Ngày 14-03-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:20 14/03/2015
CHIM ƯNG THAM ĂN
N2T

Ở Ni-ca-ra-goa có một thác nước lớn nổi tiếng thế giới cao 170 mét, nước từ trên cao chảy xuống, khí thế rầm rộ.
Một buổi sáng mùa đông đóng băng, có một người nhìn thấy từ xa trôi lại một cái rương gỗ, trên rương có một cái xác của con dê núi đã chết khoảng mấy giờ, bốn chân chổng lên trời, đã bị tuyết lạnh đóng băng.
Lúc ấy, trên trời có một con chim ưng đang đói bay sà xuống ăn, nó đậu trên xác con dê mổ cắn, càng ăn càng thấy ngon nên vẫn cứ không muốn rời khỏi đó. Khi nó ăn được một bụng thỏa thuê mãn nguyện, thì cái rương đã trôi đến gần thác nước, con chim ưng sãi cánh muốn bay lên, thì nào ngờ, các móng vuốt nơi chân nó đã bị đóng băng kết cứng lại, nó vùng vẫy như thế nào chăng nữa thì cũng đành chịu, chỉ biết giương cặp mắt nhìn mình và xác chết của con dê núi, rơi từ trên cao rơi xuống vực thẳm mấy trăm trượng mà chết.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Thỏa mãn cũng là một loại tham ăn: có người thỏa mãn với thành công nên cuộc sống của mình bị biến chất; có người thỏa mãn với chiến thắng, thế là quỷ kiêu ngạo bắt đầu thống trị tâm hồn họ; có người thỏa mãn với những gì mình đã làm được cho người khác, thế là họ trở thành ông chủ chỉ tay năm ngón và kênh kiệu với người khác...
Con vật mất mạng vì tham ăn, bởi vì con vật ăn theo bản năng cho đến khi no mới thôi, và bởi vì chúng nó không biết ăn quá no thì sẽ...sinh bệnh; con người ta thường “chết” trong thỏa mãn, bởi vì con người ta biết sự thành công hoặc chiến thắng làm cho họ có thêm uy thế trước mặt mọi người, và đó là ký do để thỏa mãn thường đưa con người ta đến chỗ...diệt vong.
Khi chúng ta đang say mê thỏa mãn hưởng lạc thú của đời này, thì sự chết cũng càng ngày càng gần chúng ta, bởi vì cám dỗ thường được che đậy dưới nhiều hình thức đẹp đẽ như chiến thắng, thành công.v.v... và nếu không để ý tỉnh thức và cầu nguyện, thì chúng ta sẽ bị trúng kế của ma quỷ ngay tức khắc, và khi muốn quay chân trở lại thì đã muộn, vì sự thỏa mãn đã đóng băng tâm hồn chúng ta rồi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:25 14/03/2015
Chúa Nhật IV MÙA CHAY
N2T

Tin Mừng: Ga 3, 14-21
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muốn đời”.


Anh chị em thân mến,
Để thử thách đức tin của tổ phụ Ab-ra-ham, Thiên Chúa đã yêu cầu ông giết con một của mình là I-sa-ác để tế lễ cho Ngài, và ông đã vâng lời không điều kiện, ông vâng lời là vì ông đã tin vào Thiên Chúa toàn năng, ông đã tin rằng: lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông sẽ vĩnh viễn không bị quên lãng, nhưng sẽ được thực hiện dù cho mất đứa con độc nhất này, và ông đã trở thành cha của những kẻ tin.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Đức Chúa Giê-su đã hé mở cho ông Ni-cô-đê-mô thấy ý định của Thiên Chúa, hay nói cách khác, kế hoạch “cứu linh hồn con người” của Thiên Chúa khi Ngài nói: “Thiên Chúa vì yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một của Người...” Lần này Thiên Chúa không thử đức tin của ai cả, nhưng Thiên Chúa đã đem mạng sống của người Con duy nhất tinh tuyền của mình, để đổi lấy mạng sống hư mất, tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Đó là tình yêu, tình yêu dâng hiến và cứu sống, tình yêu dâng hiến này có giá trị mãi mãi đến muôn đời, trí óc con người không thể dò thấu, hiểu nỗi.

Hôm nay, nếu Thiên Chúa nói với anh chị em rằng: Ngài cần đứa con đầu lòng của các anh chị, cho nên Ngài yêu cầu anh chị –để bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa- hãy giết con của mình để làm của tế lễ cho Ngài, thử hỏi các anh chị có vui lòng vâng lời Ngài như tổ phụ Áp-ra-ham không ? Chắc chắn là không, vì không ai nhẫn tâm giết chết con mình, dù với mục đích cao cả là tế lễ Thiên Chúa, thế nhưng Thiên Chúa đã xử sự như thế khi cứu chuộc nhân loại tội lỗi: sát tế Con độc nhất của mình là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Con Một của Thiên Chúa đã đến rồi đó, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, ai tin Ngài thì sẽ được sống đời đời, chúng ta cũng đã tin vào Ngài rồi đó.

Ngài đang ở đây, trong nhà thờ này nơi bí tích Thánh Thể, mà chút xíu nữa chúng ta sẽ rước Ngài vào trong tâm hồn của chúng ta, Ngài trở thành lương thực hằng sống nuôi dưỡng linh hồn và làm cho nó được sống đời đời. Chúng ta tin rồi đó.

Và đức tin đã soi sáng dẫn đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa để trưởng thành hơn, đó là biết mỗi một người trong chúng ta đều là con một của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài yêu thương chúng ta như trên thế gian này không còn ai khác. Do đó mà Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta hãy yêu thương anh chị em, như là yêu chính Ngài vậy. Yêu thương, đương nhiên là không đầu môi chót lưỡi, yêu thương đương nhiên không làm bộ làm tịch bên ngoài để cho mọi người thấy, nhưng chính là yêu như yêu Chúa vậy, nghĩa là yêu với tất cả tấm lòng chân thành, không vì chút sĩ diện hay khoe khoang, không vì để quảng cáo hay để tuyên truyền, nhưng là vì yêu Chúa trong tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của mùa chay, có nghĩa là chúng ta càng ngày càng đến gần ngày đại lễ vượt qua của thời Tân Ước, tức là đại lễ Phục Sinh. Càng đến gần ngày đại lễ, thì cơn cám dỗ của sa-tan càng gia tăng mạnh mẽ, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Tỉnh thức để thấy, cầu nguyện để ngắm, thấy và ngắm Thiên Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta và cũng đang ở trong tha nhân, đó chính là niềm tin của chúng ta vào Con Một của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Đấng cứu chuộc chúng ta, đó cũng chính là sợi giây vô hình liên kết chúng ta với mọi người trong tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:27 14/03/2015
N2T

32. Đức ái nếu tồn tại thì có thể hoàn thành việc lớn, nhưng nếu dừng lại thì nó cũng sẽ không tồn tại.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:29 14/03/2015
HỘI ĐẠO BINH ĐỨC MẸ (Legio Mariae)
Hai hội đạo binh Đức Mẹ trong giáo xứ chia rẻ nhau, cha sở thấy mình cũng có lỗi vì chưa bao giờ ngài ngồi họp với họ từ đầu đến cuối, có khi đợi đến giờ của linh hướng thì ngài mới vào nói mấy câu rồi đi, có khi ngài không tham dự họp với họ nên không biết họ phân chia công tác như thế nào. Ngài nói với các hội viên:
- “Từ nay tôi sẽ đến tham dự họp Legio với các anh chị em từ đầu đến cuối...”
Các hội viên rất là vui vẻ vì từ nay họ không cảm thấy mồ côi nữa !
-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thánh Giuse gương mẫu cho các bậc gia trưởng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
12:42 14/03/2015
Thánh Giuse gương mẫu cho các bậc gia trưởng

Suy niệm lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria

(Mt 1, 16. 18-21.24)

Ngày 19 tháng 3, Hội Thánh hoàn vũ hân hoan mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính của mình cách trọng thể. Truyền thống bình dân Kitô giáo dành trọn tháng Ba cho thánh Giuse người của Thiên Chúa và đem lòng sùng kính ngài cách đặc biệt.

Trong chương trình của Thiên Chúa tình thương, thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trên trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, (nơi ngài) được phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa. Nên khi chúng ta tôn kính thánh nhân là chúng ta ca khen chúc tụng Thiên Chúa : “Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha” (Kinh Tiền Tụng Thánh Giuse). Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa, lời nguyện khác có đoạn “ Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”. Chính Đức Giáo Hoàng Pio IX đã công bố sắc lệnh Quemadmodum Deus (08.12.1870), nhận thánh Giuse làm quan thầy cả Hội Thánh, hàng năm dành riêng hai lễ kính ngài vào ngày 19 tháng 3 và mùng 01 tháng 5.

1. Bạn đời của Đức Nữ Trinh

Tin Mừng ghi lại : “ Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kính đáo” (Mt 1, 19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.

Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của ngài. Khi hay tin Mẹ Maria mang thai, Thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng ngài chỉ mới toan tính bỏ Bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho ngài qua giấc mộng: “Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.

Những biến cố xảy ra trong cuộc đời Thánh Giuse như: Mầu Nhiệm Nhập thể, cuộc trốn chạy sang Ai Cập trước ý định tìm giết Chúa Giêsu của vua Hêrôđê, việc lạc mất Chúa Giêsu, cũng như những tháng năm sống đời ẩn dật tại Nazaret, Giuse, bậc trượng phu đã đứng mũi chịu sào trong mọi tình huốn : cùng bạn mình “đem Hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22) ; “đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập” (Mt 2,14 ) ; “đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel” (Mt 2, 20 ) ; cùng với bạn đời sống âm thầm nơi thôn làng Nazaret, hàng năm cùng với Đức Maria đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ chầu lễ (x. Lc 2, 41- 43). Ngài thật là vị hôn phu của Ðức Maria.

