BÀI ĐỌC 1 2Sm 7:4-5a,12-14a,16
Bài trích sách Sa-mu-an quyển thứ hai.
Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng:
“Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này:
Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.
Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.
Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.
Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Rm 4:13,16-18,22
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.
Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.
Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.
Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Tv 83:5
Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
TIN MỪNG Mt 1:16,18-21,24a
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.
Đó là Lời Chúa.
DÁM YÊU VỚI TẤT CẢ RỦI RO
“Giuse đã thực hiện như lời sứ thần truyền”.
Nghệ thuật Kitô giáo có khuynh hướng mô tả thánh Giuse như một cụ già. Tuy nhiên, một ngoại lệ rất nổi bật là bức “Giuse” của El Greco, một nghệ sĩ Tây Ban Nha, mô tả Giuse là một thanh niên cơ bắp, đáng tin cậy; trẻ Giêsu quấn lấy chân ngài. Điều này phù hợp với ngữ cảnh Tin Mừng và tính cách của Giuse; một người trẻ mạo hiểm, ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Thông thường, cuộc sống không như chúng ta tưởng; đặc biệt trong yêu đương, thật khó để đi từ logic ‘phải lòng một ai’ sang logic một ‘tình yêu trưởng thành!’. Nhưng chính xác là, khi những hoài bão xem ra kết thúc, thì chính tại ngõ cụt ấy, tình yêu đích thực bắt đầu bước vào! Thực tế, tình yêu không phải là những gì chúng ta kỳ vọng được người kia đáp ứng, phù hợp với trí tưởng tượng; thay vào đó, nó có nghĩa là tôi lựa chọn một cách hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm cho cuộc sống của người kia với bất cứ điều gì xảy ra. Đây là trải nghiệm cũng là bài học đắt giá của Giuse! Chàng đã đón nhận Maria với ‘đôi mắt mở to’, vì ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.
Trải nghiệm của Giuse cũng có thể là trải nghiệm của bạn và tôi; đó là một mối nguy có thể tồn tại trong hành trình tâm linh của bất cứ người nào! Khi mọi thứ yên ả, công việc xuôi may, cuộc sống tôi như đang thăng hoa; nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ, đớn đau, nhục nhã… phủ lên tôi như quầng mây xám, liệu Chúa còn yêu tôi không? Và bấy giờ, Giuse, tấm gương cho chúng ta. Hãy vững tin vào Chúa! Giuse không dễ nản lòng, vì Giuse đã ‘dám yêu với tất cả rủi ro’.
Vậy nhờ đâu Giuse có thể tin? Một lương tâm trong sạch! Tin Mừng nói, “Giuse là người công chính”. Giuse yêu Maria, nhưng sự thật quá khắc nghiệt để có thể vượt qua; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Nhưng, với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới lấy Maria làm vợ để ly hôn trong lặng lẽ. Và Thiên Chúa nhìn thấy sự trung thực này, Ngài thổ lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của người thiếu nữ. Một thông điệp ngắn trong mơ đủ để thuyết phục trái tim Giuse, và Giuse đã đón nhận tất cả với sự ngạc nhiên!
Thánh Bernard viết, “Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại ngày xưa bị bán sang Ai Cập, bạn sẽ nhận ra rằng, thánh Giuse không chỉ nhận được tên của ông mà còn nhận được sự trong trắng, vô tội và ân phúc của ông nữa! Giuse Cựu Ước ‘giỏi đọc’ giấc mơ; Giuse Tân Ước ‘giỏi tin’ giấc mơ. Giuse Cựu Ước đã ‘tích trữ ngũ cốc’ cho một dân; Giuse Tân Ước ‘trông coi Bánh Hằng Sống’ cho cả thế giới”. Và còn hơn thế, Giuse Tân Ước, người được tiền định, để bảo tồn những gì Thiên Chúa hứa cho dòng dõi Đavít được trường tồn. Bài đọc Samuel và cả Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận, “Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời!”.
Anh Chị em,
Thử hỏi, có ai ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ cho bằng Thiên Chúa? Nhìn lên thánh giá, ‘rủi ro vĩ đại’ của mọi rủi ro, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ của Ngài, một tình yêu cứu độ đòi hỏi mạo hiểm khi phải đánh cược bằng chính cái chết của Con Một. Và ngày nay, Đấng Phục Sinh vẫn đang chấp nhận rủi ro khi trao vào tay chúng ta những gì Ngài chưa hoàn thành. Liệu mỗi người chúng ta có đủ một lương tâm trong sáng, một con tim chính trực, một ý chí ngay lành như thánh Giuse để cùng với Thánh Thần, tiếp tục công việc Chúa Kitô Phục Sinh đã trao?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tìm cho mình bất kỳ một sự an thân nào. Cho con biết ‘mở to đôi mắt’, đầy ngạc nhiên thán phục đón nhận những gì Chúa muốn, để ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
20. Nhờ sự phục tùng của Đức Mẹ Ma-ri-a mà đền bù tai họa do nguyên tổ E-va vi phạm truyền lại.
(Thánh Irenaeus of Lyons)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Sau trận mưa xuân, bé Lâm Đạt tựa cửa sổ nhìn xa xa, nhìn sắc cầu vòng rất đẹp cách xuất thần, bé Lâm Đạt kêu lên:
- “Mẹ ơi, con nghe có người nói, khi cầu vồng xuất hiện bên chân trời thì có một vài đồng tiền vàng từ phía trên rơi xuống, chỉ có những trẻ em sinh vào ngày chúa nhật mới có thể tìm được nó, chuyện này có thật không? Những trẻ em nào thì nên sinh vào ngày chúa nhật? Nhưng chúng nó nên nói với ai là chúng muốn sinh vào ngày chúa nhật?"
