứa: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai……( Ga 7,68 ); Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không( Mc 14,29 ); Lạy thầy, dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng”( Lc 22,33 ). Thế mà trước người đầy tớ gái của Philatô, ông đã chối Thầy. Tin mừng tường thuật Phêrô chối Thầy những ba lần nghĩa là chối “sạch sành sanh”. Tuy nhiên, nếu loại bỏ sự sợ hãi tức thời lúc ấy thì nguyên nhân dẫn đưa Phê-rô đến sự phản bội đó là vì đã quá có lòng với Thầy. Không như các Tông Đồ khác đã bỏ Thầy chạy lấy thân, sau khi Chúa Giêsu bị bắt chính Phêrô đã lò dò vào sân dinh vị Thượng Tế để theo dõi số phận của Thầy, Người mình yêu mến.

Chúng ta nhận ra tấm lòng của Phêrô đặc biệt khi ông nghe Thầy tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài tại Giêrusalem, ông đã vội can ngăn. Chắc hẳn khi quở trách Phêrô là satan, thì Chúa Giêsu đã tỏ tường tấm lòng của ông. Ông thương Thầy nên không muốn Thầy phải chịu khổ. Có thế thôi. Trong vườn cây dầu, trước đoàn binh lính đông đảo, chỉ mình Phêrô rút gươm chiến đấu để bảo vệ Thầy. Trong số Tông đồ và môn đệ có người được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt hơn như Tin Mừng Gioan ám chỉ, thế nhưng người yêu mến Chúa Giêsu hơn ai hết mà ta phải thừa nhận, đó là Phêrô. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các Ngài trên bờ hồ Tibêria đã hỏi: Phêrô, anh có yêu mến ta hơn những người này không ? Và Phêrô đã trả lời: Thưa Thầy, Thầy biết rồi mà ( x. Ga 21,15 ). Chính tấm lòng của Phêrô dành cho Thầy chí Thánh phải chăng là một trong những nguyên cớ dẫn ông đến chỗ phản bội, chối Thầy ? Ông đã phản bội nhưng là một sự phản bội khá “dễ thương”.

Sự dễ thương nơi Phêrô còn thể hiện qua dòng nước mắt thông hối ăn năn. Dù không công khai xưng thú như Giuđa nhưng với một người đánh cá vạm vỡ, vốn năng động, luôn đi đầu trong lời nói lẫn việc làm như Phêrô giờ đây lại đầm đìa nước mắt cũng đủ nói lên tấm lòng của ông.

TÌNH YÊU PHỦ LẤP MUÔN VÀN TỘI LỖI ( 1.P 4,8 ).

Ai trong chúng ta cũng đã từng bất trung, phản bội cách này hay cách khác, công khai hay kín đáo. “ Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành… mà con đã cả lòng phản nghịch cùng Chúa…”. Lời kinh ăn năn tội ai cũng thuộc từ khi “xưng tội rước lễ lần đầu”. Ta không chỉ thuộc mà rất thường xuyên đọc những khi xét mình. Cố quyết giữ tín trung với lời khấn hứa, với điều cam kết nhưng rồi ta lại vẫn bất tín, bất trung. Phận người là thế, rất dễ đổi thay. Rất may cho ta là có được cảm nghiệm của Thánh Tông Đồ cả. Chính Ngài đã truyền lại cho ta những lời tâm huyết này: “ Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” ( 1. P 4,8 ). Tình yêu không chỉ xoá đi lỗi lầm bất tín, bất trung mà còn là động lực giúp ta can đảm bắt đầu lại. Có được tấm lòng thì “dù khi thất vọng, dù khi mõi mòn, con vẫn cậy trông để lại bắt đầu” (một ca từ của linh mục Mi Trầm ). Và cũng xin dùng một lời ca của cố nhạc sĩ họ Trịnh để khép lại những suy tư này:“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Một mục tử khi sống có tâm, có lòng với đoàn chiên, với những người nghèo hèn khốn khổ thì dù cho lầm lỗi vẫn có đó bất tín bất trung vẫn còn đây nhưng sẽ dễ được bà con khoan thứ. Tình người đã thế huống là tình Chúa chí nhân. Khi đã có lòng với nhau hẳn là ta đang có tình với Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:39 08/04/2009
KHOE

N2T


Có một đệ tử tự xưng mình có ý định đi dạy người khác chân lý.

Sư phụ sát hạch anh ta: “Con chuẩn bị một bài diễn thuyết, thầy sẽ tự mình đến hội trường để duyệt coi con có chuẩn bị thỏa đáng không ?”

Bài diễn thuyết ấy rất có tính gợi ý. Sau đó, một người ăn mày đi đến trước mặt người diễn thuyết, anh ta lập tức đứng dậy và đem cái áo khoác ngoài của mình tặng cho người ăn mày ấy, để làm gương cho mọi người.

Sau việc ấy, sư phụ nói: “Ngôn từ của con tràn đầy nhiệt tình tôn giáo, nhưng này con, con chưa chuẩn bị tốt.”

- “Tại sao ?”
đệ tử ấy bày tỏ sự thất vọng.

- “Có hai nguyên nhân: con vốn không để cho người ăn mày ấy cơ hội mở miệng nói ra điều mà anh ta yêu cầu; hơn nữa con cũng không cần phải khoe đức hạnh của con với người khác.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Không phải nơi nào và lúc nào cũng bày tỏ đức hạnh của mình, bởi vì nếu cuộc sống của mình giống như lời mình giảng thuyết thì sẽ có nhiều người theo mình và thực hành những điều mình đã giảng thuyết, không cần phải khoe khoang cái đức hạnh của mình.

Soạn một bài giảng thì không có gì khó cho lắm, nhưng sống như lời mình giảng thì mới khó và quan trọng.

Trong các sách Phúc Âm các thánh sử không nói đến việc Chúa Giê-su soạn bài giảng từ ngày này qua ngày nọ, nhưng các Phúc Âm luôn đề cập đến việc Chúa Giê-su giảng dạy và thi ân giáng phúc cho mọi người, tại sao vậy? Thưa vì Chúa Giê-su luôn cầu nguyện kết hợp với Chúa Cha, đó chính là những lúc Ngài “soạn” bài giảng vậy.

Suy tư những gì mình đã sống và thực hành, kết hợp với việc cầu nguyện thì sẽ có một bài giảng tuyệt vời mà không cần phải khoe khoang hoặc lấy đức hạnh của mình ra biểu diễn cho người khác coi.
 
Thứ Năm Tuần Thánh (B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:41 08/04/2009

THỨ NĂM TUẦN THÁNH



Tin Mừng: Ga 13, 1-15.

“Đức Giê-su yêu họ đến cùng.”


Bạn thân mến,

Mỗi năm cứ đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh là bạn và tôi đều nghe được những bài Phúc Âm nói đến tình yêu của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và cho nhân loại tội lỗi, bởi vì trong ngày thứ năm đặc biệt này, Chúa Giê-su –Đấng cứu chuộc chúng ta- đã thực hiện ba công việc bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta, tôi xin chia sẻ với bạn những tâm tình ấy như sau:

1. Rửa chân - dấu chỉ phục vụ.

Trước khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ công khai và khiêm hạ đối với các môn đệ của mình, đó là rửa chân cho họ, một thái độ chưa từng thấy ở nơi các thầy thông luật và những người biệt phái Pha-ri-siêu, hay ở bất cứ nơi nhà lãnh đạo nào khác của thế giới, thái độ rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giê-su chính là bài học dạy các môn đệ hãy rửa chân cho nhau, tức là phục vụ nhau với tất cả tinh thần yêu thương.

Việc Chúa Giê-su cúi mình xuống để rửa chân cho các môn đệ là một hành vi của người tôi tớ, mà chỉ có những tôi tớ của Thiên Chúa mới làm như thế với các môn đệ của mình, cũng như với các anh chị em đồng loại. Đó là một bài học cho các môn đệ, mà chút nữa đây chính Chúa Giê-su sẽ cất nhắc các môn đệ lên hàng công hầu danh tướng trong Giáo Hội của ngài, để hướng dẫn những người tin vào Ngài đi tiếp con đường cứu độ mà Ngài đã đi qua. Bài học khiêm tốn này, người phải thực hành trước nhất chính là các môn đệ của Ngài, bởi vì càng muốn làm lớn thì càng phại phục vụ, bởi vì nếu không phục vụ tha nhân thì không ai biết được các ngài là môn đệ của Chúa Giê-su.

2. Bí tích Thánh Thể - nguồn yêu thương.

Đây là một ý nghĩ siêu việt của Thiên Chúa, mà chỉ có Thiên Chúa mới nghĩ ra được việc này mà thôi: ở lại với nhân loại cho đến ngày tân thế trong bí tích Thánh Thể. Đây là bí tích tỏ hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, một tình yêu không những trong ý tưởng, mà còn là hiện hữu trong cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo và của mỗi một người Ki-tô hữu là những kẻ tin vào Chúa Giê-su.

Bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương, kết nối những người tin lại với nhau, và qua sự đoàn kết yêu thương và phục vụ nhau của họ, mà người ta nhận biết Chúa Giê-su đang ở trong họ.

Bí tích Thánh Thể là bí tích vừa cao quý vừa cao trọng nhất trong bảy bí tích mà Chúa Giê-su lập ra, bởi vì nơi bí tích này Chúa Giê-su đã trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài cho nhân loại, bởi vì chính vì yêu mà Ngài đã hy sinh chết trên thập giá, và Mình và Máu của Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống linh hồn các kẻ tin.

Nhờ bí tích Thánh Thể mà Giáo Hội liên lĩ hằng ngày dâng hiến lên Chúa Cha những công lao vất vả và khó nhọc của con người, và nhờ đó mà trở một tấm bánh và một chén yêu thương quy tụ nhân loại đến với nhau trong Chúa Giê-su Ki-tô.

3. Bí tích Truyền Chức Thánh – tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ.

Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể và đồng thời cũng lập bí tích Truyền Chức Thánh, để nhờ bí tích này mà nhân loại được thông phần ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho qua các linh mục của Giáo Hội Công Giáo.

Bí tích Truyền Chức Thánh là một trong những kế hoạch yêu thương nhân loại của Thiên Chúa, và không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su đồng thời vừa lập bí tích Thánh Thể vừa lập bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng hai bí tích này gắn liền mật thiết với nhau không thể tách rời nhau, bởi vì ở đâu có linh mục thì ở đó có cử hành bí tích Thánh Thể, và bí tích Thánh Thể chính là nguồn sức mạnh và lương thực thiêng liêng của các linh mục và của tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su Thánh Thể.

Bí tích Truyền Chức Thánh không phải do con người lập ra, nhưng do chính Chúa Giê-su lập ra, nó sẽ tồn tại với bí tích Thánh Thể cho đến ngày Chúa lại đến...

Bạn thân mến,

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh là ngày đặc biệt của chúng ta, trong thánh lễ Rửa Chân chiều thứ năm này, bạn sẽ thấy Giáo Hội –qua các linh mục- sẽ thực hiện lại việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, và lập hai bí tích Thánh Thể và Truyền Chức Thánh, để bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại.

Trong thánh lễ này, bạn và tôi cũng hết lòng cảm tạ Thiên Chúa đã ban phát tình yêu thương của Ngài cho chúng ta qua Chúa Giê-su Ki-tô, để nhờ sự phục vụ và ban phát ân sủng của Ngài qua bí tích Thánh Thể của Giáo Hội mà chúng ta được tham dự bàn tiệc Nước Trời ngay tại trần gian này.

Bạn và tôi cũng cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội cách đặc biệt trong ngày này, vì nếu không có các ngài thì không có thánh lễ và cũng không có bí tích Thánh Thể, không có các ngài thì chúng ta cũng sẽ không có mục tử dẫn dắt đến nguồn ân sủng của Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:43 08/04/2009
N2T


133. Xin cho mọi người am hiểu được hàm ý của câu nói “cửa đã đóng rồi” thật là đau khổ; xin cho mọi người lãnh hội được câu nói “nhìn kìa, tân lang đến rồi” thật rất mĩ miều; xin cho mọi người thấu hiểu được câu nói “người đã chuẩn bị tốt thì cùng vào dự tiệc với Ngài” thật là ngọt ngào.

(Thánh Gregorius Magnus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:44 08/04/2009
N2T


78. Thiên tài là một phần trăm linh cảm cộng thêm chín mươi chín phần trăm phấn đấu.

 
Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (4)
Vũ Văn An
09:04 08/04/2009
IV. Chúa Giêsu và Các Nhà Cai Trị (Mc 15:1-20)

Năm 26 CN, Hoàng đế La Mã Tiberius Caesar cử Pôngxiô Philatô làm tổng trấn Giuđêa. Dân Do Thái ghét La Mã và đặc biệt ghét Philatô vì ông ta nổi tiếng khinh mạn dân Do Thái và tôn giáo của họ. Lc 13: 1 kể lại vụ ông ra lệnh thảm sát người Do Thái Galilê đến dâng của lễ tại Đền Thờ Giêrusalem rồi lấy máu của họ hoà lẫn với máu vật dâng trên bàn thờ. Sau này có lần ông ra lệnh treo cờ có hình hoàng đế La Mã khắp nơi tại Giêrusalem. Hình ảnh này luật Môsê cấm trưng bầy. Nên dân Do Thái phản đối. Ông dọa giết hết mọi người nếu không chịu treo cờ. Dân bằng lòng dơ cổ cho lính chém. Thấy thế, Philatô phải nhường bước. Dù sao ông cũng là người thực tiễn. Làm dân nổi loạn chỉ tổ vạch áo cho hoàng đế xem cái lưng bất tài. Ông ra lệnh kéo cờ xuống. Con người khinh mạn, tàn ác và thực tiễn đó là người sẽ giáp mặt với vị rabbi nhà quê, chuyên chu du giảng dạy dân. Dù ông biết rõ vị rabbi này vô tội, không như lời tố cáo của các lãnh tụ Do Thái giáo, ông vẫn trao cho họ mang đi đóng đinh. Chỉ vì con người thực tiễn là con người bao giờ cũng để tư lợi lên trên hết thẩy.

1. Câu Truyện Đàng Sau Một Câu Truyện

1.1 Sắp đến hồi kết thúc câu truyện về Người Thống Trị phục dịch trong phúc âm Máccô. Mc 15 kể cho ta nghe việc Chúa Giêsu ra trước Philatô, tổng trấn La Mã. Các phúc âm gia không chỉ kể truyện về các biến cố quanh thánh giá. Muốn hiểu thế thì cũng được, nhưng bạn sẽ không thấy gì khác ngoài câu truyện tầm thường về một người tốt bị xử oan. Trái lại, nếu bạn đọc cách cẩn thận và có suy nghĩ sâu xa, bạn sẽ thấy nhiều sức mạnh lạ lùng và kỳ thú hoạt động bên dưới câu truyện này. Thực thế, truyện thánh giá là truyện triệt để, kỳ diệu và có tính cách mạng, đem lại một sức biến cải rất mạnh.

1.2 Trong 1 Cor 2:7-8, Thánh Phaolô nói rằng ngài tuyên xưng “sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan được dấu kín, được Chúa dành cho vinh quang của ta từ trước khi có thời gian. Không một nhà cai trị nào ở đời này hiểu được nó, bởi nếu hiểu, họ đã không đóng đinh Chúa của vinh quang”. Thành ra, có một cái gì sâu xa đang xẩy ra phía sau trong trình thuật này, mà nếu chịu đọc cẩn thận ta sẽ thấy đôi nét.

1.3 Trong bài trước, ta thấy Chúa Giêsu bị các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo xử án. Bây giờ, Người bị quan tòa ngoại giáo, tổng trấn La Mã, xử. Tuy nhiên vấn đề lại là vấn đề Do Thái: Chúa Giêsu có phải là vua Do Thái hay không. Sự quan tâm của viên tổng trấn La Mã về vấn đề này cho thấy có một điều gì đó sâu xa hơn, một điều gì đó mầu nhiệm nằm trong sợi chỉ xuyên suốt của câu truyện. Thiết tưởng, ta nên nghĩ đến 4 câu hỏi chủ yếu trong trình thuật này. Tại sao Philatô ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu im lặng; tại sao dân chọn Baraba chứ không chọn Chúa Giêsu; tại sao Philatô ra lệnh đánh Chúa Giêsu trước khi đóng đinh; tại sao lính La mã chế diễu Chúa Giêsu các độc ác.

2. Chúa Giêsu Im Lặng

2.1 Câu hỏi đầu tiên. Mc 15:1-5: Thượng hội đồng trao nạp Chúa Giêsu cho Philatô. Câu hỏi đầu tiên của Philatô ”ông có phải vua dân Do Thái không?” được Chúa trả lời khẳng định. Nhưng khi hỏi về phản ứng đối với các lời Thượng hội đồng tố cáo, thì Chúa im lặng.

2.2 Ta biết Thượng hội đồng họp ban đêm và đã lên án bất hợp pháp. Bởi thế, sáng sớm (cho hợp lệ), họ họp nữa rồi trao nạp Chúa Giêsu cho Philatô. Họ biết bản án của họ vô giá trị đối với tổng trấn La Mã. Tội xưng mình là Con Thiên Chúa đối với Philatô không có nghĩa gì cả, dù dưới luật Do Thái, tội ấy đáng chết. Nên họ phải tố cáo Người dưới luật La Mã. Theo phúc âm Luca, họ tố Người ba tội: gây rối đất nước qua việc khích lệ kẻ gây rối, tạo phản; khích lệ người ta không đóng thuế; và sau cùng, muốn xưng vua chống lại xê-da. Philatô coi lời tố cáo thứ ba là quan trọng. Bởi thế ông mới hỏi câu đầu tiên: ông có phải là vua dân Do Thái không?

2.3 Câu Chúa trả lời làm nhiều người bỡ ngỡ. Người không nói: tôi là Vua dân Do Thái, mà nói: “Chính ngài nói đó”. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, câu trả lời của Chúa không xác nhận cũng không phủ nhận, dường như muốn nói: “Đó là điều ngài nói. Tôi có phải vua Do Thái hay không? Theo cách nghĩ của ngài, chắc hẳn ngài coi tôi là vua dân Do Thái”. Tại sao Người không trả lời rõ ràng? Phúc âm Gioan (18:36-37) có thể giúp ta hiểu phần nào: Nước tôi không thuộc thế gian này… mà thuộc nơi khác. Theo nghĩa này, tôi quả là Vua. Vua sự thật.

2.4 Philatô hiểu ra với nghĩa này, Chúa Giêsu không là một đe doạ đối với La Mã. Ông ta tin Chúa Giêsu và thấy nhẹ nhõm, không còn sợ như lời tố cáo của thượng hội đồng Do Thái. Hẳn các nhà lãnh đạo tôn giáo này thấy vụ án của mình có cơ xụp đổ. Quả có thế, vì theo Máccô, Philatô nhận ra ngay rằng các lãnh tụ này chẳng qua ghen tị với Chúa Giêsu mà thôi (Mc 15:10). Ghen điều gì? Dĩ nhiên là ghen cái sức thuyết phục và thế giá của Người đối với dân, như vệ binh đền thờ có lần nói về Người: “không ai nói như người này nói” (Ga 7:46). Và vì thế, họ ráng thuyết phục Philatô bằng cách tố cáo Người nhiều điều nữa. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời các lời tố cáo này. Khiến Philatô ngạc nhiên, ra lời khích lệ Người lên tiếng bênh vực mình. Chúa vẫn im lặng. Sao vậy?

2.5 Ta thấy sau này, lúc đã bị đóng đinh, các thượng tế và luật sĩ nhạo báng Người rằng: “hắn đã cứu nhiều người, mà lại không cứu được mình.” (Mc 15:31). Người muốn cứu mình lắm chứ, theo bản tính loài người. Người cũng muốn thuyết phục Philatô thả tự do lắm chứ. Người biết rõ Philatô tin rằng Người vô tội, không những thế còn tìm cách thả tự do cho Người. Cho nên bất cứ trả lời ra sao, Philatô cũng căn cứ vào đó mà tha bổng Chúa Giêsu. Thành thử Người làm sao hợp tác với Philatô cho được. Sự im lặng của Người vì thế khiến Người cứ thế tiến về thập giá, điều mà Người đã nhất quyết làm theo ý Chúa Cha.

3. Hãy Thả Baraba

3.1 Câu hỏi thứ hai: tại sao dân chọn Baraba? Ta biết rằng trước sự im lặng của Chúa Giêsu, phúc âm Luca (23:8-11) cho hay Philatô giải Chúa Giêsu tới Vua Hêrốt, người có tước hiệu hợp pháp làm vua dân Do Thái. Thấy Chúa Giêsu, Hêrốt vui lắm, chỉ muốn Người làm dăm ba phép lạ cho vui. Nhưng Người giữ im lặng, không nói gì. Hếrốt chỉ còn đường chế diễu Người. Hêrốt này chính là Hêrốt Antipa, người từng xử tử Gioan Tẩy Giả, một ông vua hẹp hòi, nhát đảm, vâng theo La Mã. Ông ta từng ngạc nhiên khi nghe người ta nói về Chúa Giêsu: Chả lẽ Gioan tái thế, người mà ta đã chặt đầu? (Mc 6:16), nên ông vẫn nể sợ cái tài làm phép lạ. Nay gặp tên tội phạm không biết thừa cơ hội làm vài phép lạ cho ông vui để ông tha tội, thậm chí đến mở lời tự bào chữa cho mình cũng không nốt. Quả là một tên khờ. Cái thứ người hời hợt như Hêrốt làm sao hiểu thấu lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa. Hêrốt theo phái duy lý, không tin có sống lại sau khi chết. Mặc cảm về cái chết của Gioan Tẩy Giả làm ông mất đi cái quan điểm duy lý một thời gian. Nhưng giờ đây, chủ nghĩa duy lý lại trở về với ông nguyên vẹn: chỉ thấy Chúa Giêsu là một người tầm thường, một người không năng lực, hết thời. Nhạo báng xong, hắn cho giải Chúa Giêsu trở lại cho Philatô.

3.2 Phúc âm Máccô không ghi lại việc giải giao cho Hêrốt, mà kể thẳng đến sự kiện ông ta “trưng cầu dân ý”. Xem Mc 15:6-15. Xem họ xin thả cho Baraba hay cho Chúa Giêsu. Họ chọn Baraba, một người thuộc phe nổi dậy. Phải làm gì với “vua dân Do Thái”? Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá. Một lần nữa Philatô ráng cứu Chúa Giêsu: Ông ta phạm tội gì? Đáp lại chỉ là lời yêu cầu: đóng đinh nó, đóng đinh nó. Để vừa lòng dân, ông thả Baraba rồi ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu và trao Người cho người ta đem đi đóng đinh.

3.3 Bốn phúc âm đều nói tới Baraba. Anh ta là một người nổ loạn ưa đổ máu, từng phạm tội giết người. Các phúc âm không cho biết chi tiết về cuộc đời của anh ta trước và sau biến cố này. Có điều là cái tên của anh ta lại có nghĩa là “con cha” (bar=con, abbas=cha). Ta cảm thấy có cái biểu tượng gì đâu đó trong cái tên này. Baraba là con cha, Chúa Giêsu là Con Chúa Cha. Anh “con cha” được điều khiển bởi hận thù, dùng bạo lực giải quyết mọi sự, sẵn sàng hy sinh ai cản đường. Con Chúa Cha sống bằng yêu thương, đạt mục tiêu bằng phục vụ, hy sinh mạng sống mình vì người khác. Dân chọn Baraba là chọn thù hận thay vì yêu thương.

3.4 Họ vẫn hy vọng Người giải thoát họ khỏi La-Mã, nên họ ra đón mừng Người, chỉ mấy hôm trước đây thôi. Nay thấy Người xuội lơ trước quyền lực La Mã. Có thể vì thế họ chọn Baraba. Ta có khi cũng hành động như họ: được dịp chọn Con Chúa Cha, ta đã không chọn, mà chọn Baraba chỉ vì thất vọng, không được như lòng mong muốn. Ta quên khuấy cả lời Isaia (55:8-9) đã nói xưa: “Tư tưởng Ta đâu phải tư tưởng các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối Ta… Trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy”

3.5 Nhiều người dựa vào Origen mà cho là tên đầy đủ của Baraba là Giêsu Baraba. Còn trùng hợp và có tính biểu tượng hơn nữa. Vì quả trên đời này, có quá nhiều Giêsu. Từ thế kỷ thứ hai đã có Giêsu của phái ngộ đạo (gnostic), Giêsu của phái Manichaean. Thời này có Giêsu Phật giáo, Giêsu Hồi giáo, lại còn cả Giêsu Tân Đại (New Age) nữa! Nói đâu xa, gần ta có Giêsu của thần học Giải Phóng. Ta chọn Giêsu nào? Chỉ có một Giêsu thực, Giêsu của Tân Ước, Giêsu của Kinh Tin Kính, được dựng thai bởi Chúa Thánh Thần, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, chịu khổ hình thời Phônxiô Philatô, chịu đóng đinh, chết và táng xác, sống lại và vẫn sống với chúng ta bây giờ. Đó là Giêsu mà ta hoặc chấp nhận hoặc từ bỏ. Và nếu bạn chọn Giêsu này, hì phải bỏ Baraba.

4. Chúa Giêsu Chịu Đánh Đòn

4.1 Câu hỏi thứ ba: tại sao Philatô cho đánh đòn Chúa Giêsu trước khi đóng đinh Người?

Thiển nghĩ ông ta thất kinh khi thấy đám đông đòi đóng đinh Chúa Giệsu, người ông thấy vô tội và muốn thả tự do. Ông đã ráng đổ trách nhiệm cho Hêrốt mà không được. Luật La Mã lại không có cơ sở nào khiến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vậy mà đám đông cứ nằng nặc đòi đóng đinh Người. Philatô vốn là người chiều theo ý đám đông. Nhưng tình thế này dám khiến luật La Mã phải nhường bước cho luật của đám đông lắm. Cần phải tìm ra cách để thoát khỏi cơn bí này. Có lẽ vì thế ông nghĩ đến việc đánh đòn.

4.2 Đánh đòn một tù nhân trước lúc đóng đinh không phải là việc thường làm, một tập tục. Thế mà Philatô lại ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu, người mà ông vốn tin là vô tội. Ai xem phim The Passion of Christ của Mel Gibson hẳn không thể quên được sự khủng khiếp của việc đánh đòn theo tập tục người La Mã: roi da dài có cẩn những cục sắt và xương. Khi dây da giáng xuống lưng nạn nhân, những cục sắt và xương ấy sẽ xé nát thịt da nạn nhân, để lại một vũng máu. Nếu Philatô tin Chúa Giêsu vô tội và ráng cứu Người khỏi thập giá, thì tại sao ông ta lại bắt Người phải chịu hình phạt khủng khiếp ấy? Chỉ có thể nói rằng: ông ta làm thế để mong cứu mạng Người. Có thể ông ta hy vọng rằng khi thấy con người đầy máu me và thương tích đầy mình ấy, đám đông sẽ mủi lòng mà từ bỏ yêu cầu đóng đinh Người. Nhưng ông lầm. Theo phúc âm Gioan (19:6), đám đông càng hô to hơn:” đóng đinh nó, đóng đinh nó”. Phúc âm này (19: 8) cũng thêm rằng lúc ấy Philatô sợ. Qủa tình là một con người không tư cách, bị thế lưỡng nan tràn ngập. Người đảm lược luôn biết phải làm gì trong lúc gặp lưỡng nan, vì họ luôn quyết định dựa vào các nguyên tắc đúng sai. Philatô biết điều sai điều trái, nhưng lại không hành động theo nhận thức ấy. Ông ta là người không có nguyên tắc, chỉ biết xây dựng sự nghiệp trên việc mị dân. Gặp lưỡng nan, không biết phải xử trí ra sao. Và vô tình làm những hành vi không những không phục vụ ai, mà còn làm người mình muốn giúp đỡ đau khổ hơn gấp bội. Chính cái hèn nhát, vô nguyên tắc của Philatô đã làm ông trở thành biếm họa trong lịch sử. Đây cũng là một mầu nhiệm của thánh giá trong việc lột mặt nạ cái hố thẳm đen tối trong trái tim con người, phơi bày cái khuynh hướng xấu xa của con người ra ánh sáng.

5. Kính Chào Vua Do Thái !

5.1 Câu hỏi thứ tư: Tại sao lính La Mã nhạo báng Chúa Giêsu cách tàn ác như thế? Xem Mc 15:16-20. Khoác áo choàng tím, đặt mão gai lên đầu Người, rồi nhạo: “kính chào vua Do Thái”, vừa nói vừa dùng gậy đập vào đầu Người rồi khạc nhổ, rồi qùy gối chế nhạo. Chán chê mới đem người đi đóng đinh. Việc nhạo báng này là chuyện lạ. Lính La Mã là những binh lính chuyên nghiệp có kỷ cương, rất ít khi hành hạ dã man các tù nhân. Họ nghiêm chỉnh thi hành các bản án. Nhưng không có cái khoái cảm bạo tàn (sadistic enjoyment) như đã áp dụng vào Chúa Giêsu: cả một đại đội tụ lại để chơi cái trò chơi bạo tàn này. Tại sao vậy?

5.2 Thiển nghĩ, câu trả lời nên tìm ngay trong câu họ nhạo báng Người: “Kính chào Vua Do Thái”. Họ chả có chi giận dữ đối với Chúa Giêsu. Vì họ có bao giờ gặp Chúa trước và biết rất ít về Người. Họ chỉ giận người Do Thái nói chung thôi, một dân bất trị đối với La Mã, với một tôn giáo không giống ai và một ý chí luôn tìm cách nổi loạn chống lại họ. Nên khi người DoThái là Chúa Giêsu lọt vào tay họ, mà lại là một ngưòi Do Thái muốn làm vua, thì cơn giận của họ hết kiềm chế nổi, nó trào dâng, trút hết lên đầu Chúa. Chúa trở thành mục tiêu của kỳ thị chủng tộc. Một lần nữa, ta thấy thánh giá đã lột mặt nạ nhiều điều vốn dấu ẩn.

5.3 Việc kỳ thị dân Chúa chọn còn tiếp diễn đến tận ngày nay, không phải chỉ đối với Israel, mà cón là và nhất là đối với Dân Mới, tức Giáo Hội, những người buớc theo Chúa Giêsu. Một trong những bách hại khủng khiếp nhất dành cho Israel trong thời Đệ Nhị Thế Chiến là biến cố diệt chủng Shoah do Đức Quốc Xã thi hành. Shoah không có chữ tương đương trong tiếng Việt, nó chỉ một đại họa, một hủy diệt không quan niệm được, sũng máu và nước mắt. Một phần ba dân Do Thái hoàn cầu đã bị giết trong biến cố này, trong đó có 80% học giả, thầy giáo, tư tế và sinh viên. Biến cố này tác động trên cuộc đời mọi người Do Thái, làm tâm hồn họ lên thẹo, làm niềm tin của họ vào Thiên Chúa và con người bị lung lay tận gốc. Dư vị giận dữ, sợ sệt và thất vọng của nó còn mãi trong họ. Việc bách hại người Kitô hữu đã xẩy ra từ những ngày đầu và tiếp diễn dọc dài suốt hơn hai mươi hế kỷ và đỉnh cao là thế kỷ 20, với man vàn người tuẫn tiết dưới thời Cộng Sản và thời Quốc xã, ai cũng đã rõ. Thiển nghĩ đây không phải chỉ là một lỗi lầm lịch sử, mà là một phần trong kế hoạch của Satan muốn phá tan kế hoạch của Thiên Chúa. Nó muốn hủy diệt mọi hình thức dân riêng của Chúa, bất kể đó là dân Israel hay Giáo hội.

Ta đã xét 4 câu hỏi chung quanh việc Chúa Giêsu chịu khổ hình trước khi bị đóng đinh. Bây giờ còn lại câu hỏi cuối cùng mà chỉ bạn mới trả lời được: Bạn sẽ làm gì với Chúa Giêsu? Ta đã thấy người khác làm gì với Người rồi. Giuđa đổi Người lấy tiền. Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái đã ráng làm Người câm miệng, không còn cơ hội phơi bày sự giả hình của họ nữa, và tống Người ra khỏi đời họ. Đám đông không muốn một Đấng Kitô như Người, nên đã chọn một Kitô khác, Baraba. Philatô ráng tìm thỏa hiệp giữa Người và những kẻ tố cáo Người, việc bất thành, không những chỉ đóng đinh mà còn đánh đòn Người. Vua Hêrốt chỉ muốn Người làm phép lạ, khi không được, đã nhạo báng Người. Còn bạn?
 
Sống Tỉnh Thức # 6: Hãy Giải Quyết Rác Của Ban
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
14:31 08/04/2009
Sống Tỉnh Thức # 6: Hãy Giải quyết Rác của Bạn

ĐỔ NGAY RÁC RƯỞI TÂM HỒN

---***---

Có những đêm không ngủ được, tôi nghe tiếng người phu quyét rác bên đường: rồn rã, đều đặn! Những chiếc xe rác chở chở hàng trăm tấn rác ra vùng ngoại ô để đổ.

Có nhiều thứ rác, nếu chưa đổ được thật là ghê sợ! Rác thức ăn thừa, rác rau, trái cây, rác đồ hộp, rác lòng gà, lòng heo, xương cá, rác túi nylon, có cả xác chuột chết nữa! Rác Văn phòng thì sạch sẽ hơn; nhưng rác nhà bếp mà để quên thì hôi thối ghê sợ!

Nếu nhà bạn lúc nào cũng đầy rác: rác trên bàn, rác phòng khách, phòng ngủ,…thì đó không còn là nhà nữa. Nó là một bãi rác.!

* Một phút hồi tâm: Trong khi bạn lo lắng đổ các loại Rác trên bao nhiêu, thì lại tỏ ra thờ ơ với những Rác rưởi tâm hồn bấy nhiêu! Nếu rác kia làm dơ bẩn môi trường, thì Rác rưởi tích trữ trong lòng và tâm trí con người còn ô uế hơn bội phần.

Những thứ Rác ghen tức, nóng nẩy, nói hành. Rác trả thù, rác ích kỷ, tham lam! Có cả những thứ rác tư tưởng như: Rác giả hình. Rác tự phụ, khoe khoang; nhưng đã là Rác thì bản chất là bẩn thỉu.

Kinh Thánh gọi Rác tâm hồn là “tội lỗi”. Xưng tội có nghiã là nhìn nhận tội lỗi theo đúng như cách Chúa nhìn về tội lỗi, gớm ghê nó và quyết định từ bỏ nó. Không nên sợ hãi khi đi xưng tội, vì Ngài đã biết tất cả rồi.! Hãy cảm tạ Chúa đã cho bạn còn sống tới giờ phút này để nhờ Chúa thanh tẩy tâm hồn. Chúa đang muốn góp sức với bạn để loại bỏ những rác rưởi làm bạn bị hôi thối hiện nay. Bạn có để lòng nghe thấy những người chung quanh than phiền, kêu trách không?

Nếu bạn còn để Rác rưởi là tội lỗi làm ứ đọng, hôi thối môi trường trong gia đình và xã hội, thì hãy đổ nó đi ngay khi thời gian còn có thể. Vì Chúa kiên nhẫn chờ đợi bạn cũng có hạn.

* Lời Chúa nói: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta,” (I Ga 1, 9)

Phó tế: JB Huyền Đồng Sưu Tầm * johndvn@yahoo.com
 
Thứ Sáu Tuần Thánh: Cái chết độc nhất vô nhị
Lm Nguyễn Hữu Thy
16:11 08/04/2009
Thứ Sáu Tuần Thánh/B: Cái chết độc nhất vô nhị

(Ga 18,1-19,42)

Tại sao vào những giờ sau trưa hôm nay chúng ta lại tập trung về nơi đây, trong ngôi Nhà Cầu Nguyện này? Câu trả lời đương nhiên mọi người trong chúng ta đều đã biết: Bởi vì vào ngày thứ sáu này năm xưa, trước Lễ Vượt Qua của người Do-thái, đúng vào giờ này Ðức Giêsu thành Na-da-rét đã bị đóng đinh và chết trên thập giá, và chúng ta muốn vui mừng cử hành biến cố đó. Bây giờ một câu hỏi được đặt ra: Người ta có thể vui mừng cử hành một cảnh tượng khủng khiếp như cảnh tượng đóng đinh một người vào thập giá một cách quá đau thương khổ nhục như vậy được sao? Nói chung, người ta có thể vui mừng cử hành một người chết được sao? Khi bị đau khổ và chết chóc người ta chỉ có thể thương tiếc hoặc kêu gào và khóc lóc, chứ không có ai lại đi vui mừng cử hành cả. Vậy, một câu hỏi khác lại được đặt ra: Nếu cứ tạm cho là chúng ta có thể vui mừng cử hành, thì tại sao lại vui mừng cử hành cảnh tượng đóng đinh và cái chết của Ðức Kitô?

Từ khi Ðức Giêsu bị đóng đinh vào thập tự giá cho tới khi hoàng đế Constantin ra lệnh cấm việc xử tử tù nhân bằng hình phạt đóng đinh vô nhân đạo, cốt để tỏ lòng tôn kính Ðấng đã chịu đóng đinh trên đồi Gôn-gô-ta, thì hàng ngàn hàng vạn người khác đã phải đau đớn gánh chịu hình phạt khủng khiếp đó. Còn chính sự chết thì xảy ra từng phút từng giờ không biết là bao nhiêu. Sự chết trong cõi đời này là một điều xảy ra thường nhật.

Vậy câu trả lời cho những câu hỏi trên là: Chúng ta vui mừng cử hành cái chết đó, vì Người đã hoàn toàn tự nguyện chết và chết vì tình yêu thương nhân loại, Người chịu chết thay cho chúng ta! Ðấng đã vì chúng ta mà gánh chịu mọi khổ hình và cái chết vào mình, nghĩa là Người đã chịu chết để chúng ta được sống và sống hạnh phúc, nên rất đáng cho chúng ta đầy lòng biết ơn vui mừng tưởng niệm biến cố cứu độ đó. Vì thế, Kinh Cám Ơn, một lời kinh mà chúng ta hằng đọc trong các giờ kinh sáng tối mỗi ngày, đã nhắc bảo chúng ta về giờ phút hồng phúc quan trọng đó: «Con cám ơn Ðức Chúa Trời, là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con cho con được làm người,… lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con…».

Nhưng đó chưa phải là tất cả ý nghĩa của cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu. Chúng ta cử hành cái chết đó của Chúa, vì cái chết đó đã biến đổi sự chết, đã dập tắt sự chết và đã chiến thắng sự chết. Bởi vậy, thánh Phaolô đã có thể đầy thâm tín hỏi: «Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?» (1Cr 15,54-56).

Chúng ta vui mừng cử hành cái chết của Chúa, vì trong cái chết đó được dấu ẩn kho tàng sự sống chân thật. Chúng ta vui mừng cử hành cái chết của Chúa, vì cái chết đó không phải là hết, là chấm tận, nhưng là sự khởi đầu, là một lễ Vượt Qua đầy hồng phúc đã dùng sự chết như là một lối đi qua: Từ biển khổ hình mà chúng ta vừa nghe trong Bài Thương Khó để vượt tới cuộc sống đã được đổi mới và thuộc thần thiêng của thực tại phục sinh, một thực tại đã khiến chúng ta hôm nay phải ca hát và chúc tụng khi trực diện với cái chết của Ðức Kitô: «Lạy Chúa, chúng con bái thờ Thánh Giá Chúa và chúng con chúc tụng ngợi khen sự sống lại của Chúa, bởi vì nhờ sự chết của Chúa trên cây Thánh Giá mà niềm hoan lạc đã đến trên khắp thế gian.»

Một cái chết như thế, một cái chết đã nẩy sinh sự sống và còn hứa mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải hân hoan cử hành !

Nhưng chúng ta sẽ cử hành cái chết mang lại ơn cứu độ cho chúng ta như thế nào? Chúng ta cử hành:

1. Cử hành Lời Chúa:

Chúng ta nghe tường trình lại những gì xưa kia đã xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ nghe việc tường thuật lại những biến cố bên ngoài, không chỉ nghe sự diễn biến của những biến cố khủng khiếp và tàn bạo đó, nhưng chúng ta muốn cảm nghiệm được cách sâu xa hơn ý nghĩa được diễn tả qua những biến cố đó: Ðức Giêsu đã không mù quáng và thụ động bước vào một cái định mệnh bất đắc dĩ, nhưng là một trách nhiệm được trao phó với đầy đủ ý thức và hoàn toàn tự nguyện mà Người phải thi hành, một sứ mệnh mà Người phải hoàn tất. Vì thế khi hấp hối trên thập giá, Người đã không nói lời thất vọng, nhưng là tiếng hô của kẻ chiến thắng: «Thế là mọi sự đã hoàn tất!»

2. Trong Lời Cầu Nguyện cho mọi người:

Ở đây chúng ta lại được chứng kiến một điều đặc biệt. Khi một người nào đó nằm chết buông xuôi hai tay, chúng ta liền biết ngay rằng: Thế là từ nay anh ta không thể giúp gì cho chúng ta được nữa. Nhưng ở đây hoàn toàn trái lại, nhờ Ðấng đã chịu chết trên Thánh Giá mà cả nhân loại lại được cứu sống. Mọi ách nô lệ nặng nề từng đè bẹp thân phận con người từ nay đã được bẻ gãy và mọi người trong mọi thế hệ sẽ không ngừng đồng thanh nguyện cầu: «Christe, eleison! - Lạy Ðức Kitô, xin thương xót chúng con!». Ðấng đã tỏ ra bất lực và bị treo trên thập giá lại trở nên Ðấng Cứu Giúp toàn năng của toàn thể nhân loại và ngoài Người ra người ta sẽ không tìm gặp được sự cứu rỗi!

3. Trong sự thờ kính Thánh Giá:

Chúng ta sẽ thâm tín được rằng: Ðấng đã bị giết chết lại chính là Chúa của cả vũ trụ, trước mặt Người tất cả mọi đầu gối đều phải bái quì, trước mặt Người tất cả chúng ta đều phải tuyên xưng rằng «Ðức Giêsu Kitô là Chúa!» Ðấng đã bị treo trên thập giá, đã được Thiên Chúa nâng lên ngồi bên hữu Người. Ðấng đã bị thất bại trên thập giá lại là Ðấng chiến thắng thực sự, «một Vị chiến thắng không người chiến thắng nào sánh kịp!.



4. Trong lễ nghi Rước Lễ:


Cuối cùng chúng ta được chứng kiến Ðấng chịu đóng đinh trên thập giá như là Con Chiên bị sát tế, để nên của ăn mang lại sự sống vĩnh cửu. Ðức Giêsu thật là hạt lúa mì đã được chôn vào lòng đất để trổ sinh hoa trái, trở nên bánh nuôi sống gian trần và để trở nên lương thực cho sự sống muôn đời.

Bởi vậy việc cử hành cuộc khổ nạn và sự chết của Ðức Kitô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay trở thành việc cử hành sự sống, trở thành việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua từ sự chết tiến tới cuộc sống vĩnh cửu trong vinh quang của Thiên Chúa. Amen
 
Lời trối trăng tình yêu
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:15 08/04/2009

Lời trối trăng tình yêu



Ai con người, dù thế nào đi chăng nữa, cũng mang trong mình thân xác dòng máu cũng như trí khônn tinh thần điều gì được trối trăng để lại từ cha mẹ, hay một nền văn minh văn hóa thời đại nào.

Trong lãnh vực đức tin đạo giáo cũng có những trôi trăng cho người tín hữu.

Trối trăng cho con người.

Christian Morgenstern thuật lại câu chuyện ngụ ngôn về một lời trối trăng khác biệt lạ thường: „ Vào một thời xa xưa, chú Khỉ bỗng thấy mình trở nên loài người. Và một buổi chiều, chú Khi thấy mình trở thành người mời kêu gọi các loài thú vật cùng sinh sống trong rừng lại đến họp mặt. Chú ta muốn có lời từ gĩa chúng bạn: Thưa các Bạn, bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ trở thành loài người. Tôi không còn được cùng chung sống với Bạn như xưa nay trong núi rừng hoang dã này nữa. Phải từ bỏ đời sống thiên nhiên rừng núi, phải sống xa các Bạn, tôi cảm thấy buồn nuối tiếc lắm! Tôi không còn được sống trong cảnh chiến đấu cạnh tranh sinh tồn giữa giống loại Khỉ chúng tôi và giống loại của các Bạn.“

Chú Sư Tử lên tiếng chen vào: Đúng như thế sao, một cảnh chiến đấu cạnh tranh sinh tồn ư!“

Chú Khỉ nhảy nhót như có vẻ mệt mỏi nói chen vào“ Thôi cứ như vậy đi! Bây giờ chúng ta cùng nhau mừng bữa tiệc tromg không khi hòa bình và vui mừng trước đã“

Nghe thế, các con Vật đến dự bữa tiệc đều đồng thanh nói: „Vâng như vậy đi là tốt nhất!“, mặc dầu họ chẳng thích gì chú Khỉ này.

Chú Khỉ cảm thấy buồn rầu nép mình ẩn sau một cành là chà là to và bắt đầu thở dài. Các con thú vật khác nghe tiếng thở dài cùng vẻ mặt buồn rầu của chú Khỉ, họ động lòng thương cảm với.

Chú Chiên Cừu bước ra trứơc tiên, trongdòng nước mắt tuôn chảy trên đôi mắt nghẹn ngào nói: „ Chúng tôi cũng đau buồn không kém gì Bác đâu. Chúng tôi cùng thông cảm với Bác!“. Nhìn thẳng khuôn mặt của chú Khỉ, chú Chiên Cừu nói tiếp: „ Xin Bác giữ mãi hình ảnh của em trong trái tim tâm hồn Bác. Dẫu xa cách nhau, chúng ta vẫn luôn bên cạnh nhau trong tâm tưởng!“

Chú Lạc Đà cũng nối tiến theo nói như vậy với chú Khỉ, Lần lượt các chú Bò rừng, Lừa, Lợn, Công, Ngan, Hổ, Chó Sói, và nhiều con thú vật khác cũng tiến ra nhìn vào đôi mắt chú Khỉ nói tương tự như vậy. Tzấy thế Sư Tử, Chim Đại Bàng và Rắn cũng chạy lại nói như các ch1ung bạn thú vật đã nói lời từ gĩa chú Khỉ sẽ bò rừng núi trở thành người nay mai.

Sau khi nghe những lời từ biệt nhắn nhủ của các lòai thú vật, chú Khỉ cảm thấy mệt mỏi bối rối thêm. Dẫu vậy, chú ta cũng tỉnh dậy đi đến một dòng suối gần đó. Nhìn xuống nước trong dòng suối, chú lấy tay xoa dịu đôi mắt còn đang trong giấc mơ màng và thực tế, để nhìn cho rõ. Chú thấy dòng nưóoc chảy chyuển động như một tấm gương trong sáng phản chiếu lại hình ảnh những khuôn mặt soi trong đó.

Chú nhìn thấy trong dòng nước chuyển động làn sóng rung rinh nào là hình ảnh của chú Chiên Cừu, nào là con Lạc Đà đáng ghét ngạo nghễ cứng đờ; nào là chú Hổ nanh vuốt đầy máu me đang tha cắn mồi, nào là chú Công đang dương xoè đôi cành mầu sắc như một bánh xe tròn to lớn đang lăn lao vào chú…

Bỗng chốc một tia nắng mặt trời xuyên qua cành lá cây chiếu dọi tới, và chú Khỉ tỉnh người khỏi tình trạng đang mê man mộng tưởng. Qúa đỗi ngạc nhiên, chú Khỉ duị đôi mắt lần nữa và muốn nhảy chuyền sang cây to cao lớn xa đó. Sau cùng chú Khỉ nhận ra qua một đêm chú trở thành người. „

Câu chuyện ngụ ngôn này thuật lại lời trối trăng khác biệt lạ thường gưỉ đến con người: Mỗi con vật đều để ghi viết lại nơi con người một tính bản tính thú vật. Và qua đó, câu chuyện muốn nói, con người có nhiều khả năng thích hợp, mà con người sống cư xử theo cường độ nhiều hay ít. Và những trối trăng này không hẳn luôn là tích cực.

Lời trối trăng buổi chiều bữa tiệc ly

Có một trối trăng khác tích cực cho đời sống đức tin rất nhiều: trong bữa tiệc ly lập bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu tụ họp 12 Môn đệ mà ngài đã tuyển chọn từ ba năm cùng ăn bữa tiệc cuối cùng với họ. Trong bữa ăn này Chúa Giêsu không chỉ nói lời từ gĩa, nhưng ngài còn muốn để lại dấu tích hiển thị như lời trối trăng từ giã: cử chỉ tình yêu thương.

Cha mẹ thường ôm con vào lòng trao cho con nụ hôn tình yêu thương thân ái, khi đi đâu xa vắng. Cử chỉ chan chứa tình yêu thương này ghi dấu đậm nét trong tâm hồn người con và ngược lại.

Có những người cha, trên giường bệnh nặng khi con cháu tụ họp lại, thường cầm tay con cháu mình nói thều thào một vài lời nhắn nhủ họ cố gắng sống giúp đỡ mẹ các con, anh chị em đùm bọc lấy nhau sống chịu khó học hành, có đạo đức nên người và làm việc chăm chỉ, vợ chồng sống gắn bó nâng đỡ nhau lấy yêu thương tha thứ làm căn bản xây dựng đời sống gia đình… Cử chỉ thắm thiết cùng với những lời chân thành âu yếm lần cuối đó ghi viết đậm nét trong tâm hồn con cháu luôn mãi.

Chúa Giêsu trong bữa ăn cuối cùng không chú ý đến bàn tiệc thức ăn cho bằng bằng cung cách thầy trò sống bữa tiệc. Người đã chỉ cho họ cung cách tình yêu thương phục vụ, khi người cúi xuống rửa chân cho họ.

Bàn chân con người là phần cuối cùng của thân thể. Bàn chân chịu đựng sức nặng của thân thể đè dồn xuống. Bàn chân bước đi khắp đó đây dính bụi đất nên bẩn nhất. Vì thế khi tắm rửa, ai con người cũng chú ý đến rửa bàn chân kỹ lưõng. Bàn chân có sạch mới cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng.

Khi mặc quần chúng ta xỏ ống quần từ dưới bàn chân kéo lên trên. Người mẹ thường nắm kéo chân con thơ bé của mình nắn duỗi thẳng cho em bé được dễ chịu thoải mái. Lòng bàn chân cũng là nơi nhạy cảm vế nóng lạnh, đau đớn hay nhột nhạt dễ chịu. Khi mang đôi bí tất hay đôi giầy dép mà số to hay nhỏ hơn bàn chân, ta cảm thấy khó chịu ngay. Vì thế bàn chân thường được bảo vệ giữ gìn cẩn thận, bí tất hay giầy dép phải vừa cỡ ấm kín hay thoáng mát đời sống mới khỏe mạnh dễ chịu được.

Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các Môn đệ mình có ý muốn nói lên tình yêu thương săn sóc của Ngài cho con người về sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần, và cùng muốn chia sẻ thông cảm với gánh nặng chịu đựng trong đời sống.

Cũng trong bữa ăn Chúa Giêsu còn trối trăng lại chop các Môn đệ bí tích tình yêu thương qua tấm Bánh chén Rượu. Qua tấm bánh chén rượu, ngài muốn trao tặng chính mình ngài cho họ, làm dấu chỉ sự gần gũi, nâng đỡ củng cố tâm hồn họ. Dấu chỉ đó cũng là chúc lành của Chúa cho họ. Không chỉ để lại dấu chỉ tình yêu thương gần gũi cho các Môn đệ, nhưng ngài còn trối cho họ: Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy và củng để chia sẻ với mọi người trong cộng đoàn đức tin với nhau. Có thế Thầy mới luôn có mặt bên họ, và họ bên Thầy, mỗi khi mọi người tiếp nhận Tấm bánh chén Rượu Thánh Thể tình yêu Thầy trối trăng để lại.

Bữa ăn là điều không chỉ cần thiết cho thân xác bao tử được nuôi sống có sức mạnh, nhưng còn là điều linh thiêng cho tinh thần con người nữa.

Cha mẹ không chỉ dọn thức ăn đầy bàn cho gia đình ăn no bụng, nhưng vợ chồng con cháu quây quần bên bàn ăn, họ còn thưởng thức tiếp nhận tình yêu thương của cha mẹ qua những món ăn bày dọn trên bàn. Chính điều này mang đến cho con cháu sự no đủ tròn đầy. Qua đó đời sống họ phát triển lớn lên lành mạnh. Và qua đó dần dần người con cảm nhận ra thế nào là tình yêu thương của cha mẹ, thế nào là bác ái tình người giữa anh chị em với nhau, cùng gía trị của đời sống với những người khác.

Lời trối trăng của Chúa Giêsu để lại cho con người là lời trối trăng tình yêu thương: tiếp nhận tình yêu thương của Chúa và mang tình yêu thương đến cho nhau bằng lời nói cùng cử chỉ tình yêu thương bác ái tình người.

Thứ Năm Tuần Thánh 2009
 
Một Chúa Kitô khác hay khác Chúa Kitô
LM. Hồng Phúc
16:22 08/04/2009
MỘT CHÚA KITÔ KHÁC HAY KHÁC CHÚA KITÔ

Hồng Ân Ngân Khánh Linh Mục
Kính tặng Cha giuse Trần Xuân Mạnh, Giáo phận Thanh Hóa


Mỗi khi có thánh lễ tạ ơn về thiên chức Linh mục, là lại có dịp cộng đồng dân Chúa nói đến vị thay mặt Chúa ở trần gian. Người ta gọi ngài là Linh mục, nghĩa là người mục tử coi sóc đoàn chiên thiêng liêng. Danh hiệu mục tử là do chính Chúa Giêsu đã xưng nhận: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”. Cả danh xưng “Thầy cả” cũng xuất phát điểm từ Chúa Giêsu, khi Chúa dạy các tông đồ: “Dưới đất các con đừng gọi ai là thầy, vì các con chỉ có một thầy” (Mt 23,8). Như vậy, những danh xưng tặng cho các Linh mục đều xuất phát từ những danh xưng dành cho Chúa Giêsu. Vì thế, có người gọi Linh mục là Alter Christus – Chúa Giêsu thứ hai, một danh xưng gồm tóm được hết mọi danh xưng.

Người ta gọi Linh mục là thế nhưng người ta không chịu xin ý kiến Chúa Giêsu. Nếu được hỏi, chắc người ta sẽ ngạc nhiên vì câu trả lời của Chúa sẽ giống như câu Chúa đã trả lời cho hai anh em Giacôbê và Gioan: “Chén của Thầy các con sẽ uống, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20, 23). Như vậy đời Linh mục không phải là vinh danh tả hữu Chúa Giêsu, mà là can đảm uống Chén đắng của Thầy.

Một chức vụ Linh mục như thế là thân phận của người phục vụ, người được sai đi. chén vinh quang là chén đắng ứ tràn Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thân tín. Hiểu ý nghĩa này, nên Giáo Hội là Mẹ, khi trao Chén thánh cho tân chức Linh mục đã ban trao với lời tâm huyết: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu Thánh giá Chúa” (Trích Lễ nghi Phong chức Linh mục).

Rập đời sống theo mẫu khuôn Thánh giá, chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chính vị Linh mục trở nên giống Thầy chí thánh của mình, đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá. Thánh giá trên vai, Thánh giá đi vào đời, Thánh giá trên đôi tay ban phép lành hình Thánh giá. Sẽ là mâu thuẫn nếu người ta muốn lãnh nhận phép lành từ đôi tay Linh mục mà hình Thánh giá được vẽ lên từ đôi tay ấy lại khiến người ta khiếp sợ. Linh mục là người đồng hoá phép lành từ Thánh giá ấy, hay nói cách khác, Linh mục dâng thánh lễ Misa mỗi ngày là tái diễn hy tế Chúa Giêsu trên Thánh giá năm xưa. Tại sao người ta thích hình ảnh Moise giang tay trên núi, mà hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên Thánh giá lại khiến người ta lảng tránh?.

Hai anh em Giacôbê và Gioan, ít ra đã thưa được với Chúa Giêsu khi Chúa hỏi: “có uống được chén Ta sắp uống chăng?” (x.Ga) Và chính từ lời thưa đó mà nhiệm vụ của linh mục được trao ban. Với Đức Giêsu, Chén đắng ấy Ngài đã uống đến tận cùng. Trong tay Ngài có phủ việt, mặc áo hoàng bào, cho đến khi ở trên Thánh giá, đầu ngài còn đội mũ triều thiên, phía trên đầu còn có tấm bảng công bố: Giêsu Nazareth Vua Do Thái. Tất cả đều là sự thật, chỉ có trong đầu óc giới lãnh đạo Do thái là tấn kịch của một màn phỉ báng. Vậy mà chính trong sự thật bi thương ấy, một trong hai người trộm bị đóng đinh hai bên tả hữu Chúa Giêsu, chứ không phải là tả hữu của Giacôbê và Gioan, đã xin được điều mà hai anh em tông đồ bị từ chối, khi Chúa Giêsu trả lời với người trộm bị đóng đinh đó rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên đàng” (Lc 23, 43). Sau người trộm sám hối nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu, là viên sĩ quan đội quân hành hình, ông đã thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27, 54).

Ngày nay không phải là hai người mà là hai tỉ người đã nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu. Người Linh mục của Chúa cũng cần được từ bỏ đến tận cùng noi gương Đức Giêsu. Các ngài cần bị tiêu hao đến hết cuộc đời vì nhiệm vụ, bị vắt kiệt sức vì đoàn chiên, bị trút hết tiền của vì người nghèo…Nhưng trên thực tế, các Ngài còn quá giàu vì bao nhiêu những điều chưa được từ bỏ. Người ta phải lặp lại: Alter Christus – Một Chúa Giêsu Kitô khác hay khác Chúa Giêsu Kitô? Giáo hội ngày nay, rất khó tìm được những linh mục dám từ bỏ đến cả danh dự như câu chuyện sau:

“Thời Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia Hội. Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, giải tội cho các tín hữu bị giam ở khám đường, nhất là cho (t. 124) những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử Đạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình.

Lúc linh mục Đặng Đức Tuấn bị bắt đưa ra Huế để xử, ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy, thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia Hội. Trong nhà bà có tên đầy tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau đôi ba lần thăm viếng, cha Đặng Đức Tuấn để ý suy nghĩ:

“Anh này sao thấy có vẻ quen quen”.

Một hôm đang ngồi ở bàn ăn, cha Tuấn đăm đăm nhìn vào mắt tên đầy tớ ở góc phòng, rồi bạo dạn hỏi:

“Phải mày không Thanh?”

“Thưa phải!”

“Trời đất! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra!”

Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh, nước mắt chảy ròng ròng… Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp nhau lại!

Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ … Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đình ban bố, Đức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi có Tòa Giám Mục. Giáo dân khắp nơi tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Cha Bình mà là … Cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo:

“Ngỡ là ai, hóa ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca La tinh thật hay mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…”

Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Linh”. (Lữ hành Đường Hy Vọng)


Nói cho cùng, Linh mục thời đại nào cũng vẫn luôn là một thách đố lớn giữa thời đại. Một thách đố đã được cụ già tiên tri Simeon đã nói về Hài Nhi Giêsu: “Con trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy, và còn là dấu hiệu cho người ta chống đối” (Lc 2,34).

Ngã xuống hay đứng dậy vì đoàn chiên, khởi đi từ chính mình. Một của lễ hiến tế diễn ra hàng ngày trong cuộc đời Linh mục chưa kể tới dấu hiệu cho người ta chống đối. Lối nhìn này có vẻ bi quan nhưng có lẽ nó đúng hơn với cuộc đời Linh mục. Từ đó cái nhìn của mỗi người chúng ta không chỉ là tôn kính, nhưng còn là đồng cảm và đồng hành với vị chủ chiên của mình.

Hai mươi lăm năm trong đời sống Linh mục, nếu hôm nay được hỏi điều gì ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm hồn của cha Giuse, chắc chắn cha sẽ trả lời như lời ca thánh vịnh:

Giữa lòng đại hội, con sẽ tạ ơn Chúa

Trước mặt quần chúng, con sẽ tán dương Ngài.

Tv 35,18

Chúng ta hãy hợp với ngài tạ ơn Chúa trong tâm tình thành kính nhất, cầu nguyện cho ngài luôn là người mục tử như lòng Chúa mong muốn. Ngân khánh, Kim khánh và Ngọc khánh đón chờ ngài trong vòng tay yêu thương của Chúa.

“Ông nói đúng, tôi là vua!” - Chúa nói
“Nhưng Nước tôi siêu vượt khỏi trần gian”
Lời Chúa xưa nay sống lại rộn ràng
Và dần thấm mọi tâm can Linh mục.
Chức Tư tế, Tiên tri đầy ơn phúc
Thay Chúa Trời luôn chúc phúc trần gian
Lại còn thêm Vương đế rất cao sang
Nhưng Linh mục đâu vinh quang trần thế?
Vì Nước Chúa trải dài muôn thế hệ
Vượt trần gian và luật lệ loài người,
Nên Linh mục đại diện Đức Chúa Trời
Không tìm kiếm vinh quang đời mục nát.
Vâng Linh mục, không phải là ai khác
Vinh dự làm điểm tựa các linh hồn.
Những sâu kín trong quá khứ đau buồn
Hay thổn thức đời hoàng hôn hiện tại.
Tuổi thanh niên bao bước đi vụng dại,
Tuổi thơ ngây cần dẫn lái yêu thương.
Cả tương lai mờ mịt những bất thường.
Đây Linh mục, người bạn đường tín nhiệm !
Ngài không đến trong uy quyền vương miện,
Nhưng như người mục tử đến vì chiên.
Ngài không đến mang gấm vóc, bạc tiền,
Nhưng phân phát kho thiêng liêng: Bí tích.
Thế gian hứa cho vui chơi thoả thích,
Ngài giúp ta lo phần ích linh hồn.
Giữa thế gian đầy đau khổ u buồn,
Đây dấu chỉ về cội nguồn hạnh phúc !
Đời trinh khiết, khó nghèo và vâng phục,
Hoạ lại đời của chính Đức Kitô
Đấng đã từng đi trên mặt biển hồ
Mặc bão tố và sóng xô trần tục.
Ôi Linh mục – Alter Christus
Nối bước chân lướt trần tục năm xưa.
Hãy về đây bao mong mỏi đợi chờ,
Hãy gìn giữ đừng xoá mờ hình Chúa.
Tim mở rộng để ấp ôm muôn thuở,
Giang đôi tay thánh hiến giữa loài người.
Nở trên môi đẹp lời Chúa ngàn đời,
Chân rảo bước và Nước trời rộng mở.
Kính mến Chúa hoà trong từng hơi thở,
Yêu tha nhân bừng nở trọn tâm hồn.
Là muối đất: ngài phải chịu đau buồn,
Là ánh sáng: ngài phải luôn phân phát.
Là men bột: phải canh tân người khác
Nhưng đèn ngài không được tắt dưới thùng.
Là Mục tử: hiến mạng sống đến cùng
Là Tư tế: ngài phải chung hy tế.
Vác Thập giá để trở thành môn đệ,
Thành rốt hèn mới được kể làm đầu.
Vâng Linh mục một Thiên chức nhiệm mầu,
Không thể hiểu, chỉ cúi đầu lĩnh thụ.
Chúa Thánh Thần hoạt động luôn phong phú
Là khôn ngoan, là hội tụ tình yêu
Nguyện dẫn cha: đời Linh mục sớm chiều
Luôn xứng đáng niềm tin yêu Giáo phận.
Thánh hoá cha - thánh vụ thiêng lãnh nhận
Thành chứng nhân được đóng ấn Nước trời
Là Alter Christus giữa đời
Đầy hạnh phúc chức sáng ngời Linh mục.
 
Lương thực thần linh
Hai Tê Miệt Vườn. OFM
16:31 08/04/2009
LƯƠNG THỰC THẦN LINH

Vì yêu Chúa đã trao ban,
Chính Mình Máu Thánh cho ngàn chúng sinh.
Đây là lương thực thần linh,
Nuôi người dương thế trường sinh vĩnh tồn.
Chúa là mạch suối đổ tuôn,
Xuống trên nhân loại muôn ơn phúc lành.
Mọi người đổi mới canh tân,
Sạch muôn tội lỗi trở thành trắng tinh.
Chẳng ai còn sống cho mình,
Nhưng cho kẻ khác vì tình vị tha.
Loài người sum họp một nhà,
Ngày đêm vui sống chan hòa thánh ân.
Cùng nhau tích cực góp phần,
Dựng xây thế giới ngàn lần đẹp xinh.
Chính nhờ ăn bánh thần linh,
Chẳng là bánh rượu nhưng Mình Giê – su
“Tôi là bánh trường sinh. Bánh Tôi ban
tặng chính là thịt Tôi đây,
để cho thế gian được sống” (Ga 6,48.51)

Thứ 5 Tuần Thánh – Chúa lập Bí Tích Thánh Thể

SỐNG HIỆP THÔNG

Đã vào dự tiệc của ngài,
Chúng ta phải sống mãi hoài hiệp thông.
Quyết tâm dứt bỏ khỏi lòng,
Hận thù chia rẽ, sạch trong gian tà.
Từ nay sống thật sâu xa,
Mối tình con thảo với Cha trên trời.
Đồng thời yêu mến mọi người,
Giúp cho ai nấy hưởng thời bình an.
Thế trần im tiếng khóc than,
Khi lòng nhân thế đầy tràn tình yêu.
Khiến cây Bác ái sinh nhiều,
Hoa thơm cỏ tốt phong nhiêu ân tình.
Cuối đời tất cả hiển vinh,
Chính nhờ nhận lãnh Máu Mình Chúa ban.
Mọi người vào cõi thiên đàng,
Cùng nhau họp mặt trước nhan cha lành.
“Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta cùng chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một Thân thể” (1Cr 10,17)

Thư 5 Tuần Thánh:09-04-09

 
Nghi thức Rước Dầu Mới
GP Đà Lạt
16:32 08/04/2009
NGHI THỨC RƯỚC DẦU MỚI

I. ÍT ĐIỀU LƯU Ý

1. Dầu mới được làm phép và hiến thánh được cung kính đưa tới nhà thờ các giáo xứ; Dầu cũ thì đốt đi hoặc dùng để đốt đèn chầu.

2. Có thể tổ chức rước Dầu mới trước Thánh Lễ Tiệc Ly hay vào thời gian thích hợp, nhằm dạy các tín hữu về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu thánh trong đời sống Kitô-giáo.

3. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc tới việc cất giữ Dầu Thánh (S.C) trong nhà thờ như sau: “Dầu Thánh theo truyền thống, được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh, vì xức dầu là dấu bí tích của ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Dầu Dự Tòng (O.S) và Dầu Bệnh Nhân (O.I) cũng có thể đặt chung ở đó” (x. GL 1183; 1241).

II. NGHI THỨC (Mẫu đề nghị)

1. Chủ sự mặc lễ phục trắng (nếu tổ chức rước Dầu trước Thánh Lễ Tiệc Ly)

2. Chủ sự chào giáo dân và nói những lời sau đây hoặc tương tự:

Anh chị em thân mến,

Trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu sáng thứ Tư Tuần Thánh, tại nhà thờ Chánh Tòa Đàlạt, Đức Giám Mục Giáo phận đã làm phép và hiến thánh Dầu mới gồm Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh.

Trong thế giới Đông Phương, từ xa xưa, dầu có nhiều công dụng: soi sáng, làm gia vị cho thức ăn, chữa lành bệnh tật dưới hình thức uống hoặc xoa bóp. Kitô giáo cổ xưa cũng như ngày nay đã dùng dầu với các ý nghĩa biểu tượng.

Trong Cựu ước, dầu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Dầu là biểu tượng của niềm vui, vì cũng như niềm vui, dầu làm rạng rỡ gương mặt con người (x. Tv 104,15). Vì thế, đổ dầu trên đầu ai có nghĩa là cầu chúc cho người ấy vui tươi và hạnh phúc (x. Tv 23,5; 92,11). Dầu thấm vào thân xác con người làm phấn khởi lòng người vui sống “Dầu và hương thơm làm cho lòng người vui như hội” (x. Cn 27,9). Dầu còn liên hệ với thời Đấng Thiên Sai: “Họ sẽ uống sự vui vẻ, uống rượu và xức mình bằng dầu thơm” (x. Is 25,6). Thánh vịnh 23 đã liên kết bữa tiệc Giavê thết đãi với việc Giavê xức dầu: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù, đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,5).

Còn việc xức dầu, Cựu Ước cho ta thấy tầm quan trọng:

Trước hết, các vua được xức dầu, như Đavid: “Samuel cầm Sừng dầu và xức dầu cho Đavid trước mặt anh em và Thần Khí của Thiên Chúa đã xuống trên ông từ hôm đó” (x. 1Sm 16,13). Sau thời kỳ các vua, các vị được xức dầu là các thượng tế (x. Lv 4,3; 18,12). Sau cùng, các ngôn sứ cũng được xức dầu theo nghĩa bóng “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. ..” (x. Is 61,1).

Đức Giêsu xuất hiện như Đấng Mêsia – Kitô (x. Lc 4,16-21) và cũng trong dịp này, người đã áp dụng cho bản thân Người lời của ngôn sứ Isaia (x. Is 61,1).

Giờ đây, chúng ta sẽ rước Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh.

Dầu Bệnh Nhân được dùng để xức cho các bệnh nhân. Hội Thánh xin Chúa xoa dịu thân xác các bệnh nhân, viếng thăm và làm cho các bệnh nhân được vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng, giải thoát và làm thuyên giảm những đau đớn, phù trợ những người chăm sóc, cứu thoát bệnh nhân, ban sự sống và sức khoẻ cho họ.

Dầu Dự Tòng được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội Thánh xin Chúa ban sức mạnh cho các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác, tựa như người lực sĩ được xoa bóp dầu trước khi lên võ đài.

Dầu Thánh là dầu có pha thuốc thơm và đã được Đức Giám Mục hiến thánh. Dầu này được xức cho các tân tòng trong Bí tích Rửa Tội, cho các kitô hữu trong Bí tích Thêm Sức, cho các Linh mục và một cách sung mãn cho các Giám mục trong Bí tích Truyền Chức. Dầu này còn được dùng để cung hiến bàn thờ và nhà thờ.

Chúng ta hãy sốt sắng tham dự nghi thức rước dầu để hiểu và sống ý nghĩa về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu thánh trong đời sống Kitô giáo.

3. Hát bài hát thích hợp trong khi rước dầu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha giải thích về Tam Nhật Thánh
G. Trần Đức Anh OP
16:49 08/04/2009
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư tuần thành, 8-4-2009, tại Vatican, ĐTC đã giải thích về ý nghĩa Tam Nhật Thánh và mời gọi các tín hữu sống trọn vẹn những ngày Thánh này.

Trong số các tín hữu hiện diện có 4.300 sinh thuộc thuộc nhiều đại học trên thế giới về Roma tham dự Hội nghị quốc tế đại học Univ 2009 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức hằng năm vào dịp Tuần Thánh và Phục Sinh.

Sau bài đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê về việc Chúa Kitô, tuy là đồng hàng với Thiên Chúa, đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ, chịu khổ hình và chịu chết, ĐTC nói về ý nghĩa tam nhật thánh:

”Anh chị em thân mến, trong tam nhật vượt qua, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn, các chết và sự sống lại của Chúa. Các nghi thức trong lễ dầu cử hành sáng thứ năm tuần thánh, biểu lộ sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô cũng như sự hiệp thông Giáo Hội phải linh hoạt cộng đồng dân Chúa tụ họp để cử hành hy tế Thánh Thể và được sinh động hóa trong tình hiệp nhất nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Trong thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh, Giáo Hội kính nhớ việc lập phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác và giới răn mới về đức bác ái Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Ngài. Việc cử hành này mời gọi chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Thể, hồng ân mà chúng ta phải cung kính đón nhận và thờ lạy trong đức tin. Khi chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đau buồn, nhưng đồng thời là thời điểm thuận tiện để khơi dậy niềm tin của chúng ta, để củng cố niềm hy vọng và lòng can đảm của chúng ta trong việc khiêm tốn và tin tưởng vác thập giá của chúng ta, xác tín chắc chắn về sự nông đỡ của Chúa và chiến thắng của Ngài. Trong sự thinh lặng sâu xa của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến buổi Canh Thức vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm đó, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa.

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý

Trước các bài tóm lược bằng 4 thứ tiếng, ĐTC đã diễn giải bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn về tam nhật thánh.. Ngài nói:

”Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong năm, tuần này mang lại cho chúng ta cơ hội đi sâu vào trong các biến cố trọng yếu của công trình cứu độ, sống lại mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm cao cả của đức tin. Từ chiều thứ năm Tuần Thánh, với thánh lễ Chúa lập phép Thánh Thể, các lễ nghi phụng vụ trọng thể giúp chúng ta suy niệm một cách sống động về cuộc thương khó, sự chết và sống lại của Chúa trong tam nhật Vượt Qua, là nòng cốt của năm phụng vụ. Ước gì ơn Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để hiểu hồng ân khôn lường là ơn cứu độ mà sự hy sinh của Chúa Kitô đạt được cho chúng ta. Hồng ân vô biên này, chúng ta thấy được mô tả một cách tuyệt vời trong bài ca nổi tiếng trình bày trong thư gửi tín hữu Philiphê (2,6-11), mà chúng ta suy niệm nhiều lần trong mùa chay này. Thánh Tông đồ gợi lại một cách xúc tích và hữu hiệu toàn thể mầu nhiệm lịch sử cứu độ, ngài nhắc đến tội kiêu ngạo của Adam, là người tuy không phải là Thiên Chúa mà lại muốn như Thiên Chúa. Và đối nghịch với sự kiêu ngạo của con người đầu tiên ấy, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy phần nào trong con người của chúng ta, là sự khiêm hạ của Người Con đích thực của Thiên Chúa, khi làm người, Ngài đã không ngại nhận lấy tất cả những yếu đuối của thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi, và ngài đi tới mức độ sâu thẳm của cái chết. Tiếp theo sự hạ mình trong chiều sâu tột cùng của cuộc khổ nạn và cái chết, là sự tôn vinh, vinh quang đích thực, vinh quang của tình yêu thương cho đến tột độ. Vì thế, như thánh Phaolô đã nói, 'Khi nghe danh Chúa Giêsu mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, mọi gối phải bái quì và mọi miệng lưỡi phải tôn vinh: Đức Giêsu Kitô là Chúa!” (2,10-11). Qua những lời ấy Thánh Phaolô nhắc đến lời ngôn sứ của Israel trong đó Chúa nói: Ta là Chúa, mọi đầu gối đều phải gập xuống trước mặt Ta trên trời và dưới đất (xc Is 45,23). Thánh Phaolô khẳng định rằng điều này được áp dụng cho Chúa GIêsu Kitô. Trong sự khiêm tốn của ngài có sự cao cả đích thực của tình yêu của ngài, ngài thực là Chúa tể của trần gian và mọi gối phải bái quì thực sự trước mặt Ngài”.

ĐTC nói thêm rằng: Thật là tuyệt vời và lạ lùng dường nào, mầu nhiệm ấy. Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm cho đủ về thực tại này. Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, đã không muốn coi những đặc quyền thần linh của ngài như một điều sở hữu tuyệt đối, ngài không muốn dùng bản tính Thiên Chúa, phẩm giá vinh quang và quyền năng của Ngài như một phương thế chiến thắng và như một dấu hiệu xa cách chúng ta. Trái lại, Ngài đã tự hủy mình, nhận lấy thân phận lầm than yếu đuối của con người. Về điểm này, thánh Phaolô dùng một động từ Hy Lạp để chỉ sự “kénosis”, sự hạ cố của Chúa Giêsu. Hình thái thần linh tiềm ẩn trong Chúa Kitô dưới hình người, hoặc dưới thực tại của chúng ta, ghi đậm đau khổ, nghèo đói, và những giới hạn của con người, cũng như chết chóc. Sự chia sẻ tột cùng bản tính loài người của chúng, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi, đã đưa Chúa Giêsu đến biên giới dấu hiệu sự hạn hữu của chúng ta, tức là cái chết. Nhưng tất cả những điều ấy không phải là kết quả của một động cơ tăm tối hoặc định mệnh mù quáng, đúng hơn đó lạ sự tự do chọn lựa của Chúa, là sự quảng đại gắn bó với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói thêm rằng cái chết mà Chúa Giêsu chấp nhận chính là cái chết trên thập giá, là cái chết ô nhục nhất người ta có thể tưởng tượng được. Tất cả những điều ấy vị Chúa tể vũ trụ đã chấp nhận vì yêu thương chúng ta: vì yêu thương ngài đã tự hủy mình, trở nên người anh chúng ta, vì yêu thương ngài chia sẻ thân phận của chúng ta, thân phận của mỗi người. Một đại chứng nhân của truyền thống đông phương, là Teodoro Ciro đã viết: ”Tuy là Thiên Chúa và có bản tính Thiên Chúa, đồng hàng với thiên Chúa, Ngài không giữ lại cho mình điều gì cao cả, như những người đã nhận được vài vinh dự cao hơn huân công của họ, trái lại Chúa dấu đi những công phúc của Ngài, đã chọn sự khiêm hạ sâu thẳm nhất, và mặc lấy hình dạng một người” (Commento all'epistola ai Filippesi, 2,6-7).
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn bạn trẻ Tây Ban Nha
G. Trần Đức Anh OP
16:57 08/04/2009
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các bạn trẻ Tây Ban Nha chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ, khám phá tình yêu Chúa qua Thập Giá và luôn học hỏi đào sâu đức tin.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-4-2009, dành cho 7 ngàn bạn trẻ Tây Ban Nha về Roma tham dự Ngày Quốc tế giới trẻ hôm chúa nhật 5-4 trước đó, và đón nhận Thánh Giá giới trẻ do phái đoàn Úc chuyển giao. Hiện diện tại buổi kiến còn có ĐHY Antonio Mario Roucou, TGM Madrid, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha và một số giám mục khác.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi sáng kiến của các bạn trẻ sẽ rước Thánh Giá giới trẻ qua các đường phố ở thủ đô Madrid vào ngày thứ sáu Tuần Thánh tới đây, để Thánh Giá được chúc tụng và tôn kính. Ngài nói: ”Cha khuyến khích các con hãy khám phá nơi Thánh Giá mức độ vô biên của tình yêu Chúa Kitô và để có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi đến độ hiến thân vì tôi” (Gl 2,20).. Các con hãy đáp lại tình yêu Chúa Kitô bằng cách dâng hiến cho Chúa cuộc sống của các con trong yêu thương”.

Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 26 sẽ được cử hành ở cấp hoàn vũ tại Madrid vào năm 2011 tới đây với chủ đề ”Bén rễ sâu và được xây dựng trong Chúa Kitô, kiên vững trong đức tin” (Cl 2,7).

ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ Tây Ban Nha rằng: ”Vì thế, cha mời gọi các con hãy học hỏi đào sâu đức tin vốn mang lại ý nghĩa cho đời sống các con và hãy củng cố các xác tín c[ua mình để có thể kiên vững giữa những khó khăn thường nhật. Hơn nữa, cha nhắn nhủ các con, trên con đường tiến về cùng Chúa Kitô, các con hãy biết thu hút những người bạn trẻ, bạn đồng môn và đồng nghiệp, để họ cũng được biết Chúa và tuyên xưng Ngài là Chúa trong đời sống của họ. Vì thế, các con hãy để cho sức mạnh của Đấng Tối Cao là Thánh Linh ở trong các con, biểu lộ sức thu hút vô biên của Ngài”.

Sau cùng, ĐTC nói thêm rằng ”Hãy những người trẻ quí mến, thời gian chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Madrid là một cơ hội đặc biệt để cảm nghiệm ơn được thuộc về Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô. Những Ngày Quốc Tế giớit rẻ biểu lộ năng động và sự tươi trẻ mãi mãi của Giáo Hội. Ai yêu mền Chúa Kitô thì cũng yêu mến Giáo Hội với cùng một niềm hăng say như vậy, vì Giáo Hội giúp chúng ta sống trong quan hệ mật thiết với Chúa. Vì thế, các con hãy vun trồng những sáng kiến giúp người trẻ cảm thấy là phần tử của Giáo Hội, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với các vị Chủ Chăn và với Người Kế Vị Thánh Phêrô' (SD 6-4-2009)
 
Dòng Thánh Phanxicô mừng kỷ niệm 800 năm chính thức thành lập
Phụng Nghi
21:09 08/04/2009
VATICAN CITY (CNS) – Khoảng 1800 tu sĩ dòng Thánh Phanxicô từ khắp nơi trên thế giới sẽ hội tụ về thánh phố Assisi nước Ý, để mừng kỷ niệm 800 năm Đức giáo tông chuẩn y luật dòng.

Đây là lần đầu tiên đại diện từ 4 chi nhánh của dòng gặp nhau tại Assisi – nơi sinh trưởng của Thánh Phanxicô, đấng sáng lập dòng – để tham dự Tổng tu nghị Quốc tế từ ngày 15 đến 18 tháng 4 này.

Tổng tu nghị (Chapter of Mats) là tên lấy vào năm 1221 khi Thánh Phanxicô triệu tập hơn 3000 tu sĩ dòng về nhà nguyện Portiuncula ở Assisi để tham dự một cuộc họp chung, gọi là tổng tu nghị hay tổng công hội.

Theo lời Cha Jose Rodriguez Carballo, tổng tài của Dòng Anh em Hèn mọn (Order of Friars Minor) cho biết, thì vì lúc đó thành phố Assisi nhỏ bé này không thể dung nạp được con số lớn lao những người đến tham dự như thế nên các tu sĩ đã phải ở trong những căn lều làm bằng lau sậy và ngủ trên các tấm đệm.

Ba nhóm khác thuộc Dòng Thánh Phanxicô tới tham dự Tổng tu nghị là nhóm Capuchins, nhóm Phanxicô Tu viện (Conventual Franciscans) và Dòng Ba Phanxicô Chính quy (Third Order Regular Franciscans)

Tổng tu nghị lần này rơi vào dịp kỷ niệm 800 năm ngày Dòng được chính thức thành lập khi thánh Phanxicô trình luật Dòng lên Đức giáo tông Innocent III để được ngài chuẩn y năm 1209.
Tu sĩ Dòng Phanxicô tại Đất Thánh


Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 7 tháng 4 tại đài phát thanh Vatican, Cha Rodriguez nhấn mạnh đến tình chất tinh thần của công hội và nói rằng những người đứng ra tổ chức hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để “cùng đến với nhau như một gia đình, để trình bày cho giáo hội và cả thế giới chứng ngôn về tình huynh đệ và mừng kỷ niệm thời kỳ khai sáng của chúng tôi.”

Linh mục tổng tài nói: “Với những ngày dành riêng để nói lên những chứng từ, để ăn năn đền tội, chay tịnh, cầu nguyện và hành hương, cuộc hội ngộ này cũng còn là lời kêu gọi trở về, sống Tin Mừng như Thánh Phanxicô đã yêu cầu các đồ đệ của ngài thuở trước.”

Cha nói: các tu sĩ nam nữ sẽ có dịp tuyên xưng lòng trung thành với Đức giáo tông trong một buổi triều yết Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Castel Gandolfo vào ngày 18 tháng 4 này.

Thánh Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình giầu có tại Assisi khoảng năm 1181, đã hiến thân phục vụ người nghèo khó và rao giảng một đường lối sống an hòa. Ngài lập ba tu hội – Dòng Anh em Hèn mọn, dòng Nữ Khó nghèo, và Dòng Anh Chị em Đền tội – và đặt cho mỗi Dòng một luật lệ đặc biệt.

Các Dòng nói trên đã phát triển theo với thời gian và nay trở thành:

Dòng thứ nhất, có ba nhánh riêng biệt: Anh em Hèn mọn (Order of Friars Minor) Anh em Hèn mọn Tu viện (Conventual Franciscans) và Anh em Hèn mọn Lúp dài (Capuchins).

Dòng thứ hai, Nữ Khó nghèo (the Poor Clares), gồm tất cả các tu viện của nữ tu kín theo các luật lệ của nữ thánh Clare, cũng như các Chị em Truyền tin (Sisters of the Annunciation and the Conceptionists.)

Dòng thứ ba, gồm Dòng Ba Thánh Phanxicô Chính quy (Third Order Regular Franciscans), dòng Phan sinh tại thế (secular order) và những tổ chức mới (new foundations).

Cha Rodriguez nói rằng theo luật thì các chi nhánh của dòng biệt lập với nhau, nhưng các nhánh này đều hiệp nhất trong tinh thần và cộng tác với nhau nơi một số những dự án thực thi trên khắp thế giới.

Ngài cho biết: Đừng coi các chi nhánh nói trên như phân cách nhau, nhưng là tượng trưng cho tính đa dạng và đa nguyên trên thế giới.

“Dòng Thánh Phanxicô tuôn chảy một sức lôi cuốn rất phong phú, hiển hiện nơi nhiều người và tại nhiều nơi chỗ.”

Ngài nói: Cũng có vô số những nhóm người, kể cả tín đồ theo Anh giáo, theo Tin lành Lutherans và Presbyterians, đã tìm được nguồn cảm hứng nơi thánh Phanxicô và sống theo luật lệ của Người.

Ngay cả một số người theo Phật giáo và Hồi giáo cũng đã có một sự tôn sùng đặc biệt thánh Antôn Padua là một tu sĩ Dòng Phanxicô, đó là lời của Cha Mariano Steffan trong cuộc họp báo ngày 7 thàng 4.

Cha nói: sức lôi cuốn quần chúng của Dòng Phanxicô, đó là “rất cởi mở, không phân biệt ai, không lập nên những hàng rào hoặc chia cách.”

Tuy nhiên, theo lời cha, điều đó gây ra một số khó khăn khi phải phân biệt “bởi vì khi có nhiều phương cách để biểu hiện như thế thì khó mà nói được lúc nào bạn đứng ở trạng thái quân bình và lúc nào bạn đã tiến quá xa.”
 
Đức Thánh Cha gửi toán cứu hỏa Vatican đến trợ giúp vụ động đất
Bùi Hữu Thư
11:56 08/04/2009

Đức Thánh Cha gửi toán cứu hỏa Vatican đến trợ giúp vụ động đất



Các nhân viên Caritas đem hy vọng tới cho miền bị tàn phá nặng nề

Rôma, ngày 7 tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI trợ giúp nạn nhân vụ động đất bằng cách gửi toán cứu hỏa tới, trong khi nhân viên Caritas cũng tiến mạnh trong việc trợ giúp các thành phố bị thiệt hại.

Trưởng toán cứu hỏa, ông Domenico Giani đã nói trên đài Truyền thanh Vatican là tám nhân viên cứu cấp được Tòa Thánh gửi đi theo chỉ thị của Đức Thánh Cha đã hợp tác từ ngày thứ hai để trợ giúp các nạn nhân trện động đất tại miền Abruzzo.

Trận động đất có cường độ 5,6 Richter, đánh vào gần thị trấn L'Aquila, khoảng 70 dặm phía bắc Rôma. Các giới chức cho biết có 228 người chết, 15 người mất tích, và khoảng 1.000 người bị thương.

Giới chức này giải thích: "Ngay khi thiên tai xẩy đến, vào lúc đêm, tôi đã thưa với cấp trên của tôi, với Đức Giám Mục Renato Boccardo và Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, thư ký và giám đốc của Văn Phòng Thống Đốc Thánh Đô Vatican. Sau đó chúng tôi trình lên Đức Thánh Cha, Quốc Vụ Khanh và toàn thể Bộ Ngoại Giao."

Ông tiếp "Dường như trong lúc đau đớn cùng cực này, chúng tôi có bổn phận phải gửi một toán cứu hoả đến tiếp cứu.” Ông giải thích thêm, “các toán an ninh Vatican cũng đã được huấn luyện trong lãnh vực an ninh và bảo vệ dân chúng."

Đường lối tập thể

Vatican gửi một kỹ sư về kiến trúc tới miền này cùng với một toán tám người và các dụng cụ và tiếp liệu cần thiết cho việc bảo vệ dân sự và trợ giúp dân chúng.

Toán này đang cộng tác với các dịch vụ khẩn cấp Ý tại một trong các nơi bị thiệt hại nhiều nhất, là làng Onna, nơi có 41 người trong số dân làng 250 người bị chết.

Ông Giani nói, "Họ đã làm việc cả đêm, thu lượm các xác người, nhưng bây giờ họ chú tâm trên hết vào việc giúp đỡ dân chúng, gom góp lại những gì có thể sử dụng được và trợ giúp tinh thần."

Ông tiếp, "Toà Thánh với nhiều cơ quan khác nhau -- Cor Unum, Caritas – luôn luôn trợ giúp dưới danh nghiã Đức Thánh Cha, bất cứ khi nào có trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp này, ngoài những yểm trợ về vật liệu và tài chánh, các chuyên viên cũng được cung cấp."

Kỹ sư Paolo De Angelis, giải thích trên đài truyền thanh Vatican là tình trạng thật “thê thảm” và tuy nhiên, “tình liên đới giữa con người đã được thể hiện.”

Ông tiếp: "Chúngtôi đã được đón tiếp nồng hậu: đây là điệp văn chúng tôi muốn mang tới, một điệp văn của sự liên đới, và dân chúng đã hoan hỉ đón chào.

"Bầu khí giữa dân chúng là một tình trạng sửng sốt. Ở đây điều dân chúng cần trên hết là được an ủi, vì họ đã mất hết tất cả sau trận động đất."

Một sự tàn phá khủng khiếp

Linh mục Vittorio Nozza, giám đốc Caritas Ý, cho hãng thông tấn ZENIT hay là sự tàn phá của trận động đất hết sức nặng nề, và không còn một căn nhà nào không bị phá hủy."

Cha đã đến L'Aquila hôm nay và tiếp xúc với Đức Cha sở tại là Tổng Giám Mục Giuseppe Molinari, và với giám đốc Caritas điạ phương là ông Alberto Conti.

Cha nói Caritas đang tiếp xúc với từng cha sở trong vùng “để đích thân nghe đâu là những nhu cầu khẩn cấp nhất."

Họ đã thỏa thuận "phân chia vùng này ra làm bẩy khu để có thể can thiệp trong việc trợ giúp đồng đều.” Một trung tâm phối hợp của Caritas Ý và giáo phận sẽ được thiết lập ngay để không những chỉ hoạt động trong thời gian khẩn cấp này mà còn về lâu dài trong việc tái thiết trong vùng.

Họ nói mục tiêu là cung cấp nơi trú ngụ cho trẻ em, người già và người bệnh, để cho người lớn có thể chú tâm vào việc tổ chức lại đời sống hàng ngày của họ.

Cha nói: "Tại nhiều làng chúng tôi thấy họ không xúc động nhiều, nhưng ở những nơi họ bị mất đi một hay nhiều người thương yêu, có một câu hỏi rất quyết liệt: Thiên Chúa ở đâu? Chúng tôi chỉ biết trả lời câu hỏi này bằng cách cầu nguyện và bằng sự gần gũi của chúng tôi."

Linh mục Dionisio Rodriguez, giám đốc Caritas điạ phương và là cha xứ tại Paganica, một thành phố gần L'Aquila, phải chuẩn bị dâng Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh cho nạn nhân vụ động đất tại một sân vận động.

Cha nói, "Chúa Nhật Phục Sinh cho chúng tôi một dấu chỉ của niềm hy vọng và lạc quan. Dân chúng giờ đây không vui vẻ gì, nhưng Chúa Nhật Phục Sinh cho chúng tôi một dấu hiệu của sự sống và việc canh tân."
 
Top Stories
Taiwan: A Kaohsiung, l’Eglise catholique distribue du riz aux victimes de la crise économique
Eglises d'Asie
16:30 08/04/2009
Dans certains pays d’Asie, les personnes se convertissaient au christianisme pour accéder à un meilleur niveau économique étaient appelées les chrétiens « sac de riz ». Le 18 mars dernier, le diocèse de Kaohsiung, ville portuaire de Taiwan, a commencé à distribuer du riz aux victimes de la crise financière qui plonge l’économie de l’île dans une sévère récession. Pour Dominic Kao Hung-po, responsable de la campagne « Pain quotidien », les distributions de riz n’ont aucune visée prosélyte. Il y a un demi-siècle, l’île était sous-développée économiquement et les Taiwanais avaient besoin de l’aide étrangère; aujourd’hui, le pays est riche mais la crise met au chômage un grand nombre de personnes et « il est de notre devoir d’aider ces gens à traverser une période difficile », explique ce laïc âgé de 60 ans.

Selon les chiffres du gouvernement, les chômeurs étaient au nombre de 624 000 en février, soit 46 000 de plus qu’en janvier. Le taux de chômage est monté à 5,8 %, soit un niveau très élevé pour un pays de 23 millions d’habitants, habitués ces dernières années à une situation de quasi-plein emploi. Un système d’assurances publiques indemnise partiellement le chômage à Taiwan, mais, selon Dominic Kao, les mailles du filet social laissent passer un grand nombre de personnes.

Après en avoir parlé avec son évêque, Mgr Peter Liu Cheng-chung, Dominic Kao a lancé une opération de collecte de fonds et de riz auprès des catholiques comme des non-catholiques. Depuis le 18 mars, une tonne et demie de riz a ainsi été distribuée à quelque 300 familles. Afin de repérer ces dernières, Dominic Kao et une dizaine de bénévoles ont rendu visite à une trentaine d’écoles primaires publiques, demandant aux enseignants – car « ce sont eux qui connaissent le mieux la véritable situation des familles » – quelles étaient les foyers en difficulté. Une fois contactés, ceux-ci reçoivent un sac de riz de trois kilo, équivalent à 125 dollars taiwanais (2,80 euros) et la visite d’un bénévole. Celui-ci a pour mission d’orienter les familles les plus en difficulté vers les paroisses, où elles pourront recevoir une aide plus importante et adaptée à leur situation.

Lors des prédications de Carême, Mgr Peter Liu a attiré l’attention des fidèles sur le fait qu’ils devaient prêter une attention particulière à la prière, au jeûne, à l’abstinence, et ne pas oublier d’aider concrètement leur prochain. « Aider ceux qui sont dans le besoin, c’est une manière de montrer que l’amour existe encore dans notre société et que l’espoir en la vie n’a pas disparu », a-t-il expliqué. De son côté, Dominic Kao espère que son initiative fera tâche d’huile dans les six autres diocèses de l’Eglise catholique à Taiwan.

(Source: Eglises d'Asie, 8 avril 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hội Việt Nam trong lãnh vực Bác ái Xã hội 50 năm qua
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
00:55 08/04/2009
GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ MẠNG PHỤC VỤ CON NGƯỜI
TRONG LĨNH VỰC BÁC ÁI XÃ HỘI 50 NĂM QUA

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH

Các bạn độc giả thân mến,

Uỷ ban Bác ái Xã hội xin gửi các bạn bài “Giáo hội Việt Nam và Sứ mạng phục vụ con người trong lĩnh vực bác ái xã hội 50 năm qua” và mời các bạn góp ý kiến để chúng ta cùng tìm ra những đường hướng hoạt động tốt nhất cho Giáo hội Việt Nam. Đề tài này đã được một thân hữu phát lên từ ngày 2-4-2009 nhưng chưa hoàn chỉnh. Đây mới là bài chính thức được UBBAXH/HĐGMVN gửi tới các bạn.

Chúng tôi rất mong ước các bạn cùng chúng tôi soạn ra những kỹ năng sống trong phần thứ 3 của bài này để đào tạo lối sống mới cho người tín hữu cũng như cho đồng bào Việt Nam.

Xin chân thành cám ơn các bạn và cầu chúc các bạn tràn đầy niềm vui và ân phúc của Chúa Phục Sinh.

Mọi liên lạc xin gửi về địa chỉ: UBBAXH-Caritas VN, 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP. HCM, ĐT: (08) 38208716, Email: ubbaxh_vn@hcm.vnn.vn

NHẬP ĐỀ

Kể từ Công đồng Vatican II (1965) đến nay, hoạt động bác ái xã hội (BAXH) của Giáo Hội toàn cầu đã có nhiều đổi mới, nhất là từ khi Giáo Hội công bố học thuyết xã hội của mình qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, xuất bản năm 2004. Hoạt động này không còn bị coi như một hành động phụ thêm vào đời sống bí tích phụng tự, cũng không còn mang tính cách từ thiện nhưng chính “là cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi” (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 19). Hơn nữa, sứ mạng phục vụ con người chính là thể hiện lại sứ mạng phục vụ của Đức Giêsu Kitô: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Giáo hội Việt Nam, chúng ta được mời gọi nhìn lại đôi nét về sứ mạng phục vụ con người trong lĩnh vực xã hội của Giáo hội Việt Nam (GHVN), trong thời gian vừa qua để có thể định hướng hoạt động này trong thời gian tới khởi đi từ hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

Bài trình bày gồm 3 phần chính sau đây:

- Sơ lược hoạt động BAXH của GHVN từ 1960-2009
- Tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay
- Định hướng hoạt động BAXH trong thời gian tới

1. SƠ LƯỢC HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM TỪ 1960-2009

Chúng ta chọn thời điểm 1960 vì ngày 24-11-1960 ĐTC Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Các giáo phận hiệu toà từ 350 năm qua (1659) nay trở thành chính toà. Nhưng về mặt xã hội, thời điểm quan trọng có lẽ phải tính từ ngày 20-7-1954 với Hiệp định đình chiến tại Geneva, đất nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa, do Đảng Cộng Sản nắm chính quyền; miền Nam theo chế độ Tư bản. Sự đối kháng giữa hai ý thức hệ khiến dân tộc bị phân hoá, đất nước bị tàn phá nặng nề trong 2 cuộc chiến tranh với thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) đã gây nên bao thảm cảnh xã hội cho đến khi đất nước được thống nhất vào năm 1975. Chúng ta có thể chia giai đoạn này thành 3 thời kỳ:

o Từ 1960-1975: Hoạt động BAXH khác nhau tại hai miền Nam - Bắc.
o Từ 1975-1990: Thời kỳ khép kín và hoạt động BAXH âm thầm.
o Từ 1990-2010: Thời kỳ cởi mở và hoạt động BAXH công khai.

1.1. TÌNH TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG THỜI KỲ 1960-1975

1.1.1. Bối cảnh xã hội Việt Nam

Cuộc chiến tranh Pháp-Việt với mệnh lệnh “tiêu thổ kháng chiến” và chiến thuật “vườn không nhà trống” đã khiến cho đất nước Việt Nam kiệt quệ: nhà cửa, cầu cống, đường xá, đồng ruộng đều bị tàn phá, bỏ hoang để cho quân địch không thể sử dụng trong cuộc chiến. Hàng triệu người chết đói (năm Ất Dậu, 1945), hàng trăm ngàn người tàn tật, mồ côi, goá bụa cần cứu giúp.

Hiệp định Geneva về Đông Dương lại dẫn đến cuộc di cư của khoảng 800.000 người, trong đó có 650.000 người Công giáo, từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, làm cuộc sống của người dân ở cả hai miền có những xáo trộn và thay đổi lớn lao.

Hai miền Nam Bắc trở thành tuyến đầu của hai phe Cộng Sản và Tư Bản. Sự đối kháng giữa hai ý thức hệ này khiến dân tộc bị phân hoá, chia rẽ và thậm chí giết hại lẫn nhau. Cuộc chiến tranh tương tàn kéo dài từ 1954 đến 1975 gây nên những thiệt hại gấp nhiều lần so với cuộc chiến Pháp-Việt. Hơn 1 triệu người chết, 2,5 triệu người goá bụa, trên 2 triệu trẻ em mồ côi và hơn 1 triệu thương phế binh. Hàng triệu tấn bom đạn và hàng trăm ngàn tấn chất độc rải xuống đồng ruộng, rừng cây làm nghèo tài nguyên thiên nhiên và gia tăng tình trạng nghèo đói của con người.

Chiến tranh còn tàn phá tâm hồn người Việt nặng nề hơn nữa khi làm cho người ta luôn sống trong sợ hãi, nghi ngờ, đánh mất niềm hy vọng vì cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chiến tranh làm cho con người trở nên tàn ác, dối trá, lọc lừa vì thủ đoạn tuyên truyền của cả hai bên khiến cho sự thật bị bóp méo và lương tâm bị sai lạc. Tình trạng lo sợ chiến tranh, chết chóc dẫn đến tâm lý yêu cuồng, sống vội của một bộ phận thanh niên và những tệ nạn xã hội như nghiện ma tuý, mại dâm, cờ bạc, rượu chè, phá thai, tự tử… như nói lên sự đổ vỡ ngay trong cấu trúc tâm hồn người Việt còn nặng nề hơn cả những thiệt hại về vật chất.

Chính phủ hai miền đã lập ra nhiều tổ chức để giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật và các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân xã hội. Người dân Việt Nam, nhất là các tín hữu Công giáo, với tinh thần “lá lành đùm lá rách” cũng đã tích cực đóng góp rất nhiều cho công tác xã hội.

1.1.2. Giáo hội Việt Nam

a. Miền Bắc

Hoạt động BAXH công khai của giáo hội miền Bắc trong thời kỳ này không được tổ chức vì nhiều nguyên nhân như sự nghi ngại của chính quyền, thiếu các phương tiện, thiếu nhân sự chuyên môn do nhiều linh mục, tu sĩ đã di cư vào miền Nam. Sau cuộc vận động cải cách ruộng đất (1955-1956), nhằm đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ phong kiến, hầu như toàn bộ tài sản của các giáo phận, giáo xứ như ruộng đất, vườn tược bị Nhà Nước tịch thu và các cơ sở BAXH như viện mồ côi, nhà dưỡng lão, trường học bị tiếp quản, phải ngưng hoạt động. Do nghi ngờ về lập trường chính trị của người Công giáo, nhiều hoạt động bị theo dõi chặt chẽ nên tín hữu chỉ tập trung vào việc dự lễ, đọc kinh.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, nhiều hoạt động BAXH tự nguyện và âm thầm vẫn được thực hiện trong nội bộ xứ đạo hay trong giáo phận như nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, tàn tật, giúp đỡ những gia đình nghèo khổ, neo đơn, dạy học cho những người mù chữ. Tổng kết về giáo dục và các cơ sở xã hội: giáo phận Hải Phòng có 40 trường nam với 4.865 học sinh, 29 trường nữ với 2.900 học sinh và 2 cơ sở từ thiện với 160 người; Bắc Ninh có 4 cơ sở từ thiện; Phát Diệm có 42 trường nam với 12.465 học sinh và 42 trường nữ với 6.233 học sinh, 2 cơ sở từ thiện với 25 người; Vinh có 110 trường, 9 cơ sở từ thiện (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 180-205).

b. Miền Nam

Do các giám mục miền Nam được thôi thúc bởi tinh thần dấn thân của Công đồng Vatican II mới được tổ chức tại Rôma từ 1962-1965, cũng như chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo nên hoạt động BAXH ở miền Nam mạnh mẽ và phong phú hơn:

- Năm 1965, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã thành lập tổ chức Caritas Việt Nam và Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm chủ tịch. Từ năm 1966, Caritas được thành lập tại các giáo phận miền Trung (5 giáo phận), miền Nam (6 giáo phận) để trực tiếp giúp đỡ những người nghèo, các nạn nhân xã hội, nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến tranh. Mạng lưới hoạt động của Caritas lan rộng tới tận các giáo xứ với các chương trình như cấp dưỡng sữa bột và bánh mì cho học sinh tiểu học, cấp học bổng cho học sinh trung học. Nhiều cơ sở xã hội được các dòng tu xây dựng để nuôi dưỡng các trẻ mồ côi tàn tật (như Ttrường Câm Điếc Lái Thiêu (Bình Dương), các người già yếu, các bệnh nhân phong cùi [trại phong Bến Sắn (Bình Dương), Thanh Bình (Thủ Thiêm), Di Linh (Đà Lạt)]. Tổ chức Caritas Việt Nam ở Trung ương hay ở giáo phận thường phối hợp với các dòng tu này trong công tác BAXH. Tổng kết về các cơ sở xã hội của miền Nam: có 435 cơ sở xã hội (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 506).

- Hoạt động BAXH mở rộng trên phạm vi giáo dục: hầu như xứ đạo nào cũng có trường tiểu học, ở vùng đông dân cư có trường trung học cơ sở (đệ nhất cấp), trung học phổ thông (đệ nhị cấp) thậm chí cả đại học như ở Đà Lạt (Viện Đại học Đà Lạt), Sài Gòn (Đại học Minh Đức). Nhiều linh mục, tu sĩ dạy trong các trường Công giáo cũng như các trường của Nhà Nước. Các trẻ em, sinh viên nghèo hiếu học thường nhận được học bổng từ các tổ chức của Giáo Hội. Riêng tại Sài Gòn, Giáo hội Công giáo có hơn 300 trường tư thục lớn nhỏ từ cấp mẫu giáo đến đại học. Một số dòng tu mở các trường tư thục rất nổi tiếng như Trường Taberd, La San Đức Minh ở TP.HCM của Dòng La San, Trường Dạy Nghề của Dòng Salesien Don Bosco ở Thủ Đức, Trường Mẫu giáo ở TP.HCM của Dòng Phaolô thành Chartres, Trường nữ Mai Anh ở Đà Lạt của Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, Trường Couvent des Oiseaux ở Đà Lạt của Dòng Đức Bà… Các trường này dù mở ra cho các học sinh có điều kiện khá giả nhưng vẫn luôn có chỗ cho các học sinh nghèo, nhất là những em hiếu học. Nhiều giáo phận miền Bắc cũng mở các trường tư thục ở miền Nam như một phương cách để giúp cho anh chị em đồng hương, giúp giáo phận mẹ và hoạt động bác ái. Các trường này có mặt ở Sài Gòn hay ở các vùng có đông người di cư như ở Biên Hoà, Đồng Nai, Gia Kiệm, Cái Sắn của Kiên Giang.

Tổng kết về giáo dục năm 1961-1962, Giáo hội Công giáo miền Nam có 145 trường Trung học với 62.324 học sinh và 1.060 trường tiểu học với 209.283 học sinh (riêng tại giáo phận Sài Gòn có 56 trường trung học với 30.748 học sinh và 338 trường tiểu học với 91.870 học sinh) (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 506).

- Năm 1972, tổ chức COREV được thành lập. Tổ chức này được gọi là Hội Hợp tác để Tái thiết Việt Nam (Cooperation pour la Réédification du Vietnam), do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Caritas Việt Nam, đặc trách. Hội gồm các thành viên Caritas Việt Nam, hội Hồng Thập Tự VN, Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam, Catholic Relief Services của Hoa Kỳ… Hội đã giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ổn định đời sống trong những làng định cư mới, như các làng Đồng Tâm ở Bình Thuận. Caritas Việt Nam có nhiều dự án tái thiết và phát triển cộng đồng được các tổ chức Caritas quốc tế giúp đỡ. Caritas Việt Nam có Văn phòng Trung ương đặt tại toà nhà 4 tầng ở đường Trần Hoàng Quân (nay là số 1 Nguyễn Chí Thanh, Q.5) với khoảng 10 nhân viên làm việc. Ngoài ra, Caritas còn có nhiều cán sự xã hội làm việc ở các Caritas giáo phận do Trường Cán sự Xã hội Quốc gia phối hợp với Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn đào tạo.

1.2. TÌNH TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG THỜI KỲ 1975-1990

1.2.1. Xã hội Việt Nam

Sau khi đất nước thống nhất, hàng triệu người trước đây đã bỏ làng quê, tìm sống yên ổn trong các thành thị, nay muốn trở về quê hương để làm ăn sinh sống đã tạo nên nhiều thay đổi ở một số vùng nông thôn. Hơn nữa, Nhà Nước muốn chuyển một bộ phận dân chúng trong những tỉnh thành có mật độ dân số cao như TP.HCM, Hà Nội, Bùi Chu, Nam Định, Ninh Bình đến những vùng thưa vắng như Cao Nguyên, Tây Nguyên để phát triển kinh tế. Đây là chính sách di dân đến các vùng kinh tế mới.

Ngoài ra, do chính sách nhân đạo của cộng đồng quốc tế cũng như do những cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc (1979) và Việt Nam – Campuchia (1978-1979), nhất là do những cuộc cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản… đã tạo nên một làn sóng di tản lớn với hàng trăm ngàn người Việt đi đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đã bỏ tất cả tải sản, người thân để ra đi bất chấp những nguy hiểm lớn lao như bị đói khát, hãm hiếp, bão tố, cướp bóc… trên đường vượt biên, nhất là bằng đường biển (họ là những “thuyền nhân” Việt Nam). Những ký ức hãi hùng đó in đậm trong tâm hồn người Việt khiến họ giữ mãi lòng hận thù cho đến hôm nay. Đó cũng là những vết thương xã hội cần chữa trị bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Nền kinh tế tập trung, bao cấp do Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa hoạch định không thành công (x. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V, tập 1, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr. 38; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử lớp 12, tập 2, NXB Giáo Dục, tr. 188) đã dẫn đến tình trạng nghèo khổ, khoa học kém phát triển, Việt Nam bị cô lập đối với thị trường thế giới. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề: gần 40% dân chúng ở trong tình trạng nghèo đói, trên 5 triệu người tàn tật, mồ côi, 2 triệu người goá bụa nghèo khổ. Số người thất nghiệp và không được đào tạo tay nghề rất lớn. Trong khi đó, đồng ruộng bị bỏ hoang vì bom mìn, vì chất độc màu Da Cam, vì thiếu phân bón, giống tốt đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trong vài năm đầu của thời kỳ này: dân chúng phải ăn độn khoai sắn, bo bo.

Nhiều tệ nạn xã hội tồn tại và phát triển hơn cả thời kỳ chiến tranh như mại dâm, nghiện ngập ma tuý, phá thai. Sự xung đột âm ỉ giữa hai ý thức hệ diễn ra gay gắt trong xã hội, nhất là ở miền Nam. “Những sai lầm, khuyết điểm trong việc lãnh đạo và quản lý đã được Đảng và Nhà Nước nhận ra” (x. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản, số 1, 1987, tr. 117; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử lớp 12, tập 2, NXB Giáo Dục, tr. 190) và quyết tâm đưa đất nước vào con đường đổi mới qua Đại hội Toàn quốc lần thứ VI của Đảng, họp từ 15-12 đến 18-12-1986. Tuy nhiên, con đường đổi mới này còn lắm chông gai kéo dài cho đến 1990 (x. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 17-27, 50-51; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử lớp 12, tập 2, NXB Giáo Dục, tr. 195-196).

1.2.2. Giáo hội Việt Nam

GHVN cũng chịu nhiều hậu quả từ những sai lầm, xung đột về ý thức hệ trên đây: nhiều linh mục phải đi học tập; một số dòng tu phải bị giải thể, các cơ sở xã hội, trường học Công giáo được Nhà Nước tiếp quản. Hàng ngàn linh mục, tu sĩ giáo viên trở thành những thợ thủ công làm mành trúc, giỏ mây, nón lá thay vì đứng trên bục giảng. Hoạt động của Caritas Việt Nam bị đình chỉ trên toàn quốc (1976), các cán sự xã hội bàn giao cơ sở cho những người tiếp quản, nhiều trẻ em mồ côi, tàn tật trong các cơ sở đó buộc phải rời cơ sở để bước vào đời. GHVN hầu như không có những hoạt động BAXH chính thức nào trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn đồng hành với dân tộc. Các vị lãnh đạo Giáo Hội mời gọi người tín hữu nhận ra ý nghĩa của các biến cố lịch sử để can đảm ở lại và xây dựng đất nước (x. Thư ngỏ của các giám mục thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM gửi các tín hữu Công giáo trên thế giới về vấn đề di tản, ngày 3-7-1979). Các tín hữu Công giáo vẫn thực hiện lòng bác ái, tiếp tục cứu giúp những người nghèo đói, bệnh tật, mồ côi, goá bụa qua những hoạt động cụ thể nhưng âm thầm trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận. Những lớp học tình thương vẫn được các dòng tu lặng lẽ mở ra để nâng đỡ những học sinh nghèo. Các dòng tu có điều kiện vẫn âm thầm giúp đỡ những di dân nghèo trong các vùng kinh tế mới. Từ 1986, các trường mẫu giáo do các nữ tu phụ trách mọc lên hầu như ở khắp các thành phố lớn để giúp đỡ phụ huynh có điều kiện lao động trong các xí nghiệp, cơ quan cũng như để giáo dục trẻ thơ.

1.3. TÌNH TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG THỜI KỲ 1990-2010

1.3.1. Xã hội Việt Nam

Sau những biến cố ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chủ trương đổi mới toàn diện trong hệ thống kinh tế xã hội, từ một nền kinh tế quốc dân (tự cung tự cấp) đã chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần đến nền kinh tế thị trường; từ chính sách Nhà Nước độc quyền trong mọi lĩnh vực đã chuyển sang chủ trương “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội; từ chủ trương chuyên chế sang chủ trương pháp chế; từ chính sách khép kín chuyển sang chính sách mở rộng đối thoại với các nước trên thế giới.

Kết quả là nền kinh tế Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc, từ một nước phải nhập khẩu lương thực đã tiến tới việc xuất khẩu lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, cơ khí… Xã hội đang từng bước thay đổi và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại là những vấn đề xã hội lớn cần phải giải quyết như sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng, nạn tham nhũng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, sự trì trệ trong việc cải cách hành chính, nền giáo dục hình thức và thụ động, nhiều tệ nạn xã hội cần giải quyết như nghiện ma tuý, thuốc lá, rượu, phá thai, mại dâm, tai nạn giao thông và nhiều dịch bệnh phải phòng chống như HIV/AIDS, cúm gia cầm, tâm thần, lao phổi…

1.3.2. Giáo hội Việt Nam

Trong tình hình đổi mới của đất nước, chính quyền chủ trương xã hội hoá việc giáo dục. Nhưng các xứ đạo cũng như các tổ chức dòng tu hiện nay chỉ tập trung cho nhà trẻ mẫu giáo và ít quan tâm đến trường học các cấp, một phần do không còn quản lý các cơ sở giáo dục đã có từ trước năm 1975, một phần không còn đủ nhân sự để quản lý các cơ sở ấy. Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy công cuộc Tin Mừng hoá xã hội, GHVN và cụ thể là các dòng tu, các tổ chức giáo dân nên quan tâm hơn cho công tác giáo dục các cấp, ngay cả cấp đại học, bằng cách chuẩn bị đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ. Cho đến hôm nay, Nhà Nước chỉ cho phép cá nhân người Công giáo chứ chưa cho phép Giáo hội Công giáo mở một trường học nào với tư cách pháp nhân, dù rằng nhiều tổ chức nước ngoài đã đến mở các trường quốc tế ở Việt Nam từ cấp mẫu giáo cho đến đại học. Tổng kết năm 2007, GHVN đang phục vụ tại 883 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương (x. Bảng Tổng kết các giáo phận năm 2007, Phụ lục, Bảng 20).

Về hoạt động từ thiện, bác ái, người Công giáo, nhất là các tu sĩ, đang điều hành hoặc làm việc tại 123 trạm xá, bệnh viện, 13 trại phong, trung tâm tâm thần, người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, 169 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, 80 trung tâm di dân, lưu xá cho sinh viên học sinh và nhà mở cho các bà mẹ đơn hành (x. Bảng Tổng kết các giáo phận năm 2007, Phụ lục, Bảng 20). Sự tham gia về mặt xã hội như thế là tương đối ít so với nhu cầu xã hội. Trong chủ trương xã hội hoá hoạt động y tế, người tín hữu Công giáo có nhiều điều kiện dễ dàng hơn để trực tiếp thành lập và quản lý các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vẫn là tình trạng thiếu hụt trầm trọng những người có khả năng chuyên môn để làm việc trong các cơ sở đó.

Ở Việt Nam, nhu cầu về công tác từ thiện xã hội rất cao, nhưng nhiều tín hữu Công giáo dường như chỉ nghĩ đến việc đóng góp, giúp đỡ chút ít về vật chất, mà không hiểu được rằng công tác xã hội bao gồm việc thăng tiến con người toàn diện và phát triển cộng đồng nên họ cần được đào tạo kỹ lưỡng để biết tổ chức các hoạt động này cho hiệu quả hơn. Cách đây vài năm, nữ tu Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Trại phong Bến Sắn, đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác xã hội của các giáo xứ đến thăm các bệnh nhân phong ở đây như sau: “Đoàn nào đến cũng chuẩn bị một bữa ăn, thường là mì xào, bún, kèm theo trái chuối hay một bìa đậu phụ, cộng thêm một bịch đồ dùng gồm bột giặt, khăn lau, kem và bàn chải đánh răng với một phong bì tiền từ 15.000-20.000 đồng. Nhưng, đoàn vừa ra về là nhiều bệnh nhân đã đổ đồ ăn vào thùng rác vì ăn hoài những món đó cũng ngán. Một đầu nậu trong trại thu gom tất cả những quà tặng với giá phân nửa, và nhiều bệnh nhân dùng tiền vừa nhận được để đánh tứ sắc, bài cào. Tuy nhiên, những người đến thăm trại đều vui mừng vì đã được gặp mặt các bệnh nhân và đưa tận tay cho họ đồ cứu trợ. Họ cảm nghiệm mình đang thật sự làm việc bác ái. Thực ra, chỉ những người có trách nhiệm và ở chung với các bệnh nhân mới biết được gia đình người này cần một chậu nhựa để giặt quần áo hay gia đình kia cần tiền đóng phí cho con. Hành động bác ái của nhiều người tín hữu thường tương tự như vậy: họ không quan tâm đến hiệu quả thật sự. Dĩ nhiên, Chúa biết lòng họ và thưởng công cho họ rồi. Nhưng đối với những người làm công tác xã hội, thiết nghĩ cần phải thay đổi kiểu làm từ thiện này”.

Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia vào các lĩnh vực chính trị - xã hội như Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Thanh Niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Công đoàn để phục vụ và làm chứng cho Tin Mừng trong các môi trường khác nhau.

Nhiều uỷ ban đã được HĐGM thiết lập để lo các công tác BAXH như UBBAXH (2000), Uỷ ban Gia đình, Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ, Uỷ ban Di dân (2005), Uỷ ban Truyền thông Xã hội (2006) với nhiều hoạt động cụ thể và tích cực. Đặc biệt, GHVN vừa được Nhà Nước cho phép tái lập Caritas Việt Nam (7-2008) và mở rộng hoạt động BAXH đến từng giáo phận, giáo xứ.

Rất nhiều những tổ chức tự nguyện của các dòng tu cũng như các cá nhân trong nước cũng như kiều bào Công giáo nước ngoài đã có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, các nạn nhân thiên tai trong thời kỳ này.

2. NGHIÊN CỨU TÌNH TRẠNG XÃ HỘI VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Tình trạng xã hội Việt Nam trong vài năm gần đây đã có những biến đổi sâu xa đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể hoạt động cách đúng đắn và hiệu quả theo đường hướng mà Giáo hội Công giáo đã đề ra từ thời Công đồng Vatican II đến nay. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về con người Việt Nam, tình trạng xã hội, và những hoạt động cụ thể của UBBAXH-Caritas Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm (2004-2009).

2.1. NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐÁNG LƯU TÂM Ở VIỆT NAM

Chúng ta sẽ lược qua tình trạng con người Việt Nam, tình hình xã hội tổng quát ở Việt Nam và một số lĩnh vực nổi bật trước khi bàn đến những lĩnh vực xã hội được 26 giáo phận quan tâm.

2.1.1. Tình trạng con người Việt Nam

Muốn thay đổi và phát triển xã hội Việt Nam, chúng ta phải quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng con người Việt Nam hiện đại để thấy rõ những mặt mạnh và yếu. Nhà Nước đã giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu một chương trình trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010 là: “Xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm chương trình: GS.TS. Dương Phú Hiệp. Mã số: KX.03/06-10. Viện Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đang nghiên cứu chương trình này với đề tài: “Đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà. Mã số: KX.03.07/06-10.

Ngay từ năm 2007, UBBAXH đã quan tâm và nghiên cứu về con người Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại. Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH, cũng đã trình bày đề tài: “Cấu trúc tâm lý và văn hoá của người Việt Nam đối với các vấn đề xã hội” trong Hội nghị Quốc tế được tổ chức tại Hà Nội, từ 15 đến 19-10-2007, và trình bày đề tài “Trách nhiệm xã hội của UBBAXH-Caritas Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường” trong Hội nghị Quốc tế được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng, từ 12 đến 15-2-2009. UBBAXH-Caritas Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu đề tài này để đưa vào chương trình hành động của UBBAXH-Caritas Việt Nam trong tương lai.

Khi nghiên cứu hiện trạng xã hội, chúng ta thấy con người Việt Nam, giống như bất cứ dân tộc nào, bị tác động bởi những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hoá nên đã kết thành một thực thể phức tạp với nhiều đức tính và khuyết điểm. Chỉ khi hiểu rõ thật sự con người, ta mới có thể giải quyết được những vấn đề của con người, cá nhân, gia đình và xã hội.

Nói đến con người Việt Nam, chúng ta có thể nhắc đến bao điều kỳ diệu, bao đặc tính tốt đẹp mà nhiều người đã không ngớt lời ca tụng như Toan Ánh trong bộ Nếp Cũ - Con người VN, Sơn Nam trong Người Sài Gòn, Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa... nhất là Vũ Hạnh (A. Pazzi) trong Người Việt kỳ diệu. Những lời ca tụng đó có thể ru ta vào giấc mộng đẹp đã qua mà không dám nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết những vấn đề hiện nay.

Có lẽ chúng ta cần nhìn rõ con người VN để nhận ra cả hai mặt tốt xấu, nhất là mặt xấu mà ít người dám nói vì sợ bị kết tội “vạch áo cho người xem lưng”. Nhà văn Bá Dương đã dám viết Người Trung Hoa xấu xí, được Nguyễn Hồi Thủ dịch sang tiếng Việt. Những bài viết này tác động mạnh đến dân tộc ông cũng như đóng góp nhiều cho công cuộc phát triển đất nước Trung Hoa. Chỉ trong vòng 50 năm qua, từ một dân tộc lạc hậu, chậm phát triển, nước Trung Hoa đã tiến lên địa vị của một cường quốc, và nhiều lĩnh vực vượt cả Anh, Pháp, Đức.

Đã có những nghiên cứu lớn về con người Việt Nam, thí dụ như của Viện Nghiên cứu Xã hội Hoa Kỳ, kết quả rất đáng cho chúng ta lưu ý. Viện này đã đưa ra 10 đặc điểm của người Việt Nam như sau:

- Cần cù lao động, song dễ thoả mãn, nặng tâm lý hưởng thụ.

- Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tư duy dài hạn nên ít chủ động.

- Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).

- Vừa thực tế, vừa mơ mộng nên không có ý thức nâng lên thành lý luận.

- Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi chịu học từ đầu đến đuôi nên không hệ thống hoá được kiến thức, mất căn bản. Ngoài ra, học tập không phải vì tự thân của mỗi người (nhỏ học vì gia đình, lớn học vì sĩ diện, vì cần kiếm công ăn việc làm, ít khi học vì thú vui được khám phá và hiểu biết những điều mới lạ).

- Xởi lởi, chiều khách, song không bền.

- Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).

- Có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, những trường hợp khó khăn, bần hàn; còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này ít xuất hiện.

- Có tính hiếu hoà, nhẫn nhịn, nhưng nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những tự ái vặt, đánh mất đại cuộc.

- Thích hợp quần, tụ tập, nhưng lại thiếu khả năng liên kết để tạo ra sức mạnh: cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng.

Thạc sĩ Nguyễn Lê Minh Tiến, trong bài phát biểu tại cuộc Hội thảo Khoa học về “Đặc điểm Tư duy và Lối sống của người Việt trước yêu cầu hội nhập quốc tế”, ngày 20-3-2009, tại CLB Nguyễn Văn Bình, TP.HCM, cũng đã kể thêm một số khuyết điểm của người Việt hiện nay như:

+ Giờ cao su: không tuân thủ chặt chẽ yếu tố thời gian trong hoạt động của mình bắt nguồn từ lối sống nông nghiệp.

+ Tình lý lẫn lộn: xét đoán mọi việc dựa trên tình cảm chứ không phải lý trí do xuất thân từ mô hình xã hội cộng đồng.

+ Trách nhiệm tập thể lấn át trách nhiệm cá nhân: ít dám nhận trách nhiệm về mình.

+ Tư duy “ăn xổi”: Chỉ thấy cái lợi thiết thực trước mắt hơn lợi ích lâu dài.

+ Thích làm theo hơn là sáng tạo: do thiếu tự tin và óc phê phán.

+ Trọng hình thức hơn chất lượng: chú ý đến bằng cấp, điểm số hơn là khả năng thật sự.

Những nhận định trên đây và những kết quả nghiên cứu khác có thể giúp ích nhiều cho những ai quan tâm đến những vấn đề xã hội. Nhưng những vấn đề xã hội chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu chúng ta tìm ra nguồn gốc những đức tính và khuyết điểm trong cấu trúc tâm lý và văn hoá của người Việt Nam, cũng như tìm ra được đường hướng sửa chữa những khuyết điểm. Điều này cần đến sự nghiên cứu và làm việc lâu dài của các nhà giáo dục, tâm lý, xã hội học.

Con đường hình thành nên cấu trúc tâm lý xã hội của người VN đi từ những nhận thức, diễn tả ra hành động, rồi những hành động được lặp đi lặp lại tạo thành thói quen để lâu dài thành đặc tính cá nhân, rồi nhiều cá nhân tạo nên bản sắc dân tộc. Vì thế, muốn sửa đổi những khuyết điểm trong đặc tính này, chúng ta cũng phải bắt đầu từ việc gây ý thức xã hội, rồi tạo nên những thói quen cho tập thể và sau một vài thế hệ mới có thể tạo nên những yếu tố mới trong bản sắc dân tộc. Do đó, chúng ta cần quan tâm đến lĩnh vực đào tạo lương tâm ngay chính, công lý, trách nhiệm và liên đới xã hội cho các công dân, nhất là những người trẻ trong đất nước hiện nay. Sau đó, phải tìm được những biện pháp hay đường hướng thích hợp để hoàn thiện nhân cách theo từng độ tuổi hay môi trường sống. Những công việc này đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của các nhà tâm lý, khoa học, giáo dục, xã hội cũng như các văn nghệ sĩ, những nhà truyền thông xã hội và cả những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo…

Riêng đối với người tín hữu Công giáo, chúng ta càng phải tích cực cũng như chủ động trong việc xây dựng và hoàn thiện giá trị con người VN theo Tin Mừng vì con người là đối tượng chính yếu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa và là đích điểm cứu độ của Đức Giêsu Kitô. “Không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng người môn đệ Đức Kitô” (Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 1). Chúng ta lại có một lợi điểm lớn là cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo với những đường hướng tích cực và những nguyên tắc rõ ràng để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như cổ vũ cho công lý, hoà bình (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về “Công bằng, Trách nhiệm và Liên đới Xã hội” từ ngày 15 đến 19-10-2007, tại Hà Nội, Việt Nam, tr. 980-992).

Chính vì thế, UBBAXH sẽ quan tâm nhiều đến việc hoạch định đường hướng để đào tạo con người Việt Nam mà chúng ta sẽ khai triển sau đây.

2.1.2. Tình hình xã hội tổng quát

* Những chỉ số của Việt Nam so với thế giới

• Việt Nam là một nước nghèo và đông dân, được Liên Hiệp Quốc (LHQ) xếp vào khu vực các nước đang phát triển. Tổng dân số thế giới tính đến giữa năm 2007 là 6.625.000.000 người, trong đó Việt Nam có 85.154.900 người, đứng thứ 12 trên thế giới.

• Theo báo cáo của Chương trình Phát triển LHQ, năm 2006, Chỉ số phát triển con người (HDI: Human Development Index): Việt Nam xếp hạng 109/177. Đây là chỉ số tổng hợp gồm 3 thành phần: tuổi thọ, mức độ phổ cập giáo dục và thu nhập bình quân đầu người.

• Xét về Tổng Sản lượng Nội địa (GDP: Gross Domestic Product): Việt Nam xếp hạng 122/177 nước (723 USD, năm 2007) (x. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2007, NXB Thống Kê, tr. 687-688).

• Chỉ số Nghèo đói (HPI: Human Poverty Index): Việt Nam cũng đang ở mức 45/90 nước đang phát triển.

• Chỉ số Phát triển Giới (GDI: Gender related Development Index): phản ánh sự bất bình đẳng giữa nam và nữ theo 3 khía cạnh: tuổi thọ, kiến thức, mức sống: Việt Nam xếp thứ 91/157 nước.

• Chỉ số Ghi nhận Tham nhũng (CPI: Corruption Perceptions Index): Việt Nam xếp thứ 121/180 nước.

* Cơ cấu dân số Việt Nam

• Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ. Theo thống kê 2006, độ tuổi của dân số Việt Nam như sau: từ 0-4 tuổi chiếm 7,45% dân số; từ 5-9 tuổi, 8,18%; từ 10-14 tuổi, 10,65%; từ 15-19 tuổi, 10,80%; từ 20-24 tuổi, 8,79%; từ 25-29 tuổi, 7,79%; từ 30-34 tuổi, 7,72%; từ 35-39 tuổi, 7,62%; từ 40-44 tuổi, 7,30%; từ 45-49 tuổi, 6,37%; từ 50-54 tuổi, 4,80%; từ 55-59 tuổi, 3,30%; từ 60-64 tuổi, 2,19%; từ 65 tuổi trở lên, 7,03% (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 4, 2008).

• Dân số Việt Nam, năm 2007: 85.154.900 người, tăng 1,21% so với năm trước.

- Trong đó, nam: 41.855.300, chiếm 49,15% dân số;

nữ: 43.299.600, chiếm 50,85% dân số.

Số chênh lệch nam nữ, 1.444.300 người, cũng liên quan đến các vấn đề xã hội như: vấn đề bình đẳng giới, mại dâm, lấy chồng nước ngoài…

- Trong đó, người sống ở thành thị: 23.370.000, chiếm 27,44% dân số;

người sống ở nông thôn: 61.784.900, chiếm 72,56% dân số.

Tình trạng đô thị hoá tương đối chậm, nếu so sánh vào năm 1995: tỷ lệ người dân thành thị/nông thôn là 20,75%/79,25%. Tình trạng này liên quan đến nhiều vấn đề như di dân, y tế, thất nghiệp, giáo dục (x. Niên giám Thống kê 2007, tr. 39).

• Quy mô hộ: Hộ trung bình hiện nay là 4,1 người, ở thành thị là 3,9 người, nông thôn là 4,1 người. Quy mô hộ của dân số Việt Nam trong mấy năm vừa qua liên tục giảm: từ 4,5 người (2001) xuống còn 4,1 người (2006). Số người bình quân một hộ thấp nhất trong cả nước là đồng bằng Sông Hồng (3,7 người), cao nhất là Tây Bắc (4,6 người).

• Cả nước còn tới 11.058 hộ không có nhà ở; gần 23% số hộ ở nhà tạm, đơn sơ; 22% số hộ chưa được dùng điện; mới chỉ có 12,7% số hộ được dùng nước máy; 16,5% số hộ ở nông thôn có phương tiện sản xuất.

• Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng trên 5 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,3% dân số. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm khoảng 1,5%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn ở mức 25,2% dân số, vào năm 2005 (x. Tổng cục Thống kê, Điều tra biến động dân số, nguồn lao động và kế hoạch hoá gia đình, ngày 1-4-2006, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2007).

• Theo báo cáo của Trung tâm Tâm thần Quốc gia, cứ 100 người Việt Nam thì có 10 người bị tâm thần nhẹ và 1 người bị tâm thần nặng, tỷ lệ này mỗi năm một gia tăng phản ánh tình trạng căng thẳng và bất ổn trong đời sống xã hội.

2.1.3. Một vài lĩnh vực đặc biệt

* Giới trẻ và vấn đề giáo dục

Dân số Việt Nam dưới 35 tuổi là 63,42%, tính theo cơ cấu dân số năm 2006. Tính đến thời điểm 30-9-2007, cả nước có 15.686.200 học sinh đang theo học 3 cấp phổ thông. Trong tổng số trẻ em ở độ tuổi nhập học tiểu học (6 tuổi) ở Việt Nam chỉ có 93,5% học lớp 1; và 6,5% không đi học. Tỷ lệ học sinh giảm dần qua mỗi lớp hay cấp: từ 6.860.300 học sinh học cấp I, đến cấp II còn 5.803.300 học sinh (84,6%), lên cấp III chỉ còn 3.021.600 học sinh (tức 44%) (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 10, 2007). Số học sinh bỏ học tương đối cao do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh: khó khăn về kinh tế gia đình, học phí cao, phải lao động sớm, thiếu trường lớp, thiếu giáo viên tận tâm, nhất là thiếu chương trình nhất quán…

Năm học 2007-2008, số sinh viên là 1.928.400, trong đó: trường công lập là 1.622.500 và ngoài công lập là 265.900 trong tổng số 345 trường trên toàn quốc. Về giáo dục trung học chuyên nghiệp, có 273 trường với 621.000.100 học sinh. Nói chung, trình độ giáo dục trên đại học ở Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới (x. Niên giám Thống kê 2007, tr. 523tt).

Hầu hết phụ nữ ở lứa tuổi từ 15-24 ở thành thị biết chữ (99%), trong khi ở nông thôn là 90%. Phụ nữ dân tộc ít người có tỷ lệ thấp hơn (dưới 70%). Tình trạng mù chữ có tương quan chặt chẽ với chỉ số giàu nghèo của hộ gia đình (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Kết quả giáo dục còn là điều đáng quan tâm hơn nữa khi một bộ phận lớn người trẻ sống buông thả để hưởng thụ vật chất, chiều theo những dục vọng thấp hèn qua số sách báo, phim ảnh đồi truỵ nhan nhãn khắp nơi, qua những quán bar, bia ôm, massage trá hình mọc lên khắp nơi trong các thành phố và đô thị, qua số trẻ vị thành niên phá thai càng ngày càng tăng (mỗi năm có từ 1,4-2 triệu ca phá thai trong cả nước), số người nhiễm HIV (300.000 người), số người nghiện ma tuý (tính đến tháng 5-2008 là hơn 200.000 người).

* Lao động

Năm 2007, trong tổng số 85.154.900 người dân, có 44.171.900 người lao động (chiếm 51,87% dân số). Người lao động được tính từ tuổi 15 đến 60. Trong số người lao động có 22.176.400 người thuộc ngành nông và lâm nghiệp (chiếm 50,20% tổng số), thuỷ sản 1.634.400 người (3,70%), công nghiệp chế biến 5.963.100 người (13,50%), xây dựng 2.267.700 người (5,13%), thương nghiệp 5.291.700 người (11,98%), đảng và công đoàn 192.900 người (0,44%), còn lại là các ngành khác (x. Niên giám Thống kê 2007, tr. 51-54).

Điều đáng lưu ý trong lĩnh vực lao động là trong số hơn 44 triệu người, có 3.974.600 người làm trong lĩnh vực kinh tế Nhà Nước (chiếm 9%), trong khi số người làm ở lĩnh vực ngoài Nhà Nước là 38.657.700 (chiếm 87,51%), và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1.539.600 người (chiếm 3,49%) (x. Niên giám Thống kê 2007, tr. 51-54).

Số người thất nghiệp trong cả nước, năm 2007, tương đối lớn (4,64%) và thời gian làm việc cả nước, năm 2006, là 81,79%; số người nhàn rỗi khi không có việc tương đối cao. Người nông dân chỉ làm khoảng 80% ngày công (x. Niên giám Thống kê 2007, tr. 61-62). Trong tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, đã có thêm hơn 500.000 người thất nghiệp, tính đến thời điểm tháng 3-2009.

Trong tổng số trẻ em từ 5-14 tuổi, có 16% phải tham gia lao động, hầu hết trong số này tham gia vào các kinh tế hộ gia đình (13%), 2,4% làm các công việc nội trợ trong gia đình, ít nhất 28 giờ/tuần nên không thể học hành dễ dàng như các em khác (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 10, 2007).

* Thu nhập

Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá thực tế trong cả nước là 636,000 đồng (2006), trong đó: thành thị là 1.058.000 đồng và nông thôn là 506.000 đồng (x. Niên giám Thống kê 2007, tr. 607).

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 15,47% (2006) xuống còn 14,75% (2007). Tuy nhiên, một số tỉnh miền núi tại những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, số hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ trọng cao: Lai Châu 55,32%, Điện Biên 40,77%, Hà Giang 39,44% và Bắc Cạn 37,8% (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở một số vùng bị thiên tai. Năm 2007, cả nước có 723.900 hộ với 3.034.500 nhân khẩu bị thiếu đói giáp hạt, giảm 6% hộ và 11,6% nhân khẩu so với năm 2006 (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 4, 2008).

* Thiên tai và môi trường

Hằng năm Việt Nam chịu khoảng 10 cơn bão lớn và nhiều thiên tai khác như lũ lụt, hạn hán. Mỗi thiên tai đều gây ra những thiệt hại lớn lao về người và của mà cộng đồng xã hội chúng ta chưa biết cách phòng chống. Các nước châu Á đã tìm hiểu về vấn đề này để lập nên những hệ thống cảnh báo thiên tai và giáo dục cộng đồng về những phương pháp phòng chống để giảm thiểu thiệt hại.

Năm 2007 đã xảy ra 7 cơn bão và lũ lụt tại 50 tỉnh thành trực thuộc Trung ương với 435 người chết và mất tích, 850 người bị thương, trên 1.300 công trình bị phá huỷ, khoảng 460 km đê kè và 1.176 km kênh mương bị sạt lở, vỡ và cuốn trôi; làm ngập úng, hư hại 113.800 ha lúa; 6.900 ngôi nhà và 921 phòng học bị sập; 920.900 ngôi nhà bị ngập, tốc mái và nhiều công trình kinh tế-xã hội khác bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính trên 11.600 tỷ đồng (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 4, 2008).

Hội nghị Quốc tế về Môi trường ở Hà Nội, tháng 2-2008, đã chỉ rõ cho ta thấy Afganistan và Việt Nam là hai quốc gia sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất về việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều vùng ven biển và các vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long sẽ chìm dưới mực nước biển và 17 triệu người dân sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo kết quả tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn, năm 2007, có 69% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, 51% hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh.

Mức độ ô nhiễm về bụi và khói xe trong các thành phố lớn gấp hàng chục lần so với mức độ cho phép, sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật về đường hô hấp. Các nguồn nước bị huỷ hoại hay bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp tham lợi không có hệ thống lọc nước thải. Nhiều người dân đã bị những bệnh nguy hiểm vì thiếu nước sạch (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 4, 2008).

* Phụ nữ

Gần 51% dân số là phụ nữ nhưng nhiều người còn bị bạo hành trong gia đình, chưa được hưởng sự bình đẳng giới, chưa biết bảo vệ sức khoẻ sinh sản. Tuổi trung bình kết hôn ở Việt Nam từ 26,6 (nam) và 23,2 (nữ). Tuy nhiên, có sự chênh lệch đôi chút giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ suất ly hôn và kết hôn tính theo phần ngàn là 0,2 so với 6,3 vào năm 2004 (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Tỷ lệ kết hôn sớm, trước 15 và 18 tuổi, tương đối cao ở các vùng được coi là nghèo nhất bao gồm vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, cũng có sự khác biệt lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Hiện tại có 75,7% phụ nữ đang có chồng hoặc đang sống chung như vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai. Biện pháp được sử dụng phổ biến nhất là vòng tránh thai được 35,9% phụ nữ áp dụng.

Việt Nam được xếp vào nhóm nước có mức nạo phá thai cao nhất thế giới, đặc biệt là số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên và thanh niên trẻ. Năm 2003 là 1,7%, năm 2004 còn 1,2%. Các chuyên gia ước tính mỗi năm có từ 1,4-2 triệu ca nạo phá thai (x. Nguyễn Thiện Trưởng, Dân số và Phát triển Bền vững ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 23).

Tại Việt Nam chưa có số thống kê chính xác về số lượng, tính chất và mức độ của bạo hành trong gia đình. Theo số liệu của Bộ Công an, cứ 2 đến 3 ngày có 1 người chết vì liên quan đến bạo hành gia đình. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2005, ở đồng bằng sông Cửu Long có 1.011 người tự tử, ở Tây Nguyên có 715 người tự tử vì bạo hành trong gia đình. Toà án Nhân dân Tối cao chỉ rõ, từ năm 2000-2005, toà án các cấp đã xử 186.954 vụ ly hôn do bạo hành gia đình (x. Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, 2006). Theo các cuộc khảo sát được tiến hành trên một số vùng của Việt Nam, có tới 60-75% phụ nữ đã từng bị các dạng bạo hành gia đình, bao gồm: bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Nhiều miền cao, vùng sâu vùng xa, nhất là đồng bằng sông Cửu Long có đến 60%-80% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa vì thiếu nước sạch. Gần 3 triệu người goá bụa sống nghèo khổ, trong đó hơn 2 triệu là phụ nữ. Do tình trạng nghèo khổ, nhiều phụ nữ bị lạm dụng tình dục, phải lấy chồng nước ngoài, thậm chí phải bán cả thân xác. Theo Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2007, cả nước có 55.000 người hành nghề mại dâm, nhưng đó chỉ là con số kê khai hành chính, số người thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

* Y tế và sức khoẻ cộng đồng

Tính đến 31-8-2007, số người nhiễm HIV ước tính khoảng 293.000 người. HIV có mặt trong tất cả 64 tỉnh thành, 96% trong tổng số 659 quận huyện và 66% trong số 10.732 phường xã. Số người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 20-39 là 78,9% và 85,2% là nam giới (x. Báo cáo của Nhà nước Việt Nam về Cam kết Phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội, 1-2008, tr. 6). Cứ mỗi một ngày qua đi, có thêm 100 người nhiễm HIV mới và 40 người qua đời vì AIDS. Các tổ chức quốc tế đã trợ giúp hàng trăm tỷ đồng Việt Nam mỗi năm nhưng số người nhiễm HIV vẫn không giảm bớt do nhiều nguyên nhân. Các tổ chức đó đang thiết tha kêu gọi Giáo hội Công giáo cộng tác vào hoạt động xã hội này để ngăn chặn hiểm hoạ.

Ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo việc phòng chống dịch bệnh, ứng cứu khi thiên tai, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, trong ít năm gần đây, một số bệnh gây dịch thông thường như sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi, sốt rét, dịch tiêu chảy, cúm gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra trên nhiều địa phương. Điều này cần đến việc gây ý thức quần chúng về các dịch bệnh.

Tình hình ngộ độc thực phẩm chưa được cải thiện. Trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể với số lượng và quy mô ngày càng tăng. Trong năm 2007, cả nước có 6.800 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 53 người đã chết. Tình trạng thực phẩm không an toàn như rượu có nồng độ Methanol quá cao, các sản phẩm sữa có chất Melamin, các thực phẩm có chất Formon đang là những vấn đề thời sự hiện nay. Chúng ta cần gây ý thức quần chúng để chỉ mua bán những thực phẩm an toàn.

2.1.4. Sự quan tâm của các giáo phận đối với các vấn đề xã hội

UBBAXH đã nhận được một số báo cáo của các giáo phận gửi về để biết những vấn đề xã hội ưu tiên. Chúng tôi xin liệt kê các vấn đề xã hội được quan tâm nhiều nhất (x. Bảng Thống kê những Vấn đề Xã hội tại 26 Giáo phận).

Tính đến ngày 12-3-2008, những vấn đề xã hội được quan tâm nhiều nhất là:

• Nghèo đói: 23
• Thất nghiệp: 19
• Giáo dục: 16
• HIV/AIDS, Ma tuý, Di dân: 12
• Nước sạch: 11
• Ô nhiễm môi trường: 10
• Khuyết tật: 10
• Thiên tai: 9
• Nạo phá thai: 9
• Mại dâm: 7
• Nghiện rượư: 6
• Y tế: 6

Chúng tôi cũng liệt kê số liệu những đối tượng nghèo tại các giáo phận trên. Các đối tượng này đang được quan tâm săn sóc. Chúng tôi chia đối tượng thành hai loại: người lớn và trẻ em theo thống kê sau: (x. Bảng Thống kê Xã hội 26 Giáo phận)

Trẻ em

* Nghèo: 112.500
* Thất học: 72.830
* Khuyết tật: 8.221
* Mồ côi: 5.189
* Nhiễm HIV: 5.241
* Bị lạm dụng lao động: 3.364
* Trẻ đường phố: 546
* Bị lạm dụng tình dục: 411
* Phạm pháp: 337

Người lớn

Chúng tôi cũng thấy một số vấn đề xã hội đang được các giáo phận quan tâm như:

- Vấn đề di dân (620.700 người): các giáo phận Phát Diệm, Vinh, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc quan tâm, không kể TP.HCM.

- Vấn đề giúp các dân tộc thiểu số (2.091.538 người): được các giáo phận Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh, Nha Trang, Đà Lạt, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc quan tâm.

- Vấn đề giúp phụ nữ nghèo (161.795 người): được các giáo phận Thái Bình, Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên quan tâm.

- Vấn đề giúp các người nhiễm HIV (14.539 người): được các giáo phận Thái Bình, Phát Diệm, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt, Long Xuyên, Xuân Lộc quan tâm (không kể TP.HCM có riêng một ban mục vụ về vấn đề này).

- Vấn đề giúp người nghiện ma tuý (8.227 người): được các giáo phận Thái Bình, Vinh, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt, Long Xuyên, Xuân Lộc quan tâm.

- Vấn đề giúp các bệnh nhân phong (3.277 người): được các giáo phận Thái Bình, Thanh Hoá, Vinh, Nha Trang, Vĩnh Long, Đà Lạt, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc quan tâm.

- Vấn đề giúp các sinh viên nghèo (2.380 sinh viên): được các giáo phận Thái Bình, Phát Diệm, Vinh, Long Xuyên, Xuân Lộc quan tâm.

Trước tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay, với nhiều vấn đề đáng quan tâm, chúng ta sẽ tìm hiểu GHVN đang có những hoạt động nào để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của đất nước.

2.2. HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Trước khi tìm hiểu các hoạt động BAXH cụ thể của GHVN, chúng ta nên lược qua về một số khó khăn và thách thức của UBBAXH-Caritas Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

2.2.1. Một số khó khăn và thách thức

Trên nguyên tắc, UBBAXH và Caritas Việt Nam là hai cơ quan khác nhau vì trong khi đối tượng của Caritas là những người nghèo khổ thì UBBAXH hoạt động trong lĩnh vực rộng lớn hơn nhiều. Uỷ ban này còn phụ trách về các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, công lý và hoà bình là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến những người sống trong xã hội. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, HĐGMVN chưa thiết lập được các uỷ ban cho các lĩnh vực này theo cơ cấu tổ chức của Toà Thánh và các nước trong khu vực, nên UBBAXH được hiểu ngầm là phụ trách luôn các lĩnh vực trên. Qua sự cho phép của Nhà Nước với Quyết định số 941/TGCP-CG, ngày 2-7-2008, của Ban Tôn giáo Chính phủ, UBBAXH-Caritas Việt Nam được coi là một tổ chức thuộc HĐGMVN để hoạt động về các lĩnh vực BAXH.

UBBAXH được thành lập từ năm 2001, nhưng cho đến thời điểm này (31-3-2009), ngoại trừ Tổng Giáo phận TP.HCM có một Ban bác ái xã hội và Caritas Sài Gòn, một số giáo phận khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kontum, Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ, Mỹ Tho vừa mới tổ chức được Ban bác ái xã hội-Caritas giáo phận với văn phòng làm việc được một vài tháng nay. 14 giáo phận còn lại vẫn chưa tổ chức được văn phòng có nhân viên làm việc thường xuyên, dù Văn phòng Trung ương Caritas Việt Nam đã có dự án tài trợ cho các giáo phận đó.

Ở Việt Nam hiện nay, giám mục thường chỉ định một linh mục đặc trách Ban BAXH và Caritas Giáo phận nhưng linh mục này vẫn phải trực tiếp lo mục vụ giáo xứ nên có ít thời gian để tập trung lo cho các hoạt động xã hội. Lý do có thể là vì tình trạng thiếu linh mục hay thiếu người chuyên môn về xã hội hoặc vì những người có trách nhiệm chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động BAXH trong đời sống của Giáo Hội cũng như của từng người tín hữu Kitô giáo. Điều thiếu sót này bắt nguồn từ việc các linh mục và các chủng sinh không được hay chưa được đào tạo đủ về học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo.

Sau 33 năm ngưng hoạt động (từ 1976-2008), có thể nói Caritas Việt Nam bắt đầu lại từ số không: không trụ sở, không phương tiện làm việc, không có nhân sự vì các nhân viên cũ đã già yếu, không có tài chính ban đầu cho các dự án. Nhưng Caritas Việt Nam tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa, tin vào sự quan tâm của người Việt Nam về các hoạt động BAXH theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tin vào sự nhiệt tình hoạt động, tinh thần hy sinh quảng đại của đồng bào Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước, của các tổ chức đoàn thể quốc nội cũng như quốc tế dành cho Caritas Việt Nam.

GHVN hiện có 6.087.659 tín hữu, với 3.510 linh mục, 1.370 chủng sinh, 14.968 tu sĩ, 1.458 tu hội viên, 56.133 giáo lý viên (x. Bảng Tổng kết các giáo phận năm 2007, Bảng 20). Đây là nguồn nhân sự lớn lao mà Caritas Việt Nam hy vọng có thể thôi thúc tinh thần bác ái yêu thương để hoạt động của tổ chức này thật sự mang tính cộng đồng. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 140 dòng tu nam nữ với nhiều hoạt động BAXH cũng như có nhiều cơ sở xã hội trong các giáo phận. Năm 2007, GHVN có 883 nhà trẻ, lớp học tình thương; 46 cơ sở văn hoá; 60 cơ sở dạy nghề; 123 trạm xá; 13 trại phong, trại tâm thần, cơ sở cai nghiện ma tuý; 169 nhà mở cho người khuyết tật, cô nhi, người già neo đơn; 80 cơ sở cho người di cư hay sinh viên học sinh nghèo (x. Tổng kết các cơ sở xã hội của các giáo phận từ năm 2000-2007, phụ lục, bảng 24). Nhưng mỗi dòng thường chỉ hoạt động theo mục đích riêng tư của dòng mình và chưa liên kết với nhau trong một mạng lưới chung của toàn giáo phận hay toàn quốc để được điều phối cho hợp lý. Vì thế, một vài nơi xuất hiện tình trạng cạnh tranh (nhiều trường mẫu giáo của các dòng tu ở trong cùng một địa phương) hoặc thừa thãi (nhiều nhà mở cho trẻ khuyết tật trong cùng một địa phương) trong khi những nơi cần lại chưa có.

Một số giáo phận như Xuân Lộc, Kontum đã tổng kết hoạt động BAXH của các xứ đạo và dòng tu trong một vài năm gần đây với những kết quả rất lớn. Giáo phận Xuân Lộc đã tổng kết công tác BAXH từ 31-8-2007 đến 31-8-2008 là 52.716.430.000 đồng Việt Nam so với năm trước là 41.852.386.000 đồng Việt Nam. Công tác này gồm các mục lớn sau đây: giáo dục, chăm sóc bệnh nhân nghèo, phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội, xã hội hoá giao thông, nhà tình thương, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc người khuyết tật, phát triển cộng đồng (x. Giáo phận Xuân Lộc, Thành quả BAXH 31-8-2007 đến 31-8-2008, Báo cáo tại tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận, 1-2009, tr. 84). Giáo phận Kontum tổng kết các hoạt động BAXH năm 2007 là 4.955.068.000 đồng Việt Nam (x. Giáo phận Kontum, Vài nét về việc Bác ái Xã hội của Giáo phận Kontum, Báo cáo, 10-2008, tr. 14).

Nhiều giáo phận khác tuy không làm tổng kết nhưng các tu sĩ và tín hữu vẫn có những hoạt động này. Điều đáng lưu ý là các hoạt động BAXH này thường mang tính tự phát, không được điều phối theo kế hoạch chung của toàn giáo phận, không được đào tạo huấn luyện để phù hợp với những đối tượng cần được giúp đỡ nên kết quả chỉ nhất thời và không bền lâu. Thí dụ: Không được đào tạo kỹ năng để giúp những người nghiện ma tuý, nhiễm HIV, không được đào tạo kỹ năng tham vấn tâm lý cho những cô gái lầm lỡ, những người tự tử…

Hoạt động BAXH của các dòng tu thường thu hẹp vào một vài lĩnh vực tương đối dễ dàng như giáo dục trẻ mẫu giáo, trẻ mồ côi, giúp đỡ phụ nữ đơn hành… nhưng chưa dám dấn thân vào các lĩnh vực mới cần nhiều chuyên môn hơn như phục hồi cho người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, chăm lo sức khoẻ cộng đồng, di dân, tham vấn tâm lý cho các bệnh nhân tâm thần, đồng hành với các phụ nữ lỡ lầm, người già neo đơn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…

Người tín hữu Việt Nam rất nhiệt thành và quảng đại nhưng lòng đạo lại tập trung cho đời sống phụng tự, bí tích, và vì chưa được đào tạo về BAXH, nên chỉ làm những hành động từ thiện nhất thời bằng cách góp tiền hay phẩm vật cứu trợ. Đúng như lời nhận xét của các đại biểu trong Hội nghị của Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum, tại Rôma, từ 28-2-2008 đến 1-3-2008, như sau: “Vì trong Giáo Hội hiện nay chỉ có việc cử hành bí tích là được coi trọng, việc rao giảng bị coi nhẹ hơn, còn việc bác ái thì bị coi như một hoạt động ngoại khoá, nghiệp dư, tuỳ thích… Người ta dành quá nhiều tiền để xây nhà thờ và tổ chức các lễ nghi. Ít tiền hơn dành cho việc rao giảng Tin Mừng. Còn bác ái thì như của dư thừa, bố thí. Phải chăng như thế mà Giáo Hội mất đi sức sống? Phải chăng vì thế mà Giáo Hội thiếu tính thuyết phục? Bác ái không phải là một bổn phận. Đó là sự sống của Giáo Hội. Quên bác ái, sự sống sẽ suy giảm”.

2.2.2. Những hoạt động của UBBAXH thuộc HĐGMVN, từ 2004-2009

Hoạt động của UBBAXH được chia theo 5 lĩnh vực sau:

- Tổ chức và tham dự các Hội nghị.
- Cứu trợ nạn nhân thiên tai và người nghèo.
- Đào tạo nhân sự về lĩnh vực xã hội.
- Nghiên cứu các vấn đề xã hội để cố vấn cho HĐGMVN.
- Thực hiện một số dự án với các tổ chức khác.

Tổ chức và tham dự các hội nghị

Trong vòng 5 năm qua (2004-2009), UBBAXH đã tổ chức và tham dự các Hội nghị sau đây:

1. Tham dự Đại hội Toàn cầu của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình về Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo từ ngày 27 đến 30-10-2004, tại Rôma, Ý.

2. Tham dự Hội nghị châu Á do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình về Học thuyết Xã hội Công giáo, từ ngày 25 đến 27-1-2007, tại Bangkok, Thái Lan.

3. Tham dự Hội nghị Quốc tế về “Công bằng xã hội, Trách nhiệm xã hội và Liên đới xã hội” từ ngày 15 đến 19-10-2007, tại Hà Nội, Việt Nam.

4. Tham dự Đại hội Toàn cầu về Phát triển, từ ngày 22 đến 24-11-2007, do Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hoà bình tổ chức, tại Rôma, Ý.

5. Tổ chức Hội thảo Quốc tế về HIV/AIDS, từ ngày 14 đến 16-1-2008, tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội.

6. Tổ chức Hội thảo về Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, từ ngày 12 đến 13-03-2008, tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Long Khánh, Đồng Nai.

7. Tổ chức gặp mặt cho 12 giáo phận chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS, ngày 27-5-2008, tại Trung Tâm Công giáo, TP.HCM, Việt Nam.

8. Tham dự Hội nghị Quốc tế về HIV/AIDS của CHAN (Catholic HIV/AIDS Network), từ ngày 3 đến 6-6-2008, tại Geneva, Thuỵ Sỹ.

9. Gặp gỡ với tổ chức Secours Catholique – Caritas Pháp (SCCF), từ ngày 7 đến 10-6-2008, tại Paris, Pháp.

10. Gặp gỡ với Caritas Germany, từ ngày 11 đến 13-6-2008, tại Freiburg, Đức.

11. Tổ chức Hội nghị Quốc tế Ra mắt Caritas Việt Nam, từ 21 đến 24-10-2008, tại Xuân Lộc, Đồng Nai, Việt Nam.

Cứu trợ nạn nhân thiên tai và người nghèo

HĐGMVN đã lập Quỹ Dự phòng Thiên tai để trợ giúp các nạn nhân thiên tai trước các nhu cầu khẩn cấp, thu tiền mỗi năm 1 lần vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Số tiền thu được khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài số tiền và phẩm vật cứu trợ do các tín hữu đóng góp trong cả nước, Uỷ Ban còn nhận được sự trợ giúp của các tín hữu Việt Nam trên thế giới như Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và nhiều nước khác như Canada, Nhật Bản, Korea, các tổ chức bác ái như Hội đồng Giám mục Ý, Caritas Đức, Secours Catholique-Caritas Pháp, Misereor của Đức.

Số tiền giúp đỡ các nạn nhân thiên tai trong 4 năm qua là: 829.931 USD (tương đương 13.361.889.000 VNĐ) và 15.150.314.964 VNĐ. Tổng cộng: 28.512.203.964 VNĐ. Ngoài số tiền cứu trợ khẩn cấp mua mì ăn liền, sữa, thuốc men, nước uống, mùng mền, Uỷ Ban cũng cứu trợ phục hồi và phát triển các vùng bị thiên tai như xây dựng lại nhà cửa, nạo vét các giếng nước, tẩy mặn cho đồng ruộng, cung cấp lúa giống, cây trồng và vốn cho các gia đình nghèo. Số người thụ hưởng lên tới hàng trăm ngàn người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc.

Ngoài các nạn nhân trong nước, Uỷ Ban cũng đã gửi đến các nạn nhân thiên tai Châu Á bị sóng thần Tsunami tàn phá, ngày 26-12-2004, tổng số tiền là 290.000 USD, cứu trợ cơn bão Katrina ở Hoa Kỳ, ngày 29-8-2005 tổng số tiền: 30.000 USD, và cơn bão Ike ở Hoa Kỳ, tháng 9-2008, tổng số tiền: 20.000 USD.

Uỷ Ban cũng đã giúp đỡ những người nghèo khổ, các cô nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghiện ma tuý, bệnh nhân tâm thần trong dịp Giáng Sinh và Tết trong các giáo phận, mở lớp thêu may cho các em gái nghèo ở Battambang, Campuchia để đào tạo nghề nghiệp.

Đào tạo nhân sự về lĩnh vực xã hội

Tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên môn của GHVN hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề và gây nên nhiều khó khăn cho các hoạt động xã hội ở Việt Nam. Vì thế, Uỷ Ban tập trung vào việc đào tạo nhân sự cho các Ban BAXH tại các giáo phận cũng như gây ý thức về xã hội cho cộng đồng dân Chúa.

Uỷ Ban đã mở các khoá đào tạo cho nhân sự đang làm việc trong UBBAXH và các Ban BAXH của các giáo phận về các chuyên môn như:

- Về lĩnh vực quản lý và tổ chức:

+ Khoá Công tác Xã hội, từ ngày 20 đến 23-7-2004, 46 linh mục tu sĩ lãnh đạo, tại TP.HCM.
+ Khoá Kỹ năng Viết Dự án, từ ngày 12 đến 17-4-2004, 47 học viên, tại TP.HCM.
+ Khoá Kỹ năng Sống cho các bạn thanh thiếu niên, từ ngày 17 đến 25-6-2005, 30 học viên, tại TP.HCM.
+ Khoá Quản lý và Đánh giá Dự án, từ ngày 3 đến 6-1-2006, 65 học viên, tại TP.HCM.
+ Khoá Kỹ năng Sống cho các phụ nữ, tháng 5-2006, 30 học viên, tại TP.HCM.

Tổng Cộng 5 khoá với 218 học viên

- Về lĩnh vực ma tuý và HIV/AIDS:

1. Ngày 17-11 đến 15-12-2004, 50 học viên, tại TP.HCM.
2. Ngày 23 đến 29-7-2005, 70 học viên, tại TP.HCM.
3. Ngày 28 đến 30-7-2008, 160 tu sĩ, tại TP.HCM.

Tổng cộng 3 khoá với 280 học viên

Ngoài ra Uỷ Ban cũng trực tiếp tổ chức 6 khoá cai nghiện cho hơn 100 em nghiện ma tuý tại Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM. Mỗi khoá 1 tuần. Hiện Uỷ Ban có mở hai nhà mở ỏ xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa, để giúp đỡ các người nghiện ma tuý. Trung bình giúp khoảng 60 người mỗi năm.

- Về khuyết tật: gồm 11 khoá đào tạo cho những người đang hoạt động tại các trường khuyết tật.

+ Khoá khuyết tật gồm 3 dạng tật: khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, do các giảng viên cô Trần Thị Ngời, cô Võ Thị Khoái, Thầy Nguyễn Quốc Phong.

1. Ngày 15 đến 2-4-2004, 38 học viên, tại TP.HCM.
2. Ngày 19 đến 29-7-2004, 80 học viên, tại TP.HCM.
3. Ngày 1 đến 12-8-2004, 113 học viên, tại TP.HCM.
4. Ngày 1 đến 12-8-2005, cho 165 học viên, tại TP.HCM.

Tổng cộng 4 khoá với 396 học viên

* Khoá khuyết tật “Chăm sóc và Giáo dục trẻ Tự kỷ” dành cho các bác sĩ, y sĩ, giáo viên tại các trung tâm và trường học, do thầy Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành (Thuỵ Sỹ), Tiến sĩ Olivette (Hoà Lan), Ms. Roelie Wolting (Caritas Đức), Bs. Nguyễn Lan Hải, cô Võ Thị Khoái, Hiệu trưởng trường Chuyên biệt Gia Định cùng hướng dẫn:

1. Ngày 1 đến 30-6-2005, 120 học viên, tại TP.HCM.
2. Ngày 5 đến 23-6-2005, 120 học viên, tại TP.HCM.
3. Ngày 4 đến 21-7-2005, 150 học viên, tại TP.HCM.
4. Ngày 31 đến 12-8-2006, 170 học viên, tại Hà Nội.
5. Ngày 2 đến 14-7-2007, 120 học viên, tại TP.HCM.
6. Ngày 6 đến 18-8-2007, 109 học viên, tại Hà Nội.
7. Ngày 20 đến 31-8-2007, 82 học viên, tại Hà Nội.

Tổng cộng 7 khoá gồm 871 học viên

- Gây ý thức xã hội cho cộng đồng:

Uỷ Ban cũng mở các khoá đào tạo nhằm gây ý thức cho cộng đồng dân Chúa hoặc cho các giới thanh thiếu niên về các vấn đề xã hội như phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, chăm sóc sức khoẻ sinh sản…

Uỷ Ban cũng trình bày về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên thế giới và tại Việt Nam, kiến thức về HIV/AIDS, những nguyên nhân và hậu quả của đại dịch HIV/AIDS, tầm quan trọng của giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho các bạn thanh thiếu niên, quan điểm của Giáo Hội về HIV/AIDS, vai trò của linh mục, tu sĩ và giáo dân trước đại dịch HIV/AIDS cho một số giáo phận như:

* Giáo phận Vĩnh Long

Ngày 15-8-2006, cho 2.000 bạn trẻ về ma tuý.

* Giáo phận Cần Thơ

+ Ngày 6-4-2008, cho 150 linh mục, tu sĩ và giới trẻ.
+ Ngày 17-8-2008, cho 30 người trong giới y bác sĩ.
+ Ngày 21-8-2008, cho 200 hiền mẫu.

* Giáo phận Long Xuyên

+ ngày 13-4-2008, cho 200 người giáo dân.
+ Ngày 27-4-2008, cho 100 sinh viên.

* Giáo phận Đà Nẵng

+ Ngày 13-5-2008, cho 40 hướng đạo sinh.
+ Ngày 2-7-2008, cho 45 giáo lý viên.

* Giáo phận Kontum

+ Ngày 14-7 đến 15-7-2008, cho tu sĩ, giáo lý viên (khoảng 100 người), 115 Yao Phu (thuộc các dân tộc Xê Đăng, Jrai, Bahnar, Ra Đê), cho khoảng 1.000 Chức Việc của Hạt Kontum và Pleiku, cho khoảng 80 chị em nữ tu người dân tộc. Cho 200 bạn trẻ lớp giáo lý hôn nhân tại Giáo xứ Phương Quý.

* Ngày 18-7-2004, cho 45 em về sức khoẻ sinh sản, tại Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ.

Nghiên cứu các vấn đề xã hội để cố vấn cho HĐGMVN

Uỷ Ban phối hợp với các bác sĩ, chuyên viên để nghiên cứu các phương pháp giúp cai nghiện ma tuý, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống nghiện rượu, tình trạng gia đình Việt Nam và cấu trúc tâm hồn người Việt. Uỷ Ban đã phổ biến các bài nghiên cứu đó trong Bản tin Bác ái Xã hội, số 2, về việc phục hồi người nghiện ma tuý, 196 trang, khổ A5, cuốn Loan báo Tin Mừng trong Xã hội Hôm nay, 200 trang, khổ A5 và cuốn Hiệp thông và Liên đới (Communion and Solidarity, 124 trang, khổ A4).

Uỷ Ban cũng phổ biến các nghiên cứu về vấn đề xã hội trong các Bản tin Bác ái Xã hội (4 số, khổ 14x20, 200 tr./số), in tập sách nhỏ Cảm thông và Liên đới với người nhiễm HIV/AIDS (10.000 bản). Giúp các bạn trẻ vượt qua cơn sốt chơi games trên mạng Internet bằng những hành động bổ ích qua tập Hành Khất Kitô (10.000 bản). Uỷ Ban cũng đã phổ biến 1 số đĩa VCD, DVD để giáo dục Thanh Thiếu Niên và tín hữu như: «Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật thánh», «Sứ điệp Loài hoa», «Bí tích Thánh Thể» (1.000 đĩa). Uỷ Ban cũng đã hỗ trợ để soạn thảo và in nhiều sách để thúc đẩy, gây ý thức về xã hội cho tín hữu giáo dân như sách về Hôn nhân Công giáo (10.000 cuốn), Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (Compendium of the Social Doctrine of the Church) (10.000 bản), Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo (100.000 bản), để thúc đẩy các bạn trẻ học hỏi và sống Lời Chúa qua các sách Daily Gospel 2006-2007-2008-2009 (100.000 bản), Cẩm nang Caritas (20.000 bản).

Thực hiện một số dự án với các tổ chức khác

UBBAXH-Caritas Việt Nam đang thực hiện 4 dự án sau đây:

+ Dự án thiết lập mạng lưới hoạt động của Caritas Việt Nam tại 26 giáo phận: thời gian từ 2008-2011, nhằm thiết lập Văn phòng Caritas thường trực tại 26 giáo phận để có người làm việc thường xuyên, liên lạc với Văn phòng Trung ương và điều hành các công việc bác ái trong giáo phận. Xây dựng mạng lưới liên kết giữa Caritas Internationalis và Caritas Việt Nam, Caritas Giáo phận và Caritas Giáo xứ để cùng thực hiện các hoạt động BAXH. Tổng giá trị dự án: 639.632 Euro.

+ Dự án Chương trình Hành động của Giáo hội Công giáo VN trước đại dịch HIV/AIDS: thời gian 2 năm, từ 2009-2010, nhằm xây dựng mạng lưới liên kết và hợp tác trong các chương trình gây nhận thức, tăng năng lực cho cộng đồng và người sống chung với H nhằm đẩy mạnh hoạt động ngăn ngừa lây nhiễm HIV và chăm sóc cho người nhiễm. Tổng giá trị dự án là 144,800 Euro.

+ Dự án Củng cố Hoạt động của UBBAXH và nhân viên của các Ban BAXH giáo phận: thời gian từ 2005-2009, nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên của UBBAXH, các Ban BAXH giáo phận và huấn luyện đội ngũ chuyên viên đặc trách các vấn đề công tác xã hội và phát triển cộng đồng. Tổng giá trị dự án: 84.620 Euro.

+ Dự án Cứu trợ Nạn nhân Thiên tai cho miền Bắc và miền Trung Việt Nam: thời gian 1 năm, từ 10-2008 đến 10-2009, nhằm cứu trợ khẩn cấp và phục hồi đời sống cho các nạn nhân thiên tai tại 4 giáo phận: Hà Nội, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang do cơn bão số 7 Mekkhala, tháng 10-2008 gây nên. Tổng giá trị dự án: 40.000 Euro.

3. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN TỚI

Để có thể định hướng được hoạt động BAXH trong một tương lai gần, tính đến năm 2020, chúng ta dựa trên những dữ liệu nghiên cứu về con người và xã hội Việt Nam trong phần số 2 trên đây để soạn thảo những chương trình hành động cụ thể cho UBBAXH-Caritas Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi đi vào chương trình chúng ta nên ôn lại một vài điểm cơ bản của học thuyết xã hội Công giáo như những tiêu chuẩn để hành động.

3.1. MỘT VÀI ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO TRONG SỨ MẠNG PHỤC VỤ CON NGƯỜI

Mọi hoạt động BAXH của người tín hữu đều được hướng dẫn bởi Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo. Chúng ta thấy học thuyết xã hội Công giáo đã phát triển rất rõ ràng trong các văn kiện của Công đồng Vatican II (1962-1965), nhất là trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (2004) và Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas est, 25-12-2005) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Sau đây là vài điểm cơ bản:

3.1.1. Giáo huấn của Công đồng Vatican II

Nhận định: nhiều linh mục, tu sĩ và hầu hết giáo dân đang hoạt động BAXH theo kiểu từ thiện, làm được thì tốt, không làm cũng chẳng sao vì chưa đặt nền tảng hoạt động xã hội của mình trên giáo huấn của Công đồng Vatican II. Ở miền Bắc hầu như không biết về Công đồng này; ở miền Nam nhiều nơi đã bỏ tài liệu Công đồng vì những biến cố sau năm 1975.

Công đồng dạy rằng: hoạt động BXH là nhằm diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nên Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng của mọi hoạt động này (x. Hiến chế Lumen Gentium, số 42; Hiến chế Gaudium et Spes, số 38; Sắc lệnh Ad Gentes, số 12; Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 2). Chính Thiên Chúa đổ tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho ta. Con đường bác ái mở rộng cho tất cả mọi người (Hiến chế Gaudium et Spes, số 38). Giáo Hội là cộng đồng bác ái nên phải hoạt động BAXH (Hiến chế Lumen Gentium, số 8-9; Sắc lệnh Ad Gentes, số 5), phải làm chứng về bác ái (Sắc lệnh Ad Gentes, số 15; Sắc lệnh Christus Dominus, số 30). Các hoạt động này là nguồn sứ mệnh của Giáo Hội (Sắc lệnh Ad Gentes, số 2). Các hoạt động bác ái của Giáo Hội mở ra cho mọi lĩnh vực trong xã hội và thế giới (Hiến chế Gaudium et Spes).

3.1.2. Giáo huấn của Giáo Hội qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG

Nhận định: Chỉ mấy năm gần đây, Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo mới tương đối hoàn chỉnh và trình bày một cách mạch lạc, có hệ thống về sứ mạng phục vụ con người. Hầu hết các thành phần dân Chúa ở Việt Nam chưa học hỏi về giáo huấn này nên hoạt động BAXH chỉ hạn hẹp trong việc giúp đỡ một số người nghèo, nạn nhân xã hội hay thiên tai chứ chưa mở rộng đến các lĩnh vực khác.

Chúng ta có thể tóm tắt vài điểm quan trọng sau đây:

- Giáo Hội có sứ mạng xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới theo đúng chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mọi hoạt động BAXH đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại và vũ trụ (x. HTXH của GHCG, chương I&II).

- Hoạt động BAXH phải tôn trọng con người như là hình ảnh của Thiên Chúa, với tất cả các giá trị cơ bản của đời sống cá nhân và xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ, nhân phẩm và nhân quyền (x. HTXH của GHCG, chương III).

- Các hoạt động đó được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc: công ích, bổ trợ và liên đới. Từ đó xác tín về mục tiêu phổ quát của của cải, sự tham gia của cá nhân và tổ chức rất cần thiết, sự liên đới mọi thành phần trong xã hội là quan trọng (x. HTXH của GHCG, chương IV).

- Hoạt động BAXH được thể hiện trong mọi lĩnh vực cụ thể như:

• Gia đình: Giáo dục về tình yêu, lòng chung thuỷ, tôn trọng sự sống, giáo dục con cái (x. HTXH của GHCG, chương V).

• Lao động: giá trị của lao động, quyền được lao động và nghỉ ngơi, được trả lương cân xứng, được bảo vệ quyền lợi bằng nghiệp đoàn (x. HTXH của GHCG, chương VI).

• Kinh tế: thị trường với công ty lớn nhỏ khác nhau, các nước giàu nghèo khác nhau nên phải có một nền luân lý kinh tế, hệ thống tài chính quốc tế. Thị trường tự do và sự can thiệp của Nhà Nước. Vấn đề tiết kiệm và việc sản xuất hàng tiêu dùng (x. HTXH của GHCG, chương VII).

• Cộng đồng chính trị: với việc tham gia chính trị, nền dân chủ và tự do cá nhân, vấn đề thông tin trung thực. Các đảng phái (x. HTXH của GHCG, chương VIII).

• Cộng đồng quốc tế với các tổ chức quốc tế, quyền tự chủ của dân tộc. Vấn đề nợ nước ngoài và chống nghèo đói, cổ vũ hoà bình và giải trừ quân bị, chống khủng bố và việc bảo vệ người vô tội (x. HTXH của GHCG, chương IX).

• Bảo vệ môi trường thiên nhiên và hoà bình trong vũ trụ. Vấn đề công nghệ sinh học (x. HTXH của GHCG, chương X).

3.1.3. Giáo huấn về bác ái xã hội qua Thông điệp Deus Caritas est (2005)

Nhận định: trong nhiều thế kỷ, hoạt động BAXH của người tín hữu luôn mang tính tự nguyện và tự phát, không được đào tạo chuyên môn, không có kế hoạch cụ thể nên chưa có hiệu quả thiết thực và bền vững. Người ta đặt ra vấn đề “con cá và chiếc cần câu” để nhắc nhở người tín hữu nên giúp cho những người nghèo khó những phương tiện để sinh sống như chiếc cần câu thay vì giúp cho họ một số vật chất nhất thời giống như cho con cá. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, dù được cung cấp chiếc cần câu nhưng người nghèo vẫn đói vì họ không thể câu được con cá nào nếu không cung cấp cho họ những kỹ năng câu cá cần thiết như hiểu biết về loại cá, loại mồi, cách mắc mồi câu, cách thả mồi nông hay sâu tuỳ loại cá, cách giật mồi và kéo cá đã cắn câu… Đó chính là vấn đề cung cấp các kỹ năng sống.

Hơn nữa, nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội rất quan tâm đến người nghèo nhưng lại không tổ chức được văn phòng BAXH với những nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Rồi khi xin được tiền trợ giúp lại không muốn làm báo cáo đầy đủ cho những tổ chức cung cấp tài chính, không giữ những chứng từ cần thiết cho việc kiểm toán khiến các tổ chức giúp đỡ đặt nghi ngờ về sự minh bạch trong việc thực hiện các dự án của Giáo Hội dù rằng các nhân viên xã hội làm việc rất công tâm.

Nói đến tổ chức Caritas của Giáo Hội là nhiều người Việt Nam lại nghĩ ngay đến việc xin trợ giúp những phương tiện vật chất từ những tổ chức từ thiện nước ngoài và sử dụng những phương tiện đó một cách dễ dãi, thiếu trách nhiệm như đã và đang xảy ra trong nhiều dự án của Nhà Nước mà chúng ta đã thấy báo chí phanh phui. Người ta không nghĩ được rằng mỗi đồng bạc từ quỹ Caritas Quốc tế đều phải được sử dụng đúng đắn và hiệu quả vì đó là của người nghèo và phải dành cho người nghèo.

Chính vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi đến cộng đồng dân Chúa toàn cầu Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu) để bổ xung cho giáo huấn về BAXH một số điểm cơ bản sau đây:

- Hoạt động xã hội dựa trên tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa, được gọi là Caritas (Bác ái) (tiếng Hy Lạp gọi là agape) mà vẫn không loại trừ tình ái (eros). Đó là một tình yêu toàn diện, mang tính sáng tạo, vĩnh cửu, cứu độ nhưng lại rất cụ thể, thiết thực, gần gũi vì Thiên Chúa tình yêu đã trở thành Đức Giêsu Kitô (số 12), trở thành Mình và Máu Người đem lại sự hiệp thông với Thiên Chúa (số 13). Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người đã hoà nhập thành một (số 2-18).

- Caritas với hoạt động bác ái của Giáo Hội là cách thể hiện tình yêu mang đặc tính của Chúa Ba Ngôi. Đó là trách nhiệm của Giáo Hội nên cần được thể hiện như một bổn phận chứ không còn là việc tuỳ tiện, muốn làm hay không cũng chẳng sao (số 20-22).

- Hoạt động này nhắm đến việc cứu độ toàn diện con người nên cần được tổ chức chặt chẽ để Giáo Hội thể hiện bản chất của mình (số 23-26).

- Hoạt động này phải thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao trùm tất cả mọi người và mọi nhu cầu (số 30).

- Những người hoạt động trong lĩnh vực BAXH phải được đào tạo kỹ lưỡng về nghiệp vụ (số 31), có tình người với con tim biết cảm thông, phải độc lập với mọi ý thức hệ, và hoàn toàn vô vị lợi. Họ cần phải biết liên kết và cộng tác với các tổ chức khác (số 34), biết khiêm tốn (số 35), cầu nguyện (số 36) và dám chấp nhận cả đau khổ, thiệt thòi (số 38).

3.2. ĐƯỜNG HƯỚNG ĐỀ NGHỊ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

UBBAXH-Caritas Việt Nam hết sức quan tâm đến các vấn đề xã hội ở Việt Nam và quyết tâm liên kết với mọi thành phần trong xã hội để xây dựng và phát triển cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, muốn giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội phải tập trung vào việc đào tạo con người Việt Nam để giúp họ đổi mới cách nghĩ và lối sống phù hợp với Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay. Người Công giáo Việt Nam trong dòng lịch sử đã có kinh nghiệm quý báu này khi đổi mới xã hội bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, theo chế độ quân chủ chuyên chế, hôn nhân đa thê, nam nữ bất bình đẳng, chậm tiến, lạc hậu về khoa học trong hai thế kỷ XVIII-XIX sang xã hội tôn trọng nhân phẩm, hôn nhân một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, khoa học phát triển (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng nền văn hoá nhân bản tâm linh).

Vì thế, ngoài việc xây dựng những chương trình và dự án cho những vấn đề xã hội cụ thể như xoá đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội, giúp đỡ các nạn nhân thiên tai… UBBAXH-Caritas Việt Nam tập trung vào việc đào tạo con người Việt Nam và giới thiệu cho xã hội một nền nhân bản toàn diện và liên đới đã được Giáo Hội cổ vũ. Xin giới thiệu một vài đường hướng tổng quát sau đây:

3.2.1. Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới để đổi mới con người

* Định nghĩa:

Gọi là nền nhân bản vì đây là một hệ thống suy tư và hành động lấy con người làm gốc, làm nền tảng thay vì lấy vật chất hay thần linh. Hệ thống suy tư giúp con người có những nhận thức đúng đắn về chính mình, về con người, về vạn vật cũng như về cả Thiên Chúa. Hệ thống hành động bao gồm những kỹ năng sống để con người thể hiện tốt đẹp và hiệu quả những nhận thức trên.

Lưu ý về tên gọi “nền nhân bản”: Chúng ta dùng từ “nền nhân bản” thay vì “chủ nghĩa nhân bản” để tránh sự hiểu lầm rằng Giáo Hội đang muốn xây dựng một chủ nghĩa đối kháng với các chủ nghĩa đã từng có mặt hay đang ảnh hưởng trong đời sống con người như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa duy thực, duy nghiệm, duy tâm, duy vật… Nền nhân bản này được xây dựng cho con người và vì con người nên bất cứ chế độ chính trị, tổ chức chính quyền, loại hình kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo nào cũng có thể tiếp nhận và hoà hợp, miễn là không đi ngược với những quyền lợi căn bản của con người, dù rằng nền nhân bản này có nói đến Thiên Chúa.

* Những giai đoạn phát triển về nhận thức của con người

Trước đây, khi nhận thức của con người còn hạn hẹp, khoa học chưa phát triển, con người bái thờ những sức mạnh thiên nhiên hay vật chất vì thấy chúng mạnh hơn con người. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Nhưng khi con người chế ngự được thiên nhiên, thì thần linh cũng biến mất. Chế tạo ra cột thu lôi thì thần Thiên Lôi cũng không còn.

Sau đó, con người lại tìm ra các thần linh tưởng tượng làm nguồn gốc cho những hoạt động tinh thần của mình như thần Jupiter, Mars, Venus, Diana, Minerva… Đó là thời kỳ bái thần với nhiều hình thức mê tín. Nhưng khi con người khám phá ra những khả năng và giá trị tinh thần của chính mình thì các thần linh đó cũng không tồn tại.

Với khoa học tiến bộ, càng ngày con người càng ý thức rằng mình phải định hướng đúng những năng lực của chính mình vì chúng có thể phục vụ con người nhưng cũng có thể đè bẹp và huỷ diệt con người. Những quả bom nguyên tử nổ ở Hirosima và Nagasaki cũng như những bệnh nhân của chất độc Dioxin, của games online dạy ta điều đó.

Con người nhận ra rằng những bất ổn đang giày vò thế giới hôm nay gắn liền với những bất ổn căn bản hơn bắt nguồn từ thâm tâm con người vì trong chính con người đã có những yếu tố xung khắc nhau. Con người cảm thấy mình bị hạn chế về nhiều phương diện nhưng lại luôn có những khát vọng vô biên. Vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm chuyện mình không muốn và không làm được điều mình muốn (x. Rm 7,14tt).

Vì thế, con người vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi cơ bản cho cuộc sống của mình như: Con người là gì? Làm sao giải thích được đau khổ, sự dữ và cái chết? Tại sao có nhiều tiến bộ của khoa học kỹ thuật như thế mà chúng vẫn tồn tại? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và mong đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ theo sau cuộc sống ở trần gian này? (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 10).

* Đi tìm một nền nhân bản đích thực

Ngày nay người ta dường như trở về với thời kỳ bái vật khi sùng bái vật chất, coi tiền bạc của cải là thước đo của mọi giá trị, có khả năng vô biên, “có tiền mua tiên cũng được”, và coi thường những giá trị cao quý của con người.

Hơn nữa, người ta dường như lại quay trở về thời kỳ bái thần với hàng ngàn tôn giáo mới, đạo pháp mới ra đời, với đủ thứ kiểu tu luyện lạ lùng, những trò trừ ma diệt quỷ mê tín, những mơ tưởng hão huyền về những loại phù phép (Rowling với bộ sách Harry Potter), về những chiêu thức võ lâm thần kỳ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong lịch sử, nhiều tôn giáo, trong đó có cả Kitô giáo, đã có lúc quá chú trọng đến hình thức, nghi lễ dành cho thần linh, cho Thiên Chúa mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ của con người chối từ thần thánh, tạo nên chủ nghĩa vô thần. Những chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo đã dành cho thần linh, cho Thiên Chúa (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 19-21).

Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 10).

Giáo hội Công giáo đã xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội (x. UBBAXH/HĐGMVN, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 62) và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Đức Giêsu Kitô” (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 22).

* Mục đích của nền nhân bản toàn diện và liên đới

Nền nhân bản này nhằm mục tiêu là đổi mới và xây dựng mỗi người tín hữu thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15), là Ađam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” (CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 22).

Người tín hữu nhờ kết hợp với Đức Kitô sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23) để trở thành con người mới có khả năng chu toàn lề luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 575-580) cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 431).

Lúc đó loài người chúng ta vượt qua bí ẩn của đau khổ và sự chết để sống trọn vẹn trong niềm vui, bình an và tình yêu của Thiên Chúa (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 583).

Nền nhân bản toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?

Nền nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới vì con người thật sự là một mầu nhiệm không thể nào khám phá cho cùng. Ta có thể tóm tắt vào mấy lĩnh vực chính sau đây:

* Thể chất và tinh thần

Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất với tinh thần và thể xác (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 127; CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 14). Hai yếu tố thể xác và tinh thần đều do Thiên Chúa dựng nên, chứ không phải bắt nguồn từ hai phía đối nghịch nhau (Thuyết Nhị Nguyên) (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 14). “Tinh thần lành mạnh trong một thể xác tráng kiện” (Anima sana in corporesano).

“Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất” (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 128). Mỗi ngày, qua đồ ăn, thức uống, khí trời, con người hoà hợp với vạn vật và thống nhất chúng nơi mình.

Nhờ tinh thần, con người có thể đi vào vạn vật để khám phá ra chúng và thấy mình vượt lên trên thế giới vật chất bên ngoài với phẩm giá độc đáo và lương tâm ngay chính.

* Nội tâm và ngoại giới

Con người khám phá ra mình hiện hữu như một cái “tôi” độc lập, có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 131).

Khoa Tâm lý học cũng khám phá ra cấu trúc phức tạp của tinh thần con người với những tầng lớp như ý thức, tiềm thức, vô thức tác động lên nhau và ảnh hưởng lẫn nhau cũng như những khả năng lạ lùng của con người với trí nhớ, trí hiểu, trí tưởng tượng, ý chí, tình cảm, khả năng hoạt động… khiến cho mỗi con người trở thành độc đáo với sứ mạng đặc biệt của riêng mình.

* Tự nhiên và siêu nhiên

Ngoài những gì tồn tại trong thế giới vật chất, hoặc do con người làm ra, có thể cân đo đong đếm hay xác định được trong không gian và thời gian, con người còn cảm nghiệm được nhiều điều thuộc về lĩnh vực siêu nhiên. Lĩnh vực siêu nhiên này mời gọi con người khám phá để phát huy những khả năng vô tận của con người vượt lên trên nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện nay. Con người có thể mở lòng mình để đón nhận những ân phúc như những quà tặng của Thiên Chúa và trao đổi những giá trị tinh thần cho người khác như tình yêu, lòng nhân ái, lời cầu nguyện…

Khi nhận ra mình có tự do như quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người và muôn loài có tinh thần để yêu Ngài, vì Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16), thì con người cũng có thể khước từ tình yêu Thiên Chúa (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 128; CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 14). Và con người đã làm thế trong đời sống của mình. Con người cắt đứt với nguồn chân thiện mỹ là Thiên Chúa nên con người đã cảm nghiệm những nổi loạn của thân xác, làm nô lệ cho những xu hướng xấu xa của tinh thần dẫn con người đến tội lỗi (x. 1Cr 6,13-20; Rm 7,24; CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 13). Vì thế, con người cần luyện tập những đức tính và loại bỏ những tật xấu ra khỏi cuộc sống của mình.

* Cá nhân và tập thể

Nhờ tinh thần, con người có thể gặp gỡ được những con người khác để xây dựng thành những cộng đồng yêu thương. Cộng đồng đầu tiên và cơ bản là gia đình với định chế hôn nhân, với nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Cộng đồng rộng lớn hơn là xã hội, tập thể để xây dựng nên nền văn hoá dân tộc với những mối liên hệ với tổ tiên, ông bà.

Hơn nữa, con người có thể mở ra với siêu việt để gặp gỡ được tinh thần tuyệt đối là Thiên Chúa ngay trong cõi thâm sâu của lòng mình và gặp gỡ những thụ tạo khác để xây dựng và phát triển một cộng đồng yêu thương (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 128, 129, 130).

Con người có các mối tương quan nào?

Con người toàn diện này có 4 mối quan hệ căn bản kèm theo 4 tinh thần phải tập luyện để thể hiện tốt đẹp các mối quan hệ ấy:

* Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên.

Con người sẽ giữ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, dân tộc, là những người thay mặt Chúa chuyển sự sống, sự thật, tình yêu và ân phúc cho ta.

Phân tích con người mình, mỗi người chỉ thấy được những cái thuộc về vật chất, chỉ là những nguyên tử, phân tử Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ… thế mà ta đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ. Vậy thì sự sống, tình yêu, sự khôn ngoan phải bắt đầu từ một nguồn nào đó vượt ra ngoài vật chất, không gian và thời gian cố định. Nhờ tinh thần mở ra cho siêu việt mà ta khám phá ra Đấng Siêu Việt là Thiên Chúa, nguồn gốc của muôn sự muôn loài (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 12; Tóm lược HTXH của GHCG, số 130).

Từ cội nguồn Thiên Chúa, con người sẽ giữ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, dân tộc, là những người thay mặt Chúa chuyển sự sống, sự thật, tình yêu và ân phúc cho ta.

Tinh thần ái quốc và bảo vệ nền văn hoá dân tộc là nhiệm vụ cơ bản của con người biết gìn giữ chủ quyền căn bản của quốc gia và biết đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá ấy.

* Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào.

Con người thể hiện tinh thần huynh đệ này bằng cách tránh những hành vi tiêu cực như dối trá, tham lam, bất công, dâm đãng, xúc phạm đến thân xác hay danh dự người khác theo tinh thần của Mười Điều Răn và bằng cách thể hiện những hành vi tích cực qua đời sống trong sáng, bác ái, chân thực, ôn hoà, dám hy sinh vì đại nghĩa, dám chấp nhận những thiệt thòi để nhường cho người khác những cái tốt hơn theo tinh thần Tám Mối Phúc của Đức Giêsu.

Trong vũ trụ bao la vẫn có thể có những “người khác” để ta tìm hiểu, gặp gỡ và cùng nhau xây dựng một nền hoà bình giữa các vì sao.

Thiên hà của chúng ta với hơn 400 triệu ngôi sao và có khoảng 8.000 hành tinh có điều kiện giống như trái đất, nghĩa là có thể có người. Thiên hà Andromede cách ta 3,5 triệu năm ánh sáng. Cả vũ trụ có khoảng 10.000 thiên hà đã được kính thiên văn Hubble của Mỹ chụp được.

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Ngài sáng tạo con người có nam, có nữ (x. St 1,27). Sự liên kết giữa hai người nam nữ tạo nên một cộng đồng đầu tiên giữa người với người. Từ bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với những người khác con người không thể phát triển và hoàn thiện chính mình.

* Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Tinh thần này được thể hiện qua việc:

- Chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua các khoa học kỹ thuật.
- Siêng năng lao động cũng như biết nghỉ ngơi.
- Làm ra các của cái và biết chia sẻ những tài nguyên và vật lực cho người yếu kém.
- Bảo vệ môi trường sống cho xanh, sạch, đẹp, an lành.
- Phát triển kinh tế làm cho dân giàu nhưng tự nguyện sống tiết kiệm, giản dị theo gương Đức Giêsu.

* Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ: làm chủ bản thân, tình cảm, những tham vọng và cả dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống.

Làm chủ thời giờ, tiền bạc, tài năng và ân huệ Chúa ban để mỗi giây phút sống đều tạo ra những giá trị tích cực cho đời mình và đời người. Một nụ cười, một lời cám ơn, một lời xin lỗi, một câu khích lệ chỉ tốn vài giây, nhưng thử hỏi mỗi ngày chúng ta đã thể hiện được bao nhiêu cho người thân, cho bạn bè và những người ở quanh ta để giảm sự căng thẳng và những áp lực trong cuộc sống!

Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống. Khả năng tự chủ này được đào luyện mỗi ngày qua một số kỹ năng sống sau đây.

Làm chủ ân phúc Chúa ban qua đời sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ, các thần thánh bằng cầu nguyện, phụng tự và các bí tích. Tất cả là hồng ân để luôn sống trong tâm tình tạ ơn và không bỏ phí bất kỳ một ơn nào. (Kỹ năng cầu nguyện)

Làm chủ cá tính với những đặc tính như cảm tính, hoạt tính, sơ tính hay thứ tính, những nhu cầu xu hướng, năng khiếu để hiểu rõ con người mình có khả năng, ưu điểm, khuyết điểm nào. (Kỹ năng phân tích cá tính)

Làm chủ các tài năng tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí qua việc tích cực học hành, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đào tạo năng khiếu chuyên môn để trở thành những người có khả năng sống tự lập, làm sáng danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho con người (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 15). (Kỹ năng học hành, kỹ năng đọc sách báo)

Làm chủ sức khoẻ, các bản năng và tình cảm bằng đời sống điều độ trong việc ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi với những giờ thể dục, thể thao để luyện một ý chí vững vàng trong một thân thể khoẻ mạnh. Tập luyện để sống quảng đại, vui tươi, khiêm tốn, dũng cảm, biết tha thứ, biết nhường nhịn vì Thiên Chúa hiểu rõ lòng con người và sẽ bù đắp cho con người hơn cả điều lòng họ ước mong. (Kỹ năng luyện ý chí, làm chủ tình cảm)

Làm chủ thời giờ: thời giờ là hồng ân và cũng là vốn liếng Chúa trao ban nên quý trọng từng giây phút sống trên đời. Một nụ cười, một lời cám ơn, xin lỗi, một cử chỉ đẹp chỉ tốn một vài giây sống nhưng sẽ làm cho đời mình và đời người hạnh phúc nên không để mất giây phút nào mà không sống đẹp, sống bác ái, sống hào hùng. Mỗi giây phút đều có giá trị vĩnh hằng vì Ngôi Lời làm người đã biến đổi tất cả những giá trị con người thành cao cả, vô biên (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 22). (Kỹ năng tổ chức và quản lý đời sống, lập chương trình, kế hoạch cho năm, tháng, sử dụng lịch để bàn)

Làm chủ các phương tiện vật chất như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, quần áo, đồ dùng để bảo đảm cho mình những điều kiện cần thiết cho đời sống độc lập, tự do, hạnh phúc (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 176). Tuy nhiên, của cải không phải chỉ làm lợi cho người sở hữu mà còn phải làm lợi cho người khác vì Thiên Chúa ban trái đất chung cho mọi người (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 177). Đó là mục tiêu phổ quát của các phương tiện vật chất và nhờ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới (x. Tóm lược HTXH của GHCG, số 174). Người sở hữu vật chất còn được mời gọi để sống tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu Kitô, Người giàu có vô song nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó để chúng ta trở thành giàu có như Người (x. 2Cr 8,9). (Kỹ năng sử dụng vật chất, làm sổ chi tiêu)

Đào tạo lương tâm ngay chính: con người khám phá tận đáy lòng mình lương tâm như một lề luật phải theo, như một tiếng nói của Thiên Chúa kêu gọi con người phải yêu mến và làm điều thiện cũng như phải tránh những điều ác (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 16). Tuân theo lề luật ấy là tuân theo các giá trị đạo đức đặt nền móng trên luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm con người, nhờ đó phẩm giá con người được nâng cao và xã hội được ổn định (x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, số 20). (Kỹ năng lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính)

3.2.2. Củng cố hệ thống bác ái xã hội trong Giáo hội Việt Nam

Trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, đồng thời luôn mở rộng cho những đường hướng mới mẻ do Chúa Thánh Thần soi sáng, người tín hữu cũng như các tổ chức, cộng đồng của GHVN được mời gọi thể hiện sứ mạng phục vụ con người qua những điểm cơ bản:

* Đào tạo nhân sự

Hiện nay GHVN có nguồn nhân lực rất phong phú với 42 giám mục, 3.500 linh mục, 16.000 tu sĩ nam nữ, 3.000 chủng sinh và dự tu, 57.000 giáo lý viên, chưa kể hàng trăm ngàn đoàn viên của các đoàn thể Công giáo Tiến hành như Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ Con Đức Mẹ, Legio Mariae, Liên minh Thánh Tâm, Gia đình Phạt tạ, các Bà mẹ Công giáo, Dòng Ba Đa Minh, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Cát Minh, Gia đình Cùng theo Chúa, Gia đình Khôi Bình, Gia đình Nagia… Nếu UBBAXH biết soạn sẵn các tài liệu và mở khoá huấn luyện để đào tạo con người Việt Nam và giáo huấn xã hội của Giáo Hội cho các tín hữu này, họ sẽ trở thành các tác viên xã hội tích cực, năng động và làm việc có hiệu quả.

GHVN có một tổ chức quy củ với kỷ luật chặt chẽ từ cấp HĐGM đến giáo phận với hội đồng mục vụ, và giáo xứ với hội đồng mục vụ giáo xứ. Tính kỷ luật cao sẽ giúp cho việc đào tạo nhân sự dễ dàng và thực hiện các dự án về BAXH.

Cần phải đào tạo về nghiệp vụ đủ loại trong nhiều lĩnh vực xã hội cho các tác viên xã hội. Lòng nhiệt thành và tình yêu thương đồng loại cần thiết nhưng chưa đủ. Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển mới chỉ biết hăng hái trong việc từ thiện, nhưng trong lĩnh vực BAXH lại yếu kém về kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, viết và kiểm tra các dự án, truyền thông, chưa kể các kỹ năng chuyên môn khác như tham vấn tâm lý cho các loại nạn nhân xã hội khác nhau…

* Mở rộng hoạt động xã hội

GHVN cần sống tinh thần nhập thể và nhập thế của Ngôi Lời Thiên Chúa để mở rộng hoạt động xã hội và dấn thân vào nhiều lĩnh vực mới mẻ của xã hội như y tế, giáo dục, thể thao, văn hoá, nghệ thuật, truyền thông bằng cách thiết lập các uỷ ban mới trong HĐGM thay vì dồn gánh nặng lên UBBAXH như hiện nay. Những uỷ ban mới với những nhân sự mới sẽ có nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả và chuyên môn hơn.

GHVN nên can đảm nhận lãnh vai trò tiên phong của mình để xây dựng cho dân tộc và cộng đồng nhân loại vì Giáo Hội đã có cả một kho tàng giáo thuyết đúng đắn so với các tôn giáo khác. Trong quá khứ, chính GHVN đã đi tiên phong trong việc đổi mới xã hội Việt Nam về mặt xã hội như: bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em khỏi nạn “bán vợ, đợ con”, bình đẳng giới, bình đẳng nhân phẩm, hô hào cắt bỏ búi tóc, móng tay dài, mặc âu phục, gia đình một vợ một chồng, học chữ Quốc Ngữ… thì GHVN hiện nay cũng phải tích cực xây dựng một nền văn hoá mới, những cách suy nghĩ và lối sống mới để hướng dẫn cộng đồng xã hội, dù có thể gặp khó khăn và bất lợi.

GHVN, thông qua các uỷ ban giám mục, cổ vũ cho các tín hữu Việt Nam tinh thần tự nguyện dấn thân và tích cực làm chứng cho Đức Giêsu Kitô bằng các hoạt động BAXH khi liên kết với các tổ chức ngoài Công giáo và với các tôn giáo khác.

* UBBAXH-Caritas Việt Nam tin cậy vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa

UBBAXH-Caritas Việt Nam không cậy dựa vào tiền bạc giúp đỡ của các tổ chức hay tài năng của con người, nhưng trên hết, tin cậy vào ân sủng, quyền năng và nhất là tình thương của Thiên Chúa mà con người có thể đóng góp vào để thể hiện tình bác ái cho nhau (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Quy chế, Điều 15, tr. 35). Vì thế, UBBAXH-Caritas Việt Nam khuyến khích mọi hội viên sống kết hợp với Thiên Chúa và hiệp thông với Giáo Hội (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Nội quy, Điều 2 và 3, tr. 41-42).

UBBAXH-Caritas Việt Nam không chủ trương xây dựng nhiều cơ sở bác ái để giải quyết các vấn đề xã hội nhưng cổ vũ linh đạo bác ái (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Nội quy, Điều 1, tr. 37-40) như là nền tảng để giải quyết các vấn đề này. Thật ra, các vấn đề xã hội đều phát xuất từ chính lòng con người vì trong cuộc đấu tranh giữa cái đúng và sai, giữa cái thiện và ác, giữa cái đẹp và xấu, nếu con người ý thức và chọn lựa Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ, con người đã giải quyết cơ bản rất nhiều vấn đề xã hội rồi. Do đó, Caritas Việt Nam quan tâm hơn đến việc giáo dục con người toàn diện để xây dựng cho con người, nhất là cho giới trẻ, một nền nhân bản tâm linh và nền văn minh tình yêu.

* UBBAXH-Caritas Việt Nam tin cậy vào nội lực của đồng bào Việt Nam

Người Việt Nam rất trọng nhân nghĩa và tình đồng bào nên rất quảng đại trong các hoạt động từ thiện. Các hoạt động bác ái được phát động trong cả nước để cứu giúp các nạn nhân thiên tai, nạn nhân xã hội hay gặp cảnh khốn cùng trong bao năm qua đã chứng tỏ điều đó. Vì thế, UBBAXH-Caritas Việt Nam dựa vào nội lực của dân tộc để thực hiện các dự án xã hội trong cũng như ngoài nước với tinh thần tự lập và tự trọng của người Việt Nam (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Nội quy, Điều 1, tr. 37-40).

* Cổ vũ sự tham gia của cộng đồng

Để giải quyết các vấn đề xã hội trong địa phương, trước tiên chính cộng đồng người dân trong địa phương đó phải ý thức vấn đề của mình rồi cùng bàn thảo, đưa ra những việc cần làm. Chính họ là người xây dựng nên những dự án ở địa phương, đóng góp nguồn lực để thực hiện những dự án đó và kiểm tra việc sử dụng nguồn lực cũng như đánh giá việc thực hiện dự án. Đây là sự tham gia của cộng đồng theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Quy chế, Điều 15, tr. 35).

UBBAXH-Caritas Việt Nam là một tổ chức của cộng đồng, của quần chúng, bao gồm nhiều hội viên và tình nguyện viên trong một địa phương cụ thể là giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, trong đó Caritas giáo xứ là cơ bản và là điểm xuất phát các chương trình hành động.

Chúng ta có thể minh hoạ bằng thí dụ sau đây: Việt Nam có cả triệu ca phá thai mỗi năm. Muốn ngăn ngừa tệ nạn phá thai, UBBAXH-Caritas Việt Nam không thể đủ tiền bạc và nhân sự để xây dựng và quản lý hàng ngàn nhà mở, đón nhận và nuôi dưỡng hàng trăm ngàn phụ nữ để giáo dục họ giữ thai lại, không thể đủ tiền để dạy nghề cho họ hay nuôi giữ con cái họ.

Muốn đạt kết quả ngăn ngừa phá thai và bảo vệ sự sống, UBBAXH-Caritas Việt Nam chủ trương cần phải gây ý thức trong cộng đồng tín hữu về một tình yêu trong sáng và quảng đại, về cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản, về các phương pháp ngừa thai được Giáo Hội cho phép như phương pháp Billings để những người làm cha mẹ có thể sinh con với tất cả ý thức trách nhiệm khi làm chủ được định luật tâm sinh lý. Phương pháp này, nhờ những khám phá khoa học mới đây, thật sự là phương pháp có hiệu quả cao trong việc kế hoạch hoá sinh sản. Hơn nữa, nếu dạy cộng đồng tín hữu biết tôn trọng, tha thứ, yêu thương các bà mẹ lỡ lầm thì họ sẽ không cảm thấy bị hất hủi khi mang thai, từ đó họ mới giữ con lại. Rồi nếu các phụ nữ ấy được cộng đồng bảo đảm sẽ chung sức nuôi dưỡng con cái của họ, họ sẽ cảm thấy rất an tâm sống giữa cộng đồng. Lúc đó người Công giáo sẽ trở thành gương sáng cho anh em lương dân để xây dựng thật sự nền nhân bản tâm linh vì đã tôn trọng sự sống con người.

Đối với các vấn đề xã hội khác như phòng chống ma tuý (200.000 người), HIV/AIDS (300.000 người), khuyết tật (5 triệu người)… UBBAXH-Caritas Việt Nam cũng chủ trương dựa vào cộng đồng để đào tạo nhân sự chuyên môn cho các giáo phận, giáo xứ thay vì đứng ra trực tiếp xây dựng các cơ sở xã hội và quản lý các cơ sở ấy.

3.2.3. Củng cố tổ chức Caritas Việt Nam

Caritas Việt Nam đã được phép hoạt động chính thức từ 2-7-2008. Cần thiết lập tổ chức này trong toàn hệ thống Giáo Hội từ cấp quốc gia đến giáo tỉnh, giáo phận, giáo hạt và giáo xứ như một phương tiện thể hiện lòng bác ái Chúa Kitô cho mọi người.

Caritas Việt Nam với quy chế, mục đích, tiêu chuẩn, nguyên tắc và đường hướng hoạt động BAXH, sẽ là một tổ chức do chính HĐGM quản lý và hướng dẫn để thúc đẩy tinh thần hoà nhập với hoạt động bác ái của Giáo Hội toàn cầu.

Qua Caritas Việt Nam, GHVN sẽ biểu lộ sự trưởng thành cả về nhân sự lẫn nguồn lực với sự tự nguyện và ý thức đóng góp cho các hoạt động BAXH hằng tháng, hằng quý, hay hằng năm. Người tín hữu Việt Nam thấy rằng mình có thể chia sẻ cho những người anh em nghèo khổ khác trên toàn thế giới, thay vì phải đi xin trợ giúp về tài chính cho các dự án như trước đây.

Caritas Việt Nam sẽ không chiếm độc quyền hay dùng ưu thế để lấn át các tổ chức BAXH khác, nhưng tôn trọng sự độc lập của tất cả các tổ chức đúng đắn trong lĩnh vực này. GHVN nên khuyến khích các tổ chức tự nguyện khác của người giáo dân để có thể tham gia vào sứ mạng phục vụ con người.

Caritas Việt Nam nên chọn và tập trung sức lực vào một số lĩnh vực chuyên môn để xây dựng một số những chương trình cụ thể, cần thiết như cho giới trẻ, phụ nữ và trẻ em, người có HIV/AIDS, người nghiện ma tuý, nạn nhân thiên tai, bảo vệ môi trường. Caritas không dàn trải hoạt động ra quá nhiều lĩnh vực trong xã hội như xây dựng và quản lý các cơ sở xã hội, nhà dưỡng lão, nhà tình thương…

* Xây dựng Caritas Giáo xứ

Trọng tâm hoạt động của Caritas Việt Nam trong 5 năm đầu tiên (2008-2013) là xây dựng được cơ cấu sinh hoạt của Caritas ở giáo xứ bằng những phương cách sau đây:

Giới thiệu Caritas Việt Nam như một tổ chức BAXH và như một hiệp hội Công giáo Tiến hành tại các giáo xứ để mời gọi tín hữu cùng tham gia bằng các buổi nói chuyện, phân phát tờ bướm, cẩm nang, giới thiệu Quy chế và Nội quy Caritas Việt Nam, viết bài giới thiệu trên các websites Công giáo.

Giới thiệu Caritas Việt Nam cho các linh mục, tu sĩ để mời gọi tham gia tích cực qua các buổi họp mặt, tĩnh tâm, thường huấn.

Mời gọi các linh mục quản xứ giới thiệu Caritas Việt Nam cho tín hữu trong xứ đạo để gây ý thức về hoạt động bác ái là trách nhiệm của từng tín hữu và cũng là trách nhiệm của Giáo Hội.

* Xây dựng Caritas Giáo phận

Trong thời hạn 2 năm, sau Hội nghị Ra Mắt Caritas Việt Nam (2008-2010), mỗi Giáo phận thiết lập được văn phòng Caritas giáo phận, có nhân viên làm việc, có phương tiện hoạt động, nhân viên được trả lương. Caritas Giáo phận có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề xã hội của giáo phận, đề xuất những dự án, thực hiện các hoạt động BAXH của giáo phận (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Quy chế, Điều 13, tr. 32).

Caritas Giáo phận thúc đẩy việc giới thiệu Caritas Việt Nam tại các giáo xứ và đưa sinh hoạt BAXH thành hoạt động thường xuyên trong giáo phận bằng cách tổ chức các khoá tập huấn cho các hội viên của giáo xứ học hỏi về thể thức thành lập, cơ cấu tổ chức ở giáo xứ, việc quản lý nhân sự và nguồn lực, việc xây dựng các dự án nhỏ, học hỏi về cách quản trị tài chính, về nội quy…

* Củng cố Caritas Việt Nam ở Trung ương

Cố gắng hoàn thiện cơ cấu tổ chức và điều hành Văn phòng Trung ương của Caritas Việt Nam như điều 11 và 12 của bản Quy chế ấn định, nhất là thiết lập các phòng ban chuyên môn.

Văn phòng Trung ương thực hiện “Dự án Thành lập Mạng lưới của Caritas Việt Nam tại các giáo phận” trong thời hạn 3 năm để chuyển giao các phương tiện làm việc và đào tạo nhân sự cho các giáo phận.

Văn phòng Trung ương tập trung vào việc đào tạo nhân sự cho các giáo phận bằng các khoá tập huấn như: tổ chức và quản lý nhân sự, tổ chức và quản lý phương tiện, nguồn lực; học thuyết xã hội Công giáo, viết và quản lý dự án, nghiên cứu các vấn đề xã hội, phòng chống HIV/AIDS, cắt cơn và phục hồi cho người nghiện ma tuý, giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ, sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ, giảm thiểu thiệt hại thiên tai nhờ cộng đồng…

Văn phòng Trung ương nghiên cứu về việc đào tạo con người Việt Nam với các kỹ năng sống cũng như về một số vấn đề xã hội đặc biệt ở Việt Nam để có thể biên soạn, cung cấp tài liệu hướng dẫn và học hỏi cho các Caritas Giáo phận, chủng viện, dòng tu, các tổ chức trong mạng Caritas Quốc tế.

Văn phòng Trung ương phối hợp với các tổ chức khác để thực hiện một số dự án ở tầm mức quốc gia cũng như giới thiệu dự án của các Caritas Giáo phận cho các tổ chức này (x. Cẩm nang Caritas Việt Nam, Quy chế, Điều 13, tr. 32).

KẾT LUẬN

Sau khi nhìn lại sứ mạng phục vụ con người trong lĩnh vực BAXH của GHVN trong 50 năm qua, và giới thiệu một vài nét định hướng cho hoạt động BAXH trong thời gian tới, căn cứ vào tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta muốn dâng lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã hướng dẫn GHVN trong dòng lịch sử dân tộc. Qua những hoạt động BAXH của người tín hữu, dân tộc Việt Nam trong mấy thế kỷ qua đã thật sự đổi mới. Chính khi phục vụ con người, GHVN đã tìm ra con đường dẫn mình đến với Đức Giêsu Kitô cũng như đến với xã hội loài người để trở thành hiện thân của Người.

Chúng ta hy vọng rằng GHVN, qua những hoạt động BAXH, sẽ tiếp tục công trình yêu thương này của các tiền nhân để đổi mới xã hội hôm nay và làm cho ơn cứu độ trở thành hiện thực cho con người.

Bấy giờ Giáo Hội, giống như Đức Giêsu Kitô, lại trở thành con đường dẫn con người tới Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc và sự sống vĩnh hằng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lợi ích gì cho dân tộc?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
00:36 08/04/2009
Báo Hà Nội mới ngày 7/4/2009 đăng bài của Minh Trang, nhan đề “Công lý nào cho những kẻ cố tình đi ngược lại lợi ích dân tộc?”. Bài báo đã một lần nữa nhai lại giọng điệu vu cáo kết tội và miệt thị đã nhàm chán.

Vẫn là những giọng điệu kết tội thay toà, vẫn là những lời lẽ tô vẽ, bao biện mà chắc không còn gì hơn nữa nên phải nói ra, dù vẫn biết là họ rất ngượng mồm. Chắc chắn là vậy, dám đánh cược rằng nếu họ nói thế mà không ngượng mồm, thì tôi đoán chắc là họ không có chút nào gọi là nhân tính.

Bài báo viết gì?

Bài báo viết: “Phiên tòa đã diễn ra công bằng và dân chủ …”. Vâng, phiên toà đã diễn ra, nhưng “công bằng và dân chủ” hay không, thì hãy nhìn vào diễn biến phiên toà và nếu thiếu thời gian, thì hãy nhìn vào cách chuẩn bị cho phiên toà bình thường với súng ống, cảnh sát, trang thiết bị và hàng loạt các biện pháp khác của nhà cầm quyền, thì biết phiên toà đã diễn ra như thế nào.

Một điều mà tác giả tờ báo này đã cố tình quên mất rằng đây là phiên toà công khai, nhưng những người nào đã được đến dự toà? Hàng ngàn con người từ khắp nơi về dự toà đã được “đón tiếp nồng hậu” bằng rào sắt, cảnh sát, dùi cui và bao thiết bị, bình xịt hơi cay, chó nghiệp vụ cũng như xe chống bạo động, vòi rồng… chừng đó đủ thấy được bản chất phiên toà. Tại sao một phiên toà tài sản bị phá hoại không đáng bữa ăn sáng của quan chức, mà lại phải hao công tốn của đến vậy? Xem chừng đây là câu hỏi khó trả lời nếu nói rằng phiên toà đã diễn ra công bằng, dân chủ.

Bài báo viết tiếp: “Bày tỏ sự ủng hộ cao đối với phiên tòa phúc thẩm, các tầng lớp nhân dân không mong muốn gì hơn là có một bầu không khí xã hội bình yên, để mọi công dân dù thuộc bất cứ dân tộc, tôn giáo nào cũng tập trung tâm trí và sức lực để dựng xây cuộc sống trong điều kiện đất nước đang phải đương đầu với những thách thức và khó khăn gay gắt do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới”

Tôi không nghĩ tác giả bài báo và tờ báo này có thể nghĩ được những điều thật hay ho và tuyệt vời họ viết ra ở đây. Bởi qua một quá trình, vụ việc của Giáo xứ Thái Hà, Toà Khâm sứ từ khi tờ báo này vào cuộc, các tác giả như đã không hề tiếc lời nhục mạ, bịa đặt, bôi nhọ và kết tội giáo dân và tu sĩ, một cộng đồng tôn giáo đông đảo được chính nhà nước này công nhận. Họ đã trơ trẽn hết mức khi bịa ra các thông tin, kể cả tên các giáo dân mà trong thực tế là không hề tồn tại… để nhằm đạt bằng được ý đồ của mình là kích động một sự kỳ thị tôn giáo trong lòng một đất nước, dân tộc.

Những thông tin bịa đặt của họ đã buộc các giáo dân phải kiện ra toà án, những hành động lúng túng như gà mắc tóc, bất chấp luật lệ, đẩy lên đẩy xuống vừa qua trong vụ việc ngay tại Toà soạn báo Hà Nội mới đã nói lên điều này một cách sống động nhất.

Bài báo đã nhắc lại một số diễn biến, sự việc liên quan đến hai khu đất thuộc Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà. Nhưng họ đã quên mất những chi tiết cơ bản của vụ việc và nguyên nhân dẫn đến vụ việc đã xảy ra. Cũng như Toà án đã cố tình quên mất hoặc bỏ qua các nguyên nhân chính dẫn đến phiên toà hôm nay là quyền sở hữu khu đất đó đã bị chiếm dụng không hợp pháp và có nguy cơ bị tẩu tán, chia chác, dù giáo dân đã có đơn từ hàng chục năm mà không hề được đáp ứng, không hề được trả lời.

Không thể trả lời, bởi những văn bản chứng cứ UBND TP Hà Nội đưa ra biện minh cho quá trình chiếm hữu đất đai, tài sản ở đây, đã bị bác bỏ hoàn toàn, không có cơ sở có sức thuyết phục với bất cứ ai, việc sử dụng bạo lực, quân lực để làm vội vã hai vườn hoa đã tự nói lên điều đó, khi đã phải dùng đến bạo lực, là khi mình không có đủ lý lẽ và chính nghĩa để thuyết phục và đối thoại.

Chính đó là nguyên nhân đã dẫn đến những vụ việc phức tạp ngày hôm nay.

Tôi thấy bật cười khi đọc những dòng này: “…ngày 15-8-2008, trong khi đồng bào cả nước, bằng những hành động thiết thực để quyên góp, ủng hộ, sẻ chia những mất mát với nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc phải chịu ảnh hưởng của trận lũ quét khủng khiếp vừa diễn ra trước đó vài ngày…” Quả là những tấm lòng vàng của báo Hà Nội mới. Nhiều khi những giọt nước mắt cá sấu cũng được nặn ra từ những tác giả vô nhân tâm và tờ báo này, họ cứ tưởng thế thì người ta tin những giọt nước mắt ấy sao? Họ quên rằng, nếu có ai nghĩ đến những đau khổ của các nạn nhân như họ nói, thì chắc chắn họ không đổ ra cả đống tiền ngân sách để huy động hàng ngàn “quần chúng tự phát”, công an, cảnh sát, chó nghiệp vụ, các phương tiện thiết bị, rào sắt và hàng đống tiền để thì công hai “vườn hoa” một cách khẩn cấp hơn chạy giặc để rồi sau đó lại đào ra làm lại tới mấy lần vẫn không xong.

Nếu số tiền chi phí đó được sử dụng để ứng cứu những nạn nhân họ đã nói ở trên kia, thì chắc đến ba cơn lũ quét đó cũng chẳng là gì. Bởi cơn lũ làm vườn hoa còn lớn hơn nhiều lần lũ quét, nó tạo những con sóng khủng khiếp trong lòng người dân.

Trận lụt ngay sau đó nhấn chìm Hà Nội đã chứng minh hùng hồn những giọt nước mắt cá sấu này dù hiếm hoi vẫn không thể chấp nhận được. Nếu chỉ cần những lực lượng cảnh sát, “quần chúng tự phát”, đoàn viên TNCS và cơ man nào cán bộ như khi làm vườn hoa Toà Khâm sứ đến để cứu giúp dân, thì chắc Hà Nội không mất đi mấy chục mạng người oan uổng thế.

Vậy mà tác giả Minh Trang vẫn viết được những lời này thì quả là “mặt dầy” nói theo cách dân gian.

Bài báo còn viết: “Chăn dắt kiểu gì mà các giáo sĩ này lại tiếp tục tụ tập hàng nghìn giáo dân để họ phải phơi mình dưới trời nắng chang chang, gây ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô trong nhiều giờ liền lúc diễn ra phiên tòa phúc thẩm?”.

Xin thưa, chăn dắt kiểu gì thì những người như Minh Trang và những kẻ ở Hà Nội mới làm sao biết được? Họ chỉ nghĩ được rằng phải có tiền thì mới mong có được biết bao quần chúng như vậy bất chấp gian khổ, mưa nắng để đến nơi hiểm nguy như đi dự hội. Với họ, không có tiền, thì đừng hi vọng nghĩ đến những sự tự nguyện, đừng nghĩ đến đất nước, dân tộc hay một niềm tin nào.

Nhưng, ở đây những người giáo dân kia đã được gì? may chăng đến đó để được xem màn phô diễn sức mạnh về quân lực và quân dụng của nhà nước dành cho phiên toà “con tép” để xử 8 giáo dân Thái Hà như các tội phạm nguy hiểm chịu án treo và cảnh cáo.

Hãy nhìn hàng nghìn người dám phơi nắng dưới trời nắng chang chang để hiểu họ muốn nói lên điều gì và những người đang chăn dắt họ thật sự (vì họ đang phải góp tiền để “được chăn dắt”) hãy suy nghĩ thì đúng hơn. Thiết tưởng riêng chi tiết đó đã đủ để chứng minh một điều: Lòng dân đang ở đâu, niềm tin của họ là gì.

Bài báo cũng nói rằng những người dân này “… do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật, bị kẻ xấu lợi dụng, lừa phỉnh, kích động, lôi kéo để phục vụ cho những mưu đồ đen tối núp dưới cái bóng đòi "sự thật, công lý". Điều này chắc chắn là tờ báo này đã tát thẳng vào mặt truyền thông nhà nước một cú nặng nề. Hãy xem báo cáo của ngành thông tin, truyền thông, văn hoá, tư tưởng của Việt Nam hàng năm thử xem. Cả chục đài truyền hình, hàng trăm kênh đã phủ sóng hầu như khắp nước, nhà nước đã chi tiền dân cho mục đích này cơ man nào là cơ sở, tiền của và phương tiện. Hơn 600 tờ báo đủ giọng ca ngợi được sự lãnh đạo tuyệt đối để đi đâu, hàng ngàn cán bộ tư tưởng, văn hoá, truyền thông và dân vận ăn lương của dân, làm việc cho đảng và nhà nước để làm gì mà lại để cả hàng chục ngàn người ở các vùng đồng bằng, đô thị này “thiếu thông tin”?

Nếu như hệ thống truyền hình đủ khả năng truyền hình trực tiếp phiên toà phúc thẩm tám giáo dân, để người dân có thể biết được mức độ công bằng, dân chủ của phiên toà này thế nào, thì e rằng người dân đâu có thờ ơ với các thông tin để rồi lại “thiếu thông tin” như tờ báo này lên án?

Trong một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” mà kêu gào rằng hàng ngàn người dân này thiếu hiểu biết pháp luật, bị kẻ xấu lợi dụng… e rằng không có sức thuyết phục. Nếu có thì phải xem lại hệ thống “lãnh đạo sáng suốt” đã hưởng lương nhân dân để lãnh đạo họ, hoặc họ không lãnh đạo được nhân dân, hoặc nhân dân đã không còn tin vào họ.

Nhưng xin hãy nói rằng, hàng chục ngàn người dân đó đã không còn lòng tin vào hệ thống truyền thông mà họ được tiếp xúc sau những màn dối trá nữa, nên họ đã đến để tìm thấy sự thật, và họ đã thấy.

Cũng đừng nghĩ rằng đó chỉ là đám dân “thiếu hiểu biết” mà phải biết rằng những người dân đó có thừa hiểu biết để biết họ đang có quyền làm điều gì, họ có quyền đi đến dự một phiên toà công khai, họ có quyền biết những đồng đạo họ đang bị xử như những tên tội phạm nguy hiểm đó như thế nào.

Nói rằng cả vạn người thiếu hiểu biết, bị lừa phỉnh, kích động… thì chính tờ báo này đã xúc phạm và nhục mạ cả cộng đồng này.

Và nếu nói rằng “có những người thiếu hiểu biết”, thì xin định nghĩa và tìm kiếm lại vì những người đó chắc không xa, đó là những người cố tình bịt mắt, che tai để không nghe tiếng thét gầm của lòng dân vọng đến tai họ. Đó mới thực sự là thiếu hiểu biết. Bởi lòng dân là tất cả.

Bài báo có nêu tên và một lần nữa nhắc đến luật sư Lê Trần Luật với những lời lên án nặng nề. Chắc chắn một điều, ai cũng biết tại sao Luật sư Lê Trần Luật đã bị đánh hội đồng nhanh chóng và quyết liệt như thế. Nếu ông không đứng về phía những giáo dân Thái Hà, không đứng về phía sự thật, công lý thì ông chắc đã được yên ổn? Biết bao vụ việc, tội ác đang diễn ra ngày đêm trên đất nước này nếu được giải quyết nhanh gọn đến thế thì đất nước này đâu còn phải lo ngay ngáy ngày đêm những hiểm hoạ đến với nhân dân?

Lợi ích nào cho dân tộc?

Bài báo viết: "Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ngang nhiên viết: “Chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi". Thiết nghĩ, không có thể nói gì hơn để đánh giá tác giả, tờ báo này đúng hơn là từ ngu xuẩn và dốt nát khi muốn một lần nữa xuyên tạc và kết tội câu nói hoàn toàn chính đáng này.

Họ không chịu rút bài học kinh nghiệm nhục nhã và đau đớn, làm xấu hổ cả một thủ đô, một đất nước qua vụ cắt xén cách vô đạo đức và ác ý lời nói nhằm tổng tấn công Đức TGM. Chiến dịch đó đã thất bại thảm hại và chính những sự gian ác đó đã trở lại vả những cú trời giáng vào những cái miệng ngậm máu phun người.

Họ không biết rằng, với bất cứ ai, bất cứ chế độ nào nếu bình thường, việc “sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của mình” là một điều đương nhiên. Chỉ có những kẻ hèn nhát quyết tâm cõng rắn cắn gà nhà thì không “sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của mình”. Hoặc chỉ có những nơi không bình thường thì con người mới không được phép “sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của mình” mà thôi.

Bằng cách lên án của báo Hà Nội mới và một số báo chí Việt Nam với câu nói này, họ đã vô tình hay hữu ý nói lên cái “khác biệt” ở đất nước Việt Nam trong thời đại cộng sản là khi người dân tuyên bố “sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của mình” thì bị lên án?

Hiển nhiên là báo Hà Nội mới không thể cho đó là một câu nói đúng. Bởi chưng, đúng lúc UBND TP HN đưa cả đạo quân hùng mạnh làm vườn hoa ở Toà Khâm sứ và văn thư khẩn cấp đó được gửi đi (19/9/2008) thì báo Hà Nội mới ngang nhiên đăng bài viết ca ngợi không tiếc lời Hứa Thế Hữu - tên tướng Tàu đã mang quân xâm lược đất nước Việt Nam chúng ta, đã gây bao tội ác ghê tởm đối với dân tộc Việt Nam, đã tàn sát biết bao đồng bào và chiến sỹ ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với vai trò là Tổng chỉ huy. (Bài báo này đã bị lên án và đã bị xoá, nhưng google đã kịp lưu lại – xem hình ảnh).

Khi mà tờ Hà Nội mới đang cố công tô vẽ, ca ngợi kẻ xâm lược đất nước một cách trắng trợn thì việc lên án những người tuyên bố sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của mình một cách chính đáng là điều không lạ.

Với ý đồ nhấn chìm một cộng đồng giáo dân thấp cổ bé họng không có bất cứ một công cụ thông tin hoặc một sức mạnh nào để tự vệ ngoài sự nhẫn nhục và lòng tin vào Thiên Chúa, công lý, sự thật. Họ đã khoét sâu một cách nhẫn tâm, đánh những cú đánh trời giáng vào tinh thần đoàn kết dân tộc, của đất nước, trong đó các giáo dân, tu sĩ là những nạn nhân.

Một loạt những hành động hoàn toàn phản cảm không nên làm trong thời điểm cần đoàn kết cả dân tộc trước hoạ ngoại xâm. Nhưng không, họ đã bất chấp tất cả để đi đến cùng trong ván bài thông tin nhục mạ và kết tội thay toà án. Nhưng, rồi chính họ lại gắp lửa bỏ tay người, đổ tội lỗi của mình cho chính những nạn nhân của họ. Quả thật món này thì họ rất tài tình.

Ai đã chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở đây? Có sự đoàn kết nào được tồn tại vững bền trong sự dối trá, bịa đặt và nhục mạ không? Chắc chắn là không.

Có sự đoàn kết nào được xây dựng trên cơ sở của sự kỳ thị chia rẽ một cộng đồng tôn giáo không? Chắc chắn là không. Ngay cả trong những bài học của Chủ nghĩa Mác – Lenin và những lời dặn của Hồ Chí Minh chắc không có lời nào dạy họ như vậy.

Thế mới hiểu rằng, đằng sau những chiêu bài, lời nói hô hào yêu nước, đoàn kết dân tộc ở đây có ý nghĩa gì? Sự đoàn kết đó sẽ dẫn đất nước này, dân tộc này đến đâu nếu tất cả cùng “đoàn kết” hô hào nhấn chìm một cộng đồng tôn giáo trong đất nước, kể cả lãnh tụ tinh thần để tung hô bọn cướp nước một cách ngang nhiên?

Lợi ích nào cho dân tộc, tờ báo này đã là người lính xung kích khi đất đai tài sản của một cộng đồng tôn giáo đã không được hành xử minh bạch có lý, hợp tình, chiếm đoạt bằng được, nhưng lại thờ ơ trước những nguy biến của sơn hà, lãnh thổ? Trái lại, còn tự nguyện làm công cụ tô vẽ, phụ hoạ và bám gót cầu cạnh xu nịnh bọn cướp nước?

Đến đây người ta phải đặt câu hỏi “Lợi ích dân tộc” mà báo HNM nói đến ở đây là lợi ích nào? Hay nói cách khác đó là lợi ích của dân tộc nào?

Với những điều đã nêu trên bài viết, nếu có đọc lại, chỉ càng làm cho dã tâm kẻ cầm bút được phơi bày, người chủ mưu bị lên án và những manh tâm bị phơi ra trước ánh sáng ban ngày mà thôi.

Những người Công giáo Việt Nam, luôn cầu nguyện cho Sự thật được tỏ hiện, Công lý được thực thi, Hoà bình được hiển thị, thì cũng xin hãy cầu nguyện cho những kẻ rắp tâm phá hoại sự đoàn kết yêu thương theo tinh thần Chúa đã dạy, để đất nước này trở nên mạnh mẽ bước đi theo con đường tiến bộ của nhân loại, đưa đất nước ra khỏi nỗi nhục của sự nghèo hèn và bị ức hiếp.

Dù ai có tôn giáo hay không tôn giáo, cũng nên nhớ chân lý này: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”

Hà Nội, Ngày 8 tháng 4 năm 2009
 
Linh mục Thái Hà nói bản án đầy bất công
BBC
01:05 08/04/2009
Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Khải, phát ngôn nhân cho giáo xứ Thái Hà, gọi bản án phúc thẩm ngày 27/3 tại Hà Nội đối với tám giáo dân là "bất công."

Trong phiên sơ thẩm tháng 12 năm 2008 các tín đồ công giáo này đã bị tòa buộc tội phá hoại tài sản và gây rối trật tựcông cộng. Tại phiên phúc thẩm, vốn nhận được sự quan tâm của dư luận và ủng hộ tinh thần của 10,000 giáo dân xung quanh địa điểm xét xử, tòa đã y mức án dành cho những người này. Linh Khải cho rằng lý lẽ và bằng chứng đưa ra tại phiên tòa để kết tội giáo dân là không đủ cơ sở. Theo lý lẽ và bằng chứng mà luật sư bên bị trình trước tòa, linh mục Khải cho rằng tòa cần tuyên bố vô tội cho các bị cáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC sau phiên phúc thẩm, linh mục Khải giải thích bản chất vô tội của các giáo dân này. Câu đầu tiên Ngài nhận xét về tinh thần làm việc của Hội đồng xét xử và của thẩm phán tại phiên tòa ngày 27/3.

LM Phêrô Nguyễn Văn Khải: Xét về mức độ ứng xử tôi thấy vị thẩm phán hôm thứ Sáu cùng Hội đồng Xét xử đã rất kiên nhẫn, bởi vì giáo dân họ bức xúc họ có nói những lời gay gắt, nhưng vị thẩm phán có thái độ kiên nhẫn. Rồi ông ta cũng tuân thủ chặt chẽ thủ tục tố tụng tại tòa và cho các bị cáo quyền được phát biểu. Tôi có thiện cảm với vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử hôm thứ Sáu, 27/3. Cùng với các cán bộ công an làm nhiệm vụ trong tòa.

BBC: Thế còn quyền được phát biểu của các bị cáo, quyền được tranh luận của luật sư bên bị có được thực hiện đầy đủ tại tòa hay không, thưa linh mục?

LM Phêrô Nguyễn Văn Khải: Điểm này tôi thấy chưa được thực hiện đầy đủ tại tòa. Nhất là khi các bị cáo hay luật sư biện hộ trình bày đến những vấn đề, đưa ra những lý lẽ hay những bằng chứng liên quan đến vụ án, theo hướng bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Tức có lợi cho bị cáo và bất lợi cho phía nhà nước, thì vị thẩm phán liền bác ngay cái quyền trình bày của luật sư cũng như của các bị cáo trong phiên tòa. Tòa cho Công tố viên hoặc đại diện Viện Kiểm sát trình bày, đưa ra những lý lẽ liên quan đến mảnh đất để biện hộ cho phía nhà nước, họ được nói vô tư thoải mái. Luật sư của chúng tôi nói ngay tại phiên tòa là không có sự công bằng trong khi trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Lỗi này tôi không thể đổ tội cho cá nhân vị thẩm phán được và tôi biết ở Việt Nam nó thế.

Bằng chứng

BBC: Phía Tòa nói rằng các bị cáo có ý đồ phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng. Và họ y án sơ thẩm. Tám giáo dân không nhận hai tội danh này. Thưa ngài lý lẽ của họ ra sao?

LM Phêrô Nguyễn Văn Khải: Ví dụ như tội phá hoại tài sản chẳng hạn. Phía nhà nước giám định bảo rằng thiệt hại ba triệu bốn trăm bảy mươi mấy ngàn gì đấy, tức là chưa đến ba triệu rưỡi. Số tiền này chia ra cho bảy bị cáo thì mỗi bị cáo làm thiệt hại chưa đến 500,000 nghìn. Chưa đến năm trăm nghìn thì chưa đủ cái mức giới hạn về thiệt hại vất chất. Cạnh đó các giáo dân nói rằng họ dỡ bỏ có ba mét tường, chứ không phải sáu mét tường như chính quyền nói. Vả lại chúng ta cần đặt câu hỏi là cái bức tường ấy nó có phải là tài sản hay không? Và là tài sản của ai? Bức tường đó xây từ ngày xửa ngày xưa rồi, đã bị hư hoại gần hết rồi. Bằng chứng trước tòa cho thấy cái bức tường đó nó hư hoại đến mức tự đẩy nó cũng đổ. Xét theo thời gian và trừ khấu hao về vật chât cái bức tường đó nó không còn giá trị bao nhiêu nữa và không gọi nó là tài sản được. Vả lại các giáo dân không có ý định phá vỡ bức tường. Nó dài cả một trăm mét chứ không ít. Họ chỉ dỡ lấy lối đi vào cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ thôi. Chứ họ không có ý định phá hoại. Thế cho nên không thể kết án họ được.

Và lý lẽ

BBC: Thế còn tội danh gây rối trật tự công cộng, trình bày của giáo dân khác với quan điểm của tòa như thế nào?

LM Phêrô Nguyễn Văn Khải: Thì thứ nhất thế nào là trật tự công cộng. Ở chỗ đấy nó không phải là nơi công cộng. Ở chỗ đấy, về phương tiện pháp lý chặt chẽ, đấy là của nhà thờ chúng tôi. Và khu vực nội sự chúng tôi liên tục có giấy tờ sở hữu tám mươi năm nay rồi. Trên thực tế thì Công ty may Chiến Thắng họ chiếm dụng và bỏ hoang. Bỏ hoang cả mười mấy ngàn mét vuông đất mênh mông ở trong đấy, cây cối mọc um tùm, nhà cửa để cho mục nát sập xệ. Thế thì đấy không phải là nơi công cộng. Mà là nội sự của chúng tôi. Bảo là gây rối thì pháp luật phải chi phối hành vi của từng cá nhân một. Họ chỉ có đến và dỡ bức tường đó một đoạn để cầu nguyện. Và khi cầu nguyện họ xếp hàng đi cùng với những người khác. Họ xếp hàng họ chắp tay họ cầu nguyện trong vòng 20 phút. Họ không kích động ai, không gây rối loạn cho ai. Và họ không làm gì mất ổn định an ninh trật tự trong khu vực ấy cả. Về phương diện pháp lý thì hành vi của họ không đủ yếu tố cấu thành gây rối. Nếu gây rối thì gây rối ai? Và cụ thể là người nào. Và gây rối lúc nào? Tòa không chỉ ra được. Thêm nữa là gây hậu quả cho người nào? Tòa không chỉ ra được.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090328_thaiha_priest.shtml)
 
Các luật sư Nguyễn đình Đài và Lê thị Công Nhân bị truy tố về tội tuyên truyền chống Nhà Nước
Luật sư Nguyễn Hữu Thống
01:08 08/04/2009
CÁC LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI VÀ LÊ THỊ CÔNG NHÂN
BỊ TRUY TỐ VỀ TỘI TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC


Theo bản cáo trạng, các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị truy tố ra Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội về tội tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chiếu Điều 88 Khoản 1 Điểm (a) và (c) Hình Luật mà hình phạt có thể đến 12 năm tù.

Các Luật Sư bị trách cứ đã có những hành vi phỉ báng chính quyền và chống Nhà Nước bằng tuyên truyền

xuyên tạc, và tàng trữ, phát hành các tài liệu có nội dung chống Nhà Nước CHXHCNVN.

Khoản 1 Điểm (b) kết án tội “dùng chiến tranh tâm lý để tuyên truyền gây hoang mang trong nhân dân”. Đây là một tội lỗi thời, tàn tích của thời chiến tranh lạnh. Người Cộng Sản thường lầm lẫn luật pháp với chính trị. Họ đã sáng chế ra những tội trạng giả tạo phi pháp lý như phản động, hay phản cách mạng, địa chủ hay cường hào ác bá v...v...Vì đối với họ, chính trị là thống soái và luật pháp là công cu.ï Bộ Luật Hình Sự 1985 trong Lời Nói Đầu cũng xác nhận điều đó: “Trong hệ thống pháp luật của nước Cộng Hòa XHCNVN, luật hình sự là một công cụ sắc bén của Nhà Nước chuyên chính vô sản để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đấu tranh góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.

Trong chiều hướng đó Quốc Hội đã ban hành những đạo luật hình sự quy định những tội trạng bịa đặt giả tạo và cưỡng ép lố bịch với những yếu tố cấu thành tội trạng hết sức bao quát và mơ hồ, như các tội tuyên truyền chống nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, lợi dụng quyền tự do dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế, gián điệp, phản nghịch hay hoạt động nhằm lật đổ chính quyền v...v...

Nếu Hình Luật Hoa Kỳ cũng quy định những tội bịa đặt giả tạo và cưỡng ép lố bịch tương tự như vậy, thì ngày nay rất nhiều ứng cử viên thuộc Đảng Dân Chủ đối lập sẽ có thể bị truy tố và kết án về các tội tuyên truyền chống Nhà Nước, phỉ báng chính phủ, phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, lợi dụng quyền tự do dân chủ, và đặc biệt là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền vào tháng 11 tới đây.

Những yếu tố cấu thành tội (bịa đặt) tuyên truyền chống nhà nước, như tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu hay phỉ báng chính quyền, lưu trữ phát hành các tài liệu chống chính phủ cũng có thể dùng để kết tội “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia” của Điều 87 mà hình phạt có thể đến 15 năm tù. Vì các yếu tố tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền hay lưu trữ phát hành các tài liệu chống Nhà Nước cũng có thể được tòa án nhân dân coi là những hành vi cố ý gây chia rẽ giữa nhân dân và chính quyền, giữa các giáo dân và chính quyền, là những yếu tố cấu thành tội (giả tạo) “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia”.

Từ thập niên 70, nhà cầm quyền Cộng Sản đã bắt giam tại các trại cải tạo những người đối kháng có những hành vi bị coi là tuyên truyền chống chế độ như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế hay Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt v...v.... Từ thập niên 1980, họ đã dùng tòa án để truy tố cũng về tội tuyên truyền chống chế độ (Điều 82 cũ), và đã kết án 3 người con của cố Luật Sư Trần Văn Tuyên là Trần Vọng Quốc, Trần Tử Thanh và Trần Tử Huyền, và tiếp đến là Luật Sư Đoàn Thanh Liêm.

Qua thập niên 1990, họ đã truy tố về tội (cưỡng ép), phản nghịch hay hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 73 cũ), và đã kết án Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy v...v.... Cũng trong thời gian này, họ đã truy tố về tội phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, và đã kết án Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Giáo Sư Hoàng Minh Chính v...v... Trước đó, năm 1983, Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng bị truy tố và kết án về tội này.

Từ năm 2000, họ đã truy tố về tội (cưỡng ép) gián điệp, và đã kết án Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình. Đồng thời họ cũng truy tố và kết án Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Nguyễn Đan Quế v...v... về tội (giả tạo) lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Năm 2005 họ đã đệ đơn yêu cầu Tòa Án Thái Lan truyền dẫn độ Lý Tống về Việt Nam vì đã rải truyền đơn chống chính phủ tại Saigon, để trả lời về tội (cưỡng ép) xâm phạm an ninh lãnh thổ quốc gia. Và đầu tháng tư năm nay Tòa Phúc Thẩm Bangkok đã bác đơn xin dẫn độ của nhà cầm quyền Hà Nội.

Và ngày 30 tháng 3 vừa qua họ đã kết án Linh Mục Nguyễn Văn Lý về tội (giả tạo) tuyên truyền chống nhà nước. Năm 2002 Lê Chí Quang cũng bị truy tố và kết án về tội này.

Hiện nay, ngoài các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, có thêm 4 luật sư khác cũng đang bị điều tra truy tố về tội này, là các Luật Sư Lê Quốc Quân, Bùi Kim Thành, Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Bắc Truyền. Trái với dư luận thông thường, đây không phải là một chiến dịch nhằm tước đoạt quyền biện hộ của luật sư trước tòa án. Vì tòa án nhân dân đâu có đếm xỉa đến những lời biện hộ của luật sư. Ngày nay, cũng như luật pháp, tòa án đã biến thành một công cụ của Đảng Cộng Sản với sứ mạng bạc bẽo là “củng cố chính quyền và xây dựng chế độ độc tài toàn trị của Đảng Cộng Sản”.

VỀ MẶT TỘI TRẠNG

Tuyên truyền chống chế độ hay tuyên truyền chống Nhà Nước là những tội giả tạo bịa đặt không tìm thấy trong bất cứ bộ hình luật nào của các quốc gia văn minh trên thế giới. Vì tuyên truyền chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu quan điểm đã được luật pháp quốc gia và công pháp quốc tế thừa nhận. Từ giữa thế kỷ 19 khi Các Mác công bố bản Tuyên Ngôn Cộng Sản kêu gọi vô sản toàn thế giới đứng lên đấu tranh võ trang để lật đổ chế độ và nhà nước tư bản chủ nghĩa, ông ta cũng không bị Tòa Án Luân Đôn truy tố về tội tuyên truyền chống chế độ tư bản. Và từ hơn một thế kỷ rưỡi nay, các quốc gia văn minh cũng không truy tố các môn đệ của Mác về tội này.

Từ thập niên 1990, với cuộc Cách Mạng Dân Chủ tại Đông Âu và Liên Xô, chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa đã bị vứt vào thùng rác lịch sử. Để củng cố chính quyền, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã giảo hoạt thay đổi tội danh, từ tuyên truyền chống chế độ (Điều 82 cũ) thành tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88).

Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị “không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm nếu những điều ấy, không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát dược thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia”. (cụ thể là những nguyên tắc ghi chú trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành). Nguyên tắc này cũng đã được ghi trong Điều 11 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977 nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và thực thi những điều khoản ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Việt Nam đã ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị năm 1982, nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và thực thi những điều khoản ghi trong Công Ước này. Chiếu Điều 2 Công Ước, các quốc gia hội viên tham gia Công Ước này cam kết sẽ tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ quốc gia.

Trong trường hợp những quyền tự do ghi trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp và hiến pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết hay tham gia Công Ước có nghĩa vụ phải ban hành các đạo luật bổ túc theo tinh thần và bản văn các điều khoản nhân quyền của Công Ước để các quyền này được thực sự thi hành. Trong trường hợp quốc gia hội viên kết ước không quy định những quyền này trong luật pháp hay hiến pháp thì những điều khoản về nhân quyền và về những quyền tự do cơ bản của người dân ghi trong Công Ước vẫn có hiệu lực chấp hành và phải được áp dụng trước các tòa án quốc gia và quốc tế.

Ngày nay Việt Nam đã quy định thành văn trong Hiến Pháp hầu hết các nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân, như quyền tự do tôn giáo (Điều 70), quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 52), quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền (Điều 53), quyền tự do bầu cử và ứng cử (Điều 54), quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 68), quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền thông tin, quyền tự do hội họp, tự do lập hội, quyền biểu tình (Điều 69), quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được luật pháp bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (Điều 71), quyền được suy đoán là vô tội (Điều 72), quyền riêng tư (Điều 73), quyền khiếu nại, khiếu tố các cơ quan chính quyền khi có sự lạm quyền phi pháp (Điều 74) v...v...

Tuy nhiên quyền tự do tư tưởng không được quy định trong Hiến Pháp vì Đảng Cộng Sản đòi nắm giữ độc quyền tư tưởng, buộc toàn dân phải “theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh".

Theo Điều 2 Hiến Pháp “Nhà Nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. (Chứ không thuộc về một đảng độc tôn, độc quyền là Đảng Cộng Sản)

Theo Điều 3 Hiến Pháp “Nhà Nước bảo đảm quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, và nghiêm trị mọi hành động xâm phạm những quyền và lợi ích của nhân dân”. (dầu rằng kẻ phạm pháp chính là Đảng Cộng Sản)

Theo Điều 6 Hiến Pháp “nhân dân sử dụng quyền lực Nhà Nước thông qua Quốc Hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. (Do đó Quốc Hội không thể là sản phẩm và công cụ của Đảng Cộng Sản. Hơn nữa Quốc Hội của nhân dân phải sinh hoạt theo nguyên tắc dân chủ đại nghị hay dân chủ pháp trị chứ không theo nguyên tắc “dân chủ tập trung phản dân chủ).

Theo Điều 11 Hiến Pháp “công dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách tham gia công việc của Nhà Nước và xã hội”. (Muốn thế phải thiết lập chế độ dân chủ pháp trị để Dân được quyền làm chủ Nhà Nước và bãi bỏ chế độ độc tài toàn trị trong đó Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo Nhà Nước và xã hội).

Theo Điều 52 Hiến Pháp “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.” (Do đó Đảng và Nhà Nước Cộng Sản không được phân biệt kỳ thị về chính kiến hay chính đảng đối lập với đảng cầm quyền).

Theo Điều 53 Hiến Pháp “công dân có quyền tham gia quản lý Nhà Nước” bằng cách hành sử quyền đối kháng, quyền tham gia chính quyền và quyền tự do tuyển cử là những hình thức của quyền Dân Tộc Tự Quyết.

Theo Điều 54 Hiến Pháp “công dân được quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc Hội”. (Do đó Đảng và Nhà Nước Cộng Sản không thể tước đoạt quyền tự do ứng cử của người dân bằng những ngăn cản do hiệp thương của các tổ chức ngoại vi hay do thanh lọc của địa phương). Vì cuộc đầu phiếu phải có tính phổ thông (phổ cập) và kín cho tất cả mọi công dân.

Những điều khoản Hiến Pháp nói trên tuyên dương quyền Dân Tộc Tự Quyết, quyền Đối Kháng, quyền Tham Gia Chính Quyền và quyền Tự Do Tuyển Cử của công dân. Vì Nhà Nước thuộc về nhân dân, nên chỉ có nhân dân có quyền lãnh đạo và quản trị nhà nước, Đảng Cộng Sản không thể tự ban cho mình quyền này.

Trong khi đó, Điều 4 Hiến Pháp dành độc quyền lãnh đạo Nhà Nước cho Đảng Cộng Sản nên đã tước đoạt quyền của nhân dân được có bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền với tư cách cá nhân hay với tư cách đảng viên của các chính đảng. Điều 4 Hiến Pháp phải bị xóa bỏ vì nó đi trái với tinh thần và bản văn của các Điều 2, 3, 6, 11, 52, 53, 54 Hiến Pháp và đi trái với quyền Dân Tộc Tự Quyết. Quyền này đã được Luật Quốc Tế Nhân Quyền thừa nhận trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (các Điều 1 và 55), trong Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, trong Công Ước về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa (Điều Thứ Nhất).

Như ta đã biết, Dân Tộc Tự Quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị của quốc gia (như Cộng Hòa Dân Chủ hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa), và được quyền tự do ứng cử hay bầu lên các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.

Về mặt quốc tế công pháp, các công ước quốc tế như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị là những hiệp ước quốc tế đã được quốc hội phê chuẩn nên có giá trị pháp lý cao hơn luật pháp và hiến pháp quốc gia. Do đó trong trường hợp có những điều khoản mâu thuẫn giữa Luật Pháp Quốc Gia và Công Ước Quốc Tế thì tòa án phải tham chiếu và áp dụng những điều khoản của Công Ước Quốc Tế.

Hơn nữa, chiếu Điều 5 Công Ước Dân Sự Chính Trị, tòa án không được giải thích xuyên tạc luật pháp quốc gia hay công ước quốc tế để cho phép chính phủ hay tòa án làm những hành vi hay tuyên những bản án nhằm phủ nhận hay tước đoạt của người dân những quyền tự do cơ bản đã được luật pháp quốc gia và công ước quốc tế thừa nhận.

VỀ CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI TRẠNG

Điều 88 Hình Luật quy định tội tuyên truyền chống nhà nước với những yếu tố cấu thành tội trạng như tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và tàng trữ, phát hành các tài liệu có nội dung chống Nhà Nước.

Như đã trình bày, tuyên truyền không phải là một tội hình sự dù là tuyên truyền chống chính phủ. Đây chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền đối kháng và quyền thay thế chính quyền bằng tự do tuyển cử. Những quyền này đã được nhân loại văn minh đề xướng từ thế kỷ 18.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp 1789 quan niệm “quyền tự do phát biểu là một quyền cao quý nhất của con người. Và mục đích của sự thành lập quốc gia là để bảo vệ cho người dân những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm như quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh và quyền đối kháng bạo quyền”.

Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 minh thị quy định: “khi chính quyền vi phạm dân quyền, người dân có quyền đứng lên đối kháng lật đổ chính quyền để thay thế bằng một chính quyền mới thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh và hạnh phúc của người dân”.

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng thừa nhận quyền đối kháng và quyền thay thế chính quyền như là một hình thức của quyền Dân Tộc Tự Quyết: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ dân chủ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải đứng lên đối kháng chống áp bức và bạo quyền”.

Ngày nay, trong những cuộc vận động tuyển cử, muốn hành sử quyền tham gia chính quyền, các ứng cử viên đối lập có quyền phát biểu chỉ trích, phê bình hay lên án chính sách của Nhà Nước. Và quốc dân sẽ là người trọng tài để phán xét xem những lời phê bình chỉ trích này có trung thực không. Nếu không có sự cố ý xuyên tạc hay có chứa đựng những sự thật chính trị và xã hội, cử tri có quyền quyết định thay thế chính quyền cũ bằng một chính quyền mới đủ khả năng và thiện chí để đáp ứng những nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân trong giai đoạn đó.

Vì con người không phải là á thánh nên xã hội cần phải có chính quyền. Và vì nhà cầm quyền cũng không phải là á thánh nên luật pháp phải dành cho người dân quyền kiểm soát, đối kháng, chế tài hay thay thế chính quyền. Nếu không có sự thông tin, phê bình và chỉ trích thì không thể có dân chủ. Nếu không được quyền thay thế hay lật đổ chính quyền thì đảng cầm quyền sẽ tha hóa thành độc tài, tham nhũng, bất công hay bất lực.

Như vậy, tuyên truyền chống chính phủ hay lên án nhà nước độc tài tham nhũng, bất công hay bất lực là những hành vi chính trị cần thiết trong một chế độ dân chủ pháp trị và không thể cấu thành một tội hình sự. Tại các quốc gia dân chủ, tòa án cũng không truy tố những tài liệu hay tác phẩm cổ võ chủ thuyết cộng sản (đòi hỏi lật đổ chế độ tư bản để thiết lập chế độ độc tài vô sản).

Tòa cho đó chỉ là việc hành sử quyền tự do phát biểu để cổ võ một lý thuyết chủ nghĩa về mặt trừu tượng (abstract doctrine). Chỉ khi nào có sự hô hào lật đổ chính phủ bằng võ trang và có việc khởi sự hành động võ trang gây nguy hại diện tiền cho an ninh quốc gia thì mới bị truy tố ra tòa, không phải về tội tuyên truyền chống nhà nước mà về tội phản nghịch. Tiêu chuẩn là phải có sự nguy hiểm rõ rệt rịn tiền thì tội trạng mới cấu thành. Nếu chỉ là lời tuyên truyền phê bình, chỉ trích hay lên án chính quyền bằng lời nói hay bằng bài viết thì chỉ là hành sử công khai, ôn hòa và hợp pháp quyền tự do phát biểu, tự do tư tưởng, và quyền đối kháng. Nếu những quyền này bị ngăn cấm và chế tài thì không thể có xã hội dân chủ và văn minh.

Theo luật pháp phổ thông người dân với tư cách cá nhân hay hội viên của các hội đoàn chính trị (chính đảng) có quyền và có trách nhiệm truyền bá các kiến thức nhân quyền cho dân chúng, đề xướng tranh thủ sự thực thi và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đồng thời Nhà Nước có trách nhiệm tiên khởi và cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ đề xướng và thực thi nhân quyền cùng những quyền tự do cơ sở bằng cách tạo các điều kiện và cơ chế cần thiết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và luật pháp để tất cả mọi người trong nước được thực sự hưởng dụng những quyền tự do này với tư cách cá nhân hay thành viên của các hội dân sự và hội chính trị.

Mục đích để truyền bá, phổ biến những kiến thức nhân quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt để góp phần loại trừ hữu hiệu các vi phạm về nhân quyền và về những quyền tự do cơ sở của người dân (Phần Mở Đầu và các Điều l và 2 Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc).

Do đó, tổ chức các khóa học tập và thảo luận về những vấn đề nhân quyền và những vấn đề chung của đất nước cho các học sinh sinh viên (ở đây là các sinh viên Trường Cao Đẳng về truyền thông, phát thanh và truyền hình), cũng như truyền bá sự thật (lịch sử và xã hội) và truyền bá nhân quyền cho các cộng tác viên (ở đây là các nhân viên Văn Phòng Luật Sư). Những hành vi này không phải là những yếu tố cấu thành tội tuyên truyền chống nhà nước.

Trong hiện vụ, để qui định tội trạng của bị can, Tòa Án phải phân biệt những trường hợp theo trình tự như sau:

Tuyên truyền chính trị về tư tưởng hay ý thức hệ chống lại chế độ tư bản hay vô sản chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu quan điểm không cấu thành tội hình sự.

Tuyên truyền chính trị bằng cách in ấn và phát hành các sách báo cộng sản hay chống cộng sản cũng chỉ là việc phổ biến chủ nghĩa lý thuyết trừu tượng (abstract doctrine) không cấu thành tội hình sự.

Tuyên truyền chính trị bằng cách hô hào và lôi kéo những người khốn cùng hãy tập hợp võ trang và đứng lên lật đổ chế độ tư bản, như Các Mác đã làm tại Luân Đôn hồi giữa Thế kỷ19, cũng không cấu thành tội hình sự.

Rải truyền đơn kêu gọi và kích động nói xấu chính quyền và hô hào dân chúng đứng lên lật đổ chính quyền cũng không cấu thành tội hình sự (như phản quốc hay phản nghịch), nếu thực sự chưa có tập hợp võ trang và cũng chưa có khởi sự hành động võ trang của phe nổi dậy. Vì những hô hào kích động này chưa có hậu quả gây nên sự Nguy Hiểm Rõ Rệt Diện Tiền (Clear and Present Danger).

Tại các quốc gia dân chủ văn minh, tòa án độc lập không bao giờ truy tố và kết án người dân về tội tuyên truyền chính trị dầu là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước.

(California ngày 5-5-2007)
 
Tin Đáng Chú Ý
Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi Hà Nội cải thiện tự do chính trị
Thanh Phương
00:23 08/04/2009
HÀ NỘI - Trong bài phát biểu tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nhân chuyến viếng thăm tại Hà Nội, thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ nên đưa mối quan hệ song phương lên một « bước kế tiếp », đi xa hơn bước bình thường hóa bang giao.

(Hình: Thượng nghị sĩ John McCain bên bức phù điêu miêu tả cảnh ông bị bắt năm 1967, ở hồ Trúc Bạch Hà Nội; Ảnh: Reuters


Ông cũng kêu gọi thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự và kinh tế giữa hai nước. Cụ thể hơn, ông Mc Cain cho rằng Mỹ và Việt Nam nên ký kết một hiệp định đầu tư song phương và đề nghị là Việt Nam nên được đưa vào chương trình miễn thuế nhập khẩu dành cho các nước đang phát triển.

Thượng nghị sĩ McCain còn khẳng định rằng, an ninh và tăng trưởng kinh tế có quan hệ rất chặt chẽ và theo ông, việc tăng cường quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt sẽ phục vụ cho quyền lợi cả hai bên. Ông McCain kêu gọi tăng cường trao đổi giữa quân đội hai nước, chiếu theo hiệp định ký kết năm 2005.

Nhưng ông McCain nói rằng Việt Nam nên mở rộng những thành quả về kinh tế và ngoại giao, bằng những thay đổi mang « tầm mức lịch sử » về mặt tự do chính trị, tức là bảo đảm quyền tự do ngôn luận rộng rãi hơn, mở rộng khuôn khổ sinh hoạt chính trị, trả tự do cho những người bị giam cầm vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa và cải thiện tình trạng nhân quyền nói chung.

Sau các cuộc họp với quan chức Việt Nam, ông McCain sẽ bay sang Bắc Kinh ngày mai, rồi ghé thăm Tokyo, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á kéo dài một tuần.

Từng ra ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm ngoái, ông McCain hiện là một thành viên cao cấp của Uỷ Ban Quân Sự Thượng Viện Mỹ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thầm Nguyện
Josephhoa Phạm
06:09 08/04/2009

THẦM NGUYỆN



Ảnh của Josephhoa Phạm

Khi cầu nguyện,

lời từ con tim phải được lắng nghe nhiều hơn là lời từ miệng lưỡi.

(Thánh Bonaventure)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Common Good - Concupiscence Of The Eyes
Nguyễn Trọng Đa
17:09 08/04/2009
Common Good
Ích chung, công ích. Là lợi ích chung của một cộng đòan, như là đối tượng của một luật chính đáng, và được phân biệt với lợi ích cá nhân, vốn chỉ nhìn vào lợi ích của một người mà thôi.
Common Life
Đời sống chung, đời sống cộng đoàn. Đây là một điều kiện của đời tu trì, trái với một cá nhân sống trong bật giáo sĩ triều hoặc cuộc sống đan tu đơn độc. Nó có nghĩa là sống trong cộng đòan, với sự tùng phục một bề trên và một quy luật chung, và của cải là của chung, như thức ăn, quần áo, nơi ở.
Comm. Prec.
Commemoratio praecedentis -- nhớ lễ trước đó.
Comm. Seq.
Commemoratio sequentis -- nhớ lễ tiếp theo.
Communal Penance
Giải tội tập thể. Là việc giải tội chung bằng cách này hay bằng cách khác, được Đức Giáo hòang Phaolô VI cho phép từ năm 1973. Một hình thức của giải tội tập thể là sám hối tập thể, nhưng xưng tội riêng và xá giải riêng. Một hình thức khác là hòan tòan tập thể, kể cả xá giải chung. Khi việc xá giải chung được ban trong hòan cảnh đặc biệt, hối nhân buộc phải xưng các tội trọng riêng, trừ phi không thể được về mặt luân lý, ít là trong vòng một năm.
Communicable Attribute
Ưu phẩm khả thông. Sự toàn thiện của Chúa có thể được chia sẻ cho nhưng người khác ngoài Chúa, như sự sống, sự thiện và sự khôn ngoan.
Communicant
Người chịu lễ, người giữ đạo. Là người rước Mình Thánh Chúa, và từ ngữ cũng còn được dùng để chỉ tất cả những thành viên giữ đạo tốt của một giáo hội, để phân biệt với người chỉ là Công giáo theo danh nghĩa. (Từ nguyên Latinh communicare, tham gia; thông báo, thông tin.)
Communicate
Chuyển thông, thông đạt, chia sẻ. Trong linh đạo Kitô giáo, là chia sẻ với người khác những gì mình có, để cho hai bên hiệp nhất với nhau về tư tưởng hoặc sở hữu. Sự chuyển thông của cải vật chất có nghĩa là bị tước những gì đã chia sẻ. Nhưng trong những điều về tinh thần, người chuyển thông không hề bị mất chúng, chẳng hạn trong giáo dục hoặc yêu thương người khác, nhưng lại được phong phú thêm, nhờ sự chia sẻ.
Communication
Thông dự, chuyển thông, thông hiệp. Trong luật Giáo hội, đó là việc nhượng một đặc quyền cho một người khác hoặc một cơ sở khác, như là sự mở rộng đặc quyền ấy đã được Giáo hội ban cho một người.
Communication Of Properties
Chuyển thông đặc tính. Là việc gán cho Chúa Kitô có hai nhóm đặc tính, một nhóm thiên linh và một nhóm nhân linh. Bởi vì chúng ta gán các đặc tính và hoạt động cho một người, và bởi vì Chúa Kitô là một ngôi vị có hai bản tính, chúng ta có thể gán các đặc tính và hoạt động hoặc thiên linh hoặc nhân linh cho Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói chính xác rằng Chúa Kitô là Chúa và là con người, rằng Ngài được Đức Trinh nữ sinh ra và là Chân lý vô cùng đã chết trên Thập giá. Tuy nhiên, chỉ có các tên cụ thể mới được sử dụng trong cách này, bởi vì các tên trừu tượng bị “rút ra” từ sự hiện hữu của vật gì đó trong một cá nhân cụ thể. Do đó sẽ là sai lầm khi nói rằng Đức Maria là mẹ của thiên tính.
Communio Et Progressio
Huấn thị mục vụ “Hiệp thông và Tiến bộ”, Huấn thị mục vụ Communio Et Progressio. Đây là huấn thị của Hội đồng giáo hoàng về truyền thông xã hội, nhằm áp dụng Sắc Lệnh về các Phương tiện truyền thông xã hội (Inter Mirifica) của Công đồng chung Vatican II. Huấn thị này bàn thảo theo thứ tự: các nguyên tắc tín lý; đóng góp của truyền thông xã hội vào sự tiến bộ của con người; huấn luyện cho người tiếp thu và người truyền thông; cơ hội và nghĩa vụ của cả hai bên; hợp tác giữa công dân và chính quyền dân sự; hợp tác giữa mọi tín hữu và người thiện chí; sự dấn thân của người công giáo trong phương tiện truyền thông; công luận và truyền thông trong đời sống Giáo hội; họat động của người công giáo trong lĩnh vực viết văn, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, kịch nghệ, thiết bị, nhân sự, và tổ chức; nhu cầu cấp bách bởi vì các lực lượng khác ngoài Công giáo hoặc Tin lành có nguy cơ thống trị phương tiện truyền thông. Văn kiện này là một phần của giáo huấn hậu Công đồng về phương tiện truyền thông. Văn kiện bổ túc Tự sắc “Với nhiều hoa trái” (In Fructibus Multis) của Đức Giáo hòang Phaolô VI ban hành ngày 25-5-1971.
Communion
Hiệp lễ, rước lễ, hiệp thông, thông công. Trong lối nói Kitô giáo, đây là từ ngữ dùng để diễn tả cách thánh thiêng nhất bất cứ hình thức hiệp thông nào. Là sự hiệp thông giữa Chúa và linh hồn con người trong nơi cư ngụ thiên linh; rước lễ là sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và người rước Mình Thánh Chúa; là sự hiệp thông giữa những người cùng thuộc về Nhiệm Thể trên Thiên đàng, luyện ngục, và trên Trái đất trong việc các thánh thông công; là sự hiệp thông giữa các người thuộc về Giáo hội Công giáo như là một cộng đòan đức tin. (Từ nguyên Latinh communio, chia sẻ hiệp nhất, liên kết; dự phần.)
Communion, Frequent
Năng chịu lễ, rước lễ thường xuyên. Là việc rước lễ mỗi ngày, như thánh Giáo hòang Pius X giải thích ý nghĩa của chữ “thường xuyên, năng” (frequent). Các điều kiện cho việc rước lễ mỗi ngày là sạch tội trọng, có ý hướng ngay lành, tức là để tôn vinh Chúa, lớn lên trong đức ái Kitô giáo và thắng các chiều hướng tội lỗi. Trong Giáo hội sơ khai, việc rước lễ hàng ngày là chuyện thông thường. Sau đó, việc rước lễ này không còn được áp dụng, và chỉ trong thời hiện đại việc rước lễ thường xuyên mới dần dần được tái lập. Nền tảng cho Giáo hội thúc giục tín hữu rước lễ thường xuyên được dựa vào truyền thống các giáo phụ. Thánh Giáo hòang Pius X viết: “Trong kinh Lạy Cha, chúng được bảo là hãy xin lương thực hàng ngày. Các giáo phụ của Giáo hội đều đồng thanh dạy rằng, qua các lời nầy chúng ta phải hiểu rằng lương thực vật chất bồi bổ cho thân xác chúng ta, nhưng chưa bằng Mình Thánh Chúa là của nuôi hàng ngày của chúng ta" (Sacra Tridentina Synodus, ngày 20-12-1905).
Communion, Spiritual
Rước lễ thiêng liêng. Là ước muốn rước Mình Thánh Chúa đi trước việc rước Mình Thánh Chúa thật. Việc rước lễ thiêng liêng, được làm trong hành vi đức tin và đức ái mỗi ngày, đã được Giáo hội hết lòng khuyến khích. Theo giáo lý của Công đồng chung Trentô, tín hữu “rước lễ thiêng liêng” là “người sốt sắng với đức tin sống động làm việc trong đức ái, chia sẻ trong nỗi ước ao rước Mình Thánh Chúa ban tặng cho mình, tiếp nhận từ Mình Thánh Chúa, nếu không phải là tất cả, thì ít là một phần các ơn ích thật lớn lao” (Về phép Thánh Thể).
Communion Antiphon
Điệp ca hiệp lễ. Là thánh ca hát trong khi tín hữu rước lễ. Ngòai điệp ca này, các thánh ca khác được Hội đồng giám mục địa phương chấp thuận cũng có thể được hát. Nếu không hát điệp ca hiệp lễ khi rước lễ, thì phải đọc điệp ca này.
Communion Cloth
Vải bàn rước lễ. Là dải vải trắng trước đây được treo ở hàng rào chấn song trước cung thánh. Mục đích của dải vải này là để hứng bất cứ phần nào của Mình Thánh Chúa có thể tình cờ rơi xuống khi tín hữu rước lễ. Nhưng sau đó trong hầu hết các nhà thờ, đĩa chịu lễ được người giúp lễ cầm để hứng các phần Mình Thánh Chúa có thể rơi xuống.
Communion Of Children
Trẻ em rước lễ. Vào thời xưa, trong các Giáo hội Đông phương, trẻ em được rước lễ ngay sau khi chịu phép Rửa tội; ở Tây phương, trẻ em chỉ rước lễ khi hấp hối. Công đồng Lateran thứ Tư (năm 1215) và Công đồng Trentô (năm 1551) đưa ra luật Rước lễ Phục sinh và Của Ăn đàng cho trẻ em khi đến tuổi biết phán đóan. Sau rất nhiều năm luật này bị lơ là, thánh Giáo hòang Pius X qui định việc rước lễ thường xuyên, cũng dành cho trẻ em (năm 1905) và tái lập việc Rước lễ sớm cùng với bí tích hòa giải cho trẻ em đến tuổi khôn (năm 1910).
Communion Of Saints
Các thánh thông công. Là sự hiệp nhất và hợp tác giữa các thành phần Giáo hội ở dương thế với thành phần Giáo hội trên trời và trong luyện ngục. Họ hiệp nhất với nhau vì là thành phần của một Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Các tín hữu trên dương thế hiệp thông với nhau bằng việc tuyên xưng cùng một đức tin, vâng phục cùng một giáo quyền, và giúp đỡ nhau với lời cầu nguyện và việc lành. Họ hiệp thông với các thánh trên thiên đàng bằng cách tôn vinh các ngài như là thành phần vinh hiển của Giáo hội, xin các ngài cầu nguyện và giúp đỡ, và cố gắng bắt chước nhân đức của các ngài. Họ hiệp thông với các linh hồn trong luyện ngục bằng cách giúp lời cầu nguyện và việc lành cho các vị sớm hưởng tôn nhan Chúa.
Communion Paten
Đĩa chịu lễ. Một đĩa có hình dáng khum thường bằng kim loại quý như đĩa thánh, nhưng có tay cầm nhô ra. Người giúp lễ cầm đĩa chịu lễ và đặt dưới cằm người rước lễ, để hứng bất cứ phần Mình Thánh Chúa nào có thể rơi xuống. Đĩa chịu lễ không được làm phép.
Communion Pause
Thinh lặng thánh, thinh lặng sau Rước lễ. Là thời gian cầu nguyện trong thinh lặng sau khi Rước lễ trong thánh lễ. Thay vì thinh lặng, cộng đoàn cũng có thể hát chung một bài ca tạ ơn.
Communion Rail
Hàng rào chấn song trước cung thánh. Là hàng rào chấn song bằng gỗ, kim loại hoặc đá, nằm ngang trước cung thánh, và tín hữu quỳ sát hàng rào này để rước lễ. Người ta có thói quen treo vải bàn rước lễ dọc theo hàng rào này, và người rước lễ cầm tấm khăn đặt dưới cằm mình khi rước Mình Thánh Chúa.
Communion Rite
Nghi thức rước lễ. Là việc cử hành bí tích Thánh Thế như một bữa ăn Vượt qua. Nghi thức này hàm ý rằng các tín hữu trong sự chuẩn bị tốt sẽ đáp trả lệnh truyền của Chúa, bằng cách rước Mình Máu Thánh của Ngài để làm của ăn thiêng liêng cho mình. Họ chuẩn bị Rước lễ và cảm tạ Chúa sau đó, bằng một loạt nghi thức phụng vụ, bắt đầu với Kinh Lạy Cha và kết thức với phần hậu Hiệp lễ.
Communism
Chủ nghĩa Cộng sản. Là một học thuyết xã hội khẳng định mọi của cải là của chung và từ chối quyền tư hữu tài sản. Như đã được phân tích trong nhiều văn kiện giáo hoàng kể từ thời Đức Giáo hòang Pius IX năm 1846, chủ nghĩa cộng sản dựa vào một triết thuyết, một lý thuyết lịch sử, và một chiến lược rõ ràng hoặc một phương pháp luận. Triết học này là chủ nghĩa duy vật biện chứng, vốn cho rằng vật chất chứ không phải tinh thần, và không phải Tinh thần vô cùng là Chúa, là thực tại đầu tiên trong vũ trụ; và mọi lưc vật chất trong xung đột (biện chứng) giải thích mọi tiến bộ trong thế giới. Lý thuyết lịch sử của cộng sản cho rằng kinh tế là nền tảng duy nhất của văn minh con người, biến mọi tư tưởng đạo đức, tôn giáo, triết học, mỹ thuật, xã hội và chính trị trở thành kết quả của các điều kiện kinh tế. Chiến lược của chủ nghĩa cộng sản là một thủ đoạn thay đổi, vốn bất chấp sự phân tích, nhưng có hai hằng số không hề thay đổi: nhồi sọ tập thể cho người dân, và xóa bỏ không thương tiếc mọi ý tưởng hoặc định chế nào có thể đe dọa sự kiểm soát chuyên chế của đảng Cộng sản.
Community
Cộng đoàn, cộng đồng. Một nhóm người chia sẻ cùng một niềm tin, sống chung nhà dưới quyền một vị bề trên, và cộng tác với nhau trong việc theo đuổi các mục đích chung vì lợi ích của nhiều người khác ngòai những người trong nhóm với mình. Mức độ niềm tin chung, sống chung nhà, và hoạt động sẽ xác định tầm vóc của cộng đoàn và căn tính nổi bật như là một hội gồm nhiều người. (Từ nguyên Latinh communitas, cộng đồng, sỡ hữu chung; hội; dòng, tu hội, giáo xứ; tính tổng quát.)
Community, Clerical
Đời cộng đoàn giáo sĩ. Là việc sống và chia sẻ chung mà Giáo hội đã có truyền thống ủng hộ và cổ vũ cho người nam trong bậc giáo sĩ.
Commutation
Thay thế, giao hoán, chuyển hoán. Là việc bề trên cho thay thế một công việc khác cho một người, khi người này bị buộc phải làm một công việc theo luật hoặc lời khấn. Công việc thay thế phải là tốt hơn hoặc tương đương với công việc buộc ban đầu, mặc dầu không nhất thiết là khó khăn cho bằng. (Từ nguyên Latinh commutatio, thay đổi, biến đổi; trao đổi.)
Commutative Justice
Công bằng giao hoán. Là nhân đức điều hành các hoạt động liên quan đến quyền lợi giữa một cá nhân này với một cá nhân khác. Nếu một người ăn cắp tiền của một người khác, người ấy vi phạm công bằng giao hoán. Bất cứ vi phạm nào với công bằng giao hoán buộc bên có tội phải đền bù, nghĩa là có bổn phận phải sửa chữa thiệt hại cho người kia. Thật ra, nói cách chặt chẽ, chỉ có các vi phạm về công bằng giao hoán mới nêu lên bổn phận phải bồi thường hay đền bù.
Comparative Religion
Tôn giáo đối chiếu. Là khoa học so sánh tôn giáo này với tôn giáo khác, để tìm ra các yếu tố chung giữa các tôn giáo, và nêu ra sự phát triển của tôn giáo từ hình thức ban đầu đến niềm tin và thực hành tín ngưỡng hiện nay. Giáo hội Công giáo khuyến khích việc nghiên cứu như thế, miễn là mục đích nghiên cứu không bác bỏ tính chất duy nhất của Kitô giáo, hoặc cố gắng chứng minh rằng Kitô giáo chỉ hình thành và phát triển một cách tự nhiên từ các hệ thống tôn giáo trước đó.
Compassion
Lòng thương, lòng trắc ẩn. Là lòng thương cảm trước nỗi buồn hoặc bất hạnh của người khác, với mong muốn làm giảm nhẹ nỗi buồn này, hoặc đôi khi có thể chịu đau khổ thay cho người ấy.
Compathy
Đồng cảm. Một sự thương cảm giữa những người cùng chịu nỗi buồn hoặc hoạn nạn chung. Còn có nghĩa là đồng cảm và chia sẻ với nhau một nỗi đau tinh thần.
Compensationism
Thuyết bù trừ. Là một thuyết trong thần học luân lý để giải quyết các hoài nghi thực tiễn. Cũng còn gọi là nguyên tắc của lý do đủ. Thuyết này cho rằng khi một người nghi ngờ tính hợp pháp của một hành động, người ấy phải có lý do quan trọng vừa đủ để quyết định thuận theo một ý kiến trái với luật. Luật càng quan trọng để có các lý do ủng hộ nó, thì các lý do cũng phải càng lớn hơn để có thể liều mình phá luật ấy. (Từ nguyên Latinh compensatio, sự cân bằng, trao đổi.)
Compl., Comp., Cpl.
Completorium – Kinh tối.
Compline
Giờ kinh tối. Là giờ kinh kết thúc Thần vụ mỗi ngày. Nguồn gốc giờ kinh ở Tây phương thường được gán cho thánh Biển Đức (480-547). Lúc đầu, giờ kinh tối được đọc sau cơm tối hoặc trước khi đi ngủ. Hiện nay, nó đi theo sau giờ kinh Chiều. Giờ kinh Tối gồm một thánh thi, một hoặc hai thánh vịnh, bài đọc Kinh thánh ngắn, một câu xướng đáp, bài ca “An bình ra đi” (Nunc Dimittis) của Simeon, và một kinh kết thúc. (Từ nguyên Latinh completorium, bổ túc.)
Compos Mentis
Làm chủ bản thân, tỉnh táo. Trong luật Giáo hội, đây là từ ngữ để chỉ một người có khả năng làm một hành động tự do, khi làm một thỏa ước, nhận lãnh bí tích hoặc thực hiện một hành động mà người ấy phải chịu trách nhiệm về luân lý sau đó.
Compostela, Santiago De
Đền thánh Compostela (Santiago de). Là một đền thánh dâng kính thánh Giacôbê Tông đồ, trên vùng núi miền tây bắc Tây Ban Nha, không xa đại dương. Sau Roma và Jerusalem, Compostela được xếp hạng thứ ba trong thứ tự về tầm quan trọng của các trung tâm hành hương cho thế giới Kitô giáo. Đền thánh được dâng kính thánh Giacôbê Tiền, người được cho là đã làm việc truyền giáo tại Tây Ban Nha và thánh tích của ngài vẫn còn đó. Mặc dầu ngài bị xử trảm tại Jerusalem và an táng ở đó, truyền thống nói rằng thi hài của ngài sau đó được đưa đến Galicia và năm 830 được đưa đến Compostela. Câu chuyện về nỗ lực truyền giáo của ngài ở Tây Ban Nha đã được tranh cãi, nhưng năm 1884 Đức Giáo hòang Leo XIII đã tuyên bố rằng thánh tích của thánh Giacôbê được tôn kính tại Compostela là thật của ngài. Thánh tích này được lưu giữ trong một chiếc hòm bằng kim lọai ở phía sau và trên bàn thờ của nhà thờ chính tòa. Năm 1976 là năm thánh cho đền thánh nổi tiếng này.
Compunction
Ăn năn, thống hối, hối hận, hối tiếc. Là sự ăn năn hoặc hối hận về một điều xấu đang làm hoặc đã làm. Nó có thể là một tình cảm hối tiếc nhẹ, mà không hàm chứa một sự hối hận trọn vẹn hoặc một quyết tâm không tái phạm điều sai lỗi ấy nữa. (Từ nguyên Latinh compunctio, ăn năn, vòi lương tâm; từ chữ compungere, châm chích.)
Con
Contra -- chống lại, ngược lại.
Conc
Concilium – Công đồng.
Concealment
Che giấu, giữ bí mật. Là một vấn đề luân lý, giữ bí mật là hành vi che giấu điều nên giữ kín, và đó là một nhân đức; hoặc che giấu điều có thể bị tiết lộ, vốn là tội và làm cho người che giấu trở thành một người chia sẻ trong lỗi của người phạm tội.
Concelebrant
Vị đồng tế. Là một linh mục cùng dâng Thánh lễ với một hay nhiều linh mục khác. Phụng vụ phân biệt ba phần rõ ràng trong một thánh lễ đồng tế: phần được vị chủ tế đọc, phần được mọi vị đồng tế đọc (chẳng hạn lời truyền phép), và phần do một vị đồng tế này hoặc vị đồng tế khác đọc.
Conception
Thụ thai. Một sự sống mới được bắt đầu. “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về sự phá thai có chủ ý, ngày 5-12-1974).
Conceptualism
Thuyết khái niệm, chủ hướng duy ý niệm. Là thuyết cho rằng các khái niệm phổ quát chỉ là các ý tưởng chủ quan mà không có nền tảng khách quan trong thực tế. Được Peter Abelard (1079-1142) phát triển, thuyết khái niệm chối bỏ rằng các khái niệm phổ quát hiện hữu độc lập với tâm trí, nhưng cho rằng chúng có sự hiện hữu trong tâm trí với tư cách là ý niệm. Mặc dầu không phải là các phát minh tùy tiện, chúng chỉ là sự phản chiếu của các sự tương tự giữa các vật đặc biệt.
Conciliarity
Công đồng tính, sự điều hành Giáo hội bằng công đồng chung. Trong thần học Chính thống giáo, công đồng tính được cho là hình thức cao nhất trong quản trị Giáo hội, và trên nguyên tắc lọai bỏ tối thượng quyền của Giáo hòang. Chính thống giáo Đông phương chỉ công nhận bảy công đồng chung đầu tiên, từ công đồng Nicaea I năm 325 đến công đồng Nicaea II năm 787, như là các Công đồng chung đích thực.
Conclave
Mật nghị hồng y, cơ mật viện. Là cơ mật viện của các Hồng y khi bầu chọn Giáo hòang mới. Để tránh liên hệ với bên ngòai, Đức Giáo hòang Gregory X, vào năm 1274, đã ra lệnh việc bầu chọn giáo hòang phải diễn ra trong mật nghị. Chính việc bầu chọn ngài làm Giáo hòang đã kéo dài và kết thúc sau hai năm và chín tháng trống ngôi giáo hòang. Đôi khi (chẳng hạn Đức Giáo hòang Leo XIII) các Giáo hòang cho phép các Hồng y, với đa số phiếu, được miễn mật nghị hồng y trong trường hợp khẩn cấp. Đức Giáo hòang Phaolô VI, trong tông hiến Romano Pontifici Eligendo (ngày 1-10-1975), đã đưa thêm nhiều thay đổi trong luật nói về bầu chọn Đức Giáo hòang mới. Đó là: 1. chỉ những vị đã là Hồng y của Giáo hội mới có quyền bầu Giáo hòang; 2. hiện nay số lượng cử tri được giới hạn ở con số 120 vị, cho phép mỗi Hồng y đưa 2-3 phụ tá đến cơ mật viện; 3. trong khi cơ mật viện không được yêu cầu cách tuyệt đối để có tính hợp pháp, đây là phương cách bình thừơng để bầu Giáo hòang, trong điều gọi là cuộc cấm phòng thánh được thực hiện trong thinh lặng, xa cách và cầu nguyện; 4. có ba hình thức bầu chọn được cho phép, nghĩa là, bằng sự đồng thanh tung hô của mọi cử tri, bằng sự thỏa hiệp trong đó một số cử tri hành xử nhân danh tất cả, và bằng bầu phiếu; 5. nếu vị được bầu chọn là một giám mục, ngài tức khắc trở thành Giáo hòang, nhưng nếu ngài chưa là Giám mục, ngài phải được phong lên hàng giám mục ngay tức thời; 6. nếu không vị nào được bầu chọn làm Giáo hòang sau ba ngày bầu, cơ mật viện sẽ dành một ngày cầu nguyện trong khi cho phép các cử tri được tự do đàm luận với nhau; 7. bí mật phải tuyệt đối tuân giữ, và hình phạt cho việc vi phạm là vạ tuyệt thông; 8. nếu một công đồng chung hoặc một thượng hội đồng Giám mục đang nhóm họp lúc đó, nó phải tự động ngưng lại cho đến khi vị tân Giáo hòang cho phép tiếp tục làm việc lại. (Từ nguyên Latinh con-, với + clavis, chìa khóa: conclave, một căn phòng được khóa lại.)
Concomitant Grace
Ân sủng đồng thời, ơn kèm theo. Đôi khi được gọi là ơn hợp tác, là sự trợ giúp để đáp trả cho một ơn phòng ngừa. Nó có thể so sánh với một bà mẹ, sau khi dỗ con tập đi, đã cầm tay con và giúp con bước đi chập chững trong những bước đầu tiên. Trong ơn phòng ngừa, Chúa hành động không cần sự hợp tác của con người; trong ơn kèm theo, Chúa hành động cùng với sự hợp tác tự do của ý chí con người.
Concordat
Thỏa ước. Là một thỏa thuận chính thức giữa Đức Giáo hoàng, trong quyền bính thiêng liêng của ngài với tư cách là thủ lĩnh hữu hình của Giáo hội Công giáo, và chính quyền của một Nhà nước. Thường được chấp nhận như là một hợp đồng giữa Giáo hội và Nhà nước, thỏa ước là một hiệp ước được luật quốc tế chi phối, và đã được Giáo hội sử dụng từ thời đầu Trung cổ. Thỏa ước đầu tiên là Thỏa ước Worms (1122), qua đó Đức Giáo hòang Calixtus II và Hoàng đế Henry V (1081-1125) chấm dứt cuộc tranh đấu về việc giáo dân chỉ định giáo sĩ giữ các chức vụ Giáo hội. Thỏa ước nổi tiếng nhất trong thời hiện đại là Thỏa ước Lateran năm 1929. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một số thỏa ước đã bị các chế độ Cộng sản hủy bỏ. (Từ nguyên Latinh concordatus, điều thỏa thuận.)
Conc.Trid.
Concilium Tridentinum. Công đồng chung Trentô.
Concubinage
Sống chung ngoài giá thú, tư hôn. Là sự sống chung thường xuyên ít hay nhiều của một người nam và một người nữ mà không kết hôn. Bất cứ mối quan hệ nam nữ kéo dài nào, dù có ngăn trở hôn phối hay không, đều là tư hôn. (Từ nguyên Latinh con-, với, chung + cubare, nằm: concubina.)
Concupiscence
Dục vọng, ham muốn, dâm dục. Là sự bất tuân của các ham muốn con người đối với mệnh lệnh của lý trí, và sự hướng chiều của bản tính con người với tội được xem là hậu quả của tội tổ tông. Nói chung, dục vọng quy chiếu tới một chuyển động tự phát của thèm muốn cảm tính, mà óc tưởng tượng mô tả bất cứ cái gì là khoái lạc và nếu xa cái đó là đau khổ. Tuy nhiên, ham muốn cũng bao gồm các thèm muốn phóng túng của ý chí, chẳng hạn kiêu ngạo, tham vọng và ghen tương. (Từ nguyên Latinh con-, hòan tòan + cupere, ước muốn: concupiscentia, ước muốn, thèm muốn, ham muốn.)
Concupiscence Of The Eyes
Thị dục. Là sự hiếu kỳ không lành mạnh và lòng mến thái quá của cải đời này. Đầu tiên là sự tò mò hiếu kỳ, là sự ước muốn không hợp lý để nhìn xem, nghe ngóng và biết cái gì có hại cho nhân đức của mình, không phù hợp với bậc sống của mình, hoặc có hại cho các bổn phận cao hơn. Còn lòng mến tiền bạc thái quá, là ước muốn sở hữu nhiều của cải vật chất, bất chấp phương tiện kiếm tiền bạc, hoặc chỉ là để thỏa mãn các tham vọng của mình, hoặc để nuôi dưỡng tính cao ngạo của mình.