Ngày 24-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khát
PM. Cao Huy Hoàng
09:44 24/03/2011
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 3 Thường niên A

Trang sách Xuất Hành hôm nay nhắc lại cơn khát nước của dân Chúa trong sa mạc. Họ kêu trách ông Môisê. Ông Môisê phải khẩn cầu Thiên Chúa và Ngài đã ban cho họ nước từ Tảng Đá vọt ra làm thỏa cơn khát. (x Xh. 17,3-7)

Tảng Đá ấy là hình ảnh được báo trước về Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu, Đấng sẽ ban Nước Trường Sinh cho nhân loại vọt ra từ cạnh sườn của Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay, đã ứng nghiệm điều tiên báo ấy.

Người Giuđêa và Galilêa, Nam và Bắc Do Thái, xem người miền Trung - Samaria, là dân tứ chiếng, ngoại đạo, nên khinh miệt họ, và tuyệt giao.

Vậy mà hôm nay, một mình Chúa Giêsu đến gặp một phụ nữ Samaria đang kín nước bên giếng Giacop, và xin nước uống. Thật là bất ngờ!

Cái bất ngờ thứ nhất đối với chị người Samaria, là đã có một người vượt qua cái kỳ thị lâu đời về địa phương, cái khoảng cách về phái tính, để “xin nước uống”.

Chị chưa khám phá ra người ấy thế nào, nhưng hẳn phải là một người đặc biệt.

Bất ngờ thứ hai: Chúa Giêsu cho chị biết chính chị phải là người xin nước, và Chúa Giêsu, người xin nước, lại là người sẽ cho chị Nước Trường Sinh. “Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4,13-14)

Và từ lòng chân thành đơn sơ, chị thưa: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga, 4,15).

Bất ngờ thứ ba, Chúa Giêsu cảm thông với chị khi hỏi đến đời tư của chị. Chị đã nói thật rằng chị không có chồng. Hiểu tốt cho chị là nói thật, Chúa Giêsu nói: "Chị nói: "Tôi không có chồng" là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng."

Chị Samaria đã xác nhận Chúa Giêsu là ngôn sứ. Từ chuyện đời tư đến chuyện tâm linh, chị sẻ chia với Chúa về việc bất đồng trong cách thờ phượng Thiên Chúa của người Samaria và của người Do thái. “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa” (Ga 4, 20)

Bất ngờ thứ tư là Chúa Giêsu đã không dài hơi bênh ai bỏ ai, nhưng qua cuộc gặp gỡ nầy, Ngài đã nhắn gửi tới người Samaria một cái nhìn tâm linh mới: “Hãy thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4, 21-24)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay còn tiếp với bất ngờ thứ năm là người phụ nữ Samaria đã trở thành nhân chứng Đức Kitô, cho Nước Chúa, đúng như lời Chúa phán: “Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”

-"Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?" (Ga 4,29)

Bất ngờ tiếp theo, một mùa gặt bội thu trên cánh đồng Samaria, và còn hứa hẹn nhiều bất ngờ nữa…..

-Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày (Ga4, 39-40)

Nhìn bước bứt phá ngoạn mục của Chúa Giêsu băng qua khung cửa vào nội thành rồi vào tận pháo đài lô cốt tâm hồn của người Samaria, các tông đồ sẽ hiểu ra điều Chúa Giêsu nói: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”.

Biết ý muốn của Chúa Cha là cứu độ, biết cơn khát của Chúa Cha là khát các linh hồn yêu mến, phụng thờ Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã vượt lằn ranh cục bộ kỳ thị Bắc Trung Nam, là vượt qua mức hạn phân biệt phái tính, tuổi tác, vượt cái định kiến về tôn giáo, vượt cái đề tài không đội trời chung: thánh nhân và tội lỗi, Ngài đem tin mừng cho người đang khao khát tin mừng, tin bình an.

Chắc chắn không có ai dám nghĩ tới người chồng thứ bảy hay tám chín mười của người phụ nữ Samaria kia. Nhưng ngược lại, tin rằng chị đã được Chúa Giêsu là tất cả bình an và hạnh phúc cho đời chị. Không còn cơn khát nào hơn nữa. Vì như Thánh Phaolô dạy: “một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”. (2Rm 5, 1-2).

Có những cơn khát trong đời người. Và có thể có nhiều cơn khát trong chỉ một con người. Có những cơn khát tầm thường, nhưng cũng có những cơn khát thật ý nghĩa.

Những cơn khát tình thật rực lửa. Có cơn khát tình vì muốn giải thoát nỗi cô đơn của phận người. Nỗi cô đơn không chỉ ám ảnh, mà còn bao trùm cả tâm hồn con người ta trong bóng tối, trong cái túi của một số phận nào đó thật nghiệt ngã. Cơn khát tình như những nỗi u uất trong trái tim ngục tù đòi chia sẻ, đòi nổ tung vòng giam hãm để mà ra với đời, ra với người.

Phổ biến hơn - có thể nói như vậy- có những cơn khát tình nhưng không phải là khát tình, mà là khát dục, như một thói quen hướng hạ thấp hèn, hay do một nhu cầu vô độ của một tình trạng tâm lý bệnh hoạn. Không kể phái tính. Không xếp thứ hạng phái tính nào mạnh hơn hay yếu hơn, nhưng kể từ ngày phụ nữ được giải phóng, nam nữ bình đẳng về mọi chuyện, trong đó cũng bình đẳng về chuyện khát dục cách vô độ.

Những cơn khát, vẫn thường âm ĩ trong cõi lòng, tưởng thành vô vọng, tưởng hóa đá ngàn thu, nhưng chỉ cần một cơ hội như đá chạm vào nhau thì phát hỏa rồi bùng lên thành đám cháy to, cháy nhà mình, cháy cả xóm làng, cháy cả một đất nước, một xã hội…không giập tắt nỗi. Ngoài cơn khát nhục dục, còn những cơn khát khủng khiếp hơn: cơn khát quyền lực, cơn khát của hận thù, cơn khát của lòng tham nhũng, cơn khát của thống trị, xâm lăng, bá chủ….

Quả thực, người ta đã và đang có thể làm mọi sự để thỏa cơn thèm khát quyền lực, kinh tế, cơn khát dầu lửa, cơn thèm khát bờ cõi, cơn thèm khát muôn năm, hoặc ít là, cơn thèm khát chỉ được một lần ngồi vào chiếc ngai vàng Bí Thư, Tổng Thống, ngồi vào chiếc xe sang trọng của tỷ phú thế giới, một lần có tên trong danh bạ những ông Vua, hoặc còn tệ hơn một chút: khát có tên trong danh sách những đảng viên, nhạc sĩ, thi sĩ miệt vườn!!!!

Không kể là thành phần nào, thượng lưu, trí thức hay dân quèn mù chữ, cũng đều có những cơn khát nghiệt ngã trong đời thường.

Ông B, bán vé số, ngủ ở vĩa hè, hay bị tổ dân phố đuổi. “tui giận thằng tổ trưởng dân phố quá lẽ. Tui chưa chết đâu ông à. Tui phải làm tổ trưởng dân phố đã, rồi chết cũng bằng lòng”.

Đến chuyện đạo đức, tâm linh, cũng chỉ là một cơn khát cái vỏ: Trên xe, ngồi bên một ông đứng… tuổi. Nhận ra tiếng nói của ông, có người hỏi: “Ông ở BN?” Ông trả lời một hơi: “Vâng, chị à, tôi ở BN, làm chủ tịch Hội Đồng GX 4 nhiệm kỳ rồi. Sắp bầu cử, thế nào tôi cũng trúng nữa. Họ chẳng chịu tha cho tôi đâu. Năm nay có mấy ông ra … ứng cử, nhưng chẳng ông nào ra… gì”.

Cháu dâu, sang nhà cậu hỏi ý kiến: “Cậu à, có người ở Long An muốn dạm hỏi con gái lớn nhà con. Họ nói tiền bạc họ không cần. Họ chỉ cần làm sui với nhà có đạo đức thôi. Nghe vậy, con mừng ghê. Nhà mình không có tiền, nhưng ai cũng biết là đạo đức thì dư rồi! Cho họ tới, cậu hỉ?”

Rõ ràng, là những cơn khát rất tầm thường trong đời người vẫn chiếm đa số.

Nhưng cũng không thiếu những cơn khát thật ý nghĩa, thật cảm động: cơn khát của những người hết lòng vì dân vì nước, cơn khát của trái tim mục tử, cơn khát của người làm cha làm mẹ, cơn khát của nỗi lòng dâng hiến, cơn khát khao nên hoàn thiện.

Về đến Qui Nhơn, có thể nói là Địa phận Mẹ của các Địa Phận mẹ, thăm lại những Giáo Xứ ngày xưa, có nhà thờ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, giáo dân di tản rồi định cư ở các Giáo phận phía Nam, hoặc xuất ngoại. Một số ít còn lại, họ khát linh mục, khát thánh lễ, khát bí tích. Các linh mục thì khát tìm lại được những con chiên, khát tái truyền giáo, khát xây lại nhà nguyện, nhà thờ…

Trong lòng những người làm Cha Mẹ, biết bao nỗi khát cho con cái, khát cái ăn, khát cái mặc, khát cái học hành, khát cái nên người con cái Chúa cho đàng hoàng trước hiểm họa tục hóa, đười ươi hóa, vô thần hóa cả một thế hệ trẻ…

Trong số những người lâm lụy vào cuộc kiếm sống bằng cách bán rẻ con người và nhân phẩm của mình, có biết bao người đang khát trở về, khát nên hoàn thiện, khát nỗi bình an thật, bình an mà thế gian, lạc thú, tiền bạc không mang lại được.

Những ngày nầy, còn phải kể đến cơn khát của cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, đi hết từ khu tạm trú này đến khu tạm trú khác để tìm kiếm gia đình của mình, cơn khát của bao người dân Nhật khát hạnh phúc trường sinh cho những người biền biệt hình dung trong cơn sóng kinh hoàng.
……
Lời Chúa chúa nhật thứ ba mùa Chay đang mời gọi tôi, mời gọi bạn kiểm tra lại những cơn khát trong lòng mình, để loại trừ ngay những cơn khát thấp hèn, để khởi đầu ngay hoặc tiếp tục những khát khao nên hoàn thiện. Cả việc loại trừ, khởi đầu hay tiếp tục, đều phải nhờ đến Chúa Giêsu qua các Bí Tích ban Nước Trường sinh cho tâm hồn. Hãy hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ: Hãy hưởng nguồn ơn Bí Tích từ cạnh sườn Chúa Kitô. Và khi gặp gỡ, khi chạm đến Chúa Kitô, chắc hẳn, chúng ta sẽ chấp nhận đinh, sắt, mão gai và cả cái chết cùng với Ngài, để được cùng Ngài hoàn thiện, bình an, và hạnh phúc thật.

Như đã tìm đến người phụ nữ Samaria, bất chấp mọi cách ngăn, Chúa Giêsu vẫn đang kiên trì tìm đến tôi, tìm đến bạn, bất chấp chúng ta tội lỗi đến mức nào, để chúng ta gặp được Ngài và xin Ngài ban nước trường sinh là bình an, hạnh phúc.

Xin chia sẻ chút tâm sự của một tác giả, trong nỗi cô đơn, đã ngộ ra sự hiện diện của Chúa Giêsu, vị Thượng Khách:

“Một mình ở mãi một mình
Vui thay có khách thương tình đến chơi
Sáng, trưa, chiều, tối… khuya rồi
Mời về chẳng chịu. Thì thôi, bằng lòng.
Thế là xong, quyết là xong
Một đời nặng nợ long đong với Ngài
…..
Tưởng là đinh, sắt, mão gai…
Nào ngờ, hạnh phúc trần ai không bằng”
(Tuyết Mai Texas)

Lạy Chúa, nếu chúng con không trải qua năm đời chồng như người phụ nữ Samaria, thì chúng con cũng đã trải qua năm bảy mươi lần thèm khát những thực tại thấp hèn, mà không có thực tại nào có thể làm thỏa cơn khát của chúng con. Xin cho chúng con chọn Chúa Giêsu, chọn và sống theo Lời Ngài, chọn sự thương khó và đi theo con đường tử nạn của Ngài, với niềm tin tưởng rằng: chúng con sẽ thỏa cơn khát hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho quyết định của chúng con. Amen.
 