Bà mẹ trả lời:
- “Đúng vậy, trong cầu vòng nhất định có giấu báu vật của thiên quốc, tất cả vàng bạc trên thế giới đều không thể so sánh với chúng nó, nhưng các trẻ em không nhất thiết là phải sinh vào ngày chúa nhật mới có thể được mấy báu vật đó. Điều kiện quan trọng nhất là các em đó phải ngoan hơn các em khác, hơn nữa mọi nơi mọi lúc khi đi dự lễ ngày chúa nhật thì phải lịch sự, nếu con muốn trở thành một em bé như thế, thì con nhất định sẽ được báu vật ấy.”
Bé Lâm Đạt bắt đầu cố gắng học thành bé ngoan, lúc nó ngày càng trở nên đẹp, nó càng thêm vui vẻ và thỏa mãn. Một hôm, cầu vồng lại xuất hiện, mẹ nó nói với nó:
- “Lâm Đạt, con có muốn đi tìm báu vật hoàng kim của thiên quốc không?”
Lâm Đạt trả lời:
- “ Mẹ yêu của con, trước đây con rất là ngu ngốc, bây giờ con hiểu rõ ràng ý nghĩa của mẹ rồi, báu vật mà mẹ nói đó so với vàng bạc càng quý giá và càng quý hiếm hơn.”
- “Thật không, bé con của mẹ?" Bà mẹ nói tiếp: “Đúng như vậy, mẹ nói báu vật của thiên quốc so với tất cả các báu vật trên thế gian rất vĩ đại, đó chính là hạnh phúc chân chính mà nhân loại chúng ta đi tìm. Chúng ta cũng chỉ có thể từ trong tâm hồn chân thiện mỹ, thuần khiết và nhân ái mới tìm được nó.”
(Một trăm câu chuyện)
Suy tư ngắn 6:
Hạnh phúc của thế gian rất là ngắn ngủi, chỉ một vài cốc bia với bạn bè là thấy hạnh phúc; chỉ cần có một áp phe nhiều tiền là hạnh phúc; hoặc chỉ cần có nhà cao cửa rộng là thấy hạnh phúc. Tất cả loại hạnh phúc này đều là phù du nay còn mai mất.
Báu vật bởi trời mà Thiên Chúa tặng cho chúng ta chính là Mình và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su, chỉ có ai ăn và uống Bánh Rượu này thì mới có hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa ngay cả khi còn ở thế gian này.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trên tờ The Leaven của Tổng giáo phận Kansas City, Kansas [ http://theleaven.org/did-jesus-teaching-seek-to-alienate-or-liberate/], Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, chủ tịch Ủy ban Phò sinh và Truyền thông của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi: Did Jesus’ teaching seek to alienate or liberate? [Giáo huấn của Chúa Giêsu tìm cách tha hóa – hay giải thoát?]. Ngài viết như sau:
Tôi trưởng thành vào thập niên 1960. Đó là thời bất ổn dân sự, bạo loạn chủng tộc, biểu tình phản chiến và cách mạng tình dục. Một trong những nhãn dán phổ biến vào thời điểm đó nói rằng: Hãy nghi vấn mọi điều.
Các biến cố xã hội ấy trùng hợp với các phiên họp của Công đồng Vatican II và việc thực hiện sớm của nó. Công đồng đã mang lại sự đổi mới tốt đẹp và rất cần thiết cho nhiều khía cạnh của đời sống Công Giáo. Đáng buồn thay, cũng có một sự giải thích sai lầm nghiêm trọng về công đồng đã tạo ra sự nhầm lẫn về mặt đạo đức. Những ý tưởng độc hại của cuộc cách mạng tình dục len lỏi vào giáo hội.
Một huyền thoại văn hóa vĩ đại đã được truyền bá cho rằng một người không thể hạnh phúc hoặc thỏa mãn trừ khi bạn hoạt động tình dục. Tỷ lệ ly hôn tăng đột ngột trong xã hội và Giáo Hội. Luân lý tình dục truyền thống bị coi là lỗi thời. Đức khiết tịnh bị chế giễu. Những tiếng nói có ảnh hưởng trong Giáo Hội đã tìm cách sử dụng “tinh thần công đồng” để thay đổi việc dạy và thực hành luân lý Công Giáo về tình dục.
Với sự sẵn có và chấp nhận văn hóa của thuốc tránh thai, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã cảnh báo rằng sự thân mật tình dục bên ngoài giao ước hôn nhân sẽ trở nên phổ biến, và tác hại gây ra cho trẻ em, phụ nữ, nam giới và xã hội sẽ là một thảm họa. Đức Thánh Cha quả là tiên tri. Sinh con ngoài giá thú, phá thai và khiêu dâm trở nên phổ biến. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đạt đến mức đại dịch. Trái ngược với dự đoán của những người ủng hộ tránh thai và phá thai, lạm dụng trẻ em và buôn bán trẻ em đã đạt mức kỷ lục.
