Ngày 22-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vinh quang Thập giá
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:11 22/03/2012
CHÚA NHẬT LỄ LÁ, năm B
Mc 14,1-15,47

Chúa nhật lễ lá hé mở cho chúng ta về một nhân vật tuyệt đối quan trọng là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại, loài người và con người. Lễ Lá bắt đầu một chuỗi những biến cố, những sự kiện mà Thiên Chúa đã dự định từ trước. Đức Kitô được Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ thực hiện kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa. Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu rỗi. Đức Kitô là Đấng được xức dầu và là Con Chiên gánh tội, xóa tội trần gian.

Lễ lá khai mào Tuần Thánh và cao điểm là Tam Nhật Thánh. Chúa Giêsu trong ngày lễ lá đi vào Giêrusalem trong tiếng tung hô vang dội của mọi người như là một Vị Vua chiến thắng oai hùng, nhưng thực tế, đó lại là một cuộc khải hoàn để rồi Chúa Giêsu lãnh nhận ý định của Chúa Cha gánh tội cho trần gian qua cái chết nhục hổ trên thập giá. Cao điểm là Thứ Sáu Thánh, Thứ Bảy Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh.Đây là những Ngày Thánh của Đức tin Kitô Giáo.

Đối với người Do Thái chiều thứ năm đã bước vào ngày thứ sáu, do đó Phụng vụ cho thấy :” Chúa Giêsu đã biết giờ, Người phải ra khỏi thế gian mà về cùng Cha. Người đã đã yêu thương những người thuộc về Người trong trần gian và Ngài sẽ tỏ bày tình yêu của Ngài dành cho họ đến cùng “ ( Ga 13, 1 ). Từ “ đến cùng “ không có nghĩa là đến cùng tận sự sống ở thế gian, nhưng thánh Gioan muốn diễn tả “ tới tình yêu tròn đầy, tình yêu viên mãn “. Ở đây, Chúa Giêsu muốn diễn tả tình yêu viên mãn của Ngài qua cái chết hy tế trên thập giá. Theo từ ngữ Hy Lạp, đến cùng được diễn tả :” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Chính cái chết trên thập giá biểu tỏ tình yêu viên mãi của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu Kitô qua hành động cuối cùng trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống nhân loại, nuôi sống con người. Đây là Mầu nhiệm vượt qua, sự chết và sự sống lại của Người. Chúa Giêsu đã nuôi các môn đệ và truyền cho các môn đệ cử hành Bí tích Thánh Thể để nuôi sống đời sống thần linh của con người.

Đỉnh tuyệt vời của cuộc khổ nạn là Chúa Giêsu đã thực sự bị treo lên thập giá vào chiều ngày thứ sáu trên đồi Golgotha đúng như lời Ngài nói :” Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “ ( Ga 12, 32 ). Ngày thứ bảy thánh, ngày thứ hai của Tam nhật Thánh. Chúa Giêsu nằm yên nghỉ trong mồ. Đây là sự thật để minh chứng Chúa Giêsu đã chết thật và nhân loại được mời gọi thinh lặng để chiêm ngưỡng Chúa chịu chết, và chờ đợi sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu.

Ngày tuyệt vời nhất là ngày Chúa Chúa nhật Phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, phá tan bóng đêm và ra khỏi mồ cách vinh hiển.
Lễ Lá bắt đầu tuần thánh và cao điểm là Tam nhật Thánh với niềm vui, hân hoan vì Chúa Giêsu sẽ khải hoàn ra khỏi mồ, chiến thắng thần chết. Thánh giá vẫn là dấu chỉ chiến thắng của Chúa Giêsu. Nên, thập giá chính là sự vinh quang phục sinh của Chúa.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ ?

1.Tam nhật thánh bắt đầu từ ngày nào ?
2.Cao điểm của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là gì ?
3.Golgotha có nghĩa là gì ?
4.Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể để làm gì ?
5.Phục Sinh có nghĩa gì đối với chúng ta ?
 
Mầu nhiệm Hiệp thông: Tuần Thánh năm 2012
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:11 22/03/2012
THỨ HAI THÁNH
GIUĐA KHÔNG SỐNG HIỆP THÔNG
Ga 12, 1-11
Câu chuyện xảy ra chỉ là bình dầu thơm của cô Maria được chính cô vì kính trọng, yêu mến Chúa nên đã mang bình dầu thơm bằng đá ngọc rất quí đến nhà Ông Simon để gặp gỡ Chúa ngay giữa bữa tiệc. Maria đã đập bể cả cổ bình dầu, quỳ bên chân Chúa và đổ dốc trên chân Chúa, khiến hoàn toàn cả nhà thơm ngào ngạt, dào dạt hương thơm, rồi cô lấy tóc lau chân Chúa Giêsu.

Trước cử chỉ của Maria, Giuđa ghen tức, tham lam vì ích kỷ, Ông đã phản đối. Lẽ dĩ nhiên Ông lấy cớ sao không để bình dầu thơm bán mà giúp người nghèo. Thực tế, Ông tiếc bình dầu hơn thương người nghèo. Giuđa hoàn toàn không biết chia sẻ vì Ông không sống hiệp thông với Chúa Giêsu, với các bạn đồng môn và với những người khác.

Với giá 30 đồng bạc, một số tiền quá ít ỏi bán một tên nô lệ, Giuđa đã ngửa tay để nhận và thỏa hiệp dàn dựng để bán Chúa Giêsu.

Không biết sống quảng đại, từ bỏ, chia sẻ, không biết sống hiệp thông với Chúa, với các môn đệ và với tha nhân, Giuđa đã trở nên hư đốn và phản bội.


THỨ BA THÁNH
GIUĐA PHẢN BỘI
Ga 13, 21-33.36-38

Phản bội biểu lộ tâm hồn tội lỗi và đầy ích kỷ, hờn căm của Giuđa. Mặc dầu được Chúa tin tưởng trao cho làm chức vụ quản lý của Nhóm 12, nhưng Giuđa ham tiền, ham danh vọng, ham thú vui thế gian. Ông đã tán tận lương tâm bán Chúa có 30 đồng bạc.

Chúa Giêsu bào Giuđa “ Anh làm gì thì làm mau đi “. Các môn đệ khác không hề biết ý đồ xấu xa của Giuđa. Phần Giuđa, Giuđa vẫn tỉnh bơ khi nghe Chúa thúc giục, Giuđa không sợ tội ác, không sợ tiếng lương tâm, Ông vẫn tỉnh bơ ra đi thực hiện ý định đen tối. Giuđa yên trí vì cho rằng không ai biết được ý đồ xấu xa của Giuđa.

Giuđa phản bội Chúa vì Giuđa không sống trong sự liên đới, trong sự hiệp thông thánh thiện đối với nhóm 12. Giuđa bị hư đi. Giuđa đã xúc phạm nặng nề tới Chúa. Chương trình cứu rỗi của Chúa dù không có Giuđa phản bội thì nó vẫn được thực hiện. Người bị loại trừ là chính Giuđa.

Xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ phản bội Chúa bởi vì sống trong tội là phản bội lại Chúa. Chúng ta hãy mau mắn xin Chúa thứ tha mỗi lần chúng ta lỡ lầm phạm tội.


THỨ TƯ THÁNH
GIUĐA TUYỆT VỌNG VÌ SỐNG KHÔNG HIỆP THÔNG
Mt 26, 14-25

Tin mừng của Thánh Matthêu hôm nay cũng gần giống với đoạn Tin mừng của Thánh Gioan hôm qua chỉ khác nhau một vài chi tiết nhỏ. Cả hai Tin Mừng, cả hai đoạn Phuc Âm này diễn tả một phần câu chuyện diễn ra tại nhà Tiệc Ly : báo trước một trong mười hai môn đệ sẽ trao nộp Chúa Giêsu.

Trong nhóm 12 , riêng Gioan biết chắc mình không phản bội Chúa và Giuđa biết mình phản bội Chúa. Chúa đã xác nhận khi Ngài trao bánh cho ai thì đó là người phản bội.

Đối với người Do Thái trong bữa ăn, ai quý mến người nào thì chính người ấy trao miếng bánh riêng cho người mình quý mến, giống như người Việt Nam quý ai, gắp đồ ăn cho người đó !

Giuđa khi nhận ra lỗi lầm của mình, Ông đã tuyệt vọng vì Ông không tin lòng nhân từ, thương xót của Chúa, do đó, Ông đã chọn cái chết tuyệt vọng, xa lánh đôi mắt nhân từ của Chúa và tránh sự trách móc, khinh bỉ của anh em, của những người khác.

Vâng, Giuđa đã tuyệt vọng, Ông không giống Phêrô và Phaolô…Phêrô và Phaolô đã hoàn toàn tin vào tình thương của Chúa, tin vào sự tha thứ của Chúa, nên hai Ông đã được cứu thoát. Giuđa đã tuyệt vọng, đã tìm cái chết vì không tin Chúa có thể cho Ông cơ hội may để trở về. Giuđa đã sống ngoài sự liên đới và không gì là mầu nhiệm hiệp thông.

THỨ NĂM THÁNH
CHÚA GIÊSU RỬA CHÂN và THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
TRONG SỰ HIỆP THÔNG, CHIA SẺ VÀ PHỤC VỤ

Ga 13, 1-15

Chiều thứ năm thánh trong nhà Tiệc ly, tập tục của người Do Thái ăn bánh không men. Chúa Giêsu và các môn đệ ăn bữa tiệc cuối cùng trong một căn phòng rộng rãi nơi một gia đình ở Giêrusalem mà Phêrô và Gioan đã mượn được. Bữa tiệc đúng theo truyền thống và tạp tục cổ truyền của người Do Thái. Bữa tiệc có tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen với những bài đọc Thánh Vịnh. Đang ăn và đúng vào giữa bữa, Chúa Giêsu bộc bạch tâm sự, biểu lộ niềm xúc động tột cùng vì đây là bữa cuối cùng Ngài dùng bữa Vượt Qua với các môn đệ, bởi vì sau bữa ăn này, Chúa sẽ bị bắt do sự đồng lõa phản bội, chỉ điểm của một môn đệ và rồi Ngài sẽ bị đóng đinh, bị chết vào ngày hôm sau. Chính trong bữa ăn đầy tình cảm, đầy xúc động này, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ và gửi lại cho các môn đệ những lời trăn trối đầy yêu thương, đầy chân tình :” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em “. Nói những lời chân tình xong, Chúa Giêsu còn muốn dạy các môn đệ một bài học cụ thể, sống động nhưng hết mực khiêm nhường là rửa chân cho các môn đệ. Qua hành động rửa chân, việc làm của những người nô lệ. Chúa muốn dạy các môn đệ và nhân loại bài học khiêm tốn, yêu thương và phục nhau, dù làm những công việc hèn hạ nhất.

Rửa chân xong, Chúa tiếp tục ngồi vào bàn tiệc và dạy dỗ tiếp bài học yêu thương. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng tột bực, trước giờ chia lìa và cũng trong ý nghĩa yêu thương, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ một kỷ vật quí nhất là chính Mình Máu của Người và đồng thời truyền cho các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ tới Ngài. Vâng, trong bữa tiệc lịch sử này, Chúa đã dùng bánh biến thành Mình của Ngài và dùng rượu nho để biến thành Mảu của Ngài. Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống đời sống thần linh của nhân loại và ban quyền linh mục cho các môn đệ.

Chiều nay, làm lại những việc Chúa Giêsu đã làm xưa, chúng hiểu sâu xa hơn ý nghĩa hiệp thông và mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Vì hiệp thông chia sẻ với nhân loại, Chúa đã gánh tội lỗi của nhân loại, đã hy sinh chịu chết vì nhân loại hoàn toàn vì yêu.Do đó, chúng ta khi tham dự nghi lễ rửa chân và thiết lập Bí tích Thánh Thể, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được sống hiệp thông với nhau, đoàn kết và yêu thương nhau để yêu thương và phục vụ nhau cách hữu hiệu.

THỨ SÁU THÁNH
CHÚA CHẾT THAY CHO CHÚNG TA
Ga 18, 1-19, 42

Ngày thứ sáu thánh đối với nhân loại, đối chúng ta là một ngày thật đáng ghi nhớ. Đây là ngày thật tốt đẹp bởi hôm nay là ngày Chúa chết. Chúa chết không phải bị oan uổng, không phải vì bất công, nhưng ngày thứ sáu thánh, Chúa đã hoàn tất công trình cứu độ của Chúa. Đúng, đây là cao điểm nhất của cuộc đời Chúa Giêsu. Chết mới nói lên lời. Chúa bị đóng đinh trên thập giá vì Ngài vâng lệnh Chúa Cha, Ngài muốn như thế. Cái chết của Chúa có một mục đích. Mục đích thật cao cả :” Chúa chết để cứu chuộc mọi người. Chúa chết để đem lại sự sống mới và hạnh phúc cho con người, cho loài người “. Chúa muốn chết thay cho mọi người, chết thay cho chúng ta. Chúa biết con người cần Ngài, nhưng Ngài lại yêu thương con người trước, Ngài cứu chuộc con người trước khi con người nhận biết mình được diễm phúc ấy.

Hy tế đồi Golgotha, chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu. Và cũng chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu tình thương vô biên của Chúa. Đáng lẽ chúng ta phải chết vì phạm tội, vì phản nghịch, nhưng chính chúa lại chết cho chúng ta được sống và được sống hoàn toàn tự do. Chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và yêu thương con người bằng cách đem Chúa đến cho họ.

Thập giá vẫn vút cao. Chúng ta hãy nhìn lên thập giá để xin Chúa thứ tha tội lỗi và hiểu rõ lòng Chúa yêu thương, nhân hậu đối với chúng ta như thế nào ! Thập giá diễn tả mầu nhiệm hiệp thông và mầu nhiệm tình yêu. Hãy sống hiệp nhất, đoàn kết, yêu thương vì nơi thập giá ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.

THỨ BẢY THÁNH
IM LẶNG ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG MỒ CHÚA
Mt 28, 1-10

Sáng thứ bảy và cho tới chiều thứ bảy thánh, toàn vũ trụ như chìm ngập trong sự im lặng. Chúng ta im lặng để chiêm ngưỡng cái chết thánh thiêng của Chúa, để suy tôn xác thánh của Chúa. Tất cả mọi việc của chúng ta hầu như chìm trong im lặng. Bên mộ Chúa, mọi sự hầu như đã hoàn tất. Nhưng người không tin cho rằng :” Chúa đã chết “ ( Dieu est mort ! ). Nhưng trong sự im lặng ấy như ngầm chứa mầm sống mới mãnh liệt.

Tuy nhiên, vào đêm nay đêm vọng Phục Sinh, tất cả bốn Tin mừng đều nhất loạt diễn tả biến cố sống lại của Chúa. Các thánh sử nhất trí với nhau về ba điểm này : Thứ nhất, Chúa sống lại là vào sáng sớm ngày Chúa nhật. Thứ hai, mộ trống. Thứ ba,Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra nhiều lần minh chứng Ngài đã sống lại, các môn đệ là những chứng nhân về sự sống lại của Chúa.

Chúa đã sống lại thật “ Alléluia “ và trong đêm thánh hôm nay, Giáo Hội và chúng ta cử hành suy tôn Chúa Kitô là ánh sáng. Ánh sáng phá tan bóng tối. Ánh sáng phá tan sự chết. Chúa sống lại là ánh sáng khải hoàn trên tối tăm của sự ác và cua3 tội lỗi.

Sống hiệp thông yêu thương, hiệp nhất là hình ảnh tuyệt vời của những người tin mang ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng bùng lên phá tan xích xiềng của tội lỗi và sự chết !
 
Học yêu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:48 22/03/2012
Chúa Nhật V Mùa Chay B

“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta” (Gr 31,33). Chắc hẳn Lề luật mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).

Một trong những khao khát đượm tình hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với các vua chúa xưa nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”(Ga 12,25 ). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.

Quy luật của tình yêu đã được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hoà bình: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chắc hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Đã là quy luật thì có tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh nhiên dễ thấy, dễ nhận ra. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5,9), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là yêu thương.

Yêu thương không hẳn chỉ là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy người điếc được nghe… Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, nếu chỉ cho đi những gì mình có bằng khả năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.

Yêu thương cách đích thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể: “Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực thi ý Người” (x.Tv 40). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai, Đấng từ trời mà xuống, để sống kiếp “không chỗ tựa đầu”(x.Lc 9,58). Vì yêu thương Chúa Giêsu đã đau xót đến tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân phận Con Thiên Chúa của mình bằng cái án bất công và cái chết ô nhục trên thập giá. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”(Lc 23,37). Người vẫn ở đó, trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.

Mất những tất cả gì mình có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi cái điều tồi tệ ấy khi được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt hình thành.

Đã yêu là phải tuân thủ quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình lẫn kẻ bách hại mình.
 
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 31
VietCatholic Network
09:12 22/03/2012
Trong nhiều bài đọc sắp sửa vào tuần Thánh, chúng ta thấy Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Con Thiên Chúa và bị các Thượng Tế đi đến quyết định tìm giết Ngài. Trong nhãn quan của họ, Chúa Giê-su là người phạm thượng. Ðể tự bào chữa cho mình, Chúa Giêu Su đã chỉ về Chúa Cha là Ðấng đã sai Ngài. Ngài thách đố với những người đối nghịch, nếu không thể chấp nhận lời của Ngài thì ít ra hãy nhận ra những việc Ngài làm.

Thánh Gioan thường diễn tả kẻ thù của Chúa Giê-su là người "Do Thái". Dĩ nhiên, phần lớn những nhân vật trong các sách Phúc ¬ là người Do Thái- Chúa Giê-su, mẹ Ngài, các môn đệ của Ngài, nhiều người chấp nhận Ngài, nhiều kẻ khước từ Ngài. Nhưng Thánh Gioan thường dùng thuật ngữ "Người Do Thái" để chỉ cách đặc biệt tới các vị thượng tế là người chống đối Chúa Giê-su. Rất tiếc, những câu của Thánh Gioan về sự đối nghịch hung tợn của "người Do Thái" đối với Chúa Giê-su, đôi khi được coi là một trình bày tiêu cực đối với tất cả người Do Thái. Qua bao nhiêu thế kỷ, hình ảnh bị xuyên tạc đã được dùng để bào chữa cho phong trào bài Do Thái- đôi khi đưa hậu quả nghiêm trọng.

Công Ðồng Vaticanô 2 và các Giáo Hoàng trong các thời kỳ gần đây đã cố công chỉnh đốn sự hiểu lầm này và cổ võ kính trọng tới người Do Thái, cả về cá nhân lẫn thập thể. Năm Thánh 2000, khi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị tông du Thánh Ðịa, trong lễ tưởng niệm Người Do Thái bị tàn sát, Ngài đã tuyên bố: "Tôi đảm bảo với người Do Thái rằng Giáo Hội Công Giáo. ... buồn sâu xa do sự hận thù, những hành động tàn sát và biểu lộ phong trào bài Semit nhắm trực tiếp tới người Do Thái của các Kitô hữu tại bất cứ thời nào và bất cứ nơi nào.

Cũng tương tự như vậy Ðức Giáo Hoàng đã chủ sự buổi cầu nguyện đại kết xin tha thứ tại Vatican vào năm Thánh 2000. Ngài nói lên vai trò của tổ phụ Abraham là cha của đức tin của mọi Kitô hữu, cùng với sự kiện là nhiều Kitô hữu đã gây đau khổ cho con cháu Abraham. Trong lời cầu nguyện, Ngài "xin Chúa sự thứ tha", "chúng con ước nguyện tự cam kết để có tình anh em chân thật với con người của giao ước".

Người Do Thái vẫn luôn là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa sẽ không rút lại giao ước và lời chúc lành của Ngài trên họ. "Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý" (Rm 11:29). Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để liên kết mọi tâm hồn Kitô hữu và các người Do Thái tại mọi nơi được tình anh em chân thật.

"Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng con vì những đường lối khiến cho các thành kiến đột nhập vào tâm khảm chúng con. Xin cho chúng con biết gieo tình thương vào nơi oán thù, biết xây dựng tình anh em vào nơi chia rẽ giữa tất cả người Do Tháo và Kitô hữu".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Đức Mẹ Maria dẫn vào Tuần Thánh
+GM Gioan B Bùi Tuần
14:48 22/03/2012
1. Mùa chay năm nay khác các mùa chay trước đây. Khác ở chỗ mùa chay năm nay có nhiều báo động. Báo động ở nhiều lãnh vực.

Riêng trong lãnh vực đạo đức, báo động được coi là khẩn cấp và nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến nỗi những người có trách nhiệm dám quả quyết: Nếu không chấn chỉnh đạo đức, sẽ không tránh được những sụp đổ có liên quan đến Non Sông và Dân Tộc. Đó là một báo động công khai trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Còn trong Hội Thánh Việt Nam, chính tình hình thực tế về đạo đức hiện nay đang là một báo động. Một chiếc xe đứt thắng, đang trên đường nguy hiểm, bên bờ vực thẳm, thế mà các người trong xe vẫn ngủ ngon, người lái xe vẫn say mê nghe nhạc chiến thắng, đó chính là hình ảnh về tình hình đạo đức ở một số nơi. Hình ảnh đó là một báo động khẩn cấp.

Chính bản thân tôi cũng đang cảm nhận sâu sắc một sự thực đau buồn, mà thánh Phaolô xưa đã tự thú: “Sự thiện tôi muốn làm, thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

2. Nhận thức đúng về một tình hình có nhiều báo động không cho phép chúng ta dửng dưng vô cảm.

Nhưng tôi cảm thấy mình quá yếu đuối, để có thể cứu vãn được tình hình. Với tâm tình khiêm tốn và khó nghèo, tôi chạy lại bên Đức Mẹ Maria. Mẹ dẫn tôi vào Mùa Chay, đặc biệt là Tuần Thánh của Mẹ. Tuần Thánh là thời gian đề cao việc Chúa cứu chuộc nhân loại.

Mẹ nói với tôi một cách nhẹ nhàng. Đúng hơn là Mẹ không nói, mà chỉ chia sẻ tâm tình. Một sự chia sẻ không thực hiện bằng lời nói, mà bằng cảm nhận tự sâu thẳm đáy lòng.

3. Chia sẻ bao trùm và tập trung nhất, mà Mẹ ban cho tôi, đó là sự cứu độ chỉ đến từ Chúa Giêsu. Mẹ giúp tôi tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Trong chương trình cứu độ, Chúa Giêsu chú ý nhất đến sự cứu nhân loại khỏi xiềng xích tội lỗi và án phạt ghê gớm do tội lỗi gây nên. Công việc cứu thế của Người là chuỗi dài những lời nói và việc làm khuyên dạy người ta mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Đỉnh cao nhất của công trình cứu độ là sự Chúa Giêsu tự nguyện dâng mình làm của lễ trên thánh giá.

