Ngày 16-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:19 16/03/2017
29. ĐI UỐNG TRÀ NGUỘI
Cường Uyên Minh nhận lệnh đi làm soái ở Trường An, bèn đến cáo từ thái sư họ Thái.
Thái công nói đùa:
- “Ông phải uống trà nguội rồi hãy đi”.
Cường Uyên Minh không hiểu nổi, nhưng lại sợ người ta thấy mà cười cho nên không dám tự tiện hỏi.
Sau đó thì đi hỏi bạn bè để hiểu biết tình hình địa phương, bạn bè cười nói:
- “Con gái Trường An bước đi rất ngắn cho nên khi đi thì tương đối chậm, cho nên Thái công dùng “uống trà nguội” là ý nói chậm chậm rồi hãy đi để nói đùa vậy thôi.”
(Hiên Cứ lục)

Suy tư 29:
Có những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời gấp cho người hỏi mình: hỏi đường sá.
Có những câu hỏi mà chúng ta cần phải lờ đi hoặc không nên trả lời: hỏi về đời tư của người khác.
Có những câu hỏi mà chúng ta tuyệt đối không được trả lời khi bị hỏi: chuyện bí mật của người khác khi vì tin tưởng mà họ kể cho chúng ta nghe.
Có những đối tượng hỏi mà chúng ta cần phải tế nhị giải thích: trẻ em.
Có những đối tượng hỏi mà chúng ta cần phải cặn kẻ giải thích: những người thành tâm hỏi để học hỏi.
Có những đối tượng hỏi mà chúng ta có quyền không trả lời hoặc trả lời khác đi để khỏi làm hại tha nhân: những người đã gây ra thù oán...
Trong cuộc sống hàng ngày của người Ki-tô hữu, có câu hỏi phải trả lời bằng miệng, có câu hỏi phải trả lời bằng hành động, có câu hỏi phải trả lời bằng tình thương.
Nhưng có một câu hỏi mà chúng ta –những người Ki-tô hữu- phải trả lời không những bằng lời nói, bằng hành động mà bằng cả tình thương, đó là khi người ta hỏi: “Thiên Chúa của các anh (chị) là ai, ở đâu ?”
Nói về Thiên Chúa của mình cho người khác nghe thì không thể “uống trà nguội” được, nhưng phải nhanh chóng và nhiệt tình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:25 16/03/2017

2. Thiên Chúa muốn chúng ta cầu cứu Ngài, gò ép Ngài, và muôn chúng ta chiến thắng muốn vì lời cầu nguyện.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Cái khát cuỷa con người
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:12 16/03/2017
CÁI KHÁT CỦA CON NGƯỜI

(Chúa Nhật III Mùa Chay A)

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III mùa Chay, đặc biệt bài đọc thứ nhất (Xh 17,3-7) và bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) hướng chúng ta đến chủ đề “nước”. Đi trong sa mạc, dân Chúa xưa đã nổi loạn với Môsê vì thiếu nước và Thiên Chúa đã ban cho họ nước chảy ra từ tảng đá tại Horeb. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu đã dừng chân bên giếng nước Giacob, Người đã xin một phụ nữ Samaria chút nước và Người hứa ban cho chị ta nước trường sinh.

Nói đến nước là nói đến một trong những nhu cầu căn bản của con người xét như loài có sự sống. Thiếu nước là như sự chết đang cận kề. Người ta có thể vượt qua những thiếu thốn của cải, tiện nghi… và người ta cũng có thể chịu đựng cái đói trong một thời gian khá dài, trên dưới một tháng, thế nhưng không một ai có thể cầm cự với cái khát quá dăm bảy ngày. Chính vì thế mà việc đáp ứng nhu cầu khát nước trở thành một việc cấp thiết mang tính sống còn. Vượt trên các loài sinh vật bậc thấp, loài người chúng ta ngoài cái khát tự nhiên là khát nước thì còn có nhiều nổi khát xuất phát từ nhu cầu của sự phản tỉnh hay sự tự nhận biết về hiện hữu của mình.

A. Những cái khát của kiếp nhân sinh:

1. Khát mong được nhìn nhận: Tôi là một con người. Đây là một chân lý hiển nhiên. Thế mà vẫn đã từng có, trong quá khứ và ngay cả hôm nay, rất nhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người. Đó là trẻ em, phụ nữ, người nô lệ, người bất hạnh, quả phụ, cô nhi, ngoại kiều, người nghèo hèn, kém phận… Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy rõ hiện tượng này. Các Ngôn sứ đã không ngừng lên tiếng về đề tài này. Người phụ nữ bên bờ giếng Giacob phải chăng không là ngoại lệ. Dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà có thể chị chưa được nhìn nhận như là một người vợ? Phải chăng chị vẫn còn bị xem như một thứ “sở hữu” của người chồng?

Khi sinh thời mẹ Têrêxa thành Calcutta gặp gỡ rất nhiều người bất hạnh, xấu số. Sau khi gặp mẹ, họ đã từng tâm sự rằng họ mãn nguyện vì cho dẫu chưa được sống như một con người thì họ cũng đã được chết như một con người. Chúa Kitô mạnh mẽ tuyên bố rằng không cần đã giết người thì mới bị đoán phạt, nhưng nếu loại bỏ tha nhân từ trong tâm trí và lối ứng xử của ta tức là không nhìn nhận tha nhân như là một con người thì ta cũng đã đáng bị trừng phạt (x.Mt 5,21-22).

Người ta không chỉ khát khao được nhìn nhận như một con người mà con mong được nhìn nhận như là một người khác. Điều này nói lên sự độc lập, khác biệt của tha nhân đối với ta. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, dù nỗ lực làm cho “mình với ta, tuy hai mà một” nhưng họ vẫn phải luôn ý thức để tôn trọng sự thật “ta với mình, tuy một mà vẫn là hai”. Quả thật người ta sẽ chẳng còn là chính mình một khi bị đồng hóa do bởi một ai đó hay bởi một thế lực nào đó.

2. Khát mong được chấp nhận và được đón nhận: Được nhìn nhận như là một con người, như là một người khác vẫn chưa đủ nếu ta không được kẻ khác chấp nhận và đón nhận. Từ đáy sâu thẳm của từng người, luôn có đó khát mong được tha nhân chấp nhận và đón nhận mình như mình đang là, đang có. Một trong những lẽ sống của con người là khi thấy mình còn có giá trị, đang còn hữu ích cho ai đó. Và điều này được chứng thực khi tha nhân chấp nhận và đón nhận ta. Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến cho nhiều người, kể cả giới trẻ tìm đến cái chết bằng sự tự vẩn thì người ta nhận ra một trong những nguyên nhân chính đó là vì họ mang mặc cảm bị người chung quanh khước từ hay loại bỏ.

