Ngày 23-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hạt lúa mì mục nát
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
11:12 23/03/2009
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, năm B

Ga 12,20-33

Càng gần tới tuần thánh, phụng vụ càng đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm cao cả của sự chết của Đức Giêsu Kitô. Cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ là một biến cố đã qua trong lịch sử, cũng không phải chỉ là một biến cố đau thương làm cho mọi người kinh hãi, đưa con người đi tới tuyệt vọng. Chúa Giêsu chết là để đi vào vinh quang với Thiên Chúa Cha và trở nên Đấng ban sự sống. Chúa chết là để trở nên nguồn ban ơn cứu độ, để tất cả những ai nhìn lên Ngài sẽ được cứu sống.” Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt “ ( Ga 12, 24 ).

MỘT VÍ DỤ CỤ THẾ : Bằng một lời mạc khải, Chúa Giêsu lấy dụ ngôn hạt lúa mì để bộc lộ chính con người của Ngài: hạt lúa phải chết đi, phải mục nát, nghĩa là nó phải biến đổi mới trở nên cây lúa được. Chúa nhấn mạnh sự đánh đổi diện mạo của hạt lúa. Qua ví dụ này, Chúa muốn nói: Chúa phải chết đi, Ngài mới đem muôn người vào sự sống mới. Chúa nêu lên một qui luật chung cho tất cả những ai muốn bước theo Ngài: ” Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời “. Chúa Giêsu muốn cho nhân loại hiểu ra rằng sự sống hiện tại là cái gì sẽ qua, nếu ta cứ khư khư bám lấy nó, ta sẽ không giữ được, nhưng nếu ta liều mình qui hướng cuộc sống hiện tại về cuộc sống mới mà Chúa Giêsu đem đến thì ta sẽ có cuộc sống vĩnh cửu.Chúa Giêsu đã nêu gương cho nhân loại, cho chúng ta về chính cuộc sống của Ngài bởi vì Ngài đã chấp nhận kiếp con người dù rằng Ngài là Thiên Chúa để sống với, sống vì, sống cho chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Trong cuộc sống ở trần thế 30 năm ở Nagiarét, Chúa đã sống rất âm thầm, làm nghề thợ mộc để sinh nhai và 3 năm rao giảng, Ngài cũng sống đời sống rất bấp bênh, một cuộc đời có thể nói được là tay trắng. Ngài chấp nhận đi đây đi đó rao giảng Nước Trời với các tông đồ, không nhà không cửa: ” Con chồn có hang, chim có tổ, con người không hòn đá gối đầu”. Đây là một thực tế nói lên thân phận Người-Chúa-Của-Con-Thiên-Chúa.Vâng, Chúa Giêsu đã hoàn toàn hy sinh, từ bỏ tất cả để luôn thuộc về Thiên Chúa Cha.Chúa Giêsu đã chấp nhận nỗi kinh hoàng, thê lương, trần trụi, đau khổ tột bực để Ngài được chết đi như một hạt lúa mì mục nát, hầu trổ sinh nhiều bông lúa vàng.

TÌNH YÊU CAO QUÍ HƠN CẢ MẠNG SỐNG: Chúa Giêsu đã thực hiện việc yêu thương của Ngài bằng chính cái chết, bởi vì chết mới được nên lời. Chết mới nói lên được tất cả nỗi lòng và con người đầy nhân từ của Ngài: ” Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình “( Ga 15, 12 ). Chúa đã không cuộn mình trong vỏ ốc ích kỷ của mình để hưởng thụ, để tự hãnh diện với con người cao cả của mình. Ngài đã ra khỏi chính mình để qui tụ mọi người, muôn người dưới chân thập giá:” Khi nào Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “. Do đó, Ngài đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương loài người, yêu thương từng con người: ” Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này “ ( Ga 12, 27 ). Chúa Giêsu đã sống bằng chính con người tự hiến của Ngài để qua cuộc sống tự hiến ấy, Chúa ban cho mọi người sự sống mới. Sự sống mà Ngài đã phải đánh đổi tất cả để chỉ có một mục đích duy nhất là yêu thương con người.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Đời sẽ mau qua, mau tàn, mau lụi. Cuộc đời giống như hoa nở sớm tàn, như một cây hoa phù du, hoa nở thật đẹp nhưng thật mau tàn úa. Do đó, đang khi sống trên trần gian, con người vẫn phải cần cù lao động để kiếm ra của cải, vật chất mà sống, để hưởng hoan lạc đời này nhưng con người vẫn phải hướng về tương lai bằng những việc làm hữu ích, bằng những việc thiện, lập nhiều công phúc. Tin vào Chúa, sống như Chúa là sứ điệp quan trọng để mỗi người biết từ bỏ, hy sinh và sống tốt lành, hầu đời sống tỏa nhiều hương thơm tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết can đảm sống những gì phù hợp với Tin Mừng để chúng con luôn sống “ không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Amen.
 
Con đường hạt lúa
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
14:02 23/03/2009
CON ĐƯỜNG HẠT LÚA.

CN 5 CHAY B

Con đường Chúa Giêsu đã đi qua là con đường hạt lúa: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái” Ga 12,23-24).

Hạt lúa được gieo trên ruộng đồng, nó mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn mùa gặt tương lai.

Nhìn một cánh đồng lúa xanh tươi, uốn lượn theo gió, trải dài trong nắng, căng tròn sức sống, ta nghĩ đến muôn vàn hạt lúa đã mục nát để lên xanh đồng lúa bát ngát.

Con đường hạt lúa Chúa Giêsu.

Từ khi nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm tự huỷ: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Như hạt lúa bị mục nát: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Như hạt lúa nẩy mầm, lớn lên, đươm bông sinh hạt: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Phúc Âm Marcô viết: “Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Chúa Giêsu nói Người phải chịu nhiều đau khổ. Phải có nghĩa là bắt buộc. Những kẻ gây đau khổ cho Chúa là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.

Con đường Chúa đi, quá nhục nhã ê chề nên các môn đệ không thể chấp nhận. “Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,32-33). Chính bản thân Chúa sẽ như hạt lúa chịu nhiều đau thương tơi tả. Mục nát là chặng đường phải đi qua để có mùa gặt trù phú.

Con đường Chúa đi thật quá hãi hùng: “Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem…Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34). Con đường mở mang Nước Trời sao quá khổ đau, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đập. Hạt lúa Chúa Giêsu đã đi hết chặng đường đau khổ, mục nát trong cõi chết để đạt tới sự sống vinh quang.

Con đường hạt lúa các môn đệ.

Các môn đệ theo Chúa nên cùng đi trên con đường Chúa đã đi “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34). Thánh Phaolô kể về con đường đi của người môn đệ: “Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (CV 20,22-24). Người môn đệ của Chúa coi vinh dự là “đựơc thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô trở thành hạt lúa Tin mừng. Trải qua tiến trình đau khổ mục nát, thánh nhân đã đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.

Xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội, biết bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội lớn mạnh không ngừng “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu”. Từng thế hệ chứng nhân như những hạt giống tốt, chết đi trong lòng đất các nền văn hoá, và đã trổ sinh rất nhiều hạt lúa mới. Tất cả làm nên cánh đồng lúa thiêng liêng, mùa màng tươi tốt trong cuộc sống đạo và truyền giáo.

Con đường hạt lúa chúng ta hôm nay.

Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những con đường kiễu mẫu cho chúng ta đi theo.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Muốn sống một cách trọn vẹn, trổ sinh hoa trái tốt lành, ta phải chết đi cho bản thân mình. Chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả dối hận thù ghen ghét. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa đến sa ngã.

Định luật căn bản của sự sống là: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời” (Ga 12,25). Chết vì tình thương, vì hạnh phúc đồng loại, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin là những cái chết làm trổ sinh muôn ngàn nét đẹp cho đời.

Đức Thánh Cha giảng cho giới trẻ Angola: Các bạn là một hạt giống được Thiên Chúa ném vào lòng đất; con đường duy nhất có thể là hiến dâng sự sống vì yêu, là chết vì yêu. Chính Chúa Giêsu đã nói: ”Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 13,24-25). Và Chúa Giêsu đã sống như vậy: cuộc đóng đinh Người xem ra là một thất bại hoàn toàn, nhưng không phải thế! Được linh hoạt bởi sức mạnh của ”một Thần Khí vĩnh cửu”, Chúa Giêsu tự dâng hiến mình cho Thiên Chúa như lễ vật tinh tuyền (Dt 9,14). Ngài hiến mình cho chúng ta và chúng ta đáp trả lại bằng cách tự hiến cho người khác vì tình yêu Chúa. Đó là con đường sự sống, nhưng chỉ có thể bước đi với điều kiện duy nhất là liên lỉ đối thoại với Chúa, và đối thoại đích thật giữa chúng ta với nhau. Nền văn hóa thống trị không giúp các bạn sống Lời Chúa Giêsu và tận hiến mình theo chương trình của Thiên Chúa Cha và như Chúa mời gọi. Sức mạnh ở trong các bạn, vì thế đừng sợ hãi có các quyết định vĩnh viễn trước sự liều lĩnh dấn thân toàn cuộc sống mình. Trong ơn gọi hôn nhân cũng như trong cuộc đời thánh hiến các bạn cảm thấy sợ hãi và tự hỏi: thế giới luôn thay đổi và cuộc sống có đầy các khả thể. Làm sao tôi lại có thể định đoạt lúc này cho toàn cuộc đời, khi tôi không biết các bất ngờ nó dành cho tôi? Với một quyết định vĩnh viễn tôi lại không hủy bỏ sự tự do và trói tay mình lại hay sao?. Đó là các nghi hoặc đang tấn công các bạn, và nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và hưởng lạc ngày nay khiến cho các tấn kích đó càng mạnh mẽ hơn. Nhưng khi người trẻ không tự quyết định, thì có nguy cơ sẽ luôn mãi là một đứa bé.

Các bạn hãy dám có các quyết định vĩnh viễn, vì thật ra đó là những quyết định duy nhất không phá hủy điều lớn lao trong cuộc đời. Và như thế sẽ có các ốc đảo và các khu vực lớn của nền văn hóa kitô được tạo ra, trong đó sẽ hiển hiện thành Thánh từ trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, “sằn sàng như tân nương trang điểm đế đón tân lang”. Đây là cuộc đời đáng sống, mà tôi thành câm cầu chúc cho các bạn. Hoan hô giới trẻ Angola!

Diễn văn của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay và và tiếng la hét vui mừng của mấy chục ngàn bạn trẻ hiện diện bên trong sân vận động và cả bên ngoài nữa (x.VietCatholic News 22,3, 2009 ).

Hạt lúa âm thầm và hạt lúa mục nát

Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: "Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).

Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá, thì “Hạt lúa phải mục nát đi” (x. Ga 12,24) là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.
 
Đức khiêm nhường của Thiên Chúa
Pm. Cao Huy Hoàng
19:36 23/03/2009
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA

Lễ Truyền Tin 2009

Thiên Chúa không chấp nhận Satan, và Satan luôn chống lại Thiên Chúa, vì Satan cực kỳ kiêu căng, còn Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường.

Tình yêu và đức khiêm nhường là sự thánh thiện hằng hữu của Thiên Chúa toàn năng, toàn ái, giàu có, chí thánh.

Biến cố Truyền Tin cho thấy tình yêu và lòng khiêm nhường vô cùng sâu thẳm của Thiên Chúa.

Thiên Chúa Cha, Đấng toàn năng dựng nên trời đất muôn vật, mà bằng lòng cúi mình xuống để “hỏi ý kiến” của một cô thôn nữ về việc có chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa làm người không. Với quyền năng của Ngài, chỉ cần Ngài phán một lời là xong đấy chứ! Nhưng không, Ngài trung thành giữ nguyên ý định ban đầu khi tạo dựng con người: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (STK 1,26). Thiên Chúa tự do, và con người giống hình ảnh Ngài cũng được Ngài tôn trọng tự do đúng mức. Thiên Chúa quyền năng có thể sai Con của Ngài xuống thế không qua lòng dạ một con người, hoặc Ngài có thể đặt ngay Con của Ngài vào cung lòng Trinh Nữ Maria, nhưng Ngài đã không làm như thế. Việc “thỉnh ý một người phàm” vẫn luôn là quan trọng đối với Ngài, vì đó là bản tính khiêm tốn và là chương trình tình yêu của Ngài.

Thánh Luca trình bày rõ: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” (Lc 1, 26).

Qua lời chào của Sứ Thần Thiên Chúa – có thể nói là tiếng nói chính thức của Thiên Chúa với một cô thôn nữ quê mùa - cho thấy, Thiên Chúa còn khiêm tốn hơn nữa.."Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."(Lc 1, 28). Thiên Chúa đã khen tặng Đức Maria là người đầy ơn phúc, mặc dầu Ngài biết, ơn phúc ấy của chính Ngài thương ban, ơn phúc ấy chính là “Thiên Chúa luôn ở cùng Bà”. Việc khen tặng, chúc tụng của Thiên Chúa dành cho Đức Maria, chắc chắn phát xuất từ chương trình và lòng yêu thương chân thành của Ngài. Lời chúc tụng của Thiên Chúa chân thật, không thể nói là đầu môi chót lưỡi giả dối như những lời khen tặng của loài người. Sự chân thật ấy minh chứng cho sự khiêm tốn của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đáng chúc tụng, đáng tôn thờ trong khắp cả và thiên hạ lại chúc tụng một tạo vật của mình mang thân phận tơ liễu mong manh!

Cuộc hội đàm thiên địa trở nên ý vị hơn nữa, khi Thiên Chúa lắng nghe ý kiến của Đức Maria và khiêm tốn chịu khó giải thích ý định của Ngài với minh họa rõ nét, đầy sức thuyết phục:

-"Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

-"Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

-"Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Đúng là “đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được”. Và bằng cách khiêm tốn tự hạ rất thẳm sâu, Ngài đã làm được điều Ngài muốn nơi Mẹ Maria, là sự đồng ý để cho Con Thiên Chúa Nhập Thể. "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

Mẹ Maria xin vâng để Chúa Thánh Thần thành sự ý định của Thiên Chúa. Lời xin vâng có tính trọn hảo, vì có thể nói, Mẹ Maria tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Mẹ không thể biết, và cũng không nhất thiết phải biết chuyện gì sẽ xảy đến với người con mà mình sẽ sinh ra. Một lời xin vâng khiêm tốn vì chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa thực hiện chương trình Ngài, xin vâng không đặt điều kiện.

Từ ấy, Chúa Con xin vâng để nhập thể theo lệnh của Chúa Cha. Lòng khiêm tốn của Thiên Chúa Cha được thực hiện nơi Chúa Con – làm thai nhi con người thật trong lòng một người nữ. Là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, nhưng phải theo kế hoạch của Cha là “ làm con người thật, con người sinh bởi lòng mẹ thế gian”.

Mừng lễ Mẹ Truyền Tin, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang ấy là tình yêu và đức khiêm tốn luôn hằng hữu nơi Ngài. Sáng kiến của tình yêu cứu chuộc nơi Thiên Chúa là không kể đến sĩ diện, là từ bỏ ngôi vị, là tự hạ thẳm sâu. Tình yêu đáp lại tình yêu nơi Mẹ Maria là xin vâng tuyệt đối, là phó thác hoàn toàn.

Đức khiêm nhường của Trời và Đất gặp gỡ nhau trong ngày Truyền Tin, làm thành một cuộc hạnh ngộ cứu chuộc, khai sinh sức mạnh chiến thắng lòng kiêu căng của satan và tội lỗi.

Thiên Chúa vẫn trung thành kế hoạch cứu chuộc của Ngài. Ngài đang hỏi ý kiến bạn, hỏi ý kiến tôi về việc có bằng lòng để cho ơn cứu chuộc nhập thể. Ngài tôn trọng tự do của bạn, của tôi, nhưng vì yêu, Ngài đã khiêm tốn giải thích cặn kẻ bằng Lời Tin Mừng, bằng Lời đã hóa thành nhục thể, bằng Lời đã tự hạ thẳm sâu cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài muốn cứu chuộc bạn, cứu chuộc tôi. Ngài vẫn kiên trì hỏi ý kiến, giải thích…

Lạy Mẹ Maria, xin nguyện giúp cho chúng con ơn khiêm nhường sâu thẳm, để chúng con nhận ra rằng: chúng con cần ơn cứu chuộc, cần Chúa Giêsu Nhập Thể trong lòng. Xin cho chúng con lòng tin yêu phó thác để có thể thưa lời Xin vâng như Mẹ: “ Nầy tôi là tôi tá Chúa. Xin hãy thành sự trong tôi, như lời Sứ thần truyền”.
 