Tình Người là tha thứ
Giuse Trần Văn Bắc
09:45 24/03/2011
Cuộc sống của con người là sống với người khác, sống với người thân cận. Những người khác đó có thể họ ngay bên ta, có thể họ không gần ta. Những người khác đó có thể họ yêu thương ta hay họ đang ghét ta. Trong cuộc sống thường ngày, vô tình hay cố ý, có người đã đối xử với ta không tốt, trong lời nói cũng như trong việc họ làm.
Thường mà nói là con người ai cũng có những hoài niệm, có khi những hoài niềm đó làm cho ta vui, đôi khi những hoài niệm đó làm ta buồn, làm ta giận, làm ta hận và thù ghét. Chắc chắn những hoài niệm này sẽ có liên quan đến người khác. Những người khác đó có thể là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè hay tình làng nghĩa lối xóm với nhau. Vậy điều quan trọng là ta tìm ra cách nào để quên đi những hoài niệm đáng buồn đó?
Tha thứ là điều khó lắm nhưng cũng chính là điều cao cả mà các tôn giáo đều dạy ta phải cống hiến cho người khác. Cho nhau tình yêu, cho nhau tiền của, cho nhau thời giờ có khi những điều đó còn dễ làm hơn là cho nhau một sự tha thứ.
Nhiều người ngày nay chắc chắn không thể hiểu được tha thứ là gì. Tha thứ là sự cho đi của tình người. Bởi chính tha thứ làm cho ta biết yêu tất cả những người đã mang lại cho chúng ta những hoài niệm của đau khổ, yêu những ai đã mang lại cho ta một sự giận ghét. Thật là cao cả khi ta biết quên mình bỏ qua tự ái ích kỷ cá nhân để sống hòa hợp với anh em.
Viết đến đây tôi nghĩ lại một câu chuyện mà tôi đã chứng kiến, có lẽ câu chuyện này đã làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều về sự tha thứ cho người anh em: Có hai gia đình nọ cùng là xóm láng với nhau, chơi với nhau rất thân tình. Một hôm không biết vì chuyện xích mích gì mà hai gia đình đó không đến với nhau, không hỏi han nhau như mọi ngày nữa. Lần kia một trong hai gia đình mang cây nhà mình ra trồng tại một dải đất không thuộc của mình, mà cũng không thuộc về nhà bên cạnh. Dải đất đó có lẽ là dải đất chung thì phải. Ấy vậy mà khi trồng cây ra đó thì gia đình kia chửi máng quá trời và ông xóm láng bên cạnh cũng không kém. Xích mích càng ngày càng trầm trọng. Một cụ già trong một gia đình mới nói với con cháu mình rằng: “Thôi chúng bay đừng có cãi nhau làm gì, chắc chắn xích mích và cãi nhau như thế thì không bao giờ có điểm chung đâu, điều quan trong là một trong hai bên có giám nhận sai về mình hay không. Hay có giám chịu thiệt và nhận ra mình có lỗi và có giám tha thứ cho nhau hay không thôi.”
Vâng! đúng là như vây chỉ khi con người giám nhận mình sai trong những cuộc giao tiếp cãi cọ, biết chịu thiệt thòi về mình thì chắc chắn sự đổ vỡ trong gia đình không có, mà ngược lại gia đình và tình làng nghĩa xóm niềm vui ngập tràn. Biết bao gia đình tan vỡ mất hạnh phúc chỉ vì tính tự ái cá nhân, biết bao cuộc gây gổ bất hòa chỉ vì không biết chịu đựng, và biết bao tình bạn cao quí đã phải chia tay chỉ vì những xích mích nhỏ nhen, đưa đến hiểu lầm nhau !
Tại sao ta không thể ngồi lại với nhau, giãi bầy tâm tư ước nguyện với nhau rồi cùng nhau giải quyết và cảm thông cho nhau.
Cuôc sống ngày nay thật bon chen, nhưng ngược lại các cụ tổ tiên Việt Nam chúng ta có câu “Lấy Ân Trả Oán” thật đúng! không có cách trả thù nào cao quí cho bằng yêu thương và tha thứ.
Thời đại chúng ta thiết nghĩ đang có những cuộc cách mạng bạo động. Một xã hội văn mình làm sao có thể lấy những cuộc bao động mà giáo dục con người trở thành “người” được. Chỉ có cuộc cách mạng duy nhất mới cứu vãn được con người và nhân lại ngày nay: Đó là cách mạng của tình yêu thương, chỉ có cách mạng tình thương ấy mới tiêu diệt được những hoài niềm của sự oán hờn ghen ghét và hận thù.
Mỗi chúng ta có thể sống bằng một niềm vui, một tình thương trao ban để qua đó mọi người nhận ra Thượng Đế là Thiên Chúa của tình yêu thương. Người không bao giờ đầu hàng với những yếu hèn và khuyết điểm của con người. Và chỉ có Thượng Đế là tha thứ không ngừng mới có thể đòi buộc con người không ngừng thứ tha. Tha thứ chính là sự cao trọng của tình người, vì chỉ có thứ tha con người mới giống Thượng Đế và gần Ngài./.
 
Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
09:49 24/03/2011
Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A (Exodus 17: 3-7; Psalm 95; Romans 5: 1-2, 5-8; John 4: 5-42)
Những kinh nghiệm tại Massah và Meribah là một chủ đề tuần hoàn trong lịch sử của nhân loại. Người Do Thái vừa được cứu thoát khỏi chế độ nô lệ và được dẫn ra khỏi Ai Cập bởi các dấu chỉ đầy quyền năng và kỳ diệu. Thiên Chúa đã hạ thấp những quốc gia siêu cường và tạo sự nhao báng tước vị vua Ai Cập vì những tự phụ, kiêu căng. Họ đã được tự do, và Thiên Chúa đã hứa dẫn dắt họ tới một vùng đất mà ho có thể tiếp tục sống trong sự tự do.
Nhưng giờ đây tuyến kích thích của sự giải thoát đã yếu đi và thực tế đã bắt đầu. Họ đang sống trong một sa mạc thù địch – luơng thực và nước uống khan hiếm, và tuyệt họ không một ý tưởng ở đâu và sẽ đi đâu. Với khởi đầu mãnh liệt của sự sợ hãi đi đến than vãn, tranh cãi và kiểm tra Thiên Chúa mà sẽ được mô tả toàn bộ cuộc hành trình qua nơi hoang dã.
Những người mà nổi tiếng là có bộ nhớ kém chất lượng khi mà nó đến với những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ. Và vấn đề đó, ký ức hụt hẫng này cũng có thể thích ứng với những điều tốt lành mà người khác làm cho chúng ta. Tiếng than khóc của họ vọng lại với những ai mà chiếm rất nhiều trong suốt chiều dài lich sử thậm chí trong chính thời đại của chúng ta: Phải chăng Thiên Chúa ở giữa chúng ta? Thậm chí Đức Chúa Trời có tồn tại không? Thái độ của dân Do Thái vào thời điểm đó là đươc chia sẻ bởi nhiều người ở khắp mọi nơi: Nếu tôi là một tín hữu, tại sao tôi phải đau khổ? Khi ra đi trở nên khó khan, đức tin là nạn nhân đầu tiên. Và người Do Thái muốn trở lại vào Ai Cập, chốn nô lệ của họ, bởi trong tâm trí họ, cuộc sống dễ dàng hơn và có khả năng dự đoán trở nên an toàn hơn. Bị lãng quên là nỗi đau và là niềm cay đắng của chế độ nô lệ.
Nhiều người muốn trở lại Ai Cập biến thành của chinh mình. Đôi khi họ tưởng đến một thời gian vừa qua trong một xã hội lành manh hơn, tốt đẹp hơn và con người lịch sự, tử tế với nhau hơn. Họ có thể nhớ một việc làm vừa qua, thanh thản quên đi cách cư xử tồi tệ của người chủ đối với họ hoặc họ có thể muốn quay về một thời kỳ lãng mạn trong Giáo Hội thay vì đối diện với những thử thách của hiện tại. Tất cả những phản ứng này kéo dài sự sợ hãi và rút ngắn đức tin. Đức tin không phải là một học thuyết hay tín điều mà là một sự tin tưởng kiên định trong sự hiện diện và chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa. Nó không phải vội vàng tan biến vào dấu hiệu đầu tiên của sự bất hạnh, nghịch cảnh hoặc khổ đau.
Thánh Phao-lô thừa nhận rằng đó là phương tiện của đức tin này mà chúng ta được đặt để trong mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa. Với đức tin này đến với sự hòa giải và an bình nhưng thậm chí còn nhiều hơn: món quà Thần Khí của Thiên Chúa đổ vào tâm hồn của chúng ta. Thần khí này để được mọi người yêu thương và tràn đầy đức tin bất kỳ những gì đang diễn ra xung quanh ta. Điều này là một dấu chỉ chắc chắn rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa trong những lúc vui-buồn-sướng-khổ.
Trong câu chuyện khá bí ẩn và ấn tượng này về cuộc găp gỡ của Chúa Giê-su và người phụ nữ tại giếng nước, chúng ta vẫn biết rằng Thiên Chúa mãi cung cấp mọi nhu cầu cho chúng ta mà giờ đây sự tập trung này đang diễn ra nhiều hơn so với cuộc sống hàng ngày. Chúa Giê-su đã bước vượt ra ngoài sự bình thường trong cuộc gặp gỡ này: Người đang ở trong lãnh thổ Samaritan thù địch; Người đang nói chuyện với người phụ nữ đơn độc. Cuộc đối thoại này bắt đầu với một vị trí xuất phát dao động với sự đáp trả sống sượng và châm biếm của người phụ nữ này trước lời yêu cầu của Người xin nước uống. Chúa Giê-su đã không có sự giúp đỡ cuộc trò chuyện này vì người nói bằng những điều huyền bí, biểu trưng và ẩn dụ trong nỗ lực của Người đề khai tâm trí cô ta. Cũng như Thiên Chúa đã cung cấp nước cho sự khát khao trong sa mạc. Thiên Chúa giờ đây cung cấp “nước hằng sống” cho sự khao khát sâu sắc hơn. Thần Khí sẽ dập tắt cơn khát vì Thiên Chúa và sự siêu việt, và sẽ không bao giờ thất bại hoặc cạn kiệt.
Nhưng với món quà Thần Khí này có một sự thử thách. Khi người phụ nữ yêu cầu một thích đáng của việc thờ phượng thiêng liêng thánh thiện, cô ta được cho biết từ giờ đối với điều đó không phải là Jerusalem cũng không phải là Mt. Gerizin. Thiên Chúa giờ đây được tôn thờ trong trái tim và linh hồn nhân loại qua sự hiện diện của Thần Khí. Trong một ý nghĩa nào đó, mặt đất mà chúng ta đang đứng là tôn sùng dành cho Thiên Chúa. Tôn thờ trong tinh thần và chân lý mô tả cuộc gặp gỡ cá nhân và trực tiếp với Thiên Chúa. Món quà cá nhân của Thần Khí này không bao giờ phải bị thuần hóa hoặc nhượng bộ sự kiểm soát của người khác vì đó là món quà đến được với Thiên Chúa mà Chúa Giê-su tự Người đã ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời có ở cùng chúng ta hay không? Hãy nhìn vào tâm hồn!
(Nguồn: Regist College – The School of Theology)


 
Chủ Nhật III Mùa Chay: Người đàn bà Samari đến xách nước
Pt Huỳnh Mai Trác trích dịch
11:58 24/03/2011
Bài giảng thuyết về thánh Gioan của thánh Augustinô, Giám Mục

Người đàn bà đã đến. Bà là hình ảnh của Giáo Hội chưa được hình thành nhưng sắp sửa được hình thành. Sự hình thành sau khi đã được hoán cải. Bà đã đến trong sự u tối, bà đã tìm được Chúa Kitô, và Chúa đã tiếp chuyện với bà. Chúng ta hãy xem họ nói gì, hãy xem tại sao người đàn bà này lại đến đây để xách nước. Nguời Samari không thuộc thành phần của người Do thái, họ là người ngoại. Sự kiện là bà đến từ những người ngoại đó là một phần của ý nghĩa của hình ảnh, bà là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội đến từ những người ngoại Gentils, một nòi giống khác với người Do thái.

Chúng ta cần nhận biết chúng ta trong lời nói của bà và trong con người của bà và cùng với bà chúng ta cám đội ơn Thiên Chúa. Bà là một biểu hiệu chứ không phải là một thực tại, bà báo trước một thực tại, và thực tại đó sẽ được thành tựu. Bà đã tìm được lòng tin nơi Chúa Kitô, Chúa dùng bà như một biểu tượng để cho chúng ta biết việc gì sẽ đến. Bà đến đây để xách nước. Bà đến đây để xách nước thường lệ như những người đàn bà đàn ông khác.

Chúa Giêsu nói với bà: “Xin bà cho tôi nước uống. Khi ấy các môn đệ đã vào thành mua thức ăn. Người đàn bà Samari thưa lại cùng Chúa: Sao lại thế: Ông là người Do thái lại xin nước uống với tôi là một người đàn bà xứ Samaria? Bởi vì người Do thái không giao thiệp gì với người Samari”.

Người Samari là người ngoại; người Do thái không bao giờ dùng dụng cụ của họ. Người đàn bà này dùng một cái gàu để múc nước. Bà lấy làm ngạc nhiên khi một ngưòi Do thái lại xin bà nước uống, một việc mà người Do thái không nên làm. Nhưng người này xin bà nước uống đang khao khát đức tin của bà.