Con người chúng ta thường bị cám dỗ chấp nhận hay đón nhận kẻ khác“với điều kiện”. Người ta phải thế này, phải thế kia thì tôi mới nhận, mới tiếp. Có những điều kiện mang tính khách quan, nhưng cũng không thiếu những điều kiện mang tính chủ quan hoặc duy ý chí. Điều này mặc nhiên nói lên rằng ta sẽ chỉ nhận nhau khi hội đủ điều kiện theo ý mình và nếu vì lý do gì đó mà không đủ điều kiện thì sẽ bị loại trừ.

B. Chúa Kitô: Đấng giải khát cho nhân loại.

“Chị cho tôi xin chút nước uống”. Khi mở miệng xin người phụ nữ chút nước, Chúa Giêsu nhìn nhận sự hiện hữu của chị và cả sự cần thiết của chị. Tin mừng tường thuật Chúa Giêsu đi đường mỏi mệt, Người đang cần nước uống và Người không có gầu. Như thế việc Người xin chị phụ nữ cho chút nước là một việc tự nhiên, rất thật của đời thường. “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”. Không đơn thuần là câu hỏi vặn ngược mà thực chất là lời khẳng định của chị: Dù là Samaria, dù là phụ nữ, thì tôi cũng là một con người như ông và ông đang cần tôi. Chị Samaria đã được giải khát, môt cái khát nền tảng của kiếp nhân sinh là được nhìn nhận.

“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời giới thiệu của chị phụ nữ với dân làng đã nói lên sự thỏa khát vô bờ của chị. Chị đã được Chúa Giêsu đón nhận như chị đang là, dù chị đã trãi đời với năm người đàn ông và đang chung sống bất chính với người thứ sáu. Mà chắc gì người thứ sáu này sẽ nhận chị! Chúng ta đừng quên thời bấy giờ hiếm có chuyện đàn bà bỏ đàn ông mà ngược lại.

Các Ngôn sứ thường lên án tội lỗi của dân Chúa xưa và loan báo các hình phạt họ phải chịu. Thế nhưng sau đó lại gợi mở về sự khoan dung tha thứ của Chúa. “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy! Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nỗi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!...Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,7-8). Mọi người và mỗi người đều có chỗ đứng trong Trái Tim Cực thánh của Đấng Cứu Độ. Không một ai là đồ bỏ đi. Bất cứ ai cũng đều được Thiên Chúa đón nhận, chỉ trừ khi họ cố tình khước từ. Vì đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 12,32).

“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước trường sinh” (Ga 7,38). Biết bao con người đang khát ở quanh ta. Là Kitô hữu, ước gì chúng ta góp phần giải khát cho tha nhân khi nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhìn lại bốn năm đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
11:13 16/03/2017
Đức Giáo Hoàng không có nhiệm kỳ như các tổng thống Hoa Kỳ, dù thế, ký giả John Allen, nhân dịp kỷ niệm 4 năm lên ngôi giáo hoàng của Đức Phanxicô, cũng đã có cái nhìn trở lui đối với điều nhiều người gọi là “nhiệm kỳ 4 năm đầu” của ngài.

Ông thấy ngài có những thắng lợi rõ ràng, một số phán kết lẫn lộn và một số vấn đề chưa được giải quyết trọn vẹn.

Các thắng lợi rõ ràng

Các nhà lãnh đạo sẽ không thể thay đổi được gì nếu không ai biết họ là ai, thành thử thước đo tính hữu hiệu đầu tiên hẳn phải là luôn luôn kéo được sự chú ý của người ta. Về khía cạnh này, Đức Phanxicô được kể là rất thành công, vì đã kéo được sự chú ý của thế giới từ những ngày đầu tiên.

Cả ngày nay nữa, nếu Đức Phanxicô có phải chia sẻ tước hiệu nhân vật công cộng kéo được sự chú ý nhiều nhất của thế giới với Tổng Thống Donald Trump, thì ngài vẫn thuộc một câu lạc bộ hết sức ngoại hạng.

Bốn năm qua rồi, vẫn chưa có dấu hiệu chi là hiện tượng trên gia giảm. Sức lôi cuốn của ngài rất rõ ràng xét theo nhiều cách, từ việc theo dõi 9 trương mục twitter của ngài, hiện đã lên trên 30 triệu, đến các cuộc thăm dò ý kiến khắp thế giới, cho thấy Đức Phanxicô được xếp hạng hài lòng rất cao, ấy là chưa kể việc các phương tiện truyền thông đua nhau tường thuật hầu như mọi điều ngài nói và làm.

Thay đổi câu chuyện

Như Đức Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, Robert Barron, ưa nói, thiên tài của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài không thay đổi giáo huấn của Đạo Công Giáo, nhưng chắc chắn, ngài đã thay đổi câu chuyện về giáo huấn này.

Trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, cuộc bàn luận về Đạo Công Giáo phần lớn chú trọng tới những vấn đề gây nhiều tranh cãi như phá thai, ngừa thai, đồng tính và hôn nhân đồng phái, chưa kể tới việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Dù không một vấn đề nào trong các vấn đề này biến đi, nhưng Đức Phanxicô đã thành công trong việc nêu lên nhiều vấn đề có tính cách khẩn trương hơn như người nghèo, tị nạn và di dân, môi trường, và giải quyết tranh chấp.

Xét về bản chất, không có chi mới lạ cả, nhưng nhiều nhà quan sát nhận thấy Đức Phanxicô đã đem tới cho các vấn đề trên một nhấn mạnh và ưu tiên mới mẻ, khiến họ có một ấn tượng khác hẳn về Giáo Hội Công Giáo.

Đàng khác, phong thái cởi mở và không lưu ý mấy tới quy tắc của Đức Phanxicô đã lôi cuốn được rất nhiều bộ phận rộng lớn của thế giới trước đây vốn ngoảnh mặt khỏi Giáo Hội; nhờ thế, ít nhất, đã tạo được khả thể về một thế năng động truyền giảng tin mừng mới. Như Claire Giangravè từng tường thuật, mới đây, Đức Phanxicô còn được Tạp Chí Rolling Stone của Ý đăng hình ở ngoài bìa, cho thấy sức lôi cuốn của ngài đối với thế hệ thiên niên kỷ.