Sự tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, khi trở thành một sự sống thiêng liêng được Đức Mẹ chia sẻ cho, đã làm cho tôi gắn kết mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Tôi bước theo Người, là tôi cầu nguyện như Người cầu nguyện. Tôi bước theo Người, là tôi dâng mình làm của lễ như Người đã dâng mình.

4. Khi Chúa Giêsu đã trở thành trung tâm đời sống của tôi, tôi hiểu dễ dàng hơn thái độ của Mẹ, khi Mẹ theo Chúa Giêsu vác thánh giá, và khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá.

Thái độ của Mẹ trong suốt thời gian Chúa Giêsu, Con Mẹ, phải chịu khổ cực, là thinh lặng, một sự thinh lặng anh hùng và thánh thiện.

5. Mẹ thinh lặng trước những lời nói hung hăng và những quyết định độc ác của các thượng tế, luật sĩ đối với Chúa Giêsu. Không những Mẹ không một lời phản đối, thách thức, chửi rủa họ, Mẹ còn nuốt những đớn đau và nhục nhã vào lòng đầy yêu thương của Mẹ. Yêu thương của Mẹ cũng là yêu thương của Chúa Giêsu. Một yêu thương sẵn sàng tha thứ. Yêu thương đó cũng còn là cầu nguyện cho những kẻ làm khổ mình. Hơn thế nữa, yêu thương đó lại âm thầm đền tội thay cho những kẻ bắt bớ mình. Thinh lặng như thế là một thái độ rất tích cực, góp phần cứu độ những gì coi như không thể cứu độ bằng những phương tiện tự nhiên. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại không lời mà bao sâu thẳm.

6. Mẹ thinh lặng trước sự thay lòng đổi dạ của quần chúng. Quần chúng là đám đông đã tưng bừng đón mừng Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem mấy ngày trước đó. Quần chúng là từng trăm ngàn người đã được nghe những lời chân thật yêu thương Chúa giảng, đã được thấy những phép lạ giải cứu đầy xót thương của Chúa, đã được chia sẻ cuộc đời thánh thiện của Chúa. Nhưng quần chúng đông đảo đó đã để mình bị khích động một cách dễ dàng. Họ đã nông nổi nghe theo nhóm quyền lực xấu, để hò hét lên án Chúa Giêsu. Mẹ không trách họ. Mẹ thinh lặng để cho những làn sóng vô ơn bạc nghĩa tràn vào lòng Mẹ. Lòng Mẹ vẫn dạt dào yêu thương, tha thứ. Lòng Mẹ vẫn cầu nguyện và đền tội thay cho những kẻ lỗi lầm. Như thế thinh lặng của Mẹ là một thái độ tích cực, chứa đầy ơn cứu độ. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại âm thầm của trái tím dâng hiến.

7. Mẹ thinh lặng trước tình trạng coi như phá sản của 12 tông đồ. Mẹ không mắng trách họ. Mẹ đón nhận cảnh tan rã thê thảm của các tông đồ vào lòng Mẹ. Lòng Mẹ vẫn dịu dàng xót thương. Lòng Mẹ vẫn rộng mở, chở che những người con yếu đuối lỗi lầm. Lòng Mẹ vẫn quảng đại, sẵn sàng đền tội thay cho đàn con khờ dại. Như thể, thinh lặng của Mẹ là một thái độ tích cực, có sức thánh hoá. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại dịu dàng của tấm lòng hiền mẫu.

8. Mẹ thinh lặng trước bản án sai trái của quan Philatô và trước những độc ác của quân quốc thi hành bản án đối với Chúa Giêsu. Mẹ có thể phản kháng. Mẹ có thể nguyền rủa. Mẹ có thể xin Chúa trừng phạt những kẻ lạm quyền. Nhưng Mẹ đã thinh lặng. Mẹ để cho những độc ác của các quyền lực đâm nát trái tim Mẹ. Mẹ đau đớn. Nhưng trong đau đớn, Mẹ vẫn yêu thương tha thứ, vẫn dâng mình đền tội thay cho mọi tội nhân. Như thế, thinh lặng của Mẹ là một thái độ rất tích cực, chứa đầy ơn thánh cứu độ. Thinh lặng đó là một thứ chọn lựa anh dũng cao thượng, vượt trên mọi đối thoại trần gian.

9. Với những chia sẻ trên đây, Đức Mẹ dẫn tôi tới La Salette. Nơi đây, Đức Mẹ đã hiện ra dưới hình ảnh một người phụ nữ ngồi khóc. Mẹ khóc vì tội lỗi loài người. Mẹ khóc vì loài người sẽ không tránh được hình phạt do tội lỗi, nếu loài người không ăn năn sửa mình.

Trong tâm tình cảm tạ, tôi xin nói ngay là: Chia sẻ của Đức Mẹ đã làm cho tôi thức tỉnh. Tôi nhận ra mình thực sự hèn yếu. Tôi không thể tự cứu mình. Tôi càng không thể cứu được bất cứ ai. Huống chi tôi đâu có thể cứu được một tình hình Hội Thánh và Đất Nước. Nhưng Mẹ chỉ cho tôi cách đón nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Mẹ đã làm gương về cách đón nhận đó. Cách đó là yêu thương tự hạ trong cầu nguyện, sám hối và tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa.

Sự thinh lặng của Mẹ còn dạy tôi về sự nhã nhặn và sự kềm chế của tu đức. Sự thinh lặng của Mẹ nhắc nhở tôi chú ý nhiều đến sự thanh vắng nội tâm, kết hợp với Chúa Giêsu, lắng nghe Người, âm thầm bước theo Người, nhất là cùng với Người dâng mình làm của lễ trên thánh giá.

Số người đứng bên Đức Mẹ dưới chân thánh giá Chúa Giêsu ngày Chúa chịu nạn rất ít. Nhưng số người đó mỗi ngày mỗi tăng thêm. Xin hết lòng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã cho phép tôi được cùng với họ bám chặt lấy Đức Mẹ là nguồn sản sinh sự sống, niềm vui và lòng trông cậy.
 
Giao ước mới
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
19:38 22/03/2012
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY – NĂM B (Bài đọc 1: Jer 31, 31-34; Bài đọc 2: Dt 5, 7-9; Tin Mừng: Ga 12, 20-33)

Giao ước mới

Khi nói đến Mùa Chay, có lẽ tâm tình tự nhiên của từng người chúng ta là tâm tình sám hối. Chúng ta sám hối vì những lỗi phạm của chúng ta đối với Chúa và tha nhân, nhưng tôi thiết nghĩ, khi thiết lập Mùa Chay, Mẹ Giáo Hội còn muốn chúng ta nhớ đến một điều quan trọng hơn, đó là tình yêu của Thiên Chúa. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng và là nền tảng cho đời sống đức tin của mỗi người tín hữu chúng ta. Chính vì tin tưởng vào tình yêu, tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta mới có thể sám hối.

Tình yêu đó của Thiên Chúa đã được phụng vụ lời Chúa trong Mùa Chay diễn tả qua một loạt những giao ước mà Người đã ký kết với con người. Trước hết, khởi từ Chúa Nhật 1, lời Chúa trong sách Sáng Thế cho chúng ta thấy vì yêu thương, ngay sau trận lụt Hồng Thuỷ, Thiên Chúa đã đến lập với ông Noê một giao ước với dấu chỉ là cái mống trên bầu trời (x. St 9, 8-15). Và khi con cháu Noê, bội phản bất trung, Thiên Chúa lại tiếp tục chọn gọi tổ phụ Abraham và lập với ông một giao ước, để khởi đầu cho một dân tộc qua việc cứu sống Isaac mà bài đọc được trích từ sách Sáng Thế trong Chúa Nhật 2 đã nhắc lại (x. St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18). Và bước sang Chúa Nhật 3, với bài đọc được trích trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy: qua trung gian của Môisen, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel bản thập giới và lập với họ một giao ước tại núi Sinai. Với giao ước này, Thiên Chúa nhận họ làm dân của Người và Người sẽ là Chúa của họ (x. Xh 20, 1-17). Rồi trong Chúa Nhật vừa qua tuy không trực tiếp nhắc đến giao ước, nhưng Ký sự gia đã chứng tỏ Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành với giao ước Người đã hứa, khi tường thuật việc Thiên Chúa giải thoát dân Người khỏi ách lưu đày và đưa họ trở về Đất Hứa (x. 2 Ks 36, 14-16. 19-23).

Giao ước mới

Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước tình yêu mà Người đã thiết lập với con người mà dân Chúa là đại diện. Thế nhưng, con người lại luôn bội phản và bất trung. Do đó, lời Chúa hôm nay loan báo Người sẽ thiết lập một giao ước mới với dân, Chúa phán: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai Cập”.

Đây là một giao ước đặc biệt vượt hẳn các giao ước mà Thiên Chúa đã lập với họ trước đó. Giao ước này đặc biệt, vì dấu chỉ của nó không phải là những hình thức xã hội, và bên ngoài như những giao ước trước đó. Thật vậy, nếu như giao ước với Noê là một cái mống trên bầu trời; giao ước với tổ phụ Abraham là một dấu cắt bì trên thân xác, còn giao ước với toàn dân thời Môsê là thập giới được khắc trên bia đá, thì giao ước mới này được khắc ghi vào trong tim, nghĩa là tận trong tâm khảm của từng người như lời Chúa phán: “Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel trong những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng”. Lúc đó “Người này sẽ không còn phải dạy ngươi nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta”. Như thế, với giao ước mới này, con người đạt đến một mối tương giao mới với Thiên Chúa, một mối tương giao không còn lệ thuộc vào các hình thức xã hội bên ngoài nữa, nhưng phát xuất từ chính con tim yêu thương của mình.

Lời loan báo về giao ước mới này của vị ngôn sứ cách đó hơn 600 năm nay đã trở nên hiện thực với sự xuất hiện của Đức Giêsu. Máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá đã thực sự trở nên máu của giao ước mới, giao ước của tình yêu. Một tình yêu dám chấp nhận chết đi để cho người mình yêu được sống, giống như hạt giống chấp nhận mục nát để có thể thu hoạch một mùa lúa dồi dào, sung mãn.

Như thế, lời loan báo “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới…” trong Cựu ước giờ đây đã trở nên ứng nghiệm với lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Đây là “giờ” của thập giá, nhưng cũng là giờ Đức Giêsu thực hiện giao ước mới. Giao ước này giúp từng người chúng ta đến trực tiếp với Chúa Cha, chứ không cần qua một trung gian nào khác, như lời Ngài hứa: “Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”.

Hơn nữa, nếu như các giao ước trước đây chỉ dành riêng cho dân Do thái, thì giao ước mới được ký bằng Máu của Đức Kitô được mở rộng cho hết mọi người không trừ một ai. Điều này đã được thánh sử Gioan diễn tả cách khéo léo khi nói có mấy người Hy Lạp, tức là những người dân ngoại, lên dự lễ muốn gặp Đức Giêsu. Cảm nghiệm được giá trị phổ quát của ơn cứu độ do bởi Giao ước mới được thiết lập bằng Máu của Đức Kitô, tác giả thư Do thái đã nói: “Khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người”.

Tóm lại, vì yêu thương, Thiên Chúa đã đến lập giao ước với con người và Người mãi mãi trung thành với giao ước đó như lời khẳng định của thánh Phaolô trong thư gởi cho Timôthê: “Nếu ta bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình Ngài”

(2 Tm 2, 13). Lòng trung thành của Thiên Chúa mời gọi từng người chúng ta cũng phải trung thành với Thiên Chúa như vậy.

Sống giao ước mới

Trước hết, đối với Thiên Chúa, vào ngày chịu phép Rửa tội, tất cả chúng ta đã thề hứa “từ bỏ ma quỷ và những quyến rũ cùng những việc làm của nó”. Thế nhưng, với thời gian, chúng ta đã giữ lời giao ước này như thế nào? Có lẽ đây là thời cơ thuận tiện nhất để chúng ta xem lại việc này. Kế đó, mỗi lần xưng tội là mỗi lần chúng ta dốc lòng chừa, đó cũng là một giao ước giữa chúng ta với Chúa. Thế nhưng, ngay sau khi ra khỏi toà giải tội, chúng ta đã làm gì để thực hiện cam kết này của chúng ta với Chúa? Hay là lời hứa và quyết tâm dốc lòng của chúng ta với Chúa chỉ là giả dối?

Đối với những người sống đời hôn nhân. Vào ngày chúng ta cử hành lễ hôn phối, chúng ta đã tự nguyện cầm tay nhau để thề hứa trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh rằng: “Tôi nhận anh (em) làm chồng (vợ) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh (em) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng anh (em) mọi ngày suốt đời tôi”. Bây giờ, sau một năm, hai năm, mười năm, hai chục, ba chục năm… trong đời sống gia đình, chúng ta hãy thẳng thắn nhìn lại mình trước mặt Chúa để xem thử chúng ta có thật sự “chung thuỷ, yêu thương và tôn trọng” người bạn của mình trong suốt thời gian chung sống không?

Giờ đây, ý thức thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, mỗi người chúng ta hãy thực lòng sám hối và hiệp ý với tác giả Thánh vịnh nài xin Thiên Chúa: “Nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xóa tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa tôi tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy tôi sạch lâng tội ác”. Nhờ đó, chúng ta xứng đáng cử hành lại hiến tế lập nên giao ước mới của Đức Giêsu trên bàn thờ đây. Để rồi khi trở về nhà, với ơn Chúa trợ lực, từng người chúng ta sẽ mãi mãi trung thành với Thiên Chúa cho đến cuối đời. Amen.
 
Con đường hạt lúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:40 22/03/2012
Chúa nhật 5 mùqa chay

Con đường Chúa Giêsu đã đi qua là con đường hạt lúa: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái” (Ga 12,23-24).

Hạt lúa được gieo trên ruộng đồng. Hạt lúa mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn mùa gặt tương lai.

Nhìn một cánh đồng lúa xanh tươi, uốn lượn theo gió, trải dài trong nắng, căng tròn sức sống, ta nghĩ đến muôn vàn hạt lúa đã mục nát để lên xanh đồng lúa bát ngát.

1. Con đường hạt lúa Giêsu.

Từ khi nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm tự huỷ: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Như hạt lúa bị mục nát: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Như hạt lúa nẩy mầm, lớn lên, đơm bông sinh hạt: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Phúc Âm Marcô viết: “Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Chúa Giêsu nói, Người phải chịu nhiều đau khổ. Phải có nghĩa là bắt buộc. Những kẻ gây đau khổ cho Chúa là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.

Con đường Chúa đi, quá nhục nhã ê chề nên các môn đệ không thể chấp nhận. “Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,32-33). Chính bản thân Chúa sẽ như hạt lúa chịu nhiều đau thương tơi tả. Mục nát là chặng đường phải đi qua để có mùa gặt trù phú.

Con đường Chúa đi thật quá hãi hùng: “Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem…Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34). Con đường mở mang Nước Trời sao quá khổ đau, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đập. Hạt lúa Giêsu đã đi hết chặng đường đau khổ, mục nát trong cõi chết để đạt tới sự sống vinh quang.

2. Con đường hạt lúa các môn đệ.

Các môn đệ theo Chúa nên cùng đi trên con đường Chúa đã đi “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34). Thánh Phaolô kể về con đường đi của người môn đệ: “Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (CV 20,22-24). Người môn đệ của Chúa coi vinh dự là “đựơc thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô trở thành hạt lúa Tin mừng. Trải qua tiến trình đau khổ mục nát, thánh nhân đã đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.

Xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội, biết bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội lớn mạnh không ngừng “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu”. Từng thế hệ chứng nhân như những hạt giống tốt, chết đi trong lòng đất các nền văn hoá, và đã trổ sinh rất nhiều hạt lúa mới. Tất cả làm nên cánh đồng lúa thiêng liêng, mùa màng tươi tốt trong cuộc sống đạo và truyền giáo.

3. Con đường hạt lúa chúng ta hôm nay.

Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những con đường kiễu mẫu cho chúng ta đi theo.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Muốn sống một cách trọn vẹn, trổ sinh hoa trái tốt lành, ta phải chết đi cho bản thân mình. Chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả dối hận thù ghen ghét. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa đến sa ngã.

Định luật căn bản của sự sống là: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời” (Ga 12,25). Chết vì tình thương, vì hạnh phúc đồng loại, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin là những cái chết làm trổ sinh muôn ngàn nét đẹp cho đời.

4. Hạt lúa âm thầm và hạt lúa mục nát

Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: "Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).

Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá, thì “Hạt lúa phải mục nát đi” (x. Ga 12,24) là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:04 22/03/2012
CHÍN NGƯỜI ẤY ĐỀU LÀ NGU
N2T

Có một người nói với em của mình: “Ëm đi vào trong thành…”, nói chưa dứt lời thì người em bèn chạy như bay vào trong kinh thành, đi đến trước cổng huyện phủ thì gặp lúc quan huyện thúc giục giao nộp thuế. Mười người lý trưởng thì có một người không đến, chin người còn lại bèn xin người em này tạm thời thay thế điền tên vào.
Quan huyện không hỏi rõ trắng đen đem mười người đánh một người mười trượng.
Sau khi bị đánh thì người em này bèn chạy về nhà, người anh hỏi:
- “Em vào trong thành làm gì ?”
Người em đem chuyện đi vào trong thành bị quan huyện đánh mười trượng thuật lại cho người anh nghe, người anh nghe xong bèn cười, nói:
- “Đúng là thằng ngu”.
Người em không phục bèn nói:
- “Lẽ nào chin người kia cũng ngu !”

Suy tư:
Con người ta có người tính tình hiền lành, nên đi đâu ai cũng dễ thân thiện; có người tính tình cộc cằn, nên ít người làm bạn bè quen thân; có người tính tình lập dị, nên không ai muốn cộng tác mà chỉ đứng xa mà nhìn; có người tính tình không nóng không lạnh nên người ta nói là người ba phải…
Trong đời sống tu đức của người Ki-tô hữu cũng thế, có người phạm tội giống như ăn cơm ngày ba bữa mà lương tâm không hề áy náy; có người choi chuyện mánh mung lợi dụng anh chị em mình để leo lên bậc cao trong xã hội hoặc trong Giáo Hội mà không hề cảm thấy bất an; lại có người thường hay bất mãn ghen ghét khi có ai đó khen ngợi người khác trước mặt mình.v.v…tất cả những hạng người trên đều thiếu vắng trong tâm hồn mình một chữ yêu, đó là yêu Chúa và yêu người…
Không ai muốn mình là người ngu cả, nhưng những người biết phân biệt hạnh phúc thiên đàng và hạnh phúc tạm bợ ở trần gian, mà vẫn cứ thích cái tạm bợ chóng qua thì không phải là người ngu sao ?
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:05 22/03/2012
N2T

25. Người gần gủi với Thiên Chúa, thì nhất định phải bị thử thách của cám dỗ.

(Thánh Albert the Great)
 
Tình yêu của Đức Kitô xua tan bóng tối
Lm Jude Siciliano, OP
23:27 22/03/2012
CHÚA NHẬT V CHAY (B)
Giêrêmia 31: 31-34 Tv 51 Do Thái 5: 7-9 ; Gioan 12: 20-33

Người đọc Kinh thánh đều đặn sẽ nhận thấy chủ đề lập đi lập lại trong toàn bộ kinh thánh Cựu ước và Tân Ước: sự lầm lỗi và yếu đuối của con người. Thực ra, chúng ta chẳng cần đọc Kinh thánh mới thấy điều này chính trong phận con người chúng ta. Chúng ta thấy lầm lỗi và yếu đuối trong chính mình và thế giới quanh ta. Đôi khi cảnh tượng này có thể khá nghiệt ngã và chán nản.

Một hôm, tôi đọc truyện đọc nửa chừng của câu chuyện trong tờ tin hằng ngày. Nó nói về một cuộc đánh bom thảm sát, nạn nhân là những thường dân ở Afghanistan. (Hôm nay, tin tức cho hay một binh lính tại đó tiếp tục việc sát hại điên cuồng khiến 16 người dân, kể cả trẻ em thiệt mạng!) tôi vừa hay được một cuộc đấu súng ở Juarez, Mexico. Những kẻ này đã dùng vũ khí lậu mua từ biên giới Mỹ. Những trang thương mại đã không còn chỗ nữa. Người ta bàn về mô hình Ponzi khác đưa đến những thất bại trong việc cứu sống các nạn nhân. Tôi tự hỏi, phải làm gì, chỉ đọc truyện tranh thôi sao – và chẳng còn gì nữa? không xem truyền hình nữa? không lên Internet nữa?

Kinh thánh không biện minh cho tình trạng mỏng giòn của chúng ta. Chẳng hạn, ngôn sứ Giêrêmia cảnh cáo Giuđa rằng dân Babilon sẽ phá hủy đất nước vì Giuđa đã phá bỏ Giao ước với Thiên Chúa. Dân Babilon đã đến, đánh chiếm đất nước và bắt dân làm nô lệ. Yếu đuối và lầm lỗi con người, cùng với những hậu quả cay đắng - chẳng có gì mới mẻ trong đó cả.

Tuy nhiên, có một đề tài bao quát khác xuyên suốt toàn bộ Kinh thánh. Sau khi chỉ rõ sự bất trung của dân, ngôn sứ Giêrêmia cho biết điều Thiên Chúa sẽ thực hiện. Nó được khởi đi bằng liên từ “nhưng” và công bố rất rõ ràng rằng cho dù tội của họ có thế nào, Thiên Chúa vẫn ký với dân một giao ước mới. Thiên Chúa không ruồng bỏ chúng ta, nhưng Người vẫn trở lại với những kế hoạch yêu thương mới.

Chúng ta đang ở trong mùa Chay và, nếu chúng ta luôn cầu nguyện và phản tỉnh, chúng ta vẫn có thể đón nhận những đường lối mà chúng ta đã kết ước với Thiên Chúa. Trong đoạn văn cổ điển hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia cho chúng ta niềm hy vọng – chẳng có gì chúng ta thực hiện hay không thực hiện có thể làm cho Thiên Chúa không hiện hữu trong chúng ta. “…Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Kinh thánh cho thấy Thiên Chúa dường như rất hay tha thứ và cứ mỗi lần như vậy chúng ta lại được nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ “không nhớ” đến lỗi lầm của chúng ta nữa. Chúng ta sẽ tín thác vào Lời Chúa và đón nhận sự tha thứ từ Thiên Chúa, Người không chấp tội chúng ta?

Các bài đọc trong thư Hippri nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giêsu không phải là một tạo vật thuộc thế giới khác được cải trang như một con người. Người không sống bên ngoài thế giới xác phàm, tách khỏi đau khổ và những giới hạn. Nhưng, Người mang lấy tình trạng con người, cùng chia sẻ phận người với chúng ta – kể cả cái chết. Thực vậy, Người đã “kêu lớn tiếng” khi cầu nguyện với Chúa Cha; như cách chúng ta làm khi cuộc sống đè bẹp chúng ta. Tiếng kêu của Người kêu lên cùng với nước mắt. Dù cho Thiên Chúa nghe lời khẩn nguyện của Người, thì vẫn không giải thoát Người khỏi đau khổ. Người đã cầu nguyện, không xin tránh khỏi đau khổ, nhưng Tình yêu Thiên Chúa sẽ ngập tràn trong Người. Và Thiên Chúa đã ra tay.