Như thế, từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Ðền thờ Giêrusalem, ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Ðền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

2. Cha nuôi Hài Đồng Giêsu

Thánh Giuse là vị hôn phu của Ðức Maria, Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu, mà vẫn còn đồng trinh, do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng con trẻ Giêsu cũng là con của thánh Giuse, vị hôn phu hợp pháp của Mẹ Maria. Vì thế, trong Tin Mừng, cả hai đều được gọi là song thân của Chúa Giêsu (Lc 2, 27.41).

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người mà thánh Luca mô tả : Đức Maria nói “Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con! ” Nhưng Ngài đáp lại: “ Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao? ” (Lc 2 , 48 - 49 ). Những lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được thiên chức “ làm cha ” của thánh Giuse. Khi gợi lên cho cha mẹ trần gian về việc của Đấng mà Ngài gọi là “Cha con”, Chúa Giêsu tiết lộ sự thật về vai trò của Đức Maria và Thánh Giuse. Thánh Giuse thực sự là “chồng” của Đức Maria và là “cha” của Chúa Giêsu, như Đức Maria nói: “Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con”. Nhưng thánh Giuse là chồng và là cha theo ý Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa mời gọi Giuse cống hiến đời mình phục vụ người Con duy nhất của Chúa Cha và Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân đã đảm nhận thánh ý Chúa với lòng trung thành và ngưỡng mộ.

3. Gưỡng mẫu cho người trưởng gia

Ngày hôm nay có biết bao người đang vui mừng làm ông nội, ông ngoại, làm bố, và đang hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng, tức là sắp được làm bố, với bao trách nhiệm gia đình phải gánh vác. Họ không biết làm ông, làm bố thế nào cho phải cho nên. Xem ra họ phải chấp nhận mọi hy sinh vì điều thiện hảo cho gia đình của họ. Họ mong ước được người vợ và con cái chia sẻ tình thương để bù lại cho những mệt nhọc phải chịu. Thì thánh Giuse là mẫu gương sống động cho chính họ học đòi bắt chước, trong vai trò làm chồng cách quảng đại, làm cha gương mẫu và làm chủ gia đình cách tận tụy sáng suốt.

Kính xin Thánh Giuse từ trời cao phù hộ cho tất cả các người cha và bảo vệ những người làm cha trong gia đình. Ước chi mỗi người trong họ có thể phản chiếu tình thương dự phòng và trung tín của Thiên Chúa trong khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình.

Nguyện xin Thánh Giuse và Mẹ Maria rất thánh, Nữ Vương các gia đình và là Mẹ của Giáo Hội, (nguyện xin hai Ðấng) cầu cùng Chúa cho chúng con được hồng ân chúng con xin. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô nói về triều giáo hoàng của ngài
Vũ Van An
01:21 14/03/2015
Theo Đài Phát Thanh Vatican, trong một cuộc phỏng vấn của Valentina Alazraki thuộc hệ thống truyền hình Televisa của Mễ Tây Cơ, nhân kỷ niệm hai năm làm giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã đề cập tới nhiều vấn đề vẫn được nhiều người bình luận kể từ ngày ngài được bầu làm giáo hoàng.

Cuộc phỏng vấn trên cũng diễn ra tại Nhà Thánh Marta, tại căn phòng nơi chín vị Hồng Y của ngài vừa mới hội họp và trong đó có bức ảnh lớn Đức Mẹ Guadalupe. Chỉ bức ảnh, ngài cho hay: Trinh Nữ Mễ Tây Cơ là “nguồn của hợp nhất văn hóa, dẫn ta tới sự thánh thiện giữa biết bao tủi hổ, bất công, bóc lột và chết chóc”.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu với câu hỏi: tại sao một cuộc dừng chân tại Mễ Tây Cơ lại không được dự trù trong chuyến tông du Hoa Kỳ để chủ tọa Ngày Thế Giới Các Gia Đình tháng Chín này.

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng ngài có nghĩ tới việc vào Hoa Kỳ qua biên giới Mễ Tây Cơ. Nhưng đi tới Ciudad Juarez hay Morelia mà không viếng Đức Mẹ Guadalupe sẽ làm người Mễ Tây Cơ chưng hửng bối rối. Đức Giáo Hoàng cũng cho hay ngài không thể viếng Mễ Tây Cơ một cách qua loa được, bất kỳ cuộc viếng thăm nào tại nước này và dân chúng của họ cũng cần ít nhất một tuần lễ và ngài hứa sẽ thực hiện chuyến viếng thăm như thế càng sớm càng tốt.

Nhà báo hỏi ngài: là người con của di dân, ngài nghĩ gì về ý nghĩa của việc vào Hoa Kỳ qua ngả biên giới rất quan trọng đối với hiện tượng di dân kia.

- Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời bằng cách nhấn mạnh rằng không phải chỉ có người Mễ Tây Cơ vượt biên giới mà thôi, nhưng những người từ khắp Trung Mỹ, như Guatemala chẳng hạn, cũng vượt biên giới vào Mễ Tây Cơ để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Ngài bảo: “ngày nay, di dân là kết quả của một bất ổn theo nguyên nghĩa của chữ này, tức kết quả của đói khát. Cùng một hiện tượng này cũng đang diễn ra tại Phi Châu, với rất nhiều người vượt Địa Trung Hải, những người xuất thân từ các nước đang gặp thời khó khăn vì đói kém, chiến tranh”. Đức Giáo Hoàng minh xác rằng “Ngày nay, di dân liên kết với nghèo đói và thiếu việc làm. Người ta đang bị vứt bỏ và buộc phải đi tìm việc làm tại nơi khác…

“ Ngay lúc này, vấn đề di dân khắp thế giới là một biến cố đau lòng. Vì có nhiều biên giới di dân đa dạng. Tôi hân hoan thấy Âu Châu đang duyệt lại chính sách di dân của mình. Ý là nước rất đại lượng và tôi muốn nói lên điều đó. Thị trưởng Lampudesa, tuy là một phụ nữ, đã tự đặt bà lên tuyến đầu, hy sinh biến thị đảo của mình từ một địa điểm du lịch thành một nơi tạm trú và tiếp đón di dân. Điều này có nghĩa: thị đảo sẽ kiếm được ít tiền hơn. Việc này quả là anh hùng. Nhưng hiện nay, tạ ơn Thiên Chúa, tôi thấy Âu Châu đang xét lại tình thế. Trở lại việc di dân qua biên giới Mễ Tây Cơ, khu vực này còn có nhiều vấn đề do việc buôn bán ma túy gây ra. Morelia và trọn khu vực hiện là một khu vực rất đau khổ, nơi các tổ chức buôn bán ma túy ít khi chịu tế nhị. Chúng thi hành việc giết người, chúng quả là sứ giả của tử thần cả để chiếm ma túy lẫn để thanh toán những ai chống lại ma túy, 43 sinh viên (ở Iguala) đòi cho có công lý và được tưởng nhớ, chứ không dám đòi trả thù. Và về phương diện này, tôi muốn thỏa mãn một tò mò: tôi vốn muốn phong Đức TGM Morelia làm Hồng Y, vì ngài dám dấn thân vào tuyến đầu, ngài là người thực sự đang ở vị trí rất nóng bỏng và là chứng nhân của đời sống Kitô Giáo, một linh mục vĩ đại. Nhưng ta sẽ nói sau về các Hồng Y".

Nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng có phải sự kiện là người Châu Mỹ La Tinh đã khiến ngài cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc lên tiếng cho hàng triệu người buộc phải rời bỏ xứ sở của mình, vượt biên, vượt rào cản khắp trên thế giới hay không.

- Đức Giáo trả lời: đúng thế. Ngài muốn là tiếng nói của di dân và sự mẫn cảm của ngài với di dân không hề có tính ý thức hệ, mà là bộc phát và phát xuất từ lịch sử bản thân và cha mẹ di dân của ngài.

Nhà báo trở lại với trường hợp 43 sinh viên ở Iguala và hỏi Đức Giáo Hoàng xem người ta có thể phản ứng ra sao đối với tình thế khó khăn đó, dựa nguyên vào các giá trị của họ và các tài nguyên văn hóa của họ mà thôi.

- Đức Giáo Hoàng nhắc lại lịch sử lâu đời của các thánh và các vị tử đạo Mễ Tây Cơ và tầm quan trọng của việc dấn thân vào xã hội trên bình diện hướng về tha nhân ngõ hầu thắng vượt các cơn bệnh của đất nước. Ngài nói rằng “chúng ta không thể quay lưng như thể các vấn đề này không liên quan gì tới chúng ta và ta không thể đổ lỗi hết lên chính phủ hoặc một bộ phận nào, một nhóm hay một con người nào khác, vì đổ lỗi như thế là chuyện của con nít”.

Nhà báo hỏi xem Đức Giáo Hoàng nghĩ gì về việc trăm hoa đua nở các giáo phái khác nhau tại Mễ Tây Cơ và cách chung hơn, tại Châu Mỹ La Tinh và trách nhiệm của Giáo Hội trong việc để mất tín hữu.

- Đức Giáo Hoàng bắt đầu nói tới các phong trào tin lành và có phải đây là các giáo phái (sects) hay không. Điều các phong trào cung hiến là việc tiếp xúc bản thân, khả năng gần gũi dân chúng, đích thân chào hỏi và gặp gỡ người ta. Ngài nói rằng ở Châu Mỹ La Tinh, chủ nghĩa giáo sĩ trị nặng nề đã tạo ra khoảng cách lớn đối với người ta. Chủ nghĩa giáo sĩ trị ở Châu Mỹ La Tinh vốn là một trong những trở ngại lớn lao nhất chống lại việc lớn mạnh của hàng ngũ giáo dân. Hàng ngũ giáo dân này tại Châu Mỹ La Tinh chỉ lớn được nhờ lòng đạo đức bình dân, một lòng đạo đức mà theo Đức Phanxicô, đã mang lại cho tín hữu giáo dân co hội trở thành sáng tạo và tự do, qua việc thờ phượng, ruớc xách… Nhưng về phương diện tổ chức, hàng ngũ giáo dân đã không lớn mạnh đủ vì chủ nghĩa giáo sĩ trị đã tạo ra khoảng cách.

Trở lại với câu hỏi, Đức Giáo Hoàng phân biệt giữa phong trào tin lành trung thực và tốt lành và các phong trào bị coi là giáo phái. Thí dụ, có những đề xuất không có tính tôn giáo, bị chính các Kitô hữu tin lành bác bỏ. Có những giáo phái, một số phát xuất từ nền thần học thịnh vượng, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn, và dù bề ngoài xem ra được thúc đẩy bởi tinh thần tôn giáo lớn lao, nhưng rốt cuộc chỉ đòi hỏi tiền bạc.

Ngài cho rằng không nên tổng quát hóa, nhưng cần lượng giá từng trường hợp một.

Đức Giáo Hoàng cũng nói tới các bài giảng “gây thảm họa” như là một lý do nữa khiến người Công Giáo bỏ đạo. “Tôi không biết các bài giảng này có là đa số hay không, nhưng chúng không lọt vào tâm hồn người ta. Chúng là các bài học thần học, trừu tượng và dài dòng và đó là lý do tôi đã dành nhiều chỗ cho chúng trong Niềm Vui Tin Mừng. Một cách đặc trưng, người tin lành gần gũi người ta, họ nhắm tâm hồn người ta và chuẩn bị bài giảng thực tốt. Tôi nghĩ ta phải hồi tâm trong vấn đề này. Quan niệm của Thệ Phản về bài giảng là quan niệm mạnh mẽ hơn quan niệm Công Giáo. Nó gần như là một bí tích”. Để kết luận, Đức Giáo Hoàng nói rằng việc người Công Giáo bỏ đạo là do khoảng cách, chủ nghĩa giáo sĩ trị, các bài giảng buồn nản ngược với sự gần gũi, chịu làm việc, hội nhập, lời nồng cháy của Thiên Chúa. Và đây là hiện tượng không phải chỉ gây ảnh hưởng đối với Giáo Hội mà ngay cả một số cộng đồng tin lành nữa.

Đức Giáo Hoàng kết luận bằng cách trích dẫn sự quan trọng của công trình do Giáo Hội và các mục sư tin lành ở Buenos Aires đảm nhiệm chung.

Nhà báo yêu cầu Đức Giáo Hoàng nói tới việc điều gì đã diễn ra cách nay hai năm khi ngài được bầu vào Tòa Phêrô.

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng lúc ấy ngài tới Rôma, chỉ mang theo xách hành lý nhỏ, vì ngài không bao giờ tin là ngài sẽ được bầu làm giáo hoàng, và chắc chắn sẽ trở về để tái tục các bổn phận Tuần Thánh. Ngài chắc mẩm sẽ trở lại Buenos Aires kịp Chúa Nhật Lễ Lá, đến nỗi, ngài đã dọn sẵn bài giảng lễ, và đã tới Rôma với rất ít đồ dùng cần thiết vì nghĩ rằng đây là một mật nghị hội rất vắn vỏi. Ngài không có tên trên bất cứ danh sách các “giáo hoàng khả hữu” nào và ý tưởng đó cũng không lọt vào tâm trí ngài chút nào. Thực thế, tại London, các người đánh cá xếp tên ngài ở vị trí 42 và 46. Ấy thế nhưng để mua vui, một người quen vẫn đánh cá tên ngài và quả người này đúng.

Còn về việc đầu phiếu, Đức Giáo Hoàng nói rằng các nhà báo chỉ coi ngài như một cử tri vĩ đại, cùng lắm nêu tên một ai đó, nên họ chẳng chú ý gì đến ngài nhiều. Thế rồi vòng phiếu đầu, vào đêm thứ Ba, rồi vòng phiếu hai và vòng phiếu ba sáng thứ Tư trước bữa trưa. “Hiện tượng bỏ phiếu tại mật nghị hội quả đáng chú ý. Có những ứng cử viên rất sáng giá. Nhưng nhiều người không biết phải bỏ phiếu cho ai. Thành thử 6, 7, tên được chọn làm thành một thứ ‘kho dự trữ’, trong khi mọi người chờ xem để nhất định bỏ phiếu cho vị nào. Đó là cách người ta đầu phiếu trong một nhóm khá lớn. Tôi không là người nhận được số phiếu nhất định, chỉ là phiếu tạm thời thôi”.

Nhà báo hỏi có thật là trong mật nghị hội trước đó, ngài được 40 phiếu, thì Đức Giáo Hoàng trả lời ngay là không phải. Bà nhấn mạnh rằng nhiều người khác quả quyết như thế. Đức Giáo Hoàng trả lời: họ nói thế, không phải tôi. Nhà báo nói: một vị Hồng Y nói thế.

- "Vậy cứ để vị Hồng Y đó nói theo ý muốn. Tôi cũng có thể nói vì nay tôi có thẩm quyền để nói, nhưng cứ để vị Hồng Y ấy nói theo ý ngài. Thực ra, cho tới buổi chiều hôm đó, vẫn chưa có gì. Thế rồi, một điều gì đó diễn ra, tôi không biết là điều gì. Trong phòng, tôi thấy có những dầu hiệu lạ, nhưng… Họ hỏi tôi về sức khỏe của tôi… và những chuyện tương tự. Và khi chúng tôi họp lại vào buổi chiều, thì chiếc bánh ngọt đã nằm sẵn trong lò nướng. Hai vòng phiếu nữa và thế là xong. Quả là một ngạc nhiên đối với tôi. Ở vòng phiếu đầu của buổi chiều, tôi hiểu rõ: tình thế đã hết đường đảo ngược, bên cạnh tôi, và tôi cần nói rõ điều này vì tình bằng hữu của chúng tôi, là Đức Hồng Y Hummes, một nhân vật xuất chúng. Ở tuổi này, ngài vẫn là đại biểu của Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon và rất hoạt động về mục vụ. Nửa vòng phiếu đầu của buổi chiều, vì có hai vòng phiếu, khi chúng tôi thấy điều đang diễn ra, ngài ở ngay phía sau tôi bảo tôi đừng lo sợ, đây là việc của Chúa Thánh Thần. Điều đó làm tôi buồn cười. Sau vòng phiếu thứ hai, khi đa số 2 phần 3 đã đạt, có tiếng vỗ tay, luôn luôn có tiếng vỗ tay tại các mật nghị hội vào thời điểm này, nên ngài ôm hôn tôi và bảo tôi đừng quên người nghèo và câu nói này bắt đầu quay mòng trong đầu óc tôi và đó là điều đã dẫn tôi tới việc chọn tên của mình. Trong vòng đầu phiếu, tôi đọc kinh mân côi, tôi có thói quen đọc ba chuỗi mân côi mỗi ngày, và tôi cảm thấy rất an bình, gần tới điểm bất cảm. Cùng một tâm trạng như khi mọi sự đã được giải quyết, và đối với tôi đây là một dấu chỉ Thiên Chúa muốn thế, hết sức bình an. Từ ngày hôm đó, tôi chưa bao giờ mất nó. Nó là một ‘điều gì ở bên trong’, giống một hồng ân. Tôi không biết điều gì xẩy ra sau đó. Họ bảo tôi đứng lên. Họ hỏi xem tôi có đồng ý hay không. Tôi thưa: có. Tôi không biết họ có bắt tôi phải thề điều gì không, tôi quên mất rồi. Tôi rất bình an. Tôi đi thay phẩm phục. Và tôi đi ra nhưng trước hết tới chào Đức Hồng Y Diaz, người đang ngồi trên chiếc xe lăn, sau đó, tôi chào hỏi các Hồng Y khác. Rồi tôi yêu cầu Đức HY đại diện Rôma và Đức HY Hummes tháp tùng tôi. Một điều không được dự liệu trong nghi lễ.

Rồi chúng tôi tới cầu nguyện tại Nhà Nguyện Pauline, trong khi Đức HY Tauran công bố tên tôi. Sau khi tôi ra ngoài, tôi không biết phải nói gì. Và chắc bà chứng kiến mọi chuyện sau đó. Tôi cảm thấy sâu xa rằng một thừa tác viên cần được Thiên Chúa chúc phúc, nhưng cả sự chúc phúc của dân Người nữa. Tôi không dám xin dân chúc lành cho tôi. Tôi chỉ nói: anh chị em hãy cầu xin Chúa chúc lành cho tôi qua anh chị em. Nhưng điều đó phát ra một cách bộc phát, cả lời cầu nguyện của tôi cho Đức Bênêđíctô nữa”.

Ngài có thích làm giáo hoàng không?

- "Tôi không phản đối!”

Ngài thích gì và không thích gì về việc làm giáo hoàng? Hay ngài thích mọi sự?

- "Tôi chỉ thích một điều là một ngày nào đó được ra ngoài, không bị ai nhận ra, để làm một chầu tuyết da (pizza)”.

Điều ấy hẳn tuyệt vời.

- Không, tôi chỉ nói thí dụ thôi. Ở Buenos Aires, tôi là người lang thang. Tôi đi hết giáo xứ này tới giáo xứ nọ và thói quen này chắc chắn đã thay đổi… nhưng thay đổi quả là chuyện khó khăn. Nhưng bà sẽ quen đi. Bà phải tìm cách để mà thích ứng: bằng điện thoại hay cách nào khác…”

Nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng về sự kiện ngài thường nói triều giáo hoàng của ngài sẽ vắn vỏi và hay nhắc đến khả thể chết trong tuổi già…

- "Tôi có cảm giác triều giáo hoàng của tôi sẽ vắn vỏi: 4 hoặc 5 năm; tôi không biết, thậm chí 2 hoặc 3 năm. Hai năm đã qua rồi. Đây là một cảm giác đôi chút mơ hồ. Có lẽ như tâm lý của anh chàng đánh bạc tự thuyết phục là mình sẽ thua, để khỏi bị thất vọng khi thua thật, nhưng nếu thắng thì sẽ rất vui. Tôi không rõ. Nhưng tôi cảm thấy Chúa đặt để tôi ở đây trong một thời gian ngắn, không hơn… Nhưng nó là một cảm giác. Tôi luôn để khả thể (cho các chương trình) rộng mở”.

Đức Thánh Cha cũng nói với chúng con rằng ngài sẽ theo gương Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô… Việc này thay đổi đôi chút ‘ý niệm ngôi vị giáo hoàng', vì chúng con đã quen với việc giáo hoàng là một định chế do Chúa Thánh Thần thiết lập và cho tới chết.

- "Trước mật nghị hội, lúc còn họp toàn thể, có một số vị Hồng Y thăm dò vấn đề rất đáng lưu ý, rất phong phú về thần học này. Tôi nghĩ điều Đức GH Bênêđíctô làm là mở ra một cánh cửa. Sáu mươi năm trước đây, chưa hề có các giám mục hưu trí. Nay chúng ta có 1,400 vị. Người ta đã nẩy ra ý niệm này: sau 75 tuổi hay gần đến tuổi đó, một người không thể gánh gánh nặng của một Giáo Hội đặc thù nữa. Nói chung, tôi nghĩ điều Đức Bênêđíctô đã can đảm thực hiện là mở cánh cửa cho các vị giáo hoàng hưu trí. Không nên coi ngài như một ngoại lệ, mà là một định chế. Có thể ngài là vị duy nhất trong một thời gian dài, cũng có thể ngài không phải là vị duy nhất. Nhưng cánh cửa định chế đã được mở ra. Ngày nay, Giáo Hoàng Hưu Trí không phải là việc hiếm hoi nữa vì cánh cửa để ngài hiện hữu như một nhân vật đã được mở ra”.

Đức Thánh Cha có tưởng nghĩ tới tình thế trong đó Đức Giáo Hoàng sẽ hồi hưu lúc 80 tuổi như các vị giám mục hay không?

- "Tôi có thể tưởng nghĩ việc đó. Tuy nhiên, tôi không thích ý tưởng hạn chế về tuổi. Vì tôi tin rằng ngôi vị giáo hoàng là một thứ trường hợp cá biệt cuối cùng. Nó là một ơn phúc đặc biệt. Đối với một số nhà thần học, ngôi vị giáo hoàng là một bí tích. Người Đức rất sáng tạo trong các vấn đề này. Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi muốn nói rằng nó là một điều đặc biệt. Nói rằng một người nào đó chỉ đảm nhiệm cho tới lúc 80 tuổi sẽ tạo ra một cảm giác cho rằng triều giáo hoàng sắp sửa chấm dứt và điều này không phải là một điều tốt. Có thể đoán trước. Tôi sẽ không ủng hộ ý tưởng đặt giới hạn tuổi lên ngôi vị giáo hoàng, nhưng tôi có cùng ý tưởng về điều Đức Bênêđíctô thực hiện. Tôi được gặp ngài mới đây trong cơ mật viện. Ngài hạnh phúc, hài lòng. Được mọi người kính nể. Tôi tới thăm ngài. Năng nói chuyện với ngài trên điện thoại. Như tôi từng nói, giống như có người ông khôn ngoan trong nhà. Ta có thể đến vấn kế. Trung thành cho tới chết. Tôi không biết bà có nhớ hôm chúng tôi chia tay nhau ngày 28 tháng Hai ở Phòng Clementine, ngài nói, người kế vị tôi đang ở giữa hiền huynh, tôi xin hứa trung tín, trung thành và vâng lời. Và ngài đã làm những điều đó. Đúng là Con Người của Thiên Chúa”.

Nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng về cuộc cải cách Giáo Triều và liệu đây có phải chỉ là một diễn trình hoàn toàn kỹ thuật hay đúng hơn là một vấn đề thuộc não trạng, thuộc tâm hồn…

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng mọi thay đổi đều bắt đầu trong tâm hồn, nhưng cũng là một cuộc thay đổi lối sống. Còn về Giáo Triều, ngài cho hay: “tôi nghĩ đây là triều đình cuối cùng còn sót lại ở Âu Châu. Các triều đình khác đã được dân chủ hóa, thậm chí cả triều đình cổ điển nhất. Có một điều gì đó trong triều của giáo hoàng vẫn còn phần nào duy trì truyền thống lai giống. Nhưng tôi không nói điều này theo nghĩa xúc phạm đâu, đây chỉ là vấn đề văn hóa. Nó cần được thay đổi, có thể duy trì dáng vẻ một triều đình, trong khi phải là một nhóm làm việc để phục vụ Giáo Hội. Phục vụ các vị giám mục”. Nhắc tới các vấn đề từng tạo ra các tranh luận về luân lý và đạo đức tại Vatican (Vatileak chẳng hạn…), ngài lý luận rằng cần có sự hồi tâm trên bình diện bản thân và Đức Giáo Hoàng phải khởi sự thay đổi tình thế.

Về chủ đề của Thượng Hội Đồng về gia đình, nhà báo hỏi Đức Giáo Hoàng xem ngài có cổ vũ các thay đổi trong lãnh vực cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ, và về đồng tính luyến ái.

- Theo Đức Giáo Hoàng, hiện có nhiều mong đợi lớn lao. Còn về chính Thượng Hội Đồng và việc chọn chủ đề, ngài lược lại các bước dẫn tới việc xác định ra chủ đề này, chủ yếu vì các khó khăn nghiêm trọng mà gia đình hiện đang trải qua trong xã hội, nhất là giữa các thế hệ trẻ. Suy nghĩ về cuộc khủng hoảng gia đình, Đức Phanxicô cho hay: ngài tin rằng Chúa muốn chúng ta giải quyết một số vấn đề chuyên biệt: việc chuẩn bị hôn nhân, hỗ trợ các cặp sống chung, đồng hành với các cặp mới cưới, hỗ trợ những người thất bại trong hôn nhân và tái hôn. Sự quan trọng của việc hiểu bí tích hôn nhân để ngăn cản nhiều cuộc hôn nhân khỏi trở thành một biến cố xã hội hơn là biến cố đức tin.

Về vấn đề lạm dụng trẻ em và chính sách tuyệt đối không khoan dung trong hiện tượng này.

- Đức Giáo Hoàng trả lời rằng Ủy Ban (Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên, lập năm 2013) không phải lo việc lạm dụng mà lo việc bảo vệ trẻ vị thành niên. Nghĩa là, ngăn ngừa. Vấn đề lạm dụng là vấn đề nghiêm trọng, mà đa số đều xẩy ra trong khung cảnh gia đình hay liên hệ tới những người chúng biết. Chỉ cần một linh mục phạm tội lạm dụng này cũng đủ phải vận động mọi cơ cấu của Giáo Hội để đối diện với vấn đề rồi. Thực vậy, nhiệm vụ của một linh mục là dưỡng nuôi bé trai và bé gái trong sự thánh thiện và trong cuộc gặp gỡ của các em với Chúa Giêsu, vậy mà những người lạm dụng lại đi phá hủy cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu này. Đức Phanxicô nói tới tầm quan trọng của việc lắng nghe các nạn nhân và nói tới kinh nghiệm của ngài từng gặp gỡ 6 người sống thoát việc lạm dụng tại Vatican. Ngài cho biết sự phá hủy bên trong mà họ cảm nhận quả là tan nát và chỉ cần một linh mục phạm tội cũng đủ làm tất cả chúng ta xấu hổ và cương quyết làm tất cả những gì có thể làm được. Đức Phanxicô cũng thừa nhận lòng can đảm của Đức Bênêđíctô XVI trong việc công khai tuyên bố đó là một tội ác khi phá hủy một tạo vật ngây thơ bằng những hành vi như thế và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc khởi sự công việc tường trình các tội ác này.
 
Bài giảng tại Santa Marta: Những tâm hồn chai đá
Đặng Tự Do
03:16 14/03/2015
Không thể có sự thỏa hiệp: hoặc chúng ta để cho mình được yêu thương “bởi lòng thương xót của Thiên Chúa” hoặc chúng ta chạy theo con đường “đạo đức giả” và cứ làm theo ý mình muốn để rồi con tim mình ngày càng chai cứng. Đây là lịch sử của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, từ thời Abel cho đến bây giờ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 12 tháng Ba.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng của ngài với những lời trong Thánh vịnh đáp ca - “Đừng cứng lòng nữa” – và đặt câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra?”. Để tìm câu trả lời, Đức Thánh Cha đã nhắc lại bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Jeremiah (7: 23-28), trong đó tóm tắt cách nào đó “lịch sử của Thiên Chúa”. Nhưng liệu chúng ta thực sự có thể nói “Thiên Chúa có một lịch sử hay không?” Làm sao lại có thể như thế vì “Thiên Chúa là vĩnh cửu?” Đức Thánh Cha giải thích rằng, sự thật là, “từ lúc Thiên Chúa bắt đầu các cuộc đối thoại với dân Người, Ngài đã đi vào lịch sử”.

Và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài “là một lịch sử đáng buồn”, vì “Thiên Chúa đã cho tất cả mọi thứ” và đổi lại “Ngài chỉ nhận được những buồn phiền”. Chúa phán: “Hãy lắng nghe tiếng Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta. Hãy bước đi trong đường lối Ta đã truyền cho các ngươi, để các ngươi phát triển thịnh vượng”. Đó là “con đường” để được hạnh phúc. “Nhưng họ không vâng lời, họ cũng chẳng màng chú tâm đến”. Thay vào đó, họ tiếp tục ngoan cố bước đi “trong sự cứng lòng gian ác của họ”. Nói cách khác, họ không muốn “lắng nghe Lời Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng lựa chọn đó đặc trưng cho toàn bộ lịch sử của Dân Chúa: “chúng ta hãy xem xét vụ giết hại và cái chết của Abel bởi anh trai của mình, bởi trái tim ác độc do ghen tị”. Tuy con người liên tục “quay lưng” với Chúa, Ngài “không bao giờ mệt mỏi”. Thực vậy, Ngài “không mệt mỏi” sai các tiên tri đến với dân Người. Nhưng dù thế, con người vẫn không nghe. Thay vào đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “họ đã cứng cổ và làm ra những điều còn tồi tệ hơn so với những gì cha ông họ đã làm”. Thành ra, “tình hình của dân Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác càng trở nên tồi tệ hơn”.

Chúa nói với tiên tri Jeremiah: “Khi ngươi nói với họ tất cả những lời này, họ sẽ không lắng nghe ngươi, họ sẽ không trả lời. Hãy nói với họ: Đây là dân tộc không lắng nghe tiếng Chúa, cũng chẳng sửa sai”. Và Đức Thánh Cha nhận xét là Thiên Chúa đã cho biết thêm một điều “khủng khiếp” hơn: Lòng trung thành đã biến mất '. Các ngươi không phải là những người trung tín. Ở đây, theo Đức Thánh Cha, có vẻ như Thiên Chúa đang khóc: “Ta đã yêu thương ngươi rất nhiều, Ta đã cho ngươi rất nhiều ...”, nhưng ngươi đã làm “mọi thứ để chống lại Ta”. Sự than khóc này nhắc chúng ta nhớ đến biến cố Chúa Giêsu “khóc thương thành Giêrusalem”. “Tất cả lịch sử này, trong đó sự trung thành đã biến mất, làm con tim Chúa Giêsu thổn thức”. “Lịch sử cá nhân của chúng ta” cũng là một lịch sử của sự bất trung bởi vì “chúng ta làm theo ý riêng của mình. Nhưng khi làm như vậy, trong hành trình của cuộc sống, chúng ta đi theo một con đường chai cứng: chai cứng con tim, biến nó thành đá. Lời Chúa không thấm nhập được và chúng ta sa ngã”. Đây là lý do tại sao “ngày hôm nay, vào Mùa Chay này, chúng ta có thể tự hỏi mình: Tôi có lắng nghe tiếng nói của Chúa không, hay tôi chiều theo những gì tôi muốn, bất cứ những gì miễn là làm tôi vui lòng?”.

Những lời khuyên của Thánh vịnh đáp ca - “Đừng cứng lòng nữa” - được tìm thấy “rất nhiều lần trong Kinh Thánh” để giải thích “sự bất trung của dân Chúa” - thường sử dụng “hình ảnh của những người đàn bà hoang dâm”. Đức Thánh Cha nhắc đến đoạn văn nổi tiếng từ Ezekiel 16 như một ví dụ: “Đời ngươi là một lịch sử lâu dài của ngoại tình. Dân này đã không chung thủy với Ta, dân này đã là một dân ngoại tình “. Ngoài ra còn có rất nhiều lần, trong đó Chúa Giêsu “quở trách các môn đệ vì lòng họ chai cứng”, như khi Ngài nói với hai môn đệ trên đường Emmau: “Hởi những kẻ ngu ngốc và lòng dạ chai cứng”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng con tim gian ác - mà “tất cả chúng ta mỗi người đều có một chút” - “không cho phép chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta muốn được tự do”, nhưng” với một sự tự do mà cuối cùng biến chúng ta ra nô lệ, chứ không phải là tự do trong tình yêu mà Chúa ban cho chúng ta”.

Điều này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, cũng xảy ra trong các định chế. Ví dụ, “Chúa Giêsu chữa lành một người, nhưng trái tim của các thầy thông luật, của các tư tế, của hệ thống pháp luật đã chai cứng đến mức họ luôn tìm kiếm những lời biện minh”. Thành ra, họ nói với Ngài: “Ông đuổi quỷ nhờ danh của quỷ. Ông là một thầy phù thủy ma quỷ”. Các thầy thông luật này “tin rằng cuộc sống đức tin phải được điều hòa bởi những luật lệ do họ bày ra”. Chúa Giêsu gọi họ là “những kẻ giả hình, những ngôi mộ tô vôi, bề ngoài xinh đẹp nhưng bên trong chứa đầy sự gian ác và đạo đức giả”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “thật không may, điều tương tự đã xảy ra trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp cô bé Joan thành Arc tội nghiệp: hôm nay cô ấy là một vị thánh! Cô gái tội nghiệp ấy đã bị thiêu sống vì người ta tin rằng cô là một kẻ dị giáo. Hoặc chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp gần đây hơn là Chân Phước Rosmini là người mà tất cả các sách của ngài đều bị cấm. Anh chị em đã không thể đọc những sách này, đọc những sách ấy là có tội. Hôm nay, ngài được phong Chân Phước.”

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “trong lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài, Chúa đã gửi các tiên tri đến nói cho dân Ngài biết rằng Ngài yêu thương họ”, tương tự như vậy, “trong Giáo Hội, Chúa gửi các thánh đến với chúng ta”. Họ là “những người dẫn dắt đời sống của Giáo Hội. Họ không quyền lực, không phải là những kẻ đạo đức giả”. Họ là “những người nam nữ thánh thiện, trẻ em, thanh thiếu niên thánh thiện, các linh mục thánh thiện, các nữ tu thánh thiện, các vị giám mục thánh thiện ...”. Nói cách khác, họ là những con người “mà trái tim không chai cứng”, nhưng thay vào đó “luôn luôn mở cửa cho lời tình yêu của Chúa”. Họ “không phải là người sợ để cho mình được vuốt ve bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao các thánh là những người hiểu rất rõ về đau khổ, về sự khốn cùng của con người, và gần gũi với con người”.

Chúa rất thẳng thừng với những ai “đã mất đi lòng trung thành của họ”: “Những ai không theo Ta là chống lại Ta”. Người ta có thể hỏi: “Không có một cách nào để thỏa hiệp, để có một chút cái này và một chút cái kia sao?”. Không, Đức Thánh Cha nói, “Hoặc chúng ta để cho mình được yêu thương “bởi lòng thương xót của Thiên Chúa” hoặc chúng ta chạy theo con đường ‘đạo đức giả’ và cứ làm theo ý mình muốn để con tim mình ngày càng chai cứng”. Không có “con đường thứ ba cho sự thỏa hiệp: hoặc là anh chị em trở nên thánh thiện hoặc là anh chị em đi theo con đường khác”. Những ai “không cùng đi” với Chúa, không chỉ “bỏ rơi mọi thứ” mà “tồi tệ hơn: sẽ bị phân tán, phá hủy. Họ là những kẻ băng hoại”.

Vì sự bất trung này, “Chúa Giêsu khóc thành Giêrusalem” và “khóc cho mỗi người chúng ta”. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Chương 23 Phúc Âm Thánh Mátthêu, có một lời nguyền khủng khiếp chống lại “những người lãnh đạo có con tim chai cứng và muốn làm chai cứng con tim người dân”. Chúa Giêsu nói: “đổ xuống đầu các ngươi là máu của tất cả những người vô tội, bắt đầu từ Abel. Chúng sẽ phải chịu trách nhiệm vì tất cả máu của người vô tội, đổ ra bởi sự gian ác của họ, bởi thói đạo đức giả của họ, bởi sự chai cứng và trái tim hóa đá của họ”.
 
Bài giảng tại Santa Marta: Hãy tha thứ để được thứ tha
Đặng Tự Do
05:53 14/03/2015
Để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành lời dạy trong kinh Lạy Cha: nghĩa là phải chân thành ăn năn vì những tội lỗi của chúng ta, vì biết rằng Thiên Chúa luôn tha thứ, và chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho người khác. Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ sáng thứ Ba 10 tháng 3.

Tập trung chủ yếu vào bài trích Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (18: 21-35), trong đó Chúa khuyên các môn đệ của Ngài tha thứ “bảy mươi lần bảy”, tức là luôn luôn và tất cả, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những liên kết chặt chẽ giữa việc Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta và sự tha thứ của chúng ta cho tha nhân.

Suy tư trên bài đọc từ Cựu Ước trích từ sách tiên tri Daniel, kể về lời van xin Thiên Chúa khoan hồng của Azariah, người đại diện cho toàn dân, thú nhận tội lỗi và cầu xin được tha thứ vì đã từ bỏ con đường đoan chính của Chúa. Azariah không biện hộ cho dân, cũng không cầu xin Chúa hãy xem nhẹ những tội lỗi của họ, hay là bỏ qua những tội lỗi của dân Người, nhưng xin Chúa tha thứ cho họ.

Đức Thánh Cha nói: “Kêu cầu sự tha thứ là một điều khác với việc chỉ đơn giản nói rằng, tôi đã thực hiện một sai lầm 'cho tôi xin lỗi’ hay ‘Xin lỗi, tôi đã làm sai’. Không, ‘Tôi đã phạm tội!’ - Đó là sự khác biệt: hai điều này không giống nhau. Tội lỗi không phải là một sai lầm đơn giản. Tội lỗi là thờ ngẫu tượng: đó là sự tôn thờ những ngẫu tượng như niềm tự hào, phù hoa, tiền bạc, ‘cái tôi’, ‘sự sung túc riêng mình’. Chúng ta có quá nhiều ngẫu tượng vì thế mà Azariah không xin lỗi nhưng ông cầu xin sự tha thứ”

Sự tha thứ phải được khẩn xin một cách chân thành, hết lòng - và sự thứ tha cũng phải được trao ra hết lòng với những người đã làm tổn thương chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc lại thái độ của người đầy tớ được tường thuật trong Tin Mừng, là người đã được chủ tha cho một món nợ lớn, nhưng đã không hào phóng như thế với người bạn mình. Đức Thánh Cha giải thích rằng động lực của sự tha thứ là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha:

“Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha như thế này: Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nếu tôi không thể tha thứ, thì tôi không thể cầu xin được tha thứ. ‘Nhưng thưa cha, con đi xưng tội’ Nhưng anh chị em sẽ làm gì trước khi đi xưng tội? ‘Thưa, con nghĩ đến những điều con đã làm sai. Sau đó, con cầu xin Chúa tha thứ và hứa sẽ không làm những điều đó nữa. Và sau đó con đến gặp một linh mục’ Nhưng trước khi anh chị em làm những điều này, anh chị em vẫn thiếu một cái gì đó: anh chị em có tha thứ cho những người đã làm tổn thương anh chị em không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đòi buộc chúng ta phải tha thứ cho người khác.

“Đây là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự tha thứ: đầu tiên, xin tha thứ không phải là một lời xin lỗi đơn giản, đó phải là một nhận thức về tội lỗi, về sự sùng bái ngẫu tượng mà tôi đã phạm; thứ hai, Thiên Chúa luôn tha thứ, luôn luôn - nhưng Ngài đòi hỏi tôi phải tha thứ cho người khác. Nếu tôi không tha thứ, trong một nghĩa nào đó, tôi đã đóng cửa với sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp lần thứ 69 tại Melbourne.
Trằn Văn Minh
04:29 14/03/2015
Melbourne, vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy Ngày 14/03/2015. Tại Nhà thờ Our Lady, Maidstone. Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp nhân giỗ thứ 69 và cũng là lần giỗ thứ 14 tại Melbourne, đã được đông đảo giáo dân về dâng lễ.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Philip Lê Văn Sơn chủ tế, cùng với quý Linh mục Nguyễn Văn Xưa, Linh mục Quốc và Tuấn Dòng Thánh Thể. Cùng với các tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân trong Tổng giáo phận Melbourne tham dự.

Trong bài giảng lễ, Linh mục Lê Văn Sơn nhắc lại, Linh mục Trương Bửu Diệp tuy chưa được giáo hội công nhận và phong Thánh, hồ sơ phong Thánh đang trong tiến trình cứu xét. Nhưng Cha đã được ơn Chúa ban cho cách đặc biệt để có ai chạy đến cha cầu xin, kêu van, không kể lương giáo, cha đều cầu bầu và ban lại ơn mà Thiên Chúa đã trao ban cho Ngài.

Qua phần tiểu sử của Cha Phanxico, Ngài là vị linh mục đã sống chết cùng với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Vì bảo vệ đàn chiên mà cái chết của Ngài không bình thường, Ngài chết vì bị hành hình, thân Ngài được giáo dân tìm thấy bị thả xuống ao.

Sau lời cám ơn của bà Nhơn đại diện cho ban tổ chức lễ giỗ. Ban tổ chức đã thông báo kết qủa tài chánh mà quý vị mạnh thường quân trong cộng đồng đã bằng cách đóng góp cho ban tổ chức, để những ngày giỗ Cha Trương Bửu Diệp thêm nhiều ý nghĩa, qua công việc giúp đỡ những thân phận người cơ nhỡ, khổ đau đang sinh sống nơi quê nhà. Theo bản báo cáo, chúng tôi được biết tài khóa 2014 hội thu được hơn 9,700 Dollars và hội cũng đã gửi toàn bộ số tiền có được về các cơ sở từ thiện tại Việt Nam.

Năm nay, hội có một số tràng hạt và ảnh Cha Phanxicô để làm qùa kỷ niệm cho mọi người, nhưng chỉ những ai lên sớm mới nhận được, vì số người thì đông nhưng số ảnh thì thiếu.

Sau cùng, một bữa ăn trưa tại hội trường giáo xứ để mọi người cùng có cơ hội hàn huyên và cũng để góp một bàn tay cho những công việc từ thiện mà hội đang thực hiện hơn 14 năm qua, bằng mọi cách, như bán vé số và đóng góp của mọi người. Hy vọng năm nay, qua ngày giỗ của Cha, mọi người lại có dịp được góp một chút qùa gửi về cho những nơi cần đến.
 
Khánh thành nhà xứ và hội trường giáo xứ Phong Cốc, Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
10:45 14/03/2015
Khánh Thành Nhà Xứ và Hội Trường – Sinh Hoạt Giáo Xứ Phong Cốc Giáo Phận Phú Cường

9 giờ sáng ngày 14/3/2015 tại Giáo xứ Phong Cốc, Hạt Tây Ninh, Giáo phận Phú Cường. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh lễ Tạ ơn, Làm phép Nhà xứ mới và Hội trường sinh hoạt mới.

Xem Hình

Cùng dâng lễ có Cha quản hạt Tây Ninh Gioan Võ Hoàn Sinh. Cha xứ Phong cốc Đaminh Lương Đức Toàn. Cha cựu chánh xứ Giuse Vũ Hùng Sơn và cùng 20 cha trong hạt và đồng hương, nhiều tu sĩ nam nữ và khoảng 1500 giáo dân xa gần.

Cuộc đời người Kitô hữu luôn gắn liền với những sinh hoạt phục vụ của Giáo Hội, thường được cử hành nơi Thánh Đường của Giáo xứ. Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, người tín hữu luôn gắn liền với ngôi thánh đường.

Nơi đây họ được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với tha nhân, với những người có chung một niềm tin, chung một sứ vụ, chung một tấm lòng. Nơi đây, họ cũng gặp được chính mình, khi tan biến, ngụp lặn vào biển cả yêu thương của Thiên Chúa, ta sẽ nhận ra chính con người yếu hèn của mình. Khi ta hòa mình vào tập thể, khi ta không bận tâm tới lợi ích cá nhân, lúc đó ta sẽ biết rõ tâm tính cá nhân của mình, như lời Thánh Phanxicô đã nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”(lời chào quý khách).

Giáo xứ Phong Cốc nguyên là một xứ đạo thuộc Giáo phận Bắc Ninh, cũng có tên là Phong Cốc. Gồm: Phong Cốc, Bến Lác, Cầu Cát và Cổ Pháp.

Năm 1954, Cha Gioan Nguyễn Ngọc Quý và cha Đaminh Phạm Sĩ Khiêm đã đưa một số bà con giáo dân Phong Cốc (Bắc Ninh) vào lập nghiệp ở Trảng Lớn, Tây Ninh.

Gần 60 năm thăng trầm, ngày nay giáo xứ đã từng bước ổn định. Phong Cốc (Tây Ninh) có hơn 4600 giáo dân. Đã có 14 linh mục, 2 thầy Đại chủng sinh cùng 30 nữ tu, đã được tuyển chọn từ đây.

Lạy Chúa là Cha vô cùng nhân hậu. Cha luôn nghe lời con cái khẩn cầu. Xin Cha thương chấp nhận những lời cầu khẩn chúng con dâng lên Cha. Và ban cho tất cả chúng con một niềm tin sống động, một lòng cậy trông vững bền và một lòng mến vô biên. Nhờ đó, chúng con luôn sống trong tình con thảo và trở nên ánh sáng cho trần gian, muối ướp cho trần đời. Chúng con cầu xin vì danh con Chúa là Đức Giêsu Kitô con Chúa, Chúa chúng con. Amen.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney
Diệp Hải Dung
13:39 14/03/2015
Sáng thứ Sáu 13/03/2015 rất đông đủ giáo dân đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự hành hương ngày 13 và mừng kính Lễ Bổn Mạng của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney.

Hình ảnh

Tất cả mọi ngưòi đều tập trung trên tượng đài Đức Mẹ dâng giờ kinh đền tạ Đức Mẹ và sau đó trở về hội trường Trung Tâm tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Phaolô Lê Văn Lộc là Quan Thầy của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney. Sau 3 hồi chiêng trống cổ truyền kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo Lê Văn Lộc tiến vào hội trường và an vị trên bàn thờ.

Cha Tuyên úy Trưởng Phêrô Dương Thanh Liêm Tuyên Úy Đặc trách Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney ngỏ lời chào mừng quý Cha,qúy Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Lễ mừng Bổn Mạng của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi đồng thời Cha giới thiệu qúy Cha Tuyên úy Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên và quý Cha khách có Đức Viện Phụ Dòng Xitô Thiên Phước Mathêu Nguyện Bá Linh, Cha Hoàng Minh Tân, Cha Trần Ngọc Hiến,Cha Trần Thanh Việt, Cha Nguyễn Hoàng Dương, Cha Nguyễn Phạm Hồng Ân, Cha Nguyễn Hoàng Trung, Cha Vũ Tiến Đạt và Cha Phạm Quang Hồng cùng hiệp dâng Thánh Lễ.

Sau bài giảng là nghi thức Xức Dầu Thánh cho qúy cụ cao niên và những người già yếu bệnh tật. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho được khỏe mạnh phần hồn và phần xác. Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Hoàng Đức Tính Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Hội và ông Hoàng Văn Hùng Hội Trưởng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã đến tham dự mừng kính Lễ Quan Thầy của Hội..đồng thời ông cũng báo cáo trình chiếu về những sinh hoạt của Hội trong năm qua 2014.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan bên nhà ăn Trung Tâm.

Buổi tối cùng ngày Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney tổ chức buổi dạ tiệc gây quỹ tại nhà hàng Crystal Palace vùng Canley Heights Sydney với chủ đề “Dấu Ấn Tình Yêu”.

Khai mạc buổi dạ tiệc, Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chào mừng quý quan khách và tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu quý Cha Khách đến từ các nơi, qúy Sơ của các Dòng, và quý Thầy và Cha làm phép của phép của ăn.

Chương trình văn nghệ khai mạc rất long trọng và hoàng tráng với nhạc phẩm Dấu Ấn Tình Yêu của nhạc sĩ Lm. Ân Đức do các Tu Sĩ Nam Nữ cùng trình diễn. Đây là buổi văn nghệ rất đặc biệt chưa từng có ở Sydney là các ca sĩ trình diễn chính là qúy Cha, qúy Sơ và quý Thầy kèm với những tiết mục Đơn Ca, Song Ca, Hợp Ca, Vũ rất là đặc sắc tuyệt vời với những nhạc phẩm Thánh Ca, Chúa Vẫn Yêu Con, Từng Bước Con Đi Lên, Linh Mục Khí Cụ Bình An. Khúc Cảm Tạ, Ngài Có Đó v..v.. ngoài ra còn có sự đóng góp của Thầy Fo-tou-shi Dòng Augustino với bài Thánh Ca Nhật Bản kèm theo sự phụ hoạ của qúy Cha và qúy Thầy Việt Nam rất là đặc sắc.

Cha Paul Văn Chi cũng chia sẻ về nhạc phẩm của Cha “Từng Bước Con Đi Lên” để mọi người cảm nghiệm về Ơn Gọi. Sơ Vũ Lành Hải Thư ký của Cộng Đồng cũng chia sẻ về 50 năm đời tận hiến của Sơ như một cây Sáo Trúc dành cho Thiên Chúa rất là xúc tích..

Ông Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney cũng ngỏ lời chúc mừng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi và ông Vũ Đức Thắng Hội Phó lên ngỏ lời cám ơn qúy Cha, quý Sơ, quý Thầy và tất cả mọi người đã đến tham dự buổi văn nghệ gây quỹ cho Hội và ông báo cáo trừ mọi chi phí Hội có được $21,520.oo Úc kim và còn nhiều ân nhân đóng góp bảo trợ sẽ được báo cáo sau.

Sau đó tất cả mọi người trong nhà hàng cùng đứng lên hợp với qúy Cha,quý Sơ, quý Thầy cùng hợp ca nhạc phẩm Tình Chúa Bao La để tạ ơn Thiên Chúa đã chúc lành cho buổi văn nghệ gây quỹ giúp cho Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP được mọi sự tốt đẹp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những khuôn mặt Giuse
Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long
18:45 14/03/2015
Những khuôn mặt Giuse

Nghiên cứu khảo xét trong Kinh Thánh về gia phả nguồn gốc gia đình Chúa Giêsu trong ý nghĩa thần học, cùng trong liên hệ bản tính loài người, người ta thấy hai Vị Giuse giữ vai trò quan trọng then chốt.

Vị Giuse con Ông Giacop bị anh em bán sang Ai Cập. Ở nơi đó Ông đã làm Thủ Tướng và có công cứu dân không chỉ ở Ai Cập, mà còn toàn vùng Trung Đông, trong có có nước Do Thái gia đình Ông thoát khỏi nạn mất mùa đói kém hoành hành.

Giuse con Tổ phụ Giacop và Bà Rahel thời cựu ước hay Giuse Ai Cập

Và Vị Giuse, người bạn đường trăm năm của Đức mẹ Maria, là cha nuôi Chúa Giêsu trên phương diện xã hội ở trần gian.

Giuse người Nazareth thời tân ước.

1. Tên của hai người Giuse là biểu tượng cho sự may mắn hạnh phúc.

Khi sinh thành Giuse Ai Cập, là con Ông Giacop, bà Rahel mẹ của Giuse đã nói : Thiên Chúa ban cho bà thêm người con nữa (St 30, 24.)

Giuse thành Nazareth cũng là người mang hạnh phúc niềm vui đến. Vì Ông giữ vai trò xã hội là cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu

2. Hai vị Giuse đều là những vị có những giấc mơ.

Những giấc mơ của Giuse Ai Cập phản ảnh thực tại và là người của điều may mắn: Thiên Chúa ở cùng Giuse và ban cho ông được may mắn hạnh phúc (St 39,2.)

Giuse Ai Cập đi tìm anh em của mình và cứu sống 12 chi tộc Israel, dù vì giấc mơ của Ông mà bị anh em bán sang Ai Cập. ( St 37,16.)

Giuse thành Nazareth cha nuôi Chúa Giêsu theo lời Thiên Thần trong giấc mơ đặt tên cho con trẻ là Giêsu : Con trẻ Giêsu sẽ cứu thoát dân khỏi tội lỗi. (Mt 1,21) và ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. ( Mt 1,23)

3. Có những giấc mơ. Nhưng cả hai Giuse đều phải theo đuổi trải qua con đường gian nan chông gai đi sang đất nước Ai Cập. Giuse Ai Cập bị anh em bán cho lái buôn người Ismael sang Ai Cập ( St 37,28-36). Còn Giuse thành Nazareth cha nuôi Chúa Giêsu (Mt 2,13-15) phải đi tỵ nạn sang Ai Cập vì vua Herode tìm lùng bắt các trẻ con mới sinh, trong đó có hài nhi Giêsu.

4. Ý định đen tối trong đời hai Giuse đều được Thiên Chúa biến đổi cứu sang chúc lành.

Anh em Giuse thời Cựu ước bán Giuse sang Ai Cập, khiến Ông phải sống đời lưu vong bơ vơ. Nhưng đó là „ để bảo vệ giữ gìn sự sống, mà Thiên Chúa đã gửi tôi sang đây trước các anh em.(St 45,5.) „ Các anh em đã có ý định đen tối hại tôi, nhưng Thiên Chúa đã biến thành sự tốt lành. (St 50,20.)

Tương tự như vậy, Thiên Thần Chúa trong giấc mơ đã thúc dục Giuse thành Nazareth phải đem hài nhi Giêsu sang Ai Cập, vì vua Herode đang tìm lùng bắt con trẻ. (Mt 2,13.)

Cả hai Giuse phải ra đi trong sự đe dọa bị ám hại. Nhưng Thiên Chúa đã biến đổi sự đe doạ thành cứu rỗi.

5. Giuse thời cựu ước và Giuse thời tân ước đều có tấm lòng tha thứ rộng lượng.

Giuse Ai Cập thời cựu ước khi gặp lại anh em bên Ai Cập đã tha thứ cho họ. Ông không trả thù vì ngày xưa họ đã tìm cách ám hại sau cùng bán ông sang xứ xa lạ. Vì đó ông lâm cảnh bơ vơ mồ côi xa cha mẹ. (St 45,1-5).

Còn Giuse thành Nazareth thời tân ước đau khổ, khi hay tin Maria người bạn đường đã đính hôn đang có thai. Nhưng Ông không muốn để Maria một mình bị nguyền rủa khinh khi (Mt 1,19). Ông đã chấp nhận Maria như Thiên Thần Chúa truyền dạy.

Cả hai Giuse tỏ ra là người có đời sống công chính theo đúng luật lệ của Chúa. Và là người có lòng nhân ái quảng đại.

6. Cả hai Giuse đóng vai trò chiến lược là nhịp cầu nối kết.

Giuse Ai Cập thời cựu ước như nhân vật bản lề của cánh cửa lịch sử thời các Tổ phụ, tổ tiên một bên, và cảnh tượng bi thảm của cuộc giải thoát xuất hành khỏi Ai Cập trở về đất Chúa hứa một bên khác. Vị Giuse này đã mang đến làn gío đổi mới cắt nghĩa tại sao dân Israel có mặt ở Ai Cập.

Còn Giuse thành Nazareth cũng đứng nơi vị trí bản lề giữa lịch sử Israel và sự nối tiếp lạ lùng ngạc nhiên của lịch sử trong cộng đoàn mới thành hình cho dân Do Thái và dân ngoại chung hợp với nhau. Vị Giuse này là bảo chứng về dòng dõi vua David được nối tiếp trong lịch sử dân Do Thái. Vì Ông có nguồn gốc gia phả từ dòng dõi vua David (Mt 1,1.20 2,6). Và như thế Chúa Giêsu cũng là miêu duệ thuộc dòng dõi vua David, người đã thành lập nước Israel.

7. Cả hai Giuse cùng có thời gian sinh sống bên Ai Cập, tuy Giuse thành Nazareth ở ngắn thời gian hơn. Con đường sang sinh sống bên Ai Cập của cả hai không chỉ là sự sống còn của riêng bản thân họ, nhưng còn cho cả gia đình , phải cho sự cứu độ dân Israel và toàn nhân loại.

Giuse Ai Cập cứu đói cho dòng tộc gia đình con Tổ phụ Giacop

Giuse thành Nazareth cứu trẻ Giêsu bị tìm lùng bắt.

8. Cả hai lịch sử đời sống của Giuse đều có vua đóng vai trò chủ chốt. Một bên vua Pharo Ai Cập là hình nảnh tích cực tốt đẹp với Giuse Ai cập. Vua đã tin tưởng phong cho Giuse làm quan Tể Tướng về phương diện chính trị cai trị nước Ai Cập.

Đối diện là Vua Herode là một hình ảnh tiêu cực đen tối. Vua vì ghen tức, lo sợ cho uy quyền ngai vàng của mình, mà truy lùng bắt giết trẻ Giêsu cùng các trẻ con cùng thời tuổi với trẻ Giêsu. Và vị vua trẻ Pharo của Ai Cập thời hậu Giuse Ai cập cũng là một hình ảnh tiêu cực đen tối. Chính vị vua trẻ Pharao này đã kỳ thị hành hạ người Israel sinh sống bên Ai Cập. Và do đó dẫn đến lịch sử xuất hành của dân Do Thái từ Ai Cập trở về quê hương Do Thái.

9. Giuse thành Nazareth thời tân ước theo lời Thiên Thần truyền đã đặt tên cho con trẻ sinh bởi mẹ Maria là Giesu. Tên Giêsu có sự phù hợp với tên Josua. Theo văn hóa Do Thái tiếng Hylạp không phải là sự tương tự giống nhau, nhưng là cùng một tên.

Theo bản dịch Kinh Thánh Septuaginta - bản Bảy mươi - tên Josua quan trọng. Tên Iesous và sách Josua cũng gọi phù hợp như vậy. Josua trong lịch sử của Giuse Ai Cập đóng vai trò lớn. Josua là người đã chôn cất Giuse Ai Cập ở Sichem (Sách Josua 24,32), sau khi dân Israel đã đưa hài cốt Giuse từ Ai Cập trở về quê hương Israel.

Ngôi mộ Giuse Ai Cập hiện ở vùng Samaria bên dưới ngọn núi Garizim, gần giếng nước Giacop, nơi Chúa Giêsu gặp gỡ nói chuyện với một chị phụ nữ người Samaria. Giếng nước Giacop hiện nằm trong đền thờ Chính Thống giáo, được gìn giữ bảo quản cẩn thận. Khách hành hương có thể lấy nước từ dưới lòng giếng lên theo cách trục kéo cuốn giây kiểu cổ nhà quê, nhưng lại đượm nét bình dân thi vị thân mật.

Giacop con của Tổ phụ Isaak được Thiên Chúa đổi tên thành Israel (St 33,29). 12 con Ông Israel , trong đó có Giuse Ai Cập, là 12 chi tộc của dân tộc Israel

Và như vậy Giuse và Giosua có mối liên hệ tương quan với nhau chặt chẽ.

10. Sau khi các anh em bán Giuse cho người lái buôn Ismael sang Ai Cập, họ lấy chiếc áo chùng dài tay của Giuse nhúng thấm máu con dê rồi đem về cho Tổ phụ Giacop và nói là Giuse đã bi thú dữ ăn thịt. Họ chỉ còn tìm thấy chiếc áo dính máu của Giuse mang về đây. (St 37, 28-33).

Sau khi Chúa Giêsu bị đóng định trên thập gía, những người lính có nhiệm vụ canh gác nơi đó cũng lấy chiếc áo dài chùng của Chúa Giêsu bắt thăm chia nhau. (Ga 19, 23-24).

Áo của Giuse Ai Cập dính máu chiên dê đã đưa Ông sang sinh sống bên Ai Cập và sau đó cứu dân Ai Cập và gia tộc Giacop khỏi cảnh chết đói.

Áo của Chúa Giêsu con Giuse thành Nazareth thấm dính máu của Người trên con đường vác thập gía bị hành hạ và đã chết trên thập gía. Nhưng Ngài không dừng ở lại mãi trong sự chết. Sau ba ngày Ngài đã sống lại từ cõi chết mang lại sự sống mới cho toàn thể con người khỏi hình phạt tội lỗi.

Như thế có thể suy ra rằng đó là những chiếc áo cứu độ.

12. Ngoài hai vị Giuse trên, còn một nhân vật Giuse nữa không chỉ trong Kinh Thánh, mà còn liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu vào giờ phút cuối đời của Chúa Giêsu: Giuse thành Arimathia.

Theo Kinh thánh thuật lại, nhân vật Giuse này là một môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng không lộ diện ra mặt công khai, vì sợ người Do Thái. Ông là người Do Thái, một người gầu có, là một trong những Thành Viên của thượng Hội Đồng Do Thái. Nhưng cũng là người có đời sống tốt lành công chính cùng rộng lượng.

Vị Giuse thành Aromathia là người tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa. Và từ xa xa theo dõi vụ án xử Chúa Giêsu, Ông không bằng lòng với phán quyết của Thượng Hội đồng đòi giết Chúa Giêsu.

Không làm sao hơn được, Ông âm thầm chuẩn bị cho cuộc mai táng Chúa Giêsu. Ông đã cho đào sẵn một huyệt mộ gần nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Khi hay biết Chúa Giesu đã chết, Ông can đảm mạnh dạn đến xin quan Philato cho được tháo xác Chúa Giesu xuống, và tẩm liệm trong tấm khăn vải mới, rồi cùng với Ông Nicodemo xức dầu thơm mai táng thân xác Chúa Giêsu trong huyệt mộ còn mới sẵn có của chính ông (Mt 27,57-60).

Giuse Ai Cập thời cựu ước là người có đời sống công công chính đã có công cứu dân Ai Cập và gia đình dòng tộc Israel khỏi cảnh chết đói.

Giuse Ai cập làm quan chức vị lớn, nhưng đã mang niềm hy vọng cho đời sống ấm no của dân chúng toàn vùng, toàn nước.

Phải chăng đây là hình ảnh báo trước ơn cứu độ sau này vào thời Tân ước Chúa Giêsu mang đến cho con người?

Giuse thành Nazareth là cha nuôi Chúa Giêsu là người có đời sống công chính âm thầm lặng lẽ. Vị Giuse này không để lại một mảy may lời nào. Nhưng Ông lắng nghe những gì Thiên Chúa nói qua ThiênThần, và cứ thế âm thầm làm cho Chúa Giêsu, Đấng cứu thế cứu toàn nhân loại khỏi hình phạt tội lỗi.

Giuse thành Nazareth góp phần tích cực cho niềm hy vọng, cho chương trình ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi mẹ Maria, nơi nhân loại được thể hiện qua việc Ông đảm nhận vai trò là cha nuôi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trên trần gian. Ông đến cùng làm việc âm thầm. Và Ông ra đi cũng lặng lẽ. Nhưng trên trời và dưới trần gian thời nào cũng nhắc nhớ đến Ông với lòng cung kính cảm phục biết ơn.

Giuse thành Nazareth đã đóng góp thiết yếu vào việc Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người trên trần gian mang ơn cứu độ cho nhân loại

Giuse thành Arimathia là người vị vọng chức quyền trong xã hội, cũng là người có đời sống công chính, âm thầm lặng lẽ, và có lòng kính sợ Thiên Chúa. Ông đã ra tay tháo gỡ xác Chúa Giêsu từ trên thập gía xuống và an táng với hết lòng thành kính, như lễ an táng một vị Vua, trong huyệt mộ mới của chính Ông đã có sẵn.

Phải chăng Ông Giuse Arimathia đã tẩm liệm Chúa Giesu trong tấm khăn vải mới, rồi mai táng Chúa Giêsu trong ngôi mộ mới là dấu hiệu nói lên, sự sống mới của Chúa Giêu sống lại bừng lên mang lại niềm hy vọng mới cho con người cũng được cứu rỗi?

Lễ kính Thánh Giuse, 19.03.2015

Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long

Cảm hứng từ:

-Joseph Ratzinger, Benedikt XVI., JESUS VON NAZARETH II., Herder 2011, 8. Kapitel Kreuzigung Jesu, das Begraebnis Jesu .

- Bibel heute Nr. 173 -2008, Josef - Vater Jesu

- Bibel und Kirche, Josef trifft Josef, 1. Quartal 20015

- Nguyễn tầm Thường, Kẻ đi tìm, Hành hương đất thánh, 34 bài suy niệm viết trên đường đi, C hương 18.Người lo huyệt mộ, 2009
 
Thông Báo
Phân Ưu: Ông Anphongsô Nguyễn Kinh Doanh qua đời tại West Hills, California
Lm Gioan Trần Công Nghị
18:27 14/03/2015
PHÂN ƯU

Chúng tôi vừa nhận được tin:



Ông Anphongsô Nguyễn Kinh Doanh

(Bào đệ của ông Nguyễn Long Thao, Phó Giám Đốc VietCatholic Netwok)

được Thiên Chúa gọi về ngày thứ Sáu, ngày 13 tháng 3 năm 2015

tại West Hills, California, Hoa Kỳ

Hưởng Thọ 66 tuổi.

Thánh lễ An Táng sẽ được cử hành

vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy 21/3/2016 tại thánh đường

St. Joseph the Worker Catholic Church

19855 Sherman Way Winnetka, CA 91306-3096.

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh

Thông Tấn Xã VietCatholic xin hiệp thông cầu nguyện cùng gia đình tang quyến

Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn ông Anphongsô Nguyễn Kinh Doanh

vào chốn bình an và hạnh phúc muôn đời.



Thành kính phân ưu,

LM. Giám đốc Trần Công Nghị

và toàn ban Biên Tập VietCatholic Network