Các cuộc tông du

Cho đến nay, tông du đã trở thành một phần có tính tiêu chuẩn trong mô tả chức vụ của một vị giáo hoàng. Thực vậy, cho tới hôm nay, Đức Phanxicô đã thực hiện 17 cuộc tông du ra khỏi Vatican, đưa ngài tới 26 quốc gia, với một số cuộc tông du nữa đã được hoạch định cho năm 2017.

Đức Phanxicô còn được điền tích cực vào mọi ô hỏi ý kiến về một cuộc tông du thành công.

Cỡ đám đông ư? Ngay cuộc tông du đầu tiên của ngài ở Rio de Janeiro, tháng Bẩy năm 2013, để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới, cũng đã thu hút được 3 triệu người. Ngài tăng số người ấy lên gần gấp đôi trong cuộc tông du Manila, Phi Luật Tân, vào hai năm sau, tức năm 2015.

Cỡ tường thuật của truyền thông ư? Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng kéo được sự lưu ý rất mạnh của giới truyền thông, bất kể ngài đi đâu, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi, cuộc thăm viếng 6 ngày của ngài qua Washington, New York và Philadelphia hồi tháng Chín năm 2015 đã được tường thuật như một lễ nhậm chức kéo dài 1 tuần, và bài diễn văn của ngài trước Quốc Hội lưỡng viện được tường thuật như một Bài Diễn Văn Về Tình Trạng Liên Bang.

Còn về tác động ư? Dù không phải cuộc tông du nào cũng như nhau, nhưng cuộc tông du ngắn ngủi của ngài hồi tháng Mười Một năm 2015 tại Cộng Hòa Trung Phi đã được mọi người gán cho công trạng đã đem lại cho xứ sở này đủ lòng tin để tổ chức thành công cuộc tuyển cử và chuyển quyền hòa bình 3 tháng sau đó; nhờ thế hạn chế, nếu quả tình chưa chấm dứt được, điều vốn được coi là cuộc nội chiến đẫm máu nhất trên thế giới. Như Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga sau này nhận định “Ngay giờ này đây, tại đất nước tôi, mọi người đều sẽ nói với ông cùng một điều như nhau. Bất kể họ là người Hồi Giáo, Thệ Phản, hay Công Giáo, mọi người! Họ đều sẽ nói: Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang một luồng gió mát mới mẻ đến cho xứ sở chúng tôi và cho đời sống cá nhân của chúng tôi”.

Ngoại giao

Dù các vị giáo hoàng không phải là chính trị gia, nhưng các ngài là những nhà lãnh đạo tinh thần với những nguyên tắc có liên hệ với đời sống xã hội và chính trị. Trong trường hợp Đức Phanxicô, ngài đã chứng tỏ có năng khiếu đặc biệt trong việc làm cho các nguyên tắc này được lắng nghe thực sự.

Người ta còn nhớ hồi tháng Chín năm 2013, ngài dẫn đầu cuộc đề kháng tinh thần chống lại một dự án quân sự quốc tế do Tây Phương lãnh đạo nhằm can thiệp vào Syria, sau khi có lời tố cáo cho rằng chế độ của Tổng Thống Bashar al-Assad đã triển khai vũ khí hóa học đánh vào các khu do phe đối lập chiếm giữ quanh Damascus. Đức Phanxicô phát động một chiến dịch ngoại giao toàn diện chống lại việc mở rộng cuộc tranh chấp, và sau đó được Tổng Thống Nga, Vladimir Putin, ca ngợi là người có công dứt khoát trong việc chặn đứng cuộc tấn công đã được nhóm G8 thông qua.

Khi Hoa Kỳ và Cuba công bố việc tái tục các liên hệ ngoại giao vào cuối năm 2014, cả nhà lãnh đạo Cuba, Raul Castro, lẫn Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đều nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Đức Phanxicô trong việc tạo bầu khí thuận lợi cho bước khai phá này. Cũng thế, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tụ tập nhau tại Paris dự hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cuối năn 2015, đã thừa nhận vai trò cổ vũ tinh thần của Đức Phanxicô về việc bảo vệ môi trường giúp họ đạt được thỏa hiệp mạnh mẽ trong vấn đề này.

Dĩ nhiên, không phải cố gắng ngoại giao nào của ngài cũng thành công. Như các cố gắng tại Venezuela chẳng hạn. Ấy thế nhưng, điều chắc chắn là Đức Phanxicô đã gia tăng tính liên hệ của Vatican và của Giáo Hội đối với nền ngoại giao thế giới.

Các phán kết lẫn lộn

Niềm Vui Yêu Thương

Khi Đức Phanxicô khởi đầu diễn trình triệu tập hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vào năm 2014, ngài nói rằng ngài muốn có một kết quả sau cùng nói lên sự đồng thuận lớn lao giữa các giám mục và cộng đồng Giáo Hội về con đường hành động đúng sẽ được đưa ra. Nhưng, bất kể mọi điều khác có thể có, riêng việc “đồng thuận” thì dường như không có.

Thay vào đó, phán kết đưa ra trong văn kiện tháng Tư năm 2016 của Đức Phanxicô nhằm tổng kết hai Thượng Hội Đồng nói trên, tức tông huấn hậu thượng hội đồng Niềm Vui Yêu Thương, đã tạo ra cuộc tranh cãi gắt gao trong đời sống nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, với việc mở cửa nhằm cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ.

Nhiều người cho rằng biện pháp trên nói lên tình bác ái mục vụ đáng lẽ đã phải đưa ra từ lâu, và cũng có thể là việc phê chuẩn một điều vốn đã được âm thầm thực hành ở nhiều nơi trong Giáo Hội. Nhưng cũng có khá nhiều người coi nó như một việc đảo ngược giáo huấn của Giáo Hội một cách đáng lo ngại về cả phép hôn phối lẫn các bí tích nói chung, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc tranh cãi này giảm cường độ.

Sau khi văn kiện trên ra đời, các giám mục khác nhau trên thế giới bắt đầu ban hành các hướng dẫn hay đưa ra các lời tuyên bố về việc thi hành biện pháp này, và các dấu hiệu họ đưa ra hết sức chống chọi nhau. Vì Đức Phanxicô từng nói rõ ràng rằng ngài không có ý định đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào có tính trói buộc về chủ đề này nữa, nên ít nhất vào lúc này, tính đa dạng về phương thức chắc chắn sẽ vẫn còn đó.

Dù người ta ca ngợi ngài đã tự chế một cách đáng lưu ý, không áp đặt quan điểm của ngài, bắt mọi người phải tuân theo, nhưng ai cũng phải công nhận trong việc chăm sóc mục vụ hôn nhân, ngài chưa thành công trong việc đem mọi người đến chỗ cùng chia sẻ viễn kiến của mình.