Niềm hạnh phúc vô song mà những người ủng hộ điều gọi là tự do tình dục hứa hẹn sẽ không bao giờ thành hiện thực. Thay vào đó, chúng ta nhận thấy ở những người trẻ tuổi mức độ lo lắng, trầm cảm và cô đơn cao đến mức đáng báo động. Nội dung khiêu dâm và các hình thức nghiện tình dục khác đã trở nên tràn lan và biến nhiều người thành nô lệ khi còn trẻ.
Việc làm sáng tỏ luân lý tình dục vẫn tiếp tục trong nhiều thập niên. Trong số những ngụy biện văn hóa, có một quan niệm phổ biến cho rằng hoạt động tình dục đồng tính là lành mạnh và bình thường, chỉ là một lựa chọn lối sống khác.
Trong những năm gần đây, sự nhầm lẫn về văn hóa của chúng ta đã làm nảy sinh ý thức hệ phái tính, khẳng định rằng con người có thể phủ nhận phái tính sinh học của mình. Đáng thương thay, nhiều người trẻ tuổi đã bị áp lực phải trải qua chế độ điều trị nội tiết tố chuyển đổi phái tính và cắt xén cơ thể của họ bằng các cuộc phẫu thuật “chuyển đổi phái tính”.
Thật biết ơn, khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với giáo huấn mang tính bước ngoặt của ngài về thần học thân xác, đã cho chúng ta một ngôn ngữ mới để nói lên vẻ đẹp của tính dục con người và giúp khôi phục sự lành mạnh về luân lý. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô cũng cung cấp giáo huấn rõ ràng trong các lãnh vực quan trọng này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ ràng và mạnh mẽ về sự dữ của việc phá thai và sự nguy hiểm của lý thuyết phái tính.
Tôi lấy làm buồn rằng trong quá trình chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị, đã có một nỗ lực mới của một số người trong giới lãnh đạo giáo hội nhằm khơi dậy sự nhầm lẫn luân lý về tính dục con người. Con đường Đồng nghị của Đức là một thí dụ nổi bật. Ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Đức đã bác bỏ sự sửa sai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đáng lo ngại nhất là tuyên bố của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, người từng khẳng định rằng giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến đồng tính luyến ái là sai vì ngài tin rằng nền tảng khoa học-xã hội học của giáo huấn này không còn đúng nữa. Những phát biểu của Đức Hồng Y Hollerich đặc biệt đáng quan tâm vì vai trò lãnh đạo mà ngài được chỉ định làm tổng tường trình viên cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị.
Gần đây nhất, bài báo của Đức Hồng Y Robert McElroy trên tạp chí Dòng Tên America đã cáo buộc rằng Giáo Hội Công Giáo “chứa đựng các cấu trúc và văn hóa loại trừ khiến quá nhiều người xa lánh Giáo hội hoặc khiến hành trình của họ trong đức tin Công Giáo trở nên vô cùng nặng nề”. Đức Hồng Y McElroy ủng hộ điều mà ngài gọi là sự bao hàm triệt để bao gồm mọi người hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội theo các điều khoản của họ. Nhiệm vụ Chúa Giêsu trao cho các tông đồ là làm cho muôn dân thành môn đệ được hiểu là mở rộng lều hội thánh bằng cách dung túng những hành vi trái ngược với giáo huấn của chính Chúa chúng ta.
Đức Hồng Y McElroy dường như tin rằng giáo hội trong 2000 năm đã cường điệu hóa tầm quan trọng của giáo huấn luân lý về tình dục của mình, và sự bao hàm triệt để đó thay thế lòng trung thành với tín lý, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo huấn luân lý của Giáo hội liên quan đến tình dục con người.
Theo tôi, đây là một lỗi nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Sự hiểu biết của chúng ta về luân lý tính dục ảnh hưởng đáng kể đến đời sống hôn nhân và gia đình. Tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình đối với xã hội, văn hóa, quốc gia và Giáo Hội không thể được đánh giá quá cao.
Những người ủng hộ sự bao hàm triệt để trưng dẫn việc Chúa chúng ta liên kết với những người tội lỗi. Trước sự chỉ trích gay gắt của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đúng là Chúa Giêsu đã bày tỏ sự quan tâm, lòng trắc ẩn và lòng thương xót đối với những người tội lỗi. Trong mọi trường hợp, Chúa Giêsu cũng kêu gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người phải sám hối và hoán cải.
Chúng ta có phải hiểu lời kêu gọi ăn năn của Chúa chúng ta là nuôi dưỡng nền văn hóa loại trừ hay không? Giáo huấn rõ ràng và đầy thách thức của Chúa Giêsu về hôn nhân hay các hệ quả của dục vọng là nhằm mục đích tha hóa, hay đó là một lời mời gọi tiến tới giải thoát và tự do? Sự bao hàm triệt để có phải là ưu tiên cao nhất của Chúa chúng ta hay không, khi nhiều môn đệ bỏ đi sau bài giảng về Bánh Hằng Sống của Người?
Có ai trong chúng ta nên ngạc nhiên khi lắng nghe những người ở ngoại vi, những người không ở trong Giáo Hội của chúng ta, những người không Công Giáo và thậm chí những người không tin vào Chúa Giêsu, nói rằng nhiều người trong số họ không đồng ý với giáo huấn luân lý phản văn hóa của chúng ta hay không? Điều này có phải có nghĩa là chúng ta nên ăn năn vì đã tạo ra các cấu trúc loại trừ và chấp nhận tinh thần của nền văn hóa thế tục?
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ ràng rằng tính đồng nghị không phải là biểu quyết về tín lý và giáo huấn luân lý. Đức Thánh Cha cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng tính đồng nghị là một nỗ lực để lắng nghe Chúa Thánh Thần, chứ không phải tinh thần của thời đại.
Nếu chúng ta cố gắng trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, há điều này không đòi hỏi chúng ta phải phản văn hóa hay sao? Khi mới thành lập Giáo Hội, điều gì đã thu hút mọi người đến với Kitô giáo? Đó có phải là sự bao hàm triệt để không? Chắc chắn, Tin Mừng của Chúa Giêsu đã được cống hiến cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ, Do Thái và Dân Ngoại. Tuy nhiên, trong lời mời của Chúa chúng ta luôn có lời kêu gọi ăn năn, không phải tất cả đều được chào đón theo các điều khoản riêng của họ. Các thư tín của Thánh Phaolô hay bài giảng của Thánh Phêrô dịp Lễ Ngũ Tuần nói về sự bao hàm triệt để, hay chúng là lời kêu gọi hoán cải?
Điều đã tin mừng hóa nền văn hóa vào thời kỳ đầu của Kitô giáo một phần là tình yêu triệt để vốn là đặc điểm của các cuộc hôn nhân và gia đình Kitô giáo. Điều đã thu hút nhiều người đến với Kitô giáo là lời chứng của các trinh nữ tử vì đạo! Phụ nữ đặc biệt cảm thấy được lôi cuốn bởi giáo huấn Kitô giáo, một giáo huấn dạy rằng những người chồng nên sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người bạn đời của mình như Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình cho cô dâu của mình là Giáo Hội.
Vào tháng 2, Tổng Giáo phận Kansas City sẽ tổ chức khóa tĩnh tâm Các Vết Thương Trao Ban Sự Sống cho những người con đã trưởng thành của ly dị hoặc ly thân. Những đứa con đã trưởng thành của ly hôn đại diện cho một nhóm thương vong lớn của cuộc cách mạng tình dục.
Khi lắng nghe những người ở ngoại vi, chúng ta nên bao gồm cả việc lắng nghe nỗi đau của những đứa trẻ trưởng thành của ly hôn, những người trẻ tuổi lớn lên mà không có sự hiện diện của một người cha yêu thương, những người nghiện nội dung khiêu dâm khi còn nhỏ và những người bị tổn thương về mặt cảm xúc bởi nền văn hóa tình dục không cam kết [hookup culture].
Tin Mừng buộc chúng ta phải nhìn mỗi người như một người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta nhìn mỗi người với niềm mong đợi rằng Thiên Chúa đang cố tỏ mình ra cho chúng ta qua họ. Chúng ta tôn kính mỗi con người, vì hết thẩy đều có giá trị to lớn đến nỗi Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình trên đồi Canvê cho mỗi người chúng ta. Vì lý do này, chúng ta đối xử với mọi con người bằng sự tôn kính và tôn trọng cao nhất — bất kể tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, giới tính, thể lực, khả năng trí tuệ hay khuynh hướng tình dục. Điều này không có nghĩa là chúng ta tôn trọng và tôn kính mọi lựa chọn được thực hiện.
Chúng ta thừa nhận mình là những kẻ tội lỗi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, và vì thế chúng ta tìm cách nồng nhiệt đón nhận những người đồng loại tội lỗi. Chúng ta tôn trọng người khác đủ để mời họ thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Sống nhân đức khiết tịnh trong nền văn hóa tình dục hóa thái quá này là một thách thức đối với tất cả chúng ta. Chúng ta sẵn sàng và mong muốn bước đi với những người khác trong việc cố gắng đạt được đức hạnh và đồng hành cùng nhau trên con đường hoán cải liên tục.
Tôi cầu xin để Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ không vô tình phục sinh và thổi luồng sinh khí mới vào sự hỗn độn luân lý. Nếu chúng ta thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, tôi tin chắc rằng điều đó sẽ không khiến chúng ta từ bỏ giáo huấn luân lý của mình để ôm lấy tinh thần độc hại của một thời đại bị áp bức bởi chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối.
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của trận động đất mạnh ở Ecuador và cầu nguyện cho các nạn nhân. Trong Kinh Truyền Tin, vào trưa Chúa nhật 19/3/2023 ĐTC cầu nguyện cho đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và cũng chúc mừng những người cha nhân dịp kỷ niệm "Ngày của Cha".
(Tin Vatican - Linda Bordoni)
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất làm rung chuyển miền nam Ecuador và miền bắc Peru vào đêm thứ Bảy.
Trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã giết chết ít nhất 16 người và khiến nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ước tính có khoảng 381 người bị thương.
Phát biểu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha nói ngài gần gũi với dân chúng Ecuador và đoan hứa cầu nguyện cho tất cả những người đã chết hoặc bị thương.
Trận động đất đêm Thứ Bảy cũng làm đổ sập nhà cửa và các tòa nhà từ các vùng ven biển đến vùng cao nguyên.
Các nhà quan sát ghi nhận những tòa nhà đổ nát, đa số là nơi sinh sống của người nghèo, cũ kỹ và không đáp ứng các tiêu chuẩn cho các vùng thường xuyên xảy ra động đất.
Tâm chấn nằm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương, cách Guayaquil, thành phố lớn thứ hai của Ecuador, khoảng 80 km về phía nam.
Cơ quan cấp cứu của Ecuador báo cáo rằng một số người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Ecuador thường xuyên bị động đất. Vào năm 2016, một trận động đất có tâm xa hơn về phía bắc trên Bờ biển Thái Bình Dương tại một khu vực dân cư thưa thớt của đất nước đã giết chết hơn 600 người. Ở Peru, trận động đất ảnh hưởng từ biên giới phía bắc với Ecuador cho đến bờ biển trung tâm Thái Bình Dương.
Các nhà chức trách ở Peru cho hay có một trường hợp tử vong và nhiều tòa nhà đã bị phá hủy và những bức tường cũ của một doanh trại Quân đội đã sụp đổ ở Tumbes.
Cầu nguyện cho Ukraine
Và như truyền thống sau các bài phát biểu trong giờ Kinh Truyền Tin và trong các buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng lòng về đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và nhắc nhở tất cả những người thiện chí cùng cầu nguyện cho quốc gia đang chịu nhiều đau khổ này.
“Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang tử vì đạo, những người tiếp tục đau khổ vì tội ác chiến tranh!”
Ngày Hiền Phụ
Cuối cùng, sau khi chào đón nhiều ngôn ngữ khác nhau ở Quảng trường Thánh Phêrô, đại diện cho các nhóm khách hành hương và du khách từ khắp nơi trên thế giới, Đức Thánh Cha nói: "Hôm nay chúng ta chúc mừng cho tất cả những người cha": “Xin cho họ tìm thấy nơi Thánh Giuse mẫu gương, sự nâng đỡ, niềm an ủi để sống trọn hảo thiên chức làm cha của mình.”
Và Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !”
Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisêu. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sabát. Vậy, các người Pharisêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” Trong nhóm Pharisêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”
Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.
Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Hôm nay, Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9,1-41). Nhưng điều kỳ diệu này được chào đón một cách thê thảm bởi nhiều người hoặc nhiều nhóm khác nhau. Chúng ta hãy nhìn vào các chi tiết.
Nhưng, trước hết tôi muốn nói rằng hôm nay, chúng ta hãy lấy Tin Mừng Gioan và đọc về phép lạ này của Chúa Giêsu. Cách Thánh Gioan kể lại trong chương 9 thực sự rất hay. Chỉ mất hai phút để đọc trình thuật này. Câu chuyện cho chúng ta thấy Chúa Giêsu hành động như thế nào và trái tim con người phản ứng ra sao: trái tim nhân hậu, trái tim nguội lạnh, trái tim sợ hãi của con người, trái tim can đảm của con người. Chương 9 Tin Mừng Gioan. Hãy đọc nó ngày hôm nay. Nó sẽ giúp anh chị em rất nhiều. Vậy thì những cách mà những người này chào đón điều phi thường này là gì?
Trước hết, có các môn đệ của Chúa Giêsu, khi đối mặt với người mù bẩm sinh, đã nói chuyện phiếm và hỏi liệu cha mẹ anh ta hay anh ta có lỗi không (x. câu 2). Họ tìm kiếm một thủ phạm. Và chúng ta đã nhiều lần rơi vào trường hợp này, điều này rất thuận tiện – tìm kiếm thủ phạm hơn là đặt ra những câu hỏi hóc búa trong cuộc sống. Và hôm nay, chúng ta có thể nói: Sự hiện diện của người đàn ông này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, trong cuộc đời tôi? Người này đang yêu cầu chúng ta điều gì?
Sau đó, một khi tiến trình chữa lành diễn ra, các phản ứng sẽ tăng lên. Đầu tiên là từ những người hàng xóm tỏ ra nghi ngờ: “Người đàn ông này luôn bị mù. Không thể nào bây giờ anh ấy lại nhìn thấy – không thể nào là anh ấy được! Đó là một người khác” – chủ nghĩa hoài nghi (xem các câu 8-9). Điều này là không thể chấp nhận được đối với họ. Tốt hơn hết hãy để mọi thứ như trước đây để chúng ta không cần phải đối mặt với vấn đề này (xem câu 16). Họ sợ hãi, sợ hãi các nhà cầm quyền tôn giáo và không dám tuyên xưng (x. cc. 18-21).
Trong tất cả những phản ứng này, vì nhiều lý do khác nhau, đã xuất hiện những con tim khép kín trước dấu chỉ của Chúa Giêsu: vì họ tìm thủ phạm, vì họ không biết ngạc nhiên, vì họ không muốn thay đổi, vì họ bị ngăn cản bởi nỗi sợ. Ngày nay có rất nhiều tình huống tương tự. Đứng trước một điều gì đó thực sự là chứng từ của một con người, một sứ điệp về Chúa Giêsu, chúng ta rơi vào tình thế này – chúng ta tìm kiếm một lời giải thích khác, chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta tìm kiếm một lối thoát tao nhã hơn là chấp nhận sự thật.
Người duy nhất phản ứng tốt là người mù. Vui mừng được thấy, anh làm chứng về điều đã xảy đến với mình một cách đơn giản nhất: “Trước đây tôi mù, nay tôi thấy” (c. 25). Anh ấy nói sự thật. Trước đây, anh phải đi khất thực để sống qua ngày, chịu nhiều thành kiến của người đời: “Anh nghèo và mù từ lúc mới sinh. Anh ấy phải chịu đựng. Anh ta phải trả giá cho tội lỗi của mình hoặc của tổ tiên anh ta”. Bây giờ được tự do về thể xác và tinh thần, anh ấy làm chứng cho Chúa Giêsu – anh ấy không bịa đặt hay che giấu bất cứ điều gì. “Tôi đã bị mù và bây giờ tôi nhìn thấy”. Anh ấy không sợ những gì người khác sẽ nói. Cả đời anh đã nếm trải vị đắng của việc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bản thân anh ta đã từng trải qua sự thờ ơ, khinh bỉ của những người qua đường, của những người coi anh ta là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, chỉ hữu ích cho việc thực hành bố thí một cách ngoan đạo. Bây giờ được lành bệnh, anh không còn sợ những thái độ khinh miệt đó nữa vì Chúa Giêsu đã ban cho anh đầy đủ phẩm giá của mình. Và điều này rõ ràng, nó luôn xảy ra khi Chúa Giêsu chữa lành cho chúng ta. Ngài trả lại cho chúng ta phẩm giá của chúng ta, phẩm giá của sự chữa lành trọn vẹn của Chúa Giêsu, một phẩm giá phát xuất từ tận sâu thẳm trái tim, chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của một người. Và, vào ngày Sabát trước mặt mọi người, Chúa Giêsu đã giải phóng anh ta và cho anh ta nhìn thấy mà không yêu cầu nơi anh ta bất cứ điều gì, thậm chí không một lời cảm ơn, và anh ta làm chứng cho điều này. Đây là phẩm giá của một người cao quý, của một người biết mình được chữa lành và bắt đầu lại, được tái sinh. Sự tái sinh trong cuộc sống mà họ đã nói hôm nay trên “A Sua Immagine”: đó là được tái sinh.
Thưa anh chị em, qua tất cả những nhân vật này, bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt chúng ta vào giữa bối cảnh đó, để chúng ta tự hỏi: Chúng ta đang ở trong vị trí nào? Chúng ta sẽ nói gì sau đó? Và trên hết, hôm nay chúng ta sẽ làm gì? Như anh mù, chúng ta có biết nhìn điều tốt và biết ơn những hồng ân mình nhận được không? Tôi tự hỏi mình: Nhân phẩm của tôi ra sao? Nhân phẩm của anh chị em như thế nào? Chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu không, hay thay vào đó chúng ta gieo rắc sự chỉ trích và nghi ngờ? Chúng ta có tự do khi phải đối mặt với những định kiến hay chúng ta liên kết bản thân với những người truyền bá tiêu cực và nói chuyện phiếm? Chúng ta có vui khi nói rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, rằng Ngài cứu chúng ta, hay giống như cha mẹ của người mù bẩm sinh, chúng ta có để mình bị giam cầm trong nỗi sợ hãi về những gì người khác sẽ nghĩ không? Những trái tim chai lì không chấp nhận sự thật và không đủ can đảm để nói: “Không, nó phải là thế này”. Và xa hơn, chúng ta đón nhận những khó khăn và sự thờ ơ của người khác như thế nào. Làm thế nào để chúng ta chào đón những người có quá nhiều hạn chế trong cuộc sống? Cho dù đó là về thể lý, giống như người mù này; hay có tính chất xã hội, giống như những người ăn xin chúng ta thấy trên đường phố? Chúng ta chào đón họ như một sự bất tiện hay như một cơ hội để đến gần họ với tình yêu?
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên mỗi ngày trước những hồng ân của Thiên Chúa và xem những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất, như những cơ hội để làm điều tốt, như Chúa Giêsu đã làm với người mù. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong việc này, cùng với Thánh Giuse, người công chính và trung thành.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến!
Hôm qua tại Ecuador, một trận động đất đã khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương và thiệt hại đáng kể. Tôi gần gũi với người dân Ecuador và tôi bảo đảm với anh chị em rằng tôi sẽ cầu nguyện cho những người đã khuất và cho tất cả những ai đang đau khổ.
Tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia – tôi thấy những lá cờ: Colombia, Á Căn Đình, Ba Lan…rất nhiều quốc gia…. Tôi chào những người Tây Ban Nha đến từ Murcia, Alicante và Albacete.
Tôi chào giáo xứ Thánh Raymond Nonnato và Các Thánh Tử Đạo Canada ở Rôma, và giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Civitanova Marche; hiệp hội các cộng tác viên Salêdiêng; các thanh niên nam nữ đến từ Arcore, các em ứng sinh Thêm Sức đến từ Empoli và các em đến từ giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Rôma. Tôi chào các bạn trẻ của Vô Nhiễm, họ thật tuyệt!
Rất vui được chào đón những người tham gia cuộc thi Marathon Rôma! Tôi xin chúc mừng các bạn vì, được thúc đẩy bởi “Điền kinh Vatican”, các bạn đang biến sự kiện thể thao quan trọng này thành một cơ hội để đoàn kết ủng hộ những người nghèo nhất.
Và hôm nay, chúng ta gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người cha! Xin cho họ tìm được nơi Thánh Giuse một mẫu mực, một sự nâng đỡ và an ủi để sống tốt thiên chức làm cha của mình. Và tất cả cùng nhau, vì những người cha, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho người dân Ukraine bị vùi dập, những người tiếp tục đau khổ vì tội ác chiến tranh.
Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha do Infobae - một hãng thông tấn từ Á Căn Đình – thực hiện và được công bố hôm 10 tháng Ba đang gây ra sóng gió. Như thường thấy sau các cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhiều tin đồn nổi lên. Lần này, tin đồn là Đức Thánh Cha loại bỏ luật độc thân linh mục. Có những phương tiện truyền thông táo bạo với các hàng tít giật gân: luật độc thân linh mục đã bị đảo chính.
Linh mục Thomas Petri, dòng Đa Minh, một nhà thần học luân lý và là phó giám đốc, trưởng khoa giáo hoàng về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại các viện nghiên cứu Đa Minh ở Washington, DC, có bài viết nhan đề “No, Pope Francis didn’t really hint that the requirement for priestly celibacy will be lifted”, nghĩa là “Không, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không thực sự ám chỉ rằng luật độc thân linh mục sẽ bị loại bỏ.”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Thánh Cha đã nói rõ ý của ngài qua lời nói của mình. Ngài nói rằng đời sống độc thân là một “đơn thuốc tạm thời” vì “nó không vĩnh cửu giống như việc truyền chức linh mục, vốn là vĩnh viễn.” Các phương tiện truyền thông thế tục và thậm chí một số tổ chức tin tức Công Giáo ngay lập tức đưa ra kết luận rằng Đức Thánh Cha đã sẵn sàng sửa đổi kỷ luật độc thân và ngài thậm chí có thể dỡ bỏ nó.
Tất nhiên, ngài không nói điều đó. Khi luật độc thân linh mục được thảo luận cởi mở tại Thượng hội đồng Amazon năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí đã chọn không đề cập đến luật độc thân trong tông huấn hậu Thượng hội đồng của mình.
Cuộc phỏng vấn tạo cơ hội để suy ngẫm về chức tư tế và đời sống độc thân. Giáo huấn của Giáo hội về đời sống độc thân khác với giáo huấn của Giáo hội về đặc tính không thể xóa nhòa của việc truyền chức và các chức thánh được dành riêng cho nam giới. Đây là những tín điều do Giáo hội dạy cần phải tin để khỏi rơi vào tà giáo hay bất đồng chính kiến.
Chức linh mục là đời đời, đó là điều đã được mọi người tin tưởng cho đến khi đạo Tin lành trỗi dậy vào thế kỷ 16. Giáo Hội luôn sống theo thư Do Thái 7:17 (“Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm hàm Menkixêđê”). Sau khi những người theo đạo Tin lành chỉ trích thừa tác vụ được tấn phong, Công đồng Trentô đã long trọng xác định rằng Thiên Chúa đã mạc khải rằng mọi linh mục đều là linh mục đời đời. Ngày nay, khi các linh mục được giải phóng khỏi các nghĩa vụ của chức linh mục, họ không trở thành giáo dân nữa. Họ chỉ đơn thuần được phép không thi hành các bổn phận và nghĩa vụ của chức tư tế. Họ vẫn là linh mục. Không có linh mục nào từng bị “huyền chức,” bất chấp sự phổ biến của từ ngữ đáng tiếc đó.
Năm 1976, Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý trong sắc lệnh Inter Insignores, nghĩa là “Giữa Những Điều Đáng Lưu Ý”, rằng Giáo hội không có thẩm quyền phong chức cho phụ nữ vì chính Chúa Kitô đã không chọn phụ nữ trong số Mười hai Tông đồ và vì các thánh Tông đồ, những người được trao quyền giảng dạy sau khi Chúa Kitô lên trời, cũng không bao giờ chọn phụ nữ. Tuy không được nêu rõ ràng trong Kinh thánh, đó là một kết luận hợp lý cần thiết từ mặc khải của Kinh thánh và truyền thống.
Chúa Kitô không nhất thiết phải tuân theo các chuẩn mực văn hóa. Các Tông đồ, những người đã dạy nhiều hơn Chúa Giêsu khi còn sống trên đất, đã áp dụng nhiều phong tục Hy Lạp - Rôma thay vì các quy tắc của Môisê. Người Hy Lạp có các nữ tư tế, nhưng các tông đồ vẫn không phong chức cho phụ nữ. Với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố rằng những sự thật này là dứt khoát và chung cuộc: Giáo Hội không thể phong chức cho phụ nữ.
Năm 1994, Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định kết luận này trong Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis, hay Chức Linh Mục. Một năm sau, Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý rằng bức thư của vị thánh giáo hoàng tuyên bố rằng giáo huấn Công Giáo luôn dạy rằng phụ nữ không thể được phong chức. Có thể đến một ngày, như đã xảy ra vào thế kỷ 16, khi một giáo hoàng hoặc một hội đồng đại kết phải long trọng tuyên bố rằng đây là một sự thật được Chúa mặc khải, nhưng hiện tại, đó là một phần của huấn quyền thông thường và phổ quát mà chúng ta phải tin rằng phụ nữ không thể được phong chức kẻo chúng ta trở thành những người bất đồng chính kiến với đức tin Công Giáo.
Luật độc thân linh mục thuộc một phạm trù khác. Mặc dù chương thứ tư của Tin Mừng Luca cho chúng ta biết rằng Thánh Phêrô có một bà mẹ vợ, nhưng lời khuyên của Chúa về việc giữ trinh tiết vì vương quốc (Mt 19:12) đã trở thành quy tắc. Thánh Phaolô lưu ý rằng những người đàn ông độc thân hoàn toàn tận tụy lo việc Chúa (1 Cr 7:32). Độc thân là kỷ luật từ rất sớm.
Mặc dù ngay từ thế kỷ thứ tư đã có các Công Đồng địa phương, chẳng hạn như Công Đồng Elvira, quy định các linh mục phải sống độc thân, nhưng người ta hiểu rằng ngay cả các linh mục đã kết hôn cũng thực hành tiết chế tình dục vì họ phải chuyên tâm thờ phượng Chúa. Đó là sự chuyển tiếp từ Do Thái giáo, vốn hiểu rằng các linh mục phục vụ trong Đền thờ phải kiêng quan hệ tình dục với vợ của họ để tập trung vào Chúa.
Khi Chúa Kitô thay thế cho Đền thờ; và Bí tích Thánh Thể trở thành phương thức thờ phượng thiêng liêng chính, ngay cả những linh mục đã kết hôn trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội cũng có xu hướng thực hành hôn nhân “Josephite” – nghĩa là một cuộc hôn nhân không có quan hệ tình dục - để họ có thể trong sạch và không bị chia cắt trong việc thờ phượng Chúa. Các nhà phê bình hiện đại về chủ nghĩa độc thân đã không thực hiện nghiên cứu của họ. Ngay cả các linh mục đã kết hôn trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội cũng không còn là chồng theo nghĩa mật thiết vì họ và vợ của họ hiểu được tính ưu việt của việc thờ phượng Thiên Chúa và sự thờ phượng chuyên tâm cần có nơi những người tận hiến để dâng Thánh lễ.
Mặc dù Giáo Hội Công Giáo Rôma ngày nay vẫn có những ngoại lệ đối với tình trạng độc thân các linh mục - chẳng hạn như đối với các linh mục trong Giáo hạt tòng nhân Anh giáo - và mặc dù Giáo hội Đông phương có các linh mục đã kết hôn, nhưng ngay cả các linh mục đã kết hôn ngày nay cũng nhận ra tầm quan trọng, giá trị và tính ưu việt của tình trạng độc thân. Các linh mục độc thân sống như Chúa Kitô đã sống trong thế giới này. Sự độc thân và sự hy sinh của ngài đã mang lại sự sống cho thế giới.
Chắc chắn rằng một ngày nào đó trong tương lai, kỷ luật độc thân có thể biến mất, nhưng điều đó không có nhiều khả năng sẽ xảy ra. Các giáo phái Tin lành có giáo sĩ đã kết hôn có ít ơn gọi hơn nhiều giáo phận và dòng tu Công Giáo. Một giáo sĩ độc thân đã trở thành tiêu chuẩn trong Giáo Hội Công Giáo trong vài trăm năm. Các giáo xứ và giáo phận không sẵn sàng hỗ trợ các gia đình giáo sĩ. Hầu hết các linh mục kiếm được ít hơn mức lương tối thiểu hàng năm, bất kể những lợi ích bổ sung mà họ có thể nhận được - những lợi ích mà hầu hết các giáo xứ và giáo phận không đủ khả năng mở rộng cho một gia đình.
Quan trọng hơn, trong khi các linh mục đôi khi phải vật lộn với đời sống độc thân, và đôi khi họ có thể coi đó là một thử thách trong việc phục vụ Chúa và Giáo hội của Người, thì có rất ít, có lẽ chỉ một số ít, các linh mục tốt sẽ từ bỏ đời sống độc thân trong chức linh mục của họ. Chỉ có những nhà phê bình và những người ngoài cuộc nói với các linh mục rằng các ngài nên kết hôn. Dù hôn nhân là một điều tốt đẹp, nhưng linh mục chúng tôi biết rằng Thiên Chúa còn đòi hỏi nơi chúng tôi nhiều hơn thế.
Nó đòi hỏi một ân sủng nào đó để sống độc thân một cách vui vẻ và trọn vẹn. Sự cần thiết của một ân sủng như vậy bảo đảm rằng các linh mục hoàn toàn tận tụy với Thiên Chúa và chúng tôi được ban ân sủng để tận tụy như vậy trong suốt cuộc đời của mình.
Source:Catholic News Agency
120 thành viên Ban Truyền thông tại các giáo xứ, giáo họ thuộc 7 giáo hạt quy tụ về Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Hà Nội trong ngày 19/3/2023. Đây là một con số vượt ngoài mong đợi của ban tổ chức khi mở khóa bổ túc đầu tiên của năm 2023.
Linh mục Christophe Lefebvre, cha sở nhà thờ chính tòa Perpignan cho biết lòng sông Têt quá thấp, từ 6 tháng trời nay chỉ ghi nhận 130 mm lượng nước mưa.
Tập tục này giống như nghi lễ cầu đảo (祈 禱) ở nước ta, thể hiện qua bài thơ sau đây của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428):
炎炎九土正焦燖,
一雨皇天普澤深。
請罪國將行盛禱,
初和民已浹歡心。
Viêm viêm cửu thổ chính tiêu tầm.
Nhất vũ hoàng thiên phổ trạch thâm.
Thỉnh tội quốc tương hành thịnh đảo,
Sơ hòa dân dĩ thiếp hoan tâm.
Xin chuyển thể lục bát:
Đất đai nứt nẻ khô cằn
Cầu trời mưa xuống mùa màng thắm sâu
Thôn làng khấn vái thỉnh cầu
Mong sao mưa thuận thắm sâu đất trời.
Lê Đình Thông