Dù chúng ta muốn nó điều ấy khác đi thế nào, thì khi chúng ta chấp nhận thập giá và lối sống của Đức Giêsu, chúng ta cũng không thể tránh khỏi đau khổ. Nhưng thư Hippri cũng khuyên khích chúng ta khi đón nhận thập giá, chúng ta sẽ được biến đổi tâm trí nên giống tâm trí Đức Giêsu. Thánh Phaolô cũng nói chúng ta được đào luyện trong Đức Kitô và mặc lấy tinh thần của Đức Kitô; đó là, chúng ta sẽ nghĩ và hành động hướng đến tha nhân như Đức Kitô (Pl 2,1-11).

Xuyên suốt Tin mừng Gioan, Đức Giêsu đã nói rằng “giờ” của Người chưa đến. Người không lúc nào cũng nhìn lên mặt trời để đếm thời gian. “Giờ” của Người ám chỉ đến giờ vinh quang, khi Người về cùng Cha bằng hành trình trải qua đau khổ, cái chết và phục sinh. Hôm nay, Người công bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Điều gì đã khiến Người công bố vào lúc này? “Những người Hy lạp”, từ thế giới văn hóa cổ Hy lạp (đại diện cho thế giới bên ngoài Do thái giáo), đã tìm đến Người. Ở câu trước những người Pharisêu đã thành thật nói ra: “Thấy chưa, các ông chẳng làm nên trò trống gì cả. Kìa Thiên hạ theo ông ấy hết!”)

Nhưng việc đến được với thế giới Dân ngoại sẽ chỉ diễn ra sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. “hạt lúa mì” trước hết phải chết đi mới sinh được “nhiều hạt” khác. Cả nhân loại sẽ được cứu nhờ cái chết và sự tuyên dương của Đức Giêsu. Thiên hạ đến tìm kiếm ánh sáng trong bóng tối và chúng ta, được thắp sáng bằng niềm tin của mình, miễn là ánh sáng qua sự hy sinh của chính chúng ta cho hạnh phúc của tha nhân. Điều Đức Giêsu nói với chính Người, cũng là nói với các môn đệ: “ Hạt lúa mì phải chết đi mới sinh nhiều hạt khác”. Vì vậy, những người Dân ngoại mà hỏi xin “gặp Đức Giêsu”, sẽ khám phá ra ánh sáng của Người trên chúng ta và họ sẽ “thấy” Chúa.

Đức Giêsu nói rằng ai muốn phục vụ Người phải đi theo Người. Làm thế nào chúng ta đến được với Chúa vinh quang? Không phải qua các hiện tượng hay phép lạ, nhưng trước hết bằng việc đón nhận Tin mừng và rồi, đáp trả điều chúng ta nghe, qua một đời sống phục vụ và chết đi cho chính mình. Đức Giêsu dạy rằng chúng ta đánh mất cuộc sống mình khi chúng ta bám vào nó và dành được cuộc sống khi chúng ta từ bỏ nó. Người đang mời gọi các môn đệ hãy đi theo con đường phục vụ của Người trong vinh quang.

“Vinh quang Thiên Chúa” ở đây có nghĩa là khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa, đầu tiên, bị ẩn dấu. Chúng ta nhìn vào những nơi lầm lỗi bằng những mong ước lầm lỗi. Tin mừng mời gọi chúng ta hãy nhìn Thiên Chúa chiếu sáng nơi khổ hình thập giá của Đức Giêsu; Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta bằng yêu thương phục vụ cho nhân loại. Chúng ta không muốn biến đau khổ đau khổ của Đức Giêsu ra như một điều lãng mạn. Người đã chết trong bạo lực và tàn nhẫn. Những thế lực của bóng tối đã tiêu diệt Người. Tuy nhiên, trên thập giá, thế giới bóng tối đã bị tình yêu của Đức Kitô đánh tan.

Trái với tất cả trực giác thông thường và những kết luận hợp lý của chúng ta, Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy theo Người cả khi những đường lối của Người xem ra ngờ nghệch và thất bại. Để thuộc về Đức Kitô có nghĩa là sẵn lòng tham dự vào “giờ” của Người để biết rằng sự phục sinh, ra như không thể xảy ra được, lại là vinh quang chung quyết mà chúng ta sẽ chia sẻ. Chúng ta, được thanh tẩy trong sự sống và cái chết của Đức Kitô, có cái nhìn phục sinh. Chúng ta không ngại ngần bước theo Đức Giêsu chết đi cho mỗi ngày vì chúng ta “thấy” kết cục của câu truyện rồi - sự phục sinh của Người và của chúng ta.

Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp


5th SUNDAY OF LENT (B)
Jeremiah 31: 31-34 Psalm 51 Hebrews 5: 7-9 ; John 12: 20-33

A regular Scripture reader will notice a repeating theme throughout both Testaments: that of human sin and failure. Actually, we don’t need to read the Bible for that insight into our human condition. We meet sin and failures in ourselves and the world around us regularly. At times the picture can be quite grim and discouraging.

The other day I stopped reading the daily newspaper mid-story. It was about another suicide bombing with civilian victims in Afghanistan. (Today news came of a soldier there who went on a killing spree and killed 16 civilians, including children!) I had just finished reading about a shoot-out in Juarez, Mexico. The gangs used weapons smuggled across the border from America. The business pages were no refuge, they spoke of another Ponzi scheme resulting in losses of victims’ life savings. What to do, I wondered, just read the daily comics – and nothing more? Not watch any television? Not turn on the Internet?

The Scriptures don’t whitewash our broken condition. For example, Jeremiah had warned Judah that the Babylonians would destroy the nation because Judah had forsaken her covenant with God. The Babylonians did come, defeated the nation and took the people off to slavery. Human sin and failure, with resulting bitter consequences – nothing new in that.

However, there is another motif throughout both Testaments. After naming the people’s infidelity the prophet Jeremiah introduces what God will do. It begins with "But" and pronounces quite clearly that despite their sin, God is going to make a new covenant with the people. God doesn’t give up on us, but keeps coming back with new proposals of love.


We are well into Lent and, if we have been praying and reflecting, we have probably been made aware of ways we have fallen short in our covenant with God. In today’s classic passage Jeremiah offers us hope – nothing we have or haven’t done can turn God away. "… I will forgive their evildoing and remember their sin no more." God seems to do a lot of forgetting in the Bible and once again we are reminded God will "remember" our sin no more. Shall we trust God’s Word and receive forgiveness from our God who takes on a willing amnesia for us?

Our readings from Hebrews reminds us that Jesus was not an other-worldly creature disguised as a human. He did not live above the world of the body, detached from suffering and limitation. Instead, he took on our human state sharing with us our common lot – even unto death. Indeed, he prayed with "loud cries" to God; the way we do when life presses us down. His cries were accompanied by tears. His prayers, though heard by God, did not spare him from suffering. He may have prayed, not to escape suffering, but that God’s love would support him in it. And God did.

As much as we would like it to be otherwise, when we accept the cross and Jesus’ way of living, we cannot escape pain. But Hebrews also suggests to us that by accepting the cross we will be transformed into the mind and heart of Jesus. Paul would say we are educated in Christ and have put on the mind of Christ; that is, we will think and act towards one another like Christ (Philippians 2:1-11).

Throughout John’s Gospel Jesus had been saying that his "hour" had not yet come. He wasn’t continually looking up at the sun to reckon the time. His "hour" refers to his hour of glory, when he would return to his Father by his passage through suffering, death and resurrection. Today he announces, "The hour has come for the Son of Man to be glorified." What caused him to make that announcement at this time? The "Greeks," from the Hellenistic world (representing the world beyond Judaism), had come seeking him. In the preceding verse the Pharisees spelled it out, "See, this is getting us nowhere. Look how the whole world has gone after him!")

But the outreach to the Gentile world would only happen after Jesus’ death and resurrection. The "grain of wheat" must first die in order to produce "much fruit." All humanity will be saved by Jesus’ death and glorification. The world comes looking for light in its darkness and we, illumined by our faith, provide that light by the sacrifice of ourselves for the well-being of others. What Jesus said of himself, is also said of his followers, "The grain of wheat must die in order to produce much fruit." Then the Gentiles, who asked, "to see Jesus," will discover his light in us and they will "see" the Lord.

Jesus says that those who wish to serve him must follow his path. How do we gain access to our glorified Lord? Not primarily through the occasional phenomena of visions and miracles, but first by accepting the gospel and then, in response to what we have heard, by a life of service and dying to self. Jesus teaches that we lose our life when we cling to it and win our life when we are ready to give it up. He is inviting his disciples to follow his path of service into glory.

The "glory of God" here means discovering the presence of God who, at first, is hidden. We look in the wrong places with the wrong expectations. The gospel invites us to see God shining forth in Jesus’ crucifixion; God shown to us in loving service for all humankind. We don’t want to romanticize Christ’s suffering. He died in a cruel and agonizing way. The forces of darkness crushed life out of him. Yet on the cross the world’s darkness was defeated because of Christ’s love.

Contrary to all our usual instincts and logical conclusions, Christ invites us to follow him even when his ways seems foolish and defeated. To belong to Christ means a willingness to participate in his "hour" so as to come to know that resurrection, as improbable as it may seem at times, is the final glory in which we will share. We, baptized into Christ’s life and death, have resurrection-lens. We don’t shrink from following Jesus into the daily dyings because we already "see" the end of the story – his and our resurrection.
 
Maria, Mẹ tuyệt vời
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:55 22/03/2012
LỄ TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ
Lc 1, 26-38

Nói về Mẹ viết về Mẹ như thánh Bênađô sẽ không bao giờ đủ ( De Maria numquam satis ). Tuy nhiên, nói về Mẹ, viết về Mẹ lại là một thúc bách, một vinh dự và là niềm hạnh phúc của người môn đệ Chúa. Bởi vì, còn gì đẹp hơn khi đề cập và khi ca ngợi Mẹ của mình. Ngày lễ Truyền Tin, chúng ta để ra ít phút chiêm ngắm và tung hô Mẹ vì sự vâng phục của Mẹ qua lời xin vâng đã làm cho Con Thiên Chúa được cưu mang trong lòng trinh khiết của Mẹ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Người ta vẫn ngạc nhiên vì sự lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ vì chín tháng trước ngày lễ Giáng Sinh, Hội Thánh mời chúng ta chiêm ngưỡng biến cố lịch sử lớn lao trong kế đồ cứu rỗi của Thiên Chúa ( Économie du salut de Dieu ). Sứ thần Gabriel được Thiên Chúa sai tới với một trinh nữ tên là Maria, đã đính hôn với Giuse thuộc dòng họ Vua Đavít. Trinh nữ tuy đã đính hôn nhưng Người đã khấn giữ mình đồng trinh. Do đó, được sứ thần trình bày kế hoạch của Thiên Chúa, mặc dầu chưa hiểu rõ lắm, nhưng trinh nữ đã khiêm tốn chấp nhận lời đề nghị của sứ thần, và nhờ thế Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở giữa nhân loại.

Vâng, Maria đã nói lời xin vâng : “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói “ ( Lc 1, 38 ). Lời xin vâng của Mẹ Maria, các tin hữu xưa và nay vẫn so sánh với bà Evà bởi vì Mẹ Maria là Evà mới, Mẹ tuân phục Thiên Chúa, còn Evà cũ đã phản bội Thiên Chúa. Chính vì, thế lời xin vâng của Mẹ đã tác sinh nhân loại mới, còn việc bất tuân, phản bội Thiên Chúa của Ađam và Evà lại đem bất hạnh cho nhân loại và đem sự chết kinh hoàng của con người. Mẹ Maria vì vâng phục Thiên Chúa đã làm cho Mẹ trở nên Mẹ của một dòng dõi nhân loại mới, và chính Mẹ đã đản sinh cho nhân loại người Con Một của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô nguồn mạch sự sống.

Thiên Chúa đã ngỏ lời với Mẹ, ngày hôm nay và muôn thời, Ngài vẫn ngỏ lời và đối thoại với tất cả chúng ta bằng ngôn ngữ của con người với nhiều cung cách khác nhau. Mỗi người chúng ta hãy biết lắng nghe và nếu biết lắng nghe chúng ta cũng nhận ra Thiên Chúa đang ngỏ lời và làm cho chúng ta những điều thật kỳ diệu, lạ lùng và đáng trân trọng.

Mẹ Maria đã được tuyển chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa làm người và qua đó Mẹ cũng làm Mẹ của mỗi người chúng ta và cả một dòng dõi nhân loại mới được tác sinh bởi Đấng Cứu Thế Giêsu là nguồn sự sống mới. Mẹ Maria quả thực là Mẹ của nhân loại mới. Mẹ là Đấng tinh tuyền thánh khiết tuyệt vời bởi vì chính cung lòng ven tuyền của Mẹ đã cưu mang Chúa. Mẹ đã được diễm phúc cùng thánh Giuse nuôi dưỡng Chúa Giêsu nơi gia đình Nagiarét 30 năm ẩn dật của Chúa. Cả cuộc đời của Mẹ hiến trọn cho Chúa và dưới chân thập giá Mẹ đã hiến dâng Con Mẹ làm của lễ toàn thiêu dâng cho Chúa Cha và hiến tế để cứu chuộc nhân loại.
Mỗi lần đọc kinh truyền tin chúng ta sống lại mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa và mỗi lần đọc kinh kính mừng chúng ta cùng với sứ thần Gabriel kính chào Mẹ Nữ Vương Thiên Quốc.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người. Này chúng con tuyên xưng Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa thật và là người thật, xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.OBACE có mến Mẹ Maria không ? Tại sao ?
2.Mẹ Maria đã thưa gì với sứ thần Gabrien ?
3.Đồng trinh nghĩa là gì ?
4.Thánh Giuse giữ vai trò nào trong gia đình Thánh Gia ở Nagiarét ?
5.Bao nhiêu tuổi Chúa Giêsu ra đi giảng đạo ?


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ái Nhĩ Lan tiến tới ân sủng mới với một sức sống mạnh mẽ
Bùi Hữu Thư
08:28 22/03/2012
ROME, Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Giáo Hội Công Giáo Ái Nhĩ Lan bị tổn thương vì những tố cáo về lạm dụng tính dục trẻ em bởi các linh mục hay tu sĩ, vẫn còn biểu hiệu một sức sống mạnh mẽ, theo một bài phúc trình. Giáo Hội này đang ở trong giai đoạn canh tân.

Các kết luận của cuộc viếng thăm tông đồ được thực hiện tại Ái Nhĩ Lan bởi các phái viên Tòa Thánh đã được Toà Thánh công bố ngày hôm qua, 20 tháng 3, 2012.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã muốn có cuộc viếng thăm tông đồ này trong Thư Mục Vụ cho người Công Giáo Ái Nhĩ Lan ngày 19 tháng 3, 2010. Vào tháng 3 năm 2011, Tòa Thánh cho hay đã "hài lòng" về cuộc viếng thăm, nhưng vẫn còn chờ đợi để xem xét các phúc trình của Thánh Bộ Hồng Y và Thánh Bộ Giáo Lý.

Các phái viên Tòa Thánh đã làm việc với sự hợp tác của các giáo phận liên hệ. Họ đã tiếp xúc với các nạn nhân của các vụ lạm dụng tính dục bởi các giáo sĩ và các đại biểu của Uỷ Ban Quốc Gia bảo Vệ Trẻ Em trong Giáo Hội Công Giáo (Bureau national de l’Eglise catholique irlandaise pour la protection des enfants.) Họ cũng đã đến các chủng viện và dòng tu và gặp gỡ tất cả nhưng người họ yêu cầu.

Một trong những kết luận đầu tiên của họ là "sự dấn thân của Giáo Hội" Ái Nhĩ Lan trong việc ngăn chặn sự tái phát các tội phạm này.

Họ cũng công nhận là "sự nghiêm trọng của những thiếu sót xẩy ra là vì đã có sự kém hiểu biết và thiếu phản ứng của các giám mục và các bề trên các dòng tu trước những hiện tượng kinh khủng về lạm dụng trẻ em."

Cuộc điều tra cũng cho phép nhận định rằng: những bước tiến quyết định đã được thực hiện ngay từ thập niên 90."

Về các huấn thị của tài liệu "bảo vệ trẻ em" năm 2008, các phái viên đã nhận thấy là đây là "một dụng cụ hữu hiệu" để điều hành những vụ tố cáo một mặt, và mặt kia để xoa dịu cộng đồng Kitô hữu."

Tài liệu này cũng đề nghị "một sự hợp tác chặt chẽ với các chính quyền dân sự trong việc báo hiệu tức thì những vụ tố cáo và sự hợp tác thường trực với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin."

Tài liệu này đã được cập nhật hóa theo Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 3 tháng 3, năm 2011.

Một điểm tích cực khác: là việc làm của Uỷ Ban Quốc Gia Bảo Vệ Trẻ Em (National Board for Safeguarding Children).

Cuối cùng, "hướng dẫn tạm thời" của tài liệu được biết là hữu ích cho trường hợp của các linh mục và tu sĩ bị tố cáo nhưng chưa bị pháp luật kết tội, hay đối với những người bị cáo oan.

Về vấn đề cải tiến phẩm chất của việc đào tạo chủng sinh, các phái viên đề nghị "tăng cường trách nhiệm của các giám mục trong việc điều hành các chủng viện," là ban hành "các tiêu chuẩn thâu nhận rõ rệt hơn," là đảm bảo cho có những chỗ ở dành riêng cho các chủng sinh, và một sự đào tạo vững mạnh về "các đề tài liên quan đến việc bảo vệ các trẻ em."

Mặc dầu bị tổn thương về những tai tiếng này, Cộng đồng Công Giáo cũng đã bầy tỏ "một sức sống thường trực của đức tin của người dân Ái Nhĩ Lan."

Phúc trình cũng cho hay có những đường lối để có sự hiểu biết tốt đẹp hơn về đức tin, về sự gia tăng giá trị của sự tham gia của giáo dân, về sự đóng góp của các phong trào và các hiệp hội, và sự trung thành với giáo huấn của hội thánh.

Cuối cùng, cùng với giáo hội Ái Nhĩ Lan, Tòa Thánh đã bắt đầu suy nghĩ về sự cải tổ cấu trúc của các giáo phận, sao cho phù hợp với việc đáp ứng sứ mệnh của Giáo Hội tại Ái Nhĩ Lan.

Một giai đoạn của việc canh tân Giáo Hội Ái Nhĩ Lan phải là Đại Hội Thánh Thể Thế Giới, sẽ được tổ chức tại Dublin vào tháng sáu sắp tới này.
 
Tình trạng sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ra sao?
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
08:50 22/03/2012
VATICAN - Về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng luôn được người trong đạo lẫn ngoài đời suy đoán. Bây giờ tình trạng sức khỏe của Ngài sẽ bị ảnh hưởng nhiều trong chuyến đi Châu Mỹ Latinh được bắt đầu vào thứ sáu 23/3/2012: Áp suất không khí ở độ thấp tại Mexicô tác dụng không tốt cho một cụ già với độ tuổi gần 85 (sinh ngày 16/4/1927). Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh khẳng định mới đây: "Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng tốt".

Tuy nhiên dựa vào những thông tin của những người làm việc gần Đức Giáo Hoàng chúng ta được biết Ngài đang có vấn đề về đau đầu gối và vấn đề về mắt.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đạt đến một độ tuổi cao niên, thông thường ở độ tuổi này với một chương trình làm việc hằng ngày luôn dầy đặc cũng như nặng nề về thể xác lẫn tinh thần, chỉ cần một cơn ho nhẹ hoặc bị cảm cúm là sẽ bị soi mói hoặc suy đoán về sức khỏe của Ngài.

Trước khi chuyến đi đến thăm Mexicô và Cuba, Đức Giáo Hoàng sẽ không ghé thăm thủ đô Mexicô (Ciudad de México, tiếng gọi Tây Ban Nha) mà bay thẳng đến thành phố Leon cũng đã gây ra nhiều suy đoán. Cha Federico Lombardi lại phải đưa tin: "Thực tế, ĐGH không di chuyển bằng xe đến thủ đô Mexicô, chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần – Ngài đã được tư vấn không nên ở lại tại một nơi chốn cao trên 2.000 mét trong một thời gian dài. Vì thế, một nơi đã được lựa chọn cho phù hợp, đó là thành phố Leon nằm ở độ thấp hơn".

Rõ ràng rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, sắp bước qua tuổi 85 phải ngồi trên máy bay kéo dài 14 tiếng đồng hồ, lại còn khác biệt rất lớn về khoảng cách thời gian sẽ làm cho cụ già này rất căng thẳng về sức khỏe. Bởi thế chẳng có chuyện lạ trong chuyến đi dài thì các chương trình nghị sự, gặp gỡ, dâng thánh lễ được tính rất kỹ càng bằng giây bằng phút. Trong chương trình cho cụ già gần 85 tuổi thường là có riêng một ngày nghỉ ngơi dưỡng sức - không có cuộc hẹn, sau khi đặt chân đến quốc gia thăm viếng. Cha Lombardi lại cho biết: "Đức Giáo Hoàng không có vấn đề về sức khỏe".

"Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hiện tại như thế nào? Rất tốt! Ngài thực sự khỏe khoắn. Ngài đang đạt đến một độ tuổi rất cao niên. Tuy nhiên Ngài hoàn thành các nhiệm vụ hằng ngày của mình cũng như các chương trình rất hiệu quả và rất đúng giờ. Bây giờ Ngài lại thực hiện chuyên Tông Du mục vụ rất dài và nặng nhọc. Điều này cũng có nghĩa là Đức Giáo Hoàng cảm thấy có khả năng để đối phó với những công việc trong tuổi già của mình. Tôi (cha Lombardi) nhận ra một dấu hiệu cho thấy Đức Giáo Hoàng đang làm tốt cho độ tuổi cũng như sức khỏe Ngài", Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh nhận định về sức khỏe của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.

Chương trình thăm viếng mục vụ đã được giảm bớt đi một nửa

Một điều chắc chắn, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không thích hợp đặc biệt cho khí hậu nhiệt đới. Cái nóng làm cho Ngài mệt nhọc, như đã nhìn thấy trong chuyến đi của Ngài đến Phi Châu vào tháng 10/2011. Chuyến đi đó gây ra mệt mỏi cho ĐGH, vì thế cuộc hành trình đến Châu Mỹ Latinh đã được thu ngắn xuống một nửa.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI biết chăm sóc sức khỏe của mình một cách thông minh và thận trọng hơn so với người tiền nhiệm của mình. Ngài ăn uống trong tầm kiểm soát, hầu như không bao giờ uống rượu, các món ăn chứa rất ít chất béo và chủ yếu là các món ăn nhẹ. Ngài cũng chú ý đến nhiều cách khác để gìn giữ sức khỏe của mình. Điều này có thể được nhìn thấy từ thực tế rằng các thánh lễ vào buổi tối ít được cử hành, tham dự các buổi hoà nhạc chỉ khi nào được tổ chức sớm vào đầu buổi tối và không kéo dài quá lâu.