Nguồn hợp nhất

Một trong các mô tả cổ điển về vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo là: ngài là nguồn của hợp nhất đối với toàn thể Giáo Hội. Đạo Công Giáo là một cộng đồng hết sức đa dạng gồm 1.3 tỷ người rải rác khắp thế giới, và để giữ cho cộng đồng này khỏi tan vỡ, người ta cần có một trung ương vững mạnh.

Tuy nhiên, trong bốn năm qua, đôi lúc Đức Phanxicô gieo hạt chia rẽ cũng nhiều như gieo tinh thần cùng chung chính nghĩa.

Đối với mỗi người Công Giáo được gợi hứng bởi viễn kiến xã hội và phong thái cải cách của ngài, thì thường lại có một người Công Giáo khác thấy ngài quá tự phát, quá khinh thường truyền thống và ước lệ, quá bồng bột, và, quá cấp tiến đối với phần lớn những người Công Giáo bảo thủ hơn. Sự ngứa ngáy khó chịu mà những sự kiện này tạo nên nơi một số giới đã trở nên không thể nào nhầm lẫn được, với các bích chương chống ngài tại Rôma mấy tháng trước đây cho thấy rõ.

Nói cho ngay, không vị giáo hoàng nào mà không gây tranh cãi. Mọi vị giáo hoàng, kể cả từ những ngày đầu, đều bị chỉ trích. Điều khác duy nhất là trong thời đại truyền thông xã hội này, thì các chỉ trích nghe lớn tiếng hơn và phát đi nhanh hơn mà thôi.

Tuy nhiên, nếu chỉ để mô tả mà thôi, thì công bằng mà nói, vì Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo linh hoạt và hiển hiện nhất, nên ngài vừa gợi hứng vừa làm thất kinh ở một mức sâu xa hơn cả. Điều ấy rất có thể chỉ là cái giá phải trả cho việc thi hành nhiệm vụ, nhưng cũng là một sự kiện sống hiện nay khi vị giáo hoàng không chỉ là tác nhân của sự hợp nhất, mà đồng thời cũng gần như là cái cột thu lôi.

Những việc chưa hoàn tất

Cải tổ tài chánh

Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng vào tháng Ba năm 2013, với một sứ mệnh cải tổ, và ngài bắt đầu với cuộc cải tổ toàn diện các cơ cấu tài chánh của Tòa Thánh, nhằm phát huy một bầu khí trong sáng và có trách nhiệm mới mẻ. Tuy nhiên, các cơ cấu này mau chóng bị vướng vào nhiều cuộc tranh chấp hành chánh nội bộ, và cho đến nay, chưa hoàn toàn thực hiện được các lời hứa hẹn lúc ban đầu.

Bốn năm qua đi, ba mảng chủ chốt sau uđây vẫn còn đang thiếu:

• Một báo cáo tài chánh đáng tin hàng năm vượt quá việc chỉ liệt kê thu nhập và mất mát, cho thấy bức tranh tổng thể về các tài sản Vatican hiện kiểm soát và các tài sản đã được sử dụng.
• Một cuộc thanh lý hàng năm có ý nghĩa, hoặc do một thanh lý viên ở bên ngoài hoặc do một chức vụ mới của Tòa Thánh gọi là Tổng Thánh Lý Viên tiến hành, một cuộc thanh lý nhằm qui kết trách nhiệm thực sự.
• Các vụ truy tố và kết án đối với các tội phạm tài chánh dưới luật lệ mới từng được ban hành dưới thời Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Cho đến nay, ít nhất đã có 40 vụ như thế được gửi tới các công tố viên của Vatican, nhưng chưa có hình phạt nào đã được đưa ra, một điều mà các quan sát viên tin là cần thiết để thuyết phục mọi người rằng hệ thống quả có răng.

Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục

Khởi đầu, Đức Phanxicô gây nhiều tin tưởng nơi các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục và các người bênh vực họ vì ngài cam kết sẽ thi hành chính sách “tuyệt đối không dung túng” (zero tolerance) và xem ra ngài sẽ thi hành chính sách này khi lập ra Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên do Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston cầm đầu.

Tuy nhiên, với thời gian qua đi, niềm tin trên bắt đầu lung lay. Một phần, do một vài biện pháp bị coi là không nhậy cảm đối với các nạn nhân bị lạm dụng, như bổ nhiệm một giám mục ở Chile từng có lịch sử bênh vực một linh mục nổi tiếng lạm dụng tình dục ở đấy. Một phần cũng do một số biện pháp cải tổ như đã hứa hẹn nhưng chậm đem ra thực hành, như guồng máy mới nhằm áp đặt kỷ luật lên các giám mục không xử lý đúng các đơn khiếu nại bị lạm dụng.

Mới đây, người sống sót duy nhất phục vụ trong tư cách thành viên hoạt động của ủy ban giáo hoàng chống lạm dụng, Marie Collins của Ái Nhĩ Lan, đã từ chức vì thất vọng đối với điều được bà mô tả như là kình chống của hệ thống hành chánh Giáo Triều trước việc làm của Ủy Ban.

Phụ nữ

Đức Phanxicô nhiều lần tuyên bố rằng ngài muốn thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, cả tại Vatican lẫn tại các hoạt trường khác nơi thẩm quyền được thừa hành và tài lãnh đạo được triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay, ngài có một phương thức không cân xứng để làm cho việc này xẩy ra.

Thực vậy, cho tới nay, ngài vẫn chưa bổ nhiệm một phụ nữ nào lãnh đạo một cơ quan quan trọng của Tòa Thánh, và đã bỏ lỡ một số cơ hội khá hiển nhiên ở một số bộ phận khác. Khi ngài cho thiết lập Hội Đồng Kinh Tế, ra dấu lần đầu tiên rằng hàng ngũ giáo dân sẽ phục vụ như những người hoàn toàn bình đẳng với các Hồng Y trong cơ chế ra quyết định mới này, ngài cũng chỉ cử nhiệm các giáo dân nam giới mà thôi; một việc khiến nhiều người thắc mắc không biết có phải ngài không tìm được một nhà chuyên nghiệp nữ nào về tài chánh hay không.

Đức Phanxicô cũng đã loại bỏ ý niệm linh mục phụ nữ và nói chung tỏ ra hoài nghi đối với các mưu toan muốn “giáo sĩ hóa” phụ nữ.