Hãy lắng nghe và nhận biết ai là người đang xin nước uống. Chúa Giêsu trả lời bà và nói: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: xin cho nước uống thì chắc bà sẽ xin Người và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Người xin nước uống và Người hứa ban nước uống. Người đang cần, như kẻ đang ước muốn được nhận, dù kẻ ấy là giàu sang dư dả như người có thể làm thỏa mãn tất cả mọi người. Người ấy nói: Nếu ngươi nhận biết ơn của Thiên Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa vẫn dùng một ngôn ngữ bí ẩn khi Chúa nói với người đàn bà và lời ấy thấm dần vào tâm can của bà. Hay là Chúa đang dạy dỗ bà? Thật là dịu dàng và êm ái lời khuyến khích của Chúa? Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa và ai là người đang nói với bà, “Xin cho tôi nước uống” thì chắc bà sẽ xin Người và ngưới ấy sẽ cho bà nước hằng sống”.

Nước mà người sẽ cho là nước gì? nếu không phải là nước đã được nói đến trong Thánh Kinh. “Với ngươi đó là mạch nước của sự sống? Làm sao có thể cảm thấy khát được khi nước uống nhiều tràn trề nơi nhà của ngươi?”

Chúa đã hứa Chúa Thánh Thần trong sự sung mãn. Bà cũng vẩn còn chưa hiểu. Trong khi bà chưa hiểu, và bà đã trả lời như thế nào? Người đàn bà thưa cùng Chúa rằng: Xin Ngài cho tôi nước uống đó để tôi không còn khát và không còn phải đến đây xách nước nữa. Bà ấy cần nước nên bắt buộc phải làm công việc nặng nhọc này, đó là nhược điểm của bà. Nếu bà đưọc nghe câu này: “Hãy đến với Ta, những ai đang lao động nặng nhọc, ta sẽ đở gánh cho ngươi để được nghỉ ngơi”. Chúa Giêsu đã nói câu đó với bà như vây công việc của bà được giải thoát, nhưng bà ấy vẫn còn chưa hiểu”. (Giờ Kinh Phụng vụ).

 
Thế giới khát Tình Chúa
Tuyết Mai
15:47 24/03/2011
Cả thế giới có rất nhiều nơi đang Khát Tình Chúa!. Quả thật khi con người ta đang sống, đang vật lộn với cuộc sống hằng ngày, để có miếng ăn manh áo, thật là vất vả!. Mà cái vất vả xem ra cực khổ hơn không phải là vì tay lấm chân bùn, làm việc với đôi bàn tay đến cứng chai, có thể gọi là gánh nặng ngàn cân, nhưng vì họ sống không có Tình Yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời ngày lại ngày của họ. Đó là những con người biểu tượng cho người đàn bà Samaria sống trong tội lỗi. Khi con người đang sống trong tội lỗi, họ bơi lội trong sự sống trần tục của cuộc đời, mà khát cho đến chết. Nhưng khi lúc họ còn sống thì họ không nhận định và hiểu được họ khát bởi vì gì?.

Có nhiều người như bà Samaria, cả cuộc đời của bà làm gì bà được có cơ hội gặp được Thiên Chúa?. Bà chỉ biết ngày ngày phải ra bờ giếng mà gánh nước đem về nhà uống. Bởi bà không biết nên bà mới sống một cuộc đời thật tội lỗi tới những 8 ông khác nhau, mà không ông nào là chồng thật sự của bà?. Gần hết đời người bà mới có diễm phúc được gặp Chúa mà chẳng phải do bà tìm, mà là sự Thương Yêu của Thiên Chúa, muốn tìm giúp bà để sống sao không bao giờ còn khát nước nữa!. Tội lỗi như bà lại có thể gặp được Chúa ư?. Không ai có thể tin bà được. Chúa không những trách móc bà, làm bà phải cảm thấy nhục nhã, nhưng Chúa đến là để cứu vớt bà ban cho bà được khỏi khát, là Nước Hằng Sống Chúa ban, không phải tìm mà có được ở trần gian này!. Chúa giúp bà biết tìm đến Nước Hằng Sống ý chỉ ở trên Trời. Một nơi mà bà sẽ chẳng cần đến bờ giếng mà múc nước nữa!. Chúa giúp bà một cách thật riêng tư, thật độ lượng, không cần phải cho các tông đồ Chúa biết. Ngay cả tông đồ của Chúa mà còn tánh sống kỳ thị với những người ngoại đạo. Đây là chúng ta nói đến sự khát Nước của những người ngoại đạo thật đã đành, nhưng còn những người đã từng được gọi là Kitô Hữu, được lãnh nhận phép Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối, Linh Mục đang sống ngoài Giới Luật của Chúa thì sao?. Trong hai người, một người đã là con cái Thiên Chúa và người chưa từng được biết về Thiên Chúa, ai mắc tội nặng hơn???. Có phải một người chẳng biết luật khi phạm tội, tội sẽ được xử nhẹ hơn nhiều so với một Luật Sư, hành nghề luật, khi phạm tội sẽ nặng hơn gấp trăm với người không được biết nhiều về luật?. Đúng như thế!!!. Và khi đang sống trong tội không có ý chừa cải ăn năn, thật người đó đang bị khát vô cùng. Họ không khát nước uống nhưng Linh Hồn của họ đang như miếng đất bị cằn cỗi và nứt nẻ, lâu dần sẽ bể ra và tan biến mất ngoài khơi vì trận động đất do sự hạn hán chúng ta cố tình làm nên những rạn nứt sâu hoắm đó!.

Vì chúng ta cố tình muốn xa lánh Thiên Chúa!?. Vì chúng ta đang chạy theo những thú vui tục trần?. Vì chúng ta muốn chọn sống trong tội lỗi. Không tin rằng Thiên Chúa hiện hữu. Không kính sợ quyền năng của Ngài. Không muốn tìm Nước Hằng Sống và không muốn được trở về cội nguồn Nơi mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải được đến. Nơi mà mọi sự lành thánh và thánh thiện, được Thiên Chúa dành sẵn cho con người nhân loại chúng ta. Cuộc sống trần thế này được Chúa Cha tác tạo sống trong đó là để dậy cho chúng ta biết sống trong thử thách, trong sự cám dỗ, được tôi luyện, được lớn mạnh trong đức tin, cậy, mến; để trưởng thành và xứng đáng làm con cái muôn đời của Thiên Chúa. Có dầy dạn, có chung thủy, có liên kết với Thiên Chúa, Ngài mới ban cho chúng ta khí cụ để chống trả ba thù. Và hứa hẹn sẽ ban ơn cho chúng ta Nước Hằng Sống Muôn Đời hạnh phúc, vĩnh cữu, viên mãn, và trường tồn, và mãi mãi không còn biết khát là gì. Điều kiện ấy ắt không dễ cho nhiều người là trước Kính Mến Một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự; sau lại yêu người như chính mình ta vậy!. Amen.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 24/03/2011
MUỐN NGÓN TAY
N2T

Có một vị thần muốn thực nghiệm thực nhiệm coi có người không có lòng tham hay không ? Gặp người thứ nhất thì lấy ngón tay chỉ cục đá nhỏ biến thành thỏi vàng và hỏi anh ta có muốn không ? người ấy trả lời:
- “Muốn thì muốn, nhưng muốn xin thần chỉ lại cục đá lớn hơn”.
Thần chỉ cục đá lớn hơn biến thành tảng vàng cho người thứ hai, người thứ hai cũng hy vọng thần biến tảng đá lớn hơn nữa thành vàng.
Thần lại chỉ viên đá lớn hơn thành vàng cho người thứ ba, nhưng người này lắc lắc đầu bày tỏ là không muốn. Thần rất vui mừng, rồi lại chỉ viên đá lớn như sư tử thành vàng, người ấy cũng lại lắc đầu. Thần cho rằng người này không có lòng tham, và đang khi muốn độ anh ta trở thành thần tiên, thì người ấy nói:
- “Xin ngài đem ngón tay của ngài tặng cho tôi !”

Suy tư:
Con người có khi cũng lừa cả Thiên Chúa nữa, thì thần tiên là cái thá gì chứ ?
Có người nói phĩnh gạt Thiên Chúa thì dễ hơn là lừa gạt con người, bởi vì con người có tai có mắt, có óc có não nên khó phĩnh gạt, còn Thiên Chúa thì không thấy Ngài đâu cả, nên dễ lừa gạt hơn.
Con người ta khi có cái tâm tham lam thì bất kỳ ai họ cũng có thể phĩnh gạt lừa dối, nếu có lợi cho họ:
- Có người có bộ mặt rất dễ thương, nhưng lại đi lừa tình lừa tiền của người khác.
- Có người ăn nói thật thà như bụt, nhưng lại là tay mánh mung dối gạt người khác không thương tiếc.
- Có người cứ mỗi lời nói là yêu thương chị em, vì anh chị em mà hy sinh, nhưng cái hy sinh ấy nhỏ như con tép, mà âm mưu chiếm đoạt của mọi người thì lớn như con voi.
- Có người gặp cha cố, bề trên thì bẩm cha, bẩm cụ, nhưng trong lòng thì ghét cay ghét đắng tìm cách hạ bệ họ.v.v...
Thiên Chúa rất công bằng, rất nhân từ. Sự công bằng này mọi người sẽ thấy trong ngày phán xét, nhưng sự nhân từ thì con người ta có thể thấy ngay từ đời này, bây giờ trong cuộc sống của chính mình.
Cho nên, đừng nói là phĩnh gạt Thiên Chúa thì dễ nhé, coi chừng đó kẻo hối không kịp đó.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:54 24/03/2011
N2T

14. Tâm hồn người công chính thường hướng lên cao; tâm hồn người tội lỗi thường sa xuống dưới.

(Thánh Jerome)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế giới cần có hòa bình và những người xây dựng hòa bình
Linh Tiến Khải
09:35 24/03/2011
Thế giới cần có hòa bình và những người xây dựng hòa bình. Tất cả mọi người tin nơi Thiên Chúa đều phải luôn luôn là suối nguồn và là tác nhân của hòa bình.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 25.000 tín hữu và du khách hành hương năm tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 23-3-2011

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một vị thánh Tiến Sĩ Giáo Hội nổi tiếng khác sống vào thế kỷ XVI: đó là thánh Lorenzo thành Brindisi, người Ý. Thánh nhân sinh năm 1559, có tên là Giulio Cesare Rossi, nhưng khi nhập dòng các cha Phanxicô Capucino, người đổi tên là Lorenzo. Đức Thánh Cha nói về thời thơ ấu của người như sau:

Ngay từ thời niên thiếu người đã bị thu hút bởi gia đình thánh Phanxicô thành Assisi. Thật thế, mồ côi cha năm lên 7 tuổi, người được mẹ giao cho các tu sĩ Phanxicô Viện Tu trong thành phố chăm sóc. Nhưng vài năm sau thánh nhân cùng mẹ đến sống tại Venezia, và chính tại đây người biết các cha Capucino, thời đó đang quảng đại phục vụ toàn thể Giáo Hội nhằm gia tăng cuộc cải cách tinh thần do Công Đồng Chung Trento thăng tiến. Năm 1575 thầy Lorenzo khấn dòng và được thụ phong linh mục năm 1582.

Ngay từ thời còn đi học, Lorenzo đã tỏ ra có các phẩm chất trí thức cao độ. Thầy học một cách dễ dàng các cổ ngữ như tiếng Hy lạp, tiếng Do thái và tiếng Siriac, cũng như các ngôn ngữ tân thời như Pháp và Đức, cộng thêm với tiếng Ý và tiếng Latinh, là ngôn ngữ mà tất cả các người của Giáo Hội và giới văn hóa đều nói thông thạo thời đó.

Nhờ các khả năng ấy cha Lorenzo đã có thể làm việc tông đồ giữa nhiều giới khác nhau. Là một thuyết giảng viên rất hữu hiệu, cha không chỉ hiểu biết Thánh Kinh một cách sâu rộng, mà còn hiểu biết nền văn chương rabbi, đến độ chính các rabbi cũng kinh ngạc, khâm phục, kính trọng và qúy mến. Là thần học gia hiểu biết Thánh Kinh và các Giáo Phụ, cha có thể minh giải giáo lý công giáo cho cả các kitô hữu tại Đức đã theo phong trào Cải Cách nữa. Với kiểu trình bầy khúc chiết rõ ràng, cha cho thấy nền tảng kinh thánh và giáo phụ của tất cả mọi tín điều đức tin bị Martin Luther thảo luận. Trong đó có quyền tối thượng của thánh Phêrô và các người kế vị, nguồn gốc thiên linh của chức Giám Mục, sự công chính hóa như là việc biến đổi nội tâm con người, sự cần thiết của các công việc tốt lành đối với ơn cứu rỗi.

Sự thành công của thánh nhân cũng giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc đối chiếu với Thánh Kinh được đọc trong Truyền Thống của Giáo Hội trong cuộc đối thoại đại kết.

Thánh nhân cũng nói với các người khiêm tốn và kêu gọi mọi người sống trung thực với đức tin. Đây là công lao lớn của các tu sĩ Capucino trong hai thế kỷ XVI-XVII góp phần canh tân cuộc sống kitô, bằng cách đem chứng tá và lời giảng dậy đi sâu vào lòng xã hội. Cả ngày nay nữa, việc tái truyền giảng Tin Mừng cũng cần có các tông đồ được chuẩn bị kỹ lưỡng, hăng say và can đảm, để ánh sáng và vẻ đẹp của Tin Mừng chiến thắng các chiều hướng văn hóa của chủ thuyết tương đối hóa luân lý đạo đức và thờ ơ tôn giáo, và biến đổi các kiểu suy tư hành xử khác nhau thành một nền nhân bản kitô đích thật.

Thánh Lorenzo thành Brindisi đã hoạt động và rao giảng không biết mệt mỏi trong nhiều thành phố Italia và nhiều nước Âu châu, và nắm giữ nhiều trọng trách khác nhau. Trong dòng Capucino người đã là giáo sư thần học, giáo tập, nhiều lần làm Bề trên tỉnh dòng và cuối cùng làm Bề trên tổng quyền giữa các năm 1602-1605. Đức Thánh Cha nêu bật nét đặc thù trong cuộc sống của thánh nhân như sau:

Giữa biết bao nhiêu công việc, Lorenzo đã vun trồng một đời sống tinh thần sốt mến ngoại thường, bằng cách dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện và một cách đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, thường kéo dài hàng giờ, thấu hiểu và xúc động trong việc tưởng niệm cuộc Khổ Nạn, cái Chết và sự Sống Lại của Chúa. Theo học trường các Thánh, mỗi linh mục đều có thể tránh nguy cơ của chủ trương duy hoạt động, nghĩa là hành động mà quên đi các lý do sâu xa của chức thừa tác, như đã thường được nhắc nhở nhiều lần trong Năm Linh Mục mới đây. Chỉ khi nào biết săn sóc cuộc sống nội tâm linh mục mới tránh được nguy cơ ấy. Như tôi đã nói với các linh mục và chủng sinh trong chuyến viếng thăm Brindisi năm 2008: ”Thời gian cầu nguyện quan trọng nhất trong đời sống linh mục, trong đó ơn thánh Chúa hành động hữu hiệu hơn, bằng cách trao ban sự phong phú cho chức thừa tác linh mục. Cầu nguyện là việc phục vụ đầu tiên mà linh mục làm cho cộng đoàn. Vì thế, những lúc cầu nguyện phải chiếm chỗ nhất trong cuộc sống chúng ta... Nếu chúng ta không ở trong sự hiệp thông nội tâm với Thiên Chúa, chúng ta cũng không thể cho người khác cái gì cả. Do đó, Thiên Chúa là ưu tiên thứ nhất. Chúng ta phải dành thời giờ cần thiết để ở trong sự hiệp thông cầu nguyện với Chúa chúng ta”.

Thánh Lorenzo nồng nhiệt khích lệ tất cả mọi người, không phải chỉ có các linh mục mà thôi, vun trồng đời cầu nguyện, vì qua đó chúng ta nói với Thiên Chúa và Thiên Chúa nói với chúng ta.

Một nét đặc thù khác nữa trong cuộc sống của thánh nhân là hoạt động cho hòa bình. Các Giáo Hoàng cũng như các vua chúa công giáo nhiều lần giao phó cho thánh nhân các sứ mệnh ngoại giao quan trọng để giải quyết các tranh chấp và thăng tiến sự hòa hợp giữa các nước âu châu, thời đó đang bị đe dọa bởi đế quốc Ottoman. Uy tín luân lý của thánh nhân khiến cho người trở thành cố vấn rất được tìm kiếm và lắng nghe. Áp dụng vào hiện tình thế giới ngày nay Đức Thánh Cha nói:

Ngày nay cũng như vào thời thánh Lorenzo, thế giới cần có hòa bình biết bao nhiêu, cần có các người nam nữ an bình và là các người giảng hòa. Tất cả mọi người tin nơi Thiên Chúa đều phải luôn luôn là suối nguồn và là tác nhân của hòa bình. Chính trong một sứ mệnh ngoại giao này mà thánh Lorenzo kết thuc cuộc đời dương thế của người: đó là vào năm 1619 tại Lisboa, nơi người đến gặp vua Philippo III để bênh vực cho các người Napoli bị chính quyền địa phương sách nhiễu.

Người đã được phong hiển thánh năm 1881, và vì hoạt động sâu xa cũng như vì khoa học rộng rãi và hài hòa của người năm 1959 Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phong người là ”Tiến sĩ tông đồ”, nhân kỷ niệm 400 năm người sinh ra. Thánh nhân đã nhận tước hiệu đó vì nhiều tác phẩm chú giải kinh thánh, thần học và các bút tích rao giảng của người, trình bầy lịch sử cứu độ tập trung nơi mầu nhiệm Nhập thể, là việc biểu lộ tình yêu lớn lao nhất của Thiên Chúa đối với loài người. Ngoài ra thánh nhân còn là nhà thánh mẫu học có giá trị lớn, tác giả một tập bài giảng về Đức Mẹ tựa đề ”Mariale” đề cao vai trò duy nhất của Đức Trinh Nữ Maria, mà thánh nhân khẳng định rõ ràng là Đấng Vô Nhiễm Thai và sự cộng tác vào công trình cứu độ do Chúa Kitô thành toàn.



Sau cùng, thánh Lorenzo cũng minh nhiên hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống tín hữu. Người nhắc cho chúng ta biết về các ơn của Ngôi Ba Thiên Chúa Rất Thánh, và giúp chúng ta dấn thân sống sứ điệp Tin Mừng một cách tươi vui. Thánh nhân viết: ”Chúa Thánh Thần khiến cho ách lề luật của Thiên Chúa êm dịu và sức nặng của nó nhẹ nhàng, để chúng ta tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa với sự dễ dàng rất lớn lao đến độ như thích thú”... Thánh Lorenzo thành Brindisi dậy chúng ta biết yêu mến Thánh Kinh, lớn lên trong sự thân tình với nó, và hằng ngày vun trồng tình bạn của chúng ta với Chúa trong lời cầu nguyện, để mọi hoạt động của chúng ta khởi sự và kết thúc trong Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tậy Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Sloveni, Croat và Ý. Ngài nhắc cho mọi người biết Mùa Chay mời gọi tất cả hãm mình sám hối để có thể chia sẻ tràn đầy các khổ đau của Chúa Giêsu và cuộc hấp hối của Người. Đây là dịp thuận tiện gúp suy tư, xét mình và hoán cải. Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Các Giám Mục New South Wales và Đảng Xanh
Vũ Văn An
09:22 24/03/2011
Đảng Xanh là một chính đảng của Úc. Nó được thành lập năm 1992, nhưng gốc gác của nó đã có từ thời phong trào môi sinh tại Úc và việc thành lập ra Nhóm Liên Hiệp Tasmania (United Tasmania Group), Đảng Xanh đầu tiên trên thế giới, từng cho hội viên ra tranh cử trong cuộc tuyển cử tiểu bang năm 1972 tại Tasmania. Việc phối hợp giữa các nhóm xanh lên cao độ trong thập niên 1980 với nhiều cuộc biểu tình về môi sinh, trong đó, nổi tiếng nhất trong lịch sử Úc là cuộc biểu tình chống việc lập đập tại Sông Franklin. Những người chủ chốt trong chiến dịch này là Bob Brown, lãnh tụ Đảng hiện nay, và Christine Milne, người từng ra tranh cử và chiếm được ghế tại quốc hội Tasmania và sau đó lập ra Đảng Xanh Tasmania.

Qua việc tổ chức và thu thập đảng viên toàn quốc, Đảng Xanh phát triển mau chóng về quyền lực và phạm vi hoạt động. Các chính sách của Đảng này được mở rộng từ chủ nghĩa môi sinh để bao gồm các chính sách đi đôi với các nền triết học về dân chủ hạ tầng, công bằng xã hội, bảo tồn và phong trào hòa bình. Hiện nay, Đảng Xanh có 5 thượng nghị sĩ (từ 1 tháng 7 năm 2011, sẽ tăng tới 11) và một dân biểu tại hạ nghị viện Liên Bang, 22 dân biểu tiểu bang và lãnh thổ, hơn 100 nghị viên hội đồng thành phố và 10,000 đảng viên.

Trong cuộc bầu cử Liên Bang năm 2010 vừa qua, Đảng Xanh nhận được 4 phần trăm số phiếu nghiêng về họ, nhờ thế họ chiếm được 13% tổng số phiếu bầu (hơn 1.6 triệu phiếu) tại Thượng Nghị Viện, một thành tích chưa có bất cứ chính đảng nhỏ nào khác đã đạt được. Số phiếu thượng nghị viện ở mọi tiểu bang vào khoảng giữa 10 tới 20 phần trăm. Tại mỗi trong số 6 tiểu bang, họ đều chiếm được một ghế, cũng là một thành tích chưa chính đảng nhỏ nào đạt được, nâng tổng số thượng nghị sĩ lên 11 kể từ tháng 7 năm 2011 và sẽ một mình nắm giữa cán cân quyền lực tại Thượng Nghị Viện. Đảng Xanh cũng chiếm được ghế dân biểu lần đầu tiên tại Hạ Nghị Viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Melbourne và Adam Brandt, cùng với một số dân biểu độc lập khác, cũng giữ cán cân quyền lực trong quốc hội “lững lờ” (hung parliament) đầu tiên của Úc kể từ năm 1940.

Nói như thế đủ thấy Đảng Xanh là một viễn tượng không mấy tốt đẹp cho các Giáo Hội Kitô Giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung. Chính vì thế, trước cuộc bầu cử tiểu bang vào ngày 26 tháng 3 này, các giám mục New South Wales, mà đứng đầu là Đức Hồng Y George Pell của Tổng Giáo Phận Sydney, đã ra một tuyên cáo chung tựa là “Nghị Trình Xanh” với nội dung như sau.

Vào ngày 26 tháng 3, nhân dân New South Wales sẽ tới các phòng phiếu trong cuộc bầu cử tiểu bang. Đa số các ứng cử viên thuộc một chính đảng và các đảng này có những chính sách mà họ cố gắng biến thành đạo luật, nếu được bầu.

Đảng Xanh đang hứa hẹn sẽ đưa ra những đạo luật nào nếu các ứng cử viên của họ được ủng hộ? Nhiều người Công Giáo hỏi ý kiến chúng tôi về các đảng và ứng cử viên khác nhau, nhất là Đảng Xanh, một hiện tượng tương đối mới lạ trong chính trường Úc. Tất nhiên, hầu hết các đảng phái Úc đều có người Công Giáo và nhiều người khác có thiện chí tham gia.

Vả lại, không phải mọi điều Đảng Xanh cổ vũ đều là chính sách công cộng xấu xa. Bảo vệ môi sinh, chẳng hạn, là một trách nhiệm quan trọng, và chúng ta chia sẻ quan tâm phổ quát cho rằng ta phải làm nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu trên. Nhưng quan tâm tới môi sinh không có nghĩa là mọi chính sách của Đảng Xanh đều có thể chấp nhận được. Trọn bộ đề xướng của đảng này cần được xem sét. Những đảng viên Xanh khi được bầu sẽ làm việc trong ngành lập pháp hòng thay đổi luật lệ sao cho phản ảnh được các chính sách của họ. Nếu được bầu, họ sẽ cho là mình nhận được ủy nhiệm để tiến hành các cải cách pháp chế từng được phác họa trong các chính sách của họ. Đảng Xanh sẽ không nắm được chính quyền ở New South Wales, nhưng kinh nghiệm Liên Bang và các Tiểu Bang khác cho hay họ có thể thực thi được một quyền lực đáng kể đối với chính phủ, dù chỉ chiếm được mấy ghế.

Thành thử điều quan trọng là người có tôn giáo, cách riêng, các tín hữu thuộc các truyền thống độc thần chính, phải nhận thức được rằng có một số chính sách đặc thù của Đảng Xanh khiến họ phải rất ưu tư.

Tự do tôn giáo

Đảng Xanh cam kết loại bỏ điều họ gọi là “những khoản ngoại lệ” ( “exemption provisions”) trong Đạo Luật Chống Kỳ Thị. Việc này buộc các trường không phải của chính phủ phải sử dụng các thầy cô có quan điểm, giá trị và lối sống ngược với các truyền thống tôn giáo của các trường này, và hàng trăm ngàn phụ huynh gửi con em tới đó. Đây không phải là về vấn đề “các ngoại lệ” của đạo luật. Các cơ quan và trường học Giáo Hội lúc nào cũng bị trói buộc bởi Đạo Luật Chống Kỳ Thị. Vấn đề thực sự ở đây là vấn đề tự do tôn giáo, một quyền mà ngoài việc cầu nguyện và thờ phượng tư riêng ra còn có nghĩa là quyền được sống niềm tin của ta trong cộng đồng. Hạn từ “các ngoại lệ” có tính đánh lạc hướng. Quốc hội nào cũng bị công ước nhân quyền quốc tế buộc phải bảo vệ tự do tôn giáo. Không bảo vệ tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và tự do lương tâm cũng bị đe dọa.

Tài trợ các trường

Đảng Xanh tại New South Wales muốn giảm việc tài trợ của Tiểu Bang dành cho phần lớn các trường không phải của chính phủ, trong đó có các trường thuộc hệ thống Công Giáo cũng như một số trường Công Giáo độc lập, xuống tổng số mức họ nhận được năm 2003 từ cả tài trợ của Tiểu Bang lẫn Liên Bang gộp lại, được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát. Điều này có nghĩa: các trường thuộc hệ thống Công Giáo tại New South Wales mà thôi sẽ tức khắc mất hơn 318 triệu dollars một năm, nghĩa là giảm 85% đối với các trường tiểu học và 65% đối với các trường trung học ở mức hiện nay của năm 2011. Để bù lại khoản mất tài trợ này và để duy trì tiêu chuẩn hiện nay, học phí ở trường trung và tiểu học thuộc hệ thống Công Giáo sẽ phải gia tăng đáng kể, có thể lên tới 1,550 dollars một năm. Đảng Xanh cũng sẽ cố gắng chấm dứt mọi tài trợ của chính phủ dành cho cái gọi là “các trường tư giầu có nhất” nhưng không định nghĩa thế nào là “giầu có”. Các trường không phải của chính phủ nào hỗ trợ các phụ huynh trong việc giáo dục tôn giáo cho con em chắc chắn sẽ bị bác mọi tài trợ của Tiểu Bang dưới chính sách Đảng Xanh nếu họ nhận học sinh và sử dụng nhân viên dựa trên cơ sở đức tin.

Việc sử dụng ma túy

Đảng Xanh cố gắng coi việc sử dụng ma túy cho bản thân là một việc lành mạnh và có tính xã hội, và do đó có thể chấp nhận được, trong khi ấy, họ vẫn coi việc buôn bán ma túy, nhập cảng và chế tạo ma túy không hạn chế theo qui mô thương mãi là tội ác. Họ không định nghĩa các hạn từ này. Họ cũng ủng hộ việc loại bỏ “các chế tài hình sự đối với việc sử dụng ma túy cho bản thân và việc sở hữu các dụng cụ liên hệ” cùng với việc loại bỏ “các chế tài hình sự đối với việc sở hữu và trồng một số nhỏ các cây gai dâu (cannabis) cho việc sử dụng bản thân”. Một lần nữa, họ cũng không định nghĩa thế nào là “một số nhỏ”. Nhưng rõ ràng: sử dụng các loại ma túy không có tính trị bệnh sẽ gây hại cho sức khỏe, cho đời sống và cho cộng đồng và là một vi phạm chống lại nhân phẩm.

Hôn nhân

Đảng Xanh đang làm áp lực với Chính Phủ Liên Bang để tu chính Đạo Luật Hôn Nhân và cho phép hai người đàn ông và hai người đàn bà được kết hôn với nhau. Nếu Chính Phủ Liên Bang không có động thái giải quyết “sự kỳ thị bất công” này, thì Đảng Xanh sẽ đệ trình một dự luật tại Quốc Hội New Soth Wales để cố gắng hợp pháp hóa các cuộc hôn nhân đồng tính tại cấp tiểu bang. Nhưng đâu phải là việc “kỳ thị bất công” khi ta nhìn nhận rằng hôn nhân là sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà muốn kết hợp với nhau vì phúc lợi của con cái mình.

Thay đổi luật lệ về hôn nhân sẽ đặt các giáo hội và các trường học trước áp lực nặng nề của tiểu bang, buộc họ phải ngưng không được giảng dạy niềm tin của mình về hôn nhân và gia đình. Các liên hệ đồng tính và mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà là các thực tại hoàn toàn khác nhau, và quả không ích lợi gì cho ai khi gọi các thực tại khác nhau ấy bằng cùng một tên.

Phá thai

Đảng Xanh cũng theo đuổi việc loại bỏ việc phá thai ra khỏi danh sách các vi phạm theo Luật Tội Ác trong kỳ quốc hội mới. Phá thai liên hệ tới việc cố ý giết đứa trẻ vô tội chưa sinh ra đời, và luật lệ hiện thời của New South Wales có đưa ra một số bảo vệ có giới hạn đối với các bà mẹ và những đứa con chưa sinh ra của họ. Đảng Xanh trái lại ủng hộ đạo luật ở Victoria, là đạo luật đặc trưng bác bỏ quyền phản đối lương tâm của các bác sĩ và các nhân viên y tế khác không tham dự vào hay không liên lụy tới việc thực hiện phá thai. Thật đáng tiếc khi những đạo luật đầy sỉ nhục như thế đã có thể được thông qua trong một quốc hội Úc, chối bỏ quyền tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo hết sức căn bản của cá nhân.

An tử

Đảng Xanh đã tìm cách đệ trình dự luật về an tử tại quốc hội New South Wales vào năm ngoái và gần thành công. Tuy nhiên, người ta hiện có lý để mà tiếp tục quan ngại. Thay vì những hoa mỹ về chọn lựa, tự do và nhân phẩm, thực tế an tử chỉ là việc giết chết những con người nhân bản. Chứng cớ từ các quốc gia như Hòa Lan và Bỉ cho thấy: nhiều người trong số những người bị an tử là nạn nhân bất đắc dĩ. Họ không chọn để bị giết chết. Các ông không thể viết thành luật những phòng ngừa và bảo vệ tuyệt đối có thể ngăn cản việc đó tại đây. Các lạm dụng và khai thác người yếu thế chắc chắn sẽ xẩy ra.

Kết luận

Chủ trương của Đảng Xanh về một số điểm căn bản trong các phạm vi chính sách nhân bản và xã hội trực tiếp chống lại các niềm tin và giá trị của hầu hết những người có tôn giáo, cũng như các niềm tin của nhiều người khác nữa. Việc kình chống này không phải chỉ có ở bề mặt và vô hại.Chúng đụng tới các vấn đề nền tảng như việc tôn trọng mọi sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên. Chúng tấn công quyền tự do tôn giáo và quyền tự do lương tâm. Những người thuộc Đảng Xanh, khi được bầu, sẽ mang theo toàn bộ các chính sách trên. Bạn không thể chọn và lựa (điều bạn muốn). Họ không phải chỉ quan tâm tới môi trường mà thôi.

Mọi lá phiếu trong cuộc bầu cử này đều rất quan trọng. Ta nên nhớ rằng trong quốc hội kỳ rồi, có một số đảng viên của mọi đảng lớn đã ủng hộ những luật lệ xấu về việc các cặp đồng tính được nhận con nuôi, về sinh vô tính (cloning) và về việc huỷ diệt phôi thai người cũng như mang thai giùm, nên chắc chắn cũng sẽ có một số người trong quốc hội mới nhất trí với các quan điểm của Đảng Xanh về những vấn đề ta vừa bàn tới trong bản tuyên bố này.

Ta cần phải chất vấn các ứng cử viên xem họ có quan điểm nào về các vấn đề trên, và nói chuyện với gia đình, bằng hữu và đồng nghiệp của ta để bảo đảm rằng những người được bầu vào ngày 26 tháng 3 này thực sự biết quan tâm tới quyền lợi của mọi công dân của Tiểu Bang này, bất luận là giầu hay nghèo, già hay trẻ, sắp chết hay sắp sinh.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm hai cha xứ làm Giám Mục Phụ Tá tại Tổng Giáo Phận Detroit, Michigan
Bùi Hữu Thư
06:46 24/03/2011
Hoa Thịnh Đốn (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bổ nhiệm Đức Ông Donald F. Hanchon và linh mục Father Michael J. Byrnes, cả hai đều là cha xứ tại Detroit và cũng đang giữ các nhiệm vụ khác tại Tổng Giáo Phận Detroit.

Giám mục được chỉ định Hanchon, 63 tuổi, là chánh xứ Giáo Xứ Holy Redeemer và là phụ tá cho Đức Tổng Giám Mục cho Hạt Trung Tâm của Tổng Giáo Phận Detroit.

Giám mục được chỉ định Byrnes, 52 tuổi, là chánh xứ Giáo Xứ Presentation/Our Lady of Victory và là Phó Viện Trưởng Đại Chủng Viện Thánh Tâm.

Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, khâm sứ Toà Thánh tại Hoa Kỳ công bố việc bổ nhiệm ngày 22 tháng Ba tại Hoa Thịnh Đốn.

Giám mục được chỉ định Hanchon được truyền chức linh mục trong Tổng Giáo Phận Detroit năm 1974 và được phong chức Đức Ông năm 2005.

Giám mục được chỉ định Byrnes được truyền chức linh mục trong Tổng Giáo Phận Detroit năm 1996.

Cả hai vị sẽ được truyền chức giám mục ngày 5 tháng Năm tại Nhà Thờ Chánh Tòa Most Blessed Sacrament tại Detroit. Đức Tổng Giám Mục Allen H. Vigneron ở Detroit nói hai việc bổ nhiệm này là “một hồng phúc lớn lao cho tổng giáo phận,” cũng như là một danh dự cho hai linh mục này. Ngài nói cả hai linh mục, đến theo hai con đường và từ hai thế hệ khác nhau, mỗi người đều đem đến những quà tặng độc đáo cho giáo hội điạ phương.
 
Được đàng chân lân đàng đầu: Hồi Giáo Pháp đòi dùng các nhà thờ Công Giáo để cầu nguyện.
Nguyễn Long Thao
16:44 24/03/2011
Được đàng chân lân đàng đầu: Hồi Giáo Pháp đòi dùng các nhà thờ Công Giáo để cầu nguyện.

Paris. -Trong một tuyên cáo báo chí được phổ biến ngày 11 tháng 3 năm 2011 tổ chức Hồi Giáo ở Paris có tên là "Banlieuses Respect”-Tôn Trọng Vùng Ngoại Ô- yêu cầu giới chức Giáo Hội Công Giáo Pháp cho tín đồ Hồi Giáo được dùng các nhà thờ Công Giáo đang để trống để họ tổ chức cầu nguyện thay vì trải chiếu ra đường quanh đền thờ Hồi Giáo để cử hành các nghi thức phụng vụ vào các ngày thứ Sáu hàng tuần.

Phát ngôn viên của tổ chức này là ông Hassan M. Ben Barek nói rằng biện pháp đó là để người Hồi Giáo không còn phải cầu nguyện ở ngoài đường đồng thời tránh cho họ bị mang tiếng là các con tin chính trị.

Xuân Lộc: Chúa Nhật II Mùa Chay (20.03.2011), Ban Mục Vụ Di Dân thuộc Tu Viện Thánh Martin tổ chức buổi tĩnh tâm và gặp mặt sinh hoạt cho anh chị em Dự tòng và Tân tòng Di Dân tại Hố Nai, Giáo Phận Xuân Lộc.



Buổi tĩnh tâm diễn ra trong bầu khí sốt sắng, gồm hai phần chính là: hồi tâm sám hối - xưng tội và thánh lễ. Mục đích của buổi tĩnh tâm là khơi dậy nơi anh chị em Tân tòng đức tin và và lòng yêu mến Đạo Thánh Chúa nhiều hơn, cũng như giúp anh chị em Dự tòng làm quen dần với những sinh hoạt tôn giáo như cầu nguyện chung và thánh lễ. Buổi tĩnh tâm được diễn ra trong khung cảnh ấm cúng như con cái của một nhà.



Sau thánh lễ, Ban Mục Vụ Di Dân cũng tổ chức gặp mặt sinh hoạt cho anh chị em Tân tòng và Dự tòng. Buổi sinh hoạt được các bạn trẻ trong nhóm “Vui Trong Giêsu” và nhóm “N2” góp vui bằng những bài hát sinh hoạt có cử điệu sôi. Ngoài ra còn có những lời chia sẻ giao lưu và trao quà do nhóm “Thiện Nguyện” thực hiện.



Tất cả những anh chị em di dân Tân tòng và Dự tòng ra về với niềm vui và được những người trong Ban Mục Vụ Di Dân khích lệ bằng những lời động viên an ủi về tinh thần cũng như những lời chào hẹn gặp lại lần sau.
 
Khóa thường huấn HĐGX giáo phận Thanh hóa năm 2011
Vân Sơn
11:30 24/03/2011
Khóa thường huấn HĐGX giáo phận Thanh hóa năm 2011

GP Thanh Hóa - Như chúng ta đã biết, giáo hội Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường chông gai với những cuộc bách hại đẫm máu trong quá khứ, nhiều ngôi nhà thờ bị triệt hạ, nhiều giáo xứ bị xóa tên, nhiều người bắt và chết dũ tù… thậm chí có những giáo xứ nhiều chục năm trời không có linh mục coi sóc… trong những hoàn cảnh đen tối như vậy, tưởng chừng như đạo Chúa bị xóa bỏ khỏi mảnh đất Việt Nam. Nhưng không, bên cạnh những người vì nhiều lý do đã phải chối đạo, bỏ đạo và cải đạo vẫn còn một đội ngũ “những người trung thành vì Chúa Kito” đó là các QUÝ CHỨC – những người được cộng đoàn tin tưởng đặt lên để điều khiển, hướng dẫn, xướng kinh, lo kẻ liệt, thăm viếng an ủi người đâu ốm…; đó là các ông Câu, ông Biện của miền Nam hay các ông Trùm, ông Quản ở miền Bắc.

Xem hình khoá huấn luyện HĐGX Thanh Hóa 2011

Chính những người này, đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hành, tổ chức và truyền giáo cũng như chứng nhân (tử đạo) của mình trong các giáo xứ, giáo họ, giáo điểm.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự biến đổi của xã hội, giáo dân trong nhiều xứ đạo cũng đã thay đổi theo trong nếp nghĩ và cung cách hành đạo, nên cũng đòi hỏi ở những người lãnh đạo một sự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mục vụ mới.

Đứng trước viễn cảnh như vậy, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã mở các lớp đào tạo để huấn luyện Hội đồng mục vụ các giáo xứ trong giáo phận…

Tiếp nối các Khóa Huấn Luyện Sơ Cấp đã được bắt đầu từ hai năm trước : năm 2008 có 320 học viên ; năm 2010 với 300 học viên và năm nay khóa huấn luyện được diễn ra trong ba ngày, từ ngày 22 - 25 tháng 3 năm 2011 với 360 học viên tại Tòa Giám Mục giáo phận Thanh Hóa. Đây là khóa sơ cấp cuối cùng trong chương trình huấn luyện của giáo phận dành cho tất cả những người đang làm việc trong các Hội đồng giáo xứ theo ba cấp bậc : Sơ Cấp – Trung Cấp và Cao Cấp.

Chương trình huấn luyện được tuần tự theo các đề tài :

1. Giáo dân là ai?

2. Quyền lợi của giáo dân

3. Nghĩa vụ của giáo dân

4. Tổ chức hành chánh của giáo hội Công giáo

5. Tổ chức giáo xứ

6. Lược sử giáo phận

7. Quá trình hình thành Hội đồng giáo xứ tại Việt nam

8. Tổ chức Hội đồng giáo xứ

9. Nhiệm vụ của Hội đồng giáo xứ

10. Quyền lợi của Hội đồng giáo xứ

11. Hoạt động của Hội đồng giáo xứ

12. Tham gia nhiệm vụ thánh hóa, giảng dậy và cai quản.

Khóa học diễn ra trong bầu khí cởi mở và thân thiện. Nhiều đề tài, nhiều vấn đề được nêu ra đã khai sáng và giúp cho các học viên hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, lịch sử hình thành cũng như những thách đố mà họ sẽ đối diện trong tương lai.

Kết thúc khóa học là thánh lễ tạ ơn, phát chứng chỉ và nghi thức sai đi diễn ra sốt sắng, trang trọng và xúc động. Tất cả các học viên đặt lên sách Phúc âm thề hứa trung thành với giáo hội cũng như đem hết khả năng của mình ra để phục vụ giáo phận.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hội Đồng Qúy Chức: Tổng Kết
Lm. Mai Đức Vinh
11:45 24/03/2011
Hội Đồng Qúy Chức

TỔNG KẾT

Trong phần tổng kết này, chúng tôi nêu lên năm nhận định sau đây:

I. Thái độ khôn ngoan của các vị Thừa Sai
II. Trung thành với phương pháp Truyền Giáo chính thống
III. Không thể hủy bỏ các Giáo Xứ
IV. Vai trò cần thiết của Hội Đồng Quí Chức ngày xưa và Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay
V. Tổ chức Hội Đồng Quí Chức ngày xưa đảm bảo sự trường tồn của Giáo Hội Việt Nam hôm nay


Vào năm 1533, Tin Mừng bắt đầu được truyền rao ở Việt Nam và "người trưởng nữ của Giáo Hội tại Viễn Đông" chào đời. Kể từ năm 1580, sự đàn áp đạo giáo nổ bùng và kéo dài cho đến năm 1886 tức là trong vòng 300 năm. Đồng thời, giặc giã và loạn lạc liên miên. Giáo Hội Việt Nam lớn lên trong những đàn áp và chiến tranh. Đó là một sự thật lịch sử ngoạn mục. Sau hồng ân của Thiên Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần, một trong những nhân tố chính yếu đã củng cố và phát triển Giáo Hội Việt Nam trong những điều kiện như thế, đó là "Quí Chức Họ Đạo Tham Gia Vào Các Thừa Tác Vụ Của Linh Mục".

Quả thật, Hội Đồng Quí Chức à một tổ chức tông đồ của người giáo dân. Hội Đồng hiện hữu như một sáng kiến mục vụ hiệu lực ngay từ buổi đầu truyền giáo tại Việt Nam. Hội Đồng này luôn thích ứng và được canh tân theo hoàn cảnh lịch sử và xã hội của đất nước. Đó là điều chúng ta đã nhìn thấy khi nói đến lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, về tiến trình lịch sử của Hội Đồng Quí Chức (hay Hội Đồng Chức Việc) và khuôn mặt của một họ đạo (ch. I, II, III); cũng như khi trình bày một cách cụ thể những hình thức tham gia của các quí chức họ đạo vào các thừa tác vụ thánh hóa, giảng huấn và quản trị (officium sanctificandi, docendi, regendi) của các linh mục (ch.IV, V, VI).

Những sự xác quyết của cha Cadière, một thừa sai lão luyện và một cha sở nổi tiếng của địa phận Huế, đã đúc kết mọi tham gia đó như sau: "Từ nhiều thế kỷ qua, tổ chức Hội Đồng Quí Chức đã cống hiến nhiều lợi ích to lớn. Nếu Giáo Hội Công Giáo được tồn tại giữa dân chúng Việt Nam thì một phần lớn là nhờ có tổ chức sáng suốt này trong các họ đạo. Chính nhờ vào hoạt động của các quí chúc mà các tín hữu luôn trung thành gắn bó với đạo giáo của họ mặc dù phải trải qua những bách hại lâu dài và đẫm máu" (1). Với Hội Đồng Quí Chức, chúng ta có một trung tâm điểm, một công cụ đầu não về sự cộng tác toàn diện của các tín hữu trong họ đạo với các chủ chăn của họ (2). Quả thật, các chức việc (các tín hữu kỳ cựu) đã tỏ ra đáng thán phục: họ đã dành cho chúng ta những giúp đỡ lớn lao và đa diện" (3).

Như chúng tôi đã đề cập, trong số những sáng kiến mục vụ, sở dĩ Hội Đồng Quí Chức luôn giữ được bản chất hiệu nghiệm là nhờ được các Bề Trên trong Giáo Hội biết phát triển và thích ứng đúng thời điểm. Công trình thích ứng quan trọng nhất và gần đây nhất chính là việc thành lập các Hội Đồng Giáo Xứ trong các xứ đạo ở miền Nam phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II. Một sự canh tân như vậy hiển nhiên là mang đến cho Hội Đồng Quí Chức, mà từ nay gọi là Hội Đồng Giáo Xứ, một sự hài hòa giữa 'sự cẩn trọng và khôn ngoan của những người râu bạc tóc trắng với sự hăng say và nhiệt tình của giới trẻ tài ba ' (4) (ch. VII)

Xuyên qua tất cả điều gì có liên hệ đến việc thành lập Hội Đồng Quí Chức và tất cả những gì chúng tôi đã trình bày, chúng tôi có thể hân hoan kết luận việc làm nhỏ bé này với một vài nhận định tích cực sau đây:

I. Thái độ khôn ngoan của những vị Thừa Sai

Khi nghiên cứu về sự thành lập Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ở Việt Nam, chúng tôi không thể không ngưỡng mộ trí khôn ngoan, đức tiên liệu, óc thực tiễn và tinh thần Giáo Hội của các thừa sai đã truyền bá Phúc Âm một cách chân chính trên đất nước Việt Nam trong những thế kỷ đã qua. Vì chưng, khi theo khuôn mẫu của tổ chức giai tầng trong một làng xã truyền thống để tổ chức các họ đạo mới, các ngài đã không theo phương pháp 'cạo nhẵn mặt bàn' (tabula rasa) hoặc 'tuyệt đối cắt đứt với thế giới lương dân' (rupture absolue avec le monde des paiens), nhưng các ngài đã chọn phương pháp 'Quan phòng đã chuẩn bị' (Préparation Providentielle). Theo phương pháp thứ nhứt, các nhà thừa sai coi như thối nát tận rể và toàn diện tất cả điều gì họ nhìn thấy kể từ lúc mới đặt chân đến: các tổ chức chính trị, tôn giáo và xã hội, các thần minh và âm hồn, các truyền thống và phong tục bản xứ đều bị lên án toàn khối. Cần phải 'cạo nhẵn mặt bàn' tất cả những gì đã có trước khi các thừa sai tới, phải bắt đầu lại từ con số không. Ngược lại, với phương pháp thứ hai, các nhà thừa sai hành động một cách khôn ngoan và thận trọng: "nhà thừa sai không sáng tạo ra, họ chỉ sửa đổi theo bình diện Kitô giáo, những điều gì đã có sẵn trong phong tục của dân ngoại" (5).

Hơn nữa, phương pháp truyền giáo thứ hai này đã được Công Đồng Vatican II đề bạt một cách rõ ràng và huấn thị một cách phổ cập: "Có vô số mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ với nền văn hóa (6), Thiên Chúa phán dạy theo các mẫu loại văn hóa riêng của mỗi thời đại (7); Phúc Âm cải thiện đời sống và văn hóa của loài người bị truất bỏ, Phúc Âm làm phong phú mọi giá trị tinh thần của mỗi dân tộc và mỗi thời đại (8). Giáo Hội nuôi dưỡng và chữa lành các nền văn hóa của các dân tộc (9), Giáo Hội xử dụng các tài nguyên của những nền văn hóa khác nhau để rao truyền sứ điệp của Đức Kitô cho mọi dân tộc (10). Như vậy, truyền giáo là một sự trao đổi sống động giữa Giáo Hội và các nền văn hóa (11); văn hóa sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp Tin Mừng (12). Và sau cùng, của hồi môn của các cộng đoàn Kitô giáo chính là những phú túc văn hóa của đất nước họ"(13).

II. Sự Trung kiên với đường lối truyền rao Phúc Âm nguyên thủy

Chúng tôi sẽ còn ngưỡng mộ phương pháp truyền giáo của các nhà thừa sai, đã tạo dựng và khuyến khích sự hợp tác quí báu của người giáo dân với các chủ chăn của họ. Tuy nhiên, sáng kiến này không phải là hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội. Nó đã bắt gốc từ Phúc Âm, từ các thơ của thánh Phaolô và từ thời các Giáo Phụ.

Sau khi đã chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu còn chọn thêm 72 môn đệ để sai đi, từng hai người, đến trước những nơi mà Ngài sẽ tới (14). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng kể lại cho chúng ta nhiều sự kiện khác có thể được coi như những dấu chỉ của một sự gắn bó rộng lớn vốn có trong lòng Giáo Hội sơ khai, giữa các phần tử hoạt động. Thánh Luca nói với chúng ta về "Maria Madalena, Gioanna, Suzana và nhiều người nữ khác đã giúp đỡ (các tông đồ) bằng tiền bạc của họ" (Luc, 8.1-3). Thánh Marc nói với chúng ta về "Maria và Saloma đi theo Chúa Giêsu đến xứ Galilée để phụ giúp và chăm sóc Ngài" (Mc 15,40; 11,1).

Rồi đến sách Tông Đồ Công Vụ đem đến cho chúng ta nhiều sự kiện đánh dấu một sự cộng tác đích thực của giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm (1). Với G. Bardy chúng ta có thể xác quyết rằng sự cộng tác này thật mạnh mẽ và đích thực. Ông viết : "Các Tông đồ không phải là những người duy nhất rao giảng Tin Mừng. Các ngài được trợ giúp, nếu không nói là được dọn đường trước bởi các tín hữu vô danh" (16); nghĩa là bấy giờ có thể đã có sự liên kết thân tình giữa hàng giáo phẩm và người giáo dân. Tuy nhiên, chính trong các thư của thánh Phaolô mà chúng ta đọc thấy những biểu dương rộng lớn về sự hợp tác trong sứ vụ tông đồ. Thánh Phaolô thường nói đến những người cộng tác với ngài (17). Ngài gọi họ là "những kitô hữu có văn hóa", ngài chuẩn nhận họ như những tông đồ. Họ là những người đầu tiên tiếp nhận danh hiệu 'tông đồ giáo dân' (apôtres laics) (18).