Mẹ Maria và các bà mẹ nội trợ
LM. Fx. Nguyễn Hùng Oánh
22:35 23/03/2009
MẸ MARIA VÀ CÁC BÀ MẸ NỘI TRỢ

Mọi sự đã được sắp đặt một cách tuyệt hảo vô cùng nơi thượng trí của Thiên Chúa. Đối với loài người, ý định của Thiên Chúa đã được diễn tả rõ ràng qua ngòi bút của Thánh Phaolô:

“Thiên Chúa đã chọn ta trong Đức Kitô từ trước sáng thế để ta được nên Thánh và vô tì tích trước mặt Người. Bởi lòng mến, Người đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô và vì Ngài chiếu theo hậu ý của Thánh chỉ Người để ta ca ngợi vinh quang ân sủng của Người. Ân sủng Người đã khấn ban cho ta trong Đấng Chí Ái. Trong Ngài ta được ơn cứu chuộc… và kiện toàn lúc muôn thời viên mãn là thâu lại cả vạn vật dưới một đầu mối trong Đức Kitô”. (Ep 1, 4-10)

“Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi thụ sinh vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành chốn trời cao và nơi dương gian, vật hữu hình và vô hình, dầu là bệ ngọc hay thiên chủ, dầu là thiên phủ hay quyền năng, mọi sự đã được tạo thành vì Ngài và nhờ Ngài. Ngài có trước mọi sự và mọi sự nhờ Ngài mà được tồn tại. Và Ngài là đầu của Thân Mình tức là Hội Thánh. Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, để trong mọi sự, Ngài là đệ nhất vô song: Qui est imago Dei invisibilis, primogenitus ommis creaturae, quoniam in ipso condita sunt universa in caelis et in terra, visibilia et invisibilis, sive throni, sive dominationes, sive principatus, sive potestates: omnia per ipsum et in ipso creata sunt, et ipso est ante omnes, et omnia ipso constant. Et ipse est Caput Corporis Ecclesiae, qui est principium, primogenitus ex mortuis, ut sit omnibus ipse primatum tenens” (Col 1,15-18).

Từ trước đời đời, Thiên Chúa đã định sẵn có một lịch sử duy nhất, một con đường duy nhất là sáng tạo và cứu độ vũ trụ, muôn loài và muôn vật, Đức Kitô là thủ lãnh thống trị vũ trụ (primogenitus omnis creaturae) và cứu chuộc, Đức Kitô vừa là thủ lãnh thống trị vừa là nguồn sống cho vũ trụ cho Giáo hội (Caput corporis er corporis Ecclesia, từ ngữ Corpus ở Eph và Col có lẽ chỉ vũ trụ, thêm từ ngữ Ecclesia vào có lẽ là để nói vũ trụ đó là Giáo hội).

Mọi người chúng ta được tiền định làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô (sáng tạo) và chi thể của Chúa Kitô trong Thân Mình của Ngài là Giáo hội (cứu chuộc).

Vậy Đức Mẹ Maria nằm ở chỗ nào ? - Đối với Chúa Cha, Đức Mẹ vẫn nằm trong ý định vĩnh cửu trên nghĩa là Đức Mẹ là con của Chúa Cha trong Chúa Kitô. Và để thực hiện chương trình cứu chuộc, Đức Mẹ vẫn là con của Chúa Cha nhưng đối với Chúa Kitô vai trò của Đức Mẹ được biến đổi thành Mẹ Thiên Chúa. Và đây là một vinh dự cho Đức Mẹ, và cho cả vũ trụ vì “Mẹ sinh ra Đấng tạo thành nên Mẹ” (Lời Tổng Nguyện Lễ Đức Mẹ). Ba Ngôi tạo thành trời đất muôn loài muôn vật. Ba Ngôi tạo dựng nên Đức Mẹ Maria. Như vậy, Đức Mẹ là thụ tạo đối với Ba Ngôi, là thụ tạo đối với Ngôi Con (tương quan nguyên thủy) và tất nhiên Đức Mẹ phải phụ thuộc Ngôi Con (tương quan phụ thuộc) vì không bao giờ Đấng Sáng tạo lại lệ thuộc vào thụ tạo.

Ngôi Hai làm người trong cung lòng Đức Maria

Làm người mà không do một bà mẹ sinh ra, chỉ là làm người một cách tương tự. Muốn thực sự là người thì phải do một bà mẹ sinh ra. Thiên Chúa Cha đã định cho Ngôi Hai làm người, nghĩa là Ngôi Hai được một bà mẹ sinh ra làm người:

“Tới thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài sinh ra bởi người nữ” (Galat 4,4).

Thời kỳ viên mãn là thời kỳ thiên sai, hoặc thời cánh chung, làm thỏa mãn lòng mong đợi của bao nhiêu thế kỷ, cũng có nghĩa là thời kỳ tiền định của Thiên Chúa được mạc khải hoàn toàn và đầy đủ là Ngôi Hai làm người. Thiên Chúa hành động: cho Con của Ngài sinh ra bởi người nữ thì thời kỳ viên mãn đến. Điều này cho chúng ta thấy rõ Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài nhập thể đồng thời chuẩn bị cho một dòng tộc và cuối cùng do một người nữ sinh ra:

“Liber generationis Domini Jesu Christi, filii David, filli Abraham… Abraham genuit… Nathan autem genuit Jacob, Jacob autem genuit Joseph, virum Mariae de qua natus est Jesus qui vocatur Christus: Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con Vua David, con Abraham…, Abraham sinh… Nathan sinh Gia cóp, Gia cóp sinh Giuse, chồng của Đức Maria, bởi Đức Maria thì Đức Giêsu gọi là Kitô sinh ra”. (Mt 1,1-16)

Cuộc chuẩn bị này, trong suốt lịch sử cứu độ để cho Ngôi Hai nhập thể, cũng nói lên được địa vị của Đức Maria trong quá trình chuẩn bị. Ta còn có thể nói Cựu Ước đã đạt tới thành công vĩ đại nơi Đức Maria, tinh hoa hữu nhất vô nhị của Cựu Ước, xứng đáng làm nơi cho Ngôi Hai đầu thai làm người.

Trong chương trình chuẩn bị này, ta cũng thấy rõ sở dĩ có Đức Mẹ Maria là vì Ngôi Hai làm người. Đức Mẹ được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ Ngôi Hai làm người tức là phục vụ Con của mình.

Đức Maria và lịch sử cứu độ

Chương trình cứu độ loài người nằm trong “plan éternel” (ý định vĩnh cữu) của Thiên Chúa nên có “tính vĩnh cửu, vượt khỏi thời gian, nhưng lại được thực hiện theo chiều dài của lịch sử loài người nên chương trình cứu độ trở thành lịch sử cứu độ (histoire du salut) (vậy không phải Ađam Evà phạm tội mà có chương trình cứu độ, nhưng vì Adam Eva phạm tội mà chương trinh cứu độ đẫm máu và chết)

Nói đến lịch sử là nói đến các biến cố, hiện tượng xã hội loài người xảy ra trong không gian và thời gian cụ thể và nhất định hoặc nói đến hiện tượng cá nhân có ảnh hưởng mãnh liệt tới xã hội thời đại.

Nói đến lịch sử cứu độ là nói đến công việc cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện một cách cụ thể tại một hay nhiều nơi nhất định cho một người, một nhóm người, một đất nước, cho cả loài người.

Học hỏi lịch sử cứu độ là đưa ra những bằng chứng lịch sử, những kinh nghiệm của ơn cứu độ từ trước tới nay trong thời gian và nơi chốn nhất định khiến ta có thể vẽ ra một dòng lịch sử chung về ơn cứu độ. Kinh Thánh Cựu Ước vẽ ra những nét lớn của lịch sử cứu độ khởi đầu bằng giao ước Sinai với biến cố xuất hành khỏi “Ai cập” do “cánh tay mạnh của Đức Giavê” thực hiện; đại hội Sikem long trọng ký kết trung thành với Đức Giavê trước khi chiếm Hứa Địa. Các bản trình thuật Israel/ lịch sử Israel trong sách Đệ Nhị Luật, trong sách Các Vua, Ký sử, ơn huệ của Chúa ban và tội ác dân Israel là tư tưởng trực tiếp, chủ chốt vẽ ra được một giai đoạn lịch sử cứu độ. Phong trào tiên tri nhấn mạnh phải tín nhiệm vào Thiên Chúa, trung thành với giao ước đồng thời hướng dẫn dân hướng về tương lai, mong chờ Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử Israel, vào lịch sử thế giới.

Thời tương lai đến với sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô Nazareth và bằng việc loan báo Nước Trời gần đến. Sự hiện diện của ơn cứu độ là chủ đề một số lớn dụ ngôn nhất là dụ ngôn mô tả “sự lớn mạnh” có mục đích tạo ra một sự tương phản rõ rệt giữa lúc bắt đầu khởi sự Nước Trời không thể thấy được và khi biểu lộ ra thì mọi người thấy được. Biến cố mới nhất và luôn luôn mới là Giao ước mới do Chúa Kitô thực hiện trên thập giá bằng sự chết và sống lại vinh hiển của Ngài. Mọi hoạt động của Chúa Kitô được Giáo hội rao giảng được phán đoán dưới ánh sáng sự chết và sự sống lại của Ngài. Đó chính là biến cố lịch sử thật sự, người ta thấy không những là dấu hiệu mà con là khởi đầu và nguyên nhân của thời đại cánh chung của ơn cứu độ. Ơn cứu độ chưa xuất hiện cách viên mãn hiện nay vì chỉ biết biểu lộ hoàn toàn trong ngày Chúa Kitô trở lại.

Chúa Kitô là trung tâm của chương trình cứu độ, là trung tâm của nhiệm cục cứu độ (économie de salut) là chính Đấng tạo ra và ban phát ơn cứu độ. Ngài làm người trong thân phận, số mệnh của một con người và liên đới với hết mọi người. Số mệnh của Ngài gắn với số mệnh của loài người để Ngài kéo loài người lên, đem loài người ra khỏi tội ác, biến đổi con người thành những “người anh em của Ngài”. Lịch sử ơn cứu độ tức là ơn sủng do Chúa Kitô lập ra được ban phát, và được thực hiện nơi loài người qua bao nhiêu thời đại cho đến tận thế.

Mà người lãnh nhận được ơn cứu độ hoàn hảo nhất, ngay khi còn là bào thai để đạt tới viên mãn khi đã sống mãn đời này là Đức Maria. Như vậy, Đức Mẹ là kết quả thành công nhất trong lịch sử ơn cứu độ mặc dầu lịch sử đó còn diễn tiến cho tới ngày tận thế.

Nhưng khi người ta nhìn lên Đức Maria, theo tâm lý, người ta chỉ ngắm tới những đặc ân, những thành quả của ơn Chúa nơi Đức Mẹ, quên đi thân phận làm người của Đức Mẹ, không nói tới con người của Đức Mẹ đáp ứng ơn Chúa theo sự tiến triển của nhận thức về ơn Chúa, về Chúa Kitô nơi Đức Mẹ. Những cái quên này lại rất gần gũi chúng ta, liên hệ tới cuộc sống cụ thể của chúng ta.

Ngày nay, người ta để ý tới cái phần quên sót đó nghĩa là chính con người của Đức Mẹ, cuộc đời tin yêu và phó thác của Đức Mẹ dưới sự hướng dẫn của ơn sủng. Học hỏi về Đức Mẹ là tìm hiểu phần chuẩn bị trước khi Đức Mẹ chào đời để biết được nguồn gốc, nghiên cứu đời sống trong thân phận làm người để biết cuộc đời Đức Mẹ trong chương trình của Thiên Chúa, mới thấy được sự gắn bó của Đức Mẹ với ta và của ta với Đức Mẹ.

Hiến chế Lumen Gentium số 55 đã dành riêng để trình bày công cuộc chuẩn bị con người Đức Maria trong Cựu Ước, rất nhiều chỗ tham chiếu Thánh Kinh cách minh nhiên hoặc mặc nhiên, như vậy sẽ thuận lợi đối thoại với anh em Tin Lành về Đức Maria.

Trước tiên, Công Đồng trình bày ba đoạn văn mà Tập truyền Giáo hội luôn luôn công nhận là lời tiên báo liên quan tới Đức Trinh Nữ Maria:

- Sáng thế ký 3,15:

“Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng giống ngươi và giòng giống người phụ nữ. Giòng giống đó sẽ đạp dập đầu ngươi và ngươi rình cắn gót chân họ”.

Bản dịch Hy Lạp thay vì “giòng giống đó đạp dập” thì dịch “Ngài đạp dập” nên đã hiểu cuộc chiến thắng do Đức Mêsia chứ không phải cả giòng giống sẽ chiến thắng ma quỷ, và như Thánh Phaolô nói Đức Kitô, Ađam mới (Rm 5,12-19), ta sẽ có hình ảnh Đức Maria, Eva mới, tức là cũng nói tới người Mẹ của Đấng Mêsia cũng giữ một vai trò nào đó trong cuộc chiến thắng tà thần. Bản dịch Latinh (Vulgata) viết: ipsa conteret (Bà sẽ đạp đầu ngươi) càng nói rõ ràng Đức Mẹ góp phần chiến thắng này.

- Isaia 7,14:

“Này đây thiếu nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai mà nàng sẽ đặt tên là Emmanuel”.

Đây là một trong những đoạn Kinh Thánh cơ bản nói về “vương triều thiên sai”. Ở đây, Mẹ của Đức Vua Thiên Sai đã được nhắc đến, thiếu nữ là Almah trong tiếng Do Thái, bản Hy Lạp dịch là parthenos có nghĩa là trinh nữ hay “đàn bà chưa kết hôn” đã đưa truyền thống Kitô giáo đến chỗ công nhận đoạn này không những nói về Đấng Thiên Sai mà còn trực tiếp ám chỉ về Đấng Thiên Sai sinh ra do một người nữ đồng trinh.

- Mêkia 5,1-3 :

“Cho tới thời người nữ phải sinh ra, đã được sinh ra”

Ở đây, bản văn phải hiểu theo nghĩa hẹp, có đặc tính Thiên sai. Sứ ngôn Mikêa nghĩ đến Mẹ của Đấng Mêsia (có lẽ Ngài liên tưởng tới Isaia 7,14, đoạn văn này xuất hiện trước Mêkia khoảng 30 năm).

Đức Mẹ xuất hiện quả là “thiếu nữ Sion” (Sophoni 3,14-17) vì Người là thành tựu cao nhất của Cựu Ước. Nhờ sự cộng tác của Người mà Cựu Ước chuyển tới Tân Ước bởi tinh thần khó nghèo và khiêm nhường của Người (Lc 1, 38,48). Với biến cố Truyền tin, Đức Maria chính thức xuất hiện trong mầu nhiệm của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ. Người xưng mình “con là tôi tớ Chúa” và “xin vâng theo sứ mệnh Chúa trao phó nghĩa là để cho Thiên Chúa sử dụng mình vào công cuộc cứu độ”. Và như Thánh Tôma Aquinô đã nói trong cuốn chú giải sách Châm ngôn: “Actus singularis personae in multitudinis salutem redundans immo totius humani generis: hoạt động của cá nhân Ngài ảnh hưởng đến sự cứu rỗi nhiều người, nói đúng hơn đến sự cứu rỗi toàn thể nhân loại” (la 3 sent d III q.3 art. 2 sol 2). Và sau này, trong quyển Tổng Luận Thần Học, Thánh nhân viết: “Et ideo per annunctiationem expectabatur consensus virginis loco totius humanae naturae: và vì nhờ việc truyền tin, Thiên Chúa chờ đợi Đức Trinh Nữ ưng thuận thay cho toàn thể nhân loại” (S. Th III, 30,1).

Thiên Chúa đã muốn nhân loại đón nhận chương trình Con Chúa nhập thể và Ngài đã tạo ra những nguyên nhân đệ nhị để cộng tác vào chương trình này. Đức Maria giữ vai trò đặt biệt trong các nguyên nhân đệ nhị khi trả lời “xin vâng” một cách hoàn toàn.

Và vì tự do trả lời “xin vâng” nên bao nhiêu ân sủng Đức Maria lãnh nhận dư tràn để chuẩn bị cho Mẹ (Mẹ hoàn toàn Thánh thiện không hề vương nhiễm vết nhơ tội lỗi ngay giây phút thai nhi. Mẹ “đầy ơn phúc” để đạt tới sung mãn ngõ hầu như Thánh Irênê nói Mẹ trở thành “causa salutis” (nguyên nhân cứu rỗi).

Trong thời thơ ấu của Đức Kitô, đời của Mẹ hòa lẫn với đời của Con nhất là trong những biến cố như Thăm viếng, Giáng sinh, Dâng con… Một sự hiệp thông hoàn hảo của Mẹ với Con bằng Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến. Nhờ ba nhân đức này, Mẹ trở thành gương mẫu sống động và sự hiệp thông để các tín hữu noi theo, biết đồng hóa mình với Đức Kitô. Đức Mẹ giữ vai trò của mình không phải ở bên lề, bên cạnh hay bên ngoài Giáo hội, nhưng chính mẹ ở trong Giáo hội, đóng vai trò trổi vượt trong mầu nhiệm Các Thánh thông công.

Trong thời gian hoạt động công khai của Đức Kitô, Tin Mừng rất kín đáo về cuộc đời của Đức Mẹ, nhưng lại đưa ra những câu nói mà một số nhà thần học muốn bỏ qua vì xem ra hạ thấp ít nhiều vinh dự của Đức Mẹ. Phụng vụ lại không rơi vào khuynh hướng đó, trái lại, Phụng vụ đã chọn lựa những bản văn đó cho phần Lễ chung Kính Đức Mẹ (Phúc âm).

“Mẹ Thầy và anh em Thầy đang đứng ngoài kia và hỏi Thầy. Đức Kitô đáp lại: ai là Mẹ và là anh em Thầy. Bất cứ ai thực hiện Ý Cha Thầy là anh em, là chị và là Mẹ Thầy” (Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21).

Những lời này, Đức Kitô muốn nhấn mạnh Nước Trời trổi vượt khỏi mọi lý lẽ và liên hệ huyết nhục.

Nhưng, như các giáo phụ đã hiểu rõ, đặc biệt Thánh Augustinô, thì những lời này không hề làm giảm giá trị và hạ thấp vai trò của Đức Mẹ. Trái lại, như Thánh Luca đã diễn tả trong 1,45 (Phúc cho Bà đã tin rằng các điều Chúa phán cùng Bà sẽ nên trọn), ta mới hiểu rõ ràng tính cao cả đích thực của Đức Mẹ cốt tại tin vào Lời Chúa trong khi quan niệm quần chúng chỉ cho cốt tại việc sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô.

Hai biến cố: tiệc cưới ở Cana và đứng bên Thánh giá với những thử thách lòng tin của Đức Mẹ đã nói lên: “Mẹ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến thập giá là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó” (Lumen Gentium số 58).

Thánh Gioan đã viết: “ Stabant autem iuxta crucem Iesu mater eius” (đứng gần thập gía của Đức Giêsu có mẹ Ngài …). Stabant là “đứng thẳng”(eistékisan, se tenaient debout ), mạnh liệt, can trường, vững chắc như những đặc tính của thứ thép tốt. Vì thế, Đức Mẹ được tôn vinh là Nữ vương Các Thánh Tử Vì Đạo.

Các bà mẹ, các bà nội trợ lo lắng nhiều trong tình trạng kinh tế thế giới bị khủng hoảng. Còn Đức Maria thì đã sống “trong xóm ngõ khó nghèo làng Nagiaret “,”không điện, không nước cả hai ngàn năm rồi “! Sống chia sẽ nghèo khó với mọi người. Chỉ có tại tiệc cưới Cana, Mẹ mới xin Chúa làm phép lạ “nước hóa thành rượu” để giải thoát “cơn túng ngặt” cho nhà đám và nhận mạc khải của Chúa về “Bà” ( gọi Mẹ là Bà ở tiệc cưới Cana và gọi Mẹ là Bà từ trên thập giá) Không phải Đức Mẹ muốn cho quý bà rơi vào cảnh túng thiếu, khốn khổ nầy. Cảnh khốn khổ nầy có thể đặt ra cho ta như một thử thách niềm tin. Nhìn vào Đức Mẹ làng Nagiaret để tin tưởng và vui sống.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:04 23/03/2009
TÔN GIÁO CHẾ TÀI

N2T


Một hôm, có một đệ tử đề cập đến Phật Thích Ca, Chúa Giê-su và tiên tri Mô-ha-mét, khi còn ở thế gian đều bị những người thời của các vị ấy liệt vào hạng cường đạo hoặc là dị đoan.

Đại sư nói: “Trừ phi có trên trăm ngàn tín hữu trung thành đồng thanh thừa nhận các vị ấy khinh nhờn thánh nhân, bằng không thì các vị ấy vẫn không xứng đáng thấy mình đạt tới chân lý tối cao.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Quan Phi-la-tô, vua Hê-rô-đê và những người Biệt Phái cũng như một số người Do Thái không liệt Chúa Giê-su vào hàng trộm cướp, nhưng họ hành xử với Chúa Giê-su như hành xử một tên trộm cướp: đóng đinh giang tay trên thập giá, bởi vì con người không thể có một lương tâm công chính khi mà con người có quyền lực và các phương tiện đàn áp trong tay, cho nên họ vẩn mãi mãi là nỗi kinh hoàng cho tha nhân và cho anh em đồng loại.

Thế nhưng, khi những người bất lương lên án bất công người công chính, thì chính họ -người bất lương- sẽ muôn đời bị người khác lên án, bởi vì sự thật thì vẫn luôn là sự thật, bởi vì sự thật chính là Chúa Thánh Thần –Đấng vẫn luôn soi sáng cho những tâm hồn ngay thẳng nói lên sự thật.

Người đóng đinh giết Chúa Giê-su để rồi Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, bởi vì máu người công chính đổ ra sẽ trở sinh them nhiều người công chính khác.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:05 23/03/2009
N2T


118. Khuyên người khác tu đức, nói năng lương thiện thì đi vòng vèo, bày tỏ lương thiện thì mới là đường tắt.

(Thánh Senica)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:06 23/03/2009
N2T


63. Phàm là những gì nội tâm có thể nghĩ tới và tin tưởng, thì đều có thể làm được.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Áo mưa và bệnh AIDS
Vũ Văn An
00:18 23/03/2009
Áo mưa và bệnh AIDS

Áo mưa (condom) sẽ không loại trừ được bệnh AIDS nhưng sẽ làm nó ra tệ hơn. Không những Đức Bênêđíctô XVI nói thế mà các nghiên cứu khoa học cũng nói như vậy. Các dữ kiện tại Nam Phi, Uganda, Thái Lan và Phi Luật Tân đã xác nhận điều ấy. Một nhóm vận động cách mạng tình dục kiểu tân thực dân đang đứng đàng sau cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng và đang được các nhóm bên lề cạnh Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ.

Thực thế, kể từ ngày Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng bệnh AIDS không thể giải quyết bằng cách phân phối áo mưa; ngược lại, rất có thể ta sẽ làm vấn đề tệ hại hơn, thì nhiều người thi nhau gào lên rằng ngài quả thiếu nhậy cảm đối với nạn dịch đầy thảm họa đang tác động lên nhiều nơi trên thế giới, nhất là Châu Phi.

Trong số những người trên, ta thấy có Bert Koenders, Bộ Trưởng Hợp Tác Phát Triển của Hòa Lan. Ông này cho rằng nhận định của Đức Giáo Hoàng “hết sức gây hại và nghiêm trọng” và “làm cho các vấn đề ra xấu hơn”. Còn ngoại trưởng Pháp thì cho rằng lời lẽ của Đức Bênêđíctô XVI “đem nguy hiểm lại cho các chính sách y tế công cộng và nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người”. Bộ trưởng y tế của Đức phát biểu rằng: quả là vô trách nhiệm khi bác bỏ không cho những người nghèo nhất trong số các người nghèo được sử dụng áo mưa.

Cái chủ nghĩa nhân đạo giả tạo của các đại biểu các chính phủ Âu Châu trên đây vừa phi lý vừa không hợp khoa học. Trong một nghiên cứu năm 2003, cơ quan AIDS của Liên Hiệp Quốc (The United Nations AIDS, gọi tắt là UNAIDS) xác nhận rằng áo mưa vô hiệu trong việc bảo vệ chống lại HIV, ít nhất cũng tới 10% các trường hợp. Nhiều cuộc nghiên cứu khác cho hay tỷ lệ thất bại có thể lên tới 50% các trường hợp. Tại Thái Lan, Bác Sĩ Somchai Pinyopornpanich, phó giámm đốc Nha Kiểm Sóat Bệnh Tật tại Băng Cốc, cho hay: 46.9 phần trăm đàn ông và 39.1 đàn bà sử dụng áo mưa đã bị nhiễm HIV-AIDS.

Cho nên khi Đức Giáo Hoàng nói rằng: ta liều mình làm cho vấn đề ra tồi tệ hơn, thì thống kê đã chứng tỏ điều ấy. Các nước như Nam Phi, là các nước cổ vũ việc làm tình trong an toàn và sử dụng áo mưa với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và nhiều cơ quan phi chính phủ, vẫn thấy bệnh AIDS phát triển mạnh. Trái lại, các quốc gia cổ vũ việc tiết dục và trung tín trong hôn nhân đã giảm thiểu việc mắc chứng bệnh này.

Sau đây, xin đơn cử một trường hợp để nhấn mạnh. Trong các tìm kiếm của mình, Edward Green thuộc Trung Tâm Harvard Nghiên Cứu về Dân Số và Phát Triển (the Harvard Center for Population and Development Studies) đã khảo sát phương pháp ABC của Uganda (ABC viết tắt bởi Abstinence [tiết dục]; Be faithful [trung tín]; Condom [áo mưa]), đã được nước này phát động từ năm 1986. Các khám phá của ông cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh AIDS tại nước đó giảm từ 21% xuống còn 6 % kể từ năm 1991. Thành thử đang là người ủng hộ việc làm tình an toàn và sử dụng áo mưa, nay Green đã trở thành người ủng hộ tiết dục và trung tín vợ chồng.

Nhiều nghiên cứu khác, trong đó có các cuộc nghiên cứu của LHQ, cho thấy các quốc gia có tỷ lệ sử dụng áo mưa cao cũng là các quốc gia có tỷ lệ cao về việc mắc bệnh HIV-AIDS. Norman Hears, một y sĩ gia đình và là một nhà nhiễm trùng học (epidemiologist) của Đại Học California tại San Francisco cho hay: “Việc cổ động dùng áo mưa tại Phi Châu là một đại họa”. Và để đo lường chính xác ảnh hưởng của Công Giáo trong vấn đề này, ta chỉ cần nhìn tới Phi Luật Tân, nơi có tới 85% dân số là Công Giáo: chỉ có 0.01% mắc HIV mà thôi. Ngay tờ New York Times, một tờ báo vừa mới đây tấn công Đức Giáo Hoàng về các lời lẽ “nguy hiểm”, cũng phải nhìn nhận rằng nền luân lý cổ truyền, vốn đặt căn bản trên việc tiết dục và lòng trung tín vợ chồng, đã đánh bại bệnh AIDS tại Phi Luật Tân. Trong một bài báo đăng ngày 20 tháng Tư năm 2003, tờ báo này cho hay tại Phi Luật Tân, “tỷ lệ rất thấp trong việc sử dụng áo mưa và tỷ lệ rất thấp trong việc mắc HIV xem ra đi song song với nhau. Các cố gắng phòng ngừa AIDS thường chú trọng tới áo mưa, nhưng chúng không có sẵn tại đây, và phần lớn bị người ta xa lánh, tại một xứ sở bảo thủ theo Công Giáo La Mã này”.

Đã có sẵn những chứng từ như thế, thì tại sao các viên chức của Liên Hiệp Quốc, của Liên Hiệp Âu Châu và các tổ chức “nhân đạo” khác vẫn tiếp tục nằng nặc nhấn mạnh tới nhu cầu phải sử dụng áo mưa, bằng cách tấn công Giáo Hội Công Giáo quá nhấn mạnh tới nhu cầu giáo dục, tiết dục và trung tín vợ chồng? Phải chăng vì họ có lợi lộc gì chăng? Phải chăng vì họ có hàng kho áo mưa lấy sẵn của các công ty sản xuất? Có lẽ không phải vậy, nhưng thiển nghĩ sự cố chấp kia chỉ là một hình thức mới nhất của chủ nghĩa tân thực dân.

Như một vị truyền giáo thuộc tổ chức PIME từ Châu Phi từng nói, nhiều người cho rằng đàn ông Phi Châu không biết tự giáo dục để nhận trách nhiệm, nên rút gọn việc làm tình an toàn vào việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật là giải pháp dễ dàng hơn cả. Tuy nhiên, nếu loại bỏ các ý niệm trách nhiệm và trung tín vợ chồng, thì kết cục, thân xác người đàn bà Châu Phi hoàn toàn đã biến thành đồ vật, và không phải chỉ có thế. Ngay những người duy nữ hăng say nhất, là những người chào mời việc sử dụng áo mưa, kết cục cũng đã biện hộ cho hình thức tân nô lệ này.

Tuy nhiên hình thức nguy hiểm nhất của chủ nghĩa tân thực dân là nhập lậu cuộc cách mạng đa tình dục dưới nhãn hiệu giả mạo: tranh đấu chống bệnh AIDS. Vốn nghèo nàn về lý tưởng, ta thấy nó chỉ còn hai điều sau: sự chú mục vào quyền tự trị cũng như tính yêu mình bệnh hoạn (narcissism), và việc điều trị bệnh AIDS. Trong nhiều năm qua, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu từng cổ vũ tài liệu “Các Chỉ Dẫn Quốc Tế về HIV/AIDS và Nhân Quyền” bằng cách nhấn mạnh rằng nếu các quốc gia không chịu thay đổi luật lệ của mình về tính dục, thì bệnh AIDS vô phương cứu chữa. Các “Chỉ Dẫn Quốc Tế” này kêu gọi để người ta được tự do hoàn toàn về tình dục và phải xét lại để bãi bỏ một số luật lệ ngăn cấm “các hành vi làm tình (như ngoại tình, kê gian [sodomy], dâm bôn và mãi dâm) giữa các người trưởng thành biết thuận ý tại nơi tư riêng”…

Khi qui định như thế, các chỉ dẫn này quả đã hô hào các loại tác phong vốn gây ra việc tràn lan bệnh AIDS, và sau đó lại kêu gọi các quốc gia cung cấp thuốc men và điều trị. Các chỉ dẫn trên cũng khuyến cáo: quốc tế phải hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và nạn phá thai theo yêu cầu, đồng thời phải phân phối thuốc ngừa thai, áo mưa và chống bệnh AIDS cho mọi người, kể cả các vị thành niên có liên hệ tới kỹ nghệ buôn bán tình dục.

Hiện nay, cổ vũ cho việc sử dụng áo mưa trong trận chiến chống bệnh AIDS chỉ có nghĩa là chiến đấu nhân danh ý thức hệ trên.

(Theo Bernardo Cervellera, AsiaNews 9-3-2009).

Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa ủng hộ quan điểm của Đức Giáo Hòang

Trong khi đó, bản tin Zenit ngày 20 tháng Ba năm 2009, cho hay: Giáo Hội Chính Thống Nga ủng hộ quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI cho rằng áo mưa không phải là giải pháp thích đáng cho vấn đề bệnh AIDS.

Một sứ điệp trên trang mạng tiếng Pháp của Giáo Hội này viết như sau: “Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa liên đới với quan điểm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về phương tiện chống lại bệnh AIDS, và dựa vào sự kiện này là không thể coi áo mưa như một phương thuốc chống lại chứng bệnh này”.

Sứ điệp trên là để đáp ứng lời của Đức Giáo Hoàng nói với các nhà báo trên chuyến bay đi Châu Phi của ngài, trong đó, ngài cho hay: không thể dùng khẩu hiệu gây chú ý mà khuất phục được vấn đề AIDS. Nếu không có linh hồn, nếu Phi Châu không được giúp đỡ, thì người ta không thể giải quyết được tai họa bằng cách phân phối áo mưa: ngược lại, có nguy cơ sẽ làm gia tăng vấn đề”.

Hôm nay, phó chủ tịch của Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phụ trách Các Liên Hệ Đối Ngoại của Giáo Hội, là Tổng Linh Mục (Archpriest) Vsevolod Chaplin, tuyên bố rằng: “Quả là không chính xác khi coi áo mưa là thuốc bá bệnh chữa được bệnh AIDS”. Vị tổng linh mục này cho rằng có thể ngăn ngừa bệnh AIDS không phải bằng thuốc ngừa thai nhưng bằng giáo dục và lối sống công chính, như Giáo Hội Chính Thống vốn giảng dạy. Còn bản tuyên bố của Giáo Hội thì khẳng định rằng: “Chỉ có thể đình chỉ việc lan tràn bệnh AIDS bằng cách giáo dục đạo đức cho các người liên hệ, chứ không nên dựa vào áo mưa”.

Vào hôm Thứ sáu, thông tấn xã Nga Interfax tường trình rằng Cha Tchapline đã tham dự một cuộc hội thảo bàn tròn tại Mạc Tư Khoa về vấn đề này. Ngài nhận định rằng hiện nay, một số tổ chức đang cố gắng nhấn mạnh cùng một lúc hai ý niệm tự do làm tình và chiến đấu chống bệnh AIDS, nhưng họ sẽ không thể nào hòa giải được hai ý niệm ấy.

Hai dân cử Pháp bênh vực Đức Giáo Hoàng

Bản tin Zenit cùng ngày cũng đưa tin: hai dân cử Pháp công khai lên tiếng bênh vực Đức Giáo Hoàng, cho rằng giới truyền thông đã bóp méo và cường điệu hóa lời nói của ngài. Hai dân cử ấy là Christian Vanneste, dân biểu vùng Nord, và Jacques Remiller, phó thị trưởng Vienne. Cả hai đã dùng tư trang của mình để bênh v ực Đức Giáo Hoàng.

Remiller viết rằng lời nói của Đức Giáo Hoàng đã bị thao túng, nhất là bởi “giai cấp chính trị Pháp”, một giai cấp luôn luôn rình rập (witch hunt) chống lại Đức Giáo Hoàng. Theo Ông, trước khi yêu cầu cho các bệnh nhân AIDS tại Cameroon được chăm sóc miễn phí, Đức Giáo Hoàng kêu gọi thế giới “chấm dứt việc coi áo mưa là giải pháp duy nhất cho vấn đề AIDS tại Châu Phi”. Chính khách người Pháp này nhận định rằng: không được giới hạn chính sách chống bệnh AIDS vào việc quảng cáo áo mưa mà thôi, “chắc chắn nó hữu hiệu nếu biết sử dụng chính xác, nhưng phân phối nó cách rộng rãi vẫn không chặn đứng được các vấn đề nghiêm trọng thuộc tác phong như hiếp dâm và loạn luân”

Nhìn xa và hữu hiệu

Ông nói thêm: “điều trên hết được Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ ta là: cách thế tốt nhất, nhìn xa và hữu hiệu nhất trong việc chống lại tai họa bệnh AIDS và bảo vệ sự sống con người chính là một nền giáo dục thật sự về trách nhiệm, là nghiên cứu y khoa, là phổ biến các phương pháp trị liệu và chăm sóc người bệnh”.

Phần Vanneste, ông nói: Đức Giáo Hoàng “không phải là một chính trị gia mị dân, nhưng là người mang tới niềm hy vọng, nhiều người cho là ngài đem tới một lý tưởng, và ta nên hiểu và phán đoán các lời ngài nói trong viễn tượng ấy”. Ông cho biết tiếp: “Dĩ nhiên, đoàn ngũ háu đói (hounds) mị dân gồm những người duy vật chủ nghĩa cũng như duy khoái chủ nghĩa không thể nào hiểu được thứ sứ điệp ấy. Quần chúng cụ thể gồm các tín hữu đang quây quần chung quanh Đức Thánh Cha vào lúc này có thể là câu trả lời hay hơn”.

Vanneste khẳng định rằng về vấn đề này, không hề có sự khác biệt giữa Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, vì cả hai vị “đều luôn mong muốn sự hợp nhất Kitô giáo, sự hợp nhất giữa những người có niềm tin, và luôn nhắc tới các đòi hỏi luân lý vốn không thể nào tách biệt khỏi Đạo Công Giáo… Đức Gioan Phaolô II chắc chắn sẽ không nói bất cứ điều gì khác thế, vì không một vị giáo hoàng nào lại qúy trọng giải pháp cơ khí, một giải pháp nói cho ngay chả hòan hảo chi, hơn là việc thực hành luân lý và thiêng liêng, một thực hành tự nó đã có tính giải phóng rồi”.
 
Nhà Thờ Chánh Tòa Oakland, California
Bùi Hữu Thư
00:45 23/03/2009

Nhà Thờ Chánh Tòa Oakland, California



Oakland, ngày 22, tháng 3, 2009:
Sau nhiều lần được thấy những hình ảnh của nhà thờ Chúa Kitô Ánh Sáng tại Oakland, hôm nay chúng tôi mới được đích thân đến tận nơi để thăm viếng và tham dự thánh lễ do cha chính xứ nhà thờ Chánh Tòa, Linh Mục Đồng Minh Quang chủ tế.
Nhà Thờ Chánh Tòa Oakland
Bên trong nhà thờ
Trần nhà thờ


Từ San Francisco tới Oakland mất 20 phút lái xe, vì là ngày chủ nhật nên không có kẹt đường xá. Chúng tôi đến nơi rồi mà không nhận ra vì bên ngoài nhà thờ này rất tối tân và không có tháp chuông. GPS cho hay “anh đã đến nơi,” mà nhìn quanh nhìn quẩn cứ tưởng nhầm đường. Định hỏi thăm thì chợt thấy ngôi nhà thờ bao vây toàn kính thật hoành tráng.

Chúng tôi đã muốn di lễ 8 giờ sáng, lễ tiếng Việt, nhưng đến hơi trễ phải di lễ 10 giờ. Khi còn 10 phút thì thấy cha Quang đi ra, và ngài nói sẽ cũng chủ tế thánh lễ bằng tiếng Anh này.

Tôi có được thời gờ để đi thăm các nhà nguyện và chụp hình. Ban tiếp tân đứng ngay cửa phát tờ thông tin mục vụ và hỏi han bắt tay từng người. Ca đoàn có chừng 30 ca viên đủ sắc tộc, cùng với một cây đàn violon và đàn piano. Nhóm giúp lễ là hai bà già thay vì các chú giúp lễ trẻ. Tôi nhận xét thấy cung cách rước Thánh Thư, các động tác đứng ngồi quỳ rất trịnh trọng từ tốn, không hấp tấp. Tất cả mọi người đều được rước lễ dưới hai hình thức vì có đông thừa tác viên Thánh Thể. Sau khi rước lễ, cha mời các thừa tác viên kiệu Mình Thánh cho kẻ liệt lên trước bàn thờ, làm nghi thức sai đi và ban phép lành cho họ.
Ca Đoàn
Cha chánh xứ Đồng Minh Quang
Tân tòng


Cha xứ Quang cho hay chi phí xây cất 160 triệu, và nay còn thiếu nợ khoảng 59 triệu. Kiến trúc bên trong là một hỗn hợp giữa gỗ và kính. Nhà thờ Chúa Kitô Ánh Sáng, nên ban ngày có rất ít đèn mà vẫn sáng trưng.

Đầu lễ sau khi mọi người được mời quay qua bên cạnh bắt tay chào hỏi nhau, cha Quang giới thiệu những người ở xa tới: Bolivia, Phi Luât Tân, Phi Châu, Nữu Ước,… trong đó có chúng tôi từ Virginia. Hai thầy phó tế giúp lễ, một người Mễ, một người Mỹ gốc Phi Châu. Thầy này già đi lại khó khăn phải cần giúp đỡ. Cha xứ thì cao ráo sáng suả, cũng làm cho dân Việt hãnh diện. Được biết cha là một thuyền nhân đã đến định cư tại Oakland từ 20 năm qua.
Giáo dân
Đồng tế
Nghi thức sai đi


Vì mới có vụ thảm sát 3 cảnh sát viên và làm một người thứ bốn bị thương nặng, trong bài giảng, cha Quang nói nhiều về tình yêu, về sự tha thứ và xin mọi người cầu nguyện cho bốn nạn nhân này và gia đình của họ, đồng thời cầu nguyện cho bớt sự căng thẳng giữa cảnh sát da trắng và người da đen tại Oakland. Cha cho hay thánh lễ an táng cho cảnh sát viên tên Jason sẽ được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa. Cha cũng nhắc sơ qua về kinh nghiệm vượt biên khủng khiếp của cha, khi bị hải tặc cướp máy thuyền, và khi thuyền trôi giạt vào đảo thì laị bị nhóm cướp khác tấn công và bách hại.

Cha có mời một số trẻ em lên ban phép lành cho chúng và gia đình và cha giới thiệu chúng như các linh mục và nữ tu tương lai. Thánh lễ chấm dứt lúc 11 giờ 15, cha xứ và hai thầy phó tế chào hỏi giáo dân ngoài cửa. Ba bà khách từ xa tới, cám ơn cha rồi nói họ rất thích thánh lễ của cha. Sau đó họ hỏi tôi, phải cha Quang là con tôi không? Tôi trả lời, “I wish he were!”

Chúng tôi được biết cha Quang qua mấy lần ngài qua Virginia và Hoa Thịnh Đốn giảng phòng. Chúng tôi ra về trong lòng hân hoan vui sướng.
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hai nạn nhân trẻ tuổi người Angola bị thiệt mạng
Bùi Hữu Thư
03:45 23/03/2009

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hai nạn nhân trẻ tuổi người Angola bị thiệt mạng



LUANDA, Angola, ngày 22, tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI chia sẻ sự đau buồn với gia đình của hai em bé gái bị đạp chết ngày Thứ Bẩy khi dân chúng chen lấn để xem Đức Thánh Cha tại Vận động trường Dos Coqueiros Stadium tại Luanda.

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hai nạn nhân và gia đình hôm nay vào lúc đầu của Thánh Lễ trước hơn một triệu người tại cánh đồng Cimangola tại ngoại ô Luanda.

Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giêsu đã ôm đón hai em vào vương quốc của Người. Tôi bầy tỏ lòng thương cảm với gia đình và bạn bè của hai em, và nỗi đau buồn của tôi vì việc này đã xẩy ra khi hai em đến để được thấy tôi."

Vụ chen lấn, khiến cho 40 người bị thương, xẩy ra sau khi vận động trường được mở ra để Đức Thánh Cha tiếp xúc với trên 30.000 người trẻ. Tin tức về cái chết của hai em chỉ được biết sau buổi tiếp xúc.
 
Đức Giáo Hoàng cảnh giác dân Phi hãy lấy đức tin tẩy trừ nạn mê tín.
Ngọc Loan
17:17 23/03/2009
Luanda- Angola Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cảnh giác người Công Giáo Phi Châu hãy tẩy trừ lòng tin mê tín đang hoành hành đã khiến nhiều người sống trong sự lo sợ của thần dữ.

Những lời của Đức Thánh Cha đã đánh động đến não trạng Phi Châu khi niềm tin vào ma thuật và phép phù thủy đã đưa đẩy đến sự giết người và kỳ thị nhất là đối với trẻ em.

Trong Thánh Lễ vào ngày thứ Bảy 21/3 tại Luanda, Đức Giáo Hoàng nói người Công Giáo Angola phải tìm cách giải quyết vấn đề mê tín với tinh thần của các vị thừa sai tiên khởi tại quốc gia này. Năm nay cũng đánh dấu 500 năm đức tin Kitô Giáo được truyền bá tại Angola.

Đức Thánh Cha nói “Hôm nay tùy thuộc nơi các con, hỡi anh chị em, hãy theo bước chân của những ngôn sứ anh hùng và thánh thiện của Thiên Chúa để mang Đức Kitô đã trỗi dậy cho người bạn công dân các con. Rất nhiều người trong họ đang sống trong tinh thần lo sợ, độc ác và bị đe dọa bởi quyền thế".

Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi “Trong sự bối rối mà cuối cùng bị coi là những trẻ bụi đời đáng nguyền rửa và những người cao niên bị coi là những nhà phù thủy. Ai có thể đến với họ để tuyên bố rằng Đức Kitô đã chiến thắng trên thần chết và trên tất cả những quyền lực huyền bí?

Tại Angola, cảnh sát mới đây đã phát giác ra một nhóm lớn các trẻ em bị những người cuồng tín giam giữ vì họ nghi rằng chúng đã bị “quỷ ám”, đã đưa ra một cảnh tỉnh mới là có vấn đề.

Giám Mục Jose Manuel Imbamma tại Dundo người Angola cho biết:”thật là một não trạng văn hóa đã gây nên những chia rẽ, hận thù và làm tăng thêm sự ngu dốt”.

“Các gia đình đã bị tiêu diệt và tình trạng càng tồi tệ hơn bởi vì tự chính các trẻ em đã bị tố là những đứa phù thủy”.

Các vị lãnh đạo giáo hội trên khắp lục địa Phi Châu tin rằng tin vào ma thuật là chuyện thường tình tại nhiều nơi tại lục địa này. ”Ma thuật đã xâu xé thôn làng và thành thị” là điều đã được đưa ra trong văn kiện làm việc, do chính Đức Giáo Hoàng ban hành trong chuyến tông du cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu vào tháng 10 tời đây sẽ được tổ chức tại Vatican.

Những mụ và thầy phù thủy thường đổ lỗi cho sự bất hạnh, bệnh tật, hiếm đường con cái và những thảm họa thiên nhiên. Thiếu nhi và các bà cao niên bị coi là những người bị tình nghi, cho nên họ đã bị dân làng chém cho chết trong những năm gần đây.

Vào ngày 18/3, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã đưa ra một bản tường trình cho thấy hơn một 1000 người bị vây bắt của chính quyền đi thanh lùnh các mụ phụ thủy do chính Tổng Thống Yahya Jammeh ban hành.

Sau Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ sự, Đức Giám Mục Franklyn Nubuasah, người Botswanan là phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Liên Vùng Nam Phi Châu cho biết ngay cả người Công Giáo cũng bị ảnh hưởng bởi nạn mê tín nhưng với tính cách nhẹ hơn.

“Tại miền Nam Phi Châu, nhiều người đau yếu đã tìm đến thầy thuốc gia truyền mà họ cho là có liên hệ với ông bà tổ tiên. Để rồi chính những tổ tiên này sẽ trị liệu trực tiếp để được khỏi bệnh”.

“Chúng tôi ở trong giáo hội, mới đây cũng khám phá ra rằng điều này đã trở nên một vấn đề đối với chúng tôi, vì chính ngay các linh mục và tu sĩ chúng tôi cũng can dự vào thừa tác vụ chữa lành này. Họ nói là họ được giao lưu với những bậc tổ tiên”.

Đức Cha nói các Giám Mục Nam Phi đã ban hành văn kiện mục vụ để chỉnh đốn lại vấn đề, lên ác đến hành động và ngăn cấm các linh mục và nữ tu không được can dự. Vấn đề vẫn tồn đọng lại trong Giáo Hội vì nhiều người tin rằng chữa bệnh gia truyền và sự giao du với bậc tổ tiên đã mang lại hiệu quả.

Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Thánh Phaolô, với số người tham dự rất đông đến nỗi các nữ tu, linh mục và các Giáo Lý viên phải tham dự bên ngoài công viên nhà thờ. Mặc dầu là ngày thứ năm trong chuyến Tông Du, Đức Giáo Hoàng trông có vẽ thấm mệt những Ngài đã ban bài giảng với một giọng hùng hồn.

Những lời phê bình của Đức Giáo Hoàng về nạn mê tín dị đoan đã nhấn mạnh một điểm phổ quát hơn: là những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội phải không có biên giới và phải được mang đến với những niềm tin truyền thống.

Đức Giáo Hoàng bác bỏ luận điệu cho rằng những vị như thế hãy để cho họ yên hàn, khi xét rằng “họ có chân lý của họ và chúng tôi có chân lý của chúng tôi”. Nếu người Kitô Hữu thật sự tin rằng họ có một sứ điệp mà có thể cứu rỗi, thị họ phải mang sứ điệp ấy đến cho người khác.

“Thật vậy, chúng ta phải làm điều này. Đó là nhiệm vụ của chúng ta cống hiến cho mọi người sự khả thi đạt đến đời sống vĩnh cửu”.
 
Thánh lễ sáng Chúa Nhật tại Luanda
Bình Hòa
21:13 23/03/2009
Một mục tiêu của chuyến viếng thăm Phi châu của Đức Thánh Cha là trao tập Tài liệu làm việc của khóa họp đặc biệt lần thứ hai của Thượng hội đồng giám mục về Phi châu sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng mười năm nay. Lễ nghi này đã diễn ra trong thánh lễ cử hành tại Yaoundé hôm thứ năm vừa rồi. Tiếp đó là chuyến viếng thăm nuớc Angola để kỷ niệm 500 năm loan báo Tin mừng, và thánh lễ hôm qua có thể coi như là cao điểm, tuy không chỉ giới hạn vào quốc gia này mà thôi. Thực vậy, hiện diện trong thánh lễ cử hành lúc 10 giờ sáng tại quảng trường Cimangola, cách trung tâm thủ đô Luanda 15 cây số, có các giám mục thuộc liên hội đồng giám mục miền Nam Phi châu, bao gồm các quốc gia Angola và S.Tomé, Botswana, Nam Phi và Lesotho, Namibia, và Zimbabwe. (Nên biết là tại Phi châu, ngoài Liên hiệp các hội đồng giám mục cho toàn lục địa, còn có liên hiệp hội đồng giám mục của các miền Trung Phi, Nam Phi, Đông phi tiếng Pháp và Đông Phi tiếng Anh). Vì thế bài giảng thánh lễ đã được đọc bằng các tiếng Bồ đao nha và tiếng Anh, trong khi các ý chỉ lời nguyện phổ quát được xướng bằng 7 thổ ngữ Angola còn phần thường lễ được đọc hoặc hát bằng tiếng latinh.

Số các tín hữu tham dự thánh lễ ước tính khoảng 1 triệu người, từ khắp các giáo phận của nước Angola. Các bài ca luôn kèm theo nhịp trống hoặc vỗ tay và thân thể. Mở đầu thánh lễ, lời chào mừng Đức Thánh Cha về phía đức tổng giám mục Luanda thay mặt toàn thể cộng đoàn đã được hưởng ứng nhiệt liệt bằng những tiếng hò vang. Tuy nhiên, những lời mở đầu thánh lễ của vị chủ tế đã thêm một nét buồn, bởi vì trong cuộc gặp gỡ các bạn trẻ tại sân vận động Dos Conqueiros vào chiều thứ bảy hôm trước, hai bạn trẻ bị chết và một số khác bị thương vì cảnh chen lấn. Đức Thánh Cha đã bày tỏ nỗi buồn vì tai nạn này, và ngỏ lời phân ưu với gia đình và các bạn hữu của họ.

Dựa theo các bài đọc Sách Thánh của Chúa Nhật thứ tư mùa Bốn Mươi, Đức Thánh Cha đã áp dụng vào những hoàn cảnh xã hội và tôn giáo hôm nay. Bài đọc thứ nhất kể lại tình hình của dân Do thái đã phải chứng kiến cảnh mất nước nhà tan, đã nếm cảnh lưu đày, nhưng sau cùng họ đã trở về tái thiết quê hương. Đây là một sứ điệp hy vọng cho nước Angola, nơi mà nhân dân đã có nhiều kinh nghiệm về sự tàn phá do cuộc nội chiến. Chiến tranh gieo ra biết bao sự tàn phá: các gia đình, các cộng đồng, các công trình vất vả gầy dựng lâu năm, tiêu huỷ luôn cả niềm hy vọng, tăng thêm hận thù giữa các thế hệ. Trong bối cảnh này, lời kêu gọi trở về và tái thiết trong trong bài Sách thánh mang một ý nghĩa đặc biệt. Người Do thái được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem. Người dân Angola được kêu gọi tái thiết đền thờ Thiên Chúa là chính cộng đoàn các tín hữu. Họ được mời gọi hãy đón nhận Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ, và trở nên sứ giả mang tình thương lân tuất vào trong các gia đình, trường học, xưởng làm việc, các môi trường hoạt động xã hội và chính trị.

Ngày Chúa Nhật thử tư Mùa Bốn mươi được giáo hội Angola chọn là ngày cầu nguyện và hy sinh để hòa giải dân tộc. Sự hòa giải chỉ có thể diễn ra nhờ cuộc thay đổi con tim, thay đổi lối suy tưởng. Duy sức mạnh của tình thương Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta thắng được sức mạnh của tội ác và chia rẽ. Như thánh Phaolô đã viết trong bài đọc 2, khi chúng ta còn là tội nhân, đã chết bởi tội lỗi, thì tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự hoà giải và đời sống mới trong Đức Kitô.

Cách riêng bài giảng đã dừng lại ớ sứ điệp bài đọc trích từ Tin mừng thánh Gioan. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình.. ngõ hầu thế gian được sống nhờ Người (Ga 3,16-17). Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để sống một đời sống mới, trong đó chúng ta thực hành các việc công chính dựa theo ý của Chúa. Chúa đã ban cho chúng ta những giới răn, không phải như những ách trói buộc, nhưng như là nguồn tự do, sự tự do trở nên con người cư xử khôn ngoan, biết sống theo công lý và hoà bình, biết đặt tin tưởng nơi tha nhân và cùng nhau đi tìm điều tốt lành.

Đến đây, vị chủ tế suy nghĩ về hai bức tranh mà sách Tin mừng đã trình bày. Một bên là bức tranh tiêu cực: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng nhiều người ưa thích đêm tối hơn là ánh sáng, bởi vì việc làm của họ xấu xa. Có biết bao nhiêu đen tối ở trên thế giới hiện nay. Những đám mây của sự dữ vẫn còn bao phủ trên Phi châu, kể cả nước Angola này. Chúng tôi nghĩ đến tai ương của chiến tranh, những cuộc tranh chấp giữa các bộ lạc, lòng tham lam làm hoen ố con tim, lòng tham đưa đến cảnh bóc lột người nghèo, lòng tham vơ vét khai thác các tài nguyện không nghĩ gì đến các thế hệ tương lai; bên cạnh đó là tính ích kỷ khiến con người khép kín, và thay vì những lý tưởng cao thượng của quảng đại và từ bỏ, thì người ta đi tìm khoái lạc, hưởng thụ, tìm hạnh phúc qua xì ke, dâm đãng, đưa đến cảnh huỷ hoại gia đình, tàn sát các bào thai.

Đối lại, Tin mừng khuyến khích các tín hữu hãy sống theo chân lý, hãy thực hiện chân lý. Các tín hữu được mời gọi hãy làm chứng cho sự thật có khả năng mang lại tự do chân chính. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khác với cuộc tàn phá chớp nhoáng của sự dữ, việc kiến tạo đòi hỏi thời gian và kiên trì. Sự kiến thiết đòi hỏi hy sinh vất vả, bắt đầu từ con tim của chúng ta, với những hy sinh hằng ngày để sống trung thành với luật Chúa, để chứng tỏ tình yêu với tha nhân qua những cử chỉ bé nhỏ. Thật vậy, để chống lại não trạng coi những người khác như là những dụng cụ để khai thác, chúng ta cần tạo ra một não trạng mới coi tha nhân như là anh chị em đáng được yêu thương tôn trọng, và giúp đỡ trên cuộc hành trình tiến đến tự do, sự sống và hy vọng

Phần cuối của bài giảng hướng đến các bạn trẻ. Đức Thánh Cha kêu gọi họ: “các bạn là niềm hy vọng của tương lai đất nước, sự hứa hẹn của ngày mai tuơi đẹp hơn. Các bạn hãy bắt đầu từ hôm nay để tăng gia tình bạn với Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật là là sự sống. Các bạn hãy đi tìm ý Chúa dành cho mình, hãy lắng nghe lời Chúa mỗi ngày, và để cho Lời Chúa uốn nắn cuộc sống cũng như những tương quan của mình. Giáo hội cần đến chứng tá của các bạn. Các bạn đừng sợ đáp lại cách quảng đại tiếng Chúa gọi để phụng sự như là linh mục, tu sĩ, cha mẹ, và các hình thức tác vụ khác trong Giáo hội

Thánh lễ kết thúc lúc 11 45 phút. Tại lễ đài, Đức Thánh Cha đã đọc lời dẫn nhập vào kinh Truyền tin. Đức Maria đã đáp lại lời “Xin vâng” vô điều kiện với ý Chúa. Nhờ sự vâng phục của Mẹ, mà Con Thiên Chúa đã vào thế gian để mang lại cho chúng ta sự tha thứ và sự sống vô biên. Khi đọc kinh Truyền tin, chúng ta hãy hướng ý cầu nguyện cho tất cả mọi người trên thế giới, cách riêng là tại châu Phi, nơi mà người dân đang khát vọng một tương lai tiến bộ và hoà bình. Cách riêng Đức Thánh Cha đã xin cầu nguyện cho thượng hội đồng giám mục bàn về châu phi, ngõ hầu các tín hữu công giáo biết trở nên men hy vọng cho đồng bào của mình.

Kinh Truyền tin và phép lành được xướng bằng tiếng Bồ đào nha.

Vào ban chiều, Đức Thánh Cha có một buổi gặp gỡ các phong trào công giáo phát triển phụ nữ. Chúng tôi sẽ tường thuật buổi gặp gỡ trong buổi phát ngày mai. Trước đó, lúc 3 giờ chiều, một phái đoàn Toà thánh do hồng y Quốc vụ khanh dẫn đầu đã đến bệnh viện để thăm viếng gia đình của các bạn trẻ bị tử nạn (trong đó một em là một giáo lý viên) và các người bị thương đang điều trị.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại sứ Anh tại Việt Nam thăm Cộng đồng người Việt tị nạn tại London
Vũ Khánh Thành
20:23 23/03/2009
LONDON - Nhân dịp kỷ niệm 30 năm người Việt tị nạn được nhận định cư tại Anh Quốc và 27 năm ngày thành lập hội An Việt tại Vương Quốc Anh và theo lời mời của Hội An Việt, ông Đại Sứ Anh tại Việt nam, trong chương trình đi thăm cộng đồng người Việt tị nạn tại London, hôm nay chủ nhật 22.3.2009, Đại Sứ Mark Kent tại Việt Nam đã đến thăm trung tâm dạy tiếng Việt cho con em Việt Nam tại Trung Tâm Công Giáo London. Hướng dẫn ông Đại Sứ có cựu Nghị Viên London Vũ Khánh Thành, nhân viên Đại Sứ Quán và một số nhà báo ở Việt Nam. Ông Đại Sứ được Linh Mục phụ tá Vương Thuật và ông Phan Văn Thận, hiệu trưởg của nhà thờ Việt Nam đón tiếp với 200 các em học sinh và các thầy cô giáo. Ông Đại Sứ đã ân cần thăm hỏi các em và các giáo chức bằng tiếng Việt và ca ngợi việc gìn giữ văn hoá Việt, tiếng Việt của các cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài. (Cũng cần biết thêm, ông Đại Sứ viết và nói tiếng Việt thành thạo và có một trang Web tiếng Anh, tiếng Việt giúp mọi người quan hệ trực tiếp với đại sứ quán – [Blogs.fco.gov.uk/roller/kent]

Đại sứ Mark Kent và và Ông Vũ Khánh Thành
Ông Đại Sứ cũng đi thăm các cở kinh doanh của người Việt tại đường Mare Street, thành phố Hackney nơi có đông người Việt định cư nhất tại Anh Quốc. Các cơ sở kinh doanh này tuy nhỏ so với các khu Việt Nam tại Úc hay Hoa Kỳ nhưng rất đa dạng, từ tiệm ăn, tiệm móng tay, tiệm cắt tóc, tiệm tạp hoá … đến tiệm vàng và kim cương, tiệm sửa xe, cơ sở may mặc v.v … Tới đâu các chủ tiệm và ông Đại Sứ cũng vui vẻ trò truyện và thăm hỏi bằng tiếng Việt rất tương đắc. Ông rất vui khi thấy nhiều hàng hoá bày bán là các sản phẩm từ Việt Nam tới như xoài, mít, bánh đa, gạo … thứ gì cũng có khiến người Việt Nam tại nước ngoài có cuộc sống không khác gì tại Việt Nam của mình, quên nỗi buồn nhớ quê hương.

Trọng tâm của việc viếng thăm London của ông Đại Sứ là việc viếng thăm Trung Tâm An Việt. Ông đã được đón tiếp bởi ông Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Hackney Ian Rathbone và ông Vũ Khánh Thành, giám đốc sáng lập và điều hành hội An Việt. Một số giáo sư thuộc Hiệp Hội các Học Giả về Đông Nam Á tại Anh Quốc như các Giáo Sư Stephen Oppenheimer (Đại Học Oxford) Michael Hitchcock (phó Viện Trưởng Viện Đại Học Chichester) Gs Terry King và Martin Richards, giám đốc Đông Nam Á Học và ĐNA Đại Học Leeds, Gs Chris Dixon, Đai Học London Met và Ian Gover, Đại Học UCL cũng có mặt với nhiều quan khách khác.

Ông Vũ Khánh Thành trong diễn văn chào mừng ông Đại Sứ và quan khách đã lược qua những khó khăn mà đồng bào Việt Nam tị nạn đã gặp phải từ năm 1979 đến nay. Cái khó khăn nhất là về anh ngữ mà 80% người Việt tại Anh là người Việt gốc Hoa, đa phần sống tại các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, không có căn bản học vấn, không có chuyên môn. Các nước như Úc, Hoa Kỳ, Canada … hồi ấy đến Hong Kong lựa chọn những người nào có học vấn, có tay nghề sẽ được nhận đi định cư. Phần còn lại nước Anh đã nhận 30 ngàn người đến Anh. Các người đến sau này thêm nhiều ở Hong Kong đều bị gửi trả về Việt Nam để trao trả lại Hong Kông cho Trung Quốc.

Khó khăn thứ hai là tìm kiếm công ăn việc làm. Sau một hai năm ổn định cuộc sống, nhờ có hàng may mà nhiều người đã chuyên cần làm việc ngày đêm, tích luỹ tiền bạc để mở các hãng may mà đời sống khá lên. Trong thâp niên 1980 đã có khỏang 40 - 50 hãng may của người Việt tại Hackney. Sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, kỹ nghệ may mặc xuống dốc, nhờ kỹ nghệ làm móng tay từ Mỹ truyền qua mà hiện nay tại London đã có cả ngàn tiệm móng tay của người Việt. Các cửa hàng ăn, các tiệm tạp hoá cũng nở rộ. Bên cạnh đó là sự thành công của giới trẻ ở các trường trung học và đại học đã làm rạng danh người Việt dù rằng cha mẹ các em không có học vấn chi cả. Mặt tiêu cực làm cho cộng đồng Việt Nam tại Anh bị tai tiếng nhiều nhất mấy năm gần đây là việc trồng cần sa của những người Việt đến nuớc Anh bất hợp pháp để kiếm sống mà nuớc Anh chưa có giải pháp ngăn chặn hay trả họ trở về.

Ông Đại Sứ và ông Chủ Tịch Hội Đồng thành phố Hackney đánh giá rất cao công việc của hội An Việt từ 27 năm qua để giúp đỡ người Việt tại Anh ổn định cuộc sống. Các ông cũng đề cao sự hợp tác của các giáo sư đại học Anh có mặt hôm nay đã và đang giúp đỡ hội An Việt thành lập Viện Nghiên Cứu Việt Nam và Đông Nam Á hầu giúp đỡ thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc của dân tộc mình và tiếp tục đào sâu các giá trị đông phương trong các luận văn Cao Học hay Tiến Sĩ mà hội An Việt đã và đang giúp đỡ các sinh viên nghiên cứu về Việt Nam.

Đặc biệt ông Đại Sứ cũng trao quà cho anh đầu bếp nhà hàng Hương Việt đã cho ông và 50 quan khách có bữa tiệc rất ngon ngày hôm nay.

Không hẹn mà gặp Luật Sư TRỊNH HỘI, người đã hy sinh một phần tuổi trẻ của mình cho người tị nạn Việt Nam tại Hong Kong và Phi Luật Tân, đã có mặt trong buổi tiếp tân Đại Sứ Anh tối nay. Nhiều người tị nạn tại Anh nghe tin Trịnh Hội có mặt đã náo nức được đến thăm hỏi để nói lên lòng biết ơn của họ trong thời gian 30 năm khó khăn tại Hong Kong trước đây. Trịnh Hội đã nhọc công tổ chức nhiều đại hội và quyên góp tiền bạc giúp đỡ người tị nạn những ngày đầu đến Hong Kong và nhất là Phi Luật Tân - lo liệu giấy tờ, vận động với các chính phủ tây phương để nhận người tị nạn. Công việc khó khăn vất vả ấy đã kéo dài hơn 30 năm trời mới vừa chấm dứt vài tuần lễ vừa qua khi người tị nạn cuối cùng đến Canada và các trại tị nạn tại Phi đóng cửa. Đại Sứ Mark Kent và quan khách rất cảm động trước tấm lòng hy sinh vô bờ bến của Luật Sư Trịnh Hội.

Buổi tiếp tân kết thúc lúc 10 giờ 30 tối trong không khí vô cùng phấn khởi và lưu luyến của mọi người tham dự.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sáu bị can của Gx Thái Hà trao đổi với tòa án TP Hà Nội về luật sư bào chữa
Thư Ký Luật Sư
21:20 23/03/2009
Sáng ngày 23/3, 6 trong số 8 bị can của giáo xứ Thái Hà đã đến tòa án thành phố để trao đổi về việc luật sư bào chữa. Trong số 6 người này, có 3 người đã nhận giấy triệu tập của tòa, là bà Ngô Thị Dung, ông Nguyễn Đắc Hùng và anh Thái Thanh Hải; bà Ngô Thị Nhi nhận được lời mời qua điện thoại; bà Nguyễn Thị Việt, và ông Phạm Chí Năng, dù không nhận được giấy triệu tập, song đã cùng đến để trao đổi về việc này.

Hai người còn lại trong số 8 người: ông Lê Quang Kiện, tuy có giấy triệu tập của tòa, song do đang chịu tang người thân, bà Lê Thị Hợi do đã trao đổi tại nhà với cán bộ của tòa từ 2 ngày trước về cùng một việc, nên đã không đến.

Tiếp các bị can là hai cán bộ tòa án: ông Đinh Quốc Trí và ông Trần Anh Tuấn.

Trong buổi làm việc, 5 bị can, gồm bà Ngô Thị Dung, bà Nguyễn Thị Việt, ông Phạm Chí Năng, ông Nguyễn Đắc Hùng, anh Thái Thanh Hải, đều khẳng định mời cả ba luật sư Lê Trần Luật, Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Đông cùng tham gia bào chữa, trong đó, luật sư Lê Trần Luật là người bào chữa chính. Riêng bà Nguyễn Thị Nhi khẳng định bà chỉ mời luật sư Lê Trần Luật.

Trong buổi làm việc, cán bộ của tòa đã ghi biên bản cho bà Dung và anh Hải (hai người được tiếp đầu tiên). Bà Dung và anh Hải đã yêu cầu giữ một bản sao của biên bản; cán bộ của tòa ban đầu đã chấp thuận, nhưng sau đó từ chối. Khi tiếp các bị can khác về sau, cán bộ của tòa không ghi biên bản nữa. Họ đã miễn cưỡng viết một biên bản chung và gửi bản photo không có dấu của tòa cho các bị can.
 
Xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
21:24 23/03/2009
Xin thưa ngay là chúng tôi, nhiều bạn trẻ, nhiều anh chị em tông đồ trung niên, cả nhiều Linh Mục và Nữ Tu chúng tôi vẫn thầm cầu nguyện hoặc cầu nguyện chung với nhau bằng Kinh Lạy Cha đúng thật là vậy: “Xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp”.

Ơ, sao lại thế ? Chuyện gì lạ vậy ?

Cũng cần nhắc lại là cách nay khoảng ba chục năm ngược về trước, Kinh Lạy Cha của chúng ta được đọc trong cả thế kỷ là: “Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ...” chứ không phải đọc như bây giờ là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày...” ( dịch từ bản Latinh: “Panem nostrum quotidianum da nobis hodie” ). “Lương thực hằng ngày” là kiểu nói không ra Tây mà lại hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ bình thường của người Việt Nam. Ngẫm nghĩ thấy con cái trong gia đình chúng ta nó hay níu áo ba nó mà kêu: “Bố ơi, cho con xin chiếc bánh...”; “Bố ơi, cho con xin bát cơm...” chứ ai lại văn chương kềnh càng đến mức: “Cha ơi, cho con xin lương thực...”

Nhưng thôi, chúng tôi không có ý viết bài này để phân tích, phê bình và tranh luận về các bản dịch Kinh Lạy Cha, nhưng chúng tôi muốn nhắm đến chuyện khác, cũng là xin, xin với Chúa là Cha, và xin một điều cũng hết sức thiết thực như xin cơm ăn áo mặc hằng ngày. Đó là chuyện Bảo Vệ Sự Sống !

Chúng tôi muốn nói đến một nghề mới hình thành ở Việt Nam cách đây không lâu, khoảng 17 năm nếu tính Huế là nơi ra đời Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đầu tiên. Gọi tạm là nghề vậy thôi, chứ nghề gì mà không ăn lương, nghề gì mà không cần huấn luyện và đào tạo, nghề gì mà chẳng thấy ghi trong Tự Điển Bách Khoa Nghề Nghiệp ?

Tuy nhiên vẫn có thể gọi đây là nghề, vì người làm nghề này cần phải trung thành làm một công việc đều đặn mỗi ngày, đúng giờ, đúng nơi, đúng chỗ, lại phải thinh lặng mà làm, không bô lô ba la ồn ào. Nghề này, xét ra, gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị ngộ nhận, bị gây khó dễ, lại có thể bị nhiễm độc mà chẳng cơ quan nào chịu trả phụ cấp độc hại và bồi thường bằng bảo hiểm y tế !

Vâng, ấy là “nghề” đi góp nhặt và quy tập các... thai nhi bị giết mỗi ngày tại các điểm phá thai, y tế công cũng như phòng mạch tư.

Các địa chỉ “sát sinh” này bây giờ ngày càng tăng, nhiều lắm, ở cấp thành phố đương nhiên là nhan nhản, có khi tập trung thành cả dãy phố như ở Hà Nội, có khi được thông tin giới thiệu công khai như ở Sài-gòn, có khi treo bảng to đùng ngoài cổng như ở các tỉnh. Xuống đến cấp huyện, cấp quận, cả đến cấp xã, cấp phường cũng có, núp bóng trạm xá. Dưới đồng bằng và duyên hải cũng có, mà cũng có cả trên cao nguyên. Và đừng quên các loại phòng khám, phòng mạch các bác sĩ và cả bọn... lang băm !

Các địa chỉ “Văn Hóa Sự Chết” ấy cứ mọc lên, hoạt động một thời gian là y như rằng cũng hình thành luôn nghề đi thu gom xác thai nhi để đem về lo hậu sự, tẩm liệm rồi chôn cất hoặc đem thiêu rồi táng vào một nơi như một cái lăng, một nghĩa trang, một “Đất Thánh” hẳn hoi. Nghĩa tử – nghĩa tận !

Nhưng tại sao lại “xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp” ? Ai làm nghề gì thì cũng mong có công ăn việc làm, buôn may bán đắt, nhất là cầu sao cho có việc làm đều đặn, cứ tăng trưởng dần dần để thu nhập ngày càng nhiều hơn. Chứ ai lại đi cầu nguyện sao cho... sớm được thất nghiệp bao giờ ? Vậy mà, với nghề nhặt xác các em bé bị giết thì mọi sự đảo ngược, lộn nhào.

Có hôm một bạn giáo viên sau khi từ trường về, ghé đến bệnh viện, âm thầm kín đáo xách lấy chiếc túi nylon màu đen rồi đem về Góc Xót Thương ở cuối hành lang Trung Tâm Mục Vụ DCCT Sài-gòn. Xong xuôi bạn ấy ghé vào văn phòng. Bạn ấy ngồi xụp xuống ghế, dáng vẻ mệt mỏi, rũ rượi, khuôn mặt buồn xo, xin một cốc nước lọc rồi buột miệng than thở: “Hôm nay con buồn quá bố ơi, các em bị phá nhiều quá, có lẽ cả túi phải đến 3 ký với hàng trăm em...” Hôm khác, cũng bạn ấy, đẩy cửa vào là reo to vui vẻ: “Hôm nay con mừng quá bố ơi, chỉ có vỏn vẹn 5 cháu !”

Lại có chuyện một bạn trẻ của chúng tôi tối nào lúc 20g30, mưa gió hay không, cũng đều về Nhà Dòng chúng tôi để thu tập toàn bộ các túi nylon đựng thai đã được các anh chị em khác góp nhặt từ nhiều địa chỉ phá thai nội ngoại thành Sài-gòn. Em ấy lom khom ở góc Xót Thương, bỏ tất cả vào một cái balô to, ôm trên tay xuống lầu, cặm cụi một người một xe gắn máy đem về cho một thầy DCCT chúng tôi sẽ lo hậu sự vào nửa đêm.

Công việc tận tụy suốt mấy 4, 5 năm nay rồi, bỗng một hôm vô tình trên đường về, bạn gái ấy gặp một tu huynh trẻ. Thầy ấy hỏi thăm đi đâu, làm gì, chở cái bọc chi mà to thế ? Cô bé trả lời: Dạ thưa thầy xác các bé thai nhi ạ. Ông thầy cười ồ lên vẻ chế nhạo: Ơ sao mày ngu thế ? Người ta ăn ốc, mình lại đi đổ vỏ ! Chỉ một câu thế thôi, cô bé sụp đổ, khủng hoảng hoàn toàn ! Nghe bố mẹ em thuật lại, chúng tôi giận lắm, định đi tìm cái anh tu huynh một Dòng nào đấy để “xử lý” chứ không thì tức lắm. Không ngờ cô bé đã vượt qua được cơn sốc ấy rồi, thôi không muốn to chuyện làm gì. Chúng tôi ra về, ngẫm nghĩ: Ừ, tội nghiệp cô bé, tội nghiệp cả nhóm các anh chị Tông Đồ Giáo Dân nữa, cái nghề chi mà kỳ cục thật ! Mong sao có ngày nào đó thôi không còn phải làm như thế này nữa. Thất nghiệp là mừng !

Mới đây, trên đường từ Nam Định về lại Hà Nội để bay vào Nam, chúng tôi được ghé vào một xã thuôc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thăm một nghĩa trang anh Hài mới hình thành chỉ vỏn vẹn 40 ngày thôi mà nơi đây đã chôn cất được hơn 200 thai nhi. Một nhóm các anh chị lo thu nhặt tại thành phố, chuyển dần về vùng nông thôn này, cách xa mấy chục cây số đường nhựa và thêm 4, 5 cây đường đất đá đầy ổ gà. Đến phiên các anh chị ở đây xúm lại lo tẩm liệm chôn cất thật ân cần chu đáo, cứ như đang lo hậu sự cho chính một thi hài người thân trong gia đình mình.

Khi cùng nhau đứng bên ngôi mộ tập thể các thai nhi, tự nhiên chúng tôi bật lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, thật lòng anh chị em chúng con làm cái nghề BVSS này ai cũng mong rồi đến lúc chúng con được... thất nghiệp. Bao giờ thưa Chúa ?”

Mà thôi, chắc cái ngày ấy còn xa. Trước mắt, cứ xin cho riêng việc nhặt xác thai nhi mỗi ngày được giảm dần số lượng chứ đừng có tăng lên. Thỉnh thoảng mà lại có ngày đi về tay không, thì coi như ngày ấy thất nghiệp, mừng mừng tủi tủi vì bớt đi được một số cháu bé nào đó không bị giết !

Chuyến đi miền Bắc giảng Đại Phúc lần này, ngoài tin tỉnh Nam Định đã có được Nghĩa Trang Anh Hài từ ngày 10 tháng 2 năm nay, chúng tôi còn biết một Nghĩa Trang khác vùng quê nghèo tỉnh Thái Nguyên cũng vừa mới hình thành vào Chúa Nhật 15 tháng 3 vừa qua. Đến khi vừa trở vào Nam hôm 20 tháng 3, các bạn trẻ Nhóm Fiat đến hẹn với chúng tôi đến Chúa Nhật 19 tháng 3 này về một tỉnh miền biển để dâng Lễ “khánh thành” một ngôi mộ tập thể của các cháu.

Trời ơi, vui buồn lẫn lộn. Mà buồn có lẽ nhiều hơn !

“Lạy Cha chúng con ở trên Trời... Xin Cha cho chúng con hằng ngày thất nghiệp... Amen !”
 
Gx Lập Thạch, Gp Vinh - Công an và trường học toa rập khủng bố học sinh Công Giáo
Lạc Việt
21:27 23/03/2009
Nghệ An - Sáng thứ hai 23/3/2009 không khí khủng bố bao trùm khu vực giáo xứ Lập Thạch. Các em thiếu nhi không được đến trường và cũng không dám đến trường. Lúc này các em đang tụ họp ở khu vực nhà xứ. Trước đó, thứ sáu 20/3/2009, một thiếu nhi bị công an tra khảo. Thứ sáu 13/3 khoảng 40 công an đến trấn áp các phụ nữ ở nghĩa trang giáo xứ.

Giáo xứ Lập Thạch có khoảng 2500 tín hữu, thuộc xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, nằm trên đường về bãi biển Cửa Lò, cách giáo xứ Tân Lộc khoảng 4 km về phía Tây Bắc và cách Toà giám mục Vinh khoảng 10 km về phía Đông, cách Hà Nội khoảng 300 km về phía Nam.

Giáo xứ có một phần đất thuộc nghĩa trang của họ Đông Thành ở chân rú Đá Dựng, giáp xã Nghi Xuân. Một phần trong khu đất này bị xã Nghi Xuân lấn chiếm và trồng cây trong những năm qua.

Ngày 8/3/2009 giáo xứ sửa sang khu đất nghĩa trang ở chân rú Đá Dựng và chuyển 2 con sư tử ra cổng nghĩa trang. Những ngày sau đó, chính quyền địa phương đã cho cán bộ đến cắm cọc và chiếm khu đất giáo xứ vừa dọn, yêu cầu cha xứ và giáo dân di dời 2 con sư tử đi khỏi cổng nghĩa trang.

Cha xứ và giáo dân kiên quyết phản đối. Lập tức, ngày 13/3 chính quyền huyện đưa khoảng 40 công an về trấn áp. Một số cán bộ đã tấn công các chị em phụ nữ. Phẫn uất đông đảo giáo dân trong giáo xứ đã kéo ra kiên quyết phản đối. Chính quyền đã phải gọi điện thoại nhờ cha xứ ra can thiệp để vãn hồi trật tự.

Những ngày sau đó công an mở cuộc bố ráp nhằm trấn áp các giáo dân, đặc biệt là các phụ nữ. Họ gửi giấy triệu tập cho một số chị em, nhưng không ai đi làm việc với họ.

Cùng đường, thứ sáu, ngày 20/3/2009, công an đến trường phổ thông cơ sở Nghi Thạch để thực hiện âm mưu trấn áp. Được sự cấu kết của giáo viên chủ nhiệm và viên hiệu trưởng, công an đã gọi em Nguyễn Thị Nhung, học sinh lớp 7 A để hỏi cung.

Em Nguyễn Thị Nhung trả lời em em không biết chuyện người lớn. Thế nhưng nhà trường và công an vẫn không buông tha. Giáo viên Nguyễn Hoàng Ninh, người phụ trách đội của trường Nghi Thạch, đã tuyên bố với các em học sinh Công Giáo: Các em không được đến lớp học nếu không làm theo đòi hỏi của công an.

Hiện tại em Nguyễn Thị Nhung đang bị hoảng loạn tâm thần. Các học sinh Công Giáo khác không được đến trường và cũng không dám đến vì sợ bị công an hỏi cung. Các em đang tụ tập ở khu vực nhà xứ xin cha xứ và giáo xứ bảo vệ.

Cha xứ Lập Thạch, hiện tại cha G.B Nguyễn Xuân Tính đã và đang làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng, và nỗ lực bảo vệ giáo dân trong giáo xứ, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi và phẩm giá của các phụ nữ và các em học sinh./.
 
Cứu Thai Nhi
Lê Dân Việt
22:31 23/03/2009
CỨU THAI NHI

Bố mẹ ơi! Con van xin khẩn thiết
Con tội chi, bố mẹ giết bỏ đi
Là bào thai, con có tội tình gì?
Diệt mầm sống, thai nhi chưa biết nói!!!

Sinh con ra, để con có tên gọi
Hòa muôn người, nhân loại có lương tri
Là con người, con dũng cảm bước đi
Đừng giết con, phôi thai buồn rên xiết

Con cúi lạy, với tấm lòng thống thiết
Con tội gì, mà cha mẹ gớm ghiếc
Nỡ ra tay, hủy hoại mầm sống ấy
Con ra đời, để sống với người ta

Sống vị tha, lòng nhân ái chan hòa
Không khinh miệt, những hạng người bẩn thỉu
Chẳng bao giờ, lại trề môi dè bỉu
Thương con đi, con cảm mến mẹ cha

Để con học, tính nhẫn nhục vị tha
Con được kết, từ tình yêu trân quí
Con ra đời, với tấm lòng hoan hỉ
Con cầu nguyện, cùng với Chúa Thánh Thần

Cho ba mẹ, vui hưởng muôn hồng ân
Con chúc thọ, ba mẹ vào mỗi tết
Cho con sống, lời kêu cầu thảm thiết
Hãy thương con, phôi thai đã có tim

Đừng giết con, con lạy lục van xin
Cho con sống, để được làm người nữa
Đừng hủy hoại, tế bào non thối rữa
Con van xin, cho con được sinh ra

Để chào đời, bằng tiếng khóc oa oa
Con hoan hỉ, trong sung sướng chan hòa
Khi biết rằng, bố mẹ đã rộng lượng
Chẳng nỡ nào, giết bỏ thai nhi đâu!

Khi trong bụng, con chấp tay nguyện cầu
Xin Thiên Chúa, cho cha mẹ thương cảm
Giữ gìn con, cho đến khi chào đời
Tình thương ấy, rất lớn lao tuyệt vời
Giữ sự sống, cho con được làm người


Lê Dân Việt
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Darwin và Galileo những nhân vật truy tìm tôn giáo?
Jos Tú Nạc
14:07 23/03/2009
DARWIN VÀ GALILEO NHỮNG NHÂN VẬT TRUY TÌM TÔN GIÁO?

“Sợ, rất sợ!” có lẽ là một lối nói thậm xưng đầy kịch tính, nhưng mặt khác được chuẩn bị một năm hứa hẹn để đi quá xa trong việc tổ chức một trong những bi kịch giả mạo vĩ đại trong mọi thời gian.

Lời ngụ ý đầu tiên của những gì năm 2009 với những điềm báo là vấn đề cuối cùng của nhà Khoa học Hiện đại cho năm 2008. Những biên tập viên báo chí trong ý tưởng khôn ngoan chung đã quyết định thu thập ý kiến từ những nhà khoa học hàng đầu thế giới về câu hỏi quan trọng: “Ai đã làm việc nhiều hơn để loại người kia khỏi ngôi vị trang trọng của mình: Darwin hay Galileo?”. Vì bất kỳ một câu hỏi quan trọng nào đúng lúc, các hình thức của câu hỏi thực ra quan trọng hơn câu trả lời. Câu hỏi này đúng lúc bởi vì năm nay đánh dấu hai ngày lễ kỷ niệm “rất quan trọng”. Đó là 400 năm kể từ khi Hội Thánh Công Giáo đặt Galileo trong tình trạng xét xử và 150 năm từ khi xuất bản tác phẩm khám phá về sự tiến hóa của Darwin. Để hoàn thiện việc xếp thứ tự đánh giá những ngày kỷ niệm, đó cũng là kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh Darwin.

Nghĩ về yêu cầu cốt lõi của câu hỏi. Con người trong tinh thần mở rộng ý nghĩa lịch sử của nhân loại, là địa vị trang trọng, quá tự phụ, quá quan trọng hóa về mình và như cũng quá đòi hỏi để bị giảm giá trị hai chiều, buộc phải giảm tầm cỡ thích hợp, bị xếp hạng ở một vị trí bình thường như một điều gì đó hợp lý hơn - vài cái răng cưa trong một chiếc bánh xe.

Darwin được ca ngợi về sự nhận xét đối với tất cả sự sống có nguồn gốc chung và điều đó không có gì khác đặc biệt hơn là sự trôi qua của thời gian và sự may rủi của gene tách ra đưa đến kết quả chẳng hạn như loài người. Galileo có cuộc thử nghiệm của mình với đề tài chứng minh rằng Trái đất và bằng cách mở rộng con người trên Trái đất là không, và không bao giờ là trung tâm của vũ trụ.

Đó là một thực trạng mà đã trở thành sự lưu hành phổ biến của thế kỷ XX và điều đó đã hứa hẹn để trở nên, thậm chí còn được bảo thủ hơn vào thế kỷ XXI. Bạn có thể nhận diện ra nó ở sự tập trung triết học của các nhà môi trường cấp tiến mà thường vẽ ra sự sống loài người như một tai họa, dịch bệnh trên hành tinh. Bạn có thể theo dõi nó trong những tính toán vị lợi với những con số khổng lồ mà khẳng định vấn đề cá nhân thì ít ỏi. Bạn có thể chú ý đến nó hoạt động trong những tính toán về chiến tranh, mà trong đó cái chết đã trở thành uyển ngữ với những ý niệm của sự thiệt hại kèm theo hoặc trả giá. Bạn có thể lùi xa nó trong sự thải hồi đau đớn trước chủ thuyết xây dựng xã hội mà người ta có thể chiên một quả trứng mà không cần đập vỡ quả trứng.

Điểm trọng tâm của khái niệm này là con người sống không có gì đặc biệt và sự sống con người tốt hơn hết là từ bỏ thứ ý niệm tập trung ngu xuẩn như thế. Và có một giả thiết đầy ý nghĩa nữa hàm ẩn trong câu hỏi và là điểm gây tập trung của cuộc tranh luận găy gắt của năm 2009.

Darwin và Galileo là “những anh hùng” đối với các nhà khoa học hiện đại cùng những thán phục của họ, bởi cả hai người này dường như có sự đối lập sâu sắc với tôn giáo. Các nguyên tắc hoạt động là bất kỳ ý nghĩa nào mà cho rằng “con người” ở trên một vị trí cao trọng là kết quả trực tiếp của sự ngăn cản tôn giáo. Nên bất kỳ sự tấn công nào dựa trên nguyên tắc này đều nhất thiết phải là cuộc tấn công tôn giáo. Vì nguyên tắc này gây tiếng vang, những người ngưỡng mộ, cần đến và thực hiện, bác bỏ bằng chứng này, điều đó cả hai Galileo và Darwin tự họ đã rút lui để minh định rằng nhận định của họ là một cuộc tấn công tôn giáo và Thiên Chúa.

Trong thực tế, dấu hiệu Hội Thánh Công giáo đi được bao xa trong việc giải quyết xong những việc sau khi Galileo qua đời, Vatican đã công nhận với sự đánh giá cao Năm Quốc tế Thiên văn học Liên hiệp quốc với những ngụ ý về sự đóng góp của nhà khoa học này đối với tri thức khoa học cùng với sự cống hiến tôn giáo của ông. Điều này bao gồm cả một tượng Galileo được dựng trên phần đất Vatican.

Tuy nhiên, những cuộc tranh luận hơn thua vẫn tiếp tục. Nó không thỏa đáng vì những người ủng hộ mỗi người, một cách đơn giản đều cho họ là những nhà khoa học vĩ đại, những người mà đã đạt được những quan sát về sự vật một cách thông minh ưu việt bên trong sự vận hành của vũ trụ. Họ phải được ủng hộ trong cùng một cường độ “chiến tranh” về tôn giáo bởi khoa học. Vì là một hậu quả quan trọng, công việc của họ luôn luôn cả hai đều phải được nhận định về phẩm chất của nó và vai trò của nó đã diễn ra, hồi tưởng, đã loại tôn giáo ra khỏ vị trí trang trọng.

Vậy tại sao nỗ lực này lại biến những ngày kỷ niệm thành môt phiên bản trịnh trọng của một lâu đài vương quốc? Đơn giản bởi vì, không giống như Cơ đốc giáo thừa nhận rằng khoa học đóng vai trò rất thực tế trong tri thức con người và vị trí của nó trong vũ trụ. Đó là một nỗi buồn, nông cạn, phương thức đơn giản của những bộ óc vĩ đại luận giải, nhưng năm 2009 chỉ là sự bắt đầu và nó có thể gặp nhiều phiền toái.

2009 - Jos. Tú nac, NMS
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mái Tóc Mẹ Già
Josephhoa Phạm
05:26 23/03/2009

MÁI TÓC MẸ GIÀ



Ảnh của Josephhoa Phạm

Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

Ai níu nổi thời gian?

Ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn…

(Trích thơ của Đỗ Trung Quân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Church militant - Cluny
Nguyễn Trọng Đa
21:43 23/03/2009
Church Militant
Giáo hội tại thế, Giáo hội chiến đấu. Là Giáo hội tại thế, vẫn còn chiến đấu với tội lỗi và cám dỗ, và do đó đang lao vào cuộc chiến (chữ Latinh là militia) với thế gian, xác thịt và ma quỷ.
Church Music
Nhạc thánh. Là âm nhạc phù hợp và được phép sử dụng trong phụng tự. Thánh nhạc là khi được các phẩm trật Giáo hội, và sau cùng là Tòa Thánh, chuẩn y cho sử dụng trong phụng vụ. Đây là lời cầu nguyện tán dương và diễn tả tình cảm đạo đức sâu xa. Cũng giống như trong các tôn giáo khác, các yếu tố phụng tự là sự hy sinh, cầu nguyện, nghi lễ, ca hát và khí nhạc. Tuy nhiên, trong việc phụng tự công giáo, các yếu tố này tạo nên một thể thống nhất, trong đó âm nhạc là quan trọng nhưng chiếm hàng thứ hai. Hơn nữa, âm nhạc của Giáo hội Công giáo luôn phải phù hợp với các qui định của giáo quyền.
Church Of Silence
Giáo hội thầm lặng. Là các Kitô hữu sống trong các quốc gia do đảng Cộng sản kiểm sóat. Điều kiện sống của họ là khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng tất cả họ đều bị hạn chế trong sự tự do để tuyên xưng đức tin, hoặc liên lạc với các tín hữu đồng đạo tại các quốc gia khác.
Church Suffering
Giáo hội đau khổ, Giáo hội luyện trạng. Là Giáo hội của những người đã qua đời, đã được cứu nhưng vẫn còn tinh luyện bằng các khổ đau ở luyện ngục.
Church Support
Trợ giúp Giáo hội, hỗ trợ Giáo hội. Bổn phận đóng góp phần giúp đỡ vật chất cho các linh mục, tu sĩ, và những người tận hiến đời mình để phục vụ Giáo hội. Nền tảng kinh thánh cho việc trợ giúp này là huấn lệnh của thánh Phaolô: “Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng" (I Cr 9:14).
Church Triumphant
Giáo hội khải hoàn, Giáo hội hiển thắng. Là Giáo hội của mọi người trong vinh quang thiên đàng, sau khi họ chiến thắng các xu hướng tội lỗi của xác thịt mình, quyến rũ của thế gian và cám dỗ của ma quỷ.
Church Unity Octave
Tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Tuần bát nhật này được thực hiện hàng năm từ ngày 18 đến ngày 25-1, tức kết thúc với lễ thánh Phaolô trở lại. Tuần lễ này được khởi xướng vào năm 1908 với linh mục Paul J. Francis khi ấy còn là thuộc phái Anh-Công giáo (tức phái Anh giáo giữ giáo lý và tập tục công giáo). Sau khi ngài gia nhập Giáo hội Công giáo Roma, ngài thành lập Hội Đền tội, và tuần tám ngày được Đức Giáo hòang Benedict XV chấp thuận cho thực hiện trong tòan thể Giáo hội từ năm 1916.
Church Warden
Ông từ, thành viên ban quản lý tài sản nhà thờ. Một giáo dân được thuê hoặc được chỉ định phụ giúp một linh mục trong việc quản lý tài sản của một giáo xứ. Lúc ban đầu đây là một công việc thường có ở một số nhà thờ công giáo, nay công việc này chỉ còn có ở giáo hội Anh Giáo và giáo hội Giám chế, tức Anh giáo ở Mỹ.
Churchyard
Sân nhà thờ, khu vực nhà thờ. Nói theo nghĩa hẹp, là sân nơi xây dựng nhà thờ và khu vực chung quanh. Dần dà theo thời gian, khu vực nhà thờ còn có thêm nghĩa trang bên cạnh nhà thờ, và các sân dùng để xử án và hội họp giáo dân.
Ciborium
Bình thánh, bình đựng Mình thánh, tán du. Là một bình có nắp dùng để chứa Mình Thánh Chúa. Bình này trông giống chén lễ, nhưng có nắp và rộng lớn hơn, dùng đựng bánh lễ đã truyền phép cho giáo dân rước lễ. Nó được làm bằng các kim loại quý, và bên trong thường là bằng vàng hoặc mạ vàng. Nó còn đồng nghĩa với tán du (baldachino), vì có tán mái vòm che thường xuyên trên bàn thờ, được đỡ vào các cột trụ và trông giống như một cái ly úp ngược. (Từ nguyên Latinh ciborium; từ chữ Hi lạp kib_rion, cái ly.)
C.I.C.
Codex Iuris Canonici -- Bộ Giáo luật
Cilicium
Áo lông gai, áo nhặm. Là áo lông gai mặc bên trong áo ngòai. Nó được làm bằng vải lông gai và được sử dụng trong mọi thời kỳ của Giáo hội như là một phương cách hành xác và hãm mình. (Từ nguyên Latinh cilicium, áo lông.)
Cincture
Dây thắt lưng, dây áo Dòng. Là một dây lưng, dây nịt, dây thừng nhỏ để cột chung quanh phần bụng của áo chùng trắng. Dây thắt lưng được linh mục mang khi dâng thánh lễ, nó ôm sát áo chùng trắng. Linh mục thường mang dây thắt lưng có dây tua cùng màu với áo lễ phụng vụ ngày hôm đó. Dây tượng trưng cho đức thanh sạch. Từ ngữ cũng dùng gọi dây áo Dòng của các tu sĩ. (Từ nguyên Latinh cinctura, cái thắt lưng.)
Circumcellions
Người lang thang phái Đônatô. Là những người cực đoan theo giáo phái ly khai Đônatô ở châu Phi thời vua Constantine. Họ chết bằng cách tự tử, nghĩ rằng đó là cách tử vì đạo. Cuộc sống của họ là không có lợi gì cho xã hội, vì họ sống lười nhác, phóng đãng, và thích bạo lực, vì vậy tên gọi của họ hàm chứa ý rằng họ là những tên cướp sống lang thang. (Từ nguyên Latinh circa, chung quanh + cella, phòng.)
Circumcision
Cắt bì. Việc cắt bao quy đầu như một dấu hiệu của giao ước giữa Chúa và Abraham. Chúa đã ra lệnh rằng mọi người nam phải được cắt bì khi lên tám ngày tuổi (St 17:12). Điều này không còn là điều buộc trong giao ước mới nữa. Dân ngọai trở lại không bị yêu cầu phải cắt bì (Cv 15:28). (Từ nguyên Latinh circumcisio, cắt vòng chung quanh.)
Circuminsession
Tương tại, ở trong nhau (Ba Ngôi). Sự tự tại trong nhau của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là hoàn toàn ở trong Chúa Con, cũng như hòan tòan trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con là hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hòan tòan trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần là hoàn toàn ở trong Chúa Cha, cũng như hòan tòan trong Chúa Con. Sự tương tại cũng xác định sự tự tại trong nhau giữa hai bản tính phân biệt của Ngôi vị Chúa Giêsu Kitô.
Circumstance
Hoàn cảnh, trạng huống, tình huống, trường hợp. Là một trong các yếu tố xác định luân lý tính, một điều hoặc phải đi cùng hoặc bị thiếu trong hành vi con người, và do đó điều chỉnh công hoặc tội, hoặc trách nhiệm của người ấy.
Cistercians
Dòng Xi Tô. Là một dòng tu nghiêm nhặt tuân giữ luật thánh Biển Đức, do thánh Robert ở Molesme (1024-1110) thành lập tại Xitô (Cîteaux, Pháp) năm 1098. Mục đích đầu tiên của việc thành lập dòng này là thiết lập luật thánh Biển Đức theo đường lối khổ hạnh và xem đó là tinh thần chính yếu. Thành viên nổi tiếng nhất của Dòng, thường được xem là đấng sáng lập thứ hai, là thánh Bernard ở Clairvaux (1090-1153). Tính đến cuối thế kỷ 12, đã có 530 đan viện được thiết lập, và thêm 150 đan viện khác được thiết lập trong thế kỷ 13. Lối sống Xitô là cuộc sống trong thinh lặng, trong một cộng đòan chuyên lo phụng vụ và cầu nguyện. Các đan viện thường ở nơi xa xôi vắng vẻ, nhà thờ giản dị và các chén thánh không tô điểm trang trí. Luật ăn uống kiêng khem được tuân giữ, cũng như các luật về lao động chân tay đã biến các đan sĩ trở thành những người tiên phong trong nông nghiệp, trong đó họ dần dần huấn luyện cho người khác. Hiến chương Dòng được cơ cấu kỹ lưỡng của họ ảnh hưởng nhiều đến các dòng tu thời Trung cổ. Sau thế kỷ 13, một thời kỳ suy thóai của Dòng làm nảy sinh các nhóm Xitô cải cách mới, trong đó nổi bật nhất là nhóm đan viện tại La Trappe, do Armand de Rancé (1626-1700) thành lập.
Citizen
Công dân. Là thành viên của một nhà nước hoặc một quốc gia, là người hưởng quốc tịch do sinh ra tại đó hay là do nhập tịch. Bổn phận công dân được dựa vào lời dạy của Kinh thánh (Rm 13:1). Xét một cách tương hợp như thế, theo luật tự nhiên người công dân có các quyền dân sự như bầu cử, ứng cử, quyền được nhà nước bảo vệ về tính mạng và tài sản, và thờ phượng Chúa theo các mệnh lệnh của lương tâm, như Công đồng chung Vatican II đã tuyên bố (Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, 73-76).
City Of God
Tác phẩm “Thành trì Thiên Chúa”, “Thành đô của Thiên Chúa”, “Kinh thành của Chúa”, “Nước Chúa”. Là một tác phẩm nổi tiếng của thánh Âu Tinh (354-430) và là tác phẩm bênh vực Kitô giáo đầy đủ nhất để chống lại ngọai giáo trong thời Giáo hội sơ khai. Nhiều tai ương trong Đế quốc Roma đã được quy tội cho Kitô giáo, và thánh Âu Tinh chứng minh rằng điều ngược lại mới là đúng. Ngài chứng minh rằng không phải Kitô giáo mà là sự vô luân của ngọai giáo mới chịu trách nhiệm cho sự phân hóa. Chủ đề của tác phẩm công bố năm 427 là sự đoàn kết tự nhiên của loài người đã bị đổ vỡ do sự sa ngã của tổ tông Ađam. Kể từ đó lòai người bị chia làm hai giữa các người sống trong hai thành đô: “Thành đô của ma quỷ” (Civitas Diaboli) với công dân là những người yêu chính mình và khinh chê Thiên Chúa, và “Thành đô của Thiên Chúa” (Civitas Dei), với công dân là những ngưởi yêu Chúa đến nỗi tự khinh bỉ mình.
Civil Allegiance
Bổn phận công dân. Là bổn phận tôn trọng và vâng lời nhà nước mà mình là công dân. Trong ánh sáng các nguyên tắc của Giáo hội, điều này không có nghĩa là người ta phải ủng hộ nhà nước cả đúng cả sai, khi tuân theo với các điều kiện sai trái cốt chỉ tìm an toàn cho mình. Sự vâng lời thiêng liêng đối với Chúa và Giáo hội không được xung khắc với vâng lời chính quyền dân sự được thành lập hợp pháp. Như thánh Phaolô đã giải thích: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt" (Rm 13:1-2).
Civil Marriage
Hôn phối dân sự, hôn phối đời, hôn phối theo luật hộ. Là khế ước hôn nhân trước sự chứng kiến của một quan chức dân sự được nhà nước trao quyền. Tại một số quốc gia, tất cả các lễ cưới phải được thực hiện trước mặt một viên chức dân sự trước khi làm lễ cưới theo phép đạo.
Civil Morality
Luân lý dân sự. Là lý thuyết làm cho luân lý có tính pháp lý dân sự. Như thế không có hành vi nào là đúng hoặc sai theo bản tính của chúng, nhưng là do nhà nước ra lệnh hoặc cấm đoán. Dựa vào ý tưởng của Thomas Hobbes (1588-1679) và Jean Jacques Rousseau (1712-78), lý thuyết này cho rằng nhà nước không phải là một xã hội tự nhiên, nhưng là kết quả của một khế ước xã hội, một thỏa thuận qui ước thuần túy, trong đó con người từ bỏ một phần quyền lợi tự nhiên của mình để bảo toàn phần còn lại. Sau khi xã hội dân sự được thành lập, xã hội này ra lệnh hoặc cấm đoán một số hành động vì công ích, và đó là sự khởi đầu của điều đúng và điều sai.
C.J.P.
Consilium "Justitia et Pax" -- Ủy ban Giáo hòang "Công lý và Hòa bình."
C.L.
Consilium de Laicis -- Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân.
C.L., Clico.
Clericus, clerico – Giáo sĩ.
Cla
Clausula -- Ước khoản, điều khỏan.
Clandestinity
Bí mật, lén lút. Là sự lén lút, sự bí mật bất hợp pháp, nhất là liên quan đến hôn nhân. Sự lén lút có nghĩ là một đôi nam nữ kết hôn cách riêng tư, và hành động kết hôn không được tỏ lộ công khai. Trừ phi có hoàn cảnh ngoại lệ, như luật Giáo hội đã qui định, việc kết hôn lén lút là vô hiệu lực, bởi vì hôn nhân là một bí tích xã hội và tùy thuộc vào luật lệ của Giáo hội.
Clapper
Cái trắc. Là một dụng cụ bằng gỗ, có gắn thêm một phần gỗ phụ, để khi va vào nhau, nó phát ra tiếng động như gõ cửa. Nó được dùng thỉnh thoảng thay thế cho chuông bàn thờ, chẳng hạn trong Phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần thánh.
Clarity
Ánh quang, sáng ngời, quang diệu. Phẩm tính của một thân xác được vinh quang, do thoát hết mọi khiếm khuyết, và tràn đầy ánh quang rực rỡ và nét đẹp. Nguyên mẫu chính là thân xác biến hình của Chúa Kitô trên núi Tabor (Mt 17:2) và sau khi Ngài Sống lại (Cv 9:3). Nguồn mạch của sự biến hình nằm trong sự dư tràn vẻ đẹp của linh hồn vinh quang trong thân xác. Quang diệu của một người sẽ thay đổi tùy theo mức độ vinh quang trong linh hồn, và ngược lại ánh quang của linh hồn sẽ tùy vào công trạng của con người trước mặt Chúa (I Cr 15:41-49).
Clemency
Nhân từ, lòng khoan dung. Là nhân đức làm cho một người tỏ ra khoan dung trong khi trừng phạt người có lỗi tội. Đó cũng là tính nhân hậu khi đưa ra phán đóan ngược lại cho người phạm sai lầm rõ ràng trong ứng xử bề ngoài.
Cleopas
Cleopas, Cơ-lê-ô-pát. Là một trong hai người nam đi bộ từ Jerusalem đến Emmaus trong Tân ước. Cả hai người vừa đi vừa nói chuyện về những điều kỳ lạ của việc Chúa Giêsu phục sinh một ngày trước đó, và Chúa hiện ra cùng đi với họ nhưng họ không nhận ra Chúa. Ngài cùng đồng hành với họ đến Emmaus, giải thích cho họ biết về cuộc đời và sứ mạng của Đấng Thiên Sai. Say mê với câu chuyện kể của Ngài, họ mời Ngài ở lại dùng cơm tối với họ. Chỉ đến lúc Ngài bẻ bánh và đọc lời làm phép, họ mới nhận ra Ngài, nhưng Ngài liền biến đi. Trong niềm phấn khởi, họ vội trở về Jerusalem và kể lại câu chuyện với 11 Tông đồ (Lc 24:13-35).
Clerestory
Khỏang tường có hàng cửa sổ dọc theo. Là phần cao của tường nhà thờ có nhiều cửa sổ dọc theo, gần mái của gian hông nhà thờ. Lọai khỏang tường này có nhiều ở các nhà thờ Kitô giáo thời sơ khai, sau đó được phát triển rất đẹp trong các nhà thờ chính tòa kiểu Gothic.
Clergy
Hàng giáo sĩ. Là những người được truyền chức để làm việc Phụng tự, như phó tế, linh mục hoặc giám mục. Trong nghĩa này, hàng giáo sĩ tạo thành phẩm trật của Giáo hội. Hiện nay việc gia nhập hàng giáo sĩ được tính khi một người chịu chức phó tế. Trước khi việc gia nhập hàng giáo sĩ được tính khi một người lãnh phép Cắt tóc. (Từ nguyên Latinh clericus; từ chữ Hi Lạp kleros, miếng, phần; giáo sĩ có phần gia nghiệp là chính Chúa.)
Cleric
Giáo sĩ, thành viên hàng giáo sĩ.
Clerical Celibacy
Độc thân giáo sĩ. Là tập tục không kết hôn nơi những người có thánh chức trong Giáo hội. Sự độc thân tự nguyên nơi hàng giáo sĩ đã có từ thế kỷ thứ nhất. Vào thời ấy, có hai truyền thống khác nhau nổi lên trong Giáo hội Công giáo. Ở Đông phương, có xu hướng về một hàng giáo sĩ kết hôn, như tại công đồng Nicaea (năm 325) đề nghị buộc hàng giáo sĩ phải độc thân đã không được chấp nhận. Nói chung theo lập trường của Giáo hội, linh mục và phó tế có thể kết hôn trước khi chịu chức thánh, chứ không được kết hôn sau khi chịu chức rồi. Tuy nhiên, các Giám mục phải là độc thân. Ở Tây phương, lập trường của Giáo hội là không thay đổi từ sớm, như tại công đồng Elvira, Tây Ban Nha (năm 306). Năm 386, thánh Giáo hòang Siricius ra lệnh luật độc thân cho các “linh mục và thầy Lêvi”. Luật này cũng được thánh Giáo hoàng Innocent I (Giáo hoàng từ năm 402 đến năm 417) thông qua. Mặc dầu có nhiều thất bại trong việc tuân giữ luật này, và có sự chống đối ở một số nhóm người, Giáo hội Công giáo vẫn duy trì giáo huấn về luật độc thân giáo sĩ. Được đưa vào Bộ Giáo luật năm 1918, luật độc thân không được Công đồng chung Vatican II sửa đổi. Trong Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Các Linh Mục, Công đồng chung tuyên bố "Việc sống độc thân trước tiên được khuyến khích cho các Linh Mục, rồi sau đã trở nên luật buộc trong Giáo Hội Latinh cho tất cả những ai muốn chịu Chức Thánh. Thánh Công Ðồng này phê chuẩn và xác định luật này một lần nữa đối với những ai muốn chịu chức Linh mục" (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, III, 16). Khi một người nam đã sẵn sàng cho chức phó tế, người ấy hoặc được chịu chức phó tế tạm thời để chuẩn bị được truyền chức Linh mục hoặc chịu chức phó tế vĩnh viễn. Nếu phó tế tạm thời chuẩn bị được truyền chức Linh mục, ngài phải giữ luật độc thân suốt đời. Nếu ngài nhắm tới chức phó tế vĩnh viễn, và đang độc thân, ngài cũng phải giữ luật độc thân, và sẽ không thể kết hôn sau này, mặc dầu ngài có thể trở thành linh mục sau đó. Trong trường hợp một người đàn ông đã kết hôn, người này có thể chịu chức phó tế vĩnh viễn. Nhưng sau khi vợ của ngài qua đời, ngài không được tái hôn và có thể tiến lên chức linh mục.
Clerical Dress
Y phục giáo sĩ. Chiếc áo đặc trưng của các linh mục công giáo trong Giáo hội Tây phương là chiếc áo chùng đen mặc trong nhà, và bộ áo veste có cổ trắng cứng khi đi ra ngòai. Tại một số quốc gia, kiểu áo có thay đổi, tuy nhiên luật Giáo hội về việc linh mục mang áo đặc biệt để phân biệt giáo dân là bắt buộc. Giáo sĩ Đông phương Công giáo ở các nước Tây phương mặc y phục giáo sĩ theo tập tục của quốc gia họ đang sống. Ở các nơi khác, họ mang áo chùng đen, khăn xếp, và y phục tương tự.
Clerical Immunity
Miễn trừ, đặc miễn, miễn quân dịch. Quyền miễn trừ cho giáo sĩ khỏi quyền tài phán tòa án đời, cả trong các vấn đề đời, nơi thẩm quyền tòa án không là vấn đề. Các giáo sĩ chỉ bị các tòa án đạo xử, trừ ra khi có qui định khác ở những nơi đặc biệt. Điều này có nghĩa là giáo sĩ không bị triệu tập ra trước một thẩm phán đời với tư cách là bị đơn. Chỉ khi có phép của Giám mục, giáo sĩ mới có thể làm chứng trong các vụ án hình sự, khi truy tố một vụ xúc phạm cá nhân nặng, nhưng càc ngài có thể được mời làm chứng hoặc đại diện cho giáo dân có liên quan. Luật Giáo hội cũng miễn nghĩa vụ quân sự cho giáo sĩ, gọi là giáo sĩ miễn dịch.
Clericalism
Thuyết giáo quyền, chủ nghĩa giáo sĩ, não trạng phò giáo sĩ. Thuyết bênh vực thái quá cho các giáo sĩ, nhất là trong các vấn đề thuộc thẩm quyền nhà nước. Từ ngữ này thường được các người theo trào lưu tục hóa và những người chỉ trích Giáo hội sử dụng để nói về giáo sĩ, nhằm cấm mọi ảnh hưởng tôn giáo trên đời sống công cộng.
Clerics Of The Pontifical Chapel
Nhóm Giáo sĩ của Nhà nguyện Giáo hoàng. Là một văn phòng mới được Đức Giáo hòang Phaolô VI thành lập năm 1968, khi sáp nhập Nhóm các Tuyên úy Danh dự, các Tuyên úy Tòa thánh và các văn phòng khác. Chúc năng của văn phòng mới này là giúp việc cho Đức Giáo hòang dưới sự hướng dẫn của các Chức sắc Nghi lễ Tòa thánh (Cerimonieri Pontifici).
Clerk
Giáo sĩ. Là bất cứ thành viên nào của hàng giáo sĩ, dù là triều hay Dòng. Trước kia một người trở thành giáo sĩ khi chịu phép Cắt tóc.
Clerks Regular
Dòng tu Giáo sĩ. Là các dòng tu mà các thành viên có lời khấn dòng, sống chung trong cộng đòan, và tham gia làm nhiều công tác mục vụ khác nhau. Từ ngữ trên hàm ý rằng đa số thành viên của Dòng là linh mục hoặc sinh viên đang học trở thành linh mục, và họ tuân giữ một hình thức sống có kỷ luật, vốn được tổng hiến chương qui định khá chi tiết. Xuất hiện từ trong thế kỷ 16, các Dòng tu Giáo sĩ trở thành mũi nhọn của phong trào Chống Cải cách trong cuộc xung đột của Giáo hội Công giáo với đạo Tin lành. Họ gồm có các tu sĩ Dòng Thêatinô, Dòng tu giáo sĩ của Chúa Giêsu nhân lành và các tu sĩ Dòng Thánh Phaolô. Dòng giáo sĩ nổi tiếng nhất là Dòng tên. Đến cuối thế kỷ 16, không còn thêm dòng tu giáo sĩ nào nữa trong Giáo hội Công giáo, nhưng luật Dòng và lối sống của họ được nhiều Dòng tu nam hiện đại đón nhận, và được điều chỉnh cho phù hợp thích nghi với các Dòng tu nữ. Các Dòng tu giáo sĩ được xem là tương đương với các kinh sĩ Dòng, mà nguồn gốc là từ thời thánh Âu Tinh.
Clinical Baptism
Rửa tội bệnh nhân. Phép rửa rội được ban cho bệnh nhân trên giường bệnh, nhất là cho trẻ sơ sinh. Vì thai nhi đã có hồn từ lúc thụ thai, việc rửa tội bệnh nhân đôi khi trở thành cần thiết trong quá trình sinh khó. (Từ nguyên Hi Lạp klinikos, của cái giường.)
Cloister
Hành lang bao quanh sân của tu viện, nội vi. Là hành lang đi chung quanh tu viện xây theo hình vuông. Cũng là phần nội vi hay nội cấm của tu viện. Trong giáo luật, nội vi là việc cấm người ngòai đi vào một khu nhà ở dành cho các nam nữ tu sĩ. (Từ nguyên Latinh claustrum, bao quanh.)
Clopas
Clopas, Cơ-lô-pát. Là chồng của một trong các phụ nữ, có tên là Maria, đứng bên cây thánh gia sau khi Chúa chịu đóng đinh. (Ga 19:25).
Closed Times
Thời gian cấm. Là các mùa lịch giáo hội, trong đó có việc hạn chế cử hành bí tích hôn phối. Trước đây, lễ cưới không được phép từ đầu mùa Vọng cho đến lễ Hiển Linh, trong mùa Chay và tuần bát nhật Phục Sinh. Luật hiện nay không cấm lễ cưới trong các mùa này, nhưng chỉ cấm lễ cưới (Missa pro Sponsis) trong các chủ nhật mùa Vọng, mùa Chay, lễ Phục Sinh, ba ngày cuối của Tuần Thánh, các lễ trọng và trong tuần bát nhật Phục Sinh. Ngòai ra, “nếu bí tích hôn phối cử hành trong mùa Vọng hoặc mùa Chay, hoặc vào các ngày khác có tính chất đền tội sám hối, mục tử nên khuyên đôi tân hôn ý thức về đặc tính của mùa phụng vụ này” (Rituale Romanum, Ordo Celebrandi Matrimonium, Praenotanda).
Clothing Of Religious
Mặc tu phục, mặc áo Dòng. Nghi thức chính thức mặc tu phục cho tu sĩ. Việc nhận một thỉnh sinh vào nhà tập theo luật trong các Dòng tu thường bắt đầu với việc mặc áo Dòng long trọng cho tu sĩ tập viên.
Clothing Of The Dead
Mặc y phục cho người qua đời. Là việc mô tả theo truyền thống Giáo hội về cách thức mặc y phục cho người đã qua đời để chuẩn bị an táng. Các giám mục và linh mục qua đời được mặc áo giáo sĩ, với bộ áo lễ theo phẩm trật của các vị. Tu sĩ được mặc áo Dòng đặc biệt của họ. Giáo dân được mặc quần áo xứng đáng, với thánh gía hoặc tràng chuỗi trong bàn tay.
Cloud Of Unknowing
Tác phẩm “Đám mây vô tri”, “Đám mây vô minh”. Là một tiểu luận nổi tiếng về cầu nguyện thần bí, thường được gán tác giả hoặc cho Walter Hilton (qua đời năm 1396) là một bậc thần nghiệm Anh, hoặc cho một tu sĩ chiêm niệm vô danh, hoặc cho các tu sĩ dòng thánh Brunô. Chủ đề của tiểu luận là Thiên Chúa không thể được biết bằng lý trí, và có một đám mây vô tri trong tình cảm. Việc cầu nguyện chiêm niệm không được cho là trong trí năng, nhưng trong phần ý chí và tình cảm của con người, và do đó cần thiết phải có một yếu tố vô tri. Như tác giả giải thích, việc cầu nguyện này là không ăn thua gì cho người mới bắt đầu, nhưng lại cần cho những người đã có nhiều tiến bộ trong đời thiêng liêng.
Cluny, Order Of
Dòng Cluny. Dòng này là một nhánh của Dòng Biển Đức, được thành lập năm 927 bởi thánh Odo (879-942), người đã tổ chức việc cải tổ lối sống đan viện tại Pháp. Mục tiêu của việc cải tổ dòng Cluny là sự trở về với luật nhiệm nhặt của thánh Biển Đức, theo đuổi sự thánh thiện bản thân, hát Kinh Nhật Tụng trong ca đòan, long trọng trong Phụng tự, và giảm bớt lao động chân tay. Các cải tổ có tính lịch sử của Đức Giáo hòang Gregory VII, người đã sống ở Cluny một thời gian, ảnh hưởng đến lối sống và kỷ luật của toàn thể Giáo hội Công giáo. Cuối thời Trung cổ, ảnh hưởng của tinh thần Cluny đã giảm nhiều, chủ yếu do sự can thiệp của các thế lực chính trị và việc nhà nước tịch thu nhiều tài sản và cơ sở của các đan viện.