Nhưng ngài chưa cho biết đâu là chiến lược phi giáo sĩ hóa phụ nữ hữu hiệu nhằm thăng tiến vai trò phụ nữ trong một Giáo Hội đã từ lâu vốn dành quyền lực cho bậc sống giáo sĩ. Phải chăng nay đã đến lúc, ngài nghĩ tới chuyện này.
 
Tòa Âu Châu phán quyết: Việc cấm khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc là không kỳ thị
Nguyễn Long Thao
10:38 16/03/2017
Bỉ Quốc.- Toà án Âu Châu đã phán quyết rằng lệnh cấm đeo khăn che mặt của người phụ nữ Hồi giáo không vi phạm luật kỳ thị tôn giáo hay niềm tin cá nhân nếu luật ấy là điều lệ nội bộ của công ty quy định..

Phán quyết này liên quan đến vụ một phụ nữ Hồi giáo bị cho nghỉ việc vì đã từ chối không chịu bỏ khăn che mặt nơi làm việc.

Bà Samira Achbita được công ty G4S ở Bỉ Quốc muớn làm tiếp viên năm 2003. Vào thời gian đó công ty chưa có điều lệ cấm công nhân mang trong người những thứ gì bày tỏ quan điểm của mình về chính trị, triết lý hay tôn giáo.

Nhưng đến năm 2006 Ban Giám Đốc công ty ban hành điều lệ cấm công nhân không được mang thứ gì trên người để bày tỏ quan điểm chính trị, triết lý hay tôn giáo của mình.

Tuy nhiên, Bà Samira Achbita cho Ban giám Đốc biết bà sẽ đeo khăn che mặt của người Hồi Giáo nơi làm việc.

Ban Giám Đốc trả lời rằng công ty sẽ không dung thứ cho hành động của bà vì vi phạm chính sách của công ty là trung lập đối với mọi quan điểm của khách hàng.

Bà Samira Achbita chống lại lệnh trên nên bà đã bị công ty cho thôi việc. Bà đã nộp đơn kiện công ty ở Bỉ và nội vụ đã được tòa án Cộng Đồng Âu Châu xử.

Theo phán quyết của Tòa Án Cộng Đồng Âu Châu thì việc công ty đưa ra điều lệ nội bộ cấm công nhân không được mang trên người những thứ biểu lộ quan điểm chính trị, triết lý, tôn giáo, là không vị phạm sự kỳ thị.

Tuy nhiên, toà án cũng thêm rằng việc cấm khăn che mặt cũng có thể là vi phạm kỳ thị, nhưng là kỳ thị gián tiếp, tức là chỉ với người đó là phụ nữ Hồi Giáo, còn là hợp pháp đối với người khác vì chủ đích của công ty là muốn có chính sách trung lập đối với mọi khách hàng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đổi mới lần 2 - Ai làm, đi đâu ?
Phạm Trần
10:08 16/03/2017
ĐỔI MỚI LẦN 2 AI LÀM, ĐI ĐÂU ?

Việt Nam, sau 30 năm Đổi mới là một Thanh niên đã lớn nhưng chưa đứng vững bằng đôi chân mình. Trước mắt anh ta là một xã hội bất công nhiều mặt, giầu nghèo cách biệt và những đặc quyền đặc lợi đã nằm trong tay các phần tử có chức có quyền.

Sau lưng còn lại là những lời hứa dân chủ, công bằng và văn minh đã bị lãnh đạo bỏ quên vì họ sợ đổi mới chính trị sẽ mất quyền cai trị đất nước.

Trong bối cảnh như thế là cuộc tranh luận về ai sẽ đứng mũi chịu sào cho Cuộc đổi mới đợt hai, đổi mới ra sao và để làm gì đang diễn ra giữa chính phủ, các chuyên gia kinh tế, tài chính và giới kinh doanh trong nước.

Các cuộc bàn thảo này, được tấp nập thực hiện trước thềm Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về kế họach “Đổi mới” đợt hai, hay “Tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2”của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Quyết định Đổi mới đầu tiên diễn ra năm 1986 tại Đại hội đảng lần thứ VI đưa Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư đảng. Và đợt “Tái cơ cấu” đầu tiên bắt đấu từ năm 2012, một năm sau khi ông Trọng được khóa Đảng XI bầu vào chức Tổng Bí thư, đồng thời có quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương để tham mưu cho Đảng “về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.”

ĐÃ THẤY GÌ SAU 30 NĂM ?

Nhưng sau 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam ra sao ?

Thắc mắc này đã được Tiến Sỹ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng bí thư đảng Lê Duẩn trả lời trong bài viết “ Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai”, do báo An Ninh Thế giới (Bộ Công an) phổ biến ngày 19/02/2017.

Ông Thành là một thương gia thành công trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Minh (TP.HCM).

Ông viết:”30 năm sau đổi mới, không thể không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 - và cuộc đổi mới này - giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!

Cái được mà kinh tế thị trường (KTTT) mang lại đã rõ, nhưng mặt trái của nó cũng khốc liệt không kém.

Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN (Xã hội Chủ nghĩa) . Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế.

Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất cuả nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất.

Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.

Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân.”

Chữ nghĩa của ông Lê Kiên Thành không phải để nói cho vui tai. Chúng phải được coi là những viên đạn bắn thẳng vào hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Nó cho ta thấy tham nhũng, lợi ích nhóm, tình trạng bao che cho nhau, cấu kết rút ruột nhân dân và là nguyên nhân của bất công xã hội kéo dài trong nhiều năm thối nát của giới cầm quyền.

Nhưng quan trọng hơn là đảng đã phản bội lời hứa cứu đói, giảm nghèo và tạo công bằng xã hội cho nhân dân.

NHỮNG CON SỐ

Hậu thuẫn cho cáo buộc của ông Thành, báo chí trong nước đã đồng loạt đưa tin ngày 20/07/2016, dựa vào báo cáo của Kiêm toán Nhà nước, theo đó rất nhiều Doanh nghiệp Nhà nước đã thua lỗ trong nhiều năm mà vẫn được giúp cho tồn tại.

Điển hình như trường hợp Tổng Công ty tầu biển Vinalines. Báo VietNamNet tường thuật:”Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại.”

“Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Trong đó, cái tên Vinalines liên tục được nhắc đến. Có tới 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ Vinalines thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 chỉ vỏn vẹn 0,46% vốn đầu tư.

Hay Công ty mẹ Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con chỉ bằng 1,05% vốn đầu tư. Trong 10 công ty con thì có tới 6 công ty thua lỗ với 4 công ty mất vốn chủ sở hữu là COMA 3, COMA 7, COMAEL, Cổ phần Khóa Minh Khai.”

VNNET cũng cho biết :”Cơ quan kiểm toán không quên “điểm danh” việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá không đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều “ông lớn” nhà nước góp vốn vào các DN (doanh nghiệp) có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Trong đó, có những khoản đầu tư vào các DN có số lỗ lớn hơn cả vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Chẳng hạn, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV đầu tư vào Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc. Đơn vị này có số vốn chủ sở hữu là gần 210 tỷ đồng nhưng lỗ đến trên 852 tỷ đồng.

Nhiều khoản đầu tư vào các đơn vị có lỗ lũy kế lớn. Chẳng hạn PVN rót vốn vào Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) lỗ gần 1.500 tỷ đồng,...

Khi góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết, các “ông lớn” nhà nước cũng không thu được nhiều thành quả.

Tổng công ty Lâm nghiệp có 6 công ty liên doanh, liên kết thì lỗ lũy kế 54,7 tỷ đồng và 657.218 USD; Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có tới 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế hơn 94 tỷ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà đầu tư chứng khoán trái quy định, không hiệu quả. Đầu tư chứng khoán chỉ do cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc quyết định, không thông qua Hội đồng quản trị theo quy định. Kết quả đầu tư chứng khoán từ 24/9/2007 đến 31/12/2014 lỗ trên 18 tỷ đồng.”

DÂN ĐƯỢC GÌ ?

Bài viết “nặng ký” của con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đã được thảo luận rộng rãi trong nhiều giới ở trong nước, nhất là khi bài này lại được chính thức phổ biến trên báo của ngành Công an, nơi em ông Thành là Thiếu tướng Lê Kiên Trung đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Nhưng liệu có ai đứng sau chống lưng để ông Thành được tự do phát biểu những lời nói như chọc vào tai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị như thế chăng ?

Hay là ông Thành đã được linh tính báo cho biết có khuynh hướng muốn lái đảng đến chỗ tự tan nên ông mới hô hào phải “đổi mới” mạnh hơn để cứu đảng thoát trận cuồng phong ?

Dù thế nào chăng nữa thì những gì ông Lê Kiên Thành đã nói những điều mà rất nhiều người, kể cả các đảng viên kỳ cựu hay “lão thành cách mạng”, hoặc tranh đấu dân chủ không dám hé răng cũng đã gây nhiều tiếng vang.

Chẳng hạn như khi ông viết thẳng như ruột ngựa:”Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng.”

“Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô cùng không công bằng.”

AI LÀM CHỦ ĐẤT NƯỚC ?

Hoặc như:”Chúng ta cũng phải đối mặt với sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường, xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc về những người có tiền, có quyền.

Cho đến giờ chúng ta mới đang xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc hội từ lần này sang lần khác.

Sẽ là không quá nếu chúng ta nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh.”

Tuy nhiên ông Lê Kiên Thành không đỏi đảng cũng phải “đổi mới chính trị” để nhân dân thực hành quyền làm chủ đất nước. Nhưng hẳn ông cũng biết “công bằng, dân chủ và văn minh” chỉ có thể xẩy ra khi có chính quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân.

Vì chính quyền hiện nay chỉ là “của dân” trên bánh vẽ nên “dân chủ” và “tự do”, dù đã quy định trong Hiến pháp, vẫn còn là giấc mộng xa vời.

Hãy nghe ông Thành nói tiếp:”Như tôi đã nói ở trên, cuộc đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm. Ví dụ năm 1986, nếu trong 10 điều chúng ta sợ hãi, có lẽ chúng ta đã bỏ được 4 điều. Chỉ bỏ được 4 điều đó thôi, thì nó đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc trong những năm tiếp theo.

Nhưng có một vấn đề nảy sinh là sau 30 năm, chúng ta bỏ được 4 điều, nhưng xã hội chúng ta lại nảy sinh ra 10 điều mới khác cộng với 6 điều của cái cũ mà lẽ ra chúng ta nên làm nhưng chưa dám làm, nó khiến cho vấn đề của chúng ta hôm nay không kém trầm trọng, không kém thách thức hơn 30 năm trước. Thậm chí, có những vấn đề còn phức tạp hơn 30 năm trước.”

Nếu ai đó, kể cả giới Đại biểu Quốc hội dám phát biểu như ông Lê Kiên Thành thì cả nước đã vỗ tay hoan hô, báo chí nhà nước cũng đã vào cuộc để “tát nước theo mưa” lấy điểm để cho Bộ Thông tin và Truyền thông khoe Việt Nam có tự do báo chí.

Rất tiếc ước mơ này đã không xẩy ra, nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy Ban Tuyên giáo chỉ đạo thợ viết nào đứng ra phản bác bài viết của Tiến sỹ Lê Kiên Thành.

Thế chính trị khá đặc biệt của ông Lê Kiên Thành trong tình hình chính trị Việt Nam đầu năm 2017 còn chứng minh bằng lời nói khá thẳng thắn của ông:”Ngày xưa xã hội chúng ta không nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ.

Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB (chủ nghĩa Tư Bản) vào đất nước của chúng ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại.”

CẢNH GIÁC NỘI THÙ

Sau khi không ngại nói thẳng ra những thói hư tật xấu của đảng sau 30 năm gọi là đổi mới, Tiến sỹ Lê Kiên Thành đặt nghi vấn:”Khi tôi hình dung về cuộc đổi mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong thời gian tới?

Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ.”

“Nhưng đến hôm nay”, ông Thành nhấn mạnh, “chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi.”

Người con trai của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn không đi xa hơn nên khó mà biết ông đã ám chỉ thành phần nào đang mưu toan chống đổi mới lần 2. Nhưng ai cũng biết chỉ có những kẻ có chức có quyền mới có thể tham nhũng và tạo phe cánh để bảo vệ quyền lợi cho nhau. Chính thành phần này mới sợ mất quyền lợi khi đổi mới lần này còn có nghĩa “phải thanh toán cái cũ và những con người không còn hợp thời nữa”.

Vậy có phải chúng là những phần tử mà Nghị quyết trung ương 4/Khoá đảng XII gọi là thành phần đang “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” chăng ?

Chúng là ai kệ thây. Chỉ biết ông Lê Kiên Thành đã kêu gọi một cuộc đòan kết nội bộ để chống lại những kẻ “nội thù” chống Đổi mới lần 2.

Ông vận động :”Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ.”

KINH TẾ NHÀ NƯỚC CỦA AI ?

Dường như lời cảnh giác của Tiến sỹ Lê Kiến Thành đã “chạm” đến quyền lợi của một bộ phận vẫn muốn Kinh tế nhà nước (KTNN), trong đó có Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải “giữ vai trò chủ đạo”.

Phản ứng này xuất hiện trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 13/03/2017, qua bài viết của Tiếc sỹ Lê Hữu Thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ông Lê Hữu Thành giáo đầu :”Nói đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của một bộ phận kinh tế nào đó tức là nói đến tầm quan trọng của nó và tính chất quyết định của nó đối với một chế độ xã hội. Bộ phận kinh tế chủ đạo đó phải chi phối và dẫn dắt các bộ phận kinh tế khác cùng phát triển. Như vậy, việc Đảng ta xác định: “KTNN giữ vai trò chủ đạo” là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với quy luật phát triển.”

Sau đó ông lý luận:” Phần KTNN không chỉ bao hàm doanh nghiệp nhà nước, mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng đằng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước; bao hàm khả năng tổ chức và hoạch định chính sách đúng đắn của Nhà nước; bao hàm sự gắn kết hợp lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh kinh tế tổng hợp đó, thành phần KTNN có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế-xã hội để phát triển tất cả các thành phần kinh tế. KTNN nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó, nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng đã định. KTNN là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. KTNN còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân. KTNN tham gia vào những lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao…”

Quanh co “bảo hòang hơn vua” như thế nhưng ông Tiến sỹ Hữu Thành này đã làm như không biết vô số kể các Doanh nghiệp Nhà nước hay các Tập đòan Kinh tế của Nhà nước đã ăn hại đái nát và phá hoại nền kinh tế quốc gia bao nhiêu năm rồi ?

Mặt trái của chúng đã bị Tiến sỹ Lê Kiên Thành phanh phui ra cho cả nước thấy. Viện Kiểm Toán nhà nước cũng đã phải công khai hoá những cái vòi bạch tuộc hút mất không biết bao nghìn tỷ đồng tiến của dân trong báo cáo năm 2014 như đã trình bầy ở trên.

Nhưng vì không muốn nhìn nhận đảng đã thất bại ê chề trong 30 năm lãnh đạo nền kinh tế gọi là “thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” chả ai hiểu là cái qúai gì nên ông Hữu Thành vẫn khăng khăng nói như máy nước chảy rằng:”Về mặt chính trị, KTNN là “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Bởi vì, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu không củng cố và tăng cường KTNN thì không thể nói tới chủ nghĩa xã hội. Không thực hiện tốt vai trò chủ đạo của KTNN thì cũng không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa, nói tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.”

ĐI NGƯỢC ĐẦU ?

Ông Hữu Thành còn quan trọng hoá vai trò của những DNNN nằm trong KTNN để tuyên dương chúng là những :“Người lính đi đầu” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong cuộc chiến chống đói, nghèo và tụt hậu. Ngay cả những người phản biện nghiêm khắc nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể phủ nhận được thực tế đó.”

Nhưng cũng rất thực tế là chẳng có nhà kinh tế nào hiểu nổi đường lối “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” giở giăng giở đèn của đảng và nhà nước Việt Nam. Ngược lại ai cũng thấy rõ nhà nước muốn nắm hết và giành hết những khối tiền mồ hôi và nước mắt của dân để độc quyền kinh tế, tự mình thao túng và kiểm soát thị trường để bảo vệ quyền lợi cho đảng cầm quyền.

Chính vì khối DNNN đã phá hoại kinh tế quốc gia trong nhiều năm nên The Global Debt Clock trên trang Economist.com, tính đến thời điểm hiện tại (2017), nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD (U.S. dollars), tương đương 45,6% GDP (gross domestic product, san lượng nội đia), chia bình quân đầu người là 1.039 USD, mức gia tăng nợ là 9,3% /năm.

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng chỉ là nền kinh tế làm thuê, hay gia công cho nước ngoài để sống. Kinh tế Việt Nam đã được chứng minh không thể tồn tại nếu không có đầu tư và viện trợ từ nước ngoài.

Và nền kinh tế này cũng không thể sống qua ngày nếu không lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.

Do đó, không có gì là cơ bản khi thấy ông Tiến sỹ Hữu Thành vẫn hồ hởi trên báo QĐND:”Như vậy, xét trên cả 3 khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, KTNN giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, cần thiết. KTNN là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Hô hoán như thế thì rõ ràng là ông Hữu Thành chưa đọc bài viết của Tiến sỹ Lê Kiên Thành và nghe lời phát biểu của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại buổi toạ đàm về chủ đề “Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo” được tổ chức tại Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 12/1/2017.

Nhiều người quan ngại kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhiều trong xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vì Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP (Trans Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển hy vọng có thể có một môi trường đầu tư tốt do hiệu quả cải thiện của những năm trước, đặc biệt là ở năm 2016 sẽ phát huy tác dụng cao hơn ở 2017.

Ngoài ra nền kinh tế còn có yếu tố động lực từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến tăng cầu nội địa, rồi khu vực doanh nghiệp tư nhân bắt đầu khởi sắc, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thời báo Kinh tế :”Về lực cản, ông Tuyển nói, thứ nhất là có nguy cơ bất ổn của kinh tế vĩ mô không được giải quyết. Nợ công tăng, nợ xấu không được giải quyết, đặc biệt là nợ xấu trong ngân hàng không được giải quyết cơ bản.

“Lực cản cực lớn, theo ông Tuyển chính là tăng tưởng chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư, vẫn dựa vào xuất khẩu chứ không dựa vào các ngành có giá trị gia tăng cao.

Có chấp nhận giảm tăng trưởng trong ngắn hạn để tái cơ cấu nền kinh tế thực sự hay không là vấn đề cần đặt ra, vừa muốn tái cơ cấu vừa muốn tăng trưởng cao trong ngắn hạn thì rất khó.”

Như vậy thì Cuộc đổi mới lần hai sắp diễn ra tại Hội nghị Trương 5 của đảng CSVN chưa biết sẽ đi về đâu vì định hướng của Hội nghị này còn phải tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Chính quyền Mỹ Donald Trump đối với kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.

Ấy là chưa biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nhóm nào ở Việt Nam sẽ cầm đầu cuộc đổi mới sinh tử lần này như cảnh giác của Tiến sỹ Lê Kiên Thành. -/-

Phạm Trần
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nước: nhu cầu cho đời sống
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
14:50 16/03/2017
Nước: nhu cầu cho đời sống

Nước lỏng, không hình dạng. Nhưng nước xưa nay từ khi công trình tạo dựng thiên nhiên giữ vai trò căn bản chính yếu cho sự sống mọi loài thụ tạo được nẩy sinh phát triển và gìn giữ duy trì.

Nước không chỉ giữ vai trò nền tảng then chốt cho sự sống còn của sự sống trên mặt đất. Nhưng nước dù không phát ra âm thanh mệnh lệnh cũng còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, trong nếp sống niềm tin nơi tôn giáo nữa.

Nước là một thực thể lưu chuyển chảy không ngừng và bốc hơi lên cao, cùng không có thể đong đo lường được bằng thước tấc. Nhưng nước lại ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Nhà hiền triết Thales thành Milet ( 624 - 546 trước Công nguyên) đã có suy tư nhìn nước là yếu tố khởi thủy của mọi vạn vật trong trời đất.

Nhà hiền triết Aristoteles ( 384-323 Trước công nguyên) kể nước là một trong bốn thành tố nền tảng của vạn vật: Lửa, Nước, không khí và đất.

Giáo huấn trong Đạo Lão Tử cho nước là yếu tố thứ năm bên cạnh Gỗ, lửa, đất và sắt thép.

Trong thời Hy lạp cổ xưa, nước được cho là yếu tố thứ năm theo quan niệm về thân thể của Platon.

Từ khi tạo dựng nên vũ trụ, nước đã có mặt trong trời đất: Thần linh Thiên Chúa bay là là trên nước. ( St 1,2)

Thiên Chúa làm cho mưa 40 ngày đêm, nước tràn ngập khắp mặt đất, gây ra cảnh nước lụt đại hồng thủy. ( St 7,7).

Thiên Chúa truyền cho Ngôn sứ Mose giang tay trên sóng nước biển, lập tức nước rẽ hai bên làm thành mở ra một lối đi giữa lòng biển, để cho dân Israel đi ngang qua. ( Xh 14,22).

Dân Israel trên đường trở về quê hương đất Thiên Chúa hứa ban, họ khát nước, đến than trách xin Ông Mose cho họ nước uống. ( Xh 17,2)

Thánh Gioan tiền hô nói với những người thắc mắc“ Tôi làm phép rửa bằng nước, nhưng giữa các Ông có đấng , mà các ông không biết. ( Ga 1,16).

Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ xứ Samarita bên bờ giếng Giacóp lúc chị này ra múc kín nước.( 4,1-13).

Trong nhiều tôn giáo thời cổ đại xa xưa dòng nước được tôn kính là nguồn thần thánh tựa như thánh địa.

Trong Kitô giáo nước là yếu tố chính dùng trong bí tích rửa tội. Trong đạo Công Giáo nước thánh làm phép giữ vai trò đặc biệt.

Nước thánh dùng để ban chúc phúc lành khi làm phép nhà cửa, ảnh tượng… Mỗi khi người tín hữu vào thánh đường, họ thường chấm ngón tay vào bình nước thánh treo ở cửa ra vào và làm dấu thánh gía trên mình. Cử chỉ này nói lên ý nghĩa vừa xin Thiên Chúa chúc lành, và đồng thời nhớ lại nước bí tích rửa tội ngày xưa đã lãnh nhận lúc còn thơ bé.

Ngày nay khi thám hiểm các hành tinh khác ở vòng qũy đạo mặt trời, các nhà khoa học luôn chú ý tìm xem có dấu vết nước nơi đó không. Vì có nước hiện diện là có sự sống nơi đó.

Nước là tài nguyên của cải châu báu căn bản cùng cần thiết cho sự sống mọi loài trong vũ trụ vào mọi thời gian. Nhưng cũng có những phung phí coi thường tài nguyên này.

Nước chảy tới đâu mang sức sống sự nảy nở phồn thịnh xanh tốt đến đó cho mọi loài trên mặt đất cũng như dưới lòng sông biển. Nước do Trời cao, thiên nhiên ban cho sự sống mọi loài được nảy nở phát triển cùng duy trì. Nhưng cũng có những ích kỷ hay qúa tham lam ngăn chặn dòng nước chỉ muốn để cho riêng mình , cho sở hữu mục đích riêng mình.

Nước mang đến sức sống, sự trong lành thanh khiết chữa lành, tẩy rửa. Nhưng cũng có những lạm dụng làm vẩn đục, làm ô nhiễm độc hại dòng nước.

„ Nước sạch là một vấn đề mang ý nghĩa hàng đầu, vì đó là điều tất yếu cho đời sống con người và gìn giữ hệ sinh thái của trái đất và nước. Những nguồn nước ngọt cần cho lãnh vực sức khỏe, đất đai nông nghiệp và kỹ nghệ, Trong một thời gian dài, việc dự trử nước tương đối ổn định, hiện tại rất nhiều nơi phải đặt vấn đề vì vượt quá sự dự trử, đưa đến những hậu quả nặng nề trong thời gian ngắn cũng như dài hạn. Nhiều thành phố lớn, cần đến những khối nước lớn để sử dụng, cũng phải đau khổ vì sự cạn kiệt nguồn nước, không đủ xài trong thời gian khủng hoảng. Việc thiếu nước diễn ra đặc biệt tại Phi Châu, nơi phần đông dân số không thể tiếp cận với nước uống hay phải chịu đựng những thời gian hạn hán, gây khó khăn cho việc sản xuất lương thực. Trong nhiều quốc gia, có nước dư thừa nhưng đồng thời lại có những quốc gia thiếu nước trầm trọng. „ (Laudato Si số 28.).

Bảo vệ dung lượng và chất lượng nước là bảo vệ sự sống cho con người trong xã hội.

„ Ngay cả khi chất lượng nước sẵn sàng đang liên tục thiếu thốn, thì ở một số nơi có một xu hướng đang gia tăng, bất chấp sự khan hiếm nước, tư hữu hoá nguồn này, biến nó thành một món hàng hoá chịu sự chi phối của các quy luật của thị trường. Mặc dù việc được sử dụng nguồn nước an toàn uống được là quyền con người căn bản và mang tính toàn cầu, bởi vì thật là thiết yếu để con người được tồn tại và, như thế, là một điều diện cho việc thi hành quyền con người khác. Thế giới của chúng ta đang mang một mối nợ xã hội nặng nề đối với người nghèo là những người đang thiếu nguồn nước uống, bởi vì họ bị khước từ quyền đối với một cuộc sống nhất quán với phẩm giá không thể nhượng lại được của họ.“ ( Laudato Si số 30.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Hoa
Dominic Đức Nguyễn
20:02 16/03/2017
NỤ CƯỜI HOA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Nụ cười tế nhị hòa hài,
Như ngàn hoa nở giữa ngày mùa Xuân.
(Trích thơ của Việt Dương Nhân)