Tuy nhiên, vấn đề về mắt của người cao niên thường xảy ra và Đức Giáo Hoàng cũng không tránh khỏi gặp phải. Điều gây ra sự lo lắng khi lần đầu tiên Ngài phải dùng xe đẩy (Pedana mobile, ngôn ngữ gọi bằng tiếng Ý) có tay vịn trong Đền Thánh Phêrô cách đây vài tháng lúc dâng thánh lễ đại trào. Sự kiện này làm cho chúng ta nhớ lại ĐGH Gioan Phaolô II đã sử dụng nó rất nhiều lần trong những năm cuối cùng khi Ngài không còn đi bộ được. Cha Federico Lombardi cho biết thời gian ấy chiếc xe đẩy này nhằm giảm bớt gánh nặng, khi ĐGH mang trên người những lễ phục phụng vụ từ những chất vải khá nặng.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn nhận các sự chăm sóc về sức khỏe

Phát ngôn viên Lombardi nhấn mạnh thêm một lần nữa: "Tôi không được phép tường thuật công khai về chẩn đoán sức khỏe. Tôi không làm như thế. Tôi đã nói: Ngài không có bệnh và không có chứng nhận của một bác sĩ để nói rằng: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không được phép đi lại".

Tuy nhiên dựa vào những thông tin của những người làm việc gần Đức Giáo Hoàng không có gì bí mật vì thực tế ĐGH đang bị viêm khớp và điều này nó gây ra sự khó chịu và đau đớn ở đầu gối bên phải. Ngài muốn nhận các sự chăm sóc về sức khỏe khi có thể. Biết rõ nhất về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, không ai hơn vị thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông George Gänswein đã cho biết cách đây vài ngày: "Ngài đã có những ngày làm việc mệt nhọc tại cuộc hội nghị công giáo. Hiện giờ có những cuộc triều yết thông thường. Bất cứ ai đã nghe thấy Ngài nói, nhìn Ngài đi lại như thế nào, thì không quá đỗi ngạc nhiên khi tôi nói rằng: ''Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tốt''.
 
Số liệu thống kê Giáo Hội tại Mexico và Cuba
Lã Thụ Nhân
15:40 22/03/2012
Số liệu thống kê Giáo Hội tại Mexico và Cuba

Vatican City (VIS) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ có chuyến tông du đến Mexico và Cuba từ ngày 23 đến 29 tháng Ba, để đánh dấu kỷ niệm 200 năm độc lập của Mexico, và 400 năm phát hiện bức ảnh "Nuestra Senora de la Caridad del Cobre" ở Cuba. Nhân dịp này, các số liệu thống kê đã được công bố liên quan đến Giáo hội Công Giáo hai nước. Thông tin được cập nhật vào ngày 31/12/2010 từ Văn phòng Thống kê Trung ương của Giáo Hội.

Mexico có diện tích bề mặt là 1.958.201 km vuông và dân số là 108.426.000, trong đó 99.635.000 (91,89%) là người Công Giáo. Có 93 địa hạt Giáo Hội, 6.744 giáo xứ và 7.169 trung tâm mục vụ của các loại. Hiện nay, có 163 giám mục, 16.234 linh mục, 30.023 tu sĩ, 505 thành viên tu hội đời, 25.846 giáo dân truyền giáo và 295.462 giáo lý viên. Số tiểu chủng sinh là 4.524 và đại chủng sinh là 6.495.

Tổng cộng có 1.856.735 học sinh tham dự 8.991 trung tâm giáo dục Công Giáo thuộc mọi cấp và 1.822 trung tâm giáo dục đặc biệt. Các tổ chức khác thuộc Giáo Hội được điều hành bởi linh mục hay tu sĩ ở Mexico bao gồm 257 bệnh viện, 1.602 trạm y tế, 8 trại phong, 372 nhà cho người già hoặc tàn tật, 329 trại trẻ mồ côi và nhà trẻ, 2.134 trung tâm tư vấn gia đình và trung tâm phò sự sống khác, cùng 340 tổ chức các loại khác.

Cuba có diện tích bề mặt là 110.861 km vuông và dân số là 11.242.000, trong đó có 6.766.000 (60,19%) là người Công Giáo. Có 11 địa hạt Giáo Hội, 304 giáo xứ và 2.210 trung tâm mục vụ các loại khác. Hiện nay, có 17 giám mục, 361 linh mục, 656 tu sĩ, các thành viên 24 tu hội đời, 2.122 giáo dân truyền giáo và 4.133 giáo lý viên. Số tiểu chủng sinh là 13 và đại chủng sinh là 78.

Tổng cộng có 1.113 học sinh tham dự 12 trung tâm giáo dục Công Giáo thuộc mọi cấp và 10 trung tâm giáo dục đặc biệt. Các tổ chức khác thuộc các Giáo Hội được điều hành bởi linh mục hay tu sĩ ở Cuba bao gồm 2 trạm y tế, 1 trại phong, 8 nhà cho người già hoặc tàn tật, 3 trại trẻ mồ côi và nhà trẻ, và 3 tổ chức các loại khác.
 
Tự do tôn giáo về phương diện văn hóa và pháp lý ở Hoa Kỳ
Vũ Văn An
18:16 22/03/2012

Mấy ngày nay, người ta thấy rộ lên ở Hoa Kỳ một hiện tượng chưa từng thấy, đó là cuộc đấu tranh quyết liệt của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và hết sức đoàn kết (lần đầu tiên trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ) của hàng giáo phẩm, chống lại chính sách của Chính Phủ Obama. Thoạt đầu, cuộc đấu tranh chỉ nhằm chống lại định nghĩa quá chật hẹp về tôn giáo trong chính sách y tế của Chính Phủ này. Nhưng rồi, do thái độ “lật lọng” đánh lộn con đen của Chính Phủ Obama, hàng giáo phẩm Hoa Kỳ “ngửi” thấy một âm mưu lớn hơn nhiều lấp ló đàng sau chính sách y tế mà nếu không cương quyết đấu tranh, nó sẽ biến thành mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho tự do tôn giáo nói chung. Vì thừa thắng sông lên, Obama nhất định sẽ áp dụng cùng một chính sách tồi bại ấy cho các lãnh vực cai trị khác nữa.

Tin tức mấy ngày gần đây cho thấy nhậy cảm của hàng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ là chính xác. Bởi thế các ngài đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tôn giáo khác và cả những người luôn ủng hộ Obama như Sơ Keehan cũng đang bắt đầu nhận ra cái ma quái của Chính Phủ này.

Nhận định về cuộc đấu tranh này, George Weigel, tác giả lừng danh của cuốn tiểu sử về Chân Phúc Gioan Phaolô II, có nhận định như sau, trong một bài báo, tựa là “Tự do tôn giáo: không phải chỉ có Pakistan hay Trung Quốc”:

Khoảng 30 năm trước đây, tôi đã dành khá nhiều thì giờ cho các vấn đề tự do tôn giáo: là điều, trong thời kỳ đơn giản ấy, chỉ có nghĩa là cố gắng xoi mói tin tức về các linh mục và nữ tu ở “Trại Thường Trực 36” và các quần đảo gulag khác. Năm 1982 mà bạn bảo tôi rằng một trong các “khách hàng” của tôi, linh mục Dòng Tên Sigitas Tamkevicius, năm 2012, sẽ là Tổng Giám Mục Kaunas của một Lithuania tự do, thì tôi sẽ cho là bạn quá lạc quan. Còn nếu lúc đó, mà bạn lại bảo tôi rằng rồi ra sẽ có những vấn đề nghiêm trọng về tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ, thì chắc chắn tôi sẽ cho bạn là thằng điên.

Ấy thế mà bạn lại đúng ở cả hai chuyện đó, mới khổ!

Nói cho ngay, người Hoa Kỳ có xác tín và lương tâm không chịu cùng một đe doạ từng biến Shahbaz Bhatti thành một người tử đạo tại Pakistan một năm trước đây. Những người Hoa Kỳ tin vào tôn giáo Thánh Kinh và các giáo huấn luân lý của nó không phải giáp mặt với áp lực khôn nguôi mà các Kitô hữu Trung Hoa thường phải giáp mặt vì họ khước từ không chịu nhìn nhận rằng Giáo Hội của họ là một phân bộ của nhà nước. Tuy thế, tự do tôn giáo quả đang bị tấn công tại Hiệp Chúng Quốc này. Cuộc tấn công ở cả lãnh vực văn hóa lẫn pháp lý. Thực là xấu hổ khi chính phủ hiện nay đang bảo hiểm cho cuộc tấn công đầu và là người chủ động chính của cuộc tấn công thứ hai.

Tôi cố gắng phát hiện một số khía cạnh văn hóa của vấn đề và đã khám ra mưu toan, trong đó người ta đang dựng lên cả một “đền thờ” trống vắng giữa lòng nền dân chủ Tây Phương, trong số báo xuân của tạp chí National Affairs qua một bài lấy tựa đề từ Sách Đanien: “Viết Tay Trên Tường” (sau ngày 21 tháng 3, bài này sẽ được posted lên liên mạng tại www.nationalaffairs.com.) Còn về cuộc tấn công pháp lý đối với tự do tôn giáo, bạn thử xem sét mấy điểm sau:

1) Chỉ thị gần đây của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản (HHS), tức chỉ thị buộc mọi chủ nhân (kể cả các định chế tôn giáo với quyền phản đối luân lý, và các chủ nhân thuộc khu vực tư có quyền phản đối luân lý dựa trên giáo huấn tôn giáo) phải làm dễ việc cung cấp phương tiện ngừa thai, triệt sản và các thuốc phá thai như Plan B và Ella cho các công nhân của họ, thực chất là một cố gắng khuất phục các xác tín tôn giáo phải theo ý muốn của chính phủ. Dưới chỉ thị này, chính phủ liên bang sẽ áp đặt cái hiểu của họ về “chăm sóc y tế phòng ngừa” lên toàn thể xã hội Hoa Kỳ. Và nếu điều đó chà đạp lên quyền tự do tôn giáo được long trọng ghi trong Tu Chính Án Thứ Nhất và các điều khoản của Đạo Luật Phục Hồi Tự Do Tôn Giáo, thì kệ xác, hay càng tốt, như chính phủ hình như tin vậy. Phần chắc là chính phủ sẽ thua trong cuộc tấn công bằng pháp lý này, nhưng chủ đích đứng đàng sau nhằm làm xói mòn tự do tôn giáo thì đã quá rõ ràng.

2) Cánh tay quá vươn dài một cách thô bạo của chỉ thị HHS thuộc cùng một loại với các chính sách khác của chính phủ, như chủ trương đáng lưu ý của Ủy Ban Cơ Hội Nhân Dụng Đồng Đều (EEOC) cho rằng các điều khoản về tôn giáo của Tu Chính Án Thứ Nhất không cung cấp bất cứ bảo vệ nào chống lại cánh tay của EEOC trong việc thuê các cơ sở hành nghề của các định chế tôn giáo. Tháng Giêng vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã hạ thủ chủ trương đó với tỷ số 9-0; như thế bức tường lửa hiến pháp vẫn còn đứng vững. Nhưng mưu chước của chính phủ muốn phá xập nó thì, một lần nữa, đã quá rõ ràng.

3) Bộ Tư Pháp đã khước từ không thi hành nghĩa vụ hiến định của mình để bênh vực Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (DOMA) của Liên Bang. Tại sao? Người ta có lý để kết luận rằng việc khước từ không thi hành điều luật pháp đòi chính phủ phải làm là dựa vào thoả hiệp của chính phủ với chủ trương của phe chỉ trích DOMA rằng: ủng hộ thực sự đối với hôn nhân truyền thống (chứ không ủng hộ bằng môi bằng mép như ông tổng thống vốn làm) là hành động cuồng tín vô lý, một sự vu khống mà dường như chính phủ sẵn sàng muốn gán cho những công dân Hoa Kỳ từng diễn hành ở Hoa Thịnh Đốn ủng hộ dân quyền và do đó đã làm cho việc bầu một người Mỹ gốc Phi Châu làm tổng thống trở thành việc có thể.

4) Rồi còn cái Bộ Ngoại Giao nữa, là Bộ hiện đang nói tới “tự do thờ phượng” hơn là nói tới “tự do tôn giáo” khi thảo luận về chính sách nhân quyền quốc tế của Hoa Kỳ. Cái thứ rỗng hóa (dumbing down) từ ngữ này quả tệ hại ở chỗ đủ để bỏ rơi những con người có lương tâm khắp nơi trên thế giới. Nhưng hiện nay, nó còn đang thấm dần vào cả chính sách nội trị nữa: Há những cố gắng được kể ra ở trên không phải là những điển hình cho thấy chính phủ đang rỗng tuếch hóa tự do tôn giáo và thu nhỏ nó lại thành quyền tư riêng như những quyền được giải trí cuối tuần?

Những câu hỏi ấy nên trở thành câu truyện đầu lưỡi từ nay đến ngày bầu cử.

Ngày mai: Viết Tay Trên Tường
 
''Khách hành hương Bác Ái'' tại Cuba
Bùi Hữu Thư
19:52 22/03/2012
Chủ đề của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Benedict XVI

ROME,Thứ năm 22 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI, "khách hành hương bác ái" (pèlerin de la charité), đã chọn Cuba như một trong các nơi chốn viếng thăm trong chuyến tông du tại Châu Mỹ La Tinh. Ngày ngài tới đây được dự trù là chiều thứ hai 26 tháng 3, tại phi trường quốc tế Antonio Maceo de Santiago ở Cuba. Ngay sau khi tới nơi, Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ nhân dịp kỷ niệm 400 năm ảnh tượng Đức Mẹ Bác Ái del Cobre (Notre-Dame de la Charité del Cobre) được khám phá.

Về việc này, nhật báo Granma , trong bài bình luận ngày 12 tháng 3 đã viết: "Quốc gia chúng ta sẽ vinh hạnh và nồng hậu đón tiếp Đức Thánh Cha và bầy tỏ với ngài, lòng yêu nước, nền văn hóa, tinh thần liên đới và nhân bản người dân Cuba đã có để xây dựng lịch sử và sự hiệp nhất của quốc gia họ."

Nhật báo này được coi là cơ quan chính thức của Uỷ Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản, đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp đón với cùng một cung cách, với tất cả tình thân hữu là cá tính của dân tộc chúng tôi, hàng vạn khách hành hương sẽ đến với chúng tôi trong những ngày chắc chắn đáng ghi nhớ này."

Báo Granma sau đó đã nhắc đến chuyến viếng thăm lịch sử của Chân Phước Gioan Phaolô II tại Cuba 14 năm về trước, và tuyên bố: "Chúng tôi đã tiếp đón Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với những tâm tình nồng hậu này. Ngay trước khi ngài rời nơi đây, ngài nhắc đến "cảm xúc sâu xa" chuyến viếng thăm này đã ghi dấu cho ngài, và đã cảm tạ sự đón tiếp nồng hậu dành cho ngài, và nói rằng đó là "biểu hiệu chân chính của tâm hồn Cuba."

Một tâm hồn Cuba đã bầy tỏ tất cả lòng yêu mến cho đấng họ gọi là "La Mambisa", vì đã được gọi như thế bởi các binh sĩ "mambises " trong chiến tranh dành độc lập, hay là "Cachita", một tên gọi trìu mến của chữ "charité" (Bác Ái).

Việc tôn kính Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, dưới danh hiệu Đức Trinh Nữ Bác Ái del Cobre, sẽ là một phần thiết yếu của chuyến hành hương của Đức Thánh Cha Benedict XVI trên đảo này.

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Jaime Ortega, tổng giám mục la Havane, đã gửi một điện văn cho dân Cuba qua đài truyền hình công cộng Cuba, trong đó ngài đề cập đến chuyến viếng thăm của Chân Phước Gioan Phaolô II, nói rằng chuyến viếng thăm đó "đã được mong đợi rất nhiều vì đó là lần đầu tiên một Giáo Hoàng đã đến Cuba."

Ngài cũng ghi nhận là tình hình đặc biệt của quốc gia này đã khiến cho toàn thế giới "đặc biệt chú ý đến chuyến đi đó", và những tâm tình biết ơn của Giáo Hội Rôma rất "tốt đẹp" nhưng cũng có rất nhiều sự "tranh luận", ngay cả đối với Hồng Y Ratzinger, là người đã "thâu lượm tất cả những gì là tiếng vang lớn trong chuyến thăm Cuba, và đã gìn giữ trong lòng."

Đức Hồng Y Ortega đã giải thích lý do Cuba được bao gồm trong hành trình này: " Đức Thánh Cha đã muốn bao gồm chặng đường này vì ngài đã luôn giữ trong lòng ước muốn đến nơi đây. Và ngài lại có một cơ hội độc đáo: ngày kỷ niệm 400 năm việc khám phá ảnh tượng Đức Mẹ Bác Ái del Cobre. Tại Cuba, đây là một Năm Thánh: người Cuba năm nay, đi hành hương tại Thánh Đường El Cobre để thăm thánh quan thầy Cuba, và Đức Thánh Cha cũng muốn chính mình được đến đây hành hương. Do đó ngài đã quyết định lấy chủ đề cho chuyến đi của ngài là "Khách Hành Hương Bác Ái" (Pèlerin de la charité).

Đức tổng giám mục la Havane tiếp: "Hàng trăm ngàn người Cuba, có thể tới hàng triệu, sẽ đến đây để gặp gỡ Đức Mẹ. Không phải là con số làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng là sự sùng đạo của dân tộc này: nghĩa là được thấy người dân Cuba đi ngoài phố làm dấu hay quỳ gối khi Đức Mẹ đi qua, và giơ hai tay lên trời cầu nguyện. Đức Thánh Cha đến để khẳng định các giá trị mà đức tin Kitô đã vun trồng trên quê hương chúng ta."

Tượng Đức Mẹ Bác Ái d’El Cobre, quan thầy của Cuba, đã được tìm thấy nổi trôi ngoài biển cách đây 400 năm, bởi ba người nô lệ làm thợ mỏ đồng (do đó có tên El Cobre nghĩa là đồng), họ đã mang Mẹ lên đất liền.

Ảnh tượng Mẹ Maria, sau đó trở nên Mẹ của dân tộc Cuba đã du hành trên khắp quốc gia giữa những tín đồ và người ngoại, sẽ tiếp nhận ngày 26 tháng 3 này Khách Hành Hương Bác Ái.
 
Top Stories
Catholic Church statistics for Mexico & Cuba
Vatican Information Service
08:29 22/03/2012
Pope Benedict XVI is due to make his apostolic trip to Mexico and Cuba from 23 to 29 March, to mark the 200th anniversary of the independence of Mexico, and the 400th anniversary of the discovery of the image of 'Nuestra Senora de la Caridad del Cobre' in Cuba. For the occasion the Vatican has sent us the latest Church statistics for the two countries.

Mexico has a surface area of 1,958,201 square kilometres and a population of 108,426,000, of whom 99,635,000 (91.89 percent) are Catholic. There are 93 ecclesiastical circumscriptions, 6,744 parishes and 7,169 pastoral centres of other kinds. Currently, there are 163 bishops, 16,234 priests, 30,023 religious, 505 members of secular institutes, 25,846 lay missionaries and 295,462 catechists. Minor seminarians number 4,524 and major seminarians 6,495.

A total of 1,856,735 students attend 8,991 centres of Catholic education of all levels and 1,822 special education centres. Other institutions belonging to the Church or run by priests or religious in Mexico include 257 hospitals, 1,602 clinics, eight leper colonies, 372 homes for the elderly or disabled, 329 orphanages and nurseries, 2,134 family counselling centres and other pro-life centres, and 340 institutions of other kinds.

Cuba has a surface area of 110,861 square kilometres and a population of 11,242,000, of whom 6,766,000 (60.19 percent) are Catholic. There are 11 ecclesiastical circumscriptions, 304 parishes and 2,210 pastoral centres of other kinds. Currently, there are 17 bishops, 361 priests, 656 religious, 24 members of secular institutes, 2,122 lay missionaries and 4,133 catechists. Minor seminarians number 13 and major seminarians 78.

A total of 1,113 students attend 12 centres of Catholic education of all levels and 10 special education centres. Other institutions belonging to the Church or run by priests or religious in Cuba include two clinics, one leper colony, eight homes for the elderly or disabled, three orphanages and nurseries, and three institutions of other kinds.

(Source: VIS)
 
Vatican Delegation to collect testimonies in Vietnam for Cardinal Thuan's beatification
Vatican Information Service
08:31 22/03/2012
ROME, MARCH 21, 2012 - The Church in Vietnam expressed hope for Cardinal Van Thuan’s speedy beatification.

“The bishops, the faithful, the whole Church in Vietnam, have great hopes for the success of the process of beatification of our beloved Cardinal Xavier Van Thuan. He was a special person, who lived the Gospel as the sole criterion of his life,” said Bishop Paul Nguyen Thai Hop, OP, the bishop of Vinh and president of the Justice and Peace Commission of the Vietnamese Episcopal Conference, to Fides on the eve of the arrival of a Vatican delegation of the Pontifical Council for Justice and Peace.

The delegation, which will be in Vietnam from March 23 to April 9, will collect testimonies on the life and work of Cardinal Francis Xavier Nguyen Van Thuan, which might be useful for his cause of beatification.

“The faithful are living the visit of the Vatican delegation with great joy and hope, with the certainty that the cardinal’s path to beatification will go ahead and will have a good outcome. Cardinal Van Thuan is a much loved figure,” Bishop Paul Nguyen Thai Hop said.

“His history and testimony are very important for the Vietnamese faithful. bishops, priests, women religious and laymen: a long list of persons will be received by the Vatican delegation,” he explained. “The Catholic community awaits this historic visit with great expectation, emotion and enthusiasm, hoping that a change will take place in the cause of beatification.”

This is how the bishop remembered the cardinal: “I often met with him when I was a professor at the Angelicum in Rome. Recalling the dark days of his captivity; he did not feel hatred but spoke with love of his enemies and persecutors.”

Among the testimonies the delegation will hear is that of the present archbishop of Hue, Stephen Nguyen Nhu The, a personal friend of the cardinal. The delegation will go to Saigon, in southern Vietnam (where Van Thuan was archbishop coadjutor). It will continue its work in the diocese of Nha Trang (where at 39 the cardinal was bishop in 1967). Then the delegation will go to the Archdiocese of Hue, the cardinal’s birthplace, where he was ordained a priest and was later vicar general, before continuing his studies in Rome. The investigation will end in Hanoi, where the cardinal was imprisoned and suffered house arrest.

His cause of beatification opened on October 22, 2010, following a proposal by the Pontifical Council for Justice and Peace, of which Van Thuan was president.
 
Vatican: Pope's Cuba trip should help democracy
Nicole Winfoeld/AP
08:34 22/03/2012
VATICAN CITY (AP) — The Vatican's No. 2 has dismissed suggestions that Cuba's Communist government could exploit Pope Benedict XVI's upcoming trip as a propaganda tool, saying the visit should help promote democracy on the island.

Cardinal Tarcisio Bertone, the Vatican's secretary of state, said he expects an outpouring of support for the pope because he is the head of the Catholic Church and that the visit will only make things better for the Cuban church.

"I don't believe the visit will be exploited by the government," Bertone told the Turin daily La Stampa in an interview published Thursday. "In fact, I think the government and Cuban people will do their utmost to welcome the pope and show him the esteem and trust that the leader of the Catholic Church deserves."

Benedict, 84, leaves Friday for a six-day trip that will take him first to Mexico, then to Cuba on March 26. It's Benedict's first trip to Spanish-speaking Latin America, and Pope John Paul II's shadow will be looming large, given his five visits to Mexico, which claimed the Polish pope as its own, and his historic 1998 trip to Cuba.

For starters, there's the question of a papal meeting with Fidel Castro. When John Paul visited, Castro shed his trademark olive-green fatigues for a suit and tie to greet the pope at the airport and they later met privately.

The 85-year-old revolutionary leader has since been replaced as president by his brother Raul Castro, who will handle the official protocol greetings and meetings this time around. While a Benedict-Fidel meeting isn't on the official agenda, it's widely expected.

Cuba's single-party, Communist government never outlawed religion, but it expelled priests and closed religious schools upon Fidel Castro's takeover of Cuba in 1959. Tensions eased in the early 1990s when the government removed references to atheism in the constitution and let believers of all faiths join the Communist Party.

John Paul's 1998 visit further warmed relations.

But problems remain. Despite years of lobbying, the church has virtually no access to state-run radio or television, is not allowed to administer schools, and has not been granted permission to build new places of worship. The island of 11.2 million has just 361 priests, many of them non-Cubans. Before 1959 there were 700 priests for a population of 6 million.

Bertone cited the school and building bans in the interview, saying it was an issue that had to be resolved.

"But after 14 years (since John Paul's visit) ... there's no doubt that the current visit of Pope Benedict XVI will help the process of development toward democracy and will open new spaces for the church's presence and activity," Bertone was quoted as saying.

In an interview earlier this week with Vatican Radio, Bertone spoke about the Mexico leg of the trip, saying Benedict would be bringing a message of hope particularly to young Mexicans confronting the country's violent drug war.

"The choice of Mexico without a doubt is a great act of love of the pope for Mexico, this great Latin American country, a great Catholic country in full development that is nevertheless confronting formidable problems, above all violence, corruption and drug trafficking," Bertone said.

He said the pope wants to urge young Mexicans to not be discouraged or be taken in by easy ways to make money but to instead "feel committed to making a solid, honest society."

More than 47,000 people have died in drug violence nationwide since President Felipe Calderon began a crackdown on drug cartels in December 2006.

Bertone also voiced opposition to abortion and gay marriage, both of which have been legalized in Mexico City by the leftist Democratic Revolution Party. Bertone said he expects the pope to refer to these issues, repeating the commandment "Thou shalt not kill" and church teaching that says marriage exists solely between man and woman.

Benedict's main activity in Mexico is an outdoor Mass on Sunday in Silao's Bicentennial Park that is expected to draw more than 350,000 people and will mark the 200th anniversary of the region's independence.

On Monday, he flies to Santiago de Cuba to mark the 400th anniversary of the discovery of the image of the Virgin of Charity of Cobre, Cuba's patron. He arrives in Havana on Tuesday and celebrates Mass in the capital's famed Revolution Plaza the following day before returning to Rome.

(Source: http://news.yahoo.com/vatican-popes-cuba-trip-help-democracy-133130773.html;_ylc=X3oDMTEwNmsxdHFjBF9TAzIwMjM4Mjc1MjQEZW1haWxJZAMxMzMyNDI1ODUw)
 
Vietnam: Les responsables de la communauté catholique de Thu Thiêm s’opposent à l’expropriation imminente de biens d’Eglise par les autorités municipales
Eglises d'Asie
08:40 22/03/2012
« Résister jusqu’au dernier souffle… Le pasteur n’a qu’une seule possibilité: conserver son troupeau avec son pâturage. Il n’a pas le droit de céder la terre de son troupeau à un autre, car il n’en est pas le propriétaire. Il lui a été demandé de le garder et non pas de le céder… » Telles sont les intentions et les convictions du P. Jean-Baptiste Lê Dang Niêm, curé de la paroisse de Thu Thiêm, dans le deuxième arrondissement de Saigon, face aux intentions des autorités de la ville,. ..

. .. qui ont programmé pour le mois de juin 2012 la disparition du quartier de Thu Thiêm avec ses pagodes, son église et son couvent de religieuses des Amantes de la Croix.


Ancien, le projet a déjà suscité de nombreuses protestations et s’est heurté à la résistance des responsables religieux (1). Il date du 27 décembre 2005 et vise à doter Saigon d’une zone urbaine ultramoderne de 7 km² qui aurait un rôle comparable à celui du quartier Pudong à Shanghai, en Chine populaire. Selon la planification déjà adoptée par la municipalité, Thu Thiêm est appelé à devenir le nouveau centre de la ville tant au point de vue commercial que financier. On y verra surgir des immeubles de 10 à 40 étages destinés à loger quelque 130 000 habitants et à abriter des centaines de milliers de touristes de passager. A peu près la moitié de la surface de la nouvelle zone urbaine serait occupée par des zones boisées et par les infrastructures routières.

Le projet a fait l’objet de nombreuses critiques de la part de spécialistes en urbanisme. Il prend le contre-pied du développement traditionnel de la ville, orienté jusqu’ici vers le Nord. Les plus forts reproches concernent la destruction du patrimoine culturel de Saigon qui sera la conséquence de la création de cette nouvelle zone urbaine.

Jusqu’à la moitié du XIXème siècle la région de Thu Thiêm, faisant face à la citadelle de Saigon sur l’autre rive de la rivière, était encore couverte de forêt, habitée par les bêtes sauvages et faisait office de refuge pour des criminels et autres marginaux en quête d’asile. Après la prise de Saigon par les Français, en février 1859, un grand nombre de chrétiens venus de divers lieux coururent s’y installer. Le nouveau pouvoir leur distribua des terres à des prix avantageux et leur offrit un terrain pour y construire une église. Ils constituèrent bientôt une forte communauté chrétienne. Elle compte aujourd’hui 4 000 fidèles. Situé aux frontières de la paroisse, le monastère des religieuses des Amantes de la Croix (dites de Thu Thiêm) est encore plus ancien que celle-ci. Il date sans doute des environs de 1840. Les 40 religieuses qu’il abrite se consacrent à l’instruction religieuse, à l’éducation, aux soins de santé et aux œuvres sociales. Aucune d’entre elles ne peut s’accoutumer à l’idée de quitter ce lieu où leurs sœurs se sont établies il y a plus d’un siècle et demi.

Les religieux bouddhistes, établis dans plusieurs pagodes sur le territoire de Thu Thiêm, font preuve du même esprit de résistance au projet municipal. Le Vénérable Thich Không Thanh, religieux bien connu, a rapporté sa réponse aux cadres venus lui demander de quitter les lieux: « Quel que soit le projet, des hommes viendront vivre sur les lieux et ils auront besoin de personnes au service de leur vie spirituelle. » Et il leur a rappelé la doctrine officielle du régime sur la religion: « La religion est un besoin légitime et durable du peuple » (1).

Cette opération foncière, de grande envergure, devrait rapporter d’énormes bénéfices à certaines entreprises. Récemment, le pasteur mennonite Nguyên Hông Quang a porté plainte contre la municipalité auprès du tribunal administratif de Hô Chi Minh-Ville, pour la réquisition du terrain sa paroisse. Il accusait en particulier un groupe financier travaillant pour la mairie de revendre le mètre carré de terrain réquisitionné à un prix 666 fois plus élevé que l’indemnisation accordée aux propriétaires dépouillés. Le tribunal administratif qui a siégé le 5 mars 2012 n’a pas tranché.

(1) VRNs, 20 mars 2012.

(Source: Eglises d'Asie, 22 mars 2012)
 
China-Vatican dialogue still difficult
AFP
16:08 22/03/2012
VATICAN CITY (AFP) - Dialogue between China and the Vatican remains difficult but progress can be expected over time, Cardinal Tarcision Bertone, the Vatican number two, told La Stampa newspaper on Thursday.

The Vatican has had no formal diplomatic ties with the Communist regime in Beijing since 1951, but relations improved slightly after Benedict XVI became pope in 2005.

Last year, however, the pope accused Beijing of pressuring Chinese bishops into separating from the Holy See.

"Dialogue isn't broken off, but it is sometimes difficult and switches on and off," Bertone said.

But "if one looks at the positive steps achieved, one cannot rule out, and one can even expect and encourage a positive meeting between the Catholic Church ... and the great Chinese people," he added.

The Vatican last year was angered by several ordinations carried out by the state-run Chinese Patriotic Catholic Association (CPCA), the official church, without papal approval.

China's Catholics are increasingly caught between showing allegiance to the CPCA or to the pope as part of an "underground" Church considered illegal by Beijing.
While official statistics put the number of Catholics in China at 5.7 million, independent sources say it is closer to 12 million.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
TGM Leopoldo thăm giáo xứ , Mông Sơn, Lào Cai và chủ tế Thánh lễ cung hiến nhà thờ Cốc Lếu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
08:47 22/03/2012
Thăm giáo xứ Mông Sơn

Ngày 19.03.2012, ĐTGM Leopoldo Girelli tới thăm giáo xứ Mông Sơn, giáo hạt Yên Bái, thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, giáo phận Hưng Hóa. Tháp tùng ĐTGM, có Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục Giáo phận Hưng Hóa, cha tổng đại diện Phêrô Phùng Văn Tôn, Cha thư kí Andrea, cha phiên dịch Giuse Nguyễn Trấn Hưng, giáo sư ĐCV thánh Giuse Hà Nội và quí cha văn phòng Tòa Giám Mục.

Được biết, sau khi kết thúc Thánh lễ khai mạc Năm Thánh, kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Lào Cai, ĐTGM quay trở lại tỉnh Yên Bái và thăm giáo xứ Mông Sơn. Với đoạn đường dài 150 km, đoàn phải đi mất 3 tiếng 30 phút bằng xe hơi. Giáo xứ Mông Sơn nằm trên địa bàn xã Mông Sơn, có 5 giáo họ và khoảng 2500 nhân danh. Đây cũng là giáo xứ nhập cư từ nhiều nơi tập trung đến khai khoang.

17h00: ĐTGM, Đức Cha và đoàn về tới giáo xứ Mông Sơn. Hàng ngàn người đã xếp thành hàng hai bên đường với những tràng pháo tay liên tiếp đón chào ĐTGM và phái đoàn. Các em chào đón ĐTGM bằng cách vẫy hoa. Trông thật đẹp!

ĐTGM vào nhà thờ viếng Thánh Thể. Cha Micae Nguyễn Tiến Quang, quản xứ Mông Sơn, có bài chào mừng ĐTGM. Cha nói lên niềm vui khi được đón ĐTGM và đoàn: “Cộng đoàn giáo xứ Mông Sơn chúng con hân hoan chào đoán ĐTGM Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh; Đức cha Gioam Maria, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa và quí cha tới thăm giáo xứ chúng con”

18h00: ĐTGM chủ tế Thánh Lễ kính Thánh Giuse. Đồng tế với ĐTGM, ngoài Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và quí cha trong đoàn còn có cha Phêrô Nguyễn Đình Đền, quản xứ Yên Bái. Hơn nữa, quí Dì dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa và khoảng 3 ngàn giáo dân tham dự.

Mở đầu bài chia sẻ, ĐTGM nói: “Tôi xin gửi lời chào thân ái đến Đức Giám mục của anh chị em. Tôi cảm ơn ngài đã mời tôi đến thăm giáo xứ (họ) Mông Sơn và đã nhân danh anh chị em, đón tiếp tôi bằng những lời chào đón nồng nhiệt”.

ĐTGM đã nói lên đức tin sống động của Thánh Giuse. Ngài chia sẻ: “Nơi thánh Giuse, đức tin không tách biệt với hành động. Đức tin luôn hướng dẫn cho hành động của ngài. Trong trách nhiệm của Chúa trao, ngài đã bước đi bên cạnh và để cho Thiên Chúa tự do hành động, không gây một trở ngài nào trên kế hoạch của Thiên Chúa. Cuộc đời thánh Giuse luôn vâng phục lời Thiên Chúa là một dấu chỉ sống động cho tất cả những người môn đệ của Đức Giêsu đang mưu tìm sự hiệp nhất trong Giáo Hội”.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí nghiêm trang và sốt sáng. Ai cũng vui mừng và hãnh diện vì được tận mắt chứng kiến vị đại diện Tòa Thánh. Nhiều người nói rằng: “Từ xưa cho đến giờ, tôi mới được tham dự Thánh lễ của người đại diện Đức Giáo Hoàng. Sao mà sốt sáng quá! Cám Ơn Chúa. Cám ơn ĐTGM”.

Thăm nhà thờ Cốc Lếu

Vào lúc 18g00 ngày 18.03.2012, ĐTGM Leopoldo Girelli chủ tế Thánh lễ Thánh hiến nhà thờ Cốc Lếu, tước hiệu Thánh Giuse Bạn trăm năm của Đức trinh nữ Maria. Cùng đống tế với ĐTGM, có Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục Giáo phận Hưng Hóa, cha tổng đại diện Phêrô Phùng Văn Tôn và 20 linh mục. Tham dự Thánh lễ còn có các tu sĩ nam nữ và khoảng 2 ngàn giáo dân đến từ nhiều giáo xứ trong và ngoài Giáo phận.

Nhà thờ Cốc Lếu được xây dựng năm 1999 do chính Đức cha Gioan Vũ Tất (khi còn làm cha xứ Lào Cai). Đây là nhà thờ thứ hai được xây trên mảnh đất này kể từ khi thành lập giáo xứ (1912-2012). Các nhà thừa sai Paris đã đến truyền giáo tại vùng đất này.

Cũng nên nhắc lại, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1897 khoảng 200 m2 theo kiến trúc gôtích. Nhưng vì chiến tranh Việt – Trung tháng 02 năm 1979, ngôi nhà thờ này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Để chào đón sự kiện quan trọng này, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất mời ĐTGM Leopoldo tới thăm và cung hiến nhà thờ. Đây là niềm vui rất lớn đối với mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ Lào Cai. Vì thế, giáo xứ chuẩn rất chu đáo.

Được biết, từ ngày 17 – 21.03.2012, ĐTGM Leopoldo Girelli - Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam tới thăm mục vụ tại Giáo phận Hưng Hóa. Đây là lần thứ 2 ĐTGM thăm Giáo phận Hưng Hóa. Nhân dịp này, ĐTGM còn thăm 6 giáo xứ: Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Mông Sơn, Chiêu Ứng và Hoàng Xá.

Sau ngày thứ nhất thăm giáo xứ Tuyên Quang và Yên Bái, ĐTGM đi thăm giáo xứ Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Một giáo xứ giáp ranh với Trung Quốc. Có thể nói Lào Cai là một giáo xứ gần biên giới nhất Việt Nam (cách con Sông Hồng).

Lịch trình ĐTGM đến giáo xứ Lào Cai:

13g00: đoàn khởi hành từ thành phố Yên Bái đến Lào Cai. Để tỏ lòng kính mến, giáo xứ Lào Cai đã cử người đón ĐTGM bắt đầu từ phần đất giáo xứ của mình (100 km). Khi về tới Bản Phiệt, cách giáo xứ khoảng 10 km, đoàn xe máy cầm cờ và xe hơi đón tiếp ngài.

15g30 phút: đoàn về tới nhà xứ Lào Cai, được giáo dân tiếp đón cách trọng thể. Theo thường lệ, ĐTGM vào nhà thờ hôn kính Thánh giá từ, sau đó rảy Nước Thánh lên dân chúng, chầu Thánh Thể và linh mục quản xứ đọc lời nguyện cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho ĐTGM. Sau đó, linh mục quản xứ chào mừng ĐTGM.

Trong bài chào mừng ĐTGM, cha quản xứ nói lên niềm vui sướng khi được ĐTGM đến thăm nhân dịp trong đại của giáo xứ: “Thật là vinh dự cho giáo xứ Lào Cai chúng con, hôm nay được Đức Tổng, đại diện Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đến thăm và chúc lành cho chúng con. Một điều hân hạnh hơn nữa, ĐTGM lại nhận lời đến dâng Thánh lễ Thánh hiến nhà thờ Cốc Lếu và khai mạc Năm Thánh, kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Lào Cai”.

Nghi thức cung hiến gồm 5 phần:

- phần thứ nhất: Hát kinh cầu các Thánh

- Phần thứ hai: Lời nguyện cung hiến

- Phần thứ ba: Xức dầu bàn thờ và tường nhà thờ

- Phần thứ tư: Xông hương bàn thờ và nhà thờ

- Phần thứ năm: Thắp sáng bàn thờ và nhà thờ

ĐTGM chia sẻ niềm vui của mình nhân dịp này: “Tôi rất vui được đến thăm Giáo phận Hưng Hóa lần thứ 2 và cũng đến Lào Cai thêm một lần nữa. Lần này có nhiều ý nghĩa hơn vì đúng dịp cung hiến nhà thờ Cốc Lếu và khai mạc Năm Thánh, kỉ niệm 100 thành lập giáo xứ”.

Lần đầu tiên giáo dân được chứng kiến Thánh lễ cung hiến nhà thờ tại giáo hạt Lào Cai xa xôi này. Mọi người chú ý lắng nghe và chăm chú từng cử chỉ của ĐTGM. Thánh lễ diễn ra rất sốt sáng.
 
Lễ cung hiến nhà thờ Hà Văn, giáo phận Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:01 22/03/2012
PHAN THIẾT - Nhà thờ Hà Văn, thuộc xã Đức Tín, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Từ ngã ba Ông Đồn về phía Tây Nam 30 km, dọc theo tỉnh lộ 713 là đến Giáo xứ Võ Đắt rồi rẽ trái vào Hà Văn.

Xem hình ảnh

Ngôi Nhà thờ xây dựng kiên cố, khang trang, xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa, nơi thánh hoá con người. Đó là niềm ước mong của nhiều thế hệ giáo dân Giáo xứ Hà Văn trải dài hơn 50 năm qua. Hồng ân diệu vợi Thiên Chúa ban tặng.Vui mừng và hân hoan cho toàn thể Giáo phận.

Sáng ngày 22.3.2012, Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết, Giuse Vũ Duy Thống đến cắt băng khánh thành, dâng lễ Cung Hiến Nhà Thờ kính Thánh Phêrô. Cùng đồng tế có hơn 60 linh mục trong và ngoài giáo phận,đông đảo tu sĩ và hàng ngàn quan khách ân nhân và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Hà Văn chung lời tạ ơn. Trời thật đẹp, nắng nhẹ, không khí trong lành.

Trải qua cuộc hành trình hơn nửa thế kỷ, lễ khánh thành là ngày hội lớn, là cột mốc lịch sử mới của giáo xứ. Ngôi Nhà thờ bề thế, xinh đẹp cùng với nhiều công trình xây dựng khác để cộng đoàn Dân Chúa nơi đây vui mừng hát lên tâm tình:Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng con vui mừng sung sướng triền miên.

Để có được như hôm nay, giáo xứ phải vượt qua bao thăng trầm, bao khó khăn thử thách. Ơn Chúa luôn dồi dào. Tình thương của Đức Mẹ luôn dạt dào. Tin vào sự quan phòng của Chúa thì mọi sự đều làm được nhờ Ơn Chúa. Cậy trông nơi Đức Mẹ thì tất cả đều là hồng ân.

Nhìn lại hành trình giáo xứ đã đi để thấy ơn Chúa, ơn Mẹ luôn bao bọc đỡ nâng.

Năm 1960, nơi đây là vùng rừng núi. Theo chương trình di dân của chính phủ đương thời, đồng bào gốc Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Hà Văn định cư lập nghiệp. Nhà nguyện nằm ở trung tâm miền đất mới.Năm 1975, thêm một số dân từ Huế, Đà Nẵng vào lập nghiệp ở Hà Văn.

Giáo họ Hà Văn thuộc Giáo xứ Võ Đắt. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé được cơi nới nhiều lần, và xuống cấp.

Ngày 01.10.2006, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan quyết định nâng Giáo họ Hà Văn lên hàng Giáo xứ thuộc hạt Đức Tánh, chọn Thánh Phêrô làm Quan Thầy. Giáo xứ có 4 giáo họ. Tổng số Giáo dân là:3153 người với 733 gia đình. Giáo xứ có 128 tín hữu người Dân Tộc.

Ngày 16.11.2006, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan bổ nhiệm cha Phanxicô Xaviê Đinh Quang Hùng về làm Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Hà Văn.

Với khả năng và nhiều năm kinh nghiệm phục vụ. Cha FX bắt đầu vào công việc mục vụ. Ngài cũng cố đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, rồi đến các giới các hội đoàn. Cơ cấu tổ chức của các BĐH, HĐMV đều được ngài khuyến khích sinh hoạt đều đặn. Mọi sinh hoạt đạo đức ở các Giáo họ được khởi sắc từ đây. Mỗi ngày Chúa Nhật có 4 Thánh lễ được cử hành trong Nhà nguyện nhỏ bé.

Sau thời gian ba năm phục vụ Giáo xứ, Cha FX thấy ngôi nhà nguyện xuống cấp, chật hẹp, cần phải xây dựng mới.

Vào ngày 22.02.2009, ngài đưa ra quyết định xây dựng Nhà thờ, bà con trong Giáo xứ thật phấn khởi. Tay nắm tay, lòng một lòng bắt đầu hành trình lấy cát, lấy đá chẻ và chuẩn bị một số VLXD cho công trình.

Ngày 19.11.2009, Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống đến cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên.

Ngày 20.12.2009, công trình bắt đầu xây dựng.

Qua thời gian nhiệt thành với công việc xây dựng, Cha FX bôn ba nhiều nơi để xin kinh phí. Từ Giáo phận Sài Gòn đến Giáo phận Nha Trang rồi về Giáo phận Phan Thiết. Các Giáo xứ sau đây đã giúp đỡ:

• Giáo xứ Chính Tòa Sài Gòn

• Giáo xứ Bắc Thành, Ba Làng, Phước Hải thuộc Giáo phận Nha Trang.

• Giaó xứ Chính Tòa, Vinh Tân, Hòa Vinh, Hiệp Nghĩa, Vinh Lưu, Thanh Hải, Thuận Nghĩa, Võ Đắc thuộc Giáo phận Phan Thiết.

• Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Bên cạnh đó, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Quý thân nhân, ân nhân xa gần trong và ngoài nước đã yêu thương cầu nguyện và giúp đỡ rất nhiều.

Lo toan cho công trình đang xây dựng, nên Cha FX đã lâm bệnh, bị tai biến, ngày 20.10.2011 ngài phải nhập bệnh viện ở Sài gòn. Lúc này, công trình đang dang dở. Các Cha và Thầy Sáu ở Giáo xứ Võ Đắc đến chăm lo đời sống thiêng liêng cho bà con giáo dân.

Giáo xứ tưởng chừng công việc xây dựng bị gián đoạn từ đây. Ai cũng sốt sắng cầu nguyện. Chúa quan phòng mọi sự. Cha FX được hồi phục, công trình lại được tiếp tục cho đến ngày hoàn thành.

Thời gian chuẩn bị và xây dựng Nhà thờ trải dài gần 4 năm. Giáo xứ đã đóng góp 11.500 công lao động và hơn 300 chuyến xe vận chuyển. Biết bao sự trợ lực của các ân nhân để Nhà thờ được hoàn thành. Nhà thờ mới có diện tích là 1000m2, với tháp chuông cao 40,5m. Ngôi Nhà thờ khang trang, dưới sự bảo trợ của thánh Phêrô “là đá tảng” nên công trình này có những đường nét của đá xây dựng với kết cấu hài hòa làm nên vẻ đẹp nghệ thuật đá.

Tất cả là hồng ân, là ân tình, là ơn sâu nghĩa nặng, là hoa thơm trái ngọt của tình thương. Hồng ân ấy mãi mãi đốt nóng và thắp sáng tâm hồn mọi thành phần Dân Chúa giáo xứ Hà Văn, để cuộc sống ngày ngày rung lên điệu nhạc tri ân cảm tạ. Tối qua, giáo xứ cũng đã tổ chức đêm diễn nguyện bày tỏ tâm tình tạ ơn xuyên suốt dọc dài lịch sử.

Nhà thờ là nơi cầu nguyện và cử hành các Bí tích. Nhà thờ là kho tàng của ân sủng chuyển thông sự sống thiêng liêng. Nhà thờ mới khang trang và lòng người cũng phải mới để mỗi anh chị em tín hữu Hà Văn xây dựng đền thờ tâm hồn xứng đáng cho Chúa ngự. Kính dâng lên Thiên Chúa, lên Mẹ Hội Thánh ngôi Nhà thờ mới và xin phúc lành Thiên Chúa qua bàn tay của Đức Giám Mục cùng lời nguyện cầu của Dân Chúa trong ngày lễ cung hiến, làm cho ngôi nhà này chan chứa hương thơm của Đức Kitô hầu lan toả đến mọi người.

Ước mong ngôi Nhà thờ mới luôn là một bằng chứng cao đẹp và sống động của đức tin, đức ái và hiệp nhất của giáo xứ.

Cầu chúc anh chị em giáo xứ Hà Văn đón nhận sự sống dồi dào nơi Chúa Kitô và cho đi sự sống ấy một cách phong phú qua mọi nẻo đường phục vụ.
 
Đã có 2 nhân chứng cho án phong chân phước ĐHY FX.Nguyễn Văn Thuận
Tiền Hô
08:56 22/03/2012
Huế - Ngày 21 Tháng Ba 2012 (Agenzia Fides) - Giáo Hội Việt Nam đang xúc tiến công việc thu thập chứng cứ liên quan đến án phong chân phước cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được sự khuyến khích của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, nơi mà ngài từng làm chủ tịch. Một nguồn tin địa phương cho Fides biết, trong số các lời khai tại Tổng giáo phận Huế (miền trung Việt Nam), đã có hai phụ nữ (một nữ tu và một nữ giáo dân) khai rằng họ đã được chữa lành bệnh qua sự can thiệp của Đức Hồng Y.

Fides có thể tóm tắt hai câu chuyện như sau. Nữ tu Maria Đỗ Thị Lan, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho biết vào năm 2009, chị đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật khó khăn cho đôi mắt. Các bác sĩ không đảm bảo rằng thị lực của chị sẽ được khôi phục và có nguy cơ bị mù. Chị Maria nói: “Tôi cầu nguyện với Đức Hồng Y và rồi đôi mắt của tôi đã được chữa lành mà không cần phẫu thuật nữa".

Cũng tại Tổng giáo phận Huế, bà Maria Lê Thị Thân (70 tuổi) là một giáo dân thuộc giáo xứ Thạch Hãn đã nằm liệt giường hơn 40 năm qua vì một hội chứng thuộc về dây thần kinh. Bà đã cậy trông vào lời cầu nguyện và cầu bầu của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Đến thời gian gần đây, bà đã chữa lành để tiếp tục cuộc sống bình thường, làm việc hàng ngày mà trong nhiều thập kỷ qua bà không thể làm được.

Huế là nơi mà Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được sinh ra, lớn lên và được thụ phong linh mục. Ngài cũng giữ chức hiệu trưởng Chủng viện Hoan Thiện và chức Tổng Đại Diện của giáo phận này.

Việc thu thập các nhân chứng muốn nói về nhân đức và công việc của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận do Tòa Giám Quản Rôma chỉ định, là giai đoạn cấp giáo phận của tiến trình phong chân phước cho ngài. Trong số các nhân chứng còn có: Đức Tổng Giám Mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể vốn là giáo sư đã giảng dạy tại chủng viện cùng với Đức Hồng Y, 5 linh mục nghĩa tử của ngài, 1 linh mục là bạn thời thơ ấu của ngài, 2 nữ tu, 3 giáo dân thuộc "Tu Hội Hy Vọng" do chính Đức Hồng Y thiết lập.
 
Tĩnh tâm và họp mặt Liên Giáo Phận các nhóm Lòng Chúa Thương Xót
Trầm Thiên Thu
11:11 22/03/2012
Nối vòng tay Lòng Chúa Thương Xót

VIỆT NAM – Tại nhà hành hương của Tòa TGM Saigon ngay bên chân núi Đức Mẹ Bãi Dâu, ngày 21 và 23-3-2012, đã diễn ra buổi tĩnh tâm Mùa Chay và họp mặt của đại diện các cộng đoàn LCTX liên giáo phận.

Các tham dự viên là 100 người, trong đó gồm 10 cha linh hướng và các ban chấp hành các CĐ LCTX của tổng giáo phận Saigon, Huế, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu, Xuân Lộc, Mỹ Tho, Bùi Chu và Thánh Hóa.

Mở đầu là huấn từ khai mạc của LM G.B. Võ Văn Ánh, tổng linh hướng CĐ LCTX tổng giáo phận Saigon. Ngài nói rằng CĐ LCTX tự phát từ giáo dân, và rồi đã có bản kinh LCTX được imtrimatur của ĐGM Phêrô Trần Đình Tứ, GP Phú Cường, chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc HĐGM Việt Nam. LM Ánh nói rằng có một số linh mục chưa hiểu nên đã cấm, nhưng thực ra Chuỗi LCTX có nền tảng thần học vững chắc chứ không theo tình cảm cá nhân.

Ngài còn nói đến 3 điểm cốt lõi của LCTX, có thể gọi là “chiếc kiềng LCTX” hoặc “tam giác LCTX”. Để dễ nhớ có thể gọi tắt là 3 chữ T. Đó là: Thỉnh cầu, Thực thi và Tín thác.

Thỉnh cầu là cầu nguyện với LCTX, dù là cầu nguyện chung hay riêng. Thực thi là thực hành LCTX, ở đâu có đau khổ thì ở đó có LTX, chúng ta đã được Chúa thương xót rồi thì phải thể hiện LTX đối với tha nhân. Tín thác là tin tưởng vào LCTX, dù tội lỗi đến đâu thì cũng đừng mất lòng trông cậy: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Ai càng tội lỗi thì càng đáng hưởng nhờ LCTX, vì chính Chúa Giêsu đã bỏ 99 con chiên “ngoan” mà đi tìm 1 con chiên lạc (x. MT 18:12-14; Lc 15:4-7).

Đây là dịp “nối vòng tay LCTX” lần đầu tiên mang tính toàn quốc, và đặc biệt là lần này 10 linh mục đã cùng làm Thỉnh Nguyện Thư gởi ĐHY và các ĐGM để xin HĐGM phê chuẩn CĐ LCTX trong kỳ họp lần tới của HĐGM Việt Nam.

Trong 2 ngày làm việc, các đại diện các giáo phận nói về hoạt động của CĐ LCTX tại nơi mình sinh hoạt, sau đó các tham dự viên được chia thành 4 nhóm để thảo luận 2 câu hỏi:

1. Qua trình bày của các giáo phận, ghi nhận những điểm tích cực nào cần giữ, những điểm nào cần sửa?

2. Việc hợp nhất CĐ LCTX liên giáo phận có cần không? Hợp nhất thế nào?

Ngày nay, LCTX càng cần hơn bao giờ hết, vì mối nguy hiểm của thời đại chúng ta là “mất ý thức tội lỗi”, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Càng nguy hiểm hơn là có những người vẫn ý thức tội lỗi nhưng lại ngã lòng trông cậy, không tin tưởng vào LCTX.

Chúng ta biết rằng Sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót đã được Chúa Giêsu trao phó, vậy mà chính Giáo hội cũng đã từng “nghi ngờ” và cho rằng thánh nữ Faustina (1905-1938) có vấn đề về tâm thân, vì chính thánh nữ là người không được học bao nhiêu, nhưng thánh nữ “dốt” chữ chứ không “dốt” yêu thương. Mãi đến năm 1978, sau khi nhận lãnh trọng trách “chăn dắt chiên mẹ và chiên con”, Chân phước GH Gioan-Phaolô II (Karol Józef Wojtyła, 18.5.1920 – 2.4.2005) mới “giải oan” cho thánh nữ và chính thức loan truyền LCTX, đồng thời công bố Chúa nhật II PS là lễ mừng kính LCTX, đặc biệt là chính Chân phước GH Gioan-Phaolô II cũng đã ban hành Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương (Dives in Misericordia) ngay sau khi vừa nhận lãnh sứ vụ Giáo hoàng và cũng là thông điệp đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của ngài. Và rất có thể Giáo hội sẽ tấn phong tước vị Tiến sĩ Giáo hội cho Thánh Faustina.

Người có công đầu tiên truyền bá LCTX chính là Lm Micae Sopocko (Ba Lan), linh mục giải tội cho thánh nữ Faustina. Ngài là một linh mục nhiệt thành, sống tâm linh, hạnh phúc với sứ vụ mục tử, nhưng chính linh mục này mới đầu cũng “nghi ngờ” thánh nữ Faustina bị tâm thần. Nhưng từ năm 1933, khi được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Dòng Nữ tử Đức Mẹ Từ Bi (Sisters of Our Lady of Mercy) ở Vilnius, nay là Lithuania, LM Micae Sopocko đã “thay đổi hoàn toàn”.

Sau mỗi chục Kinh Mân Côi, Giáo hội có lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Như vậy, Giáo hội đã “nhắc nhớ” tới LCTX từ lâu rồi, nhưng đôi khi có mấy ai lưu ý! Trong mỗi thánh lễ, chúng ta cũng luôn kêu cầu Chúa thương xót chúng ta nhiều lần (Kinh Thú Nhận, Kinh Thương Xót, Kinh Chiên Thiên Chúa). Và còn nhiều lần khác trong ngày nữa…

Chúng ta biết rằng, ngay cả việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng chỉ có từ thế kỷ 11, nhưng mãi đến thế kỷ 16, đó vẫn là lòng sùng kính riêng tư, thường liên kết với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành ngày 31-8-1670 ở Rennes, Pháp, nhờ nỗ lực của Lm Gioan Eudes (1602-1680). Tại Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan rộng, nhờ thị kiến của thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-1690) mà lòng sùng kinh Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu.

Thiên Chúa là Vị-Thẩm-Phán-Nhân-Hậu và mệnh danh là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8 & 16). Nói đến Tình Yêu Thiên Chúa hay Thánh Tâm Chúa, hoặc Lòng Chúa Thương Xót, đó cũng vẫn là MỘT. Không Yêu thì không có Trái Tim, có Trái Tim thì ít nhiều phải biết Yêu (dù yêu kiểu nào), ngay cả người tâm thần vẫn biết yêu (ở mức độ nào đó). Máu còn chảy là tim còn đập, tim còn đập là còn yêu, người sống thực vật vẫn biết Yêu dù họ không thể nói ra, mà yêu theo “kiểu” Chúa Giêsu tức là Lòng Thương Xót. Tình yêu hay Lòng Thương Xót, hoặc lòng trắc ẩn, luôn khó hiểu. Thiên Chúa kỳ diệu vì Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8 & 16). Đặc biệt nhất là Chúa Giêsu thể hiện Tình Yêu Thương (tức là Lòng Chúa Thương Xót) bằng một phương thức “độc nhất vô nhị” là lập Bí tích Thánh Thể, thật không còn cách nào “độc chiêu” hơn, để có thể luôn ở bên những người mà Ngài yêu thương – đó là chính tội nhân chúng ta.

Nhưng trước khi chúng ta được đón rước Thánh Thể để được hòa tan trong Thiên Chúa, chúng ta phải xứng đáng tiếp rước một Vị Đại Thánh (dù chỉ là tương đối), nghĩa là phải sạch tội trọng. Muốn vậy, chúng ta phải giao hòa với Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải. Một tội nhân hoàn toàn bất xứng, thậm chí chúng ta đều bị án tử, nhưng được Thiên Chúa xóa hết “nợ đời”, cho trắng án, hoàn toàn tha bổng, để chúng ta được trở nên thân thiết với Thiên Chúa. Về phần đời, việc Ngài làm như vậy sẽ bị coi là dại dột, là ngu xuẩn, làm sao con người có thể hiểu hết Ngài yêu thương chúng ta đến mức nào?

Đó là cả một chuỗi LCTX: Thiên Chúa không yêu thương chúng ta, làm sao có thể hòa giải? Không hòa giải làm sao tha thứ? Ngài không tha thứ, làm sao chúng ta xứng đáng tiếp rước Thánh Thể? Nói chung, Tình Yêu Chúa, Thánh Tâm Chúa, Bí tích Hòa giải, Bí tích Thánh Thể đều bắt nguồn từ Lòng Chúa Thương Xót. Cả cuộc đời chúng ta sống trong một chuỗi LCTX.

Đáng lẽ chúng ta, những tội nhân, phải bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã phạm những tội quá kinh khiếp và tái phạm quá nhiều lần, tiếp tay với Giuđa và ăn chia với ma quỷ, đồng thời lại “rửa tay” như Philatô, nhưng Thiên Chúa đã bắt chính Con Yêu Dấu là Chúa Giêsu “phải” chịu hình phạt là chết thay cho chúng ta. Chúa Giêsu biết mình bị hàm oan nhưng Ngài hết lòng tuân phục Cha nên vui nhận cái chết nhục nhã ê chề nhất: “Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, trong khi vì chúng ta mà chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3:13). Thế nhưng Ngài vẫn không chấp tội chúng ta, thông cảm sự yếu đuối mà cho là chúng ta “lầm”, sẵn sàng tha thứ ngay cả khi chúng ta chưa xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

LCTX luôn lớn hơn tội lỗi của cả thế giới. Chắc chắn như vậy, vì dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (hoặc Đứa Con Hoang Đàng) là bằng chứng hùng hồn về LCTX (x. Lc 15:11-31), chúng ta không được ngã lòng. Đồng thời mỗi người có nhiệm vụ phải chuyển LCTX tới mọi người khác.

LCTX là việc đạo đức thánh thiện của mọi người, không riêng gì ai, và ai cũng có trách nhiệm rao truyền LCTX. Nhưng không ai được phép “quảng cáo” LCTX theo cách dị đoan hoặc trục lợi. Ngày nay cần nhân chứng hơn thầy dạy, vì thể hiện bằng hành động là cách “nói” nhiều và tác động mạnh hơn hết, khả dĩ hoán cải chính mình và thế giới.

Có 3 cách thể hiện LCTX với tha nhân: (1) Làm việc thương xót dưới mọi hình thức; (2) Nếu không thể làm việc thương xót thì nói lời thương xót, nghĩa là giúp người khác bằng lời động viên, khích lệ; (3) Nếu không thể tỏ LTX qua việc làm hoặc lời nói thì cầu nguyện, vì lời cầu có thể đến được những nơi chúng ta không thể đến được. Như vậy thì không có gì khó đối với bất kỳ ai.

LCTX có từ thuở khai thiên lập địa, sách Sáng thế dẫn chứng:

– Này, tôi tớ ngài đây đã được đẹp lòng ngài, và ngài đã tỏ lòng thương lớn lao của ngài đối với tôi khi để cho tôi sống. Nhưng tôi không trốn lên núi được đâu, tai ương sẽ đuổi kịp, và tôi chết mất! (St 19:19).

– Ông Gia-cóp nói: “Không đâu! Nếu tôi được đẹp lòng ngài, thì xin Ngài nhận tặng phẩm tự tay tôi biếu. Thật vậy, tôi đã nhìn thấy mặt ngài như nhìn thấy mặt Thiên Chúa, và ngài đã tỏ lòng thương đối với tôi” (St 33:10).

– Xin Thiên Chúa toàn năng làm cho ông ấy chạnh lòng thương các con, mà để cho người anh em kia và Ben-gia-min cùng về với các con. Còn cha, nếu phải mất con, thì cha đành chịu mất vậy! (St 43:14).

LÒNG THƯƠNG đó chính là Tình yêu, là LTX. Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4:8), như vậy Thiên Chúa cũng chính là LTX.

Thật đáng lưu ý lời Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Vào lúc 3 giờ chiều, hãy khẩn cầu LTX của Ta cho các tội nhân cách riêng, và nếu có thể trong giây lát, con hãy trầm mình vào cuộc khổ nạn của Ta, đặc biệt lúc Ta bị bỏ rơi trong cơn hấp hối. Đây là giờ điểm LTX vĩ đại nhất đối với thế giới. Trong giờ này, Ta sẽ chẳng từ chối bất cứ điều gì với các linh hồn kêu van Ta, nhân danh cuộc tử nạn của Ta”.

Thiên Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời (Tv 146:6). Chắc chắn lời Ngài đã hứa không bao giờ sai! Và “muôn ngàn đời Chúa vẫ trọn tình thương” (Tv 118; 136).

Chiều ngày 22-3-2012, mọi người chia tay nhau trong niềm vui thánh đức và tràn ngập hồng ân của LCTX. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp, hy vọng sẽ tiếp tục có những dịp “nối vòng tay LCTX” như vậy để tăng thêm sự hiệp nhất trong Giáo hội Công giáo Việt Nam.
 
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Houston được ca ngợi với đức Giaó Hoàng
Trần Mạnh Trác
13:06 22/03/2012
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tỏ lộ sự "vui mừng được nghe" rằng Giáo hội Công giáo đang phát triển nhanh chóng ở Texas.

Theo lời Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục của Galveston-Houston, thì việc mà Đức Giáo Hoàng đã chú ý cách đặc biệt là "vùng Texas cuả chúng tôi là một khu vực ở Hoa Kỳ mà dân số Công Giáo không những đang phát triển mà còn phát triển cách rất hùng hậu".

Đức Hồng Y DiNardo và 21 giám mục khác từ Texas, Arkansas và Oklahoma đã vừa hoàn thành sáu ngày viếng thăm 'Ad Limina Apostolorum' tại Roma. Cuộc viếng thăm bao gồm cuộc hành hương đến các ngôi mộ của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô và nhiều cuộc họp với những bộ phận hành chánh của Vatican để thảo luận về hiện trạng trong các giáo phận.

Các giám mục đã nhóm họp với Đức Giáo hoàng Benedict XVI ba lần. Riêng Đức Hồng Y DiNardo, cũng là người đứng đầu ủy ban phò sự sống của các giám mục Hoa Kỳ, đã trình bày những thay đổi về dân số của Giáo Hội Công Giáo trong toàn thể khu vực với Đức Giáo Hoàng.

Ngài lưu ý rằng 25 năm trước đây, Houston chỉ có một tỷ số Công Giáo vào khoảng 12%, nhưng ngày nay thì tỷ số đó đã tăng gấp đôi.

Số tăng trưởng chủ yếu nhờ vào di dân, đến từ các vùng khác của Hoa Kỳ như vùng Trung Tây, vùng Đông Bắc và cũng từ các quốc gia khác từ châu Mỹ La Tinh.

Với một sự đa dạng sắc tộc như vậy, những lễ Chuá Nhật trên toàn giáo phận đã được cử hành bằng 18 ngôn ngữ khác nhau.

"Ngoài Orange County cuả California ra thì Houston có một dân số Việt Nam lớn nhất, "Đức Hồng Y DiNardo giải thích. "Tại thành phố Houston có 135.000 người Việt trong đó có khoảng 30.000 người là Công Giáo. Con số này đang tăng lên vì có nhiều người theo Phật giáo đã gia nhập đạo Công giáo."

Ngài mô tả đây là một xu hướng "rất đáng chú ý", nhờ vào cường độ đức tin và sự thực hành việc sống đạo cuả người Công giáo Việt Nam.

Đức Hồng Y DiNardo cho biết "làn sóng du nhập khổng lồ" của những sắc dân từ khắp mọi nơi trên thế giới đã "đóng góp và làm giàu thêm hương vị rất tích cực cuả đạo Công giáo." Và kết quả là sự hình thành cuả một giáo hội mà "mọi người cảm thấy được chào đón."
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cử tri Pháp bầu Tổng thống (4)
Hà Minh Thảo
16:13 22/03/2012
CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG 2012 (4)

Cuộc tuyển cử Tổng thống là một sự gặp gỡ giữa một ứng cử viên với những cử tri. Nhân dịp này, mỗi cử tri trao phần quyền ‘làm chánh trị’ để điều hành quốc sự của mình cho ứng cử viên (chứ không là đảng) mình tự do lựa chọn để trao sự tín nhiệm thay mình thi hành những quyền hành và bổn phận hiến định dành cho chức vụ Tổng thống. Do đó, ứng cử viên phải có :

- một trương mục ngân hàng dành riêng cho việc vận động tranh cử ‘compte de campagne’ 12 tháng trước ngày bầu cử, khác với trương mục của mình hay của đảng, để thu nhâỉn những tài trợ từ ngân sách quốc gia hay tư nhân và thanh toán các kinh phí từ ngày 01.04.2011;
- một thụ ủy tài chính (mandataire financier), có thể là cá nhân hay một hiệp hội ‘financement électoral’ để nhận các tặng dữ tư nhân và trả các chi phí mà ứng cử viên bị cấm làm ;
- chính đảng mà ứng cử viên mang đảng tịch là pháp nhân được phép tài trợ
kinh phí tranh cử và không giới hạn ;
- kế toán minh bạch với các chứng từ chi thu rõ ràng sẽ được gửi trong vòng hai tháng sau cuộc bầu cử đến Ủy ban Quốc gia về Trương mục Tranh cử và tài trợ chính trị.

Cấu trúc này phải được giải thể sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

I.- TRỢ CẤP TÀI CHÁNH TRANH CỬ.

A. Chi phí tổ chức bầu cử Tổng thống.

Các số liệu trong các kỳ tuyển cử vừa qua, do Bộ Nội vụ thành lập, cho thấy những con số chi tiêu như sau :

- Chi phí vận động bầu cử chiếm phần lớn tổng số chi bầu cử (50%);
- 33% tổng số chi bầu cử được dùng vào việc tổ chức ngày bầu cử như việc thực hiện các bao thư gởi truyền đơn của ứng cử viên đến nhà cử tri, thiết lập phòng đầu phiếu;
- 17% những chi phí hành chánh và tổ chức đầu phiếu ở hải ngoại.

B. Mức chi tiêu tối đa để được ngân sách quốc gia hoàn trả.

Năm 2007, Tổng chi tối đa cho từng ứng cử viên vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống được định là 16,166 triệu Euros và hai ứng cử viên tranh cử vòng nhì là 21,594 triệu Euros.

Năm 2012, hai định mức đó lần luợt được tăng lên 16,851 và 22,509 triệu Euros (Nghị định ngày 30.12.2009).

Ngay từ ngày 19.03.2012, sau khi các ứng cử viên được Hội đồng Hiến pháp niêm yết danh sách, mỗi người sẽ nhận một số tiền tạm ứng bồi hoàn là 153.000 Euros.

C. Ba mức bồi hoàn.

Theo điều 3 luật ngày 06.11.1962 về tuyển cử Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu qui định về việc ngân sách quốc gia bồi hoàn chi phí tranh cử cho các ứng cử viên như sau :
- 1 phần 20 (hay 5%) tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu dưới 5% số phiếu hợp lệ trong vòng bầu thứ nhất;
- phân nửa (hay 50%) tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu từ hay trên 5% số phiếu hợp lệ ở vòng bầu thứ 1;
- phân nửa (hay 50%) tổng số chi tối đa cho vòng 2 cho hai ứng cử viên tham dự vòng bầu này.

Năm 2007, thể thức này được áp dụng cho kỳ tuyển cử Tổng thống. Khi đó :

- 6 ứng cử viên thu dưới 5% số phiếu hợp lệ, mỗi vị được bồi hoàn: 1 phần 20 tổng số chi tối đa cho vòng bầu thứ nhất : 16.166.000 x 5% = 808.300 euros;
- 2 ứng cử viên thu từ 5% số phiếu hợp lệ, mỗi vị được bồi hoàn: phân nửa tổng số chi tối đa cho vòng bầu thứ nhất: 16.166.000 x 50% = 8.083.000 euros;
- 2 ứng cử viên tham gia vòng bầu cử thứ hai, mỗi vị được bồi hoàn: phân nửa tổng số chi tối đa cho vòng này: 21.594 000 x 50% = 10.797.000 euros.

Năm 2012, nhằm mục đích tái cân bằng tài chính công do Thủ tướng công bố ngày 07.11.2011, một trong các biện pháp để ‘giới hạn bồi hoàn chi phí các cuộc tranh cử, giảm chi tiêu 5% giới hạn thực hiện phí. Điều này áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử chính trị (Tổng thống, dân biểu Quốc hội và Nghị viện Âu châu,…) cho tới khi cân bằng Ngân sách quốc gia.

Do đó, theo điều 3 luật ngày 06.11.1962 về tuyển cử Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu qui định về việc ngân sách quốc gia bồi hoàn chi phí tranh cử cho các ứng cử viên được điều chỉnh như sau :
- Bậc 1, ứng cử viên chỉ được bồi hoàn 4,75% tổng số chi tối đa tức : 16.851.000 x 4,75% = 800.423 euros;
- Bậc 2, ứng cử viên chỉ được bồi hoàn 47,5% tổng số chi tối đa tức :
16.851.000 x 47,5% = 8.004.225 euros;
- Bậc 3, ứng cử viên chỉ được bồi hoàn 47,5% tổng số chi tối đa cho hai vòng tuyển cử, tức : 22.509.000 x 47,5% = 10.691.775 euros.

Lúc 17 giờ 30 ngày 19.03.2012, Hội đồng Hiến pháp đã long trọng tuyên bố danh sách 10 ứng cử viên gồm : ông Nicolas Sarkozy (UMP, đương kiêm Tổng thống), ông François Hollande (PS, đảng Xã hội), bà Marine Le Pen (FN, Mặt trận quốc gia), ông François Bayrou (Modem, Phong trào Dân chủ), ông Jean-Luc Mélenchon (Front de gauche, Mặt trận tả phái), bà Eva Joly (EELV, Môi trường Xanh Âu châu), Nicolas Dupont-Aignan (Debout la République, Nền Cộng hòa, đứng lên), Nathalie Arthaud (Lutte ouvrière, Tranh đấu thợ thuyền), ông Philippe Poutou (Nouveau Parti anticapitaliste, Tân đảng chống tư bản) và ông Jacques Cheminade (tự cho là ‘gaulliste de gauche’, người theo ông Charles De Gaulle tả phái, đã ứng cử năm 1995 và thu được 0,28% tổng số phiếu hợp lệ).

Ngày 09.04.2012, cuộc vận động tranh cử chính thức bắt đầu.

II.- CUỘC TRANH CỬ TẠM ĐÌNH HOÃN.

Khoảng 8 giờ thứ hai ngày 19.03.2012, một người dùng súng bắn chết một giáo sư tôn giáo 30 tuổi, ông Jonathan Sandler, hai con của ông 3 và 6 tuổi cùng một học sinh 10 tuổi tại tư thục Do thái Ozar Hatorah ở Toulouse. Một em khác 17 tuổi bị thương trong tình trạng nghiêm trọng.

Các chuyên viên điều tra hình sự sớm nhận định mối liên hệ với hai vụ sát hại một Trung sĩ Nhảy Dù Imad Ibn Ziaten, 30 tuổi, tại Toulouse ngày 15.03.2012 và hai quân nhân Dù, Hạ sĩ Abel Chennouf, 25 tuổi và Binh nhất Mohamed Legouad, khác cùng một Hạ sĩ khác, Loic Liber, bị thương nặng tại Montauban ngày 15.03.2012.

Trong ngày, trả lời ký giả của Zenit.org về cuộc tấn công ở Toulouse, Linh mục Federico Lombardi, s.j, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: « Cuộc tấn công tại Toulouse nhằm vào một giáo viên và ba trẻ em Do thái là một hành động khủng khiếp và nhục nhã, chưa kể các hành vi khác đầy bạo lực và vô nghĩa gần đây làm tổn thương nước Pháp ». Cha lên án hành đồng này: « Việc này gây nên một sự phẫn nộ sâu sắc và khủng hoảng tinh thần cần phải lên án mạnh mẽ và ghê tởm vì tuổi tác và sự vô tội của nạn nhân trẻ và đã được thực hiện trong một cơ sở giáo dục hòa bình ».

Cha Lombardi kết luận bằng nhắc lại lời Đức Tổng giám mục của Toulouse về sự liên đới : « Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với những tang gia và Cộng đồng Do thái và mối quan tâm của chúng tôi trước sự kiện khủng khiếp cùng sự liên đới tinh thần sâu xa nhất của chúng tôi ».

Chiều hôm đó, Hội đồng thượng cấp Tuyền thông (CSA, Conseil Supérieur de l’Audiovisuel) tuyên bố những phát biểu của các ứng cử viên không được tính giờ cho sự Công bằng thời gian Tuyền thông giữa của các ứng cử viên cho đến ngày 21.03.2012.

Vào lúc 3 giờ 10 sáng ngày 21.03.2012, các cảnh sát viên tinh nhuệ của đơn vị RAID (recherche, assistance, intervention, dissuation, truy tầm, hỗ trợ, can thiệp) đã bắt đầu cuộc hành quân để bắt nghi can các vụ nổ súng nói trên. Sau nhiều lần hứa hẹn ‘đầu hàng’ nhưng không thực hiện của tử thủ Mohamed Merah, lực lượng cảnh sát mở cuộc tấn công và bắt nghi đã chết, súng cầm tay lúc 11 giờ 44 ngày 22.03.2012.

III. THĂM DÒ DÂN Ý.

Từ một năm qua, lần đầu tiên trong kỳ tuyển cử Tổng thống 2012, cuộc thăm dò dân ý của viện Ifop-Fiducial cho thấy ông Nicolas Sarkozy dẫn đầu số phiếu bầu trước ông Francois Hollande, 40 ngày trước ngày đầu phiếu vòng đầu.

Kết quả cuộc thăm dò dân ý là : Sarkozy được sự tín nhiệm của 28,5% số người được phỏng vấn (tăng 1,5% so với 2 tuần trước), trong khi Hollande thu 27% (-1,5%), trước Le Pen nhận được 16% (-1%), Bayrou 13% (0.5%) và Melenchon với 10% (1,5%) tiến bộ đáng kể. Kết quả vòng hai, Hollande thắng với 54,5% ý định bầu (-2%) trước Sarkozy được 45,5% (2%).

Cuộc khảo sát này được tiến hành từ ngày 11 (18 giờ, sau phiên họp vận động của Sarkozy tại Villepinte, Seine-Saint-Denis) đến 12.03.2012, trên một mẫu số 1638 người có tên trên danh sách cử tri và trích xuất một mẫu của 1.692 người, đại diện của dân số Pháp từ 18 tuổi trở hơn, theo yêu cầu của truyền thanh ‘Europe 1’, tuần báo ‘Paris-Match’ và truyền hình ‘Public Sénat’, được công bố ngày 13.03.2012.
 
Văn Hóa
Ăn Chay Là...
Thanh Sơn
09:36 22/03/2012
ĂN CHAY LÀ...

Ăn chay là để giữ mình
Chay là để giữ đẹp xinh tâm hồn
Chay là lời nói thêm khôn
Chay là thanh tẩy xác hồn sạch trong

Chay là giữ đẹp tấm lòng
Chay là tư tưởng sạch trong đẹp lời
Tẩy đi ích kỷ con người
Tẩy đi thành kiến với đời quanh ta

Chay là kiêng tính kiêu sa
Chay là từ bỏ ba hoa khoe mình
Chay là giúp đỡ chân tình
Chay là hòa thuận cho xinh cuộc đời

Chay là bỏ thói ăn chơi
Chay là làm lại cuộc đời đã sai
Chay là xin lỗi những ai
Chay là hỏa giải những sai phạm mình

Chay là từ bỏ thực tình
Chay là lời nói làm xinh cuộc đời
Chay là vui vẻ mọi nơi
Chay là sinh hoạt những nơi tốt lành

Chay là từ bỏ tị ganh
Chay là hòa thuận xung quanh xóm làng
Chay là vui vẻ lên đàng
Chay là bác ái sẵn sàng sẻ chia

Chay là kiêng thuốc, rượu, bia
Chay là sửa soạn mai kia Lời Ngài
Chay là mộn đệ công khai
Chay là tuyên tín Danh Ngài đẹp xinh

Chay là khó vẫn chung tình
Chay là đợi ánh bình minh khải hoàn
Chay là đơn giản hoàn toàn
Chay là chấp nhận gian nan cho mình

Chay là thay đổi mới tinh
Chay là để Chúa Phục Sinh trong hồn.
Chay là Lời Chúa cho khôn
Chay là thanh thản nhập môn theo NGÀI.

Thanh Sơn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tháp Chuông
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:35 22/03/2012
THÁP CHUÔNG
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Trong mơ còn đó trong mơ
Chuông hoàng hôn rụng, sao mờ hoàng hôn
Chuông bình minh đổ dập dồn
Giục gà gáy, thức linh hồn ngủ mê
Giọt rơi chìm đáy sông quê
Giọt lên núi Thánh bay về chân mây…
(Trích thơ của Thiện Mỹ Giang)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Tuần Thánh tại Giêrusalem trên những con đường Chúa đã đi qua
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:05 22/03/2012
Hiện diện tại thành Thánh Giêrusalem, đặc biệt trong Tuần Thánh, là một kinh nghiệm xúc động khôn tả đối với nhiều người.

Chúng ta có thể thấy những âm thanh, cảm xúc và hình ảnh không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Chẳng hạn, như buổi trưa ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta có thể thấy trên đường phố hàng mấy ngàn người đi Đàng Thánh Giá dọc theo Con Đường Thương Khó tiếng địa phương gọi là Via Dolorosa. Nhiều người hành hương đội những mão gai và một số người chung vai vác những thánh giá rất lớn và nặng lắm.

Có những phụ nữ, trang phục như Đức Mẹ và những thanh niên mình đầy máu đóng vai Chúa Giêsu vác thánh giá trong khi dân chúng theo sau đọc kinh, suy niệm những chặng Đàng Thánh Giá và hát vang bài The Divine Mercy (Lòng Thương Xót Chí Thánh) bằng Anh Ngữ và một số các ngôn ngữ khác.

Nhiều người hành hương vừa bước đi vừa khóc nức nở. Thật vậy, làm sao không khóc được khi bạn đi trên cùng một con đường Chúa đã đi qua trong cuộc thương khó của Ngài.

Quý vị và anh chị em đang theo dõi hình ảnh của cuộc rước truyền thống Ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm 17 tháng Tư năm ngoái 2011 với gần 15,000 người từ núi Ôliu đến cổ thành Giêrusalem ngang qua vườn Giệtsimani.

Đoàn rước được dẫn đầu bởi Đức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal.

Trong quá khứ, cuộc rước truyền thống này thường có 20,000 tín hữu tham dự. Tuy nhiên, từ sau cuộc cách mạng Intifada lần thứ hai kéo dài từ tháng Chín năm 2000 đến năm 2005, số lượng người tham dự đã sút giảm đáng kể và chỉ mới phục hồi lại trong những năm gần đây.

Cuộc rước năm ngoái 2011 được coi là cuộc rước đông đảo nhất từ sau cuộc cách mạng Intifada.

Trong thế kỷ thứ 19, các Kitô hữu chiếm đến ít nhất là 25% dân số trong vùng. Lúc đó, cuộc rước truyền thống này quy tụ cả hàng trăm ngàn người. Ngày nay, anh chị em tín hữu của mọi hệ phái Kitô chỉ còn chiếm 1.5% dân số. Số người tham dự trong các đoàn rước chủ yếu là anh chị em tín hữu đến từ các nơi khác trên thế giới.

Nhờ sự hiện diện đông đảo của các khách hành hương trên thế giới, không khí của ngày đại lễ có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên các đường phố của khu Kitô giáo trong cổ thành này vào buổi sáng Chúa Nhật Lễ Lá. Cùng với các khách hành hương trên khắp thế giới, các Kitô hữu địa phương cũng hăng hái chuẩn bị để mừng lễ, với đức tin và lòng sùng mộ, trong tuần lễ quan trọng nhất của năm, đó là Tuần Thánh.

Trong khi toàn thể Giáo Hội cử hành tuần này, các Kitô hữu địa phương đặc biệt kính nhớ những diễn biến lịch sử đã diễn ra ngay chính tại thành phố của mình. Thêm vào đó, họ có niềm vui được chào đón hàng triệu khách hành hương, những người sẽ tham gia với các anh chị em của họ tại đây để mừng Lễ Phục Sinh.

Đối với nhiều tín hữu hành hương, đây có lẽ là lần đầu họ được tham dự Tuần Thánh tại chính nơi Đức Kitô đã khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, và sau đó đã lo buồn sầu não tại vườn Giệtsimani, đã bị bắt ra trước Hội Đồng Công Tọa Do Thái, đã bị nộp cho quan Philatô, chịu đánh đòn, vác thánh giá và chịu đóng đinh trên đồi Golgotha.

Cuộc rước long trọng kỷ niệm việc Đức Kitô khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem đã được Đức Thượng Phụ Latinh, Fouad Twal, chủ sự cùng với các tu sĩ dòng Phanxicô, các linh mục khác, và rất nhiều các tín hữu Kitô hữu địa phương và khách hành hương.

Sau khi đoàn rước vào trong nhà thờ Mộ Chúa, phụng vụ bắt đầu tại Mộ Chúa Kitô, nơi các nhành cọ và các nhánh ô liu được đặt trước mặt Đức Thượng Phụ để làm phép. Theo một truyền thống đã có từ lâu, Đức Thượng Phụ sẽ đích thân phát những nhành lá cho các vị đồng tế với mình, các tu sĩ, giáo sĩ khác và rồi từ đó đến anh chị em giáo dân, trong tiếng nhạc của bài ca nhập lễ, và Thánh Vịnh diễn tả chiến thắng của Chúa Kitô và niềm vui được hiện diện nơi thành Thánh Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa hiện diện. Sau khi mọi người đã có lá trên tay, Đức Thượng Phụ và các vị đồng tế đi ba lần chung quanh Mộ Chúa trong khi vẫy những nhành lá để tung hô Hosanna, Vạn Tuế Con Thiên Chúa.

Đây được coi là thời điểm cao trào nhất và có ý nghĩa thần học sâu xa là dự báo chiến thắng sau cùng của Chúa Kitô là sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.

Sau khi đi hết vòng thứ ba, Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện hồi lâu trước Mộ Chúa.

Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá sau đó được cử hành tại bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna.

Ba vị tu sĩ dòng anh em hèn mọn quản thủ Thánh Địa đọc Bài Thương Khó.

Toàn bộ các nghi thức kéo dài trong vòng 3 giờ. Tuy thánh lễ kéo dài nhưng sự im lặng của những người hiện diện cho phép ta suy niệm sâu xa và xúc động trước cuộc Thương Khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Cuộc rước lá được coi là một khúc dạo đầu cho những nghi thức Phụng Vụ cảm động sẽ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem trong vài ngày tới khi các linh mục, tu sĩ Phanxicô và các tín hữu hành hương di chuyển từ nơi thánh này sang nơi thánh khác để cầu nguyện và cử hành Tam Nhật Thánh.

Vào buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh, tại Đền Thờ Mộ Thánh tại Giê-ru-sa-lem, các cha Dòng Phanxicô và anh chị em tín hữu cử hành một Thánh Lễ kết hợp giữa Lễ Dầu (Chrism Mass) và Thánh Lễ Tiệc Ly. Thánh lễ này đánh dấu sự khởi đầu của Tam Nhật Thánh.

Năm vừa qua có 20 đài truyền hình đã truyền trực tiếp Giờ Thánh tại vườn Giệtsimani nơi Chúa đã cầu nguyện trước khi bị Giuđa phản bội giao nộp cho các thượng tế và kỳ lão Do Thái.

Vị linh mục chủ tế mà quý vị đang thấy là cha Pierbattista Pizzaballa, thủ lĩnh đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ. Ngày 15 tháng 4 năm 2004, cha đã được bề trên tổng quyền Dòng Anh Em hèn mọn cử vào chức vụ thủ lĩnh, thường được gọi là Custos, với sự chuẩn y của Tòa Thánh.

Ngài sinh ngày 21 tháng 4 năm 1965 tại Cologno al Serio và được thụ phong linh mục Dòng Phanxicô vào tháng 9 năm 1990.

Sau thánh lễ tại Đền Thờ Mộ Thánh và giờ cầu nguyện tại vườn Giệtsimani, các linh mục và anh chị em giáo dân kéo sang nhà thờ Thánh Phêrô tại Gallicatu để nhớ lại việc thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần trước khi gà gáy.

Hơn tất cả mọi ngày trong năm, Đền Thờ Mộ Thánh là trung tâm của Kitô giáo Giê-ru-sa-lem trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Kể từ lúc rạng đông, khách hành hương đã tụ tập trong sân, chờ đợi để tham gia trong phụng vụ Thương Khó tại bàn thờ Golgotha, bên cạnh tảng đá, nơi Chúa Kitô đã từng bị đóng đinh vào thánh giá.

Vào đúng ngọ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thủ lĩnh đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ hướng dẫn các linh mục, tu sĩ và anh chị em trên những chặng đàng thánh giá ngay chính trên con đường Chúa đã đi qua để ra pháp trường gọi là Via Dolorosa. Đàng thánh giá bắt đầu từ trường dạy kinh Koran của người Hồi Giáo, nơi được gọi là chặng thứ Nhất đến Mộ Thánh là chặng cuối cùng.

Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Nhiều người cho rằng việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Rất thường là lễ Vượt Qua của người Do Thái Giáo và Lễ Phục Sinh của các Kitô hữu trùng vào cùng một thời điểm. Năm 2011 là một thí dụ. Trong những dịp như thế, Giê-ru-sa-lem lại đông hẳn lên vì có nhiều khách hành hương Do Thái ở Giê-ru-sa-lem vào lúc này. Họ tập trung ở đây để ăn mừng lễ Pesach, hoặc lễ Vượt Qua. Với Cha David Neuhaus, lễ Vượt Qua và Lễ Phục Sinh trong Thành Thánh là hai ngày lễ đa dạng nhưng tương tự.

Nhiều Kitô hữu địa phương, cũng như khách hành hương, cử hành ngày Thứ Hai Phục Sinh tại nhà thờ Dòng Phanxicô tại Emmaus. Ngôi nhà thờ này được xây dựng trong làng mà hai môn đệ đang tan nát trong lòng bởi các sự kiện tại Giê-ru-sa-lem đã đi bộ khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi.

Hôm 1 tháng Ba, Vatican đã xuất bản một báo cáo liên quan đến số tiền thu được trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011, trong đó nêu bật việc khôi phục và bảo trì các đền thờ, các nhà thờ và tu viện ở những nơi như Bethlehem, Giê-ru-sa-lem, núi Tabor, và Ghết-sê-ma-ni và Đền Thờ nơi Chúa chịu đánh đòn. Báo cáo cho thấy có sự sút giảm mức đóng góp chủ yếu là vì cuộc khủng hoảng tài chính.

Hội nghị của các Đấng Bản Quyền tại Trung Đông vừa kết thúc hôm 16 tháng Ba cũng chỉ ra một vấn nạn khác là trong năm qua Trung Đông đã rung chuyển bởi cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập, những cuộc biểu tình, và những thay đổi chế độ ở nhiều quốc gia. Tình trạng lan tràn bạo lực và bất ổn cũng đã khiến một số lượng lớn các Kitô hữu vội vã chạy trốn khỏi Thánh Địa Giêrusalem.

Duy trì sự hiện diện Kitô Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem là một điều mong ước mà Giáo Hội Công Giáo đã cố gắng thực hiện trong nhiều năm.

Đó là lý do tại sao các vị Giáo Hoàng đã kêu gọi toàn thế giới Công Giáo đóng góp cho Thánh Địa Giêrusalem vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong một bức thư gần đây được viết bởi Đức Hồng Y Sandri, tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương, tất cả các giám mục đã được lưu ý về sự cần thiết hỗ trợ cho Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem.

Các khoản đóng góp sẽ được dùng để hỗ trợ cho các giáo xứ Công Giáo trong vùng, cung cấp học bổng cho các sinh viên, giúp các gia đình Công Giáo sống được với các doanh nghiệp nhỏ, cũng như xây dựng nhà ở, trường học và các khu vực cho trẻ em.

Xin quý vị và anh chị em quảng đại giúp đỡ cho Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh sắp đến.
 
Thế giới nhìn từ Vatican 16/03 - 22/03/2012: Đức Cha Lori Tân TGM Baltimore - Một bổ nhiệm đầy biểu tượng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:50 22/03/2012
1. Đức Giáo Hoàng đã sẵn sàng cho chuyến đi đến Mexico và Cuba

Trong kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích rằng để được gần gũi hơn với Thiên Chúa, một trong những điều cần thiết là phải nhận ra những sai lầm cá nhân. Ngài kêu gọi người Công giáo năng đến với Bí Tích Hòa Giải, đặc biệt là vào thời điểm Mùa Chay này.

Đức Thánh Cha nói:

"Khi chúng ta tiếp tục trên con đường lữ hành của mình, chúng ta cần hướng mắt nhìn thẳng về mục tiêu đã định, chúng ta có cùng đồng hành với Chúa trên đường dẫn đến đồi Can-vê, thì chúng ta mới được sống lại với Ngài trong cuộc sống mới."

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha đã cảm ơn tất cả những người cầu nguyện cho ngài trong ngày lễ kính Thánh Giuse, là lễ bổn mạng của Đức Thánh Cha, được tổ chức vào hôm thứ Hai. Đức Thánh Cha cũng yêu cầu mọi người cầu nguyện cho chuyến đi của ngài đến Mexico và Cuba.

Ngài nói:

"Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến tông du của tôi sắp tới tại Mexico và Cuba, nơi mà tôi sẽ có niềm vui được đến thăm trong một vài ngày để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại các quốc gia yêu quý và tất cả Châu Mỹ La Tinh."

Trong số hàng ngàn người tập trung để đọc kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng, có một nhóm các linh mục Mexico thuộc Học Viện Giáo Hoàng của Mexico tại Rôma. Các linh mục đã bày tỏ niềm vui của mình trước chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba.

2. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm lễ quan thầy trong lặng lẽ

Ngày 19 tháng 3 là ngày lễ kính Thánh Giuse dưỡng phụ của Chúa Giêsu, người đã chăm sóc cho Ngài và Đức Trinh Nữ Maria.

Ngày 19 tháng 3 là một ngày nghỉ tại Vatican, vì Thánh Giuse là quan thầy của Giáo Hội Công Giáo. Đây cũng còn là ngày lễ quan thầy của Đức Giáo Hoàng Joseph Ratzinger. Nhưng năm nay, ngày lễ được cử hành một cách lặng lẽ hơn thường lệ vì Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của mình đến Mexico và Cuba trong vài ngày tới.

3. Phiên họp khoáng đại của Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa

Tại Thánh Địa, phiên họp khoáng đại của Các Đấng Bản Quyền Công Giáo đã kết thúc hôm 16 tháng Ba tại Nazareth. Cuộc họp đã tập trung vào các thách đố mà người Công Giáo phải đối phó theo sau cuộc cách mạng Ả Rập.

Trong Đền Thờ Truyền Tin, một Thánh Lễ đã được cử hành cùng với các học sinh của các trường Công Giáo trong vùng nhằm nhắc lại mong muốn của Giáo Hội tập trung vào việc giáo dục thanh thiếu niên.

Đức Tổng Giám Mục Elias Michael Chacour của tổng giáo phận Akko, Haifa, Nazareth và toàn vùng Galilê của Công Giáo Hy Lạp nghi lễ Melkite tại Giêrusalem nói:

“Tuổi trẻ là tương lai của Giáo Hội tại Giêrusalem. Chúng tôi yêu mến họ và tự hào vì họ đã đến và chia sẻ với chúng tôi sự nhiệt thành của họ. Họ chứng tỏ cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo Hội tại Thánh Địa.”

Tổ chức Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa được thành lập theo sáng kiến của Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giê-ru-sa-lem để thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo Hội tại Thánh Địa. Tổ chức này bao gồm các Đấng Bản Quyền Công Giáo thuộc các nghi lễ khác nhau. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phê duyệt quy chế của Hội đồng vào ngày 27 tháng Giêng năm 1992. Mục đích của tổ chức là phối hợp các hoạt động nhân chứng của Tin Mừng và các dịch vụ của cộng đồng, nghiên cứu các vấn đề chung, khuyến khích trao đổi thông tin và kinh nghiệm, và để tạo ra các chương trình mục vụ chung vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal, Thượng Phụ Latinh của Giê-ru-sa-lem, là Chủ tịch của tổ chức này.

4. Tòa Thánh đã công bố kết quả cuộc thanh tra tông tòa tại Ái Nhĩ Lan

Hôm 20 tháng Ba, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố kết quả cuộc thanh tra tông tòa tại 4 giáo phận, 31 dòng tu và 4 chủng viện tại Ái Nhĩ Lan, sau những cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ em.

Trong tài liệu, "Tòa Thánh nhắc lại cảm giác đau buồn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16" trong vụ tai tiếng lạm dụng tính dục ở Ái Nhĩ Lan.

Các vị thanh tra thừa nhận mức độ nghiêm trọng của những thiếu sót "trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng. Bên cạnh đó, các vị thanh tra nhận thấy từ đầu thập niên 1990 đã có những tiến bộ dẫn đến sự ý thức hơn trước tính chất trầm trọng của vấn đề lạm dụng, cả trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, và quyết tâm cần phải tìm những biện pháp thích hợp để đối phó.

Một số tổng giáo phận đã cử hành các lễ nghi thống hối với sự tham dự của giáo sĩ, giáo dân và cả các nạn nhân.

Phúc trình của các vị thanh tra cũng nói đến những hậu quả tai hại do các vụ lạm dụng gây ra: cho các nạn nhân, và những vết thương cho cộng đồng Công Giáo Ái Nhĩ Lan.

Sau cùng Phúc trình nhấn mạnh sự cần thiết đối với Cộng đồng Công Giáo Ái Nhĩ Lan là phải lên tiếng nhiều hơn trong các cơ quan truyền thông, và có quan hệ thích hợp hơn với những người đang hoạt động trong lãnh vực này, để sự thật của Tin Mừng và đời sống Giáo Hội được biết đến.

5. Tân Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Baltimore

Hôm 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Cha William Edward Lori làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Baltimore. Đây là Tổng Giáo Phận lâu đời nhất tại Hoa Kỳ.

Đức Cha Lori được coi là một Giám Mục mạnh mẽ trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngày 18 tháng 11,2011, trong phiên họp thường niên cuả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tổ chức tại Baltimore, Đức Cha Lori đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa công kích tổng thống Obama và tuyên bố tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ đang bị đe doạ.

Việc bổ nhiệm Đức Cha Lori vào chức vụ Tổng Giám Mục Baltimore được nhiều người xem là thích hợp và đầy tính chất biểu tượng trước những tấn kích thường xuyên vào định chế hôn nhân và gia đình tại Hoa Kỳ hiện nay.

Đức Cha William Edward Lori 62 tuổi hiện là Giám Mục giáo phận Bridgeport Connecticut. Trước đó, ngài là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Washington. Ngài sẽ là Tổng Giám Mục thứ 16 của tổng giáo phận Baltimore, thay thế cho Đức Hồng Y Edwin O'Brien, người gần đây đã được bổ nhiệm làm Bề Trên Tổng Quyền Các Hiệp Sĩ Thánh Mộ tại Giê-ru-sa-lem.

Chỉ vài giờ sau khi sứ thần Tòa Thánh công bố quyết định của Đức Thánh Cha, Đức Tân Tổng Giám Mục đã được giới thiệu tại Vương Cung Thánh Đường Baltimore, là Vương Cung Thánh Đường đầu tiên của Hoa Kỳ, nơi ngài đọc một bài diễn văn về những vấn đề liên quan đến hôn nhân đồng tính, tự do tôn giáo và những vấn nạn liên quan đến đức tin tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, tại tổng giáo phận Perth, Australia, tối 21 tháng Ba tại Vương Cung Thánh Đường St. Mary, Đức Cha Timothy Costelloe, dòng Salêsiêng, nguyên là Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Melbourne, đã nhậm chức Tổng Giám Mục Perth thay cho Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey.

6. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ tại đồi Cubilete Hill, một cử chỉ đầy biểu tượng.

Vào ngày Chúa nhật 25 tháng 3, trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Mexico, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại Công viên Bicentennial, nằm ngay dưới chân của một ngọn đồi nổi tiếng là đồi Cubilete, nơi được coi là một di tích về tội ác của chính quyền Mễ Tây Cơ chống lại người Công Giáo.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, người Công giáo đã bị bách hại dã man tại Mexico dưới thời nhà nước cộng sản. Cuộc bách hại tàn khốc đã dẫn đến cuộc nổi dậy của người Công Giáo trong cuộc chiến Cristero kéo dài từ năm 1926 đến 1929. Tổng thống Mexico lúc đó là Plutarco Elias Calles, ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, trục xuất bắt bớ các linh mục và giám mục.

Năm 1928, nhà nước phá hủy bức tượng Chúa Kitô Vua mới vừa được xây trên đỉnh đồi Cubilete trước đó tám năm.

Gần 20 năm sau, vào năm 1942, vị giám mục của León xây dựng lại tượng Chúa Kitô Vua bằng đồng và nặng khoảng 80 tấn như là một dấu hiệu của chiến thắng và tự do.

Dưới chân Chúa có hai thiên thần, một vị cầm một vòng gai tượng trưng cho sự đau khổ của các vị tử đạo và một vị cầm một vương miện hoàng gia tiêu biểu cho chiến thắng cuối cùng của người dân.

7. Những cố gắng nhằm đưa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 quay về với Giáo Hội đã thất bại.

Đức Hồng Y William Levada, là Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và đồng thời là Chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng Giáo Hội Chúa (Ecclesia Dei) đã nhìn nhận những cố gắng của Giáo Hội nhằm đưa Huynh Đoàn Thánh Piô 10 quay về với Giáo Hội đã thất bại.

Ngài đưa ra nhận định trên sau 2 giờ thảo luận căng thẳng với Giám mục Bernard Fellay là bề trên tổng quyền Huynh Đoàn Thánh Piô 10. Cuộc thảo luận đã diễn ra hôm thứ Năm 15 tháng Ba vừa qua.

Sau 7 năm nỗ lực, giờ đây Tòa Thánh nhận ra là các nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô 10 không đủ thiện chí muốn quay lại với Giáo Hội Công Giáo.

Hôm 14 tháng 9 năm ngoái, Đức Hồng Y Willam Levada đã tổ chức một cuộc họp báo cho biết Huynh Đoàn Thánh Piô 10 có thời hạn vài tháng để chấp nhận hay bác bỏ những điều kiện mà Tòa Thánh đưa ra. Quan trọng nhất là Huynh Đoàn phải chấp nhận “những tiền đề đạo lý” nhằm bảo đảm sự trung thành với Huấn quyền của Hội Thánh và cảm thức cùng Giáo Hội (sentire cum Ecclesia).

Vào tháng Giêng năm nay, Huynh Đoàn đã đề xuất một số thay đổi trong các tiền đề đạo lý, mà sau đó Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và chính Đức Giáo Hoàng đã duyệt xét lại.

Tuy nhiên, vẫn không thể đi đến một thỏa thuận chung.

Mặc dù vậy, thể hiện sự kiên nhẫn đối thoại của mình, Đức Hồng Y Levada tuyên bố rằng Tòa Thánh đã đưa ra một thời hạn cuối cùng là một tháng để Huynh Đoàn đưa ra một phản ứng dứt khoát.

8. Một cặp vợ chồng thuộc phong trào Focolare sẽ viết văn bản của Chặng Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô năm nay

Cuộc đi đàng thánh giá trọng thể do Đức Thánh Cha chủ sự tại đấu trường La Mã Côlôsêô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một trong những sinh hoạt nổi bật trong Tuần Thánh tại Rôma.

Các văn bản suy niệm tại các chặng đàng thánh giá được viết bởi các tác giả khác nhau để mỗi năm đều có sự thay đổi. Trong năm 2012, danh dự này được dành cho Danilo và Anna Maria Zanzucchi, là một cặp vợ chồng người Ý đã phát động phong trào "gia đình mới"; đó là một phần của phong trào Focolare.

Năm ngoái, người viết bài suy niệm là một nữ tu dòng kín, chị Maria Rita Piccione.

9. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Melkite

Hôm thứ Năm 15 tháng Ba Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham, là Thượng Phụ thành Antiôkia của Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Melkite tại Syria. Buổi tiếp kiến đã diễn ra tại Dinh Tông Tòa của Vatican.

Cùng đi với Đức Thượng Phụ còn có Đức ông Mtanius Hadad, là cha sở của nhà thờ Santa Maria ở Cosmedin trong thành phố Rôma. Đây là nơi mà các Kitô hữu Công Giáo Hy Lạp theo nghi lễ Melkite tụ họp để cử hành Thánh Lễ.

Dịp này Đức Ông Hadad đã đưa lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm nhà thờ Santa Maria.

10. Nhà nước Cuba phát hình bài nói chuyện của Đức Hồng Y Jaime Ortega về chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha

Trong một hành động hiếm khi xảy ra, nhà nước Cuba đã phát hình bài nói chuyện của Đức Hồng Y Jaime Ortega nói về chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng qua làn sóng truyền hình quốc gia do nhà nước kiểm soát.

Trong khoảng 25 phút, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục thủ đô Havana đã nói về Đức Giáo Hoàng, giải thích rằng Đức Bênêđíctô thứ 16 đến thăm Cuba như một khách hành hương, để củng cố một đức tin cần được đánh thức.

Nhà nước Cuba cũng hình thành một trang Web đặc biệt để chào đón Đức Thánh Cha trong đó tràn ngập các bài viết có tính chất thanh minh cho những cuộc đàn áp Công Giáo trước đây của đảng cộng sản Cuba.

Kể từ cuộc cách mạng năm 1959, chính phủ cộng sản đã kiểm soát chặt chẽ Giáo Hội và loại trừ sự hiện diện của Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông. Các thừa sai bị trục xuất và hàng ngàn linh mục bị tù đầy.

Trong thực tế, từ năm 1962 đến 1992, hiến pháp của đất nước quy định rằng Cuba là một quốc gia vô thần, mặc dù hơn 85% dân số là người Công Giáo.

Nhưng bây giờ nhà nước dường như đang có những nỗ lực chào đón Đức Giáo Hoàng với vòng tay rộng mở trong một cố gắng rõ ràng là để cải thiện bộ mặt của mình với thế giới.

Tờ báo "Granma" của đảng cộng sản Cuba gần đây đã đăng kín một trang nhất những bài viết chào đón Đức Giáo Hoàng với những lời hoa mỹ.

Bài xã luận của tờ báo này nói rằng thật là một vinh dự cho Cuba được đón tiếp Đức Giáo Hoàng.

11. Đọc kinh Mân Côi qua điện thoại cầm tay

Một chương trình trên Smart Phone để đọc kinh Mân Côi vừa được I-Tunes tung ra với giá chỉ có 1 Mỹ Kim. Chương trình bao gồm các bài đọc Kinh Thánh và cả một ít bản văn do chính Đức Giáo Hoàng đọc.

Đối với những người cần một lời nhắc nhở thân thiện, chương trình sẽ đưa ra một lời nhắc nhở để báo cho người sử dụng biết đến giờ để đọc kinh Mân Côi. Người sử dụng cũng được mời để cầu nguyện với những ý cầu nguyện được đăng tải trên Facebook và Twitter.

Chữ Mân Côi từ, phát xuất từ chữ Rosarium của tiếng Latin, có nghĩa là vườn hoa hồng.

12. Thánh Patrick bổn mạng của Ái Nhĩ Lan

Ngày 17 tháng 3 là ngày lễ kính Thánh Patrick. Nhiều người biết rằng ngài là vị thánh bổn mạng của Ái Nhĩ Lan, nhưng ít ai biết lý do tại sao.

Câu chuyện thực sự của Thánh Patrick rất hấp dẫn. Ngài sinh ra ở Anh và ở tuổi 16, ngài đã bị bắt cóc bởi một bọn hải tặc và bị bán làm nô lệ ở Ái Nhĩ Lan, nơi ngài bị buộc phải chăn cừu. Biến cố này đã diễn ra trong thế kỷ thứ năm và trong thời gian bị giam cầm này ngài đã tìm được đức tin của mình.

Sau sáu năm làm nô lệ, ngài đã trốn thoát khỏi Ái Nhĩ Lan và trở lại quê hương nơi ngài trở thành một linh mục và sau đó là một giám mục. Không lâu sau, ngài cảm thấy ơn gọi để quay lại Ái Nhĩ Lan, nơi ngài đã từng bị bắt làm nô lệ, để truyền giáo.

Ban đầu công việc của ngài ở Ái Nhĩ Lan gặp đầy những khó khăn bởi vì niềm tin Celtic đã bắt rễ sâu trong lòng người dân. Tuy nhiên, Thánh Patrick đã không nản chí, ngài hình thành các tu viện và bền bỉ truyền bá Tin Mừng.

Bây giờ, 16 thế kỷ sau khi Thánh Patrick đến Ái Nhĩ Lan, không chỉ người Ái Nhĩ Lan nhưng toàn bộ thế giới kỷ niệm vị thánh bổn mạng này của họ.

13. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II theo lời kể của tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls cựu phát ngôn viên của Tòa Thánh

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm đảo quốc Cuba. Biến cố này đã diễn ra vào năm 1998, tức là 14 năm trước đây. Vào thời điểm đó, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls đang là phát ngôn viên của Vatican. Ông vẫn còn nhớ rõ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Fidel Castro đã diễn ra như thế nào.

Ông nói rằng đó là "một chuyến tông du độc đáo," mà tiến sĩ đã phải đích thân gặp gỡ Fidel Castro nhiều lần trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Ông Joaquín Navarro-Valls nói:

"Chuyến đi phát triển rất bình thường. Tôi phải nói rằng Castro rất lịch sự và Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện rất rõ ràng và thẳng thắn. "

Khi đã đến Cuba, Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất mạnh mẽ trong các tuyên bố của ngài. Ông Navarro-Valls cho biết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bảo vệ "các giá trị cơ bản của con người và quyền tự do tôn giáo, với cùng một thông điệp Đức Thánh Cha đã mang đến cho tất cả các quốc gia ngài đến thăm".

Ông cho biết thêm:

"Vào buổi chiều khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến đi, chúng tôi ở sân bay chờ đợi máy bay. Trong một bài phát biểu chia tay, Castro nói ‘cám ơn những điều ngài đã nói ở đất nước này, ngay cả đối với những điều mà tôi không thể đồng ý’. Ông ta nói một cách rất tế nhị và lịch sự. Tất nhiên nếu ông ta đã đồng ý với mọi tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, tình thế có thể đã thay đổi, nhưng điều đó đã không xảy ra. "

Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls là phát ngôn viên của Vatican trong 22 năm. Ông tháp tùng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm 28 quốc gia trên toàn cầu.

14. Guzmán Carriquiry: vai trò của Giáo Hội ở Mỹ Latinh sau thời kỳ thực dân

Trong năm 2010, nhiều nước Mỹ Châu La-tinh đã kỷ niệm 200 năm độc lập. Để đánh dấu sự kiện này và nhân chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng đến Mexico và Cuba, một cuốn sách đã được xuất bản gần đây với tựa đề “The Bicentennial of Independence of Latin American Countries.” Nghĩa là "Hai trăm năm độc lập của các nước Mỹ Châu Latinh." Tác giả cuốn sách này là ông Guzmán Carriquiry, thư ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh. Gần đây, ông đã cho ra mắt cuốn sách tại trụ sở của Viện Mỹ Châu Latinh – Italia tại Rôma.

Ông Guzmán Carriquiry nói:

"Tôi rất hạnh phúc vì Viện Mỹ Châu Latinh – Italia đầy thế giá đã có ý tưởng rất hay là cho trình làng cuốn sách của tôi về hai trăm năm độc lập của châu Mỹ La tinh."

Trong cuốn sách của mình, tác giả nhìn vào làn gió độc lập, đã thổi qua châu Mỹ La tinh. Ông nói rằng việc phúc âm hóa châu Mỹ là chìa khóa để hiểu được quá trình này.

Ông nói thêm về cuốn sách như sau:

"Cách nào đó, cuốn sách vượt xa các giới hạn của lịch sử chính thống và chắc chắn nó làm rõ tầm mức của các vấn nạn và thách đố các nước Mỹ Châu Latinh ngày nay vẫn đang phải tiếp tục đối phó sau khi đã giành được độc lập. Nó cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của Giáo Hội từ khi các quốc gia này được hình thành cho đến nay. "

Trong số những người tham dự buổi ra mắt cuốn sách có Đức Hồng Y Santos Abril y Castello người Tây Ban Nha, hiện là linh mục trưởng của Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma.

Giáo sư Carriquiry, nói rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Mỹ Châu Latinh là một phần rất quan trọng của việc cử hành Hai Trăm Năm Độc Lập.

Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ củng cố đức tin của người dân trong khi kêu gọi một sự hồi sinh đức tin nơi Chúa Kitô để niềm tin Kitô có thể bén rễ sâu trong trái tim của châu Mỹ La tinh, trong cuộc sống của các gia đình và trong các nền văn hóa của các quốc gia chúng tôi."

Với cuốn sách này, ông hy vọng sẽ phá vỡ những khuôn sáo về Mỹ Châu Latinh, trong khi làm nổi bật vai trò của các quốc gia này trên quy mô toàn cầu.

15. Ðức Giám mục nghỉ hưu Alfonsa Santos tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Honduras vào tháng 11 năm 2013.

Theo tin của nhật báo El Heraldo số ra ngày 12 tháng 03 tại Honduras, thì Ðức cha Alfonso Santos, hiện đang nghỉ hưu vì đã quá 75 tuổi, nguyên là Giám mục Giáo phận Santa Rosa de Copan, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: "Xét vì tình trạng nghèo cùng cực và bất công mà chúng ta đang sống tại Honduras, tôi sẽ ra ứng cử chức vụ Tổng thống".

Ðược biết, Ðức cha Alfonso Santos đã xin phép Toà Thánh để thực hiện giấc mơ chính trị, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có trả lời chính thức nào của Toà Thánh cho nguyện ước của Ðức Cha.

Ðức Cha Alfonso Santos cho biết thêm là ngài sẽ ứng cử như là thành viên của Ðảng Tự Do của Honduras. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2013. Theo Hiến Pháp hiện hành của Honduras, đương kim tổng thống nước này là ông Porfirio Lobo không được phép tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Ðức cha Santos nổi tiếng vì những can thiệp chính trị của ngài trong thời gian qua, như việc ngài lên tiếng chống lại những việc làm gây nguy hại môi sinh của các công ty khai thác hầm mỏ tại Honduras, và chống lại cuộc chiếm quyền của nhóm quân đội tại Honduras ngày 28 tháng 06 năm 2009. Ðức Cha Santos đã nghỉ hưu vào cuối năm 2011, sau khi đã đến hạn tuổi 75 vào tháng 11 năm 2011.