Vào đầu thế kỷ thứ II, sau khi các vị tông đồ cuối cùng đã qua đời, Giáo Hội bắt đầu mang một bản sắc bề ngoài mới mẻ. Hàng giáo phẩm công nhận cho giáo dân có quyền hành xử một vài năng chức trong sứ vụ tông đồ, ngay cả việc rao giảng (19). Hơn nữa, chúng ta đã thấy có những nhà hộ giáo tài ba giữa tầng lớp giáo dân, chẳng hạn thánh Justinô và thánh Origênô. Sẽ quá dài dòng nếu chúng ta liệt kê ra ở đây t ất cả các văn bản của các Giáo Phụ bày tỏ lòng kính trọng và sự hợp tác của người giáo dân đối với hàng giáo sĩ của thời đại (20). Nhưng chúng ta có thể xác quyết rằng, ngay cả trường hợp người giáo dân bị truy nã và chính thức bị lên án, thì việc tổ chức của Giáo Hội vẫn càng ngày càng trở nên hiển hiện ra bên ngoài, và người giáo dân, thuộc mọi tầng lớp, đã đảm nhận phần to lớn nhất trong việc tông đồ" (2).

Phương pháp nầy đã được các nhà thừa sai áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực truyền giáo. Vậy, đó là một phương pháp chính thống làm nổi bật vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội, đặc biệt trong công tác truyền giáo của họ (22). Linh mục Ricard đã xác quyết mạnh mẽ điều đó với chúng ta khi nói về tầm mức quan trọng của một đội ngũ 'giáo dân ưu tuyển' trong họ đạo: "Một họ đạo sẽ không thể sinh hoạt trôi chảy khi không có một 'đội ngũ giáo dân ưu tuyển'. Người giáo dân có thể đảm nhiệm những vấn đề mà vì hoàn cảnh hay luật lệ không cho phép linh mục quán xuyến. Người giáo dân có thể tự do dấn thân vào những môi trường đóng kín hay hạn chế các linh mục tới. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, người giáo dân có thể đóng vai trò trung gian và là mối dây liên lạc giữa các giáo sĩ với tập đoàn giáo dân, giữa giáo quyền với chính quyền. Đội ngũ giáo dân ưu tuyển được coi như những người cố vấn và những người cộng tác với các linh mục trong tinh thần tự do và tuân phục" (23).

Sự cộng tác của những người giáo dân vào công tác truyền bá Phúc Âm của Giáo Hội là một điểm nổi bật trong những huấn dụ của các đức thánh cha gần đây (24) và nhất là trong Công Đồng Vatican II. Không thể nào trưng dẫn hết những huấn dụ của Công Đồng tương quan đến vai trò của người giáo dân trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, và bổn phận giáo dân phải cộng tác với các hàng linh mục, chúng tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn của Công Đồng nhấn mạnh về hai điểm 'cố vấn và hợp tác': "Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập một Giáo Hội địa phương, phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân kitô giáo trưởng thành" (25).

Tổ chức Hội Đồng Quí Chức của họ đạo Việt Nam và sự tham gia của hội đồng vào các thừa tác vụ của linh mục đều gần gũi với giáo huấn của Công Đồng. Những nhà thừa sai ở Việt Nam đa số đã tỏ ra trung thành với phương pháp truyền giáo chính thống mà tác giả là chính Đức Kitô. Chúng ta vui mừng và hãnh diện mà xác quyết điều đó!

III. Giáo xứ không thể bị bãi bỏ

Giống như Hội Đồng Quí Chức ngày xưa, Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay được thiết lập trong giáo xứ, bởi giáo xứ và vì giáo xứ. Như vậy giáo xứ là môi trường nguyên thuỷ cho hoạt động tông đồ của 'đội ngũ giáo dân ưu tú' .

Song song với lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, lịch sử giáo xứ ở Việt Nam, dù trải qua nhiều khó khăn và khủng hoảng, vẫn chưa bao giờ bị gián đoạn từ ba thế kỷ qua, từ thời khai sinh cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trước mỗi thay đổi trong xã hội, và trước nhu cầu đòi hỏi mới của thời đại, Giáo Hội luôn tìm kiếm những phương thuật hiệu nghiệm cho công việc mục vụ và nhờ ơn trên, Giáo Hội đã luôn luôn thành công cho dù phải có thời gian.

Hiển nhiên là giáo xứ không thể nào được xem như là môi trường hay hình thức độc nhất của công việc mục vụ trong giáo phận. Bởi lẽ, như cha Karl Rahner nhận định, "ngay bên trong giáo phận, và từ bản chất của giáo phận, thì ngoài giáo xứ ra và bình đẳng quyền lợi với giáo xứ, còn có rất nhiều thẩm cấp trách nhiệm khác trong sinh hoạt của giáo phận, cũng là của Giáo Hội" '(26). Hơn nữa, đức thánh cha Phaolô VI đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng: "Nếu tách biệt riêng rẻ, thì giáo xứ không phải là một mô thức đầy đủ cho chương trình mục vụ khả dĩ đáp ứng những nhu cầu hiện đại; còn có nhiều mô thức hoạt động tôn giáo và tông đồ cần thiết khác nữa (27). Mặt khác, khi định nghĩa giáo xứ, Công Đồng Vatican II đã coi giáo xứ như một tập đoàn tín hữu giữa những tập đoàn khác. Tuy nhiên Công Đồng đã dành cho giáo xứ một vị thế danh dự' (28).

Giáo xứ xứng đáng có một vị thế trọng vọng, vì chưng, dù thế nào đi nữa, giáo xứ lúc nào cũng cần thiết cho sinh hoạt mục vụ của giáo phận và của Giáo Hội. Nó là tế bào khởi thủy của giáo phận (29), là gia đình của Thiên Chúa, là huynh đoàn nhân bản chỉ có chung một linh hồn (30), là một cộng đồng kitô hữu (31, một cộng đồng Giáo Hội 32). Nhờ giáo xứ mà Giáo Hội hữu hình được thiết lập trong vũ trụ (33). Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi quy tụ đủ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội (34). Quả thật giáo xứ chính là gia đình huynh đệ, là trường dạy Lời Chúa, hun đúc đức tin, thực hành bác ái và các nhân đức kitô giáo; giáo xứ là một ca đoàn, trong đó nhiều giọng ca khác nhau cùng hợp xướng một thánh ca duy nhứt, là một tập thể cầu chung một lời nguyện, ngồi chung một bàn tiệc bánh duy nhất, nói lên một kinh nghiệm về sự hợp nhất tôn giáo (35). Vì vậy, đứng trước những sự phê phán nóng nảy của những người muốn bãi bỏ định chế giáo xứ, đức thánh cha Paul VI đã quả quyết rằng: "Giáo xứ không thể bị bãi bỏ" (36) .

IV. Vai trò không thể thiếu của Hội Đồng Quí Chức ngày trước và Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay

Tuy nhiên, nếu muốn cho giáo xứ (hay họ đạo) có thể đạt được những mục tiêu đề ra thì Hội Đồng Quí Chức ngày trước hay Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, vốn đứng đầu trong các tổ chức tông đồ giáo dân, rõ ràng là rất cần thiết. Nếu giáo xứ được tạo lập nên là vì nhu cầu mục vụ của giáo phận và của Giáo Hội, thì tổ chức Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Giáo Xứ được lập ra cũng bởi sự khẩn thiết mục vụ của giáo xứ. Hình thức của hai hội đồng này thay đổi tùy theo những đòi hỏi của mục vụ nhưng mục đích vẫn là một. Vậy, điều mà ngườI ta viết về Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay thì cũng đúng với Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ngày trước thôi: "Bổn phận của Hội Đồng Giáo Xứ là giúp cho mọi thành phần trong giáo xứ biết ý thức về những vấn đề chung, như phụng vụ, mục vụ, giáo lý hay từ thiện; là khơi động lại nơi các tín hữu cái ý nghĩa cộng đoàn, sự đồng trách nhiệm; là làm biến đổi não trạng độc đoán của hàng giáo sĩ thành mối bận tâm làm việc chung, là biến đổi tâm lý thụ động của người tín hữu thành tinh thần hoạt động có trách nhiệm. Ông A. Massaloni nói: "Đó là một tổ chức có khả năng thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của giáo xứ, cải biến giáo xứ, canh tân giáo xứ tự bên trong với sự cộng tác của mọi phần tử, là đào tạo nên một tâm thức mới về Giáo Hội, một cách thức mới mẻ về sự gắn bó và đồng nhất với Giáo Hội" (37).

Khi còn là tổng giám mục giáo phận Pittsburgh, đức hồng y John Wrigh cũng đã viết một bài tựa cho một quyển sách về cùng một đề tài nầy: 'Hội Đồng Giáo Xứ cần thiết để hoàn tất công việc của giáo xứ và điều đó có nhiều lý do' (38).

Thực vậy, chúng ta không sợ quá lời khi nói rằng: trong họ đạo, các chức việc Việt Nam, khi tham dự vào thừa tác vụ của linh mục, họ đã thực hiện hầu như tất cả những công việc của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay. Điều nầy được xác nhận bởi những gì chúng tôi đã trình bày.

V. Hội Đồng Quí Chức ngày xưa bảo đảm sự trường tồn của Giáo Hội Việt Nam ngày nay

Một sự thật lịch sử: Giáo Hội Việt Nam luôn luôn trải qua những sự thử thách và khó khăn! Chỉ trong vòng 444 năm lịch sử Giáo Hội (1533-1977) Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 300 năm bị bách hại và giặc giã (1850-1886), 30 năm chiến tranh và chia cắt (1945-1975) và đã 2 năm hoàn toàn sống dưới thể chế độ cộng sản (Sài Gòn mất vào ngày 30 tháng 04 năm 1975). Không những chế độ này thúc buộc Giáo Hội Việt Nam phải yên lặng mà còn làm cho tê liệt nữa! Giáo Hội Việt Nam sẽ đi về đâu? Chắc chắn là không thể bị tiêu diệt được, bởi vì trong những thời gian đen tối, Giáo Hội này vẫn sinh tồn nhờ sức mạnh quan phòng của Chúa. Mặc dù chỉ là thiểu số và đầy rẫy khó khăn, người công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục làm chứng cho đức tin, tiếp tục duy trì một Giáo Hội sống động như tổ tiên của họ đã làm trong những thời kỳ bị bách hại. Nhờ vào hồng ân của Chúa, theo gương mẫu của các vị tiền nhân và dưới sự hướng dẫn hợp nhất của hàng giáo phẩm, giáo dân Việt Nam nhận lãnh trọng trách về tương lai của Giáo Hội của họ .

Cha Petit Jean đã viết: "Từ ba thế kỷ người giáo dân Việt Nam đã đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm trong việc thăng tiến họ đạo. Ngày nay, theo giáo huấn của Công Đồng Vatican II, họ còn ý thức nhiều hơn nữa về vai trò của họ. Xét về phía cạnh cơ cấu, Giáo Hội Việt Nam đã kiên vững. Nhưng nhất là các kitô hữu Việt Nam hôm nay có đức tin. Vào thế kỷ XIX, tổ tiên của họ đã trải qua những thời bách hại kinh hoàng. Hơn 100.000 người đã hy sinh mạng sống... Các tín hữu hiện nay nằm lòng: Họ phải giữ trọn vẹn đức tin bất khuất của tổ tiên! Tôi có nhiều chứng tá sống động về đức tin giữa những người tôi quen biết. Đó là điều làm tôi tin tưởng vào tương lai của Giáo Hội Việt Nam (39).

Và đây là sự xác tín của chúng tôi và của tất cả những ai thấu hiểu về lịch sử của Giáo Hội Việt Nam ngày trước và tình trạng của Giáo Hội Việt Nam ngày nay.


Chú thích

1 OFCV, trg tập san.MEP (1955) số 85 tr.964
2 OFCV, trg tập sn.MEP (1955) số 85 tr.967
3 OFCV, trg tập san.MEP (1955) số 79 tr.313
4 OFCV, trg tập san.MEP (1955) số 85 tr.967
5 Xem. Ricard. H, 'La Conquête Spirituelle Du Mexique' các tr.333-335
6 MV, 58 trg AAS 58 (1966) tr.1079
7 MV, 44 trg AAS 58 (1966) tr.1064
8 MV, 58 trg AAS 58 (1966) tr.1079
9 GH, 17 trg AAS 57 (1965) tr.21
10 MV, 58,62 trg AAS 58 (1966) tr.1079, 1083
11 MV, 44 trg AAS 58 (1966) tr.1064
12 MV, 57 trg AAS 58 (1966) tr.1077; GE, 8 trg AAS 58 (1966) tr.735
13 TR, 15 trg AAS 58 (1966) tr.964
14 Lc .X,1-12; VIII, 1-3; Mc IV,41
15 Cv.IV,31; VIII, 4;XI, 20-23
16 Bardy G. 'L'Apostolat Des Laics Aux Premières Siècles' trg Masses oeuvrières, Juillet 1945, tr.3
17 Rm.XVI,1-24; Col.IV,1,10,13; Pl.II, 2-5; IV, 2-4.
18 Rm XVI, 7
19 Bardy G. còn ghi chú rằng hình như là ngày vào khởi đầu thế kỷ thứ 3, những người giáo dân cũng có quyền giảng thuyết trước sự hiện diện của giám mục trong một vài nơi giáo phận art cit. tr.13
20 Nhiều nghiên cứu về điển nầy đã được thực hiện nhưng đáng kể hơn hết là của Dabin trong Le 'Sacerdoce Royal Des Fidèles Dans La Tradition Ancienne et Moderne', xuất bản ở Bỉ quốc, 1950
21 Dubac J.'Collaboration Apostolique des Prêtres et des Laics au début Chritianisme', Lumen Vitae 17 (1962) tr. 221
22 Xem Lombardi và Bosa trong: 'La Cơperazione dei Laici d' Asia e d'Africa all 'Apostolato Missionario', Roma 1958, các tr. 8-12, 13-32; Germain, 'Le Rôle du Laicat dans L'Apostolat Missionaire de L'Église', trg Le laicat et les Missions, Ottawa 1951 các tr. 27-37
23 Ricard. Đã dẫn các tr. 261-262
24 Xem giáo hoàng Pie XI, "Quae Nobis": Principes et Fondements Généraux de l'Action Catholique', trg AAS 20 (1928), các tr.384-387; Pie XII: Encyclique "Evangelli Praecones" trong tài liệu công giáo. 48 (1951 cột 769-790, 'Discursus Ad Cogressum Mundi De Apostolatu Lacorum', trg AAS 42 (1951) các tr. 784-789, 'Discursus Ad Cogressum Mundi De Apostolatu Lacorum trg A .AS 48 (1957) các trang 922-939; Paul VI, 'L'Évangélisation dans le Monde Moderne, trong tập hợp (những bài giảng tuyết hằng tháng của đức giáo hoàng) "Discours du Pape", mensuel Số 315 nhà phát hành. Saint Michel, Paris, Janvier 1976.
25 TG, 21 trg AAS 58 (1966) tr.972
26 Rahner K. 'La Paroisse', trg Mystère de L'Église et Action Pastorale, Tournai 1969 tr.145.
27 Bài diễn văn ngắn ngày 9 tháng 9 1966, trong 'Insegnamenti Di Santo Padre Paolo VI', tập IV, 1967 tr.391
28 VP,42 trg AAS 56 (1964) tr.III
29 TĐ,10 trg AAS 58 (1966) tr.847
30 GH, 28 trg AAS 57 (1965) tr.34
31 ĐT, 2 trg AAS 58 (1966 tr.714
32 TĐ,10 rg AAS 58 (1966) tr.846
33 PV,42 trg AAS 56 (1964) tr.112
34 TĐ,10 trg A AS 58 (1966) tr.847
35 Bài diễn văn ngắn ngày 30 tháng 01 1973 (?) (của giáo hoàng Paul VI) trg Tài liệu Công Giáo. 69 (1972) tr.209
36 Paul VI, bài diến văn ngắn vào dịp 'la semaine itallienne d'aggiornamento pastoral', trong tài liệu công giáo. 68 (1971 tr 858)
37 Mazzoleni A. 'Le Structure Comunitarie Della Nuova Parochia', Roma 1973, tr.142.
38 Wrigh J. Fordword, trong B.Lyons: 'Parish Concils, Renewing The Chritian Community' Divine word publications 1969, tr.VIII
39 Mission Étrangère de Paris, 10.1979 tr.5
 
Thông Báo
Xem trong một file và trích dẫn các bài viết trên VietCatholic
VietCatholic Network
10:33 24/03/2011
Hỏi: Trên giao diện mới của VietCatholic, làm sao đọc tất cả các bản tin trong ngày trong cùng một file. Trước đây, tôi vẫn dùng điạ chỉ http://vietcatholic.net/news/clients/Readall.aspx nay không thấy hoạt động nữa.


Thưa: Xin chọn như trong hình bên cạnh. Nếu muốn đánh trực tiếp, xin đánh http://vietcatholic.net/news/ReadAll.htm

Nội dung của file gồm những bài mới đưa lên trong ngày (tính theo giờ miền đông Hoa Kỳ - Eastern Standard Time). Nếu quý cha và anh chị em muốn “xem trong một file” những bài của một ngày nhất định thì xin đánh chẳng hạn http://vietcatholic.net/news/html/23-03-2011.htm (trong trường hợp của ngày 23/03/2011).

Hỏi: Tôi đã đọc một bài trên VietCatholic địa chỉ cụ thể là http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=88043. Nay không đọc được nữa. Không biết bài ấy bây giờ nơi đâu?

Thưa: Xin thay cụm Clients/ReadArticle.aspx?ID= bằng Html/ và thêm. htm ở sau. Cụ thể, xin đánh http://www.vietcatholic.net/News/Html/88043.htm. Chữ www cũng không cần thiết. Nghĩa là có thể đánh http://vietcatholic.net/News/Html/88043.htm

Khi trích dẫn các bài viết trên VietCatholic, xin quý cha và anh chị em dùng địa chỉ. htm (đây là địa chỉ chính thức lúc nào cũng truy cập được) chứ đừng dùng địa chỉ. aspx.

Cái khác biệt giữa hai loại files có thể giải thích như sau: htm là loại file mà server của VietCatholic đã làm sẵn. Thành ra, thời gian truy xuất sẽ nhanh hơn. Aspx là loại file khi quý cha và anh chị em yêu cầu thì chương trình trên VietCatholic mới bắt đầu làm và đưa hồ sơ ra cho độc giả xem. Mỗi cách làm đều có những thuận lợi và những bất lợi nhất định. VietCatholic phải cân nhắc tùy theo tình trạng của server, và đặc biệt là vấn đề security.
 
Văn Hóa
Lễ Truyền Tin: Chúa Chỉ Cần Tấm Lòng
Anthony Hoàng
09:46 24/03/2011
Biết rằng Chúa chẳng cần chi
Vì Ngài chỉ phán chẳng gì không xong!
Nhưng Ngài cần một tấm lòng
Để làm cung điện cho Con vào đời

Ma-ri-a, Mẹ đáp lời
Trời cao rung động, địa cầu hỷ hoan :!
Đấng vĩnh cửu vào thời gian
Vô hình nay đã mang thân xác phàm !

Chúa đến: hồng ân trao ban
Tha cho tội lụy muôn ngàn năm qua
Cho con gọi Chúa là Cha
Gọi người bên cạnh : ta là anh em

Chúa mong thế giới bình yên
Chúa chờ con cái theo gương Mẹ hiền:
Cho Chúa được mượn trái tim
Để Trời ở giữa cõi lòng nhân gian!



 
Hoa Tinh Tuyền
Thanh Sơn
09:48 24/03/2011
Lễ Truyền Tin (Lc.1,26-38)

THÁNH Thần ngự xuống trên bà
THẦN Linh Thiên Chúa vào Tòa Maria
SẼ nên "THIÊN TỬ" tinh hoa
NGỰ vào "Trinh Thể" như tòa Thánh Ân
XUỐNG trần cứu chuộc muôn dân
TRÊN Thiên Đình Chúa giáng trần lạ thay!
BÀ đầy "Ơn Phước" đời này

VÀ Thiên Thần đến giải bày "Truyền Tin"
QUYỀN năng THIÊN CHÚA đoái nhìn
NĂNG quyền trên xuống Mẹ "Xin Vâng" lời
ĐẤNG Toàn Năng đến tự Trời
TỐI Cao, tỳ nữ "Vâng Lời" khiêm cung
CAO rao Danh Thánh Cửu trùng
SẼ nên cao trọng vô cùng mai sau
RỢP nhà Gia-Cóp muôn màu
BÓNG NGÀI bao phủ mai sau khắp cùng
TRÊN Trời dưới thế mừng chung
BÀ tràn "Phước Lạ" khiêm cung cứu đời.

VÌ mang "THIÊN TỬ NGÔI LỜI"
THẾ nên là Mẹ "Chúa Trời" cao sang
NGƯỜI "Vô Nhiễm Tội" mọi đàng
CON "Người Toàn Vẹn Trinh Trang tuyệt vời"
SINH ra "Vô Nhiễm" tội đời
RA đi "Hồn Xác về Trời Đặc Ân"
SẼ nên cao trọng muôn phần
LÀ Vua các Thánh Thiên Thần hiển vinh
THÁNH Danh " Vương Nữ Đồng Trinh"

VÀ là Mẹ Chúa Thiên Đình Vinh Quang
ĐƯỢC Lòng THIÊN CHÚA mọi đàng
GỌI Tên Mẹ Đấng cao sang diễm kiều
LÀ Người bảo trợ tin yêu
CON mừng kính Mẹ muôn điều đệp xinh
THIÊN Đàng kính Mẹ Thiên Đình
CHÚA CON cứu chuộc chúng sinh tội đời.



 
Con sẽ trả lời sao?
lykhách
15:44 24/03/2011
Con hiểu mình đang trên đường về lại
Không biết Chúa sẽ hỏi gì? con sẽ trả lời sao?
Hướng thiên đường chân hoang chợt lo ngại
Biết thênh thang cửa rộng có cho vào?

Đường nhân sinh dần qua hơn nửa cõi
Thuở thanh xuân đầy đam mê réo gọi
Chân lối lạc lắm miền không muốn tới
Hồn hoang vu theo mấy nẻo khóc cười

Buổi bình minh nào thấy bóng chiều về
Hoàng hôn thức muộn cảnh tỉnh mê
Lá rụng - về cội, cỏ cây biết thế
Người hiểu ra ngày sắp tận gần kề

Con biết mình đang trên đường về lại
Chúa sẽ hỏi gì và con sẽ trả lời sao?
Có lẽ chỉ cúi đầu cậy trông lòng nhân ái
Hằng xót thương từ nghìn trước ngàn sau!

Bởi nếu Chúa xét, lạy Chúa, con thể nào đứng vững!
Lỗi thấm đời con theo nước mắt vui buồn
Trong tình trời con là kẻ bất xứng
Nẽo nhân sinh bước lạc lối tứ phương

Hồn lên cao mà xác nặng trĩu xuống
Ước mơ bay, chân đất thấp tầm thường
Cõi nhân sinh chưa bao giờ độ lượng
Dằn vặt tâm tư mỗi lựa chọn đau thương

Con vẫn nhớ mình trên đường về lại
Chúa sẽ hỏi gì? con chưa biết trả lời sao!
Chính vì thế hồn con đầy khắc khoải
Chẳng thể tìm ra một câu trả lời nào!

Đầu cúi thấp xin lòng thương xót Chúa
Hằng trải dài muôn đời nọ, đời kia
Mà cậy trông, phó thác hồn cỏ úa
Tưới gội hồn con dù đôi hạt sương khuya

Đêm rất sâu muôn tinh cầu sao sáng
Lạy Chúa nơi nào là cõi đến bình an
Thập tự treo nhắc đường tình khổ nạn
Chúa có bao lần cô độc giữa trần gian?

Mùa chay tịnh mà hồn chưa yên tĩnh
Sa mạc hồn bão cát chẳng làm thinh
Xin dẫn đường còn đi, chốn sẽ đến
Chúa hãy hỏi trước cho con tính:
Con đang làm gì giữa cõi nhân sinh?

Con đang làm gì giữa chốn nhân sinh?
Gần như hơi thở mà vẫn quên!
Chúa chợt hỏi đang khi con còn tính
Sẽ làm gì phần còn lại nhân sinh?



 
Nhạc Mùa Chay
Bùi Hữu Thư
19:38 24/03/2011
Hân hạnh giới thiệu nhạc phẩm mới của Phạm Trung phổ nhạc thơ của Madalena Hoa Ngâu:
 
Nhạc Mùa Chay
Bùi Hữu Thư
19:39 24/03/2011
Hân hạnh giới thiệu nhạc phẩm "Lời sám hối bên vệ đường" của Phạm Trung phổ nhạc thơ của Madalena Hoa Ngâu:
 
Nhạc Mùa Chay
Phạm Trung
19:41 24/03/2011
Hân hạnh giới thiệu nhạc phẩm "Lời sám hối bên vệ đường" của Phạm Trung phổ nhạc thơ của Madalena Hoa Ngâu:

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Vàng Đầu Xuân – Early Spring
Richard Drysdale
21:56 24/03/2011
HOA VÀNG ĐẦU XUÂN – Early Spring
Ảnh của Richard Drysdale
Hoa từng bông từng bông
Tươi cười trong nắng mới
Reo vang tiếng tơ đồng ..
Hoa đầu mùa khoe sắc
Ôi …tình ca mênh mông…
(Trích thơ của Kim Giang)
The dogwood blossoms sing a spring song,
The butterflies dance in the sky,
The flowers bloom and call flying bees to them,
So Beautiful It Has To Catch Your Eye.
(By Meredith)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền