Ngày 07-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay Bài 40 - Phục Sinh của Chúa Kitô.
VietCatholic Network
07:21 07/04/2012
Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày lễ, ngày vinh quang trên thiên quốc. Các thiên thần đang vui mừng và mời chúng ta cùng hoan hỉ với các Ngài. Chương trình của Thiên Chúa, ẩn dấu qua nhiều thời đại, được tỏ lộ: Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta cùng được kết hợp với Thiên Chúa. Mặc dầu đã chết đi vì tội lỗi, chúng ta nay được sống lại, cứu khỏi mọi sự cách biệt giữa chúng ta với người Cha. Mọi chướng ngại đã được cất khỏi, và chúng ta có thể trực tiếp cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời.

Trong Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa đã tỏ hiện quyền lực vô biên thống trị tội lỗi, Satan và sự chết. Ba điều đó đã giam giữ con người vì sự bất tuân của tổ tiên thuở xưa cho tới ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên. Với khả năng chúng ta, chúng ta không có cách nào phục hồi sự tương giao với Thiên Chúa, Ðấng dựng nên chúng ta để sống với Người. Nhưng cảm tạ Thiên Chúa ( hãy vui mừng với các thiên thần ngay từ bây giờ!), chúng ta được cứu rỗi! Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chuộc tội chúng ta. Nhờ việc sống lại, Người đã đánh bại thần dữ và tiêu diệt quyền lực sự chết trong mọi thời. Ngài đã "được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới." (Rm 6:4).

Ðây thật sự là tin vui! Sự vinh quang mà chúng ta mừng lễ hôm nay- lý do cho sự vui mừng của chúng ta- được thể hiện cho mọi ngày. Cứu chuộc khỏi tội lỗi, giải thoát khỏi cảnh nô lệ, chiến thắng khỏi thói hư tật xấu: Ðây là di sản của chúng ta. Ðây là đời sống mới cho tất cả mọi người chúng ta. Mừng ngày vui, nhưng không chỉ giới hạn cho ngày hôm nay. Niềm vui mừng là di sản của chúng ta là con cái Thiên Chúa được cứu độ. Ðó là quyền thừa kế của chúng ta là một thụ tạo mới trong Ðức Kitô. Ðó là dấu ấn để chúng ta dám tuyên bố là những người theo Chúa Giê-su.

Hãy dọn tâm trí cho những điều trên.

Lời hứa phục sinh là chúng ta được vui mừng, bất kể chúng ta đang phải đối diện với cái gì. Hôm nay, khi các trẻ em khó chịu vì ăn quá nhiều kẹo hay trong bữa ăn tối khi chúng ta ngồi cạnh với thân nhân mà chúng ta khó thương nổi, chúng ta có thể vui mừng. Gặp khó khăn tại công sở hay ở nhà, chúng ta có thể vui mừng. Giữa mối lo âu hay băn khoăn về bất kỳ cái gì, chúng ta có thể vui mừng. Còn hơn là nụ cười và say mê đáp alleluia, niềm vui tự biểu lộ trong niềm an bình, sức mạnh và hy vọng đến từ cảm nghiệm quyền lực phục sinh của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta.

Ngày qua ngày, những biến cố xảy ra đe dọa niềm vui chúng ta. Nhưng chúng ta có thể duy trì niềm vui bằng cách xác nhận chân lý trong tâm trí chúng ta: Quyền năng của Thiên Chúa không đo lường được; Chúa Giê-su đã đánh bại tội lỗi và sự chết; chúng ta là những đứa trẻ thân yêu của Ngài. Duy trì niềm vui chúng ta đôi khi lại là một cuộc chiến, nhưng là một cuộc chiến đáng giá để chiến đấu. Nhiều điều có thể âm mưu đưa ra rằng sứ điệp Chúa Giê-su Phục Sinh là không đáng tin hay sai lạc.

Chúng ta phải chiến đấu như thế nào cho sự xói mòn sự tin tưởng này? "Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.(Cl 3:2). Hãy đọc Kinh Thánh. Cầu nguyện. Hãy gợi lại chân lý đức tin thường xuyên trong ngày. Nên nhớ rằng, chỉ một cách đơn giản rằng Thiên Chúa thương yêu chúng ta. Ngài đã ban Chúa Giêsu để cứ chúng ta và hồi phục lại những gì đã mất vì sự bất tuân (x Ga 3:16-17). Sự chết của Chúa Giêsu đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha (x Rm 5:10). Phục sinh của Người phá vở quyền lực của tội lỗi và sự chết trong đời sống chúng ta và làm chúng ta trở nên con người mới (x 1 Cr 15:56-57). Ðấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Ðức Ki-tô Giê-su quang lâm.(Pl 1:6)

Những lời này là sự thật, bất kể đến những biến cố trong đời sống làm bạn nao núng. Khi hoang mang, mất can đảm, hay tuyệt vọng bắt đầu ăn sâu vào ý nghĩa của bạn, hãy đối chất nó với sự thật.

Càng lúc chúng ta dám chiến đấu với những tâm tưởng chúng ta, càng lúc chúng ta chắc chắn giữ được niềm vui của chúng ta. Tựa hồ đi chạy bộ hay cử tạ, quyết tâm có thể làm được. Trước (sự tập luyện) càng nặng nề hằng ngày, một người mới bắt đầu sẽ cảm thấy vụng về, hay quá yếu ớt hay cẩu thả để tuân theo. Thật là đúng, càng tập luyện chúng ta càng tin tưởng. Hãy thử điều đó hôm nay, khi niềm vui Phục Sinh được vang dội quá rõ ràng. Hãy cầu xin Chúa Thánh Linh để nhắc nhở chúng ta tập trung tâm trí vào những điều trên. Ngài sẽ giúp bạn và niềm vui của bạn sẽ gia tăng vô hạn.

"Lạy Cha, tất cả vinh quang và ca ngợi thuộc về Cha! Hôm nay con vui mừng cùng với các Thiên Thần và các Thánh của Cha và ca ngợi Cha vì đời sống mới mà Cha đã ban cho con qua Chúa Giê-su. Cảm tạ Cha đã bẻ gãy xích xiềng đã trói buội con. Cám tạ Cha đã tỏ ra cho con".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Chúa Giêsu phục sinh và ngôi mộ trống
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:36 07/04/2012
Chúa Giêsu phục sinh và ngôi mộ trống

Ngôi nhà trống, chiếc thùng trống hay hộp trống…nói lên sự thể không có gì trong đó. Nấm mồ dưới lòng đất để chôn an táng người qua đời nằm trong đó. Nhưng khi nấm mồ đó trống, là dấu hiệu không có ai được an táng nằm trong đó.

Chúa Giêsu Kitô sau khi đã qua đời cũng đã được các Môn đệ và Đức Mẹ Maria an táng trong nấm mồ dưới lòng đất. Nhưng khi các người phụ nữ đến thăm viếng tưởng nhớ than khóc Chúa Giêsu, thì thấy nấm mồ đó trống không. Họ được Thiên Thần hiện đến báo cho biết: Chúa Giêsu Kitô đã sống lại ra khỏi nấm mồ rồi!

Tin Chúa Giêsu sống lại loan truyền đi cùng với sự thể nấm mồ chôn an táng Ngài đã trở nên trống rỗng đựơc kể thuật lại cùng với chứng nhận của các Tông đồ đã đến, đã xem thấy, và họ đã tin vào tin mừng Chúa Giêsu đã sống lại.

Nhưng đâu là ý nghĩa đạo đức thần học Chúa Giêsu phục sinh và ngôi mộ trống của Ngài?

Ngày nay càng có nhiều ngôi mộ an táng người qua đời được đào khai quật cải táng đem phần thân thể còn lại của người đã qua đời đi thiêu đốt ra tro bụi hay di dời sang nơi khác an táng. Ngôi mộ còn lại trở nên trống rỗng. Như vậy không có nghĩa, và cũng không thể nói được người qua đời đó đã sống lại. Vì ngôi mộ an táng chôn họ giờ đã trống không còn xác họ nữa.

Tin Chúa Giêsu đã sống lại và ngôi mộ chôn Chúa Giêsu đã trống không còn xác Ngài nằm ở đó nữa. Đành rằng ngôi mồ chôn xác Chúa đã trở nên trống không đủ minh chứng cho sự sống lại của Chúa. Nhưng nếu thân xác Chúa đã qua đời còn nằm trong đó cũng không thể nói được Ngài đã sống lại.

Ngôi mộ trống tuy không là minh chứng đủ cho sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng lại là điều kiện quan trọng cần thiết cho đức tin sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, một đức tin bao trùm trên toàn thể con người của Ngài.

„ Thánh Phaolô trong các thư viết để lại khi nói về Chúa Giêsu sống lại không đề cập đến ngôi mộ trống của Ngài như bằng chứng, những như là điều kiện phải có. Cả bốn Thánh sử Phúc âm đều tường thuật tin sống lại của Chúa Giêsu Kitô cùng với biến cố ngôi mộ trống.

Theo tôi, ý nghĩa đạo đức thần học về ngôi mộ trống được cắt nghĩa nói đến ở đoạn bài giảng của Thánh Phero vào ngày lễ Ngũ Tuần trước đám đông dân chúng lần tụ tập về mừng lễ. Thánh Phero đã không dùng lời lẽ suy tư của riêng mình để nhấn mạnh nói lên ý nghĩa sống lại của Chúa Giêsu và ngôi mô trống. Nhưng Ông đã trích dẫn lời Kinh Thánh trong Thánh Vịnh 16,9-11: „ Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng.Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.“ ( CV 2,26-28)…

Theo đó người cầu nguyện trong lời Thánh Vịnh này trong hòan cảnh bị đe dọa được Thiên Chúa gìn giữ bảo vệ trứơc sự chết, người đó được sống trong sự an tòan bảo đảm sẽ không phải nhìn thấy nấm mồ. Thánh Phero dẫn chứng đọan Thánh Vịnh này trong ý nghĩa: người cầu nguyện trong Thánh Vịnh không phải nằm mãi trong nấm mồ, thân xác sẽ không bị tan rã…..

Thánh Phero cho rằng người cầu nguyện đây là Vua thánh Davit. Vị Vua này đã chết, được chôn mai táng trong nấm mồ và còn nằm đó cho tới ngày hôm nay ( Cv 2,29). Ngôi mộ của Ông còn đó. Vua Davit đã không được như lòng mong ước.

Trái lại nơi Chúa Giêsu Kitô thì khác, lời hứa đã được thực hiện: „Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.“

Thân xác không bị tan rã tiêu tan là định nghĩa về sự sống lại.

Sự tan rã tiêu tan của thân xác là sự quyết định dứt khoát về sự chết, nói lên người xưa kia sinh sống trên trần gian không còn sống nữa với hình hài thân xác.

Theo cách thức nhìn như thế, Giáo Hội thời xa xưa có căn bản tin rằng thân xác Chúa Giêsu không bị tan rã tiêu ra. Ngài không còn nằm mãi trong cõi chết. Qua Ngài sự sống đã chiến thắng tiêu diệt sự chết.

Các Thánh Gíao Phụ của Giáo Hội cũng đồng ý với ý kiến suy tư của Giáo Hội thời ban đầu về sự sống lại và ý nghĩa ngôi mộ trống của Chúa Giêsu dựa trên lời Thánh Vịnh 16: thân xác Chúa Giêsu không bị rơi vào số phận bị tan rã tiêu tan. Trong ý nghĩa đó ngôi mộ trống như là một phần tin mừng loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô là một sự kiện chặt chẽ theo sát với lời Kinh Thánh.

Có suy tư thần học cho rằng, sự tan rã của thân xác và sự sống lại của Chúa Giêsu đi liền ăn khớp với nhau, nhưng lại có sự trái ngược theo với cách nhìn của Kinh Thánh.

Nhưng tin loan báo sự sống lại cũng không thể nào hiểu được, gỉa như khi thân xác của Chúa Giêsu Kitô vẫn còn nằm trong ngôi mộ!“ ( Joseph Ratzinger Benedickt XVI. JESUS von Nazareth I I., Herder 2001, trang 280-281)

Trong ngôi mộ trống của Chúa Giêsu còn để lại dấu tích băng vải liệm thân xác của Chúa như dấu chứng cho một khởi đầu mới: niềm hy vọng sự sống mới bừng phát lên từ nơi khoảng. trống.

Kinh Thánh thuật lại ( St 1,1-2) trước khi vũ trụ trời đất được tạo thành, mọi sự còn trống rỗng. Từ khoảng trống không đó Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài, dùng hơi thở Thần Linh của Ngài tạo dựng nên trời đất sông núi, nên sự sống cho loài cây cỏ, thú vật và con người.

Từ khoảng trống hư không, sức sống niềm hy vọng nẩy sinh phát triển lan tràn qua khắp mọi thời gian từ thế hệ này sang thế khác.

Con người chúng ta xưa nay đã có nhiều kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự trống rỗng trong đời sống. Sự trống rỗng tạo nên sự buồn chán, ù lỳ bất động dậm chân tại chỗ. Nhưng hầu như sự trổng rỗng nào cũng có một mầm rễ, như đà đòn bẩy cho phát triển ẩn chứa trong. Chính mầm rễ đó, dù chỉ nhỏ như một sợi rễ cây cỏ nằm ẩn dưới lòng đất cũng bật nảy sinh niềm hy vọng sức vươn lên.

Chúng ta thường nói kể cho nhau nghe, khi hai người nam nữ lập gia đình với nhau, thuở ban đầu họ chẳng có gì trong tay. Họ phải bắt đầu từ trống rỗng, từ con số không. Và từ con số không đó, họ đã dần xây dựng nên tổ ấm sức sống cho nhau cùng cho gia đình con cháu của họ.

Bạn trẻ thanh thiếu niên trước khi cắp sách đến trường học, tâm trí họ cũng trống rỗng như tờ giấy trắng. Nhưng từ khoảng trống rỗng tờ giấy trắng đó, nhưng chữ viết, những kiến thức được ghi chép vào nơi họ gíup họ phát triển tâm trí xây dựng đời sống vươn lên.

Trong thời đại gặp nền kinh tế khủng hoảng như hiện nay bên Âu Châu, chính phủ các quốc gia than phiền kêu cứu nói về tình trạng kho tiền bạc trở nên trống rỗng. Nhưng chính từ kho trống rỗng đó, đất nước suy tính tìm cách vươn lên thoát khỏi tình trạng trống rỗng, xây dựng mới lại đời sống đất nước.

Cũng trong lúc này hầu hết các Giáo Phận Công giáo ở Âu Châu đang trải qua tình trạng khủng hoảng nhà thờ trở nên trống rỗng. Vì càng ngày càng ít người đi đến nhà thờ lãnh nhận tham dự các Bí Tích, những gía trị về đời sống luân lý đạo giáo càng trở nên xa lạ, hay còn bị khinh miệt chế diễu...Nhưng như thế đâu phải là tận cùng chấm dứt Giáo Hội, chấm dứt đức tin vào Chúa. Trái lại, từ chỗ trống rổng đó Giáo Hội đi tìm con đường sức sống mới xây dựng mới lại cấu trúc xứ đạo cùng cung cách rao giảng Tin Mừng của Chúa cho con người.

Từ trống rỗng có mầm rễ đòn bẩy cho sức sống niềm hy vọng mới nảy sinh vươn lên.

Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, như Đức giáo Hòang Benedictô nhận xét là một phần của tin mừng Chúa sống lại. Nhưng một phần tin mừng đó lại là đòn bẩy mầm rễ cho niềm hy vọng sức sống mới vươn lên mà Chúa Giêsu sống lại mang đến cho trần gian.

Như thế có thế nói niềm hy vọng sức sống đổi mới bắt đầu từ khoảng không trống rỗng.

Mừng lễ Chúa Phục sinh 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

 
Gặp gỡ Chúa Phục Sinh
GM. Gioan Bùi Tuần
08:49 07/04/2012
GẶP GỠ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

1. Chúa Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh. Đó là điều tôi tin và tuyên xưng suốt đời. Riêng lễ Phục Sinh, tôi tham dự các nghi thức đầy cảm động tưởng niệm biến cố Phục Sinh. Hơn nữa, tôi còn gởi cho những người thân lời chào chúc Phục Sinh thắm thiết.

Tất cả những việc trên đây đều tốt. Nhưng có một việc còn tốt hơn, đó là việc gặp gỡ chính Chúa Phục Sinh. Với hết lòng khiêm tốn và cảm tạ, tôi xin được phép chia sẻ việc gặp gỡ đó.

Chúa Giêsu Phục Sinh không hiện ra với tôi bằng hình dáng hữu hình. Nhưng Người đến với tôi bằng sự hiện diện thiêng liêng đầy hấp dẫn.

Ở đây, tôi mạo muội nói lên những gì tôi cho là hấp dẫn nhất đã cải hoá bản thân tôi.

2. Hấp dẫn thứ nhất là Chúa Phục Sinh đến với tôi một cách âm thầm, nhẹ nhàng đầy tế nhị.

Thường là những lúc tôi hồi tâm hoặc lúc bị thử thách, tôi chợt nghe tiếng Người gọi. Tôi nhớ lại lời Kinh Thánh nói: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Người gõ nhè nhẹ cửa lòng tôi. Người đợi chờ kiên nhẫn và khiêm tốn. Người chỉ bước vào, khi tôi mở cửa đón Người vào. Tôi cảm thấy rất rõ sự Người đến với tôi là một món quà quý giá riêng tư Người dành cho tôi.

3. Hấp dẫn thứ hai là Chúa Phục Sinh đến với tôi, đem lại cho tôi bầu khí bình an.

Biết bao lần lòng tôi đang sợ hãi, lo âu, bối rối. Chính lúc đó Chúa Phục Sinh đến. Người không nói gì với tôi. Nhưng sự hiện diện của Người đã dẹp tan sóng gió trong lòng tôi. Tôi cảm thấy mình được bình an sâu lắng. Tôi nhớ lại những lần xưa Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, Người đã chào chúc các ngài một lời vắn tắt: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21; Lc 24,36).

Lời chào chúc đó đã mở mắt các tông đồ nhìn rõ hình ảnh đúng về bản thân mình, đó là các ngài là những con người yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi, được Chúa thứ tha. Đối với tôi cũng vậy, sự bình an mà Chúa Phục Sinh ban cho tôi cũng đã làm cho tôi nhận biết mình là kẻ cần được Chúa tha thứ cứu độ. Thực sự Chúa đã tha thứ và cứu độ tôi. Đó là ơn ban nhưng không.

4. Hấp dẫn thứ ba là Chúa Phục Sinh ban cho tôi một hình ảnh Thiên Chúa rất gần gũi và thân thiện.

Chúa Phục Sinh hiện diện trong tôi. Tôi chia sẻ với Người đủ mọi chuyện của đời tôi. Người đồng hành với tôi trên mọi chặng đường. Tôi nhớ lại cảnh Chúa Phục Sinh đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmau. Chúa Phục Sinh đã tỏ ra rất gần gũi với các ngài (x. Lc 24,13-33).

Chúa Phục Sinh cũng đã rất thân tình với các môn đệ, khi Người cùng ngồi chung với các môn đệ trên bờ biển hồ Tibêria, để cùng ăn bánh và cá nướng với nhau (x. Ga 21,12-14).

Sự gần gũi Chúa dành cho tôi giúp tôi cảm nhận được “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Tình yêu ấy ở nơi Chúa Phục Sinh. Tình yêu ấy được tôi cảm nghiệm sâu sắc. Bởi vì tình yêu ấy rất gần gũi, đến nỗi, một cách nào đó, tôi có thể nói như thánh Gioan tông đồ: “Chúng tôi đã nghe, chúng tôi đã thấy tận mắt, chúng tôi đã chiêm ngưỡng, chúng tôi đã chạm đến” (1 Ga 1,1).

5. Hấp dẫn thứ bốn là Chúa Phục Sinh ban cho tôi thấy sự Người tin tưởng nơi tôi.

Tôi hèn hạ lắm. Tôi tội lỗi lắm. Tôi kém cỏi lắm. Tôi nhận biết mình chỉ là một thứ sâu bọ. Thế mà, chính trong tình trạng nhận thức đó, tôi được Chúa Phục Sinh đến. Người trao cho tôi trách nhiệm làm chứng về Chúa. Người tin tưởng nơi một kẻ yếu đuối hèn mọn. Điều đó làm tôi ngỡ ngàng. Tôi chỉ biết phó thác mọi sự nơi Chúa. Tôi nhớ lại: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã chọn thánh Phêrô, một người chối Chúa, để trao trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa (x. Ga 21,15-17). Sự chọn lựa đó của Chúa Phục Sinh chứng tỏ Chúa chọn kẻ Chúa muốn (x. Mc 3,13). Họ sẽ là người thuộc trọn vẹn về Chúa, trước khi làm những việc của Chúa.

6. Hấp dẫn thứ năm là Chúa Phục Sinh đã chia sẻ cho tôi về chương trình cứu độ một cách rất chân thực.

Một thao thức thường xuyên sống động trong tôi là làm thế nào để cứu mình và cứu những người khác khỏi tội lỗi. Trả lời cho thao thức đó là vô số giải pháp. Giải pháp kinh tế, giải pháp chính trị, giải pháp văn hoá, giải pháp giáo lý, giải pháp cơ chế, v.v... Khi tôi trình bày với Chúa Phục Sinh về những cố gắng đó, Chúa Phục Sinh luôn trả lời tôi một cách rất chân thực về chương trình cứu độ của Người. Người bảo tôi hãy nhìn vào hai bàn tay của Người còn dấu đinh đóng. Người cho tôi xem trái tim của Người còn dấu lưỡi đòng đâm qua. Tôi nhớ lại cảnh Chúa Phục Sinh bảo môn đệ Tôma hãy đặt tay vào cạnh sườn Người bị lưỡi đòng đâm (x. Ga 20,27).

Người rất chân thực cho thấy: Người cứu độ tôi và nhân loại bằng chính đời sống khó nghèo, khiêm hạ, và tự nguyện chịu khổ nạn và hy sinh mạng sống vì yêu thương theo thánh ý Chúa Cha. Người muốn tôi hãy theo Người, và cùng với Người mà làm như vậy.

7. Những gì tôi gọi là hấp dẫn trên đây chắc chắn chỉ là một số rất nhỏ trong vô số những hấp dẫn khác nơi Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, những hấp dẫn nhỏ đó cũng giúp tôi biết mình và biết Chúa Phục Sinh. Tôi là con người tội lỗi cần được cứu chuộc. Còn Đấng Cứu chuộc tôi là chính Chúa Giêsu Phục Sinh.

Đến đây, tôi xin hết lòng ca ngợi và cảm tạ Chúa Phục Sinh đã ban cho tôi ơn được gặp Người. Tôi không quên chân thành cảm ơn tất cả những người đã dạy tôi về sự gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Tôi xin thân ái cầu chúc mọi bạn bè gần xa một lễ Phục Sinh đầy ơn Chúa, nhất là được gặp gỡ Chúa Phục Sinh là Đấng Cứu thế rất nhân lành của chúng ta.

+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN
 
Trỗi dậy từ cõi chết
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
08:55 07/04/2012
Lễ Phục sinh 2012

TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT

Cv 10, 34a.37-43; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9

Chúa Giêsu đã sống lại. Sống lại lúc nào và thế nào thì không ai được chứng kiến. Tuy nhiên chắc chắn Chúa đã sống lại vì các tông đồ đã được gặp Chúa Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ đó làm thay đổi cuộc đời và con người của các ngài.

Ta thấy sự thay đổi cụ thể của thánh Phêrô trong Bài trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay. Trước cuộc Khổ Nạn của Chúa, Ngài nhút nhát chối Thầy, nay Ngài mạnh mẽ, hùng hồn rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh cho đông đảo quần chúng, kể cả nơi công đường trước mặt các vị chức sắc cao cấp. Trước đây Ngài không hiểu Lời Chúa, nay Ngài thông suốt Sách Thánh và minh chứng rằng “Tất cả các tiên tri đều làm chứng về Người”. Có sự thay đổi đó vì Ngài đã được gặp gỡ Chúa Phục Sinh như lời Ngài xác quyết: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng…Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tưởng”.

Sáng sớm ngày thứ nhất, mọi người đổ xô ra mộ và đã không thấy gì trừ ngôi mộ trống. Hòn đá bật tung, khăn liệm xếp gọn gàng, còn Người thì họ không thấy. Tất cả không phải là những bằng chứng thuyết phục. Chỉ sau khi gặp Chúa Phục Sinh, các môn đệ mới thật sự tin tưởng và hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Phục Sinh. Niềm tin và hiểu biết đó có những bước tiệm tiến.

Thoạt tiên khi gặp Chúa Phục Sinh, các tông đồ tưởng là thấy ma. Trong đời sống bình thường, thấy người chết là thấy hồn ma của họ. Hồn ma thuộc về thế giới kẻ chết. Nhưng Chúa Phục Sinh không phải là hồn ma. Người cho các ông xem chân tay. Ma đâu có da thịt thế này. Người ăn uống với các ông. Ma đâu có ăn uống thế này(x. Lc 24, 36-43). Rõ ràng Chúa Phục sinh đang sống. Và Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống nên Người ở trong thế giới kẻ sống.

Không phải hồn ma, Chúa Phục Sinh cũng không phải con người cũ, trở về sự sống cũ trong thân xác cũ. Chúa Phục Sinh không giống như đứa con trai bà góa thành Naim, hay như Lazaro Chúa cho chết bốn ngày sống lại. Sống lại như thế là trở lại thân xác cũ, để rồi một ngày kia cũng phải chết như mọi người khác. Chúa Phục Sinh có một thân xác khác. Tuy vẫn còn mang những vết thương nhưng đó là thân xác hiển vinh. Có thể đi qua những cánh cửa đóng kín. Có thể cùng lúc hiện diện ở nhiều nơi khác nhau. Có thân xác nhưng không còn là thân xác cũ nên các môn đệ không nhận ra Người nếu Người không cho họ biết. Như Bà Madalena(x. Ga 20, 11-18). Như hai môn đệ trên đường đi Emmaus(x. Lc 24, 13-33). Như các môn đệ đánh cá tại Biển Hồ(x. Ga 21, 1-8). Sự sống sau phục sinh của Chúa có gì rất mới, rất lạ. Đó là sự sống trong Thiên Chúa, đồng hiện hữu với Thiên Chúa.

Tuy đồng hiện hữu với Thiên Chúa, Chúa Kitô Phục Sinh không phải là Thiên Chúa xa cách. Gặp gỡ Chúa vẫn là gặp gỡ sống động với một nhân vật cụ thể, chứ không phải chỉ là một cảm nghiệm thần bí. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng các cuộc gặp gỡ thật sống động và cảm động khi Chúa cho ông Tôma đụng tay vào các vết thương(x. Ga 20, 24-29). Khi Chúa nướng cá và cùng ngồi ăn với các môn đệ(x. Ga 21, 9-14). Khi Chúa giải nghĩa Kinh Thánh cho các môn đệ trên đường Emmaus(x. Lc 24, 13-33). Khi Chúa hỏi Phêrô về tình yêu mến và trao quyền cho ông bên bờ hồ Galilê(x. Ga 21, 15-19). Đức Thánh Cha Bênêđíchtô, trong tác phẩm “Chúa Giêsu thành Nagiaret tập 2 đã ghi nhận điều đó nơi thánh Phaolo: “Thánh Phaolo phân biệt rõ ràng giữa những kinh nghiệm thần bí – tỉ như được nâng cao lên tầng trời thứ ba như được diễn tả trong 2 Cor 12, 1-4 – với cuộc gặp gỡ của ngài với Đấng Phục Sinh trên đường Đamas, đó là một sự kiện trong lịch sử, một cuộc gặp gỡ với một nhân vật sống động” (Joseph Ratzinger, Chúa Giêsu thành Nagiaret tập 2, bản dịch Nguyễn văn Trinh, nxb Tôn giáo, 2011, tr. 328).

Chính những cuộc gặp gỡ sống động này đã biến đổi các tông đồ. Mở ra cho các ngài một chân trời mới lạ chưa từng có. Một cảm nghiệm thực đến từng chân tơ kẽ tóc đó là Chúa Phục Sinh vượt lên trên tất cả. Vượt qua mọi không gian và thời gian. Chẳng có gì giam hãm được Người. Người vượt qua thế giới hữu hạn để bước vào thế giới vô biên, trong bầu trời tự do vô hạn. Tự do đối với quyền lực phàm trần. Với Chúa Phục Sinh các môn đệ xác tín rằng cái ác không thể có tiếng nói cuối cùng. Công lý của Chúa cao vượt trời xanh. Chúa Phục Sinh vượt lên trên trần gian tầm thường, nhỏ nhen, ti tiện. Người đã mở ra chân trời cao thượng, tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả, yêu thương tất cả. Và nhất là Chúa Phục Sinh mở ra chiều kích mới cho hiện sinh con người để con người không còn tuyệt vọng vì những giới hạn và tính chất bọt bèo của thân phận, nhưng tràn đầy hi vọng vì con người có thể triển nở đến vô biên và đạt đến tầm vóc viên mãn trong Thiên Chúa. Từ cõi chết, Chúa Phục Sinh làm một bước nhẩy vọt, vươn đến một cuộc sống mới với những phẩm chất cao vượt. Mở ra cho con người một tương lai tràn đầy niềm tin yêu và hi vọng. Đó là một tin vui mừng lớn lao. Đó là lẽ sống của nhân loại.

Xác tín vì gặp Chúa Phục Sinh sống động. Choáng ngợp vì chân trời mới lạ do Chúa Phục Sinh mở ra, các tông đồ phấn khởi, mạnh dạn ra đi loan tin vui mừng cho mọi tạo vật, bất chấp mọi khó khăn, gian lao, thử thách, kể cả tù đầy, khổ hình và tử hình.

Chúa nhật Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Áo Trắng. Vì đây là ngày dành riêng cho người Tân Tòng. Người Tân Tòng vừa được chịu bí tích Thánh Tẩy, mặc áo trắng tượng trưng cho linh hồn rất tinh tuyền đã được rửa sạch trong máu Chúa Kitô. Linh hồn người tân tòng vừa cùng Chúa Kitô chết đi cho con người cũ và cùng Chúa Kitô Phục Sinh sống lại cho con người mới. Con người trong sạch. Con người vượt trên sự sống trần gian. Con người mới thuộc thượng giới. Con người trở thành con Thiên Chúa. Xin chúc mừng chị Maria Giang đã được sống lại với Chúa Kitô trong đời sống mới. Và xin mượn lời của thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Côlose trong bài Sách Thánh thứ 2 gửi đến chị: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới... Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Đó chính là ý nghĩa của tất cả đời sống người tín hữu.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

+TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt
 
Sứ điệp Phục Sinh 2012
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:08 07/04/2012
SỨ ĐIỆP PHỤC SINH (2012)

Kitô hữu khắp nơi họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, đỉnh cao của cử hành Phụng Vụ Kitô giáo. Thánh Phaolô muốn khẳng định điều gì khi nói rằng: Nếu Chúa Kitô không sống lại thì chúng ta là những người bất hạnh, khốn khổ nhất trong nhân loại? Chuyện chẳng quá khó để lý giải vì nếu tự nguyện bước đi, sống theo một con người, cho dẫu là một bậc vĩ nhân đi nữa để rồi mọi sự lại chấm dứt với cái chết thể lý, thì dường như không làm thoả cơn khát hạnh phúc vĩnh tồn của kiếp nhân sinh. Hơn nữa, con đường mà Chúa Kitô đã đi và vạch ra cho những ai muốn theo Người thì có vẻ đi ngược với cảm tính nhân loại, ngược với quan niệm thường tình của con người về hạnh phúc vì ai muốn theo Người là phải vác thập giá mình hằng ngày.

Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh chính là chìa khoá khai mở cho những nghịch lý trên đây. Nhưng trước hết xin thử hỏi với nhau rằng niềm xác tín của chúng ta vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh có độ chắc chắn và độ sâu đậm ở mức nào? Phải chăng niềm tin ấy mới dừng lại ở một vài công thức tuyên xưng đức tin hay một vài nghi lễ Phụng Vụ hoặc một vài lời ca, câu hát Halleluia Chúa đã sống lại?

Là tín hữu Kitô, niềm tin của chúng ta một cách nào đó đặt nền tảng trên kho tàng Mạc Khải mà Thánh Kinh là một thành phần chủ yếu của kho tàng ấy. Dùng lý trí luận suy, cùng với những kiểm nghiệm khoa học chúng ta có thể chân nhận lịch sử tính của các trang Thánh Kinh, đặc biệt là Tân Ước. Tính xác thực của những trang Tân Ước, cách riêng các trang Tin Mừng còn thể hiện nơi chính nội dung của chúng. Sự thường xưa lẫn nay, không một ai khi đang trong phận quyền cao chức trọng mà lại truyền giảng và cho phép ghi chép cũng như phổ biến những sự yếu kém, xấu xa của chính bản thân mình. Khi những trang Tân Ước, những trang Tin Mừng hình thành thì chúng ta đừng quên rằng các tông đồ đang có vị thế rất cao trong cộng đoàn, những người tin Chúa Kitô mà các ngài còn có rất nhiều quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động. Các ngài đã từng làm nhiều phép lạ lớn lao hơn cả Thầy chí thánh Giêsu, đúng như lời Thầy đã phán trước (x.Ga 14,12).

Sự thường khi đã ở đỉnh cao của quyền chức thì người ta tìm cách che giấu quá khứ yếu kém, xấu xa, những hạn chế và lầm lỗi của mình. Trái lại, người ta tìm cách phô bày những mặt tích cực, những điểm tốt đẹp của mình, thậm chí có người còn thiếu liêm sĩ khi tự viết sách để tô hồng, thần thánh hoá bản thân. Thế mà Tin Mừng đã ghi lại những sự thật quả không mấy đẹp về các tông đồ như chuyện các ngài dốt nát, thất học, lười ăn chay, không biết cầu nguyện, lòng đầy tham sân si thấp hèn mà lại rất nhát đảm…

Biến cố nào, sự thật nào đã làm đổi thay không chỉ một vài người mà cả một tập thể tông đồ, những người đã theo chân Chúa Kitô? Phải có một sự kiện trọng đại nào đó, một biến cố lớn lao nào đó mới có thể làm nên một sự chuyển đổi hoàn toàn nơi các tông đồ xét cả phẩm tính cũng như số lượng: từ nhát đảm trở thành cam đảm phi thường, từ ích kỷ tham lam đến quảng đại hiến dâng cả mạng sống? Xin thưa rằng đó là mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Giêsu Kitô, người mà Philatô và các vị Thượng tế đã đóng đinh trên thập giá, đã chết và được an táng trong mồ thì nay đã sống lại. Đấng đã chết thật vẫn đang sống và đồng hành với các mộn đệ của Người. Một Đấng có quyền trên cả sự chết, một cái chết do tự nguyện đón nhận như lời Người đã báo trước đó trên dưới ba lần thì chắc chắn quyền năng của Người phải thống trị mọi sự mọi loài.

Tuy nhiên trước hết chúng ta cùng xét xem cái lý do chính yếu dẫn đến cái chết khổ giá của Chúa Kitô. Chúa Kitô bị nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ ganh tương đố kỵ. Điều này Tin Mừng có ghi lại nhưng chưa mang tính quyết định, vì họ vẫn còn e sợ dân chúng. Nhiều cuộc xung đột đã xảy ra giữa Chúa Kitô với một số giới chức Do thái giáo về việc giữ luật ngày hưu lễ hay việc giữ luật sạch nhơ hay việc Chúa Kitô thẳng tay thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem cũng là những nguyên cớ để người ta tìm cách giết Người, tuy nhiên các nguyên cớ này vẫn chưa đủ trọng lượng.

Có thể thấy rằng lý do mang tính quyết định dẫn đến cái chết thập giá của Chúa Kitô đó là vì Người đã tự khẳng định Người là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Chúa Cha, có trước cả Abraham. Chính dân chúng đã nhiều lần tìm cách ném đá Chúa Kitô. Họ nói rằng chúng tôi ném đá ông không phải vì những việc lành ông đã làm nhưng vì ông đã phạm thượng cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa. Và đây cũng là lý do cuối cùng mà Thượng Tế Caipha nại vào để lên án tử hình cho Chúa Kitô trước toà công nghị: “Hắn nói phạm thượng, chúng ta cần gì nhân chứng nữa…(Mt 26,65).

Chúa Kitô có thể tránh được cái chết nhờ quyền năng của Người và Người thực sự đã tránh được nhiều lần như khi người dân Nagiarét tìm cách xô Người xuống vực thẳm hay khi người ta tìm cách ném đã Người (x.Lc 4,28-30; Ga 10,31-33). Chúa Kitô cũng có thể tránh được cái chết khi trình bày mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống hay khi giới thiệu mình là Con Thiên Chúa một cách khôn khéo không gây chối tai hay gây cớ vấp phạm cách thái quá. Thế nhưng Chúa Kitô đã tự nguyện đón lấy cái chết khổ hình thập giá, một cái chết mà Người có thể thoát khỏi nhờ vào quyền năng của chính Người. Như thế cái chết của Chúa Kitô có nguyên cớ sâu xa và chính yếu nhất, đó là vì Người không ngại ngần khẳng định căn tính Thiên Chúa của Người. Khi một người tuyên bố một sự thật mà người ấy sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả tồi tệ xấu xa nhất cho mình thì sự thật ấy quả là chân lý rất quan trọng và rất cần thiết cho người nghe, cho người đón nhận.

Chúa Kitô đã phục sinh. Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh có nhiều ý nghĩa cho những người tin vào Chúa Kitô. Tuy nhiên có thể nói cách không sợ sai lầm rằng ý nghĩa quan trọng và hàng đầu của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh đó là khẳng định căn tính Thiên Chúa của Đấng đã chịu tử nạn khổ giá. Không ai có thể cướp lấy mạng sống của Ta. Ta tự hiến dâng mạng sống của Ta và Ta sẽ lấy lại (x.Ga 10,18). Chổi dậy từ cõi chết, Chúa Phục Sinh minh chứng rằng Người chính là Thiên Chúa thật, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành, duy chỉ nhờ Người mà mọi loài, đặc biệt loài người mới được vào vinh quang bất diệt, được hưởng hạnh phúc vĩnh tồn.

“Các bà hãy về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16,7). Không phải tại Đền thờ Giêrusalem, cũng không phải trên núi này hay điểm hành hương nọ mà là tại Galilê, nơi các môn đệ sinh sống. Đấng Phục Sinh là Thiên Chúa thật, mãi đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường. Chúa Kitô đã sống lại, Người đang sống với chúng trong mọi cảnh huống đời thường của chúng ta. Tin nhận Chúa Phục Sinh là đón nhận Người vào chính cuộc sống chúng ta với bao lo toan của đời thường như chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện học hành, chuyện chính trị xã hội lẫn chuyện gia đình, chuyện cá nhân lẫn chuyện xóm giềng dòng tộc… Chính khi sống những chuyện đời ấy trong sự thật và tình thương thì một cách nào đó chúng ta đang tuyên xưng Chúa đã phục sinh một cách khả tín vì Đấng là Đường, Là Sự Thật và là Sự Sống mãi ở cùng với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Ngọn lửa Phục Sinh còn cháy mãi
LM. Giuse Trương Đình Hiền
23:22 07/04/2012
Ngọn lửa Phục Sinh còn cháy mãi

(Chúa Nhật Phục Sinh 2012)

Hôm nay các tờ lịch trên phần đông của thế giới đều đồng thanh gọi tên : NGÀY CHÚA NHẬT (Lord’ Day, Dominica, Domenica, Domingo, Dimanche…), Ngày mà cách đây 2000 năm trước, khi Kitô giáo chưa xuất hiện trong thế giới nầy thì người ta vẫn gọi tên là “Ngày Thứ Nhất” hay “Ngày Mặt Trời” (Sunday). Tuy nhiên, kể từ cái buổi sáng Tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi các phụ nữ thân quen của Thầy Giêsu đến thăm mộ Thầy chỉ thấy “Mồ Trống”, các thiên thần báo tin Thầy đã sống lại…; rồi các “ngày thứ nhất tiếp sau”, Đức Kitô phục sinh đã hiện đến gặp các môn sinh…Cứ như thế, cuộc gặp gỡ của các kitô hữu ban đầu diển ra đều đặn vào “ngày thứ nhất trong tuần” và họ đã gọi ngày của cuộc họp mặt đặc biệt đó là “Ngày của Chúa”. Kể từ đó Ngày của Chúa, Chúa Nhật đã đi vào nhịp sống của loài người….

Hôm nay cộng đoàn chúng ta đang sống lại cái “Ngày Thứ Nhất” kỳ diệu và thân thương đó.

Người Châu Phi có câu ngạn ngữ : "Khi ta nhớ đến một người nào, thì người ấy sống lại, hiện diện ở giữa ta". Đối với niềm tin Kitô giáo, việc tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại chính là hành vi nền tảng. "Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy". Và một khi Cộng đoàn Dân Chúa họp nhau tưởng niệm Chúa Ki-tô thì Ngài có mặt ở đó. Tuy nhiên, để sống “sự hiện diện đặc biệt nầy”, để cảm nghiệm thực sự một “Đức Kitô phục sinh đang có mặt”, cộng đoàn Dân Chúa đã bắt đầu từ những “Lời Chứng” sống động về Đấng Phục sinh, từ những chứng nhân đã gặp gỡ, đã sống, đã lãnh nhận sứ mệnh, đã đồng hành với chính Đấng Phục sinh. Vì thế, niềm tin phục sinh, tin mừng Phục sinh trước hết là “một lời chứng”.

BĐ 1: Sách CVTĐ, qua kinh nghiệm bản thân và của chính cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, thánh Phêrô đã mạnh mẽ làm chứng :

“Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người trên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”

Cùng với Phêrô, mọi Tông đố khác, các bài giáo lý đầu tiên của Kitô giáo do các Ngài thực hiện, niềm tin nguyên thủy mà các Ngài muốn chuyển tải cho thế giới, giản đơn, chỉ là “Đức Kitô đã chết và đã sống lại”.

“Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấytận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời…” (1 Ga 1,1-2)

Phaolô, một tông đồ trở lại cũng đã dõng dạc :

“Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy : điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các Ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong thánh vịnh 2 : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. (Cv 13,32-33)

Tuy nhiên, nếu những lời khẳng định trên chỉ thuần túy là do óc tưởng tượng của con người, hay do một âm mưu tinh quái đạo diễn, thì hỏi thử liệu 2000 năm nay, sự thật về sự kiện Phục Sinh có khả năng trụ vững không giữa dòng chảy khắc nghiệt của lịch sử con người ? Thế mà chân lý ấy vẫn không ngừng được thuyết phục, sự thật huyền nhiệm ấy cứ mãi mãi là điểm tựa, là hứng khởi, là hy vọng, là niềm tin của bao thế hệ con người. Điều đó, chỉ có thể cắt nghĩa được : bên sau Lời chứng ấy, bên trong Tin Mừng ấy, ở giữa câu chuyện phục sinh ấy, mồ trống ấy, có một Đấng Phục Sinh đang thực sự hiện diện trong quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Vâng, Kitô giáo chính là Đức Giêsu-Kitô đang hiện diện, Kitô giáo chính là cuộc gặp gỡ giữa con người và một Đấng Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ đã trở thành cốt yếu của đức tin, của việc tôn thờ, của định hướng sống. và như thế, cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay chính là : nhận ra và gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, như cách diển tả của Cha Võ Tá Khánh tức thi sĩ Trăng Thập Tự với những dòng suy niệm thâm thuý sau :

…Nếu hôm qua tôi đã tin
là vì Ngài đã sống lại.
Nếu hôm nay tôi đang theo Ngài,
là vì Ngài đang ở bên tôi.
Và nếu mai đây tôi ra đi,
là vì Ngài đang đứng đợi.
Ôi Đấng Phục sinh !
Khắp nơi
mọi thời
trẻ mãi…..
Khi anh em khốn cùng,
Thì Ngài đang ở đó.
Khi anh em thất vọng,
Ngài vẫn ở bên.
Khi anh em hân hoan
Ngài vẫn không vắng mặt.
Đức Kitô phục sinh sẽ đến gặp ta
miễn sao ta chưa quên hẳn Ngài.

Còn nói đến Ngài như hai lử khách.

Còn nhớ đến anh em Ngài như Tôma
Miễn sao ta còn vướng vất

một vết tích nào đó về Ngài trong ký ức

Thì Ngài vẫn còn đến gặp ta
Thì Ngài còn đến đồng bàn với ta….

Nhận ra, gặp gỡ thôi chưa đủ. Sông trọn vẹn mầu nhiệm Phục Sinh là “lên đường loan báo, là can đảm ra đi thực thi mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh : “Các con hãy là chứng nhân cho Thầy…”.

Quả thật, sau khi đã đón nhận Tin Mừng Phục sinh, các Tông đồ đã ra đi và loan báo sứ điệp tuyệt vời nầy cho thế giới. Lời giảng đầu tiên của Phê-rô, Gioan, Gia-cô-bê, An-rê, Phao-lô…và tiếp nối sau đó, hàng hàng lớp lớp các thế hệ Kitô hữu, cốt lỏi chỉ là : Đức Kitô Tử nạn và đã Phục Sinh.

Mà không chỉ bằng lời rao giảng suông. Đi liền với những lời loan báo đó chính là “lời minh chứng bằng nhục hình, bằng bách hại, bằng chính mạng sống”. Xem ra, cái “tin mừng” của người phụ nữ hoàn lương Mai-đệ-Liên vào buổi sáng tinh mơ của “Ngày Thứ Nhất” năm nào tại xứ Giuđêa đã mang theo bao nhiêu hệ lụy, đã làm chuyển rung cả thế giới, đã hoán cải biết bao nhiêu con người và đã làm rực sáng lên niềm hy vọng ngút ngàn cho cuộc đời nhân thế.

Hội Thánh hôm nay, chúng ta bây giờ cũng tiếp tục lời loan báo cốt yếu đó bằng chính một cuộc đời tràn ngập niềm vui phục sinh, bằng chính niềm hy vọng cứu rỗi xuyên qua bao nhiêu nước mắt và đắng cay của cuộc sống, bằng chính con tim yêu thương biết không ngừng quảng đại cho đi và phục vụ… bằng chính sự “chết đi’ mỗi ngày cho cái tôi ích kỷ, dục vọng, thấp hèn để “sống lại” từng ngày cho bác ái yêu thương và những giá trị của Tin Mừng Bát Phúc ; và như thế, Tin Mừng Chúa sống lại phát xuất từ “Mồ Trống” của “Ngày Thứ Nhất trong tuần” được Phụng Vụ tái diễn hôm nay, mãi mãi có sức mạnh để thuyết phục con người quay về với Thiên Chúa, với Đấng Phục Sinh.

Và như thế, lời chúc phục sinh sau cùng của chúng ta hôm nay đó là : ước gì niềm tin phục sinh nơi mỗi người chúng ta sẽ như cây nến Phục sinh cháy mãi như lời ước nguyện ban đầu của bài ca Exultet :

“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,
Lúc xuất hiện Sao Mai :
Một vì sao không bao giờ lặn,
Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,
Đấng từ cõi chết sống lại,
Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.

Jos. Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Khâm Sứ tại Thánh Địa: Phục Sinh giữa các trạm kiểm soát và chiến tranh
Lã Thụ Nhân
08:39 07/04/2012
Đức Khâm Sứ tại Thánh Địa: Phục Sinh giữa các trạm kiểm soát và chiến tranh

Giêrusalem (AsiaNews) - "Chứng tá đức tin của Kitô hữu tại Thánh Địa mang tính sống còn đối với các cộng đoàn nhỏ nằm rải rác trong thế giới Ả Rập vào thời điểm của những cú sốc và trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan", Đức Cha Antonio Franco, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Israel và Palestine cho hay. Phát biểu với hãng thông tấn AsiaNews nhân dịp Tuần Thánh, ngài cho biết: "Chúng tôi cần tin tưởng và hy vọng để đức tin vào Chúa Kitô sẽ giúp các Kitô hữu tại Thánh Địa và thế giới Ả Rập đối mặt với những khó khăn của họ, đong đầy tình yêu thương cho sự sống mà Chúa Giêsu hy sinh vì chúng ta".

Đức Giám Mục cho biết thêm mặc dù bạo lực xảy ra ở nơi khác trong khu vực, nhất là Syria, Tuần Thánh năm nay tương đối yên bình hơn so với những năm trước. Chúa Nhật Lễ Lá, hơn 20.000 người tham gia vào đoàn rước truyền thống từ Bethphage đến Giêrusalem, gấp đôi so với năm 2011.

Đức Khâm Sứ giải thích: "Không có náo động trên đường đi. Một người nào đó đã giăng biểu ngữ kêu gọi chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ, nhưng nghi thức đã diễn ra mà không có xô đẩy và với lòng sùng mộ tuyệt vời".

Tuy nhiên, có vài người hành hương là Kitô hữu Palestine, sự di chuyển của họ bị hạn chế bởi các trạm kiểm soát của Israel.

Mới đây, Cha Pierbattista Pizzaballa, Quản Thủ Thánh Địa, thông báo rằng vào năm 2013 người Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Israel và Palestine sẽ cử hành Lễ Phục Sinh trong cùng một ngày, theo lịch Julian.

Mong muốn tăng cường quan hệ đại kết giữa hai cộng đoàn là lý do chính cho sự thay đổi, nhưng cũng là mối quan tâm mục vụ cho số phận của các cặp vợ chồng hỗn hợp, vốn có rất nhiều ở Thánh Địa.

Đức Cha Franco giải thích rằng mùa Phục Sinh đã được phối hợp tổ chức tại Jordan. Người Công Giáo và Chính Thống Giáo sẽ cử hành Lễ Phục Sinh vào tuần tới ở bờ Đông của sông Jordan cũng như ở một số cộng đồng trong vùng lãnh thổ Palestine.

So với năm trước, các nơi thánh ít đông đúc trong năm nay, theo lời Cha Athanasius Macora OFM, cựu giám đốc của Trung tâm thông tin Kitô giáo (CIC) hiện đang là nhà giám sát Mộ Thánh. Cha cho hay: "Có rất nhiều khách du lịch nước ngoài trên các đường phố Giêrusalem, nhưng chỉ vài người trong số họ là khách hành hương đến Thánh Địa để cầu nguyện ở các nơi thánh của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu".

Lã Thụ Nhân
 
Lần đầu tiên Cuba cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh kể từ cuộc cách mạng năm 1959
Lã Thụ Nhân
08:40 07/04/2012
Lần đầu tiên Cuba cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh kể từ cuộc cách mạng năm 1959

Havana (Reuters) – Tiếng chuông vang lên từ các nhà thờ Công Giáo La Mã trên khắp Havana khi lần đầu tiên Cuba đánh dấu ngày nghỉ lễ vào Thứ Sáu Tuần Thánh trong hơn nửa thế kỷ.

Ngày nghỉ lễ, theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong chuyến tông du mới đây của ngài đến đảo quốc cộng sản, làm cho đường phố yên tĩnh hơn thường lệ, nhưng chỉ thưa thớt người tham dự Thánh Lễ do Đức Hồng Y Jaime Ortega chủ tế ở Nhà thờ chính tòa của thành phố.

Khoảng 100 người, một số người trong họ là khách du lịch, hiện diện trong sự kiện này, nhưng nhiều người Cuba có thể theo dõi trên truyền hình quốc gia trong một chương trình phát sóng hiếm hoi đối với giáo hội và đất nước này, ngày nghỉ lễ cũng hiếm như vậy.

Chính quyền Cuba đã chấm dứt các ngày nghỉ lễ tôn giáo sau khi cuộc cách mạng năm 1959 đưa Fidel Castro lên nắm quyền. Ông phục hồi Lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ vào năm 1998 theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến tông du. Người kế nhiệm ông và là em trai ông, Chủ tịch Raul Castro, tuyên bố ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này là ngày nghỉ sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đến Cuba vào tuần trước. Theo chính quyền vẫn còn phải chờ quyết định xem ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có là ngày nghỉ cố định không.

Đức Tổng Giám Mục Ortega của Havana và là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Cuba đã đưa ra một bài giảng mang nặng tầm quan trọng của tôn giáo và thiếu rõ ràng về chính trị.

Quan hệ giữa Giáo Hội và chính quyền Cuba ấm dần lên dưới thời Raul Castro, khi ông kế vị người anh trai mình vào năm 2008, ông đã tiến hành cải cách kinh tế vốn có thể mang lại tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và kéo theo các vấn đề xã hội khi ông cố gắng làm khác đi hệ thống sống chật vật theo phong cách Liên Xô của đảo quốc.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người đã tông du đến Cuba từ ngày 26 đến 28 tháng Ba, đã yêu cầu Giáo Hội mở rộng các chương trình giáo dục và xã hội, mà theo ngài là có thể giúp Cuba đi qua thời điểm thay đổi.

Giáo Hội cũng muốn tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện thông tin đại chúng, do nhà nước kiểm soát. Trong nhiều năm, Giáo Hội đã bị đóng cửa từ truyền hình, truyền thanh cho đến báo chí.

Những người tham dự Thánh Lễ của Đức Tổng Giám Mục Ortega cho biết một sự đổi mới tôn giáo đã xảy ra trong nước, vốn chính thức theo thuyết vô thần trong 15 năm kể từ năm 1976. Giáo Hội cho biết khoảng 60% người dân Cuba được rửa tội trở thành người Công Giáo, nhưng chỉ có 5% thường xuyên tham dự Thánh Lễ.
 
ĐTC: Cầu cho các gia đình mang gánh nặng đau khổ tìm thấy sức mạnh nơi thập giá
Lã Thụ Nhân
08:41 07/04/2012
ĐTC: Cầu cho các gia đình mang gánh nặng đau khổ tìm thấy sức mạnh nơi thập giá

Rôma (AsiaNews) - Bị đè nặng bởi sự hiểu lầm, xung đột, lo lắng cho tương lai của trẻ em, bệnh tật và những vấn đề của mỗi người, nhiều gia đình hiện tìm thấy chính mình trong tình huống "trở nên tồi tệ hơn bởi các mối đe dọa của nạn thất nghiệp và những ảnh hưởng tiêu cực khác của cuộc khủng hoảng kinh tế". Trong những trường hợp như vậy, họ có thể tìm thấy nơi thập giá của Chúa Kitô sự can đảm để tiếp tục, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho hay vào lúc kết thúc nghi thức Đàng Thánh Giá tối thứ Sáu 06/04, theo truyền thống được thiết lập sẽ kết thúc tại Hí trường Coliseum.

Hàng ngàn người đã tụ tập tại hí trường. Ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi viết các bài suy niệm, ông bà từ phong trào Focolari, là các nhà sáng lập của Phong trào Gia đình mới (Nuove Famiglie). Chủ đề, vốn gần gũi với tâm tình của Đức Thánh Cha, cũng là trung tâm những phát biểu của ngài cũng như những suy tư được đọc trong suốt các chặng của Đàng Thánh Giá. Một số gia đình từ Ý, Ai Len, Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh đã vác Thánh Giá. Đức Cha Agostino Vallini, Đức Hồng Y Giám Mục Ðại Diện của Rôma và hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Quản Thủ Thánh Địa cũng vác Thánh Giá.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay: "Kinh nghiệm của đau khổ chạm vào tất cả nhân loại, nó cũng chạm vào gia đình. Bao lần cuộc hành trình trở nên mệt mỏi và khó khăn! Hiểu lầm, xung đột, lo lắng cho tương lai của trẻ em, bệnh tật và những vấn đề mỗi người chúng ta. Những ngày này cũng vậy, hoàn cảnh của nhiều gia đình trở nên tồi tệ hơn bởi các mối đe dọa của tình trạng thất nghiệp và những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế. Đàng Thánh Giá, mà chúng ta vẽ lại về mặt tinh thần tối nay, mời gọi tất cả chúng ta, cách riêng là các gia đình, chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh, để có sức mạnh vượt qua những khó khăn. Thánh Giá của Chúa Kitô là dấu chỉ cao trọng nhất dành cho mỗi người Nam, người Nữ, là lời đáp hết mực dồi dào vì tình yêu đối với nhu cầu của mỗi người. Vào thời điểm của sự phiền muộn, khi gia đình của chúng ta phải đối mặt với nỗi đau và nghịch cảnh, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Chúa Kitô. Chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm và sức mạnh để tiến lên phía trước; chúng ta có thể lặp lại lời của Thánh Phaolô bằng sự hy vọng vững vàng: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" (Rm 8,35.37).

Đức Thánh Cha nói thêm: "Vào thời điểm của thử thách và gian nan, chúng ta không cô đơn, gia đình không cô đơn. Chúa Giêsu hiện diện bằng tình yêu của mình, Ngài bênh đỡ họ bằng ân sủng của Ngài và ban cho sức mạnh cần thiết để thực hiện, hy sinh và vượt qua mọi trở ngại. Và với tình yêu này của Chúa Kitô, chúng ta phải biến đổi khi những bất ổn và khó khăn của con người đe dọa sự hiệp nhất của đời sống chúng ta và gia đình chúng ta. Mầu nhiệm cái chết, đau khổ và sự sống lại của Chúa Kitô truyền cảm hứng cho chúng ta bước vào hy vọng: thời điểm của khó khăn và thử thách, khi phải chịu đựng với Chúa Kitô, với đức tin vào Ngài, chứa đựng ánh sáng của sự phục sinh, sự sống mới của một thế giới tái sinh, lễ Vượt Qua của tất cả những người tin vào Lời Ngài".

"Trong Con Người chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa, ngay cả sự chết tự nó có một ý nghĩa và mục đích mới: đó là được cứu chuộc và chiến thắng, nó sẽ trở thành một lối đi hướng đến đời sống mới. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác"(Ga 12,24). Chúng ta hãy phó thác bản thân cho Mẹ Chúa Kitô. Xin Mẹ Maria, người đồng hành cùng Người Con trên con đường đau khổ của Ngài, người đứng dưới chân thập giá vào giờ lâm tử của Ngài, người truyền cảm hứng cho Giáo Hội lúc khai sinh trong sự hiện diện của Thiên Chúa, dẫn đưa con tim chúng ta và trái tim của mỗi gia đình đi qua mầu nhiệm Thương Khó (mysterium passionis) lớn lao hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua (mysterium paschale ) về phía ánh sáng vốn đập tan mọi thứ từ sự phục sinh của Chúa Kitô và mặc khải chiến thắng dứt khoát của tình yêu, niềm vui và sự sống trên đau khổ, sự dữ và sự chết
 
Đức Thánh Cha: Cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu cho biết lối đi tới tự do
Bùi Hữu Thư
19:52 07/04/2012
Trong khi hấp hối, Chúa GIêsu "Cũng thấy tôi và cầu nguyện cho tôi'

VATICAN, ngày 6 tháng 4, 2012 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI vào ngày thứ năm vừa qua đã dành bài giảng trong Thánh Lễ Tiệc Ly để suy niệm về sự hấp hối trong Vườn Cây Dầu.

Ngài nhắc đến Chúa Giêsu không chỉ là ánh sáng và sự lành thánh, mà còn là "truyền thông."

Ngài nói: "Chúa Giêsu bước đi trong bóng đêm. Đêm tối có nghĩa là thiếu truyền thông, một tình trạng khi con người không trông thấy nhau. Đó là một biểu tượng của sự không hiểu, của sự che dấu sự thật. Đó là nơi ở đó, sự dữ, vì phải trốn tránh ánh sáng mới có thể tăng trưởng. Chính Giêsu là ánh sáng và chân lý, truyền thông, thanh sạch và lành thánh. Người bước vào bóng đêm. Đêm tối là một biểu tượng tối hậu của sự chết, sự mất hẳn tình bạn hữu và đời sống. Chúa Giêsu bước vào bóng đêm để vượt thắng màn đêm và để khai mạc Ngày Mới của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại."

Mặc dầu ba tông đồ được chọn đi theo Chúa Kitô đã ngủ thiếp, họ có nghe thấy một vài lời Giêsu nói với Chúa Cha và ghi nhận giáng điệu của Người, các chi tiết đã được chuyển tiếp trong các Phúc Âm cho các Kitô hữu của mọi thời đại.

Đức Thánh Cha nói: "Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba", chữ này có nghĩa là 'Lạy Cha.' Tuy nhiên đây không phải là hình thức thông thường của chữ 'cha', nhưng là chữ một trẻ em thường dùng - một danh từ thân yêu mà một người thường sẽ không dám dùng khi nói với Thiên Chúa. Đó là ngôn ngữ thực sự của một 'đứa trẻ,' Người Con của Cha, Người có ý thức đang hiệp thông với Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất sâu xa với Chúa."

Đức Thánh Cha suy niệm rằng mối tương quan của Giêsu với Thiên Chúa là yếu tố cá biệt nhất của Giêsu trong Phúc Âm.

Ngài nói: "Người thường xuyên hiệp thông với Thiên Chúa. Ở với Chúa Cha là gốc lõi của cá tính của Người."

Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp: Trong đêm cầu nguyện này "Giêsu tranh đấu với Chúa Cha. Người cũng tranh đấu với chính mình. Và Người tranh đấu vì chúng ta. Người cảm nhận sự lo âu trước quyền lực của thần chết."

Cũng như tất cả mọi sinh vật khác, không những Người lo sợ cái chết, Chúa Kitô "nhìn sâu xa hơn vào trong bóng đêm của thần dữ. Người thấy những sự dối trá tràn ngập, và tất cả những sự khốn khổ Người sẽ gặp phải trong chén đắng Người sẽ phải uống. Cái lo sợ của Người là của kẻ hoàn toàn thanh sạch và lành thánh trong khi nhìn thấy tất cả hồng thủy của sự dữ thế gian đổ ập trên đầu Người."

Đức Thánh Cha tiếp: "Người cũng thấy tôi, và cầu nguyện cho tôi. Thời điểm lo âu hấp hối của Giêsu do đó là một thành phần thiết yếu trong phương thức cứu chuộc. [...] Trong lời cầu nguyện của Giêsu này, tràn ngập sự hấp hối lo âu, Chúa đã thi hành vai trò của một linh mục: Người đã nhận lãnh tất cả tội lỗi của nhân loại, của tất cả chúng ta, và đem chúng ta đến trước Chúa Cha."

Đứng trong sự thật

Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích cho chúng ta con đường đi tới tự do trong lời cầu của Người trên Núi Ô-liu.

"Như người Con, Người đã đặt ý nguyện của một con người trong thánh ý Chúa Cha: không phải con, nhưng là Cha. Bằng cách này Người đã biến đổi thái độ của Ađam, tội lỗi nguyên thủy của nhân loại, và do đó chữa lành nhân loại. Thái độ của Ađam là: không phài là điều Thiên Chúa muốn; nhưng chính tôi muốn là chúa. Sự kiêu ngạo này là cốt lõi chính của tội lỗi. Chúng ta cho là mình tự do và thực sự chỉ là mình khi chúng ta theo ý muốn riêng của chúng ta. Thiên Chúa dường như đối nghịch với sự tự do của chúng ta. Chúng ta phải được giải thoát khỏi Người - đó là điều chúng ta nghĩ - và chỉ khi đó chúng ta mới được tự do."

Đức Thánh Cha giải thích thái độ này như "sự nổi loạn căn bản đã hiện diện trong suốt lịch sử" và sự dối trá nền tảng làm hư hoại đời sống."

Ngài nói: "Khi con người chống Chúa, họ tự đưa mình chống lại với sự thật của chính sự hiện hữu của họ và kết quả là không được tự do, và còn gây ra sự tranh chấp với nhau. Chúng ta chỉ tự do khi chúng ta đứng trong sự thật về sự hiện hữu của chúng ta, nếu chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa."

"Trong lời cầu nguyện hấp hối trên Núi Ô-liu, Chúa Giêsu giải quyết sự đối nghịch giả trá giữa vâng phục và tự do, và mở ra con đường đi tới tự do. Chúng ta hãy xin Chúa Kitô dẫn đưa chúng ta đến việc 'xin vâng' Thánh Ý Chúa, và bằng cách này sẽ thực sự được tự do."
 
Top Stories
Cuban Catholics flock to churches on Good Friday
AFP
16:36 07/04/2012
Cuban Catholics flocked to churches on Good Friday, which was declared a holiday in the communist-ruled nation for the first time following a request from Pope Benedict XVI during his recent visit.

Cardinal Jaime Ortega, the archbishop of Havana, led celebrations at the main cathedral in the capital -- an event broadcast live on Cuban television.

Among those in attendance were several members of the Ladies in White, the country's most prominent dissident group, which is seeking the release of political prisoners.

The Church played a key mediating role in the 2010 release of some prisoners.

"We are here to ask God to enlighten us, to protect us... we will continue this peaceful struggle we have begun for the freedom of our loved ones but also for a new Cuba," the group's leader Berta Soler told reporters.

There was also an evening procession planned between the cathedral and a shrine in Havana's old city.

During his visit to Cuba last month, the pope asked President Raul Castro to declare Good Friday a holiday and appealed for an expansion of religious liberties in the country, the Americas' only one-party communist state.

"It must be recognized with joy that in Cuba steps are currently being taken to enable the Church to undertake its indispensable mission to publicly and openly express its faith," Benedict said.

"However, it is necessary to move forward and I would encourage the nation's government to strengthen what has already been achieved and advance along the path of authentic service for the common good of all Cuban society," he added.

Catholic processions were suppressed in Cuba in 1961 and Christmas was banned in 1969. They were restored after the first papal visit to Cuba, by John Paul II in 1998.

(Source: http://ph.news.yahoo.com/cuban-catholics-flock-churches-good-friday-003900310.html)
 
China: Police pressure on underground community. Easter in the Church of Silence
Wang Zhicheng
16:50 07/04/2012
Controls stepped up ahead of the change of leadership at the next Party Congress. A campaign to "convert" underground communities to the official Church and subject them to government policy. Arrests, "dialogue" and "study sessions".

Beijing (AsiaNews) - The Easter holiday will be "very discreetly" celebrated this year in unofficial (underground) communities in China. Many community leaders, bishops and priests, were in fact called in by the police for a "conversation" and even underwent weeks of indoctrination on the government's religious policy. Several Church observers clearly see a campaign underway to "convert" the underground Church and absorb it into the official church.

"This year - an underground priest told AsiaNews - we will celebrate Easter in silence and discretion, without any solemnity. In other years, we had to find locations big enough so we could celebrate together. This year, we will celebrate Easter in small groups. Like every year there will also be the baptisms of adults and children. In my parish there are 10. There are less than usual this year because we wanted to raise the level of formation, and follow the rules of the Church, to give at least a year of catechism. "

According to the priest, the discretion and silence of this year is due to the fact that the police are rather restless: in October there will be a leadership change, with a new president and a new prime minister who will replace Hu Jintao and Wen Jiabao.

The priest said that he and other colleagues have received an invitation from the police to call in for a "conversation" in which they promised to "be calm".

"In other parts of China - said the priest - is a bit 'more dramatic, like in Wenzhou and Tianshui".

In Wenzhou (Zhejiang), the coadjutor bishop, Mgr. Peter Shao Zhumin, and the chancellor, Fr. Paul Jiang Sunian were called by police on March 19, "invited" to a "study session" for at least a week. Bishop Shao, 49, directs the "underground" community of Wenzhou. Appointed by the Holy See and consecrated bishop in 2007, to promote integration between official and unofficial, the Holy See decided that Mgr. Shao would be the coadjutor bishop, while the ordinary is Msgr. Vincent Zhu Weifang. The two communities are still struggling to integrate. But the police are trying to "facilitate" this by pushing the underground community to become part of the official Church, by signing the accession to the Patriotic Association and the idea of ​​a Church independent of the pope.

According to sources cited by Eglises d'Asie, the dialogue between the police, Msgr. Shao and priests have also focused on the situation of Tianshui (Gansu), where for several months, there is a new underground bishop in the person of Mgr. John Wang Ruohan, former administrator of the diocese. Since January, Msgr. Wang and some of her priests are being subjected to "study sessions" on the government's religious policy.

Similar events occurred in Hebei and Inner Mongolia. According to observers, there seems to be in a clear policy to wipeout the underground community.

On 2 March, in front of representatives of the council of Chinese bishops (official) and the Patriotic Association, a senior official from the United Front - which also controls religious affairs - claimed that the two organizations should strive to achieve good results for "the conversion of the underground community." Of course the term "conversion" means the total submission of the community to Chinese government policy directives.
 
Pope: Prayer in the Garden of Olives points out Path to Freedom
Zenit
16:42 07/04/2012
In His Agony, Jesus 'Also Sees Me, and He Prays For Me'

VATICAN CITY, APRIL 6, 2012 (Zenit.org).- Benedict XVI on Thursday dedicated his homily at the Mass of the Last Supper to a reflection on the Agony in the Garden.

He referred to Jesus as not only light and goodness, but also as "communication."

"Jesus goes forth into the night. Night signifies lack of communication, a situation where people do not see one another. It is a symbol of incomprehension, of the obscuring of truth. It is the place where evil, which has to hide before the light, can grow. Jesus himself is light and truth, communication, purity and goodness. He enters into the night. Night is ultimately a symbol of death, the definitive loss of fellowship and life. Jesus enters into the night in order to overcome it and to inaugurate the new Day of God in the history of humanity," he said.

Though the three Apostles chosen to accompany Christ in his prayer fell asleep, they did hear some of Jesus' words to the Father and noted his posture, details transmitted in the Gospels to Christians of all time.

"Jesus called God 'Abba,'" the Pope said. "The word means – as they add – 'Father.' Yet it is not the usual form of the word 'father,' but rather a children’s word – an affectionate name which one would not have dared to use in speaking to God. It is the language of the one who is truly a 'child,' the Son of the Father, the one who is conscious of being in communion with God, in deepest union with him."

The Holy Father reflected that Jesus' relationship with God is the most characteristic element of Jesus in the Gospel.

"He is constantly in communion with God. Being with the Father is the core of his personality," he said.

In this night of prayer, Benedict XVI continued, "Jesus struggles with the Father. He struggles with himself. And he struggles for us. He experiences anguish before the power of death."

Not only does he dread death as every living creature does, Christ "peers deeper, into the nights of evil. He sees the filthy flood of all the lies and all the disgrace which he will encounter in that chalice from which he must drink. His is the dread of one who is completely pure and holy as he sees the entire flood of this world’s evil bursting upon him."

"He also sees me, and he prays for me," the Pope added. "This moment of Jesus’ mortal anguish is thus an essential part of the process of redemption. [...] In this prayer of Jesus, pervaded by mortal anguish, the Lord performs the office of a priest: he takes upon himself the sins of humanity, of us all, and he brings us before the Father."

Standing in truth

Benedict XVI explained that Jesus teaches us the path to freedom in his prayer on the Mount of Olives.

"[A]s the Son, he places this human will into the Father’s will: not I, but you. In this way he transformed the stance of Adam, the primordial human sin, and thus heals humanity. The stance of Adam was: not what you, O God, have desired; rather, I myself want to be a god. This pride is the real essence of sin. We think we are free and truly ourselves only if we follow our own will. God appears as the opposite of our freedom. We need to be free of him – so we think – and only then will we be free."

The Pope characterized this attitude as the "fundamental rebellion present throughout history" and the "fundamental lie which perverts life."

"When human beings set themselves against God, they set themselves against the truth of their own being and consequently do not become free, but alienated from themselves. We are free only if we stand in the truth of our being, if we are united to God," he said.

"In his anguished prayer on the Mount of Olives, Jesus resolved the false opposition between obedience and freedom, and opened the path to freedom. Let us ask the Lord to draw us into this 'yes' to God’s will, and in this way to make us truly free."

(Full text: http://www.zenit.org/article-34595?l=english)
 
The Pope's Homily - Easter Vigil: Love is stronger than hate
+Benedict XVI, PP
16:46 07/04/2012
Homily of His Holiness Pope Benedict XVI - Easter Vigil Holy Saturday, 7 April 2012

Dear Brothers and Sisters, Easter is the feast of the new creation. Jesus is risen and dies no more. He has opened the door to a new life, one that no longer knows illness and death. He has taken mankind up into God himself. “Flesh and blood cannot inherit the kingdom of God”, as Saint Paul says in the First Letter to the Corinthians (15:50). On the subject of Christ’s resurrection and our resurrection, the Church writer Tertullian in the third century was bold enough to write: “Rest assured, flesh and blood, through Christ you have gained your place in heaven and in the Kingdom of God” (CCL II, 994). A new dimension has opened up for mankind. Creation has become greater and broader. Easter Day ushers in a new creation, but that is precisely why the Church starts the liturgy on this day with the old creation, so that we can learn to understand the new one aright. At the beginning of the Liturgy of the Word on Easter night, then, comes the account of the creation of the world.

Two things are particularly important here in connection with this liturgy. On the one hand, creation is presented as a whole that includes the phenomenon of time. The seven days are an image of completeness, unfolding in time. They are ordered towards the seventh day, the day of the freedom of all creatures for God and for one another. Creation is therefore directed towards the coming together of God and his creatures; it exists so as to open up a space for the response to God’s great glory, an encounter between love and freedom. On the other hand, what the Church hears on Easter night is above all the first element of the creation account: “God said, ‘let there be light!’” (Gen 1:3). The creation account begins symbolically with the creation of light. The sun and the moon are created only on the fourth day. The creation account calls them lights, set by God in the firmament of heaven. In this way he deliberately takes away the divine character that the great religions had assigned to them. No, they are not gods. They are shining bodies created by the one God. But they are preceded by the light through which God’s glory is reflected in the essence of the created being.

What is the creation account saying here? Light makes life possible. It makes encounter possible. It makes communication possible. It makes knowledge, access to reality and to truth, possible. And insofar as it makes knowledge possible, it makes freedom and progress possible. Evil hides. Light, then, is also an expression of the good that both is and creates brightness. It is daylight, which makes it possible for us to act. To say that God created light means that God created the world as a space for knowledge and truth, as a space for encounter and freedom, as a space for good and for love. Matter is fundamentally good, being itself is good. And evil does not come from God-made being, rather, it comes into existence through denial. It is a “no”.

At Easter, on the morning of the first day of the week, God said once again: “Let there be light”. The night on the Mount of Olives, the solar eclipse of Jesus’ passion and death, the night of the grave had all passed. Now it is the first day once again – creation is beginning anew. “Let there be light”, says God, “and there was light”: Jesus rises from the grave. Life is stronger than death. Good is stronger than evil. Love is stronger than hate. Truth is stronger than lies. The darkness of the previous days is driven away the moment Jesus rises from the grave and himself becomes God’s pure light. But this applies not only to him, not only to the darkness of those days. With the resurrection of Jesus, light itself is created anew. He draws all of us after him into the new light of the resurrection and he conquers all darkness. He is God’s new day, new for all of us.

But how is this to come about? How does all this affect us so that instead of remaining word it becomes a reality that draws us in? Through the sacrament of baptism and the profession of faith, the Lord has built a bridge across to us, through which the new day reaches us. The Lord says to the newly-baptized: Fiat lux – let there be light. God’s new day – the day of indestructible life, comes also to us. Christ takes you by the hand. From now on you are held by him and walk with him into the light, into real life. For this reason the early Church called baptism photismos – illumination.

Why was this? The darkness that poses a real threat to mankind, after all, is the fact that he can see and investigate tangible material things, but cannot see where the world is going or whence it comes, where our own life is going, what is good and what is evil. The darkness enshrouding God and obscuring values is the real threat to our existence and to the world in general. If God and moral values, the difference between good and evil, remain in darkness, then all other “lights”, that put such incredible technical feats within our reach, are not only progress but also dangers that put us and the world at risk. Today we can illuminate our cities so brightly that the stars of the sky are no longer visible. Is this not an image of the problems caused by our version of enlightenment? With regard to material things, our knowledge and our technical accomplishments are legion, but what reaches beyond, the things of God and the question of good, we can no longer identify. Faith, then, which reveals God’s light to us, is the true enlightenment, enabling God’s light to break into our world, opening our eyes to the true light. Dear friends, as I conclude, I would like to add one more thought about light and illumination. On Easter night, the night of the new creation, the Church presents the mystery of light using a unique and very humble symbol: the Paschal candle. This is a light that lives from sacrifice. The candle shines inasmuch as it is burnt up. It gives light, inasmuch as it gives itself. Thus the Church presents most beautifully the paschal mystery of Christ, who gives himself and so bestows the great light. Secondly, we should remember that the light of the candle is a fire. Fire is the power that shapes the world, the force of transformation. And fire gives warmth. Here too the mystery of Christ is made newly visible. Christ, the light, is fire, flame, burning up evil and so reshaping both the world and ourselves. “Whoever is close to me is close to the fire,” as Jesus is reported by Origen to have said. And this fire is both heat and light: not a cold light, but one through which God’s warmth and goodness reach down to us.

The great hymn of the Exsultet, which the deacon sings at the beginning of the Easter liturgy, points us quite gently towards a further aspect. It reminds us that this object, the candle, has its origin in the work of bees. So the whole of creation plays its part. In the candle, creation becomes a bearer of light. But in the mind of the Fathers, the candle also in some sense contains a silent reference to the Church,. The cooperation of the living community of believers in the Church in some way resembles the activity of bees. It builds up the community of light. So the candle serves as a summons to us to become involved in the community of the Church, whose raison d’être is to let the light of Christ shine upon the world. Let us pray to the Lord at this time that he may grant us to experience the joy of his light; let us pray that we ourselves may become bearers of his light, and that through the Church, Christ’s radiant face may enter our world (cf. LG 1). Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đàng Thánh Gía Qua Nét Dáng Việt Nam – Stations Of The Cross
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
04:15 07/04/2012


Sáng thứ Sáu Tuần Thánh, cộng đoàn Việt Nam thuộc giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick, Úc Châu đã phụ trách diễn lại Đàng Thánh Gía qua nét dáng Việt Nam. Hàng năm giáo xứ St Margaret Mary Brunswick luôn có truyền thống diễn lại “Đàng Thánh Gía” và được người Úc và Ý trình bày. Năm nay cộng đoàn Việt Nam thuộc giáo xứ phụ trách và diễn trình theo nét dáng Việt Nam với áo quan, lính tráng thời xa xưa...

Hình ảnh Đàng Thánh Giá

Anh chị em Việt Nam đã diễn tả Đàng Thánh Gía qua nét dáng Việt Nam với cảnh vua quan xét xử tội nhân, tội nhân mang gông cùm và tiếng trống giục liên hồi của cảnh chốn cửa quan cũng như pháp trường kèm theo tiếng nhạc ai oán khéo chọn đã tạo nên bàu khí dẫn đưa mọi người không phân biệt Úc, Ý hay Việt Nam đồng cảm với những khổ đau của Chúa Giêsu...

Trước gần 500 tín hữu ngồi chật nhà thờ, nhưng không một tiếng động, hình như ai cũng giữ cho mình một góc riêng tư che dấu giọt lệ tuôn trào từ khoé mắt, thương cảm và tạ ơn Chúa cùng giọt lệ ăn năn...

Các diễn viên đã nhập tâm trong vai của mình, có người khóc dòng lúc diễn xuất...Khi Chúa chết và được an táng trong huyệt mộ... Các diễn viên từ từ cúi chào ra đi theo sau là linh mục chủ tế và đáng ra mọi người cũng ra về, ấy vậy mà mọi người vẫn ngồi im trong thinh lặng và thinh lặng thật lâu như không muốn rời khỏi huyệt mộ chôn xác Thầy như trong ngày an táng người thân yêu... cho tới khi linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, linh mục chính xứ xin mọi người thinh lặng ra về... Từ từ mọi người mới đứng lên ra về.

Nhiều người Úc, Ý và Việt tham dự, mắt đỏ hoe ra gặp các anh chị thủ vai trong hoạt cảnh Đàng Thánh Gía năm nay để chúc mừng và cám ơn vì đã cho họ cảm nghiệm được niềm đau nỗi khổ của Chúa và hiểu được những nét dáng Á Đông Việt Nam...

Lm Anthony nguyễn Hữu Quảng SDB, PP.
 
Thánh Lễ Tiệc Ly tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle.
Nguyễn An Qúy
08:46 07/04/2012
Thánh Lễ Tiệc Ly tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle.

SEATTLE. Hôm nay thứ năm Tuần Thánh, Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle cùng với Giáo Hội hoàn vũ cử hành Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu bằng Thánh Lễ Tiệc Ly . Đây là Thánh Lễ thứ nhì trong ngày thứ năm Tuần Thánh được cử hành lúc 7 giờ tối sau thánh lễ 5 giờ chiều. Phần phụng vụ của thánh lễ giờ này do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách ,

Xem hình

Đúng 7 gìờ, Ca đoàn hát bài ca nhập lễ và nghi đoàn gồm các em Thiếu Nhi Thánh Thể cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh, cha Nguyễn Sơn Miên linh hướng Thiếu Nhi Thánh Thể chủ tế Thánh Lễ và linh mục Đậu Quang Luật cùng Đồng Tế. Linh mục Đậu Quang Luật hiện du học nhân dịp về thăm thân nhân tại Seattle, ngài đã đến dâng Thánh Lễ tại Giáo xứ trong ngày lễ Tiệc Ly này. Trong tâm tình hiệp thông với giáo dân trong giáo xứ, ngài đã phụ trách giảng lễ trong Thánh Lễ. Phần chia sẻ Lời Chúa ngài đã nói lên ý nghĩa của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Xin được ghi lại vài nét chính của bài giảng mà linh mục Đậu Quang Luật đã chia sẻ với Cộng Đoàn dân Chúa trong Thánh Lễ . Mở đầu bài giảng ngài nói: “Thưa quý ông bà và anh chị em : Ở đất nước Hoa Kỳ, hằng năm có ngày lễ tình yêu vào ngày 14 tháng 2. Giáo Hội Công Giáo cũng có ngày lễ tình yêu, đó là ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Thật vậy đây là ngày tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô đã ban tặng cho con người. Giáo Hội cử hành phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh là để nhắc nhở cho chúng ta ghi nhận 3 ý nghĩa của tình yêu mà Chúa đã trao tặng cho con người

1. Việc Chúa rửa chân. Trong buổi Tiệc Ly, Chúa đã làm một cử chỉ rất lạ lùng, đó là Ngài đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Ngài là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho các môn đệ để nói lên sự phục vụ, vâng Ta đến để phục vụ.

2. Chúa lập phép Thánh Thể: để chuẩn bị từ giả thế gian, vì tình yêu, Ngài đã lập Phép Thánh Thể để Ngài được hiện diện với con cái Chúa liên tục ở trần gian . Trong bữa tiệc ly, Ngài đã làm một cử chỉ bằng một lệnh truyền khi Ngài cầm bánh trao cho các môn đệ và nói đây là mình Ta, rồi Ngài cầm bình rượu chia cho các môn đệ và nói đây là máu Ta.

3. Truyền chức Thánh: Quả thật khi Ngài trao bánh và rượu cho các môn đệ, Ngài liền truyền lệnh cho các môn đệ , đó là bí tích truyền chức thánh với câu nói đầy tình yêu: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Qua đó chúng ta thấy Chúa đã đem lòng yêu thương con người qua việc thực hành những cử chỉ đầy tình thương yêu chân thật cũng như lời truyền dạy cho các môn đệ để duy trì và nuôi sống tình yêu đó luôn mãi. Thật vậy ngày thứ năm Tuần Thánh đúng là ngày lễ tình yêu phải không quý ông bà và anh chị em?...”

Trong phần nghi thức rửa chân, cả 2 vị linh mục chủ tế và đồng tế đều giúp nhau rửa chân cho Tông đồ đoàn là các em Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau Thánh lễ là cuộc rước kiệu Thánh Thể trọng thể. Cha Nguyễn Sơn Miên chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể, ngài cầm Bình Thánh Thể có kiệu hầu che Bình Thánh di chuyển chung quanh nhà thờ cùng với giáo dân cung nghinh Thánh Thể và tiến đến vị trí đặt nhà chầu. Giờ chầu được cử hành trọng thể. Mở đầu là giờ chầu chung của giáo xứ , đặc biệt giờ chầu chung này do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách phần dẫn nguyện có sự hiện diện của LM Nguyễn Sơn Miên và LM Đậu Quang Luật. Đến 9 giờ , các hội đoàn thay phiên nhau chầu cho đến 12 giờ thì chấm dứt. Lúc 12 giờ cha chánh xứ đã bế mạc phiên chầu Thánh Thể Thứ Nam Tuần Thánh, trả lại sự yên lặng của ngội giáo đường để chuẩn bị bước vào ngày thứ sáu, ngày kỹ niệm cuộc khổ nạn của Chúa. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, từng cộng đoàn giáo dân của mỗi hội đoàn đã sốt sắng cầu nguyện bên nhau trước Mình Thánh Chúa, tất cả đã thật sự đến với Chúa trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng đại lễ vọng Phục Sinh.
Trần Văn Minh.
09:13 07/04/2012
Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng đại lễ vọng Phục Sinh.

Melbourne, Vào lúc 8 giờ 30 tối 7 Tháng Tư Năm 2012. Tại lễ đài trong khuân viên Trung Tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, số 95 Mt. Alexander Rd, Flemington Victoria. Đông đảo giáo hữu trong cộng đoàn đã hân hoan cùng với giáo hội hoàn vũ vui mừng lễ Chúa sống lại. Đã về trung tâm tham dự Đại lễ vọng Phục Sinh được tổ chức một cách trọng thể.

Xem hình

Trên lễ đài, ảnh Chúa sống lại uy nghi sáng láng, là niềm tin chiến thắng thế gian và lan tỏa ánh sáng đức tin mang tình yêu thương vô bờ đến cho nhân loại. Một băng rôn đỏ treo ngang lễ đài với hàng chữ khẳng định: Chúa Ki Tô đả chết và đã sống lại. Hai bên lễ đài phụ với màu tông xanh chữ trắng bên trái có nội dung: Nhìn xem ngôi mộ trống – Chúa đã sống lại rồi, và bên phải với nội dung: Niềm tin yêu hy vọng – Vì Chúa đã phục sinh.

Buổi lễ do Linh mục Raphael Võ Đức Thiện, tuyên uý cộng đoàn chủ tế. Mở đầu bằng các nghi thức làm phép lửa, làm phép Nến Phục sinh. Sau đó dùng ngọn lửa phá tan bóng tối để đốt trên ngọn nến và rước ánh sáng Chúa Ki Tô Phục Sinh ban phát cho mọi người để ánh sáng Chúa Phục Sinh lan tỏa trên khắp muôn nơi đến với muôn dân trên khắp điạ cầu.

Sau mỗi bài đọc, Ca đoàn Vô Nhiễm một ca đoàn lớn của cộng đoàn đã phụng vụ thánh ca thật điêu luyện và xuất sắc với lời ca hùng tráng nói nên sự vinh thắng của Chúa sống lại vinh quang, cùng với chuông nhà thờ reo vang mừng Chúa sống lại khải hoàn. Nhờ qua sự chết và sống lại của Ngài đã cứu chuộc tội lỗi loài người chúng ta. Sau lời Chúa, linh mục và cộng đoàn cùng đọc kinh cầu Các Thánh, cùng nhau nhắc lại lời tuyên hứa đức tin của người Công giáo, trước khi linh mục chủ tế làm phép nước. Nhờ nguồn nước siêu nhiên này sẽ được dùng thanh tẩy tội nguyên tổ cho các tân tòng. Nguồn nước cũng được rẩy trên đầu mỗi giáo hữu hiện diên trong Thánh Lễ vọng Phục Sinh hôm nay, nguồn nước ân đức, nước sự sống và cứu muôn dân khỏi khát.

Đặc biệt trong Thánh lễ vọng Phục Sinh 2012, cộng đoàn đã vui mừng đón nhận 7 anh chị em tân tòng đã nhờ ánh sáng Phục sinh mà tìm về xin được thanh tẩy để trở thành con cái Chúa.

Sau Thánh lễ, đại diện Ban mục vụ cộng đoàn đã lên cám ơn cha tuyên uý cùng với quý chức trong các giáo khu đã nhiệt thành đóng góp công sức và phục vụ cho Đại lễ vọng Phục Sinh thật trọn vẹn để cho cộng đoàn cùng vui hưởng đêm thiêng liêng với ngọn lửa tình yêu Chúa lan tỏa muôn hồng ân, thánh đức trên cộng đoàn.

Nhân dịp này, ban mục vụ cũng mời gọi mọi người cùng về trung tâm nhân dịp Đại Lễ Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa vào lúc 3 giờ chiều Chúa nhật Ngày 15 Tháng Tư Năm 2012 cũng tại Nguyện đường Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm.

Một đêm trời đổi qua tiết trời lạnh hơn mấy ngày trước. Nhờ ánh lửa Phục sinh mọi người vui mừng dự đêm cực Thánh Chúa đã sống lại. Mọi người lãnh nhận hồng ân Phục sinh cứu độ ra về an bình.

Melbourne 7/4/2012

Trần Văn Minh.
 
Lễ Vọng Phục và Rửa Tội Tân Tòng CĐCG Việt Nam tại Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
09:21 07/04/2012
Lúc 7 giờ 30 tối, thứ Bảy, ngày 07 tháng Tư, năm 2012. Thánh Lễ vọng Phục Sinh và ban phép Thánh Tẩy, Thêm Sức cho 3 Tân Tòng.

Chủ tế Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng cùng đồng tế Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm.

Có khoảng gần 2,000 tín hữu đến tham dự với lời chúc bình an: HAPPY EASTER

Sau Thánh Lễ mọi người ra sân hóng mát “Cánh Buồn” uống cà phê, trà đàm Mừng Chúa Phục Sinh

Click Xem Hình Nơi Đây
Làm Phép Lửa
Làm Phép Nước
Rửa Tội Tân Tòng Nữ
 
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Sydney
Diệp Hải Dung
09:25 07/04/2012
Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Sydney

Tối thứ Bảy 07/04/2012 khoảng 5000 người đã đến công viên Paul Keating Park Bankstown Sydney tham dự Lễ Vọng Phục Sinh. Giờ khai mạc quý xuống dưới cuối công viên với nghi thức trang trọng làm phép Lửa và nến Phục Sinh. Tất cả mọi người đều hướng về cuối công viên thinh lặng cầu nguyện và đón mừng Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa KiTô.

Xem hình

Nến Phục Sinh được Cha Đặng Đình Nền long trọng rước lên lễ Đài và thắp sáng cho tất cả mọi nguời, tiếp theo là phần Phụng Vụ Lời Chúa do Cha Paul Văn Chi điều hợp dâng lời kinh nguyện lên Thiên Chúa và mọi người đều sốt sắng cầu nguyện giơ cao ngọn Nến hân hoan mừng Chúa Sống Lại. Đèn trên Lễ đài và công viên sáng lên tạo bầu khí rực rỡ trong ánh sáng vinh quang của Chúa KiTô.

Trong bài giảng Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn nói mới đây Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 đã công du đất nước Cuba, Ngài đã đề nghị chính quyền Cuba nên chuẩn ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Lễ nghỉ cho toàn quốc. Năm 1998 Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã thăm viếng Cuba và đề nghị chính quyền cho toàn dân nghỉ Lễ vào ngày Giáng Sinh và đã được thực hiện. Hôm nay mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta hãy tỉnh thức, hãy thay đổi cuộc đời thống hối quay trở về với Chúa trong tình yêu thương…

Sau đó nghi thức làm phép nước Thánh Mới và rảy trên Cộng Đoàn tham dự và quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh.

Truớc khi kết thúc Thánh lễ Cha Tuyên uý Trưỏng ngỏ lời chúc mừng Phục Sinh đến với tất cả mọi người trong Cộng Đồng và Cha cũng giới thiệu hôm nay có quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền và Cha Lâm Ngọc Quý cùng hiệp dâng Thánh lễ. Thánh lễ kết thúc mọi người thưỏng lãm màn bắn Pháo Bông mừng Chúa Phục Sinh rất ngoạn mục.

Diệp Hải Dung
 
Lễ Vọng Phục Sinh tại Perth, Australia
Phóng Viên VietCatholic
10:45 07/04/2012
 
Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle
Nguyễn An Quý
19:23 07/04/2012
SEATTLE - Trong bầu khí thiêng liêng của một ngày trọng đại, ngày kỹ niệm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Taị nhà thờ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle có những nghi thức theo truyền thống đạo đức rất cảm động khi toàn thể dân Chúa nơi đây cùng nhau cử hành phụng vụ thánh trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một ngày đặc biệt trong Tam Nhật Vượt Qua.

Xem hình ảnh

Từ 3 giờ chiều, giáo dân tập trung để bắt đầu nghi thức phụng vụ qua các nghi thức như: ngắm 15 sự Thương Khó Chúa, khai mạc tuần cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, tháo đinh, táng xác Chúa và suy tôn Thánh Giá. Chương trình được bắt đầu bằng buổi ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa, mỗi hội đoàn trong giáo xứ đều có các vị đại diện lên đọc các phần ngắm sự thương khó này. Sau phần ngắm Sự Thương Khó là phần khai mạc Tuần cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

Tuần Cửu Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa hằng năm do Hội các Bà Mẹ Công giáo tổ chức được khai mạc kể từ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cho đến Chúa nhật thứ II Phục Sinh, Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa. Đến 3 giờ 40 phút, một nghi đầy cảm động đó là nghi thức tháo đinh, hạ xác và táng xác Chúa. Những vị trong đoàn cử hành nghi thức hạ xác và táng xác Chúa đều mặc tang phục rất trang trọng để cùng chịu tang khi diễn đạt cảnh táng xác Chúa trong ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn mà Chúa đã gánh chiụ cho đến chết để cứu chuộc nhân loại.

Tượng Chúa được đặt trong một khung kính tượng trưng chiếc quan tài. Giáo dân tham dự đã cung nghinh quan tài Thánh này di chuyển chung quanh nhà thờ và dừng lại ở vị trí được thiết kế gọi là MỒ CHÚA. Trên suốt chặng đường kiệu xác Chúa, những tiếng trắc đánh từng ba tiếng một qua từng chặng đường thật vô cùng cảm động. Khi đoàn kiệu xác Chúa đến vị trí , linh cửu được đặt trong mồ đá , tại các hội đoàn cũng như nhiều giáo dân có mặt đã lần lượt đến viếng mộ và hôn chân Chúa . Tất cả mọi người tham dự đã tỏ lòng cung kính khi viếng mộ Chúa. Trong thời gian mọi người kính viếng mộ Chúa, phần diễn nguyện do các nhóm đặc biệt phụ trách đã tạo thêm sự thiêng liêng, tạo nên sự sốt sắng cho mọi người hiện diện khi hướng về cuộc khổ nạn của Chúa cách đây gần 2 ngàn năm.

Đúng 5 giờ chiều, giáo dân tập trung tại nhà thờ để cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thánh chủ sự cùng với thầy sáu Nguyễn Đức Mậu phụ tế. Bài Thương Khó Chúa Giêsu được hát một cách trọng thể. Đặc biệt nghi thức cử hành phụng vụ lúc 5 giờ giáo dân tham dự quá đông đảo, tất cả các lối đi trong nhà thờ đều đầy kín người. Phần giáo dân hôn kính Thánh Giá Chúa được tiến hành nhanh chóng nhờ việc Thánh Giá được đặt ở nhiều vị trí trong nhà thờ nên việc hôn kính Thánh Giá cũng tươngg đối nhanh chóng và trật tự. Sau phần hôn kính Thánh Giá là nghi thức Rước Mình Thánh Chúa. Sau đó mọi người đều ra về trong thinh lặng lúc 6 giờ 40 để nhường cho phiên phụng vụ kế tiếp được bắt đầu lúc 7 giờ tối.
 
Tuần Tam Nhật Thánh 2012 tại cộng đoàn Tam Biên - Giáo Phận Orange
Cát Bụi
19:51 07/04/2012
Tuần Tam Nhật Thánh 2012 tại cộng đoàn Tam Biên - Giáo Phận Orange

Đứa bé gái chừng 5 tuổi ngước mắt hỏi mẹ:

Mẹ, tại sao Ông Giê su lại bị treo trên cây Thánh Giá kia vậy Mẹ

Tôi nghĩ gia đình này chắc không phải là gia đình Công Giáo thuần tòng hay một gia đình mới theo đạo Công Giáo chăng. Tôi đứng bên cạnh, nhưng lặng thinh để câu trả lời của người mẹ ra sao.

Mẹ cháu bé xoa nhẹ bàn tay lên đầu, cúi xuống bên tai cháu bé và nói:

- Ông ấy chết vì yêu con, vì yêu mẹ và vì yêu cả mọi người trong đó có cả ba con nữa đấy

Ông ấy là gì mà lại yêu con, mà sao Ba không yêu con vậy?

Nói nhỏ thôi con, con cứ cầu xin cùng Ông Giêsu, sẽ có một ngày Ba con sẽ yêu con nhiều nhiều và sẽ về với con.

Câu chuyện chỉ đến đó, tôi đã đoán biết người Mẹ vói cháu bé 5 tuổi đang có những trục trặc trong gia đình. Một sự bất hòa nào đó trong gia đình đang cần được sự hàn gắn.

Trong nhà thờ bài thương khó cũng vừa bắt đầu. Cha Chủ Tế Chính Xứ Nguyễn Văn Tuyên, đóng vai Chúa Giêsu đứng ở giữa, người kể chuyện và dẫn giải đứng bên phải Cha Chủ Tế, và người đóng vai Quan Philatô và các Thượng Tế đứng bên trái.

Mọi người trong nhà thờ bắt đầu im lặng như đang lắng chìm vào một không gian của núi cây dầu tại vườn Giệtsimani năm xưa, một đồi Golgotha năm nào mà Chúa Giêsu phải chịu đóng đinh trên cây thập tự để chết vì "YÊU" như người mẹ đã nói với cháu bé gái lúc đầu thánh lễ.

Bài thương khó của ngày thứ sáu tuần thánh hôm nay đang đưa tôi đi dần vào con đường khổ nạn của Chúa, con đường đầy những ghồ ghề và quanh co, những nhục hình và mệt mỏi trước khi phải chấp nhận cái chết trên ngọn đồi Gol-gô-tha, còn gọi là núi sọ.

Giọng hát của Cha Chính Xứ, đóng vai Chúa Giêsu lúc trầm lúc bổng đối đáp với những luận điêu hạch hỏi của Quan Philatô và các luật sĩ, để rồi cuối cùng chính quan Philatô đã phải công nhận và thốt lên rằng:

"Ta không tìm thấy nơi người này có lý do gì để kết án (Gioan 18,38)

Nhưng vì lòng người ích kỉ và ghen tương, quyền hành và chức vị bị đe dọa, sự cảm thông và lòng bác ái vị tha của con người không còn nữa, cuối cùng dân chúng đã la to để kết án Chúa Giêsu với một bản án thật nhục nhã bằng một con đường khổ nạn treo trên cây thập tự.

Nhưng giờ phút cuối cùng của cuộc đời trên cây thập giá, Chúa đã không kết án những người đã kết án Chúa kể cả người trộm cướp đã nhục mạ Ngài và đã cất lên lời cầu xin cùng với Chúa Cha rằng:

“ Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết việc họ làm” ( Lc 23,34 )"

Và rồi trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã thốt lên rằng: "TA KHÁT".

Bài thương khó vừa chấm dứt, bầu không khí yên lặng trong nhà thờ như đang cảm nghiệm được sự đau đớn đến tột cùng của Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên cây thánh giá.

Sau bài thương khó là bài chia sẻ lời Chúa của Cha Chính Xứ cũng đã cho chúng ta hiểu về sự khát khao của Chúa trong giây phút cuối cùng như thế nào,

- Chúa khát khao con người phải biết thống hối ăn năn,

- Chúa khát khao con người phải biết cảm thông và tha thứ cho nhau,

- Chúa khát khao con người biết loại bỏ những hận thù để đem lại tình yêu thương đến cho những anh em đồng loại,

- Chúa khát khao con người biết sống công bằng và quảng đại để đem bình an và tình thương đến những người kém may mắn,

- Và Chúa cũng khát khao con người là những ánh sáng cho nhau, những men làm sống lại đức tin đã nhiều năm sống xa Chúa.

Sau những nghi thức hôn kính thánh giá, đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng, toàn thể Cộng Đoàn giáo dân Tam Biên cùng các Cộng Đoàn khác đã cùng nhau xuống dưới hội trường, chia sẻ những đĩa cơm chay mà Cha Chính Xứ Nguyễn Văn Tuyên, Cha Phó Trần Cao Thượng, Ông Chủ Tịch và Ban Chấp Hành Cộng Đoàn Tam Biên tiếp đãi.

Ngay sau khi bữa cơm chay kết thúc, tất cả Cộng Đoàn đã cùng ở lại tham dự nghi thức đóng đanh, tháo đanh và rước xác Chúa chung quanh nhà thờ để ghi nhớ lại ngày Chúa Giêsu chịu chết và nghi thức hôn chân Chúa đã kết thúc vào 12:30 đêm cùng ngày.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy ở bên con để nâng đỡ con trong những lúc con đang sắp sửa sa ngã, gục ngã trên đường đời với những tham lam, ích kỷ, và sắp phải xa rời Chúa.

Xin Chúa hãy ở bên con để chiếu rọi ánh sáng đến trong những đêm tối của cuộc đời con và trong những ngày tàn, sức yếu của cuộc đời, con cần có Chúa thêm sức mạnh để con vững mạnh tin tưởng vào Chúa nhiều hơn.

Từ sáng sớm ngày thứ Ba trong tuần Tam Nhật Thánh, đã thấy các bà già, các em trẻ, các đội trực canh đi thăm mộ Chúa chẳng khác nào như các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ Ông Giacôbê và bà Salômê hối hả chạy đến thăm mồ Chúa và đã hốt hoảng khi nhìn thấy bên trong không còn Chúa nữa.

Các Bà hốt hoảng là phải vì các bà đã không đủ đức tin để xác tín rằng Chúa Giê su là con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, đã chết và ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại thật.

Lạy Chúa, xin cho con vừa đủ đức tin để tin rằng Chúa luôn là sức mạnh của con trông mong và nguồn mạch sự cứu rỗi cho cuộc đời của con

“Hãy đứng dậy và đi đi, đức tin của con đã cứu con.” (Lk 17: 19),

"Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng ta!” (Mc 10:14)

"Này các Bà, các Bà đừng sợ! Tôi biết các Bà tìm Đức Giê su, Đấng bị đóng đanh. Người không còn ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói..." (Mt 28, 5-6)

Ngày hôm nay, thứ Bảy ngày 7 tháng 4 năm 2012, Cộng Đoàn Tam Biên sẽ tổ chức và mừng ngày Chúa sống lại vào lúc 6:00 chiều cùng với gần 20 tân tòng sẽ được rửa tội và thêm sức chiều nay

Lạy Chúa, xin cho con cùng được sống lại với Chúa trong ngày sau hết. Amen



Cát Bụi

Phục Sinh 2012
 
Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle.
Nguyễn An Qúy
21:04 07/04/2012
Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle.

SEATTLE. Trong bầu khí thiêng liêng của một ngày trọng đại, ngày kỹ niệm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Taị nhà thờ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle có những nghi thức theo truyền thống đạo đức rất cảm động khi toàn thể dân Chúa nơi đây cùng nhau cử hành phụng vụ thánh trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một ngày đặc biệt trong Tam Nhật Vượt Qua. Từ 3 giờ chiều, giáo dân tập trung để bắt đầu nghi thức phụng vụ qua các nghi thức như: ngắm 15 sự Thương Khó Chúa, khai mạc tuần cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, tháo đinh, táng xác Chúa và suy tôn Thánh Giá.

Xem hình

Chương trình được bắt đầu bằng buổi ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa, mỗi hội đoàn trong giáo xứ đều có các vị đại diện lên đọc các phần ngắm sự thương khó này. Sau phần ngắm Sự Thương Khó là phần khai mạc Tuần cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Tuần Cửu Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa hằng năm do Hội các Bà Mẹ Công giáo tổ chức được khai mạc kể từ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cho đến Chúa nhật thứ II Phục Sinh, Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa. Đến 3 giờ 40 phút, một nghi đầy cảm động đó là nghi thức tháo đinh, hạ xác và táng xác Chúa. Những vị trong đoàn cử hành nghi thức hạ xác và táng xác Chúa đều mặc tang phục rất trang trọng để cùng chịu tang khi diễn đạt cảnh táng xác Chúa trong ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn mà Chúa đã gánh chiụ cho đến chết để cứu chuộc nhân loại. Tượng Chúa được đặt trong một khung kính tượng trưng chiếc quan tài. Giáo dân tham dự đã cung nghinh quan tài Thánh này di chuyển chung quanh nhà thờ và dừng lại ở vị trí được thiết kế gọi là MỒ CHÚA. Trên suốt chặng đường kiệu xác Chúa, những tiếng trắc đánh từng ba tiếng một qua từng chặng đường thật vô cùng cảm động. Khi đoàn kiệu xác Chúa đến vị trí , linh cửu được đặt trong mồ đá , tại các hội đoàn cũng như nhiều giáo dân có mặt đã lần lượt đến viếng mộ và hôn chân Chúa . Tất cả mọi người tham dự đã tỏ lòng cung kính khi viếng mộ Chúa. Trong thời gian mọi người kính viếng mộ Chúa, phần diễn nguyện do các nhóm đặc biệt phụ trách đã tạo thêm sự thiêng liêng, tạo nên sự sốt sắng cho mọi người hiện diện khi hướng về cuộc khổ nạn của Chúa cách đây gần 2 ngàn năm.

Đúng 5 giờ chiều, giáo dân tập trung tại nhà thờ để cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thánh chủ sự cùng với thầy sáu Nguyễn Đức Mậu phụ tế. Bài Thương Khó Chúa Giêsu được hát một cách trọng thể. Đặc biệt nghi thức cử hành phụng vụ lúc 5 giờ giáo dân tham dự quá đông đảo, tất cả các lối đi trong nhà thờ đều đầy kín người. Phần giáo dân hôn kính Thánh Giá Chúa được tiến hành nhanh chóng nhờ việc Thánh Giá được đặt ở nhiều vị trí trong nhà thờ nên việc hôn kính Thánh Giá cũng tươngg đối nhanh chóng và trật tự. Sau phần hôn kính Thánh Giá là nghi thức Rước Mình Thánh Chúa. Sau đó mọi người đều ra về trong thinh lặng lúc 6 giờ 40 để nhường cho phiên phụng vụ kế tiếp được bắt đầu lúc 7 giờ tối.

Nguyễn An Quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư Mục Vụ Tam Nhật Thánh - Phục Sinh 2012 của GP Kontum
GM Micae Hoàng Đức Oanh
09:40 07/04/2012
Kontum, Thứ Sáu Tuần Thánh, 06.04.2012

THƯ MỤC VỤ TAM NHẬT THÁNH - PHỤC SINH 2012

Kính gửi: Lm PhêrôNguyễn Vân Đông
Tổng Đại Diện
cùng toàn thể Gia đình Giáo phận Kontum.

Anh chị em thân mến,

“Bình An của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh ở cùng anh chị em!”.Chúng tôi mời anh chị em cùng suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đang diễn lạinơi cộng đoàn anh chị em Turia Yôp, thuộc tỉnh Kontum cũng như nhiều nơi kháctrên thế giới.

1. Turia Yôp :

Như anh chị em đã biết Turia Yôp là một họ đạo thuộc xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum. Số giáo dân vùng này cũngtới cả mấy ngàn giáo dân, nếu kể cả địa sở Kon Hring có tới 12.655 giáo dân. Vìthiếu linh mục, nên Linh mục địa sở Kon Hring, Lm Bá Năng Lý, phải kiêm nhiệm cảvùng rộng lớn thuộc huyện Đăk Tô và một phần huyện Đăk Hà. Có các linh mục mớithụ phong, Lm Khanh và Lm Hoa, làm phó xứ. Ngày 23.02.2012, Lm Hoa đến dâng lễan táng cho một bà già sêđăng nghèo tại đây trên đường về đã bị đánh trọngthương. Và dịp lễ Phục Sinh này, chúng tôi đã nộp đơn xin Xã, Huyện, Tỉnh cũngkhông được chấp thuận, cho dù đã có nhiều gặp gỡ trao đổi! Đââu là lý do từchối sâu xa nhất?

Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, người kitô hữu có được mộtđức tin tuyệt vời. Đức tin này có thể tóm gọn trong 3 cái một :

· Một chân lý căn bản: “Sựsống đời đời là nhận biết Cha Thiên Chúa độc nhất và chân thật và Đấng Cha đãsai, Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, mọi người làanh em.

· Mộtgiới luật yêu thương: “Anh em hãy yêuthương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Yêu Chúa yêu người làmột. Yêu người như yêu Chúa và yêu bằng tình yêu của Chúa.

· Mộtlệnh truyền: “Hãy đi loan báo Tin Mừngcho muôn dân” (Mc 16,15). Tin mừng đó là chính Đức Giêsu, chính nhờ Ngàichúng ta biết và đi giúp mọi người biết tất cả là anh chị em với nhau cùng nhauxây dựng một thế giới văn minh của tình thương!

Cứ để ý mà xem: Ai yêu nước bằng người Công giáo chân chính?Ai hiếu thảo cha mẹ tổ tiên bằng người Công giáo đích thực? Vì hiếu thảo bằngchính tình yêu của Thiên Chúa và như thể yêu mến Chúa vậy (x. Mt 22,34-40). Nơinào có nhà thờ, có linh mục, có tu sĩ, nơi đó có nhân nghĩa hơn, có huynh đệhơn, có tin nhau hơn! Thiên hạ có sai trái đều dễ dàng được cảm thông, cònngười có đạo mà sai lỗi, thiên hạ đều trách “Công giáo mà thế à! Có Đạo mà thếà!” . Cứ coi các nhà trẻ do các nữ tu chăm sóc: Những ai đưa con cái tới trướcnhất? Tại sao phải xin giữ chỗ cả năm trước? Nhưng sao có thời người kitô hữu lại bị xếp xuống công dân hạng hai hạngba vậy? Sao vẫn bị hiểu lầm, bị kỳ thị?

2. Đâu là lý do sâu xa của việc cấm đoán, kỳ thị, bất công?

Anh chị em thân mến,

2.1. Lý do thứ nhất : Tạingười có đạo không sống Đạo!

Tin Đạo mà không sống đạo là một cảntrở lớn và là một nguyên do gây hiểu lầm trong xã hội. Tin Đạo mà không biếttruyền đạo lại còn là một lý do trầm trọng hơn làm cho người khác không nhữngxa Giáo Hội, mà còn ghét nữa! Tại sao đến giờ này nhiều người cứ mãi xin chuẩnkhác đạo? Vâng chính những gương mù gương xấu như chè chén say xưa, như ly dịphá thai, như mắc các tệ nạn đã làm méo mó khuôn mặt tươi xinh của Giáo Hội.Chính chểnh mảng không truyền giáo hoặc truyền giáo lệch lạc làm cho nhiềungười hiểu lầm và ghét Giáo Hội. Chính việc các gia đình kitô giáo không quantâm đủ để lo cho con em ăn học và tận hiến cuộc đời cho Chúa và xã hội mà chúngta thiếu trầm trọng các vị chủ chăn và các nhà thừa sai. Cứ gẫm coi, nếu vùngTuria Yôp có đông con em ăn học và làm linh mục tu sĩ thì đâu cần tới Lm Hoa từPleiku lên phục vụ và cũng không cần nhiều phép tắc thủ tục. Hãy tự trách mìnhtrước. Thánh Phaolô đã từng cảnh báo “Khốnthân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”(1Cr 9,16).

2.2. Lý do thứ hai : Do chínhĐạo.

Cứ ngẫm nghĩ mà coi! Nhiều khó khăn đến từ chính Đạo. Đừngngạc nhiên. Hãy hiên ngang về niềm tin tuyệt vời này.

Một tôn giáo như kitô giáo dạy “một vợ một chồng” đâu dễđược đón nhận tại một đất nước mà vua chúa thì cả 1000 cung phi còn quan quyềnthì năm thê bảy thiếp? Nhiều người ghét cũng dễ hiểu!

Một tôn giáo như kitô giáo dạy “khôngđược ly dị, không đồng tính luyến ái, không phá thai”, đụng chạm tới quyền lợilàm ăn của bao người, hẳn sẽ bị phản đối, bị dèm pha hoặc gây khó khăn đến bắt bớ,cấm cách. Cứ theo dõi các cuộc tông du của Đức Thánh Cha trên thế giới: tới đâucũng có những đám người tụ họp phản đối, đả đảo đấy! Trước “những hiểu lầm haybất công” này, chúng ta càng cần ý thức hơn sứ mạng “được sai đi loan báo TinMừng yêu thương” bằng lời nói, bằng đời sống phục vụ hết tình!

Anh chị em thân mến,

Cảnh anh chị em Turia Yôp cũng như nhiều nơi chưa được hưởngcái quyền sống Đạo có khác gì cảnh nô lệ của dân Israen xưa? Ông Mai Sen đã bỏcuộc sống cung điện ra đi chia sẻ kiếp lầm than của dân (x. Xh 2,11-15), cònchúng tôi phải làm sao cho phải Đạo? Làcon người, chúng tôi cũng muốn sống, cũng sợ chết. Nhìn thấy dùi cui, roi điện,chó nghiệp vụ hoặc nòng súng, tự nhiên chúng tôi cũng muốn chạy trốn! Nhưng “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng củacon người thời nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ – cụthể ở đây là của anh chị em Vùng Turia Yôp – cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ ChúaKitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng tronglòng họ” (Hc Mv số 1), nên tiếng kêucủa dân Turia Yôp càng thúc bách và nhắc nhở người mục tử chúng tôi nhớ tới lờiphát biểu của Chú Yao Phu A. H. năm 2010 trước đông đảo các cán bộ ở huyện ĐăkTô: “Kính thưa quý vị, Tôi, một yao phu,tôi xin phát biểu. 1. Ở đây không có tự do tôn giáo. Ở nơi khác tôi không biết.Nhưng ở đây suốt hơn 30 năm nay. Không có. Không có nhà thờ. Không linh mục. Khôngbí tích. 2. Đã có yao phu bị bắt vì đạo. Bị tù ở Pleibông vì đạo. Bị chết vìđạo. Số phận chúng tôi là yao phu, cũng sẽ không hơn gì cha ông. Chúng tôi cũngsẵn sàng để được chết vì đạo”. (trích Văn Thư 51/VT/’10/Tgmkt, ngày 22.11.2010,gửi Ông Chủ Tịch Tỉnh Gia Lai).Thánh Phaolô đã từng nói: “Không ai đượcsống cho mình, cũng không ai được chết cho mình. Có sống và chết là sống vàchết cho Đức Kitô” ( Rm 14,7-8). Đức Kitô ở đây đang hiện thân nơi anh chịem đạo hữu ở Turia Yôp cũng như ở khắp nơi chúng tôi được trao phó chăm sóc vàphục vụ! Cụ thể chúng tôi đã báo chính quyền chương trình đến thăm mục vụ vàdâng lễ cho anh chị em ở Turia Yôp từ 09g đến 10g sáng Chúa nhật Phục Sinh.

Xin toàn thể gia đình giáophận cầu cho chúng tôi có đủ ơn khôn ngoan và lòng can đảm của Chúa Thánh Thầnđể phục vụ quê hương cũng như Giáo Hội, cho trọn vẹn đôi bề. Cầu mong qua vụ này,quý cán bộ sẽ hiểu người Công giáo chúng ta hơn, sẽ yêu thương hơn và mối quanhệ đôi bên không bị tan vỡ nhưng được cải tiến hơn! Tất cả vì hạnh phúc củagiáo dân. Tất cả vì ích quốc lợi dân! Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa, là Chamọi người, là Chủ lịch sử!

Hiệp thông trong niềm vuimừng Chúa Phục Sinh,

+ Micae Hoàng Đức Oanh

Giám Mục Giáo Phận Kontum.

*Bản sao kính gửi: Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung.
 
Văn Hóa
Suy tư về văn hóa nghệ thuật và thử hướng tới một lối mục vụ
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
09:35 07/04/2012
SUY TƯ VỀ VĂN HÓA NGHỆ THỤÂT VÀ THỬ HƯỚNG TỚI MỘT LỐI MỤC VỤ

A. VĂN HÓA & HỘI NHẬP VĂN HÓA NÓI CHUNG

Văn hóa chính là nếp sống hằng ngày của một cá nhân hoặc cộng đồng. Văn hóa là cái gì bám rất sâu, rất chắc trong suy nghĩ và hành động của con người. Dứt bỏ một nếp sống văn hóa hay một nền văn hóa thực là khó. Ngược lại, chấp nhận một nếp sống mới, một nền văn hóa mới cũng thế. Ta chỉ có thể hiểu chung : 'phạm vi của văn hoá bao la rộng lớn, nó bao trùm lên mọi lãnh vực của đời sống, từ tiếng nói cho đến cách diễn tả, xử sự, phục sức, ăn uống vv... cho đến những phong tục tập quán liên quan đến cưới hỏi, ma chay, lễ hội,...'(Lm.Thiện Cẩm, Hội nhập văn hóa, tr. 145).

Hai từ “Văn Hóa” đơn giản mà chứa đựng một ý nghĩa sâu xa, phức tạp ghê gớm. Nó đã tồn tại bao đời cùng với sự phát triển của cuộc sống con người. Là lãnh vực sống còn của nhân loại. Đặc biệt trong những thập niên gần đây vấn đề hội nhập văn hóa được đưa ra bàn luận trong nhiều lãnh vực về phương diện đạo cũng như đời. Càng bàn càng thấy nó cần thiết mà lại phức tạp.

Nói tới hội nhập văn hóa là nói tới một sự tiếp nhận món ăn tinh thần cho đời sống con người. Sự tiếp nhận này có thể là thụ động hoặc chủ động tùy mối tương quan với chủ thể lãnh nhận. Vì thế, lãnh vực mà văn hóa sẽ hội nhập là tất cả mọi vấn đề như : kiến trúc, hội họa, âm nhạc, nghi lễ, tôn giáo, ngôn ngữ, văn chương, thời trang, nếp sống, điện ảnh, khiêu vũ, võ thuật, ẩm thực,….

Người Việt Nam chúng ta hãnh diện với bốn ngàn năm văn hiến. Một bề dày lịch sử văn hóa thực đáng trân trọng. Cái đã làm nên tính chất con người Việt Nam hôm nay. Cái đã đi sâu vào máu xương của người dân để làm nên hồn dân tộc. Nói như vậy để chúng ta đừng quên công lao gầy dựng, phát huy và bảo tồn nền văn hóa dân tộc của cha ông ta ngày xưa. Cái mà nhiều khi ngày nay giới trẻ cho là lỗi thời, quê mùa nhưng thực chất lại là một điều rất quý hóa cần phải gìn giữ và lưu truyền mãi mãi như là cái đức ở đời vậy. “Người trồng cây hạnh người chơi, ta trồng cây đức để đời mai sau”. Nếu không trân trọng những vốn liếng quý hóa của ông cha để lại (di sản tinh thần hay vật chất) thì làm sao có thể nói ta là con người có đức với tổ tiên được ? Vốn liếng ấy ta phải trân trọng như là những bức họa ảnh của ông bà ta sau khi các ngài đã khuất.

Vậy muốn hội nhập văn hóa : trước hết là phải biết nhìn nhận giá trị của thực tại ấy ; sau đó là đón nhận và phát huy những giá trị ấy theo thời đại mình đang sống.

1. Nhìn nhận giá trị

Việc xem xét, đánh giá, nhận định để khẳng định giá trị vấn đề là công việc của lý trí. Tình cảm thuần túy không làm được việc này. Vì vậy, khi người ta đã khẳng định chung với nhau về một giá trị nào đó liên quan đến văn hóa thì chúng ta cũng phải chấp nhận đây là công việc của lý trí và là công trình tập thể.

Ai đã từng làm việc với những công trình văn chương nghệ thuật nói chung mới thấy việc nhìn nhận giá trị là bước khởi đầu cho hoạt động tiếp theo và nó quan trọng biết bao. Người ta phải nhức nhối nhiều về vấn đề này. Khi mà thực tế có bao nhiêu công trình bị bỏ dở hoặc bị tháo gỡ vì không được nhìn nhận hay nhìn nhận sai lầm, như các đền đài, chùa chiền, nhà thờ, lăng miếu, tác phẩm văn học…bị đổi chác hoặc di dời hay thay thế một cách đáng tiếc. Đến khi phát hiện hoặc có ai đấy lên tiếng thì đã quá chậm trễ rồi.

Đáng mừng là gần đây một số công trình kiến trúc được Bộ văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử. Từ đó người ta bắt đầu thấy nó có một giá trị hơn trước và họ ra sức tôn tạo, bảo vệ chứ không được ai dám xâm phạm tới nữa. Nhìn nhận là như vậy. Nghĩa là nó phải được luật pháp bảo vệ công khai. Ngược lại cũng thật đáng tiếc cho một số công trình văn chương nghệ thuật được công chúng nhìn nhận bao đời nay về giá trị nghệ thuật và tự thân nó đã sống được khá lâu nhưng chưa được pháp luật nhìn nhận bảo vệ nên nạn “chế biến”, “ăn cắp ban ngày” “đạo văn” ăn cắp bản quyền vẫn diễn ra thoải mái làm xói mòn giá trị nguyên thủy của tác phẩm.

2. Đón nhận và phát huy

Nếu việc nhìn nhận giá trị phần lớn thuộc thẩm quyền cấp trên thì việc đón nhận và phát huy lại tùy thuộc phần lớn vào cấp dưới là tầng lớp con cháu và quần chúng nói chung. Sự sống còn của giá trị văn hóa lệ thuộc vào tất cả chúng ta. Chúng ta có quyền bóp chết hay nuôi dưỡng cho nó lớn mạnh. Chúng ta có quyền cất giấu hay trưng bày. Chúng ta có quyền xuyên tạc hay bảo vệ cho nó tinh tuyền. Chúng ta có quyền sử dụng hay vất bỏ thậm chí chà đạp, giày xéo. Chúng ta có quyền photocopy hay biến nó thành món hàng để kinh doanh, buôn bán,vv…Tất cả tùy thuộc ở tự do của con người mà thôi.

Đối với những người thiếu lương tâm hoặc chẳng biết thế nào là giá trị tinh thần thì việc họ làm những hành động trái ngược ở trên là chuyện bình thường. Thôi, chúng ta tạm bỏ qua chuyện đó để nghĩ đến phạm vi tích cực đang nói tới.

Cha ông đã dạy : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”. Văn hóa là một món ăn. Hội nhập văn hóa là một hành động ăn uống món ăn tinh thần. Ăn ở đây không phải là ăn uống bình thường mà phải có sự lựa chọn thông minh để hấp thụ lấy những gì là tinh hoa của đời sống. Ăn như thế mới gọi là hội nhập văn hóa. Dĩ nhiên sau khi ăn thì muốn hay không muốn thức ăn ấy sẽ trở thành máu thịt của ta. Khi ấy nó sẽ tác động đến toàn bộ con người chúng ta. Được ăn như thế thì đừng quên “kẻ đâm, xay, giần, sàng”.

Thời nay người ta sử dụng máy photocopy rất phổ biến. Máy này thường làm việc với chữ nghĩa. Nói tới chữ nghĩa là nói tới văn hóa. Nói tới văn hóa là nói tới con người. Nói tới con người là nói tới cuộc sống. Mỗi người chúng ta hãy là một chiếc máy photocopy sống động để lưu truyền và phổ biến những giá trị văn hóa của cha ông của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Hãy copy một cách trung thực nhất. Hãy trở thành bản sao tinh túy và sáng sủa để người khác nhìn vào không bị nhòe mắt, không đọc xiên xẹo hay hiểu sai nghĩa bản văn. Thực hiện được như thế là bảo tồn và phát huy.

Là người Việt Nam, chúng ta đang đồng hành với dân tộc ; cùng chia sẻ những nỗi vui buồn sướng khổ, những lúc thành công thất bại, những thăng trầm trong lịch sử trong đó có phương diện văn hóa. Có giai đoạn chúng ta bị nô lệ bởi văn hóa của Tây, Tàu. Có lúc chúng ta dường như quên mình là người Việt Nam. Nay có cần thiết khẳng định mình là người Việt Nam hay không thì phải nói tới văn hóa.Và phải hội nhập văn hóa thế nào để vẫn giữ được cái gốc của mình.

B. HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG SINH HOẠT TÔN GIÁO

1. Hội nhập văn hóa trong ngôn ngữ của sinh hoạt tôn giáo.

Ngôn ngữ là cách để diễn tả tâm tình con người. Đặc biệt khi cầu nguyện, người ta sử dụng nhiều. Dù có cầu nguyện âm thầm trong lòng thì cũng vận dụng tới ngôn từ cách nào đó để tự mình hiểu được đang bày tỏ với Thần Linh điều gì.

Khi người ta đọc kinh, cầu nguyện hoặc thuyết giảng là lúc chúng ta dễ nhận ra yếu tố văn hóa của tôn giáo ấy. Một điều khó giải thích trong cộng đồng người Viêt được gọi là đồng bào thế mà hai gia đình ở sát vách nhau lại có hai nền văn hóa khác nhau rõ rệt chỉ bởi vì khác tôn giáo! Điều này dễ thấy khi họ bộc lộ niềm tin trong cuộc sống sinh hoạt tôn giáo hằng ngày nói riêng và trong đời sống sinh hoạt nói chung. Có khi hai tín đồ đã cùng đi học chung với nhau từ nhỏ, thậm chí học chung thầy cô giáo nữa mà vẫn có sự khác biệt rất xa về ngôn ngữ trong khi sinh hoạt tôn giáo. Lời kinh và tâm cầu nguyện của đạo Công giáo, đạo Phật giáo, đạo Hồi giáo... khác nhau hoàn toàn. Như vậy, ý thức hệ của tôn giáo đã ngấm sâu và ngấm rất kỹ vào tâm thức của người ta rồi ; khiến cho ngôn ngữ văn hóa của trường học không thể lấn át và lẫn lộn với ngôn ngữ tôn giáo của họ được. Đấy là điều rất thực tế. Nhưng nhiều khi văn hóa trong ngôn ngữ của trường học mà chúng ta đã trải qua, thường phù hợp với thời đại và từ ngữ có vẻ khoa học hơn nên dễ hiểu và văn minh hơn là từ ngữ người ta sử dụng trong các cách diễn tả của nhà đạo thuần túy. Nhất là trong lời kinh. Có lẽ vì chúng ta không chịu cập nhật hóa để thay đổi từ ngữ trong lời kinh hoặc là cứ sử dụng lời kinh ấy hết đời nọ sang đời kia. Chả thế mà người ta có câu nói cửa miệng “văn nhà đạo” hay “ kinh nhà đạo gạo nhà chùa”.

Là một người theo tôn giáo này đến nơi thờ phượng của tôn giáo kia mà nghe tín đồ ở đây đọc kinh cầu nguyện thấy rất xa lạ, thậm chí có chỗ tức cười nữa. Ví dụ gặp những từ ngữ nước ngoài không được chuyển hóa sang tiếng Việt như là : Amen, Halleluia, Adiđà Phật hoặc những tiếng Arập của đạo Hồi thì mấy ai hiểu nổi. Mặc dù có lý do hiển nhiên bởi đây là những tôn giáo du nhập từ nước ngoài nên bao giờ cũng còn dấu vết của nền văn hóa lai căng, đôi khi bệ nguyên xi ngôn ngữ của người nước ngoài. Ví dụ thời còn sử dụng ngôn ngữ Latinh đối với đạo Công giáo và tiếng Arập đối với đạo Hồi giáo. Dường như người ta cứ muốn duy trì, bảo vệ ngôn ngữ và lời kinh cổ điển theo cách diễn tả của các nhà truyền giáo cách đây bao nhiêu thế kỷ cho những đám quần chúng còn quê mùa, dốt nát, kém học thức. Làm sao có thể phù hợp với con người trong thời đại văn minh tiến bộ hôm nay được?

Ước mong cá nhân là làm sao khi chúng ta nghe bất cứ một lời kinh, lời cầu nguyện của bất kỳ một tôn giáo nào ở Việt Nam này phải là lời kinh hay về từ ngữ văn chương và cách diễn tả nội dung phù hợp với nhận thức của con người thời đại. Không nên máy móc bắt chước hay cố tình bảo thủ làm cho người nghe thấy khó hiểu lời cầu nguyện của chúng ta. Đây cũng là một khía cạnh trong lãnh vực truyền giáo. Và thực sự là văn hóa của người Việt đã hội nhập trong lời kinh và sinh hoạt tôn giáo nói chung. “Các Nghị Phụ ghi nhận rằng công bố Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh duy nhất có thể sẽ gây nên những khó khăn đặc biệt trong các nền văn hóa tại đây, vì nhiều tôn giáo Á Châu dạy rằng các Thần Linh của các tôn giáo đó đều tự tỏ hiện như là trung gian đem lại phúc cứu độ. Thế nhưng, thay vì làm nản lòng các Nghị Phụ, những thách đố đặt ra cho các nỗ lực phúc âm hóa trên đây càng thôi thúc các ngài tìm cách truyền tải “đức tin mà Giáo Hội Á Châu đã kế thừa từ các tông đồ, cũng là đức tin mà Giáo hội Á Châu đang kiên trung gìn giữ cùng với Giáo hội qua mọi thời mọi nơi… Nhìn trong viễn tượng ấy, đã nhiều lần các Nghị Phụ nhấn mạnh rằng phải rao giảng Tin Mừng bằng cách nào để đánh động được cảm quan của các dân tộc Á Châu, giới thiệu cho họ những hình ảnh về Đức Giêsu cách nào mà tâm trí và văn hóa Á Châu có thể lĩnh hội được, nhưng đồng thời vẫn phải trung thành với Kinh Thánh và Truyền Thống. Chẳng hạn như giới thiệu “Đức Giêsu Kitô là Thầy Dạy sự Khôn Ngoan, là Lương Y chữa lành bệnh tật, là Vị Giải Phóng, là Nhà Hướng Dẫn Tâm Linh, là Đấng Giác Ngộ, là người Bạn đầy thông cảm của người nghèo, là người Samari nhân hậu, là Mục Tử tốt lành, là Người Sống Tùng Phục”. Có thể giới thiệu Đức Giêsu như hiện thân của Khôn Ngoan Thiên Chúa, nhờ đó những “hạt giống”của sự khôn ngoan thần linh vốn đã có nơi cuộc sống, tôn giáo và các dân tộc Á Châu sẽ sinh hoa kết trái. Đứng trước biết bao đau khổ mà các dân tộc Á Châu phải chịu đựng, tốt nhất nên loan báo Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh Đấng “có thể mang lại ý nghĩa cho những người đang phải chịu đựng những đau khổ khôn tả”(ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo hội tại Á Châu, chương hai, số 10 & chương bốn, số 20).

2. Hội nhập văn hóa trong cử chỉ sinh hoạt tôn giáo.

Cung cách và tâm tình cầu nguyện khác nhau thì ngôn ngữ và cử chỉ bộc lộ khi cầu nguyện cũng khác nhau. Đây là điều rất hiển nhiên và phù hợp với con người tự nhiên của ta. Cử chỉ bên ngoài diễn tả nội tâm bên trong. Chúa Giêsu đã nói : “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12, 34b). Và khi nói ra thường có kèm theo cử chỉ.

Trong đời sống sinh hoạt tôn giáo có rất nhiều cử chỉ khác nhau. Cách riêng trong phụng vụ của Kitô giáo có nhiều cử chỉ khi cử hành liên quan đến vấn đề hội nhập văn hóa chúng ta cần bàn đến.

Trước đây, từ thời còn làm lễ bằng tiếng Latinh thì có nhiều cử chỉ phải nói là rất Tây. Như là bái gối, bắt tay, ôm hôn nhau lúc trao bình an…Những năm gần đây, HĐGM lưu ý nhiều tới vấn đề hội nhập văn hóa nên đã có sự thay đổi dứt khoát với những cử chỉ này. Như vậy, cử chỉ bên ngoài chính là cung cách diễn tả nền văn hóa của mình, không những thế nó còn giúp người ta dễ dàng bộc lộ tâm tình khi cầu nguyện. Cũng như khi ta yêu mến người này người kia thế nào thì chúng ta thường bộc lộ tâm tình hay cử chỉ tương xứng thậm chí dâng tặng quà cáp cũng vậy thôi. Đứng trước Thần Linh, con người luôn thấy có nhu cầu cần cầu nguyện. Việc cầu nguyện thoải mái nhất có lẽ là chính cá nhân tự bộc lộ. Cử chỉ này hòan toàn tự do sáng kiến hay ý thích cá nhân. Nhưng cử chỉ trong trong phụng vụ thì phải theo kỷ luật của Giáo hội. Vì vậy, cử chỉ của phụng vụ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sao phù hợp với thời đại và nền văn hóa dân tộc. Không nên áp dụng cái của nền văn hóa khác làm của mình. Cũng như không áp dụng cái gì quá sớm khi còn đang trong vòng thử nghiệm hoặc tranh luận. Cũng không nên giữ cái gì đã quá cổ hoặc quá xa lạ với cái nhìn và văn hóa thời nay.

Ngày còn bé, khi vào đình chùa thấy người ta ngồi phủ phục bái lạy thần Phật trông bật cười quá vì đạo Công giáo không hề có tư thế này trong phụng vụ. Đạo Công giáo thì ngược lại chỉ có những cử chỉ rất là Tây. Thế mà bây giờ nhìn vào những cử chỉ và tư thế cầu nguyện bên đình chùa lại thấy hay hay, xem ra phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn. Như chúng ta đã thấy cung cách tiếp khách của người Nhật, người Tàu và một số nước Á Châu. Đúng là văn hóa của Á đông mình nhưng chưa được áp dụng bao nhiêu với tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là đạo Công giáo của mình.

Có những nơi áp dụng một số kiểu hội nhập văn hóa đối với những việc ngoài khung cảnh phụng vụ. Ví dụ : khi dâng hoa, nguyện ngắm, rước xách, cung nghinh Thánh Thể, niệm hương,… làm cho khung cảnh của cuộc gặp gỡ tôn giáo rất là sống động, phong phú, gần gũi và thích hợp với đời sống quần chúng hôm nay. Như vậy, chúng ta chưa vận dụng hết mọi tư thế của con người trước Đấng Tối Cao. Nhiều khi chúng ta chỉ chung một cử chỉ dành cho Thiên Chúa cũng như Đức Mẹ và các thánh ! Chẳng hạn cúi đầu hay chắp tay. Từ đó biến thành một thói quen khiến người ta không phân biệt được đấng nào cao hơn đấng nào nữa hoặc nếu muốn rõ thì phải mất công giải thích. Trong hình thức ngắm đứng mùa chay, tuần thánh ở các xứ đạo miền quê khi ngắm tới tên cực trọng Chúa Giêsu thì người ta bái gối, tên Đức Mẹ và các thánh thì cúi đầu….Các trẻ em trông thấy vậy thì hiểu ngay. Nhận thấy giáo dân của ta nhiều khi gặp các giám mục và linh mục thì khúm núm, khép nép cúi đầu sâu để chào kính nhưng khi vào nhà thờ thì chỉ cúi nhè nhẹ hoặc đi qua Mình Thánh Chúa cũng chẳng thèm cúi chào!

Hội nhập văn hóa trong ngôn ngữ và cử chỉ của sinh hoạt tôn giáo nói chung phải diễn tả sâu sắc nội dung giáo lý, phải mang chiều kích nhân bản và văn hóa thực sự thì mới mong người khác có thiện cảm với đạo ấy đồng thời sứ điệp của Tin mừng mới dễ thẩm thấu vào lòng người dân.

C. HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT TÔN GIÁO

1. Ánh sáng, mầu sắc

Nói tới ánh sáng là nói tới màu sắc. Không cần phải là chuyên viên mới biết cảm nhận mầu sắc. Dĩ nhiên chuyên viên thì biết phân tích chính xác hơn. Bản thân họ tự xếp đặt hài hòa trật tự, nghệ thuật. Nhưng người bình thường là giáo dân như chúng ta khi bước vào một ngôi thánh đường cũng tự đánh giá, cảm nhận được mầu sắc qua việc bố trí ánh sáng.

Anh sáng nơi thờ phượng trước hết phải diễn tả được điều linh thiêng của thánh đường. Khỏi cần nói tới mầu gì đi với mầu gì. Anh sáng nơi thờ phượng không nên chói lọi, gay gắt khiến người ta không dám ngửa mặt lên bàn thờ. Nếu muốn phải đeo kính râm! Anh sáng nơi thờ phượng cũng không được nhập nhòe, lên xuống, chạy ngang chạy dọc hết mầu nọ đến mầu kia theo kiểu sân khấu ca nhạc làm người ta chia trí không cầu nguyện được, mặc dầu trẻ con coi không buồn ngủ ! Cũng không để ánh sáng mờ nhạt quá đến nỗi vào nhà thờ không nhìn thấy bàn quỳ, ghế ngồi ở đâu thì nguy hiểm. Có những giáo xứ không biết có phải vì tiết kiệm điện hay không mà chỉ đến khi Linh mục ra dâng lễ mới bật điện sáng, còn trước đó cả nhà thờ tối om trừ vài ngọn điện rất nhỏ trên bàn thờ.

2. Trang trí

Nói tới trang trí là một nghệ thuật thì dễ hiểu hơn. Vì đã đụng tới trang trí thì phải công phu, cầu kỳ, tốn kém mới đạt mức độ là nghệ thuật, nếu không chỉ là một mớ hỗn độn các vật liệu….

Cũng như ánh sáng và mầu sắc, trang trí trong thánh đường phải diễn tả được điều linh thánh qua biểu tượng và cách xếp đặt. Làm sao người ta nhìn vào việc trang trí của thánh đường là họ hiểu ngay về vấn đề tôn giáo. Ít có nhà thờ mời các chuyên viên làm cố vấn cho việc này. Đặc biệt nhà thờ miền quê hay nơi nào mà linh mục coi sóc không quan tâm gì đến việc này thì đừng hòng mà thay đổi được điều gì trong nhà thờ !

Thánh đường mà trang trí lòe loẹt, đầy chữ nghĩa rườm rà trông thật bệ rạc, quê mùa làm giảm giá trị thánh thiêng, đôi khi bị hiểu lầm về giáo lý nữa. Có nhà thờ, trên cung thánh đặt tới bốn tượng Đức Mẹ với bốn tước hiệu khác nhau, hai bên hông thì vô vàn vị thánh nọ thánh kia mà tượng Chúa chuộc tội lại rất nhỏ, treo thấp, để ẩn khuất, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy! Ngược lại nếu trong thánh đường, đặc biệt gian cung thánh mà đơn giản quá sức thì cũng không hợp lý, đôi khi bị đánh giá là chạy theo Tin lành hoặc Hồi giáo.

Ngoài ra, cũng cần để ý tới chỗ ngồi của vị chủ tế, vị trí bóng điện, chỗ đặt bình hoa, vải nền, bức phông tường nhà, trần nhà,….tất cả phải bộc lộ được nghệ thuật xếp đặt sao cho hài hòa, đẹp mắt tương xứng với ngôi thánh đường và thời gian diễn ra cử hành phụng vụ.

3. Đàn hát

Đàn hát trong nhà thờ là một loại nghệ thuật tôn giáo cho nên cách thể hiện nó hoàn toàn khác với ngoài đời. Đàn hát phải giúp cho người khác dễ dàng nâng tâm hồn lên cùng Chúa, chứ không đàn hát để biểu diễn tài nghệ, để phô trương, quảng cáo. Vì thế, phải tránh không gây ra điều gì chia trí cho cộng đoàn. Kể cả tác phong và cách ăn mặc của ca viên, nhạc công. Mà muốn đàn hát cho đúng nghệ thuật của thờ thì phải nắm vững nguyên tắc, phải tập luyện tới nơi tới chốn. Muốn biết chi tiết hơn xin tìm đọc những bản văn liên quan tới thánh nhạc và phụng vụ.

4. Điêu khắc

Cũng như các thể loại nghệ thuật khác, nghệ thuật điêu khắc tôn giáo cũng luôn thay đổi và được thích ứng hội nhập sao cho phù hợp và gần gũi với văn hóa dân tộc. Phải nói rằng những năm gần đây nghệ thuật điêu khắc của ta có xu hướng tiến bộ rất nhanh, được áp dụng kịp thời, được công chúng đón nhận dù là những điều xem ra còn rất mới lạ và khó hiểu. Có nghĩa là trình độ hiểu biết và mức độ cảm nhận nghệ thuật của dân ta cũng không vừa.

Nhiều thánh đường hiện nay đã có những bức tượng điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Không chỉ là nghệ thuật tôn giáo mà cả về phương diện nghệ thuật nói chung. Đi nhiều nhà thờ trong thành phố HCM, đã nhận ra có những nhà thờ biết bố trí và tạo được những bức điêu khắc hài hòa trong khoảng không gian và cấu trúc của cả ngôi thánh đuờng ấy. Thường thì những nơi này cũng thu hút được nhiều khách thập phương về đây tham quan. Bởi người ta thấy có nhiều cái hay, cái mới về nghệ thuật đáng xem, đáng thưởng thức. Nguyên việc được người ta đến chiêm ngưỡng hoặc chụp ảnh đã là điều mừng rỡ rồi, còn nếu họ đến để cầu nguyện nữa thì càng tốt. Nhưng tin chắc rằng đứng trước bức phù điêu, họa ảnh sống động người ta rất dễ có tâm tình cầu nguyện sốt sắng. Phải chăng đấy không phải là chủ đích của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo ?

Nhìn những bức tượng trong nhà thờ được làm cách đây mấy chục năm trước có vẻ không ăn mắt lắm qua đường nét, tư thế, màu sắc. Dĩ nhiên, cũng có nhiều bức tượng có từ mấy trăm năm về trước mà nay vẫn tuyệt vời về giá trị nghệ thuật. Vì vậy, trong nhà thờ phải thích ứng giữa tân và cổ, giữa truyền thống và hiện đại thế nào đó cho phù hợp để gọi là có nghệ thuật tôn giáo. Chúng ta phải tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng những tinh túy về nghệ thuật để dành cho Thiên Chúa những gì là hay và đẹp nhất, vì Ngài là nguồn của Chân, Thiện, Mỹ.

5. Cử chỉ

Cử chỉ của chúng ta trong thánh đường, tạm gọi là một thứ nghệ thuật trong tôn giáo. Cử chỉ này phân biệt riêng cho nhiều giới khác nhau trong thánh đường.

a/Người cử hành phụng vụ

Họ có cử chỉ dành riêng được quy định trong luật cử hành phụng vụ. Không được làm khác đi. Nhưng cũng không làm một cách máy móc như vô hồn. Nó có tính nghệ thuật tôn bởi nó có cái hồn riêng của nó, dù rất đơn giản. Người không có hồn cũng chẳng cảm nghiệm thấy. Cho nên, nếu người cử hành phụng vụ diễn tả sống động cử chỉ và cung cách cử hành của mình là đang diễn tả một thứ nghệ thuật tôn giáo trong thánh đường.

b/ Người làm công tác phục vụ trong thánh đường

Những người này có thể là ca trưởng, ca viên, giúp lễ, người dọn dẹp bàn thờ, hoa nến…. Mọi cử chỉ của những người này khi xuất hiện trước cộng đoàn phải đẹp mắt, đừng thô kệch quê mùa, vụng về hay lấc cấc làm cho mất vẻ tôn nghiêm, sốt sắng của nơi thờ phượng. Có những cử chỉ của giới người này phải công phu tập luyện lắm mới gọi là nghệ thuật nói chung, cách riêng nghệ thuật trong thánh đường ( ví dụ ca trưởng bắt nhịp, người đệm đàn). Tuy nhiên, thánh đường không phải là nơi lạm dụng nghệ thuật. Nhưng phải hiểu là tất cả đều phải có nét đẹp riêng, có ý nghĩa riêng để diễn đạt một chiều sâu vô hình.

c/ Người vào trong thánh đường

Điều này có lẽ hơi quá đáng khi bảo rằng, tất cả mọi người khi bước vào thánh đường cũng phải có nghệ thuật riêng. Mà là thứ nghệ thuật thánh nữa! Đúng vậy. Nghệ thuật ấy không ai quy định và thành luật cho nó nhưng chính là cử chỉ thái độ của chúng ta khi bước vào và đi lại trong nhà thờ. Khi nó đạt được mức độ trang trọng, tôn nghiêm, kèm theo cung cách văn hóa Á đông nhằm diễn tả chiều kích tâm linh của con người trước Đấng Tối Cao thì đấy là một loại nghệ thuật tôn giáo, nghệ thuật trong thánh đường. Do đó, cử chỉ và cung cách ở trong nhà thờ của chúng ta phải khác với bên ngoài, khác với những người không có cùng niềm tin với ta.Trong thánh đường dành cho Thiên Chúa đừng pha tạp lộn xộn, nhiễu nhương, lệch lạc, bất xứng.

Nếu Đức Kitô đã nhập thể làm người rồi thì “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2, 21-22).

D. Kết Luận

Những tản mạn suy tư trên muốn hướng đến một thao thức là làm sao có một lối ứng xử mục vụ mang đậm bản sắc văn hóa. Có những công trình văn hóa giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Có những cơ sở văn hóa để phát triển. Có tiềm năng văn hóa để tự hào vươn lên và phục vụ con người. Có cái nhìn văn hóa để khai thông những bế tắc còn tồn đọng giữa ranh giới với cá nhân, tập thể, môi trường, tôn giáo, quan niệm và ý thức hệ ngay nơi cộng đồng của mình.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
 
Kẻ chết sống lại
Văn Hào
09:29 07/04/2012
Kẻ chết sống lại

Từ tiếng pháp « la chair » có thể được hiểu theo nghĩa tiếng việt trong ngôn ngữ đạo Thiên Chúa là xác thịt, xác phàm, người phàm . Cho nên, thành ngữ « la résurrection de la chair » trong kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo được dịch sang việt ngữ là « kẻ chết sống lại ». Chúng ta thấy chữ « người phàm » chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết (xem : sách Sáng Thế chương 6, câu 3 ; Thánh Vịnh 56, câu 5 ; Sách Tiên Tri Isaia chương 40, câu 6). « Kẻ chết sống lại » có nghĩa rằng sau sự chết không chỉ có sự sống của linh hồn bất tử, mà kể cả « thân xác hay chết » (xem : Thư thánh Phao Lồ gửi giáo đoàn Rôma 8, 11) của chúng ta tìm lại sự sống.

Ðối với con người, tương lai là một huyền nhiệm vượt quá những khả năng tưởng tưởng lí trí. Kinh nghiệm của con người trên thế giới này là kinh nghiệm về một cuộc sống hữu hạn và phải chết . Thánh Âu Tinh là một điển hình bộc bạch cho chúng ta về kinh nghiệm đó. Vả lại, đó là một thực tế không thể bác bỏ và nó đè nặng lên mọi người. Kinh nghiệm về tính hữu hạn dẫn con người tự chất vấn về vấn đề số mệnh của chính mình. Ðâu là số mệnh của chúng ta với tư cách là con người ? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa nào ? Trong con người có tồn tại một yếu tố thiêng liêng (ví dụ như thần trí, linh hồn) có khả năng sống sót sau sự chết của thể xác ? Làm thế nào trả lời được những câu hỏi trên ?

Ðức tin ki tô giáo nói về niềm hy vọng trong sự phục sinh của kẻ chết. Ðâu là ý nghĩa của một xác tín như vậy ? Nhiều người sống không mong đợi gì khác ngoài quảng thời gian ngắn ngủi sống trên đời này. Làm thế nào để loan báo cho họ đức tin vào một Thiên Chúa không ngừng yêu thương trong Ðức Ki Tô phục sinh, Con một của Thiên Chúa, là Lời đã trở nên người phàm bằng việc nhập thể, một Thiên Chúa không ngừng thông chia với chúng ta hết thảy sự sống của Ðấng Phục Sinh ? Làm thế nào hiểu khẳng định của đức tin trong ki tô giáo về việc kẻ chết sống lại ? Theo chiều hướng nào đức tin ấy là một câu trả lời cho câu hỏi về số mệnh của con người ?

Trong bài viết này, chúng ta muốn cùng nhau lắng nghe câu phúc đáp trong ki tô giáo. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nhắc lại những sự thể hiện về sự sống lại trong nguồn thánh kinh, đặc biệt trong truyền thống do thái giáo và ki tô giáo sơ khai. Tiếp đó, chúng ta sẽ nghiên cứu khái niệm về tinh bất tử của linh hồn trong truyền thống triết học cố của Platon nhằm đánh dấu khái niệm triết học này về sự bất tử của linh hồn có khác gì với sự sống lại. Khác với suy tư triết học, niềm hy vọng vào sự sống lại không phải là hoa quả của sự suy tư lí trí nơi con người. Tiếp nữa, chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề sự sống lại đối với thuyết luân hồi trong các tôn giáo ở Ðông Phương. Qua đó, bài viết này sẽ cho phép chúng ta đối thoại với những truyền thống tôn giáo khác. Cũng qua bài tìm hiểu này, chúng ta sẽ nhận ra rằng để tìm được mảnh đất chung cho đức tin ki tô giáo về sự sống lại và thuyết tin sự luân hồi trong các tôn giáo hin-đu và phật giáo là thực sự khó.

I. Sự khai sinh niềm tin vào sự sống lại trong Cựu Ước.

Cựu Ước là danh từ mà truyền thống Giáo Hội dùng để gọi Sách thánh của Do Thái Giáo. Khi Giáo Hội Công Giáo chính thức xác định những văn thư cũng như bốn sách Tin Mừng vào trong tính qui điển với tên gọi là Tân Ước, thì những sách kế thừa từ Do Thái Giáo được gọi là Cựu Ước.

Con người trong Kinh Thánh, giống như con người nói chung, trải qua những giai đoạn rối ren trong cuộc sống, rối ren trước sự chết, trước đau khổ, trước sự giữ, trước bất công, trước sự từ bỏ của người khác. Chính vì vậy con người kêu lên Thiên Chúa : « Chuá đâu làm phép lạ cho người đã mạng vong. Âm hồn đâu trỗi dậy ca tụng Chúa bao giờ ? » (Tv 88, 11). Trong sách Gióp cũng có lời nói rằng « con người chết rồi làm sao sống lại được » (G, 14, 14) vân vân. Một trong những kinh nghiệm mang tính quyết định của sự tin tưởng của dân Ít ra en vào Thiên Chúa là sự kiện xuất hành. Sự kiện này nói lên việc họ chuyển từ đời sống nô lệ ở Ai Cập đến đời sống tự do ở miền đất Thiên Chúa hứa cho họ, miền đất Canaan. Xuất hành là kinh nghiệm về một Thiên Chúa hành động vì con người. Xuất hành cũng là kinh nghiệm về một Thiên Chúa không phải của những kẻ chết, mà là của những kẻ sống. Trong những lúc tồi tệ nhất, đau đớn nhất, dân Ít ra en hướng về Thiên Chúa đó.

Có một lúc quyết định đối với niềm hy vọng của dân Thiên Chúa vào sự sống lại là sự kiện về « con người » trong sách Ða-ni-en, chương 12, câu 1-3. Sách Ða-ni-en có thể được xác định vào thế kỷ thứ hai trước kỷ nguyên chúng ta, tức trước Chúa Giê Su giáng sinh. Trong chương sách này có đề cập đến những người chết vì niềm tin của họ do cuộc bách hại hy lạp và gợi lên một viễn cảnh về một thế giới trên trời, về đời sống vĩnh cửu vượt qua những khổ đau đã giày xé con người và muốn hủy hoại nó. « Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao » . (Ðn 12, 1-3)

Chúng ta còn có thể nêu ra một chứng cứ khác nữa không kém tính quan trọng trong việc khai sinh ra niềm hy vọng về một sự sống đời đời. Ðó là sách Macabê quyển thứ hai. Trong sách này có nói đến ý tưởng về sự sống lại của thân xác. Ở chương 6 chỉ đến sự tin chắc về sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong sự chết nữa. Còn ở chương 7 thì kể đến cái chết của bảy anh em với một niềm xác tín rất quan trọng : « Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời ». (2Mcb 7, 9). Thiên Chúa sẽ trả lại hơi thở và sự sống cho con người do Người tạo dựng nên (2Mcb 7, 23). Trái lại, kẻ bách hại là Vua nhân trần thì không được sống lại để nếm hưởng sự sống bất diệt (2Mcb 7, 14).

Niềm xác tín đó vào sự sống lại dần dần được hình thành và trở nên thành phần của đức tin của dân Ít ra en. Niềm xác tín vào sự sống lại sẽ mang tính cấu thành của truyền thống pha- ri- siêu- ra-bi. « Toàn thể It-ra-en đều có phần trong thế giới tương lai…Nhưng những kẻ cho rằng không có việc kẻ chết trở lại với sự sống thì sẽ không có chỗ trong thế giới tương lai theo sách Tora, tức sách Luật Môi Sen. » (mSanh 10, 1)

Thế nhưng, vẫn có sự mập mờ của niềm hy vọng vào sự sống lại. Giải thích thế nào về việc không có ý tưởng về sự sống lại của kẻ chết trong môi trường sống tại các cộng đồng Qumran ? Các sách Qumran không nói lên điều gì rõ ràng về đức tin vào sự sống lại. Ðể giải thích cho lỗ khuyết đó, Hermann Lichtenberger đưa ra hai giả thuyết : « hoặc là cộng đồng Qumran không hy vọng vào sự sống lại trong tương lai của kẻ chết, hoặc là niềm tin đó là một một điều quá đỗi hiển nhiên nên con người của cộng đồng này không thấy cần thiết phải bàn đến nữa như là một chủ đề đặc biệt. » Chúng ta cũng có thể kể đến lập trường bảo thủ của nhóm Sa-đốc thời Chúa Giê Su. Họ phủ nhận việc kẻ chết sống lại và việc phán xét (Mc 12, 18-27 ; Cv 4, 1-2 ; 23, 8).

Vậy đâu là khuynh hướng chính xác của niềm tin vào sự sống lại trong Cựu Ước ? Phải chăng đó chỉ là khuynh hướng về việc trông chờ ơn cứu độ, cứu chuộc ? Hay đó chỉ là một sự phán xét hoàn cầu vào ngày sau hết trước Thiên Chúa ? Sự sống lại chỉ dành cho những người công chính ? Tính phức tạp của các cứ liệu về niềm hy vọng vào sự sống lại trong Cựu Ước khiến khó đưa ra câu trả lời dứt khoát. Tóm lại, theo Jürgen Moltmann , thuật ngữ « kẻ chết sống lại » trong Tân Ước vượt xa kẻ chết trong ngôn ngữ của Cựu Ước. Công thức của cựu ước « moị xác phàm ; mọi phàm nhân, mọi chúng sinh » hoặc « không xác phàm nào » (Xem : Sách Sáng Thế 9, 11 ; Thánh Vịnh 65, 3 ; 145, 21 ; Sách Giô-en 3, 1) không chỉ nhắm đến con người trong tính thân xác, nhưng kể cả động vật nữa, tức « moị loài có sự sống ».

II. Niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại trong những viễn cảnh của đức tin và các nền thần học.

Sự sống lại của con người trong thân phận xác phàm trong ki tô giáo không thể được hiểu ngoài Ðấng vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Ðó là Ðức Giê Su Ki Tô. Tại sao ? Bởi vì sự sống lại của phàm nhân (tức là của con người trong tính tổng thể) thì phụ thuộc vào mầu nhiệm nhập thể và phục sinh của Ðức Giê Su Ki Tô. Như vậy, sự sống lại của kẻ chết được giải thích trong sự thật rằng nó phụ thuộc vào Ðức Ki Tô và vào chiều kích cứu độ nơi Ðức Ki Tô nữa. Chúng ta có những cứ liệu trong các thông điệp kinh thánh, nhất là trong tân ước và các thánh thư Phao Lồ cho phép nhận thấy rằng sự sống lại của kẻ chết, trong truyền thống ki tô giáo, là một trong những điều được xác thực sớm nhất. « Tôi tin kẻ chết sống lại » (Xem : Kinh Tin Kính của các Tông Ðồ ; « Chúng ta (chúng tôi) trông đợi kẻ chết sống lại » (xem : Kinh Tin Kinh của công đồng Nicée- Constantinople).

Như vậy, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê Su là trọng tâm của việc loan báo của những người ki tô hữu đầu tiên. Có một mối dây giữa hành động của họ với cái chết và sự sống lại của Chúa Giê Su : Dạng cổ nhất trong đức tin phục sinh của ki tô giáo sơ khai là công thức đức tin, một ngữ điệu diễn tả sự kiện phục sinh khi tập trung vào Thiên Chúa như là khẳng định về Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho Ðức Giê Su sống lại từ kẻ chết (Xem : Thư thánh Phao lồ 1 Tx 1, 9 ; Rm 10, 9 ; 2 Cr 4, 14 ; Gl 1, 1 ; Rm 4, 24 ; Cl 2, 12 ; Ep 1, 19 ; Thư thánh Phê rô 1 Pr 1, 21).

Hơn nữa, các Sách Tin Mừng kể lại sự sống lại của Chúa Giê Su như một sự kiện qua đó sức mạnh và ý muốn của Thiên Chúa tỏ hiện sự kiện toàn lịch sử khi giải phóng con người khỏi sự chết nhằm dẫn con người đến sự sống. Thánh Âu Tinh, trong bài giảng về sự sống lại của kẻ chết, chỉ rõ rằng « sự sống lại của kẻ chết là mục đích của niềm hy vọng và của đức tin chúng ta. Bỏ đức tin vào sự sống lại đồng nghĩa với việc phá đi nền tảng học thuyết ki tô giáo » . Quả thật, thánh Âu Tinh có được khẳng định trên nhờ thánh Phao Lồ « Nêú kẻ chết không sống lại thì Ðức Ki Tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Ðức Ki Tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, vả cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. » (1 Cr 15, 13-14)

Vậy chúng ta thấy vấn đề kẻ chết sống lại đụng đến một trong những khía cạnh căn bản của đức tin ki tô giáo ở mức nào. Niềm tin này bắt rễ trong Ðức Giê Su Ki Tô phục sinh. Chúng ta cũng thấy rằng không chỉ ý tưởng về sự sống lại theo quan niệm phân loại trong truyền thống do thái giáo cổ tiếp tục tồn tại trong tâm tính của con người thời Chúa Giê Su, mà nhất là niềm tin vào sự sống lại đó đã bị vượt ra xa hơn và được mặc lấy một chiều kích cứu độ được thực hiện trong sự kiện đã xảy đến với con người Giê Su Ki Tô. Và từ đó chúng ta diễn tả sự kiện đó với thành ngữ « kẻ chết sống lại ».

Nên hiểu thế nào thành ngữ « kẻ chết sống lại » hay sự sống lại của xác phàm. Ðối với niềm hy vọng ki tô giáo, sự sống lại ở đây không bao hàm thế giới động vật. Theo Moltmann, « quả thật việc tuyên xưng đức tin của Giáo Hôi sơ khai đã bị giảm theo nguyên tắc chung là chỉ đề cập đến con người » . Joseph Ratzonger thì viết : « Thành ngữ « xác phàm » không thể diễn tả hết những ý nghĩa của tiếng hy lạp trong kinh thánh. Từ Soma chỉ thân xác, nhưng cũng chỉ đến nhân vị. Và từ Soma cũng có thể là sarx, có nghĩa là thân xác trong thân phận trần tục, lịch sử, phải tuân theo những qui luật thể lí-hóa. Nó còn có thể là Pneuma- được hiểu là « thần khí » theo từ vựng, nhưng thực ra từ đó có nghĩa là : nhân vị xuất hiện lúc này trong một vật sờ mó được và tuân theo các qui luật thể lí –hóa. Nhân vị đó có thể xuất hiện trỏ lại cách dứt khoát trong một thể thức phi thể lí » .

III. Sự bất tử của linh hồn và / hay sự sống lại của kẻ chết.

Ðiều chúng ta quan tâm đặc biệt ở đây liên quan đến nước đôi sau : sự sống lại của kẻ chết theo như đức tin ki tô giáo tuyên xưng chỉ được qui theo ý tưởng về sự bất tử của linh hồn, hay là giữa hai điều này không có liên quan gì với nhau ? Sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của kẻ chết có được xem như hai khái niệm bổ túc cho nhau ? Chủ đề về sự bất tử của linh hồn có xa lạ với đức tin hay là chủ đề đó được bao hàm bởi đức tin ? Ðiều gì cho phép duy trì những khái niệm về linh hồn và sự bất tử đối với thần học và cánh chung học ki tô giáo ?

Trong tư tưởng triết học cổ, đặc biệt trong tác phẩm Phédon của Platon, con người được cấu thành bởi hai yếu tố thiết yếu : xác và hồn. Xác đại diện cho thế giới vật chất, có thể hư mất, có thể phân hủy. Hồn đại diện cho thế giới thiêng liêng, bất tử thuộc nguồn gốc thần thánh và vì vậy hồn không thuộc phạm trù tạo vật, nhưng thuộc thần tính và siêu việt. Như vậy, dòng triết học đưa ra một nhãn quan nhị nguyên về con người. Bởi vì xác (sôma) được xem là tù ngục giam hãm hồn, là phần mộ của hồn (séma). Hồn sống lưu đày trong xác. Cái chết của xác đem lại cơ hội giải phóng hoặc giải thoát cho hồn khỏi ngục tù thân xác. Sự giải thoát đó cho hồn trở về với quê hương vĩnh cửu của nó bởi vì sự chết là sự phân chia hồn khỏi xác. Cái có thế hư mất trong con người không thể liên lụy đến hồn lúc xác chết, vì rằng bởi bản chất thì hồn bất tử. « Ðây là những điều rất thật : sống lại, người ta sống lại từ kẻ chết, linh hồn của kẻ chết tồn tại » . Chúng ta tạm thỏa mãn kết luận trong phần triết học này khi chỉ rõ rằng sự bất tử của hồn là một xác tín sinh ra từ những suy tư con người. Nó là một sự tin tưởng vào cái gì đó không hư mất trong con người.

Vậy nhưng, điểm chúng ta quan tâm hơn cả trong bài tìm hiểu này không phải dừng lại ở sự bất tử của hồn, mà là để đối chiếu nó với niềm hy vọng về sự sống lại của kẻ chết trong đức tin ki tô giáo. Chúng ta sẽ tìm cách nói rõ điều gì nói lên rằng niềm hy vọng đó không chỉ được qui theo sự bất tử của hồn như chúng ta đã trình bày, trái lại niềm hy vọng kẻ chết sống lại thì liên quan đến con người với tất cả những gì cấu thành nên nó. Sự sống lại của kẻ chết là sự sống lại của con người nguyên vẹn, chứ không chỉ là sự sống của một phần nơi con người là hồn theo tư tưởng triết lí. Chúng ta có thể nêu ra ở đây một giảng dạy của công đồng Vatican II về con người. Ở đó chúng ta sẽ nhận ra cách hiểu về con người theo giảng dạy của Giáo Hội trong công đồng thì khác với thuyết nhị nguyên triết lí về con người : « Hồn và xác, nhưng thực sự chỉ là một, ngay trong điều kiện xác tính, con người là một bản thu nhỏ vũ trụ, đỉnh cao của vũ trụ vật chất là con người và nó có thế tự do ca ngợi Tạo Hóa (Ðấng tạo dựng chúng). Vậy con người không được coi thường sự sống thân xác. Nhưng trái lại, con người phải quí trọng và tôn trọng thân xác do Thiên Chúa tạo nên, và nó sẽ sống lại ngày sau hết» .

Ở đây chúng ta có một khái niệm rõ ràng đơn nguyên về con người trong ki tô giáo. Con người là một bởi sự kết hợp của xác và hồn. Như vậy, xác và hồn không còn là hai vùng xa lạ nhau như trong quan niệm triết học trường phái Platon. Hồn không còn được khái niệm như có bản chất cao hơn với xác. Hồn cũng chỉ thuộc phạm trù tạo vật như xác. Nếu trở lại rất xa trong quá khứ, chúng ta thấy thánh Âu Tinh dường như cũng đã đi theo lập trường của thuyết đơn nhất : « Là hữu hình thì xác chỉ có thể làm rung chuyển cái hữu hình. Cả hai (xác và hồn) cùng có một Ðấng Tạo dụng vô hình : hãy cùng kinh sợ Người. Chính Người đã tạo ra con người với hai yếu tố hữu hình (xác) và vô hình (hồn). Cái hữu hình được tạo ra từ đất, còn cái vô hình từ hơi thở của Ðấng Tạo Hóa, và bản chất vo hình đó là hồn. Hồn làm cho xác có sự sống » . Dầu vậy, khi nói đến nhân học ki tô giáo, vẫn có thế dùng từ « nhị nguyên » để chỉ hai phần xác và hồn, và cũng bởi vì trong truyền thống ki tô giáo, trạng thái sống sót của hồn sau sự chết không phải cuối cùng, cũng không phải cuối cùng về mặt bản thế. Trái lại, trạng thái đó chỉ mang tính « trung gian » và tạm thời, bởi cuối cùng hồn hồn cũng được qui đến sự sống lại. Tin Mừng thánh Mát-Thêu có thuật lại Chúa Giê Su « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. »

Chúng ta hãy trở lại trong tư tưởng thần học đương đại. Jurgen Moltmann nhấn mạnh về bản tính tạo hóa của linh hồn : « Moị khái niệm thần học về linh hồn hoặc về cái tôi phải xuất phát từ việc linh hồn là một tạo vật, bởi vì linh hồn hữu hạn, thay đổi, có khả năng yêu thương và chịu đựng, và như vậy linh hồn cũng thuộc nhân tính, chứ không phải thuộc thần tính. Vậy, linh hồn có thể chết, bởi vì chỉ có Ðấng Tạo Hóa mới bất tử. Chúng ta hãy nghe lời giảng dạy của thánh Phao Lồổtong thư gửi Timôtê : « Chỉ Thiên Chúa là Ðấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Ðấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy, khính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời » . Niềm xác tín về việc linh hồn có thể chết cũng xuất hiện trong tư tưởng thánh Âu Tinh : « Bơỉ chỉ Thiên Chúa là Ðấng bất tử, thì linh hồn có thể chết là điều không phải bàn cãi » .

Nếu như trong thời cổ đại hy lạp, dường như chiều kích thân xác của con người mất đi giá trị hiển sinh vì sự tan rã của nó sau cái chết, thì truyền thống Giáo Hội lại tiếp tục đề cao giá trị của thân xác ít ra vì hai lí do. Lí do thứ nhất liên quan đến việc tạo dựng nên con người và ơn gọi cuối cùng của con người và liên quan đến việc nhập thể tại thế của Ðức Ki Tô. Lí do thứ hai liên quan đến nguyên lí cứu độ. Vì thế trong thế kỷ thứ 3 và thứ 4 thuộc kỷ nguyên chúng ta, các Giáo Phụ không ngừng bảo vệ hai bản tính của Ðức Ki Tô, nên biết là nhân tính và thiên tính. Ðức Ki Tô thực sự là con người vì việc nhập thế. Con người được cứu đến tận trong nhân tính bởi vì xac phàm cũng đã được đảm nhận bởi Ðức Ki Tô làm người. Qua đó chúng ta thấy nguyên lí cứu độ nhằm đến điều gì theo giảng dạy của các Giáo Phụ : Những gì được đảm nhận bởi Ðức Ki Tô thì được cứu. Ðó là câu có thể tóm lược lập trường của một giai đoạn trong lịch sử của Giáo Hội nhờ các giáo phụ để lại.

Thế là đặc tính vô hình và bất phân li của thân xac với linh hồn một phần dựa vào việc ý thức đến phẩm giá con người trong chiều kích xác tính, và phần khác nhờ có được lời giải đáp trong nền tảng ki tô học. Hồng Y Joseph Ratzinger trong « Ðức tin hôm qua và hôm nay » thực sự đồng ý và nhấn mạnh đến đặc tính đó của nhân học ki tô giáo : « Một lần nữa chúng ta đã khám phá rằngcòn người không thể phân chia ; chúng ta sống xác tính (corporéité) với một cường độ mới, và chúng ta nhìn nhận tính thân xác là cần thiết để thực hình thành nên hữu thể con người. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tốt hơn thống điệp kinh thánh không hứa sự bất tử cho linh hồnbị tách khỏi thân xác, nhưng cho cả con người ». Qua đó, chủ nghĩa thuyết nhị nguyên trong triết học quả thật đối lập với lập trường ki tô giáo. Hơn thế nữa, đối với niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại của kẻ chết, ý tưởng về sự bất tử của linh hồn chỉ mới là một « lời giải đáp giữa chừng cho chủ đề định mệnh đời đời của con người » bởi rằng « sự sống lại của kẻ chết mà Thánh Kinh nói đến liên quan đến sự cứu độ con người toàn vẹn (homme tout entier), chứ không phải cho một phần nửa của con người, tức linh hồn mà thôi » .

Thần học công giáo theo thần học gia Ratzinger, có ba khía cạnh cho phép chúng ta không tuyệt giao hoàn toàn với sự bất tử của linh hồn. Thứ nhất, niềm hy vọng ki tô giáo « nhắm đến sự bất tử của con người, của hữu thể duy nhất là con người ». Thứ hai, sự bất tử đó mang đặc tính « đôí thoại », vì « công thức kinh thánh về sự bất tử nhờ sự sống lại tìm đem lại một ý tưởng về sự bất tử bao hàm con người toàn vẹn và dựa vào một sự đối thoại ». Cái đặc tính của con người chính là « việc được chất vấn bởi Thiên Chúa, là đối tác đối thoại với Thiên Chúa, hướng đến Ðấng siêu việt ». Thứ ba, sự bất tử của con người phải được mặc lấy tính liên đới giữa cá nhân với toàn thể nhân loại bởi vì sự sống lại được trông chờ vào « ngày sau hết » trong sự hiệp thông của mọi người.

Jüngel Moltmann cũng đề cập đến yếu tố đối thoại như sau : « trong quan hệ kinh thánh, quan hệ của Thiên Chúa với con người không phải là một mối quan hệ câm, nhưng là một quan hệ đối thoại. Những ai Thiên Chúa làm đối tác trong giao ước mãi là đối tác mà Thiên Chúa muốn nói bao lâu Người muốn, dù đối tác còn sống hay đã chết. »

Cho dù tính mập mờ vẫn còn, song le, về mặt thần học, chúng ta có thể nói về lình hồn và về sự bất tử của hồn ; Joseph Ratzinger trong « La mort et l’au-delà (Sự chết và thế giới bên kia) » tiếp tục sử dụng ngôn ngữ như vậy trong các bài trình bày về thần học và cánh chung học. Nhưng chúng ta hiểu tại sao « niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại của kẻ chết không phải sự sống sau sự chết, cũng không phải sự bất tử của linh hồn mà thôi. » Sự sống lại mà định mệnh con người chúng ta được mời gọi tới không phải là một sự trở lại với sự sống phải hư mất hoặc trong một sự sống khác cũng phải hư mất, nhưng sự sống lại là đi vào trong sự sống đời đời, trong sự sống của Thiên Chúa mà Người « mơì đã mời gọi và tiếp tục mời gọi con người thông phần cách toàn vẹn » .

Nên hiểu sự sống đời đời như thế nào ? « Nếu kẻ chết sống lại cho sự sống đời đời, sự sống đời đời có nghĩa gì ? Nếu đó là một sự sống khác sau sự sống trần thế, thì thuật ngữ « sự sống lại » sẽ sai lầm, và sự chết mặt nào đó sẽ là lúc sinh ra sự sống khác đó. Trong khi « sự sống lại của kẻ chết » có nghĩa rằng « Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt » (1 Cr 15, 54).

Niềm hy vọng vào sự sống lại của kẻ chết liên quan đến tương lai của kẻ chết thì thuộc phạm trù thời cánh chung, vì lí đo đó, nó chưa đạt đến cách trọn vẹn nơi con người trong thời hiện tại, sự hoàn thành trọn vẹn của sự sống lại nơi kẻ chết sẽ diễn ra vào thời tận thế với sự đi vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa. « Tiến trình về sự sống lại của kẻ chết đã bắt đầu với Ðức Ki Tô, vẫn tiếp tục trong « Thần Khí ban sự sống », và sẽ hoàn thành trong sự sống lại của những kẻ thuộc về Người và của mọi kẻ chết » . Vì thế mà sự liên kết giữa niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống lại của kẻ chết và thần học về Ðức Ki Tô thì không thể phân li. Theo André Dartigues : « không tiếp cận lí luận nào hoặc thuần khiết là triết học nào cho phép quên rằng, trong truyền thống tư tưởng thánh Phao Lồ và các giáo phụ, Ðức Ki Tô là Ðấng Trung Gian duy nhất, mà sự chết và sự sống lại dẫn đưa vũ trụ của tạo dựng đầu tiên đến sự kiện toàn trong vinh quang của Thiên Chúa» .

IV. Sự sống lại của kẻ chết và sự luân hồi trong đạo hin-đu và đạo phật.

Văn hóa đông phương có thể gọi là nền văn hóa mang nặng niềm tin vào sự sống sót của linh hồn. Ðiều đó được cụ thể hóa trong truyền thồng thờ cúng ông bà tổ tiên. Ðó là một cách nhìn nhận sự hiện diện của kẻ chết trong cuộc sống của những người còn sống. Ðó cũng còn được gọi là văn hóa của niềm tin vào khả năng hóa kiếp trong những sinh linh khác sau khi chết. Nền văn hóa như vậy nói lên rằng kẻ chết và người còn sống vẫn tiếp tục quan hệ với nhau. Người còn sống tiếp tục đặt niềm tin vào sự che chở của những người thân, bạn bè quá cố.

Ðâu là lập trường của người ki tô hữu ? Giáo Hội, trong dòng lịch sử, đã luôn phủ nhận luận đề về thuyết luân hồi. Giáo Hội đặc biệt ở những thế kỷ đầu không quan tâm lắm đến vấn đề kiếp hóa thân, tức sự hội nhập, « sự di chuyển của linh hồn » còn sống sót vào một đối tượng sinh linh khác nào đó. Ðâu là những lí do khiên Giáo Hội không chấp nhận thuyết luân hồi ? Trước hết, đối với những người ki tô hữu đầu tiên, việc hóa kiếp là một ý tưởng ngoại lại, nên xa lạ. Irénée thành Lyon đối lập luân hồi với tính duy nhất của con người vì lí do con người được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài cũng đối lập luân hồi với tính cá nhân, nhân phẩm, đặc tính không thể thay thể của thân xác và linh hồn theo Kinh Thánh (Lc 16, 19-31). Ngài loại bỏ ý tưởng về kiếp hóa thân bởi đức tin vào sự sống lại và sự xuất hiện của cá nhân từng người cho việc phán xét. Tertulien thì đề cập đến tính cá thể của linh hồn và vì vậy sự phán xét cuối cùng không hợp với thuyết luân hồi (Apol. 48 ; An. 33). Tertulien xem ý tưởng về việc hồn nhập vào đời sống thú vật là một điều ghê tởm và tai ác (Test. An. 4). Ngài nói về xác phàm chúng ta như là « chị em của Ðức Ki Tô » (Sœur du Christ) : « Xác phàm mà Thiên Chúa làm nên từ đôi tay của Người theo hình ảnh Người, mà Thiên Chúa truyền hơi thở nên giống với sức mạnh của sự sống Người, mà Thiên Chúa thiết lập để ngự trong công trình của Người, hưởng thụ và điều khiển nó, mà Thiên Chúa mặc cho những huyền nhiệm…, xác phàm ấy sẽ không sống lại sao, khi đã bao lần là thuộc về Thiên Chúa ? Ý nghĩ rằng Thiên Chúa có thể bỏ rơi công trình của bàn tay Người cho sự hư vô đời đời chăng, người chị (em) của Ðức Ki Tô… : Ðức Ki Tô yêu mến xác phàm vốn là tha nhân của Người với nhiều danh nghĩa » .

Thế nhưng thế giới đương thời bị cuốn hút hơn bao giờ bởi thuyết luân hồi, kể cả con người tây phương. Johann Baptist Metz và Hermann Haring nói lên tính phức tạp của vấn đề luân hồi vì có nhiều chú giải khác nhau : « Ý tưởng về sự đầu thai lại trong kiếp khác (luân hồi) được biết đến dươí nhiều dạng và giá trị của ý tưởng đó thì đa dạng. Ở Ấn Ðộ ý tưởng đó được sống như một con đường đau khổ, cần biết đó là chu kỳ không bao giờ muốn kết thúc, trong khi đó ở Tây Phương lại xem ý tưởng đó như một sự tiến hóa, như một con đường dẫn đến việc chu toàn con người. Cũng ý tưởng đó, trong các nền văn hóa khác, được xem như là cái dẫn đến sự giao tiếp với những người đã khuất, thì ở Tây Phương lại trở nên một sự tò mò thực sự đáng sợ liên quan đến quá khứ của con người. Giá trị được áp đặt cho thuyết luân hồi liên quan chặt chẽ tới những minh họa về con người và của tính cá nhân của nó, về xác và hồn, về một khái niệm theo chu kỳ của thời gian. Rút cục, sự luân hồi được ăn sâu trong một hình ảnh nào đó về đấng tuyệt đối, dù là im lặng hay hành động, thì vẫn chỉ là một đấng tuyệt đối vô danh hoặc trở nên vị Chúa yêu cách đắm say. Ý tưởng về kiếp luân hồi quá phụ thuộc vào kinh nghiệm của con người… Có lẽ chỉ ai tin ý tưởng đó mới có thể hiểu được nó. Có lẽ ý tưởng về kiếp luân hồi chỉ có thể là điều có thể hiểu được đối với những người ki tô hữu lớn lên trong những nền văn hóa đã thấm nhuần ý tưởng luân hồi. »

V. Sự sống lại và căn tính của con người : đối thoại với Thiên Chúa hay sự tiếp nối thời gian ? Một chủ đề đang bàn luận.

Chủ đề về sự sống lại của kẻ chết làm sinh ra ý tưởng về căn tính. Cái gì làm cho chúng ta thực sự là con người ? Con người chất vấn về chính mình vì con người là ột huyền nhiệm cho chính nó. « Ta là ai ? » Ðức tin ki tô giáo có được câu giải đáp theo ánh sáng từ sự sống lại của Ðức Ki Tô từ kẻ chết. Khẳng định về chiến thắng của sự sống lên sự chết tác động và hình thành nên căn tính của những người ki tô hữu. Căn tính của họ được diễn tả trong sự đối thoại với Thiên Chúa. Chúng ta đã nói đến chiều kích đối thoại theo thần học gia Joseph Ratzinger như là yếu tố cấu thành thiết yếu của con người. Chúng ta chỉ nói thêm ở đây hai gương mặt khác : thánh Âu Tinh và nữ thánh Tê- rê- xa thành Avila. Trong tập Tự Thuật, cả cuộc đời của Âu Tinh là một quãng đối thoại cao độ với Thiên Chúa. Cuộc đời của thánh nữ Tê rê xa có nhiều giai đoạn đối thoại trực tiếp với Thiên Chúa. Trong hai gương mặt đó, căn tính của con người được sống như đối thoại với Thiên Chúa.

Thật vậy, nếu căn tính của con người phải liên quan đến niềm hy vọng vào sự sống lại của kẻ chết, nhưng làm thế nào hiểu cái căn tính đó ? Theo Matthew Lamb, « moị người đều được gọi vào sự hiệp thông và sự liên đới vượt quá những vùng hạn hẹp và chủ nghĩa cá nhân đơn độc. Vì không ai có thể trả lời được câu hỏi « Ta là ai ? » nếu không tính đến những người đã sinh ra mình, những người mình đã và đang sống với. Không ai có thể nói mình là ai mà không nhắc đến những người khác mà con người và tình bạn đã là thành phần làm nên nhân phẩm của mình… Hiểu và biết mọi người sẽ dẫn chúng ta đến với Mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể trong Ðức Ki Tô. Con người đích thực đó là một Ngôi Vị Thiên Chúa. Vì mọi người, kể cả trong tính toàn vẹn, không bao giờ có thể hiểu được cách đầy đủ và có thể biết được hết mình chỉ trong chính con người mà thôi. Là con người, chúng ta ai cũng đến cách tận căn từ một Người Khác, nơi Người đó mình sống, chuyển động và có bản thể. Trong mầu nhiệm sống lại, nhân loại sẽ sống kinh nghiệm về lòng tốt được cứu chuộc cùng toàn thể tạo vật » .

Vậy nhưng, kinh nghiệm của con người thời hiện đại về căn tinh lại đánh dấu một thay đổi khá tận căn đặc biệt với dòng văn chương loại tự truyện. Jean- Jacques Rousseau muốn tách Thiên Chúa ra khỏi con người, đồng thời muốn tự chế tạo cho mình một vị chúa. Lúc này , « Thiên Chúa không còn là một đối tác đối thoại trong cuộc sống con người nữa, nhưng đúng hơn là một người chứng kiến để đánh giá. » Như vậy, vấn đề căn tính chỉ là một hiện tượng phụ. Chính trong bối cảnh đó, thuyết luân hồi lôi cuốn con người xã hội hiện đại, nhất là với khái niệm về « sự tiếp nối của thời gian » trong cuộc sống và não trạng con người. Như vậy, « căn tính đối với con người thời hiện đại dường như gắn kết với sự tiếp nối của thời gian trải dài từ quá khứ đến hiện tại và vào đến tận tương lai » .

Vấn đề chúng ta cần đặt ra là liệu thời gian có phải là vô hạn. Jean Baptist Metz quan tâm đến chủ đề này. Theo ông, ẩn chứa sau sự tranh luận về sự sống lại và thuyết luân hồi là vấn đề thời gian, vì thời gian theo kinh thánh thì có một quãng nhất định. Khái niệm về tính hữu hạn của thời gian trong Kinh Thánh là do khái niệm về thời cánh chung. Trong khi đó, cũng có một khái niệm về thời gian vô hạn trong triết học. Triết gia Nietzsche, với việc kẻ điên cho rằng Chúa chết trong tác phẩm Le Gai Savoir là một trong số họ. Cái chết của Chúa tạo đà cho triết gia có một chiều hướng chú giải như thế này rằng « cái vẫn tồn tại trong những gì diễn ra chính là thời gian » .

Kết luận : Niềm hy vọng sự sống lại của xác phàm, tức của con người toàn vẹn, không chỉ bắt rễ trong truyền thống đức tin vào Thiên Chúa của sự sống, nhưng còn có nguyên do sâu sắc trong cái đã xảy đến với Ðức Giê Su Ki Tô, cần biết đó là sự sống lại. Chúng ta sẽ mở ra một vào hậu quả thần học và đạo đức học.

Niềm hy vọng này phải được hiểu như là một thực tại đối thần, siêu nghiệm vượt quá khả năng tuwongr tưởng của con người. Và vì thế nó cần được đón nhận trong tự do. Niềm hy vọng đó cũng muốn chỉ ra rằng không gì mất đi đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người. Thiên Chúa luôn luôn trung tín với những lời hứa thông ban sự sống đời đời, sự sống bất diệt cho chúng ta. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê Su là sự mạc khải về định mệnh cuối cùng và vinh quang tương lai mà Thiên Chúa muốn cho mọi dân. Ðó cũng là sự mạc khải về kiểu mẫu của ý tưởng ki tô giáo về sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Chúa Giê Su chết và sống lại chi biết lịch sự của chúng ta tiến đến một đích điểm, một hồi kết, chứ lịch sử cuộc sống chúng ta không phải là một sự xuay tròn mãi mãi không điểm dừng.

Niềm hy vọng ki tô giáo vào sự sống lại là một niềm hy vọng cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là niềm hy vọng cho một mình ai đó. « Chúng ta thường hay khái niệm sự hy vọng cách cá nhân quá, như thể hy vọng ơn cứu độ là chỉ hy vọng cho một mình ta mà thôi. Vậy nhưng, niềm hy vọng chủ yếu là về những hành động của Thiên Chúa liên quan đến toàn tạo vật. Chúng ta trông chờ ơn cứu độ của cả thế gian. Thực vậy, niềm hy vọng là hy vọng mọi người được cứu độ-, và chỉ khi trong chừng mực tôi được bao hàm trong mọi người thì hy vọng được cứu mới tới tôi. » Cũng theo chiều hướng này, thần học gia Joseph Ratzinger đúc kết phần suy luận về việc sống lại của kẻ chết như sau : « Mục đích của người ki tô hữu không phải để được chúc phúc cho riêng mình, mà là được cùng chúc phúc với mọi người. Là người tin vào Ðức Giê Su Ki Tô, vì thế người tín hữu tin vào tương lại của thế gian, chứ không chỉ tin vào tương lai của cá nhân mình. Nó biết rằng tương lai thì ở ngoài những gì nó có thể thực hiện. Nó biết rằng có một Ý Nghĩa mà nó không có khả năng phá đi. »

Về mặt đạo đức học, đức tin vào sự sống lại có hậu quả đến cuộc sống con người ở hạ thế. Con người được mời gọi sống trọn vẹn cuộc sống ở đời này, không xem thường hạnh phúc trần thế, yêu thương và tôn trọng sự sống thân xác bởi vì thân xác và linh hồn cấu thành con người và có ơn gọi quí giá vào « ngaỳ sau hết » : « Có một ngày sau hết mà định mệnh của mỗi người riêng biệt sẽ được chu toàn, bởi vì lúc đó định mệnh của toàn nhân loại được chu toàn » .


Văn Hào

 
Đức Kitô Đã Phục Sinh Halleluja!
Thanh Sơn
18:34 07/04/2012
Đức Kitô Đã Phục Sinh Halleluja!

Kể em nghe chuyện về ngôi mộ trống
Vì kẻ chết đã sống lại thật rồi
Ánh hào quang vượt trội bước lên ngôi
Ngài quyền uy đã ngồi trên cõi chết
Lũ âm mưu tà quyền đã quy kết
Ghép tội khiên giết chết Ngài, nhục thay!
Sợ sự thật chẳng dám bắt ban ngày
Chờ đêm xuống phản Thầy tên bán Chúa
Chỉ vì tiền tham nhũng thật nhiều của
Đày dân tộc tàn úa khắp giang san
Dân đau khổ ngợp trời tiếng oán than
Đám cầm quyền dối gian làm hại nước
Ngài đã nói lời thật làm cản bước
Tội tà quyền bán nước để vinh t
Tội xấu xa bắt nạt kẻ cơ bần
Tội quan liêu coi dân là nô lệ
Chúng ăn chơi biến xã hội tồi tệ
Tội tày trời luật lệ biến thành quen
Cả giang sơn nhìn vào thấy tối đen
Nên Ngài đến dọi đèn soi ánh sáng
Vạch trần ra hình dáng lũ gian manh
Đem lời ngay nói thẳng giữa thiên thanh
Lũ gian manh loanh quanh tìm lối thoát
Cấu kết nhau dứt khoát sẽ giết Ngài
Chúng cho tiền mua chuộc những tay sai
Bày cáo gian hại Ngài trong bóng tối
Tung tiền ra cho Giuđa dẫn lối
Là môn đệ gian dối bán cả Thầy
Dẫn theo cả một bầy những lâu la
Ngài biết trước nên ra cho chúng bắt
Tên Giuda giả đò hôn lên mặt
Dấu hiệu này sắp đặt trước từ lâu
Chuyện xảy ra ở trên núi vườn dầu
Lúc nửa đêm nguyện câu Ngài dâng hiến
Như của lễ toàn thiêu được thăng tiến
Cứu muôn người qua biển đời nhớp nhơ
Ngài hy sinh để muôn họ được nhờ
Ngài tử nạn ba giờ ngày thứ sáu
Trên Thánh Giá Trời-Đất nổi cơn đau
Rung chuyển lên đậm màu của tăm tối
Ngày thứ ba Ngài sống lại mở lối
Tỏ vinh quang sáng chói Đấng Phục Sinh
Đấng Kitô con Chúa Cả Thiên Đình
Ngài Khải Hoàn Quang Vinh "Ngôi Mộ Trống".

Thanh Sơn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúa Đã Sống Lại
Diệp Hải Dung
09:47 07/04/2012
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI – Alleluia !!!!
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Hình chụp tại Paul Keating Park Bankstown Sydney)

Và Người đã sống lại thật.
Alleluia !!!


Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền