Ngày 22-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cái Đẹp trong Phụng Vụ
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
08:50 22/03/2020
Phụng Vụ có Cái Đẹp. Đó là Cái Đẹp tổng thể bao gồm nội dung và hình thức. Nội dung là ý nghĩa, còn hình thức là mẫu mã. Vì thế cái đẹp thì chung hơn là vẻ đẹp hay nét đẹp.

Về tổng thể thì đẹp là sự sáng ngời của chân lý (splendor veritatis) như thánh Tô-ma A-qui-nô định nghĩa. Câu định nghĩa này mang mầu sắc triết lý và thần học, hơi có vẻ cao xa, còn nếu nói theo kiểu bình dân thì đẹp là thật, nghĩa là điều tôi nói với sự vật được nói đến tương đồng với nhau, thí dụ tôi bảo cái này là nến mà xét ra là nến chứ không phải đèn, thì đó là thật. Đây cũng là một câu định nghĩa khác của thánh Tô-ma về sự thật : thật là khi có sự tương đồng giữa sự vật và lý trí (adequatio rei et intellectus)

Một điều xem ra được coi như đòi hỏi của phụng vụ là sự thật, vì phụng vụ là sự kính thờ công khai và công cộng của Dân Thiên Chúa dâng lên Chúa Cha cùng với vị Thủ Lãnh của mình là Chúa Ki-tô, đồng thời cũng là của Hội Thánh dâng lên Đấng Lãnh Đạo mình. Nói tóm lại, đó là việc kính thờ trọn vẹn của toàn Thân Thể mầu nhiệm, mà đứng đầu là Chúa Ki-tô dâng lên Chúa Cha (TĐ Mediator Dei).

Hai đặc tính của Phụng Vụ là công khai và công cộng, nghĩa là cùng nhau và trước mặt mọi người. Công Đồng Va-ti-ca-nô II nhấn mạnh đặc biệt đến điểm này trong thánh lễ và khuyến khích mọi người khi đi lễ phải tham dự tích cực, nghĩa là đối đáp với chủ tế và chung lời góp tiếng với nhau khi hát hay đọc chung kinh lễ, chứ không phải như những khán giả câm nín.

Sở dĩ nói đến thật trong phụng vụ và xem đó là cốt yếu của cái đẹp, vì phụng vụ là việc thờ phượng Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa, Đấng chân thật, là con đường, sự thật và sự sống : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. (Ga 14.6). Ai tôn thờ Thiên Chúa thì phải tôn thờ trong thần khí và sự thật : “Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 6,24)

Do đấy, muốn tạo ra hay cho thấy cái đẹp trong phụng vụ thì phải làm thế nào để tất cả trong đó toát ra sự thật : thật về trang trí như hoa thì phải là hoa thật, hương thì phải là hương thật, tiếng đàn tiếng hát phải trong sáng và có nghệ thuật, bản văn phải chính xác đơn sơ dễ hiểu, bàn thờ và gian cung thánh phải được thiết kế với vẻ mỹ quan và giữ gìn luôn sạch sẽ cho xứng với nơi thờ phượng, ấy là chưa nói đến chủ tế và các người phục vụ bàn thánh : giúp lễ, đọc sách thánh, linh hoạt viên phụng vụ, nghi thúc (chữ đỏ). Nếu mọi việc diễn ra cách hài hòa thì sẽ tạo nên một cảnh tượng đẹp mắt, như nhà thơ nổi tiếng người Pháp, Charles Baudelaire ở thế kỷ XIX viết trong bài thơ đề là L’invitation au voyage (Lời mời du lịch), trong đó có câu : “Là, tout n’est qu’ordre et beauté” (Ở dó, tất cả chỉ là trật tự và xinh đẹp).

Cuối cùng là không gian và cộng đoàn. Không gian là nơi cử hành và cộng đoàn là những người tham dự. Không gian chính yếu là bàn thờ. Bàn thờ là nơi mọi con mắt đổ đồn về, nên phải sắp đặt thế nào cho mọi người dễ xem thấy; còn cộng đoàn thì càng gần bàn thờ bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Điều này rất có ý nghĩa, vì như thế là mọi người đều qui tụ về một mối làm thành một tiểu tổ Dân Thiên Chúa, thay vì rải rác mỗi người một nơi tùy theo ý thích, thậm chí còn muốn ngồi ngoài sân cho mát và thoải mái nữa. Như thế về nghệ thuật thì không đẹp, về ý nghĩa thì không đạt.

Để kết thúc, xin nói riêng về hương và hoa, nhất là hương của gỗ trầm. Thứ hương này tòa ra môt một mùi thơm êm dịu, quyện vào hương của hoa trong bầu khí thánh thiêng của một buổi cử hành phụng vụ, cùng với những bài thánh ca nghệ thuật có thể làm say mê lòng người và đưa tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, khiến người ta nghĩ rằng thiên đàng đang “chớm nở ngay dưới thế”.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 22/03/2020

27. Khi con bố thí cho người nghèo thì chính là bố thí cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

(Thánh Albert)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 22/03/2020
74. THƠ HAY ĐOẢN THỌ

Có một ngày Quách Tường Chính nằm mơ thấy mình làm một bài thơ “Du thái thạch”, sau khi trời sáng thì viết lại cho mọi người coi, nói:

- “Ta là người sắp tới sẽ chết”.

Mọi người không hiểu ý của ông ta nên hỏi tại sao lại nói như thế.

Tường Chính nói:

- “Gần đây tôi được một câu thơ: ‘muốn tìm dây thép tháo ra khỏi cầu, chỉ có dương hoa mặt thảm quen thuộc’. Đây là câu mà thường ngày với trình độ của tôi thì không thể viết ra, bây giờ lại được, thì nhất định là không tốt”.

Lý Đoan Thục nghe được thì cười nói:

- “Được câu kỳ diệu thì không tốt, thật không biết Đỗ Phủ làm sao mà sống lâu năm đến như thế?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 74:

Nằm mơ và thực tại là hai chuyện khác nhau như ban ngày và ban đêm, vậy mà cũng có người đem chuyện nằm mơ ghi vào trong đầu óc rồi thức dậy lo buồn suy nghĩ viễn vông...

Có những người tin vào chuyện nằm mơ, chẳng hạn như nằm mơ mà thấy răng rụng là điềm gở chết bất đắc kỳ tử, nằm mơ mà thấy xác chết là sẽ gặp chuyện vui, nằm mơ mà thấy mất tiền thì sẽ được tiền.v.v... với rất nhiều chuyện năm mơ khác để rồi ôm một mối lo...

Không nên tin vào chuyện nằm mơ, nhưng hãy tin chuyện đang xảy ra ngày hôm nay cho mình hoặc cho gia đình, những chuyện nằm mơ cũng không có đó là nghe tin thằng con hiền lành của mình chích xì ke ma túy, hoặc nghe tin đứa con gái rượu đang học lớp mười hai của mình...mang bầu đã sáu tháng. Đó là những chuyện thực tế ban ngày cần phải lo lắng chứ không phải lo lắng những chuyện nằm mơ trong mộng.

Người Ki-tô hữu tin vào cuộc sống đời sau chứ không tin vào những chuyện mộng mị, cho nên họ lo lắng làm sao để cuộc sống của mình phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Thiên Chúa, hơn là cứ ngồi lo nghĩ viễn vông...

Nằm mơ được câu thơ hay mà sợ đoản mệnh là người tin điều nhảm nhí; nhưng nghe và thực hành lời hay của Phúc Âm –dù một câu ngắn- thì cũng sẽ được sống đời đời với Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông cáo của Bộ Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích về việc cử hành Tam Nhật Phục Sinh thời COVID-19
Vũ Văn An
00:46 22/03/2020
Theo tin CNA ngày 20 tháng 3, 2020, Bộ Phụng Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích vừa ban hành các hướng dẫn cho các Giám Mục và linh mục về việc cử hành Tuần Thánh, Tam Nhật Phục Sinh, và các phụng vụ Phục Sinh trong cơn đại dịch Covid-19.

Tài liệu đề nghị các giám mục hoãn lại các phụng vụ có thể hoãn được. Nó cũng chỉ rõ việc làm thế nào các linh mục và giám mục có thể cung cấp các cử hành không thể di chuyển, chẳng hạn như lễ Phục sinh, ở những nơi mà phụng vụ công cộng bị đình chỉ.

Bộ Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ luật Bí tích đã công bố "những chỉ dẫn chung" sau khi nhận được nhiều câu hỏi của một số giám mục.
Sắc lệnh được ký bởi Đức Hồng Y bộ trưởng Bộ Phụng Thờ Robert Sarah và Tổng Giám mục Thư ký Arthur Roche và được ban quyền "theo lệnh của Giám mục Tối cao, cho năm 2020 mà thôi", có nghĩa là các đề nghị không thể được sử dụng trong những năm tới.

"Phục sinh là tâm điểm của toàn bộ năm phụng vụ và không chỉ đơn giản là một lễ giữa những lễ khác", tài liệu nêu rõ như thế và Tam Nhật Phục sinh "không thể được chuyển sang một thời điểm khác".

Tài liệu của thánh bộ cũng nói rằng giám mục có năng quyền hoãn Thánh lễ Truyền Dầu trong Tuần Thánh.

Tam nhật Phục sinh là ba ngày dẫn đến và gồm cả Chúa Nhật Phục sinh. Nó bắt đầu vào hoàng hôn Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Sắc lệnh ra lệnh rằng, ở những nơi có sự hạn chế của chính quyền dân sự và Giáo hội, giám mục, nhất trí với hội đồng giám mục, có thể cung cấp các buổi phụng vụ Tam nhật Phục sinh trong nhà thờ chính tòa và các linh mục của giáo phận có thể cung cấp các buổi phụng vụ trong các giáo xứ của họ, không có sự hiện diện thể lý của các tín hữu.

"Các tín hữu nên được thông báo về thời gian của buổi cử hành để họ có thể cầu nguyện hiệp nhất tại nhà của họ", sắc lệnh chỉ rõ như thế và thêm rằng các buổi phát tuyến của truyền hình hoặc trực tuyến trực tiếp rất hữu ích trong tình huống này.

Tài liệu viết thêm: Các hội đồng giáo phận và và hội đồng giám mục nên cung cấp các tài nguyên để hỗ trợ các gia đình và cá nhân trong việc cầu nguyện bản thân.

Tài liệu cũng cung cấp một số gợi ý cho việc các linh mục và giám mục cung cấp các phụng vụ đặc biệt.

Tài liệu nói rằng tất cả các linh mục có thể dâng Thánh Lễ mừng Bữa Tiệc Ly của Chúa, Thứ NămTuần Thánh, ở một nơi thích hợp, không có công chúng, nhưng việc rửa chân, vốn là việc tùy chọn, nên được bỏ qua.

Việc rước kiệu Mình Thánh đến nơi tạm nghỉ vào cuối Thánh lễ cũng nên được bỏ qua và Mình Thánh vẫn để lại trong Nhà tạm.

Thánh bộ nói rằng: Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tôn vinh Cuộc Khổ Nạn của Chúa có thể được cử hành tại các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ giáo xứ, và những lời cầu nguyện chung nên bao gồm một ý định cầu cho người bệnh, người chết và những người cảm thấy mất mát và mất tinh thần.

Các hướng dẫn cho hay rằng Lễ Vọng Phục Sinh chỉ có thể được tổ chức tại các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ giáo xứ, "nơi, và trong mức độ có khả năng thực sự làm như vậy, được thiết lập bởi một người có trách nhiệm".

Tài liệu nói rằng: việc chuẩn bị và đốt ngọn lửa trong "Lúc khởi sự long trọng lễ vọng Phục Sinh hoặc Lucenarium" được bỏ qua. Nến Phục sinh được thắp sáng, nhưng việc rước nó được bỏ qua và Bài Công bố Phục sinh (Exsultet) diễn ra ngay sau đó.

Tài liệu giải thích; Thánh lễ diễn ra như thường lệ, ngoại trừ "Phụng vụ Phép Rửa", trong đó "việc lặp lại các lời hứa lúc rửa tội là điều duy nhất cần thiết".

Tài liệu nói rằng "những người tuyệt đối không có khả năng kết hợp với Lễ Vọng Phục sinh cử hành trong nhà thờ nên cầu nguyện bằng cách đọc các bài đọc của Kinh Thần Vụ dành cho Chúa Nhật Phục Sinh".

Các cuộc rước kiệu và những việc tôn sùng khác về lòng đạo bình dân thường diễn ra trong Tuần Thánh và Tam nhật Phục sinh có thể được giám mục giáo phận chuyển sang các ngày khác trong năm, chẳng hạn như ngày 14 và 15 tháng 9.
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay
Đặng Tự Do
05:15 22/03/2020
Lúc 7 sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ tại Santa Marta vào ngày Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay đã được dành để cầu nguyện cho những người phải chết cô đơn trong bệnh viện không thể nói lời từ biệt với những người thân yêu của họ, do đại dịch coronavirus. Thường khi họ cũng không thể nhận được các bí tích sau cùng trong lúc lâm chung.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong những ngày này, chúng ta nghe tin tức về nhiều người đã chết: đàn ông, phụ nữ chết một mình, mà không thể nói lời giã biệt với người thân. Chúng ta hãy nghĩ đến họ và cầu nguyện cho họ. Nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các gia đình, những người không thể đồng hành cùng người thân của họ trong giờ phút sinh ly tử biệt. Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt của chúng ta dành cho những người quá cố và các thành viên trong gia đình của họ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào bài Tin mừng trong ngày (Ga 9, 1-41) kể về sự chữa lành của người mù từ lúc sinh ra. Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta phải cảnh giác khi Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc sống của chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể hoán cải và đón nhận Chúa.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói

Bài Tin Mừng của Thánh Gioan ngày hôm nay là một thông báo của Chúa Giêsu Kitô và cũng là một bài giáo lý. Tôi chỉ muốn đề cập đến một điều. Thánh Augustinô có một câu luôn luôn gây ấn tượng mạnh đối với với tôi. Thánh nhân nói: “Tôi sợ Chúa Kitô khi Ngài đi qua”. Timeo Dominum transeuntem. “Tôi sợ rằng Chúa Kitô sẽ vượt qua” - “Nhưng tại sao bạn sợ Chúa?” - “Tôi sợ rằng tôi sẽ không nhận ra rằng đó là Chúa Kitô và để Ngài lướt qua”. Một điều rõ ràng: trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, những cảm xúc chân thật của trái tim nảy nở, những thái độ thực sự xuất hiện. Đó là một ân sủng, và vì lý do này, Thánh Augustinô đã sợ để thời khắc ấy qua đi mà không nhận ra rằng Chúa đã đi qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa đi qua, một người mù được chữa lành và tai tiếng phát sinh. Sau biến cố chữa lành này là sự xuất hiện những người tốt nhất và những người tồi tệ nhất. Người mù làm kinh ngạc trí tuệ của những thầy thông luật, khi anh ta trả lời. Anh đã quen với việc di chuyển bằng tay, anh cảm giác được những gì là nguy hiểm, anh có cảm giác trước những thứ nguy hiểm có thể khiến anh trượt ngã. Và anh ta di chuyển như một người mù. Nhưng anh có một lập luận rõ ràng, chính xác, và sử dụng cả sự mỉa mai khi đối đáp với các thầy thông luật.

Các thầy thông luật biết tất cả các lề luật: họ biết hết, biết tất cả. Nhưng họ đã dừng lại ở đó. Họ không hiểu khi Chúa đi qua. Họ cứng nhắc, gắn liền với thói quen của họ: Chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Họ gắn bó với thói quen. Và nếu để duy trì những thói quen này, họ phải thực hiện một sự bất công nào đó, thì đó không phải là vấn đề, vì thói quen nói với họ rằng đó không phải là bất công; và sự cứng nhắc đó đã khiến họ làm những điều bất công. Cảm giác đóng cửa đó đã xuất hiện trước mặt Chúa Kitô.

Ngày hôm nay, tôi chỉ muốn khuyên anh chị em điều này. Tôi khuyên tất cả anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm, và đọc kỹ bài Tin Mừng ngày hôm nay trong chương 9 Phúc Âm theo Thánh Gioan, và đọc nó, đừng lo lắng. Hãy đọc một lần, hai lần, để hiểu rõ điều gì xảy ra khi Chúa Giêsu đi qua, những cảm xúc nào xuất hiện. Anh chị em hãy hiểu rõ những gì Thánh Augustinô nói với chúng ta: Tôi sợ Chúa khi Ngài đi qua, tôi e rằng tôi không nhận thấy điều đó và không nhận ra Ngài, và không hoán cải. Anh chị em đừng quên, hãy đọc ngay hôm nay một lần, hai lần, ba lần, bao nhiêu lần tùy sức của anh chị em, chương 9 Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Đức Thánh Cha đã kết thúc thánh lễ bằng việc chầu Thánh Thể và ban phép lành Tòa Thánh. Ngài mời gọi mọi người hãy đọc Lời nguyện Rước lễ Thiêng liêng cho những ai không thể rước lễ vì đại dịch coronavirus.

Lạy Chúa Giêsu,

Con tin rằng Chúa đang ngự thật trong Bí tích Thánh Thể. Con yêu Chúa trên tất cả mọi sự, và con mong ước được rước Chúa vào trong tâm hồn con.

Song le bây giờ con chẳng được rước thật Mình và Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng.

Con ôm ấp Chúa như thể Chúa đã ngự trị trong lòng con và liên kết cả toàn thân con với Chúa. Xin đừng bao giờ để con xa lìa Chúa.

Amen.



Source:Vatican News
 
Nạn Covid-19: Đức Hồng Y TGM New York Đến Cầu Nguyện Cùng Đức Mẹ Cát Minh
Joseph Phan Quang Trí, O.Carm.
09:21 22/03/2020
Sáng 21.03.2020, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York đã đến viếng và cầu nguyện tại Đền Thánh Quốc Gia Kính Đức Mẹ Cát Minh tọa lạc tại Middletown thuộc Giáo Phận của ngài. Theo tin nhận được, ngoài đền Đức Mẹ Cát Minh ra, Đức Hồng Y còn có chủ ý đến viếng thăm thêm một vài đền Đức Mẹ khác nữa. Cách nào đó Đức Hồng Y đang tỏ ra cho chúng ta biết Đức Mẹ có vai trò đặc biệt thế nào đối với ngài trong sứ mạng Linh mục và trách vụ Giám mục nặng nề. Chính vì vậy mà ngày Thứ Bảy đầu tiên sau tuyên bố của chính quyền tiểu Bang New York về tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với dịch Covid-19, Đức Hồng Y Dolan đã vượt chặng đường hơn 125 Km để hành hương đến cùng Mẹ Cát Minh. Đức Hồng Y cũng biết rõ là trong khuôn viên của Đền Đức Mẹ Cát Minh còn có Linh đài Đức Mẹ La Vang là nơi mà cộng đồng Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận của ngài và vùng Đông Bắc Hoa Kỳ vẫn hay lui tới hành hương kính viếng.

Như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến cầu nguyện tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rôma, Đức Hồng Y Dolan cũng đến quỳ gối cầu nguyện cùng Đức Mẹ và dâng lên Mẹ đóa hoa tươi thắm. Cử chỉ mang tính biểu tượng này như muốn nói thay cho ước nguyện của Đức Hồng Y, ngài muốn dâng lên Đức Mẹ Cát Minh Giáo Phận của Ngài, nhờ Mẹ xin Chúa thương chữa lành các bệnh nhân, bảo vệ các y bác sỹ và người thân của các nạn nhân, và đặc biệt Ngài xin ơn chặn đứng không để nạn dịch Covid-19 tiếp tục lây lan. Vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, gồm 296 giáo xứ với khoảng 2,8 triệu tín hữu đã xác tín rằng ai chạy đến với Mẹ sẽ không bao giờ về không.

Sau cuộc thăm viếng, Đức Hồng Y đã chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội (Facebook account) của ngài một đoạn video ngắn ghi lại từ chuyến đi kèm theo bản văn ghi lại lời nguyện mà Đức Hồng Y đã dâng lên Đức Mẹ Cát Minh.

Theo đoạn video thì Đức Hồng Y mời gọi các cha đại diện cho Cộng đoàn Cát Minh sở tại và một số nhân viên Đền Thánh là những người đang hiện diện với Ngài lúc đó cùng hiệp ý cầu nguyện với ngài.

Ngài quỳ gối và dựa trên bản Kinh Xin Ơn Đức Mẹ Che Chở do chính Đức Thánh Cha Phanxicô soạn, Đức Hồng Y nguyện rằng:

Ôi Maria, Mẹ là dấu chỉ của ơn cứu rỗi và niềm hy vọng vì Mẹ hằng sáng soi cho hành trình của chúng con.

Chúng con xin phó mình cho Mẹ là Niềm sức mạnh của kẻ ốm đau bệnh tật.

Dưới chân thánh giá, Mẹ đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu với cả một niềm tin kiên trung.

Hỡi Mẹ là Đức Bà Núi Cát Minh, Mẹ biết rõ chúng con cần gì.

Chúng con tin chắc là Mẹ sẽ ban cho chúng con, như xưa Mẹ đã từng thực hiện nơi tiệc cưới Cana xứ Galilêa, niềm vui và sự hoan hỷ sẽ sớm quay trở lại sau thời khắc đầy thách đố gai chông này.

Xin giúp chúng con, lạy Mẹ của lòng thương xót, biết uốn mình theo thánh ý Cha Trên Trời và thi hành những gì Đức Giêsu đã truyền dạy.

Người là Đấng đã mang lấy những cực hình chúng con đáng phải chịu và nhận lấy đau khổ của chúng con mà bước lên thập giá, thì cũng chính Người sẽ đưa chúng con đến niềm hoan lạc Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con khát khao được nép mình dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nài van, nhưng hãy thương giải thoát chúng con khỏi mọi nguy nan, ôi Đức Nữ Trinh hiển vinh. Amen.

Sau cùng, Đức Hồng Y TGM New York còn thốt lên lời kêu cầu: “Lạy Đức Bà Núi Cát Minh, xin cầu cho chúng con.”

Hiệp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và và các vị chủ chăn trên toàn thế giới, chúng ta đoàn con cái Mẹ, hãy mau đến nép mình dưới tà Áo Mẹ để tìm được sức mạnh vượt qua khó khăn vì Mẹ luôn sẵn lòng gia tăng niềm tín thác của mỗi chúng ta đối với lòng xót thương vô biên của Chúa. Có Mẹ chúng ta sẽ vơi bớt ưu phiền.

(Tin và hình ảnh do Vp Tỉnh Dòng Cát Minh New York cung cấp, bản kinh nguyện bằng tiếng Anh trích từ Facebook @TimothyCardinalDolan, ngày 21.03.2020)

 
COVID-19: thuốc Chloroquine có chữa COVID-19 được không - bai 2?
BS Oanh Tran, Trần Mạnh Trác dịch
10:45 22/03/2020
Note: Đây là bài viết có trước mà BS Oanh đã đề cập trong bài 1:

** Phosphate chloro-quine cho Covid-19

Tôi được hỏi về Chloroquine (Quinine:: Thuốc Ký Nin chữa Sốt Rét, Malaria). Đây là tất cả những gì tôi biết về loại thuốc này.

Thuốc đã được sử dụng từ năm 1940, là một loại thuốc chống sốt rét do muỗi lan truyền trong những khu rừng rậm ở châu Á và Nam Mỹ. Vậy, loại thuốc này không phải là mới và có những biến chứng phụ như: Lo âu, đau lưng, đau chân hoặc đau dạ dày, đầy hơi, mờ mắt, có thể gây thương vong cho con nít.

Đã có vài nghiên cứu nhỏ từ Pháp về Covid-19 cho thấy rằng nó có hiệu quả trong việc giảm tải lượng virus giống như hiệu quả với ký sinh trùng sốt rét. Vì nó không phải là mới và đã được sử dụng trong 80 năm qua, nên tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng chúng ta không mất mát gì cả nếu sử dụng cho bệnh nhân Covid.

Những sự gay gắt (rancor) đã xảy ra trên truyền thông là bởi vì FDA rất thận trọng về việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho bất kỳ điều kiện nào. Họ đòi hỏi phải có nghiên cứu thích hợp trước khi họ chấp thuận bất cứ điều gì. Nhưng đây là đại dịch, đây không phải là thời gian bình thường. Họ cho phép sử dụng thuốc nếu bệnh nhân đồng ý. Báo chí chỉ muốn tìm bất cứ điều gì và mọi thứ để cãi nhau với chính quyền hiện tại, mong muốn chính quyền thất bại!

Thuốc này cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp. Tác dụng phụ là tối thiểu, và tôi cảm thấy rất lạc quan khi đọc về nó. WHO cũng chọn đây là một trong 4 loại thuốc được thử nghiệm cho Covid. Đây là loại thuốc rẻ mạt và ít tác dụng phụ hơn những loại thuốc khác như Redemsivir (đắt tiền !!!!). Vì vậy, xin cứ phớt lờ đi trước những lời gay gắt cuả các phương tiện truyền thông (So please take in all the media complains and rancor with a mountain of salt.). Tôi cảm thấy mệt mỏi trước những luận điệu cay đắng không ngừng này.

Khi điều trị sốt rét đôi khi chúng tôi gặp phải tình trạng kháng thuốc và cần kết hợp 2 hoặc 3 loại thuốc để có hiệu quả. Chúng ta có thể phải làm tương tự cho Covid. Hãy thử nó ở bệnh nhân người lớn.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu cầu nguyện chung vào ngày 25/3. Phép lành Urbi et Orbi vào ngày 27/3
Đặng Tự Do
13:46 22/03/2020
Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công bố như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá

Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta

Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.

Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


Source:Holy See Press Office
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba
J.B. Đặng Minh An dịch
17:03 22/03/2020
Từ Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã không chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhưng từ Thư viện của Dinh Tông tòa Vatican, và được trực tiếp truyền hình.

Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trọng tâm của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là chủ đề ánh sáng. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (9,1-14) thuật lại câu chuyện Chúa chữa cho sáng mắt một người mù từ lúc mới sinh. Dấu chỉ kỳ diệu này là sự xác nhận cho lời khẳng định của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính Ngài: “Ta là Ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi những bóng tối trong chúng ta. Chúa Giêsu thực là như thế. Ngài chiếu rọi ánh sáng ở hai cấp độ thể lý và tâm linh: người mù trước tiên được sáng mắt và sau đó được hướng dẫn đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Những phép lạ Chúa làm không phải là những cử chỉ ngoạn mục, nhưng mục đích của các phép lạ ấy là dẫn đến đức tin thông qua hành trình biến đổi nội tâm.

Nhóm những thầy thông luật có mặt ở đó ngoan cố, không nhìn nhận phép lạ, nhưng đặt ra những câu hỏi hóc búa cho người vừa được chữa lành. Nhưng người ấy quật ngã họ bằng sức mạnh của thực tại: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (c. 25). Giữa sự ngờ vực và thù địch của những người vây quanh đang vặn hỏi mình, anh đã thực hiện một cuộc hành trình dần dần đưa anh đến chỗ khám phá căn tính của Đấng đã cho mình sáng mắt và tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Lúc đầu, anh chỉ xem Ngài là một tiên tri (c.17); nhưng sau đó anh nhận ra Ngài là một Đấng từ Thiên Chúa mà đến (c. 33); cuối cùng anh đón nhận Ngài như Đấng Thiên Sai và sấp mình phủ phục trước mặt Ngài (cc. 36-38). Anh hiểu rằng khi chữa cho anh nhìn thấy, Chúa Giêsu đã “tỏ hiện những công trình của Thiên Chúa” (c. 3).

Cầu mong cho chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm này! Với ánh sáng đức tin, người ấy từ chỗ mù loà đã khám phá căn tính đích thực của mình. Giờ đây anh là một “tạo vật mới”, có khả năng nhìn cuộc sống của mình và thế giới xung quanh bằng một ánh sáng mới, bởi vì anh tiến vào tình hiệp thông với Chúa Kitô. Anh không còn là một người ăn xin bị cộng đồng loại ra bên lề; anh không còn là nô lệ cho sự mù quáng và định kiến. Hành trình được chiếu sáng của anh là một ẩn dụ của hành trình giải thoát khỏi tội lỗi mà chúng ta được mời gọi bước đi. Tội lỗi giống như một bức màn đen che mắt chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn rõ bản thân mình và thế giới một cách rõ ràng. Ơn tha thứ của Chúa xua tan bóng tối này và mang lại cho chúng ta ánh sáng mới. Cầu mong cho Mùa Chay mà chúng ta đang sống là một cơ hội và thời gian quý giá để đến gần Chúa, cầu xin lòng thương xót của Ngài, theo những hình thức khác nhau mà Giáo hội Mẹ đề ra cho chúng ta.

Người mù được chữa lành, giờ đây nhìn thấy bằng cả đôi mắt thể lý lẫn tâm hồn, là hình ảnh của mỗi người được rửa tội, nghĩa là được đắm mình trong ân sủng, được kéo ra khỏi bóng tối và được đưa vào trong ánh sáng của đức tin. Nhưng đón nhận ánh sáng thôi chưa đủ đâu, chúng ta còn cần phải trở thành ánh sáng. Mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận ánh sáng thần linh và biểu lộ ánh sáng ấy qua toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên, các thần học gia của những thế kỷ đầu, nói rằng cộng đoàn các tín hữu Kitô, nói cách khác là Giáo hội, là “mầu nhiệm mặt trăng”, bởi vì Giáo Hội mang lại sáng nhưng không phải là chính ánh sáng; nhưng là ánh sáng nhận được từ Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng là “mầu nhiệm mặt trăng”, nghĩa là chúng ta phải trao ban ánh sáng nhận được từ mặt trời, là Chúa Kitô. Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Hạt giống sự sống mới được gieo nơi chúng ta trong bí tích rửa tội giống như tia lửa, trước hết giúp thanh lọc chúng ta, khi thiêu rụi sự ác trong trái tim chúng ta, và rồi khiến cho chúng ta có thể tỏa sáng và chiếu sáng với ánh sáng của Chúa Kitô.

Xin Đức Maria rất thánh giúp chúng ta bắt chước người mù trong bài Tin Mừng, để chúng ta có thể được bao bọc trong ánh sáng của Chúa Kitô và cùng Ngài bước đi trên con đường cứu độ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha công bố như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá

Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta

Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


Source:Holy See Press Office
 
Trận động đất kinh hoàng tại Croatia làm hư hại ngọn tháp của nhà thờ chính tòa Zagreb
Đặng Tự Do
18:56 22/03/2020
Trong bối cảnh dịch bệnh kinh hoàng, Croatia vừa bị thêm một trận động đất mạnh nhất trong 140 năm qua. Lúc 6g sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương, một trận động đất mạnh 5.3 độ đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà ở thủ đô Zagreb.

Trận động đất đã làm rung chuyển thành phố, khiến những cư dân hoảng loạn chạy ra đường. Thủ tướng Andrej Plenkovic đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và đừng tụ tập bàn tán trong tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Thật đau buồn, trận động đất đã làm hư hại một trong hai ngọn tháp của nhà thờ chính tòa Zagreb, một biểu tượng quan trọng của thành phố. Ngôi nhà thờ này được xây từ năm 1207, và đã được trùng tu sau trận động đất vào năm 1880.

Nhiều toà nhà trong thủ đô Zagreb bị đánh sập chôn vùi những chiếc xe hơi đậu bên dưới trong đống đổ nát. Cả một bệnh viện cũng bị hư hại. Quân đội đã được điều động giữ trật tự trong thành phố và dọn dẹp những đống đổ nát.

Phát ngôn viên quốc hội Croatia, Gordan Jandroković, nói rằng tòa nhà quốc hội bị thiệt hại nặng khiến các phiên họp sẽ bị hoãn lại.

Các báo cáo cho biết không ai thiệt mạng, nhưng 17 người bị thương trong đó có một trẻ em 15 tuổi đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Đến nay Croatia có 254 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận và một trường hợp tử vong.


Source:The Guardian
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Trẻ Và Lễ Truyền Tin
Gioan Lê Quang Vinh
09:06 22/03/2020
Trong lịch Phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, Đức Maria Mẹ chúng ta được mừng kính vào nhiều ngày suốt năm với những mầu nhiệm và tước hiệu khác nhau của Mẹ. Lễ Truyền Tin 25 tháng 3 được mừng từ thế kỷ thứ VII, kính nhớ ngày Mẹ đại diện cho dân tộc Israel và cho toàn thể nhân loại đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể, nơi đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa Cứu độ từ ngày nguyên tổ sa ngã phạm tội.

Mừng Lễ Truyền Tin, Hội Thánh mừng kính Đức Maria với tư cách một thiếu nữ vừa lớn, kiên trung và can đảm nói lời “Fiat, Xin Vâng”, để lời hứa Cứu độ được thành toàn.

Trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống), Đức Thánh Cha Phanxciô dành hẳn một mục “Mẹ Maria, thiếu nữ ở Nadarét”, từ số 43 đến 48 để ca ngợi Mẹ như một người trẻ mẫu mực, là tấm gương chói ngời cho người trẻ mọi nơi và mọi thời.

Tại sao Đức Maria là mẫu mực, là tấm gương chói ngời? Đức Thánh Cha giải thích: “Đức Maria ngời sáng ở trung tâm của Hội Thánh. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung muốn quảng đại và ngoan hiền bước theo Đức Kitô. Khi còn rất trẻ, được sứ thần báo tin, Đức Maria đã không ngại nêu ra những thắc mắc (x. Lc 1,34). Nhưng với tâm hồn luôn sẵn sàng, Mẹ đã thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38)” (số 43).

Người trẻ với tâm thức khát khao tìm hiểu, sẵn sàng thắc mắc khi không hiểu và cũng sẵn sàng nổi loạn khi trái ý. Đức Maria cũng khát khao tìm hiểu và cũng thắc mắc như mọi người trẻ, nhưng Mẹ là tấm gương bởi vì Mẹ khiêm tốn đón nhận Thánh Ý Chúa, không tìm theo ý mình.

Đức Thánh Cha giải thích tiếng Xin Vâng của Mẹ không hề thụ động, không theo kiểu “để xem điều gì sẽ xảy ra”. Không, Mẹ muốn đáp lại một cách tích cực và tận tình “xin hãy làm cho tôi như thế!”.

Ngài viết tiếp với những lời đầy xúc động: “Đó là lời ‘Xin Vâng’ của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cuộc mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài niềm xác tín rằng Mẹ là người đang mang một lời hứa”. Mẹ sẵn sàng mạo hiểm: “Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ” (số 44).

Ngày hôm nay người trẻ chúng ta có cảm tưởng mình mạnh mẽ khi mình có trong tay mảnh bằng cấp, những tài năng, các kỹ năng mềm và thêm kinh nghiệm đạt được đó đây. Người trẻ kiêu hãnh với những tài năng đó. Nhưng có điều là người trẻ không dám mạo hiểm, không dám đặt cược đời mình trong tay Đấng Tạo Thành.

Tại sao thế? Câu trả lời đơn giản lắm: khi con người kiêu căng lập tức họ ngã quỵ. Con người đầu tiên kiêu căng và đã sa ngã. Nhiều người trong dòng lịch sử muốn tỏ ra mình có uy quyền, có tài lực đều đã phải cay đắng xuôi tay. Đức Maria bằng cảm nghiệm của mình và bằng việc học biết Kinh Thánh đã ca lên trong lời kinh Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52).

Mừng Lễ Truyền Tin, mừng ngày Mẹ còn rất trẻ đã khôn ngoan và khiêm hạ thưa Xin Vâng, chúng ta là con của Mẹ, chúng ta học nơi Mẹ điều gì?

Đức Thánh Cha viết: “Ngày nay, Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta, những người con của Mẹ” (số 48). Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ cuộc đời và tất cả những gi thuộc về chúng ta để Mẹ chăm sóc, để Mẹ chỉ dạy và để Mẹ hướng chúng ta đi.

Trước hết, noi gương Mẹ là “một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47)”, chúng ta vui vẻ đón nhận cuộc sống ở mọi chiều kích. Chúng ta học biết xin vâng trong niềm hân hoan, biết “lưu giữ mọi sự trong lòng” như Mẹ với lòng biết ơn Đấng đã mời gọi mình.

Khi đã có niềm vui của Chúa trong lòng mình, chúng ta bắt chước Mẹ “ân cần, mau mắn lên đường (...) chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình” (số 46). Mẹ lên đường ra đi lên đến miền núi khi biết người chị họ cần đến mình, thì chúng ta cũng noi gương Mẹ, sẵn sàng cho đi, cho đi không chỉ là những món quà mà nhất là cho đi chính con người mình như của lễ hy tế.

Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha vẽ lại một hình ảnh đẹp vô cùng: "Mẹ lại cùng với các môn đệ quy tụ để cầu nguyện đang khi chờ đợi Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Như thế, trước sự hiện diện của Mẹ, một Hội Thánh trẻ trung được khai sinh, rồi các Tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x. Cv 2,4-11)”. Lúc này, Mẹ chúng ta không còn trẻ về tuổi đời, nhưng hình ảnh quy tụ cầu nguyện để rồi Hội Thánh trẻ trung được khai sinh quả thật là hình ảnh của sự trẻ trung muôn đời của những ai dấn bước theo Chúa Kitô.

Lời cầu nguyện và thái độ dấn thân cho Tin Mừng là hình ảnh đẹp của người trẻ. Tại sao thế? Bởi vì qua lời cầu nguyện và việc làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh, người trẻ thể hiện mình khiêm tốn và hăng say trước lý tưởng cao quý. Không có lý tưởng, người trẻ tự đánh mất chính tuổi trẻ của mình.

Một đặc tính khác của người trẻ là tự lập, là sẵn sàng “đối mặt với những vấn đề và những khó khăn của chính mình” mà không kêu ca, đổ lỗi hay trách móc. Đức Thánh Cha nói trực tiếp với bạn trẻ: “Con phải có thói quen tự mình bước đi. Đức Maria đã làm như thế, bằng cách đối mặt với những vấn đề và những khó khăn của chính mình khi Mẹ còn rất trẻ”. (số 298)

Nếu đau khổ và thất bại thì sao? Bạn hãy đọc câu này trong Tông huấn: “Thánh Đaminh Saviô thì dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria” (số 56). Bạn và tôi cũng như mọi người chung quanh, ai cũng có những nỗi buồn và đau khổ, chúng ta hãy nghe lời Cha chung và noi gương Thánh trẻ Đaminh Saviô mà “dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria”.

Khi chúng ta cố gắng noi gương Mẹ chúng ta và sống trọn vẹn tuổi trẻ cho Chúa, thì những ngày Lễ của Mẹ mới thật sự có hiệu quả ân sủng trên cuộc sống của chúng ta.

Cùng với Mẹ, chúng ta vui mừng khiêm tốn thưa với Chúa Giêsu đang ngự trong lòng mình: “Chúa biết con yêu mến Chúa” (Ga 21,17).

Gioan Lê Quang Vinh



 
Đại Họa Covid-19. Tôi Nghĩ Gì?
Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, fsc
09:13 22/03/2020
Đại Họa Covid-19. Tôi Nghĩ Gì?

Đại họa. Đại họa!

Cuối năm 2019, một đại dịch do virut Corona đã khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc đã lây lan từ người sang người ở nhiều nơi trên thế giới, khi xâm nhập vào cơ thể người virut này sẽ gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Sự lây nhiễm từ người này sang người khác ngay cả trước khi phát bệnh mà không phát hiện được; số ca nhiễm COVID-19 cứ liên tục tăng từng ngày, một “sự lây lan chưa từng thấy”. Người dân Trung Quốc, đặc biệt thành phố Vũ Hán đã kinh hoàng trước tai họa ập đến gây chết chóc, tang thương…

Những ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, rồi sau đó dịch lây lan ra toàn Trung Quốc. Vào cuối tháng 2-2020, virus Corona lây lan từ Trung Quốc qua các nước Châu Á (đặc biệt báo động ở Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản), rồi tiếp tục lan nhanh qua châu Âu, châu Mỹ…

Cho đến ngày 21/3/2020, con số lây nhiễm được báo cáo là 255,729 ca nhiễm, trong đó có 10,495 ca tử vong. Hiện tại 15 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới: châu Á có Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, còn lại 11 nước châu  và nước Mỹ… Con số nan nhân tăng lên theo cấp số nhân, từng giờ, từng ngày… Đại họa! Đại họa thật.

Theo dõi cảnh tượng chết chóc ở Vũ Hán trong thời cao điểm dịch hàng ngày có đến cả trăm xác chết trong thành phố, chết không kịp thiêu…

Và tại Ý trong những ngày qua các nhà xác không còn chỗ để hỏa táng, thi thể của các nạn nhân nhiễm Covid-19 phải chuyển đến các tỉnh lân cận. Nghĩa trang tại thành phố Bergamo (phía Bắc nước Ý) hiện không thể tiếp nhận số người tử vong trong thành phố. Ngày 18/3/2020, truyền thông Ý đã xác nhận chính quyền phải điều động một đoàn xe quân đội 15 chiếc để đưa gần 70 quan tài từ nhà hỏa táng ra đường cao tốc rời khỏi Bergamo (Ảnh EPA. Nguồn: Báo Tin Mới).

Quả thật xót xa và đau đớn thay cho nhân loại khi phải chứng kiến những cảnh chết chóc do đại họa gây ra. Người Ý gọi đây là "một trong những bức ảnh buồn nhất trong lịch sử nước nhà"

Đại họa dịch này gợi lên cho tôi suy nghĩ về thời điềm của ngày tận thế. Nó giúp tôi nhận ra rằng, Lời Kinh Thánh như đang được ứng nghiệm, một khung cảnh được loan báo trong Tin Mừng Matthêu rằng trong những ngày này, thiên hạ vẫn ăn uống, vẫn cưới vợ lấy chồng, họ như không hay biết gì cho đến khi con virus ập đến, nó nhỏ xíu, chẳng ai nhìn thấy, cho đến khi nó nhiễm vào cơ thể thì nằm lỳ trong cơ thể người bị nhiễm (gọi là vật chủ) ủ bệnh và đến ngày nó phát ra (bị dương tính), bùng lên và quật ngã… cuốn đi bao nhiêu sinh mạng chỉ trong thời gian ngắn (xem Mattheu 24:37-39). Virus corona không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt quan hay dân, không phân biệt tư bản hay cộng sản… nó lây từ người này sang người khác, vượt biên giới, vượt đại dương và chụp xuống cách bất thần gây chết chóc, đến độ các nước phương Tây dù được cảnh báo vẫn không thể ngăn chặn được… Cảnh lây nhiễm và chết chóc của dịch bệnh Covid-19 làm cho lời Kinh Thánh ứng nghiệm: “Như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào…” (Mt 24:27). Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” (Lc 21:34-35).

Những trường hợp bị nhiễm virus corona và phải bị cách ly cũng nhắc tôi nhớ đến một lời Kinh Thánh nói rằng có hai người đang làm việc với nhau, một người bị phát hiện dương tính virus corona thì bị đem đi, còn người kia thì để lại; có hai người phụ nữ đi vào siêu thị, họ được đo thân nhiệt và một người (trên 37 độ) thì bị đem đi (cách ly), còn người kia (dưới 37 độ) thì được để lại (xem Mattheu 24:40).

Virus corona với sức lây nhiễm và bùng phát nhanh chóng của nó làm tiêu tốn biết bao nhiêu ngân quỹ quốc gia, làm thiệt hại đến kinh tế…; nó gây hoang mang lo sợ cho dân chúng, nó gây ra bao nhiêu xáo trộn trong xã hội…

Dịch Covid-19 xảy đến… có người đặt nhiều câu hỏi liên quan đến dịch bệnh… và không ai có thể có câu trả lời. Với tôi, lúc này không phải để hỏi Chúa tại sao, mà đây là lúc cần nhớ lại lời Chúa dạy trong Kinh Thánh rằng thứ dịch bệnh này không thể chữa nổi nếu người ta không tỉnh thức, cầu nguyện (Mt 17:21).

Những biện pháp ngăn ngừa dịch Covid-19 lây nhiễm

Trước đại họa do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các quốc gia trên toàn cầu chịu ảnh hưởng về kinh tế, xã hội, chính trị... Các lãnh đạo quốc gia trên thế giới đều có những chỉ thị phát ra liên tục để cách ly, ngăn chặn, khuyến cáo và yêu cầu dân chúng tuân thủ các quy định y tế cách nghiêm ngặt để ngăn ngừa bệnh dịch và bảo vệ an toàn cho bản thân và cho xã hội. Các tôn giáo với nhiều sáng kiến mục vụ để tổ chức các nghi thức cầu nguyện vừa tránh không để lây lan.

Việc tìm ra các loại thuốc để ngăn ngừa và chữa cho người nhiễm virus là ở cấp độ của các nhà khoa học… Nhà cầm quyền xây dựng các bệnh viện dã chiến, phong tỏa thành phố, khu vực, lập các khu cách ly… Các biện pháp để ngăn ngừa được các lãnh đạo các nước đưa ra như: ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa khẩu, ngừng cấp thị thực nhập cảnh, ngưng hoạt động các chuyến bay từ các vùng tâm dịch đến…; các trường học đóng cửa hết tuần này thì gia hạn thêm tuần khác, các tụ điểm công cộng, các khu vui chơi bị cấm sinh hoạt …

Các nhà chức trách xã hội đã đưa ra những chính sách, những chỉ thị để khuyến cáo, yêu cầu dân chúng tuân thủ những quy định cách nghiêm ngặt, yêu cầu mọi người ở trong nhà, hạn chế đi lại, hạn chế tụ họp đông người, khi đến nơi công cộng cần mang khẩu trang…

Tỉnh thức và cầu nguyện để đủ sức thoát cơn đại dịch xảy đến.

Những ứng phó của chính quyền như phong tỏa các khu vực có người nhiễm dịch, người nghi bị nhiễm, người từ vùng tâm dịch trở về… Những khuyến cáo và hành động ứng phó của chính quyền quả ứng với lời Kinh Thánh: “Ai ở trên sân thượng thì đừng đi xuống, ai ở trong nhà thì đừng ra ngoài đồng” (Mt 24:40-41). “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến.” (Lc 21:36)

Tỉnh thức là quan trọng. Chính phủ cần tỉnh thức để đưa ra những quyết sách khôn ngoan ứng phó với nạn dịch. Thiếu tỉnh thức nên để người nhiễm bệnh đi khắp nơi, mở cửa khẩu cho người nước ngoài bị nhiễm virus vào nước, thế nên khi dịch bùng phát thì “vỡ trận” không kiểm soát được.

Tỉnh thức là quan trọng. Người người cần biết hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập để không nhiễm bệnh từ nơi này rồi mang đi nơi khác, lây nhiễm cho nhiều người… Có những người thiếu tỉnh thức, biết mình nhiễm bệnh mà không chịu đi cách ly… khiến virus lây nhiễm người tiếp xúc gần (F1) đến những người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần (F2) và qua nhiều tầng lây nhiễm (đến F5). Cũng có những người bị nhiễm bệnh mà không biết mình đã nhiễm bệnh lại không chịu ở yên… mỗi nơi họ đến tụ họp thì bao nhiêu người tiếp xúc đều có nguy cơ lây nhiễm… Và họ trở thành phương tiện để lây lan virus tăng nhanh đến cấp số nhân.

Cầu nguyện là cần thiết. Giữa đau khổ và sự bất lực… con người thấy thân phận mỏng dòn của mình và cần đến sự can thiệp của Đấng quyền năng… và giúp chữa lành những nỗi đau khổ tinh thần… Trong một bài hát cầu nguyện của một giáo xứ trong cơn đại dịch Covid-19 được chuyển thành lời Việt: “Giờ này đoàn con đau đớn với biết bao nỗi khổ trong cơn đại dịch này Chúa ơi…. Nguyện cầu tới Chúa ban xuống ơn an bình, con luôn mong Ngài xót thương…Chỉ cần tình yêu Chúa ở đây, bao phong ba hãi hùng cũng không sợ; chỉ cần tình yêu luôn ở nơi Chúa, con không lo sợ chi bão tố… Vì tình yêu Chúa ở khắp mọi nơi, bao phong ba hãi hùng cũng không sợ; chỉ cần tình yêu Chúa luôn ở đây, cho con luôn kiên vững an lòng.”

Cầu nguyện là cần thiết. Mọi tôn giáo đều kêu gọi tín hữu cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Phanxico, trong những ngày qua, cũng đã biểu lộ sự gần gũi hiền phụ của ngài và lặp lại lời mời gọi toàn thể Giáo Hội cầu nguyện không ngừng cho những người nhiễm virus corona, cho các nhân viên y tế, cho các nhà cầm quyền. Đức Giáo Hoàng khuyến khích “các tín hữu kính viếng Thánh Thể, tham gia vào việc Chầu Mình Thánh Chúa, hoặc đọc Thánh Kinh trong ít nhất nửa giờ, hoặc lần chuỗi Mân Côi, hoặc thực hiện thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá, hoặc cầu nguyện với Lòng thương xót Chúa, để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài.”

Hãy sống theo Lời Chúa dạy: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến.” (Lc 21:36). Đại họa Covid-19 không thể ngăn chặn nổi nếu người ta không tỉnh thức, cầu nguyện. Nếu cầu nguyện mà không tỉnh thức thì bệnh dịch Covid-19 không thể ngăn chặn nổi. Vậy mỗi người hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi đại họa đang xảy đến. Hãy nhận ra thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình… Hãy có những hành động đúng cách (tỉnh thức) với tâm tình sám hối và cầu nguyện. Và hãy trở về với Chúa…

Sài Gòn ngày 21/3/2020

Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, fsc

 
Thông Báo
Thông Báo Tạm Đình Bản Báo Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
19:28 22/03/2020
Thông Báo Tạm Đình Bản Báo Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu



Trước thảm trạng Covid-19, Dân Chúa Úc Châu xin được tạm đình bản, bắt đầu từ số tháng Tư (1/4/2020) cho tới khi cơn dịch được ngăn chặn và các sinh hoạt được trở lại bình thường.

Mong quí vị thông cảm cho quyết định này và cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria gìn giữ tất cả chúng ta trong bình an của Chúa.

Chân thành

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB

(Chủ nhiệm)
 
Văn Hóa
Tôi Thấy Vi Khuẩn Vũ Hán
Lm. Nguyễn Trung Tây
06:14 22/03/2020
Ngài lấy bùn bôi cặp mắt mù lòa, rồi sai tôi đi rửa mắt!

Tôi đi, lần mò bước chân giữa những phố xá thênh thang, tai nghe rộn ràng vang vang tiếng cười!

Tôi mù lòa không nhìn thấy bầu trời xanh từ những ngày mở mắt chào đời!

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chi ngoại trừ đêm đen bóng tối.

Mặt mẹ, mặt bố và ngay cả mặt tôi, chưa bao giờ tôi thấy, chỉ nghe ấm áp tiếng ru hời ầu ơ của mẹ hằn sâu trong trái tim thơ.

Tôi không thấy hạt lúa mì lúa mạch, chỉ ngửi được mùi bánh mì thơm lừng mẹ nướng vào mỗi sáng sớm tinh mơ!

Tôi mù, không đi học, chỉ biết đánh vần chữ “Mẹ” chữ “Bố,” do Bố tôi dậy.

Và trên tất cả, tôi còn biết đánh vần chữ “Chúa,” chữ “Phật” và chữ “Trời;”

Mẹ tôi nói vũ trụ bao la, ai biết được chiều sâu hun hút, chiều dài ngút ngàn, và chiều cao thẳng đứng ngoại trừ Đấng Tối Cao. Người Do Thái gọi Ngài: Adonai, người Á Châu gọi Phật, riêng người Việt gọi Ông Trời.

Bởi mù lòa, ngày ngày tôi ngồi ăn xin bên ngôi đền thờ thánh do tổ tiên xây dựng.

Trước mặt tôi, chén gáo dừa đựng tiền bố thí, cây gậy, và đôi dép cói.

Sáng trưa chiều, ngồi lê la ở một nơi ngày bên vách ngôi đền, tôi ăn mày vào tấm lòng tử tế của trần gian.

Mù, nhưng tôi ngửi được mùi thơm hương hoa thiên đàng rộn ràng theo những bước chân lạ!

Người ấy dừng lại, hơi thở thơm tự nhiên thở mạnh.

Người cúi xuống, trộn nước miếng với đất đen hóa ra bùn bôi vào đôi mắt tôi mù lòa. Và Ngài sai tôi đi rửa đôi mắt bùn đen bằng nước Hồ Siloam.

Khập khễnh những bước chân, tôi tay bám tường, lần lần đi tới, rửa đôi mắt mù lòa bám bùn đen.

Và tôi thấy!

Tôi thấy thành phố Vũ Hán hơn 11 triệu người vắng lặng tựa phố hoang!

Tôi hỏi mới biết cũng bởi vi khuẩn cúm họ Corona, chủng mới.

Tôi không còn mù lòa nên thấy Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) trình bày sự thật. Nhưng chính quyền Vũ Hán (thôi, cứ tạm gọi thế) bịt miệng không cho nói! (Đề tài này, khi qua đại dịch cúm Tàu, sẽ bàn thêm và quy trách nhiệm để vong linh những người đã khuất bởi một sự gian dối nghỉ yên nơi cõi vĩnh hằng).

Tôi thấy vi khuẩn Vũ Hán không bị nhốt lại trong chuồng. Bởi thế, thật nhanh, chúng thoát ra ngoài, đóng cửa liên tiếp những căn nhà mọc san sát của phố.

Tôi thấy vi khuẩn vượt đường biên giới không cần sổ thông hành hoặc hộ chiếu.

Chẳng ai cản được hắn.

Từ Vũ Hán, vi khuẩn vượt biên sang phố Daegu của Hàn Quốc.

Rồi Iran, rồi Ý!

Tôi thấy vị lãnh đạo tinh thần niềm tin Công Giáo đứng lặng thầm như đang khóc bên khung cửa sổ.

Rồi Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Pháp, và mới đây miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc US. Bang Cali của người Việt giờ “shelter-in-place” và “stay-at-home.”

Riêng Việt Nam, “đứng yên một chỗ, khi tổ quốc cần.”

Philippines, giờ này cũng nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Không thánh lễ ngày thường, không thánh lễ Chúa Nhật.

Không nghi thức Hồi Giáo.

Không những lời kinh ngân nga vang vọng từ những ngôi Chùa trang nghiêm thơm mùi nhang.

Không buôn bán, quán càfe, quán Phở, cháo Gà, cháo Vịt, cháo Lòng Heo.

Không hambuger, không pizza, không tacco bell!

Không thương xá, đồ hiệu, kính Gucci, áo Banana Republic, đồng hồ Thụy Sĩ.

Giờ này, thế giới bị vi khuẩn Vũ Hán hạ gục, đường xá siêu xa lộ tốn cả tỷ tỷ đô la trống trơn vắng vẻ!

Giờ này, chỉ còn lại những lời kinh từ hơn 7 tỷ mảnh hồn bay cao, vươn lên thiên nhan.

Những lời kinh dâng lên Adonai của đạo Do Thái, Allah của đạo Hồi, Abba của đạo Kitô, Đức Phật của đạo Phật và Ông Trời của đạo Việt.

Tôi nhìn Đấng đã mở mắt tôi!

Mẹ hồi đó đã dậy tôi tên Ngài!

Nhờ Ngài, tôi đã THẤY,

Thấy con người vẫn cứ thế, tiếp tục mọi ngày mù lòa như những ngày đầu tiên.

Sinh ra trong mù lòa, như những chú cún con không mở mắt.

Rồi nhắm mắt lại, tối đen cặp mắt nguyên thủy mù lòa ngày chung cuộc.

Thì đấy, vi khuẩn Vũ Hán của dịch cúm Tàu.

Chỉ cho tôi thấy hắn đang ở trong ai? Ở với ai? Để tôi né…

Có ai nhìn thấy?

Thế mà giờ này hắn đang ngồi trên ngai vàng ròng, vương miện hồng ngọc, quyền trượng kim cương, quyền uy tuyệt đối!

Chung quanh hắn, thần dân họ cúm Corona chủng mới, tỷ tỷ tên đang reo hò, đợi chờ ngày thống trị!

Giờ này,

Chỉ còn có Ngài!

Lạy Ngài! Xin cho (chúng) con THẤY!

Nguyễn Trung Tây
 
VietCatholic TV
Nỗi buồn của ĐTC và cha tuyên úy bệnh viện trước hàng dài những chiếc xe nhà binh chở quan tài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:28 22/03/2020

Tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn qua đời tại Washington DC. Số ca nhiễm bệnh tại Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Ý

Tính cho đến sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 13,017 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 306,677 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,586 người thiệt mạng vì coronavirus, và 29,457‬ trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý đã gia tăng một cách kinh hoàng. Chỉ trong 24 giờ đã có 793 người chết, là con số người chết trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Tính đến sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 4,825 người, và 53,578 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế này chỉ trong một tuần nữa số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số trường hợp nhiễm bệnh tại Hoa Lục và số trường hợp tử vong tại Ý sẽ gấp đôi con số người chết tại Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,255 người chết, và 81,008 trường hợp nhiễm bệnh.

Đặc biệt nghiêm trọng là tình hình tại Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Mỹ đã tăng đến 6,513 người. Như thế sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 25,896 trường hợp. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 316 người, tức là thêm 60 người chết chỉ trong 24 giờ.

Tây Ban Nha đứng thứ tư với 25,496 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1,378 người chết. Trong 24 giờ qua số người chết tại Tây Ban Nha là 285 người. Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày cho đến nay.

Tại Đức đã có 84 người chết; và 22,364 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,556 người chết, tăng 123 người trong vòng 24 giờ; và 20,610 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 966 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Tại thủ đô Washington DC, tính đến sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba đã có 77 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trong một diễn biến đáng buồn, Washington DC đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên. Đó là trường hợp của thầy John-Sebastian Laird-Hammond, tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn, 59 tuổi. Cha Larry Dunham, Bề Trên Tu Viện Phanxicô tại Washington DC cho biết thầy Hammond được đưa vào nhà thương từ tuần trước và đã qua đời hôm thứ Sáu 20 tháng Ba. Thầy Hammond đã giữ chức quản lý của tu viện trong 14 năm qua.

Tổng giáo phận Washington cũng báo cáo về một sáng kiến đáng chú ý của một linh mục trong việc tạo điều kiện cho anh chị em giáo dân đón nhận bí tích hòa giải.

Khi các Thánh lễ công cộng tại Tổng giáo phận Washington bị đình chỉ trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Cha Scott Holmer, Cha Sở nhà thờ Thánh Edward Cha Giải Tội ở Bowie, Maryland, đã có sáng kiến đưa các bí tích đến cộng đồng địa phương của ngài.

Chỉ 10 phút trước khi bắt đầu giải tội vào ngày 14 tháng Ba, Cha Holmer, trong ước muốn ngăn chặn việc lây lan thông qua các bề mặt như ghế quỳ và tay nắm cửa, đã nảy ra ý tưởng cho anh chị em giáo dân xưng tội từ trong xe hơi của họ.

Khoác chiếc stola màu tím, cầm một chiếc ghế và một biển báo giao thông màu cam, Cha Holmer đi ra ngoài bãi đậu xe của nhà thờ và thiết lập một tòa giải tội ngoài trời. Chủng sinh Joe McHenry đã giúp hướng dẫn từng chiếc xe và nói với Cha Holmer khi nào nên bịt mắt lại khi hối nhân yêu cầu một lời thú tội nặc danh.

“Đây là lúc mà các linh mục chúng ta phải tìm ra các phương thế sáng tạo về cách mang Chúa Kitô đến với mọi người khi chúng ta không thể làm điều đó trong các nhà thờ,” Cha Holmer nói. Bây giờ chúng ta cần phải mang Chúa Kitô đến với mọi người, để đưa Ngài đến với những người khác một cách an toàn mà không gây ra lây nhiễm.

Các hối nhân chỉ phải rời khỏi xe của họ khi có nhiều hơn một người trong xe và họ có thể xếp hàng phía sau xe và di chuyển vào ghế lái khi đến lượt họ để thú tội.

“Chiếc xe nhỏ đó trở thành chiếc ghế xưng tội,” Cha Holmer nói.

Cha Holmer cho biết sau khi sáng kiến của ngài được đưa lên các đài truyền hình địa phương, nhiều người từ các địa phương khác đã tìm đến.

“Tôi rất cảm động trước những giọt nước mắt của ba người già đến từ Harrisburg, Pennsylvania. Họ phải lái xe hơn 2 giờ để đến đây vì họ không biết bất cứ nơi nào họ có thể đến và nói chuyện với một linh mục trong cuộc khủng hoảng này. Họ khóc và tôi cũng khóc”.

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay

Lúc 7 sáng Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Thánh lễ tại Santa Marta vào ngày Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay đã được dành để cầu nguyện cho những người phải chết cô đơn trong bệnh viện không thể nói lời từ biệt với những người thân yêu của họ, do đại dịch coronavirus. Thường khi họ cũng không thể nhận được các bí tích sau cùng trong lúc lâm chung.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong những ngày này, chúng ta nghe tin tức về nhiều người đã chết: đàn ông, phụ nữ chết một mình, mà không thể nói lời giã biệt với người thân. Chúng ta hãy nghĩ đến họ và cầu nguyện cho họ. Nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các gia đình, những người không thể đồng hành cùng người thân của họ trong giờ phút sinh ly tử biệt. Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt của chúng ta dành cho những người quá cố và các thành viên trong gia đình của họ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào bài Tin mừng trong ngày (Ga 9, 1-41) kể về sự chữa lành của người mù từ lúc sinh ra. Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta phải cảnh giác khi Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc sống của chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể hoán cải và đón nhận Chúa.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói

Bài Tin Mừng của Thánh Gioan ngày hôm nay là một thông báo của Chúa Giêsu Kitô và cũng là một bài giáo lý. Tôi chỉ muốn đề cập đến một điều. Thánh Augustinô có một câu luôn luôn gây ấn tượng mạnh đối với với tôi. Thánh nhân nói: “Tôi sợ Chúa Kitô khi Ngài đi qua”. Timeo Dominum transeuntem. “Tôi sợ rằng Chúa Kitô sẽ vượt qua” - “Nhưng tại sao bạn sợ Chúa?” - “Tôi sợ rằng tôi sẽ không nhận ra rằng đó là Chúa Kitô và để Ngài lướt qua”. Một điều rõ ràng: trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, những cảm xúc chân thật của trái tim nảy nở, những thái độ thực sự xuất hiện. Đó là một ân sủng, và vì lý do này, Thánh Augustinô đã sợ để thời khắc ấy qua đi mà không nhận ra rằng Chúa đã đi qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa đi qua, một người mù được chữa lành và tai tiếng phát sinh. Sau biến cố chữa lành này là sự xuất hiện những người tốt nhất và những người tồi tệ nhất. Người mù làm kinh ngạc trí tuệ của những thầy thông luật, khi anh ta trả lời. Anh đã quen với việc di chuyển bằng tay, anh cảm giác được những gì là nguy hiểm, anh có cảm giác trước những thứ nguy hiểm có thể khiến anh trượt ngã. Và anh ta di chuyển như một người mù. Nhưng anh có một lập luận rõ ràng, chính xác, và sử dụng cả sự mỉa mai khi đối đáp với các thầy thông luật.

Các thầy thông luật biết tất cả các lề luật: họ biết hết, biết tất cả. Nhưng họ đã dừng lại ở đó. Họ không hiểu khi Chúa đi qua. Họ cứng nhắc, gắn liền với thói quen của họ: Chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Họ gắn bó với thói quen. Và nếu để duy trì những thói quen này, họ phải thực hiện một sự bất công nào đó, thì đó không phải là vấn đề, vì thói quen nói với họ rằng đó không phải là bất công; và sự cứng nhắc đó đã khiến họ làm những điều bất công. Cảm giác đóng cửa đó đã xuất hiện trước mặt Chúa Kitô.

Ngày hôm nay, tôi chỉ muốn khuyên anh chị em điều này. Tôi khuyên tất cả anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm, và đọc kỹ bài Tin Mừng ngày hôm nay trong chương 9 Phúc Âm theo Thánh Gioan, và đọc nó, đừng lo lắng. Hãy đọc một lần, hai lần, để hiểu rõ điều gì xảy ra khi Chúa Giêsu đi qua, những cảm xúc nào xuất hiện. Anh chị em hãy hiểu rõ những gì Thánh Augustinô nói với chúng ta: Tôi sợ Chúa khi Ngài đi qua, tôi e rằng tôi không nhận thấy điều đó và không nhận ra Ngài, và không hoán cải. Anh chị em đừng quên, hãy đọc ngay hôm nay một lần, hai lần, ba lần, bao nhiêu lần tùy sức của anh chị em, chương 9 Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Đức Thánh Cha đã kết thúc thánh lễ bằng việc chầu Thánh Thể và ban phép lành Tòa Thánh. Ngài mời gọi mọi người hãy đọc Lời nguyện Rước lễ Thiêng liêng cho những ai không thể rước lễ vì đại dịch coronavirus.

Lạy Chúa Giêsu,

Con tin rằng Chúa đang ngự thật trong Bí tích Thánh Thể. Con yêu Chúa trên tất cả mọi sự, và con mong ước được rước Chúa vào trong tâm hồn con.

Song le bây giờ con chẳng được rước thật Mình và Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng.

Con ôm ấp Chúa như thể Chúa đã ngự trị trong lòng con và liên kết cả toàn thân con với Chúa. Xin đừng bao giờ để con xa lìa Chúa.

Amen.



Source:Crux
Source:Vatican News
 
Quyết định mới của ĐTC: Cầu nguyện chung ngày 25/3. Phép lành Urbi et Orbi Ngoại Thường ngày 27/3
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:55 22/03/2020
Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công bố như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá

Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta

Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.

Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


Source:Holy See Press Office
 
Giáo Hội Năm Châu 23/03/2020: ÐHY Hollerich kêu gọi Châu Âu phải hiệp nhất hơn trong đại dịch.
Giáo Hội Năm Châu
19:40 22/03/2020
1. Ðức Hồng Y Hollerich kêu gọi: Châu Âu phải hiệp nhất hơn trong đại dịch.

Ðức Hồng Y Hollerich kêu gọi giới chính trị châu Âu phải thể hiện tinh thần liên đới nhiều hơn. Hiện nay, do tình hình đại dịch lây lan, nhiều quốc gia ngăn chặn biên giới và chỉ đưa ra quyết định có lợi cho người dân của mình mà không nghĩ đến các quốc gia khác.

Ðức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg, chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Âu (COMECE) cho biết, theo những gì Ðức Hồng Y nghi nhận được từ các Giáo hội địa phương ở châu Âu, thì nhiều người đang cảm thấy bị bỏ rơi.

Ðức Tổng Luxembourg đã viết một lá thư mục vụ. Trong thư, ngài mời gọi: “Tôi xin mọi người cầu nguyện, các linh mục hãy cử hành thánh lễ mỗi ngày ngay cả khi không có giáo dân tham dự. Chúng ta phải tỏ cho mọi người biết chúng ta đang ở đó, vì mọi người. Chúng ta phải làm cho mọi người hiểu rằng Chúa ở cùng họ, Giáo hội gần gũi với họ”.

Ðức Hồng Y viết tiếp: “Hậu quả của đại dịch đối với Giáo hội châu Âu và trên chính châu Âu là: Các chương trình của Giáo hội không được thực hiện như dự kiến. Chẳng hạn, các lễ kỷ niệm 150 năm của giáo phận. Ðối với châu Âu, tôi thấy nhiều quốc gia đang chặn biên giới và chỉ đưa ra quyết định vì cư dân của họ mà không xem xét các quốc gia khác. Tôi kêu gọi giới chính trị hãy thể hiện tình liên đới sâu sắc, điều phải hiện hữu tại châu Âu. Ngày nay, chúng ta có nguy cơ đóng cửa chính mình khi những điều không may xảy ra. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta không nên làm điều đó, chúng ta không được khép kín con tim”.

“Ðể thể hiện tình liên đới này, các chính phủ và Giáo hội phải giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Châu Âu là một cộng đoàn nhưng điều này không được nói chỉ khi mọi thứ đều ổn, khi không có nhu cầu. Tình liên đới phải được thực hiện đặc biệt trong những thời điểm khó khăn, đây là lúc châu Âu phải chứng tỏ mình có một căn tính thực sự: một căn tính châu Âu Kitô giáo”.

Theo Ðức Hồng Y, để gần gũi hơn với mọi người, Giáo hội châu Âu đã tăng cường sự hiện diện của mình trên internet. Phương tiện giao tiếp hiện đại này tỏ cho thấy Giáo hội là sự hiệp thông và, như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói, Chúa Kitô đang hiện diện giữa chúng ta. Internet và mạng xã hội cũng được sử dụng để loan truyền niềm hy vọng của chúng ta

2. Tội thù ghét chống các Kitô hữu gia tăng ở Ấn Ðộ.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban về tự do tôn giáo của Liên các Giáo hội Tin Lành: trong năm 2019 tại Ấn Ðộ có 366 tội thù ghét chống các Kitô hữu. Và chỉ trong hai tháng đầu năm có 40 trường hợp xảy ra.

Nghiên cứu xác nhận bầu khí bất khoan dung ngày càng gia tăng đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở nước này. Tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng từ sau khi Luật sửa đổi quốc tịch được phê chuẩn. Luật mới này gây tranh cãi do liên quan đến những người nhập cư Hồi giáo, theo luật mới những người nhập cư này có thể không được công nhận quyền công dân.

Nhận xét về dữ liệu trên trang web Công Giáo Ấn Ðộ, ông Vijayesh Lal, tổng thư ký Hiệp hội Tin Lành Ấn Ðộ chỉ ra rằng đây là những số liệu chắc chắn thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi vì nhiều vụ không được báo cáo do sợ hãi hoặc thiếu hiểu biết, và hầu hết các trường hợp thậm chí không kết thúc tại tòa án.

Bạo lực do các nhóm cực đoan Ấn giáo thực hiện, từ tấn công thể lý đến các hình thức làm nhục và đe dọa. Ðỉnh điểm của các vụ án xảy ra bắt đầu từ tháng 11 năm 2019, trong thời gian chuẩn bị lễ Giáng sinh. Và các vụ tấn công giảm vào tháng 4 và tháng 5, trong cuộc tổng tuyển cử mùa xuân 2019, do chính quyền Ấn Ðộ tăng sự hiện diện thực thi pháp luật ở các vùng nông thôn.

Ông Lal nhấn mạnh, đối diện với bạo lực, các Giáo hội Kitô có thể đưa ra một thử thách tuyệt vời về sự hiệp nhất và tình liên đới. Có rất nhiều sáng kiến nhằm mang lại sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần và thậm chí về mặt pháp lý cho các nạn nhân. Ngoài ra, gia tăng các nỗ lực trong việc theo dõi diễn biến các vụ việc

3. Công Giáo Latinh Ukraine chuẩn bị cách ly.

Giáo Hội Công Giáo Latinh tại Cộng hòa Ukraine đang chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa lan lây Coronavirus.

Tính đến ngày 13 tháng 3 năm 2020, chỉ có ba trường hợp Coronavirus tại Ukraine, 1 người chết và 53 người bị tình nghi.

Trong thông cáo chính thức, các giám mục Công Giáo Latinh ở Ukraine mời gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện và suy tư về cuộc sống của mình, đồng thời cũng khẳng định rằng: “Ước gì thời kỳ này là một cuộc xét mình và là cơ hội để thống hối, đặc biệt qua bí tích hòa giải. Các cha giải tội cần giữ các thủ tục an ninh trong khi giải tội.”

Về thánh lễ, để giới hạn nguy cơ lan lây, nhưng đồng thời không phải từ khước tham dự thánh lễ, các giám mục yêu cầu gia tăng số thánh lễ theo nhu cầu để tản bớt số người tham dự mỗi thánh lễ, đổ hết các bình đựng nước thánh ở cửa nhà thờ, duy trì khoảng cách xa nhau và không trao cử chỉ bình an.

Các giám mục mời gọi những người đau yếu hãy tham dự thánh lễ qua truyền hình, đặc biệt Ðài Lời Vĩnh Cửu (EWTN) cùng với đài Radio Maria cùng trực tiếp truyền đi các thánh lễ.

Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng: “Một điều tuyệt đối không thể chấp nhận được là một người bị bệnh đến dự lễ, gây nguy hiểm cho những người khác. Những tín hữu ấy có thể lãnh nhận các bí tích tại gia, trong sự tôn trọng các qui luật an ninh và phòng ngừa sự lây nhiễm Virus.”

Các giám mục Ukraine cũng kêu gọi các linh mục dấn thân giúp đỡ các bệnh nhân, noi gương anh hùng của thánh Carlo Boromeo, giám mục thành Milano, qua đời năm 46 tuổi trong khi cứu giúp những người bị dịch tễ, và thánh Luigi Gonzaga Dòng Tên, qua đời tại Roma năm 23 tuổi, trong lúc cứu giúp các bệnh nhân bị dịch.

Sau cùng thông cáo của các giám mục Ukraine kêu gọi các tín hữu đừng hốt hoảng, và hãy tuân hành các chỉ thị của bộ y tế cũng như các cơ quan thẩm quyền khác của chính phủ.

4. Israel tăng cường các biện pháp chống Coronavirus.

Thủ tướng Isael, ông Benjamin Netanyahu, ra lệnh xiết chặt các biện pháp chống dịch Coronavius và kêu gọi quần chúng tại nước này hãy tập một thói quen mới trong cuộc sống hằng ngày.

Tuyên bố với giới báo chí, chiều ngày 14 tháng 3 năm 2020, ông Netanyahu nói: “Chúng ta đang chiến đấu chống một kẻ thù vô hình. Chúng ta có thể chống Virus này, nhưng cần có một lối sống thường nhật mới”.

Cụ thể là thủ tướng Israel tuyên bố tiếp tục đóng cửa các cơ sở giáo dục, dân chúng phải giữ khoảng cách xa nhau ít là hai mét khi giao tiếp với nhau. Các sinh hoạt giải trí và rảnh rỗi bị ngưng, từ Chúa Nhật 15 tháng 3 năm 2020; cấm các cuộc hội họp trong không gian kín có quá mười người tham dự. Các dịch vụ của ngân hàng, cây xăng, siêu thị được tiếp tục bình thường. Các công nhân viên cần cố gắng làm việc tại gia bao nhiêu có thể. Ngoài ra, thủ tướng cũng cho phép theo dõi sự di chuyển của những người bị nhiễm Coronavirus, qua điện thoại di động và các kỹ thuật dữ kiện khác.

Về phương diện tôn giáo, các Giáo hội Kitô, Do thái và Hồi giáo cũng đã hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động có đông người tham dự.

5. Thông cáo của các Thượng phụ và thủ lãnh Kitô Thánh địa.

Các vị Thượng phụ và thủ lãnh của 12 Cộng đoàn Giáo hội Kitô tại Thánh địa kêu gọi các tín hữu tuân hành các qui luật của chính quyền, nhắm chống sự lan lây của dịch Coronavirus, đồng thời các vị khẩn cầu Thiên Chúa đoái thương thế giới đang đau khổ.

Thông cáo ngày 14 tháng 3 năm 2020 của các vị lãnh đạo Kitô tại Thánh địa, có đoạn viết: “Ðể đối phó với đại dịch đang đe dọa sức khỏe và sinh mạng, điều thiết yếu là dân chúng và các cộng đoàn chúng ta tuân hành các qui định và chỉ thị của chính quyền địa phương tại các nước chúng ta đang sống.”

“Ðồng thời chúng tôi cũng khẩn cầu Thiên Chúa Toàn Năng nhìn đến tình trạng chúng ta và đoái thương thế giới đang đau khổ. Chúng ta được kêu gọi sống thời điểm này trong niềm tiếp tục tín thác nơi Chúa Cha trên trời của chúng ta, Ðấng chăm sóc mọi thụ tạo của Ngài. Vì thế, thật là tốt nếu chúng ta gia tăng cầu nguyện riêng, ăn chay và làm phúc, cũng như tiến bước trong ánh sáng tình thương của Thiên Chúa”.

Trong số các vị ký tên vào thông cáo, có Ðức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông tòa Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Jerusalem và cha Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, các vị thủ lãnh Chính thống Hy Lạp, Chính thống Armeni, Chính thống Copte, Chính thống Etiopia, Công Giáo Melkite, Công Giáo Maronite, Anh giáo, Tin lành Luther, Công Giáo Siriac, và Công Giáo Armeni.

6. Do đại dịch virus corona, Linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chỉ có hình giáo dân.

Do đại dịch virus corona, Linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chỉ có hình giáo dân.

Thay vì dâng Thánh lễ trong một nhà thờ trống trơn không có giáo dân vì đại dịch virus corona, cha Giuseppe Corbari đã có sáng kiến yêu cầu các giáo dân gửi cho cha hình của họ, và cha đã in ra và đặt trên các băng ghế nhà thờ, ở những chỗ mà họ thường ngồi. Và cha đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật như thế.

Giáo xứ hai thánh Quirico và Giulitta ở Robbiano di Giussano, gần thành phố Milano, miền bắc nước Ý, nơi đang là tâm dịch virus corona ở Ý. Do đại dịch, toàn nước Ý không có Thánh lễ cho giáo dân tham dự và tại giáo xứ này cũng thế. Nhưng Chúa Nhật 15 tháng 03 năm 2020, các băng ghế nhà thờ không trống vắng nhưng ngược lại đầy các gia đình như những Thánh lễ trước đây. Có những người rất già, một mình hay cùng với người bạn đời của mình. Có một thiếu niên với hình cầu vồng, muốn nói lên niềm tin tưởng rằng mọi sự rồi sẽ tốt thôi. Nhà thờ đầy sức sống nhưng lại thật im lặng. c

Cha Giuseppe cử hành Thánh lễ trong sự hiệp thông với các tín hữu, những gương mặt mỉm cười. Các tín hữu ở nhà tham dự Thánh lễ được chiếu trực tiếp trên Facebook.

Khi cha Giuseppe cử hành Thánh lễ, không chỉ giáo dân nhìn thấy cha trên màn ảnh nhưng cả cha cũng nhìn thấy họ. Và đặc biệt cha vui vì họ đã đáp lại lời yêu cầu của cha, chụp hình và gửi cho cha.

Cách thế này có lẽ để giúp cảm thấy bớt cô đơn, có lẽ để đón nhận và đưa ra một dấu hiệu hữu hình của sự gần gũi, trong những ngày này khi sự cô lập vì đại dịch giúp chúng ta khám phá lại các mối quan hệ xã hội, bị buộc phải xa cách.

7. Hội đồng Giám mục Italia dành 10 triệu Euro cho Caritas.

Hôm 12 tháng 3 năm 2020, Hội đồng Giám mục Italia đã quyết định dành 10 triệu Euro để hỗ trợ các hoạt động của tổ chức Caritas tại nước này, trong cuộc chiến chống dịch Coronavirus.

Ngân khoản này, rút từ số tiền thuế, gọi là “8 phần ngàn” các tín hữu Công Giáo đóng cho Giáo hội và số tiền do các ân nhân khác đóng góp, sẽ được dùng để ưu tiên giúp đỡ các gia đình nghèo, những người già lẻ loi, bị thương tổn nhiều trong cuộc khủng hoảng hiện nay vì nạn dịch.

220 Caritas giáo phận tại Italia sẽ quyết định và thi hành về việc trợ giúp cụ thể cho các gia đình túng thiếu: từ việc cung cấp lương thực, cho đến việc nâng đỡ tinh thần cho những người già và bệnh nhân.

Ngoài ra, Caritas Italia cũng tái kêu gọi tất cả mọi người hãy liên đới, hỗ trợ những sáng kiến và can thiệp của các giáo phận, các Caritas địa phương nhắm nâng đỡ những người yếu thế nhất trong tình trạng hiện nay.
 
Giữa dịch bệnh, Croatia bị động đất mạnh nhất trong 140 năm. Tháp nhà thờ chính tòa Zagreb hư hại.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:34 22/03/2020
Tính cho đến sáng Thứ Hai 23 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 14,611 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 335,403 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,594 người thiệt mạng vì coronavirus, và 28,726‬‬ trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Số trường hợp tử vong tại Ý vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng âu lo. Chỉ trong 24 giờ đã có 651 người chết và 5,560 trường hợp nhiễm bệnh mới. Tính đến sáng Thứ Hai 23 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 5,476 người, và 59,138 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế này chỉ trong một tuần nữa số trường hợp nhiễm bệnh tại Ý sẽ cao hơn cả số trường hợp nhiễm bệnh tại Hoa Lục và số trường hợp tử vong tại Ý sẽ gấp đôi con số người chết tại Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận trên toàn cõi Hoa Lục con số thương vong là 3,261 người chết, và 81,054 trường hợp nhiễm bệnh. Nguồn tin của Giáo Hội địa phương nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, rằng các con số này rất xa so với thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc.

Tình hình tại Hoa Kỳ xem ra ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 8,149 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Như thế sau Trung Quốc và Italia, Hoa Kỳ đang là nước thứ ba trên thế giới về phương diện nhiễm bệnh với 32,356 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 414 người, nói cách khác, đã có thêm 112 người chết chỉ trong 24 giờ qua.

Tây Ban Nha đứng thứ tư với 28,603 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1,756 người chết. Như thế, trong 24 giờ qua số người chết tại Tây Ban Nha là 375 người. Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày cho đến nay.

Tại Đức đã có 94 người chết; và 24,852 trường hợp nhiễm bệnh.

Tiếp theo là Iran với 1,685 người chết, tăng 129 người trong vòng 24 giờ; và 21,638 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,028 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Trận động đất kinh hoàng tại Croatia

Trong bối cảnh dịch bệnh kinh hoàng, Croatia vừa bị thêm một trận động đất mạnh nhất trong 140 năm qua. Lúc 6g sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương, một trận động đất mạnh 5.3 độ đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà ở thủ đô Zagreb.

Trận động đất đã làm rung chuyển thành phố, khiến những cư dân hoảng loạn chạy ra đường. Thủ tướng Andrej Plenkovic đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và đừng tụ tập bàn tán trong tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Thật đau buồn, trận động đất đã làm hư hại một trong hai ngọn tháp của nhà thờ chính tòa Zagreb, một biểu tượng quan trọng của thành phố. Ngôi nhà thờ này được xây từ năm 1207, và đã được trùng tu sau trận động đất vào năm 1880.

Nhiều toà nhà trong thủ đô Zagreb bị đánh sập chôn vùi những chiếc xe hơi đậu bên dưới trong đống đổ nát. Cả một bệnh viện cũng bị hư hại. Quân đội đã được điều động giữ trật tự trong thành phố và dọn dẹp những đống đổ nát.

Phát ngôn viên quốc hội Croatia, Gordan Jandroković, nói rằng tòa nhà quốc hội bị thiệt hại nặng khiến các phiên họp sẽ bị hoãn lại.

Các báo cáo cho biết không ai thiệt mạng, nhưng 17 người bị thương trong đó có một trẻ em 15 tuổi đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Đến nay Croatia có 254 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận và một trường hợp tử vong.

Vai trò các tuyên úy bệnh viện trong hoàn cảnh hiện nay

Trước tình hình đại dịch coronavirus lan rộng khắp nước Mỹ, các tuyên uý Công Giáo tại các bệnh viện là rất cần thiết cho bệnh nhân và các nhân viên y tế. Cha John Anderson, một linh mục ở New York cảnh báo rằng các bệnh viện là tiền tuyến để cứu các linh hồn, cũng như mạng sống của họ.

“Nhiều tín hữu chưa hề gặp gỡ một linh mục, hay bước vào một nhà thờ trong 5, 10, 15 năm thậm chí có thể lâu hơn. Vì vậy, khi chúng tôi đào tạo các linh mục cho thừa tác vụ tuyên úy của bệnh viện, chúng tôi nhấn mạnh đến việc chào đón mọi người trở lại. Và chúng tôi chắc chắn rằng trong cuộc khủng hoảng này điều đó còn cần hơn bao giờ.”

Cha Anderson phụ trách giám sát 25 linh mục phục vụ với tư cách là tuyên uý bệnh viện tại Tổng giáo phận New York, và là phó Giám đốc ArchCare, một hệ thống bác ái của tổng giáo phận phục vụ 9,000 người mỗi ngày trong các cơ sở bao gồm cả viện dưỡng lão, một nhà chăm sóc dài hạn, và một bệnh viện chuyên khoa.

Các chuyên gia y tế tại Hoa Kỳ ca ngợi giải pháp của Nam Hàn. Khi dịch bệnh bùng nổ, họ tiến hành xét nghiệm tất cả các cư dân trong thành phố Daegu và các vùng lân cận, bất kể người ấy có triệu chứng gì hay không, và cách ly ngay những người xét nghiệm dương tính. Vì thế, tỷ lệ tử vong tại Nam Hàn giảm xuống một cách đáng kể. Số trường hợp tử vong bình quân trong một ngày tại Nam Hàn trong một tuần qua chỉ khoảng 4 người.

Giải pháp Nam Hàn khó thực hiện được tại Hoa Kỳ vì dân số đông quá. Trong bối cảnh này, cha Anderson nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài lo ngại “sẽ có một cơn sóng thần các bệnh nhân trong các bệnh viện” trong tháng Tư.

Các giám mục kêu gọi các cử chỉ liên đới cụ thể

Tại Pháp đã có 674 người chết; và 16,018 trường hợp nhiễm bệnh. Các Giám Mục nước này thúc giục các cử chỉ liên đới cụ thể. Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy người thanh niên này tình nguyện mua thực phẩm cho một người già không dám đến các siêu thị vì sợ lây nhiễm. Anh nói:

“Tôi mua mì ống và cá mòi cho bà ấy để bà ấy tiếp tục có cái mà ăn. Đó là một phụ nữ ở ngang nhà tôi. Bà không dám ra khỏi nhà vì sợ coronavirus.”

Tổng giáo phận Paris có một chương trình phối hợp hành động giúp những người già là những người có nguy cơ tử vong rất cao nếu chẳng may nhiễm coronavirus. Trong đoạn video này, một tình nguyện viên trong chương trình này đi đến các cửa hiệu và dán các quảng cáo tìm các thiện nguyện viên giúp mua hàng ở siêu thị cho những người già.

Trong thánh lễ được truyền hình trực tuyến từ nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla của tổng giáo phận Sassari, Đức Tổng Giám Mục Gian Franco Saba cũng kêu gọi anh chị em giáo dân thực hiện các cử chỉ liên đới tương tự. Ngài nói: “Chúng ta không thể để những người già phải xếp hàng trước các siêu thị. Điều đó quá nguy hiểm cho họ”

23% trong tổng số 63 triệu dân Ý là những người già trên 65 tuổi. Nhiều người không sống chung với con cái, và trong hoàn cảnh phong tỏa như hiện nay, họ phải tự lo cho mình trong những ngày này.

Các cử chỉ liên đới cũng được thể hiện qua các hình thức khác nữa. Ca sĩ người Tây Ban Nha Beatriz Berodia, thường được gọi là Betta, ra ngoài ban công mỗi tối để hát giúp vui cho những người hàng xóm đã bị cô lập trong nhà kể từ khi chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Andrea Capalbo, chồng cô, chơi đàn guitar ở ban công bên cạnh. Betta hát một loạt các ca khúc cổ điển để những người yêu âm nhạc lên tinh thần.

Các cử chỉ liên đới không chỉ giới hạn trong một khu phố mà có thể còn đi rất xa. Trong đoạn video này, quý vị và anh chị em co thể thấy các cư dân của một chung cư tại Đức trình bày các ca khúc để thể hiện tình liên đới với những người Ý trong cơn hoạn nạn hiện nay.

Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba

Từ Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã không chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhưng từ Thư viện của Dinh Tông tòa Vatican, và được trực tiếp truyền hình.

Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trọng tâm của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là chủ đề ánh sáng. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (9,1-14) thuật lại câu chuyện Chúa chữa cho sáng mắt một người mù từ lúc mới sinh. Dấu chỉ kỳ diệu này là sự xác nhận cho lời khẳng định của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính Ngài: “Ta là Ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi những bóng tối trong chúng ta. Chúa Giêsu thực là như thế. Ngài chiếu rọi ánh sáng ở hai cấp độ thể lý và tâm linh: người mù trước tiên được sáng mắt và sau đó được hướng dẫn đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Những phép lạ Chúa làm không phải là những cử chỉ ngoạn mục, nhưng mục đích của các phép lạ ấy là dẫn đến đức tin thông qua hành trình biến đổi nội tâm.

Nhóm những thầy thông luật có mặt ở đó ngoan cố, không nhìn nhận phép lạ, nhưng đặt ra những câu hỏi hóc búa cho người vừa được chữa lành. Nhưng người ấy quật ngã họ bằng sức mạnh của thực tại: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (c. 25). Giữa sự ngờ vực và thù địch của những người vây quanh đang vặn hỏi mình, anh đã thực hiện một cuộc hành trình dần dần đưa anh đến chỗ khám phá căn tính của Đấng đã cho mình sáng mắt và tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Lúc đầu, anh chỉ xem Ngài là một tiên tri (c.17); nhưng sau đó anh nhận ra Ngài là một Đấng từ Thiên Chúa mà đến (c. 33); cuối cùng anh đón nhận Ngài như Đấng Thiên Sai và sấp mình phủ phục trước mặt Ngài (cc. 36-38). Anh hiểu rằng khi chữa cho anh nhìn thấy, Chúa Giêsu đã “tỏ hiện những công trình của Thiên Chúa” (c. 3).

Cầu mong cho chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm này! Với ánh sáng đức tin, người ấy từ chỗ mù loà đã khám phá căn tính đích thực của mình. Giờ đây anh là một “tạo vật mới”, có khả năng nhìn cuộc sống của mình và thế giới xung quanh bằng một ánh sáng mới, bởi vì anh tiến vào tình hiệp thông với Chúa Kitô. Anh không còn là một người ăn xin bị cộng đồng loại ra bên lề; anh không còn là nô lệ cho sự mù quáng và định kiến. Hành trình được chiếu sáng của anh là một ẩn dụ của hành trình giải thoát khỏi tội lỗi mà chúng ta được mời gọi bước đi. Tội lỗi giống như một bức màn đen che mắt chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn rõ bản thân mình và thế giới một cách rõ ràng. Ơn tha thứ của Chúa xua tan bóng tối này và mang lại cho chúng ta ánh sáng mới. Cầu mong cho Mùa Chay mà chúng ta đang sống là một cơ hội và thời gian quý giá để đến gần Chúa, cầu xin lòng thương xót của Ngài, theo những hình thức khác nhau mà Giáo hội Mẹ đề ra cho chúng ta.

Người mù được chữa lành, giờ đây nhìn thấy bằng cả đôi mắt thể lý lẫn tâm hồn, là hình ảnh của mỗi người được rửa tội, nghĩa là được đắm mình trong ân sủng, được kéo ra khỏi bóng tối và được đưa vào trong ánh sáng của đức tin. Nhưng đón nhận ánh sáng thôi chưa đủ đâu, chúng ta còn cần phải trở thành ánh sáng. Mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận ánh sáng thần linh và biểu lộ ánh sáng ấy qua toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên, các thần học gia của những thế kỷ đầu, nói rằng cộng đoàn các tín hữu Kitô, nói cách khác là Giáo hội, là “mầu nhiệm mặt trăng”, bởi vì Giáo Hội mang lại sáng nhưng không phải là chính ánh sáng; nhưng là ánh sáng nhận được từ Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng là “mầu nhiệm mặt trăng”, nghĩa là chúng ta phải trao ban ánh sáng nhận được từ mặt trời, là Chúa Kitô. Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Hạt giống sự sống mới được gieo nơi chúng ta trong bí tích rửa tội giống như tia lửa, trước hết giúp thanh lọc chúng ta, khi thiêu rụi sự ác trong trái tim chúng ta, và rồi khiến cho chúng ta có thể tỏa sáng và chiếu sáng với ánh sáng của Chúa Kitô.

Xin Đức Maria rất thánh giúp chúng ta bắt chước người mù trong bài Tin Mừng, để chúng ta có thể được bao bọc trong ánh sáng của Chúa Kitô và cùng Ngài bước đi trên con đường cứu độ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha công bố như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá

Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta

Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.


Source:Holy See Press Office